Ngày 28-07-2015
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:19 28/07/2015
ĐƯỢC VIỆC HAI BÊN
Nước sông ở nước Vệ dâng cao, nước Trịnh có người giàu nọ bị chết chìm lúc qua sông.
Có người vớt được tử thi bắt thân nhân của người giàu có phải lấy tiền để chuộc về, nhưng người ấy đòi giá quá cao, gia đình người giàu có ấy đến hỏi Đặng Kỳ phải làm cách gì để lấy tử thi về, Đặng Kỳ nói:
- “Để đó cho nó, các anh an tâm đi, nó không dám đem tử thi đi bán đâu.”
Qua mấy ngày liền, người nọ không nghe thấy động tĩnh gì của gia đình người giàu có, mà tử thi thì không thể đem bán cho ai được nên rất là lo lắng, thế là cũng đi đến Đặng Kỳ để hỏi cách.
Đặng Kỳ nói:
“Anh an tâm đi, tử thi đó người không khác cần, nhưng gia đình thân thuộc của ông ta rất cần mua nó.”
(Lữ thị xuân thu)

Suy tư:
Vật cần thiết thì dù giá mắc cách mấy người ta vẫn cứ mua; nhưng nếu không có nhu cầu thì dù có đẹp và rẻ đến đâu thì người ta cũng không mua, bởi vì không cần thiết.
Nhiều người có tiền có của đôi lúc không biết làm gì mà chỉ biết hưởng thụ, hưởng thụ bao gồm: hưởng thụ bằng con mắt, tức là coi những hình playboy, hình mỹ nữ, hặc những hình ảnh mỹ thuật khác; hưởng thụ bằng miệng, khẩu vị , tức là ăn uống cho thoả thích những đồ mình thích và nếm thử những đồ mình không thích; hưởng thụ bằng lỗ tai, tức là đi nghe nhạc thính phòng, nghe nhạc đời nhạc đạo, nhạc karaoke; hoặc là hưởng thụ bằng tính tò mò để thoả mãn cái thích của mình như mua sắm những thứ không cần thiết…
Cái cần thiết nhất cho đời sống con người mai sau chính là phần rỗi linh hồn thì ít người cần đến, tiên tri I-sai-a đã nói;
“ Đến cả đi, hỡi những người đang khát, nước đã đến đây!
Dầu không có tiền bạc, cứ mua mà dùng;
Đến mua rượu mua sữa, không phải trả đồng nào.
Sao lại phí tiền bạc vào của không nuôi sống,
Tốn công lao vất vả vào thứ chẳng làm cho chắc dạ no lòng?
Hãy chăm chú nghe Ta, thì các ngươi sẽ được ăn ngon,
Được thưởng thức cao lương mỹ vị.” ( Is 55, 1-2)

Cao lương mỹ vị chính là Mình và Máu của Đức Chúa Ki-tô, là cái tối cần thiết cho sự sống vĩnh cửu của chúng ta. Không tiền bạc mà vẫn được mua, được hưởng, thì quả là tình yêu Thiên Chúa vượt hơn sự tưởng tượng của chúng ta vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

---------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:26 28/07/2015
N2T

41. Đức Mẹ Ma-ri-a là sự an ủi của người khốn khó.

(Thánh Bonaventura)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong “Cách ngôn thần học tu đức”

------------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Sứ điệp ĐHY Stanislaw Rylko gửi Ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Cracovia
Linh Tiến Khải
10:01 28/07/2015
VATICAN: ĐHY Stanislaw Rylko, Chủ tịch Hội Đồng Toà Thánh về Giáo Dân, kêu gọi người trẻ toàn thế giới suy tư về đề tài lòng thương xót Chúa để chuẩn bị tham dự Ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Cracovia.

ĐHY đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong sứ điệp công bố ngày 27 tháng 7 vừa qua, trong đó ĐHY nhắc lại rằng đây là lần thứ hai ngày này được tổ chức tại Ba Lan, sau Ngày Quốc Tế Giói Trẻ tại Czétochowa hồi năm 1991. Tại Rio de Janeiro ĐTC Phanxicô đã nói với người trẻ: “Nếu bạn muốn biết phải làm gì một cách cụ thể, hãy đọc Phúc Âm thánh Mattrhêu chương 25, là công thức theo đó chúng ta sẽ bị phán xử. Các bạn sẽ có Chương Trình Hành Động với hai điều này: Tám Mối Phúc Thật và chương 25 Phúc Âm thánh Matthêu. Không cần phải đọc thứ gì khác…” (Buổi gặp gỡ giới trẻ Argentina 25-7-2013). Và trong Các Mối Phúc Thật không phải vô tình mà ĐTC Phanxicô đã chọn mối phúc thương xót cho Ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Cracovia “Phúc cho những ai có lòng thương xót, vì họ sẽ được xót thương” (Mt 5,7). Trong Huấn quyền của ngài đây là đề tài ưu tiên. ĐTC giải thích như sau: “Ở đây có tất cả Tin Mừng! Ở đây, ở đây có tất cả Tin Mừng, có toàn Kitô giáo! Nhưng xin các bạn hãy coi: đây không phải là tình cảm, cũng không phải là “duy lòng tốt! Trái lại, lòng thương xót là sức mạnh thực sự có thể cứu thoát con người và thế giới khỏi bệnh “ung thư” là tội lỗi, sự dữ luân lý, sự dữ tinh thần. Chỉ tình yêu mới lấp đầy các trống rỗng, các vực thẳm tiêu cực mà sự dữ mở ra trong trái tim và trong lịch sử. Chúa Giêsu là tất cả lòng thương xót, Chúa Giêsu là tất cả tình yêu… “( Kinh Truyền Tin 15-9-2013).

Ngày Quốc Tế Giới Trẻ Cracovia sẽ là Năm Thánh của người trẻ toàn thế giới. Các bạn trẻ sẽ đuợc mời gọi tái khám phá ra gương mặt xót thương của Thiên Chúa, được biểu lộ nơi gương mặt của Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa chết và sống lại vì chúng ta. Từ Cracovia họ phải phổ biến trên toàn thế giới sứ điệp tràn đầy hy vọng và tình yêu thương xót của Thiên Chúa đối với mỗi người trên trái đất này.

Trung tâm của Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ 31 sẽ là đền thánh Lòng Thương Xót Chúa và thánh nữ Faustina Kowalska, Tông đồ Lòng Thương Xót Chúa, đã được Thánh Gioan Phaolô II khánh thành năm 2002. Tại đây người trẻ có thể theo dõi một chương trình đặc biệt bao gồm việc suy niệm các dụ ngôn phúc âm về lòng thương xót Chúa và lần hạt kính Lòng Thương Xót Chúa. Sau cùng họ có thể bước qua Cửa Thánh để lãnh ơn toàn xá.

Cũng giống như Năm Thánh 2000 tại Tor Vergata ở Roma, tại Cánh đồng Lòng Thương Xót ở Cracovia sẽ có một Cổng Thánh. ĐTC Phanxicô sẽ cùng vài bạn trẻ bước qua Cổng Thánh đó trước khi bắt đầu buổi canh thức và chầu Thánh Thể. Sáng Chúa Nhật 31 tháng 7 2016 sau Thánh lễ ĐTC sẽ trao cho 5 cặp bạn trẻ thuộc 5 châu lục các ngọn đèn thắp sáng biểu tượng cho ngọn lửa lòng thương xót mà Chúa Kitô đã đem đến cho nhân loại. Và ĐTC sẽ gửi các bạn trẻ ra đi khắp nơi như chứng nhân và thừa sai của Lòng Thương Xót Chúa (SD 27-7-2015)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Trại Hè Thiếu Nhi Thánh Thể Giáo Xứ Nhượng Nghĩa – Gp Đà Nẵng 2015
Toma Trương Văn Ân
15:54 28/07/2015
Trại Hè Thiếu Nhi Thánh Thể Giáo Xứ Nhượng Nghĩa – Gp Đà Nẵng 2015

Trong hai ngày 25 & 26. 7. 2015, tại sân Thánh Đường Nhượng Nghĩa, các em thiếu nhi của Giáo xứ đã tham dự trại hè với chủ đề: Giáo Xứ - Hiệp Nhất – Bình An.

Xem Hình

Đây là chương trình thường niên, sau một năm học kiến thức tại trường phổ thông và năm học Giáo lý, Cha Quản Xứ (Phê-rô Lê Hưng), Ban Giáo lý và Ban Điều hành Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể (TNTT) xứ Đoàn Thánh Linh – Giáo xứ Nhượng Nghĩa ( Ban Tổ Chức ) tổ chức trại hè cho con em trong Giáo xứ.

Qua trại hè, giáo dục các kỹ năng sống cơ bản cho con em: tinh thần kỷ luât, tự chủ, phát huy sáng kiến, tinh thần đồng đội, làm việc nhóm … trong các Bài khóa, trò chơi và sinh hoạt. Hơn thế nữa, giúp các em sống đạo đức, yêu mến Chúa, yêu mến Giáo Hội và tha nhân qua những việc đạo đức, bác ái, dự Thánh lễ và Chầu Thánh Thể.

Các em nôn nao, chuẩn bị vật dụng dựng trại và các tiết mục vui lửa trại, đợi chờ… trước ngày trại; vui chơi, hăng say, học hỏi hết mình trong ngày trại… và kỷ niệm đầy ắp sau những ngày trại, là những biến đổi tâm lý làm tác động lên hành vi tích cực của các em.

Tối ngày 25. 7. 2015, trong buổi lửa trại, nhiều tiết mục các em dàn dựng, luyện tập và trình diễn thật vui. Học Lời Chúa qua vui chơi văn nghệ, mang tính giáo dục cao như hoạt kịch: Ông chủ giàu lòng thương xót, tha cho người đầy tớ 10.000 nén bạc, trong khi người đầy tớ đó ra về, gặp người bạn mắc nợ anh ta 100 đồng bạc, anh lại không tha….

Trong dịp này, Ban Tổ Chức đã phát phần thưởng cho các em có thành tích giỏi và xuất sắc trong học tập tại trường phổ thông và sinh viên ( phần thưởng học Giáo lý được phát riêng trong một dịp khác), nhằm khuyến khích các em vươn lên trong học tập

Được biết, chi phí cho hoạt động của đoàn TNTT Giáo xứ như: mua tặng khăn – áo và sách học Giáo lý cho các em, chi phí đi lại của Đoàn, huấn luyện – Sa mac các Trưởng, phát thưởng, giúp đỡ các em khó khăn… Nhờ vào khoản thu các anh chị Trưởng đi thu góp ve chai phế liệu hằng tuần tại các khu phố trong Giáo xứ và thi thoảng có vài Ân nhân giúp đỡ.

Hiện nay, Xứ Đoàn có 220 em trong 9 lớp học Giáo lý, từ lớp Vườn Hồng ( 5 – 6 tuổi) đến lớp Dự Trưởng ( 20-21 tuổi) và 25 Trưởng. Trong năn qua có 6 Trưởng và 8 dự Trưởng được dự huấn luyện Sa mạc, giúp các Trưởng nâng cao kỷ năng cần thiết trong sinh hoạt và điều hành.

Xin Chúa Thánh Thần nâng đỡ mỗi người, làm cho Giáo Hội thêm phong phú vững bền, mỗi người là một tác nhân và phương pháp hữu hiệu, cho việc Truyền Giáo trong hoàn cảnh đời sống của mình và làm cho các em trở thành những lớp kế thừa đạo đức nhiệt thành có ích cho Giáo Hội và xã hội.

Toma Trương Văn Ân
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Linh mục cử hành Thánh lễ của ngày sau vào chiều ngày trước được không?
Nguyễn Trọng Đa
09:49 28/07/2015
Giải đáp phụng vụ: Linh mục cử hành Thánh lễ của ngày sau vào chiều ngày trước được không?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi 1: Tôi dâng Thánh Lễ hàng ngày với hai linh mục khác trong giáo xứ của chúng tôi. Tôi có được phép, chẳng hạn, dâng Thánh lễ của sáng thứ Tư vào chiều Thứ ba được không, bởi vì ngày thứ Tư tôi có nhiều việc phải làm hoặc nhiều nơi phải đi, hoặc điều này là thuận lợi cho tôi để làm như thế? Chẳng hạn, nếu tôi phải đi mổ vào sáng sớm hôm sau, liệu tôi không thể dâng Thánh lễ vào tối hôm trước chăng? Tôi thích dâng Thánh Lễ mỗi ngày, cũng bởi vì Chúa muốn thế. - G. D., Chicago, Mỹ.

Hỏi 2: Tôi là một linh mục cao niên nghỉ hưu, tôi dâng Thánh Lễ hàng ngày riêng trong phòng tôi ở. Tôi đang sống ngoài giáo phận của tôi. Có những lần tôi muốn dâng Thánh lễ Chúa Nhật vào chiều thứ Bảy trước đó. Tôi không chắc rằng liệu điều này có cần xin phép Giám mục địa phương không, hoặc liệu có phép chung cho mọi linh mục để dâng lễ như thế không? Liệu cần phải có lý do nghiêm trọng để cử hành Thánh lễ Chúa Nhật vào chiều thứ Bảy không? - J. H., Austin, Texas, Mỹ.

Đáp: Bởi vì cả hai câu hỏi có liên quan chặt chẽ với nhau, chúng tôi sẽ sẽ giải quyết chúng chung với nhau. Có một số vấn đề liên quan ở đây, nhưng chủ yếu có khái niệm về Thánh Lễ mỗi ngày và khả năng cử hành Thánh lễ sớm hơn.

Trước hết, Giáo Hội khuyên tất cả các linh mục dâng thánh lễ mỗi ngày, do đó Điều 904 của Bộ Giáo Luật nói:

"Các tư tế nên luôn tâm niệm rằng công việc cứu chuộc hằng được tiếp tục thi hành trong mầu nhiệm Hy Lễ Thánh Thể; do đó, họ nên siêng năng dâng lễ. Hơn nữa, rất đáng mong ước các tư tế dâng lễ mỗi ngày, cả khi giáo dân không thể hiện diện, bởi lẽ Thánh Lễ là tác động của Ðức Kitô và của Giáo Hội; chính khi cử hành Thánh Lễ mà các tư tế chu toàn nhiệm vụ chính yếu của mình" (Bản dịch Việt ngữ của các Linh Mục Nguyễn Văn Phương, Phan Tấn Thành, Vũ Văn Thiện, Mai Ðức Vinh).

Mỗi linh mục thường cử hành hoặc đồng tế một Thánh lễ mỗi ngày, trừ khi phải dâng thêm Thánh lễ khác vì lý do mục vụ. Vì thế Điều 905 nói:

"§1. Ngoại trừ những trường hợp giáo luật cho phép cử hành hay đồng tế Thánh Lễ nhiều lần trong một ngày, tư tế chỉ được quyền dâng lễ mỗi ngày một lần.

"§2. Nếu thiếu tư tế, Bản Quyền sở tại có thể cho phép các tư tế, khi có lý do chính đáng, được làm hai lễ mỗi ngày; hơn nữa, khi nhu cầu mục vụ đòi hỏi, làm ba lễ các ngày Chúa Nhật và lễ buộc” (Bản dịch Việt ngữ, như trên).

Từ quan điểm là mỗi ngày một Thánh lễ, lịch ngày cần tuân giữ là một ngày có 24 giờ. Nghĩa là, Thánh Lễ trong ngày có thể được cử hành bất cứ lúc nào sau nửa đêm cho đến trước nửa đêm sau. Do đó, Thánh Lễ hàng ngày không được cử hành vào chiều tối của ngày trước, vì như thế là tương đương với cử hành hai Thánh lễ trong một ngày.

Như vậy, linh mục G. D. không thể dâng Thánh lễ trong tuần vào chiều tối hôm trước.Tuy nhiên, cha có thể làm chút hy sinh, bằng cách cử hành Thánh lễ trong ngày vào sáng thật sớm của ngày ấy.

Câu hỏi kia là cử hành Thánh Lễ Chúa Nhật và ngày lễ buộc vào chiều hôm trước. Trong các trường hợp này, Giáo Hội cho phép người Công Giáo chu toàn việc buộc dự lễ Chúa Nhật, bằng cách sử dụng khái niệm phụng vụ về ngày, mà trong đó lễ được bắt đầu tính từ chiều tối ngày trước lễ. Như vậy, Giáo luật nói:

"Ðiều 1248 §1. Ai tham dự Thánh Lễ, cử hành theo lễ nghi Công Giáo bất cứ ở đâu, hoặc vào chính ngày lễ hay vào chiều ngày trước lễ, thì người ấy đã chu toàn việc buộc dự lễ” (Bản dịch Việt ngữ, như trên).

Như có thể thấy, khả năng này tồn tại trước tiên để tạo điều kiện chu toàn việc buộc dự lễ.

Do đó, trong trường hợp của linh mục nghỉ hưu trên đây, nếu cha muốn cử hành Thánh Lễ hàng ngày của mình vào một buổi tối thứ Bảy, cha được tự do sử dụng các bài đọc Chúa Nhật và chu toàn việc buộc tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật, mà cha chia sẻ với tất cả các tín hữu. Bởi vì điểm này được trình bày trong giáo luật rồi, thì sẽ không cần xin phép Giám mục để sử dụng các bài đọc Chúa Nhật nữa.

Tuy nhiên, cha chỉ nên dâng lễ như thế, nếu vì một lý do nào đó, cha không thể cử hành Thánh Lễ hàng ngày của mình vào ngày Chúa Nhật.

Cũng không đúng khi cử hành hai thánh lễ mà không có các tin hữu vào ngày thứ Bảy, tức là một lễ cho thứ Bảy và một lễ cho ngày Chúa Nhật, vì điều này vi phạm Điều luật 905.

Chắc chắn là tất cả các linh mục được phép cử hành Thánh lễ cho giáo dân cả hai lần, như thường xảy ra trong các giáo xứ. Các tu sĩ cũng được phép đồng tế trong Thánh lễ cộng đoàn của mình vào ngày thứ Bảy, mặc dầu họ đã có kế hoạch để cử hành một Thánh Lễ khác cho các tín hữu trong cùng ngày ấy, cho dù đó là Thánh Lễ trong ngày hoặc Thánh lễ Chúa Nhật được cử hành vào chiều tối thứ Bảy. (Zenit.org 28-7-2015)

Nguyễn Trọng Đa
 
Thông Báo
Cáo phó: Bà Therese Trần Thị Bạch Kim qua đời tại Portland, Oregon
Tang Gia kính báo
22:06 28/07/2015
CÁO PHÓ

Chúng tôi vô cùng đau buồn, thương tíếc báo tin buồn cùng Qúy Thân Bằng, Quyến Thuộc, Bạn Hữu xa gần:
Vợ, Chị, Mẹ, Bà Nội, Bà Ngọai, Bác của chúng tôi là:

Bà Therese Nguyễn Huy Ánh
(Nhũ danh Trần Thị Bạch Kim)
Sinh Năm 1947 tại Phát Diệm, Việt Nam
Đã về nước trời lúc 4:00 am, sáng 22, tháng 7, năm 2015
Hưởng Thọ 68 tuổi.

Linh cữu được quàn tại Ross Hollywood Chapel
4733 Northeast Thompson Street, Portland, OR 97213, (503) 281-1800

CHƯƠNG TRÌNH

Thánh lễ phát tang tại nhà thờ lớn GX Lavang: Thứ hai, ngày 27, tháng 7, nằm 2015 lúc 6:00pm:

Thăm viếng và đọc kinh tại nhà quàn:
*Thứ ba, ngày 28, tháng 7, năm 2015 12:00pm – 7:00pm:: Gia đình – thân nhân và bạn hữu.
*Thứ tư, ngày 29, tháng 7, năm 2015 12:00pm – 6:00pm: Qúi Soeurs Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt
7:00 pm: Gia Đình, Thân nhân và bạn hữu.
*Thứ năm, ngày 30, tháng 7, năm 2015 12:00pm – 9:00 pm:
7:00pm: Giáo xứ Đức Mẹ Lavang – Liên Minh Thánh Tâm, Gia Đình, Thân nhân và bạn hữu – thăm viếng linh cửu, đọc kinh.
*Thứ sáu, ngày 31, tháng 7, năm 2015, 12:00pm – 9:00 pm
7:00pm: Giáo xứ Đức Mẹ Lavang, Hội Các Bà Mẹ Công Giáo, Qúi Cha, Qúi Thầy, Giáo Sĩ, Tu Sĩ Tu Đòan Nhà Chúa
Gia Đình – Thân nhân và bạn hữu – thăm viếng linh cửu, đọc kinh.

Thánh Lễ An Táng: tại Nhà Thờ LớnThứ bảy, ngày 1, tháng 8, năm 2015 lúc 9:00am
Sau Thánh Lễ, di quan tới nghĩa trang Gethsemane, 11666 SE Stevens Rd, Happy Valley, OR 97086

Tang Gia Đồng Kính Báo
Chồng: Nguyễn Huy Ánh
Trưởng Nam: Nguyễn Anh Tuấn, Vợ Nguyễn Angela và các con
Thứ Nam: Nguyễn Anh Tùng
Thứ Nữ: Nguyễn Anh Thư, Chồng Shawn Downey và con
Em: Trần Hữu Đức, Vợ Nguyễn Thị Hồng và các con, các cháu


Cáo phó này thay thế Thiệp Tang, Xin Miễn Phúng Điếu và Vòng Hoa
 
Văn Hóa
Mười thứ “duy” đang triệt hạ Giáo Hội
Vũ Van An
23:35 28/07/2015
Giáo Hội đang bị rất nhiều lực lượng liên kết nhau đánh phá. Linh mục cựu mục sự Anh Giáo Dwight Longenecker liệt kê mười thứ “duy” (isms) đang như những lực lượng từ hành tinh khác tới đánh phá các hữu thể hữu lý của trần gian, nhằm tạo nên nền “độc tài duy tương đối” theo kiểu nói của Đức Bênêđíctô XVI.

Tất cả 10 thứ “duy” này, mỗi thứ dẫn tới một loại độc tài, nhằm tấn công văn hóa trước nhất nhưng đích điểm sau cùng của nó là Giáo Hội. Linh mục Longenecker bảo rằng đa số chúng ta không nhận ra tính cách thù nghịch của chúng vì lẽ đơn giản này: chúng đã trở thành một phần nền văn hóa của ta. Chúng là không khí ta thở. Chúng là giấy dán tường trang trí nhà cửa ta.

Có nhận ra đôi chút lạc giáo trong chúng, thì chúng vẫn không phải là dối trá hoàn toàn. Chúng là những sự thật một nửa. Thành thử trong mỗi thứ duy này, đều có một điều gì đó lôi cuốn và đúng sự thật. Chúng chỉ trở thành lạc giáo khi bị cắt đứt khỏi một sự thật khác vốn dùng để cân bằng nó, hay khi đứng một mình, tách biệt khỏi mọi điều khác trong hệ thống sự thật.

1. Duy cá nhân - Người chịu ảnh hưởng văn hóa Tây Phương thích những người duy cá nhân nguyên hình, tức những người thích bước về hướng một anh đánh trống khác và tất cả những ai như thế, nhưng khi duy cá nhân bị cắt đứt khỏi bất cứ ý hướng cộng đồng, truyền thống hay sự thật nào, nó chỉ đem đến hỗn loạn. Đã đành mỗi cá nhân đều là một tạo dựng độc đáo và vĩnh viễn của Thiên Chúa, nhưng họ chỉ có thể thực hiện được sự thành toàn của mình nhờ một điều gì đó lớn hơn chính họ. Người duy cá nhân thích biến bài hát của Frank Sinatra “I Did it My Way” thành quốc ca của họ. Duy cá nhân chủ nghĩa hiện lớn mạnh đến nỗi ai cũng cảm thấy mình có thể làm bất cứ điều gì mình muốn miễn không gây hại tới ai khác là được. Đây chính là “kinh tin kính” của phái thờ Satan: “Hãy làm những gì bạn muốn, nhưng đừng làm hại ai”. Câu “đừng làm hại ai” cũng vừa mới được thêm vào “kinh tin kính” của phái thờ qủy để làm họ trở thành “những người lịch thiệp thân thiện” hơn.

2 . Duy cảm xúc – Duy tương đối có nghĩa không hề có những điều như sự thật. Nếu đã không có sự thật, thì chỉ còn mỗi một cách để người ta quyết định tin gì và hành xử ra sao là căn cứ vào cảm xúc của họ. Duy cảm xúc là lạc giáo cho rằng ta có thể xác định mọi việc căn cứ vào cảm xúc của mình. Vấn đề ở đây là nếu không có một hệ thống mạc khải và chân lý, thì các cảm xúc sẽ mau chóng bị giản lược vào hai cảm xúc căn bản và sơ đẳng. Biện phân sự thật thực ra đã đem lại việc định độ (gradation) cho cảm xúc và các xúc động khác mà thôi. Không có sự thật, chỉ còn lại hai thứ: thịnh nộ và ngây ngất. Thành thử trong các xã hội Tây Phương, ta thấy nhiều đoàn lũ người thi nhau chạy theo lạc thú nguyên tuyền một cách hối hả bao nhiêu có thể, nhưng khi điều gì đó không đem lại cho họ lạc thú thì họ nổi trận lôi đình la hét!

Trong đồng văn này, người ta đang sợ rằng lòng thương xót, nếu bị hiểu sai, hiểu theo nghĩa cảm xúc nguyên tuyền, có thể dẫn tới việc phá hủy những tín điều hay giáo huấn căn bản của Giáo Hội trong cuộc tranh luận về mục vụ gia đình hiện nay.

3. Duy dửng dưng - Nếu không có một điều gì đó như sự thật, thì tin gì đâu có quan trọng và thuộc tôn giáo nào cũng đâu có quan trọng. Điều gì nổi lửa thiêu rụi không những Giáo Hội Công Giáo mà cả thế giới Kitô Giáo? Duy dửng dưng! Nếu bạn chọn hệ thống tín ngưỡng của bạn hoàn toàn theo cảm xúc của bạn, thì bất cứ chọn lựa tôn giáo nào cũng đều tốt như các chọn lựa khác. Không cần mất nhiều thì giờ cũng hình dung được rằng nếu hình thức Kitô Giáo nào cũng có giá trị như nhau, thì mọi tôn giáo cũng có giá trị như nhau và nếu mọi tôn giáo đều có giá trị như nhau, thì không có tôn giáo nào cũng thế thôi, cũng giá trị như thế.

4. Duy phổ quát (Universalism) – Duy phổ quát là tin rằng ai cũng lên thiên đàng cả. Duy phổ quát một nửa (Semi-universalism) là hy vọng rằng mọi người đều lên thiên đàng và nếu có địa ngục thì địa ngục vắng tanh như chùa Bà Đanh, không có “ma” nào ở đó cả, mà nếu có “ma” nào ở đó đi chăng nữa, thì cũng chỉ ở đó một thời gian mà thôi! Ta thấy duy phổ quát thực ra chỉ là một hình thức khác của duy dửng dưng. Nếu tin gì là điều không quan trọng và nếu mọi hệ thống tín ngưỡng đều có giá trị ngang nhau, thì hẳn nhiên mọi người phải cùng đi về một cuộc sống đời sau như nhau. Duy tương đối bám rễ thật sâu vào ý niệm của Phái Satan rằng: mọi phân biệt phải bị gột sạch.

5. Duy bình đẳng (Egalitarianism) – Duy bình đẳng không có ý nói tới giá trị nội tại mà mọi con người nhân bản đều có như nhau vì cùng được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa. Điều này tốt. Tuy nhiên, khi duy bình đẳng mang hình thức chính trị và ý thức hệ, nó phục vụ không phải để duy trì các quyền bình đẳng của người ta, mà là tiêu diệt sự phân biệt giữa người ta. Quan điểm Công Giáo là: mọi người bình đẳng trước mặt Thiên Chúa, nhưng mọi người cũng đều là độc đáo. Mỗi người đều có một vị trí độc đáo trong sự quan phòng của Thiên Chúa và một vị trí đúng đắn trong kế hoạch của Người. Giản lược mọi người vào một mẫu số chung nhỏ nhất luôn luôn là việc làm của bạo chúa. Hãy nhìn khắp các phong trào cách mạng, bạn sẽ thấy họ loại bỏ mọi phẩm giá hợp pháp của cá nhân bằng sức mạnh của chủ nghĩa duy tập thể.

Khỏi nói, cuộc tranh đấu đòi bình đẳng cho các cặp đồng tính rõ ràng đang đưa tới một hình thức độc tài mới: người tôn giáo nào từ khước phục vụ một “đám cưới” đồng tính, nhân danh tự do tôn giáo của mình, sẽ bị trừng phạt: tự do đồng tính tiêu diệt tự do tôn giáo.

6.Duy vật chất - Điều này không có nghĩa mua bán thỏa thích cho tới khi chán chê mệt mỏi không mua bán được nữa mới thôi. Việc này chỉ là hiện tượng của một điều nằm sâu hơn. Duy vật chất là lạc giáo cho rằng không hề có một thế giới siêu nhiên. Nó là thứ duy vô thần mật định (by default). Xã hội Tây Phương đầy những con người, trong đó, nhiều người đi nhà thờ đàng hoàng, chỉ toàn nhìn thấy khía cạnh vật chất của của cuộc đời. Hệ thống tín ngưỡng của họ là “thấy điều gì được điều đó”. Họ cho rằng chỉ những gì nhờ giác quan mà thấy mới có thực. Họ có thể đi nhà thờ, nhưng họ sống và hành xử như thể chẳng có gì khác ngoài thế giới vật chất.

7. Duy khoa học - Thứ duy này có cùng chung cái nhìn với duy vật chất, chỉ coi nhận thức khoa học là nhận thức duy nhất có giá trị. Nếu một điều gì đó không thể chứng minh bằng khoa học thì một là cố tình nói láo hai là chuyện thần tiên, dã sử hoặc chuyện nhân gian. Chủ trương bài tôn giáo, coi mọi người tôn giáo là đồ nhà quê đần độn, ngu dốt, mê tín dị đoan xuất hiện bừa phứa trên truyền thông chính dòng, trong ngành giáo dục cao đẳng và trong nền văn hóa quần chúng. Ít có người dừng lại để khảo sát chủ trương này, và khi hỏi “chứng cớ”, họ không biết ngay cả đây là loại chứng cớ gì. Chủ trương là tất cả. Khoa học là sự thật. Tôn giáo là sai lầm.

8. Duy thực dụng (Utilitarianism) - Điều gì được việc, điều ấy ắt phải tốt. Duy thực dụng cũng phát sinh từ duy vật chất. Nếu không có thiên đàng, hỏa ngục hay phán xét, thì con đường sống là tạo ra của cải vĩ đại nhất cho số người đông nhất. Bất hạnh một điều: xác định điều gì thực sự tốt và rồi làm sao đạt được nó đâu có dễ dàng gì. Thường thường duy thực dụng liên hệ với một thứ ý thức hệ nào đó, thường là kinh tế và chính trị, và “của cải vĩ đại nhất” đã được nhà độc tài áp đặt lên người ta. “Các anh sẽ phải hạnh phúc. Các anh sẽ phải tham dự vào thế giới mới lộng lẫy của chúng tôi. Các anh sẽ phải ủng hộ sự ảo tưởng của chúng tôi”.

Cha Longenecker cho rằng duy thực dụng cũng là một hình thức của duy vật chất. Vì chủ nghĩa này dựa trên chủ trương của Jeremy Bentham(1748 -1832): đau đớn và lạc thú là hai chúa tể cao cả cai quản tác phong con người; nhưng lý thuyết của Bentham dựa trên lý thuyết duy nghiệm (empiricism) của David Hume (1711-1776). Ông này cho rằng: chỉ có thể tin tưởng các kiến thức nhận được từ lý trí của con người và các cảm giác của họ về thế giới vật chất. Hệ luận là: là không có đời sau, không thiên đàng, địa ngục, không phán xét chung, ta hãy tạo thiên đàng nơi hạ giới! Đây dĩ nhiên cũng là lý thuyết của chủ nghĩa Mác và của các con, các cháu và các chắt sau này của nó.

Bên trong Kitô Giáo, đang có những người như cựu linh mục John Dominic Crossan tìm cách chỉ phục hồi một Ông Giêsu lịch sử, trút bỏ mọi nét ông cho là huyền thoại, gần như hiểu là siêu nhiên, trơ trụi chỉ còn là một người phàm bị đóng đinh mà thân xác chắc chắn bị qụa ăn thịt chứ không được nằm trong mộ để sống lại như các Tin Mừng nói. Ông Giêsu này cùng lắm chỉ giúp ta tạo ra một thiên đàng ở trần gian này.

9. Duy sử - Đây là niềm tin cho rằng “lịch sử là chuyện tầm phào” (“history is bunk”, câu nói của Henry Ford, cha đẻ ra dây chuyền lắp ráp, sản xuất hàng loạt, và xe hơi Ford, thực ra có nghĩa: sống trong hiện tại). Kitô hữu tin vào Thiên Chúa Quan Phòng: lịch sử là “Sử của Người” (người Anh chơi chữ: history is “His Story”). Duy sử rút kết luận từ duy tương đối, cho rằng nếu không có sự thật, thì cũng không có Thiên Chúa, và nếu đã không có Thiên Chúa thì làm gì có thứ trình thuật có tính bao trùm cho lịch sử. Điều ta thấy như một mẫu mực hay một kế hoạch chỉ đơn thuần là một cố gắng của ta nhằm áp đặt một thứ ý nghĩa nào đó cho lịch sử mà thôi. Với người duy sử, lịch sử chỉ đơn thuần là một chuỗi nối tiếp tình cờ các biến cố gây ảnh hưởng tới con đường nhân loại đang đi. Một số người trở nên giầu có. Một số người trở nên nghèo mạt. Có những cuộc chiến tranh. Có bên thắng. Có bên thua. Cứ thế. Đàng khác, nếu lịch sử không hề có ý nghĩa nào, thì chính đời sống ta cũng đâu có ý nghĩa gì.

10. Duy tiến bộ - Điều oái oăm là con người hiện đại tin duy sử một đàng, theo đó, không hề có một trình thuật có tính bao trùm nào cho lịch sử, nhưng đàng khác, họ lại tin tiến bộ. Lớn lên với niềm tin vào duy biến hóa (thứ ý thức hệ biến hóa chứ không phải lý thuyết biến hóa có tính khoa học), con người hiện đại cho rằng nhờ biến hóa, ta mỗi ngày mỗi tốt đẹp hơn. Điều gì mới điều ấy phải tốt hơn. Mốt nào, khuynh hướng nào hay ý tưởng nào mới nhất hẳn phải tốt hơn những gì xẩy ra trước đó. Họ vẫn khư khư chủ trương hoang tưởng như thế dù thế kỷ 20 là thế kỷ đẫm máu nhất, dã man nhất, độc ác nhất và gây thảm họa nhất trong lịch sử nhân loại, và thế kỷ 21 đang diễn biến xem ra cũng chẳng tốt hơn gì.

Như đã thưa, các thứ “duy” trên đang phá hoại Giáo Hội của ta vì hiện chúng trở thành một phần nền văn hóa của ta. Phần đông người chịu ảnh hưởng văn hóa Tây Phương, kể cả người Công Giáo, đang sống với các giả thuyết của mười thứ duy trên đây nhưng không hề biết điều đó. Họ chọn lựa điều để tin và cách để hành xử theo duy cá nhân, duy cảm xúc, duy thực dụng…
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Tuổi Già
Joseph Ngọc Phạm
21:19 28/07/2015
TUỔI GIÀ
Ảnh của Joseph Ngọc Phạm
Hạnh-phúc tuổi già, nụ cười tươi
Hỷ xả khoan dung sống ở đời
Trải rộng tình thương cho độ lượng
Ra đi thanh thản cõi xa vời.
(Trích thơ của Minh Lương Trương Minh Sung)
 
Thánh Ca
Thánh Ca: Bỏ Ngài Con Biết Theo Ai? Sáng Tác: P. Kim - Trình Bày: Thu Lệ
VietCatholic Network
15:22 28/07/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây