Ngày 09-07-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 10/07: Bàn tay của Niềm Tin và Quyền Năng – Lm. Anthony Nguyễn Hữu Quảng, SDB
Giáo Hội Năm Châu
02:23 09/07/2023

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu

Khi ấy, Đức Giê-su còn đang nói với các môn đệ ông Gio-an, thì bỗng một vị thủ lãnh đến gần bái lạy Người và nói: “Con gái tôi vừa mới chết. Nhưng xin Ngài đến đặt tay lên cháu, là nó sẽ sống.” Đức Giê-su đứng dậy đi theo ông ấy, và các môn đệ cũng đi với Người.

Bỗng một người đàn bà bị băng huyết đã mười hai năm tiến đến phía sau Người và sờ vào tua áo choàng của Người, vì bà nghĩ bụng: “Tôi chỉ cần sờ được vào áo choàng của Người thôi là sẽ được cứu chữa !” Đức Giê-su quay lại thấy bà thì nói: “Này con, cứ yên tâm, lòng tin của con đã cứu chữa con.” Và ngay từ giờ ấy, bà được cứu chữa.

Đức Giê-su đến nhà viên thủ lãnh; thấy phường kèn và đám đông ồn ào. Người nói: “Lui ra! Con bé có chết đâu, nó ngủ đấy!” Nhưng họ chế nhạo Người. Khi đám đông bị đuổi ra rồi, thì Người đi vào, cầm lấy tay con bé, nó liền trỗi dậy. Và tin ấy đồn ra khắp cả vùng.

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:01 09/07/2023

4. Trong thuyền ngập nước ắt là ván thuyền có khe hở không hoàn chỉnh; một tu viện bại hoại, ắt là lòng người có khe hở, không thể tương hợp nhau.

(Thánh Bernardus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:03 09/07/2023
97. DI CHÚC CỦA PHỤ THÂN

Một người cha rất hiền lành lâm bệnh rất nặng sắp chết, ông ta cho gọi các con đến bên giường, dặn dò chúng nó luôn luôn sống làm người tốt, đặc biệt là phải thường tiếp cận tôn giáo, học tập và lãnh nhận những giáo huấn quý giá trong đó. Ông ta nói:

- “Các con yêu quý, cha sống trên đời này đã được năm mươi năm, cha đã nếm qua nhiều thứ hoan lạc, nhưng sự vui vẻ thanh khiết nhất, cao thượng nhất, thần thánh nhất vẫn là đến từ tôn giáo, tôn giáo làm đẹp hóa tất cả vui vẻ của cha.”

“Trong năm mươi năm cha sống cũng thừa nhận rằng có nhiều đau khổ, cha đã nỗ lực đấu tranh. Mà trong mỗi đau khổ thì cha phát hiện rằng chỉ có tôn giáo mới là an ủi cha nhất, giúp đỡ hiệu lực nhất.”

“Cha sống đã năm mươi năm, có rất nhiều lần đối diện với sự chết, nhưng lần này thì cha cảm thấy mình không được nhìn thấy mặt trời lặn hôm nay. Do đó, cha có thể bảo đảm với các con rằng, chỉ có thần lực của tôn giáo mới có thể đánh tan nỗi sợ hãi của sự chết, cũng chỉ có tin vào Thiên Chúa mới có thể làm cho chúng ta có sức mạnh đi đến nơi vĩnh hằng, có dũng khí đối diện với sự phán xét của Thiên Chúa. ”

“Cho nên, các con yêu quý, cố gắng lên, phải hết sức đi tìm hiểu Đấng sáng tạo nên chúng ta, thành kính theo đuổi giáo huấn của Ngài, như thế các con sẽ khiến cho Ngài vui lòng, các con cũng nhờ đó mà sống được vui vẻ. Khi ngày đó đến các con cũng sẽ ra đi bình an.”

Các con rơi nước mắt nghe phụ thân giáo huấn, một tiếng đồng hồ sau, cha chúng nó qua đời ! Các con đem những lời di chúc của phụ thân ghi tạc trong lòng, làm quy luật cho cuộc sống sau này. Và trong kinh nghiệm thực hành họ càng phát hiện những lời đó đích thực là một mặt kính của chân lý.

(Một trăm câu chuyện giáo dục)

Suy tư ngắn 97:

Quyền năng của Thiên Chúa đang dẫn dắt chúng ta, thần lực của Thiên Chúa bảo vệ chúng ta, trong con mắt của Ngài chúng ta biết được sự nhận thức, bởi vì đôi tai Ngài mà chúng ta hiểu được sự công chính, giáo huấn của Ngài khiến cho chúng ta tỉnh thức, thượng trí của Ngài làm cho lý tưởng của chúng ta sáng tỏ.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Vùng tăng trưởng
Lm. Minh Anh
14:13 09/07/2023

VÙNG TĂNG TRƯỞNG
“Lạy Thiên Chúa, con tin tưởng vào Ngài!”.

Điều gì đang chờ đợi bạn ngoài vùng an toàn? Theo Darius Foroux, thoát khỏi ‘Vùng An Toàn, Comfort zone’, bạn bước vào ‘Vùng Sợ Hãi, Fear zone’; tiếp đến, ‘Vùng Học Hỏi, Learning zone’, trước khi đến ‘Vùng Tăng Trưởng, Growth zone’. Nghiên cứu cho biết, 80% nhân loại ở mãi trong ‘Vùng An Toàn’; chỉ 20% số còn lại nằm ở 3 vùng kế tiếp. Càng ra ngoài, con số càng giảm. Nói cách khác, chỉ một số rất ít có thể đạt đến ‘Vùng Tăng Trưởng!’.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay mời gọi bạn và tôi ra khỏi ‘vùng an toàn’, vượt qua ‘vùng sợ hãi’, trải nghiệm ‘vùng học hỏi’ để đến ‘vùng tăng trưởng’, nghĩa là sống “thuộc trọn về Chúa”. Thánh Vịnh đáp ca tuyên xưng niềm xác tín tuyệt đối, “Lạy Thiên Chúa, con tin tưởng vào Ngài!”.

Bài đọc Sáng Thế kể lại giấc mơ của tổ phụ Giacóp. Giacóp rời ‘vùng an toàn’ Bersabê để sang Haran, ‘vùng sợ hãi’, một nơi lạ nước lạ cái; giữa đường, ông mệt lả, tựa đầu trên một phiến đá và ngủ thiếp. Giấc mơ ghi lại hình ảnh một chiếc thang vươn cao giữa trời và đất; trên đó, các sứ thần Chúa lên lên, xuống xuống. Tỉnh dậy, Giacóp nói, “Đây chẳng khác gì đền của Thiên Chúa và cửa thiên đàng!”, ngưỡng ‘vùng tăng trưởng’, nơi Thiên Chúa ngự.

Trong Tin Mừng hôm nay, một người đàn ông và một phụ nữ cũng chấp nhận ra khỏi ‘vùng an toàn’ để tiếp cận ‘vùng tăng trưởng Giêsu’ theo những cách thức rất khác nhau, một công khai, một chùng lén; ấy thế, cả hai gặp được lòng thương xót của Ngài! Một kỳ mục đến với Ngài, sụp lạy và thưa lên, “Lạy Ngài, con gái tôi vừa mới chết, nhưng xin Ngài đến đặt tay trên nó, thì nó sẽ được sống!”. Thoát khỏi ‘vùng an toàn’ là uy tín, thế giá, địa vị… ông ném mình trước Chúa Giêsu; nhờ đó, ông được lại con. Cũng thế, người phụ nữ băng huyết vốn có thể là người giàu có đã tiêu tốn nhiều với các thầy thuốc giỏi nhất; nhưng xem ra bà cũng bất lực với những gì mười hai năm qua bà nghĩ là an toàn. Nay bà đến với Chúa Giêsu ‘một cách an toàn nhất’, “Bà thầm nghĩ, nếu tôi được chạm đến áo Ngài thôi”. Và ở đó, đức tin bà lớn lên trong Ngài, ‘Vùng Tăng Trưởng’, Đấng cứu bà, “Đức tin của con đã cứu thoát con!”.

Anh Chị em,

“Lạy Thiên Chúa, con tin tưởng vào Ngài!”. Lời Chúa mời gọi bạn và tôi ra khỏi những vùng an toàn tạm bợ để đặt niềm tin vào Ngài. Đó có thể là một gia đình thế giá, một tài sản đáng kể, một địa vị đủ cả chức lẫn quyền… hay ‘một vùng’ mang tính đạo đức hơn khi tôi sáng lễ chiều kinh, sống rộng lượng. Hoặc đáng lo hơn, khi tôi mắc một tội lỗi nào đó nhưng lương tâm ‘khá yên ổn’ vì một sự trấn an giả hiệu. Nhưng tất cả xem ra chẳng an toàn chút nào. Hôm nay, chúng ta quyết tâm ra khỏi những ‘vùng kéo xuống’ đó, vượt qua sợ hãi để đến với Giêsu. Ngài là chiếc thang nối trời và đất; nơi Ngài, bạn không chỉ chạm ngưỡng, nhưng ở trong thiên đàng. Nơi các nhà chầu Thánh Thể, Ngài đang chờ đợi, vẫy gọi bạn và tôi lui tới, lên xuống… để được cứu và được chữa lành. Ngài là ‘vùng tăng trưởng’ an toàn nhất đến muôn đời; cả đời này lẫn đời sau!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con đang ở vùng nào? ‘Vùng kéo con xuống’ hay ‘vùng vực con lên?’”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Với Tình Yêu Gánh Nào Cũng Nhẹ
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
20:53 09/07/2023
Với Tình Yêu Gánh Nào Cũng Nhẹ

(Chúa Nhật 14 TN A 2023)

Cuộc chiến giữa Nga và Ukraina đã diễn ra khốc liệt suốt hơn 500 ngày rồi (kể từ ngày 24.02.2022); nhưng hầu như mọi con đường dẫn đến hòa bình đều bế tắc ! Cả hai phe lâm chiến và các nước đồng minh của mỗi phe đều chọn cách giải quyết bằng sức mạnh quân sự; bằng sự áp đảo của vũ khí sát thương, bằng sự vượt trội của tên lửa, máy bay, xe tăng thiết giáp...

Có một điều đáng buồn đó là cả hai quốc gia, Nga và Ukraina, đều có chung cội nguồn Kitô giáo, rất đông tín đồ của hai nước cùng mang tên gọi chung “Kitô hữu”...; và dĩ nhiên, các tín hữu Chính Thống hay Công Giáo đều đọc chung Kinh Tin Kính, Kinh Lạy Cha... và cùng tin nhận mọi luật lệ của Chúa, của Tin Mừng đều tóm lại với hai giới răn: mến Chúa – yêu người !

Sở dĩ nói lên điều “bi đát” trên là để khẳng định rằng: lịch sử con người trên thế giới nầy là cả một “bản trường ca bi tráng” về sự con người khước từ đề nghị của Thiên Chúa và kiêu căng chọn lựa giải pháp của riêng mình ! Và “bản trường ca” đó đã khởi sự ngay tự thuở hồng hoang, khi địa đàng chưa khép lại, lúc mà A-đam, E-va muốn “đứng lên là Thượng Đế” (St 3,1-7)! Và rồi, cũng chỉ vì muốn của lễ “hoa màu của đất” mình dâng vượt mặt “chiên béo trong đàn” của em mà Cain đành nhẫn tâm sát hại đứa em trai cùng ruột thịt máu mủ ! (St 4,1-8).

Sứ điệp Lời Chúa của Chúa Nhật 14 thường niên chu kỳ năm A muốn đưa cộng đoàn chúng ta trở về với những chuẩn mực làm người và làm con Thiên Chúa; đó là “chuẩn mực” được xây dựng và định hướng trên sự “hiền lành và khiêm nhượng”; trên sự chọn lựa “hòa bình, hòa thuận, yêu thương”, thay vì chiến tranh, bạo lực, kiêu căng hợm hĩnh.

Thật vậy, ngay từ Bài đọc 1, với sứ điệp của ngôn sứ Giacaria, Lời Chúa đã khẳng định chân dung của Đấng Mêsia, Đấng sẽ được sai đến để cứu độ con người, mang dáng đứng của khiêm nhu, hòa bình: “Người khiêm tốn ngồi trên lừa con, con của lừa mẹ. Người đã loại bỏ các chiến xa khỏi Ephraim, và ngựa khỏi Giêrusalem. Cung tên chiến trận sẽ được phá huỷ. Người sẽ công bố hoà bình cho các dân tộc”.

Thật ra, không phải đợi đến thời của ngôn sứ Giacaria Thiên Chúa mới “mạc khải” con đường đức tin mang dáng đứng “khiêm hạ hiền lành” nầy mà gần như trong suốt chiều dài lịch sử cứu độ, Thiên Chúa vẫn hành xử “phong cách rất riêng” đó qua các nhân vật vĩ đại phục vụ cho công cuộc cứu độ của Ngài: Môsê bé bỏng trôi nổi bồng bềnh trong cái thúng đã vươn lên chiến thắng Pharaô kiêu hùng…; Juđitha liễu yếu đào tơ đã chặt đầu đại tướng Hôlôphê; Đavit với chiếc ná và vài viên đá cuội đã chiến thắng đại tướng Goliat; Esther hoàng hậu cùng với dân tộc Ít-ra-en đứng bên bờ vực thẳm của sự tiêu diệt, đã quật ngược thế cờ…

Và khi tới thời viên mãn, Đấng Cứu Thế như đã được các ngôn sứ đồng thanh tiên báo, đặc biệt qua sứ điệp của ngôn sứ Giacaria mà chúng ta vừa nghe, Ngài đã chọn cung cách khiêm nhu hiền lành để hoàn tất chương trình cứu độ: “trên con lừa” đã tiến vào Giêrusalem để hoàn tất sứ mệnh cứu thế bằng cái chết tủi nhục thương đau trên thập giá; một sự hạ mình khiêm nhượng thẳm sâu, một sự hiền lành cho đến mức cuối cùng để nhờ đó tội lỗi được thứ tha, ma quỷ bị đánh bại, Thiên Chúa được tôn vinh và con người được cứu độ.

Thế nhưng, đối với nhiều người, không phải chỉ hôm nay mà ngay từ thời của Đức Kitô, con đường thập giá của Ngài, bài học khiêm nhường và hiền lành của Ngài, con đường Tám Mối Phước Thật, phong cách “quỳ xuống rửa chân”… vẫn luôn là một “chọn lựa bị khước từ”, hay là một cái “ách”, một “gánh nặng” mà họ không thể mang nổi, hay nếu có mang, thì cũng trầy trật, dở dang, chẳng đem lại ích lợi gì. Phần đông người ta chỉ thích “bánh mì để ăn cho đầy bụng”, thích “phép lạ” để thoả mãn hiếu kỳ, thích quyền lực chính trị và giàu sang kinh tế để hảnh tiến với lân bang, thích ngồi chỗ cao trong bàn tiệc để được gọi là “kẻ ăn trên ngồi trước”…, để ve vuốt cái sĩ diện, để tôn vinh cái “tôi”... !

Thế nhưng ngoài cái đám đông mang đầy não trạng thế tục, nhất là cái đám thường xuyên tự vỗ ngực xưng mình là trí thức đạo đức, nắm vững Lề Luật, nhất định khước từ hoặc lãnh đạm với lời huấn đạo của Chúa Giêsu, vẫn còn những tâm hồn đơn sơ bé mọn, đón nhận sứ điệp Tin Mừng của Ngài với tất cả thái độ khiêm hạ: Nhóm Mười Hai Tông đồ và các môn đệ, người đàn bà Canaan, ông ty trưởng thuế vụ Giakêu, gia đình các chị em ở Bêtania, người phụ nữ ở Magdala…; đó là chưa kể những con người có liên hệ mật thiết đến công cuộc “vào đời” của Ngài như Mẹ Maria, thánh Giuse, ông Giacaria, bà Isave, Gian Tẩy Giả… Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay nhắc lại lời cầu nguyện đặc biệt của Đức Kitô nhấn mạnh đến những đối tượng nầy: “Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì Cha đã giấu không cho những người hiền triết và khôn ngoan biết những điều ấy, mà lại mạc khải cho những kẻ bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì ý Cha muốn như vậy.” (Mt 11,25-26).

Và từ sự cảm nhận thiên linh đó, Đức Kitô đã đề nghị hẳn một con đường hành động, một chọn lựa nghiêm túc để được “giải ách” dành cho những ai được Chúa Cha mặc khải: “Tất cả hãy đến với Ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi. Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an. Vì ách của Ta thì êm ái, và gánh của Ta thì nhẹ nhàng” (Mt 11,28-30).

Lời mời gọi của Đức Kitô từ gần 2000 năm trước đó vẫn còn nguyên giá trị cho cuộc sống đức tin hôm nay của người Kitô hữu và cho cách sống làm người của toàn nhân loại. Bởi chưng, trong thế giới và trong Giáo Hội hôm nay, vẫn đang có biết bao đôi vợ chồng đã vất đi cái “ách của bí tích Hôn Phối” mà họ đã long trọng cử hành để được được tự do chạy theo những xúc cảm và đam mê của ngoại tình; biết bao bạn trẻ đã khước từ cái “gánh nặng của nhân đức khiết tịnh, trong sạch” để được tự do luyến ái trước hoặc ngoài hôn nhân; biết bao những người mẹ, người cha sẵn sàng vất đi mạng sống của chính con mình vì sợ “gánh nặng phải đẻ đau, nuôi dạy hay những phiền phức khác cho hạnh phúc cá nhân…”; biết bao nhiêu linh mục, tu sĩ cởi bỏ áo dòng, đoạn tuyệt lời cam kết… để tự do xây lâu đài hạnh phúc trần tục…; biết bao giáo dân vẫn coi luật “giữ Ngày Chúa Nhật” là gánh nặng phải vất bỏ để tự do hưởng thụ; việc “xưng tội, rước lễ, đọc kinh...” là cái “ách cổ lổ xỉ” cần phải hạ xuống để thảnh thơi mà tự do phóng túng...

Phải chăng vì cảm nhận được sức nặng của cái “Ách” Tin Mừng, cái “Gánh” Lời Chúa và Thánh ý Ngài, mà ngay từ thời Hội Thánh mới khai sinh, Thánh Phaolô muốn các tín hữu phải luôn cậy nhờ vào sức mạnh của Chúa Thánh Thần: “Nếu ai không có Thánh Thần của Đức Kitô, thì kẻ ấy không thuộc về Người. Và nếu Thánh Thần của Đấng đã làm cho Đức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại ở trong anh em, thì Đấng đã làm cho Đức Kitô từ cõi chết sống lại, cũng cho xác phàm hay chết của anh em được sống, nhờ Thánh Thần Người ngự trong anh em.” (Rm 8,9.11).

Thánh Thần chính là “Tình Yêu”. Với “Tình Yêu”, thì bất cứ cái ách nào cũng trở nên êm ái, bất cứ gánh nặng nào cũng trở nên nhẹ nhàng…; như cái “gánh đòn vọt thương tích đầy mình” trên thân thể của người mẹ thánh Anê Lê Thị Thành (1781-1841); hay như cái “ách gông cùm trên cổ của Thánh Trùm Cả Anrê Kim Thông” (1790-1855) trên con đường lưu đày vì đức tin từ Qui Nhơn cho tới Mỹ Tho... của một thời bách hại !

Vâng, với tình yêu gánh nào cũng nhẹ, ách nào cũng êm !

Trương Đình Hiền.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tòa án tối cao đứng về phía nhà thiết kế web phản đối hôn nhân đồng giới
Đặng Tự Do
17:27 09/07/2023


Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã phán quyết rằng điều khoản về quyền tự do ngôn luận của Tu chính án thứ nhất bảo vệ một nhà thiết kế web ở Colorado, người sợ rằng cô ấy sẽ bị truy tố theo luật chống phân biệt đối xử của tiểu bang vì sự phản đối dựa trên đức tin của cô ấy đối với việc thiết kế các trang web quảng bá hôn nhân đồng giới hoặc đám cưới đồng giới.

Lorie Smith, chủ sở hữu studio thiết kế web và đồ họa 303 Creative LLC, đã đệ đơn kiện. Đó không phải là một phản ứng đối với hành động của chính phủ; đúng hơn, đó là một thách thức trước khi thực thi nhằm ngăn chặn việc sử dụng luật chống lại cô ấy.

Đạo luật chống phân biệt đối xử của Colorado coi xu hướng tính dục và bản sắc giới tính là các nhóm được bảo vệ. Câu hỏi đặt ra trước tòa là liệu việc ép buộc một nghệ sĩ phát biểu hay giữ im lặng có vi phạm điều khoản về quyền tự do ngôn luận của Tu chính án thứ nhất hay không. Nó không đưa ra câu hỏi liệu đó có phải là vi phạm tự do tôn giáo hay không.

“Trong trường hợp này, Colorado tìm cách buộc một cá nhân nói theo cách phù hợp với quan điểm của tiểu bang nhưng bất chấp lương tâm của họ về một vấn đề quan trọng,” Thẩm phán Neil Gorsuch cho biết trong phán quyết với tỷ số 6-3. Tuy nhiên, như tòa án này đã khẳng định từ lâu, cơ hội để suy nghĩ cho chính chúng ta và bày tỏ những suy nghĩ đó một cách tự do là một trong những quyền tự do được trân trọng nhất của chúng ta và là một phần của những gì giúp nền cộng hòa của chúng ta vững mạnh.

“Tất nhiên, tuân thủ cam kết về quyền tự do ngôn luận trong Hiến pháp có nghĩa là tất cả chúng ta sẽ gặp phải những ý kiến mà chúng ta cho là 'kém hấp dẫn', 'sai lầm' hoặc thậm chí là 'gây tổn thương', nhưng sự khoan dung, chứ không phải sự ép buộc, là câu trả lời của quốc gia chúng ta. Tu Chính Án thứ nhất hình dung Hoa Kỳ là một nơi đa dạng và phức tạp, nơi tất cả mọi người được tự do suy nghĩ và phát biểu theo ý muốn của họ, chứ không phải theo yêu cầu của chính phủ. “

Smith được đại diện bởi nhóm pháp lý của Liên minh Bảo vệ Tự do, gọi tắt là ADF, và các luật sư của cô lập luận rằng luật tiểu bang ảnh hưởng đến các chuyên gia sáng tạo có mối quan tâm về tôn giáo hoặc đạo đức về việc tạo ra các nội dung vi phạm niềm tin của họ.

ADF mô tả quyết định này là một chiến thắng “mang tính bước ngoặt”.

“Không chỉ là một chiến thắng cho Lorie Smith, đây là một chiến thắng sâu rộng về quyền tự do ngôn luận cho mọi người Mỹ,” nhóm này viết trên Twitter hôm thứ Sáu.

Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ nằm trong số các nhóm đã thay mặt Smith nộp bản tóm tắt ý kiến lên Tòa án Tối cao Hoa Kỳ.


Source:National Catholic Register
 
Nhật Ký Trừ Tà số 247: Ma quỷ ngăn chặn chúng ta dự lễ
Đặng Tự Do
17:28 09/07/2023


Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #247: Demons Blocking Mass Attendance”, nghĩa là “Nhật Ký Trừ Tà số 247: Ma quỷ ngăn chặn chúng ta dự lễ”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Tôi đã làm việc với một người bị ảnh hưởng bởi sự hiện diện của ma quỷ mạnh mẽ. Chúng tôi không chỉ khuyến khích anh ta đọc những lời cầu nguyện giải thoát hàng ngày mà còn tham dự Thánh lễ Chúa Nhật. Điều này rất quan trọng. Không có gì mạnh mẽ hơn và không có gì bị ma quỷ ghét hơn là tham dự Thánh Lễ và lãnh nhận Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu.

Việc ma quỷ khiếp sợ Bí tích Thánh Thể là bằng chứng cho hiệu quả thiêng liêng của thánh lễ, và trên hết là giáo huấn về sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô. Bất cứ khi nào tôi nói đến tên “Giêsu”, người đàn ông bị ám nói rằng lũ quỷ “rất tức giận” và “thực sự rất đau đớn”. Nhưng Thánh Thể là một cái gì đó ở một bình diện tâm linh hoàn toàn cao hơn. Ma quỷ làm mọi cách để xua đuổi những người bị quỷ ám.

Tuần này qua tuần khác, tôi đã khuyến khích anh ta tham dự Thánh lễ nhưng anh ta đã không thể. Tôi hỏi anh ta tại sao và anh ta nói: “Đầu óc con đã sẵn sàng và con muốn đi nhưng con không thể. Giống như con không kiểm soát được cơ thể của mình và con không thể bước ra khỏi cửa. Cứ như thể có thứ gì đó to lớn đang cản trở con vậy.” Không khó để đoán “thứ gì đó to lớn” là gì.

Vì vậy, tôi nói với anh ta: “Chúa nhật tới, khi anh chuẩn bị đi lễ, tôi sẽ gọi cho anh và đọc một lời cầu nguyện trừ tà. Chúng tôi sẽ trói những con quỷ đang cản trở việc tham dự Thánh lễ của anh.” Tôi đã trói được con quỷ ngay trước khi anh ta ra đi để đi dự Thánh lễ. Sau khi tham dự thành công, anh ta đã nhắn tin: “Thật ngạc nhiên khi thấy xiềng xích và dây thừng xung quanh con bị rớt ra. Con có thể thấy rằng ma quỷ đã bị trói và thanh thản đi dự lễ”.

Khi ai đó bị ma quỷ ám ảnh nghiêm trọng, việc người ấy bị ngăn cản tham dự Thánh lễ là điều hiển nhiên và được mong đợi. Nhưng tôi tự hỏi có bao nhiêu người, những người không bị ám hoặc bị áp bức, cũng bị cản trở tương tự khi tham dự Thánh lễ vì sự can thiệp của ma quỷ mà lại chủ quan không nghi ngờ gì. Điều này có thể phổ biến hơn chúng ta nhận ra.

Có thể mỗi linh mục phải đọc một lời cầu nguyện trừ tà vào mỗi cuối tuần để trói buộc bất kỳ con quỷ nào đang cản trở việc tham dự Thánh lễ của giáo dân mình. Cha mẹ cũng nên đọc một lời cầu nguyện trừ tà để giúp con cái họ tham dự Thánh lễ. Cá nhân cũng nên đọc một lời cầu nguyện trừ tà để đến nhà thờ tham dự các thánh lễ, thay vì xem lễ trực tuyến.

Dù không thể đổ lỗi cho ma quỷ về những lựa chọn sai lầm của mình, nhưng chúng ta không nên vội vã bác bỏ bất kỳ ý kiến nào cho rằng sự hiện diện của ma quỷ có thể thực sự gây ảnh hưởng tiêu cực. Tôi đưa ra lời cầu nguyện này như một ví dụ:

Một lời cầu nguyện trói buộc những con quỷ cản trở việc tham dự thánh lễ

Vì Danh Thánh Chúa Giêsu, con cầu xin Chúa, nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria, Mẹ Người và các Quyền Thần trên Trời, xin xua đuổi bất kỳ ma quỷ nào đang cản trở [N] tham dự Thánh lễ cuối tuần này. Con cầu nguyện rằng Chúa có thể khiến họ bất lực, tê liệt và vô hiệu. Xin cho chúng không có ảnh hưởng đến [N]; cầu mong chúng không ngăn cản [N] tham dự Thánh lễ vào Chúa Nhật này hoặc bất kỳ ngày nào. Xin Chúa Thánh Thần trao quyền cho các thiên thần hộ tống [N] đến nhà thờ và bảo vệ và giúp [N] ca ngợi và tôn vinh Thiên Chúa Cha trong Con của Ngài là Chúa Giêsu Kitô. Amen.


Source:Catholic Exorcism
 
Tại sao những sự dữ lại xảy ra với những người lành?
Đặng Tự Do
17:30 09/07/2023


Đức Ông Charles Pope là giáo sư Kinh Thánh đang giảng dạy tại các chủng viện ở tổng giáo phận Washington DC và phụ trách một lớp Kinh Thánh tại Quốc Hội Hoa Kỳ. Ngài cũng là niên trưởng linh mục đoàn của tổng giáo phận Washington.

Ngài đã có bài viết sau trên tờ National Catholic Register với nhan đề “Why Do Bad Things Happen to Good People?” nghĩa là “Tại sao những sự dữ lại xảy ra với những người lành?”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Một trong những mầu nhiệm lớn đối với người tin cũng như người không tin là điều ác và đau khổ. Nếu có một Thiên Chúa toàn năng và toàn tri, làm sao Ngài có thể dung thứ cho cái ác, sự bất công và sự đau khổ của những người vô tội? Chúa ở đâu khi xảy ra các vụ xả súng tại một trường học ở Uvalde, Texas, một siêu thị ở Buffalo, New York, một nhà thờ ở Los Angeles, hay khi, trong một cuộc diễn hành ở Waukesha, Wisconsin, những người tham gia bị một người đàn ông giận dữ đốn ngã dã man bằng một chiếc SUV? Chúa ở đâu khi một phụ nữ hay một cô gái trẻ bị hãm hiếp, một người già bị hành hung, một đứa trẻ sơ sinh bị phá thai, khi tội ác diệt chủng xảy ra, hay khi những kẻ ác ấp ủ âm mưu của chúng? Tại sao Thiên Chúa thậm chí để cho phụ nữ mang thai những kẻ ác và cho phép chúng sinh ra? Thêm vào đó là nhiều thảm họa thiên nhiên xảy ra trên thế giới. Thiên Chúa ở đâu, và tại sao Ngài lại để cho những người tương đối vô tội, kể cả trẻ em, phải chịu đau khổ như vậy?

Vấn đề về sự dữ không thể được trả lời một cách đơn giản. Sự dữ là một mầu nhiệm. Mục đích của sự dữ và lý do tại sao Thiên Chúa cho phép nó nằm trong tầm nhìn và sự hiểu biết hạn chế của chúng ta. Kinh thánh nói: “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định.” (Rô-ma 8:28). Nhưng trong nhiều trường hợp, thật khó để chúng ta thấy điều này là như thế nào.

Bất kỳ ai đã từng trải qua một mất mát bi thảm và vô nghĩa hoặc từng chứng kiến sự đau khổ không tương xứng mà một số người phải chịu đựng đều không thể không đặt câu hỏi: “Tại sao?” Và không phải tất cả các câu trả lời đều thỏa mãn, vì đau khổ cuối cùng vẫn bí ẩn theo nhiều cách.

Tôi có một số sự tôn trọng đối với những người đấu tranh để tin vào sự trỗi dậy của những bi kịch. Tôi hiểu và tôn trọng chiều sâu của sự tuyệt vọng cũng như phẩm giá của những câu hỏi như vậy. Ở cuối con đường của những câu hỏi, thường được đặt ra trong sự đau khổ, là Thiên Chúa đã chọn không đưa ra những câu trả lời đơn giản. Và ngay cả khi Ngài làm vậy, thì đầu óc đơn giản của chúng ta cũng không thể hiểu được chúng. Thường là khi đối mặt với sự dữ và đau khổ to lớn, chúng ta bị bỏ mặc để quyết định, liệu Thiên Chúa có hiện hữu hay không.

Có lẽ khía cạnh khó hiểu nhất của đau khổ là sự phân bố không đồng đều của nó. Một số người dường như vượt qua cuộc sống một cách mạnh mẽ, giàu có và đủ đầy, trong khi những người khác phải chịu đựng đau khổ, bệnh tật, những mất mát đột ngột và không thể giải thích được, những khó khăn về tài chính, sự bất công và những gánh nặng khác. Một số đau khổ đến từ những lựa chọn sai lầm, lạm dụng chất kích thích và thiếu tự chủ. Nhưng một số đau khổ dường như hoàn toàn không liên quan đến bất kỳ lý do nào trong số này — hoặc thậm chí bất kỳ lý do nào.

Một sự giải thích tôn trọng về sự hiểu biết của Kitô hữu về điều ác có thể bao gồm một số điểm sau đây. Lưu ý rằng đây không phải là những lời giải thích (vì đau khổ là một mầu nhiệm lớn), và tôi khiêm tốn thừa nhận giới hạn của chính mình.

1. Kinh thánh dạy rằng Thiên Chúa đã tạo ra một thế giới là địa đàng. Mặc dù chúng ta chỉ thoáng thấy nó, cái chết và đau khổ không phải là một phần của nó.

2. Nhưng ngay cả trong Vườn Địa Đàng, con rắn cũng cuộn mình từ cành cây gọi là Cây Biết Điều Thiện và Điều Ác. Vì vậy, ngay cả trong thiên đường, bí ẩn của cái ác vẫn ẩn nấp. Theo một cách nào đó, cái cây và con rắn phải ở đó bởi vì chúng ta được tạo ra để yêu nhau; tình yêu đòi hỏi tự do, và tự do đòi hỏi sự lựa chọn. Tiếng “Có” của tình yêu phải cho phép tiếng “Không” của tội lỗi. Trong câu trả lời “Không” nổi loạn của chúng ta, cả chúng ta và thế giới đều tan rã, cái chết và sự hỗn loạn tràn vào. Thiên đường đã biến mất và một thế giới thù địch và khó lường hơn nhiều vẫn còn đó. Tất cả những đau khổ và tội ác mà chúng ta phải chịu đựng đều từ đó mà ra. Chỉ riêng tội lỗi của chúng ta đã gây ra vô số đau khổ trên trái đất này - phần lớn trong số đó, theo tính toán của tôi. Đau khổ do các hiện tượng tự nhiên gây ra cũng có liên quan đến Nguyên tội, trong đó chúng ta thích ngự trị trong một địa ngục giả tạo của thiên đường hơn là phục vụ trong thiên đường thực sự.

3. Vì vậy A-đam và Ê-va đã chọn con đường sự chết trong Vườn Địa Đàng. Và Chúa đã không hủy bỏ sự lựa chọn của họ nhưng đã làm việc với điều đó. Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Chúa Giêsu Kitô, gặp chúng ta ở ngã tư đường của đau khổ và cái chết, và không miễn trừ chính mình, cho phép đau khổ và cái chết mang một ý nghĩa cứu chuộc, một con đường trở về với Ngài và một con đường dẫn đến vinh quang.

4. Mối liên hệ giữa sự dữ và đau khổ với sự tự do của con người cũng giải thích việc Thiên Chúa không can thiệp vào các vấn đề sự dữ. Nếu Thiên Chúa thường xuyên can thiệp, nó sẽ làm cho quyền tự do của con người trở nên trừu tượng và do đó loại bỏ trụ cột trung tâm của tình yêu. Nhưng ở đây cũng có một điều bí ẩn: Kinh Thánh thuật lại rằng đôi khi Thiên Chúa can thiệp để chấm dứt những âm mưu xấu xa, đẩy lùi chiến tranh, rút ngắn nạn đói và bệnh dịch. Tại sao đôi khi Ngài can thiệp và đôi khi không? Tại sao những lời cầu nguyện giải thoát đôi khi được trả lời và đôi khi không? Ở đây cũng vậy, có một mầu nhiệm của Đấng Quan Phòng.

5. Chuyên luận Kinh Thánh dài nhất về đau khổ là Sách Gióp. Trong đó, Thiên Chúa đã thể hiện sự thiếu thông cảm gần như gây sốc đối với những câu hỏi của Gióp về sự đau khổ của ông và đặt nền tảng lâu dài cho kết luận rằng tâm trí con người đơn giản là không có khả năng nhìn vào chiều sâu của vấn đề này. Thiên Chúa thấy thích hợp để đức tin của Gióp được thử thách và củng cố. Nhưng cuối cùng, Gióp đã được phục hồi và thiết lập lại với những ân sủng thậm chí còn lớn hơn trong một kiểu nếm trước ý nghĩa của thiên đàng.

6. Thư Thứ Nhất của Thánh Phêrô cũng giải thích một phần về đau khổ: “Anh em sẽ được hân hoan vui mừng, mặc dầu còn phải ưu phiền ít lâu giữa trăm chiều thử thách. Những thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin của anh em là thứ quý hơn vàng gấp bội, vàng là của phù vân, mà còn phải chịu thử lửa. Nhờ thế, khi Đức Giêsu Kitô tỏ hiện, đức tin đã được tinh luyện đó sẽ trở thành lời khen ngợi, và đem lại vinh quang, danh dự”(1 Pr 1:6-7). Nói cách khác, những đau khổ của chúng ta thanh tẩy chúng ta và chuẩn bị cho chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa.

7. Phải chăng điều này có nghĩa là những người đau khổ hơn cần được thanh tẩy nhiều hơn? Không nhất thiết là như thế. Nó cũng có thể có nghĩa là một vinh quang lớn hơn đang chờ đợi họ. Vì Kinh thánh dạy: “Cho nên chúng tôi không chán nản. Trái lại, dù con người bên ngoài của chúng tôi có tiêu tan đi, thì con người bên trong của chúng tôi ngày càng đổi mới. Thật vậy, một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời.” (2 Cr 4:16-17). Do đó, đau khổ “tạo ra” vinh quang trong thế giới mai sau. Những ai chịu đau khổ nhiều hơn, nhưng với đức tin, sẽ có nhiều vinh quang hơn trong thế giới mai sau.

8. Liên quan đến sự bất công rõ ràng của sự đau khổ không đồng đều, cần lưu ý rằng Kinh thánh dạy về một sự đảo ngược vĩ đại, trong đó người cuối cùng sẽ được ưu tiên (Mt 20:16), kẻ quyền thế sẽ bị hạ bệ trong khi kẻ hèn mọn được tôn cao, và người giàu sẽ ra đi tay không trong khi người nghèo được no nê (Lc 1:52-53). Theo nghĩa này, giàu có, no đủ và không quen với bất kỳ đau khổ nào không nhất thiết là một phước lành. Trong cuộc đảo ngược vĩ đại, người đầu tiên sẽ là người cuối cùng. Cơ hội duy nhất mà những người giàu có và khỏe mạnh có để tránh kết cục này là rộng lượng và tử tế với người nghèo và những người đau khổ (1 Tm 6:17-18).

9. Cuối cùng, về sự vô cảm hiển nhiên của Thiên Chúa đối với đau khổ, chúng ta chỉ có thể chỉ ra Chúa Kitô, Đấng đã không miễn trừ khỏi đau khổ mà chúng ta đã chọn khi rời bỏ vườn Địa Đàng. Ngài đã phải chịu đựng một cách mãnh liệt và bất công nhưng cũng cho thấy rằng đây sẽ là một con đường trở về thiên đường. Về vấn đề này, một số người cũng đặt câu hỏi rằng, nếu Thiên Chúa là tình yêu, tại sao Ngài lại để những điều khủng khiếp xảy ra? Nó có vẻ không được phù hợp cho lắm. Tuy nhiên, ngày nay có khuynh hướng đánh đồng tình yêu thương với lòng tốt đơn thuần. Trong khi sự tử tế là một khía cạnh của tình yêu thương thì sự quở trách và thử thách cũng vậy. Như bất kỳ bậc cha mẹ yêu thương nào cũng biết, đôi khi cần phải hướng dẫn con cái vượt qua những thử thách và khó khăn, đồng thời cho phép chúng cảm nhận một số hậu quả do quyết định của chúng. Các bác sĩ cũng thường phải sử dụng các loại thuốc mạnh và phẫu thuật để mang lại sự chữa lành cuối cùng. Do đó, tình yêu không phải lúc nào cũng là một điều dễ chịu, và Thiên Chúa là tình yêu phải dẫn dắt chúng ta vượt qua một số giai đoạn khó khăn trong “thiên đường đã mất” này mà chúng ta đã chọn để sống. Tuy nhiên, có một sự thật vững chắc là Thiên Chúa không bao giờ cho phép có đau khổ hoặc điều ác trừ phi Ngài có thể mang lại điều tốt lành hơn từ điều đó.

10. Thánh Thomas Aquinas đề cập đến mầu nhiệm của sự gian ác và đau khổ bằng cách nói về việc chúng ta không có khả năng nhìn thấy bức tranh toàn cảnh. Ngài đã tưởng tượng ra một bức tranh tuyệt vời mà chúng ta chỉ có thể nhìn thấy một vài điểm sáng, hoặc chỉ là một nét vẽ màu tối. “Sự xấu xí đen tối này là gì?” chúng ta có thể kêu lên. Nhưng nếu chúng ta có thể lùi lại và xem toàn bộ bức tranh, chúng ta có thể thấy vẻ đẹp của nó và hiểu rằng đó là trò chơi của ánh sáng và bóng tối và rằng bóng tối bao bọc ánh sáng và nhường chỗ cho ánh sáng.

Về những điểm này, tôi chắc chắn anh chị em sẽ thêm vào, nhưng hãy cẩn thận với vấn đề sự dữ và đau khổ. Nó có những chiều kích bí ẩn phải được tôn trọng. Những câu trả lời đơn giản có thể không giúp ích gì cho những người đấu tranh với nó. Thông cảm và giải thích nhằm cho thấy rằng cuộc đấu tranh của Kitô hữu để hiểu rõ điều này có thể là cách tốt nhất. “ Câu trả lời” của Kinh thánh đòi hỏi đức tin, nhưng nó cũng lôi cuốn lý trí và kêu gọi chúng ta khiêm tốn trước một mầu nhiệm vĩ đại mà chúng ta chỉ có thể nhìn thấy một phần nhỏ.

Cuối cùng, tại sao có đau khổ và tội lỗi trên thế giới? Chúng tôi không hoàn toàn biết. Nhưng tại sao lại có tình yêu, lòng trung thành hay vẻ đẹp? Tại sao lại có gì đó? Những loại câu hỏi này là không thể suy nghĩ được, đó là những câu hỏi không có câu trả lời chính xác hoặc chắc chắn. Nhưng Chúa biết - và Ngài sẽ trừng phạt mọi bất công, và những người đã chết không ăn năn sẽ trả lời cho Ngài. Còn bây giờ, chúng ta chờ đợi và chấp nhận sự thật rằng Thiên Chúa đã cho phép đau khổ và cái chết là con đường trở về với Người và là con đường dẫn đến vinh quang nếu chúng ta trung thành.

Trong cuộc sống này, chúng ta tìm cách đồng hành và cầu nguyện cho những người đau khổ. Đây là một phần của điều tốt lành mà Chúa tìm cách rút ra từ những bi kịch. Tình bạn và liên minh hình thành; mọi người đưa ra những cam kết mới để xây dựng một thế giới công bằng hơn và từ chối bạo lực và sự thiếu quan tâm đến cuộc sống con người đang quá rõ ràng ngày nay. Chỉ có ánh sáng mới có thể xua tan bóng tối; chỉ có tình yêu mới có thể chiến thắng hận thù. Khi thương tiếc cho những bi kịch gần đây, chúng ta chỉ có thể tin cậy vào lời hứa của Chúa: “Phúc thay ai sầu khổ,vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.” (Mt 5:4).


Source:National Catholic Register
 
ĐTC công bố danh sách 21 tân Hồng Y, Việt Nam tiếp tục không có Hồng Y cử tri
Đặng Tự Do
17:46 09/07/2023
Hôm Chúa Nhật 9 Tháng Bẩy, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết tại một công nghị vào ngày 30 tháng 9ngài sẽ tấn phong 21 tân Hồng Y, bao gồm cả người đứng đầu giáo lý mới được bổ nhiệm của Vatican là Đức Tổng Giám Mục Víctor Manuel Fernández.

Vị giáo hoàng 86 tuổi đã đưa ra thông báo từ một cửa sổ nhìn ra quảng trường Thánh Phêrô sau khi đọc kinh Truyền tin vào ngày 9 tháng Bảy.

Đây là danh sách đầy đủ:

Đức Tổng Giám Mục Robert Francis Prevost, người Mỹ, Tổng trưởng Thánh Bộ Giám mục

Đức Tổng Giám Mục Víctor Manuel Fernández, người Á Căn Đình, tân Tổng trưởng Thánh Bộ Giáo lý Đức tin

Đức Tổng Giám Mục Christophe Pierre, người Pháp, Sứ thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ

Thượng phụ Pierbattista Pizzaballa, người Ý, Thượng phụ Latinh của Giêrusalem

Đức Tổng Giám Mục Emil Paul Tscherrig, người Thụy Sĩ, Sứ thần Tòa Thánh tại Ý

Đức Giám Mục Stêphanô Châu Thủ Nhân (Chow Sau-yan), người Hoa, Giám mục Hương Cảng

Đức Tổng Giám Mục José Cobo Cano, người Tây Ban Nha, Tổng Giám Mục Madrid

Đức Tổng Giám Mục Stephen Brislin, người Nam Phi, Tổng Giám Mục Cape Town

Đức Tổng Giám Mục Claudio Gugerotti, người Ý, Tổng Trưởng Thánh Bộ Các Giáo Hội Đông Phương

Đức Tổng Giám Mục Ángel Sixto Rossi, người Á Căn Đình, Tổng Giám mục Córdoba

Đức Tổng Giám Mục Luis Rueda Aparicio, người Colombia, Tổng Giám mục Bogotá

Đức Tổng Giám Mục Grzegorz Ryś, người Ba Lan, Tổng Giám mục Lodz

Đức Tổng Giám Mục Stephen Ameyu Martin Mulla, người Nam Sudan, Tổng Giám mục Juba

Đức Tổng Giám Mục Protase Rugambwa, người Tanzania, Tổng Giám Mục Phụ Tá của Tabora

Đức Giám Mục Sebastian Francis, người Mã Lai Á, Giám mục Penang

Đức Giám Mục François-Xavier Bustillo, người Pháp, Giám mục Ajaccio

Đức Giám Mục Américo Emanuel Alves Aguiar, người Bồ Đào Nha, Giám Mục Phụ Tá Lisbon

Cha Ángel Fernández Artime, người Tây Ban Nha, Bề Trên Cả Dòng Salêdiêng

Ba vị trên 80 tuổi là:

Đức Tổng Giám Mục Agostino Marchetto, người Ý, nguyên Sứ thần Tòa Thánh

Đức Tổng Giám Mục Diego Rafael Padrón Sánchez, người Venezuela, Tổng Giám mục Hiệu Tòa của Cumanà.

Cha Luis Pascual Dri, Dòng Anh Em Hèn Mọn, Cha Giải tội tại Đền thánh Đức Mẹ Pompeii ở Buenos Aires, Á Căn Đình.

Kể từ khi được bầu vào ngôi Giáo Hoàng năm 2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tấn phong 121 Hồng Y từ 66 quốc gia tại 8 công nghị tấn phong Hồng Y.

Công nghị tấn phong Hồng Y mới nhất đã diễn ra vào ngày 27 tháng 8 năm 2022. Các tân Hồng Y bao gồm Hồng Y Robert McElroy của San Diego và Hồng Y Arthur Roche, tổng trưởng Thánh Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích.

Mười thành viên của Hồng Y đoàn đã bước sang tuổi 80 kể từ công nghị lần trước, do đó các ngài mất cơ hội tham gia cuộc bầu giáo hoàng trong tương lai. Bảy vị Hồng Y nữa sẽ bước sang tuổi 80 trước cuối năm nay, trong đó có Đức Hồng Y Angelo Camastri và Đức Hồng Y Leonardo Sandri.

Trước công nghị sắp tới, hiện có 121 Hồng Y cử tri, 81 vị chiếm 67%, là các vị đã được Đức Thánh Cha Phanxicô tấn phong.
 
Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 9 Tháng Bẩy
Đặng Tự Do
18:16 09/07/2023
Chúa Nhật 9 Tháng Bẩy, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 14 Mùa Quanh Năm.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu lên tiếng nói rằng: “Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì Cha đã giấu không cho những người hiền triết và khôn ngoan biết những điều ấy, mà lại mạc khải cho những kẻ bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì ý Cha muốn như vậy. – Mọi sự đã được Cha Ta trao phó cho Ta. Và không ai biết Con, trừ ra Cha. Và cũng không ai biết Cha, trừ ra Con và kẻ Con muốn mạc khải cho.

“Tất cả hãy đến với Ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi. Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an. Vì ách của Ta thì êm ái, và gánh của Ta thì nhẹ nhàng”.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Tin Mừng hôm nay chứa đựng một lời cầu nguyện rất đẹp Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha rằng: “Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì Cha đã giấu không cho những người hiền triết và khôn ngoan biết những điều ấy, mà lại mạc khải cho những kẻ bé mọn” (Mt 11:25). Nhưng Chúa Giêsu đang nói về những điều gì? Và sau đó, những người bé mọn này là ai mà những điều như vậy được tiết lộ? Chúng ta hãy suy niệm về điều này: về những điều mà Chúa Giêsu tạ ơn Chúa Cha và về những người bé mọn biết đón nhận những điều ấy.

Những điều mà Chúa Giêsu tạ ơn Cha ngài. Ngay trước đó, Chúa đã nhắc lại một số công việc của Ngài: “người mù được thấy […] kẻ phong cùi được sạch, […] người nghèo được nghe Tin Mừng” (Mt 11:5), và Ngài mặc khải những gì điều này có nghĩa là nói rằng đây là những dấu hiệu cho thấy Thiên Chúa đang làm việc trên thế giới. Như vậy, thông điệp đã rõ ràng – Thiên Chúa tỏ mình ra bằng cách giải thoát và chữa lành con người – chúng ta đừng quên điều này, Thiên Chúa tỏ mình ra bằng cách giải thoát và chữa lành con người – và Người làm điều này với một tình yêu nhưng không, một tình yêu cứu độ. Đây là lý do tại sao Chúa Giêsu cảm ơn Chúa Cha, bởi vì sự vĩ đại của Ngài hệ tại ở tình yêu của Ngài và Ngài không bao giờ hành động ngoài tình yêu. Nhưng sự vĩ đại trong tình yêu này không được hiểu bởi những người tự cho mình là vĩ đại và những người tạo ra một vị thần theo hình ảnh của chính họ - mạnh mẽ, tàn nhẫn, hay báo thù. Nói cách khác, những kẻ tự phụ đầy mình, kiêu căng, chỉ quan tâm đến lợi ích của mình – đó là những kẻ tự phụ, xác tín rằng mình không cần ai, những người ấy không thể nhận Thiên Chúa là Cha. Về vấn đề này, Chúa Giêsu kể tên cư dân của ba thành phố giàu có vào thời của ngài – Côraxin, Bếtsaiđa, Caphácnaum – nơi Ngài đã thực hiện nhiều phép lạ, nhưng cư dân của những thành phố này vẫn thờ ơ với lời rao giảng của Ngài. Đối với họ, phép lạ của Ngài chỉ là những sự kiện ngoạn mục, hữu ích để đưa tin và tăng thêm tin đồn. Khi sự quan tâm thoáng qua đối với những điều ấy đã hết, họ lưu giữ những điều ấy, có thể để bản thân mình tràn ngập những điều mới lạ khác từ những điều này. Họ đã không biết đón nhận những điều cao cả của Thiên Chúa.

Trái lại, những người bé mọn biết chào đón những điều ấy, và Chúa Giêsu tạ ơn Chúa Cha về điều này: “Con chúc tụng Cha,” Người nói, vì Cha đã mặc khải Nước Trời cho những kẻ bé mọn. Chúa Giêsu chúc tụng Chúa Cha vì những con người đơn sơ có tâm hồn không tự phụ và tự ái. Những người bé mọn là những người, giống như trẻ nhỏ, cảm thấy mình cần và không thể tự túc. Họ cởi mở với Thiên Chúa và để cho mình kinh ngạc trước các công trình của Người. Họ biết cách đọc các dấu chỉ của anh ta, biết ngạc nhiên trước những điều kỳ diệu trong tình yêu của Ngài! Tôi xin hỏi tất cả anh chị em, và ngay cả tôi, chúng ta có biết kinh ngạc trước những sự việc của Thiên Chúa hay chúng ta coi đó là những điều thoáng qua?

Thưa anh chị em, nếu chúng ta nghĩ về điều đó, thì cuộc sống của chúng ta tràn ngập những điều kỳ diệu – cuộc sống của chúng ta chứa đầy những hành động yêu thương, những dấu hiệu về sự tốt lành của Chúa. Tuy nhiên, trước những điều này, ngay cả trái tim của chúng ta cũng có thể thờ ơ và trở thành thói quen, tò mò nhưng không thể kinh ngạc, không để cho mình cảm thấy có “ấn tượng”. Một trái tim khép kín, một trái tim vũ trang, không có khả năng ngạc nhiên. Gây ấn tượng là một động từ hay khiến người ta liên tưởng đến phim ảnh. Ngạc nhiên là cách cư xử đúng đắn trước công trình của Thiên Chúa: ghi lại hình ảnh công trình của Người trong tâm trí chúng ta để nó in sâu vào tâm hồn chúng ta, để sau đó được phát triển trong cuộc sống của chúng ta qua nhiều việc lành, để “bức ảnh” này về Thiên Chúa là tình yêu trở nên sáng hơn bao giờ hết trong chúng ta và thông qua chúng ta.

Và giờ đây, chúng ta hãy tự hỏi: Trong cơn lũ tin tức tràn ngập chúng ta, tôi, như Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta hôm nay, có biết dừng lại trước những điều vĩ đại của Thiên Chúa, những điều mà Thiên Chúa hoàn thành không? Tôi có cho phép mình ngạc nhiên như một đứa trẻ trước những điều tốt đẹp đang âm thầm thay đổi thế giới không? Hay tôi đã mất khả năng biết ngạc nhiên? Và tôi có tạ ơn Chúa Cha mỗi ngày vì công việc của Người không? Xin Mẹ Maria, Đấng hân hoan trong Chúa, làm cho chúng ta có thể kinh ngạc trước tình yêu của Người và đơn sơ cảm tạ Người.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến, Tôi đau buồn một lần nữa biết rằng máu đã đổ ra ở Thánh Địa Giêrusalem. Tôi hy vọng rằng các nhà lãnh đạo Israel và Palestine có thể nối lại đối thoại trực tiếp để chấm dứt vòng xoáy bạo lực và mở ra những con đường hòa giải và hòa bình.

Hôm nay là Chúa Nhật Biển, dành riêng cho những người làm việc trên tàu, tại cảng và trong ngành hàng hải. Tôi cảm ơn những người đi biển đã bảo vệ các đại dương khỏi các hình thức ô nhiễm khác nhau – ngoài công việc của họ – và loại bỏ khỏi đại dương rác mà chúng ta ném vào đó, đặc biệt là nhựa. Các ngư dân từ San Benedetto del Tronto đã từng nói với tôi về hàng tấn nhựa mà họ đã loại bỏ khỏi biển, như chúng ta đã thấy gần đây trên chương trình Sua Immagine. Tôi cảm ơn các tuyên uý và tình nguyện viên của Tông đồ Biển cả và tôi phó thác tất cả họ cho sự bảo vệ của Mẹ Maria, là Stella maris, là Ngôi sao Biển. Tôi cũng muốn ghi nhớ một cách biết ơn tất cả những người làm việc cho Mediterranea Saving Humans vì đã cứu những người di cư trên biển. Xin chân thành cảm ơn các anh chị!

Và bây giờ tôi xin chào các bạn, các tín hữu từ Rôma và những người hành hương, những người, bất chấp cái nóng tháng Bảy, vẫn có mặt tại quảng trường này! Một tràng pháo tay cho tất cả anh chị em! Tôi vui mừng chào đón một cách đặc biệt các nữ hướng đạo sinh và các sinh viên đại học đến từ Leopoli ở Ukraine: Tôi ban phép lành cho anh chị em và tôi xin gửi lời chúc đến những người thân yêu của anh chị em và người dân của anh chị em, những người đã bị thử thách nặng nề. Chúng ta hãy cầu nguyện cho dân tộc đang chịu nhiều đau khổ này. Tôi chào những người đến từ Ba Lan và tôi nhớ đến cuộc hành hương lớn diễn ra hôm nay tại Đền thờ Jasna Góra, ở Częstochowa.

Tôi chào các bạn trẻ thuộc phong trào Regnum Christi, anh chị em từ Modica, ca đoàn giáo xứ Thánh Stephen Quisquina - Agrigento, các em thiếu nhi từ Giáo phận Pistoia và các tín hữu từ Sacile.

Và bây giờ tôi muốn thông báo rằng vào ngày 30 tháng 9 tới tôi sẽ tổ chức Công nghị để tấn phong các Hồng Y mới. Các vị đến từ đâu nói lên tính phổ quát của Giáo hội, là Giáo hội tiếp tục loan báo tình yêu thương xót của Thiên Chúa cho tất cả mọi người trên trái đất. Ngoài ra, việc bổ nhiệm các tân Hồng Y vào Giáo Phận Rôma, cho thấy mối liên hệ không thể tách rời giữa Tòa Thánh Phêrô và các Giáo Hội địa phương trên khắp thế giới.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho các tân Hồng Y, để khi xác nhận sự gắn bó của các ngài với Chúa Kitô, vị Thượng tế nhân từ và trung tín (x. Dt 2,17), các ngài có thể giúp tôi trong sứ vụ Giám mục Rôma vì lợi ích của toàn thể các tín hữu của Chúa.

Tôi hy vọng tất cả anh chị em có một ngày Chúa Nhật tốt lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.


Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Lý lẽ bênh vực Chúa Kitô: Chương Kết Luận, hết
Vũ Văn An
17:26 09/07/2023

Các hệ luận của bằng chứng

Các bạn có nhớ câu chuyện của James Dixon trong phần dẫn nhập của sách này không? Bằng chứng đã chỉ rõ một cách mạnh mẽ tội lỗi của anh ta đối với việc bắn một trung sĩ cảnh sát Chicago. Anh ấy thậm chí còn thừa nhận anh ấy đã làm điều đó!

Tuy nhiên, khi một cuộc điều tra kỹ lưỡng hơn được tiến hành, đột nhiên một sự thay đổi xảy ra: kịch bản phù hợp nhất với sự thật là trung sĩ đã mưu hại Dixon, người vô tội đối với vụ bắn. Dixon được trả tự do, và chính viên trung sĩ đã bị kết án. Khi chúng ta kết thúc cuộc điều tra của chúng ta để tìm lý lẽ bênh vực Chúa Kitô, thật đáng để xem lại hai bài học lớn từ câu chuyện đó.



*Đầu tiên, việc thu thập bằng chứng đã thực sự kỹ lưỡng chưa?

Có, nó đã được thu thập kỹ lưỡng. Tôi đã chọn các chuyên gia có thể quả quyết lập trường của họ và bảo vệ nó bằng các bằng chứng lịch sử mà sau đó tôi có thể kiểm tra thông qua việc đối chiếu. Tôi không chỉ quan tâm đến ý kiến của họ mà thôi; tôi muốn sự thật. Tôi thách thức họ với các lý thuyết hiện tại của những người vô thần và các giáo sư cấp tiến. Căn cứ vào hậu cảnh, uy tín, kinh nghiệm và tính cách của họ, các học giả này đã thừa điều kiện để trình bày các dữ kiện lịch sử đáng tin cậy liên quan đến Chúa Giêsu.

*Thứ hai, cách giải thích nào phù hợp nhất với tính tổng thể của Chứng cớ?

Đến ngày 8 tháng 11 năm 1981, luận đề huyền thoại của tôi, mà tôi đã kiên trì bám vào bao nhiêu năm nay đã bị tháo gỡ triệt để. Hơn thế nữa, tính hoài nghi báo chí của tôi đối với thể siêu nhiên đã tan chảy trước những bằng chứng lịch sử ngoạn mục rằng sự phục sinh của Chúa Giêsu là một biến cố lịch sử có thật. Thực thế, tâm trí tôi không thể gợi ra một lời giải thích đơn nhất nào phù hợp với bằng chứng của lịch sử gần tốt như câu kết luận rằng Chúa Giêsu là người mà Người tuyên bố Người là: Con một và duy nhất của Thiên Chúa.

Chủ nghĩa vô thần mà tôi đã ôm ấp quá lâu oằn mình dưới sức nặng của sự thật lịch sử. Đó là một kết quả tuyệt vời và triệt để, chắc chắn không phải là những gì tôi đã dự đoán khi tôi bắt tay vào quá trình điều tra này. Nhưng theo ý kiến tôi, đó là một quyết định do sự kiện bắt buộc. Tất cả những điều đó đã dẫn tôi đến câu hỏi "Vậy thì sao?". Nếu điều này đúng thì nó tạo được sự khác biệt nào? Có một số hệ luận rõ ràng.

*Nếu Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, những lời dạy của Người phải hơn hẳn các ý tưởng tốt lành của một người thầy thông thái; chúng là những hiểu biết thần linh sâu sắc trên đó tôi có thể tự tin xây dựng đời mình.

*Nếu Chúa Giêsu đặt tiêu chuẩn cho luân lý, thì bây giờ tôi có thể có một nền tảng vững chắc cho các lựa chọn và quyết định của tôi, hơn là dựa trên những bãi cát luôn thay đổi của động cơ cá nhân và tự cho mình là trung tâm.

*Nếu Chúa Giêsu đã sống lại từ cõi chết, Người vẫn còn sống hôm nay và sẵn sàng để tôi gặp gỡ trên căn bản bản thân.

*Nếu Chúa Giêsu đã chiến thắng sự chết, Người có thể mở cánh cửa của sự sống đời đời cho cả tôi nữa.

*Nếu Chúa Giêsu có sức mạnh thần thiêng, Người có khả năng siêu nhiên để hướng dẫn tôi, giúp đỡ tôi và biến đổi tôi khi tôi đi theo Người.

*Nếu Chúa Giêsu đích thân biết nỗi đau mất mát và đau khổ, Người có thể an ủi và động viên tôi giữa sóng gió mà chính Người đã cảnh cáo là điều không thể tránh khỏi trong một thế giới bị tội lỗi làm băng hoại.

*Nếu Chúa Giêsu yêu tôi như lời Người nói, Người luôn quan tâm đến lợi ích tốt nhất của tôi. Điều đó có nghĩa tôi không có gì để mất và có mọi thứ để đạt được bằng cách cam kết bản thân với Người và mục đích của Người.

*Nếu Chúa Giêsu là người mà Người tuyên bố Người là (và hãy nhớ rằng, không có nhà lãnh đạo các tôn giáo lớn nào khác thậm chí có cao vọng là Thiên Chúa), trong tư cách Đấng Tạo Hóa của tôi, Người hoàn toàn xứng đáng được lòng trung thành, vâng lời và tôn thờ của tôi.

Tôi nhớ viết những hệ luận này trên tập giấy khổ 216 x 356 milimét của mình và rồi ngả người ra sau ghế. Tôi đã đạt đến đỉnh cao của cuộc hành trình dài gần hai năm của tôi. Cuối cùng cũng đến lúc giải quyết câu hỏi cấp bách nhất: "Bây giờ thì sao?"

Công thức đức tin

Sau một cuộc đích thân điều tra kéo dài hơn sáu trăm ngày và vô số giờ, phán quyết của riêng tôi về lý lẽ bênh vực Chúa Kitô đã rõ ràng. Tuy nhiên, khi ngồi vào bàn làm việc, tôi nhận ra tôi cần nhiều hơn một quyết định trí thức. Tôi muốn thực hiện bước trải nghiệm mà J. P. Moreland đã mô tả trong lần phỏng vấn trước.

Tìm cách để điều đó diễn ra, tôi với lấy cuốn Kinh thánh và mở đến chỗ Gioan 1:12, một câu tôi từng gặp trong cuộc điều tra của tôi: "Tuy nhiên, đối với tất cả những ai đã tiếp nhận Người, đối với những người tin vào danh Người, Người đã ban cho quyền trở thành con cái Thiên Chúa."

Các động từ chủ chốt trong câu đó nói rõ một cách chính xác như toán học điều cần thiết phải đi, vượt quá việc thuận ý trí thức về thiên tính của Chúa Giêsu và bước vào một mối liên hệ liên tiếp với Người bằng cách trở thành người được nhận vào gia đình Thiên Chúa: tin + nhận = trở thành.

1. Tin

Là một người được đào tạo về báo chí và luật pháp, tôi được huấn luyện để đáp ứng các sự kiện, đến bất cứ nơi nào chúng dẫn tới. Đối với tôi, các dữ kiện đã chứng minh một cách thuyết phục rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa đã chết trong tư cách là người thay thế tôi để trả hình phạt mà tôi đáng phải chịu vì điều sai trái mà tôi đã phạm phải.

Và có rất nhiều việc làm sai trái. Tôi sẽ chước cho mình sự bối rối phải đi vào chi tiết, nhưng sự thật là tôi đã đang sống một lối sống phàm tục, say sưa, tự thu mình và vô luân. Trong sự nghiệp của mình, tôi đã đâm sau lưng các đồng nghiệp để đạt được một lợi thế bản thân và đã thường xuyên vi phạm tiêu chuẩn pháp lý và đạo đức trong việc đeo đuổi các câu chuyện. Trong cuộc sống bản thân, tôi đã hy sinh vợ con trên bàn thờ thành công. Tôi là một kẻ nói dối, một kẻ dối trá và một kẻ lừa dối.

Trái tim tôi đã thu nhỏ tới điểm trở thành đá cứng đối với bất cứ ai khác. Động lực chính của tôi là niềm khoái lạc bản thân - và trớ trêu thay, tôi càng khao khát tìm kiếm nó, thì nó càng trở thành khó nắm bắt và tự hủy hoại.

Khi tôi đọc trong Kinh thánh rằng những tội lỗi này đã ngăn cách tôi với Thiên Chúa, Đấng thánh thiện và trong sáng về mặt luân lý, điều này vang vọng như là chân thật. Chắc chắn Thiên Chúa, Đấng mà tôi đã phủ nhận sự hiện hữu của Người trong nhiều năm, dường như cực kỳ xa xôi, và điều trở nên hiển nhiên là tôi cần thập giá của Chúa Giêsu để bắc cầu qua vực thẳm đó. Thánh Tông đồ Phêrô nói: “Chính Chúa Kitô đã chịu chết một lần vì tội lỗi –Đấng Công Chính đã chết cho kẻ bất lương – hầu dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa" (1Pr 3:18).

Bây giờ tôi đã tin tất cả những điều này. Bằng chứng của lịch sử và của chính kinh nghiệm của tôi quá mạnh mẽ để làm ngơ.

2. Nhận

Mọi hệ thống đức tin khác mà tôi từng nghiên cứu trong quá trình điều tra của tôi đều dựa trên kế hoạch "làm". Nói cách khác, nó là điều cần thiết để người ta làm điều gì đó - thí dụ, sử dụng bánh xe cầu nguyện của Tây Tạng, bố thí, hành hương, đầu thai, phá nghiệp khỏi những lỗi lầm trong quá khứ, sửa đổi tính cách của họ - cố gắng tìm đường phần nào đó trở lại với Thiên Chúa. Mặc dù đã cố gắng hết sức, rất nhiều người chân thành vẫn không làm được.

Kitô giáo là độc nhất. Nó dựa trên kế hoạch "đã làm"- Chúa Giêsu đã làm cho chúng ta trên thập giá điều mà chúng ta không thể tự mình làm được: Người đã trả án tử hình mà chúng ta đáng phải chịu vì cuộc nổi loạn và điều sai trái của chúng ta, để chúng ta có thể trở nên hòa thuận với Thiên Chúa.

Tôi đã không phải đấu tranh và phấn đấu để cố gắng làm điều bất khả là làm cho mình xứng đáng. Nhiều lần Kinh Thánh nói rằng Chúa Giêsu cung cấp cho ta sự tha thứ và cuộc sống vĩnh cửu như một hồng phúc nhưng không nghĩa là không thể kiếm được (xin xem Rm 6:23; Ep. 2:8-9; Tt 3:5). Nó được gọi là ân sủng - ân sủng kỳ diệu, ơn ban nhưng không. Nó có sẵn cho bất cứ ai tiếp nhận nó trong một lời cầu nguyện ăn năn chân thành. Thậm chí cả một người như tôi.

Đúng, tôi phải thực hiện một bước đức tin, như chúng ta thường làm trong mọi quyết định của chúng ta trong cuộc sống. Nhưng đây là sự khác biệt chủ yếu: tôi không còn phải cố gắng lội ngược dòng chống lại dòng bằng chứng mạnh mẽ; thay vào đó, tôi đã chọn đi theo cùng một hướng mà dòng chảy của các sự kiện đang chảy. Đó là điều hữu lý, đó là điều hợp lý, đó là điều hợp luận lý. Hơn nữa, một cách nội tâm và không thể giải thích được, đó cũng là điều tôi cảm nhận được Thánh Thần Thiên Chúa thúc đẩy tôi làm.

Vì vậy, vào ngày 8 tháng 11 năm 1981, tôi đã nói chuyện với Thiên Chúa một cách chân thành trong một lời cầu nguyện từ đáy lòng và không chỉnh sửa, thừa nhận và từ bỏ hành vi sai trái của tôi, và tiếp nhận hồng ân tha thứ và cuộc sống vĩnh cửu thông qua Chúa Giêsu. Tôi thưa với Người rằng với sự giúp đỡ của Người, tôi muốn đi theo Người và con đường của Người từ đây trở đi.

Không có tia chớp, không có câu trả lời nghe được, không có cảm giác râm ran. Tôi biết một số người cảm thấy một cảm xúc dâng trào trong giây phút như vậy; tuy nhiên, đối với tôi, có một điều gì khác thế nhưng cũng phấn khích không kém: có sự dâng trào của lý trí.

3. Trở nên

Sau khi thực hiện bước đó, từ Gioan 1:12, tôi biết rằng tôi đã vượt qua ngưỡng cửa bước vào một trải nghiệm mới. Tôi đã trở thành một điều gì đó khác: một đứa con của Thiên Chúa, mãi mãi được nhận vào gia đình của Người nhờ Chúa Giêsu lịch sử, phục sinh. Thánh Tông đồ Phaolô nói, “Cho nên, phàm ai ở trong Chúa Kitô đều là thụ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi” (2 Cr. 5:17).

Điều chắc chắn là, theo thời gian khi tôi cố gắng làm theo lời dạy của Chúa Giêsu và cởi mở với sức mạnh biến đổi của Người, các ưu tiên của tôi, các giá trị của tôi, và tính cách của tôi đã (và tiếp tục) dần dần thay đổi. Tôi càng muốn động cơ và quan điểm của Chúa Giêsu thành của riêng tôi. Nói theo diễn giải của Martin Luther King Jr., tôi có thể chưa là con người tôi nên trở thành hay con người, với sự giúp đỡ của Chúa Kitô, một ngày nào đó tôi sẽ là - nhưng cảm ơn Thiên Chúa, tôi không phải là người như trước đây!

Có thể điều đó nghe có vẻ thần bí đối với bạn; Tôi không biết. Không lâu trước đây, nó quả thần bí đối với tôi. Nhưng nay, nó rất thực đối với tôi và với những người chung quanh tôi. Thực thế, sự khác biệt trong cuộc sống của tôi triệt để đến nỗi vài tháng sau khi tôi trở thành môn đệ của Chúa Giêsu, đứa đứa con gái 5 tuổi của chúng tôi, Alison, đến gần vợ tôi và nói: "Mẹ ơi, con muốn Thiên Chúa làm cho con những gì Người đã làm cho bố.”

Đây là một cô bé chỉ biết có một người cha phàm tục, giận dữ, nặng lời, và thường vắng mặt. Và mặc dù cháu chưa bao giờ phỏng vấn một học giả, chưa bao giờ phân tích dữ kiện, không bao giờ điều tra bằng chứng lịch sử, cháu vẫn đã thấy cận kề ảnh hưởng mà Chúa Giêsu có thể có trên cuộc sống của một con người. Thực vậy, cháu nói, "Nếu đây là những gì Thiên Chúa làm cho một con người, thì đó là điều con muốn cho con."

Nhìn lại gần hai thập niên, tôi có thể thấy rõ ràng rằng ngày mà cá nhân tôi thực hiện quyết định tìm lý lẽ bênh vực Chúa Kitô không là gì khác hơn biến cố bản lề của trọn cuộc đời tôi.

Vươn tới phán quyết của chính bạn

Bây giờ đến lượt bạn. Ngay từ đầu, tôi đã khuyến khích bạn tiếp cận bằng chứng trong cuốn sách này trong tư cách một bồi thẩm viên công bằng và không thiên vị cũng như có thể, rút ra kết luận của bạn dựa trên sức nặng của bằng chứng. Cuối cùng phán quyết là của bạn và của riêng bạn. Không ai khác có thể bỏ phiếu thay cho bạn. Có lẽ sau khi đọc hết chuyên gia này đến chuyên gia nọ, lắng nghe lập luận này đến lập luận khác, thấy các câu trả lời cho câu hỏi này đến câu hỏi nọ, và thử nghiệm bằng chứng bằng luận lý học và lương tri của bạn, bạn đã thấy, như tôi, rằng lý lẽ bênh vực Chúa Kitô có tính cách quyết định.

Phần tin của Gioan 1:12 đã được xác định chắc chắn; tất cả những gì còn lại là tiếp nhận ân sủng của Chúa Giêsu, và sau đó bạn sẽ trở thành con trai hoặc con gái của Người, tham gia vào một cuộc phiêu lưu tâm linh có thể phát triển suốt phần còn lại của cuộc đời bạn và vào cõi vĩnh hằng. Đối với bạn, thời gian dành cho bước trải nghiệm này đã đến và tôi không thể khuyến khích bạn nhiều hơn để bạn mạnh mẽ thực hiện bước đó với sự nhiệt tình.

Mặt khác, có thể các câu hỏi vẫn còn lẩn khuất đâu đây đối với bạn. Có thể tôi chưa đề cập đến phản bác cao nhất trong tâm trí của bạn. Được thôi. Không một cuốn sách nào có thể đề cập đến mọi sắc thái. Tuy nhiên, tôi tin tưởng rằng số lượng thông tin được tường trình trong các trang này ít nhất sẽ thuyết phục bạn rằng điều hợp lý - trên thực tế, điều bắt buộc- là tiếp tục cuộc điều tra của bạn.

Xác định nơi bạn nghĩ rằng bằng chứng cần phải được củng cố và sau đó tìm kiếm câu trả lời bổ sung từ các chuyên gia được kính trọng. Nếu bạn tin rằng bạn đã nghĩ ra một kịch bản có thể giải thích các sự kiện tốt hơn, hãy sẵn sàng để nó được xem xét kỹ lưỡng. Hãy sử dụng các nguồn trong cuốn sách này để tìm hiểu sâu hơn. Hãy học hỏi Kinh thánh (một gợi ý: The Journey, một ấn bản Kinh thánh đặc biệt được thiết kế cho những người chưa tin đó là lời của Thiên Chúa) (5).

Hãy quyết tâm rằng bạn sẽ đạt được một phán quyết khi bạn đã thu thập đủ lượng thông tin, biết rằng bạn sẽ không bao giờ có được một cuộc giải quyết trọn vẹn cho mọi vấn đề. Thậm chí, bạn có thể muốn thì thầm một lời cầu nguyện với Thiên Chúa, Đấng mà bạn không chắc chắn hiện hữu, yêu cầu Người hướng dẫn bạn đến sự thật về Người. Và nhờ tất cả những điều này, bạn sẽ có được sự khích lệ chân thành của tôi khi bạn tiếp tục cuộc tìm kiếm tâm linh của bạn.

Đồng thời, tôi cảm thấy có nghĩa vụ mạnh mẽ phải thúc giục bạn biến điều này thành vấn đề nóng bỏng nhất trong cuộc sống của bạn. Đừng tiếp cận nó một cách hờ hững hoặc cẩu thả, bởi vì có rất nhiều điều đang đè nặng lên kết luận của bạn. Như Michael Murphy đã nói một cách khéo léo, "Chính chúng ta, chứ không phải chỉ đơn thuần là điều mình cho là sự thật - đang bị đe dọa trong cuộc điều tra." (6) Nói cách khác, nếu kết luận của tôi trong lý lẽ bênh vực Chúa Kitô là đúng, tương lai và cõi đời đời của bạn tùy thuộc vào cách bạn đáp trả Chúa Kitô. Chúa Giêsu từng tuyên bố: “Thật vậy, nếu các ông không tin là Tôi Hằng Hữu, các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết" (Ga 8:24).

Đó là những lời nghiêm chỉnh, được đưa ra từ một quan tâm chân thực và yêu thương. Tôi trích dẫn chúng để nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề này và với hy vọng rằng chúng sẽ thúc đẩy bạn tích cực và xem xét kỹ lưỡng lý lẽ bênh vực Chúa Kitô.

Tuy nhiên, cuối cùng, hãy nhớ rằng một số phương án không khả thi. Bằng chứng tích lũy đã đóng chúng lại. Hãy quan sát C. S. Lewis, Giáo sư lỗi lạc và từng hoài nghi của đại học Cambridge, người cuối cùng đã bị thuyết phục bởi bằng chứng bênh vực Chúa Giêsu.

Ở đây, tôi đang cố gắng ngăn chặn bất cứ ai nói điều thực sự ngu ngốc, điều mà người ta thường nói về Người: “Tôi sẵn sàng tin nhận Chúa Giêsu như một bậc thầy luân lý vĩ đại, nhưng tôi không chấp nhận việc Người tự nhận là Thiên Chúa”. Đó là điều duy nhất chúng ta không nên nói. Một người chỉ đơn thuần là một con người mà dám nói những điều Chúa Giêsu đã nói, chắc chắn không phải là một bậc thầy luân lý vĩ đại. Anh ta hoặc là một kẻ mất trí... hoặc, nếu không, anh ta là Ác quỷ của Địa ngục. Bạn phải tự quyết định lấy. Hoặc người đàn ông này đã và đang là Con Thiên Chúa: hoặc ông ta là một người điên hoặc một điều gì đó tồi tệ hơn. Bạn có thể làm Người câm họng coi như một người ngu ngốc, bạn có thể khạc nhổ vào Người và giết Người như một tên ác quỷ; hoặc bạn có thể sụp xuống chân Người và gọi Người là Chúa và là Thiên Chúa. Nhưng chúng ta đừng tới với bất cứ điều vô nghĩa trịch thượng nào về việc Người là một thầy dạy nhân bản vĩ đại. Người đã không để điều ấy mở ra cho chúng ta. Người không có ý định đó. (7)

Ghi chú

(1).A.N. Sherwin-White, Roman Society and Roman Law in the New Testament [Xã hội và Luật lệ La Mã trong Tân Ước] (Oxford:Clarendon Press, 1963), 188-91.

(2).Blomberg, “Where do we start studying Jesus” [Ta bắt đầu nghiên cứu về Chúa Giêsu ở chỗ nào] trong Wilkins and Moreland, Jesus under Fire [Chúa Giêsu bị tấn công], 43.

(3) Craig, The Son Rises [Chúa Con sống lại), 102.

(4). Julius Müller, The Theory of Myths, in Its Application to the Gospel History, Examined and Confuted [Thuyết huyền thoại và áp dụng của nó vào lịch sử Tin Mừng, Khảo sát và Bác bỏ](London: John Chapman, 1844) 26, trích dẫn trong Craig, The Son Rises, 101.

(5). The Journey [hành trình] (Grand Rapids: Zodervan, 1996)

(6). Michael Murphy, “The Two-Sided Game of Christian Faith” [trò chơi hai mặt của Kitô giáo] trong John Warwick Montgomery, chủ biên, Christianity for the Tough-Minded [Kitô giáo cho người có tâm trí kiên quyết] (Minneapolis: Bethany House, 1973) 125, trích dẫn trong Ankerberg and Weldon, Knowing the Truth about the Resurrection [Biết sự thật về Phục sinh], 44.

(7). C.S. Lewis, Mere Christianity [Chỉ là Kitô giáo] (New York:Macmillan-Collier, 1960), 55-56.
 
VietCatholic TV
Nga nóng lên với tin Tướng đầu trọc bị Putin khai tử, quân đội sắp đảo chính. Nga cạn kiệt đạn dược
VietCatholic Media
03:37 09/07/2023


1. Tướng Sergey Surovikin hoàn toàn biến mất, ngay cả trong ngày sinh nhật vợ, có thể đã bị khử

Ký giả Iona Cleave của tờ The Sun có trụ sở ở London có bài tường trình nhan đề “MISSING IN ACTION Fears Putin’s ‘General Armageddon’ has been PURGED after vanishing for 2 weeks & missing wife’s birthday party”, nghĩa là “MẤT TÍCH TRONG HÀNH ĐỘNG. E rằng 'Tướng Armageddon' của Putin có thể đã bị khai tử sau khi biến mất trong 2 tuần và vắng mặt trong ngày sinh nhật của vợ.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

“Tướng quân Armageddon” của VLADIMIR Putin đã không xuất hiện trong gần hai tuần và bỏ lỡ sinh nhật của vợ - càng làm dấy lên lo ngại rằng ông đã bị thanh trừng.

Tướng Sergey Surovikin - nổi tiếng với những cuộc hành quân tàn nhẫn - đã biến mất sau khi xảy ra cuộc “đảo chính” bị hủy bỏ của Yevgeny Prigozhin và sau khi có tin đồn rằng ông biết trước về kế hoạch của thủ lĩnh Wagner.

Cựu chỉ huy lực lượng Nga ở Ukraine được cho là đã chết sau khi biến mất khỏi tầm mắt, trong khi Điện Cẩm Linh vẫn kín tiếng về tung tích của ông.

Gần hai tuần kể từ lần xuất hiện cuối cùng của người đàn ông 56 tuổi này, sự vắng mặt của ông trong ngày sinh nhật của người vợ quyến rũ Anna càng làm dấy lên tin đồn rằng “Tướng quân Armageddon” đã bị giết.

Nhiều báo cáo nói rằng Surovikin đã bị bắt và bị thẩm vấn vào tháng trước không lâu sau khi anh ta phát hành một đoạn video ngắn kêu gọi những người lính đánh thuê ngừng nổi loạn.

Người ta đồn rằng ông ta đã biết về âm mưu của Wagner nhằm lật đổ các nhà lãnh đạo quân sự hàng đầu của Nga - một tuyên bố mà các nguồn tin tình báo Hoa Kỳ đã xác nhận với tờ New York Times.

Nếu vẫn còn sống và bị kết tội, kẻ gây chiến tàn bạo có thể phải đối mặt với tội phản quốc và lãnh án lên đến 20 năm tù.

Một nguồn tin nói với Mạc Tư Khoa Times: “Rõ ràng, Surovikin đã chọn phe của Prigozhin trong cuộc nổi loạn, và họ đã tóm lấy anh ta.”

Một nguồn tin khác thân cận với Bộ Quốc phòng Nga đã xác nhận việc bắt giữ anh ta nhưng nói rằng các chi tiết thậm chí không được thảo luận nội bộ.

Nơi ở của Surovikin vẫn chưa được biết giữa các lý thuyết mâu thuẫn với nhau.

Tuy nhiên, một cựu cố vấn an ninh quốc gia của Georgia tuyên bố rằng “mọi thứ không suôn sẻ với Surovikin”, đặc biệt là sau khi anh ta bỏ lỡ sinh nhật của vợ mình vào ngày 4 tháng 7.

Chuyên gia về Nga Giorgi Revishvili cũng nói thêm rằng gia đình của Surovikin đã “ngừng liên lạc ngay cả với những người bạn và đồng nghiệp rất thân của viên Đại tướng”.

“Tướng quân Armageddon” tiếp quản cuộc chiến đang chững lại của Putin ở Ukraine vào tháng 10 trong bối cảnh lo ngại rằng ông sẽ sử dụng các chiến thuật mà ông đã sử dụng ở Syria để tấn công đất nước này.

Anh ta có biệt danh ớn lạnh vì vai trò đẫm máu của mình ở quốc gia Trung Đông bị chiến tranh tàn phá khi các lực lượng dưới quyền chỉ huy của anh ta giết chết hàng nghìn dân thường và san bằng thành phố Aleppo.

Dùng hơi ngạt, bom thùng và các vũ khí chiến tranh kinh dị khác, anh ta đã kiếm được khối tài sản “đẫm máu” của mình, các nhà điều tra trước đó đã nói với tờ The Sun Online.

Trong khi đó, ông chủ của Wagner, Prigozhin - người được cho là bạn thân của Surovikin - cũng đã không được nhìn thấy kể từ khi ông ta được chuyển đến Belarus để bắt đầu cuộc sống lưu vong sau cuộc nổi loạn bất thành.

Chú chó chăn cừu trước đây của Putin đã tổ chức một cuộc nổi dậy vũ trang vào ngày 23 tháng 6 với mục đích được cho là nhằm lật đổ các nhà lãnh đạo quân sự của Nga khi ông ta lật tẩy giới chức hàng đầu ở Mạc Tư Khoa.

Tuy nhiên, cuộc nổi dậy sôi sục đã bị dập tắt sau khi Prigozhin đạt được một thỏa thuận cay đắng với Vladimir Putin, chấm dứt 36 giờ đáng kinh ngạc chứng kiến lực lượng của Wagner tiếp cận trong vòng tròn 125 dặm hay 200km cách thủ đô Mạc Tư Khoa.

Ông được hiểu rộng rãi là đã bị giam cầm ở Belarus, nơi được coi là một quốc gia chư hầu cho Putin.

Tuy nhiên, lãnh chúa dường như đã biến mất và vị trí của ông ta vẫn chưa được biết, trong khi Điện Cẩm Linh từ chối bình luận về nơi ở của ông ta.

Bí ẩn trở nên sâu sắc hơn khi nhà lãnh đạo Belarus Alexander Lukashenko gây sửng sốt khi tuyên bố rằng ông chủ Wagner không ở nước ông mà ở Nga.

Nhà độc tài nói: “Về phần Prigozhin, anh ta đang ở St. Petersburg. Anh ta không ở trên lãnh thổ Belarus”.

Đáp lại, Điện Cẩm Linh tuyên bố một cách kỳ lạ rằng họ “không theo dõi” động thái của đối phương số một của Putin.

Thay vào đó, lực lượng an ninh Nga đã lục soát dinh thự sang trọng của ông ta ở St. Petersburg.

Những bức ảnh phi thường được công bố hôm thứ Tư cho thấy một ngôi nhà đầy những thỏi vàng, súng, búa tạ và thậm chí cả một bức ảnh đóng khung những cái đầu bị cắt lìa.

Theo dữ liệu theo dõi chuyến bay, một máy bay phản lực kinh doanh được liên kết với Prigozhin đã rời St Petersburg đến Mạc Tư Khoa vào thứ Tư và hướng đến miền nam nước Nga vào thứ Năm.

Nhưng không rõ liệu thủ lĩnh lính đánh thuê có ở trên tàu hay không - nếu có, điều đó sẽ vi phạm các điều khoản lưu vong do Putin đặt ra.

Prigozhin được cho là đã rời đi sau khi lấy đồ của anh ta từ St. Petersburg vào tuần trước, mặc dù những tuyên bố này chưa được xác minh.

2. Số phận của Prigozhin vẫn chưa rõ ràng và điều đó báo hiệu nhiều rắc rối hơn ở Nga

CNN có bài tường trình nhan đề “Prigozhin’s fate remains unclear and it signals more trouble in Russia”, nghĩa là “Số phận của Prigozhin vẫn chưa rõ ràng và điều đó báo hiệu nhiều rắc rối hơn ở Nga.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Câu chuyện kỳ lạ về Yevgeny Prigozhin, cựu bạn thân trở thành kẻ nổi loạn của Tổng thống Nga Vladimir Putin, trở nên kỳ lạ hơn rất nhiều.

Cựu giám đốc lắm mồm của công ty quân sự tư nhân Wagner – người điều hành một đế chế kinh doanh bao gồm một trang trại, một công ty cung cấp thực phẩm trị giá hàng triệu đô la và một tập đoàn truyền thông – đã liều lĩnh phát động một cuộc binh biến vào ngày 23 tháng 6 chống lại các nhà lãnh đạo quân sự của Putin.

Cuộc nổi loạn đã bị dập tắt bởi một “thỏa thuận” được cho là do một người bạn khác của Putin (một số người gọi ông là “chư hầu”), là nhà lãnh đạo Belarus Alexander Lukashenko, làm trung gian. Thỏa thuận này yêu cầu Prigozhin rời Nga và chuyển đến Belarus. Người của ông có ba lựa chọn: đi theo Prigozhin đến Belarus, gia nhập quân đội chính quy của Nga, hoặc ngừng chiến đấu và trở về nhà.

Sau khi cuộc binh biến kết thúc, Lukashenko tuyên bố Prigozhin thực sự đã đến Belarus. Nhưng trong nhiều tuần, không ai có thể xác nhận điều đó. Sau đó vào hôm thứ Năm vừa qua, Lukashenko đã đảo ngược chính mình, nói với các phóng viên báo chí rằng Prigozhin đang ở St. Petersburg và có thể đang đi du lịch “đến Mạc Tư Khoa hoặc nơi khác”.

Ông chủ của Wagner hiện đang ở Nga, tổng thống Belarus nói, làm vấy bẩn vùng biển về thỏa thuận có mục đích chấm dứt cuộc binh biến

“Belarus không phải là nơi Prigozhin phải ở,” nhà độc tài Belarus Alexander Lukashenko nói. Cả những chiến binh Wagner tại các trại mà chính phủ của Lukashenko dường như đã dành riêng cho họ ở Belarus, làm dấy lên câu hỏi về số phận của ông chủ Wagner.

Như thể được gợi ý, đài truyền hình do nhà nước Nga kiểm soát bắt đầu phát video lực lượng an ninh đột kích văn phòng và nơi ở của Prigozhin ở St. Petersburg. “Dinh thự” hay “cung điện” của ông ta có hồ bơi, phòng phẫu thuật riêng, và các phòng chuyên dụng như trang web tuyên truyền RT của Nga mô tả, cùng với một vài chiếc búa tạ – là công cụ mà Wagner bị cáo buộc sử dụng để sát hại những người đào tẩu. Các nhân viên an ninh được cho là đã tìm thấy 10 triệu rúp (khoảng 110.000 đô la) tiền mặt, cùng với vàng, súng và tóc giả - có lẽ là để Prigozhin ngụy trang.

Chưa hết, vài giờ trước đó lại, có thông tin cho rằng một số tiền và tài sản của anh ta đã được trả lại cho anh ta. Nó thêm một lớp nữa những bí ẩn về lý do tại sao Putin, cho đến nay, vẫn để Prigozhin được tự do ngay cả khi ông không tuân thủ thỏa thuận do Lukashenko làm trung gian.

Trước khi không còn được ưa chuộng, Prigozhin là một ngôi sao nhạc rock trên mạng xã hội. Anh ta là một người đàn ông cứng rắn, khệnh khạng trong lớp ngụy trang, người có những chiến binh có thể giành chiến thắng trong các trận chiến ở Ukraine mà quân đội Nga thông thường không thể giải quyết. Anh ta chửi thề với các nhà lãnh đạo quân sự và các quan chức chính phủ ưu tú khác nhưng đã vượt qua ranh giới đỏ khi cáo buộc họ móc hầu bao và đánh lừa Putin để phát động một cuộc xâm lược Ukraine khi không có mối đe dọa thực sự nào.

Cuộc hành quân tiếp theo của Prigozhin về phía Mạc Tư Khoa - nơi chứng kiến quân đội của ông ta chiếm thành phố Rostov-on-Don, bắn hạ máy bay Nga và giết chết một số quân nhân - khiến Putin nổi giận, và đã buộc anh ta tội “đâm sau lưng Nga”.

Ai cũng biết rằng Putin không thể dung túng những kẻ phản bội, nhưng Lukashenko bảo đảm với các phóng viên rằng Putin không đủ “ác ý và thù hận” để có thể “xóa sổ” Prigozhin.

Bản thân Putin, vài ngày trước, đã bóng gió về một cách khác để đối phó với Prigozhin, thừa nhận rằng chính phủ đã trả cho ông hàng tỷ đô la, đồng thời nói thêm rằng ông hy vọng “không ai lấy cắp bất cứ thứ gì” nhưng Điện Cẩm Linh sẽ giải quyết việc này.

Số phận cuối cùng của Prigozhin vẫn chưa rõ ràng, nhưng ông ta chỉ là một trong những vấn đề của Putin. Những gì anh ta làm đối với các công ty có giá trị của Prigozhin là một chuyện khác: Điện Cẩm Linh hiện dường như đang mổ xẻ đế chế của anh ta, trao quyền kiểm soát các doanh nghiệp có giá trị nhất vào tay những ai “đáng tin cậy” hơn.

Anh ta sẽ kết thúc trong tù? Hay trong quan tài? Điều duy nhất có vẻ rõ ràng là Putin sẽ phải giải quyết “razborka” này, một từ mà bọn tội phạm Nga sử dụng để mô tả các cuộc tranh cãi nội bộ của họ. Và điều đó báo trước nhiều đàn áp hơn, nhiều “dàn xếp tỉ số” hơn, và nhiều đấu tranh ẩn sau hậu trường ở nước Nga của Putin.

'Họ rất muốn giết anh ta': Nhà phê bình Putin giải thích động cơ đằng sau cuộc đột kích Prigozhin

3. Ba Lan, Lithuania và Latvia cảnh báo NATO về mối đe dọa từ Belarus

Tổng thống Lithuania, Ba Lan và Latvia đã viết một lá thư gửi Tổng thư ký NATO và những người đứng đầu liên minh NATO, cảnh báo họ về mối đe dọa “do các hành động gây hấn của Nga và tình hình đang diễn biến ở Belarus”.

“Sự hợp tác giữa Nga và Belarus đã làm xấu đi an ninh của khu vực và của toàn bộ khu vực Âu Châu-Đại Tây Dương,” Tổng thống Gitanas Nausėda, Andrzej Duda và Egils Levits tuyên bố, theo Nhóm Truyền thông của Tổng thống Lithuania.

Họ chỉ ra việc Nga sử dụng lãnh thổ Belarus trong cuộc chiến chống lại Ukraine và việc Mạc Tư Khoa triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ Belarus, gọi đó là “một động thái leo thang” và “mối đe dọa trực tiếp đến an ninh của cộng đồng chúng ta”.

4. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói: “Vẫn còn những khoảng trống cần được thu hẹp” để Thụy Điển gia nhập NATO

Tổng thư ký Jens Stoltenberg cho biết Thụy Điển vẫn phải vượt qua một số rào cản để gia nhập NATO vì Thổ Nhĩ Kỳ vẫn phản đối.

Ông Stoltenberg nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo ở Brussels rằng cuộc họp hôm thứ Năm với các quan chức cấp cao từ Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển và Phần Lan là “mang tính xây dựng”.

Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên NATO có tầm quan trọng chiến lược do vị trí địa lý ở cả Trung Đông và Âu Châu, đồng thời là quốc gia có sức mạnh quân sự lớn thứ hai trong liên minh - đang ngăn cản việc gia nhập của Thụy Điển vì một số lý do.

“Tôi tin tưởng rằng chúng ta sẽ tiếp tục đạt được tiến bộ nhưng vẫn còn những khoảng cách cần được lấp đầy,” ông Stoltenberg nói trước hội nghị thượng đỉnh NATO vào tuần tới tại Vilnius Thủ đô của Lithuania.

Người đứng đầu liên minh cho biết những “khoảng cách” đó là lý do ông mời Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson gặp nhau vào thứ Hai tại Vilnius.

“Đó là cách để vượt qua những khác biệt khi chúng tồn tại, như hiện nay, trong vấn đề liên quan đến việc phê chuẩn cuối cùng việc Thụy Điển gia nhập NATO,” ông Stoltenberg nói thêm.

5. Các nhà lãnh đạo NATO dự kiến sẽ “tái khẳng định Ukraine sẽ trở thành thành viên”

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, ông hy vọng các nhà lãnh đạo tại hội nghị thượng đỉnh của liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo vào tuần tới sẽ “tái khẳng định rằng Ukraine sẽ trở thành thành viên của NATO.”

Stoltenberg cho biết ông hy vọng các nhà lãnh đạo đồng minh sẽ đồng ý về một “gói có ba yếu tố để đưa Ukraine đến gần hơn với NATO.”

Đầu tiên trong số đó sẽ là “chương trình hỗ trợ kéo dài nhiều năm để bảo đảm khả năng tương tác đầy đủ giữa các lực lượng vũ trang Ukraine và NATO,” ông nói trong một cuộc họp báo ở Brussels.

Thứ hai, Stoltenberg cho biết, “chúng tôi sẽ nâng cấp quan hệ chính trị của mình bằng cách thành lập Ủy ban NATO Ukraine.”

Thứ ba, “Tôi hy vọng các nhà lãnh đạo của chúng tôi sẽ tái khẳng định rằng Ukraine sẽ trở thành thành viên của NATO và thống nhất về cách đưa Ukraine đến gần hơn với mục tiêu của mình”

Hội nghị thượng đỉnh sẽ được tổ chức tại Vilnius Thủ đô của Lithuania.

6. Cung cấp bom chùm cho Ukraine “không phải là một lựa chọn” cho Đức

Đức sẽ không gửi bom, đạn chùm tới Ukraine vì nước này là một bên ký kết công ước cấm sản xuất và sử dụng loại vũ khí đó, Bộ trưởng Quốc phòng nước này, ông Boris Pistorius cho biết hôm thứ Sáu, sau cuộc gặp với các Bộ trưởng Quốc phòng Áo và Thụy Sĩ tại Bern.

“Đức đã ký công ước, vì vậy chúng tôi không có lựa chọn nào khác,” Pistorius nói với các phóng viên, đồng thời cho biết thêm “những quốc gia chưa ký công ước - Trung Quốc, Nga, Ukraine và Mỹ - tôi không có quyền bình luận về hành động của họ.”

Hoa Kỳ đã công bố một gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine vào hôm thứ Sáu, lần đầu tiên sẽ bao gồm bom chùm.

CNN lần đầu tiên đưa tin vào tuần trước rằng chính quyền Biden đang xem xét mạnh mẽ việc phê duyệt việc chuyển giao vũ khí gây tranh cãi cho Ukraine, vì người Ukraine đã phải vật lộn để đạt được những thành tựu lớn trong cuộc phản công kéo dài nhiều tuần qua của họ và trong bối cảnh lo ngại về tình trạng thiếu đạn dược.

7. Nhà tài phiệt lưu vong cho biết: Putin chỉ có 'Một lằn ranh đỏ thực sự' không thể vượt qua

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Has 'Only One Real Red Line' That Can't Be Crossed—Exiled Oligarch”, nghĩa là “Nhà tài phiệt lưu vong cho biết: Putin chỉ có 'Một lằn ranh đỏ thực sự' không thể vượt qua.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ có một “lằn ranh đỏ thực sự” không thể vượt qua, Mikhail Khodorkovsky, một chính trị gia người Nga sống lưu vong, nói với Newsweek.

Khodorkovsky, 60 tuổi, một nhà chỉ trích hàng đầu đối với chế độ của Putin, đứng đầu công ty năng lượng Yukos trước khi ông ngồi tù một thập kỷ ở Nga vì những gì mà những người chỉ trích Điện Cẩm Linh gọi là những cáo buộc có động cơ chính trị. Ông hiện đang cân nhắc về việc liệu nhà lãnh đạo Nga có sử dụng vũ khí hạt nhân hay không nếu Ukraine cố gắng lấy lại lãnh thổ Crimea đã bị Putin sáp nhập.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã cam kết vào mùa hè năm ngoái sẽ đảo ngược việc Nga sáp nhập bán đảo Hắc Hải vào năm 2014. Các công sự mở rộng đã được phát hiện gần đây dọc theo bờ biển của Crimea và tại căn cứ hải quân Sevastopol của Nga khi Nga chuẩn bị cho một bước tiến của Ukraine.

Nhiều người lo ngại rằng nỗ lực tái chiếm Crimea của Ukraine sẽ là một lằn ranh đỏ quan trọng đối với Putin. Bộ trưởng Quốc phòng Estonia Hanno Pevkur nói với Newsweek vào tháng 5 rằng việc mất quyền kiểm soát Crimea bị tạm chiếm là một “lằn ranh đỏ” đối với tổng thống Nga.

Khodorkovsky nói với Newsweek từ London, nơi ông hiện đang sống: “Chỉ có một lằn ranh đỏ thực sự đối với Putin – đó là một mối đe dọa thể lý trực tiếp đối với chính ông ta. “Vì vậy, bất kỳ tình huống nào khác không nguy hại đến tính mạng của Putin không thực sự là một lằn ranh đỏ, theo như ông ấy quan tâm.”

Khodorkovsky, người bị Điện Cẩm Linh dán nhãn là “đặc vụ nước ngoài”, là một trong những người sớm ủng hộ thay đổi dân chủ ở Nga, chỉ trích nạn tham nhũng tràn lan tại một cuộc hội thoại trên truyền hình với Putin vào đầu năm 2003. Khodorkovsky được tổng thống Nga ân xá vào năm 2013.

Cựu giám đốc điều hành dầu mỏ Nga cho biết ông tin rằng Putin không dám sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc chiến chống lại Ukraine, bởi vì “ông ấy nhận ra rằng việc sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ không mang lại cho ông ấy một chiến thắng ngay lập tức mà chắc chắn sẽ dẫn đến thất bại ngay lập tức của chế độ Putin.”

Khodorkovsky cho biết ông không chắc điều gì có thể là “ngòi nổ” khiến Putin sử dụng vũ khí hạt nhân, “bởi vì rất khó để phán đoán điều gì đang xảy ra trong đầu Putin, cũng như trạng thái tâm thần của Putin”.

Ông nói: “Đó có thể là Crimea, cũng có thể là sự rút lui của các lực lượng vũ trang Nga trên một số khu vực khác của chiến tuyến.”

Zelenskiy đã nhắc lại vào tháng 4 rằng Ukraine có kế hoạch giải phóng Crimea trong một cuộc phản công, và khẳng định rằng thành công của đất nước ông phụ thuộc vào việc phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí.

“Ngay khi Putin tự quyết định rằng tính mạng của mình bị đe dọa, và việc sử dụng vũ khí hạt nhân của ông ta sẽ không dẫn đến sự hủy diệt ngay lập tức các lực lượng vũ trang Nga đang chiến đấu ở Ukraine thì ông ấy có thể quyết định sử dụng nó”.

Khodorkovsky cảnh báo niềm tin của Putin rằng liên minh quân sự NATO sẽ “ngay lập tức” tham gia vào cuộc xung đột nếu ông ta sử dụng vũ khí hạt nhân “hiện đang bị tan loãng từng chút một theo thời gian”.

“Vì vậy, tôi nghĩ rằng điều rất quan trọng là phải tiếp tục nhắc nhở Putin và ghi nhớ trong đầu ông ta rằng đây chính xác là những gì sẽ xảy ra. Nếu không, tôi lo rằng ông ta có thể quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân”, Khodorkovsky nói.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga qua email để xin bình luận.

8. Thượng nghị sĩ Lindsey Graham kêu gọi nghị quyết lưỡng đảng của Thượng viện Hoa Kỳ nhằm đẩy mạnh việc gia nhập NATO của Ukraine

Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Lindsey Graham, một đảng viên Cộng hòa từ Nam Carolina, cho biết hôm thứ Sáu rằng ông đang làm việc về một nghị quyết lưỡng đảng nhằm đẩy nhanh việc Ukraine gia nhập liên minh phòng thủ NATO.

“Tôi sẽ làm việc với các đảng viên Cộng hòa và Dân chủ tại Thượng viện để thông qua nghị quyết thúc giục việc kết nạp Ukraine vào NATO,” ông Graham nói. “Cách tốt nhất để ngăn chặn các cuộc chiến tranh trong tương lai và thúc đẩy hòa bình là tạo ra các bảo đảm an ninh khiến các quốc gia xâm lược phải suy nghĩ kỹ trước khi bắt đầu chiến tranh.”

Điều này diễn ra trước thềm hội nghị thượng đỉnh quan trọng của NATO vào tuần tới, nơi Ukraine sẽ đứng đầu chương trình nghị sự. Bản thân Kyiv từ lâu đã tìm kiếm tư cách thành viên trong liên minh, mặc dù Ukraine đã thừa nhận rằng việc gia nhập của họ sẽ phải đợi cho đến khi cuộc chiến với Nga kết thúc.

Graham là một người ủng hộ trung thành của Ukraine, và đầu tuần này cho biết ông ủng hộ việc gửi các loại bom, đạn chùm gây tranh cãi từ Hoa Kỳ.

Thượng nghị sĩ James Risch, đảng viên Cộng hòa hàng đầu trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, nói với các phóng viên rằng ông ủng hộ Ukraine gia nhập NATO nhưng phải đợi cho đến khi chiến tranh kết thúc.

“Tôi cũng giống như những người khác, tôi muốn họ tham gia, tôi muốn họ tham gia càng sớm càng tốt. Mặt khác, có một số vấn đề thực tế khi họ gia nhập và những vấn đề đó cần được giải quyết,” Risch nói với các phóng viên.

9. Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ cho rằng việc quân Nga tái phối trí ở miền Nam Ukraine cho thấy khả năng phòng thủ của họ 'dễ bị bẻ gãy'

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia's Regrouping in Southern Ukraine Hints at 'Brittle' Defenses: ISW”, nghĩa là “Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ cho rằng việc tái phối trí của quân Nga ở miền Nam Ukraine cho thấy lớp phòng thủ mong manh của họ.”

Theo Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ, gọi tắt là ISW, các báo cáo cho rằng quân đội Nga đã tái bố trí gần như toàn bộ lực lượng phía đông dọc theo tiền tuyến ở miền nam Ukraine có thể là dấu hiệu cho thấy quân đội Nga đang “suy nhược”.

Đánh giá của ISW dựa trên các quan sát của chính họ cũng như các báo cáo từ nhà quan sát quân sự Ukraine Konstantin Mashovets, người đã tuyên bố vào đầu tuần này rằng gần như toàn bộ Nhóm Lực lượng phía Đông của Nga đã được bố trí chống lại cuộc phản công của Ukraine ở miền nam Ukraine, bao gồm cả dọc biên giới của các tỉnh Zaporizhzhia và Donetsk. Mashovets cũng báo cáo rằng một số lực lượng phía đông của Nga đã được chuyển hướng đến các trận chiến ở phía nam Bakhmut.

“Việc triển khai gần như toàn bộ Cụm lực lượng phía Đông của Nga và các phần của Quân khu phía Nam tới tiền tuyến ở miền nam Ukraine cho thấy hệ thống phòng thủ của Nga ở miền nam Ukraine có thể đã yếu ớt,” ISW viết trong bản đánh giá mới nhất về cuộc chiến. ở Ukraine.

Các lực lượng của Ukraine được cho là đã đạt được tiến bộ gia tăng dọc theo mặt trận dài khoảng 800 dặm kể từ khi phát động chiến dịch phản công nhằm giành lại lãnh thổ do Nga xâm lược. ISW báo cáo hôm thứ Sáu rằng quân đội của Kyiv đã đạt được “những thành tựu đáng kể” gần thành phố Bakhmut bị chiến tranh tàn phá và đang tiếp tục chiến dịch tấn công dọc theo biên giới Zaporizhzhia-Donetsk.

“Hệ thống phòng thủ của Nga ở miền nam Ukraine, dù đáng gờm, nhưng không phải là không thể vượt qua,” ISW tiếp tục đánh giá hôm thứ Sáu. “Lực lượng Nga ở miền nam Ukraine có thể sẽ phải rút lui về các vị trí phòng thủ đã được chuẩn bị sẵn mà không có sự hỗ trợ đáng kể từ lực lượng dự bị tác chiến nếu lực lượng Ukraine đạt được bước đột phá trong cuộc phản công”.

Nhóm chuyên gia cố vấn cũng đề cập đến những đánh giá trước đây rằng các lực lượng của Ukraine có khả năng đang cố gắng dần dần “làm suy giảm sức mạnh chiến đấu của Nga ở miền nam Ukraine theo thời gian, làm tăng tính dễ vỡ của hệ thống phòng thủ của Nga”.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga qua email để bình luận.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã thừa nhận rằng cuộc phản công của quân đội ông chống lại Mạc Tư Khoa là “không nhanh”, nhưng đã trấn an các đối tác phương Tây của ông hôm thứ Năm rằng các lực lượng của Kyiv đang tiến dọc theo chiến tuyến.

“Bây giờ chúng tôi nắm thế chủ động,” Zelenskiy nói trong chuyến thăm Cộng hòa Tiệp. “Cuộc tấn công diễn ra không nhanh, đó là sự thật. Nhưng, tuy nhiên, chúng tôi đang tiến về phía trước và không lùi lại như người Nga. Vì vậy, tôi thấy đây là một điều tích cực.

Tình trạng bất ổn được cho là vẫn tiếp diễn trong quân đội của Tổng thống Nga Vladimir Putin sau khi một video mới xuất hiện trên phương tiện truyền thông xã hội hôm thứ Sáu cho thấy các binh sĩ Nga từ chối tiếp tục chiến đấu cho Putin vì các vấn đề thanh toán và thiếu sự hỗ trợ từ Bộ Quốc phòng Nga. Quân đội Nga đã nhiều lần phản đối mệnh lệnh chiến đấu dọc theo tiền tuyến vì những lời phàn nàn về việc các sĩ quan chỉ huy của họ không chuẩn bị tốt cho trận chiến.

10. Ukraine nhận xét rằng việc thiếu đạn dược và nhiên liệu của Nga sẽ “trở nên hết sức nghiêm trọng”

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia's Lack of Ammunition and Fuel Will 'Become Fatal'—Ukraine”, nghĩa là “ Ukraine nhận xét rằng việc thiếu đạn dược và nhiên liệu của Nga sẽ “trở nên hết sức nghiêm trọng”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Các lực lượng Ukraine đang săn lùng các kho vũ khí và các điểm hậu cần của Nga để hỗ trợ cho cuộc tấn công quy mô lớn đang diễn ra của Kyiv, một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết quân đội của Kyiv đang tìm cách làm “chảy máu” các đơn vị tiền tuyến của Mạc Tư Khoa.

Hanna Maliar, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine, đã cho biết hôm thứ Năm rằng lực lượng của Kyiv đã phá hủy sáu kho đạn dược ở mặt trận phía đông trong 24 giờ trước đó. Cô xác nhận việc phá hủy một địa điểm lưu trữ hỏa tiễn lớn ở thành phố Makiivka của Donetsk.

“Chúng tôi nhìn thấy mọi thứ. Đây là câu trả lời của chúng tôi trước các cuộc tấn công trực diện của đối phương. Chúng tôi giáng những đòn chí mạng, hiệu quả, làm chảy máu kẻ xâm lược, những kẻ mà việc thiếu đạn dược và nhiên liệu sẽ sớm muộn gây tử vong. Trong chiến tranh hiện đại, các mục tiêu hậu cần là chìa khóa.”

Maliar nói thêm rằng cuộc tấn công tuần này vào kho hỏa tiễn ở Makiivka là một ví dụ về việc Ukraine tập trung vào các mục tiêu hậu cần.

“Đây là một ví dụ sinh động về hoạt động hiệu quả của các xạ thủ Ukraine, những người đã gây sát thương bằng hỏa lực; và các trinh sát trên không, những người đã điều chỉnh cuộc tấn công. Một nhà kho thực sự lớn đã bị phá hủy, nơi chứa một số lượng đáng kể đạn pháo và hỏa tiễn cho hệ thống hỏa tiễn phòng không BM-21 'GRAD'.”

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga qua email để yêu cầu bình luận.

Các quan chức Ukraine đã kêu gọi sự kiên nhẫn khi các lực lượng của Kyiv tiến hành cuộc phản công được chờ đợi từ lâu của họ. Chiến dịch bắt đầu vào đầu tháng 6 sau nhiều tháng huấn luyện và định hình hoạt động, nhưng tốc độ chậm chạp đã khiến các đối tác phương Tây của Kyiv lo ngại rằng cuộc phản công có thể không tạo ra một chiến thắng quyết định.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã nói rằng cuộc phản công đang tiến triển “chậm hơn mong muốn”, mặc dù ông nói thêm rằng Kyiv sẽ không bị áp lực phải thực hiện một chiến lược liều lĩnh. “Một số người tin rằng đây là một bộ phim Hollywood và mong đợi kết quả ngay bây giờ,” ông nói với BBC vào tháng Sáu.

“Nó không thể. Những gì đang bị đe dọa là cuộc sống của người dân. Dù một số người có thể muốn điều này điều nọ, kể cả những nỗ lực gây áp lực với chúng tôi, với tất cả sự tôn trọng, chúng tôi sẽ tiến lên trên chiến trường theo cách mà chúng tôi cho là tốt nhất”, Zelenskiy nói thêm.

Kyiv đã báo cáo những tiến bộ đáng kể tại nhiều điểm dọc theo mặt trận dài 800 dặm. Trọng tâm của các cuộc giao tranh gần đây là ở mặt trận phía nam Zaporizhzhia và phía đông Donetsk, đặc biệt là xung quanh thành phố Bakhmut bị tàn phá, nơi các lực lượng Ukraine đang cố gắng vượt qua các lực lượng Nga.

Tướng Oleksandr Syrskyi, chỉ huy lực lượng bộ binh Ukraine, nói với ABC News trong tuần này: “Cho đến nay mọi thứ đang phát triển theo kế hoạch đã được vạch ra và phê duyệt.”

Còn tướng Oleksandr Tarnavskyi - người đang chỉ huy cuộc phản công ở phía nam - mô tả tình hình là “ổn định” và nói: “Cái chính là chúng tôi chưa phát huy hết khả năng của mình.”
 
Giáo Hội Công Giáo nói gì về bom và đạn chùm? HĐGM mạnh mẽ bác bỏ tin giả do độc tài Ortega tung ra
VietCatholic Media
04:33 09/07/2023


1. Giáo Hội Công Giáo nói gì về bom và đạn chùm?

Bom và đạn chùm là gì? Thưa bom và đạn chùm, tiếng Anh gọi là cluster munitions, là những ống chứa hàng chục đến hàng trăm quả bom nhỏ hơn, còn được gọi là bom con và đạn con. Các ống này có thể được thả từ máy bay, phóng từ hỏa tiễn hoặc bắn từ các đại bác, hoặc các bệ phóng hỏa tiễn.

Các ống này vỡ ra khi chạm mục tiêu hoặc khi xuống thấp đến một ở độ cao định sẵn.

Trong trường hợp vỡ ra khi chạm mục tiêu, bom con và đạn con tung toé ra trên một phạm vi tương đối nhỏ. Tuy nhiên, những trái bom nhỏ khi văng ra khỏi trái bom lớn sẽ chạm mục tiêu với một lực chắc chắn nhỏ hơn đáng kể so với trường hợp quả bom được bắn trực tiếp bằng các hệ thống pháo hay được thả từ trên trời xuống. Hậu quả là những quả bom nhỏ này có thể không nổ, và sẽ trở thành một thứ giống hệt như mìn bẫy, và sẽ nổ tung khi người ta hay các phương tiện giao thông đạp phải.

Trong trường hợp tự động vỡ ra ở một độ cao nhất định, các quả bom nhỏ có thể bao phủ một diện tích bằng một sân túc cầu. Do được thả ở độ cao nên tỷ lệ bom không nổ sẽ ít hơn so với trường hợp thứ nhất.

Ngay từ ngày đầu cuộc xâm lược Ukraine, Nga đã sử dụng các loại bom chùm. Càng về sau trong cuộc chiến, Nga càng cạn kiệt đạn dược nên họ sử dụng các loại bom chùm có từ thời Liên Xô với tỷ lệ bom không nổ từ 30% đến 40%. Theo Công ước về bom, đạn chùm, gọi tắt là CMC, thường dân chiếm đến 94% thương vong gây ra bởi bom đạn chùm, trong số đó 40% là trẻ em.

Chính quyền Biden đã công bố hôm thứ Sáu rằng họ sẽ gửi hàng trăm nghìn “quả bom chùm” gây nhiều tranh cãi để hỗ trợ cuộc phản công của Ukraine chống lại Nga. Những quả bom thả ngay lập tức hàng chục đến hàng trăm chất nổ trên một khu vực rộng lớn, bị cấm bởi 123 quốc gia vì nó ảnh hưởng đến dân thường hàng chục năm sau đó.

Oái oăm là đúng một năm trước, khi được hỏi về khả năng gởi bom đạn chùm phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc Jen Psaki thẳng thừng trả lời “Đó là điều không thể, vì sẽ dẫn đến thế giới chiến tranh thứ ba ngay lập tức.”

Tại sao bây giờ lại là có thể? Hầu hết các chuyên gia cho rằng đó là do cuộc binh biến của trùm Wagner Yevgeny Prigozhin gây ra. Cuộc binh biến này đã làm thay đổi sâu sắc tư duy chiến lược của Hoa Kỳ và NATO. Nói cho dễ hiểu, họ không còn sợ Nga như trước nữa, các luận điệu tống tiền hạt nhân của Nga đã bị vô hiệu hóa.

Tại sao bây giờ lại cần đến bom chùm? Cuộc phản công của quân Ukraine đang bị khựng lại. Họ phải đối diện với những bãi mìn mênh mông của quân Nga ở miền Nam Ukraine. Thương vong của quân Ukraine rất cao vì trong quá trình phá mìn, pháo binh và không quân Nga tấn công quyết liệt vào các xe phá mìn, các xe tăng và xe thiết giáp mà quân Ukraine dùng để vượt qua các bãi mìn. Đáp lại, quân Ukraine phải dùng một lượng đạn pháo rất lớn để che chắn cho lực lượng tiền phương. Như tổng thống Biden nói: “Người Ukraine sắp hết đạn pháo.”

Có cách khác thay vì bom chùm không? Chắc chắn là có. Cựu chỉ huy quân đội Mỹ tại Âu Châu Ben Hodges nói với Newsweek rằng Hệ thống hỏa tiễn chiến thuật Lục Quân MGM-140- thường được gọi là ATACMS là lời giải đáp cho nan đề hiện nay. Đó là loại hỏa tiễn có tầm bắn 190 dặm hay 305km được bắn từ hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt. ATACMS vượt xa bất kỳ hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt nào được cung cấp cho Ukraine cho đến nay và sẽ đưa các vị trí của Nga trên khắp Ukraine và Crimea bị tạm chiếm vào tầm ngắm của Kyiv.

Biden và các nhà lãnh đạo phương Tây khác đã thể hiện rõ ưu tiên của họ là ngăn chặn bất kỳ cuộc xung đột trực tiếp nào giữa NATO và Nga và các cuộc trao đổi hạt nhân qua lại giữa hai bên sau đó.

Tướng Hodges nằm trong số những người tin rằng Tổng thống Vladimir Putin đang bịp bợm. Ông nói: “Chúng ta tiếp tục tự hù dọa chính mình. Nga biết rằng tất cả những gì họ phải làm là đề cập đến hạt nhân mỗi tuần một lần hoặc nhiều hơn, và điều đó khiến chúng ta dừng lại. Chúng ta đang bị tống tiền. Và tôi nghĩ đây là một tiền lệ khủng khiếp cho tương lai.”

Trong một bình luận, sau khi tổng thống Biden quyết định đưa bom chùm cho Ukraine, Tướng Hodges nói rằng, cuối cùng tổng thống Biden cũng sẽ phải đưa ATACMS cho Ukraine.

Mỗi lần, những gì ban đầu dường như là một điều không thể đối với các quốc gia phương Tây cuối cùng lại được coi là điều đúng đắn nên làm và lẽ ra phải làm từ lâu.

Giáo Hội Công Giáo đã nói gì?

Về phần mình, Giáo Hội Công Giáo từ lâu đã lên án việc sử dụng bom chùm.

Năm 2008, khi Công ước về bom, đạn chùm lần đầu tiên được thảo luận, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI là người kiên quyết ủng hộ lệnh cấm.

Tòa thánh là một trong những quốc gia đầu tiên phê chuẩn, ký tên và kêu gọi các quốc gia khác đồng ý với công ước.

Một thông cáo báo chí của Vatican năm 2008 cho biết: “Tòa thánh coi Công ước về bom, đạn chùm là một bước quan trọng trong việc bảo vệ dân thường trong và sau các cuộc xung đột, khỏi những tác động bừa bãi của loại vũ khí vô nhân đạo này.”

Sau đó, Bộ Trưởng Ngoại Giao Tòa Thánh, Đức Tổng Giám Mục Dominique Mamberti, hiện là Hồng Y và là người đứng đầu Tòa Ân Giải Tối Cao, tuyên bố rằng Tòa thánh đã thực hiện một bước bất thường là ngay lập tức phê chuẩn hiệp ước để “gửi đi một tín hiệu chính trị mạnh mẽ” ủng hộ các nạn nhân và “ để đưa ra lời kêu gọi các Quốc gia — đặc biệt là các nhà sản xuất, nhà xuất khẩu và người tiêu dùng tiềm năng của bom, đạn chùm — hãy tham gia vào các bên ký kết hiện tại.”

Đức Bênêđictô gọi lệnh cấm là “cần thiết” để “chữa lành những lỗi lầm trong quá khứ và tránh chúng tái diễn trong tương lai.”

“Tôi cầu nguyện cho các nạn nhân của bom, đạn chùm, cho gia đình của họ và cho cả những người tham gia hội nghị này, mong rằng nó sẽ thành công,” Đức Bênêđictô nói. “Tôi hy vọng rằng, nhờ trách nhiệm của tất cả những người tham gia, chúng ta có thể đạt được một văn kiện quốc tế mạnh mẽ và đáng tin cậy: thực sự cần thiết phải khắc phục những sai lầm trong quá khứ và ngăn chặn sự tái diễn trong tương lai.”

Vào năm 2017, Đức Tổng Giám Mục Ivan Jurkovič, khi đó là Quan sát viên Thường trực của Vatican tại Liên Hiệp Quốc ở Geneva, đã kêu gọi “phổ cập hóa và thực hiện đầy đủ” lệnh cấm bom chùm, “bảo đảm rằng, trong tương lai, bom chùm sẽ không bao giờ là một nguyên nhân đau khổ của con người.”

Đức Tổng Giám Mục Jurkovič nói: “Bây giờ, thậm chí hơn cả khi Công ước về bom, đạn chùm được thông qua, điều cấp thiết là phải đề cao trách nhiệm đạo đức của chúng ta trong việc bảo vệ phẩm giá của các nạn nhân và trình bày lại các điều cấm theo Công ước thông qua lăng kính nhân đạo. “Việc tuân thủ Công ước về bom, đạn chùm trên toàn cầu và duy trì các tiêu chuẩn của nó sẽ góp phần đạt được sự phát triển con người bền vững và toàn diện.”

Trong một bài phát biểu năm 2017 kêu gọi giải trừ vũ khí hạt nhân, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ca ngợi lệnh cấm bom chùm, chỉ ra rằng đó là một dấu hiệu cho thấy cộng đồng quốc tế cũng có thể và nên cấm vũ khí hạt nhân.

2. Đức Hồng Y Tổng giám mục Managua khẳng định rằng tin Đức Cha Rolando Alvarez được trả tự do là tin giả

Đức Hồng Y Leopoldo Brenes, Tổng giám mục Giáo phận Managua, thủ đô Nicaragua, cải chính tin Đức Cha Rolando Álvarez được ra khỏi tù và chuẩn bị lưu vong ra nước ngoài.

Trong những ngày qua, hãng tin Reuters của Anh quốc nói rằng Đức Cha đã được rời nhà tù, vào tối thứ Hai, ngày 03 tháng Bảy. Cơ quan truyền thông này trích thuật nguồn tin ngoại giao, theo đó có sự thương lượng giữa chính phủ và các giám mục về tương lai của Đức Cha Rolando. Có thể ngài sẽ bị trục xuất hoặc buộc đi lưu vong. Các quan chức chính phủ Nicaragua đã từ chối trả lời câu hỏi của phái viên hãng Reuters.

Bà Bianca Jagger, một người đấu tranh cho nhân quyền tại Nicaragua, cho biết Đức Cha Rolando Alvarez, Giám mục Giáo phận Matagalpa, đã được đưa ra khỏi tù và được công an giải về Tòa Tổng giám mục Managua, có thể ngài sẽ bị trục xuất ra nước ngoài.

Tuy nhiên, Đức Hồng Y Brenes cải chính tin trên đây và kêu gọi dân chúng tại Nicaragua tiếp tục cầu nguyện cho Giáo hội đang trong thời gian thử tách.

Đức Giám Mục Giáo phận Danlí bên Honduras nói rằng: “Đức Cha Rolando Álvarez không muốn rời khỏi Nicaragua. Ngài muốn được tự do vô điều kiện tại đất nước của mình. Tôi nói rõ điều đó vì tôi biết Đức Cha. Chúng tôi đã gặp nhau tại Honduras và tại Nicaragua. Đó là một người có bản tính mạnh mẽ, chắc chắn. Ngài biết mình ở đâu và không phải là người thay đổi lập trường dễ dàng”.

Đức Cha Rolando bị nhà nước Nicaragua buộc vào tội “phản quốc” và kết án 26 năm 4 tháng tù, ngày 10 tháng Hai năm nay, đồng thời phải trả tiền phạt 1.600 đôla. Ít lâu sau đó, Đức Cha bị tước đoạt quốc tịch Nicaragua vĩnh viễn và các quyền công dân. Đức Cha bị kết án sau khi đã từ chối lưu vong sang Mỹ cùng với 222 tù nhân chính trị.

Mặt khác, hãng tin Infobae.com, truyền đi hôm 05 tháng Bảy cho biết trong những năm gần đây nhà nước Nicaragua đã đóng cửa hơn 3.300 tổ chức xã hội, trong đó có nhiều tổ chức Công Giáo. Gần đây nhất là “Huynh đoàn những người nghèo của Chúa Giêsu Kitô”, trong đó có bốn nữ tu người Brazil, đã bị đóng cửa và các chị đã phải rời Nicaragua, sau bảy năm hoạt động bác ái, giúp đỡ lương thực và y phục cho những người dân nghèo ở tỉnh León. Ngoài việc đóng cửa tổ chức này, nhà nước con tịch thu tài sản của hội.
 
Putin xây xẩm: Kyiv xóa sổ tổng kho hỏa tiễn Luhansk. Vòng vây ở Bakhmut. Bom chùm: phản ứng của Nga
VietCatholic Media
17:22 09/07/2023


1. Thống đốc vùng Belgorod của Nga báo cáo về các đợt pháo kích dữ dội từ Ukraine trong 24 giờ qua

Khu vực biên giới Belgorod của Nga đã bị Ukraine pháo kích dữ dội, khiến hai người bị thương, thống đốc khu vực cho biết như trên hôm thứ Bảy.

Thống đốc Belgorod Vyacheslav Gladkov cho biết Ukraine đã bắn hơn 100 quả đạn pháo vào khu vực của ông trong ngày qua, nêu tên các quận Belgorodsky, Borisovsky, Valuysky, Krasnoyaruzhsky và Shebekinsky trong số những khu vực bị tấn công.

Ông nói thêm: “Đường dây điện bị hư hỏng ở quận đô thị Krasnoyarshsky. Các khu vực buôn bán ở chợ địa phương, kho chứa hàng tại cửa hàng rau, ba nhà để xe ở quận Shebekinsky đã bị hư hại.” Gladkov nói rằng một ngôi nhà riêng, một cửa hàng địa phương và một chiếc xe hơi cũng bị hư hại trong huyện, đồng thời cho biết thêm rằng một chiếc xe hơi đã bốc cháy và thiêu rụi hoàn toàn.

Phía Ukraine chưa bình luận về vụ pháo kích được báo cáo ở Belgorod.

Một số thông tin cơ bản về hoạt động biên giới trước đây: Vào cuối tháng 5, một nhóm công dân Nga phản đối Tổng thống Vladimir Putin và liên kết với quân đội Ukraine đã nhận trách nhiệm về một cuộc tấn công xuyên biên giới ở Belgorod. Ông Gladkov cho biết các lực lượng Ukraine cũng đã tiến hành pháo kích dữ dội vào khu vực trong đêm 6 tháng 6.

Cũng đã có báo cáo về các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái khi tác động của cuộc chiến của Nga với Ukraine ngày càng dội ngược trở lại lãnh thổ của chính họ.

2. Phản ứng của Nga trước việc Hoa Kỳ cung cấp bom chùm

Lịch sử thế giới thường có những điều oái oăm. Đúng một năm trước, khi được hỏi về khả năng gởi bom đạn chùm phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc Jen Psaki thẳng thừng trả lời “Đó là điều không thể, vì sẽ dẫn đến thế giới chiến tranh thứ ba ngay lập tức.”

Sau khi tổng thống Biden công bố việc cung cấp bom chùm cho Ukraine, phản ứng của Nga có thể được xem là rất nhẹ nhàng so với những gì Jen Psaki tiên đoán.

Bộ Ngoại giao Nga cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Bảy rằng quyết định của Hoa Kỳ cung cấp cho Ukraine bom, đạn chùm là một hành động không quan trọng và sẽ không đánh bại được lực lượng của Mạc Tư Khoa trên chiến trường.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết trong một tuyên bố: “Việc chuyển giao bom, đạn chùm là một hành động tuyệt vọng và là bằng chứng cho thấy sự thất bại của 'cuộc phản công' được công bố rộng rãi của Ukraine.”

“Nó sẽ không ảnh hưởng đến tiến trình của một chiến dịch quân sự đặc biệt,” Zakharova nói thêm, sử dụng thuật ngữ ưa thích của các quan chức Điện Cẩm Linh để mô tả cuộc chiến ở Ukraine.

Zakharova tuyên bố quyết định của Hoa Kỳ là “nhằm mục đích kéo dài tối đa cuộc xung đột ở Ukraine,” nhưng mục tiêu xâm lược của Nga vẫn sẽ đạt được đầy đủ.

Một số bối cảnh: Các quan chức của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã thừa nhận rằng một trong những lý do chính khiến họ cung cấp bom, đạn chùm cho Kyiv là vì hoạt động phản công của họ “diễn ra chậm hơn một chút so với một số người đã hy vọng”.

Quân đội Ukraine cho đến nay đã không đạt được những thành tựu lớn, dù có những tiến bộ gia tăng trên tiền tuyến trong giai đoạn mở đầu của cuộc tấn công.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết ông muốn theo đuổi một chiến lược giảm thiểu thương vong, đặc biệt là khi quân Ukraine đang đi qua các vùng lãnh thổ bị rải mìn dày đặc và hệ thống phòng thủ kiên cố của Nga.

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, Tướng Mark Milley, cho biết tốc độ của cuộc phản công không có gì đáng ngạc nhiên, xét đến những yếu tố đó.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nói với CNN rằng ông xem xét sâu sắc vấn đề cung cấp bom chùm - loại vũ khí gây tranh cãi bị 123 quốc gia cấm vì nguy cơ tiềm ẩn mà chúng gây ra cho dân thường. Cuối cùng, ông kết luận rằng nguy cơ Nga thành công trong cuộc xâm lược lớn hơn nguy cơ của bom chùm đối với dân thường Ukraine.

3. Ukraine phản pháo. Kho đạn pháo và hỏa tiễn của Nga bị xóa sổ nổ, long trời nhưng Nga tịch thu được một hỏa tiễn của Vương Quốc Anh

Hai ký giả Sarah Hooper và Will Stewart của tờ The Sun có trụ sở ở Luân Đôn có bài tường trình nhan đề “WIPED OUT. Russian ammo dump explodes in massive fireball as Ukraine blasts depot with ‘Brit Storm Shadow missile’”, nghĩa là “Xóa sổ. Kho đạn của Nga phát nổ thành quả cầu lửa khổng lồ khi Ukraine pháo kích bằng hỏa tiễn Storm Shadow của Anh”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ của Kim Phượng.

Một quả hỏa tiễn bị nghi ngờ là Storm Shadow do Anh cung cấp đã phá hủy một kho đạn của Nga trong một vụ nổ dữ dội khi Ukraine phản pháo.

Đoạn phim gây sốc cho thấy khoảnh khắc nhà kho ở vùng Luhansk bị Nga tạm chiếm của Ukraine phát nổ thành một quả cầu lửa lớn.

Người dân địa phương cho biết một “vụ nổ mạnh” đã xảy ra trước khi ngọn lửa bùng lên dữ dội - và suy đoán cuộc tấn công là bằng hỏa tiễn chính xác Storm Shadow.

Cuộc tấn công diễn ra ở Sukhodilsk, chỉ cách biên giới Ukraine với Nga 6 dặm hay 9,6km và cách chiến tuyến 80 dặm hay 128,7km.

Các hỏa tiễn Storm Shadow này có tầm bắn 155 dặm hay 250km và đang tàn phá các khu vực bị Nga tạm chiếm.

Các quan chức xâm lược của Nga đã không bình luận ngay lập tức về cuộc tấn công.

Một hỏa tiễn Storm Shadow chưa phát nổ được thu hồi gần như nguyên vẹn trên chiến trường đã được “di tản” về Mạc Tư Khoa, một cựu quan chức cấp cao của Nga cho biết như trên.

“Nó đã ở Mạc Tư Khoa,” Dmitry Rogozin, cựu phó thủ tướng của Putin và là người đứng đầu Cơ quan Vũ trụ Nga, cho biết.

Ông nói hỏa tiễn đang được mổ xẻ “tới ốc vít cuối cùng”.

Ông nói thêm: “Các chuyên gia của chúng tôi nghiên cứu tỉ mỉ tất cả những điều này và chia sẻ kiến thức cũng như các thông tin với các doanh nghiệp quốc phòng hàng đầu của Nga và các nhà thiết kế chung trong các lĩnh vực ưu tiên phát triển vũ khí và thiết bị quân sự.

Ông nói, Nga sẽ sử dụng “vũ khí hiện đại” này để tạo ra các hỏa tiễn mới của riêng mình, đồng thời thiết kế các hỏa tiễn phòng thủ hiệu quả hơn nhằm chống lại Storm Shadows.

Tháng trước, một hỏa tiễn khác do Anh cung cấp đã làm nổ tung một cảng bị Nga tạm chiếm khi cuộc phản công của Ukraine diễn ra ác liệt.

Một cột khói khổng lồ được nhìn thấy bốc lên từ cảng trên biển Azov ở khu vực Zaporizhzhia bị Nga tạm chiếm sau vụ tấn công.

Hãng truyền thông nhà nước RT cho biết đã có “thương vong và sự tàn phá” từ vụ nổ.

Storm Shadow là hỏa tiễn của Anh-Pháp nhưng chỉ có Anh cung cấp chúng cho Ukraine.

Các hỏa tiễn tàn phá có thể quét sạch các mục tiêu tĩnh được bảo vệ tốt như cơ sở, boongke và cầu và đã chứng tỏ khả năng của chúng trong những tuần qua.

4. Chiến trường miền Nam, Nga đã mất 2 đại đội trong ngày qua. Chiến trường Bakhmut, Nga bị vây hãm trong thành phố Bakhmut

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều Chúa Nhật mùng 9 tháng Bẩy, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết tại chiến trường miền Nam Ukraine, chỉ trong 24 giờ qua, Nga đã mất đến 2 đại đội.

Theo nhận định của cô, người Nga tin rằng các bãi mìn bao la của họ có thể cản được cuộc phản công của quân Ukraine. Do đó, họ tập trung quân vào các chiến trường miền Đông như chiến trường thành phố Bakhmut, Avdiivka, Lyman và Marinka. Thấy quân Ukraine có khả năng vượt qua được các bãi mìn, dù chậm hơn dự kiến, Bộ Quốc Phòng Nga đã phải rút các lực lượng thiện chiến để tăng cường cho chiến trường miền Nam.

Theo Thứ trưởng Hanna Maliar, trong bối cảnh đó nhiều lực lượng Nga không chống cự nổi với quân Ukraine đang bị bao vây tại thành phố Bakhmut.

Cô cho biết trong 24 giờ qua, 600 lính Nga đã bị loại khỏi vòng chiến cùng với 4 xe tăng, 11 xe thiết giáp, 20 hệ thống pháo, 7 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, và 3 hệ thống phòng không.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 9 Tháng Bẩy, khoảng 234.040 quân nhân Nga bị loại khỏi vòng chiến. Tổn thất của quân xâm lược còn bao gồm 4.078 xe tăng, 7.964 xe thiết giáp, 4.366 hệ thống pháo, 668 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 413 hệ thống tác chiến phòng không, 315 máy bay, 309 trực thăng,, 3.685 máy bay không người lái, 1.271 hỏa tiễn hành trình, 18 tàu chiến, 6.929 xe chuyển quân và nhiên liệu, và 628 đơn vị thiết bị đặc biệt.

5. Cựu đại sứ Hoa Kỳ nhận định rằng bom chùm là 'nhu cầu bi thảm' đối với Ukraine

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Cluster Bombs Are a 'Tragic Necessity' for Ukraine: Ex-Ambassador”, nghĩa là “Cựu đại sứ Hoa Kỳ nhận định rằng bom chùm là 'nhu cầu bi thảm' đối với Ukraine.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Theo Michael McFaul, cựu đại sứ Mỹ tại Nga, quyết định gây tranh cãi của Tổng thống Joe Biden về việc gửi bom, đạn chùm tới Ukraine là một “sự cần thiết bi thảm” trong cuộc chiến của Kyiv chống lại cuộc xâm lược của Nga.

Ngũ Giác Đài đã công bố một gói quân sự bổ sung cho Ukraine vào thứ Sáu, trong đó sẽ bao gồm các loại bom thông thường cải tiến kép, gọi tắt là DPICM, “có hiệu quả cao và đáng tin cậy” hay còn gọi là bom chùm. Tuy nhiên, loại vũ khí này đã bị cấm ở hàng trăm quốc gia do khả năng gây hại cho dân thường rất cao.

Biden nói rằng đó là một “quyết định khó khăn” khi phê chuẩn việc chuyển giao các loại vũ khí gây tranh cãi, nhưng nói thêm, “Người Ukraine sắp hết đạn.” Tổng thống đã phải đối mặt với phản ứng dữ dội từ một số người trong chính đảng của mình vì đã phê chuẩn việc chuyển giao, bao gồm cả Đại diện đảng Dân chủ Barbara Lee, người đã tweet hôm thứ Sáu rằng “Mỹ và Ukraine không cần phải hạ mình xuống tới cấp độ của Putin để giành chiến thắng trong cuộc chiến.”

Nhưng theo McFaul, các loại vũ khí này là “điều cần thiết” đối với Ukraine, quốc gia đang ngày càng đạt được nhiều thành tựu trong chiến dịch phản công nhằm giành lại lãnh thổ bị Nga tạm chiếm.

McFaul đã tweet vào tối thứ Sáu: “Tôi đã ủng hộ việc Hoa Kỳ ký hiệp định quốc tế cấm bom, đạn chùm trong quá khứ. “Hôm nay tôi cũng ủng hộ quyết định này. Trong cuộc tranh luận/trò chuyện/thảo luận với những người khác, tôi đã bị thuyết phục về sự cần thiết bi thảm của quyết định này. “

“Đối với những người đặt câu hỏi về tính đúng đắn trong quyết định của Hoa Kỳ gửi bom, đạn chùm tới Ukraine, những lo ngại của bạn về “tội ác chiến tranh” và luật pháp quốc tế ngày nay sẽ đáng tin cậy hơn rất nhiều nếu bạn đưa ra những lo ngại tương tự vào 499 ngày trước khi Nga sử dụng vũ khí như vậy chống lại Người Ukraine,” cựu đại sứ nói.

Sau khi một quả bom chùm được bắn từ trên mặt đất hoặc từ máy bay, quả bom này sẽ giải phóng hàng chục hoặc hàng trăm quả bom, đạn con trong không trung. Theo Liên minh Bom chùm, gọi tắt là CMC, của Hoa Kỳ, bom chùm có thể “phân tán các quả bom nhỏ một cách bừa bãi trên một khu vực rộng lớn và thường thất bại không phát nổ khi va chạm, để lại những thứ rác rưởi vào cộng đồng và gây nguy hiểm cho dân thường trong nhiều năm sau khi chúng được phóng.”

CMC bao gồm một số tổ chức phi chính phủ kêu gọi Hoa Kỳ cấm sử dụng các loại vũ khí như vậy, do chúng có khả năng gây hại cho dân thường. Tổ chức này cũng tuyên bố trong một bản phát hành hôm thứ Sáu rằng đạn dược “không phải là 'vũ khí chiến thắng' và sẽ chỉ gây ra đau khổ lớn hơn, ngày nay và trong nhiều thập kỷ tới.”

Hiệp ước về Bom, đạn chùm năm 2008 đã được ký kết bởi 123 quốc gia cho đến nay, bao gồm một số thành viên NATO, những nước đã đồng ý cấm sử dụng các loại bom, đạn này. Tuy nhiên, Mỹ cũng như Nga và Ukraine không đồng ý với hiệp ước và cả Nga và Ukraine đã sử dụng bom chùm trong trận chiến.

“Chúng tôi lên án mạnh mẽ việc sử dụng bom chùm của tất cả các bên trong cuộc chiến ở Ukraine và kêu gọi chấm dứt ngay việc sử dụng những vũ khí khủng khiếp này ở bất cứ đâu trên thế giới,” chủ tịch CMC kiêm Giám đốc điều hành của Legacy of War Sera Koulabdara cho biết.

Nhưng các chuyên gia khác đã lập luận rằng các loại vũ khí này sẽ cung cấp một sự thúc đẩy quan trọng cho kho vũ khí của Ukraine chống lại Nga. Michael Kofman, giám đốc Chương trình Nghiên cứu Nga tại Trung tâm Phân tích Hải quân, đã tweet hôm thứ Sáu rằng, “Việc cung cấp bom, đạn chùm cho Ukraine, ở giai đoạn này, có thể có tác động đáng kể vượt xa những gì các năng lực khác có thể đạt được.”

Kofman nói thêm về cuộc phản công của Ukraine: “Tiến độ diễn ra chậm chạp, khó khăn và không có đột phá bền vững cho đến nay.”

“Do đó, giới hạn khó khăn nhất của Ukraine có lẽ không phải là nhân lực hay trang thiết bị, mà là đạn dược. Điều này trước hết là về số lượng đạn dược. Cung cấp DPICM cho phép truy cập vào một kho dự trữ đạn pháo khá lớn có thể giảm bớt áp lực về thời gian đối với các hoạt động của Ukraine.

Newsweek đã liên hệ với Koulabdara vào thứ Sáu qua email để nhận thêm bình luận.

6. Tổng thống Zelenskiy và tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã đánh dấu kỷ niệm vụ thảm sát người Ba Lan bằng các cử chỉ cảm động

Tổng thống Zelenskiy và tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã đánh dấu kỷ niệm vụ thảm sát người Ba Lan bởi những người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine trong chiến tranh thế giới thứ hai.

Các vụ thảm sát đã là một nguồn gốc gây căng thẳng giữa hai nước đồng minh này. Tuy nhiên, Warsaw đã khẳng định mình là một trong những người ủng hộ trung thành nhất của Kyiv kể từ khi Nga xâm lược nước này vào năm 2022.

Đoạn phim truyền hình cho thấy Zelenskiy và Duda trong một nhà thờ ở thành phố Lutsk phía tây Ukraine vào hôm Chúa Nhật trong một buổi lễ được tổ chức để tưởng nhớ các nạn nhân.

“Chúng ta cùng nhau bày tỏ lòng kính trọng đối với tất cả những nạn nhân vô tội của Volhynia! Ký ức hợp nhất chúng ta!” tổng thống Duda nói. “Cùng nhau chúng ta mạnh hơn.”

Biến cố Volhynia là gì?

Sau khi ký kết Hiệp ước Molotov–Ribbentrop vào năm 1939, và sau đó là cuộc xâm lược và phân chia lãnh thổ Ba Lan giữa Đức Quốc Xã và Liên Xô, Liên Xô đã xâm lược phần Volhynia của Ba Lan. Khu vực này nằm ở ngã ba biên giới Ba Lan, Ukraine và Belarus và vào năm 1939 khu vực chủ yếu chỉ có người Ba Lan.

Trong quá trình di chuyển dân số của Đức Quốc xã-Liên Xô theo sau liên minh Đức-Xô tạm thời, hầu hết dân thiểu số người Đức ở Volhynia đã được chuyển đến những khu vực Ba Lan bị Đức Quốc xã sáp nhập. Sau các vụ trục xuất và bắt giữ hàng loạt do mật vụ Nga thực hiện, và các hành động đàn áp người Ba Lan do Đức thực hiện, bao gồm cả việc trục xuất đến Đức đến các trại lao động cưỡng bức, và hành quyết hàng loạt, đến năm 1943, người dân tộc Ba Lan chỉ chiếm 10–12% của toàn bộ dân số Volhynia.

Trong cuộc xâm lược của Đức, khoảng 50.000–100.000 người Ba Lan (chủ yếu là phụ nữ và trẻ em) ở Volhynia đã bị Quân nổi dậy Ukraine tàn sát. Số nạn nhân Ukraine của các cuộc tấn công trả đũa của Ba Lan cho đến mùa xuân năm 1945 được ước tính là khoảng. 2.000−3.000 ở Volhynia. Năm 1945, Ukraine thuộc Liên Xô trục xuất người dân tộc Đức khỏi Volhynia sau khi chiến tranh kết thúc, tuyên bố rằng Đức Quốc xã đã sử dụng người dân tộc Đức ở Đông Âu như một phần của Kế hoạch xâm lược. Việc trục xuất người Đức khỏi Đông Âu là một phần của quá trình di chuyển dân số lớn hơn sau chiến tranh.

Liên Xô đã sáp nhập Volhynia vào Ukraine sau khi Thế chiến II kết thúc. Năm 1944, những người cộng sản ở Volyhnia đã đàn áp người Công Giáo Ukraine. Hầu hết những người dân tộc Ba Lan còn lại đã bị trục xuất sang Ba Lan vào năm 1945. Kể từ khi Liên Xô tan rã vào những năm 1990, Volhynia là một phần không thể thiếu của Ukraine.

7. Ngoại trưởng Mỹ nói tinh thần Ukraine “không suy suyển” sau 500 ngày của cuộc chiến

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã đưa ra một tuyên bố vào hôm thứ Bảy tôn vinh “500 ngày kiên cường ở Ukraine,” đánh dấu ngày thứ 500 kể từ khi Nga phát động cuộc xâm lược toàn diện vào ngày 24 tháng 2 năm 2022.

Blinken viết: “Tinh thần của người dân Ukraine vẫn không bị lay chuyển và Hoa Kỳ vẫn cam kết giúp Ukraine tự vệ và xây dựng lại tương lai của mình.

Diễn biến này xảy ra sau khi Tòa Bạch Ốc công bố hôm thứ Sáu rằng Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã phê chuẩn việc chuyển giao bom, đạn chùm cho Ukraine. Đó là ví dụ mới nhất về việc Hoa Kỳ cung cấp vũ khí cho Kyiv mà ban đầu nước này phản đối việc đưa vào cuộc chiến. Biden nói với Fareed Zakaria của CNN hôm thứ Sáu rằng đó là một “quyết định rất khó khăn”, đồng thời nói thêm rằng “người Ukraine sắp hết đạn.”

Blinken nhắc lại việc Hoa Kỳ tiếp tục ủng hộ Ukraine, viết: “Hoa Kỳ sẽ tiếp tục áp đặt những cái giá đắt đỏ lên chính phủ Nga thông qua các biện pháp trừng phạt, kiểm soát xuất khẩu và các biện pháp khác sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiến hành chiến tranh của Điện Cẩm Linh, và chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy trách nhiệm giải trình đối với các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế.”

“Chúng tôi sẽ sát cánh với Ukraine - cùng với các đồng minh và đối tác của chúng tôi - chừng nào còn có thể bằng cách cung cấp hỗ trợ an ninh, kinh tế và các hỗ trợ khác cho Ukraine, để Ukraine có thể tiếp tục tự bảo vệ mình và ở vị thế mạnh nhất có thể tại bàn đàm phán khi thời điểm đến,” anh nói.

8. Tổng thống Ukraine trở về quê hương cùng các chiến binh bảo vệ nhà máy thép Azovstal

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hôm thứ Bảy cho biết 5 binh sĩ bảo vệ nhà máy Azovstal ở thành phố Mariupol phía nam đã trở về Ukraine.

“Chúng tôi đã trở về nhà từ Thổ Nhĩ Kỳ và đưa các anh hùng của chúng tôi về nhà. Binh sĩ Ukraine Denys Prokopenko, Svyatoslav Palamar, Serhiy Volynsky, Oleh Khomenko, Denys Shleha. Cuối cùng thì họ cũng sẽ được ở bên người thân của mình,” Zelenskiy nói như trên.

Trong video, người ta thấy Zelenskiy gặp gỡ và ôm những người đàn ông tại sân bay trước khi lên máy bay.

Năm viên chỉ huy Ukraine đã bị bắt sau khi Mariupol thất thủ. Sau khi được thả khỏi sự giam cầm của Nga, họ được đưa đến Thổ Nhĩ Kỳ như một phần của cuộc trao đổi tù nhân vào tháng 9, nơi họ có nghĩa vụ ở lại đó cho đến khi chiến tranh kết thúc, theo các điều khoản của cuộc trao đổi. Tuy nhiên, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã để họ ra về cùng với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy.

Zelenskiy đã ở Thổ Nhĩ Kỳ để hội đàm với Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.

Bối cảnh về Azovstal và Mariupol: Cuộc bao vây thành phố cảng phía nam Mariupol kéo dài gần ba tháng, với nhà máy thép là biểu tượng của sự kháng cự và là chốt giữ cuối cùng khi quân đội Nga tiến sâu hơn vào thành phố.

Nhà máy trải rộng trên 4 dặm vuông và từng sử dụng hơn 10.000 người, một khối lượng đường hầm, đường ống và ống khói đặt trên biển Azov.

Các lực lượng Nga đã nã pháo vào cơ sở này cả ngày lẫn đêm trong nhiều tuần. Vị trí cuối cùng của người Ukraine ngày càng trở nên tuyệt vọng khi nguồn cung cấp lương thực và nước uống cạn kiệt, và hàng trăm người thương vong không được chăm sóc y tế đầy đủ. Tụ tập với nhau dưới lòng đất trong điều kiện khắc nghiệt, nhiều binh lính và thường dân bắt đầu nghi ngờ liệu họ có thể sống sót thoát khỏi nhà máy hay không, trước khi các cuộc đàm phán dẫn đến một lệnh ngừng bắn chung.

Nga nói gì: Thổ Nhĩ Kỳ đã bị NATO “gây áp lực” trong việc trao trả 5 nhà lãnh đạo Azovstal cho Ukraine, hãng truyền thông nhà nước Nga RIA đưa tin hôm thứ Bảy, trích lời phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov.

Peskov gọi đó là “sự vi phạm các điều khoản của các thỏa thuận hiện có”, đồng thời nói thêm rằng “các điều kiện để trả lại đã bị cả phía Thổ Nhĩ Kỳ và Kyiv vi phạm.”

9. Thủ tướng Anh phát biểu về bom chùm: Vương quốc Anh là một phần của công ước cấm sử dụng chúng

Thủ tướng Vương quốc Anh Rishi Sunak đề cập đến bom chùm một ngày sau khi Hoa Kỳ cho biết họ sẽ gửi vũ khí gây tranh cãi tới Ukraine, nhưng không trực tiếp chỉ trích Hoa Kỳ về quyết định của họ.

Sunak nói với các phóng viên hôm thứ Bảy rằng Vương quốc Anh “đã ký kết một công ước cấm sản xuất hoặc sử dụng bom, đạn chùm và không khuyến khích việc sử dụng chúng”.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục làm phần việc của mình để hỗ trợ Ukraine chống lại cuộc xâm lược bất hợp pháp và vô cớ của Nga, nhưng chúng tôi đã làm điều đó bằng cách cung cấp xe tăng chiến đấu hạng nặng và gần đây nhất là vũ khí tầm xa, và hy vọng tất cả các nước có thể tiếp tục hỗ trợ Ukraine,” ông Sunak nói.

Thủ tướng cũng cho biết hội nghị thượng đỉnh NATO sắp tới sẽ bao gồm các cuộc thảo luận về cách tăng cường hỗ trợ cho Ukraine.

Về vũ khí: Bom chùm, còn được gọi là bom chùm, là những hộp chứa hàng chục đến hàng trăm “bom” nhỏ hơn. Khi các quả bom nhỏ rơi xuống một khu vực rộng lớn, chúng có thể gây nguy hiểm cho những người không tham chiến.

Phần lớn thế giới đã cấm sử dụng các loại vũ khí này thông qua Công ước về bom, đạn chùm, đồng thời cấm tàng trữ, sản xuất và chuyển giao chúng. Mặc dù 123 quốc gia đã tham gia công ước đó, nhưng Hoa Kỳ, Ukraine, Nga và 71 quốc gia khác thì không.

Cả lực lượng Ukraine và Nga đều đã sử dụng bom chùm kể từ khi Mạc Tư Khoa xâm lược vào tháng 2 năm 2022.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nói với CNN hôm thứ Sáu rằng đó là một “quyết định khó khăn” khi lần đầu tiên cung cấp bom cho Ukraine, nhưng cuối cùng ông đã bị thuyết phục gửi vũ khí vì Kyiv cần đạn dược trong cuộc phản công chống lại Nga.

10. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nói Ukraine xứng đáng trở thành thành viên NATO

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết Ukraine xứng đáng trở thành thành viên NATO sau cuộc hội đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy mà Nga cho biết họ đang theo dõi chặt chẽ.

Zelenskiy đã dành tuần này để thăm các nước NATO, tìm kiếm sự ủng hộ trước hội nghị thượng đỉnh NATO ở Lithuania bắt đầu vào hôm thứ Ba, nơi các thành viên dự kiến sẽ tái khẳng định rằng Ukraine cuối cùng sẽ tham gia.

Ông Erdogan nói: “Không còn nghi ngờ gì nữa, Ukraine xứng đáng được gia nhập NATO.

Zelenskiy cho biết ông “rất vui khi biết” rằng Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ nỗ lực tham gia của Ukraine trong một cuộc họp báo chung.

Trong chuyến thăm Cộng hòa Tiệp tuần này, Zelenskiy nói rằng ông cần “một tín hiệu rõ ràng rằng Ukraine sẽ tham gia liên minh. Không phải là cánh cửa đang mở cho chúng tôi, điều đó là chưa đủ, mà là Ukraine sẽ ở trong đó,” ông nói hôm thứ Năm.

NATO có chính sách mở cửa, nghĩa là bất kỳ quốc gia nào cũng có thể được mời tham gia nếu họ bày tỏ sự quan tâm, miễn là họ có thể và sẵn sàng duy trì các nguyên tắc của hiệp ước thành lập liên minh. Tuy nhiên, theo các quy tắc gia nhập, bất kỳ quốc gia thành viên nào cũng có thể phủ quyết việc một quốc gia mới tham gia.

Một số đồng minh, đặc biệt là những nước ở Đông Âu gần Ukraine và Nga hơn, đã ủng hộ một con đường cụ thể hơn để Kyiv gia nhập liên minh phòng thủ sau khi chiến tranh kết thúc.

Các quan chức khác lập luận rằng việc đẩy nhanh tư cách thành viên NATO của Ukraine có thể là hành động quá khiêu khích và gây ra những nghi ngờ lớn về việc kết nạp một quốc gia vào liên minh khi quốc gia này vẫn đang có chiến tranh.

11. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Các dữ liệu không lưu thì FlightRadar 24 cho thấy máy bay riêng của Putin đã bỏ chạy về phía Bắc trong vùng Tver khi trùm Wagner Yevgeny Prigozhin cho quân Wagner tiến về thủ đô Mạc Tư Khoa. Putin và Dmitry Medvedev được tường trình đã bỏ chạy khỏi Thủ đô trong suốt 48 giờ khi xảy ra cuộc binh biến.

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh nhận định rằng các cơ quan truyền thông Nga đang được huy động để khỏa lấp tai tiếng này bằng cách cho rằng Putin đã rất anh hùng và đã chiến thắng vẻ vang trong cuộc binh biến do trùm Wagner lãnh đạo. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Phượng..

Các phương tiện truyền thông được nhà nước Nga chấp thuận đã phản ứng với cuộc binh biến của Tập đoàn Wagner ngày 24 tháng 6 năm 2023 theo ba giai đoạn. Ban đầu, các cơ quan truyền thông gần như chắc chắn bị bất ngờ trước cuộc binh biến và không chuẩn bị sẵn sàng; Truyền hình Nga duy trì lịch trình bình thường của nó.

Sau khi cuộc nổi dậy bị dập tắt, các cơ quan nhà nước Nga đã tìm cách 'sửa chữa' những tuyên bố rằng lực lượng an ninh đã bị động. Các câu chuyện cổ vũ ý tưởng rằng Tổng thống Vladimir Putin đã chiến thắng bằng cách ngăn chặn cuộc nổi dậy, đồng thời tránh đổ máu và tìm cách thống nhất đất nước đằng sau tổng thống.

Gần một tuần sau, nhà nước bắt đầu hạ thấp tầm quan trọng của chủ sở hữu Wagner, Yevgeny Prigozhin và cuộc binh biến của ông ta, đồng thời làm hoen ố danh tiếng của anh ta.

Các kênh Telegram của Wagner phần lớn đã im lặng, gần như chắc chắn là do sự can thiệp của nhà nước. Ngược lại, Putin đã thực hiện các cuộc gặp gỡ công khai nổi bật một cách bất thường, gần như chắc chắn là nhằm mục đích thể hiện sức mạnh.

12. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine cảm ơn Mỹ cung cấp bom chùm cho Ukraine

Hôm thứ Bẩy, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov đã cảm ơn Hoa Kỳ vì đã đồng ý cung cấp cho Ukraine bom, đạn chùm, theo một tweet từ bộ trưởng.

Reznikov nói rằng Ukraine đã “chính thức yêu cầu các loại vũ khí này trong một thời gian dài.”

“Tôi muốn nhấn mạnh rằng khi thực hiện quyền tự vệ không thể thay đổi của mình, chúng tôi sẽ tiếp tục tuân thủ nghiêm ngặt tất cả các công ước nhân đạo quốc tế đã được Ukraine ký kết và phê chuẩn,” Reznikov nói thêm.

Reznikov khẳng định Ukraine sẽ tuân thủ các nguyên tắc mà nước này đã thông báo với Mỹ và các đối tác. Chúng bao gồm việc sử dụng đạn dược để giải phóng lãnh thổ Ukraine được quốc tế công nhận, sử dụng chúng ở các khu vực ngoài đô thị và lưu giữ hồ sơ về nơi chúng được sử dụng cho mục đích rà phá bom mìn sau này.

Yêu cầu cuối cùng đã được chấp thuận: Trong suốt cuộc chiến, các đồng minh phương Tây của Kyiv đã cân nhắc rất lâu về việc liệu họ có nên gửi cho Ukraine những khí tài quân sự mới nhất mà nước này yêu cầu hay không. Đầu tiên là pháo binh, sau đó là xe tăng Leopard và Abrams. Mỹ hiện đang hỗ trợ đào tạo phi công Ukraine lái chiến đấu cơ F-16.

Mỗi lần, những gì ban đầu dường như là một điều không thể đối với các quốc gia phương Tây cuối cùng lại được coi là điều đúng đắn nên làm và lẽ ra phải làm từ lâu.

Bom đạn chùm đi theo quỹ đạo tương tự. CNN lần đầu tiên đưa tin trong tuần này rằng chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đang xem xét mạnh mẽ việc phê duyệt việc chuyển giao vũ khí gây tranh cãi cho Ukraine, từ lâu đã từ chối các yêu cầu của Kyiv.

Hoa Kỳ xác nhận hôm thứ Sáu rằng họ sẽ cung cấp cho Ukraine những vũ khí này như một phần của gói viện trợ quân sự mới.
 
Nhà Trừ Tà: Ma quỷ ngăn chặn chúng ta dự lễ. Tại sao những sự dữ lại xảy ra với những người lành?
VietCatholic Media
17:26 09/07/2023


1. Tòa án tối cao đứng về phía nhà thiết kế web phản đối hôn nhân đồng giới

Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã phán quyết rằng điều khoản về quyền tự do ngôn luận của Tu chính án thứ nhất bảo vệ một nhà thiết kế web ở Colorado, người sợ rằng cô ấy sẽ bị truy tố theo luật chống phân biệt đối xử của tiểu bang vì sự phản đối dựa trên đức tin của cô ấy đối với việc thiết kế các trang web quảng bá hôn nhân đồng giới hoặc đám cưới đồng giới.

Lorie Smith, chủ sở hữu studio thiết kế web và đồ họa 303 Creative LLC, đã đệ đơn kiện. Đó không phải là một phản ứng đối với hành động của chính phủ; đúng hơn, đó là một thách thức trước khi thực thi nhằm ngăn chặn việc sử dụng luật chống lại cô ấy.

Đạo luật chống phân biệt đối xử của Colorado coi xu hướng tính dục và bản sắc giới tính là các nhóm được bảo vệ. Câu hỏi đặt ra trước tòa là liệu việc ép buộc một nghệ sĩ phát biểu hay giữ im lặng có vi phạm điều khoản về quyền tự do ngôn luận của Tu chính án thứ nhất hay không. Nó không đưa ra câu hỏi liệu đó có phải là vi phạm tự do tôn giáo hay không.

“Trong trường hợp này, Colorado tìm cách buộc một cá nhân nói theo cách phù hợp với quan điểm của tiểu bang nhưng bất chấp lương tâm của họ về một vấn đề quan trọng,” Thẩm phán Neil Gorsuch cho biết trong phán quyết với tỷ số 6-3. Tuy nhiên, như tòa án này đã khẳng định từ lâu, cơ hội để suy nghĩ cho chính chúng ta và bày tỏ những suy nghĩ đó một cách tự do là một trong những quyền tự do được trân trọng nhất của chúng ta và là một phần của những gì giúp nền cộng hòa của chúng ta vững mạnh.

“Tất nhiên, tuân thủ cam kết về quyền tự do ngôn luận trong Hiến pháp có nghĩa là tất cả chúng ta sẽ gặp phải những ý kiến mà chúng ta cho là 'kém hấp dẫn', 'sai lầm' hoặc thậm chí là 'gây tổn thương', nhưng sự khoan dung, chứ không phải sự ép buộc, là câu trả lời của quốc gia chúng ta. Tu Chính Án thứ nhất hình dung Hoa Kỳ là một nơi đa dạng và phức tạp, nơi tất cả mọi người được tự do suy nghĩ và phát biểu theo ý muốn của họ, chứ không phải theo yêu cầu của chính phủ. “

Smith được đại diện bởi nhóm pháp lý của Liên minh Bảo vệ Tự do, gọi tắt là ADF, và các luật sư của cô lập luận rằng luật tiểu bang ảnh hưởng đến các chuyên gia sáng tạo có mối quan tâm về tôn giáo hoặc đạo đức về việc tạo ra các nội dung vi phạm niềm tin của họ.

ADF mô tả quyết định này là một chiến thắng “mang tính bước ngoặt”.

“Không chỉ là một chiến thắng cho Lorie Smith, đây là một chiến thắng sâu rộng về quyền tự do ngôn luận cho mọi người Mỹ,” nhóm này viết trên Twitter hôm thứ Sáu.

Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ nằm trong số các nhóm đã thay mặt Smith nộp bản tóm tắt ý kiến lên Tòa án Tối cao Hoa Kỳ.


Source:National Catholic Register

2. Nhật Ký Trừ Tà số 247: Ma quỷ ngăn chặn chúng ta dự lễ

Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #247: Demons Blocking Mass Attendance”, nghĩa là “Nhật Ký Trừ Tà số 247: Ma quỷ ngăn chặn chúng ta dự lễ”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Tôi đã làm việc với một người bị ảnh hưởng bởi sự hiện diện của ma quỷ mạnh mẽ. Chúng tôi không chỉ khuyến khích anh ta đọc những lời cầu nguyện giải thoát hàng ngày mà còn tham dự Thánh lễ Chúa Nhật. Điều này rất quan trọng. Không có gì mạnh mẽ hơn và không có gì bị ma quỷ ghét hơn là tham dự Thánh Lễ và lãnh nhận Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu.

Việc ma quỷ khiếp sợ Bí tích Thánh Thể là bằng chứng cho hiệu quả thiêng liêng của thánh lễ, và trên hết là giáo huấn về sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô. Bất cứ khi nào tôi nói đến tên “Giêsu”, người đàn ông bị ám nói rằng lũ quỷ “rất tức giận” và “thực sự rất đau đớn”. Nhưng Thánh Thể là một cái gì đó ở một bình diện tâm linh hoàn toàn cao hơn. Ma quỷ làm mọi cách để xua đuổi những người bị quỷ ám.

Tuần này qua tuần khác, tôi đã khuyến khích anh ta tham dự Thánh lễ nhưng anh ta đã không thể. Tôi hỏi anh ta tại sao và anh ta nói: “Đầu óc con đã sẵn sàng và con muốn đi nhưng con không thể. Giống như con không kiểm soát được cơ thể của mình và con không thể bước ra khỏi cửa. Cứ như thể có thứ gì đó to lớn đang cản trở con vậy.” Không khó để đoán “thứ gì đó to lớn” là gì.

Vì vậy, tôi nói với anh ta: “Chúa nhật tới, khi anh chuẩn bị đi lễ, tôi sẽ gọi cho anh và đọc một lời cầu nguyện trừ tà. Chúng tôi sẽ trói những con quỷ đang cản trở việc tham dự Thánh lễ của anh.” Tôi đã trói được con quỷ ngay trước khi anh ta ra đi để đi dự Thánh lễ. Sau khi tham dự thành công, anh ta đã nhắn tin: “Thật ngạc nhiên khi thấy xiềng xích và dây thừng xung quanh con bị rớt ra. Con có thể thấy rằng ma quỷ đã bị trói và thanh thản đi dự lễ”.

Khi ai đó bị ma quỷ ám ảnh nghiêm trọng, việc người ấy bị ngăn cản tham dự Thánh lễ là điều hiển nhiên và được mong đợi. Nhưng tôi tự hỏi có bao nhiêu người, những người không bị ám hoặc bị áp bức, cũng bị cản trở tương tự khi tham dự Thánh lễ vì sự can thiệp của ma quỷ mà lại chủ quan không nghi ngờ gì. Điều này có thể phổ biến hơn chúng ta nhận ra.

Có thể mỗi linh mục phải đọc một lời cầu nguyện trừ tà vào mỗi cuối tuần để trói buộc bất kỳ con quỷ nào đang cản trở việc tham dự Thánh lễ của giáo dân mình. Cha mẹ cũng nên đọc một lời cầu nguyện trừ tà để giúp con cái họ tham dự Thánh lễ. Cá nhân cũng nên đọc một lời cầu nguyện trừ tà để đến nhà thờ tham dự các thánh lễ, thay vì xem lễ trực tuyến.

Dù không thể đổ lỗi cho ma quỷ về những lựa chọn sai lầm của mình, nhưng chúng ta không nên vội vã bác bỏ bất kỳ ý kiến nào cho rằng sự hiện diện của ma quỷ có thể thực sự gây ảnh hưởng tiêu cực. Tôi đưa ra lời cầu nguyện này như một ví dụ:

Một lời cầu nguyện trói buộc những con quỷ cản trở việc tham dự thánh lễ

Vì Danh Thánh Chúa Giêsu, con cầu xin Chúa, nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria, Mẹ Người và các Quyền Thần trên Trời, xin xua đuổi bất kỳ ma quỷ nào đang cản trở [N] tham dự Thánh lễ cuối tuần này. Con cầu nguyện rằng Chúa có thể khiến họ bất lực, tê liệt và vô hiệu. Xin cho chúng không có ảnh hưởng đến [N]; cầu mong chúng không ngăn cản [N] tham dự Thánh lễ vào Chúa Nhật này hoặc bất kỳ ngày nào. Xin Chúa Thánh Thần trao quyền cho các thiên thần hộ tống [N] đến nhà thờ và bảo vệ và giúp [N] ca ngợi và tôn vinh Thiên Chúa Cha trong Con của Ngài là Chúa Giêsu Kitô. Amen.


Source:Catholic Exorcism

3. Tại sao những sự dữ lại xảy ra với những người lành?

Đức Ông Charles Pope là giáo sư Kinh Thánh đang giảng dạy tại các chủng viện ở tổng giáo phận Washington DC và phụ trách một lớp Kinh Thánh tại Quốc Hội Hoa Kỳ. Ngài cũng là niên trưởng linh mục đoàn của tổng giáo phận Washington.

Ngài đã có bài viết sau trên tờ National Catholic Register với nhan đề “Why Do Bad Things Happen to Good People?” nghĩa là “Tại sao những sự dữ lại xảy ra với những người lành?”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Một trong những mầu nhiệm lớn đối với người tin cũng như người không tin là điều ác và đau khổ. Nếu có một Thiên Chúa toàn năng và toàn tri, làm sao Ngài có thể dung thứ cho cái ác, sự bất công và sự đau khổ của những người vô tội? Chúa ở đâu khi xảy ra các vụ xả súng tại một trường học ở Uvalde, Texas, một siêu thị ở Buffalo, New York, một nhà thờ ở Los Angeles, hay khi, trong một cuộc diễn hành ở Waukesha, Wisconsin, những người tham gia bị một người đàn ông giận dữ đốn ngã dã man bằng một chiếc SUV? Chúa ở đâu khi một phụ nữ hay một cô gái trẻ bị hãm hiếp, một người già bị hành hung, một đứa trẻ sơ sinh bị phá thai, khi tội ác diệt chủng xảy ra, hay khi những kẻ ác ấp ủ âm mưu của chúng? Tại sao Thiên Chúa thậm chí để cho phụ nữ mang thai những kẻ ác và cho phép chúng sinh ra? Thêm vào đó là nhiều thảm họa thiên nhiên xảy ra trên thế giới. Thiên Chúa ở đâu, và tại sao Ngài lại để cho những người tương đối vô tội, kể cả trẻ em, phải chịu đau khổ như vậy?

Vấn đề về sự dữ không thể được trả lời một cách đơn giản. Sự dữ là một mầu nhiệm. Mục đích của sự dữ và lý do tại sao Thiên Chúa cho phép nó nằm trong tầm nhìn và sự hiểu biết hạn chế của chúng ta. Kinh thánh nói: “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định.” (Rô-ma 8:28). Nhưng trong nhiều trường hợp, thật khó để chúng ta thấy điều này là như thế nào.

Bất kỳ ai đã từng trải qua một mất mát bi thảm và vô nghĩa hoặc từng chứng kiến sự đau khổ không tương xứng mà một số người phải chịu đựng đều không thể không đặt câu hỏi: “Tại sao?” Và không phải tất cả các câu trả lời đều thỏa mãn, vì đau khổ cuối cùng vẫn bí ẩn theo nhiều cách.

Tôi có một số sự tôn trọng đối với những người đấu tranh để tin vào sự trỗi dậy của những bi kịch. Tôi hiểu và tôn trọng chiều sâu của sự tuyệt vọng cũng như phẩm giá của những câu hỏi như vậy. Ở cuối con đường của những câu hỏi, thường được đặt ra trong sự đau khổ, là Thiên Chúa đã chọn không đưa ra những câu trả lời đơn giản. Và ngay cả khi Ngài làm vậy, thì đầu óc đơn giản của chúng ta cũng không thể hiểu được chúng. Thường là khi đối mặt với sự dữ và đau khổ to lớn, chúng ta bị bỏ mặc để quyết định, liệu Thiên Chúa có hiện hữu hay không.

Có lẽ khía cạnh khó hiểu nhất của đau khổ là sự phân bố không đồng đều của nó. Một số người dường như vượt qua cuộc sống một cách mạnh mẽ, giàu có và đủ đầy, trong khi những người khác phải chịu đựng đau khổ, bệnh tật, những mất mát đột ngột và không thể giải thích được, những khó khăn về tài chính, sự bất công và những gánh nặng khác. Một số đau khổ đến từ những lựa chọn sai lầm, lạm dụng chất kích thích và thiếu tự chủ. Nhưng một số đau khổ dường như hoàn toàn không liên quan đến bất kỳ lý do nào trong số này — hoặc thậm chí bất kỳ lý do nào.

Một sự giải thích tôn trọng về sự hiểu biết của Kitô hữu về điều ác có thể bao gồm một số điểm sau đây. Lưu ý rằng đây không phải là những lời giải thích (vì đau khổ là một mầu nhiệm lớn), và tôi khiêm tốn thừa nhận giới hạn của chính mình.

1. Kinh thánh dạy rằng Thiên Chúa đã tạo ra một thế giới là địa đàng. Mặc dù chúng ta chỉ thoáng thấy nó, cái chết và đau khổ không phải là một phần của nó.

2. Nhưng ngay cả trong Vườn Địa Đàng, con rắn cũng cuộn mình từ cành cây gọi là Cây Biết Điều Thiện và Điều Ác. Vì vậy, ngay cả trong thiên đường, bí ẩn của cái ác vẫn ẩn nấp. Theo một cách nào đó, cái cây và con rắn phải ở đó bởi vì chúng ta được tạo ra để yêu nhau; tình yêu đòi hỏi tự do, và tự do đòi hỏi sự lựa chọn. Tiếng “Có” của tình yêu phải cho phép tiếng “Không” của tội lỗi. Trong câu trả lời “Không” nổi loạn của chúng ta, cả chúng ta và thế giới đều tan rã, cái chết và sự hỗn loạn tràn vào. Thiên đường đã biến mất và một thế giới thù địch và khó lường hơn nhiều vẫn còn đó. Tất cả những đau khổ và tội ác mà chúng ta phải chịu đựng đều từ đó mà ra. Chỉ riêng tội lỗi của chúng ta đã gây ra vô số đau khổ trên trái đất này - phần lớn trong số đó, theo tính toán của tôi. Đau khổ do các hiện tượng tự nhiên gây ra cũng có liên quan đến Nguyên tội, trong đó chúng ta thích ngự trị trong một địa ngục giả tạo của thiên đường hơn là phục vụ trong thiên đường thực sự.

3. Vì vậy A-đam và Ê-va đã chọn con đường sự chết trong Vườn Địa Đàng. Và Chúa đã không hủy bỏ sự lựa chọn của họ nhưng đã làm việc với điều đó. Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Chúa Giêsu Kitô, gặp chúng ta ở ngã tư đường của đau khổ và cái chết, và không miễn trừ chính mình, cho phép đau khổ và cái chết mang một ý nghĩa cứu chuộc, một con đường trở về với Ngài và một con đường dẫn đến vinh quang.

4. Mối liên hệ giữa sự dữ và đau khổ với sự tự do của con người cũng giải thích việc Thiên Chúa không can thiệp vào các vấn đề sự dữ. Nếu Thiên Chúa thường xuyên can thiệp, nó sẽ làm cho quyền tự do của con người trở nên trừu tượng và do đó loại bỏ trụ cột trung tâm của tình yêu. Nhưng ở đây cũng có một điều bí ẩn: Kinh Thánh thuật lại rằng đôi khi Thiên Chúa can thiệp để chấm dứt những âm mưu xấu xa, đẩy lùi chiến tranh, rút ngắn nạn đói và bệnh dịch. Tại sao đôi khi Ngài can thiệp và đôi khi không? Tại sao những lời cầu nguyện giải thoát đôi khi được trả lời và đôi khi không? Ở đây cũng vậy, có một mầu nhiệm của Đấng Quan Phòng.

5. Chuyên luận Kinh Thánh dài nhất về đau khổ là Sách Gióp. Trong đó, Thiên Chúa đã thể hiện sự thiếu thông cảm gần như gây sốc đối với những câu hỏi của Gióp về sự đau khổ của ông và đặt nền tảng lâu dài cho kết luận rằng tâm trí con người đơn giản là không có khả năng nhìn vào chiều sâu của vấn đề này. Thiên Chúa thấy thích hợp để đức tin của Gióp được thử thách và củng cố. Nhưng cuối cùng, Gióp đã được phục hồi và thiết lập lại với những ân sủng thậm chí còn lớn hơn trong một kiểu nếm trước ý nghĩa của thiên đàng.

6. Thư Thứ Nhất của Thánh Phêrô cũng giải thích một phần về đau khổ: “Anh em sẽ được hân hoan vui mừng, mặc dầu còn phải ưu phiền ít lâu giữa trăm chiều thử thách. Những thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin của anh em là thứ quý hơn vàng gấp bội, vàng là của phù vân, mà còn phải chịu thử lửa. Nhờ thế, khi Đức Giêsu Kitô tỏ hiện, đức tin đã được tinh luyện đó sẽ trở thành lời khen ngợi, và đem lại vinh quang, danh dự”(1 Pr 1:6-7). Nói cách khác, những đau khổ của chúng ta thanh tẩy chúng ta và chuẩn bị cho chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa.

7. Phải chăng điều này có nghĩa là những người đau khổ hơn cần được thanh tẩy nhiều hơn? Không nhất thiết là như thế. Nó cũng có thể có nghĩa là một vinh quang lớn hơn đang chờ đợi họ. Vì Kinh thánh dạy: “Cho nên chúng tôi không chán nản. Trái lại, dù con người bên ngoài của chúng tôi có tiêu tan đi, thì con người bên trong của chúng tôi ngày càng đổi mới. Thật vậy, một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời.” (2 Cr 4:16-17). Do đó, đau khổ “tạo ra” vinh quang trong thế giới mai sau. Những ai chịu đau khổ nhiều hơn, nhưng với đức tin, sẽ có nhiều vinh quang hơn trong thế giới mai sau.

8. Liên quan đến sự bất công rõ ràng của sự đau khổ không đồng đều, cần lưu ý rằng Kinh thánh dạy về một sự đảo ngược vĩ đại, trong đó người cuối cùng sẽ được ưu tiên (Mt 20:16), kẻ quyền thế sẽ bị hạ bệ trong khi kẻ hèn mọn được tôn cao, và người giàu sẽ ra đi tay không trong khi người nghèo được no nê (Lc 1:52-53). Theo nghĩa này, giàu có, no đủ và không quen với bất kỳ đau khổ nào không nhất thiết là một phước lành. Trong cuộc đảo ngược vĩ đại, người đầu tiên sẽ là người cuối cùng. Cơ hội duy nhất mà những người giàu có và khỏe mạnh có để tránh kết cục này là rộng lượng và tử tế với người nghèo và những người đau khổ (1 Tm 6:17-18).

9. Cuối cùng, về sự vô cảm hiển nhiên của Thiên Chúa đối với đau khổ, chúng ta chỉ có thể chỉ ra Chúa Kitô, Đấng đã không miễn trừ khỏi đau khổ mà chúng ta đã chọn khi rời bỏ vườn Địa Đàng. Ngài đã phải chịu đựng một cách mãnh liệt và bất công nhưng cũng cho thấy rằng đây sẽ là một con đường trở về thiên đường. Về vấn đề này, một số người cũng đặt câu hỏi rằng, nếu Thiên Chúa là tình yêu, tại sao Ngài lại để những điều khủng khiếp xảy ra? Nó có vẻ không được phù hợp cho lắm. Tuy nhiên, ngày nay có khuynh hướng đánh đồng tình yêu thương với lòng tốt đơn thuần. Trong khi sự tử tế là một khía cạnh của tình yêu thương thì sự quở trách và thử thách cũng vậy. Như bất kỳ bậc cha mẹ yêu thương nào cũng biết, đôi khi cần phải hướng dẫn con cái vượt qua những thử thách và khó khăn, đồng thời cho phép chúng cảm nhận một số hậu quả do quyết định của chúng. Các bác sĩ cũng thường phải sử dụng các loại thuốc mạnh và phẫu thuật để mang lại sự chữa lành cuối cùng. Do đó, tình yêu không phải lúc nào cũng là một điều dễ chịu, và Thiên Chúa là tình yêu phải dẫn dắt chúng ta vượt qua một số giai đoạn khó khăn trong “thiên đường đã mất” này mà chúng ta đã chọn để sống. Tuy nhiên, có một sự thật vững chắc là Thiên Chúa không bao giờ cho phép có đau khổ hoặc điều ác trừ phi Ngài có thể mang lại điều tốt lành hơn từ điều đó.

10. Thánh Thomas Aquinas đề cập đến mầu nhiệm của sự gian ác và đau khổ bằng cách nói về việc chúng ta không có khả năng nhìn thấy bức tranh toàn cảnh. Ngài đã tưởng tượng ra một bức tranh tuyệt vời mà chúng ta chỉ có thể nhìn thấy một vài điểm sáng, hoặc chỉ là một nét vẽ màu tối. “Sự xấu xí đen tối này là gì?” chúng ta có thể kêu lên. Nhưng nếu chúng ta có thể lùi lại và xem toàn bộ bức tranh, chúng ta có thể thấy vẻ đẹp của nó và hiểu rằng đó là trò chơi của ánh sáng và bóng tối và rằng bóng tối bao bọc ánh sáng và nhường chỗ cho ánh sáng.

Về những điểm này, tôi chắc chắn anh chị em sẽ thêm vào, nhưng hãy cẩn thận với vấn đề sự dữ và đau khổ. Nó có những chiều kích bí ẩn phải được tôn trọng. Những câu trả lời đơn giản có thể không giúp ích gì cho những người đấu tranh với nó. Thông cảm và giải thích nhằm cho thấy rằng cuộc đấu tranh của Kitô hữu để hiểu rõ điều này có thể là cách tốt nhất. “ Câu trả lời” của Kinh thánh đòi hỏi đức tin, nhưng nó cũng lôi cuốn lý trí và kêu gọi chúng ta khiêm tốn trước một mầu nhiệm vĩ đại mà chúng ta chỉ có thể nhìn thấy một phần nhỏ.

Cuối cùng, tại sao có đau khổ và tội lỗi trên thế giới? Chúng tôi không hoàn toàn biết. Nhưng tại sao lại có tình yêu, lòng trung thành hay vẻ đẹp? Tại sao lại có gì đó? Những loại câu hỏi này là không thể suy nghĩ được, đó là những câu hỏi không có câu trả lời chính xác hoặc chắc chắn. Nhưng Chúa biết - và Ngài sẽ trừng phạt mọi bất công, và những người đã chết không ăn năn sẽ trả lời cho Ngài. Còn bây giờ, chúng ta chờ đợi và chấp nhận sự thật rằng Thiên Chúa đã cho phép đau khổ và cái chết là con đường trở về với Người và là con đường dẫn đến vinh quang nếu chúng ta trung thành.

Trong cuộc sống này, chúng ta tìm cách đồng hành và cầu nguyện cho những người đau khổ. Đây là một phần của điều tốt lành mà Chúa tìm cách rút ra từ những bi kịch. Tình bạn và liên minh hình thành; mọi người đưa ra những cam kết mới để xây dựng một thế giới công bằng hơn và từ chối bạo lực và sự thiếu quan tâm đến cuộc sống con người đang quá rõ ràng ngày nay. Chỉ có ánh sáng mới có thể xua tan bóng tối; chỉ có tình yêu mới có thể chiến thắng hận thù. Khi thương tiếc cho những bi kịch gần đây, chúng ta chỉ có thể tin cậy vào lời hứa của Chúa: “Phúc thay ai sầu khổ,vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.” (Mt 5:4).


Source:National Catholic Register
 
Thánh Ca
TV 64
Lm. Thái Nguyên
23:16 09/07/2023
 
Hạt giống Lời Chúa
Lm. Thái Nguyên
23:25 09/07/2023
 
Lời Ban Sự Sống
Lm. Thái Nguyên
23:26 09/07/2023