Ngày 02-08-2014
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:30 02/08/2014
THẾ GIỚI CỦA GIUN ĐẤT.
N2T

Mọi người đều chế giễu giun đất:
- “Mày không có mắt, không thể nhìn.”
- “Mày không có tai, không thể nghe.”
- “Mày không có chân, không thể đi.”
- “Mày không có cánh, không thể bay.”

Giun đất khóc lớn nói với Đấng tạo hóa:
- Tại sao Ngài đem cái hèn mọn thấp kém mà tạo nên con như thế này, không có một tí gì là tốt đẹp cả…”
- “Bé con, bản thân của sinh mệnh là không có phân biệt cao thấp, quý tiện
.”- Đấng tạo hóa thở dài nói tiếp: “Ta không coi nhẹ con, tại sao con lại coi nhẹ mình !”
- “Nhưng con vừa mù vừa điếc, vừa không biết bay lại vừa không biết chạy, Ngài tạo nên con có gì là hay, có gì là ích lợi chứ ?”
- “Con tiêu hóa rác rưởi để bùn đất tơi xốp, đầy tràn sức sống, vạn vật cứ thế mà sinh dưỡng không ngơi, tại sao con lại nói là không có ích gì chứ ?”

- “Nhưng… nhưng…”- Giun đất sụt sùi nói: “Chúng nó đều chế nhạo con…”
- “Có mắt chỉ nhìn thấy mình, có tai chỉ nghe được mình, có chân chỉ vì mình mà chạy vội chạy vàng, có cánh chỉ lượn nơi thế giới của mình…” Đấng tạo hóa thở dài nói tiếp: “Như thế thì cũng chẳng khác gì vừa đui vừa điếc, vừa què vừa thọt; có và không có, thì có gì là khác biệt chứ ?”
(Hạnh Lâm Tử)

Suy tư:
Anh sinh viên bạn của tôi thời đại học, từ quê hương Bạc Liêu lên thành phố Sài Gòn học ở trường Đại học Mở - Bán công. Đã viết thư cho người yêu: “Anh sinh ra nhằm ngôi sao xấu, cho nên yêu em mà không dám nói, anh chỉ sợ rằng nói ra rồi em lại cho anh là người đèo cao…” (cám ơn anh bạn của tôi đã cho phép tôi mượn đoạn thư này).
Tôi đã nói với anh bạn: “Cái gì mà ngôi sao xấu với ngôi sao đẹp, nếu mày thật tình yêu cô ta, thì mày chính là ngôi sao đẹp nhất, nhưng nếu mày giả vờ yêu cho “qua ngày đoạn tháng” ở thành phố này, thì mày là một ngôi sao xấu xí nhất trần gian”. Cuối cùng anh ta trở thành ngôi sao tốt, anh học giỏi, hiền, và hay mặc cảm, tình yêu của anh ta đã được đáp trả, tôi nói đùa với họ: “Tụi bây hai đứa thật hết ý”.
Nhưng không biết khi tôi ra nước ngoài tu nghiệp thì chúng nó còn yêu nhau không ?
Mặc cảm thường thấy mình thua thiệt mọi thứ rồi dẫn đến trạng thái thiếu tự tin vào mình, và rồi oán trách mọi người. Các bạn trẻ ở ngôi trường mù Nguyễn Đình Chiểu, khi sinh hoạt hát hò, đi lại, nếu không để ý, đố ai mà nhận ra được họ là những người khiếm thị, các bạn này vui chơi, đàn hát cứ như là những người sáng mắt vậy.
Tại Đài Loan, người ta vận động mọi người đến sinh hoạt với các trẻ em tật nguyền, dạy các em hát, dạy các em làm thủ công, dạy các em học vi tính. Nhìn những người tật nguyền thi lái xe lăn, thi khiêu vũ trên xe lăn, thì không ai nói họ là những con người rầu rỉ, chán đời. Họ rất nhộn nhịp thi đua…
Ở đời có những người sáng mắt nhưng lại cứ muốn mình đui, đi trên đường phố thấy cụ già qua đường giữa dòng xe cộ đông đúc nhưng làm ngơ như không thấy; thấy một phụ nữ tay ẵm con, tay xách nặng nề đi cho kịp chuyến xe nơi bến xe Bình Triệu thì phớt lờ như không thấy...
Cũng có những người lành lặn tay chân nhưng hình như họ muốn làm người tàn phế, đôi chân của họ thích đi đến nơi nhà chứa, chỗ hút xì ke , có phải là họ muốn cụt tay cụt chân không?
Có những người nhà của họ chỉ cách nhà thờ khoảng một trăm thước tây, nhưng cả năm đi cũng không đến nhà thờ, nhưng những chỗ vui chơi nổi tiếng bất kỳ ở chỗ nào xa mấy cũng không vắng mặt họ, thì có chân cũng như cụt rồi vậy!
Vậy thì, mặc cảm, tự ti, buồn vì mình thua kém mọi người đều không quan trọng, quan trọng là tâm hồn của chúng ta có đui mù, có tật nguyền hay không mà thôi ?

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch và viết suy tư

---------------
http://nhantai.info
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:32 02/08/2014
Chúa Nhật 18 THƯỜNG NIÊN
N2T

Tin mừng : Mt 14, 13-21
“Ai nấy đều ăn no nê”.


Anh chị em thân mến,
Đức Chúa Giê-su nói với các môn đệ: “Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn”, đây là một lệnh truyền của Đức Chúa Giê-su cho các môn đệ của Ngài, bởi vì Ngài biết rằng các môn đệ không có gì cả, ngay cả năm cái bánh và hai con cá cũng chỉ là đủ cho một hai người ăn mà thôi, thế nhưng Ngài vẫn cứ ra lệnh cho các môn đệ làm theo lời Ngài, tức là lãnh đạo dân chúng chia họ thành nhiều nhóm và ngồi với nhau cùng ăn bánh và cá do Ngài thực hiện kỳ tích bánh hóa nhiều.

Thực ra không phải các môn đệ cho dân chúng ăn no nê, nhưng là chính Đức Chúa Giê-su, chính Ngài biết những nhu cầu của những người đã từ bỏ tất cả để theo Ngài và nghe lời giảng dạy của Ngài, nên đã thưởng cho họ và không để họ bụng đói trở về. Đức Chúa Giê-su đã thực hiện kỳ tích làm cho năm cái bánh và hai con cá trở nên nhiều để cho hơn năm ngàn người ăn, nhưng Ngài quy việc làm này cho các môn đệ của Ngài: chính anh em hãy cho họ ăn, để các tông đồ nhận thức rằng, chính họ phải có trách nhiệm không những về phần linh hồn mà cả phần xác đối với những người đi theo Đức Chúa Giê-su, tức là những người Ki-tô hữu trên khắp hoàn cầu.

Ngày nay, Đức Chúa Giê-su cũng nói với chúng ta –những người Ki-tô hữu- rằng: “Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn”, khi nói như thế thì Ngài đều biết rõ chúng ta không có gì cả để cho họ cả, nhưng Ngài muốn mỗi người môn đệ của Ngài phải có sự quan tâm đến người khác ở chung quanh mình, rồi mọi việc Ngài sẽ lo cho:
- Có những vị chủ chăn dù công việc mục vụ ngập đầu ngập cổ, đã đi khắp nơi xin lòng bố thí của các con cái phương xa giàu có, để làm một cái gì đó ấm lòng các linh mục già nua đã cống hiến đời mình cho Giáo Hội và cho các linh hồn, tấm lòng bao dung, yêu mến, khiêm tốn của các ngài chắc chắn sẽ được Thiên Chúa trả công xứng đáng.
- Có những vị chủ chăn đau lòng trước những cảnh nghèo khó của giáo dân, nên đã gõ cửa nơi những nhà hảo tâm để xin họ trãi rộng lòng bác ái, giúp đỡ những giáo dân nghèo khó cùng cực, Đức Chúa Giê-su cũng sẽ làm cho có rất nhiều người sẵn sàng mở rộng con tim của mình để giúp họ.

Và trong xã hội ngày nay có rất nhiều người Ki-tô hữu cũng đã thực hiện lời Đức Chúa Giê-su dạy, họ đã rộng tay giúp đỡ người nghèo cách hào phóng, họ đã cộng tác với Ngài cho người khác ăn, vì họ nghĩ rằng, Thiên Chúa ban cho họ có tiền bạc của cải vật chất, là để thay mặt Ngài giúp đỡ những anh em chị em cần giúp đỡ.

Anh chị em thân mến,
Lệnh truyền của Đức Chúa Giê-su: “Anh em hãy cho họ ăn” vẫn văng vẳng bên tai chúng ta, khi mắt chúng ta nhìn thấy những cảnh tội nghiệp của những người chung quanh mình, Đức Chúa Giê-su biết rất rõ chúng ta không có gì để cho anh chị em ăn, nhưng Ngài vẫn cứ muốn chúng ta có tâm hồn hào hiệp, quảng đại, bác ái với tha nhân.

Cứ cho đi, cứ làm như Đức Chúa Giê-su mong muốn, chúng ta sẽ thấy mình rất giàu có: giàu có tình thương; cứ làm đi như lời của Đức Chúa Giê-su truyền, rồi Ngài sẽ làm thay cho chúng ta khi chúng ta vươn cánh tay yêu thương ra tới anh chị em chung quanh mình...

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
-------------
http://nhantai.info
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:36 02/08/2014
N2T

37. Trong các nhân đức, thì đức ái giống như mặt trời giữa các tinh tú, đem ánh sáng của mình truyền cho các nhân đức khác.

(Thánh Franciscus de Sales)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch trong “Cách ngôn thần học tu đức”

------------
http://nhantai.info
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Mỗi tuần một “Chuyện Rất Ngắn”
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:38 02/08/2014
ĐẠO TẠI TÂM
Về nhận xứ mấy năm, nhưng cha sở rất ít gặp vị giáo dân này, ngài cứ tưởng là ông ta đi lễ nhà thờ khác nên không thắc mắc. Một hôm, gặp ông ta, cha sở hỏi lâu quá không thấy ông đi lễ nhà thờ, ông ta trả lời:
- “Thưa cha con thấy đi lễ làm gì mất thời giờ, tưởng nhớ Chúa trong lòng là được rồi, con thấy giữ đạo tại tâm là được rồi.”
Cha sở nói:
- “Ồ, vậy thì ông tiết kiệm được nhiều tiền cho vợ con lắm phải không, vì mỗi lần đến bữa ăn thì ông chỉ cần tưởng nhớ đến cơm cá thịt là no rồi, cần gì nhọc công vợ con nấu cơm cho ông ăn...”
----------
http://nhantai.info
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Từ vô thần sang Công giáo: Một câu chuyện của nghi ngờ, hiếu kỳ và cuối cùng là niềm vui
Đặng Tự Do
07:47 02/08/2014
Người ta ước tính rằng khoảng 2 phần trăm của dân số thế giới là người vô thần. Trong nhiều năm, Jennifer Fulwiler, là một người trong số đó. Cô lớn lên trong một gia đình hạnh phúc nhưng vô tín ngưỡng. Thậm chí, cô tin rằng tôn giáo được dựa trên một câu chuyện cổ tích và Kitô giáo là một tôn giáo nguy hiểm.

Jennifer Fulwiler, tác giả cuốn “Something Other Than God”, nghĩa là “Còn gì khác ngoài Thiên Chúa”, nói:

"Vâng, tôi đã từng xem Kitô giáo như một cái gì đó nguy hiểm và tôi thực sự muốn khuyến khích mọi người quên đi hệ thống niềm tin nguy hiểm này."

Trong cuốn sách của mình, " Còn gì khác ngoài Thiên Chúa ", cô chia sẻ hành trình của mình. Tất cả mọi thứ từ sự thờ ơ, tới sự hiếu kỳ và cuối cùng là niềm vui. Cô nói rằng tất cả mọi thứ đã thay đổi khi cô và chồng có đứa con đầu tiên. Cô bắt đầu đặt ra nhiều câu hỏi hơn, mà chủ nghĩa vô thần không có thể trả lời.

Jennifer giải thích:

"Chủ nghĩa vô thần nói rằng cuộc sống của con người chẳng qua chỉ là tình cờ ngẫu nhiên của một chuỗi những phản ứng hóa học và điều đó thực sự trái ngược với kinh nghiệm của tôi về cuộc sống và sự gặp gỡ với những người khác."

Sau khi đọc tất cả các loại sách tôn giáo, với nhiều bất ngờ, cô tìm thấy sự thật trong Kitô Giáo. Cuối cùng cô và chồng cô đã trở thành người Công Giáo. Nhìn lại, cô cho biết cuộc sống của cô bây giờ là hoàn toàn khác trước đây.

Jennifer nói thêm:

"Khi tôi còn là một người vô thần, tôi nghĩ rằng ý nghĩa của cuộc sống là phải có càng nhiều tiền càng tốt. Nhưng tôi nhận thấy không bao giờ là đủ. Ao ước được thăng chức nhưng khi được rồi, tôi lại muốn trèo lên cao hơn nữa. Có xe đẹp, tôi lại muốn có xe đẹp hơn. Tôi đã luôn luôn tìm kiếm một điều khác nữa."

Kể từ đó, đức tin của tôi đã phát triển và cả gia đình cô cũng đón nhận đức tin. Cô vẫn giữ liên lạc với một số bạn bè vô thần. Họ có thể không đồng ý về những gì là chân lý, nhưng họ nhìn nhận một sự thật rằng cô đã tìm thấy niềm tin thông qua lý trí.

Jennifer nói tiếp:

"Tôi nghĩ rằng người Công Giáo đôi khi có chút do dự trước các cuộc đối thoại thân thiện với những vô thần, bởi vì họ có thể nghĩ rằng ‘Tôi không muốn nhìn vào những lập luận vô thần quá nhiều vì nó có thể làm lung lay đức tin của tôi và tôi có thể không thích những gì tôi tìm thấy. Tôi luôn luôn khuyến khích mọi người theo lời khuyên của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị: đừng sợ. Trước những thách đố của người vô thần, hãy khám phá mọi khả năng và bạn sẽ tự tin hơn nơi đức tin Công Giáo của mình. "
 
Đức Thánh Cha Phanxico sẽ thăm Thánh địa Haemi-Hàn Quốc
Dũng Huy
07:58 02/08/2014
Đức Thánh Cha Phanxico sẽ thăm Thánh địa Haemi - mảnh đất của những người tử vì đạo vô danh

Thánh địa Haemi tại Seosan, Chungcheongnam-do là nơi hàng nghìn người tử vì đạo vô danh, đặc biệt có rất nhiều nông dân và dân nghèo đã mất đi mạng sống. Khu vực Haemi từng là căn cứ quân sự quan trọng, nơi duy nhất có các doanh trại đóng quân trong số các thánh địa Công Giáo ở vùng Naepo. Jinyoung Haemi (nay là thành Haemi) với vai trò là nơi bảo vệ vùng biển của Naepo có quyền thực hiện án tử hình một cách độc tài. Những tín Hữu Công Giáo bị bắt ở vùng bở biển phía Tây đã bị xử tử tại nơi đây.

Từ những năm 1790 đến những năm 1880, hàng nghìn tín Hữu Công Giáo đã bị xử tử. Ông cố của Kim Dae Gun Andreae-vị Cha xứ đầu tiên của Hàn Quốc-là Kim Jin Hoo Pius sau 10 năm gian khổ sống trong ngục tù cũng đã tử vì đạo vào ngày 20/10/1814. Theo ghi chép của Công Giáo số người tử vì đạo tại Haemi được biết tới cho đến nay là 67 người, theo như trong pháp quy của Nhà nước là 65 người và còn tên của hàng nghìn người tử vì đạo khác vẫn chưa được xác định. Các đại sĩ phu được chuyển đến vùng Gongju hoặc Hongju nơi có sự giám sát, kiểm tra của tỉnh Chungcheong còn những người chết dần chết mòn ở Haemi là những người dân thường, nông dân, dân nghèo vô danh. Trong số hơn 1 nghìn tín hữu hi sinh trong vụ thảm sát Byeonginbakhae (1866-1868) chỉ có 130 người xác định được tên.

Bên ngoài cửa phía tây của thành Haemi được sử dụng làm pháp trường từ những năm 1790. Khi thành thiếu pháp trường, các quan quân đã đẩy các tín hữu phạm tội bị trói cả 2 tay xuống 'Doombung' (tiếng địa phương cùng Chungcheong-do chỉ hồ nước). Nơi được gọi là Jindoombung của thánh địa Haemi chính là nơi các tín hữu Công Giáo nằm lại.

Tại Haemi có một nơi cây cối xanh tươi um tùm được gọi là Yeosootgol(đầu cáo). Xuất xứ của tên gọi này là do khi những người tử vì đạo bị đưa tới nơi đây đã hô vang "Jesu, Maria!" nhưng những người chứng kiến ở đó lại nghe nhầm thành 'Yeosoo mori'(đầu cáo). Ở đây có rất nhiều hài cốt và còn khai quật được cả răng của trẻ em. Những hài cốt được tìm thấy đang được trưng bày tại bảo tàng của thánh địa Haemi.

Giám mục đứng đầu tại thánh địa Haemi cha Beak Sung Soo Simon cho biết: "Haemi Jinyong đã có quyền hạn rất mạnh đến mức có thể tự ý xử tử các tín hữu Công Giáo mà không cần có chỉ thị của cơ quan chức năng. Từ những năm 1790 cho đến vụ thảm sát Byeonginbakhae đã có rất nhiều người tử vì đạo". Ông nói thêm: "Khác với những người quý tộc chuyển đến Hongsung, trong số những người tử vì đạo có rất nhiều người dân nghèo vì thế đã không có bản ghi chép nào".

Khu vực 'con đường giá chữ thập' trên đoạn đường dài 1.2km kéo dài từ bên trong thành nơi diễn ra vụ xét xử những người tử vì đạo đến nội thành Haemi không ngớt những bước chân của khách hành hương đến thăm đất thánh. Cha xứ Beak Sung Soo nói rằng: "Giống như ở Jerusalem có 'con đường thập tự giá' thì ở Haemi cũng có con đường thập tự giá. Các khách hành hương đều có những suy ngẫm về sự sống và cái chết khi bước trên con đường này".

Trước thềm lễ thánh bế mạc Đại hội thành niên Châu Á lần thứ 6 tổ chức tại thành Haemi ngày 17/8 sắp tới, Giáo hoàng Francisco sẽ đến thăm Thánh địa Haemi, viếng mộ và cầu nguyện cho linh hồn những người tử vì đạo.
 
Cuộc hoán cải của Emmanuel Schmitt Éric, nhà văn người Pháp
Đặng Tự Do
08:03 02/08/2014
Éric-Emmanuel Schmitt là một trong những nhà văn Pháp nổi tiếng trên thế giới. Tác phẩm lớn nhất của ông là cuốn 'Oscar and Lady in Pink’, đã được dựng thành phim. Ông không phải là một tác giả tôn giáo nhưng Thiên Chúa luôn luôn hiện diện trong các tác phẩm của ông.

Eric tâm sự:

"Tôi lớn lên là một người vô thần. Gia đình tôi vô tín ngưỡng và tôi được nuôi dạy như thế. Sau đó, tôi bắt đầu nghiên cứu về Triết học. Con người tôi thay đổi dần và tôi đã trở thành một kẻ theo chủ nghĩa bất khả tri, có nghĩa là khi ai hỏi tôi về việc Thiên Chúa có hiện hữu hay không, câu trả lời là: ‘Tôi không biết.’”

Nhưng mọi thứ đã thay đổi. Trong một chuyến đi, ông đã bị lạc trong sa mạc Sahara.

Eric cho biết:

"Trong 30 giờ tôi không ăn hay uống bất cứ thứ gì. Tôi thậm chí không biết tôi ở đâu. Tôi ngủ một đêm dưới những ngôi sao ở sa mạc Sahara và đó là một kinh nghiệm thần bí. Nói cách khác, tôi đã có tất cả các kinh nghiệm. Khi là người vô thần, tôi cho rằng Thiên Chúa không hề tồn tại, sau đó chuyển sang không biết liệu Thiên Chúa có hiện hữu không và cuối cùng là cảm nghiệm thực sự về sự hiện diện của Ngài”

Ông viết tiểu thuyết, những vở kịch và chuyện phim. Tác phẩm của ông có một bố cục chung là đặt ra cho độc giả những câu hỏi và sau đó là những suy tư nội tâm.

"Những gì tôi cố gắng thể hiện, đó là: mặc dù chúng ta đều khác nhau, với những hành vi khác nhau và những hệ tư tưởng khác nhau, về cơ bản tất cả chúng ta đều trăn trở với những câu hỏi tương tự."

Ngoài cuốn 'Oscar và Lady in Pink' rất nổi tiếng, Eric cũng thành công với những cuốn như ‘My Life with Mozart’. Các tác phẩm của ông cũng bao gồm một cuốn sách trong đó Hitler là nhân vật chính. Với tiêu đề "La Part de l'Autre', cuốn sách pha trộn lịch sử với những khả năng có thể xảy ra, bằng cách tưởng tượng những gì có thể đã xảy ra với Hitler, nếu hắn ta vượt qua được kỳ thi tuyển sinh vào Học viện Mỹ thuật của Vienna, thay vì bị thi rớt đến hai lần.
 
Liệu khu tự trị Kurdistan có phải là tương lai của Kitô giáo tại Iraq?
Đặng Tự Do
08:35 02/08/2014
Trong một vài tháng, những kẻ cực đoan Hồi giáo đã loại bỏ hoàn toàn sự hiện diện của các Kitô hữu tại nhiều nơi ở Iraq. Cha Rebwar Basa đã chứng kiến thực tại mới này vào đầu tháng Bảy, khi ngài đến thăm gia đình của mình, đang tị nạn ở Erbil, thủ đô của Iraq Kurdistan.

Cha Rebwar Basa dòng Thánh Ormiza của Công Giáo Chanđê đang theo học tiến sĩ tại Rôma cho biết:

"Khi tôi đến sân bay và đi ra ngoài, tôi thấy nhiều, rất nhiều người dân nằm la liệt. Nhiều người Iraq đang ngủ bên ngoài thiếu thốn đủ mọi thứ."

Khu tự trị này đã đón hàng ngàn Kitô hữu chạy trốn cơn thịnh nộ của bọn khủng bố Hồi Giáo. Cha Basa nói rằng những Kitô hữu Iraq đã có từ thời các thánh Tông Đồ và thậm chí họ còn nói cùng một ngôn ngữ với Chúa Giêsu.

Cha nói:

"Những Kitô hữu chúng tôi tại Iraq có tiếng mẹ đẻ là tiếng Aramaic, ngôn ngữ Đức Giêsu nói hàng ngày. Sẽ rất buồn nếu một ngày kia chúng ta không tìm thấy bất cứ ai nói ngôn ngữ này nữa."

Trước khi sang Rôma theo học tiến sĩ, cha Basa đã làm mục vụ tại Mosul gần một thập niên. Nhưng giờ đây ngài không thể đến thăm thành phố. Đó là việc quá nguy hiểm. Tu viện, nơi ngài đã từng cư ngụ giờ đây bị rơi vào tay quân khủng bố Hồi Giáo.

Cũng giống các gia đình Kitô hữu, dòng của ngài và các nhà lãnh đạo tôn giáo đành phải bỏ lại nhà cửa và nhà thờ của họ để lánh nạn. Cha Basa thừa nhận khủng bố Hồi Giáo đã gây ra những thiệt hại nặng cho tương lai của Giáo Hội tại Iraq.

Cha nói thêm:

"Tôi đã học Triết học và Thần học ở Baghdad, và trong thời gian đó chúng tôi đã có hơn 70 sinh viên. Và giờ đây chỉ còn 20 hoặc 25 chủng sinh. Và tương lai có thể còn ít hơn."

Sau cuộc xâm lược của Mỹ năm 2003, các Kitô hữu Iraq bắt đầu phải di cư ra nước ngoài. Nhiều người bỏ nước ra đi, những người khác định cư ở Kurdistan.

Mặc dù có trụ sở tại thủ đô Baghdad, chủng viện Baghdad hiện đang được đặt tại Erbil. Và Thượng Hội Đồng Giám Mục Chanđê vào tháng Sáu vừa qua cũng đã diễn ra gần đó.
 
Đức Thánh Cha mừng lễ Thánh Phêrô Faber Dòng Tên
Bùi Hữu Thư
15:11 02/08/2014
Ngày 2 tháng 8, 2014 (Vatican Radio) Đức Thánh Cha Phanxicô lần đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội đã mừng kính Thánh Phêrô Faber Dòng Tên vào ngày thứ bẩy 2/8/2014 trong một Thánh Lễ có sự tham dự của nhiều linh mục trẻ Dòng Tên được mời.

Thánh Phêrô Faber là một linh mục Dòng Tên tiên khởi đã quy tụ với Thánh I-Nhã thành Loyola để thành lập Dòng Tên (Society of Jesus). Ngài là thầy Dòng Tên đầu tiên được thụ phong linh mục. Chính thánh I-Nhã đã công nhận linh mục Phêrô Faber là vị thầy và nhà lãnh đạo đầu tiên về các Bài Tập Linh Thao nổi tiếng của Dòng Tên.

Giám đốc chi nhánh Đức của Radio Vatican là linh mục Bernd Hagenkord, Dòng Tên, đã tiếp xúc với một linh mục Dòng Tên trẻ dược mời tham dự Thánh Lễ với Đức Thánh Cha Phanxicô là cha Franciscus Wawansitiadi, thuộc Dòng Tên Phi Luật Tân. Cha Wawansitiad đã nói với Radio Vatican là: “Đức Thánh Cha Phanxicô đến như một người anh em, như một thầy Dòng Tên khác” để dâng Thánh Lễ.

Thánh Phêrô Faber cũng nổi danh về công trình của ngài trong việc hàn gắn các nứt rạn của Giáo Hội trong thời đại của ngài, đặc biệt là tại Đức.

Thực vậy, Thánh Phêrô Faber là công cụ chính yếu trong nỗ lực đưa người Đức trở về hoàn toàn với đức tin Công Giáo sau vụ cải cách của Luther. Ngài là một thần học gia khá nổi tiếng, nhưng không phải là một người có phương pháp chiêu dụ ưa thích của ngài bị tranh cãi về thần học (He was a theologian of considerable repute, though not one, whose preferred method of conversion was theoretical dispute.)

Thay vì đó, Thánh Phêrô Fabertìm cách kêu gọi các thính giả của ngài cải tổ cuộc sống nội tâm và biết kiềm chế mạnh mẽ hơn các sở thích của mình.
 
Làn sóng bách hại các tín hữu Kitô bùng lên tại Ambon, Nam Dương
Đặng Tự Do
17:13 02/08/2014
Bạo lực tôn giáo đã bùng lên tại Ambon, thủ phủ của khu vực Mollucas thuộc Indonesia, khiến bốn người chết và một làn sóng lo sợ dâng cao trong cộng đoàn Kitô Giáo tại đây.

Quân đội Indonesia đã can thiệp để ngăn chặn những cuộc tấn công nhắm vào các tín hữu Kitô hôm 31 tháng 7, nhưng ít nhất đã có 20 ngôi nhà bị phá hủy.

Năm 2002, căng thẳng giữa người Hồi giáo và Kitô hữu đã bùng nổ tại Mollucas, gây ra hàng ngàn trường hợp tử vong trước khi chính phủ tái lập lại được trật tự.

Indonesia, hay còn gọi là Nam Dương, với dân số 251,160,000 người, trong đó 86.1% theo Hồi Giáo là đất nước có đông người Hồi Giáo nhất trên thế giới. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo tại nước này tỏ ra ôn hòa và thực tiễn. Họ không chấp nhận áp dụng luật Sharia bất chấp những áp lực của các nhà lãnh đạo Hồi Giáo và của các tổ chức Hồi Giáo cực đoan. Họ e ngại những điều luật cực đoan của Sharia như cấm phụ nữ không được làm việc chung với nam giới sẽ đưa Indonesia đến chỗ tụt hậu so với các quốc gia trong vùng.

Tuy nhiên, Indonesia có một số rất đông các trào lưu Hồi Giáo cực đoan luôn kích động hận thù tôn giáo và những cuộc bạo loạn chống các tín hữu Kitô.
 
Phúc Trình Liên Hiệp Quốc: Việt Nam vẫn vi pham tự do tôn giáo
Vũ Văn An
19:10 02/08/2014
Theo tin Catholic World News ngày 1 tháng 8, một bản phúc trình của Liên Hiệp Quốc, vừa được công bố, quả quyết rằng “Nhiều vi phạm nghiêm trọng đối với tự do tôn giáo hay tín ngưỡng vẫn là một thực tế tại Việt Nam”.

Phúc trình viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc là Heiner Bielefeldt tuyên bố rằng ông đã thấy một “thái độ nói chung rất khinh bạc và tiêu cực đối với quyền lợi của các nhóm thiểu số và các cá nhân thực hành tôn giáo của họ bên ngoài các ngả định chế”.

Hãng tin Fides thì dựa vào các tường trình của Liên Đới Kitô Giáo Thế Giới cho hay: các người cổ vũ cho tự do tôn giáo đã “ bị cảnh sát đe dọa, xách nhiễu hay ngăn cản” không được tìm cách nói chuyện với Bielefeldt trong khi ông đang thăm viếng Việt Nam.

Cuộc viếng thăm trên kết thúc vào ngày 1 tháng 8, sau khi Bielefeldt gặp các viên chức chính phủ, các viên chức địa phương, cũng như đại diện các cộng đồng tôn giáo. Liên Đới Kitô Giáo Thế Giới cũng cùng đi với Ông để thăm, theo lịch trình, các tỉnh An Giang, Gia Lai và Kon Tum. Chính tại những nơi này, họ thấy một số chứng nhân, đại diện và nhà tranh đấu muốn gặp Phúc Trình Viên của LHQ đã “bị cảnh sát đe dọa, xách nhiễu hay cản trở”.

Tại ba tỉnh nói trên, các vi phạm tự do tôn giáo, trong đó có các vụ tấn công người Công Giáo và Thệ Phản ở Kontum trong các năm 2012 và 2013, đã được ghi chép. Bielefeldt cũng tường trình nhiều “hạn chế trong lãnh vực nhân quyền” và nhiều “công thức mơ hồ trong Luật Hình Sự về việc lạm dụng tự do dân chủ”.
Phúc trình của Bielefeldt sẽ được đệ nạp lên Hội Đồng Nhân Quyền LHQ vào năm 2015 với nhiều khuyến cáo.

Tập San Jurist thì cho hay: ba trong các cuộc viếng thăm được dự trù trước của Bielefeldt đã bị phá ngang và các nhân viên an ninh của Việt Nam theo dõi sát cuộc viếng thăm của ông: “tôi nhận được thông tin đáng tin cậy cho hay một số cá nhân mà tôi muốn gặp đã hoặc bị cảnh sát theo dõi xít xao, cảnh cáo, đe dọa, xách nhiễu hặc ngăn cản không được tới”.

Phát ngôn viên bộ ngoại giao Cộng Sản là Lê Hải Bình, ra một tuyên bố cho rằng chính phủ đã cố gắng hết sức để hỗ trợ Bielefeldt trong suốt 11 ngày viếng thăm của ông. Điều 70 của Hiến Pháp Việt Nam minh nhiên thừa nhận tự do tôn giáo. Nhưng theo phúc trình năm 2013 về tự do tôn giáo của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, các đạo luật khác ở Việt Nam đã hạn chế gắt gao việc thực hành tôn giáo và tín ngưỡng.

Chính Phủ Việt Nam từ trước đến nay vốn bị cộng đồng quốc tế chỉ trích về các chính sách nhân quyền của họ, nhất là liên quan tới việc giam giữ và các án tù. Tháng Ba năm nay, Tòa Án Nhân Dân Tối Cao của Việt Nam đã kết án “blogger” Phạm Viết Đào 15 tháng tù vì đã đăng tải nhiều bài chỉ trích chính phủ. Một tháng trước đó, Tòa này cũng đã duy trì bản án đối với luật sư được huấn luyện ở Mỹ là Lê Quốc Quân, một nhà tranh đấu nổi tiếng của Việt Nam. Mùa Thu năm 2013, Hội Ân Xá Quốc Tế tố cáo các nhà cầm quyền Việt Nam đã dùng các luật lệ áp chế chống lại các nhà tranh đấu chống chính phủ và Cơ Quan Quan Sát Nhân Quyền đã lên tiếng yêu cầu Quốc Hội Việt Nam phải làm cho hiến pháp của đất nước phù hợp với các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế.

ABCNews của Úc, ngày 31 tháng 7, cũng cho hay các nhân viên an ninh của Việt Nam theo dõi xít xao hoạt động của Phúc Trình Viên LHQ Heiner Bielefeldt. Chính viên chức này cho hay: “tôi bị các ‘nhân viên an ninh và cảnh sát’ không được báo trước theo dõi sát nút bất cứ đi đâu, trong khi đó, tính tư riêng và bảo mật của một số cuộc gặp gỡ đã bị xâm phạm. Tất cả các biến cố này rõ ràng vi phạm các điều kiện trong bất kỳ cuộc viếng thăm nước nào của tôi”

Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao, Lê Hải Bình, thì luôn lải nhải rằng chính phủ đã làm hết sức để tạo thuận lợi cho cuộc viếng thăm của Bielefeldt: “Việc tiếp đón Phúc Trình Viên Đặc Biệt của LHQ về tự do tôn giáo trong cuộc viếng thăm Việt Nam chứng tỏ thiện chí, thái độ hợp tác và cởi mở của chính phủ Việt Nam cũng như sự nghiêm túc của Việt Nam trong việc thực thi các cam kết của mình khi nộp đơn tham gia Ủy Ban Nhân Quyền LHQ”.

Tự do tôn giáo được Hiến Pháp VN tôn trọng, nhưng chính phủ chỉ thừa nhận khoảng 12 tôn giáo trên một xứ sở gồm 90 triệu dân. Những tôn giáo hay tín ngưỡng nào không được thừa nhận thì bị cấm. Hà Nội cho rằng chỉ những người phạm luật mới bị bắt hay cầm tù.

Bielefeldt tường trình rằng ông được nghe nhiều lời tố cáo như xách nhiễu, giam tại nhà, cầm tù, phá hủy nơi thờ phượng, đánh đập và ép buộc người ta phải gia nhập các tôn giáo chính thức và từ bỏ tôn giáo của mình.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Trại Hiệp Nhất IX huynh trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể GP Phan Thiết
BTT Giáo phận Phan Thiết
10:51 02/08/2014
TRẠI “HIỆP NHẤT IX” – HUYNH TRƯỞNG PHONG TRÀO THIẾU NHI THÁNH THỂ GIÁO PHẬN PHAN THIẾT.

Trong hai ngày 30 - 31/7/2014 vừa qua, Hội trại Huynh trưởng Phong trào Thiếu nhi Thánh Thể (PT.TNTT) giáo phận Phan Thiết mang tên “HIỆP NHẤT IX” đã được tổ chức tại Trung tâm Thánh Mẫu Tà Pao.

Trại “HIỆP NHẤT IX” có chủ đề: “DẤN THÂN VÀ PHỤC VỤ” như muốn hướng tất cả huynh trưởng sống tinh thần của NĂM TÂN PHÚC ÂM HÓA ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH bằng việc DÂN THÂN – PHỤC VỤ trước hết trong gia đình mình; qua đó, dân thân và phục vụ cho “gia đình” rộng lớn hơn là đoàn TNTT, là giáo xứ, là Giáo Hội, là xã hội.

Về tham dự trại có hơn 500 huynh trưởng của 26 giáo xứ thuộc 4 giáo hạt trong giáo phận Phan Thiết. Cha Phanxicô Xavie Nguyễn Quang Minh, Tổng Tuyên úy PT.TNTT giáo phận Phan Thiết đã hiện diện, sinh hoạt và trực tiếp chỉ huy kỳ trại cùng với Ban Nghiên huấn PT.TNTT giáo phận.

Để giúp các trại sinh sống tinh thần của chủ đề trại, Cha Tổng tuyên úy đã tổ chức 03 khóa tĩnh huấn:

- Khóa I: “Ơn gọi của Huynh trưởng: DẤN THÂN”

- Khóa II: “ Sứ mạng của huynh trưởng – Dạy giáo lý: PHỤC VỤ”

Hai khóa này do Cha Tổng tuyên úy giảng huấn.

- Khóa III: “ Huynh trưởng rèn luyện nhân bản để sống dấn thân và phục vụ” do Cha Phê rô Nguyễn Châu Linh, Tuyên úy PT.TNTT hạt Hàm Tân giảng huấn.

Ngoài các khóa tĩnh huấn, trại “HIỆP NHẤT IX” dành khá nhiều thời gian để các trại sinh được gặp gỡ, giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm dấn thân, phục vụ.

Điều đặc biệt là trong hai ngày trại, thời tiết có nhiều bất lợi: mưa nhiều và mưa lớn liên tục; tuy nhiên, vượt qua cả những khó khăn ấy, các hoạt động của trại vẫn diễn ra đúng như chương trình, kể cả văn nghệ lửa trại và trò chơi lớn ( sa mạc) ban đêm; cho dù các trại sinh phải dầm mưa, chịu cảnh ướt sũng gần như cả ngày. Điều này chứng tỏ cho một tinh thần DẤN THÂN cao độ.

Sáng ngày 31/7/2014, trại “HIỆP NHẤT IX” vinh dự được đón Cha Quản hạt Đức Tánh, thay mặt cho Đức Giám Mục giáo phận ghé thăm và dâng thánh lễ đồng tế cùng Cha Tổng Tuyên úy và Cha phó xứ Võ Đắt. Qua phần huấn từ, nhất là qua bài chia sẻ Lời Chúa, Cha đã mời gọi các Huynh trưởng muốn dấn thân và phục vụ, trước hết phải biến tâm hồn mình thành “mảnh đất tốt” để đón nhận Lời Chúa, sống Lời Chúa; qua đó, đến phiên mình phải trở thành “người gieo giống”, đem Lời Chúa gieo vãi cho gia đình mình và trên “cánh đồng” thiếu nhi hầu đem lại cho Chúa những mùa bội thu.

Cũng trong Thánh lễ, sau bài giảng, Cha Tổng Tuyên úy đã chủ sự nghi thức tuyên hứa, nhận chức của Tân Ban Chấp hành PT.TNTT Tổng Liên đoàn giáo phận Phan Thiết nhiệm kỳ 2014-2018. Đồng thời, qua Cha Quản hạt Đức Tánh, Cha Tổng Tuyên úy đã xin Đức Giám Mục giáo phận cấp Ủy nhiệm thư cho các thành viên của Tân Ban Chấp hành. Tân Ban Chấp hành PT.TNTT Tổng Liên đoàn giáo phận Phan Thiết gồm có 07 thành viên, được bầu cử vào ngày 13/6/2014 cũng tại Trung tâm Thánh Mẫu Tà Pao nhân dịp tổ chức Đại hội TNTT lần thứ XIV .

Trưa ngày 31/7, trại “HIỆP NHẤT IX” đã tiến hành nghi thức dỡ trại và tổ chức tổng kết bế mạc. Sau phần phát thưởng thi đua cho các đơn vị trại đạt thành tích xuất sắc, Cha Tổng Tuyên úy đã ban huấn từ bế mạc. Trong bài huấn từ, Cha nhấn mạnh đến các yêu tố “đặc biệt nhất” của kỳ trại so với các kỳ trại trước, đó là: Kỳ trại bị mưa nhiều nhất, kỳ trại được vui chơi nhiều nhất, kỳ trại được cười nhiều nhất, kỳ trại cảm nhận rõ nhất tình yêu thương hiệp nhất giữa các trại sinh, tình yêu thương kỳ diệu của Chúa khi hiệp thông với Mẹ Tà pao… và kỳ trại biểu hiện tinh thần DẤN THÂN cụ thể nhất.

Trại “HIỆP NHẤT IX” được kết thúc qua nghi thức hạ cờ và nghi thức chia tay đầy quyến luyến và xúc động. Cha Tổng Tuyên úy, quý Trưởng trong Ban Nghiên huấn cùng tất cả trại sinh xiết chặt tay nhau hát vang lời chia tay và lời hẹn gặp lại trong kỳ trại “HIỆP NHẤT X” vào năm 2016.

Một kỳ trại đã đi qua, chỉ còn lại đó dư âm của tinh thần Tông đồ đã được hun nóng, dư âm của lòng nhiệt thành, dư âm của những niềm vui, dư âm của tình huynh đệ… là còn mãi trong tim của các trại sinh, giống như lời của bài ca bế mạc lửa trại: “Lửa đêm nay tan nhưng lửa tim còn cháy âm thầm ngàn đời…”. Các trại sinh sẽ ra về với gia đình, với cuộc sống thường ngày biết bao lo toan, với việc tông đồ nơi giáo xứ và đoàn thiếu nhi của mình… tinh thần của kỳ trại “HIỆP NHẤT IX” là DẤN THÂN VÀ PHỤC VỤ chắc chắn sẽ là động lực để các Huynh trưởng quyết tâm đem “…lửa thiêng cháy lên đốt lòng mọi người”.

Xin dâng lời cảm tạ Hồng Ân Thiên Chúa và Mẹ Tà pao.

Xin chân thành cảm ơn sự quan tâm và khích lệ của Đức Giám Mục giáo phận.

Xin chân thành cảm ơn Quí Cha Quản Hạt, Quí Cha Quản Xứ đã tạo điều kiện để các Huynh Trưởng được tham dự trại Hiệp Nhất.

Xin chân thành cảm ơn Cha Quản Nhiệm, Quí Thầy, Quí Sơ Trung tâm Thánh Mẫu Tà pao; Quí Sơ cộng đoàn Nữ Tỳ Chúa Giê su Linh mục đã giúp đỡ rất nhiều cho Trại Hiệp Nhất lần IX.

Xin chân thành cảm ơn tất cả những ai đã đóng góp tinh thần, vật chất cho Trại được tốt đẹp.

Xin chúc mừng sự thành công của trại “HIỆP NHẤT IX” và hẹn gặp lại trong kỳ trại hai năm sau.

Ban Truyển Thông PT/TNTT. Gp. Phan Thiết
 
Legio Mariae : Thánh lễ tạ ơn 66 năm hiện diện tại Việt NAm
An Duy
10:46 02/08/2014
LEGIO MARIÆ: Thánh lễ tạ ơn 66 năm hiện diện tại Việt Nam

“Chúa cho miệng tôi hát bài ca mới,
bài ca tụng Thiên Chúa chúng ta.
Thấy thế, nhiều người sẽ kính sợ
và tin tưởng vào CHÚA” (Tv 40, 4).


Trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa và mừng Đại lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời (15/8), đồng thời mừng kỷ niệm sinh nhật 66 tuổi của Legio Mariæ hiện diện trên dải đất Việt Nam (12/08/1948 - 12/08/2013). Vào lúc 10g00’ sáng ngày thứ Bảy đầu tháng ngày 2/8/2014, tại nhà thờ giáo xứ Thị Nghè - TGP. Sài Gòn, cha Đa-minh Nguyễn Đình Tân – Hạt trưởng giáo hạt Gia Định kiêm linh giám Hội đồng Curia Gia Định I cùng với qúy cha, qúy tu sĩ linh giám và đông đảo qúy hội viên Legio hoạt động và tán trợ thuộc các cấp Hội đồng trong Hệ thống Legio Mariæ tại Việt Nam miền Sài Gòn đã dâng thánh lễ mừng kỷ niệm 66 năm thành lập.

Xem Hình

Từ rất sớm, nhà thờ giáo xứ Thị Nghè nhộn nhịp tưng bừng bởi sự xuất hiện đông đảo của các ủy viên và hội viên Legio trên muôn nẻo đường tề tựu họp mặt. Xúc động hơn nữa, là vừa bước vào khuôn viên nhà thờ đã được nhận diện. Sau những tiếng gọi nhau ơi ới là phần thăm hỏi thân thiện, những lời tâm sự càng thêm gắn chặt tình thân, xóa tan mệt nhọc quãng đường dài, tạo hưng phấn tích cực, mọi người ai cũng bồi hồi, náo nức khó tả. Gặp nhau tay bắt mặt mừng, nhiều anh chị Legio cao niên nhiệt tình tham dự từ đầu đến hết chương trình, biều lộ tinh thần hiệp thông cao độ. Không còn khoảng cách vô hình các “Præsidia này, Curiæ kia”, giờ đây hết thảy là anh em một nhà, cùng “Kết nối tình hiệp thông”.

Trước khi diễn ra thánh lễ tạ ơn là buổi họp định kỳ hàng tháng với phần phúc trình của hai Hội đồng Regia Xuân Lộc và Curia Thủ Đức II.

BQT. Hội đồng Regia Xuân Lộc Phúc trình

Cha Phê-rô Nguyễn Công Danh - linh giám Hội đồng Senatus Việt Nam mặc dù tuổi cao sức yếu, nhưng đã hiện diện trong phần khai mạc và ban huấn từ về “Lòng Trung Thành trong Legio” (x. TB 29, 258). Ngài cũng thao thức mời gọi các anh chị Legio dâng lời cầu nguyện trong thánh lễ và các giờ kinh nguyện thật nhiều hơn nữa, hầu cho việc sinh hoạt phát triển của Legio được lan rộng khắp trên 26 giáo phận và sớm được chính thức công nhận về mặt xã hội.

Đúng 10g00’, thánh lễ được bắt đầu với bài ca nhập lễ mừng kính Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Đi đầu đoàn rước là thánh giá và đèn chầu, ban Phụng vụ bài đọc và dâng lễ vật, đoàn anh chị Legio, Ban Quản trị Hội đồng Senatus Việt Nam, 12 linh mục đồng tế và một thầy phó tế phục vụ bàn thờ.

Trong phần giảng lễ, cha Giu-se Phạm An Ninh - linh giám Hội đồng Curia Gia Định II chia sẻ biến cố MẸ MA-RI-A HỒN XÁC LÊN TRỜI là một mầu nhiệm đức tin. Tín điều vô ngộ qua Thông điệp “Munificentissimus Deus: Thiên Chúa rộng rãi hải hà” của Đức Pi-ô XII được tuyên bố ngày 1/11/1950 về Đức Mẹ cả Xác lẫn Hồn lên Trời cũng là mầu nhiệm của lòng tin. Đây quả thực là viên ngọc qúy cuối cùng trọng đại mà Thiên Chúa ban tặng cho Đức Mẹ. Theo Niên lịch phụng vụ Rô-ma, được cải tổ sau Công đồng Vatican II và được ban hành ngày 14/2/1969 đã dành ra 4 lễ trọng kính Đức Mẹ Ma-ri-a trong toàn Hội Thánh:

* Lễ Mẹ Thiên Chúa (1/1)

* Lễ Mẹ Truyền Tin (25/3)

* Lễ Mẹ Hồn Xác Về Trời (15/8)

* Lễ Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (8/12).

Mẹ Ma-ri-a Hồn Xác Lên Trời đã xảy ra trong lịch sử nhân loại và lịch sử cứu rỗi. Nên, tín điều Hồn Xác Lên Trời của Đức Mẹ mà Hội Thánh qua miệng Đức Giáo Hoàng công khai tuyên bố trên ngai tòa thánh Phê-rô đã minh định cho nhân loại, cho con người biết rằng: “Mẹ Ma-ri-a có liên hệ chặt chẽ với mỗi người chúng ta”. Nhờ sự trinh khiết, tinh ròng và vô tì tích cả hồn lẫn xác của Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, mọi người có lòng tin sẽ được hưởng nhờ đặc ân cứu độ của Thiên Chúa và tin vào sự giải thoát tội lỗi Thiên Chúa dành cho Mẹ Ma-ri-a là tin vào chính Đức Ki-tô chết và sống lại. Mẹ Ma-ri-a đã lên Trời cả Hồn lẫn xác. Mẹ Ma-ri-a đã được diện đối diện với Thiên Chúa. Mẹ Ma-ri-a lên Trời là hình ảnh của Giáo Hội khải hoàn và là vinh quang của thập giá Đức Ki-tô, Con Mẹ. Tin vào thập giá sẽ được cứu độ. Vì thế, tin vào Đức Ki-tô đã giải thoát Mẹ khỏi sự chết của tội lỗi, tức là tin vào sự bất diệt của tâm hồn và thể xác Thiên Chúa dành cho Mẹ Ma-ri-a, cũng như cho Hội Thánh khải hoàn.

“Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em" (Ga 20,21). Mừng lễ Mẹ Ma-ri-a Hồn Xác Lên Trời, đồng thời mừng kỷ niệm 66 năm Legio Mariæ hiện diện tại Việt Nam, nguyện xin Thiên Chúa ban ơn trợ lực, để các tông đồ khiêm nhường của Mẹ luôn biết cộng tác với Mẹ là Nữ Vương Legio lo cho phần rỗi linh hồn bản thân, cho Hội Thánh, cho quê hương Việt Nam, và cho tất cả nhân loại. Mẹ Ma-ri-a tại phòng tiệc ly trong ngày lễ Ngũ Tuần, đã cùng với cộng đoàn Giáo Hội sơ khai, đón nhận Ơn Chúa Thánh Thần để bắt đầu công cuộc loan báo Tin mừng đến tận cùng trái đất, và đến ngày tận thế (x. Cv 1, 12-14). Và hôm ấy, đã có khoảng 3.000 người theo đạo (x. Cv 2, 41).

Trong Thông Điệp “Mater Redemptoris: Mẹ Đấng Cứu Chuộc”, thánh giáo hoàng Gio-an Phao-lô II đã viết: “Giáo Hội làm việc này (sứ vụ Loan Báo Tin Mừng) cùng với Mẹ Ma-ri-a và theo gương Mẹ Ma-ri-a, Mẹ của Giáo Hội và là mô phạm của Giáo Hội: Mẹ Ma-ri-a là mô phạm của một thứ tình yêu mẫu tử làm cho tất cả mọi người hứng khởi cộng tác vào sứ mệnh tông đồ của Giáo Hội trong việc tái sinh nhân loại” (Thông ĐiệpMẹ Đấng Cứu Chuộc số 92). Như vậy, Legio Mariæ cũng phải trở thành khí cụ của Chúa Thánh Thần trong công cuộc Loan Báo Tin Mừng qua các sinh hoạt cầu nguyện, hy sinh và thăm viếng được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần và noi gương Mẹ Ma-ri-a luôn Loan báo Tin mừng, sống Tin mừng là con đường Mẹ đã đi để lên trời. Con cái Mẹ cũng theo Mẹ mà đi trên con đường đó, để về trời vinh hiển với Mẹ mai sau..

Cuối phần hiệp lễ, anh Gio-an La-san Vũ Đức Hiếu, Trưởng Hội đồng Senatus Việt Nam đã ôn lại quá trình hình thành và phát triển của Legio Mariæ Việt Nam với chặng đường 66 năm qua, cùng những lời chúc mừng và tri ân đến cha Phê-rô - linh giám Hội đồng Senatus Việt Nam. Đồng thời cảm ơn qúy cha linh giám đồng tế, HĐMVGX Thị Nghè và tất cả các ủy viên và hội viên Legio đã hy sinh thời gian qúy báu đến hiệp dâng thánh lễ tạ ơn cầu nguyện, và cộng tác tổ chức thánh lễ mừng kỷ niệm 66 năm Legio Mariæ hiện diện tại Việt Nam được thêm tốt đẹp. Kế đến, các em Junior đã mang bó hoa tươi thắm kính dâng lên qúy cha linh giám.

Thánh lễ kết thúc, mọi người no đầy ân sủng, ai cũng cười tươi gần gũi ấm áp khi trao cho nhau "một chút gì để nhớ, để thương" trong ngày mừng truyền thống này. Tất cả đã đọng lại nhiều cảm xúc và niềm vui. Đó sẽ là động lực để các anh chị Legio ngày càng gắn bó hơn với sinh hoạt của Hội Đạo Binh Đức Mẹ, để hoạt động của Legio được khởi sắc, đồng hành cùng những bước đi thăng trầm của dân tộc, ngõ hầu Chân Lý cứu độ được lan tỏa khắp muôn nơi.

Sau đó, qúy anh chị Legio thuộc các cấp Hội đồng cùng chụp hình lưu niệm với qúy cha linh giám, rồi mọi người ra về mang theo trong mình hành trang với quyết tâm là hạt muối đơn sơ ướp mặn cho đời và chút men để Tin mừng được lan rộng khắp nơi như là món quà nhỏ để tạ ơn Chúa đã yêu thương qua ơn gọi hoạt động tông đồ giáo dân.

Xin cho những bước chân của người quân binh Mẹ Ma-ri-a đi tới, đều rộn rã tiếng cười, nồng nàn tình yêu thương, và thắm đậm tình con người. Xin cho môi trường hoạt động tông đồ, luôn ngập tràn ánh sáng tình yêu, hy vọng và bình an của Chúa.

An Duy.
 
Ngày giới trẻ hạt tây bắc Phú Thọ: ''Tinh thần nghèo khó''
Gioan Lê Quang Vinh
11:01 02/08/2014
NGÀY GIỚI TRẺ HẠT TÂY BẮC PHÚ THỌ: “TINH THẦN NGHÈO KHÓ”

Chiều thứ 7 ngày 2 tháng 8, Đức Cha Anphongsô Nguyễn Hữu Long, Giám Mục Phụ tá Giáo phận Hưng Hóa, đã về giáo xứ Dư Ba, hạt Tây Bắc Phú Thọ để chủ trì đại hội giao lưu giới trẻ trong giáo hạt với chủ đề: “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó vì Nước Trời là của họ”.

Xem Hình

Đức Cha vừa đi ban bí tích Thêm sức ở hai giáo xứ thuộc tỉnh Hà Giang về, và ngày mai ngài còn đi các nơi nữa. Nhưng không quản mệt nhọc, ngài đã tận tình với giới trẻ trong hạt.

Tham dự buổi giao lưu có Cha Phêrô Phan Kim Huấn, quản hạt Tây Bắc Phú Thọ, Quý cha xứ trong giáo hạt, Quý Thầy, Quý dì thuộc các cộng đoàn, cùng với hơn 500 bạn trẻ.

Các bạn lắng nghe Cha Giuse Nguyễn Văn Hạnh thuyết trình về đề tài Thánh Nhạc. Ngài trình bày vai trò, nhiệm vụ của âm nhạc trong phụng vụ, đồng thời ngài nhấn mạnh việc chọn bài hát trong Thánh Lễ sao cho thích hợp.

Sau đó Đức Cha Anphongsô Nguyễn Hữu Long trình bày chủ đề “Đừng bao giờ quên người nghèo”. Ngài nói: “Năm đầu tiên, tôi dành để thăm viếng mục vụ, và khám phá giáo phận, vì chưa biết gì về giáo phận này. Tôi đi khá nhiều nơi, đến nhiều giáo xứ; gặp nhiều người. Nói chung, bà con vùng Tây Bắc đa số còn nghèo, nhất là người H’Mông ở vùng cao vùng sâu tỉnh Yên Bái, Lào Cai. Họ nghèo lắm, do sống nơi thâm sơn cùng cốc, đèo heo hút gió, đường sá ngoằn ngoèo. Chỉ vài năm gần đây thôi, đời sống mới khá lên một chút. Tất cả cuộc sống đều trông vào những nông sản, ngô khoai sắn là chủ yếu, nhưng bán ra thì rẻ, mua vào thì đắt, vì tiền vận chuyển đã xén của họ khá nhiều.

Tại những làng H’Mông tôi thấy người ta sống trong những chỗ nhà không ra nhà, chẳng có gì để ngăn cái giá rét mùa Đông, trong nhà chẳng có gì đáng giá; những em bé ở truồng chạy chơi vô tư bên sườn đồi, da tím tái vì lạnh, chân không dép không tất; nhiều em bụng ỏng, đít teo, dơ dáy, mặt mày lấm lem do ăn bốc liếm láp, không chén bát thìa muỗng. Người anh em của tôi ở đây ăn chưa no, mặc chưa ấm, ở chưa kín. Họ nghèo thật so với những người ở dưới vùng xuôi, mà tiêu chuẩn bây giờ là “ăn ngon, mặc đẹp, ở sang”. Ôi, cùng sống trên một dải đất chữ S mà sao bà con miền Tây Bắc khổ thế!”

Rồi Đức Cha chia sẻ một số nhận định của ngài: “Kitô hữu không đến với người nghèo bằng não trạng bố thí của dư thừa, mà phải cho đi cả cái cần thiết của mình nữa, sẵn sàng nghèo đi vì người nghèo, để họ bớt nghèo hơn, theo gương Chúa Giêsu”. Ngài nói tiếp: “Dù món quà nhỏ bé và không đáng kể nhưng tình thương sẽ làm cho món quà có ý nghĩa và giá trị, thậm chí không gì sánh nổi. Với tình yêu, mọi sự trở nên vĩ đại!”

Ngài nhận xét: “Đến với người nghèo, có khi chúng ta không còn là người cho mà là người nhận, ta cho đi cái vật chất, nhưng nhận lại cái tinh thần, mà tinh thần thì không cân đong đo đếm được như vật chất”.

Đức Cha kể chuyện ngài tặng kẹo sô cô la cho các em ở Giáo xứ Giàng-La-Pán (huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái). Ngài nói: “Những em không được chẳng kèo nài một lời, vẻ cam chịu! Ngạc nhiên là nếu em nào đã được rồi, nếu đưa thêm, nó không nhận nữa, mà giơ cái kẹo đã có lên cho mình thấy. Lúc ăn cơm cũng vậy, chúng ăn bốc chứ không có chén bát. Miếng thịt là họa hiếm, nhưng chúng ăn chung với nhau cách từ tốn, đàng hoàng. Những em bé nhỏ nhít, đơn sơ ấy đã để lại trong tôi một ấn tượng tốt đẹp, đáng yêu và đáng nể, đã cho tôi một bài học nhớ đời. Hoá ra tôi là kẻ nhận nhiều hơn là cho.”

Ngài đưa ra một trường hợp đáng suy nghĩ về việc tặng quà cho người nghèo: “Mới đây, một đoàn Caritas từ Đà Nẵng, Tam Kỳ đến thăm Giàng La Pán. Đoàn gom góp và cất công chở quần áo ra tặng bà con, nghĩ rằng họ sẽ thích, ngờ đâu, họ không hồ hởi lắm, vì không quen ăn mặc theo kiểu người Kinh, họ nói giá cho mỗi người vài gói mì ăn liền thì thích hơn! Tôi chợt nhớ câu đồng dao “Thằng Bờrn có cái quạt mo”. Vậy là tôi phải điều chỉnh suy nghĩ của mình. Cái mình tưởng là tốt, là hay, là cần, thì chưa chắc người anh em nghèo khó kia cũng nghĩ như thế”.

Ngài nhắc lại lời Đức Thánh Cha Phanxicô: “Chúa mời gọi chúng ta trở nên những người hân hoan loan báo sứ điệp của lòng khoan dung và niềm hy vọng ấy! Thật phấn khởi khi cảm nghiệm niềm vui loan truyền Tin Mừng ấy, chia sẻ kho tàng đã đuợc ủy thác cho chúng ta, an ủi những tâm hồn tan nát và mang lại hy vọng cho anh chị chúng ta đang sống trong tăm tối.”

Sau đó, Đức Cha giải đáp 8 trong 18 câu hỏi các bạn trẻ nêu ra về đời sống đức tin, về khoa học kỹ thuật và đời sống luân lý, về tình yêu, giới tính và những vấn nạn khác. Các bạn thích thú lắng nghe Đức Cha giải đáp thân tình, cởi mở và rõ ràng, để giúp các bạn vững lòng trước các vấn nạn cuộc sống. Ngài nhận định rằng những vấn nạn các bạn nêu ra chứng tỏ các bạn biết suy nghĩ, biết thao thức trước các vấn đề liên quan đến đức tin và cuộc sống. Đó là dấu chỉ của niềm hy vọng. Đức Cha hứa sẽ trả lời tất cả các câu hỏi của các bạn và in thành tập gửi tặng các bạn.

Cao điểm của buổi giao lưu là Thánh Lễ trọng thể do Đức Cha chủ tế, có các Cha trong giáo hạt đồng tế.

Khi đến với Dư Ba, chắc chắn ai cũng thấy ấn tượng với khung cảnh một giáo xứ cổ kính, với ngôi thánh đường đã hơn 100 năm và ngôi nhà sinh hoạt hơn 120 năm tuổi. Ở vùng này, các giáo xứ thường đông đúc với địa bàn rộng lớn, trải dài hai hay ba huyện.

Dĩ nhiên sinh hoạt giáo xứ vì thế có một số khó khăn, nhưng nhìn vào những ánh mắt nụ cười và sự hào hứng của các bạn trẻ khi tề tựu trong buổi giao lưu, người ta hiểu rằng sức sống của Hội Thánh vẫn đang bừng lên từng ngày.

Giáo hạt Tây Bắc Phú Thọ nói riêng và giáo phận Hưng Hóa nói chung còn nhiều khó khăn mọi mặt, dân thì nghèo, địa bàn dân cư rộng lớn, có tỉnh chưa có nhà thờ dù rất đông giáo dân như các tỉnh Sơn La, Lai Châu và Điện Biên, nhưng các Mục tử và dân Chúa đang âm thầm vun xới cho hạt giống Tin Mừng ngày càng đơm bông kết trái.

Gioan Lê Quang Vinh
 
Đại Hội Giới Trẻ Giáo Hạt Nghĩa Yên, GP Vinh Lần Thứ Nhất
Duy Ân Tuấn Anh
21:21 02/08/2014
Đại Hội Giới Trẻ Giáo Hạt Nghĩa Yên Lần Thứ Nhất

Đức Thánh Cha Phanxicô trong sứ điệp đầu tiên của triều đại Giáo hoàng của Ngài nhân ngày Quốc Tế Giới Trẻ 2014 đã lấy chủ đề: “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”. Từ đó Ngài nhấn mạnh: “Khi công bố các Mối Phúc, Đức Giêsu mời gọi chúng ta hãy theo Ngài và đi với Ngài trên hành trình tình yêu, hành trình duy nhất dẫn tới cuộc sống vĩnh cửu. Đây không phải là một hành trình dễ dàng, tuy nhiên Thiên Chúa hứa sẽ ban cho chúng ta ân sủng và Ngài không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Chúng ta đối diện với rất nhiều thử thách trong cuộc sống: nghèo đói, đau buồn, sỉ nhục, chiến đấu cho công bình, bắt bớ, khó khăn hoán cải hằng ngày, nổ lực giữ lòng trung tín với lời mời gọi nên thánh và nhiều điều khác. Nhưng nếu chúng ta mở cửa cho Đức Giêsu, để cho Ngài đi vào trong lịch sử chúng ta, nếu chúng ta chia sẻ niềm vui và nổi buồn với Ngài, chúng ta sẽ cảm nghiệm được sự bình an và một niềm vui mà chỉ có Thiên Chúa, Đấng là tình yêu miên viễn, mới có thể trao ban”. Hưởng ứng lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong sứ điệp gửi cho giới trẻ thế giới về các Mối Phúc. Giới trẻ Giáo Hạt Nghĩa Yên đã tổ chức chương trình Đại Hội Giới Trẻ lần thứ nhất năm 2014 cùng với chủ đề trên.

Xem Hình

Tham gia chương trình đại hội lần này với sự hiện diện của Cha quản hạt Phêrô Nguyễn Thái Từ, cha đặc trách giới trẻ giáo hạt Antôn Nguyễn Xuân Hồng, quý cha trong hạt Nghĩa Yên, quý thầy Đại chủng viện, quý thầy giúp sinh hoạt, quý đại diện ban ngành các giáo xứ và hơn 1300 bạn trẻ đến từ các giáo xứ: Thọ Ninh, Nghĩa Yên, Kẻ Tùng, Đông Cường, Kẻ Mui, Đông Tràng, Khe Sắn, Kim Cương, Kẻ Đọng. Phát biểu trong ngày khai mạc cha đặc trách giới trẻ Antôn Nguyễn Xuân Hồng nói:

“Giáo Hội phải làm gì có thể hiểu và đồng cảm với giới trẻ, tương lai của Giáo Hội, xã hội cách riêng các giáo xứ, các gia đình như thế nào? Đó là những câu hỏi được đặt ra đối với những người hữu trách, với các bạn trẻ vào thời điểm Giáo Hội và xã hội Việt Nam đang chuẩn bị trước những thách đố của thời đại hôm nay. Dẫu được thành lập muộn màng nhưng với tinh thần trách nhiệm và nhu cầu mục vụ cho người trẻ trong năm Tân Phúc Âm Hóa Gia Đình 2014 này. Ban Mục vụ Giới trẻ Giáo hạt Nghĩa Yên được sự cho phép của cha quản hạt và các cha trong hạt quyết định tổ chức ngày Đại hội Giới trẻ Giáo hạt Nghĩa Yên lần thứ nhất như một cuộc biểu dương sức mạnh của người trẻ Công Giáo để qua đó gặp gỡ, giao lưu, tạo tình huynh đệ, nối kết tình Chúa, tình người theo tinh thần Ki-tô giáo trong đại gia đình giáo hạt. Đại hội chào mừng các bạn trẻ và tin tưởng ở nơi các bạn. Các bạn là tương lai của gia đình, cộng đoàn, Giáo Hội và xã hội, chúng tôi hãnh diện về các bạn”.

Chương trình đại hội được diễn ra từ chiều ngày 01 đến trưa ngày 02 tháng 8 năm 2014 tại giáo xứ sở hạt trong một thời tiết nắng nóng, oi bức. Một số nội dung của chương trình phải thay đổi cho phù hợp với thực tế. Tuy nhiên, tinh thần của các bạn trẻ rất hứng khởi, hăng say, đầy nhiệt huyết và không chịu khuất phục trước những khó khăn, thử thách.

Ngày thứ nhất: Các bạn trẻ được nghe chia sẻ các đề tài về “Gia đình – ơn gọi” của cha quản hạt Phê rô Nguyễn Thái Từ và đề tài “Sự sống là quà tặng vô giá của Thiên Chúa” của cha Giuse Trần Đức Mai – quản xứ An Nhiên. Vì thời tiết không thuận lợi, hơn nữa Giáo xứ Nghĩa Yên đang thi công xây dựng ngôi thánh đường, do đó các chương trình hầu như được chuyển vào nhà nguyện. Tuy không được thoải mái như ngoài trời, nhưng tinh thần và ý thức của các bạn trẻ trong việc lắng nghe và hỏi đáp thắc mắc đã làm cho những đề tài mà quý cha chia sẻ thêm ý nghĩa và sinh động.

Trọng điểm nhất là các chương trình trong buổi tối hôm nay. Trước hết là nghi thức sám hối, sau đó quý cha ngồi tòa giải tội, bên cạnh đó là Chầu Thánh Thể ngoài trời rất sốt sắng và long trọng, tiếp đến là các tiết mục văn nghệ giao lưu với sự chuẩn bị rất công phu và hoành tráng của các giáo xứ. Kết thúc là chương trình lửa trại, hồi tâm và nghỉ ngơi.

Ngày thứ hai: Sau màn khởi động buổi sáng và dâng ngày cho Chúa, mọi người được tham dự thánh lễ đồng tế với các cha trong hạt Nghĩa Yên. Đây là thánh lễ trọng tâm nhất trong chương trình đại hội. Thánh lễ quy hướng về tâm tình tạ ơn Thiên Chúa vì Ngài đã ban muôn ơn lành trên tất cả mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ. Trong bài giảng lễ, cha quản hạt nhấn mạnh: “Hôm nay chúng ta quy tụ về đây để cùng nhau thực hiện ngày đại hội giới trẻ mà ban điều hành giới trẻ của giáo hạt chúng ta tổ chức. Chúng ta đến đây trong dịp thuận lợi này, chúng ta có thời giờ để nhìn lại những ơn lành của Chúa ban cho chúng ta. Qua những ngày đại hội này chúng ta nhận thấy được tình thương của Thiên Chúa đối với chúng ta thật là bao la. Vì vậy chúng ta phải hết lòng tạ ơn Thiên Chúa vì việc tạ ơn là việc cần thiết và hết sức quan trọng”.

Sau thánh lễ mọi người được quy tụ trong nhà nguyện để nghe cha Antôn Trần Quốc Toản chia sẽ đề tài: “Vui sống trên đường hy vọng”. Sau đó mọi người được chia theo các nhóm để thảo luận, thuyết trình về những câu hỏi xoay quanh chủ đề “nghèo khó” đặc biệt là sự nghèo khó trong thời đại ngày nay. Sự nghèo khó đó được thể hiện qua việc học tập, làm việc, ăn mặc, chi tiêu…hơn thế nữa là sự nghèo khó trong tâm hồn của mỗi người để qua đó tất cả mọi người sẽ lãnh nhận Nước Trời như Chúa Giêsu đã hứa. Kết thúc chương trình đại hội là trao thưởng cho các đội và nghi thức sai đi.

Chương trình đại hội giới trẻ Giáo hạt Nghĩa Yên lần thứ nhất đã khép lại, ai ai cũng cảm thấy mệt mỏi vì thời tiết nắng nóng, vì mất ngủ…nhưng tinh thần của các bạn trẻ luôn mở rộng. Một mặt là sẽ cố gắng tiếp tục duy trì và tổ chức nhiều chương trình như thế này nữa, mặt khác là mở rộng đón nhận Chúa Giêsu như một người bạn trẻ để Ngài luôn đồng hành và hướng dẫn tất cả mọi người trên bước hành trình đức tin. Hy vọng trong thời gian tới, các bạn trẻ sẽ được họp mặt để cùng nhau trao gởi niềm vui, giao lưu học hỏi nhằm hướng tới những người trẻ Công Giáo Giáo hạt Nghĩa Yên ngày càng năng động, lớn lên trong đức tin và sẵn sàng hy sinh phục vụ mọi người.

Duy Ân Tuấn Anh

(Giới trẻ Giáo hạt Nghĩa Yên)
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Thánh Gioan Maria Vianney và Tòa Giải Tội
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
08:25 02/08/2014
Thánh Gioan Maria Vianney và Tòa Giải Tội

Đức Giáo Hoàng Piô XII viết về cha thánh Gioan Maria Vianney một câu thật ngắn gọn: “Một chuyên viên thành thạo nhất về các tội nhân”.

Công việc mục vụ ngồi tòa, giải tội là sứ vụ đức ái mục tử đẹp nhất trong cuộc đời của cha thánh, là hoạt động sáng chói nhất trong nhiệm vụ của một mục tử.

Thời trẻ Gioan có một tâm nguyện: “Nếu một ngày nào đó tôi được làm Linh mục, tôi sẽ đưa nhiều linh hồn về cho Chúa”. Khi làm Linh mục, ngài đã thực hiện tâm nguyện ấy. Tòa giải tội là nơi ngài đưa các linh hồn về cho Chúa nhiều nhất. Tòa giải tội đã thu hút biết bao hối nhân tìm đến với xứ Ars. Tòa giải tội là phép lạ lớn nhất trong cuộc đời của thánh nhân.

1. Thời gian ở tòa giải tội.

Một phần lớn cuộc đời Linh mục của cha Vianney trôi qua trong tòa giải tội. Trong 30 năm dài, một làn sóng người hành hương không ngừng đổ về ngôi nhà thờ cũ kỷ của họ Ars. Mùa đông rét buốt, số người đến đây không ít hơn các mùa ấm áp.

Tứ tháng 11 đến tháng 3, cha sở phải ngồi tòa trung bình không dưới 12-13 giờ mỗi ngày. Người ta đứng thành hàng dài, từ trong nhà thờ ra bên ngoài, nối đuôi nhau không ngớt chờ đợi tới phiên mình.

Trong năm 1845, có ngày số người hành hương đến Ars lên tới ba hay bốn trăm. Tại nhà ga lớn nhất của Lyon, người ta mở một văn phòng hoạt động 24/24 để bán vé tàu cho khách đi Ars, vé có giá trị tám ngày, đó là thời gian trung bình người ta phải đợi cho đến phiên mình vào tòa xưng tội với vị Linh mục thánh thiện nổi tiếng.

Vào mười năm cuối đời, Thánh Vianney phải giải tội từ mười sáu đến mười tám tiếng một ngày! Còn khách hành hương nói chung phải đợi ba mươi, năm mươi, bảy mươi giờ trước khi được lãnh nhận bí tích hòa giải. Cũng có khi người ta mua lại chỗ đứng của người nghèo. Ai muốn đi ra ngoài phải thỏa thuận vời người bên cạnh hoặc với người bảo vệ nhà thờ. Đêm thì sao? Khi cửa nhà thờ đóng lại, người ta đánh số chổ của mình. (x.Linh mục, người loan báo Tin Mừng, Lm Nguyễn Hồng Giáo, OFM).

2. Ai đến với tòa giải tội?

Họ gồm đủ mọi thành phần và lứa tuổi: có giáo dân, tu sĩ, linh mục và đôi khi cả giám mục nữa; họ là quý tộc và bình dân, kẻ vô chủ nghĩa và người học thức, người thành thị và người thôn quê,… Có khi nguyên một gia đình ngồi trên xe ngựa đến từ những tỉnh xa xôi. Từ những vùng lân cận, người ta tuôn về đây bằng đôi chân hay bằng xe, theo đường bộ hay đường thủy. Năm cuối cùng của cuộc đời cha Vianney (1858-1859), số khách hành hương lên tới tám mươi ngàn, chỉ tính riêng số người dùng các phương tiện chuyên chở công cộng; còn tính chung có lẽ là khoảng một trăm ngàn đến một trăm hai mươi ngàn.

Đám đông này rất trật tự và nghiêm trang. Họ đến là để nhìn một vị thánh, để xưng tội, để cầu nguyện hay để hoàn thành một lời khấn với thánh nữ Philomêna. Có những người vào làng Ars như vào một đền thánh; vừa nhìn thấy tháp chuông nhà thờ, họ liền cất nón mũ xuống và làm dấu thánh giá. Một nhân chứng kể lại quang cảnh họ nhìn thấy vào tháng ba năm 1859: đông đảo những người ngoài họ Ars đứng trong nghĩa trang cũ và đến tận trong những con đường nhỏ kế cận chờ đến phiên vào tòa giải tội.

Buổi sáng vào khoảng chín giờ, Cha Vianney dành một số thời gian cho các tu sĩ và linh mục. Ngài giải tội cho họ ở một tòa đặt sau bàn thờ chính. Có lần Đức Giám Mục địa phận nhà cũng ngồi chờ phiên mình. Cha giải tội cũng dành một số ngoại lệ cho giáo dân con chiên cha, người bệnh, người tản tật và những hối nhân không thể chờ đợi. Đối với trường hợp cuối cùng này, ngài thường dùng ơn “nhìn thấy trong tâm hồn” để nhận ra từ trong dòng người chờ đợi, rồi ưu tiên cho họ.(sđd, trang 62-63).

3. Cha Vianney khuyên bảo các hối nhân như thế nào?

Nói chung, ngài mạnh mẽ thẳng thắn, nhân từ nhưng không yếu đuối. Ngài biết cần phải “đánh” điểm nào cho trúng đích. Đọc một số lời khuyên còn ghi lại, tôi thấy ngài thường ngắn gọn, đầy tâm tình chứ không máy móc lạnh lùng.

Để lay tỉnh những “đại tội nhân”, khá nhiều khi ngài tung ra một câu đanh thép: “này con, con bị luận phạt đời đời”. Phát ra từ môi miệng một vị thánh mà người ta tin là ngài đọc được tương lai, câu đó giống như một lời phán quyết khủng khiếp. Nhưng thật ra ngài chỉ muốn nói: “nếu con không xa lánh dịp tội ấy, nếu con cứ duy trì cái thói quen tội lỗi ấy, nếu con không nghe theo lời khuyên dạy thì con sẽ bị luận phạt”.

Đối với những người đạo đức, ngài không cần nhiều lời. Nhưng ngay cả với trường hợp này, vẫn là những mũi tên nóng bỏng đâm thấu tận con tim: “xin Đức Cha yêu thương các Linh mục của ngài!”. Đó là lời duy nhất ngài nói với Đức Cha De Langalerie, Giám mục địa phận Belly đang quỳ gối trước mặt ngài. Một cộng sự viên gần gũi của ngài xưng thú: “con đã lười biếng làm điều này nhưng tận đáy lòng, con vẫn thiện chí”, cha giải tội đáp lại duy nhất một câu “Ồ! thiện chí, thiện chí … hỏa ngục cũng lót toàn thiện chí”. Linh mục Monnin kể: “tôi đã xưng tội với ngài hai lần. Lần nào cũng thế, sau mỗi tội tôi xưng ra dù là tội nhẹ nhất, ngài đều nói: ‘đáng tiếc quá’. Từ một người khác, đó có thể là một cách nói thông thường, nhưng từ môi miệng của Cha Sở họ Ars, Linh mục Monnin coi như là tiếng kêu của lòng tin, lòng thương xót và sự ghê tởm đối với tội lỗi; ngài thêm: “Nhất là giọng nói đầy âu yếm đã đánh động tôi” (sđd, trang 64).

4. Cha Vianney yêu thương tội nhân.

Cha Vianney ghê tởm tội lỗi bao nhiêu thì yêu mến người tội lỗi bấy nhiêu. Ngài có một lòng cảm thương vô bờ đối với hối nhân. Tình yêu ấy được biểu lộ qua những nhân đức sau đây.

a. Cầu nguyện cho tội nhân.

Xen lẫn với kinh nguyện hằng ngày, ngài thường khóc lóc mà thưa với Chúa: “Lạy Chúa, Chúa không muốn kẻ có tội phải chết… Những người có tội thật đáng thương. Ước gì con có thể thú tội thay cho họ”. Một người thân tín nói với ngài: “Cha cầu nguyện cho họ ít đi một tí được không? Thấy cha vất vả đau khổ quá!. Ngài trả lời: “Biết sao được. Cha đã hứa cầu nguyện cho họ, cha không thể bỏ…”. Lần khác ngài tâm sự: “Tôi chỉ thực sự là tôi khi tôi cầu nguyện cho những người tội lỗi”.

b. Đền tội thay cho họ.

Ngài ăn chay hãm mình để đền bù tội lỗi và mong cho tội nhân hối cải.Trong những năm cuối đời, ngài thường ra việc đền tội nhẹ cho hối nhân. Ngài nói: “Tôi ra việc đền tội nhẹ cho họ, phần đền tội còn lại, tôi sẽ làm thay”. Và ngài làm thay bằng chính sự khổ chế của mình. Tất nhiên, không phải lúc nào cũng vậy. Đối với những lỗi nặng mà cứ tái phạm mãi, ngài bắt hối nhân phải làm những việc đền tội nặng, để họ chứng tỏ sự chân thành và quyết tâm sửa đổi, hầu đem lại lợi ích cho chính họ. Cha Vianney nhiều khi còn khóc trong tòa giải tội nữa. Ngài khóc vì người ta xúc phạm tới Chúa, ngài cũng khóc vì thương các linh hồn… Chính sự thánh thiện của ngài mang lại cho lời khuyên răn và nước mắt của ngài có sức mạnh và hiệu lực. Có người hỏi: “sao cha khóc thế?” ngài đáp ngắn gọn: “tôi khóc vì các ông các bà không khóc cho đủ”.

c. Yêu thương tội nhân

Đối với những tội nhân cứng lòng, ngài tìm hết cách giúp họ thống hối như gặp gỡ, khuyên nhủ, khi nặng khi nhẹ, và ngay cả bằng nước mắt. Nước mắt và Thánh giá, nhờ ngài, có thể làm cho một trái tim chai đá trở thành trái tim thịt mềm. Có người lúc trước đã trả lời thẳng thừng: “Tôi không muốn xưng tội”, hoặc: “Tôi không đến đây để làm cái chuyện đạo đức của mấy bà”. Mặc kệ. Cuối cùng tất cả đều quỳ xuống dưới chân ngài và xưng thú. Chúa đã ban cho ngài một trực giác lạ lùng để nhận ra giữa đám đông hoặc giữa những người đi qua, ai là kẻ cần được đưa về với Chúa nhất để giúp họ, trước sự ngạc nhiên của chính họ. Do đó mà khi có người buột miệng hỏi: “Mỗi năm cha bắt được bao nhiêu cá lớn?”, ngài trả lời ngay, không lưỡng lự: “Hơn 700”. Không nhớ con số sao được đối với những con cá như thế!

d. Luôn nhẫn nại

Một dù vất vả ngồi tòa và có những chuyện dễ làm người ta bực mình, nhưng ngài thì không. Ngược lại, ngài tỏ ra đặc biệt nhẫn nại. Đây là một trong những đức tính nổi bật nhất nơi ngài. Một linh mục đã nhận xét : Tôi đã từng quan sát kỹ xem ngài có tỏ ra bất nhẫn bực tức lúc nào không, mà không thấy. Đem chuyện này hỏi ngài thì được ngài trả lời: “Phải nhẫn nại mới có thể cho cái người ta cần chứ ! Bất nhẫn thì được cái gì ?” Ngài cũng nói với một cha bạn: “Hãy học tập sự nhẫn nại của Chúa”.

e. Hiền hòa, kính trọng hối nhân.

Vào thời kỳ cao điểm, bình quân mỗi ngày có từ 300 đến 400 người xếp hàng xưng tội. Công việc vất vả và liên tục trong 30 năm này đã làm cho ngài kiệt lực, đến nỗi có lần ngài tự thú: “Khi tôi rời tòa giải tội, tôi phải lấy tay sờ vào đùi xem nó có còn ở đấy không. Đôi khi ra khỏi nhà thờ, tôi phải vịn vào tường mà đi cho khỏi ngã. Đầu tôi nặng trĩu. Thực sự tôi đã không biết mình chống lại như thế nào”.

Suốt ngày bị công việc mục vụ dồn ép như thế, ngồi nghe hối nhân hàng giờ như thế mà ngài vẫn không mất kiên nhẫn, không la lối nạt nộ ai bao giờ, thật là lạ lùng.

Ngài luôn hiền hòa, tế nhị, kính trọng đối với hối nhân, bất kể là ai. Có Linh mục sa ngã nặng đến xưng tội vẫn được ngài yêu mến, kính trọng. Lời khuyên dành cho Đức Giám Mục Giáo Phận đến xưng tội với ngài là : xin Đức Cha hãy yêu thương các Linh mục của Đức Cha.

Dù có đông người xếp hàng bên tòa giải tội, ngài vẫn dành cho mỗi người một thời gian cần thiết, bởi người nào cũng có vấn đề riêng của mình. Ngài không khuyên dài, nhiều khi chỉ một lời thôi, nhưng là lời làm cho hối nhân phải động tâm suy nghĩ, một lời tác động mạnh trên họ có khi cả đời. Chính sự thánh thiện và yêu thương đem lại sức mạnh và hiệu năng cho lời đó. (x. Thánh Gioan Maria Vianney, bổn mạng các Linh mục, Lm Micae Trần Đình Quảng; simonhoadalat.com).

5. Theo gương cha thánh, Linh mục cử hành Bí Tích Hòa Giải

Giải tội là một tác vụ khó khăn nhất, đòi hỏi nhất, nhưng đó là một tác vụ cao đẹp nhất, an ủi nhất của Linh mục trong đời mục vụ. (x.Chân dung Linh mục trang 39, ĐGM Giuse Vũ Duy Thống).

Là tác vụ khó khăn nhất bởi lẽ, ngồi tòa giải tội giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác. Với một tư thế không đổi là lắng nghe, phân định, khuyên nhủ, ban phép giải tội. Nghe đi nghe lại đủ thứ tội luỵ trần gian. Linh mục Nguyễn Tầm Thường đã dùng hình ảnh “cái bô rác” để nói về lỗ tai các Linh mục, chứa đựng mọi rác rưới tội lỗi hồng trần, nhưng Linh mục không để mình bị lây nhiễm rác rưới.Trí óc luôn làm việc căng thẳng. Một tư thế ngồi, tay cầm tràng hạt, tay chống trán, đầu tựa vào tòa nghe chăm chú. Có khi cơ thể mệt mỏi ê ẩm mà không được nghĩ ngơi.

Là tác vụ đòi hỏi nhất bởi lẽ, trước khi ngồi tòa, Linh mục đã phải chuẩn bị bằng cách trang bị kiến thức tương hợp; trong khi giải tội, linh mục phải vận dụng khôn ngoan để phân định, cương nghị để khuyên can, nhân từ để xá giải; sau khi đã ra khỏi tòa hòa giải, Linh mục phải trung tín với ấn tòa giải tội. Nếu điều Linh mục phải nhớ trong ngày là sách nguyện, thì điều Linh mục phải quên chính là tội người ta xưng.

Là một tác vụ cao đẹp nhất và an ủi nhất bởi lẽ, qua trung gian Linh mục, hối nhân gặp được trái tim đầy thương xót của Thiên Chúa. Và đó là hạnh phúc. Người ta bảo trên đời có ba bóng dáng hạnh phúc tinh ròng: mẹ đem con đi rửa tội về, người lành tạ thế và hối nhân từ tòa giải tội bước ra.

Nếu như hạnh phúc của người truyền giáo là có một người được rửa tội thì hạnh phúc của Linh mục giải tội là có một tội nhân được giao hòa với Chúa, được tìm lại ơn thứ tha và nguồn bình an, niềm vui tâm hồn. Hối nhân càng nhiều tội lỗi, càng lâu năm xa cách nguội lạnh mà được ơn trở lại thì Linh mục càng dâng đầy hạnh phúc. Có những hối nhân đã khóc nức nở khi sám hối về tội lỗi của mình và nhận ra lòng thương xót của Chúa. Họ quỳ đó, khóc chân thành với những dòng lệ ăn năn. Nước mắt hạnh phúc của người con trở về với Cha nhân từ. Những nổi đau thể xác, tâm hồn được bộc bạch. Có những người mẹ, người vợ thổ lộ tâm sự của gia đình, tâm tư không thể nói cùng ai chỉ trừ Cha giải tội. Thanh niên nam nữ với những thao thức tuổi trẻ xin linh hướng. Thiếu nhi đón nhận lời thăm hỏi khuyên bảo.

Có nhiều tâm hồn trong sáng, thánh thiện đến tòa giải tội đã làm gia tăng lòng đạo đức của linh mục.

Thi hành tác vụ cao đẹp ấy, Linh mục là người diễn dịch lòng yêu thương nhân từ của Thiên Chúa (Thư Thứ Năm Tuần Thánh 2002, số 3).

Để có thể thi hành tác vụ của lòng thương một cách hữu hiệu, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II khuyên Linh mục phải sống khả tín và khả ái.

- Khả tín: “Thật vậy, dù ơn Chúa ban có thể hoàn tất công trình cứu rỗi qua những thừa tác viên bất xứng, nhưng thường tình Thiên Chúa muốn tỏ ra những việc lạ lùng của Ngài qua những vị sẵn sàng đi theo sự thúc giục và hướng dẫn của Thánh Thần hơn, bằng kết hợp mật thiết với Chúa Kitô và bằng một đời sống thánh thiện” (PO, 12)

- Khả ái: “Người ta thường muốn được nhận biết và chăm sóc, vì chính trong tư thế gần gũi này mà họ có thể cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa một cách mạnh mẽ hơn” (Thư TNTT số 9). Linh mục phải làm hết cách để lòng thương xót của Thiên Chúa được sáng lên giữa những cử hành“Nghiêm nhặt quá làm cho dân chúng bị dằn vặt tháo lui. Dễ dãi qúa gây hiểu lầm và ngộ nhận. Đấng giải tội rập theo gương Chúa Chiên lành mà tha tội phải diễn đạt đúng mực thước lòng đã sẵn có và sự tha thứ hầu mang lại an bình và chữa lành” (Thư TNTT số 8).

Nhân ngày lễ kính thánh Gioan Maria Vianney (ngày 4 tháng 8), đọc lại nét tiêu biểu cuộc đời thánh nhân nơi tòa giải tội. Như người ta đã nói: phép lạ lớn nhất của cha Vianney thánh thiện là tòa giải tội của ngài bị bao vây suốt ngày đêm. Cũng có thể nói cách khác: phép lạ tiêu biểu của ngài là sự hoán cải của những người tội lỗi. Các Linh mục noi gương cha thánh thực thi sứ vụ khó khăn và cao đẹp này. Mỗi lần ban ơn xá giải là Linh mục thấy mình được cộng hưởng trên đường nên thánh.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An
 
Thông Báo
Cáo Phó: Linh Mục Marcô Đoàn Quang Báu qua đời tại Tỉnh Dòng Đồng Công, Missouri
Tỉnh Dòng Đồng Công
10:38 02/08/2014


Tỉnh Dòng Đồng Công kính báo,

Linh Mục Marcô M. Đoàn Quang Báu, CMC, sau nhiều ngày tháng chịu bệnh đã được Chúa cất về lúc 12:10 sáng ngày 1 tháng 08 năm 2014, tại Nhà Tỉnh Dòng Đồng Công, Missouri.

Sau 73 năm trên dương thế, cha Marcô Maria đã hoàn tất 56 năm tu trong Dòng Đức Mẹ Đồng Công và 37 năm phục vụ dân Chúa trong Thiên Chức Linh Mục.

Ngài đã từng phục vụ nhiều năm cho nhiều cộng đoàn dân chuá ở Green Bay (WI), Oklahoma City (OK), Port Arthur (TX), Ft Worth (TX) và Boston (MA).

Chương trình tang lễ, xin nhấn vào đây

Kính xin toàn thể cộng đồng Dân Chúa thêm lời cầu nguyện để linh hồn Linh Mục Marcô Maria sớm được về hưởng tôn nhan Thiên Chúa.