Ngày 22-07-2018
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Trong buổi đọc kinh Truyền tin trưa Chúa Nhật, ĐTC nói: Chúa Giêsu thấu triệt những nhu cầu tiềm ẩn của chúng ta.
Thanh Quảng sdb
05:37 22/07/2018
Trong buổi đọc kinh Truyền tin trưa Chúa Nhật, ĐTC nói: Chúa Giêsu thấu triệt những nhu cầu tiềm ẩn của chúng ta.

Trong bài suy ngẫm về Tin Mừng của ngày Chúa Nhật tuần trước, Đức Thánh Cha Hoàng Phanxicô trình bày cho chúng ta thấy Chúa Giêsu nhìn tha nhân bằng con mắt của trái tim, và cách nhìn đó trở thành mô hình của tình yêu phục vụ.

Trong Phúc Âm Thánh Marcô tuần này, Đức Thánh Cha Phanxicô mô tả các Tồng Đồ sau một cuộc truyền giáo đầu tiên trở về “các ông thật hào hứng dù có mệt mỏi” và Chúa Giêsu thúc giục họ: "Hãy tìm đến một nơi yên vắng mà nghỉ ngơi đôi chút". Nhưng thật không may, đám đông đoán biết nên đã đến đó trước khi các môn đệ và Chúa Giêsu tới.

Điều tương tự như thế cũng xảy ra cho chúng ta ngày nay. ĐTC nói: "Đôi khi chúng ta không còn nhận ra các dự án của chúng ta, vì trong trường hợp khẩn cấp có thể làm rối loạn các dự liệu của chúng ta, đòi hỏi chúng ta phải linh động và sẵn sàng hy sinh vì nhu cầu của tha nhân." Đó là khi chúng ta được kêu gọi bắt chước những gì Chúa Giêsu đã làm: "lên tới bờ Ngài thấy đám đông thì chạnh lòng thương xót họ, vì họ giống như chiên không người chăn chiên, và Ngài bắt đầu giảng dậy họ không màng tới thời gian là gì nữa… ”(Mc 6:34).

Chạnh lòng thương, Chúa giảng dạy

Đức Thánh Cha tập trung vào ba động từ mà thánh sử Marcô sử dụng để mô tả cảnh này, một trong những động từ này được Đức Thánh Cha so với "cái máy chụp đôi mắt của Thần Linh Chúa". Động từ: “thấy mà chạnh lòng thương mà giảng dạy. Chúng ta có thể gọi đó là những động từ hành động của một người chủ chăn”, ĐTC nói thêm. “Cái nhìn của Chúa Giêsu không phải là một cái nhìn trung lập hoặc tệ hơn, lạnh lùng và tách rời, bởi vì Chúa Giêsu luôn nhìn bằng ánh mắt của trái tim”. Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp: “Trái tim của Chúa dịu dàng và đầy lòng từ bi, biết nắm bắt những nhu cầu ẩn giấu nhất của con người”.

Mô hình của tình yêu và tiếp xúc

Thay vì thực hiện một phép lạ, như chúng ta mong đợi, Đức Thánh Cha nói, Chúa Giêsu bắt đầu dạy dỗ dân chúng. “Đây là bánh mà Đấng Mết-si-a hiến dâng cho đám đông đang đói khát: bánh của Lời. “Tất cả chúng ta đều cần tới Lời sự thật, để hướng dẫn chúng ta và soi dẫn chúng ta trên con đường phải đi. Chính Đấng Cứu Thế là chân lý, chúng ta không thể tìm ra định hướng đúng đắn cho cuộc sống. Khi chúng ta lìa xa Chúa và rời bỏ tình yêu của Ngài, chúng ta sẽ đánh mất đi chính mình và sự tồn vong sẽ biến thành thất vọng và bất mãn ”.

Đức Thánh Cha Phanxicô kết luận: “Đức Giêsu đã tự hiến Mình trở thành món quà cho người thế”, “sự tự hiến này trở thành một mẫu gương cho tình yêu và cho sự phục vụ của mỗi người chúng ta”.
 
Gương hy sinh bác ái của một bạn trẻ: cứu 120 người bằng một chiếc Jet Ski.
Trần Mạnh Trác
20:24 22/07/2018
Tokyo (AsiaNews 21/7/18) – Shoichi Naito, một thanh niên Nhật 29 tuổi, nguyên quán ở Mabicho (tỉnh Okayama), khi tìm cách cách cứu mẹ cuả một người bạn thuở thiếu thời, đã kết thúc với một thành tích là cứu được 120 người khỏi bị chết đuối, chỉ dùng một chiếc Jet Ski (xe gắn máy trợt nước).

Sau đây là câu chuyện cuả anh.

Vào sáng ngày 7 tháng 7, Shoichi đang ở trong nhà ở làng Soja để theo dõi cảnh ngập lụt trên TV, thì điện thoại reo lên: người bên kia đầu dây là một người bạn thuở thiếu thời, anh Keisuke Uemori, 25 tuổi. "Mẹ tôi đang bị kẹt trong nhà ở bên làng Mabicho. Liệu anh có cách nào để cứu mẹ tôi không?"

Shoichi ngay lập tức tìm mượn một chiếc Jet Ski, loại mà anh đã có bằng lái. Rồi lái chiếc Jet Ski đến Mabicho: ở đó nước đã ngập đến tầng thứ hai và đang dâng lên mau chóng, mặt nước thì đầy những mảnh vụn. Trong khi len lỏi đến nhà cuả bà mẹ cuả người bạn, anh thấy nhiều người ở hai bên phố cũng kêu xin anh giúp đỡ. Người thanh niên trẻ đành phải hứa sẽ trở lại, nhưng trước tiên anh đi cứu mẹ của bạn mình.

Sau khi đưa bà cụ đến nơi an toàn, Shoichi lập tức trở lại để cứu những người khác và đưa họ đến đền Shinsenji, nằm trên một ngọn đồi cao. Một người bạn trẻ sau đó đã tình nguyện theo giúp anh vì còn nhiều người khác đang bị mắc kẹt trên những mái nhà của những khu phố cũ kỹ, và họ phải khó khăn lắm mới leo được lên chiếc Jet Ski chòng chành dễ lật.

Một trong những người được cúu là ông cụ Tadayoshi Iwata, 73 tuổi, và vợ. Anh Shoichi nói đuà với ông cụ: "Thưa Ngoại, cháu vừa liều mạng để cứu Ngoại đấy, vậy từ nay Ngoại phải ráng mà sống thật lâu nhé!"

Ông cụ đã khóc vì vui, ông gọi người bạn trẻ là "vị anh hùng của thành phố".

Sau 15 giờ liên tiếp, anh Shoichi đã cứu được 120 người. Cho tới 4 giờ sáng hôm sau thì thân thể anh mệt nhoài, chân tay không còn nhúc nhích được nữa.

Sau một thời gian nghỉ ngơi, chàng trai trẻ cuả chúng ta lại mò về Mabicho, lần này anh tình nguyện làm một người nấu bếp cho những nạn nhân tại những nơi tạm trú.

Được biết trong những tuần trước, trên toàn quốc nước Nhật có ít nhất là 223 người đã chết vì lũ lụt, 61 người trong số đó là ở tỉnh Okayama.
 
Đức Phanxicô và Ông Trump cùng có vấn đề với Putin, tuy rất khác nhau.
Vũ Văn An
21:44 22/07/2018
Trong một bài phân tích đăng trên tạp chí Crux ngày 22 tháng Bẩy, chủ bút John L. Allen Jr. cho rằng ông Trump, trong suốt tuần qua, đã cố gắng hết sức để biện minh cho cuộc gặp gỡ giữa ông và tổng thống Nga, Vladimir Putin, sau khi ông bị nặng nề phê phán gần như đã hoàn toàn bác bỏ việc Nga can thiệp vào cuộc tổng tuyển cử của Hoa Kỳ năm 2016.



Nhưng ông Trump không biện minh theo lối bình thường mà theo lối của ông, cho rằng “Thượng đỉnh với Nga là một thành công lớn, ngoại trừ đối với Truyền Thông Tin Giả”.

Nhưng theo Allen, trong khi ông Trump lao đao biện minh cho mối liên hệ lạ đời với Putin, thì điều đáng nhắc lại là ông không phải là nhà lãnh đạo thế giới hàng đầu duy nhất gặp điều người ta vẫn gọi là “nan đề Nga”. Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng gặp nan đề này, và mặc dù hiện thân cho một quan điểm và nghị trình rất khác với nhà lãnh đạo Hoa Kỳ, ta thấy ngài cũng gần như đang tới một điểm ngoặt quyết định trong các tương tác với Nga.

Ngay từ khởi đầu triều giáo hoàng, nhiệm kỳ của Đức Phanxicô xem ra đã đầy hứa hẹn về phương diện đại kết, trong đó, dĩ nhiên có Nga. Cuối cùng, thì Giáo Hội Công Giáo đã có được một nhà lãnh đạo xuất thân từ thế giới đang phát triển không mang theo mình gánh nặng hận thù hàng thế kỷ giữa Đông và Tây Âu, và, gần đây hơn, các căng thẳng Chiến Tranh Lạnh giữa ảnh hưởng Xô Viết cũ và liên minh Đại Tây Dương.

Vị tân giáo hoàng cũng đem tới một thế giới quan giúp ngài hành động ở bên ngoài các khuôn khổ ngoại giao và địa chính trị thông thường, phản ảnh rất sớm lên tính đồng bộ giữa Mạc Tư Khoa và Rôma về Syria. Cuối năm 2013, Putin từng cám ơn Đức Phanxicô trong việc giúp ngăn chặn cuộc tấn công của Tây Phương chống Assad ở Syria, và nói chung, Vatican chia sẻ chẩn đoán của Mạc Tư Khoa cho rằng các cố gắng nhằm lật đổ nhà lãnh đạo Syria là một sai lầm.

Đàng khác, Putin và các liên minh Chính Thống Giáo rất được khích lệ vào năm 2014, khi Đức Phanxicô và các cộng sự viên của ngài không quá nặng nề đối với Nga nhân việc họ xâm nhập miền Đông Ukraine. Có lúc, ngài đã làm Giáo Hội Công Giáo theo nghi lễ Hy Lạp ở Ukraine của chính ngài nổi giận khi mô tả cuộc tranh chấp trong nước là “huynh đệ tương tàn” tức việc nội bộ chứ không do chủ trương gây hấn của Nga.

Điều ấy đã phá được giá băng giữa Mạc Tư Khoa và Rôma, mà cao điểm là cuộc họp thượng đỉnh chưa bao giờ có giữa Đức Phanxicô và Thượng Phụ Kirill tại Havana, Cuba, trên đường Đức Phanxicô công du Mễ Tây Cơ năm 2016. Tuyên bố chung của hai vị càng thổi thêm lửa vào nỗi giận của người Công Giáo hy lễ Hy Lạp khi gọi họ là “qui hiệp” (uniates), một hạn từ hạ giá đã bị bỏ từ lâu trong hầu hết ngôn từ đại kết chính thức.

Tuyên bố chung cũng cố ý tránh bất cứ chỉ trích nào đối với chính sách của Nga tại Ukraine, hay nhắc nhớ xa gần gì tới nỗi đau đớn của các người Công Giáo Ukraine thời Xô Viết.

Tất cả các điều trên vốn đem đến cho Đức Phanxicô nhiều lời phê phán. Các nhà phê bình kết án ngài và Tòa Thánh đã quá “chính xác về đại kết”; họ nhấn mạnh rằng ngài nên bộc trực hơn nữa về Ukraine, nên thách thức người Chính Thống Giáo Nga để họ từ bỏ lòng thù hận đối với người Công Giáo nghi lễ Hy Lạp và các giáo hội Đông Phương nói chung.

Một cách căn bản, những người Công Giao trên nghĩ rằng người Nga luôn muốn cuộc đối thoại đại kết theo các điều kiện của họ và họ chỉ muốn thấy Đức Giáo Hoàng thừa nhận vị trí trổi vượt của họ đối với Kitô Giáo tại vùng này.

Phần lớn, người ta cho rằng cách đối xử mềm mỏng của Vatican chỉ là để bảo vệ quyền lợi của người Công Giáo bên trong nước Nga, nhưng những người Công Giáo trên không cảm thấy như thế.

Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng Năm, 2018 của tờ National Catholic Reporter, Đức Cha Igor Kovalevsky, tổng thư ký Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Nga, cho hay “Vì giáo hội của chúng tôi bé nhỏ và yếu ớt, chúng tôi nên hài lòng nếu các tiếp xúc này với Tòa Thánh giúp đạt được một số bước tiến nhỏ nào đó, nếu không hơn”.

Và ngài nói thêm “Nhưng hình như các tiếp xúc này đã diễn ra ở trên đầu chúng tôi mà không kể chi tới các điều kiện địa phương”. Theo ngài, bất kể Vatican tìm kiếm điều chi trong việc hoà hoãn với Mạc Tư Khoa, cổ vũ sự lớn mạnh của giáo hội địa phương hình như không cao lắm trong danh sách những điều cần làm.

Chính vì thế, người ta đang chờ xem phản ứng của Vatican sẽ ra sao sau việc Tòa Thượng Phụ Đại Kết Constantinople, mà theo truyền thống vốn là “thứ nhất trong số những người ngang hàng” trong thế giới Chính Thống, thừa nhận tính độc lập của giáo hội Chính Thống tại Ukraine, hiện nay, vốn không phải là thành phần của giáo hội Chính Thống Nga.

Các nhà lãnh đạo giáo hội độc lập Ukraine hy vọng sắc lệnh thừa nhận này được công bố trước ngày 28 tháng Bẩy, khi lễ kỷ niệm năm thứ 1,030 ngày liên hiệp Kievan Rus’ trở lại Kitô Giáo diễn ra. Nay thì rõ ràng nó sẽ chỉ được công bố vào tháng Tám, khi công đồng sắp tới của Tòa Thượng Phụ Đại Kết được triệu tập.

Người Chính Thống Ukraine tỏ ra tin tưởng vào kết quả cuối cùng, nhất là vì ước vọng độc lập được tổng thống Petro Poroshenko và quốc hội ủng hộ.

Dù Giáo Hội Công Giáo Ukraine không có lập trường chính thức nào về các việc nội bộ của người Chính Thống, nhưng ai cũng biết phần lớn người Công Giáo Ukraine ủng hộ cố gắng này, coi nó như một bước quan trọng hướng tới một Ukraine độc lập thực sự, không còn phải đợi chỉ thị từ Mạc Tư Khoa. Trên bình diện thực tiễn, các thành viên của các Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Hy Lạp và Chính Thống Ukraine cộng tác sâu xa trên rất nhiều chiến tuyến và đã có những cuộc đối thoại thần học lâu dài.

Tuy nhiên, người Chính Thống Nga vốn cảnh cáo sẽ có “ly giáo” cỡ năm 1056, nếu Constantinople dám nẩy cò và việc này xem ra đang dựng khung cho một tranh chấp lớn trong thế giới Chính Thống.

Hồi tháng Năm vừa qua, trong một cuộc gặp gỡ với hàng giáo sĩ Nga do Tổng Giám Mục Hilarion của Mạc Tư Khoa lãnh đạo, Đức Phanxicô đưa ra một vài nhận định được các cơ quan chính thức Nga coi như thân thiện đối với lập trường của họ.

Ngài nói: “Giáo Hội Công Giáo, các Giáo Hội Công Giáo không nên can thiệp vào việc nội bộ của Giáo Hội Chính Thống Nga, ngay cả các vấn đề chính trị cũng không. Đó là lập trường của tôi và là lập trường hiện nay của Tòa Thánh. Ai pha mình vào là không vâng lời Tòa Thánh”.

Câu hỏi đặt ra là Đức Phanxicô và Tòa Thánh sẽ sẵn sàng đi bao xa trong việc làm vui lòng các mẫn cảm của Nga nếu sắc lệnh độc lập được ban hành như dự định.

Thí dụ, khi Vatican tổ chức các thượng đỉnh đại kết trong tương lai, liệu họ có bỏ Giáo Hội Chính Thống Ukraine độc lập ra khỏi danh sách khách mời, để bảo đảm có sự tham dự của Nga hay không?

Đầu năm nay, có tin đồn về cuộc họp thượng đỉnh thứ hai giữa Đức Phanxicô và Thượng Phụ Kirill, có thể nhân dịp Đức Phanxicô tới Bari ngày 7 tháng Bẩy (1 điều không xẩy ra), hay sau đó, khi ngài tới vùng Baltics vào tháng Chín.

Liệu Vatican có sẵn sàng tách mình ra khỏi các địch thủ Ukraine của Mạc Tư Khoa, và, do đó, đi ngược lại các cảm quan của hầu hết đoàn chiên của chính mình tại chỗ hay không, để việc trên có thể diễn ra?

Tóm lại, có nhiều thách thức ở đây. Người Chính Thống Nga đại biểu cho khoảng từ một nửa tới 2 phần 3 mọi tín hữu Chính Thống trên thế giới và chưa có biến cố đại kết quan trọng nào mà họ không can dự.

Đàng khác, Nga là một cường quốc lớn trên thế giới, và nếu Tòa Thánh muốn hành xử như tiếng nói lương tâm trên sân khấu hoàn cầu, thì việc nói chuyện với Putin và nhóm của ông là giải pháp thực tiễn duy nhất. Ây thế nhưng, cũng như với Trump, tuy trên một bình diện khác hẳn, câu hỏi xem ra sẽ làm rầy rà việc Đức Phanxicô tiến tới là đến đâu thì bị coi lá quá đáng, nói cách khác, khi nào thì sự mềm dẻo và tính thực tiễn trở thành việc xoa dịu hèn nhát.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đại Hội Giới Trẻ Giáo Phận Đà Nẵng 2018
Toma Trương Văn Ân
08:01 22/07/2018
Trong tinh thần Năm Thánh Tôn vinh các Thánh Tử Đạo Việt Nam , Ban Mục vụ Giới trẻ Giáo phận Đà Nẵng đã tổ chức Đại Hội Giới trẻ Giáo phận vào ngày 21 & 22 / 7 / 2018 , tại Trung tâm Hành hương Đức Mẹ Trà Kiệu, với Chủ đề: “NGƯỜI TRẺ, CHỨNG NHÂN TÌNH YÊU THIÊN CHÚA”, sống Tinh thần đoạn Lời Chúa làm chủ lực : Rm 8, 31b – 39 : “Dù sự chết hay sự sống cũng không tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa”.

Có gần 1100 Bạn trẻ của 45 Giáo xứ và 4 Giáo họ biệt lập trong Giáo phận tham dự Đại Hội.

Xem Hình

Chương trình được khai mạc lúc 9 giờ ngày thứ bảy , 21 / 7/ 2018 , với cuộc Diễu hành trong khuôn viên Trung tâm Hành hương, các Bạn trẻ khi đi qua lễ đài , Ban Điều Hành đã giới thiệu với Đại Hội sơ lược về Giáo xứ của mình. Kết thúc diễu hành , Cha Fx Nguyễn Ngọc Hiến – Đặc trách Giới trẻ Giáo phận đã chủ sự Nghi thức khai mạc , Cha gợi ý cho các bạn học tập noi gương nhân đức Các Thánh Tử Đạo là Ông bà tổ tiên của chúng ta, và các Bạn nổ lực hơn trong tình yêu Chúa và yêu anh chị em , làm chứng nhân tình yêu Chúa giữa cuộc đời. Cha đã xin Chúa chúc lành cho các Bạn trong 2 ngày Hội trại.

Tiếp đó, các Bạn trẻ cùng nhau học hỏi về Năm Thánh Các Thánh Tử Đạo tại Việt Nam, về gương nhân đức của các Thánh Tử Đạo, các hiểu biết về hôn nhân gia đình Ki-tô Giáo, Lịch sử Giáo Hội Việt Nam, Lịch sử Giáo phận Đà Nẵng và Đức Mẹ Trà Kiệu… dưới hình thức đố vui, rung chuông vàng, tạo bầu khí vui tươi năng động và học tập rất có hiệu quả cho các bạn trẻ.

Buổi chiều từ 13 giờ 30 đến 17 giờ, Cha Giacobe Nguyễn Hồng Phong điều hành Trò chơi lớn cho các bạn. Những tiếng còi “ tít tè … tít tè” mã Morse ( móc xờ) , những tiếng tù và hối thúc , những bước chân chạy rầm rập đi tìm kho báu , vượt qua nhiều khó khăn lên bờ xuống ruộng với đoạn đường khoảng 4 Km , làm đong đưa cánh sen hồng của cánh đồng Đồng Trại ( gần Nhà Thờ Chính Giáo xứ Trà Kiệu) , băng qua đồng lúa xanh rì của cánh đồng Bờ Rầm và Rộc Đình (phía sau đồi Bửu Châu) đang “ thì con gái” e ấp thẹn thùng, làm xao động cả làng quê Trà Kiệu Duy Sơn… Cư dân địa phương như cuốn vào sự vui tươi năng động của các bạn trẻ. Những khó khăn trong Trò chơi cho các bạn trẻ vài cảm nghiệm nho nhỏ những khó khăn trong hành trình Đức tin và những hy sinh cố gắng vượt qua. Chặng cuối của Trò chơi, các bạn phải vượt qua một đoan đường lầy lội rất gian khổ. Nhưng niềm vui hoàn thành, niềm vui đồng hành sẻ chia, niềm vui chiến thắng hiện trên nét mặt các bạn.

Khi màn đêm buông, các Bạn vui theo cùng lời ca cử điệu, ca múa nhạc kịch của chương văn nghệ gồm 14 tiết mục, đa dạng phong cách trình bày nghệ thuật, mà nội dung vẫn xoay quanh chủ đề : Giới trẻ , chứng nhân tình yêu Thiên Chúa. Những tấm gương nhân đức, hy sinh tất cả kể cả mạng sống vì Thiên Chúa tình yêu của Chân Phước An-rê Phú-yên, của Thánh nữ A-nê Lê Thị Thành, được các bạn trình diễn rất sống động, gây ấn tượng sâu sắc cho khán thính giả. Những vũ điệu đồng diễn xáo động tay chân tất cả các bạn.

Cuối chương trình văn nghệ , những bước chân hò reo gọi lửa , ánh lửa bập bùng thep bước chân vòng tròn cuốn tất cả vào một tâm là ánh lửa sáng rực và nóng đốt , như mỗi người được cuốn vào tình yêu Thiên Chúa bao la cuồng nhiệt. Những giây phút tĩnh nguyện hồi tâm , với ánh nến trên tay, các Bạn trẻ cầu nguyện theo phương pháp của cộng đoàn Taizé , các bạn tìm lại chính mình trong mối tương quan với Thiên Chúa và với anh em , lời cầu nguyện đơn sơ kết hợp với ca từ các bài hát cộng đồng chung, các bạn dâng những hy sinh ước muốn cho mỗi thành viên nên nhân chứng tình yêu sống động và múc lấy nguồn Ân sủng từ Thiên Chúa tình yêu . Thiên Chúa đã xót thương mỗi người , các bạn cầu xin Chúa cho mỗi người cũng biết xót thương anh chị em. Tuổi trẻ đầy nhiệt huyết nhưng rất dễ nản lòng, các Bạn đang sống trong môi trường nhiều anh em chưa nhận biết Chúa ở xung quanh , sống giữa cái ác lấn át cái thiện …. Các bạn xin làm nhân chứng cho Chúa tình yêu , dù đòi hỏi rất nhiều hy sinh để yêu thương.

Kết thúc ngày đầu tiên của Hội Trại là Phép lành của Cha Đặc Trách Giới trẻ Giáo phận. Cha cầu chúc mọi người có một đêm an lành trong tình Chúa và tình Người.

Hôm sau , Chúa Nhật ngày 22 / 7 / 2018 :

Lúc hơn 7 giờ , Nữ tu Maria Nguyễn Thị Hồng Quế , OP đã thuyết trình với các ban trẻ về đề tài : Niềm tin thay đổi phận người. Sơ giúp các bạn biết lắng nghe trái tim , lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Linh , lắng nghe anh em. Tâm hồn tràn đầy yêu thương, không tìm khuyết điểm của anh em, nhưng khích lệ anh chị em, sức mạnh lời nói của những người có ý tưởng và ý chí tích cực. Các ban học được những phương thế đạt được hạnh phúc trong cuộc đời, không tự ti mặc cảm … nhưng tin tưởng tự tin tiến bước với vị thế con cái Thiên Chúa, Không nói và tạo hình hài sai lầm, yếm thế, tiêu cực, nhưng đặt trọn niềm tin yêu phó thác vào quyền năng Thiên Chúa. Sơ đã trích dẫn Lời Chúa : “điều con người không thể làm được , nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể” (Mt 10,27).

Thánh lễ Bế mạc Đại Hội Giới trẻ do Đức Cha Giuse – Giám mục Giáo phận chủ sự lúc 10 giờ cùng ngày.

Trong bài giảng , Đức Cha nói đến sự bao bọc của Đức Mẹ Trà Kiệu dù thời tiết không được thuận lợi ( mưa) . Trông cậy vào ơn Chúa , được sự đỡ nâng của Thiên Chúa, bằng chính sức mạnh của Chúa. Với Đoạn Lời Chúa trong phung vụ Chúa Nhật hôm nay, Chúa khuyên các Mộn đệ “ Anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghĩ ngơi đôi chút” ( Mc 6,31) . Đức Cha nói đến sự nghĩ ngơi là cầu nguyện , là lắng nghe tiếng Chúa , là tâm tình với anh em , nghĩ ngơi là học hỏi của tình hiệp nhất huynh đệ. Thiên Chúa mời gọi sự khao khát của cuộc đời , khao khát đi tìm chân lý , sự thiện tuyệt đối để nâng bước hành trình , một chọn lựa sống Đức Tin. Đức Cha nói đến Sứ Điệp của Đức Thánh Cha gởi cho các bạn trẻ , ký ngày 17 / 2 / 2018. Đức Thánh Cha tâm tình với các bạn trẻ cụm từ ĐỪNG SỢ . Đừng sợ trước quyền lực , trước tội lỗi , trước ngăn cản tình người …. Nhưng Can đảm bước ra thế giới con người…. con người ngày nay photoshop chính mình , che đậy một sự sơ hãi , sợ người khác chê mình cô độc , xấu…. các giá trị ảo kể cả điểm thi ảo , làm đánh đổi cả lương tâm. Đừng sợ để can đảm làm chứng cho sự thật , sự thiện , giá trị đẹp nhất. không sợ cô độc nếu biết trao ban tình yêu cho anh chị em. Mỗi người biết Xin vâng như Đức Maria , để ý Chúa lớn lên và ý Chúa muốn trong tâm hồn, trong cuộc đời của mình. Đức Thánh Cha mời gọi can đảm đốt lên niềm hy vọng , sự thật , nhìn vào thực trang đáng báo động , hãy đốt lên nnghị lực người trẻ , sự thật của tương quan tình người , sự thật của đối thoại.

Trước khi kết lễ, Đại Diện các Ban trẻ đã cám ơn Đức Giám Mục , Cha Trưởng Ban và quý Cha đặc trách giới trẻ các Giáo Hạt . Vị Đại diện tỏ lòng biết ơn Đức Thánh Cha, Đức Cha, Quý Cha, Cha Quản xứ và Phó xứ cùng các ban ngành Giáo xứ Trà Kiệu; Cám ơn Sơ Hồng Quế, Ban Truyền Thông. Các bạn đã dâng những bó hoa tươi thắm lên Đức Cha và quý Cha nói lên cả tấm lòng biết ơn chân thành.

Đức Cha đã huấn từ về niềm tin , chia sẻ cho nhau cho Chúa là giá trị đẹp nhất, các Bạn kín múc ân sủng Đức Tin, trở thành Chứng nhân Đức Tin bằng tình yêu. Kiến tạo giá trị đẹp nhất của tình mến , sẻ chia Tin Mừng . Đức Cha khuyên các bạn trẻ hãy lớn lên trong ân sủng của Thiên Chúa của tình yêu gia đình, ca lên tiếng nói cuộc đời , mỗi người là một nét nhạc, một giai điệu ca lên bài ca tình yêu.

Đức Cha đã cám ơn Cha Trưởng Ban Đặc trách, quý Cha, quý Phó Tế và mọi người đã chung tâm cộng tác, góp nên sự thành công của Đại Hội . Cách riêng, Đức Cha cám ơn Sơ Hồng Quế đã đến chia sẻ giúp Giáo phận Đà Nẵng, và Đức Cha đã Ban Phép lành cách trọng thể đến với tất cả những người hiện diện, kết thúc 2 ngày Đại Hội.

Toma Trương Văn Ân
 
Giáo Đoàn Revesby - Sydney Mừng Kính Lễ Bổn Mạng
Diệp Hải Dung
20:07 22/07/2018
Sáng Chúa Nhật 22/7/2018 Giáo đoàn Revesby đã long trọng mừng kính Lễ Thánh Tử Đạo Anrê Phú Yên Quan Thầy của Giáo đoàn tại nhà thờ St. Luke Revesby, Sydney

Đúng 10 giờ 45 tất cả mọi người tập trung tại khuôn viên trường học nhà thờ St Luke Revesby và sau 3 hồi chiêng trống cổ truyền VN, Cha Bùi Sơn Lâm Chính xứ Revesby xông hương tượng Thánh Tử đạo Anrê Phú Yên kế tiếp kiệu tượng Thánh Anrê Phú Yên rước vào trong nhà thờ. Cuộc kiệu rất nghiêm trang và long trọng, các Hội Đoàn, Đoàn Thể trong Cộng Đồng, các Giáo đoàn bạn và quan khách Úc đều đến tham dự đông đủ.

Xem Hình

Khi kiệu tiến vào trong nhà thờ và an vị trên cung Thánh. Cha Paul Văn Chi Tuyên úy Đặc trách Giáo Đoàn Revesby ngỏ lời chào mừng tất cả mọi người đồng thời Cha giới thiệu quý Cha Tuyên úy Trưởng Bùi Sơn Lâm, Cha Nguyễn Thái Hoạch, Cha Trần Văn Trợ, Cha Lê Hồng Mạnh và Cha Mai Văn Thịnh tham dự Thánh lễ mừng kính Bổn Mạng và cùng hiệp dâng Thánh lễ.

Đặc biệt trong Thánh lễ có nghi thức cung nghinh Phúc Âm của các em Thiếu Nhi Thánh Vũ rất long trọng và trang nghiêm tạo cho mọi người sốt sắng lắng nghe Lời Chúa và trong bài giảng Cha Paul Văn Chi đã nói về gương sáng của Thánh Anrê Phú Yên, Ngài rất trẻ với số tuổi 19, tuổi của năng động sinh cường phát triển, nhưng Ngài đã trung kiên với niềm tin của mình vào Thiên Chúa, dù bị tra tấn cực hình và bị xử tử Ngài vẫn trung thành với Thiên Chúa cho đến hơi thở cuối cùng. Lời nói của Ngài trước khi lìa cõi thế vẫn mãi là dư âm trong muôn ngàn thế hệ sau này “Tôi uớc ao có ngàn mạng sống để dâng về Thiên Chúa vì những hồng ân Thiên Chúa ban cho tôi. Chúng ta hãy lấy tình yêu để đáp lại tình yêu của Chúa chúng ta, hãy lấy mạng sống đáp lại mạng sống.”

Trước khi kết thúc Thánh lễ, Cha Chính xứ Bùi Sơn Lâm kiêm Tuyên úy Trưởng CĐCGVN TGP Sydney chúc mừng Bổn Mạng Giáo đoàn và cô Nicole Greig đại diện Hội Đồng Giáo Xứ Revesby chúc mừng Bổn Mạng của Giáo Đoàn, Kế tiếp ông Nguyễn Ngọc Khiêm Phó Chủ tịch CĐCGVN Sydney đại diện Cộng Đồng lên ngỏ lời chúc mừng Bổn Mạng của Giáo đoàn. Sau cùng ông Giuse Phạm Ngọc Huynh Trưởng Ban Mục Vụ Giáo đoàn Revesby thay mặt Giáo Đoàn ngỏ lời cám ơn quý Cha, quý Sơ, quý Quan Khách và toàn thể mọi người đã đến tham dự Lễ mừng kính Quan Thầy của Giáo Đoàn hôm nay và kính xin mọi người hãy cầu nguyện cho Giáo Đoàn luôn được thăng tiến trong Cộng Đồng, Giáo xứ và Giáo Phận.

Sau khi kết thúc Thánh lễ mọi người ở lại cùng chung vui bữa tiệc thân mật trong khuôn viên trường học nhà thờ và thưởng lãm Văn Nghệ bỏ túi cây nhà lá vườn do Ca đoàn Revesby trình diễn và kèm theo phần xổ số may mắn lấy hên và kết thúc bế mạc vào lúc 2pm

Diệp Hải Dung
 
Văn Hóa
Tản mạn đời tha hương : Nhớ Bạch Đằng Giang Oai Hùng
Lm. Giuse Nguyễn Văn Thư
14:57 22/07/2018
“Đây Bạch Đằng Giang sông hùng dũng của nòi giống Tiên Rồng, Giống Lạc Hồng, giống anh hùng, Nam Bắc Trung…”

Ngô Quyền chấm dứt thời kỳ bắc thuộc:



Bấy giờ là năm 938, toàn dân Việt đang rên xiết sau 1117 năm bị Tầu đô hộ, đã cùng Ngô Quyền vùng lên chống ngoại xâm tàn bạo. Ngô tướng quân đã khôn khéo dụ quân bắc phương (nam Hán) cùng ‘tỉ thí’ hải quân tại sông Bạch Đằng. Thế là địch quân đại bại, ta giết chết tướng Hoàng Tháo, chấm dứt những tháng năm tủi hờn, và dựng lại nền độc lập cho dân Việt. ( Ngô Quyền sai quân đóng cọc gỗ ở lòng sông, rồi đem quân khiêu chiến nhử quân giặc vào sâu trận địa đã bố trí lúc thủy triều cao, rồi tung quân đánh úp xua đuổi và phá tan mọi chiến thuyền giặc, khiến chúng không có lối chạy lúc thủy triều xuống thấp ). Chiến thắng Bạch Đằng diễn ra nhanh chóng khiến vua Nam Hán là Lưu Cung đang đóng quân ở sát biên giới mà không kịp tiếp ứng cho con. Sử chép: Vua Hán thương khóc, thu nhặt quân còn sót mà rút lui. Chiến thắng Bạch Đằng thời Ngô Quyền là một bước phát triển rực rỡ của nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Ngô Quyền - người anh hùng của chiến thắng Bạch Đằng năm 938 - xứng đáng với danh hiệu là ‘vị tổ trung hưng’ của dân tộc, như lần đầu tiên đã được nêu lên trong sách ‘Việt Nam quốc sử khảo’. Lần đầu tiên đưa thủy triều vào thành một nhân tố, một lực lượng thủy chiến của trận đánh. Đây là sự sáng tạo đầu tiên mà lịch sử vàng son của dân
tộc đã ghi công lao cho Ngô Quyền. Vang vọng đến ngàn thu, không chỉ một thời mà mãi mãi chiến công và nhân thân của lịch sử đánh trận Bạch Đằng lần thứ nhất của tướng Ngô Quyền, về những sáng tạo thần kì đầu tiên, về hậu quả mở màn cho những chiến thắng lớn của hậu duệ. Tất cả đều từ trận đánh và trận thắng đầu tiên trên sông, từ đây trở thành dòng sông lịch sử. Từ đây trở thành dòng sông mà tất cả các con sông của nước Việt đều nhóm lại, hàng trăm và hàng ngàn năm sau, vẫn còn sống mãi bao thế hệ công dân nước Việt ở khắp mọi nơi.

Ca ngợi người anh hùng dân tộc Ngô Quyền, sử gia Lê Văn Hưu viết: "Tiền Ngô Vương có thể lấy quân ‘mới tập họp’ của đất Việt ta. mà phá được ngàn vạn quân của Lưu Hoằng Thao, mở nước xưng vương, làm cho người phương Bắc không dám lại sang nữa. Có thể nói một cơn giận mà yên dân được, mưu giỏi mà đánh cũng giỏi vậy". Sau chiến thắng Bạch Đằng, Việt Nam bước vào thời kỳ xây dựng đất nước trên quy mô lớn. Đó là kỷ nguyên của văn minh Đại Việt, của kỷ nguyên phá Tống, bình Nguyên, đuổi Minh, thật là một kỷ nguyên rực rỡ Lê. Một nhà sử học khác đã đánh giá thế này: "Trận thắng trên sông Bạch Đằng là cơ sở cho việc khôi phục quốc thống. Những chiến công đời Đinh, Lê, Lý, Trần sau này còn nhờ vào cái ‘uy danh lẫm liệt’ ấy để lại. Trận Bạch Đằng chính là võ công cao cả, vang dội đến nghìn thu, há phải chỉ lẫy lừng ở một thời bấy giờ mà thôi đâu !".

Mùa xuân năm Kỷ Hợi (939), Ngô Quyền quyết định bỏ chức Tiết độ sứ, tự xưng vương, thành lập một vương quốc độc lập đàng hoàng. Chọn kinh đô cũ của Âu Lạc là Cổ Loa làm kinh đô nước Việt, Ngô Vương Quyền tỏ ý nối tiếp truyền thống của các vua Hùng, vua Thục.

Bạch Đằng giang ở đâu ? Thưa ở gần Hải Phòng. Chỉ là một giòng sông nhỏ (dài 32 km), nhưng thủy triều lên xuống rất khác biệt trong ngày. Tên chữ Nho là 白藤江; tên Nôm là sông Rừng), hiệu là sông Vân Cừ, là một con sông chảy giữa thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) và huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng), cách vịnh Hạ Long, cửa Lục khoảng 40 km. Nó nằm trong hệ thống sông Thái Bình. Chỗ được du khách viếng thăm nhiều nhất là 3 ‘Bãi Cọc’, với di tích cũ vẫn còn, với hàng trăm cọc gỗ lim, gỗ sến và gỗ táu dài chừng 3 mét được cắm xuống lòng sông.

Lê Đại Hành phá quân Tống:



Thời điểm là vào năm 981. Vua nhà Tống khi đó là Tống Thái Tông xua quân xuống xâm chiếm nước ta. Đạo quân thủy do tướng địch Hầu Nhân Bảo thống lĩnh vào đến Lục Đầu Giang thì bị dụ đi vào sông Bạch Đằng. Lê Hoàn ( lên ngôi lấy hiệu là Lê đại Hành) theo vết cũ của Ngô Quyền để đập tan thủy quân bắc phương. Lần này Lê Hoàn thêm nhiếu sáng kiến: trận đánh trên sông Bạch Đằng lần này là thiên biến, vạn hóa. Từ mưu lược và cách đánh giặc của nước Việt nghìn xưa, một lần nữa được Lê Hoàn làm sôi động trên chiến trường Bạch Đằng giang thiêng liêng.

Trước tiên là những trận đánh cầm cự kéo dài để kìm giam chân giặc, vừa làm nản lòng chúng. Những chiếc cọc Bạch Đằng được dựng lại nhưng không phải để phá giặc mà là ngăn giặc. Như lời chép của sách Đại Nam nhất thống chí rằng “Lê Hoàn sai sĩ tốt đóng cọc ngăn sông”. Chỉ ngăn sông mà kết cục lại là phá tan giặc! Chiến thuyền Tống bị mai phục giữa giàn cọc ngăn sông và bị tấn công tứ bề. Hầu Nhân Bảo mất mạng trong đám loạn quân, Lưu Trừng dẫn toàn quân tháo lui ra biển. Nghe tin Hầu Nhân Bảo bị giết trên sông Bạch Đằng, cánh quân của các phó tướng là Tôn Toàn Hưng và Trần Khâm Tộ vội rút chạy, liền bị quân ta truy kích và diệt quá nửa, còn tướng Triệu Phục Huân bị bắt sống giữa trận. Sau đó, nhà Tống xuống nước xin hòa, và năm 986 đành công nhận Lê Hoàn là vua nước Nam.

Sau đó, Lê Hoàn cai trị ‘Đại Cồ Việt’. Vị chủ tướng của ‘trận Bạch Đằng lần thứ hai’ cũng hệt như chủ tướng trận Bạch Đằng lần thứ nhất, giương cao ngọn cờ chiến thắng, ca khúc khải hoàng trở về kinh đô Cổ Loa-Hoa Lư. Cởi tấm chiến bào, võ tướng khoát lại tấm hoàng bào, nhà vua ngồi vững trên ngai vàng quân chủ. Hoàng đế ‘Thiên Phúc’ Lê Hoàn ngời sáng tài năng thao lược với những chiến công trên sông Bạch Đằng lần thứ hai. Vì thế mà sống mãi trong bảng vàng bia đá, đền đài, lễ hội, sống mãi trong tâm trí nhân dân của bao thế hệ khắp nơi, mãi mãi được tôn vinh và kính thờ. Ngài cai trị nổi bật với việc phát triển nông nghiệp và còn có công đánh bại Chiêm Thành thường tới quấy nhiễu nước ta, đánh dẹp các tộc người ở biên giới, khiến họ phải quy phục triều đình. Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết rằng: "Vua trừ nội gian mà lấy được nước, đuổi giặc ngoài để yên dân, trong nước thanh bình, Bắc Nam vô sự”..

Hưng Đạo Vương đánh tan quân Nguyên:



Vào giữa thế kỷ 13, quân ta phải chống giặc Nguyên (Mông Cổ) cả dưới nước lẫn trên bộ, 3 lần giao chiến là 3 lần đại thắng. Vào lần đầu, năm 1258, thì nhờ có thái sư Trần thủ Độ, mà quân dân đồng lòng chống giặc: nhà vua ra khẩu hiệu cho cả nước chuẩn bị vũ khí, chuẩn bị tinh thần sẵn sàng chiến đấu, tống giam sứ giả phương bắc, quyết tâm bảo vệ độc lập dân tộc. Khi được vua Trần Thái Tông hỏi ý kiến về kháng chiến chống giặc, lúc này quân Mông Nguyên đang mạnh như vũ bão, (đã chiếm được kinh thành Thăng Long), Thái sư Trần Thủ Độ hiên ngang trả lời: "Đầu thần chưa rơi xuống đất xin bệ hạ đừng lo". Câu nói ngắn gọn, dứt khoát ở tình thế nước sôi lửa bỏng giúp củng cố tinh thần chiến đấu anh dũng của nhà vua, quân và dân Đại Việt, góp phần vào chiến thắng vang dội, khiến giặc phải rút về nước. ( sau khi dùng chiến thuật tiêu thổ kháng chiến ). Nhưng chỉ huy quân đội thì luôn nhờ tay Hưng Đạo vương (Trần quốc Tuấn).

Vào năm 1285, quân Nguyên lại giở trò xâm lăng, với bộ binh từ phía bắc và thủy binh từ phía nam. Dĩ nhiên Thăng Long cũng bị chiếm rất sớm. Vua tôi Việt Nam cũng phải di tản, tiêu thổ kháng chiến và kiên trì đợi cơ hội phản công, dựa theo kinh nghiệm lần trước. Cứ tuần tự nhi tiến, quân Việt đã lại đuổi được giặc phải rút về phương bắc.

Năm 1288, giặc Nguyên lại trả thù, mang nhiều binh hùng tướng mạnh xuống miền nam. Với nhiều kinh nghiệm cũ, quân ta tìm cách cướp lương thực giặc khiến chúng rất lúng túng. Riêng với chiến trận Bạch Đằng Giang, theo kinh nghiệm đại thắng cũ khởi sự từ Ngô Quyền, Hưng Đạo Vương còn nâng cao tinh thần quân sĩ bằng việc chỉ gươm xuống lòng sông, thề rằng nếu không chiến thắng thì không trở về. Thế là giặc phải tan tành. (Người ta ghi nhận dịp này có võ tướng Yết Kiêu trổ tài lặn xuống sông đục đáy rất nhiều thuyền giặc.)

Đó là trận thủy chiến lớn nhất lịch sử Việt Nam (khi Nguyên-Mông tấn công nước ta lần thứ ba, dưới quyền thống soái của ‘Trấn Nam Vương’ Thoát Hoan, con trai Thế Tổ Hốt Tất Liệt, người sáng lập nhà Nguyên). ‘Trận Bạch Đằng lần thứ ba’ đã được dựng lại sự hình thành trận Bạch Đằng giang oai hùng ngày nào, giờ đây đã rõ ra là một dòng sông chiến trường lịch sử sau Ngô Quyền và Lê Hoàn từng lập đại võ công. Cũng có nghĩa là giặc đã biết đến giòng sông ấy, đề phòng tối đa với sông ‘thiêng liêng’ ấy. Vì thế không còn con đường nào khác mà ta đành phải lại tìm chiến thắng qua giòng sông ‘định mệnh’ này khi tình thế đòi hỏi. Bây giờ là đầu tháng ba âm lịch năm 1288, toàn bộ cánh quân địch gồm 500 chiến thuyền, sau nhiều tháng trời cùng bộ binh tung hoành ngang dọc trên non sông đất nước ta (nhưng bị đánh úp tả tơi), lúc được tướng Ô Mã Nhi chỉ huy rút lui ra biển qua đường sông Bạch Đằng này, chính là thời điểm và đối tượng để quyết đánh một trận ‘nhớ đời’ của tướng Trần Hưng Đạo.

Lần này, toàn bộ chiến thuyền của giặc cũng lại tan tác trên cọc nhọn yểm dưới lòng sông. Sử viết rõ: 400 thuyền giặc bị tịch thu, các tướng giặc và tám vạn quân bị chết hay bị thương, làm nước sông đỏ ngầu. Viện binh của Thoát Hoan thất vọng nên cố rút lui (chui vào ống đồng) thì bị phục kích trên đất liền nên tổn thất nặng. Từ đó, Thoát Hoan bị phạt không được phép về kinh diện kiến vua cha! Cũng từ đó, nhà Nguyên Mông hết nhòm ngó nước Việt, và bỏ luôn cái mộng chinh phục Đông Nam Á. ( Thế giới đều hiểu chỉ có quân dân Việt Nam là chiến thắng nổi đạo quân hùng mạnh gốc Mông Cổ của nhà Nguyên.

Ngoài tài thao lược dẹp giặc trên chiến trường, Trần Hưng Đạo còn là nhà lý thuyết chiến lược quân sự. Ông đã soạn nhiều tác phẩm để lại cho đời sau học theo (Binh thư yếu lược), trong số đó gồm có: - Dụ Chư Tỳ Tướng Hịch Văn, thường gọi là Hịch Tướng Sĩ;- Binh Gia Diệu Lý Yếu Lược;- Vạn Kiếp Tông Bí Truyền Thư.

Với công lao rất lớn của vị chủ tướng ‘trân Bạch Đằng lần thứ ba’, cũng như cả sự nghiệp kháng chiến giữ nước thời Trần, đã vô cùng xứng đáng (ngay sau đại võ công sông Bạch Đằng) để được triều đình phong lên ‘Đại Vương’. Nhưng với lòng dân mọi thời đại, Trần Quốc Tuấn không chỉ là Hưng Đạo đại Vương, mà còn được dự vào hàng tiên thánh và trở thành ‘đức thánh Trần’. Cùng với Ngô Quyền, Lê Hoàn, Trần Hưng Đạo chính là hợp thành bộ ba chủ tướng của ba đại võ công lịch sử trên chỉ một dòng sông linh thiêng có tên ‘Bạch Đằng giang’.

Riêng với Hưng Đạo Vương, tài năng kiệt xuất của ngài chính là việc nhận thức rõ dân chúng mới là nguồn sức mạnh giữ nước, nguồn sức mạnh vô địch, nguồn sức mạnh mà không một kẻ thù tàn bạo nào có thể khuất phục. Ông luôn chăm lo ‘sức dân’ ngay từ thời bình cũng như trong thời chiến. Chủ trương sâu sắc và tư tưởng nòng cốt của ngài luôn là: “sức dân mới thực sự được coi như ‘rễ sâu và gốc bền’ làm nên thượng sách giữ nước”.

Xin vong linh của các ngài Ngô Quyền, Lê Hoàn và nhất là Trần hưng Đạo hộ phù cho giang sơn đất Việt.

Cũng xin 2 vị anh hùng nối gót các ngài là Lê Lợi và Nguyễn Huệ soi sáng cho đàn con lũ cháu.

Đặc biệt dẫn dắt các người lãnh đạo tại quê hương chúng ta biết đi theo vết bước của tổ tiên mà giữ nước.

LM. Giuse Nguyễn Văn Thư
 
VietCatholic TV
Giáo Hội Năm Châu 23/07/2018: Đối thoại giữa Tòa Thánh và Trung Hoa
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:15 22/07/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đối thoại vẫn tiếp tục giữa Tòa Thánh và Trung Hoa

Tòa Thánh và Trung Hoa vẫn đang tiếp tục cuộc đối thoại vói nhau, nhưng các chi tiết không được tiết lộ, chỉ nhấn mạnh rằng “nếu có một thoả hiệp vào phút chót, nó sẽ giúp Giáo Hội phục hồi sự hợp nhất” để nhiều giáo phận, hiện đang thiếu giám mục từ lâu, có “vị chủ chăn được cả Giáo Hội lẫn Nhà Nước chấp nhận và thừa nhận”.

Điều trên đã được Vatican News loan báo ngày 13 tháng Bẩy qua, nhưng cũng cảnh cáo rằng kết quả của “thỏa thuận” cuối cùng này có thể gây ra bất hài lòng, đau đớn, bác bỏ, ghen ghét và thậm chí “các căng thẳng mới”. Tuy nhiên nó cũng loan báo điều tốt: sẽ không có người thắng kẻ thua, nhưng “sự đóng góp của mỗi bên sẽ được coi là qúy giá”.

Như Đức Hồng Y Pietro Parolin nói, đây không phải là chuyện “xóa sạch vốn không lưu ý chi tới hay, gần như dùng ma thuật, gạt bỏ con đường khó khăn của rất nhiều tín hữu và mục tử, nhưng là chuyện đầu tư, với ơn trợ giúp của Thiên Chúa, vốn liếng nhân bản và thiêng liêng gồm rất nhiều cố gắng để xây dựng một tương lai thanh thản và huynh đệ hơn”.

Tờ báo hàng ngày của Tòa Thánh nhấn mạnh rằng Giáo Hội tại Trung Hoa, bất chấp “nhiều trạng huống bất thường gây đau lòng, nhưng chưa bao giờ bị coi là ‘phân ly’ khỏi Rôma, vì một chủ trương tín lý nhằm bác bỏ quyền tài phán tối cao chưa bao giờ được chi tiết hóa tại Giáo Hội Trung Hoa”.

Vatican News quả quyết rằng “ý muốn sống động được hợp nhất với Đức Giáo Hoàng luôn luôn hiện diện nơi các giám mục được tấn phong bất hợp pháp”. Tình huống bất thường của các giám mục này đã phát động sự kình chống trong mấy năm qua giữa hai ý kiến chống đối nhau: các ý kiến coi các giám mục bất hợp pháp là thành thật, tin ở sự hối cải của các ngài, và các ý kiến lên án các ngài.

Chính vì lý do trên, như Đức Hồng Y Parolin đã nói, điều quan trọng là không ai nên đầu hàng mãi mãi “trước tinh thần chống đối nhau để kết án người anh em mình” mà đúng hơn “mỗi người nên nhìn tương lai của Giáo Hội một cách tin tưởng, vượt quá mọi giới hạn của con người”.

Vatican News kết luận “Nếu có được sự tái khởi đầu huynh đệ và hợp nhất hơn của Giáo Hội Công Giáo tại Trung Hoa, trong khi vẫn tôn trọng các nhậy cảm khác nhau, nó sẽ có tiếng vang tích cực đặc biệt đối với đời sống bí tích và thiêng liêng của các tín hữu, họ được tiếp tục là người Công Giáo chân chính trọn vẹn và, cùng một lúc, là người Trung Hoa chân chính”.

Nhờ thế, “một năng lực mới sẽ được giải thoát cho các sinh hoạt của Giáo Hội và cho một hòa hợp lớn hơn trong xã hội Trung Hoa. Tuy nhiên, phần lớn tùy thuộc sự tham gia của mọi người và thiện chí”.

2. Tiến trình chuẩn bị án phong Thánh cho nhà lãnh đạo Dòng Tên Pedro Arrupe đã bắt đầu.

Vị tổng cáo thỉnh viên Dòng Tên nói ngài đã bắt đầu tập hợp tất cả các tác phẩm của Cha Pedro Arrupe và tìm kiếm các nhân chứng có thể chứng thực cho sự thánh thiện của cha Arrupe, người đã từng là Bề Trên Tổng Quyền Dòng Tên trong giai đoạn 1965 đến 1983.

Một trong những trọng trách lớn là việc tập hợp một danh sách gồm 120 nhân chứng, đặc biệt là những người thân quen với Cha Arrupe. Việc này phải được “hoàn thành trong khoảng một năm”. Cha Pascual Cebollada, tổng cáo thỉnh viên Dòng Tên nói với Catholic News Service:

“Tôi có thể nói với bạn rằng những nhân chứng này sống rải rác ở nhiều nơi khác nhau: từ Tây Ban Nha nơi sinh của Cha Arrupe; đến Nhật Bản, nơi ngài được bề trên sai đến truyền giáo; và từ Rôma, nơi ngài đã sống những năm cuối đời”.

Trong một cuộc họp ở Bilbao, Tây Ban Nha, cùng với các tu sĩ Dòng Tên và các cộng sự viên giáo dân vào ngày 11 tháng 7, Cha Arturo Sosa Abascal, Bề trên Tổng quyền Dòng Tên, đã thông báo rằng “chúng ta đã bắt đầu một cách nghiêm túc tiến trình phong Chân Phước cho Cha Pedro Arrupe.”

“Chúng ta vẫn đang ở phần đầu tiến trình này, nhưng Đức Hồng Y Angelo de Donatis, Giám quản Rôma, đã phê chuẩn cho giáo phận Roma được mở án phong chân phước,” Cha Sosa nói.

Cha Cebollada, người chịu trách nhiệm giám sát các án phong thánh của Dòng Tên, nói với CNS rằng ngài đã gặp vị chưởng lý của giáo phận Rôma để thảo luận giai đoạn ban đầu là thu thập các thông tin liên quan đến cuộc đời và công việc của Cha Arrupe.

Ngài cũng đang thu thập tất cả các tác phẩm của Cha Arrupe, là các tài liệu sẽ được các nhà kiểm duyệt thần học nghiên cứu kỹ lưỡng, để xét xem “có bất cứ điều gì chống lại đức tin hay truyền thống của Giáo Hội” hay không.

“Đây là loại công việc mà chúng tôi đã bắt đầu làm,” Cha Cebollada nói. “Chúng tôi đang trong giai đoạn chuẩn bị như trong mọi án phong Thánh.”

Sau khi vị cáo thỉnh viên có danh sách các nhân chứng và đã thu thập xong các tác phẩm, việc chính thức mở án phong thánh cho cha Arrupe sẽ được giáo phận Rôma, giáo phận nơi ngài qua đời khai mở.

3. Tiểu sử Cha Pedro Arrupe

Sinh tại Tây Ban Nha, Cha Arrupe vào Dòng Tên năm 1927. Sau khi các tu sĩ Dòng Tên bị trục xuất khỏi Tây Ban Nha vào năm 1932, ngài tiếp tục học tại Bỉ, Hà Lan và Hoa Kỳ. Sau khi thụ phong, ông được cử sang Nhật năm 1938.

Theo trang web của Dòng Tên Hoa Kỳ, Cha Arrupe đang phục vụ trong một cứ điểm truyền giáo tại Hiroshima, Nhật Bản khi Hoa Kỳ thả bom nguyên tử xuống địa điểm này vào năm 1945. Vị linh mục Dòng Tên, là người nghiên cứu y học trước khi vào Dòng Tên, và một số bạn đồng hành đã thoát chết và tích cực cứu giúp cho 150 nạn nhân “.

“Cha Arrupe là tinh hoa tốt nhất của Dòng Tên, mặc dù điều này nghe có vẻ phóng đại và xúc cảm quá,” Cha Cebollada nói. “Nhưng đối với nhiều người trong chúng tôi, từ thế hệ này sang thế hệ khác, Cha Arrupe là một tấm gương về việc bắt nguồn mọi sự từ Chúa Kitô, một người luôn lắng nghe và đáp lại tiếng gọi của Chúa Thánh Thần và, không sợ hãi, đưa ra quyết định cần thiết bởi vì ngài bắt nguồn mọi sự từ Thiên Chúa”

Vào năm 1965, Cha Arrupe được bầu làm Bề trên Tổng quyền Dòng Tên. Ngài từ chức năm 1983.

Cha Cebollada nói với CNS rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô và vô số các tu sĩ Dòng Tên khác sống trong và sau cái chết của Cha Arrupe vào năm 1991 tiếp tục được truyền cảm hứng bởi cuộc sống và linh đạo của ngài.

Cha cáo thỉnh viên nhắc lại cuộc gặp gỡ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô với một nhóm tu sĩ Dòng Tên trong chuyến viếng thăm Peru vào tháng Giêng, trong đó Đức Giáo Hoàng không ngớt ca ngợi “những ân sủng mà Cha Pedro Arrupe mang lại cho nhà Dòng”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô “đã đưa ra một số ví dụ về Cha Arrupe như một người đã giúp Dòng Tên chúng ta tái khám phá linh đạo của chúng ta trong những năm 1970,” Cha Cebollada nói.

4. Những bổ nhiệm quan trọng trong giáo triều Rôma những ngày sắp tới

Mặc dù đang nghỉ hè, Đức Thánh Cha Phanxicô đã triệu tập một công nghị Hồng Y bao gồm tất cả các Hồng Y đang có mặt tại Rôma vào ngày thứ Năm, 19 tháng 7. Lời loan báo này lập tức khơi lên những đồn đoán rằng Đức Thánh Cha có thể sẽ công bố các bổ nhiệm quan trọng.

Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết mục đích của cuộc họp là chọn ngày phong thánh cho Chân Phước Nunzio Sulprizio, một giáo dân người Ý sống vào thế kỷ 19 đã chết khi còn trẻ. Tuy nhiên, việc triệu tập đột ngột các Hồng Y trong kỳ nghỉ hè có lẽ còn nhiều vấn đề quan trọng khác mà Đức Thánh Cha muốn thảo luận với các vị Hồng Y.

Trong số những khả năng khác, Đức Thánh Cha có thể:

1) Chọn một Hồng Y giữ trọng trách Hồng Y Nhiếp Chính, tức là vị chủ trì các công việc hàng ngày của Tòa Thánh sau khi một vị Giáo Hoàng qua đời hoặc từ chức. Đức Hồng Y Jean-Louis Tauran, người được bổ nhiệm làm Hồng Y Nhiếp Chính vào tháng 12 năm 2014, đã qua đời vào đầu tháng này.

2) Chọn một vị thay thế cho Đức Hồng Y Giovanni Beccui trong chức vụ Sostituto, phụ tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, để giám sát các hoạt động hàng ngày của giáo triều Rôma. Đức Hồng Y Giovanni Beccui, đã thôi giữ chức vụ đó vào ngày 29 tháng 6 khi ngài được tấn phong Hồng Y; và sẽ sớm thay thế Đức Hồng Y Angelo Amato trong chức vụ tổng trưởng Bộ Tuyên Thánh.

3) Chọn một vị niên trưởng và một vị phó niên trưởng Hồng Y Đoàn. Đức Hồng Y Angelo Sodano, người đã là niên trưởng Hồng Y Đoàn kể từ khi Đức Bênêđíctô thứ 16 được bầu vào ngôi Giáo Hoàng, giờ đây đã hơn 90 tuổi. Đức Hồng Y Roger Etchegaray, phó niên trưởng, đã từ chức vào tháng 6 năm ngoái, ở tuổi 94.

Niên trưởng và phó niên trưởng Hồng Y Đoàn được chọn trong số các vị Hồng Y đẳng Giám Mục. Hôm 26 tháng 6, Đức Thánh Cha đã nâng 4 vị Hồng Y lên Hồng Y đẳng Giám Mục là các vị Hồng Y Pietro Parolin, Leonardo Sandri, Marc Ouellet, và Fernando Filoni. Trước đó, Hồng Y Đoàn có 6 vị Hồng Y đẳng Giám Mục là các Đức Hồng Y Angelo Sodano, Giovanni Battista Re, Roger Etchegaray, Francis Arinze, Tarcisio Bertone và José Saraiva Martins. Trong số các vị này, Đức Hồng Y Tarcisio Bertone là vị trẻ nhất cũng đã ở tuổi 83.

5. Tình yêu là trung tâm điểm của đạo lý về gia đình

Trong một thông điệp gởi cho giới trẻ miền đảo Antilean, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói rằng tình yêu là cốt lõi đạo lý của Giáo Hội về gia đình, đó là điều mỗi người trẻ đều có trách nhiệm thăng tiến.

Để hiểu ý nghĩa của tình yêu, Đức Giáo Hoàng mời gọi giới trẻ tìm đọc và học hỏi chương bốn Tông Huấn Niềm Vui Yêu Thương 2016 của ngài về gia đình, trong đó bàn về “Tình Yêu trong Hôn Nhân.”

“Cha nói với các con rằng cốt lõi của Tông Huấn Amoris Laetitia là chương bốn. Làm thế nào để sống yêu thương. Làm sao để sống yêu thương trong gia đình”. Ngài khuyên giới trẻ hãy đọc và thảo luận về chương này với nhau, bởi vì “Có rất nhiều sức mạnh ở đó để tiếp tục tiến về phía trước” và để biến đổi cuộc sống gia đình.

Tình yêu “tự nó có sức mạnh, và tình yêu không bao giờ hết”. Ngài giải thích rằng nếu họ học biết tình yêu đích thực như Thiên Chúa dạy, “các con sẽ biến đổi được cái gì đó để tất cả đều quy hướng về sự vĩnh cửu.”

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gởi một thông điệp bằng video cho những tham dự viên trong hội nghị giới trẻ của Hội Đồng Giám Mục Antilles, đang diễn ra tại Tổng Giáo Phận Thánh Pierre và Fort-deFrance ở Martinique, từ 10-23 tháng Bẩy.

Trong thông điệp của ngài, Đức Giáo Hoàng kêu gọi giới trẻ hoặc là họ thực sự đang sống như những người trẻ trung hay họ đã trở thành “giới trẻ già trước tuổi”, bởi vì “nếu con là loại người trẻ già trước tuổi thì con sẽ chẳng làm được điều gì. Con phải có cái thanh xuân của người trẻ tuổi, với cả sức mạnh để cái thanh xuân phải biến đổi.

Ngài nói rằng người trẻ không nên “an vị”trong cuộc sống, bởi vì “an vị” nghĩa là tình trạng đứng yên tại chỗ và “ mọi thứ sẽ không tiến lên được.”

“Các con phải làm chuyển động những gì đã bị ngưng trệ và bắt đầu chiến đấu. Các con muốn biến đổi, Các con muốn tiến lên và các con muốn thực hiện những sự hướng dẫn sau hội nghị về gia đình để làm thăng tiến và đổi mới các gia đình ở vùng Caribbean này.”

Đức Giáo Hoàng nói rằng để thăng tiến và phát triển gia đình, người ta phải hiểu cả hiện tại và quá khứ của nó.

“Các con đang chuẩn bị biến đổi những gì đã được các bậc lão thành truyền lại cho các con ư. Các con hãy nhớ về lịch sử, về những truyền thống xa xưa. Nhớ rằng người ta không thể làm gì được trong hiện tại hay trong tương lại nếu các con không có rễ sâu trong quá khứ, trong lịch sử, trong văn hóa hay trong gia đình của các con; nếu con không có rễ sâu nơi đất tốt.”

Trong phần kết luận, Đức Giáo Hoàng nói với người trẻ hãy dành thời gian cho ông bà của mình và những bậc lão thành khác và hãy nhận lấy những gì đã học được và “tiến hành.”

6. Côn đồ nhà nước Nicaragua tấn công một Giám Mục

Hôm 15 tháng 7, côn đồ nhà nước Nicaragua tập trung tại một trạm kiểm soát của cảnh sát đã chặn xe của một Giám Mục, đập bể cửa kính, làm thủng bánh xe, bắn nhiều phát súng vào xe để buộc ngài ra khỏi xe, sau đó xúm lại lăng mạ ngài.

Đức Giám Mục Juan Abelardo Mata Guevara của giáo phận Esteli đã bị tấn công tại một trạm kiểm soát của cảnh sát ở thành phố Nindirí, khoảng 15 dặm về phía đông nam của thủ đô Managua. Ngài đang trên đường trở về Tòa Giám Mục ở Esteli sau khi cử hành thánh lễ tại thành phố Nindirí.

Cùng với tài xế của mình, Đức Cha Mata đã phải lánh nạn trong một ngôi nhà bị bao vây bởi những kẻ ủng hộ Ortega trong suốt 90 phút.

Ngài đã có thể rời khỏi ngôi nhà nhờ sự can thiệp của Tổng Giáo Phận Managua. Bọn cầm quyền Nicaragua đã gửi một thanh tra tên là Ramon Avellan đến nơi để đảm bảo an toàn cho vị Giám Mục.

Đức Giám Mục Mata là một trong số các Giám Mục đứng ra làm trung gian hòa giải và là nhân chứng trong cuộc đối thoại quốc gia giữa chính phủ và phe đối lập.

Các cuộc biểu tình chống tổng thống Daniel Ortega, được bắt đầu từ ngày 18 tháng 4, đã dẫn đến cái chết của hơn 300 người.

7. Tổng thống Petro Poroshenko tái kêu gọi Chính Thống Giáo Ukraine độc lập với Mạc Tư Khoa

Một Giáo Hội Chính Thống tự trị là một trong những xương sống cho nền an ninh quốc gia của Ukraine. Tổng thống Petro Poroshenko của Ukraine đã nói như trên trong bài phát biểu tại cuộc gặp gỡ các Giáo Hội Kitô ở Ternopil hôm 15 tháng 7.

Ông nói: “Sự tự trị của Chính Thống Giáo Ukraine không chỉ là mối quan tâm của các Kitô hữu Chính thống Ukraine, nhưng còn là vấn đề quan yếu liên quan đến nền độc lập của người Ukraine. Đó là một trong những xương sống của nhà nước Ukraine, quốc gia Ukraine, an ninh quốc gia Ukraine. Và cuối cùng, là toàn bộ địa chính trị của thế giới”.

Theo Tổng thống Petro Poroshenko, vì lý do đó mà ý tưởng về sự tự trị này không được Mạc Tư Khoa và những kẻ thân Nga bên trong Ukraine hỗ trợ.

Giải thích thêm về ý tưởng hiệp nhất các Giáo Hội Chính Thống tại Ukraine thành một Giáo Hội duy nhất tách biệt với Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, ông nói:

“Đó không phải là việc tạo ra một Giáo Hội quốc doanh, Giáo Hội đã và luôn luôn là độc lập với nhà nước, điều này được xác định bởi Hiến pháp. Tôi nhấn mạnh rằng Giáo Hội ở Ukraine nên độc lập với nhà nước, và cũng nên độc lập với nhà nước ngoại bang.”

Ông Poroshenko cho biết thêm ông đã viết thư cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô và gần đây là Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, tuyên bố rằng “Đức Giáo Hoàng Phanxicô hài lòng ghi nhận rằng chính quyền Ukraine bảo đảm việc tuân thủ hoàn toàn tự do tôn giáo cho các tín đồ của tất cả các tôn giáo”.

Trước đó, vào ngày 17 tháng 4, ông Petro Poroshenko đã ký một tuyên bố chung với Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô liên quan đến việc nhìn nhận quyền tự trị của Giáo hội Chính thống Ukraine.

8. Hiện tình các Giáo hội Chính thống tại Ukraine

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Nhân tuyên bố của tổng thống Poroshenko, chương trình Giáo Hội Năm Châu xin được điểm qua vài nét chủ yếu về hiện tình các Giáo hội Chính thống tại quốc gia này.

Tại Ukraine hiện nay có đến 3 Giáo Hội Chính Thống Giáo. Nhóm đông nhất là nhóm Chính Thống Giáo Nga trực thuộc tòa thượng phụ Mạc Tư Khoa. Nhóm thứ hai là Chính Thống Giáo Ukraine và nhóm thứ ba là Chính Thống Giáo Ukraine tự trị với đa số là các vị Chính Thống Giáo Ukraine trở về từ hải ngoại sau khi cộng sản sụp đổ.

Kiev coi nhóm Chính Thống Giáo Nga trực thuộc tòa thượng phụ Mạc Tư Khoa là một công cụ để điện Kremlin tác động lên nội tình của Ukraine. Cho đến nay, nhóm này là nhóm Chính Thống Giáo duy nhất tại Ukraine được thế giới Chính Thống Giáo nhìn nhận.

Tháng Tư vừa qua, tại Istanbul, tổng thống Poroshenko đã gặp Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô, lãnh đạo tinh thần của các Kitô hữu Chính thống toàn thế giới, để tìm kiếm sự hỗ trợ trong việc nhìn nhận tính cách hợp pháp của Chính Thống Giáo Ukraine.

Ông Poroshenko đã so sánh việc có một Giáo Hội tự trị với nguyện vọng của Kiev được gia nhập Liên minh châu Âu và NATO, “bởi vì điện Kremlin coi Giáo Hội Chính Thống Giáo Nga là một trong những công cụ quan trọng ảnh hưởng đến Ukraine.”

Ông hy vọng Giáo hội Chính thống Ukraine có thể trở nên độc lập hoàn toàn với Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa theo các điều khoản của một sáng kiến do ông đề nghị và đã được Quốc Hội phê duyệt hôm thứ Năm 19 tháng Tư. Đây là một động thái mà Tổng thống Petro Poroshenko nói sẽ khiến Nga khó khăn hơn trong việc can thiệp vào các vấn đề của người Ukraine.

Các nhà lãnh đạo thân phương Tây của Ukraine đã từng bước tìm cách di chuyển nước cộng hòa Xô Viết cũ này ra khỏi quỹ đạo của Nga, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ của mình năm 2014 và xúi dục một cuộc nổi loạn ở miền đông Ukraine. .
 
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay, Thứ Hai 23/7/2018: Khóa học Truyền Thông VietCatholic 2018 từ ngày 15 đến ngày 21/7 đã kết thúc với kết quả tốt đẹp
VietCatholic Network
16:35 22/07/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây


Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria.

Kính thưa quí vị và anh chị em, Chương trình truyền hình hôm nay do các Linh mục, Nữ tu và Chủng sinh đang theo khóa học Video Editing tại VietCatholic Studio thực hiện. Tuy còn mới mẻ và chưa có kinh nghiệm nhưng chúng tôi rất hãnh diện đưa ra một “tác phẩm” những gì chúng tôi đã học được trong mấy ngày qua. Chúng tôi thật vui mừng vì chỉ qua mấy ngày học, chúng tôi đã hấp thụ được những kiến thức tạm đủ và với những bài tập thực hành cụ thể nên chúng tôi vững tin thực hành chương trình này. Chắc chắn có nhiều thiếu sót nên xin quí vị lượng tình bỏ qua.

Chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Giáo Hội có nhiệm vụ đương đầu với các thách đố xã hội.

2- Đại diện của Đức Giáo Hoàng ở Nicaragua kêu gọi hòa bình.

3- Báo chí thế giới loan truyền tin tức phóng đại: Nhiều vết máu trên Tấm Khăn Liệm thành Turin là giả tạo!

4- Đức tin mạnh mẽ của các tín hữu Trung Phi dù bị khủng bố Hồi giáo đe dọa.

5- Đối thoại vẫn tiếp tục giữa Tòa Thánh và Trung Hoa.

6- Mẹ Bề Trên Tổng Quyền quả quyết các nữ tu của Mẹ Teresa không tham gia vào việc buôn bán trẻ em.

7- Khóa học Truyền Hình cho các Linh mục, Nữ tu và Chủng sinh tại VietCatholic.

8- Giới thiệu Thánh Ca: Chính Chúa Chọn Con.

https://www.youtube.com/watch?time_continue=1&v=e2Xt_erzCHU

Xin mời quý vị theo dõi phần tin chi tiết