Ngày 14-07-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Dẫn Nhập & Lời Nguyện Giáo Dân Chủ Nhật 16 Mùa Quanh Năm C 17.7.2016
Lm Francis Lý văn Ca
01:11 14/07/2016

Đầu Lễ: Anh Chị Em thân mến,
Khung cảnh bài Tin Mừng chúng ta nghe hôm nay thật dễ thương: Chúa ghé thăm và dùng bữa với 1 gia đình. Mọi người trong nhà đều chuẩn bị tiếp Chúa và các tông đồ. Martha bận rộn bếp núc, còn người em là Maria thì giữ khách, trò chuyện với Chúa Giêsu. Cả hai thái độ đều nhắm đến việc đón tiếp khách quý của gia đình mình.
Bình thường mà nghĩ, thì ai trong chúng ta lại không ca ngợi Martha đã làm đúng bổn phận, phong tục của người Á Đông: "Khách đến nhà không trà thì nước". Nhưng Chúa Giêsu, muốn đưa những người nghe hôm nay vào lãnh vực tinh thần. Việc làm cơm đãi khách là cần, nhưng có việc khẩn thiết và quan trọng hơn đó là việc được Chúa khen thưởng.
Thật vậy, chỉ có đời sống cầu nguyện mới giúp chúng ta gặp gỡ Chúa. Kinh nghiệm cho chúng ta thấy, những lo lắng ưu tư của con người nếu không có sự cầu nguyện, ơn Chúa ban thì không thể bền được. Phúc âm hôm nay cho chúng ta thấy, chỉ có đời sống cầu nguyện mới cung cấp cho ta những tâm tình Thiên Chúa và những ân sủng cũng phát xuất từ sự tiếp xúc thân mật với Chúa. Cho nên, chúng ta phải kết hiệp luôn với Chúa trong đời sống cầu nguyện mỗi ngày.
Với những tư tưởng chuẩn bị, giờ đây, chúng ta cùng hiệp tiếng trong bài thánh ca sau đây để bắt đầu thánh lễ.

TRƯỚC BÀi I:
Tổ phụ Abraham và Sarah qua sự hiếu khách, tiếp đón sứ giả của Thiên Chúa sai đi đốt thành Sôđôma. Nhờ vào lòng hiếu khách nầy mà Chúa đã hứa ban cho ông bà trong tuổi già hiếm muội sẽ được một người con.

TRƯỚC BÀI II:
Thánh Phaolô trình bày cho chúng ta: Ơn cứu rỗi đã đến từ Dân Tộc Dothái trước tiên. Nhưng họ đã từ chối đón nhận mà các dân ngoại được thừa hưởng ơn nầy. Trong số đó có chúng ta.

TRƯỚC BÀI PÂ:
Đời sống của người tín hữu được dưỡng nuôi bằng hai phương diện: xác và hồn. Thể xàc được dưỡng nuôi bằng thực phẩm, hồn được bồi dưỡng bằng Lời và Bánh Thánh. Nhưng của ăn phần hồn phải được coi trọng và cần thiết hơn đối với người tín hữu chúng ta.

Lời Nguyện Giáo Dân.

Linh mục: Anh Chị Em thân mến,
Chúa Giêsu luôn hiện diện trong Giáo Hội qua Lời và Bánh Thánh Thể. Giờ đây chúng ta nhờ Ngài chuyển cầu lên Thiên Chúa Cha những ý nguyện sau đây:

1. Xin cho các sứ giả Tin Mừng, như gương thánh Phaolô hôm nay: không rao giảng bằng lời nói mà còn chính bằng gương sáng nữa. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

2. Xin Chúa cho chúng ta biết noi theo gương của Tổ Phụ Abraham và Sarah: phục vụ không cần báo đáp, thăm viếng những người già nua, gia đình neo đơn không phân biệt lương giáo trong môi trường chúng con đang sống và hội nhập. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

3. Xin Chúa biến đổi chúng ta thành Martha và Maria: Với đôi tay lanh lẹ, chúng ta phục vụ và giúp đỡ anh em đồng loại. Với đôi mắt khôn ngoan, chúng ta biết chọn phần hơn cho linh hồn. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

4. Xin cho những linh hồn đã yên nghỉ, những linh hồn mồ côi, những ai qua lòng hiếu thảo đòi buộc chúng ta phải luôn nhớ đến họ. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Linh mục:
Lạy Cha, qua Tin Mừng hôm nay, chúng con khám phá ra hai điều cần thiết của hai chị em của Martha và Maria: Đó là đôi tay để phục vụ và trái tim để yêu mến. Xin cho chúng con biết kết hợp hai điều nầy trong cuộc sống của chính chúng con trong thế giới hôm nay. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Amen
 
Sự cần duy nhất : Lời Chúa
Lm. JB. Nguyễn Minh Hùng
07:42 14/07/2016
SỰ CẦN DUY NHẤT: LỜI CHÚA

CN 16 TN. C

“Chỉ có một sự cần mà thôi”. Chúa Giêsu quả quyết như thế. “Sự cần” ấy thể hiện qua hình ảnh Maria ngồi dưới chân Chúa Giêsu mà nghe lời Chúa.

Ngày nay, chúng ta cũng phải làm như Maria, thực hiện “Sự cần” ấy suốt đời mình. Đó chính là lắng nghe Lời Chúa, là uống lấy từng lời Chúa dạy, là nỗ lực làm cho Lời Chúa chi phối lẽ sống, là để cho Lời Chúa điều khiến mọi hành vi, mọi lời nói, mọi biểu cảm của mình.

Lời bài hát “Xin cho con biết lắng nghe…” là lời quen thuộc. Nội dung bài hát vừa là lời nài xin, nhưng cũng vừa thể hiện niềm ý thức của người tín hữu về sức mạnh cần thiết của Lời Chúa.

Vì ý thức ấy, ta xin Chúa cho mình biết lắng nghe Lời Chúa trong đêm tối, lắng nghe Lời Chúa giữa những lúc lẻ loi. Đêm tối hay lẻ loi có thể là những lúc đối mặt với thử thách, những lúc tâm trí ngậm ngùi vì đau khổ. Nhưng cũng có thể là những lúc ta cần khoảng không gian cô tịnh, khoảng vắng tách biệt mọi ồn ào, mọi lo nghĩ để lắng nghe Lời Chúa, để thẫm thấu Lời Chúa.

Nhưng đồng thời, ta cũng xin cho mình biết lắng nghe Lời Chúa giữa cuộc sống. Cuộc sống là những nụ cười hay tiếng khóc, là lúc thăng hay lúc trầm, là lúc khỏe mạnh hay yếu đau, lúc thành công hay thất bại, lúc bị phản bội hay được đón nhận, lúc nhận ra sự yêu đương hay lòng thù hận…

Nếu Chúa nói với ta trong tĩnh mịch, thì Người cũng không ngừng lên tiếng giữa những êm ả hay tất bật, giữa những ồn ào đầy bôn ba chật vật. Người vẫn lên tiếng bên ta trong mọi khoảnh khắc, mọi thời gian. Hiện diện của Chúa là hiện diện đầy. Người hiện diện bền bỉ, liên lỉ.

Như vậy Lời Chúa vang lên mọi nơi, mọi lúc. Ta lắng nghe Chúa là lắng nghe qua từng thời gian, từng biến cố, từng hoàn của mình, hay của bất cứ ai, bất cứ nơi nào mà ta có mặt hay tham dự vào. Ta xin Chúa hãy dạy ta, hãy làm cho ta được sống theo thánh ý Chúa, sống theo Lời của Chúa.

“Chỉ có một sự cần mà thôi”. Hãy xem đó là lời xác tín suốt cuộc đời làm người của ta. Bởi ai chăm chú lắng nghe Chúa, ai xác tín chỉ có Lời Chúa là “sự cần” duy nhất trong đời mình, người đó sẽ tìm thấy hạnh phúc, sẽ cảm nếm ngọt ngào, dù phải đi cùng những sóng gió, trắc trở. Dẫu phải trải qua gian nan, họ sẽ chiến thắng và gặt hái những hoa trái của ơn thánh, hoa trái của sự thánh thiện.

Sách Sáng thế ghi lại câu chuyện vợ chồng Tổ phụ Abraham – Sara, đã phải đau khổ nhiều vì mong mỏi, cả đến thèm khát một đứa con, nhưng nhiều chục năm qua, sự thèm khát ấy đã nên mỏi mòn, vô vọng.

Vậy mà một lần, Vợ chồng Tổ phụ đã đón nhận ba người khách lạ, chính là Thiên Chúa hiện thân. Khi vợ chồng Tổ phụ mở rộng cửa nhà, cũng chính là lúc ông bà mở toan cõi lòng đón tiếp và lắng nghe ba người khách lạ. Ông bà có ngờ đâu, mình đã đón tiếp và lắng nghe Thiên Chúa của mình.

Từ đây, ơn Chúa làm nên những hoa trái kỳ diệu trong cuộc đời ông bà. Không ai tưởng tượng nổi, từ lòng dạ son sẻ và từ niềm hy vọng đã héo hon, lại có thể sinh con. Biến cố ấy trở thành biến cố lớn của lịch sử cứu độ. Bởi Lời Thiên Chúa hứa về một dòng dõi “đông như sao trời, như cát biển” đã từ lâu lắm, nay thành hiện thực. Và việc cụ già sinh con, trở thành điều kỳ diệu. Đứa con của lời hứa ấy lại là bình minh cho một dân tộc vĩ đại sau này.

Mọi thứ trong cuộc đời (hoàn cảnh, sức khoẻ, gia đình, đất nước, sứ mệnh...) đều có thể thay đổi. Nhưng Lời Chúa muôn đời bền vững. “Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu” (Mt 24,35). Chính Chúa Giêsu khẳng định như thế.

“Chỉ có một sự cần mà thôi”. Hãy như vợ chồng Tổ phụ Abraham, luôn sẵn sàng để Chúa nói, sẵng sàng lắng nghe tiếng Chúa. Bởi Lời Chúa dạy cũng chính là sự thể hiện Thánh ý Chúa định hướng cuộc đời ta, giúp ta sống, làm quân bình cho tinh thần, là la bàn định vị lối sống đạo đức, là niềm an ủi, là nguồn sống, niềm vui, bình an, hy vọng... trọn một đời Kitô hữu.

“Chỉ có một sự cần mà thôi”. “Sự cần” ấy đã là, đang là và sẽ là điểm cốt lõi xác nhận con người, con đường cuộc sống, niềm tin, giá trị, sứ mệnh… của người tín hữu.

Không ai có thể vẽ biểu đồ cuộc sống và niềm tin của chúng ta cho chúng ta, hoặc cho biết chính xác điều Thiên Chúa muốn ta làm và những quyết định ta cần phải thực hiện khi theo Người. Chỉ có Lời Chúa, chỉ có một sự cần mà thôi, sẽ là chìa khóa để mỗi người mở ra cánh cửa thiêng thánh ấy.

Vì thế, lắng nghe tiếng Chúa là cách thức thắp đèn sáng giúp bản thân nhận rõ hơn hướng đi mà Chúa đã định cho mình. Thánh Kinh luôn luôn khẳng định điều ấy khi cho biết:

“Lời Chúa hứa lòng con ấp ủ, để chẳng bao giờ bội nghĩa bất trung… Muôn lạy Chúa, lời Ngài bền vững đến ngàn đời, trên cõi trời cao… Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi... Giải thích lời Ngài là đem lại ánh sáng cho kẻ đơn sơ thông hiểu am tường” (Tv 119, 11.89.105.130).

“Hãy quay về nghe lời Ta sửa dạy. Này Ta luôn để thần khí Ta trên các ngươi, khiến các ngươi hiểu rõ lời Ta dạy bảo” (Cn 1, 23).

“Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4, 4).

“Lời Chúa là Thần Khí và là Sự Sống... Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống… Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì cách ông thật là môn đệ tôi, các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông” (Ga 4, 24. 6,63. 8, 31-32).

“Có đức tin, là nhờ nghe giảng, mà nghe giảng là nghe công bố lời Đức Kitô… Mọi lời xưa đã chép trong Kinh Thánh, đều được phép để dạy dỗ chúng ta. Những lời ấy làm cho chúng ta nên kiên nhẫn, và an ủi chúng ta, để nhờ đó, chúng ta vững lòng trông cậy” (Rm 10, 17. 15, 4).

Nếu chúng ta không có hoàn cảnh để thỉnh thoảng, rút lui vào cuộc sống cô tịch, thì ít ra, những giờ phút đọc Lời Chúa trong gia đình, khi cử hành Lời Chúa trong thánh lễ, những giờ phút cầu nguyện…, phải trở thành thời gian hữu ích, thời gian bổ dưỡng tinh thần bằng chăm chú lắng nghe, chăm chú suy gẫm, hay cố bắt lấy một ý, một câu của Lời Chúa trong giờ cử hành ấy. Để rồi sau đó, trở về với cuộc sống, trong tâm tình thờ phượng, chúng ta chìm lắng trong Chúa, nghiền ngẫm trong Lời của Chúa.

Hoặc mỗi khi bị khủng hoảng, ta nhanh chóng quay về với Chúa Giêsu, Đá Tảng của mọi thời đại, đặt tâm tư của mình bên Chúa. Hãy để Chúa nói. Hãy thinh lặng hoàn toàn để nghe tiếng Chúa.

Hãy mở Kinh Thánh ra để suy niệm bất cứ một đoạn Lời Chúa nào. Hãy xin Chúa lên tiếng và sáng soi cho ta hiểu tiếng Chúa nơi bản văn Kinh Thánh ấy. Hãy luôn xác tín: “Chỉ có một sự cần mà thôi”. Đó là nghe và sống Lời Chúa.

Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG
 
Hãy là Mattha và là Maria
Lm. Vũ Xuân Hạnh
18:32 14/07/2016
Chúa Nhật 16 THƯỜNG NIÊN: HÃY LÀ MATTHA VÀ LÀ MARIA

Một vị vua quyết định đi thăm dân. Có một gia đình tiếp vua bằng một bữa tiệc sang trọng. Chủ nhà vất vả lo dọn tiệc. Đến khi thức ăn được dọn, mọi người quá mệt, không còn hứng thú để nghe và kể cho vua nghe những gì vua cần biết.

Đến thăm nhà thứ hai,vua được cả nhà niềm nở đón tiếp. Dù chỉ có bữa ăn đạm bạc, nhưng mọi người đều quay quần bên vua, nói cho vua nghe những ước mơ của gia đình, của dân làng. Khi ra về, vua hài lòng với buổi gặp gỡ đúng như ý muốn.

Tương tự, Tin Mừng hôm nay, thánh Luca cho thấy hai thái độ tiếp khách của hai chị em Mattha và Maria đối với Chúa Giêsu. Cả hai đều tiếp đón Chúa nồng hậu, rất quý khách, yêu mến khách. Hai thái độ tiếp khách ấy đều đáng trân trọng. Nhưng Chúa Giêsu lại đánh giá cao thái độ của cô em, tức cô Maria, khi nói với chị Mattha: “Con lo lắng nhiều việc quá. Chỉ có mỗi một việc cần mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất”.

Hai thái độ tiếp khách của hai chị em là gì? Chị Mattha đon đả chuẩn bị cơm nước, tiệc tùng đãi khách. Còn em gái Maria luôn ở bên khách, lắng nghe khách nói. Thánh Luca cho biết: “Cô Maria cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe Lời Chúa dạy”. Ngồi bên chân chứ không phải ngồi ngang hàng. Ngồi bên chân Chúa, đón nhận từng lời của Chúa, đó là “phần tốt nhất”, không còn gì tốt hơn, mà cô Maria đã chọn.

Tuy nhiên, tôi không nghĩ, vì lời nói này mà Chúa đánh giá thấp việc phục vụ của chị Mattha. Tin Mừng không cho thấy chỗ nào Chúa chê bai chị. Làm sao có thể chê bai được đối với một người quý khách đến nỗi trở nên bận rộn vì khách. Hơn nữa, làm sao có thể chê bai, khi đó là việc phục vụ tận tình, tận lực của một người. Đúng hơn, tôi nghĩ câu nói: “Con lo lắng về nhiều việc quá...”, là lời trách yêu, Chúa dành cho chị Mattha. Tôi lại càng khẳng định mạnh hơn, đó là lời trách yêu khi biết rằng, chính vì yêu Chúa nhiều, Mattha mới có thái độ tiếp đón nồng hậu đến vậy!

Nói gì thì nói, từ hai thái độ tiếp khách của Mattha, Maria, và thái độ đáp trả của Chúa Giêsu, bạn và tôi phải chân nhận rằng: điều Chúa muốn là ta hãy đề cao Lời của Người trên hết mọi sự, trước khi lo việc đời hãy lo việc đạo. Trước khi vất vả vì sự sống thân xác, vì miếng cơm manh áo, hãy vững tin vào Chúa, phó thác đời mình cho Chúa. Trước khi mưu cầu danh vọng, giàu sang, mạnh mẽ..., hãy hướng tới tương lai đích thực là sự sống vĩnh hằng nơi Thiên Chúa. Trước khi suy nghĩ, trước khi có bất cứ hành vi nào, hãy quy chiếu vào Lời Chúa mà tra vấn chính suy nghĩ và hành vi ấy của mình. Tắt một lời: Trên hết mọi sự, Lời Chúa phải là lẽ sống của người Kitô hữu.

Thái độ của hai chị em Mattha, Maria và thái độ đáp trả của Chúa Giêu còn dạy ta hãy quân bình đời sống thường nhật với trách nhiệm Kitô hữu. Vì sự quân bình ấy rất quan trọng, giúp ta sống ơn gọi nên thánh ở giữa đời. Một mặt, ta không thể không làm lụng vất vả tạo ra cơm ăn áo mặc hằng ngày. Nhưng cũng không vì thế, biến mình thành kẻ suốt ngày chỉ “cơm-áo-gạo-tiền”, quên mất Thiên Chúa, quên mất nghĩa vụ làm người con thảo hiếu với Cha trên trời. Vì sự sống thân xác không bao giờ là lý do cho phép ta vịn vào ngụy biện cho lối sống nguội đạo, lạnh nhạt đức tin. Mặt khác, ta cũng không được nại vào sự cầu nguyện, chia sẻ Lời Chúa, dạy hay học giáo lý... mà quyên bổn phận thánh hóa lao nhọc khi phải sống vất vả giữa đời.

Cuộc đời này cần có những Mattha và rất cần những Maria. Đúng hơn, chính bản thân bạn và tôi phải vừa là Mattha, nhưng cũng vừa là Maria. Nghĩa là biết quân bình giữa lao động và cầu nguyện.

Ngay cả khi vì cuộc sống, ta trở nên mỏi mệt nhất, chán chường nhất, nếu biết luôn gắn bó với Chúa bằng đời sống cầu nguyện, và có thói quen dâng lên chúa những tâm sự của riêng mình, chính lúc ấy, những giới hạn ấy của thân xác sẽ trở nên hoa trái cứu độ tuyệt vời.

Vì giá trị của lao nhọc trở nên lớn lao như thế trong đời sống cầu nguyện, bạn và tôi hãy cầu nguyện liên lỉ. Hãy ở bên Chúa không ngơi nghỉ bằng chính sự cầu nguyện, ngay cả khi ta đang làm việc lẫn lúc dành cho Người một thời gian thích hợp trong từng ngày sống như: khi đọc kinh, lần chuỗi, viếng Thánh Thể, cầu nguyện riêng hay chung trong gia đình, đọc và suy niệm Lời của Người, khi dâng thánh lễ, khi lãnh bí tích...

Biết làm việc và biết cầu nguyện, ta đã làm quân bình đời sống Kitô hữu của mình. Chính khi sống được như thế, chúng ta đang tiến lên trong ơn gọi nên thánh mà Chúa Kitô hằng mời gọi mình.

Mẹ Têrêsa thành Calcutta thích làm việc, và rất đam mê cầu nguyện. Khi còn sống, mỗi ngày, Mẹ phải giải quyết một số lượng công việc vô cùng lớn. Nhất là Mẹ quá bận rộn vì tha nhân và các việc bác ái, nhưng không bao giờ bỏ các giờ đọc kinh, cầu nguyện.

Ban sáng, Mẹ dậy sớm cầu nguyện một giờ đồng hồ. Trước khi làm việc gì, Mẹ đều bắt đầu bằng việc cầu nguyện. Nhất là những công việc càng khó khăn bao nhiêu, càng vượt quá sức mà Mẹ phải giải quyết, Mẹ càng cầu nguyện nhiều hơn, sốt sắng hơn. Trong các công tác của mình, cũng như trong khi đang làm việc, Mẹ đều hiến dâng cho Thiên Chúa.

Nếu Mẹ Têrêsa không liên hệ chặt chẽ với Chúa như vậy, chắc chắn số lượng công việc quá lớn, sẽ làm Mẹ chán nản lắm, mệt mỏi lắm, do đó sự bực tưc, gắt gỏng cũng không phải là ít.

Ngược lại, chính nhờ sự cầu nguyện, Mẹ được nối kết với nguồn sức mạnh tối cao của Thiên Chúa. Vì thế, mọi người nhìn nhận rằng Mẹ trở nên hiền lành, nhân từ, khiêm nhu, rộng lượng, rất đáng yêu...

Bởi vậy, từ thái độ của hai chị em Mattha, Maria và thái độ đáp trả của Chúa Giêsu, đến gương của Mẹ Têrêsa, cho ta hiểu rằng, ơn cứu rỗi không tùy thuộc vào số lượng công việc đã làm, nhưng chỉ tìm thấy nó trong mối liên hệ và hiện diện giữa ta với Chúa cùng đồng loại quanh mình, khi làm việc và cầu nguyện mà thôi. Vì thế, bạn và tôi hãy sống như có Chúa đang hiện diện với mình trong công việc, trong sự cầu nguyện, và hãy sống như mình đang sống trong Chúa qua mỗi bước đi, nụ cười, lời nói, hành vi... thường nhật của mình.

Hãy là Mattha giữa đời thường và hãy là Maria khi mang lấy đời thường ấy đến với Chúa!

Lm. VŨ XUÂN HẠNH
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:37 14/07/2016
75. MÌNH LÀM MÌNH CHỊU
Có người uống rượu ở ngoài đường say khướt, chỉ cái túi vải rỗng không nói phét:
- “Các ông đừng có coi nhẹ cái túi này, bên trong có đồ vật rất quý giá đấy nhé.”
Đúng lúc ấy có tên ăn trộm đứng bên nghe thấy tất cả, tối hôm ấy đến giết người ấy, mở cái túi ra để coi thì không có gì cả. Đây là việc mình làm mình chịu của người đàn ông say rượu nói phét.
(Nhân Thoại lục)

Suy tư 75:
Có người bình thường nửa ngày mở miệng không ra một tiếng, nhưng khi rượu vào thì nói thao thao bất tuyệt, nói mà không biết mình nói gì; có người rượu vào thì hăng tiết vịt coi trời bằng vung, không biết sợ ai; có người khi uống rượu thì lầm lầm lì lì tù tì uống không biết mệt.
Nhưng có hạng người không uống rượu mà mặt vẫn đỏ như trái ớt hiểm, dễ dàng gây gổ với mọi người, đó là loại người mà trong tâm hồn luôn không thỏa mãn với những người chung quanh, vì ai đối với họ cũng đều là “thứ không ra gì”, những người này dù làm chức vụ gì chăng nữa trong xã hội hay trong Giáo Hội thì thường là “ruột để ngoài da”, thích khoe khoang và thích chơi nổi, cho nên thường bị kẻ khác lợi dụng mà không biết.
Tên ăn trộm chính là ma quỷ nó rất giỏi cái tài lợi dụng, như đã lợi dụng tính “chơi trội” muốn bằng Thiên Chúa của ông A-dong và bà E-và để cám dỗ ông sa ngã, nó cũng sẽ lợi dụng tính hay bất mãn của người này người nọ để gây chia rẻ trong cộng đoàn, vì những người này thì thường luôn cho là mình đúng trong mọi vấn đề, thế là mắc mưu ma quỷ.
Đừng nói là không ai bắt bẻ được mình, nhưng hãy nhìn cách cư xử của anh em để thấy nhân đức nhịn nhục của họ đối với tính “chơi nổi” của mình.
Đừng chơi nổi khoe khoang khi tâm hồn trống rỗng không có đức ái cà khiêm tốn, bằng không sẽ bị ma quỷ lợi dụng và giết linh hồn bởi những khoe khoang ấy của chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

----------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:39 14/07/2016

6. Việc thứ nhất ma quỷ cám dỗ con người là không vâng lời, việc thứ nhất Thiên Chúa gợi ý con người là vâng lời.

(Thánh Terese of Avila)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

---------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tại Liên Hiệp Quốc, Tòa Thánh khẳng định lập trường 'hai nhà nước' cho Israel và Palestine
Chân Phương
10:33 14/07/2016
Tại Liên Hiệp Quốc, Tòa Thánh khẳng định lập trường 'hai nhà nước' cho Israel và Palestine

Trong một phiên họp của Liên Hiệp Quốc về cuộc xung đột Israel-Palestine vào hôm 12 tháng 7, đại diện của Vatican tái khẳng định lập trường của Tòa Thánh cho vấn đề này là ủng hộ giải pháp "hai nhà nước".

Đức Tổng Giám Mục Bernardito Auza - Sứ thần Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc nói: "Việc chấm dứt cuộc xung đột Israel-Palestine đã bị trì hoãn quá lâu rồi". Ngài than phiền vì thực tế là Nhà nước Palestine vẫn chưa khả thi để thành lập, mặc dù đã 69 năm trôi qua từ khi Liên Hiệp Quốc đưa ra ý định đó.

Nhận định tổng quan về tình hình ở khu vực Trung Đông, Đức Sứ Thần lên tiếng kêu gọi hãy chú ý đến "những cuộc đàn áp liên tục xảy ra cho các Kitô hữu, người Yazidi, các nhóm sắc tộc và tôn giáo thiểu số khác do các tổ chức phi nhà nước ở những vùng của Syria và Iraq gây ra". Ngài kêu gọi các chính phủ ngừng cung cấp vũ khí cho các bên tham chiến.

Đức Sứ Thần đề nghị cần phải xem xét lại luật pháp quốc tế trong bối cảnh mà những nghiên cứu mới đây cho thấy rằng vũ khí không người lái - chẳng hạn như vật thể bay điều khiển từ xa (drones) - đã gây ra những thiệt hại to lớn cho nhưng người dân vô tội. Ngài nhận định rằng "người dân thường không thể trở thành những nạn nhân của các loại vũ khí công nghệ tinh vi này".

Vị đặc phái viên của Vatican tại Liên Hiệp Quốc còn nói rằng, các vị lãnh đạo tôn giáo phải có một vai trò đặc biệt tích cực trong việc thúc đẩy nền hòa bình, bởi vì hiện đang có vấn nạn "mạo danh" sử dụng tôn giáo làm lí do cho bạo lực. Ngài lập luận: "các vị lãnh đạo phải tham gia vào những nỗ lực chung để đánh bại mưu toan chiếm quyền điều khiển tôn giáo để gây ra bạo lực".

Chân Phương
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo Phận Xuân Lộc - Thánh lễ Thêm Sức tại Giáo xứ Kẻ Sặt
Hoàng Bá Quý
07:51 14/07/2016
Giáo Phận Xuân Lộc - Thánh lễ Thêm Sức tại Giáo xứ Kẻ Sặt

HỐ NAI - Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám mục Giáo phận Xuân Lộc đã chủ tế Thánh lễ Tạ ơn và ban Bí tích Thêm sức cho 210 em Thiếu nhi Giáo xứ Kẻ Sặt, vào lúc 8g30 sáng thứ Tư ngày 13/07/2016 tại Nhà thờ giáo xứ.

Xem Hình

Bầu khí giáo xứ Kẻ Sặt sáng nay thật tưng bừng và rộn rã bởi tiếng trống, tiếng kèn, cùng tiếng cười nói vô cùng hân hoan. Rõ ràng hơn, đó chính là tâm tình biểu lộ hoà lẫn với niềm vui ra chào đón người cha chung kính yêu của giáo phận, về thăm mục vụ và trao ban Bí tích Thêm Sức cho 209 em Thiếu nhi của giáo xứ.

Sau nhiều năm tháng trau dồi học giáo lý và củng cố đức tin, hôm nay, các em Thiếu nhi cấp Thêm Sức 2013-2016 của giáo xứ đã được hân hoan lãnh nhận ấn tín Chúa Thánh Thần. Đây không chỉ là niềm vui của riêng của các em, của gia đình, mà còn là niềm vui chung cho toàn giáo xứ trong ngày hồng phúc này.

Trong sự quan tâm của một người mục tử, Đức Cha đã sớm hiện diện để chào thăm cũng như trò chuyện với quý chức các Ban ngành đoàn thể tại Hội trường Nhà Xứ. Trong vai trò chủ chăn, Ngài đã lắng nghe những báo cáo mục vụ của Ban chánh trương và có những huấn từ hữu ích giúp giáo xứ nâng cao đời sống hiệp nhất, bác ái và yêu thương.

Sau những giây phút gặp gỡ vui vẻ và thân tình với cộng đoàn tín hữu xứ nhà, Đức Cha Giuse đã chủ sự thánh lễ ban Bí tích Thêm Sức. Cùng đồng tế có Cha quản hạt Hố Nai Đaminh Bùi Văn Án, quý Cha chính phó xứ Kẻ Sặt và một số quý Cha trong giáo hạt.

Mở đầu thánh lễ, Đức Cha mời gọi cộng đoàn tham dự hãy một lòng một trí dâng tâm tình hân hoan chúc tụng Thiên Chúa, cách riêng là hiệp ý cầu nguyện cho các em hôm nay lãnh nhận ơn Chúa Thánh Thần. Cùng với đó không quên cầu nguyện cho những người đang đau khổ cả hồn lẫn xác, những người già yếu và đau bệnh.

Với những gợi ý, hướng dẫn đoàn chiên của mình được tái khám phá nguồn tình yêu sung mãn đích thực là Chúa Giêsu Kitô, trong bài giảng, Đức Cha Giuse yêu cầu mỗi người phải chiến đấu liên lỉ, muốn tìm được niềm vui thật thì phải cậy dựa vào sức mạnh của Chúa Thánh Thần để chiến thắng những thú vui đam mê và vật chất lôi kéo. Thêm nữa phải chấp nhận thiệt thòi, luôn sống hy sinh vì Chúa Giêsu thì lẽ tự nhiên hạnh phúc sẽ đến. Nói cách khác, khi đã cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa rồi thì dù cho cuộc đời có khổ đau hay bất hạnh thì tâm hồn vẫn được ủi an vì có Chúa ở cùng.

Tiếp tục, Đức Cha nhắc nhở các em thiếu nhi "Các con hôm nay được lãnh nhận Chúa Thánh Thần thì các con phải sống như Chúa Giêsu, dám hy sinh và chịu thiệt thòi vì Ngài để không những tìm được nguồn hạnh phúc nơi Ngài mà còn trở nên chứng nhân cho Ngài giữa bè bạn và tất cả những người chúng con gặp gỡ".

Trong phần Nghi thức ban Bí tích Thêm Sức, Cha phó Martino Nguyễn Đình Hoàng đã giới thiệu với Đức Giám Mục giáo phận 210 em thiếu nhi đủ điều kiện lãnh nhận Bí tích Thêm Sức, trong đó có một em thuộc Giáo xứ Lộ Đức, và hai em thuộc Giáo xứ Xuân Hoà. Sau đó, toàn bộ các em đã lặp lại lời tuyên xưng đức tin của ngày lãnh nhận Bí tích Thanh Tẩy và đã được Đức Giám Mục đặt tay, xức dầu thánh, và chúc bình an.

Trước khi kết thúc thánh lễ, ông trưởng Ban hành giáo đã thay mặt cộng đoàn dân Chúa xứ nhà, cách riêng là 210 em, tỏ bày tâm tình tri ân sâu sắc đến Đức Cha, quý Cha đồng tế, quý Dì, và các phụ huynh vì đã dày công quan tâm và giáo dục đời sống đức tin cho các em, để hôm nay các em được trưởng thành trong đức tin, đức cậy và đức mến. Để tỏ lòng biết ơn, quý phụ huynh đã dâng lên Đức Cha lẵng hoa tươi thắm diễn tả lòng yêu mến không cạn lời.

Là một chủ chăn, cuối lễ, Đức Cha Giuse cám ơn cộng đoàn giáo xứ Kẻ Sặt đã hiệp nhất tạo nên một bầu khí đạo đức, thánh thiện và yêu thương trong gia đình giáo xứ. Ngài cũng không quên tri ân tất cả những ai đã sống tình đệ huynh hăng say, bác ái và dấn thân vì công cuộc truyền giáo của Giáo Hội. Nhân dịp này, Ngài nhắn gửi nhiều tâm tình với ao ước cộng đoàn Xứ đạo hãy để ý đến những người đau khổ, cảm thông chia sẻ và trợ giúp có thể để họ cảm nhận được tình thương yêu an ủi. Với các em đã lãnh nhận Bí tích Thêm Sức, Đức Cha giáo phận kỳ vọng các em sẽ đem tình yêu và Lòng thương xót của Chúa áp dụng vào môi trường gia đình, giáo xứ hoặc trường học hoặc vào cuộc đời. Sau cùng, như một món quà của Chúa, Đức Cha đã tặng mỗi em Thêm Sức và các anh chị Giáo lý viên một cỗ tràng hạt có ảnh trái tim cực sạch Đức Mẹ để làm kỷ niệm.

Thánh lễ ban Bí tích Thêm Sức khép lại trong niềm vui mừng cùng với những tấm hình lưu niệm đẹp của các em với Đức Cha Giuse kính yêu. Qua đó đánh dấu một mốc quan trọng trong cuộc đời Kitô hữu trưởng thành các em, trở thành chứng tá đức tin cho Chúa giữa đời.

Tin, ảnh: BTT Hạt Hố Nai & Ephata
 
18,000 giáo dân và linh mục hạt Kỳ Anh ký kiến nghị về thảm họa môi trường
Nguyên Nguyễn/SBT
09:03 14/07/2016
Sau khi thảm họa môi trường biển do Fosmosa gây ra cá chết hàng loạt tại bốn tỉnh miền Trung vừa qua, hàng vạn ngư dân bỏ biển, cá tự nhiên và cá nuôi ven biển chết hàng loạt. Nhiều lo ngại nguy cơ huỷ diệt các rặng san hô và các loài sinh vật biển tầng nước đáy. Hàng chục triệu người Việt hoang mang, mức tiêu thụ cá biển sụt giảm mạnh tại thị trường nội địa, kéo theo sự tăng vọt bất ổn của các loại thực phẩm khác. Bên cạnh đó, còn những nghi ngại về các vấn đề sức khoẻ và các hậu quả lâu dài, do tình trạng ô nhiễm mà cơn thảm hoạ này đã gây ra.

Mới đây, các Linh mục, tu sĩ và giáo dân hạt Kỳ Anh đã cùng ký tên vào một bản kiến nghị về “thảm họa ô nhiễm môi trường biển Kỳ Anh – Hà Tĩnh” để gửi tới Chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội, thủ tướng chính phủ, Bộ tài nguyên và môi trường, chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh, giám đốc sở tài nguyên và môi trường tỉnh Hà Tĩnh đã yêu cầu:

“1) Các cơ quan hữu trách thống kê minh bạch, chính xác và công bằng những thiệt hại do thảm họa môi trường mà Fosmosa đã gây ra.

2) Thực hiện đền bù đầy đủ, thỏa đáng và sớm nhất cho những người dân bị thiệt hại.

3) Thực hiện đúng chỉ thị của Thủ tướng chính phủ là Truy tố thủ phảm gây ra thảm họa ô nhiễm môi theo pháp luật Việt Nam bất kể đó là ai.

4) Nhanh chóng làm sạch môi trường biển để đảm bảo sức khỏe, việc làm cho người dân và ổn định cuộc sống của họ.

5) Vì tương lai của dân tộc Việt Nam, nhất là các tỉnh miền Trung, nếu công ty Fosmosa Hà Tĩnh không đảm bảo được môi trường trong sạch, đề nghị đóng của nhà máy Fosmosa.”

Được biết, người dân bốn tỉnh miền Trung gồm: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị đã rất tức giận trước sự việc nhà cầm quyền CSVN đã bao che cho nhà máy Fosmosa xả thải chất độc chưa qua xử lý ra biển gây ra
Giáo dân Cồn Sẽ biểu tình hôm 7/7
thảm họa môi trường. Mới đây, hơn 2,000 giáo dân giáo xứ Cồn Sẻ, Quảng Bình đã biểu tình trên đường quốc lộ đoạn qua thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình hôm 07/7/2016, để yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam phải đóng của Fosmosa. Họ đã bị lực lượng chức năng đàn áp, đánh đập dã man khiến nhiều người bị thương nặng.

Cùng với đó, toàn bộ các giáo xứ, giáo hạt thuộc giáo phận Vinh đã đồng loạt thắp nến cầu nguyện, tuần hành, xuống đường biểu tình một cách ôn hòa để yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường, cũng như yêu cầu đóng của nhà máy Fosmosa.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Tòa đã phán, Việt Nam làm gì ?
Phạm Trần
10:31 14/07/2016
TÒA ĐÃ PHÁN, VIỆT NAM LÀM GÌ ?

(Lời Tác gỉa: Những đọan trích dẫn Thông cáo trong bài căn cứ theo Bản dịch chính thức của Bộ Ngọai giao Việt Nam)

Tòa án trọng tài thường trực của Liên Hiệp Quốc "Permanent Court of Arbitration, PCA) đã phán rằng Trung Quốc” không có cơ sở pháp lý để yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong đường 9 đoạn.”

Trong thông cáo phổ biến ngày 12/07/2016, Tòa cũng nói:” Dù trong lịch sử, những người đi biển cũng như ngư dân từ Trung Quốc cũng như từ các nước khác đã sử dụng các đảo tại Biển Đông nhưng không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy về mặt lịch sử Trung Quốc đã chỉ một mình thực hiện việc kiểm soát vùng nước này cũng như tài nguyên tại đây.”

Về việc Trung Quốc tự cho các mỏm đá ở Trường Sa mà họ đã chiếm của Việt Nam (7 vị trí năm 1988) hay của Phi Luật Tân ở vùng Hòang Nham (Scarborough Reef năm 2012 ), có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (1 hải lý dài 1,852 mét) , Tòa phán:”Theo Công ước, các đảo tạo ra vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa nhưng các “đảo đá không thích hợp cho con người đến ở và có đời sống kinh tế riêng không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa”.

Phán quyết viết tiếp:”Trong Phán quyết ngày 12/7/2016, Tòa đã xem xét các bằng chứng về các bãi và đảo mà Trung Quốc yêu sách ở Biển Đông và kết luận rằng không một đảo, bãi nào có khả năng được hưởng vùng đặc quyền kinh tế. Do Trung Quốc không có khả năng được hưởng vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế của Philippines ở quần đảo Trường Sa, Tòa quyết định là các đệ trình của Philippines không phụ thuộc vào việc phân định trước ranh giới.…”

Sự khẳng định “không một đảo, bãi nào có khả năng được hưởng vùng đặc quyền kinh tế” rất quan trọng vì có liên hệ đến đảo Ba Bình (Itu Aba Island), hay Thái Bình theo Trung Hoa do Đài Loan kiểm soát từ sau Đệ nhị Thế chiến. Ba Bình có diện tích lớn nhất trong quần đảo Trường Sa (0.443 cây số vuông) hiện đang tranh chấp giữa Việt Nam, Phi Luật Tân, Trung Quốc và Đài Loan.

Thông cáo diễn giải thêm:” Tòa kết luận rằng quy định này phụ thuộc vào khả năng khách quan của các cấu trúc khi chúng ở tình trạng tự nhiên để có thể duy trì một cộng đồng dân cư ổn định hoặc các hoạt động kinh tế mà không phụ thuộc vào các nguồn lực từ bên ngoài hoặc hoàn toàn chỉ có tính chất khai thác. Toà cũng nhận thấy rằng sự có mặt của các nhân viên công vụ trên các cấu trúc là phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ bên ngoài và không phản ánh khả năng của các cấu trúc. Toà cũng thấy rằng các bằng chứng lịch sử có ý nghĩa hơn và nhận thấy quần đảo Trường Sa trong lịch sử được sử dụng bởi một số nhóm nhỏ các ngư dân và rằng đã có một vài hoạt động khai thác phân dơi và đánh cá của Nhật Bản. Toà kết luận rằng việc việc sử dụng ngắn hạn như vậy không phải là sự định cư của một cộng đồng ổn định và rằng các hoạt động kinh tế trong lịch sử chỉ là hoạt động mang tính khai thác.”

Rõ ràng Tòa có ngụ ý nói đến những chữ viết hay cột đá có khắc chữ mà phía Trung Quốc đã tự chế đem cắm ở những nơi họ chiếm đóng ở Trường Sa để bảo rằng Tổ tiên người Hoa đã sinh sống ở đó từ lâu !

Điều quan trọng khác là Tòa còn nói rõ cho Trung Quốc biết:”Toà kết luận rằng không một cấu trúc nào tại Trường Sa có khả năng tạo ra các vùng biển mở rộng. Toà cũng quyết định rằng các đảo Trường Sa không thể cùng nhau tạo ra các vùng biển như một thực thể thống nhất. Trên cơ sở kết luận không một cấu trúc nào mà Trung Quốc yêu sách có khả năng tạo ra vùng đặc quyền kinh tế, Toà nhận thấy Tòa có thể không cần phải phân định ranh giới biển mà vẫn có thể tuyên bố rằng một số vùng biển nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Phi-líp-pin vì không bị chồng lấn với bất cứ quyền hưởng vùng biển nào mà Trung Quốc có thể có.”

Vì vậy, các quan Tòa quốc tế không ngần ngại quy kết rằng:”Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền của Phi-líp-pin trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này bằng việc (a) can thiệp vào hoạt động đánh cá và thăm dò dầu khí của Phi-líp-pin, (b) xây dựng đảo nhân tạo và (c) không ngăn chặn ngư dân Trung Quốc đánh bắt ở khu vực này.”

Vê những hành động kiến tạo đảo nhân tạo tử các mỏm đá để xây sân bay, bến cảng và nơi đồn trú quân của Trung Quốc đe dọa an ninh trong khu vực, phán quyết của Tòa trọng tài nói:”Tòa xem xét ảnh hưởng với môi trường biển của các hoạt động bồi đắp và xây dựng nhân tạo trên 7 cấu trúc của Quần đảo Trường Sa gần đây của Trung Quốc, và nhận thấy rằng Trung Quốc đã gây hại nghiêm trọng với môi trường của các rặng san hô và vi phạm nghĩa vụ bảo tồn và bảo vệ các hệ sinh thái dễ bị tổn thương và môi trường sống của các loài đang suy yếu, bị đe dọa và bị huỷ diệt.”

Thông báo viết tiếp:”Toà nhận thấy rằng việc bồi đắp và xây dựng đảo nhân tạo trên quy mô lớn của Trung Quốc gần đây là không phù hợp với nghĩa vụ của quốc gia thành viên Công ước trong quá trình giải quyết tranh chấp, trong chừng mực mà Trung Quốc đã gây ra những tác hại không thể sửa chữa được với môi trường biển, xây dựng một đảo nhân tạo lớn trong vùng đặc quyền kinh tế của Phi-líp-pin, và phá huỷ các bằng chứng về điều kiện tự nhiên của các cấu trúc ở Biển Đông mà là một phần của tranh chấp giữa các Bên.”

Ngòai những phán quyết cơ bản về chủ quyền và quyền chủ quyền mà Trung Hoa đã cố tình vi phạm ở Biển Đông, Tòa Trọng tài cón:”Xác định rằng việc Trung Quốc cải tạo đất quy mô lớn và xây dựng đảo nhân tạo gần đây tại bảy cấu trúc tại Trường Sa đã gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đối với môi trường rặng san hô và Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ của mình theo Điều 192 và 194 của Công ước trong việc bảo tồn và bảo vệ môi trường biển đối với các hệ sinh thái dễ bị tổn thương và môi trường sinh sống của các loài động vật bị đe dọa, sắp cạn kiệt. Đồng thời Tòa Trọng tài cũng xác định rằng ngư dân Trung Quốc đã thực hiện việc khai thác động vật bị đe dọa như rùa biển, san hô và trai khổng lồ ở quy mô lớn tại Biển Đông, sử dụng các biện pháp gây hủy hoại nghiêm trọng đối với môi trường rặng san hộ. Tòa Trọng tài xác định rằng chính quyền Trung Quốc đã nhận thức được các hành vi này và không thực hiện nghĩa vụ cẩn trọng theo Công ước để ngăn chặn.”

Như vậy rõ ràng hành động của Trung Quốc ở Biển Đông không chỉ nhằm lấn chiếm lãnh thổ và lãnh hải của nước khác mà còn chủ trương huy diệt các sinh vật biển, miễn sao có lợi cho mình.

PHẢN ỨNG VÀ HÀNH ĐỘNG

Các cơ quan báo chí nhà nước Cộng sản Việt Nam đã loan tin rộng rãi về phán quyết của Tòa trọng tài vì có lợi cho Việt Nam, dù Chính quyền không trực tiếp tham gia kiện Trung Quốc với Phi Luật Tân.

Nhiều giới trí thức và chuyên gia về chủ quyền biển đảo và lãnh thổ trong nước đã yêu cầu nhà nước hãy can đảm kiện Trung Quốc ra Tòa án như Phi Luật Tân đã làm nhưng bị từ chối, đúng ra là không dám làm vì sợ bị trả đũa. Một trong những người này là Tiến sỹ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ. Ông là người từng tham gia thương thảo và biết rõ những âm mưu và mánh khóe của Trung Quốc trong nhiều năm. Ông Trục từng nói “chỉ khi nào mình làm mạnh thì họ mới lùi”.

Với một thái độ có tính toán, phản ứng đầu tiên của Hà Nội là :“Việt Nam hoan nghênh việc Tòa Trọng tài đã đưa ra phán quyết cuối cùng ngày 12/7/2016.”

Qua lời người phát ngôn Lê Hải Bình, Bộ Ngọai giao Việt Nam nói:” Việt Nam một lần nữa khẳng định lập trường nhất quán của mình về vụ kiện này như đã được thể hiện đầy đủ trong Tuyên bố ngày 05/12/2014 của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Tòa trọng tài.

Trên tinh thần đó, Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực theo quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương.”

Và như thường lệ, phía Việt Nam chỉ biết :”Tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, cũng như tất cả các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam liên quan đến các cấu trúc địa lý thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.

Phản ứng nhất thời của Việt Nam chỉ có thế, khác với cuộc rầm rộ xuống đường biểu tình ăn mừng của người dân Phi ở thủ đô Manila.

Về phía Bắc Kinh, không có người dân nào ra đường căng biểu ngữ chống phán quyết của Tòa trọng tài nhưng Phát ngôn viên Bộ ngọai giao nước này đã ăn nói hằn học rằng:” Về việc Tòa trọng tài vụ Nam Hải được thành lập theo yêu cầu đơn phương của Phi-li-pin (gọi tắt là Tòa trọng tài) ngày 12/7/2016 đưa ra phán quyết, Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trịnh trọng tuyên bố, phán quyết này là vô gia trị, không có sức ràng buộc, Trung Quốc không chấp nhận, không công nhận.”

Tuyên bố của Trung Hoa được đăng trên website của Đài Phát Thanh Quốc tế Trung Hoa (China Radio International, CRI) nói tiếp:” Hành động và phán quyết của Toà trọng tài đã trái ngược nghiêm trọng với thực tiễn thông thường của Toà trọng tài quốc tế, trái ngược hoàn toàn với mục đích và tôn chỉ thúc đẩy giải quyết hoà bình tranh chấp của "Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển", làm tổn hại nghiêm trọng tính hoàn chỉnh và uy tín của "Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển", xâm phạm nghiêm trọng quyền lợi hợp pháp của Trung Quốc là nhà nước chủ quyền và nước ký kết "Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển", là phán quyết không công bằng và phi pháp.”

Chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển của Trung Quốc trên Nam Hải không bị ảnh hưởng bởi phán quyết của trọng tài trong bất cứ tình huống nào, Trung Quốc phản đối và không chấp nhận bất cứ chủ trương và hành động nào dựa trên phán quyết trọng tài này.

Chính phủ Trung Quốc tái khẳng định, về tranh chấp vấn đề lãnh thổ và phân định biên giới trên biển, Trung Quốc không chấp nhận bất cứ phương thức giải quyết tranh chấp nào của bên thứ 3, không chấp nhận bất cứ phương án giải quyết tranh chấp nào áp đặt Trung Quốc.”

TẬP CẬN BÌNH LÊN TIẾNG

Ngòai ra, Tổng Bí thư đảng Cộng sản, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết nước này sẽ không chấp nhận bất kỳ đề xuất hay hành động nào dựa trên phán quyết của tòa án. Ngoài ra, ông Tập cho rằng, chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc trong vùng biển sẽ không bị ảnh hưởng bởi phán quyết trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Các hàng thống tấn Tây phương nói họ Tập đã nói như thế tại cuộc họp với Chủ tịch Hội đồng châu Âu và Chủ tịch Ủy ban châu Âu ở Bắc Kinh.

Ông Tập Cận Bình là người từng nói chủ quyền biển của Trung Quốc ở Nam Hải (Biển Đông) là vĩnh viễn và đã có từ ngàn xưa. Họ Tập cũng nối gót lãnh tụ Đặng Tiểu Bình để thúc đầy các nước hãy “gác tranh chấp để cùng khai thác” có lợi chung.

Nhưng vấn đề là Trung Hoa chỉ muốn xông vào nhà người khác rồi bắt họ phải thượng thuyết làm ăn chung ngay trên đống gia tài của chủ nhà, trong khi Bắc Kinh không có gia tài trong căn nhà.

Rất tiếc là đảng cầm quyền Cộng sản Việt Nam đã không thoát khỏi bẫy Trung Quốc như đang thương thuyết điều được gọi là “hợp tác cùng phát triển” ở Vịnh Bắc Bộ là nơi có dự trữ hàng triệu tấn dầu, khí đốt và tài nguyên của Tổ tiên Việt Nam để lại.

Ngoài ra Trung Hoa cũng chủ trương chỉ nói chuyện tay đôi (song phương) với những nước có tranh chấp với Bắc Kinh và sẽ không bao giờ đồng ý quốc tế hóa vấn đề tranh chấp ở Biển Đông. Do đó lần này người ta lại được nghe họ Tập nói:” Chúng tôi kiên quyết kêu gọi duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, đàm phán trực tiếp để có một giải pháp hòa bình với các quốc gia có liên quan trực tiếp, dựa trên sự tôn trọng lịch sử và phù hợp với luật pháp quốc tế.”

Trung Hoa đã tìm mọi cách trì hõan tham gia thảo luận với Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) để hòan tất văn kiện gọi là “Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông” (Code of Conduct,COC), thay cho Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (gọi tắt là Quy tắc Hướng dẫn DOC, Declaration of Conduct), ký tại Cao Miên năm 2002 giữa Trung Quốc với ASEAN.

Lý do Trung Quốc không muốn vì COC có ràng buộc pháp lý còn DOC thì không nên Bắc Kinh đã lợi dụng để hoạt động bất hợp pháp ở Biển Đông từ 4 năm qua mà không bị chế tài.

Với phán quyết làm đen mặt Bắc Kinh của Tòa hòa giải Liên Hiệp Quốc ngày 12/07/2016, không ai biết liệu Bắc Kinh có tiếp tục hung hăng như trước đây hay sẽ dịu đi để chờ thời ?

Còn đối với Việt Nam thì có nhân cơ hội này mà soi lại mặt mình trong gương xem có dám thẳng mặt đương đầu với Trung Quốc ở Biển Đông không, hay ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cứ tiếp tục cúi đầu cho Tập Cận Bình lôi đi ?

Bây giờ hậu thuẫn pháp lý quốc tế đã có và đúng với đòi hỏi của Việt Nam, nhưng liệu lãnh đạo có dám đòi quân Trung Hoa rời khỏi 7 vị trí họ đã chiếm ở Trường Sa năm 1988, hay sẽ tiếp tục “nhũn như con chi chi” để chờ sung rụng như đã được ăn bám trong chiến thắng của Phi Luật Tân ?

Phạm Trần

(07/016)
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Lòng thương xót, yếu tính của Tin Mừng và chìa khóa dẫn vào đời sống Kitô hữu (23)
Vũ Văn An
20:26 14/07/2016
VII. Giáo Hội được cân đo bằng lòng thương xót

1. Giáo Hội: Bí tích tình yêu và lòng thương xót

Giới răn thương xót không những áp dụng cho các Kitô hữu cá thể, mà còn cho Giáo Hội như một toàn thể nữa. Giống trường hợp Kitô hữu cá thể, giới răn đòi Giáo Hội phải có lòng thương xót đặt cơ sở trên hữu thể Giáo Hội như nhiệm thể Chúa Kitô. Do đó, Giáo Hội không phải là một thứ cơ quan xã hội hay bác ái; trong tư cách nhiệm thể Chúa Kitô, Giáo Hội là bí tích của sự hiện diện liên tục và hữu hiệu của Chúa Kitô trong thế giới. Trong tư cách ấy, Giáo Hội là bí tích của lòng thương xót. Giáo Hội là bí tích này trong tư cách “Chúa Kitô toàn diện”, nghĩa là Chúa Kitô làm đầu và làm chi thể. Như thế, Giáo Hội gặp gỡ chính Chúa Kitô ngay trong các chi thể của mình và trong các người đang cần sự giúp đỡ. Giáo Hội giả thiết phải làm cho Tin Mừng thương xót, vốn là chính Chúa Giêsu Kitô bằng người, trở thành hiện diện, qua lời nói, bí tích, trọn đời sống mình trong lịch sử, và đời sống các Kitô hữu cá thể. Tuy nhiên, Giáo Hội cũng là đối tượng của lòng thương xót của Thiên Chúa. Là thân thể Chúa Kitô, Giáo Hội được Chúa Giêsu Kitô cứu chuộc. Nhưng Giáo Hội chứa đựng người tội lỗi trong lòng mình và, do đó, cần được thanh tẩy đi thanh tẩy lại ngõ hầu hiện diện ở đó tinh tuyền, thánh thiện (Ep 5:23, 26tt). Thành thử, Giáo Hội phải luôn tự hỏi mình một cách phê phán xem liệu mình có sống thực điều mình là và nên là không. Ngược lại, như Chúa Giêsu Kitô đã làm, chúng ta cũng thế, chúng ta giả thiết phải xử lý các lỗi lầm và thiếu sót của Giáo Hội, không theo cách tự cho mình là đúng, nhưng theo cách thương xót. Tuy thế, ta phải hiểu rõ điều này: Giáo Hội nào không có đức ái và lòng thương xót thì không còn là Giáo Hội của Chúa Giêsu Kitô nữa.

Các phát biểu nền tảng liên quan tới yếu tính và sứ mênh của Giáo Hội, sự thánh thiện của Giáo Hội và nhu cầu phải canh tân liên tục không thể được biện minh hay khai triển chi tiết ở đây được. Việc này cần phải được làm với một học lý của Giáo Hội, mà chúng ta giả thiết đã có trước bối cảnh hiện nay của chúng ta (1).

Dây nối kết nội tại giữa đức ái và Giáo Hội, hay nói cho chính xác hơn, giữa đức ái/lòng thương xót và tính hợp nhất của Giáo Hội đặc biệt trở nên rõ ràng trong một bản văn của Thánh Augustinô. Ngài nhắc tới bài ca tình yêu trong 1Cr 13: “nếu tôi không có tình yêu, tôi không là gì cả”. Về phương diện này, ngài hiểu tình yêu, không những theo nghĩa cá thể như công việc của các Kitô hữu cá thể, mà còn theo nghĩa Giáo Hội như yếu tố hợp nhất Giáo Hội. Thành thử, các việc làm của tình yêu, việc bố thí, cả đức đồng trinh, thậm chí tử đạo nữa sẽ không có một giá trị nào bên ngoài tình yêu trong Giáo Hội và bên ngoài cộng đồng Giáo Hội. Không có cộng đồng tình yêu này, dây gắn bó hợp nhất sẽ bị xé nát và các việc làm tốt giống như cành lá bị cắt khỏi cây nho (2). Do đó, để trả lời nhóm ly giáo Đônatô, Thánh Augustinô liên tiếp nhấn mạnh điểm này: không có tình yêu và bên ngoài cộng đồng Giáo Hội, mọi điều khác không là gì cả (3).
Các phát biểu sau đây, trong nền tảng, luôn luôn đúng: đức ái và lòng thương xót không phải là bổn phận tư riêng của các Kitô hữu cá nhân; đức ái và lòng thương xót trong Giáo Hội cũng phải chỉ là các hành vi phục vụ xã hội, giống như nhiều dịch vụ khác hiện nay. Đúng hơn, chúng có chiều kích Giáo Hội; xét về yếu tính, chúng thuộc cộng đồng Giáo Hội, đức tin Giáo Hội, và thuộc sự hợp nhất sống động của Giáo Hội.

Mặt khác, ngày nay, khi nghĩ đến phong trào đại kết, chúng ta khó có thể nói lại các phát biểu trích từ Thánh Augustinô, vốn được rút ra từ cuộc tranh luận của ngài với ly giáo Đônatô. Chúng ta phải hiểu các lời lẽ đó cùng với những phát biểu khác mà Thánh Augustinô đã đưa ra trong cùng một bối cảnh. Trong đó, ngài nói rằng nhiều người chỉ ở trong Giáo Hội một cách hời hợt, nhưng tâm hồn họ thì ở bên ngoài Giáo Hội; trong khi ấy, nhiều người ở ngoài Giáo Hội nhưng tâm hồn họ thì ở bên trong Giáo Hội (4). Chỉ làm chi thể bề ngoài mà thôi không đủ. Người ta phải thuộc về Giáo Hội với cả cõi lòng của mình, nghĩa là, sống bằng Chúa Thánh Thần, có tinh thần yêu thương. Tuy nhiên, chúng ta thường thấy lòng yêu thương này ở bên ngoài, nơi những người không thuộc Giáo Hội hữu hình.

Công đồng Vatican II đã tiếp thu các suy nghĩ trên. Công đồng thừa nhận rằng Giáo Hội Công Giáo quả có sự viên mãn trong các phương thế cứu rỗi, nhưng Chúa Thánh Thần vẫn hành động trong nhiều hồng ân thiêng liêng ở bên ngoài các biên giới hữu hình của Giáo Hội này (5). Cũng có những việc yêu thương và thương xót ở bên ngoài Giáo Hội Công Giáo nữa. Trong nhiều cách, ta có thể lấy những người không phải là Công Giáo, thậm chí không phải là Kitô hữu, làm mẫu mực về phương diện này và học hỏi nơi họ. Ngược lại, những người thuộc Giáo Hội hữu hình phải cố gắng hết sức để sống thực tình yêu Giáo Hội và làm tình yêu này trở thành hiển hiện qua các hành vi thương người phần hồn và phần xác.

Do đó, sứ điệp thương xót có nhiều hậu quả không những đối với đời sống các Kitô hữu cá nhân, mà cả đối với giáo huấn, đời sống, và sứ mệnh của Giáo Hội nữa (6). Một trong những kết án nặng nề nhất có thể nêu lên và thực tế đã từng được nêu lên chống lại Giáo Hội là định chế này không làm điều mình công bố với người khác. Thực vậy, nhiều người cảm nhận Giáo Hội quá cứng ngắc, thiếu lòng thương xót. Vì lý do này, lúc khai mạc Công Đồng Vatican II, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã nói rằng trước hết, Giáo Hội phải dùng thuốc thương xót (7). Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tiếp nhận lời tuyên bố này trong thông điệp Dives in Misericordia của ngài và dành cả một chương cho chủ đề “Lòng Thương Xót của Thiên Chúa trong Sứ Mệnh của Giáo Hội”. Ngài nhấn mạnh rằng nhiệm vụ của Giáo Hội là làm chứng cho lòng thương xót của Thiên Chúa (8).

Việc trên có thể diễn ra ba cách: Giáo Hội phải công bố lòng thương xót của Thiên Chúa; Giáo Hội phải cụ thể cung cấp cho dân lòng thương xót của Thiên Chúa trong bí tích thương xót, tức bí tích hòa giải; và Giáo Hội phải để cho lòng thương xót của Thiên Chúa xuất hiện và được thể hiện trong các cơ cấu cụ thể, trong trọn đời sống và thậm chí trong các luật lệ của nó.

2. Công bố lòng thương xót

Nhiệm vụ thứ nhất của Giáo Hội là công bố sứ điệp thương xót. Trong tình thế hiện thời, trong đó, nhiều người sống như thể Thiên Chúa không hề hiện hữu, Giáo Hội không được để mình bị đẩy qua bên lề hay bị dành cho những địa điểm hạng nhì để công bố sứ điệp này. Giáo Hội cần phải xốc tới tâm điểm sứ điệp của Tin Mừng và biến sứ điệp Thiên Chúa hay thương xót thành tập chú của mình. Do đó, Giáo Hội phải công bố, không phải một Thiên Chúa nhạt nhẽo, mơ hồ, hoặc có tính tôn giáo chung chung và trừu tượng kiểu triết lý, cũng không thể nói một cách tầm phào về một “Thiên Chúa dấu yêu” kiểu bọc đường hoặc khiến người ta lo lắng với những câu truyện về một Thiên Chúa ưa phán xử và trừng phạt. Bằng các thánh vịnh, Giáo Hội phải ca ngợi lòng thương xót hải hà của Thiên Chúa và công bố Người như “Người Cha của mọi thương xót và là Thiên Chúa của mọi ủi an” (2 Cr 1:3), “Đấng giầu lòng thương xót” (Ep 2:4). Giáo Hội phải thuật lại lịch sử cụ thể của việc Thiên Chúa tương tác với dân của Người, như đã chứng thực trong cả Cựu lẫn Tân Ước. Giáo Hội phải trình bầy lịch sử này, như Chúa Giêsu đã trình bầy trong các dụ ngôn của Người, và làm chứng cho Thiên Chúa, Đấng đã rạch ròi mạc khải lòng thương xót của Người trong sự chết và sự sống lại của Chúa Giêsu.

Trong công bố của mình, Giáo Hội phải chứng tỏ rằng lịch sử các chứng cớ về lòng thương xót của Thiên Chúa là một lich sử chân thực đối với chúng ta và các người nghe khác của thời nay (xem Lc 4:21). Theo một nghĩa nào đó, lịch sử cứu rỗi của thời đó trở thành lịch sử cứu rỗi của thời nay và do đó, trở thành lịch sử đời sống ta hiện nay. Trong thư gửi tín hữu Do Thái, ta tìm được một điển hình trong Thánh Kinh nói về một công cuộc phúc âm hóa như thế đối với ngày nay. Thư này được viết trong một hoàn cảnh trong đó, sự phấn khích lúc ban đầu đã vơi đi, và mối nguy nhiều người sẽ sa ngã là một điều có thực. Trong một hoàn cảnh như thế, một hoàn cảnh tương tự như hoàn cảnh chúng ta ngày nay, chữ “ngày nay” hay “hôm nay” này được lặp đi lặp lại nhiều lần: “Hôm nay, khi các bạn nghe tiếng Người, đừng cứng lòng nữa” (Dt 3:7-8; xem 15); “hãy khuyên bảo nhau mỗi ngày bao lâu còn được gọi là ngày ‘hôm nay’” (3:13). Vì trong lòng thương xót của Người, Thiên Chúa ban cho chúng ta một lần nữa ngày ‘hôm nay’” (4:7).

Sứ điệp về Thiên Chúa và lòng thương xót của Người, mà hôm nay đã trở thành sống động, nhận được tính liên quan của nó một cách đặc biệt trong bối cảnh tân phúc âm hóa, một bối cảnh không lưu tâm tới việc hội nhập hoặc chế biến rẻ tiền theo thời trang và tính khí thời nay (9). Tân phúc âm hóa không thể công bố một tân tin mừng, nhưng là làm cho tin mừng duy nhất và trước sau như một trở thành hiện thời trong hoàn cảnh mới. Là những nhà rao giảng, chúng ta chỉ có thể đánh động được tâm hồn người nghe nếu biết nói về Thiên Chúa một cách cụ thể, dưới ánh sáng của chính những khốn khó và đau buồn của họ, và giúp họ khám phá ra Thiên Chúa thương xót ngay trong cuộc sống của họ. Trong diễn trình này, chỉ phê phán thế giới hiện đại và con người hiện thời, trong đó có chúng ta, là điều không ích lợi chi. Ta phải lưu tâm tới hoàn cảnh hiện nay một cách thương xót và nói rằng, vượt trên sương mù và sự ảm đạm của thế giới chúng ta, dung nhan từ bi thương xót của Cha chúng ta vẫn luôn trổi vượt; Người là Đấng nhẫn nại và nhân hậu, Người biết và yêu thương mỗi cá nhân, và Người biết ta cần gì (Mt 6:8, 32).

Tân phúc âm hóa có thể nói với những ai đang xa lìa Thiên Chúa và Giáo Hội rằng Thiên Chúa là Đấng gần gũi với họ một cách nhân hậu và đầy thương xót, ngay cả khi họ tưởng họ xa lìa đối với Người, và giống hệt người cha trong dụ ngôn đứa con trai hoang đàng, chạy ra gặp đứa con này, Thiên Chúa cũng đang chờ mong họ để nghinh đón họ trở về và tái lập họ làm con theo quyền của họ (xem Lc 15:20-24). Như người Samaria tốt lành, Thiên Chúa cũng nâng họ dậy như thể từ ven đường, cúi xuống với họ, và băng bó các vết thương cho họ (Lc 10:30-35). Giống người chăn chiên lành, Người đi tìm họ, khi họ đi lạc và vướng vào bất cứ bụi rậm nào, và khi tìm thấy, bèn vác lên vai và hân hoan đem họ trở về với cộng đoàn Kitô hữu. Chúng ta có thể trấn an những người xa lạc nhưng lại là những người thường gần gũi hơn họ tưởng, rằng trên trời vui mừng với một người tội lỗi ăn năn hơn là với chín mươi chín người công chính, không cần phải ăn năn (xem Lc 15:3-7).

Khi làm chứng cho lòng thương xót của Thiên Chúa, Giáo Hội không những công bố sự thật sâu xa nhất của Thiên Chúa, mà còn công bố cả sự thật sâu xa nhất về con người nhân bản nữa. Vì sự thật sâu xa nhất về Thiên Chúa là sự thật này: Người là tình yêu tự cho đi và sẵn sàng tha thứ lần nữa (1Ga 3:8, 16). Sự thật sâu xa nhất về con người nhân bản là sự thật này: vì tình yêu, Thiên Chúa tạo dựng chúng ta một cách tuyệt diệu, Người không bao giờ bỏ rơi chúng ta ngay cả khi chúng ta tự tách xa ra khỏi Người, Người luôn thương xót tái lập chúng ta và phẩm giá chúng ta một cách còn tuyệt diệu hơn nữa (10). Người xuống thế với chúng ta một cách hạ mình hết sức để nâng chúng ta lên với Người và kéo chúng ta lại gần trái tim Người. Ở đấy, cuối cùng, chúng ta tìm được sự nghỉ ngơi và bình an. Thánh Augustinô bắt đầu cuốn Tự Thú của ngài sau một đời thao thức bằng cách nói rằng “Ngài khiến chúng con mừng vui khi ca ngợi Ngài; vì Ngài đã nặn nên chúng con cho Ngài, và trái tim chúng con sẽ thao thức cho tới khi tìm được nghỉ ngơi nơi Ngài” (11).

Chúng ta chỉ có thể công bố sứ điệp về Thiên Chúa thương xót một cách khả tín khi ngôn từ của chúng ta được lên khuôn bởi lòng thương xót. Ta nên dấn thân vào một cuộc tranh luận với những kẻ đối nghịch Tin Mừng, mà ngày nay rất đông, cũng như ngày xưa vậy, luôn kiên định trong chính nghĩa của mình, nhưng không xùi bọp mép theo nghĩa luận chiến, cũng không lấy oán báo oán. Dưới ánh sáng Bài Giảng Trên Núi, trả đũa đối thủ mình không phải là tác phong được Giáo Hội biện minh. Ngay trong các cuộc tranh luận với các địch thủ, không phải luận chiến nhưng đúng hơn là cố gắng nói sự thật một cách yêu thương và hành động theo chiều hướng này phải xác định ra cung cách nói năng của ta (Ep 4:15). Thánh Chrysostom dạy: ta phải lâm chiến cho sự thật một cách cương quyết, nhưng không ngược với đức ái (12). Do đó, Giáo Hội không được quở trách cử tọa của mình từ trên cao trong cung cách ta đây biết hết. Chỉ nhìn thế giới ngày nay một cách tiêu cực, như một hiện tượng suy đồi, là không công bằng và bị coi là không công bằng. Giáo Hội nên trân trọng các quan tâm chính đáng của con người hiện nay và sự tiến bộ của nhân loại đang diễn ra thời hiện đại, và xử lý một cách đầy thương xót các nan đề và các vết thương của họ.

Lòng thương xót mà không có sự thật sẽ là một sự an ủi không chân chính; nó có thể chỉ là một hứa hẹn trống rỗng và, xét cho cùng, chỉ là một chuyện tầm phào sáo rỗng. Ngược lại, sự thật mà không có lòng thương xót chỉ là môt sự thật lạnh lùng, thô bạo, và gây thương tích. Chúng ta không thể công bố sự thật theo khẩu hiệu “chìm hay bơi”. Sự thật không như chiếc khăn ướt chúng ta dùng chấm quanh tai người ta; nó như chiếc áo khoác nhiều hơn, mà ta dùng khoác vào người ta để họ được ấm áp và được che chở khỏi thời tiết độc hại.

Về phương diện trên, ta cần phải có một giọng điệu mới và một phong thái đối thoại mới. Phong thái luận chiến mà ta đã thấy ở một số trường hợp trong Tân Ước (13), thường lại hay có nơi các giáo phụ. Thần học tranh biện (controversial theology [*]) đôi khi không có đặc điểm công bằng, khách quan, và biết sẵn sàng nghe và hiểu người khác. Tương phản với nó, Công Đồng Vatican II đã bỏ phiếu cho một phong thái đối thoại mới. Phong thái này không hề nhằm tương đối hóa sự thật hoặc che đậy các phản đề hiện có. Cuộc đối thoại nào không quan tâm tới sự thật thì không xứng danh đối thoại. Hiểu cho đúng, đối thoại giả thiết phải có một tâm hồn biết lắng nghe và biết lắng nghe nhau. Nó có nghĩa phải hỗ tương xác minh sự thật và tiến tới việc trao đổi, sẵn sàng hiểu sự thật để có thể tiến tới một thỏa thuận chung trong sự thật, bao nhiêu có thể, nhưng nếu một thỏa thuận như thế không thể đạt được, thì phải trung thực nói rằng mình thỏa thuận để bất đồng (14). Cần phải nói sự thật trong yêu thương. Chỉ khi ấy, sự thật mới lôi cuốn và có tính thuyết phục; chỉ khi ấy, nó mới được hiểu và được chấp nhận như là sự thật cứu rỗi.

Kỳ sau: 3. Thống Hối: Bí Tích Thương Xót
_____________________________________________________________________________________________________________
[*] Thần học tranh biện là nền thần học bênh vực giáo huấn của Giáo Hội chống lại các phản bác.

(1) Xem Walter Kasper, Katholische Kirche: Wesen-Wirklichkeit-Sendung (Freiburg i.Br.: Herder 2011), 126-29, 190-96, 247-54.
(2) Thánh Augustinô, In evangelium Ioannis, 13, 15-17; xem 6, 23.
(3) Thánh Augustinô, "Về Phép Rửa", I, 8,10 v.v...
(4) Thánh Augustinô, "Về Phép Rửa", VI, 28, 39. Xem Lumen Gentium, 14.
(5) Lumen Gentium, 15; Unitatis Redintegratio, 3.
(6) Karl Bopp, Barmherzigkeit im pastoralen Handeln der Kirche: Eine symbolische-kritische Handlungstheorie zur Neuorientierung kirchlicher Praxis (Munich: Don Bosco Verlag, 1998); Paul M. Zulehner, Gott ist Grӧẞer als unser Herz (1John 3, 20): Eine Pastorale des Erbarmens (Ostfildern: Schwabenverlag, 2006).
(7) Đức Gioan XXIII, "Diễn Văn Khai Mạc Công Đồng Vatican II" trong The Documents of Vatican II, do Walter M. Abbott hiệu đính (New York: Guild Press, 1966), 716.
(8) Đức Gioan Phaolô II, Dives in Misericordia (1980), 7.
(9) Căn cứ vào bản chất của nó, chương trình cổ vũ tân phúc âm hóa không mới mẻ gì. Liên tiếp trong lịch sử Giáo Hội, vẫn đã có những nhà giảng thuyết và các phong trào gây kích động kêu gọi người ta thống hối, hồi tâm, và đổi mới. Thời gian sau Công Đồng Trent, các kỳ đại phúc (giảng phòng) bình dân và sau đó các kỳ đại phúc vùng và đô thị, đã chứng tỏ là các khí cụ có giá trị để đạt mục đích này. Trong những thời gần đây hơn, người ta có thể nghĩ tới Kỳ Đại Phúc Pháp và Kỳ Đại Phúc Paris. Từ thời Công Đồng Vatican II, tông thư Evangelii Nuntiandi (1975) của Đức Phaolô VI và thông điệp Redemptoris Missio các số 32-38 (1990) của Đức Gioan Phaolô II đã có tính quyết định. Đức Bênêđíctô XVI thiết lập Hội Đồng Giáo Hoàng chuyên lo việc Tân Phúc Âm Hóa và chính ngài triệu tập một thượng hội đồng giám mục về chủ đề này vào mùa thu năm 2012. Liên quan đến đề tài này, xem: Walter Kasper, "Neue Evangelisierung als theologische, pastorale und geistliche Herausforderung" trong Das Evangelium Jesu Christi (Freiburg i.Br.: Herder, 2009) nhất là các trang 284-91.
(10) Lời Nguyện Thánh Lễ thứ ba lúc ban ngày của Lễ Giáng Sinh.
(11) Thánh Augustinô, Tự Thú, I, 1.
(12) Thánh John Chrysostom, Chú Giải Thư gửi Tín Hữu Rôma, 2.
(13) Điều này đúng liên quan tới cách trình bầy của Tân Ước về Biệt Phái. Nó càng đúng hơn khi nói tới cách Thư thứ hai của Thánh Phêrô xử lý các kẻ đối nghịch mình.
(14) Xem Kasper, Katholische Kirche, 47tt, 417tt.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Vạt Nắng
Nguyễn Đức Cung
18:11 14/07/2016
VẠT NẮNG
Ảnh của Nguyễn Đức Cung
Hôm nay nắng đẹp như mơ
Ngỡ rằng tiên nữ đem phơi lụa trời.
(nđc)