Ngày 08-07-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Hãy ra đi !
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa.
09:06 08/07/2016
HÃY RA ĐI !

(CN XV TN C – Lc 10,25-37)

Cứ mỗi lần đọc bài Tin mừng theo thánh Luca đoạn kể câu chuyện người Samaritanô nhân hậu, bản thân thấy nhột gáy làm sao. Vẫn biết đây là một câu chuyện kể, nhưng không hiểu tại sao Chúa Giêsu lại dùng sự hững hờ của một thầy tư tế và một thầy trợ tế để làm nổi rõ lòng nhân ái của một anh em lương dân. Dù rằng trong văn chương thường có những thủ pháp, chẳng hạn dùng thủ pháp tạo sự tương phản để nhấn mạnh chủ đề muốn nói. Thế nhưng nội dung câu chuyện vẫn khiến ta giật mình. Là Kitô hữu, chúng ta đều rõ trọng tâm của đời sống chúng ta là đức ái. Đề tài đức ái quả là bao la và đã có nhiều đấng khai triển. Xin mạo muội mạn bàn đôi nét về câu nói của Chúa Cứu Thế với người luật sĩ lúc bấy giờ: “Hãy đi và làm như vậy” (Lc 10,37).

Để làm được như người Samaritanô, thiết tưởng cần phải ra đi. Chúa Giêsu không chỉ truyền dạy “hãy làm như vậy” mà Người đã thêm hai từ “hãy đi”. Để có thể sống yêu thương, ta cần phải ra đi. Xin được chia sẻ bốn chiều kích ta cần phải đi ra để có thể biết ta là anh em của những ai, để có thể thực thi đức ái với người đang cần lòng thương xót.

1. Đi ra khỏi vị trí an ninh, yên ổn của mình: “Chim có tổ, chồn có hang, còn Con Người không có chỗ gối đầu” (Lc 9,58). Ba năm rong ruổi trên các nẻo đường, Chúa Giêsu đã sống đức ái với nhiều người thuộc mọi hoàn cảnh. Nhờ ra khỏi vị trí an ninh, yên ổn của mình mà Chúa Giêsu đã đến được với người Do Thái lẫn anh chị em lương dân, với người Giuđêa, người Galilêa lẫn người Samaria và đặc biệt với đại đa số người bệnh tật, bé nhỏ, nghèo hèn… vốn là những người đang cần lòng thương xót của Người hơn hết.

Xin tạ ơn Chúa vì đã và đang có nhiều vị mục tử tốt lành không dừng lại ở những dịp kinh lý định kỳ mà còn tích cực ra khỏi vị trí yên ổn của mình để đến với nhiều đàn chiên vùng sâu, vùng xa, nghèo hèn để thể hiện đức ái. Quả thật, dù biết phải sống đức ái, dù muốn trở nên người thân cận, người anh em với những người cần đến lòng thương xót của Chúa mà nếu không can đảm và tích cực ra đi, ra đi khỏi vị trí yên ổn của mình thì cái muốn và điều biết kia sẽ khó thành hiện thực.

2. Đi ra khỏi định kiến của mình: “Người này cũng là con cái của Abrraham” (Lc, 19,9). Chúa Giêsu đã ra khỏi thành kiến của người Do Thái thời bấy giờ về những người thu thuế. Giakêu đã nhận được lòng xót thương của Chúa. Lêvi đã trở nên môn đệ của Người. Chúa Giêsu cũng đã ra khỏi thành kiến của người Do Thái thời bấy giờ về anh em ngoại giáo, người Samaria. Người đã đến nhà viên đại đội trưởng, đến gặp và xin nước với chị phụ nữ Samaria trên bờ giếng Giacop… Ra khỏi định kiến của mình là một trong những điều kiện cần có để ta có thể tiếp cận với tha nhân như là người anh em, như là người cần đến lòng thương xót của Chúa qua chúng ta.

Tạ ơn Chúa, Mẹ Hội Thánh, đặc biệt qua Công Đồng Vatican II không chỉ là mở cửa ra với thế giới mà còn đã biết đi ra khỏi cái nhìn phiến diện với anh chị em lương dân, với bà con khác đạo và với cả người vô tín, để rồi tích cực sống đức ái trọn hảo. Không ra khỏi định kiến với một ai đó thì ta khó mà thực sự sống yêu thương.

3. Đi ra khỏi lề thói vị luật, vụ luật: Rất có thể vị Tư tế và vị trợ tế trong bài Tin Mừng ở trên vì câu nệ về qui định của luật tế lễ nên đã bỏ qua người anh em đang lâm nạn. Nhiều luật sĩ và biệt phái thời Chúa Giêsu đã không ra khỏi sự cứng nhắc vô tình vì vị luật và cả vụ luật. Chính vì thế mà con tim của họ đã hóa chai đá trước bao nỗi khổ của đồng loại. Chúa Giêsu đã nhiều lần cố tình vi phạm luật ngày hưu lễ, luật sạch nhơ để rồi đề cao luật đức ái: Luật đức ái là luật trên các luật.

Tạ ơn Chúa, Mẹ Hội Thánh, qua Bộ Giáo luật 1983 đã làm nỗi rõ ý tưởng này trong các nguyên tắc chính của bộ luật. Dù khẳng định “tính cách xã hội của Hội Thánh đòi hỏi một chiều hướng pháp lý tối thiểu, thế nhưng Hội Thánh vẫn nhìn nhận rằng yêu thương là giới răn cao trọng nhất (Nguyên Tắc thứ nhất). Tiếp đó qua Nguyên Tắc thứ hai và thứ năm, Hội Thánh trình bày một tinh thần vượt lên trên lề luật. “Giáo luật không thể mang lại ơn cứu rỗi được, bởi vì ơn cứu rỗi là kết quả của ơn thánh và sự hợp tác của lương tâm mỗi người. Giáo luật phải biết nhìn nhận và tôn trọng lương tâm ”(Nguyên tắc thứ hai); “Luật pháp không thể chỉ nhằm cổ võ trật tự công cộng, nhưng còn để ý đến việc thăng tiến con người xét như là nhân vị nữa” (Nguyên tắc thứ năm). Một người sống “vị luật”, câu nệ luật, lợi dụng luật thì khó có thể yêu thương tha nhân như là anh em.

4. Ra đi khỏi vị thế cao quý của mình: “Vậy, nếu Thầy là Thầy và là Chúa mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13,14). Chúa Giêsu đã đi ra khỏi vị thế là Thầy, là Chúa của mình để làm tôi tớ cho các môn đồ và để hầu hạ mọi người. Người đã tự nguyện ra khỏi vị thể là Chủ Tể của mình để làm huynh đệ với các môn sinh. “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa…Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu” (Ga 15,15). Thánh Tông đồ dân ngoại đã khẳng định chân lý này bằng bài ca tự hủy trong thư gửi tín hữu Philipphê. “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế…” ( Phil 2,6-11).

Tạ ơn Chúa, các vị chủ chăn Hội Thánh gần đây đã bỏ dần đi sự hào nhoáng mang dáng dấp của vua chúa phong kiến của một thời. Các Ngài không chỉ tự xưng trong các văn kiện mà còn tích cực hành xử trong cụ thể như là “tôi tớ của các tôi tớ”. Quả thật khi ta chưa bỏ mình đi, chưa ra khỏi cung cách vị vọng trong thái độ sống thì ta khó mà cúi xuống để băng bó vết thương, để rửa chân cho người đang cần lòng xót thương của Chúa qua chúng ta.

Để biết ta là anh em của những ai, để tỏ lòng nhân ái với người cần lòng xót thương, không gì hơn hãy vâng nghe lệnh truyền của Đức Kitô: Hãy làm như người Samaritanô nhân hậu. Để làm được điều này, thiết tưởng không thể ở mãi trong vị trí yên ổn của mình, trong định kiến của ta về tha nhân, trong cung cách vụ luật hay trong vị thế cao quý của mình. Để được sống đời đời, không thể không sống đức ái. Để sống đức ái, không thể không ra đi. Kết thúc Thánh Lễ chúng ta được chúc ra đi bình an. Đây cũng là lời chúc ra đi để sống đạo yêu thương.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa.
 
Cần người Samaritanô thời đại
Lm. JB. Nguyễn Minh Hùng
11:44 08/07/2016
CẦN NGƯỜI SAMARITANÔ THỜI ĐẠI

Chúa Nhật XV THƯỜNG NIÊN NĂM C

Mỗi lần có dịp suy niệm dụ ngôn Người Samaritanô nhân hậu, tôi đều giật mình, cảm thấy nhói. Bởi câu chuyện Chúa kể nhắm thẳng vào hàng ngũ lãnh đạo trong Hội Thánh nói chung, và nhắm thẳng vào bản thân tôi, thành viên trong số hàng lãnh đạo ấy. Chúa “lật đổ” thái độ vô cảm tích tụ trong hàng giáo sĩ của Chúa.

Vì thế, với bản thân, tôi thiết nghĩ, hình ảnh tư tế, Lêvi trong dụ ngôn Người Samaritanô nhân hậu đáng để cho mình nghĩ suy, nghiền ngẫm mà từng bước cãi thiện đời sống, từng bước ăn năn thống hối, để rồi chết cho con người cũ, phục sinh con người mới trong ơn phục sinh của Chúa Kitô.

Hãy nghe Chúa nói về hàng giáo sĩ của Chúa: “Một người kia từ Giêrusalem xuống Giêricô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống, nửa chết. Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy nạn nhân, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi một thầy Lêvi tới chỗ ấy, thấy thế, cũng tránh qua một bên mà đi…”.

Tư tế là ai? Lêvi là ai? Đó là những người tương đương bậc “chân tu” thời đại. Họ là giám mục, linh mục của Chúa.

Qua hình ảnh tư tế, Lêvi, đã làm ngơ, đã thể hiện sự vô cảm đến độ độc ác trước thực trạng của người bị cướp đánh có nguy cơ mất mạng sống, trở thành một gương mù, một phản chứng lớn vô cùng đối với chính đời dâng hiến của họ.

Mặc dù Chúa không trực tiếp kết tội, nhưng trong mấy từ “tránh qua bên kia mà đi”, cho thấy Chúa không bằng lòng. Tại sao lại tránh?

“Tránh qua bên kia” nghĩa là người bị tấn công đang bất động ngay dưới chân mình, cản bước mình. Ngay dưới chân nên mới phải “tránh” mà đi!

Từ đây, tôi thấy mình có lỗi. tôi thấy mình sống ngoài tấm gương trao ban lòng thương xót của Chúa. Tôi thấy mình, hình thức theo Chúa, nhưng trong lòng chưa sống giáo huấn của Chúa, hay chưa sống giáo huấn của Chúa đầy đủ.

Tội của tôi là bất tuân lệnh Chúa, vô tâm với anh em.

Tôi đã bước vào đời hiến dâng, hằng ngày dạy người khác phải hy sinh, phải hướng thiện, phải chấp nhận bỏ mình vì tha nhân, sao chính tôi lại không hiến thân?

Tôi dạy phải nhân từ, phảy yêu thương, sao bản thân lại vô cảm trước nỗi đau của đồng loại?

Thôi thì hãy cố tìm lý lẽ tốt để biện minh giúp người đang bị “kết tội”: Do sợ hãi! Bởi sợ nên vô tâm. Tư tế và Lêvi vô tâm đối với người bị cướp vì sợ nhiễm ô uế.

Luật Do thái quy định, ai đụng chạm vào người ngoại giáo, nhất là đụng chạm vào xác chết sẽ bị nhiễm ô uế.

Cứ cho rằng, người bị cướp có thể là người ngoại, lại còn sắp chết. Vì thế, để khỏi nhiễm ô uế, tư tế và Lêvi trong dụ ngôn đã “tránh qua bên kia mà đi”.

Dù vậy, sự không bằng lòng mà Chúa tỏ rõ trong dụ ngôn, dành cho những nhà “chân tu” của dụ ngôn, khó có ngôn từ khả dĩ giúp họ có thể “chạy tội”.

Mặt khác, vì lời Chúa dạy: “Các con đừng sợ những kẻ giết được thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng ra, các con phải sợ Đấng có thể tiêu diệt cả xác lẫn hồn trong hỏa ngục…”, và các tư tế, Lêvi xưa không được phép sợ mà “tránh sang bên kia”, thì tôi, kẻ trước mắt mọi người, là nhà “chân tu” càng không được phép vô cảm.

Thế nhưng, biết bao lần tôi vẫn sống trong sự nơm nớp lo sợ tương tự như thế. Chẳng hạn như sợ không được xây nhà thờ mà đành nhắm mắt làm ngơ trước cảnh bất công của giới cầm quyến.

Hoặc vì quyền lợi tư riêng mà ngậm miệng trước cảnh người nghèo bị áp bức. Hoặc vì để dễ sống, để yên thân sống mà không thèm đếm xỉa gì đến những anh chị em đang bị đố kỵ, bị rẻ rúng, bị chà đạp quyền sống…

Thế giới quanh tôi vẫn còn đó, rất nhiều những người bị “cướp” như hình ảnh người bị cướp trong dụ ngôn Người Samaritanô nhân hậu.

Đó là những bào thai không phương thế tự vệ, vẫn bị giết, bị trục xuất ra khỏi lòng mẹ không thương tiếc. Dù ngày nay Việt Nam đã “được nâng lên” hàng “top” thế giới về phá thai, tôi vẫn thấy không hề hấn gì đến bản thân mình. Thật mỉa mai! Thật chua xót! Một quốc gia nghèo, lạc hậu, không phải vươn lên hết nghèo, hết lạc hậu, mà lại “vươn lên” hàng đầu về thảm trạng phá thai. Càng mỉa mai hơn, vì sợ mà tôi, người được hiến thánh, vẫn cho mọi thứ cứ tự nhiên trôi qua cuộc đời mình.

Đó là những trẻ em bị cướp mất tuổi thơ khi người ta buộc các em phải lao động nặng nhọc, phải tham gia vào con đường tội ác, phải đem chính giá trị tuổi thơ của mình phục vụ những kẻ mang hình người nhưng lương tâm thú tính trong các nhà chứa, trong các đường dây tình dục… Và còn biết bao nhiêu mảnh đời trẻ thơ phải chấp nhận sống chui rúc ở bãi rác, gầm cầu, phố chợ…

Đó còn là những mảnh đời ngụp lặn trong dòng đời nhầy nhụa, mất định hướng sống, mất niềm hy vọng sống. Cũng có thể họ là những người sống lương thiện, nhưng bị nghi ngờ, bị hiểu lầm, bị chèn ép, bị bóc lột, bị hiếp đáp…

Đó còn là những cụ già bị bỏ quên trên góc phố, bị mất tất cả sức lao động, nhưng vẫn phải lê thân từng ngày đội nắng, đội mưa bán vé số, lượm ve chai, ngửa tay xin lòng trắc ẩn của mọi người…

Tất cả những người ấy, đều rất cần những bàn tay của người Samaritanô thời đại. Tôi chỉ có thể làm anh em với tất cả họ, khi chính tôi biết dẹp bỏ thái độ vô tâm của tư tế, Lêvi để cúi xuống trên những đau khổ của họ. Bởi chỉ khi trở thành người Samaritanô, tôi mới thật sự là anh em của những người “bị cướp” ấy.

Lẽ ra tôi phải mang trong lòng mình, khắc sâu trong nội tâm mình tình yêu của Thiên Chúa, thái độ âu yếm, cảm thông của Thiên Chúa, Lời Thiên Chúa dạy yêu thương để sống nhân ái hơn, quan tâm hơn, gần cận anh chị em của mình hơn…

Trong khi đó, nhiều người không đứng trong hàng ngũ “chân tu” như tôi, thậm chí họ chỉ là người ngoại giáo như người Samari ngoại giáo, lại sống đức tin, sống lời của Chúa, sống phù hợp thánh ý Chúa, sống đúng theo lề luật Chúa.

Bất cứ khi nào ý thức mình là người sống trong đời tu, ý thức mình đã hiến dâng cho Chúa, thì tôi càng phải can đảm bênh vực sự thật, công lý, tình yêu, con người… Tôi cần loại trừ hình ảnh tư tế, Lêvi ích kỷ, chỉ tìm vinh thân mà bỏ qua mọi điều tốt phải thực thi, không hề đoái hoài đến những con người bất hạnh, dù họ có ở ngay trước mắt mình.

Từ đây, tôi phải đinh ninh luôn luôn lời Chúa kết luận cho dụ ngôn Người Samaritanô nhân hậu: “Hãy đi, và làm như vậy” (Lc 10, 37), để dấn thân, để can đảm, để ra khỏi chính mình, để sáng danh Chúa, để làm cho không còn tình trạng “cướp”.

Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Khủng bố Hồi Giáo Séléka hồi sinh tái chiếm 60% lãnh thổ Trung Phi
Đặng Tự Do
00:48 08/07/2016
Hôm Chúa Nhật 29 tháng 11, 2015, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mở cửa Năm Thánh Lòng Thương Xót đầu tiên tại nhà thờ chính toà Thánh Giuse ở thủ đô Bangui của Cộng Hoà Trung Phi. Trước biến cố này, nhiều người tin rằng bọn khủng bố Hồi Giáo Séléka chỉ còn là một hồn ma sống vất vưởng ở biến giới với Chad.

Tuy nhiên, trong một báo cáo gởi cho tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, Cha Aurelio Gazzera, một thừa sai tại Cộng Hoà Trung Phi cho biết bọn khủng bố Hồi Giáo Séléka đã hồi sinh và đã đạt những chiến thắng lẫy lừng. Quân đội chính phủ liên tục rút chạy khiến giờ đây bọn khủng bố đã kiểm soát được 60% lãnh thổ!

Cuộc xung đột tại Cộng Hòa Trung Phi đã bùng lên từ ngày 10 tháng 12 năm 2012 giữa quân đội nước này và phiến quân Hồi Giáo Séléka. Do các yếu tố bất ngờ, đến cuối tháng 12 năm 2012, quân Hồi Giáo đã chiếm được nhiều thành phố và ngày 24 tháng Ba năm 2013 chiếm được thủ đô Bangui. Lãnh đạo phiến quân là Michel Djotodia được đưa lên làm tổng thống.

Quân Hồi Giáo Séléka bắt tay ngay vào việc cướp bóc, hãm hiếp, và thủ tiêu các tín hữu Kitô. Nhóm Hồi Giáo cực đoan này thực hiện âm mưu Hồi Giáo hóa đất nước bằng một cuộc diệt chủng người Kitô Giáo trên một quy mô kinh hoàng đến mức chính Michel Djotodia đã bất ngờ tuyên bố từ chức và đào vong ở nước ngoài hôm 10 tháng Giêng năm 2014 để tránh bị bắt đưa ra trước tòa án quốc tế về tội ác chống nhân loại.

Quân Séléka như rắn mất đầu đã mất quyền kiểm soát trên hầu hết các thành phố lớn tại Cộng Hòa Trung Phi và phải rút chạy sang Chad.

Tuy nhiên, trong vòng hai năm qua, các khí tài chiến tranh được liên tục đưa lậu vào Chad từ các quốc gia Hồi Giáo nhằm hồi sinh quân Séléka.

Cha Aurelio giải thích thêm như sau:

“Đã có những thông tin sai được đưa ra trên Internet, theo đó nhiều người Hồi giáo đã bị giết hoặc bị tra tấn dã man. Có ai đó đang cố gắng thúc đẩy tình trạng bất ổn”.

Trong tháng Sáu đã liên tiếp xảy ra các vụ bắt cóc các viên chức cảnh sát ngay tại Bangui, thủ đô của quốc gia. Cha Gazzera nhận xét rằng: “Điều này khẳng định sự suy yếu thê thảm của chính phủ”.
 
Amnesty International: Mỹ ủng hộ các nhóm phiến quân Syria bất chấp tội ác chống các tín hữu Kitô của các nhóm này
Đặng Tự Do
02:13 08/07/2016
Amnesty International, tức là Tổ chức Ân xá Quốc tế, đã công bố một báo cáo về các vụ bắt cóc, tra tấn và giết người trong khu vực kiểm soát của các nhóm phiến quân Syria được Mỹ ủng hộ.

Các báo cáo, được công bố hôm 05 Tháng Bảy, đưa ra "một cái nhìn khác thường về cuộc sống thực sự là như thế nào trong các khu vực dưới sự kiểm soát của các nhóm vũ trang chống chính phủ của tổng thống Bashar al-Assad".

Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, "các nhóm phiến quân này đang được sự ủng hộ mạnh mẽ của Hoa Kỳ và các nước trong khu vực như Qatar, Ả Rập Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ bất chấp những bằng chứng cho thấy các nhóm này đang vi phạm công pháp quốc tế về nhân đạo."

Thảo luận về chính sách khủng bố nhắm vào các Kitô hữu, báo cáo cho biết:

“Nhiều cư dân Kitô hữu là nạn nhân của các vụ bắt cóc trong các khu vực nằm trong tay phiến quân tại Aleppo và Idleb. Họ đã phải đối mặt với những vụ bách hại vì niềm tin tôn giáo của mình. Ba nhà hoạt động và hai linh mục được Tổ chức Ân xá Quốc tế phỏng vấn cho biết phiến quân Jabhat al-Nusra và phong trào Hồi Giáo Ahrar al-Sham đã phá hủy các nhà thờ và gây ra những vụ bắt cóc các Kitô hữu tại Idleb. Họ nói thêm rằng một số gia đình Kitô hữu đã bị buộc cải đạo sang Hồi Giáo hoặc ra đi khỏi các khu vực này với hai bàn tay trắng trong hiểm nghèo .. Bọn Jabhat al-Nusra tại Idleb đã bắt cóc một số lớn Kitô hữu để đòi tiền chuộc hay thậm chí là thủ tiêu họ để tịch thu nhà cửa và đánh cắp đồ đạc của họ.”
 
Một nhà điều dưỡng Công giáo tại Bỉ bị phạt vì từ chối trợ tử cho một bệnh nhân.
Đặng Tự Do
02:30 08/07/2016
Nhà điều dưỡng Công Giáo Thánh Augustinô tại Louvain


Một tòa án dân sự ở Leuven, bên Bỉ đã truyền rằng nhà điều dưỡng Thánh Augustinô của Giáo Hội Công Giáo tại Bỉ “không có quyền từ chối trợ tử vì lý do lương tâm.”

Theo luật pháp của Bỉ, các bác sĩ có thể từ chối tiêm thuốc độc, nhằm mục đích kết thúc mạng sống của một bệnh nhân. Tuy nhiên, tòa án tại Leuven nói rằng “điều khoản lương tâm” này chỉ áp dụng cho cá nhân, không phải cho các tổ chức.

Bệnh nhân trong vụ án này là một phụ nữ 74 tuổi bị ung thư phổi, cuối cùng được đưa ra khỏi nhà điều dưỡng để về nhà riêng của mình, ở đó một bác sĩ đã chích một liều gây tử vong.

Tòa truyền rằng nhà điều dưỡng Thánh Augustinô phải trả tiền phạt là 3,000 € (khoảng 3,320 Mỹ Kim), và 1,000 € cho mỗi một trong ba đứa con của người phụ nữ đã chết vì “các đau khổ không cần thiết về tinh thần và thể chất.”

Cộng với các án phí, nhà điều dưỡng Thánh Augustinô, sau một thời gian tận tình chăm sóc cho người phụ nữ này, đã phải đóng phạt một con số lên đến hơn 10,000 Mỹ Kim.
 
Chung quanh đề nghị của Đức Hồng Y Robert Sarah về tư thế ad-orientem
Đặng Tự Do
07:40 08/07/2016
ĐTC Phanxicô trong tư thế ad-orientem Lễ Chúa Chịu Phép Rửa 2016
Đức Hồng Y Robert Sarah, người Guinea, Tổng Trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, khẳng định Thiên Chúa phải là trung tâm của việc thờ phượng chứ không phải là “con người, những kẻ thế giá và những thành tựu của con người”, là những điều mà ngài cho là đã trở thành quá nổi bật trong các thập kỷ gần đây và đó là lý do tại sao ngài khích lệ các linh mục cử hành thánh lễ trong tư thế ad-orientem, hướng về bàn thờ và quay mặt về hướng Đông.

Những ai chú ý đến các hoạt động của Đức Hồng Y Robert Sarah không ngạc nhiên trước đề nghị này của ngài. Đức Hồng Y, năm nay 71 tuổi, trong một thời gian dài là một nhà vô địch về các học thuyết và thực hành Công Giáo truyền thống. Đề nghị của ngài vào ngày thứ Ba 5 tháng 7 vừa qua theo đó các linh mục nên dâng lễ trong tư thế ad-orientem bắt đầu từ ngày 27 tháng 11, là ngày Chúa Nhật thứ Nhất Mùa Vọng, là hoàn toàn nhất quán với dòng suy luận của ngài.

“Điều rất quan trọng là chúng ta trở lại càng sớm càng tốt với định hướng chung trong đó các linh mục và anh chị em giáo dân cùng quay về một phía là phía đông hoặc ít nhất là hướng về cung thánh, hướng về Chúa, là Đấng sẽ ngự đến” Đức Hồng Y Robert Sarah nói như trên trong một hội nghị về Phụng Vụ Thánh tại Luân Đôn.

Đức Hồng Y đã đề cập đến ý tưởng này trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng Sáu dành cho tạp chí Pháp Famille Chretienne.

Mặc dù lời bình luận của ngài chỉ là một gợi ý chứ không phải là một sắc lệnh, mong muốn của Đức Hồng Y về việc quay trở lại tư thế ad-orientem vẫn tạo ra những phản ứng rộng rãi và cuộc tranh luận, phần lớn vì tư thế này liên quan đến Thánh Lễ Latinh cũ được sử dụng trước Công đồng Vatican II ( 1962-1965).

Cần phải nói ngay rằng Đức Hồng Y Robert Sarah đã không kêu gọi bác bỏ các hình thức Phụng Vụ sau Vatican II, nhưng kết hợp tư thế ad-orientem vào Phụng Vụ sau Công Đồng. Tư thế này bị bỏ rơi sau Vatican II. Tuy nhiên, về nguyên tắc không có lý do tại sao tư thế ấy không thể được sử dụng trong phụng vụ mới, và trong một số ít giáo phận trên thế giới tư thế này đã rất là phổ biến.

Bên cạnh các cuộc tranh luận về chính sách và thần học, nhiều người đang nêu lên một trở ngại thực tế để thực hiện đề nghị của Đức Hồng Y Sarah: Trong khi các nhà thờ được xây dựng trước Vatican II được thiết kế để thích ứng việc tư thế ad-orientem, các nhà thờ được xây dựng sau này sẽ đòi hỏi những sửa đổi quan trọng để di chuyển bàn thờ vào một vị trí phù hợp hơn.

Theo quan điểm của Đức Hồng Y, quay trở lại với tư thế ad-orientem là đưa Thiên Chúa trở lại vị thế trung tâm của đời sống phụng vụ của Giáo Hội.

Đức Hồng Y nói tài liệu đầu tiên của Thánh Công Đồng là các văn bản của Vatican II về phụng vụ, trong đó cho biết một trong những lý do cải cách của Công Đồng là “mong muốn truyền đạt một sức sống không ngừng gia tăng trong đời sống Kitô của các tín hữu.”

Tuy nhiên, Đức Hồng Y đặt câu hỏi: “Thưa các anh chị em của tôi, đâu là nơi các tín hữu mà các Nghị Phụ Công Đồng nói tới? Nhiều người trong số các tín hữu hiện nay không còn là tín hữu nữa: Họ chẳng hề tham dự phụng vụ”.

Trích dẫn Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Đức Hồng Y nói rằng “Nhiều Kitô hữu ngày nay sống trong tình trạng lặng lẽ bỏ đạo, và sống như thể Thiên Chúa không tồn tại.”
 
Đức Thánh Cha khích lệ các tín hữu Chầu Mình Thánh Chúa mỗi ngày
Đặng Tự Do
16:38 08/07/2016
Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích tất cả mọi người chầu Thánh Thể mỗi ngày, nếu có thể, trong một video gởi cho Đại Hội Thánh Thể sắp diễn ra tại Genoa, Italia.

“Nhân ngày hồng phúc được ban tặng cho chúng ta, tôi khuyến khích tất cả các tín hữu hãy luôn luôn tôn vinh Thánh Thể,” Đức Thánh Cha nói trong video gửi Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý, là Đức Hồng Y Bagnasco Agnelo.

Trích dẫn các tài liệu của Thánh Công Đồng Vatican II, Đức Thánh Cha gọi Thánh Thể là “một bí tích của tình yêu, một dấu chỉ của sự đoàn kết, một mối giây bác ái”, và ngài mời gọi các tín hữu hãy để cho mình được nuôi dưỡng bởi Thánh Thể “để được kết hiệp huynh đệ với nhau, và hợp tác trong việc xây dựng Giáo Hội và thế giới tốt hơn”

“Hơn nữa, tôi muốn khuyến khích tất cả mọi người kính viếng Thánh Thể - hàng ngày nếu được - Đặc biệt trong bối cảnh khó khăn của cuộc sống. Bí Tích Thánh tình yêu vô biên của Chúa Kitô và lòng thương xót của Ngài, được bảo quản trong các nhà thờ của chúng ta, và thường bị bỏ rơi. Hãy đến để thân thưa với Ngài, để lắng nghe Ngài trong im lặng, và để yên bình phó thác chính mình cho Ngài.”

Đại hội Thánh Thể sẽ diễn ra từ 15 đến 18 tháng 9 tại thành phố Genoa phía bắc Italia.
 
Một Giám Mục California qua đời năm 1991 được tuyên phong Bậc Đáng Kính
Đặng Tự Do
17:39 08/07/2016
Trong buổi điều trần ngày 08 Tháng 7 với Đức Hồng Y Angelo Amato, Tổng Trưởng Bộ Tuyên Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã phê chuẩn nghị định tuyên thánh cho chín vị.

Trước hết, Đức Thánh Cha phê chuẩn việc công nhận một phép lạ nhờ lời cầu bầu của Cha Ormières Louis sinh năm 1809 và qua đời năm 1890. Ngài là một linh mục người Pháp, là đấng sáng lập Dòng Nữ Thánh Thiên Thần Hộ Thủ. Việc công nhận phép lạ này mở đường cho việc tuyên phong Chân Phước cho ngài.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng phê duyệt hai sắc lệnh công nhận việc tử đạo, mở đường cho việc tuyên phong Chân Phước cho:

Cha Antonio Arribas Hortigüela, MSC (1908-1936) và sáu bạn tử đạo thuộc dòng Thừa Sai Thánh Tâm Chúa Giêsu, bị giết tại Serina, Catalonia, Tây Ban Nha trong cuộc nội chiến tại quốc gia này.

Anh Josef Mayr-Nusser (1910-1945), một giáo dân Ý đã hoạt động trong Hội Thánh Vincent de Paul, một người chồng và người cha của một trẻ sơ sinh. Anh bị gọi nhập ngũ vào quân đội của Hitler nhưng kiên quyết từ chối đọc lời tuyên thệ trung thành với Hitler. Anh chết trên đường tới trại tập trung Dachau.

Cuối cùng, Đức Giáo Hoàng chấp thuận việc công nhận các nhân đức anh hùng cho sáu vị tôi tớ Thiên Chúa, là các vị sẽ được vinh danh với danh hiệu “Bậc Đáng Kính”

Đức Cha Alphonse Gallegos là Giám mục phụ tá Sacramento, sinh năm 1931 và qua đời năm 1991. Ngài sinh tại Albuquerque, thụ phong linh mục Dòng Augustinô vào năm 1958 và được tấn phong giám mục vào năm 1981.

Cha Rafael Sánchez García sinh năm 1911 và qua đời năm 1973, là một linh mục triều tại Tây Ban Nha.

Thầy Andrés García Acosta sinh năm 1800 và qua đời năm 1853, là một tu sĩ Phanxicô sinh tại Tây Ban Nha và qua đời ở Chile

Cha Giuseppe (José) Marchetti, người Ý, sinh năm 1869 và qua đời năm 1896, một nhà truyền giáo dòng Scalabrinian truyền giáo ở Brazil và đồng sáng lập Dòng Thừa Sai Charles Borromeo (Các Nữ Tu dòng Scalabrinian) cùng với em gái của ngài, là Chân Phước Assunta Marchetti

Cha Giacomo Viale, sinh năm 1830 và qua đời năm 1912, là một linh mục dòng Phanxicô người Ý

Chị Maria Pia della Croce (tục danh Notari Maddalena), người Ý, sinh năm 1847 và qua đời năm 1919, là vị sáng lập dòng các Nữ Tu Chầu Thánh Thể
 
Di dân chiếm nhà thờ chính tòa Regensburg
Đặng Tự Do
17:21 08/07/2016
Hôm thứ Ba 5 tháng 7, một nhóm 40 người nhập cư đã chiếm nhà thờ chính tòa Công Giáo tại Regensburg, để đòi được ở lại Đức. Họ là những di dân đến từ các quốc gia vùng Balkan, và không được cấp quyền lưu trú vì thiếu các giấy tờ cần thiết.

Những người nhập cư này đã được đưa đến các trung tâm chuyển tiếp trong vùng Bavaria là Ingolstadt và Regensburg để chờ ngày hồi hương.

Phát ngôn viên của giáo phận Regensburg cho biết giáo phận không đồng ý cho các di dân này chiếm nhà thờ làm nơi tị nạn. Tuy nhiên, cho đến nay, giáo phận cũng không lên tiếng kêu gọi cảnh sát can thiệp. Do đó, sinh hoạt của nhà thờ chính tòa bị gián đoạn từ thứ Ba 5 tháng 7 đến nay.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lễ Thêm Sức tại giáo xứ Vĩnh Hòa, Sàigòn
Văn Minh
08:16 08/07/2016
Giáo xứ Vĩnh Hòa: Lãnh nhận ấn tín Chúa Thánh Thần

“Các con có yêu mến Chúa Giêsu không, yêu mến thì phải giữ Lời Ngài, và thực thi ý của Ngài.”

Trên đây là lời của Đức Tổng Giám mục (ĐTGM) Phaolô Bùi Văn Đọc, mở đầu bài giảng trong Thánh lễ ban bí tích Thêm Sức cho 39 em thiếu nhi trong giáo xứ Vĩnh Hòa, giáo hạt Phú thọ.

Xem Hình

Vào chiều thứ Năm, ngày 07.07.2016, cộng đoàn giáo xứ Vĩnh Hòa hân hoan chào đón ĐTGM – TGP TP. HCM – về thăm mục vụ, chủ tế Thánh lễ và ban bí tích Thêm Sức cho 39 em trong giáo xứ. Đồng tế cùng ngài có cha GioaKim Lê Hậu Hán, chánh xứ Vĩnh Hòa. Ngoài các em thiếu nhi còn có quý vị phụ huynh, bố mẹ đỡ đầu, cùng đông đảo cộng đoàn trong giáo xứ hiệp dâng.

Trước đó, lúc 17g00, các em chuẩn bị được lãnh nhận bí tích Thêm Sức trong trang phục mới trắng tinh xếp thành hai hàng rào đứng trước cổng nhà thờ chào đón Đức Tổng Phaolô, quý cha, quý vị phụ huynh, bố mẹ đỡ đầu trong niềm vui tươi thể hiện trên khuôn mặt của các em.

Đúng 17g30, 39 em thắp sáng ngọn nến trên tay rước Đức Tổng cùng quý cha từ dưới hội trường vào trong ngôi thánh đường, hòa trong tiếng kèn đồng rộn rã trong bài hát “Thánh Thần hãy đến”.

Đầu lễ, ông chủ tịch Gioan Baotixiata Nguyễn Văn Thơi, thay mặt cộng đoàn giáo xứ Vĩnh Hòa lên ngỏ lời chào mừng Đức Tổng Phaolô, đã về với giáo xứ nhỏ bé thân thương cùng hiệp dâng Thánh lễ trọng đại hôm nay. Nhân đây, ông chủ tịch cũng giới thiệu đôi nét về giáo xứ Vĩnh Hòa lên Đức Tổng.

Giáo xứ hiện gồm có 4 giáo họ: giáo họ Đaminh, giáo họ Mông Triệu, giáo họ Vinhsơn và giáo họ Phaolô, có 06 ca đoàn, 10 hội đoàn tông đồ đạo đức. Trong đó, có 350 em thiếu nhi, và 35 anh chị giáo lý viên cùng với số giáo dân là 3.860 nhân khẩu.

Từ khi giáo xứ khai mạc Năm Thánh, sau hồi chuông lúc 21g00, các gia đình trong giáo xứ cùng nhau đọc kinh Năm Thánh.

Kế đó, cha xứ giới thiệu danh sách các em được lãnh nhận bí tích Thêm Sức hôm nay lên Đức Tổng và cộng đoàn gồm có 39 em. Trong đó, có 19 em nam, và 20 em nữ đã qua khóa học giáo lý 06 năm đạt kết quả.

Trong phần giảng lễ, ĐTGM đã vấn đáp các em chuẩn bị lãnh nhận bí tích Thêm Sức. “Các con có yêu mến Chúa Giêsu không?” Các em: “Dạ có”. “Vậy yêu mến Chúa Giêsu thì các con phải làm gì?” Các em: “Yêu mến Chúa Giêsu là phải giữ Lời Chúa”. Đức Tổng giảng giải cho các em, yêu mến Chúa Giêsu là phải giữ lời Ngài, là phải thực thi theo ý Ngài dạy, phải biết lắng nghe và thực hành theo ý của Ngài, giống như trong gia đình các con vâng nghe theo ý của ông bà, bố mẹ của mình vậy.

Ngoài Chúa Cha và Chúa Con ra, các con còn có Chúa Thánh Thần, là Đấng bảo trợ cho các con. Chính Ngài xuống dạy dỗ và ban cho các con những đặc ân như: ơn khôn ngoan, ơn hiểu biết, ơn sức mạnh, ơn thông minh và biết kính sợ Thiên Chúa. Nhờ đó, các con hãy ra đi loan báo Tin Mừng về Đấng cứu độ cho mọi người và mọi nơi. Đặc biệt, là cho những người còn chưa biết Chúa nơi môi trường xung quanh và nơi mình đang sinh sống.

Sau bài giảng; các em được lãnh nhận bí tích Thêm Sức thắp sáng ngọn nến cháy trên tay lập lại lời tuyên xưng đức tin khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội, Đức Tổng Phaolô đọc lời nguyện ban bí tích Thêm Sức cho các em. Sau đó, lần lượt từng em cùng bố hoặc mẹ đỡ đầu tiến đến trước mặt Đức Tổng để ngài xức dầu thánh trên trán và trao ban bình an cho các em. Cùng lúc đó, ca đoàn Thiếu Nhi hát bài “Thánh Thần hãy đến”.

Nối tiếp Thánh lễ, các em đại diện lên đọc lời nguyện tín hữu và dâng những của lễ hèn mọn cùng Đức Tổng dâng lên Thiên Chúa với tấm lòng thành kính.

Sau phần hiệp lễ, vị phụ huynh đại diện lên cảm ơn Đức Tổng Phaolô, cha xứ Gioakim, quý vị phụ huynh, quý vị trong HĐMVGX, cách riêng, đối với các anh chị huynh trưởng là những người đã hy sinh thời gian công sức truyền đạt kiến thức giáo lý cho các em trong suốt thời gian qua, nhờ đó mà các em mới có được kết quả và niềm vui này. Để tỏ lòng tri ân vị chủ chăn đáng kính của Giáo phận, bó hoa tươi thắm được em thiếu nhi dâng lên cảm ơn ngài trong tiếng pháo tay giòn giã của các em và cộng đoàn. Đáp từ, ĐTGM rất vui mừng khi về thăm mục vụ tại giáo xứ Vĩnh Hòa, được cha xứ GioaKim đón tiếp và tổ chức Thánh lễ diễn ra thật tốt đẹp và sốt sắng.

Trước khi cộng đoàn lãnh nhận Ơn Toàn Xá từ Đức Cha chủ tế, cộng đoàn đã cùng nhau đọc một kinh Lạy Cha, Kinh tin Kính.

Thánh lễ khép lại lúc 19g00. Sau đó, Đức Tổng Phaolô, cha xứ GioaKim cùng các em chụp chung tấm hình kỷ niệm. Trước khi ra về, các anh chị huynh trưởng trao cho mỗi em được lãnh nhận bí tích Thêm Sức một phần quà.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Lòng thương xót, yếu tính của Tin Mừng và chìa khóa dẫn vào đời sống Kitô hữu (21)
Vũ Văn An
19:07 08/07/2016
VI. Phúc thay ai có lòng thương xót (tiếp theo)

2. “Tha thứ cho nhau” và giới răn yêu thương kẻ thù

Lệnh truyền yêu thương người lân cận của Chúa Giêsu không những chỉ có tính trung tâm, nó còn triệt để nữa, triệt để đến nỗi có thể làm bạn hết hơi. Trong các phản đề của Bài Giảng trên Núi, cùng với mệnh lệnh phải chính trực hoàn hảo hơn nữa (Mt 5:20), Chúa Giêsu vượt quá không những truyền thống Do Thái, mà còn vượt quá mọi biện pháp của con người nói chung. Điều này rõ nhất trong lệnh truyền từ bỏ bạo lực: “Đừng chống cự kẻ làm điều ác”. Theo cách này, Người bác bỏ điều vẫn gọi là ius talionis (quyền trả đũa), tức qui luật “mắt đền mắt, răng đền răng” (Xh 21:24) và thiết lập ra một qui luật khác thay thế: “Nhưng nếu ai vả má phải của anh em, anh em hãy chìa má kia cho họ…” (Mt 5:38-42; xem Lc 6:29tt). Điều này vượt xa sức con người bình thường. Nó đòi ta một sự hào phóng nhân bản và Kitô Giáo và sự tự chế biết phá bỏ hết mọi vòng sự ác và cái vòng lẩn quẩn của bạo lực và phản bạo lực, bằng cách thiết lập hòa bình thay thế cho chúng.

Đối với Chúa Giêsu, tuyệt đỉnh và biểu thức cao nhất của lòng thương xót và của tình yêu vốn được đòi hỏi trong Bài Giàng trên Núi chính là lệnh truyền yêu thương kẻ thù của ta: “Anh em hãy yêu thương các kẻ thù của anh em và cầu nguyện cho những người bách hại anh em”. Chúa Giêsu thiết lập lệnh truyền tột cùng này, tột cùng theo tầm nhìn hoàn toàn nhân bản, dựa trên tác phong tột cùng của Thiên Chúa đối với kẻ tội lỗi. Người phán: “Để các con có thể trở thành con cái của Cha các con ở trên trời;… Do đó, các con hãy hoàn thiện như Cha các con ở trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5:43-48; xem Lc 6:27-29, 32-36). Trong Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu dạy ta cầu xin Thiên Chúa tha nợ chúng ta như chúng ta tha cho những người mắc nợ chúng ta (Mt 6:12; Lc 11:4). Chúa Giêsu nói thêm rằng ta nên tha thứ không phải một lần, cũng không phải bẩy lần mà là bẩy mươi lần bẩy (Mt 18:21-22) có nghĩa là vô kể lần. Chúa Giêsu minh họa lệnh truyền này trong dụ ngôn người đầy tớ không chịu tha thứ (Mt 18:23-35). Chính Chúa Giêsu đã tha thứ khi Người đang hấp hối trên thập giá: “Lạy Cha, xin tha thứ cho họ; vì họ không biết việc họ đang làm” (Lc 23:34). Phó tế và là vị tử đạo đầu tiên, Thánh Stêphanô, đã nói lên cùng một lời van xin như thế khi ngài bị ném đá và đang hấp hối (Cv 7:60).

Trong thế giới cổ thời, tha thứ, theo nghĩa ân xá, được coi là nhân đức của vua chúa. Nó là một hành vi hào hiệp vốn giả thiết quyền tối thượng. Thực vậy, chỉ có Thiên Chúa mới có thể tha thứ. “Ai có thể tha tội được nếu không phải một mình Thiên Chúa?” (Lc 5:21). Cho nên, tha thứ chỉ có thể có trong quyền lực và với sự thúc đẩy của hoạt động cứu rỗi của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu Kitô (Rm 3:25tt). Nó chỉ có thể có dưới ánh sáng lời quả quyết rằng Thiên Chúa đã giao hòa chúng ta với Người trong khi chúng ta vẫn còn đang thù nghịch với Người (Rm 5:10). Theo khuôn mẫu tác phong của Thiên Chúa, cả ta nữa cũng phải có lòng thương xót: “(Xin Cha) tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chung con” (Mt 6:12; Lc 11:4).

Như thế, tha thứ cũng là điều cần thiết. Bởi thế, “[Hãy tha thứ] cho nhau, như Thiên Chúa nơi Chúa Kitô đã tha thứ cho anh em” (Ep 4:32). “Như Chúa đã tha thứ cho anh em thế nào, anh em cũng phải tha thứ như vậy” (Cl 3:13).

Điều rõ ràng là: xét về phương diện nhân bản, yêu kẻ thù của mình có lẽ là lệnh truyền khó khăn hơn cả của Chúa Giêsu, ấy thế nhưng, đồng thời, nó là một trong những giới răn trung tâm nhất của Kitô Giáo. Nó bắt nguồn trong yếu tính thâm sâu nhất của mầu nhiệm Kitô Giáo và, do đó, tượng trưng cho đặc điềm chuyên biệt của tác phong Kitô Giáo (19). Các giáo phụ tin rằng giới răn này là một yếu tính thuộc riêng Kitô Giáo và là một điều mới mẻ đối với cả Cựu Ước lẫn triết lý ngoại giáo (20). Thư thứ hai của Thánh Clêmentê viết thế này: "bất cứ ai không yêu người ghét mình thì không phải là Kitô hữu” (21). Tertulianô gọi tình yêu kẻ thù của mình là “lề luật nền tảng” (22); đối với Thánh Chrysostom, nó là sự thuyết minh cao nhất của nhân đức (23).

Dĩ nhiên, các giáo phụ cũng biết tới các khó khăn trong việc thể hiện cụ thể giới răn này khi giáp mặt với các phức tạp và cơ cấu tội lỗi trên thế giới. Để đạt tới một giải pháp, các ngài đã khai triển một thứ đạo đức học hai bậc. Theo Thánh Ambrôsiô, lấy ác báo ác không phải là một nghĩa vụ; nhưng lấy thiện báo ác mới là sự hoàn thiện (24). Theo Thánh Augustinô, hình thức bố thí cao nhất là tha thứ những ai xử tệ với chúng ta.

Đã đành, ngài hiện thực đủ để biết rằng đại đa số người ta không có được nhân đức này vì nó vốn là một hồng ân cho các con cái hoàn hảo của Thiên Chúa. Tuy nhiên, mọi tín hữu phải cố gắng theo đuổi nhân đức này, và cầu xin cho có nó. Ít nhất, tín hữu cũng nên tha thứ cho những người xin họ tha thứ. Trong trường hợp này, bất cứ ai không tha thứ đều sẽ không được Cha trên trời tha thứ (Mt 6:15). Thánh Augustinô nói tới điều này với một lời cảnh cáo đáng sợ: bất cứ ai không chịu thức tỉnh đối với lời kêu gọi này, họ không phải chỉ đang thiếp ngủ, mà thực sự đã chết rồi (25). Một chủ trương tương tự như thế nhưng được đặt thang bậc cũng đã tìm thấy nơi Thánh Tôma Aquinô: điều cần thiết đối với tình yêu là phải chuẩn bị tâm hồn để khi cần, phải yêu kẻ thù của mình, trong một trường hợp cụ thể, nhưng, mặt khác, hành động yêu kẻ thù của mình, độc lập với bất cứ sự cần thiết nào, mà chỉ vì lòng yêu mến Thiên Chúa, thì không cần thiết để được cứu rỗi. Trong trường hợp này, yêu kẻ thù không thuộc sự cần thiết mà thuộc sự hoàn thiện của tình yêu (26). Dù người ta có thể nhìn thấy tính hiện thực Kitô Giáo trong các cố gắng vừa kể nhằm làm dịu hay giảm nhẹ độ khắc nghiệt của lệnh truyền phải yêu kẻ thù, ta cũng vẫn không nên quá dễ dãi trong việc coi nhẹ lệnh truyền này. Đối với các giáo phụ này, việc thể hiện trọn vẹn tình yêu đối với kẻ thù không còn là một tập chú như đối với Chúa Giêsu nữa. Đúng hơn, nó áp dụng vào những hoàn cảnh hạn chế, hay là mục đích tối hậu của việc thực hành đức tin Kitô Giáo (27). Yêu kẻ thù lại càng khó khăn hơn trong bối cảnh chiến tranh. Trong các cuộc chiến tranh, không thể giới hạn tình yêu kẻ thù vào đòi hỏi phải thắng các cảm xúc thù hận có tính bản thân, do đó, giới hạn tình yêu kẻ thù vào thiên hướng cá nhân. Chúa Giêsu muốn hành vi cụ thể (28).

Không những các cá nhân Kitô hữu, và không những các quốc gia, nhưng cả Giáo Hội cũng phải vật lộn với việc thể hiện tình yêu đối với kẻ thù. Vì Kitô Giáo đã hành xử ra sao trong trường hợp bách hại người Do Thái và các người lạc giáo, thời thập tự chinh và thời chiến tranh tôn giáo? Giáo Hội đã đối xử thế nào với những người đối nghịch với mình trong các cuộc bút chiến và tranh cãi, mà thường vốn không được khách quan và công bình? Và biết bao bài giảng về chiến tranh cũng đã để lại nhiều ấn tượng rùng rợn. Cho nên, không những các cá nhân Kitô hữu mà chính Giáo Hội đôi khi cũng không tuân theo lệnh truyền yêu thương kẻ thù. Ở đây cũng thế, lý tưởng và thực tế thường cách xa nhau.

Các câu hỏi được nêu lên không phải chỉ liên quan đến vấn đề chiến tranh và hòa bình, mà còn liên quan đến người hàng xóm không thân thiện, đến đối thủ nghề nghiệp, và người cạnh tranh trong kinh doanh, chính trường, và các lãnh vực khác của đời sống. Trong các lãnh vực kinh tế và chính trị, không thể tránh các tình thế phải cạnh tranh, trong đó, người ta muốn hạ giá và đem kẻ đối nghịch chính trị và địch thủ kinh doanh đến chỗ phải qui hàng, không về phương diện bản thân, thì chắc chắn về phương diện kinh tế và chính trị. Và trên thế giới, như ta thấy cụ thể hiện nay, người ta buộc phải làm như vậy. Trong các tình huống như thế, người ta không thể trung thực loay hoay đưa ra các thứ phân biệt như ta thấy nơi Thánh Augustinô và Thánh Tôma.

Nhưng, họ có thể hỏi thêm, giới răn yêu thương kẻ thù liệu có thực tiễn không? Há giới răn này không phải là một không tưởng hay sao? Há nó không đòi hỏi người ta quá đáng đó ư? Làm thế nào một bà mẹ có thể yêu thương kẻ đã giết con mình? Bà có thể tha thứ cho kẻ sát nhân không? Chúng ta sẽ đi tới đâu nếu ta không đưa ra bất cứ sự chống đối nào đối với sự ác, nếu ta tha thứ, không đòi hỏi công lý? Trong trường hợp này, há người ta đã không tưởng thưởng cho kẻ hành động một cách bất công đó sao? Heirich Heine, Friedrich Nietzsche, Sigmund Freud, và nhiều người khác đã nêu ra các câu hỏi như thế, một cách có phê phán và bút chiến. Đối với Freud, giới răn yêu thương kẻ thù thuộc thứ credo quia absurdum est (tôi tin vì đây là điều vô lý) (29).

Nhưng ngược với câu hỏi: chúng ta sẽ đi tới đâu nếu từ khước bạo lực bằng cách tha thứ, người ta có thể hỏi: chúng ta sẽ đi tới đâu nếu không có ân xá và tha thứ, khi ta đáp trả mọi sự ác làm cho ta bằng một sự ác khác, khi ta lấy mắt đền mắt, lấy răng đền răng? Sau kinh nghiệm kinh hoàng do các tàn bạo của thế kỷ 20 đem đến, vấn đề tha thứ và yêu thương kẻ thù đã trở thành một vấn đề phổ biến đáng buồn và ở nhiều giới, dẫn tới sự khẩn thiết đòi phải suy nghĩ lại. Tuy nhiên, mọi người đều thấy rõ: dù thương xót, tha thứ và ân xá có là các hành vi siêu nhân bao nhiêu đi chăng nữa, chúng vẫn có tính hợp lý cao độ.

Chỉ khi nào ta biết vươn tay ra một lần nữa, quá bên kia các giao thông hào phân rẽ, để xin tha thứ cũng như để tha thứ, thì các cuộc tranh chấp đổ máu và gây chấn thương mới được xử lý; diễn trình hàn gắn các vết thương từng phải chịu trước đó mới được khởi động; và cái vòng luẩn quẩn bạo lực và phản bạo lực, cũng như cái vòng luẩn quẩn của tội phạm và trả đũa (hận máu) mới bị bẻ gẫy. Người ta không thể chỉ đơn giản quên đi điều tai hại đã làm; người ta lại càng không được phép đơn giản mưu toan che lấp nó. Họ phải trung thực đối diện với điều tai hại mình đã làm và thừa nhận nó. Chỉ có thế, nó mới dẫn ta tới một ký ức hòa giải, trong đó, các mối tương quan được giải độc và mất hết tính chất thù nghịch của nó. Nhờ ký ức hòa giải hàn gắn các vết thương của quá khứ này, một khởi đầu mới được tạo ra và một tương lai mới và của chung mới có thể có (30).

Điều trên đúng không phải chỉ đối với lãnh vực tương quan bản thân, mà còn cả trong lãnh vực chính trị nữa. Ở đây, có lẽ ta có thể nghĩ tới các cuộc hoà giải giữa Kitô Giáo và Do Thái Giáo, giữa Đức và Do Thái, giữa Đức và Pháp, hay giữa Đức và Ba Lan từng diễn ra sau Thế Chiến II. Ta cũng có thể nghĩ tới Ủy Ban Sự Thật ở Nam Phi, ở Ái Nhĩ Lan, và nhiều nơi khác (31). Cuối cùng, ta có thể nghĩ tới các liên hệ đại kết và liên tôn đã được thay đổi, trong đó, bất chấp mọi dị biệt khách quan tồn đọng, các thù hận cũ và việc suy nghĩ theo lối bè phái và tranh chấp phần lớn đã được vuợt qua, nhừng chỗ cho việc hợp tác để xây dựng công lý và hòa bình trên thế giới. Do đó, lòng yêu thương kẻ thù không hề là thứ credo quia absurdum est mà đúng hơn là loại credo quia rationale est (tôi tin vì đây là điều hợp lý).

3. Các việc thương xót phần xác và phần hồn

Tương hợp với truyền thống Do Thái Giáo, Tân Ước có nhiều danh mục liệt kê các nhân đức đề cập tới và giải thích giới răn thương xót (1Pr 3:8; xem Rm 12:8, 15; Pl 1:8; 2:1; Cl 3:12; Dt 13:3). Một danh mục như thế cũng tìm thấy trong diễn từ của Chúa Giêsu về Phán Xét Sau Cùng (Mt 25). Dựa trên căn bản này của Tân Ước, truyền thống Kitô Giáo đã bổ sung ý nghĩa cụ thể của lòng thương xót. Để làm việc này, nó đã phân biệt và kể rõ chi tiết của bẩy việc thương xót phần xác và bẩy việc thương xót phần hồn (32).

Các việc thương xót phần xác là: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, viếng kẻ liệt (cùng kẻ tù rạc), cho khách đỗ nhà, chuộc kẻ làm tôi và chôn xác kẻ chết. Các việc thương xót phần hồn là: lấy lời lành mà khuyên người, mở dạy kẻ mê muội, yên ủi kẻ âu lo, răn bảo kẻ có tội, tha kẻ dể ta, nhịn kẻ mất lòng ta, cầu cho kẻ sống và kẻ chết. Trong Luật của ngài, Thánh Bênêđíctô đã thêm vào các việc này, hay như ngài nói, các dụng cụ của việc làm tốt này, một việc đó là “đừng bao giờ thất vọng về lòng thương xót của Thiên Chúa” (33).

Liên quan tới các việc thương xót phần xác, và nhất là các việc thương xót phần hồn, điều đáng lưu ý là chúng ta không xử lý với việc ngăn cấm các vi phạm giới răn minh nhiên của Thiên Chúa. Giống như trong diễn từ của Chúa Giêsu về Phán Xét Sau Cùng, không kẻ tội lỗi phạm tội sát nhân, trộm cướp, ngoại tình, gian dối hay lừa đảo nào bị lên án cả. Lời lên án của Chúa Giêsu không liên quan tới các vi phạm giới răn Thiên Chúa, mà đúng hơn liên quan tới việc không làm điều tốt. Một lần nữa, đây là vấn đề công chính cao hơn (Mt 5:20). Vì vậy, người ta có thể phạm tội không những vì vi phạm giới răn Thiên Chúa mà còn vì không chịu làm điều tốt, một điều, bất hạnh thay, thường ít được lưu ý.

Như thế, lòng thương xót được quan tâm nhiều hơn công lý; đây là vấn đề chú ý tới và mẫn cảm với các nhu cầu cụ thể của chúng ta. Đây là vấn đề thắng vượt việc quá chú ý tới ta khiến ta điếc và mù đối với các nhu cầu phần xác và phần hồn của người khác. Đây là vấn đề làm trái tim ta ra mềm mại trước lời mời gọi của Thiên Chúa mà ta nghe được trong cuộc chạm trán với nghịch cảnh của người khác (34).
Việc kể ra một cách rõ rệt các việc thương xót phần hồn phần xác, do đó, không ngây thơ cũng không tùy tiện. Nó tương ứng với việc phân biệt bốn cảnh nghèo. Dễ hiểu nhất là cảnh nghèo thể lý và kinh tế: không mái nhà để che đầu và không có thực phẩm trong nồi trong niêu, đói và khát, hay không có quần áo và nơi trú ẩn để bảo vệ mình khỏi các nghịch cảnh thời tiết và khí hậu. Ngày nay, người ta còn có thể thêm nạn thất nghiệp vào danh sách này. Thêm vào đó, còn có các bệnh tật hay khuyết tật trầm trọng chưa có may mắn được y khoa chữa trị và chăm sóc thỏa đáng.

Không kém phần quan trọng so với cảnh nghèo thể lý là cảnh nghèo văn hóa: mà trường hợp cùng cực nhất chính là nạn mù chữ; kém một chút những vẫn trầm trọng là không có cơ hội hay ít có cơ hội được giáo dục, và do đó, ít có viễn ảnh tương lai. Cảnh nghèo văn hóa cũng bao gồm việc không được tham gia vào sinh hoạt xã hội và văn hóa. Hình thức thứ ba của cảnh nghèo là thiếu các mối liên hệ. Là một tạo vật có tính xã hội, con người có thể kinh qua nhiều hình thức nghèo khổ: cô đơn và cô lập, mất người bạn đời, mất các thành viên trong gia đình hay mất bạn bè, các trở ngại về thông đạt, bị loại khỏi các giao tiếp xã hội, hoặc do chính họ gây ra hay do người khác áp đặt, bị kỳ thị và bị cách ly, trong đó, hình thức cùng cực nhất là bị tù đầy hay biệt xứ. Hình thức nghèo sau cùng cần phải nhắc đến là nghèo tâm thần hay tâm linh, một vấn đề rất nghiêm trọng tại Tây Phương: thiếu hướng dẫn, trống rỗng nội tâm, tuyệt vọng và phiền muộn, thất vọng về ý nghĩa cuộc hiện sinh của chính mình, lầm lạc về luân lý và thiêng liêng đến độ sao lãng chính linh hồn mình.

Tính đa dạng và đa chiều của các tình trạng nghèo khổ trên đòi phải có một đáp ứng đa chiều. Trợ giúp vật chất hiển nhiên là điều nền tảng. Vì chỉ khi nào đời sống hay việc sống còn có tính căn bản về thể lý được bảo đảm, thì cảnh nghèo về văn hóa, về xã hội và về tâm linh mới được chữa trị. Tuy nhiên, lòng thương xót Kitô giáo không thể và có lẽ không tự giới hạn vào việc xử lý cảnh nghèo khổ thể lý, vì lòng thương xót chỉ nhân đạo nếu nó không đặt người túng thiếu vào tình huống liên tục phải lệ thuộc, mà đúng hơn, cung cấp cho họ một sự trợ giúp để họ tự giúp họ. Điều này chỉ có thể có nếu tình huống văn hóa, xã hội và tâm linh của nghèo khó cũng được chữa trị. Do đó, đức ái Kitô Giáo đòi phải có một phương thức toàn diện, biết nhìn các chiều kích khác nhau của cảnh nghèo trong các mối tương quan hỗ tương của chúng và nhờ thế giúp dự phòng không những cho việc sống còn, mà đúng hơn còn giúp dự phòng cho một cuộc sống ít nhất cũng mãn nguyện đôi chút về phương diện nhân bản.

Trong một lời cầu nguyện năm 1937, Nữ Tu Faustina đã phát biểu một cách rất đẹp đẽ sự tinh tế trong cảm nhận thương xót đã tiến rộng và tiến sâu như thế nào, nó có ý nghĩa cụ thể nào đối với một Kitô hữu, và nó có thể thực hiện được điều gì cách cụ thể:

“Ôi lạy Chúa, xin Chúa giúp con để mắt con biết thương xót, ngõ hầu con không bao giờ nghi ngờ hay phán đoán từ các dáng vẻ bề ngoài, nhưng tìm kiếm những gì đẹp đẽ trong linh hồn các người lân cận của con và chạy tới cứu giúp họ.

“Ôi lạy Chúa, xin Chúa giúp con để tai con biết thương xót, ngõ hầu con có thể lưu ý tới nhu cầu của các người lân cận của con và đừng dửng dưng với các nỗi đau và buồn thảm của họ.

“Ôi lạy Chúa, xin Chúa giúp con để lưỡi con biết thương xót ngõ hầu con không bao giờ nói tiêu cực về các người lân cận của con, nhưng có lời an ủi và tha thứ mọi người.

“Ôi lạy Chúa, xin Chúa giúp con để tay con biết thương xót và đầy những việc làm tốt lành, ngõ hầu con chỉ làm điều tốt cho các người lân cận của con và con tự mang lấy những trách vụ khó khăn và vất vả hơn.

“Ôi lạy Chúa, xin Chúa giúp con để chân con biết thương xót, ngõ hầu con mau mắn giúp đỡ người lân cận của con, bất chấp sự mệt mỏi và kiệt sức của riêng con. Sự nghỉ ngơi thực sự của con là được phục vụ người lân cận của con.

“Ôi lạy Chúa, xin Chúa giúp con, để trái tim con biết thương xót ngõ hầu con biết cảm nhận mọi đau khổ của người lân cận của con. Con sẽ không từ khước lòng mình cho bất cứ ai. Con sẽ thành thực với cả những người con biết sẽ lạm dụng lòng tốt của con. Và con sẽ nép mình vào Trái Tim hay thương xót nhất của Chúa Giêsu. Con sẽ chịu các đau khổ của riêng con trong im lặng. Ôi lạy Chúa, xin cho lòng thương xót của Chúa ngự trên con.

“Chính Chúa truyền cho con thi hành ba mức độ của lòng thương xót. Mức thứ nhất: hành vi thương xót, thuộc bất cứ loại nào. Mức thứ hai: lời nói thương xót, nếu con không thi hành được việc thương xót, con sẽ phụ giúp bằng lời nói của con. Mức thứ ba: cầu nguyện, nếu con không thể biểu lộ được lòng thương xót bằng việc làm hay bằng lời nói của con, con luôn luôn có thể làm như thế bằng lời cầu nguyện. Lời cầu nguyện của con vươn tới cả những nơi con không thể vươn tới bằng thể lý.

“Ôi lạy Chúa Giêsu của con, xin Chúa biến đổi con thành ra Chúa, vì Chúa có thể làm mọi sự” (35).

Kỳ sau: 4. Đừng thương xót giả hiệu kiểu để mặc!
______________________________________________________________________________________________________________
(19) Luz, Matthew 1-7, 285-87.
(20) Athenagoras, A Plea for the Christians, 11; Tertullian, To Scapula, 1; Origen, Against Celsus, 59-61.
(21) 2 Clement, 13tt.
(22) Tertullian, Of Patience, 6
(23) Thánh Chrysostom, Chú Giải Thánh Mátthêu, Bài Giảng 18, n.3.
(24) Thánh Ambrôsiô, Về Các Nghĩa Vụ của Hàng Giáo Sĩ, 48, nn.242-48.
(25) Thánh Augustinô, Handbook on Faith, Hope, and Love, 73-74.
(26)Thánh Tôma Aquinô, Summa theoligiae, pt. II/II, q.25, a.8; xem a.9.
(27) Luz, Matthew 1-7, 290-91.
(28) Đã dẫn, 291. Về vấn đề chiến tranh, xem chương VII.
(29) Đã dẫn, 292.
(30) Về vấn đề này, xem tài liệu của Ủy Ban Thần Học Quốc Tế, Memory and Reconciliation : The Church and the Faults of the Past (1999). Bản văn có tại http://www.vatican.va/roman_curia/congregations/cfaith/cti_documents/rc_con_cfaith_doc_20000307_memory_reconc-itc_en.html.
(31) xem Paul M. Zulehner, Gott is grӧẞer als unser Herz (Ostfildern: Schwabenverlag, 2006), 146-52.
(32) Xem Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo số 2447.
(33) Luật Thánh Bênêđíctô, IV, 74.
(34) Christoph Schӧnborn, We Have Found Mercy: The Mystery of Divine Mercy, bản dịch của Michael J. Miller (San Francisco, Ignatius, 2012), 102-5.
(35) Tagebuch der Schwester Maria Faustyna Kowalska (Hauteville:Parvis Verlag, 1990), 80tt.
 
Văn Hóa
Sống vui, sống khỏe, sống lâu
Lm Giuse Trần Việt Hùng
13:37 08/07/2016
Sống vui, sống khỏe, sống lâu,
Ngày qua tháng tới, nguyện cầu bình an.


Thượng Đế trao ban cho các loài thụ tạo được ơn sự sống. Sự sống là một mầu nhiệm. Mọi loài có sự sống đều có sinh, có tử. Có lúc khởi đầu và có lúc kết thúc. Không một loài thụ tạo nào sống mãi trên trần đời. Đời sống và sự tồn tại của mỗi loài đều khác biệt. Sự lưu truyền giống nòi cũng là một bí ẩn thẳm sâu. Từ tạo thiên lập địa, các loài sinh vật cứ tiếp nối truyền sinh và bảo tồn bản năng tự nhiên.

Loài người là thụ tạo cao quý được Tạo Hóa trao ban khả năng phát triển. Qua bao thời đại, con người đều cố gắng tìm tòi ý nghĩa, khám phá canh tân và mong đạt ước mơ. Làm sao chúng ta có thể sống vui, sống khỏe và sống lâu? Nhạc sĩ Y Vân (1933-1992) đã viết bài hát mang tên (60 Năm Cuộc Đời): “Em ơi, có bao nhiêu? 60 năm cuộc đời. 20 năm đầu, sung sướng không bao lâu. 20 năm sau, sầu vương cao vời vợi. 20 năm cuối là bao!” Khi tới tuổi 60 thì được lên hàng ‘cụ’, vào lục tuần. Tuổi của sự hưởng lạc, nghỉ ngơi và an vui bên đàn con lũ cháu.

Tuổi thọ trung bình của con người là 70. Trong Sách Cựu Ước, Thánh Vịnh 90 đã nhắc nhở mọi người: “Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục, mạnh giỏi chăng là được tám mươi, mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ, cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi.” (Tv 90, 10). Thực tế cuộc sống không như chúng ta vẫn mong đợi. Dọc cuộc đời, chúng ta đã chứng kiến biết bao nhiêu người đã ra đi từ tuổi: Sơ sinh, trẻ thơ, thiếu niên, thanh niên, trung niên, cao niên và lão niên. Cái chết, kết cục cuộc sống, có thể đến với bất cứ ai trong bất cứ lứa tuổi nào.

Thời gian thấm thoát qua mau. Một vài suy tư cho những ai đang bước vào lục tuần, tuổi 60. Nhìn lại những thế hệ trẻ theo sau, các cụ ta đã và đang bị đôn lên hàng đầu. Hiện nay, số người đang sinh sống trên thế giới là khoảng 7 tỉ 4. Chỉ có 12% số người đang sống từ 60 tuổi trở lên. Có nghĩa là khoảng 810 triệu số người đang được hưởng thọ. Những cụ ông, cụ bà bước vào lục tuần chẳng còn bao nhiêu người. Các cụ chỉ còn 10 năm, 20 năm hay cố lắm là 30 năm để sống trên trần đời.

Ngắn quá phải không các bạn! Chúng ta mong mỏi bước lên tuổi 50, rồi 60 và từ đó sẽ đổ dốc. Hãy tìm ra ý nghĩa đích thực của cuộc sống, để đi trọn cuộc lữ hành trần thế. Còn 10 hay 20 năm nữa thôi, chúng ta cần phải làm gì? Hãy sống từng phút giây trong an vui hạnh phúc và khỏe mạnh. Rất ý nghĩa khi tác giả Dale Carnegie gợi ý trong Tác Phẩm “How To Stop Worrying And Start Living”, ‘Quẳng Gánh Lo Đi Và Vui Sống’.

Chúng ta lo toan đã nhiều. Chúng ta đã bon chen, lao lực, tranh dành và phấn đấu để sở hữu được nhiều thứ: Tiền bạc, của cải, tiếng tăm, danh dự, danh xưng, quyền lực và ảnh hưởng…tất cả mọi thứ cũng dần khép lại. Trên tuổi 60, nếu còn được chỗ đứng trong xã hội và sức khỏe kiện toàn là một hạnh phúc tuyệt vời. Nhưng tất cả những thành qủa này cũng chẳng còn kéo dài được bao lâu nữa. Hãy biết tận dụng những gì bạn đang sở hữu để sinh ích cho mình, cho gia đình và cho xã hội. Dùng thời gian quý báu này để dựng xây và đem niềm an vui hoan lạc cho cuộc sống.

Bước vào tuổi 60, sẽ có nhiều đổi thay cả thân xác lẫn tinh thần. Các triệu chứng bệnh hoạn bắt đầu nẩy sinh, đau lưng nhức mỏi, thấp khớp, mắt mờ, tai lãng, cao máu, cao mỡ, lục phủ ngũ tạng bắt đầu có triệu chứng và châu thân mệt mỏi…. Tinh thần có thể còn tinh anh, kinh nghiệm từng trải, suy nghĩ thâm sâu và ý kiến khôn ngoan, nhưng cũng có thể trở thành cố chấp, thiên kiến và lập dị. Cha ông thường nói: ‘Ông bảy mươi học ông bảy mốt’, điều này rất đúng. Ai cũng cần phải học hỏi thêm mỗi ngày. Càng có tuổi, càng phải lắng nghe.

Trong thời đại văn minh kỹ thuật tiến bộ ngày nay, cuộc sống có nhiều bước đột phá. Người trẻ thời nay rất linh hoạt và nhạy bén về nhiều mặt trong sinh hoạt. Họ rất dễ dàng thành công và gặt hái nhiều thành qủa tốt đẹp. Thế hệ cha ông phải lăn lưng ra sức làm lụng cực khổ để xây dựng gia đình và lo cho con cái. Giới trẻ ngày nay mau lẹ gia nhập cuộc sống và dễ dàng hoàn tất tốt các nhu cầu cần có. Các cha mẹ ngoài 60, đừng lo lắng quá nhiều về phần vật chất cho tương lai của con cái. Con cái có dư khả năng để tự lo liệu cho cuộc sống riêng tư. Cha mẹ cũng đừng mong chờ nơi con cái nhiều về sự chăm nom, thăm viếng hay giúp đỡ.

Chúng ta hãy cố gắng gìn giữ sức khỏe. Niềm an vui hạnh phúc là chúng ta còn có thể lo được cho chính bản thân mình và không lệ thuộc nhiều vào con cái. Khi chúng ta có chút vốn riêng tư và đủ tiền tiêu hằng ngày là quá sung sướng rồi. Về già, nhà cao cửa rộng cũng không giúp ích gì cho chúng ta. Chúng ta chỉ cần một căn phòng nho nhỏ đây đủ tiện nghi là mãn nguyện lắm rồi. Sau nhiều năm tháng làm lụng vất vả và gom góp tiền của, đã đến lúc chúng ta có thể tiêu xài và chia xẻ. Sống vui và sống khỏe là quan trọng. Khi tâm hồn lạc an thì sức khỏe sẽ ổn định và chúng ta có thể sống lâu hơn một chút.

Chúng ta không nên so sánh và đua đòi với ai khác. Mỗi cá nhân và mỗi gia đình đều có những khác biệt riêng tư cần trân trọng. Chúng ta an vui tự tại với hoàn cảnh cuộc sống của mình. Đời sống có là bao! Mười năm, hai mươi năm hay hơn chút nữa, rồi ai cũng phải ra đi. Bạn đâu còn biết sự gì lưu lại trên thế gian. Chỉ có dấu ấn tình yêu nơi lòng người sẽ tồn tại. Lòng nhân nghĩa và đức ái sẽ được khắc ghi. Thời gian mãi trôi, mọi thứ khác sẽ đi vào dĩ vãng.

Mỗi ngày sống là một ngày hồng ân. Chúng ta cố gắng hưởng trọn từng phút giây trong cuộc đời. Sống an hòa với mọi người. Xây dựng tình thân hữu, thêm bạn bớt thù. Sống niềm vui tích cực. Chúng ta cố gắng tránh đi những sự hận thù, hờn dỗi, ganh tị và thù ghét. Thái độ tiêu cực chỉ làm hại đời của chúng ta. Nó giống như những con vi khuẩn sói mòn niềm vui, sức khỏe và cuộc sống của chúng ta.

Tạ ơn Thiên Chúa đã cho chúng ta được sống tới ngày hôm nay. Giây phút hiện tại là qùa tặng nhưng không. Chúng ta hãy đón nhận với lòng biết ơn và trân quí. Xin Chúa tuôn đổ ơn lành xuống trên mỗi người chúng ta.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Hoa Nở Mặn Mà
Nguyễn Đức Cung
21:30 08/07/2016
HOA NỞ MẶN MÀ
Ảnh của Nguyễn Đức Cung
Nhìn hoa trắng nở dịu dàng
Không hái thì tiếc,
hái thì hoa đau…
(nđc)
 
Thánh Ca
Xin Ngài Thương Con – Sáng Tác: Lm. Thành Tâm - Trình Bày: Thu Lệ
VietCatholic Network
05:47 08/07/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây