Ngày 21-07-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:55 21/07/2019

35. Nên cầu xin Thiên Chúa ban cho con sức mạnh để chống trả với tội kiêu ngạo, nó là kẻ địch lớn nhất của con, là tất cả căn nguyên của mọi thứ tội, và là nguyên nhân thất bại của tất cả mọi điều thiện mỹ.

(Thánh Vincent de Paul)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

https://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:00 21/07/2019
73. ĐÁNH RẮM ĐỔI ĐỒ DÙNG

Có một người biết đánh rắm rất đặc biệt.

Một lần nọ đến nhà thợ rèn để làm một cái cào sắt, vừa mới bắt đầu hỏi giá cả thì đánh rắm liên tiếp mấy cái.

Người thợ rèn nói:

- “Sao anh đánh rắm nhiều lắm thế, nếu anh có thể đánh rắm một trăm cái thì tôi tặng không cho anh cái cào sắt này”.

Người ấy bèn đánh rắm liên tiếp một trăm cái, thế là khi không mà được cái cào sắt.

Vừa muốn đi về thì đánh rắm liên tục mấy cái nữa, anh ta quay đầu lại nói với ông thợ rèn:

- “Đánh rắm thêm mấy cái nữa, ông có thể tặng tôi mấy cái đinh được chứ ?”

(Quảng Tiếu phủ)

Suy tư 73:

Ở đời ai cũng có cái sở trường sở đoản của mình, sở trường là nghề tay phải và sở đoản là nghề tay trái, lấy nghề tay phải nuôi sống lâu dài bản thân và gia đình, nghề tay trái thì ứng dụng lúc cấp thời...

Sở trường của người Ki-tô hữu là cầu nguyện, sở đoản của người Ki-tô hữu cũng là cầu nguyện, bởi vì chỉ có cầu nguyện mới đổi được con người cũ của mình và “đổi” được ý của Thiên Chúa mà thôi.

Người biết đánh rắm liên tiếp một trăm cái theo ý muốn của mình cũng là...sở trường của họ, bởi vì nhờ đánh rắm mà họ đã đổi được cái cào sắt mà không tốn một đồng xu.

Cầu nguyện đổi được rất nhiều thứ cho thân xác và cho linh hồn của mình mà không tốn một đồng tiền nào cả, bởi vì chính Đức Chúa Giê-su cũng dạy chúng ta phải luôn cầu nguyện ấy mà. Vậy thì tại sao tôi không thích cầu nguyện chứ ?

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

https://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo Đoàn Anrê Phú Yên Revesby - Sydney Mừng Kính Lễ Bổn Mạng
Diệp Hải Dung
09:11 21/07/2019
Sáng Chúa Nhật 21/07/2019 Giáo đoàn Revesby đã long trọng mừng kính Lễ Thánh Tử Đạo Andrê Phú Yên Quan Thầy của Giáo đoàn tại nhà thờ St. Luke Revesby, Sydney

Đúng 10 giờ 45 tất cả mọi người tập trung tại khuôn nhà thờ và Cha Remy Bùi Sơn Lâm Chính xứ Giáo xứ Revesby xông hương tượng Thánh Tử đạo Andrê Phú Yên sau đó là ba hồi chiêng trống cổ truyền VN bắt đầu kiệu tượng Thánh Tử Đạo Andrê Phú Yên rước vào trong nhà thờ. Cuộc kiệu rất nghiêm trang và long trọng, các Hội Đoàn, Đoàn Thể trong Cộng Đồng, các Giáo đoàn bạn và quan khách Úc đều đến tham dự đông đủ.

Xem hình

Khi kiệu tiến vào trong nhà thờ và an vị trên cung Thánh. Quý Cha Paul Văn Chi Đặc trách Giáo đoàn Revesby, ngỏ lời chúc mừng Bổn Mạng Giáo đoàn đồng thời Cha cũng giới thiệu Thánh lễ Bổn Mạng hôm nay có sự hiện diện quý Cha Chính xứ Bùi Sơn Lâm, Father John Phó xứ, Cha Trần Văn Trợ, Cha Nguyễn Thái Hoạch và Cha Mai Văn Thịnh

Đặc biết trong Thánh lễ có nghi thức cung nghinh rước Phúc Âm và Thánh vũ tiến dâng Lễ Vật rất trang trọng do các em Thiếu Nhi phụng vụ và trong bài giảng. Cha Paul Văn Chi đã nói qua sứ điệp cuả Thánh Tử Đạo Anrê Phú Yên đã gởi cho chúng ta, mời gọi chúng ta hãy chọn phần tốt nhất như Maria của bài Tin Mừng Luca ngày hôm nay, và chính Thánh Anrê Phú Yên cũng đã dám nói lên “ nếu tôi có ngàn mạng sống sẽ hiến dâng tất cả cho Chúa để đền đáp hồng ân của Ngài” Thánh Anrê Phú Yên người đã chọn phần tốt nhất mà không ai lấy đi được….

Trước khi kết thúc Thánh lễ, Cha Remy Bùi Sơn Lâm Chính xứ Revesby ngỏ lời chúc mừng Bổn Mạng Giáo đoàn, và Cha nói Giáo Đoàn Revesby thấm thoát đã được 17 năm với những bước nhỏ trong Công Đồng, nhưng ngược lại thì Giáo Đoàn có những bước tiến lớn vững mạnh và phát triển, Cầu chúc Giáo Đoàn luôn thăng tiến trong Cộng Đồng trong Giáo Hội. Kế tiếp anh Trần Anh Vũ Chủ tịch CĐCGVN Sydney thay mặt Hội Đồng Mục Vụ chúc mừng Bổn Mạng Giáo Đoàn, Ca Đoàn và Nhóm Lòng Chúa Thương Xót. Bà Nicole đại diện Hội Đồng Giáo Xứ Revesby cũng ngỏ lời chúc mừng Bổn Mạng Giáo Đoàn.

Sau cùng ông Giuse Phạm Ngọc Huynh Trưởng Ban Mục Vụ Giáo đoàn Revesby thay mặt Giáo Đoàn ngỏ lời cám ơn quý Cha, quý Sơ, quý Quan Khách và toàn thể mọi người đã đến tham dự Lễ mừng kính Quan Thầy của Giáo Đoàn, đặc biệt cám ơn quý anh em trong Ban Mục Vụ Giáo đoàn, các em Thiếu Nhi Thánh Vũ, qúy ân nhân đã giúp bảo trợ xây dựng Giáo đoàn trong sự yêu thương đùm bọc. Chúng tôi cũng cám ơn anh chị em trong Ca đoàn Thánh Tử Đạo Anrê Phú Yên lúc nào cũng bên cạnh Giáo Đoàn trong tinh thần hăng say phục vụ. Kính chúc tất cả mọi người một ngày thật vui vẻ và tràn đầy hồng ân Thiên Chúa.

Sau khi kết thúc Thánh lễ mọi người ở lại cùng chung vui bữa tiệc thân mật trong khuôn viên trường học nhà thờ và thưởng lãm Văn Nghệ bỏ túi cây nhà lá vườn do Ca đoàn Revesby trình diễn.

Diệp Hải Dung
 
Lễ ban phép Thêm Sức tại xứ Tân Trang, hạt Phú Thọ, Sàigòn
Martinô Lê Hoàng Vũ
12:29 21/07/2019
“Chúa Thánh Thần sẽ ở lại với chúng con,sửa đổi đời sống chúng con, để chúng con có đời sống mới tốt hơn”.Đó là những lời cầu chúc của Đức cha Louis Nguyễn Anh Tuấn trong thánh lễ Thêm Sức tại giáo xứ Tân Trang.

Chiều nay 20.7.2019 tại Giáo xứ Tân Trang hạt Phú Thọ,thuộc TGP Sài gòn không khí thật tươi vui rộn ràng,các bậc phụ huynh,thân nhân,cha mẹ đỡ đầu của các em được lãnh nhận bí tích Thêm Sức đã hiện diện đông đủ từ sớm.

Xem Hình

Vào khoảng 17 giờ,Đức Giám Mục Louis Nguyễn Anh Tuấn về tới giáo xứ Tân Trang trong sự đón tiếp trang trọng của cha chánh xứ Giuse Đinh Văn Thọ,quý vị HĐMVGX Tân Trang các đoàn thể trong giáo xứ.

Đúng 17g 30 phút thánh lễ được bắt đầu với cuộc rước đầu lễ.Cùng đồng tế với Đức Giám Mục Louis Nguyễn Anh Tuấn có Linh mục Giuse Phạm Bá Lãm Hạt Trưởng Phú Thọ Linh mục Giuse Đinh Văn Thọ chánh xứ Tân Trang,quý cha có liên hệ thân thiết với giáo xứ.

Phụng vụ Lời Chúa được công bố chiều nay lấy từ các bài đọc về Chúa Thánh Thần và cha chánh xứ công bố Tin Mừng.

Bài chia sẻ của Đức Giám Mục Louis nói đến vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời sống của người tín hữu.Chúa Thánh Thần là Đấng tha tội cho chúng ta,mang lại sự sống cho con người,người tội lỗi được sống lại, trở về nẻo chính đường ngay.

Chúa Thánh Thần là Tình Yêu và Sự Sống, Chúa Thánh Thần ban cho mỗi người việc làm khác nhau,ban cho ơn này ơn khác,hay tùy theo bậc sống của mỗi người.Hoa trái của Thánh Thần là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu,từ tâm,trung tín,hiền hòa,tiết độ.

Đi vào thực tế,Đức Cha có những lời khuyên cụ thể với các em.Chúng ta phải sống thật thà,không được gian dối với cha mẹ,chúng ta sống vui tươi lành mạnh,biết yêu thương và giúp đỡ mọi người.Chúng ta sống tiết độ,không chơi game suốt ngày,phải dành thời gian nghỉ ngơi,thời gian vận động cơ thể cho tâm hồn thư thái, phải chịu đọc sách để khám phá những gì mới mẻ nơi cuộc sống.Kể từ hôm nay,chúng con đã có Chúa Thánh Thần,chúng con có một đời sống mới,phải cố gắng làm những điều tốt đẹp cho mọi người.Chúng ta sống theo ơn Chúa Thánh Thần hướng dẫn,cần mở lòng ra với Ngài,sống đức tin trưởng thành hơn.

Sau đó,cha chánh xứ giới thiệu và xin Đức cha ban bí tích Thêm sức cho các em.Các em này đã được học giáo lý đầy đủ,đã được kiểm tra và các em đã có những ngày tĩnh tâm cầu nguyện để chuẩn bị cho thánh lễ hôm nay.

Kế đến,là diễn tiến Nghi thức ban bí tích Thêm Sức cho 68 em thiếu nhi trong giáo xứ Tân Trang.

Sau lời nguyện hiệp lễ,ông Chủ tịch HĐMVGX Tân Trang đại diện cho cộng đoàn giáo xứ,các em thiếu nhi vừa lãnh nhận bí tích,quý phụ huynh và cha mẹ đỡ đầu nói lời tri ân Đức cha,cha chánh xứ và quý cha đồng tế.Ông cũng cho biết vài nét về giáo xứ Tân Trang như, số giáo dân hiện tại là 1500 người,giáo xứ được thành lập vào năm 1974.

Phần huấn từ cuối thánh lễ Đức Giám Mục Louis nhắn nhủ với cộng đoàn về đời sống gia đình hiện nay đang bị tấn công nặng nề.Các bậc cha mẹ phải cố gắng giữ giờ kinh trong gia đình,phải có Chúa trong gia đình mình.Gia đình cùng nhau cầu nguyện,gia đình ăn cơm chung với nhau,để gặp gỡ chuyện trò,yêu thương quam tâm đến các thành viên trong gia đình.Chúng ta đừng trở nên nô lệ cho điện thoại thông minh.Bữa cơm gia đình phải luôn ba không,không tivi,điện thoại,không thức ăn nhanh thường xuyên,không chỉ trích lên án nhau.

Thánh lễ tạ ơn kết thúc vào lúc 19 giờ với tâm tình vui mừng hân hoan của mọi thành phần trong giáo xứ, và chắc chắn sẽ khơi dậy nơi các em vừa lãnh nhận bí tích Thêm sức lòng nhiệt thành Tông đồ làm chứng nhân cho Tin Mừng trong thời đại hôm nay.

Martinô Lê Hoàng Vũ
 
Phụ nữ Công Giáo Việt Nam ở Hồng Kông - Chuyện giờ mới kể
John Baptist, SVD
12:48 21/07/2019
PHỤ NỮ Công Giáo VIỆT NAM Ở HỒNG KÔNG - CHUYỆN GIỜ MỚI KỂ

(Bài viết như một lời cảm ơn chân thành của chúng tôi gửi đến cộng đoàn các anh chị em Việt Nam tại Hồng Kông - Cộng đoàn Hy Vọng - cách riêng tất cả các chị em trong cộng đoàn) Tu sĩ John Baptist, SVD.

Thấm thoát cũng đã mười mấy năm sinh sống ở Hồng Kông. Kỷ niệm buồn vui đều có cả. Nhiều khi “tức cảnh” mà “sinh tình” cũng muốn viết mấy dòng cho ra vẻ trí thức, nhưng viết gì mới được chứ? Suy đi nghĩ lại, thôi thì viết về người phụ nữ Công Giáo Việt Nam ở Hồng Kông vậy. Ấy bậy, đi tu mà viết về người phụ nữ à! Không sợ lỗi “đức trong veo” à! Thì cứ viết đại, dẫu sao các chị em cũng là người nhà mình cả, nếu có lỡ lời còn mong được đại xá, viết về người Hồng Kông lỡ lời thì biết phải ăn nói sao với người ta. Nói viết về phụ nữ Công Giáo Việt Nam ở Hồng Kông, nhưng thỉnh thoảng chúng tôi cũng có đá qua quý “phụ nam” đôi chút.

Xem hình ảnh

Tại sao tôi lại chọn viết về người phụ nữ Công Giáo Việt Nam ở Hồng Kông? Bởi đến với công đoàn của chị em có những điều làm chúng tôi ngạc nhiên, khâm phục, rồi nể trọng và còn phải học hỏi.

Những ngày xa xưa ấy...
Đặt chân tới Hồng Kông vào tháng 08 năm 2005, điều đầu tiên chúng tôi nghĩ ngay là: Không biết có người Việt Nam nào sinh sống ở đây không? Nếu như có được vài người thì cũng đỡ đi được cảnh nhớ nhà, lại có thể học hỏi được đôi chút kinh nghiệm sống giữa người Hồng Kông. Một tuần, rồi lại một tuần trôi qua, … trong vô vọng. Rồi một hôm, Chúng tôi đi thăm mấy cha trong dòng đang làm việc ở các giáo xứ người Hoa. Các vị bảo trước đây ở nhà thờ bên cạnh cũng có một thánh lễ tiếng Việt, nhưng không biết nay còn nữa hay không. Vậy là có hy vọng rồi! Có lễ việt ắt sẽ có người Việt, không lẽ người Hồng Kông nói tiếng Việt à!

Tra xét địa chỉ cụ thể, vẽ sơ đồ hẳn hoi, sáng Chúa Nhật chúng tôi đánh liều bắt xe đi dò la tin tức. Đúng như sơ đồ, chúng tôi xuống xe mò vào trong nhà thờ, gặp ngay bà gác cổng. Bà này không biết tiếng Anh, còn chúng tôi lại chưa biết tiếng Quảng, gà vịt một hồi thì bà cũng đoán ra hai chữ Việt Nam, bà liền dẫn tôi vào gặp người Việt. Trời ơi, mừng! Có người Việt rồi! Cả một cộng đoàn chứ đâu phải ít. Từ mừng tôi chuyển sang ngạc nhiên. Quái lạ, cả một cộng đoàn mà không có dáng một anh đàn ông Việt nào. Lác đác có hai ba mạng thì đều là đàn ông Hồng Kông cả.

Trừ ông cha đứng giữa bàn thờ, bao quanh toàn là phụ nữ: Phụ nữ lớn, “phụ nữ bé”, phụ nữ giúp lễ, phụ nữ đọc bài đọc, phụ nữ ca đoàn, “phụ nữ” đang bế trên tay, “phụ nữ” vừa mới chào đời đang nằm trong xe nôi… Lạ thật, cái cộng đoàn này sao mà hay thế, “sản xuất” toàn là phụ nữ! Thế “Phụ nam” đi đâu hết? Mới đầu tôi cứ tưởng hôm đó có sự kiện gì đặc biệt nên cánh đàn ông đi vắng. Nhưng sau rồi tôi mới biết, cái cộng đoàn này nó vẫn thế từ thời nào chứ riêng gì hôm nay đâu! Ở cái xứ này có nhiều đàn ông Việt lắm. Nghe đâu, nhóm đàn ông có đạo cũng được khá khá, song le quý ông bận công to việc lớn cả.

Trừ một số có “hộ khẩu” thường trú ở “các trại” và một số vốn có “mối thù truyền kiếp” với cảnh sát ra thì không tính. Phần còn lại cánh đàn ông Việt ở đây đều có lý do, giá có rảnh rang đi chăng nữa thì khó lòng mà đi lễ được. Lí do gì thì chỉ có Chúa biết, mấy ông biết với nhau, vợ con các ông biết, người ngoài thì kẻ biết người không! Bởi vậy nên chúng tôi không dám ăn không nói thừa cho những người chưa biết là tốt hay xấu được! Chỉ biết thi thoảng gặp được họ thì họ bảo bận túi bụi. Bận bịu như thế thì sao mà đến nhà thờ được! Thôi thì đành cáo lỗi với Chúa vài chục năm đã sao nào!?

Hồi tưởng lại muôn vàn kỷ niệm...
Bởi cánh đàn ông bận, nên việc nhà Chúa tất nhiên là khoán trắng cho chị em phụ nữ. Do đó không lạ gì khi đội ngũ Ban Hành Giáo toàn là phụ nữ. Ở Việt Nam ta quen gọi các vị trong Ban Hành Giáo là: ông Trùm (ông Chánh Trương hoặc Chủ Tịch); ông thư ký, ông thủ quỹ hay ông ca đoàn trưởng, v.v. Bởi lẽ từ Nam chí Bắc có mấy khi những chức vụ này rơi vào tay các bà đâu. Nhưng cộng đoàn này không biết phải gọi làm sao cho không chỉ có “văn hóa” mà còn đúng “thời trang” nữa.

Gọi bà Trùm, bà Thủ quỹ, bà Ca đoàn trưởng, …nghe xuôi tai và sang thật đấy, nhưng coi chừng “phù mỏ”, bởi không “thời trang” chút nào. Chị em người ta còn trẻ thế kia mà gọi bà được hả! Còn gọi bằng “em trùm”, “em thủ quỹ”, “em ca đoàn trưởng” thì hơi nhột cái lỗ tai và có vẻ cải lương quá. Chỉ còn gọi bằng chị là an toàn hơn cả, tuy nhiên, cũng còn tùy vào “thời tiết” mà gọi! Bởi đôi khi cao hứng chúng tôi gọi mấy chị em trong ban điều hành là “bà”, thì ngay lâp tức có những cái “nguýt” sắc như dao phóng từ đàng xa lại, đúng là ông bà mình dạy “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” quả không sai!

Hồi ở nhà cứ mỗi lần đến kỳ bầu Ban hành giáo là chúng tôi thấy mỗi lần lôi thôi. Có những nơi như chỗ xứ chúng tôi, đôi khi phe này nỗi lên chống phe kia, có viết cả truyền đơn chửi nhau ỏm tỏi. Ấy vậy mà khi trúng cử ra làm việc, lắm lúc cha xứ phải gào khan cả cổ công việc mới chạy cho. Còn với chị em thì nào thấy bầu bán gì phức tạp đâu. Chị em ngồi lại với nhau, chị làm việc này em làm việc kia… thế là xong, công việc đâu ra đấy cả.

Điều ngạc nhiên nữa là chẳng có cha xứ trực tiếp lãnh đạo, chi em tự bàn tính với nhau, tuần tới, tháng tới lễ gì, mời cha nào làm lễ; tiền bạc chi tiêu làm sao; con cái ai rửa tội, cặp nào cưới hỏi … được sự đồng ý của cha phụ trách, rồi chị em cứ vậy mà làm. Thế đấy, nhưng kinh hạt lễ lạc rập ràng, trật tự và vẫn long trọng như thường. Lại còn mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam nữa chứ: lễ lạy chị em cũng mặc áo dài chỉnh tề, cũng rước, cũng dâng hoa, dâng của lễ, … nói chung, ở Việt Nam làm sao thì ở đất Hồng Kông này chị em người ta cũng tổ chức được làm vậy. Chúng tôi thấy đây là một hình thức tự quản rất tốt và hiệu quả.

Có lẽ trong tất cả các nhà thờ trong giáo phận Hồng Kông thì cái cộng đoàn này là nhiều trẻ con nhất. Cứ đến Chúa Nhật là mẹ nào con đó dắt díu nhau đến nhà thờ. Có chị mang tới hai, ba đứa con, đứa dắt đứa bế, đứa nằm trong xe nôi, tung tăng đến nhà thờ trông thật là dễ thương. Vì đông trẻ em nên cộng đoàn lúc nào cũng rộn ràng vui tươi. Các bà mẹ cứ phải vừa giữ lễ, vừa phải để mắt trông chừng con cái.

Thật là cảm động khi thấy chị em dắt những đứa nhỏ con 2, 3 tuổi lại cạnh giếng nước thánh, cầm tay đứa nhỏ nhúng vào giếng rồi dạy con làm dấu Thánh Giá, dạy con cúi đầu chào Chúa. Nhìn thấy những hình ảnh này chúng tôi chợt nghĩ về người mẹ của mình, về những bài học rất vỡ lòng mà mẹ đã dạy. Nếu không có những gợi ý và nhắc bảo nho nhỏ như thế này của mẹ từ tấm bé thì không biết ngày ấy và giờ đấy chúng tôi có biết Chúa là ai không nữa?

Cứ mỗi Thánh Lễ ngày Chúa Nhật, đến phần dâng của lễ là mỗi em bé được các chị chẩn bị cho một bông hoa tươi, rồi các em đi nghiêm trang thành hai hàng lên dâng cho Chúa. Nhìn những em bé bước đi còn chập chững tay cầm cành hoa ai ai cũng phải mĩm cưởi trìu mến. Tôi nghĩ đây là hình ảnh đẹp nhất và dễ thương nhất mà chị em đã nghĩ ra được. Trẻ em thì đứa nào trông cũng thật hớn hở. Chúng không thấy buồn khi theo mẹ đến nhà thờ.

Thế đấy, cộng đoàn của chị em luôn có những cái khang khác rất dễ thương khiến cho những ai mới đến tham dự cũng phải ngạc nhiên.

Ta thường thấy đây đó trên báo chí có những tấm gương sáng của người phụ nữ Việt Nam trong các lãnh vực học thuật, thương mại hoặc những nganh nghề nào đó. Điều đó thật xứng đáng cho ta tự hào. Còn chị em phụ nữ Việt Nam ở cộng đoàn này thì sao? Có đấy, cũng có những người thật thành công trong công việc làm ăn buôn bán, hoặc các lĩnh vực khác, nhưng những cái đó không làm cho chúng tôi ấn tượng để viết ngay bài này.

Ngày xưa nhữ những Thiên Thần...
Điều mà khiến chúng tôi rất mừng và vô cùng khâm phục là dầu trưởng thành nơi đất khách quê người (đa số chị em không có cha mẹ ở gần bên kềm cặp, chỉ dạy, bảo ban) ấy vậy mà bây giờ đến tuổi làm mẹ cái bản chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam nơi chi em vẫn thế: “rất Việt Nam.” Chị em vẫn là những người vợ tảo tần chịu thương chịu khó, người mẹ hết mực thương yêu con cái, hiếu thảo với cha mẹ và sống có trách nhiệm với anh em ruột thịt ở quê nhà. Có lẽ cái đức tính này đã làm nên nét đẹp rất riêng của người phụ nữ Việt Nam nơi đây, nhưng cũng chính cái đức tính tốt này nó trở thành như một thứ “nghiệp chướng” cột chặt vào cuộc đời các chị, và cứ thế đời các chị phải khổ. Giá như cứ như người ta, vô lo, ích kỷ, chỉ biết sống hưởng thụ, sống chết mặc ai, thi có lẽ đời các chị nó đã khác, ít ra cũng không phải khổ thế này.

Thật vậy, nếu chỉ nhìn cái bề ngoài yếu đuối mong manh của chị em, ít ai nghĩ rằng chị em phải vất vả cực nhọc. Nhưng, thật nhầm to. Có thể nói được ở cái đất Hồng Kông này, những người cực nhọc, vất vả nhất vẫn là chị em phụ nữ mình.

Hồng Kông là nơi mà người phụ nữ và trẻ em có nhiều ưu đãi thì đáng ra chị em mình có quyền được sống sung sướng hơn mới phải, nhưng những cái ưu đãi và sung sướng đó dường như là thứ xa xỉ phẩm, còn xa vời với chị em mình lắm. Họ chẳng còn giờ đâu để tận hưởng những ưu đãi đó. Một năm mười hai tháng đầu tắt mặt tối quần quật với công việc, nhiều khi ăn còn không có giờ để ăn cho tử tế thì còn giờ đâu mà nghĩ tới ưu đãi!

May mắn cho chị em nào lấy được anh chồng Hồng Kông tử tế biết đỡ đần vợ con thì cuộc đời đôi khi còn có chút an ủi. Nhưng khổ nỗi đa phần chị em mình “gánh gồng” chồng con. Hừm! Toàn là kết bằng dấu chấm than (!) hình giọt nước mắt cả! Lí do tại sao thì muôn vàn cái để nói. Nếu có dịp và được phép chúng tôi sẽ đề cập đến vấn đề này một cách dài dòng hơn. Vì không không mà nói ra điều này chúng tôi sợ chạm đến vết thương lòng của chị em.

Sở dĩ chúng tôi đề cập đến điều này ở đây là chỉ muốn được bày tỏ lòng khâm phục sâu xa đối với chị em phụ nữ mình, những người đã cố để sống, đấu tranh để tồn tại ở cái đất mà của chỉ có một bát trong khi người thì hàng vạn này! Một sự thực đáng mừng là chị em mình đã chiến thắng số phận để trở thành công dân chính thức của Hồng Kông, một thành phố đắt đỏ có thể ví được là tấc đất tấc kim cương, chứ chẳng phải tấc vàng như ông bà mình thường nói. Thú thật, nếu đặt chúng tôi vào chỗ của các chị thì chúng tôi không biết phải xoay xở thế nào để sống.

Bây giờ làm tài tử Hồng Kông...
Còn chị em mình thì có thể nói bỏ đâu cũng sống được bởi chẳng nề hà công việc. Đa phần chị em chọn những việc làm thật nặng nhọc bên ngành xây dựng. Nói xây dựng là nói cho nó văn hoa vậy, chứ thực tình thì lam lũ lắm! Mới nghe, tôi quả thật giật mình. Vì cứ nghĩ các chị nói đùa. Trông chị em còn trẻ, vóc người nhỏ nhắn mong manh thế kia ma lại cáng đáng công việc của cánh đàn ông, như xây dựng công trường, đập đá vá thành... thật khó tin. Tưởng các chị cũng làm văn phòng hay buôn bán gì mới phải. Ấy vậy mà nhiều chị cũng chinh chiến với nghề mười mấy năm có thừa.

Có lần chúng tôi hỏi các chi tại sao không đỏi nghề cho đỡ vất vả. Chị em bảo làm cái nghề này tuy vất vả nhưng được cái tự do, thu nhập cũng ổn định hơn, mà thu nhập có ổn định thì mới giúp được gia đình ở Việt Nam, và Chúa Nhật nghỉ để đi lễ nhà thờ cũng dễ. Làm các nghề khác không dễ gì được nghĩ vào Chúa Nhật và các ngày lễ để đến nhà thờ đâu. Đấy, mọi người nghe vậy có phục sát đất không kia chứ! Không phải nghỉ để đi chơi, mà để đi nhà thờ!

Ngày ngày phải thức khuya dậy sớm lo cho con cái chuyện ăn chuyện học, suốt tuần lao động cực nhọc, được ngày nghỉ Chúa Nhật (đa phần quý ông nhà mình nằm phơi ra ngủ, lễ lạy không cần thiết) còn chị em mình vẫn dắt dìu con cái đến nhà thờ. Có khi nhà xa đi xe buýt cả vài tiếng đồng hồ nhưng tuần nào cũng như tuần nấy, mưa cũng như nắng đều đặn viếng thăm Chúa. Đúng là chị em muôn năm!

Bỏ lễ, bỏ nhà thờ và gần như suyn suýt bỏ Chúa, suyn suýt chối Chúa vẫn là cánh đàn ông mình nhiều! Tôi thì tôi cứ nói thẳng như vậy!

Nói tới chuyện đi đạo bỏ đạo chúng tôi lại càng phải nghiêng mình trước quý chị em, lấy chồng Hồng Kông không có đạo, nhưng cố nài nỉ chồng đi đạo, cho con cái được học đạo rửa tội hẳn hoi. Giáo phận Hồng Kông có thêm người đi đạo cũng một phần công lao nho nhỏ của chị em ta. Công bằng mà nói, cộng đoàn Việt Nam ở Hồng Kông này có được, tồn tại được cũng là nhờ quý chị. Nếu để cho cánh đàn ông mình thì không chỉ không có cộng đoàn này, mà nếu có thì cũng chỉ dăm bữa nữa tháng rồi cũng giải tán, vì có ma nào đi lễ đâu. Ai lo việc “đại sự” cho các ông để các ông có giờ đi lễ!

Với các chị ở đây, không những lo việc đạo nghĩa cho con cái không thôi, mà còn lo cho con cái được học chữ Việt, làm quen với văn hóa Việt. Nếu bây giờ có đứa trẻ Việt Nam nào còn nói được tiếng việt, còn viết được tiếng việt, biết lễ nghĩa của người Việt đều do một tay các chị lo cả. Nhà nào mà bố là người Việt, mẹ là người Hồng Kông thì con cái coi như “đui” tiếng việt luôn. Mỗi lần ông bà, anh em, người thân ở quê sang thăm, các cháu chỉ nhìn người thân bằng cặp mắt “trừng trừng”, kèm mấy câu ú ớ không biết là chúng đang nói bằng thứ tiếng gì, rồi lao vào phòng đóng sập cửa lại, nằm im thin thít trong đó không dám ra nữa! Nhiều lúc cũng không phải tại các cháu muốn bất lịch sự, nhưng khổ nỗi tụi nó có nói được tiếng việt đâu mà ngồi tiếp chuyện chứ, tốt nhất là vào phòng chơi cho yên chuyện.

Đạo nghĩa lễ lạy coi như chuyện trong tiểu thuyết, chẳng biết một tí gì. Nếu ông bà, cô bác có hỏi tại sao, thì ông bố phân bua một cách rất “hiện đại” rằng ở bên này tự do, trẻ em nó thế, không như ở Việt Nam! Bố nó cũng thế thì làm sao con nó không thế! Thôi thì kệ tụi mày, đạo không đạo thì đời, tiếng việt tiếng vẹt làm gì cho rắc rối, miễn có cơm ngày ba bữa. Còn không biết tiếng việt chẳng ai chết cả, nếu cần thì đã có bố mày làm phiên dịch. Bố mày mà nhở có “hai cái năm mươi” (qua đời), thì tốt nhất đừng về Việt Nam nữa, về chỉ tổ tốn tiền chứ được gì!

Ôi nói ra thì bảo là chúng tôi nói xấu cánh đàn ông mình, nhưng đó là sự thật. Tất nhiên chị em cũng có cái xấu, cái yếu kém, nhưng đó là những trường hợp cá biệt, còn đa phần chị em mình không chê vào đâu được! Ở đâu thì chúng tôi không biết, nhưng ở cái cộng đoàn của chị em đây nếu còn chút phong tục tập quán nào của người Việt thì đều nhờ chị em mà có.

Thường ở đòi người ta nể trọng người có chức có quyền, hay ít ra cũng là bậc cao niên, điều này tất nhiên rồi, nhưng ở đây chúng tôi muốn nói đến việc nể trọng các chị em phụ phụ nữ Công Giáo ở Hồng Kông.

Các Chị làm điệu nè...
Tại sao phải nể trọng họ? Cũng như nhiều người khác, mới đầu chúng tôi cứ nghĩ: ồ, thì các bà ham giàu sang phú quý nên bỏ quê cha đất tổ mà đi thôi! Nhưng không, chúng tôi đã nhầm to! Thật là hồ đồ và vô cùng bố láo nếu có ai nghĩ như vậy! Họ, các chị em ở Hồng Kông, ra đi vì hạnh phúc của người khác. Tất cả cũng chỉ vì thương cha thương mẹ, thương anh chị em nghèo khổ mà chị em phải liều lĩnh ra đi. Chị em ra đi chẳng phải vì ham giàu sang phú quý hay vì một động cơ chính trị chính triếc gì cả. Tất cả chỉ vì cái đói, cái khổ của những năm (sau giải phóng) luôn rình rập hù dọa, đã thúc dục họ phải ra đi.

Đó là thời gian kinh hoàng và hãi hùng của những ngày tháng lênh đênh trên biển; sống chết chỉ trong gang tấc. Đó là những ngày của tủi nhục và nước mắt…! Sự kiện ra đi của những ngày đó giờ còn để lại những vết thương lòng mãn tính nơi chị em mà không thuốc gì chữa khỏi. Mỗi lần có ai vô tình nhắc lại là vết thương ấy lại rỉ máu, ác mộng và hãi hùng lại sống dậy, và thế là nước mắt lại được dịp tuôn trào.

Mỗi chị em nơi đây là một pho chuyện đời tự bạch, là chứng minh cho một giai đoạn lịch sử hãi hùng và lầm than của con dân đất Việt nói chung và chị em ở Hồng Kông nói riêng! Tất cả chỉ vì tình thương bố mẹ và anh chị em nghèo khổ đã thôi thúc mà các chị liều ra đi.

Thật vậy, nếu không nghĩ đến bố mẹ anh chị em ở quê nhà nghèo khổ thì chẳng ai ngu gì, sung sướng gì mà hy sinh tuổi thanh xuân, tình cảm gia đình, bạn bè và nhất là tình yêu lứa đôi chỉ để đổi lấy khổ cực, cô đơn và cả tủi nhục…đánh đổi tất cả để chỉ bám trụ cái mảnh đất người thì quá khôn mà của thì quá khó này!

Và cũng chính cái tình thương bố mẹ anh chị em hết mực đó đã trỗi dậy như một bản năng thôi thúc các chị em chấp nhận biến mình thành thân tỵ nạn, rồi thành “cô dâu may rủi”, rồi làm bà mẹ bât đắc dĩ. Tất cả với các chị em hôm nay đó là chuyện đã rồi không bao giờ thay đổi được, đã rồi của một quá khứ nước mắt nhiều hơn nụ cười. Nụ cười nếu có cũng là nụ cười mếu máo hay gượng gạo mà thôi.

Thế nhưng trong mớ bòng bong của tủi nhục và nước mắt ấy ẩn chứa nhịp đập thổn thức của những trái tim biết thương yêu và vẻ đẹp của những tấm lòng hiếu thảo. Mỗi lần nhắc đến điều này là một lần tự sâu trong đáy lòng chúng tôi không thể không nể trọng chị em.

Chúng tôi nể trọng chị em không chỉ là chuyện của hôm qua không thôi mà cả những gì họ đang sống, đang làm và mong muốn làm được. Nếu ai có dịp đến Hồng Kông, đi thăm từng nhà chị em thi sẽ thấy. Chị em mình chẳng giàu có gì. Nói cách khác, chị em chẳng dám mua sắm, tiêu pha gì, chắt bóp từng đồng, nhưng không phải đễ gửi vào ngân hàng làm giàu cho riêng mình, mà để gửi về giúp gia dình ở Việt Nam - giúp bố mẹ, giúp anh giúp chị, có khi giúp cả bên nội lẫn bên ngoại, …. Với những mong ước hết sức thực tế: mong bố mẹ đỡ khổ, có cái nhà tử tế để ở, anh chị em có cái vốn làm ăn.

Dăm bữa nửa tháng lại thấy có chị em nước mắt ngắn nước mắt dài, hỏi tại làm sao thì mới hay lại là chuyện ở quê nhà khi thì bố bệnh, lúc thì mẹ đau, có khi thì đứa em ham chơi bị tai nạn xe máy, tệ hơn có lúc thằng em vì nghiện ngập, cờ bạc mà dính vào vòng lao lung tù đày. Mọi chuyện lại đổ lên đầu chị em. Cứ hễ ở nhà có chuyện là có điện thoại gọi sang. Nhiều chị em còn nửa đùa nửa thật: cứ mỗi lần có điện thoại bên nhà điện sang là một lần lo, vì không có chuyện gì thì chẳng có ai không không lại điện sang cho tốn tiền.

Thế đấy, buồn bực, vất vả quá thì chị em dỗi mà nói vậy thôi, trong lòng thì không phải vậy, chị em chẳng mấy khi từ chối giúp gia đình bao giờ. Nhiều chị em thực sự chẳng có tiền để giúp cũng cố chạy vạy, vay bạn bè để gửi về cho bên nhà lo việc.

Nào các bậc cha mẹ, các anh các chị, quý anh em họ hàng có hay chăng, có hiểu cho đứa con gái, người chị, người em, người cháu gái mình vẫn phải sống khổ, sống tằn tiện, sống trong lo toan vất vả, đôi khi sống trong nợ nần chỉ vì chúng mình chăng? Thật đau lòng nếu một khi những đồng tiền từ lao nhọc, tằn tiện mà có được gửi về Việt Nam bị sử dụng sai mục đích, hoặc làm cớ cho những chểnh mảng và hư hỏng của người thân!

Chúng tôi lại càng nể trọng khi một số chị em vì duyên số vẫn còn một tấm “chồng” ở Việt Nam, vì lí do này nọ chưa thể đoàn tụ được, một mình tần tảo nuôi con và vẫn một lòng chung thủy. Thật nếu những hy sinh này đền bù bằng một người “chồng” tử tế, nhược bằng vớ phải anh chàng trắc nết suốt ngày đàng điếm, thì nỗi đau còn hơn xát muối vào lòng. Đa số lòng chung thủy của chị em bị lạm dụng bằng nhiều hình thức, đến lúc phát hiện ra được thì mọi cái dường như đã quá muộn màng.

Cuộc đời đôi khi thật trớ trêu, duyên số đưa đẩy làm sao mà chị em luôn gặp phải những đức ông “chồng” trời ơi đất hỡi cả! Thế nhưng, “chồng” không ra gì đã là một lẽ, có được anh “chồng” bên nhà tử tế một chút lại cũng là một cái khổ, bởi vì bỏ thì thương mà vương thì “héo quắt” thôi! Do chính sách nhập cư khắt khe của Hồng Kông mà chị em mình đành đành phải ôm cảnh anh ở trời Tây em ở trời Đông vậy.

Thử tưởng tượng mười mấy năm trời cứ trông cho đến ngày lễ, ngày hè con cái được nghỉ học, là nhiều chị em lo gom góp tiền bạc, khăn gói về Việt Nam thăm “chồng”. Thăm “chồng” được năm bữa nửa tháng lại phải lật đật lầy đầy trở lại Hồng Kông cho con đi học, mẹ đi làm kiếm tiền để trang trải cuộc sống và lại góp nhóp để chuẩn bị cho ngày về thăm “chồng” kế tiếp. Cứ thế cái điệp khúc “Ngưu Lang Chức Nữ” không biết đến bao giờ mới chấm dứt! Con cái thì sắp lấy chồng rồi mà bố mẹ vẫn chỉ mãi “yêu nhau”, vẫn hàng đêm ôm điện thoại hát hoài điệp khúc “anh ở đầu sông em cuối sông”.

Bởi vậy nên đời các chị vẫn khổ mãi không biết cho đến bao giờ. Thường khổ quá thì người ta hay quẩn mà làm điều sai, thế nhưng với chị em thì không. Đạo lý của cha ông vẫn được chị em sống và dạy con cái cùng sống và gìn giữ. Một trong những đạo lý căn bản đó là đạo biết ơn những người đã giúp đỡ minh.

Hiểu biết đạo lý là một chuyện, mà sống đạo lý lại là một chuyện khác. Ở đây chúng tôi không chắc là chị em ta hiểu được hết cái đạo lý làm người mà cha ông minh đã dạy không, nhưng sống cái đạo lý đó thị được lắm, đáng khen lắm!

Cứ mỗi dịp lễ tết là chúng tôi lại thấy chị em, không ai bảo ai rủ nhau đi thăm hỏi và chúc tết quý cha và quý sơ. Hỏi ra thì mới biết là mấy vị này hồi xưa từng giúp người Việt trong Trại Cấm (cách chị em gọi trại ti nạn). Mỗi lần đi các chị cũng không quên dắt con cái theo, nhiều chị còn kéo cả anh chồng đi. Sở dĩ các chị làm thế là vì muốn cho chồng con cũng được biết cái phong tục tập quán của người Việt và đặc biệt là học cái đạo “ăn quả nhớ người trông cây.” Có lẽ nhờ vậy mà quý cha, quý sơ cũng cảm kích mà gắn bó nhiều hơn với cộng đoàn; hễ điều kiện cho phép là các vị lại về thăm con cái mình. Nói chung, các vị luôn luôn giành cho con cái Việt một tình cảm đặc biệt hơn cả.

Các ngài thương cộng đoàn một phần là duyện nợ với người Việt, một phần vì thương con cái Việt bơ vơ, nhưng phần quan trọng là nhờ chị em trong cộng đoàn biết sống có tình có nghĩa, lại biết đoàn kết thương yêu nhau. Giả sử các vị có duyên nợ với cộng đoàn bao nhiêu đi nữa, có thương cộng đoàn đến mấy đi nữa mà chị em sống không ra gì thì rồi cũng không ai muốn đến. Ngay cả chúng tôi cũng vậy, luôn xem cộng đoàn như là nhà của mình vậy, mỗi người trong cộng đoàn là anh chị em mình cũng là vì nhìn thấy chị em sống với nhau có tình, mọi người đều cố gắng chung tay xây dựng cộng đoàn, tự giác lo việc nhà Chúa.

Chúng tôi cũng thật ấn tượng khi thấy có một có một cha nào trước đây đã từng giúp cộng đoàn mà phải điều đi xa, nay có dịp quay trở lại thăm cộng đoàn là nhất định các chị cũng tìm gặp cho bằng được, rồi thay phiên nhau đưa đón, lo nơi ăn chốn ở cho các ngài thật chu đáo.

Nói lên điều này có lẽ những người ngoài cuộc sẽ thấy nhạt nhẽo vì quá bình thường, nhưng ở cái Hồng Kông này thì không dễ chút nào. Các chị em ở đây làm được những điều này là cả một cố gắng lớn, vì nào các chị có rảnh rang gì, đôi khi vừa tan tầm, mặt mày chưa kịp rữa, quần áo chưa kịp thay, đã vội vội vàng vàng đi làm nhiệm vụ mà cộng đoàn trao, có khi con cái phải gửi người khác trông hộ.

Cái đạo lý biết ơn người đã giúp mình của chị em nó không chỉ thể hiện qua việc tìm cơ hội để đền đáp công ơn những người đã giúp mình, mà còn là những chia sẽ trong điều kiện có thể với người nghèo, người không may mắn ví như quyên góp tiền giúp đỡ đồng bào bị bão lụt, nuôi các trẻ mồ côi, xây dựng nhà thờ, nhà nguyện, … ở Việt Nam. Cái ly lẽ mà các chị đưa ra để làm việc thiện thật đơn giản: khi mình khổ thì người khác giúp mình, giờ mình đỡ khổ chút ít rồi mình phải có trách nhiệm giúp lại người khác vậy. Âu cũng là một cách tích đức cho con cháu sau này.

Hơn ai hết, những người đang dấn thân theo Chúa như chúng tôi cũng cảm thấy mình phải cố gắng nhiều hơn, vì giáo dân như các chị còn làm được nhiều việc tốt như thế, vậy tại sao tu sĩ chúng tôi lại sợ khó, sợ khổ, sợ thiệt thòi mà từ chối lời mời gọi của Chúa!

Rõ ràng những người đi tu như chúng tôi không cố ý chọn vào con đường này để được phục vụ, để được người ta kính trọng; và sự thật chúng tôi chẳng có quyền để đòi hỏi bất cứ điều gì từ giáo dân cả. Thế nhưng lòng kính trọng và quan tâm giúp đỡ đến những người không một ‘tấc đất cắm dùi’, không một chỗ đứng cụ thể trong xã hội như chúng tôi từ phía giáo dân như quý chị, quả là một nguồn động viên lớn đối với đời sống tinh thần của chúng tôi. Về điều này chúng tôi thật lấy làm biết ơn cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hồng Kông, mà chúng tôi quen gọi là “Cộng đoàn của các chị em.”

Như một lời kết

Mấy năm trước đài truyền hình Hồng Kông đã cữ một nhóm phóng viên làm một phim phóng sự về đời người Việt ở Hồng Kông. Cộng đoàn Công Giáo nhỏ bé của chị em là một địa điểm được đoàn làm phim chú ý khá đặc biệt. Vì cả Hồng Kông duy chỉ có nơi đây là có người Việt tập trung thành cộng đoàn, cũng chỉ có nơi đây mới thấy được nét sinh hoạt riêng, văn hóa riêng của người Việt. Nhờ vậy cộng đoàn chị em lại được dịp để diễn xướng (trình bày) những phong tục tập quán của cha ông, của tổ tiên truyền lại thành lời nói như tự giới thiệu về sinh hoạt và nếp sống của người Việt thông qua ngày lễ ngày tết; thành những hoạt động thánh thiêng như việc tham giữ thánh lễ hàng tuần; thành những món ăn ngon miệng trong ngày lễ tết như bánh chưng, bánh tét, nem, giò, chả, v.v.

Chúng tôi may mắn được tiếp xúc với đoàn làm phim ngay từ khi phóng sự chưa được trình chiếu. Họ đánh giá khá lạc quan về khả năng hội nhập vào nhịp sống ở Hồng Kông của người Việt nói chung và cộng đoàn Công Giáo nói riêng. Họ cho biết, nhìn chung, so với các nhóm thiểu số khác, người Việt mình hội nhập nhanh hơn cả. Nói đến hội nhập nhanh vào môi trường sống mới phải nói đến vai trò của người phụ nữ hàng đầu!

Thực sự có lẽ từ khi người Việt mình có mặt tại Hồng Kông tới nay thì đây là lần đầu tiên người Việt được lên truyền hình với tư cách khá đàng hoàng và tạo ân tượng đẹp trong long người dân bản địa. Phóng sự do đài truyền hình Hồng Kông thực hiện đã giúp người Việt tự tin hơn trong cuộc sống; nói hộ những điều bấy lâu nay chất chứa trong lòng người Việt mà chưa được dịp để nói ra; phóng sự còn là một lời khẳng định người Việt ở Hồng Kông là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân cư Đặc khu tự trị này. Điều đáng lưu ý đặc biệt là thành công của thiên phóng sự có một phần đóng góp không nhỏ của chị em Cộng Đoàn Hy Vọng... Vâng, vẫn lại là công của chị em ta cả!

Fr. John Baptist. SVD.
 
Vài Mốc Lịch Sử Về GX St Maria Goretti, San Jose, California
Frank Phạm Mạnh Tuấn
15:34 21/07/2019
LTS: Giáo xứ thánh Maria Goretti thuộc Giáo Phận San Jose, TGP San Francisco, Bắc California là nơi quy tụ đông đảo giáo dân Công Giáo Việt Nam. Chính nơi đây vào năm 1986 đã diễn ra sự kiện giới truyền thông gọi là "Biến Cố Tôn Giáo San Jose" mà nội dung chính là giáo dân Việt Nam xin thành lập Giáo Xứ Thể Nhân cho người Công Giáo VN. Sau hơn 30 năm, giáo phận San Jose mới cho thiết lập giáo xứ thể nhân cho người VN lấy tên là Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang. Theo nhận xét khách quan của Vietcatholic, giáo xứ thánh Maria Goretti, tuy gọi là giáo xứ đa sắc tộc, nhưng người Công Giáo Việt Nam chiếm đa số và đang là thành phần cốt cán cho sự tồn vong của giáo xứ. Năm 2018 Giáo Phận trao quyền chánh xứ cho Linh Mục Justin Lê Trung Tướng và từ đó giáo xứ phát triển một cách đáng ngạc nhiên. Vietcatholic xin giới thiệu bài viết "Vài Mốc Lịch Sử Về GX St Maria Goretti, San Jose" của tác giả Phạm Mạnh Tuấn, một giáo dân của xứ đạo St. Maria Goretti.

Vài Mốc Lịch Sử Về GX St Maria Goretti, San Jose. (Viết tắt SMG)

7/1961: Thành lập với 60 gia đình. Trong khu vườn mận. Thánh lễ đầu tiên trong 1 garage.

Cha xứ đầu tiên: Joseph Deans

11/1961: Cha Arthur Hoffman thay thế cha Joseph Deans.

Nhà thờ hiện tại bắt đầu được xây và hoàn tất tháng 3, 1962. GX Có 800 gia đình.

6/1965: Cha Thomas Reilly được bổ làm chánh xứ. Bức tường ngăn nhà thờ được gỡ

Các giáo lý viên dậy các trẻ em và tân tòng tại tư gia

7/1971: Cha Joseph Sullivan làm chánh xứ

Xây dựng nhà hội Sullivan

1981: Giáo phận San Jose được thành lập.

Giáo xứ SMG càng ngày càng quy tụ đông đảo giáo dân Việt, Phi và Mễ (Latino)

1985: Kỷ niệm 25 năm thành lập – Giáo xứ đã có 2,000 gia đình

Ba sắc dân Mễ, Phi và Việt có hiệp hội riêng. Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể ra đời.

6/1987: Cha Tim Kidney thay thế cha Joseph Sullivan về hưu

Hội trường Sullivan được tu sửa và có thêm chương trình “Loaves & Fishes”

Kiếng mầu nhà thờ được ghép. Các phòng hội được xây (1990) để làm chỗ dậy giáo lý.

6/1993: Cha Kevin Joyce được bổ nhiện thay cha Tim Kidney. Có 4,620 gia đình ghi danh.

Nhằm chia cắt SMG, Trung Tâm Mục Vụ Edenvale được thành lập (1)

11/1997: Hội Cộng Đồng Công Giáo VN quyết định ngưng các Thánh Lễ tại 685 Singleton Rd Các giáo dân tại đây (khoảng 1,800 gia đình) xin gia nhập GX SMG. (2)

5/2002: Đức cha Patrick McGrath đến tiếp nhận cơ sở 685 Singleton Rd, được dâng hiến cho GX SMG. Đặt tên cho cơ sở: “Nguyện Đường CTTĐ VN” (3)

GX SMG tạo mãi thêm bãi đâu xe. Thêm một Thánh lễ tại NĐCTTĐVN lúc 10AM CN

7/2004: Cha Steven Brown được cử thay cha Kevin Joyce.

7/2011: GX kỷ niệm Năm Thánh 50 năm thành lập với hơn 5,000 gia đình. (2)

“Vườn Cầu Nguyện Đức Mẹ Lavang” được xây dựng.

2012: Để giải tỏa bớt số giáo dân của SMG, GX Đức Bà Là Chốn Tựa Nương được thành lập

6/2014: Cha Francisco Miramontes được cử thay cha Steven Brown

6/2018 – Hiện tại: Cha Justin Lê Trung Tướng được bổ nhiệm làm chánh xứ. Với khẩu hiệu “Cùng Nhau Xây Dựng”, chỉ qua 1 năm cha đã làm được rất nhiều việc (trong tờ thông tin GX)

___________________________________________________

(1) Trung Tâm Mục Vụ Edenvale sau đổi thành GX Chúa Kitô Vua

Cũng với mục đích làm giảm số giáo dân của SMG và nhằm phục vụ số giáo dân vùng Evegreen mới phát triển, GX Thánh Phanxicô Assisi được thành lập.

(2) Chúng tôi có danh sách 2,486 gia đình giáo dân VN tại GX SMG vào năm 2005 do cha Steven Brown giao để nghiên cứu thành lập 7 nhóm (khu) cầu nguyện (liên gia).

(3) Cơ sở 685 Singleton Rd được trao tặng cho Địa phận SJ với 3 “cam kết”:

- Cơ sở sẽ trở thành cơ sở phụ thuộc của GX SMG để dành cho các sinh hoạt của GX, trong đó có việc duy trì và phát huy văn hóa VN

- Nhà nguyện sẽ được đặt tên là “Nguyện Đường CTTĐ VN” và vĩnh viễn được dùng để tôn vinh các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

- Nếu vì bất cứ lý do gì GX SMG không còn tồn tại, Giáo phận SJ sẽ đứng ra thay thế tiếp tục hai mục đích trên.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Trên Cành Tổ Mới Chim Con
Joseph Ngọc Phạm
21:05 21/07/2019
TRÊN CÀNH TỔ MỚI CHIM CON
Ảnh của Joseph Ngọc Phạm

Chim có tổ, người có tông
(Ca dao)
 
VietCatholic TV
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay, 22/7/2019: Hướng Đạo sinh châu Âu sẽ gặp Đức Phanxicô ngày 3 tháng 8
VietCatholic Network
14:53 21/07/2019


Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha, Chúa Nhật ngày 21 tháng 7, 2019.

2- Thị trưởng Brazil hủy bỏ sự kiện văn hóa báng bổ Đức Mẹ.

3- Đức Thánh Cha bổ nhiệm Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh.

4- Tòa Thánh triệu tập Đại hội Thế giới Tông đồ Biển.

5- Căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Iran đe dọa chuyến Tông du của Đức Thánh Cha đến Iraq.

6- Hướng Đạo sinh châu Âu sẽ gặp Đức Phanxicô ngày 3 tháng 8.

7- Vatican ca ngợi mối quan hệ “mạnh mẽ và chắc chắn” với Hoa Kỳ.

8- Hoa Kỳ ‘Việc đàn áp tôn giáo là một vấn đề toàn cầu’.

9- Các Giám mục Hoa Kỳ phê bình chính sách nhập cư mới ở biên giới.

10- Pháp thông qua dự luật tái thiết nhà thờ Đức Bà Paris.

11- 29 đài phát thanh Công Giáo ở Philippines được gia hạn hoạt động.

12- Đại Hội Ủy Ban Giáo Dân Toàn Quốc 2019 tại Việt Nam.

13- Giới thiệu Thánh Ca: Dòng Đời Ngược Xuôi.

Xin mời quý vị theo dõi phần tin chi tiết
 
Giáo Hội Năm Châu 22/07/2019: Khủng hoảng trầm trọng trong Giáo Hội Công Giáo Syro-Malabar
Giáo Hội Năm Châu
20:09 21/07/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Giáo Hội Năm Châu 22/07/2019: Khủng hoảng trầm trọng trong Giáo Hội Công Giáo Syro-Malabar

1. Nỗi buồn của người Công Giáo khi Facebook coi những phát biểu của Thánh Augustinô là những “diễn từ hận thù”

Nhiều người dùng Facebook đã báo cáo rằng các trích dẫn liên quan đến Thánh Augustinô đã bị xóa đi mà không có lời giải thích rõ ràng.

Domenico Bettinelli, một nhà hoạt động phò sự sống từ Massachusetts, cho biết một đoạn ông trích dẫn Thánh Augustinô từ Kinh Thần Vụ đã bị xóa bỏ vì vi phạm “Tiêu chuẩn cộng đồng về ngôn luận thù ghét” của Facebook.

Câu trích dẫn nói:

“Chúng ta chớ bao giờ giả định rằng chúng ta đang sống tốt, chúng ta không có tội; cuộc sống của chúng ta chỉ đáng được ca ngợi khi chúng ta tiếp tục cầu xin sự tha thứ. Con người là những sinh vật vô vọng, họ càng ít tập trung vào tội lỗi của mình, họ càng trở nên quan tâm đến tội lỗi của người khác. Họ tìm cách chỉ trích, chứ không sửa sai. Không thể bào chữa cho mình, họ sẵn sàng buộc tội người khác.”

Bettinelli cho biết trích dẫn này, theo ông, “chỉ là một tái dựng lại chính những lời của Chúa Giêsu từ Tin Mừng Thánh Matthêu 7: 3: ‘Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới?’”

Bettinelli đã đăng đoạn trích dẫn này sau khi ông thấy rằng hai linh mục đã đăng đoạn trích trên từ Sách Thần Vụ và đã bị Facebook lấy xuống. Cả hai vị linh mục đều tin rằng một giải thuật điện toán sai lầm đã lấy xuống một cách tự động chứ không phải là can thiệp của con người.

Bettinelli cũng tin như thế và yêu cầu Facebook đánh giá lại. Tuy nhiên, anh nhận được thông báo rằng kháng cáo của anh đã bị từ chối, nghĩa là có người quyết định lấy xuống chứ không phải máy móc.

Trước việc kháng cáo thất bại, Bettinelli viết: “Tôi vẫn không hiểu tại sao điều này lại bị coi kích động thù hận. Đó là trích dẫn từ một vị thánh Công Giáo, người bày tỏ sự đối lập với những lời nói căm thù. Về cơ bản, ngài đang tái dựng lại những lời của Chúa Giêsu Kitô trong Tin mừng khuyên người ta lo lắng về những sai sót của chính mình hơn là xăm soi các khuyết điểm của người khác. Có phải Facebook đang nói rằng Tin Mừng là một diễn từ thù ghét?”

2. Khủng hoảng trong Giáo hội Syro-Malabar: hàng trăm giáo xứ không công bố thư của Đức Hồng Y

Một linh mục trong nhóm nổi loạn chống lại một quyết định của Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng chỉ có 20 giáo xứ đã công bố thư luân lưu của Đức Hồng Y George Alencherry trong khi có ít nhất 300 giáo xứ khác không công bố lá thư này.

Lá thư nói ở đây là thư của Đức Hồng Y George Alencherry sau hội nghị khẩn cấp của Giáo hội Syro-Malabar, do ngài chủ trì, đã diễn ra vào hôm thứ Sáu 5 tháng Bẩy tại Kochi, Ấn Độ để đối phó với một tình hình nghiêm trọng phát sinh sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô phục hồi hoàn toàn quyền hạn của ngài.

250 linh mục được tường thuật là đã chống lại quyết định này của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Tưởng cũng nên nhắc lại là Giáo Hội Syro-Malabar, hiệp thông hoàn toàn với Tòa Thánh, có trụ sở tại Kerala, đã bị lôi kéo vào một cuộc tranh cãi tài chính kể từ tháng 11 năm 2017 sau khi cha Paul Thelakat buộc tội Đức Hồng Y George Alencherry và hai linh mục bán đất đai của Giáo Hội với giá quá hời gây thiệt hại 10 triệu đô la Mỹ.

Trước các tố cáo nghiêm trọng này, tháng 6 năm ngoái Tòa Thánh đã yêu cầu Đức Hồng Y ngưng các trách nhiệm quản trị Tổng giáo phận Ernakulam-Angamaly và thành lập một ủy ban điều tra do Đức Cha Jacob Manathodath, Giám Quản Tông Tòa của tổng giáo phận tiến hành.

Cha Paul Thelakat đã trình lên Đức Cha Jacob Manathodath các tài liệu cho rằng Đức Hồng Y đã chuyển ngân những khoản tiền lớn cho hai tổ chức ngoài Công Giáo.

Tuy nhiên, sau một cuộc điều tra, ngày 28 tháng 4, cảnh sát đã khẳng định các tài liệu dùng để cáo gian Đức Hồng Y là ngụy tạo và đã bắt giữ Adithya Valavi, một kỹ sư điện toán người Công Giáo, với tội danh ngụy tạo ra các hồ sơ giả. Trong tiến trình thẩm vấn Valavi đã khai rằng hai linh mục Paul Thelakat và Antony Kallookaran đã buộc anh ta phải làm các giấy tờ giả này để cáo gian Đức Hồng Y George Alencherry.

Ngày 4 tháng Sáu vừa qua, Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Ấn Độ ra thông báo ủng hộ Đức Hồng Y George Alencherry và lên án những kẻ cáo gian ngài.

Trước các kết quả điều tra khách quan của cảnh sát, hôm 28 tháng Sáu vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định phục hồi hoàn toàn quyền cai quản tổng giáo phận Ernakulam-Angamaly của Đức Hồng Y George Alencherry. Ngài cũng truyền cách chức hai Giám Mục Phụ Tá vì những dính líu của các ngài trong vụ này.

Mọi chuyện tưởng đã được giải quyết êm đẹp nhưng có khoảng 250 linh mục được báo cáo là không phục tùng quyết định này của Đức Thánh Cha.

3. Huynh đoàn Thánh Piô X xây nhà thờ lớn nhất của nhóm này trên thế giới

Huynh đoàn Thánh Piô X loan báo sẽ khởi công xây dựng một ngôi nhà thờ lớn nhất tại Kansas và đây sẽ là ngôi nhà thờ lớn nhất của Huynh Đoàn trên thế giới. Với sức chứa hơn 1,500 người, nhà thờ này sẽ phục vụ cộng đoàn St. Mary đang phát triển hiện nay và cho các thế hệ mai sau.

Kể từ sau một vụ hỏa hoạn, do sai lầm khi mắc dây điện, ngôi nhà nguyện Immaculata của Huynh Đoàn Thánh Piô X tại Kansas đã bị phá hủy vào ngày 8 tháng 11 năm 1978.

Cộng đoàn St. Mary ở Kansas, là cộng đoàn lớn nhất của Huynh Đoàn Thánh Piô X tại Hoa Kỳ, cho biết họ đã quyên góp được hơn 15.7 triệu Mỹ Kim, nhưng để hoàn thành dự án này, họ cần thêm 14 triệu Mỹ Kim nữa. Mặc dù vậy, việc khởi công xây cất sẽ được tiến hành ngay.

4. Vài nét về Huynh Đoàn Thánh Piô X

Huynh Đoàn Thánh Piô X được thành lập bởi Đức Tổng Giám Mục Marcel Lefebvre vào năm 1970 để đào tạo các linh mục, như là một phản ứng với những gì ngài mô tả là những sai lầm đã len lỏi vào Giáo hội sau Công Đồng Vatican Hai.

Quan hệ giữa Huynh Đoàn Thánh Piô X với Tòa Thánh trở nên đặc biệt căng thẳng vào năm 1988 khi Tổng Giám mục Lefebvre và Giám mục Antonio de Castro Mayer tấn phong bốn giám mục mà không được sự cho phép của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Việc tấn phong giám mục bất hợp pháp đã dẫn đến vạ tuyệt thông của các giám mục liên quan. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã dỡ bỏ vạ tuyệt thông cho các giám mục thuộc Huynh Đoàn vào năm 2009, và kể từ đó các cuộc đàm phán nhằm tái lập sự hiệp thông toàn bộ với Giáo Hội đã được bắt đầu giữa Huynh Đoàn và Vatican.

Những trở ngại lớn nhất cho sự hòa giải giữa Huynh Đoàn và Tòa Thánh là những tuyên bố về tự do tôn giáo trong tuyên bố Dignitatis Humanae, nghĩa là Phẩm Giá Con Người, của Công Đồng Vatican II cũng như tuyên ngôn Nostra aetate, mà Huynh Đoàn cho rằng mâu thuẫn với giáo huấn Công Giáo trước đó. Cách riêng, Huynh Đoàn chống lại chủ trương đại kết và các buổi cầu nguyện liên tôn xuất phát từ tuyên ngôn Nostra aetate. Gần đây, Tông huấn Amoris Laetitia cũng trở thành một vấn đề. Các đề nghị cho người Tin Lành rước lễ của các Giám Mục Đức cũng là một mối quan tâm khác của các vị trong Huynh Đoàn.

Riêng về tuyên bố Dignitatis Humanae, điều 2 của tuyên bố này khẳng định:

“Công Đồng Vatican này tuyên bố rằng con người có quyền tự do tôn giáo. Quyền tự do này có nghĩa là tất cả mọi người đều không thể bị ép buộc bởi các cá nhân, các nhóm xã hội, hay bất kỳ quyền lực trần thế nào, trong những vấn đề liên quan tôn giáo sao cho không ai bị buộc phải hành động trái ngược với niềm tin của mình. Cũng không ai bị cấm hành động theo niềm tin của họ, dù là trong bối cảnh riêng tư hay công cộng, dù là một mình hay kết hợp với những người khác, trong những giới hạn chính đáng”.

Huynh Đoàn Thánh Piô X quyết liệt chống lại điều này. Họ chủ trương Công Giáo phải là quốc giáo trong các nước có truyền thống Kitô. Theo Huynh Đoàn, tuyên bố Dignitatis Humanae này đặt Giáo Hội vào vị thế phải tôn trọng thẩm quyền của nhà nước. Theo ý kiến của họ vấn đề cần phải là ngược lại: Nhà nước phải tùng phục đức tin Công Giáo và phải công nhận Công Giáo là tôn giáo của Quốc Gia.

Trong điều kiện cụ thể của thế giới hiện nay, người tín hữu Công Giáo sống trong một quốc gia không bị nhà nước bách hại đã là may mắn lắm rồi. Người ta không hiểu làm sao Huynh Đoàn lại hoang tưởng đến mức kỳ vọng các nhà nước trên thế giới này công nhận Công Giáo là quốc giáo! Và trở thành quốc giáo để làm gì cơ chứ?

Theo thống kê vào năm 2017, Huynh Đoàn hiện có mặt tại 62 quốc gia với 6 chủng viện, 175 giáo xứ, 3 Giám Mục, 590 linh mục, 187 chủng sinh, 103 nam tu sĩ và 248 nữ tu.

5. Triển vọng Huynh Đoàn Thánh Piô X quay lại với Giáo Hội mịt mờ hơn bao giờ

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Trong hai năm 2017 và 2018, có lúc người ta thấy như khả năng Huynh Đoàn Thánh Piô X quay lại với Giáo Hội đã rất gần kề. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi rất sâu sắc. Triển vọng Huynh Đoàn Thánh Piô X quay lại với Tòa Thánh hiện nay xem ra càng mịt mờ hơn bao giờ.

Trong một diễn biến gây ngạc nhiên cho nhiều người, trong phiên khoáng đại được tổ chức tại Ecône, Thụy Sĩ, hôm 11 tháng 7 năm ngoái 2018, Giám Mục Bernard Fellay, 60 tuổi, Bề Trên Tổng Quyền Huynh Đoàn Thánh Piô X, đã không được tái cử.

Linh mục Davide Pagliarani, 47 tuổi, người Ý, đã được bầu với một đa số áp đảo hơn 2/3 số phiếu để làm Tân Bề Trên Tổng Quyền Huynh Đoàn Thánh Piô X thay thế cho Đức Cha Bernard Fellay trong một nhiệm kỳ 12 năm.

Cha Pagliarani là người được chính Đức Cha Bernard Fellay truyền chức linh mục, nhưng có một lập trường đối kháng với ngài trong việc hòa giải với Tòa Thánh.

Đức Cha Fellay là người chủ trương đạt đến một giải pháp giáo luật về tình trạng của Huynh Đoàn. Ngài ca ngợi thái độ cởi mở của Đức Phanxicô đối với Huynh Đoàn và đề cao tầm quan trọng của việc kết thúc sự chia rẽ với Vatican.

Vào tháng 3 năm 2017, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thông báo cho các giám mục giáo phận hay các vị bản quyền địa phương khác quyết định của ngài ban năng quyền cho các linh mục của Huynh Đoàn được cử hành bí tích Hôn Phối một cách thành sự và hợp pháp cho các tín hữu dưới sự chăm sóc mục vụ của Huynh Đoàn.

Trước đó, vào tháng 9 năm 2015, Đức Thánh Cha đã thông báo rằng các tín hữu có thể nhận được bí tích Hoà Giải một cách thành sự và hợp pháp từ các linh mục của Huynh Đoàn trong Năm Thánh Lòng Thương Xót. Năng quyền này sau đó được Đức Thánh Cha Phanxicô mở rộng vô thời hạn trong Tông thư Misericordia et Misera vào năm 2016.

Đức Cha Fellay đã nồng nhiệt ca ngợi những quyết định này của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Trong khi đó, cha Pagliarani tiêu biểu cho khuynh hướng chờ đợi cho đến khi tình hình bên trong Giáo Hội là “hoàn toàn thỏa đáng” dưới con mắt của Huynh Đoàn Thánh Piô X.

6. Hoàn cảnh của các tín hữu Kitô Iraq tồi tệ hơn trước thời bọn khủng bố Hồi Giáo IS

Trong các tin tức chính thức, hòa bình đã được lập lại ở miền bắc Iraq; bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã bị đánh bại; vùng đất này đang được quân đội Iraq và quân đồng minh phụ trách. Các tín hữu Kitô tản cư tại Erbil đã và đang lũ lượt trở về cố hương xây dựng lại nhà cửa của mình.

Tuy nhiên, đối với các Kitô hữu, cuộc bách hại vẫn tiếp tục.

“Tình hình rất nhạy cảm: Các dân quân được Iran hậu thuẫn đang cố gắng thanh lọc sắc tộc và tôn giáo ở miền bắc Iraq.”

Cha Behnam Benoka nói với phóng viên Tim Stanley của tờ The Telegraph tại ngôi nhà thờ của ngài ở “thị trấn ma” Bartella.

“Cố nhiên, tình hình đáng lạc quan hơn so với thời gian bọn khủng bố Hồi Giáo IS chiếm đóng vùng này. Nhưng những gì các tín hữu Kitô Iraq mong muốn từ phương Tây là nói lên một sự thật rõ ràng: đó là đang có sự thanh lọc sắc tộc và tôn giáo trong khu vực và nó đang diễn ra,” Tim Stanley nói trong một cuộc họp tại Quốc hội Anh vào hôm thứ Ba tuần trước.

Nhà sử học và bình luận viên, làm việc cho tờ nhật báo The Telegraph của Vương quốc Anh, vừa trở về sau chuyến thăm tới vùng đồng bằng Nineveh của Iraq.

“Nếu chúng ta không nói những gì đang thực sự xảy ra trong khu vực, đó là sự thanh lọc sắc tộc và tôn giáo nhắm vào các Kitô hữu và người Yazidis, chúng ta sẽ cho phép Nhà nước Hồi giáo và các thủ phạm thực thi những chính sách này mà không bị trừng phạt,” Stanley nói với các tham dự viên hội nghị toàn cầu có chủ đề “Nạn khủng bố nhắm vào các nhóm thiểu số Kitô giáo” được tổ chức bởi Hiệp hội Henry Jackson, một nhóm chuyên gia tư vấn các chính sách đối ngoại của Anh.

“Kể từ khi bọn khủng bố Hồi Giáo IS bị đẩy lui khỏi khu vực, những người Iraq di tản đã dần dần quay trở lại cộng đồng của họ nhưng vẫn tiếp tục sống trong sợ hãi và họ tiếp tục dễ bị tổn thương. Các tiểu tổ IS nằm vùng vẫn còn hoạt động và nhóm này đã tuyên bố nhận trách nhiệm về các vụ hỏa hoạn trong những tuần gần đây đốt cháy hàng trăm mẫu đất và hoa màu, thuộc sở hữu của những những người không theo Hồi Giáo, ở miền bắc Iraq.”

“Trong khi đó, các dân quân được Iran hậu thuẫn đã chuyển đến các khu vực trước đây dưới sự kiểm soát của IS, và không khuyến khích người dân giao dịch với các Kitô hữu,” Stanley nói.

7. Hồng Y can đảm: “Các tố cáo linh mục lạm dụng tình dục hầu hết không đúng sự thật”

Đức Hồng Y Joao Braz de Aviv, người Brazil, được Đức Thánh Cha Phanxicô cử làm đặc sứ của ngài trong hội nghị các dòng tu ở Paraguay, nói với các linh mục, nam nữ tu sĩ tham dự hội nghị rằng hầu hết cáo buộc linh mục lạm dụng tình dục “là không đúng sự thật”.

“Khi các trường hợp như thế nổi lên trong đời sống Giáo Hội, chúng ta phải làm sáng tỏ. Chúng ta đang có những bước tiến rất xa trong lãnh vực phòng chống và điều tra liên quan đến tội lỗi này, nhưng có rất nhiều tố cáo không đúng sự thật, và chính các ủy ban cấp giáo phận phải xác minh các cáo buộc ấy có đúng hay không” , Đức Hồng Y Joao Braz de Aviv nói.

Đức Hồng Y Joao Braz de Aviv là tổng trưởng bộ các dòng tu, đời sống thánh hiến và các hiệp hội tông đồ. Ngài được Đức Thánh Cha Phanxicô phái đến Asuncion để tham dự một cuộc họp ba ngày với hàng trăm linh mục và nam nữ tu sĩ từ khoảng 90 dòng tu và các hiệp hội đời sống thánh hiến.

Vấn đề chính của Giáo Hội hiện nay, theo Đức Hồng Y là thiếu chứng tá. Ngài bác bỏ lập trường của những người cho rằng những vấn đề lạm dụng tính dục là hậu quả của luật độc thân. Ngài khẳng đ5nh: “Sự độc thân không tạo nên bệnh hoạn. Độc thân là một chọn lựa tự do của một người đáp lại ơn gọi của Chúa.. Vì thế, vấn đề tính dục là một vấn đề trưởng thành hoặc thiếu trưởng thành, và đó là một vấn đề nhân bản đòi hỏi một sự giáo dục bình thường, vì nhiều khi chúng ta đã không cụ thể, không trình bày và lắng nghe các vấn đề, thái độ như thế cần phải được sửa chữa”.

Chiều ngày 10/07/2019 vừa qua, Đức Hồng Y đã chủ sự thánh lễ tại Nhà Thờ chính tòa thủ đô Asunción, nhân dịp kỷ niệm 4 năm Đức Thánh Cha Phanxicô viếng thăm Paraguay.

8. Hai linh mục bị bắt và kéo ra khỏi trung tâm phá thai ở New Jersey.

Hai linh mục và hai giáo dân đã bị bắt sáng nay sau khi phân phát hoa hồng và thuyết phục những phụ nữ trong một trung tâm phá thai ở New Jersey.

LifeSiteNews cho biết rằng cảnh sát đã bắt cha Fedelis Moscinski, dòng CFR và cha Dave Nix, dòng Will Goodman và một giáo dân không biết tên sau khi họ “ vào và không chịu rời khỏi “trung tâm phá thai Garden State Gynecology ở New Jersey.”

Nhóm người này khuyến khích các phụ nữ mang thai hãy chọn sự sống, nghĩa là đừng phá thai và trao tặng cho họ những bông hồng, với lời khuyên,” Bạn được sinh ra để yêu và được yêu…lòng nhân ái của bạn thì vĩ đại hơn những khó khăn trong hoàn cảnh của bạn. Hoàn cảnh nào rồi thì cũng sẽ đổi thay. Một cuộc sống mới, dù nhỏ bé, sẽ mang lại lời hứa của niềm vui có một không hai.”

Bản tường trình cho biết có một phụ nữ quyết định bảo vệ sự sống cho thai nhi. Có một bà mẹ khác thì bắt ép con gái của bà phá thai.

Lisa Hart của nhóm Red Rose Rescuse nói với LifeSiteNews rằng cô đã cố gắng cho người phụ nữ trẻ đó số điện thoại của một luật sư.

“Tôi cho người phụ nữ một số thông tin hữu ích để giúp cô ấy và mời cô ấy đến nhà tôi ở, nhưng bà mẹ của cô chạy đến và la mắng tôi.”

Cha Dave Nix đã thông báo trên tweet rắng “phiên tòa của họ sẽ diễn ra trong khoảng 10 ngày và họ rất có thể họ sẽ phải ra tòa nhiều lần. Mặc dù có sự thô bạo lúc đầu, nhưng cuối cùng thì cảnh sát cũng dễ chịu vì nhiệm vụ ôn hòa của chúng tôi khi họ giữ chúng tôi. Chúng tôi đã nói chuyện hằng giờ tại bót cảnh sát này.”

Cha Fedelis Moscinski nói rằng họ dâng ngày cứu hộ thứ Bẩy này (13 tháng Bẩy, 2019) cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ Maria, bởi vì hôm nay là ngày lễ kính lần hiện ra thứ ba của Đức Mẹ Fatima.

“Chúng tôi đã kêu nài sự cầu bầu của Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tôi của Mẹ Maria sáng nay. Chúng tôi phó thác vào quyền năng của Thiên Chúa cho ơn biến đổi lòng trí con người.”