Ngày 17-08-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 18/8: Hay mắt bạn ganh tị, vì tôi nhân lành chăng. Lm Phaolô Nguyễn Trọng Thiên – Kính Thánh Giuse
Giáo Hội Năm Châu
01:46 17/08/2021


PHÚC ÂM: Mt 20, 1-16a

“Hay mắt bạn ganh tị, vì tôi nhân lành chăng”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này rằng: “Nước Trời giống như chủ nhà kia sáng sớm ra thuê người làm vườn nho mình. Khi đã thoả thuận với những người làm thuê về tiền công nhật là một đồng, ông sai họ đến vườn của ông.

“Khoảng giờ thứ ba, ông trở ra, thấy có những người khác đứng không ngoài chợ, ông bảo họ rằng: ‘Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta, ta sẽ trả công cho các ngươi xứng đáng’. Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu và thứ chín, ông cũng trở ra và làm như vậy.

“Đến khoảng giờ thứ mười một ông lại trở ra, và thấy có kẻ đứng đó, thì bảo họ rằng: ‘Sao các ngươi đứng nhưng không ở đây suốt ngày như thế?’ Họ thưa rằng: ‘Vì không có ai thuê chúng tôi’. Ông bảo họ rằng: ‘Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta’.

“Đến chiều chủ vườn nho bảo người quản lý rằng: ‘Hãy gọi những kẻ làm thuê mà trả tiền công cho họ, từ người đến sau hết tới người đến trước hết’. Vậy những người làm từ giờ thứ mười một đến, lãnh mỗi người một đồng. Tới phiên những người đến làm trước, họ tưởng sẽ lãnh được nhiều hơn; nhưng họ cũng chỉ lãnh mỗi người một đồng. Đang khi lãnh tiền, họ lẩm bẩm trách chủ nhà rằng: ‘Những người đến sau hết chỉ làm có một giờ, chúng tôi chịu nắng nôi khó nhọc suốt ngày mà ông kể họ bằng chúng tôi sao?’ Chủ nhà trả lời với một kẻ trong nhóm họ rằng: ‘Này bạn, tôi không làm thiệt hại bạn đâu, chớ thì bạn đã không thoả thuận với tôi một đồng sao? Bạn hãy lấy phần bạn mà đi về, tôi muốn trả cho người đến sau hết bằng bạn, nào tôi chẳng được phép làm như ý tôi muốn sao? Hay mắt bạn ganh tị, vì tôi nhân lành chăng?’

“Như thế, kẻ sau hết sẽ nên trước hết, và kẻ trước hết sẽ nên sau hết”.

Đó là lời Chúa.
 
Bánh Lời Chúa
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
01:54 17/08/2021
CN 21 B
BÁNH LỜI CHÚA

Bài giảng về Bánh tại Caphacnaum và bài giảng về Lời tại Giêrusalem liên kết chặt chẽ với nhau và cùng liên kết với mầu nhiệm tôn vinh của Chúa Giêsu. Bánh và Lời là hai của ăn thông ban sự sống, thông ban thần khí của Thiên Chúa cho chúng ta.

Bài giảng về Bánh ở Caphacnaum không những làm cho đám đông quay lưng với Chúa Giêsu mà còn khiến một số môn đệ bấy lâu nay đi theo Người cũng bỏ đi. Chỉ có Tông đồ Phêrô, đại diện nhóm Mười Hai thân thưa : bỏ Thầy chúng con biết theo ai.

Bài Phúc Âm hôm nay kết thúc Tin Mừng Gioan chương 6 với lời tuyên tín của Thánh Phêrô : chỉ có Chúa Giêsu mới đem lại Lời ban sự sống đời đời.

Khi Chúa Giêsu tuyên bố : “Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi thì có sự sống đời đời”, lập tức nhiều môn đệ phản ứng: "Lời này chói tai quá, ai mà nghe được" (Ga 6,60). "Từ bấy giờ có nhiều môn đệ rút lui, không còn theo Người nữa" (Ga 6,66). Thấy một số môn đệ bỏ đi, Chúa Giêsu hỏi nhóm mười hai: còn các con, các con có muốn bỏ Thầy mà đi nữa không? Thánh Phêrô trả lời: "Thưa Thầy, bỏ Thầy thì con biết theo ai, vì Thầy có Lời ban sự sống đời đời". Phêrô xác tín: Thầy có Lời ban sự sống, nên đã quyết tâm chọn Thầy : bỏ Thầy thì chúng con biết theo ai?

Chúa Giêsu là Bánh Trường Sinh - Bánh Thánh Thể và là Lời Ban Sự Sống - Bánh Lời Chúa, lương thực thiêng liêng nuôi dưỡng nhân loại.

Khi nói đến Lời Chúa, nhiều người nghĩ ngay đến Sách Thánh Kinh. Đối với người Công Giáo, Lời Chúa có nhiều ý nghĩa và vượt trên Sách Thánh Kinh.

Cụm từ Lời Chúa có thể được dùng để nói về:

- Lời Hằng Hữu, là Ngôi Hai của Thiên Chúa Ba Ngôi.
- Lời Thiên Chúa lúc tạo dựng, nhờ Người mà mọi sự hiện hữu được tạo thành.
- Chúa Giêsu, Ngôi Lời làm người và ở cùng chúng ta.
- Thánh Kinh, Lời được Thiên Chúa linh hứng và viết thành văn tự.
- Truyền Thống của Giáo Hội, vang vọng cách trung thực Lời của Thiên Chúa cho mọi thế hệ.

1. Lời Hằng Hữu

Lời Chúa là Ngôi Lời Thiên Chúa, là Lời Hằng Hữu của Thiên Chúa. Tin Mừng Thánh Gioan mở đầu: “Từ nguyên thuỷ đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời ở cùng Thiên Chúa và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1,1).

Ngôi Lời Hằng Hữu vì Ngôi Lời ở cùng Thiên Chúa, và Ngôi Lời chính là Thiên Chúa. Ngôi Lời chính là Đức Giêsu Kitô. Đây là tâm điểm của tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, nhưng chỉ là Một Thiên Chúa Duy Nhất.

2. Lời Tạo Dựng

Sách Sáng thế mở đầu: “Lúc khởi đầu, khi Thiên Chúa sáng tạo trời đất” (St 1,1). Thiên Chúa tạo dựng tất cả mọi sự bằng cách dùng Lời mà phán : “Rồi Thiên Chúa phán: Hãy có ánh sáng, và liền có ánh sáng... Rồi Thiên Chúa phán: Phải có một cái vòm ở giữa khối nước, để phân rẽ nước với nước” (St 1,3a.6a). Mỗi ngày, Thiên Chúa tạo dựng bằng cách phán Lời Ngài. Vào ngày thứ sáu : “Thiên Chúa phán: Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta” (St 1,26a). Lời được phán ra và người nam người nữ đã hiện hữu theo chính hình ảnh Thiên Chúa.

Sách Sáng thế và Tin Mừng Gioan có một mối liên hệ đặc biệt. Sách Sáng thế mở đầu với một câu chuyện tạo dựng tất cả mọi sự, bắt đầu với ánh sáng. Tin Mừng Thánh Gioan là câu chuyện tái tạo dựng về tinh thần đã được mạc khải và hoàn thành nhờ Đức Giêsu Kitô, ánh sáng thế gian.

Trong Sách Sáng Thế cũng như trong Tin Mừng Gioan, nhờ Lời Tạo Dựng mà muôn vật được tạo thành :“Nhờ Người mà muôn vật được tạo thành,và không có Người, thì không có gì được tạo thành” (Ga 1,3a). Ngôi Lời Hằng Hữu của Thiên Chúa chính là Lời Tạo Dựng.

3. Ngôi Lời làm người

Ngôi Lời Hằng Hữu, Lời Tạo Dựng, nguồn mạch của tất cả những gì hiện hữu, đã làm người và ở giữa chúng ta:“Ngôi Lời đã trở thành nhục thể và ở giữa chúng ta.Và chúng tôi đã thấy vinh quang của Người,như vinh quang của Con Một Chúa Cha, đầy ân sủng và chân lý” (Ga 1,14).

Ngôi Lời đã làm người đó là Đức Giêsu Nazareth. Người đã ở giữa nhân loại trong một giai đoạn của lịch sử, ở vùng đất Palestine, làm người Do thái, và sống dưới quyền đô hộ của Đế quốc Rôma. Người đã chết và đã phục sinh.Người luôn ở giữa nhân loại trong Thánh Kinh, trong các Bí tích, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể, trong Giáo Hội, trong tha nhân và trong mỗi người chúng ta.

4. Thánh Kinh là Lời Hằng Sống của Thiên Chúa

Thánh Kinh là Lời mạc khải của Thiên Chúa. Thánh Kinh là Lời được Thiên Chúa linh hứng. Thánh Kinh là Lời Chúa được các Thánh Sử ghi lại bằng văn tự qua dòng Lịch sử Cứu độ.

Thánh Kinh là bức tâm thư Thiên Chúa gởi cho Dân được tuyển chọn. CĐVTC II đã dạy:”Trong các Sách Thánh,Chúa Cha trên trời bằng tất cả lòng trìu mến đến gặp gỡ con cái mình và ngỏ lời với họ.Vậy sức mạnh và quyền năng chứa đựng trong Lời Chúa lớn lao đến độ trở thành điểm tựa đầy năng lực cho Hội thánh và là sức mạnh của đức tin,lương thực nuôi linh hồn,nguồn sống thiêng liêng,tinh tuyền và trường cửu cho con cái của Hội Thánh”(MK21).

5. Yêu mến, học hỏi và sống Lời Chúa.

Lời Chúa là chính Chúa Kitô. Thánh Giêrônimô nói: “Không biết Thánh Kinh là không biết Đức Kitô”. Học hỏi Lời Chúa để tìm được nguồn năng lực cho sức mạnh đức tin, lương thực thần thiêng nuôi linh hồn, nguồn sống thiêng liêng, tinh tuyền và trường cửu (MK 21).
Lời Chúa là Sự Thật, “là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi.” (Tv 119;105). Chúng ta kín múc ánh sáng và sự khôn ngoan từ Lời Chúa để đời mình được chiếu soi và hướng dẫn.

"Lời Chúa trở thành niềm vui và hạnh phúc của lòng con" (Gr 15,16). Không có lời nào của loài người có thể đến với con người bằng một sự thâm sâu như Lời Thiên Chúa đến với họ.

"Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người" (Dt 4,12).

Lời Chúa có sức sống và quyền năng vô cùng bởi lẽ: “Lời Thầy nói với anh em là Thần Khí và là Sự Sống”.

Lời Chúa quý giá như một viên ngọc, như kho báu. Ai yêu mến khám phá sẽ say mê, đến nỗi có thể bán hết mọi của cải tài sản để có được viên ngọc quí, có được kho báu ấy.Có những người chỉ cần khám phá một câu Tin Mừng thôi là thay đổi cả một cuộc đời. Chẳng hạn như thánh Phanxicô Assidi, câu “Phúc cho những người nghèo khó” đã khiến ngài bỏ hết gia tài của cha mẹ để dấn thân vào một cuộc sống nghèo khó nhưng vô cùng hạnh phúc. Thánh Phanxicô Xaviê được đánh động bởi câu: “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì nào được ích gì”.Thánh nhân từ bỏ tất cả danh vọng thế tục dấn thân truyền giáo và đã đưa về cho Chúa hàng trăm ngàn linh hồn.Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng tìm thấy linh đạo “con đường thơ ấu” từ câu “Nước Trời thuộc về những trẻ nhỏ”…

Ngày Chúa Nhật 05/10/2008, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI chủ sự Thánh lễ khai mạc Thượng Hội đồng Giám Mục Thế giới lần thứ 12 với chủ đề “Lời Chúa trong Đời sống và Sứ vụ của Giáo Hội”. Đức Thánh Cha đã gọi Đức Trinh Nữ Maria là người môn sinh tuyệt hảo của Lời Chúa.

Mẹ Maria là một khuôn mẫu tuyệt vời cho chúng ta trong sứ vụ học hỏi, suy niệm và rao truyền Lời Chúa. Mẹ là người đã đón nhận Lời, đã cưu mang Lời thành xác phàm trong lòng dạ mình. Nhờ đó Mẹ đã sinh Lời cho nhân loại. Quá trình đón nhận, cưu mang, và sinh hạ chính là quá trình mà mỗi Kitô phải đi qua nếu muốn Lời Chúa mang lại hiệu quả cho mình và cho tha nhân. Vì thế, chiêm ngắm Mẹ Maria, học tập với Mẹ và cầu nguyện cùng Mẹ là một trong những cách thế tốt nhất giúp chúng ta chu toàn sứ mạng học hỏi, suy niệm và rao truyền Lời Chúa.

Mỗi thánh lễ là một bữa tiệc. Chúng ta được mời đến dự bàn tiệc Lời Chúa trước khi dự bàn tiệc Thánh Thể. Cả hai đều là lương thực bổ dưỡng cho người tín hữu. Công đồng Vaticanô (PV 7) khẳng định rằng, khi chúng ta nghe đọc Lời Chúa trong Phụng Vụ thì Chúa Giêsu "hiện diện trong Lời của Người, vì chính Người nói khi ta đọc Kinh Thánh trong Giáo Hội". Như thế Chúa Giêsu vẫn loan báo Tin Mừng trong từng thánh lễ (PV 33). Chúa Giêsu vẫn trao cho chúng ta Tấm Bánh là Lời của Người.

Bổn phận của các linh mục là phải trình bày Lời Chúa như thế nào để giáo dân thấy được giá trị hấp dẫn của Lời Chúa.

Bổn phận của giáo dân là phải biết chăm chú lắng nghe để chính mình cũng khám phá ra được giá trị tuyệt vời của Lời Chúa.

Bổn phận của tất cả mọi tín hữu, linh mục cũng như giáo dân, là phải học hỏi, yêu mến và sống Lời Chúa. Nhờ học hỏi Lời Chúa mà mỗi người biết Chúa Giêsu. Nhờ suy niệm và cầu nguyện mà mỗi người gặp gỡ Chúa Giêsu. Nhờ sống Lời Chúa mà mỗi người yêu mến và bước theo Chúa Giêsu. Đời sống thiêng liêng cốt yếu dựa trên Chúa Giêsu và gắn bó với Người như “Cành nho gắn với thân nho” (Ga 15,5). Học hỏi, gặp gỡ, chiêm ngắm Chúa Giêsu, chúng ta được Lời Chúa biến đổi mỗi ngày. Từ đó dần dần nên giống Chúa Giêsu hơn, được nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu, có được những tâm tình, thái độ và phản ứng của Chúa Giêsu.

Lời Chúa là tấm bánh thơm ngon cho những ai biết lắng nghe và đem ra thực hành. Càng sống Lời Chúa,chúng ta càng gặp được ánh sáng và sức mạnh, nhất là được hiệp thông mật thiết với Chúa Giêsu để cuộc đời mỗi người được biến đổi, có ý nghĩa, có giá trị.
 
Đợi để bổ sức
Lm. Minh Anh
01:59 17/08/2021
ĐỢI ĐỂ BỔ SỨC
“Ta sẽ đợi ngươi trở lại!”.

Một cậu bé thường xuyên đi học về muộn; ngày kia, nó về muộn hơn bao giờ hết. Bà mẹ gặp cậu ở cửa, không nói nửa lời. Bữa ăn tối hôm đó, cậu bé nhìn vào đĩa của mình: một lát bánh mì và một cốc nước; nhìn sang đĩa của bố và em gái, đầy ắp… rồi nó lại nhìn bố, nhưng bố vẫn im lặng. Cậu bé đã bị nghiền nát! Đợi cho im lặng hoàn toàn chìm sâu vào trong, người cha lặng lẽ lấy đĩa của con trai, đặt trước mặt mình; lấy đĩa đầy thịt và khoai tây của mình, đặt trước mặt cậu bé… và ông mỉm cười với nó. Khi cậu bé trở thành một người đàn ông, anh ấy nói, “Cả đời tôi, tôi biết Thiên Chúa là như thế nào qua những gì cha tôi đã làm vào đêm hôm ấy; thì ra, Ngài đợi tôi!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Sẽ khá bất ngờ, khi phụng vụ Lời Chúa hôm nay cho thấy, Thiên Chúa còn là Đấng đợi chờ! Ngài nhẫn nại với con người, sẵn sàng ‘đợi để bổ sức’ cho nó. Hôm nay, Ngài nói với Giêđêôn, “Ta sẽ đợi ngươi trở lại!”; Chúa Giêsu nói với các môn đệ, “Đối với Thiên Chúa, mọi sự đều có thể!”.

Từ lịch sử, Israel trải nghiệm, Thiên Chúa của họ là một Thiên Chúa kiên nhẫn, đợi chờ và canh thức vì họ. Cụ thể, sách Thủ Lãnh hôm nay mở đầu thế này, “Trong những ngày ấy, Thiên thần Chúa đến ngồi dưới cây sồi ở đất Êphra”, Ngài ngồi đợi Giêđêôn đó! Thiên thần nói với Giêđêôn, Chúa sai ông đi giải thoát Israel khỏi tay Mađian; Giêđêôn dể ngươi, “Thôi, xin Chúa, con dựa vào đâu mà giải thoát Israel?”; Chúa bảo, “Ta sẽ ở với ngươi!”. Giêđêôn liều lĩnh xin một dấu để chứng tỏ chính Chúa phán dạy ông; Chúa nói, cứ việc, “Ta sẽ đợi ngươi trở lại!”. Và Chúa cho lửa từ khối đá thiêu rụi của lễ ông dâng; ông khiếp sợ vâng lĩnh thánh ý Ngài và gọi nơi ấy là “Bình An của Chúa”, đúng như lời Thánh Vịnh đáp ca, “Điều Chúa phán là lời chúc bình an cho dân Ngài!”.

Với bài Tin Mừng, các môn đệ sững sờ khi nghe Chúa Giêsu nói, “Lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Trời!”; họ thốt lên, “Vậy thì ai có thể được cứu độ?”. Chúa Giêsu nói, “Đối với loài người thì không thể; nhưng đối với Thiên Chúa, mọi sự đều có thể!”.
Theo một truyền thống, “lỗ kim” được dùng để chỉ một cánh cổng trong tường thành Giêrusalem. Ban ngày, một cánh cổng lớn mở ra để lạc đà đi qua dễ dàng; nhưng ban đêm, một cánh cổng lớn hơn bị đóng lại, và chỉ có một khe hở nhỏ ở giữa cánh cổng, cho phép mọi người đi qua. Như vậy, lạc đà không thể đi qua khe hở nhỏ hơn đó, trừ khi nó khuỵu gối xuống, rồi trườn qua. Với hình ảnh này, thánh Anselmô nói, “Người giàu không thể đi vào đường hẹp dẫn đến sự sống, cho đến khi người ấy trút bỏ được gánh nặng tội lỗi và sức nặng của sự giàu có; nghĩa là, bằng cách ngừng yêu chính mình!”. Vì vậy, có thể nào một con lạc đà đi vào qua “lỗ kim” mà không tháo cởi và khuỵu gối, cũng như một người giàu làm sao vào được thiên đàng? Đúng! Chỉ với điều kiện, bằng sức mạnh của Thiên Chúa, họ quỳ gối, hạ mình và loại bỏ ‘hành trang’ cồng kềnh trĩu nặng. Thánh Gioan Thánh Giá hiểu rất rõ điều này; ngài nói, “Để đạt được sở hữu mà bạn không có, bạn phải đi bằng con đường mà bạn không sở hữu!”.

Sự giàu có là một trở ngại để con người tiến về phía trước khi nó quá gắn bó với vật chất, đến nỗi không còn chỗ cho Thiên Chúa. Như một người leo núi thiêng liêng, linh hồn phải thanh thoát! Một chiếc thuyền quá tải sẽ chìm, không phải vì nó không có khả năng nổi, nhưng vì trọng lượng của nó lớn hơn sức chở của nó. Chúng ta chỉ có thể đến với Thiên Chúa khi trở nên trống rỗng, và để cho ân sủng Ngài ngập tràn lòng mình. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu nói, “Đối với Thiên Chúa, mọi sự đều có thể!”, và Ngài cũng từng nói, “Tất cả những ai mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Tôi, Tôi sẽ nâng đỡ bổ sức cho!”. Phải! Ngài đang ‘đợi để bổ sức’ cho chúng ta.

Anh Chị em,

Kinh nghiệm bởi tình yêu của cha mình, cậu bé trong câu chuyện đã thốt lên, “Thiên Chúa đợi tôi!”. Ngài đợi tôi để đổi chiếc đĩa trống rỗng gây ra bởi tội lỗi thành chiếc đĩa đầy ân sủng! Ngài đợi tôi để vun đắp niềm tin còm cõi nơi tôi như đã vun đắp cho Giêđêôn. Hôm nay, Chúa Giêsu đang ‘đợi để bổ sức’ cho chúng ta! Thánh Thể Ngài không chỉ là ‘lương thực nuôi hồn’ nhưng còn là ‘linh dược chữa hồn’, cả khi chúng ta không thể đến được với Ngài trong những ngày dịch bệnh. Ngài đợi để tăng sức cho chúng ta, vì Ngài biết chúng ta đã chồn chân mỏi gối, sức hơi đã mỏn! Vấn đề là chúng ta có biết khuỵu gối, quỳ xuống để van vỉ Ngài hết lòng không? Cầu nguyện không chỉ là thờ lạy, chiêm ngắm hoặc van xin; nhưng còn là để cho mình được tẩy rửa, tháo cởi những ràng buộc tục luỵ, những ‘hành trang’ cồng kềnh trĩu nặng … để có thể quỳ mọp và trườn tới!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin giúp con thấy được giá trị của những kho tàng ân sủng và lòng thương xót của Chúa; cho con biết rằng, Ngài đang ‘đợi để bổ sức’ cho con”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Không Gặp Được Linh Mục Khi Hấp Hối, Lúc Lâm Chung
Lm. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
08:12 17/08/2021
Không Gặp Được Linh Mục Khi Hấp Hối, Lúc Lâm Chung

Hôm qua CN 15-8-21, Lễ Mẹ Lên Trời Hồn Xác, định viết một tút quan trọng về việc người Công Giáo khi chết không gặp được LM, nhưng không kịp, nên hôm nay, 16-8, sau ngày lễ Mẹ về Trời, (và Mẹ đã "ổn định" nơi ăn chốn ở), nên viết vài dòng :

Tuần vừa qua, chỉ trong hơn 1 ngày (khuya 10 và 11/8/21), mà xứ nhỏ bé Đakao Saigon cũng có tới 4 người chết liền nhau, 3 người trên 80 và một người trên 60 tuổi ! Thật bi thương ! Một người thân trong số 4 người đã qua đời này trách cứ cha sở không đến lo "phần rỗi" cho dân (tức tới liệm cho ông). Chị hiểu đơn sơ là dù ĐÃ chết rồi, LM vẫn lo "phần rỗi" được. Chị này khi tới báo tử, tôi có hỏi sao lúc gần chết không báo để LM đến xức dầu, giải tội... thì được trả lời : "ông không muốn". "Ông" tức là người sẽ chết, và đã chết sau đó. Khi đã chết thì mọi sự đã quyết định : hết lập công mà cũng không thể phạm thêm tội; có gặp 100 Lm, 200 Gm, cả Đgh, thì cũng chẳng thay đổi được "phần rỗi" !

Nhưng gặp Lm TRƯỚC khi chết cũng không phải là thường xuyên, dễ dàng. Biết bao người chết không hề gặp được Lm (nhất là Lm sống một mình, khi chết đột ngột trong đêm, lại là "hạng người" ít gặp được Lm nhất). Giáo Hội, Mẹ Hiền, đã giải quyết làm sao? Xin thưa, dễ lắm, có 2 việc phải làm :

1) ĂN NĂN TỘI CÁCH TRỌN

Để xin Chúa thứ tha mọi tội. Cách dễ nhất để ăn năn tội "cách trọn" là đọc kinh "Ăn năn tội" :

"Lạy Chúa, Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành vô cùng, Chúa đã dựng nên con, và cho Con Chúa ra đời, chịu nạn chịu chết vì con, mà con đã cả lòng phản nghịch lỗi nghĩa cùng Chúa, thì con lo buồn đau đớn, cùng chê ghét mọi tội con trên hết mọi sự; con dốc lòng chừa cải, và nhờ ơn Chúa thì con sẽ lánh xa dịp tội, cùng làm việc đền tội cho xứng. Amen"

Nếu không thuộc kinh này, hoặc không kịp giờ, thì một câu vắn tắt này cũng đủ : "Lạy Chúa, con yêu mến Chúa, xin Chúa tha thứ tội lỗi cho con" hoặc những câu tương tự : "Lạy Chúa xin thương xót con là kẻ tội lỗi"...

Người nhà có thể cùng đọc với người hấp hối hoặc đọc lớn cho họ nghe và hiệp thông. (*)

"Ăn năn tội cách trọn là chìa khoá VÀNG vào cửa Thiên Đàng"

2) LÃNH ƠN ĐẠI XÁ NGUY TỬ

Ăn năn tội cách trọn là Chúa tha các TỘI ta thống hối. Rồi ơn đại xá "sẽ đến" tha các HÌNH PHẠT bởi tội đã được tha trên đây (do ăn năn tội cách trọn ta vừa làm), và như thế, ta thẳng cánh bay tới Thiên Cung.

Giáo lý về Ân xá ghi : có Tội là có Hình phạt đi kèm. [Tội được tha do lòng thống hối. Hình phạt (do các tội đã được tha đó) sẽ được xoá nhờ Ân xá (và nhiều cách thế "đền tội" khác)] :

"Số 18 : Các tín hữu nguy tử mà linh mục không thể cho họ lãnh các Bí tích cuối cùng cũng như ơn đại xá giờ lâm chung theo giáo luật, thì Hội Thánh, Mẹ Hiền, ban đại xá lâm chung cho họ, nếu trong đời sống họ vẫn thường quen đọc ít kinh (cầu nguyện); và lúc này, thật đáng khuyến khích là cho họ cầm tượng Chúa Chịu Nạn (Thánh giá có tượng Chúa đóng đinh) hay Thánh giá (không tượng Chúa) và giục họ ước ao lãnh đại xá (toàn xá) này.

"Đại xá giờ lâm chung này được ban cho tín hữu, dù ngày hôm đó họ đã lãnh một đại xá khác rồi."(**) (trích Tông hiến về Ân Xá ngày 1-1-1967 của Đgh Phaolô 6, Normae, số 18)

-Như thế, để lãnh ơn đại xá giờ lâm chung, điều kiện duy nhất là, trong cuộc sống họ có thói quen ĐỌC ÍT KINH. vd. đọc ba kinh kính mừng trước khi ngủ, đọc kinh trước ăn cơm... Cực kỳ đơn giản !

-Cầm, hôn kính thánh giá là để họ tin chắc họ "cầm" họ "nắm" được ơn cứu độ. Chứ không có cũng chẳng sao.

-Miễn (không phải làm) 3 điều kiện thường nghe : xưng tội, rước lễ, cầu theo ý Đức Giáo Hoàng trong trường hợp đại xá nguy tử này.

Thế là bạn an tâm chưa.

Lm. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm

______________________________________

(*) Nếu hồi phục sức khoẻ, cần xưng lại các tội trọng chưa xưng.

(**) -Kể từ 1-1-1967, mỗi người mỗi ngày chỉ được nhận MỘT ơn đại xá mà thôi, nhưng nếu gặp nguy tử trong ngày, thì người đó vẫn được ơn đại xá nguy tử, tức ơn đại xá thứ hai, trong cùng một ngày, nếu trước đó trong ngày họ đã nhận một ơn đại xá khác rồi (vd lần hạt 50 chung; đọc hoặc nghe Kinh Thánh nửa giờ vv...)

-Sách Thủ Bản về Ân Xá (Enchiridion Indulgentiarum) trong ấn bản lần thứ 4 (16-7-1999), mục nói về ơn đại xá nguy tử này, Toà Ân Giải Tối Cao còn thêm : phải DẠY cho người tín hữu biết rõ về ơn đại xá nguy tử này để họ sẵn sàng nhận lãnh lúc cần kíp hầu được cứu rỗi mà Mẹ Hiền Hội Thánh dành sẵn (ân ban 12, no. 5)
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:31 17/08/2021

7. Chỉ cần điều gì Thiên Chúa muốn thì tôi luôn bằng lòng, tôi muốn được ở trong tay của Ngài.

(Thánh John Berchmans)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức)


------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:36 17/08/2021
31. MÀU SẮC CỦA “LƯƠNG TRI”

Có một thanh niên đến xin học với Vương Dương Minh, khi mới nghe chữ “lương tri” thì mạo muội hỏi:

- “Lương tri” là màu đen hay màu trắng?”

Mọi người đều cười lớn, anh thanh niên ấy mắc cở đỏ mặt đỏ mày.

Vương Dương Minh chậm chậm nói:

- ”Lương tri” không phải màu đen cũng không phải màu trắng, màu chính thống của nó là màu đỏ !”

(Tiếu Tiếu lục)

Suy tư 31:

Lương tri chắc chắn là không có màu gì cả, nhưng ai cũng hiểu nó là màu trắng, màu trắng đây có nghĩa là trong sạch, là ngay thẳng, là công bằng.v.v...

Ai cũng có lương tri, nhưng có thứ lương tri “đen“ như quỷ, và có thứ lương tri “trắng“ như thiên thần...

Người Ki-tô hữu có một thứ lương tri rất trắng, vì nó được rửa sạch bằng Máu Thánh của Đức Chúa Giê-su trong bí tích Rửa Tội, do đó mà khi họ vui chơi, học hành, làm việc đều làm theo sự chỉ dẫn của lương tri mình, bởi vì lương tri đã được rửa bằng Máu Thánh thì chắc chắn là sẽ luôn trở nên ánh sáng soi cuộc sống của họ, và tỏa sáng cho mọi người thưởng thức và tin theo Đức Chúa Giê-su.

Lương tri thì không có màu gì cả, nhưng nó có thể bị nhuộm trắng hay bôi đen do cuộc sống của mỗi người...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Biden bỏ rơi Afghanistan, Kitô Hữu có nguy cơ bị thảm sát
Đặng Tự Do
04:20 17/08/2021


Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, cho biết Abdul Ghani Baradar, thủ lĩnh Taliban, đã tuyên bố chiếm được toàn cõi Afghanistan và thành lập “Vương quốc Hồi Giáo”.

“Đó là một chiến thắng bất ngờ” về phương diện tốc độ và sự dễ dàng và bây giờ phải được nối tiếp bởi “sự khiêm tốn trước Allah” bởi vì phút hiện tại này “là thời điểm thử thách, làm sao chúng ta phục vụ và bảo vệ người dân của mình. Và làm thế nào chúng ta bảo đảm tương lai và cuộc sống của họ, của các công dân Afghanistan, ở một đất nước hiện đã được đổi tên thành Vương quốc Hồi giáo”.

Đây là tuyên bố đầu tiên của bọn Taliban được Mullah Abdul Ghani Baradar đưa ra. Hắn được mô tả là “nhà lãnh đạo tạm thời”, một vài giờ sau khi Kabul thất thủ. Trong một tin nhắn video, hắn ta cảm ơn các dân quân vì chiến dịch quân sự dẫn đến việc Tổng thống Ashraf Ghani bị lật đổ chỉ trong vài ngày. Từ dinh tổng thống, hắn ta nhắc lại “sự hào hùng” của quân Taliban nhưng đồng thời cũng nhắc lại tám năm bị chiếm đóng phủ bóng đen lên tương lai của quốc gia và khu vực.

Taliban ca ngợi chiến thắng và tuyên bố “giải phóng” Afghanistan chưa đầy một tháng trước lễ kỷ niệm hai mươi năm vụ tấn công vào Hoa Kỳ ngày 11 tháng 9, 2001, là biến cố dẫn đến chiến dịch quân sự Hoa Kỳ. Một lá cờ của phong trào thánh chiến bay trên phủ tổng thống trong khi một phát ngôn viên thông báo rằng “tình hình đã ổn định” và mục tiêu là thành lập “một chính phủ Hồi giáo cởi mở và hòa nhập”. Vào những giờ đầu ngày, đường phố thủ đô vắng vẻ và hàng chục cửa hàng, quán cà phê vẫn đóng cửa; một quyết định được các chủ hàng đưa ra để bảo vệ hàng hóa của mình chờ diễn biến trong những ngày tới.

Trong khi đó, các chuyến bay vội vã của các nhà ngoại giao phương Tây và công nhân nước ngoài vẫn tiếp tục, đặc biệt là nhân viên của các cơ quan đại diện của Hoa Kỳ và Liên minh Âu Châu.

Các nguồn tin từ Kabul cho biết các nhân viên sứ quán Nga không kịp di tản chứ không phải không muốn di tản. Nga đã trải qua cuộc chiến tranh với Afghanistan từ 24 tháng 12, 1979 cho đến ngày 15 tháng 2 năm 1989 phải rút quân về nước sau tổn thất năng nề với 14,453 quân nhân bị giết, 53,753 bị thương và 264 mất tích. 451 máy bay bị bắn hạ, 147 xe tăng bị phá hủy hay bắt sống.

Trong khi đó, Trung Quốc mở cửa đại sứ quán của mình và tuyên bố công khai rằng họ không có ý định rút nhân viên của họ. Trong cuộc họp báo vào sáng ngày 17 tháng 8, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Triệu Li Kiên lên tiếng chúc mừng tân chính quyền Taliban.

Hôm Chúa Nhật 15 tháng 8, Thủ tướng Anh Boris Johnson cảnh cáo không ai được song phương công nhận Taliban là chính phủ của Afghanistan,

“Chúng tôi không muốn bất kỳ ai song phương công nhận Taliban”, Johnson nói trong một clip phỏng vấn, đồng thời kêu gọi phương Tây hợp tác với nhau đối phó với tình hình mới ở Afghanistan thông qua các cơ chế như Liên hợp quốc và NATO.

“Chúng tôi muốn có một quan điểm đoàn kết giữa tất cả những người cùng chí hướng để chúng ta có thể làm bất cứ điều gì nhằm ngăn chặn Afghanistan trở thành nơi sinh sôi của khủng bố.”

Trong bối cảnh thế giới muốn cô lập bọn Taliban, Trung Quốc sẽ có một vai trò quan trọng đối với bọn này.

Các lực lượng vũ trang Hoa Kỳ đã giành quyền kiểm soát sân bay và đẩy lùi làn sóng hàng ngàn người tuyệt vọng đang cố gắng chạy trốn khỏi đất nước. Một số hãng hàng không đã thay đổi đường bay để tránh bay qua không phận Afghanistan. Một số hãng hàng không quốc tế đã đình chỉ các kết nối đến Kabul.

Cựu tổng thống Ghani hiện đang tị nạn ở Tajikistan hay Uzbekistan, trong một thông điệp đăng trên mạng xã hội đã thừa nhận chiến thắng của Taliban, là những người hiện đang “chịu trách nhiệm về danh dự, tài sản và cuộc sống của đồng bào họ”. Ông ta biện minh cho sự ra đi bằng cách nhấn mạnh rằng nếu ông ta ở lại, “vô số người yêu nước sẽ bị tử vì đạo và thành phố Kabul sẽ bị phá hủy”.
Source:Asia News
 
Linh mục Công Giáo Kabul cầu xin những lời cầu nguyện khi Taliban chiếm được đất nước
Đặng Tự Do
04:21 17/08/2021


“Chúng tôi đang sống những ngày vô cùng lo lắng chờ đợi điều gì sẽ xảy ra”, Cha Giovanni Scalese dòng Thánh Bácnabê nói.

Vị linh mục chịu trách nhiệm về sự hiện diện của Giáo Hội Công Giáo ở Afghanistan đã cầu nguyện trong khi Taliban nắm quyền kiểm soát thủ đô Kabul của đất nước.

“Chúng tôi đang sống những ngày vô cùng lo lắng khi chờ đợi điều gì sẽ xảy ra,” Cha Giovanni Scalese, người đứng đầu Miền Truyền Giáo Tự Trị (Mission sui iuris) ở Afghanistan, nói với Đài phát thanh Vatican. “Lời kêu gọi của tôi đối với thính giả của Đài phát thanh Vatican là xin cầu nguyện, xin cầu nguyện, cầu nguyện, cầu nguyện cho Afghanistan! Cảm ơn anh chị em.”

Sự hiện diện của Kitô Hữu ở Afghanistan có từ thời các thánh Tông đồ thành lập Giáo hội ở Phương Đông, nhưng ngày nay còn rất ít. Người Công Giáo chỉ lên đến vài trăm người ở quốc gia chủ yếu là Hồi giáo này. Nhà thờ Công Giáo duy nhất, gọi là Nhà thờ Thánh Phaolô, được thành lập vào những năm 1930, là nhà nguyện tại đại sứ quán Ý ở Kabul. Các Giáo sĩ thường trú tại ngôi thánh đường này - thường được gọi là các dòng Thánh Bácnabê – đã đến đây vào năm 1922.

Năm 2002, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã thiết lập một Miền Truyền Giáo Tự Trị cho Afghanistan, chỉ vài tháng sau khi Hoa Kỳ dẫn đầu cuộc xâm lược đất nước này sau vụ 11/9 và sau bọn Taliban bị lật đổ. Miền Truyền Giáo Tự Trị là một hình thức tài phán thấp hơn Miền Phủ Doãn Tông Tòa (Apostolic prefecture) và Miền Giám Quản Tông Tòa (Apostolic vicariate), trong một khu vực có rất ít người Công Giáo.

Bọn Taliban là những kẻ đã chứa chấp các kiến trúc sư al Qaeda của cuộc tấn công ngày 11 tháng 9 năm 2001 vào Hoa Kỳ, đã nhanh chóng tái chiếm Afghanistan sau khi Joe Biden quyết định bỏ rơi Afghanistan.

Caritas Italiana, hoạt động tại Afghanistan từ những năm 1990, cho biết một số ít linh mục, nam nữ tu sĩ ở Kabul đang chuẩn bị di tản. Ở lại họ gặp rất nhiều rủi ro dưới ách cai trị của bọn Taliban. Caritas Italiana cho biết cộng đồng Công Giáo trong những năm gần đây đã phục vụ những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất trong xã hội Afghanistan.

Vào đầu những năm 2000, Caritas Italiana đã hỗ trợ một chương trình lớn về viện trợ khẩn cấp, phục hồi và phát triển, xây dựng 4 trường học ở thung lũng Ghor, đưa 483 gia đình tị nạn trở về thung lũng Panshir cùng với việc xây dựng 100 ngôi nhà truyền thống cho các gia đình nghèo nhất và hỗ trợ người tàn tật.

Caritas cho biết sự bất ổn của tình hình hiện tại sẽ dẫn đến việc đình chỉ các hoạt động của tổ chức này, với khả năng hiện diện trong tương lai là một câu hỏi chưa có câu trả lời.

Kể từ cuối tuần qua, hàng trăm người Afghanistan đã tràn vào sân bay Kabul, tuyệt vọng để đáp các chuyến bay ra khỏi đất nước và tránh sự cai trị khắc nghiệt của quân Taliban. Các cuộc vượt biên qua biên giới cũng xảy ra, và Caritas đã nói về “một lượng lớn người tị nạn ngày càng tăng” ở các nước láng giềng.
Source:Aleteia
 
Nam diễn viên Shia LaBeouf khét tiếng sàm sở lại đóng vai Cha Thánh Piô Năm Dấu Thánh trong cuốn phim sắp tới của Hollywood
Đặng Tự Do
17:09 17/08/2021


Nam diễn viên Shia LaBeouf sẽ đóng vai chính trong một bộ phim sắp tới của Hollywood kể về cuộc đời trai trẻ của Cha Thánh Piô Năm Dấu Thánh, một linh mục thánh thiện người Ý sống ở thế kỷ 20. Ngài được ơn có 5 dấu thánh Chúa Giêsu trên người, và có thể xuất hiện ở hai nơi trong cùng một lúc. Nhà làm phim Abel Ferrara sẽ đạo diễn bộ phim.

“Chúng tôi đang làm một bộ phim về Cha Piô Năm Dấu Thánh – ngài là một linh mục xuất thân đến từ Puglia. Phim lấy bối cảnh ở Ý ngay sau Thế chiến thứ nhất. Cha Piô giờ đã trở thành một vị thánh, và ngài có các dấu thánh trên người. Ngài cũng đã từng sống giữa một thời kỳ chính trị rất nặng nề trong lịch sử thế giới”, Ferrara nói với tờ Variety.

“Cha Piô còn rất trẻ trước khi trở thành một vị thánh, vì vậy Shia LaBeouf sẽ đóng vai vị linh mục này”.

LaBeouf được biết đến với vai diễn trong các bộ phim Transformers và Indiana Jones, cũng như nhiều chương trình truyền hình và phim của Disney.

Nam diễn viên 35 tuổi, người Do Thái, nói với Tạp chí Interview rằng anh đã chuyển đổi từ Do Thái Giáo sang Kitô Giáo khi quay bộ phim Fury năm 2014.

“Tôi tìm thấy Chúa khi thực hiện phim Fury. Tôi đã trở thành một người theo Kitô Giáo, theo một cách thực sự. Tôi có thể nói những lời cầu nguyện theo kịch bản. Nhưng đó là những điều thực sự đã thực sự cứu tôi”.

Tuy nhiên, trước những cáo buộc dê dởm chống lại LaBeouf, Ferrara hy vọng vai diễn này sẽ giúp sự nghiệp của nam diễn viên này phất lên “trở lại”.

Ferrara cho biết tiến trình quay phim “đã sẵn sàng” và sẽ bắt đầu vào tháng 10 tại Puglia, bên Ý. Anh ấy nói thêm rằng anh ấy coi bộ phim này là “lớn hơn nhiều” so với các bộ phim khác gần đây của mình.
Source:Church POP
 
Các bài Thánh Ca của David Haas bị cấm trong nhiều nhà thờ
Đặng Tự Do
17:10 17/08/2021


Một nhà xuất bản hàng đầu các bài thánh ca sẽ ngừng xuất bản các tác phẩm của David Haas sau khi nhận được thêm cáo buộc về hành vi sai trái tình dục của nhà soạn nhạc Công Giáo này.

“Chúng tôi đã đình chỉ mối quan hệ tài trợ và xuất bản của chúng tôi với ông Haas, đồng thời cũng đã xóa nhạc, sách và các bản ghi âm của ông ấy khỏi danh mục và trang web của chúng tôi,” một lá thư từ Alec Harris, chủ tịch GIA Publications, gởi cho Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, biết như trên.

Thư này cũng đã được gửi đến từng giáo phận vào cuối tháng Bảy vừa qua. Các phần của bức thư đã được công khai vào ngày 2 tháng 8.

Harris cho biết anh “vô cùng đau lòng” khi nhiều phụ nữ cáo buộc Haas về các hành vi sai trái tình dục ở các mức độ khác nhau vào năm ngoái.

“Thật không may, các thông tin mới vẫn tiếp tục xuất hiện cho chúng ta thấy các hành vi dê dởm của Haas đối với một phụ nữ trẻ, đó là lý do tại sao chúng tôi liên hệ với bạn ngay bây giờ bằng email này để chia sẻ những hành động và quan điểm mà chúng tôi đã thực hiện đối với nhạc của Haas”.

Haas, một giáo dân, là một nhà soạn nhạc chính trong phong trào “nhạc phụng vụ hiện đại”, bắt đầu từ những năm 1970, cùng với nhà soạn nhạc Marty Haugen, Cha Michael Joncas, Dan Schutte, và nhóm “St. Louis Jesuits”.

Haas cư trú tại Tổng giáo phận Saint Paul và Minneapolis.

Trong số những bài hát phổ biến của Haas có bài “Glory to God,” “You are Mine,” “We are Called,” and “Blest are They,” là những bài được hát hầu như trong mỗi thánh lễ tại các nhà thờ ở Hoa Kỳ.

Ít nhất hai giáo phận là Giáo phận Oakland và Giáo phận Jefferson City - đã ra lệnh cho các giáo xứ đình chỉ vĩnh viễn việc sử dụng âm nhạc của Haas trong các cử hành Phụng Vụ.
Source:Catholic News Agency
 
Đức Hồng Y Alencherry có thể phải ra điều trần trong một phiên tòa liên quan đến đất đai
Đặng Tự Do
17:10 17/08/2021


Hôm 12 tháng 8, Tòa án Tối cao Kerala cho biết, Đức Hồng Y George Alencherry phải ra hầu tòa trong một vụ án liên quan đến việc mua bán đất đai của Giáo Hội.

Tòa án giữ nguyên phán quyết của một phiên tòa cấp quận vào ngày 24 tháng 8 năm 2019, yêu cầu vị Hồng Y và hai người khác ra tòa làm chứng trong vụ án.

Tòa án đã bác bỏ sáu kiến nghị do Đức Hồng Y Alencherry đệ trình.

Tưởng cũng nên nhắc lại là Giáo Hội Syro-Malabar, hiệp thông hoàn toàn với Tòa Thánh, có trụ sở tại Kerala, đã bị lôi kéo vào một cuộc tranh cãi tài chính kể từ tháng 11 năm 2017 sau khi cha Paul Thelakat buộc tội Đức Hồng Y George Alencherry và hai linh mục bán đất đai của Giáo Hội với giá quá hời gây thiệt hại 10 triệu đô la Mỹ.

Trước các tố cáo nghiêm trọng này, tháng 6 năm ngoái Tòa Thánh đã yêu cầu Đức Hồng Y ngưng các trách nhiệm quản trị Tổng giáo phận Ernakulam-Angamaly và thành lập một ủy ban điều tra do Đức Cha Jacob Manathodath, Giám Quản Tông Tòa của tổng giáo phận tiến hành.

Cha Paul Thelakat đã trình lên Đức Cha Jacob Manathodath các tài liệu cho rằng Đức Hồng Y đã chuyển ngân những khoản tiền lớn cho hai tổ chức ngoài Công Giáo.

Tuy nhiên, sau một cuộc điều tra, ngày 28 tháng 4, cảnh sát đã khẳng định các tài liệu dùng để cáo gian Đức Hồng Y là ngụy tạo và đã bắt giữ Adithya Valavi, một kỹ sư điện toán người Công Giáo, với tội danh ngụy tạo ra các hồ sơ giả. Trong tiến trình thẩm vấn Valavi đã khai rằng hai linh mục Paul Thelakat và Antony Kallookaran đã buộc anh ta phải làm các giấy tờ giả này để cáo gian Đức Hồng Y George Alencherry.

Ngày 4 tháng Sáu vừa qua, Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Ấn Độ ra thông báo ủng hộ Đức Hồng Y George Alencherry và lên án những kẻ cáo gian ngài.

Trước các kết quả điều tra khách quan của cảnh sát, hôm 28 tháng Sáu vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định phục hồi hoàn toàn quyền cai quản tổng giáo phận Ernakulam-Angamaly của Đức Hồng Y George Alencherry. Ngài cũng truyền cách chức hai Giám Mục Phụ Tá vì những dính líu của các ngài trong vụ này.

Mọi chuyện tưởng đã được giải quyết êm đẹp nhưng có khoảng 250 linh mục được báo cáo là không phục tùng quyết định này của Đức Thánh Cha. Một số người tiếp tục kiện cáo Đức Hồng Y.

Tòa án Sơ thẩm Tư pháp cấp một ở Kakkanad, một vùng ngoại ô Kochi, nơi có trụ sở của Tòa Thượng Phụ Syro-Malabar, đã thụ lý các đơn kiện từ tháng 4 năm 2019. Các giao dịch mua bán đất đai này bị cáo buộc là vi phạm pháp luật trắng trợn và có những sai lệch tràn lan.

Cả Tòa án Tối cao và tòa án quận đều cho rằng có các bằng chứng sơ bộ về sự tham gia của Đức Hồng Y Alencherry trong thỏa thuận mua bán đất đai. Mặc dù tám đơn kiện chống lại Hồng Y đã được nộp tại tòa án, tòa án quận chỉ tống đạt lệnh triệu tập trong sáu trường hợp.

Vị Hồng Y sau đó đã đến gặp Tòa án Tối cao để tìm kiếm sự can thiệp ngay lập tức để hủy bỏ lệnh triệu tập và tránh phiên tòa. Tuy nhiên, Tòa án Tối cao đã không đứng về phía Đức Hồng Y.
Source:Matters India
 
Tình trạng sức khỏe của Đức Hồng Y Burke đã xấu đi
Đặng Tự Do
17:27 17/08/2021
Tình trạng của Đức Hồng Y Raymond Burke, người vừa mới nhập viện vì Covid-19, đã được báo cáo là xấu đi.

Một nguồn tin đã nói chuyện với một người thân cận với Đức Hồng Y nói với CNA rằng tình trạng của ngài đã xấu đi và 48 giờ tới là rất quan trọng.

Đức Hồng Y Raymond Leo Burke đã được khẩn cấp đưa vào bệnh viện và đang phải sử dụng một máy thở khi ngài chiến đấu với các biến chứng tai hại của COVID-19. Một tweet cập nhật về tình trạng của ngài được công bố trên tài khoản Twitter của Đức Hồng Y vào tối thứ Bảy 14 tháng 8 theo giờ địa phương, tức là sáng Chúa Nhật theo giờ Việt Nam.

Dòng tweet đưa tin: “Đức Hồng Y Burke đã được đưa vào bệnh viện vì COVID-19 và đang được hỗ trợ bằng máy thở. Các bác sĩ cảm thấy khích lệ vì sức khoẻ của ngài có tiến triển. Đức Hồng Y đã siêng năng lần chuỗi Mân Côi cho những người bị vi rút. Trong đêm Canh thức lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời này, chúng ta hãy lần chuỗi Mân Côi cho ngài”.

Một báo cáo hôm thứ Bảy trên tờ St. Louis Post-Dispatch cho biết vị Hồng Y, sống ở Rôma, bị ốm khi đến thăm Wisconsin, nơi ngài đã trải qua thời thơ ấu.

Giữa những tin đồn rằng ngài bị đau nặng, vị Hồng Y 73 tuổi và tổng giám mục danh dự của St. Louis đã xác nhận vào ngày 10 tháng 8 rằng ngài đã có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19. Trong tweet vào ngày đó, ngài viết:

“Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô! Tôi muốn thông báo với anh chị em rằng gần đây tôi đã có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút COVID-19. Tạ ơn Chúa, tôi đang nghỉ ngơi thoải mái và được chăm sóc y tế tuyệt vời. Xin hãy cầu nguyện cho tôi khi tôi bắt đầu hồi phục. Chúng ta hãy tin tưởng vào Chúa Quan Phòng. Xin Chúa phù hộ anh chị em.”

Đức Hồng Y Raymond Leo Burke sinh ngày 30 tháng 6 năm 1948, năm nay 73 tuổi, là một giám mục Mỹ. Hiện nay ngài là vị lãnh đạo tinh thần của Dòng Malta. Ngài đã lãnh đạo Tổng giáo phận St. Louis từ năm 2004 đến năm 2008 và Giáo phận La Crosse từ năm 1995 đến năm 2004. Từ tháng 6 năm 2008 đến tháng 11 năm 2014, ngài là Chánh Tòa Tối Cao Pháp Viện Tòa Thánh.

Là một luật sư giáo luật, Đức Hồng Y Burke thường được coi là tiếng nói truyền thống trong số các Giám Mục Công Giáo. Ngài đã tạo dựng được danh tiếng là một nhà lãnh đạo bảo thủ khi phục vụ ở La Crosse và St. Louis. Đức Hồng Y Burke là người cổ vũ chính cho Thánh lễ Latinh Truyền thống. Ngài thường xuyên dâng lễ và phong chức cho các linh mục theo các nghi lễ truyền thống.

Trong cuốn The Next Pope, nghĩa là Vị Giáo Hoàng Tiếp Theo, Edward Pentin, ký giả kỳ cựu về Vatican của National Catholic Register của đài truyền hình Công Giáo Hoa Kỳ EWTN nhận định rằng Đức Hồng Y Burke là một papabili, tức là một ứng viên sáng giá cho ngôi Giáo Hoàng trong Cơ Mật Viện tiếp theo.
Source:Catholic News Agency
 
Linh mục Dòng Tên ở Afghanistan cho biết tình hình ở Kabul rất hỗn loạn
Đặng Tự Do
23:05 17/08/2021


Một linh mục Dòng Tên bị mắc kẹt ở Afghanistan sau khi Taliban tiếp thu đất nước cho biết tình hình đang “thay đổi” và “hỗn loạn”.

“Tình hình đang thay đổi trong cả nước, ai cũng có thể tưởng tượng ra”, Cha Jerome Sequeira, người đứng đầu công cuộc truyền giáo ở Afghanistan cho biết, trong một emails cho bạn bè và đồng nghiệp.

Vị linh mục cho biết cơ quan truyền giáo của Dòng Tên đã đình chỉ các hoạt động trên toàn quốc và đã bảo đảm an toàn cho tất cả các nhân viên của họ.

Cha Sequeira đã viết: “Dịch vụ dành cho người Tị nạn của Dòng Tên” đã đình chỉ vô thời hạn tất cả các hoạt động, và tất cả đều đang co cụm trong nhà hoặc trong cộng đồng của họ.”

Ngài nói thêm: “Tất cả các chuyến bay đều bị hủy và tất cả phụ thuộc vào thỏa thuận giữa các cơ quan của Liên hợp quốc và Taliban”.

Vị linh mục cho biết Dòng Tên “đang nỗ lực hết sức” để di tản ngài và một linh mục Dòng Tên khác.

“Cảm ơn vì những lời cầu nguyện liên tục của các bạn cho sự an toàn của chúng tôi”, Cha Sequeira nói, và thêm rằng “an toàn không còn ý nghĩa ở đây nữa vì tình hình rất là nguy hiểm”.

Hôm 17 tháng 8, Đức Tổng Giám Mục Timothy Broglio của Tổng Giáo phận Quân đội Hoa Kỳ, cho biết “sự sụp đổ của Afghanistan và sự ra đi của các nhà lãnh đạo được bầu là nguyên nhân gây lo ngại, vì Taliban có thể bị từ chối nhân quyền, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em gái. Hai chuyến thăm của tôi ở đất nước này đã khẳng định ấn tượng của tôi về những hy sinh, thậm chí kể cả cái chết, của nhiều thành viên Lực lượng vũ trang và dân thường trong nỗ lực mang lại ổn định và hòa bình cho người dân ở đó. Tuy nhiên, vào lúc này, chúng ta chỉ có thể cầu nguyện cho người dân Afghanistan, ủng hộ bất kỳ nỗ lực nhân đạo nào đang được thực hiện ở đó và gióng lên tiếng nói với các nhà lãnh đạo địa phương của lưỡng đảng. Nhân phẩm của dân tộc này phải được tôn trọng”.

Ngài nói thêm: “Tôi đặc biệt quan tâm đến những người trong Lực lượng Vũ trang Hoa Kỳ, những người tiếp tục bảo vệ người tị nạn và tài sản trong nước. Chúng tôi cầu nguyện rằng sẽ không có bạo lực và một sự ra đi hòa bình cho tất cả những người muốn ra đi”.

Cha Sequeira cho biết Taliban “đang bận rộn chiếm giữ tất cả các hệ thống chính phủ và đưa người của chúng vào”.

“Họ không làm hại dân thường vào lúc này, nhưng điều đó sẽ xảy ra khi họ chiếm được hoàn toàn tất cả các hệ thống của đất nước”.

Ngài nhấn mạnh rằng nhóm chiến binh Hồi Giáo quá khích này có danh sách tất cả các tổ chức.

“Ở một số nơi, họ đã bắt đầu gõ cửa từng nhà hỏi han tận nơi về nhân sự của các tổ chức”.

Cha Sequeira cho biết “hàng ngàn người đang cố gắng chạy trốn” và đang chạy đến các sân bay”. Tại sân bay, Taliban bắn chỉ thiên và cố gắng để kiểm soát đám đông”.

Vị linh mục kết thúc bức thư của mình nói rằng: “Chúng ta, cộng đồng quốc tế, đã đầu tư rất nhiều và thiết lập rất nhiều trong 20 năm qua chỉ để giao nó cho Taliban trong vài ngày sao?”

Hôm Chúa Nhật, Đức Thánh Cha Phanxicô đã yêu cầu người Công Giáo trên toàn thế giới cầu nguyện cho người dân Afghanistan.

Tôi hiệp với những ai đang quan tâm đối với tình hình ở Afghanistan. Tôi yêu cầu tất cả anh chị em cầu nguyện cùng tôi với Chúa hòa bình để tiếng ồn ào của vũ khí có thể chấm dứt và giải pháp có thể được tìm thấy trên bàn đối thoại. Chỉ như vậy, những người dân bị tàn phá của đất nước đó - đàn ông, phụ nữ, người già và trẻ em - mới có thể trở về nhà của họ, và sống trong hòa bình và an ninh, trong niềm tôn trọng lẫn nhau.

Trong khi đó, Caritas Italiana bày tỏ lo ngại đối với sự an toàn của các Kitô Hữu trong nước, đồng thời cảnh báo rằng tổ chức này có thể cần phải đình chỉ các hoạt động của mình khi tình trạng bất ổn gia tăng.

Tổ chức bác ái của các giám mục Ý đã có mặt ở Afghanistan từ những năm 1990 và hiện đang tập trung vào việc giúp đỡ những trẻ vị thành niên dễ bị tổn thương.

Caritas Italiana đã và đang hỗ trợ một chương trình lớn về viện trợ khẩn cấp, phục hồi và phát triển ở Afghanistan, bao gồm việc xây dựng 4 trường học và 100 ngôi nhà.

Taliban đã chiếm được các thành phố lớn nhất của Afghanistan chỉ trong vài ngày thay vì trong vài tháng như tình báo quân đội Mỹ dự đoán trước đó.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc kêu gọi đàm phán để tạo ra một chính phủ mới ở Afghanistan sau khi Tổng thư ký Antonio Guterres cảnh báo về vấn đề nhân quyền và vi phạm đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Trong thời kỳ cai trị kéo dài từ 1996 đến 2001, phụ nữ không được làm việc và các hình phạt như ném đá, đánh đòn, và treo cổ nơi công cộng đã được áp dụng.
Source:Catholic News Agency
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo Hội và quê hương trong những ngày này. Phỏng vấn Cha Phạm Trung Thành nguyên Giám Tỉnh DCCT VN
Teresa Phạm Thanh Nghiên
17:20 17/08/2021

GIÁO HỘI CẦN HƯỚNG TỚI MỘT CÁI “BÌNH - THƯỜNG - MỚI” SAU KHI ĐẠI DỊCH ĐI QUA

Phần 2: Những suy tư và ước vọng

Teresa Phạm Thanh Nghiên: Thưa cha, con nhớ có lần cha nói rằng loài người đang đứng trước nhiều hiểm họa, một trong những hiểm họa đó là sự tàn phá thiên nhiên do chính con người gây ra. Và liệu con virus corona này có “dây dưa” gì đến chuyện tàn phá thiên nhiên không thưa cha?

Cha Vinh Sơn Phạm Trung Thành: Thiên Chúa tạo ra thế giới này và ban tặng cho chúng ta. Ta thấy Thiên Chúa gần gũi với thiên nhiên đến mức, buổi chiều, Ngài đi dạo trong vườn địa đàng với con người. Con người phải có trách nhiệm quản trị, gìn giữ món quà Thiên Chúa ban tặng và làm cho thế giới sinh sôi nảy nở, trở nên tốt đẹp hơn. Nhưng con người, trong đó có cả chúng ta nữa, đã không biết gìn giữ, bảo vệ món quà vô giá mà Thiên Chúa tạo dựng và ban tặng.

Chúng ta đã chứng kiến những vụ cháy rừng ở Mỹ, Úc, sốc nhiệt ở Canada, gần đây nhất là mưa lụt ở Đức, Châu Âu làm nhiều người thiệt mạng. Rồi thì bão, siêu bão xảy ra ở nhiều nơi trên khắp địa cầu. Các nhà khoa học đã đưa ra lời cảnh báo về sự sụp đổ của hệ sinh thái và loài người sẽ phải trả giá rất đắt cho sự tàn phá thiên nhiên của chính mình. Không chỉ là bão lũ, lụt lội, nước biển dâng, đất xói mòn, ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí mà còn là sự tuyệt diệt của nhiều loài động vật, thực vật nữa.

Ở Việt Nam, nạn chặt phá rừng, tàn phá cây xanh đã lên đến mức (phải gọi là) khủng khiếp. Những thành phố thiếu bóng mát cây xanh, những khu rừng mà diện tích cây xanh ngày càng bị thu hẹp. Hàng năm, Việt Nam hứng chịu rất nhiều những cơn bão, trận lũ lụt do phá rừng, xả lũ gây ra. Nhưng thôi, những kẻ độc ác phá rừng, đầu độc môi trường, gây thảm họa cho đất nước thì họ sẽ phải trả lời trước mặt Chúa, trước mặt đồng bào.

Chúng ta đang bị chìm trong cơn đại dịch. Tôi có cảm giác rằng những dòng virus này trước đó và bây giờ có một mối liên hệ nào đó với môi trường sống của chúng ta. Sự phát sinh, lan truyền mầm bệnh, lây lan virus đều có yếu tố môi trường trong đó. Nếu được sống trong bầu không khí trong lành, sức khỏe con người được bảo đảm và cải thiện, sẽ làm giảm sự lây nhiễm bệnh, tăng sức khỏe, tăng sức đề kháng để chống lại bệnh tật. Vì vậy, tôi cho rằng con virus Corona cũng dính dáng đến vấn đề môi trường đấy chứ. Sự ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nói chung là những điều kiện thuận lợi cho nó hoành hành.

Teresa Phạm Thanh Nghiên: Thưa cha, vậy thì Giáo Hội đóng vai trò gì trong vấn đề gìn giữ môi trường? Và điều đó có liên hệ gì đến khái niệm cái “bình - thường - mới” mà cha nhắc đi nhắc lại trong cuộc trò chuyện này không, thưa cha?

Cha Vinh Sơn Phạm Trung Thành: Cách đây mấy năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra thông điệp “Laudato Si”, chủ đề là sự chăm sóc, gìn giữ ngôi nhà thiên nhiên của nhân loại. Trong khuôn khổ cuộc trao đổi này, tôi không lạm bàn về những việc lớn lao của Giáo Hội nói chung cần làm. Tôi chỉ xin đưa ra vài ý kiến nhỏ trước mắt và trong tầm tay mà Giáo Hội tại thành phố này phải làm và nên làm.

Thứ nhất, phải trồng cây xanh. Rất nhiều năm về trước, việc trồng cây tại các nhà thờ là điều bình thường nhưng nhiều năm trở lại đây, việc này không được chú trọng, thậm chí còn chặt phá rất nhiều. Đã đến lúc, nhà thờ phải bắt đầu lại việc trồng cây, phải trở về với việc làm “bình thường” ấy. Trong thời điểm Sài Gòn bị phong tỏa vì đại dịch covid-19, mỗi sân nhà thờ là một “Siêu thị 0 đồng”, mỗi cánh cổng tu viện là một cái “Chợ 0 đồng”, thì sau này mỗi nhà thờ phải là một vùng thiên nhiên nhiều cây cỏ. Thành phố này có rất nhiều nhà thờ và đa số các nhà thờ đều có khoảng đất nhất định đủ để trồng cây. Mỗi nhà thờ chỉ cần trồng vài ba cây là chúng ta có một số lượng cây xanh đáng kể. Cây xanh không chỉ cho bóng mát, mà còn giúp thanh lọc không khí, bổ sung mực nước ngầm cho thành phố đang xuống một cách tàn tệ, gây sụt lún ở nhiều nơi.

Thứ hai nữa là vấn đề xử lý chất thải. Tôi muốn nhắc đến “nhóm ve chai” của các bạn trẻ ở nhiều giáo xứ. Các bạn đã làm rất hiệu quả nhưng chưa được khuyến khích. Theo tôi, mỗi giáo xứ nên thành lập một nhóm ve chai để các bạn quy tụ lại với nhau. Rồi thay vì đi chơi, các bạn sẽ hy sinh một giờ giấc cụ thể nào đó trong tuần để cùng nhau cầu nguyện, cùng nhau làm việc. Điều này mang lại nhiều ích lợi như giải quyết được một lượng không nhỏ chất độc hại thải ra môi trường như nhựa, chai lọ, bao nilong, giấy bìa, sắt vụn... Những thứ mà các bạn phân loại, có thể bán để lấy tiền phục vụ cho các mục đích thiện nguyện như sửa nhà cho người nghèo, mua xe đạp cho các bạn nhỏ đi học, giúp đỡ người neo đơn, khó khăn… Giáo Hội phải giáo dục được các bạn trẻ để họ thấy được sự cần thiết của việc bảo vệ môi trường. Đức Thánh Cha than phiền rất nhiều về tình trạng “dùng một lần rồi bỏ”. Bởi nó không chỉ là việc sử dụng các vật dụng mà còn ăn vào chiều sâu tâm lý của con người, đến mức vợ chồng cũng “dùng một lần rồi bỏ”, không thủy chung với nhau. Mỗi giáo xứ, mỗi người Kitô hữu cần xem việc gìn giữ, bảo vệ môi trường là trách nhiệm của mình. Cần thay đổi thói quen dùng “một lần rồi bỏ”, tuy mang lại tiện lợi trước mắt nhưng gây hậu quả lâu dài về sau.

Thứ ba nữa là vấn đề hóa chất độc hại. Vai trò của Giáo Hội ở đâu trong việc giáo dục con cái mình nói “không” với việc sử dụng các hóa chất độc hại tràn lan trong mọi lĩnh vực? Xin nhớ rằng số người chết vì ung thư nhiều hơn rất nhiều số người chết vì virus Corona.

Teresa Phạm Thanh Nghiên: Thưa cha, chúng ta đã nói về việc hình thành các “Hội Thánh tại gia”, các “cộng đoàn cơ bản”, rồi việc học hỏi, chia sẻ Lời Chúa qua truyền thông trong bối cảnh bị cách ly. Tuy nhiên, con rất muốn cha chia sẻ thêm về sứ mạng quan trong nhất của Giáo Hội, đó là “mang Tin Mừng đến với người nghèo khổ”. Vậy thì Giáo Hội cần phải giữ một “nếp” sinh hoạt như thế nào để hướng tới cái “bình thường mới” trong việc chăm lo cho người nghèo?

Cha Vinh Sơn Phạm Trung Thành: Sứ mạng của Giáo Hội là phải đi đến với người nghèo. Trong quá khứ thì có lo cho người già, người neo đơn nhưng chỉ tập trung ở một số nhà Dòng, một số cơ sở thôi. Nhưng khi cơn đại dịch ập đến, những người bị bỏ rơi như người nghèo, người què cụt, đui mù, không nhà cửa vốn ít được quan tâm nay được Giáo Hội tìm đến. Tôi nghĩ lần này Giáo Hội sẽ phải giữ lại cái nhịp đó để đi tới mãi, để hướng tới cái “bình thường mới” vốn là sứ mạng của mình.

Có một điều nữa tôi cần khiêm tốn để chia sẻ, mong nhận đươc sự cảm thông. Đó là việc khấn trong các nhà Dòng, việc chịu chức của các anh em linh mục. Những năm trở lại đây, nhiều anh chị em tổ chức tiệc tùng linh đình nhân ngày được chịu chức, ngày khấn. Chúng ta dâng mình cho Chúa, được đón nhận vào nhà Dòng để trở thành tu sĩ, trở thành linh mục. Đích đến của Hội Thánh nhắm tới là người nghèo và chúng ta là tôi tớ của người nghèo, tôi tớ của Đấng Cứu Chuộc. Việc của chúng ta là phục vụ cho cộng đoàn dân Chúa. Không ai được nhận làm tôi tớ hèn mọn mà tổ chức tiệc tùng ăn mừng, cờ xí rợp trời, trống kèn, làm đến mấy chục, thậm chí cả trăm bàn tiệc. Nhiều người nói vậy là bình thường. Nhưng tôi thấy điều đó là không bình thường. Vậy thì được đào tạo rồi, suy nghĩ cầu nguyện rồi, đến khi khấn cũng phải khấn theo giáo luật. Đến lúc chịu chức cũng phải chịu chức theo giáo luật. Dù là linh mục hay tu sĩ, chúng ta được chọn đi theo Chúa Giêsu Kitô và là người giới thiệu gương mặt của Ngài. Một Con Người đơn sơ, giản dị, khó nghèo và thong dong với mọi bả vinh hoa trần thế. Điều này nó chi phối hành động của chúng ta trong mọi biến cố cuộc đời.

Đức Thánh Cha đã làm một cử chỉ hết sức cụ thể. Đi đâu ngài cũng vào thăm các nhà tù. Thứ Năm Tuần Thánh, ngài dâng lễ trong nhà tù, hôn chân các tù nhân. Đây không phải sự biểu diễn. Ngày Thứ Năm Tuần Thánh không phải một vở kịch biểu diễn, mà là hành động thực sự của cuộc đời linh mục. Là hình ảnh của sự dâng mình cho Chúa, kêu gọi mọi người cùng làm điều đó, cùng quỳ xuống làm tôi tớ hèn mọn. Tại Sài Gòn, nơi “đóng đô” của nhiều Hội Dòng, chính trong hoàn cảnh dịch bệnh không được tụ họp thì các lễ khấn, các lễ chịu chức hầu như được tổ chức một cách âm thầm. Thậm chí không có cha mẹ, người thân đến dự. Đây mới chính là điều bình thường. Vì bấy lâu nay chúng ta không làm, không hướng tới điều đó nên nghĩ nó không bình thường. Câu hỏi đặt ra, nếu sau này dịch bệnh qua đi, không lẽ chúng ta lại trở về như trước kia, lại tổ chức rình rang, mời mọc, tiệc tùng linh đình à? Vậy cái nào mới là điều “bình thường mới”?

Đây là điều thách đố với chúng ta. Chúng ta có can đảm để trở thành tôi tớ hèn mọn thật sự không? Hay chỉ là hô khẩu hiệu? Khi người tân khấn không có gia đình đến dự, không được tổ chức rềnh rang nhưng lại có một niềm vui khác là không phải bận tâm về áo xống, tiệc tùng, tốn kém tiền bạc, suy nghĩ phải mời mọc người này người kia. Tất cả những bận tâm đó được giũ bỏ hết và người tu sĩ chỉ còn bận tâm 1 điều duy nhất thôi, là chuẩn bị tâm hồn để đón nhận ân sủng, đón nhận bí tích trong ngày khấn. Tôi cho đó là cái “bình thường tốt”, “bình thường mới”. Và chúng ta sẽ phải duy trì những bình thường mới ấy.

Teresa Phạm Thanh Nghiên: Thưa cha, trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 31/01/2021, Đức Thánh Cha đã công bố thiết lập “Ngày Thế giới Ông bà và Người Cao tuổi”. Ngày này sẽ được cử hành lần đầu tiên vào Chúa Nhật thứ tư của tháng Bảy, tức là ngày 25/7 tới đây. Với tư cách là một linh mục, đồng thời là một người cao tuổi, cha ước mơ điều gì?

Cha Vinh Sơn Phạm Trung Thành: Câu hỏi này làm tôi nhớ đến Hội nghị Hội đồng Giám mục Á Châu họp tại Manila (Philippnine) năm 1971. Trong đó có một tuyên bố khiến tôi nhớ mãi. Đó là: “chúng tôi cam kết sau khi về sẽ bán hết các cơ sở của Giáo Hội để lo cho người nghèo”. Trong sứ điệp gửi cho người cao tuổi sẽ được cử hành lần đầu tiên vào ngày mai (*), tức Chúa Nhật 25/7, Đức Thánh Cha nói rằng “Người cao tuổi thì phải ước mơ”. Trong sứ điệp đó ngài nhắc lại Tông huấn “Đức Kitô đang sống” rằng “Người cao tuổi thì phải ước mơ. Từ ước mơ của người cao tuổi mà người trẻ thấy được chân trời đích thực của mình, thấy được mục đích mình cần đi tới. Nếu người cao tuổi không ước mơ thì tuổi trẻ không thấy được chân trời đích thực của mình.” Ba vũ khí, ba sức mạnh của người cao tuổi mà Đức Thánh Cha đề cập trong sứ điệp “Người cao tuổi” chính là ước mơ, ký ức và cầu nguyện.

Với tư cách là môt người cao tuổi, tôi ước mơ và xin phép được ước mơ, các cơ sở của Giáo Hội nói chung, của các Nhà Dòng nói riêng hãy dành một phần, một dãy, một đơn vị để tiếp đón những người nghèo, những người đau khổ, những người cơ nhỡ, những người bị bỏ rơi trong thành phố này, trên đất nước này.

Sở dĩ Đức Thánh Cha chọn tông hiệu Phanxicô là vì 3 vấn đề ngài quan tâm. Thứ nhất là “loan báo Tin Mừng”, thứ hai là “vấn đề người nghèo”, thứ ba là “vấn đề môi trường”. Người thuyền trưởng của chúng ta ở trần thế là Đức Thánh Cha, ước gì chúng ta hiệp ý với ngài trong các lĩnh vực đó. Lãnh vực mà ngài đã chỉ ra, như sợi chỉ đỏ cho các hoạt động của chúng ta. Đó là cái bình thường, nhưng vì lâu nay chúng ta không làm cho nó bình thường nên sau cơn đại dịch, sẽ phải hình thành một cái “bình thường mới” như lời Đức Thánh Cha đã nói.

Teresa Phạm Thanh Nghiên: Con tạ ơn Chúa và cảm ơn cha. Xin cầu nguyện cho nhân loại, cách riêng cho Việt Nam chúng ta sớm thoát khỏi cơn đại dịch này.

Cha Vinh Sơn Phạm Trung Thành: Cảm ơn chị đã cho phép tôi được chia sẻ những suy tư của mình.

Chú thích: (*)Bài phỏng vấn được tiến hành vào Thứ bảy 24/7/2021, tức là trước khi sự kiện “Ngày Thế giới Ông bà và Người Cao tuổi” được cử hành một ngày. Tuy nhiên, do vấn đề biên tập nên phần 2 được đăng tải và phổ biến vào ngày Chúa nhật 25/7.
 
Văn Hóa
Romano Guardini: Giáo Hội và Người Công Giáo, Giáo hội và Nhân cách
Vũ Văn An
20:25 17/08/2021

2. GIÁO HỘI VÀ NHÂN CÁCH

Nếu giảng khóa đầu tiên đã hoàn thành đối tượng của nó, thì hẳn nó đã cho thấy môi trường tâm linh trong đó Giáo hội xuất hiện trước chúng ta ngày nay. Chúng ta đã thấy khi Giáo hội phát triển mạnh mẽ, một diễn trình đã khai triển ra sao nhằm bao gồm toàn bộ đời sống thiêng liêng của ta. Và giờ đây, chúng ta phải tìm hiểu xem đâu là ý nghĩa của Giáo hội này, đang hiện lên trước mắt chúng ta một cách uy nghi?

Đây là đối tượng mà chúng ta phải lưu ý. Chúng ta sẽ không cố gắng chứng minh rằng Giáo hội là đích thực; chúng ta coi niềm tin vào tính thần thiêng của Giáo Hội là điều hiển nhiên. Nhưng khi một nhà điều tra khoa học đã thiết lập sự hiện hữu của một cơ quan đặc thù, trong một phần nhất định nào đó của cơ thể, được hình thành một cách đặc biệt, ông ta tiến hành việc điều tra tầm quan trọng của nó đối với đời sống của sinh vật. Cũng theo cùng một cách, chúng ta sẽ tìm cách khám phá tầm quan trọng của Giáo hội đối với đời sống tôn giáo nói chung. Đây là đường hướng vấn đề của chúng ta. Đúng vậy, chúng ta sẽ giới hạn một cách đáng kể phạm vi vấn đề của chúng ta. Vì chúng ta sẽ bỏ qua ý nghĩa đệ nhất đẳng và sâu xa nhất của Giáo hội, đó là: Giáo hội là vũ trụ tâm linh của Thiên Chúa, là sự tự mặc khải của Người và là sự biểu lộ vinh quang của Người. Chúng ta sẽ chỉ xem xét các khía cạnh khác của Giáo Hội. Điều này liên quan đến Giáo hội trong mối liên hệ của Giáo Hội với sự hiện hữu và sự cứu rỗi của con người, và tầm quan trọng của Giáo Hội đối với những con người là chi thể của Giáo Hội. Nhưng chúng ta phải hạn chế hơn nữa. Chúng ta phải bỏ qua nhân tính và chỉ tập trung vào nhân cách [personality] mà thôi. Nghĩa là, chúng ta sẽ tìm hiểu xem đâu là tầm quan trọng của Giáo hội đối với sự hiện hữu bản vị và đời sống của người biết biến tư cách chi thể của mình thành một thực tại sống động, mà Giáo hội vốn là chính sự sống của họ.

* * * * *



Giáo hội là gì? Giáo hội là Vương quốc của Thiên Chúa nơi nhân loại. Vương quốc của Thiên Chúa- nó là bản tóm lược của Kitô giáo. Tất cả những điều Chúa Kitô là, tất cả những điều Người đã dạy, đã làm, đã tạo ra và chịu đựng, đều được chứa đựng trong những chữ này – Người đã thiết lập ra Vương quốc của Thiên Chúa. Vương quốc của Thiên Chúa có nghĩa là Tạo hóa nắm quyền sở hữu tạo vật của Người, thấm nhập nó bằng Ánh sáng của Người; Người lấp đầy ý chí và trái tim của nó bằng tình yêu nóng bừng của chính Người và cội rễ của hữu thể nó bằng sự bình an thần thiêng của chính Người, và Người khuôn đúc toàn bộ tinh thần bằng sức mạnh sáng tạo áp đặt lên nó một hình thức mới. Vương quốc của Thiên Chúa có nghĩa là Thiên Chúa lôi cuốn tạo vật của Người vào chính Người, và làm cho nó có khả năng tiếp nhận sự viên mãn của chính Người; và Người ban cho nó lòng khao khát và sức mạnh để chiếm hữu Người. Nó có nghĩa là – than ôi, lời nói trở thành cùn nhụt bởi sự lặp đi lặp lại và các cõi lòng của chúng ta trở nên tẻ nhạt, hoặc chúng sẽ bắt lửa trước ý nghĩ này! – là sự phong phú vô biên của tình yêu thần linh chiếm hữu tạo vật và mang nó đến lần sinh thứ hai, nhờ đó nó chia sẻ bản chất của Thiên Chúa và sống bằng một cuộc sống mới bắt nguồn từ chính Người. Trong lần tái sinh này, Chúa Cha làm cho nó trở thành con của Người trong Chúa Giêsu Kitô qua Chúa Thánh Thần.

Sự kết hợp giữa con người với Thiên Chúa này chính là Vương quốc của Thiên Chúa. Trong đó, con người thuộc về Đấng Tạo Dựng ra mình, và Đấng Tạo Hóa của họ thuộc về họ. Ta có thể nói nhiều ý nghĩa sâu sắc hơn về mầu nhiệm này, nhưng chúng ta nên bằng lòng với những lời lẽ này.

Sự nâng cao tạo vật này không phải là một biến cố tự nhiên mà là hành động tự do của Thiên Chúa. Nó gắn liền với nhân cách lịch sử của Chúa Giêsu thành Nadarét, và với công việc được Người hoàn thành trong một giai đoạn lịch sử đặc thù. Nó cũng không phải là một diễn trình tự nhiên, nhưng là một hoạt động của ân sủng, vượt quá mọi lực lượng của tự nhiên.

Ta hãy khảo sát nó kỹ hơn. Theo quan điểm của Thiên Chúa, nó là một điều khá đơn giản. Nhưng nơi tạo vật, nó phát triển đến độ chín mùi của nó theo các hình thức và lề luật được Thiên Chúa thiết lập trong tinh thần con người.

Nước của Thiên Chúa ở trong nhân loại. Chúa nắm quyền sở hữu nhân loại đúng nghĩa, sự hợp nhất, được nối lại với nhau bằng mọi sợi dây sinh học, địa lý, văn hóa và xã hội nhằm nối kết con người này với nhiều người khác; mặc dù hoàn toàn bao gồm các cá nhân, sự hợp nhất mầu nhiệm này vẫn không phải chỉ là tổng số họ cộng lại với nhau. Nếu toàn bộ này được Thiên Chúa duy trì, thì không nhất thiết mọi con người phải được bao gồm trong nó theo con số. Ân sủng của Thiên Chúa đủ để duy trì cộng đồng như vậy, một điều gì đó vượt quá các cá nhân. Tuy nhiên, điều này có thể được thực hiện trong một nhóm đại diện nhỏ. Bầy chiên nhỏ trong Lễ Ngũ Tuần đã là "nhân loại" rồi, vì đó là một cộng đồng khách quan, mà cá nhân đã là một thành viên; nó ở trong một điều kiện để mở rộng, cho đến khi nó từ từ bao gồm mọi sự, như hạt mù tạt trở thành thân cây trong đó "những con chim trời… trú ngụ”. Điều đó có nghĩa là chúng ta liên hệ đến một dòng sức mạnh, mà theo hướng của nó, Hành động của Thiên Chúa vận hành. Thiên Chúa chiếm hữu con người, bao lâu con người vươn tay ra quá tầm nắm tự nhiên của họ; bao lâu con người thuộc về một sự hiệp nhất siêu bản vị và trở nên hay có khả năng trở nên thành viên của một cộng đồng.

Do đó, bao lâu quyền lực tái lên khuôn và nâng cao của Thiên Chúa còn hướng về cộng đồng đúng nghĩa, Giáo hội còn hiện hữu. Giáo hội là Vương quốc trong khía cạnh siêu bản vị của nó; cộng đồng con người, được tái sinh thành Vương quốc của Thiên Chúa. Cá nhân là "Giáo hội", bao lâu mục tiêu cuộc đời họ là hỗ trợ việc xây dựng cộng đồng, và họ là một thành viên, một tế bào của nó. Tuy nhiên, điều này đúng bao lâu họ biết sử dụng những năng lực của hữu thể mình, một hữu thể vượt quá một tham chiếu chỉ có tính cá nhân và được sắp xếp để phục vụ toàn thể, làm việc cho nó, đóng góp cho nó và tiếp nhận từ nó. Giáo hội là khía cạnh siêu bản vị, khách quan của Vương quốc Thiên Chúa– mặc dù, lẽ tất nhiên, Giáo hội bao gồm những bản vị cá thể [1].

Tuy nhiên, Vương quốc Thiên Chúa cũng có mặt chủ quan. Đó là linh hồn cá nhân, khi ân sủng của Thiên Chúa chiếm hữu nó trong tính cá nhân riêng tư và độc đáo nhờ đó nó tự hiện hữu. Giáo hội đón nhận con người khi họ vươn tay quá chính họ tới đồng loại của họ, có khả năng và mong muốn thành lập vớinhững người này một cộng đồng mà trong đó họ và những người này đều là thành viên. Tuy nhiên, nhân cách cá nhân cũng dựa vào chính nó, như một quả cầu xoay quanh trục riêng của nó. Và trong tư thế ấy, ân sủng của Thiên Chúa cũng chiếm hữu nó. Tôi không có ý nói trong các hữu thể nhân bản, có một lãnh vực nằm bên ngoài Giáo hội. Quan niệm đó quá hời hợt. Đúng hơn, phải nói rằng toàn bộ con người ở trong Giáo hội, với tất cả những gì con người hiện có. Ngay cả trong khía cạnh cá nhân nhất, họ vẫn là thành viên của Giáo hội, mặc dù chỉ bao lâu tính cá nhân này và các năng lực của nó được điều hướng về phía cộng đồng. Toàn bộ hữu thể của họ thuộc về nó; nó ở trong tham chiếu xã hội của nó – tính cá nhân của họ trong liên quan đến các đồng loại và được tháp nhập vào cộng đồng.

Nhưng cũng chính tính cá nhân này có một cực đối lập. Các năng lực của họ cũng được điều hướng vào bên trong để xây dựng một thế giới trong đó họ đơn độc với chính họ. Cả ở khía cạnh này, họ vẫn là chủ thể của ân sủng Thiên Chúa [2].

Vì Thiên Chúa là Thiên Chúa của nhân loại nói chung. Trong tư cách đó, Người có liên hệ với cộng đồng siêu bản vị, và các thành viên của cộng đồng này cùng nhau tìm thấy nơi Người Thần tính xã hội mà xã hội con người cần đến. Nhưng Người cũng là Thiên Chúa của mỗi cá nhân.

Quả thực sự mặc khải tối cao và đầy đủ nhất về sự sống của Người là đối với mỗi cá nhân Người là “Thiên Chúa của họ”. Người là đáp ứng duy nhất cho nhu cầu độc đáo của mọi cá nhân; được sở hữu bởi mỗi người theo cách độc đáo mà nhân cách duy nhất của họ đòi hỏi; thuộc về họ, chứ không thuộc ai khác, trong bản chất độc đáo của họ. Đó là Vương quốc Thiên Chúa trong linh hồn, nhân cách Kitô hữu [3].

Rõ ràng, nhân cách Kitô hữu này không phải là một lãnh vực nằm bên ngoài Giáo hội, hoặc một điều gì đó chống lại Giáo hội, nhưng là cực đối lập hữu cơ của Giáo hội, được chính bản chất của Giáo hội đòi hỏi, nhưng đồng thời được Giáo hội xác định [4].

Chúng ta đã tương phản Vương quốc Thiên Chúa như Giáo hội với Vương quốc Thiên Chúa như nhân cách. Chúng ta có nghĩa vụ phải làm như vậy, ngõ hầu nắm bắt một cách rõ ràng sự khác biệt giữa chúng với nhau. Nhưng một câu hỏi được đặt ra ngay lập tức, đâu là mối quan hệ giữa chúng với nhau?

Chúng ta phải trả lời ngay lập tức và dứt khoát nhất có thể: chúng không phải là hai điều tách biệt nhau; không phải hai "Vương quốc". Chúng là các khía cạnh của cùng một thực tại căn bản của đời sống Kitô hữu, cùng một mầu nhiệm ơn thánh căn bản. Chỉ có một Vương quốc Thiên Chúa; chỉ có một việc Chúa Cha sở hữu con người, trong Chúa Kitô, qua Chúa Thánh Thần. Nhưng việc này phát triển dọc theo hai đường phát triển hoàn toàn hữu cơ căn bản. Và nó tự biểu hiện phù hợp với hai phương thức căn bản của bản chất con người – nơi con người như chủ thể tự lập và tự khẳng định mình như một cá nhân, và nơi con người khi họ hòa nhập vào cộng đồng vốn vượt quá tính cá nhân của họ.

Vương quốc Thiên Chúa cùng một lúc là Giáo hội và nhân cách cá thể, và điều này vừa tiên thiên vừa thuộc yếu tính của riêng nó. Dứt khoát nó là Giáo hội; vì Giáo hội là sự hiển dung bản chất của con người nhờ ơn thánh, bao lâu họ ở trong cộng đồng. Đó là một vương quốc của từng nhân cách cá thể nơi mỗi tín hữu. Do đó, nó vừa là Giáo hội vừa là Kitô hữu cá nhân. Họ không phải là những lãnh vực độc lập. Cũng không thể tách biệt lẫn nhau, dù mỗi một có thể được xem xét riêng biệt. Ngược lại, do bản chất và tiên thiên, cả hai có mối liên hệ qua lại và liên lập lẫn nhau.

Vì, như đạo Công Giáo hiểu và nhận ra nó, bản chất của cộng đồng không đến nỗi khiến nhân cách cá nhân phải đấu tranh mới tự bảo tồn chống lại nó. Nó không phải là một quyền lực vi phạm tính cá nhân bản vị, như chủ nghĩa cộng sản hay bất cứ hình thức nhà nước toàn trị nào khác thường làm. Ngược lại, cộng đồng Công Giáo, ngay từ đầu, đã giả thuyết và đòi hỏi các nhân cách cá nhân tự do làm thành phần của nó. Cách riêng, Giáo hội là một cộng đồng của các hữu thể, không chỉ đơn giản là thành viên và công cụ của toàn bộ, nhưng đồng thời là các tiểu vũ trụ xoay quanh trục riêng của họ, nghĩa là, các nhân cách cá nhân. Các cá nhân mà thôi chỉ có thể tạo thành bầy đàn hoặc tổ kiến người; cộng đồng là mối liên hệ hỗ tương của các nhân cách. Đây là một đòi hỏi đạo đức, vì đạo đức đòi hỏi một tương giao tự do. Nó cũng là kết quả của chính cơ cấu của hữu thể vì nó chỉ hiện hữu khi các đơn vị với các trung tâm cá nhân của họ, với "modus operandi" [cách hành động] của riêng họ và cuộc sống của riêng họ, đến với nhau, để có thể nảy sinh sự thống nhất ấy, độc đáo trong sức căng và tính linh hoạt của nó, ổn định, nhưng giàu các khả thể phát triển nội tại, mà ta vốn gọi là một cộng đồng (Xem bên dưới, trang 44, 45).

Và nhân cách của Kitô hữu không được cấu thành chỉ như một hậu suy [afterthought] muốn liên kết với những người khác để tạo thành một cộng đồng. Tư cách thành viên của cộng đồng không bắt nguồn từ sự nhượng bộ của một cá nhân này cho một cá nhân kia.

Điều không đúng là các cá nhân, do bản chất độc lập với nhau, ký kết một hợp đồng, qua đó mỗi người hy sinh một phần sự độc lập của họ, để, với sự nhượng bộ này, họ có thể cứu được nó càng nhiều càng tốt. Đó là quan điểm về xã hội của chủ nghĩa cá nhân. Như đạo Công Giáo hiểu nó, nhân cách nhìn mọi hướng và như thế, một cách tiên thiên và do bản chất của nó, có tính xã hội và toàn bộ hữu thể con người đi vào lòng xã hội. Nguyên tổng số các cá nhân chỉ có thể sản xuất ra một đám đông. Nếu một số lượng lớn kết hợp với nhau đơn thuần chỉ vì một khế ước cho một đối tượng nhất định nào đó, mối ràng buộc duy nhất cấu thành xã hội của họ sẽ là mục đích chung này. Trái lại, một cộng đồng chân chính không thể được hình thành cách này bởi các cá nhân. Nó tồn tại ngay từ đầu, và là một thực tại siêu cá nhân, bất kể khó hiểu thấu đến đâu theo quan niệm trí thức về bản chất của nó.



Chính điều đó đã phân biệt một cách nền tảng mối liên hệ giữa cộng đồng và cá nhân như đạo Công Giáo hiểu nó với tất cả các quan niệm một chiều về nó, chẳng hạn như chủ nghĩa cộng sản và nhà nước toàn trị một mặt, và mặt khác chủ nghĩa cá nhân hoặc thậm chí là tình trạng vô chính phủ. Nó không dựa vào tâm lý học một chiều hay cấu trúc tâm trí, nhưng vào thực tại viên mãn của nó. Quan niệm của người Công Giáo về nhân cách khác với mọi loại chủ nghĩa cá nhân trong yếu tính chứ không đơn thuần trong mức độ. Vì cùng một cá nhân trong tư cách một đơn vị tự lấy mình làm trung tâm, cùng một lúc vẫn ý thức được rằng trong toàn bộ hữu thể của mình, họ là một thành viên của cộng đồng, trong trường hợp này là Giáo hội. Và cũng y một cách này, cộng đồng không phải là một giới hạn xã hội yếu ớt đơn thuần hoặc làm nô lệ cho nhà nước, nhưng là một điều gì đó khác một cách căn bản. Như một sinh vật, với vô số khía cạnh của nó, nó khác với một cơ cấu nhân tạo không có máu thịt. Vì cộng đồng nhận ra rằng nó được tạo thành từ các cá nhân; mỗi một cá nhân trong số này tạo thành một thế giới tự lập và sở hữu một đặc tính độc đáo. Đây là một sự thật căn bản mà điều quan trọng nhất là phải hiểu thấu đáo. Trừ khi nó được nắm bắt, quan điểm Công Giáo về Giáo hội, thực sự về xã hội đúng nghĩa, hẳn là bất khả niệm. Chúng ta không được lấy các nguyên tắc xã hội học của chúng ta hoặc từ Chủ nghĩa cộng sản, Nhà nước xã hội Chủ nghĩa, hay chủ nghĩa cá nhân. Vì tất cả những thứ này xé nát toàn bộ cuộc sống thành từng mảnh để phóng đại một phần của nó. Tất cả đều sai lạc và bệnh hoạn. Giống như mọi Giáo huấn Công Giáo, quan niệm Công Giáo về xã hội và về nhân cách cá thể, ngược lại, bắt đầu không phải từ những giả thiết tâm lý cô lập hay phiến diện, nhưng từ tính toàn vẹn của đời thực tế được thấu hiểu mà không có thành kiến. Do chính bản chất của họ, con người vừa là một bản vị cá thể vừa là một thành viên của một xã hội. Hai khía cạnh này của họ cũng không đơn giản là đồng hiện hữu. Ngược lại, xã hội đã hiện hữu như một hạt giống sống động trong tính cá thể của con người, và đến lượt nó, tính cá thể của con người nhất thiết được xã hội giả thiết lấy làm nền tảng của nó, dù không làm phương hại đến tính độc lập tương đối của cả hai hình thức đệ nhất đẳng của sự sống con người này.

Từ quan điểm này, kiểu nhân tính Công Giáo cũng đang tái hiện vào thời nay và cuối cùng một đàng rũ bỏ sức ma thuật của việc tôn thờ Nhà nước, mặt khác, làm tan rã sự tự phụ tự mãn của mình. Cả ở đây, chúng ta cũng đang xử lý với các thực tại thay vì các lời nói, và chúng ta nhận ra các mối liên hệ hữu cơ thay vì bị thống trị bởi những quan niệm trừu tượng. Nhiệm vụ của chúng ta là quyết định xem liệu chúng ta có để cho mình trở thành nô lệ trở lại hay vẫn còn ý thức được sứ mệnh của chúng ta là chân thực với bản chất căn bản của nhân tính và phát biểu nó một cách tự do và trung thực bằng lời nói và việc làm.

Giáo hội, lúc đó, là một xã hội, trong yếu tính, bị ràng buộc với nhân cách cá thể; và cuộc sống cá nhân của Kitô hữu liên quan đến chính bản chất của nó trong tương quan với cộng đồng. Cả hai cùng được đòi hỏi cho việc thể hiện hoàn toàn Vương quốc của Thiên Chúa. Không thể có dòng điện nếu không có hai cực. Và một cực không thể hiện hữu, hoặc thậm chí được quan niệm, mà không có cực kia. Cùng một cách như thế, thực tại Kitô giáo căn bản và vĩ đại là Vương quốc của Thiên Chúa là điều không thể có, ngoại trừ bao gồm cả Giáo hội lẫn nhân cách cá thể, mỗi nhân cách với bản chất đã được xác định rõ và khác biệt, nhưng, trong yếu tính, có tương quan đến bản chất khác. Sẽ không có Giáo hội nếu các thành viên của nó không đồng thời là các tiểu vũ trụ có tâm trí, mỗi vũ trụ đều độc lập và một mình với Thiên Chúa. Sẽ không có tính nhân cách Kitô giáo, nếu đồng thời không tạo thành một phần của cộng đồng, như một chi thể sống động của nó. Linh hồn được ơn thánh nâng cao không phải là một điều có trước Giáo hội, như những cá nhân nguyên thủy cô lập đã hình thành một liên minh. Những người giữ quan điểm này đã thất bại hoàn toàn trong việc nắm bắt yếu tính của nhân cách Công Giáo. Mà Giáo hội cũng không thẩm hóa được cá nhân, để nhân cách của họ chỉ có thể được thể hiện khi họ cố gắng thoát khỏi Giáo Hội. Những người nghĩ điều này là không biết Giáo hội là gì. Khi tôi khẳng định “Giáo hội”, tôi đồng thời khẳng định "nhân cách" cá thể và khi tôi nói về cuộc sống bên trong của Kitô hữu, tôi ngụ ý cả cuộc sống của cộng đồng Kitô hữu.

Tuy nhiên, ngay cả bây giờ, mối liên hệ hỗ tương vẫn chưa được quả quyết đầy đủ. Cả Giáo hội và nhân cách cá nhân đều cần thiết. Hơn nữa, cả hai đều hiện hữu từ hữu thể đầu tiên; vì ta không thể truy nguyên bất cứ hữu thể nào trong số này từ hữu thể kia. Và nếu có ai cố gắng hỏi hữu thể nào trong hai có giá trị hơn trong tầm nhìn của Thiên Chúa, thì ngay lập tức họ sẽ thấy rằng đó là một câu hỏi không nên hỏi. Vì Chúa Kitô đã chết vì Giáo Hội, để Người có thể làm cho Giáo hội, bằng bửu huyết của Người, thành “một Giáo hội vinh quang, không tì vết hoặc vết nhăn". Nhưng Người cũng chết cho mọi linh hồn cá thể. Nhà nước trong sự yếu đuối con người của nó phải hy sinh cá nhân cho xã hội; Thiên Chúa không làm thế. Giáo hội và nhân cách cá thể – cả hai, do đó, đều nguyên thủy [primordial] như nhau, đều chủ yếu như nhau, đều giá trị như nhau. Tuy nhiên, có sự khác biệt sâu sắc giữa hai biểu thức này của Vương quốc Thiên Chúa. Ưu tiên thứ bậc thuộc về Giáo hội. Giáo hội có thẩm quyền đối với cá nhân. Cá nhân phụ thuộc vào Giáo hội: ý chí của họ phụ thuộc ý chí Giáo hội, sự phán đoán của họ phụ thuộc sự phán đoán của Giáo hội, và quyền lợi của họ phụ thuộc quyền lợi của Giáo hội. Giáo hội được mặc cho sự uy nghi của Thiên Chúa, và là đại diện hữu hình trước cá nhân và tổng số các cá nhân. Trong những giới hạn do bản chất riêng của Giáo hội và bản chất của nhân cách cá thể áp đặt, Giáo hội sở hữu sức mạnh mà Thiên Chúa vốn sở hữu trên tạo vật; Giáo hội là người có thẩm quyền. Và, bất chấp cá nhân ý thức ra sao về mối liên hệ trực tiếp với Thiên Chúa, và như con cái của Thiên Chúa, họ vẫn biết rằng họ được giải phóng khỏi “các thầy dạy và trông coi” và được hưởng sự thông hiệp bản thân với Thiên Chúa, dù họ phụ thuộc Giáo hội cũng như phụ thuộc Thiên Chúa. "Ai nghe các con, là nghe Thầy". “Bất cứ điều gì các con ràng buộc dưới đất, cũng sẽ bị ràng buộc ở trên trời".

Đó là một nghịch lý sâu xa mà chỉ một mình nó mới hòa hợp với bản chất của sự sống, và rất tự hiển nhiên khi con mắt tâm trí tập chú đều đặn vào nó.

* * * * *

Từ tất cả những điều trên, một sự kiện xuất hiện. Cuộc sống bản thân của Kitô hữu dấn thân một cách sâu thẳm nhất vào Giáo hội và chịu tình trạng của Giáo hội tác động tới. Và ngược lại, Giáo hội, đến một mức độ khôn lường, chịu tác động bởi điều kiện tâm linh của các chi thể của mình. Những gì liên quan đến Giáo hội cũng liên quan đến tôi. Bạn sẽ thấy ngay điều này ngụ ý gì. Nó không đơn giản chỉ có nghĩa là một đứa trẻ chẳng hạn sẽ được dạy dỗ không tốt nếu đầy tớ của Giáo hội, người chịu trách nhiệm về việc giáo dục họ, là người không tương xứng với nhiệm vụ. Ngược lại, giữa cá nhân và Giáo hội có một sự liên đới hữu cơ thuộc loại thân thiết nhất. Cùng một Vương quốc của Thiên Chúa sống trong Giáo hội và trong từng cá nhân Công Giáo, tình trạng của mỗi bên có tương quan qua lại với nhau, vì bề mặt của nước được xác định bởi các đường ống cung cấp nó. Cá nhân rất ít có thể tự tách mình ra khỏi tình trạng của Giáo hội; – đấy là ảo tưởng của chủ nghĩa cá nhân – như từng tế bào có thể tự tách rời khỏi tình trạng sức khỏe của toàn bộ thân thể. Và ngược lại, vấn đề quan tâm khôn lường đối với Giáo hội là liệu các tín hữu có là những người đàn ông và đàn bà có nhân cách, có cá tính mạnh mẽ và có giá trị hay không. Giáo hội không bao giờ nên nhắm đạt được quyền lực, sức mạnh và chiều sâu mà gây hại cho nhân cách cá thể của các thành viên của mình. Vì Giáo hội sẽ gây nguy hiểm cho quyền lực, sức mạnh và chiều sâu của chính đời sống mình. Không được hiểu lầm điều này. Vì sự hiện hữu và bản chất thiết yếu của mình, Giáo hội không phụ thuộc vào tình trạng tinh thần và đạo đức của các cá nhân. Vì, nếu đúng như thế, Giáo hội sẽ không phải là một thực tại khách quan. Và mọi điều được nói cho đến nay đều nhấn mạnh vào tính khách quan thiết yếu của Giáo hội. Nhưng trong cụ thể, sự phong phú và sự phát triển của đời sống Giáo hội, trong mọi thời đại, quả phụ thuộc vào mức độ các thành viên cá thể của Giáo hội trở thành điều Thiên Chúa dự định cho họ trở thành, các nhân cách phát triển, mỗi nhân cách đều độc đáo, với một ơn gọi và khả năng độc đáo để hoàn thành. Không bao giờ nên hiểu mối liên hệ giữa Giáo hội và cá nhân như thể cả hai đều có thể phát triển trong khi gây hại cho bên kia. Quan niệm sai lầm này là gốc rễ của thái độ phi Công Giáo đối với vấn đề này, bất chấp dưới hình thức Thệ phản hay Byzantine.

Chúng ta là Công Giáo bao lâu chúng ta nắm được - hay đúng hơn, vì điều này không đủ – bao lâu chúng ta sống sự kiện, đúng hơn cảm thấy điều hiển nhiên trong chính xương tủy của chúng ta như một điều cần được coi như đương nhiên là sự tinh tuyền, sự vĩ đại và sức mạnh của nhân cách cá nhân và của Giáo hội phải thăng trầm cùng với nhau.

* * * * *

Tôi chắc chắn bây giờ các bạn nhận ra các ý tưởng của chúng ta và thậm chí nhất là các cảm xúc sâu sắc nhất và tức thì nhất của chúng ta còn xa vời xiết bao đối với cái khung tâm trí Công Giáo này; sự căng thẳng đương thời giữa cộng đồng và cá nhân đã ảnh hưởng sâu xa xiết bao đến quan điểm của chúng ta về mối liên hệ giữa Giáo hội và cá nhân, do đó gây nguy hiểm cho chính yếu tính của nó.



Chúng ta ý thức được sự căng thẳng giữa Giáo hội và nhân cách cá thể và những ngôn từ nhiệt tình nhất cũng không thể hủy bỏ được nó. Và nó không phải là sự căng thẳng mà chúng ta đã nói tới rồi, sự căng thẳng cố hữu trong bản chất của mối liên hệ giữa họ, vốn là nguồn sức khỏe và sự sống, nhưng là một sự căng thẳng không tự nhiên và có tính hủy diệt. Trong thời Trung cổ, thực tại khách quan của Giáo hội, giống như thực tại khách quan của xã hội nói chung, được trực tiếp cảm nghiệm. Cá nhân được hòa nhập vào cơ thể xã hội trong đó họ tự do phát triển nhân cách khác biệt của mình. Vào thời kỳ Phục hưng, cá nhân đạt được việc tự ý thức có phê phán về chính mình, và khẳng định sự độc lập của riêng mình không có lợi cho cộng đồng khách quan. Tuy nhiên, khi làm như thế, họ dần dần không còn nhìn thấy sự phụ thuộc sâu xa của họ vào toàn bộ cơ chế xã hội. Thành thử, ý thức của con người hiện đại về nhân cách của riêng họ không còn lành mạnh, không còn gắn bó hữu cơ vào đời sống có ý thức của cộng đồng nữa. Nó đã vượt mức, và tự tách rời khỏi bối cảnh hữu cơ của nó. Cá nhân không thể không cảm thấy Giáo hội với sự khẳng định quyền lực của mình, như một quyền lực thù nghịch đối với chính họ. Nhưng không có mối thù nghịch nào đâm sâu hơn mối thù nghịch giữa các hình thức sống bổ sung mà từ đó, chúng ta có thể hình thành một số ý tưởng về những gì việc căng thẳng liên hệ đến.

Sứ mệnh của thời đại sắp tới sẽ là, một lần nữa, hình dung thực sự mối liên hệ giữa Giáo hội và cá nhân. Nếu điều này mà đạt được, thì các quan niệm của chúng ta về xã hội và nhân cách cá thể một lần nữa phải thỏa đáng. Và việc tự ý thức và cảm thức về sự sống hữu cơ một lần nữa phải được làm cho hài hòa, và sự liên thuộc cố hữu của Giáo hội và cá nhân phải một lần nữa được chấp nhận như một sự thật hiển nhiên. Thời nào cũng có nhiệm vụ đặc biệt của nó. Và điều này cũng đúng với sự phát triển của đời sống tôn giáo. Thấy Giáo hội và nhân cách cá thể ràng buộc hỗ tương với nhau ra sao; họ sống điều này ra sao đối với điều kia; và trong mối liên hệ hỗ tương này, chúng ta phải tìm kiếm ra sao sự biện minh cho thẩm quyền giáo hội, và làm cho cái nhìn sâu sắc này một lần nữa trở thành một phần tạo nên cuộc sống của chúng ta và ý thức là thành tựu căn bản mà thời đại của chúng ta vốn được kêu gọi thực hiện.

Tuy nhiên, nếu chúng ta muốn thành công trong nhiệm vụ này, chúng ta phải giải phóng bản thân chúng ta khỏi những nền triết học phiến diện của thời đại chẳng hạn như chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa xã hội nhà nước, hoặc chủ nghĩa cộng sản. Một lần nữa chúng ta phải hết lòng là người Công Giáo. Suy nghĩ và cảm quan của chúng ta phải được xác định bởi bản chất thiết yếu của lập trường Công Giáo, phải tiến hành từ cái nhìn sâu sắc trực tiếp đó vào tâm điểm của thực tại vốn là đặc ân của người Công Giáo chân chính.

Nhân cách cá nhân chết yểu trong sự cô lập băng giá nếu nó bị cắt khỏi cộng đồng sống động, và Giáo hội phải nhất thiết bất khoan dung đối với những người không nhìn thấy nơi Giáo hội điều kiện có trước của đời sống có tính cá nhân nhất và bản thân nhất của họ; những ai chỉ xem Giáo hội như một sức mạnh đối đầu với họ và, thay vì có bất cứ sự chia sẻ nào đối với mục đích thân thiết và sinh tử nhất của họ, lại thực sự đe dọa hoặc đàn áp nó. Ý chí sống động của con người không thể chấp nhận một Giáo hội được quan niệm như vậy. Họ phải hoặc nổi dậy chống lại Giáo hội, hoặc phục tùng Giáo hội như cái giá quá đắt của sự cứu rỗi. Nhưng người có đôi mắt nhìn rõ ý nghĩa của Giáo hội sẽ cảm nghiệm một niềm vui lớn lao và giải thoát. Vì họ thấy rằng Giáo hội là giả thiết sống động cho sự hiện hữu bản thân của chính họ, con đường thiết yếu dẫn đến sự hoàn thiện của chính họ. Và họ ý thức được tình liên đới sâu sắc giữa hữu thể bản vị của họ và Giáo hội; làm sao hữu thể này sống bên hữu thể kia và cuộc sống của hữu thể này là sức mạnh của hữu thể kia ra sao.

Việc chúng ta có thể yêu mến Giáo hội cùng một lúc là ân sủng tối cao có thể là của chúng ta ngày nay, và là ân sủng mà chúng ta cần đến nhất. Những người đàn ông và đàn bà của thế hệ hiện nay không thể yêu Giáo hội chỉ vì họ được sinh ra từ cha mẹ Công Giáo. Chúng ta quá ý thức được nhân cách cá nhân của mình. Tình yêu này cũng ít có thể được tạo ra bởi sức say mê của các cuộc hội họp diễn thuyết và đại chúng. Không phải chỉ trong lĩnh vực đời sống dân sự mà các loại ma túy như vậy đã mất tác dụng. Mà tình cảm mơ hồ cũng không thể đem lại cho ta tình yêu ấy; thế hệ chúng ta quá trung thực đối với điều đó. Một điều duy nhất có thể thắng thế - một cái nhìn sâu sắc rõ ràng vào bản chất và ý nghĩa của Giáo hội. Chúng ta phải nhận ra rằng, với tư cách là các Kitô hữu, nhân cách của chúng ta sẽ hoàn thành tỷ lệ thuận với việc chúng ta được tháp nhập chặt chẽ hơn vào Giáo hội, và khi Giáo hội sống trong chúng ta. Khi chúng ta ngỏ lời với Giáo hội, chúng ta xưng một cách hiểu biết sâu sắc không phải “ngài” mà là “con”.

Nếu tôi thực sự nắm vững các sự thật này, tôi sẽ không còn coi Giáo hội như một lực lượng cảnh sát tinh thần, nhưng như máu của máu tôi, sự sống dồi dào mà tôi đang sống bằng sự sung mãn của nó. Tôi sẽ coi Giáo hội là Vương quốc bao trùm mọi sự của Thiên Chúa tôi, và Vương quốc của Người trong linh hồn tôi như đối tác sống của Giáo hội. Như thế, Giáo hội sẽ là Mẹ tôi và Nữ hoàng của tôi, Nàng Dâu của Chúa Kitô. Vậy thì tôi có thể yêu Giáo hội! Và chỉ khi đó, tôi mới có thể tìm thấy bình an!

Chúng ta sẽ không được bình an với Giáo hội cho đến khi chúng ta đạt đến mức chúng ta có thể yêu Giáo hội. Không cho đến khi đó...

* * * * *

Mong rằng những giảng khóa này sẽ giúp ích một chút trong việc hướng tới sự viên mãn này.

Nhưng tôi phải đưa ra một yêu cầu - đừng cân đo đong đếm lời lẽ! Một chữ hoặc một mệnh đề đặc thù cũng có thể bị bóp méo, và thậm chí còn sai sót. Mục đích của tôi không phải là cung ứng cho các bạn các công thức được tính toán khéo léo, nhưng một điều gì đó sâu sắc hơn – đó là sự tin cậy. Tôi tin tưởng các bạn đang lắng nghe ý nghĩa nằm bên dưới mà tôi muốn truyền đạt, và dưới ánh sáng của toàn bộ, các bạn sẽ sửa chữa cho mình bất cứ thiếu sót hoặc sai sót bằng lời nói nào. Tóm lại, tôi chắc chắn, từ những giảng khóa này bạn sẽ làm được điều tất cả diễn từ và nghe ngóng, tất cả việc viết và việc đọc nên là sức sáng tạo trí thức chung.

GHI CHÚ

1. Tuy nhiên, chúng ta phải ghi nhớ những điều sau đây. Những gì chúng ta đã nói chỉ đề cập đến khía cạnh của Giáo hội mà xã hội học có thể giải quyết. Điều Giáo hội là - yếu tính thực sự của Giáo hội - không bao giờ có thể được tiến hành một cách tiên nghiệm. Không có điều gọi là triết lý của Giáo hội nếu hiểu nó có nghĩa nhiều hơn việc xem xét các hiện tượng xã hội tìm thấy trong Giáo hội, và cũng tìm thấy trong các cộng đồng tự nhiên và tái xuất hiện trong Giáo hội chỉ vì Giáo hội là một cộng đồng của con người.

Nhưng trong Giáo hội, các hiện tượng này khác với các đối tác của chúng trong mọi xã hội khác. Ngay trong khía cạnh tự nhiên của mình, Giáo hội vẫn đã độc đáo rồi. Và yếu tính của Giáo hội, đặc tính siêu nhiên khác biệt của Giáo hội hoàn toàn là hiệu quả của một mình công trình tích cực của Thiên Chúa, của nhân cách có tính lịch sử của Chúa Kitô và định chế có tính lịch sử của Giáo hội qua Người. Chỉ nhờ mạc khải, chúng ta mới có thể học biết Giáo hội là gì trong yếu tính của Giáo hội. Chúng ta không bao giờ có thể làm gì hơn ngoài việc mô tả Giáo hội như cộng đồng đức tin và ân sủng mà Chúa Kitô đã thiết lập, và tiếp tục tồn tại trong lịch sử như là Giáo Hội Công Giáo, với đặc tính khác biệt và độc đáo của nó. Chỉ trên giả định này, những cuốn sách như “Physiologie der Kirche” [Sinh lý học về Giáo Hội] hoặc“ Kirche als Keimzelle der Weltvergottlichung” [Giáo hội như hạt nhân của việc thần hóa thế giới] của Andre mới thực sự có giá trị, có giá trị rất đáng kể.

2. Đây không phải là một mâu thuẫn, mà là một sự tương phản. Chữ mâu thuẫn loại trừ điều khác - tốt và xấu, có và không, chẳng hạn, loại trừ nhau. Tuy nhiên, mọi sinh vật đều là một thể thống nhất của nhiều tương phản được dị biệt hóa với nhau, nhưng định đề cho nhau. Thể thống nhất vững chắc, nhưng linh hoạt, đơn giản nhưng sáng tạo của cơ thể sống động chỉ có thể được nắm bắt như một mạng lưới tương phản, về phương diện tri thức. Tôi hy vọng sẽ giải thích cặn kẽ điểm này trong một cuốn sách khác.

3. Chữ này không được hay lắm. Nó đôi chút có liên hệ với chủ nghĩa cá nhân, học thuyết về quyền tự chủ cá nhân và nhất thuyết duy lễ nghi thuần túy. Thánh Phaolô chắc chắn không nói đến “nhân cách”. Ý niệm Nhân cách Kitô giáo khác với đối tác triết học của nó cũng như ý niệm “Giáo hội”, Giáo hội của Chúa Kitô, khác với Giáo Hội của "Hiệp hội tôn giáo". Tuy nhiên, tôi không biết chữ nào hay hơn; do đó, tôi sử dụng nó theo nghĩa trong đó, Chúa của chúng ta nói về “con cái Thiên Chúa”, và Thánh Phaolô, trong các Thư tín của ngài, nói về cá nhân Kitô hữu khác biệt với cộng đồng.

4. Lĩnh vực bản thân này đã được tách ra khỏi đời sống tôn giáo nói chung bởi phe Thệ phản và mọi hệ thống cá nhân chủ nghĩa khác và được phát triển một cách phiến diện. Do đó, việc thông đạt trực tiếp giữa Thiên Chúa và người được cứu chuộc, là người, tuy nhiên, cùng một lúc là thành viên của Giáo hội, đã bị biến thái thành quyền tự chủ của một nhân cách hoàn toàn độc lập và tự cung tự cấp. Và sự căng thẳng lành mạnh của mối liên hệ được thiết lập bởi chính bản chất các điều kiện của nó đã được thay thế bằng những kiềm chế không tự nhiên.
 
VietCatholic TV
Trò đểu: Biden bỏ rơi Afghanistan, Kitô Hữu có nguy cơ bị thảm sát, Tập Cận Bình đắc chí tiếu hi hi
Giáo Hội Năm Châu
04:19 17/08/2021


1. Biden bỏ rơi Afghanistan, Kitô Hữu có nguy cơ bị thảm sát, Tập Cận Bình đắc chí tiếu hi hi

Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, cho biết Abdul Ghani Baradar, thủ lĩnh Taliban, đã tuyên bố chiếm được toàn cõi Afghanistan và thành lập “Vương quốc Hồi Giáo”.

“Đó là một chiến thắng bất ngờ” về phương diện tốc độ và sự dễ dàng và bây giờ phải được nối tiếp bởi “sự khiêm tốn trước Allah” bởi vì phút hiện tại này “là thời điểm thử thách, làm sao chúng ta phục vụ và bảo vệ người dân của mình. Và làm thế nào chúng ta bảo đảm tương lai và cuộc sống của họ, của các công dân Afghanistan, ở một đất nước hiện đã được đổi tên thành Vương quốc Hồi giáo”.

Đây là tuyên bố đầu tiên của bọn Taliban được Mullah Abdul Ghani Baradar đưa ra. Hắn được mô tả là “nhà lãnh đạo tạm thời”, một vài giờ sau khi Kabul thất thủ. Trong một tin nhắn video, hắn ta cảm ơn các dân quân vì chiến dịch quân sự dẫn đến việc Tổng thống Ashraf Ghani bị lật đổ chỉ trong vài ngày. Từ dinh tổng thống, hắn ta nhắc lại “sự hào hùng” của quân Taliban nhưng đồng thời cũng nhắc lại tám năm bị chiếm đóng phủ bóng đen lên tương lai của quốc gia và khu vực.

Taliban ca ngợi chiến thắng và tuyên bố “giải phóng” Afghanistan chưa đầy một tháng trước lễ kỷ niệm hai mươi năm vụ tấn công vào Hoa Kỳ ngày 11 tháng 9, 2001, là biến cố dẫn đến chiến dịch quân sự Hoa Kỳ. Một lá cờ của phong trào thánh chiến bay trên phủ tổng thống trong khi một phát ngôn viên thông báo rằng “tình hình đã ổn định” và mục tiêu là thành lập “một chính phủ Hồi giáo cởi mở và hòa nhập”. Vào những giờ đầu ngày, đường phố thủ đô vắng vẻ và hàng chục cửa hàng, quán cà phê vẫn đóng cửa; một quyết định được các chủ hàng đưa ra để bảo vệ hàng hóa của mình chờ diễn biến trong những ngày tới.

Trong khi đó, các chuyến bay vội vã của các nhà ngoại giao phương Tây và công nhân nước ngoài vẫn tiếp tục, đặc biệt là nhân viên của các cơ quan đại diện của Hoa Kỳ và Liên minh Âu Châu.

Các nguồn tin từ Kabul cho biết các nhân viên sứ quán Nga không kịp di tản chứ không phải không muốn di tản. Nga đã trải qua cuộc chiến tranh với Afghanistan từ 24 tháng 12, 1979 cho đến ngày 15 tháng 2 năm 1989 phải rút quân về nước sau tổn thất năng nề với 14,453 quân nhân bị giết, 53,753 bị thương và 264 mất tích. 451 máy bay bị bắn hạ, 147 xe tăng bị phá hủy hay bắt sống.

Trong khi đó, Trung Quốc mở cửa đại sứ quán của mình và tuyên bố công khai rằng họ không có ý định rút nhân viên của họ. Trong cuộc họp báo vào sáng ngày 17 tháng 8, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Triệu Li Kiên lên tiếng chúc mừng tân chính quyền Taliban.

Hôm Chúa Nhật 15 tháng 8, Thủ tướng Anh Boris Johnson cảnh cáo không ai được song phương công nhận Taliban là chính phủ của Afghanistan,

“Chúng tôi không muốn bất kỳ ai song phương công nhận Taliban”, Johnson nói trong một clip phỏng vấn, đồng thời kêu gọi phương Tây hợp tác với nhau đối phó với tình hình mới ở Afghanistan thông qua các cơ chế như Liên hợp quốc và NATO.

“Chúng tôi muốn có một quan điểm đoàn kết giữa tất cả những người cùng chí hướng để chúng ta có thể làm bất cứ điều gì nhằm ngăn chặn Afghanistan trở thành nơi sinh sôi của khủng bố.”

Trong bối cảnh thế giới muốn cô lập bọn Taliban, Trung Quốc sẽ có một vai trò quan trọng đối với bọn này.

Các lực lượng vũ trang Hoa Kỳ đã giành quyền kiểm soát sân bay và đẩy lùi làn sóng hàng ngàn người tuyệt vọng đang cố gắng chạy trốn khỏi đất nước. Một số hãng hàng không đã thay đổi đường bay để tránh bay qua không phận Afghanistan. Một số hãng hàng không quốc tế đã đình chỉ các kết nối đến Kabul.

Cựu tổng thống Ghani hiện đang tị nạn ở Tajikistan hay Uzbekistan, trong một thông điệp đăng trên mạng xã hội đã thừa nhận chiến thắng của Taliban, là những người hiện đang “chịu trách nhiệm về danh dự, tài sản và cuộc sống của đồng bào họ”. Ông ta biện minh cho sự ra đi bằng cách nhấn mạnh rằng nếu ông ta ở lại, “vô số người yêu nước sẽ bị tử vì đạo và thành phố Kabul sẽ bị phá hủy”.
Source:Asia News

2. Linh mục Công Giáo Kabul cầu xin những lời cầu nguyện khi Taliban chiếm được đất nước

“Chúng tôi đang sống những ngày vô cùng lo lắng chờ đợi điều gì sẽ xảy ra”, Cha Giovanni Scalese dòng Thánh Bácnabê nói.

Vị linh mục chịu trách nhiệm về sự hiện diện của Giáo Hội Công Giáo ở Afghanistan đã cầu nguyện trong khi Taliban nắm quyền kiểm soát thủ đô Kabul của đất nước.

“Chúng tôi đang sống những ngày vô cùng lo lắng khi chờ đợi điều gì sẽ xảy ra,” Cha Giovanni Scalese, người đứng đầu Miền Truyền Giáo Tự Trị (Mission sui iuris) ở Afghanistan, nói với Đài phát thanh Vatican. “Lời kêu gọi của tôi đối với thính giả của Đài phát thanh Vatican là xin cầu nguyện, xin cầu nguyện, cầu nguyện, cầu nguyện cho Afghanistan! Cảm ơn anh chị em.”

Sự hiện diện của Kitô Hữu ở Afghanistan có từ thời các thánh Tông đồ thành lập Giáo hội ở Phương Đông, nhưng ngày nay còn rất ít. Người Công Giáo chỉ lên đến vài trăm người ở quốc gia chủ yếu là Hồi giáo này. Nhà thờ Công Giáo duy nhất, gọi là Nhà thờ Thánh Phaolô, được thành lập vào những năm 1930, là nhà nguyện tại đại sứ quán Ý ở Kabul. Các Giáo sĩ thường trú tại ngôi thánh đường này - thường được gọi là các dòng Thánh Bácnabê – đã đến đây vào năm 1922.

Năm 2002, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã thiết lập một Miền Truyền Giáo Tự Trị cho Afghanistan, chỉ vài tháng sau khi Hoa Kỳ dẫn đầu cuộc xâm lược đất nước này sau vụ 11/9 và sau bọn Taliban bị lật đổ. Miền Truyền Giáo Tự Trị là một hình thức tài phán thấp hơn Miền Phủ Doãn Tông Tòa (Apostolic prefecture) và Miền Giám Quản Tông Tòa (Apostolic vicariate), trong một khu vực có rất ít người Công Giáo.

Bọn Taliban là những kẻ đã chứa chấp các kiến trúc sư al Qaeda của cuộc tấn công ngày 11 tháng 9 năm 2001 vào Hoa Kỳ, đã nhanh chóng tái chiếm Afghanistan sau khi Joe Biden quyết định bỏ rơi Afghanistan.

Caritas Italiana, hoạt động tại Afghanistan từ những năm 1990, cho biết một số ít linh mục, nam nữ tu sĩ ở Kabul đang chuẩn bị di tản. Ở lại họ gặp rất nhiều rủi ro dưới ách cai trị của bọn Taliban. Caritas Italiana cho biết cộng đồng Công Giáo trong những năm gần đây đã phục vụ những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất trong xã hội Afghanistan.

Vào đầu những năm 2000, Caritas Italiana đã hỗ trợ một chương trình lớn về viện trợ khẩn cấp, phục hồi và phát triển, xây dựng 4 trường học ở thung lũng Ghor, đưa 483 gia đình tị nạn trở về thung lũng Panshir cùng với việc xây dựng 100 ngôi nhà truyền thống cho các gia đình nghèo nhất và hỗ trợ người tàn tật.

Caritas cho biết sự bất ổn của tình hình hiện tại sẽ dẫn đến việc đình chỉ các hoạt động của tổ chức này, với khả năng hiện diện trong tương lai là một câu hỏi chưa có câu trả lời.

Kể từ cuối tuần qua, hàng trăm người Afghanistan đã tràn vào sân bay Kabul, tuyệt vọng để đáp các chuyến bay ra khỏi đất nước và tránh sự cai trị khắc nghiệt của quân Taliban. Các cuộc vượt biên qua biên giới cũng xảy ra, và Caritas đã nói về “một lượng lớn người tị nạn ngày càng tăng” ở các nước láng giềng.
Source:Aleteia

3. Siêu thị Mini “0 đồng” mang tên “Chân Thiện” tại Hải Phòng

Siêu thị Mini “0 đồng” đang lan toả khắp nơi nhằm giúp những người khó khăn vì Covid-19. Tại Hải Phòng, một Siêu thị Mini “0 đồng” mang tên “Chân Thiện” cũng vừa xuất hiện. Siêu thị thuộc chủ quản là Caritas Hải Phòng, toạ lạc tại 46 Hoàng Văn Thụ (Toà Giám mục Hải Phòng), khai trương vào sáng ngày 15/8/2021.

Trong ngày đầu tiên, Siêu thị đã bán – thực chất là trao tặng 200 suất. Mỗi suất gồm các mặt hàng thiết yếu: Gạo hoặc mì tôm, mì chính, nước mắm, dầu ăn, muối, hạt nêm, trứng, …. Khách hàng sẽ được mua các sản phẩm trên với trị giá là 200.000 đồng/suất, mà không phải trả đồng nào – “0 đồng”. Siêu thị cũng đưa ra sẵn các “Combo” giúp khách mua thuận tiện hơn trong lần đầu đến mua, tuỳ ý lựa chọn các mặt hàng theo nhu cầu và vừa tròn với giá trị của phiếu mua hàng.

Để những Phiếu mua hàng miễn phí đến đúng với người cần đón nhận, Caritas Hải Phòng đã phối hợp với những vị hữu trách trong Giáo hội và xã hội, trao tặng lá phiếu đến tận tay các gia đình khó khăn. Trên Phiếu này ghi rõ các thông tin người mua hàng: “Họ và tên, địa chỉ, thời gian mua”. Các phiếu cũng được phân chia các khung thời gian khác nhau, để đảm bảo khoảng cách an toàn giữa mùa dịch, khi đến với Siêu thị Mini “0 đồng” mua hàng.

200 người mua hàng trong ngày đầu tiên thuộc nhiều thành phần khác nhau. Có người làm lao công môi trường, mà hoàn cảnh đang nặng gánh; người khác đi rửa bát thuê, nay không có việc; người kia thì chạy xe ôm, xích lô, nhưng vì dịch bệnh nên không ai thuê; người này thì lao động tự do, chẳng tìm được việc làm trong lúc giãn cách. Dù hoàn cảnh không giống nhau, nhưng tất cả đều có mẫu số chung, đó là cuộc sống vốn đã khó khăn, giờ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 càng thêm khốn khó.

Kể về hoàn cảnh của mình, ông Nguyễn Mạnh N. (phường Quang Trung) tâm sự: “Tôi độc thân toàn phần, vợ mất cách đây hơn 5 năm, con cái bỏ đi, sống một mình làm nghề xe ôm tại khu vực Ga Hải Phòng. Mấy tháng nay không có việc làm vì nhà ga đóng cửa, nên cuộc sống rất chật vật”. Còn bà Đặng Thị T. (phường Hoàng Văn Thụ) đã trình bày hoàn cảnh: “Tôi đi rửa bát thuê, nhưng mấy tháng nay chẳng có việc làm, nên cuộc sống thiếu thốn. Được biết nhà thờ mở Siêu thị “0 đồng”, tôi đến xin một suất”. Như thế, hơn ai hết, những hoàn cảnh này đang cần được sự chia sẻ, đỡ nâng; hơn bao giờ hết, Siêu thị Mini “0 đồng” cần thiết biết bao!

Theo đường hướng phát triển được hoạch định, Siêu thị Mini Chân Thiện sẽ mở các ngày Chúa nhật, mỗi ngày bán từ 150 đến 200 suất. Không gian hoạt động cũng được mở rộng, ban đầu tại các quận lân cận và sau đó sẽ di động tới các vùng quê, để sao cho người nghèo nhất nhận được sự giúp đỡ. Tuy nhiên, dự án này có thể thực hiện được hay không còn tuỳ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó sự cộng tác của các tấm lòng hảo tâm, những tâm hồn thành tâm thiện chí, mang tính quyết định.

Đối với Siêu thị Mini “0 đồng”, ngoài việc ủng hộ tiền hay hiện vật, quý ân nhân có thể cộng tác bằng việc mua hàng tại “Siêu thị Mini Chân Thiện. Cùng với việc bán hàng “Yêu thương 0 đồng”, Siêu thị còn bán các sản phẩm dòng tu, nhằm “Gây quỹ bác ái” phục vụ cho “Siêu thị 0 đồng”. Đặc tính sản phẩm dòng tu là “Chân” và mục đích hướng tới là “Thiện”, nên tên đặt cho Siêu thị là “Chân Thiện”, với ý hướng: “Chân phẩm, chân chất, chân giá cả; Thiện ích, thiện lương, thiện thương người”. Vì thế, khi đến với Siêu thị Chân Thiện, khách mua 1 mà được 2: sản phẩm tốt (Chân) và chung tay giúp đỡ người kém may mắn (Thiện), tức là được cả Chân và cả Thiện.

Hoạt động của Siêu thị Mini “0 đồng” ban đầu đã được sự hưởng ứng rộng rãi, không chỉ với người đến mua hàng miễn phí, mà còn đánh động được nhiều tấm lòng nhân ái từ bi. Sự quảng đại ủng hộ của quý Ân nhân trong những ngày qua, đặc biệt trong ngày khai trương hôm nay thể hiện tinh thần ấy. Đây là một khởi đầu tốt đẹp và đem đến một hy vọng vào ngày mai tươi sáng.

Vẫn biết rằng để duy trì lâu dài hoạt động này, nhất là trong thời dịch bệnh thì không hề đơn giản. Không ít người tỏ vẻ ái ngại khi nghe tin Caritas Hải Phòng mở siêu thị “0 đồng”, vì không dễ gì vận động quyên góp trong hoàn cảnh hiện tại. Tuy nhiên, nếu dự án thực sự ý nghĩa và mang lại giá trị thiết thực cho người nghèo khi họ cần, thì không sợ không có người ủng hộ. Hơn nữa, nếu những người làm việc nơi đây luôn sống và hành động theo đường lối “Chân Thiện” như tên gọi và như lời Chúa dạy, ắt hẳn Người sẽ chúc phúc với nhiều hoa trái bác ái tốt tươi, đem lại sự đỡ nâng cho người khó khăn và làm lan toả rộng khắp Tin mừng yêu thương giữa dòng đời hôm nay.
 
Độc đáo: Đức Hồng Y rất giống Đức Gioan Phaolô II, cười cũng giống, có thể sẽ trở thành Giáo Hoàng tiếp theo
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
05:15 17/08/2021


1. Cuộc hành hương toàn nước Pháp về Lộ Đức

Cuộc hành hương toàn quốc Pháp lần thứ 148, đã tiến hành tại Trung tâm Thánh Mẫu Lộ Đức, từ ngày 11 đến 16 tháng 8, với chủ đề: “Tất cả đều được kêu gọi sống tình huynh đệ”.

Cuộc hành hương này do gia đình dòng Đức Mẹ Lên Trời đảm trách, theo truyền thống từ năm 1872, với sự tham dự của hàng ngàn tín hữu đến từ các nơi ở Pháp. Trong 6 ngày, các tín hữu tham dự các thánh lễ, rước kiệu Mình Thánh Chúa, rước nến, đọc kinh Mân côi, các buổi thuyết trình và gặp gỡ.

Năm ngoái, vì đại dịch Covid-19, cuộc hành hương này bị hủy bỏ.

Trong bài xã luận, cha Vincent Cabanac, Giám đốc cuộc hành hương, viết: “Đức Mẹ Maria mời gọi chúng ta đón nhận sứ điệp Mẹ đã nói tại Hang Đá Massabielle và kêu gọi cầu nguyện, thống hối, để chúng ta được chữa lành. Trong thời kỳ đại dịch này, chúng ta nhận thấy mình cần được chữa lành dường nào. Liều thuốc trước tiên ở trong tương quan huynh đệ mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã chỉ cho chúng ta trong thông điệp “Fratelli tutti”.

Đức ông Olivier Ribadeau-Dumas, Giám đốc Đền thánh Lộ Đức, nói rằng tình huynh đệ được sống giữa lòng toàn thể xã hội. Nó được biểu lộ đặc biệt qua sự đón tiếp người ngoại quốc. Đó là điều mà cha Olivier Maire, bị sát hại hôm thứ Hai 09/8 vừa qua, trong cộng đoàn của cha ở miền Vendée, miền tây nước Pháp, đã làm. Người sát hại cha là một người gốc Ruanda đang xin tị nạn, Thăng tiến tình huynh đệ trong bối cảnh ấy không phải là điều hiển nhiên. Thế nhưng, ‘tình huynh đệ là một cuộc chiến đấu’. Ta thấy rõ xã hội Pháp và các xã hội chúng ta bị rạn nứt dường nào. Ta thấy rõ thế giới đang bị làm mồi cho những nước đang gây chiến tranh, bạo lực xảy ra hầu như ở mọi nơi”.

Chính vì thế - Đức ông Olivier nói - “Điều quan trọng là các tín hữu Kitô quan tâm trở thành những người mang an bình và sống Tin mừng bằng những hành động cụ thể, và Tin mừng nói với chúng ta về tình bác ái, huynh đệ và lòng thương xót. Chúng ta có trách nhiệm đặc biệt và đến Lộ Đức để kín múc từ nơi Đức Trinh nữ Maria.

2. Ai là có nhiều khả năng kế vị Đức Thánh Cha Phanxicô?

Philip Lawler của Catholic World News có bài nhận định sau về vị Hồng Y nào có khả năng là người sẽ kế vị Đức Thánh Cha Phanxicô.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Việc bổ nhiệm Đức Hồng Y Luis Tagle làm tổng trưởng Bộ Truyền giáo đã thúc đẩy các nhà báo chuyên về Vatican cho rằng Đức Thánh Cha Phanxicô có thể hy vọng đưa vị giám mục người Phi Luật Tân trở thành người kế vị ngài.

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 85 vào tháng 12 tới đây, và tình trạng thể chất của ngài chưa bao giờ có thể coi là tráng kiện, đặc biệt là sau cuộc phẫu thuật cắt bỏ một phần đại tràng. Mặc dù ngài không có dấu hiệu giảm tốc độ của mình — và trong thời gian gần đây đã không lặp lại một gợi ý trước đó rằng nhiệm kỳ giáo hoàng của ngài sẽ chỉ kéo dài “bốn hoặc năm năm” - Đức Giáo Hoàng có thể đang suy nghĩ về các cách để bảo đảm rằng các chính sách của ngài sẽ tồn tại sau khi ngài qua đời hoặc thoái vị - ngài muốn có một sự bảo đảm về “những thay đổi không thể đảo ngược” mà những người ủng hộ ngài hy vọng ngài sẽ mang lại cho Giáo hội.

Đức Hồng Y Tagle đã có trong danh sách của bất kỳ nhà quan sát nào thông thạo các tin tức về Vatican, và bệnh nhân hồi năm 2019 chắc chắn đã đưa tên của ngài lên danh sách đó. Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, thường được biết đến với cái tên Propaganda Fide, là một trong những thánh bộ quyền lực nhất của Vatican, chịu trách nhiệm về công việc của Giáo hội tại các lãnh thổ truyền giáo trên khắp thế giới. Đức Hồng Y Tagle sẽ trông coi khoảng 4,000 giáo phận và khoảng một phần ba số giám mục Công Giáo trên thế giới.

Hơn nữa, như Edward Pentin lưu ý trên tờ National Catholic Register, cuộc cải cách được chờ đợi từ lâu của Giáo triều sẽ mang lại cho Đức Hồng Y Tagle quyền lực lớn hơn nữa. Trong hình thức dự thảo hiện tại, tông hiến Praedicate Evangelium làm cho Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc trở thành một siêu bộ, chỉ đứng sau Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, và cao hơn Bộ Giáo lý Đức tin, trên phương diện quyền lực.

John Allen ở Crux coi việc bổ nhiệm Đức Hồng Y Tagle là một điều hợp lý, vì vị Hồng Y người Phi Luật Tân phù hợp chặt chẽ với các chính sách của Đức Giáo Hoàng Phanxicô — thực tế là vị Hồng Y này đã được nhiều người gọi là “Đức Bergoglio Á châu”. Đức Hồng Y Tagle rất phù hợp với trường phái Bologna cấp tiến về những vấn đề thần học, và với trọng tâm của chính Đức Giáo Hoàng về công bằng xã hội.

Ở một mức độ nào đó, việc bổ nhiệm một vị Hồng Y có chung quan điểm vào vị trí số 3 tại Vatican là rất hợp lý. Ở một cấp độ khác, sự lựa chọn sẽ mang lại cho Hồng Y Tagle kinh nghiệm trong Giáo triều Rôma. Đó là kinh nghiệm có thể được coi là điều cần thiết đối với một ứng viên giáo hoàng. Vì vậy, Đức Giáo Hoàng Phanxicô có lẽ đã thực hiện việc bổ nhiệm này để thúc đẩy các kế hoạch của riêng ngài, hay để thăng chức một người có khả năng kế nhiệm.

Trong khi Đức Giáo Hoàng có thể thúc đẩy vị thế của các giám mục được ngài ưu ái, hãy nhớ rằng ngài sẽ không có mặt trong một cuộc bỏ phiếu tại Cơ Mật Viện tiếp theo. Khi Đức Giáo Hoàng Benedict XVI phong Hồng Y Angelo Scola làm Tổng giám mục Milan vào năm 2011, những người theo dõi Vatican cho rằng Đức Bênêđíctô đang chỉ ra rằng Đức Hồng Y Scola là người kế vị ưa thích của ngài. Và có lẽ ngài đã muốn như thế. Nhưng Cơ Mật Viện đã đưa ra một lựa chọn khác.

Tuy nhiên, từ quan điểm của một người cá cược, chú ý đến mọi khả năng có thể xảy ra, sự liên kết chặt chẽ giữa Đức Hồng Y Tagle và Đức Giáo Hoàng Phanxicô có thể lại không giúp ích cho cơ hội của Hồng Y người Phi Luật Tân tại Cơ Mật Viện tiếp theo. Nhiều Hồng Y đại cử tri, bị lung lay bởi những tranh cãi liên quan đến triều đại giáo hoàng này, có thể tìm kiếm một loại ứng cử viên rất khác — một người sẽ khôi phục sự tự tin, khơi dậy giáo huấn truyền thống, hoặc ít nhất là mang lại cảm giác cân bằng cho Vatican. “Bergoglio Á Châu” mới 64 tuổi, và Hồng Y Đoàn có thể muốn né tránh viễn cảnh của một triều đại giáo hoàng kéo dài được hướng dẫn bởi các nguyên tắc đáng lo ngại tương tự.
Source:Catholic News Agency

3. Ngoài Hồng Y Tagle, ai sẽ là người dẫn đầu nếu Cơ Mật Viện diễn ra trong tương lai gần?

Sau khi bàn về triển vọng của Đức Hồng Y Tagle, Philip Lawler của Catholic World News cũng bàn đến một số vị khác.

Trước hết là Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, là vị thường có vị trí cao trong bất kỳ mọi danh sách ứng viên Giáo Hoàng sáng giá. Ngài cũng có cả những thuận lợi và những hạn chế xuất phát từ việc kết hợp chặt chẽ với Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Đức Hồng Y Parolin mới 67 tuổi, như thế triều đại Giáo Hoàng Parolin có thể là một triều đại giáo hoàng lâu dài. Ngài có một thành tích rất nổi bật với tư cách là một nhà ngoại giao của Vatican, nhưng điều này lại đang là một điều gây tranh cãi khi bọn cầm quyền Trung Quốc tiếp tục bách hại thẳng tay Giáo Hội tại quốc gia này sau một hiệp định do ngài nồng nhiệt đề xướng. Ngài cũng có một nhược điểm lớn là chưa từng làm giám mục giáo phận.

Những vụ bê bối tài chính hiện đang xoay quanh Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh có thể triệt tiêu cơ hội của ngài.

Đức Hồng Y Oscar Rodriguez Maradiaga của Tegucigalpa, Honduras, có thể là một ứng cử viên nổi bật vì vai trò hiện tại của ngài là chủ tịch Hội đồng Hồng Y Cố Vấn. Nhưng ngài sẽ sớm tròn 80 tuổi. Ngoài ra, cả ngài và tổng giáo phận mà ngài lãnh đạo đều dính líu đến các vụ tai tiếng lạm dụng tình dục và tài chính. Khả năng Đức Hồng Y Oscar Rodriguez Maradiaga trở thành Giáo Hoàng mịt mờ hơn bao giờ.

Đức Hồng Y Christoph Schönborn của Vienna và Đức Hồng Y Marc Ouellet, tổng trưởng Bộ Giám mục, đều được coi là ứng viên Giáo Hoàng sáng giá trong Cơ Mật Viện 2013. Cả hai vị đều đã quá tuổi nghỉ hưu, nhưng một số đại cử tri có thể thực sự ủng hộ một ứng cử viên lớn tuổi hơn, với triển vọng về một triều đại giáo hoàng tương đối ngắn. Cả hai vị Hồng Y đều là học trò cũ của Đức Bênêđictô XVI; điều đó cũng có thể được coi là một thuận lợi, nhưng cũng có thể lại là một khó khăn.

Đức Hồng Y Robert Sarah có thể là ứng cử viên có nhiều khả năng thu hút sự ủng hộ từ các Hồng Y, những người yêu mến những ngày của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô, và hy vọng về sự đảo ngược các chính sách của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Đức Hồng Y Sarah đã cẩn thận tránh đưa ra những lời chỉ trích đối với Đức Thánh Cha, ngay cả khi ngài thấy ảnh hưởng của chính mình bị suy giảm trong triều đại giáo hoàng hiện tại; ngài là một người lính trung thành - một số người có thể nói rằng ngài quá trung thành. Tuy nhiên, ngài đã nhanh chóng xuất bản ba cuốn sách, phác thảo tầm nhìn rõ ràng của riêng ngài về các nhu cầu của Giáo hội. Là người gốc Guinea, nơi ngài đã liều mạng thách thức một tên độc tài, và hiện là một cựu chiến binh của Giáo triều Rôma, ngài có thể sẽ mang đến một câu chuyện cá nhân đầy kịch tính cho ngôi vị giáo hoàng, với tư cách là Giáo hoàng Phi châu đầu tiên trong nhiều thế kỷ. Năm nay ngài đã 76 tuổi.

Trong một bài phân tích về các ứng viên Giáo Hoàng sáng giá, Sandro Magister của L'Espresso, giới thiệu một cái tên rất xa lạ với hầu hết độc giả Mỹ: đó là Hồng Y Matteo Zuppi của Bologna, người lãnh đạo Cộng đồng St. Egidio. Giống như vị Hồng Y này, Cộng đồng Thánh Egidio không nổi tiếng ở Mỹ, nhưng có ảnh hưởng to lớn ở Ý, ở Âu Châu nói chung và trên thực tế là ở Phi Châu - nơi nó đã giúp làm trung gian cho các hiệp định hòa bình quốc tế. Theo tính toán của Magister, nền tảng đó khiến Hồng Y Zuppi trở thành người dẫn đầu trong sách các ứng viên sáng giá kế vị Đức Giáo Hoàng Phanxicô.
Source:Catholic News Agency
 
Hiệp thông cùng Đền Thánh Đức Mẹ Li Băng lần chuỗi cầu nguyện cho Sài Gòn và quê hương Việt Nam
Giáo Hội Năm Châu
17:03 17/08/2021
 
Oái oăm: Diễn viên khét tiếng sàm sở lại đóng vai Cha Piô Năm Dấu Thánh trong cuốn phim sắp tới
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
17:08 17/08/2021


1. Nam diễn viên khét tiếng sàm sở đóng vai Cha Thánh Piô Năm Dấu Thánh trong cuốn phim sắp tới của Hollywood

Nam diễn viên Shia LaBeouf sẽ đóng vai chính trong một bộ phim sắp tới của Hollywood kể về cuộc đời trai trẻ của Cha Thánh Piô Năm Dấu Thánh, một linh mục thánh thiện người Ý sống ở thế kỷ 20. Ngài được ơn có 5 dấu thánh Chúa Giêsu trên người, và có thể xuất hiện ở hai nơi trong cùng một lúc. Nhà làm phim Abel Ferrara sẽ đạo diễn bộ phim.

“Chúng tôi đang làm một bộ phim về Cha Piô Năm Dấu Thánh – ngài là một linh mục xuất thân đến từ Puglia. Phim lấy bối cảnh ở Ý ngay sau Thế chiến thứ nhất. Cha Piô giờ đã trở thành một vị thánh, và ngài có các dấu thánh trên người. Ngài cũng đã từng sống giữa một thời kỳ chính trị rất nặng nề trong lịch sử thế giới”, Ferrara nói với tờ Variety.

“Cha Piô còn rất trẻ trước khi trở thành một vị thánh, vì vậy Shia LaBeouf sẽ đóng vai vị linh mục này”.

LaBeouf được biết đến với vai diễn trong các bộ phim Transformers và Indiana Jones, cũng như nhiều chương trình truyền hình và phim của Disney.

Nam diễn viên 35 tuổi, người Do Thái, nói với Tạp chí Interview rằng anh đã chuyển đổi từ Do Thái Giáo sang Kitô Giáo khi quay bộ phim Fury năm 2014.

“Tôi tìm thấy Chúa khi thực hiện phim Fury. Tôi đã trở thành một người theo Kitô Giáo, theo một cách thực sự. Tôi có thể nói những lời cầu nguyện theo kịch bản. Nhưng đó là những điều thực sự đã thực sự cứu tôi”.

Tuy nhiên, trước những cáo buộc dê dởm chống lại LaBeouf, Ferrara hy vọng vai diễn này sẽ giúp sự nghiệp của nam diễn viên này phất lên “trở lại”.

Ferrara cho biết tiến trình quay phim “đã sẵn sàng” và sẽ bắt đầu vào tháng 10 tại Puglia, bên Ý. Anh ấy nói thêm rằng anh ấy coi bộ phim này là “lớn hơn nhiều” so với các bộ phim khác gần đây của mình.
Source:Church POP

2. Các bài Thánh Ca của David Haas bị cấm trong nhiều nhà thờ

Một nhà xuất bản hàng đầu các bài thánh ca sẽ ngừng xuất bản các tác phẩm của David Haas sau khi nhận được thêm cáo buộc về hành vi sai trái tình dục của nhà soạn nhạc Công Giáo này.

“Chúng tôi đã đình chỉ mối quan hệ tài trợ và xuất bản của chúng tôi với ông Haas, đồng thời cũng đã xóa nhạc, sách và các bản ghi âm của ông ấy khỏi danh mục và trang web của chúng tôi,” một lá thư từ Alec Harris, chủ tịch GIA Publications, gởi cho Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, biết như trên.

Thư này cũng đã được gửi đến từng giáo phận vào cuối tháng Bảy vừa qua. Các phần của bức thư đã được công khai vào ngày 2 tháng 8.

Harris cho biết anh “vô cùng đau lòng” khi nhiều phụ nữ cáo buộc Haas về các hành vi sai trái tình dục ở các mức độ khác nhau vào năm ngoái.

“Thật không may, các thông tin mới vẫn tiếp tục xuất hiện cho chúng ta thấy các hành vi dê dởm của Haas đối với một phụ nữ trẻ, đó là lý do tại sao chúng tôi liên hệ với bạn ngay bây giờ bằng email này để chia sẻ những hành động và quan điểm mà chúng tôi đã thực hiện đối với nhạc của Haas”.

Haas, một giáo dân, là một nhà soạn nhạc chính trong phong trào “nhạc phụng vụ hiện đại”, bắt đầu từ những năm 1970, cùng với nhà soạn nhạc Marty Haugen, Cha Michael Joncas, Dan Schutte, và nhóm “St. Louis Jesuits”.

Haas cư trú tại Tổng giáo phận Saint Paul và Minneapolis.

Trong số những bài hát phổ biến của Haas có bài “Glory to God,” “You are Mine,” “We are Called,” and “Blest are They,” là những bài được hát hầu như trong mỗi thánh lễ tại các nhà thờ ở Hoa Kỳ.

Ít nhất hai giáo phận là Giáo phận Oakland và Giáo phận Jefferson City - đã ra lệnh cho các giáo xứ đình chỉ vĩnh viễn việc sử dụng âm nhạc của Haas trong các cử hành Phụng Vụ.
Source:Catholic News Agency

3. Đức Hồng Y Alencherry có thể phải ra điều trần trong một phiên tòa liên quan đến đất đai

Hôm 12 tháng 8, Tòa án Tối cao Kerala cho biết, Đức Hồng Y George Alencherry phải ra hầu tòa trong một vụ án liên quan đến việc mua bán đất đai của Giáo Hội.

Tòa án giữ nguyên phán quyết của một phiên tòa cấp quận vào ngày 24 tháng 8 năm 2019, yêu cầu vị Hồng Y và hai người khác ra tòa làm chứng trong vụ án.

Tòa án đã bác bỏ sáu kiến nghị do Đức Hồng Y Alencherry đệ trình.

Tưởng cũng nên nhắc lại là Giáo Hội Syro-Malabar, hiệp thông hoàn toàn với Tòa Thánh, có trụ sở tại Kerala, đã bị lôi kéo vào một cuộc tranh cãi tài chính kể từ tháng 11 năm 2017 sau khi cha Paul Thelakat buộc tội Đức Hồng Y George Alencherry và hai linh mục bán đất đai của Giáo Hội với giá quá hời gây thiệt hại 10 triệu đô la Mỹ.

Trước các tố cáo nghiêm trọng này, tháng 6 năm ngoái Tòa Thánh đã yêu cầu Đức Hồng Y ngưng các trách nhiệm quản trị Tổng giáo phận Ernakulam-Angamaly và thành lập một ủy ban điều tra do Đức Cha Jacob Manathodath, Giám Quản Tông Tòa của tổng giáo phận tiến hành.

Cha Paul Thelakat đã trình lên Đức Cha Jacob Manathodath các tài liệu cho rằng Đức Hồng Y đã chuyển ngân những khoản tiền lớn cho hai tổ chức ngoài Công Giáo.

Tuy nhiên, sau một cuộc điều tra, ngày 28 tháng 4, cảnh sát đã khẳng định các tài liệu dùng để cáo gian Đức Hồng Y là ngụy tạo và đã bắt giữ Adithya Valavi, một kỹ sư điện toán người Công Giáo, với tội danh ngụy tạo ra các hồ sơ giả. Trong tiến trình thẩm vấn Valavi đã khai rằng hai linh mục Paul Thelakat và Antony Kallookaran đã buộc anh ta phải làm các giấy tờ giả này để cáo gian Đức Hồng Y George Alencherry.

Ngày 4 tháng Sáu vừa qua, Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Ấn Độ ra thông báo ủng hộ Đức Hồng Y George Alencherry và lên án những kẻ cáo gian ngài.

Trước các kết quả điều tra khách quan của cảnh sát, hôm 28 tháng Sáu vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định phục hồi hoàn toàn quyền cai quản tổng giáo phận Ernakulam-Angamaly của Đức Hồng Y George Alencherry. Ngài cũng truyền cách chức hai Giám Mục Phụ Tá vì những dính líu của các ngài trong vụ này.

Mọi chuyện tưởng đã được giải quyết êm đẹp nhưng có khoảng 250 linh mục được báo cáo là không phục tùng quyết định này của Đức Thánh Cha. Một số người tiếp tục kiện cáo Đức Hồng Y.

Tòa án Sơ thẩm Tư pháp cấp một ở Kakkanad, một vùng ngoại ô Kochi, nơi có trụ sở của Tòa Thượng Phụ Syro-Malabar, đã thụ lý các đơn kiện từ tháng 4 năm 2019. Các giao dịch mua bán đất đai này bị cáo buộc là vi phạm pháp luật trắng trợn và có những sai lệch tràn lan.

Cả Tòa án Tối cao và tòa án quận đều cho rằng có các bằng chứng sơ bộ về sự tham gia của Đức Hồng Y Alencherry trong thỏa thuận mua bán đất đai. Mặc dù tám đơn kiện chống lại Hồng Y đã được nộp tại tòa án, tòa án quận chỉ tống đạt lệnh triệu tập trong sáu trường hợp.

Vị Hồng Y sau đó đã đến gặp Tòa án Tối cao để tìm kiếm sự can thiệp ngay lập tức để hủy bỏ lệnh triệu tập và tránh phiên tòa. Tuy nhiên, Tòa án Tối cao đã không đứng về phía Đức Hồng Y.
Source:Matters India
 
Sức khỏe của ĐHY Burke xấu đi. 48 giờ sắp tới là sinh tử. Tình hình Kabul theo một linh mục Dòng Tên
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
23:04 17/08/2021


1. Sức khỏe của Hồng Y Burke đã xấu đi

Tình trạng của Đức Hồng Y Raymond Burke, người vừa mới nhập viện vì Covid-19, đã được báo cáo là xấu đi.

Một nguồn tin đã nói chuyện với một người thân cận với Đức Hồng Y nói với CNA rằng tình trạng của ngài đã xấu đi và 48 giờ tới là rất quan trọng.

Đức Hồng Y Raymond Leo Burke đã được khẩn cấp đưa vào bệnh viện và đang phải sử dụng một máy thở khi ngài chiến đấu với các biến chứng tai hại của COVID-19. Một tweet cập nhật về tình trạng của ngài được công bố trên tài khoản Twitter của Đức Hồng Y vào tối thứ Bảy 14 tháng 8 theo giờ địa phương, tức là sáng Chúa Nhật theo giờ Việt Nam.

Dòng tweet đưa tin: “Đức Hồng Y Burke đã được đưa vào bệnh viện vì COVID-19 và đang được hỗ trợ bằng máy thở. Các bác sĩ cảm thấy khích lệ vì sức khoẻ của ngài có tiến triển. Đức Hồng Y đã siêng năng lần chuỗi Mân Côi cho những người bị vi rút. Trong đêm Canh thức lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời này, chúng ta hãy lần chuỗi Mân Côi cho ngài”.

Một báo cáo hôm thứ Bảy trên tờ St. Louis Post-Dispatch cho biết vị Hồng Y, sống ở Rôma, bị ốm khi đến thăm Wisconsin, nơi ngài đã trải qua thời thơ ấu.

Giữa những tin đồn rằng ngài bị đau nặng, vị Hồng Y 73 tuổi và tổng giám mục danh dự của St. Louis đã xác nhận vào ngày 10 tháng 8 rằng ngài đã có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19. Trong tweet vào ngày đó, ngài viết:

“Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô! Tôi muốn thông báo với anh chị em rằng gần đây tôi đã có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút COVID-19. Tạ ơn Chúa, tôi đang nghỉ ngơi thoải mái và được chăm sóc y tế tuyệt vời. Xin hãy cầu nguyện cho tôi khi tôi bắt đầu hồi phục. Chúng ta hãy tin tưởng vào Chúa Quan Phòng. Xin Chúa phù hộ anh chị em.”

Đức Hồng Y Raymond Leo Burke sinh ngày 30 tháng 6 năm 1948, năm nay 73 tuổi, là một giám mục Mỹ. Hiện nay ngài là vị lãnh đạo tinh thần của Dòng Malta. Ngài đã lãnh đạo Tổng giáo phận St. Louis từ năm 2004 đến năm 2008 và Giáo phận La Crosse từ năm 1995 đến năm 2004. Từ tháng 6 năm 2008 đến tháng 11 năm 2014, ngài là Chánh Tòa Tối Cao Pháp Viện Tòa Thánh.

Là một luật sư giáo luật, Đức Hồng Y Burke thường được coi là tiếng nói truyền thống trong số các Giám Mục Công Giáo. Ngài đã tạo dựng được danh tiếng là một nhà lãnh đạo bảo thủ khi phục vụ ở La Crosse và St. Louis. Đức Hồng Y Burke là người cổ vũ chính cho Thánh lễ Latinh Truyền thống. Ngài thường xuyên dâng lễ và phong chức cho các linh mục theo các nghi lễ truyền thống.

Trong cuốn The Next Pope, nghĩa là Vị Giáo Hoàng Tiếp Theo, Edward Pentin, ký giả kỳ cựu về Vatican của National Catholic Register của đài truyền hình Công Giáo Hoa Kỳ EWTN nhận định rằng Đức Hồng Y Burke là một papabili, tức là một ứng viên sáng giá cho ngôi Giáo Hoàng trong Cơ Mật Viện tiếp theo.
Source:Catholic News Agency

2. Linh mục Dòng Tên ở Afghanistan cho biết tình hình ở Kabul rất hỗn loạn

Một linh mục Dòng Tên bị mắc kẹt ở Afghanistan sau khi Taliban tiếp thu đất nước cho biết tình hình đang “thay đổi” và “hỗn loạn”.

“Tình hình đang thay đổi trong cả nước, ai cũng có thể tưởng tượng ra”, Cha Jerome Sequeira, người đứng đầu công cuộc truyền giáo ở Afghanistan cho biết, trong một emails cho bạn bè và đồng nghiệp.

Vị linh mục cho biết cơ quan truyền giáo của Dòng Tên đã đình chỉ các hoạt động trên toàn quốc và đã bảo đảm an toàn cho tất cả các nhân viên của họ.

Cha Sequeira đã viết: “Dịch vụ dành cho người Tị nạn của Dòng Tên” đã đình chỉ vô thời hạn tất cả các hoạt động, và tất cả đều đang co cụm trong nhà hoặc trong cộng đồng của họ.”

Ngài nói thêm: “Tất cả các chuyến bay đều bị hủy và tất cả phụ thuộc vào thỏa thuận giữa các cơ quan của Liên hợp quốc và Taliban”.

Vị linh mục cho biết Dòng Tên “đang nỗ lực hết sức” để di tản ngài và một linh mục Dòng Tên khác.

“Cảm ơn vì những lời cầu nguyện liên tục của các bạn cho sự an toàn của chúng tôi”, Cha Sequeira nói, và thêm rằng “an toàn không còn ý nghĩa ở đây nữa vì tình hình rất là nguy hiểm”.

Hôm 17 tháng 8, Đức Tổng Giám Mục Timothy Broglio của Tổng Giáo phận Quân đội Hoa Kỳ, cho biết “sự sụp đổ của Afghanistan và sự ra đi của các nhà lãnh đạo được bầu là nguyên nhân gây lo ngại, vì Taliban có thể bị từ chối nhân quyền, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em gái. Hai chuyến thăm của tôi ở đất nước này đã khẳng định ấn tượng của tôi về những hy sinh, thậm chí kể cả cái chết, của nhiều thành viên Lực lượng vũ trang và dân thường trong nỗ lực mang lại ổn định và hòa bình cho người dân ở đó. Tuy nhiên, vào lúc này, chúng ta chỉ có thể cầu nguyện cho người dân Afghanistan, ủng hộ bất kỳ nỗ lực nhân đạo nào đang được thực hiện ở đó và gióng lên tiếng nói với các nhà lãnh đạo địa phương của lưỡng đảng. Nhân phẩm của dân tộc này phải được tôn trọng”.

Ngài nói thêm: “Tôi đặc biệt quan tâm đến những người trong Lực lượng Vũ trang Hoa Kỳ, những người tiếp tục bảo vệ người tị nạn và tài sản trong nước. Chúng tôi cầu nguyện rằng sẽ không có bạo lực và một sự ra đi hòa bình cho tất cả những người muốn ra đi”.

Cha Sequeira cho biết Taliban “đang bận rộn chiếm giữ tất cả các hệ thống chính phủ và đưa người của chúng vào”.

“Họ không làm hại dân thường vào lúc này, nhưng điều đó sẽ xảy ra khi họ chiếm được hoàn toàn tất cả các hệ thống của đất nước”.

Ngài nhấn mạnh rằng nhóm chiến binh Hồi Giáo quá khích này có danh sách tất cả các tổ chức.

“Ở một số nơi, họ đã bắt đầu gõ cửa từng nhà hỏi han tận nơi về nhân sự của các tổ chức”.

Cha Sequeira cho biết “hàng ngàn người đang cố gắng chạy trốn” và đang chạy đến các sân bay”. Tại sân bay, Taliban bắn chỉ thiên và cố gắng để kiểm soát đám đông”.

Vị linh mục kết thúc bức thư của mình nói rằng: “Chúng ta, cộng đồng quốc tế, đã đầu tư rất nhiều và thiết lập rất nhiều trong 20 năm qua chỉ để giao nó cho Taliban trong vài ngày sao?”

Hôm Chúa Nhật, Đức Thánh Cha Phanxicô đã yêu cầu người Công Giáo trên toàn thế giới cầu nguyện cho người dân Afghanistan.

Tôi hiệp với những ai đang quan tâm đối với tình hình ở Afghanistan. Tôi yêu cầu tất cả anh chị em cầu nguyện cùng tôi với Chúa hòa bình để tiếng ồn ào của vũ khí có thể chấm dứt và giải pháp có thể được tìm thấy trên bàn đối thoại. Chỉ như vậy, những người dân bị tàn phá của đất nước đó - đàn ông, phụ nữ, người già và trẻ em - mới có thể trở về nhà của họ, và sống trong hòa bình và an ninh, trong niềm tôn trọng lẫn nhau.

Trong khi đó, Caritas Italiana bày tỏ lo ngại đối với sự an toàn của các Kitô Hữu trong nước, đồng thời cảnh báo rằng tổ chức này có thể cần phải đình chỉ các hoạt động của mình khi tình trạng bất ổn gia tăng.

Tổ chức bác ái của các giám mục Ý đã có mặt ở Afghanistan từ những năm 1990 và hiện đang tập trung vào việc giúp đỡ những trẻ vị thành niên dễ bị tổn thương.

Caritas Italiana đã và đang hỗ trợ một chương trình lớn về viện trợ khẩn cấp, phục hồi và phát triển ở Afghanistan, bao gồm việc xây dựng 4 trường học và 100 ngôi nhà.

Taliban đã chiếm được các thành phố lớn nhất của Afghanistan chỉ trong vài ngày thay vì trong vài tháng như tình báo quân đội Mỹ dự đoán trước đó.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc kêu gọi đàm phán để tạo ra một chính phủ mới ở Afghanistan sau khi Tổng thư ký Antonio Guterres cảnh báo về vấn đề nhân quyền và vi phạm đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Trong thời kỳ cai trị kéo dài từ 1996 đến 2001, phụ nữ không được làm việc và các hình phạt như ném đá, đánh đòn, và treo cổ nơi công cộng đã được áp dụng.
Source:Catholic News Agency
 
Đạo Đức Sinh Học
NGUYÊN TẮC CƠ BẢN ĐẦU TIÊN VỀ ĐẠO ĐỨC SINH HỌC
Linh mục Tiến sĩ Trần Mạnh Hùng
19:19 17/08/2021
NGUYÊN TẮC CƠ BẢN ĐẦU TIÊN VỀ ĐẠO ĐỨC SINH HỌC

I. TÔN TRỌNG SỰ SỐNG CON NGƯỜI
1. TÍNH THÁNH THIÊNG CỦA SỰ SỐNG
“Tôi chỉ biết kính trọng tất cả những gì được gọi là sự sống. Tôi không thể không thương cảm tất cả những gì được gọi là sự sống. Đó là khởi đầu và là nền tảng của luân lý.” (Albert Schweizer, Kính Trọng Sự Sống). [1]
Sự sống thánh thiêng của con người là do Thiên Chúa ban tặng và phải được nuôi dưỡng, bảo vệ. Hủy hoại mạng sống không phải là quyền của con người mà là đặc quyền của Thiên Chúa. [2] Con người là quản lý của công trình sáng tạo nên chỉ có quyền làm chủ hạn chế, và vì thế chỉ có tự do hạn chế về sinh mạng của mình. [3] Mạng sống con người là một “tài sản tín thác” (trust) chứ không phải là “tài sản sở hữu” (possession) thuộc quyền kiểm soát hoàn toàn của ta. Ngoài ra, luận cứ tôn giáo chống lại an tử chủ động tự nguyện còn được đặt nền tảng trên nguyên tắc về ích lợi chung. [4] Những nguyên tắc này làm nên một luận cứ chống lại an tử, trợ tử nói chung và quyền tự quyết nói riêng.
Hầu hết mọi người chúng ta đều tin rằng sự sống là điều thánh thiêng và chấp nhận nguyên tắc về tính thánh thiêng của sự sống. Đôi khi “tính thánh thiêng của sự sống” được diễn tả như “sự tôn trọng hoặc kính trọng sự sống,” “phẩm giá của sự sống con người,” “giá trị của sự sống con người,” thậm chí “quyền được sống.”[5] Thế nhưng đâu là nguồn gốc của những nguyên tắc này? Sau khi tìm hiểu xong những giải đáp cho câu hỏi này, ta sẽ sẵn sàng nêu một câu hỏi nữa: “Tính thánh thiêng của sự sống” được sử dụng trong các quyết định về luân lý như thế nào và trong việc xây dựng sự đồng tâm nhất trí về luân lý ra sao?
“Tính thánh thiêng của sự sống” có nguồn gốc tôn giáo và cả nguồn gốc ngoài tôn giáo.[6] Đạo Công Giáo và Đạo Tin Lành đã đưa tính thánh thiêng của sự sống lần ngược lên tới nguồn gốc là Thiên Chúa và đã mặc cho nó ý nghĩa tôn giáo, dựa trên nhiều điểm giáo lý Kitô giáo như Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ, Thiên Chúa cứu chuộc, tính bất tử của linh hồn, v.v… Nhìn chung, Công Giáo phân tích nguồn gốc sự sống rất giống với Tin Lành, cả hai đều nhấn mạnh rằng Thiên Chúa là nguồn gốc và là chủ tể tối thượng của sự sống con người. Vì thế, Joseph Fuchs khẳng định rằng: “con người thuộc về Thiên Chúa cách trực tiếp và chỉ thuộc về một mình Ngài mà thôi.”[7] Cũng thế, James Gustafson xem thái độ tôn trọng sự sống là điều “được gợi lên, được củng cố và được phong phú hóa” nhờ niềm tin rằng, Thiên Chúa là Đấng tác tạo sự sống, duy trì sự sống và muốn sự sống được những điều thiện hảo.[8]
Norman St. John-Stevas, người từng viết rất nhiều về tính thánh thiêng của sự sống theo quan điểm Công Giáo La-mã, đã nói rằng “sự tôn trọng mạng sống người khác vì số phận đời đời của họ là yếu tính của giáo huấn Kitô giáo. Một khía cạnh khác của giáo huấn Kitô giáo là sự nhấn mạnh thụ tạo tính (creatureliness) của con người. Tuyệt nhiên con người không có quyền làm chủ mạng sống và thân xác mình. Con người không có quyền làm chủ nó mà chỉ giữ nó như tài sản tín thác dành cho những mục đích của Thiên Chúa.”[9]
Cũng bằng cái nhìn tôn giáo, Paul Ramsey nhấn mạnh rằng sự thánh thiêng của sự sống không phải là những giá trị tốt đẹp mà con người gán cho sự sống, nhưng giá trị tiên vàn của nó hệ tại ở mối liên hệ giữa sự sống với Thiên Chúa:
Ta chỉ có thể thấu triệt được quan niệm về sự thánh thiêng của sự sống, một khi nhận thức được rằng: sự sống này được trao ban và bao bọc bằng sự thánh thiêng, không nhất thiết hệ tại nơi con người; rằng phẩm giá cao quý nhất mà con người có được là alien dignity (phẩm giá chuyển nhượng)*… Phẩm giá của con người là sự trào dâng từ Thiên Chúa khi Ngài tiếp xúc với con người, chứ không phải là sự hướng vọng mong sẽ trở thành cái gì đó do khả năng của chính con người. [10]
Những quan điểm tôn giáo này xem ra khẳng định rằng tính thánh thiêng của sự sống và/hoặc giá trị của sự sống không có sẵn nội tại nơi sự sống của con người. Nó cũng không tùy thuộc vào sự đánh giá của người này đối với người kia hay dựa vào thành tích của con người. Đúng ra, đó là vì tình thương yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Richard Gula đã diễn tả điều này một cách súc tích và rất đẹp như sau: Phẩm giá con người là phẩm giá nội tại, không thể chuyển nhượng, không thể thương lượng, không bắt nguồn từ thành tựu cá nhân hay phẩm chất xã hội, nhưng từ chính tình yêu Thiên Chúa, Đấng tạo tác chúng ta theo hình ảnh Ngài (Kn 1:26-27). [11] Đây là nền tảng của quan điểm Công Giáo về luân lý tính khách quan, các quyền cụ thể của con người và những luận cứ luân lý trong giáo huấn của Giáo Hội. [12] Vì thế, tính thánh thiêng của sự sống, tức giá trị nơi con người, tức “alien dignity,” là do Thiên Chúa ban cho.[13] Nhưng chỉ những ai chấp nhận trọn vẹn lối diễn giải thần học cho niềm xác tín này, mới có thể khẳng định rằng sự sống luôn luôn là một giá trị hay một phẩm giá được bảo đảm, bởi vì cách thức duy nhất để sự sống thật sự hiện hữu là ở trong mối liên hệ với Thiên Chúa hay còn gọi là “giao ước.” [14]
Mặc dù nền tảng thần học cho tính thánh thiêng của sự sống, đòi hỏi mọi người phải khẳng định Thiên Chúa là nguồn gốc của sự thánh thiêng này, nhưng Giáo Hội Công Giáo thừa nhận rằng, rất có thể tính thánh thiêng của sự sống không được chấp nhận nơi những người không cùng một niềm tin tôn giáo này. Để cổ vũ cho tính thánh thiêng của sự sống trên những nền tảng ngoài tôn giáo, truyền thống luân lý Công Giáo nại đến cảm nghiệm phổ quát về giá trị của sự sống vốn vẫn có trong mọi con người. Nhà xã hội học Edward Shils đã suy tư theo hướng này để bày tỏ rằng, tính thánh thiêng của sự sống không phải từ ngoài sự sống mà đến, nhưng có trong cảm nghiệm về chính sự sống, “trong cảm nghiệm nguyên căn rằng mình đang sống, trong nỗi lo sợ bị tiêu diệt, trong tâm trạng kinh hoàng trước những can thiệp có mưu toan, trong cảm giác ghê rợn trước hành vi hủy hoại mạng sống con người một cách trái tự nhiên, và trong niềm kinh ngạc trước sức sống của mình và của đồng loại.” Ông gọi cảm nghiệm này là “siêu hình học tôn giáo nguyên căn” hay “siêu hình học tự nhiên” về tính thánh thiêng của sự sống. [15]
Cố gắng tạo cho được tính vững chắc của những nguyên tắc đầu tiên luôn luôn là việc khó khăn, và nỗ lực này có thể bị người ta phản đối, nhưng điều đáng kể trong cuộc tranh luận về an tử là ngày càng có nhiều người chấp nhận tính thánh thiêng của sự sống như là nguyên tắc tổng quát. Kitô giáo và siêu hình học tự nhiên dựa trên cảm nghiệm, có thể có suy tư khác nhau về nguồn gốc tính thánh thiêng của sự sống, nhưng hai bên đều nhất trí về giá trị của nó xét như nguyên tắc đầu tiên. Xét cho cùng, hai bên nhất trí vì lý do rất thực tiễn. Chẳng hạn Edward Shils viết: “Nếu không có sự khẳng định ngày càng thêm phổ biến về tính thánh thiêng của sự sống, được xem như nguyên tắc chỉ đạo cho đời sống xã hội thì chúng ta sẽ bị trôi dạt… và nếu sự sống không được coi là thánh thiêng thì sẽ chẳng có gì là thánh thiêng nữa.”[16] Norman St. John-Stevas diễn đạt thế này: “Một khi người ta đặt ra những ngoại lệ, đối với nguyên tắc về tính thánh thiêng của sự sống, thì toàn thể cơ cấu các quyền của con người sẽ bị băng hoại.”[17] Cả hai ông như muốn nói rằng nếu muốn các giá trị được tôn trọng thời chúng ta phải mặc nhiên công nhận nguyên tắc tính thánh thiêng của sự sống.[18]
Dưới ánh sáng của những luận cứ này, tính thánh thiêng của sự sống có vẻ như là một cơ sở có thể chấp nhận được, để hy vọng mai đây mọi người sẽ đồng tâm nhất trí trên phương diện luân lý về các vấn đề sự sống và sự chết. Thế nhưng vẫn còn đó một nguyên tắc mơ hồ cho rất nhiều khoản luật, nghĩa vụ và tình huống luân lý. Ví dụ, James Gustafson nhận ra rằng bảo vệ niềm tôn trọng sự sống mà không đòi hỏi rằng sự sống thể lý phải bất khả xâm phạm, thì có nghĩa là đặt những lựa chọn luân lý vào con dốc trượt. Hơn nữa, bản thân lòng tôn trọng sự sống chưa đủ để xác định hành động thích hợp, hầu cho ta biết chắc “sự tôn trọng” là gì và sự sống của ai phải được bảo vệ. [19]
Tuy ngày càng có thêm đông người chấp nhận nguyên tắc dựa trên tính thánh thiêng của sự sống, nhưng nguyên tắc này vẫn chưa dẫn đến được sự đồng tâm nhất trí về những nội dung của nó. Vậy thì tại sao ta cứ bám lấy nguyên tắc này nếu nó còn mơ hồ như thế? Nó có chức năng gì trong cuộc thảo luận về an tử? David Callahan trả lời như sau:
Nguyên tắc này diễn tả sự sẵn sàng đối xử ân cần với sự sống con người, sẵn sàng công nhận phẩm giá của nó và sẵn sàng dấn thân phục vụ nó. Chức năng của các qui luật là thực hiện và cụ thể hóa những hoạt động dấn thân này. Sau đó, những hoạt động dấn thân, như được tóm lược trong nguyên tắc ấy, lại góp phần của mình là thẩm định tính đúng đắn của các qui luật. [20]
Nói cách khác, nguyên tắc này có chức năng như các nguyên tắc mô thể trừu tượng thường có trong luân lý học. Tự nó không cho chúng ta biết việc phải làm, nhưng nó hoạt động như một tiêu chuẩn để đánh giá những tình huống cụ thể dựa trên qui tắc chất thể, vốn luôn cố gắng cho ta biết phải làm gì. [21] Nói đích xác hơn, với tư cách là nguyên tắc mô thể, “tính thánh thiêng của sự sống” vạch hướng cho chúng ta nâng cao chất lượng sự sống con người, nó khiến chúng ta có khuynh hướng làm ra những luật lệ để bảo vệ sự sống con người. Nó tạo ra thái độ có tác dụng nuôi dưỡng một xu hướng mạnh mẽ ủng hộ sự sống con người. Ví dụ, trong cuộc thảo luận về an tử, một trong những qui tắc mô thể có trong nguyên tắc về tính thánh thiêng của sự sống, là không ai được quyền tước đoạt mạng sống của người khác cách bất công. Nguyên tắc về tính thánh thiêng của sự sống bắt ta phải tự vấn, liệu việc chấp hành qui tắc này sẽ thay đổi được cuộc sống của con người hay không. Thế nhưng, diễn dịch luận lý học cho thấy, nguyên tắc về tính thánh thiêng của sự sống vốn dĩ không làm ra những luật lệ luân lý. Nó chỉ vạch cho ta thấy phương hướng công nhận và bảo vệ sự sống. [22]
Vậy, dù được đặt trên nền tảng tôn giáo hay không, tính thánh thiêng của sự sống hiện vẫn được bảo vệ chu đáo nhất, nhờ những nỗ lực của con người, nhằm thiết lập và thực hiện các luật lệ bảo vệ và nuôi dưỡng sự sống.
2. QUYỀN LÀM CHỦ VÀ QUYỀN QUẢN LÝ
Có liên hệ chặt chẽ và thường được xem xét cùng với nguyên tắc về tính thánh thiêng của sự sống, là những nguyên tắc thần học, về quyền chủ tể của Thiên Chúa và vai trò quản lý của con người. Niềm tin đối thần về quyền làm chủ của Thiên Chúa và sự quản lý của con người, được gợi ra chủ yếu bởi những người chấp nhận cái nhìn Kitô giáo về tính thánh thiêng và bất khả xâm phạm của sự sống con người.[23] Đôi khi ta nghe lời kết tội rằng, ai can thiệp để làm cho cái chết đến mau, hay ai đình chỉ điều trị để cho bệnh nhân chết, tức là người đó “tiếm quyền Thiên Chúa.”[24] Lời kết tội nhằm nhấn mạnh rằng, vì Thiên Chúa là Tác Giả của sự sống và sự chết, nên thời điểm kết thúc sự sống thuộc về Thiên Chúa, không thuộc về chúng ta. Rất bấp bênh lúc này là sự hiểu biết của con người về quyền làm chủ và quyền quản lý. Ở phần này, chúng tôi sẽ bàn đến nguồn gốc, ý nghĩa và chức năng của những nguyên tắc thần học này trong cuộc thảo luận về an tử. [25]
2.1. NGUỒN GỐC NGUYÊN TẮC QUYỀN LÀM CHỦ VÀ
QUYỀN QUẢN LÝ
Chiếm vị trí trung tâm trong cả thần học Công Giáo [26] và thần học Tin Lành là niềm xác tín rằng: Thiên Chúa là Chúa của sự sống và sự chết. Niềm xác tín này cũng là một cách khẳng định rằng: giá trị tột đỉnh và tính thánh thiêng của sự sống con người là do từ Thiên Chúa mà đến. Tuyên xưng Thiên Chúa là Chúa của sự sống và sự chết, tức là khẳng định sự phân biệt nền tảng giữa Tạo Hóa và thụ tạo, đồng thời khẳng định rằng với tư cách thụ tạo, con người nhờ Thiên Chúa mới có được sự hiện hữu, giá trị và định mệnh tối hậu của mình. Những khẳng định này, mặc nhiên nói rằng không ai được tự nhận có toàn quyền làm chủ sinh mạng của mình và sinh mạng của người khác. [27]
Nguồn gốc của những xác tín này, cũng nằm ở chính những giáo lý, đã đem đến cho ta nguyên tắc về tính thánh thiêng của sự sống. Ví dụ, nhờ giáo lý trong đạo dạy về con người mà Norman St. John-Stevas có thể phát biểu: “Tuyệt nhiên con người không có quyền làm chủ mạng sống và thân xác mình. Con người không có quyền làm chủ nó mà chỉ giữ nó như tài sản tín thác dành cho những mục đích của Thiên Chúa.” [28] Tương tự, Bernard Häring từ niềm xác tín cơ bản của mình đã nói lên rằng: sự sống con người là tặng vật thiêng liêng của Thiên Chúa, và khẳng định: “Sự sống được ký thác cho sự tự do và đồng trách nhiệm của con người. Con người không phải là chủ nhân độc lập của sinh mạng mình nhưng là người quản lý dưới quyền chủ tể của Thiên Chúa.” [29] Paul Ramsey, với chủ đề “alien dignity” nơi sự sống con người, đã nhấn mạnh đến sự sống như là của cải Thiên Chúa cho chúng ta vay mượn. Ông cho rằng: chúng ta phải tôn trọng sự sống của mình và sự sống của người khác, không chỉ vì sự sống được đặt nền tảng nơi Thiên Chúa mà còn vì Thiên Chúa đã ban cho chúng ta sự sống như một giá trị tín thác để sử dụng theo ý của Ngài. Chúng ta phải bắt chước Thiên Chúa, Đấng đã nói “fiat” (“hãy có”) với sự sống. [30]
2.2. Ý NGHĨA VÀ CHỨC NĂNG CỦA QUYỀN LÀM CHỦ VÀ
QUYỀN QUẢN LÝ
Nguyên tắc về quyền làm chủ và quyền quản lý, đã tìm được lối đi vào những cuộc tranh luận nhờ những người tán thành luận cứ thứ ba của thánh Tôma Aquina chống lại hành vi tự tử: Duy Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa, có quyền chủ tể đối với sự sống và sự chết. Về phương d iện luân lý, việc hủy hoại sinh mạng con người không thuộc quyền phán đoán tự do của con người (Tổng Luận Thần Học, II-II, q. 64, a. 5). Con người chỉ có quyền sử dụng sự sống như “Tài Sản Tín Thác” (Trust) hay như “Tặng Vật” (Gift) từ Thiên Chúa, chứ không có quyền làm chủ nó như “tài sản sở hữu riêng” (personal possession). Vì thế, trách nhiệm của chúng ta đối với sự sống là trách nhiệm của người quản lý. Quyền làm chủ tuyệt đối là quyền chỉ dành riêng cho một mình Thiên Chúa.
Không bao giờ được phép tự tử bởi lẽ sự sống là tặng vật của Thiên Chúa, Đấng duy nhất có quyền giết chết và làm cho sống. Vì thế bất cứ ai tự hủy hoại sinh mạng của mình là phạm tội chống lại Thiên Chúa chẳng khác nào kẻ giết chết nô lệ của người khác thì phạm tội chống lại ông chủ của người nô lệ ấy, và cũng giống như kẻ phạm tội tự phán quyết về một vấn đề mà không hề được ủy thác cho mình. [31]
Cũng trong bài viết này, thánh Tôma khẳng định rằng việc hủy hoại sinh mạng con người không thuộc quyền phán đoán tự do của con người:
Con người làm chủ chính mình vì được phú cho quyền tự do lựa chọn. Nhờ quyền lựa chọn tự do này, con người tự do tùy nghi sử dụng những gì trên đời này thuộc quyền tự do của mình. Thế nhưng việc chuyển từ đời này sang đời sau hạnh phúc hơn, lại không nằm trong số những điều ấy, bởi vì việc chuyển đi khỏi đời này thuộc ý muốn và quyền năng của Thiên Chúa.[32]
Theo luận cứ này, con người chỉ có quyền sử dụng chứ không có quyền làm chủ sự sống mình. Sở dĩ việc giết người bị nghiêm cấm vì đó là tiếm quyền và xâm phạm quyền Thiên Chúa.
Truyền thống luân lý Công Giáo xưa nay vẫn xem việc hủy hoại sinh mạng người vô tội là “sự dữ nội tại” do khuyết thẩm quyền (defect of right), vì không ai có quyền nhận mình là chủ của sự sống. Thomas J. O’Donnell diễn tả luận cứ này của truyền thống Công Giáo bằng cách phân biệt quyền làm chủ “tuyệt đối” và quyền làm chủ “hữu dụng.” Quyền làm chủ tuyệt đối là quyền đối với vận mệnh cánh chung của con người; quyền làm chủ hữu dụng là quyền bị hạn chế bởi thẩm quyền cao hơn của người khác. Trong sách giáo khoa đã hiệu đính của ông về đạo đức y học, cuốn Medicine and Christian Morality (Y Khoa và Luân Lý Kitô Giáo), [33] ông nói đến “đặc quyền” (prerogative) thay vì “quyền làm chủ” (dominion) nhưng cũng tiến đến cùng một kết luận, ấy là: về sinh mạng con người, chúng ta chỉ có quyền sử dụng và có trách nhiệm của người quản lý. Quyền làm chủ tuyệt đối, hay đặc quyền, chỉ dành riêng cho một mình Thiên Chúa mà thôi. [34]
Đến nay vẫn chưa xác định được phương cách chính xác để áp dụng nguyên tắc về quyền làm chủ của Thiên Chúa, vào những vấn đề liên quan đến hành vi can thiệp vào sự sống con người. Các nhà luân lý học sử dụng chủ đề này bằng nhiều cách khác nhau vào các vấn đề đạo đức học, trong nỗ lực cố gắng dung hòa những căng thẳng về ý tưởng con người vừa là thụ tạo vừa là người đồng sáng tạo với Thiên Chúa. Chẳng hạn, Bernard Häring đưa ra luận cứ thần học, minh nhiên chống lại mọi hành vi can thiệp vào quá trình hấp hối để kết liễu mạng sống. Ông nói rằng: quyền tự do của thụ tạo không trải rộng đến mức được tùy tiện chọn lựa, buộc cái chết phải đến vào thời điểm và trong những điều kiện do chúng ta qui định. Theo Häring, chúng ta thể hiện sự viên mãn của quyền tự do về cái chết bằng sự đón nhận cái chết một cách tự nhiên. Chỉ bằng cách thể hiện sự tự do như thế, tức nhìn nhận sự bất lực trước tử thần, chúng ta mới có thể chân thành nhìn nhận mình hiện hữu như các thụ tạo của Thiên Chúa. [35] Như thế, Häring biện luận từ niềm xác tín cơ bản của mình, rằng sự sống con người là tặng vật thiêng liêng của Thiên Chúa, và ông khẳng định: “Sự sống được ủy thác cho sự tự do và đồng trách nhiệm của con người. Con người không phải là chủ nhân độc lập của sinh mạng mình, nhưng là người quản lý dưới quyền chủ tể của Thiên Chúa.” [36]
Trái lại, Richard Westley phản đối luận cứ này. Trên nền tảng niềm tin về sự nhập thể, Westley phát biểu rằng: Thiên Chúa và con người kết hợp làm một đến nỗi không thể nói tách bạch quyền của Thiên Chúa, quyền của con người. Theo Westley, mầu nhiệm nhập thể cho ta biết rằng, Thiên Chúa đã quyết định làm cho công việc của Ngài cũng là công việc của con người chúng ta. Vì Thiên Chúa sống trong ta, nên bất cứ điều gì thuộc về quyền làm chủ của Thiên Chúa, thì cũng thuộc về chúng ta. [37] Westley còn phản đối luận điểm về quyền làm chủ tuyệt đối và quyền quản lý hạn chế dựa trên ý nghĩa của sự sống như “tặng vật” của Thiên Chúa. Theo cái nhìn của Westley, nếu sự sống được ban cho như tặng vật thì nó thuộc quyền tự do của chúng ta, chứ nói đến quyền quản lý trong văn mạch ấy tức là lạc đề. [38]
Như Westley, Daniel C. Maguire cũng nêu ra sự cân bằng giữa tạo hóa và thụ tạo nhưng ông dựa trên những cơ sở khác. Maguire dựa vào lối chú giải về con người xét như “hình ảnh của Thiên Chúa,” như người đồng sáng tạo với Thiên Chúa và như người tham gia vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Trên cơ sở này, ông tìm được khởi điểm để tiến đến một quyền hạn luân lý rộng lớn hơn về sự sống và sự chết, so với quyền hạn trong luận cứ của Häring và trong những luận cứ truyền thống về quyền làm chủ của Thiên Chúa, hay quyền quản lý của con người. [39]
Bruno Schüller phản đối bất cứ ý kiến nào chống lại an tử mà chỉ dựa trên quyền làm chủ. Theo ông, khái niệm quyền làm chủ không phải là “một luận cứ chống lại an tử” mà chỉ là một điệp luận (tautology) và vì thế, theo Schüller, nguyên tắc về quyền làm chủ chỉ đơn thuần tái phát biểu điều cần phải được chứng minh:
Thật vậy, “không được phép tự tử” và “không có quyền làm chủ sự sống mình” là hai cụm từ đồng nghĩa. Nếu ta nói chỉ duy Thiên Chúa là Chủ sự sống và sự chết của con người thì, theo văn mạch, đây chỉ là một cách diễn đạt về điều cần phải được chứng minh. [40]
Những ví dụ trên đây cho thấy một vài cách thức vận dụng nguyên tắc về quyền làm chủ của Thiên Chúa vào nền đạo đức y học hiện đại. Westley và Maguire không tán thành sự phân biệt nền tảng giữa tạo hóa và thụ tạo như Häring và, trước ông, truyền thống thần học Công Giáo chủ trương. Schüller chỉ ra cho thấy những hạn chế của quyền làm chủ, xét như một nguyên tắc thần học trong luận cứ luân lý này. Do đó, không thể nói được rằng mọi người sẽ sẵn sàng chấp nhận nó mà trái lại, nó cần phải được chứng minh.
Lm Trần Mạnh Hùng, STD.
Copyright©2021.

CHÚ THÍCH:________________________________________
[1] Xem Jonathan Glover, “The Sanctity of Life.” trong Helga Kuhse và Peter Singer, chủ biên, Bioethics: An Anthology. (Great Britain: Blackwell Publishers Ltd., 1998), tr. 193-202, ở tr. 193.
[2] Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 2258, 2270, 2280.
[3] Bernard Häring, từ xác tín cơ bản của mình, biện luận rằng sự sống con người là tặng vật thiêng liêng của Thiên Chúa, và khẳng định: “Sự sống được giao phó cho sự tự do và đồng trách nhiệm của con người. Con người chẳng phải là chủ tể độc lập của mạng sống mình mà chỉ là người quản lý dưới quyền Thiên Chúa.” Xem Bernard Häring, Free and Faithful in Christ, quyển 3. (New York: Crossroad Publishing Co., 1981), tr.5.
[4] Nguyên Tắc về Ích Lợi Chung sẽ được bàn đến ở phần sau này của luận án. Xem Richard M. Gula, Euthanasia: Moral and Pastoral Perspectives. (New York, Mahwah: Paulist Press, 1994), tr. 7.
[5] Richard M. Gula, What Are They Saying about Euthanasia. (New York: Paulist Press, 1986), tr. 26.
[6] Daniel Callahan, Abortion, Law, Choice and Morality. (New York: Macmillan Company, 1970). tr. 313.
[7] Callahan, Sđd., tr. 310.
[8] James Gustafson, The Contributions of Theology to Medical Ethics. (Wilwaukee: Marquette University Theology Department, 1975), tr. 56; xem thêm Richard M. Gula, What Are They Saying about Euthanasia. (New York: Paulist Press, 1986), tr. 72.
[9] Norman St. John Stevas, The Right to Life. (New York: Holt, Rinehart and Winston, 1963), tr. 12.
*. Chú thích của tác giả - Linh mục Trần Mạnh Hùng: Từ “Alien Dignity” rất khó để có thể chuyển ngữ sang tiếng Việt, vì nó là một khái niệm rất sâu sắc mang tính cách thần học, do đó, tôi xin mạn phép được giữ nguyên văn bằng tiếng Anh. Tuy nhiên để giúp cho quí vị độc gỉa có thể am tường và hy vọng thấu triệt về khái niệm “alien dignity,” được các thần học gia luân lý, tỷ dụ như Paul Ramsey và Helmut Thielicke sử dụng trong các lý luận của họ, tôi xin mời quí vị tham khảo cước chú số 562.
[10] Paul Ramsey, “The Morality of Abortion.” trong Edward Bachelor Jr., chủ biên Abortion: The Moral Issues. (New York: Pilgrim Press, 1982), tr. 78.
[11] Trình thuật Sách Sáng Thế cho ta biết rằng ở chóp đỉnh của công cuộc sáng tạo vũ trụ là một người nam và một người nữ được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa. Qua mô-típ hình ảnh Thiên Chúa, Kinh Thánh khẳng định mạnh mẽ tính thánh thiêng của con người, đó chính là phẩm giá. Mặc nhiên, trình thuật loan báo rằng chúng ta được hưởng phẩm giá bất khả nhượng này là nhờ tình yêu Thiên Chúa. Chính tình yêu này hình thành nên chúng ta, vượt trên mọi công trạng cá nhân và mọi phẩm chất xã hội. (Kn 4-11). Xem Richard M. Gula, The Good Life: Where Morality and Spirituality Converge. (New York: Paulist Press, 1999), chương một.
[12] Richard M. Gula, The Good Life: Where Morality and Spirituality Converge. (New York: Paulist Press, 1999), tr. 15.
[13] Charles Curan phản đối khái niệm “alien dignity” của Ramsey với lý do là nó làm giảm giá trị những cách thức đánh giá khác về sự sống vốn dựa trên “những phạm trù vốn có trong sự sống con người”. Xem Charles E. Curan, Politics, Medicine, and Christian Ethics: A Dialogue with Paul Ramsey. (Philadelphia: Fortress Press, 1973), tr. 121.
[14] Richard M. Gula, What Are They Saying about Euthanasia. (New York, Paulist Press, 1986), tr. 28; Daniel Callahan, Abortion, Law, Choice and Morality. (New York: Macmillan Company, 1970). tr. 313; xem thêm Richard M. Gula, The Good Life: Where Morality and Spirituality Converge. (New York: Paulist Press, 1999), tr. 3-8.
[15] Xem Daniel Callahan, Abortion, Law, Choice and Morality. (New York: Macmillan Company, 1970). tr. 313; Richard M. Gula, What Are They Saying about Euthanasia. (New York, Paulist Press, 1986), tr. 29.
[16] Richard M. Gula, What Are They Saying about Euthanasia. (New York: Paulist Press, 1986), tr.30.
[17] Norman St. John-Stevas, The Right to Life. (New York: Holt, Rinehart and Winston, 1963), tr. 14.
[18] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng ủng hộ quan điểm này khi ngài phát biểu: “Khi Thiên Chúa bị quên lãng thì ý nghĩa của con người, phẩm giá của con người và các quyền của con người cũng bị lãng quên. Con người trở nên phụ thuộc và chạy theo những sở thích hưởng lạc và thực dụng.” Xem Gioan Phaolô II, “Hà Lan và An Tử”, xã luận trên nhật báo Quan Sát Viên Rô-ma (L’Osservatore Romano) ngày 21-02-1993, in lại trong The Pope Speaks, 38 (1993): 230-231. David Thomasma cũng cho chúng ta lời cảnh báo: “Một khi niềm xác tín tôn giáo về nguồn gốc sự sống và sự chết đã tan rã trong xã hội thì chúng ta thấy rằng mỗi cá nhân tự định đoạt sự sống của mình.” Xem David C. Thomasma, “An Analysis of Arguments For and Against Euthanasia and Assisted Suicide: Part One.” Cambridge Quarterly of Healthcare Ethics 5 (1996): 69.
[19] James Gustafson, The Contributions of Theology to Medical Ethics. (Milwaukee: Marquette University Theology Department, 1975), tr. 62-3.
[20] David Callahan, Abortion: Law, Choice and Morality. (New York: The Macmillan Company, 1970), tr. 326.
[21] Xin xem cuộc thảo luận hữu ích về “Qui tắc mô thể” và “Qui tắc chất thể” kèm theo các ví dụ cụ thể trong Richard M. Gula, What Are They Saying about Euthanasia. (New York: Paulist Press, 1986), tr. 54-89.
[22] Richard M. Gula, What Are They Saying about Euthanasia. (New York: Paulist Press, 1986), tr.31.
[23] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Evangelium Vitae (Tin Mừng Cho Sự Sống): Về Giá Trị và Tính Bất Khả Xâm Phạm của Sự Sống Con Người. (25-03-1995). Bản tiếng Anh trong The Pope Speaks 40 (1995): 193-281.
[24] Robert N. Wennberg, Terminal Choices: Euthanasia, Suicide, and the Right to Die. (Michigan: WM. B. Eerdmans Publishing Co., 1989), tr. 94-95.
[25] Richard M. Gula, What Are They Saying about Euthanasia. (New York: Paulist Press, 1986), tr. 32.
[26] “Tuyên Ngôn Về An Tử” khẳng định rằng: cố ý gây ra cái chết là chối bỏ quyền chủ tể của Thiên Chúa đối với sự sống. Nguyên tắc quyền làm chủ thừa nhận rằng chúng ta là thụ tạo chứ không phải Tạo Hóa. Sở dĩ việc giết người bị nghiêm cấm là vì nó vi phạm quyền sở hữu của Thiên Chúa. Vì lý do này, truyền thống Công Giáo luôn xem việc hủy hoại mạng sống người vô tội là “sự dữ nội tại” do khuyết thẩm quyền (defect of right), bởi lẽ không ai có quyền làm điều ấy. Không ai được tự nhận có toàn quyền làm chủ sinh mạng của mình và sinh mạng của người khác. Xem Richard M. Gula, Euthanasia: Moral and Pastoral Perspectives. (New York, Mahwah: Paulist Press, 1994), tr. 26.
[27] Richard M. Gula, What Are They Saying about Euthanasia. (New York: Paulist Press, 1986), tr. 30.
[28] Norman St. John Stevas, The Right to Life. (New York: Holt, Rinehart and Winston, 1963), tr. 12.
[29] Bernard Häring, Free and Faithful in Christ, Vol. 3. (New York: Crossroad Publishing Co., 1981), tr. 5.
[30] Paul Ramsey, “The Morality of Abortion.” trong Edward Bachelor Jr., chủ biên Abortion: the Moral Issues. (New York: Pilgrim Press, 1982), tr. 80-81.
[31] Thánh Tôma Aquina, “Tự Tử Có Hợp Luật Chăng” trong Summa Theologica (Tổng Luận Thần Học), II-II, q. 65, a. 64, ad. 3.
[32] Sđd.
[33] Thomas J. O’Donnell, Medicine and Christian Morality. (New York: Alba House, 1976).
[34] Sđd., tr. 42-43.
[35] Bernard Häring, Medical Ethics. (Notre Dame: Pides Publishers, 1973), tr. 149; xem thêm Richard M. Gula, Euthanasia: Moral and Pastoral Perspectives. (New York, Mahwah: Paulist Press, 1994), tr. 14.
[36] Bernard Häring, Free and Faithful in Christ, Vol. 3. (New York: Crossroad Publishing Co., 1981), tr. 5.
[37] Richard Westley, Catholic Perspectives: The Right to Die. (Chicago: Thomas More Press, 1980), tr. 91-92.
[38] Sđd.
[39] Daniel C. Maguire, Death by Choice. (Garden City: Doubleday & Company, Inc., 1984), tr. 119.
[40] Richard A. McCormick, “The New Medicine and Morality.” Theology Digest 21 (Mùa đông 1973): 315.