Ngày 30-07-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Của đời phù vân
Anmai, CSsR
09:14 30/07/2010
Chúa nhật 18 TN C

Gv 1, 2; 2,21-23; Cl 3, 1-5.9-11; Lc 12, 13-21

CỦA ĐỜI PHÙ VÂN

Con người, dẫu bất cứ là ai đi chăng nữa, khi lọt lòng mẹ xong thì điều cần thiết nhất đó chính là việc bú mẹ. Lớn lên một chút thì đứa bé đó được mẹ xay bột cho ăn dặm song song với việc bú bình. Lớn một chút nữa thì bé ăn cơm nghiền. Lớn một chút nữa thì bé ăn cơm như những người bình thường. Và khi lớn lên như một người bình thường thì nhu cầu cho cuộc sống nó cứ tăng dần theo. Khi lớn lên, ngoài chuyện ăn uống còn có nhu cầu học tập, sinh hoạt để rồi con người hết sức cần thiết với vật chất.

Không ai có thể phủ nhận được vị trí, vai trò của vật chất trong cuộc đời của con người thế nhưng bên dưới cái giá trị, vai trò của nó thì có vấn đề. Cái gì cũng có 2 mặt như đồng tiền cả. Nó có mặt trái và cũng có mặt phải. Mặt phải thì hết sức cần để có mà chi tiêu trong cuộc sống nhưng mặt trái của nó chính là con dao sẽ giết những ai cứ mãi chạy theo tiền tài, vật chất.

Nhiều và nhiều trang Thánh Kinh nói về sức mạnh cũng như khả năng công phá của vật chất. Một trong những trang nói mạnh về vật chất đó chính là sách Giảng Viên. Hôm nay chúng ta được nghe lại một đoạn hết sức ngắn mà Giảng Viên nói về vật chất. Ông Cô-he-lét nói: "Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân. Quả thế, có người đã đem hết khôn ngoan và hiểu biết mà làm việc vất vả mới thành công, rồi lại phải trao sự nghiệp của mình cho một người đã không vất vả gì hết. Điều ấy cũng chỉ là phù vân và lại là đại hoạ. Chuyện gì xảy ra cho con người sau bao mối bận tâm và bao gian lao vất vả nó phải chịu dưới ánh mặt trời ? Phải, đối với con người ấy, trọn cuộc đời chỉ là đau khổ, bao công khó chỉ đem lại ưu phiền ! Ngay cả ban đêm, nó cũng không được yên lòng yên trí. Điều ấy cũng chỉ là phù vân !

Cùng với áng văn Thánh Kinh nói về vật chất thì hôm nay chúng ta cũng nghe Thánh Luca thuật lại cho chúng ta về chuyện vật chất. Vật chất đã làm cho người ta cãi cọ, tranh giành. Trong gia đình, khi cãi nhau không được người ta mang ra ngoài để nhờ người xử. Chắc có lẽ thấy Chúa Giêsu là bậc thầy khôn ngoan hay cứ ngỡ Chúa Giêsu là quan tòa hay sao để rồi có một người trong đám đông đi theo Chúa Giêsu đã tiến đến để nói với Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi." Chúa Giêsu hết sức ngạc nhiên với lời đề nghị đó và Chúa Giêsu nói với anh ta: "Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh? "

Nhân dịp người ta đề cập đến chuyện phân xử của cải, sau khi đã từ chối việc phân xử thì Chúa Giêsu nhắc nhở cho mọi người rằng: "Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu."

Không chỉ dừng lại ở điểm này, Chúa Giêsu còn kể cho họ nghe dụ ngôn: "Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, mới nghĩ bụng rằng: "Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu! Rồi ông ta tự bảo: "Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã! Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: "Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai? Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó."

Dụ ngôn Chúa Giêsu kể hết sức dễ thương, hết sức minh bạch và cũng hết sức thực tế. Vấn đề lớn nơi cuộc đời của con người đó chính là phần hồm, đó là mạng sống chứ không phải vật chất.

Nói về vật chất thì nhiều người sẽ nói: Biết rồi ! Khổ lắm ! Nói mãi !

Biết rồi ! Khổ lắm ! Nói mãi đấy nhưng mấy người nhận ra giá trị thật của vật chất.

Chuyện bi đát là người ta biết vật chất là phũ phàng, vật chất là phù vân ấy nhưng con người cứ mãi chạy theo. Vật chất không chỉ bít lối vào Nước Thiên Chúa mà còn làm cho người ta bất hạnh ngay cả khi ở đời này. Người ta vẫn thường nói với nhau: tiền là bạc ! Câu nói đó ngụ ý rằng đồng tiền nó hết sức bạc bẽo với con người chứ nó chẳng mang lại hạnh phúc cho con người như con người tưởng tượng đâu.

Chuyện là có một gia đình kia, bề ngoài hết phồn vinh giàu có. Tưởng chừng hạnh phúc trên đống tiền ấy nhưng hoàn toàn ngược lại.

Bất hạnh ập đến khi người chồng phát hiện vợ mình đem tiền của chung của hai vợ chồng vun vén cho gia đình riêng của vợ. Người chồng gặng hỏi vợ mình là tại sao lấy tiền của chung đó mang về gia đình nhưng người vợ cứ lặng lẽ làm thinh. Người chồng tức quá muốn nhờ luật pháp chia tài sản nhưng người vợ vẫn lặng tiếng im hơi. Kể từ ngày chồng phát hiện ra vợ mình đem tiền của về nhà của vợ cũng chính là ngày mà gia đình rạn nứt. Người vợ vẫn im tiếng trước những lời to cũng có, nhỏ cũng có của chồng mình. Hai chữ hạnh phúc giờ đây sao khó tìm trong căn nhà thân thương ấy.

Lại một người kia, gia đình còn lại hai chị em, ba mẹ vừa qua đời thì người chị tìm cách “mời” người em ra khỏi nhà để đạt được căn nhà tổ ấy. Hai chị em không còn nhìn mặt nhau khi người chị đẩy người em ra khỏi nhà. Thừa hưởng được một căn nhà thật to mặt tiền đường của một con đường thật lớn đấy nhưng tình chị nghĩa em giờ cũng chẳng con. Hai chữ hạnh phúc cũng theo gót người em ra đi sau khi nhận được lời “mời” của chị.

Tiền bạc, vật chất nó bạc bẽo như thế đấy !

Tiền bạc vật chất ai cũng cần nhưng khi nhắm mắt xuôi tay có mang theo được cái gì đâu để mà vun với vén. Đến cái ngày nhắm mắt xuôi tay có muốn mang theo cái gì cũng chẳng thể mang theo được. Chuyện một vị thiền sư ở bên Tô Châu thật đáng suy nghĩ. Chuyện kể rằng ông để chiếc quan tài con trên bàn làm việc của ông. Làm gì vậy ? Khi hỏi ông thì ông nói rằng cuối cuộc đời của ông nó là cái này. Ông nhắm mắt xuôi tay thì ông phải vào chiếc quan tài này để rồi tất cả mọi chuyện trong cuộc sống trước khi quyết định ông nhắm đến nó. Suy nghĩ của ông phải chăng ông đã đi tìm cái gì bên kia thế giới chứ không phải là tìm những cái gì ở thực tại thế giới bên đây. Chính mỗi khi nghĩ về chuyện mình phải nằm trong chiếc quan tài như thế nào sẽ chỉ dẫn những hành động của ông.

Kinh nghiệm về cuộc đời, nghĩ về cuộc đời như vị thiền sư bên Tô Châu có lẽ trùng với suy nghĩ của Thánh Phaolô. Thánh Phaolô vừa gửi đến chúng ta đôi lời tâm sự trong thư của Ngài gửi tín hữu Côlôsê: Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới. Thật vậy, anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Ki-tô nơi Thiên Chúa. Khi Đức Ki-tô, nguồn sống của chúng ta xuất hiện, anh em sẽ được xuất hiện với Người, và cùng Người hưởng phúc vinh quang. Vậy anh em hãy giết chết những gì thuộc về hạ giới trong con người anh em: ấy là gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu và tham lam; mà tham lam cũng là thờ ngẫu tượng. Anh em đừng nói dối nhau, vì anh em đã cởi bỏ con người cũ với những hành vi của nó rồi, và anh em đã mặc lấy con người mới, con người hằng được đổi mới theo hình ảnh Đấng Tạo Hoá, để được ơn thông hiểu. Vậy không còn phải phân biệt Hy-lạp hay Do-thái, cắt bì hay không cắt bì, an di, mọi rợ, nô lệ, tự do, nhưng chỉ có Đức Ki-tô là tất cả và ở trong mọi người.

Thật sự ra mà nói thì ai ai cũng biết cái bạc, cái bẽo của đồng tiền, của vật chất nhưng hình như đồng tiền và vật chất nó có một ma lực hết sức lớn. Chỉ có những ai để, những ai nâng lòng trí mình hướng lên trời thì sẽ bớt đi phần nào sự bám víu vào vật chất, vào thế gian.

Xin Chúa cho chúng ta nhìn lại cuộc đời và đặc biệt nhìn lại tất cả của đời này chỉ là phù vân để ta hướng lòng trí ta lên cùng Chúa. Xin cho chúng ta ý thức được Chúa chính là Chúa, là chủ cuộc đời ta để trong mọi sự ta hướng lòng lên tới Chúa như lời Chúa mời gọi.
 
Khoảnh khắc qúy giá
Pm. Cao Huy Hoàng
09:32 30/07/2010
KHOẢNH KHẮC QUÍ GIÁ
Suy niệm Lời Chúa CN 18. TN C

Sách Giảng Viên 1, 2 và 2, 21-23, ông Cô-he-lét đã nhắc nhở cho chúng ta về khoảnh khắc cuộc đời: “Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân”. Và đưa ra cho chúng ta một lời khuyên rất giá trị về việc không nên tham lam, không nên quá bám víu vào những của cải phù vân để rồi chuốc lấy tai họa là triền miên đau khổ: “Đối với con người ấy, trọn cuộc đời chỉ là đau khổ, bao công khó chỉ đem lại ưu phiền ! Ngay cả ban đêm, nó cũng không được yên lòng yên trí. Điều ấy cũng chỉ là “phù vân”.

Như thế thì bi quan quá chăng? “Tất cả là phù vân” thì cuộc đời ngắn ngủi nầy quả thật đang mang một nỗi sầu thảm ảm đạm khó lòng mà con người vượt khỏi?
Thiết nghĩ, ông Cô-he-lét không cố tình làm cho chúng ta hoảng sợ, nhưng ông muốn nói đến một khoảnh khắc quí giá.
Khoảnh khắc quí giá là khoảnh khắc ngộ ra cuộc đời là một khoảnh khắc.
Vì khi đã ngộ ra cái khoảnh khắc phù vân ấy, người ta có thể làm cho cái khoảnh khắc vô giá trị thành có giá trị lớn lao bằng cách dùng chính cái khoảnh khắc phù vân mà chuẩn bị cho một cuộc sống lâu dài viên mãn.
Thời gian thì vô hạn, nhưng đời người là một khoảnh khắc. và tất cả những gì là vật chất thuộc về cuộc sống con người vật chất cũng đều chấp nhận số phận khoảnh khắc của của đời người, một khoảnh khắc. Nhưng nếu nói tất cả chỉ là khoảnh khắc và không có gì tồn tại thì quả là đời người thật vô nghĩa. Và có lẽ nào Chúa Giêsu, con Đức Chúa Trời cũng làm một kiếp người vô nghĩa như vậy sao?
Không thể như thế được, vì chính Chúa Giêsu đã lăn mình vào một kiếp người mỏng manh, bé bỏng, khoảnh khắc và hay chết để giới thiệu cho con người đường đến một kiếp người ý nghĩa, vững bền, và sống viên mãn. Cuộc sống ấy dành cho những ai không nặng lòng tham lam bám víu vào những thực tại phù vân, khoảnh khắc, nhưng dùng chính những thực tại phù vân, khoảnh khắc ấy để chuẩn bị cho mình một thực tại vững chắc, muôn thưở.

Mở lòng cho chúng ta khỏi những điều hoảng sợ, thư gửi Côlôxê 3, 1-5; 9-11, Thánh Phaolô hướng dẫn giáo đoàn: “Anh em hãy tìm những gì thuộc thượng giới, nơi có Chúa ngự trị… Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm đến những điều ở dưới đất.”(Col 3, 1). “Anh em hãy giết chết những gì thuộc về hạ giới, như: dâm bôn, ô uế, dục tình, đam mê xấu xa, và tính tham lam hà tiện, tức cũng thờ quấy, những ngẫu tượng.” (Col 3, 5).

Lời Chúa hôm nay còn tích cực cho chúng ta niềm vui hơn nữa trong bài Tin Mừng khi Chúa Giêsu dạy: "Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu." Và qua dụ ngôn người phú hộ xây thêm kho lẫm để tích trử của cải ở đời, Chúa nói: "Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai? Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó”.
Có vẻ như Chúa Giêsu không nói câu nào phủ nhận giá trị của của cải vật chất, Ngài càng không bảo chúng ta ngưng ngay công ăn việc làm, càng không bảo chúng ta cứ thong thả ngồi chơi xơi nước vô công rỗi nghề chờ sung rụng, nhưng Ngài bảo chúng ta đừng quá bám víu lệ thuộc vào của cải trần thế vì “không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu”. Ngài dạy chúng ta phải “làm giàu trước mặt Thiên Chúa”

-Làm giàu trước mặt Thiên Chúa, đấng công minh chính trực, phải là “ làm giàu cách công minh chính trực”.

Có bao giờ bạn quí mến và quan tâm đến những người buôn thúng bán bưng, những mẹ con “ hủ tiếu gõ” đêm đêm trên phố, những cụ già lọm khọm bán vé số, những bạn xa quê nhễ nhại mồ hôi bên nồi bắp luộc bốc hơi, những người quét đường âm thầm trong đêm vắng lặng, những anh xe ôm ngồi vắt chân chữ ngũ ngáp dài chờ khách, những bà mẹ quê bên đàn gà, bên luống rau góp từng đồng tiền lẻ nuôi con ăn học, hoặc những người tật nguyền đang miệt mài từng bức tranh cát muôn màu…để kiếm sống qua ngày, qua bữa. Họ làm ăn nhỏ, vốn liếng nhỏ, lãi nhỏ, và thực sự nghèo khó, nhưng chưa hẳn đã nghèo khổ. Họ ngủ giấc bình an. Tâm hồn an bình vì họ đang sống công chính: sống bằng chính sức lao động của mình. Một khoảnh khắc quí giá để nhận ra sự nhỏ bé, chóng qua của cuộc đời
Cũng không thể quên những người đang thực sự dư ăn dư để nhờ những cố gắng nhỏ và biết chắt chiu tích lủy “làm khi lành, để dành khi bịnh”. Họ vừa siêng năng vừa biết sống cuộc sống vừa phải mà giàu lên. Chính họ là những người cảm thông với nỗi đau của những người nghèo khó vì họ đã đi qua đoạn đời khó nghèo. Họ giàu lên nhờ làm ăn cách công chính và vì thế, họ cũng vui vẻ sẻ chia với những người nghèo. Một khoảnh khắc quí giá được tận dụng để có một cuộc sống thơm hương công chính.
Có câu chuyện vui “nhỏ to” của dân cư mạng rằng: Việt Nam là một đất nước nhỏ, nhưng có thủ đô to. Trong thủ đô to có những con đường nhỏ. Trên những con đường nhỏ có những biệt thự to. Trong những biệt thự to có những cô vợ nhỏ. Những cô vợ nhỏ của những quan to. Những quan to có những cặp nhỏ. Trong những cặp nhỏ có những dự án to. Dự án to thường có hiệu quả nhỏ. Hiệu quả nhỏ mà thất thoát to. Thất thoát to mà án tù nhỏ...”.
Câu chuyện khôi hài nhưng nói lên phần nào một thực trạng làm giàu bất chính. Và ước gì đó không phải là cách làm giàu của các tín hữu Việt nam. Càng không phải là cách làm giàu của những người quyền cao chức trọng, quí tôn hùng tước. Giáo hội không thể tiêm nhiễm cách gian dối bất chính của ma quỷ ở đời, mặc dầu giáo hội sống giữa đời.

-“Làm giàu trước mặt Thiên Chúa”, Đấng Công Minh Chính Trực, là phải làm giàu đức công minh chính trực trong tâm hồn.

Giữa một xã hội đầy dẫy những xảo trá điêu ngoa, những gian dối lừa bịp cách công khai lộ liễu, xem thường luật pháp hoặc được chính luật pháp xã hội bảo kê, con người có quá nhiều cơ hội lao mình vào những điều bất chính vì tâm hồn không khao khát sự công chính, không quí chuộng sự công chính. Đời sống luân lý suy đồi từ tấm gương của những người mang tiếng là lãnh tụ, lãnh đạo, xuống đến bậc quyền bính áo mão vị vọng, thì làm sao ngăn được cho khỏi xuống đến tận dân đen. Có thể chúng ta đang giàu lên về của cải vật chất, về thế lực, về danh vọng, nhưng thực sự chúng ta đang nghèo xơ nghèo xác về sự công chính. Người ta đang bắt chước nhau làm giàu kiểu nầy trong một đất nước bị mang tiếng là nghèo nhất thế giới.

Thật đáng mừng vì còn có nhiều người làm giàu đức công chính nơi các Giáo xứ giữa những thành phố hoa lệ: các em học giáo lý và sống giáo lý ngay trong gia đình, trong trường học và giữa những trẻ em bụi đời, các bạn trẻ còn có những “điểm hẹn Giêsu”, những “nồi cháo tình thương”, những “sẻ chia yêu thương”, những “đoan hứa khiết tịnh” để nâng đỡ nhau quyết nói không với những điều bất chính, với những cám dỗ của cuộc đời.

Tuy nhiên, Lời Chúa hôm nay vẫn là một lời cảnh tỉnh khẩn cấp vì đang “có nhiều” chứ không phải là “tất cả” dân Chúa Việt Nam đang làm giàu đức công chính trong bối cảnh Việt Nam nhiễm khuẩn bất chính từ thượng tới hạ. Vì thế, thiết nghĩ, mỗi người cần mạnh dạn chiếu sáng sự công chính của Thiên Chúa ra trước mặt thiên hạ, để không ai trong chúng ta bị Thiên Chúa nguyền rủa: “Đồ ngốc”, vì không biết làm giàu trước mặt Thiên Chúa.

Đức công chính của Thiên Chúa còn bao gồm cả việc sòng phẳng: “của Thiên Chúa trả cho Thiên Chúa, của Cesar trả cho Cesar”. Trong khi đó, người tham lam không chừa một khoảnh khắc, có khoảnh khắc nào ôm đồm được cả Thiên Chúa lẫn cả thế gian thì vẫn cứ thản nhiên hai tay bắt cá mà không hề cảm thấy xấu hổ trước Thiên Chúa vì sự lừa bịp lộ liễu của mình.

Đức công chính của Thiên Chúa còn là Đức Bác Ái, yêu thương tha nhân như Thiên Chúa đã yêu. Vì thế việc làm giàu trước mặt Thiên Chúa đồng nghĩa với việc sẻ chia cơm áo cho những người đang túng thiếu, nghèo đói. Khoảnh khắc quí giá là khoảnh khắc không giữ lại cho mình những gì là phù vân, những gì không muôn thưở, mà giữ cho mình thanh thản một tình yêu thương mang dáng hình của Thiên Chúa tình thương để được cùng Ngài sống vui muôn thưở trong tình thương, trong Nước của Thiên Chúa ”không phải là chuyện ăn chuyện uống, nhưng là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần”. (Rm 14:17)

Khoảnh khắc phù vân đang là một khoảnh khắc quí giá để chúng ta sở hữu Nước Thiên Chúa.

Lạy Chúa, Xin cho con được nghe Chúa nguyền rủa con là “đồ ngốc” khi con kịp còn một khoảnh khắc mong manh. Con không muốn Chúa nguyền rủa con là “đồ ngốc” khi không còn khoảnh khắc quí giá nào nữa.

Để kết, xin chia sẻ bài thơ:

HÃY CHO TÔI LÒNG THAM

Tôi thiếu mọi thứ trên đời
Thiếu danh dự, thiếu niềm vui, thiếu tiền, thiếu bạc
Thiếu cả một mảnh tình bươm rách
Thiếu tình thương, thiếu phương tiên, thiếu tiện nghi, áo chức, mũ quan
Tôi thiếu cả công ăn việc làm …

Nhưng xin hãy cho tôi lòng tham lam
Lòng tham lam siêu phàm
Tham lam những gì tay tôi không sờ mó được,
Mắt tôi không thấy được, và tai cũng chẳng nghe gì
Toàn ngũ quan tôi không cảm giác được chi
Nhưng linh hồn tôi rung lên vì sung sướng

Hỡi các thánh có lòng tham lam cao thượng
Hãy chỉ cho tôi kho báu ngàn đời
Hãy xin cho tôi lòng tham lam yêu người
Yêu cho thỏa lòng tôi
Yêu tất cả và cho đi tất cả
Cả người không yêu tôi
Người hoan hô, người đả đảo
Người bôi nhọ, người tôn vinh
Người xấu, người xinh, người giàu sang, người tất tả
Người đọc kinh to, người cầu nguyện nhỏ
Người làm thuê, người ở đợ, người ở chợ, ở quê
Người hút hít ma túy, người chích choác xì ke
Người ngủ ở bến xe, người an phè nơi khách sạn
Người bán cái xuân xanh, người lầm lỡ, người tị nạn ….
Tất cả mọi người, người của đảng, người của dân
Tôi tham lam yêu, yêu bằng cả tinh thần
Dâng hiến và cho người hạnh phúc

Hỡi các Thánh từng tham lam chịu nhục
Hãy xin cho tôi lòng tham lam yêu người
Dù có vô duyên
Trên môi tôi vẫn nở những nụ cười
Và khúc yêu đời tôi vẫn ru vẫn hát
Tình yêu tôi sẽ là thơ là nhạc
Cho người sầu vơi, cho người thù vơi

Hỡi các Thánh có lòng tham lam tuyệt vời
Xin chỉ cho tôi đường lên trời vô tận
Có phải con đường không thù không hận
Con đường bao dung, nhân ái thứ tha
Hãy xin cho tôi lòng tham lam hiền hòa
Chậm giận hờn, mau bỏ qua, quên lầm, quên lỗi
Không lên án ai là người có tội
Trừ khi người ấy chính là tôi

Hãy xin cho tôi lòng tham lam của cải trên Trời
Không mối mọt, không phù vân, không giả dối
Để khi tất cả phải biến thành tro bụi
Tôi còn lại cho mình một chút tôi
Không bỏ công tôi đã tham lam một đời

Hãy cho tôi sống với những người hằng sống
Nhờ chẳng tham lam được sống riêng cho mình

Tôi thiếu mọi sự làm nên cuộc phù sinh
Để nhẹ nhàng bay vào cõi trời vĩnh cữu…


PM. CAO HUY HOÀNG
Sài-gòn 29-7-2010
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:19 30/07/2010
NÓI LUNG TUNG

N2T


Thái úy Vương Diễn của thời nhà Tấn, sinh ra là một nhân tài, với lại tài trí hơn người, thời ấy có thể nói là một người nổi tiếng. Ông ta thường cầm một cái phất trần bằng ngọc bính, đi khắp nơi đàm luận với mọi người về học thuyết của Lảo tử và Trang tử, nói một vài việc không thực tế. Không những ông ta có tài nói mà phản ứng cũng rất nhanh, trong khi ông ta đàm luận với người khác, nếu phát hiện khi đàm luận có chỗ mâu thuẩn trước sau bèn thuận miệng sửa chữa, và không có quan điểm nhất định, người thời ấy bèn giễu cợt ông ta về phong cách nói chuyện này, giống như dùng từ viết vẽ lung tung cho nhanh vậy, cho nên mới gọi ông ta là “nói lung tung trong miệng”. (Giấy thời cổ là màu vàng, khi người xưa viết sai chữ, thì thường dùng tẩy xóa lung tung xong thì viết lại, rất dễ thay đổi).

Suy tư:

Con người ta, khi uống rượu thì ăn nói lung tung không đầu không đuôi, thường làm trò cười cho thiên hạ; con người ta, khi có chút chức quyền mà không có sự khôn ngoan thì thường phát ngôn bừa bãi, nên thường làm “nhức đầu” những bậc trí thức thấp cổ bé họng…

Có hai loại người thường ăn nói lung tung, một là loại người không có công trạng gì mà được đề bạt làm đầu ngành, hai là loại người mà hào quang chiến thắng của quá khứ vẫn cứ phảng phất kéo dài, trong đầu mà không nhìn thấy thực tế công việc của ngày hôm nay, cả hai loại người này thường có một điểm giống nhau là kiêu ngạo và hợm mình.

Không ai thích người ăn nói lung tung và cũng chẳng ai kính trọng người phát ngôn bừa bãi, bởi vì như thế là làm hạ phẩm giá và danh dự của mình.

Người Ki-tô hữu càng ăn nói chín chắn hơn những người khác, bằng không thì chẳng ai nhìn thấy Chúa Giê-su nơi con người của họ.

---------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (CN 18 C)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:24 30/07/2010
CHỦ NHẬT 18 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: Lc 12, 13-21

“Những gì ngươi sắm đó sẽ về tay ai ?”


Bạn thân mến,

Cuộc sống của con người thật đẹp nhưng cũng thật là phù vân, phù vân là gió thổi mây bay tan trong vũ trụ bao la, phù vân là tụ lại rồi tan nhanh khi có cơn gió thổi tới. Đời sống là phù vân, tiền tài danh vọng địa vị là phù vân, tất cả đều là phù vân, và mạng sống của con người ở trần gian này cũng chỉ là phù vân, phù vân như hoa cỏ sớm nở chiều tàn và trở về với nơi đã làm nên nó: bụi đất.

Tiền bạc là phù vân

Giàu có lắm thì cũng như phú ông tronng bài Tin Mừng là cùng: tiền bạc của cải không có nơi để cất giữ nên phải làm thêm kho lẫm để tích trử, nhưng ông ta không hề tích luỷ những việc lành phúc đức để khỏi phải hối hận trước toà phán xét của Thiên Chúa, thất khốn nạn khi đang hưởng thụ của cải tiền bạc mà Thiên Chúa đến đòi lại linh hồn, trở tay có kịp không ?!

Tình cảm cũng chỉ là phù vân

Con người ta sống cần phải có tình cảm: tình yêu vợ chồng, tình bạn, tình thầy trò.v.v…. tất cả tình cảm ấy đều là nhu cầu thiết thực của con người, để con người vươn lên sống với chức phận làm con người của mình. Nhưng những tình cảm thân thiết này cũng chỉ làm bạn với chúng ta cho đến khi quan tài của mình nằm trong mộ, thì cha mẹ, vợ chồng con cái, bạn bè thân thiết, bạn sơ giao, cũng tiếc nuối đưa tiễn chúng ta đến phần mộ rồi họ trở về, chứ họ không cùng đi với chúng ta qua thế giới bên kia, và rồi một vài tháng sau thì họ cũng sẽ quên mất người thân vừa qua đời của mình.

Việc làm tốt

Chỉ có một người bạn thân sẽ đi với chúng ta khi chúng ta từ giã cõi đời này, đó chính là những việc lành phúc đức mà chúng ta đã làm khi còn sống. Tiền tài danh vọng sẽ qua tay người khác khi chúng ta nhắm mắt, cha mẹ, con cái bạn bè và những người thân yêu, dù yêu thương chúng ta đến đâu chăng nữa, thì cũng chỉ đưa chúng ta ra đến phần mộ rồi họ trở về, nhưng những việc làm tốt đẹp có ích cho mọi người mà bạn và tôi đã làm khi còn sống, cũng sẽ có ích cho chúng ta khi chúng ta đến trước tòa Thiên Chúa để chịu phán xét…

Bạn thân mến,

Hôm qua và hôm kia tôi đã đi dâng thánh lễ ở hai viện dưỡng lão khác nhau trong khu vực tôi chịu trách nhiệm truyền giáo, tôi đã giúp cho những cụ già nhìn lại cuộc sống của mình:

Lúc còn trẻ thì bôn ba thức khuya dậy sớm để kiếm tiền và tích lũy bạc tiền cho mình và cho con cái, bây giờ tuổi đã cao, không được ở nơi nhà cao cửa rộng mà mình đã đổ mồ hôi để gầy dựng, con cái một hai tháng mới đến thăm một lần, nói qua loa vài chuyện rồi trở về với gia đình riêng của nó, tuổi già lụm khụm lui tới trong viện dưỡng lão cô đơn, mới thấy cuộc đời tiến tài danh vọng là phù vân và phù vân, do đó chúng ta chỉ còn có một công việc cần phải làm mà khi còn trẻ chúng ta không làm hay chưa làm tốt, đó chính là chuẩn bị thời giờ còn lại chăm sóc cho linh hồn mình bằng lời cầu nguyện và những việc làm tốt, có ích lợi cho linh hồn mình cũng như cho linh hồn người khác.

Chỉ có Thiên Chúa là Đấng hằng yêu thương và hằng ở cùng bạn và tôi trong mọi hoàn cảnh, chỉ có Thiên Chúa là Đấng làm cho cái phù vân trở thành lời ca chúc tụng Ngài trong cuộc sống của chúng ta, và chỉ có Thiên Chúa mới làm cho chúng ta không trở nên phù vân nhờ cái chết và sống lại của Chúa Giê-su.

Tiền tài, danh vọng và ngay cả mạng sống của con người cũng đều là phù vân nay còn mai mất, bon chen vất vả khổ cực cả đời rồi cũng tay trắng ra đi về với cát bụi…

Cái duy nhất còn lại và trung tín với chúng ta đó chính là những việc lành phúc đức mà chúng ta đã làm vì tha nhân mà thôi…

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

--------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:30 30/07/2010
N2T


56. Trong đau khổ chúng ta đi vào cuộc sống, trong lao lực sống qua cuộc sống này, và rời khỏi cuộc sống này trong sợ hãi.

(Thánh Augustinô)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:35 30/07/2010
N2T


490. Tự mình làm quyết định thì phải dùng tâm để làm.

 
Mặc cả
Trầm Thiên Thu
18:13 30/07/2010
Nói đến “mặc cả” là nói đến việc trả giá hoặc ngã giá khi mua bán. Có sự mặc cả xấu thì cũng có sự mặc cả tốt. Trong cuộc đời, nhiều khi chúng ta đã và đang dám cả gan “mặc cả” với Thiên Chúa, nhưng có khi chúng ta cứ tưởng là cầu nguyện!

Đôi khi chúng ta nghĩ về Thiên Chúa là người rất quan liêu. Khi chúng ta yêu cầu điều gì từ một cơ quan chính quyền, chúng ta đệ đơn theo thứ tự và chờ đến lượt mình. Có đến lượt cũng lâu. Nếu bị từ chối, đệ đơn lại thậm chí càng phải chờ lâu hơn – mỗi nơi chỉ một cửa, nhưng nhiều nơi.

Khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta có thể “đệ đơn” trực tiếp với Chúa, không cần qua trung gian. Quả thật, Thiên Chúa quá “bình dân”. Chúng ta nghĩ rồi sẽ được nhận lời. Nhưng câu trả lời của Chúa đôi khi có vẻ huyền bí, như thể điều may mắn xảy ra theo một chuỗi nguyên nhân (theo kiểu luật-nhân-quả).

Trong St 18:20-32, Tổ phụ Abraham đối diện Thiên Chúa với mối quan ngại về điều sẽ xảy ra cho thành Xô-đôm. Abraham hỏi: “Chẳng lẽ ngài tiêu diệt người lành một trật với kẻ dữ sao?”. Theo sự “mặc cả” của Abraham, Thiên Chúa chấp nhận tha chết cho dân thành Xô-đôm nếu có 50, 45, 40, 30, 20 người lành, thậm chí chỉ có 10 người lành. Và vì 10 người lành đó mà Thiên Chúa sẽ tha bổng cho cả thành. Sau đó Thiên Chúa đi và Abraham trở về nhà.

Đó là huyền nhiệm Tình Chúa dành cho nhân loại. Đứa con xấu xa nhưng tình mẫu tử thiêng liêng, người mẹ vẫn không ghét bỏ núm ruột của mình. Chính hổ dữ còn chưa ăn thịt con mình kia mà! Chưa thể hiểu hết tình mẫu tử thì chúng ta không thể nào hiểu thấu Tình Chúa. Ngài hết mực yêu thương, không thiên vị, nhưng Ngài cũng rất cương quyết và thẳng thắn, cái nào ra cái nấy, không a dua xua nịnh.

Abraham lễ phép và kính trọng Thiên Chúa, không đòi hỏi hoặc tán tỉnh Ngài, ông chỉ năn nỉ Chúa vì thương dân chúng, ông tin và ông cầu nguyện. Cầu nguyện rất đơn giản: Hướng tâm hồn lên và chân thành tâm sự mọi điều với Thiên Chúa.

Trong Phúc âm, Chúa Giêsu đã dạy các tông đồ cách cầu nguyện khi một trong các tông đồ nói: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện”. Và Ngài đã dạy lời cầu nguyện “tiêu chuẩn” nhất: Kinh Lạy Cha. Lương thực hằng ngày, sự tha thứ và sống tốt lành là những vấn đề “nóng” của cuộc đời, nói chung là cũng như các vấn đề Tổ phụ Abraham đã nêu. Bài học yêu thương không chỉ tóm gọn trong Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu còn dạy chúng ta đối xử với Thiên Chúa như một con người.

Trong Lc 11:1-13, Chúa Giêsu so sánh lời cầu nguyện như việc đánh thức người bạn vào ban đêm để hỏi đồ ăn. Người đó dù không vì tình bạn thì cũng vì bị quấy rầy và vì sự lì lợm mà sẽ cho chúng ta những gì chúng ta cần. Abraham cũng đã xin đi xin lại mãi một điều. Đó là bí quyết cầu nguyện: Kiên trì cầu nguyện liên lỉ. Thánh Augustinô nói: “Bao lâu chúng ta chưa thôi cầu nguyện là dấu chắc chắn Chúa đang thương”. Chúa Giêsu đã xác định: “Xin sẽ được, tìm sẽ thấy, gõ sẽ mở”. Xin không được, tìm không thấy, gõ không mở là lỗi của chúng ta.

Thiên Chúa không quan liêu theo kiểu cho hay không cho điều chúng ta xin, nhưng Ngài muốn liên hệ với chúng ta. Mọi mối quan hệ giữa con người với nhau đều đòi hỏi lòng chân thật. Nhưng mối quan hệ giữa Thiên Chúa với chúng ta có vẻ hơi thiếu thực tế. Nhiều lần chúng ta xin mãi không được, tìm riết không thấy, gõ cửa hoài không mở, có thể do chúng ta “ngã giá” với Ngài vì ích kỷ và chỉ yêu bản thân mình.

Chúa Giêsu đã minh chứng: “Ai trong anh em là một người cha mà khi con xin cá lại cho rắn, xin trứng lại cho bò cạp? Nếu anh em là những kẻ xấu mà còn biết cho con mình của tốt, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?”.

Tác giả Tv 138 đã thốt lên: “Khi con kêu cầu, Chúa thương đáp lại; Chúa cao cả nhưng vẫn đoái nhìn kẻ thấp hèn”. Còn Thánh Phaolô quả quyết: “Thiên Chúa đã ban ơn tha thứ mọi sa ngã lỗi lầm của chúng ta. Người đã xóa sổ nợ bất lợi cho chúng ta” (Cl 2:13-14).

Thiên Chúa không là người nói theo nghĩa đen, Ngài thấu suốt mọi điều dù chúng ta mới thoáng nghĩ. Ngài sẽ ban cho chúng ta công việc mà chúng ta cần, cơ hội mà chúng ta muốn, sự tự do và tình yêu khả dĩ cứu vớt tha nhân. Là Cha nhân lành, chắc chắn Ngài sẽ ban cho chúng ta những gì chúng ta cần. Đó là niềm xác tín.

Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu chia sẻ kinh nghiệm: “Muốn làm đẹp lòng Chúa, làm say mê Chúa, không khó gì, chỉ cần yêu Chúa và quên mình đi, đừng quá xét nét đến tội lỗi của mình. Một cái nhìn lên Chúa và nhận biết sự khốn hèn của mình là đền bù được tất cả”. Khi chúng ta thực sự “đầu hàng”, chân nhận Ngài là Cứu Cánh và chấp nhận mình yếu đuối, như Saolê ngã ngựa trên đường Damascus thì Ngài sẽ ra tay độ trì. Vâng, “thời gian là lúc Chúa chờ đợi để ăn xin tình yêu của chúng ta” (Simone Weil).

Ai cũng là tội nhân và luôn rất cần đến Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, vì “tất cả chúng ta đều phạm tội, ngay cả các tâm hồn đạo đức cũng chỉ chập chững tìm về Nhà Chúa qua con đường tội lỗi và thứ tha” (Thánh Y-nhã). Thiên Chúa luôn thấu hiểu, thông cảm và chấp nhận sự “mặc cả” của chúng ta.

Lạy Chúa, chúng con luôn bất túc và bất trác, nhưng chúng con luôn vững tin có Ngài ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế (Mt 28, 20). Tình Chúa thật huyền diệu!
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Các thảm dệt của Raphael được trả về Nguyện đường Sistine
Phụng Nghi
10:55 30/07/2010
ROME (Zenit.org).- Đây có thể nói là cuộc đoàn tụ lớn lao nhất mà chúng tôi có dịp tham dự.

Chiều tối ngày 14 tháng 7 vừa qua, chỉ trong một đêm thôi, một loạt những tấm thảm dệt do nhà danh họa Raphael vẽ kiểu, đã được trả về đúng chỗ của chúng tại Nguyện đưòng Sistine, để treo dưới những bức bích họa thời danh của Michelangelo. Đây là một quang cảnh chưa từng được ai chứng kiến kể từ năm 1983 là thời điểm kỷ niệm 500 năm ngày sinh của Raphael.

Một trong những cảnh tượng cảm động nhất của buổi chiều tối hôm đó là được thấy các phân bộ khác nhau của Viện Bảo tàng Vatican cùng hoạt động nhịp nhàng với nhau thật tốt đẹp. Mở đầu là cuộc họp báo để các vị: Antonio Paolucci, giám đốc Viện Bảo tàng Vatican, Arnold Nesselrath phụ trách quản thủ nghệ thuật thời Phục hưng, và Anna Maria DeStrobel quản thủ các thảm dệt và vải vóc, cùng thảo luận về những khía cạnh, những phương diện khác nhau của các công trình, trong một khung cảnh hòa điệu toàn hảo.

Hoạt động chiều tối hôm đó sở dĩ có được là nhờ hội các nhà Bảo trợ Nghệ thuật trong Viện Bảo tàng. Các vị này, dưới sự chỉ đạo của Cha Mark Haydu thuộc Legionary of Christ, và cảm hứng của Nesselrath, đã tổ chức cuộc trưng bầy đặc biệt 4 tấm thảm dệt của Raphael đem từ Viện Bảo tàng Vatican để sẽ triển lãm tại Viện Bảo tàng Victoria and Albert ở Luân đôn song song với các bản họa mẫu nguyên thủy (tiếng Anh gọi là “cartoons”) được chính nhà danh tài Raphael vẽ.

Cuộc triển lãm sẽ mở cửa vào ngày 8 tháng 9 sắp tới trùng hợp với cuộc tông du Anh quốc của Đức giáo hoàng Benedict XVI và sẽ bế mạc vào ngày 17 tháng 10. Các tấm thảm dệt thuộc bộ sưu tập của phủ giáo hoàng, còn các họa mẫu thuộc chủ quyền của nữ hoàng Elizabeth II. Các bản họa mẫu này được hoàng đế tương lai của nước Anh lúc đó, vua Charles I, mua tại Genoa năm 1623 với giá 300 bảng Anh và được Viện Bảo tàng Victoria and Albert mượn vĩnh viễn kể từ năm 1865.

Cuộc triển lãm tại Anh quốc này (xin coi trang mạng http://www.vam.ac.uk/exhibitions/future_exhibs/index.html) được vào cửa tự do, nhờ các nhà Bảo trợ Nghệ thuật và đặc biệt là của Michael và Dorothy Hintze. Nghĩa cử của các vị này làm ta nhớ lại lòng quảng đại lâu dài đối với nghệ thuật là truyền thống trong Giáo hội.

Các tấm thảm của Raphael được Giáo hoàng Leo X đặt cho ông thực hiện vào năm 1515, năm thứ hai triều giáo hoàng của ngài. Người tiền nhiệm là giáo hoàng Julius II đã để lại cho hậu thế những bích họa trên trần nhà nguyện Sistine của nhà danh họa Michelangelo và đã “khám phá” ra thiên tài của Raphael khi mướn ông vẽ các bức tranh ở các ngôi nhà ở của giáo hoàng. Julius mất trước khi Raphael hoàn tất công trình trong 4 căn phòng, nhưng giáo hoàng Leo X, lúc đó thật có ấn tượng tốt đẹp đối với nhà họa sĩ nên đã đặt cho ông này hoàn tất việc trang trí cho nhà nguyện Sistine, trong một khung cảnh cần đến một loạt những tài khéo khác biệt với những gì Michelangelo đã biểu hiện trên trần nhà.

Raphael được yêu cầu sửa soạn công việc họa mẫu về cuộc đời hai thánh Phêrô và Phaolô để đem dệt lên các tấm thảm. Ông đặc biệt chuẩn bị khổ giấy lớn cho cùng một kích thước với bức thảm sẽ dệt (343 cm x 432 cm – hoặc hơn 11 ft x 17 ft), và phải thực hiện các họa mẫu ngược chiều, vì thảm được dệt từ mặt sau. Trước đó Raphael đã làm nhiều bản khắc nên do đó quen với việc làm ngược chiều. Dầu vậy, trên bức tranh “Chữa lành người Què” (xin coi tại http://www.wga.hu/art/r/raphael/6tapestr/6healing.jpg), trong họa mẫu thì Thánh Phêrô nhấc tay phải của người bại liệt lên (như thuật trong Công vụ Sứ đồ 3:7) nhưng khi dệt trên thảm ta thấy Thánh nhân đưa cánh tay trái của y lên cao. Bức thảm này là một trong 4 tấm sẽ được triển lãm tại Luân đôn.



Các tấm thảm được dệt ở nước Bỉ tại xưởng của Peter van Aelst, được coi là nhà dệt thảm danh tiếng nhất thời bấy giờ. Cứ mỗi phân trên tấm thảm có tới 7 sợi dọc, nên một ô vuông mỗi bề một foot (khoảng 30 cm) phải mất cả tháng mới dệt xong. Đối với các tấm thảm do giáo hoàng Leo đặt làm, Aelst đã dùng những loại chỉ đặc biệt: tơ để phù hợp mầu sắc có đặc tính như sơn dầu (đáng buồn là nay mầu này đã phai lợt), chỉ vàng và chỉ bạc để lấp lánh đặc biệt theo ánh nến của Nhà nguyện. Aelst đã tận tình khó nhọc cho công trình này và bẩy tấm thảm đầu được hoàn tất vào năm 1519. Ba tấm sau làm xong năm 1521, nhưng giấc mộng của giáo hoàng Leo cho có được 16 tấm thảm để che kín những bức tường phía dưới đã không bao giờ thực hiện được. (Những tường này sau được treo những tranh họa ảo giác dưới triều giáo hoàng Sixtus IV). Giá cả của những công trình này gây choáng váng. Raphael được chi trả 1000 đồng tiền vàng, nhưng sản phẩm khi hoàn tất tốn phí đến 15 ngàn đồng, đắt gấp bốn lần chi phí trả cho họa phẩm vẽ trên trần nhà của Michelangelo.

Các họa mẫu để dệt cần nhiều chi tiết hơn đa số những bức tranh của Ý thời đó, nhưng Raphael đã hoàn tất được. Tấm thảm Người Què cho thấy cảnh quan đẹp đẽ nơi cửa Đền thờ Jerusalem, khi ông dùng những hàng cột cẩm thạch trang trí đẹp đẽ bằng các đường xoắn, tương tự như những cây cột chung quanh ngôi mộ Thánh Phêrô vào thời đó. Những hàng cột phân chia một cách toàn hảo hoạt cảnh được thuật lại: trẻ em kéo co và nhốn nháo ở phía trái, Thánh Phêrô và người bại liệt chiếm phần trung tâm, còn những người ăn xin tụ tập ở bên mặt, một người mặc bộ đồ rách rưới dường như tơi tả trước mắt chúng ta.

Một trong 4 tấm thảm có ý nghĩa nhất sẽ được triển lãm tại Luân đôn là "Maiestas Papalis," (xin coi tại http://www.vam.ac.uk/images/image/9120-large.jpg) mô tả cảnh Chúa Kitô bảo Thánh Phêrô “nuôi đàn chiên của Thày” và “hãy chăn chiên của Thầy” (Gioan 21: 15-17). Hình tượng Chúa Giêsu sáng láng với mầu trắng và kim loại vàng lấp lánh, tay mặt Người chỉ vào Phêrô đang quỳ dưới chân Người với chiếc chìa khóa, còn tay trái chỉ vào bầy chiên. Các tông đồ tụ tập quanh Chúa Giêsu và Phêrô, hơi tràn ra ngoài trung tâm, dường như phản ứng lại sức kéo trọng lực từ phía Chúa Kitô. Hình tượng này dường như được tạc sẵn cho cuộc tông du Anh quốc sắp tới của Giáo hoàng Benedict. Theo lệnh truyền của Chúa, người kế nhiệm của Phêrô sẽ mang của ăn cho đàn chiên đói khát của Người, bất chấp khó khăn, chối bỏ, và tuẫn đạo như trong trường hợp của Phêrô.

Bẩy tấm thảm hoàn tất nói trên đã được trưng bầy lần đầu tại Nguyện đường Sistine vào ngày 26 tháng 12 năm 1519 trước sự ngạc nhiên và thích thú của mọi người. Được treo trên tường, những tấm thảm này dường như làm căn phòng rộng thêm để cho người khách thăm có thể chứng kiến cuộc đời của hai Thánh Phêrô và Phaolô như được mở ra trước mắt họ. Được họa kiểu một cách hoành tráng và trang trí phong phú, chúng thực hiện được điều tưởng không thể làm được: kéo mắt người coi khỏi trần nhà và đặt tầm nhìn thẳng vào ngay trước mặt. Đây là lần đầu tiên, ít có người nghển cao cổ để nhìn các họa phẩm của Michelangelo, mà choáng ngợp bởi thế giới song hành của Raphael. Sự giản đơn trong điêu khắc của Michelangelo đã tái hợp với vẻ phức tạp trong hội họa của Raphael để biến nguyện đường thành một đêm huyền ảo với cái nhìn vào thiên quốc.

Tầm quan trọng của các họa phẩm do Raphael thực hiện được công nhận ngay sau đó. Trong khi hầu hết các họa mẫu đã bị hủy hoại trong tiến trình dệt thảm, nhưng 8 trong 10 họa mẫu của Raphael còn được duy trì, mặc dầu tính chất dễ bị hư hại của vật liệu. Còn các tấm thảm lại có một số phận phức tạp hơn. Bị phân tán vào nằm 1530, chúng được chuyển tới Constantinople, Tunisia và Pháp. Một số được thu hồi tại Venice, nhưng trong trường hợp tấm thảm về “Cái chết của Ananias”, thảm bị cắt làm bốn mảnh, và chỉ có hai phần được thu phục lại.

Tuy Raphael đã sống để thấy được công trình của mình được treo trong nguyện đường Sistine, nhưng ông không có cách nào biết được chính mình sẽ chết trong vòng 4 tháng sau đó. Ông bị giết bởi một người cuồng tín lúc ông mới có 37 tuổi. Cái chết của Raphael, và tiếp theo sau là sự qua đời của giáo hoàng Leo một năm sau đó, báo hiệu sự chấm dứt giai đoạn vàng son của thời Phục hưng. Trong lúc Raphael và Peter van Aelst đang cực nhọc để hoàn thành những tấm thảm này, thì Martin Luther đặt bút viết 95 Luận án mà chẳng bao lâu sau sẽ làm rách xơ xác tấm vải Kitô giáo.

Những tấm thảm dệt này, là công trình nghệ thuật cuối cùng của một Giáo hội Tây phương hiệp nhất, đã chưa bao giờ đến viếng nước Anh. Vào lúc tông huấn “Anglicanorum Coetibus” và các khoản dự liệu cho người Anh giáo được trở về với Giáo hội Công giáo, thì các họa mẫu của Raphael và các tấm thảm dệt đã được đoàn tụ sau 500 năm cách biệt.

Những hình ảnh mô tả hai thánh Phêrô và Phaolô truyền bá Tin Mừng bên cạnh nhau minh họa hùng hồn cho lời kêu gọi hiệp nhất của Đức Giáo hoàng.

* * *

Làm lu mờ

Những điều đó cũng như các tính chất thực sự có giá trị tin tức trong cuộc viếng thăm sắp tới của Đức giáo hoàng dường như đã bị mất đi trên các phương tiện truyền thống thế tục.

Benedict - con người Can trường như tờ báo Wall Street Journal đã có lần mệnh danh cho ngài – sẽ đi như tiên tri Daniel ngày trước vào một cái chuồng sư tử thật. Những kẻ thù được thả hoang như Christopher Hitchens và Richard Dawkins đã mài sẵn nanh vuốt để cấu xé xương thịt của vị Giáo hoàng khi ngài cố công đến với bày chiên của Chúa Kitô. Có bao nhiêu cụ già 83 tuổi sẽ thực hiện một sứ mạng làm nản lòng như thế?

Có lẽ một thứ sợ hãi nào đó đang bò lần vào trong tim những người vô thần do việc tuyên thánh sắp tới cho John Henry Newman, nhân vật lớn lao nhất đã cải đạo theo Công giáo vào thế kỷ 19. Newman đã đi từ chỗ thành lập phong trào Oxford của Giáo hội Cao cấp Anh giáo để trở thành một trong những nhà trí thức vĩ đại nhất của Giáo hội Công giáo, 4 công trình của ngài được trưng dẫn trong sách Giáo lý, được lựa chọn kỹ càng trước khi loan báo việc tuyên thánh. Với sự kiện là Newman đã có lúc chủ trương rằng Giáo hoàng là kẻ phản Chúa, người ta có thể thấy tại sao Dawkins và Hitchens (cả hai không ai được coi như đang đi tới được tầm vóc trí thức như Newman) lại nôn nao chộn rộn về việc người cải giáo vĩ đại này được đưa lên bàn thờ để tôn kính.

Trong khi rõ rệt chỉ là một đề tài ít quan trọng, nhưng việc đưa các tấm thảm của Raphael tới sẽ đề cao sức mạnh của vẻ đẹp để mang lại hiệp nhất. Các họa mẫu của hoàng gia, kề song song bên các tấm thảm của giáo hoàng, không nhấn mạnh đến những chia rẽ và thảm họa là một khía cạnh của 500 năm lịch sử, nhưng mà là cách thức mô tả thiên tài nhân loại và vẻ đẹp siêu việt có thể kéo con người lại gần nhau như thế nào.

Sau cuộc họp báo ngày 14 tháng 7, Viện Bảo tàng Vatican còn mở cửa cho công chúng đến thăm Nguyện đường Sistine và thưởng ngoạn hình ảnh tinh tế trên các tấm thảm của Raphael. Một dòng người du khách đều đặn tràn vào Nguyện đường, chen lẫn với các ký giả, nhân viên Tòa thánh, sử gia về nghệ thuật và các khách mời ưu tiên, nhưng những khác biệt về ngôn ngữ, học vấn và địa vị đã được quên đi để mọi người cùng chia sẻ một sự ngạc nhiên chung.

Chúng ta chỉ có thể hy vọng rằng lòng can đảm, sự đổi thay và vẻ đẹp, đã từ lâu đã tạo ra những áng văn chương lớn, có thể nhất thời làm lu mờ những câu chuyện về vụ tai tiếng.

* * *

Nguồn: Elizabeth Lev/Zenit

Bà Elizabeth Lev giảng dạy môn nghệ thuật và kiến trúc Kitô giáo tại trường Đại học Duquesne (khuôn viên Ý) và chương trình Nghiên cứu Công giáo tại trường Đại học Thánh Toma.
 
Giáo sư Kenneth Howell, từng bị đuổi vì dạy đúng lý thuyết Công Giáo, được mời dạy trở lại (kỳ 2)
Trần Mạnh Trác
12:00 30/07/2010
Khía cạnh tiềm ẩn của vấn đề

Sự việc GS Howell bị đuổi không đơn giản chỉ là một sự oan ức cá nhân, nó đặt ra nhiều câu hỏi cao hơn trên bình diện quốc gia về chính trị, luật pháp, xã hội, giáo dục và luân lý.

Vụ án Howell, xin được gọi như vậy mặc dù chưa xẩy ra việc kiện tụng, là một vụ điển hình của những bất công gây ra bởi phe cấp tiến mà nạn nhân phần đông là các giới chức Công giáo.

Và dĩ nhiên cuộc chiến thắng của Howell sẽ đem lại một tia hi vọng hay ít ra cũng xác định một lằn ranh mà người Công giáo có thể thỏai mái sống đức tin của mình.

Trên diễn đàn công luận, các khía cạnh tiềm ẩn trên được bàn tới bởi Tiến sĩ Bryan Berry, dạy môn báo chí tại nhiều đại học, khi ông phân tích các vấn đề nổi của vụ án.

Vấn đề đồng thuận và Luật luân lý tự nhiên

Vụ án khởi đầu với email của một sinh viên gửi cho khoa trưởng McKim khiếu nại về nội dung của một e-mail mà Howell đã gửi cho các sinh viên của mình vào ngày 04 Tháng 5 để giúp họ hiểu thêm về triết lý của chủ nghia thực dụng, là một trong nhiều đề tài phải ôn cho kỳ thi mãn khóa.

Chủ nghia thực dụng, Howell viết, là một "lý thuyết luân lý rộng rãi cho rằng một việc làm đúng hay sai là bởi vì những kết quả thiết thực của nó."

Trong họat động tình dục, lý thuyết thực dụng sử dụng các tiêu chí về sự đồng thuận để đánh giá hoạt động đó. "Người ta nói rằng hoạt động tình dục là không sai nếu hai hoặc nhiều người liên quan đồng ý," e-mail cho biết.

Với tiêu chí đó, Howell viết, thì sẽ là okay cho dù một con chó làm tình với chủ nó hoặc một em bé 10 tuổi có quan hệ tình dục với một ông 40 tuổi.

Ngược lại, Howell viết, "lý thuyết luật luân lý tự nhiên (NML) ... giả định rằng hành vi của con người đã có một ý nghĩa vốn có. NML nói rằng đạo đức phải là một phản ứng với thực tế "Và. Thực tế cho thấy rằng" đàn ông và đàn bà không hoán đổi cho nhau được ", nhưng" bổ sung cho nhau xét theo giải phẫu học, sinh lý học và tâm lý học. "

Để giúp học sinh hiểu quan hệ tình dục đồng tính là bất chấp bản chất của thực tế, Howell đã mô tả quan hệ tình dục đồng tính, trong đó, "theo sự hiểu biết của tôi... một người có xu hướng hành động như là 'một người nữ, trong khi người kia có các hành vi như là 'một người nam.' "

Bằng cách tham gia vào hành vi tình dục "mà các cơ quan của họ không được trang bị," họ có thể gây tổn hại cho các cơ quan của họ ", một bác sĩ đã nói với tôi," Howell viết.

Trong e-mail dài nhằm mục đích giúp sinh viên hiểu được hai nền triết lý cạnh tranh, Howell thảo luận rằng "qua các thế kỷ vừa qua... chúng ta đã dần dần tách rời bản chất tình dục của chúng ta (thực tế) ra khỏi các quyết định đạo đức của chúng ta. Vì vậy, người ta có xu hướng nghĩ rằng chúng ta có thể sử dụng cơ quan tình dục của chúng ta trong bất cứ cách thức chúng ta lựa chọn mà không quan tâm đến cấu trúc và ý nghĩa thực tế của chúng. "

Sách Giáo Lý Công Giáo dạy:

"Căn cứ vào Kinh Thánh vốn xem chúng như những suy đồi nghiêm trọng (x. St 19,1-29; Rm 1,24-27; 1 Cr 6,10; 1Tm 1,10), truyền thống HộiThánh luôn tuyên bố: "Các hành vi đồng tính luyến ái tự bản chất là thác loạn" (x. CDF, décl "persona humana" 8). Các hành vi này nghịch với luật tự nhiên vì loại bỏ chủ đích truyền sinh của hành vi tính dục, cũng không xuất phát từ nhu cầu bổ túc thực sự về tình cảm và tính dục. Những hành vi này không thể chấp nhận được trong bất cứ trường hợp nào." (số 2357).

"Những người đồng tính luyến ái cũng được mời gọi sống khiết tịnh. Họ có thể và phải cương quyết tiến dần đến sự toàn thiện Ki-tô giáo nhờ kinh nguyện và ân sủng bí tích, nhờ biết tự chủ để củng cố tự do nội tâm và nhờ sự nâng đỡ của một tình bạn vô vị lợi." (số 2359).

Phe chống Howell đã phản đối ầm ĩ về hai ví dụ của ông về con chó và em bé 10 tuổi. Nhưng phe bênh ông thì lập luận rằng các ví dụ là thích hợp với nguyên tắc sư phạm.

"Tôi có thể xem xét lại các ví dụ là có được lựa chọn đúng hay không," Howell nói. "Tuy nhiên, điểm chính không phải là các ví dụ nhưng là giúp các sinh viên suy nghĩ về các hệ thống tương phản của đạo đức. Những cố gắng đó chủ yếu là để giúp họ hiểu rằng quy luật luân lý tự nhiên là dựa trên một sự hiểu biết thông thường (common sense) với thực tế. Điểm chính của tôi là không bắt họ phải đồng ý với tôi, nhưng là để cho họ hiểu về luật luân lý tự nhiên. "

"Đánh giá con người của tôi chỉ bằng một e-mail là vô trách nhiệm và cho thấy sự thiếu hiểu biết về các chủ đề và bối cảnh mà email đã được viết ra, những suy luận như vậy là hoàn toàn phi lý", ông nói.

Howell cũng bác bỏ các cáo buộc rằng ông đã sử dụng lớp học để truyền giáo hoặc kết nạp sinh viên, và việc tài trợ của Trung tâm Newman là một xung đột lợi ích với nhiệm vụ là một giáo sư Đại học Illinois. Ông nói rằng, là giáo sư, ông đại diện cho trường đại học; là giám đốc của Viện Tư tưởng Công giáo, ông đại diện cho Giáo Hội. Ông và các đồng nghiệp trong quá khứ, trong đó có Msgr. Swetland, "đã làm việc rất nghiêm chỉnh để cho hai sự việc đó được giữ riêng biệt," Howell nói.

Đối với cáo buộc truyền giáo trong lớp học, "Tôi đã rất rõ ràng với các sinh viên trong mọi khóa học rằng họ sẽ không bao giờ bị phạt vì không đồng ý với tôi," Howell nói.

"Việc nghiên cứu học thuật về tôn giáo không nhằm mục đích thúc đẩy (hoặc thách thức) bất kỳ quan điểm nào về những vấn đề tôn giáo," một hướng dẫn trên mạng của khoa Tôn Giáo viết.

"Vai trò của tôi trong lớp là để dạy học sinh về Công giáo, và tôi thường làm thế từ hai quan điểm của người trong cuộc và ngoài cuộc," Howell nói. "Tôi thường xuyên bắt đầu với vị trí của người ngoài cuộc là chỉ trích Giáo hội Công giáo từ các quan điểm khác nhau và sau đó nói, 'Được rồi, một người Công giáo sẽ trả lời những điều này như thế nào?'"

Một số giáo sư dạy về đạo Hồi cũng thực hành Hồi giáo. Nhưng không giống như họ, là những người cũng tin rằng quan hệ tình dục đồng tính là sai, Howell đã "bị phạt vì tin vào những gì ông giảng dạy", theo lời của luật sư David Hacker, tư vấn cho Quỹ bảo vệ pháp lý cho Tự do học thuật (ADF, Alliance Defense Fund Center for Academic Freedom).

Tiêu chuẩn hòa hợp (Inclusivity, bao gồm)

Ngày 28 Tháng 5, McKim gặp Howell, đưa cho Howell một bản sao của email ngày 04 Tháng Năm của ông, và nói với ông: "Nhà trường có một quan tâm là không để ai bị đụng chạm."

"Giữa Robert McKim và tôi, chúng tôi luôn luôn có một mối quan hệ thân ái và tôn trọng lẫn nhau " Howell nói. "Chúng tôi đã không nói chuyện như những đối thủ nhưng như những đồng nghiệp. Tôi đáp lời ông ta, "Robert, ông là một nhà triết học. Một phần của nhiệm vụ giáo sư của chúng ta là thách thức các sinh viên suy nghĩ, công việc của chúng ta không phải là để làm cho họ cảm thấy thoải mái. Tôi không có ý xúc phạm người khác, nhưng đó là công việc trước hết của chúng ta. '"

Mặc dù sau cuộc họp đó, Howell vẫn nghĩ rằng vấn đề đã chưa giải quyết xong, nhưng theo một email mà McKim gửi cho ông sau này, ngày 02 tháng 6 "xin nhắc lại là đã có quyết định để một người khác dạy các khóa học Công giáo." McKim sau đó gửi e-mail cho tất cả các sinh viên trong khóa học của Howell rằng "Khoa Tôn Giáo và nhà trường tách mình ra khỏi" những quan điểm thể hiện trong email của Howell ngày 04 tháng năm.

Trả lời lời một yêu cầu được phỏng vấn, McKim cho biết trong email ngày 19 tháng 7: "Không phải là lúc tôi được tự do để thảo luận về vụ án.... Tôi nghĩ rằng ban giám đốc trường đại học sẽ có kết luận từ ủy ban giám hiệu... ... rất thực tình, tôi hy vọng rằng quá trình sẽ đem lại công bằng cho tất cả các bên. "

Trong e-mail, McKim gọi "[quyết định về Howell] là quyết định thực hiện của trường đại học", rõ ràng là nhiều quan chức khác của trường đại học đã tham gia vào quyết định giải nhiệm Howell.

Trong một e-mail, bà Ann Mester, phó khoa trưởng phân khoa Nghệ thuật và Khoa học Tự do, đã viết rằng "e-mail của Tiến sĩ Howell vi phạm tiêu chuẩn hòa hợp (inclusivity) của trường đại học, mà do đó cho phép chúng tôi không tiếp tục cho ông ta giảng dạy với chúng tôi. "

Thị trường tự do của các ý tưởng

Mặc dù lý do dẫn tới việc sa thải GS Howell là giáo lý công giáo về tình dục đồng tính và sự tin tưởng về giáo lý này của Howell, nhưng quỹ ADF và rất nhiều người ủng hộ Howell nhìn vấn đề trên những nguyên tắc khác: tự do ngôn luận, được bảo vệ bởi Tu Chánh Án thứ Nhất, và tự do học thuật.

"Sự sa thải của tôi là bất công và trong thực tế là sự phản bội tất cả những nghĩa vụ mà một trường đại học phải bảo vệ" Howell viết trong một email ngày 24 tháng 6 gửi cho các sinh viên cũ của mình. "Quyền Tự do ngôn luận của tôi đã bị vi phạm."

"Tiến sĩ Howell không bị giải nhiệm vì đơn giản là đã gửi một e-mail có tính cách sư phạm để giải thích và tiếp tục một cuộc thảo luận trong lớp ", LS Hacker cho biết. "Những gì thực tế xảy ra là Tiến sĩ Howell đã gửi một e-mail đến lớp học của ông, một người nào đó đã cảm thấy bị xúc phạm, và ông đã bị đuổi việc. Đó là vi hiến. "

Trong email cuối cùng gửi cho khoa trưởng McKim, mà không bao giờ được hồi âm, Howell đã viết, "Xin đừng đánh giá thấp quyết tâm của tôi về vấn đề này."

"Tôi biết quyền của tôi đã bị vi phạm", ông viết, "và tôi sẽ không đứng yên và để cho điều đó xảy ra."

Sự sa thải của Howell "là một vi phạm của nguyên tắc Jefferson về thị trường tự do của các ý tưởng," Msgr. Swetland đã vạch rõ ra. "Một trong những điều làm cho UI là một nơi tuyệt vời để giảng dạy khi tôi dậy ở đó là họ mở cửa hợp pháp cho thị trường tự do của ý tưởng. Bây giờ thì họ đang đặt vấn đề với thị trường đó. "

"Rất nhiều trường cao đẳng và sinh viên đại học ngày nay nghĩ rằng họ có thể bịt miệng những người mà họ không đồng ý ", theo LS Hacker "Họ không muốn nghe những điểm khác. Họ chỉ muốn được nhồi nhét những gì họ muốn nghe. "

"Trường hợp của Tiến sĩ Howell là một ví dụ, " ông nói thêm. "Ông đã giảng dạy về một chủ đề cụ thể. Một người nào đó không học trong lớp đã không đồng ý và muốn ông ta câm miệng."

"Đó là một mối nguy hiểm cơ bản mà chúng ta thấy đang diễn ra. Trên tòan quốc ngày càng có nhiều trường cao đẳng sử dụng những từ tốt đẹp như 'đa dạng' và khoan dung "," nhưng sử dụng chúng một cách sai trái để im lặng những quan điểm đối lập. Họ tạo ra những tiêu chuẩn để trừng phạt sinh viên và giảng viên để cấm cản những điều đúng hay xúc phạm. Đây thực sự là một bệnh dịch trong nền giáo dục cao đẳng. "

"Tôi tin tưởng ở nền giáo dục, nhưng hệ thống giáo dục này đang bị hư hại bởi các loại kiểm soát tư tưởng", GS Howell viết "Và đó là việc làm tổn thương cho tôi hơn cả. Tôi luôn luôn tin tưởng vào một loại giáo dục kiểu Socrate. Bạn đặt câu hỏi, bạn kiểm tra; bạn tìm ra lý lẽ thuận và chống. Tôi không mong đợi mọi người đồng ý với tôi, nhưng tôi mong đợi họ tham gia vào cuộc thảo luận hợp lý, nhưng ngày nay những cuộc thảo luận hợp lý như vậy đã bị khai trừ."

Mặc dù những tranh cãi là một việc đau đớn cho nhiều người liên hệ, một điều tốt đẹp đã xảy ra là, trong các cuộc thảo luận trên web, người Công giáo và đối thủ của họ đã tranh luận một cách có thực chất, về việc giảng dạy của Giáo Hội về tình dục đồng tính. Người Công giáo và các đồng minh của họ bảo vệ nội dung giảng dạy của Howell cũng như quyền dạy giáo lý Công giáo trong một khóa học về Công giáo.

"Trong sự quan phòng của Thiên Chúa, một cách nào đó Ngài đã chọn tôi tại thời điểm này để đơn giản làm một tiếng nói cho nhiều người đã bị im lặng," Howell nói.

Viện trưởng Hogan của viện ĐH UI thì nhìn vấn đề một cách khác: "Đây là một tình hình rất phức tạp, với nhiều cáo buộc đến từ nhiều góc độ khác nhau liên hệ đến tự do học thuật, phân biệt đối xử, và 'ngôn ngữ hận thù,'" ông đã viết trên email trả lời cho nhiều người.

Nhưng với cái nhìn của Howell và của những người ủng hộ, thì tình hình không có gì là phức tạp cả.

"Nhiều ánh đèn đã soi chiếu vào vụ án của Tiến sĩ Howell", theo lời Msgr. Swetland "và trường đại học thì trông rất xấu. tôi hy vọng họ tỉnh giấc và phục hồi chức vụ cho ông. Đó là điều đúng duy nhất mà rõ ràng họ phải làm. "

Diễn biến mới nhất

Và trường Đại học, sau khi vất vả tìm mọi cách để né tránh giải quyết vấn đề một cách vô vọng, đã phải mời GS Howell trở lại chức vụ cũ nhưng do quỹ nhà trường đài thọ.

GS Howell có tới ngày 4 tháng 8 để nhận lời.

Theo văn thư, ngày 28 tháng 7, của trường Đại học gửi cho ADF:

"Trường Văn chương, Văn hóa, và Ngôn ngữ học (The School of Literatures, Cultures, and Linguistics) sẽ liên lạc với Tiến sĩ Howell để cung cấp cho ông cơ hội giảng dạy cho lớp 127, Giới thiệu về Công giáo, với nhiệm vụ là thỉnh giảng viên (a visiting instructional appointment) tại Đại học Illinois, cho học kỳ mùa thu 2010. Tiến sĩ Howell sẽ được bổ nhiệm và được trả lương bởi trường đại học cho chức vụ giảng viên phụ khảo."

Đây là một diễn biến tốt, nhưng vẫn còn rất xa với việc trường Đại học thừa nhận những sai trái của mình, tuy nhiên bức thư có đề cập rằng việc điều tra của ủy ban Giám hiệu về quyết định bãi nhiệm Howell vẫn còn tiếp diễn.

Tổ chức sinh viên ủng hộ Howell hôm nay đã đưa ra một lời kêu gọi phải thận trọng. Tuy GS Howell đã được phục hồi cho học kỳ mùa thu, nhưng điều này không đảm bảo chức vụ vĩnh viễn (tenure) của mình, nghĩa là giống như các giáo sư phụ khảo tạm thời được thuê từng học kỳ một. Trên thực tế, trường hợp của GS Howell vẫn bị điều tra bởi Ủy ban Giám Hiệu có thể ảnh hưởng đến các hành động tương lai của ông trong lớp học, là có thể bị nghiên cứu rất kỹ mà cuối cùng sẽ phải xác định việc làm của mình cho nhiệm kỳ tiếp theo. Ngoài ra, mặc dù trường đại học không thừa nhận có lỗi và không rõ ràng đưa ra lỗi của GS Howell trong bức thư, trường đại học vẫn thấy cần thiết để "nhắc nhở" Howell về cách thức mà ông dự định giảng dạy, dường như ngụ ý rằng hành động trước đây của ông có thể được nhìn bằng một cách khác.

Luật sư David French của ADF hứa rằng họ "sẽ xem xét một cách cẩn thận để đảm bảo rằng quyền tự do học thuật của GS Howell được bảo vệ trong suốt quá trình này của nhà trường."
 
Đức Thánh Cha nhận xét bộ phim về triều đại ngài
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
13:47 30/07/2010
Đức Thánh Cha nhận xét bộ phim về triều đại ngài

ROMA - Trong những ngày nghỉ hè tại dinh thự Castel Gandolfo, chiều hôm qua, thứ Năm 29/07/10, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã dành thời gian để theo dõi một bộ phim nói về 5 năm trong triều đại của ngài.

Sau khi buổi chiếu kết thúc, Đức Giáo Hoàng không quên cám ơn Đài Phát Thanh Bavie đã tặng cho ngài cuộc hành trình tinh thần bổ ích này, qua đó được sống lại những khoảnh khắc đáng nghi nhớ.

Riêng đối với cá nhân, đây là những khoảnh khắc thật cảm động, đặc biệt lúc mà Thiên Chúa đặt trên đôi vai của ngài trọng trách của người kế vị Thánh Phêrô. Đối với sức con người thì không thể vác nổi, nhưng hoàn toàn nhờ vào sự trợ giúp của Thiên Chúa. Chính Người đã mang vác đỡ gánh nặng ấy.

Bình luận về bộ phim này, Đức Thánh Cha cho rằng sự đa dạng về nền văn hóa, đặc sủng, cũng như các ơn huệ khác nhau đã mang lại cho Giáo Hội sự phong phú. Mặc dầu có những khác biệt ấy nhưng mãi mãi chỉ là một Giáo Hội duy nhất.

Ngài cũng nói thêm rằng vị trí kế nhiệm thánh Phêrô mang lại sự hiệp nhất hữu hình và thực tiễn, trong sự đa dạng của lịch sử, trong sự hiệp nhất của hiện tại, quá khứ, tương lai và cho muôn đời.

« Chúng ta đã nhận thấy rằng ngày hôm nay Giáo Hội, dù cho tất cả, ngay khi phải chịu đau khổ, như chúng ta đã biết, thì cũng là Giáo Hội của niềm hân hoan. Đây không phải là Giáo Hội của sự già nua. Chúng ta đã thấy rằng Giáo Hội trẻ trung và đức tin mang lại niềm vui », Đức Thánh Cha nói tiếp.

« Chính vì lẽ đó mà tôi thấy ý tưởng rất đẹp và hấp dẫn khi chèn thêm bản giao hưởng thứ chín của Beethoven, của thánh thi niềm vui, vì điều ấy chỉ ra rằng đàng sau tất cả lịch sử sẽ có niềm vui của sự cứu chuộc », ngài tinh tế nhận xét.

Đức Thánh Cha cũng đã đánh giá « sự việc bộ phim được kết thúc bởi cuộc thăm viếng Mẹ Thiên Chúa. Qua đó muốn dậy chúng ta sự khiêm nhường, vâng phục và niềm vui mà Thiên Chúa ở cùng chúng ta ».

Sau cùng, Đức Giáo Hoàng nồng nhiệt cám ơn những ai đã đóng góp vào việc thực hiện bộ phim này, đặc biệt là giáo sư Gerhard Fuchs, nhà sản xuất; Michael Mandlik, tác giả kịch bản và cũng là người dựng phim.
 
Cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng trong tháng Tám
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
15:17 30/07/2010
Cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng trong tháng Tám

ROMA (Zenit.org) - Trong suốt tháng Tám, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI mời gọi các Kitô hữu cầu nguyện cho những người không có công ăn việc làm, không có nơi ở, cho tất cả những ai phải chịu đựng sự phân biệt đối xử, đói khát hay vì chiến tranh mà bị cưỡng ép di dân.

Những ý chỉ cầu nguyện này cho tháng Tám được ghi trong thư của Đức Giáo Hoàng và được trao phó cho Hội Tông Đồ Cầu Nguyện, một bước khởi đầu đã lôi cuốn khoảng 50 triệu người trên thế giới.

Sau đây là ý chung của tháng Tám: Cầu cho những người thất nghiệp và vô gia cư.

Để cho những người thất nghiệp, không nhà cửa và những ai sống trong những hoàn cảnh túng quẫn thấy được sự cảm thông và đón tiếp, được trợ giúp một cách thực tiễn để vượt qua những khó khăn của mình.

Và ý truyền giáo: cầu cho những ai bị phân biệt đối xử, những người đói khổ và những người di dân.

Để Giáo Hội là ngôi nhà cho tất cả mọi người, sẵn sàng mở rộng cánh cửa của mình cho những ai, vì bị phân biệt chủng tộc và tôn giáo, bị đói khát hay chiến tranh, mà buộc phải di tản sang những quốc gia khác.
 
Top Stories
Thailande: Les ONG et l’Eglise catholique s’inquiètent du rapatriement forcé en Birmanie des travailleurs clandestins kachin
Eglises d’Asie
09:29 30/07/2010
THAILANDE

Les ONG et l’Eglise catholique s’inquiètent du rapatriement forcé en Birmanie des travailleurs clandestins kachin


Eglises d’Asie, 30 juillet 2010 – Dans une lettre ouverte au Premier ministre thaïlandais rendue publique le 19 juillet dernier, plus d’une douzaine d’ONG locales et internationales ont demandé à la Thaïlande de stopper d’urgence les rapatriements forcés en Birmanie (1) des travailleurs migrants kachin et d’enquêter sur les persécutions dont ils sont victimes, une fois de retour dans leur pays.

Un grand nombre d’entre eux a déjà été renvoyé dans l’Etat Kachin, frontalier avec la Thaïlande, d’où sont originaires la quasi totalité des populations kachin (kayin) (2). Dès leur arrivée, ils y ont été dépouillés par le groupe militaire Democratic Karen Buddhist Army (DKBA), une milice karen ralliée à la cause de la junte, et bon nombre d’entre eux ont été remis entre les mains de trafiquants, dénonce, entre autres violations des droits de l’homme, le rapport des organisations humanitaires.

La déclaration de ces ONG, qui travaillent depuis longtemps avec les populations concernées, parmi lesquelles figurent Human Rights Watch, Thai Labour Solidarity ou encore State Entreprise Workers Relations Confederation of Thailand, rapporte également qu’une fois de retour en Birmanie, les femmes kachin se retrouvent piégées dans des réseaux de prostitution tandis que les hommes sont contraints de devenir porteurs dans l’armée birmane ou de travailler pour des trafiquants.

Dans un contexte tendu en raison des élections générales prévues à l’automne prochain, la répression de la junte envers les minorités et les opposants au régime ne cessent de croître. Selon l’ONU, au cours de l’année 2009, les persécutions militaires exercées dans l’Est du pays (régions shan, kachin et karen) ont provoqué le déplacement de plus de 100 000 personnes. L’Etat Kachin, où perdure une guerre civile larvée depuis les années 1990, a été particulièrement touché, la répression s’exerçant par le biais des différentes factions armées qui contrôlent la région (3).

Les rapatriements par Bangkok de migrants ou de réfugiés ayant fui le régime de la Birmanie se sont accélérés au cours de l’année 2010. Auparavant considérée comme une terre d’accueil privilégiée par de nombreux migrants d’Asie du Sud-Est, la Thaïlande a durci progressivement sa politique d’immigration. Par vagues successives, le pays a reconduit à la frontière, ces dernières années, de nombreux clandestins et réfugiés, dans les pays limitrophes d’où ils étaient issus.

Bangkok a notamment dû affronter la condamnation unanime de la communauté internationale il y a un an, lorsqu’elle a expulsé de force des milliers de réfugiés Hmong vers le Laos, où les attendaient les persécutions et, pour certains d’entre eux, la mort. L’opération, baptisée « grand nettoyage », avait été menée en deux jours par l’armée, qui avait vidé les camps et reconduit de force à la frontière plus de 4 000 Hmong dont la plupart étaient sur le territoire thaïlandais depuis trente ans. Les Nations Unies et de nombreuses ONG avaient demandé, en vain, l’arrêt immédiat d’une opération qu’elles dénonçaient comme étant en totale « contravention avec le droit international » (4).

Plus récemment, en février dernier, la Thaïlande avait rapatrié, également de force, près de 3 000 Karens qui avaient fui en 2009 les exactions de l’armée birmane. « La mise en place par le gouvernement, de mesures pour ‘purger’ le pays des travailleurs clandestins n’a pas seulement échoué à réduire l’immigration irrégulière (...) mais a également eu pour conséquence de faire commettre de graves violations des droits de l’hommes par les autorités comme par les employeurs, à l’encontre des migrants, qui sont en réalité les principaux piliers de la croissance économique de la Thaïlande », constate le P. Rangsiphol Plienphan, membre du secrétariat du diocèse de Nakhon Sawan (5).

« Les immigrés doivent affronter le fait de risquer leur vie lors des actions menées contre eux ou encore de tomber entre les mains de trafiquants, quand il ne s’agit pas de devenir victimes de la corruption systématique des représentants du gouvernement », poursuit le prêtre, qui a été plusieurs années au service des migrants venus de Birmanie.

Des convois de camions chargés de Birmans expulsés sont devenus un spectacle familier à Mae Sot, principal poste frontière entre la Thaïlande et la Birmanie. Dans cette ville de transit, Suree Vinitchop dirige l’école Santhawamaitri Suksa tenue par les sœurs de Saint-Paul-de-Chartres. Soutenue par le diocèse de Nakhon Sawan, cette école pour les enfants de travailleurs birmans a ouvert en 2004 et accueille aujourd’hui 200 élèves. « Les migrants sont complètement au ban de la société thaïlandaise, sans accès aux services publics comme la santé ou l’éducation, et sans reconnaissance d’aucun droit, même essentiel », explique la directrice, qui lutte pour que ses élèves puissent bénéficier d’un statut reconnu par l’Etat.

Parmi les récentes manifestations de l’inimitié croissante des Thaïlandais envers les immigrés birmans, une s’est tenue le 22 juillet dernier dans la province de Ranong afin de protester contre l’autorisation accordée aux migrants de Birmanie dont la situation est régularisée, de passer leur permis de conduire. Une décision qui, selon certains en Thaïlande, ne fera qu’accroître le nombre des clandestins et nourrir les réseaux de trafiquants (6).

(1) La Birmanie a été renommée Myanmar par la junte au pouvoir.

(2) Les Kachin (Kayin) forment un ensemble d’ethnies de langue tibéto-birmane, présentes essentiellement dans le nord-est de la Birmanie (où ils sont estimés à un peu plus d’un million), le sud de la Chine (Yunnan) et le nord-est de l’Inde. Selon le gouvernement birman, 57 % des Kachin de Birmanie sont bouddhistes, 36 % sont chrétiens, les autres appartenant à diverses religions. Le catholicisme fut introduit chez les Kachin par les prêtres des Missions Etrangères de Paris (MEP) il y a plus de 150 ans.

(3) La Constitution de 1947 avait fait de l’Etat Kachin une unité semi-autonome dans l’Union fédérale birmane, mais lorsqu’elle fut abolie en 1962, un gouvernement militaire kachin prit officieusement le pouvoir de l’Etat et organisa l’économie de la région autour du trafic de l’opium et du jade. En 1994, une offensive de l’armée birmane permit à celle-ci de reprendre le pouvoir sur l’Etat, provoquant l’éclatement de la guérilla kachin en de multiples factions armées. Aujourd’hui, le contrôle de l’Etat kachin est partagé entre différents groupes militaires, à la solde de la junte.

(4) Voir EDA 521

(5) Ce diocèse se situe dans la partie ouest de la Thaïlande, limitrophe avec la Birmanie.

(6) Info-Birmanie, 4 février 2010; Human Rights Watch, 19 juillet 2010; The Nation, 20 juillet 2010; Ucanews, 22 juillet 2010; Ucanews, 22 avril 2010.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Dòng Thánh Tâm Huế mừng lễ khấn dòng
Trương Trí
08:59 30/07/2010
DÒNG THÁNH TÂM HUẾ MỪNG LỄ KHẤN DÒNG.

Tiếp nối mùa Hồng Ân tại Tổng Giáo phận Huế, sáng ngày 30.7, Hội Dòng Thánh Tâm Huế long trọng mừng lễ Khấn dòng của 6 tu sĩ:

1/ Giuse Bùi Ngọc Bảo.

2/ Giuse Vũ Ngọc Cương.

3/ Giuse Trần Văn Điển.

4/ Phêrô Vũ Văn Hiến.

5/ Đaminh Trương Minh Quả.

6/ Phaolô Đổ Văn Thêm.

Theo chương trình, thánh lễ sẽ được khởi sự lúc 6 giờ, nên ngoài số thân nhân ở xa đã có mặt từ hôm trước, còn lại các linh mục và cộng đoàn dân Chúa trong phạm vi thành phố Huế thì đến từ lúc trời mờ sáng.

Xem hình dòng Thánh Tâm Huế mừng lễ khấn dòng

Trong bầu khí tỉnh lặng của ban mai, vang lên lời dẫn lễ của một Tu sĩ dòng Thánh Tâm mượn lời của nhạc sĩ Nguyên Kha: Lạy Chúa, tình yêu là dâng hiến lựa chọn hy sinh, con đây vì yêu Chúa, con đay vì lý tưởng dâng Chúa trọn tuổi xuân. Tận hiến theo Chúa là lẽ sống lựa chọn đời hy sinh. Con không hề nuối tiếc, trông mong được Chúa là hạnh phúc đời con. Xin cho con luôn can trường tiến bước, xin cho con luôn quảng đại dấn thân, đời dâng hiến dẫu gặp muôn cay đắng, xin cho con được chí khí kiên cường.

Trên mỗi gương mặt đều hiện rỏ tình yêu thương và lòng ngập tràn niềm hân hoan, hòa quyện tâm tình trong bài ca nhập lễ: “ Bước con lâng lâng diệu vọng đẹp ngời NIỀM VUI TẬN HIẾN. Trái tim con bây giờ mở ngõ ngày giao duyên, ướp muôn hương nhiệm lạ tình yêu, con hiến dâng Ngài, Ngài ơi!”

Chan hòa trong niềm vui đó, đoàn rước Đức Giám mục Phụ tá Tổng Giáo phận Huế F.X. Lê Văn Hồng chủ tế thánh lễ, Đức Đan Viện phụ Đan viện Thiên An Stêphanô Huỳnh Quang Sanh và các linh mục đồng tế tiến vào nhà thờ. Với sự tham dự của đông đảo tu sĩ nam nữ trong và ngoài giáo phận, cùng cộng đoàn dân Chúa hiệp dâng lời tạ ơn và cầu nguyện cho các Tân khấn sinh.

Mở đầu thánh lễ, Đức Giám mục phụ tá đã nói: “ Kỷ niệm 350 năm thành lập hai giáo phận Đàng Trong và Đàng Ngoài, 50 năm thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam, với các Giám mục chính tòa là người Việt Nam. Những kỷ niệm đó nói lên sự lớn mạnh và trưởng thành của giáo hội Việt Nam hôm nay, và một trong những điểm son của giáo hội Việt Nam hôm nay mà Đức Thánh Cha cũng như nhiều người nhắc tới: Đó là sự dồi dào và phong phú của ơn gọi, của ơn thiên triệu nói chung, và cách riêng ơn gọi tu sĩ nam nữ. Xin tạ ơn Chúa vì ân huệ quý báu này. Và hôm nay, một lần nữa chúng ta quy tụ nơi đây để tạ ơn Thiên Chúa và Thánh Tâm Chúa Giêsu, cầu nguyện cho các thầy sắp dấn thân trong đời sống Thánh hiến với nghi thức khấn dòng lần đầu. Đời sống thánh hiến là một ân huệ nhưng không,một món quà tình yêu mà Thiên Chúa đã trao ban cho giáo hội, nhưng Ngài chờ đợi nơi con người được gọi chọn một tâm hồn thiện chí, một đáp trả tích cực, sự dấn thân theo sát Đức Kitô bằng cách tuân giữ ba lời tuyên khấn: SỐNG KHÓ NGHÈO, VÂNG PHỤC và KHIẾT TỊNH. Các thầy đang cần sự trợ giúp tinh thần và lời cầu nguyện của cộng đoàn chúng ta để các thầy có thể trung thành với lời giao ước tình yêu này. Xin Thánh Tâm Chúa Giêsu là Đấng hiền lành và khiêm nhượng trong lòng ban cho các thầy sức mạnh và tình yêu để hân hoan bước theo Linh đạo của hội dòng Thánh Tâm, khiêm tốn và hiền lành trong tinh thần phục vụ, phục vụ Thiên Chúa và phục vụ con người.”

Trong phần nghi thức Tiên khấn, cha Đặc trách ơn gọi của Hội Dòng đã giới thiệu các khấn sinh lên Đức Giám mục phụ tá, Đấng đại diện Hội Thánh. Vì Dấn thân là một hành vi hoàn toàn tự do và tự nguyện để hiến dâng đời mình cho Chúa, do đó trước khi tuyên khấn, Đức Giám mục chủ sự đã thẩm vấn các khấn sinh: Để được hoàn toàn theo Đức Kitô, các con có muốn giữ Đức Thanh khiết vì nước trời, tự nguyện nắm giữ Đức Nghèo khó và lấy Đức Vâng phục làm của lễ dâng lên Thiên Chúa không?

Sau khi các Khấn sinh tuyên khấn ký thác đời mình cho Thiên Chúa bằng lời cam kết thiêng liêng, Đức Giám mục đã làm phép Thánh giá và trao cho các Tân khấn sinh. Ngài cũng đã trao sách Quy luật và Hiến chương hội dòng.

Sau thánh lễ, trước khi Đức Giám mục ban phép lành cho cộng đoàn. Cha Bề trên Tổng quyền Antôn Huỳnh Đầy đã thay mặt Hội dòng cảm ơn Đức Tổng Giám mục giáo phận, nhất là Đức Giám mục phụ tá là người luôn theo sát và nâng đở Hội dòng. Cảm ơn Đan Viện phụ và cha Bề trên Đại chủng viện, quý cha đồng tế, quý tu sĩ nam nữ đã hiệp dâng lời cầu nguyện trong thánh lễ hôm nay. Ngài cũng nói lời tri ân các vị ân nhân của Hội Dòng, cha mẹ các khấn sinh đã tin tưởng phó thác con cái cho Hội dòng, dâng mình cho Chúa để phục vụ giáo hội và mọi người.

Hiện nay, Dòng Thánh Tâm Huế có 34 tu sĩ vĩnh khấn, trong đó có 18 linh mục. 38 khấn sinh đã tuyên khấn lần đầu, 17 tập sinh, 14 thỉnh sinh và một số dự tu. Với tinh thần Mục vụ đổi thay phù hợp với hoàn cảnh xã hội hiện nay, Hội Dòng đã có những cơ sở khắp ba miền như: Bùi Chu, Thái Bình, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Long (Địa phận Phú Cường), Lộc Hòa, Sài Gòn. Riêng tại Tổng giáo phận Huế, Hội Dòng được Tòa Tổng Giám mục Huế giao trách nhiệm mục vụ tại các giáo xứ Bến Ngự (trước đây là giáo xứ Nhà Chung), giáo xứ Bình Điền, và giáo xứ Sơn Thủy A Lưới với ngôi nhà thờ đang trong thời kỳ xây dựng.

TRƯƠNG TRÍ.
 
Thánh Lễ An Táng Thân Phụ Linh Mục Phêrô Nguyễn Xuân Anh, Gp Phan Thiết
Tâm Phúc
09:10 30/07/2010
Thánh Lễ An Táng Thân Phụ Linh Mục Phêrô Nguyễn Xuân Anh, Gp Phan Thiết

Lúc 9g00 ngày 30.7.2010, tại Thánh đường Giáo xứ Bông Trang-Gp Bà Rịa, trong tâm tình chung chia niềm tiếc thương cụ cố Phêrô Nguyễn Văn Đại, là thân phụ của linh mục Phêrô Nguyễn Xuân Anh (hiện Quản xứ Long Hương, Gp Phan Thiết), Quý cha Hạt Trưởng cùng với khoảng 60 linh mục thuộc Giáo phận Phan Thiết và Giáo phận Bà Rịa, Quý Bề trên các Hội dòng, Quý nam nữ tu sĩ, chủng sinh, Quý Hội Đồng Mục Vụ các giáo xứ và cộng đoàn đã đến hiệp dâng Thánh lễ An táng và tiễn đưa cụ cố Phêrô về nơi an nghỉ cuối cùng tại nghĩa trang Giáo xứ.

Xem hình lễ an táng

Cụ cố Phêrô sinh năm 1919 tại Lưu Mỹ, Nghệ An đã được Chúa gọi về lúc 17g25 ngày 27.7.2010 tại tư gia thuộc giáo xứ Bông Trang, Gp Bà Rịa. Hưởng thọ 91 tuổi. Trong bài giảng, cha Giuse Nguyễn Văn Chữ dẫn từ câu chuyện “Chuẩn bị chỗ cho đời sau” để nói về cuộc đời mỗi con người trên trần gian chỉ như là lữ khách. Mọi sự thuộc về thế gian này rồi cũng qua đi. Chỉ có nơi Thiên Chúa là hạnh phúc vô tận Cuộc đời cụ cố Phêrô thể hiện điều đó, 3 lần chuyển nơi ở, cả đời lao động đầu tắt mặt tối để lo cho gia đình. Rồi cụ phải chứng kiến sự ra đi của con, của vợ và những ngày cuối đời nằm trên giường bệnh đau đớn rồi cũng ra đi với bàn tay trắng. Cuối cùng, thì chỉ có Nước Trời là nơi cụ hy vọng được hưởng hạnh phúc và sự sống bất diệt cùng với Thiên Chúa mà suốt đời cụ tôn thờ. Nhưng làm thế nào chúng ta có thể chuẩn bị được chỗ cho mình trong Nước Trời, cha Chữ nhắc nhớ cho cộng đoàn 2 điều mà chính Chúa Giê su đã dạy. Một là sống bài dạy Tám Mối Phúc và hai là sống Bí Tích Thánh Thể.

Linh mục Phêrô Phạm Tiến Hành sau phần hiệp lễ đã thay mặt linh mục đoàn GP Phan Thiết chia buồn với cha Xuân Anh. Trước đó, ngày 28.7.2010, Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống, Giám Mục GP Phan Thiết, quý cha Tòa Giám Mục đã đến kính viếng cụ Phêrô và phân ưu với cha Xuân Anh cùng tang quyến.
 
Giáo họ An Tiêm mừng ngôi thánh đường 100 tuổi
Trường Giang
09:26 30/07/2010
Giáo họ An Tiêm mừng ngôi thánh đường 100 tuổi

Sáng nay, 30/07/2010, Đức cha Phê rô Nguyễn Văn Đệ, Giám mục giáo phận Thái Bình dâng thánh lễ tạ ơn mừng kỷ niệm ngôi thánh đường giáo họ An Tiêm tròn 100 tuổi. Trước khi cử hành thánh lễ, tại tiền sảnh cuối nhà thờ, Đức cha có nghi thức cắt băng khánh thành tháp chuông, trước sự tham dự của quý cha, quý tu sĩ nam nữ trong và ngoài giáo phận, quý ân thân nhân, ân nhân xa gần và giáo dân An Tiêm hai miền Nam – Bắc.

Đôi dòng lịch sử giáo họ An Tiêm

Giáo họ An Tiêm tọa lạc tại thôn An Tiêm, xã Thụy Dân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

Vào khoảng năm 1872, Tin Mừng đã được gieo vào lòng đất An Tiêm và sớm sinh hoa kết trái. Sau 5 năm, thôn An Tiêm đã có 7 gia đình theo đạo Công Giáo. Thời kỳ đầu mọi người đã dựng một căn nhà ba gian bằng tre để làm nơi cầu nguyện sơm tối. Tới năm 1890, An Tiêm đã có tới 60 nhân danh, và thời gian này chính thức thành lập họ đạo với cái tên thân thương “An Tiêm”, trực thuộc giáo xứ Thượng Phúc, và nhận thánh An-na làm quan thầy.

Xem hình giáo họ mừng ngôi thánh đường

Năm 1893, do nhu cầu cần thiết của một giáo họ mới được thành lập, giáo dân trong họ đã dựng ngôi nhà thờ mới trên nền nhà thờ cũ, với 5 gian nhà tranh, vách đất.

Năm 1904, số giáo dân mỗi ngày một gia tăng, giáo họ An Tiêm lúc này có tới 12 dòng họ khác nhau: 7 dòng họ Nguyễn, 3 dòng họ Trần và 2 dòng họ Phạm. Mặc dù đã có nhà thờ làm nơi quy tụ để bà con sớm chiều vang lời kinh nguyện ca tụng Chúa, nhưng mỗi lần giông bão xảy ra thì nhà thờ lại bị hư hỏng nặng. Trăn trở vì chưa có nơi xứng hợp để thờ phượng, toàn thể giáo dân trong họ đã chung sức chung lòng, cùng nhau xây dựng ngôi nhà thờ mới chắc chắn hơn. Nhờ ơn Chúa giúp, cùng với sự hi sinh, góp của góp công của từng người, từng gia đình trong giáo họ, mà ngôi thánh đường đã được mọc lên. Ngôi thánh đường này được xây dựng theo lối kiến trúc Á-đông, bằng gỗ lim chắc chắn, lợp ngói nam, có tòa vàng rất đẹp và sang trọng, nhà thờ được hoàn thành năm 1910 trong niềm vui mừng khôn tả của bà con trong giáo họ. Từ đây, giáo họ An Tiêm có một ngôi thánh đường tuy bé nhỏ, nhưng vững chắc như một bảo chứng Đức Tin của người kitô hữu An Tiêm cho tới ngày nay. Năm 1948 giáo họ xây dựng một tháp chuông cao 13m, hoàn thành năm 1950. Năm 1986 một trận bão đã làm tháp chuông đổ phần ngọn, sau đó giáo họ tu sửa lại, nhưng đến năm 1992 trận bão lớn dữ dội hơn đã làm tháp chuông bị sập hoàn toàn. Cuối năm đó giáo họ đã xây dựng tháp chuông, nhưng vì tài chính eo hẹp không đủ để xây dựng tiếp, chỉ dừng lại ở một tầng. Năm 2009, giáo họ xây dựng lại tháp chuông mới cao 25m, và hoàn thành đúng dịp kỷ niệm trọng đại này (30/07/2010).

Giáo họ An Tiêm nối tiếp truyền thống đạo đức của các bậc tiền nhân trong đời sống Đức Tin, vun trồn ơn gọi linh mục và tu sĩ phục vụ Giáo Hội. Cho đến nay giáo họ đã có 3 linh mục đang phục vụ tại miền Nam: Linh mục Giuse Trần Văn Toản – Giáo phận Long Xuyên; linh mục Giuse Trần Văn Hùng – Giáo phận Xuân Lộc; linh mục Giuse Trần Văn Hà – Dòng Đaminh.

Thánh lễ tạ ơn và cắt băng khánh thành tháp chuông

9 giờ, Đức cha Phê rô chủ sự và đoàn đồng tế gồm các cha trong giáo phận; cha bề trên, cha phó bề trên tu viện Đaminh Mai Khôi, quý cha quê hương An Tiêm, quý tu sĩ nam nữ, chủng sinh và đông đảo giáo dân tiến ra thánh đường. Trước khi dâng thánh lễ, Đức cha chủ tế, cha Luca Nguyễn Văn Định – Hạt trưởng giáo hạt Thái Thụy (quản nhiệm giáo họ An Tiêm), cha Giuse Trần Văn Hùng – người con của An Tiêm và ông cố cha Hùng, cắt băng khánh thành tháp chuông, trong niềm vui dâng trào của hàng ngàn con tim đang quy tụ nơi đây.

Sau khi cửa chính thánh đường được mở ra, cộng đoàn tiến vào trong ngôi thánh đường cổ kính, nay đã tròn 100 tuổi, nhưng vẫn thể hiện sự chắc chắn, khỏe khoắn như thách thức với thời gian. Một vị đại diện giáo họ An Tiêm giới thiệu sơ lược về sự hình thành giáo họ An Tiêm, việc nỗ lực xây dựng ngôi thánh đường tồn tại đến hôm nay, cũng như sự phát triển đời sống Đức Tin của giáo họ.

Thánh lễ được bắt đầu, Đức cha chủ tế chúc mừng giáo họ An Tiêm, tuy nhỏ bé nhưng có bề dày lịch sử, và bảo chứng là ngôi thánh đường vẫn hiên ngang và tồn tại hơn một thế kỷ “dài hơn một đời người”, vị đại diện giáo họ phát biểu trong phần giới thiệu lịch sử. Trong bài giảng Đức cha ca ngợi công lao của tổ tiên đã để lại cho hậu thế, cho con cháu truyền thống giữ đạo, việc bảo tồn và giữ gìn ngôi thánh đường vẫn được chắc chắn và đứng vững như ngày hôm nay, cho dù có nhiều yếu tố làm tổn hại và hao mòn. Cuối bài giảng Đức cha nhắn nhủ, động viên cách riêng những người con của An Tiêm hãy noi gương các tổ tiên để sống và bảo vệ đời sống Đức Tin, cũng như ngôi thánh đường vật chất được tồn tại vững bền mãi mãi, mặc cho biển đời có nhiều cạm bẫy và cám dỗ.

Kết thúc thánh lễ, cộng đoàn cùng tiến về khuôn viên thánh đường cùng chung vui bữa cơm thân mật, nối kết tình yêu Thiên Chúa và tinh yêu con người trong tình hiệp nhất con cùng một Cha trên trời.

Trường Giang
 
Vatican đã bác bỏ nhiều đòi hỏi phi lý từ phía Việt Nam như thế nào trong Phiên họp hỗn hợp vòng 2 tại Vatican
Đồng Nhân
09:34 30/07/2010
Phiên họp hỗn hợp giữa Vatican và Việt Nam đã kết thúc hơn 1 tháng nay. Cả hai bên đều ra thông cáo gần giống nhau, đều coi đây là bước phát triển trong quan hệ song phương và đã có một thoả thuận là Toà thánh được cử một đại diện không thường trực đến Việt Nam. Thế nhưng còn rất nhiều chi tiết của phiên họp đến nay vẫn chưa được tiết lộ. Mới đây VietCatholic nhận được một số tin tức từ những nguồn tin đáng tin cậy cho biết về phiên họp này và một số những chi tiết "nhậy cảm" xin được ghi lại như sau:

Khác hẳn với phiên họp vòng 1 tại Hà Nội, Tòa Thánh đã chấp nhận một số những đề nghị từ phía Việt Nam liên quan tới Giáo hội Việt Nam thì trong phiên họp lần 2 Tòa Thánh chẳng những có thái độ không khoan nhượng với những lập luận phê bình Giáo hội từ phía Việt Nam, nhưng còn thẳng thắn bác bỏ hầu hết các đòi hỏi do đoàn Việt Nam đưa ra ở phiên họp vòng 2 tại Vatican.

Theo nhiều nguồn tin chúng tôi nhận được thì đoàn Việt Nam đã đề nghị Toà thánh cấm không cho Đức TGM Ngô Quang Kiệt về nước kể cả dịp đại hội các GMVN vào tháng 10-2010 và không bổ nhiệm vào bất cứ chức vụ nào ở Toà thánh. Vatican cho rằng, Đức TGM Ngô Quang Kiệt chưa bị tước quyền công dân Việt Nam nên Toà thánh không thể làm cái việc vi phạm nhân quyền và cả pháp luật Việt Nam nữa. Còn việc bổ nhiệm nhân sự ở Vatican, đó là công việc nội bộ mà Việt Nam không nên can thiệp vào giống như Vatican không thể đề nghị ông A làm Thủ tướng hay bà B không được làm Bộ trưởng ở Việt Nam.

Việt Nam cũng đề nghị Toà thánh cấm không cho dòng Chúa Cứu Thế hoạt động tại Việt Nam hay ít nhất không cho hoạt động tại Hà Nội giống như trước đây trong lịch sử Toà thánh đã rút dòng Tên khỏi Việt Nam, không cho hoạt động mục vụ ở Việt Nam vào cuối thế kỷ XVII. Vatican trả lời các dòng tu hoạt động theo tôn chỉ của Dòng và luật pháp ở từng quốc gia. Nếu họ sai pháp luật, xin các ngài hãy xử theo luật pháp, chúng tôi chỉ có thể nhắc nhở họ khi họ làm sai với tôn chỉ đã được Toà thánh phê chuẩn.

Về đề nghị của Việt Nam là Toà Thánh ra thông báo cấm các cuộc tập trung cầu nguyện đòi đất đai, tài sản như thời gian vừa qua và can thiệp kịp thời như vụ cầu nguyện ở Toà Khâm sứ, phái đoàn Vatican trả lời rằng: đất đai, tài sản của Giáo hội sở hữu một cách hợp pháp, Toà thánh kiên quyết bảo vệ và vẫn dứt khoát nêu lại đòi hỏi của các Giám mục Việt Nam là đòi lại quyền sử dụng hợp pháp Toà Khâm sứ ở Hà Nội và Giáo hoàng học viện Đà Lạt.

Toà thánh nhận định rằng nếu như Toà thánh có đại diện ở Việt Nam thì việc nắm bắt thông tin sẽ kịp thời và chính xác hơn thì sẽ sẽ đễ dàng có chỉ dẫn cụ thể cho từng vụ việc.

Lập trường của Toà thánh là luôn ủng hộ việc đòi hỏi chính đáng: việc đòi lại tài sản hợp pháp của Giáo hội Việt Nam trong tình thần ôn hoà, bất bạo động.

Việt Nam cũng đề nghị Toà thánh dừng tiến trình phong thánh cho Hồng y Nguyễn Văn Thuận vì “không có lợi cho đại đoàn kết dân tộc”, Vatican đã bác bỏ thẳng thừng và cho đó là vi phạm các thoả thuận giữa Vatican và Việt Nam ở vòng 1 vì chỉ có phong giám mục ở Việt Nam mới cần có sự đồng thuận của Nhà nước Việt Nam mà thôi.

Không khí họp căng thẳng tới mức phái đoàn Việt Nam đã xin tạm ngừng họp để xin ý kiến ở Hà Nội. Không biết Hà Nội chỉ đạo thế nào nhưng kết thúc đã thống nhất đề nghị Vatican được cử một đại diện không thường trực đến Việt Nam.

Tuy nhiên vị đại diện này có được tự do vào Việt Nam gặp gỡ các giám mục, linh mục giáo dân hay không? Có phải xin phép và báo trước lịch trình cho phía Việt Nam và được ở lại Việt Nam bao lâu hay bao lâu mới được đến Việt Nam một lần vẫn chưa thống nhất được mà phải chờ đến vòng ba họp tại Hà Nội vào năm sau.

Còn một số thông tin nữa chúng tôi đang kiểm chứng, đối chiếu nhưng với những gì biết được và khi nào thuận tiện sẽ trình bầy sau. Một số giáo sĩ Việt Nam ở Roma và một vài Giáo chức Giáo hội có ảnh hưởng ở Việt Nam rất nhiệt liệt hoan hô tinh thần làm việc thẳng thắn của phái đoàn Vatican tại phiên họp vòng 2 vừa qua.
 
Công Giáo An Giang Làm Chứng Cho Chúa Theo Tinh Thần Hai Thánh Tử Đạo Của An Giang
+ Gm. Gioan B. Bùi Tuần
18:08 30/07/2010
Thánh Phêrô Đoàn Công Quý và thánh Emmanuel Lê Văn Phụng đã hoạt động tôn giáo tại An Giang. Hai ngài đã chết vì đạo tại An Giang. Tới nay là 151 năm (31-7-1859 / 31-7-2010).

Hai thánh đã sống và chết, để đáp lại một ơn gọi. Chúa gọi các ngài hãy là những hạt lúa gieo vào An Giang và hãy chết trong lòng đất An Giang.

Chúa Giêsu phán: "Thật, Thầy bảo thật các con. Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình. Còn nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác" (Ga 12,24).

Đúng là hai thánh đã sinh ra nhiều hạt lúa mới làm nên một cánh đồng bát ngát Tin Mừng.

Cánh đồng này là cách sống đạo nhẹ nhàng mà phong phú. Nếu mỗi giáo đoàn thường có những nét riêng, thì Công giáo An Giang cũng có vài nét riêng, nhờ hai thánh An Giang để lại.

1/ Nét riêng thứ nhất là sự gần gũi đậm tình gia đình giữa linh mục và giáo dân

Đang khi nhiều giáo đoàn địa phương khác bảo vệ khoảng cách cơ chế giữa linh mục và giáo dân, thì Công giáo An Giang lại phát triển tinh thần gia đình giữa mọi thành phần trong cộng đoàn, đặc biệt là giữa linh mục và giáo dân.

Sự kiện này có vẻ không mới. Vì thánh Phaolô đã viết cho giáo đoàn Galata thế này: "Bất cứ ai trong anh em đã được thanh tẩy, để thuộc về Đức Kitô, đều mặc lấy Đức Kitô. Tất cả, không phân biệt Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà, tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô" (Gl 3,27).

Thánh Phaolô kêu gọi sự hiệp nhất nhân danh phép Rửa tội. Còn sự yêu thương, gần gũi, hiệp nhất của Công giáo An Giang thì không chỉ do phép Rửa, mà còn do tình hình truyền thống. Nếp sống gia đình gần gũi giữa linh mục và giáo dân được phát triển, nhờ gương hai thánh tử đạo An Giang. Thánh Quý là linh mục, thánh Phụng là giáo dân. Hai đấng sống với nhau trong tình thương cha con thân thiết. Sống nhờ nhau. Chết bên nhau.

2. Nét riêng thứ hai là liên hệ tốt với các tôn giáo bạn

Hai thánh chịu chết là vì lệnh triều đình. Chứ các ngài không hề có mâu thuẫn nào với tôn giáo bạn. Không những thế, giữa các ngài và các tín đồ tôn giáo bạn luôn có liên hệ tốt. Rất nhiều người ngoài công giáo đã tỏ lòng xót xa trước cái chết của các ngài.

Liên hệ tốt đó nay đang phát triển trong Công giáo An Giang. An Giang hiện có nhiều tôn giáo. Đặc biệt là Phật giáo Hoà Hảo, Phật giáo, Cao Đài, Tin Lành, Hồi giáo, Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Công giáo. Liên hệ của công giáo với các tôn giáo bạn luôn được xây dựng trên nền tảng đạo đức nghĩa tình.

Đã có nhiều người ngoài công giáo tham gia vào các đoàn thể công giáo. Thậm chí đã có chùa dựng bàn thờ kính Đức Mẹ.

Tiếp xúc với các tôn giáo bạn, chúng tôi nhiều khi khám phá thấy những giá trị không ngờ. Người ngoại đạo Samaritanô trước nạn nhân bị cướp trấn lột nằm vệ đường đã nhân ái hơn các tư tế đạo Chúa (x. Lc 10,29). Dụ ngôn đó cũng xảy ra tại nhiều nơi hiện giờ.

3/ Nét riêng thứ ba là sự hài hoà giữa đời và đạo

Hai thánh của An Giang đã không vâng lệnh vua bắt bỏ đạo. Còn bao nhiêu việc khác, thì các ngài vẫn vâng phục. thánh Phaolô khuyên các giáo đoàn: "Mỗi người phải phục tùng chính quyền, vì không quyền bính nào mà không bởi Thiên Chúa" (Rm 13,1).

An Giang có 4 dân tộc chính: Người Kinh, người Khơme, người Chăm, người Hoa. Các dân tộc sống chung với nhau. Đời sống chung ấy rất hài hoà. Các dân tộc ấy và chính quyền cùng lo xây dựng một Đất Nước Việt Nam hoà bình, công bình, thịnh vượng.

Để có hoà bình, công bình, thịnh vượng, công giáo đóng góp phần mình về mọi mặt. Nhất là về mặt tâm linh.

Những giá trị tâm linh phủ khắp miền đất An Giang. Những giá trị tâm linh ấy không những được diễn tả rộng rãi ở việc đọc kinh, giữ chay, tu thân, từ thiện, mà cũng ở sự tin tưởng vào những Đấng thiêng liêng vô hình. Những giá trị tâm linh ấy làm nên một chiều kích thiêng liêng đào tạo lương tâm mỗi người An Giang. Công giáo làm chứng chiều kích thiêng liêng ấy là một yếu tố không thể thiếu của hạnh phúc con người và phục hưng đất nước. Thiết tưởng hai thánh sẽ rất hài lòng với cách làm chứng này.

***

Với ba chiều kích trên đây, Công giáo An Giang cùng với hai thánh đang làm chứng cho Chúa. Với nhiều sáng tạo, con đường làm chứng đã được vạch ra rõ ràng. Kết quả chưa nhiều. Sự thực đó đòi phải có một tấm lòng khiêm tốn, cậy trông vào Chúa, nhất là một đức tin mạnh và một đức ái sống động.

Chúng ta hiểu biết thế nào là mong manh trong lịch sử, nhưng lại vững mạnh trước tôn nhan Chúa.

Dù nhỏ bé, Công giáo An Giang vẫn đi về phía trước. Hy vọng là không nhỏ.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hiểu và sống Mười Điều Răn Thiên Chúa (2)
Lm Nguyễn Hữu Thy
08:34 30/07/2010
Hiểu và sống Mười Điều Răn Thiên Chúa (2)

Tóm lược bối cảnh lịch sử Mười Điều Răn Thiên Chúa



Tổ phụ Gia-cóp sinh hạ được mười hai người con trai khôi ngô khỏe mạnh và ông hết lòng yêu thương tất cả các con. Tuy nhiên, Giu-se là đứa con út và là đứa con ông sinh ra trong tuổi già, nên tổ phụ Gia-cóp có lòng quý mến và cưng chiều hơn các anh: Áo quần đẹp cũng như của ngon vật lạ ông đều cất dành cho Giu-se, nhất là ông không hề để Giu-se xa ông nửa bước. Điều này đã gây nên ganh tị nơi các anh của Giu-se. Thêm vào đó, có lần Giu-se lại còn chân thành kể lại cho cha mẹ và các anh nghe câu chuyện chiêm bao lạ lùng của cậu như sau: Số là một hôm, Giu-se nằm ngủ mơ thấy cậu và các anh đang bó lúa ở ngoài đồng, bỗng dưng bó lúa của cậu đứng thẳng lên, còn các bó lúa của các anh lại bao vây chung quanh bó lúa của cậu và quỳ sụp xuống lạy bó lúa ấy. Và một hôm khác, Giu-se lại nằm ngủ mơ thấy mặt trời, mặt trăng và mười một ngôi sao quỳ xuống bái lạy cậu. Bởi vậy, mười một người anh của Giu-se càng thêm lòng ghen ghét cậu hơn nữa và tìm cách hãm hại cậu.

Dịp may đã tới, số là lần kia ông Gia-cóp sai Giu-se đi thăm các anh đang chăn chiên ở Si-khem, một cánh đồng cỏ cách nhà khá xa, khi trông thấy Giu-se đến gần, các anh bèn nói với nhau: „Thằng tướng chiêm bao đang đến kìa, ta hãy giết nó và ném xác xuống giếng, để xem chiêm bao của nó sẽ hiệu nghiệm ra sao“. Nhưng sau đó, qua sự can thiệp của người anh cả là Rưu-vên, họ đã bán cậu cho một nhóm lái buôn Ai-cập, chứ không giết như đã định. Thế là Giu-se phải theo đoàn người lạ về Ai-Cập và bắt đầu một cuộc sống lưu lạc nơi đất khách quê người đầy gian nan thử thách.

Đúng vậy, khi phải sống xa cha mẹ và lưu lạc nơi đất khách quê người xa lạ, Giu-se đã phải trải qua không biết bao nhiêu gian truân, bao nhiêu thử thách gian khổ. Nhưng nhờ có biệt tài diễn giải các giấc mộng một cách chính xác và hợp lý, Giu-se chẳng những đã vượt lên được tất cả mọi thử thách gian lao mà còn đạt tới được tột đỉnh vinh quang (x. St đoạn 37-40).

Số là khi chính vua Pha-ra-ô nước Ai-cập nằm mơ thấy có bảy con bò béo mập đang đứng gặm cỏ trên bờ sông Nin, bỗng dưng có bảy con bò gầy còm từ dưới sông đi lên và ăn thịt bảy con bò béo mập kia. Tiếp đến, nhà vua lại nằm mơ thấy có bảy bông lúa hạt nặng trĩu bị bảy bông lúa lép và khô cháy khác nuốt chửng. Tỉnh dậy, tâm thần nhà vua vô cùng bấn loạn và bất an, ông cho triệu tập tất cả các quan, các nhà khoa học, các nhà phù thủy bói toán vào dinh và ông đã kể lại cho họ nghe hai giấc mơ huyền bí khó hiểu kia. Nhưng tất cả khách mời đều bất lực, không ai có thể đưa ra được một lời giải thích hợp lý nào. Trong khi đó, một vị quan bỗng nhớ lại là chính Giu-se đã từng giải thích chiêm bao cho ông, nên ông xin vua cho mời Giu-se vào cung. Thế là Giu-se được triệu vào hoàng cung.

Nghe xong hai giấc mơ của nhà vua, Giu-se đã giải thích như sau: Cả hai giấc mơ của Hoàng thượng đều mang chung một ý nghĩa. Đó là trong bảy năm liền toàn thể nước Ai-cập được mùa, lúa gạo dư tràn, thì tiếp theo bảy năm liền sau đó trong khắp cả nước sẽ xảy ra nạn hạn hán, mất mùa và đói kém khủng khiếp, lan tràn khắp mọi góc cùng ngõ hẻm, khiến cả toàn dân phải đói khổ. Chàng còn góp ý kiến với nhà vua là nên cắt cử những người có tài năng để lo việc tích trữ lúa gạo, hầu tránh cho dân gian khỏi phải rơi vào cảnh đói kém chết chóc.

Nghe xong những lời giải thích quá chính xác và hợp lý của Giu-se, nhà vua vô cùng đắc ý, liền tuyên bố là ngoài Giu-se ra còn ai khác có đủ khôn ngoan và tài ba hơn để đảm nhiệm được sứ vụ vô cùng quan trọng này, và nhà vua đã đề cử chính Giu-se làm quan tể tướng trên toàn vương quốc Ai-cập để chăm lo cho cuộc sống của toàn dân luôn được ấm no, lo xây dựng các kho tích trữ lúa gạo trên khắp cả nước để đề phòng nạn đói. Nhờ thế, dân Ai-cập vẫn luôn sống trong cảnh ấm no thịnh vượng, chứ không phải trải qua nạn đói kém khổ sở như các dân tộc chung quanh. Nhớ ơn cứu sống của Giu-se, vua Pha-ra-ô đã ra lệnh cho rước cha mẹ và mười một người anh của Giu-se từ đất Ca-na-an sang Ai-cập và cấp đất đai cho họ sinh sống. Từ đó, toàn gia đình ông Gia-cóp cùng sum họp trên đất Ai-cập (x. St 41,1-47,12). Nhờ bản chất thông minh, khôn khéo và chăm chỉ làm ăn, dần dà họ đã trở thành một sắc dân giàu sang, văn minh và đông đảo trên đất nước Ai-cập. Trong khi đó đa số người dân bản xứ lại nghèo nàn, lạc hậu và thường đi làm thuê làm mướn cho dân Ít-ra-en (x. Xt 1,1-7). Từ chỗ đó, làn sóng ganh tị, ghen ghét và chống đối người Ít-ra-en cũng mỗi ngày mỗi lan rộng. Hơn nữa, Giu-se và các chứng nhân lịch sử của ơn cứu đói năm xưa đều đã qua đời, không một ai còn sống sót nữa; các vua Pha-ra-ô sau này cũng không còn biết Giu-se là ai và các công trạng của ông đối với dân Ai-cập lớn lao như thế nào nữa, họ chỉ nhìn thấy một dân ngoại lai đang mỗi ngày mỗi bành trướng và làm giàu trên đất nước họ, và lo sợ có thể một ngày nào đó chủ quyền đất nước họ sẽ bị rơi vào tay của sắc dân ngoại bang này.

Đó là lý do khiến các triều đình Pha-ra-ô ra lệnh đàn áp, đày đọa và tiêu diệt dân Ít-ra-en một cách có hệ thống, bằng cách: một đàng nhà vua ban hành lệnh chỉ cho phép người Ít-ra-en được sinh con gái, chứ tuyệt đối không được sinh con trai, ai sinh con trai thì phải bóp cổ cho chết ngay; còn đàng khác, nhà vua lại bắt người Ít-ra-en phải làm tất cả các công việc phục dịch vô cùng nặng nhọc và nguy hiểm, như xây dựng các kim tự tháp vĩ đại, các cung điện và các lâu đài lăng tẩm nguy nga đồ sộ, đắp đường sá, đào sông ng̣òi, khai thác các kim loại và đá gạch, v.v…cho nhà vua (x. St 1,8-22).

Chính trong giai đoạn và hoàn cảnh đầy đau thương éo le ấy của định mệnh dân Ít-ra-en, một bé trai của một gia đình nghèo người Ít-ra-en thuộc dòng họ Lê-vi được cất tiếng chào đời. Khi vừa sinh con chưa kịp đặt tên cho con, bà mẹ người Ít-ra-en đã phải vội giấu con suốt ba tháng trời, vì sợ công an Ai-cập bắt giết. Nhưng sau cùng, thấy nguy hiểm không thể tiếp tục giấu con mãi trong nhà được nữa, bà vô cùng đau lòng thương khóc cho số phận hẩm hiu của con, cùng hòa chung với số phận đầy chua xót của cả dân tộc đang triền miên phải sống trong kiếp nô lệ đọa đày, và bà bèn lấy một cái thúng bằng cói đem trét kín bằng hắc ín và nhựa chai và đặt con vào đó. Xong, bà đậy kín lại và đem thả xuống sông Nin cho trôi theo dòng nước, hy vọng có ai vớt được đem về nuôi.

Nhưng ý trời thật nhiệm mầu: Đúng vào lúc đó, cô công chúa Pha-ra-ô đang đi ngoạn cảnh trên sông Nin với đoàn tỳ nữ và đã bắt gặp chiếc thúng đựng đứa bé trai người Ít-ra-en trôi qua chỗ đó. Cô liền cho vớt lên. Nhìn thấy đứa bé trai có vẻ thông minh, kháu khỉnh, cô bèn nhận làm con nuôi và đặt tên cho đứa bé là Mô-sê, có nghĩa là được cứu khỏi nước. Thế là Mô-sê, một đứa con của một gia đình Ít-ra-en nghèo, được nuôi dưỡng và lớn lên như một hoàng tử chân chính trong hoàng cung vua Pha-ra-ô của cường quốc Ai-cập hùng mạnh vào lúc bấy giờ, trong một môi trường sang trọng và thuận tiện về mọi lãnh vực, hầu chuẩn bị cho em có được những khả năng và điều kiện tốt để lãnh nhận những trọng trách của đất nước sau này trong tương lai (x. Xh 2,1-10).

Nhưng rồi thời gian trôi nhanh và khi trưởng thành, Mô-sê đã khám phá ra rằng chàng không mang trong mình dòng máu Ai-cập như xưa nay chàng vẫn tưởng, nhưng thực sự chàng là người Ít-ra-en chính cống, một dân tộc đang bị Pha-ra-ô bắt làm nô lệ, đang bị đày đọa và bị hành hạ một cách vô cùng bất công và vô nhân đạo. Vì thế, chàng quyết định từ bỏ các vinh quang và tước hiệu do Pha-ra-ô ban thưởng và quay trở về chịu chung số phận nô lệ với dân mình, hầu tìm cách tranh đấu giải phóng họ ra khỏi gông cùm Ai-cập.

Tinh thần dân tộc sâu sắc ấy đã khiến Mô-sê vô cùng oán giận khi trông thấy một người Ai-cập hiếp đáp và đánh đập một người Ít-ra-en hết sức tàn nhẫn, và chàng đã ra tay giết chết tên Ai-cập ác ôn kia. Nhưng hành động bênh vực người anh em đồng bào ấy của chàng đã vang đến tai vua Pha-ra-ô, vả lại hành động ấy cũng không được chính đồng bào của chàng hoàn toàn đồng thuận, nên chàng đã sợ bị nguy hiểm đến tính mạng và bỏ trốn sang miền Ma-đi-an, làm nghề canh giữ chiên cho một thầy Tư tế quyền lực tại đó và được ông này vô cùng yêu thương, đến nỗi đã gả con gái của ông cho chàng (x. Xh 2,11-22).

Thế rồi, tưởng chừng như định mệnh đã an bài, ngày qua ngày, Mô-sê vẫn an vui với thú điền viên bên đoàn vật của ông bố vợ và chàng đã quên đi kiếp đọa đày mà đồng bào ruột thịt của chàng ngày đêm đang phải cắn răng chịu đựng tại Ai-cập. Nhưng không, tiếng kêu than ai oán của con cái Ít-ra-en, của dân tộc chàng đã vang thấu tới trời cao, và Thiên Chúa đã quyết định ra tay giải thoát Dân Người khỏi cảnh nô lệ Ai-cập qua trung gian của người tôi trung mà Người sẽ kén chọn là Mô-sê.

Thật vậy, một ngày kia, khi đang trông coi đàn chiên gặm cỏ trên một sườn núi thuộc sa mạc Si-nai, Mô-sê bỗng nhìn thấy ở đàng xa một hiện tượng lạ lùng: một bụi cây bốc lửa cháy rừng rực nhưng bụi cây lại không bị lửa thiêu rụi. Quá tò mò, Mô-sê bèn rón rén tiến lại gần để quan sát. Khi đến gần bụi cây đang cháy, bỗng có tiếng từ bụi cây phán ra: „Mô-sê, Mô-sê, ngươi chớ đến gần. Hãy cởi dép ở chân ra, vì nơi ngươi đang đứng là đất thánh. Ta là Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-sa-ác và Thiên Chúa của Gia-cóp. Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai-cập. Ta đã nghe tiếng chúng kêu than, vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng. Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai-cập. Giờ đây, tiếng rên siết của con cái Ít-ra-en đã thấu tới Ta; Ta cũng đã thấy cảnh áp bức chúng phải chịu vì người Ai-cập. Bây giờ, ngươi hãy đi! Ta sai ngươi đến với Pha-ra-ô để đưa dân Ta là con cái Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập“ (Xh 3, 1-12).

Thế là sau một lúc phân vân do dự, Mô-sê liền vâng lệnh Thiên Chúa trở lại đất Ai-cập và cùng với em trai mình là A-ha-ron vào hoàng cung gặp vua Pha-ra-ô để xin phép đưa dân Ít-ra-en ra khỏi đất Ai-cập và tiến vào đất hứa là Ca-na-an. Dĩ nhiên, trước hết vua Pha-ra-ô đã hoàn toàn bác bỏ và từ chối nguyện vọng ấy của Mô-sê một cách cố chấp, vì nếu làm theo nguyện vọng của Mô-sê thì ông sẽ mất đi bao nguồn lợi lộc khổng lồ do con cái Ít-ra-en đã, đang và sẽ mang lại cho ông và dân tộc ông. Nhưng cuối cùng Mô-sê cũng đã đạt được nguyện vọng là giải phóng con cái Ít-ra-en ra khỏi nhà nô lệ Ai-cập nhờ vào các điều thiêng dấu lạ mà quyền lực phi thường của Thiên Chúa đã dùng tay ông thực hiện (x. Xh 7,8-25 – 11,1-10).

Trong cuộc xuất hành rầm rộ, vĩ đại và kéo dài nhất trong suốt lịch sử nhân loại (48 năm trời) này, trước hết Mô-sê đã đưa dân tập trung tại „Đất thánh“ dưới ngọn núi Hô-rếp (Horeb) mà ngày nay người ta cũng gọi là núi Mô-sê, cao 2.285 mét, nơi ông đã được Thiên thần Chúa hiện ra trong bụi cây có lửa cháy rừng rực khi ông còn đi chăn chiên, để truyền cho ông mệnh lệnh của Thiên Chúa. Chính tại nơi thánh địa này, các Tu Sĩ Kitô giáo đã xây dựng vào giữa năm 548-565 một Tu Viện rộng lớn dâng kính thánh nữ tử đạo Ca-tha-ri-ne, mà vào thời Giáo Hội tiên khởi rất được các tín hữu sùng kính. Tuy Tu Viện được thành lập trong sa mạc Si-nai hoang vu, cách biệt với dân cư cả hàng ngàn cây số, nhưng từ đầu cho tới ngày nay vẫn luôn có các Tu Sĩ ngày đêm cầu kinh ca ngợi Thiên Chúa không ngừng. Còn chính chỗ bụi cây bốc lửa cháy mà Mô-sê từng trông thấy trước đây hàng ngàn năm, ngày nay vẫn luôn luôn có một bụi cây mọc lên xanh tốt ngay giữa khuôn viên Tu Viện. Hiện nay Tu Viện thánh Ca-tha-ri-ne có một thư viện kỳ cựu nhất thế giới với trên 4.000 tác phẩm chép tay và khoảng 2.000 bức họa trên gỗ vô cùng quý giá. Bởi vậy, năm 2002 cơ quan UNESCO của Liên Hiệp Quốc đã nâng Tu Viện Thánh Ca-tha-ri-ne vào hàng gia sản văn hóa thế giới và được chính Liên Hiệp Quốc bảo vệ. Mỗi năm có khoảng 50.000 khách du lịch đến kính viếng và tham khảo học hỏi. Điểm truyền thống đặc biệt của Tu Viện này là khi các Tu Sĩ qua đời, người ta không đưa chôn, nhưng cho đặt ngồi trong một ngôi „nhà mồ“ tập thể.

Trong khi dân chúng tập họp dưới chân núi Hô-rếp, thì Mô-sê đã theo lệnh Thiên Chúa truyền, một mình trèo lên núi cao đang được bao phủ bởi vinh quang huy hoàng của thiên Chúa, cùng với sự hộ vệ của người phụ tá tin cậy nhất của ông là Gio-su-ê – một người sau này sẽ thay thế ông dẫn con cái Ít-ra-en vào đất hứa – để cảm tạ Thiên Chúa đã cứu dân tộc ông ra khỏi cảnh nô lệ lầm than ở Ai-cập và nhất là để nhận huấn lệnh và Giao Ước mới của Thiên Chúa, tức Mười Điều Răn mà Thiên Chúa đã cho khắc trên bia đá (x. Xh 24,1-18).

Và suốt bốn mươi ngày đêm cầu nguyện và tâm sự cùng Thiên Chúa, ông Mô-sê đã cùng ông Gio-su-ê xuống núi, trong tay ôm hai bia đá có ghi rõ Mười Điều Răn Thiên Chúa. Nhưng ông Mô-sê đã không biết rằng trong thời gian ông cầu nguyện và tiếp cận với Thiên Chúa, da mặt ông đã được phản ánh sự thánh thiện và vinh quang của Thiên Chúa toàn năng và đã trở nên sáng chói lạ lùng, đến nỗi ông A-ha-ron và con cái Ít-ra-en không còn có thể nhìn thẳng vào mặt ông được nữa khi tiếp cận với ông. Vì thế, mỗi lần ông Mô-sê dạy dỗ và truyền các mệnh lệnh của Thiên Chúa cho dân chúng thì ông phải lấy một tấm khăn che mặt lại (x. Xh 34,29-35).

Còn chính hai bia đá ghi Mười Điều Răn Thiên Chúa đã được ông Mô-sê và toàn thể con cái Ít-ra-en tôn kính như Của Thánh và cất giữ trong một hòm bia bằng vàng nguyên chất, đặt trên bàn thờ ngay giữa trung tâm các lều trại của dân, như biểu hiệu sự hiện diện thực tiễn của Thiên Chúa giữa họ. Vì chính Mười Điều Răn Thiên Chúa quả thực là những mệnh lệnh, hay nói đúng hơn, là những lời hướng dẫn chân chính, lành mạnh và đúng đắn duy nhất trong tất cả mọi luật lệ nhân loại từ trước cho tới lúc bấy giờ và từ lúc bấy giờ cho tới ngày nay cũng như cho tới muôn đời về sau. Chỉ có Mười Điều Răn Thiên Chúa mới có thể giúp cho con người sống xứng đáng với nhân phẩm của mình hơn, và giúp cho con người có thể góp phần xây dựng một xă hội nhân bản, công bằng và văn minh thực sự.

Bởi vậy, Mười Điều Răn Thiên Chúa là nền tảng vững chắc nhất để bảo đảm sự tự do và sự hạnh phúc chân chính của mỗi người cũng như của cả xã hội nhân loại. Đó chính là sự thật khách quan không ai có thể phủ nhận được. Và sự thật này sẽ được trình bày và diễn giải ngay trong những trang tiếp theo sau đây.

(Còn tiếp)

 
Văn Hóa
Hành Trình ''Sự Thật Và Tình Yêu''
Paul Minh Nhật
08:49 30/07/2010
Hành Trình "Sự Thật Và Tình Yêu"

Hành trình "sự thật - Tình yêu"
Cha đang tiếp bước sẽ nhiều gian nan
Vận nước đang cảnh cơ hàn
Thói đời đen bạc xảo gian khó lường
Khó khăn đau khổ tang thương
Dẫu bao nguy hiểm trên đường bủa vây
*Cha tìm sự thật lấp đầy dối gian
Chân Lý Tuyệt Đối khôn ngoan rao truyền
Quyết không thỏa hiệp ác quyền
Một lòng quyết sống lệnh truyền Chúa trao
**Ra đi đến với đồng bào
Đem tình yêu đến ban trao an bình
Khát khao tổ quốc hòa bình
Muôn dân được hưởng thái bình tự do
Con tin Cha sẽ chẳng lo
Có Chúa bên cạnh không cần bận tâm
"Bốn mùa Chúa đổ hồng ân
Ngài giao mầu mỡ ngập tràn lối đi"(Tv 65, 12)

* và ** là hai vế của câu châm ngôn của ĐGM Phaolô Nguyễn Thái Hợp: "Sự thật và tình yêu"

Kính tặng Đức tân giám mục Vinh Phaolô Nguyễn Thái Hợp

 
Lữ Hành
Trầm Thiên Thu
18:16 30/07/2010
Dâng lên Ngài niềm cậy tin yêu mến

Dù kiếp người băn khoăn suốt trăm năm

Dâng lên Ngài từng chiều con xao xuyến

Đời lữ thứ hằng khao khát bình an

Ngày qua ngày lòng tựa như tơ rối

Ngày qua ngày ưu tư mãi không nguôi

Mong Thánh Ân đỡ nâng trên đường đời

Phận yếu đuối đôi khi thấy mệt

Phần tinh thần nhẹ nhàng như cơn gió

Phần xác phàm nặng như đá ê chề

Năm tháng trôi trái tim con bộn bề

Đời tân toan thao thức bao ước nguyện

Lời kinh trầm trọn thành tâm yêu mến

Từng cung nhạc rung theo những nỗi niềm

Con ước mong tha thiết cả một đời

Xin hiến dâng cho muôn người hạnh phúc
 
Như cánh chuồn chuồn
lykhách
18:22 30/07/2010
Như chuồn chuồn tải buồn lên xuống

Thơ chở nước non trên đôi cánh phù du

Lúc chạm xuống soi bóng hồn phiền muộn

Lúc tung lên nhìn màu nước ngục tù

.

Nước còn đấy vũng ao tù đợi nước

Mưa chẳng về nên chưa chảy về sông

Mắt long lanh nhìn thiên tai phía trước

Tháng Bảy heo may hơi bão tố phập phồng*

.

“Chuồn chuồn bay thấp thời mưa

Bay cao thời nắng, bay vừa thời râm”**


Ý gieo từ độ mùa Xuân

Bao mùa lá rụng âm thầm chưa ra

.

Lòng tất bật thơ cũng chia màu lá

Đỏ hay vàng cũng chưa trọn lần hoa

Chiếc rụng xuống, giận chiếc cành tơi tả

Nên mầm thơ xanh kẹt giữa chánh-tà

.

Như chuồn chuồn chở nắng qua sông

Tiếng thơ than chở nặng nhẹ nỗi lòng

Bay lề phải - lề trái, rồi mất bóng

Nước vẫn u uẩn nằm nhớ biển sông

.

Định để chiến tranh cho ai ưa cầm súng

Định để hận thù cho kẻ nộ cuồng mê

Định để dối gian cho im lặng ấp úng

Để thơ thản nhiên trên cánh chở tình về…

.

Định là thế vẫn bao lần định thế

Cánh vòng vo trong định hướng vô phương

Lại khẳng định…phận nước non giun dế

Nên chẳng thể nào tránh sự thật thê lương!

.

Sự thật là thế - nước còn là vũng nước

Sự thật đau lòng - tình cạn đáy bốc hơi

Sự thật tan nát - bao phận đời đứt ruột

Thơ để làm chi? nếu chẳng chở tình người?

.

Và vì thế cánh chuồn chuồn tháng Bảy

Chẳng biết bay cao - bay thấp - hay bay vừa?

Thơ đáp xuống nước non trồi sụt nhảy

Chẳng biết lòng mong bão hay chờ mưa!

(*) & (**) tục ngữ “Tháng Bảy heo may, chuồn chuồn bay thì bão”
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Đóa Hoa Quỳnh
Lm. Tâm Duy
10:10 30/07/2010

ĐÓA HOA QUỲNH



Ảnh của Lm. Tâm Duy.


Tuyết trắng pha sương

Nõn nà cánh mỏng

Hương thơm tinh khiết

Phút chốc diệu thường.

(Thơ của Hồng Vinh)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Chuồn Chuồn
Dominic Đức Nguyễn
22:10 30/07/2010

CHUỒN CHUỒN



Ảnh của Dominic Đức Nguyễn

Chuồn chuồn ơi, anh có biết không

Em nơi đây thảo nguyên xanh ngát

Vẫn chờ anh những chiều gió hát

Cỏ ướp hương trời, khao khát những mầm xuân.

(Trích thơ của Phương Vũ)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền