Ngày 15-07-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Tìm kiếm lương thực nuôi hồn
LM Inhaxiô trần ngà
02:01 15/07/2009
Chúa Nhật 16 thường niên (Mác-cô 6, 30-34)

Ông Delia Delgatto, Giám đốc Trung tâm quốc gia chăm sóc trẻ em của Chi-lê cho biết: Một bé trai người Chi-lê 10 tuổi, bị cha mẹ nghiện ma tuý nặng, vứt bỏ ra đường từ lúc lên năm. Từ đó, em chung sống với một đàn chó hoang chừng 15 con trong một cái hang tại thành phố cảng Talcahuano, ở phía Nam Chi-lê. Ngày ngày cậu bé cùng đi kiếm ăn chung với đàn chó. Hôm nào không tìm được thực phẩm, những con chó cái trong đàn đã cho bé trai này bú sữa của chúng.

Ông Delia kể tiếp: "Cảnh sát Chi-lê bắt lại được bé trai này khi bé nhảy xuống một cái hồ tìm cách thoát thân.”

Vì lâu ngày ở chung với chó, em không biết nói tiếng người mà chỉ biết gầm gừ như chó. Và cũng vì chưa có tên nên báo chí gọi em là Bé Chó. (nguồn:Vietcatholic ngày 21 tháng 6 năm 2001)

Bé Chó nầy không hề thiếu lương thực nuôi xác, nhưng em thiếu hoàn toàn lương thực tinh thần như văn hoá, lễ nghĩa, lời dạy bảo khôn ngoan... nên em không thể thành người. Em mang hình hài con người nhưng tính tình và cách sống của em lại thuộc loài chó.

Sự kiện hiếm có nầy chứng tỏ cho thấy rằng nếu chỉ dùng lương thực nuôi xác mà không hấp thụ lương thực tinh thần, con người trở nên như con vật.

Để trở thành người, chúng ta không chỉ cần cơm bánh, mà còn cần đến văn hoá, giáo dục và nhất là Lời khôn ngoan mang lại sự sống đời đời của Chúa Giê-su. (Mt 4,4)

Khao khát lương thực tinh thần

Tin Mừng hôm nay cho thấy đám đông dân Do-Thái nô nức tìm đến với Chúa Giê-su, không phải để tìm lương thực vật chất mà là tìm kiếm những lời dạy khôn ngoan.

Vì thấy các môn đệ mệt nhoài sau hành trình rao giảng, Chúa Giê-su sai các ông tìm nơi vắng vẻ nghỉ ngơi cho lại sức.

Các môn đệ vừa xuống thuyền ra đi thì đám đông dân chúng đoán biết địa điểm mà các ngài sẽ đến nên từ các thành, họ kéo nhau đi vòng quanh bờ hồ, tuôn đến nơi ấy trước Chúa Giê-su và các môn đệ.

Khi Chúa Giê-su lên bờ thì thấy dân chúng đã tụ họp đông đảo đang khao khát đón nhận những lời khôn ngoan của Người. Chúa cảm thương họ vì họ như đàn chiên đói khát bơ vơ không người chăn và Người đã trao ban lời khôn ngoan cho họ.

Thiên Chúa ban cho con người cơm bánh để nuôi phần xác nhưng điều quan trọng hơn là Người ban lương thực tinh thần để bồi bổ tâm linh họ.

Chúng ta vô cùng diễm phúc khi được sống bên Chúa Giê-su là hiện thân của Sự Khôn Ngoan, được đón nhận Kinh Thánh là kho tàng chứa đựng sự khôn ngoan của Thiên Chúa.

Vì thế, nếu không biết khai thác kho tàng khôn ngoan nầy thì thật vô cùng uổng phí.

Người Ả-rập Xê-út trước đây mang phận nghèo truyền kiếp. Tổ tiên họ sở hữu một kho tàng vô cùng phong phú nằm ngay dưới chân mình. Đó là một kho dầu lửa khổng lồ chiếm hơn một phần tư trữ lượng dầu của toàn thế giới. Tiếc thay, vì không biết khám phá kho tàng đó, nên cha ông họ đã sống trong nghèo đói cùng cực từ đời nầy sang đời khác.

Từ năm 1938, nhờ việc phát hiện và khai thác kho “vàng trắng” vĩ đại này, Ả-rập Xê-út trở thành nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới và nhân dân Ả-rập trở thành những người giàu có bậc nhất.

Như người Ả-rập xưa, chúng ta cũng đang sống bên cạnh kho tàng khôn ngoan của Thiên Chúa. Kho tàng đó là Lời Chúa được ghi lại trong Kinh Thánh. Kho tàng đó là chính Chúa Giê-su, hiện thân của sự Khôn Ngoan Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Nhưng tiếc thay chúng ta không biết khai thác kho tàng khôn ngoan bên cạnh mình, nên chúng ta vẫn còn là những người nghèo đói trong đời sống tâm linh.

Lạy Chúa Giê-su,

Xin cho chúng con luôn nhớ rằng thân xác của chúng con mai đây sẽ hư nát và chỉ còn là tro bụi, nên chỉ cần chăm sóc vừa phải, còn linh hồn chúng con sẽ tồn tại vĩnh viễn nên đáng được nuôi dưỡng chu đáo hơn. Amen.
 
Mỗi Ngày Một Câu Kinh Thánh - Từ ngày 16 đến 31.07.2009
Phó tế: JB Nguyễn văn Định
14:00 15/07/2009
MỖI NGÀY MỘT CÂU KINH THÁNH

Từ 16-07 đến 31-07-2009

Ngày 16-7-09: Hãy viết cho thiên thần của Hội Thánh Ê-phê-xô: Đây là Lời của Đấng cầm trong tay hữu bảy vì sao… (Kh 2, 1)

Đây là thư chính Đức Kitô gởi cho 7 Hội Thánh ở Tiểu Á đang gặp khó khăn, Tin Mừng đã được loan báo ở đây khá sớm. Tôi quyết đem Lời Chúa đến mọi vùng trên toàn thể đất nước Việt nam thân yêu.

Ngày 17-07-09: …Người đã thử thách những kẻ xưng mình là tông đồ, mà thực ra không phải, và ngươi đã thấy rằng chúng là những kẻ nói dối. (Kh 2, 2)

Đây là những tông đồ giả, rao giảng sai lạc về đạo lý và đời sống. Bạn luôn suy gẫm Lời Chúa, cầu nguyện, lắng nghe và thực hành.

Ngày 18-7-09: Ngươi có lòng kiên nhẫn và chịu khổ vì danh Ta mà không mệt mỏi. Nhưng Ta trách ngươi điều này: ngươi đã để mất tình yêu thuở ban đầu. (Kh 2, 3-4)

Nói về Hội Thánh có tổ chức hình thức, hăng hái giữ luật lệ; nhưng lại mất yêu thương, làm mối tình đầu của tôi với Chúa bị tan vỡ.

Ngày 19-7-09: Phúc thay ai khao khát nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng. (Mt 5, 6)

Người công chính đây là những người chấp nhận thực hành Lời Chúa. Tôi luôn sống có ý nghĩ trong sạch và tâm hồn ngay thẳng.

Ngày 20-7-09: Phúc cho ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. (Mt 5 10)

Nếu tin vào Chúa thì nghèo khó, sầu khổ không phải là bất hạnh, mà trái lại của cải, danh vọng có thể trở thành trở ngại. Tôi quyết bước theo con đường của Đức Kitô là khiêm tốn và quên mình.

Ngày 21-7-09: Phúc cho anh em khi vì Thầy mà bị người ta xỉ vả, bách hại và vu không đủ điều xấu xa. (Mt 5, 11)

Sống theo giáo huấn của Chúa, sống công chính thường bị mọi người khinh bỉ. Chính Chúa cũng bị nhạo cười, ghen ghét, xua đuổi..

Ngày 22-7-09: Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỉ ám đến cho Người. (Mc 1, 32)

Chúa Giêsu tỏ quyền năng của Người trên mọi sự dữ là: bệnh thể xác và bệnh tâm hồn. Bạn hãy nhờ Chúa đánh bại hai kẻ thù trên.

Ngày 23-7-09: Chúa Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều qủy; nhưng không cho quỉ nói, vì chúng biết ngườ là ai. (Mc 1, 34) - Chúa không cho quỉ nói để tránh hiểu sai về Người. Con tin vào quyền năng của Chúa đến giải phóng con khỏi tội lỗi.

Ngày 24-7-09: Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó. (Mc 1, 35)

Chúa Giêsu dạy tôi hãy tỉnh thức và cầu nguyện trước khi làm việc. Tôi cần thanh tịnh và kín đáo tìm giờ gặp gỡ, nói chuyện với Chúa.

Ngày 25-7-09: Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em. (Lc 1, 45)

Mẹ Maria là mẫu gương cho tôi đọc, lắng nghe và tin vào Lời Chúa. Là Tín hữu Kitô, tôi quyết bắt chước các nhân đức của Đức Mẹ.

Ngày 26-7-09: Bấy giờ bà Maria nói: Linh hồn tôi ngợi khen Chúa. (Lc 1, 46) * Mẹ Maria đã khiêm tốn hướng mọi vinh quang về Chúa. Bạn bắt chước mẹ ca ngợi Chúa trong mọi lúc vui buồn cuộc sống.

Ngày 27-7-09: Phận nữ tỳ hèn mọn, người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. (Lc 1, 48)

Đức Maria đã nói lên: a/ Người hèn mọn được Chúa bênh vực; b/It-ra-en được Chúa yêu thương. Tôi noi gương Mẹ Maria luôn hát trên môi miệng để ca ngợi lòng Chúa thương xót tât cả mọi người.

Ngày 28-7-09: Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Ca-na miền Ga-li-lê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giêsu. (Ga 2, 1)

Đức Giêsu và Mẹ Maria đã đến sống hoà đồng cùng các gia đình. Tôi luôn xin Thánh Gia Thất dẫn dắt gia đình tôi trong cuộc sống.

Ngày 29-7-09: Khi thấy hết rượu, thân mẫu Đức Giêsu nói với Người: “Họ hết rựợu rồi.” (Ga 1, 3)

Đức Maria rất quan tâm đến đời sống gia đình, bà như người mẹ của đôi tân hôn, không muốn để hết rượu là tình yêu của vợ chồng. Xin Mẹ giúp chúng con luôn sống chung thủy với nhau suốt đời.

Ngày 30-7-09: Đức Giêsu đáp: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và và con? Giờ con chưa đến.” (Ga 1, 4)

Ý Chúa nói chưa đến lúc Người được tôn vinh, chưa ban rượu là Giao Ước Mới. Con luôn kiên nhẫn chờ đợi Chúa trong mọi lúc.

Ngày 31-7-09: Thân mẫu Đức Giêsu nói với gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.” (Ga 1,5)

Tính trực giác của người phụ nữ, là mẹ Đức Giêsu cho biết Người sắp can thiệp. Con luôn lắng nghe Lời Chúa để đem ra thực hành.

Phó tế: GB Nguyễn văn Định * johndvn@yahoo.com
 
Tấm lòng của vị mục tử Mê-si-a
Lm. Ignatiô Hồ Thông
17:41 15/07/2009
CHÚA NHẬT XVI THƯỜNG NIÊN

Gr 23: 1-6: Đối diện với các vị mục tử vô trách nhiệm của dân Ít-ra-en dẫn đưa dân đến cảnh nước mất nhà tan, ngôn sứ Giê-rê-mi-a loan báo rằng Thiên Chúa sẽ đích thân nắm giữ vận mệnh của đàn chiên Ngài và sẽ sai phái cho họ một vị mục tử đích thật, thuộc dòng dõi Đa-vít, Đấng ấy sẽ chăn dắt dân trong công minh chính trực.

Ep 2: 13-18: Trong thư gởi cho các tín hữu Ê-phê-sô, thánh Phao-lô cho thấy ở nơi Đức Ki tô Đấng quy tụ người Do thái và lương dân trong bình an và hòa giải để chỉ có một dân duy nhất và một thân thể duy nhất.

Mc 6: 30-34: Trong bài tường thuật của thánh Mác-cô, Đức Giê-su hành xử như một vị mục tử chân thật, một vị mục tử Mê-si-a. Ngài quy tụ đám đông dân chúng, nuôi dưỡng họ bằng lời của Ngài trước khi cho họ được no thỏa bằng bánh hóa nhiều, tiên trưng bí tích Thánh Thể.

BÀI ĐỌC I (Gr 23: 1-6)

Như ngôn sứ Ê-dê-ki-en, ngôn sứ Giê-rê-mi-a sống vào giai đoạn bi thảm nhất của vương quốc Giu-đa, dưới những cuộc tấn công của đạo quân Ba-by-lon, vào đầu thế kỷ thứ sáu trước Công Nguyên.

Sấm ngôn của chương 23 nầy được định vị giữa hai cuộc tấn công vào Giê-ru-sa-lem, cuộc tấn công thứ nhất vào năm 597 BC., thành đô Giê-ru-sa-lem bị chiếm lần thứ nhất và cuộc lưu đày lần thứ nhất; và cuộc tấn công thứ hai vào năm 587 BC., thành đô Giê-ru-sa-lem bị tàn phá, Đền Thờ bị phá hủy và những cuộc lưu đày mới.

Trái với ngôn sứ Ê-dê-ki-en, ngôn sứ Giê-rê-mi-a đã không bị lưu đày; ông vẫn ở Giê-ru-sa-lem: vị ngôn sứ cực lực tố cáo các vua chúa và các vị lãnh đạo phải chịu trách nhiệm về tai họa.

Tuy nhiên ngay cả ở giữa lòng thành đô tang thương nầy, vị ngôn sứ thắp lên ngọn lửa hy vọng: Thiên Chúa vẫn trung tín: Ngài không bỏ rơi dân Ngài; đến thời đến buổi, Ngài sẽ sai phái cho họ một vị mục tử đích thật.

1. Những mục tử vô trách nhiệm.

Đó là những vị vua của vương quốc Giu-đa mà vị ngôn sứ nhắm đến trước tiên (tước hiệu mục tử được ban cho các vị vua ở Đông Phương xưa); vị ngôn sứ trách cứ họ là đã không trung thành với sứ mạng của mình, đã “hành xử như những nhà chính trị chứ không như những con người của Thiên Chúa”.

Đoạn văn mà chúng ta đọc hôm nay là phần đầu của chương 23, chương kết thúc “sách chống lại các vua”.

Nhưng bên kia các vua, Giê-rê-mi-a ngỏ lời với toàn thể tầng lớp lãnh đạo, đạo cũng như đời (nhiều lần ông cho họ tước hiệu mục tử nầy: 2: 8; 10: 21; 25: 34). Ngôn sứ đã nói trước đó, những vị chức sắc của dân đã coi thường quyền lợi và công bình; họ đã sống một cuộc sống thụ hưởng phù phiếm; họ đã xây cho mình những dinh thự đền đài tráng lệ mà không ngó ngàng gì đến cuộc sống của dân chúng (22: 3, 13; vân vân).

Cuối cùng họ đã dẫn dân chúng lâm vào cảnh lầm than nước mất nhà tan và phải tản lạc khắp nơi: “Khốn thay những mục tử đã làm cho đàn chiên trong đồng cỏ của Ta phải tản lạc chết chóc”. Không chỉ những người bị lưu đày phải tha hương ở đất khách quê người, nhưng biết bao dân cư đã rời bỏ Giê-ru-sa-lem để tỵ nạn ở miền quê hẻo lánh, vài người trốn chạy sang tận bên Ai-cập.

“Ta sẽ hỏi thăm các ngươi về những hành vi ngang trái của các ngươi”. Quả thật án phạt đã không chậm trể. Vua Giơ-hô- gia-khin bị dẫn đi giam cầm ở Ba-by-lon. Còn thành phần ưu tú bị lưu đày lần thứ nhất vào năm 597 BC (2V 24: 10-16).

2. Sứ điệp tràn đầy hy vọng: vị mục tử Mê-si-a.

Sau bản cáo trạng nghiêm khắc nầy, vị ngôn sứ công bố một sứ điệp tràn đầy hy vọng.

Bởi vì các vị mục tử đã không chu toàn sứ mạng của mình, Thiên Chúa sẽ can thiệp: Ngài sẽ đích thân đảm nhận việc chăm sóc dân Ngài; Ngài sẽ tập hợp đàn chiên của Ngài bị phân tán khắp nơi và đưa chúng về đồng cỏ của chúng.

Đây là một trong những giấc mơ lớn lao đã làm nức lòng dân chúng trong niềm mong chờ thời Mê-si-a đến để hiệp nhất quốc gia Ít-ra-en. Việc phân tranh giữa các bộ tộc phương Bắc và các bộ tộc phương Nam mặc dầu đã xa xưa nhưng vẫn còn cảm thấy niềm đau trong lòng mọi người. Cuộc sụp đổ của vương quốc phương Bắc đã kéo theo một cuộc tản mác đầu tiên, hoặc do tự nguyện hoặc bi lưu đày (cuộc lưu đày ở Át-sua). Cuộc sụp đổ vương quốc phương Nam gây nên những hậu quả còn thậm tệ hơn.

Trong lời sấm của vị ngôn sứ, chính Đức Chúa sẽ đảm nhận vai trò mục tử nhân lành, Ngài sẽ tập hợp đàn chiên của Ngài vào đồng cỏ của chúng. Viễn cảnh được loan báo là viễn cảnh của cuộc hồi hương trở về quê cha đất tổ từ chốn lưu đày. Đức Chúa sẽ đem lại cho dân Ngài niềm vui hưởng cảnh thái bình thịnh vượng: “Chúng sẽ sinh sôi nẩy nở ra nhiều”. Ở đây còn là dấu chỉ Mê-si-a. Theo các ngôn sứ, thời đại Mê-si-a phải được đánh dấu bởi “sự no thỏa” (“bữa tiệc Mê-si-a” mà bánh hóa nhiều là một trong những biểu tượng tiên trưng).

3. Chân dung của vị mục tử lý tưởng.

Sau cùng, vị mục tử lý tưởng sẽ ngự đến: “Nầy đây sẽ đến thời kỳ Ta khiến mọc lên cho nhà Đa-vít một Mầm Non công chính”.

“Nầy đây sẽ đến những thời kỳ” đây là công thức mà ngôn sứ Giê-rê-mi-a rất tâm đắc để giới thiệu một thị kiến tương lai. Có thể ông đã mượn công thức nầy từ ngôn sứ A-mốt (Am 4: 2; 8: 11; 9: 13). Từ “Mầm Non” đã trở thành tước hiệu Mê-si-a. Tước hiệu nầy đã xuất hiện trước tiên tại I-sai-a (4: 2); Giê-rê-mi-a đã trích dẫn tước hiệu nầy hai lần (một ở đây và nơi khác ở 33: 15); chúng ta sẽ gặp lại tước hiệu nầy tại ngôn sứ Da-ca-ri-a (3: 8; 6: 12).

Dưới triều đại của vị vua Mê-si-a thuộc dòng dõi Đa-vít nầy, “miền Giu-đa sẽ được cứu thoát, miền Ít-ra-en sẽ an cư lạc nghiệp”.

Giu-đa và Ít-ra-en, gợi lên địa danh của hai vương quốc: như vào thời vua Đa-vít, dân Thiên Chúa sẽ chỉ là một dân tộc duy nhất.

Người ta sẽ gọi vị mục tử Mê-si-a nầy là: “Đức Chúa, sự công chính của chúng ta”. Danh xưng nầy các ngôn sứ thường dùng để chỉ Đấng Mê-si-a, nhưng ở nơi tên gọi nầy ngôn sứ Giê-rê-mi-a đặt một lời châm biếm cay độc: một trong “những vị mục tử vô trách nhiệm” là vua Xê-đê-xi-át, vương hiệu nầy có nghĩa “Đức Chúa, sự công chính của tôi”.

Trái lại, vị vua Mê-si-a tương lai sẽ truyền đạt sự công minh chính trực của Ngài cho toàn thể dân chúng của mình.

BÀI ĐỌC II (Ep 2: 13-18)

Chúng ta tiếp tục đọc thư của thánh Phao-lô gởi các tin hữu Ê-phê-sô. Trong đoạn trích của Chúa Nhật trước, thánh Phao-lô đã trình bày kế hoạch cứu độ muôn thuở của Thiên Chúa được thực hiện trong Đức Ki tô. Trong đoạn trích hôm nay, thánh nhân mô tả sự hòa giải mà Đức Ki tô thực hiện: chết cho mọi người, cả người Do thái lẫn lương dân. Như vậy, Đức Ki tô muốn kiến tạo nên một nhân loại mới và quy tụ họ vào trong Giáo Hội của Ngài.

1. Người Ki tô hữu gốc lương dân.

Trước tiên, thánh Phao-lô ngỏ lời với những người Ki tô hữu gốc lương dân, họ chiếm đa số trong những cộng đoàn Ki tô hữu miền Tiểu Á. Thánh nhân dùng thuật ngữ “xa-gần” đã được I-sai-a đệ tam, vị ngôn sứ hậu lưu đày, sử dụng rồi (Is 57: 19).

Dụng ngữ nầy đã trở nên phổ biến trong Do thái giáo. Qua dụng ngữ “xa-gần” nầy, thánh nhân muốn nói rằng những người Ki tô hữu gốc lương dân, trước kia là những người xa lạ, bây giờ trở thành những người nhà của Thiên Chúa, vì từ nay họ được dự phần vào những lời hứa của Giao Ước, bởi vì chính họ cũng được ban cho ơn tha thứ tội lỗi.

2. Một dân duy nhất.

Vì thế, những người Ki tô hữu, dù gốc lương dân cũng như gốc Do thái, đều có thể nói: Đức Ki tô “là sự bình an của chúng ta”.

Chúng ta khó mà đo lường được việc liên kết giữa những người Ki-tô hữu gốc lương dân và gốc Do thái đã mang đến tính cách mạng đến mức độ nào cho các cộng đoàn Ki tô hữu, ở đó nảy sinh biết bao sự ngộ nhận và khinh bĩ qua lại ở giữa đôi bên.

Những Ki tô hữu gốc Do thái ý thức mình là một dân được tuyển chọn và được tách riêng ra, dân mang mặc khải; họ tự hào về nét đặc thù tôn giáo họ, việc tuân giữ lề luật giúp họ khỏi những uế nhiễm của dân ngoại; họ tránh những giao tiếp với những kẻ không chịu cắt bì chừng nào có thể. Trong Đền Thờ Giê-ru-sa-lem, một lan can bằng đá cẩm thạch ngăn chia khuôn viên của dân ngoại khỏi khuôn viên của dân Ít-ra-en. Qua ngôn từ: “Bức tường ngăn cách là sự thù ghét”, Thánh Phao-lô ám chỉ đến bức lan can phân cách nầy. Chắc chắn thánh nhân đã nghĩ đến những kẻ xách động đồng bào Do thái tra tay bắt ngài được tường thuật trong sách Công Vụ 21: 28: “Hỡi đồng bào Ít-ra-en, giúp một tay nào! Nó kia kìa, tên vẫn đi mọi nơi dạy cho mọi người những điều phản dân, phạm đến Lề Luật và Nơi Thánh nầy! Nó còn đem cả mấy người Hy lạp vào cả Đền Thờ mà làm cho Nơi Thánh nầy ra ô uế”.

Ngược lại, những thái độ bài Do thái thường xảy ra, như được chứng thực trong nhiều thành phố của người Hy lạp, kể cả thành phố A-lê-xan-ri-a. Chúng ta đừng quên sách Khôn Ngoan được soạn thảo vào giữa thế kỷ thứ nhất trước Công Nguyên, thời kỳ những người Do thái bị chính quyền phiền nhiễu. Thái độ bài Dp thái nầy cũng gặp thấy trong thế giới Rô-ma, ở đó người ta không ưa những người Do thái vốn không làm việc vào ngày thứ bảy, cũng như không chỉ đường cho những ai không chịu cắt bì hỏi đường (như thi sĩ Junéval kể ra vài ví dụ trong bài thơ châm biếm của ông vào cuối thế kỷ thứ nhất và đầu thế kỷ thứ hai sau Công Nguyên).

Đức Ki tô đã hủy bỏ ngăn cách nầy: tinh thần duy luật khiến những kẻ thực hành tỉ mĩ Lề Luật tự thu mình lại vào trong thế giới của riêng mình. Luật Mới không còn chia cách nữa, nhưng hòa giải.

3. Một thân thể duy nhất.

Thánh Phao-lô thật bạo dạn khi khẳng định rằng: đôi bên, người Ki tô gốc lương dân và gốc Do thái, hình thành nên chỉ một con người duy nhất, một người mới. Người Ki tô hữu là một con người được tái tạo và tất cả những người Ki tô hữu được quy tụ là những chi thể của một thân thể duy nhất, thân thể của Đức Ki tô.

Thánh Phao-lô đã sử dụng từ vựng thần học nầy rồi trong các thư gởi cho các tín hữu Cô-rin-tô và Cô-lô-sê. Đây là đề tài chủ đạo của thư gởi các tín hữu Ê-phê-sô nầy, diễn tả ơn gọi phổ quát của Giáo hội.

4. Bình an và hiệp nhất, công trình của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Cuối cùng, thánh Phao lô cho thấy rằng nhờ Đức Ki tô, “cả đôi bên, chúng ta được liên kết trong một Thần Khí duy nhất mà đến cùng Chúa Cha”. Nhờ Đức Ki tô, con đường đến cùng Chúa Cha rộng mở cho tất cả mọi người. Chúa Thánh Thần, Đấng hiệp nhất Chúa Cha và Chúa Con, dẫn đưa các tín hữu vào trong cung lòng cuộc sống Ba Ngôi.

TIN MỪNG (Mc 6: 30-34)

Đức Giê-su đã sai các tông đồ ra đi thi hành sứ vụ khắp miền Ga-li-lê. Thánh Mác-cô tường thuật những diễn biến khi họ trở về.

Thánh Mác-cô luôn luôn cho chúng ta bài tường thuật đầy tình tiết sống động; và thánh ký nầy luôn luôn cho chúng ta những xác định nêu bật con người của Đức Giê-su.

1. Các tông đồ tụ họp quanh Đức Giê-su.

Danh xưng “tông đồ” được dùng để chỉ nhóm Mười Hai chỉ xuất hiện ở đây trong Tin Mừng của ông; cách dùng nầy được biện minh: các tông đồ đã “được Đức Giê-su sai đi”. Như chúng ta đã nhắc lại điều nầy trước đây, các tác giả Tin Mừng chung chung tránh dùng danh xưng nầy cho nhóm Mười Hai, bởi vì chỉ mình Đức Giê-su xứng với tước hiệu nầy. Ngài là Đấng được Chúa Cha sai phái.

Nhóm Mười Hai quy tụ lại chung quanh Đức Giê-su, chắc chắn ở Ca-phác-na-um, thành phố mà Đức Giê-su chọn làm bản doanh cho sứ vụ của Ngài. “Các ông kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã giảng dạy”. Đây là hai khía cạnh của sứ vụ đã được trao gởi cho các ông: lời giảng dạy đi kèm theo các dấu chỉ, theo gương Thầy mình. Vào ngày hôm ấy, Đức Giê-su sắp đưa ra cho các ông một mẫu gương: sau khi đã giảng dạy đám đông dân chúng nhiều điều, Ngài sẽ cho họ được ăn no nê, khi làm phép lạ bánh hóa nhiều, một trong những dấu chỉ quan trọng bậc nhất của thừa tác vụ của Ngài.

“Kẻ lui người tới quá đông”, trong số đó có những kẻ hiếu kỳ còn muốn hỏi các ông thêm nhiều điều nữa. Trong bối cảnh đó, các ông khó thuật lại cho Đức Giê-su sứ vụ mà họ vừa mới thi hành theo lệnh của Ngài. Thánh Mác-cô không xác định khung cảnh, nhưng chỉ ghi lại một chi tiết theo ông có ý nghĩa nhất “nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa”.

Ấy vậy, các tông đồ mệt mõi. Đức Giê-su lưu ý sự mệt mõi của các ông, vì thế, nếu cứ ở lại đây, họ không tài nào thoát ra khỏi đám đông quấy nhiễu nầy: “Anh em hãy lánh riêng ra một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút”.

Thái độ của Đức Giê-su nói lên tấm lòng của một vị thầy ân cần quan tâm đến các môn đệ mình. Các môn đệ đồng thuận và xuống thuyền lánh sang một nơi khác.

2. Lánh xa một nơi khác.

Đây không là lần đầu tiên Đức Giê-su tìm cách lánh xa đám đông để được ở lại một mình với các môn đệ mình và dạy riêng cho họ. Trước đây, thánh Mác-cô ghi nhận, sau khi giảng dạy cho đám đông nhiều dụ ngôn, “khi chỉ có Thầy trò với nhau, thì Người giải thích hết cho họ” (4: 34). Nhưng việc thầy trò lánh đi như vậy không phải luôn luôn là dể dàng. Thánh Mác-cô cũng đã còn viết: “Đức Giê-su cùng với các môn đệ của Người lánh về phía Biển Hồ. Từ miền Ga-li-lê người ta lũ lượt đi theo Người” (3: 7).

Cũng xảy ra đúng y như vậy vào lúc các môn đệ trở về sau khi thi hành sứ mạng của mình.

3. Tấm lòng của đám đông dân chúng.

Việc dân chúng lũ lượt kéo nhau đến với Đức Giê-su là một trong những nét tiêu biểu của Tin Mừng Mác-cô, như chúng ta đã ghi nhận rồi. Sự kiện nầy không phải là không có tương quan với sự thành công của sứ vụ của Ngài.

Thánh Mác-cô không cho chúng ta địa danh nơi gặp gỡ của đám đông với Đức Giê-su và các môn đệ của Ngài. Theo Lu-ca, Đức Giê-su “đem các ông đi riêng ra với mình, lui về thành kia gọi là Bết-xai-đa” (Lc 9: 10), đây là thành phố ở phía đông nam Biển Hồ, bên kia sông Giô-đan, dòng sông đổ nước vào Biển Hồ.

Cách thành Ca-phác-na-um đến thành Bết-xai-đa khoảng 12 cây số, vì thế có lẽ đám đông cùng nhau theo đường bộ vượt qua một khoảng cách như vậy đến trước cả các ngài. Cách diễn tả: “nhiều người hiểu ý” gợi lên một mối tương quan gần gũi thân thiết giữa đám đông dân chúng nầy với Đức Giê-su như cách nói của Tin Mừng Gioan: “Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi” (Ga 10: 14).

4. Tấm lòng mục tử của Đấng Mê-si-a.

Tấm lòng nhiệt thành nầy của đám đông dân chúng làm ngăn trở cho ý muốn của Đức Giê-su và các môn đệ là được lánh riêng một nơi thanh vắng. Ấy vậy, thay vì bực mình, Đức Giê-su “chạnh lòng thương”. Dịch như thế chưa lột hết ý nghĩa của động từ Hy lạp, động từ nầy gợi lên một sự xúc động sâu xa dâng lên tận đáy lòng. Quả thật, động từ nầy phát xuất từ danh từ “ruột gan” để diễn tả niềm thương mến cuộn lên tận ruột gan như tấm lòng của Thiên Chúa đối với dân Ngài: “Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta rối bời” (Hs 11: 8). Đặc biệt trong các sách Tin Mừng, động từ nầy thường chỉ được dùng cho Đức Giê-su; và luôn luôn với động tự nầy, Ngài không thể nào kềm lòng được mà không ra tay hành động.

Đức Giê-su thương mến tận đáy lòng khi thấy đám đông dân chúng cùng nhau chạy đến với Ngài “như bầy chiên không người chăn dắt”. Ở đây phảng phất chủ đề căn bản của Cựu Ước. Dân Ít-ra-en là đàn chiên thương mến của Thiên Chúa. Ngài đã trao gởi đàn chiên của mình cho sự chăm sóc của các vị mục tử; nhưng những vị mục tử vô trách nhiệm nầy chỉ nghĩ đến mình mà không quan tâm đến cảnh sống của đàn chiên Ngài, khiến đàn chiên của Ngài phải lạc lõng bơ vơ. Đức Giê-su sẽ ra tay ân cần săn sóc họ và chứng tỏ mình là vị mục tử Mê-si-a được ngôn sứ Giê-rê-mi-a loan báo. Công việc của người mục tử là tìm kiếm cho đàn chiên của mình cánh đồng cỏ tốt tươi. Lương thực mà Ngài trao ban cho đám đông nầy trước hết là lương thực của Lời Ngài; chính cái đói nầy phải được đáp ứng trước tiên: “Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều”. Phép lại bánh hóa nhiều được nối tiếp theo sau. Từ xưa Giáo Hội đã ghi nhận điều nầy là luôn luôn nối kết “hai bàn tiệc” với nhau: trước hết là bàn tiệc Lời Chúa, rồi sau đó là bàn tiệc Thánh Thể.

Khi ngỏ lời với đám đông suốt ngày hôm ấy quên cả nghĩ ngơi, Đức Giê-su cho các môn đệ của Ngài một giáo huấn rõ ràng: “người mục tử nhân lành là người hiến dâng trọn vẹn bản thân của mình cho đàn chiên”.

Bài tường thuật của Mác-cô nầy chứng tỏ Đức Giê-su ân cần săn sóc các môn đệ mệt mõi của Ngài sau khi hoàn thành sứ vụ, cũng như đám đông dân chúng sau khi đi một quảng đường xa đến gặp Ngài. Bài tường thuật nầy là một trong số các bài tường thuật bày tỏ ở nơi Đức Giê-su một tấm lòng từ bi nhân hậu: vừa độ nhạy cảm sâu xa của con tim nhân loại vừa tấm lòng xót thương vô bờ của Thiên Chúa trước nỗi khổ đau của đám đông dân chúng bơ vơ lạc lõng, tìm nơi nương tựa vào Ngài. Đó cũng là mẫu gương cho tất cả các vị mục tử của Giáo Hội Ngài, không tìm cách trốn tránh dưới chiêu bài nầy hay chiêu bài khác, nhưng tìm cách đáp trả nỗi khổ đau của dân chúng, bởi vì: “Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên” (Ga 10: 11).
 
Đức Giêsu, các Tông đồ và Dân chúng
Lm PX Vũ Phan Long, ofm
17:44 15/07/2009
Chúa Nhật 16 thường niên (Máccô 6,30-34 – CN XVI TN - B)

1.- Ngữ cảnh

Đức Giêsu đã gọi Nhóm Mười Hai và sai đi từng hai người một (6,7.12). Bản văn hôm nay tường thuật việc các ông trở về báo cáo công việc đã làm với Thầy. Để chu toàn được sứ mạng Đức Giêsu giao là loan báo Tin Mừng về Triều Đại Thiên Chúa và đuổi được ma quỉ, các ông phải chấp nhận định mệnh của Gioan Tẩy Giả (đó là lý do khiến tác giả đã tháp truyện Gioan bị trảm quyết vào giữa đoạn văn về sai phái đi và trở về báo cáo kết quả; x. 6,17-29).

Trong đoạn văn này, chúng ta gặp lại những yếu tố quen thuộc: Đức Giêsu là Thầy nhắc nhở các môn đệ (c. 31), rút về nơi thanh vắng (1,35.45), đám đông kéo tới, chiếc thuyền (2,2; 3,7t.20; 4,1t). Sự kiện cả Nhóm không có giờ ăn uống đã được nói đến ở 3,20.

Nếu đặt bản văn này trong tác phẩm Mc, ta thấy đây chính là phần mở cho biến cố Đức Giêsu làm cho bánh hóa nhiều mà nuôi đám đông dân chúng (6,34-44).

2.- Bố cục

Bản văn này có thể chia thành hai phần:
1) Đức Giêsu và các Tông Đồ (6,30-32);
2) Đức Giêsu và đám đông dân chúng (6,33-34).

3.- Vài điểm chú giải

- Các Tông Đồ tụ họp quanh Đức Giêsu (30): Không phải là chuyện tình cờ nếu khi đi rao giảng về, Nhóm Mười Hai được nhận danh hiệu “tông đồ” (và trong TM II thì chỉ ở đây mà thôi). Danh hiệu này tăng cường thêm cho dây liên kết giữa đoạn văn này với đoạn văn kể lại việc Đức Giêsu sai phái các ông đi rao giảng. Chính là trong tư cách “tông đồ”, nghĩa là những người được Đức Giêsu giao phó sứ mạng tiếp nối công trình của Người, mà các ông tái xuất hiện.

- và kể lại … mọi điều các ông đã làm … đã dạy: Họ báo cáo đúng theo hai phương diện của hoạt động được giao (x. 6,12-13): rao giảng – trừ quỉ và chữa bệnh (x. thêm 6,7-11; 3,14-15). Hai phương diện này đã được minh hoạ trong hoạt động của Đức Giêsu (1,21-27; ch. 4–5; 6,1-6). Sứ vụ của Nhóm Mười Hai được đồng hoá với sứ vụ của Đức Giêsu và nối dài sứ vụ của Người.

Đây là chỗ duy nhất mà tác giả xác định là Nhóm Mười Hai “đã giảng dạy” (edidaxan). Ngài thường dùng động từ “công bố” để nói về các ông này hơn (kêryssein: 3,14; 6,12; 13,10; 14,9). Trong từ vựng của ngài, có một sắc thái phân biệt hai từ này: việc công bố đi trước việc giảng dạy (so sánh 1,14 và 21). Tuy nhiên, không nên đối lập hai từ này y như thể là hai sinh hoạt hoàn toàn tách biệt; khó mà làm việc này nếu không có việc kia. Dù sao, lời nhắc đến việc giảng dạy của Nhóm Mười Hai ở đây vẫn đáng lưu ý, vì tại đây tác giả đang nêu bật hoạt động giảng dạy của Đức Giêsu (6,6b.34). Ngài muốn nói: hoạt động giảng dạy của Đức Giêsu được nối tiếp nơi hoạt động giảng dạy của Nhóm Mười Hai.

- Anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng, mà nghỉ ngơi đôi chút (31): Câu này hẳn là có ý giải thích việc ra đi đến nơi thanh vắng để rồi tại đó, xảy ra cuộc gặp gỡ với năm ngàn người. Câu này hẳn cũng cho phép liên kết việc sai phái Nhóm Mười Hai và cuộc trở về của họ với cuộc gặp gỡ của vị Mục Tử với đàn chiên bơ vơ. Tuy nhiên, câu này cũng có những chi tiết đáng quan tâm: một đàng, sự tha thiết được nêu bật bằng việc lặp lại: “lánh riêng ra, đến một nơi thanh vắng” (cc. 31-32). “Lánh riêng ra” (kat’idian) là một nét riêng của Mc (x. 7,33; 4,34; 9,2.28; 13,2). Đức Giêsu tạo cơ hội cho Nhóm Mười Hai được “ở với Người” (3,14), xa đám đông, và để được sai đi.

Đàng khác, lời đề nghị của Đức Giêsu hàm ý Người muốn các tông đồ có cùng một nhịp sinh hoạt (hoạt động nơi dân chúng – sống cô tịch) như Người. Các ông được mời bắt chước Người tìm nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi, mà cầu nguyện, sau khi đã hoạt động rao giảng. Phải chăng đây là điều tác giả muốn diễn tả qua dụ ngôn hạt giống tự mọc một mình (4,26-29)?

- chạnh lòng thương (34): Động từ splagchnizomai (x. 1,41) diễn tả một tâm tình sâu xa động chạm đến lòng dạ (ta splagchna) và được biểu lộ ra bằng một hành vi đặc biệt chiếu cố đến một ai đó (x. Mt 18,27; Lc 15,20; 10,33).

- vì họ như bầy chiên không người chăn dắt: Câu này gợi nhớ đến hoàn cảnh nguy hiểm hoặc đáng thương của dân Chúa khi thiếu vắng thủ lãnh (Ds 27,17), bị phó mặc cho kẻ thù xâu xé (1 V 22,17; 2 Sb 18,16), bị vua chúa coi thường và bỏ rơi (Ed 34,5), lang thang, lạc lõng, bơ vơ không người chăn dắt (Dcr 10,2-3; 13,7). Dường như bản văn Mc gần với Ds 27 và Ed 34 hơn, vừa về giọng văn vừa về đề tài. Trong Ds 27, chính Môsê, trước khi chết, đã xin Thiên Chúa ban một thủ lãnh thay thế ngài dẫn dắt cộng đồng dân Chúa đi trong hoang địa; thế mà bản văn Mc đây đang nhắc nhớ đến Môsê và các lương thực nhiệm mầu của Israel trong hoang địa. Còn lời sấm Ed 34 thì loan báo rằng chính Thiên Chúa sẽ săn sóc đoàn chiên Ngài (c. 11), cho chúng được ăn trong đồng cỏ mầu mỡ (c. 14), cho chúng nghỉ ngơi (cc. 14-15) và đặt một mục tử dẫn dắt chúng (c. 23). Xem Tv 22/23.

Nhiều chi tiết trong bài tường thuật liên hệ đến những đoạn văn đó: sự ân cần của Đức Giêsu, sự nghỉ ngơi mà Người muốn bảo đảm cho môn đệ, đám đông qui tụ lại, bữa ăn trên cỏ xanh, lương thực dồi dào… Đây là những gợi ý cho hiểu Đức Giêsu chính là vị Mục tử thiên sai. Khi nhận xét rằng Đức Giêsu “chạnh lòng thương”, bản văn đã đề cao phẩm chất của vị Mục tử thiên sai.

- và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều: Điều đáng ngạc nhiên là Đức Giêsu giảng dạy để bày tỏ lòng thương xót! Các bản văn Mt và Lc dường như hợp lý hơn: Đức Giêsu chữa các bệnh nhân hoặc nếu có giảng dạy thì không phải vì thương xót. Vả lại công việc của người mục tử không phải là dạy dỗ, mà là nuôi dưỡng đoàn chiên.

Thật ra, ở đây cũng như tại những nơi khác (x. 1,21; 2,13; 6,2; 10,1), tuy không cảm thấy phải nói về nội dung của lời Đức Giêsu giảng dạy, Mc vẫn sử dụng danh từ “lời giảng dạy” và động từ “giảng dạy” nhiều hơn Mt. Bởi vì điều ngài quan tâm không phải là nội dung lời giảng, mà là chính hoạt động giảng dạy, vì hoạt động này biểu lộ chân tính của Đức Giêsu. Bằng lời Đức Giêsu giảng dạy và đánh tan quyền lực của Satan, Thiên Chúa hành động để thiết lập Triều Đại của Ngài. Vậy, trong tư cách Mục tử thiên sai, khi giảng dạy, Đức Giêsu chứng tỏ uy quyền. Đúng như lời Thiên Chúa đã hứa từ xa xưa, nay Đức Giêsu đến để dùng lời nói mà qui tụ, để làm no thoả đàn chiên bơ vơ.

Thật ra, có nhiều bản văn Kinh Thánh nối kết việc mạc khải Lời Chúa với ân ban các lương thực thiên quốc (x. trường hợp Môsê: Kn 16,28; Nkm 9,13-15; Tv 118/119,131.176; Tv 94/95,7-8.11; TM Ga nối bài tường thuật về việc hoá bánh ra nhiều (6,1-15) với diễn từ về Bánh ban sự sống (6,26-58).

Cũng có thể giải thích bản văn Mc dựa theo sinh hoạt Giáo Hội: hẳn là Mc đã dựa vào nếp sinh hoạt phụng vụ cộng đoàn, trong đó việc giảng dạy và bẻ bánh đi đôi với nhau và hỗ trợ cho nhau (x. Cv 2,42; 20,7; Lc 24,25-32).

4.- Ý nghĩa của bản văn

* Đức Giêsu và các tông đồ (30-32)

Cần phải hiểu cách thức Đức Giêsu xử sự với dân chúng trong quan hệ với sự ân cần Người tỏ ra với các môn đệ.

Trong TM Mc, quan hệ của Đức Giêsu với đám đông dân chúng luôn luôn xảy ra có sự chứng kiến của Nhóm Mười Hai hoặc của một vài người của Nhóm. Song song với việc giảng dạy cho dân chúng, Đức Giêsu có dành cho Nhóm Mười Hai một lối giảng dạy riêng (4,1-34; x. cc. 10-25.34).

Kể từ sau khi các môn đệ đi sứ vụ trở về (6,30), Đức Giêsu đã làm một loạt những hành vi và ban những lời giảng dạy dành riêng cho họ. Nếu Đức Giêsu có giảng dạy và nuôi dưỡng đám đông, thì theo TM II, dấu lạ này lại được dành cho các môn đệ, chỉ có điều là họ không hiểu thôi (6,52). Nếu Đức Giêsu có tranh luận về sự thanh sạch của lương thực và về truyền thống với người Pharisêu (7,1-16), chính là để soi sáng cho các môn đệ đang ở riêng một nơi (7,17-23). Vào cuối phần đoạn nói về các cuộc hoá bánh ra nhiều, những lời Người trách các môn đệ (8,14-21) chứng tỏ đấy là một mạc khải được dành riêng cho các ông. Câu truyện Đức Giêsu chữa một người mù (8,22-26) được đặt giữa những lời trách mắng này và lời tuyên xưng đức tin của Phêrô: “Thầy là Đấng Kitô”, sẽ là một bước dứt khoát hướng về chỗ hiểu biết Người chính xác hơn.

* Đức Giêsu và đám đông dân chúng (33-34)

Theo Mc, Đức Giêsu có sức thu hút phi thường đối với dân chúng ngay khi Người xuất hiện (1,33). Người có rút lui vào nơi thanh vắng cũng không tránh khỏi dân chúng (1,45). Dân chúng từ khắp nơi tuốn về, chen chúc, xô đẩy Người, khiến Người không còn thì giờ để ăn uống với môn đệ nữa (2,2.13; 3,7-9.20; 5,21.24; 6,54-56; 9,15; 10,1.46). Dọc theo quyển Tin Mừng, ta thấy dân chúng luôn luôn tỏ ra có thiện cảm với Người, cho đến khi họ bị các thượng tế lèo lái trong cuộc xử án tại toà Philatô (15,11). Không bao giờ Đức Giêsu xua đuổi họ, cho dù đôi khi Người tìm cách tránh họ (7,24.33; 9,30). Có khi Người còn gọi họ lại (7,14; 8,34). Sự hiện diện hoặc vắng mặt của đám đông không phải là không có ý nghĩa. Theo Mc, cách thức Đức Giêsu đối xử với đám đông biểu lộ một phương diện cốt yếu thuộc sứ mạng Người. Đó đặc biệt là trường hợp ở đây, khi mà đám đông kéo đến bất ngờ, và Đức Giêsu thì muốn tránh.

+ Kết luận

“Tin Mừng Đức Giêsu Kitô” là hoạt động Thiên Chúa đang được thể hiện giữa loài người hôm nay. Tin Mừng này nhắm đạt đến mọi người, nhờ sứ vụ các tông đồ. Xuyên qua sứ vụ này, chính lòng thương xót của Đức Kitô, đức ái của Người, chiếu cố đến mọi người. Khi suy gẫm về sự hiệp nhất giữa Đức Giêsu và các môn đệ ở thời kỳ khai nguyên Tin Mừng, Mc chạm đến thực tại sâu xa của Giáo Hội, trách nhiệm của Giáo Hội, đòi hỏi mà Giáo Hội phải đáp ứng bằng sứ vụ loan báo Tin Mừng.

5.- Gợi ý suy niệm

1. Khi khuyên các môn đệ đi đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi, Đức Giêsu đã làm một cử chỉ rất nhân bản, Người đã tỏ ra là một vị Thầy quan tâm đến mọi phương diện thuộc đời sống các môn đệ. Đấy là một tấm gương cho tất cả những ai có trách nhiệm về những người khác.

2. Trong Cựu Ước, lòng từ bi thương xót là một phẩm tính của Thiên Chúa; qua thái độ của Đức Giêsu, ta thấy được lòng thương cảm của Thiên Chúa đối với loài người. Bất cứ ai có vai trò “mục tử” (cha xứ, bề trên, cha mẹ…) đều được mời gọi bắt chước Đức Giêsu về phương diện này.

3. Khi đưa Nhóm Mười Hai vào sứ vụ này, Đức Giêsu đã thật vất vả mới mở mắt các ông ra được, thì chắc hẳn không người môn đệ nào hôm nay muốn thực tập đời tông đồ mà lại miền chuẩn cho mình khỏi phải ở với Đức Giêsu, nhìn ngắm Người, bước theo Người và cứ thường xuyên bị Người ngăn cản trong những kế hoạch theo lô-gích loài người.
 
Bốn nguyên tắc của Học thuyết xã hội Công giáo
Gioan Lê Quang Vinh
17:47 15/07/2009
HỌC THUYẾT GIÁO HỘI VỀ VIỆC XÂY DỰNG
NGÔI NHÀ SỰ SỐNG

Kinh Thánh dùng những hình ảnh tuyệt vời để diễn tả sự sống mà Thiên Chúa ban cho con người. Đó là việc Thiên Chúa chiều chiều dạo chơi trong khu vườn Eden với ông bà nguyên tổ. Đó là hình ảnh vị mục tử nhân dũng đưa dẫn đàn chiên hiền hoà đến nguồn nước mát trong. Hình ảnh của hoà bình ấy chính là hình ảnh của sự sống, cho nên không gì ngạc nhiên khi chúng ta đọc thấy Học Thuyết Xã Hội Công Giáo gần như đồng nhất ngôi nhà hoà bình và ngôi nhà sự sống của nhân loại chúng ta. Và để xây dựng ngôi nhà ấy, xã hội loài người – cả xã hội dân sự lẫn chính trị - đều cần đến bốn cây cột và bốn đà ngang. Đó là bốn nguyên tắc của học thuyết Xã Hội Công Giáo và bốn giá trị căn bản của đời sống xã hội.

BÀI 1: BỐN NGUYÊN TẮC CỦA HỌC THUYẾT XÃ HỘI CÔNG GIÁO

1. Nguyên tắc nhân vị

“Giáo Hội nhìn thấy nơi mỗi người, nam cũng như nữ, hình ảnh sống động của chính Thiên Chúa. Hình ảnh này mỗi ngày được triển khai thêm một cách trọn vẹn và sâu sắc hơn nơi mầu nhiệm Đức Kitô, hình ảnh tuyệt hảo của Thiên Chúa, Đấng duy nhất đã mạc khải Thiên Chúa cho con người và mạc khải con người cho chính con người” (1)

Đây là nguyên tắc đầu tiên và căn bản. Con người là thụ tạo cao quí nhất và là đối tượng của mầu nhiệm Cứu Chuộc. Con người được Thiên Chúa tạo thành giống hình ảnh Ngài. Nhưng vì con người lạm dụng tự do Chúa ban, họ đã gây nên bi kịch khủng khiếp nhất cho muôn thế hệ. Ấy là bi kịch của tội. Giáo Hội trình bày khía cạnh xã hội của tội lỗi cùng tính phổ quát của nó, đồng thời Giáo Hội nhấn mạnh tính phổ quát của ơn Cứu độ.(2)

Nhờ hồng ân Cứu độ, con người mở ra với siêu việt, có phẩm giá cao quí, có tự do, bình đẳng. Và đó chính là nền tảng của nhân quyền mà Giáo Hội đề cao và dấn thân bảo vệ.

2. Nguyên tắc công ích

“Mọi khía cạnh trong đời sống xã hội đều phải liên hệ đến công ích, nếu muốn đạt được ý nghĩa trọn vẹn nhất, công ích xuất phát từ chính phẩm giá, sự thống nhất và bình đẳng của hết mọi người. Hiểu theo nghĩa ban đầu, và được chấp nhận rộng rãi, công ích là “toàn bộ những điều kiện xã hội cho phép con người, tập thể hay cá nhân, đạt tới sự phát triển cách đầy đủ và dễ dàng hơn” (3)
Với nguyên tắc này, Giáo Hội dạy rằng con người sống là phải sống với và sống vì người khác. Do đó, con người phải có trách nhiệm với cộng đồng. Trong chiều hướng ấy, các cộng đồng chính trị phải ra sức mưu ích cho xã hội, để bảo đảm xã hội “trật tự, thống nhất và có tổ chức”.

Điều quan trọng nhất chính là ở chỗ con người phải hiểu rằng công ích tự nó không phải là mục tiêu. Thiên Chúa mới là mục tiêu tối hậu của con người và toàn thể các loài thụ tạo của Ngài. Chính nhờ Đức Giêsu và trong Đức Giêsu mà mọi loài qui hướng về Đấng là Chân Thiện Mỹ. (4)

Từ nguyên tắc công ích này, một hệ luận quan trọng được rút ra, đó là mục tiêu phổ quát của của cải. Của cải phải được phân phối công bằng và hợp lý. Giáo Hội cũng nhấn mạnh quyền tư hữu trên của cải, đồng thời cũng luôn nhắc nhở việc ưu tiên cho người nghèo trong xã hội: “Sự lựa chọn ấy không những ảnh hưởng trên đời sống của mỗi Kitô hữu khi họ tìm cách bắt chước cuộc sống của Đức Kitô, mà còn ảnh hưởng đến các trách nhiệm xã hội của chúng ta, và từ đó, ảnh hưởng đến cách sống và các quyết định hợp lý của chúng ta liên quan tới việc làm chủ và sử dụng của cải” (5)

3. Nguyên tắc bổ trợ

“Bổ trợ là một trong những định hướng bền vững và đặc thù nhất của Học thuyết Xã hội Công giáo, và đã có mặt trong học thuyết ấy ngay từ văn kiện xã hội quan trọng đầu tiên” (6)
Để thực thi nguyên tắc này, các tổ chức xã hội cấp cao có trách nhiệm hỗ trợ để các xã hội thấp hơn có thể thực hiện các nghĩa vụ và bổn phận của mình một các hiệu quả nhất. HTXHCG nói rõ là các xã hội thuộc trật tự cao hơn phải có trách nhiệm “giúp đỡ về kinh tế, cơ chế hay pháp lý” cho các đơn vị nhỏ hơn.

Nhờ nguyên tắc bổ trợ mà con người và gia đình được tôn trọng, dân chúng có thể được bảo vệ khỏi những sự lạm quyền của chính quyền cấp cao hơn, chống trung ương tập quyền và quan liêu giấy tờ. (7)
Biểu hiện rõ nét nhất của nguyên tắc bổ trợ là việc con người được tham gia vào mọi hoạt động xã hội mà không gặp cản trở nào. Việc tham gia này là “là một trong những cột trụ nâng đỡ mọi trật tự dân chủ và là một trong những bảo đảm quan trọng cho hệ thống dân chủ luôn được bền vững” (8)

4. Nguyên tắc liên đới

Giáo huấn của Hội Thánh đã nhiều lần nhấn mạnh rằng “Sự liên đới làm nổi bật một cách đặc biệt bản tính xã hội nội tại của con người, sự bình đẳng của mọi người về phẩm giá và quyền lợi, cũng như con đường chung cho các cá nhân và các dân tộc tiến tới sự thống nhất với một ý thức ngày càng cao hơn.” (9)

Giáo Hội nhấn mạnh hai khía cạnh của liên đới: đó vừa là nguyên tắc cũng như đức tính xã hội, vừa là đức tính luân lý. Liên đới là đức tính luân lý bởi vì nó thúc đẩy con người có quyết tâm và hành động cụ thể để dấn thân cho công ích. Liên đới là đức tính xã hội đơn giản vì nó “nằm trong phạm vi công bằng”. (10)

Liên đới đòi hỏi mọi người nhận ra rằng mình mắc nợ xã hội, và do đó mọi người phải chung tay góp sức xây dựng xã hội. Liên đới có liên quan đến công ích, phân chia của cải và bình đẳng xã hội. (11)
Hội Thánh dạy rằng tột đỉnh của liên đới là chính cuộc đời và giáo huấn của Đức Giêsu Kytô, Đấng đã đến cư ngụ giữa loài người và sẵn sàng chịu chết để cứu độ loài người. Nơi Đức Giêsu, mọi người được mời gọi yêu thương, chia sẻ, hy sinh, tha thứ và hoà giải, bởi vì mọi người là hình ảnh Thiên Chúa và được Đức Giêsu cứu chuộc. (12)

(Bài sau: Bốn Giá Trị Xã Hội)

Chú thích:
(1) HTXHCG chương 3, 105.
(2) Ibid. chương 3, 117-120
(3) Ibid. chương 4, 164; cf. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 26: AAS 58 (1966), 1046; x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1905-1912; Gioan XXIII, Thông điệp Mater et Magistra: AAS 53 (1961), 417-421; Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris: AAS 55 (1963), 272-273; Phaolô VI, Tông thư Octogesima Adveniens, 46: AAS 63 (1971), 433-435.
(4) Ibid. chương 4, 179.
(5) Ibid. chương 4, 182
(6) Ibid. chương 4, 185 cf. Lêô XIII, Thông điệp Rerum Novarum.
(7) Ibid. chương 4, 175
(8) Ibid. chương 4, 191
(9) Ibid. chương 4, 192 cf. Gioan XXIII, Thông điệp Mater et Magistra: AAS 53 (1961), 415-417; CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 42: AAS 58 (1966), 1060-1061; Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens, 14-15: AAS 73 (1981), 612-618.
(10) Ibid. chương 4, 193
(11) Ibid. chương 4, 194-195
(12) Ibid. chương 4, 196.
 
Giá trị của đức khó nghèo
LM Phêrô Hồng Phúc
17:49 15/07/2009
Có một con lừa kia rơi xuống giếng cạn của một bác nông dân. Nói là giếng cạn, nhưng vùng đồi núi phải đào sâu. Bác nông dân lượng sức mình không thể cứu nổi con lừa, vả lại, chiếc giếng cũng không thể dùng được nữa. Không đành nghe những tiếng kêu não nùng của con vật đáng thương. Bác mượn một hai người dân xung quanh, rồi quyết định dùng những xẻng đất hất đất xuống để lấp chiếc giếng không còn tác dụng kia, và cũng là hóa kiếp cho con lừa khỏi cơn hấp hối kéo dài đau đớn dưới đáy giếng.

Con lừa choáng ngợp một lúc rồi nó nhận ra cái khung cảnh mà nó phải đối đầu, đó là những xẻng đất từ trên cao hất xuống. Những xẻng đất đó cứ tiếp tục, tiếp tục mãi, cho đến khi lấp đầy miệng giếng.
Điều bất ngờ xảy ra là khi đất lấp đầy lên đến miệng giếng thì cũng là lúc con lừa vùng dậy và chạy thoát lên khỏi miệng giếng. Thì ra, mỗi một xẻng đất khi hất xuống giếng thì con lừa vùng dạy nhảy lên trên xẻng đất đó. Và cứ như thế, như thế, con lừa đã chồi lên được tới mặt đất. Nó đứng dậy trong những giây phút quyết định cuối cùng để có thể lên khỏi mặt đất, thoát chết, chạy khỏe như thường.


Câu chuyện về con lừa này là hình bóng của cuộc sống mỗi người nơi trần gian. Thánh Phanxicô Assisi, quen gọi là Phanxicô khó khăn đã gọi thân xác của chúng ta là con lừa. Con lừa ấy cũng chẳng khác gì con lừa trong câu chuyện. Chúng ta đang ở mãi dưới vực sâu của cuộc sống. Và rồi tất cả những áp lực của cuộc sống cứ từ từ, từ từ hất xuống như những xẻng đất đổ trên lưng, trên vai mỗi người chúng ta. Đó là những cái ách nặng của cuộc sống hàng ngày mà Chúa Giêsu gọi là “Sự khốn khó ngày nào, đủ cho ngày ấy”( Mt 6,34). Con lừa kia đã biết đạp lên từng xẻng đất, từng những áp lực của những vật có thể đè chết nó, để rồi từ từ nó chồi lên mặt đất và được giải thoát. Nếu như nó đón nhận những xẻng đất kia chắc chắn nó mãi mãi chôn vùi dưới lòng đất trong đáy giếng cạn. Nhưng không! Từng lúc, từng bước nó đã thắng vượt lên trên những xẻng đất đó, nên nó sống.

Nhiều người đã nhận những xẻng đất đó của kinh tế, của của cải, của chức quyền, của danh vọng, của hưởng thụ thế gian... Cho nên họ mãi mãi chôn vùi dưới danh nghĩa của những của cải, của những hưởng thụ. Như thánh Phaolô đã nhận xét: “Ai gieo trong xác thịt, sẽ gặt lấy sự hư nát”(Gl 6,8). Những người đứng lên; những người chấp nhận một ý chí can trường và vượt lên trên tất cả những vật chất đó; những khó khăn; những áp lực của cuộc sống đó. Họ là những người như Đức Giêsu đã dạy các tông đồ hôm nay: “Đừng mang bao bị, tiền túi, giày dép. Vào thành nào, nhà nào các con hãy chúc bình an cho nhà đó, thành đó” (Mc 6,8-10; Mt 10,10-12). Chúa Giêsu dạy cho các tông đồ một bài học, trao cho các tông đồ một hành trang:

- Đó không phải một của cải;
- Đó không phải là sức mạnh của đồng tiền;
- Nhưng đó là hành trang của ơn thánh.

Thư của thánh Phaolô gửi tín hữu Ephêso trong bài đọc hai hôm nay (x.Eph 1, 3-10a), cũng cho chúng ta thấy sự tín thác nơi Đức Giêsu Kitô là tất cả sức mạnh, là tất cả kho tàng cho Hội Thánh của chúng ta. Vì vậy, chúng ta không ngưỡng vọng vào những của cải trần gian; chúng ta cũng không hưởng thụ sức nặng của vật chất, người tông đồ đích thật của Chúa Kitô là một sự siêu thoát.

Nói như vậy, không có nghĩa là người tông đồ của Chúa Kitô hôm nay sống tị thế như những vị ẩn tu ngày xưa sống trong sa mạc. Không! Họ vẫn sống giữa trần gian, dùng phương tiện của trần gian nhưng đạt tới cứu cánh siêu nhiên. Họ là những người biết dùng những tiền của vật chất như phương tiện để đạt tới một mục đích của nước trời. Bởi vì phương Tây có câu: “Tiền của, vật chất là một đầy tớ tốt, nhưng là một ông chủ tồi”. Ai là người đội tiền của, vật chất thế gian lên đầu thì nó sẽ là ông chủ hà khắc, tồi tàn, tệ bạc và nó sẽ đè nén con ở của mình đến chết, nhưng nếu là phương tiện thì nó sẽ giúp cho con người đạt tới cứu cánh tốt đẹp của mình.

Các tông đồ hôm nay được lệnh của Chúa, coi tiền của vật chất là những phương tiện để rồi giúp cho các ngài đi được đến các thành, các làng mà trao ban bình an cho họ. Kho tàng này không lệ thuộc vật chất đã vậy lại còn đòi hỏi một sự đón nhận xứng đáng nữa: “Thành nào, làng nào xứng đáng thì sự bình an ở với họ. Bằng không các con hãy phủi bụi đó, làng đó để làm bằng chứng tố cáo họ”(Mt 10,13; Mc 6,11). Những người không đón nhận “Bình an của Chúa Kitô”, bản thân họ đã phải chịu những gánh nặng của vật chất, họ phải chịu đến những hạt bụi cuối cùng mà Chúa Giêsu gọi là: “các con hãy phủi bụi chân lại”(Mc 6,11). Những hạt bụi, mà Chúa Giêsu tuyên bố là: “Họ sẽ không ra khỏi đó cho tới khi phải trả đến đồng xu cuối cùng”(Mt 5,26).

Thật là ý nghĩa, thật là quý, khi mà trong Năm Linh Mục này, chúng ta gặp được một câu chuyện của một linh mục kia đã sống nghèo theo hành trang của Đức Giêsu Kitô. Trong suốt cuộc đời nghèo khó, phục vụ tận tình ấy cho tới ngày vị linh mục ấy nhắm mắt lìa đời. Trước khi lìa đời, cha già đáng kính ấy đã nói lại với con cái vây quanh rằng: “Cha rất mãn nguyện và vui lòng ra đi. Vì cha nhớ lời thân phụ của cha ngày xưa đã dặn cha thế này: 'Con hãy sống thế nào để khi con sống con không nợ ai một xu; khi con chết con không còn một xu để lại và khi con nhắm mắt con cũng không vướng tội nào.'” Lời căn dặn của thân phụ linh mục kia là lời cho chúng ta một ý thức về đức khó nghèo mà vị linh mục đã thực hiện được trong đời sống. Điều đó phản ánh đức khó nghèo của chính Đức Giêsu Kitô đã dạy bài học khôn ngoan cho các tông đồ và cũng là tiêu chuẩn mẫu mực cho tất cả những ai có tâm hồn tông đồ và thiện chí truyền giáo.

Lạy Chúa,
Xin đừng để chúng con chết gục dưới những lưỡi xẻng
của áp lực vật chất,
của của cải trần gian.
Nhưng cho chúng con đứng lên như con lừa trong câu chuyện
để chúng con đạt tới sự sống là giá trị cao quý nhất trong cuộc đời.
Nhờ ơn Chúa chúng con
được giải thoát khỏi những áp lực của thế gian, của Satan
Và chúng con đạt tới hạnh phúc đời đời
trong chính Chúa – Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen.
 
Niềm vui của người môn đệ
Lm Giacôbê Tạ Chúc
17:51 15/07/2009
Người Việt Nam với truyền thống hiếu học, người thầy bao giờ cũng được tôn trọng, vì vậy mà chúng ta thường nói:”Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” hay “tôn sư trọng đạo”. Trong thứ tự ưu tiên, người ta đặt để vị trí quan trọng cho người thầy:”Quân Sư Phụ”. Vì vậy, những người thầy bao giờ cũng tận tình dạy dỗ và mong những học trò trở thành những người có đủ: Tài-Đức, phục vụ cho đời. Cảm nhận này cũng có thể thấy trong tâm trạng của người thầy vĩ đại nhất là Đức Giêsu Kitô.

Sau một thời gian chuẩn bị, các môn đệ được sai đi thực tập công việc Tông Đồ. Có thể nói đây là một giai đọan mới trong hành trình rao giảng Tin Mừng của các Ngài. Thành công hay thất bại? Người ta đón nhận ơn cứu độ hay thờ ơ? Tất cả như là những nỗi niềm sâu kín mà hôm nay khi về bên Thầy Giêsu họ phấn chấn và òa vỡ trong những nụ cười và nước mắt. Thánh Marcô ghi nhận rằng:”Các Tông Đồ tụ họp lại bên Đức Giêsu, và tin lại cho Ngài tất cả những gì họ đã làm và đã dạy”(Mc 6,30). Đối với những người khác, khi có được những sự thành công ở đời, họ thường khao nhau một chầu nhậu để tưởng thưởng. Còn Chúa Giêsu, trước niềm vui dạt dào như sóng nghìn trùng vỗ, của các học trò thân yêu, Ngài dạy họ:”Cả các ngươi nữa cũng hãy đi riêng ra, vào chỗ nào hiu quạnh, mà nghỉ ngơi đôi chút”(Mc 6, 31).

Cũng trong một hòan cảnh tương tự như thế, trong khi các môn đệ như có vẻ tự hào về những việc mà họ làm được: như trừ quỷ, làm một vài phép lạ…thì Chúa Giêsu, Ngài tìm vào nơi hoang vắng để cầu nguyện:”Lạy Cha là Chúa tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, mà lại mặc khải cho những người bé mọn”( Mt 11,25). Đối với Đức Giêsu, thành công trước mặt thế gian chưa chắc gì là mua được hạnh phúc Nước Trời. Điều quan trọng là tìm được thánh ý của Chúa và đem ra thi hành trong đời sống của mình. Muốn thi hành đúng theo ý Chúa thì cần tâm sự với Chúa trong những nơi thanh vắng. Để tìm gặp Ngài, như đám đông dân chúng đi theo Chúa, họ đón Chúa mỗi lần Ngài rời đi nơi khác. Trước sự nhiệt thành của dân chúng, Chúa Giêsu động lòng thương xót họ, vì họ bơ vơ không người chăn dắt. Ở nơi Chúa Giêsu, một sự hòa hợp rất rõ ràng giữa đời sống tự nhiên và đời sống ân sủng. Giữa những bận rộn và vất vả, của công việc tiếp đón khách hành hương, Chúa Giêsu vẫn luôn có những giờ cầu nguyện cùng Thiên Chúa Cha. Những giờ Ngài trầm mình trong nguồn suối thánh ân mà Chúa Thánh Linh dẫn đưa Ngài.

Mỗi người trong cuộc đời nhân thế, ai cũng có những công việc, những bận rộn vì kế mưu sinh. Lắm lúc chúng ta chọn ưu tiên cho những họat động mang hình thức bên ngòai, còn đời sống tâm linh lắm khi bị xem nhẹ, có khi bị quên lãng. Thành công trong công việc, chúc mừng nhau trong những lúc tọai nguyện cũng xin đừng quên Đấng ban cho ta có được tất cả không ai khác ngòai người Cha trên trời đầy quan phòng và yêu thương. Mỗi ngày dù thời khóa biểu đã kín chỗ thì xin đừng quên dành cho Đức Kitô một chỗ, dù nhỏ nhoi trong hai mươi bốn giờ trôi qua.
 
Nhịp sống Kitô hữu
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
17:52 15/07/2009
CHÚA NHẬT XVI - B (Gr23,1-6; Ep 2,13-18; Mc 6,30-34)

Trời có lúc mưa lúc nắng. Mưa để tưới cho cây lúa mọc nhanh. Nắng để cho hạt lúa vào mẩy chín vàng.

Thời gian có ngày có đêm. Ngày để con người làm việc. Ðêm để con người nghỉ ngơi phục hồi sức lực.

Con người có đời sống riêng tư và cũng có đời sống xã hội. Có lúc phải ra ngoài góp mặt với đời. Có lúc phải rút lui vào chốn riêng tư để sống cho mình.

Như vậy, hai nhịp chi phối đời sống con người ấy cũng chi phối những hoạt động thiêng liêng của người môn đệ Chúa Giêsu. Trong bài Tin Mừng Chủ nhật tuần trước, ta đã thấy Chúa Giêsu sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng, hoạt động cứu độ con người. Hôm nay, khi các ông về tường trình lại những việc đã làm, Người đã bảo các ông tìm chỗ vắng vẻ mà nghỉ ngơi. Nghỉ ngơi trong cầu nguyện. Sống riêng tư thân mật với Chúa.

Hoạt động và cầu nguyện, đó là nhịp sống của người môn đệ Chúa Giêsu.

Hoạt động và cầu nguyện đó là hai nhu cầu của con người vì con người có thể xác và cũng có linh hồn.

Vì đời sống thể xác, con người phải làm việc để nuôi thân, nuôi gia đình. Vì sống trong xã hội, con người có bổn phận đối với làng xóm, với đất nước. Ðể thăng tiến bản thân, gia đình và đất nước, ta phải học hành, lao động hết sức vất vả. Ðó là nhiệm vụ bắt buộc. Một người có tinh thần trách nhiệm không thể nào xao lãng những nhiệm vụ đó.

Tuy nhiên sẽ là thiếu sót rất lớn nếu con người chỉ biết có đời sống thể xác mà quên đi đời sống tâm linh. Thật vậy, con người không chỉ có thể xác mà còn có linh hồn. Ðời sống tâm linh cũng cần phải được nuôi dưỡng bồi bổ để phát triển. Sẽ là khập khiễng, lệch lạc, què quặt nếu chỉ lo phát triển đời sống vật lý mà quên đời sống tâm linh. Ðời sống tâm linh được nuôi dưỡng, bồi bổ ở bên Chúa. Chính Chúa là nguồn mạch đời sống thiêng liêng. Vì thế những giờ phút riêng tư thân mật bên Chúa sẽ giúp cho đời sống tâm linh phát triển. Chính nhờ những giờ cầu nguyện mà con người được phát triển quân bình, song song cả hồn lẫn xác.

Hơn thế nữa việc cầu nguyện sẽ hỗ trợ hoạt động bên ngoài. Nếu chỉ hoạt động bên ngoài, con người sẽ không khác gì máy móc. Nếu chỉ biết phát triển đời sống thân xác, con người sẽ trở thành nô lệ cho vật chất. Nếu chỉ quan tâm tới những nhu cầu vật chất, con người sẽ dễ bị tha hoá, đuổi theo tiền bạc, chức quyền. Một xã hội chỉ phát triển về vật chất mà không phát triển về đạo đức sẽ khó tồn tại. Cầu nguyện giúp nâng tâm hồn lên khỏi nô lệ vật chất. Những giây phút yên lặng bên Chúa giúp ta định hướng cuộc đời. Ánh sáng Lời Chúa giúp ta nhìn rõ tâm hồn mình, biết rõ những sai sót của mình mà sửa đổi. Những lời chỉ dạy của Chúa là những chuẩn mực đạo đức giúp ta sống ngay thẳng, thật thà, lương thiện. Ơn Chúa ban sẽ cho ta sức mạnh để hoạt động tích cực hữu hiệu hơn, để hăng hái dấn thân hơn nữa trên đường phục vụ anh em.

Các xã hội văn minh, các đô thị, chạy theo nhịp sống căng thẳng, náo nhiệt. Để thoát khỏi bầu khí căng thẳng đó hầu tìm lại phần nào yên tĩnh, trầm lặng, nội tâm, người ta tìm đến với Yoga,Thiền, với các phương pháp dưỡng sinh. Mùa hè người ta tạm nghĩ việc,rời bỏ nếp sống đô thị náo nhiệt tìm đến nghĩ ngơi nơi vùng quê,miền biển,miền núi. Bầu khí yên tĩnh, thời gian trầm lặng là điều rất cần thiết cho con người. Nó cần thiết vừa để cho thân xác nghĩ ngơi,vừa để cho tinh thần thư giãn, vừa để trí óc sáng suốt nhìn lại cuộc sống mình, kiểm điểm, rút ưu khuyết, định hướng cho cuộc sống sắp tới.

Riêng trong lãnh vực tông đồ, cầu nguyện là tuyệt đối cần thiết. Thật vậy, việc tông đồ bắt nguồn từ nơi Chúa. Làm việc tông đồ là làm việc của Chúa. Làm việc của Chúa mà không kết hiệp mật thiết với Chúa thì không những không thể có kết quả tốt đẹp mà còn có nguy cơ đi sai đường, làm hỏng công việc của Chúa. Không cầu nguyện ta sẽ dễ chú ý tới những hoạt động thuần tuý phô trương bề ngoài. Không cầu nguyện ta sẽ dễ biến việc của Chúa thành của riêng ta và vì thế sinh ra tự phụ, kiêu hãnh. Không cầu nguyện, việc tông đồ sẽ chỉ là một hoạt động xã hội từ thiện không hơn không kém. Vì thế, cầu nguyện rất cần thiết. Cần cầu nguyện để biết rõ ý Chúa, biết việc phải làm. Cần cầu nguyện để múc lấy sức mạnh của Chúa giúp chu toàn công việc. Cần cầu nguyện để biết khiêm nhường luôn coi mình là dụng cụ trong bàn tay Thiên chúa. Chỉ khi làm việc trong Chúa, với Chúa và vì Chúa, việc tông đồ mới có kết quả tốt đẹp theo ý Chúa muốn.

Hoạt động và cầu nguyện. Ðó là hai nhịp trong đời sống Kitô hữu. Nhưng có lẽ ta thường chú trọng tới hoạt động mà quên cầu nguyện. Hôm nay, Chúa dạy ta phải biết giữ quân bình giữa hai nhịp của đời sống. Có hoạt động nhưng cũng phải có cầu nguyện. Hoạt động phải là kết quả của những giờ suy nghĩ và cầu nguyện. Cầu nguyện để tổng kết lượng giá những hoạt động cũ và định hướng những hoạt động mới. Hoạt động là bề mặt. Cầu nguyện là bề sâu. Giữ được quân bình giữa hai nhịp sống, con người mới phát triển toàn diện. Duy trì sự ổn định của hai nhịp sống mọi hoạt động của con người mới có nền tảng và bền vững.

Người Kitô hữu yêu quý những giây phút thinh lặng trong tâm hồn, yên tĩnh ngọt ngào phong phú bên Chúa. Người Kitô hữu tìm thấy sự thinh lặng thánh ấy trong nhà thờ, trong những giây phút cầu nguyện,ngay trong tâm hồn mình.

Mẹ Têrêxa Calcutta đã dâng lời cầu nguyện tha thiết.

Lạy Thiên Chúa,Đấng ưa thích sự thinh lặng,xin dạy chúng con thinh lặng để ở một mình với Ngài,trò chuyện,lắng nghe và thấm nhuần Lời Hằng Sống.
Xin dạy chúng con thinh lặng nơi con mắt, biết nhắm lại trước những vấp váp của tha nhân,biết quay đi trước những dịp tội gây xao xuyến.
Xin dạy chúng con thinh lặng nơi đôi tai,để nghe được tiếng kêu của người nghèo đói,để khép lại trước những mời mọc của ma quỷ.
Xin dạy chúng con thinh lặng nơi miệng lưỡi,để biết ca tụng Chúa và đem lại an vui cho muôn người,tránh cho mọi lời nói gây đau đớn đổ vỡ.
Xin dạy chúng con thinh lặng nơi trí khôn,để mở ra trước sự thật và khép lại trước dối trá.
Cuối cùng xin dạy chúng con thinh lặng nơi quả tim,để tránh xa mọi ích kỷ,thù hằn,ghen ghét,để yêu mến và ước ao Thiên Chúa trên hết mọi sự. Amen.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
23:59 15/07/2009
LÒNG KHÔNG BỐ TRÍ PHÒNG THỦ

N2T


Hoa hải đường ôm tâm nhĩ bị nghiến đau và chảy máu, đau khổ nói với Đấng tạo hóa:

- “Người lạ làm tổn thương con, con có thể quên đi rất nhanh, tại sao người càng thân cận, càng làm cho con không thể chịu đựng được?”

Đấng tạo hóa thở dài, nói:

- “Thân cận không nhất định là thân mật, thân mật không nhất định là thân yêu. Người càng thân cận thường làm tổn thương cho nhau càng sâu. Trước mặt người chí thân, chí cận, chí ái, thì trong lòng mình không bố trí phòng thủ, cho đến nỗi bị vết thương đã sâu mà lại lớn.”

(Trích: Truyện đồng thoại dành cho người lớn)

Suy tư:

Tục ngữ Việt Nam có câu: “Yêu nhau lắm, cắn nhau đau”, thật là đúng trăm phần trăm, không chê vào đâu được.

Các cặp vợ chồng trước khi ly dị, không phải là họ đã có thời kỳ yêu nhau lắm sao?

Các bạn trẻ thanh niên nam nữ, trước khi chia tay nhau “đường ai nấy đi”, không phải đã có lần họ đã bất chấp những nghề nghiệp tương lai mà cha mẹ định sẵn cho họ, để đi theo tiếng gọi tình yêu của người bạn gái [trai] sao?

… … … … … … … … … … …

Họ đã có một thời bất chấp mọi thứ trên đời: khen chê, thù ghét, đau khổ, vui buồn, sung sướng, phớt lờ mọi sự để được yêu hay sao ?

Nhưng cái đau khổ nhất của họ chính là bị người yêu phản bội, bởi càng yêu thương tin tưởng bao nhiêu, đến khi tan vỡ, thì sự thù ghét cũng theo đó mà nhân lên cho đầy bấy nhiêu.

Con người ta mà đã như thế huống chi là Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa không xử sự như con người, nghĩa là Ngài không thù hận, không oán ghét, không “yêu nhau lắm, cắn nhau đau”, nhưng Ngài càng yêu thì càng xoá bỏ những khuyết điểm, càng ban ân sủng, càng chờ đợi.

Ngài sẽ buồn biết bao, khi chúng ta lừa dối và phản bội Ngài.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thêm một Linh Mục Tây Ban Nha bị ám sát tại Cuba
Bùi Hữu Thư
01:46 15/07/2009
HAVANA, Cuba, ngày 14 tháng 7, 2009 (Zenit.org).- Người ta tìm thấy Linh Mục Mariano Arroyo Merino, 74 tuổi, bị giết chết ngày Thứ Hai tại Giáo Xứ Đức Mẹ Regla, tại Havana.

Theo Toà Tổng Giám Mục cuả thủ đô Havana, cuộc điều tra sơ khởi cho hay linh mục bị ám sát bằng dao buổi sớm ngày thứ hai.

Cha Arroyo là linh mục Tây Ban Nha thứ hai bị ám sát tại Cuba trong vòng không đầy một năm. Cha Eduardo de la Fuente Serrano, 59 tuổi, bị giết ngày 14 tháng Hai.

Cha Arroyo sanh năm 1935 tại Cantabria, Tây Ban Nha, và được thụ phong linh mục 1960. Hai năm sau, ngài rời Tây Ban Nha để đi truyền giáo tại Chí Lợi; và ở đó đến năm 1968. Sau khi trở về Tây Ban Nha một thời gian, rồi lại qua Chí Lợi lần thứ hai, ngài đến Cuba năm 1997. Năm 2004, ngài được bổ nhiệm làm chánh xứ nhà thờ chánh tòa tại Thánh Đường Quốc Gia Đức Mẹ Regla, ngay trước vịnh Havana.

Đức Hồng Y Jaime Ortega y Alamino, Tổng Giám Mục Havana, giải thích, "Ngài ở đó cho đến khi ngài qua đời, ngài phát triển mục vụ tồng đồ rất mạnh và bầy tỏ một đặc sủng cá biệt về tôn giáo bình dân và sự dung hòa giữa nhiều tôn giáo."
 
Đức Thánh Cha cầu cho việc biến đổi con tim những người ngược đãi Kitô hữu Iraq.
Nguyễn Hoàng Thương
15:42 15/07/2009
Vatican (AsiaNews) - Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã bày tỏ sự gần gũi về mặt tinh thần đối với cộng đoàn Kitô hữu Baghdad, là nạn nhân của hàng loạt các cuộc tấn công, ngài cũng cầu nguyện để con tim của các thủ phạm gây ra những hành động đó được biến đổi.

Trong bức thư ký tên Đức Hồng y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh Tarcisio Bertone gửi tới Đức Hồng y Emmanuel III Delly, Thượng phụ Công Giáo nghi lễ Canđê của Babylon, Đức Thánh Cha đoan chắc gần gũi về mặt tinh thần và trong lời cầu nguyện của ngài đối với các cộng đoàn Công Giáo và Chính Thống Giáo của thủ đô Iraq. Bức thư cho hay Đức Thánh Cha "cầu nguyện cho sự biến đổi con tim của những người gây ra bạo lực và cổ võ giới cầm quyền làm tất cả những gì họ có thể để thúc đẩy sự chung sống công bằng và hòa bình của mọi bộ phận người dân Iraq".

Loan tin về bức thư của Đức Thánh Cha, tờ Quan sát viên Rôma (Osservatore Romano) viết: "Các đại diện chính quyền và tôn giáo Iraq - những người trong những ngày qua nhấn mạnh rằng niềm vui của họ đã trở lại rõ ràng trong bầu khí sáng sủa hơn - lo sợ rằng các cuộc tấn công vài giờ trước sẽ mở màn cho một làn sóng bạo lực phe phái mới trong nước. Đức Hồng y Delly đã tuyên bố trên truyền hình lúc nửa đêm rằng: 'Chúng tôi đau buồn vì những gì đang xảy ra ở Iraq vì các cuộc tấn công hôm nay nhắm mục tiêu vào những nơi mà trong quá khứ vào thời gian chiến tranh đã phục vụ như là nơi ẩn náu cho các Kitô hữu và người Hồi giáo'. Đức Hồng y lên ác các cuộc tấn công vào các nhà thờ Kitô giáo, các đền thờ Hồi giáo và lên tiếng kêu gọi duy trì "tinh thần khoan dung".

Đức Cha Philip Najim, Tổng đại diện Công Giáo nghi lễ Canđê cạnh Tòa Thánh cho hay: "họ muốn loại trừ Kitô giáo ra khỏi Iraq và rõ ràng là điều này không liên quan đến việc kháng chiến chống lại kẻ xâm lược nhưng là tiến trình bạo lực nhằm làm chậm sự phát triển của đất nước, của hòa bình. Họ muốn một Iraq kém phát triển, và với sự biến mất của thành phần Kitô hữu, một phần quan trọng của xã hội sẽ bị mất đi". Trong khi đó, hôm 13/07, tại Mosul, lệnh giới nghiêm xe cộ đã được ban bố trong các vùng lân cận của người Kitô sinh sống, nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố khác có thể xảy ra.
 
Nga và Tòa Thánh Vatican nay mai sẽ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao
Nguyễn Long Thao
17:27 15/07/2009
MOSCOW-Nga- Tổng Thơ Ký Hội Đồng Giám Mục Nga loan báo điều kiện làm việc của Giáo Hội Công Giáo Nga đã được cải thiện và hy vọng rằng biến cố này sẽ dẫn tới việc phát triển mối quan hệ ngoại giao ở mức độ cao hơn

Linh Mục Igor Kovalevsky, Tổng Thư Ký Hội Đồng Giám Mục Nga cho Cơ Quan Tin Tức Công Giáo Hoa Kỳ biết: “Mối liên hệ giữa Giáo Hội Công Giáo Nga với chính quyền và xã hội đã được cải thiện đáng kể và hy vọng rằng diễn trình này sẽ tiến xa hơn nữa”

Linh Mục Kovalevsky nói thêm: ” Liên hệ ngoại giao đầy đủ đương nhiên sẽ dễ dàng nối kết giữa Tòa Thánh và Liên Bang Nga trong lúc hai bên cùng chia sẻ những quan điểm về nhiều vấn đề quốc tế”

Vào thượng tuần tháng Bảy, cơ quan thông tấn Interfax của Nga trích lời Đức TGM Antonio Mennini, vị đại diện Tòa Thánh tại Moscow, cho biết cuộc nói chuyện về liên hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh Vatican và Nga sẽ chấm dứt nay mai sau khi đã đề cập đến nhiều vấn đề.

Vào ngày hôm qua 14 tháng 7 văn phòng Đức TGM Mennini cho cơ quan Tin Tức Công Giáo Hoa Kỳ biết thời khoá biểu thiết lập quan hệ ngoại giao tùy thuộc vào phía Nga.

Vào ngày 5 tháng 7, Tổng Thống Dmitry Medvedev đang ở Ý, đã cho nhật báo Corriere della Sera biết mối quan hệ hệ ngoại giao giữa Nga và Vatican đã thực sự phát triển và các nhà đàm phán hai bên đã thảo luận đến việc nâng tầm mức ngoại giao hai bên lên hàng đại sứ.

Cha Kovalevsky cho biết thêm các giáo sĩ Công Giáo ngoại quốc cũng được dễ dàng hơn trong việc xin phép làm mục vụ ở Nga. Vấn đề này, theo Ngài, trước đây gặp khó khăn là do vấn đề hành chánh chứ không không phải do thái độ bài Công Giáo.

Cha Kovalevsky cho biết thêm mối quan hệ giữa Tòa Thánh Vatican và Giáo Hội Chính Thống Nga cũng được cải thiện sau khi Đức Thượng Phụ Kirill lên kế vị Đức Thượng Phụ Alexy II vào tháng Giêng vừa qua.

Tưởng cũng nên nói thêm Vatican và Liên Bang Nga bắt đầu trao đổi phái đoàn ngoại giao sau khi nhà lãnh đạo Sô Viết lúc bấy giờ là chủ tịch Mikhail Gorbachev viếng thăm Rome vào năm 1990.

Trước đây, vấn đề làm trở ngại mối quan hệ ngoại giao giữa Vatican và Moscow là do Giáo Hội Chính Thống Giáo Nga cáo buộc Công Giáo thu hút tín đồ của họ và phản đối Công Giáo đã thiết lập thêm 4 giáo phận tại Nga vào năm 2002.
 
Báo Vatican ngợi khen giá trị trong phim Harry Potter mới
Bùi Hữu Thư
18:17 15/07/2009
VATICAN (Cindy Wooden: CNS) – Tờ báo của Vatican cho cuốn phim Harry Potter mới 4 sao vì cổ võ cho “tình bằng hữu, vị tha, trung thành và hiến thân."

Trong khi phim "Harry Potter and the Half-Blood Prince" sắp được trình chiếu trên toàn thế giới ngày hôm nay 15 tháng 7, L'Osservatore Romano, tờ báo của Vatican, một lần nữa không chỉ trích các cuốnphim và sách của J.K. Rowling là cổ võ cho ảo thuật và phù thủy.

Tờ báo viết như sau trong ấn bản ngày 14 tháng 7: "Chắc chắn là viễn tượng của ông Rowling thiếu đề cấp đến sự siêu việt, hay tới một kế họach quan phòng trong đó con người sống lịch sử cá nhân và chính lịch sử xã hội được hình thành.”

Nhưng tờ báo cũng nói, cuốn phim mới và cuốn sách cho thấy rõ “sự phân cách rõ rệt giữa một người lành và một người dữ, và khán giả và độc giả rất dễ có cảm tình với người lành."

Bài bình luận nói, "Điều này đặc biệt đúng trong cuốn phim cuối cùng này. Họ biết làm việc lành là điều phải. Và họ cũng hiểu rằng đôi khi điều này đòi hỏi phải vất vả và hy sinh."

Ảo thuật trong phim Harry Potter cũng giống như trong “các phim thần tiên cổ điển.”

Khi cuốn sách được hoàn tất hay cuốn phim được trình chiếu, điều được nhớ là “giá trị của tình bằng hữu, vị tha, trung thành và tận hiến” thay vì các trò ảo thuật.

Báo L'Osservatore nói cuốn phim "Harry Potter and the Half-Blood Prince," cuốn phim Harry Potter thứ sáu là cuốn phim hay nhất từ trước đến nay.

Báo nói, "Trong khi các nhân vật – bây giờ đã vị thành niên, và gần trưởng thành – câu chuyện và cuốn phim cũng có sự tiến bộ.”

Báo Vatican nói sự kiện các tài tử vị thành niên bắt đầu có một chút kinh nghiệm về yêu đương, "với một sự thăng bằng hợp lý, họ trở thành đáng tin hơn, vì họ được mời gọi để đối phó với cùng những vấn đề của các bạn hữu 'Muggle'." Trong loạt phim Harry Potter các "Muggles" là những người không có quyền năng làm ảo thuật.
 
Top Stories
PHILIPPINES: La libération d’un otage membre de la Croix-Rouge doit être saisie comme une chance pour un nouveau départ, affirment les évêques catholiques
Eglises d'Asie
15:39 15/07/2009
Dans l’histoire des relations troublées entre la minorité musulmane et la majorité catholique du sud philippin, la libération, le 12 juillet dernier, du dernier otage de la Croix-Rouge encore aux mains du groupe Abu Sayyaf doit être saisie comme une chance pour un nouveau départ, ont affirmé les évêques catholiques des Philippines. Les Philippins « ne doivent pas considérer que la violence, les meurtres, les enlèvements et autres crimes sont des choses normales dans notre société ». La violence doit être dénoncée, mais chacun doit prier pour ceux qui se livrent à des actes de violences; le pardon, la parole et les négociations sont les seules voies possibles pour régler les problèmes de manière pacifique, écrivent les évêques.

Réunis en assemblée plénière à Manille les 11 et 12 juillet, les 95 évêques catholiques ont salué la libération d’Eugenio Vagni, membre italien de la Croix-Rouge, pour appeler « les habitants de Mindanao à désormais travailler ensemble afin que la paix et le progrès gagnent la région ». Selon Mgr Romulo Valles, archevêque de Zamboanga, un diocèse situé au nord-est de Jolo, lieu de la prise d’otages, la fin de ce nouvel épisode de prise d’otages doit être saisie comme une opportunité afin que « tous, nous travaillions plus intensément à la paix et à la stabilité dans la région ». Il ne peut y avoir aucun développement à Mindanao si les enlèvements et le banditisme continuent à sévir, a-t-il ajouté. Sur le site Internet de la Conférence épiscopale, Mgr Valles met en garde: au cas où les kidnappings continuent, « nous sommes tous perdants ».

Eugenio Vagni, 62 ans, fait partie du groupe de trois employés du Comité international de la Croix-Rouge enlevé le 15 janvier dernier, peu après avoir visité un projet mené à la prison provinciale de Patikul, localité de l’île de Jolo, dans l’archipel des Sulu. Ingénieur en gestion de l’eau, Eugenio Vagni a été libéré par ses ravisseurs le 12 juillet, « abandonné sur un chemin et recueilli par une patrouille des forces armées » philippines. « Il était à peine capable de parler », a précisé un porte-parole de la Marine philippine, qui a ajouté que la vice-gouverneur de la province de Sulu, Lady Ann Sahidulla, a joué un rôle central dans la libération de l’otage. Après 178 jours de captivité, Eugenio Vagni est toutefois en bonne santé et, dès le 14 juillet, il était à Manille où il a été reçu au palais présidentiel par Gloria Arroyo. « A tous les Philippins qui ont prié pour moi, je dis qu’ils sont présents dans mon cœur », a-t-il déclaré.

L’ingénieur italien a retrouvé la liberté quelque deux mois après ses deux autres compagnons de détention, la Philippine Mary Jean Lacaba, libérée le 2 avril dernier, et le Suisse Andreas Notter, libéré le 18 avril (1). Selon l’armée philippine, aucune rançon n’a été versée pour leur libération. Ann Sahidulla a simplement précisé que la récente interpellation des épouses d’Albader Parad, un des dirigeants du groupe Abu Sayyaf, avait sans doute aidé pour la libération d’Eugenio Vagni. Ces femmes ont été interpellées le 7 juillet dernier, en compagnie de quatre membres d’Abu Sayyaf, pour une infraction relative à l’immatriculation de leurs motocyclettes. Placées en détention, les femmes ont contacté leur mari et plaidé pour la libération d’Eugenio Vagni. Selon Ann Sahidulla, les ravisseurs de l’otage italien lui ont seulement demandé « de l’argent pour s’acheter des cigarettes ». La vice-gouverneur a précisé qu’elle leur avait fait parvenir 50 000 pesos (750 euros) « sortis de [sa] poche, comme un geste de bonne volonté ».

Interviewé à la télévision, le sénateur Richard Gordon, président de la Croix-Rouge philippine, a déclaré qu’Abu Sayyaf n’avait à aucun moment demandé de rançon en échange de la libération des trois otages de la Croix-Rouge. Selon lui, ce groupe, qui évolue à la lisière de l’islamisme et du grand banditisme, cherchait uniquement à attirer l’attention des médias sur les besoins des habitants de l’archipel des Sulu, une région, selon Abu Sayyaf, négligée par les pouvoirs publics philippins.

(1) Voir EDA 504, 505

(Source: Eglises d'Asie, 15 juillet 2009)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lễ an táng linh mục Giuse, nguyên chánh xứ Bắc Hải, hạt Hố Nai
Giuse Khổng Hữu Nguồn
01:59 15/07/2009
HỐ NAI - Sáng Thứ Hai 13.7.2009, Lễ an táng cha cố Giuse Phạm Ngọc Hoan, nguyên chánh xứ Bắc Hải, Quản Hạt Hố Nai, được tổ chức tại Thánh Đường Giáo Xứ Bắc Hải, Hạt Hố Nai, Giáo Phận Xuân Lộc. Cùng đồng tế với Đức Cha Anton Vũ Huy Chương, Giám mục Hưng Hóa, có quý cha Tổng Đại Diện, quý cha Quản Hạt, qúy cha gốc Hải Phòng, gần 200 cha trong ngoài giáo phận.

Xem hình ảnh

Tham dự lễ có rất đông quý tu sỹ nam nữ, chủng sinh, cộng đoàn Bắc Hải, quý cộng đoàn Phúc Nhạc, Lợi Hà, Long Đại, Tân Bình, Ninh Phát, Ban Hành Giáo, các Giới các Đoàn Hội 17 Giáo Xứ trong Hạt Hố Nai, quý khách, quý thân bằng quyến thuộc của cha cố Giuse.

Đúng 8 giờ 30 đoàn đồng tế từ trong Hội Trường nhà xứ Bắc Hải tiến ra Thánh Đường. Mở đầu Thánh Lễ, cha Đaminh Trần Xuân Thảo, Quản Hạt Hố Nai đọc thư phân ưu của qúy Đức Cha như sau:

"Trọng kính Đức Cha, Kính thưa quý cha Tổng Đại Diện, qúy cha và toàn thể cộng đoàn dân Chúa, ngày hôm nay trong Thánh Lễ an táng cha cố Giuse Phạm Ngọc Hoan, nguyên chánh xứ Bắc Hải, nguyên Quản Hạt Hố Nai, chúng con đã nhận được lời chia buồn của Đức Cha Giáo Phận Đaminh Nguyễn Chu Trinh và đồng thời hôm nay Ngài đã gởi cha Tổng Đại Diện đến để dâng lễ thay mặt Ngài, để cùng với tất cả cộng đồng dân Chúa, để cầu nguyện cho cha cố Giuse Phạm Ngọc Hoan.

Và sau đây chúng con cũng nhận được thư của Tòa Giám Mục Hải Phòng, Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên, vì cũng đang công tác tại Nước ngoài, do đó mà Ngài đã gởi thư phân ưu đến cùng quý cha Giáo Hạt Hố Nai, cũng như quý Giáo Dân Giáo Xứ Bắc Hải. và Ngài cử quý cha đại diện đến dâng Thánh Lễ An Táng hôm nay.

Sau phần đọc thư phân ưu, cha quản Hạt giới thiệu đến cộng đoàn Đức cha Anton Vũ Huy Chương, Giám mục Hưng Hóa và Đức cha ngỏ lời đến cộng đoàn như sau: “ Kính thưa cha Tổng Đại Diện, qúy cha Quản Hạt, cha xứ, quý cha, quý tu sĩ nam nữ, cùng toàn thể quý ông bà anh chị em. Tôi là một người con giáo xứ Bảo Thị, giáo phận Xuân Lộc, được bổ nhiệm làm giám mục giáo phận Hưng Hóa ngoài miền Bắc, một sự quan phòng kì diệu, nhân dịp này, tôi được cha Tổng Đại Diện mời để chủ tọa Thánh Lễ cầu nguyện đặc biệt cho cha cố Giuse, tôi cảm thấy như mình là người thuộc giáo phận Xuân Lộc và cùng hợp với tất cả quý cha, quý tu sĩ nam nữ, quý ông bà anh chị em, đặc biệt bà con giáo xứ Bắc Hải, để tạ ơn Chúa vì những ơn lành Chúa đã ban cho cha cố Giuse và cầu nguyện cho Ngài, khi được về hưởng dung nhan Chúa cũng phù hộ trước mặt Chúa cho tất cả mọi người chúng ta, cách riêng những người thân trong gia đình của cha cố Giuse".

Cha cố Giuse Phạm Ngọc Hoan sinh ngày 18.4.1940 tại Kẻ Sặt – Hải Dương, gia đình ông bà cố có năm người con hai trai ba gái, Ngài là con trưởng. Theo Cha Mẹ vào Nam định cư tại Hố Nai. Và Ngài đã được Chúa gọi về lúc 2 giờ Thứ Năm mùng 09.7.2009 ( 17.5.Kỷ Sửu ) tại Bệnh Viện Thống Nhất, Biên Hòa, Đồng Nai.

Trong bốn ngày tổ chức tang lễ tại giáo xứ Bắc Hải, từ 6 giờ sáng đến 21 giờ, các đoàn viếng cử hành Thánh Lễ, cầu nguyện liên tục cho cha cố Giuse Phạm Ngọc Hoan.

Thánh lễ kết thúc vào lúc 10 giờ, đoàn rước dài rước linh cữu cha cố Giuse ra phần đất nghĩa trang giáo xứ Bắc Hải, Hạt Hố Nai, Giáo Phận Xuân Lộc.

Sau dịp lễ cầu hồn 02.11 năm vừa rồi, hai tay nắm chắc chiếc gậy bốn chân, đứng bên mộ cha cố Phêro Vũ Trọng Thư, Ngài nói với quý chức Ban Hành Giáo Bắc Hải “Sau này tôi chết, xin cho tôi nằm cạnh mộ cha Chính Thư trong nghĩa trang này, nơi đây có cộng đoàn, có bố mẹ những người thân của tôi đang an nghỉ!"

Sinh ly, từ biệt. Những khuôn mặt nhạt nhòa nước mắt... Những tiếng nấc nghẹn ngào... Những cánh hoa nhẹ nhàng thả xuống trên cỗ Quan tài... Những nắm đất ném xuống... Lòng đất mẹ lạnh lùng khép lại, mang theo thân xác Cha cố Giuse. Từ đây... mãi mãi... không còn tìm đâu thấy nữa... !
 
Đại hội Giới Trẻ giáo hạt Cầu Rầm hè năm 2009
Tân Lập
15:51 15/07/2009
VINH - Ngày 14 tháng 7 năm 2009, Giáo hạt Cầu Rầm đã tổ chức đại hội mùa hè cho giới trẻ tại nhà thờ Cầu Rầm, thành phố Vinh, Nghệ An. Cùng tham dự đại hội với các bạn trẻ có tất cả các Cha trong hạt, đông đảo các tu sĩ nam nữ, chủng sinh và bà con giáo dân trong cũng như ngoài hạt.

Mặc cho thời tiết thành Vinh rất khắc nghiệt với gió lào hừng hực cháy bỏng, mặc cho đường xa cách trở và bao nhiêu bận rộn của công việc đời thường, làn sóng người ngày càng đông ồ ạt tiến về trung tâm của Giáo hạt. Tất cả đã tạo nên một không khí của ngày hội, không khí vui tươi phấn khởi của tuổi trẻ cho niềm tin yêu hy vọng, cho tình đoàn kết và hợp nhất; cho ơn gọi làm men, làm muối và ánh sáng trên một địa bàn rộng lớn, nơi các em đang sinh sống.

Với sự đón tiếp nồng nhiệt của các Cha, các tu sĩ nam nữ và các thầy cô giáo lý viên; nhất là với những lời chào mừng đầy yêu thương trước thánh lễ của Cha quản hạt Fx.Ant Hoàng Sĩ Hướng, mọi mệt nhọc của các bạn trẻ gần như được xua tan, sự hoà nhập, niềm vui, niềm tin yêu và hy vọng nhanh chóng lan toả rạng rỡ trên từng gương mặt. Hơn bao giờ hết và hơn ai hết, mỗi một người, cách riêng là các bạn trẻ Cầu Rầm đã cảm nghiệm được sâu sắc sức mạnh của Tình Yêu Chúa, sự đầm ấm và mạnh mẽ của tình người với nhau.

Chương trình đại hội với chủ đề "Mội trường giáo dục Gia đình Công giáo" đuợc chia làm ba phần chính: thứ nhất, thánh lễ khai mạc kính Đức Trinh Nữ Maria cầu nguyện cho các bạn trẻ tìm biết được ơn gọi của mình; thứ hai là thi học sinh giỏi giáo lý cấp giáo hạt và các môn thi thể thao khác và thứ ba là chương trình giao lưu văn nghệ cũng như thi đố kiến thức về môi trường giáo dục gia đình Công giáo. Chương trình này được xây dựng theo chủ đề năm linh mục của Giáo hội Công giáo hoàn vũ và năm giáo dục gia đình của Giáo hội Công giáo Việt Nam, cùng hướng đến năm thánh 2010 sắp tới của cộng đồng dân Chúa Việt Nam.

Để nhấn mạnh chủ đề của đại hội và cũng là mục đích quan trọng nhất mà các Cha trong giáo hạt Cầu Rầm tổ chức đại hội mùa hè cho các bạn trẻ, trong bài giảng lễ của mình, linh mục Fx.Ant Hoàng Sĩ Hướng đã nhấn mạnh: “Các bạn trẻ hôm nay biết rất nhiều thứ nhưng lại đánh mất đi một điều cốt yếu căn bản, đó là biết mình, biết phẩm giá cao trọng của mình đã được Thiên Chúa thông ban khi tạo dựng nên con người (St 1, 27). Do đó, người trẻ hôm nay bị chao đảo quay cuồng, mất phương hướng và cùng đường trước cuộc sống vốn lắm thử thách chông gai của thời đại”. Với niềm tin và lòng tín thác tuyệt đối vào sự quan phòng của Thiên Chúa, Cha giảng lễ đã nhắc lại lời của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II “đừng sợ”, hãy hiến thân cho Đức Kitô, chúng ta không những không mất mát gì mà còn được phong phú về mọi mặt – bình an và hạnh phúc đích thực. Chúng ta hãy tổ chức lại cuộc sống của mình, nối lại sự hiệp thông với Thiên Chúa, thiết lập quan hệ thân tình với anh em, chắc chắn chúng ta sẽ được sống đúng phẩm giá của mình, nhờ đó Danh Chúa được tỏ rạng.

Qủa thật, kinh nghiệm cho thấy các phẩm chất cá nhân và của cải vật chất không đủ để đảm bảo hy vọng, thiếu cơ sở để xác lập niềm tin. Chính trị, khoa học, công nghệ, kinh tế và tất cả các nguồn lực vật chất khác không đủ mang đến niềm hy vọng mà nhân loại nói chung, các bạn trẻ nói riêng hằng khao khát. Điều này được chứng minh bởi những hậu quả khủng khiếp của việc lãng quên Thiên Chúa. Hậu quả tất yếu là cô độc và bạo lực, bất mãn và mất đi lòng tin cậy, kết quả thường dẫn đến là sự tuyệt vọng. Đây là lý do giải thích thực trạng ngày càng nhiều người tìm về với tôn giáo, tìm về với bản thân mình để khám phá thế giới nội tâm, gặp gỡ Đấng đã tạo dựng nên mình. Sự có mặt đông đủ hôm nay của các bạn trẻ bất chấp mọi trở ngại là một bằng chứng hùng hồn cho lập luận chỉ có Thiên Chúa mới có thể thoả mãn khát vọng của con người.

Niềm tin yêu hy vọng đó được thắp sáng và bừng cháy trong suốt thời gian diễn ra đại hội. Ngay sau khi thánh lễ khai mạc kết thúc, các nhóm đã được phân công tập trung về các địa điểm đã được bố trí trước, bắt đầu cho việc sinh hoạt nhóm và tổ chức các môn thi: hơn 150 em học sinh giáo lý ưu tú tập trung thi học sinh giỏi giáo lý hạt năm 2009; đông đảo các bạn khác thi đấu và cổ vũ cho môn bóng chuyền, kéo co, đập bóng và các hoạt động thể thao sôi động khác.

Buổi tối, chương trình giao lưu văn nghệ giữa các giáo xứ xoay quanh chủ đề của đại hội đã được các đội văn nghệ trình bày đượm màu quê hương xứ sở mình. Đặc biệt, chương trình thi đố kiến thức về môi trường giáo dục gia đình Công giáo đã quy tụ rất đông các bạn trẻ tham gia, rất vui tươi và giàu giá trị giáo dục.

Được biết, giáo hạt Cầu Rầm có 5 xứ là Cầu Rầm, Yên Đại, Kẻ Gai, Trang Cảnh và Mỹ Dụ; sống tập trung chủ yếu ở thành phố Vinh, huyện Hưng Nguyên và thị xã Cửa Lò. Theo số liệu thống kê cuối năm 2008, hạt Cầu Rầm có 19.814 giáo hữu. Trong đó, Xứ Cầu Rầm có 5463 người; Kẻ Gai có 5066 người; Yên Đại có 4575 người; Trang Cảnh có 2555 người và Mỹ Dụ có 2155 người. Số lượng học sinh của Cầu Rầm là 6072 em, chiếm gần 30% dân số giáo hạt.

Đại hội mùa hè 2009 của giới trẻ Cầu Rầm kết thúc với giờ cầu nguyện Taizée rất tâm tình sâu lắng. Khi mà cảnh vật đã về khuya, không gian trở nên yên tỉnh, các bạn trẻ quỳ bên nhau dưới chân Thập Giá Chúa bày tỏ tâm tình mến yêu và cầu xin. Xin cho mỗi người trẻ biết đặt trọn niềm hy vọng vào Chúa; biết chạy đến với Chúa mỗi lúc gặp cảnh gian truân trong cuộc đời. Mọi người ra về lòng đầy niềm vui và hy vọng, trên môi còn hát nhẹ lời kinh hoà bình đầy quyết tâm dấn thân lên để làm men, làm muối và làm ánh sáng cho đời.
 
Tôi được tham dự thánh lễ an táng Thầy Đaminh Phùng Thế Minh
Maria Vũ Loan
16:19 15/07/2009
SAIGÒN – Sáng hôm nay 14.7.2009, tôi phóng xe theo dòng người đông đúc giữa đường phố, hướng về khu Thanh Đa, Sài Gòn để tham dự lễ an táng thầy dòng La San, vừa qua đời vì cứu một em bé thoát chết trong dòng nước xoáy ác nghiệt. Tôi hân hạnh có mặt ở nhà thờ Ba Thôn, cùng hiệp dâng thánh lễ vì khâm phục sự hy sinh cao qúy của sư huynh trẻ Đa Minh Phùng Thế Minh dòng La San.

Xem hình ảnh tang lễ

Trên đường tới đây, tôi cứ nghĩ lan man về các tình huống khi người ta lìa đời, có nhiều cái chết, nhưng đâu có nhiều cái chết mang một tình huống rất đặc biệt như Thầy...

Khi tôi tới nơi thì thấy chiếc quan tài của Thầy đặt giữa thánh đường và các vòng hoa được đặt phía cuối nhà thờ. Trước giờ lễ, các sư huynh, thân bằng quyến thuộc, các tu sĩ, những nhóm thân hữu, các bạn trẻ ở Campuchia và cả nhóm giới trẻ La San ở San Jose, California được mời lên để chụp hình trước quan tài.

Thánh lễ bắt đầu và một thầy dòng đang đọc sơ lược về cuộc đời thầy Minh: cuộc đời mới có 28 năm với 6 năm dâng hiến phục vụ trong Dòng... và giờ đây thì Thầy đã về Nhà Cha trên Trời.

Cha Tổng Đại Diện Phnom Penh trước thánh lễ đã phát biểu như sau: “Trong cơn đau đớn mất đi người thân yêu, nhưng chúng ta cảm tạ Thiên Chúa…”. Và trong bài giảng, linh mục chủ tế cũng diễn tả rằng: “Chúng ta cảm tạ Thiên Chúa vì thầy Minh đã hoàn tất cuộc đời làm người, làm Kitô hữu” và “Khi chúng ta không còn đau khổ và chết chóc thì Thiên Chúa ở giữa chúng ta…”. Cha còn dùng hai hình ảnh để diễn tả cái chết của Chúa Giêsu: hạt lúa gieo vào lòng đất và một cục than. Nếu cục than đã được bén lửa thì trở thành cục lửa đỏ rực, biểu trưng ý nghĩa Thiên Chúa Cha đã chiếm hữu Chúa Giêsu cách trọn vẹn.

Mọi người trong thánh đường lặng đi vì lời giải thích: “Cái chết của thầy Đa Minh là việc hoàn thành cuộc hành trình đi vào Thiên Chúa, bỏ lại cuộc sống mau qua để mặc lấy sự sống của Thiên Chúa. Mỗi người sinh ra trên thế gian thì không ở mãi trên trần gian mà cùng đóng đinh, cùng chết, cùng mai táng với Chúa Giêsu. Ai chọn đời dâng hiến là một cách sống triệt để đời sống Kitô hữu. Khi bước vào Hội Thánh chúng ta chết đi; khi sống đời dâng hiến là chết triệt để hơn nữa và dám liều mạng mình vì người khác thì đó là một cái chết đẹp, quá đẹp!”

Tôi chú ý đến hai tấm bảng để bên trong và bên ngoài nhà thờ, dán khoảng 50 tấm ảnh thầy Minh, nào là hình kỷ niệm với các tu sĩ, hình đang thăm hỏi người nghèo ở bên Campuchia, đang sinh hoạt vòng tròn với trẻ em, chia quà, đứng bên dòng sông…Thầy qua xứ đạo nhỏ ở Campuchia để chuẩn bị cho các em rước lễ lần đầu, chịu phép thêm sức, cho người lớn vay vốn làm ăn, sửa lại cái nhà cho người nghèo. Niềm vui đó đơn sơ, giản dị như tắm sông, bắt ốc, bắt cua, những niềm vui rất “La San”. Nhìn những tấm hình đó, cứ tưởng thầy sẽ còn bung bước chân để phục vụ nhiều năm tháng nữa với sức trẻ của mình, nào ngờ…

Tôi bồi hồi nhớ lại, vào năm 1994, tôi đến xóm Khơ-me ở phường 10 quận Tân Bình, mở lớp tình thương cho đám trẻ lượm ve chai có nước da đen nhẻm và mái tóc xoăn tự nhiên ở đó; mời chúng học rồi đưa chúng đi Đầm Sen, Suối Tiên thì người thân trong gia đình của tôi ngăn cản, vì sợ rằng đưa chúng đi chơi hè, lỡ có làm sao thì chẳng có tiền mà “đền”. Còn thầy, thầy cứu sống đứa bé để rồi bị dòng nước cuốn trôi thì ai “đền” cho thầy đây? Chỉ có tình yêu của Thiên Chúa mới có ý nghĩa với sự hy sinh của thầy và chỉ có Thiên Chúa mới giảm bớt nỗi đau, đong đầy niềm vui cho gia đình thầy mà thôi!

Trước khi quan tài được đưa đến nghĩa trang cách đó 100 mét, người cha ruột của thầy Minh nghẹn ngào, nức nở nói lời cảm ơn bằng tiếng Việt và tiếng Anh, biết ơn quí cha đã có mặt trong thánh lễ và những ai đã trợ giúp mang thi hài thầy về Việt Nam để gia đình được tổ chức lễ an táng cho thầy. Gợi nhớ lại lúc ông dẫn con xin đi tu mà lòng lo lắng vì “Đường đời đầy nẻo khó, đường tu thì gian nan” làm ai có mặt cũng phải chạnh lòng.

Có tiếng khóc sau quan tài nhưng tiếng hát cao vút của các nữ tu La San át đi tiếng nức nở rất “con người” đó. Quãng đường ra nghĩa trang có nhiều người tiễn đưa: người thân yêu trong gia đình, các sư huynh, tu sĩ nam nữ, những em thiếu nhi đã được Thầy dẫn đường chỉ bảo... Thầy ra đi từ giã cỗi đời, nhưng thực là "về nhà Cha" đích thực của mình ở trên Trời.

khi tuổi trẻ còn nhiều trăn trở, không một lời từ biệt.

Một ngày nào đó, tất cả những ai tin và sống cuộc sống đức tin vào Chúa Kitô phục sinh rồi cũng sẽ được gặp nhau trong Thiên Chúa... Có ai trong chúng ta lại không mong cho mình có một kết thúc đẹp?
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Kẻ sĩ phản kháng ở Tiệp Khắc
BBC-Brian Hanrahan
16:07 15/07/2009
Kẻ sĩ phản kháng ở Tiệp Khắc

Người dân Tiệp ăn mừng chính phủ phi cộng sản lên cầm quyền hồi năm 1989
Những nhà bất đồng chính kiến ở Đông Âu có chuyện đùa chua cay về cách tiếp cận của cộng sản đối với thỏa hiệp.

''Anh sẽ làm gì khi đã biến ai đấy trở thành 99% cộng sản?''.

Trả lời: ''Đánh bật ra 1% còn lại.''

Đó là cách tiếp cận trên khắp Đông Âu.

Chủ nghĩa Cộng sản muốn kiểm soát không chỉ chính trị mà toàn bộ cuộc sống hàng ngày.

Nó chỉ đạo người ta phải xử sự và suy nghĩ ra sao. Nó muốn cai quản các ngành công nghiệp, lên chương trình giảng dạy ở đại học và quyết định người ta có thể đọc gì.

Những ai chất vấn nhà nước sẽ có thể mất việc và mất nhà cửa.

Cuộc sống hàng ngày của họ có thể rất khổ sở khi không được mua đồ đạc và đi lại.

Việc học hành của con họ cũng có thể bị ảnh hưởng.

Khi còn thường trú ở Moscow, tôi thường gặp sự kiểm soát của chính phủ. Tôi thậm chí phải nhập gỗ để làm giá sách vì các cửa hàng địa phương từ chối bán cho tôi.

Vì nhà nước sở hữu mọi thứ và chỉ huy mọi thứ, nó có thể gây phiền nhiễu cho người ta theo hàng ngàn cách khác nhau.

Nhưng tôi có thể bỏ mà đi còn những người dân phải chịu đựng cho tới chết.

Thế giới ma

Ở Tiệp Khắc - nước đã trấn áp những cố gắng cải cách Mùa xuân Prague 1968 - cách chính quyền buộc người ta phải tuân thủ nghe sởn gai ốc.

Ông Jan Urban, một nhân vật hàng đầu của Cách mạng Nhung 1989 dẫn tôi đi xem hồ sơ lưu trữ của cảnh sát để xem họ làm gì để đảm bảo sự tuân thủ.

Đây là thế giới ma mà chính quyền không nghĩ sẽ có ngày bị lộ tẩy - 25 km giá đựng các tài liệu đã ngả màu ghi lại hành động của cảnh sát mật Czech khi họ sách nhiễu và trấn áp một số nhỏ người đủ dũng cảm để thách thức họ.

Ông Urban đã trả giá cho sự bất tuân.

Bà vợ đang mang thai của ông bị tra khảo và sẩy thai. Họ cũng bị chính quyền hạch sách vì lơ là trong việc trông trẻ.

Ông Urban nhận được lời đe dọa giết người qua điện thoại. Một lần ông nhận được quan tài với tên ông.

Tất cả những chuyện này xảy ra trong một xã hội mà chẳng có gì có thể xảy ra khi chính quyền không đồng ý.

Hồ sơ lưu trữ cũng cho thấy các nhà bất đồng chính kiến nhiều khi bị hàng chục mật vụ theo dõi một lúc.

Có những tấm ảnh chụp trộm những người mà họ gặp - tất cả chỉ với hy vọng có thể tìm được điều gì đó chống lại họ.

Kháng cự tinh thần

Đây là lần đầu tiên Jan Urban nhìn thấy các hồ sơ và lúc đầu ông thấy buồn cười vì số người đi theo ông và phân tích các động thái của ông.

Nhưng khi ông nhớ tới microphone gắn ở phòng ngủ của ông và của con ông, sự bình thản không còn nữa.

''Họ thật bẩn thỉu,'' ông nói, ''đúng là một tổ chức tội phạm. Làm thế để làm gì ngoài việc trấn áp.''

Nhưng trấn áp chính là điều người ta muốn làm. Bất đồng quan điểm là điều mà chế độ cộng sản không thể chấp nhận.

Chỉ riêng sự tồn tại không thôi - chỉ riêng chuyện có quan điểm khác - những nhà bất đồng chính kiến đã thách thức nhà nước.

Họ lưu hành thơ và các vở kịch không có giấy phép.

Những kỹ năng họ có được trong việc tự tổ chức - ngay cả trong các vấn đề vô hại - cũng có nghĩa là họ có khả năng và uy tín để bước vào khoảng trống khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ.

Họ tổ chức các nhà hát chui với các nghệ sỹ bị cấm.

Một buổi biểu diễn vở Macbeth đã bị cảnh sát ập vào giải tán và có nhiều cảnh sát theo đuôi những người tới xem đến mức cảnh ở ngoài đường cứ như một đại hội của cảnh sát mật.

Vaclav Havel, nhà viết kịch bất đồng chính kiến và sau này trở thành tổng thống cho rằng điều quan trọng là phải hành xử như đang không bị trấn áp.

Nhà nước càng cố gắng để chiếm khoảng trống công cộng thì nó càng bị giảm uy tín bởi những người tiếp tục hoạt động như bình thường bên ngoài khoảng không đó.

Ông Havel là tiếng nói có ảnh hưởng tới cách hành xử của phe đối lập trên khắp khối Xô Viết.

Một người khác là ông Adam Michnik, người đã nói với dân Ba Lan rằng một xã hội bị giam cầm cần phải có văn học ngoài luồng để biết sự thật về chính xã hội đó.

Một người khác là Andrey Sakharov, nhà vật lý học hạt nhân Xô Viết, người mà người ta không thể bịt miệng dù bằng thưởng hay phạt.

Quan niệm phổ thông là sự kháng cự tinh thần cùng với thời gian có thể lật đổ chế độ toàn trị.

Họ lập ra quan điểm phản kháng tại những cuộc gặp gỡ bí mật giữa các nhà lãnh đạo bất đồng chính kiến ở những rặng núi tại biên giới Czech và Ba Lan.

Những kỹ năng họ có được trong việc tự tổ chức - ngay cả trong các vấn đề vô hại - cũng có nghĩa là họ có khả năng và uy tín để bước vào khoảng trống khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ.

Nó tránh được cuộc tranh giành quyền lực vốn có thể gây đổ máu và tàn bạo.

Người Nhựa

Nhưng niềm cảm hứng khác lạ cho nhiều trí thức Czech là một nhóm nhạc rock bất thường bị chính quyền cấm.

Nhóm Người Nhựa của Vũ trụ bị giam vì biểu diễn tại một liên hoan nhạc rock trái phép hồi năm 1976.

Giờ họ vẫn còn chơi nhạc và tôi tìm thấy họ đang chơi trên một khu đất lầy lội khoảng một giờ lái xe từ Prague và đang lời qua tiếng lại với người tổ chức, người nói rằng không có đủ tiền để trả cho họ.

Vratislav Brabenec, người chơi saxophone ngày xưa và bây giờ trông thật giống John Lennon nếu anh còn sống ngày hôm nay; cặp kính mắt tròn, tóc dài bạc màu với óc hài hước nhanh cùng với sự thiếu tôn trọng thường trực đối với chính quyền.

''Chúng tôi không mang tính chính trị đâu ông ạ,'' ông nói. ''Chúng tôi chỉ cố gắng để cuộc đời nên thơ một chút thôi.''

Khi được hỏi tại sao họ không chấp nhận sự kiểm soát của chính phủ, ông nói: ''Đó là tự do ông ạ, tôi sẵn sàng chết vì điều đó.''

Nhưng cho dù họ có muốn hay không, họ đã ở trung tâm của một cuộc đấu tranh chính trị.

Ông Urban nhăn mũi lại khi nghe nhắc tới Người Nhựa của Vũ trụ.

Ông không thích nhạc của họ và nghĩ rằng họ quá bẩn lại uống rượu nhiều.

Nhưng ông nói: ''Khi mà họ gặp rắc rối, tôi đứng về phía họ ngay. Ai cũng có quyền thể hiện bản thân. Họ trở thành biểu tượng.''

Nếu nhà nước không giam họ, Người Nhựa sẽ chỉ là một ban nhạc rock như bao ban nhạc rock khác.

Nhưng họ đã trở thành điểm tựa cho Hiến chương 77 - tuyên bố nhân quyền mà các nhà bất đồng Tiệp Khắc viết ra và đã dẫn tới cuộc đấu tranh kéo dài 10 năm với nhà cầm quyền cộng sản.

Họ cũng dạy cho cả một thế hệ mới về bất đồng quan điểm.

Khi nhạc mà nhà nước cấm, người ta học thói quen nổi dậy và những nhà hoạt động sinh viên của năm 1989 đã lớn lên như thế.
 
Tin Đáng Chú Ý
Tân chủ tịch Nghị Viện EU (Âu châu) từ Ba lan
Lê Diễn Đức, BBC
06:22 15/07/2009
TÂN CHỦ TỊCH NGHỊ VIỆN EU TỪ BA LAN

(Lê Diễn Đức gửi tới BBC từ Warsaw)

Lần đầu tiên một chính trị gia Ba Lan, ông Jerzy Buzek được bầu vào chức tân chủ tịch Nghị viện châu Âu.

Tân Chủ tịch EU: Ông Jerzy Buzek
Trong diễn văn nhậm chức ông cho rằng đối đầu vượt qua khủng hoảng tài chính sẽ là nhiệm vụ cơ bản của Nghị viện.

Ông Buzek, người có thành tích đấu tranh dân chủ thời Công đoàn Đoàn kết, nhấn mạnh nhân quyền sẽ là ưu tiên của ông vì nguồn gốc xuất thân và vì ông đại diện cho các nước đã phải trải qua chế độ cộng sản toàn trị.

Ông cũng nói tới kế hoạch phát triển công nghệ, an toàn năng lượng cho EU, bảo vệ khí hậu và chương trình hợp tác hội nhập với các nước phía Đông như Belarus, Ukraine, Georgia, Kazakhstan...

Trong cuộc bỏ phiếu sáng thứ Ba, ngày 14-07-2009 tại Strasbourg, ông Buzek, nghị sĩ châu Âu từ năm 2004, cựu thủ tướng Ba Lan trúng cử với tỷ lệ 555 trên tổng số 713 phiếu bầu.

“Ngài đã chiến đấu cho tự do, dân chủ và một nhà nước pháp trị. Ngài đã chiến đấu dũng cảm. Ngài đã trở thành Thủ tướng trước khi là nghị sĩ châu Âu và bây giờ Ngài là chủ tịch Nghị viện châu Âu.

Châu Âu thống nhất

Ông Barosso cũng nhắc rằng ông Buzek, một giáo sư đại học từng tham gia phong trào dân chủ Công đoàn Đoàn kết là chủ tịch Nghị viện châu Âu đầu tiên đến từ Đông Âu.

“Hai mươi năm sau khi bức tường Berlin sụp đổ, 5 năm sau khi EU mở rộng, sự lựa chọn Ngài là thắng lợi của một châu Âu thống nhất”.

Ông Martin Schuls, chủ tịch phái Dân chủ - Xã hội trong Nghị viện EU cho rằng:

“Đây là lựa chọn lịch sử. Lần đầu tiên chúng ta không còn sự phân cách giữa Đông Âu và Tây Âu. Biểu tượng của dữ kiện này chính là vị chủ tịch mới.”

Ông Buzek, ứng viên của các đảng trung hữu châu Âu đã vượt xa đối thủ là bà Eva Britt Svesson, người Thụy Điển, thuộc phái thiên tả chỉ nhận được 89 phiếu.

Các đối thủ nặng ký với cựu thủ tướng Ba Lan Jerzy Buzek phải kể đến ông Mario Muro, người Ý, với ủng hộ triệt để và tự tin của Thủ tướng Silvio Berlusconi.

Tham vọng của Thủ tướng Ý chấm dứt sau khi Đức, Pháp và Tây Ban Nha tuyên bố nghiêng về phía ứng viên Ba Lan.

Kế đến là ông Graham Watson, dân biểu Anh thuộc phái Cấp tiến.

Cả hai ông Mario Muro và Graham Watson vào những ngày cuối đã rút tên khỏi danh sách ứng cử, tạo nên một thỏa hiệp mang tính quyết định của ba đảng phái lớn nhất trong Nghị viện châu Âu: Dân chủ Cơ đốc giáo, Dân chủ xã hội và Dân chủ Cấp tiến, dồn phiếu cho ông Jerzy Buzek.

Thực ra, việc bầu chọn chủ tịch Nghị viện châu Âu không phải là một sự kiện thời sự quốc tế lớn ở mức gây sôi động dư luận thế giới.

Thế nhưng, lần này, điều được báo chí, truyền thông quan tâm, chính vì một người Ba Lan được bầu vào chức chủ tịch với sự ủng hộ áp đảo; chính vì Ba Lan là một nước thành viên với thâm niên 5 năm ít ỏi, một nước còn kém xa về mức độ phát triển và thịnh vượng so với các nước Pháp, Đức, Anh…

Ba Lan thoát khỏi chế độ toàn trị năm 1989 và đang vừa xây dựng, vừa hoàn thiện nền dân chủ của mình.

Cuộc bầu cử thể hiện sự đồng thuận tôn vinh những người đã phải đối đầu với chế độ cộng sản trong gần nửa thế kỷ và đã vượt qua được những khó khăn lớn trong bước đầu của tiến trình chuyển hóa thể chế chính trị, hội nhập vào các giá trị của châu Âu.

Tân Chủ tịch Jerzy Buzek đã bày tỏ:

“Đây là một ngày vĩ đại trong ý nghĩa biểu tượng. Nhiều năm tôi đã mơ ước trở thành dân biểu quốc hội khi Ba Lan giành được tự do. Hôm nay tôi giữ chức chủ tịch Nghị viện châu Âu, điều mà trước đây ở nước tôi thậm chí không dám mơ tới.”

Ông cũng nói đây là sự xác nhận đối với Đông Âu và vinh danh hàng triệu công dân của các nước không khuất phục thể chế cộng sản ác nghịch.

Ông hứa sẽ là đại diện cho tất cả những nước này trong một châu Âu thống nhất”.

Sinh năm 1940, ông Jerzy Buzek tốt nghiệp ngành Cơ điện của Đại học bách khoa Gliwice, miền Tây Nam Ba Lan.

Ông có bằng tiến sĩ và trở thành giáo sư giảng dạy tại các trường đại học và học viện kỹ thuật của Ba Lan.

Trong thập niên 1980 ông tham gia Công đoàn Đoàn kết và lãnh đạo khối nghiệp đoàn của phong trào này ở vùng công nghiệp phía Nam Ba Lan trong nhiều năm.

Sau cách mạng dân chủ 1989, ông hoạt động trong liên minh thiên hữu AWS và trở thành thủ tướng giai đoạn 1997-2001.

(Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2009/07/090714_buzek_eu_parliament.shtml)
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Chú Mèo Mun Bên Cửa Sổ - A Black Cat
Nguyễn Đức Cung
06:12 15/07/2009

CHÚ MÈO MUN BÊN CỬA SỔ – A Black Cat



Ảnh của Nguyễn Đức Cung

Con mèo nằm bếp ro ro

Ít ăn nên mới ít lo, ít làm!

Con ngựa đi Bắc về Nam

Mạnh ăn nên phải mạnh làm, mạnh lo!

(Ca dao)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền