Ngày 30-07-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chúa yêu không bờ không bến
Lm JB Nguyễn Minh Hùng
05:03 30/07/2020

Chúa Nhật 18 Thường Niên Năm A

Thi sĩ Tagore từng viết: “Tình Ngài yêu con không bờ, không bến nhưng con có thấy bóng Ngài đâu”. Dù không thấy, nhưng bằng lòng yêu mến của mình, Tagore dám khẳng định: Tình Ngài yêu con không bờ, không bến.

Yêu như thế nào mà Tagore lại bảo là "không bờ, không bến"?

Quay về với nội dung Tin Mừng, bạn và tôi có thể cảm nghiệm như Tagore: Tình Ngài yêu con:

Một lần, Chúa Giêsu tìm vào hoang địa vắng vẻ. Nhưng dân chúng nghe biết nên đi theo Người. Họ theo thật đông, có đến trên năm ngàn người! Đến chiều, dẫu đã đói, họ vẫn cứ theo.

Vì thương họ, Chúa đã làm phép lạ để nuôi họ. Tin Mừng kể, Chúa cầm bánh và cá mà các môn đệ mang đến, rồi đọc lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho các môn đệ, để các ông phân phát cho dân.

Một phép lạ phi thường: Chỉ một hành động bẻ ra đã trở nên lương thực nuôi một đám người không thể tưởng tượng: trên năm ngàn người mà vẫn dư!

Nhưng phép lạ ấy không thuộc về quá khứ. Ngày hôm nay, để nuôi linh hồn, nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của ta, Chúa đã bẻ chính cuộc đời của Người, bẻ chính thân xác Người.

Là Thiên Chúa, Chúa Giêsu hạ mình làm người ngang hàng với ta, không là một sự bẻ ra hay sao?

Bị thù nghịch, bị giết chết, chết ô nhục như một tên tử tội, chết tức tưởi trên cây gỗ giá, không là bẻ ra đó sao?

Trong bí tích Thánh Thể, Chúa là tấm bánh nuôi hồn ta, cũng chính là sự tự bẻ ra.

Mãi mãi Chúa Giêsu là Thiên Chúa tự bẻ chính mình, bẻ chính cuộc đời, bẻ chính sự sống của Người cho ta, vì ta, yêu ta.

Trong mỗi thánh lễ, linh mục chủ tế sẽ bẻ tấm bánh mà mọi tín hữu đều tin đó là Mình Thánh Chúa. Chủ tế nâng cao Mình Thánh và nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây là Đấng xóa tội trần gian”. Dấu chỉ bẻ Mình Thánh từ tay linh mục là dấu chỉ Chúa Giêsu tự bẻ chính mình trong bí tích Thánh Thể.

Thánh Thể là lời nói chung quyết, mạnh mẽ của tình yêu, là sự bẻ ra tuyệt đỉnh mà chỉ có một mình Chúa chúng ta mới làm thế. Người bẻ ra vì yêu ta không bờ, yêu không bến.
Tôn vinh Mình Thánh trên tay, chủ tế còn mời gọi: “Phúc cho ai được dự tiệc Chiên Thiên Chúa”.

Bạn có yêu mến Chúa Giêsu không? Nếu yêu mến, ta hãy cung kính rước Người vào linh hồn mình. Nếu lỡ biết mình bất xứng, lo xưng tội, quyết tâm với Chúa chừa tội để giữ mãi tâm hồn thanh sạch và có thể thường xuyên rước Chúa.

Khi đến nhà thờ, chúng ta cùng vào trong nhà thờ dự lễ sốt sắng, dự lễ trọn vẹn từ đầu đến cuối, cũng là dấu chứng tỏ lòng mến của ta đối với Thánh Thể.

Hay lễ xong, ngồi lại năm phút, ba phút để cảm tạ Chúa, hay cầu nguyện cho nhau, cho gia đình, cho bản thân, đó cũng là dấu chứng tỏ lòng mến đối với Thánh Thể.

Chúa bẻ cuộc đời Người cho ta và vì ta, đó là sự tự xóa mình, cho không từng người, vì sao ta không nhận? Người xóa mình để làm bằng chứng tình yêu, vì sao ta từ chối tình yêu đó?

Nhân đọc bài Tin Mừng về việc Chúa bẻ bánh và cá làm phép lạ nuôi dân, chúng ta suy nghĩ về Thánh Thể để thêm yêu mến Người. Ước gì từ hôm nay, mỗi lần đến nhà thờ, ta bước vào trong nhà thờ dự lễ trang nghiêm, sốt sắng.

Và ước gì trong từng thánh lễ, ta luôn luôn cảm nghiệm rằng: tình Chúa thương ta không bờ, không bến như Tagore đã từng cảm nghiệm.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:15 30/07/2020

43. Trong đau khổ hoạn nạn, hoặc là chúng ta rửa sạch tội lỗi, hoặc là không phạm vài tội nào, thì cũng có thể làm cho chúng ta được triều thiên sáng chói.

(Thánh Gioan Kim Khẩu)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/samac.tw

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:22 30/07/2020
90. MỖI CÁI ĐỀU TỐT CẢ

Ở địa phương Lâu Đông có một thư sinh lúc đọc đến đoạn Liễu Hạ Huệ để cô gái đẹp ngồi trong lòng (1) mà không loạn, thì thán phục nói:

- “Phẩm hạnh của Liễu Hạ Huệ đã đạt tới mức như thế, thì cũng có thể biết ông ta rất tự ái tự trọng vậy !”

Bạn bè nói:

- “Cái hứng và cảm xúc của con người thì không giống nhau, tại sao anh không đọc đoạn Mạnh tử bình luận Liễu Hạ Huệ: “Ngay cả chức quan nhỏ cũng không từ”, từ đó mà xem, cái ông ta thích là quan hay là sắc? ”

Thư sinh nghe xong thì kinh ngạc không lời để nói, qua một lúc sau hiểu ý rồi thì vỗ tay cười ha ha.

(Nhã Ngược)

Suy tư 90:

Cái hứng cái thích của con người thì không giống nhau: có người thấy gái đẹp thì thích thú hẳn lên, nhưng không thích rượu; có người thấy rượu thì phấn chấn hẳn lên nhưng lại không thích gái gú; có người thấy đám bài bạc binh xập xám thì đi không rời, nhưng lại không thích làm quan; lại có người thích coi phim thích nghe ca nhạc, nhưng lại không thích hát hò; lại có người thích đánh võ, nhưng lại không thích tiền bạc, vân vân và vân vân, nhiều cái thích khác nhau là vậy.

Người Ki-tô hữu cũng có cái thích cái hứng khởi như những người khác, nhưng khác nhau ở một điểm là cái thích cái phấn khởi của họ luôn đi đôi với cái thích của thánh Phao-lô tông đồ, nghĩa là dù gian khổ, dù nghịch cảnh hay dù thuận lợi thì họ vẫn cứ vui vẻ chu toàn bổn phận trong phấn khởi vui thích, bởi vì Đức Chúa Giê-su vẫn luôn đồng cảm với những đồng cảm của họ.

Gái đẹp ngồi trong lòng mà tâm không động là chuyện rất hiếm dưới con mắt người đời, nhưng càng hiếm hơn khi có những người Ki-tô hữu vui vẻ sẵn sàng từ bỏ tất cả để trở nên bạn thiết nghĩa của Đức Chúa Giê-su.

(1) Người đẹp ngồi trong lòng mà tâm của ông ta không động.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/samac.tw

http://nhantai.info
 
Dẫn Nhập & Lời Nguyện Giáo Dân Chủ Nhật 18 Quanh Năm A 2.8.2020
Lm Francis Lý văn Ca
12:40 30/07/2020
Đầu Lễ: Anh Chị Em thân mến,
Câu chuyện chúng ta sắp nghe trong bài Tin Mừng về phép lạ Chúa Giêsu biến 5 chiếc bánh và 2 con cá trở nên của nuôi cho hơn 5, 000 người ăn là hình bóng của Phép Thánh Thể sau nầy. Qua Bi Tích Thánh Thể, chúng ta được thông phần vào ơn cứu chuộc của Chúa.
Mỗi lần chúng ta tham dự Thánh Lễ, là dịp chúng ta dâng lên Thiên Chúa lời tạ ơn qua Thánh Thể nhận lãnh. Thánh lễ hôm nay, qua các bài đọc đặc biệt là Tin Mừng sẽ tạo cho chúng ta nhận thức Nước Thiên Chúa đã được thiết lập nơi trần gian sống động trong Giáo Hội của Đức Kitô. Nếu chúng ta chấp nhận mối quan hệ giữa Đức Kitô với chúng ta, qua nhu cầu cần thiết, đặc biệt là của ăn Mình và Máu Ngài đã ban tặng, chúng ta phải siêng năng, cung kính rước Mình và máu Ngài mỗi khi tham dự Thánh lễ.
Với những tư tưởng chuẩn bị, giờ đây, chúng ta bắt đầu thánh lễ với bài ca nhập lễ sau đây:

Trước bài I:
Tiền bạc là phương tiện con người dùng để đổi chác những thứ cần thiết cho cuộc sống. Nhưng đối với Thiên Chúa thì vô nghĩa. Đời sống thiêng liêng của chúng ta không thể đổi chác bằng tiền bạc ở đời nầy, nhưng phải được nuôi dưỡng bằng ơn thánh.

Trước bài II:
Thánh Phaolô xác quyết không có bất cứ một sự việc gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa. Cho nên, chúng ta luôn vững tin vào Chúa.

Trước bài Tin Mừng:
Phép lá hóa bánh hôm nay chỉ là hình bóng về Phép Thánh Thể sau nầy Chúa Kitô sẽ thiết lập. Của nuôi thiêng liêng giúp chúng ta đi trọn con đường trầh thế nầy như dân Dothái xưa được Manna bởi trời nuôi dưỡng trên đường về đất hứa.

Lời Nguyện Giáo Dân
Linh mục: Anh Chị Em thân mến, Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Kitô đã đáp lại nhu cầu của đám đông là làm phép lạ cho bánh hóa nhiều. Giờ đây, xin Chúa đoái nhìn đến những nhu cầu của chúng ta sau đây:

1. Xin cho Giáo Hội khắp hoàn vũ luôn hướng về những những người nghèo đói, kém may mắn với tâm hồn quảng đại. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

2. Xin cho các Linh mục, là những thừa tác viên chính thức của Bí Tích Thánh Thể, là những Kitô thứ hai, luôn là chứng nhân, hiện thân của Đức Kitô trong chính Bí Tích mà các ngài cử hành và sống Lời Chúa mà các ngài rao giảng cho cộng đoàn Dân Chúa. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

3. Xin cho các thiếu nhi trong các Cộng Đoàn đang chuẩn bị để lãnh nhận Bi Tích Thánh Thể Lần Đầu, qua lời giảng dạy của các giảng viên và sự giúp đỡ của cha mẹ, các em sẽ được chuẩn bị xứng đáng lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể mến yêu. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

4. Xin Chúa chúc lành và trả công bội hậu cho các Giảng Viên Giáo Lý và những ai đang gieo vào tâm hồn giới trẻ những hạt giống đức đầu tiên. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

5. Xin cho những thân bằng quyến thuộc chúng con đã qua đời, chúng con không quên cầu nguyện cho những nạn nhân của Covid-19... những linh hồn mồ côi không còn ai để nguyện cầu được an nghỉ trong Nhà Chúa muôn đời. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Linh mục:
Lạy Chúa, chúng con đươc ơn làm nghỉa tử của Chúa qua bí tích rửa tội, xin cho việc thông hiệp với Mình và Máu Chúa Kitô, chúng con được tràn đầy ân sủng của Ơn Thánh để chúng con vững tiến về quê trời. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Amen
 
Ai nấy đều được ăn no nê
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
18:25 30/07/2020
Suy niệm Chúa nhật XVIII thường niên năm A

(Mt 14, 13 - 23)

Một thế giới huynh đệ đại đồng là lý tưởng con người hằng mơ ước. Phép lạ Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều chỉ với năm chiếc bánh và hai con cá (Mt 14, 17) cho năm ngàn người cùng ngồi trên một thảm cỏ ăn no hôm nay vẫn còn thời sự.

Những con số cụ thể như: năm chiếc bánh, hai con cá, năm ngàn người với mười hai thúng đầy những miếng bánh vụn (x. Mt 14, 13-21) thật ấn tượng. Làm sao chúng ta không thể nghĩ đến những con số khác: có tới trăm ngàn người thiệt mạng trong các cuộc giao chiến, hàng trăm triệu euros cho việc chuyển giao một cầu thủ bóng đá, hàng tỷ người đói hiện nay trên thế giới. Những con số không biết nói nhưng đã trở thành lời. Một bên là tiếng hoan hô ngưỡng mộ trước phép lạ; bên kia là sự khiếp sợ.

Xem video và nghe bài giảng

Con số: " năm chiếc bánh và hai con cá với năm ngàn người đàn ông, không kể đàn bà và con trẻ " (Mt 14, 21), cho thấy sự mất cân bằng quá lớn giữa thực phẩm với nhu cầu của con người. Chúng ta cũng đang phải đối diện với thảm họa chết người như dịch Covid. Thế giới vẫn đang bất lực. Hỏi: chúng ta có thể làm gì?

Đoạn Tin Mừng này gửi đến thế giới chúng ta đang sống cách thời sự. Làm sao không thể nghĩ tới nạn đói đang hoành hành một phần lớn nhân loại? Bao triệu người nhiễm dịch, và mấy tram ngàn người chết vì dịch. Ngay tại một số nước giầu, nhiều người vẫn không có cái tối thiểu để mà sống. Nhiều người cảm thấy nhu cầu rất lớn của nhân loại. Họ đặt câu hỏi: Thiên Chúa đang ở đâu? Tại sao ngày nay Thiên Chúa không còn làm như vậy? Tại sao Người không hoá bánh ra nhiều cho triệu triệu người đang đói trên mặt đất này? Tại sao Thiên Chúa không cứu giúp con người.

Một chi tiết trong bài Tin Mừng có thể giúp chúng ta tìm ra lời giải đáp cho những vấn nạn trên. Chúa Giêsu không búng ngón tay để rồi bánh và cá xuất hiện cách ma thuật theo ý muốn. Nhưng Người hỏi các môn đệ có gì và truyền: "các con hãy cho họ ăn" (Mt 14, 16); Người kêu gọi các ông chia sẻ: "năm cái bánh và hai con cá " (Mt 14, 17) mà các ông đang có trong tay.

Ngày nay Chúa Giêsu cũng làm như vậy. Người xin chúng ta chia sẻ những tài nguyên trái đất. Điều được biết rõ, ít nhất về thức ăn, là trái đất chúng ta có khả năng nâng đỡ hơn một tỷ người nữa đang ở trên mặt đất này.

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta, " hãy cho họ ăn ". Chỉ cần ít mà có một chút tình yêu, tí chút vật chất để khắc phục nạn đói, thân xác và tâm hồn. Chút ít ấy, chúng ta đặt vào tay Chúa. Thiên Chúa sẽ thực hiện những điều kỳ diệu.

Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta nhìn lại phép lạ hóa bánh ra nhiều theo một cách khác. Trước hết, Người khiêm tốn bảo các ông rằng: "Hãy đem lại cho Thầy" (Mt 14, 18), và chấp nhận dùng bánh của các ông. Sẽ chẳng có gì, nếu các ông không đồng ý cho bánh. Thiên Chúa cần những cử chỉ chia sẻ của chúng ta để thực hiện những điều cao cả. Do đó, năm cái bánh và hai con cá đã được Chúa Giêsu dùng để nuôi ngần ấy ngàn người, tất cả đều no nê. Chúa Giêsu hoàn toàn tin tưởng Chúa Cha. Người biết rằng đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể.

Một câu hỏi khác được đặt ra: Chúa Giêsu đã nuôi sống đám đông trong một ngày. Nhưng ngày hôm sau, họ tiếp tục bị đói. Họ tìm thấy mình ở trong một tình trạng khác của khổ đau. Vậy tại sao Chúa Giêsu không thay đổi tình trạng này?

Mục đích của Chúa Giêsu không phải là để thay đổi tình thế, cho bằng thay đổi lòng người. Khi con người thấm nhuần sứ điệp tình yêu Chúa, họ không còn như trước nữa. Điều quan trọng là con người cho đi những điều tốt nhất là hành vi yêu thương và chia sẻ làm cho cuộc sống có giá trị.

Bánh cần thiết cho cuộc sống, nhưng chúng ta không bị giới hạn vào thứ bánh vật chất, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đi xa hơn. Người muốn nói, Thiên Chúa hiện diện trong tất cả mọi thực tại và sự kiện trong cuộc đời chúng ta. Chúng ta đang sống trong tình yêu của Chúa. Trước đây, Chúa đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều. Cử chỉ này là một dấu hiệu của sự gia tăng tình yêu Chúa vẫn tiếp tục thể hiện nơi nhân thế. Vì con người, ngoài nhu cầu vật chất, con người còn đói khát và cần một cái gì hơn nữa. Bánh Giêsu, Bánh bởi Trời mang lại sự sống đời đời, biến con người thành các chứng nhân của tình yêu Thiên chúa đối với từng anh chị em một. Người trao cho chúng ta, để chúng ta phân phát cho những ai đói khát tình yêu. Như thế, tình yêu tùy thuộc vào chúng ta và phép lạ của tình yêu giữa con người với nhau sẽ không bao giờ dừng lại.

Làm sao con người có thể trách cứ Thiên Chúa không cung cấp thức ăn cho mọi người đang khi mỗi năm người ta tiêu hủy hàng triệu tấn thức ăn mà thông tin đại chúng nói là quá nhiều hầu phòng chống sự giảm giá thức ăn? Có giải pháp nào chăng? Sự phân phối càng tốt thì tình liên đới càng lớn và sự chia sẻ càng nhiều.

Báo chí ngày nay cũng cho biết, chưa bao giờ con người có nhiều của cải như thế. Những người giàu nhất thế giới có khối lượng tài sản đáng kinh ngạc - tương đương với GDP của một số quốc gia nhỏ đối với một số người. Nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos, hay Bill Gates người sáng lập Microsoft chẳng hạn.

Theo Forbes báo cáo, thì có hơn 2.200 tỷ phú trên thế giới, và con số đó chỉ được dự kiến sẽ tăng lên. Ấy vậy mà, chưa bao giờ có nhiều người nghèo đói như ngày nay. Tại sao có sự chênh lệch giầu nghèo trên thế giới như thế. Sở dĩ như vậy chỉ tại chúng ta giữ chặt lấy bánh và cá và không muốn chia sẻ với mọi người đó thôi. Thay vì tích luỹ làm giầu, chế tạo súng ống chạy đua vũ trang, thì con người chế tạo ra bột mỳ, lương thực, thuốc men để giúp cho đồng loại đỡ khổ thì tốt biết bao.

Lạy Mẹ Maria, xin dạy chúng con biết sống yêu thương và chia sẻ với anh em đồng loại, hầu xây dựng một xã hội công bằng, huynh đệ đầy ắp tình yêu thương. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
 
Năm chiếc bánh và hai con cá
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
22:01 30/07/2020

Chúa Nhật XVIII Mùa Thường Niên A
Is 55, 1-3; Rm 8, 35.37-39; Mt 14, 13-21

Anh chị em có tin là chỉ “năm chiếc bánh và hai con cá” mà nuôi năm ngàn người ăn không? Năm chiếc bánh và hai con cá so với năm ngàn người, không kể đàn bà trẻ con, (nếu tính cả chắc phải lên đến mười lăm ngàn người, ) một con số người ăn thật quá lớn so với sự ít ỏi thực phẩm như thế. Các Tông Đồ cũng đã lo lắng và lúng túng mà nói với Chúa: “Nơi đây hoang vắng, và đã muộn rồi, vậy xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn” (Mt 14, 15).

1. Phép lạ là gì?

Để hiểu đúng ý nghĩa của đoạn Tin Mừng này, chúng ta phải định nghĩa lại phép lạ là gì?

Theo nghĩa rộng, phép lạ là những gì được xảy ra từ cái không thể trở thành cái có thể. Ví dụ như người Do Thái vận dụng khoa học kỹ thuật đã trồng cam ngọt trên sa mạc vùng Giêricô. Hay Las Vegas là một sa mạc lại trở thành một thành phố xinh đẹp và hấp dẫn… Người ta có thể coi đó là những phép lạ.

Theo nghĩa hẹp, nghĩa chính xác, phép lạ là những gì xảy ra cách lạ thường và khác với quy luật tự nhiên. Ví dụ: trong vật lý học, một vật có trọng lượng thì bị sức hút của trái đất. Đó là quy luật tự nhiên. Nhưng một em bé nhảy lầu giữa chừng em ngừng lại và cứ lơ lửng vậy. Đây là điều ngoài quy luật tự nhiên.

Còn có một cách hiểu cao hơn theo thánh Gioan, thì phép lạ là những dấu chỉ để diễn tả những sự kỳ diệu của đức tin mà Thiên Chúa thực hiện qua những dấu chỉ đó.

Theo những nghĩa trên thì sự kiện chỉ năm chiếc bánh và hai con cá hóa nhiều nuôi năm ngàn người mà còn dư mười hai thúng, là một phép lạ, điều không thể trở thành điều có thể, điều xảy ra cách lạ thường và ngoài quy luật tự nhiên.

2. Ý nghĩa phép lạ hóa bánh nhiều

Ngày nay, có hai quan điểm giải thích phép lạ này: quan điểm thứ nhất thuộc một số học giả Thánh Kinh không tin đây là một phép lạ và nghĩ rằng Chúa Giêsu không làm cho bánh hóa ra nhiều, mà Người chỉ là một nhà hùng biện có tài thuyết phục mọi người bỏ bánh mà họ mang theo trong mình ra để chia sẻ với nhau thôi, theo kiểu “góp gạo thổi nồi cơm chung” nên ai cũng có thức ăn dư dả. Cách hiểu này chắc chắn không được Giáo Hội công nhận. Nhưng nó nói lên được ý nghĩa của sự kiện là dạy người ta biết chia sẻ với nhau, và khi ta biết chia sẻ với người khác thì mọi sự trở nên dư dả và phong phú.

Cách hiểu thứ hai đó là đa số các nhà chú giải Kinh Thánh cho rằng phép lạ hóa bánh ra nhiều là hình ảnh, là dấu chỉ của bữa tiệc Thánh Thể và ơn cứu độ mà Đức Kitô sẽ ban cho nhân loại qua cái chết và phục sinh của Người. Học giả Kinh Thánh David Garland giải thích:

“Việc cung cấp lương thực cho năm ngàn người ăn mà còn thừa mười hai thúng cho thấy rằng sự cung cấp dồi dào cho toàn thể Ítraen. Như thế, bí tích Thánh Thể sẽ ban lương thực dồi dào cho toàn thể nhân loại.” (David Garland, Meditations on the Sunday Gospels, Year A, ed. John Rotelle, New York: New City Press, 1995, p. 111.)

Đây là cách hiểu truyền thống mà Giáo Hội chấp nhận. Quả thế, “bữa tiệc bánh hóa nhiều” là hình ảnh về bữa tiệc mà Đức Kitô sẽ thực hiện nơi Thánh Thể trong đó nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần bánh và rượu, tượng trưng cho lao công và đóng góp của con người, trở thành thực sự Mình và Máu Đức Giêsu, mà thần học gọi là “transubstantiation - biến thể”. Đức Giêsu trở thành Bánh Sự Sống bẻ ra cho mọi người qua mọi thế kỷ để tất cả được no thỏa và được sống dồi dào (x. Ga 10, 10). Nếu hiểu như thế, mỗi thánh lễ là một bữa tiệc, một phép lạ mà Thiên Chúa thực hiện cho chúng ta.

3. Bài học áp dụng

Một chi tiết rất đáng lưu ý trong tường thuật này là: “Chính anh em hãy cho họ ăn” và các môn đệ thưa: “Ở đây chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá” (x. Mt 14, 16-17). Điều này muốn nói rằng Đức Giêsu không muốn làm gì một mình. Thiên Chúa muốn sự cộng tác của con người, hay nói như cha Nguyễn Tầm Thường:

“Chúa thích làm phép lạ dang dở. Phép lạ dang dở để tôi được tham dự, cái dang dở của Chúa là chỗ trống để cho tôi bước vào.” (Lm. Nguyễn Tầm Thường, Viết trong tâm hồn, 7. )

Nhiều lúc, trước những vấn đề lớn, dẫu khả năng của chúng ta rất nhỏ nhoi, ít ỏi, nhưng Chúa lại cần đến chúng, Chúa cần đến chút tâm tình “chạnh lòng thương” và sự đóng góp vật chất của chúng ta, để Người thực hiện những điều kỳ diệu trong cuộc đời. Nếu không có tấm lòng trắc ẩn của nữ tu Calcutta, thì làm sao có những ngôi nhà tình thương cho những kẻ vô gia cư khắp nơi trên thế giới. Nếu không có chút tình thương của cô Tim, thì làm sao có ngôi làng tình thương cho biết bao nhiều người tàn tật ở Việt Nam v.v… (Cô Tim là một người ở Châu Âu, đến Việt Nam du lịch, chứng kiến nhiều cảnh đáng thương, cô đã quyết định ở lại và giúp đỡ những người tàn tật và vô gia cư ở Sài Gòn.)

Mỗi lần chúng ta dự tiệc Thánh Thể, Chúa cũng mời gọi chúng ta biết chia sẻ và góp phần nhỏ bé và âm thầm của mình vào xây dựng cuộc đời này đẹp hơn, nhân bản hơn và hạnh phúc hơn. Và như thế, “phép lạ hóa bánh ra nhiều” lại tiếp tục diễn ra trong cuộc sống của chúng ta. Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An - Việt Nam
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Một phép lạ lạ nhất
Lm Minh Anh
22:12 30/07/2020
MỘT PHÉP LẠ LẠ NHẤT

“Người không làm nhiều phép lạ ở đó, vì họ chẳng có lòng tin”.

Kính thưa Anh Chị em,

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay nói đến phép lạ, một phép lạ tâm hồn. Phép lạ đó đã chẳng xảy ra nơi Dân Chúa thời Cựu Ước, cũng không xảy ra ở Dân Chúa thời Tân Ước; bởi lẽ, dân của cả hai thời đều thiếu lòng tin. Giêrêmia nói cho dân lời của Chúa, ông bị phản đối trong đền thờ; Chúa Giêsu nói cho dân lời của Chúa, Ngài bị tẩy chay trong hội đường. Tin Mừng nói, “Người không làm nhiều phép lạ ở đó, vì họ chẳng có lòng tin”.

Suốt hai tuần qua, dõi theo hành trình của Giêrêmia, chúng ta thấy vị ngôn sứ dường như quá đắng cay với sứ vụ của mình; với nó, xem ra ông chẳng tha thiết gì. Vì một đàng, Giêrêmia phải vâng lời Thiên Chúa, “Ngươi hãy nói cho họ biết tất cả những gì Ta truyền cho ngươi, không thiếu một lời”; đàng khác, ông lại chỉ chuốc vào thân sự đối kháng, “Ngươi phải chết, tại sao ngươi nhân danh Thiên Chúa mà nói tiên tri? ”. Tình trạng căm ghét ông ngày càng gia tăng đến độ có lần, dân đã công khai đánh đòn Giêrêmia; lần khác họ trùm ông vào bao; lần khác nữa, họ chôn sống ông dưới hầm. Và cứ thế, lòng họ xơ cứng, chẳng chút hồi tâm.

Điều tương tự cũng đã xảy ra với Chúa Giêsu, một Giêrêmia thời Tân Ước, Ngài cũng phải trần thân với cái nhiễu nhương đó nơi người đương thời. Tin Mừng hôm nay hé mở nỗi nhiêu khê ‘mở hàng’ của Ngài với những gì đã xảy ra. Lần đầu tiên trở lại quê nhà, Ngài giảng dạy trong hội đường; thoạt tiên, người ta sửng sốt, thán phục nhưng sau đó, xầm xì, “Ông ấy không phải là con bác thợ sao? ”, để cuối đời, số phận của Ngài sẽ còn tệ hơn số phận của Giêrêmia. Tin Mừng nói, “Người không làm nhiều phép lạ ở đó, vì họ chẳng có lòng tin”.

Nhưng phép lạ nào? Có phải là những gì ít ỏi Ngài đã làm cho người đương thời tức là chữa lành một vài bệnh nhân, cứu một vài người bị quỷ ám? Đây có phải là những phép lạ Tin Mừng muốn nói đến không? Câu trả lời sẽ là vừa “Đúng” lại vừa “Không”. “Đúng” ở chỗ Chúa Giêsu đã không làm gì nhiều cho người đương thời ngoại trừ đặt tay chữa lành một vài bệnh nhân; nhưng “không đúng” ở chỗ vì những phép lạ Ngài muốn làm sẽ “còn lạ hơn rất nhiều” so với những gì thuộc về thể lý vật chất. Phép lạ đó là gì? Đó là biến đổi các tâm hồn.

Sẽ ích lợi gì khi phép lạ này, phép lạ kia được thực hiện đó đây đang khi tâm hồn con người lại không quay về với Thiên Chúa? Cái gì sẽ làm cho một phép lạ lạ hơn, ý nghĩa hơn, đời đời hơn qua những việc làm của Chúa Giêsu? Hẳn đó là biến đổi các tâm hồn. Biến đổi, hoán cải các tâm hồn là phép lạ lạ nhất, quan trọng nhất. Buồn thay, qua mọi thời, phép lạ này hiếm khi xảy ra chỉ vì con người thiếu lòng tin. Rõ ràng, chỉ vì sự cứng lòng mà con người đã đóng kín tâm hồn khiến cho lời Thiên Chúa cũng như sự hiện diện của Người đã không thâm nhập được. Vì lý do đó, Chúa Giêsu đã không thể làm những phép lạ lạ nhất cho bất cứ ai như thế.

Vậy mà, thánh Ignatiô Giáo Hội mừng kính hôm nay lại là một con người đã được phép lạ lạ nhất đó. Một thanh niên, một sĩ quan đủ mọi tính hư nết xấu đời quân ngũ từ cờ bạc, rượu chè, trai gái… Bị thương ở chân, Ignatiô điều trị tại một bệnh viện; tại đây, cậu phải đọc gương Chúa Giêsu và hạnh các thánh vì không còn một cuốn sách vô bổ nào. Vậy mà nhờ đó, Ignatiô được ơn trở lại và cùng với chín người bạn khác, đã đặt nền móng cho Dòng Tên với tôn chỉ tất cả cho vinh danh Chúa và phần rỗi các linh hồn. Ignatiô qua đời, Dòng Tên trở thành một trong những dòng ưu việt nhất của Giáo Hội, cống hiến cho Giáo Hội những người con thuộc tầng lớp tinh hoa thượng đẳng nhất. Thật không quá khi nói, “Dòng Tên đã cứu Âu châu khỏi Tin Lành”; một vị thánh cũng đã từng nói về Ignatiô, “Một con người và Thiên Chúa làm nên một đạo binh”, Ignatiô đã cung cấp những người lính và Thiên Chúa làm phần còn lại.

Anh Chị em,



Hôm nay, Chúa Giêsu cũng đang làm phép lạ nơi mỗi người chúng ta, liệu chúng ta có để Ngài biến đổi tâm hồn mỗi ngày để trở nên một tạo vật mới? Chúng ta có để cho Ngài tự do làm những điều lớn lao trong cuộc sống mình? Nếu chúng ta ngần ngại trả lời những câu hỏi đó, thì chắc chắn, Thiên Chúa đang muốn nhiều hơn trong đời sống chúng ta.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, người ta đợi phép lạ Chúa làm, Chúa lại chờ phép lạ con làm. Xin hãy cùng con làm một phép lạ lạ nhất trong con, hầu con cũng có thể trở nên một kiệt tác của ân sủng”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Năm điều chủ yếu của Chỉ Thị Mới về Việc Tái Cấu Trúc Giáo Xứ
Vũ Văn An
20:32 30/07/2020

Như mọi người biết, ngày 20 tháng 7 vừa qua, Bộ Giáo Sĩ đã cho công bố chỉ thị mới về việc tái cấu trúc các giáo xứ vì lý do thiếu linh mục và các khó khăn tài chánh. Chỉ thị mới quả quyết rằng mục đích cuộc cải tổ này là chuyển giáo xứ từ mô hình “tự bảo tồn” qua mô hình truyền giảng Tin Mừng.



Tựa đề của chỉ thị là “Hoán cải mục vụ cộng đồng giáo xứ để phục vụ sứ mệnh truyền giảng Tin Mừng của Giáo Hội”. Cuộc cải tổ này, vì thế, chủ yếu tập chú vào vấn đề cơ cấu giáo xứ, chứ không hẳn cuộc hoán cải thiêng liêng hay các điểm chuyên biệt của việc truyền giảng Tin Mừng. Văn kiện cung cấp các hướng dẫn cụ thể cho việc gom các giáo xứ lại với nhau, nhấn mạnh tới sự phân biệt giữa các vai trò của linh mục và giáo dân, và nhấn mạnh rằng chỉ có linh mục được lãnh đạo giáo xứ mà thôi. Nó cho rằng sự phân biệt này có tính quan yếu trong việc giúp mỗi người phục vụ Giáo Hội tốt nhất theo ơn gọi riêng của mình. Trong khi nhấn mạnh chiều kích thế tục độc đáo của ơn gọi giáo dân giữa lòng thế giới, văn kiện chỉ rõ như một châm ngôn rằng nói đến sinh hoạt giáo xứ, linh mục phải lãnh đạo và giáo dân phải tuân theo.

Trong một bài báo tựa là “Rôma ngưng các cuộc cải tổ”, một hãng tin Công Giáo Đức, KNA, giải thích văn kiện như một cố gắng ngăn chặn các vụ đóng cửa nhà thờ được đề nghị ở Đức. Một luật sư được bài báo trích dẫn coi văn kiện “hoàn toàn có tính giáo sĩ trị” và nói rằng nó “giải đáp các vấn đề hôm nay bằng các giải đáp hôm qua”.

Theo Colleen Dulle của tạp chí America (https://www.americamagazine.org/faith/2020/07/22/explainer-5-takeaways-vaticans-new-document-parish-reform), văn kiện có 5 điều chủ yếu sau đây:

1.Giáo xứ không còn đóng vai trò nổi bật trong đời sống cộng đồng nữa.

Theo chỉ thị mới, mô hình giáo xứ hiện hành không còn phù hợp với mong đợi của phần lớn người ta nữa: Trong khi trước đây, nhà thờ giáo xứ là nơi tụ họp chính của cộng đồng, thì giờ đây họ có nhiều nơi khác để tụ họp, đích thân hay một cách ảo, làm suy yếu sự liên kết của họ với những người hàng xóm địa dư. (Văn kiện không nhắc đến cách coronavirus đã ảnh hưởng đến mối liên hệ giữa những người hàng xóm hoặc các giáo dân ra sao).

Do sự thay đổi này, văn kiện cho biết, “bất cứ hành động mục vụ nào bị giới hạn vào lãnh thổ của Giáo xứ đều đã lỗi thời, một điều các giáo dân trong xứ tự quan sát thấy khi Giáo xứ của họ dường như quan tâm nhiều hơn đến việc bảo tồn nỗi luyến tiếc quá khứ, trái ngược với việc nhìn về tương lai một cách can đảm”. Một giáo xứ truyền giáo, thay vì cứ tập chú vào việc bảo tồn cộng đồng hiện thời, được “‘kêu gọi vươn tay ra với mọi người, không trừ ai’, nhất là người nghèo”. Văn kiện nói rằng các linh mục, phó tế và những người thánh hiến thường là những người đầu tiên tỏ lòng cảm thương với người nghèo.

2. Đừng đóng cửa các giáo xứ: Hãy tái cấu trúc chúng.

Văn kiện đề nghị rằng cách chuyển qua một giáo xứ truyền giáo hơn sẽ bao gồm việc tái cấu trúc, thay vì đóng cửa, các giáo xứ, để sử dụng tốt hơn các nguồn tài nguyên đang giảm sút của giáo phận. Các giám mục được thúc giục đừng “đình chỉ” hoặc đóng cửa các giáo xứ vì thiếu linh mục hoặc ngân quỹ hoặc đóng cửa nhiều giáo xứ trong một quyết định. Thay vào đó, nếu một giáo xứ phải đóng cửa, giám mục nên giải thích cặn kẽ lý do của mình.

Văn kiện khuyến nghị giữ cho các tòa nhà của nhà thờ giáo xứ mở cửa, nếu có thể, để ngăn chặn việc gây chấn thương cho các tín hữu nào có “mối liên hệ xúc cảm và hoài cổ sâu sắc” đối với chúng.

Thay vì đóng cửa các nhà thờ, văn kiện đề nghị giám mục từ từ thành lập các nhóm giáo xứ do một linh mục lãnh đạo trong tư cách đại diện của giám mục. Vị linh mục “phối trí viên” này có thể làm việc và sống trong cộng đồng với các linh mục khác, những vị phục vụ trong tư cách phó xứ, cho từng giáo xứ hoặc cho một lãnh vực thừa tác vụ (thí dụ: thừa tác vụ giới trẻ, thừa tác vụ cho người buộc phải ở trong nhà) bao trùm mọi giáo xứ trong nhóm.

Khi thành lập các nhóm này, giám mục phải “xem xét tính đồng nhất và phong tục của các cư dân, cùng với các đặc điểm chung của khu vực, nhằm cổ vũ mối liên hệ chặt chẽ giữa các linh mục chánh xứ và các công nhân mục vụ khác”.

3. Giáo xứ nên được lãnh đạo bởi các linh mục, không phải giáo dân.

Văn kiện có tính chỉ thị này nhấn mạnh rằng cần phải tránh việc “giáo sĩ hóa hoạt động mục vụ”. Nó quả quyết rằng giáo dân là “những người chủ đạo của việc truyền giảng Tin Mừng”, và các mục tử được giao phó nhiệm vụ giúp đỡ giáo dân phát triển trong sứ mệnh đó.

Tránh việc “giáo sĩ hóa các hoạt động mục vụ” có ý nghĩa kép trong văn kiện: Không nên giới hạn tất cả các hoạt động mục vụ hay truyền giáo vào vị mục tử, cũng như các giáo dân không nên “bị giáo sĩ hóa” bằng cách đảm nhận các vai trò mà theo truyền thống vốn dành riêng cho các giáo sĩ.

Văn kiện nhấn mạnh điểm vừa kể nhiều lần, nói rằng “chức vụ đặc thù của Linh mục Chánh xứ” không được giao cho một nhóm gồm các giáo sĩ và giáo dân, như đã được đề nghị ở một số nơi. Mặc dù văn kiện không xác định các vai trò cố hữu của “chức vụ Linh mục Chánh xứ”, nhưng một thí dụ rõ ràng là giáo dân không thể cử hành các bí tích dành riêng cho các linh mục.

Văn kiện cũng hạn chế việc các người không thụ phong phục vụ trong bất cứ vai trò lãnh đạo nào có thể được coi như ngang hàng với một linh mục. Nó chỉ rõ rằng nên tránh những chỉ danh như “người lãnh đạo nhóm” để gọi những người như vậy vì chúng “truyền đạt cảm thức về một thứ quản trị hợp đoàn đối với giáo xứ”. Tương tự như vậy, chỉ thị nói rằng không nên gọi các quản trị viên giáo xứ (parish administrator) là “mục tử”, “đồng mục tử”, “tuyên úy”, “phối trí viên”, “phối hợp viên” hay “quản trị viên Giáo xứ”, vì các danh xưng này có liên quan trực tiếp đến khuôn diện thừa tác của các linh mục. Cả các kiểu nói như “giao phó việc chăm sóc mục vụ của một giáo xứ” cũng không được phép dùng vì chúng thuộc thừa tác vụ của các linh mục và “không phù hợp với bản sắc ơn gọi [của những người không phải là linh mục]".

Văn kiện cũng nói rằng công việc của một quản trị viên giáo xứ, một vai trò đang trở nên phổ biến hơn trong các khu vực phải đương đầu với sự thiếu hụt linh mục, “trong căn bản chỉ có tính tạm thời” cho đến khi một linh mục chánh xứ mới đến nhậm chức. Văn kiện nói rằng “Điều bất hợp pháp đối với một Giám mục giáo phận là bổ nhiệm một Quản trị viên Giáo xứ và duy trì vị này ở vị trí đó trong một thời gian dài, quá một năm, hoặc thậm chí vĩnh viễn, để tránh việc bổ nhiệm một Linh mục chánh xứ”.

Theo văn kiện này, việc có một quản trị viên giáo xứ hạ giáo xứ xuống hàng một mô hình “tự bảo tồn”, thay vì giúp nó khả năng thực hiện các kế hoạch truyền giáo sâu rộng hơn.

Tuy nhiên, trong trường hợp không có linh mục, văn kiện, bằng cách sử dụng một hạn từ không được khích lệ ở chỗ khác trong văn kiện, nói rằng giám mục “có thể ủy thác việc chăm sóc mục vụ của một Giáo xứ cho một phó tế, một tu sĩ thánh hiến hoặc một giáo dân, hoặc thậm chí một nhóm người”, kể cả các nhiệm vụ như cử hành Phụng vụ Lời Chúa vào các ngày Chúa nhật và các ngày lễ buộc, rửa tội, cử hành nghi thức tang lễ, hỗ trợ trong các cuộc hôn nhân và thuyết giảng bên ngoài Thánh lễ. Văn kiện nói rằng những người được ủy thác vai trò như vậy phải hành động “dưới sự chỉ đạo và trách nhiệm của Linh mục Chánh xứ”, và những trường hợp này được coi là luật trừ. Điều rõ ràng là không nên hiểu việc chăm sóc mục vụ này như tương đương với vai trò linh mục.

4. Giáo dân có thể phục vụ trong các hội đồng tư vấn.

Văn kiện đưa ra hai dự khoản về các hội đồng tư vấn tại các giáo xứ: Nó buộc mỗi giáo xứ phải có một hội đồng tài chính và khuyến cáo mỗi giáo xứ nên có một hội đồng mục vụ. Văn kiện nhấn mạnh, cả hai hội đồng hoàn toàn có tính tư vấn và phải báo cáo cho linh mục chánh xứ.

Hội đồng tài chính nên được bao gồm ít nhất ba người Công Giáo là chuyên gia về các vấn đề tài chính và pháp lý, được chọn bởi linh mục hoặc được giáo xứ bầu lên theo cách nào đó. Họ không cần phải là giáo dân trong xứ, và một người có thể phục vụ trong nhiều ủy ban giáo xứ. Văn kiện kêu gọi sự “minh bạch” trong vấn đề tài chính nhưng không nêu chi tiết về bất cứ biện pháp minh bạch nào ngoài việc nộp báo cáo hàng năm cho vị bản quyền hoặc giám mục địa phương.

Theo văn kiện, hội đồng mục vụ nên quan tâm đến việc truyền giáo hơn là việc “tổ chức nhà thờ”. Chỉ thị nói rằng linh mục nên tránh các thái quá trong việc luôn luôn đưa cho hội đồng các quyết định đã làm sẵn hoặc trong việc chỉ phục vụ “như một trong số các thành viên, loại bỏ trên thực tế vai trò Mục tử và là nhà Lãnh đạo cộng đồng của mình”.

5. Không được bắt buộc dâng cúng để có các bí tích

Các giáo xứ không nên coi các dâng cúng được đề nghị để có các bí tích như đám cưới hay thánh lễ cầu theo ý định của người ta là lệ phí hoặc tiền thuế, một thông lệ ở Hoa Kỳ. Thay vào đó, văn kiện đề nghị nhận các khoản dâng cúng một cách ẩn danh để giáo dân trong xứ có thể quyên góp khi có khả năng. Đối với các giáo xứ lo ngại điều này có thể làm giảm doanh thu rất cần thiết, văn kiện kêu gọi các nhà lãnh đạo giáo xứ “nhạy cảm hóa” cộng đồng của họ theo nhu cầu của giáo xứ; còn đối với các mục tử, văn kiện kêu gọi các ngài sống đơn giản như một điển hình của việc quản trị có trách nhiệm.

Văn kiện nói rằng “Quản trị tốt được đo lường không phải bằng ‘các dự án’, mà là bằng các nhu cầu thực sự của tín hữu, nhất là người nghèo và người thiếu thốn”.

Nhìn chung, văn kiện này đưa ra các khuyến cáo cụ thể để tiếp cận vấn đề phức tạp về tái cơ cấu giáo xứ trong một thời điểm khi việc suy thoái kinh tế và ngừng hoạt động vì đại dịch đã hạn chế ngân sách giáo phận. Nhưng việc nó nhấn mạnh tới vai trò lãnh đạo của các linh mục trong thừa tác vụ quản trị và không có tính bí tích, ngoài các hạn chế của nó đối với việc bổ nhiệm vô thời hạn các quản trị viên giáo xứ, nêu ra nhiều câu hỏi cho nhiều Giáo Hội như các Giáo Hội trong khu vực Amazon, nơi, chẳng hạn, hai linh mục phục vụ toàn bộ giáo phận Guyana. Cũng thế, việc hạn chế lệ phí để có các bí tích, một điều, giống như nhiều hướng dẫn khác, vốn hiện hữu, có tiềm năng cắt giảm nguồn tài trợ chính cho các giáo xứ Hoa Kỳ, nếu nó được chấp hành.

Kỳ sau: Phản Ứng từ Đức
 
Phạm thánh: Tượng đài Chúa Giêsu tại thủ đô Ba lan bị treo cờ cầu vồng của phong trào Đồng tính luyến ái & và khăn che tượng bằng biểu tượng vô chính phủ
Thanh Quảng sdb
23:02 30/07/2020
Phạm thượng: Tượng đài Chúa Giêsu tại thủ đô Ba lan bị treo cờ cầu vồng của phong trào Đồng tính luyến ái (LGBTQ) & và khăn che tượng bằng biểu tượng vô chính phủ

Từ trang mạng Giáo hội (ChurchPOP) - ngày 30 tháng 7 năm 2020 cho hay: Nhóm người theo chủ trương vô chính phủ và đồng tính đã phạm thượng bằng che mặt tượng Chúa Giêsu vác thập giá tại quảng trường Warsaw, Ba Lan bằng một chiếc khăn phản chiến và lá cờ của phong trào đồng tính luyến ái!

Hai nhiếp ảnh gia JohnBoB & Sophie Art đã nhận trách nhiệm cho việc phạm thượng này. Họ đã treo cờ cầu vồng trên nhiều tượng đài tại thủ đô Warsaw. Họ cũng cuốn những chiếc khăn kêu gọi vô chính phủ lên đầu và che mặt các pho tượng! Những kẻ hành động như vậy, chủ mưu kéo bỏ tất cả các tượng đài để thay thế bằng những biểu tượng chống chính phủ và kêu gọi tự do luyến ái! Qua những cờ cầu vồng...

Đây là lời kêu gọi của bọn phản loạn: Đồng bào còn ngủ mê tới chừng nào! Giờ phút thay đổi đã tới! Các bạn không còn bị cô đơn và cô độc! Thành phố này là của chúng ta! Hãy vùng lên!

Linh mục Kryspin Banko của Tu hội Truyền giáo Thánh Vincent de Paul đã lên án các hành động này. Ngài nói: Sự phỉ báng hình ảnh Chúa Kitô trước Nhà thờ Thánh giá ở Krakowskie Przingmieście ở Warsaw đã làm cho giáo dân và cư dân trong thủ đô vô cùng đau xót!

Các linh mục của Tu hội Truyền giáo này là những người đã phục vụ đền thánh này suốt bốn thế kỷ qua, cũng bày tỏ sự thất vọng trước những hành động xúc phạm này.

Các ngài kê gọi: Trước những sự xúc phạm và trong thời điểm khó khăn này, tất cả chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa hoán cải lương tâm và trái tim của những kẻ bạo loạn...
 
Văn Hóa
Cảm nghĩ Hè 2020
Maria Vũ Loan
08:18 30/07/2020
1. TIẾNG THỞ DÀI MÙA HÈ

Mấy ngày nay tôi cứ thở dài. Ai cũng hiểu, đó là vì Covid lại bùng lên tại Việt Nam, kèm theo bao lo lắng, sợ hãi. Chúng tôi cũng vừa hủy vé máy bay đi và về, gồm ba người đến miền Bắc, của chuyến công tác dịp mừng lễ bổn mạng Mẹ Lên Trời sắp tới. Tiếng thở dài của tôi não nuột vì quà Mùa Chay vẫn còn để ở góc nhà và hôm nay, lại chẳng biết bao giờ mới được đi tiếp, thật bức bối, khó chịu! Song những bức bối đó cũng dịu đi khi biết

Cách nay vài tháng, Việt Nam được coi là “ngôi sao sáng” trong hành trình chống dịch bệnh, song dưới lăng kính đức tin, chúng tôi nghĩ có lẽ Thiên Chúa mủi lòng mà xót thương cho dân tộc này, đã chịu nhiều đau khổ mà vẫn nhiệt thành sống và làm việc theo pháp luật; sống mà quan tâm đến người khác. Và Ngài cũng rung động khi những gói gạo, gói nhu yếu phẩm... trao tay trong cơn khốn khó ấy. Người ta có thể đếm được số gạo cho đi, biết được số tiền chia sẻ nhưng không ai đo được lòng yêu mến nhiệt thành của dân Việt nói chung và của người giáo dân Việt Nam nói riêng. Nhiều chuyện từ Covid mà ra nhưng có lẽ “điểm nhấn” ở thời điểm này chỉ gói gọn trong từ “yêu thương” mà thôi!

2. NIỀM VUI NGẮN

Mới đây, khi đi du lịch hè cùng người thân trong gia đình, tôi thấy người ta vào cổng khu du lịch Hòn Thơm ở Kiên Giang đông như kiến cỏ mà chỉ lác đác một, hai người đeo khẩu trang. Điều gì khiến người ta quên đi nỗi sợ hãi của dịch bệnh do con virus nhỏ bé quái ác đó? Chắc chắn do du lịch là một nhu cầu chung của người dân nói chung, còn quây quần cùng đại gia đình hay họp mặt đi tham quan cùng cộng đoàn giáo xứ thì nói riêng, lại mang ý nghĩa đậm đà hơn!

Trên báo mạng, có một anh công nhân cho rằng, giữa thời Covid, chỉ có những người nghỉ hưu là “ngon nhất”, cứ lãnh tiền rồi sống thoải mái, không lo lắng, vất vả đổ mồ hôi hột. Đó là sự so sánh khập khiễng, chúng tôi cũng trải qua nỗi khó khăn khốn cùng khi đất nước đổi mới và cố gắng không ngừng khi làm việc...; còn bây giờ là nỗi đau của ‘thiên tai, nhân tai”, chứ không phải là do hành trình lịch sử của xã hội.

Hằng ngày theo dõi tin tức, thấy thế giới quá bất an, chúng tôi “nửa đùa nửa thật”, yêu cầu mọi người khi chầu Thánh Thể tạm quên những vị đã qua đời mà tha thiết nguyện cầu cho những người còn sống mau thoát cơn dịch bệnh đáng sợ này!

Khi cơn Đại Hồng Thủy ập đến thời ông Noe, người ta vẫn vui chơi nhảy nhót, cưới vợ lấy chồng...; còn thời bây giờ, khi cơn dịch bệnh đến, người ta có phần sợ hãi lo âu nhưng một số người vẫn thực dụng, tham tiền, tội ác, cướp bóc vẫn diễn ra... Hỏi có mấy ai cầu nguyện, làm điều lành và sám hối, sắp xếp việc gia đình theo thánh ý Chúa như ông Noe ngày đó!?

Thôi thì, sau những cố gắng, chỉ phó thác vào tình yêu Chúa Quan Phòng!

3. ĐỜI THƯỜNG

Trong cuộc sống sinh động ấy, một hiện tượng ai cũng biết đó là người ta bấm điện thoại mọi lúc mọi nơi: đang chờ check in, đang bay, đang ăn sáng, nghỉ trưa... Nếu trước đây người ta gọi những người quá mê bóng đá là môn đồ “túc cầu giáo” thì ngày nay hình như có quá nhiều đồ đệ của “smartphone giáo”. Cả những đứa trẻ cũng “bấm bấm, quẹt quẹt”, thậm chí khi nó khóc và biếng ăn, bố mẹ chỉ cần dúi vào tay chúng một cái điện thoại là “ổn” cả! Cuộc sống muôn màu muôn vẻ gói gọn trong chiếc điện thoại thông minh đó song cũng thật vô cùng đáng tiếc khi trên mạng có quá nhiều tin bẩn, tin tức về tội ác, tin “xàm xí’ về showbiz, nhất là nhiều người dựng clip nhí nhố, chất lượng kém rồi vật vã xin người khác đăng ký vào kênh của mình, nhiều người muốn “thể hiện” mình nhưng không có kim chỉ nam. Ai có thể đẩy lùi hoặc giảm bớt những hiện tượng này? Đến đây, tôi phải “thú tội lúc hoàng hôn”, dù đã có một điện thoại để dùng và một TV Net, có thể xem phim, du lịch nhiều nơi trên thế giới thế mà tôi vẫn yếu lòng khi mua thêm một điện thoại nữa để “sống liên tục với net”!

Mùa Covid tại Sài Gòn trước đó đã khiến tôi phải bỏ qua hai đám cưới và ba đám ma. Tôi thấy tiếc khi không đưa tiễn người con thiêng liêng của mẹ tôi; người bạn cùng lớp 12 tôi cũng không thể đến viếng và người bạn trong đoàn thể đã qua đời bất ngờ. Tôi tự thẹn và tự hỏi, sao tôi phung phí thời gian vào điện thoại, vào net mà không thăm viếng, hỏi han đến với người khác khi sức khỏe, thời gian còn cho phép?

4. NIỀM VUI SAU MÙA HÈ?

Tiếng thở dài của tôi bỗng ngắt quãng khi nghĩ đến nhịp sống của Giáo Hội Việt Nam. Cũng qua tin tức Công Giáo trên mạng, chúng tôi biết được Giáo Hội Việt Nam đang trống hơn mười vị trí chức vụ Giám mục. Chúng tôi thầm nghĩ, đây là những vị trí đại diện Dân Chúa thực hiện những việc quan trọng và làm Giáo Hội triển nở trong niềm tin Đức kitô phục sinh; một vị trí “tuyệt đối” có thể xây dựng nên những công trình quan trọng về tinh thần cũng như vật chất; có thể làm một cộng đoàn vươn tới tương lai trong hành trình tu đức, hoặc rẽ lối một cộng đoàn đang sinh hoạt qua một hành trình dài dưới cái nhìn chủ quan. Hoặc chi tiết hơn, có thể làm thăng hoa nhiều tài năng trong đời dâng hiến; cũng có thể “thay đổi sắc màu” một tờ báo sau thời gian dài hoạt động, có sự đóng góp công sức của nhiều người; chuyển đổi linh mục hợp lý theo tài năng và hoàn cảnh.... Vì thế, có nhiều thành phần Dân Chúa quan tâm đến những người được đề cử và những kết quả là tin vui từ Tòa Thánh.

Sau một thời gian dài suy nghĩ theo dòng thời sự, chúng tôi thấy Giáo Hội Công Giáo nói chung và Giáo Hội Việt Nam nói riêng, khác hẳn với những tổ chức của “thế gian”. Đó là phục vụ không tranh chấp, yêu thương trong sự thật, vâng phục vì lợi ích chung, dồn mọi năng lực, nhiệt thành, tinh hoa của cá nhân cho sức sống của Giáo Hội. Trong khi thời sự của thế giới thật đáng sợ, đáng khinh miệt vì người ta tranh giành chức vụ với mọi thủ đoạn. Cứ nhìn theo “dòng thời sự” này, người ta thấy rõ sự bỉ ổi khi làm cho người khác phải từ bỏ quyền hành, phải chết; có khi ở nơi nào đó người ta quăng người tài giỏi từ trên cao xuống đất (? ); có khi một người vô danh tiểu tốt cũng...tranh cử tổng thống! Thật vui mừng cho Giáo Hội và thật đáng sợ cho thế gian!

Chúng tôi là những giáo dân, vô tư chờ đợi những thánh lễ tấn phong, là niềm vui chung khi những cá nhân được bổ sung vào các vị trí còn khiếm khuyết. Chỉ mong những con người ưu việt được tuyển chọn ấy, được đầy ân sủng Thánh Thần mà làm cho Hội Thánh Chúa Kitô nẩy sinh hoa trái tốt lành. Bỏ qua những khuyết điểm, những nhỏ nhặt phải có, thật đáng tự hào một Giáo Hội địa phương, là Giáo Hội Việt Nam!

Maria Vũ Loan
 
VietCatholic TV
Trung Quốc cho điện tặc tấn công vào hệ thống máy tính của Vatican ngay trước các cuộc đàm phán
Giáo Hội Năm Châu
04:28 30/07/2020

Bắc Kinh (Reuters) - Các tin tặc do bọn cầm quyền Trung Quốc bảo trợ đã xâm nhập vào các mạng máy tính của Vatican, và cả vào các cơ quan của Giáo Hội Công Giáo tại Hương Cảng, một công ty của Hoa Kỳ theo dõi các cuộc tấn công mạng gây ra bởi các nhóm điện tặc được các chế độ độc tài hậu thuẫn cho biết như trên hôm thứ Tư 29 tháng 7.

Công ty an ninh mạng của Hoa Kỳ Recorded Future cho biết các cuộc tấn công đã được khởi sự từ tháng Năm. Vatican và Bắc Kinh dự kiến sẽ tham gia vào các cuộc đàm phán trong năm nay về việc gia hạn một thỏa thuận mang tính bước ngoặt vào năm 2018 về việc bổ nhiệm Giám Mục tại Hoa Lục.

Recorded Future cho biết trong báo cáo rằng các cuộc tấn công nhắm vào Vatican và giáo phận Công Giáo Hương Cảng, bao gồm cả người đứng đầu Phái bộ Tòa Thánh tại Hương Cảng, là người được coi là đại diện của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Trung Quốc.

Báo cáo cho biết các mục tiêu tấn công bao gồm các thông tin liên lạc giữa giáo phận Hương Cảng và Vatican và sử dụng các công cụ cũng như các phương pháp tương tự như những gì đã được phát hiện trước đây trong các vụ tấn công do điện tặc Trung Quốc được bọn cầm quyền hậu thuẫn.

Phát biểu tại một cuộc họp báo hàng ngày ở Bắc Kinh hôm thứ Tư, phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Trung Quốc là Vương Văn Bân (Wang Wenbin - 王文斌) đã phủ nhận báo cáo này của Recorded Future và nói rằng Trung Quốc là một người bảo vệ trung thành và mạnh mẽ cho an ninh mạng.

“Bằng chứng cụ thể chứ không phải các phỏng đoán là điều cần thiết khi nói về các sự kiện liên quan đến an ninh mạng, ” Bân nói.

Bắc Kinh thường xuyên phủ nhận việc tham gia vào bất kỳ nỗ lực điện tặc nào được nhà nước hậu thuẫn, và nói rằng họ mới là nạn nhân của những mối đe dọa như vậy.

Người phát ngôn của Vatican không đưa ra bình luận ngay lập tức. Phái bộ Tòa Thánh tại Hương Cảng cũng chưa trả lời các yêu cầu bình luận của Reuters.

Vụ tấn công điện tặc này được báo cáo sau cuộc gặp gỡ cực kỳ hiếm hoi giữa Bộ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc là Vương Nghị (Wang Yi-王毅) và Đức Hồng Y Pietro Parolin hồi đầu năm nay tại Đức, đánh dấu cuộc gặp gỡ chính thức cấp cao nhất giữa hai bên trong nhiều thập kỷ.

Quan hệ giữa Vatican và Trung Quốc về bề mặt được xem là cải thiện - mặc dù các bách hại vẫn không ngừng nghỉ - và hai bên dự kiến sẽ gia hạn thỏa thuận tạm thời về hoạt động của Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc vào tháng 9 này.

Một nguồn tin từ một giới chức thẩm quyền của Vatican nói với Reuters rằng một phái đoàn Trung Quốc được dự kiến sẽ đến thăm Vatican như một phần trong các cuộc đàm phán tiếp tục nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ sang Rôma vì sự bùng phát của coronavirus.

Nguồn tin này đã nói với Reuters trước báo cáo về vụ tấn công của điện tặc Trung Quốc, cho biết vẫn chưa rõ liệu thỏa thuận sẽ được tự động gia hạn vì đại dịch hay không, và nếu có thì sẽ gia hạn trong bao lâu.

Theo thông tấn xã Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, có lẽ Trung Quốc muốn thăm dò phản ứng của Tòa Thánh sau khi đã buộc được 3 Giám Mục thầm lặng gia nhập Hội Công Giáo Yêu Nước để đổi lấy việc bọn cầm quyền công nhận các ngài.

Chỉ trong tháng 6 và đầu tháng 7, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã lần lượt chiêu hồi được Đức Cha Phaolô Mã Tồn Quốc (Ma Cunguo - 馬存國) của giáo phận Sóc Châu (Shouzhou -朔州), Đức Cha Phêrô Lý Huệ Nguyên (Li Huiyuan - 李慧源) của giáo phận Phượng Tường (Fengxiang - 凤翔) và Đức Cha Lâm Gia Thiện (Lin Jiashan - 林家善) của giáo phận Phúc Châu (Fuzhou -福州). Cùng với việc ra “hồi chánh” của các vị này, 3 giáo phận thầm lặng bị xóa sổ tại Hoa Lục.


Source:Reuters
 
Thật ngỡ ngàng khi tìm ra hung thủ đốt ngôi nhà thờ chính tòa
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:19 30/07/2020
1. Đức Bênêđíctô XVI ca ngợi “âm nhạc vinh tụng ca” của Bach trong liên hoan âm nhạc ở Leipzig

Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 đã lên tiếng ca ngợi “âm nhạc vinh tụng ca” của Johann Sebastian Bach trong một thông điệp gởi tới một liên hoan âm nhạc ở Đức.

Trong một tuyên bố đưa ra hôm 27 tháng 7, ban tổ chức Festival nhạc Bach 2021 ở Leipzig, cho biết Đức Bênêđictô XVI bày tỏ sự hài lòng khi thấy lễ hội sẽ bao gồm một trường ca của Bach có tên là “Đấng Thiên Sai”, trong đó nhà soạn nhạc dùng tài năng âm nhạc của mình để ghi lại cuộc đời của Chúa Giêsu qua âm nhạc.

Đức Bênêđictô viết: “Nét đặc thù của lễ hội này là nó đã tổng hợp các tác phẩm của Bach liên quan đến cuộc sống và công việc của Chúa Giêsu Kitô thành Nazareth vào một tổng thể, và, do đó, đem đến cho chúng ta cái nhìn của Bach về ‘Đấng Messiah’”.

Liên hoan Bach sẽ được tổ chức từ ngày 12 đến 15, tháng 6, năm 2021, với chủ đề “Ơn Cứu Chuộc”. Trường ca “Đấng Thiên Sai” của Bach sẽ được trình tấu trong 11 buổi hòa nhạc kéo dài đến bốn ngày trong các nhà thờ của Leipzig, thành phố ở miền đông nước Đức, nơi nhà soạn nhạc qua đời năm 1750. Trường ca sẽ bao gồm 33 bản cantat của Bach, Bài Thương Khó theo Tin Mừng Thánh Matthêu, các bài liên quan đến Giáng sinh, Phục sinh và bài Ôratô Thăng thiên.

CNA tiếng Đức cho biết hai buổi biểu diễn nổi bật trường ca “Messiah” sẽ do George Frideric Handel trình tấu. Một trong hai buổi biểu diễn sẽ diễn ra tại nhà thờ chính tòa Halle, nơi nhà soạn nhạc chào đời.

Trong khi lên kế hoạch cho liên hoan âm nhạc này, giám đốc nghệ thuật Michael Maul đã đọc bộ ba cuốn “Chúa Giêsu thành Nazareth” của Đức Bênêđíctô thứ 16 được xuất bản trong giai đoạn 2007 và 2012 khi ngài đang trong cương vị Mục Tử Toàn Thể Đoàn Chiên Chúa.

Maul đã trao đổi thư từ với Đức Bênêđíctô XVI, mà cao điểm là thông điệp của Đức Giáo Hoàng danh dự gởi đến liên hoan âm nhạc này.

Các nhà tổ chức liên hoan cho biết vị Giáo Hoàng nghỉ hưu, năm nay 93 tuổi, nói với họ rằng ngài đã viết thông điệp trên hồi tháng Sáu năm 2019, “vì tôi không biết sức khỏe của tôi còn chống đỡ được bao lâu trước thử thách của thời gian.”

Trong thông điệp, Đức Bênêđíctô than thở rằng: “Đức tin đã sản sinh ra âm nhạc này và là đức tin mà Bach, trong tư cách là một nhạc sĩ, đã trung thành phục vụ, hiện đang tàn lụi và chỉ còn ảnh hưởng như một lực lượng văn hóa.”

“Là một tín hữu Kitô mộ đạo, ta có thể lấy làm tiếc trước sự suy giảm này, nhưng thật ra nó vẫn có một yếu tố tích cực. Vì thực tế là người ta vẫn còn chấp nhận âm nhạc này như một nét văn hóa, đó là kết quả của cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu và âm nhạc ấy mang nguồn gốc này mãi mãi”

“Chúng ta hãy nhớ rằng theo Bach, ‘sự kết thúc và cùng đích của lý trí’ của tất cả mọi thể loại âm nhạc ‘không gì khác hơn là vinh quang của Thiên Chúa và sự thanh thản của tâm hồn’. Và thực sự, âm nhạc vinh tụng ca của Bach đã làm chúng ta xúc động sâu sắc và tôn vinh Thiên Chúa, ngay cả khi ông không chính thức thể hiện qua đức tin.”

“Trong ý nghĩa này, chính những người chia sẻ đức tin với Bach có thể vui mừng và biết ơn rằng thông qua âm nhạc của ông, bầu khí đức tin, hình ảnh của Chúa Giêsu Kitô, sáng lên ngay cả khi chính đức tin không hiện diện.”

Đức Giáo Hoàng danh dự viết tiếp: “Và như thế đối với tôi có vẻ như có một quá trình hai chiều: đức tin đã tạo ra nền văn hóa, là điều tỏa sáng xa hơn nữa. Nhưng ngược lại, ngay cả ngày nay, nền văn hóa này vẫn truyền tải một cái gì đó có nguồn gốc của nó cho toàn thế giới. Đó là một cái gì đó giống với ‘hương thơm dễ chịu’ tỏa ra từ Chúa Kitô (x. 2Cr 2, 14f). Nó không có ý định truyền giáo; ‘hương thơm dễ chịu’ hiện diện vì mục đích riêng của nó, không có ý định, nhưng chính bằng cách này nó lại lan truyền ‘vinh quang của Chúa’”

“Như thế, chúng ta hết thảy, cả các Kitô hữu và những người ngoài Kitô giáo, các tín hữu và những người không có niềm tin, có thể để cho mình bị xúc động bởi vẻ đẹp, và biết rằng nó chỉ cho chúng ta đâu là chính lộ. Theo nghĩa này, tôi gởi đến anh chị em những lời chúc tốt đẹp nhất và những lời chúc chân thành của tôi đối với Lễ hội Bach 2021.”


Source:Catholic News Agency

2. Ngỡ ngàng trong vụ hỏa hoạn tại nhà thờ chính tòa Nantes: Người giúp lễ lại là người đốt nhà thờ

Một tình nguyện viên giúp việc trong nhà thờ, và cũng là một người giúp lễ đã thừa nhận phóng hỏa nhà thờ chính tòa Nantes. Diễn biến này gây kinh ngạc cho nhiều người.

Như chúng tôi đã đưa tin khoảng 7:30 sáng ngày thứ Bẩy 18 tháng 7, một vụ cháy lớn đã xảy ra tại nhà thờ chính tòa hai Thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ của thành phố Nantes cách Paris 380km về phía Tây Nam.

Những ngọn lửa lớn có thể nhìn thấy từ bên ngoài tòa nhà. Hơn 100 lính cứu hỏa đã đến nơi vào lúc 7giờ 44 phút và đã vất vả chiến đấu với ngọn lửa. Cuối cùng, họ đã khống chế được trận hỏa hoạn sau vài giờ.

Trong cuộc họp báo vào buổi chiều cùng ngày, Công tố viên Pierre Sennes cho biết lính cứu hỏa ghi nhận có đến 3 đám cháy bên trong ngôi nhà thờ. Do đó, họ tin rằng đây là một vụ cố ý phóng hỏa đốt nhà thờ.

Ngọn lửa đã phá hủy các cửa sổ kính màu và cây đàn đại phong cầm của ngôi nhà thờ có từ thế kỷ 15, gây ra thiệt hại không dưới 150, 000 Euros.

Khám xét hiện trường cảnh sát ghi nhận cửa không bị phá. Do đó, một thiện nguyện viên là người khóa cửa nhà thờ bị cảnh sát Pháp thẩm vấn vì nghi ngờ có liên quan đến vụ hỏa hoạn tại nhà thờ chính tòa Nantes đã được trả tự do.

Thiện nguyện viên này là một người tị nạn Rwandan 39 tuổi đã bị giam giữ sau vụ hỏa hoạn ngày 18 tháng 7 tại nhà thờ chính tòa Nantes /non-ts/. Công tố viện thành phố Nantes /non-ts/ cho biết anh ta đã được trả tự do vào tối Chúa Nhật 19 tháng 7.

BBC đưa tin, người đàn ông này, không được nêu tên, chịu trách nhiệm khóa nhà thờ một ngày trước vụ cháy. Anh đã bị giam giữ vào hôm thứ bảy và bị cảnh sát thẩm vấn để làm sáng tỏ một số điểm nghi ngờ.

Công tố viên Pierre Sennes của thành phố Nantes /non-ts/ nói với Reuters: “Anh ấy không có liên quan đến vụ hỏa hoạn. Những nghi ngờ của cảnh sát đã được làm sáng tỏ.”

Le Figaro trích dẫn Jean-Charles Nowak, một nhân viên tại nhà thờ, nói rằng người thiện nguyện viên này là “một người hăng say với nhiệm vụ” và đã “phải chịu đựng rất nhiều đau khổ ở Rwanda.”

Nowak nói với tờ Le Figaro: “Tôi không tin dù chỉ trong một giây rằng anh ta có thể đã phóng hỏa ngôi nhà thờ. Đó là một nơi anh ta rất sùng mộ”.

Tuy nhiên, trong một diễn biến đầy ngỡ ngàng, tờ Le Figaro cho biết một tuần sau đó, anh ta đã bị bắt trở lại và ngày 25 tháng 7, anh ta chính thức bị truy tố về “tội phá hủy và gây thiệt hại bằng cách phóng hỏa.”

Công tố viên Pierre Sennes cho biết trong một tuyên bố rằng tình nguyện viên này đã thú nhận tội lỗi với các cơ quan điều tra và khẳng định mình đã đốt ba đám cháy trong nhà thờ.

Ông Quentin Chabert, là luật sư của bị cáo nói với tờ Presse-Océan ngày 25 tháng 7 rằng:

“Thân chủ của tôi hiện nay chìm trong sự hối hận và kinh hoàng trước tầm mức thiệt hại của vụ hỏa hoạn.”

Khi được hỏi tại sao anh ta lại phóng hỏa nhà thờ, luật sư Quentin Chabert từ chối không đưa ra lời giải thích.

AFP báo cáo rằng tình nguyện viên này, cho đến nay vẫn chưa được công khai nêu danh tính, từng là một người giúp lễ, và chịu trách nhiệm đóng cửa nhà thờ chính tòa hai Thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ trong đêm xảy ra hỏa hoạn.

Anh ta phải đối diện với án tù lên đến 10 năm.


Source:Catholic News Agency

3. Úc đã 'cách mạng hóa vị thế của mình đối với Trung Quốc' bằng cách 'đứng về phía Hoa Kỳ

Giáo sư Joe Siracusa của Đại Học RMIT nói Úc đã “ cách mạng hóa vị thế của mình đối với Trung Quốc khi bác bỏ các yêu sách lãnh hải của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Úc đã tuyên bố các hành động của Trung Quốc, bao gồm việc xây dựng các đảo nhân tạo và các căn cứ quân sự trong tuyến đường thủy chiến lược, là không phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển và do đó là không hợp lệ.

Ông Siracusa nói với Sky News Australia rằng “trong quá khứ Úc đã từng thẳng thắn bày tỏ quan điểm nhưng chưa bao giờ đứng hẳn về một bên”.

“Lần này Úc đã đưa ra một quan điểm rõ ràng và đồng thời, chúng ta chọn vị thế đứng bên cạnh Hoa Kỳ.”

“Vì vậy, Trung Quốc thấy Úc tiến bước ngay phía sau Mỹ trong một quyết định không thể đảo ngược.”

Hôm thứ Bẩy 25 tháng 7, phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Ly Kiên (Zhao Lijian - 赵丽坚), cảnh cáo rằng Úc chẳng còn có thể làm gì để sửa chữa thiệt hại. Giáo sư Joe Siracusa nói “Nhận xét đó là hoàn toàn chính xác. Nhưng chúng ta không có ý định ngoái đầu nhìn lại như Trung Quốc nghĩ.”


Source:Sky News Australia