Ngày 10-08-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh Lễ Chúa Nhật 19 Quanh Năm 9/8/2020 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
00:00 10/08/2020


Bài Ðọc I: 1 V 19, 9a. 11-13a

"Ngươi hãy ra đứng trên núi trước tôn nhan Chúa".

Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, khi Êlia đã lên núi Horeb của Thiên Chúa, ông trú ẩn trong một cái hang... Có lời Chúa phán cùng ông rằng: "Hãy ra đứng trên núi trước tôn nhan Chúa". Bỗng Chúa đi qua; có một cơn gió mạnh xé núi non và nghiền nát đá trước mặt Chúa; nhưng Chúa không ở trong gió bão. Sau trận gió bão thì đất động; Chúa cũng không ở trong cơn động đất. Sau cơn động đất thì có lửa; nhưng Chúa cũng không ở trong lửa. Sau lửa thì có tiếng gió hiu hiu. Vừa nghe thấy, Êlia liền lấy áo choàng che mặt lại, đi ra đứng ở cửa hang.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 84, 9ab-10. 11-12. 13-14

Ðáp: Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, và ban ơn cứu rỗi cho chúng con

Xướng: Tôi sẽ nghe Chúa là Thiên Chúa của tôi phán báo điều chi? Chắc hẳn Người sẽ phán bảo về sự bình an. Vâng, ơn cứu độ Chúa gần đến cho những ai tôn sợ Chúa, để vinh quang Chúa ngự trị trong Ðất Nước chúng tôi.

Xướng: Lòng nhân hậu và trung thành gặp gỡ nhau, đức công minh và sự bình an hôn nhau âu yếm. Từ mặt đất, đức trung thành sẽ nở ra, và đức công minh tự trời nhìn xuống.

Xướng: Vâng, Chúa sẽ ban cho mọi điều thiện hảo, và Ðất Nước chúng con sẽ sinh bông trái. Ðức công minh sẽ đi trước thiên nhan Chúa, và ơn cứu độ theo sau lốt bước của Ngài.

Bài Ðọc II: Rm 9, 1-5

"Tôi đã ước ao được loại khỏi Ðức Kitô vì phần ích anh em của tôi".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, tôi xin nói thật trong Ðức Kitô, tôi không nói dối: lương tâm tôi làm chứng cho tôi trong Thánh Thần: là tôi buồn phiền quá đỗi, lòng tôi hằng đau đớn luôn. Chính tôi đã ao ước được loại khỏi Ðức Kitô vì phần ích anh em của tôi, là những thân nhân của tôi về phần xác. Họ đều là người Israel, họ được quyền làm nghĩa tử, được vinh quang, giao ước, lề luật, việc phượng tự và lời hứa: các tổ phụ cũng là của họ, và bởi các đấng ấy mà Ðức Kitô sinh ra phần xác, Người là Thiên Chúa trên hết mọi sự, đáng chúc tụng muôn đời.Amen.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 1, 14 và 12b

Alleluia, alleluia! - Ngôi lời đã làm người và đã ở giữa chúng ta. Những ai tiếp rước Người, thì Người ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 14, 22-33

"Xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi dân chúng đã ăn no, lập tức Chúa Giêsu giục môn đệ trở xuống thuyền mà qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. Giải tán họ xong, Người lên núi cầu nguyện một mình. Ðến chiều, Người vẫn ở đó một mình. Còn thuyền thì đã ra giữa biển, bị sóng đánh chập chờn vì ngược gió.

Canh tư đêm tối, Người đi trên mặt biển mà đến với các ông. Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hồn mà nói rằng: "Ma kìa!", và các ông sợ hãi kêu la lớn tiếng. Lập tức, Chúa Giêsu nói với các ông rằng: "Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ!" Phêrô thưa lại rằng: "Lạy Thầy, nếu quả là Thầy, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy". Chúa phán: "Hãy đến!" Phêrô xuống khỏi thuyền, bước đi trên mặt nước mà đến cùng Chúa Giêsu. Khi thấy gió mạnh, ông sợ hãi và sắp chìm xuống nên la lên rằng: "Lạy Thầy, xin cứu con!" Lập tức, Chúa Giêsu giơ tay nắm lấy ông mà nói: "Người hèn tin, tại sao mà nghi ngờ? " Khi cả hai đã lên thuyền thì gió liền yên lặng. Những người ở trong thuyền đến lạy Người mà rằng: "Thật, Thầy là Con Thiên Chúa".

Ðó là lời Chúa.
 
Biến đổi của Ân Sủng
Lm Minh Anh
05:54 10/08/2020
BIẾN ĐỔI CỦA ÂN SỦNG

Gieo ít, gặt ít; gieo nhiều, gặt nhiều”;
Nếu nó thối đi, nó sẽ sinh nhiều bông hạt”.

Kính thưa Anh Chị em,

Phụng vụ Lời Chúa ngày lễ kính Thánh Lorensô hôm nay có chung một chủ đề: ai gieo thì gặt; ai mất thì được, được cả Thiên Chúa như lời Chúa Giêsu nói, “Cha Tôi sẽ tôn vinh nó”.

Thánh Phaolô nại đến Thiên Chúa, Đấng giàu có vô lượng không thua lòng quãng đại của một ai… để mời chúng ta biết cho đi như Người, “Thiên Chúa yêu thương kẻ cho cách vui lòng, Người có quyền cho anh em được dư tràn mọi ân phúc”, vì “Ai gieo ít thì gặt ít; ai gieo nhiều thì gặt nhiều”. Thánh Lorensô vui lòng cho, vui cho đến khi cho những gì sau hết trên chiếc giường lửa người ta nướng ngài như một hiến lễ hy tế, “Phía này chín rồi, bên kia thì chưa. Lật qua!”.

Với bài Tin Mừng, Chúa Giêsu nhân cách hoá hình ảnh hạt lúa vốn dám thối đi, chết đi nhằm hướng đến một ngày mùa hoan lạc, “Thật, Tôi nói thật với anh em: Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó thối đi, nó sẽ sinh nhiều bông hạt”. Ngài đã sống điều Ngài nói; Ngài là hạt lúa đã gieo xuống, thối đi, để hôm nay, đồng lúa nở rộ.

Lời Thánh Phaolô cũng như câu nói của Chúa Giêsu cùng mang một ý nghĩa mà thoạt nghe, thật hấp dẫn nhưng cùng lúc, chúng nói lên một thực tế nghiệt ngã vốn thật khó để chấp nhận và nhất là để sống. Chúa Giêsu trực tiếp nói đến sự cần thiết phải chết đi chính mình để cuộc sống mỗi người có thể mang lại một mùa hoa quả bội thu.

Tại sao lại khó? Cái gì khó? Cái khó nhất có căn rễ ở việc chấp nhận ban đầu, rằng, chết đi chính mình là cần thiết và tốt. Chúng ta thử đặt mình vào vị trí của hạt lúa. Hạt lúa phải rứt mình và rơi xuống đất. Đây là một hình ảnh hoàn hảo của sự dứt bỏ. Hạt lúa đơn độc đó phải để cho mọi thứ ra đi. Ai muốn Thiên Chúa làm phép lạ trong đời mình, người ấy phải sẵn sàng để cho tất cả những gì đang bám dính mình ra đi; họ bắt đầu bước vào một quỹ đạo, một làn ranh của việc từ bỏ thực sự những ước muốn, ưa thích, khát khao và cả những hy vọng của riêng mình. Điều này có thể rất khó để thực hiện, bởi lẽ, nguyên việc hiểu được nó, cũng đã khó. Thật không dễ hiểu chút nào, rằng, việc dứt bỏ là một điều tốt, cần thiết thực sự, và đó cũng là cách thế duy nhấtđể chuẩn bị cho một cuộc sống mới vốn rỡ ràng hơn, phong phú hơn đang chờ đợi qua sự biến đổi của ân sủng. Chết đi chính mình là tín thác vào Chúa hơn những gì chúng ta đang dính trết trong cuộc sống; đồng thời, tin rằng, kế hoạch của Thiên Chúa thì tốt hơn vô cùng so với bất cứ một kế hoạch nào mà chúng ta có thể nghĩ ra.

Trong mọi đấng bậc, Thiên Chúa đang mời gọi chúng ta chết đi mỗi ngày để hướng đến một cuộc sống phong phú hơn, dồi dào hơn và cao cả hơn, cuộc sống của ân sủng.

Mùa xuân năm ấy, có hai hạt lúa nằm cạnh nhau. Hạt thứ nhất hăng hái nói, “Tôi muốn mọc lên! Tôi muốn cắm rễ sâu xuống đất và đâm chồi; tôi muốn vươn những búp non như cờ hiệu triệu báo mùa xuân”, và nó mọc lên xanh tốt. Hạt thứ hai tự nhủ, “Mình sợ lắm! Nếu cắm rễ xuống đất, chẳng biết sẽ gặp gì trong bùn lầytăm tối. Nếu xuyên qua đất, chồi non sẽ thương tổn. Làm sao mình có thể để búp non xoè lá khi một chú sâu nào đó đang chờ sẵn để xơi mình? Và nếu nở hoa, một bé con nào đó có thể nhổ bứt mình lên! Không, tốt hơn nên chờ”, và nó nằm chờ. Cho đến một buổi sáng, có cô gà mái đỏng đa đỏng đảnh, chân chữ nhất bươi đất kiếm ăn, nhìn thấy hạt lúa, “Tróc”, cô mổ lấy và nuốt ngay.

Anh Chị em,
Hôm nay, Chúa muốn chúng ta liều lĩnh quên mình, dám nứt ra, dám thối đi, chết đi một cách vui vẻ thay vì co ro như hạt lúa ích kỷ và để cho một cái gì đó ra đi. Đó chính là biến đổi của ân sủng. Chúng ta có dám để cho tất cả những gì không phù hợp với Chúa được ra đi?

Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, Chúa có một dự định vô cùng tốt lành cho con, xin cho con biết ôm lấy nó, vì Chúa sẽ cho con một mùa bội thu không chỉ ở đời này nhưng cả đời sau, khi con được Chúa biết đến như thánh Lorensô được Chúa biết”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:21 10/08/2020

54. Chính khổ đau đã làm cho chúng ta và Ngài nên giống nhau.

(Thánh nữ Terese of Lisieux)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/samac.tw

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:32 10/08/2020
1. TẮM CHÓ (Tập 12)

Ngày mồng ba tháng ba, có người khách đi thăm Dương Nam Phong, họ Dương vì bận tắm cho chó nên chưa kịp tiếp khách, khách cho rằng ông ta ngạo mạn nên rất không vui.

Ngày mồng sáu tháng sáu, Dương Nam Phong đi thăm người khách ấy, khách cũng vì tắm rửa nên chưa tiếp kiến.

Tục truyền rằng ngày ba tháng ba là ngày tắm Phật, ngày sáu tháng sáu là ngày tắm chó, họ Dương liền viết trên tường một bài vè trêu đùa:

- “Ngày xưa ông đến thăm tôi, tôi bận tắm,

hôm nay tôi đến thăm ôn, g ông bận tắm.

Lúc ông thăm tôi là mồng ba tháng ba,

lúc tôi thăm ông là mồng sáu tháng sáu”.


(Nhã Ngược)

Suy tư 1:

Những lúc có dịp thì bạn bè bà con thân thuộc nên đi đến thăm nhau, đó là cách tỏ tình thân thiện gắn bó lâu dài.

Có những người khi nghe bạn bè đến thăm thì không ra đón hoặc nhắn gởi là mình không có ở nhà, bởi vì bạn bè quá nghèo, tưởng họ tới cầu cạnh mình; có những người khi nghe có người bà con từ dưới quê lên thăm thì dặn người nhà có đồ gì quý thì đem cất, bởi vì sợ người bà con nhà quê xin; có những người bạn thành tâm đến thăm bạn bè nhưng bị hiểu lầm là đến kiếm ăn.

Người có bổn phận đi thăm người khác đó chính là cha sở, bởi vì khi cha sở đem cả tấm lòng yêu thương quan tâm cho con chiên mình, thì không có con chiên nào đành đoạn từ chối không tiếp đón ngài. Đi thăm giáo dân là xây một chiếc cầu thông cảm, hiểu biết, không bằng xi-măng cốt sắt, nhưng bằng tình cảm của một mục tử, đó là việc truyền giáo hay nhất.

Mồng ba tháng ba là tắm Phật, ngày sáu tháng sáu là tắm chó, nhưng đối với người Ki-tô hữu mỗi ngày đều là ngày của Chúa, cho nên mỗi ngày bà con bạn hữu đều có thể đi thăm nhau, cha sở có thể đi thăm giáo dân của mình, nhất là những người đau yếu, già cả trong giáo xứ, đó chính là bày tỏ tình yêu của mục tử với đàn chiên, một tâm hồn nhiệt thành với việc tông đồ vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/samac.tw

http://nhantai.info
 
Hóa như trẻ, nên như Ngài
Lm Minh Anh
22:39 10/08/2020
HOÁ NHƯ TRẺ, NÊN NHƯ NGÀI

Không hoá nên như trẻ nhỏ, anh em sẽ không được vào Nước Trời”.

Anh Chị em thân mến,

Thuở còn thơ, ai mà không chơi đồ hàng, nhất là các bé gái. Các em lấy vỏ bưởi, vỏ dừa làm chão làm nồi; vỏsò, vỏ hến, làm chén làm đĩa; lấy tre, lấyhóp làm đũa làm thìa. Rồi thì đi chợ, trả qua trả về, “nói làm đày”, đôi khi một mình phải đóng hai ba vai. Ôi, hồn nhiên! Sau đó, các thiên thần chụm lại quanh bếp lửatưởng tượng, nào đun, nào thổi, nào quạt. Cuối cùng, cỗ cũng được dọn ra trên một chiếc lá vả to đùng. Mâm xôi đỏ mọng, mưng, táy, khế, ổi, đào, dâu, đái mít… cái ăn được, cái không ăn được xen lẫn ngũ sắc, tứ thời, thọ, cúc, thược dược, bông cỏ may…đặt chung với các đĩa tơ hồng bứt bên hàng dậu chè tàu để lót dưới những đĩa trấu vàng, dăm bào hay mạt cưa. Mấy cậu nhóc chơi loanh quanh, chỉ giỏi chực để được mời xơi cỗ. Có cái ăn thật, có cái ăn giả, có cái ngứa phổng môi, khóc bù lu bù loa… nhưng rồi phải khen ngon cho đẹp lòng ‘các cô’kẻo lần khác, khỏi mời. Ôi tuổi thơ, đẹp như chuyện thần tiên!

Bài đọc Êzêkiel hôm nay cũng kể chuyện thần tiên. Thiên Chúa nói với Êzêkiel như nói với một đứa trẻ, “Hỡi con người, ngươi hãy ăn sự gì ngươi tìm được”, và đó là một cuốn sách viết cả trong lẫn ngoài; Người phán, “Hãy ăn cuốn sách này và đi nói với con cái Israel những lời của Ta”. Như trẻ chơi đồ hàng, Êzêkiel nhai cuốn sách ngấu nghiến rồi nói, “Gặp được Lời Chúa, tôi đã nuốt vào, Lời Chúa ngọt ngào như mật trong miệng tôi”. Thiên Chúa đó vẫn muốn con người thời nay hoá nên như trẻ thơ để ‘ăn thật lấy’ lời Người và làm sao cũng cảm nhận được sự ngọt ngào của lời Thiên Chúa, lời mà nó không cần tìm kiếm nhưng được gửi đến mỗi ngày.

Tin Mừng hôm nay cũng nói đến tuổi thơ, nói đến những mảnh trăng non với thế giới cổ tích đầy mê hoặc. Chúa Giêsu nói mà như hát; Ngài nói say sưa, không ngập ngừng, cũng chẳng ngại người khác cho là thiên tư tây vị, “Nếu anh em không hoá nên như trẻ nhỏ, anh em chẳng được vào Nước Trời”; “Ai hạ mình xuống như trẻ nhỏ nầy, ấy là người lớn nhất trong Nước Trời”; “Ai tiếp đón một em nhỏ vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy”; “Đừng coi khinh một ai trong những trẻ nhỏ nầy, vì Thầy nói cho anh em hay, thiên thần của chúng trên trời không ngừng chiêm ngưỡng thánh nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời”.

Anh Chị em,
Chúng ta thử chiêm ngắm hình ảnh một Giêsu đang ngồi, một em bé đang đứng trước Ngài quay mặt ra với mọi người, hai tay Ngài đặt trên đôi vai em. Lúc đó, hẳn mắt Ngài đang cay cay, rưng rưng chực khóc khi miệng Ngài hát lên ‘ca khúc nịnh trẻ’ chưa ráo mực của mình. Bởi lẽ vào chính giờ phút ấy, Ngài đang cảm nghiệm sâu sắc em bé đang ở trong lòng Ngài là hiện thân của chính Ngài. Con Thiên Chúa xuống thế làm người, phụ thuộc vào không gian, hạn hữu với thời gian; chịu đàm tiếu, bắt bẻ, rình rập và vận mệnh Ngài đang được định đoạt bởi bàn tay kẻ ác với những gì xấu nhất dành cho Ngài. Đúng như văn hào Saint Exupéry trong kiệt tác Hoàng Tử Bé nhận định, “Ngay giữa loài người, con người cũng thật bơ vơ”. Tin yêu, vâng phục, phó thác; xót thương, chữa lành, thứ tha; hồn nhiên, vô tội, một đời cho đi. Ấy thế, chẳng bao lâu nữa, môn đệ sẽ bán đứng Thầy, tông đồ trưởng sẽ chối nhận Thầy, số còn lại sẽ bỏ Thầy mà chạy, một mình chơ vơ giữa hai hàng lính hậm hoẹ, hận cừu, tua tủa lòi tói và dây da; để rồi, “Cha ơi, sao Cha nỡ bỏ con”. Quả, ngay giữa loài người, “Con Người” cũng thật bơ vơ.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hoá như trẻ, nên như Chúa Giêsu; nhờ đó, mỗi người cũng có thể mặc lấy tâm tình con thảo đầy yêu mến đối với Thiên Chúa. Trong mối tương quan này, Thiên Chúa muốn chúng ta tín thác, lệ thuộc, hồn nhiên, thanh thoát, kính sợ, không kiểu cách và vô tội trước nhan Người như trẻ thơ trước cha mẹ, như Chúa Giêsu trước Chúa Cha. Thánh lễ là nơi tốt nhất để chúng ta quan chiêm Chúa Giêsu và học biết trở nên giống như Ngài.

Chúng ta có thể cầu nguyện,
Lạy Chúa, điều gì đang khiến con chưa hoá như trẻ, chưa nên như Ngài. Xin giúp con tìm thấy sự cao cả thực sự trong tính hồn nhiên và đơn sơ của trẻ thơ; trên hết, giúp con tín thác vào Ngài”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Trùm phản gián Mỹ cảnh báo rằng Nga, Trung Quốc, và Iran đang cố gắng can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2020
Đặng Tự Do
06:05 10/08/2020


Hôm thứ Sáu, viên chức phản gián hàng đầu của Mỹ cảnh báo rằng Nga, Trung Quốc và Iran đều đang cố gắng can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.

Trong một tuyên bố bất thường trước công chúng, William Evanina, Giám đốc Trung tâm Phản gián và An ninh Quốc gia, cho biết các quốc gia vừa nêu đang sử dụng các thông tin sai lệch trên mạng lưới toàn cầu và các phương tiện khác để cố gắng tác động các cử tri Hoa Kỳ, gây rối loạn và làm suy giảm niềm tin của cử tri Mỹ vào tiến trình dân chủ.

Các đối thủ nước ngoài cũng có thể cố gắng can thiệp vào hệ thống bầu cử của Hoa Kỳ bằng cách cố gắng phá hoại quá trình bỏ phiếu, đánh cắp dữ liệu bầu cử hoặc chất vấn về tính hợp lệ của kết quả bầu cử.

Tuy nhiên, ông Evanina khẳng định:

“Các đối thủ của chúng ta không dễ dàng gì có thể gây cản trở hoặc thao túng kết quả bỏ phiếu ở một quy mô lớn.”

Nhiều đánh giá trên các phương tiện truyền thông cho rằng Nga đã hành động để thúc đẩy chiến dịch tranh cử năm 2016 của Tổng thống Donald Trump và làm giảm cơ hội thắng cử của bà Hillary Clinton là đối thủ của ông Trump trong cuộc bầu cử đó. Tổng thống Trump từ lâu đã phản đối nhận xét này, là điều mà Nga cũng phủ nhận.

Evania cảnh báo hôm thứ Sáu rằng Nga đã theo đuổi cựu Phó Tổng thống Biden và điều mà họ coi là một cơ sở “chống Nga” tại Hoa Kỳ.

Evanina cho biết Andriy Derkach, một chính trị gia Ukraine thân Nga, đã “lan truyền các tuyên bố về tham nhũng - bao gồm cả việc công bố các cuộc điện thoại bị rò rỉ để phá hoại chiến dịch của Biden và Đảng Dân chủ”. Những người ủng hộ tổng thống Trump tại Thượng viện Hoa Kỳ đã mở các cuộc điều tra trên nghi vấn rằng con trai của ông Biden là Hunter có liên quan đến các hoạt động kinh doanh bị cáo buộc ở Ukraine.

Evanina cho biết “các tác nhân có liên hệ với Điện Kremlin” cũng đang cố gắng “thúc đẩy việc thắng cử của Tổng thống Trump thông qua các mạng xã hội và truyền hình Nga.”

Ông cũng cho biết thêm cơ quan của ông đánh giá rằng Trung Quốc không muốn thấy tổng thống Trump được tái cử một lần nữa, vì Bắc Kinh xem ông Trump là một kẻ thù nguy hiểm, quá khó đoán được đường đi nước bước.

Ông cho biết Trung Quốc đã và đang mở rộng nỗ lực ảnh hưởng trên chính trường Hoa Kỳ trước cuộc bầu cử tháng 11 để cố gắng định hình chính sách của Hoa Kỳ, gây áp lực lên các chính trị gia Hoa Kỳ mà họ coi là chống Trung Quốc, và làm giảm các chỉ trích về tình trạng nhân quyền tồi tệ của Trung Quốc.

Evanina cho biết Iran có khả năng sử dụng các chiến thuật trực tuyến như phát tán thông tin sai lệch để làm mất uy tín của các tổ chức Mỹ và Tổng thống Trump, đồng thời khuấy động sự bất bình của các cử tri Mỹ.

Các nhà lãnh đạo của Ủy ban Tình báo Thượng viện, là Thượng nghị sĩ Marco Rubio của Đảng Cộng hòa và Thượng nghị sĩ Mark Warner của Đảng Dân chủ, đều lên tiếng cám ơn lời cảnh báo của Evanina trong một tuyên bố chung và nói thêm rằng tất cả người Mỹ “nên cố gắng ngăn chặn các tác nhân bên ngoài có thể can thiệp vào cuộc bầu cử của chúng ta, ảnh hưởng đến chính trị của chúng ta, và làm xói mòn niềm tin vào các thể chế dân chủ của chúng ta.”

Đây sẽ là một năm bất thường đối với cử tri Hoa Kỳ. Đại dịch coronavirus dự kiến sẽ dẫn đến nhiều cử tri bỏ phiếu qua đường bưu điện, điều này có nghĩa là sẽ mất nhiều thời gian hơn để biết ai là người chiến thắng.

Tổng thống Trump đã tấn công ý tưởng bỏ phiếu qua thư, và nói rằng điều đó có khả năng dẫn đến gian lận.


Source:Reuters
 
Giáo hội Úc kêu gọi hãy cam kết lo cho những người bị tâm thần vì ảnh hưởng của cơn dịch Covid-19
Thanh Quảng sdb
06:44 10/08/2020
Giáo hội Úc kêu gọi hãy cam kết lo cho những người bị tâm thần vì ảnh hưởng của cơn dịch Covid-19

Trước Ngày Chúa nhật “Công bằng Xã hội” sẽ rơi vào ngày 30 tháng 8, các giám mục Úc Châu đã đưa ra một công bố mời gọi tất cả hãy lo cho sức mạnh tâm linh.

(Tin Vatican)

Các giám mục Úc Châu khuyến khích các cộng đoàn đức tin, chính phủ và cá nhân hãy dành ưu tiên lo cho sức khỏe tâm linh, đặc biệt trong thời gian đại dịch Covid-19; đang làm cho con người lo lắng và tuyệt vọng...

Theo quan điểm của Ngày Chủ nhật “Công bằng Xã hội”, được cử hành vào ngày 30 tháng 8, Hội đồng Giám mục Công Giáo Úc (ACBC) đã phát hành một công bố mang tựa đề “Sống tròn đầy: Sức khỏe tâm linh tại Úc Châu ngày nay”.

Giám Mục Phụ Tá Terence Brady của TGP Sydney, Ủy viên đặc trách Công bằng Xã hội, Truyền giáo và Phục vụ của HĐGM Úc (ACBC), kêu gọi tất cả mọi người Công Giáo hãy đón nhận công bố và thực hiện các thách đố trong công bố ấy…

Công bố dài 19 trang, với lời tựa của ĐTGM Mark Coleridge, Chủ tịchcủa HĐGM Úc Châu (ACBC), Tổng Giám mục của TGM Brisbane.

Lo lắng và tuyệt vọng

Đức Giám Mục Brady cho hay: “Đây là một công bố trong bối cảnh của đại dịch Covid-19. Một đại dịch đang gây ra nhiều ảnh hưởng cho các tín hữu trong các giáo xứ, trường học và cộng đồng của chúng ta!”

Ngài nói tiếp: “Những cảm nghiệm âu lo và tuyệt vọng cá nhân mà tất cả chúng ta đều cảm nghiệm trong thời điểm này, “tạo nên cơ hội để nhận thức rõ rệt và tích cực hơn trong việc săn sóc cho sức khỏe tâm linh của mọi người”.

Công bố cho hay các giáo xứ, các tổ chức và cộng đồng có thể là nơi tiếp nhận, cảm thông, chăm sóc và chữa lành, chứ không phải là nơi khước từ, phê phán hay phân biệt đối xử với những người gặp vấn đề về sức khỏe tâm linh...

Những người dễ bị tổn thương và thiệt thòi

Giáo hội Úc Châu mời gọi chính phủ và các nhà hoạch định chính sách phải cam kết không để một ai rơi vào những hoàn cảnh bi thương về tâm bệnh!

Trích lời Đức Giáo Hoàng Phanxicô, công bố thách thức những cam kết của xã hội chúng ta trước công ích chung là sự quan tâm mà chúng ta lo lắng cho những người dễ bị tổn thương hoặc thiệt thòi nhất.

Trước vấn đề này, Giáo hội Úc Châu kêu gọi chính phủ hãy giải quyết các chính sách vốn đã làm tổn thương đến người thổ dân, tới người tị nạn, người di dân, người vô gia cư và những người đang bị tù đầy!...

Không phải cách xứ trí của Chúa Giêsu

Đức Giám Mục Brady nêu lên và nói: “Xã hội chúng ta có xu hướng tránh những người đối đầu với chúng ta dựa vào những bấp bênh và hạn chế của chúng ta! Đây không phải là cách hành xử của Chúa Giêsu.”

“Chúng ta hãy bắt chước Chúa, đến với những người đang khủng hoảng tâm linh và nhìn nhận rằng họ cũng là chi thể của Thân thể mầu nhiệm Chúa Kitô - họ là một thành phần của chính chúng ta. Chỉ có vậy chúng ta mới có thể nói lên được rằng ‘chúng ta đang ở với nhau’. Chỉ có vậy chúng ta mới có thể ‘sống một cuộc sống tròn đầy’.”
 
Lộ Trình Hành Hương Thánh Mẫu Hình Chữ ‘‘M’’ Trên Nước Pháp
Lê Đình Thông
08:27 10/08/2020
Từ ngày 12 đến 17/08/2020, giới trẻ Giáo xứ cùng với giới trẻ giáo phận Paris sẽ tham dự hành hương Thánh mẫu dài 2000 cây số theo lộ trình nối liền 5 địa điểm Đức Mẹ đã hiện ra vào thế kỷ XIX. Thánh tượng Thánh mẫu ngự trên xe kết, mở đầu cuộc hành hương lịch sử này.

Cuộc hành hương kéo dài 107 ngày trên lộ trình 2000 km, chia từng đoạn dài 15 km, để các tín hữu địa phương nghênh đón.

Tối thứ ba 11/08 : đêm canh thức tại nhà thờ Saint-Louis ở Vincennes.

Thứ tư 12/08 : rước kiệu từ Vincennes đến Vương cung Thánh đường Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, buổi tối có đêm canh thức.

Thứ năm 13/08 : rước kiệu từ Nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp đến Nguyện đường ‘‘Ảnh Đức Mẹ Hay Làm Phép Lạ’’ (rue du Bac), đêm canh thức tại Nguyện đường các Cha dòng Lazaristes (rue de Sèvres).

Thứ sáu 14/08 : Đức TGM Michel Aupetit chủ trỉ rước kiệu và lần chuỗi từ Rue du Bac đến Nhà Thờ Đức Bà. Cuộc rước kiệu đến Vương cung Thánh đường Notre-Dame des Victoires, nơi đây sẽ cử hành đêm canh thức.

Thứ bảy 15/08 (11 giờ): Thánh lễ trọng thể mừng Đức Mẹ Lên Trời tại Notre-Dame des Victoires (Montmartre) do Đức TGM Michel Aupetit chủ lễ. Chiều : Thánh du với Đức Mẹ tại đồi Montmartre. Đêm canh thức và Thờ phượng.

Chúa nhật 16/08 : Rước kiệu từ Montmartre đến nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở Puteaux. Đêm canh thức.

Thứ hai 17/08 : Trưa : Rước kiệu từ Puteaux đến nhà thờ Đức Bà ở Boulogne. Tối : canh thức tại nhà thờ Sainte-Jeanne de Chantal.

Hành hương lộ trình hình chữ M theo dấu chân Đức Mẹ hiện ra từ 1830 đến 1876, trong suốt 46 năm. Hội thánh đã chính thức công nhận Đức Mẹ hiện ra tại La Salette, Lộ Đức và Pontmain. Ngoài ra là Rue du Bac ở Paris và Pellevoisin, với bộ áo Thánh tâm (scapulaire du Sacré-Cœur).

Thánh tượng Đức Bà Pháp Quốc

(Baillet-en-France).

Lê Đình Thông
 
Cha sở tại Sacramento, Hoa Kỳ bị rút phép thông công vì vi phạm luật phụng vụ
Nguyễn Long Thao
14:17 10/08/2020
Cha Jeremy Leatherby chánh xứ thuộc giáo phận Sacramento đã bị rút phép thông công vì không tuân theo luật lệ về phụng vụ. Nhân dịp này Đức Cha Jaime Soto Giám Mục giáo phân Sacramento đã viết một lá thơ đề ngày 7 tháng 8 năm 2020 gửi tín hữu Công Giáo giáo phận Sacramento, nói về việc tại sao cha Jeremy Leatherby bị rút phép thông công. Nội dung bức thư của ĐGM Jaime Soto nhu sau:

Anh Chị Em giáo hữu trong Chúa Kitô:

Cha Jeremy Leatherby đã tự đặt mình và những người khác vào tình trạng ly giáo khỏi Giáo Hội Công Giáo La Mã. Bằng lời nói và hành động của mình, Cha. Leatherby đã tự động bị vạ tuyệt thông Điều này có nghĩa là do ý muốn của Cha, Cha đã tự tách mình ra khỏi sự hiệp thông với Vị Giáo hoàng La Mã, tức Đức Giáo Hoàng Phanxicô, và các thành viên khác của Giáo Hội Công Giáo.

Cha Leatherby đã vi phạm chỉ thị của tôi khi dâng lễ và giảng dạy công khai cho một số tín hữu. Cha đã hướng dẫn họ chống lại tính hợp pháp của Đức Thánh Cha Phanxicô. Khi dâng lễ, Cha đã thay thế tên của Đức Thánh Cha Phanxicô bằng tên của vị tiền nhiệm của ngài là Đức cựu Giáo Hoàng Bênêđictô XVI và bỏ qua tên của tôi (Giám Mục Jaime Soto) khi đọc Kinh nguyện Thánh Thể khi dâng Thánh lễ.. Vì sự tắc trách nghiêm trọng của những hành động này, tôi không còn cách nào khác ngoài việc thông báo công khai hậu quả của các quyết định của Cha Leatherby : Cha đã tự động gây ra cho mình vạ tuyệt thông

Ngoài những sự kiện đáng tiếc này, cũng còn có một số vấn đề về giáo luật liên quan đến các hành vi của Cha Jeremy Leatherby bị cáo buộc vi phạm lời hứa của linh mục. Quá trình này đã được tiến hành từ lâu, vẫn đang tiếp tục, và nằm trong tay các nhà chức trách khác của Giáo hội. Những sự kiện mà Cha Jeremy bị vạ tuyệt thông không liên quan đến những cáo buộc trước đây và cuộc điều tra sau đó. Đây là hai vấn đề riêng biệt.

Các giáo sĩ lẫn tín hữu đều được hướng dẫn để nỗ lực giới hạn những ý định của Cha Jeremy Leatherby trong khi dâng Thánh lễ hoặc các bí tích khác. Hãy cùng tôi cầu nguyện cho sự hòa giải của Cha Jeremy và mong Cha trở lại hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo La Mã.

Xin lời chuyển cầu của Đức Mẹ Maria đầy ơn phúc của chúng ta giúp Cha Leatherby ăn năn về những tổn hại mà Cha đã đã gây ra cho Giáo hội. Với lòng yêu thương của người mẹ, xin Mẹ quy tụ chúng ta lại thành một hiệp thông duy nhất của Giáo hội, thánh thiện và thanh tẩy bởi huyết Chiên Con, Con Mẹ, Chúa Giêsu.

Trân trọng,

Jaime Soto
 
Lý do bị vạ tuyệt thông của một linh mục thuộc giáo phận Sacramento
Đặng Tự Do
17:26 10/08/2020
Trong một lá thư mục vụ gởi các tín hữu đề ngày 7 tháng 8, Đức Cha Jaime Soto, Giám Mục thứ 9 của giáo phận Sacramento miền Bắc California đã thông báo về tình trạng tuyệt thông của Cha Jeremy Leatherby.

Cha Jeremy Leatherby bị vạ tuyệt thông tiền kết ‘latae sententiae’ vì ngài vẫn tiếp tục cử hành Thánh lễ bất kể đã được Đức Cha Jaime Soto hướng dẫn không được làm như vậy, và ngài cũng đã từ chối thừa nhận Đức Thánh Cha Phanxicô là người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo.

Trong một lá thư đề ngày 7 tháng 8 gởi đến các tín hữu Công Giáo của giáo phận, Đức Cha Soto tuyên bố rằng Cha Jeremy Leatherby “đã đặt mình và những người khác vào tình trạng ly giáo với Giáo Hội Công Giáo Rôma. Bằng những lời nói và hành động của mình, Cha Leatherby đã bị vạ tuyệt thông tiền kết ‘latae sententiae’”.

Đức Cha Soto nhấn mạnh rằng:

“Điều này có nghĩa là với ý chí của mình, ngài đã tự tách mình ra khỏi sự hiệp thông với Giám Mục Rôma, là Đức Thánh Cha Phanxicô, và các thành viên khác của Giáo Hội Công Giáo”.

Tháng 3 năm 2016, Cha Leatherby đã bị cách chức Cha Sở giáo xứ Dâng Đức Mẹ vào Đền Thánh của giáo phận Sacramento và bị đình chỉ thừa tác vụ linh mục, trong khi một cuộc điều tra đang được tiến hành về cáo buộc Cha Leatherby có hành vi sai trái tình dục với một phụ nữ. Hàng trăm người ủng hộ ngài đã ký vào một bản kiến nghị nói rằng cáo buộc này là sai trái và thúc giục Đức Cha Soto dỡ bỏ lệnh treo chén Cha Leatherby.

Đức Cha Soto cho biết thêm:

“Cha Leatherby đã vi phạm chỉ thị của tôi khi dâng lễ và giảng dạy công khai cho một số tín hữu. Ngài đã giảng dạy họ chống lại tính hợp pháp của Đức Thánh Cha Phanxicô.” Trong khi đọc Kinh nguyện Thánh Thể khi dâng Thánh lễ, Cha Leatherby cũng đã thay thế tên của Đức Thánh Cha Phanxicô bằng tên của vị tiền nhiệm của ngài, là Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16, và đã không nhắc đến tên của đấng bản quyền, là Đức Cha Soto.

Đức Giám Mục Sacramento cho biết rằng chính Cha Leatherby đã xác nhận lập trường ly giáo của ngài.

“Sau khi ương ngạnh không trả lời một số câu hỏi của tôi qua điện thoại và thư từ, giờ đây ngài đã xác nhận lập trường ly giáo của mình. Vì tai tiếng nghiêm trọng của những hành động này, tôi không còn cách nào khác ngoài việc thông báo công khai hậu quả của các quyết định do ngài lựa chọn: Ngài đã tự mang đến cho mình một vạ tuyệt thông tiền kết”.

Trong một lá thư vào ngày 3 tháng 8 gửi cho Cha Leatherby, Đức Cha Soto cảnh cáo rằng những hành động này “đã đặt anh và những người khác vào tình trạng nguy hiểm nghiêm trọng về đạo đức” và rằng ngài phải ngưng ngay mọi thừa tác vụ bí tích và “phải thực hiện một đời sống cầu nguyện và đền tội dưới sự hướng dẫn của tôi.”

Kể từ khi đại dịch bắt đầu vào tháng Ba này, buộc nhiều cơ sở trên khắp đất nước phải đóng cửa, bao gồm cả các nơi thờ phượng, khi chính quyền địa phương và tiểu bang cố gắng ngăn chặn sự lây lan của coronavirus, Cha Leatherby đã dâng thánh lễ hàng tuần cho các nhóm nhỏ tại nhà riêng. Tổng cộng, những người tham dự thường xuyên có thể lên đến 350 người.

Trong một tuyên bố ngày 6 tháng 8, vị linh mục nói rằng “trong tình trạng khẩn cấp, ngay cả những linh mục bị huyền chức đều có thể, và thậm chí có nghĩa vụ về mặt đạo đức, phải ban phát các bí tích cho các tín hữu.”

Ngài giải thích rằng ban đầu ngài mang các bánh thánh mà trước đó ngài đã “thánh hiến trong các thánh lễ riêng” đến các nhà khác nhau. Ngay sau đó, ngài đã lái xe khắp thành phố “mọi ngày, mọi Chúa Nhật”, để mang Bánh sự sống đến cho những người Công Giáo. Từ đó, ngài bắt đầu dâng lễ tại nhà của mọi người.

“Tuy nhiên, tôi đã cử hành những Thánh lễ này trong sự hiệp thông với Đức Bênêđictô, chứ không phải với Đức Thánh Cha Phanxicô. Nhiều người đã tham gia với tôi, cùng quan điểm với tôi, rằng Đức Bênêđíctô vẫn là một vị giáo hoàng đích thực, ” Cha Leatherby nói trong tuyên bố hôm 6 tháng 8.

Vị linh mục cho biết ngài không chấp nhận rằng việc thoái vị vào năm 2013 của vị giáo hoàng đã nghỉ hưu, và cho rằng việc thoái vị đó “đã không đáp ứng các yêu cầu đối với hành động từ chức hợp lệ của một vị giáo hoàng, theo giáo luật.”

Đức Cha Soto cũng nói rõ rằng:

“Trước những sự kiện đáng tiếc này, đã có một tiến trình giáo luật đang diễn ra liên quan đến các hành vi bị cáo buộc khác của Cha Jeremy Leatherby về việc vi phạm lời khấn của linh mục. Quá trình này phải thừa nhận là kéo dài đã lâu, vẫn đang tiếp tục, và nằm trong tay các vị hữu trách khác của Giáo hội. Những sự kiện mà ngài đã tự đặt mình vào tình trạng tuyệt thông không liên quan đến những cáo buộc trước đây và cuộc điều tra sau đó. Đây là hai vấn đề riêng biệt.”

Trước các diễn biến đáng buồn này, Đức Cha Soto đã khuyên bảo các tín hữu và hàng giáo sĩ trong giáo phận.

“Các giáo sĩ và tín hữu đều được khuyên tránh xa các cố gắng dâng Thánh lễ hoặc ban các bí tích khác của Cha Leatherby. Xin hãy cùng tôi cầu nguyện cho sự hòa giải và trở lại trong tình hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo Rôma của ngài”.

“Cầu xin sự chuyển cầu của Đức Maria đầy ơn phúc của chúng ta giúp Cha Leatherby biết ăn năn về những tổn hại mà ngài đã gây ra cho Giáo hội. Xin Mẹ, với lòng từ mẫu, một lần nữa quy tụ chúng ta lại thành một mối hiệp thông duy nhất của Giáo Hội, thánh thiện và được thanh tẩy bởi bửu huyết của Chiên Con, là Con Mẹ, Chúa Giêsu.”

Giáo phận Sacramento như hiện nay đã được Đức Thánh Cha Lêô thứ 13 thành lập vào ngày 28 tháng 5. 1886. Giáo phận bao phủ một diện tích lên đến 110, 325 km2. Trong tổng số dân 3, 550,900 người, có 987, 700 tín hữu Công Giáo, chiếm 27.8%. Giáo phận có hơn 150 giáo xứ và các cứ điểm truyền giáo trải dài trên 20 quận hạt của tiểu bang California.

Đức Cha Soto được Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 bổ nhiệm làm Giám Mục Phó vào tháng 10, 2007 và đã kế vị Đức Cha William Weigand từ ngày 30 tháng 11, 2008.

Nguyên bản tiếng Anh lá thư cũng Đức Cha Soto có thể xem tại đây
Source:Catholic News Service
 
Người biểu tình Beirut yêu cầu câu trả lời về vụ nổ chết người
Đặng Tự Do
17:44 10/08/2020


Các lực lượng an ninh đã bắn hơi cay vào một đám đông ở Beirut, khi sự tức giận bùng lên đối với giới cầm quyền, là những người bị kết tội đã quản lý đất nước yếu kém dẫn đến sự sụp đổ kinh tế. Một số người đã ném đá vào cảnh sát, đánh dấu sự quay trở lại kiểu biểu tình đã trở thành một nét đặc trưng của cuộc sống khi người Li Băng chứng kiến tiền tiết kiệm của họ bốc hơi và hệ thống tiền tệ tan rã.

Người dân địa phương Beirut ngày càng tức giận sau khi có các bằng chứng cho thấy các quan chức đã phớt lờ những cảnh báo được lặp đi lặp lại về kho chứa hóa chất nguy hiểm được nghi ngờ là đã tạo ra những vụ nổ chết người ở thủ đô Beirut của Li Băng.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gặp gỡ những người biểu tình khi đi thăm các đường phố bị tàn phá của Beirut.

Tổng thống Pháp cũng kêu gọi chính phủ Li Băng đối phó với tham nhũng và áp dụng các biện pháp cải cách.

Li Băng hiện đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Tham nhũng và quản lý tài chính yếu kém dẫn đến sự mất giá chưa từng có của đồng tiền Li Băng, siêu lạm phát, thất nghiệp gia tăng và các hạn chế ngân hàng. Hệ thống y tế cũng khủng hoảng. Tình trạng mất điện và các cuộc biểu tình trên đường phố đã làm rung chuyển cả nước vài tháng trước khi đại dịch coronavirus bùng phát.

Trong những năm gần đây, Li Băng đã tiếp nhận một lượng lớn người tị nạn Syria và Iraq, nhiều người trong số họ là người Hồi Giáo, như những người tị nạn Palestine. Theo dữ liệu chính thức, Li Băng hiện có gần 2 triệu người tị nạn, chiếm khoảng một phần ba tổng dân số.
Source:Sky News Australia
 
Khủng hoảng ammonium nitrate lan sang đến Úc Đại Lợi
Đặng Tự Do
17:45 10/08/2020


Bom nổ tại Li Băng nhưng cách xa hơn nửa vòng trái đất, người Úc đang tái mặt.

Nguyên nhân của vụ nổ kinh hoàng tại Beirut, thủ đô của Li Băng, đến nay vẫn chưa được rõ, nhưng các báo cáo ban đầu cho thấy dường như một vụ hỏa hoạn đã kích nổ một nhà kho tại hải cảng chính của thành phố này.

Các nhân chứng báo cáo đã nhìn thấy một đám mây màu cam kỳ lạ giống như thường xuất hiện khi khí nitro dioxide độc hại thoát ra sau một vụ nổ liên quan đến nitrat.

Do đó, nhiều người tin rằng nguyên nhân của vụ nổ kinh hoàng ở Beirut có thể là do phản ứng hóa học từ ammonium nitrate.

Thủ tướng Li Băng, Hassan Diab, cho biết 2, 700 tấn ammonium nitrate đã phát nổ sau khi được tàng trữ không an toàn trong một nhà kho trong sáu năm qua.

Những tin tức này từ Li Băng đã gây quan ngại sâu xa cho người dân sống trên đảo Kooragang của thành phố Orica gần cảng Newcastle của Úc Đại Lợi, đặc biệt là sau khi các quan chức tại cảng này thành thật khai báo rằng họ đang tàng trữ một lượng ammonium nitrate nhiều gấp 5 lần tại cảng Beirut của Li Băng.

Chris Kenny của Sky News Australia cho biết người dân địa phương ở Newcastle đã hết sức lo ngại về việc tàng trữ hàng chục tấn ammonium nitrate cảng Newcastle.

Các phương tiện truyền thông Úc cho rằng tại Orica 12, 000 tấn ammonium nitrate đang được chứa tại cảng Newcastle; nhiều hơn đến gần sáu lần so với những gì được lưu trữ ở Beirut khi nó phát nổ làm tan hoang cả thành phố.

Theo Kenny, nổ ammonium nitrate không phải là chưa từng xảy ra tại Úc. Tại Queensland vào năm 2014, một chiếc xe tải chở khoảng 50 tấn ammonium nitrate đã bốc cháy và phát nổ.

Đã có những lời kêu gọi mở các cuộc biểu tình tại cảng Newcastle nhưng cảnh sát cho biết họ sẽ mạnh tay với người biểu tình vì những lo ngại liên quan đến coronavirus.
Source:Sky News Australia
 
Li Băng nhận thấy có thể có sự can thiệp từ bên ngoài vào vụ nổ ở cảng Beirut
Đặng Tự Do
17:46 10/08/2020


Tổng thống Li Băng cho biết cuộc điều tra về vụ nổ lớn nhất trong lịch sử của Beirut sẽ xem xét liệu nó có phải do bom gây ra hay do sự can thiệp từ bên ngoài, trong khi người dân nước này đang tìm cách xây dựng lại những ngôi nhà và cuộc sống tan nát của họ.

Các toán tìm kiếm đang sàng lọc những đống đổ nát trong cuộc chạy đua cứu sống bất cứ ai bị chôn vùi trong đống đổ nát sau vụ nổ hôm thứ Ba tuần trước khiến gần 200 người thiệt mạng, 5, 000 người bị thương, phá hủy một vùng thành phố Địa Trung Hải và phát ra các sóng địa chấn xung quanh khu vực.

“Hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân. Có khả năng có sự can thiệp từ bên ngoài bằng hỏa tiễn, bằng bom hoặc bằng các hành động khác”, Tổng thống Michel Aoun nói với truyền thông địa phương.

Trước đó, tổng thống Aoun cho biết ammonium nitrate đã được cất giữ không an toàn trong nhiều năm tại cảng. Ông nói thêm rằng cuộc điều tra cũng sẽ cân nhắc xem vụ nổ này có phải là do sơ suất hoặc do tai nạn hay không. Ông cũng thông báo rằng, cho đến nay đã có 20 người bị giam giữ.

Trong khi Hoa Kỳ nói rằng họ không loại trừ một cuộc tấn công, Israel, quốc gia đã từng tham gia một số cuộc chiến với Li Băng, đã phủ nhận bất kỳ vai trò nào trong vụ này. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết nguyên nhân đến nay vẫn chưa rõ ràng, nhưng so sánh vụ nổ với vụ đánh bom năm 2005 khiến cựu Thủ tướng Rafik al-Hariri thiệt mạng.

Sayyed Hassan Nasrallah, thủ lĩnh của nhóm Shi'ite mạnh nhất của Li Băng là nhóm Hezbollah, do Iran hậu thuẫn, đã bác bỏ những gì ông nói là các “định kiến” cả trong và ngoài nước rằng nhóm này đã có các vũ khí được lưu trữ tại cảng.

Ông kêu gọi một cuộc điều tra công bằng và quy trách nhiệm nghiêm minh cho bất kỳ ai chịu trách nhiệm mà không có bất kỳ bao che chính trị nào.

“Ngay cả khi vụ này xảy ra vì một chiếc máy bay tấn công, hoặc cho dù đó là một hành động cố ý, thì hiển nhiên rằng khối lượng ammonium nitrate này đã có mặt tại cảng trong nhiều năm qua, nghĩa là một phần của vụ án này là sự cẩu thả và tham nhũng, ” ông nói.

Giám đốc hải quan và một người tiền nhiệm đã bị bắt vào hôm vào thứ Sáu.


Source:Reuters
 
BLM làm loạn tại Chicago, cướp phá các cửa hàng, bắn trọng thương 13 viên chức cảnh sát
Đặng Tự Do
21:30 10/08/2020
Người dân Chicago đã phải leo lên các cửa sổ vỡ toang để quét các mảnh kính vỡ sau khi hàng trăm người cướp phá các cửa hàng và đụng độ với cảnh sát trong và xung quanh khu thương mại sang trọng của Chicago, từ đêm Chúa Nhật đến ngày thứ Hai. Trong cuộc họp báo chiều thứ Hai, bà thị trưởng Lori Lightfoot và Giám đốc Cảnh sát Chicago David Brown cho biết 13 viên chức cảnh sát bị trọng thương, và hơn 100 người đã bị bắt.

Bà thị trưởng Lori Lightfoot nói: “Đây là một cuộc tấn công vào thành phố của chúng ta”.

Thị trưởng Lori Lightfoot, một người da đen, đã làm rõ tính chất nghiêm trọng và vi phạm pháp luật của các vụ cướp bóc với các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc xảy ra sau cái chết của anh George Floyd.

Bà nói: “Đây không phải là sự hợp pháp được bảo vệ bởi tu chính án thứ nhất về quyền tự do phát biểu. Đây là trọng tội, là hành vi hình sự. Và đối với những người tham gia vào hành vi phạm tội này, hãy nghe cho rõ. Chúng tôi đang lùng kiếm các ngươi”.

Giám đốc Cảnh sát Chicago David Brown, cũng là một người da đen, cho biết ít nhất 13 viên chức cảnh sát bị thương, một nhân viên bảo vệ và một dân thường bị trúng đạn.

Ông nói: “Đây là một hành động bạo lực chống lại các viên chức cảnh sát của chúng ta và chống lại thành phố của chúng ta. Trong biến cố đêm qua, các nhân viên cảnh sát đang bắt giữ một nghi phạm hôi của tại Michigan Avenue và Lake Street. Và có sự kiện này—là người này đang xách theo một máy tính tiền mà anh ta đã cướp được từ cửa hàng. Khi các cảnh sát viên đang thực hiện việc bắt giữ, một chiếc xe khác đã vượt qua các viên chức cảnh sát và bắn nhiều phát súng vào các cảnh sát viên khi xe của họ rẽ vào góc đường, dẫn đến một cuộc đọ súng giữa các viên chức cảnh sát và những nghi phạm này.”

Ông Brown cho biết cảnh sát đã biết về một số bài đăng trên mạng xã hội khuyến khích cướp bóc ở trung tâm thành phố sau khi căng thẳng bùng phát trước đó ở một khu vực khác của thành phố, xảy ra khi cảnh sát bắn vào một thanh niên. Cảnh sát đã thẩm vấn một nghi phạm 20 tuổi vào chiều Chúa Nhật. Người thanh niên này bỏ chạy và bắn vào các cảnh sát viên. Cảnh sát đã bắn trả vào thanh niên này. Anh ta đã được đưa vào bệnh viện và hy vọng sẽ sống sót.

Bà thị trưởng Lori Lightfoot nói: “Tôi không quan tâm đến bất cứ lời biện minh nào được đưa ra cho hành động cướp bóc này. Không bao giờ có thể biện minh cho hành vi phạm tội như thế. Bạn không có quyền làm như thế - không có quyền cướp bóc và phá hủy tài sản của người khác.”

Ông Brown cam kết sẽ mở một cuộc truy nã của cảnh sát ở Trung tâm Chicago. Trong quuyết tâm tìm ra các thủ phạm bắn vào cảnh sát, ông phân công các viên chức cảnh sát làm tăng ca đến 12 giờ và hủy bỏ các ngày nghỉ.
Source:Reuters

 
Tổng Giám mục Viganò không học được bài học của Đức Bênêđíctô XVI về Vatican II
Vũ Văn An
21:59 10/08/2020

Đức Bênêđíctô XVI đã bổ nhiệm Tổng Giám Mục Viganò làm sứ thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ năm 2011. Theo Sandro Magister, cách nay 9 năm, vị giáo hoàng thần học gia hiền lành chắc chắn không thể nào tưởng tượng được vị Tổng Giám Mục này lại có thể trách cứ ngài đã “lừa dối” toàn thể Giáo Hội ở điểm không những tin rằng Công Đồng Vatican II miễn nhiễm đối với các sai lạc mà đàng khác còn cho rằng phải giải thích nó trong tính liên tục hoàn toàn với tín lý ngàn đời chân thực.



Như đã thưa trong bài “Đức Hồng Y Brandmüller vạch trần sai trái của Tổng Giám Mục Viganò đối với Công Đồng Vatican II”, vị Tổng Giám Mục này bác bỏ Công Đồng Vatican II “in toto” (toàn diện).

Vì theo Viganò, điều làm méo mó Giáo Hội từ Vatican II là “một loại tôn giáo hoàn cầu mà lý thuyết gia hàng đầu của nó là bè Tam Điểm” và mục tiêu chính trị của nó là “một chính phủ thế giới độc quyền” của những thế lực “không tên tuổi và không mặt mũi” đang khuất phục mọi sự để phục vụ quyền lợi của nó cả trong thời đại dịch Covid-19.

Viganò trách cứ Đức Bênêđíctô XVI đã không cố gắng “sửa chữa các quá trớn của Vatican II” mà còn giải thích nó bằng “nền giải thích liên tục”.

Nền giải thích ấy được Đức Bênêđíctô XVI chính thức nhắc đến ngay năm đầu tiên triều Giáo Hoàng của ngài, trong bài diễn văn đầu tiên với giáo triều Rôma ngày 22 tháng 12 năm 2005. Trong bài diễn văn này, ngài nhắc đến nhiều vấn đề, nhưng phần sau và dài nhất nhắc đến Công Đồng Vatican II. Chúng tôi xin chuyển phần này sang tiếng Việt để rộng đường phân định của độc giả:

.....

Sự kiện cuối cùng của năm nay mà tôi muốn suy tư ở đây là lễ kỷ niệm kết thúc Công đồng Vatican II cách đây 40 năm. Ký ức này gợi lên câu hỏi: Đâu là kết quả của Công đồng? Nó có được tiếp nhận hay không? Trong việc tiếp nhận Công đồng, điều gì tốt và điều gì còn thiếu sót hoặc nhầm lẫn? Những gì vẫn còn phải làm? Không ai có thể phủ nhận rằng trong nhiều lãnh vực rộng lớn của Giáo hội, việc thực thi Công đồng có phần khó khăn, mặc dù không muốn áp dụng vào những gì đã xảy ra trong những năm này lời mô tả mà Thánh Basilêô, vị Tiến sĩ vĩ đại của Giáo hội, đã đưa ra về hoàn cảnh của Giáo hội sau Công đồng Nixêa: ngài so sánh tình huống của Giáo Hội với một trận hải chiến trong bóng tối bão tố, bằng cách nói rằng: "Tiếng la hét ỏm tỏi của những người bất đồng ý kiến nổi lên chống lại nhau, tiếng phiếm luận không thể nào hiểu nổi, tiếng ồn ào hỗn loạn không ngừng ồn ào vang lên, hiện đã tràn ngập gần như toàn bộ Giáo hội, làm sai lệch tín lý đúng đắn của đức tin bằng các cực đoan hoặc thất bại... "(De Spiritu Sancto, XXX, 77; PG 32, 213 A; SCh 17 ff., p. 524).

Chúng ta không muốn áp dụng lời mô tả bi thảm đó vào tình huống của thời kỳ hậu công đồng, tuy nhiên, một điều gì từ những điều xảy ra đã được phản ảnh trong đó. Câu hỏi được đặt ra là: Tại sao cho đến nay việc thực thi Công đồng, trong phần lớn Giáo hội, lại khó khăn đến thế?

Vâng, tất cả phụ thuộc vào cách giải thích chính xác về Công đồng hoặc - như chúng ta sẽ nói hôm nay - vào khoa diễn giải thích hợp về nó, vào chìa khóa chính xác để giải thích và ứng dụng nó. Các vấn đề trong quá trình thực thi nó phát sinh từ sự kiện này: hai cách hiểu trái ngược nhau đã mặt đối mặt với nhau và tranh cãi với nhau. Một cách gây ra nhầm lẫn, còn cách kia, âm thầm nhưng ngày càng rõ ràng hơn, đã và đang đơm hoa kết trái.

Một mặt, có một cách diễn giải mà tôi gọi là "khoa diễn giải bất liên tục và đứt đoạn"; nó thường chiếm được thiện cảm của các phương tiện truyền thông đại chúng, và cũng là một xu hướng của nền thần học hiện đại. Mặt khác, có “khoa diễn giải cải cách”, canh tân trong tính liên tục của một chủ thể duy nhất là Giáo hội mà Chúa đã ban cho chúng ta. Giáo Hội là một chủ thể tăng triển theo thời gian và phát triển, nhưng luôn vẫn y nguyên, một chủ thể duy nhất là Dân Chúa đang lữ hành.

Khoa diễn giải bất liên tục có nguy cơ kết cục ở chỗ chia rẽ thành Giáo hội tiền công đồng và Giáo hội hậu công đồng. Nó khẳng định rằng các bản văn của Công đồng đúng nghĩa chưa phát biểu đúng tinh thần của Công đồng. Nó cho rằng chúng là kết quả của những thỏa hiệp, trong đó, để đạt được sự nhất trí, cần phải duy trì và xác nhận lại nhiều điều xưa cũ nay đã thành vô nghĩa. Tuy nhiên, tinh thần thực sự của Công đồng không được tìm thấy trong những thỏa hiệp này, nhưng thay vào đó được tìm thấy trong các thúc đẩy hướng tới những điều mới mẻ vốn chứa đựng trong các bản văn.

Chỉ riêng những đổi mới này mà thôi cũng đã được cho là đại diện cho tinh thần thực sự của Công đồng, và khởi đi từ và phù hợp với chúng, ta có thể tiến lên phía trước. Chính vì các bản văn chỉ phản ảnh một cách không hoàn hảo tinh thần thực sự của Công đồng và tính mới mẻ của nó, nên cần phải can đảm vượt ra ngoài các bản văn và dành chỗ cho sự mới mẻ trong đó ý định sâu xa nhất của Công đồng được phát biểu, cho dù một cách mơ hồ.

Nói một cách ngắn gọn: điều cần thiết là không tuân theo các bản văn của Công đồng mà là tinh thần của nó. Theo cách này, hiển nhiên, một biên độ rộng lớn được bỏ ngỏ cho câu hỏi làm thế nào tinh thần kia nên được xác định sau đó và do đó dành chỗ cho mọi ý thích tùy tiện.

Bản chất của một Công đồng đúng nghĩa đã bị hiểu sai từ trong căn bản. Theo cách này, nó được coi như một loại cơ quan lập hiến sẵn sàng loại bỏ một hiến pháp cũ và tạo ra một hiến pháp mới. Tuy nhiên, Quốc hội lập hiến cần một người ủy nhiệm (mandator) và sau đó sự xác nhận của người ủy nhiệm, nói cách khác, là chính nhân dân mà hiến pháp phải phục vụ. Các Nghị Phụ không có sự ủy nhiệm đó và cũng không ai giao cho họ một sự ủy nhiệm nào; và cũng không ai có thể ban cho họ một sự ủy nhiệm vì hiến phát thiết yếu của Giáo Hội xuất phát từ Chúa và đã được ban cho chúng ta để chúng ta có thể đạt được sự sống đời đời và, khởi từ viễn tượng này, có thể soi sáng sự sống trong thời gian và chính thời gian.

Nhờ Bí tích đã lãnh nhận, các Giám mục là những người quản lý hồng ân của Chúa. Các ngài là “những người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa” (I Cr 4: 1); như vậy, người ta thấy các ngài phải “trung thành” và “khôn ngoan” (x. Lc 12: 41-48). Điều này đòi hỏi các ngài phải quản lý hồng ân của Chúa một cách đúng đắn, để nó không bị giấu ở một nơi kín đáo nào đó, nhưng sinh hoa kết trái, và kết cục, Chúa có thể nói với người quản lý: "Vì con đáng tin trong một việc nhỏ, ta sẽ trao cho con phụ trách những việc lớn hơn”(x. Mt 25: 14-30; Lc 19: 11-27).

Những dụ ngôn Tin Mừng này nói lên động lực tính của lòng trung thành cần có trong việc phụng sự Chúa; và qua chúng, điều trở nên rõ ràng là, như trong một Công đồng, tính năng động và tính trung thực phải giao thoa với nhau.

Khoa diễn giải bất liên tục bị phản bác bởi khoa diễn giải cải cách, như đã được Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII trình bày đầu tiên trong Diễn văn khai mạc Công đồng vào ngày 11 tháng 10 năm 1962 và sau đó được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI trong Diễn văn kết thúc Công đồng ngày 7 tháng 12 năm 1965 nhắc lại.

Ở đây tôi sẽ chỉ trích dẫn những lời nổi tiếng của Đức Gioan XXIII, diễn đạt rõ ràng cách diễn giải này khi ngài nói rằng Công đồng mong muốn "lưu truyền tín lý, tinh tuyền và toàn diện, không có bất cứ sự suy giảm hay biến dạng nào". Và ngài nói tiếp: "Nhiệm vụ của chúng ta không những chỉ bảo vệ kho tàng quý giá này, như thể chúng ta chỉ thích các đồ cổ, mà còn phải cống hiến bản thân với một ý chí nghiêm chỉnh và không sợ hãi đối với công việc ấy mà thời đại của chúng ta đã đòi hỏi nơi chúng ta...". Điều cần thiết là "việc tuân thủ mọi giáo huấn của Giáo Hội trong tính toàn bộ và chính xác của chúng..." phải được trình bày một cách "hoàn toàn phù hợp với tín lý chân chính, tuy nhiên, tín lý này cần được nghiên cứu và giải thích bằng các phương pháp nghiên cứu và qua các hình thức văn học của tư tưởng hiện đại. Bản chất của tín lý cổ xưa trong kho tàng đức tin là một chuyện, mà cách thức trình bày nó lại là một chuyện khác... "; câu này vẫn giữ nguyên ý nghĩa và sứ điệp của nó (Các Văn kiện của Công đồng Vatican II , Walter M. Abbott, SJ, trang 715).

Rõ ràng là cam kết đối với việc phát biểu cách mới mẻ một sự thật chuyên biệt đòi hỏi một lối tư duy mới về sự thật này và một mối tương quan mới mẻ và quan yếu với nó; điều cũng rõ ràng là các từ ngữ mới chỉ có thể phát triển nếu chúng xuất phát từ một hiểu biết sáng suốt về sự thật được phát biểu, và mặt khác, suy tư về đức tin cũng đòi hỏi đức tin này phải được đem ra sống. Về phương diện này, chương trình mà Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đề xuất quả thực là vô cùng khắt khe, hệt như việc tổng hợp lòng trung thành và sự năng động cũng khắt khe không kém.

Tuy nhiên, bất cứ nơi nào việc giải thích này hướng dẫn việc thực thi Công đồng, thì đời sống mới đều phát triển và hoa trái mới chín mòng. Bốn mươi năm sau Công đồng, chúng ta có thể chứng tỏ rằng điều tích cực lớn hơn và sống động hơn rất nhiều so với những năm đầy biến động xung quanh năm 1968. Ngày nay, chúng ta thấy rằng mặc dù hạt giống tốt phát triển chậm, nhưng nó vẫn đang phát triển; và lòng biết ơn sâu sắc của chúng ta đối với việc làm của Công đồng cũng đang tăng lên.

Trong Diễn từ bế mạc Công đồng, Đức Phaolô VI đã nhấn mạnh một lý do chuyên biệt hơn nữa tại sao nền diễn giải bất liên tục xem ra có vẻ thuyết phục.

Trong cuộc tranh cãi lớn về con người từng đánh dấu kỷ nguyên hiện đại, Công đồng đã phải đặc biệt tập chú vào chủ đề nhân loại học. Nó phải đặt câu hỏi về mối tương quan giữa một mặt là Giáo hội và đức tin của Giáo hội, và mặt khác là con người và thế giới đương thời (xem đã dẫn). Vấn đề càng trở nên rõ ràng hơn nếu, thay vì từ ngữ chung chung "thế giới đương thời", chúng ta chọn một thuật ngữ khác chính xác hơn: Công đồng phải xác định một cách mới nẻ mối tương quan giữa Giáo hội và kỷ nguyên hiện đại.

Mối tương quan này có một khởi đầu phần nào sóng gió với vụ án Galileo. Sau đó nó hoàn toàn bị gián đoạn khi Kant mô tả "tôn giáo bên trong lý trí thuần túy" và khi, trong giai đoạn triệt để của Cách mạng Pháp, một hình ảnh về Nhà nước và hữu thể nhân bản trên thực tế không còn muốn dành cho Giáo hội bất cứ không gian nào để phát triển.

Vào thế kỷ 19 dưới thời Đức Piô IX, cuộc đụng độ giữa đức tin của Giáo hội với chủ nghĩa tự do cấp tiến và các khoa học tự nhiên, vốn cho rằng với kiến thức của mình, họ đã nắm được toàn bộ thực tại từ đầu đến cuối giới hạn của nó, nhất quyết đề nghị làm cho "giả thuyết về Thiên Chúa" trở thành dư thừa, cuộc đụng độ này đã khiến Giáo hội lên án gay gắt và triệt để chống lại tinh thần này của thời hiện đại. Do đó, dường như không còn bất cứ môi trường nào bỏ ngỏ cho một sự hiểu biết tích cực và hữu hiệu, và việc bác bỏ của những người cảm thấy họ là đại diện của kỷ nguyên hiện đại cũng rất quyết liệt.

Tuy nhiên, trong khi đó, thời hiện đại cũng đã có những bước phát triển. Người ta tiến tới chỗ hiểu ra rằng Cách mạng Mỹ đang đưa ra một mô hình Nhà nước hiện đại khác với mô hình lý thuyết với các khuynh hướng cấp tiến xuất hiện trong giai đoạn thứ hai của Cách mạng Pháp.

Các khoa học tự nhiên bắt đầu phản ảnh ngày càng rõ ràng hơn những hạn chế của chính chúng do phương pháp của chính chúng áp đặt, một phương pháp, mặc dù đạt được những điều vĩ đại, nhưng vẫn không thể nắm bắt được bản chất toàn bộ của thực tại.

Vì vậy, cả hai bên đã dần dần bắt đầu cởi mở với nhau. Trong giai đoạn giữa hai cuộc Thế chiến và nhất là sau Thế chiến thứ hai, các chính khách Công Giáo đã chứng minh rằng một Nhà nước thế tục hiện đại có thể hiện hữu mà không trung lập về các giá trị nhưng vẫn sống động, rút tỉa từ những nguồn đạo đức tuyệt vời do Kitô giáo mở ra.

Học thuyết xã hội Công Giáo, khi dần dần phát triển, đã trở thành một mô hình quan trọng giữa chủ nghĩa tự do triệt để và học thuyết Mác xít về Nhà nước. Các ngành khoa học tự nhiên, vốn không dè dặt tuyên bố một phương pháp của riêng chúng, một phương pháp không chấp nhận Thiên Chúa, đã hiểu ra một cách rõ ràng hơn bao giờ hết rằng phương pháp này không bao hàm toàn bộ thực tại. Do đó, một lần nữa, chúng mở cửa đón nhận Thiên Chúa, vì biết rằng thực tại lớn hơn phương pháp duy tự nhiên và tất cả những gì nó có thể bao trùm.

Có thể nói rằng ba vòng tròn câu hỏi đã hình thành mà sau đó, vào thời Công đồng Vatican II, đang mong đợi một câu trả lời. Trước hết, mối tương quan giữa đức tin và khoa học hiện đại cần được tái định nghĩa. Hơn nữa, điều này không chỉ liên quan đến các khoa học tự nhiên mà còn liên quan đến khoa học lịch sử vì, trong một trường phái nào đó, phương pháp phê bình lịch sử cho rằng mình có lời nói cuối cùng trong việc giải thích Kinh thánh và, đòi độc quyền hoàn toàn cho việc giải thích Sách Thánh của mình, đã chống đối những điểm quan trọng trong cách giải thích được đức tin của Giáo hội khai triển.

Thứ hai, cần phải đưa ra một định nghĩa mới cho mối tương quan giữa Giáo hội và Nhà nước hiện đại, một định nghĩa có thể dành chỗ một cách vô tư cho các công dân thuộc các tôn giáo và hệ tư tưởng khác nhau, chỉ còn nhận trách nhiệm đối với việc chung sống có trật tự và đầy khoan dung giữa họ với nhau và đối với quyền tự do thực hành tôn giáo của họ.

Thứ ba, liên hệ một cách tổng quát hơn với vấn đề này là vấn đề khoan dung tôn giáo - một vấn đề đòi hỏi một định nghĩa mới về mối tương quan giữa đức tin Kitô giáo và các tôn giáo thế giới. Đặc biệt, trước những tội ác gần đây của chế độ Quốc xã và, nói chung, khi nhìn lại chặng đường dài đầy khó khăn, cần phải đánh giá và xác định một cách mới mẻ mối tương quan giữa Giáo hội và đức tin của Israel.

Đấy là tất cả các chủ đề có tầm quan trọng lớn - chúng là các chủ đề lớn của phần thứ hai của Công đồng – những chủ đề vốn không thể suy nghĩ rộng hơn trong bối cảnh này. Điều rõ ràng là trong tất cả các lĩnh vực này, những lãnh vực vốn cùng nhau tạo thành một vấn đề đơn nhất, một loại bất liên tục nào đó có thể xuất hiện. Thật vậy, một bất liên tục đã được tiết lộ nhưng trong đó, sau khi đã đưa ra các phân biệt khác nhau giữa các tình huống lịch sử cụ thể và các yêu cầu của chúng, tính liên tục của các nguyên tắc được chứng minh là không bị bỏ rơi. Thoạt nhìn, người ta dễ bỏ lỡ sự kiện này.

Bản chất của việc cải cách đích thực hệ ở chính việc kết hợp giữa tính liên tục và bất liên tục ở các bình diện khác nhau này. Trong diễn trình đổi mới trong tính liên tục này, chúng ta phải học cách hiểu một cách thực tế hơn trước rằng các quyết định của Giáo hội về các vấn đề phụ thuộc (contingent) - thí dụ, một số hình thức thực tiễn của chủ nghĩa tự do hoặc cách giải thích Kinh thánh tự do – chính chúng nhất thiết phải có tính phụ thuộc, vì chúng nói đến một thực tại chuyên biệt vốn tự nó có thể thay đổi. Cần phải học cách hiểu ra rằng trong những quyết định này, chỉ các nguyên tắc mới phát biểu các khía cạnh vĩnh viễn, vì chúng tồn tại như một nguồn nuớc ngầm (undercurrent), làm động lực cho các quyết định từ bên trong.

Mặt khác, các hình thức thực tiễn vốn phụ thuộc vào hoàn cảnh lịch sử thì không vĩnh viễn như thế và do đó có thể thay đổi.

Do đó, các quyết định căn bản vẫn tiếp tục có cơ sở vững vàng, trong khi cách chúng được áp dụng vào các bối cảnh mới có thể thay đổi. Vì vậy, chẳng hạn, nếu coi tự do tôn giáo như một biểu thức của việc con người không có khả năng khám phá ra chân lý và do đó phong thánh cho thuyết tương đối, thì tính tất yếu xã hội và lịch sử này được nâng một cách không thích hợp lên bình diện siêu hình và do đó bị mất hết ý nghĩa thực sự của nó. Thành thử, nó không thể được chấp nhận bởi những người tin rằng con người có khả năng biết sự thật về Thiên Chúa và dựa vào phẩm giá bên trong của sự thật, buộc phải biết sự thật này.

Mặt khác, điều hoàn toàn khác là tri nhận tự do tôn giáo như một nhu cầu bắt nguồn từ việc chung sống của con người, hoặc, đúng hơn, như một hệ quả nội tại của chân lý không thể bị áp đặt từ bên ngoài nhưng con người phải tiếp nhận qua diễn trình xác tín mà thôi.

Công đồng Vatican II, khi công nhận và lấy làm của riêng nguyên tắc thiết yếu về Nhà nước hiện đại bằng Sắc lệnh về Tự do Tôn giáo, đã khôi phục di sản sâu sắc nhất của Giáo hội. Nhờ làm thế, công đồng có thể ý thức được việc mình hoàn toàn hòa điệu với giáo huấn của chính Chúa Giêsu (x. Mt 22: 21), cũng như với Giáo hội của các thánh tử đạo mọi thời. Vì bổn phận, Giáo hội cổ xưa đương nhiên cầu nguyện cho các hoàng đế và các nhà lãnh đạo chính trị (x. I Tm 2: 2); nhưng dù cầu nguyện cho các vị hoàng đế, Giáo Hội từ chối thờ cúng họ và do đó rõ ràng bác bỏ tôn giáo của Nhà nước.

Các vị tử đạo của Giáo hội sơ khai đã chết cho đức tin của họ vào Thiên Chúa, Đấng đã được mạc khải trong Chúa Giêsu Kitô, và chính vì lý do này mà các ngài cũng đã chết cho tự do lương tâm và tự do tuyên xưng đức tin của chính mình - một tuyên xưng mà không Nhà nước nào có thể áp đặt nhưng thay vào đó, chỉ có thể được tuyên xưng với ơn thánh của Thiên Chúa trong tự do lương tâm. Một Giáo hội truyền giáo nổi tiếng với việc công bố sứ điệp của mình cho mọi dân tộc nhất thiết phải hoạt động cho tự do đức tin. Giáo Hội ấy mong muốn thông truyền hồng phúc sự thật vốn hiện hữu cho mọi người.

Đồng thời, Giáo Hội bảo đảm với các dân tộc và Chính phủ của họ rằng Giáo Hội không muốn phá hủy bản sắc và văn hóa của họ khi thông truyền như vậy, nhưng ngược lại, đem lại cho họ một giải đáp mà trong sâu thẳm nhất lòng họ, họ đang chờ mong - một giải đáp mà với nó, sự đa dạng của các nền văn hóa không mất đi nhưng thay vào đó, sự hợp nhất giữa nam giới và nữ giới tăng lên và do đó hòa bình giữa các dân tộc cũng tăng lên.

Công đồng Vatican II, với định nghĩa mới của nó về mối liên hệ giữa đức tin của Giáo hội và một số yếu tố thiết yếu của tư tưởng hiện đại, đã duyệt lại hoặc thậm chí chỉnh sửa một số quyết định lịch sử, nhưng trong sự bất liên tục rõ ràng này, nó đã thực sự bảo tồn và làm sâu sắc thêm bản chất nội thẳm nhất và danh tính thực sự của Giáo hội.

Giáo hội, cả trước và sau Công đồng, đã và hiện vẫn là cùng một Giáo hội, duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền, đang lữ hành xuyên qua thời gian; Giáo Hội tiếp tục "cuộc hành hương của mình giữa những cuộc bách hại của thế giới và các an ủi của Thiên Chúa", luôn công bố cái chết của Chúa cho đến khi Người đến (xem Lumen Gentium, số 8).

Những ai mong đợi rằng với lời "xin vâng" căn bản này đối với kỷ nguyên hiện đại, mọi căng thẳng sẽ được xua tan và "sự cởi mở đối với thế giới" đạt được một cách thích đáng sẽ biến mọi sự thành tuyệt đối hài hòa với nhau, quả đã đánh giá thấp các căng thẳng nội tâm cũng như các mâu thuẫn vốn có trong kỷ nguyên hiện đại.

Họ đã đánh giá thấp sự yếu đuối nguy hiểm của bản chất con người vốn là mối đe dọa đối với sự tiến bộ của nhân loại trong mọi thời kỳ lịch sử và trong mọi nhóm tinh hoa lịch sử. Những nguy hiểm này, cùng với những khả thể mới và sức mạnh mới của con người đối với vật chất và đối với chính họ, đã không biến mất nhưng thay vào đó đã thu lượm được nhiều chiều kích mới: chỉ cần nhìn vào lịch sử ngày nay cũng đủ cho thấy điều này cách rõ ràng.

Trong thời đại chúng ta cũng vậy, Giáo Hội vẫn là một “dấu chỉ sẽ bị chống đối” (Lc 2: 34) - không phải vô cớ mà Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, khi còn là một Hồng Y, đã đặt đầu đề này cho các buổi Linh Thao mà ngài phụ trách năm 1976 cho Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và Giáo triều Rôma. Công đồng không thể có ý định xóa bỏ việc Tin Mừng chống đối các nguy hiểm và sai lầm của con người.

Ngược lại, chắc chắn Công Đồng có ý định khắc phục các mâu thuẫn sai lầm hoặc dư thừa để trình bày với thế giới chúng ta đòi hỏi của Tin Mừng trong sự cao cả và tinh ròng hoàn toàn của nó.

Các bước được Công đồng đưa ra đối với kỷ nguyên hiện đại, những bước vốn được trình bày một cách mơ hồ như là "sự cởi mở đối với thế giới", nói ngắn gọn thuộc về vấn đề muôn đời của mối liên hệ giữa đức tin và lý trí đang tái xuất hiện dưới những hình thức mới. Chắc chắn, tình huống mà Công đồng phải đối đầu có thể được so sánh với các biến cố của các kỷ nguyên trước đó.

Trong Thư thứ nhất của ngài, Thánh Phêrô thúc giục các Kitô hữu sẵn sàng đưa ra câu trả lời (apo-logia) cho bất cứ ai hỏi họ về logos, lý do cho đức tin của họ (xem 3: 15).

Điều này có nghĩa: đức tin Kinh thánh phải được thảo luận và tiếp xúc với văn hóa Hy Lạp và nhờ việc giải thích, học cách nhận ra ranh giới ngăn cách nhưng cũng là sự hội tụ và mối liên hệ giữa chúng trong một lý do duy nhất, do Chúa ban cho.

Vào thế kỷ 13, qua các nhà triết học Do Thái và Ả Rập, tư tưởng của Aristốt tiếp xúc với Kitô giáo thời Trung cổ vốn được đào tạo trong truyền thống Platông và đức tin và lý trí có nguy cơ rơi vào một mâu thuẫn không thể hòa giải, chính Thánh Tôma Aquinô trước tiên đã làm trung gian cho cuộc gặp gỡ mới giữa đức tin và triết học Aristốt, do đó đặt niềm tin vào mối liên hệ tích cực với hình thức lý trí thịnh hành vào thời đại của ngài.

Không còn nghi ngờ gì nữa, cuộc tranh chấp giữa lý trí hiện đại và đức tin Kitô giáo, vốn bắt đầu tiêu cực với vụ án Galileo, đã trải qua nhiều giai đoạn, nhưng với Công đồng Vatican II, đã đến lúc cần phải có những tư duy mới rộng rãi.

Nội dung của nó chắc chắn chỉ được tìm thấy một cách đại khái trong các bản văn công đồng, nhưng điều này đã xác định hướng đi cốt yếu của nó, để cuộc đối thoại giữa lý trí và đức tin, đặc biệt quan trọng ngày nay, tìm được phương vị của nó dựa vào Công đồng Vatican II.

Cuộc đối thoại này giờ đây phải được khai triển với tinh thần cởi mở lớn lao nhưng cũng với sự biện phân rõ ràng mà thế giới đang mong đợi một cách đúng đắn nơi chúng ta vào chính thời điểm này. Vì vậy, ngày nay chúng ta có thể nhìn Công đồng Vatican II với lòng biết ơn: nếu, nhờ được hướng dẫn bởi một khoa diễn giải đúng đắn, chúng ta giải thích được và thực thi nó, thì Công đồng ngày càng có thể là và có thể trở nên mạnh mẽ đối với việc canh tân Giáo hội luôn cần thiết.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đây Mạc Cần Dưng - Xứ đạo An Hòa
Lm. Phêrô Nguyễn Đức Thắng
07:57 10/08/2020
ĐÂY MẠC CẦN DƯNG – XỨ ĐẠO AN HÒA

Bao giờ có dịp đi ngang
Long Xuyên Châu Đốc nhớ thăm An Hòa.


Câu thơ trên là do tôi bắt chước bài hát về tính cách miệt vườn hào sảng, phóng khoáng của Chắc Cà Đao, Mạc Cần Dưng, miền tây nam bộ:

“Làng quê tên Mặc Cần Dưng,
Hướng lên Châu Đốc nửa chừng cầu cao.
Dưới kia là Chắc Cà Đao,
Cách tám cây số không sao lạc đường.
Xuống kinh qua tới bờ mương,
Nhà tôi mát rượi, cá lươn rất nhiều.
Nuôi nhiều ăn chẳng bao nhiêu,
Dành khi có khách sẽ chiêu đãi liền.
Mong sao gặp được bạn hiền,
Chén thù chén tạc thì tiên cũng hàng.
Bao giờ có dịp đi ngang,
Viếng Bà Chúa Xứ, ghé làng mình chơi”.


Thú thật khi về sống ở đây gần một năm trước, tôi rất ngỡ ngàng về chất chơi chính hiệu “anh tư ếch” xứ này. Dân An Hòa, phóng khoáng không cay nghiệt, nhiệt tình không vồn vã nhưng một khi đã “chơi” thì đến “tiên cũng hàng”.

Với tôi ngày thơ bé, cái tên Chắc Cà Đao và nhất là Mạc Cần Dưng chỉ là “hóc bà tó” nào đó, xa lơ xa lắc thuộc vùng núi Tà Lơn kỳ bí không biết có thật không hay chỉ có trong trí tưởng tượng của những người viết truyện liêu trai. Hơn nữa, câu đồng dao: “Chắc Cà Đao, Mạc Cần Dưng, cùm tay lớn hơn cùm chưn” lại càng làm tôi xác tín nó thuộc về thế giới của những chú lùn kỳ dị chứ làm gì có thứ người mà cổ tay lớn hơn cổ chân. Thế rồi... boom !!!... sau những năm tháng học hành ở Rôma thành đô vĩnh cửu, kinh thành bất tử, sau khi đã kinh qua các thành phố Châu u, Châu Mỹ rạng ngời văn minh nhân loại, tôi được sai về đúng cái hóc bà tó này.

Nằm bên bờ sông Hậu, An Hòa là họ đạo duy nhất bao trọn Mạc Cần Dưng và cách thị trấn Chắc Cà Đao 9 km, rồi đi thêm 9 km nữa là tới thành phố Long Xuyên. Thế mà, chẳng biết từ bao giờ và vì lý do gì, người ta lại ngâm nga: “Em là gái Chắc Cà Đao, xứ em xa lắm anh nào có hay”. Xa lắm là sao? Có lẽ do tên gọi của nó nhắc nhớ về một quá khứ đã bị lãng quên, và bởi vì chất thôn dã của nó giống dân Amish mà mỗi khi có dịp qua thăm bên Mỹ tôi luôn tìm đến.

Địa danh vùng này bắt nguồn từ tiếng Khmer nên dù lạ tai nhưng luôn có nghĩa nhất định: Chắc Cà Đao là rạch dây mây (có người cho là rạch cua), Năng Gù là sừng bò, Mạc Cần Dưng còn gây tranh cãi về ý nghĩa, tuy nhiên, phần lớn đồng ý là con rạch với tên riêng. Rạch Cần Dưng rồi rạch Cần Đăng là nhánh sông nhỏ chảy từ sông Hậu vô thẳng vùng Bảy Núi, với trung tâm là thị tứ Tri Tôn, Xà Tón (nhiều khỉ). Ngày nay, tên Mạc Cần Dưng gần như biến mất chỉ còn lại biến thể của nó là Cần Đăng, một thị tứ gần đó trên đường từ An Hòa đi về hướng Thất Sơn có núi Cấm núi Sam và những ngôi chùa Khmer trên 200 năm.

Chất chơi của dân Mạc Cần Dưng không hầm hố khô máu đao to búa lớn, nhưng zui zẻ ấm áp tình cảm như “sóng của Xuân Quỳnh”: dữ dội và dịu êm, ồn ào mà lặng lẽ. “Chơi không sợ mưa, nhưng sợ ướt” bởi vì: “dân chơi không sợ mưa rơi, nhưng mà mưa quá thì đi zô nhà”. Họ phóng khoáng không cay nghiệt, nhiệt tình không vồn vã kiểu chính hiệu tây nam bộ, một khi đã xả láng là sáng mới zìa. Liu riu nhẹ nhàng thôi, hai ông sui ngồi lai rai với nhau có thể liên tục hai ngày cho tới khi một ông lăn đùng ra chết. Có “mồi bén” họ rủ bạn đến chơi, và chỉ cần ba hay thậm chí hai người là có thể gọi karaoke kẹo kéo tới ca hát mát trời ông địa, uống đến “lên bờ xuống ruộng” mới thôi. Không cầu kỳ kiểu cách, khi được cha sở tới nhà dùng bữa, chủ nhà vồn vã, niềm nở: “hôm nay gia đình con không có dịp gì đặc biệt hết, ông cố tới cũng chỉ vì miếng ăn, ông cố tự nhiên ngheng”, chứ không mượt mà màu mè thưa bẩm dài dòng văn tự như người miền ngoài. Người ta vẫn kể lại chuyện chủ nhà đãi khách món cá vồ thơm ngon béo ngậy mà thấy khách còn chưa cầm đũa nên vội phân bua: “mèng đéc ơi thoải mái đi, cầu cá dồ chỉ có nhà tui đi thôi chứ không có người ngoài đâu à ngheng”(!).

Tự nhiên, thân tình trong ăn uống nhưng lại mắc cỡ, vụng về và xa lạ với những quy tắc xã giao cơ bản. Có những người khi tới nhà xứ liền lớn tiếng “cha có nhà không” rồi đẩy cửa bước vô, chứ gõ cửa thì “hổng quen, ngại lắm”. Có chị kia bước thẳng vô phòng nhà xứ rồi mới hồn nhiên để lòng bình yên: “con thấy có chuông mà con hổng dám bấm”. Thiệt là cái tình! Lại cũng không thiếu những người chừng 5-7 năm không “đi nhà thờ” (thành ngữ nói về đi xưng tội ở vùng này) chỉ vì “ghét ông cha cũ”. Họ muốn đến nhà xứ bất cứ lúc nào cũng được, có khi tờ mờ sáng trước giờ chuông 4:30, có khi ngay giờ ăn, giờ nghỉ, hoặc khi đã chuẩn bị tắt đèn đi ngủ. Lý do cho những lúc đến không được mong đợi đó là vì dân xứ này có tất cả thời gian trên trái đất, họ muốn đến gặp cha sở lúc nào thì đến, đừng giới hạn họ vào khuôn khổ giờ giấc. Đi xin Lễ cho người qua đời, dân An Hòa không xin cầu nguyện cho linh hồn nào đó nhưng là cầu cho vị thánh, chẳng hạn: “xin cha cầu nguyện cho thánh Phêrô, Thánh Maria vv... nhưng nếu gặp tên nước ngoài hơi khó thì nhức đầu để phán đoán lắm luôn: thánh Canađa (Catarina), thánh Alibaba (Athanasio), Phê trê Phê Lóc là có thật ở xứ này các bạn ạ! Có lần họ xin cầu nguyện cho thánh Cao-su-lô, sau vài câu cân não đối thoại thì người xin nhớ ra “súng đạn gì đó” và mình cũng chợt thông minh lên... à thì ra là thánh Carôlô (nhờ ghiền phim viễn Tây Mỹ với các anh chàng cao bồi đeo súng rulo).

Ngày nay, nhiều gia đình vùng Mạc Cần Dưng trốn chạy cái nghèo khổ, nhất là trốn việc cõng gạch từ bé đến nỗi “cùm tay bự hơn cùm chưn”, để đi Bình Dương kiếm sống, nhưng khó khăn vẫn đeo bám người ở lại, ngay các ông trùm xứ đạo cũng hầu hết là người làm thuê kiếm ăn từng ngày. Rất nhiều người vẫn sống trong các căn nhà bằng vài tấm tôn thiếc, vách lá tạm bợ, nhiều căn không có cánh cửa, chỉ có tấm bạt che chắn khi trời gió mưa. Chính vì thế mà dân ở đây không có khái niệm gõ cửa, bấm chuông. Ai đó cứ nói tới thời đại 4.0, cứ việc bàn về trí tuệ nhân tạo, công nghệ nano, dân xứ này vẫn mộc mạc chân chất. Dù đã xa rồi cái thời “ruộng đồng mặc sức chim bay, biển hồ lai láng mặc bầy cá đua”, con người ở đây vẫn giữ tinh thần hồ hải tang bồng, bất chấp tất cả: “Ra đi là sự đã liều. Nắng mai không biết, mưa chiều không hay”. Các ông quới chức trong xứ đạo cũng không ngoại lệ, một khi chén tạc chén thù thì công việc ngày mai ư? Cứ để ngày mai lo.

Khi xã hội đổi thay nhanh chóng, khi người người chỉ lo kiếm tiền, khí chất Mạc Cần Dưng vẫn chảy trong huyết quản người An Hòa: nghĩa hiệp, hiếu khách, thân thiện, và sống chậm (tới mức lề mề). Dễ hiểu mà, người ở đây có tất cả thời gian trên trái đất.

Bao giờ có dịp có đi ngang, Long Xuyên Châu Đốc, nhớ thăm An Hòa.

Linh mục Phêrô Nguyễn Đức Thắng
Nhà thờ Trái Tim - An Hòa
 
Hội thi Rung Chuông Vàng giáo xứ Tụy Hiền Tgp. Hà Nội
Joseph Hùng Lửa
08:40 10/08/2020
Sáng ngày 08/8/2020, tại giáo họ Đông Mỹ thuộc xứ Tụy Hiền đã diễn ra Hội thi Rung Chuông Vàng cho gần 200 em Thiếu nhi và Giới trẻ đến từ nhà xứ Tụy Hiền, giáo họ Vạn Thắng, Đông Mỹ, thánh Phêrô (Sêu) và giáo họ Hà Đoạn.

Xem Hình

Đúng 6h30, các thí sinh tập trung tại nhà thờ giáo họ Đông Mỹ. Trước khi bắt đầu, các bạn Giới trẻ và các em Thiếu nhi đã chào ngày mới bằng những bài cử điệu hết sức sôi động và ý nghĩa. Đây cũng chính là lời động viên, cổ vũ các thí sinh hãy cố gắng hết mình, vui để học và học mà vui.

7h30, cha xứ Antôn đã khai mạc Hội thi Rung Chuông Vàng với chủ đề “Các Con Hãy Nên Thánh”. Ngài nhắn nhủ các thí sinh “Các con hãy cố gắng hết mình, hôm nay là ngày cả Giáo Hội kính nhớ tới thánh Đa Minh - vị Thánh đạo đức và thánh thiện. Khi còn là thiếu nhi, Thánh nhân đã có sở thích đọc sách, tìm hiểu Kinh Thánh. Khi lớn lên, ngài đã dùng tài năng của mình để mang Lời Chúa đến cho mọi người. Các con hãy noi gương Thánh Đa Minh, trung thực, hăng say, nhiệt thành, hãy dùng kiến thức và khả năng của các con để làm chứng cho Chúa tại cuộc thi này và sau cuộc thi này”. Sau lời khai mạc của Cha xứ, Hội thi bắt đầu với câu hỏi đầu tiên.

Sau 28 câu hỏi với mức độ từ dễ đến khó, Ban giám khảo đã tìm ra những bạn đoạt giải xuất sắc nhất trong Hội thi hôm nay. Đây là lần đầu tiên các em được vui chơi, học hỏi Giáo lý và Kinh Thánh dưới hình thức “Rung Chuông Vàng” cho nên tất cả các em đều rất hào hứng, sôi nổi và nhiệt tình.

Trải qua những câu hỏi có em vui mừng, phấn khởi nhưng cũng có em đượm buồn và tiếc nuối vì phải dừng cuộc chơi. Chính những điều đó làm nên thành công và sự hứng thú cho các em trong ngày hội Rung Chuông Vàng hôm nay.

Kết thúc Hội thi, cha xứ Antôn gửi lời chúc mừng tới tất cả các thí sinh đã vượt qua kỳ thi này. Ngài hi vọng, trong tương lai sẽ có nhiều cuộc thi như thế này để gắn kết các bạn Thiếu nhi, Giới trẻ thành một khối duy nhất, góp phần làm cho Giáo xứ, Giáo họ thêm mạnh về Đức tin và lòng Mến.

Bài viết và hình ảnh: Joseph Hùng Lửa
 
VietCatholic TV
Cha Ricardo Antonio Cortez, Giám đốc Đại Chủng Viện Romero, El Salvador, bị ám sát.
Giáo Hội Năm Châu
04:05 10/08/2020
 
Phản gián Mỹ: Trung Quốc cho tin tặc tấn công phá hoại bầu cử, quyết tâm hạ gục Tổng thống Trump
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
05:01 10/08/2020


1. Điện tặc Trung Quốc ồ ạt tấn công cơ sở hạ tầng bầu cử Mỹ

Hôm Chúa Nhật 9 tháng 8, Cố vấn An ninh Quốc gia của Tòa Bạch Ốc là ông Robert O'Brien cho biết các tin tặc có liên hệ với chính phủ Trung Quốc đã nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng bầu cử Mỹ trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Lời tuyên bố này của Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O'Brien cho thấy mức độ cụ thể hơn của các cáo buộc rằng Trung Quốc đang can thiệp vào cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ với ước muốn hạ gục Tổng thống Trump.

Nhận xét của ông O'Brien đã bổ sung cho một tuyên bố đưa ra hôm thứ Sáu của Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia cho biết Trung Quốc, Iran và Nga “đang mở rộng các nỗ lực ảnh hưởng của mình” để thao túng cuộc bầu cử vào ngày 3 tháng 11 sắp tới tại Hoa Kỳ.

“Họ muốn thấy Tổng thống thua cuộc, ” O'Brien nói trên đài CBS trong chương trình “Face the Nation.” Trung Quốc, cũng như Nga, và Iran đã tham gia vào các cuộc tấn công mạng và các trò lừa đảo và những trò đại loại như thế nhắm vào các cơ sở hạ tầng bầu cử của chúng ta, liên quan đến các trang web và những thứ tương tự.”

Trung Quốc đã liên tục phủ nhận các tuyên bố của chính phủ Mỹ rằng họ cho các tin tặc tấn công các công ty, các chính trị gia và các cơ quan của chính phủ Mỹ. “Cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ là chuyện nội bộ của họ, chúng tôi không quan tâm đến việc can thiệp vào việc đó, ” phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng (Geng Shuang - 耿爽) nói như trên hồi tháng Tư.

Ông O'Brien cho biết Hoa Kỳ đã chứng kiến các trường hợp tin tặc cố gắng xâm nhập vào các trang web trực thuộc các văn phòng của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ trên khắp đất nước, và những nơi chịu trách nhiệm quản lý các cuộc bầu cử ở cấp địa phương. Bên cạnh đó còn có các hoạt động nhằm thu thập dữ liệu về người Mỹ.

“Đó là một mối quan tâm thực sự và chúng tôi nói rõ rằng sẽ có những hậu quả nghiêm trọng đối với bất kỳ quốc gia nào cố gắng can thiệp vào cuộc bầu cử tự do và công bằng của chúng tôi.”

Hội đồng An ninh Quốc gia, gọi tắt là ODNI đã không trả lời ngay lập tức các yêu cầu bình luận hoặc làm rõ liệu những lời tuyên bố của ông O'Brien có mâu thuẫn với ý kiến của họ hay không.

Trước đây ODNI đã nhiều lần nói rằng có “những kẻ thù” đang tìm cách thâm nhập các thông tin liên lạc riêng tư của các ứng cử viên chính trị Mỹ và thâm nhập vào hệ thống bầu cử của Mỹ trước cuộc bầu cử vào tháng 11. ODNI cũng cho biết rằng Trung Quốc muốn Tổng thống Donald Trump không được tái cử thêm một nhiệm kỳ nữa.


Source:Reuters

2. Người đứng đầu ngành phản gián Mỹ cảnh báo rằng Nga, Trung Quốc, và Iran đang cố gắng can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2020

Hôm thứ Sáu, viên chức phản gián hàng đầu của Mỹ cảnh báo rằng Nga, Trung Quốc và Iran đều đang cố gắng can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.

Trong một tuyên bố bất thường trước công chúng, William Evanina, Giám đốc Trung tâm Phản gián và An ninh Quốc gia, cho biết các quốc gia vừa nêu đang sử dụng các thông tin sai lệch trên mạng lưới toàn cầu và các phương tiện khác để cố gắng tác động các cử tri Hoa Kỳ, gây rối loạn và làm suy giảm niềm tin của cử tri Mỹ vào tiến trình dân chủ.

Các đối thủ nước ngoài cũng có thể cố gắng can thiệp vào hệ thống bầu cử của Hoa Kỳ bằng cách cố gắng phá hoại quá trình bỏ phiếu, đánh cắp dữ liệu bầu cử hoặc chất vấn về tính hợp lệ của kết quả bầu cử.

Tuy nhiên, ông Evanina khẳng định:

“Các đối thủ của chúng ta không dễ dàng gì có thể gây cản trở hoặc thao túng kết quả bỏ phiếu ở một quy mô lớn.”

Nhiều đánh giá trên các phương tiện truyền thông cho rằng Nga đã hành động để thúc đẩy chiến dịch tranh cử năm 2016 của Tổng thống Donald Trump và làm giảm cơ hội thắng cử của bà Hillary Clinton là đối thủ của ông Trump trong cuộc bầu cử đó. Tổng thống Trump từ lâu đã phản đối nhận xét này, là điều mà Nga cũng phủ nhận.

Evania cảnh báo hôm thứ Sáu rằng Nga đã theo đuổi cựu Phó Tổng thống Biden và điều mà họ coi là một cơ sở “chống Nga” tại Hoa Kỳ.

Evanina cho biết Andriy Derkach, một chính trị gia Ukraine thân Nga, đã “lan truyền các tuyên bố về tham nhũng - bao gồm cả việc công bố các cuộc điện thoại bị rò rỉ để phá hoại chiến dịch của Biden và Đảng Dân chủ”. Những người ủng hộ tổng thống Trump tại Thượng viện Hoa Kỳ đã mở các cuộc điều tra trên nghi vấn rằng con trai của ông Biden là Hunter có liên quan đến các hoạt động kinh doanh bị cáo buộc ở Ukraine.

Evanina cho biết “các tác nhân có liên hệ với Điện Kremlin” cũng đang cố gắng “thúc đẩy việc thắng cử của Tổng thống Trump thông qua các mạng xã hội và truyền hình Nga.”

Ông cũng cho biết thêm cơ quan của ông đánh giá rằng Trung Quốc không muốn thấy tổng thống Trump được tái cử một lần nữa, vì Bắc Kinh xem ông Trump là một kẻ thù nguy hiểm, quá khó đoán được đường đi nước bước.

Ông cho biết Trung Quốc đã và đang mở rộng nỗ lực ảnh hưởng trên chính trường Hoa Kỳ trước cuộc bầu cử tháng 11 để cố gắng định hình chính sách của Hoa Kỳ, gây áp lực lên các chính trị gia Hoa Kỳ mà họ coi là chống Trung Quốc, và làm giảm các chỉ trích về tình trạng nhân quyền tồi tệ của Trung Quốc.

Evanina cho biết Iran có khả năng sử dụng các chiến thuật trực tuyến như phát tán thông tin sai lệch để làm mất uy tín của các tổ chức Mỹ và Tổng thống Trump, đồng thời khuấy động sự bất bình của các cử tri Mỹ.

Các nhà lãnh đạo của Ủy ban Tình báo Thượng viện, là Thượng nghị sĩ Marco Rubio của Đảng Cộng hòa và Thượng nghị sĩ Mark Warner của Đảng Dân chủ, đều lên tiếng cám ơn lời cảnh báo của Evanina trong một tuyên bố chung và nói thêm rằng tất cả người Mỹ “nên cố gắng ngăn chặn các tác nhân bên ngoài có thể can thiệp vào cuộc bầu cử của chúng ta, ảnh hưởng đến chính trị của chúng ta, và làm xói mòn niềm tin vào các thể chế dân chủ của chúng ta.”

Đây sẽ là một năm bất thường đối với cử tri Hoa Kỳ. Đại dịch coronavirus dự kiến sẽ dẫn đến nhiều cử tri bỏ phiếu qua đường bưu điện, điều này có nghĩa là sẽ mất nhiều thời gian hơn để biết ai là người chiến thắng.

Tổng thống Trump đã tấn công ý tưởng bỏ phiếu qua thư, và nói rằng điều đó có khả năng dẫn đến gian lận.


Source:Reuters

3. Phản ứng của tổng thống Trump đối với tuyên bố của cơ quan phản gián Hoa Kỳ

Trong cuộc họp báo hôm 7 tháng 8, khi được hỏi về tuyên bố của ông Evanina, Tổng thống Trump nói: “Cả ba nước đều muốn tôi thua cuộc.”

“Chúng ta sẽ xem xét tất cả. Chúng ta phải hết sức thận trọng.” Đề cập đến Nga, Tổng thống Trump nói: “Tôi nghĩ rằng người cuối cùng mà Nga muốn thấy trong chức vụ này là Donald Trump bởi vì chưa ai cứng rắn với Nga hơn tôi - từ trước đến nay.”

Lý do là ông đã thúc đẩy các thành viên NATO thực hiện các cam kết chi tiêu quốc phòng của họ, gia tăng các chi tiêu quân sự của Hoa Kỳ kể từ khi ông nhậm chức, và các nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn chặn việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream 2 mà Nga đang xây dựng để vận chuyển khí đốt đến Âu châu dưới lòng Biển Baltic.

Tổng thống Trump cho biết Iran cũng rất muốn nhìn thấy ông thua, sau khi tướng Qasem Soleimani bị Hoa Kỳ hạ sát bằng máy bay không người lái tại phi trường Baghdad. Tuy nhiên, ông nói thêm, “Nếu tôi thắng, tôi sẽ thực hiện các thỏa thuận với Iran rất nhanh chóng.”

Theo Tổng thống Trump, Iran đang “khao khát đến chết để đạt được các thỏa thuận, nhưng họ thà thực hiện một thỏa thuận như thế với Joe Biden hơn là với tôi.”

Tổng thống Trump nói Trung Quốc muốn thấy Biden chiến thắng, và nếu viên cựu phó tổng thống này đắc cử, “Trung Quốc sẽ làm chủ đất nước của chúng ta.”


Source:Reuters
 
Oái oăm: Bom nổ ở Beirut, cách xa hơn nửa vòng trái đất, người Úc tái mặt nhận ra nguy cơ lớn hơn
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
17:42 10/08/2020


1. Ðức Thánh Cha kính viếng Ðền thờ Ðức Bà Cả.

Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết chiều thứ Tư 05 tháng 8, lễ nhớ Cung hiến Ðền thờ Ðức Bà Cả, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã đến kính viếng Ðền thờ, cầu nguyện cho nhiều hoàn cảnh đau đớn đang xảy ra trên thế giới và đặc biệt cho tình hình ở Li Băng.

Ðức Thánh Cha đã đến cầu nguyện trước bức ảnh Ðức Mẹ là Phần rỗi của Dân thành Roma. Ngài vẫn có thói quen đến cầu nguyện trước ảnh Ðức Mẹ này: Ngay hôm sau ngày được bầu làm Giáo Hoàng, 14 tháng 3 năm 2013. Tiếp đến là mỗi lần trước và sau các chuyến tông du tại nước ngoài, hoặc trước mỗi biến cố quan trọng trong đời sống Giáo Hội, đặc biệt trong lần gần đây nhất, Chúa nhật 15 tháng 3, ngài cũng bất ngờ rời Vatican đến cầu nguyện tại đây và sau đó đi bộ như một người hành hương đến nhà thờ Thánh Marcello nằm trên đường Corso, nơi có Thánh Giá làm phép lạ để khẩn nài Chúa Giêsu và Ðức Mẹ cho đại dịch chấm dứt, cầu xin ơn chữa lành cho các bệnh nhân, xin cho các gia đình của các bệnh nhân tìm được niềm ủi an và khích lệ.

Sáng thứ Tư 5 tháng 8, lễ nhớ Cung hiến Ðền thờ đã do Ðức Hồng Y giám quản Stanislaw Rylko, người Ba Lan chủ sự. Theo truyền thống, trong lúc hát kinh Vinh Danh, có mưa hoa trắng tưởng nhớ trận tuyết rơi trong năm 358. Theo truyền thống, Ðức Trinh Nữ xuất hiện trong giấc mơ với Ðức Giáo hoàng Liberio và quý tộc Giovanni, yêu cầu xây một đền thờ dâng kính Ðức Mẹ ở nơi mà Mẹ sẽ chỉ. Sáng hôm sau 5 tháng 8 tuyết rơi trên đồi Esquilino. Tháng 8 là mùa hè, trời Roma rất nóng, nhưng tuyết đã rơi trên đồi Esquilino. Vì thế Ðền thờ đã được xây dựng tại đây.


Source:Vatican News

2. Người biểu tình Beirut yêu cầu câu trả lời về vụ nổ chết người

Các lực lượng an ninh đã bắn hơi cay vào một đám đông ở Beirut, khi sự tức giận bùng lên đối với giới cầm quyền, là những người bị kết tội đã quản lý đất nước yếu kém dẫn đến sự sụp đổ kinh tế. Một số người đã ném đá vào cảnh sát, đánh dấu sự quay trở lại kiểu biểu tình đã trở thành một nét đặc trưng của cuộc sống khi người Li Băng chứng kiến tiền tiết kiệm của họ bốc hơi và hệ thống tiền tệ tan rã.

Người dân địa phương Beirut ngày càng tức giận sau khi có các bằng chứng cho thấy các quan chức đã phớt lờ những cảnh báo được lặp đi lặp lại về kho chứa hóa chất nguy hiểm được nghi ngờ là đã tạo ra những vụ nổ chết người ở thủ đô Beirut của Li Băng.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gặp gỡ những người biểu tình khi đi thăm các đường phố bị tàn phá của Beirut.

Tổng thống Pháp cũng kêu gọi chính phủ Li Băng đối phó với tham nhũng và áp dụng các biện pháp cải cách.

Li Băng hiện đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Tham nhũng và quản lý tài chính yếu kém dẫn đến sự mất giá chưa từng có của đồng tiền Li Băng, siêu lạm phát, thất nghiệp gia tăng và các hạn chế ngân hàng. Hệ thống y tế cũng khủng hoảng. Tình trạng mất điện và các cuộc biểu tình trên đường phố đã làm rung chuyển cả nước vài tháng trước khi đại dịch coronavirus bùng phát.

Trong những năm gần đây, Li Băng đã tiếp nhận một lượng lớn người tị nạn Syria và Iraq, nhiều người trong số họ là người Hồi Giáo, như những người tị nạn Palestine. Theo dữ liệu chính thức, Li Băng hiện có gần 2 triệu người tị nạn, chiếm khoảng một phần ba tổng dân số.


Source:Sky News Australia

3. Khủng hoảng ammonium nitrate lan sang đến Úc Đại Lợi

Bom nổ tại Li Băng nhưng cách xa hơn nửa vòng trái đất, người Úc đang tái mặt.

Nguyên nhân của vụ nổ kinh hoàng tại Beirut, thủ đô của Li Băng, đến nay vẫn chưa được rõ, nhưng các báo cáo ban đầu cho thấy dường như một vụ hỏa hoạn đã kích nổ một nhà kho tại hải cảng chính của thành phố này.

Các nhân chứng báo cáo đã nhìn thấy một đám mây màu cam kỳ lạ giống như thường xuất hiện khi khí nitro dioxide độc hại thoát ra sau một vụ nổ liên quan đến nitrat.

Do đó, nhiều người tin rằng nguyên nhân của vụ nổ kinh hoàng ở Beirut có thể là do phản ứng hóa học từ ammonium nitrate.

Thủ tướng Li Băng, Hassan Diab, cho biết 2, 700 tấn ammonium nitrate đã phát nổ sau khi được tàng trữ không an toàn trong một nhà kho trong sáu năm qua.

Những tin tức này từ Li Băng đã gây quan ngại sâu xa cho người dân sống trên đảo Kooragang của thành phố Orica gần cảng Newcastle của Úc Đại Lợi, đặc biệt là sau khi các quan chức tại cảng này thành thật khai báo rằng họ đang tàng trữ một lượng ammonium nitrate nhiều gấp 5 lần tại cảng Beirut của Li Băng.

Chris Kenny của Sky News Australia cho biết người dân địa phương ở Newcastle đã hết sức lo ngại về việc tàng trữ hàng chục tấn ammonium nitrate cảng Newcastle.

Các phương tiện truyền thông Úc cho rằng tại Orica 12, 000 tấn ammonium nitrate đang được chứa tại cảng Newcastle; nhiều hơn đến gần sáu lần so với những gì được lưu trữ ở Beirut khi nó phát nổ làm tan hoang cả thành phố.

Theo Kenny, nổ ammonium nitrate không phải là chưa từng xảy ra tại Úc. Tại Queensland vào năm 2014, một chiếc xe tải chở khoảng 50 tấn ammonium nitrate đã bốc cháy và phát nổ.

Đã có những lời kêu gọi mở các cuộc biểu tình tại cảng Newcastle nhưng cảnh sát cho biết họ sẽ mạnh tay với người biểu tình vì những lo ngại liên quan đến coronavirus.


Source:Sky News Australia

4. Li Băng nhận thấy có thể có 'sự can thiệp từ bên ngoài' vào vụ nổ ở cảng Beirut

Tổng thống Li Băng cho biết cuộc điều tra về vụ nổ lớn nhất trong lịch sử của Beirut sẽ xem xét liệu nó có phải do bom gây ra hay do sự can thiệp từ bên ngoài, trong khi người dân nước này đang tìm cách xây dựng lại những ngôi nhà và cuộc sống tan nát của họ.

Các toán tìm kiếm đang sàng lọc những đống đổ nát trong cuộc chạy đua cứu sống bất cứ ai bị chôn vùi trong đống đổ nát sau vụ nổ hôm thứ Ba tuần trước khiến gần 200 người thiệt mạng, 5, 000 người bị thương, phá hủy một vùng thành phố Địa Trung Hải và phát ra các sóng địa chấn xung quanh khu vực.

“Hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân. Có khả năng có sự can thiệp từ bên ngoài bằng hỏa tiễn, bằng bom hoặc bằng các hành động khác”, Tổng thống Michel Aoun nói với truyền thông địa phương.

Trước đó, tổng thống Aoun cho biết ammonium nitrate đã được cất giữ không an toàn trong nhiều năm tại cảng. Ông nói thêm rằng cuộc điều tra cũng sẽ cân nhắc xem vụ nổ này có phải là do sơ suất hoặc do tai nạn hay không. Ông cũng thông báo rằng, cho đến nay đã có 20 người bị giam giữ.

Trong khi Hoa Kỳ nói rằng họ không loại trừ một cuộc tấn công, Israel, quốc gia đã từng tham gia một số cuộc chiến với Li Băng, đã phủ nhận bất kỳ vai trò nào trong vụ này. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết nguyên nhân đến nay vẫn chưa rõ ràng, nhưng so sánh vụ nổ với vụ đánh bom năm 2005 khiến cựu Thủ tướng Rafik al-Hariri thiệt mạng.

Sayyed Hassan Nasrallah, thủ lĩnh của nhóm Shi'ite mạnh nhất của Li Băng là nhóm Hezbollah, do Iran hậu thuẫn, đã bác bỏ những gì ông nói là các “định kiến” cả trong và ngoài nước rằng nhóm này đã có các vũ khí được lưu trữ tại cảng.

Ông kêu gọi một cuộc điều tra công bằng và quy trách nhiệm nghiêm minh cho bất kỳ ai chịu trách nhiệm mà không có bất kỳ bao che chính trị nào.

“Ngay cả khi vụ này xảy ra vì một chiếc máy bay tấn công, hoặc cho dù đó là một hành động cố ý, thì hiển nhiên rằng khối lượng ammonium nitrate này đã có mặt tại cảng trong nhiều năm qua, nghĩa là một phần của vụ án này là sự cẩu thả và tham nhũng, ” ông nói.

Giám đốc hải quan và một người tiền nhiệm đã bị bắt vào hôm vào thứ Sáu.


Source:Reuters