Ngày 10-08-2018
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tài Liệu Làm Việc của Thượng Hội Đồng năm 2018: Chương II: Các kinh nghiệm và loại ngôn ngữ
Vũ Văn An
00:46 10/08/2018


Chương II: Các kinh nghiệm và loại ngôn ngữ

26. Như cuộc Gặp Mặt Tiền THƯỢNG HỘI ĐỒNG đã nhấn mạnh một cách hữu hiệu, các thế hệ trẻ là những người mang theo một cách tiếp cận thực tại rất đặc thù, một cái vốn và một nguồn gốc của sự độc đáo; tuy nhiên, vốn liếng này cũng có thể lạc điệu hoặc gây bối rối cho người lớn. Dù thế, chúng ta cần tránh các phán đoán vội vàng. Cách tiếp cận của họ dành ưu tiên cho tính cụ thể và cho hành động hơn là phân tích lý thuyết. Nó không phải là chủ nghĩa đấu tranh mù quáng và khinh miệt đối với chiều kích tri thức: theo cách người trẻ hành động một cách tự phát, sự vật được hiểu bằng việc làm và các vấn đề được giải quyết khi chúng nảy sinh. Có một sự kiện không kém hiển nhiên: tính đa nguyên của các khác biệt, cả trong các hình thức triệt để của nó, là một điều người trẻ coi như chuyện đương nhiên. Đây không phải là sự bác bỏ duy tương đối, không muốn quả quyết căn tính, nhưng là một điều hàm ngụ rằng, về căn bản, ta biết có sự hiện hữu của những lối sống khác và ta cố ý nỗ lực sao cho những lối sống này cũng được bao gồm, để mọi người cảm thấy được đại diện bởi kết quả của công việc chung.

Dấn thân và tham gia xã hội

27. Nhìn vào các mâu thuẫn của xã hội, một số HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC nhận thấy sự nhạy cảm và sự dấn thân của giới trẻ, qua việc thiện nguyện, là một dấu chỉ cho thấy sự sẵn sàng nhận trách nhiệm và mong muốn được tận dụng tối đa các tài năng, kỹ năng và óc sáng tạo của họ. Trong số các vấn đề thân thiết hơn đối với trái tim họ, tính lâu bền của xã hội và môi trường, sự kỳ thị và phân biệt chủng tộc, là những điều nổi bật. Sự can dự của tuổi trẻ thường đi theo những con đường chưa từng có, bằng cách khai thác tiềm năng của truyền thông kỹ thuật số để đạt được sự động viên và áp lực chính trị: phổ biến các lối sống và mô hình tiêu thụ và đầu tư rất quan trọng, dựa trên tình liên đới và lưu tâm tới môi trường; các hình thức dấn thân và tham gia mới vào xã hội và chính trị; các phương cách tạo phúc lợi và bảo vệ mới cho các cá nhân yếu thế hơn. Như một số ví dụ gần đây từ mọi châu lục đã chứng tỏ, người trẻ có khả năng động viên, đặc biệt để hỗ trợ các chính nghĩa mà họ cảm thấy được trực tiếp can dự vào và họ thực sự có thể trở thành những người thủ vai chủ chốt chứ không chỉ đơn giản là những người lẽo đẽo theo đuôi các nhóm khác.

28. Người trẻ nhấn mạnh rằng hình ảnh của Giáo Hội xem ra có vẻ “nhị phân” (dicothomic), khi đụng đến việc cổ vũ công lý: vì một mặt, Giáo Hội muốn hiện diện trong các nếp gấp của lịch sử (folds of history) bên cạnh những người rốt hết trong các anh chị em của chúng ta, mặt khác, Giáo Hội vẫn còn nhiều việc phải làm để loại trừ các hoàn cảnh thối nát, thường khá nghiêm trọng và phổ biến, vì đó, Giáo Hội có nguy cơ uốn mình theo thế gian hơn là đem đến cho nó một giải pháp thay thế, được Tin Mừng linh hứng.

Tính tâm linh và tính tôn giáo

29. Cuộc Gặp Mặt Tiền THƯỢNG HỘI ĐỒNG đã chứng tỏ rõ ràng rằng sự đa dạng là điều mô tả tốt nhất mối tương quan của người trẻ với đức tin và thực hành tôn giáo. Nói chung, họ tuyên bố mình cởi mở đối với tính tâm linh, mặc dù điều tâm linh thường khá tách biệt đối với cuộc sống hàng ngày của họ. Nhiều người tin rằng tôn giáo là một vấn đề riêng tư và tự xem mình là người tâm linh chứ không phải là người tôn giáo (theo nghĩa thuộc về hệ phái tôn giáo) (xem GMTHĐ 7). Tôn giáo không còn được xem là cửa ngõ ưu tiên dẫn vào ý nghĩa của đời sống, và nó thường được đặt bên cạnh - và đôi khi được thay thế bởi – các ý thức hệ và các dòng suy tư khác, hoặc thậm chí bởi sự thành công bản thân và nghề nghiệp (xem GMTHĐ 5).

30. Ta có thể nhìn thấy tính đa dạng trên trong mối tương quan của người trẻ với Chúa Giêsu Kitô. Nhiều người coi Người là Đấng Cứu Rỗi và là Con Thiên Chúa, và thường cảm thấy gần gũi với Người qua Đức Maria, Mẹ của Người. Những người khác không có mối liên hệ bản thân với Chúa Giêsu, nhưng thấy Người là một người tốt và là một điểm tham chiếu đạo đức. Đối với những người khác, Người là một nhân vật trong quá khứ, không có sự liên hệ hiện sinh nào, hoặc là một người rất xa lạ đối với kinh nghiệm của con người (giống như Giáo Hội cũng bị coi là xa cách). Những hình ảnh sai về Chúa Giêsu đã lấy đi khỏi Người bất cứ sự hấp dẫn nào trong con mắt người trẻ, cũng như khái niệm cho rằng sự hoàn hảo của Kitô giáo vượt quá khả năng với tới của con người khiến người trẻ cảm nhận Kitô giáo như là một tiêu chuẩn không thể nào đạt được (xem GMTHĐ 6). Trong một số bối cảnh, những người Công Giáo trẻ đòi hỏi các đề xuất cầu nguyện và các đề xuất bí tích biết lưu ý tới cuộc sống hàng ngày của họ, nhưng chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng các mục tử không phải lúc nào cũng có thể đồng điệu với điểm chuyên biệt có tính thế hệ trong các kỳ vọng này.

Người trẻ trong đời sống Giáo hội

31. Một số ít nhiều các người trẻ cảm thấy họ là một phần sống động của Giáo Hội và cương quyết phát biểu điều này bằng việc tích cực dấn thân trong Giáo Hội. Có những người trẻ, những người “cảm nghiệm Giáo Hội rất gần gũi với họ, ở những nơi như Châu Phi, Châu Á, và Châu Mỹ Latinh, cũng như trong các phong trào hoàn cầu khác nhau; ngay một số người trẻ tuy không sống theo Tin Mừng cũng cảm thấy được kết nối với Giáo Hội »( GMTHĐ 7). Một số HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC lưu ý điều này: giới trẻ là - và nên được coi là - một phần cấu tạo ra Giáo Hội và cam kết với họ là một chiều kích căn bản của việc chăm sóc mục vụ. Thật không bình thường chút nào khi thấy các nhóm tuổi trẻ, ngay các nhóm thuộc các phong trào và hiệp hội, không thực sự được hòa nhập vào cuộc sống của cộng đồng của họ: khắc phục các động lực tách biệt này là mục tiêu có tính thượng hội đồng đối với một số HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC.

32. Mặc dù sự kiện nhiều người trẻ đề cập đến nguy cơ bị cho ra rìa, có rất nhiều hoạt động giáo hội tại những nơi họ được tích cực tham gia và thậm chí là những người đóng vai chủ chốt. Các hình thức làm việc thiện nguyện khác nhau khá nổi bật, một việc vốn là dấu hiệu đặc biệt của các thế hệ trẻ. Việc làm sinh động giáo lý và phụng vụ, giống như việc chăm sóc các trẻ em nhỏ tuổi hơn, đều là các lĩnh vực hoạt động bổ sung, những hoạt động, diễn ra trong các nguyện đường và các cơ cấu mục vụ tương tự khác, chứng tỏ có hiệu quả đặc biệt. Các phong trào, hiệp hội và tu hội cũng cung cấp cho người trẻ cơ hội dấn thân và đồng trách nhiệm. Trong nhiều bối cảnh, lòng đạo bình dân vẫn là một điểm để lui tới với đức tin rất quan trọng đối với các thế hệ trẻ, những người tìm thấy trong thân xác, trong cảm giới, trong âm nhạc và ca hát những kênh dẫn quan trọng để tự phát biểu. Cùng với các cuộc gặp mặt quốc gia, quốc tế và lục địa khác, NGÀY GIỚI TRẺ THẾ GIỚI đóng một vai trò đáng kể trong cuộc sống của nhiều bạn trẻ bởi vì, như một HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC đã phát biểu, nó cung cấp «cảm nghiệm sống động về đức tin và sự hiệp thông, giúp họ đối đầu với những thách thức lớn lao của cuộc sống và tìm chỗ đứng của họ trong xã hội và trong cộng đồng giáo hội một cách có trách nhiệm».

33. Những người trẻ tuổi có tiếng thích làm việc đồng đội và họ giỏi về lãnh vực này, vốn là một vốn qúy trong nhiều tình thế. Đôi khi sự cởi mở này xung đột với tác phong độc đoán quá đáng về phía người lớn và các thừa tác viên: «Trong nhiều trường hợp, người trẻ khó tìm được một chỗ trong Giáo Hội để họ có thể tích cực tham gia và lãnh đạo. Người trẻ giải thích trải nghiệm của họ về Giáo Hội như một trải nghiệm trong đó họ bị coi là quá trẻ và thiếu kinh nghiệm để lãnh đạo hoặc ra quyết định vì họ sẽ chỉ phạm sai lầm mà thôi» (GMTHĐ 7). Điều cũng rõ ràng không kém là, bất cứ nơi nào người trẻ được tham gia và đánh giá cao, phong cách và tính năng động của Giáo hội đều có được một sức sống mạnh mẽ, có thể thu hút sự chú ý của họ.

Sự hiện diện cùng khắp của lục địa kỹ thuật số

34. Sự phổ biến của các phương tiện truyền thông kỹ thuật số và xã hội trong thế giới người trẻ là một điều hiển nhiên. Điều này đã được tuyên bố rõ ràng bởi người trẻ trong cuộc Gặp Mặt Tiền THƯỢNG HỘI ĐỒNG: "Không thể đánh giá thấp tác động của các phương tiện truyền thông xã hội trong cuộc sống người trẻ. Các phương tiện truyền thông xã hội là một phần quan trọng trong bản sắc và lối sống của giới trẻ. Các môi trường kỹ thuật số có tiềm năng lớn trong việc hợp nhất chưa từng thấy các con người từ khắp những vùng xa xôi hẻo lánh. Việc trao đổi thông tin, lý tưởng, giá trị và lưu ý chung hiện nay khả hữu hơn nhiều. Việc tiếp cận các công cụ học tập trực tuyến đã mở ra các cơ hội giáo dục cho các người trẻ ở các vùng sâu vùng xa và đã chuyên chở kiến thức của thế giới trên đầu ngón tay của người ta» (GMTHĐ 4).

35. Trang mạng cũng có thể là một nơi của cô đơn, thao túng, bóc lột và bạo lực, dẫn tới trường hợp cực đoan là "trang mạng tối tăm". Người trẻ nhận thức có những rủi ro ở đấy: «Tuy nhiên, tính hai mặt của kỹ thuật trở nên hiển nhiên khi nó dẫn đến việc phát triển một số thói hư tật xấu. Mối nguy hiểm này được thể hiện qua sự cô lập, lười biếng, lẻ loi và chán ngán. Điều hiển nhiên là giới trẻ khắp thế giới đang tiêu thụ các sản phẩm truyền thông một cách đầy ám ảnh. Mặc dù sống trong một thế giới siêu kết nối, nhưng việc truyền thông giữa giới trẻ vẫn chỉ giới hạn nơi những người tương tự như họ […]. Với sự ra đời của các phương tiện truyền thông xã hội, điều này đã dẫn đến những thách thức mới trong đó các công ty truyền thông mới có quyền lực đối với cuộc sống của những người trẻ tuổi» (GMTHĐ 4). Phát triển khả năng tham gia vào cuộc đàm luận có ý thức và đối thoại trong đa dạng đang bị cản trở bởi tình trạng này, và trở thành một thách thức giáo dục liên hệ đến giới trẻ. Các HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC cũng đồng ý về sự mơ hồ này, mặc dù các ngài tập trung nhiều hơn vào việc đánh giá có phê phán. Ngoài ra do sự thiếu hiểu biết hoặc đào tạo không thỏa đáng, các mục tử và người lớn nói chung ít khi hiểu thứ ngôn ngữ mới này và cũng có xu hướng sợ hãi, cảm thấy như đang đứng trước một "kẻ thù vô hình và có mặt cùng khắp", một kẻ thù đôi lúc bị họ coi là ma quái.

Âm nhạc và các hình thức phát biểu nghệ thuật khác

36. Như nhiều HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC đã chỉ rõ, âm nhạc là ngôn ngữ căn bản đối với giới trẻ: đó là nhạc nền của cuộc đời họ, trong đó họ liên tục nhập vào, và nó góp phần vào sự đào tạo ra bản sắc họ một cách mà Giáo hội ít khi cịu thăm dò sâu sắc, dù ý thức chung chung được tầm quan trọng của nó. Âm nhạc gợi cảm xúc, làm con người can dự cả về thể lý; nó mở cửa các không gian nội tâm và làm dễ việc thông đạt của họ. Nó cũng truyền đạt các thông điệp, cũng như các phong cách sống và các giá trị nhất quán với hoặc thay thế cho những cách sống và giá trị được cổ vũ bởi các hình thức giáo dục khác. Trong một số nền văn hóa tuổi trẻ, thế giới âm nhạc có thể trở thành một nơi trú ẩn an toàn mà người lớn không thể lui tới được. Do sức mạnh của nó, thế giới âm nhạc cũng có thể dễ dàng bị ảnh hưởng và thao túng bởi các quyền lợi kinh doanh, hoặc thậm chí cả đầu cơ nữa.

37. Âm nhạc và việc chia sẻ nó kích hoạt diễn trình xã hội hóa. Các buổi hòa nhạc mang hàng ngàn bạn trẻ đến với nhau: nhưng có nhiều sự mơ hồ, vì các khác biệt cá nhân phải nhường chỗ cho áp lực đến với nhau. Các biến cố âm nhạc lớn có thể là một trải nghiệm tổng số hóa (totalizing): giải trí trực quan và âm thanh, nhảy múa, chuyển động, gần gũi và tiếp xúc thể lý cho phép người ta bước ra khỏi mình và cảm thấy đồng điệu với những con người xa lạ; đồng thời, chúng cũng có thể cung cấp cơ hội cho việc lắng nghe thụ động, trong đó, hiệu quả của âm nhạc, đôi khi được tăng cường do việc sử dụng ma túy, có tác dụng phi bản vị hóa (depersonalizing). Âm nhạc biểu diễn cũng có giá trị bản thân và xã hội. Nhiều nhà soạn nhạc và nhạc sĩ trẻ cảm thấy trách nhiệm phải giải thích kinh nghiệm sống của thế hệ họ và họ cố gắng truyền đạt các thông điệp có chủ đề xã hội liên quan đến bạn bè cùng trang cùng lứa của họ: từ tính dục đến các mối liên hệ liên ngã và việc nâng cao các nền văn hóa truyền thống.

38. Mặc dù ít phổ biến hơn âm nhạc, việc thưởng thức nhiều hình thức phát biểu nghệ thuật khác cũng đóng một vai trò căn bản trong việc đào tạo bản sắc bản thân và xã hội của người trẻ: hội họa, điêu khắc, làm phim, nghệ thuật tạo hình, khiêu vũ, sân khấu, nhiếp ảnh, hài hước, thiết kế họa hình, nghệ thuật mạng, viết lách, làm thơ, văn chương... Khi được tích cực thực hành, chúng cho phép người trẻ thực hiện được óc sáng tạo cá nhân của họ và tham gia vào việc phát biểu văn hóa, đặc biệt qua các sáng kiến thử nghiệm dựa vào việc sử dụng kỹ thuật ngày càng gia tăng. Các hình thức phát biểu nghệ thuật nào gắn liền với các truyền thống dân gian và địa phương đều rất được chú ý, đặc biệt là các hình thức liên hệ tới các nhóm dân tộc thiểu số, vì chúng nối kết các người trẻ vào di sản của quá khứ và tạo cơ hội cho hoạt động văn hóa, không phân biệt trình độ giáo dục hoặc việc sẵn có các phương tiện kỹ thuật.

Thế giới thể thao

39. Thể thao là một lĩnh vực quan trọng nữa để tăng trưởng và đối thoại cho người trẻ, trong đó Giáo hội đang đầu tư tại nhiều nơi trên thế giới. Đức Giáo Hoàng Phanxicô coi thể thao là một phần của nền giáo dục không chính thức, và kêu gọi hành động nhiều hơn trong lĩnh vực này để bù đắp sự nghèo nàn, không có được trình độ tri thức như giáo dục chính thức (xem Diễn văn cho những người tham gia Đại hội Thế giới về "Giáo dục ngày nay và ngày mai. Một Đam Mê Đổi Mới" Ngày 21 tháng 11 năm 2015). Các chuyên gia tin rằng xã hội của chúng ta đã trở thành “thể thao hóa”, và điều này đúng đối với thế giới người trẻ cách riêng. Tuy nhiên, chúng ta phải đặt câu hỏi, vượt lên trên mọi lời nói hoa mỹ, đâu là các giá trị và mô hình được cổ vũ trong xã hội của chúng ta qua hoạt động thể thao, một hoạt động thường tập chú vào thành công bằng mọi giá, thậm chí nhờ cả gian lận, đến quên hết công trình và cam kết đầy khó nhọc của các vận động viên thua trận.

40. Cũng giống như các buổi hòa nhạc lớn, các biến cố thể thao đại chúng là những tình huống trong đó bản sắc tập thể của chúng ta được rèn luyện, với những đặc điểm có tính nghi lễ hóa cao độ. Thế giới thể thao không thiếu các hình thức kinh doanh và thao túng đầu cơ, và nó cũng bị ảnh hưởng bởi các thực hành chống lại phẩm giá của con người nhân bản và các giá trị như chơi đẹp (dùng chất kích thích, hiện nay quá phổ biến nơi các vận động viên trẻ và nghiệp dư, hoặc tham nhũng); cũng không thiếu các hình thức bạo lực gây bất mãn và căng thẳng xã hội không liên quan gì đến thể thao. Nó cũng có thể được dùng làm phương tiện mạnh mẽ để hòa nhập những người vốn là nạn nhân của nhiều hình thức loại trừ và đẩy qua bên lề, như nhiều điển hình đã cho thấy, chẳng hạn như phong trào thế vận khuyết tật (paralympic).

Kỳ sau: Chương ba: Trong nền văn hóa vứt bỏ
 
Trung tâm nghiên cứu Pew: Lý do khiến một số người Hoa Kỳ không thống thuộc tôn giáo
Vũ Văn An
18:52 10/08/2018
Theo Becka A. Alper của Trung Tâm Nghiên cứu Pew, số người Hoa Kỳ không thống thuộc tôn giáo ngày càng gia tăng. Gần đây Trung Tâm này có thăm dò hơn 1,300 người trong số họ, mà ngôn ngữ hiện nay gọi là “nones”, để biết lý do tại sao họ đã không đồng hóa với bất cứ tôn giáo nào. Trong số các lý do có thể chọn trong cuộc thăm dò, lý do được chọn nhiều hơn cả là họ nghi ngờ các giáo huấn tôn giáo.

Sáu trong mười người Hoa Kỳ không thống thuộc tôn giáo, tức những người trưởng thành tự mô tả căn tính tôn giáo của mình là vô thần, bất khả tri hay “không gì đặc biệt cả”, cho rằng nghi ngờ các giáo huấn tôn giáo là lý do rất quan trọng khiến họ không thống thuộc. Lý do được chọn nhiều thứ hai là chống đối các lập trường của các giáo hội về các vấn đề xã hội và chính trị, được 49% người trả lời trưng dẫn (cuộc thăm dò đưa ra các câu hỏi riêng biệt về mỗi một trong 6 chọn lựa). Số ít hơn, nhưng vẫn đáng kể, nói rằng họ không ưa các tổ chức tôn giáo (41%), không tin Thiên Chúa (37%), coi tôn giáo không liên quan đến họ (36%) hoặc không thích các nhà lãnh đạo tôn giáo.



Những người tự nhận là vô thần, bất khả tri hoặc “không gì đặc biệt cả” có khuynh hướng đưa ra các lý do khác nhau cho việc không thống thuộc của họ, cho thấy người “nones” không phải là một nhóm thuần nhất (monolithic group). Thí dụ, khoảng chín trong mười người tự mô tả mình vô thần (89%) nói: việc họ không tin Thiên Chúa là lý do rất quan trọng đối với căn tính tôn giáo của họ, so với 37% người bất khả tri và 21% người “không gì đặc biệt cả”. Người vô thần cũng có nhiều sác xuất hơn những người “nones” khác trong việc nói rằng tôn giáo đơn giản không liên hệ gì tới họ (63% người vô thần so với 40% người bất khả tri và 26% người trưởng thành không có tôn giáo đặc thù nào).

Trung tâm cũng hỏi những người không thống thuộc tôn giáo câu nào trong sáu tuyên bố có thể có là lý do đơn nhất quan trọng hơn cả khiến họ không thống thuộc. Một lần nữa, nghi ngờ các giáo huấn tôn giáo đứng đầu các câu trả lời, với một phần tư mọi người “nones” cho biết đây là lý do quan trọng nhất. Số tương tự (22%) trưng dẫn việc không tin Thiên Chúa, và 16% cho hay lý do quan trọng nhất là họ không thích lập trường của các giáo hội về các vấn đề xã hội và chính trị.

Cũng có nhiều dị biệt lớn giữa ba tiểu nhóm không thống thuộc về vấn đề này. Ba phần tư người vô thần nói lý do quan trọng nhất khiến họ vô thần là họ không tin Thiên Chúa. Ít người bất khả tri (17%) và người “không gì đặc biệt cả” (8%) nói lý do này. Trong số những người tự coi mình là bất khả tri, lý do quan trọng nhất được trưng dẫn khiến họ bất khả tri là nghi ngờ khá nhiều giáo huấn tôn giáo (38%).

Những người tự nhận “không gì đặc biệt cả” đưa ra một loạt các câu trả lời khác nhau khi được hỏi lý do quan trọng nhất khiến họ không thống thuộc tôn giáo, chứ không có câu trả lời đơn độc nào trổi vượt cả. Một phần tư cho hay lý do quan trọng nhất là nghi ngờ nhiều giáo huấn tôn giáo, 21% nói họ không thích lập trường của các giáo hội về các vấn đề xã hội và chính trị, và 28% nói không có lý do nào đề nghị là quan trọng cả.



Trong một cuộc thăm dò trước đây, Pew yêu cầu những người Hoa Kỳ không thống thuộc tôn giáo nhưng trước đây từng được dưỡng dục trong tôn giáo (chiếm đa số trong mọi nhóm không thống thuộc) giải thích bằng chính ngôn từ của họ tại sao họ không còn đồng hóa với bất cứ nhóm tôn giáo nào. Vấn đề này cũng nhận được hàng loạt các trả lời khác nhau từ nhóm “không gì đặc biệt cả”. Một số nói rằng họ không tin các giáo huấn tôn giáo hoặc không thích tôn giáo có tổ chức, trong khi những người khác cho hay họ là người tôn giáo (dù không thống thuộc) hoặc họ tin Thiên Chúa nhưng không thực hành bất cứ tôn giáo nào.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam miền Trung Tây Đức Quốc hành hương Đức Mẹ Lộ Đức
Trầm Hương Thơ
08:13 10/08/2018
Nhân dịp kỷ niệm 160 năm ngày Đức Mẹ hiện rạ với thánh nữ Bernadette và 30 năm 117 vị Thánh tử đạo tại Việt Nam được Giáo Hội tuyên dương trên hàng Hiển Thánh. Cộng Đồng Công Giáo người Việt thuộc Tổng Giáo Phận Paderborn và Essen do Lm. PX. Nguyễn Ngọc Thủy làm Linh hướng tổ chức một tuần lễ hành hương về Lộ Đức và một số nơi linh thánh.

Trạm tham quan đầu tiên là dự trù là nơi Đức Mẹ hiện ra với thánh nữ Katharina năm 1830 tất cả là 3 lần tại nhà nguyện của Nhà Mẹ các Nữ tử Bác ái. Chị quyết tâm hoàn thành sứ mạng bấy giờ được giao cho chị đúc một “Mẫu ảnh Làm Phép Lạ”. và từ đó bao nhiêu ơn lành đã đổ xuông cho nhân loại.

Chị Catherine, được sai đến phục vụ tại nhà dưỡng lão Enghien làm bếp, săn sóc các cụ già, gác cổng. Lúc nào cũng thầm lặng, khiêm tốn và không muốn ai biết tới. Chị ra đi vĩnh viễn ngày 31 tháng 12 năm 1876. Sau hàng 100 năm khi cải táng lên xác chị còn nguyện vẹn nay đang được trưng trong hòm kính tại nhà thờ La Rue Du-bac, Thủ Đô Của Nước Pháp. Đức Giáo Hoàng Piô XI tôn phong chân phước ngày 28. 05.1933, Đức Piô XII tôn phong hiển thánh ngày 27.07.1947.

Thật không may hôm nay đoàn chúng tôi tới đây đúng vào những ngày giải đua xe đạp quốc tế "Tour de France" nơi đây nên nhiều tuyến đường bị chặn xe Bus không thể chạy vào gần được nên tài xế chở đi tham quan thành phố và dừng tại gần chân Tháp Eiffel để đoàn xuống đi bộ.

Đoàn xuống tham quan và chụp ảnh mà thời tiết thì qúa nóng nên sau khi chụp ảnh lòng vòng khoảng một giờ đồng hồ sau đó về khách sạn ở quận 13 nhận phòng ngủ, ăn phở và tham quan Paris By Night để sáng hôm sau lên đường nhắm hướng Lộ Đức thẳng tiến. Xe lên đường từ 7h00 sáng vượt hơn 800 cây số cho đến 19h chiều mới tới Linh Địa Đức Mẹ Lộ Đức. Chúng tôi nhận phòng xong còn kịp đi tham dự cuộc rước kiệu Đức Mẹ và sau đó tham dự thánh lễ lúc 23h đêm tại hang đá nơi Đức Mẹ đã hiện ra 18 lần với cô Bernadette.

Sáng sớm hôm sau đoàn của chúng tôi dâng lễ chung với phái đoàn của Lm. Đaminh Nguyễn Ngọc Long tại hang đá Đức Mẹ hiện ra. Nơi đây Đức Mẹ đã hiện ra với cô Bernadette tổng cộng 18 lần từ ngày 11 tháng 2 cho đến ngày 16 tháng 7 năm 1858.

Những lời nguyện dâng cho Quê Hương Đất Nước không thể thiếu trong những thánh lễ của những ngày ở đây. Đặc biệt trong đoàn có những cháu rất nhỏ cũng đã lên dâng những lời nguyện cầu cho Quê Hương được thoát ách cộng sản vô thần. Những lời nguyện cầu thoát ra tự đáy lòng nài xin Đức Mẹ cầu bầu cùng Thiên Chúa để thứ tha những hình phạt mà nước Việt Nam chúng con đã trải dài bao nhiêu năm tháng qua.

Sau đó đoàn chúng tôi đi lên núi viếng và suy ngắm 15 chặng đường thánh giá.

Biết rằng đường xá xa xôi,

Nhưng sao vẫn muốn lên đồi Can vê

Trong hồn đã nặng lời thề

Tình yêu vượt thắng sơn khê núi đồi

Đúng vậy! Từ chặng thứ nhất dưới chân núi (Núi Thánh Giá), chúng tôi suy gẫm cùng đi đường Thánh Giá với Đức Mẹ Maria vô Nhiễm Nguyên Tội. Cùng nhau suy ngắm 15 chặng đường Thánh Giá thật ý nghĩa và đầy cảm động. Thổn thức qua những lời đọc thấm đẫm vào tim, tôi thấy có những giọt buồn thống hối ăn năn lăn xuống nơi miền đất thánh linh thiêng này của Mẹ và Mẹ đã nhắn nhủ chúng con:

Vâng, chúng con hợp lòng cùng với Mẹ để gẫm suy lại 15 chặng đường Thánh Giá Chúa đã đi qua. Những chặng đường Thiên Tử chịu khổ hình là những lưỡi đòng đâm thấu tim gan của Mẹ. Là những tội lỗi của loài người đã tràn lan khắp cả trên trái đất này như: phá thai, chiến tranh, buôn người v.v... Chúa đã chịu chết để kéo nhân loại ra khỏi những hình phạt khủng khiếp nhất. Kính xin Thiên Chúa thứ tha và chúng con xin chôn tất cả những tội lỗi trong tâm hồn con vào huyệt mộ để mong trở thành một con người mới trong Đức Kitô Phục Sinh cùng với Ngài.

Nhiều giọt lệ ngà đã nhỏ xuống nơi miền đất thánh này. Tiếp tục suy gẫm và bước tiếp lên đồi Canvê, vì bao giờ cũng phải bước qua đồi thương khó sẽ đến đỉnh vinh quang.

Cuối cùng chúng tôi đã theo bước chân Ngài lên tới đỉnh vinh quang với lá cờ Đức Mẹ, và lá Hoàng Kỳ của Tổ Quốc tung bay phất phới trên đỉnh núi Thánh Giá Lộ Đức này. Trên chặng đường Thánh Giá này chúng tôi cũng luôn dâng những lời nguyện cầu cho Tổ Quốc Việt Nam thân yêu.

Buổi chiều nào đoàn cũng đi rước với các bệnh nhân và chầu Thánh Thể dưới Vương Vung Thánh Đường Piô X rộng thêng thang. Vương Cung Thánh Đường ngầm này có thể chứa tới 30.000 người vào những ngày đại lễ.

Buổi tối sau cơn chiều đoàn cùng hợp với muôn người khách hành hương từ khắp năm châu về đây để rước kiệu Đức Mẹ và tung hô "Nữ Vương Vô Nhiễm Tội" cùng lần hạt Mân Côi lời kinh Mẹ yêu chuộng.

Mân Côi chuỗi ngọc hương ngàn

Đẹp trong ân sủng đầy tràn phúc ân

Lời khuyên Mẹ Chúa từ nhân

Sẽ không hư mất bản thân con người.

Một điểm son của đoàn chúng tôi là trên đường hành hương luôn có hai lá cờ Đức Mẹ và Hoàng kỳ tung bay nhờ vậy rất nhiều nhóm người Việt Nam nhìn thấy và tìm đến nhập chung với đoàn. Ban tổ chức ở Lộ Đức cũng luôn đến mời gọi để hai lá cờ được đi lên phía trên cho long trọng.

Sau 3 ngày đêm ở đây chúng tôi từ giã linh địa Lộ Đức thân thương, từ giã nơi Đức Mẹ đã hiện ra khuyên bảo loài người chúng ta hãy ăn năn đền tội và mau trở về với đường lối của Thiên Chúa.

Phái đoàn đi về thành phố Biển Marseille.

Chương trình thì trước khi đến Marseille sẽ ghé thăm viếng điện Giáo Hoàng Avignon nhưng mà thời tiết hôm nay nơi đây lên đến 40 độ C nên ai cũng cảm thấy bước xuống đường nắng nóng và mệt mỏi, hơn nữa đường trong phố này đang sửa chữa nhiều qúa nên xe cứ chạy vòng vòng mãi mà không cách nào vào gần được cuối cùng phải quyết định nói với tài xế chạy thẳng xuống thành phố Marseille cho gọn.

Hai ngày nơi đây phái đoàn đi viếng Vương Cung Thánh Đường nổi tiếng nhất nơi đây là Notre Dame de la Garde.

Vào năm 1720 một trận dịch hạch khủng khiếp xảy ra đã làm chết hơn 100.000 người dân Marseille, Đức Giám Mục Henri de Belsuncecùng rất đông giáo dân trong Giáo Phận đã lên nhà thờ Notre Dame de la Garde để cầu nguyện xin Ðức Mẹ phù hộ cho dân chúng thành phố được thoát cơn đại họa kinh hoàng này, và đặc biệt những người lên trên đây cầu nguyện lại ít bị bệnh hơn những người ở nhà dưới đồng bằng.

Đức Giám Mục và mọi người tin rằng Đức Mẹ đã cứu giúp giáo phận Marselle nên niềm tin đó đã dẫn họ đến quyết dịnh xây Vương Cung Thánh Đường ở trên đây để tạ ơn Đức Mẹ và là nơi hành hương tuyệt vời nhất của của vùng này.

Có đến nơi đây mới thấy mình nhỏ bé trước một Vương cung thánh đường rất nguy nga nằm trên đỉnh đồi thật đẹp và thơ mộng. Từ đây chúng ta có thể phóng tầm mắt đi khắp vùng và quan sát thành phố Marseille là thành phố lớn thứ hai của nước Pháp.

Một bên là vùng biển Địa Trung Hải ôm lấy thành phố đẹp và hiền hòa thơ mộng, một bên là phố núi thênh thang ngắm hoài không chán.

Sau hai ngày ở đây tham quan và tắm biển đoàn lên đường xuôi về hướng thành phố Lyon hành hương viếng nhà thờ giáo xứ Ars là nơi cha thánh Vianney hơn 40 năm làm việc và đã qua đời tại đây.

"Thiên Chúa đã chọn những người không ra gì để làm vinh danh Ngài". Câu nói này rất đúng với trường hợp của thánh Gioan Vianey. Người ta nói rằng chưa có vị thánh nào chậm hiểu và học hành kém cỏi như Gioan Vianey, đặc biệt là môn Latinh và Thần học, vốn là hai môn quan trọng cho chức vụ linh mục. Ngài học kém đến nỗi Ban Giám Đốc Chủng Viện khuyên ngài nên hồi tục. Mười bảy tuổi mới học xong tiểu học. Tú tài phải thi đến 12 lần mới đậu. Các vị giáo sư và các cha giáo nói ngài thuộc diện "dốt vô đối". Vị giáo sư hỏi câu nào ngài cũng không trả lời được. Nổi nóng, vị giáo sư đập bàn nói: “Gioan Vianey, anh dốt đặc như một con lừa thì giúp được gì cho Giáo hội?”.

Ngài khiêm tốn trả lời:

- “Thưa thầy, xưa Samson chỉ dùng một cái hàm của con lừa mà đánh bại 3000 quân Philitinh. Vậy với cả một con lừa này, lẽ nào Thiên Chúa không dùng được việc gì sao?”

Lời của ngài nói quả là không sai. Thiên Chúa đã dùng "con lừa" đó, dùng con người kém cỏi đó và biến ngài thành vị thánh lừng danh, một vị thánh có thể nói đặc biệt nhất trong lịch sử Giáo Hội.

- Ngài là vị thánh có tài ngồi toà nhất. Người ta nói không ngoa rằng trong lịch sử Giáo Hội chưa từng có một vị linh mục nào có tài ngồi toà lâu giờ, giải tội cho nhiều người và làm ích cho linh hồn người ta nhiều như cha Gioan Vianey. Ngài ngồi toà không biết mệt mỏi, ngồi toà không bất kể giờ nào, sáng sớm, giữa trưa, cả lúc nửa đêm về. Ngoài những giờ dâng lễ, cầu nguyện, đọc sách thiêng liêng và tiếp khách, người ta chỉ thấy ngài nơi toà giải tội. Ngài say mê ngồi toà đến độ quên ăn, quên ngủ. Cũng nhờ đó mà trong suốt thời gian ngài làm cha sở họ Ars, đã có đến hàng trăm ngàn linh hồn tội nhân được ngài cứu giúp.

- Ngài giảng dạy có sức lôi cuốn nhất. Thành phần đến nghe Ngài giảng dạy thuộc đủ mọi hạng người, mọi địa phận, mọi quốc gia; các linh mục, giám mục và cả Hồng Y v.v… Một cha xứ quê mùa mà lại dạy tu đức mục vụ cho những người trí thức và những bậc vị vọng trong Giáo Hội đó là chỉ có Thiên Chúa làm thôi.

- Ngài là vị thánh làm cho ma quỷ lo sợ nhất. Ma quỷ lo sợ phải thất nghiệp. Đã có lần ma quỷ nói với nhau rằng trên thế gian này nếu có ba người như cha Gioan Vianey thì chúng thất nghiệp dài dài. Chính vì vậy mà ma quỷ đã tìm đủ mọi cách để quấy phá ngài và những việc ngài làm. Đêm đêm chúng làm ồn ào không cho ngài ngủ, có ngày ngài đang ở nhà thờ thì chúng đốt giường của ngài. Ma quỷ còn lấy cả bùn đất bôi đen thánh giá trên toà giải tội của ngài. Ma quỷ lo vì nhiều người đã “bỏ mặc” chúng đơn côi mà theo ngài. Ma quỷ sợ vì ngài đã đem về với Chúa quá nhiều linh hồn tội lỗi mà lẽ ra đã thuộc về chúng.

Trước hết là nhờ ơn Chúa. Sau nữa là nhờ ngài có một ý chí hy sinh hãm mình nghiêm nhặt, một tinh thần cầu nguyện liên lỉ, và một lòng kính mến phép Thánh Thể và Mẹ Maria phi thường. Đó là bí quyết thành công của Ngài.

Thật may mắn chúng tôi đến đúng lúc có 30 phút trống hỏi xin thì cha quản nhiệm đồng ý luôn nên đoàn chúng tôi dâng thánh lễ ngay nơi xác thánh của ngài. Ý chỉ cầu nguyện cho Quê Hương, Giáo Hội và đặc biệt cho các Lm. vì Giáo Hội đã đặt ngài làm quan thầy cho tất cả những cha sở trên thế giới.

Sau thánh lễ chúng tôi đi viếng Nhà nguyện Thánh Tâm của ngài, nơi đây còn giữ trái tim của thánh nhân.

Lên đường đi tiếp về thành phố Dijon nhận phòng ngủ qua đêm và sáng hôm sau ăn sáng xong phái đoàn lên xe trở về Đức.

Chuyến hành hương một tuần lễ tràn đầy muôn ân sũng của Thiên Chúa và Mẹ Maria.

Thay lời kết:

Dâng về Mẹ nhóm Hành Hương

Cả đoàn ai cũng dễ thương vô cùng

Tám ngày có Mẹ đi chung

Cha già, Cha trẻ hòa cùng đoàn con

Mẹ luôn hiện giữa vòng tròn

Paris rất đẹp nhưng còn thua xa

Tâm hồn con trẻ nở hoa

Hương thơm thánh thiện tỏa ra tình người

Trở về như đóa huệ tươi

Nở ra ngào ngạt hoa cười đẹp xinh

Tạ ơn Mẹ thắm ân tình

Xin dâng lên Mẹ "Gia Đình Hành Hương"

Từng người xin mẹ chỉ đường

Dẫn về nơi bến tình thương Quê Trời

Quê Hương đích thực đời đời

Mới là nơi chốn tuyệt vời "Hành Hương"

Nhớ nhau thương cả đoạn đường

Lời kinh "Thương Xót" khiêm nhường kính dâng

Hôm nay lòng vẫn bâng khuâng

Hướng lòng xin Mẹ đỡ nâng mọi người

Linh hồn ai cũng xinh tươi

Hoa tâm nở rộ nét cười thắm duyên

"Nữ Vương Vô Nhiễm Tội Truyền"

Mân côi dâng Mẹ kết liên chuỗi hồng.

Trầm Hương Thơ

08.08.2018
 
Một chút cảm nhận về cộng đoàn Phước Thọ, một giáo họ thuộc giáo xứ Cù Và xưa
Sơn Ca Linh
11:40 10/08/2018
NHỮNG GUỒNG XE NƯỚC VẪN QUAY LẶNG THẦM

Từ đầu phía bắc của “chiếc cầu chìm” bắt ngang sông Trà Khúc, nếu men theo đôi bờ tả và hữu ngạn của con sông “huyền thoại” nầy xuôi về hướng đông, những người Công Giáo Quảng Ngãi không ai là không nhớ đến những danh xưng (mà một số trong đó đã trở thành một thời vang bóng): Phước Thọ, Phước Lâm, Cù Và, Đồng Cọ, An Hội, Tân lộc, Bình Đông, Vạn Lộc, Thiên Lộc, Chợ Mới, Phú Hòa, Phú Long, Quảng Ngãi, Tịnh An, Thu Xà, Tịnh Ấn…

Thật vậy, trước giai đoạn chiến tranh khốc liệt diễn ra khoảng năm 1965, những địa danh trên chính là những cộng đoàn giáo xứ và giáo họ đông đúc trù phú của tỉnh Quảng Ngãi, nơi mà nếu đứng về độ lâu dài của hành trình truyền giáo tại Đàng Trong, có thể gọi là “Trưởng Nữ”.

Nhưng rồi chiến tranh đã “mang đi tất cả”, tàn phá tất cả; đây có lẽ là điều hiện thực hóa chân xác nhất lời của Martin Luther, khi ngài định nghĩa về chiến tranh:

“Chiến tranh là bệnh dịch kinh khủng nhất mà nhân loại có thể mắc phải, nó hủy diệt tôn giáo, nó hủy diệt quốc gia, nó hủy diệt gia đình. Tai họa nào cũng dễ chịu hơn nó.” (War is the greatest plague that can afflict humanity, it destroys religion, it destroys states, it destroys families. Any scourge is preferable to it.).

Thật vậy, vào khoảng cuối tháng 5/1965, trận chiến Ba Gia nổ ra khốc liệt, có lẽ đây là “trận địa chiến” đẩm máu và tàn khốc xét về qui mô tham dự của quân đội hai bên, về kết quả thương vong và địa bàn diễn ra trận chiến; đây cũng là “trận địa chiến” mở đầu cho nhiều “trận địa chiến” tiếp theo trên toàn Miền Nam cho đến ngày ngưng tiếng súng đúng 10 năm sau đó (5/1975).

Việc thắng thua trong cuộc chiến nầy hãy tạm “để đó” cho lịch sử xác nhận cách công minh; nhưng có một điều không cần lịch sử phán xử nhưng đã trở thành một “sự thật cay đắng”: Gần như toàn bộ vùng phía tây Sơn Tịnh bị tàn phá, bình địa; riêng ba giáo xứ trên địa bàn vùng nầy từ đó cũng bị xóa tên cùng với các giáo họ trực thuộc: Cù Và, Tân Lộc, Bình Đông.

Cùng với bao nhiêu nạn nhân chiến cuộc khác, anh chị em giáo dân của vùng “dầu sôi lửa bỏng” nầy kẻ chết người bị thương, gia đình đùm túm tản cư xuống Phú Hòa, vào Quảng Ngãi; rồi những năm sau đó, dắt díu nhau di tản vào Cam Ranh, Bình Tuy, Long Khánh, Võ Đắt…

Cái giá của chiến tranh tồi tệ như thế đó ! Mặc cho ai ca tụng cái vẽ đẹp hào hùng của chiến tranh, riêng tôi, vẫn ủng hộ cách nhận định của John Abbott:

“Nếu chiến tranh thượng võ và hào nhoáng, nó cũng có mặt xấu xí và thống khổ điên cuồng. Súng đạn không tôn trọng Cái đẹp. Chúng bắn tung mắt, và nghiến vỡ hàm và xé nát má.” (If war has its chivalry and its pageantry, it has also its hideousness and its demoniac woe. Bullets respect not Beauty. They tear out the eye, and shatter the jaw, and rend the cheek.)

Sau hơn nửa thế kỷ (kể từ 1965) và hơn 40 năm kể từ ngày hòa bình được tái lập (1975), vùng đất phía tây Sơn Tịnh đã bát ngát màu xanh của rừng, của núi, của đồng lúa, nương đồi…; đôi bờ Trà Khúc đã nhấp nhô những làng, những xóm mà trong số đó, những cộng đoàn tưởng đâu mất dấu bây giờ lại đã hồi sinh như Nghĩa Lâm (Phước Lâm), Phước Thọ,... mặc dầu trung tâm sinh hoạt đức tin của những nơi nầy đã hoàn toàn “bị xóa sổ”.

Sở dĩ nhắc đến hai cộng đoàn nầy vì cả hai ngày xưa đều thuộc giáo xứ Cù Và và đối diện nhau giữa đôi bờ Trà Khúc: Nghĩa Lâm (Phước Lâm) một giáo họ bờ nam Trà Khúc nay thuộc giáo xứ Quảng Ngãi và Phước Thọ bờ bắc Trà Khúc thuộc giáo xứ Phú Hòa. Hiện nay, nhờ chiếc “cầu chìm”, một hạng mục hạ lưu thuộc công trình thủy lợi đập Thạch Nham, cả hai đã trở thành “hàng xóm” liên lạc gần gũi thân tình, mối thân tình mà tự ngàn xưa, cho dù “ngăn song cách núi”, một linh mục (cha Tôma Luận) thuộc bờ bắc Cù Và, Phước Thọ lại thích qua thường trú tại Nghĩa Lâm (Phước Lâm) đến đổi đã chọn nơi đây làm nơi an nghỉ cuối cùng !

Nhưng câu chuyện muốn sẻ chia ở đây lại không dừng lại “ở đó”, mà ở chính một địa điểm vừa diễn ra một sự kiện mục vụ quan trọng của giáo phận Qui Nhơn, giáo hạt Quảng Ngãi và giáo xứ Phú Hòa: lễ đặt viên đá xây dựng nhà thờ Cù Và ngày 9.8.2018 vừa qua do Đức Cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi, Giám Mục giáo phận Qui Nhơn chủ lễ.

Địa điểm được chọn lựa để xây dựng nhà thờ Cù Và “mới” nằm trong địa bàn của cộng đoàn giáo họ Phước Thọ, một cộng đoàn nói được là “có công đầu” để hình thành nên “câu chuyện xây nhà thờ mới Cù Và” hôm nay.

“Có công đầu” được nhắc đến ở đây hoàn toàn không nhắm tới khía cạnh tài chánh đóng góp, thiết kế công trình, quy mô đất đai hay độ hoành tráng của phương diện “tổ chức sự kiện”; mà muốn nhắm tới những thao thức sống và giữ vững đức tin của những người cha người mẹ đạo đức, những bước chân trung thành không mệt mỏi giữ ngày Chúa Nhật, những đêm hội họp đọc kinh gia đình, những ngày gió mưa đi công tác của hội viên Legio Mariae, những đắng cay dãi dầu và cả chịu đựng nhục nhã của những lần “ăn xin” nới xứ lạ quê người để có chút đỉnh về xây dựng giáo họ…

Vâng, để có “lễ đặt viên đá xây dựng nhà thờ Cù Và” hôm nay, phải ghi công đầu cho bà con giáo dân Phước Thọ cùng với bao nhiêu những hy sinh thầm lặng, những “đồng xu của những bà góa nghèo” mà đôi khi những “vầng hào quang lấp lánh của tính thế tục” đã che khuất mất; sự che khuất không đáng để trả giá cho một nỗi xót xa như tâm sự của một giáo dân Phước Thọ trong ngày đại lễ: “Phước Thọ chúng con e rằng bị xóa tên mất !”

Nhìn về ngày lễ “đặt viên đá xây dựng nhà thờ mới Cù Và”, một công trình vươn lên bên bờ tả ngạn sông Trà Khúc ở đoạn hạ lưu đập Thạch Nham (1985-1997), tự nhiên nhớ lại tình cảm của người dân Quảng Ngãi của những năm giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, khi đập nước Thạch Nham đi vào hoạt động và khi những “bờ xe nước” bị cất bỏ.

Dĩ nhiên “bánh xe lịch sử” thì không thể “quay ngược”, và những tiến bộ của hôm nay không thể “đắp chiếu nằm chờ”. Tuy nhiên, trong lãnh vực tình cảm, hoài niệm, truyền thống…thì những con kênh nước cuồn cuộn sức sống của thủy lợi Thạch Nham cho dù có hiệu quả, hữu dụng, thiết thực đến đâu cũng không thể bỗng dưng xóa nhòa mọi ký ức, lưu luyến cái chân quê mộc mạc, nhẹ nhàng của những guồng xe nước từng ngự trị bên bờ sông Trà, Sông Vệ đã mấy trăm năm !

Về mặt xã hội, kinh tế, chính trị…có thể việc vắng bóng những guồng xe nước bên bờ tả ngạn sông Trà rồi một sớm một chiều mọi sự sẽ nguôi ngoay cho đến khi “mất dấu” hẳn với bước chạy của thời gian.

Tuy nhiên, trong nhịp sống đức tin thì không hẳn thế. “Guồng xe nước đức tin” luôn tồn tại mãi với thời gian mà ngôn ngữ chuyên biệt của Công Giáo gọi là “dòng chảy truyền thống”. Những “đồng xu nhỏ của bà góa”, “bình dầu cam tùng của cô Maria Bêtania”, “5 chiếc bánh và 2 con cá của em bé…” nào chẳng phải là những “guồng xe nước” quay mãi với thời gian để đem “dòng suối mát tinh tuyền cho dân Chúa muôn nơi và muôn thuở”.

Vì thế, anh chị em Phước Thọ ơi ! Yên tâm đi ! Anh chị em không bị lãng quên, vứt bỏ đâu. Hãy luôn là những “guồng xe nước quay đều, quay đều” cho sức sống của giáo xứ Cù Và lại được hồi sinh xanh tươi mạnh mẽ !

Sơn Ca Linh

(11/8/2018)
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Cửa sổ và cái gương soi
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
08:25 10/08/2018
Từ những năm tháng qua nhiều vụ Xì-căng-đan xảy ra trong Giáo Hội Công Giáo trên hoàn cầu nơi hàng giáo sỹ. Những tin tức như vậy gây ra làn sóng hậu qủa tiêu cực, và cả sự bất bình giận dữ nữa, nơi đời sống Giáo hội, nhất là về khía cạnh đức tin vào Chúa, về uy tín của Giáo hội.

Đọc biết những tin tức đó, nhiều người thắc mắc hoài nghi không biết tìm đâu ra câu trả lời thích hợp như thế nào nữa.

Lời cầu nguyện cùng Chúa xin gìn giữ Gíao hội vượt qua cơn khủng hoảng, điều chỉnh đổi mới lại đời sống là điều lúc nào cũng cần thiết, cùng là cách thức tích cực góp phần xây dựng Giáo hội, và củng cố lại đời sống đức tin vào Chúa của chính mỗi người Kiô hữu.

Nhưng dẫu vậy, với lý trí suy nghĩ Thiên Chúa ban cho, con người hằng đi tìm nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng để hiểu cho rõ. Và từ đó có thể kiếm tìm ra cách thức chính đáng thích hợp đổi mới cho tương lai.

„ Một học trò đến hỏi thầy mình: Thưa Thầy, đức tin là gì vậy? . Người Thầy dẫn học trò mình đến đứng trước cửa sổ và hỏi anh ta: Con thấy gì không?. Anh học trò trả lời: Dạ con thấy nhiều người, những ngôi nhà, cây cối hoa trái và còn nhiều cái khác nữa!

Ông thầy lại dẫn học trò đến trước một tấm gương soi và hỏi anh ta: Con thấy gì vậy?. Anh học trò trả lời: Dạ, con thấy chính mình con trong tấm gương!

Ông Thầy nói ngay: Con thấy đó, nếu con để đời sống con như nó là, con nhìn thấu, như nhìn qua cửa sổ, hướng về thiên nhiên trong trời đất, tới tận Đấng Tạo Hoá. Nhưng nếu con cho là tấm gương kính không đầy đủ, và con đặt thêm chút chất bạc vào sau, lúc đó con chỉ nhìn thấy chính mình con thôi.“

Câu chuyện đối thoại thoại giữa thầy và trò trên đây làm sáng tỏ điều mà chất bạc nơi tấm gương soi có thể mang đến cho đời sống con người, và tại sao Chúa Jesus nhìn thấu trước nơi sự giầu có sang trọng, sự dễ dãi chiều theo ý muốn dục vọng riêng tư là một hiểm nguy cho đời sống con người.

Sự giàu sang, dễ dãi, chiều theo ý thích cùng của cải vàng bạc ngăn cản cái nhìn thấu qua hướng về thế giới thiên nhiên, và qua đó hướng về tới Thiên Chúa. Những ngăn cản vướng trở đó dẫn đưa con người tập trung vào chính mình, chỉ biết có thể nhìn ra mình thôi.

Nguy hiểm đó không chỉ có ở nơi một cá nhân nào, nhưng còn cả trong tập thể cộng đoàn Giáo hội. Giáo hội do Chúa Jesus lập ra ở trần gian như một cửa sổ để giúp nhìn thấu hướng về Thiên Chúa, Đấng là nguồn đời sống, nguồn đức tin của con người.

Giáo hội có sứ mạng làm sáng tỏ để Thiên Chúa được nhìn nhận ra, và là tầm hướng nhìn về Thiên Chúa.

Nhưng trong dòng lịch sử Giáo hội Chúa ở trần gian xưa nay hầu như luôn vướng mắc vào cám dỗ đặt thêm pha trộn chất màn bạc vào cửa sổ kính gương của mình, để đến nỗi Giáo hội chỉ còn phản chiếu chính mình trong tấm gương thôi. Và như thế Giáo hội làm sai lạc cùng đánh mất tầm hướng nhìn ra xa bên ngoài thiên thiên nhiên công trình của Thiên Chúa.

Những Xì-căng-đan trong Giáo hội tuy có gây ra hậu qủa tiêu cực có khi khốc hại, uy tín bị suy giảm, nhưng không vì thế mà Giáo hội Chúa đến ngày tàn tận cùng. Trái lại, Chúa hằng ban ân đức giúp Giáo hội của Chúa sửa sai những lỗi phạm, cùng giúp Gíao hội có sức mạnh đổi mới lại cho chính đáng, như Chúa mong muốn hướng về thiên nhiên, hướng về con người và hướng về Chúa.

„ Giáo hội tự mình không là thánh thiện. Giáo hội được lập nên từ những con người tội lỗi, điều này chúng ta đều biết cả rồi, và chúng ta cũng nhìn thấy tất cả. Giáo hội luôn luôn được đổi mới lại nhờ Đức Chúa Thánh Thần, và cùng được thánh hóa thanh tẩy nhờ vào tình yêu của Chúa Jesus Kitô.“ ( Đức Giáo Hoàng Joseph Ratzinger, Benedicto XVI.).

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Lý do nào đạo Công Giaó phát triển mạnh trong Vành đai Kinh thánh ở Hoa Kỳ?
Trần Mạnh Trác
18:46 10/08/2018
Charleston, SC, ngày 10 tháng 8 năm 2018 ( CNA / EWTN ) .- Dù nằm giữa Vành đai Kinh thánh, (tức là miền đông nam Hoa Kỳ, còn được coi là lãnh điạ truyền thống cuả các giáo phái Tin lành,) mà một số thánh lễ ở các nhà thờ Công Giáo đang chật cứng, chỉ còn chỗ đứng . Trong khi đó, nhiều nhà thờ Tin lành như Baptist, Methodist và Lutheran đang phải vất vả lắm mới có đủ người để mở cửa.

Người ta biết rằng Hoa Kỳ nói chung đang mất đi tính cách tôn giáo của nó, với nhiều nhà thờ Tin lành suy giảm dữ dôi trong vòng 15 năm qua. Nhưng ngược lại, hai yếu tố quan trọng đã góp phần vào sự phát triển của đạo Công Giáo trên khắp miền Nam: đó là sự bùng nổ dân số gốc Tây Ban Nha, và sự di dân xuống miền Nam của những gia đình Công Giáo về hưu từ vùng Đông Bắc.

Giáo xứ Công Giáo St. Gregory ở Bluffton, nằm cạnh bờ biển Nam Carolina, là một thí dụ điển hình cho sự thay đổi dọc theo Vành đai Kinh thánh này – giáo xứ đã phát triển 70% chỉ trong vòng 10 năm qua, và bây giờ số giáo dân có đăng ký đã lên đến 10.000 thành viên. Mặc dù tiểu bang Nam Carolina là một tiểu bang đang có gia tăng dân số, nhưng sự tăng trưởng của giáo xứ này cao hơn con số cuả tiểu bang nhiều lắm, theo các tờ báo địa phương.

“Các Thánh Lễ Chúa Nhật đông đến nỗi những người đến trễ phải bị nhồi nhét vào những chiếc ghế dài hoặc phải đứng ở phía sau nhà thờ. Từ tối thứ Sáu đến Chúa Nhật có 12 Thánh Lễ - hai trong số đó là tiếng Tây Ban Nha. Và một trung tâm mới đang được xây dựng cho các sinh hoạt cộng đồng, ” theo nguồn tin cuả tờ The Island Packet .

Giáo dân gốc Tây Ban Nha chiếm khoảng 40% cuả Giáo hội Hoa Kỳ vào năm 2016, phần lớn là giới trẻ: Trong số người Công Giáo tuổi từ 14 đến 29 thì 50% là người gốc Tây Ban Nha; còn dưới 14 tuổi thì có đến 55% là người gốc Tây Ban Nha. Mặc dù tỷ lệ nhập cư từ các nước Tây Ban Nha đã bắt đầu chậm lại trong những năm gần đây, nhưng theo dự kiến thì tỷ lệ người Công Giáo gốc Tây Ban Nha ở Mỹ vẫn sẽ cứ tăng trong 10 năm tới.

Tại giáo xứ St. Gregory's, các thánh lễ lớn như Giáng sinh và Phục sinh được cử hành bằng hai thứ tiếng, tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha, và các chủng sinh ở tiểu bang đòi hỏi phải thông thạo tiếng Tây Ban Nha trước khi được thụ phong. Giáo xứ cử hành nghi thức Las Posadas (tuần cửu nhật trước Giáng Sinh) và nhiều lễ truyền thống gốc Tây Ban Nha khác, và thực phẩm sử dụng trong các sự kiện giáo xứ thì bao gồm các loại bánh rán hoặc bánh nướng cuả Tây Ban Nha như empanadas và gorditas.

"Được đi thực tập trong mùa hè này và được nhìn thấy những sự việc liên kết và cộng tác như thế nào giữa hai cộng đồng Tây Ban Nha và cộng đồng tiếng Anh, thì thực sự là một kinh nghiệm có một không hai ," chủng sinh Tom Drury nói như thế với báo The Island Packet.

Giáo dân Jenny Bermejo, di cư đến khu vực khi còn là một đứa trẻ vào năm 2004, nói rằng giáo xứ St. Gregory đã cung cấp cho cô một cộng đồng quen thuộc.

“Lúc đó chúng tôi vẫn còn mới lạ với Nam Carolina, do thế khi được nghe Thánh Lễ bằng tiếng Tây Ban Nha, đã thực sự mang đến cho chúng tôi một cảm giác như đang sống ở quê nhà”, cô Bermejo nói.

Cha xứ cuả St. Gregory là đức ông Ronald Cellini nói với The Island Packet rằng giáo dân gốc Tây Ban Nha khi đến Hoa Kỳ thường hoạt động tích cực hơn trong các công việc cuả nhà thờ hơn là khi họ còn ở bên Mexico, Guatemala hoặc Colombia. Cảnh nông thôn của vùng Bluffton cũng nhắc nhở họ về quê nhà, và họ đang mọc rễ sâu ở đây- họ không còn là những người tạm cư nữa, họ không còn là những người đến rồi đi trong vòng một vài năm nữa.

"Cộng đồng Tây Ban Nha Bluffton đã trở thành một cộng đồng bản điạ ở đây - không phải là một cộng đồng di cư," ngài nói. “Trẻ em lớn lên ở đây. Chúng đã ở đây, chúng đang ở đây. ”

Để đáp ứng với những biến chuyển về dân số và đáng ứng với dòng người Công Giáo gốc Tây Ban Nha trên khắp Hoa Kỳ, các giám mục Hoa Kỳ đã tổ chức một hội nghị gọi là V Encuentro – Cuộc hội ngộ lần thứ 5 – là một tập hợp cấp quốc gia giữa các nhà lãnh đạo gốc Tây Ban Nha và hàng giáo sĩ để tham khảo với người Công Giáo gốc Tây Ban Nha và đáp ứng cho nhu cầu mục vụ của họ.

Encuentro lần thứ nhất bắt đầu vào năm 1972, lần thứ 4 sau cùng được tổ chức vào năm 2000, từ đó cũng đã có một cuộc họp về thanh thiếu niên được tổ chức vào năm 2006.

Năm nay, V Encuentro sẽ được tổ chức tại Grapevine, Texas (vùng Bắc Dallas) ngày 20-23 tháng 9.
 
Văn Hóa
Tản mạn đời tha hương: Biến Cố Đức Mẹ Maria Hồn Xác Lên Trời
Lm. Giuse Nguyễn Văn Thư
12:09 10/08/2018

Một tín điều đặc biệt



Tín điều về ‘Ðức Trinh Nữ Maria rất thánh linh hồn và xác lên trời’ do Ðức Thánh cha Pio XII đã long trọng công bố ngày 01 tháng 11 năm 1950, với Sắc lệnh “Thiên Chúa vô cùng vinh hiển” ( Munificentissimus Deus ). Ngài nói : “Để danh Chúa được cả sáng và thành kính tôn vinh Đức Mẹ đầy ơn phúc, ta dùng quyền Thiên Chúa ban, quyền hai vị Tông đồ Phêrô và Phaolô, quyền riêng trong chức vụ Giáo hoàng mà công bố phán quyết : Đức Maria hồn xác lên trời là một tín điều”.

Việc Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời đã được sùng kính từ thế kỷ thứ II trong Giáo Hội. Qua suốt giòng lịch sử, tín điều này đã được các nhà thần học nghiên cứu và tranh luận . Sau khi nghiên cứu và tham khảo hàng Giám mục, các nhà thần học trên thế giới, ngài đã trình bày rõ ràng như sau: “Ðây là một chân lý đã ăn rễ sâu vào trong lương tâm và truyền thống của Giáo hội. Ðây không phải là việc tạo nên một tín điều mới, một chân lý mới về Ðức Trinh Nữ Maria rất thánh”.

Qua tín điều Đức Maria hồn xác lên trời, Hội thánh nhận ra rằng Đức Maria đã phải trải qua cái chết không phải như hình phạt vì tội của mình, nhưng là để nên giống Đức Ki-tô hơn. Cho nên, nơi cái chết của Đức Giêsu và của Đức Maria, chúng ta nhận được ánh sáng mới cho thấy một giá trị mới của cái chết.

Kiểu nói ‘hồn xác lên trời’, tự nó, không ám chỉ một việc ‘di chuyển tại chỗ’ thân xác Đức Trinh Nữ từ đất lên trời, nhưng ám chỉ sự vượt qua, từ tình trạng tự nhiên qua tình trạng siêu nhiên. Các thần học gia thường chấp nhận rằng ‘trời’ không chỉ có nghĩa là một ‘trạng thái’, mà cũng có nghĩa là một ‘chốn thần thiêng’ nữa. Đó chính là nơi Chúa Kitô phục sinh vinh hiển hồn xác hiện diện, và là nơi Đức Maria đang hưởng vinh hiển bên cạnh Chúa Cha.

Tại sao Đức Maria hồn xác lên trời?



Cha Giu-se Lợi thuộc dòng Chúa Cứu Thế có giảng thế này : “Người nữ trong sách Khải Huyền tượng trưng cho Mẹ Maria. Ðức trinh nữ Maria ngay từ giây phút ban đầu đã được Thiên Chúa bảo toàn, gìn giữ và tuyển chọn. Cho nên, tâm hồn và thể xác của Mẹ luôn thuộc về Thiên Chúa, không mang vết tỳ ố, không nhuốm tội lỗi, tâm hồn tinh trong, thánh thiện, tinh tuyền, xứng đáng là đền thờ cho Chúa Thánh Thần ngự trị”.

Thiên Chúa đã yêu thương Mẹ, đã tuyển chọn Mẹ làm Mẹ Thiên Chúa, làm Mẹ Ðấng cứu thế Giêsu. Hậu quả của tước vị làm Mẹ Thiên Chúa: Maria đã được chọn lựa riêng, được đặc ân vô nhiễm nguyên tội. Thân xác và tâm hồn của Mẹ đã được dành riêng cho Thiên Chúa. Con Mẹ cưu mang trong cung lòng là do bởi phép Chúa Thánh Thần. Mẹ sinh con mà vẫn còn tinh khiết vẹn tuyền. Ðó là đặc ân chỉ có một không ai trong lịch sử cứu rỗi, Thiên Chúa dành riêng cho Mẹ và chỉ có mình Mẹ được ơn cao quí ấy.

Hình ảnh người nữ thánh Gioan diễn tả : mình mặc áo mặt trời, chân đạp vầng trăng, đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao là hình ảnh của chính Mẹ Maria và Giáo Hội Chúa Kitô. Maria là hình ảnh vẹn toàn nhất của Giáo Hội ngày mai, là bình minh của Giáo Hội khải hoàn. Bài ca Magnificat mà Ðức Mẹ cất cao giọng trong Tin Mừng Lc 1, 39-56 là lời cảm tạ viên mãn Thiên Chúa dành cho Maria. Chính niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa đã khiến Maria trở nên vững mạnh và đáng được chúc tụng muôn đời.

Sự tinh ròng của thể xác và tâm hồn khiến Maria được đặc ân riêng biệt. Maia đã biến phút giây tuyệt vời khi sứ thần Gabrien truyền tin cho Mẹ và lời xin vâng của Mẹ đã biến giây phút hiện tại ấy trở thành niềm vui vĩnh cửu, trở thành hạnh phúc trường tồn vì chính phút giây ấy đã thay đổi cuộc đời của Mẹ cách hoàn hảo nhất. Ðó là giờ của ơn cứu độ. Sự vô tì tích của tâm hồn và thể xác của Mẹ, đã được Thiên Chúa chúc phúc cho hồn xác Maria về trời hưởng vinh quang vĩnh cửu với Thiên Chúa Ba Ngôi và triều thần thánh trên trời.

Đức Maria hồn xác lên trời nhắc ta điều gì ?



Tín điều Mẹ về trời này có giá trị vĩnh viễn và tuyên bố cho mọi người rằng Maria có liên hệ mật thiết với nhân loại, với mọi người chúng ta. Nhờ sự tinh ròng, vô tì tích của tâm hồn và thể xác của Maria, mọi người có lòng tin được hưởng nhờ đặc ân cứu độ của Thiên Chúa và tin vào sự giải thoát tội lỗi, Thiên Chúa dành cho Mẹ Maria cũng chính là tin vào Ðức Kitô đã chết và sống lại cho phần rỗi mọi người.

Maria đã được diện đối diện với Thiên Chúa. Maria lên trời là hình ảnh của Giáo Hội khải hoàn và vinh quang của thập giá là vinh quang của Mẹ. Tin vào thập giá sẽ được ơn cứu độ. Vì thế, tin vào Ðức Kitô đã giải thoát Mẹ khỏi sự chết của tội lỗi, tức là tin vào sự bất diệt của tâm hồn và thể xác Thiên Chúa dành cho Maria, cũng như cho nhân loại và cho Giáo Hội khải hoàn.

Việc Đức Maria hồn xác lên trời mặc khải phẩm giá cao quý của thân xác con người, được Thiên Chúa gọi làm dụng cụ của sự thánh thiện và thông phần vào vinh quang thiên quốc. Cho nên, khi nhìn lên Đức Maria, người tín hữu học cách khám phá ra giá trị của thân xác mình và gìn giữ nó như đền thờ của Thiên Chúa, trong khi chờ đợi ngày sống lại.

Xin Chúa ban cho chúng con lòng tin sâu xa để chúng con tin mai ngày chúng con cũng được sống lại hiển vinh. Mẹ về trời là để chờ đợi chúng ta. Mẹ nhắc ta cố giữ cả hồn lẫn xác tinh tuyền, vì đó là chống Chúa muốn ở với ta ngày đêm.

Xin Mẹ Maria hồn xác lên trời chuyển thay cầu giúp cho chúng con để chúng con biết xa lánh tội lỗi và sống kết hợp với Chúa luôn mãi .

Xin Mẹ ban cho chúng con biết mau mắn nói lời xin vâng tuân theo thánh ý Chúa trong đời sống của chúng con .

LM Giuse Nguyễn Văn Thư

 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Thánh Tử Đạo Việt Nam
Đặng Đức Cương
07:33 10/08/2018
THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

Ảnh của Đặng Đức Cương

Đời các Ngài - Gương soi, Nhân chứng

Những Bia Vàng bền vững thiên thu

Giặt áo trong Máu Giêsu,

Đoàn người y phục trắng như tuyết ngàn.

Trước Thiên nhan dâng nhành vạn tuế,

Cầu bầu cho hậu duệ - đồng bào.

MỘT TRĂM MƯỜI BẢY NGÔI SAO

Lung linh tỏa sáng chiếu vào trời NAM.

(Trích thơ của Vinh Sơn)