Ngày 08-08-2013
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngạc nhiên
Lm Vũđình Tường
06:16 08/08/2013
Cuộc đời có lắm ngạc nhiên và những ngạc nhiên này tô điểm cho đời thêm thú vị. Không ngạc nhiên đời nhàm chán. Ngạc nhiên đến từ những sinh hoạt hàng ngày ta dành cho người và người dành cho ta. Không ai có khả năng chuẩn bị để đón ngạc nhiên bởi vì chúng đến bất thình lình, không thể tiên đoán. Nếu tiên đoán được đâu còn là ngạc nhiên.

Sống thoải mái, bình thường, trung thành làm công việc hàng ngày, làm với một tâm tình vui, thoải mái, chân thành. Như thế là chuẩn bị chu đáo đón ngạc nhiên. Ai có thể đoán được buổi nói chuyện với người kia cuộc đời mình thay đổi. Ai đoán được đứa con mình sau này xóm làng ai cũng mến. Ai tiên đoán được sách dậy Bảo vệ Hạnh Phúc Gia Đình làm cho gia đình hàng xóm chia lià. Cũng là đoạn Kinh Thánh đó năm nào cũng nghe nhưng sao lần này tôi cảm thấy rất gần gũi. Quả là ngạc nhiên trước khi vào thánh đường lòng rối tơ vò, tâm động thác lũ mà chỉ sau ít phút bình an trở lại, tâm hồn yên lặng. Rồi cũng có lần đầu lễ sốt sắng, nửa sau lo ra, bồn chồn chỉ muốn ra về sớm.
Có những ngạc nhiên ta vui mừng đón nhận và chia sẻ với người lại cũng có những ngạc nhiên ta từ chối, dẫy nảy nhưng nó vẫn bám theo, không tài nào dứt ra. Không ngạc nhiên sao giữ gìn sức khoẻ đến thế mà lại bệnh sớm hơn mọi người. Không ngạc nhiên sao mặc dù chuẩn bị mọi thứ nhưng khi đến việc vẫn thấy bồn chồn, lo lắng.

Phúc âm hôm nay cho chúng ta một ngạc nhiên lớn trong đời. Ngạc nhiên ở chỗ ông chủ khen người đầy tớ trung thành sẵn sàng đợi chủ về. Người đầy tớ không làm điều gì to, cũng chẳng làm việc bất thường. Tất cả những gì anh ta làm mọi người đều có thể làm. Anh trung thành, vui vẻ trong công việc. Sẵn sàng đón chủ về bất cứ khi nào, sáng trưa, chiều tối, và ngay cả đêm khuya. Lúc nào anh cũng sẵn sàng chu toàn công việc. Chính điểm này mà chủ khen là người đầy tớ khôn ngoan, trung thành và giao cho trách nhiệm lớn, quan trọng hơn.

Là môn đệ Đức Kitô chúng ta cũng cần có tâm tình đó, luôn sẵn sàng làm chứng cho Đức Kitô, luôn sẵn sàng chia sẻ tình yêu Chúa cho tha nhân. Thiên Chúa không kêu gọi chúng ta làm công việc vĩ đại, không cần phải chuyển núi dời non, không cần phải xây cất lâu đài đồ sộ. Ngài kêu gọi chúng ta chia sẻ tâm tình của mình với mọi người. Ngài kêu gọi chúng ta sống khiêm nhường và trung thành với công việc hàng ngày. Ngài mong chúng ta sống vui mỗi ngày, hoàn thành công việc trong tinh thần vui vẻ đón nhận tất cả, sẵn sàng làm những gì cần làm trong ngày, dù là bếp núc hay vườn tược, dù là kinh doanh hay chăn nuôi. Hãy hoàn thành công việc với tâm tình yêu mến, khiêm nhu. Đây là khuôn mẫu của người đầy tớ khôn ngoan. Bạn sẽ ngạc nhiên nhận được lời ông chủ khen tặng là người khôn ngoan, trung thành. Bạn sẽ được những người khác coi là thân hữu và luôn kính trọng.

Có lẽ ngạc nhiên lớn nhất trong đời là ngạc nhiên sau những năm tháng phục vụ cuối đời bạn nhìn lại thấy không hối tiếc việc đã làm nhưng hài lòng vì đã sống một đời sống thành nhân. Người thành nhân là người yêu người quí mình với tất cả tấm lòng. Ai chân thành yêu mến người thì cũng chân thành yêu mến Thiên Chúa.

Lm Vũđình Tường
TiengChuong.org
 
Tỉnh thức và sẵn sàng
Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
09:11 08/08/2013
TỈNH THỨC VÀ SẴN SÀNG

(Chúa Nhật XIX TN C)

“Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em”(Lc 12,32). Sự gì Thiên Chúa đã trao ban thì Người không bao giờ lấy lại. Nước trời là vương quốc tình yêu, nơi tràn đầy hạnh phúc, hạnh phúc vĩnh cửu. Thiên Chúa đã trao ban Nước Trời. Có thể nói đây là điều kiện cần, là nguyên nhân tác thành hạnh phúc vĩnh cửu của con người. Thế nhưng còn cần sự đáp trả của phía con người, xét như là loài có ý thức và tự do. Chìa khoá của sự đáp trả phía con người đó là niềm tin. Tin là chấp nhận những gì Chúa phán dạy đều là chân thật vì Thiên Chúa không hề lừa gạt ai (x. Dz 3008). Và có thể gọi đây là điều kiện đủ để con người, từng người đạt đến hạnh phúc đích thực.

Bài trích Tin Mừng thánh Luca Chúa Nhật XIX, Giáo Hội cho chúng ta nghe những lời dạy của chính Con Thiên Chúa làm người, Giêsu Kitô. Để có được kho tàng ở trên trời là hạnh phúc vĩnh cửu, Chúa Kitô truyền dạy chúng ta hãy sống tỉnh thức và sẵn sàng.

Sống tỉnh thức: Thái độ tỉnh thức là không mê đắm, không bị trói buộc trong những sự tạm thời, chóng qua ở đời này. Dù cho những thiện hảo đời này có tốt, có đẹp bao nhiêu đi nữa thì chúng chỉ là nhất thời và qua đi. Chúa Kitô đã dùng hình ảnh bị mối mọt, bị ten sét, bị trộm cướp để minh hoạ sự thật này. Các bậc hiền giả xưa nay cũng chân nhận rằng sắc đẹp không qua khỏi làn da và của tiền không theo chúng ta vào nấm huyệt lạnh, công danh quyền chức chỉ là một thời.

Người sống tỉnh thức là người biết tự do với cả mạng sống mình ở đời này. Thân xác thì hơn áo mặc, mạng sống thì hơn của ăn và hạnh phúc vĩnh cửu thì hơn cả mạng sống đời này. Họ là những người không nao núng trước quyền lực chỉ có thể làm hại sự sống đời này của họ nhưng không thể làm hại đến sự sống đời đời.

Sống sẵn sàng: Suy xét đến cùng thì thái độ sống tỉnh thức chỉ dừng lại ở mặt tiêu cực. Kitô hữu sống tự do với các thực tại đời này không phải để cho bản thân thoát khỏi những hệ luỵ tiêu cực của những sự chóng qua mà anh em Phật tử gọi là vòng khổ ải, nhưng là để sống yêu thương cho đến cùng. Đây là nội hàm của tinh thần sẵn sàng mà Chúa Kitô dạy.

Khi thánh Phêrô hỏi về dụ ngôn người đầy tớ tỉnh thức sẵn sàng đợi chủ đi ăn cưới về thì Chúa Giêsu đã giảng giải tinh thần sẵn sàng qua hình ảnh người quản gia trung tín, khôn ngoan phân phát thóc gạo đúng giờ cho kẻ ăn người ở. Sự sẵn sàng ở đây không hướng đến những người vai vế ở trên, nhưng là đối với những người ở phận dưới.

Những người ở phận dưới trước hết là những người mà chúng ta đang có trách nhiệm cách trực tiếp như đàn chiên Giáo Hội trao phó, con cái, học trò…Họ cũng là những người thấp cổ, bé phận trong xã hội, những người xấu số, kém may mắn trước mặt ngưòi đời, nói chung là tất cả những tâm hồn bé mọn mà Tin Mừng đề cập. Thánh sử Matthêu đã tường thuật cho chúng ta dụ ngôn Chúa Giêsu kể về ngày cánh chung nhắc nhớ chúng ta luôn sẵn sàng chu toàn bổn phận yêu thương với những tâm hồn ấy.

Mỗi khi dâng Thánh Lễ, Kitô hữư chúng ta đều đấm ngực ăn năn về nhiều tội đã phạm trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót. Vẫn có đó nhiều con cái Chúa chưa hình dung rõ ràng về những tội thiếu sót. Theo ngôn ngữ tiếng Việt thì người ta dễ lầm tưởng đó là những tội quên sót. Xin khẳng định rằng những tội mà chúng ta dễ quên hay dễ bỏ sót khi xét mình thì hình như không đáng gọi là tội. Nếu thực sự là tội theo đúng nghĩa thì một Kitô hữu trưởng thành, ngay chính không dễ gì quên hay bỏ sót. Tội thiếu sót là tội chúng ta đã bỏ qua những việc tốt, những việc phải làm trong khả năng và hoàn cảnh của chúng ta theo nghĩa vụ sống yêu thương. Bản dịch Anh ngữ thì hình như khá rõ về điều này: “I confess to almighty God, and to you, my brothers and sisters, that I have greatly sinned, in my thoughts and in my words, in what I have done and in what I have failed to do…”

Vì người ta lại bỏ qua những việc phải làm? Cũng có thể vì sự vô tâm. Tuy nhiên cần phải nói rằng số người sống vô tâm, bạc tình có lẽ không nhiều. Nhưng số người mắc phải tội “quên sót’ thì không ít. Vì dính bén chút của tiền hay danh vọng, vì quá quyến luyến sự sống đời này nên người ta đã bỏ qua những việc cần làm, những việc phải làm theo khả năng và hoàn cảnh của mình, nhất là theo đòi hỏi tình yêu Tin Mừng. Một thực tế khó bề chối cãi, đó là người ta dễ dàng sẵn sàng với người phận trên, với kẻ nhiều tiền hay quyền cao chức trọng, nhưng lại thờ ơ với những người thấp cổ bé phận. Xin chớ quên lời của Chúa Kitô: Hạnh phúc Nước Trời hệ tại ở chính những nghĩa cử chúng ta đã làm cho các anh em bé mọn chứ không phải cho những người phận cao.

Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Tin, động tác phát tự con tim: điều này thật ra có nghĩa gì?
Mai Tá
21:46 08/08/2013
Chương I

Tin, động tác phát tự con tim:
điều này thật ra có nghĩa gì?
(bài 7)


Phần I
(tiếp theo)


Tư-duy đồng thuận trong một thế giới có quá nhiều sư thật

Sự thật của niềm tin: niềm tin vào sự thật

Những gì chúng ta vẫn đang làm, là dấn bước đi vào một thứ triết lý về “hiểu biết”. Nhưng, từ muôn thuở, vẫn có vấn đề hỏi rằng: “Làm sao ta lại có thể hiểu biết rất nhiều thứ?”, “Biết thì cũng biết, nhưng làm sao ta có thể đạt sự thật?” Và, “Sự thật ta đạt được là những sự thật nào?”

Hôm nay đây, ta lại nói thêm một chút về mình, về con người mình, và về những “hiểu và biết” của con người cũng như cung cách mà con người nắm bắt sự thật, tức: giáp mặt với sự thật rất “người” để nhìn vào sự thật của con người, xem sự thể đến thế nào?

Từ lâu, ta vẫn có ý niệm rất “cổ đại” về sự thật không mang tính chất thời thượng. Sự thật ấy, dù có là vũ trụ/vạn vật đầy đổi thay, vẫn là sự thật không thể thay đổi. Nhiều người, lại cứ qui về sự thật nói chung có ngụ ý/hàm ẩn điều gì gần như cấp thời mỗi khi suy-tư về sự thật lịch sử. Vâng. Đúng thế. Nhưng, xin hãy cho biết, sự thật ấy có thật sự xảy đến hay không, thì nhất định nó không thể là chuyện lững lờ, nửa vời đâu nhé. Những ai tin như thế, đều làm một cách nghiêm chỉnh, do bởi tôn giáo của họ vẫn dạy như thế, nhất thứ là khi họ trầm ngâm suy-tư về sự thật lịch sử của Đức Kitô, về sự sống đích thật của Ngài và về Lời Ngài bảo ban cũng như các việc Ngài làm này/khác. Nhưng, hỏi rằng: Ngài có thật sự làm thế hay không? Nhất định ở đây không có chuyện lửng lờ/nửa vời, đâu đấy. Vậy thì, những người như thế lại cứ hiểu: có thể, vẫn còn có thứ ngôn ngữ ngàn thu bất biến về bất cứ sự thật nào thật sự hợp lý/đúng đắn đến muôn đời, muôn thuở. Và, những người như thế, lại vẫn coi ngôn ngữ mà họ thừa hưởng nói về Đức Kitô và về sự cao cả nào khác trong đời, đều như thế, không đổi thay. Riêng tôi, thấy mình có trọng trách phải lên tiếng về những gì có liên quan đến con người chưa hẳn là đã tốt! Bởi, con người chỉ nắm bắt được “hiểu biết”, một động tác hạn chế mang tính chất cũng rất “người”, mà thôi. Tự thân, những gì được những người như thế nói ra, tuy là nhận-thức trọng điểm nhưng lại nói lên những lời nói rất đúng cách, và thông thường vẫn là những cách cũng rất đúng. Thế nhưng, quí vị còn phải làm nhiều động tác hơn, cả vào thời sau này, ngõ hầu biến “nhận thức” ấy thành một thứ “hiểu biết” rõ ràng, dứt khoát, thật tình. Hơn nữa, đôi khi ta cũng tự hỏi: đứng từ góc cạnh nào đó mà nhận xét, thì: làm như thế, có thể cũng tạo cho ta cảm giác cứ nghĩ rằng: điều đó thật không đúng chút nào hết.

Kết cuộc là, ngày nay ta có được hiểu biết khá hiện đại và ý thức được sự thật cũng rất ư là đương đại hơn thời gian. Tuy nhiên, có được nhận-thức như thế vẫn hạn hẹp hơn các nhận thức/hiểu biết đã có mặt vào thời cổ đại. Nói rõ hơn, nó mang tính tương-đối hơn rất nhiều thứ. Nó cắm rễ sâu hơn vào bản sắc tư-riêng của nền văn-hoá biệt-lập; nó ở vào tư thế sẵn sàng đối-đầu với các xác suất nào vốn dĩ dễ biến đổi hơn là đặc tính chắc nịch không chuyển dời. Khi hai động thái này, một thuộc thời cổ sử và động-thái kia thuộc thời hiện đại, lại đến với nhau, thì các vấn đề thời đại về niềm tin lại đã bắt đầu nhen nhúm, xuất hiện. Lúc nào ta cũng có nhu cầu để luận ra những gì khiến ngôn ngữ được coi trọng và thật tình cho biết: ngôn ngữ được sử dụng từ thời buổi nào? Và, ngôn ngữ có cho ta biết những điều khác lạ trong nền văn hoá mới mẻ này, không?

Đôi khi, những điều tương tự lại vẫn giúp ta hiểu được: làm sao mà sự thật lại có thể hoạt động vì ta, và cho ta được? Theo cách cổ đại, thì: mọi người đều có thể bảo: sự thật vẫn hoạt động cốt giúp ta duy trì chân lý vĩnh cửu và có như thế, mới hướng dẫn giúp ta sống một cuộc sống giống lịch sử. Sống như lịch sử từng sống, sẽ bảo rằng: ta đã làm hết sức mình trong cảnh tình khó xử, nhờ đó ta mới cần đến sự trợ giúp của người khác; và có thế mới đảm bảo là ta có thể đạt được chân lý rất đích thực. Theo cung cách cổ đại, thì sự thật có hoạt động cho lắm cũng chỉ để duy trì các chân lý vĩnh cửu thôi...; còn, phương án sống giống như cách sau, thì sự thật hoạt động là cho hiện tại và cho đổi thay ngõ hầu hiểu biết về thực tại cho rõ ràng, dứt khoát hơn.

Nói sự thật đang thay đổi, là có ý rằng: mọi chân lý được định vị/định hình theo lịch sử và ít ra cũng đã hướng về nền văn hoá có điều kiện. Từ đó, nó mang trong mình tính cách tương-đối ngõ hầu tiến tới khuôn khổ hiểu biết rõ nét hơn.

Trước khi có được niềm tin chân chính, ta cần có khả năng nhận thức được các dấu-chỉ của Thiên Chúa diễn lộ ra trong thế giới đang ngày một biến đổi như ngày nay.

--------------


Niềm tin đầy nghi ngờ

“Đừng khiến mình lẫn lộn với các vấn nạn bằng một nghi ngờ. Nghi ngờ nào cũng tháp tùng cùng với sự chắc chắn/chắc nịch hết. Dù cho ta có sơ suất phạm phải sai lầm về sự chắc chắn/chắc nịch nào đó, bởi khi đó có thể là ta đã nghi ngờ nhiều thứ rồi.” (Dominic Crossan)

Ở đây, tôi sử dụng thành ngữ: “Lòng cứng tin của thánh Tôma”. Làm như thế, là vì bà con mình vẫn nghe quen trình thuật kể dài dài về những ngày Chúa Phục Sinh/trỗi dậy, đầy kinh ngạc. Thế nên, tôi sẽ để yên như thế; và, thay vào đó, sẽ suy tư thêm về những gì là nghi ngờ/nghi hoặc về nhiều thứ như người thời nay vẫn cứ đối xử như thế với những ai chấp nhận nó và với những người có làm thật đấy nhưng không chấp nhận nó được.

Tôi sẽ nói ngay ở đây rằng: tôi không là nhà tư-tưởng chủ trương triệt để. Bởi, người chủ trương triệt-để thật sự không “tin” vào bất cứ thứ gì, nhưng lại cho rằng mình “biết rõ” mọi thứ cách trực tiếp. Người “tin” triệt-để, lại không nghĩ rằng có nhiều thứ và nhiều sự ở bên dưới bề mặt của nhiều sự và nhiều thứ. Và, có những vị thường hay cay-cú, cũng thế. Thế nhưng, người cay-cú lại cứ chê-bai, nói khôi-hài về ý tưởng nào đại loại như thế.

Trong khi đó, các vị chủ trương triệt-để vẫn không làm thế và cũng không nghĩ rằng: lại có thể có thứ gì nhiều hơn điều mình vẫn “biết”. Nên, không có thắc mắc gì về chuyện ấy hết.

Thế nhưng, trong Kinh Sách, lại luôn có vấn-nạn được đặt ra. Như Abraham và Sarah cũng đã có nhiều vấn-nạn. Tác giả thánh vịnh cũng thế, ông cũng có nhiều vấn nạn đặt ra cả khi đang hát lời ca, thánh hiến. Còn tiên-tri hay ngôn sứ, lại cứ luôn miệng hỏi tại sao và tại sao? Cả đến Đức Maria cũng đưa ra cho thần sứ nhà trời các vấn nạn hoặc nghi ngờ bằng những câu “Giả như”, hoặc “nhưng mà”, trong khi thần sứ Chúa lại trả lời cũng rất ít. Các kẻ “tin” vào Đức Kitô cũng từng yêu-cầu Ngài giúp đỡ lòng “cứng tin” của họ. Nhiều sử-hạnh về các bậc hiển-thánh cũng đã đưa ra nhiều dấu chấm hỏi (“?”), vào cuối câu. Nhiều thư “luân-lưu” của các ngài cũng cho thấy các ngài cũng không mấy hài lòng với nhiều lời đáp và rồi cũng đi vào cõi chết, hệt như thế.

Một số vị còn đi đến tình trạng nghĩ rằng: niềm tin của mình sẽ khá hơn nếu như mọi nghi ngờ cuối cùng rồi ra cũng ra đi. Riêng bản thân tôi, lại không nghĩ thế. Tôi nghi ngờ chuyện ấy lắm. Bởi, niềm tin chẳng khi nào lại có nghĩa là chấp-nhận sự việc nào đó cách mù quáng hết. “Tin”, là luôn để chỗ cho ta đưa ra vấn-nạn. Nhiều vị vẫn được dạy bảo, rằng: niềm tin, là sự đón nhận các nguyên lý và truyền thống mà chẳng cần gì nghi vấn hết. Không! Không hẳn thế. Nhưng, còn hơn thế nữa. Bởi, ta không thể nào tìm ra công-thức cuối cùng cho các sự việc hiện-hữu đặc biệt là khi có Chúa dính dự. Thế nên, khi ta nhìn vào niềm tin, ta thường làm thế với cảm giác nghĩ rằng: sự cao cả mà ta đã có và ta không hoàn toàn hiểu rõ sự thể ấy. Bao lâu ta không để các vấn nạn và nghi ngờ ấy làm cho ta kiệt quệ để rồi khiến ta cứ ngồi đó, bên vệ đường, mà vểnh tai nghe những gì xảy đến ở dưới đất, trong tư thế khá bất ổn. Thế nên, tôi có lời khuyên gửi bà con mình đừng thử nghiệm như thế ở nhà mình, mà lại không định hướng cho linh đạo.

Nói đến đây, tôi lại tưởng nghĩ đến các vị lành thánh từng sống sót sau lễ Phục sinh với mối nghi ngại này khác. Và, cũng có một số vị sống sót với Hội thánh hôm nay khi Hội thánh mình cũng có một số nghi ngại. Và, sau đây là một vài tư tưởng nhỏ xin được gửi đến các vị đó.


(còn tiếp)
-----------------
Lm Kevin O’Shea CSsR
Mai Tá lược dịch
 
Suy Niệm Lời Chúa - Chúa Nhật thứ 19 năm C
Mai Tá
21:48 08/08/2013
Suy niệm Lời Chúa - Chúa Nhật thứ 19 năm C

“Dành riêng Em đấy, khi tình tự,”
Ta sẽ đi về, những cảnh xưa.”
(dẫn từ thơ Đinh Hùng)
Lc 12: 32-48
Cảnh xưa anh về, tình tự sao vẫn thế. Tình tự em đi, nay có thánh Hội cùng đi cùng đến, chốn thiên đường. Trình thuật thánh Luca nay cũng diễn tả thiên đường có cửa hẹp rất khó vào. Khó, thì có khó nhưng sao người vẫn cứ hỏi: thiên đường là chốn hạnh ngộ đầy chúc phúc, sao vẫn còn nhiều người khóc lóc/nghiến răng, nhiều đến thế?
Trải qua giòng đời lịch sử, người người nay cho thấy nhiều đáp trả khác biệt cho vấn nạn này. Thánh Augustinô, là đấng bậc hiển thánh uy tín là thế, lại vẫn bi quan cho rằng: người được cứu cũng rất hiếm. Theo thánh-nhân, hiếm là bởi nhân loại xưa nay là tập đoàn chúng-sinh bị án phạt đời đời; nên, thánh-nhân quyết biến cải mọi người để họ sống đạo cho tốt.
Thánh nhân lại quan niệm: nếu không có ơn Chúa, mọi người sẽ ngập trong lỗi tội. Truyền thống Đạo Chúa, lúc sau này còn gay gắt, những bảo rằng: nhiều người sẽ bị Chúa phạt đến muôn đời do phạm lỗi. Các đấng bậc giảng thuyết về nền thần học cổ điển, có thể chia làm hai loại: một, gồm các “ngôn-sứ-địa-ngục” chuyên đặt nặng việc Chúa nổi giận với dân con mọi người. Thứ đến, là những vị vẫn tin rằng Chúa sẽ thứ tha hết tất cả.
Các thần-học-gia loại đầu, luôn có khuynh hướng ngả về ảnh-hình sai lầm một Đức Chúa, lẫn con người. Nhóm người sau, nhận thức cũng chưa đủ về trách nhiệm của con người khi đáp-trả lại lời Chúa mời gọi sống yêu thương giùm giúp, chính đó mới là thiên đường. Trình thuật, nay diễn bày về thiên đường và ơn cứu rỗi như tiệc mặn, có đủ thức ăn phục vụ mọi thực khách, có sự hiện diện của Đức Chúa. Ơn cứu độ, là ảnh-hình về tiệc vui có Chúa, có con dân mọi người tốt/xấu đến dự.
Giáo huấn Hội thánh lâu nay tóm gọn ba điểm: điểm đầu, Chúa muốn kết-thân làm hoà, cứu độ hết muôn người. Chúa làm thế, ngang qua Hội thánh bấy lâu nay, nhưng ta không thể đoán biết đường lối cụ thể Chúa thực hiện. Trong khi đó, người người phải có trách nhiệm về cuộc sống hiện tại và tương lai của chính mình. Dù, thực tế cũng có người kình chống hoặc xa rời Chúa, nhưng nhiều vị vẫn tôn trọng trách nhiệm của người khác; vẫn muốn người khác ngồi cùng hang hoặc đồng vị với mình. Điểm cuối, không ai được phép xét đoán người khác. Chỉ mình Chúa mới thông hiểu được mọi người, nên chỉ mình Ngài mới có phán quyết về mỗi người và mọi người. Tuy nhiên, Chúa vẫn dành chỗ cho con người có hy vọng và Ngài vẫn tặng ban ơn lành để con người còn có dịp mà cải-hối.
Thiên đường cứu độ, là yến tiệc Chúa mời gọi mọi người đến tham dự. Cứu độ, là ân huệ được ban cho mọi người đến dự tiệc cùng Chúa, suốt mọi thời. Mọi người sẽ đến dự tiệc, dù gần/xa hoặc có là dân “tứ chiếng” tám hướng bốn phương, đều được mời. Chủ-nhà-là-Thiên-Chúa, có dùng lời lẽ hơi cứng ngắc với người dự, như: “Ta không biết các ngươi là ai, từ đâu đến!” cũng để ám chỉ người đó không là “người” thật, mà chỉ là thể-loại tưởng-tượng do tác giả trình-thuật muốn đưa ra một luận-cứ để ta suy về tình huống “tìm đến Chúa.” Tìm đến Chúa, phải chăng họ chỉ đến bằng mặt, chứ không bằng lòng. Nói cách khác, họ đến thật đấy, nhưng tâm can vẫn để đâu đó, vắng xa, cách biệt.
Thế nên, đôi lúc, ta cũng hãy tự kiểm để xem từ phần sâu lắng của tâm can, ta có thật lòng muốn gần Chúa hay không? Và, điều gì thúc giục ta tìm đến Chúa? Có khác biệt gì chăng giữa lòng muốn “tìm đến với Chúa” theo kiểu ngoài mặt và thật lòng?
Đáp trả các vấn-nạn trên, thánh-sử rày ghi rõ tâm trạng của những người lâu nay xa rời Chúa. Họ là những người hầu hết từng phạm lỗi bất công. Bất công, không ở cung cách đối xử với Chúa, mà với chòm xóm, với người nghèo hèn, thuộc giai cấp ở dưới thấp. Hoặc, họ có đến dự tiệc thật đấy, nhưng trong lòng chỉ muốn đến để vui chơi hoặc để thưởng thức các món ngon mà chẳng làm bất cứ thứ gì, từ: việc sắp bàn, phục vụ cho mọi người ăn no đủ. Làm như thế, chủ-nhà-là-Thiên-Chúa sẽ nói với người đến gõ cửa: “Thật tình, tôi chẳng biết quí vị là ai, đến từ nơi nào…” hoặc: “Quí vị không là khách được mời!”
Cũng nên suy về lập trường rất đúng từ trình thuật, rằng: mọi người đều sẽ có đủ thức ăn đến mãn đời, nếu biết sẻ san/phục vụ người khác; chí ít, là những kẻ có nhu cầu nhiều hơn ta. Nghĩ như thế, mới đúng là mình quyết đến với Chúa, rất thật tình. Có thể, người đến dự tiệc lại từ phương Đông hay phương trời nào đó tới, không ai biết. Nhưng, một khi đã đến, ắt là họ đến để phục vụ cho người khác ăn. Đến, với tâm-trạng như thế, tức: đã biết chào đón/hoan nghênh hết mọi người, không trừ ai. Thực tế đời người, đôi lúc ta lại nói quá nhiều về những việc từ thiện/bác ái ở đời, nhưng kỳ thực, ta chẳng lý gì đến tình bác ái/thương yêu rộng lớn hơn.
Trình thuật hôm nay, thánh Luca còn ám-chỉ điều mà ta coi đó như một hành trình. Hành trình dài từ Galilê đến Giêrusalem. Và, thánh-sử còn tạo dịp để Chúa ban huấn-từ về hành-trình dự tiệc, còn diễn tiến. Bằng vào hành trình dự tiệc, Chúa lại ban nhiều quà cáp đến với ta. Quà thiên đường ở gần Chúa, là để ta tiếp tục hành-trình đi vào cõi chết và Sống lại. Khi đó, “quà tặng” Chúa ban, sẽ lớn dần và gần gũi ta đến độ ta không còn gạn hỏi, nghi ngờ hoặc ngần ngại về tính lâu dài của nó nữa. Sự sống lại, đã mở cửa mộ phần để ta bật dậy, ngõ hầu sống trở lại thật kiên trì, vững chắc.
Từ ngàn xưa, thần-học Đạo Chúa nói khá nhiều về nét tiêu-cực của sự sống và cũng diễn giải khá nhiều về khía cạnh tích-cực của nó, bằng những hù doạ, rất bi quan. Vì thế nên, dân con trong Đạo mới hãi sợ một Đức Chúa có “cơn giận lành”, đầy phẫn nộ, cứ muốn đưa hối-nhân vào chốn lửa bỏng rất hoả ngục; và rồi, biến thiên đường thành chốn ngoại lệ rất khó đến. Ngày nay, có lẽ ta cũng nên quay về với đặc trưng tích-cực hiền-lành của Đức Chúa. Bởi, ví dù các nhà thần-học có nhấn mạnh nhiều đến khía-cạnh tiêu cực của cuộc sống Đạo, thì đó cũng chỉ là phương-pháp hung-biện ngõ hầu giúp người nghe biết mà cảnh giác để làm tốt cho mọi người; chí ít, là người nghèo khó, khốn đốn, tủi nhục.
Làm như thế, mới tạo được thiên đường phúc hạnh cho mọi người; và, mới vinh thăng được phẩm cách con người được. Đồng thời, sẽ còn khích-lệ mọi người về cuộc sống tương lai/mai ngày đúng như ơn gọi là vinh thăng chính mình. Vinh thăng phúc lợi cho con người mình. Vinh thăng chính mình để mình không giống như những người chỉ biết nhận chìm kẻ khác vào chốn tối tăm đầy khóc lóc và nghiến răng; mà, vui hưởng một mình chốn thiên cung phúc-hạnh, chẳng thực tế. Trái lại, phải biết đỡ nâng những kẻ đang khốn khổ vì cảnh bất công, chèn ép, bức bách.
Cuối cùng, như ý của tác giả trình-thuật hôm nay viết ở các chương/đoạn khác: Hãy đến với kẻ nghèo hèn mà làm chút gì đó cho họ. Có làm thế, mới có nghĩa: mở cửa lòng mình ra với Chúa, tựa hồ như Chúa từng mở đường cho ta làm, dù ngang qua con đường nhiều gai góc, khó thực hiện. Có như thế, mới là phấn đấu, khắc kỷ và đáng làm.
Trong cảm nghiệm điều lành thánh Chúa khuyến khích, cũng hãy ngâm lên lời thơ ý nhị, rằng:

“Dành riêng em đấy, khi tình tự
Ta sẽ đi về, những cảnh xưa.”
(Đinh Hùng– Tình Tự Dưới Hoa)

Cảnh xưa bây giờ, là như thế. Cũng như thể, chốn thiên đường phúc-hạnh có anh, có em, có tất cả mọi người chung vui trong cảnh sống rất Nước Trời. Ở đây. Bây giờ.

Lm Nguyễn Đức Vinh Sanh
Mai Tá lược dịch
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Giám mục tại Buenos Aires nói: Đại Hội Giới Trẻ cho thấy sức mạnh của đức tin
Br. Thụy Nguyễn SDB
19:59 08/08/2013
Đức Giám Mục phụ tá Eduardo Garcia của Buenos Aires nói rằng chỉ có "sự điên rồ của đức tin" mới có thể mô tả những gì đã dẫn hơn ba triệu thanh thiếu niên đến bãi biển của Brazil để gặp Đức Thánh Cha.

Đức Giám Mục Garcia, người đã làm việc trong gần một thập niên với Đức Thánh Cha Phanxicô, lúc đó là một Hồng Y, nói rằng Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2013 tại Rio de Janeiro là một sự kiện "tuyệt vời" mà những người trẻ ấy cảm thấy sự hiện diện của Thiên Chúa.

"Chỉ có như vậy mới hiểu được rằng ba triệu người trẻ có mặt tại bãi biển không phải để gặp trực tiếp Đức Thánh Cha nhưng chỉ để biết rằng ngài đã hiện diện ở đó, bởi vì họ thấy ngài trên màn hình và ngài chỉ là một chấm nhỏ màu trắng," Đức Giám Mục nói trong một cuộc phỏng vấn với EcosCEA.

"Tuy vậy họ sống kinh nghiệm mạnh mẽ này của Giáo Hội, đó là khi biết rằng nơi nào có hai ba người họp lại thì Chúa Giê-su ở giữa họ. Tôi nghĩ rằng chỉ bằng cách này chúng ta mới có thể hiểu được sự vô lý nhưng tuyệt đẹp này."

Vị giám mục nhắc lại kinh nghiệm của ngài khi nhìn thấy đám đông những người trẻ cảm nhận sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng và chờ đợi tiếng nói của ngài. Theo như một cô gái Venezuela đã nói với tôi: chờ đợi mười một tiếng đồng hồ để được gặp Đức Giáo Hoàng khi ngài đến gặp những người Argentina! Mười một tiếng đồng hồ chờ đợi chỉ vì có đức tin, sự điên rồ của đức tin của các bạn trẻ mới có thể thực hiện điều này."

"Đây là Thiên Chúa đi qua và tôi nghĩ rằng điều này dạy chúng tôi - những người không còn được coi là trẻ - để cố gắng sống và tìm ra sự anh hùng đơn giản ấy mỗi ngày", Đức Cha Garcia nói.

Khi được hỏi về cuộc gặp gỡ với Đức Giáo Hoàng và ban điều phối của Hội đồng Giám mục Châu Mỹ La tinh, Đức Giám Mục Garcia nói Đức Thánh Cha lặp đi lặp lại nhiều chủ đề cũng đã được ngài nhấn mạnh trong 15 năm qua trong vai trò Tổng giám mục ở Buenos Aires.

"Thật là đẹp đẽ những gì ngài đã tập dợt với chúng tôi thường xuyên và bây giờ ngài nói với toàn thể Giáo Hội," Đức Giám Mục phản ánh.

Nguồn: http://www.ewtnnews.com/catholic-news/Americas.php?id=8219
 
Năm huyền thoại về Đức Phanxicô
Vũ Văn An
02:56 08/08/2013
Ngài từng được gọi là “vị giáo hoàng ứng biến” (improv pope), vị giáo hoàng gây ngạc nhiên, nhưng điều ngạc nhiên lớn nhất là Đức Phanxicô, cho tới nay, vẫn thoát được mọi cố gắng nhằm xếp loại ngài. Từ ngày bắt đầu thừa tác vụ Phêrô tới nay, rất nhiều bình luận gia đã đưa ra đủ thứ dự đoán về ngài, nhưng tất cả đều trật lất. Trong số khá nhiều lầm lẫn, sau đây là một số lầm lẫn đáng kể:

1. “Đức Phanxicô chống Đức Bênêđíctô”

Vì Đức Phanxicô xuất thân từ Á Căn Đình, còn Đức Bênêđíctô xuất thân từ Đức quốc, và vì Đức Phanxicô hướng ngoại cách tự nhiên còn Đức Bênêđíctô thì hướng nội nhiều hơn, nên một số người cho rằng các dị biệt về phong cách này nói lên một dị biệt về toàn bộ cung cách suy nghĩ. Nhưng những người nghĩ như thế là những người không chịu lưu ý. Một lầm lẫn tương tự cũng đã từng diễn ra khi Đức Gioan XXIII mập mạp và tươi cười kế vị Đức Piô XII uy nghiêm và khắc khổ hơn, dù hai vị vốn thân quen với nhau.

Sau khi kế nhiệm Đức Bênêđíctô vào ngày 13 tháng Ba, một trong các lời đầu tiên của Đức Phanxicô là để cầu nguyện cho vị tiền nhiệm. Sau đó, ngài lập tức điện thoại cho vị tiền nhiệm. Chỉ 10 ngày sau, Đức Phanxicô đích thân tới Castel Gandolfo để chào kính Đức Bênêđíctô một cách công khai và long trọng. Khi Đức Bênêđíctô trở lại Vatican vào tháng Năm, ngài lại tới ôm hôn vị tiền nhiệm của mình một cách thân ái trước sự chứng kiến của mọi người. Và từ đó, hai ngài luôn giữ liên lạc với nhau và đích thân gặp nhau.

Ngày đáng nhớ nhất hẳn phải là ngày 5 tháng 7. Có thể coi ngày này như là ngày đầu tiên Đức Phanxicô, giám mục Rôma, thi hành quyền tối thượng của một giáo hoàng: công bố văn kiện huấn quyền đầu tiên, tức Thông Điệp Ánh Sáng Đức Tin, và công bố quyết định tôn Đức Gioan XXIII lên hàng hiển thánh dù không có phép lạ, như luật thông thường đòi hỏi. Chính hôm đó, người ta thấy có sự hiện diện của cả hai vị giáo hoàng đương nhiệm và hưu trí. Sự hiện diện ấy hết sức có ý nghĩa, đánh tan mọi lo lắng của rất nhiều nhà bình luận xưa nay về viễn tượng “hai giáo hoàng” thuở nào.

Biến cố khác cũng có ý nghĩa không kém đó là cuộc du hành ra ngoại quốc lần đầu của Đức Phanxicô. Bắt đầu từ Đức Phaolô VI, người ta đã cho rằng một trong các hình thức thi hành quyền tối thượng của giám mục Rôma là du hành ra ngoại quốc gặp gỡ các giám mục hoàn cầu ở ngay chính lãnh thổ cai quản của các vị. Theo tiết lộ của Đức Ông Georg Ratzinger, bào huynh Đức Bênêđíctô, một trong các lý do khiến Đức Bênêđictô từ nhiệm là việc hết khả năng thực hiện các chuyến bay xuyên Đại Tây Dương! Đức Phanxicô có đồng cảm như thế hay không là điều ta không biết, chỉ biết một điều, trước khi lên đường qua Rio de Janeiro, thực hiện chuyến đi ngoại quốc lần đầu để hiệp thông cùng các giám mục thế giới, ngài đã tới gặp Đức Bênêđíctô...

Từ cuộc trả lời báo chí trên chuyến bay từ Rio trở lại Rôma, ta thấm hơn lý do của cuộc gặp gỡ trên: người cha, trước khi lên đường ra đi, tới chào kính và xin “ông nội” chúc phúc cho chuyến đi của mình. Ta hãy nghe lại chính lời Đức Phanxicô: “Nó giống như có Ông Nội trong nhà vậy, nhưng là một Ông Nội khôn ngoan. Khi trong một gia đình có Ông Nội trong nhà, thì người được tôn kính, yêu mến và lắng nghe. Đức Thánh Cha Biển Đức XVI là một người của thận trọng, người không xen mình vào, tôi đã thưa ngài biết bao nhiêu lần rằng: ‘Thưa Đức Thánh Cha, xin hãy sống cuộc sống của ngài, xin đến với chúng con...’ Và ngài đã đến để khánh thành và làm phép tượng Tổng Lãnh thiên thần Micae...

“Đó, câu nói đó diễn tả tất cả rồi. Đối với tôi thì như là có Ông Nội trong nhà: ngài là thân phụ của tôi. Nếu gặp khó khăn hay có việc gì không hiểu tôi sẽ điện thoại hỏi ngài: ‘Xin nói cho con biết, con có thể làm việc đó không?’”

Những lời tâm sự ấy hẳn phải phát xuất từ thẳm sâu tâm hồn, vì nào có ai “ép” Đức Phanxicô phải nói “đến cái mức ấy” đâu!

Gần đây, Đức Phanxicô còn cho một trong các học trò của ngài hay Đức Bênêđíctô là một tư tưởng gia tuyệt vời và ngài hết lòng trông đợi các lời cố vấn của vị tiền nhiệm: “bỏ qua lời cố vấn của Đức Bênêđíctô quả là điều ngu xuẩn”.

Tuyên bố trên hoàn toàn được biện minh bởi Thông Điệp Ánh Sáng Đức Tin. Văn kiện huấn quyền này vốn được Đức Bênêđíctô khởi sự vào cuối triều giáo hoàng của ngài, nhưng chưa hoàn tất. Đức Phanxicô có quyền dẹp bỏ nó để viết lại một nội dung khác. Nhưng không, ngài tiếp tục hoàn thành nó và công bố nó như thông điệp “đăng quang” của mình mà vẫn dành trọn công lao cho vị tiền nhiệm. Làm thế, Đức Phanxicô đã hoàn toàn ủng hộ những tầm nhìn thấu suốt của Thông Điệp về đức tin và lý trí, sự quan trọng của chân lý, khoa giải thích liên tục, thẩy đều là các trọng điểm của triều giáo hoàng Bênêđíctô. Có thể nói, Đức Phanxicô đang làm rất nhiều để củng cố và thăng hoa di sản của Đức Bênêđíctô hơn óc tưởng tượng của chính những người ái mộ vị giáo hoàng hưu trí.

Pat Archbold của National Catholic Register, ngày 5 tháng 8 vừa qua, còn đưa ra 10 trích dẫn để chứng minh Đức Phanxicô là một giáo hoàng cấp tiến. Có điều không như người ta vốn nghĩ, vốn cho rằng cấp tiến ở đây ngược lại bảo thủ của Đức Bênêđíctô. Vì một điều nghịch lý: cả 10 trích dẫn đó đều lấy từ vị giáo hoàng hưu trí (xem “10 Quotes That Prove The Pope Is A Liberal” http://www.ncregister.com/blog/pat-archbold/10-quotes-that-prove-the-pope-is-a-liberal#ixzz2bEPQcXgK)

Dĩ nhiên, cứ nhìn bề ngoài, từ nơi ở (Santa Martha), cử chỉ (tươi cười, tự nhiên), lời nói (bộc trực), tới cách phục sức (đơn giản), ai cũng phải nhận Đức Phanxicô thật khác với vị tiền nhiệm lúc còn tại chức. Nhưng điều nghịch lý là cái khác ấy là để... giống vị tiền nhiệm khi vị này không còn tại nhiệm nữa. Điều hiển nhiên hiện nay là cả hai vị giáo hoàng còn tại thế giống nhau đến độ khó mà phân biệt được ai đang “cầm quyền” ai không, nếu chỉ nhìn bề ngoài: không vị nào sống trong tông điện cả, không vị nào mang giầy đỏ cả, không vị nào mang mozetta cả, không vị nào thánh giá vàng, thánh giá ngọc, vị nào cũng sống tại nơi “đạm bạc”, mặc áo chùng trắng như nhau, chiếc mũ như nhau, đôi giầy giống nhau, thánh giá ngực như nhau, và cả “quân hầu người hạ” cũng không hơn gì nhau! Cái hình ảnh hai vị giáo hoàng tại thế như nhau, thiển nghĩ là điều Đức Phanxicô cố tình tạo nên, khi từ chối dọn vào tông điện, khi từ chối ăn vận khác với một giám mục bình thường, ngoại trừ mầu áo (như vị tiền hiệm hưu trí) và dĩ nhiên chiếc nhẫn Phêrô vì dù gì ngài vẫn lả kẻ nối nghiệp Phêrô. Đức Phanxicô không thoái thác việc nối nghiệp ấy nhưng phải chăng hình ảnh hai lá phổi của Đức Gioan Phaolô II khi nói tới các Giáo Hội Đông và Tây Phương không đang áp dụng vào trường hợp hai vị kế nhiệm tức khắc của mình đó sao?

2. “Đức Phanxicô không phải là chiến binh văn hóa”

Từ lầm lẫn đầu mà có lầm lẫn sau. Người ta bảo rằng: không như Đức Bênêđíctô cứng ngắc, Đức Phanxicô mềm dẻo hơn. Ngài tránh đối chất cũng như các tố cáo lớn tiếng, và không hề muốn pha mình vào bất cứ cuộc chiến tranh văn hóa nào; không chỗ nào rõ ràng hơn bằng cung cách ngài xử sự với các vấn đề xã hội nóng bỏng. Phóng viên tôn giáo Allesandro Speciale gần đây cho rằng Đức Phanxicô “ít tha thiết tới chuyện pha mình vào các cuộc chiến văn hóa liên quan tới phá thai hay hôn nhân đồng tính, điều mà các vị tiền nhiệm của ngài rất tha thiết”. Sandro Magister viết thêm: “Không thể là chuyện tình cờ khi sau 120 ngày đầu triều giáo hoàng của mình, Đức Phanxicô vẫn chưa nói tới những chữ như phá thai, an tử, hôn nhân đồng tính”.

Thật khó có thể tưởng tượng được những nhận định nào sai lạc hơn thế. Không kể là người vốn lớn tiếng bênh vực trẻ chưa sinh và hôn nhân truyền thống lúc còn làm TGM Buenos Aires, từ ngày làm giáo hoàng, Đức Phanxicô chưa bao giờ chịu nhượng bộ một ly về sự thật luân lý của Giáo Hội. Chưa đầy hai tuần lễ sau khi lên ngôi, Đức Phanxicô đã minh nhiên hứa tiếp tục cuộc chiến đấu của Đức Bênêđíctô chống lại “nền độc tài của chủ nghĩa duy tương đối”. Tháng Năm vừa qua, Đức Phanxicô không những khuyên hàng chục ngàn người tham gia biểu tình phải bảo vệ sự sống nhân bản “ngay từ lúc mới tượng thai”, mà còn đích thân tham dự cuộc diễn hành phò sự sống ở Rôma. Gần đây, ngài còn gửi một sứ điệp đặc biệt phò sự sống tới Ái Nhĩ Lan, lúc nước này đang trong diễn trình thừa nhận việc hợp pháp hóa phá thai; ngài khuyên nước này bảo vệ “cả những người yếu ớt nhất và dễ bị thương tổn nhất, người bệnh, người già, trẻ chưa sinh...”. Ngài tuyên bố rằng mọi người “phải chăm sóc sự sống, trân quí sự sống... từ lúc bắt đầu tới lúc tận cùng của nó”. Thiển nghĩ ngôn từ ấy đã quá rõ ràng.

Còn về hôn nhân đồng tính, sau khi Pháp hợp pháp hóa nó, ngược với sự phản đối cực lực của Giáo Hội, Đức Phanxicô đã lớn tiếng chỉ trích các nhà lập pháp theo đòi “phong cách và lối suy nghĩ thời thượng” và sau đó đã dạy trong Ánh Sáng Đức Tin rằng “Khung cảnh đầu tiên để đức tin soi sáng kinh thành nhân bản là gia đình. Tôi nghĩ trước hết và trên hết đến sự kết hợp bền vững của người nam và người nữ trong hôn nhân” khiến tờ Advocate cho rằng “Đức Phanxicô và Đức Bênêđíctô Cùng Nhau Kết Án Hôn Nhân Đồng Tính”.

Nên nhớ: khi trả lời các nhà báo trên chuyến bay từ Rio trở lại Rôma, Đức Phanxicô nhắc lại rằng quan điểm của ngài về các vấn đề phá thai và hôn nhân đồng tính vẫn là quan điểm của Giáo Hội xưa nay. “Tôi là người con của Giáo Hội”. Tại đất nước Ba Tây, nơi phá thai và hôn nhân đồng tính vừa được hợp pháp hóa, Đức Phanxicô cho biết lý do tại sao ngài không nói tới chúng như sau: “không cần đề cập tới vấn đề này, nếu không phải là những chuyện tích cực làm cho người trẻ tiến bước. Ngoài ra, giới trẻ biết rất rõ đâu là lập trường của Giáo Hội”.

Riêng hai vấn đề đồng tính nói chung cũng như ly dị và tái hôn, nhiều người cho rằng ngài thiên về thỏa hiệp, khiến tờ Washington Post ngày 1 tháng 8 chạy một hàng tít “Pope Francis: The end of ‘fortress Catholicism’?” (Đức GH Phanxicô: Ngày Tận Cùng của ‘Pháo Đài Công Giáo’?). Trong bài báo này, John Gehring viết rằng “Một điều bất ngờ và phi thường đang xẩy ra trong Giáo Hội Công Giáo. Đức GH Phanxicô đang cứu đức tin khỏi tay những người đang ngồi xổm trong các nhà thờ chính tòa nạm vàng, tay thủ tín lý như thủ gươm giáo. Pháo đài Công Giáo, trong đó các người Công Giáo cấp tiến, các người Công Giáo đồng tính, các phụ nữ Công Giáo và nhiều người khác vốn yêu thương Giáo Hội nhưng đôi khi cảm thấy bị hàng giáo phẩm đẩy ra bên lề, đang bắt đầu sụp đổ”.

Thực ra, các câu trả lời về đồng tính cũng như ly dị và tái hôn trên chuyến máy bay nói trên hoàn toàn phản ảnh tín lý và luân lý hiện hành của Giáo Hội. Khuynh hướng đồng tính mà thôi đâu phải là điều xấu. Hành vi đồng tính mới là điều sai trái. Mà dù có hành vi đồng tính đi chăng nữa, ta vẫn chẳng có quyền gì đẩy người đồng tính ra bên lề. Cơ sở nằm dưới là: tất cả chúng ta đều là kẻ có tội và tất cả chúng ta đều được Thiên Chúa yêu thương, cùng có phẩm giá của một con người. Vận động đồng tính là việc khác hẳn, nhất định không thuộc loại “tìm kiếm Thiên Chúa và có thiện chí”. Người phạm tội mà vẫn cố gắng đi tìm Thiên Chúa, trong thiện tâm, thì “tôi là ai mà dám phê phán họ”. Họ đây chỉ những người này, và chỉ chỉ những người này mà thôi.

Về ly dị và tái hôn cũng thế. Ly dị theo luật dân sự mà không tái hôn vốn được giáo luật coi là ly thân, điều được giáo luật dự liệu, và là điều hợp với các Tin Mừng Mátthêu và Luca và Thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô. Đương nhiên họ được rước lễ, vì đâu có phạm tội gì. Nhưng nếu sau khi ly dị theo luật dân sự mà lại tự động tái hôn, thì theo giáo luật, không được rước lễ. Tuy nhiên, có những trường hợp ly dị và tái hôn, sau khi không được tòa án Giáo Hội tuyên bố vô hiệu, vì người trong cuộc thành thực tin rằng hôn nhân trước của họ bất thành, tuy họ biết chắc nhưng không chứng minh được trước tòa Giáo Hội. Đây là trường hợp được Đức Giáo Hoàng coi là khá đông, khi trích lại lời vị tiền nhiệm tại Buenos Aires trước kia: “phân nửa các cuộc hôn nhân là bất thành sự. Tại sao ngài lại nói như vậy? Bởi vì người ta lấy nhau mà không trưởng thành, lấy nhau mà không nhận ra rằng nó kéo dài suốt đời, hay lấy nhau vì phải lấy nhau một cách xã hội”. Tất cả các khía cạnh này vốn đang được Giáo Hội nghiên cứu, không có gì mới mẻ cả (xem Câu Trả Lời Của Đức Phanxicô Về Ly Dị Và Tái Hôn, và Câu Trả Lời Của Đức Phanxicô Về Đồng Tính, Vietcatholic 2 và 3 tháng Tám).

Chính vì thế Russell Shaw trên Our Sunday Visitor ngày 6 tháng 8 cho chạy hàng tít “Look beyond headlines to understand Pope Francis” (Nhìn quá hàng tựa đầu để hiểu Đức GH Phanxicô).

3. “Đức Phanxicô là vị giáo hoàng ‘công bằng xã hội’”

Khi nói Đức Phanxicô là vị giáo hoàng của công bằng xã hội, người ta thường có ý nói: ngài quan tâm tới người nghèo và tập chú triều giáo hoàng của ngài vào việc giải quyết vấn đề nghèo khó. Đây là điều vừa hiển nhiên vừa không đầy đủ. Dĩ nhiên, giống các vị tiền nhiệm, Đức Phanxicô quan tâm tới người nghèo, một sự kiện thấy rõ khi ngài tới thăm Lampedusa, nơi ngài hùng hồn bênh vực các di dân bị bỏ rơi. Nhưng ngài đâu phải là vị giáo hoàng chỉ quan tâm duy nhất tới cảnh nghèo, vì, cũng như Chân Phúc Gioan Phaolô II, ngài biết rõ: việc mưu tìm công bằng xã hội sẽ “sai lầm và ảo tưởng nếu quyền sống, là quyền căn bản và nền tảng hơn cả, và là điều kiện cho mọi quyền bản thân khác, không được bảo vệ với một quyết tâm tối cao”. Như Đức Bênêđícto vốn dạy, ngài biết rõ: các giáo huấn kinh tế của Giáo Hội được nối kết khắng khít với giáo huấn về gia đình và tính dục nhân bản, nên thông điệp Sự Sống Con Người (Humanae Vitae) cần được duy trì mạnh mẽ.

Quan trọng hơn nữa, Đức Phanxicô tin rằng việc hồi tâm của cá nhân phải đi trước việc cải thiện xã hội, và do đó, ngài bác bỏ chủ nghĩa duy tiến thế tục (secular progressivism), là chủ nghĩa tách linh đạo ra khỏi công bằng xã hội. Giáo huấn của Đức Phanxicô kêu gọi ta thay đổi tâm hồn từ bên trong và phải tự vấn lương tâm luôn, coi đó như chìa khóa dẫn vào cải cách xã hội. Như thế, ngài không hẳn là giáo hoàng “công bằng xã hội” cho bằng là bậc thầy dạy tĩnh tâm hàng đầu của thế giới, nhắc nhở mọi người rằng nếu không biến đổi tâm hồn, ta sẽ không bao giờ đạt được công bằng xã hội thực sự, vì điều này chỉ xẩy ra nhờ lòng khiêm nhường, đức hy sinh và kỷ luật linh đạo, chứ không nhờ sắc lệnh chính phủ.

4. “Đức Phanxicô sẽ bác ái hơn đối với người bất đồng”

Ngay sau khi Đức Phanxicô được bầu không lâu, các người bất đồng bắt đầu đề cao ngài và hạ giá các vị tiền nhiệm của ngài, vì cho rằng cuối cùng ngài đã hoàn tất các hứa hẹn của Vatican II. Nhưng cũng như Chân Phúc Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI, Đức Phanxicô nào có coi Vatican II như một hiến chương bất đồng đâu. Ngài từng mạnh mẽ tuyên bố rằng biết Chúa Giêsu là hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội và Huấn Quyền; ta không thể là một người Công Giáo tín trung mà lại thực hành một nền linh đạo độc lập, hoàn toàn dật dờ muốn đi đâu thì đi.

Về khía cạnh này, ngay ngày 23 tháng Tư năm nay, Scott P. Richert đã cho chạy hàng tít “Pope Francis: It Is Not Possible to Find Jesus Outside the Church"(Đức Phanxicô: không thể tìm thấy Chúa Giêsu ở bên ngoài Giáo Hội). Hôm đó là lễ kính Thánh George tử đạo, quan thầy của ngài (Jorge Mario Bergoglio). Trước mặt hầu hết các Hồng Y thế giới, Đức Phanxicô nhắc lại lời Đức Phaolô VI rằng: “Muốn sống với Chúa Giêsu mà không có Giáo Hội, muốn theo Chúa Giêsu bên ngoài Giáo Hội, muốn yêu Chúa Giêsu mà không có Giáo Hội là một nhị phân phi lý”. Ngài còn trích lời Chúa Giêsu trong Tin Mừng: “Nhưng các ông không tin, vì các ông không thuộc đoàn chiên của Tôi”, rồi thêm: “Nếu ta không thuộc đoàn chiên của Chúa Giêsu, đức tin không đến với ta. Nó là thứ đức tin hào nhoáng (rosewater), một đức tin không có bản chất”.

Bởi thế, một trong các việc đầu tiên của Đức Phanxicô trên ngôi tòa Phêrô là tái xác định lời phê phán của Đức Bênêđíctô đối với sự bất đồng và bất tuân phục của Hội Đồng Lãnh Đạo Các Nữ Tu tại Hoa Kỳ. Rồi trong Thông Điệp Ánh Sáng Đức Tin, ngài nhấn mạnh tới ý nghĩa của sự chính thống, cho rằng đây không phải là việc chọn lựa tín điều nào mình ưa mà phải chọn mọi tín điều: “Vì đức tin là một, nên nó phải được tuyên xưng trong mọi nét tinh trong và nguyên tuyền của nó. Chính vì mọi điều của đức tin đều có liên hệ qua lại với nhau, nên bác bỏ một điều trong đó, dù là điều xem ra kém quan trọng nhất, cũng gần như làm méo mó toàn bộ. Mỗi giai đọan lịch sử đều có thể thấy điểm này hay điểm nọ của đức tin dễ hay khó chấp nhận hơn: do đó, ta cần phải tỉnh trí để bảo đảm rằng kho tàng đức tin phải được chuyển giao trong tính toàn diện của nó”.

5. “Đức Phanxicô yêu thế gian”

Đây là cái nhìn lầm lẫn nhất. Người ta bảo ta rằng: Đức Phanxicô thoải mái với thế gian hơn hẳn nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo khác, là những người vốn sợ thế giới hiện đại. Nhưng điều này không phải vì ngài yêu chính thế gian. Ngài yêu những con người trong thế gian và muốn dẫn họ tới Chúa Kitô. Chính vì thế, ngài hay nói tới ma qủy và cảnh cáo ta chống lại các rù quyến của thế gian. Ngài yêu tạo dựng của Thiên Chúa, nhưng hiểu rõ tội nguyên tổ đã tác hại ra sao và ý chí tự do của ta dễ bị lạm dụng như thế nào. Lẫn lộn lòng nhân từ và tình bằng hữu của Đức Phanxicô với lòng yêu thế gian là hiểu lầm toàn bộ triều giáo hoàng của ngài: hơn ai khác, Đức Phanxicô hiểu rõ: thế gian chìm đắm trong tội, và ngài hăng say tìm cách chữa lành việc đó xuyên qua chương trình tân phúc âm hóa.

Điều duy nhất đúng là khi người ta bảo Đức Phanxicô giống Đức Gioan XXIII. Nhưng cả ở đây, sự so sánh đôi khi cũng đi quá trớn, khi họ đưa các từ ngữ chính trị vào. Chân phúc Gioan XXIII chưa bao giờ là “người cấp tiến” theo nghĩa hiện nay của từ ngữ cả; ngài vốn là người cổ vũ cuộc canh tân chân chính như Đức Phanxicô. Và nếu Đức Phanxicô, với sự hỗ trợ của tín hữu và được hiểu cách chính xác, có diễm phúc nối tiếp cuộc canh tân mà chính ngài mong muốn, thì Giáo Hội đang chịu nhiều thử thách và cả thế giới đang bấn loạn sẽ được hưởng nhờ lòng can đảm, sức mạnh và đức tin của ngài.

Viết theo sườn bài “Five Myths About Pope Francis” của William Doino Jr.,trên Inside the Vatican.
 
Đức Thánh Cha gửi điện văn chia buồn về vụ nổ tại Á Căn Đình
Bùi Hữu Thư
05:15 08/08/2013

2013-08-08 Vatican Radio

Đức Thánh Cha Phanxicô gửi điện văn phân ưu với Đức Tổng Giám Mục José Luis Mollaghan thuộc tổng giáo phận Rosario tại Argentina sau khi một vụ nổ hơi đốt đã phá hủy cả một khu chung cư trong thành phố ngày thứ ba vừa qua.

Có ít nhất 10 người bị thiệt mạng trong vụ nổ và khoảng 60 người khác bị thương, trong khi các toán cứu cấp tiếp tục tìm kiếm các nạn nhân được liệt kê là mất tích.

Chính phủ Á Căn Đình đã tuyên bố dành ra hai ngày để khóc thương các nạn nhân tại thành phố lớn hàng thứ ba của quốc gia này.

Trong điện văn được gửi đi qua Tổng Trưởng Bộ Ngoại Giao Vatican, Đức Thánh Cha đảm bảo với tất cả những người phải gánh chịu ảnh hưởng của thảm kịch này, rằng ngài cầu nguyện cho sự yên nghỉ ngàn thu của các linh hồn nạn nhân và sự gần gũi mật thiết của ngài với những ai bị thương và thân nhân của họ.

Điện văn được đọc lên trước công chúng trong một Thánh Lễ và rước kiệu mừng Lễ Thánh Cajetan.
 
Tòa phúc thẩm Mỹ bác bỏ vụ kiện cuối cùng chống Toà Thánh ở Hoa Kỳ.
Trần Mạnh Trác
13:00 08/08/2013
Vụ 'John V. Doe vs Vatican' tại Oregon vừa bị toà phúc thẩm quận 9 cuả Mỹ bác bỏ. Đây là vụ kiện cuối cùng ở Hoa Kỳ liên quan đến Toà Thánh còn tồn đọng cho đến ngày nay.

Toà đã bác bỏ kháng cáo của nguyên đơn vào hôm thứ hai, kết thúc một vụ kiện kéo dài từ năm 2002. Trường hợp liên quan đến một linh mục ở Oregon bị cáo buộc lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên vào năm 1965.

Luật sư Jeffrey S Lena, cố vấn cho Tòa Thánh, đã đệ trình toàn bộ tài liệu cuả Vatican liên quan đến trường hợp trong năm 2011, chứng minh rằng Tòa Thánh chỉ được thông báo về hành vi sai trái một năm sau khi việc lạm dụng được báo cáo, và vị linh mục đã bị hoàn tục chỉ vài tuần sau đó.

Luật sư Lena cho biết "việc bác bỏ đơn kiện - không phải là kết quả của bất kỳ việc hoà giải hoặc đền bù nào - nhưng là kết quả cuả việc bãi nại tự nguyện của các luật sư của nguyên đơn, trước thời hạn mà họ phải tranh biện chống lại những lý lẽ cuả Tòa Thánh," ông cho biết vụ kiện này "đáng lẽ không bao giờ nên được đề ra. "

Luật sư Jeffrey S Lena là luật sư cuả Tòa Thánh tại Hoa Kỳ mà chúng tôi đã có dịp đề cập tới trong bài Vinh Dự hay là Nghiệp Chướng đây? Nghề làm luật sư biện hộ cho Đức Giáo Hòang.

Chiến thắng sau cùng này là kết quả cuả một chiến thuật tài tình mà ông Lena đã 'đơn thân độc mã' thi hành trong nhiều năm qua. Chiến thuật hầu như làm kiệt quệ các đối thủ 'tham lam' trên nhiều phương diện: tài chánh, tăm tiếng và ảnh hưởng chính trị.

Các tổ hợp luật sư lớn ở Mỹ như hãng cuả LS Anderson, LS Bill McMurry, LS Kelly Clark là những hãng làm giàu nhờ vào các vụ kiện 'xâm hại tình dục' tại nhiều giáo phận bên Mỹ. Thường thì các giáo phận không muốn bị đưa ra toà và xin được hoà giải, có nghĩa là đền bù một số tiền rất lớn. Cho nên sau khi chiến thắng dễ dàng như thế, họ đều muốn 'thừa thắng xông lên' nhắm vào một mục tiêu lớn hơn và 'giàu có' hơn, đó là Đức Giáo Hoàng, vị đứng đầu cuả Hội Thánh.

Lena biết rằng ông không thể nhờ cậy vào sự 'Công Bình dư luận' ở các hãng truyền thông đang hăm hở bôi nhọ Giáo Hội, và cũng không thể nhờ vả vào nguồn tài lực cuả Giáo Hội, tuy dồi dào nhưng là để dùng cho các mục đích bác ái, cho nên ông đã xử dụng một chiến thuật khôn khéo là liên tiếp đặt ra những khiếu nại, hạn chế và chướng ngại về luật pháp đòi hỏi đối phương phải chi ra những món tiền khổng lồ, và khi đối thủ hầu như kiệt quệ thì bất ngờ tung ra một 'chưởng bất ngờ' và rất căn bản, ví dụ như sau (ở Kenturky):"quí vị có 'quyền' để kiện Đức Giáo Hoàng, một vị quốc trưởng cuả một quốc gia có chủ quyền không?"

"Vatican chỉ là một chủ quyền nhỏ," Lena nói, "nhưng không có nghĩa là quyền của nước đó có thể bị chà đạp trong vấn đề này."

Tại Kenturky, Lena viết "Nếu Đức Thánh Cha Benedict XVI bị ra lệnh phải làm nhân chứng ở một tòa án Mỹ, thì các Toà án nước ngoài có thể cảm thấy rằng họ có quyền ra lệnh tổng thống của Hoa Kỳ phải xuất hiện làm chứng cho các vụ án liên quan, ví dụ như các vụ liên hệ đến công việc cuả CIA."

Một câu hỏi như thế có sức mạnh chính trị và Công Pháp Quốc Tế vô cùng lớn. Không một người Mỹ nào muốn thấy vị tổng thống cuả họ bị lôi ra tòa ở một xứ nhược tiểu chỉ vì một vụ đổ bể cuả CIA.

Các tổ hợp có mục đích làm tiền thì sẽ lùi bước sớm trước một nghiệp vụ tốn kém, trước khi bị phá sản.

Thí dụ sau khi nộp đơn bãi nại tại tòa án Kentucky, Bill McMurry đã buồn rầu thú nhận "Để chiến thắng Vatican thì cũng giống như bạn phải có đủ sức lực mà xoay chuyển hết tất cả các hành tinh và mặt trăng vào một hàng với nhau."

"Chúng tôi không muốn đập đầu vào bờ tường mãi nữa. Nó vượt ra khỏi bàn tay của tôi vì bây giờ chúng tôi không thể đáp ứng nổi những gánh nặng mà tòa án đã đặt trên nguyên đơn"

McMurry đã thắng 26 triệu dollars tại Giáo phận Louisville năm 2003. ông than phiền đã phải bỏ ra 600 ngàn để chỉ theo đuổi một mối dây ở Kenturky mà thôi.

Trở lại vụ kiện sau cùng ở Oregon, luật sư Kelly Clark đã đòi hỏi cung Đức Hồng Y William Levada, tổng giám mục cũ của Portland, Oregon, và bây giờ là Tổng Trưởng bộ Giáo Lý Đức Tin tại Vatican.

Ttuy rằng ĐHY Levada đã trả lời xong các cuộc hỏi cung từ năm 2006 nhưng Clark cho biết ông còn có thêm khiếu nại.

Bất ngờ Lena tung ra một tá hạn chế về những gì có thể hỏi, với lý do là ĐHY Levada bây giờ là một quan chức của nước ngoài cho nên có quyền đặc miễn Ngọai Giao.

Cuối cùng, thì thẩm phán đã đồng ý với Lena mà hạn chế Clark chỉ được hỏi thêm những gì mà ĐHY Levada có trách nhiệm trong thời gian ở Portland mà thôi.

Lena cho biết vị thẩm phán đã làm đúng khi công nhận rằng các giáo phận là độc lập với Tòa Thánh.

"Đức Giáo Hàng không phải là một ông tướng năm sao đang điều binh khiển tướng, " Lena nói. "Các Giám mục cũng không phải là thuộc hạ hay là phụ tá của giáo hoàng. Quyền của một giám mục đến từ Chức Vụ của mình.. Giám Mục điều khiển giáo phận của mình và trách nhiệm những gì xảy ra."

Trước chiến thắng sau cùng vừa rồi, Lena cho biết đây không có nghĩa là những âm mưu kiện tụng Toà Thánh đã chấm dứt. Ông vẫn chuẩn bị để đối phó với những tố tụng mới, ông nói:

"Hiện nay không có trường hợp nào còn 'tồn đọng.' Nhưng luôn luôn vẫn có khả năng một trường hợp khác sẽ phát sinh ra. Khi đó, chúng tôi sẽ kiểm tra và bảo vệ theo từng trường hợp một."

Sau đây là bản dịch lời tuyên bố cuà LS Jeffrey S. Lena và những câu trả lời trong cuộc phỏng vấn với Đài phát thanh Vatican:

BÁO CÁO CỦA JEFFREY S. LENA, TƯ VẤN CHO VATICAN VỀ 'JOHN V. DOE vs VATICAN'

Ngày 5 tháng 8 năm 2013, Toà phúc thẩm quận 9 Hoa Kỳ đã bác bỏ kháng cáo của Nguyên đơn trong vụ kiện liên bang 'John V. Doe vs Vatican' tại Oregon, do đó dứt khoát chấm dứt một vụ kiện ồn ào vì bị khuấy động bởi các phương tiện truyền thông từ năm 2002. Việc bác bỏ - không do kết quả của bất kỳ hoà giải hoặc đền bù nào của Tòa Thánh - đã được thực hiện theo sự yêu cầu tự nguyện của các luật sư riêng của Nguyên đơn, là những người phải đối mặt với một thời hạn chót để tranh biện về những lý lẽ mà Tòa Thánh đã đệ trình lên Toà Phúc Thẩm.

'John V. Doe' là trường hợp thứ ba của loại kiện tụng như thế đối với Tòa Thánh, đã tan rã khi phải đối mặt với những thách thức pháp lý và thực tế. Vụ kiện 'O'Bryan vs Vatican', nộp tại tòa án liên bang Kentucky vào năm 2004, đã được luật sư của nguyên đơn (Bill McMurry) rút đơn trong năm 2010 khi phải đối mặt với kiến nghị bác đơn chính thức cuả Tòa Thánh. 'John Doe 16 vs Vatican' - một trường hợp nộp tại tòa án liên bang Wisconsin năm 2010, được thổi phồng bới các phương tiện truyền thông không khác nào như một trò hề trong gánh xiếc - đã được thu hồi (bởi LS Anderson) giống như trường hợp trên.

Cũng như hai vụ trước (O'Bryan và John Doe 16), trường hợp John V. Doe đã dựa vào những sai lầm về thực tế và những nguỵ biện lừa dối công chúng trong nhiều năm. Nhưng đã kết thúc 'không kèn không trống', là một vụ kiện mà đáng lẽ không bao giờ nên được đưa ra.


Phỏng vấn với Đài phát thanh Vatican

1. Xin ông mô tả cách nôm na những gì đã xảy ra trong trường hợp này.

Trường hợp này dựa trên một vài ý tưởng đơn giản nhưng sai lầm về Giáo Hội Công Giáo. Điều sai lầm đầu tiên, tất cả các linh mục được kiểm soát bởi Tòa Thánh và thứ hai, Tòa Thánh nhận được thông tin về các hoạt động của tất cả các linh mục và đưa ra những quyết định cụ thể, trực tiếp hoặc "bởi và thông qua" các giáo phận và các dòng tu, về họ. Lý thuyết cơ bản của nguyên đơn là nếu có một sự kiểm soát như thế thì nó sẽ chứng minh rằng Tòa Thánh có trách nhiệm về những lạm dụng tình dục của các linh mục.

Nhược điểm cuả lý thuyết trên cũng khá đơn giản: đây không phải là cách Giáo Hội Công Giáo hoạt động. Trên thực tế, các linh mục thuộc thẩm quyền của cấp trên tại địa phương của họ, là những người đưa ra quyết định về sự xứng đáng của họ để phục vụ trong bất kỳ trách nhiệm cụ thể nào. Các linh mục không phải là "nhân viên" của Tòa Thánh vì lý do họ có tình trạng là giáo sĩ, và Tòa Thánh cũng không nhận và lưu giữ thông tin về tất cả các linh mục trên thế giới hoặc về tất cả các trường hợp lạm dụng tình dục liên quan đến các linh mục trên toàn thế giới.

Cũng nên để ý đến một khía cạnh quan trọng khác của vụ án. Các luật sư nguyên đơn đã cố gắng cho thấy rằng tòa án liên bang Hoa Kỳ có thể có thẩm quyền xét xử Tòa Thánh vì Tòa Thánh tham gia vào "hoạt động thương mại". Vì trên thực tế có những đóng góp cho quỹ của ĐGH (Pence of Peter), quĩ này được thực hiện mỗi năm bởi các tín hữu và các linh mục "kêu gọi" sự đóng góp này. Theo lý thuyết này, Giáo Hội được coi như là một công ty lớn với Đức Giáo Hoàng là một Giám đốc điều hành. Ý tưởng này đã bị mạnh mẽ bác bỏ bởi tòa án này, và tất cả các tòa án khác đã từng xem xét vấn đề này.

Một điểm đặc trưng đáng chú ý khác của trường hợp này là các thẩm phán đã có cơ hội để kiểm tra chặt chẽ mọi sự kiện. Thông thường trong những trường hợp này, vấn đề được quyết định hoàn toàn dựa trên cơ sở pháp luật mà thôi. Nhưng trong trường hợp này, tất cả các bên và các nhân chứng đã trao đổi tài liệu và cung cấp tất cả những tài liệu đó cho thẩm phán. Điều này cho phép thẩm phán xem xét rất chặt chẽ các sự kiện thực tế liên quan đến các linh mục và bất kỳ sự kết nối nào với Tòa Thánh. Những tài liệu cho thấy, rất rõ ràng, là Tòa Thánh đã không có bất kỳ kiến ​​thức nào về xu hướng của các linh mục cho đến sau khi tình trạng lạm dụng xảy ra, khi mà Toà Thánh được một đấng bề trên nộp lên một kiến nghị yêu cầu 'hoàn tục' một vị linh mục. Và khi bản kiến ​​nghị đến, nó đã được chấp thuận bởi Tòa Thánh không chậm trễ.

Vì vậy, ngay sau khi vị thẩm phán thông hiểu những sự kiện - sự kiện thực tế chứ không phải là những cáo buộc trong đơn khiếu nại của nguyên đơn - ông bác bỏ vụ kiện.

2. Đã có nhiều trường hợp tương tự. Những gì đã xảy ra với chúng, và có trường hợp nào vẫn còn tồn đọng không?

Như tôi đã nêu ra trong bản Tuyên bố, có hai trường hợp khác có ý nghĩa đặc biệt - trường hợp O'Bryan ở Kentucky và John Doe 16 ("Murphy") ở Wisconsin. Những trường hợp đó cũng có những lý thuyết tương tự và cũng gặp phải một số phận tương tự: họ bắt đầu với những khiếu nại rất mạnh mẽ cho rằng dường như có nhiều sự kiện cho thấy có sự tham gia của Tòa Thánh trong các vấn đề Giáo Hội địa phương, đặc biệt liên quan đến tác phong của các linh mục. Nhưng khi các trường hợp được phân tích và kiểm tra cẩn thận bởi một thẩm phán, luận điểu đó rõ ràng trở nên không bền vững. Ngoài ra đã có nhiều trường hợp khác đã không trở thành vụ kiện bởi vì luật sư của nguyên đơn đã bỏ rơi vụ việc rất sớm.

Hiện nay không có trường hợp nào còn "tồn đọng" cả. Nhưng luôn luôn vẫn có khả năng một trường hợp khác sẽ phát sinh ra. Khi đó, chúng tôi sẽ kiểm tra và bảo vệ theo từng trường hợp một.

3. Tòa Thánh đã thực hiện các bước cụ thể nào để chống lại các trường hợp lạm dụng tình dục?

Trong nhiều năm qua, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, và bây giờ là Đức Phanxicô, đã không những cung cấp vai trò lãnh đạo đạo đức bằng cách thừa nhận vấn đề lạm dụng là có xảy ra, nhưng đồng thời cũng đặt kỳ vọng rằng các Hội đồng giám mục thế giới phải tạo ra những khuôn mẫu vững chắc để tìm ra và phòng ngừa lạm dụng. Và điều này, rõ ràng, là tương lai. Chúng ta đã chứng kiến nhiều thiệt hại lớn lao trên thể xác và linh hồn. Thiệt hại là hết sức to lớn. Ở một số vùng, giáo dân đã bỏ đi vì vấn đề này. Dù vậy vẫn có nhiều chỗ cho hy vọng và đổi mới. Trong những giáo phận có các chương trình tích cực về nhận thức và phòng chống lạm dụng - có nghĩa là không chỉ bằng những lời nói đẹp và hay của vị Giám mục, nhưng còn có sự cống hiến về thời gian, nguồn lực, và cam kết của giáo dân và linh mục - thì những thay đổi thực sự đã có thể được thực hiện một cách nhanh chóng. Bài học đơn giản là một khi các vấn đề được công khai thừa nhận và đối mặt, nó có thể được giải quyết tích cực. Hy vọng và mong đợi của tôi là Giáo Hội Công Giáo sẽ đề cao quan điểm cho rằng việc nhận thức và dự phòng sự lạm dụng là một công việc mục vụ có ưu tiên cao nhất, và Giáo Hội sẽ trở thành một mô hình phòng chống lạm dụng cho tất cả các tổ chức khác trong xã hội, không bao giờ còn là một nguồn cuả các vụ bê bối nữa.
 
Bí ẩn: một linh mục 'xuất hiện rồi biến mất' để xức dầu cho một nạn nhân ở Missouri.
Têrêsa Thu Lan
17:16 08/08/2013
LTS: Bản tin dưới đây được nhiều báo chí như New York Daily News và các cơ quan truyền thông ở Hoa Kỳ đăng tải. Vietcatholic xin minh xác chỉ trình bày sự kiện theo báo chí tường thuật, không dám xác quyết đó là phép lạ như các cơ quan truyền thông ở Hoa Kỳ nói.

Phép lạ có thể xảy ra giữa ban ngày không? ít ra đó là kết luận cuả những anh 'lính cứu hoả' và hệ thống truyền thông ở Missouri.

Một tai nạn đã xảy ra hôm Chuá Nhật vừa qua vào lúc 9 giờ sáng trên con đường MO-19 gần thị xã Center, tiểu bang Missouri (Bắc St Louis). Chiếc xe Mercedes do cô Katie Lentz lái đã bị một chiếc xe do anh Aaron Smith đang say rượu vượt đường ranh ở giữa và đâm thẳng vào đầu xe. Chiếc Mercedes bẹp dúm lại, lật nghiêng qua một bên, cầm giữ cô Lentz kẹt cứng giữa tay lái và ghế xe.

Đội cứu hoả khẩn cấp đã bỏ ra gần 45 phút để cưa chiếc xe mà giải thoát cho cô Lentz, nhưng các máy cưa cuả họ đều thay phiên nhau gẫy răng vì vỏ cuả chiếc xe chắc quá, nhất là đã co dúm vào nhau cho nên trở thành bền chặt hơn.

Những nhân viên y tá có mặt lúc đó cho biết sức khoẻ cuả cô đang suy xụp nhanh chóng cho nên mọi người quyết định phải lật chiếc xe đứng lên và tiếp tục tìm cách phá chiếc xe ra.

Sau 1 giờ thất bại thì cô Lentz nức nở yêu cầu mọi người đọc kinh cầu nguyện lớn tiếng cho cô. Ngay lúc đó một vị linh mục bỗng dưng xuất hiện.

"Ông ta đến và tới gần bệnh nhân, và xướng kinh", một nhân viên cứu hoả tên là Reed nói. "Đó là một linh mục Công Giáo có mang theo dầu thánh. Cô Lentz (nạn nhân) có vẻ bình tĩnh trở lại, và cả chúng tôi nữa. Tôi không chắc chắn ông ta đã cầu nguyện như thế nào, nhưng chính tôi và những người bạn cứu hỏa khác, đã nghe rất rõ ràng rằng chúng tôi nên giữ bình tĩnh, và rằng các máy móc của chúng tôi bây giờ sẽ hoạt động tốt và rằng chúng tôi sẽ đem cô ấy ra khỏi chiếc xe đó. "

"Một xe cuả sở Cứu Hỏa Hannibal xuất hiện ngay sau đó với các thiết bị mới và đã có thể giải thoát cô Lentz. Sau đó cô ta được chở đi bằng trực thăng an toàn. Lúc đó chúng tôi, ít nhất là một chục người, quay lại để cảm ơn vị linh mục, nhưng ông ta đã biến mất khỏi tầm nhìn cuả mọi người. Con đường cao tốc đã bị chặn một phần tư dặm (0.8km) trong một giờ rưỡi, không có ai là người lạ ở xung quanh và không có một chiếc xe hơi nào đậu gần đó."

Gia đình và bạn bè cuả cô Lentz đều ngạc nhiên. "Anh chàng này đến từ đâu vậy?" Anh Travis Wiseman, bạn cuả cô Lentz tự hỏi. "Chúng tôi đang tìm kiếm vị linh mục này và cho đến nay, chưa ai biết ông ta là ai."

Tờ báo TheBlaze đã liên lạc với nhiều nhà thờ Công Giáo quanh vùng để tìm hiểu thêm. Linh mục Louis Dorn của nhà thờ Thánh Giuse gần đó tỏ ra bối rối giống như mọi người khác.

Cha Dorn nói rằng có ba nhà thờ trong khu vực (Thánh Giuse, Thánh Clement và St Williams), nhưng không có vị linh mục nào phù hợp với lời mô tả về người bí ẩn đó cả.

"Những gì tôi nghe là cha ấy có nước da xám, cao 5'7" (1m7), nặng dưới 200 pounds (90kg), đeo kính gọng đen, " Cha Dorn nói thêm rằng nhiều nhân viên cứu hỏa và những người khác cho biết là vị linh mục đó "nói một giọng lơ lớ như người ngoại quốc ".

Cũng vậy, đài KHQA-TV tường thuật rằng một người phụ nữ đã giúp tại hiện trường tên là Wanda Burr-White mô tả thêm rằng ông ta có mái tóc đen và rằng cô ta không chắc chắn về quốc tịch của ngài. Chồng cuả cô, cũng nhìn thấy vị linh mục, nói thêm rằng ngài đeo kính gọng đen và trông giống như tài tử Matthau, nổi tiếng với các vai diễn trong "The Odd Couple" và "Grumpy Old Men".

Khi được hỏi liệu vị linh mục (hoặc một cá nhân giả dạng là linh mục) đã tạo ra sự lạ lùng cho việc cứu hộ, có thể là một "thiên thần" như một số người tin chăng, Cha Dorn không chắc chắn như thế, nhưng ngài đã chỉ ra một số yếu tố lạ lùng.

"Nếu đó là một linh mục bằng xương bằng thịt, thì có một vài điều làm cho chúng ta bỡ ngỡ," Cha Dorn nói. "Nếu con đường đã bị chặn lại một phần tư dặm (0.8km) ở cả hai hướng, thì đó sẽ là một chuyến đi dài lắm. Làm thế nào mà ông ta trốn chạy xa như thế mà không có ai nhìn thấy? Đó là một khu vực khá bằng phẳng. "

Phó tế Dan Joyce, giám đốc thông tin cuả giáo phận Công Giáo của Jefferson County, nói với TheBlaze rằng chưa có linh mục nào nhận mình là người đã giúp đỡ nạn nhân cuả vụ tai nạn Katie Lentz.

"Chúng tôi có nhiều linh mục quốc tế đang phục vụ tại giáo phận, các ngài đến từ những nơi như Nigeria, Philippines và Ấn Độ - và khá đông linh mục ngoại quốc trong vòng bán kính 1.500 dặm," thầy Joyce cho biết. "Chúng tôi đã quan sát lộ trình để xem có mối quan hệ nào với một số các giáo xứ xung quanh không, và chúng tôi thực sự không tìm ra một linh mục nào trong giáo phận của chúng tôi có thể đi qua đó trong một buổi sáng Chúa Nhật".

Điều đó không có nghĩa là có một sự siêu nhiên nào đó xảy ra - hoàn toàn có thể là một linh mục nào đó ở một nơi khác đã du lịch qua đây.

"Cảm giác của chúng tôi là rõ ràng có một cái gì đó đã xảy ra. Vì có nhiều nhân chứng, " Thầy Joyce nói. " Và có việc cử hành bí tích xức dầu thánh."

Cho dù đó là một linh mục hay là một thiên thần, thì ngài luôn là một thiên thần cho tất cả những người có mặt và cho gia đình cô Katie Lentz.

"Chúng tôi muốn tìm thấy ngài và có thể cảm ơn ", anh Reed nói. "Là một nhân viên cấp cứu, bạn không biết những gì bạn sẽ gặp. Chúng tôi có rất nhiều máy móc, và chúng tôi được đào tạo chuyên môn cao. Nhưng trong trường hợp này, cảm giác của tôi thì sự việc đã xảy ra tuyệt đối nhờ ở đức tin và kết quả thì đúng là một phép lạ. "

Cô Kathie Lentz đã được giải phẫu để gắn lại nhiều xương gãy và sẽ còn phải giải phẩu thêm, nhưng gia đình cho biết tinh thần cuả cô rất mạnh mẽ, không hề bị dao động. "Cả hai chân của cô hư hại nặng," cô Amanda Wiseman, một người bạn, cho biết. "Cổ tay bị hỏng, một số xương sườn bị gãy, vì vậy cô ấy sẽ phải đương đầu với rất nhiều đoạn xương gãy."

Theo mẹ của cô Katie thì tình trạng của cô đang ở cấp nguy kịch. "Trong đoạn đường gian khổ mà Katie phải trải qua, lời thỉnh cầu quan trọng nhất của cô là xin mọi người cầu nguyện và cầu nguyện lớn tiếng," bà nói. "Chúng tôi muốn không gì hơn là đưa đến cho cô những lời cầu nguyện ấy."
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lộ Đức: Giới trẻ sống Đức Tin theo gương Các Thánh TĐVN
Đỗ Thục Hiền
07:32 08/08/2013
ĐẠI HỘI HÀNH HƯƠNG LỘ ĐỨC

CỦA CÁC CỘNG ĐOÀN Công Giáo VIỆT NAM TẠI PHÁP


« Mừng 25 năm tuyên phong các thánh Tử Đạo Việt Nam

Sống Đức Tin theo gương tiền nhân »

từ 01 đến 05/08/2013

Lộ Đức, ngày 02/08/2013 : Giới trẻ sống Đức Tin theo gương các Thánh Tử Đạo Viêt Nam

Đề tài học hỏi của Giới Trẻ

Theo gương các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Giới Trẻ sống Đức Tin trước những thách đố hiện nay (A l’exemple des Saints Martyrs du Viet Nam, les jeunes vivent leur foi face aux défis d’aujourd’hui).

Chiều mồng 02 tháng 08 năm 2013, từ 14g30 – 17g30, cùng lúc mà Giới Trưởng Thành tham dự thuyết trình về Các Thánh Tử Đạo, thì Giới Trẻ, dưới sự hướng dẫn và thuyết trình bằng hai ngôn ngữ Việt Pháp, của cha Phêrô Nguyễn Văn Thông, tuyên uý giới trẻ Cộng đoàn Marseille, đã củng nhau chia sẻ về đời sống Đức Tin và những thách đố gặp phải trong cuộc sống hằng ngày,

Câu hỏi đặt ra là chúng ta có sống đức tin như các Thánh Tử Đạo không ? Hay thời đó đã qua rồi và không còn liên quan với chúng ta nữa ? Làm cách nào giới trẻ sống đức tin trước những thách đố hiện nay, theo gương các Thánh Tử Đạo Việt Nam ?

Cha Thông gợi ý chia sẽ như sau : Sống đức tin rất quan trọng, nhất là ở trong nước Pháp này. Có người nói tôi sống đức tin, tôi tin Thiên Chúa, mặc dù họ không học giáo lý và không đi nhà thờ. Một số người nói về đạo cách dễ dàng, và thậm chí còn đề nghị Giáo Hội phải làm này hay làm nọ khi họ không đi lễ. Một số có học giáo lý, chịu phép rửa tội và họ nói tin vào Chúa. Một số người tin vào Chúa Cha. Một số nói tin vào Chúa Kitô. Theo những cuộc trao đổi này, tin vào Đức Kitô là một điều khó khăn nhất đối với người Pháp.

Vậy tin vào Đức Kitô là gì ? Tin vào Đức Kitô là tuyên xưng « Thầy là con đường, là chân lý và sự sống”.

-Sống Đức tin là tin vào con đường của Chúa Kitô. Con đường này mang ý nghĩa phục vụ, giúp đỡ, lo lắng đến người nghèo và nhân loại. Theo cha Thông, thì giới trẻ hiện nay sống tốt, quảng đại, hay giúp đỡ người khác, nhưng đôi khi về nhà lại không biểu hiện như vậy đối với gia đình. Cha mời gọi giới trẻ sống đức tin bằng cách theo con đường Chúa Kitô, là phục vụ, giúp đỡ người xung quanh, trong gia đình và trong trường học, lớp học.

-Sống Đức tin bằng cách tin vào Chúa Kitô là chân lý. Vậy chân lý là ai ? Chân lý là Chúa Giêsu Kitô là con Chúa Cha đến trần gian loan báo tình thương vô biên của Chúa Cha dành cho nhân loại. Như vậy, sống đức tin là biểu lộ Chúa là quan trọng trong đời sống chúng ta, là loan báo Chúa cho người khác để họ biết Chúa và kêu gọi họ đến với Chúa. Các thánh tử đạo không chỉ biểu lộ Chúa cho người khác mà còn dâng cả mạng sống của mình cho Chúa. Sống đức tin, như vậy, còn được thể hiện bằng cách lên tiếng bênh vực Giáo Hội, Đức Thánh Cha, thánh lễ. Muốn lên tiếng bảo vệ thì phải học giáo lý để có kiến thức và biết cách trả lời cho đúng. Cha mời gọi chúng con phải làm cho người khác thấy Chúa là quan trọng như thế nào cho dù họ có không bằng lòng. Không nên theo bạn, nếu việc đó làm chúng ta xa dần Chúa và làm mất đức tin.

-Sống đức tin là tin vào Chúa Kitô là nguồn sống. Chúa muốn ai cũng được sống và có đời sống vĩnh cữu. Chúa mang đến cho chúng ta Tình Yêu của Chúa, niềm vui vĩnh viễn. Những thứ chúng ta có trên thế gian này không vĩnh viễn và sẽ trôi qua, chỉ có tin vào Chúa và sống đẹp lòng Chúa thì sẽ có đời sống vĩnh hằng. Làm thế nào để có nguồn sống ? Tin Chúa là nguồn sống bằng cách tham dự thánh lễ và rước Mình Thánh Chúa. Nguồn sống còn được đón nhận qua bí tích hòa giải để chúng ta luôn được đời sống mới, và bên cạnh đó, giúp chúng ta biết sống tha thứ tha nhân như Chúa đã tha thứ chúng ta.

Để kết luận , Cha Thông tóm tắt: Nói rằng sống đức tin là một chuyện dễ dàng là nói dối. Ngay cả Chúa Giêsu, các tông đồ, các thánh tử đạo, các thánh cũng gặp khó khăn. Vậy chúng ta luôn cầu nguyện và phó thác đời sống đức tin của chúng ta vào Chúa để có thể vượt qua những thách đố hiện nay.

Sau bài chia sẽ của cha Thông, từng nhóm 6 bạn trẻ thảo luận về đời sống đức tin của mình và những thách đố gặp phải. Sau đây là một số câu hỏi và những thách đố đưa ra.

-Có bạn đặt ra câu hỏi là tin có lợi gì khi tôi đang sống tốt và tôi không phải là người Công Giáo. Cha trả lời rằng điều đó không có lợi hơn và cũng không thua gì cả. Cái khác là người Công Giáo có Đức Tin biết mình sống tốt vì Chúa, hành động vì Chúa. Điều đó góp phần cho việc tích trữ kho tàng của mình không hư nát để mai sau có thể đem về Thiên Đàng.

-Làm thế nào dung hòa giữa sự giáo dục khắc khe của cha mẹ và đời sống tự do của giới trẻ ? Cha Thông trả lời rằng Phụ huynh Việt nam giáo dục con cái trong đời sống đức tin khá hơn người Pháp, vì họ cho con cái vô cộng đoàn sinh hoạt và học giáo lý. Tuy nhiên, cha mẹ đừng quá lo lắng vì con cái rất thương cha mẹ. Cha mẹ hãy tin tưởng vào Chúa bằng cách cầu nguyện. Cha mẹ hãy biễu lộ Chúa quan trọng trong đời sống của mình, như vậy sẽ giúp con cái trong việc giữ đạo.

-Làm thế nào để đánh động giới trẻ ? Cha Thông trả lời : Chỉ có giới trẻ mới giảng đạo cho giới trẻ. Lớp lớn giúp và nâng đỡ cho lớp nhỏ và để có thể giảng đạo thì giới trẻ phải học hỏi giáo lý trong cộng đoàn hay trường học (nếu có).

-Đức tin mất dần khi cầu nguyện mà Chúa không nhậm lời, vậy phải làm thế nào ? Cha Thông trả lời : Cầu nguyện thì Chúa luôn trả lời, chỉ có điều là mình không quen nghe Chúa trả lời. Vậy phải tập nghe Chúa trả lời. Nghe quan trọng hơn nói. Cầu nguyện không phải là ra lệnh cho Chúa mà phải biết lắng nghe Chúa. Phải biết cách cầu nguyện cho đúng.

-Vấn đề đồng tính luyến ái có liên quan đến tự do con người không ? Tại sao Giáo Hội lại lên án và phê bình khi con người tự do đồng tính luyến ái ? Cha Thông trả lời: Chúa tạo dựng người nam và người nữ để sinh sôi nảy nở và nối dõi dòng giống. Hai người đồng tính yêu thương nhau thì không bị Giáo Hội kết án, nhưng đám cưới với nhau thì không được vì họ lỗi đến việc nối dõi dòng giống. Họ phải dùng một từ khác để nói lên mối quan hệ của họ, nhưng từ đám cưới chỉ dành cho sự liên kết giữa một người nam và một người nữ. Vấn đề ở đây là sự tôn trọng từ ngữ trong mối quan hệ.

Bằng một ngôn ngữ trẻ, cha THÔNG đã làm cho Giới Trẻ hiểu hơn về Đức Tin và về các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Các câu hỏi nêu lên chứng tỏ điều đó. Những trả lời của cha cũng giúp họ nhìn rõ hơn một số vấn đề đang xẩy ra trong Xã Hội Pháp. Xin cám ơn cha Thộng Xin cám ơn Tuyên Úy Đoàn, đặc biệt là cha Tuyêb Úy Giới Trẻ và cha Tổng Tuyên Ụy

Lộ-Đức, Ngày 02 tháng 08 năm 2013

Đỗ Thục Hiền, Đoàn Quốc Khánh và Trần Thanh Hương
 
Giới Thiệu Website của Dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp
Br. Thụy Nguyễn SDB
20:21 08/08/2013
Mời quý vị ghé thăm tại: www.mtggv.tk
 
Triển Lãm Mỹ Thuật Tôn & Nhân Văn 5 Năm Nhìn Lại
Đức Dũng/Phó Bá Cường
09:30 08/08/2013
Triển Lãm Mỹ Thuật Tôn & Nhân Văn 5 Năm Nhìn Lại

Vào lúc 18g30 ngày 6/8/2013 tại Trung Tâm Phaolo Nguyễn Văn Bình đả khai mạc triển lãm Tranh, Ảnh, Tượng nhân dịp Lể Kính Thánh Bổn Mạng Đa Minh 8/8/2013. Với chủ đề: Mỹ Thuật Tôn Giáo & Nhân Văn 5 Năm Nhìn Lại. Đây là sự kiện lớn, nhân dịp sinh nhật lần thứ 5 của Ban Mỹ Thuật Đa Minh với sự tham dự của 44 tác giả và 131 tác phẩm dủ thể loại, sơn dầu, sơn mài, tranh lụa, xé dán giấy, tượng đồng, gổ, đá, composit, và ảnh nghệ thuật.

Xem Hình

Sự kiện đặc biệt có sự tham gia của Điêu Khắc Gia LM giuse Nguyễn Hữu Triết Chánh Xứ Tân Sa Châu, DKG,LM, Phero Nguyễn Quốc Hoàng dòng Cát Minh, ĐKG Tu sĩ Trần Quang Vinh OFM. Nhiếp Ảnh Gia LM Giuse Phạm Hưng Thịnh OP, Họa sỉ Nử Tu Bích Hằng OP, Họa sĩ nữ tu Trần Trang, Họa si nữ tu Nguyễn Thũy MTGTL. Cùng các họa sĩ Lê Hiếu, Nguyễn Bá Văn, Lê Thừa Khiễn, Đình Láng, Nguyễn Đắc, Trương Văn Ý…………

Sự kiện 5 năm nhìn lại đả gieo vào lòng người dấu ấn đức tin trong sứ vụ loan báo tin mừng bằng đường nét và sắc màu tuyệt vời

Nguyện xin Thiên Chúa luôn đổ mưa hồng ân trên Ban mỹ thuật Đaminh. Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô

Bài: Đức Dũng

Ảnh: Phó Bá Cường
 
Caritas Việt Nam Tặng Thuyền Cho các Giáo xứ – Giáo Phận Vinh
Trầm Hương Duy Ân Tuấn Anh
09:38 08/08/2013
Caritas Việt Nam Tặng Thuyền Cho Giáo xứ Thọ Ninh – Giáo Phận Vinh



Vinh, một miền đất luôn phải hứng chịu biết bao hậu quả của thiên tai. Một miền đất đầy nắng và gió, đầy bão và lũ. Chính vì thế, nơi đây hàng năm phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề do thiên tai gây ra. Được sự quan tâm của Ủy ban BAXH – Caritas Việt Nam và Caritas Giáo Phận Vinh. Hôm nay đã diễn ra chương trình lễ bàn giao thuyền tại Giáo xứ Thọ Ninh cho một số giáo xứ trong Giáo Phận Vinh nhằm góp phần khắc phục những hậu quả do thiên tai gây ra.

Xem Hình

Tham dự buổi lễ bàn giao thuyền gồm có Đức Cha Giu-se Nguyễn Văn Yến, Phó Chủ tịch Ủy ban BAXH, trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam. Sr Tê-rê-sa Thùy Dương, Phó Giám đốc Caritas Việt Nam, Anh Hoàng Thượng Vương, Phòng dự án Caritas Việt Nam, Cha Phê-rô Nguyễn Văn Vinh Giám đốc Caritas Giáo phận Vinh, Cha Giu-se Nguyễn Viết Nam, Phó Giám đốc Caritas Giáo phận Vinh, Cha An-tôn Nguyễn Xuân Hồng, quản xứ Thọ Ninh cùng với quý cha, quý HĐMV Giáo xứ Thọ Ninh, quý đại diện các giáo xứ nhận thuyền và đông đảo bà con Thọ Ninh về tham dự chương trình bàn giao này.

Như hiểu thấu lòng người, hôm nay trời Vinh đang chịu ảnh hưởng của cơn bão số 6. Tuy không bị ảnh hưởng trực tiếp nhưng trời mưa rất to khiến cho chương trình bị gián đoạn và thêm phần ý nghĩa. Hơn nữa, trao thuyền trong lúc mưa to gió lớn một mặt là giúp bà con sẵn sàng chống đỡ với mưa lũ, mặt khác sẽ là dịp để các vị đại diện Caritas hiểu thấu hơn hoàn cảnh của bà con vùng lũ này, Đức Cha Giu-se đã nói. Tuy trời mưa to, nhưng sự nhiệt tâm của Đức Cha, quý cha, quý vị trong Caritas Việt Nam đã cố gắng hy sinh lặn lội đường xá xa xôi làm cho bà con thêm lòng kính phục.

Trong đợt nhận thuyền này, gồm các giáo xứ Mỹ Dụ 02 cái, Phù Long 02 cái (thuộc tỉnh Nghệ An); Đông Cường 01 cái và Thọ Ninh 01 cái (thuộc tỉnh Hà Tĩnh). Các vị đại diện của các giáo xứ nhận thuyền hôm nay ai cũng vui mừng, phấn khởi. Thay lời cho các giáo xứ, cha An-tôn Nguyễn Xuân Hồng đã nói lên lời cám ơn Caritas Việt Nam cách riêng là Đức Cha Giu-se, quý cha cùng quý đại diện Caritas Việt Nam đã quan tâm, lo lắng và cùng sẽ chia với những vùng lũ này.

Trời mưa to khiến ai tham gia chương trình cũng bị ướt ai cũng cảm thấy lành lạnh. Tuy nhiên, với sự nhiệt tâm và tình bác ái ai ai cũng cảm thấy ấm áp những tấm lòng. Kết thúc chương trình, Đức Cha Giu-se đã ban phép lành cho tất cả những người tham dự. Sau chương trình, tất cả mọi người về hội trường Giáo xứ Thọ Ninh dùng bữa cơm trưa thân mật và chia tay. Hy vọng trong tương lai, Giáo phận Vinh nói chung và các giáo xứ nói riêng càng được sự quan tâm nhiều hơn nữa của Caritas Việt Nam. Nhờ đó, cuộc sống của bà con nơi đây càng được cải thiện hơn càng được phát triển hơn.

Duy Ân Tuấn Anh
 
Thông Báo
Thông báo : Hành Hương Đức Mẹ La Vang Quảng Trị
LM Giacôbê Lê Sĩ Hiền
21:59 08/08/2013
 
Tin Đáng Chú Ý
Phép Lạ Thánh Thể Đang Được Điều tra ở Mexico
Br. Thụy Nguyễn SDB
19:59 08/08/2013
CNA / EWTN NEWS, 05/08/ 2013

Linh mục chính xứ kể lại rằng có một 'giọng nói' nói với ngài trước khi phép lạ xảy ra, và Tổng Giáo Phận Guadalajara đang điều tra.

Thành Phố Mexico - Tổng Giáo Phận Guadalajara đang điều tra một trường hợp có thể được cho là phép lạ Thánh Thể đã diễn ra vào cuối tháng Bảy năm 2013.

Đức Ông Ramiro Valdes Sanchez, tổng đại diện giáo phận, cho biết Đức Hồng Y Jose Francisco Robles Ortega đã giao nhiệm vụ cho ngài trong việc chỉ đạo cuộc điều tra về một trường hợp có thể được cho là phép lạ.

"Trước hết, các lời khai cần phải được thu thập từ ba người đã có mặt, rõ ràng trong trường hợp này là vị linh mục," Đức Ông. Sanchez cho biết.

Theo như Cha Jose Dolores Castellanos Gudino, linh mục chính xứ Đức Maria - Mẹ của Giáo Hội, cho biết là ngài đã nhìn thấy một tia sáng và nghe một giọng nói đang trong khi quỳ cầu nguyện vào ngày 24 tháng 7 trước Thánh Thể: "Rung chuông để báo hiệu cho mọi người đến” "Ta sẽ tuôn đổ ơn phúc lành trên tất cả những người hiện diện, trong suốt cả ngày. Hãy đem nhà tạm nhỏ của ngài dùng cho việc tôn thờ tới bàn thờ giáo xứ, và đặt mặt nhật lớn bên cạnh nhà tạm nhỏ này. Đừng mở nhà tạm cho đến lúc ba giờ chiều, không được mở ra trước đó. "

"Ta sẽ thực hiện một phép lạ trong Bí Tích Thánh Thể," tiếng nói tiếp tục. "Điều kỳ diệu sắp diễn ra sẽ được gọi là "Phép lạ Thánh Thể trong sự Nhập Thể của Tình Yêu cùng với Đức Maria – Mẹ của chúng ta”. "Sao chép các hình ảnh mà Ta sẽ cung cấp cho ngươi bây giờ và đem cho mọi người xem."

Cha Gudino nói rằng giọng nói bảo ngài hãy chia sẻ thông điệp này với tất cả các linh mục của mình để hỗ trợ trong việc hoán cải họ, và ngài sẽ tuôn đổ phúc lành trên tất cả các linh hồn.

Với người dân địa phương tập trung vào 3 giờ chiều, vị linh mục nói: "Khi tôi đến mở cửa nhà tạm thì đã thấy Mình Thánh Chúa bao phủ đầy máu."

Ngài kể tiếp: tiếng nói cũng nói với ngài thành lập một nguyện đường, và cho phép bất kỳ nhà khoa học nào muốn nghiên cứu về Phép lạ đều có thể đến.

Đức Ông Sanchez cho biết, một nhóm nghiên cứu khoa học sẽ được thành lập để điều tra hiện tượng này và sẽ được thực hiện tại Guadalajara. Và ngài còn cho biết, thông qua Đức Hồng Y Tổng Giám mục tại Guadalajara, trong lúc cuộc điều tra diễn tiến, Mình Thánh Chúa đã chảy máu không nên bày ra cho công chúng và sẽ được lưu giữ trong một nơi an toàn của Tổng Giáo phận.

Đức Ông Sanchez giải thích các quy tắc của Giáo Hội đòi hỏi các nhà điều tra của tổng giáo phận loại trừ tất cả các cách giải thích khác.

Ngài cho biết, "Pháp lý của Giáo Hội Công Giáo ghi là khi một sự kiện phổ biến bất thường xảy ra, các biện pháp phòng ngừa cần thiết phải được thực hiện để xác định xem sự kiện này có thể được giải thích bằng nguyên nhân tự nhiên, hoặc nếu một cuộc điều tra nghiêm trọng hơn được coi là cần thiết để xác định xem nó đi vượt ra ngoài tự nhiên và có nên, hoặc không nên coi là một phép lạ.”
 
Văn Hóa
Trúng Số!
Br. Thụy Nguyễn SDB
07:02 08/08/2013
Nói đến trúng số ai mà chẳng thích, có ai mà không ham, ai cũng mơ mình được một lần trúng số cho biết mùi… !? tôi cũng thế… số độc đắc thì càng tốt… và tôi dám chắn là bạn cũng vậy !?.. .ơ hay, nhưng mà có mua vé bao giờ đâu, thế mà đòi trúng số, lại còn nghe nói người này hoặc người kia trúng số, thì lại cứ... mơ !

Nhưng sao bà góa nọ có mơ, có xin Chúa cho trúng số đâu vậy mà bà ấy vẫn cho được nhỉ ?... Đức Giêsu cũng có mơ trúng số đâu, vậy mà Người vẫn cho cùng lúc hơn năm ngàn người ăn được đấy thôi ?... Người Samaritanô có mơ trúng số đâu mà sao ông ấy vẫn sẵn sàng cưu mang người bị nạn chẳng tính toán....

Có người mua vé số để mong đổi đời, để trả nợ, để xây nhà, để đi du lịch khắp năm châu v.v… Nhưng cũng có người mua vé số chỉ vì có… máu cờ bạc đỏ đen! Nhưng lại cũng có người mua vé số với suy nghĩ (tưởng rằng) vô cùng tốt lành để làm từ thiện ! cầu Chúa cho con trúng số (số cặp càng tốt) con sẽ cho người nghèo… rồi con sẽ giúp chỗ này, con sẽ tặng chỗ kia, cho nhà mở này và trại mồ côi nọ… ý nghĩ tốt đẹp quá đi chứ nếu thực thi được thì kể cũng tuyệt vời…

Này ! cầu cho tớ trúng số đi nhé, tớ sẽ có quà cho cậu thật to đấy, và biết đâu tớ còn cho cậu tiền chữa bệnh nữa... tôi cười mà như.. . mếu !

Nhưng sao bà góa nọ có mơ, có xin Chúa cho trúng số đâu vậy mà bà ấy vẫn cho được nhỉ ?...

Đức Giêsu cũng có mơ trúng số đâu, vậy mà Người vẫn cho cùng lúc hơn năm ngàn người ăn được đấy thôi ?...

Người Samaritanô có mơ trúng số đâu mà sao ông ấy vẫn sẵn sàng cưu mang người bị nạn chẳng tính toán....

Bài học về cái cho đi, nhẹ nhàng mà nhớ mãi, vì đó mới đúng nghĩa là cho đi… cho đi cái mình thừa cái mình dư thì cũng vẫn… là cho đi ! chả ai dám phủ nhận điều đó cả, nhưng nếu chỉ cho đi cái thừa cái dư thì ai mà chả cho được, rồi lại cho từ cái trúng số nữa thì lại càng dễ hơn nhiều… dám cho đi cái mình đang cần, đang thiếu thì đó sẽ giá trị hơn rất nhiều trong tình nhân ái.

Mà sao lạ ! cứ phải là quà, là tiền thì mới được nhỉ ? sao không là một lời cầu nguyện cho nhau, một cái bắt tay, một cái nhìn chan hòa yêu thương, một cái ôm thắm tình người, một câu nói chân tình đúng lúc cũng đủ thay đổi một số phận được mà..

Đề cao bạc tiền vật chất quá, nó cứ tự tố cáo mình là một con người chỉ biết tôn thờ vật chất mà quên rằng: con người sống đâu chỉ nhờ cơm bánh, mà còn do bởi miệng Thiên Chúa phán ra...

Còn như cầu Chúa cho trúng số để cho đi thì… không biết Chúa có chuẩn nhận lời !!! nếu cứ ở đó chờ trúng số rồi mới cho đi thì biết tới bao giờ, chờ trúng số rồi mới thực thi nghiã cử cao đẹp này thì hơi khó, nếu không muốn nói là quá kho, khó như hái sao trên trời vậy !?...

Vậy còn nếu không trúng số thì chẳng bao giờ dám cho đi sao…

Và nếu như ai cũng chờ trúng số rồi mới cho đi thì hai chữ: bác ái. Có còn được viết trong từ điển nữa không nhỉ !?!..

Có người kể câu chuyện mà họ chứng kiến. Có hai người kia đang đi với nhau, họ cùng gặp một người khuyết tật mời họ mua vé số, thương cho người đã khuyết tật lại còn gặp cảnh éo le, hàng ngày đi bán vé số để bươm chải trong cuộc sống và dành dụm để thăm nuôi em trong tù. Một trong hai người dù không mua nhưng họ lại cho người bán vé một chút tiền nho nhỏ, thấy vậy người còn lại bèn nhanh nhẩu mà rằng: Thế này, hãy để tôi lấy 20 vé tương ứng với số tiền mà bạn tôi vừa cho ấy… vì nếu những tấm vé này mà trúng thì tiền tôi cho bạn sẽ bộn hơn rất rất nhiều… ! người bán vé số lưỡng lự nhưng rồi cũng đành miễn cưỡng gật đầu…

Không biết sau đó những tấm vé ấy có trúng không thì không biết. Chỉ biết rằng đó thật đúng là một kẻ vừa… máu mê vừa toan tính vừa thiếu tình…

Tác giả bài viết: Yênkhê.
 
Thánh Đaminh
Trầm Hương Thơ
09:13 08/08/2013
THÁNH ĐAMINH

Ngày 8 tháng 8 kính mừng
Đaminh thánh Phụ lẫy lừng năm châu
Theo lời Đức Mẹ yêu cầu
Rosa là chuỗi nhiệm mầu Mẹ ban

Bài trừ tà thuyết dễ dàng
Thánh danh Mẹ sẽ phá tan ác quyền
Đaminh thánh Phụ rao truyền
Lời kinh tuyệt hảo giao duyên Đất-Trời

Nhiệm thay phúc cả tuyệt vời!
Vâng lời Mẹ dạy cuộc đời an vui
"Hoa Hồng Chuỗi Ngọc" đẩy lùi
Nhờ danh thánh Mẹ chôn vùi thuyết gian

Làm cho lạc giáo tiêu tan
Mười năm giờ đã hân hoan trở về
Soi đường cho kẻ u mê
Tìm về nẻo chính lỗi thề cùng Cha

Đaminh là chính cái loa
Của Thiên Chúa đặt truyền ra cho đời
Những bài diễn thuyết tuyệt vời!
Rao truyền chân lý Ngôi Lời cho ta

Lập dòng khắp cả gần xa
Anh em thuyết giáo nở hoa giữa đời
"Dòng Nam, Dòng Nữ" gieo Lời
Lại thêm ơn gọi sống đời "Dòng Ba"


Sáng nay con tạ ơn Cha
Đã ban cho một bông hoa tuyệt vời
Đaminh thánh tổ trên đời
Rao truyền Chuỗi Ngọc tuyệt vời! Mân Côi.

Trầm Hương Thơ
08.08.2013 kính thánh Đaminh.
 
Hình ảnh 3D nguyện đường Sistine nơi bầu Giáo Hoàng
Br. Thụy Nguyễn SDB
22:33 08/08/2013
Xin nhấn vào đây, sau đó dùng chuột di chuyển xung quanh bằng cách đè nút chuột trái xuống và rê đi. Để zoom lại gần hình xin lăn bán xe chuột về phiá mình.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Chim Vui Vườn Nhà
Lê Trị
21:15 08/08/2013
CHIM VUI VƯỜN NHÀ
Ảnh của Lê Trị
Tiếng chim rộn rã đầu ngày
Hợp dâng vui sướng niềm say ơn lành
Đùa vui nhí nhảnh trên cành
Lộc non đã trổ xanh xanh khắp trời.
(Trích thơ của Trầm Thiên Thu)