Ngày 26-07-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chúa ban lương thực cho loài người
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
07:40 26/07/2011
CHÚA NHẬT 18 THƯỜNG NIÊN A
+++
A. DẪN NHẬP

Mọi sinh vật trên mặt đất này cần phải có một thứ lương thực thích hợp để nuôi sống. Con người cũng là một sinh vật nên cũng phải theo qui luật bất di bất dịch ấy. Nhưng con người lại khác với những sinh vật khác ở chỗ ngoài sự sống vật chất còn có sự sống tinh thần, sự sống thần linh mà lương thực trần gian không thể đáp ứng được. Căn cứ vào lời Chúa Giêsu nói với qủi đến cám dỗ Ngài :”Người ta không sống nguyên bởi bánh”. Như vậy con người còn có một thứ lương thực đặc biệt khác, đó là lương thực thần linh.

Mọi người đói khát hãy đến với Chúa vì theo ý Chúa Cha, Đức Giêsu đã tự hiến dâng để làm dịu cơn đói khát luơng thực thiêng liêng ấy. Ngày nay Hội thánh dạy chúng ta : lương thực thần thiêng nuôi dưỡng chúng ta đó là Lời Chúa và Thánh Thể. Khi đã được Chúa nuôi dưỡng bằng luơng thực ấy, chúng ta cũng có trách nhiệm phải làm cho người khác cũng được nuôi dưỡng như vậy vì :”Các con đã lãnh nhận nhưng không thì cũng phải cho đi nhưng không”.

Thiên Chúa như nguồn nước, Ngài không ngừng thông ban ân phúc cho con người qua các Bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể và Lời Chúa, nên các môn đệ Chúa ngày nay mặc dù không có khả năng sản xuất ra lương thực nuôi dân, nhưng họ sẽ gắng sức, tận dụng tài năng, trí lực của mình để đón nhận ân sủng của Thiên Chúa, rồi trao ban cho con người để người người biết cộng tác vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa, làm giầu mặt đất và đem lại hạnh phúc cho nhân lọai.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1 : Is 55,1-3

Khi thời gian lưu đầy ở Babylon sắp hết, tiên tri Isaia được sai đến kêu gọi toàn dân (-540) khi thoát cảnh lưu đầy trở về xây dựng lại đất nước, hãy “lắng tai và đến cùng Ta, hãy nghe thì sẽ được sống”. Thiên Chúa mời gọi người ta đến dự một bữa tiệc do Người khoản đãi. Bữa tiệc sẽ có những cao lương mỹ vị, hoàn toàn miễn phí, không phải trả đồng xu nào.

Với hình ảnh thức ăn và thức uống vật chất được tặng miễn phí cho người nghèo của Giavê, Isaia muốn dạy chúng ta phải biết thèm muốn và tìm lương thực tâm linh là Lời Chúa và tình thân hữu với Chúa.

Như vậy, hình ảnh bữa tiệc mang ý nghĩa tượng trưng :
- Tượng trưng cho sự thoả mãn những khát vọng của con người.
- Tượng trưng cho hạnh phúc Nước Trời.

+ Bài đọc 2 : Rm 8,35, 37-39

Trong đoạn thư này, thánh Phaolô biểu lộ niềm tin và niềm hy vọng vào Chúa Kitô. Tình yêu của Chúa Kitô chiến thắng tất cả, vì thế không có gì có thể tách biệt chúng ta ra khỏi lòng mến của Đức Kitô, dù bị gian nan thử thách như gian truân, buồn sầu, đói khát, trần truồng, nguy hiểm, bắt bớ, gươm giáo.

Chúa yêu thương chúng ta như chưa có ai đã thương như thế bao giờ. Ngay từ bây giờ chúng ta tham dự cuộc sống thần thánh của Người trong khi chờ đợi chúng ta chia sẻ vinh quang của Người trên trời.

+ Bài Tin mừng : Mt 14,13-21

Thánh Matthêu mô tả việc Chúa Giêsu làm cho bánh hóa ra nhiều để nuôi hơn 5000 người ăn. Phép lạ cũng được cả bốn Thánh sử ghi chép lại, nói lên sự quan trọng của sự việc. Chiều đến, Chúa Giêsu nói với các môn đệ :”Họ chẳng cần phải đi đâu, anh em hãy cho họ ăn”. Việc biến hoá bánh ra nhiều là biểu tượng phép Thánh Thể mà Chúa sẽ thiết lập sau này. Thánh Thể cũng sẽ là lương thực, là của ăn của nhân loại trên đường về quê trời. Và Chúa Giêsu cũng thiết lập vào một buổi chiều tối, Giáo hội tiên khởi cũng “bẻ bánh” lúc đêm về.

Phép Thánh Thể là bí tích của đoàn người đi trong sa mạc, trong đêm tối dưới ánh sáng Chúa Phục sinh, như ngày xưa dân Chúa đi qua sa mạc dưới ánh cột lửa và nhờ manna nuôi sống.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

Lương thực dưỡng nuôi chúng ta
I. NHU CẦU CỦA CON NGƯỜI

Con người được kết hợp bởi hai phần : linh hồn và thể xác. Mỗi phần có những nhu cầu khác nhau. Con người không những cần phải được thỏa mãn những nhu cầu vật chất nhưng còn những nhu cầu tinh thần nữa.

1. Nhu cầu vật chất

Con người cũng như các sinh vật phải ăn mới có thể sống. không ăn không uống là chết, đó là qui luật tự nhiên cho mọi sinh vật trên mặt đất này. Người Việt nam chúng ta hay nói :
Dĩ thực vi tiên
hay
Có thực mới vực được đạo.

Người Tây phương cũng nói giống như thế :”Ăn đã rồi hãy triết lý” (manducare priusquam philosophare).

Điều ấy chứng tỏ rằng ăn uống là cần thiết và cũng là điều kiện tất yếu của sự sống.

Một cuộc nghiên cứu có tính cách quốc tế cho biết một nửa dân số thế giới không được cung cấp đủ nuớc sạch và 450 triệu người mỗi đêm đi ngủ mà bụng đói meo. Nhiều nước châu Phi đã bị nạn đói hoành hành trầm trọng cần được Liên hiệp quốc cứu trợ.

Xem ra loài người được cho là thông minh nhất vẫn mãi mãi lo giải quyết cái ăn cái mặc. Và oái oăm thay vẫn những phương tiện tối tân như cơ giới hóa việc cầy cấy, gieo trồng lúa đúng khoa học kỹ thuật, thay trời làm mưa gió để tăng năng xuất, thế mà dường như thế giới loài người càng ngày càng nghèo hơn, đói khổ lan tràn.

Ở Việt nam chúng ta, chương trình xóa đói giảm nghèo đang được xúc tiến mạnh mẽ, hy vọng dân chúng sẽ bớt nghèo đói. Phải chăng đói khổ mãi mãi là hậu quả của tội nguyên tổ mà con cháu loài người chúng ta phải lãnh đủ lời nguyền rủa của Thiên Chúa “phải khó nhọc bưới đất nhặt cỏ mới có của ăn” ?

Chúng ta nên nhớ rằng Thiên Chúa đã tạo dựng nên trái đất này, một trái đất phong phú, sản sinh ra đầy đủ đến dư thừa mọi lương thực chẳng những cho loài người mà còn cho muôn loài. Cho nên trên căn bản là Chúa bảo đảm cho con người được no nê.

2. Nhu cầu tinh thần

Con người tuy cũng là con vật nhưng là một con vật có lý tính (Homo est animal rationale) không những chỉ đòi hỏi thỏa mãn nhu cầu vật chất mà còn đòi hỏi thỏa mãn những nhu cầu cao hơn vật chất : đó là những khát vọng cao hơn và quí hơn như bình an sâu sắc, tình yêu chân thật, sự sống vĩnh cửu... Chân, thiện, mỹ tuyệt đối. Những khát vọng này không ai và không cái gì có thể thoả mãn cho chúng ta, ngoài một mình Thiên Chúa.

Chúa Giêsu rao giảng ở đâu thì người ta tấp nập kéo đến khắp nơi từ thành thị đến thôn quê. Người ta đến quấy rầy Chúa đến nỗi Ngài và các môn đệ không có thì giờ nghỉ ngơi ăn uống. Số người đến nghe Chúa rao giảng rất đông. Nếu chỉ tính riêng đàn ông mà đã tới 5000 người thì con số sẽ lên đến 10.000 hay 15.000 người nếu kể cả đàn bà và con nít. Họ say mê đi nghe Chúa giảng đến nỗi quên cả thời gian, quên cả ăn uống. Như trong bài Tin mừng hôm nay, sau khi đã giảng dạy dân chúng lâu giờ, trời đã xế chiều, có lẽ vào khoảng 3 giờ chiều, các môn đệ giục Chúa cho họ về, vào làng mạc mà mua thức ăn, kẻo ở nơi hoang địa thì không có gì ăn và đêm đã xuống dần.

II. CHÚA THỎA MÃN NHU CẦU CON NGƯỜI

Thánh Matthêu cho biết, khi hay tin Chúa Giêsu xuống thuyền đi đến chỗ hoang vắng riêng biệt thì dân chúng từ các thành đi bộ mà theo Người. Chúa Giêsu thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương vì họ như đàn chiên không có người chăn. Họ đến với Chúa như đến với vị mục tử nhân lành, họ đặt tin tưởng vào Chúa. Đáp lại, Chúa Giêsu chữa lành nhiều bệnh nhân và đáp ứng nhu cầu vật chất cho họ.

Dân chúng say mê nghe Chúa giảng, quên ăn quên uống, nhưng dù sao dạ dầy của họ cũng phải nổi loạn khi không được cung cấp thức ăn thức uống cho nó. Bóng chiều đang xuống dần mà dân còn đang ở trong nơi hoang vắng xa làng mạc thành thị, họ ra về, đường còn xa sợ có người đói lả dọc đường. Chúa Giêsu muốn các môn đệ cho họ ăn. Nhưng trong hoang địa này lấy đâu ra lương thực cho ngần ấy người ăn. Ở đây chỉ có thằng nhỏ có 5 chiếc bánh và 2 con cá. Bằng ấy thực phẩm thì nhằm nhò gì với một biển người như vậy ! Nhưng Chúa Giêsu cứ bảo họ ngồi xuống thảm cỏ để cho Người làm việc. Thánh Matthêu kể :”Người cầm lấy 5 chiếc bánh và 2 con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho môn đệ, và môn đệ trao cho đám đông. Ai nấy đều ăn và được no nê. Những mẩu bánh còn thừa, người ta thu lại được 12 giỏ đầy”.

Lời giảng của Chúa đã làm cho dân chúng say mê. Lời Chúa là thức ăn nuôi dưỡng và bồi bổ cho linh hồn. Tuy thế, Chúa không quên thỏa mãn nhu cầu vật chất cho họ, vì họ là con người có hồn có xác, phải được nuôi dưỡng đầy đủ. Như vậy Chúa thực hiện lời khuyên :”Tiên vàn hãy tìm Nước Thiên Chúa, còn mọi sự khác Người sẽ thêm cho”.
Ngoài thức ăn vật chất, Chúa Giêsu còn muốn hướng con người đến một thức ăn khác nữa, cần thiết hơn, qúi trọng hơn. Bởi đó, sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, người ta tiếp tục tuốn đến với Chúa mong Người tái diễn phép lạ ấy, nhưng Người đã lánh họ mà đi. Theo tường thuật của thánh Gioan , Người còn nói với họ :”Các ngươi tìm Ta chỉ vì đã được ăn bánh no nê. Hãy nỗ lực tìm kiếm thứ lương thực nuôi dưỡng sự sống muôn đời”. Thứ lương thực ấy chính là bản thân của Chúa Giêsu, được ban cho chúng ta qua bí tich Thánh Thể.

III. CHÚA CẦN CHÚNG TA CỘNG TÁC

Ở đây diễn tả lòng nhân đạo của các Tông đồ đối với dân chúng. Nhưng lòng nhân đạo này chỉ có tính cách hạn hẹp theo khả năng tự nhiên của con người, nên bất lực không thể lo cho họ ăn được. Vì thế ở đây muốn nói lên sự hạn hữu và bất lực của con người nơi các Tông đồ nhưng chính sự bất lực này làm nổi bật quyền năng của Thiên Chúa qua Chúa Giêsu trong việc làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi đám đông dân chúng.

Chúa Giêsu biết rõ các Tông đồ bất lực trong việc cho dân chúng ăn no, nhưng Người vẫn ra lệnh cho các ông để chứng tỏ việc phân phát có ý nghĩa như một trung gian, cho dân chúng ăn là việc các Tông đồ làm được, còn việc làm cho có bánh nhiều là việc các Tông đồ bất lực thì chính Người sẽ làm thay (x Ga 6,6) (Trần hữu Thành, Suy niệm Tin mừng Chúa nhật năm A, tr 235-236).

Chúa Giêsu không muốn làm việc một mình, Ngài muốn cho chúng ta cộng tác, mỗi cái Ngài làm một nửa, Ngài để công việc còn “dang dở” cho chúng ta tiếp tục.

Chiều hôm ấy, đám dân chúng đói không có gì ăn. Các môn đệ không đủ bánh, nghĩa là có nhưng thiếu ; hoặc nói cách khác là có mà dở dang. Chúa không vất cái dở dang ấy rồi tự mình làm phép lạ. Chúa bảo đem cái dở dang ấy đến. Sao Chúa không làm phép lạ cho có bánh, mà chỉ làm phép lạ cho bánh hóa ra nhiều ? Sao Chúa ưa thích cái dang dở của các Tông đồ làm chi (Mc 6, 36-43) ?

Chúa thích làm phép lạ dang dở. Chúa làm có một nửa nên nhân loại mới được góp phần trong công việc trọng đại ấy. Cái dang dở Chúa để xẩy ra là dang dở huyền nhiệm. Thiếu dang dở này con người thiệt thòi biết bao. Cần có những dang dở của Chúa để dang dở của con người hết dở dang. Con người không thể làm phép lạ tự cứu lấy mình. Chúa cũng không cứu con người khi con người không tự do lãnh nhận. Phép lạ của Chúa cần là phép lạ một nửa, phép lạ dang dở để tôi được tham dự. Cái dở dang của Chúa là chỗ trống cho tôi bước vào. Cái dở dang của Chúa thật là huyền diệu, sâu thẳm (Nguyễn tầm Thường, Viết trong tâm hồn, tr 7).

Các Tông đồ chỉ kiếm cho Chúa được có 5 cái bánh và 2 con cá. Thật là một đóng góp quá nhỏ nhoi, nhưng thực ra, chỉ cần bằng ấy đã quá đủ đối với Chúa. Chúa không muốn làm phép lạ tự không mà có bánh cho họ ăn, nhưng Chúa muốn cho con người đóng góp một chút để cộng tác với Chúa. Như vậy, phép lạ hóa bánh ra nhiều là kết quả của sự kết hợp giữa quyền năng vô biên của Chúa với sự cộng tác nhỏ bé của con người.

Việc này muốn dạy rằng để giải quyết kinh tế, con người với trí óc thông minh và sức lực sẵn có của mình tự tìm kiếm miếng cơm manh áo cách chính đáng trước, còn thiếu những gì Chúa sẽ bù đắp thêm. Cho nên phải tránh tính ỷ lại, lòng cậy trông kiểu khóan trắng cho Chúa an bài, còn mình ngồi không mà thụ hưởng hay kiêu căng tự phụ cho mình làm ra tất cả, chẳng ai giúp đỡ kể cả Thiên Chúa.

Truyện : Người chạnh lòng thương.
Me Têrêsa Calcutta thuật lại một câu chuyện như sau : Một hôm, có một cặp vợ chồng trẻ đến thăm tu viện và trao tặng cho chúng tôi một khoản tiền lớn, bảo là để đóng góp vào chi phí mua thức ăn cho những người nghèo.
Ở Calcutta mỗi ngày dòng Nữ tử Bác ái Truyền giáo chúng tôi phải cung cấp lương thực cho 9000 người. Bởi đó không lạ gì hai bạn trẻ này muốn dùng khoản tiền họ tặng vào mục tiêu trên.
Thấy họ còn quá trẻ, tôi tò mò hỏi :
- Hai con có thể cho mẹ biết tiền đâu mà hai con có nhiều thế ?
Họ trả lời :
- Chúng con vừa cưới nhau được hai ngày. Chúng con quyết định không may đồ cưới, cũng không tổ chức linh đình, để dùng tiền đó giúp những người kém may mắn hơn chúng con..
Mẹ Têrêsa hỏi tiếp :
- Ở Ân độ, không có quần áo cưới và tiệc cưới là điều nhục nhã. Tại sao các con lại quyết định táo bạo như thế, làm phật lòng cha mẹ và họ hàng ?
Họ thưa :
- Chúng con yêu nhau và muốn tặng nhau món quà cưới đặc biệt. Chúng con muốn khởi đầu cuộc chung sống bằng một hy sinh mà cả hai cùng đóng góp vào.
(Thiên Phúc, Như Thầy đã yêu, tr 106-107)

Hôm nay, Người cũng mời gọi chúng ta góp phần nhỏ bé và âm thầm của mình cho anh em. Người chờ đợi nơi chúng ta một chút lòng chạnh thương. Và cả thế giới được hưởng chung phép lạ lẫy lừng của Thiên Chúa.

Thực ra, con người chỉ tìm được ý nghĩa cho cuộc sống khi biết chia sẻ cho đi. Con người chỉ lớn lên theo mức độ của sự trao ban vô vị lợi mà thôi. Có biết trao ban thì con người mới thực sự triển nở trong nhân cách. Có biết trao ban thì con người mới vui sống và tìm được hạnh phúc đích thực trong cuộc sống. Triết gia Platon quả quyết :”Con người chỉ tìm được hạnh phúc khi làm cho người khác được hạnh phúc”. Thánh Phaolô cũng đã ghi lại khuôn vàng thước ngọc của Chúa Giêsu :”Cho thì có phúc hơn nhận lãnh” (Cv 20,35).

Chúng ta hãy làm cho thế giới này được hạnh phúc. Chắc chúng ta cho rằng mình chỉ là hạt cát trong biển cả làm sao có thể làm gì cho thế giới ? Đúng vậy, chúng ta quá nhỏ nhoi và yếu đuối, tài hèn, nhưng Thiên Chúa chỉ cần chúng ta đúng góp phần nhỏ mọn của chúng ta như một dụng cụ trung thành, còn bao nhiêu hãy dành cho Chúa. Cậu bé với 5 cái bánh và 2 con cá làm sao có thể làm cho ngần ấy người ăn no lại còn thu được 12 thúng đầy ? Cậu không làm được, nhưng Chúa làm được. Thiên Chúa sẽ hoành chỉnh được những cái “dang dở” của ta.

Trong thời kỳ mới tìm hiểu đạo Chúa, Premanand đến liên lạc với Giám mục Whiley ở Ranchi. Ông viết :”Vị giám mục đọc Kinh thánh với tôi mỗi ngày. Đôi khi tôi đọc tiếng Bangal. Càng sống gần vị giám mục, tôi càng đến gần ngài hơn, và Chúa Cứu thế càng được bầy tỏ cho tôi qua đời sống của ngài. Hành động và lời nói của ngài khiến tôi dễ hiểu được giáo huấn của Chúa Giêsu về những điều tôi đọc trong Kinh thánh mỗi ngày. Tôi có một sự hiểu biết mới về Chúa Giêsu khi tôi nhìn thấy cuộc đời yêu thương, hy sinh và từ chối bản thân của Chúa Cứu thế trong đời sống hằng ngày của vị giám mục, đối với tôi ngài thực sự là sứ giả của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu cần những môn đệ để Ngài có thể làm việc qua họ, và nhờ họ đem chân lý và tình yêu của Ngài đến với đời sống của người khác. Không có những người như vậy, Ngài không thể làm việc. Phận sự chúng ta là làm những người đó cho Ngài. Người ta dễ lo sợ nản lòng đối với một công tác to lớn như vậy”.

Nhưng còn một điều khác trong câu truyện này có thể nâng cao tinh thần của chúng ta. Khi Chúa Giêsu bảo môn đệ cho đám đông ăn, họ bảo chỉ có 5 cái bánh và 2 con cá. Với những thứ họ mang đến đó, Chúa Giêsu đã làm phép lạ. Chúa đặt trên mỗi chúng ta một công tác trọng đại là truyền đạt Ngài cho người khác, nhưng Ngài không đòi hỏi chúng ta những tài năng, tiền của và những phẩm tính mà chúng ta không có. Ngài bảo chúng ta :”Hãy đến với Ta bằng con người thật của ngươi, dù nó nghèo nàn, hãy mang đến Ta điều gì ngươi có, dù ít ỏi, và Ta sẽ xử dụng nó một cách lớn lao trong công việc của Ta” (TVH, Tin mừng Chúa nhật, năm A, tr 192).

Chúng ta hãy kết thúc với bài thơ của Amado Nervo, một đại thi sĩ cũng là một nhà huyền bí, người Mễ tây Cơ. Bài thơ này tóm tắt sứ điệp và tinh thần bài Tin mừng hôm nay :

“Con chỉ là một tia lửa,
xin biến con thành ngọn lửa.
Con chỉ là một sợi dây,
xin biến con thành chiếc đàn.
Con chỉ là một ngọn đồi cỏn con,
xin biến con thành ngọn núi.
Con chỉ là một giọt nước,
xin biến con thành một giòng suối.
Con chỉ là một cọng lông,
xin biến con thành chiếc cánh.
Con chỉ là gã ăn mày,
xin biến con thành một ông vua”.

 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:58 26/07/2011
MỜI KHÁCH
N2T

Có một chủ nhân làm tiệc đãi khách, trong dĩa thì xương nhiều hơn thịt, khách rất mực trịnh trọng hỏi:
- “Chén của khách ăn cắp ở đâu vậy ?
Chủ nhân vừa nghe thì rất kinh ngạc, bèn nói:
- “Ông anh nói gỉ vậy ?”
Khách vẫn điềm nhiên giọng nói nét mặt không chút biến đổi trả lời:
- “Tôi vừa nghe bà hàng xóm bên cạnh lớn tiếng chửi: “Thằng trộm nào vừa ăn cắp chén xương đầy của bà, mau trả lại ngay !”

Suy tư:
Người hào phóng khi làm tiệc mời khách thì thức ăn dư thừa, rượu uống thả dàn thả cửa, bởi vì họ coi trọng tình cảm bạn bè và tôn trọng khách mời của mình; nhưng người ích kỷ khi mời khách thì tính toán chi li tiểu tiết, trên bàn tiệc sơ sài vài miếng thịt heo thái rất mỏng, rượu thì người uống kẻ nhịn, khách ăn phải nhìn nhau coi phải xử trí như thế nào khi thức ăn quá ít…
Thiên Chúa dùng miệng tiên tri I-sai-a để mời gọi con cái Ngài đến dự tiệc ăn uống thỏa thuê mà không phải trả tiền:
“Đến cả đi, hỡi những người đang khát, nước đã sẵn đây !
Dẫu không có tiền bạc, cứ đến mua mà dùng;
đến mua rượu mua sữa, không phải trả đồng nào” (IS 55, 1).

Tiệc thỏa thuê ấy ngày hôm nay chính là thánh lễ Mi-sa, trên bàn thánh này có Mình Máu Thánh và Lời hằng sống của Chúa Giê-su.
Đến mà ăn mà uống, không mất đồng nào mà lại được phúc trường sinh, hạnh phúc thật.
------------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:59 26/07/2011
N2T

27. Linh hồn của người chết, được giải thoát khỏi từ xác thịt làm bạn đường và trong sự rối bời của người thế.

(Thánh Ambrosius)
 
Thu lại những mảnh bánh vụn
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
19:44 26/07/2011
Chúa nhật 18 A

Phép lạ hoá bánh ra nhiều được bốn thánh sử ghi lại cả trong bốn Phúc âm (Mt 14,13-21; Mc 6,31-34; Lc 9,10-17; Ga 6,1-13). Matthêu và Maccô còn kể thêm Chúa làm phép lạ lần thứ hai nữa (Mt 15,32-38; Mc 8,1-10).

Nhìn thấy đám đông, Chúa Giêsu chạnh lòng thương. Họ đói khát, nghèo khổ, bệnh tật, bơ vơ. Họ đi tìm Chúa để được chữa lành, được an ủi, được dạy dỗ. Chúa đã yêu thương họ và muốn tặng cho họ một bữa tiệc đơn sơ bất ngờ ở ngoài trời. “Ta mua đâu bánh cho họ ăn đây?”. Chúa muốn đưa các môn đệ đi vào mối bận tâm của Ngài, cần sự cộng tác. Các môn đệ thất vọng vì chỉ có 5 chiếc bánh lúa mạch và 2 con cá nhỏ.

Phản ứng các môn đệ là bế tắc được ghi lại trong 4 phúc âm như sau:

- Matthêu: Ở đây chúng tôi chỉ có 5 chiếc bánh và 2 con cá thôi.

- Marcô: Thế chúng tôi phải đi mua 200đồng bạc bánh mà cho họ ăn sao?

- Luca: Chúng tôi không có hơn 5 chiếc bánh và 2 con cá, hoạ chăng là chúng tôi phải đi mua thức ăn cho cả toàn dân này.

- Gioan: Philipphê thưa: Có mua hết 200đ bạc bánh cũng chẳng đủ phát cho mỗi người một miếng nhỏ. Anrê nói: Ở đây có một em bé có 5 chiếc bánh lúa mạch và 2 con cá nhưng với bằng ấy người thì thấm vào đâu!

Thái độ của các môn đệ là muốn thoái thác: “Nơi đây hoang vắng, và đã muộn rồi, vậy xin Thầy giải tán đám đông, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn” (Mt 14,15). Đó là giải pháp hợp lý. Lo cho hàng ngàn người ăn là ngoài khả năng các môn đệ. Đó cũng là giải pháp nhẹ nhàng, ai lo phần nấy, tự đi mua lấy thức ăn.

Chúa Giêsu không chấp nhận thái độ đó. Chúa muốn các môn đệ nhận lấy trách nhiệm và cùng cộng tác với Ngài: “Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn đi”.

Chúa Giêsu cầm 5 chiếc bánh và 2 con cá hướng nhìn về trời cao, đọc lời chúc tụng, những bế tắc âu lo của các môn đệ đã được giải toả. Đám đông ăn no nê đầy ứ và còn dư dả phủ phê.

Chúa Giêsu đã cho họ ăn một bữa đã đời và đó cũng là bữa để đời. Để đời vì là lời mời gọi cộng tác và hãy biết quý chuộng ân sủng Chúa ban.

1. “Anh em hãy cho họ ăn”.

Phép lạ xảy ra do quyền năng Thiên Chúa và sự cộng tác của con người.

“Anh em hãy cho họ ăn”. Chúa không làm phép lạ từ không ra có. Chúa làm phép lạ từ 5 chiếc bánh và 2 con cá là phần đóng góp nhỏ bé của con người. Phần đóng góp nhỏ bé nhưng lại cần thiết. Chúa cần sự cộng tác của con người cho dù sự cộng tác ấy là nhỏ bé nhưng với tấm lòng rộng lớn thì Chúa sẽ biến sự nhỏ bé thành lớn lao, biến điều tầm thường nên vĩ đại. Chúa không làm phép lạ ngay tức khắc biến bánh và cá thành một kho thức ăn để người ta tự do đến lấy tùy thích. Chúa cũng không tự tay phân phát lương thực. Chúa trao bánh và cá cho các môn đệ. Các môn đệ trao cho mọi người. Mọi người trao cho nhau. Đó là bài học lớn lao của phép lạ hoá bánh. Khi mọi người chia sẻ cho nhau, quan tâm giúp đỡ nhau trong tình thương, biết bẻ ra, biết trao đi thì Chúa Giêsu làm phép lạ hoá nhiều. Nghèo nàn hay thiếu khả năng, điều ấy không quan trọng. Chỉ có 5 chiếc bánh và 2 con cá mà Chúa đã làm phép lạ ra nhiều. Hãy đóng góp hết khả năng nhỏ bé của mình, phần còn lại Chúa sẽ thực hiện.

“Anh em hãy cho họ ăn”. Đây còn là lời mời gọi lên đường thực thi đức ái. Giáo hội không bao giờ thờ ơ né tránh các vấn đề nhân sinh của nhân loại. Giáo hội quan tâm đến mọi nhu cầu của con người và thế giới. Chúa Giêsu không chấp nhận thái độ thụ động, viện cớ này nọ để tự biện minh: “Chúng con chỉ có 5 chiếc bánh và 2 con cá, như thế thấm đâu cho ngần ấy người”.

“Anh em hãy cho họ ăn”. Chúa nhắc nhở Giáo hội phải chủ động đi đến với người nghèo khổ, phải ở bên người nghèo đói và phải bênh vực chăm lo cho người nghèo nàn. Mọi Kitô hữu không thể thờ ơ trước những nỗi đau khổ, nghèo đói, thiếu thốn của anh chị em chung quanh. Nổ lực hết mình góp phần với Thiên Chúa để xoa dịu nỗi đau của tha nhân.

2. “Anh em hãy thu lấy những miếng thừa kẻo phí đi”.

Đoạn kết Phúc Âm cho biết: sau khi mọi người ăn no thỏa, người ta thu lượm được “mười hai thúng đầy vụn còn dư”. Hồng ân tràn đầy của tình thương Thiên Chúa. Phúc Âm luôn luôn nói về chân lý này: một khi Thiên Chúa ban ơn là Ngài ban dư dật. Người mù xin sáng mắt,Chúa Giêsu cho sáng cả linh hồn; người bất toại xin sức khỏe để vác chõng về nhà, Chúa Giêsu cho sức khỏe cả về phương diện tôn giáo để hội nhập vào nhịp sống cộng đoàn.

Với 5.000 người không để đàn bà con nít, vậy số người rất đông, cả một rừng người. Có cả ngàn ngàn chiếc bánh được phát ra. Bánh nhiều như vậy tại sao Chúa lại tiếc những miếng bánh vụn còn dư ? Tại sao Chúa lại bảo thu lại những mảnh vụn ?

Chúa làm phép lạ hóa bánh ra nhiều là vì “chạnh lòng thương”: “Ta thương đoàn dân này”, vì “Ta không muốn để họ đói”, vì “Ta sợ rằng họ lả dọc đường” (Mt 15,32). Chúa Giêsu quý những mẫu bánh vụn vì nó là phép lạ của Ngài. Nó là tình thương, là ơn sủng, là ơn cứu độ của Chúa trao ban. Tình yêu và ân sủng như ngọn pháo bông, khi tung vỡ trên bầu trời thành trăm ngàn vụn nhỏ thì càng rực rỡ huy hoàng. Khi tấm bánh được bẻ ra trên bàn thờ, nó trở thành nhỏ bé mỏng manh nhưng vẫn đầy tràn quyền năng và ơn thánh. Khi hiến lễ đền tội cho nhân loại của Đức Kitô trên đồi Calvê tan ra, vóc dáng Người sụp xuống, đó cũng chính là lúc ơn cứu độ như nắng vỡ, lan ra chảy tràn kín vũ trụ, tỏa sức sống cho nhân sinh.

Chúa Giêsu quý những mảnh bánh vụn, Chúa bảo các môn đệ thu lại để dạy chúng ta đừng lãng phí ân huệ Chúa ban. Sức khoẻ, thời gian, tài năng, trí tuệ đều là ân huệ được ban tặng, cần trân trọng nâng niu gìn giữ. Trong ơn sủng của Chúa không có gì là những mẫu vụn bé nhỏ tầm thường.

Có một cụ bà đã 73 tuổi (có lẽ là một Kitô hữu {trong hình thấy đeo tràng chuỗi Mân Côi} đi nhặt những mãnh vụn thai nhi, sinh linh bị giết chết, đem về chôn cất . Chuyện rất cảm động và thật cảm phục “Mười năm nhặt xác ba ngàn hài nhi!”. (x. Người Lao Động Online, 26.6.2011).

Gần 10 năm nay, có một bà cụ đã bước sang tuổi 73 vẫn ngày ngày lặn lội khắp nơi để nhặt những thai nhi bị bỏ rơi đem về chôn cất. Đó là bà Phạm Thị Cường, ngụ xã Nghĩa Thắng, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Bà bộc bạch: “Hãy yêu thương những linh hồn bé nhỏ bị bỏ rơi kể cả khi chúng đã qua đời, bởi những đứa trẻ tội nghiệp ấy đã gánh thay chúng ta những tai họa ở trần gian”.

Ở làng quê nghèo ven biển xã Nghĩa Thắng, không ai còn lạ với hình ảnh một người đàn bà đã vào cái tuổi thất thập cổ lai hy ngày ngày âm thầm đi gom nhặt thi hài những đứa trẻ khắp nơi về chôn cất. Trên đường về Nghĩa Thắng, khi hỏi thăm nhà bà Cường, chúng tôi đã được nghe nhiều câu chuyện về bà qua những nông dân ở vùng quê này. Ở nơi đây, mọi người vẫn trìu mến gọi bà là bà Cường “hài nhi’’có lẽ một phần cũng do những công việc mà bà đã và đang làm.

Bà là một người hiền lành, phúc hậu. Đã gần 10 năm nay, không quản ngày nắng cháy da cháy thịt hay đêm đông lạnh giá, bà vẫn lặn lội khắp mọi ngả đường của huyện Nghĩa Hưng, đặc biệt là khu vực thị trấn Đông Bình, để nhặt các hài nhi xấu số bị phá bỏ về chôn cất.

Cuộc sống của bà Cường chỉ trông vào gánh bán rau quả và những đồ tạp hóa ở khu chợ Đông Bình. Nơi đây có một số cơ sở nạo phá, hút thai nhi. Mỗi ngày có hàng trăm ca nạo phá thai đã diễn ra, một phần công khai còn chủ yếu là bí mật, cũng đồng nghĩa với việc hàng trăm hài nhi bị vứt bỏ.

Mỗi lần nhìn thấy thi hài của các cháu bị vứt bỏ nơi đầu đường, xó chợ tôi lại không thể kìm lòng, càng thương các sinh linh bé nhỏ bơ vơ chưa kịp cất tiếng khóc chào đời đã phải chịu thay tội vạ mà cha mẹ chúng đã gây ra. Đáng trách quá !”…

Gần 10 năm nay, họ đã tìm nhặt và an táng hơn 3.000 sinh linh bé bỏng.

Bà Cường tâm sự về “cơ duyên” dẫn mình đến cái nghiệp làm phúc này. Bà cho biết vẫn nhớ như in ngày 8.3.2002. Trên đường đến chợ Đông Bình để bán rau, khi đi đến cầu Đông Bình, bà Cường thấy có một túi nilông màu đen, ruồi muỗi bám đen.

Bà Cường nhớ lại: “Lúc đầu tôi cứ nghĩ đây là túi rác của gia đình nào đó ném ra đây. Nhưng rồi đi được một đoạn, tự dưng trong người tôi như có lửa đốt, cứ bồn chồn chẳng yên, đặc biệt là hình ảnh chiếc túi màu đen cứ như ngay trước mắt mình. Đứng lại suy nghĩ một lúc, tôi quyết định quay lại xem bên trong túi bóng đó chứa thứ gì”.

Bà Cường bàng hoàng và đau xót khi chứng kiến một hài nhi đang thoi thóp thở, thân thể bị kiến bu đầy nhưng đôi mắt bé mở to nhìn bà chằm chằm như muốn nài nỉ, van xin. “Tôi đem đứa bé về nhà, lau rửa sạch sẽ rồi đi xin sữa cho cháu bú nhưng cũng chỉ được ít phút sau, cháu đã tắt thở. Tôi cứ bị ám ảnh mãi ánh mắt của cháu, cứ đau đáu nhìn tôi. Nhiều đêm trăn trở suy nghĩ, tôi quyết định phải làm một việc gì đó chứ không thể để những cảnh thai nhi bị người ta bỏ đi mà không hề được chôn cất”.

Nhiều lúc bà Cường cũng nản khi có quá nhiều đứa bé bị nạo hút như vậy. Nhiều lúc bà định dừng công việc này nhưng lại nghĩ đến những đứa trẻ bơ vơ, sống không thấy mặt cha mẹ, chưa kịp chào đời đã bị bỏ rơi.

Bà lại thấy mình không thể đứng nhìn được, phải làm việc gì sao cho có ích. “Vì vậy, tôi không kể gì là gian khổ, mưa nắng hay ngày đêm, lúc nào nghe tin ở đâu đó có thi hài bị bỏ rơi là lại tìm đến để xin về mai táng”.

Nghĩa trang Quần Vinh trong một chiều mùa hạ, bà Cường lặng lẽ thắp những nén nhang thơm lên phần mộ của những hài nhi xấu số. Rồi bà nói trong tiếng nấc: “Các con chưa kịp chào đời đã phải trả giá cho sai lầm của những kẻ sinh thành nên các con. Bà thắp nén nhang thơm, mong các con được an nghỉ”…

Tuy hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, bản thân lại già yếu nhưng lúc nào bà Cường cũng hiển hiện niềm tin cuộc sống và tình thương yêu con người. Tâm sự với chúng tôi, bà Cường không mong ước điều gì ngoài việc mình được… thất nghiệp. Bà mong sẽ không còn phải ngày ngày đi làm công việc thu gom xác hài nhi đầy đau đớn này nữa. Tuy vậy, bà Cường vẫn khẳng định: “Tôi sẽ tiếp tục công việc này cho đến khi nào còn sức khỏe. Tôi sẽ tiếp tục đi thu gom những hài nhi xấu số về chôn cất, bởi theo tâm niệm của tôi, những đứa trẻ tội nghiệp đó đã quá bất hạnh. Tôi quyết không để các cháu cô đơn mặc dù đã rời trần thế”…

Đức Hồng Y FX Nguyễn Văn Thuận đã từng khuyên rằng: “Muốn nên thánh, con hãy làm những việc thường, có khi xem ra vô ý nghĩa nhất. Nhưng con đặt vào đó tất cả niềm mến yêu của con”(ĐHV 814). “Nhìn cây cổ thụ sum sê, con đừng quên rằng, từng trăm năm trước nó đã khởi sự từ một hạt giống tí ti” (ĐHV 816). “Tự nhiên có ai lên đỉnh núi Hy-mã-lạp-sơn được? Tự nhiên có ai lên cung trăng được? Thử thách, hiểm nguy, ôn luyện, chuyên cần mỗi ngày, nhiều ngày mới đạt được đích họ hy vọng” (ĐHV 817).

Suy niệm câu chuyện hóa bánh ra nhiều, nghe Chúa mời gọi chúng ta: hãy mở rộng trái tim để biết “chạnh lòng thương” anh em đồng loại. “Chạnh lòng thương” được thể hiện qua những việc làm cụ thể, bằng sự cộng tác quảng đại, bằng sự tiết kiệm để giúp ích cho nhiều anh chị em.

Chúa muốn trái tim chúng ta vươn lên khao khát những chân trời cao thượng của đời sống tâm linh. Hãy nhìn Chúa Giêsu trong Thánh Kinh. Hãy nhìn Chúa Giêsu trên Thánh Giá. Hãy nhìn Chúa Giêsu trong Thánh Thể. Tình yêu Thiên Chúa bàng bạc trong Thánh Kinh, Thánh Giá và Thánh Thể. Một tình yêu tha thứ, phục vụ mạnh hơn hận thù. Một tình yêu phục sinh mạnh hơn sự chết. Một tình yêu khiêm tốn bao dung mạnh hơn mọi kiêu căng và hẹp hòi.
 
Nước Trời
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
19:50 26/07/2011
Khởi đầu sứ vụ rao giảng, thánh Gioan Tẩy Giả kêu gọi: Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần (Mt 3,2). Nước Trời là một mầu nhiệm. Nước Trời là Nước của Thiên Chúa mở ra cho con người. Chúa Giêsu đã xuống thế để khai mạc Nước Trời. Nước Trời là nước của sự bình an và tình yêu không biên giới. Nước Trời bắt nguồn từ trời cao trao ban cho nhân loại và rồi qui về nguồn là Nước Thiên Chúa. Chúa Giêsu là dùng rất nhiều hình ảnh, tỉ dụ và dụ ngôn để diễn tả về Nước Trời. Nước Trời không có tổ chức chính phủ, không có quân đội, không có các kho tàng và không có biên cương lãnh thổ. Nước Trời mở rộng đến mọi tâm hồn ở mọi nơi. Nước Trời bao gồm mọi thành phần đang trên đường dẫn tới cuộc sống vĩnh cửu. Nước Trời giống như: Lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi đó mà lựa chọn: cá tốt thì bỏ vào giỏ, còn cá xấu thì ném ra ngoài (Mt 13,48). Nuớc Trời đón nhận những tâm hồn sám hối và thống hối ăn năn. Nước Trời không giới hạn, không loại trừ nhưng là một nước đang phát triển lớn mạnh trong tâm hồn con người.

Nước Trời (Kingdom of heaven), cụm từ này chỉ riêng thánh Matthêô đã dùng 33 lần trong phúc âm thứ nhất. Thánh Matthêô trình bày rằng Chúa Giêsu đã dùng nhiều hình ảnh để nói về Nước Trời. Nước Trời lại giống như lưới thả dưới biển, bắt được mọi thứ cá (Mt 13, 47). Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ (Mt 13,52). Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo trong ruộng mình (Mt 13,31). Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình (Mt 13,24). Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men (Mt 13,33). Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp (Mt 13,45). Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình (Mt 21,1). Nước Trời cũng giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình (Mt 22,2). Nước Trời cũng giống như chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách (Mt 18,23).

Các Thánh Sử còn dùng cụm từ Nước Thiên Chúa (Kingdom of God) khoảng 70 lần trong sách Tân Ước. Nước Thiên Chúa khởi sự ở trần gian nhưng kết thúc ở Nước Trời. Người nói: "Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất (Mc 4,26). Muốn vào Nước Thiên Chúa, chúng ta phải đi theo con đường hẹp và sống tinh thần nghèo khó. Thầy còn nói cho anh em biết: con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa (Mt 19,24). Điều quan trọng để được trở thành công dân Nước Trời là chúng ta phải phấn đấu, phải thanh luyện, phải phát triển và phải nên thánh thiện hơn mỗi ngày. Trong tất cả các dụ ngôn về Nước Trời, dụ ngôn nào cũng nói đến điều tốt lành, sự triển nở nhân đức, lớn mạnh trong yêu thương bác ái và sống tích cực như muối như men và như đèn cháy sáng. Mục đích là dẫn dắt mọi người chung hưởng hạnh phúc ngày sau bên Chúa Nhân Lành.

Con người luôn khao khát đi tìm chân lý của cuộc sống. Một số tôn giáo đã xuất hiện để đáp ứng nhu cầu tâm linh của con người đi tìm nguồn hạnh phúc vĩnh cửu. Chúng ta cùng nhìn qua một vài giáo thuyết của các đạo giáo. Giáo lý Phật Giáo có nói đến Niết Bàn là nơi hưởng cực lạc. Niết-bàn được hiểu là sự “an lạc” nhưng phần lớn được hiểu là sự giải thoát khỏi cái Khổ. Niết-bàn được xem là sự thống nhất với cái nhất thể tuyệt đối. Niết-bàn được xem là đoạn triệt Luân hồi. Đó là sự tận diệt gốc rễ của ba nghiệp bất thiện là tham, sân và si. Đồng thời Niết-bàn có nghĩa là không còn chịu sự tác động của nghiệp và không còn chịu quy luật nhân duyên. Vô vi, đặc tính của nó là thiếu vắng sự sinh, thành, hoại, diệt. Niết bàn là viên tịch (hoàn toàn vắng lặng), vô sanh (không còn sanh diệt) và giải thoát. Niết Bàn không chỗ nơi hay hình tướng. Nghĩa là sau khi đạt đến Niết Bàn thì đâu đâu cũng là cảnh giới bất tư nghì, chớ không phải đạt đến đó rồi không còn gì hết.

Đạo Hồi Giáo còn gọi đạo Islam, là một tôn giáo độc thần thuộc nhóm các tôn giáo Abraham. Đây là tôn giáo lớn thứ hai trên thế giới, sau Kitô Giáo và là tôn giáo đang phát triển nhanh nhất, với số tín đồ hiện nay là 1,3 tỷ. Đạo Hồi chỉ tôn thờ Allah, Đấng Tối Cao, Đấng Duy Nhất. Đối với tín đồ, Muhammad là vị Thiên Sứ cuối cùng được Allah mặc khải Thiên Kinh Koran qua Thiên thần Jibrael. Đạo Hồi Giáo định nghĩa về Ngày Sống Lại được nhận biết như Ngày Đoán Định. Islam dậy rằng vào ngày này, mọi tạo vật sẽ được nâng dậy một lần nữa và được gọi đến trước tòa Chúa để nhận phán xét sau cùng. Con người sẽ được phân chia. Một số sẽ vào thiên đàng và một số sẽ xuống hỏa ngục. Sách Coran diễn tả rằng đây là ngày vui mừng hạnh phúc cho những kẻ tin và khủng khiếp cho những ai không tin vào sự hiên hữu này. Kinh Coran nhấn mạnh đến quyền năng của Chúa Allah: Chắc chắn, Ngài sẽ đưa sự sống đến tận diệt trái đất qua mưa bão và ban sự sống cho những người đã chết (Qur’an 41,39).

"Hinduism" được dịch là Ấn Độ giáo, ở đây không phải là một danh hiệu tự xưng của một tôn giáo Ấn Độ. Ấn Độ Giáo là tên chỉ những nhánh tôn giáo chính có tương quan với nhau và hiện còn tồn tại ở Ấn Độ. Khoảng 80% người Ấn Độ tự xem mình là người theo Ấn Độ Giáo và người ta cho rằng, có khoảng 30 triệu người theo Ấn Độ Giáo sống tại hải ngoại. Đạo Hinđu tin vào khái niệm tái sinh luân hồi và quy luật nhân quả. Linh hồn thì bất tử và không hư nát. Sự chết không là một thảm họa và không là sự chấm dứt nhưng là một tiến trình biến đổi và phục hồi. Giáo lý của đạo tin rằng những hành động tốt, cũng như xấu trong cuộc đời này sẽ mang kết quả trong đời sau. Có hai đường có thể đi tới. Nếu con người làm điều tốt, sẽ được tưởng thưởng nơi trời cao, đầy tràn thế giới và hạnh phúc viên mãn nơi đó. Con đường sáng láng của mặt trời và các thần thánh. Khi con người sa phạm lầm lỗi trong cuộc sống, hồn sẽ đi xuống hạ tầng thế giới. Lối này dẫn lối đến mặt trăng, đường u tối và đường của các tổ tiên. Khi hồn bước vào cõi tịch lạc của mặt trời, nó sẽ không trở lại nữa nhưng khi hồn vào lối mặt trăng, sẽ đổi kiếp trở lại.

Có những người chủ trương sống vô thần. Vô thần (Atheism) theo nghĩa rộng là từ chối niềm tin vào sự hiện hữu của các thần thánh. Nghĩa hẹp hơn là không tin có thần thánh. Có khoảng 2.3% nhân loại sống vô thần, trong khi 11.9% là không có tôn giáo. Con số thống kế khác biệt, theo bá cáo chung, những người vô thần ở Hoa Kỳ có khoảng (4%), ở Ý(7%), Tây Ban Nha (11%), Anh (17%), Đức (20%) và Pháp (32%). Những người vô thần tin những điều khác nhau. Vô thần không vô hiệu hóa ý tưởng của đời sau. Một số người vô thần không tin bất cứ điều gì thuộc sự sống ngày sau. Họ chấp nhận thời gian cuộc sống là giới hạn và cố gắng sống tốt hết sức có thể. Họ không cư ngụ trong sự chết và những gì xảy ra sau khi chết. Điều này không làm phiền họ và cũng không khó khăn để thực hiện. Có những người vô thần thì sợ hãi và chán nản biết rằng khi họ chết thì họ sẽ không còn nhớ bất cứ người nào mà họ yêu thương hay bất cứ tưởng niệm nào mà họ đã thực hiện trong cuộc sống. Có người sống vô thần trong lý thuyết, có người vô thần trong thực hành và có người thì vô tri không màng.

Các Kitô hữu tin vào Thiên Chúa và ơn cứu độ. Nước Trời là viên ngọc quý mà Thiên Chúa trao ban cho dòng dõi loài người. Chúng ta phải ra công gắng sức tìm kiếm và phấn đấu để chiếm hữu. Chúng ta không thể ngồi đó để chờ ơn phúc bởi trời. Chúa muốn chúng ta cùng tự nguyện cộng tác và sống tin mừng cứu độ: Tìm được một viên ngọc quý, anh về bán mọi của cải mà mua viên ngọc ấy (Mt 13,46). Vì Nước Trời không thuộc về thế gian nên thế gian không luôn ưa thích. Nước thế gian đã và đang tìm mọi cách để hạn chế, tiêu diệt và bách hại. Nước Trời quanh quyện với thế gian nhưng thế gian lại tẩy chay và chối từ. Vì thế, luôn luôn có sự xung khắc, giằng co giữa thế quyền và thần quyền, giữa nước trời và nước thế gian. Chúa Giêsu đã xác định về Nước của Ngài: Đức Giêsu trả lời: "Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do-thái. Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này." (Ga 18,36).

Nước Thiên Chúa lan trải đến mọi nguời, mọi nơi và mọi thời. Chúng ta không thể nói rằng Nước Trời ở đây hay ở kia mà là ở giữa lòng nhân loại. Người Pharisêu hỏi Đức Giêsu bao giờ Triều Đại Thiên Chúa đến. Người trả lời: "Triều Đại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được. Và người ta sẽ không nói: "Ở đây này! hay "Ở kia kìa! , vì này Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông (Lc 17, 20-21). Nước Trời được lồng vào Giáo Hội hữu hình tại thế để mời gọi và tiếp tục sứ mệnh truyền rao ơn cứu độ. Giáo Hội hữu hình sẽ giúp con người đang lữ hành tại thế tìm đường về quê vĩnh cửu.

Trong Kinh Lạy Cha, chúng ta cầu nguyện rằng: Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến. Vâng ý Cha dưới đất cũng như trên trời. Nước Chúa sẽ đến mở cửa đón nhận những ai thành tâm và trung tín cho đến cùng. Ngày đó, các thiên thần sẽ tách biệt người lành kẻ dữ, tách lúa ra khỏi cỏ lùng và chọn cá tốt bỏ vào giỏ còn cá xấu sẽ bị ném ra ngoài: Bấy giờ anh em sẽ khóc lóc nghiến răng, khi thấy các ông Abraham, Isaac và Giacob cùng tất cả các ngôn sứ được ở trong Nước Thiên Chúa, còn mình lại bị đuổi ra ngoài (Lc 13,28). Vào ngày sau hết, không phải chúng con cứ thưa lạy Chúa, lạy Chúa là được vào Nước Trời, nhưng điều tối quan trọng là chúng con phải thi hành thánh ý Chúa. Lạy Chúa, xin thương xót chúng con.
 
Năm bánh hai cá
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
19:51 26/07/2011
Bước ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu đã tỏ lòng thương xót, ủi an, dậy dỗ, chữa lành và ban phát của ăn nuôi dân. Gặp những người cùng khổ và bệnh tật, Chúa xót thương chữa lành họ: Người thấy dân chúng đông đảo, thì thương xót họ, và chữa những người bệnh tật trong họ (Mt 14,14). Chúa dậy dỗ và mở mang kiến thức để họ hiểu biết về mầu nhiệm Nước Trời và tình yêu của Thiên Chúa. Thiên Chúa luôn yêu thương và quan phòng cho mọi loài thọ tạo. Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao? (Mt 6,26). Để tiếp tục ban phát ơn lành, Chúa Giêsu cần lòng quảng đại và sự góp phần nhỏ bé của chúng ta. Thánh Matthêô diễn tả: Các ông thưa lại rằng: "Ở đây chúng con chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá". Người bảo các ông rằng: "Hãy đem lại cho Thầy"( Mt 14,16). Chúa nhận 5 chiếc bánh và 2 con cá nhỏ, Chúa đã đọc lời chúc tụng, tạ ơn và phân phát cho mọi người. Chúa ban cho dân đầy dư tràn trề và ăn uống thỏa thuê. Chúa Giêsu duỡng nuôi con dân bằng của ăn tinh thần và cả của ăn thể xác.

Năm bánh hai cá là biểu tượng nguồn tốt lành mà mỗi người chúng ta đang sở hữu. Mỗi cá nhân đều có một kho tàng vô giá ẩn sâu trong tâm hồn. Tôn giáo giúp chúng ta khơi dậy những tâm tình, những ân huệ và những khả năng được trao ban. Chúng ta không thể nói rằng chúng ta không có gì để cho đi. Mỗi người có cả một kho tàng tình yêu, sự cảm thông, tình xót thương và lòng quảng đại. Cái gì cũng có thể cho được, chúng ta có thể cho đi một nụ cười thân thiện, một lời nói êm nhẹ, một cử chỉ yêu thương, một thái độ tử tế, một ánh mắt thông cảm, một vòng tay ấm áp, một tâm tình chia sẻ tế nhị và một chút bánh, một ly nước. Khi chúng ta biết cho đi, chúng ta sẽ nhân đôi niềm vui cả vốn lẫn lời. Cho đi là làm giầu thêm cho chính mình. Khi lồng ngực còn thở và trái tim còn đập, chúng ta còn có cái để cho, cho đi niềm tin, niềm hy vọng và cậy trông. Càng cho càng có thêm. Xởi lởi trời lại cho mà.

Ngày xưa, khi đi giảng đạo tại những nước nghèo đói xa xôi, các nhà truyền giáo đã dùng mọi cách thế để đi vào lòng dân. Một trong những cách cụ thể là lo cho dân có nơi ăn chốn ở, giúp đỡ, dậy dỗ và dùng thuốc thang chữa lành bệnh tật. Có nhiều người theo đạo vì: Theo đạo có gạo mà ăn. Điều này không sai nhưng nếu lạm dụng sự giúp đỡ thì mất đi ý nghĩa của việc truyền đạo. Chúng ta thường nghe nói: Có thực mới vực được đạo. Đúng vậy, con người không sống trên mây trên gió mà là cuộc sống cụ thể chân chạm đất. Những nhu cầu thể xác về ăn mặc không thể thiếu. Không phải ngày xưa khi mơi truyền đạo mà cả ngày nay cũng thế, những nơi vùng sâu vùng xa nghèo đói cũng cần sự trợ giúp về cái ăn cái mặc. Không thỏa mãn nhu cầu thể xác thì khó có thể tập trung cầu nguyện, thờ phượng và trau dồi kiến thức văn hóa về đạo giáo hay về xã hội.

Ở Ấn Độ, người dân bị phân biệt giai cấp, những người cùng đinh nghèo đói và bị khinh bỉ. Mẹ Têrêxa đã phục vụ lâu năm tại đây. Mẹ đã lập nhiều nhà Tế Bần. Có nơi các chị Dòng Bác Ái mỗi ngày phải lo phục vụ cả 9 ngàn người ăn. Một ngày không nấu là một ngày họ không có gì ăn. Vào ngày nọ, có một cặp vợ chồng mới cưới đến thăm và dâng cúng món tiền lớn. Mẹ Têrêxa hỏi: Ở đâu anh chị có món tiền lớn thế? Anh chị trả lời: Họ mới cưới nhau được hai ngày. Chúng tôi quyết định không tổ chức đám cưới vì muốn dành số tiền này để nuôi người nghèo. Mẹ hỏi: Tại sao anh chị lại muốn làm như thế? Họ trả lời rằng vì chúng tôi yêu nhau và muốn bắt đầu cuộc sống hôn nhân với hành động hy sinh này. Biết rằng họ thuộc hàng quý phái. Cử chỉ thật đẹp từ cõi lòng.

Tu thân tích đức là hướng nội. Từ bi hỉ xả và từ thiện bác ái là hướng ngoại. Khi có nội công thâm hậu, thì con người sẽ có sức mạnh phi thường. Ý chí là nguồn sức mạnh. Không phải mọi người to lớn, khỏe mạnh và cường tráng là người có nội lực thâm sâu. Ý chí giúp con người thành nhân và thành thánh. Vị thánh nào cũng có một ý chí kiên cường. Vị thánh nào cũng biết xả thân và cho đi. Cho đi mà không cạn kiệt. Cho đi là hướng ra tha nhân. Càng xả thân càng làm cho sự hiện hữu của mình thêm phong phú. Các thánh nhân đã cho đi không ngừng để làm giầu cho tha nhân và cho chính mình. Chúa Giêsu xuống trần gian, Ngài cho đi với cả trái tim yêu thương, sự tha thứ, thông cảm, chữa lành, sự bình an và cả mạng sống của chính Ngài.

Khi Chúa Giêsu chữa lành, Chúa chữa tận căn và bệnh tật chấm dứt. Khi Chúa ban của ăn, Chúa ban dư tràn. Mọi người đều ăn no. Và người ta thu lượm được mười hai thúng đầy những miếng bánh vụn (Mt 14,20). Khi Chúa yêu thương, Chúa hiến cả thân mình đến giọt máu cuối cùng. Chúa không ban ơn nửa vời. Bước theo Chúa, Chúa cũng đòi hỏi một sự dứt khoát: Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được (Lc 14,33). Xem ra sự đòi hỏi của Chúa không dễ. Làm sao chúng ta có thể từ bỏ hết những gì chúng ta có? Chúng ta thường tìm cách tránh né vấn đề và nêu ra nhiều lý do để chối từ. Các tông đồ xưa đã thực hành lời Chúa một cách triệt để. Các ngài sống trọn vẹn lý tưởng và chết cho sứ mệnh của mình. Thánh Phaolô đã lên tiếng nói rằng: Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi (Gal 2,20).

Chúa trao quyền năng cho các tông đồ và sai các ngài ra đi trong tin yêu và phó thác: Đi đường, đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi dép hay cầm gậy. Vì thợ thì đáng được nuôi ăn (Mt 10,10). Tôi nghe kể các tu sĩ Dòng Tên trong những năm huấn luyện tập tu. Mỗi tu sĩ ra đi vào đời trong một tháng thử thách, họ không được mang theo đồ dùng tiền bạc. Họ phải tự lo liệu tất cả, khát xin uống, đói xin ăn, tự tìm nơi ăn chốn ở và mọi nhu cầu thể xác tự giải quyết. Sống hoàn toàn trong sự phó thác nơi Chúa và cậy nhờ lòng tốt người khác. Trong những ngày lang thang giữa chợ đời, cũng có khi các tu sĩ bị xua đuổi, bị khinh rẻ, bị nghi ngờ và bị coi là kẻ ăn bám xã hội. Luyện tập nhân đức cần trải qua những gian truân và nhẫn nại sẽ giúp họ trưởng thành trong đời sống phục vụ sau này.

Thiên Chúa quan phòng cho mọi loài thảo mộc sinh hoa trái và ban nguồn thực phẩm để dưỡng nuôi con người trong thiên nhiên. Trong lịch sử cứu độ, một đôi khi Thiên Chúa can thiệp ban phát ân sủng trực tiếp như nước uống, Manna và chim cút cho dân Do-thái suốt hành trình lữ hành trong hoang địa. Nay Chúa Giêsu làm phép lạ cho bánh và cá hóa nhiều để nuôi dân. Bánh và cá là hình ảnh của bánh hằng sống mà Chúa sẽ ban chính là Mình và Máu Thánh Chúa. Chúa Giêsu đã chọn chính bánh rượu là của ăn hằng ngày để hiến thánh. Khi bánh rượu được hiến dâng trên bàn thờ, qua lời truyền phép của linh mục, bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần, bánh rượu đã trở nên Mình và Máu Thánh Chúa để dưỡng nuôi toàn dân. Của ăn thần lương này đã giúp thỏa mãn mọi khát khao của con người dẫn vào cuộc sống đời đời.

Chúa ban cho dư tràn nhưng Chúa cũng nhăc nhở con người không được phung phí. Sau khi dân chúng ăn no thỏa, Chúa kêu gọi mọi người thu dọn: Mọi người đều ăn no. Và người ta thu lượm được mười hai thúng đầy những miếng bánh vụn (Mt 14,20). Không một ân huệ nào là vô ích. Dù là một chút ít miếng vụn, đó cũng là hồng ân. Trong thế giới chúng ta đang sống, đang có biết bao nhiêu người lên giường ngủ mà bụng còn đói, trong khi nhiều người ăn uống thừa thãi và hoang phí. Xã hội bất công đưa dẫn đến con người tham lam và ích kỷ. Chỉ muốn gom góp và làm giầu cho chính mình. Chúng ta biết rằng thu vào là tiêu hao và tan biến. Có biết bao nhiêu nguồn sung túc của thế giới đã bị chiếm đoạt bất công. Có những người sống như nhà phú hộ giầu có, hằng ngày yến tiệc linh đình, trong khi bên cạnh nhà có Lazarô đói khổ, bệnh tật và thèm khát chén cơm thừa mà chẳng ai cho. Câu truyện đời như thế vẫn xảy ra hằng ngày. Hậu qủa thưởng phạt ngày sau tách biệt mỗi người một nơi.

Năm bánh hai cá là vốn liếng mà mỗi người chúng ta có được. Chúng ta đừng đem chôn vùi, nhưng hãy trao tặng lại cho Chúa, để Chúa biến hóa ra nhiều phân phát cho mọi người. Mỗi người hãy cùng chung góp khả năng, sức lực, của cải và thời giờ để sinh hoa kết qủa trong cuộc sống này. Không có một cuộc sống nào là vô ích. Ai cũng có thể góp phần làm tốt cho xã hội và Giáo Hội. Lạy Chúa, xin khơi dậy kho tàng ân sủng trong lòng con, để chúng con biết đem ra phân phát và chia sẻ với mọi người. Tất cả là hồng ân. Chúng con cảm tạ danh Chúa đến muôn ngàn đời.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tòa Thánh tuyên bố về vấn đề buôn bán vũ khí
Vũ Văn An
02:28 26/07/2011
Tại New York, từ ngày 11 đến ngày 15 tháng 7 vừa qua, Ủy Ban Chuẩn Bị cho Hội Nghị Liên Hiệp Quốc bàn về hiệp ước buôn bán vũ khí qui ước đã triệu tập phiên họp thứ ba. Nhân dịp này, Phái Bộ của Tòa Thánh bên cạnh Liên Hiệp Quốc đã công bố bản tuyên bố sau.

1. Năm 2006, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã yêu cầu các quốc gia cho biết quan điểm về việc sọan thảo một hiệp ước về buôn bán vũ khí. Hơn 100 quốc gia đã đóng góp quan điểm của họ. Các quan điểm này đã được thu thập thành phúc trình năm 2007 của Tổng Thư Ký về vấn đề này. Tiếp sau đó, vào năm 2008, một Nhóm Chuyên Viên Cấp Chính Phủ đã cho công bố phúc trình thứ hai về chủ đề này.

Cuối năm 2009, Đại Hội Đồng quyết định triệu tập Hội Nghị về Hiệp Ước Buôn Bán Vũ Khí vào năm 2012 “để chi tiết hóa một văn kiện có tính trói buộc về luật pháp bao gồm các tiêu chuẩn quốc tế chung cao cấp nhất cho việc chuyển giao các vũ khí qui ước”. Đại Hội Đồng cũng ấn định rằng bốn phiên họp của Nhóm Làm Việc Không Giới Hạn sẽ được tổ chức để chuẩn bị cho Hội Nghị dưới danh xưng các phiên họp của Ủy Ban Chuẩn Bị. Phiên họp đầu tiên đã diễn ra hồi tháng 7 năm 2010. Trong năm 2011, 2 phiên họp khác đã được tổ chức vào các ngày 28 tháng 2 tới ngày 4 tháng 3, và ngày 11 tới ngày 15 tháng 7. Kỳ họp thứ tư của Ủy Ban Chuẩn Bị được dự trù vào các ngày từ 13 tới 17 tháng 2 năm 2012, trước khi có việc Hội Nghị chấp nhận Hiệp Ước mong đợi.

2. Tại nhiều nơi trên thế giới, việc buôn bán vũ khí và đạn dược bất hợp pháp đã và đang dẫn tới nhiều đau khổ nhân bản, nhiều tranh chấp nội bộ, nhiều bất an dân chính, nhiều vi phạm nhân quyền, nhiều khủng hoảng nhân đạo, nhiều tội ác, bạo hành và khủng bố. Thực vậy, cộng đồng quốc tế đang phải đối phó với những vụ buôn bán vũ khí vô trách nhiệm ở một vài nơi trên thế giới. Dù đã có một số biện pháp vá víu có tính quốc gia và miền đối với việc chuyển giao vũ khí, việc buôn bán hoàn cầu về vũ khí qui ước từ các chiến hạm và xe tăng chiến đấu tới các phản lực cơ và súng máy, vẫn chưa được qui định vì thiếu các tiêu chuẩn được quốc tế thoả thuận. Vì thế, Tòa Thánh đã tham dự các buổi thương thảo về Hiệp Ước này ngay từ đầu.

3. Tòa Thánh nhìn nhận tầm quan trọng lớn lao của diễn trình Hiệp Ước Buôn Bán Vũ Khí vì diễn trình này đề cập cách riêng tới những thiệt hại nhân bản trầm trọng vốn do việc buôn bán vũ khí tạo ra. Việc buôn bán vũ khí chưa được qui định và không hề trong sáng cũng như việc thiếu các hệ thống theo dõi hữu hiệu đối với việc buôn bán này trên bình diện quốc tế đã tạo ra nhiều hậu qủa nhân bản trầm trọng, làm chậm việc phát triển con người toàn diện, phá hoại nguyên tắc trọng pháp, gia tăng tranh chấp và bất ổn khắp thế giới, đe dọa các diễn trình tạo hòa bình tại nhiều quốc gia khác nhau và phát sinh ra nền văn hóa bạo lực và không bị trừng phạt. Ở đây, ta nên nhớ tới các hậu quả nghiêm trọng của việc buôn bán vũ khí bất hợp pháp đối với hoà bình, phát triển, nhân quyền và tình hình nhân đạo, nhất là tác động sâu xa của nó đối với phụ nữ và trẻ em. Những vấn đề này chỉ được giải quyết qua việc toàn thể các thành viên của cộng đồng quốc tế phải cùng nhau chia sẻ trách nhiệm.

4. Không được coi các vũ khí qui ước, nhỏ hay nhẹ, như một loại hàng hóa khác được bày bán trên thị trường hoàn cầu, miền hay quốc gia. Việc sản xuất chúng, buôn bán và sở hữu chúng có những hệ luận đạo đức và xã hội. Nên cần được qui định bằng những nguyên tắc thuộc trật tự luân lý và luật pháp. Cần phải đưa ra mọi cố gắng để ngăn ngừa việc lan tràn bất cứ loại vũ khí nào nhằm khuyến khích các cuộc chiến tranh địa phương và bạo lực đô thị cũng như sát hại quá nhiều người mỗi ngày trên thế giới. Do đó, khẩn trương phải chấp nhận một văn bản có tính luật pháp, một văn kiện được Tòa Thánh ủng hộ, gồm các biện pháp có tính trói buộc về luật pháp để kiểm soát việc buôn bán các vũ khí và đạn dược qui ước trên các bình diện hoàn cầu, miền và quốc gia.

5. Cộng đồng quốc tế cần một văn kiện mạnh mẽ, khả tín, hữu hiệu và cụ thể để cải thiện sự trong sáng trong việc buôn bán vũ khí, cổ vũ việc chấp nhận các tiêu chuẩn chung để kiểm soát việc buôn bán vũ khí cũng như để thiết lập ra một cái khung luật pháp có tính trói buộc để qui định việc buôn bán các vũ khí và đạn dược qui ước cũng như việc buôn bán và cấp giấy phép cho các kỹ thuật sản xuất ra chúng.

6. Thành quả của diễn trình Hiệp Ước Buôn Bán Vũ Khí sẽ thử thách ý chí chính trị cũng như sự sẵn sàng đáng tin của các chính phủ trong việc đảm nhận trách nhiệm luân lý và luật pháp của họ trong việc tăng cường hơn nữa chế độ của liên hiệp quốc đối với việc buôn bán vũ khí hiện chưa được qui định. Việc chú tâm tới số lượng lớn lao những người chịu ảnh hưởng và những người đang đau khổ vì tai họa lan tràn bất hợp pháp các loại vũ khí và đạn dược phải thách thức cộng đồng quốc tế đạt cho bằng được một Hiệp Ước Buôn Bán Vũ Khí hữu hiệu và có thể chấp pháp được. Các nước xuất cảng và nhập cảng phải ban hành có hiệu lực các qui tắc và cơ cấu có tính bắt buộc, trong sáng, có thể kiểm chứng được và phổ quát để kiểm soát việc buôn bán vũ khí bằng cách áp dụng các hệ thống giữ sổ sách và báo cáo hữu hiệu với sự trợ giúp và hợp tác hữu hiệu của quốc tế cũng như các liên hệ đặt căn bản trên niềm tin tưởng lẫn nhau giữa các quốc gia. Các nước xuất cảng và nhập cảng cũng phải đóng vai trò quan trọng trong việc loại bỏ trước bất cứ tiềm năng thối nát nào và trong việc giám sát các kỹ nghệ vũ khí và môi giới vũ khí tuân theo các qui định quốc tế về việc buôn bán chúng.

7. Muốn đạt được một Hiệp Ước Buôn Bán Vũ Khí mạnh, hữu hiệu và toàn bộ, cộng đồng quốc tế không được lãng quên tầm quan trọng của việc trợ giúp và bồi thường các nạn nhân. Mục đích chính của Hiệp Ước Buôn Bán Vũ Khí phải là bảo vệ mạng sống con người và xây dựng một thế giới biết tôn trọng nhân phẩm nhiều hơn, chứ không phải chỉ là qui định việc buôn bán vũ khí bất hợp pháp. Một Hiệp Ước Buôn Bán Vũ Khí cũng phải thách thức cách tiếp cận “cứ làm việc như thường” từng liên tiếp vi phạm tư cách miễn tố dân sự trong các cuộc tranh chấp. Hành động một cách có trách nhiệm nghĩa là phải cổ vũ nền văn hóa chân thực của hòa bình và sự sống. Trong chiều hướng này, điều quan trọng nữa là phải cổ vũ giáo dục về hòa bình và các chương trình gây ích công cộng với sự tham dự của mọi thành phần trong xã hội, kể cả các tổ chức tôn giáo.

8. Tòa Thánh xác tín rằng Hiệp Ước Buôn Bán Vũ Khí có thể đóng góp lớn lao vào việc cổ vũ nền văn hóa hòa bình có tính hoàn cầu đích thực qua việc hợp tác có trách nhiệm của các chính phủ, trong tình hùn hạp và liên đới với kỹ nghệ vũ khí và với xã hội dân sự. Trong viễn ảnh này, các cố gắng hiện nay trong việc chấp nhận Hiệp Ước Buôn Bán Vũ Khí nhất định sẽ trở nên một dấu chỉ tốt đẹp cho ý chí chính trị của các quốc gia và chính phủ muốn có một nền hòa bình, công lý, ổn định và thịnh vượng lớn hơn trên thế giới.

9. Như Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã nói: “Đã đến lúc phải thay đổi giòng lịch sử để tìm lại lòng tin, để vun đắp đối thoại, để nuôi dưỡng tình liên đới. Đó là mục tiêu cao cả từng linh hứng các nhà sáng lập ra tổ chức Liên Hiệp Quốc, một trải nghiệm thực chất của tình bạn giữa mọi dân tộc. Tương lai nhân loại tùy thuộc sự cam kết của mọi người chúng ta. Chỉ nhờ tuân theo một chủ nghĩa nhân bản toàn diện và có tính nâng đỡ nhau mà trong ngữ cảnh của nó vấn đề giải giới có được một bản chất đạo đức và tâm linh, nhân loại mới có khả năng tiến tới một nền hoà bình chân chính và lâu dài hằng chờ mong” (Hội thảo quốc tế về “Giải Giới, Phát Triển và Hòa Bình, Các Viễn Cảnh Cho Việc Giải Giới Toàn Diện”, ngày 10 tháng 4 năm 2008)

Zenit 24 tháng 7
 
Đức Thánh Cha hồi tục linh mục John Denham
Bùi Hữu Thư
07:38 26/07/2011
Linh mục này bị lên án đã lạm dụng tính dục 39 trẻ em và thiếu niên

NEWCASTLE WEST, Australia, ngày 25, tháng Bẩy 2011 (Zenit.org).- Đức Thánh Cha Benedict XVI đã hồi tục một linh mục Úc tên John Denham, vì đã bị kết án năm ngoái là đã lạm dục tính dục 39 trẻ em và thiếu niên tuổi từ 5 cho đến 16 trong khoảng thời gian từ 1968 đến 1986.

Đức Giám Mục William Wright, Giáo Phận Maitland-Newcastle đã ra thông cáo ngày Chúa Nhật để phúc trình quyết định cuả Bộ Giáo Lý Đức Tin là trục xuất cha Denham khỏi hàng ngũ giáo sĩ.

Denham là một linh mục của giáo phận Maitland-Newcastle từ năm 1972 đến 1986.

Theo Đức Cha Wright, Bộ Giáo lý Đức Tin thông báo cho ngài ngày 20 tháng 5 về quyết định này, do đề nghị của cựu Giám mục Giáo Phận là Đức Cha Michael Malone.

Đức Cha Wright nói: "Tôi chào mừng sắc lệnh của Đức Thánh Cha. Tôi thông cảm với tất cả những ai đã bị ảnh hưởng vì những tội phạm này, cũng như gia đình và những người thân của họ."

Đức Cha cũng cho hay là Denham "đã không được thi hành các tác vụ của một linh mục từ nhiều năm qua," ngài tiếp là ngài hy vọng rằng quyết định này "có thể gợi lại những nỗi đau đớn trong quá khứ, nhưng cũng sẽ mang lại một chút bình an."

Ngài tiếp: "Là một giáo phận, chúng tôi nhận thức được những khốn khó và đau đớn do những hành động của John Denham đã gây ra. Tôi muốn cam đoan với cộng đồng giáo phận là tôi sẽ tiếp tục cam kết cải tiến và đền bù những sai trái trong quá khứ."

Denham hiện đang thi hành bản án, 19 năm, và 10 tháng tù. Ông có thể được trả tự do sau 13 năm và 10 tháng.
 
Ấn Độ: Giáo Hội phản đối dự luật mới về tiêu thụ rượu
Phạm Kim An
07:46 26/07/2011
Ấn Độ: Giáo Hội phản đối dự luật mới về tiêu thụ rượu

Kozhikode, Ấn Độ - Lãnh đạo Giáo hội ở Ấn Độ cho biết sẽ phản đối dự luật mới về tiêu thụ rượu ở bang Kerala, bởi vì luật không có các bước tiến mạnh.

Chủ tịch Hội chống lại tiêu thụ rượu ở Kerala (Kerala Madhyavirudha Samiti), linh mục Thomas Thaithottam, cho biết dự luật không đáp ứng các đòi hỏi của Giáo Hội.

Linh mục Stephen Alathara, phát ngôn viên của Hội đồng Giám mục Công giáo Kerala nói: "Một số khuyến nghị được hoan nghênh, nhưng tất cả chúng đều khá giống nhau. Chúng tôi không thể chấp nhận một kế hoạch tiếp tục cấp giấy phép cho các quán rượu được mở đến nửa đêm".

Theo cha, điểm tích cực duy nhất là dự luật nâng tuổi tổi thiểu cho người mua và người bán rượu là 21 tuổi, thay vì 18 tuổi.

Chính quyền bang Kerala đã trình dự luật vào tuần trước.

Giảm lượng rượu tồn trữ tại một quán rượu, và hạn chế giấy phép cho các quán sau năm 2014 là hai trong nhiều khuyến nghị của dự luật.

Bang Kerala có tỉ lệ cao nhất về tiêu thụ rượu ở Ấn Độ. Trong các ngày lễ lớn, như lễ Giáng sinh và Onam (lễ hội thu hoạch), việc tiêu thụ rượu tăng lên đáng kể.

Theo cha Thaithottam, chính quyền cần thực hiện các bước mạnh mẽ để ngăn chặn mối đe dọa, nếu không, nền văn hóa, di sản, đời sống xã hội và tinh thần của bang sẽ bị lâm nguy.

Đức Giám mục Sebastian Thekethecheril, giáo phận Vijayapuram, nói rằng cần thực hiện các bước để đóng cửa các cửa hàng rượu dần dần trong bang.

Cha Thaithottam kêu gọi chính quyền bang dạy các nguy hiểm của rượu cho học sinh trong các trường học, để bảo vệ một thế hệ mới khỏi lạm dụng rượu. (UCA News 25-7-2011)

Phạm Kim An
 
Trang “Ngày của Chúa” đề nghị một chương trình đặc biệt cho Đại hội Giới trẻ Thế giới
Phạm Kim An
07:48 26/07/2011
Trang “Ngày của Chúa” đề nghị một chương trình đặc biệt cho Đại hội Giới trẻ Thế giới

ROMA – Để đưa tin về Đại hội Giới trẻ Thế giới sẽ diễn ra tại Madrid, Tây Ban Nha, từ ngày 16 đến ngày 21-8, truyền hình mạng nói tiếng Pháp ‘Ngày của Chúa’ (Jour du Seigneur) đề nghị một chương trình đặc biệt, để hỗ trợ cho những người không thể tham dự Đại hội Giới trẻ Thế giới: bạn bè, gia đình, thành phần của giáo phận ...

Trong chương trình:

- Các thánh lễ và sự kiện:

Thứ Ba 16-8: Thánh Lễ Khai mạc Đại hội Giới trẻ Thế giới

Thứ Năm 18-8: Nghi thức khai mạc với ĐTC Biển Đức XVI

Thứ Sáu 19-8: Đi Đàng Thánh Giá

Thứ Bảy 21-8: Đêm Canh Thức cầu nguyện, có sự hiện diện của ĐTC Biển Đức XVI

Chủ Nhật 22-8: Thánh Lễ bế mạc, do ĐTC Biển Đức XVI chủ tế

- Một "Bản tin hàng ngày của Đại hội Giới trẻ Thế giới" kể từ 15-8, bao gồm một bản tóm tắt sự kiện trong ngày bằng hình ảnh và một khách mời. Ngắn và năng động, nhật ký này sẽ cho phép bạn không bỏ sót những gì xảy ra ở trung tâm của Đại hội Giới trẻ Thế giới.

- Các phóng sự video mỗi ngày trong các giáo phận và Madrid. Để đi sâu vào việc này, trang lejourduseigneur.com cung cấp các phương tiện kỹ thuật và chuyên môn cho các "nhà thám hiểm" trẻ: thiết bị dàn dựng, phương tiện sản xuất ảnh và lời khuyên, để bạn có thể sống những ngày Đại hội Giới trẻ Thế giới, y như bạn đang có mặt ở đó.

- Một "vidéomaton" (hình ảnh động) của Đại hội Giới trẻ Thế giới. Khách hành hương không có bất kỳ phương tiện để gửi tin nhắn video cho cha mẹ và bạn bè của họ ở Pháp. Vì vậy, lejourduseigneur.com cung cấp cho họ một nơi thể hiện tại chỗ ở Madrid, để gửi một nụ cười, một giai thoại, một lời chào, một chứng tá ... Đó là một cách giữ liên lạc với những người không đến tham dự sự kiện lớn này!

- Xem các Blog của Đại hội Giới trẻ Thế giới để khám phá cách đặc biệt các cảnh quay phóng sự và những gì đang xảy ra ở Madrid. Các phóng viên tại thủ đô Tây Ban Nha sẽ đăng bài viết thường xuyên lên blog của ‘Ngày của Chúa’.

Để biết thêm thông tin, xin mở xem: http://www.lejourduseigneur.com/Web-TV/Evenements/JMJ-Madrid-2011. (Zenit 25-7-2011)

Phạm Kim An
 
Vạ tuyệt thông ở Trung Quốc: Bắc Kinh lên án lệnh trừng phạt theo Giáo luật
Nguyễn Trọng Đa
07:50 26/07/2011
Vạ tuyệt thông ở Trung Quốc: Bắc Kinh lên án lệnh trừng phạt theo Giáo luật

ROMA – Qua con đường chính thức của một bản tuyên bố do Tân Hoa Xã phát đi, chính phủ Trung Quốc đã công khai phản ứng với các hình phạt vạ tuyệt thông, vốn áp đặt cho hai giám mục “chính thức” mới được tấn phong mà không lệnh ủy nhiệm của Tòa thánh, theo Eglises d’Asi, cơ quan thông tin của Hội Truyền giáo Paris.

Ngày 25-7, Tân Hoa Xã công bố một bản tin về tuyên bố của phát ngôn viên của Ban Quản lý Tôn giáo Nhà nước Trung Quốc, nói Trung Quốc cho rằng “cái gọi là vạ tuyệt thông” do Tòa thánh đặt ra cho hai giám mục là "cực kỳ vô lý và thô thiển".

Phát ngôn viên khẳng định: "Nếu Vatican chứng tỏ là chân thành mong muốn cải thiện quan hệ [vớiTrung Quốc], Vatican phải rút lại các vạ tuyệt thông, và trở về con đường đối thoại bằng cách chứng tỏ lương tri của mình”. Phát ngôn viên nói thêm rằng cử chỉ của Vatican đã "làm tổn thương nặng" Giáo Hội tại Trung Quốc, và "làm buồn lòng" các tín hữu và hàng giáo sĩ.

Quan chức chính phủ nói thêm: "Chính phủ Trung Quốc đang theo dõi sát vụ này".

Kể từ khi diễn ra các cuộc tấn phong bất hợp pháp ngày 29-6 và 14-7, và các vạ tuyệt thông sau đó cho hai Giám mục hữu quan, Đức Giám Mục Phaolô Lôi Thế Ngân (Paul Lei Shiyin) ở Lạc Sơn và Đức Giám mục Giuse Hoàng Bích Chương (Joseph Huang Bingzhang) tại Sán Đầu, đây là phản ứng chính thức đầu tiên của chính phủ Trung Quốc. Các quan chức cấp cao của "phái chính thức" của Giáo Hội tại Trung Quốc đã tuyên bố, trong những ngày gần đây, rằng Trung Quốc sẽ không dừng lại ở hai cuộc tấn phong này, nhưng sẽ chuẩn bị các cuộc tấn phong Giám mục khác nữa. (Zenit 25-7-2011)

Nguyễn Trọng Đa
 
Các giám mục Hoa Kỳ và Canada bầy tỏ tình liên đới với các giám mục Scandinavia
Bùi Hữu Thư
16:03 26/07/2011
Andres Breivik trên đường ra tòa
WASHINGTON (CNS) -- Các giám mục Hoa Kỳ và Canada hiệp dâng lời cầu nguyện và gửi điệp văn bầy tỏ tình liên đới với các giám mục và người dân Na Uy trong khi họ phải đối phó với vụ khủng bố khiến cho ít nhất cũng có 76 người thiệt mạng.

Đức Tổng Giám Mục Timothy M. Dolan, tổng giáo phận Nữu Ước, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ cũng gửi lời phân ưu đến Đức Giám Mục Anders Arborelius, giáo phận Stockholm, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Scandinavia, và Đức Giám Mục Bernt Eidsvig, giáo phận Oslo.

Lá thư phản ánh sự mỏng dòn của đời sống sau vụ nổ bom các cơ quan của chính phủ Na Uy tại Oslo ngày 22 tháng 7, và vụ tấn công phối hợp tại một trại dành cho giới trẻ thuộc Đảng Lao Động Na Uy đang cầm quyền.

Tổng Giám Mục Dolan viết: "Thảm trạng đau thương không thể đo lường được và cái chết của biết bao nhiêu người vô tội đã chạm đến trái tim của mọi người trên khắp thế giới và kêu gọi chúng ta phải cầu nguyện cho các nạn nhân, gia đình của họ và đặc biệt là dân chúng Na Uy."

Ngài nói: "Chúng tôi cầu nguyện cho quý vị có thể cảm nhận được ân sủng của Thiên Chúa trong khi quý vị an ủi người dân của quý vị trong những giờ phút đau thương và phẫn uất ghê gớm này."

Tổng Giám Mục Dolan nói: "Chúng tôi hiệp ý với giáo hội Scandinavia trong việc hoạt động cho bình an trong xã hội chúng ta. Trong khi chúng ta thấy sự chia rẽ trầm trọng trong xã hội đã làm lu mờ sự kiện chúng ta đều là những người anh chị em đang tìm kiếm một thế giới tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người, chúng ta hãy xin Thiên Chúa hướng dẫn, linh ứng và ban ân sủng hòa bình cho chúng ta trong giai đoạn đau khổ này."

Trong một điệp văn ngày 25 tháng 7, Đức Giám Mục Pierre Morissette, giáo phận Thánh Jerome, Quebec, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Canada, nói với người dân Na Uy là các giám mục Canada "hiệp nhất với họ trong lời cầu nguyện, nhất là cầu cho các gia đình của các nạn nhân đã mất đi những người thân yêu."

Các giám mục Canada cũng gửi đến Vua Na Uy, Harald V, cùng với chính phủ và các giới chức dân sự Na Uy lời phân ưu, vì họ "phải đối phó với những hậu quả của thảm kịch này."

Đức Giám Mục Morissette viết: "Các giám mục Canada đặc biệt chia sẻ những giá trị về hòa bình và liên đới với Na Uy. Các giá trị này phải nắm giữ điạ vị ưu tiên trong những giai đoạn thử thách mà quốc gia của quý vị đang phải trải qua."

Anders Behring Breivik, 32 tuổi, một người Na Uy, thú nhận đã thi hành các vụ ám sát, nhưng không nhận là mình đã phạm tội gì, Hắn khai mình vô tội trong một phiên tòa tại Oslo ngày 25 tháng 7, sau khi đã bị lên án theo đạo luật chống khủng bố của quốc gia này.

Một bản tuyên ngôn dài 1.500 trang được gán cho anh Breivik viết, có liệt kê các ưu tư về tình trạng gia tăng con số người di cư tại Na Uy và xác định con số gia tăng người Hồi giáo là trọng tâm của sự phẫn nộ của anh ta.
 
Top Stories
Vietnam: Ailing dissident priest jailed again
Amnesty International
06:43 26/07/2011
AMNESTY INTERNATIONAL PRESS RELEASE

26 JULY 2011

Viet Nam: Ailing dissident priest jailed again

Amnesty International has urged the Vietnamese authorities to immediately and unconditionally release a Catholic priest who was returned to prison yesterday while on parole to treat serious health problems.

Police arrested Father Nguyen Van Ly, aged 64, yesterday in the central diocese of Hue before an ambulance transported him to prison. Authorities claim he was returned to prison for distributing anti-government leaflets during his parole.

He had been serving an eight-year prison term for “conducting propaganda against the state” when a stroke and a brain tumour led to his temporary release in March 2010.

“Father Nguyen Van Ly is in very poor health and should never have been arrested in the first place. He is a prisoner of conscience, imprisoned solely for his peaceful pro-democracy work,” said Donna Guest, Amnesty International’s Deputy Asia Pacific Director.

“The Vietnamese authorities must release him without delay, and in the meantime reveal his whereabouts and grant him immediate access to family members, his lawyer and adequate medical treatment.”

Father Ly was sentenced to eight years in prison and five years of house arrest in 2007. The publisher of the secret dissident journal To Do Ngon Luan (Freedom and Democracy), he co-founded the online pro-democracy movement Bloc 8406 and has helped to set up other banned political groups in Viet Nam.

Father Ly had been serving his jail term in Ba Sao prison, near Ha Noi in northern Viet Nam, when he suffered a stroke in November 2009. He did not receive a proper diagnosis or adequate medical treatment and was only transferred to a prison hospital in Ha Noi some two weeks later. Despite being partially paralyzed, he was returned to his prison cell on 11 December 2009.

On 15 March 2010, he was granted a one-year “temporary suspension” of his sentence to seek medical treatment for a brain tumour.

Since the 1970s, Father Ly has spent some 17 years in prison – amid harsh conditions and often in solitary confinement – for calling on Vietnamese authorities to respect freedom of expression and other human rights.

“Father Ly is one of dozens of activists serving long jail terms for their peaceful criticism of the Vietnamese authorities,” said Donna Guest.

“Peaceful dissent and the promotion of democracy are criminalized in Viet Nam, and these prisoners of conscience are being held in deplorable conditions.”

Notes to Editors

• For more information or to arrange interviews please contact Amnesty International Asia-Pacific Press Officer, Katya Nasim at katya.nasim@amnesty.org + 44 207 413 5871 / +44 7904398103

Public Document
****************************************
For more information please call Amnesty International's press office in London, UK, on +44 20 7413 5566 or email: press@amnesty.org
International Secretariat, Amnesty International, 1 Easton St., London WC1X 0DW, UK


_______________________________________

Janice Beanland
Southeast Asia Team | Cambodia | Laos | Viet Nam
Amnesty International | International Secretariat
T: + 44 (0) 20 7413 5660 | S: Janice Beanland

--
Working to protect human rights worldwide
DISCLAIMER
This email has been sent by Amnesty International Limited (a company registered in England and Wales limited by guarantee, number 01606776 with registered office at 1 Easton St, London WC1X 0DW). Internet communications are not secure and therefore Amnesty International does not accept legal responsibility for the contents of this message. If you are not the intended recipient you must not disclose or rely on the information in this e-mail. Any views or opinions presented are solely those of the author and do not necessarily represent those of Amnesty International unless specifically stated. Electronic communications including email might be monitored by Amnesty International for operational or business reasons.

This message has been scanned for viruses by Postini. www.postini.com
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Mục vụ văn thơ Công Giáo: Lễ trao giải thưởng ''Nhánh Huệ Nước Trời'' tại ba giáo tỉnh
LM. Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh
09:26 26/07/2011
MỤC VỤ VĂN THƠ CÔNG GIÁO 1: LỄ TRAO GIẢI “NHÁNH HUỆ NƯỚC TRỜI” TẠI BA GIÁO TỈNH

Cuộc thi Nhánh Huệ Nước Trời nhằm tôn vinh Thánh Giuse và cổ võ đức khiết tịnh (2010-2011) đã kết thúc. Theo như dự tính ban đầu, việc trao giải đã được thực hiện tại ba địa điểm dành cho các tác giả tại ba giáo tỉnh:

- Ngày 30-6-2011, tại Trung Tâm Mục Vụ Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn dành cho các tác giả giáo tỉnh Sài Gòn,

- Ngày 15-7-2011, tại Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo phận Huế dành cho các tác giả giáo tỉnh Huế,

- Ngày 19-7-2011, tại Tòa Giám Mục Hải Phòng dành cho các tác giả giáo tỉnh Hà Nội.

Xin được giới thiệu sự kiện và ý nghĩa qua 5 tệp tin:

I. Bản tin sự kiện: Lễ trao giải Nhánh Huệ Nước Trời tại ba Giáo tỉnh

II. Những chia sẻ của các Chủ Chăn

III. Những chia sẻ của các Câu Lạc Bộ

IV. Những chia sẻ của các tác giả

V. Những chia sẻ của Ban Tổ Chức

Mong rằng 5 tài liệu này sẽ giúp các thành phần Dân Chúa có một cái nhìn về hiện tình việc sáng tác thơ văn Công giáo Việt Nam và những việc cụ thể cần chung tay đóng góp.

LỄ TRAO GIẢI NHÁNH HUỆ NƯỚC TRỜI TẠI BA GIÁO TỈNH

1. TẠI GIÁO TỈNH SÀI GÒN

6giờ chiều 30-6-2010, Sài Gòn mưa tầm tã, hầu hết các ngả đường đều ngập nước, nhiều đường xe không di chuyển được. Vì thế, rất nhiều khách mời của buổi trao giải Nhánh Huệ Nước Trời (NHNT) không đến được. Ban Tổ Chức (BTC) phải lùi giờ khai mạc từ 6g30 xuống 7g00. Chương trình do Câu lạc bộ Đồng Xanh Thơ (CLB – ĐXT) Sài Gòn đảm trách, thực hiện tại Hội trường An Phong của Trung Tâm Mục Vụ DCCT Sài Gòn, số 38 đường Kỳ Đồng, với khoảng hơn 100 người hiện diện. Về phía giáo sĩ, chỉ có hai linh mục: Cha Yuse Tiến Lộc, DCCT và cha Phaolô Hoàng Kim Tốt, giáo phận Phan Thiết. Về phía BTC có anh Cao Huy Hoàng và anh Lê Hồng Bảo.

Sau lời chào mừng và giới thiệu của cụ Hương Quê, chủ nhiệm CLB ĐXT Sài Gòn, anh Cao Huy Hoàng thay lời BTC chuyển đến buổi trao giải lời chào chúc của Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống, Chủ tịch Ủy Ban Văn Hóa HĐGM Việt Nam và của Đức Ông Nhà Thơ Xuân Ly Băng. Anh Cao Huy Hoàng mời gọi mọi người cùng tưởng niệm cha Anrê Trần Cao Tường (1946-2010), người đã sáng lập nên Mạng Lưới Dũng Lạc (MLDL), đơn vị tổ chức giải NHNT cùng trang mạng Hướng Về Đại Hội Dân Chúa. Với MLDL khai sinh năm 2005, Cha Tường đã quy tụ thành công các tác giả Công giáo tên tuổi trong và ngoài nước. Cha đã hỗ trợ thành lập trên MLDL hai chuyên san dành cho các cây bút trẻ: Chuyên san Đồng Xanh Thơ về thơ (2006) và chuyên san Vườn Ôliu về văn (2008). Sinh hoạt đều đặn của hai chuyên san này đã đưa đến hai cuộc gặp gỡ tại Phan Thiết đầu năm 2008 và đầu năm 2010, rồi đến cuộc thi viết Sen Giữa Lầy (2009-2010) và NHNT (2010-2011).

Buổi trao giải tại Hội trường An Phong dành cho các tác giả thuộc Giáo tỉnh Sài Gòn và hai tác giả sinh viên miền Trung đang học tại Sài Gòn, gồm 9 tác giả đạt các giải triển vọng thuộc bộ môn thơ Đường (Cao Danh Viện và Nguyễn Giới - gp Xuân Lộc; Cù Mè – gp Sài Gòn), các thể thơ khác (Đỗ Văn – gp Xuân Lộc; An Thiện Minh và Xuân Trang – gp Sài Gòn), truyện ngắn (Võ Thị Anh Nguyệt và Nguyễn Khắc Thư – gp Nha Trang; An Thiện Minh và Đinh Thị Thu Hằng – gp Sài Gòn); 6 tác giả đạt giải ba (thơ Đường: Trần Ngọc Kính và Lưu Minh Gian – Dòng Tên; Hữu Tâm – linh mục gp Phan Thiết; các thể thơ khác: Bùi Nghiệp và Nguyễn Phúc Nguyên – giáo phận Sài Gòn; kịch bản: An Thiện Minh – gp Sài Gòn); giải nhì thơ mới (Lm Hữu Tâm – gp Phan Thiết); 2 tác giả đạt giải nhất (thơ Đường: An Thiện Minh – gp Sài Gòn; truyện ngắn: Cao Gia An – Dòng Tên).

Buổi trao giải là dịp để cử tọa biết đến một loại hình sinh hoạt mới giữa lòng Dân Chúa tại Việt Nam: những CLB sáng tác thơ văn Công giáo ở cấp giáo xứ, giáo hạt và giáo phận. Tại Giáo tỉnh sài Gòn đã có 4 CLB: CLB ĐXT Sài Gòn, CLB ĐXT Phan Thiết, CLB ĐXT Xuân Lộc và CLB Thi Ca Cầu Nguyện.

Đức kết buổi trao giải, cha Yuse Tiến Lộc DCCT nhận định: “Đã từ rất lâu, văn thơ Công Giáo hầu như im tiếng và mất hút trong lòng dân tộc. Đây là điều đáng tiếc ! Nhưng qua cuộc thi “Nhánh Huệ Nước Trời” đã nhìn thấy một ánh quang của thi đàn Công Giáo thực thụ, quy tụ những người cầm bút đặc sắc để ca ngợi Thiên Chúa và phát huy tinh hoa ngôn ngữ Việt. Nhìn sơ qua tập sách đã thấy có 8 vở kịch hay. Đây là sức bật rất lớn với những ý tứ và văn chương ở tầm cao, không như những vở hoạt cảnh chưa diễn đã biết, chưa nói đã hiểu. Mong thay việc đẩy mạnh sức sáng tạo của các văn nghệ sĩ trong việc loan báo Tin Mừng bằng chính ngòi bút của mình”.

2. LỄ TRAO GIẢI TẠI GIÁO TỈNH HUẾ

Ngày 15/07/2011 đã diễn ra lễ trao giải dành NHNT dành cho các tác giả thuộc Giáo tỉnh Huế, tại Hội Trường Trung Tâm Mục Vụ, TGP Huế.

8g30 sáng, các tác giả dự thi, các tác giả đạt giải, đại diện các CLB, đại diện các cây bút công giáo của sáu Giáo phận thuộc Giáo Tỉnh Huế, cùng với 70 học sinh giáo lý của giáo phận Qui Nhơn đạt giải cuộc thi văn thơ Linh mục Đặng Đức Tuấn lần II đã có buổi giao lưu chia sẻ sinh hoạt. Ba trên sáu Giáo phận trong Giáo tỉnh đã có CLB sáng tác thơ văn Công giáo: Qui Nhơn, Nha Trang và Đà Nẵng. Đại biểu của những nơi có CLB đã chia sẻ về kinh nghiệm thành lập, nhịp sinh hoạt, những kết quả đáng trân trọng về số người tham gia viết, chất lượng các tác phẩm và những hứa hẹn. Đại biểu các nơi khác chia sẻ về nhu cầu họ thấy cần liên kết anh chị em thành CLB để trao đổi với nhau và nâng đỡ các tài năng trẻ. Kết thúc buổi giao lưu, cha Trăng Thập Tự, Trưởng BTC cuộc thi, đã mời tất cả thông qua điều nguyện vọng xin quý Đức Cha cho tổ chức cuộc thi chính thức ở cấp Giáo tỉnh vào năm 2012.

10g30, mở đầu chương trình Lễ Phát Giải, Cha Đaminh Minh Anh, Trưởng Ban Thánh Nhạc Giáo phận Huế, cũng là thành viên trong Ban Giám Khảo, Trưởng ban Tổ Chức Lễ Phát Giải tuyên bố lý do giới thiệu thành phần tham dự:

- Đức Tổng Giám Mục Stêphanô Nguyễn Như Thể, mặc dù sức khỏe không được tốt nhưng vẫn ưu ái hiện diện suốt buổi lễ trao giải.

- Đức Cha phụ Tá Phanxicô Xavie Lê Văn Hồng

- Nhạc sư Giuse Phạm Đức Huyến cùng Ban Giảng Huấn Khóa Ca Trưởng TGP Huế.

- Ban Tổ chức cuộc thi gồm: Lm. Nhà thơ Trăng Thập Tự, anh Pm Cao Huy Hoàng – chủ nhiệm chuyên san Đồng Xanh Thơ, anh Lê Hồng Bảo - chủ nhiệm chuyên san Vườn Ôliu, anh Tađêô Nguyễn Thanh Xuân, trong ban Giám khảo và anh Dzuy Sơn Tuyền, tác giả thơ Huệ Trắng, bài xướng của cuộc thi.

- Đại diện các CLB hoặc giới cầm bút Công giáo từ các giáo phận Ban Mê Thuột (anh Trần Ngọc Hạnh), Kon Tum (anh Lê Minh Sơn), Nha Trang (anh Lê Hồng Bảo và 2 tác giả đạt giải: Nguyễn Hoàng Hải và Dương Duy Tân), Quy Nhơn (hai anh Nguyễn Văn Tường và Dương Thành Thiêng), Đà Nẵng (anh Trương văn Thơm và các tác giả đạt giải: Nguyễn văn Sướng và Phạm Thành) và tác giả đạt giải thuộc TGP Huế (Tippy, Sao Đêm và Vân Du).

- 370 học viên khóa Ca Trưởng và 70 thiếu nhi đạt giải Văn Thơ Linh Mục Đặng Đức Tuấn, của Giáo phận Quy Nhơn.

Tiếp đó, Cha Trăng Thập Tự, thay lời BTC chào mừng quý khách và các bạn văn, bạn thơ. Lời phát biểu được kết thúc với điểm nhấn đã được thông qua trong phần giao lưu các tác giả trước đó: “Buổi trao giải cho các tác giả thuộc Giáo tỉnh Huế hôm nay, là một xác nhận cụ thể về sự nâng đỡ của Qúy Đức Cha và cũng là một cơ hội quý báu, để chúng con đệ đạt lên Đức Tổng Giám Mục và Qúy Đức trong Giáo tỉnh, một nguyện vọng nhỏ: Ước mong Đức Tổng và Qúy Đức Cha, cho tổ chức một giải văn thơ cho các bạn trẻ trong Giáo tỉnh, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà thơ Hàn Mạc Tử, ngày 22/09/2012 tới đây. Chúng con đệ đạt nguyện vọng này, không riêng cho Giáo tỉnh Huế mà cho cả ba Giáo tỉnh”.

Tiếp lời Cha Trăng Thập Tự, anh Nguyễn Thanh Xuân giới thiệu một hoạt động đang tiến hành nhân cuộc kỷ niệm này, bộ sưu tập 4 quyển mang tên: “100 năm sinh Hàn Mạc Tử - 100 nhà thơ Công giáo mới”.

Tiếp đó hai anh Cao Huy Hoàng và Lê Hồng Bảo công bố và giới thiệu các tác giả đạt giải thuộc Giáo tỉnh Huế.

Về xướng họa thơ Đường, tác giả Vân Du, Đại chủng viện Huế, gp Huế, đạt giải nhì, tác giả Giuse Nguyễn Văn Sướng, gp Đà Nẵng, tác giả Sao Đêm, Đại chủng viện Huế, gp Huế và tác giả Nguyễn Vũ Hồng Kha, gp Quy Nhơn, tác giả trẻ tuổi nhất, 16 tuổi, học sinh lớp 9, đạt giải triển vọng.

Về các thể thơ khác, tác giả Cao Nguyên, gp Kontum, đạt giải nhất; các tác giả Giuse Nguyễn Văn Sướng, gp Đà Nẵng, Vân Du, Đại chủng viện Huế, gp Huế, Nguyên Thiện, gp Đà Nẵng, Nam Giao gốc gp Huế, đang ở Úc Châu, và Phạm Đình Duy, gp Nha Trang, đạt giải triển vọng.

Về kịch bản, tác giả Giuse Nguyễn Văn Sướng, gp Đà Nẵng, đạt giải nhì; tác giả Tippy, gp Huế, đạt giải triển vọng.

Về truyện ngắn, tác giả Lê Thành Đích, gp Nha Trang, đạt giải ba; các tác giả Dương Duy Tân, , Đại chủng viện Sao Biển Nha Trang, Phạm Thành, gp Đà Nẵng, Nguyễn Khắc Thư, gp Nha Trang, Nguyễn Hoàng Hải, Đại chủng viện Sao Biển Nha Trang, Lm Nguyễn Thành Tiên, gp Nha Trang, và Đinh Thị Thu Hằng, gp Nha Trang, đạt giải triển vọng.

Đức Cha Phụ Tá và Cha Minh Anh đã trao giải thưởng bằng hiện kim, giấy chứng nhận và quà tặng cho các tác giả đạt giải. Anh Nguyễn Văn Sướng, đại diện các tác giả đạt giải nói lên lời cám ơn và hứa nguyện phát huy tài năng để phụng sự Thiên Chúa dưới sự hướng dẫn của Giáo quyền.

Đức Cha Phụ Tá đã thay lời Đức Tổng ban huấn từ với “ước mong trong tương lai có nhiều tổ chức cuộc thi viết để lớp trẻ tiếp tục kế thừa và phát huy làng thơ văn Công giáo ngày một tốt đẹp hơn...” Ngài cũng cho biết việc tổ chức cuộc thi ở cấp giáo tỉnh là một nguyện vọng chính đáng.

Cuối cùng, Cha Trăng Thập Tự đại diện cho Ban tổ chức nói lời cám ơn mọi người cùng hát bài Kinh Hòa Bình kết thúc buổi lễ trao giải.

3. LỄ TRAO GIẢI TẠI GIÁO TỈNH HÀ NỘI

Buổi trao giải NHNT dành cho các tác giả thuộc Giáo tỉnh Hà Nội, đã diễn ra tại Hội Trường Nhà Mục Vụ, Giáo phận Hải Phòng, ngày Thứ Ba, 19/07/2011, từ 9 giờ đến 11g30. Điểm nổi bật ở lần này là sự hiện diện của Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên, Giám Mục Giáo phận Hải Phòng, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ, Giám Mục Giáo phận Thái Bình và Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt, Giám Mục Giáo phận Bắc Ninh, cùng với các linh mục đại diện chính thức của Tổng giáo phận Hà Nội (cha Giuse Vũ Quang Học), Giáo phận Bùi Chu (cha Đaminh Trần Ngọc Đăng), Giáo phận Phát Diệm (cha Phêrô Nguyễn Văn Hiện) và Giáo phận Thanh Hóa (cha Giuse Phạm Văn Quế). Sự hiện diện đông đảo thật đáng quý, nói lên bận tâm sâu sắc của các Chủ Chăn về vấn đề tiếng Việt và văn học Công giáo, một lãnh vực mục vụ quan trọng nhưng lâu nay chưa được lưu ý đúng mức.

Cha JB Vũ Văn Kiện, quản lý Tòa Giám Mục, và CLB Thơ Tâm Nguyện Hải Phòng đã chuẩn bị tất cả hết sức chu đáo. Cử tọa trong phòng hội ngồi thành vòng chữ U, mọi người vừa nhìn thấy nhau vừa có thể cùng hướng lên lễ đài. Ngoài các đại diện giáo quyền nêu trên, còn có một số linh mục và chủng sinh giáo phận Hải Phòng, đoàn đại biểu từ Vinh có sáu giáo dân và hai nữ tu, đoàn đại biểu từ Hà Nội có bốn giáo dân, một dự tòng là tác giả đạt giải và một nhà giáo nữ ngoài Công giáo, đa số còn lại là thành viên CLB Tâm Nguyện Hải Phòng, trong đó có một nhà thơ ngoài Công giáo và Mục sư Nguyễn Thiện Tạo của Hội Thánh Tin Lành.

Mở đầu, mọi người cùng hát kinh Đức Chúa Thánh Thần, người dẫn chương trình nói lời chào mừng và mời mọi người thưởng thức slideshow “Hành Trình Bạch Huệ” do nữ tu Goretti ở Huế thực hiện theo sát nội dung bài thơ cùng tên của nhà thơ Hoàng Quang. Sau slideshow và hoạt vũ của các bạn sinh viên, hai người dẫn chương trình giới thiệu quan khách và các thành phần tham dự và những nét chính về cuộc thi Nhánh Huệ Nước Trời.

Thay lời BTC, cha Trăng Thập Tự trình bày một diễn tiến hoạt động tông đồ trong lãnh vực văn thơ từ hai mươi năm qua, dẫn đến những thành quả hiện nay và nêu lên một số những việc dễ làm trong mục vụ chăm sóc tiếng Việt cho các bạn trẻ cũng như để đẩy mạnh việc sáng tác thơ văn Công giáo.

Tiếp đó, đại diện CLB Tâm Nguyện Hải Phòng và đại diện các nhóm tác giả từ các giáo phận Vinh, Hà Nội và Thái Bình giới thiệu hiện tình sinh hoạt văn thơ Công giáo tại giáo phận mình. Một bạn trẻ đã đọc lá thư hiệp thông của tác giả Đình Chẩn Trần Văn Đỉnh, chủng sinh giáo phận Phát Diệm, hiện đang du học tại Rôma và là một trong các giám khảo của giải Nhánh Huệ Nước Trời. Lá thư nêu lên nỗi bức xúc mục vụ về tiếng Việt và cả ngoại ngữ trong việc đào tạo người trẻ cho Giáo hội Việt Nam.

Sau bản song ca của hai ca viên giáo xứ An Hải và phần diễn ngâm của nhà thơ Hồng Thắm, hai anh Dzuy Sơn Tuyền và Lê Hồng Bảo công bố kết quả cuộc thi và giới thiệu các tác giả đạt giải thuộc giáo tỉnh Hà Nội:

- Tác giả Cỏ Dại Trần Phương Nhã, giáo phận Hải Phòng, đạt giải nhì họa thơ Đường.

- Tác giả Maria Khánh Vân, tên thật là Trần Thị Huyền Vân, giáo phận Vinh, đạt giải nhì thơ mới và giải nhì truyện ngắn

- Tác giả Tuệ Tâm Nguyễn Kim Dạ, dự tòng, thuộc giáo phận Hà Nội, đạt giải ba kịch bản

- Tác giả Giuse Nguyễn Văn Tuyên, phó tế, giáo phận Thái Bình, đạt giải ba truyện ngắn

- Tác giả Long Hương Nguyễn Hữu Long, gốc giáo phận Vinh, hiện sống tại Đan Mạch, đạt giải ba về kịch bản.

Ba Đức Giám Mục hiện diện đã trao giải thưởng, giấy chứng nhận và quà tặng cho các tác giả đạt giải hoặc người được ủy quyền.

Tiếp đến là phần chia sẻ của những người đạt giải. Tác giả Trần Phương Nhã hiện đang du học tại Đức, thân mẫu là bà Maria Vũ Thị Hồi đã nhận giải và đọc lá thư thay con. Lá thư của Trần Phương Nhã cũng như những phát biểu của ba tác giả Maria Khánh Vân, Nguyễn Văn Tuyên và Kim Dạ nêu lên nỗi bức xúc sâu xa về mục vụ văn hóa, đã lôi cuốn sự lắng nghe và rung động của tất cả cử tọa.

Trong dịp này, một thanh niên người Pháp đang giúp giảng dạy ngoại ngữ cho các chủng sinh ở TGM Hải Phòng – anh Olivier – đã chia sẻ mối đồng cảm với những người làm văn học công giáo Việt Nam bằng một bài thơ tiếng Pháp rất sâu sắc, vừa thể hiện niềm tin vững vàng vào Thiên Chúa, vừa chuyển tải triết lý nhân sinh bằng nét đẹp tạo hình của thi ca.

Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt chia sẻ rằng ngài vẫn thích viết và đã viết khá nhiều nhưng từ ngày đảm nhận gánh nặng giám mục, chưa sao thu xếp thời giờ để hoàn tất những gì đã khởi sự. Để giúp mọi người có một cái nhìn bình thản hơn, đã nhấn mạnh sự kiện: dù sao trong những thập niên qua về thơ đã có những tác giả nổi bật như Đức Ông Xuân Ly Băng, Cha Nguyễn Xuân Văn, Cha Trăng Thập Tự và tác giả Đơn Phương, với tập Ngọc Đàn Thanh mới xuất bản; bên cạnh đó khắp nơi và trong mọi hoàn cảnh khó khăn vẫn đang có những người âm thầm sáng tác, có thể nhiều thập kỷ sau người ta mới biết đến tác phẩm của họ. Dù sao, chính Chúa Thánh Thần vẫn không ngừng hành động nơi Dân Chúa.

Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ, Giám mục Thái Bình, giới thiệu khuôn mặt nổi bật của Thái Bình là Đức Giám mục Nguyễn Văn Sang, tức nhà thơ Bạch Lạp. Đức Cha Phêrô vui mừng vì việc vận động sáng tác thơ văn Công giáo trong những năm gần đây đã đạt những kết quả đáng kể. Ngài hứa sẽ cố gắng để phát huy phong trào tại giáo phận ngài.

Theo chương trình, lẽ ra còn có phần phát biểu của các cha đại diện các giáo phận nhưng thời giờ không cho phép. Một số phát biểu sẽ được ghi lại trong tài liệu số 3 và tài liệu số 5.

Với tư cách chủ nhà Đức Giám Mục Hải Phòng đã đúc kết buổi tọa đàm. Ngài cám ơn BTC đã chọn TGM Hải Phòng để tổ chức buổi trao giải, cám ơn các Đức Cha và quý Cha đại diện các giáo phận đã đến tham dự. Đức Cha đã chuẩn bị đọc bài thơ Mắc nợ của tác giả Nguyễn Văn Thiên để nêu bật những nợ tình, nợ nghĩa, cũng như món nợ văn chương trong viễn cảnh mục vụ truyền giáo cho thời mới, tuy nhiên tiếc là đã đến giờ bế mạc, không thể nói nhiều hơn.

Sau lời cám ơn của Ban Tổ Chức, buổi trao giải được kết thúc với kinh khấn Thánh Giuse và bài hát Kinh Hòa Bình.

LM TRĂNG THẬP TỰ VÕ TÁ KHÁNH

 
Văn Hóa
Tạ ơn Ngài
Thanh Sơn
19:46 26/07/2011
Tạ ơn NGÀI sáng nay con thức dậy
Con vẫn còn cựa quậy được tay chân
Còn hơn hẳn bao người cả ngàn lần
Nằm bất động tay chân chẳng nhúc nhích

Tạ ơn NGÀI chẳng ban điều con thích
Kiếp đơn nghèo thành tích đâu khoe khoang
Làm công nhân gánh vác vẫn huy hoàng
Hơn nhiều người đứt quang chẳng còn sức

Tạ ơn NGÀI chiếc đồng hồ báo thức
Con vẫn vui chẳng bực vì báo sai
Bởi chứng tỏ NGÀI cho con đôi tai
Vẫn còn thính hơn vài triệu người khác

Tạ ơn NGÀI dù căn nhà dột nát
Còn hơn triệu người khác phải lang thang
Ngày góc chợ đêm nằm ở đầu đàng
Bụng đói meo mơ màng một chỗ ở

Tạ ơn Ngài ban tự do con thở
Dù đôi lúc bẩn dơ xú uế xông
Nhưng vẫn hơn triệu kẻ trong cùm gông
Nơi Quê Hương mất "Tự Do" ngộp thở

Tạ ơn NGÀI cho con biết mắc cở
Mỗi khi con lầm lỡ chút lòng tham
Hơn vạn kẻ cầm quyền vẫn đang làm
Cướp của dân ác tàn vô nhần tính

Tạ ơn NGÀI cho con biết minh định
Linh Hồn còn theo lịnh của NGÀI ban
Tạ ơn NGÀI từng giây phút nồng nàn
Mỗi buổi sáng NGÀI ban dù mưa nắng.
 
Khi những cánh chim về
Jos. Tú Nạc, NMS
19:48 26/07/2011
Khi những cánh chim về,
Ít ỏi một hay hai
Một cái nhìn ngoái lại.
Khi bầu trời hân hoan,
Tháng Sáu bao yểu điệu,
Một lẫn lộn vàng, xanh.
Ôi,
Dối gian nào ám ảnh,
Mọi xác tín của Người,
Quyến rũ niềm tin ta,
Từng luống mầm nhân chứng,
Mềm mại tháng ngày qua,
Một chiếc lá vội vàng!
Ôi,
Nghi thức nững ngày hè,
Ôi,
Mới đây Phép Thánh Thể,
Một con trẻ nhận về,
Biểu tượng Người hiến tế,
Bánh Thánh hóa của Người,
Vị rượu Người vĩnh cửu!
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: No Giấc
Nguyễn Bá Khanh
21:34 26/07/2011
NO GIẤC
Ảnh của Nguyễn Bá Khanh
Võng đưa mẹ hát ru con
À ơi con ngủ cho ngon giấc nồng…
(Trích thơ của Hồng Đơn)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền