Ngày 18-08-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Đức Tin
Giuse Trần Việt Hùng
10:16 18/08/2010
Thật thế, một thân xác không hơi thở là một xác chết, cũng vậy, đức tin không có hành động là đức tin chết (Giacôbê 2:26).

1. Đức Tin Là Gì?

Đức tin là sự tuân phục trọn vẹn của mỗi người đối với Thiên Chúa, Đấng đã mặc khải chính mình. Lý trí và ý chí vâng phục Mặc Khải mà Thiên Chúa đã thực hiện qua các hành động và lời nói của Ngài. Chính nhờ đức tin, chúng ta tin kính Thiên Chúa và tất cả những gì Ngài đã chỉ dạy cho chúng ta và Hội Thánh phải tin. Chúng ta biết rằng đức tin là nhân đức đối thần, không do máu huyết hay sự khôn ngoan của con người mà có được. Đây hoàn toàn là ơn nhưng không của Chúa ban cho. Chúng ta cần cộng tác với ơn Chúa và học hỏi để đức tin được vững mạnh hơn mỗi ngày. Thánh Phaolô viết: Có vậy, đức tin của anh em mới không dựa vào lẽ khôn ngoan người phàm, nhưng dựa vào quyền năng Thiên Chúa (1Cor. 2:5).

Tổ phụ Abraham là cha của những người tin. Abraham đã đặt niềm tin tuyệt đối nơi Thiên Chúa. Ông hoàn toàn phó thác cuộc đời ngày mai cho Chúa. Ông từ bỏ quê hương xứ sở và đi đến miền đất mà Chúa hứa ban. Ông Abraham và bà Sara tuổi già không con, Chúa hứa ban cho con cái như sao trời, cát biển. Ông bà tổ phụ đã đặt tất cả cuộc đời trong sự quan phòng của Chúa. Chúa đã thể hiện lời đã hứa. Tổ phụ Abraham đã trở thành cha của cả một dân tộc. Chúng ta biết rằng không phải những người khôn ngoan tài trí mà có đức tin lớn mạnh. Chúa Giêsu có lần cầu nguyện với Chúa Cha: "Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn (Lc 10:21). Đối với chúng ta, vô tri bất mộ, không biết thì không mến. Chúng ta không thể mến yêu Chúa khi chúng ta không hiểu biết gì về Chúa. Muốn biết Chúa, chúng ta cần phải học hỏi, tìm tòi và cầu xin. Chúng ta cầu xin với khả năng, thời giờ và phương tiện Chúa ban, để tiếp tục học hỏi và thực hành đức tin trong đời sống. Vì khi chúng ta đã có, Chúa lại ban thêm cho.

2. Xin, Tìm Và Gõ

Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng: Hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ thấy và hãy gõ cửa thì sẽ mở cho. Trước hết chúng ta xin ơn đức tin như các tông đồ đã xin, Xin Thầy ban thêm đức tin cho chúng con. Chúa đáp: "Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: "Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc", nó cũng sẽ vâng lời anh em (Lc 17:6). Không chỉ xin ơn đức tin, chúng ta phải đi tìm. Tìm kiếm trong nguồn mặc khải, trong Kinh Thánh, trong đời sống Giáo Hội và tìm nơi thiên nhiên có dấu vết sự hiện hữu của Thiên Chúa. Chúng ta còn phải gõ cửa. Muốn có đức tin vững mạnh, chúng ta phải dấn thân, phải phấn đấu, phải làm nhân chứng và bước đến gõ cửa. Học hỏi nơi mọi nền văn hóa và sự khôn ngoan hiểu biết của con người. Khi suy gẫm về đức tin, có lẽ nhiều người nghĩ rằng đề tài này quá cổ hủ và lỗi thời. Đức tin xem ra là một mớ những suy nghĩ trừu trượng và không còn ăn nhập gì với cuộc sống hiện đại này.

Chúng ta lãnh nhận đức tin khi chúng ta chịu phép Rửa Tội gia nhập đạo thánh Chúa. Niềm tin được cha mẹ và những người đỡ đầu tuyên xưng thay cho chúng ta. Khi lớn lên trong ơn nghĩa Chúa, chúng ta đã học biết về giáo lý và tín lý. Chúng ta được học về một số những điều chúng ta tin qua Kinh Tin Kính. Chúng ta tin vào Chúa Ba Ngôi, Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần. Chúng ta tin những tín điều về Đức Trinh Nữ Maria và về Giáo Hội. Chúng ta tin Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Chúng ta tin có sự sống lại và sự sống đời sau. Đây là kinh tin chúng ta đọc trong thánh lễ Chúa Nhật. Đây là những tín điều nền tảng trong đức tin của người tín hữu. Tín điều là những chân lý được Thiên Chúa mặc khải cho con người. Tuyên xưng niềm tin này, chúng ta sẽ được gắn bó với Thiên Chúa và Giáo Hội.

3. Nhân Chứng

Sự học hiểu của chúng ta về Đạo rất ít. Hỏi rằng chúng ta đã đọc được bao nhiêu sách vở đạo đức, bao nhiêu gương các hạnh thánh và sách suy niệm về đạo thánh Chúa. Có mấy người đã đọc trọn bộ Kinh Thánh. Hoặc có mấy ai đã đọc hết cả bốn cuốn phúc âm và thơ gởi của các thánh tông đồ. Chúng ta có dành bao nhiêu thời gian học hỏi về lịch sử và những giáo huấn của Giáo Hội. Kho tàng đức tin nằm ẩn dấu trong đời sống của Giáo Hội. Chúng ta tự khoe rằng chúng ta là đạo gốc. Hỏi về đạo thực tình mà nói, chúng ta đã đầu tư qúa ít thời giờ để học hỏi và trau dồi đức tin. Thường chúng ta học thuộc một số kinh và cầu nguyện lập đi lập lại hằng ngày. Chúng ta có thực hành đức tin trong cuộc sống hay chỉ giữ đạo trong nhà thờ. Thánh Giacôbê nhắc nhở: Thưa anh em, ai bảo rằng mình có đức tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích lợi gì? Đức tin có thể cứu người ấy được chăng? (Giacôbê 2:14).

Câu truyện kể trên chuyến xe lửa từ Léon về Paris, chàng thanh niên ngồi chung toa với ông già. Ông già mặc bộ quần áo lấm đất, đôi giầy cũ mòn, có mái tóc ngắn và gương mặt phong trần. Điều làm chàng trai chú ý là cỗ tràng hạt trên tay ông và nhất là nét mặt lộ vẻ đạo hạnh. Chàng trai gợi chuyện: Tôi thấy ông còn tin tưởng những điều có từ thời trung cổ về chuỗi tràng hạt. Chắc ông cũng tin Đức Mẹ đồng trinh và mớ tín điều tôn giáo mà mấy cố sở dạy chứ gì? Ông già điềm tĩnh trả lời: Đúng thế, còn cậu thì sao? Chàng trai cười rộ: Tôi mà lại tin những điều vô lý và dị đoan ấy à! Tôi đã tìm được sự thật ở đại học và nếu ông muốn sống hợp thời, ông ném xâu chuỗi đi và ghi học một số khoa học tân tiến. Ông già nói: Khoa học tân tiến? Tôi sợ không hiểu nổi khoa học, chắc cậu có thể giúp tôi. Chàng thanh niên cao hứng: Được, nếu ông biết đọc, tôi rất sung sướng được gởi tặng ông một số sách. Ông nói: Tôi biết đọc. Tốt, chàng trai trả lời, vậy tôi phải gởi sách theo địa chỉ nào? Ông già lấy trong túi ra một tấm danh thiếp với địa chỉ: Louis Pasteur, Viện Nghiên Cứu Khoa Học Paris.

4. Tuyên Xưng Đức Tin

Trong phần phụng vụ Thánh Thể, sau khi linh mục đọc lời truyền phép trên bánh và rượu. Linh mục công bố: Đây là Mầu Nhiệm đức tin. Chúng ta mạnh dạn tuyên xưng đức tin vào việc Chúa Giêsu chịu chết, sống lại và lại đến trong vinh quang. Chúng ta hiểu mầu nhiệm đức tin như thế nào? Chúng ta tin sự hiện diện thật sự của Chúa Giêsu nơi Bí Tích Thánh Thể. Chúng ta không thể hiểu thấu mà chỉ biết lấy đức tin bù lại. Chúng ta tuyên xưng đức tin nơi Chúa cho dù giác quan không cảm thấy gì. Cũng như các tông đồ xưa, chúng ta phải xin Chúa thêm đức tin cho chúng ta. Các Tông Đồ thưa với Chúa Giêsu rằng: "Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con."(Lc 17:5). Chúng ta cần tuyên xưng niềm tin mọi nơi và mọi lúc. Đức tin không chỉ biểu lộ trong nhà thờ đọc kinh cầu nguyện hay nơi cử hành các Bí Tích. Đức tin phải chiếu tỏa qua mọi cử hành trong phụng vụ cũng như trong cuộc sống đời thường.

Nhìn gương cha thánh Gioan Vianney tin tưởng tuyệt đối Chúa hiện diện trong Bí Tích. Cha đã quỳ cả giờ cầu nguyện trước Thánh Thể mỗi ngày. Cha tâm sự với Chúa như tâm sự với một người bạn. Niềm tin trong phó thác và dấn thân. Niềm tin hòa nhập trong đời sống và con người của ngài. Đức tin thể hiện qua cách sống đạo của mỗi người. Nhìn một người cầu nguyện, quan sát một người khi bước vào nhà thờ đi ngang qua Nhà Tạm, nhìn xem một người làm dấu thánh giá. Đức tin là điều kiện tiên quyết để đến với Chúa. Nhiều người đến xin ơn, Chúa thấu tỏ lòng của họ và Chúa đã ban ơn: Người nói: "Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh! " Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi (Mc 10:52).

5. Thực Hành Đức Tin

Chúng ta phải thực hành đức tin qua cuộc sống đạo. Chúng ta không thể tin rằng một người có đức tin sâu thẳm và vững vàng nhưng cuộc sống luân lý lại hời hợt. Nhiều người tự khoe rằng tôi là người công giáo, nhưng rồi cả năm họ cũng chẳng đến nhà thờ hay tham dự vào đời sống của Giáo Hội. Vậy đức tin của họ ra sao? Họ nói rẳng tôi tin vào Chúa, tôi cầu nguyện hằng ngày tại gia đình là đủ. Tôi không có thời giờ để đến nhà thờ tham dự thánh lễ hay cầu nguyện. Thánh Giacôbê nói về một đức tin sống động. Một đức tin trong việc làm xây dựng tình bác ái yêu thương chứ không phải đức tin trên môi miệng: Hỡi người đầu óc rỗng tuếch, bạn có muốn biết rằng đức tin không có hành động là vô dụng không? (Giacobê 2:20).

Tổ tiên cha ông của chúng ta chứng tỏ niềm tin vững mạnh vào Chúa Kitô. Các ngài đã dám dùng mạng sống để chứng minh niềm tin đó. Các ngài không sợ đau khổ, gươm giáo, tù đầy và ngay cả sự chết cũng không thay đổi được niềm tin của các Ngài. Hạnh các Thánh đã minh chứng lòng tin sắt son của các vị tử vì đạo đã dám đổ máu đào cho niềm tin của mình. Hạnh thánh kể lại Thánh Phêrô Đoàn Công Qúi và Emmanuel Lê văn Phụng. Trong cuộc lùng xét Tây Đạo Trưởng, các Ngài đã bị bắt cùng với 32 giáo dân khác. Trong tù hai đấng đã chịu nhiều cực hình với một niềm tin sắt đá vào Chúa Kitô. Ngày 30 tháng 7 năm 1859,án tử hình của hai Ngài được gởi từ Kinh về tới Châu Đốc. Hai Ngài đã hiên ngang đổ máu đào để nên chứng nhân nước trời vào ngày 31 tháng 7, 1859.

6. Sống Đức Tin

Tất cả những việc hành xử trong đời sống đạo của chúng ta có tỏ hiện niềm tin vào Chúa Kitô hay không? Tự vấn lương tâm xem chúng ta sống niềm tin vào Chúa ở mức độ nào. Chúng ta có thể chu toàn các đòi hỏi sống, giữ các giới răn, tham dự lễ Chúa Nhật và chu toàn bổn phận hằng ngày. Thánh Giacôbê nói đức tin luôn đi đôi với hành động: Đàng khác, có người sẽ bảo: "Bạn, bạn có đức tin; còn tôi, tôi có hành động. Bạn thử cho tôi thấy thế nào là tin mà không hành động, còn tôi, tôi sẽ hành động để cho bạn thấy thế nào là tin (Giacôbê 2:18). Trong đời sống đạo, nhiều khi chúng ta so đo tính toán đối với Chúa. Chúng ta nói rằng sống đức tin là việc trong nhà thờ. Ra khỏi nhà thờ chúng ta phải chung đụng với con người và xã hội trần thế, chúng ta không thể ngu ngơ được. Trong việc thờ phương Thiên Chúa và cử hành phụng vụ, chúng ta tính toán giờ giấc rất khít khao, vừa đúng giờ để tham dự thánh lễ và lễ vừa xong là phải ra về ngay. Hơn nữa, chúng ta còn chọn lựa tham dự ở nơi nào linh mục dâng lễ ngắn hơn, nhà thờ mát mẻ hơn hay ấm áp hơn. Chúng ta dự các buổi phụng vụ như là bổn phận phải giữ và phải làm. Thế là lương tâm chúng ta cảm thấy an toàn và thoải mái.

Chúng ta không thể định nghĩa đức tin như công thức toán học. Đức tin là tình trạng tâm hồn chìm đắm trong Chúa. Chúng ta nói rằng tôi vững tin vào Chúa nhưng chúng ta chê trách giáo hội và những người đại diện Chúa ở trần gian. Có người nói rằng tôi tin Chúa, nhưng tôi không tin giáo hội. Kho tàng đức tin được trao ban cho Giáo Hội, chúng ta có đặt niềm tin vào Giáo Hội hay không? Giáo Hội luôn mở đường giúp mọi tín hữu bước trên con đường trọn lành. Giáo hội không bao giờ cấm cản hay cắt đứt nguồn ơn thiêng dưỡng nuôi đoàn dân Chúa. Chúng ta hãy tin vào sự hướng dẫn của Giáo Hội, chúng ta không sợ bị lầm lạc.

7. Đức Tin Chân Thật

Trong khi đi rao giảng tin mừng cứu độ, Chúa Giêsu đã làm rất nhiều phép lạ. Mỗi khi Chúa Giêsu làm phép lạ chữa bệnh cho bất cứ người nào, điều kiện tiên quyết là họ phải có lòng tin. Với người phụ nữ bệnh họan, Chúa nói với bà ta: "Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh."(Mk. 5:34). Chúa chữa cho người mù, tuy mù lòa về con mắt thể xác nhưng anh đã nhận ra được Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Chúa đã chữa cho anh ta: Người nói: "Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh! " Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi (Mc 10:52). Chúa Giêsu xác định chính lòng tin của họ đã cứu chữa họ. Nhưng Đức Giê-su nói với người phụ nữ: "Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an." (Lc 7:50). Niềm tin rất quan trọng trong đời sống của người Kitô Hữu. Niềm tin cần được trau dồi và hun đúc mỗi ngày. Niềm tin cần được thực hành qua cuộc sống cụ thể. Chúng ta không thể chỉ tin trong tâm trí mà phải sống chết với niềm tin đó.

Sống đức tin không phải chỉ là đi tìm những cảm giác lạ hay một sự lạ. Có một số người rất hoan hỉ về những ơn lạ này. Họ nghĩ rằng chỉ cần tập trung cầu nguyện một chút xíu là có ơn lạ Chúa ban cho ngay. Sống đức tin, không phải chúng ta xin được ơn, rồi mới tin. Như vậy đức tin đòi có điều kiện, không còn là đức tin nữa. Đức Giêsu bảo: "Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin! "( Jn 20:29). Chúng ta phải tỉnh thức trong vấn đề ơn lạ và sự lạ. Sống đức tin là một cuộc lữ hành trong sự phó thác hoàn toàn vào sự quan phòng của Chúa.

Trong thời buổi tranh tối tranh sáng, Chúa luôn mời gọi chúng ta hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn. Các ngôn sứ giả đến tìm cách lừa gạt nhiều người để tin theo họ. Chúa Giêsu nói rằng: Sẽ có nhiều ngôn sứ giả xuất hiện và lừa gạt được nhiều người (Mt. 24:11). Họ đến với chúng ta qua các dấu lạ và dấu chứng gần như linh thiêng để lường gạt nhiều người đi theo họ. Chúa đã báo trước rằng: “Thật vậy, sẽ có những Kitô giả và ngôn sứ giả xuất hiện, đưa ra những dấu lạ lớn lao và những điềm thiêng, đến nỗi chúng lừa gạt cả những người đã được tuyển chọn, nếu có thể.”(Mt. 24:24).

Nói tóm lại, niềm tin vào Thiên Chúa thì bao la như biển cả, chúng được ngụp lặn trong tình yêu thương của Chúa. Đức tin của chúng ta còn non yếu và dễ lung lạc. Chúng ta phải xin, phải tìm và phải gõ luôn để có được niềm tin vững mạnh. Chúa Giêsu đã hứa ban đức tin cho những ai đặt trọn niềm tin nơi Chúa. Chúa Giêsu phán: Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha (Jn. 14:12). Lạy Chúa, xin thêm đức tin cho chúng con để chúng con có được niềm tin phó thác như tổ phụ Abraham là cha của những kẻ tin.

Bronx, New York
 
Cửa hẹp đưa con người đến đâu?
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà .
10:32 18/08/2010
Chúa Nhật Thứ 21 Mùa Thương Niên, Năm C - Luca (13, 22-30)

Khi có người hỏi: "Thưa Ngài, có ít người được cứu thoát thôi, phải không?" Chúa Giê-su không trả lời có nhiều hay ít. Nhiều hay ít là tuỳ vào quyền tự do định đoạt của mỗi người. Và nhân cơ hội nầy, Chúa Giê-su chỉ dạy một lối đi giúp cho con người đạt được ơn cứu độ: đó là đi vào cửa hẹp. Người nói: “Hãy chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được.”

Thế là, muốn vào Nước Trời, muốn nhận được ơn cứu độ, phải theo cửa hẹp, đường hẹp mà vào.

Nhưng tại sao phải đi vào cửa hẹp?

Thiên Chúa đã dựng nên trái đất và Người quy định cho nó phải quay quanh mặt trời theo một lộ trình nhất định và không bao giờ được đi trệch ra ngoài, đó là quỹ đạo trái đất. Phải mất 365 ngày và 6 giờ, trái đất mới quay hết một vòng quanh mặt trời, và cứ thế suốt thế kỷ nầy sang thế kỷ khác. Quả là gò bó, trói buộc, là đường hẹp triền miên.

Bao lâu trái đất còn đi theo đúng quỹ đạo, tức con đường hẹp mà Thiên Chúa ấn định cho nó, thì mọi sự sẽ diễn tiến tốt đẹp, cuộc sống sẽ ổn định điều hoà. Nhưng nếu một ngày nào đó, trái đất cho rằng đi theo quỹ đạo là gò bó, là chật hẹp, để rồi đi trệch ra ngoài cho thong dong thoải mái, thì đó là ngày cùng tận của thế giới!

Nhà thiết kế đã tạo ra hai đường ray chật hẹp cho con tàu chạy êm trên đó. Nếu con tàu cứ nương theo hai đường sắt chập hẹp ấy mà bon bon, thì sẽ về ga cuối an toàn. Thế nhưng, một ngày nào đó, đầu tàu nghĩ rằng: tại sao tôi cứ phải bị gò bó bởi hai đường ray quá ư chật hẹp nầy? Tại sao tôi không được tự do tung hoành trên những xa lộ rộng lớn? Thế rồi nó tìm cách thoát ra khỏi hai đường sắt gò bó, để được tự do trên những con đường thênh thang, để băng mình qua những cánh đồng bát ngát. Hậu quả của sự chọn lựa “tự do” nầy sẽ đưa đến một thảm họa kinh hoàng!

Khi tạo dựng con người, Thiên Chúa cũng vạch ra cho họ một “quỹ đạo”, đó là quy luật yêu thương. Đây cũng là con đường hẹp vì muốn sống yêu thương thì phải từ bỏ tính ích kỷ, phải biết quên mình phục vụ. Nhưng nếu con người đi trật ra ngoài “quỹ đạo yêu thương”, họ phải nhận lấy hậu quả vô cùng tai hại.

Đường hẹp đưa đến vinh quang

Con đường hẹp của học sinh, sinh viên, của nhà nghiên cứu là gác bỏ những thú vui và cám dỗ của những trò tiêu khiển, những phút thư nhàn… để miệt mài nghiên cứu học tập, nhờ thế mà đạt được những thành quả lớn lao.

Nói chung, bất kỳ một kỳ tích hay một thành quả lớn lao trong bất cứ lĩnh vực nào cũng chỉ được gặt hái bằng những hy sinh phấn đấu, bằng những nỗ lực kiên trì, tức là phải thông qua đường hẹp mới đạt được chúng. Thế nên người ta thường nói thiên tài là thành quả của một sự cố gắng lâu dài.

Ngay cả Chúa Giê-su là Ngôi Hai Thiên Chúa làm Người cũng đã chọn con đường hẹp, là tự xóa bỏ mình đi, trở thành tôi tớ trung thành của Thiên Chúa Cha, vâng lời Chúa Cha trong mọi sự cho đến chết và thế rồi Thiên Chúa Cha đã cho Người phục sinh vinh hiển và được muôn loài chúc tụng tôn vinh. (Philip 2: 6-11)

Nếu mỗi người chúng ta không theo đường hẹp Chúa Giê-su đề nghị, tức là tuân giữ các giới răn của Thiên Chúa mà cứ sống buông thả theo đam mê dục vọng hư hèn của mình, thì số phận chúng ta cũng như con tàu đi trật đường ray, chúng ta sẽ lãnh lấy thảm họa. Mai đây, chúng ta có nài van với Chúa rằng: 'Thưa Ngài, xin mở cho chúng tôi vào!', thì Chúa sẽ bảo: 'Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính!' và "bấy giờ chúng ta sẽ khóc lóc nghiến răng, khi thấy các ông Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp cùng tất cả các ngôn sứ được ở trong Nước Thiên Chúa, còn mình lại bị đuổi ra ngoài.”

Trái lại, nếu chúng ta chấp nhận đi đường hẹp, tức đi đúng theo đường lối Chúa như tàu đi đúng đường ray, như trái đất đi đúng theo quỹ đạo…chúng ta sẽ được sống an bình hoan lạc ở đời nầy và được hưởng hạnh phúc muôn đời với Chúa đời sau.

Vậy thì bước qua cửa hẹp là giá phải trả (có gì mà không phải trả giá) cho hạnh phúc đời nầy và hoan lạc vĩnh cửu mai sau.
 
Hỡi Tôi Tớ Gian Ác!
Tuyết Mai
10:38 18/08/2010
Chủ sẽ trả lời các ngươi rằng: 'Ta không biết các ngươi từ đâu tới'. Bấy giờ các ngươi mới nói rằng: 'Chúng tôi đã ăn uống trước mặt ngài và ngài đã giảng dạy giữa các công trường chúng tôi'. Nhưng chủ sẽ trả lời các ngươi rằng: 'Ta không biết các ngươi tự đâu mà tới, hỡi những kẻ làm điều gian ác, hãy lui ra khỏi mặt ta'. Khi các ngươi sẽ thấy Abraham, Isaac, Giacóp và tất cả các tiên tri ở trong nước Thiên Chúa, còn các ngươi bị loại ra ngoài, nơi đó các ngươi sẽ khóc lóc nghiến răng. (Lc 13, 22-30).

Quả thật đây là lời lẽ của Người Chủ trả lời cho những tôi tớ ăn ở thất trung và gian ác khi còn sống ở trần gian. Những tôi tớ này khi có mặt Chủ thì thường đóng kịch rất xuất sắc, tài tình, để che đậy bộ mặt gian xảo của mình, nhưng khi vắng mặt Chủ thì anh sẽ là người rủ rê những tôi tớ gian manh giống anh, ăn cắp tiền của Chủ, ăn xén, ăn chận, và ngay cả gây chuyện để đánh đập những tôi tớ trung thành của Chủ vì không làm theo điều anh chỉ bảo, khi Ông Chủ có việc phải đi thật xa. Nhưng có phải việc làm gian ác và không lương thiện của anh, sẽ không che dấu được việc làm bất chính của anh, lâu dài được đâu!?. Bộ Ông Chủ không biết hỏi thăm những tôi tớ trung thành của Ông sao!?. Khi thấy rằng thời gian mình trẩy đi xa, chẳng những không có thêm huê lợi gì cho ông khi ông vắng mặt, mà lại còn thất thoát đi rất nhiều những gì ông cất trong kho lẫm. Ông Chủ giỏi thì chỉ cần ông nhìn thoáng qua sẽ biết ai là tôi tớ gian ác và ai là tôi tớ trung thành. Kho lẫm của Ông Chủ mà, Ông phải có người làm thư ký giữ sổ sách cho Ông chứ!?. Mà cái người ăn cắp thường thì ăn cắp được một lần chẳng thấy gì nguy hại đến bản thân, sẽ cứ thế ăn cắp mãi và dần dần thành thói quen xem thường việc an ninh canh gác, cho đến ngày Chủ bắt được quả tang thì là đời của anh cũng đến lúc tàn!?.

Chủ sẽ trả lời các tôi tớ gian ác rằng: 'Ta không biết các ngươi từ đâu tới'. Bấy giờ các ngươi mới nói rằng: 'Chúng tôi đã ăn uống trước mặt ngài và ngài đã giảng dạy giữa các công trường chúng tôi'. Nhưng chủ sẽ trả lời các ngươi rằng: 'Ta không biết các ngươi tự đâu mà tới, hỡi những kẻ làm điều gian ác, hãy lui ra khỏi mặt ta'. Hỡi những phường tôi tớ độc ác và gian manh! Hằng ngày các anh ngồi ăn uống chung với Ông Chủ thì có lợi gì cho Ông Chủ chứ!?. Có phải các anh chỉ là cái thứ ăn hại? Chẳng một tài cán hay khả năng chi? Chỉ nhờ anh có thời rồi được giới thiệu vào cái ghế chức vụ của anh, mà anh làm ra vẻ tự mãn, tự cao, tự đại? Hiếp đáp những người không theo phe với anh? Anh ức hiếp họ vì họ không thích nịnh hót, dâng cúng tiền của, hay mua cái ghế vững chắc do anh ra giá? Ồ, Có mặt Ông Chủ ở đó mà anh còn qua mặt được nữa là. Với chức vụ của anh hiện có, với bao nhiêu con người theo anh nịnh hót, để được anh ban bố cho thêm những gì họ cần, nào là anh cho họ thêm giờ làm việc, kiếm được mớ tiền thì cùng nhau mà kiếm chỗ để nhậu nhẹt, để hưởng thụ. Nhưng rồi về lâu về già, anh khinh thường những kẻ nịnh hót anh, chính chúng sẽ truất phế anh, làm cho anh trở thành nhục nhã, và đi ra với hai bàn tay trắng. Hỡi những tôi tớ ngốc nghếch và khờ dại kia! Hiện giờ anh chỉ biết sống và hưởng thụ, nhưng không nghĩ xa xôi để mà tích trữ, làm lợi cho chính anh, gia đình anh, cho người thân bằng quyến thuộc, và anh chị em đang sống chung quanh anh? Anh nghĩ rằng anh sẽ ỡ mãi cái chức vụ ấy chăng? Anh tự mãn và tự kiêu quá! Già néo thì đứt dây thôi anh ạ! Anh tưởng rằng Ông Chủ sẽ mãi quý anh lắm sao, khi mà con mắt sành đời của Ông đã từng trải qua bao nhiêu thăng trầm và Ông biết từng tôi tớ của Ông? Dưới con mắt của Chủ anh chỉ là thứ tôi tớ vắt mũi còn chưa sạch, mà định qua mắt Ông được hay sao?.

Hỡi người tôi tớ thất trung và gian ác kia ơi! Nếu anh khôn và ngoan thì anh cũng phải tự sắp xếp cho mình một hướng đi khác nữa! Vì anh phải nghĩ rằng có ngày Ông Chủ cũng sẽ sa thải anh chứ!? Vì anh lợi dụng Chủ mà làm bao điều tai tiếng và làm cho thanh danh Ông cũng ra bại liệt, đối xử với những tôi tớ tốt lành và rất trung thành của Ông một cách không công bằng, làm nhục họ, kỳ thị, không tư cách, chửi bới họ, muốn họ tự động ra đi để anh tha hồ múa máy và toàn quyền với phe nhóm không tốt lành của anh. Nếu anh sống khôn và biết điều thì anh phải biết đối xử tốt với họ mới phải, thì cái ghế của anh mới vững và bền lâu được! Chứ còn bao lâu anh tự tung tự tác thì có ngày anh vừa bị Chủ đánh đòn mà đuổi anh ra khỏi nhà của Chủ không còn miếng áo miếng quần mà che thân???.

Hỡi cái phường tôi tớ bất trung và gian ác kia ơi! Hằng ngày anh ta thán rằng anh vẫn nghe Lời dậy dỗ của Chủ anh??? Nhưng anh nghe mà anh có thực hành những gì Chủ anh dậy không? Nếu không thì ích gì mà anh than trách??. Chủ anh thường ngày dậy anh những gì, anh có nhớ không? Chẳng những Lời Chủ dậy nghe như nước chảy lá môn, hay nước đổ đầu vịt, thì có ích gì cho anh chứ??. Anh lợi dụng thanh danh của Chủ mà cho người vay nợ để lấy lời thật cao, tìm cho mình một chỗ đứng thật vững vàng được bao nhiêu người nể trọng vì họ tín cẩn anh, vì anh núp bóng sau lưng thanh danh của Chủ mà làm những việc mờ ám và gian tà?. Thế thì tội của anh Chủ sẽ xử sao cho vừa hỡi tôi tớ bất trung và gian ác??.

Rất phải, khi Chủ vào nhà và cửa đã đóng, Ông Chủ sẽ trả lời các ngươi rằng: 'Ta không biết các ngươi từ đâu tới. Hỡi những kẻ làm điều gian ác, hãy lui ra khỏi mặt ta'. Khi các ngươi sẽ thấy Abraham, Isaac, Giacóp và tất cả các tiên tri ở trong nước Thiên Chúa, còn các ngươi bị loại ra ngoài, nơi đó các ngươi sẽ khóc lóc nghiến răng. Và người ta sẽ từ đông chí tây, từ bắc chí nam đến dự tiệc trong nước Thiên Chúa.

Quả cuộc đời mà để thiếu Thiên Chúa thì tâm hồn, trái tim, lòng dạ sẽ cảm thấy thật trống trải, bất an, muộn phiền, không bao giờ thấy đủ, bon chen, tranh dành, ghét ghen, và hận thù! Thế thì cái nghĩa sống trên trần gian này để làm gì thật không có câu trả lời khi họ không có Thiên Chúa ngự trị trong con người của họ. Không có Chúa trong cuộc đời, thì thật tội nghiệp cho những con người này vì họ không biết thế nào là đủ!? Họ sẽ không có được một ngày hạnh phúc!? Họ sẽ không cảm nếm được thế nào là tình yêu đích thực, ngay cả với người thân thiết nhất trong gia đình của họ!? Nằm trên cái giường như ông hoàng cũng không thể ngủ ngon giấc được là vì sao? Ăn cao lương mỹ vị mà cũng chẳng thấy chúng ngon, là vì sao!? Ở trong căn nhà sang trọng như lầu đài mà vẫn thấy lạnh lẽo và không ai hiểu mình, là vì sao? Tôi tớ gia nhân hầu hạ chung quanh suốt cả ngày mà vẫn thấy muộn phiền, là vì sao?. Vì thế cho nên có phải khi chúng ta đang sống trên cõi đời này, sự cần nhất cho cuộc đời và con người của chúng ta là Thiên Chúa không? Nếu không thì mọi sự sẽ không bao giờ cho chúng ta hạnh phúc, vì tất cả những gì quý báu trên cõi đời tạm dung trần thế này, không xài được và không mang theo được trên Nước Trời. Vì trên Nước Trời không dùng đến chúng. Vì Nước Trời chỉ nhận Tình Yêu mà thôi! Cho nên khi còn ở trên trần gian này chúng ta càng mang nhiều hạnh phúc và tình yêu thương đến cho muôn người, thì đó là phần thưởng mà chúng ta gầy dựng được thật chắc chắn và thật an toàn cho linh hồn đời đời của chúng ta, mà không ai đánh cắp chúng được??. Mà tình yêu là chúng ta ban cho nhau nhưng không cơ mà! Xá chi khi chúng ta san sẻ cho những anh chị em có nhu cầu cần thiết, khi Chúa ban cho chúng ta thật nhiều. Chúa ban cho chúng ta nhiều thì chúng ta phải có bổn phận Cho đi nhiều, vì đó là lẽ phải và là điều nên làm, vì chúng ta tích trữ nhiều chẳng những không lợi lộc chi mà làm cho nhiều người ghét mình. Gặp cơn hoạn nạn cháy nhà, chẳng ai thèm giúp mà họ còn làm cho cháy nhiều hơn??. Tích trữ cho nhiều khi Chúa gọi, ra đi cũng hai bàn tay trắng mà linh hồn phải bị đọa đày đời đời kiếp kiếp vì cái tội tích trữ của người cho đầy vào kho lẫm của mình??.

Khôn ngoan chi hỡi những tôi tớ bất trung và gian ác! Hãy từ bỏ cuộc sống gian dối mà theo Chúa để được Chúa ban cho Ơn khôn ngoan cần thiết để mà giữ linh hồn đời đời, để mà Chúa cho vào Nhà Chúa, để từ đông chí tây, từ bắc chí nam tất cả sẽ đến dự tiệc trong nước Thiên Chúa, cùng hưởng hạnh phúc vĩnh cửu thiên thu và bất tận. Amen.

Y Tá Của Chúa,
 
Cửa hẹp
Lm.Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
15:54 18/08/2010
Thoặt nghe đến từ cửa hẹp người ta nghĩ ngay đến những gian truân, khó khăn, vất vả. Sự liên tưởng này không sai, nhưng nguời ta có thể lầm khi chỉ dán mắt vào độ hẹp của cánh cửa mà quên nhìn thực tại đằng sau nó. Đó là Nước Trời, là Vương quốc của tình yêu, là hạnh phúc vĩnh cửu. Các biến cố lịch sử thường được nhìn nhận cách khách quan và trung thực hơn sau một thời gian cần thiết nào đó. Tương tự như thế, có nhiều sự thật chỉ được biểu lộ hay được nhận biết cách khá chính xác hơn với cái nhìn từ phía sau. Chúng ta cần phải tự hỏi rằng Thiên Chúa ban hạnh phúc vĩnh cửu, vương quốc Nước trời cho những ai? Thật dễ dàng trả lời đó là cho tất cả những tạo vật mà Người dựng nên, các loài hữu hình và vô hình mà trong đó có loài người chúng ta, loài thụ tạo cao cả nhẩt trong các loài hữu hình được tạo dựng.

“You get what you pay” (tiền nào của nấy). Để có được những thiện hảo đời này hẳn nhiên không thể thiếu sự gắng công nỗ lực. Và chắc chắn để có hạnh phúc vĩnh cửu thì sự nỗ lực gắng công càng nhiều hơn gấp bội. Có nhiều cách thế cũng như lãnh vực phải gắng công để đạt hạnh phúc vĩnh cửu, nhưng trong tất cả những sự gắng công ấy thì việc nỗ lực trở nên “con người” là một nỗ lực nền tảng, không thể thiếu. Thiên Chúa ban hạnh phúc Nước Trời cho con người thì có thể nói cách không thể sai lầm rằng những ai đích thực là con người thì sẽ được hưởng nhận hạnh phúc ấy.

Theo nhãn quan này thì việc bước qua cửa hẹp chính là những cố gắng để trở nên con người như thuở ban đầu được tạo dựng. Trước khi Ngôi Lời nhập thể, dù được ánh sáng Thiên Chúa soi dẫn qua vũ trụ thiên nhiên và đặc biệt qua tiếng lương tâm, nhưng con người khi tìm cách trở nên chính mình, trở nên con người, thì vẫn một cách nào đó còn mò mẩm như đi trong đêm tối. Các hiền triết cổ đại thường mời gọi đồng loại ưu tiên cho việc “biết mình”. Biết mình là cái biết nền tảng để thành nhân. Đến thời viên mãn với mầu nhiệm nhập thể của Con Thiên Chúa thì chân dung và căn tính “con người” đã được mạc khải cách toàn hảo nơi chính Đức Giêsu Kitô. “Người chính là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” là “Trưởng tử giữa các loài thọ tạo”(x.Col 1,1). Lần giở các trang Tin Mừng, chúng ta cùng xem Chúa Kitô đã trình bày chân dung “Con Người” như thế nào.

Con người được tạo dựng có nam có nữ (x.Mc 10,6): Con người là loài được dựng nên chứ không phải tự mình mà có hay hiện hữu cách ngẫu nhiên. Dữ kiện phái tính cách nào đó khẳng định tính hữu hạn và tính hướng tha của con người. “Người đi một nửa hồn tôi mất. Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ”. Nhiều thi nhân ví von cuộc đời như là quá trình tìm kiếm cái phần nửa của bản thân mình. Hội Thánh dạy rằng con người là hữu thể hướng đến tha nhân và hướng về Tuyệt đối. Như thế bước qua cửa hẹp là nỗ lực làm chủ khuynh hướng tìm mình cách vị kỷ cũng như làm chủ sự tự mãn, tự cao cho mình hoàn hảo hay toàn năng.

Con người là loài có thể xác nên có các nhu cầu ăn uống nghỉ ngơi…(x.Mt 11,19). Tuy nhiên con người còn có linh hồn thiêng liêng làm linh động thân xác. Mặc dù có sự góp phần không thể thiếu của thân xác, nhưng chính linh hồn qua các cơ năng luận suy, phán đoán, chọn lựa mới làm nên giá trị tốt, xấu, đúng sai của các hành vi. Vì không phải những gì bên ngoài vào trong con người làm cho con người ra ô uế mà chính những gì bên trong phát xuất ra…(x.Mt15,11). Bước qua cửa hẹp là nỗ lực thanh luyện linh hồn đồng thời dùng linh hồn để hướng dẫn và làm chủ thân xác.

Lề luật hay ngày Sabbat được lập ra vì con người chứ không phải con người có ra vì ngày Sabbat hay vì lề luật (Mt 12,8; Mc 2,28). Khi sống thành bầy đoàn, loài vật giành giật và duy trì địa vị thống trị của chúng chủ yếu bằng sức mạnh của cơ bắp. Dĩ nhiên khi đã già yếu thì vị trí thống trị của chúng bị đe dọa và đến lúc nào đó bị tước đoạt bởi cá thể khác mạnh hơn. Con người thì nhờ có lý trí đã biết vận dụng lề luật để duy trì quyền uy và sự thống trị của mình. Là sản phẩm do tay con người lập nên, lề luật đã được khách quan hóa thành ý của thần minh, thành ý trời, để một cách có chủ ý phục vụ quyền lợi cho những người làm nên lề luật ấy. Như thế, một cách nào đó con người đã tự phong thần phong thánh cho bản thân. Khi bắt người khác tuyệt đối quy phục lề luật mình làm ra thì mình đã nô lệ hóa tha nhân bằng chính ý chí chủ quan của mình. Bước qua cửa hẹp chính là nỗ lực cởi bỏ những ràng buộc khiến ta và tha nhân trở thành nô lệ cho sản phẩm của con người, để đưa chính mình và tha nhân trở thành những chủ nhân thực sự đối với các thực tại trần thế theo thánh ý Thiên Chúa truyền ngay tự buổi đầu thưở tạo dựng (x.St 1,26; 2,20)

Con Người đến thế gian không phải để được người ta hầu hạ nhưng để hầu hạ người ta và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người (x.Mc 10,45). Đến thế gian này, một trong những sứ mạng của Ngôi Hai Thiên Chúa đó là mạc khải cách đủ đầy và hoàn hảo căn tính của con người, vốn là loài được dựng nên, là hình ảnh của Thiên Chúa. Nét khác biệt và sự trỗi vượt của loài người trên các loài thọ tạo hữu hình không chỉ được thể hiện bằng trí khôn, một khả năng giúp con người ngày càng phát triển mọi mặt, mà còn được thể hiện qua ý chí tự do. Các loài vật bậc thấp khi yêu thích sự gì thì bị thôi thúc chiếm hữu nó bằng mọi giá. Trái lại tình yêu nơi con người lên đến đỉnh cao nơi động thái dâng hiến. Không có tình yêu nào cao cả cho bằng tình yêu tự hiến thân vì người mình yêu (x.Ga 15,13). Bước qua cửa hẹp là gột bỏ những rào cản khiến chúng ta không thể yêu thương tha nhân bằng sự tự hạ mà dâng hiến, bằng sự quên mình để phục vụ như Chúa Kitô đã yêu thương (x.Ga 13,34).

“Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em”(Lc 12,32). Thiên Chúa yêu thương trao ban Hạnh Phúc Nước Trời cho con người. Như thế chúng ta có thể nói rằng để được vào Nước Trời, tức là để có được hạnh phúc đích thật thì chúng ta phải là con người. Vào qua cửa hẹp chính là sự nỗ lực gắng công từng ngày gột bỏ những gì khiến chúng ta không còn là con người hoặc làm chân dung con người nơi chúng ta bị biến dạng. Một vài điều cần gột bỏ đó là sự tự cao, tự đại cho mình toàn năng, toàn hảo hay toàn tri; đó là sự vụ lợi ích kỷ; đó cũng là những ý đồ thống trị tha nhân bằng sức mạnh của quyền lực, thế quyền và lẫn thần quyền, bằng các thể chế luật lệ phi nhân, bất hợp lý do chính mình dựng nên để phục vụ cho quyền lợi của bản thân mình, tập thể của mình…
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:25 18/08/2010
RƯỢU GIAO BÔI

N2T


Cái gọi là rượu giao bôi tức là khi kết hôn thì dùng một dải lụa màu (đỏ) cột hai cái ly lại với nhau, rót đầy rượu để cho cô dâu chú rể mỗi người uống một ly, câu nói này đã sớm xuất hiện trong quyển sách Mạnh Hoa Đông Kinh. Nhưng tập tục uống “rượu giao bôi” này thì đã bắt nguồn từ lễ tục xưa thời nhà Châu, khi người đời nhà Châu kết hôn thì cần phải làm lễ hợp cẩn.

Cái gọi là hợp cẩn tức là dùng cái hồ lô cắt ra làm hai nửa, múc đầy rượu đưa cho cô dâu và chú rể uống, tượng trưng vợ chồng không còn là hai mà là một, nên không thể tách lìa, đồng tâm hiệp lực, cùng nhau kiến tạo hạnh phúc tương lai, bởi vì hai nửa này hợp lại thì thành cái hồ lô hoàn hảo cho nên gọi là hợp cẩn.

Mãi về sau này trở thành cái gọi là “rượu giao bôi”.

(Đông kinh mạnh hoa lục)

Suy tư:

Ngay từ thời xa xưa của thời phong kiến, người ta cũng đã biết đến khi đã là vợ chồng với nhau rồi thì không còn là hai nữa, nhưng chỉ là một mà thôi, “rượu giao bôi” với ý nghĩa như vậy, thì đủ biết người thời xưa dù chưa biết giáo lý hôn nhân của Giáo Hội Công Giáo, nhưng họ đã theo lương tâm mà hiểu được như vậy.

Thời nay có những cô dâu chú rể trước khi cưới nhau thì đưa nhau đi chụp hình để làm kỷ niệm ngày cưới, chụp hình với những cảnh những kiểu rất hạnh phúc đầy yêu thương và ai cũng nghĩ rằng họ sẽ không hề lìa bỏ nhau, nhưng không ngờ chỉ vài tháng hoặc một hai năm sau thì đưa nhau ra tòa ly dị; có những cô dâu chú rể cũng làm đủ nghi thức hợp cẩn, cũng uống rượu giao bôi, cũng hai họ chúc mừng vui vẻ hạnh phúc, nhưng hạnh phúc của họ rất ngắn ngủi chỉ vài năm là đường ai nấy đi.

Chúa Giê-su khi lập bí tích Thánh Thể thì cầm chén rượu dâng lời tạ ơn chúc tụng rồi nói: “Đây là máu Thầy, máu giao ước đổ ra vì muôn người” (Mc 14, 24) , đó chính là chén “rượu giao bôi” kết hợp giữa Chúa Giê-su Ki-tô và Hội Thánh, để Hội Thánh trở nên một thân mình mầu nhiệm của Chúa Giê-su; là chén Máu Thánh giao ước đem lại sự sống và hạnh phúc đời đời cho những ai tin và uống trong sự hợp nhất và yêu thương với Chúa Giê-su.

Máu Thánh của Chúa Giê-su Ki-tô đã đổ ra không vô ích, nhưng là Máu Thánh rửa sạch tội lỗi nhân loại, là chén “rượu giao bôi” sự hiệp nhất nên một giữa Chúa Giê-su Ki-tô và người uống chén “rượu giao bôi” thánh thiện ấy: Chúa Giê-su ở trong họ và họ ở trong Chúa Giê-su.

------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:27 18/08/2010
N2T


12. Khắc khổ miệng và bụng là công phu bước đầu tiên của tinh thần tu đức, không thể khắc chế lòng tham của miệng và bụng, thì rất khó mà khắc chế những tật xấu khác.

(Thánh Vincent de Paul)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:28 18/08/2010
N2T


504. Không tín nhiệm đều là xung động nhất thời, bắp thịt của anh mới là lâu dài.

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Cuộc bầu cử Liên Bang Úc dưới cái nhìn thần học
Vũ Văn An
02:03 18/08/2010
Cuộc bầu cử Liên Bang Úc năm 2010 sẽ diễn ra ngày 21 tháng 8 này để bầu lại toàn diện Hạ Viện và một phần Thượng Viện. Và dưới chế độ nghị viện, chính đảng nào thắng đa số phiếu của cử tri ở Hạ Viện sẽ đứng ra thành lập chính phủ với vị lãnh đạo của đảng đó làm thủ tướng. Dù trọng tâm cuộc bầu cử diễn ra tại các đơn vị địa phương, nhưng có lẽ chịu ảnh hưởng bầu khí tranh cử của Mỹ, nên càng ngày cử tri Úc càng chú ý tới vị lãnh đạo của hai chính đảng lớn là Lao Động và Tự Do. Mọi chú ý trong 5 tuần tranh cử đều hướng về hai vị này, hiện nay lần lượt là bà Julia Gillard và ông Tony Abbott. Khỏi nói thì trọng tâm của cuộc tranh cử là vấn đề kinh tế, một vấn đề mà bà Gillard tự hào cho là mình mạnh hơn ông Abbott. Người ta cũng đề cập tới nhiều vấn đề khác, nhưng các vấn đề “nhạy cảm” thì phần lớn được lướt qua, thậm chí cố tình gạt qua một bên. Có lần ông Abbott, một người Công Giáo, trước đây vốn đi tu làm linh mục nhưng “mộng” không thành, đã mạnh dạn nói lên quan điểm cá nhân về vấn đề hôn nhân đồng tính. Nhưng khi tranh cử thực sự, thì ông tránh né tất cả các vấn đề có dây mơ rễ má dính tới tôn giáo.

Đó là điều khiến những thần học gia như Joel Hodge cảm thấy bất an. Hodge vốn là một giảng viên thần học thuộc phân khoa thần học của Đại Học Công Giáo Úc. Ông xuất thân từ Đại Học Queensland với luận án tiến sĩ “Uncovering the Secret Soul of the Sacred: mimesis and the word” (Bật Mí Linh Hồn Bí Ẩn của Thánh Thiêng: sự bắt chước và ngôn từ) dựa trên lý thuyết bắt chước (mimesis theory) của viện sĩ René Girard thuộc Hàn Lâm Viện Pháp, một lý thuyết cho rằng con người bao giờ cũng thèm muốn, ước mong theo thèm muốn, ước mong của người khác, cũng như các truyện tích thu thập từ Đông Timor, một lãnh vực nghiên cứu riêng của Hodge.

Ngày 18 tháng 8 hôm nay, trên “blog” của hãng tin Cathnews, Hodge viết bài “Where the politicians can’t go” (Nơi các chính trị gia không thể tới). Theo Hodge, có một vấn đề quan trọng mà cuộc tranh cử hiện nay sẽ không nói tới, đó là cuộc khủng hoảng văn hóa tại Phương Tây. Việc bỏ qua này hết sức đặc trưng đối với chúng ta, những hữu thể nhân bản, vì chúng ta có khuynh hướng chỉ nói tới những cuộc khủng hoảng giả tạo (pseudo-crises) để tránh khỏi giáp mặt với những cuộc khủng hoảng thật sự. Đó chính là điều thực sự hàm chứa trong chữ “giả hình” (và là điều Chúa Giêsu thường chỉ trích người Biệt Phái vì họ luôn đặt những cuộc khủng hoảng giả tạo trước mặt người Do Thái có niềm tin thay vì những vấn đề thực sự thuộc niềm tin và cuộc sống). Ở Úc, và nói chung ở Phương Tây, chúng ta nói tới ‘khủng hoảng kinh tế’, ‘khủng hoảng môi sinh’, ‘khủng hoảng chính trị’, ‘khủng hoảng an ninh biên giới’ v.v… những khủng hoảng, ở một mức độ nào đó, quả là những cuộc khủng hoảng thật sự. Tuy nhiên, ta nói tới, và đôi khi còn chế ra các cuộc khủng hoảng này để tránh né các khủng khoảng thật sự tức các cuộc khủng hoảng trong đó Phương Tây càng ngày càng mất khả năng nắm bắt các giả thuyết văn hóa chung để có thể thực sự đương đầu với các vấn đề của chúng ta.

Nhiều người đang nhận định về các vấn đề ấy, nào là chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa tiêu thụ, chủ nghĩa bóc lột kinh tế, nào là chủ nghĩa tương đối, hiện tượng đổ vỡ hôn nhân và gia đình, hiện tượng lạm dụng ma túy và nghiện ngập, nào là bạo lực, tự tử, chối bỏ xã hội và tôn giáo, khủng hoảng tính dục, phá thai, an tử, nhiều vấn đề tâm lý học v.v… tất cả đều là các triệu chứng của khủng hoảng văn hóa, tức cuộc khủng hoảng trong đó người ta dần dần đánh mất ý thức về chân lý, vốn là thứ đem đến ý nghĩa giúp ta làm người, giúp ta sống với nhau ra sao, giúp ta hiểu thế giới này và cuộc hiện sinh của ta phải nên như thế nào và phải liên hệ với Thiên Chúa làm sao. Từ “việc tự tử đáng kính” tới việc “sinh lầm”, hay quan niệm cho rằng không nên để một người nào đó sống sót, Phương Tây đang tấn công vào chính nền tảng của mình; và vì Phương này thiếu đảm lược, không dám phê phán cuộc tấn công đó, nên thực tế họ đang khuyến khích các công dân của mình tiến vào con đường ấy. Đâu cần tới ngoại thù? Cái tín điều ý thức hệ đang thịnh hành tại Phương Tây rằng không hề có chân lý, một tín điều vốn biện minh cho chủ nghĩa cá nhân của thập niên 1960, được chủ nghĩa tư bản đại chúng ủng hộ, không những không giải phóng con người khỏi các tín điều ý thức hệ hay các chuẩn mức văn hóa, mà còn nô lệ hóa họ vào một thứ tân chuẩn mức vô vị, tức các chuẩn mức duy tương đối và duy cá nhân vốn không có tính xây dựng, mà để mặc con người với những nền tảng lung lay không thể đương đầu được với cuộc sống trong mọi chiều kích của nó: chiều kích liên hệ, chiều kích ơn gọi, chiều kích tính dục, chiều kích sinh hoạt gia đình, và v.v…

Dù đang có những tiến bộ lớn lao về mức sống và về ý thức quyền lợi, cuộc khủng hoảng về ý nghĩa và chân lý tại Phương Tây đang rất nghiêm trọng. Một cách đặc biệt, nó đang gây tác hại nặng nề về nhiều mặt đối với giới trẻ. Các vấn đề sâu sắc ấy không được các chính khách bình luận hay đề cập tới vì phần lớn họ không chịu nhìn nhận chúng; mà dù có nhìn nhận đi chăng nữa, thì họ cũng chỉ giới hạn chúng vào những gì họ có thể lợi dụng được, nhất là trong một “nền dân chủ” chịu để cho mình bị các phương tiện truyền thông đại chúng lèo lái chứ không dám đưa ra các quyết định khó khăn. Tuy nhiên, các chính trị gia lại không ngại nói tới các niềm tin của mình, ít nhất là các niềm tin giúp họ đắc cử. Chỉ có điều, các sứ điệp và sáng kiến tích cực mà đôi lúc ta nhận được từ các chính khách thường không cho thấy từ đâu các giá trị nền tảng của họ đã được rút ra và làm thế nào để các giá trị ấy được thể hiện trong bức tranh bao quát hơn về yếu tính nhân bản.

Đối với cuộc khủng hoảng hiện nay, không hề có giải pháp dễ dãi. Ta nghe các nhà lãnh đạo chính trị hứa sẽ biến cải quốc gia, tạo nên những điều mới mẻ. Nhưng, giáo dục, tiền bạc và việc làm tự nó đâu có tính cứu vớt, như một số chính khách ngụ ý. Chúng chỉ là một phần của diễn trình trong đó ta thực sự được biến cải trong nhân tính chân thực của mình. Kitô hữu là người hiện thực: vì nói cho cùng, con người nhân bản không thể tự mình ra khỏi cuộc khủng hoảng, vì tính vị kỷ và tính tự phụ luôn chống lại Thiên Chúa (dù được hưởng một nền giáo dục tốt nhất!). Ấy thế nhưng, chúng ta, những con người nhân bản, chúng ta vẫn khát mong sự biến cải và gợi hứng, và tìm kiếm chúng nơi các chính khách. Hodge cho rằng rất có thể ta đang trông mong chúng ở những nguồn lầm lạc. Ông bảo: là người của hy vọng, các Kitô hữu nên tin tưởng nơi Thiên Chúa, Đấng “làm mọi sự ra mới” (Kh 21:5). Do đó, không phải bất chấp, nhưng chính vì theo chủ nghĩa hiện thực, ta hy vọng ở Thiên Chúa, Đấng có tình yêu mạnh đủ để đánh động lòng ta và làm ta thuộc về Người. Ta tin tưởng: Thiên Chúa sẽ đem lại sự thay đổi và sự hồi tâm, như “lịch sử cứu rỗi” đã chứng minh. Ta phải “đọc được các dấu chỉ của thời đại”, ý thức được môi trường văn hóa của mình (và các hậu quả của nền văn hóa này đối với chúng ta), ngay lúc ta cùng Chúa gieo vãi hạt giống, và giúp các nhà chính trị của ta cùng làm như thế. Nói tóm lại là làm chứng cho hy vọng giữa nền văn hóa vô vọng, mù mờ. Đối với các nhân chứng của hy vọng, lúc nào cũng có cơ hội mở ra cho họ, nhất là những nhân chứng có khả năng làm cho thế giới có ý nghĩa bằng cách sống một cuộc sống đầy ý nghĩa và trọn vẹn cho người khác, luôn trung thành với lời hứa của Thiên Chúa.

Thế tục cũng thánh thiêng

Trong khi Joel Hodge xem ra muốn đặt một đường ranh giữa những con người phàm tục là các chính khách với những con người của hy vọng là các Kitô hữu, thì một nhà giáo khác, Mark Johnson, hiện dạy tại phân khoa Nghiên cứu Tôn giáo của Đại Học Sydney, lại có cái nhìn hơi khác. Johnson muốn xóa nhòa cái đường ranh kia.

Ông dựa vào lời của Đức Bênêđíctô XVI để trình bày quan điểm của mình. Ông bảo hồi tháng 6 vừa qua, tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phaolô Ngoại Thành ở Rôma, nhân khi công bố ý định thiết lập một hội đồng nhằm tái phúc âm hóa Âu Châu, Đức Bênêđíctô XVI đã “vô tình” cho thấy hai chủ đề quan trọng đối với những người như ông, nghĩa là những người không muốn tự động uốn mình theo các mỹ từ của “chiến tranh văn hóa” hay mỹ từ của “đụng độ văn minh”. Cả hai cách tiếp cận này đều thành thạo trong việc sử dụng những cỗ xe rõ ràng nằm sẵn trong lối phân chia thế giới có tính đơn giản hóa thành “ta” và “họ”. Các chủ đề được vô tình nhắc tới chính là chủ đề “bất lực” và “hoang địa” (poerlessness and desert).

Johnson muốn nhân cơ hội này (Cathblog ngày 16 tháng 8 năm 2010, The Secular is sacred too), thăm dò một số hệ luận của việc ám chỉ trên. Theo ông, Đức Bênêđíctô XVI nhận xét rằng: đứng trước nhiều thay đổi lịch sử, xã hội, chính trị và nhất là tâm linh, những thay đổi làm choáng ngợp khả năng nhân bản của ta, “hình như chúng ta, các mục tử của Giáo Hội, đang sống lại kinh nghiệm của các Tông Đồ, khi hàng ngàn người khốn khổ theo chân Chúa Giêsu, và Người lên tiếng hỏi: ta có thể làm gì cho tất cả những người này? Lúc ấy, các ông cảm thấy sự bất lực của mình”.

Dù Johnson cho hay: ông dựa vào nội dung toàn diện của cả bài diễn văn, nhưng ông bảo ta nên dừng lại ở câu trên để thấy được chất liệu trước nhất đáng làm ta quan tâm, đó là vấn đề quyền lực. Lâu nay, mỹ từ của não trạng pháo đài vốn trổi vượt trong nội dung phúc âm của phe tân chính thống. Các “cuộc chiến tranh văn hóa” của thập niên 1980 vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng lớn trong Giáo Hội. Căn cứ vào các truyện kể được “cuộc chiến tranh văn hóa” tạo ra, các kẻ thù đã được nhận diện, nhiều tiêu chuẩn nghiêm nhặt hơn về tính tinh tuyền cũng như chủ nghĩa duy pháp luật được áp đặt, và Phúc Âm cũng như Thánh Truyền được biến cải thành những vũ khí để người ta hợp pháp hóa sự tàn bạo.

Johnson bảo: trong bầu khí của những nguy cơ và đe dọa tạo hoẹt đó, chúng ta bị hướng dẫn sai lạc đến quên mất rằng đức tin của chúng ta đã được xây dựng trên chính điều mà ngày nay nhiều người rất sợ: sự bất lực. Đức tin của chúng ta không dựa trên người dũng sĩ thiên sai đầy chiến thắng, hay trên sự công chính và đặc quyền thuộc nghi lễ. Đức tin của ta xây dựng trên sự tự đổ mình ra của Thiên Chúa, một sự xúc phạm, một phạm thượng đối với mọi tính đáng kính, mọi tính tự phụ có tính tôn giáo của thế kỷ thứ nhất. Giống hệt thời trước, có lần trí tưởng tượng nhỏ mọn của con người đã tạo ra sự phân rẽ rõ nét giữa vật chất và tinh thần, giữa thời gian và vĩnh cửu, giữa thánh thiêng và phàm tục, và nay giữa “Giáo Hội” và thế gian. Ta sống như thể Chúa Kitô chưa chữa lành vết nứt đó, như thể Nước Trời chưa ở đàng trước chúng ta, tách biệt khỏi chúng ta, không như men hay hạt mù tạt, vượt quá ranh giới Giáo Hội. Nhập Thể chính là lời “nói có” đối với điều ta thường quá hẹp hòi và qúa tự phụ cho là xa lạ với Thiên Chúa, đi ngược lại các cố gắng của ta. Ta không ở vị thế có thể tạo ra các loại “Dân Ngoại” mới để một lần nữa loại bỏ họ. Trong Nhập Thể, không thể có đường phân rẽ giữa Giáo Hội và thế gian.

Johnson cho rằng ta không nên sợ sự bất lực, bởi vì nó chính là lý do hiện hữu của đức tin ta. Quyền lực xóa bỏ đức tin. Thoả mãn và tính ốc đảo (insularity) của quyền lực tạo ra ảo tưởng tự phụ, lúc đó điều ta tôn thờ chỉ còn là những điều chắc chắn lạnh lùng và trắng nhã của quyền lực.

Johnson tiếp tục nhắc lại bài diễn văn của Đức Bênêđíctô XVI: “… trong hoang địa của thế giới thế tục hóa, linh hồn con người khát khao Thiên Chúa, khát khao Thiên Chúa hằng sống”. Johnson cho hay: thực vậy, chính trong thế giới thế tục, con người nhân bản mới cảm thấy nhu cầu cần có Thiên Chúa. Thế gian, thế tục, trong tư cách hoang địa, quả là phương thế có nhiều tiềm năng nhờ đó ta hiểu được kinh nghiệm hiện nay của ta về Thiên Chúa. Hoang địa từ lâu vốn được coi như một không gian ta được dẫn vào hay ta tự ý vào để cởi bỏ mọi ảo giác và mọi tiện nghi của ta. Nó không phải là một nơi mà là một không gian, một não trạng. Ta không vào hoang địa khi còn mang theo mình một tâm trạng đầy những đền đài dành cho các thần minh nhỏ mọn. Ta có suy nghĩ nghiêm chỉnh hay không khi cho rằng chỉ tìm thấy Thiên Chúa ở những nơi mẫu mực tiện nghi? Rõ ràng, hoang địa không phải là nơi của lãng mạn hay xúc cảm. Nó không phải là nơi dành cho những vị thánh trát phấn hồng hay ngây ngất. Những vị thánh này sẽ mau chóng chết ngạt vì sức nóng của nó. Nó cũng không phải là nơi của các đội hình và áo giáp quyền lực; gió và cát sẽ chặn đứng bước tiến của họ. Đúng hơn, hoang địa là không gian của im lặng, và việc làm thinh, và trong không gian ấy, một không gian không do ta chọn lựa, ta sẽ tín thác để Chúa mặc tình hành xử trên ta. Đúng vậy, Đức Bênêđíctô rất đúng khi nói rằng trong một không gian như thế, linh hồn sẽ kêu gào tìm Chúa, nhưng rất có thể đây là lần đầu tiên linh hồn gào lên tìm kiếm Chúa như vậy, thay vì bị ru ngủ bởi một thứ trấn an và lừa gạt dành cho trẻ thơ. Làm sao linh hồn ta có thể gào lên tìm kiếm Chúa, nếu nó chưa bao giờ gặp thử thách, nếu nó cứ mãi mãi được bảo vệ như người ta bảo vệ đoàn vật, trong những bức tường nghiêm ngặt mà người khác dựng lên quanh ta?

Những điều Johnson nhận định nghe ra có vẻ chẳng ăn uống gì tới không khí tranh cử của Úc và xem ra có vẻ đi ngược lại các nhận định của Hodge. Nhưng xét cho cùng, cả hai tác giả này đều muốn nhấn mạnh tới thái độ nhập cuộc của người Kitô hữu, bất chấp “cuộc” này chỉ là sa mạc nóng cháy, nơi mình cảm thấy hoàn toàn bất lực. Vì chính trong sự bất lực ấy, con người mới có dịp ngước lên Thiên Chúa và được Người đáp trả bằng một thế giới tốt hơn.
 
Hơn 450.000 người hành hương viếng Đền Đức Mẹ Mandu, Sri Lanka
Nguyễn Hoàng Thương
08:12 18/08/2010
Hơn 450.000 người hành hương viếng Đền Đức Mẹ Mandu, Sri Lanka

Colombo (AsiaNews) – Hôm 15/8/2010, hơn 450,000 khách hành hương đã tham dự Đại Lễ Trọng Kính Đức Maria Hồn Xác Lên Trời, Mẹ Thiên Chúa, tại Đền Đức Mẹ Madhu. Đây là lần thứ hai Thánh Lễ được cử hành kể từ khi nội chiến kết thúc bằng sự thất bại của Những con Hổ Tamil vào tháng Năm, 2009. Những năm trước đây, chiến tranh cũng không tha cho ngôi đền và các vùng lân cận, làm cho việc cử hành Thánh Lễ khó khăn.

Hầu hết người Công Giáo đã tụ họp tại địa điểm này vào hôm Thứ Bảy để tham dự Kinh Chiều. Đức Cha Malcolm Ranjith, Tổng Giám Mục của Colombo, cũng dẫn đầu một cuộc rước kiệu long trọng, cùng với Đức Cha Thomas Savundaranavagam, Giám Mục của Jaffna, Đức Cha Rayappu Joseph, Giám Mục của Mannar, Đức Cha Winston Fernando, Giám Mục của Badulla và Đức Cha Norbert Andradi, Giám Mục của Anuradhapura.

Một Thánh Lễ trọng thể đã diễn ra vào lúc 6giờ30 sáng hôm Chúa Nhật 15 tháng Tám, do Đức Cha Ranjith chủ tế cùng với các giám mục và linh mục khác bằng tiến Sinhala, Tamil và Latin.

Năm nay, lễ hội cũng là sự kết thúc Tuần Lễ Gia Đình Quốc Gia của Giáo Hội do Ủy Ban Giáo Dân phát động từ ngày 06 tháng Tám ở Giáo phận Mannar. Chủ đề chính của sự kiện là 'Gia đình là thầy dạt của các giá trị Kitô giáo'. Đức Cha Winston Fernando, người đứng đầu Ủy Ban Giáo Dân, là người dẫn dắt các cuộc hội thảo hàng ngày với các gia đình, giới trẻ và thiếu nhi, cùng với các điều hợp viên giáo phận về mục vụ tông đồ gia đình. Cha Julian Patrick Perera, Giám đốc Mục Vụ Tông Đồ Gia Đình cho hay: "Chúng tôi muốn chuyển tải các nguyên tắc tốt đến từng gia đình". Ngài cho hay thêm: "Bằng cách tham gia vào các cuộc hội thảo hàng ngày, bằng cả tiếng Sinhala và Tamil, các tín hữu có thể được giúp đỡ để canh tân đời sống gia đình của họ. Những người tham gia vào các buổi hội thảo, cho dù là người Công Giáo hay không, đã có thể học cách hướng đến đời sống gương mẫu".

Trong bài giảng tại Đền Đức Mẹ Madhu, Đức Cha Ranjith nhắc nhở những người hiện diện rằng "Nơi phía bắc có những gia đình mất mát anh em, chị em; những gia đình mất cha, mất mẹ, những gia đình mất chồng và mất vợ. Một số người trong họ trú ẩn tạm thời trong những căn chòi làm bằng những tấm kim loại mỏng. Những người đau khổ này cùng thuộc về gia đình được Thiên Chúa mến yêu".

Ngài giải thích thêm rằng gia đình là nguồn lực của tình yêu. Và tình yêu, vốn xuất phát từ Thiên Chúa, được truyền từ cha mẹ cho con cái và giữa vợ chồng với nhau. "Nhiều cặp vợ chồng kết hôn không muốn sinh con; những cặp khác thì muốn trì hoãn". Tuy nhiên, ngài nhắc nhở với những người tham dự rằng "đối với Kitô hữu, gia đình là giáo hội thu nhỏ".
 
Giáo Hội Công Giáo Mã Lai tăng trưởng dù cho áp lực Hồi giáo
Nguyễn Hoàng Thương
09:04 18/08/2010
Giáo Hội Công Giáo Mã Lai tăng trưởng dù cho áp lực Hồi giáo

Kota Kinabalu (AsiaNews) - Cộng đoàn Công Giáo trong Tổng Giáo Phận Kota Kinabalu, thủ phủ của Sabah, đang ngày càng tăng trưởng với số tín hữu hiện nay hơn 180.000, gần 10% dân số. Sabah là một trong 13 bang của Malaysia và nằm ở phía bắc Borneo.

Nhiều nhà thờ đã tăng số lượng Thánh Lễ Chúa Nhật để đáp ứng với làn sóng tín hữu. Chẳng hạn, nhà thờ Stella Maris quyết định cử hành Thánh Lễ Chúa Nhật thứ ba bằng tiếng Bahasa Melayu, ngôn ngữ địa phương, cùng với hai Thánh Lễ khác bằng tiếng Anh. Leonard Chin, một tín hữu của giáo xứ cho hay "dân Công Giáo đang phát triển đều đặn, dù với mức độ chậm. Chúng tôi đã xây dựng nhà thờ mới và vào Lễ Phục Sinh, 80 người đã được rửa tội trong một giáo xứ có 5.000 tín hữu".

Leonard Chin cho hay thêm cùng với các cộng đoàn Công Giáo, Hồi Giáo cũng được lan truyền: "Có hai lý do mà người Hồi giáo đang phát triển nhanh hơn. Một mặt họ có thêm con, mặt khác các thành viên của sắc tộc Kazadan, vốn đã là người Công Giáo khi các nhà truyền giáo đến vào thế kỷ 19, đã cải đạo vì lý do chính trị".

Tại Malaysia, quốc giáo là Hồi giáo, tự do tôn giáo được đảm bảo bởi Hiến pháp, dù có một số hành vi vi phạm quyền này. Thực tế, Chin cho biết "nhiều người có xu hướng cải đạo sang Hồi giáo" vì áp lực xã hội đè nặng trên những người không phải Hồi giáo, những người bị xem là thấp kém hơn.

Với dân số hơn 23 triệu người, 60,4% dân số ở Malaysia là người Hồi giáo và chỉ 9,1% là Kitô hữu, chủ yếu là người Công Giáo. Phần lớn những người này sống trên đảo Borneo nơi bang Sabah tọa lạc.
 
Đức Thánh Cha lên tiếng kêu gọi trợ giúp cho các nạn nhân lũ lụt ở Pakistan
Nguyễn Hoàng Thương
09:06 18/08/2010
Đức Thánh Cha lên tiếng kêu gọi trợ giúp cho các nạn nhân lũ lụt ở Pakistan

Castel Gandolfo (AsiaNews) – Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã kêu gọi Kitô hữu và cộng đồng quốc tế biểu lộ tình liên đới và hỗ trợ cho các nạn nhân của lũ lụt ở Pakistan.

Vào cuối buổi triều yết chung thứ Tư hàng tuần ngày 18/08/2010 tại Castel Gandolfo, trước 2.000 người hành hương, Đức Thánh Cha cho biết ý nghĩ trước tiên của ngài hướng đến "người dân Pakistan thân yêu" bị nạn trong trận "lũ lụt dữ dội" gây nên "rất nhiều nạn nhân và làm cho nhiều gia đình trở nên vô gia cư".

Sau đó ngài nói thêm: "Khi cha phó thác tất cả những người mất mát bi thảm cho lòng nhân từ thương xót của Thiên Chúa, cha bày tỏ sự gần gũi tinh thần đến với gia đình họ và tất cả những người chịu đau đớn do bị ảnh hưởng vì thảm họa này. Tình liên đới của chúng ta và sự giúp đỡ cụ thể của cộng đồng quốc tế không thể thiếu đối với những anh chị em bị thử thách đau đớn này!".

Hơn ba tuần qua, toàn bộ các khu vực của Pakistan đã bị ảnh hưởng bởi những trận mưa dày đặc với cường độ khác thường, làm phá hủy nhà cửa và cây trồng. Theo ước tính, ít nhất một phần năm diện tích đất nước này chìm trong biển nước, hơn 20 triệu người đã bị ảnh hưởng và ít nhất 1.600 thiệt mạng.

Cam kết của chính phủ và quân đội, cũng như các tổ chức quốc tế đã bị cản trở bởi thiệt hại về cơ sở hạ tầng: đường xá và cầu cống bị cuốn trôi hoặc bị tắt nghẽn do lở đất. Theo một số tổ chức phi chính phủ thì ít nhất 6 triệu người cần viện trợ khẩn cấp, trong khi hàng trăm ngàn người không nhận được bất cứ thứ gì vì phương tiện liên lạc khó khăn.

Người dân mất tất cả mọi thứ trong thảm họa - cây trồng, hạt giống, máy móc nông nghiệp, nhà cửa – với nguy cơ đói khát và dịch bệnh.

Tuần trước Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi 459 triệu Mỹ kim viện trợ khẩn cấp. Cho đến nay 40% ngân quỹ đã được thu thập. Ngay cả Caritas Ý cũng đã mở một trương mục quyên góp để viện trợ khẩn cấp.
 
Hội nghị báo chí Công Giáo: làm thế nào để kiểm soát tranh cãi
Nguyễn Hoàng Thương
09:07 18/08/2010
Hội nghị báo chí Công Giáo: làm thế nào để kiểm soát tranh cãi

Vatican City (CNA/EWTN News) - Hội đồng Giáo Hoàng về Truyền thông Xã hội (PCCS) sẽ tổ chức một hội nghị để xem xét vai trò của báo chí Công giáo trong thế giới ngày nay. Trong số các chủ đề được đề cập đến là truyền thông Công giáo phản ứng với tranh cãi bên trong Giáo Hội.

Cuối tuần qua, Tờ Quan Sát Viên Rôma -L'Osservatore Romano (LOR) của Vatican công bố một Hội nghị sẽ được tổ chức từ ngày 04 đến 07 tháng Mười, tập trung vào những so sánh giữa truyền thông Công Giáo truyền thống và hiện đại.

Theo bài báo, và một chương trình vạch sẵn trên trang web Hội đồng Giáo Hoàng về Truyền thông Xã hội, ba ngày đầu tiên của Hội nghị sẽ đề cập khía cạnh khác nhau của sự hiện diện truyền thông Công Giáo toàn cầu.

Tham luận của ngày đầu tiên và các thảo luận nhóm riêng biệt sẽ tập trung vào những thách đố và cơ hội mang đến cho báo chí Công Giáo trong thế giới ngày nay. Sau đó, vào ngày 5 tháng Mười, buổi sáng sẽ xoay quanh vấn đề làm thế nào truyền thông Công Giáo đóng góp vào diễn đàn chung, đóng góp vào văn hóa và đời sống của Giáo Hội, các tham dự viên hội nghị sẽ xem xét làm thế nào để kiểm soát tranh cãi trong Giáo Hội.

Một tham luận được soạn thảo bởi một blogger, một phát ngôn viên Giáo Hội, một nhà thần học, một nhà xã hội học và một ký giả thế tục sẽ xem xét về chủ đề "Hiệp thông Giáo Hội và những tranh cãi. Tự do Ngôn Luận và Sự Thật của Giáo Hội". Tên của những người đóng góp vào tham luận chưa được công bố.

Sau khi tham luận đã có tầm ảnh hưởng, các tham dự viên báo chí sẽ chia thành các nhóm theo ngôn ngữ để xem xét những vấn đề trọng tâm dù có hay không của báo chí Công Giáo nên tránh các chủ đề nhất định, làm thế nào "nói lên các vấn đề gây tranh cãi" và thảo luận về ý tưởng đưa ra "một tiếng nói đối lập".

Một tham luận sáng ngày thứ ba sẽ xem xét những vấn đề kinh tế, những thách đố thuộc về báo chí, sự tương tác, ngôn ngữ, "sự chia rẽ kỹ thuật số", và tìm kiếm "sự hiện diện một cách hiệu quả" trong thế giới kỹ thuật số. Sau đó, các tham dự viên sẽ xem xét những mạo hiểm truyền thông Công Giáo thành công và xem xét làm thế nào họ có thể cộng tác và tìm kiếm hỗ trợ.

Ngày cuối cùng, ngày 07 tháng Mười, sẽ được dành ra cho việc thẩm tra kết quả của các nhóm thảo luận từ ba ngày trước.
 
Top Stories
Vietnam's economy lures some who left in the 1970s
Kathy Chu / USA TODAY
14:03 18/08/2010
HO CHI MINH CITY, Vietnam — At age 9, Johnny Tri Nguyen fled by fishing boat from this war-torn land of re-education camps and rationed food. He and his family were captured twice — and jailed — before finally escaping and establishing a life for themselves in California.

Despite the harrowing experience, he holds little bitterness, just hope, for his homeland. After 17 years in the USA, he returned to Vietnam to make a movie based loosely on his grandfather's life.

"Much has changed, and the whole reason we left in the first place is no longer there," says Nguyen, a Vietnamese actor and filmmaker known for his role in The Rebel, along with his stunt work in movies such as Spider-Man. "I find it very comfortable to live here now."

When the Vietnam War ended 35 years ago, millions of Vietnamese fled a communist country whose growth had been stymied by war, oppression and uncertainty, seeking a better life for themselves and their children in the USA, Canada and Europe.

Today, some of those who left years ago now look at Vietnam as a land of opportunity. At least 500,000 Viet Kieu, as they are known, return every year to this nation of 86 million, some to stay.

"Vietnam's economic reforms and growth as well as the recent economic downturn in America may be part of the reason" why a growing number of Viet Kieu are returning to the country, says Nguyen Manh Hung, a professor at George Mason University in Fairfax, Va. "There is a sentimental reason, too: the feeling of being at home in a familiar culture with a familiar way of life," he says.

The return here of some Vietnamese-Americans comes as the Communist Party that runs Vietnam continues to loosen state controls on the economy in an attempt to boost the standard of living here.

The fall of South Vietnam to the communist North in 1975 left the country bound by a totalitarian regime that stripped many people of their land and businesses. The legacy of the war and the party's clampdown on free markets was rampant poverty. Change came in the mid-1980s, when Vietnam instituted reforms called doi moi that opened up the economy to foreign investment and introduced some forms of capitalism.

Today, Vietnam's economy is the one of the fastest-growing in Asia. It may eventually claim the mantle of the fastest-growing emerging economy, based on its growth between 2007 and 2050, according to PricewaterhouseCoopers, the financial advisory firm.

'The best of both worlds'

Some of those returning are people who risked their lives to leave.

Dang Tuyet Mai, who once was married to a former South Vietnamese prime minister, Nguyen Cao Ky, escaped by plane two days before the war ended. After three decades in the USA, Dang ventured back to her homeland to open a noodle shop.

"It's a mixed feeling being here," admits Dang, whose former husband was a prominent figure in South Vietnam's fight against communism. "But when you are Vietnamese, you always think of going back to the country where you were born."

During lunch time at her restaurant, Pho Ta, in downtown Ho Chi Minh City, the tables teem with Vietnamese businessmen and women. Steaming bowls of noodles are placed before them along with heaping mounds of fresh vegetables to dunk into the anise-scented broth.

In a country where a bowl of pho can be found as easily as a hamburger in the States, Dang says hers stands out because of the homemade noodles, low fat content and a broth simmered over a low flame for 12 hours. "Even the Prime Minister of Vietnam (Nguyen Tan Dung) has eaten at my store," says Dang, whose beauty first captivated the country in the 1960s when she was an Air Vietnam stewardess. Even today, some customers are drawn to Pho Ta to catch a glimpse of her. Dang is hoping the next celebrity to grace the restaurant will be Secretary of State Hillary Rodham Clinton. "I really admire her, and I want to shake her hand," Dang says.

Clinton came to Hanoi in July for a meeting of the Association of Southeast Asian Nations but didn't end up stopping by Ho Chi Minh City. Another local establishment, Pho 2000, gained followers and a new slogan, "Pho for the President," after then-president Bill Clinton sampled a bowl there 10 years ago.

Like many new returnees, Dang hasn't committed to living full-time in Vietnam but spends a quarter of the year in Southern California with her daughter and granddaughters.

Her ability to live in two countries — and to juggle dual cultures — isn't suitable for the travel weary or the weak of heart. But for Viet Kieus such as Trung Dung, the founder of electronic payments company Mobivi, this freedom is a blessing.

"I have the best of both worlds," says Dung, 43, who spends up to 80% of his time in Vietnam and the rest in California, where his son and sisters live.

The main draw of Vietnam, he says, is that it feels like home. But entrepreneurs like him also are captivated by the business opportunities stemming from a third-world country transitioning into one of the region's most promising economic powerhouses. Dung is betting that as the country booms, its largely cash society will transition to electronic payments, benefiting companies such as Mobivi.

"I was very fortunate in witnessing the Internet revolution (in the USA), and it was an incredible time to be in the Silicon Valley," says Dung, who became a billionaire in his 30s after selling his software company, OnDisplay, to Austin-based Vignette Corp. "The same thing is happening in Vietnam. We're at the very early phase of creating things that will be here for a long time."

'The culture is so rich'

As Viet Kieu flock to Vietnam, the government is encouraging them to start up businesses and buy real estate to power the economy. It's also stepping up efforts to attract foreign companies. U.S. companies including Intel and General Electric have already established a presence here, and others are exploring the possibility, attracted partly by Vietnam's highly educated, skilled and young population (a quarter of residents are under 15).

Thuy Vo Dang, a visiting scholar at UCLA's Asian American Studies Center, believes the success of the government's efforts to woo Viet Kieu will depend partly on its ability "to overcome the tension that still exists between the overseas community and the country."

"It's one thing to welcome visitors," she notes, but the government needs to address corruption, which is widespread and entrenched in Vietnam.

Transparency International's Corruption Perceptions Index of 2009, based on surveys of international businesspeople, considers Vietnam one of the world's most corrupt countries, with a ranking of 120 out of 180 countries.

Property, construction and government contracts are reportedly riddled with bribery, according to the Heritage Foundation, a conservative think tank in Washington. The regulatory environment is not transparent and Vietnam's legal system is not independent and hindered by corruption, it said.

Oppression and lack of religious and political freedoms are also causing concern among some of the Viet Kieu. Some people interviewed said they felt constrained about discussing injustices for fear of offending the government and inviting actions against them or their businesses. The U.S. State Department has criticized Vietnam for its jailing of political opponents and especially Catholic priests and bloggers who speak out in favor of the kinds of basic freedoms the Viet Kieu have enjoyed in the West. The Viet Kieu, because they have citizenship elsewhere, generally enjoy more freedoms than Vietnam's citizens.

"The progress made on the economic front has not transferred in any way to human rights," says Phil Robertson, deputy director for Human Rights Watch's Asia division. "There are still significant restrictions on freedom of association and independent trade unions, and the government uses very broad national security legislation to go after dissidents."

As a growing number of Viet Kieu invest in Vietnam, it's creating jobs and fueling the country's economy. But the investment may also be seen as "condoning the government's lack of freedoms for the country," Vo Dang warns. "Blind investment in the homeland could, in fact, create more problems than it solves."

Yet the lure of their homeland is so powerful that for some Viet Kieu, it trumps memories, beliefs and politics.

Nguyen, the actor, remembers his family being so poor after the Vietnam War that he had to make his own toys from clay he dug up from nearby ponds.

But what struck Nguyen when he first returned to Vietnam was not the vestiges of war lingering in every city's memorials to the departed, but the connection he felt to the country and its beautiful scenery. "This culture is so rich in cinematic" promise, he says.

On a sweltering July day, amid the ancient rock formations of Ninh Binh province in northern Vietnam, Nguyen's brother-in-law, filmmaker Jimmy Nghiem Pham, seeks to capitalize on this cinematic promise.

Between scenes of a new movie he's helping produce —Khat Vong Thang Long, a film that commemorates the 1,000-year anniversary of the nation's capital moving to Hanoi and is being made in cooperation with the government — Pham describes how Vietnam has become a "land of opportunity" for independent filmmakers.

"If you don't have a lot of money, Vietnam is the best place to make a movie," says Pham, whose budgets have ranged from $15,000 to $1.6 million.

A graduate of the film school at Cal State Long Beach, Pham lived in Southern California — home to one of the largest Vietnamese populations in the USA — for more than a decade before returning to Vietnam. He feels strong ties to both countries, but says matter-of-factly that "if my movie career is better, then I will stay here."

For Henry Hoang Nguyen, his ties to Vietnam are becoming more compelling than those to the USA.

In the spring of 2001, Hoang Nguyen, 37, landed a New York-based consulting job for McKinsey & Associates that was to begin in the fall. But the start date was delayed by six months because of the economic hangover from the Internet bust. This gave him time to explore opportunities in Vietnam's emerging telecom sector.

Nine years and a few business opportunities later, Hoang Nguyen is now managing general partner of IDG Ventures, a $100 million venture capital fund focused on technology, media and telecom investments in Vietnam. He has married a Vietnamese woman who has no intention of leaving the country. And the former "all-American" kid is proudly rediscovering his extended family and his heritage.

Being a generation removed from the war has given him an unvarnished appreciation for Vietnam — free from painful memories still in the minds of previous generations. "I don't carry any burdens or feelings of negativity," says Hoang Nguyen, whose parents left Saigon, the name locals still use to refer to Ho Chi Minh City, long before he was old enough to remember life there. "I just feel a real strong attachment and patriotism for Vietnam."

Such feelings are also felt by Viet Kieu David Thai, an entrepreneur who once dreamed about being a basketball player or snowboarder.

Thai grew up in Seattle but came back to the country he left as a toddler to study Vietnamese civilization. Business opportunities conspired to keep him here, including the launch of a Starbucks-like chain, Highlands Coffee, and of American icon Hard Rock Cafe in Vietnam.

Coming from Seattle, "I missed good coffee," he says. But the overarching business goal, adds Thai, is "to build a national brand, to make Vietnam known for investment and business."

Yet for every tale of business success in Vietnam, there's another tale of failure in a market laden with government restrictions. And for those who choose to live and work in this country, there are compromises to be made.

Nguyen Qui Duc, who moved to Hanoi and started Tadioto bar and art gallery, doesn't enjoy the same creative freedoms in Vietnam — a country where state censorship is widespread — that he had as a journalist and as an artist in the United States. Duc, who once hosted a radio show on Asian affairs in the United States, says he has learned to work within the system in Vietnam.

"I can't change the system, but I work with artists to express themselves," he says. "Freedom of expression is getting better in Vietnam."

Despite the challenges, Nguyen Qui Duc says he's glad he moved back because it has allowed him to rediscover the simplicity of life.

"I'm 50 years old, and I'm riding a motorcycle," he says. "In the States, I was tired of living a life where I never talked to my neighbors. I prefer life here where you can walk down the street and talk to people

(Source: http://www.usatoday.com/money/world/2010-08-18-1Avietnam18_CV_N.htm)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Chương trình thường huấn cho Legio Mariae Trà Cổ Giáo Phận Hải Phòng
Giuse Nguyễn Tòng Quảng
10:10 18/08/2010
Trong hai ngày 16-17 vừa qua, Cha Gioan Baotixita Vũ Văn Kiện linh Giám cùng ban quản trị Hội đồng Comitium Hải Phòng tổ chức chương trình tập huấn cho ủy viên Senior thuộc Curia Trà Cổ.

Ngay từ sáng ngày đầu tiên 56 thành viên thuộc Curia Trà Cổ, gồm xứ Trà Cổ, Xuân Ninh một số presidia Hải Yên, Phương Nam, Vân Đồn… đã tập trung về Giáo xứ trà Cổ cách xa Tòa Giám mục Hải Phòng gần 300 km để tập huấn kiến thức cho sự phát triển và cách thức điều hành hệ thống Legio Mariae.

Chương trình lần hạt Năm sự Vui được bắt đầu cho phần khai mạc ngày thường huấn đầu tiên, tiếp đó là đề tài “Ơn gọi làm Kitô hữu “ Cha linh giám Comitium đã chia sẻ tâm tình về ơn gọi làm người, làm Kitô hữu và nhất là được làm những người lính của Đức Mẹ trong công việc hoạt động Tông đồ giáo dân đó là một vinh dự, nhưng đồng thời cũng là một trách nhiệm nặng nề trong bổn phận phục vu chúa và anh chị em. những câu chuyện thực tế, dí dỏm cha linh giám đã làm cho bầu khí buổi thường huấn thêm sinh động hơn, tiếp đến Anh Giuse Lê Quang Bình phó Comitium nói về chức vụ Trưởng và Phó trong công tác điều hành legio Mariae.

Buổi chiều, Cha linh giám tiếp tục với đề tài: hội viên Legio Mariae với đức vâng lời, sau đó chị Thủ quỹ Anna Trần Thị Hương nói về chức vụ của Thư ký và thủ quỹ trong việc điều hành Legio Mariae, Anh Gioan Đinh Quang Số nguyên trưởng Comitium nói về: đặc tính công tác của Legio Mariae.

Ngày hôm sau, Cha Giuse Ngô Văn Vàng chính xứ Trà Cổ chia sẻ những thao thức và ưu tư của người làm công tác Tông đồ giáo dân, Anh Trưởng Giuse Khổng Trung Sơn nói về việc: quản trị của Legio Mariae và chương trình thảo luận cuối ngày thật sôi nổi và hào hứng về công tác Tông đồ giáo dân, có rất nhiều câu hỏi được đặt ra cho Cha linh Giám và ban quan trị Commitium, có những vấn nạn của những đơn vị, có những vùng, miền địa phương khác nhau, thật đa dạng và những kinh nghiệm thực tế mà anh chị em Legio đã thực hiện trong các Giáo xứ và giáo họ trong Giáo Phận.

Kết thúc hai ngày thương huấn là Thánh lễ Tạ ơn, trong bài chia sẻ Cha linh giám đã giới thiệu cho anh chị em legio một địa chỉ tin cậy nhất và tiếp cận gần Chúa hơn đó là Đức Maria, Mẹ là địa chỉ của Niềm tin tưởng phó thác, nhưng Mẹ cũng là địa chỉ của sự bầu cử và cậy trông, Cha mời gọi mỗi thành viên Legio hãy tìm đúng địa chỉ để Mẹ dẫn chúng ta đi làm công việc của Chúa, Mẹ đồng hành với chúng ta trong những khó khăn của mỗi cuộc đời.

Kết thúc Thánh lễ Cha linh Giám cám ơn Cha Xứ, Ban chánh trương, Ban hành Giáo Giáo xứ Trà Cổ và mời gọi chính thức Cha Giuse Ngô Văn Vàng chính thức là linh giám Curia Trà Cổ, Thánh lễ kết thúc với bài hát Xin Vâng như mời mọi anh chị em Legio Mariae xin vâng Thánh ý Chúa và Mẹ Maria lên đường tiếp nối sứ vụ phục vụ Giáo Hội nơi mỗi người đang sống.
 
Gíao xứ Tân Hưng, Hốc Môn mừng Lễ Bổn Mạng và Lễ Ban Phép Bí Tich Thêm Sức
Phêrô Nguyễn Quang Ngọc.
10:27 18/08/2010
Sài Gòn, Chúa nhật ngày 15 tháng 08 năm 2010, Cảm Tạ Hồng Ân Thiên Chúa, được Hội Thánh mừng Đại Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, Giáo xứ Tân Hưng hạt Hóc Môn nhận Đức Mẹ hồn xác lên trời, làm bổn mạng. Đồng thời, Giáo xứ hân hoan đón mừng Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám mục Sài Gòn về thăm mục vụ và ban Bí Tích Thêm Sức cho 140 em thiếu nhi trong Giáo xứ.

Đúng 09h15, Đức Hồng Y đã đến với Giáo xứ Tân Hưng. Cha sở Vinh sơn Nguyễn Văn Hồng, Cha Phụ tá Đaminh Nguyễn Văn Ngọc chào đón Đức Hồng Y ngay phía trước cổng nhà thờ trong tiếng vỗ tay hoan hô, hòa lẫn với tiếng kèn của ban kèn tây, và lời ca vang của các em được lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức “Chúng con hân hoan chào mừng Đức Hồng Y”.

Thánh lễ vào lúc 09h30, cả cộng đoàn Giáo xứ tham dự Thánh lễ trong bầu không khí tràn đầy tình thương và hiệp nhất, cùng hiệp thông trong Thánh lễ còn có sự hiện diện Cha sở, Cha Phụ tá, quý Cha đồng tế.

Sau bài giảng, Đức Hồng Y đã cử hành nghi thức Ban Bí Thích Thêm Sức cho 140 thiếu nhi trong xứ.

Cuối Thánh lễ, một vị Ban thường vụ Giáo xứ, thay mặt cho cộng đoàn, các bậc phụ huynh, bày tỏ lòng tri ân đối với Đức Hồng Y và quý Cha.

Thánh Lễ kết thúc, các em thiếu nhi được lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức, lên cung thánh cùng chụp hình lưu niệm với Đức Hồng Y và quý Cha trong ngày ân sủng và bình an của Chúa Thánh Thần.

Sau đây, tập thư lưu niệm được Hội Đồng Mục Vụ – Khóa 6 Giáo xứ Tân Hưng nghiên cứu sưu tập, để nói lên sự kính nhớ và biết ơn các vị chủ chăn, với sự cộng tác của các quý chức HĐMV. Giáo xứ cùng cộng đoàn Giáo xứ Tân Hưng từ khi thành lập và xây dựng cho đến ngày nay.

Vào thời gian mùa Giáng Sinh 1954 di cư vào Nam, dân Chúa ở rải rác khắp nơi, đặc biệt khu vực Tân Hưng ở ngã Tư Đình là nơi giáo dân tập trung đông đảo nhất. Gồm nhiều thành phần ở các địa phận khác nhau, nhưng địa phận Phát Diệm gốc Yên Thổ chiếm đa số, vì là con chiên của Cha Antôn Hoàng Thiện Chi, đã được Ngài dẫn dắt về tinh thần cũng như về cuộc sống mới tại đây.

Qua 2 năm ổn định cuộc sống ở Tân Hưng, năm 1956 nhà thờ được xây dựng bằng cột cây xung quanh, làm vách và lợp mái bằng lá. Thời gian sau mới được tu bổ lại, dùng vách gỗ và lợp mái tôn, đến năm 1960 nhà thờ được trùng tu xây tường và lợp mái tôn khang trang, sạch sẽ.

Cha Giuse Đoàn Phi Hùng về thay thế Cha Antôn năm 1966, và Cha tiếp tục xây dựng nhà thờ mới hình con thuyền cho đến bây giờ. Sau đó, Cha về hưu năm 1981, và Cha Gioakim Trần Tử Hải lên làm Chính xứ vì lúc bấy giờ Ngài đang làm phó xứ.

Sau 5 năm quản xứ, năm 1986 Cha Gioakim chuyển lên Giáo xứ Tân Hiệp Hóc Môn. Rồi sau đó, Cha Giuse Trần Văn Phước về nhận chính xứ Giáo xứ Tân Hưng năm 1987 – 1989, Cha đã coi sóc đoàn chiên 2 năm thì Cha về hưu và qua đời năm 2005.

Được sự bổ nhiệm của Bề trên, Cha Gioan Nguyễn Như Yêng từ nhà thờ Đồng Tiến về nhận chính xứ Giáo xứ Tân Hưng từ năm 1989 – 2003 thì Cha được chuyển về Giáo xứ Tân Hiệp – Hóc Môn.

Sau khi Cha Gioan về Tân Hiệp, cộng đoàn Giáo xứ Tân Hưng lại hân hoan đón Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Hồng từ Giáo xứ Bùi Môn về nhận chính xứ Giáo xứ Tân Hưng cho đến nay.

Ngày 20.08.2007, do nhu cầu mục vụ trong Giáo xứ ngày càng cần thiết, Cha Đaminh Nguyễn Văn Ngọc được Đức Hồng Y cử về làm Phó xứ Giáo xứ Tân Hưng.
 
Dòng Con Đức Mẹ Mân Côi Chí Hòa với lễ khấn dòng
Nguyễn Quang Ngọc
11:31 18/08/2010
Saigòn - Trong bầu không khí hân hoan, vào lúc 09h00 thứ ba ngày 17 tháng 08 năm 2010, tại Dòng Chị Em Con Đức Mẹ Mân Côi Chí Hòa, đã long trọng mừng Thánh Lễ Tạ Ơn Thiên Chúa: 3 nữ tu mừng ngân khánh, 9 nữ tu khấn lần đầu, 4 nữ tu khấn trọn đời.

Hình ảnh lễ khấn dòng

Ngân Khánh Khấn Dòng:
Chị Maria Cecilia Trần Thị Kim Liên.
Chị Maria Vũ Thị Ngà.
Chị Maria Têrêsa Nguyễn Thị Tịnh Khiết.

Thánh Hiến Trọn Đời:
Chị Maria Gioan Bosco Lê Thị Hường.
Chị Maria Têrêsa Nguyễn Phúc Diễm Hạnh.
Chị Maria Giacôbê Đinh Thị Thanh Thúy.
Chị Maria Emmanuel Đỗ Thị Bích Trâm.

Tiên Khấn:
Chị Maria Micae Vũ Thị Mỹ Dung.
Chị Maria Nguyễn Thị Ngọc Bích.
Chị Maria Thánh Thể Nguyễn Thị Lan.
Chị Maria Thánh Tâm Nguyễn Thị Tú Anh.
Chị Maria Thánh Linh Nguyễn Thị Nhung Sâm.
Chị Maria Phaolô Trần Thị Trúc Mai.
Chị Maria Inhaxiô Loyola Đinh Thị Thu Huyền.
Chị Maria Phêrô Lê Thanh Thảo.
Chị Maria Têrêsa Nguyễn Thị Kim Dung.

Thánh Lễ Tạ Ơn và Khấn Dòng do Đức Cha Phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Khảm chủ tế. Tháp tùng với Đức Cha, có sự hiện diện quý Cha hạt trưởng, quý Cha trong và ngoài Giáo phận. Ngoài ra còn có sự hiện diện quý tu sĩ nam nữ, quý thân nhân, ân nhân và quý khách.

Sau bài giảng của Đức Cha Phêrô, các chị khấn sinh tuyên khấn lần đầu sẽ công khai nói lên quyết tâm của mình, là tận hiến cuộc đời cho Chúa qua việc sống 3 lời khuyên phúc âm: khiết tịnh, nghèo khó và vâng phục.

Sau khi tuyên khấn, Đức Cha chủ tế làm phép khăn lúp. Chị nữ tu sẽ đội chiếc lúp đen lên đầu các chị, là dấu chỉ của người đã được thánh hiến và thuộc trọn về Chúa. Từ nay, các chị sẽ từ bỏ những xa hoa trần thế là những thứ chóng qua, để nổ lực, trang điểm cho mình bằng những nét đẹp thiêng liêng không bao giờ tàn úa. Nét đẹp của một đời hy sinh phục vụ, nét đẹp của sự khiêm nhường, luôn sẵng sàng dấn thân vì nước Trời.

Tiếp theo là nghi thức Khấn Trọn Đời, các chị tuyên khấn trước sự chứng kiến của Đức Cha chủ tế và toàn thể cộng đoàn: để tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi, con đã quyết tâm tận hiến đời con cho Chúa và nguyện trung thành bước theo sát Chúa Kitô hơn, nên trước mặt Đức Cha chủ tế, trước mặt anh chị em trong Hội Dòng, và trong tay chị Bề trên Tổng quyền. Con tuyên khấn trọn đời sống khiết tịnh, nghèo khó và vâng phục, theo Hiến Luật Dòng Chị Em Con Đức Mẹ Mân Côi Chí Hòa. Nhờ ơn Chúa Thánh Thần, con quyết tâm cùng với chị em trong Hội Dòng thực thi đức ái trọn hảo, và cùng Mẹ Maria Mân Côi sống mầu nhiệm cứu độ và mang ơn cứu độ đến cho mọi người. Amen.

Sau lời tuyên khấn, Đức Cha chủ tế làm phép nhẫn, và Đức Cha trao nhẫn cho các chị khấn sinh. Trao nhẫn là dấu chỉ của hôn ước, chủ tế đại diện Chúa Kitô trao nhẫn cho khấn sinh diễn tả giao ước tình yêu giữa Chúa Kitô và người được thánh hiến. Từ nay, chị nữ tu không còn sống riêng cho mình, nhưng hoàn toàn thuộc về Chúa Kitô.

Kết thúc nghi lễ Thánh Hiến Trọn Đời, tiếp theo nghi thức mừng Ngân Khánh Khấn Dòng. Các chị mừng Ngân Khánh tiến lên cung thánh, quỳ xuống đọc chung “Lời kinh cảm tạ 25 năm”.

Kết thúc nghi thức mừng Ngân Khánh Khấn Dòng, cả cộng đoàn sốt sắng tham dự Thánh lễ tiếp tục với phần phụng vụ Thánh Thể.

Sau lời nguyện hiệp lễ, chị Bề trên Tổng quyền dâng lời cảm ơn Đức Cha, quý Cha và toàn thể cộng đoàn.

Cuối Thánh lễ, các chị khấn sinh, quý chị bề trên đã chụp hình lưu niệm với Đức Cha Phêrô, quý Cha hạt trưởng, trên cung thánh trong ngày trọng đại của mình.

Nguyện xin Mẹ Maria Mân Côi, luôn theo dõi bước đường tận hiến, và nâng đỡ các chị trong từng bước đi của cuộc đời. Để nhờ Mẹ, với Mẹ và trong Mẹ Mân Côi, các chị hoàn tất thánh ý Chúa, và cuộc đời của các chị trở thành một khúc ca không ngừng cảm tạ, ca khen, tình yêu nhiệm mầu của Chúa Ba Ngôi.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Điều trần ở Quốc Hội Hoa Kỳ về vụ Cồn Dầu Đà Nẵng
Trà Mi / VOA
21:53 18/08/2010
Điều trần ở Quốc Hội Hoa Kỳ về vụ Cồn Dầu Đà Nẵng

Chiều ngày 18/8 tại Quốc hội Hoa Kỳ diễn ra một buổi điều trần trước Ủy Hội Nhân quyền Tom Lantos về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam, đặc biệt nhấn mạnh tới các diễn biến tại giáo xứ Cồn Dầu, Đà Nẵng, liên quan tới những tố cáo về việc chính quyền địa phương đàn áp, ngăn chặn đám tang của cụ Maria Đặng Thị Tân, đánh đập nhiều người bị thương và gây ra cái chết của ông Nguyễn Năm, đồng thời bắt giam nhiều cư dân địa phương trong vụ tranh chấp đất đai ở nghĩa trang Cồn Dầu. Tham gia buổi điều trần ngoài các dân biểu Liên bang Hoa Kỳ như Cao Quang Ánh, Chris Smith, và Frank Wolf còn có một số người thân của các nạn nhân ở Cồn Dầu, cùng đại diện một số tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế. Trong cuộc trao đổi với Trà Mi trước khi buổi điều trần diễn ra, dân biểu Cao Quang Ánh cho biết thêm chi tiết:

Dân biểu Cao Quang Ánh: Chúng tôi sẽ có một buổi điều trần về vụ Cồn Dầu. Trong buổi này, chúng tôi sẽ xem xét xem vụ Cồn Dầu xảy ra làm sao, hành động của chính quyền cộng sản Việt Nam đối với tự do tôn giáo thế nào, và tất cả vấn đề liên hệ tới tự do tôn giáo, tự do nhân quyền tại Việt Nam.

VOA: Riêng trong phần trình bày của mình, ông sẽ nhấn mạnh tới những điểm nào, thưa ông?

Dân biểu Cao Quang Ánh: Thứ nhất tôi sẽ nhấn mạnh về những sự vi phạm của cộng sản Việt Nam về tự do tôn giáo và việc chính phủ Mỹ có thể đóng góp và làm sao có thể áp lực Việt Nam thay đổi theo một đường hướng tốt đẹp hơn về vấn đề tự do tôn giáo trong nước Việt Nam.

VOA: Những vụ căng thẳng đất đai tại Việt Nam không phải là hiếm thấy, như vụ Bắc Giang, hay những vụ có liên quan tới Giáo hội Công giáo như vụ Thái Hà, An Bằng, hay Đồng Chiêm…nhưng vì sao đặc biệt lại có buổi điều trần tại Quốc hội Hoa Kỳ về vụ việc ở Cồn Dầu, thưa ông?

Dân biểu Cao Quang Ánh: Nói chung, vụ Cồn Dầu là một trong những sự vi phạm của chính quyền Việt Nam. Chắc chắn chúng tôi cũng sẽ nêu ra những vụ việc như vụ Đồng Chiêm, Bát Nhã, và tại những khu vực khác. Buổi điều trần này không phải về Cồn Dầu không, nhưng vì tình trạng mới xảy ra ở Cồn Dầu nên đó là một trong những vấn đề hiện tại mà chúng tôi phải chú ý tới. Nói chung, mục đích chính là để chúng tôi có thể hiểu biết thêm về những hành động của chính quyền Việt Nam ảnh hưởng tới tự do tôn giáo tại Việt Nam trong 2, 3 năm qua.

VOA: Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam hồi đầu tháng 5 khẳng định xung đột tại Cồn Dầu không liên quan tới tôn giáo, và những tin tức về việc chính quyền đàn áp, đánh đập dân là sai sự thật..

Dân biểu Cao Quang Ánh: Họ luôn luôn đưa ra những phát biểu như vậy. Tuy nhiên, về những hành động của chính quyền Việt Nam 3-4 năm qua, riêng tôi thấy rõ là tất cả những hành động của họ đều liên hệ tới việc đàn áp tôn giáo. Và chúng tôi sẽ nhấn mạnh về những vi phạm này.

VOA: Các lý do đưa ra để thuyết phục rằng những điều ông lên án là đúng sự thật để kêu gọi chính quyền Hoa Kỳ phải can thiệp vào vụ Cồn Dầu là gì, thưa ông?

Dân biểu Cao Quang Ánh: Hai, ba năm nay chúng tôi có theo dõi về các hành động của cộng sản Việt Nam, nhận thấy những sự vi phạm về tự do tôn giáo càng ngày càng tệ. Cho nên chúng tôi vẫn tiếp tục áp lực Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Việt Nam vào lại danh sách CPC (Các nước cần đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo) để buộc Việt Nam phải cải tổ những việc làm của họ đối với tự do tôn giáo, tự do nhân quyền.

VOA: Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Michael Michalak, xem vụ Cồn Dầu là chuyện tranh chấp đất đai nội bộ của Việt Nam không liên quan tới vấn đề tự do tôn giáo, và từ chối can thiệp. Ý kiến của ông ra sao?

Dân biểu Cao Quang Ánh: Nói chung, đối với Bộ Ngoại giao họ có những việc làm riêng của họ. Đường hướng của Ngoại trưởng Clinton và Tổng thống Obama có thể liên hệ tới những vấn đề khác. Nhưng đối với chúng tôi, những người trong Quốc hội Hoa Kỳ, việc làm của chúng tôi là cần phải tìm hiểu mọi sự đã xảy ra ở Cồn Dầu. Và nếu chúng tôi có thể làm được những gì để thúc đẩy Việt Nam phải thay đổi tự do tôn giáo, tự do nhân quyền thì chúng tôi sẽ tiếp tục làm những việc đó.

VOA: Làm thế nào để chứng minh rằng vụ việc này có liên quan tới quyền tự do tôn giáo, thưa dân biểu Cao?

Dân biểu Cao Quang Ánh: Những sự xảy ra ở Cồn Dầu cũng như ở Bát Nhã hay Đồng Chiêm, nếu chúng ta theo dõi những diễn tiến đã xảy ra trong 2, 3 năm qua sẽ thấy rằng đây là những hình thức lập đi lập lại mà cộng sản Việt Nam đã làm. Đây là những bằng chứng, những hành động rõ ràng cho thấy chính quyền Việt Nam có những việc làm càng ngày càng tệ, chứ họ không chú ý tới quyền tự do tôn giáo của dân chúng ở trong nước Việt Nam.

VOA: Ông kỳ vọng gì sau buổi điều trần này và các bước tiếp sau đó sẽ như thế nào?

Dân biểu Cao Quang Ánh: Chúng tôi muốn qua buổi điều trần này thành lập những đường hướng cho những năm tới. Cho nên, đây là những bước mà chúng tôi cần phải tiếp tục tiến hành nếu chúng tôi có đủ những bằng chứng, có đủ những điều kiện để đẩy các đạo luật như Đạo luật Tự do-Nhân quyền cho Việt Nam và những đạo luật khác mà chúng tôi đang tiếp tục vận động trong Quốc hội Hoa Kỳ đối với Bộ Ngoại giao.

VOA: Xin chân thành cảm ơn dân biểu Cao Quang Ánh đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi này.

Dân biểu Cao Quang Ánh: Vâng, xin cảm ơn chị.
 
Liên Đoàn CGVN Hoa Kỳ
Nhắn Tin: Xin qúy Linh Mục Việt Nam tại Hoa Kỳ giúp cập nhật địa chỉ
VP CĐGSTS
11:15 18/08/2010
Kính thưa qúy Đức ông và qúy Cha,

Vào mùa Hè hằng năm, thường có một số Linh mục được bài sai phục vụ tại một địa điểm mới. Cộng Đồng Giáo Sĩ và Tu Sĩ & Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ kính xin qúy Cha vui lòng thông báo cho chúng con biết địa chỉ mới, số điện thoại và e-mail mỗi khi di chuyển, để danh sách anh em Linh mục chúng ta được cập nhật.

Chúng con đặc biệt xin chúc mừng qúy tân Linh mục trong thời gian gần đây, và xin qúy Cha giúp gửi cho chúng con được biết nhiệm sở phục vụ mới để chúng ta có dịp liên lạc với nhau.

Chúng con cũng rất mong được liên lạc với quý cha và qúy tu sĩ nam nữ đang du học tại Mỹ.

Một lần nữa, kính xin qúy Đức ông và qúy Cha tiếp tục giúp cập nhật địa chỉ mới mỗi khi có sự thay đổi.

Nếu sử dụng e-mail, xin gửi thông tin về Thư ký Văn phòng bantinliendoan@gmail.com
hoặc gửi qua đường Bưu Điện:
Cộng Đồng Giáo Sĩ và Tu Sĩ
Rev. Joseph Nguyễn Thanh Liêm
P.O. Box 1958
Flowery Br., GA 30542


Chân thành cám ơn qúy Đức ông và qúy Cha.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Tướng Trung Quốc bàn về niềm tin và đạo đức
Lưu Á Châu
11:03 18/08/2010
Có một câu chí lý thế này: Hay bàn luận về khuyết điểm của người khác thì anh là kẻ đạo đức thấp kém. Hay bàn luận về khuyết điểm của nhân loại thì anh là một nhà tư tưởng.
Tác giả: Lưu Á Châu (Liu Ya-zhou, Trung Quốc)

LTS tuanvietnam: Lưu Á Châu sinh năm 1952, là con rể cố Chủ tịch nước Trung Quốc Lý Tiên Niệm, có thời là Phó Chính uỷ bộ đội không quân Trung Quốc, nay là Chính uỷ Trường đại học Quốc phòng Trung
Ông Lưu Á Châu
Quốc, từng là giáo sư thỉnh giảng của ĐH Stanford Mỹ. Ông đồng thời là một nhà văn có tiếng, chủ nhân một số giải thưởng văn học. Các bài viết của ông ngôn từ mạnh dạn, quan điểm mới mẻ (nhất là quan điểm đối với Mỹ), lập luận sắc bén của ông được dư luận rất quan tâm. Dưới đây là phần lược dịch bài nói ngày 11/9/2002 của ông Trung tướng không quân Lưu Á Châu, lúc đó là Chính uỷ bộ đội không quân Quân khu Thành Đô Trung Quốc, trước các cán bộ quân đội cấp tiểu đoàn trở lên tại căn cứ không quân Côn Minh, Vân Nam.


Người phê phán văn hoá Trung Hoa

Trong quá khứ, tôi trước tiên là người kế thừa văn hoá Trung Hoa, sau đó mới là người phê phán văn hoá Trung Hoa. Hiện nay tôi trước tiên là người phê phán văn hoá Trung Hoa sau đó mới là người kế thừa.

Lịch sử phương Tây là một bộ sử sửa cái xấu, cái sai thành cái tốt, cái đúng. Lịch sử Trung Quốc thì là một bộ sử sửa cái tốt cái đúng thành cái xấu cái sai. Thời cổ, phương Tây cái gì cũng cấm, chỉ có điều không cấm bản năng con người. Trung Quốc cái gì cũng không cấm, riêng bản năng thì cấm.

Người phương Tây dám thể hiện bản thân, tức thể hiện tư tưởng mình và còn dám phô bầy thân xác loã lồ của mình. Trung Quốc chỉ biết mặc quần áo, mặc quần áo cho tư tưởng. Mặc bao giờ cũng dễ hơn cởi. Phương Tây đả kích mặt đen tối của mình, cho nên tìm được ánh sáng, tư tưởng của họ đang bay bổng. Chúng ta ca ngợi sự sáng sủa của mình, kết quả đem lại bóng tối nghìn năm.

Trung Quốc không có nhà tư tưởng, chỉ có nhà mưu lược. Hegel từng nói: “Trung Quốc không có triết học.” Tôi cho rằng mấy nghìn năm nay Trung Quốc chưa sản sinh được nhà tư tưởng nào. Nhà tư tưởng tôi nói là những người như Hegel, Socrates, Plato, những nhà tư tưởng ấy có cống hiến to lớn đối với tiến trình văn minh nhân loại. Lão Đan [tức Lão Tử - ND], bạn nói ông ấy là nhà tư tưởng phải không?

Chỉ dựa vào “Đạo đức kinh” 5000 chữ mà có thể làm nhà tư tưởng ư? Đấy là chưa nói “Đạo đức kinh” của ông có vấn đề.

Khổng Tử có thể coi là nhà tư tưởng chăng? Thế hệ chúng ta xem xét ông thế nào? Tác phẩm của ông bị xem xét ra sao? Tác phẩm của ông chưa từng cung cấp cho nội tâm người Trung Quốc một hệ thống giá trị có thể đối kháng quyền lực thế tục. Cái mà ông cung cấp là tất cả xoay xung quanh quyền lực.

Nếu Nho học là một tôn giáo thì đó là một tôn giáo rởm; nếu là tín ngưỡng thì là tín ngưỡng rởm; nếu là triết học thì đó là triết học của xã hội quan trường hoá. Xét trên ý nghĩa này thì Nho học có tội với người Trung Quốc.

Trung Quốc không thể có nhà tư tưởng, chỉ có nhà mưu lược. Xã hội Trung Quốc là xã hội binh pháp, dân tộc ta chỉ tôn sùng nhà mưu lược. Một Gia Cát Lượng chẳng mấy thành công về sự nghiệp lại được người ta kỷ niệm nhiều lần. Ông ấy bụng dạ kém khoáng đạt, cách dùng người cũng chưa thích hợp.

Có tư liệu cho thấy ông ta còn là kẻ lộng quyền. Nhưng chính con người như thế lại được nâng lên tầm cao phát sợ. Đây cũng là một phác hoạ tâm hồn dân tộc ta. Dưới hình thái xã hội như thế có ba loại hành vi thịnh hành ở Trung Quốc.

Ba loại hành vi thịnh hành tại Trung Quốc

1.Thuật nguỵ biện. Con trai tôi năm nay thi vào khoa báo chí một trường đại học. Khoa này là một trong những khoa báo chí tốt nhất Trung Quốc. Tôi bảo nó: Đưa giáo trình cho bố xem. Đọc xong tôi bảo thứ này không đáng đọc. Trong giáo trình có một suy đoán như sau: Trung Quốc phát minh ra thuốc nổ; thuốc nổ truyền tới châu Âu đã phá tan dinh luỹ phong kiến Trung thế kỷ của châu Âu. Thật nực cười. Thuốc nổ anh phát minh ra phá tan dinh luỹ phong kiến của người ta, thế sao dinh luỹ của chính anh lại không bị phá vỡ? Ngược lại còn vững chắc hơn?

Tại Đại học Quốc phòng Trung Quốc, khi thảo luận vấn đề Đài Loan có một quan điểm được nhiều người tán đồng như sau: Đài Loan như một cái ổ khoá. Nếu không giải quyết được vấn đề Đài Loan thì ổ khoá ấy sẽ khoá chặt cánh cổng lớn của Trung Quốc, Trung Quốc sẽ không có lối ra biển cả. Đó là sự nguỵ biện. Tây Ban Nha sau khi trở thành cường quốc biển, đâu có thể ngăn cản anh hàng xóm Bồ Đào Nha cũng trở thành cường quốc biển. Eo biển Dover của Pháp cách nước Anh có 28 hải lý, Anh Quốc có thể ngăn cản Pháp trở thành cường quốc biển không?

Trung Quốc mất biển, chủ yếu là do tầng lớp thống trị Trung Quốc nhiều đời chưa có quan điểm Quyền lực biển.

Có lẽ mọi người chưa chú ý tới chuyện một số hội Phật Giáo, Đạo giáo thường đứng ra chủ trì việc phê phán một số đoàn thể mê tín phong kiến, các vị đạo trưởng ung dung nói năng, phê phán người ta là mê tín phong kiến. Tôi muốn cười thầm nhưng lại không nhịn được cười thành tiếng. Bảo người ta là mê tín phong kiến, lẽ nào ông là duy vật chăng? Chẳng phải cũng là mê tín đó sao?

2. Đối ngoại lôi kéo vỗ về, đối nội tàn nhẫn. Văn minh châu Âu và văn minh Trung Quốc hầu như đồng thời cất bước nhưng châu Âu hình thành nhiều quốc gia nhỏ, Trung Quốc hình thành một đại đế quốc thống nhất. Nói tới chuyện này chúng ta thường hí hửng phấn khởi. Thực ra châu Âu hình thành nhiều quốc gia như thế chính là một dạng thể hiện tư tưởng tự do của họ. Tuy hình thành nhiều quốc gia như vậy nhưng bao nhiêu thứ có liên quan đến văn minh nhân loại chính là sinh ra từ các tiểu quốc chia tách ra ấy.

Còn chúng ta đã làm được gì cho văn minh thế giới? Có thể khẳng định, thống nhất giang sơn có mối quan hệ tất nhiên nào đó với tư tưởng thống nhất. Xã hội mưu lược là xã hội hướng nội.

Tôi từng nghiên cứu kỹ sự khác biệt giữa Trung Quốc với Mỹ. Trên mặt công việc quốc tế, về cơ bản Trung Quốc mềm mỏng, còn trên mặt công việc trong nước thì cứng rắn. Nước Mỹ ngược lại, họ rắn trên mặt công việc quốc tế, mềm trên mặt công việc trong nước. Chẳng còn nhớ trong một cuốn sách nào đấy tôi có đề cập vấn đề này, có lẽ là cuốn Đánh giá nguy hiểm tác chiến với Đài Loan, và kết luận: Chuyện này là do sự khác biệt văn hoá quyết định.

Văn hoá Trung Quốc có tính khép kín, kín đáo, hướng nội. Văn hoá Mỹ thì cởi mở, hướng ngoại. Tư tưởng đại nhất thống cũng là tư tưởng kiểu hướng nội. Điều đó giải thích vì sao trước bọn xâm lược nước ngoài thì chúng ta là bầy cừu, trước đồng bào mình thì chúng ta là lang sói. Ngót trăm lính Nhật là đủ để áp giải 50 nghìn tù binh quân Quốc Dân Đảng đến Yến Tử Cơ [một địa danh thuộc tỉnh Giang Tô - ND] xử bắn. Chưa nói đến chống lại, các tù binh này chẳng có cả tới dũng khí bỏ chạy nữa kia.

3. Hành vi thô bỉ. Sự thô bỉ về tinh thần ắt đem lại sự thô bỉ trong hành vi. Sự cao quý tinh thần ắt sẽ đem lại sự cao quý trong hành vi. Khoảng hai chục năm trước khu phố nhà tôi có xảy ra chuyện như sau: Một đôi vợ chồng li dị, ông chồng dẫn cô bồ mới về nhà, hai vợ chồng cãi nhau. Bà vợ chạy lên gác trên muốn nhảy lầu. Rất nhiều người xúm lại xem. Có kẻ vì hí hửng khi thấy người khác gặp tai nạn mà hét to: “Nhảy đi, nhảy đi!” Về sau cảnh sát đến cứu được bà kia xuống, những người xem thậm chí còn cảm thấy tiếc rẻ.

Tôi thở dài một cái rồi về nhà, mở ti-vi xem. Đúng lúc ấy trên ti-vi đang chiếu bộ phim kể về một chuyện có thật xảy ra ở châu Âu. Chuyện như sau: Một nước nào đó, nhớ mang máng là Hungary thì phải, 70 năm trước có một anh thợ mỏ trẻ sắp cưới vợ. Trong lần cuối cùng xuống giếng mỏ trước ngày cưới thì mỏ xảy ra sụt lở, anh thợ kia mãi mãi không thể trở về. Cô dâu không thể tin rằng người yêu của mình có thể bỏ cô mà đi, cứ thế đằng đẵng chờ 70 năm trời.

Cách đây ít lâu người ta sửa lại hầm mỏ, phát hiện thấy trong vũng nước đọng ở chỗ sâu có một xác người. Đó chính là chàng rể – thợ mỏ nọ bị vùi dưới giếng 70 năm trước. Vì dưới ấy không có không khí, xác lại ngâm trong nước có khoáng chất nên người ấy trông vẫn trẻ như lúc chết. Cô dâu thì đã là bà lão tóc bạc phơ.

Bà cụ ôm lấy người yêu khóc nức nở. Bà quyết định tiếp tục làm lễ cưới của họ. Cảnh này thật quá xúc động: Cô dâu 80 tuổi mặc áo cưới trang trọng một màu trắng như tuyết. Tóc cũng trắng như tuyết. Người yêu của bà thì vẫn trẻ như xưa, mắt nhắm nghiền nằm trên cỗ xe ngựa. Hôn lễ và tang lễ đồng thời tiến hành. Bao nhiêu người rơi lệ.

Vụ 11/9 thử thách trình độ đạo đức quốc dân

Vụ 11/9 năm ngoái là sự việc có thể khảo nghiệm trình độ đạo đức của dân tộc ta nhất. Hôm nay [tức 11/09/2002 - ND] vừa đúng tròn một năm sự kiện ấy. Vụ 11/9 tuy không thể thay đổi thế giới nhưng đã thay đổi nước Mỹ. Đồng thời, thế giới sau ngày ấy rất khó trở lại trước sự kiện này.

Khi xảy ra vụ 11/9, ít nhất trong một quãng thời gian sau đó nước ta bị bao phủ bởi một bầu không khí không lành mạnh. Tối hôm 12/9, có người bạn gọi điện thoại cho tôi nói sinh viên ĐH Bắc Kinh và ĐH Thanh Hoa đang khua chiêng gõ trống. Tôi bảo đội tuyển bóng đá quốc gia Trung Quốc còn chưa lọt vào vòng sau kia mà, phải đến mồng 7/10 đội Trung Quốc mới đấu trận cuối cùng với đội Liên hiệp Vương quốc A Rập, nếu thắng thì sẽ lọt vào danh sách dự World Cup. Một lúc sau mới biết thì ra sinh viên Trung Quốc đang chúc mừng việc toà tháp đôi Mỹ bị đánh sập.

Báo chí nước ngoài đưa tin: Hồi ấy có một đoàn nhà báo Trung Quốc đang ở thăm Mỹ, khi thấy hình ảnh toà nhà Trung tâm Thương mại thế giới bị đánh phá, các thành viên đoàn nhà báo này bất giác vỗ tay. Đây là một dạng ngấm văn hoá; điều đó không thể trách họ, bọn họ đã không thể kiềm chế được bản thân.

Kết quả họ bị [chính phủ Mỹ - ND] tuyên bố là những người mãi mãi không được hoan nghênh. Hồi ấy tôi đang ở Không quân Bắc Kinh [1], mấy hôm ấy đều có người ở bộ đội đến thăm, gặp ai tôi cũng hỏi quan điểm của họ đối với vụ 11/9. Tất cả đều trả lời: Đánh bom hay lắm.

Sau này tôi nói đây là một tình trạng rất đáng buồn. Nếu những người ấy yêu mến Trung Quốc, thế thì có cứu được Trung Quốc hay không? Về giới truyền thông thì càng chẳng nên nhắc tới. Ở Trung Quốc, nơi không có tin tức nhất là trên báo chí.

Năm 1997 công nương Diana chết vì tai nạn giao thông. Cho dù Diana là người thế nào, hoàng gia Anh Quốc ra sao thì ít nhất bà ấy cũng có giá trị tin tức. Các tờ báo lớn trên thế giới đều đăng tin này trên trang nhất, riêng báo chí Trung Quốc không đăng tin ấy. Hôm đó tin tức đầu bảng của các tờ báo lớn ở Bắc Kinh là “Các trường trung, tiểu học Bắc Kinh hôm nay khai giảng”. Tin này chẳng khác gì tin “Người Bắc Kinh hôm nay ăn sáng rồi”, chỉ có cái giá trị [thông tin - ND] ấy thôi.

Tối hôm 11/9 tôi ngồi xem chương trình “Tiêu điểm phỏng vấn” trên ti-vi. Tôi muốn xem xem “những cái miệng lưỡi của đất nước” đánh giá tiêu điểm vụ 11/9 như thế nào. Kết quả chương trình “Tiêu điểm phỏng vấn” hôm ấy có nội dung là nói về việc các chi bộ ở nông thôn tăng cường xây dựng chi bộ gì gì đó. Bạn muốn xem cái gì thì không có cái ấy. Cái bạn không muốn nghe thì người ta cứ nói cho mà nghe. Dĩ nhiên, những cái miệng lưỡi của quốc gia thì vô tội.

Văn hoá truyền thống ảnh hưởng tới quan niệm đạo đức

Năm 1999 Mỹ tấn công Nam Tư. Trung Quốc đứng ra phản đối. Cái giá của lần ấy là Đại sứ quán Trung Quốc tại Nam Tư bị bắn phá. Suýt nữa thì Trung Quốc lại đứng ra lần nữa. Đoàn tàu văn hoá này của chúng ta có quán tính lớn, chở chúng ta, những kẻ có khiếm khuyết đạo đức, phóng như bay tới điểm chót.

Hồi ấy có người còn đề xuất nhân dịp này tấn công Đài Loan, ra tay một lần là xong. Có thể thông cảm với nỗi lòng của các bạn ấy, nhưng bấy giờ quả thật không phải là thời cơ thích hợp. Hồi ấy tôi nghĩ, vụ 11/9 chết bao nhiêu người, đều là người vô tội. Cái mất đi là sinh mạng con người, thứ tôn nghiêm nhất trên thế giới. Những sinh mạng ấy không có liên quan với chính phủ Mỹ. Chúng ta dùng thái độ như vậy đối xử với người ta, nhưng người ta không dùng thái độ như vậy đối xử với ta.

Thảm án Dover hình thành sự đối chiếu rõ rệt với việc này. Năm 2000, một đoàn người Phúc Kiến vượt biên trái phép ngồi trong xe thùng bịt kín cập cảng Dover lên đất Anh Quốc. Vì ngồi mấy chục giờ trong thùng xe thiếu không khí, tất cả đều chết ngạt [2], chỉ có 2 người sống sót.

Khi vụ này bị phanh phui, không một quan chức nào của Đại sứ quán Trung Quốc xuất đầu lộ diện. Cuối cùng dân chúng Anh Quốc vùng Dover tự phát làm lễ truy điệu và lễ thắp nến tưởng niệm những người đã chết.

Rất nhiều trẻ em tham dự, chúng cầm trong tay những thứ đồ chơi chế tạo tại Trung Quốc. Nhân đây xin nói thêm, hiện nay 90% đồ chơi trên thế giới là Made in China. Nhà báo hỏi lũ trẻ: Tại sao các cháu dự lễ truy điệu? Bọn trẻ nói: Họ cũng là người cả mà; các thứ đồ chơi trong tay chúng cháu cầm đây có thể là do những người trong số họ sản xuất.

Không một người Trung Quốc nào có mặt trong buổi lễ truy điệu ấy. Thế nào là văn minh, thế nào là không văn minh? Tôi đang suy nghĩ.

Thờ ơ, coi nhẹ sinh mạng con người thật đáng sợ

Thật là đáng sợ khi người ta ca ngợi khủng bố. Trung Quốc thoát thai từ nền văn hoá giáo dục Trung Quốc, trước hết thờ ơ coi khinh sinh mạng của chính mình, từ đó mới có thái độ coi tính mạng của người khác, nước khác như trò trẻ
Nhà văn Lỗ Tấn

con. Bản thân không có quyền lực quý trọng sinh mạng mình, cũng không cho người khác có cái quyền ấy. Tâm trạng “khán giả” năm xưa từng bị Lỗ Tấn hồi trẻ phê phán chính là được tôi luyện như vậy đấy.

Người Trung Quốc xem cảnh giết người khác, không ai không vui mừng phấn khởi. Giai cấp thống trị cố ý đem người ta ra giết tại nơi đông người. Kẻ bị thống trị thì hưởng thụ tại nơi đông người cái cảm giác khoái trá của kẻ thống trị. Nhất là khi xử tử bằng kiểu tùng xẻo, kéo dài ba ngày, người xem đông nghìn nghịt. Cả đến những chủ sạp hàng nhỏ cũng bày hàng ra bán tại đấy. Đao phủ còn bán bánh màn thầu dính máu.

Trung Quốc ngày nay không có tục tùng xẻo nữa. Nhưng xử án tại nơi đông người cũng là sự mở rộng tập quán đó. Người nước ta năm nào đi xem giết Lục Quân Tử Đàm Tự Đồng [3] như đi trẩy hội. Với những người như thế, trong cuộc chiến tranh Giáp Ngọ [4] ta sao mà không mất Đài Loan. Con cháu họ, tức chúng ta, nếu lại như họ thì làm sao mà giải phóng được Đài Loan.

Khi có kẻ xấu hành hung trên xe buýt, những người đi xe đều im thin thít. Dựa vào những con người ấy đi giải phóng Đài Loan ư? Dựa vào họ để thực hiện 4 hiện đại hoá ư? Bạn thực hiện 4 hiện đại hoá rồi thì có lợi gì nhỉ?

Sáng nay khi tập thể dục tôi tranh thủ xem truyền hình, chương trình quảng cáo “Tin tức buổi sáng”, sản phẩm nào bán chạy nhất? Đó là cửa chống trộm. Đây là nỗi buồn của một dân tộc. Bạn xem đấy, nhà chúng ta ở chẳng khác gì cái cũi. Tại Thành Đô, tôi ở căn nhà mấy vị chính uỷ không quân tiền nhiệm từng ở. Tôi vào xem, ôi chao, như vào nhà giam ấy. Cửa sổ, ban công đều bao bọc bằng hàng rào chấn song chống trộm. Tôi bảo dỡ bỏ hết.

Hôm nọ đọc một cuốn sách có tên “Trung Quốc có thể nói Không”. Tôi bảo, anh có thể nói Không, nhưng anh đứng sau cánh cửa chống trộm mà nói Không; đó chẳng phải là dũng sĩ mà là kẻ hèn nhát. Kiều Lương [5] nói chí lý: [Đó là] “Những người yêu nước khi gặp bọn trộm cướp mà còn lánh mặt nhưng lại dũng cảm dõng dạc nói Không với một cường quốc ở xa tít mù!”

Cần nhìn nhận nước Mỹ một cách khách quan toàn diện. Nước Mỹ là một quốc gia như thế nào? Nhớ lại hồi trẻ từng nghe một câu nói hình dung thành phố New York: Cái tốt nhất trên thế giới và cái xấu nhất trên thế giới cộng lại với nhau thì là New York. Dùng câu ấy để hình dung nước Mỹ ngày nay có thích hợp hay không?

Thế hệ quân nhân chúng ta, những quân nhân đảm nhận niềm hy vọng tương lai của tổ quốc, vừa không nên làm “phái thân Mỹ”, cũng chẳng thể làm “phái chống Mỹ” một cách đơn giản, mà nên làm “phái hiểu Mỹ” chín chắn.

Hiểu kẻ địch thì mới chiến thắng được kẻ địch. Đánh giá thấp đối thủ tức là đánh giá thấp chính mình. Thác Bạt Đạo [6] đổi tên nước của Nhu Nhiên thành “Nhu Nhu”, ý là sâu bọ, nhưng chính ông lại bị con sâu ấy đánh bại. Thế thì ông chẳng bằng con sâu nữa kia.

Mối quan hệ Trung Quốc- Mỹ có xung đột nhưng cũng có lợi ích chung nhất định. Làm thế nào hoá giải xung đột, phát triển lợi ích chung là việc các nhà ngoại giao Trung Quốc hiện nay nên cố gắng làm.

Trung Quốc muốn phát triển thì không thể cắt đứt sự đi lại với thế giới. Thế giới hiện nay là đơn cực, chỉ khi nào Mỹ suy sụp thì mới có thể xuất hiện thế giới đa cực. Chúng ta vừa không thể cắt quan hệ với Mỹ lại vừa không thể có quá nhiều kỳ vọng về Mỹ. Hiện nay mà đối kháng với Mỹ thì chưa phải là thời cơ thích hợp nhất. Lợi ích quốc gia nên mãi mãi là chuẩn tắc cao nhất cho hành động của chúng ta. Chúng ta cần nhẫn nại; nhẫn nại không phải là mềm yếu, chỉ có khuất phục mới là mềm yếu.

Đấu tranh ngoại giao càng cần đấu trí

Dĩ nhiên Mỹ không từ bỏ dã tâm diệt chủ nghĩa xã hội. Dĩ nhiên Mỹ không muốn Trung Quốc trỗi dậy, không muốn kinh tế Trung Quốc phát triển đi lên. Nhưng cần nhớ cho kỹ: Khi đấu tranh với đối thủ, nhất định phải làm cho đối thủ của anh nhìn thấy cái tình hình họ không muốn thấy nhất.

Người Mỹ muốn người Trung Quốc đánh nội chiến; chúng ta quả thật đánh nội chiến rồi. Họ không rúc trong chăn mà cười đến nôn ruột thì mới lạ chứ. Dĩ nhiên nhất mực “Nằm gai nếm mật, thao quang dưỡng hối [vờ ngu giả dại/ giấu tài - ND]” cũng không được.

Là một nước lớn, Trung Quốc có thể làm theo cách như một võ hiệp thời xưa ẩn vào núi sâu khổ luyện võ công, chờ khi võ nghệ cao cường rồi tái xuất quyết thắng kẻ địch chăng? Với số dân và tài nguyên của Trung Quốc, đặc biệt là với nền văn hoá của mình, Trung Quốc không thể lớn mạnh như nước Mỹ được, huống chi Mỹ cũng chẳng dừng lại không tiến lên.

Vẫn là Mao Trạch Đông nói chí lý: “Đánh vẫn cứ phải đánh, đàm [đàm phán - ND] vẫn cứ phải đàm, hoà vẫn cứ phải hoà.” Con người cần khôn ngoan tài trí, đấu tranh ngoại giao lại càng cần khôn ngoan. Phải dắt mũi người ta mà đi chứ đừng bị người ta dắt.

Khơ-rut-xôp là một tay khôn ngoan. Tôi xin kể cho các bạn nghe chuyện này: Tại một đại hội nọ [ý nói Đại hội XX đảng Cộng sản Liên Xô - ND], Khơ-rut-xôp ra sức vạch trần và phê phán chế độ chính trị tàn bạo của Stalin. Có người chuyển lên một mẩu giấy chất vấn Khơ-rut-xôp: Bản thân Khơ-rut-xôp cũng là một thành viên trong tập đoàn quyền lực nòng cốt khi Stalin nắm chính quyền.

Vì sao hồi ấy ông không đứng lên chống lại sự độc đoán của Stalin? Khơ-rut-xôp cao giọng đọc nội dung mẩu giấy kia rồi lớn tiếng nói với mọi người: Đây là mẩu giấy của ai thế? Xin người đó đứng ra! Đứng ra nào! … Bên dưới nhốn nháo một lúc nhưng chẳng thấy ai đứng ra cả.

Khơ-rut-xôp nói: Mọi người xem đấy, chúng ta hiện nay dân chủ như thế này, trong tình hình chẳng có gì phải sợ hãi mà ngay cả đồng chí viết mẩu giấy này cũng không dám đứng ra. Vậy hãy nghĩ xem, trong bầu không khí dưới thời Stalin thống trị ấy có người nào dám đứng ra cãi lại Stalin không? Cả hội trường vỗ tay.

Chúng ta đấu tranh với Mỹ nên có sự khôn ngoan ấy của Khơ-rut-xôp. Khi cần thao quang dưỡng hối thì thao quang dưỡng hối đến tận nhà. Như một câu đồng chí Đặng Tiểu Bình năm nào nói với Thủ tướng Canada Trudeau (đại ý): Cái Thao quang dưỡng hối chúng tôi nói bao gồm cả việc không cần giữ thể diện cũng nhất định phải giữ mối quan hệ với quốc gia phát triển nhất trên thế giới. Ý của đồng chí Đặng Tiểu Bình là Trung Quốc nhất định phải bước cùng nhịp với văn minh thế giới, không thể xa rời nền văn minh thế giới.

Không có lý do căm ghét Mỹ

Trong sự kiện 11/9, trừ một số quốc gia cá biệt, một bộ phận dân chúng Trung Quốc (chứ không phải là chính phủ) đã tỏ ra mình ở cách nền văn minh dòng chính của thế giới một khoảng cách xa nhất.

Khi cần đấu tranh thì một tấc cũng không nhường. “Sùng bái Mỹ” là không đúng, “Thân Mỹ” không đúng, “Ghét Mỹ” cũng không đúng. Chính phủ và chính khách Mỹ vừa giống dân chúng Mỹ lại vừa không giống. Bạn cần phải có trí tuệ cao để phân biệt họ.

Trong quá khứ, vì để giúp Trung Quốc thoát khỏi ách thống trị thực dân mà Mỹ đánh bại Nhật, họ có cống hiến lớn đối với tiến bộ văn minh của xã hội Trung Quốc. Hai nước Trung Quốc – Mỹ không có xung đột lợi ích căn bản. Ngày nay, do lợi ích của Mỹ rải khắp toàn cầu nên 2 nước có xung đột. Nhưng chúng ta vẫn phải dùng tấm lòng đạo đức để bình xét sự vật chứ không thể kích động. Tôi từng nói rằng đối với Nhật, một nước từng tàn sát mấy chục triệu đồng bào ta, mà chúng ta thường xuyên nói 2 nước “phải đời đời kiếp kiếp hữu hảo với nhau”. Thế thì chúng ta có lý do nào để căm ghét nhân dân Mỹ từng giúp ta đánh bại Nhật?

Những cái đáng sợ của Mỹ

Đâu là chỗ thực sự đáng sợ của nước Mỹ? Tuy rằng Mỹ có quân đội mạnh nhất thế giới, khoa học kỹ thuật tiên tiến nhất thế giới, nhưng tôi cho rằng những cái đó không đáng sợ. Nghe nói máy bay tàng hình của Mỹ thường xuyên ra vào bầu trời Trung Quốc rất thoải mái, nhưng điều ấy chẳng có gì đáng sợ cả. Cái đáng sợ của họ không phải là những thứ ấy.

Năm 1972, tôi học ở Đại học Vũ Hán, lên lớp giờ chính trị. Một thầy giáo khoa chính trị nói: “Nước Mỹ là đại diện của các nước tư bản mục nát, suy tàn, đã sắp xuống mồ, hết hơi rồi.” Tôi, một sinh viên công nông binh mặc bộ quân phục, đứng ngay lên phản bác: “Thưa thày, em cảm thấy thầy nói không đúng ạ. Tuy rằng nước Mỹ không giống Trung Quốc là mặt trời nhô lên lúc 8 – 9 giờ sáng, nhưng Mỹ cũng chẳng phải là mặt trời đang lặn gì gì đó, mà là mặt trời lúc giữa trưa ạ.”

Thầy giáo bực mình, tái mét mặt ấp úng nói: “Cái cậu học sinh này, sao dám nói thế hả!” Ông ấy không hỏi tôi tại sao lại nói thế, mà dùng một chữ “dám”. Lúc đó tôi thấy hết tâm trạng của ông.

Chính là cái nước tư bản mục ruỗng suy tàn ấy vào thập niên 90 thế kỷ trước đã lãnh đạo cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật mới nhất trên thế giới. Tôi tốt nghiệp đại học đúng vào lúc bắt đầu cải cách mở cửa. Tôi lại có một quan điểm: Nước Mỹ là quốc gia do hàng chục triệu con người không yêu tổ quốc mình hợp thành, nhưng họ đều rất yêu nước Mỹ. Hồi ấy rất nhiều người lãnh đạo vừa chửi Mỹ vừa gửi con cái mình sang Mỹ. Một sự tương phản lớn!

Nói một thôi một hồi rồi, vậy thì cái đáng sợ của Mỹ là ở đâu? Tôi cảm thấy có ba điểm.

Điểm thứ nhất, không thể coi thường cơ chế tinh anh của Mỹ. Chế độ cán bộ, chế độ tranh cử của Mỹ có thể bảo đảm những người quyết sách đều là tinh anh. Bi kịch của Trung Quốc chúng ta, lớn đến nhà nước, nhỏ tới từng đơn vị, phần lớn tình hình là người có tư tưởng thì không quyết sách, người quyết sách thì không có tư tưởng. Có đầu óc thì không có cương vị, có cương vị thì không có đầu óc.

Nước Mỹ ngược hẳn lại, cơ chế hình tháp của họ đưa được những người tinh anh lên. Nhờ thế, 1 là họ không mắc sai lầm; 2 là họ ít mắc sai lầm; 3 là mắc sai lầm thì có thể nhanh chóng sửa sai. Chúng ta thì mắc sai lầm, thường xuyên mắc sai lầm, mắc sai lầm rồi thì rất khó sửa sai.

Mỹ dùng một hòn đảo Đài Loan nhỏ xíu để kiềm chế Trung Quốc chẵn nửa thế kỷ. Nước cờ này họ đi thật linh hoạt, thật thần kỳ. Một Đài Loan làm thay đổi hẳn sinh thái chính trị quốc tế. Điều tôi lo ngại nhất là bộ khung chiến lược phát triển Trung Quốc trong thế kỷ mới sẽ vì vấn đề Đài Loan mà biến dạng. Ngày nay, đối với các dân tộc có thế mạnh thì tính quan trọng của lãnh thổ đã giảm nhiều, đã chuyển từ tìm kiếm lãnh thổ sang tìm kiếm thế mạnh của quốc gia.

Người Mỹ không có yêu cầu lãnh thổ đối với bất cứ quốc gia nào. Nước Mỹ không quan tâm lãnh thổ, toàn bộ những gì họ làm trong thế kỷ XX đều là để tạo thế. Tạo thế là gì? Ngoài sự lớn mạnh về kinh tế thì là lòng dân chứ còn gì nữa! Có lòng dân thì quốc gia có lực ngưng tụ, lãnh thổ mất rồi sẽ có thể lấy lại. Không có lòng dân thì khẳng định đất đai anh sở hữu sẽ bị mất. Có nhà lãnh đạo quốc gia chỉ nhìn một bước. Nước Mỹ hành sự thường nhìn 10 bước. Vì thế cho nên mỗi sự kiện lớn toàn cầu xảy ra sau ngày Thế chiến II chấm dứt đều góp phần làm tăng cường địa vị nước Mỹ. Nếu chúng ta bị họ dắt mũi thì có thể sẽ mất hết mọi con bài chiến lược.

Tôi nhiều lần nói là trung tâm chiến lược của Mỹ sẽ không chuyển sang châu Á đâu, song điều đó không có nghĩa là Mỹ không bao vây Trung Quốc. Rất nhiều bạn chỉ thấy Mỹ bao vây Trung Quốc về quân sự, cũng như rất nhiều người chỉ thấy khoảng cách chênh lệch về Khoa Học Kỹ Thuật và trang bị vũ khí giữa 2 nước mà chưa nhìn thấy sự mất cân đối nghiêm trọng hơn sự lạc hậu về trang bị trên mặt chiến lược lớn, nhất là trên tầng nấc ngoại giao.

Sau vụ 11/9, Mỹ nhanh chóng chiếm Afghanistan trong vòng 2 tháng, từ phía Tây bao vây Trung Quốc. Sức ép quân sự của Nhật, Đài Loan, Ấn Độ cũng chẳng bớt đi. Xem ra chúng ta giành được từ vụ 11/9 một số lợi ích trước mắt, song các lợi ích đó không quá 1- 2 năm có thể biến mất. Tôi cho rằng bao vây chiến lược đối với Trung Quốc là một kiểu khác, không phải là quân sự mà là siêu việt quân sự.

Bạn xem đấy, mấy năm gần đây các nước xung quanh Trung Quốc tới tấp thay đổi chế độ xã hội, biến thành cái gọi là quốc gia “dân chủ”. Nga, Mông Cổ thay đổi rồi, Kazakhstan thay đổi rồi. Cộng thêm các nước trước đây như Hàn Quốc, Phillippines, Indonesia, lại cộng thêm vùng Đài Loan. Đối với Trung Quốc, sự đe doạ này còn ghê gớm hơn đe doạ quân sự. Đe doạ quân sự có thể là hiệu ứng ngắn hạn, còn việc bị cái gọi là các quốc gia “dân chủ” bao vây là hiệu ứng dài hạn.

Điểm thứ hai, sự độ lượng và khoan dung của nước Mỹ. Bạn nên sang châu Âu, sau đó sang Mỹ, bạn sẽ thấy một sự khác biệt lớn: Sáng sớm, các đường phố lớn ở châu Âu chẳng có người nào cả, còn tại Mỹ sáng sớm các phố lớn ngõ nhỏ đều có rất nhiều người tập thể dục, thậm chí cả ngày như thế. Tôi có một câu nói: Tập thể dục là một phẩm chất, tập thể dục đại diện cho một kiểu văn hoá khí thế hừng hực đi lên. Một quốc gia có sức sống hay không, chỉ cần xem có bao nhiêu người tập thể dục là biết.

Người Mỹ có thể lấy quốc kỳ làm quần lót để mặc. Hồi ở Mỹ tôi có mua một chiếc quần cộc cờ sao vạch. Tôi thường xuyên mặc chiếc quần ấy. Tôi mặc nó là để khinh miệt nó, là để trút giận, là một dạng trút sự bực bội và thoả mãn về tâm lý. Người Mỹ mặc nó là sự trêu chọc bỡn cợt, bản chất khác. Người Mỹ có thể đốt quốc kỳ nước mình ngoài phố. Đới Húc [7] nói: Nếu một quốc gia có thể đốt cả quốc kỳ của mình thì anh còn có lý do nào đi đốt quốc gia ấy nữa?

Điểm thứ ba, sức mạnh vĩ đại về tinh thần và đạo đức. Đây là điều đáng sợ nhất. Vụ 11/9 là một tai nạn. Khi tai hoạ ập đến, thể xác ngã xuống trước tiên, nhưng linh hồn vẫn đứng. Có dân tộc khi gặp tai nạn thể xác chưa ngã mà linh hồn đã đầu hàng.

Trong vụ 11/9 có xảy ra 3 sự việc đều có thể để chúng ta qua đó nhìn thấy sức mạnh của người Mỹ. Việc thứ nhất, sau khi phần trên toà nhà Thương mại thế giới bị máy bay đâm vào, lửa cháy đùng đùng, tình thế ngàn cân treo sợi tóc. Khi mọi người ở tầng trên qua cửa thoát hiểm chạy xuống phía dưới, tình hình không rối loạn lắm.

Người ta đi xuống, lính cứu hoả xông lên trên. Họ nhường lối đi cho nhau mà không đâm vào nhau. Khi thấy có đàn bà, trẻ con hoặc người mù tới, mọi người tự động nhường lối đi để họ đi trước. Thậm chí còn nhường đường cho cả một chú chó cảnh. Một dân tộc tinh thần không cứng cáp tới mức nhất định thì dứt khoát không thể có hành vi như vậy. Đứng trước cái chết vẫn bình tĩnh như không, e rằng không phải là thánh nhân thì cũng gần với thánh nhân.

Việc thứ hai, hôm sau ngày 11/9, cả thế giới biết vụ này do bọn khủng bố người A Rập gây ra. Rất nhiều cửa hàng, tiệm ăn của người A Rập bị những người Mỹ tức giận đập phá. Một số thương nhân người A Rập cũng bị tấn công. Vào lúc đó có khá nhiều người Mỹ tự phát tổ chức đến đứng gác trước các cửa hiệu, tiệm ăn của người A Rập hoặc đến các khu người A Rập ở để tuần tra nhằm ngăn chặn xảy ra bi kịch tiếp theo.

Đó là một tinh thần thế nào nhỉ. Chúng ta thì từ xưa đã có truyền thống trả thù. Thành Đô nơi tôi ở, ngày xưa Đặng Ngải [8] sau khi chiếm được Thành Đô, con trai của Bàng Đức [9] giết sạch già trẻ gái trai gia đình Quan Vũ. Trả thù đẫm máu, lịch sử loang lổ vết máu không bao giờ hết.

Việc thứ ba, chiếc máy bay Boeing 767 bị rơi ở Pennsylvania vốn dĩ bị không tặc dùng để đâm vào Nhà Trắng. Sau đấy hành khách trên máy bay vật lộn với bọn khủng bố nên mới làm máy bay rơi. Vì lúc ấy họ đã biết tin toà nhà Thương mại thế giới và Lầu Năm Góc bị máy bay đâm vào nên họ quyết định không thể không hành động, phải đấu tranh sống chết với bọn khủng bố.

Cho dù trong tình hình ấy họ còn làm một chuyện thế này: Quyết định biểu quyết thông qua có nên chiến đấu với bọn khủng bố hay không. Trong giờ phút quan hệ tới sự sống chết ấy, họ cũng không cưỡng chế ý chí của mình lên người khác. Sau khi toàn thể mọi người đồng ý, họ mới đánh bọn không tặc. Dân chủ là gì; đây tức là dân chủ. Ý tưởng dân chủ đã thấm vào sinh mạng của họ, vào trong máu, trong xương cốt. Một dân tộc như thế mà không hưng thịnh thì ai hưng thịnh. Một dân tộc như thế không thống trị thế giới thì ai có thể thống trị thế giới.

Nên tham khảo kinh nghiệm thành công của Mỹ

Tôi thường có ý nghĩ quái lạ như thế này: Những vũ khí đỉnh cao nhất, KHKT tối tân và lực lượng vũ trang mạnh nhất trên thế giới nếu nằm trong tay những người như thế là rất thích hợp. Bao giờ cũng hơn nằm trong tay người Nhật, người Libya, người Iraq chứ? Cho là nằm trong tay chúng ta thì chúng ta có thể làm gì, điều đó cũng chưa thể biết. Nước Mỹ, quốc gia này có rất nhiều kinh nghiệm thành công, đáng để chúng ta tham khảo học tập. Sau vụ 11/9, Mỹ không thành lập Uỷ ban 11/9, không lập Bộ Chỉ huy ứng phó tình trạng khẩn cấp gì gì đó.

Tôi cực lực phản đối những thứ không thực tế. Sau khi đến bộ đội không quân Thành Đô, tôi chủ trương hoặc không họp hoặc ít họp hành. Cuộc họp nào không thể không họp thì họp ngắn thôi. Đến nơi trước tiên tôi thay đổi việc học tập của các Uỷ viên thường vụ thành tự học.

Cầm văn kiện đọc thì học được cái gì kia chứ. Tôi đang đấu tranh với thế lực thói quen. Lực lượng cá nhân tôi có hạn nhưng tôi không thể không đấu tranh. Cho dù sứt đầu mẻ trán cũng không được nản chí. Chẳng hạn nói chung khi xuống thăm bộ đội, tôi đều không ăn cơm. Chỉ cần có thể về nhà trong ngày thì tôi đều mang theo lương khô chứ không ăn cơm bộ đội.

Khi ở bộ đội không quân Bắc Kinh tôi đến sư đoàn 33 cũng thế. Nếu không thể không ăn thì tôi chỉ ăn đơn giản. Tuy rằng nói uống một chén rượu chưa đủ làm đổ cờ đỏ, ăn một bữa cơm chưa thể mất giang sơn, nhưng nhiều lần quá, lãng phí quá, tích tiểu thành đại thì rất khó nói. Có người nói đánh Đài Loan chẳng cần dùng vũ khí mới gì cả, cứ cho mấy vị cán bộ lên đảo ấy ăn nhậu các thứ của họ 2- 3 năm thì bảo đảm ăn hết các thứ của họ.

Còn một chuyên tiếu lâm nữa nói về chuyện họp hành. Có ông cục trưởng ốm sắp chết đến nơi, chỉ có điều không trút được hơi thở cuối cùng. Bà vợ bảo con cháu đến đông đủ cả rồi, ông yên tâm lên đường đi. Không được, chưa chết được. Vợ lại nói, mọi chuyện đều thu xếp ổn thoả rồi, ông yên tâm lên đường đi. Không được, chưa chết được. Vợ bảo, tài sản nhà ta đã thu xếp xong xuôi cả rồi, ông cứ đi đi. Cũng chưa được đâu. Về sau, vẫn là tay thư ký tương đối hiểu ông ta bèn ghé tai cục trưởng nói: "Báo cáo cục trưởng, mọi người đến đủ cả rồi, ta họp thôi ạ." Lúc ấy cục trưởng mới hả lòng hả dạ nhắm mắt xuôi tay. Dĩ nhiên đây là chuyện bịa nhưng nó nói lên sự phản cảm, chán ghét của mọi người đối với thói quen ấy.

Sự kiện 11/9 là cơ hội của nước Mỹ, cũng là cơ hội của Trung Quốc. Làm không tốt thì Trung Quốc trở thành vật hy sinh lớn nhất của sự kiện đó. Vấn đề then chốt là anh nắm cơ hội thế nào, toàn thế giới đều đứng trước dịp xóc lại quân bài. Khi nghiên cứu nước Mỹ, chúng ta nên nắm được nội hàm thực sự của nó, không thể chỉ xem cái nhỏ mà phải xem cái lớn. Có một câu chí lý thế này: Hay bàn luận về khuyết điểm của người khác thì anh là kẻ đạo đức thấp kém. Hay bàn luận về khuyết điểm của nhân loại thì anh là một nhà tư tưởng.

....

Hôm nay lần đầu tiên gặp các cán bộ cấp tiểu đoàn trở lên của căn cứ Côn Minh, tôi đã nói chuyện nhiều thế này với thái độ vô cùng thẳng thắn và mạnh dạn. Đây là thành quả nghiên cứu của tôi, tôi chịu trách nhiệm về bài nói của mình.

Chỗ nào tôi nói đúng thì các đồng chí ghi nhớ. Chỗ nào nói sai thì các đồng chí nghe tai bên này, cho ra tai bên kia, tủm tỉm cười bỏ qua, chớ cho là chuyện gì cả. Mỗi người là một cá thể, mỗi cá thể đều tự do. Tôi không thể yêu cầu áp đặt tư tưởng của tôi cho các đồng chí, tôi lại càng không thể yêu cầu đem tư tưởng của các đồng chí thống nhất vào một tư tưởng nào đó. Chuyện đó không thể được, nhưng chúng ta lại cứ khăng khăng tìm kiếm khả năng ấy, đây là chuyện hão huyền, trên thực tế không làm nổi.

-------------------------
[1]: Tác giả đang là Chủ nhiệm chính trị bộ đội Không quân của Quân khu Bắc Kinh]
[2]: 60 người này lấy hộ chiếu sang Đông Âu rồi chui vào xe container chở bằng tàu biển từ Bỉ bí mật sang Anh, ngày 19/6 /2000, hải quan cảng Dover kiểm tra container phát hiện 58 người chết]
[3]: Đàm Tự Đồng: Nhà chính trị cuối đời Thanh, chủ trương duy tân, sau khi phong trào Duy tân Trung Quốc thất bại, ông bị xử tử cùng 5 người khác, 6 chí sĩ này được gọi là Lục Quân tử.
[4]: Chiến tranh Giáp Ngọ: Chiến tranh Trung Quốc- Nhật xảy ra năm Giáp Ngọ tức năm 1894. Kết quả Nhật thắng, Trung Quốc phải cắt đảo Đài Loan cho Nhật].
[5]: Thiếu tướng không quân, nhà văn Trung Quốc nổi tiếng
[6]: Tức Thế tổ Bắc Nguỵ, Thái Vũ hoàng đế, vị thống soái kỵ binh kiệt xuất thời Nam Bắc Triều. Dẫn quân diệt các nước Hạ, Bắc Yên,... thống nhất phương Bắc; diệt nước Hãn của Nhu Nhiên tại Mông Cổ
[7]: Đại tá không quân Trung Quốc, viết nhiều chuyên luận quân sự, chính trị
[8]: 197-264, tướng giỏi nước Nguỵ, năm 263 đánh Thục Hán, đầu tiên chiếm Thành Đô, là công thần diệt Thục của họ Tư Mã.
[9]: Bàng Đức là một viên tướng chủ chốt của Tào Tháo


(Nguồn: Nguyễn Hải Hoành giới thiệu và lược dịch, http://www.tuanvietnam.net/2010-08-15-niem-tin-va-dao-duc)
 
Công giáo không tham gia chánh trị? (3)
Hà Minh Thảo
11:20 18/08/2010
CÔNG GIÁO KHÔNG THAM GIA CHÁNH TRỊ ? (3)
(Tiếp theo và hết)

VI. ĐỐI THOẠI.

1.- Định nghĩa.

Về từ ngữ, ‘đối’ có nghĩa là ‘qua lại’ hoặc ‘ngược nhau’. Thí dụ: đối đầu, đối thủ hay câu đối… và ‘thoại’ có nghĩa là ‘nói’. Do đó, ‘đối thoại’ là nói qua lại hay nói ngược nhau. Chỉ đề cập đến ‘đối thoại’ khi có sự đối lập hay, ít ra là sự khác biệt. Như vậy, sự ‘đối thoại’ gồm có 3 phần liên quan với nhau và hỗ trợ cho nhau: nói (cần có người nghe); nghe (khi người khác nói) để hiểu nhau và thông cảm.

Chỉ có thể đối thoại khi người ta có thể hiểu nhau và thông cảm nhau. Do đó, muốn đối thoại thì hai bên phải hiểu tiếng nói của nhau. Thí dụ: những chữ ‘chủ nghĩa cộng sản’ không có cùng nghĩa với nhau giữa một đảng viên cộng sản, cụm từ đó mang lại sự cao đẹp, và một người ‘chống cộng’ thì những chữ đó bao gồm các điều xấu xa (chúng ta gọi đây là phần truyền cảm). Khi cụm từ đó được nghĩ chỉ là danh xưng của một chủ nghĩa như bao chủ nghĩa khác (chúng ta gọi đây là phần truyền tin). ‘Phần truyền tin’ không có vấn đề trong việc đối thoại, nhưng ‘Phần truyền cảm’ thì gây nhiều rắc rối vì, có thể, hai bên không hiểu như nhau về một từ ngữ.

Những từ ngữ để đối thoại được gợi lên trong tim óc người đối thoại những hình ảnh giống nhau hay, ít ra, biết và hiểu những tình cảm mà từ (hay ‘cụm từ’) ấy gợi lên trong tim óc của người mình đối thoại và tôn trọng những tình cảm đó.

Chúng ta đừng lộn ‘đối thoại’ với ‘sự thỏa hiệp’ vì ‘sự thỏa hiệp’ là mỗi bên nhượng bộ một phần cái lý của mình để những bên cùng có lợi. Còn được gọi là ‘sự mặc cả’ hay ‘sự thương lượng’.

2.- Đối thoại theo quan điểm của Giáo hội Công giáo.

Đối thoại là để đi đến một Sự thật có thể khác hơn là điều mình tưởng. Do đó, muốn có đối thoại, các người tham gia phải sẳn sàng để thay đổi cách nhìn hầu đi đến một Sự thật cao hơn. Ai không chấp nhận thay đổi, người ấy không thể nào đối thoại, mà chỉ dùng đối thoại như một chiến thuật để áp đặt ý kiến của mình. Tông huấn ‘Giáo hội tại Á châu’ (Ecclesia in Asia), nơi đoạn số 29, chúng ta có thể đọc: « Kể từ Công đồng (Vaticanô II), Giáo hội luôn tỏ ra rằng mình muốn theo đuổi mối tương quan đó trong tinh thần đối thoại. Tuy nhiên ước muốn đối thoại không phải đơn thuần là một chiến lược để chung sống hoà bình giữa các dân tộc, nó còn là một phần chủ yếu của sứ mạng Giáo hội, bởi vì nó bắt nguồn từ sự đối thoại cứu rỗi đầy yêu thương của Chúa Cha với nhân loại qua Chúa Con trong quyền năng Chúa Thánh Thần. »

Sự khó khăn là có những người nhất định ‘giữ vững lập trường’ và đối thoại với quyết tâm thay đổi người khác bằng mọi giá mà không hề nghĩ rằng mình cần thay đổi cái nhìn của mình.

Đối thoại không phải là chỉ là ‘nói’ nhưng còn nhiều hình thức khác như đối thoại bằng đời sống, bằng hành động, bằng chia sẽ kinh nghiệm và bằng trao đổi ngôn ngữ như Giáo hội đề nghị trong văn kiện Tòa Thánh ‘Đối Thoại và Rao Truyền’.

‘Đối thoại?’ là tựa đề một bài được ký tên Lykhách mà chúng tôi đã tìm thấy trên mạng ‘VietCatholic News’ ngày 03.08.2010 và xin mời chúng ta cùng đọc:

Đối thoại từ đâu?
Đối thoại bắt đầu từ nhìn nhận một Sự thật
Của hai đối tượng có hai lối nhìn tuy bất nhất
Chấp nhận cái được người - có thể cái mình mất
Hơn thua không cần - nhưng chân thật cùng nhau
Dĩ nhiên đối thoại không cần thiết phải đối đầu
Nhưng đối thoại cũng không khẩn cầu quanh co
Sự thật là gì - phải gọi chính danh của nó
Dù sự thật nghẹn ngào - sự thật chẳng thơm tho…

Khi nhân danh đối thoại nhưng sự thật bị ruồng bỏ
Nhân danh khôn ngoan: sự thật chỉ cần biết nhóm nhỏ
Nhân danh nhạy cảm: sự thật lộ liễu không nên nói rõ
Nhân danh đại diện: mặc cả lợi riêng trên bất công, đau khổ
Thì đối thoại chỉ thực sự là: một bên xin - một bên cho!
Một bên sợ - một bên nói cho có!
Để chia chác lợi quyền, nhân nghĩa diễn trò!

Đối thoại thành thật ý cần sáng tỏ
Đối thoại công bình không cần xin xỏ
Đối thoại khôn ngoan không cau có
Đối thoại ngay thẳng không bỏ nhỏ
Không bé xé to
Không to hóa nhỏ
Không không là có
Không có là không.

Chấp nhận đối thoại nghĩa chấp nhận bất đồng
Chấp nhận dị biệt nhưng nhất trí khai thông
Đối thoại là việc của lý trí tìm chân lý
Của trái tim hướng về thiện mỹ
Nên đối thoại tự có định luật bất di:
Trước khi đối thoại có giá trị:
Phải đối thoại trong lẽ công lý,
Khi công bình chưa được thực thi
Thì bác ái là mỹ từ vô giá trị
Như đồ tể cao rao lời từ bi!

Những ai có thể đứng ra đối thoại?
Kẻ biết lắng nghe - và dám lên tiếng nói
Chẳng sợ cường quyền - biết xót đau khổ con người
Đối thoại chân thành phải lắng nghe những kiếp đời thấp nhất
Để kẻ trên cao biết đâu là sự thật
Sự thật đất nước, con người:
Những sự thật đầy nước mắt mồ hôi
Những sự thật đọa đày thế côi đau khổ
Những sự thật bị chôn vùi cuồng nộ
Những sự thật bị uy quyền báng bổ
Những sự thật khốn cùng trăn trở
Những sự thật nguy cơ nô lệ
Những sự thật chờ đợi nín thở, thờ ơ…

Lương tâm thời đại dần hóa cằn khô
Tai mắt quen tham nhũng - nhìn chân tay hối lộ
Hóa trơ lì, mất khả năng xấu hổ
Hóa vô cảm, vô lương, vô hậu, vô tình
Dối trá được a-dua bởi im lặng đồng minh
Đối thoại cầm hơi kéo dài dã tâm thôn tính
Khi sự thật non sông cần phải được nói đến
Sự thật tình người lại càng chẳng thể quên

Đối thoại chăng? trước khổ đau anh em mà câm nín?
Đối thoại chăng? trước bất công khuyên anh em nhẫn nhịn
Đối thoại chăng? khi trên thì gian tham dưới thì xu nịnh
Đối thoại được chăng - hay lên tiếng biểu đồng tình?
Để thét giùm cho những miệng bị uy quyền bịt kín
Để nói giùm những kẻ có miệng nói lại làm thinh?

Hạ tắc loạn luôn bởi thượng bất chính
Dân tộc tối tăm vì sự thật chẳng dám cùng nhìn
Lòng người rã rời vì kẻ càng cao càng bất nhân toan tính
Tình người hụt hơi bởi đồng tiền lên ngôi bá chủ nhân sinh!
Sẽ ra sao nếu chúng ta tiếp tục nín thinh?
Loay hoay - đối thoại - đối đầu - hay tiếp tục câm nín?!

3. Hướng dẫn quý giá cho người Công giáo Việt-Nam.

Trong hai Huấn từ ngày 22.01.2002 và ngày 27.06.2009, khoảng cách thời gian gần 7 năm rưỡi, hai Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II và Biển Đức XVI đều nhắc đến ‘sự cộng tác lành mạnh giữa Giáo Hội và cộng đồng chính trị’.

Năm 2002, Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã viết: « Giáo hội Công giáo cũng được kêu gọi chia sẻ niềm Hy vọng bằng luôn đề xuất con đường đối thoại. Chỉ một cuộc đối thoại tín nhiệm và xây dựng giữa các thành phần của xã hội dân sự cũng đủ mở ra một niềm Hy vọng mới cho toàn dân Việt-Nam.

Giáo hội, vì sứ mạng và chức năng mình, Giáo hội không lẫn lộn với một cộng đồng chánh trị và không bị gắn liền với bất cứ hệ thống chánh trị nào. Bởi thế ‘cộng đồng chánh trị và Giáo hội độc lập với nhau và tự trị trong lãnh vực chuyên biệt của mình’. Nhưng vì cả hai cùng được mời gọi hoàn tất sứ mạng riêng biệt phục vụ cùng một tập thể con người, sự phục vụ sẽ càng hữu hiệu nếu ‘cả hai thực hiện nhiều hơn nữa một sự hợp tác lành mạnh với nhau’. Vì ‘sự hợp tác lành mạnh nầy’, Giáo hội mời tín hữu dấn thân cho sự phát triển mọi con người và xây dựng một xã hội công bằng, đoàn kết và bình đẳng. »

Ngày 27.06.2009, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nói với 29 Giám mục Việt-Nam: « Cũng như tôi, Anh Em biết rằng một sự cộng tác lành mạnh giữa Giáo hội và cộng đồng chính trị là điều có thể. Về vấn đề này, Giáo hội mời gọi mọi phần tử của mình hãy chân thành dấn thân xây dựng một xã hội công chính, liên đới và công bằng. Giáo hội không hề muốn thay thế các vị hữu trách chính quyền, nhưng chỉ mong muốn có thể tham gia chính đáng vào đời sống quốc gia, trong tinh thần đối thoại và cộng tác tôn trọng, để phục vụ toàn dân. Khi tích cực tham dự vào chỗ đứng của mình và theo ơn gọi đặc thù, Giáo hội không bao giờ có thể châm chước cho mình việc thực thi Bác ái trong tư cách là một hoạt động có tổ chức của các tín hữu, và mặt khác, sẽ không bao giờ có một tình trạng trong đó người ta không cần lòng Bác ái của mỗi Kitô hữu, vì con người, ngoài sự công bằng, vẫn luôn cần tình thương (Deus caritas est, số 29). »

Thật đáng tiếc: gần 7 năm rưỡi đã trôi qua và chưa biết đến bao lâu, đảng Cộng sản vẫn từ chối ‘sự cộng tác lành mạnh giữa Giáo Hội và cộng đồng chính trị’ để phát triển toàn diện con người Việt-Nam và xây dựng một xã hội công bằng, đoàn kết và bình đẳng. Nhờ thế, và chỉ nhờ thế, toàn dân Việt-Nam mới có thể chống ngoại xâm.

Trong nhiệm vụ Giáo dục, các trường Công giáo, từ mẫu giáo đến đại học, đã đào tạo bao nhiêu chuyên viên các ngành cho Việt-Nam. Sau ngày 30.04.1975, các cơ sở giáo dục này bị ‘mượn’ và, đến nay, nhiều nơi đã biến thành những nơi ăn chơi, nhảy nhót hay nhà ngủ. Hậu quả tất yếu là bao nhiêu trẻ em phải bỏ học và nền Giáo dục đã đi đến chổ mà báo chí quốc doanh không ngừng lên tiếng báo động. Thậm chí, trong ý nghĩ của nhiều người, ‘giáo dục Việt nam’ đồng nghĩa với ‘giáo dục xuống cấp’.

Thời gian vẫn tiếp tục trôi qua… Ngày mai, Giáo sử Việt-Nam sẽ ghi những Sự thật nào cho Năm Thánh 2010 với chủ đề Mầu nhiệm - Hiệp thông - Sứ vụ ?

Chúng tôi nhớ lại: Nhật báo ‘La Croix’ (Thánh Giá), phát hành tại Pháp quốc ngày 23.01.2002, dưới tựa đề « Jean-Paul II encourage les évêques vietnamiens qu''il juge ‘exemplaires' » (Gioan-Phaolô II khích lệ các Giám mục Việt-Nam mà Ngài cho là ‘mẫu mực’), đặc phái viên thường trực đã nhắc lại cuộc thăm viếng ‘ad limina’ đầy đủ các Giám mục Việt-Nam tại Rôma. Ngày 03.07.2010, Đức cha Phêrô Nguyễn văn Nhơn, Tổng Giám mục Hà nội, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt-Nam, nhẹ nhàng khước từ trả lời phóng viên báo ‘La Croix’ khi nói: « Xin hiểu cho tôi, nếu tôi từ chối mọi cuộc phỏng vấn, là vì điều tốt cho Giáo hội. Trong mọi hoàn cảnh, mỗi lời nói có thể bị giải thích sai. » (xem báo ‘La Croix’ ngày 05.07.2010). Tại sao, ngày nay, người Việt Công giáo không còn có cùng một ‘phần truyền cảm’ về các từ ngữ ?

VII. TÓM TẮT.

1.- ‘Đức Thánh Cha khuyến khích giáo dân dấn thân chính trị’ là điều thật phù hợp với lời dạy của Công Đồng Vatican II khi các Nghị phụ quả quyết: « Tính cách trần thế là đặc tính riêng biệt của giáo dân » (Ánh Sáng Muôn Dân, số 31).

Tuy nhiên, khi dấn thân chính trị, giáo dân cần lưu ý: Tính cách trần thế là ở giữa trần thế, sống với đời sống của trần thế và sống cho trần thế, nghĩa là không phải sống bị lôi cuốn theo các chiều hướng xấu của trần thế, trái lại, để cải hóa trần thế theo tinh thần của Chúa Kitô, như Ngài đã căn dặn: « Chúng con là muối đất… chúng con là ánh sáng của thế gian » (Mt 5: 16)

Để giúp giáo dân dấn thân chính trị, ngoài Tin Mừng Đức Kitô, Giáo hội còn có Học thuyết xã hội, luôn được cập nhật để thích hợp với mọi hoàn cảnh và thời gian.

Nhưng, Giáo hội không muốn các giáo sĩ dấn thân chính trị thể hiện qua những ấn định nơi điều 285 và điều 287 Giáo luật. Giáo hội tôn trọng tự do của các giáo sĩ muốn tham gia chính trường bằng chỉ yêu cầu các vị này ngưng thi hành thánh chức như trường hợp Linh mục Jean-Bertrand Aristide làm Tổng thống ở Haiti hay Đức cha Fernando Lugo làm Tổng thống ở Paraguay. Sự thật ở Việt-Nam là các linh mục quốc doanh, đại biểu Quốc hội hay nghị viên các Hội đồng nhân dân sẽ không bao giờ được sự tín nhiệm của cử tri vào các chức vụ này mà chỉ vì họ được lòng các đảng viên mà thôi. Đây là ‘làm chính trị đảng phái’ chính hiệu.

Một sự thật khác là đảng chỉ ‘xài’ các linh mục này trong Ủy ban đoàn kết công giáo khi chưa có Đức cha nào tham gia mà thôi. Điều đó cho thấy sự ảo vọng của những ai nghĩ đảng giúp người Công giáo hay mong các linh mục ‘yêu nước’ xây dựng Hội thánh trung thành với Đức Kitô và Đức Thánh Cha.

2.- Về danh xưng Công giáo.

Giáo dân dân dấn thân chính trị xã hội không cần xưng danh Công giáo hay phủ nhận mình là người Công giáo. Trong thí dụ nơi Chương III số 2, khi Thượng nghị viện phản đối ‘Sắc luật Thuế kiệm ước’ của Chánh phủ, Chủ tịch Nguyễn văn Huyền đã lên án sự vi hiến của Sắc luật này trên màn ảnh Truyền hình Việt-Nam. Sau đó, nhờ tài hùng biện của một nghị sĩ luật sư khác, ông Nguyễn văn Chức, ngày 30.06.1970, Tối cao Pháp viện tuyên bố tiêu hủy ‘Sắc luật Thuế kiệm ước’ vì vi hiến. Trong tiến trình binh vực quyền người dân này, các nghị sĩ này đâu cần xưng danh Công giáo mà cử tri đều biết nhờ sự đồng lòng của các nghị sĩ Công giáo, bất phân đảng phái.

Đức Giám mục chính toà Giáo phận với tư cách là thầy dạy đạo lý, tác viên phụng tự và cai quản, có quyền tuyên bố với danh xưng Công giáo, tại Giáo phận mình.

Tuyên bố nhân danh Giáo hội Công giáo Việt-Nam là thẩm quyền của Đức Giám mục hay Tổng Giám mục Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt-Nam hay Vị đại diện dự trù trong Qui chế Hội đồng Giám mục Việt-Nam.

Ước gì mỗi người Công giáo chúng ta nhận biết thế nào là ‘làm chính trị’ và thế nào là ‘không làm chính trị’ để góp phần xây dựng nền dân chủ cho xã hội Việt-Nam và giữ vững tình đoàn kết giữa các tín hữu Đức Kitô.
 
Văn Hóa
Lá thư Canada: Hạnh Phúc Nào?
Trà Lũ
15:34 18/08/2010
Lá thư Canada: HẠNH PHÚC NÀO ?

Đầu tháng Bảy, Canada mừng lễ quốc khánh Khắp nơi quốc kỳ, khắp nơi diễn hành và diễn văn. Đất nước gấm hoa này mới 143 tuổi. Dân Da Đỏ đến đây sớm nhất, dễ chừng cách đây mười ngàn năm, rồi người da trắng. Rồi người Anh chiếm làm thuộc địa. Khi người Anh bằng lòng cho lập nước Canada vào năm 1867 thì dân số chỉ có 3.6 triệu. Nay dân số đã lên 34 triệu. Xưa dân chúng toàn tòng da trắng, nay theo các nhà nhân chủng học thì chỉ cần mấy chục năm nữa mầu da người Canada không còn trắng nữa. Nó sẽ nhờ nhờ. Lý do: các di dân da mầu từ Á Châu và Phi Châu đã và đang làm ra việc biến đổi này. Canada hiện có hơn 100 sắc dân thiểu số, người Trung Hoa đông nhất, những hơn một triệu, người Việt phe ta mới chỉ 200 ngàn. Tuy đa dạng như vậy nhưng xưa nay chưa hề có một cuộc xung đột nào giữa các sắc dân. Canada rất tự hào về tấm thảm mosaic đa văn hóa tuyệt vời này.

Chính vì thế mà Canada đã trở nên thỏi nam châm thu hút nhân tài khắp thế giới. Ai cũng cho Canada là thiên đàng hạ giới nên ai cũng ao ước được sống ở Canada. Theo bản nghiên cứu mới nhất của 3 cơ quan uy tín Historica Dominion Instirute, Munk School of Global Affairs và Aura Foundation thì số những người ao ứớc được sống ở Canada như sau: 75% dân Trung Hoa, 70% dân Ấn Độ, 53% dân chúng trong 20 nước giàu có thuộc khối G20. Còn các dân khác thì khỏi nói, nhiều vô vàn.

Lễ quốc khánh Canada năm nay có Nữ Hoàng Elizabeth Đệ Nhị từ Anh Quốc sang dự. Từ thủ đô Ottawa, sau lễ, bà đã đi thăm viếng một số tỉnh miền đông và miền tây. Trên pháp lý, bà là quốc trưởng của Canada. Vì bà ở chính quốc mãi tận bên Âu Châu nên ở Canada bà đặt một vị đại diện, gọi là quan toàn quyền, Governor General. Quan toàn quyền hiện nay là bà Michael Jean, người Canada da mầu nâu gốc Haiti. Bà Jean sắp mãn nhiệm vào cuối tháng Bảy này, và Nữ hoàng vừa công bố vị kế nhiệm sẽ là GS David Johnston, viện trưởng viện đại học Waterloo ở Ontario. Ngày xưa dân số phần lớn có gốc tổ tiên bên Anh nên đi đâu nữ hoàng cũng được dân chúng đón chào trọng thể và hoan hô nhiệt liệt, nhưng nay sự ái mộ đã giảm sút thấy rõ. Dân chúng đã tỏ ra hững hờ và đang vận động sửa đổi hiến pháp để không nhận nữ hoàng bên Anh là quốc trưởng Canada nữa. Ôi thời huy hoàng nay còn đâu !

Nữ hoàng về nước được mấy ngày thì Canada trải qua một tuần lễ nóng kinh hoàng. Chưa bao giờ nóng thế. Chính quyền đã yêu cầu các cơ sở xã hội và thương mại có máy lạnh mở cửa để tiếp đón những ai cần trốn nóng. Xứ này dễ thương vậy đó, các cụ thấy chưa. Cũng thật may, trời chỉ nóng ban ngày, ban đêm trời mát trở lại.

Hiện nay, các cơ quan truyền thông vẫn còn nhắc tới hai hội nghi quốc tế G8 và G20 vừa tổ chức ở Toronto cuối tháng Sáu vừa qua. Khen thì ít mà chê thì nhiều, Anh Mike hàng xóm da trắng của tôi bảo rằng chính phủ đã tiêu tiền vô tội vạ. Đầu năm đã tiệu gần một tỉ cho Thế Vận Hội mùa đông ở Vancouver. Tháng 6 vừa qua lại còn tiêu thêm một tỉ đồng nữa cho G8 và G.20. Thật là hoang phí lối con nhà giàu. Đây la tiền đóng thuế của chúng ta chứ có phải tiền chùa đâu. Một số các tỉnh trưởng đã yêu cầu chính phủ liên bang nếu cần tổ chức các hội nghị quốc tế trong tương lai thì nên tìm những hải đảo xa đô thị, để tránh sự kẹt đường và phá hoại của dân biểu tình.

Nhân nói tới các cuộc biểu tình qúa khích vừa xảy ra, bây giờ tôi mới biết đây không phải là các cuộc biểu tình tự phát mà là do những nguời có vẻ chuyên nghiệp từ các đoàn thể đối kháng tổ chức. Báo chí gọi họ là ‘ băng mặc áo đen’, Black Bloc. Họ có mưu lược hẳn hoi: ra đường thì ăn mặc như mọi người, nhưng khi tới điểm hẹn thì họ cởi bỏ bộ quần áo bên ngoài, bấy giờ bộ đồ đen mới lộ ra. Rồi họ trùm khăn đen lên đầu lên mặt, y như mấy bà Hồi Giáo. Rồi họ ra tay đập phá và gào thét. .. Kỳ vưa qua, số người biểu tình qúa khích rất đông, chỉ nguyên số bị bắt lên tới 900 người.

Chả biết chính phủ liên bang có rút được kinh nghiệm gì từ việc tổ chức tốn kém này không. Tham dự hai hội nghi G8 và G20 xong, Tổng thống Pháp Sarkozy tuyên bố: mai mốt Pháp quốc chúng tôi có tổ chức thì nhất định chúng tôi không chi nhiều tiền như Canada, nhiều lắm là 1 phần 10 mà thôi.

Đó là dư âm G8 và G20. Lại còn dư âm FIFA Nam Phi nữa cơ. Canada không được dự thi nhưng cũng ồn ào ghê lắm. Phố xá cũng đầy cờ các nưóc tham dự. Cứ sau mỗi trận đấu, hễ đội nước nào thắng là dân gốc xứ đó lái xe xuống đường phất cờ và bóp còi inh ỏi. Gần nhà tôi có một ông gốc Thụy Sĩ, ông treo cờ Thụy Sĩ suốt một tháng. Gặp ai ông cũng bảo: Đội Tây Ban Nha được giải vộ địch, nhưng ở vòng loại ban đầu, đội Thụy Sĩ đã đá bại Tây Ban Nha. Rồi ông cười hà hà: Thế có nghĩa là Thụy Sĩ chúng tôi đã đè đầu Tây Ban Nha. Trong làng tôi, ông ODP và ông H.O. đã cá độ là đội Hoà Lan sẽ thắng. Hai ông lập luận rằng trong những kỳ trước Hòa Lan đã 3 lần đoạt huy chương bạc, vậy thì nhất định lần này Hòa Lan sẽ huy chương vàng. Ai dè Hòa Lan lại mang huy chương bạc lần thứ bốn. Cụ Chánh trong làng thì cứ nức nở khen anh cầu thủ Thomas Muller của đội Đức là đá đẹp hết sức và tài giỏi hết sức. Mình anh ta đá lọt lưới 5 bàn cơ mà. Anh Muller được giải ‘chân vàng’ Golden Boot là đúng lắm. Còn phe các bà chú ý tới trái banh thì ít mà chú ý tới ‘Thày’ Bạch Tuộc Paul thì nhiều. Các cụ còn nhớ Thày Paul ở hải dương học bên Đức đã đoán trúng kết qủa các trận banh chứ. Các bà trong làng tôi đang rủ nhau du lịch xứ Đức để đến chiêm ngưỡng Thày Paul mới ghê chứ.

Nghĩ cũng buồn cười các cụ ạ. Chả lẽ loài vật hơn loài người về tài tiên tri sao ? Này nha, ở Canada này, cứ cuối mùa đông là thiên hạ đem chú chuột đất Ground Hog ra ngắm. Chú mà không nhìn thấy bóng của chú dưới đất thì đó là dấu hiệu mùa đông sắp qua mau. Nay chú bạch tuộc Paul còn siêu hơn. Chú ở bên Đức mà biết trước được kết quả trận đấu mãi ở Nam Phi xa chú nửa vòng trái đất. Chú chuột đất Canada và chú bạch tuộc bên Đức giỏi chứ, phải không cơ.

Chắc các cụ còn nhớ là mùa đá banh quốc tế vừa qua, chúng tôi họp làng liên miên ở nhà ông ODP. Một bữa anh H.O. đến trễ. Khi anh vừa tới là anh bô bô kể chuyện ngay. Rằng trước khi tới đây, tôi đi quan sát một vòng các quán ăn nơi có đông người hội tụ xem đá banh trên TV. Rằng quán dân Canada thì rất ồn ào náo nhiệt, những pha cầu thủ đá hụt hay đá trúng thì hầu như cả quán đều ầm lên hò hét, còn quán VN thì, trời ơi, vui hết biết. Ngoài việc đập bàn đập ghế và hò hét, nhiều đấng quân tử phe ta còn xổ tiếng Đức nữa cơ, nghe mới rùng rợn, sống động và vui làm sao !

Cụ B.95 nghe các chuyện đá banh bên Nam Phi thì chả thích thú bao nhiêu trừ việc chú bạch tuộc Paul và chuyện sân cỏ. Các cụ có biết 10 sân đá banh ở Nam Phi kỳ vừa qua trồng loại cỏ từ đâu không. Thưa đó là loại cỏ Ryegrass nhập cảng từ Canada đấy ạ. Đây là loại cỏ được các chuyên gia pha giống một cách tài tình. Cỏ vừa mọc nhanh vừa có sức chịu đựng rất khoẻ. Sở ươm cỏ ở tính bang Manitoba thuộc miền trung Canada, và công ty Pickseed ở Ontario đã phụ trách xuất cảng. Công ty này đã gửi sang Nam Phi 165 ngàn cân hạt giống để cung cấp cỏ cho 10 sân đá banh quốc tế vừa qua. Loại cỏ ryegrass này của Canada nổi tiếng trên thế giới. Nơi nào cũng hỏi mua. Ngoài sân đá banh, các sân golf mà các cụ chơi hằng ngày cũng trồng cỏ ryegrass của Canada đó, các cụ golfer ạ.

Trên đây là những dư âm còn vọng lại. Bây giờ xin trình các cụ chuyện hiện nay. Chuyện nổi bật vẫn là chuyện thể thao. Xứ này là xứ già trẻ lớn bé đều chơi thể thao mà. Đó là việc Canada vừa tổ chức xong Giải Điền Kinh Thế Giới Cho Giới Trẻ kỳ thứ 13, World Junior Track And Field Championship. Nơi tổ chức là tỉnh Moncton thuc tỉnh bang New Brunswick, miền đông Canada, trong tuần lễ 19-25 Tháng Bảy này. Có 1.400 lực sĩ thuộc 170 quốc gia tham dự. Thủ tướng Canada đã đến dự lễ khai mạc và phát giải huy chương vàng đầu tiên cho nữ lực sĩ Mercy Cherono. Chỉ nghe tên, các cụ có đoán nữ lực sĩ này người nước nào và thuộc môn thi nào không ạ ? Thưa, nàng thuộc xứ Kenya, tất nhiên là da đen, và vô địch môn chạy nước rút 200 thước. Về môn chạy thì các lực sĩ da đen xưa nay bao giờ cũng nhất, da trắng da vàng võ công có thâm hậu đến đâu cũng đều vất đi hết. Hễ chạy là da đen giật giải ngay.

Đầu năm thì Canada tổ chức Thế Vận Hội Mùa đông ở Vancouver miền tây, còn bây giờ giữa năm thì tổ chức Điền Kinh Quốc tế ở Moncton miền đông. Các cụ biết Moncton ở đâu rồi chứ ? Cụ nào chưa biết thì tôi xin chỉ: Moncton là một thành phố nổi tiếng về thể thao và giáo dục của tỉnh bang New Brunswick, nơi này Anh văn và Pháp văn là hai ngôn ngữ chính thức như ở Québec vậy. Nó ở phía bên trên Maine và New York của Hoa Kỳ. Chưa biết cuối năm nay Canada có còn tổ chức đại hội thể thao quốc tế nào nữa không. Dám có lắm.

À, còn tin sốt giẻo này nữa liên quan tới Canada và Việt Nam. Trung tuần tháng Bảy vừa qua, bà Eve-Mary Thái Thị Lạc cùng với ông Claude Guimond đã tới thăm VN. Đây là hai vị dân biểu của quốc hội liên bang Canada. Đến VN, hai vị này đã tiếp xúc với nhiều giới. Đặc biệt ngày 12.7.2010 hai vị đã tới thăm LM Nguyễn Văn Lý và Phan Văn Lợi tại Nhà Hưu Dưỡng thuộc Tòa Tổng Giám Mục Huế. Hai ông cha này là linh hồn của Khối 8406 nổi tiếng đấu tranh chống CS. Hiện CS vì áp lực quốc tế đang phải cho hai vị này tại ngoại để chữa bệnh. Hai bên đã trò truyện 3 tiếng đồng hồ, từ 8g30 sáng. Theo nguồn tin riêng cho biết thì hai vị dân biểu Canada đã hỏi hai ông cha nhiều câu về CSVN. LM Lý đã trả lời thẳng băng là CSVN độc tài, đảng trị, dối trá, bóp nghẹt tự do dân chủ. Cả hai ông cha đều xin hai vị dân biểu đem các dữ kiện này về trình quốc hội và chính phủ Canada.

Đọc đến đây chắc nhiều cụ đang thắc mắc về cái gốc của bà dân biểu Eve-Mary Thái Thị Lạc, phải không ạ ? Thưa, đây là vị dân biểu của liên bang Canada có gốc Việt Nam. Bà là một bé gái mồ côi Việt Nam, gốc Chăm. Năm 1974, khi lên 2 tuổi, bà được một gia đình Canada nhận làm con nuôi và đem về Canada dưỡng dục. Bé sống tại một trang trại nuôi heo miền Acton Vale ở Quebec. Khi ra tranh cử, bà khoe hồi bé ở trại bà biết họan lợn. Bà trúng cử vì sự thông thái và duyên dáng dí dỏm. Bà nổi tiếng giống y như bác sĩ Philip Roesler bên Đức. Các cụ còn nhớ ông Roesler hiện làm bộ trưởng Y Tế chứ. Ông là dân VN, mồ côi từ bé. Khi lên 2 tuổi thì được ông bà Roesler người Đức nhận làm con nuôi và đem về Đức, cũng năm 1974 như cô bé Lạc. Anh John trong làng tôi phát biểu rằng: Thế mới biết cái hạt giống trong con người VN vĩ đại. Hạt giống này gặp đất tốt là thành cây cao bóng mát và sinh hoa kết trái ngay. Xin hoan hô và kính chào Dân biểu Thái Thị Lạc ở Canada và Bộ Trưởng Roesler ở Đức Quốc. Hai vị là niềm vui và hãnh diện của người VN chúng tôi.

Xin nói tiếp về Cha Nguyễn Văn Lý. Không biết có phải do kết qủa cuộc thăm viếng của 2 vị dân biểu Canada trên đây hay không, mà chỉ gần 2 tuần sau đó, ngày 25.7.2010 Cha Nguyễn Văn Lý đã công bố một bài kể 12 tội gian dối của CSVN. CS thì nhiều thứ tội lắm, nhưng riêng tội gian dối thì LM Lý đúc kết vào 12 điều. LM Lý bảo: Việt Nam hiện nay là một trường dạy nói dối tinh vi và khổng lồ.Trong phần nhập đề bài kể tội, ngài chép lại một bài thơ mà ngài bảo ngài thuộc từ khi 5-6 tuổi, tức là khi ngài còn bé tí. Bài thơ nói về cái dối trá của VC. Chữ dối được nhấn mạnh như sau:

Dối thiên dối địa dối vô cùng
Dối giấy dối tờ dối tứ tung
Dối từ đất Âu sang đất Á
Dối từ xuân hạ đến thu đông
Dối phỉnh dân mù có hóa không
Dối mãi dối hoài không hết dối
Dối thiên dối địa dối vô cùng


Không biết ai là tác giả, và bài thơ mang dáng thất ngôn bát cú này còn thiếu một câu. Tôi thấy bài này tếu nên xin chép ra để các cụ đọc cho vui, và để thấy cái ngang tàng của LM Lý không sợ CS.

Cũng có tin hành lang là cuối tháng Bảy sẽ có một phái đoàn y sĩ Canada tới Huế để chữa bệnh cho LM Lý. Ông cha này ở tù VC nhiều năm nên mắc nhiều bệnh nan y. Đoàn y tế này do bà đại sứ Canada ở VN bảo trợ. Các cụ đã thấy Canada quan tâm tới quê hương chúng ta chưa ?

Về mặt tôn giáo thì có tin này rất nóng và rất đáng lưu tâm: Các cộng đoàn Anh Giáo Canada, Anglican Catholic Chruch of Canada, ngày 28.7.2010 vừa qua, đã bỏ phiếu nhất trí xin hiệp nhất với Giáo Hội Công Giáo Roma. Được biết Thiên Chúa Giáo ở Canada có 3 dòng chính: lớn nhất là Công Giáo Catholic Church, lớn thứ hai là United Church, và lớn thứ ba là Anglican Church. Anglican Church ở Canada có 30 giáo phận và hơn hai triệu tín đồ. Đức Giám Mục chủ tịch niên trưởng Anh Giáo đã tuyên bố: Giờ đây các giáo phận của chúng ta có thể mạnh tiến về phía trước trong sự hiệp nhất, canh tân và hy vọng. Các thủ tục hiệp nhất đang được tiến hành. Trước đây Đức Thánh Cha Benedict XVI có gửi một tông thư mời gọi các anh em Anh Giáo về hiệp nhất, tông thư mang tên Anglicanorum Coetibus. Sự gia nhập của Anh Giáo Canada vào Công Giáo hôm nay chính là sự đáp ứng lời mời gọi của tông thư trên. Alleluia !

Vừa viết đến đây thì tôi nhận được bản tin ÁNH SÁNG gửi từ El Cajon, California. Các cụ biết bản tin này chứ ? Theo Ký Lục Báo Chí VN Hải Ngoại 1975-1995 thì tờ báo đầu tiên của người Việt tỵ nạn là tờ Hồn Việt, tờ thứ hai là tờ ÁNH SÁNG. Tờ báo thứ hai này đã sống từ 1975 cho đến nay, đã ra được 586 số, và vẫn sống mạnh. Nhiều độc giả coi đây là một phép lạ. Tôi cũng đồng ý như vậy. Đây là một phép lạ nhãn tiền của Thiên Chúa. Các cụ đã nhớ ra tờ báo này của ai chưa ? Cách đây ít lâu tôi có viết về ông chủ nhiệm kiêm chủ bút của tờ báo này rồi mà. Thưa, đó là Mục Sư Phan Thanh Bình. Tác giả đã hơn 75 tuổi vàng, nhưng lòng mến Chúa yêu người nơi ông vẫn cháy bừng bừng. Ông bảo Chúa là Tình Yêu. Ông gửi tình yêu đến cho mọi người. Cứ lâu lâu thì ông gom các bản tin này lại, nhuận sắc rồi in thành sách. Cuốn thứ nhất ‘ Đạo Nào Cũng Tốt ‘ đã tái bản đến 7 lần, tổng cộng trước sau là 20.000 cuốn. Tôi nghe phong phanh là Mục Sư Bình đang chuẩn bị in cuốn thứ 11. Tôi được ông qúy mến nên đã gửi cho thang thuốc bổ này hàng tháng. Tôi gọi tờ Ánh Sáng là thuốc bổ vì mỗi lần đọc xong thì tôi thấy tâm hồn thảnh thơi thư thái lạ lùng. Cụ nào muốn được uống thuốc bổ như tôi, xin gởi thư cho nhà bào chế tài ba Phan Thanh Bình, 660 S.Third St, El Cajon, CA 92019, USA. Ông nói về Chúa, ngòi viết của ông đa dạng và tài tình. Ông viết về nhiều đề tài. Chẳng hạn về chủ đề LÀM, ông viết thành 51 bài: Làm chơi, làm thật, làm trò, làm biếng, làm giàu, làm loạn, làm phiền, làm bạn, làm hỏng, làm lại, làm tình, làm tội... Lời văn trong sáng, rõ ràng, dễ hiểu và nhiều chỗ rất tếu..

Xin tạm ngưng các chuyện tôn giáo để trình các cụ những chuyện thời sự trần gian nóng hổi khác. Xin nói chuyện bên lề vụ dầu loang ở Vịnh Mexico. Dầu loang giết chết kỹ nghệ hải sản ở vùng Vịnh. Dân Mỹ phần lớn nghiện hải sản, cái nghiện không thể một sớm một chiều mà bỏ được. Làm sao bây giờ ? Các công ty chuyên cung cấp hải sản cho nhà hàng và siêu thị phải đi tìm mua hải sản bằng bất cứ gíá nào. Tự nhiên bờ biển Prince Edward Island một tỉnh bang phía đông của Canada sáng rực lên. Các công ty bên Mỹ đổ xô tới đây mua tôm cá sò ốc. Mua ào ào. Giá nào họ cũng mua. Thương vụ từ 2 tỷ mối năm, chỉ riêng mấy tháng vừa qua các nhà bán hải sản Canada đã thâu gần gấp đôi. Rõ ràng họa bên Mỹ mà phúc bên Canada. Đúng là họa người phúc ta, ông bà mình nói không sai.

Chuyện tiếp theo là chuyện một ông nông dân Canada ngồi trên mỏ vàng. Ở phía tây bắc của tỉnh bang Québec có một khu vực nhiều mỏ qúy kim, do công ty Osisco Mining độc quyền khai thác. Đó là miền Malartic, rộng 148 cây số vuông, dân số thưa thớt chỉ có 3.640 người. Gần đây công ty khai thác khám phá ra căn nhà của nông dân Ken Masse 35 tuổi chính là cái đỉnh của mỏ vàng ở dưới. Công ty hỏi mua căn nhà và thửa đất. Ban đầu họ trả giá 100.000 đồng, rồi 350.000 đồng, rồi lên tới 4 triệu đồng, nhưng anh Ken nhất định không bán. Anh bảo anh không ham tiền. Đây là căn nhà của tổ tiên. Anh không muốn bán nhà di sản của tổ tiên, và không muốn công ty vàng làm ô nhiễm khu vực này. Không biết anh sẽ giữ vững được lập trường trong bao lâu nữa, vì chung quanh anh đã có 204 gia đình bán nhà đất và đã dọn đi. Nếu các cụ là anh Ken thì các cụ tính sao cơ ?

Bây giờ xin trình các cụ chuyện con ong mật, honeybee, ở Canada. Theo sử sách thì con ong mật được loài người thuần hoá cách đây 6 ngàn năm. Con ong này đóng một vai trò rất quan trọng cho cuộc sống của loài người, vừa cho mật làm thực phẩm bổ dưỡng vừa giúp thực vật thụ phấn để sinh hoa kết trái. Các nhà khoa học vừa lên tiếng báo động về sự suy giảm đáng kể của loại ong hữu ích này. Tại Canada có 8.000 nhà nuôi ong mật với tổng số là 600.000 bầy ông. Chỉ riêng năm 2009 vừa qua, số lượng ong mật đã suy giảm 35%. Tại sao ong biến đi ? Rồi đây, thiếu sự giúp đỡ thụ phấn của bầy ong, hoa qủa mùa màng và cây cối sẽ biến đi. Rồi loài người sẽ sống ra sao ? Tại Canada người ta ghi nhận sự đóng góp rất tích cực của ong: mỗi năm ong cho 37 triệu kí lô mật, và giúp thụ tinh cho rất nhiều loại cây, đặc biệt loại cây cải dầu (canola), dâu xanh ( blueberry) và táo. Mỗi năm Hoa Kỳ mua của Canada gần 20 triệu kí lô mật ong đó, các cụ ạ.

Nghe tin loài ong mật bị suy giảm, tổ chức Go Green làm ầm lên: Các vị thấy chưa, đây là hậu quả của kỹ nghệ, môi trường thiên nhiên bị tàn phá nên bầy ong không còn đất sống. Nghe cũng có lý, phải không cơ ? Anh John nghe chuyện con ong xong liền quay ra đố cả làng: Đố các bạn: Tiếng Ý gọi con ong là gì ? Cả làng chịu hết vì có ai biết tiếng Ý đâu. Anh trả lời: Tiếng Ý gọi con ong là Vespa. Tiếng Vespa này thì ai chả biết. Ngươi Ý ngày xưa làm xong cái xe máy thì đặt tên. Thấy hình dáng cái xe có hai bầu tròn phía sau giống y như đít con ong nên gọi tên nó là xe con ong, xe Vespa. Anh H.O. nghe xong thì thích qúa, phá ra cười rồi thốt lên: À ra thế, hoá ra xưa nay bà con VN mình cỡi con ong Ý mà không biết !

Nhân nói tới các con vật, xin trình các cụ chuyện con cá chép. Các nhà hải dương học cho biết hiện nay ở Ngũ Đại Hồ, 5 cái hồ lớn giữa Canada và Hoa Kỳ, có một loại cá chép gốc từ Á Châu ( Asian Carp ) đang hung hăng săn bắt tôm cá và tàn phá môi sinh. Chúng phát triển rất lẹ. Không biết làm sao mà mãi từ Á Châu loại cá này sang được vùng biển Bắc Mỹ này. Mỗi con hàng ngày tiêu thụ số lượng tôm cá bằng 40% trọng lượng của nó. Trung bình chúng dài tới 1 thước và nặng tới 40 ký. Ông ODP loan báo tin này rồi bình luận: Con cá chép ở quê VN mình đâu có dài tới 1 thước và nặng tới 40 ký. Tôi nhớ ngày xưa trong ao nhà tôi có thả cá chép, chúng đâu có to lớn đến thế. Chắc vì nó có hạt giống tốt như người nên gặp đất tốt Ngũ Hồ là chúng phát triển tối đa như vậy. Gỏi cá chép ngon số một. Và ông ao ước bây giờ nếu mua được một con cá chép tươi rồi làm gỏi sống mà ăn thì sung sướng biết chừng nào ! Kiểu gỏi cá miền Kim Sơn Bắc Kỳ: lọc lấy 2 lườn cá, lau bằng giấy bản, thái thành nhiều miếng mỏng, rồi bóp với thính. Bây giờ mời cụ xơi. Cụ cuốn cá với nhiều thứ lá, cần nhất là lá sung lá mơ, chấm với nước giấm cá. Thế nào cơ ? Thức ăn trên Thiên Đàng và Niết Bàn cũng chỉ ngon đến cỡ này là cùng.

Như tôi đã trình các cụ ở trên là ông ODP và H.O. vì thua việc cá độ giải túc cầu ở Nam Phi nên hai ông phải đãi làng bữa nay. Ông phát biểu về cá chép như trên trong khi ông nấu món ăn đãi làng. Các cụ có đoán được cái ông ODP tài ba này nấu món gì không ạ ? Cái ông này đa tài y như ông bạn viễn phương Từ Hoè của chúng tôi. Ông luận rằng bây giờ đang mùa hè nóng bức thì không nên nấu những món phải ăn nóng. Bây giờ là lúc dân làng nên ra ngoài vườn ngồi hưởng không khí trong lành của thiên nhiên, vừa ngắm hoa ngắm lá, vừa nhậu lai rai những món không cần chén bát xiên muỗng lỉnh kỉnh. Và ông đã làm nón sườn nướng. Thật là ngon hết ý. Ông làm dễ dàng và lẹ lắm. Này nha, ông mua sườn heo về, cắt khúc cỡ ngón tay, rồi ông ướp với nước cốt của trái thơm, tiếng Bắc Kỳ là trái dứa. Nước cốt này ông nêm muối đường tiêu tỏi tương ớt và dầu. Ông ướp khay thịt qua đêm trong tủ lạnh. Đến giờ ăn thì ông bỏ khay thịt vào lò. Thấy thịt vàng đậm và thơm ngào ngạt là xong, là bày ra đĩa. Rồi ông lấy nước cốt trên khay trộn thêm với bột năng nấu lên cho sột sệt rồi đổ vào điã thịt sườn. Chao ơi, hai thứ quyện lấy nhau, sao mà nó thơm thế. Mời các cụ xơi món này với bánh mì, hay cơm nóng, hay bún, tùy ý. Cụ nhớ ăn thêm với món rau sống có dưa leo và cà chua nha. Thêm một vài tớp bia lạnh nữa nha. Đời đẹp qúa chứ, phải không ạ ? Thiên đàng là đây chứ phải đâu xa.

Trong bữa ăn, phe các bà bàn chuyện đi sang Đức thăm thày tiên tri bạch tuộc Paul, còn phe liền ông chúng tôi không đồng ý sang Đức, nhưng sang Nam Hàn. Ông ODP chủ trương chuyến đi du lịch này. Ông bảo: Hiện tháng Bảy này ở Nam Hàn có truyền thống Lễ Hội Chó. Không phải lễ tôn vinh con chó, mà rước con chó vào lòng, vào bụng. Theo tờ báo lớn The Seoul Times thì ngày 18 tháng Bảy hằng năm là Ngày Chó, Dog Day, ngày cả nước nhậu chó. Lễ hội này kéo dài một tháng. Khu chợ bán thịt chó nổi tiếng ở thủ đô Nam Hàn là Chợ Moran. Người Triều Tiên cho rằng thịt chó vừa thơm ngon vừa giải nhiệt vừa bổ dưỡng, đặc biệt bổ dương cho phe mày râu.

Các cụ đã thấy ông ODP thông thạo tin tức chưa. Ông vừa cười vừa bảo: Chúng ta nên ăn thịt chó kiểu Đại Hàn một lần cho biết khẩu vị của họ ra sao. Tôi đã xem kỹ thực đơn trên internet thì không thấy có món ‘ dồi chó’ như VN ta. Bữa thịt chó ngon nhất là món dồi chó. Cha ông mình đã bảo:

Sống trên đời ăn miếng dồi chó
Thác về âm phủ biết có hay không.


Anh John nghe tả về thịt chó thì mê qúa. Anh đã giơ tay xin nhập đoàn du lịch đi ăn thịt chó ở Nam Hàn. Tôi cũng đã giơ tay xin đi đó, các cụ ạ.

Cụ Chánh tiên chỉ làng thấy mọi người vừa ăn sườn heo nướng dứa vừa bàn chuyện du lịch, ai cũng cười nói hể hả thì tỏ ra sung sướng lắm. Cụ phát biểu như sau: Tôi mới đọc một bài trên báo bàn về sự hạnh phúc. Theo viện Gallup thì có 2 loại hạnh phúc: Hạnh phúc toàn diện về cuộc sống, và hạnh phúc về tâm lý, không phải từ của cải. Đan Mạch là xứ được xếp hạng nhất về hạnh phúc loại một, và New Zealand hạng nhất về loại hai. Tuy có GDP cao nhất thế giới nhưng Hoa Kỳ chỉ được xếp hạng 16 ở loại 1 và hạng 26 về loại hai. Riêng làng ta thì sao ? Tôi đã quan soát mọi ngươi trong bữa tiệc này và thấy rằng làng ta phải được xếp hạng nhất cùng với New Zealand.

Còn các cụ, các cụ có loại hạnh phúc nào cơ ?






 
Những vần thơ cho mẹ giáo phận Vinh nhân ngày truyền thống 15/8/2010
Ngô xuân Tịnh
17:23 18/08/2010
Quê hương tôi

.

Quê hương tôi

Ôi chiếc nôi yêu dấu

Nghệ Tĩnh Bình

Dựa lưng vào biển xanh

Từ hồng hoang lịch sử

Tiếp nối hiện tại

Và suốt chiều dài thế hệ tương lai

Biển thì thầm ru miên man giấc mộn g lành

Mang giấc mơ biển Thái Bình

Sáng rực rỡ tia chiếu bình minh

Chiều tà êm ả như điệu hò mái đẩy

Khóm mây hồng đứng lặng ngất ngây

Trường Sơn chiếm hai phần ba

Quê hương mẹ trăm chiều vất vả

Những núi non hùng vĩ

Những khối đá đen sì

Tăng lực cho đòn gánh

Mang hai thúng định mệnh

Treo hai đầu Bắc Nam tổquốc

Sức nặng đè lên đòn gánh

Dù cho dáng vẻ thon thả mong manh

Suốt cuộc đời lo chu toàn sứ mệnh

Cả những khi vận nước chênh vênh

Vẫn cương quyết cang cường đối phó

Đưa quê hương vượt thử thách cam go

Khi đất nước thanh bình thịnh vượng

Đòn gánh vẫn cam chịu cuộc sống khiêm nhường

Vui với thiên nhiên khô cằn sỏi đá

Nhưng không thiếu những bão táp phong ba

Những trang sử cha ông hiển hách

Những con người làm tổ quốc rạng danh

Được sản sanh từ chiếc nôi đòn gánh

Nghệ Tĩnh Bình

Quê hương vinh hiển của tôi

Mẹ ơi

Suốt cuộc đời không quên mẹ

.

Mẹ giáo phận Vinh

Nghệ An Hà Tĩnh Quảng Bình

Mẹ Vinh giáo phận rừng xanh bạt ngàn

Trùng trùng đei^.p điệp núi non

Tên mang hai chữ Trường Sơn oai hùng

Biết bao tên gọi đã từng

Ghi vào chiến tích lẫy lừng sử xanh

Núi nhiều hơn đất kết thành

Chiếc đòn gánh cứng lừng danh sơn hà

Bao nhiêu thách đố kinh qua

Biết bao biến cố xót xa hiểm nghèo

Vững bền như đá rong rêu

Yêu thương đoàn kết bỏ neo trong mình

Niềm tin sắt đá, hy sinh

Dẫn đưa vận nước băng mình vượt qua

Ngọn đuốc lý tưởng chói lòa

Luôn luôn hướng dẫn chiếu xa lộ trình

Dựa lưng biển hát mông mênh

Tắm vầng trăng sáng chông chênh suối ngàn

Nghe rừng hát khúc quan san

Dòng sông Lam mãi chứa chan ân tình

Lũy tre đồng lúa ngát xanh

Năm năm tháng tháng gió lành ngân nga

Tình quê yêu dấu đậm đà

Những mùa đạo hạnh chan hòa phúc âm

Máu đào tử đạo tiền nhân

Sản sinh đồng lúa đức tin chín vàng

Vinh danh Thiên Chúa quyền năng

Ngợi ca danh Mẹ vẫn hằng chăm lo

Miên man sóng biển vỗ bờ

Lời ru Mẹ dỗ con thơ tháng ngày

Hồng ân biển cả đong đầy

.

Huyền thoại những ngọn núi

Những đứa con của Ngàn hống (1)

Đua nhau chạy xuống đồng

Đứa trước đứa sau xuống biển tắm

Giữa trưa hè nắng hạn tháng năm

Mặt trời rót lửa

Gió Lào ào ạt thổi nóng qua

Hàng tre quằn quại khóc trong gió

Lá xám khô xoắn vòng tuôn đổ

Đàn con của núi đua nhau chạy đến

bãi biển Cửa Lò

Rồi bất thần những ngọn núi đứng ngay tại chỗ

Khóm mây trắng quan sát đem hung tín bất ngờ

Những ngọn núi đến trước bị chìm dưới biển sâu

không còn nữa

Thế là tư đó những ngọn núi lác đác lưa thưa

Như những con rùa thụt cổ úp mặt xuống

Giữa bình nguyên màu xanh đồng ruộng

Ngàn năm nằm đấy khóc thương

Anh chị em đã nắm xương gửi nhờ

Dưới lòng biển cả Cửa Lò

Xác thân lạnh lẽo sóng xô tan tành

Tình yêu chung thủy kết thành

Quê hương truyền thống bao lần vượt qua

Tai ương thách đố hàng hà

Bảo tồn phát triển ông cha công trình

Vùng nầy thủ phủ của Vinh

Xã Đoài tên gọi xứng danh bao đời

Trung tâm giáo phận, chiếc nôi

Ấp yêu chiếu tỏa rạng ngời đức tin

Để cho con cái mọ.i miền

Của Vinh giáo phận triền miên hướng về

(1) Ngàn hồng: Những ngọn núi thuộc dãy Trường SS+n tại

Hà Tĩnh Nghệ An