Ngày 18-07-2015
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Cha Thánh Piô năm dấu thánh
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
08:56 18/07/2015
CHA THÁNH PIÔ NĂM DẤU THÁNH

Theo quyết định của Đức Thánh Cha Phanxicô, thánh tích của thánh Piô thành Pietrelcina, thường được gọi là thánh Piô Năm Dấu Thánh sẽ được trưng bày tại Đền Thờ Thánh Phêrô từ ngày 08 đến ngày 14 tháng 2 năm 2016 để đánh dấu Năm Thánh Từ Bi.

Đức Thánh Cha đã muốn rằng thánh tích được trưng bày tại Đền Thờ Thánh Phêrô vào ngày Thứ Tư Lễ Tro (10 tháng 2), là ngày các tín hữu toàn thế giới sẽ được yêu cầu để trở thành “nhà truyền giáo của lòng thương xót.”

Cha thánh Piô là một linh mục dòng Capucinô, sinh năm 1887 và qua đời năm 1968. Từ năm 1918, cha đã được bề trên cử về San Giovanni Rotondo (có lẽ tên gọi bắt nguồn từ ngôi nhà thờ hình tròn, dâng kính thánh Gioan Tẩy giả, được cất từ thế kỷ VII) để hoạt động mục vụ cho đến khi qua đời.

Trong suốt thời gian 50 năm, cha được biết đến như là vị giải tội ngoại thường: nhiều ngày cha ngồi toà hơn 10 tiếng đồng hồ; ngoài ra cũng từ năm 1918 cha được lãnh nhận trên thân mình 5 dấu thương tích của Chúa Giêsu. Tuy đã qua đời từ hơn 40 năm qua, nhưng hai công trình do cha khởi xướng vẫn tồn tại, thứ nhất là “Nhà xoa dịu đau khổ”, tức là bệnh viện dành cho các bệnh nhân (khánh thành vào năm 1956 với 250 giường, nhưng nay đã lên đến 1200 giường với 50 ngành chuyên khoa) và “hội cầu nguyện cha Piô” (chính thức thành lập từ năm 1950, và ngày nay bành trướng khắp thế giới). Cha Piô được phong chân phước năm 1999 và hiển thánh năm 2002, lễ kính vào ngày 23/9, trùng vào ngày tạ thế. Cách đây 22 năm, vào ngày 23/5/1987, đức Gioan Phaolô II đã đến viếng thăm mộ của cha Piô, vị giải tội mà ngài đã từng gặp khi còn là một linh mục sinh viên ở Rôma 40 năm về trước. Đức Bênêđictô XVI là vị giáo hoàng thứ hai đến viếng thăm mồ của vị thánh linh mục hầu như suốt đời chỉ thi hành hai tác vụ là dâng Thánh lễ (đôi lúc kéo dài 3 giờ đồng hồ) và ban bí tích giải tội. (Đặng Tự Do, Vietcatholic.org/News/Html/140448.htm).

Tôi có đi hành hương đến Rotondo, ghi chép lại đôi điều những gì đã thấy đã nghe và cảm nghiệm, xin hân hạnh gởi đến quý độc giả.

Từ Roma đến Rotondo với chặng đường dài 380km. Xe bus chạy 7 giờ đồng hồ mới tới nơi. Dọc đường, tôi thấy xa xa những đỉnh núi còn phủ tuyết trắng xóa. Suốt hành trình xa xôi, tôi tranh thủ đọc những tư liệu về Cha Thánh Piô. Đó là cuốn “Cuộc đời Cha Piô”, tác giả Dorothy M. Gaudiose, Phó Tế Trần Văn Nhật lược dịch, tôi đã tải về laptop từ trang dunglac.org. Xem thêm bộ phim gồm 23 phần về Thánh Piô Năm Dấu trên Youtube, kể về cuộc đời thánh thiện của ngài.

Cha Piô là một vị thánh của thời đại này. Đời ngài có nhiều chuyện lạ thường kỳ diệu. Chẳng hạn như vào năm 1962, Đức Giám Mục Karol Woztyla sau này là Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết thư xin Cha Piô cầu nguyện với Chúa cho bác sĩ Wanda Poltawska, một người bạn của ngài ở Ba Lan, đang đau khổ vì bệnh ung thư. Sau đó căn bệnh ung thư của vị bác sĩ này bị đẩy lui. Y khoa không thể nào đưa ra lời giải thích về việc bệnh ung thư bị đẩy lui một cách lạ lùng như thế. Người ta còn đồn đoán cho rằng trong thời gian này, cha Piô đã tiên đoán Giám mục Karol Woztyla sẽ làm Giáo hoàng trong tương lai. Quyền năng và tình yêu của Chúa vẫn luôn trải rộng và trao ban ân sủng cho con người.

Đến Rotondo nhận phòng khách sạn, ăn tối và nghĩ ngơi thì đã hơn 10giờ đêm. Ở đây thuộc miền núi cao, trời rất lạnh,mặc mấy áo ấm, trùm thêm mền mà vẫn lạnh run người.

Sáng sớm hôm sau, chúng tôi đi những xe nhỏ loại 15 chỗ ngồi để leo dốc. Khoảng 20 phút thì đến nơi.Trên núi cao, chúng tôi nhìn thấy nguy nga những công trình, Bệnh viện Casa Sollievo della Sofferenza lớn nhất nước Ý, Chặng đàng thánh giá Rotondo, Đền Thánh Cha Piô cũ và mới với một quãng trường rộng mênh mông.

Năm 1940, cha Piô đã xây dựng một Bệnh viện ở San Giovanni Rotondo mang tên Casa Sollievo della Sofferenza (Trung tâm chữa lành bệnh nhân). Bệnh viện được mở vào năm 1956 và được coi như là một trong những bệnh viện chữa bệnh hữu hiệu nhất ở Châu Âu.

1. Đền thánh cũ – Nhà thờ Đức Mẹ Ban Ơn

Năm 1956, ngôi nhà thờ mới xây dựng mang tên Santa Maria della Grazie nhằm đáp ứng việc rất nhiều người hành hương đến kính viếng cha thánh Piô. Kiến trúc sư Giuseppe Gentile Boiano đã thiết kế ngôi nhà thờ này và sau đó Đức Giám Mục Giáo phận Foggia thánh hiến vào năm 1959.

Đàng thánh giá theo kiểu hiện đại ở bên sườn đồi với những rặng cây xanh mát ở trên Nhà thờ Santa Maria della Grazie. Công trình Đàng thánh giá này được xây dựng vào năm 1968 (một ngày trước khi cha Piô qua đời) và được hoàn thành năm 1981. Nó được thiết kế bằng đá hoa cương với những tượng bằng đồng và cẩm thạch do Điêu khắc gia người đảo Sicile tên là Francesco Messina thiết kế.

Trước Nhà thờ có tượng Chân Phước Gioan Phaolô II.

Chúng tôi chụp hình chung trước tượng cha Piô nơi đàng thánh giá, sau đó vào nhà thờ viếng Chúa và tham quan. Có nhiều bức tranh theo nghệ thuật mosaic hai bên Nhà thờ. Bức tranh trên cung thánh tuyệt đẹp, Đức Mẹ bồng Chúa Hài Nhi ban ơn cho nhân loại.

Từ bên phải cung thánh đi xuống tầng hầm có ngôi mộ của cha thánh. Mọi người quỳ gối thinh lặng cầu nguyện. Chúng tôi đi dọc theo hành lang có nhiều bức ảnh giới thiệu về cha mẹ và gia đình của cha Piô. Đi lên cầu thang tầng 2 là Tu viện San Giovanni Rotonodo. Có những căn phòng lưu giữ đồ dùng của cha thánh lúc sinh thời. Từ áo dòng, áo lễ, chén lễ, hào quang đến giường ngũ và đồ dùng cá nhân vẫn còn nguyên vẹn. Cũng giống như các căn phòng của cha Thánh Gioan Vienney ở Ars, các vật dụng đều rất đơn sơ. Đặc biệt có 1 căn phòng với những tủ nhiều ngăn đựng các bức thư của nhiều người khắp thế giới gởi đến xin thánh nhân cầu nguyện vào 2 năm cuối đời. Hàng triệu triệu những lá thư được lưu giữ cẩn thận.

Sau khi cầu nguyện trong nhà nguyện của Tu viện chúng tôi đến đền Thánh mới.

Quãng trường rộng lớn xuôi xuống Nhà thờ mới. Công trình thật bề thế và hoành tráng. Dưới chân Thánh giá cao vời vợi có 8 quả chuông lớn, mỗi khi rung, ngân vang xuống tận thung lũng thị trấn Rotondo.

2. Đền Thánh Cha Piô mới

Năm 2004, đền thánh mới được khánh thành. Đây là một trong những Đền thánh được các tín hữu thăm viếng nhiều nhất trên thế giới hiện nay. Đền thờ mới được Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II thánh hiến năm 2004. Bên trong có sức chứa 6.500 chỗ ngồi, chỉ đứng sau Đền thờ thánh Phêrô ở Rôma và 30.000 người có thể đứng bên ngoài. Hằng năm có hơn 7 triệu người về đây kính viếng, đông hơn cả Lộ đức, Fatima và chỉ đứng sau Đền thánh Đức Mẹ Guadalupe ở Mexico.

Bên trái cung thánh có lối dẫn vào tầng hầm. Như một cung điện, đèn sáng rực với nhiều bức tranh theo nghệ thuật mosaic 2 bên tường. Mọi người ngất ngây chiêm ngắm những tác phẩm nghệ thuật diễn tả theo Tin Mừng. Ở đây có nhiều nhà nguyện nhỏ. Chúng tôi đến nhà nguyện đặc biệt, nơi có thi hài cha thánh Piô đặt phía sau bàn thờ dâng lễ. Trần nhà nguyện trang hoàng lộng lẫy sáng lung linh. Từng người thinh lặng đi qua đặt tay lên phần mộ và cúi đầu cầu nguyện. Sau đó tham quan nhiều căn phòng khác như một mê cung trong lòng đất. Phải có hướng dẫn viên dẫn đường chứ không thì lạc lối.

Trở lại Nhà thờ Santa Maria della Grazie, chúng tôi dâng lễ. Cha Riễn, Giáo phận Phú cường chủ tế và giảng lễ.

3. Cuộc đời cha thánh Piô

Cha thánh Piô sinh ngày 25-05-1887 tại Pietrelcina, được gọi tên là Francesco Forgione. Ngài lớn lên trong một gia đình Công Giáo đạo đức. Lúc khoảng 6, 7 tuổi, ngài đã có được sự liên kết rất đặc biệt với Thiên Chúa. Ngài thường trò chuyện với Thiên Chúa ở nơi đồng vắng. Từ thuở nhỏ, ngài có thói quen rất tốt lành là sốt mến cầu nguyện. Ngài nhìn ngắm Chúa Giêsu trên Thánh giá và thân thưa cùng Chúa cho mình được chia sẻ những đau đớn với Chúa.

Năm 1903, ngài vào dòng Phanxicô. Một năm sau nhận tu phục Dòng Phanxicô Capucinô và có tên mới là Piô.

Ngài được phong chức linh mục và được chuyển đến một số nơi. Đến năm 1916, ngài được chuyển đến San Giovanni Rotondo và đã ở đây suốt 52 năm. Cha được mọi người ngưỡng mộ vì lòng yêu mến nhiệt thành đối với Chúa Giêsu, Mẹ Maria và được coi như là một nhà thần bí vĩ đại thời hiện đại.

Cha Pio xuất thân từ nhà nghèo nên ngài rất yêu mến người nghèo. Cha ao ước có được bệnh xá để sau cuộc chiến sẽ cứu chữa những thương binh trở về, và cha cũng đã được toại nguyện do tin tưởng mãnh liệt vào Đức Maria ban ơn cứu giúp.

Cha Pio có nhiều kinh nghiệm về những khả năng siêu nhiên với các phép lạ kèm theo: nhìn thấu suốt tâm hồn con người, nói tiên tri, ở hai nơi cùng một thời điểm, hương thơm đời sống thánh thiện, biết biện phân các thần khí, ngủ ít nhưng vẫn sống được, chữa người ta khỏi bệnh cách lạ lùng, được Chúa Giêsu và Mẹ Maria đến thăm, nhất là hằng ngày được rước lễ với Thiên thần bản mệnh của mình.

Một trong những ân huệ siêu nhiên nổi tiếng nhất của ngài là được Chúa ghi Năm Dấu Thánh trên thân xác vào năm 1918 khi ngài cầu nguyện trước Thánh giá. Những vết thương đã gây cho ngài rất nhiều đau đớn và cũng rất nhiều ân ban kỳ diệu. Trong cuốn sách “Cuộc đời cha Piô” có kể lại rằng:

“Cái yên tĩnh của ban đêm đã bao trùm tu viện khi Cha Piô còn ngồi giải tội cho các thầy. Đó là ngày 5 tháng Tám 1918, là ngày ngài không thể quên được vì nó bắt đầu sự thống khổ đặc biệt của ngài.

Ngài giật mình kinh hãi khi thấy một người lạ tay cầm thanh kiếm dài và mỏng đứng ngay trước mặt. Thân thể như tê liệt, ngài không thể cựa quậy và mắt trừng trừng theo dõi mũi kiếm mà từ đó phát ra những tia lửa. Đột nhiên, ngài thất thanh kêu lên một tiếng lớn khi thanh kiếm như xuyên qua linh hồn ngài. Không biết làm sao mà ngài lấy lại được bình tĩnh và giải tán các thầy đang chờ xưng tội. Suốt đêm đó và qua một ngày và một đêm hôm sau, thân thể ngài yếu dần vì như có lưỡi kiếm bằng lửa đang cắt thân thể ngài ra từng mảnh.

Hơn một tháng trôi qua, sau khi làm lễ vào sáng thứ Sáu, ngày 20 tháng Chín, sự kinh hoàng và thống khổ của ngài đến tột đỉnh ngoài sức chịu đựng của con người. Tuy nhiên, cơn ác mộng đó bắt đầu trong một giây phút thật bình thản và yên lặng. Ngài cảm thấy buồn ngủ, như thể ngài ngủ say đến độ không còn biết gì cả. Cái cảm giác kỳ lạ thấm dần qua từng sớ thịt và hầu như làm ngài mê đi.

Và rồi, vị khách bí ẩn đã đến trong giấc mộng êm đềm, và chính lúc đó các giọt máu từ tay, chân và cạnh sườn của vị khách bắt đầu chẩy ra và đọng lại thành vũng trên sàn nhà. Ngay lập tức cái êm đềm của Cha Piô tan biến và tim ngài bắt đầu đập mạnh như muốn vỡ tung lồng ngực trong cái thân thể bất động. May mắn thay, tất cả dịu lại một cách thật bất ngờ cũng như khi xuất hiện, và thân thể mềm nhũn của ngài khụy xuống vũng máu.

Ngài mở mắt, những giọt nước lăn dài trên khoé mắt. Cơ thể ngài bắt đầu có cảm giác và ngài nhận thấy tay trái của mình đang run rẩy. Ngài cố nhấc chân lên và ngay lập tức cái đau âm ỉ trở thành nhói buốt đâm vào tay, chân và cạnh sườn ngài. Ngài chống khủy tay ngẩng đầu dậy và nhìn vào đôi tay run lẩy bẩy. Hai bàn tay đầy máu. Nhìn vào thân thể, ngài thấy một bên áo dòng ướt đẫm. Đôi mắt ngài tiếp tục nhìn xuống. Và đôi chân ngài cũng đỏ máu. Toàn thân ngài run lên vì sợ hãi. Ngài muốn cất tiếng kêu cứu nhưng cổ họng như nghẹn lại, và ngài há hốc mồm để thở.

Cơn ác mộng tiếp diễn. Có một động lực nào như giục ngài đứng dậy, đi về phòng trước khi các linh mục trong tu viện trở về và có thể bắt gặp. Ngài cố nhấc mình lên, và thân thể quặn đau theo từng bước. Không hiểu làm sao mà ngài có thể lết qua cái hàng lang dài để về đến phòng. Ngài ngã vật xuống giường trong đau đớn và sợ hãi.

Ngài rên rỉ, "Xin giúp con. Xin Chúa giúp con để hiểu."

Hơi thở ngài đã đều hòa, nhưng cơn đau vẫn mãnh liệt. Khi đưa tay sờ vào cạnh sườn, ngài cảm thấy vết máu trên áo dòng ngày càng lan rộng, như bị xuất huyết tự bên trong. Đôi mắt mở to vì sợ hãi, ngài ngồi dậy và xem xét vết máu trên áo, tự hỏi không biết mình có chết vì vết thương này hay không.

Ngài cầu xin, "Xin đừng để con khiếp sợ."

Những giây phút chậm chạp trôi qua. Từ từ ngài lấy lại bình tĩnh và xem xét các vết thương. Không nghi ngờ gì cả, đó là những vết thương thật. Đó không phải là ác mộng hay ảo giác. Bắt đầu ngài nhận ra sự thật. Ngài được in năm dấu thánh là những vết thương có hình dạng và vị trí giống như các vết thương của Đức Kitô.

Tâm trí ngài từ từ mở ra với thực tại, và cảm thấy khuây khỏa khi biết rằng các vết thương đó không nguy hiểm đến tính mạng. Nước mắt ngài tuôn tràn, và cảm tạ Thiên Chúa…

Giáo Hội ghi nhận có khoảng 290 người được Chúa ban cho năm dấu thánh. Vị thánh nổi tiếng của thời đại là Thánh Phanxicô Assisi, sáng lập dòng Phanxicô. Thánh Phanxicô, khi là thầy sáu, được in năm dấu thánh vào ngày 17 tháng Chín 1224, trên núi Alvernia trong rặng Appenine, hai năm trước khi ngài chết.

Những vết thương của cha Piô có mùi thơm nồng nàn của hoa tím, hoa huệ tây và hoa hồng. Trong lịch sử các thánh, sự kiện có mùi thơm thì không gì mới mẻ. Tay Thánh Đa Minh phát ra mùi thơm khi dân chúng hôn tay ngài, và Thánh Helena phát ra mùi thơm khi ngài rước lễ. Một số thân thể các thánh phát ra mùi thơm sau khi chết, như trường hợp của Thánh Coletta, Thánh Joseph Cupertino, và Thánh Martin de Porres. Bất cứ ai đang trong tình trạng mắc tội trọng, Thánh Philip Rôma đều ngửi thấy mùi hôi thối khi ngài đến gần, mặc dù thân thể người đó rất sạch sẽ.

Trong trường hợp của Cha Piô, mùi thơm nói lên sự hiện diện an ủi của cha. Đó là để khuyến khích, chú ý đến điều nguy hiểm ngay lập tức, hay nhớ đến sự hiện diện, sự khuyên bảo và sự hướng dẫn của cha. Nhiều người nhận ra mùi thơm đó một cách riêng biệt, không phải ai ai cũng nhận thấy cùng một lúc”.

Vì sự thánh thiện và ân huệ lớn lao Chúa ban cho cha Piô, nên ma quỷ đã huy động cuộc chiến dữ dội chống lại cha thánh trong suốt cuộc đời của ngài. Chúng tấn công thân xác ngài bằng những vết cắt, vết thâm tím và những dấu bị thương hữu hình khác.

Tất cả những ai được cha Piô giúp đỡ đều tôn kính ngài. Cha thánh hết sức tận tâm đối với các linh hồn trong luyện ngục, có lần ngài nói: “Nhiều linh hồn đã chết ở trong luyện ngục hơn những linh hồn còn đang sống. Họ đã đến ngọn đồi này để chờ được tham dự thánh lễ và xin tôi cầu nguyện”.

Cả đời cha Piô tận tụy giải tội cho các tín hữu và xin được nhiều ơn lành cho nhiều người.

Cha thánh qua đời lúc 2 giờ 30 sáng ngày 23-9-1968, đang khi tay vẫn nắm chặt chuỗi Mân Côi và thốt lên tên cực trọng “Giêsu Maria”, trong phòng số một của tu viện San Giovanni Rotonodo, phía nam Italia. Xác cha Pio được bỏ trong một hòm bằng kẽm bọc gỗ sau đó được thay thế bằng một hòm bằng kim loại và có gắn tấm kính để cho giáo dân có thể trông thấy ngài.

Chiều ngày 26-9-1968, quan tài cha Pio đã được rước qua các đường chính của thị trấn San Giovanni Rotondo với sự tham dự của 100.000 người.

Ban tối quan tài được đưa xuống hầm nhà thờ Đức Mẹ Ban Ơn để an táng trong huyệt đào ngay trong nền nhà thờ. Phía dưới chiếc quan tài có đề “Francesco Forgione sinh tại Pietrelcina ngày 25-5-1887, qua đời tại San Giovanni Rotondo ngày 23-9-1968”.

Từ ngày đó trở đi, cứ vào ngày 22 tháng 9 hằng năm tín hữu khắp nơi lại hành hương về thị trấn San Giovanni Rotondo để tham dự đêm canh thức kỷ niệm ngày cha Pio qua đời.

Ngày 23-9-1969, Đức Cha Cunial, Tổng Giám Mục Manfredonia cho phép dòng Capucino hèn mọn mở cuộc điều tra liên quan tới vị tôi tớ Chúa.

Tiến trình án phong chân phước được khởi sự ngày 20-3-1983.

Trong dịp hành hương San Giovanni Rotondo ngày 25-5-1987, Đức Gioan Phaolô II đã giới thiệu cha Piô với thế giới như là mẫu gương của linh mục. Từ đó trở đi tín hữu đến hành hương đông một cách ngoại thường. Người ta phổ biến sách báo viết về cha Pio, lấy tên cha Pio đặt cho các đài kỷ niệm và đường phố, hay trường học hoặc nhà thương. Năm 1990, kết thúc các tìm hiểu cuộc đời cha Pio.

Năm 1997, các cố vấn của Bộ Phong Thánh đồng thanh chấp nhận các nhân đức anh hùng của vị tôi tớ Chúa.Và sau khi có phép lạ được thừa nhận, ngày 2-5-1999, Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II đã phong chân phước cho cha Pio, trong thánh lễ trọng thể cử hành tại thềm đền thờ thánh Phêrô, với sự tham dự của gần 400.000 tín hữu.

Vào năm 2001, ủy ban bác sĩ thừa nhận phép lạ khỏi bệnh tức khắc của em Matteo Coltella, bị sưng màng óc cấp tính là hiện tượng không thể giải thích được trên bình diện khoa học.

Năm sau đó, Giáo Hội thừa nhận đó là phép lạ và ngày 16-6-2002, Đức Gioan Phaolo II đã chủ sự lễ phong hiển thánh cho cha Pio. Hai năm sau đó đền thánh mới được khánh thành tại San Giovanni Rotondo.

4. Cha Thánh Piô và các Đẳng Linh Hồn.

Cuộc đời cha Piô là trang sử lạ thường ghi dấu các cuộc hiện ra của Thiên Thần, Các Thánh, Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Các Đẳng Linh Hồn. Có thể nói được rằng, Cha thánh Pio sống cùng lúc ở hai thế giới: một hữu hình và một vô hình, thiêng liêng.

Xin trích thuật 3 câu chuyện Linh Hồn Luyện Ngục hiện về xin Cha thánh Pio cầu nguyện cho.

Một buổi tối, Cha Pio đang nghỉ ở tầng trệt của Cộng Đoàn nơi căn phòng dành đón tiếp khách lạ. Lúc ấy Cha Pio chỉ có một mình và vừa đặt lưng nằm xuống thì bất thình lình một người đàn ông xuất hiện, mình trùm kín chiếc áo choàng đen. Ngạc nhiên, Cha Pio tức khắc đứng bật dậy và hỏi cho biết ông là ai và muốn gì. Người khách lạ cho biết ông là Linh Hồn nơi Lửa Luyện Tội. Ông nói: Con là Pietro Di Mauro, tức Nicola và có biệt danh “Precoco”. Con bị chết trong trận hỏa hoạn xảy ra vào đêm 18-9-1908, tại chính Tu Viện này, lúc ấy bị truất hữu và biến thành Viện Tế Bần. Con bị cháy giữa các ngọn lửa, ngay trên tấm nệm rơm, lúc đang ngủ say, trong căn phòng số 4. Con hiện về từ Luyện Ngục. Thiên Chúa Nhân Lành cho phép con đến xin Cha dâng một Thánh Lễ với ý chỉ cầu cho con vào sáng ngày mai. Nhờ Thánh Lễ này con mới có thể vào được Thiên Đàng.

Cha Pio hứa sẽ dâng Thánh Lễ cầu cho ông. Chính Cha kể lại như sau. Phần tôi, tôi muốn đích thân tháp tùng Linh Hồn Luyện Ngục ra tận cửa Tu Viện. Và tôi chỉ ý thức rõ ràng mình đã nói chuyện với Linh Hồn Luyện Ngục khi ra tới thềm, bởi vì, người đàn ông đang đi bên cạnh tôi bỗng nhiên biến mất. Tôi thành thật thú nhận lúc ấy tôi cảm thấy hoảng sợ. Tôi đi thẳng đến phòng Bề Trên là Cha Paolino da Casacalenda. Cha Bề Trên nhận ra nét kinh hoảng của tôi. Sau khi nghe tôi giải thích và xin phép dâng Thánh Lễ vào sáng hôm sau cầu cho Linh Hồn Luyện Ngục, Cha Bề Trên hiểu lý do và chấp thuận ngay lời xin.

Vài ngày sau, vì bị tính tò mò thúc đẩy, Cha Bề Trên Paolino muốn làm cuộc kiểm chứng. Cha ra tòa thị chính thành phố San Giovanni Rotondo và xin phép xem Cuốn Sổ Tử của thành phố vào năm 1908. Và đúng như lời tôi kể, trong Sổ Tử tháng 9 năm 1908 có ghi mấy hàng: Ngày 18 tháng 9 năm 1908, trong trận hỏa hoạn Viện Tế Bần có một người bị chết mang tên Pietro di Mauro, tức Nicola.

Cha thánh Pio kể một câu chuyện khác.

Một buổi tối lúc cầu nguyện một mình nơi nhà nguyện bỗng tôi trông thấy một thầy trẻ tuổi đứng nơi bàn thờ chính. Thầy có vẻ như đang lau chùi các chân nến và sửa lại các bình hoa. Lúc ấy là giờ ăn tối. Tôi đinh ninh người lo bàn thánh chính là thầy Leone nên tôi tiến lại gần và nói:

- Thầy Leone à, đang giờ ăn tối, thầy xuống phòng ăn đi, chứ đâu phải giờ lau bụi và sửa soạn bàn thánh!

Nhưng một giọng nói - không phải của thầy Leone - trả lời:

- Con không phải thầy Leone!

Tôi hỏi lại:

- Vậy thầy là ai?

Tiếng nói trả lời:

- Con là tu sĩ cùng dòng với Cha và từng là tập sinh sống ở Tu Viện này. Đức vâng lời dạy con phải luôn luôn giữ gìn bàn thánh thật sạch và thật ngăn nắp. Đáng tiếc, con thường bê trễ trong bổn phận và thiếu lòng tôn kính đối Chúa Giêsu Thánh Thể trong Nhà Tạm. Chính vì tội thiếu tôn thờ cách trầm trọng này mà cho đến nay con vẫn còn bị hình phạt trong Lửa Luyện Hình. Nhưng giờ đây Thiên Chúa Từ Nhân, trong lòng thương xót vô biên của Ngài, cho phép con hiện về với Cha. Chính Cha là người có thể thu ngắn thời gian con phải chịu giam cầm trong Lửa Luyện Ngục. Xin Cha vui lòng giúp con.

Tôi nghĩ mình quả thật quảng đại đối với Linh Hồn đang đau khổ nơi Lửa Luyện Tội khi nhanh nhẹn hứa rằng: “Anh sẽ chỉ còn ở trong Lửa Luyện Tội cho đến sáng mai lúc dâng Thánh Lễ”. Nào ngờ Linh Hồn này thét lên: “Thật là tàn nhẫn!”. Thét xong câu đó Linh Hồn biến đi. Tiếng than khóc kinh khiếp của Linh Hồn như lưỡi gươm đâm xuyên trái tim. Tôi thật đau đớn và mãi mãi như nghe tiếng thét vang vọng bên tai. Tôi, nhờ sự ủy quyền đặc biệt của Thiên Chúa, có thể giúp Linh Hồn đi thẳng về Trời, trái lại, tôi đã kết án giam giữ Linh Hồn ở lại trong Lửa Luyện Ngục thêm một đêm nữa cho tới sáng mai!

Câu chuyện thứ ba xảy ra vào buổi tối tháng 2 năm 1922, nơi Tu Viện San Giovanni Rotondo. Chính Cha Pio kể lại.

Tối hôm ấy tôi xuống phòng chung nơi có đốt lửa để sưởi. Bỗng tôi trông thấy 4 tu sĩ, chưa bao giờ gặp, đang ngồi chung quanh ngọn lửa, đầu phủ mũ cappuccio và giữ thinh lặng. Tôi cất tiếng chào: “Sia lodato Gesù Cristo - Ngợi khen Đức Chúa Giêsu Kitô”, nhưng không ai trả lời. Ngạc nhiên, tôi chăm chú nhìn kỹ 4 tu sĩ để xem họ là ai thì thấy rằng đó là 4 tu sĩ lạ, tôi chưa bao giờ gặp. Cùng lúc, tôi có cảm tưởng các tu sĩ này đang chịu đau khổ. Tôi lập lại lời chào, vẫn không ai trả lời. Tôi trở lên phòng Cha coi nhà khách và hỏi xem có tu sĩ khách nào đến Tu Viện không. Nghe vậy, Cha Bề Trên, lúc ấy là Cha Lorenzo da San Marco in Lamis trả lời ngay:

- Cha Pio à, đâu có tu sĩ khách nào đến đây vào một đêm đông tuyết lạnh như thế này!

Tôi nói với Cha coi nhà khách:

- Cha à, có 4 tu sĩ ngồi sưởi nơi phòng chung. Tôi cất tiếng chào nhưng không ai trả lời. Tôi nhìn kỹ thì thấy đó là các tu sĩ lạ!

Cha coi nhà khách nói:

- Có lẽ khách lạ đến mà tôi không biết chăng? Vậy chúng ta cùng xuống xem!

Khi chúng tôi trở lại phòng chung thì không còn ai. Phòng chung vắng lặng như tờ.

Tôi hiểu ngay đây là 4 tu sĩ quá cố, đang làm việc đền tội nơi xưa kia họ xúc phạm đến Thiên Chúa. Tôi thức trắng suốt đêm đó để cầu nguyện trước Chúa Giêsu Thánh Thể và xin Chúa cho 4 tu sĩ sớm được giải thoát khỏi chốn Luyện Hình và về Thiên Đàng vui hưởng Nhan Thánh Chúa.... “Từ vực thẳm, con kêu lên Ngài, lạy Chúa, muôn lạy Chúa, xin Ngài nghe tiếng con. Dám xin Ngài lắng tai để ý nghe lời con tha thiết nguyện cầu. Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng? Nhưng Chúa vẫn rộng lòng tha thứ để chúng con biết kính sợ Ngài. Mong đợi Chúa, con hết lòng mong đợi, cậy trông ở lời Người. Hồn con trông chờ Chúa, hơn lính canh mong đợi hừng đông. Hơn lính canh mong đợi hừng đông, trông cậy Chúa đi, Israel hỡi, bởi Chúa luôn từ ái một niềm, ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa. Chính Người sẽ cứu chuộc Israel cho thoát khỏi tội khiên muôn vàn” (TV130). (”Grande Opera Mariana GESÙ E MARIA”, Aprile-Giugno 2007 n.2 Anno VIII, trang 19-20 + P. Alessio Parente, ”Padre Pio e le anime del Purgatorio”, 1999, trang 158; Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt).

5. Mở mộ cha thánh Pio để chuẩn bị trưng bày cho tín hữu kính viếng thi hài thánh nhân (Avvenire 4-3-2008; Linh Tiến Khải).

Phỏng vấn Đức Tổng Giám Mục Domenico D'Ambrosio về việc mở mộ Cha thánh Pio thành Pietrelcina và trưng bày cho tín hữu kính viếng.

Lúc 10 giờ tối Chúa Nhật 2-3-2008, Đức Cha Domenico D'Ambrosio, Tổng Giám Mục giáo phận Malfredonia đã chủ sự lễ nghi mở mộ thánh Pio Pietrelcina, để kiểm chứng tình trạng thi hài thánh nhân và áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo tồn thánh tích cho hậu thế.

Trở lại với lễ nghi mở mộ cha thánh Pio năm dấu: lễ nghi đã bắt đầu với bài đọc thư thứ I thánh Phêrô Tông Đồ và một đoạn thư của Cha Thánh Pio. Sau đó các thợ nề đã di chuyển tấm đá cẩm thạch mầu xanh trên mộ Cha Pio và đưa quan tài lên. Đức Cha D'Ambrosio và hai vị phụ tá kiểm điểm sự nguyên vẹn của 6 triện bằng xi đỏ đóng lên quan tài tối ngày 26-9-1968, đập vỡ và gỡ các triện đó ra. Quan tài được mở ra và Đức Tổng Giám Mục xông hương di hài và mọi người hát kinh Te Deum Tạ Ơn Chúa. Hiện diện trong lễ nghi cũng có các thân nhân của Cha Thánh Pio và một số Giám Mục lân cận.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Tổng Giám Mục Domenico D'Ambrosio về việc mở mộ thánh Pio thành Pietrelcina và trưng bầy cho tín hữu kính viếng bắt đầu từ tháng 4 tới đây. Đức Tổng Giám Mục cũng là vị đại diện Tòa Thánh trông coi đền thánh Pio, là nơi hằng năm có tới 7 triệu tín hữu đến hành hương.

Hỏi: Thưa Đức Cha, xin Đức Cha cho biết một vài cảm tưởng sau khi Đức Cha chủ sự lễ nghi mở mộ cha thánh Pio tối ngày mùng 2 tháng 3 vừa qua?

Đáp: Chắc chắn giây phút chúng tôi đã sống là một thời điểm đặc biệt và đầy cảm xúc. Riêng tôi đã cảm nghiệm được một cách sâu xa cái phong phú ngoại thường nơi sự thánh thiện của Cha Pio, và sự ít ỏi và hạn hẹp của chúng ta tất cả, mà trong nhiều múc độ và cương vị khác nhau chúng ta đều được mời gọi tiếp tục công trình của người. Cũng như tôi đã nói hôm trước, tôi nhớ mãi những gì Đức Gioan Phaolo II nhắn nhủ khi gửi tôi tới đây: ”Đức Cha là người giữ gìn gia tài của Cha Pio”. Gia tài đích thật và lớn lao nhất đối với một người, được mời gọi hướng dẫn với tinh thần trách nhiệm một giáo đoàn và các công trình của thánh Pio, là sự thánh thiện. Vì thế khi đứng trước thi hài của thánh Pio, là người trong hơn 50 năm đã khiến cho cuộc sống của mình tỏ lộ mầu nhiệm cuộc Đóng Đanh của Chúa, chúng ta cảm thấy mình bé nhỏ, không được chuẩn bị, không thích hợp để làm cử chỉ đơn sơ ấy.

Hỏi: Xác cha thánh Pio ở trong tình trạng nào thưa Đức Cha?

Đáp: Nếu có thể dùng một tính từ thì tôi xin nói rằng xác của người ở trong tình trạng ”dè dặt”. Dĩ nhiên nếu qúy vị hỏi cảm tưởng của tôi thì tôi biết nói gì bây giờ? Chắc chắn là tôi đã muốn trông thấy gương mặt của cha Pio. Nhưng cách đây 40 năm đã không có việc săn sóc nào cả và giải pháp vội vã của việc chôn cất đã khiến cho kết qủa không có thể nói là được ”hoàn hảo”. Tuy nhiên chúng ta có xác của thánh Pio: sọ và các chi thể phía trên một phần là xương, các ngón tay còn nguyên, một chân đã khô đét. Và phần còn lại của cơ thể như các chuyên viên đã ghi nhận, các tế bì bị dính vào lớp dưới của hòm. Tóm lại cần phải thực hiện nhiều can thiệp để bảo đảm việc duy trì thích đáng xác của cha thánh và trưng bầy cho các tín hữu sùng mộ người kính viếng.

Hỏi: Tại sao giáo quyền đã đi tới chỗ quyết định mở mộ cha thánh Pio thưa Đức Cha?

Đáp: Như qúy vị biết trong Giáo Hội có truyền thống xác nhận thi hài của các vị ứng viên của các cuộc phong chân phước hay phong thánh, cũng như truyền thống cứ thỉnh thoảng lại tái xác nhận thi hài các thánh xa xưa trong qúa khứ. Chúng ta chỉ nghĩ tới 3 lần xác nhận thánh tích của thánh Phanxicô thành Assisi trong khoảng thời gian 800 năm. Trong trường hợp của cha thánh Pio, thì hơi ngoại thường một chút, vì việc thừa nhận đã không được làm trước khi phong chân phước và phong thánh. Tôi đã không biết các lý do đã ngăn cản việc thừa nhận đó, nhưng sau bao nhiêu năm thì người ta cảm thấy cần phải duyệt xét tình trạng duy trì xác cha thánh Pio. Trong nghĩa đó đã có lời xin đồng nhất của toàn tỉnh dòng Anh em Capucino hèn mọn, gửi Bộ Phong Thánh, qua trung gian vị tổng thỉnh nguyện viên, kèm theo xác tín và sự liên kết của tôi. Rồi đã có huấn thị và sắc lệnh giao phó cho tôi nhiệm vụ thành lập tòa án giáo phận để tiến hành việc thừa nhận xác cha thánh theo các chỉ dẫn, mà Bộ Phong Thánh đã gửi cho tôi.

Hỏi: Phải cần bao nhiêu thời gian cho các giảo nghiệm và chôn xác cha thánh Piô trở lại thưa Đức Cha?

Đáp: Liên quan tới các tiến trình duy trì xác cha thánh Pio, theo các chuyên viên thì cần phải có từ 30 đến 40 ngày. Vì thế chúng tôi mới xác định ngày 24 tháng 4 là ngày bắt đầu trưng bầy xác cha thánh Piô cho mọi người kính viếng. Còn việc chôn xác cha thánh trở lại, thì ngoài việc để xác ngài trong hầm nhà thờ như cho tới nay, chúng tôi chưa có quyết định nào. Ban đầu thì đã chỉ nghĩ tới việc trưng bầy xác cha thánh cho tín hữu kính viếng trong vài tháng, nhưng vì có nhiều lời xin của tín hữu khắp nơi trên thế giới, nên phải kéo dài thời gian cho các cuộc kính viếng, có lẽ ít ra là một năm.

Hỏi: Thưa Đức Cha, mộ mới có giống như mộ hiện nay hay không?

Đáp: Chúng tôi cũng chưa biết mộ mới sẽ ra sao. Hướng được lựa chọn là một hòm kín, theo gương Đấng sáng lập dòng là thánh Phanxicô Khó Khăn. Như mọi người chúng ta đều biết là xương thánh Phanxicô được đựng trong một hòm bằng đá đóng kín.

Hỏi: Sự kiện mở huyệt để kiểm chứng xác cha thánh Pio đã kéo theo một vài tranh luận, rất là khó chịu, có đúng thế không thưa Đức Cha?

Đáp: Rất tiếc đó là sự thật. Có một nhóm nhỏ phản đối việc cho mở mộ và kiểm chứng xác cha thánh Pio, nhưng họ lại có thể tạo ra sự ồn ào trên các phương tiện truyền thông, vượt ngoài mọi dự đoán.

Nếu qúy vị đã hiện diện tại San Giovanni Rotondo chiều Chúa Nhật mùng 2 tháng 3 vừa qua, thì sẽ trông thấy hàng trăm tín hữu tới đền thánh với nến sáng trong tay để tỏ lòng sùng mộ cha thánh Pio và tỏ tình liên đới với Giám Mục và các tu sĩ dòng Capucino, trong các tháng qua đã bị mạ lị, vu khống nặng nề. Chúng tôi đã bị tố cáo là có các hành động phạm thánh, khủng khiếp, rùng rợn. Nhưng điều mà chúng tôi đang làm là một cử chỉ của lòng sùng kính, tế nhị và yêu thương. Nhưng chiến dịch chửi bới và vu khống đó vẫn tiếp tục không ngớt. Phải kiên nhẫn thôi, vì chúng tôi không thể dùng cùng các thứ vũ khí như thế, nhưng mà trên bình diện pháp luật dân sự Italia nó cũng không có ý nghĩa: có liên quan gì giữa việc trưng giáo luật và việc ra trình bầy vụ việc giữa tòa án dân sự? Dĩ nhiên là có cái gì không ổn thỏa rồi, nhưng mà nó khiến cho người ta khó chịu. Về phần tôi thì tôi nói với họ rằng: Anh chị em yêu mến cha thánh Piô phải không? Chúng tôi cũng thế, chúng tôi yêu mến cha thánh Pio. Chúng tôi là những người giữ gìn gia tài này và chúng tôi muốn bảo đảm và duy trì gia tài đó trong các cách thế tốt đẹp nhất, chính vì chúng tôi yêu kính cha thánh Piô.

6. Toàn bộ một giáo xứ Chính Thống đồng loạt theo đạo Công Giáo sau những phép lạ của cha Piô Năm Dấu Thánh (x.Vietcatholic.org 9-12-2007).

Lòng mộ mến của người dân Italia nói riêng và người Công Giáo trên thế giới nói chung đối với cha Thánh Piô Năm Dấu Thánh đã gia tăng rất nhiều sau biến cố toàn bộ một giáo xứ Chính Thống Giáo tại Rumani đã đồng loạt theo đạo Công Giáo nhờ phép lạ của ngài. Biến cố chấn động Giáo Hội Chính Thống Rumani này đã được ký giả Italia Renzo Allergi tường thuật, được Zenit truyền đi hôm 28/11, và được đăng tải trên trang nhất nhiều báo chí Công Giáo trên thế giới.

Bà Lucrecia Tudor, một phụ nữ 71 tuổi, người Rumani theo Chính Thống Giáo có hai người con trai là linh mục Victor Tudor và họa sĩ Mariano Tudor. Linh mục Victor là linh mục Chính Thống Giáo, chánh sở giáo xứ Pesceana, gần thành phố Valcea, thuộc miền Trung Nam Rumani. Trong khi đó họa sĩ Mariano kiếm được việc làm tại các nhà thờ Công Giáo ở thủ đô Rôma, Italia.

Năm 2002, các bác sĩ tại Rumani chẩn đoán bà Lucrecia bị ung thư ở phổi bên trái và khả năng giải phẩu để cắt bỏ khối u là không thể được vì khối u đã quá lớn. Các bác sĩ cho biết thêm là bà chỉ còn sống được mấy tháng nữa và khuyên cha Victor nên bắt đầu nghĩ đến vấn đề hậu sự cho bà. Cha Victor đã cầu cứu người em hy vọng rằng các bác sĩ tại thủ đô Rôma của Ý có thể tìm ra một phương cách trị liệu tốt hơn chăng.

Họa sĩ Mariano đã tiếp xúc với các bác sĩ Italia và đã được khuyên nên mang bà cụ sang Rôma trị liệu. Tuy nhiên, sau những cuộc khám nghiệm, các bác sĩ Italia cũng đã đi đến cùng một kết luận như các bác sĩ tại Rumani: bệnh tình của bà cụ đã hết thuốc chữa và khối u đang tăng tốc độ bành trướng. Bà cụ chỉ được cho toa mua những thuốc cầm đau.

Một phần vì bà Lucrecia không nói được tiếng Ý, một phần vì cũng muốn được gần gũi mẹ nhiều hơn trước cuộc sinh ly tử biệt, Mariano đã mang mẹ theo đến các nhà thờ nơi anh đang vẽ những phù điêu. Trong nhà thờ bà cụ đi tới đi lui xem các ảnh tượng cho hết ngày hết giờ. Một ngày kia bà cụ chú ý đến một bức tượng lớn mà bà tỏ ra rất thích. Bà hỏi anh Mariano xem tượng ấy mô tả ai. Mariano đã trình bày ngắn gọn về tiểu sử của cha Thánh Piô Năm Dấu Thánh cho bà.

Từ ngày hôm sau, Mariano thấy bà cụ suốt ngày chỉ ngồi bên tượng cha Thánh Piô thầm thì cầu nguyện và nói chuyện như thể với một người đang sống. Hai tuần sau đó, Mariano đưa bà cụ đến một bệnh viện để khám theo lời dặn của bác sĩ. Tại đây, vị bác sĩ kinh ngạc vì khối u đột nhiên biến mất hoàn toàn.

Mariano đã đưa bà cụ trở lại Rumani và các bác sĩ ở đó cũng nhìn nhận khối u đã hoàn toàn biến mất mà không thể giải thích trên phương diện y khoa. Trong khi đó, bà Lucrecia khẳng định rằng đó là chính là nhờ phép lạ của cha Thánh Piô mà bà đã cầu xin tha thiết với ngài.

Cha Victor nói với ký giả Renzo Allergi: “Sự chữa lành lớn lao cho mẹ tôi đã được thực hiện nhờ cha Thánh Piô Năm Dấu Thánh, dù mẹ tôi lúc đó là một người Chính Thống Giáo. Sự kiện này làm tôi xúc động sâu xa”.

Cha Victor nói tiếp: “Tôi đã bắt đầu đọc tiểu sử của vị thánh người Italia này. Tôi cho anh chị em giáo xứ biết những điều đã xảy ra. Tất cả mọi người đều biết rõ mẹ tôi và mọi người đều biết. Chúng tôi đã bôn ba sang Italia để cố làm phẫu thuật cho bà, và họ cũng biết là giờ đây bà đã về đến nhà, được chữa lành mà không cần phẫu thuật gì sất cả”.

“Trong giáo xứ của tôi, anh chị em giáo dân bắt đầu biết đến và yêu mến cha Thánh Piô. Chúng tôi tìm đọc mọi tài liệu liên quan đến ngài. Sự thánh thiện của ngài chinh phục con tim chúng tôi. Cùng lúc đó, trong giáo xứ một số người đau yếu bắt đầu nhận được ơn lạ của ngài. Trong số anh chị em chúng tôi đã dấy lên một nhiệt tình muốn trở lại đạo Công Giáo. Dần dà, chúng tôi đi đến quyết định dứt khoát là tất cả giáo xứ theo đạo Công Giáo để được gần gũi với thánh Piô”.

Biết bao nhiêu câu chuyện hấp dẫn lạ lùng về cuộc đời và ơn ban của cha thánh Piô được chúng tôi kể cho nhau nghe trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa và cảm tạ Đức Trinh Nữ Maria – Mẹ Ban Ơn.
 
Để đi tới những vùng rià thế giới
LM. Giuse Trương Đình Hiền
09:28 18/07/2015
ĐỂ ĐI TỚI NHỮNG VÙNG RÌA THẾ GIỚI

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay hình như đã bắt đầu từ một lời kêu gọi trở về, tĩnh tâm : “Anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút”.

Chắc chắn, khi ra chỉ thị nầy cho các môn sinh, Đức Kitô đã nhìn thấy bao nhiêu lo toan, mệt nhọc, bận bịu…của các bạn hữu của Ngài, một sự bận rộn có thể sẽ dẫn các ngài tới chỗ trơ lỳ, vô cảm, bị tục hóa, biến cuộc sống của người tông đồ trở thành một công nhân, một người thợ máy móc trước bao nhiêu nhu cầu của “đàn chiên không người chăn” mà chỉ có “trái tim chạnh thương của người mục tử” mới có khả năng đáp ứng.

Chỉ thị thiêng liêng của Đức Kitô vẫn còn nguyên giá trị, mà đúng hơn, càng cần thiết cho môi trường xã hội chung ta hôm nay. Đơn giản, vì ngày nay, như nhà văn, nhà viết blog Văn Công Hùng nhận xét :

“Phải tự tạo ra cho mình những phút giây tĩnh tại để mà chiêm ngẫm, chứ cứ để cho cuộc sống xô bồ ào ạt cuốn đi thì đúng là có khi mình cũng… vô cảm thật. Có điều nói thật, để có những phút tĩnh tại để chỉ nghĩ về cái đẹp, điều thiện bây giờ thật khó, vì từ xã hội cho đến trong nhà bây giờ có bao nhiêu điều phải lo phải nghĩ, phải để tâm vào. Thi thoảng restart lại mình là cách để mình giữ mình.” [1]

Và còn hơn thế nữa, theo như trực cảm của ĐTC Phanxicô trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, thì nếu không có cuộc “dừng chân nội tâm cần thiết nầy”, tất cả chúng ta, các đồ đệ của Chúa Giêsu, có nguy cơ “không còn nghe được tiếng nói của Thiên Chúa, đánh mất niềm vui và bình an, phai nhạt ước muốn làm điều thiện”, hoàn toàn bị tục hóa :

“Mối nguy lớn trên thế giới hôm nay, một thế giới hầu như thấm nhiễm chủ nghĩa tiêu thụ, đó là cảm giác cô đơn và lo lắng phát sinh từ một con tim tự mãn nhưng tham lam, sôi nổi chạy theo những thú vui phù phiếm, và một lương tâm chai lỳ. Khi mà đời sống nội tâm của chúng ta bị trói chặt trong những lợi ích và những mối quan tâm riêng của nó, thì không còn chỗ cho người khác, không còn chỗ cho người nghèo. Tiếng nói của Thiên Chúa không còn được nghe thấy, niềm vui an bình của tình yêu của Người không còn được cảm thấy, và ước muốn làm điều thiện bị phai mờ.” (Số 2)

Đó cũng chính điều mà Thiên Chúa, qua miệng ngôn sứ Giê-rê-mi-a đã cảnh cáo cái “giàn mục tử” của Ít-ra-en vào thời Cựu ước :

“Chính các ngươi đã làm cho đoàn chiên của ta phải tan tác. ; các ngươi đã xua đuổi và chẳng quan tâm gì tới chúng”. (BĐ 1)

Và một khi các môn sinh của Đức Kitô đã trở về tĩnh tâm, thì điều quan trọng nhất lại là : “xúm xít quanh Đức Kitô, kể lại mọi điều đã làm và đã dạy”

Vâng, Đức Kitô phải ở trung tâm của đời sống chúng ta. Chỉ có Ngài mới giúp chúng ta tìm lại được chính mình, thanh lọc cỏi lòng mình, điều chỉnh con tim mình và định hướng cho hành trình tiếp theo của mình, như chính ĐTC Phanxicô đã xác nhận trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng :

“Bây giờ là lúc để nói với Chúa Giêsu: “Chúa ơi, con đã để mình bị lừa; con đã trốn tránh tình yêu của Chúa bằng muôn ngàn cách, nhưng một lần nữa con lại đến đây, để canh tân giao ước của con với Chúa. Con cần Chúa. Xin cứu con một lần nữa, Lạy Chúa, xin đưa con vào lại vòng tay cứu độ của Chúa một lần nữa”. Vui biết chừng nào khi trở lại với Người sau mỗi lần chúng ta lạc lối! Xin cho tôi lặp lại điều này một lần nữa: Chúa không bao giờ thấy mệt khi tha thứ cho chúng ta; chỉ có chúng ta thấy mệt khi đi tìm lòng thương xót của Ngài.” (Số 3)

Với mọi người tín hữu chúng ta hôm nay, “xúm xít quanh Đức Kitô” có thể được thể hiện bằng nhiều cách :

- Quanh Đức Kitô nơi bàn Tiệc Thánh Thể, Nhà Tạm, các cử hành Phụng vụ Thánh…

- Quanh Đức Kitô nơi Tòa Giải Tội trong tâm tình sám hối.

- Quanh Đức Kitô nơi kinh nguyện cộng đoàn, gia đình.

- Quanh Đức Kitô với Lời Chúa, với Đức Mẹ, kinh Mân Côi…

- Quanh Đức Kitô trong cầu nguyện, đối thoại, thưa, xin, trình bày…

Một khi đã được “tái tạo thành một con người mới” sau cuộc tĩnh tâm với Chúa Giêsu, chắc chắn, các môn sinh của Ngài sẽ nhận ra một điều quan trọng nhất nơi dung mạo của Đức Kitô, nhân cách của Đức Kitô và chương trình hành động của Ngài mà Tin Mừng hôm nay đã tóm gọn bằng một cụm từ chân xác : CHẠNH LÒNG THƯƠNG.

Quả thật, không ai đã từng gặp gỡ đích thực với Chúa Kitô mà lại không khám phá được một Thiên Chúa Tình Yêu. ĐTC Phanxicô, trong Tông Sắc công bố Năm Thánh về lòng thương xót : DUNG NHAN LÒNG THƯƠNG XÓT, đã khẳng định chân lý nền tảng nầy như sau :

“Nếu chúng ta ngước mắt nhìn lên Chúa Giê-su và ngước mắt nhìn lên dung nhan nhân hậu của Ngài, chúng ta sẽ thấy được Tình Yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi chí thánh. Sứ mạng mà Chúa Giê-su đã nhận lãnh từ Chúa Cha, chính là điều mạc khải về mầu nhiệm Tình Yêu của Thiên Chúa trong sự viên mãn của Ngài. “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4,8.16), Thánh sử Gio-an đã xác nhận như thế lần đầu tiên và là một lần duy nhất trong toàn bộ Kinh Thánh.” (Số 8)

Và Đức Kitô mời gọi chúng ta lên đường, tiếp tục thể hiện thái độ “Chạnh lòng thương” đó đối với con người, với thế giới hôm nay, một thế giới, không chỉ có một đoàn chiên không người chăn mà có hàng tỷ thân phận con người bì vùi dập trong những nổi bi đát, thương đau, khổ lụy, như ĐTC Phanxicô đã liệt kê trong cả số 15 của Tông sắc “Dung nhan lòng thương xót”, để rồi ngài kết luận :

“Chúa Ki-tô đang hiện diện trong bất cứ một con người nào trong số “những người nhỏ bé nhất” ấy. Thân xác của Ngài đang tái trở nên rõ ràng trong bất cứ thân xác nào đang bị hành hạ, đang bị gây tổn thương, đang bị đánh đập, đang bị thiếu dinh dưỡng và đang bị ép buộc phải trốn chạy…, để chúng ta nhận ra Ngài, đụng chạm được tới Ngài và giúp đỡ Ngài một cách chu đáo. Chúng ta đừng quên những lời của Thánh Gio-an Thánh Giá: “Vào lúc cuối đời, chúng ta sẽ bị kết án theo Đức Ái.” (Số 15)

Tóm lại, sứ điệp Lời Chúa hôm nay, khi mang chúng ta trở về gặp gỡ Đức Kitô, Vị Mục tử chạnh lòng thương, lại đưa chúng ta lên đường để yêu thương phục vụ mọi người, nhất là những người đang mang những vết “trầy xướt”[2] bi ai đang bị lãng quên trên những “vùng rìa”[3] của thế giới.

[1] Bài viêt “CON NGƯỜI VÀ SỰ VÔ CẢM” trên blog VĂN CÔNG HÙNG.

[2] Tông sắc “Dung nhan lòng thương xót”, số 15 : “Có biết bao nhiêu là những vết thương đang bị làm trầy xước.”

[3] Tông sắc “Dung nhan lòng thương xót”, số 15 : “tất cả những ai đang sống tại những vùng rìa khác nhau…”
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Cuộc Hội thảo quốc tế tại Vatican về khai thác quặng mỏ
Lm. Trần Đức Anh OP
09:06 18/07/2015
VATICAN. Tham dự cuộc Hội thảo quốc tế tại Vatican từ 17 đến 19-7-2015 có khoảng 30 đại diện các cộng đoàn bị thương tổn vì quặng mỏ, từ Mỹ châu đến Á châu, qua Phi châu. Ngoài ra cũng có đại diện của một số HĐGM, các dòng tu và CIDSE là liên hiệp quốc tế các tổ chức phát triển và liên đới.

ĐHY Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, vị chủ tọa cuộc Hội thảo, cho biết sinh hoạt này nhắm phối hợp các sáng kiến khác nhau trên bình diện địa phương để tiến tới một sáng kiến mới trên bình diện quốc tế, nhân danh Tòa Thánh, để có thể đối thoại với các giới lãnh đạo các công ty khai thác quặng mỏ.

Trong cuộc họp báo giới thiệu cuộc hội thảo này với giới báo chí ban sáng cùng ngày 17-7, một số nạn nhân của các hoạt động khai thác quặng mỏ ở Ấn độ, Brazil, Chile và Cộng hòa dân chủ Congo, đã trình bày chứng từ. Chẳng hạn bà Patricia Generoso Thomas, người Brazil, đã giải thích về sự kiện một xí nghiệp quặng mỏ đã làm ô nhiễm nước uống tại thành phố nơi bà sinh sống ở bang Minas Gerais.

Một chứng từ khác của ông Héritier Wembo Nyamo, người Congo, thuật lại sự kiện ông bị quăng vào lửa, bị tra tấn và dọa giết vì đã biểu tình và đòi một môi trường để làm việc sau khi một công ty liên quốc đến khai thác quặng mỏ kim loại đã trục xuất nhiều dân cư trong vùng. Hiện nay ông Nyamo không thể hành nghề tìm vàng nữa. Ông nói ”Tôi có vợ con và một em gái phải nuôi”.

Về phần ĐHY Turkson, ngài tố giác những áp lực, và dọa nạt mà một số tham dự viên đã phải chịu, sau khi xin hộ chiếu. Nhiều người khác bị bạo hành, bị giết hoặc bị trả thù. Tin về những sự kiện đó đã được gởi tới Hội đồng Tòa Thánh. Vì thế, - ĐHY nói - cần phải đón nhận tiếng kêu của những người bị xách nhiễu như thế do những kẻ làm việc mà không theo đuổi một mục tiêu thực sự là nhân bản. Trách nhiệm về những vụ ấy chính là những người đầu tư, các chủ xí nghiệp, ngân hàng chính trị gia và chính quyền của những nước có các quặng mỏ hoặc những nước có trụ sở trung ương của các công ty liên quốc về quặng mỏ. (Apic 17-7-2015)
 
Đức Thánh Cha kêu gọi thay đổi công nghệ khai thác quặng mỏ
Lm. Trần Đức Anh OP
09:06 18/07/2015
VATICAN. ĐTC kêu gọi các giới hữu trách công nghệ khai thác mỏ hãy cải tổ toàn diện, nhất là tại các nước nghèo nhất, để tôn trọng quyền lợi của các cộng đoàn địa phương và bảo vệ môi trường.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong sứ điệp chào mừng các tham dự viên cuộc hội thảo quốc tế đang tại Vatican từ ngày 17 đến 19-7-2015 về chủ đề ”Giáo Hội và các quặng mỏ”: hiệp với Thiên Chúa chúng ta lắng nghe một tiếng kêu.

Sứ điệp của ĐTC được ĐHY Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, là cơ quan tổ chức cuộc hội thảo, tuyên đọc trong buổi khai mạc sáng ngày 17-7 vừa qua. ĐTC viết:

”Anh chị em đã muốn họp nhau ở Roma trong ngày suy tư này liên quan đến một đoạn trong Tông Huấn ”Niềm vui Phúc Âm” (nn.187-190) để làm vang vọng tiếng kêu của nhiều cá nhân, gia đình và cộng đoàn, đang chịu đau khổ trực tiếp hoặc gián tiếp, vì những hậu quả tiêu cực của các hoạt động khai thác quặng mỏ. Một tiếng kêu cho những vùng đất bị mất; một tiếng kêu vì sự khai thác tài nguyên phong phú từ lòng đất, nhưng không mang lại sự sung túc cho dân chúng địa phương, khiến họ tiếp tục ở trong tình trạng nghèo khổ; một tiếng kêu đau thương phản ứng lại bạo lực, những đe dọa và tham nhũng; một tiếng kêu phẫn nộ và kêu cứu vì những vi phạm các quyền con người, bị chà đạp trắng trợn hoặc kín đáo, liên quan đến sức khỏe của dân chúng, các điều kiện làm việc, và nhiều khi làm nô lệ và nạn buôn người, nuôi dưỡng hiện tượng mại dâm thê thảm; một tiếng kêu đau buồn và bất lực vì sự ô nhiễm nước, không khí và đất; một tiếng kêu không được cảm thông vì không có những tiến trình bao gồm và nâng đỡ từ phía các chính quyền dân sự, địa phương và quốc gia, là những người có nghĩa vụ cơ bản phải thăng tiến công ích”.

ĐTC cũng khẳng định rằng ”Toàn bộ lãnh vực khai thác mỏ chắc chắn được kêu gọi thực hiện một sự thay đổi toàn bộ mô hình của mình để cải tiến tình trạng tại nhiều nước. Có thể cộng tác vào công trình này có các chính quyền của những nước nguyên quán của các công ty liên quốc và những nước nơi các công ty ấy hoạt động, các giới chủ xí nghiệp và những nhà đầu tư, các chính quyền địa phương canh chừng hoạt động khai thác mỏ quặng, các công nhân và các đại diện của họ, các chuỗi cung ứng quốc tế với những người trung gian khác nhau, những người tiêu thụ hàng hóa đối tượng của các hoạt động khai thác khoáng sản. Tất cả những người ấy được kêu gọi hãy có một thái độ được linh hoạt nhờ sự kiện chúng ta họp thành một gia đình nhân loại duy nhất, ”tất cả có liên hệ với nhau, và sự chăm sóc đích thực cho chính cuộc sống chúng ta cũng như các quan hệ của chúng ta với thiên nhiên là điều không thể tách rời khỏi tình huynh đệ, công lý và lòng trung thành đối với người khác” (ibid. 70) (SD 17-7-2015)
 
Nhận định của tổng thống Paraguay về chuyến tông du Nam Mỹ của Đức Thánh Cha
Đặng Tự Do
17:28 18/07/2015


Tổng thống Paraguay Horacio Cartes cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng, chuyến thăm gần đây của Đức Thánh Cha Phanxicô tại đất nước của ông “gây xúc động không chỉ linh hồn của dân tộc mà còn là của thế giới.”

Tổng thống Cartes cám ơn Đức Thánh Cha vì “sự đơn giản và lòng nhiệt thành, và những nỗ lực rất lớn để gặp gỡ mọi người, luôn luôn có một nụ cười, và giữ một lịch trình dày đặc các cuộc gặp gỡ như vậy.”

“Và đặc biệt là một lời cảm ơn về kho báu là những khuyên bảo của ngài, chiếu tỏa một ánh sáng trên tình hình của chúng tôi và ban cho chúng tôi một hướng dẫn để đối mặt với những thách đố trong tương lai. Hướng dẫn của Ngài là ngọn đèn và cũng đưa ra cho chúng ta một nhiệm vụ lớn là làm việc cùng nhau, với sự hy sinh và lòng kiên trì, để chúng ta có thể có một quốc gia công bằng hơn cho tất cả”
 
Nhận định của một Hồng Y về chuyến tông du Nam Mỹ của Đức Thánh Cha
Đặng Tự Do
19:01 18/07/2015
Trong một bài xã luận đăng trên trang nhất của tờ Quan Sát Viên Rôma số ra ngày 16 tháng Bẩy, Đức Hồng Y Gualtiero Bassetti của tổng giáo phận Perugia đó nói rằng chuyến đi của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Mỹ Châu Latin đánh dấu "một mùa xuân mới, một mùa xuân đích thực" cho Giáo Hội.

Mùa xuân này, theo Đức Hồng Y Bassetti, đang diễn ra tại các quốc gia ở "ngoại biên".

Trong mùa xuân này, người ta có thể "tích hợp việc bảo vệ phẩm giá con người, bảo vệ sự sáng tạo, và củng cố gia đình, trong khi tố cáo những bất công kinh tế, vì những khía cạnh này đều hiệp nhất với mầu nhiệm Nhập Thể . "

Các chủ đề lớn mà các vị Giáo Hoàng đưa ra khi khai mạc và bế mạc Công Đồng Chung Vatican như sự cần thiết phải áp dụng "phương dược lòng thương xót" hơn là chú ý đến "tiên tri về thời thế mạt," và linh đạo Samaritanô nhân lành vẫn là những vấn đề thời sự liên quan ngày hôm nay, Đức Hồng Y Bassetti nói.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lễ mừng Ngân Khánh Linh Mục tại Melbourne, Úc châu
Trần Văn Minh
09:19 18/07/2015
Melbourne, vào lúc 11 giờ sáng thứ Bảy ngày 18 – 07 – năm 2015, tại Nguyện đường Giáo xứ Holy Child vùng Meadow Heights, một Thánh lễ tạ ơn mừng hồng ân 25 năm linh mục của Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Huấn đã được cử hành đồng tế cùng gia đình và bạn bè thân quen của Linh mục Phêrô.

Mời coi hình

Trong một ngày thời tiết tốt đẹp hiếm hoi trong mùa Đông, bạn bè thân hữu xa gần đã về hiệp dâng thánh lễ thật đông đảo. Trong ngôi nguyện đường ấm cúng và quen thuộc. Trước khi cử hành Thánh lễ, với giọng nói chân thành và thân mật. Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Huấn đã ngỏ lời nhớ đến các bậc cha mẹ, bà con thân thuộc, những người của 25 năm trước đã tham dự Thánh lễ truyền chức, nhiều người còn hiện diện, và cũng nhiều vị nay đã qua đời, để xin mọi người hiệp dâng lời cầu nguyện cho nhau.

Cha cũng thành thật nói là không muốn tổ chức lễ kỷ niệm 25 năm Linh mục của mình, vì các ơn gọi khác trong cuộc sống của mỗi người chúng ta, còn nặng nề và cao trọng không kém gì ơn gọi linh mục. Nhưng để đáp lại lời mời gọi của các anh chị em và các cháu trong gia đình, nên Linh mục đã bay từ Darwin về để cùng gia đình và thân hữu dâng Thánh lễ tạ ơn.

Thánh lễ đồng tế đã được cha chánh và phó Giáo xứ Holy Child, Giuse Nguyễn Văn Xưa, Linh mục Vincent Lê Văn Hưởng, Giuse Mai Văn Thịnh, Philip Lê Văn Sơn cùng đồng tế cùng với ca đoàn Việt Nam của giáo xứ góp lời ca tiếng hát trong Thánh lễ tạ ơn đặc biệt này.

Trước khi kết thúc Thánh lễ tạ ơn. Một lần nữa, Linh mục Nguyễn Văn Huấn đã dùng một câu tục ngữ Việt Nam: “Ăn qủa, nhớ kẻ trồng cây.” Để có dịp kể lại những ân nhân, từ trong gia đình, dòng tộc, anh em và con cháu, những người thân quen, các vị linh mục đã bằng cách này, cách khác giúp đỡ cho đời ơn gọi của linh mục lớn lên trong đời sống tận hiến được trọn vẹn trở thành Linh mục.

Được biết Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Huấn là linh mục Dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu. Trong 25 năm đời linh mục thì đã hơn 20 năm làm công việc mục vụ truyền giáo và đặc biệt là truyền giáo cho người dân bản địa mà chúng ta hay gọi là “Thổ Dân” và cũng trong suốt thời gian đi truyền giáo, Linh mục đã sống nhiều ở vùng ‘địa đầu’ nước Úc nơi Vùng Darwin, khi thì trên đất liền, khi thì qua các vùng đảo mà nổi tiếng là vùng Tiwi Islands cách bờ hơn 80 km. Giáo xứ mà Linh mục coi sóc rất ít người. Qua tâm sự, Linh mục cho biết các Thánh lễ rất ít giáo dân đến, nên khi có khách, nhất là khách Việt Nam từ các nơi đến thăm, linh mục rất vui mừng. Đây cũng là nơi lý tưởng cho những ai muốn tránh mùa Đông vùng phía Nam về hưởng những ngày nắng ấm và hưởng những thú vui săn bắn và đi câu.

Sau Thánh lễ, một bữa tiệc mừng nhẹ được gia đình tổ chức để mọi người dùng bữa và có dịp hàn huyên tâm sự, cùng chúc mừng 25 năm Linh mục hồng ân của Linh mục Nguyễn Văn Huấn trong không khí ấm áp tình thân.
 
Sa mạc huấn luyện huynh trưởng cấp I: “Lên Đường I” tại giáo xứ Thuận Nghĩa
Hằng Nga
22:48 18/07/2015
“Sa mạc không biến các bạn thành những huynh trưởng ‘siêu sao’ chỉ trong vài ngày, nhưng sa mạc giúp chúng ta lắng đọng tâm hồn, nhìn lại mình để biết con đường mình đi”. Đây chính là tâm tình chủ đạo mà mỗi Sa mạc sinh đều có thể cảm nghiệm được khi tham dự khóa huấn luyện Huynh Trưởng Cấp I với chủ đề “Lên Đường I” tại Giáo xứ Thuận Nghĩa trong ba ngày từ 15-17/7/2015.

Hình ảnh

Ngày khai mạc

Cái nắng khắc nghiệt của ngày khai mạc (15/7) đã không thể ngăn nổi sức sống căng tràn của các Sa mạc sinh, những người trẻ của Liên đoàn TNTT. Họ chuẩn bị lên đường bước vào sa mạc để dấn thân cho Đức Kitô, dấn thân cho lý tưởng đem Chúa Giêsu Thánh Thể đến với các em thiếu nhi, lên đường để cùng vào đời với Thầy Giêsu nhân lành.

Vào lúc 7h00, các Sa mạc sinh đã ngiêm túc thực hiện cuộc sát hạch “Tiền Sa mạc” – điều kiện để gia nhập Sa mạc, dưới sự giám sát của Trưởng Trường (Tr. Tôma-Aquinô Bùi xuân Trường - Trưởng Liên đoàn TNTT Giáo Phận Bắc Ninh). Sau đó, các đội đã dựng trại. Dựng trại là một trong những phương tiện giáo dục hữu ích, giúp các Sa mạc sinh hòa nhập với thiên nhiên, thể hiện sự tháo vát nhanh nhẹn và đặc biệt là tinh thần đồng đội.

Đúng 9h30, lễ khai mạc Sa mạc huấn luyện Huynh Trưởng Cấp I – Lên Đường I diễn ra ngắn gọn nhưng trang trọng, với sự hiện diện của Sa mạc Trưởng: Cha Giuse Nguyễn Hữu Phước, Sa mạc Phó: Cha Hoàng Xô Băng (Dòng Chúa Cứu Thế), Tuyên Úy xứ đoàn: Cha Antôn Nguyễn Văn Đính, Trưởng Trường - Trưởng Liên đoàn TNTT Giáo Phận Bắc Ninh, HĐMV Giáo xứ cùng hơn 200 bạn Sa mạc sinh trong và ngoài Giáo xứ Thuận Nghĩa.

Sau các câu chuyện về chính cuộc đời của Cha Sa mạc trưởng với lời mời gọi các Sa mạc sinh phải rèn luyện không ngừng; ý lực sống về luật giữ thinh lặng để dễ dàng kết hiệp với Chúa Giêsu Thánh Thể của Cha Sa mạc phó, Cha Tuyên Úy Antôn đã chính thức tuyên bố khai mạc khóa Huấn luyện huynh Trưởng Cấp I.

Một trong những điểm nhấn của khóa huấn luyện là các bài khóa của Ban giảng huấn. Trong ngày khai mạc, 3 bài khóa đã được thuyết trình. Đó là bài khóa về nguồn gốc, bản chất, mục đích của phong trào TNTT; bài “Ơn gọi và sứ mạng của người huynh trưởng” và bài “Nghiêm tập”. Qua các bài khóa này, các Sa mạc sinh thấy được diện mạo của tổ chức mình đang tham gia, nhận thức rõ trách nhiệm cao cả mà người huynh trưởng được lãnh nhận từ Chúa Giêsu là vị Huynh Trưởng Tối Cao, hiểu và rèn luyện tinh thần kỷ luật trong hoạt động của Liên đoàn TNTT...

Ngày Thánh Thể

Sau những màn khởi động đầy sôi nổi và hào hứng, trong ngày Thánh Thể - ngày thứ hai của Sa mạc huấn luyện (ngày 16/7), các Sa mạc sinh được các Huấn luyện viên chia sẻ các bài khóa như: Đức tính của người huynh trưởng, cách nút dây, phương pháp tự nhiên, mật thư,...

Làm nên sức sống của các Sa mạc sinh là Lời Chúa. Vì thế, trước mỗi bữa ăn, các Sa mạc sinh đã cùng nhau đọc và cảm nhận Lời Chúa đánh động bản thân, qua phương pháp: Xem – Xét – Làm. Tất cả được chia sẻ với nhau bên những bữa ăn thân mật.

Điểm nhấn đặc biệt của Ngày Thánh Thể không gì khác hơn là chính Bí tích cao trọng này. Ngoài những giờ chầu Thánh Thể sốt sắng với những ước nguyện chân thành của các đội TNTT, các Sa mạc sinh còn tham gia Lửa thiêng Thánh Thể. Ngọn lửa Thánh Thể luôn cháy rực trong con tim của những người huynh trưởng, giữa những mịt mù tăm tối của cuộc sống xô bồ, giữa những khó khăn trong hành trình kết nối với thiếu nhi thời đại mới. Vì thế, trong đêm Lửa thiêng, các đội đã thực hiện các tiết mục dựa trên nền tảng Thánh Kinh để thể hiện khuôn mặt vĩ đại của tình yêu tự hiến. Đó là lòng nhân ái nơi người cha dành cho đứa con hoang đàng; là sự tha thứ cho hành động Cain giết Aben; là lời kêu mời mọi người hãy trở nên ánh sáng, muối mặn cho đời...Đặc biệt, trong đêm lửa thiêng này, các sa mạc sinh được đón tiếp linh mục, ca sỹ Xuân Đường với bài hát “đừng sợ”. Việc mang lửa về tim khi kết thúc Lửa thiêng cũng là cách các Sa mạc sinh đón Chúa Giêsu Thánh Thể vào đền thờ tâm hồn mỗi người.

Ngày kết thúc

Bước sang ngày 17/7, mọi thứ vẫn đầy sôi nổi và nhiệt huyết, nhưng mang chút luyến tiếc và ngậm ngùi vì đây đã là ngày cuối cùng của khóa huấn luyện. Trong ngày này, các Sa mạc sinh tiếp tục được đón nhận những bài khóa về kỹ năng hoạt động của phong trào TNTT như: phương pháp siêu nhiên, các trò ảo thuật phục vụ sinh hoạt, cách tập bài hát giáo lý, nghệ thuật khen và phạt....

Để tạo sự gắn kết, Ban Điều Hành Sa mạc đã đến và hỏi thăm sức khỏe, tình hình học tập, vui chơi, sinh hoạt của từng đội.

Đặc biệt, buổi lượng giá toàn Sa mạc để cùng nhìn lại những ưu, khuyết điểm trong suốt ba ngày trại vừa qua đã diễn ra nghiêm túc. Sau đó, nghi thức hạ cờ và trao phần thưởng cho các đội được tiếp nối. Đại diện các Sa mạc sinh đã bày tỏ tấm lòng tri ân sâu sắc tới Cha Quản xứ - tuyên uý Sa mạc, Ban Giảng huấn, những người có công góp sức cho khóa học được diễn ra tốt đẹp. Cha Tuyên Úy Antôn cũng đã nói lên niềm cảm mến tới Ban Huấn luyện, bộc bạch nỗi lòng trông mong Ngài gửi trọn nơi các Sa mạc sinh.

Ba ngày vào sa mạc qua đi, các Sa mạc sinh quay lại với cuộc sống thường nhật. Nhưng với những gì đã được đón nhận, lắng đọng và suy tư trong thời gian biệt đặc này, các sa mạc sinh sẽ kéo dài dư âm của bài ca dấn thân trong hành trình đem Chúa Giêsu Thánh Thể đến với thiếu nhi, trong ý lực sống là làm Tông đồ cho Chúa và Giáo Hội.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hôn nhân trong trật tự thiên nhiên
Lm Đaminh Nguyễn Ngọc Long
09:23 18/07/2015
Hôn nhân trong trật tự thiên nhiên

Từ những năm tháng qua chúng ta đã nghe nói cùng đọc những thông tin về tình trạng nếp sống hôn nhân trong giai đoạn gặp nhiều thử thách khó khăn khủng hoảng.

Gần đây nhất đời sống hôn nhân truyền thống giữa một người nam và một người nữ đang trong „cơn lốc như cây bị bật rễ tận gốc“. Vì nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang có chiều hướng thay đổi luật pháp công nhận hôn nhân mở rộng cho mọi người, mọi giới tính.

Đây là một vấn đề tế nhị nhạy cảm trong đời sống xã hội ngày hôm nay.

1. Về mặt luật pháp xã hội, đó là tôn trọng đời sống tự do, nhân quyền của con người theo mức đà thay đổi tiến triển. Theo giai điệu âm thanh, có thể nói được đó là một nếp sống „ tân tiến, khai sáng mở rộng“ trong dòng thời gian.

Nhưng về mặt luân lý đạo đức lại ngược lại với luật thiên nhiên của Thiên Chúa đã khắc ghi nơi đời sống con người, cùng rất khác biệt ngược lại với giáo lý truyền thống của Hội Thánh Công Giáo về hôn phối: một vợ một chồng giữa một người đàn ông và một người phụ nữ.

Theo luật thiên nhiên và luật Giáo Hội, khi hai người nam nữ yêu nhau cùng đi đến sống chung thành lập một gia đình xã hội, đời sống chung này của họ là đời sống hôn nhân, là Bí tích hôn nhân.

Nhưng đời sống chung hợp giữa hai người cùng giới tính: nam với nam, nữ với nữ, không được Giáo Hội công nhận là hôn nhân.

2. Tại sao giáo lý của Giáo Hội Chúa Giêsu lại như thế?

Giáo Hội Công Giáo của Chúa Giêsu được thành lập không do con người. Nhưng do chính Chúa thành lập nên cho con người.

Gíao hội được Chúa trao cho nhiệm vụ loan truyền cùng gìn giữ bảo vệ những gì Chúa truyền lại được viết khắc ghi trong thiên nhiên cùng trong Kinh Thánh. Vì thế Giáo Hội không được, cùng không thể làm điều gì ngược với Giáo lý của Chúa.

2.1. Trong sách Sáng Thế 1, 27- 28: „Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình,

Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa,

Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ. Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: "Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất."

Thiên Chúa tạo dựng nên con người theo hai giới tính khác biệt: Nam và Nữ, đàn ông và đàn bà.

Nơi người nam cũng như nơi người nữ, Thiên Chúa không chỉ tạo dựng nên họ theo sinh vật học có thân xác cùng cảm giác tính tình khác biệt nhau. Nhưng Ngài còn khắc ghi trong thân thể máu mủ họ mầm sự sống, khả năng truyền sinh nữa.

Chỉ duy yếu tố người nam không đủ để có khả năng truyền sinh. Cũng vậy, chỉ duy yếu tố người nữ cũng không đủ để truyền sinh. Nhưng phải có cả hai yếu tố mầm sự sống của người nam và nữ chung hợp lại mới có khả năng truyền sinh ra sự sống mới.

Khi hai người nam nữ yêu nhau qua đời sống tình dục, mầm sự sống nơi hai người chung hợp lại và phát sinh ra sự sống mới. Đó là người con của họ.

2.2. Như thế thắc mắc đặt ra, phải chăng cha mẹ là người chế biến tạo ra người con của họ?

Theo khía cạnh hóa học, sự chung hợp của hai hỗn hợp của hai chất liệu dung dịch thì như thế. Nhưng sự sống, hình hài thân xác, tính tình , thần kinh cảm giác của con người thì không đơn giản như thế. Vì nếu người con là sản phẩm chế biến của cha mẹ, thì cha mẹ có thể nhào nặn con mình theo như ý mình muốn làm ra. Nhưng xưa nay có cha mẹ nào đã nhào nặn chế biến con mình theo như mình mong muốn, hay như nhà nghệ sỹ vẽ bức tranh, đục hình khắc hài nên theo ý mình, từ hình thể thân xác, mầu da, mầu tóc tới tính tình, con đường đời sống được đâu.

Và nào có cha mẹ nào vẽ hay ấn định con đường đời sống qúa khứ, hiện tại cũng như tương lai cho con mình được đâu.

Và trong dân gian cổ kim xưa nay, con người đều tin tưởng cùng có kinh nghiệm: cha mẹ sinh con, nhưng Trời sinh tính.

Cùng xưa nay, con người hằng với lòng tin tưởng cầu xin khấn nguyện cho có con, cho con đường đời sống người con của mình được bằng an thành công…

Tâm tình tin tưởng cậy trông phó thác vào Trời cao, vào Thiên Chúa, vào Thần Thánh đó nói lên sự bất lực, sự giới hạn, sự bó tay của con người trước con đường sự sống con người.

Sự sống, thân xác con người là qùa tặng Trời cao ban cho cha mẹ, ban cho con người. Cha mẹ không là người chế biến, tạo dựng. Nhưng là người đón nhận sự sống hình hài của con mình, như ân đức hoa qủa phúc lộc Trời cao, Thiên Chúa ban tặng cho.

Đó là luật lệ trong thiên nhiên, mà Thiên Chúa đã khắc ghi từ khi tạo dựng vũ trụ, tạo dựng nên con người.

2.3. Cũng trong sách Sáng Thế 2,18 viết: „ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa phán: "Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó.“

Thiên Chúa không muốn người đàn ông sống lẻ loi một mình. Thiên Chúa không muốn hai người đàn ông sống chung với nhau. Nhưng người đàn ông cần có một người trợ giúp nữ sống chung bên cạnh.

Và Thiên Chúa cũng không muốn hai người phụ nữ sống chung với nhau. Nhưng cần có người đàn ông như người bạn đường trợ tá sống bên cạnh.

Người trợ giúp nữ là chiều đối cực,âm tính, với người đàn ông, dương tính, và ngược lại.

Người trợ giúp nữ bổ túc, bù đắp làm cho hoàn hảo những gì còn thiếu sót yếu kém nơi người đàn ông, và ngược lại: “ Ta sẽ làm cho nó một trợ tá xứng hợp.“

Chính vì thế, Thiên Chúa tạo dựng nên người nam và nữ khác biệt nhau về hình hài thân thể, chức năng cơ thể cùng tính tình, để hai người bổ túc, bù đắp giới hạn, sự thiếu sót của nhau.

Một trong sự giới hạn, sự thiếu sót là sự truyền sinh sự sống. Vì chỉ có hai mầm sự sống nơi người đàn ông, dương, và nơi người nữ, âm, chung hợp lại mới truyền sinh nảy ra sự sống mới là người con.

Đó là luật lệ trong thiên nhiên, mà Thiên Chúa đã khắc ghi từ khi Ngài tạo dựng vũ trụ, tạo dựng nên con người.

3. Nếp sống và cả hình thể địa lý trái đất trong dòng thời gian, thời đại có nhiều biến chuyển thay đổi.

Suy nghĩ tư tưởng con người trong dòng thời gian cũng có biến chuyển thay đổi về văn hóa, về phong tục, về nghệ thuật, về chính trị…

Nhưng Thiên Chúa thì không thay đổi.

Thiên Chúa đã tạo dựng con người có hai giới tính khác nhau về cấu trúc thân thể cùng chức năng của hai người nam nữ.

Ngài ký thác nơi con người hai phái tính có tình yêu với nhau qua nếp sống tình dục nam nữ. Đời sống tình yêu, tình dục chung hợp đó giữa người đàn ông và người phụ nữ là hôn nhân.

Qua đó họ có cùng mang niềm vui hạnh phúc lại cho nhau. Và từ đó mầm sự sống đã được khắc ghi trong thân thể dòng máu thần kinh của hai người nam nữ nảy sinh ra sự sống mới là những người con.

Đó là chức năng, khả năng truyền sinh sự sống.

*******************************

Thiên Chúa tạo dựng nên con người không là tảng đá khúc gỗ. Nhưng ban cho con người thần kinh, cảm giác, đời sống tình dục. Như thế tình dục là điều tốt đẹp, là điều cao qúy.

Thiên Chúa muốn con người có đời sống tình dục. Nhưng chỉ với người phối ngẫu bạn đường đời giữa người nam và người nữ với nhau thôi trong khung cảnh đời sống hôn nhân.

Đời sống tình dục đi sai, đi ra ngoài khuôn khổ Thiên Chúa tạo dựng truyền sinh phú bẩm ban cho là điều Thiên Chúa không muốn.

Thiên Chúa chỉ bằng lòng okay khi đời sống xứng hợp với thiên nhiên, như Ngài đã tạo dựng ấn định cho.

Sau khi tạo dựng vũ trụ cùng con người như Ngài mong muốn: „Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp!“ (Sáng Thế 1, 31)

Mùa kiết hạ 2015

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Tài Liệu Làm Việc Của Thượng Hội Đồng về Gia Đình năm 2015 (phần II, chương III)
Vũ Van An
22:17 18/07/2015
Chương III

Gia đình và đường dẫn tới tính viên mãn của nó

Mầu nhiệm của hôn phối trong tương quan với Đấng Tạo Hóa

56. (22) Trong cùng cách nhìn như trên, phù hợp với giáo huấn của Thánh Tông Đồ, đấng từng nói rằng toàn bộ sáng thế đã được lên kế hoạch trong Chúa Kitô và vì Chúa Kitô (xem Cl 1:16), Công Đồng Vatican II muốn nói lên sự đánh giá cao của mình đối với hôn nhân tự nhiên và các yếu tố giá trị hiện diện trong các tôn giáo (xem Nostra Aetate, 2) và văn hóa khác, bất chấp các giới hạn và bất cập của họ (xem Redemptoris Missio, 55). Sự hiện diện của hạt giống Lời Chúa trong các nền văn hóa này (xem Ad Gentes, 11), về một số phương diện, cũng có thể được áp dụng vào hôn nhân và gia đình nơi rất nhiều xã hội và cá nhân không theo Kitô Giáo. Bởi thế, các yếu tố có giá trị quả có hiện hữu dưới một số hình thức nào đó bên ngoài hôn nhân Kitô Giáo, tuy nhiên, phải đặt căn bản trên mối tương quan bền vững và chân thực giữa một người đàn ông và một người đàn bà, mà dù sao, chúng ta vẫn coi là quy hướng về hôn nhân Kitô Giáo. Với việc lưu ý tới sự khôn ngoan bình dân nơi các dân tộc và nền văn hóa khác nhau, Giáo Hội cũng nhìn nhận loại gia đình này, coi nó như đơn vị căn bản, cần thiết và sinh hoa trái đối với đời sống chung của nhân loại.

57. Giáo Hội biết rõ trình độ cao qúi của mầu nhiệm hôn nhân giữa một người đàn ông và một người đàn bà, một mầu nhiệm được nhìn trong bối cảnh mối tương quan giữa con người được Thiên Chúa và là Thiên Chúa Tạo Hóa dựng nên. Bởi thế, Giáo Hội muốn làm nổi bật ơn thánh nguyên thủy này, một ơn thánh vốn phát sinh từ mối tương quan của kẻ được tạo dựng và Đấng Tạo Hóa và là một phần của trải nghiệm hôn nhân giao ước, mà Thiên Chúa đã cố ý thiết kế để đáp ứng ơn gọi nguyên thủy của hôn nhân và để làm ơn gọi này hoạt động có hiệu quả. Tính nghiêm chỉnh của việc tuân thủ kế hoạch của Thiên Chúa này và lòng can đảm đòi phải có để làm chứng cho nó phải được thời nay trân trọng, khi quan niệm này, một quan niệm liên quan tới mọi mối liên hệ trong gia đình, bị đặt nghi vấn, nếu không muốn nói là chống đối hay bác bỏ thẳng thừng.

Bởi vậy, ngay trong các trường hợp trong đó quyết định tiến tới bí tích hôn phối của những người sống chung với nhau hay kết hôn dân sự chỉ mới ở tình trạng ảo hay ở giai đoạn phôi thai hay chưa được xác định rõ rệt, Giáo Hội vẫn được yêu cầu đừng tránh né nhiệm vụ khuyến khích và nâng đỡ diễn trình phát triển này. Đồng thời, ta có thể làm một điều tốt bằng cách thân thiện cho thấy ta đánh giá cao việc dấn thân họ đã làm và nhìn nhận việc tuân thủ các yếu tố thích đáng trong kế hoạch của Thiên Chúa, một kế hoạch vốn phát xuất từ mối tương quan của kẻ được Thiên Chúa tạo dựng và Thiên Chúa Tạo Hóa.

Một số người nhấn mạnh sự quan trọng cần khai triển việc chăm sóc mục vụ thỏa đáng cho các gia đình kết hôn khác đạo, mà con số hiện đang gia tăng, không phải chỉ tại các lãnh thổ truyền giáo, mà ở cả các nước có truyền thống Kitô Giáo lâu đời nữa.

Sự Thật và Vẻ Đẹp của Gia Đình và Lòng Thương Xót đối với Các Gia Đình Tan Vỡ và Mỏng Dòn

58. (23) Với niềm vui nội tâm và an ủi sâu xa, Giáo Hội mong đợi các gia đình tiếp tục trung thành với các giáo huấn của Tin Mừng, bằng cách khuyến khích họ và cám ơn họ về các chứng từ họ cung hiến. Thực vậy, họ làm chứng, một cách đầy khả tín, cho vẻ đẹp của cuộc hôn nhân bất khả tiêu và trung trinh mãi mãi, trong khi luôn trung thành với nhau. Bên trong gia đình, vốn “có thể gọi là Giáo Hội tại gia” (Lumen Gentium, 11), người ta khởi sự cảm nghiệm được sự hiệp thông có tính Giáo Hội nơi mọi người, một sự hiệp thông phản ảnh Mầu Nhiệm Ba Ngôi Chí Thánh, nhờ ơn thánh. “Trong gia đình, người ta học được sự cố gắng và niềm vui của việc làm, của tình yêu anh chị em, và của lòng đại lượng trong việc tha thứ cho người khác, một lòng đại lượng luôn được đổi mới, và trên hết, của việc thờ phượng Thiên Chúa trong cầu nguyện và dâng hiến cuộc sống bản thân” (Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, số 1657). Thánh Gia Nadarét là khuôn mẫu kỳ diệu mà trong trường dạy của nó, ta “hiểu được lý do tại sao ta phải duy trì kỷ luật thiêng liêng, nếu ta muốn vâng theo các giáo huấn của Tin Mừng và trở nên các môn đệ của Chúa Kitô” (Chân Phúc Giáo Hoàng Phaolô VI, Diễn Văn Tại Nadarét, 5 tháng Giêng 1964). Tin Mừng Gia Đình cũng nuôi dưỡng các hạt giống vẫn đang chờ được nẩy mầm; và được dùng làm căn bản cho việc nuôi dưỡng các cây đang héo tàn và không nên bị bỏ rơi.

Dây nối kết thân mật giữa Giáo Hội và gia đình

59. Phúc lành và trách nhiệm của một gia đình mới, được đóng ấn trong Bi Tích Hôn Phối của Giáo Hội, hàm nghĩa: ngay bên trong Cộng Đồng Kitô Giáo, phải có sự sẵn sàng cổ vũ và bênh vực phẩm chất nói chung của giao ước giữa người đàn ông và người đàn bà: ở mọi phạm vi của xã hội, đó là việc sinh sản con cái, việc che chở những người yếu đuối nhất trong xã hội và việc sống chung. Sự sẵn sàng này đòi một trách nhiệm, một trách nhiệm nên được nâng đỡ, nhìn nhận và đánh giá cao.

Nhờ Bí Tích Hôn Phối, mỗi gia đình, dù xét cách nào, cũng vẫn trở nên một thiện ích cho Giáo Hội, là người, đến lượt mình, vốn yêu cầu được coi như một thiện ích cho gia đình mới. Theo viễn tượng này, chắc chắn Giáo Hội, vào lúc này, sẽ cung hiến một ơn phúc quí giá, nếu chịu biểu lộ một sự sẵn sàng muốn khiêm cung xem xét một cách ít thiên vị hơn tính hỗ tương của bonum Ecclesiae này, tức việc Giáo Hội là một thiện ích cho gia đình và gia đình là một thiện ích cho Giáo Hội. Gìn giữ ơn phúc của Chúa trong Bí Tích Hôn Phối, một đàng, là trách nhiệm của cặp vợ chồng Kitô hữu, và đàng khác, là trách nhiệm của cộng đồng Kitô hữu, mỗi đàng mỗi cách riêng. Khi các khó khăn, ngay cả các khó khăn trầm trọng, phát sinh từ việc duy trì cuộc kết hợp hôn nhân, thì việc biện phân các nghĩa vụ và các sa sẩy của mỗi người phải được vợ chồng xem xét một cách không thiên vị, với sự giúp đỡ của cộng đồng, để mỗi người hiểu được, đánh giá được và sửa chữa được những gì đã sa sẩy quên sót.

60. (24) Như một bà thầy đáng tin cậy và một bà mẹ đầy chăm sóc, Giáo Hội thừa nhận rằng chỉ sợi dây hôn phối nào của những người đã chịu phép rửa mới có tính bí tích và bất cứ sự vi phạm nào tới nó đều chống lại thánh ý Thiên Chúa. [Nhưng] cùng một lúc, Giáo Hội cũng ý thức được sự yếu đuối của nhiều con cái của mình đang lao đao trong hành trình đức tin của họ. “Thành thử, tuy không đi ra ngoài lý tưởng Tin Mừng, họ cần được đồng hành với lòng thương xót và kiên nhẫn trong những giai đoạn trưởng thành bản thân sau cùng khi chúng từ từ diễn ra. […] Một bước tiến nhỏ giữa những giới hạn nhân bản lớn lao vẫn có thể làm vui lòng Thiên Chúa hơn là cuộc sống bề ngoài xem ra có trật tự và ngày qua ngày không phải đối diện với các khó khăn lớn lao nào. Mọi người đều cần được sự an ủi và sức lôi kéo của tình yêu cứu rỗi của Thiên Chúa đánh động; tình yêu này luôn hành động một cách huyền nhiệm nơi từng người, vượt lên trên và vượt ra ngoài các lỗi lầm và sa ngã của họ” (Gaudium Evangelii, 44).

Gia đình: hồng phúc và nghĩa vụ

61. Thái độ của các tín hữu đối với những người chưa hiểu được sự quan trọng của Bí Tích Hôn Phối chủ yếu phải được bày tỏ qua mối liên hệ có tính bản thân và thân hữu biết chấp nhận người khác trong con người của họ mà không phê phán, và biết tìm cách thoả mãn các nhu cầu căn bản của họ và đồng thời, làm chứng cho tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Điều quan trọng là phải ý thức rõ rằng mọi người ai cũng yếu đuối cả và mỗi người đều là kẻ có tội như bất cứ ai khác, nhưng vẫn không quên khẳng định các thiện ích và giá trị của hôn nhân Kitô Giáo. Hơn nữa, người ta cần ý thức được rằng trong kế hoạch của Thiên Chúa, gia đình không phải là một nghĩa vụ mà là một hồng phúc, và ngày nay, quyết định bước vào Bí Tích Hôn Phối không phải là một kết luận đã qua nhưng là một điều cần được khai triển và là một mục tiêu cần đạt tới.

Trợ giúp để vươn tới sự viên mãn của kế hoạch Thiên Chúa

62. (25) Khi cân nhắc một phương thức mục vụ đối với những người đã kết ước một cuộc hôn nhân dân sự, những người đã ly dị và tái hôn hay đơn giản chỉ sống chung với nhau, Giáo Hội có trách nhiệm giúp họ hiểu nền sư phạm của Thiên Chúa về ơn thánh trong đời họ và giúp họ để họ đạt tới sự viên mãn của kế hoạch Thiên Chúa dành cho họ. Trông cậy ở Chúa Kitô, Đấng mà ánh sáng soi chiếu mọi con người (xem Ga 1:9; Gaudium et Spes, 22), Giáo Hội ngoảnh nhìn với lòng yêu thương những ai đang tham dự vào đời sống mình một cách không trọn vẹn, vì nhìn nhận rằng ơn thánh của Thiên Chúa cũng đang hành động trong cuộc sống của họ bằng cách ban cho họ sự can đảm để làm điều thiện, chăm sóc lẫn nhau trong yêu thương và phục vụ cộng đồng trong đó họ sống và làm việc.

63. Cộng đồng Kitô Giáo cũng có thể biểu lộ tình bằng hữu với các cặp vợ chồng đang gặp khó khăn qua việc gần gũi với các gia đình đang thực sự sống cuộc hôn nhân Kitô Giáo. Giáo Hội xích lại gần các người phối ngẫu đang gặp nguy cơ ly thân, để họ khám phá lại vẻ đẹp và sức mạnh đời sống vợ chồng của họ. Trong các trường hợp đau lòng phải chấm dứt mối liên hệ của họ, thì Giáo Hội cảm thấy có nghĩa vụ gần gũi những người đang trong lúc đau khổ cách nào đó để ngăn ngừa các tranh chấp thảm họa có thể xẩy ra giữa hai người phối ngẫu và, trên hết, tối thiểu hóa sự đau khổ của con cái.

Một số người tỏ ý muốn các giáo phận phát huy các chương trình nhằm dần dần mời gọi các người sống chung hay kết hôn dân sự can dự vào. Khởi đầu với cuộc hôn nhân dân sự, cuối cùng, người ta có thể vươn tới cuộc hôn nhân Kitô Giáo: sau một thời kỳ biện phân, họ có thể tiến tới một chọn lựa có hiểu biết.

64. (26) Giáo Hội lo lắng lưu ý tới việc nhiều người trẻ mất tin tưởng đối với cam kết hôn nhân và Giáo Hội đau đớn khi thấy nhiều tín hữu vội vã quyết định chấm dứt các nghĩa vụ họ đã đảm nhiệm và gánh lấy nghĩa vụ khác. Vốn là các chi thể của Giáo Hội, các tín hữu này cần một nền chăm sóc mục vụ biết xót thương và biết khuyến khích cũng như biết phân biệt thích đáng các tình huống khác nhau. Nên khuyến khích những người trẻ đã rửa tội để họ hiểu rằng Bí Tích Hôn Phối có khả năng làm phong phú triển vọng yêu thương của họ và họ luôn được sự nâng đỡ của ơn thánh Chúa Kitô trong Bí Tích và của khả thể tham dự trọn vẹn vào đời sống Giáo Hội.

Giới trẻ và nỗi sợ kết hôn

65. Khi xem xét viễn tượng kết hôn, nhiều người trẻ sợ bị thất bại, vì được mục kích nhiều cuộc tan vỡ hôn nhân trong thời đại ta. Thành thử, cần phải dành nhiều chú ý hơn vào việc biện phân các lý do nằm bên dưới việc họ bác bỏ và thất vọng. Thực vậy, một số người nghĩ rằng, trong nhiều trường hợp, các lý do này có thể có liên hệ với việc họ cho rằng đây là một mục tiêu, mà dù được họ đánh giá cao và không kém ước muốn, nhưng xem ra bất cân xứng với các điểm mạnh được họ lượng giá một cách hợp lý, hay có liên hệ với sự kiện họ hoài nghi nặng nề rằng họ thiếu kiên định về xúc cảm. Vì đối với lòng trung thành và sự ổn định trong liên hệ yêu đương, điều tuy họ vẫn coi là đáng ước ao, nhưng một số người trẻ cảm thấy lo lắng, thậm chí xao xuyến, cho là mình không có khả năng bảo đảm lòng trung thành và ổn định ấy trong tình yêu; điều này thường khiến họ từ khước việc kết hôn. Dù tự nó có thể vượt qua được, một khó khăn như thế vẫn được nêu ra làm bằng chứng cho rằng lòng trung thành và sự ổn định trong tình yêu là điều bất khả hữu một cách căn để. Ngoài ra, đôi khi các khía cạnh của sự thuận lợi xã hội và các vấn đề kinh tế liên quan tới việc cử hành hôn lễ cũng gây tác động lên quyết định không kết hôn.

66. (27) Về phương diện trên, một khía cạnh mới trong thừa tác vụ gia đình cần được lưu ý trong lúc này, là thực tại hôn nhân dân sự giữa một người đàn ông và một người đàn bà, tức hôn nhân theo truyền thống và, thậm chí cả sống chung nữa, tuy có những dị biệt liên hệ. Khi cuộc kết hợp đạt tới một một mức độ ổn định đặc thù nào đó, được luật pháp thừa nhận, có đặc điểm của một tình âu yếm và trách nhiệm sâu sắc đối với con cái và chứng tỏ khả năng có thể vượt qua thử thách, thì những cuộc kết hợp này có thể tạo cơ hội để được hướng dẫn nhằm sau cùng tiến tới việc cử hành Bí Tích Hôn Phối. Mặt khác, rất thường xẩy ra việc một cặp nào đó sống chung với nhau không những không nhằm để có thể kết hôn trong tương lai mà còn không hề có ý định nào tạo ra một liên hệ có tính trói buộc theo luật pháp.

67. (28) Phù hợp với lòng thương xót của Chúa Kitô, Giáo Hội phải đồng hành một cách đầy lưu tâm và chăm sóc với những đứa con yếu đuối nhất của mình, những đứa con cho thấy các dấu hiệu của một tình yêu bị thương tích và mất mát, bằng cách phục hồi lòng hy vọng và sự tin tưởng nơi họ, giống như ánh sáng hải đăng tại một hải cảng hay ngọn đuốc mang theo giữa người ta để soi sáng cho những ai lạc đường hay đang gặp giông bão. Ý thức rằng lòng thương xót cao cả hơn hết là lòng thương xót nói lên sự thật một cách yêu thương, nên chúng ta bước qua phía cảm thương. Vốn có tính lôi kéo và kết hợp, tình yêu thương xót biến cải và nâng cao. Nó là lời mời gọi hồi tâm. Ta hiểu thái độ của Chúa cùng bằng cách này; Người không kết án người đàn bà ngoại tình, nhưng yêu cầu nàng đứng phạm tội nữa (Ga 8:1-11).

Lòng thương xót và chân lý mặc khải

68. Khởi điểm của Giáo Hội là tình thế cụ thể của các gia đình ngày nay, tất cả đang cần lòng thương xót, bắt đầu với các gia đình đau khổ nhất. Thực vậy, lòng thương xót biểu lộ tính tối thượng của Thiên Chúa; tính này cho phép Người luôn trung thành với chính hữu thể của Người, một hữu thể vốn là tình yêu (xem 1Ga 4:8) và với giao ước của Người. Lòng thương xót chính là một chân lý mạc khải và có liên hệ gần gũi với các chân lý nền tảng của đức tin: việc làm người, cái chết và sống lại của Chúa. Không có các chân lý này, lòng thương xót sẽ biến mất. Lòng thương xót là “cốt lõi mạc khải của Chúa Giêsu Kitô” (MV, 25).
 
Thông Báo
Đan Viện Thánh Mẫu Khiết Tâm Phước Lý đón nhận Tu sinh
ĐV Phước Lý
08:35 18/07/2015
Đan Viện Thánh Mẫu Khiết Tâm Phước Lý
Vĩnh Thanh – Nhơn Trạch - Đồng Nai
Email: dvphuocly@yahoo.com
Website: danvienphuocly.com
Điện thoại: 0616.538.644


THÔNG BÁO ĐÓN NHẬN TU SINH
Phước Lý ngày 17 tháng 07 năm 2015

Đan Viện Thánh Mẫu Khiết Tâm Phước Lý là một dòng chuyên sống đời đan tu chiêm niệm, thuộc Hội Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam, trân trọng thông báo đến quý cha và quý anh chị em, đặc biệt các bạn trẻ gần xa.

Điều kiện để gia nhập:
- Thanh niên Công Giáo 18 tuổi trở lên.
- Tốt nghiệp phổ thông trung học, hoặc cao hơn.
- Có nhân cách trưởng thành, phán đoán tốt, khả năng học hành và cộng tác.
- Có ý ngay lành theo đuổi ơn gọi tận hiến.

Đan Viện sẽ đón nhận ứng sinh bắt đầu từ ngày 20/7 đến 01/09 năm 2015
Các ứng sinh đến nhà khách và được hướng dẫn, ở lại cho đến khi được gia nhập vào Đan viện

Hồ sơ gồm có (phần hồ sơ này sẽ bổ sung sau khi ứng sinh đã đến tìm hiểu tại Đan Viện và quyết định gia nhập):

1/ Thư giới thiệu của cha sở.
2/ Chứng chỉ Rửa tội và Thêm sức.
3/ Bằng tốt nghiệp phổ thông (hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp).
4/ Sơ yếu lý lịch có xác nhận của xã / phường.
5/ Bản sao Chứng minh nhân dân, có công chứng.
6/ 3 tấm ảnh 4 x 6

Mọi chi tiết xin liên hệ:
Viện phụ (Bề trên): 01645731564
Văn phòng liên hệ: 0907.152.153
Tập sư: 0965752149.
Phó tập sư: 0972783899
 
Văn Hóa
Thương
Trầm Thiên Thu
08:22 18/07/2015
Chạnh lòng trắc ẩn bao người
Chạnh lòng thương cả đất trời bao la
Thương người ngày tháng bôn ba
Áo chưa đủ ấm, cơm chưa no lòng
Thương người gia cảnh tan hoang
Ước mơ hạnh phúc, thiên đường ở đâu?
Thương người bệnh hoạn, yếu đau
Bao năm ròng rã nỗi sầu mình ên
Thương người lạc bước cô đơn
Mênh mang sầu khúc dỗi hờn quắt quay
Thương người chịu cảnh đọa đày
Không hề ăn ớt mà cay xé lòng
Thương người lạc bước, lầm đường
U mê sống vội, vấn vương bụi trần
Thương người tù tội hàm oan
Mong công lý thỏa nguồn cơn nhân quyền
Thương người trĩu gánh truân chuyên
Vai chai vết khổ, lòng hằn nỗi đau
Thương người côi cút sớm chiều
Tổ ấm nơi nào để sống an vui?
Thương người lặng bước ngậm ngùi
Ban ngày mà thấy tối thui cuộc đời
Thương người chán nản, rã rời
Mong hy vọng sống hết đời phàm nhân
Xin thương tiếp sức hồng ân
Lạy Thiên Chúa, Đấng từ nhân đời đời
Trăm đau, ngàn khổ kiếp người
Xin kính dâng Ngài đan kết chữ Thương.
(Chúa Nhật XVI TN-B Mc 6:30-44)
 
Lựa chọn
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
08:23 18/07/2015
Sống ở đời, mỗi người có những ý thích khác nhau. Đúng là ‘trăm người trăm ý’. Chúng ta không phán đoán rằng ai đúng hay ai sai. Niềm vui thỏa mãn những ước mơ có nhiều điều dị biệt. Ý nghĩa đời người rất phong phú qua những quan điểm và hành xử của mỗi cá nhân. Để tâm quan sát một chút, chúng ta nhận thấy có những lý lẽ mà chỉ người trong cuộc mới có thể hiểu được.

Tôi có mấy người bạn, gia đình chỉ có một hai đứa con. Họ đã làm lụng cực nhọc vất vả năm này qua tháng khác. Khi có tiền thì tậu đất xây nhà. Họ xây những ngôi nhà to lớn mấy tầng lầu. Xây nhà xong được vài năm, con cái đi học xa và lập gia đình riêng. Chỉ còn lại hai ông bà son trẻ sống trong ngôi nhà rộng thênh thang. Nhà cửa rộng rãi nhưng cảnh vắng tanh. Thật cô đơn! Ngay cả đứa con trai yêu quí, sau khi lập gia đình, cũng muốn ra ở riêng. Gia đình chúng đã tìm được nguồn vui hạnh phúc trong căn nhà nhỏ đơn sơ nghèo nàn.

Ước mơ của con người là mong được sống sung túc và hạnh phúc hơn mỗi ngày. Mọi gắng công học hành, luyện tập và lao động là để giúp cuộc sống phong phú hơn. Chúng ta không biết bao giờ mới thỏa mãn hết mọi ước mơ. Khi được điều này, chúng ta lại mong ước điều khác. Hết hy vọng này tới hy vọng kia. Mỗi dự tính hy vọng là mắt xích nối kết đường đời. Chúng ta sống là sống trong hy vọng và hoàn thành giấc mơ. Cách tốt nhất là chúng ta hãy vui hưởng trọn vẹn những thành quả đạt được. Mỗi ngày có niềm vui riêng.

Lựa chọn thái độ sống tích cực. Làm được điều gì sinh ích lợi cho gia đình và xã hội, chúng ta nên cố gắng. Chúng ta biết rằng xây dựng thì cần thời gian và sự hy sinh miệt mài, ‘có công mài sắt, có ngày nên kim’ là thế. Để có một thành quả về tình thần cũng như vật chất, đòi hỏi các tác giả phải suy tư tìm tòi và cống hiến khả năng. Tất cả mọi sự chúng ta đang thừa hưởng đây đều là công khó của những người khác. Chúng ta được thụ hưởng gia tài chung của xã hội một cách nhưng không. Đôi khi chẳng góp công, góp phần chút nào, nhưng chúng ta lại có thái độ tẩy chay, phê phán và phá đổ.

Biết rằng ở trên đời, cách chọn lựa hành xử có nhiều sự mâu thuẫn, nghịch lý và dị biệt. Mỗi cá nhân có tự do chọn lựa cho mình cách thể hiện ước mơ. Nhưng đôi khi chúng ta cũng cần có những suy tư phán đoán chính xác. Đừng quá lập dị đòi hỏi phải khác người. Mỗi sự kiện xảy ra đều có nhiều nguyên nhân và căn cớ. Không có sự phân tích hay phán đoán nào có thể thấu triệt ngọn nguồn của từng sự kiện. Thái độ khôn ngoan của chúng ta là nhìn sinh hoạt xã hội như một bức tranh muôn mầu và với muôn vẻ đẹp, gọi là ‘trăm hoa đua nở’.

Có nhiều điều xem ra hơi khác lạ xảy ra hằng ngày trong cuộc sống. Chúng ta có những ngôi nhà to lớn với gia đình nhỏ bé. Thời nay, con người có nhiều phương tiện hơn, nhưng lại có ít thời gian để hưởng thụ. Có nhiều người chuyên môn hơn, nhưng lại có nhiều sự cố và vấn đề hơn. Mua nhiều hơn, nhưng hưởng dùng ít hơn. Có sự hiểu biết hơn, nhưng lại kém phán đoán. Thu nhập cao, nhưng đời sống luân lý yếu kém. Phẩm lượng các nhu cầu cao, nhưng phẩm chất tồi.

Trong cuộc sống, chúng ta cười ít, nhưng lại giận mau. Dự tính nhiều, nhưng hoàn thành ít. Sở hữu nhiều của cải, nhưng giảm sút giá trị cuộc sống. Chúng ta cố gắng học hỏi làm thế nào để sinh sống, nhưng không thực sự sống. Chúng ta đi cùng khắp thiên hạ, nhưng có nhiều vấn đề với người hàng xóm. Chiếm hữu nhiều không gian bên ngoài, nhưng nội tâm trống rỗng. Dọn sạch sẽ mọi nơi mọi chỗ, nhưng tâm hồn vẩn đục. Nhà cửa khang trang, nhưng gia đình đổ vỡ.

Đời sống của chúng ta được kết nối bởi muôn triệu khoảnh khắc và kiếm tìm hạnh phúc trong muôn vàn cách thế khác nhau. Bí mật của cuộc sống là sống vui từng giây phút. Không có khoảnh khắc nào vĩ đại hơn là khi chúng ta chấp nhận giây phút hiện tại có vui có buồn và có sướng có khổ. Chúng ta khám phá ra sự thật tuyệt vời này trong đời sống hằng ngày. Dù chúng ta đang sống trong ngôi biệt thự hoành tráng hay khi chúng ta đang ở trong một túp lều nghèo nàn nhỏ bé, tâm hồn an lạc và bình an là hạnh phúc, đó là ý nghĩa đích thực của đời sống.

Từng giây phút, từng bước và từng giai đọan, chúng ta có thể an vui thỏa mãn từng ước mơ. Chúng ta có kinh nghiệm mỗi giây phút đều là phút giây mới hoàn toàn và với sự khai mở mới, chúng ta biến mọi giấc mơ trở thành sự thật. Mỗi ngày là ngày mới, hãy sống từng ngày cho trọn vẹn. Đây là quà tặng của Thiên Chúa cho mọi tạo vật. Chúng ta phải biết trân quý thời gian, không gian và món qùa sự sống.

Có đôi khi chúng ta đang sống và đang hít thở, nhưng không ý thức mình đang được chia sẻ sự sống với vũ trụ muôn loài. Mùa Đông năm 2015 tại miền Đông Bắc Hoa Kỳ, thời khí thật khắc nghiệt. Trời lạnh tuyết rơi nhiều và nhiều ngày tuyết đã đóng băng. Vào một buổi sáng Chúa Nhật, trong khi vội vã rải muối giúp bà con tránh tuyết băng, tôi đã bị trượt té. Xương cổ tay bị bể và phải đi bệnh viện để mổ và lắp ráp. Tôi đã cảm nhận được cái đau của dao kéo cắt xé thịt da. Dịp này, nhiều người chia sẻ kinh nghiệm với tôi, nói rằng rồi đây mỗi khi trở trời, thịt xương sẽ đau nhức. Tôi cười cảm thông và nói: Vậy cũng tốt, khi mình đau nhức là biết mình đang còn sống. Đúng thế, nếu khi chúng ta có bệnh tật gì trong người, chúng ta ý thức và trân quý cuộc sống nhiều hơn.

Lựa chọn thái độ sống sẽ làm cho chúng ta lạc quan và yêu đời hơn. Đời không là bể khổ và chốn lo, mà là nơi vui hưởng những chuỗi ngày sống, dù tốt hay xấu, dù vui hay buồn. Thiên nhiên mưa nắng theo mùa, thật tâm đón nhận, ăn thua lòng mình. Ốm đau bệnh hoạn bất thường, trở trời trái gió, lẽ thường lo chi. Khổ đau vui sướng trong đời, ngày này hôm khác, đầy vơi nụ cười. Ước mơ hy vọng ngày mai, hôm nay vui sống, thiên thai chốn này. Thái độ lạc quan sẽ giúp cho chúng ta vươn lên và khắc phục mọi khó khăn.

Thời gian qúa khứ đã qua, không bao giờ trở lại. An vui tự tại với những giây phút mình đang sống. Hy vọng ngày mai tươi đẹp hơn. Xin Thiên Chúa chúc lành cho từng giây phút của ngày hôm nay được bình an và hạnh phúc.
 
Hiến chương nước trời
Đinh Văn Tiến Hùng
16:18 18/07/2015
HIẾN CHƯƠNG NƯỚC TRỜI

“Trông thấy dân chúng, Ngài lên núi và ngồi xuống. Môn đệ đến bên Ngài, Ngài cất tiếng giảng dạy :

-Phúc cho những kẻ có tinh thần khó nghèo, vì Nước Trời là của họ.
-Phúc cho những kẻ hiền lành, vì họ sẽ được đất làm cơ nghiệp.
-Phúc cho những kẻ ưu phiền, vì họ sẽ được an ủi.
-Phúc cho những kẻ đói khát sự công chính, vì họ sẽ được no đầy.
-Phúc cho những kẻ biết thương xót, vì họ sẽ được thương xót.
-Phúc cho những kẻ tinh sạch trong lòng, vì họ sẽ được thấy Thiên Chúa.
-Phúc cho những kẻ tác tạo hòa bình,vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
-Phúc cho những kẻ bị bắt vì công lý, vì Nước Trời là của họ.

Phúc cho các ngươi, khi người ta sỉ mạ các ngươi và bắt bớ, nói xấu đủ cách về các ngươi vì cớ Ta.
Hãy vui sướng và hân hoan, vì phần thưởng các ngươi thật lớn ở trên trời ; vì cũng như thế, chúng đã bắt bớ các tiên tri, tiền bối của các ngươi. ( Mt.5 : 1- 12 )


Tám Mối Phúc Thật

*Nắng vàng trùm phủ núi đồi,
Môn đệ, dân chúng đứng ngồi bao quanh,
Chúa nhìn thương mến chúc lành,
Hiến Chương Thiên Quốc ban hành thế nhân.

1)-Phúc cho người ở phàm trần,
Tinh thần nghèo khó, xác thân an lành,
Nước Trời Thiên Chúa đã giành,
Phần thưởng vĩnh cửu, Thiên đình vinh danh.

2)-Phúc cho kẻ sống hiền lành ,
Như chiên hiến tế giữa bày sói hoang,
Đất Hứa nơi chốn cao sang,
Cơ nghiệp là chốn Thiên Đàng quang vinh.

3)-Phúc cho những kẻ quên mình,
Đón nhận phiền muộn hy sinh cho đời,
Tâm hồn cảm thấy an vui,
Quà thưởng bù đắp Chúa Trời ban cho.

4)-Phúc cho kẻ chuộng tự do,
Khát khao công chính, quên lo cho mình,
Cuộc đời đón nhận ân tình,
Vì chọn diễm phúc trường sinh Quê Trời.

5)-Phúc cho kẻ biết thương người,
Hy sinh dâng hiến để đời yên vui,
Vì họ sẽ được đền bù,
Bởi Cha chí ái nhân từ cậy trông.

6)-Phúc cho kẻ sống trinh trong,
Xa lánh tội lỗi để lòng hân hoan,
Vì họ đã được Chúa ban,
Gần bên Nhan Chúa thiên đàng hiển vinh.

7)-Phúc cho kẻ tạo hòa bình,
Mang niềm hạnh phúc hồi sinh cho đời,
Chính họ là con Chúa Trời,
Đã được Ngài chọn ngay nơi gian trần.

8)-Phúc cho kẻ gặp gian truân,
Vì công lý bị giam cầm khổ đau,
Phúc họ được hưởng đời sau,
Chính nơi Thiên Quốc không đâu sánh bằng.

*Các con hãy nhớ điều này,
Nếu bị bắt bớ tù đày vì Ta,
Hãy vui sướng, cất tiếng ca,
Nhận phần thưởng lớn Cha Ta trên trời.

ĐINH VĂN TIẾN HÙNG


 
Thánh Ca
Video Thánh Ca: Ngài Rửa Chân Con Sao - Trình bày: Đình Trinh
VietCatholic Network
09:55 18/07/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
 
Video Thánh Ca: Tình Chúa Đổi Mới Tình Con - Trình Bày: Ca Sĩ Kim Thúy
VietCatholic Network
09:56 18/07/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây