Ngày 11-08-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh lễ Chúa Nhật 19 Quanh Năm 12/8/2018 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
02:37 11/08/2018
Bài Ðọc I: 1 V 19, 4-8

"Nhờ sức của nuôi ấy, ông mới đi tới núi của Thiên Chúa".

Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, Êlia đi một ngày đàng vào trong hoang địa. Khi đến nơi kia, và ngồi dưới gốc cây tùng, ông xin được chết mà rằng: "Lạy Chúa, đã đủ rồi, xin cất mạng sống con đi: vì con chẳng hơn gì các tổ phụ con". Rồi ông nằm ngủ dưới bóng cây tùng. Và đây Thiên Thần Chúa đánh thức ông và bảo rằng: "Hãy chỗi dậy mà ăn". Ông nhìn thấy gần đầu ông có chiếc bánh lùi và một bình nước: ông ăn uống, rồi ngủ lại. Thiên Thần Chúa trở lại đánh thức ông lần thứ hai và bảo: "Hãy chỗi dậy mà ăn: vì đường ngươi phải đi còn xa". Ông liền chỗi dậy ăn uống, và nhờ sức của nuôi ấy, ông đi bốn mươi ngày bốn mươi đêm mới tới Horeb, núi của Thiên Chúa.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 33, 2-3. 4-5. 6-7. 8-9

Ðáp: Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao (c. 9a).

Xướng:

1) Tôi chúc tụng Chúa trong mọi lúc,

miệng tôi hằng liên lỉ ngợi khen Người.

Trong Chúa linh hồn tôi hãnh diện,

bạn nghèo hãy nghe và hãy mừng vui.

2) Các bạn hãy cùng tôi ca ngợi Chúa,

cùng nhau ta hãy tán tạ danh Người.

Tôi cầu khẩn Chúa, Chúa đã nhậm lời,

và Người đã cứu tôi khỏi điều lo sợ.

3) Hãy nhìn về Chúa để các bạn vui tươi,

và các bạn khỏi hổ ngươi bẽ mặt.

Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe,

và Người đã cứu họ khỏi mọi điều tai nạn.

4) Thiên Thần Chúa hạ trại đồn binh

chung quanh những người sợ Chúa, và bênh chữa họ.

Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi,

cho biết Chúa thiện hảo nhường bao;

phúc đức ai tìm nương tựa ở nơi Người.

Bài Ðọc II: Ep 4, 30 - 5, 2

"Anh em hãy sống trong tình thương, như Ðức Kitô đã sống".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, anh em chớ làm phiền hà Thánh Thần của Thiên Chúa, vì trong Người, anh em được ghi ấn tín để chờ đợi ngày cứu chuộc đến. Anh em hãy loại ra khỏi anh em mọi thứ gay gắt, tức giận, nóng nảy, dức lác, chửi rủa, cùng mọi thứ độc ác. Anh em hãy ăn ở hiền hậu với nhau, hãy thương xót và tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Ðức Kitô. Vậy anh em hãy bắt chước Thiên Chúa, như con cái rất yêu dấu của Người: hãy sống trong tình thương, như Ðức Kitô đã yêu thương chúng ta và phó Mình làm của dâng và lễ tế thơm tho ngọt ngào dâng lên Thiên Chúa vì chúng ta.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 15, 15b

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết". - Alleluia.

Phúc Âm: Ga 6, 41-52

"Ta là bánh hằng sống bởi trời mà xuống".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, những người Do-thái kêu trách Chúa Giêsu, vì Người đã phán rằng: "Ta là bánh hằng sống bởi trời mà xuống". Họ nói: "Chớ thì ông này chẳng phải là Giêsu, con ông Giuse sao? Chúng ta đều biết rõ cha mẹ của ông. Vậy làm sao ông lại nói: 'Ta bởi trời mà xuống'".

Chúa Giêsu trả lời cùng họ rằng: "Các ngươi chớ thì thầm với nhau. Không ai đến được với Ta nếu Cha, là Ðấng sai Ta, không lôi kéo kẻ ấy, và Ta, Ta sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. Trong sách các tiên tri có chép rằng: 'Mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy bảo'. Ai nghe lời giáo hoá của Cha, thì đến với Ta. Không một ai đã xem thấy Cha, trừ Ðấng bởi Thiên Chúa mà ra, Ðấng ấy đã thấy Cha. Thật, Ta bảo thật các ngươi: Ai tin vào Ta thì có sự sống đời đời.

"Ta là bánh ban sự sống. Cha ông các ngươi đã ăn manna trong sa mạc và đã chết. Ðây là bánh bởi trời xuống, để ai ăn bánh này thì khỏi chết. Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống".

Ðó là lời Chúa.
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:45 11/08/2018
95. HIỆU QUẢ CỦA TĨNH TOẠ
Hoà thượng nọ có dạy một phật tử về sự chuyên tâm nhất ý, vứt bỏ tạp niệm, nhắm mắt tĩnh toạ, ông ta nói:
- “Phải kiên trì tất có lợi”.
Phật tử ấy thành kính nghe lời chỉ thị.
Một đêm nọ, phật tử ấy tĩnh tọa đến canh năm, đột nhiên nghĩ đến người nọ mượn ông ta một đấu lúa lớn mà chưa trả nên vội vàng la lớn lay tỉnh người vợ đang ngủ trên giường, nói:
- “Pháp sư dạy tôi tĩnh toạ quả nhiên có công hiệu, nếu không thì tôi bị lừa mất một đấu lúa to rồi !”
(Tiếu niệm lục)

Suy tư 95:
Tĩnh toạ là một phương pháp để từ bỏ những tạp niệm trong tâm hồn con người, nó là một công phu đem lại sức mạnh cho con người, mà cái cốt lõi của nó chính là đem tâm, khí, thần kết hợp nên một.
Sức mạnh và trí huệ con người là ở đó, ngay trong bản thân của mình, nhưng con người cứ đi tìm nơi đâu xa xôi như bầy cá sống trong nước mà hỏi nước ở đâu !
Tĩnh tọa của Người Ki-tô hữu là như thế này: tâm là mình, khí là vạn vật, thần là Thiên Chúa.
Tĩnh toạ trước hết là phải tự mình thấy được mình là ai, có những ưu điểm nào cần phát huy, những khuyết điểm nào cần loại bỏ và những khuyết điểm này từ đâu mà có... Sau đó thì nghĩ đến khí tức là vạn vật, vạn vật bao gồm cả tha nhân là những người thường ngày tôi tiếp xúc, làm việc, tôi có thể mở rộng tâm hồn để đón nhận họ không, hay tôi chỉ làm một hạt cát bay trong vũ trụ mà không có tương quan gì với họ, họ là những người mà tôi ghét, tôi thương, tôi giận, tôi vui, và họ có thể chấp nhận được tôi không... Cuối cùng thì đem tâm và khí đi vào trong cõi huyền nhiệm tình yêu bao la là Thần cũng là Thiên Chúa, chính Ngài là nguyên nhân của tâm và khí, hay nói cách khác tâm và khí cuồn cuộn chảy trong sự bao bọc tình yêu của Ngài mà làm cho cuộc sống của chúng ta vui tươi hơn, mới mẻ hơn và tinh tuyền hơn, đó chính là sức mạnh và trí huệ vậy.
Tĩnh toạ ở đây chính là sự cầu nguyện của người Ki-tô hữu vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)

-----------
http://www.vietcatholicnews.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 19 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:46 11/08/2018
Chúa Nhật 19 THƯỜNG NIÊN

Tin Mừng: Ga 6, 41-51.
“Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống.”


Bạn thân mến,
Trong lịch sử Trung Hoa, có những vị vua muốn được sống đời đời, tức là muốn trường sinh bất tử, cho nên đã tìm nhiều cách, sai phái nhiều người đi tìm thuốc trường sinh, nhưng nhiều người đã ra đi và không bao giờ trở lại vì họ đã chết, và các vị vua ấy cũng đã chết, bởi vì trên cõi đời này không có thứ lương thực nào có thể làm cho con người được trường sinh bất tử.
Nhưng cũng trên cõi đời này có thứ lương thực khiến cho chúng ta –người Ki-tô hữu- được sự sống đời đời, đó chính là lương thực từ trời xuống, tức là Lời Chúa và Mình Máu Thánh của Đức Chúa Giê-su.
1. Lời Chúa là lương thực hằng sống.
Lời Chúa nói với chúng ta qua mọi biến cố trong cuộc sống hàng ngày: thấy người bị tai nạn xe cộ, chúng ta liền nghĩ đến đây là Chúa dạy chúng ta phải cẩn thận khi đi đường; thấy người ta chửi bới thoá mạ nhau, chúng ta liền nghĩ đến Chúa dạy tôi phải sống hiền hoà với mọi người; thấy người đói ăn, nghèo khổ bất hạnh, chúng ta liền nghĩ đến Đức Chúa Giê-su đang ở trong họ, Ngài muốn tôi phải sống bác ái và yêu thương tha nhân như yêu chính Ngài...
Lời Chúa nói với chúng ta qua những vui buồn trong cuộc sống hằng ngày, nếu chúng ta biết hồi tâm suy tư những biến cố dưới ánh sáng của đức tin, thì chúng ta sẽ thấy Lời Chúa chính là lương thực hằng sống cho chúng ta. Có người vì yêu thích Lời Chúa mà cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn, nghĩa là họ biết nghe và thấy Lời Chúa trong cuộc sống rất bon chen của trần gian.
Lời Chúa cũng nói với chúng ta khi chúng ta đi tham dự thánh lễ và các bí tích, bởi vì chính trong thánh lễ hiến tế này, mà chúng ta được nghe chính tiếng nói của Thiên Chúa qua các ngôn sứ, các thánh Tông Đồ và nhất là trong bài Tin Mừng. Tuy nhiên, vẫn còn những lúc bạn và tôi cứ tưởng lương thực hằng sống chỉ là Mình Máu Thánh của Đức Chúa Ki-tô mà thôi, cho nên chúng ta không thiết tha nghe Lời Chúa trong thánh lễ, và vì thế mà -có nhiều lúc- bạn và tôi sống như những người chưa hề biết Phúc Âm là gì.
Lời Chúa là lương thực hằng sống giúp cho chúng ta hiểu rõ và thấu triệt tính chất hằng sống nơi bí tích Thánh Thể, không ai có thể hiểu rõ mầu nhiệm Thánh Thể, nếu không yêu mến và không thực hành Lời Chúa trong cuộc sống của mình.
2. Mình Máu Thánh Chúa là lương thực hằng sống.
Không một ai biết Đức Chúa Giê-su là Thiên Chúa nếu Chúa Cha không lôi kéo họ, cũng vậy không ai hiểu được bánh trường sinh là gì, nếu họ không được Lời Chúa soi sáng.
Bánh bởi trời hôm nay không phải là man na ngày xưa nuôi dân Do Thái trong sa mạc, nhưng là Mình và Máu Thánh của Đức Chúa Giê-su Ki-tô, thịt máu này đã bị nghiền nát bằng những tội lỗi của bạn và tôi, và bằng chính những xúc phạm của chúng ta, để trở thành tấm bánh tinh tuyền hằng sống dưỡng nuôi linh hồn của những kẻ tin. Chúa Giê-su đã nói: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời”, chỉ ăn một Bánh và uống một Chén mà được sự sống đời đời, thì đó là hồng ân cao cả mà Thiên Chúa đã ban cho những ai tin vào Đức Chúa Giê-su, là dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa thể hiện giữa loài người cho đến ngày tận thế.
Bạn thân mến,
Lương thực hằng sống mà Đức Chúa Giê-su đã ban cho chúng ta chính là Mình Máu Thánh của Ngài và lời của Ngài, lương thực này không như ở trong các nhà hàng kara-ôkê máy lạnh, không như ở trong các tụ điểm vui chơi, cũng không như ở trong những cuộc nhậu nhẹt tưng bừng nghiêng trời đổ đất, nhưng ở trong đền thờ của Thiên Chúa, đó là các nhà thờ, nhà nguyện trên khắp thế giới, chính nơi đây, phép lạ vĩ đại hoá bánh ra nhiều ngày xưa ấy của Đức Chúa Giê-su tái thực hiện: chỉ một tấm bánh nhưng nuôi sống những kẻ tin vào Ngài trên khắp thế gian.
Lương thực phần linh hồn đã có sẵn, đó là Lời Chúa và Mình Máu thánh của Ngài, nhưng chúng ta phải ăn uống với thái độ như thế nào để được sống đời đời ? Hy vọng và cầu mong cho bạn và tôi, và tất cả những người Ki-tô hữu, đừng ai dại dột đem của ăn cao quý này, để đổi lấy những của ăn chóng qua và đem lại sự chết cho linh hồn mình.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
---------
http://www.vietcatholicnews.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Đức Mẹ HỒN XÁC LÊN TRỜI
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:49 11/08/2018
Đức Mẹ HỒN XÁC LÊN TRỜI
(Lễ trọng)

Tin mừng : Lc 1, 39-56.
“Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả. Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.”


Bạn thân mến,
Hôm nay là lễ Đức Mẹ Hồn Xác lên trời, là một dịp lớn lao để bạn và tôi suy niệm đến những hồng ân mà Thiên Chúa đã ban cho Đức Mẹ Ma-ri-a, là người giáo hữu ưu việt của Giáo Hội và là người được chọn để trở thành Đấng cầu bàu cho nhân loại.
1. Người giáo hữu ưu việt.
Đức Mẹ Ma-ri-a là một giáo hữu ưu việt, ưu việt bởi vì chính Mẹ đã khiêm tốn trước một sự việc trọng đại xảy đến cho mình và cho nhân loại, đó là mang thai Đấng cứu thế; ưu việt là bởi vì Mẹ đã biết nghe và suy niệm trong lòng những lời của Thiên Chúa.
Chính hai việc ấy: khiêm tốn và thực hành lời của Thiên Chúa đã làm cho Mẹ được vinh quang trên nước thiên đàng cũng như ở trên mặt đất, bởi vì Mẹ không coi việc cưu mang Đấng cứu thế là một vinh quang cho mình, nhưng sự khiêm tốn mới làm rạng danh Thiên Chúa nơi con người của Mẹ, và Mẹ đã không coi việc báo tin vui Đấng muôn dân trông đợi đã giáng trần trong cung lòng Mẹ là một việc phải làm, nhưng nghe và suy niệm lời của Thiên Chúa đã thực hiện nơi Mẹ mới là điều đáng làm hơn. Đó chính là hai nét nhân đức căn bản của người Ki-tô hữu phải có, để được trở thành người giáo hữu noi gương và tiếp nối cuộc sống của Mẹ ở trần gian này.
2. Đấng cầu bàu
Được Thiên Chúa chúc lành ngay khi còn ở trần gian, Đức Mẹ Ma-ri-a cũng đã được Thiên Chúa cất nhắc lên tận trời cao để làm nữ vương trên trời dưới đất, với địa vị ấy và với uy quyền ấy, Mẹ đã trở thành Đấng cầu bàu cho Giáo Hội và cho những ai chạy đến cùng Mẹ.
Không ai có thần thế trước mặt Thiên Chúa như Đức Mẹ Maria, bởi vì ngay khi còn ở trần gian này Mẹ đã hoàn toàn vâng phục thánh ý Thiên Chúa, vì thế Mẹ được cất nhắc lên trời cả hồn lẫn xác chính là một cách tôn vinh của Thiên Chúa, dành cho những ai khi còn sống ở trần gian mà đã yêu mến và thực hành lời của Ngài…
Là Mẹ Thiên Chúa, là Mẹ của Hội Thánh và là Mẹ của nhân loại, nên việc Thiên Chúa đem Mẹ lên trời cả hồn lẫn xác là chính đáng và xứng đáng, và càng chính đáng xứng đáng hơn nữa, khi Thiên Chúa đặt Mẹ làm đấng cầu bàu cho nhân loại. Chúng ta phải biết lợi dụng hồng ân cao quý này nơi Mẹ Ma-ri-a, để xin Mẹ luôn gìn giữ và che chở chúng ta khỏi mọi mưu mô của ác thần (Kh 12, 3-4)
Bạn thân mến,
Mừng kính trọng thể lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời, bạn và tôi không những chỉ cao rao tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại nơi con người của Mẹ, nhưng chúng ta cần phải học hỏi các nhân đức của Mẹ ngay trong cuộc sống của mình, như Mẹ đã yêu mến và thực hành lời của Thiên Chúa vậy.
Mừng lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời là chúng ta xác tín lại niềm tin của chúng ta vào Chúa Giê-su: Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại.
Chúng ta giữ đạo, chúng ta sống lành thánh, chúng ta sống bác ái yêu thương tha nhân, là để chúng ta đạt được mục đích tối hậu của mình: lên trời hưởng nhan thánh Thiên Chúa và Mẹ Ma-ri-a. Do đó sẽ trở thành huyền thoại khi chúng ta chỉ đứng chiêm ngưỡng những đặc ân mà Thiên Chúa đã ban cho Đức Mẹ, mà không suy niệm cuộc đời tận hiến của Mẹ và những đức hạnh trỗi vượt mà Mẹ đã thực hành với tất cả lòng khiêm nhường và mến yêu.
Xin Đức Mẹ Ma-ri-a luôn cầu bàu cho bạn và tôi khi còn ở đời này, biết yêu mến những sự trên trời và để sống như đang sống với Mẹ ở trên trời vậy.
Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
-----------
http://www.vietcatholicnews.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:51 11/08/2018

43. Trong tất cả sự việc nếu không tương phản với chân lý, nếu có người nói xằng bậy với tôi, tôi cũng không để ý đến, nhưng cầu xin cho lương tâm không hổ thẹn.

(Thánh Therare)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")

----------
http://www.vietcatholicnews.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Chúa Nhật 19B TN: Hai thứ của ăn khi đi đường
Lm. Alf. Nguyễn Công Minh, OFM
13:30 11/08/2018
Chúa Nhật 19B TN: Hai thứ của ăn khi đi đường

Cứ 4 năm, có thế vận hội về đủ thứ bộ môn tranh tài. Để có thành tích cao, các vận động viên phải luyện tập ráo riết. Nhưng ngoài ý chí luyện tập, chắc hẳn các vận động viên còn cần một chế độ dinh dưỡng đặc biệt. Chẳng phải chỉ cần ăn bo bo là chạy ro ro đâu ! Cần một chế độ dinh dưỡng đặc biệt. Có khi chuyên biệt nữa. Như cho vận động viên (vđv) đường đua tốc độ trên bộ ăn gì uống gì; cho vđv đường đua xanh dưới nước (tức bơi lội) uống chi ăn chi; cho vđv môn bóng chuyền ăn chi uống gì và cho vđv môn thể thao vua là bóng đá uống chi ăn gì. Mỗi bộ môn có chế độ chuyên biệt.

Điều này khiến ta liên tưởng đến đời sống của mỗi người Kitô hữu chúng ta. Bởi vì, đối với chúng ta, cuộc sống trần gian này, ngôn từ xưa gọi là ta đang ở trong giáo hội chiến đấu, nên cuộc sống trần gian cũng chính là một trận thi đấu, một trận thi đấu không chỉ kéo dài vài tiếng ba giờ, nhưng kéo dài suốt cả cuộc đời. Thánh Phaolô cuối đời, trong 2 Tm 4,7-8 đã nói : Tôi đã chiến đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính ; Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho tôi trong ngày ấy, và không phải chỉ cho tôi, nhưng còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện.

Là Kitô hữu, tức là một loại vận động viên “chạy” đặc biệt (theo cách ví von của Phaolô). Còn “đặc biệt” nghĩa là, theo kiểu nói của Công Đồng Vatican 2 : là công dân của hai nước, nên vận động viên mang tên Kitô này (Lê thị Kitô, Nguyễn văn Kitô, Trần ngọc Kitô…) chạy, nhảy thi đấu đại diện cho hai nước, nước trần gian và nước thiên quốc, nước Trời và nước Đất, vì thế ta phải có chế độ dinh dưỡng chuyên biệt. Nói khác đi, ta có của ăn của nước trần gian : cơm canh cá, mà còn phải có thêm của ăn của nước Trời nữa, mà hôm nay Đức Giêsu gọi thẳng tên : Bánh bởi trời. Là thịt của Ngài. Ngài là Bánh chứ không phải vé vào trời (mua được rồi là yên tâm). Ngài là bánh chứ không phải là thư chép tay để ta trình cho Phêrô khi qua cửa thiên quốc mà vào cõi trường sinh. Bánh là năng chịu. Bánh là ăn được.

Có một phụ nữ kia vào xưng tội : Thưa cha, hôm nay con đã rước Mình Thánh Chúa. (Im lặng). Hai lần. Đã 3 ngày con không có gì bỏ vào miệng. Tức là người nữ này đi lên đi xuống để nhận bánh hai lần, vì đói đã 3 ngày. Không biết xếp tội của chị vào tội gì, bởi vì không có trong danh mục các tội. Có lẽ là lầm chứ không phải là lỗi là tội. Lầm bánh bởi trời với bánh trần gian. Cùng là họ bánh, cũng là ăn, nhưng có ăn bánh bởi trời mười lần đi nữa (ý tôi muốn nói bánh lễ bây giờ nhỏ mà lại mỏng như tờ giấy) thì cũng chẳng làm giảm cơn đói trần gian đi chút nào đâu.

Quả thật hôm nay Chúa Giêsu có nói đến bánh. Mà là bánh bởi trời. Nghe vậy người Do-thái xầm xì rầm rì: “Ông này chẳng phải là Giêsu, con ông Giuse đó sao ? Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả, sao bây giờ ông ta lại nói : ‘Tôi từ trời xuống ?’” Ông có phải là bé Mai-ca đâu. Có phải là Harry Potter phù thuỷ đâu mà rơi từ trời xuống được. Họ hiểu «trời» theo nghĩa vật chất là bầu trời, không trung. Làm sao ông này lấy thịt cho chúng ta ăn được. Họ hiểu thịt như là thịt chó thịt heo thịt gà, nên nhất quyết ông này không thể lấy thịt mình mà cho người ta ăn. Quả là thịt thật. Nhưng bánh thành thịt. Thịt trong hình bánh.

Không chỉ câu Ta là bánh bởi trời, bánh chính là thịt Ta mà những lời nói, nói lên những chân lý quan trọng trong Thánh Kinh đều cần phải hiểu theo nghĩa tâm linh hơn theo nghĩa vật chất, hay còn gọi là nghĩa đen. Trong lịch sử, Giáo Hội Công Giáo đã bị «hố» nhiều lần vì hiểu Kinh Thánh theo nghĩa đen, để rồi về sau phải chỉnh lại cách hiểu của mình theo nghĩa tâm linh, sứ điệp. Chẳng hạn việc hiểu trình tự sáng tạo vũ trụ và con người trong sách Sáng thế ký diễn ra trong 6 ngày là phải y như sáu ngày. Ai nói 8 ngày hay, chẳng qua Chúa toàn năng tạo dựng chỉ là một khắc, vèo một cái là xong, là bị kết án ngay rối đạo. Việc hiểu câu Kinh Thánh Giosuê 10,12 : xin mặt trời đứng lại, khoan lặn vội để dân thắng kẻ thù đã, đã đưa đến việc kết án Côpécnic và Galilê…Rồi Chúa Giêsu có nói : nếu mắt sinh dịp tội, móc đi, nếu tay sinh dịp tội chặt bỏ, nếu chân sinh dịp tội cưa ngay, mà ta hiểu theo nghĩa đen, nghĩa thể chất, thì chắc ai trong chúng ta cũng đui què cụt cả.

Kinh Thánh có những chỗ hiểu nghĩa đen, nhưng đa số các chân lý quan trọng đều phải hiểu theo nghĩa tâm linh. Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói: «Tổ tiên các ông đã ăn manna trong sa mạc, nhưng đã chết. Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết». Chữ «chết» trong câu trước - ứng với việc ăn manna - buộc phải hiểu theo nghĩa thể chất, nghĩa là chết về thể xác. Chết thẳng cẳng. Còn chữ «chết» trong câu sau - ứng với việc ăn «bánh từ trời xuống» - buộc phải hiểu theo nghĩa tâm linh, vì không có ý nói đến cái chết thể xác, bởi chưa ai ở trần gian này thoát chết về thể chất cả, dẫu họ ăn cả tá kilô bánh Kitô từ trời. Kể cả Đức Giêsu, là bánh từ trời, cũng trải qua cái chết.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu tuyên bố: «Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời». Chắc chắn, đối với chúng ta, những người Kitô hữu, lời Ngài nói ắt phải là chân lý. Và đây là một chân lý quan trọng đem lại sự sống và phát triển tâm linh cho chúng ta. Vì thế, chúng ta phải triệt để áp dụng chân lý này vào đời sống. Chắc hẳn không ai trong chúng ta hiểu câu nói này theo kiểu các yêu tinh trong truyện Tây Du Ký hiểu về thịt của Đường Tăng Tam Tạng. Chúng quyết tâm bắt cho được Đường Tăng để ăn thịt, với niềm tin tưởng rằng ăn thịt ông thì sẽ được sống lâu, thậm chí sẽ không chết. Tôi nghĩ : giả như có ai giết Đức Giêsu để ăn thịt Ngài (theo kiểu các yêu tinh ăn thịt Đường Tăng) thì người ấy vẫn chết như thường, và về mặt tâm linh thì cũng chẳng được ích lợi gì. Vì câu nói «thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống» của Đức Giêsu không thể hiểu theo nghĩa vật chất. «Thịt» và «Máu» ở đây không phải là thịt và máu huyết vật chất, «của ăn» và «của uống» ở đây cũng không phải là của ăn và của uống vật chất. Tất cả những từ trên đều phải hiểu theo nghĩa tâm linh. Và nếu hiểu theo nghĩa tâm linh, thì Đức Giêsu chính là lương thực đem lại sự sống và sự phát triển tâm linh thật sự.

Vậy ăn bánh, bánh lại là thịt, hiểu theo nghĩa tâm linh là gì. Ăn và uống vật gì là được nuôi dưỡng, được trở nên mạnh mẽ bởi chính vật ấy. Việt Nam ta có câu nói khá hay : ăn gì bổ nấy. Ăn gan bổ gan, ăn nhãn bổ mắt, ăn dê bổ dương. Rồi thịt và máu một người nói lên chính bản thân người ấy. Ăn thịt và uống máu Đức Giêsu hiểu theo nghĩa tâm linh là được bổ dưỡng, được trở nên mạnh mẽ bởi chính Đức Giêsu. Ăn Giêsu, bổ Kitô. Mà Kitô Giêsu là gì ? Ngài đủ thứ “là.” Ngài là nguồn sống, là nguồn tình yêu, là nguồn sức mạnh, là nguồn trí tuệ, là nguồn của tất cả mọi sự thiện hảo trên trời dưới đất. «Ăn» và uống» Ngài chính là làm cho Ngài thấm nhập vào ta, hoà quyện vào ta, làm cho ta càng ngày càng trở nên Ngài, nói cụ thể hơn là giống y như Ngài, trở nên một với Ngài. Nghĩa là ta cũng trở nên thần linh, trở nên nguồn sự sống, nguồn tình yêu, nguồn sức mạnh, nguồn trí tuệ, nguồn của tất cả mọi sự thiện hảo.

Một buổi tối, tại nhà xứ Mai Khôi, trong dịp tĩnh tâm của giới trẻ vào mùa chay, một thanh niên miền Bắc kể lại câu chuyện này: Anh sống trong một xứ đạo thiếu linh mục, đời sống bí tích vắng lạnh, nên tâm tình anh khô khan, thấy kẻ đau khổ ít khi anh tỏ lòng thương xót. Và ngày kia, anh nghe vọng đến một giọng hát nữ. Cô hát bài về Đức Maria. Lời hát không hay lắm, giọng ca không đạt gì, nhưng chẳng hiểu sao tâm hồn anh xúc động. Anh liền tìm đến tiếng hát và nhận ra người ca là một cô gái mù. Thương cảm, anh hỏi tại sao lại hát được như thế. Cô trả lời rằng, cô hát để ca ngợi và nói lên niềm vui của mình, vì Chúa đã thương cô và cho cô được thông phần vào nỗi đau khổ của Người trên Thập Giá.

Quả con người của cô đã thấm, đã bổ đầy chất Kitô. Như bình thông nhau, cô coi cô tàn tật đui mù là ân huệ vì Chúa cho cô thông phần, thông nhau với nỗi khổ của Chúa. Và như thế nói theo thánh Phaolô trong thư 2 Timothê, “nếu ta chịu khổ cùng với Người ta sẽ thống trị với Người. Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ sống với Người.”

Là Kitô hữu, là kẻ mang 2 quốc tịch, tức là công dân của 2 Nước, Nước dưới đất và Nước trên Trời, cho nên cần có hai của ăn. Của ăn cơm cá để ta đi đàng dương thế, và của ăn bánh Trời để ta đi đàng về Thiên Quốc (giáo hội vẫn gọi từ xưa nay, rước lễ khi nguy tử, là rước “của ăn đàng” viaticum). Đừng xao nhãng của ăn nào cả, kẻo không thể “chạy” (kiểu nói của Phaolô) đến cuối đường.(1) Đường trên đời và đường lên trời. Amen

tiểu tử An-Phong Nguyễn Công Minh

(theo bài gợi ý của JKN)

______________

(1) có thực mới vực được đạo. Elia muốn bỏ cuộc khi lên núi Khoreb gặp Chúa, vì … đói lả (xem bài đọc I)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Nữ Thánh Edith Stein, một người nữ của đối thoại và hy vọng
Thanh Quảng sdb
19:26 11/08/2018
Nữ Thánh Edith Stein, một người nữ của đối thoại và hy vọng

Để đánh dấu ngày mừng kínhThánh Teresa Benedicta Thánh Giá, chúng ta nhớ lại lời của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói về Vị Thánh Quan thầy của Châu Âu, mà tên thật của Ngài là Nữ thánh Edith Stein, được phong thánh năm 1998. ĐTC nói "Nữ thánh dạy chúng ta ý thức rằng tình yêu dành Chúa Kitô phải kinh qua đau khổ. Bất cứ ai thực sự sống tình yêu ... đều phải chấp nhận sự hiệp thông đau khổ với người yêu. "
Nữ thánh Edith Stein sinh ngày 12 tháng 10 năm 1891 – và qua đời ngày 9 tháng 8 năm 1942, Ngài là một nhà triết học người Đức gốc Do thái đã gia nhập đạo Công Giáo và trở thành một nữ tu dòng kín Carmelite sau khi đọc các tác phẩm của nữ Thánh Tiến sị Hội thánh là nữ thánh Têrêsa thành Avila.
Nữ thánh đã lãnh nhận Bí tích Thanh tẩy ngày 1 tháng 1 năm 1922 và ước muốn trở thành một Nữ tu dòng kín Carmelite dưới sự hướng dẫn của cha linh hướng. Nữ thánh đã theo đuổi ơn gọi của mình và được nhận vào tu viện Carmelite ở Cologne ngày 14 tháng 10 năm 1934. Nữ thánh Edith Stein bây giờ được gọi là Teresia Benedicta Thánh Giá. Đối với nữ thánh, Thập giá của Đức Kitô hướng dẫn nữ thánh và những ai thấu đạt được Thập Giá của Đức Kitô thì hiệp thông được với mọi người.
Ngày 9 tháng 11 năm 1938, chủ nghĩa bài người Do Thái của Đức quốc xã trở nên cuồng nhiệt trên toàn thế giới. Các Hội đường Do Thái bị đốt phá và người Do Thái bị bắt.
Vào sáng ngày 7 tháng 8 năm 1942, 987 người Do Thái bị bắt vao trại Auschwitz. Có lẽ vào ngày 9 tháng 8, Sơ Teresa Benedicta Thập Giá, cùng với người chị là Rosa, cũng được rửa tội và tá túc trong Tu viện Echt đã bị bắt và cùng với nhiều người khác đã đưa về trại Auschwitz và bị lùa vào các phòng hơi ngạt cho đến chết!
 
Chuyến hải trình truyền giáo để tham dự Đại Hội Giới Trẻ 2019
Thanh Quảng sdb
19:53 11/08/2018
Chuyến hải trình truyền giáo để tham dự Đại Hội Giới Trẻ 2019

Một nhóm bạn trẻ cho hay mục tiêu của chuyến hải trình của họ là hòa mình vào cuộc sống của người dân bản địa, lắng nghe những câu chuyện của họ, và học hỏi kinh nghiệm của họ khi họ di dân từ nước này sang nước khác, từ lục địa đến lục địa kia.
Nhóm bạn trẻ này sẽ khởi hành ngày 1-15 tháng 9, đi qua Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, và trạm dừng chân đầu tiên của họ là Santiago de Compostela và Thánh địa của Fatima, để thuyết trình và chia sẻ mục đích của sứ điệp của chuyến hải trình của họ.
Vào ngày 30 tháng 9, tới Ma-rốc, họ sẽ bước đi theo các dấu chân của Cha thánh Charles de Foucault, để thấu triệt về chính cuộc sống của họ.
Từ ngày 1 đến ngày 15 tháng 10, đến Quần đảo Canary, trước khi ghé Senegal, nơi họ sẽ hướng dẫn một phái đoàn đông đảo tại Dakar.
Sau đó họ đến Cape Verde và từ ngày 15 tháng 11 đến ngày 5 tháng 12, họ băng qua Đại Tây Dương.
Ngày 25 tháng 12, họ sẽ đến Quần đảo Caribê - Saint Lucie, Martinique, Dominique và Guadeloupe, nơi đây họ sẽ mừng đại lễ Giáng sinh.
Sau lễ Giáng sinh họ lại lên đường ngày 27 tháng 12 đến Curacao vào ngày 15 tháng 1 năm 2019 và đích điểm cuối cùng của họ là: Panama vào đúng ngày giờ để tham dự Đại Hội Giới Trẻ từ 22 đến 27 tháng Giêng năm 2019.
Trên tàu, họ mang theo tượng Mẹ Maria La Antigua, do Đức Tổng Giám Mục Panama tặng, bức tượng, đại diện cho Đấng bảo trợ của nước Panama và Mẹ sẽ cùng hành trình vượt Đại Tây Dương với các bạn trẻ.
 
Giáo phận Greensburg ở Pennsylvania xin lỗi và hứa tiết lộ danh sách các linh mục bị cáo buộc tình dục.
Trần Mạnh Trác
21:09 11/08/2018
Greensburg, Pa., 10 tháng 8, 2018 ( CNA ) .- 6 giáo phận bị điều tra ở Pennsylvania đang lần lượt lên tiếng về những hành vi sai trái tình dục cuả hàng giáo sĩ.

Giáo phận Greensburg là giáo phận thứ 4 vừa tuyên bố xin lỗi và cam kết sẽ tiết lộ tất cả danh tính của các linh mục bị cáo buộc sai trái tình dục trong 70 năm qua. Danh sách sẽ được phát hành sau khi bản báo cáo cuả bồi thẩm đoàn Pennsylvania sẽ công bố theo lệnh cuả Tòa án tối cao Pennsylvania, chậm nhất là ngày 14 tháng 8.

Giáo phận Greensburg đã công bố một tài liệu dài 17 trang vào thứ Năm ngày 9 tháng 8, xin lỗi về những thất bại để bảo vệ trẻ em trong quá khứ, và giải thích tiến trình mà giáo phận đã thực hiện để ngăn chặn những lạm dụng ấy.

“Phải thừa nhận rằng, đã có nhiều dịp mà Giáo phận Greensburg đã chùn bước trong việc bảo vệ trẻ em, thanh niên và những người dễ bị tổn thương. Đối với những người đó, Giáo phận Greensburg xin lỗi họ và gia đình của họ và sẽ tiếp tục hỗ trợ để giúp họ chữa lành.”

Trong một lá thư đính kèm, Đức Giám Mục Edward Malesic viết rằng dù cho đã có những sai lầm khủng khiếp xảy ra, Giáo phận cũng đã học được bài học.

"Giáo dân cuả Greensburg nên biết rằng chúng tôi đã học được từ những sai lầm trong quá khứ", ngài viết.

Đức Giám Mục cũng nhấn mạnh rằng Giáo phận vẫn hoạt động tích cực qua các ban ngành địa phương, để nhiều công việc tốt lành được thực hiện cho người nghèo, người bệnh, và để rao giảng Tin Mừng.

“Tôi có thể đảm bảo với bạn rằng Giáo Phận Greensburg đã vượt qua cái hình ảnh được mô tả trong các tin tức truyền thông. Một trong những nơi an toàn nhất để trưởng thành ngày nay là Giáo Hội Công Giáo. ”

ĐGM Malesic đã lãnh đạo giáo phận từ tháng 7 năm 2015. Giáo phận Greensburg được thành lập vào năm 1951, tức là 4 năm sau khoảng thời gian mà bồi thẩm đoàn điều tra.

Giáo phận cũng thông báo sẽ cung cấp tư vấn miễn phí cho tất cả những người bị lạm dụng bởi các nhân viên nhà thờ, bất kể việc đó xảy ra ở đâu và khi nào, và khuyến khích bất kỳ người nào còn sống hãy lên tiếng, dù cho kẻ ngược đãi họ không có tên trong danh sách cuối cùng.

Giáo phận nói rằng một số tên được phát hành “có thể quen thuộc”, vì trường hợp của họ đã được công khai và được giới truyền thông bàn đến. Không một linh mục nào có tên trong báo cáo mà còn giữ các chức vụ công, Đức Giám Mục Malesic cho biết.

Giáo phận Greensburg đã đi theo các Giáo phận Harrisburg , Pittsburgh và Erie trong việc chủ động phát hành danh sách các người bị tố cáo trước khi bồi thẩm đoàn. phát hành bản báo cáo của họ.

Harrisburg và Erie đã phát hành tên người bị tố cáo trên các trang web của họ. Còn Pittsburgh và Greensburg thì dự định chờ cho đến khi bản báo cáo chính thức được công bố rồi mới công bố danh sách của họ.

Bản báo cáo cuả bồi thẩm đoàn là bá cáo về một cuộc điều tra dài về những lạm dụng hoặc những che đậy lạm dụng tình dục trẻ em của các linh mục, thầy trợ tế, chủng sinh, hoặc giáo dân trong sáu giáo phận Công Giáo ở Pennsylvania trong 70 năm qua. Bản báo cáo dài hơn 800 trang, được cho là có khoảng 300 linh mục bị buộc tội lạm dụng hoặc che đậy lạm dụng.

Cuộc điều tra đã dẫn đến việc kết án một linh mục cuả Giáo phận Greensburg, LM John Sweeney, vì tội tấn công tình dục một học sinh 10 tuổi trong năm học 1991-92. Vị linh mục đó đã bị cách chức năm 2016 trước khi bị bắt vào năm 2017.

Giáo phận Greensburg cho biết thông tin về trường hợp này đã không được công khai ngay lập tức theo yêu cầu của cơ quan thực thi pháp luật, mặc dù giáo phận đã cách chức vị linh mục ngay sau khi có cáo buộc. Giáo phận nhấn mạnh rằng những thông tin như vậy thường phải được công bố ngay lập tức cho công chúng. Giáo phận cũng cho biết sau đó họ đã "hợp tác đầy đủ" với cuộc điều tra cuả bồi thẩm đoàn.

"Giáo phận Greensburg đau buồn vì những thất bại trong quá khứ của chúng tôi – là những thất bại khủng khiếp - và chúng tôi kinh hoàng bởi những hành vi mà bản thân chúng tôi sẽ không bao giờ dung thứ và trước những vi phạm cuả những người, trong rất nhiều trường hợp, mà chúng tôi chưa bao giờ biết đến".

"Nhưng, chúng tôi biết rằng Giáo phận của chúng tôi đã vượt lên trên quá khứ này và đã tiến xa trong việc chống lại cái ác này, và chúng tôi tự hào về công việc mà chúng tôi đã thực hiện trong 30 năm qua để thiết lập một môi trường an toàn cho trẻ em và thanh thiếu niên trong Giáo phận Greensburg. ”
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Bướm Hoa
Lê Trị
07:31 11/08/2018
BƯỚM HOA
Ảnh của Lê Trị
Cánh bướm xinh gởi tình trên hoa thắm
Trong cơn mê đắm bướm lịm vào mơ
Một giấc mơ tiên khiến ai phải thẩn thờ
Bướm liệng hoa chao, nắng chào...gió sớm!
(Trích thơ của Huyền Băng)
 
VietCatholic TV
Kỹ thuật truyền hình: Line Transition
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
07:18 11/08/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Các bạn đang theo dõi chương trình huấn luyện kỹ thuật viên truyền hình của VietCatholic. Trong chương trình này Cẩm Yến sẽ trình bày với các bạn cách làm Line Transition.

Line Transition rất phù hợp với các videos Thánh Ca. Do đó, các bạn nào làm các chương trình Thánh Ca nên chú ý đặc biệt đến loại Transition này.

Trước hết, xin mời các bạn theo dõi clip sau, xin chú ý đến sự chuyển tiếp giữa 2 cảnh khác nhau được thực hiện bằng Line Transition.

Trước khi bắt đầu, bạn phải download xuống máy của bạn 10 cái Line Transitions đã được làm sẵn. Địa chỉ download có thể được tìm thấy trong bài viết đăng trên VietCatholic và trong Description trên YouTube.

Địa chỉ download file thực hành: https://tinyurl.com/y7nsu2f2

10 files này được nén lại thành 1 file. Bạn cần unzip ra rồi kéo vào Project Panel trong Adobe Premiere.

Giả định là bây giờ chúng ta có 2 cái clips và muốn thực hiện một transition ở giữa.

Bạn cần kiểm tra xem mình có thấy được cái Effect Control Window hay không? Nếu không thấy, bạn chọn menu Window rồi tick vào Effect Control.

Dùng con mouse drag cái LineTransition01.mov vào cái Time Line, ở giữa 2 cái clip.

Click vào LineTransition01. Trong panel Effect Control, bạn sửa cái Blend Mode từ Normal thành Screen.

Bước tiếp theo là bạn click vào cái panel Effects.

Chỗ Search box này, bạn đánh vào Cross Dissolve

Drag Cross Dissolve vào cái clip thứ hai.

Right click trên cái Cross Dissolve. Trong cái panel effect, bạn sửa Duration thành 00:00:00:20, và cái Alignment thành Center At Cut.

Như vậy là xong.

Di chuyển cái timeline marker xung quanh cái đoạn transition, bạn sẽ thấy thành quả mình vừa tạo ra.

Nếu thấy hình ảnh bị giựt thì bạn kéo cái timeline marker về phía trước cái đoạn transition 1 chút rồi nhấn vào phím I. Rồi bạn kéo cái timeline marker về phía sau cái đoạn transition 1 chút. Nhấn phím O. Rồi nhấn phím Enter. Adobe Premirer sẽ render và play cái khúc đó.

Bạn lần lượt thử từ LineTransition01 đến LineTransition10. Cái nào ưng ý nhất, phù hợp nhất với bối cảnh thì chọn cái đó.

Chúc các bạn thành công nhé.