Ngày 06-07-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:21 06/07/2020

20. Càng ít chịu đau khổ thì không cảm nhận được đau khổ.

(Thánh John Berchmans)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/samac.tw

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:25 06/07/2020
67. MẤT TOI TIỀN CÔNG

Mưa cả ngày không dứt, nhà của Vu công khắp nơi đều bị dột tùm lum, giường chiếu một đêm dời đi đời lại mấy lần cũng không tìm được một chỗ khô ráo, vợ con khóc thấu ông trời.

Vu công vội vàng kêu thợ nề đến sửa chỗ bị dột, công sức tiền của bỏ ra rất lớn, nhà sửa xong, nhưng ông trời lại làm cho nắng nóng liên tiếp cả tháng trời nắng ráo.

Thế là, Vu công ngày ngày sáng tối nằm trên giừơng nhìn cái trần nhà mới sửa mà than rằng:

- “Ai dà, ta thật là người có mệnh khổ mới sửa xong nhà thì trời lại không mưa, thật là uổng công lãng phí tiền bạc !”

(Nhã Ngược)

Suy tư 67:

Một năm có bốn mùa xuân, hạ, thu, đông.

Có mùa mưa và có mùa nắng, đó là chuyện tự nhiên của trời đất.

Cái nhà không chỉ che trời khi mưa mà thôi nhưng còn là che cả khi trời nắng nữa, cho nên lợp nhà là lợp cho cả nắng và mưa thì có gì là sợ mất toi tiền công !

Có một vài người Ki-tô hữu khi bố thí cho tha nhân thì tiếc hùi hụi vì thấy người ấy đã có...hàng Mỹ gởi về, họ coi chuyện giúp đỡ người nghèo của họ như là chuyện cứu đói giảm nghèo của chính phủ, chứ không coi đó là việc làm bác ái chia sẻ với tha nhân trong tình yêu của Thiên Chúa, và hơn thế nữa, họ không nhìn thấy Đức Chúa Giê-su nghèo khổ nơi người ấy, bởi vì họ coi đồng tiền dư ấy của mình lớn hơn tình bác ái với anh chị em...

Sửa mái nhà để tránh bị mưa dột thì cũng là để tránh nắng, có gì mà phải nằm nhìn trần nhà mà thở vắn than dài tiếc của; bố thí giúp đỡ cho người nghèo, dù người nghèo ấy đã có người khác giúp đỡ thì có gì là tiếc rẽ, bởi vì giúp cho ai một bát nước lã vì danh Đức Chúa Giê-su thì sẽ được Ngài trả công bội hậu vậy !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/samac.tw

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Covid-19 bùng phát ở Melbourne và biên giới các tiểu bang bị đóng cửa
Thanh Quảng sdb
06:06 06/07/2020
Covid-19 bùng phát ở Melbourne và biên giới các tiểu bang bị đóng cửa

Biên giới giữa hai tiểu bang của hai thành phố lớn nhất tại Úc là Sydney và Melbourne sẽ bị đóng cửa biên giới bắt đầu vào thứ Tư 8/7/2020, như một biện pháp phòng ngừa, để ngăn chặn sự lây lan của coronavirus mới bục phá ở Melbourne.

Ông Daniel Andrew, thủ hiến của Victoria, đã công bố quyết định cô lập 12 postcodes, bao trùm 38 vùng đông bắc thành phố Melbourne, làm ảnh hưởng tới hơn 350, 000 cư dân; đặc biệt cô lập 9 tòa chung cư cao tầng với gần 4, 000 cư dân sinh sống, không được đi ra khỏi tòa nhà trong 5 ngày… Mặc dù chính phủ cung cấp tiền và đồ ăn thức uống cho tất cả các cư dân sinh sống trong đó, nhưng việc không được bước ra khỏi căn hộ của mình để hít thở không khí trong lành hay đi dạo cho đỡ cuồng chân… thật là một việc thật khó chấp nhận được! Trong 9 chung cư bị cô lập có nhiều người Việt đang sinh sống nơi đó!

Tiểu bang Victoria ghi nhận mức tăng ca nhiễm cao nhất từ trước đến nay là 127 trường hợp và hai trường hợp tử vong được xác nhận.

Quy định đóng cửa các biên giới

Biên giới Victoria với tiểu bang láng giềng Nam Úc đã bị đóng cửa từ ngày 22 tháng 3, nhưng các chính quyền địa phương đã do dự việc đóng cửa biên giới giữa hai tiểu bang lớn Victoria và New South Wales, nay trước sự lây lan của Covid-19 bắt buộc phải đóng cửa và cô lập tiểu bang Victoria!

Lần cuối cùng biên giới bị đóng cửa là hơn một trăm năm trước, trong đại dịch cúm Tây Ban Nha vào năm 1919.

Việc đóng cửa biên giới này sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế của Úc, một đất nước đang bước vào thời kỳ suy thoái, sau gần ba mươi năm qua. Thủ hiến của tiểu bang New South Wales là bà Gladys Berijiklian nói rằng việc đóng cửa này vô thời hạn, chưa biết khi nào mới được mở lại!
 
Tòa án Thổ Nhĩ Ký đang cân nhắc biến Hagia Sophia thành đền thờ Hồi giáo
Đặng Tự Do
16:08 06/07/2020
Hagia Sophia của Istanbul - một địa điểm nằm ở trung tâm của cả hai đế chế Byzantine Kitô Giáo và Ottoman Hồi giáo - hiện đang là trung tâm của một phiên tòa đang diễn ra.

Tổng thống Erdogan đã đề xuất biến bảo tàng viện này trở thành một đền thờ Hồi giáo. Trong khi Chính Thống Giáo Thổ Nhĩ Kỳ cương quyết phản đối. Tưởng cũng nên biết Hagia Sophia là một Di sản Thế giới của UNESCO.

Một tòa án Thổ Nhĩ Kỳ đã xét xử vụ kiện này từ hôm thứ Năm 2 tháng 7 và sẽ đưa ra phán quyết trong vòng 15 ngày.

Vụ kiện này thách đố tính hợp pháp của một quyết định do Kamal Ataturk, cha đẻ của Cộng Hòa Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại, khi ông chuyển đổi đền thờ Hồi giáo thành một bảo tàng viện vào năm 1934.

Selami Karaman - một luật sư của Hồi Giáo Thổ Nhĩ Kỳ - cho biết việc sử dụng ngôi đền thờ như một bảo tàng “đã làm tổn thương và làm buồn lòng người dân Thổ Nhĩ Kỳ”.

Các nhóm Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã vận động cho việc chuyển đổi Hagia Sophia thành một đền thờ Hồi giáo, nói rằng điều này sẽ phản ánh tốt hơn vị thế quốc giáo của Hồi Giáo tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Được hoàn thành vào năm 537, Hagia Sophia là đại đền thờ Công Giáo đầu tiên trên thế giới, và duy trì tình trạng là đại đền thờ lớn nhất của thế giới Kitô trong suốt 900 năm trước khi quân Hồi Giáo chiếm được ngôi nhà thờ này và biến thành một trong những đền thờ Hồi giáo vĩ đại nhất của đạo Hồi sau cuộc chinh phạt Istanbul của Đế Quốc Ottoman năm 1453.

Vụ việc đã gây ra một phản ứng quốc tế rất dữ dội. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo hôm thứ Tư 1 tháng 7 kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ nên giữ tòa nhà như một bảo tàng viện.

Hôm thứ Năm 2 tháng 7, Hy Lạp nhận định rằng Ankara đang liều mình mở ra “một vực thẳm cảm xúc khổng lồ” đối với các Kitô hữu nếu quyết định thực hiện đề nghị biến tòa nhà thành đền thờ Hồi giáo.

Ðức Thượng Phụ Bácthôlômêô cảnh giác chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ về những hậu quả khi biến Hagia Sophia thành đền thờ Hồi Giáo

Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc cho biết Ðức Thượng Phụ Bácthôlômêô I, Giáo chủ Chính thống Constantinople, đã lên tiếng cảnh giác chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ rằng chủ trương biến đền thờ Hagia Sophia, ở Istanbul thành đền thờ Hồi giáo, sẽ gieo rắc bất thuận giữa các tín hữu Kitô và Hồi giáo. Hàng triệu Kitô hữu trên thế giới sẽ chống Hồi giáo.

Ðức Thượng Phụ đưa ra lời báo động khẩn thiết trên đây, hôm 30 tháng 6 năm 2020, trong lúc chờ đợi tòa án tối cao về hành chánh của Thổ nhóm họp ngày 2 tháng 7 năm 2020 để cứu xét đề nghị của chính phủ Thổ, do tổng thống Erdogan điều khiển, nhắm biến thánh đường Hagia Sophia thành nơi thờ phượng của Hồi giáo.

Hagia Sophia, trong tiếng Hy Lạp có nghĩa “Khôn ngoan thánh thiêng”, là đền thờ được xây cất theo kiểu Bizantine, hồi thế kỷ thứ VI và hồi đó là thánh đường lớn nhất thế giới. Sau khi chiếm đoạt thành Constantinople, nay là Istanbul, đế quốc Ottoman đã biến thánh đường Kitô này thành một đền thờ Hồi giáo, hồi năm 1453. Dưới thời ông Mustafa Kemal, người thành lập cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ, đền thờ này bị biến thành một bảo tàng viện hồi năm 1934 và kéo dài đến nay.

Trong bài giảng thánh lễ kính các thánh tông đồ, hôm thứ Ba, 30 tháng 6 năm 2020, tại nhà thờ ở khu vực Ferikoy, Istanbul, Ðức Thượng Phụ Bácthôlômêô nói: Hagia Sophia, do tính chất thánh thiêng của nó, là trung tâm cuộc sống, trong đó Ðông và Tây Phương gặp gỡ nhau, và việc biến nó thành nơi thờ phượng của Hồi giáo sẽ là nguyên nhân gây đổ vỡ giữa hai thế giới này. Trong thế kỷ XXI, thật là điều vô lý và tai hạn nếu Hagia Sophia, từ một nơi giúp hai dân tộc gặp gỡ nhau và chiêm ngưỡng sự cao cả to lớn của nó, lại trở thành lý do đối nghịch và đụng độ nhau. Hagia Sophia không phải chỉ thuộc về người đang sở hữu nó trong lúc này, nhưng thuộc về toàn thể nhân loại và dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ có trách nhiệm và vinh dự lớn làm nổi bật đặc tính phổ quát của đền đài tuyệt vời này”.


Source:Reuters

Source:Fides
 
Dân chúng kinh hoàng khi hàng trăm con voi chết một cách bí ẩn tại Botswana
Đặng Tự Do
16:10 06/07/2020

Hàng trăm con voi đã được tìm thấy đã chết ở đồng bằng Okavango của Botswana, nhưng nguyên nhân cái chết của chúng vẫn chưa được biết. Điều này gây lo lắng cho người dân tại quốc gia này về một đại dịch kinh hoàng có thể đang chụp xuống đầu họ. Những người bình dân nói voi to lớn, khoẻ mạnh như thế mà còn chết huống hồ là người ta.

Những bức ảnh cho thấy những con voi đã chết nằm nghiêng, những con khác chết trong tư thế gục đầu về phía trước.

Việc săn trộm đã được loại trừ vì khi kiểm tra các xác voi chết người ta thấy mọi thứ còn nguyên vẹn.

Theo các số liệu của chính phủ số voi chết đã lên đến mức 275, nhưng nhóm Giải Cứu Công Viên Quốc Gia cho biết số voi chết đã hơn 400.

Mark Hiley, Đồng sáng lập viên của nhóm Giải Cứu Công Viên Quốc Gia gọi cái chết của hàng trăm con voi là “một trong những thảm họa lớn nhất đối với voi trong thế kỷ này.”

Theo Hiley, những con voi bắt đầu chết với số lượng lớn vào đầu tháng 5 nhưng chính phủ đã phản ứng chậm chạp.

Không có xét nghiệm nào được hoàn thành, cho nên không có thông tin mới nào liên quan đến những cái chết này. Trong khi đó chính phủ cho biết họ đang điều tra.

Tổng số voi của Phi châu đang giảm mạnh chủ yếu do nạn săn trộm, nhưng Botswana - nơi sinh sống của gần một phần ba số voi trong toàn lục địa, đã chứng kiến số lượng voi tăng lên đến 130, 000 con so với con số 80, 000 vào cuối những năm 1990, do những chính sách bảo vệ tốt loài động vật này.

Cái chết bí ẩn của đàn voi có thể có những hậu quả tàn khốc

Khi các nhà chức trách ở Botswana tiếp tục điều tra cái chết bí ẩn của hàng trăm con voi ở đồng bằng Okavango, một tổ chức phi chính phủ cho biết sự kiện này có thể có tác động tàn phá đối với loài động vật này. Những con voi đã chết được phát hiện lần đầu tiên cách đây nhiều tháng, và khả năng chết vì săn trộm được loại trừ ngay tức khắc vì xác voi được tìm thấy vẫn còn nguyên vẹn. Người sáng lập và giám đốc của tổ chức Elephants for Africa, Tiến sĩ Kate Evans đã đưa ra nhận định sau.

Kate Evans: Voi chết thì không có gì lạ vì dĩ nhiên voi cũng chỉ là một loài động vật có sinh có tử. Và loài voi là một trong những ứng cử viên số một của bệnh anthrax tiếng Việt gọi là bệnh than. Đó là căn bệnh phổ biến ở Botswana. Nhưng vào thời điểm này trong năm, bệnh ấy không xảy ra, vì vậy điều đó đã bị loại trừ. Botswana đã có một đợt bùng phát vào tháng 11 năm ngoái. Vì vậy, điều đó không thể nào xảy ra bởi vì chúng ta đã có những cơn mưa rất tốt. Và tôi chắc chắn rằng những nhà điều tra đang tập chú vào khả năng cao nhất là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, hay đúng hơn là virus.

Từ cuối những năm 1990, Botswana đã chứng kiến số lượng voi tăng lên đều đặn, nhưng một báo cáo được chuẩn bị cho chính phủ bởi một tổ chức bảo tồn thiên nhiên độc lập cho biết các không ảnh cho thấy những con voi đã chết thuộc mọi lứa tuổi. Evans nói rằng những cái chết đặc biệt liên quan đến các khu vực có ít voi.

Kate Evans: Nếu những đàn voi ít hơn mà bị ảnh hưởng bởi căn bệnh này, thì nó có thể gây ra những hậu quả tàn khốc. Nền kinh tế và môi trường của nước sở tại cũng bị ảnh hưởng.

Tiến sĩ Evans nói thêm rằng những cái chết bí ẩn này đã xảy ra vào thời điểm khó khăn, trong đó các tổ chức bác ái và bảo vệ môi trường đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi những nguồn lực hạn chế do đại dịch coronavirus kinh hoàng này.


Source:Reuters
Source:Reuters
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Căn bệnh tham nhũng ở Việt Nam hiện nay đã nhập lý
Nguyễn Văn Nghệ
08:09 06/07/2020
Sáng 12.09.2016 đoàn công tác của Trung ương do Thường vụ Ban Bí thư Đinh Thế Huynh làm trưởng đoàn đã làm việc với Thành ủy Hà Nội về công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí. Ông Đinh Thế Huynh đã phát biểu: Phải xây dựng được một văn hóa, một nếp sống khinh bỉ những kẻ tham nhũng, hành vi tham nhũng[1].

Ông Nguyễn Phú Trọng đã ví nạn tham nhũng ở Việt Nam hiện nay giống như “ghẻ ruồi”: “Không chỉ có tham nhũng lớn, mà “tham nhũng vặt” như ghẻ ruồi, rất ngứa ngáy, khó chịu”[2]

Tham nhũng lớn, tham nhũng “vặt” đều là kẻ vô liêm sỉ: “Than ôi! Thế mà ngày nay, nhân tình phản trắc, phong tục suy đồi, người ta quên cả liêm sỉ. Không kể chi người thường, thậm chí đến bọn cán bộ cũng chan chan như thế cả. Ôi! Nếu cho là sự xấu hổ chung cho cả nước cũng không phải là nói ngoa”(Cổ học tinh hoa). Bị cáo Diệp Thị Hồng Liên- Cựu Trưởng Phòng Khảo thí Sở Giáo dục& Đào tạo tỉnh Hòa Bình trong vụ án gian lận điểm thi Trung học Phổ thông năm 2018 đã biện minh trước tòa án cho hành động phạm pháp của mình: “Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật”. Nhiều người công nhận câu nói này là một thực tế phổ biến trong xã hội hiện nay.

Đời nay, nếu làm cán bộ viên chức mà không biết tham nhũng, sẽ bị chê là ngu và sẽ bị loại khỏi ê kíp, nếu không thì bị “té lầu”. Do đó bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga, chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng Sở Giáo dục& Đào tạo tỉnh Sơn La đã nói hoạch toẹt trước Tòa: “Nếu không làm thì sẽ không tồn tại được”.

Hành vi tham nhũng của các cán bộ viên chức trong bộ máy Nhà nước được người dân quê mùa gọi một cách đơn giản là “ăn”. Bất chấp đất nước đang gặp khó khăn, nếu có cơ hội “ăn” là xáp vô “ăn”, “ăn không từ một thứ gì”. Trong những tháng đầu năm 2020, cả nước cùng chung tay góp sức đẩy lùi Đại dịch COVID-19, thì một số các bộ đầu ngành y tế( toàn là đảng viên) của một số tỉnh thành đã đẩy giá mua máy Realtime PCR dùng để xét nghiệm COVIDD-19 lên gấp nhiều lần. Sự việc này được bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trả lời với cử tri quận Cái Răng (Cần Thơ) vào sáng ngày 23.6.2020: “ Ăn quá dày, có 2 tỷ mà nâng lên 6-7 tỷ. Sẽ xử lý nghiêm minh theo pháp luật. Thậm chí riêng tội này không có tình tiết giảm nhẹ”[3].

Cán bộ cấp to thì “ăn dày”, cán bộ nhỏ thì “ăn mỏng”. Mỗi khẩu trong hộ nghèo nhận tiền hỗ trợ COVID- 19 là 750 ngàn đồng nhưng phải trích 50 ngàn đồng “để thôn uống nước”[4]. Càng lạ lùng với việc “lập danh sách tiền hỗ trợ COVID- 19 cho 1200 người chết, người đi tù”[5].

Cán bộ Cục Thuế, Hải quan tỉnh Bắc Ninh “nhận hối lộ hơn 5 tỷ bằng với một người dân cày quần quật 100 năm” ấy vậy mà Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng lại gọi là “ăn vặt”[6]. Không biết theo suy nghĩ của ông Đinh Tiến Dũng thì ăn bao nhiêu tỷ mới gọi là “ăn đúng bửa”?

Làm Trưởng Đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng như bà Nguyễn Thị Kim Anh lại bị “điều tra hành vi nhận hối lộ”. Phần hối lộ riêng bà là 1, 315 tỷ đồng![6]

Tục ngữ có câu: “cái nào ăn thì ăn, cái nào cúng thì cúng”.Đảng phí cũng bị đảng viên “ăn” gọn! Bà Lưu Thị Thu Hương- nguyên cán bộ thu chi, quản lý và sử dụng đảng phí của Đảng ủy phường Phú Khương, thành phố Bến Tre đã “ăn” hơn 200 triệu đảng phí[7].

Hành vi “ăn” của cán bộ đảng viên không chỉ diễn ra ở những nơi xa xôi hẻo lánh mà ngay cả ở Thủ đô “ngàn năm văn hiến”, nơi tập trung toàn bộ cơ quan đầu não của Đảng và Nhà nước. Khi đương chức bà Nguyễn Thị Doan đã chỉ ra điều này: “Cái liều vacxin, tiêm cho một cháu lại san ra tiêm cho hai cháu ngay tại Hà Nội. Tôi càng đi càng thấy buồn, “ăn” của dân không từ một cái gì”.

Đối với que thử HIV, thì mỗi que thử một người nhưng vào cuối năm 2019 tại Bệnh viện Xanh Pôn (Saint Paul) ở Hà Nội đã cắt đôi que thử HIV![8]

Hai hành vi tham nhũng như ở Thủ đô “ngàn năm văn hiến” đã nêu trên được người dân ở quê tôi gọi là ‘liếm cối” chứ không gọi “ăn”: “ chó liếm cối mấy đời mà no”! Đã “ăn” thì “ăn đúng bửa”, “liếm cối” làm chi cho nhục đất Hà thành!

Trong cuộc tiếp xúc cử tri thành phố Hải Phòng vào cuối năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thốt lên: “Tham nhũng lớn đã nghiêm trị rất nhiều, nhiều cán bộ có liên quan đã bị xử lý nghiêm theo pháp luật, nhưng “tham nhũng vặt” còn là vấn đề nhân dân rất kêu ca. Tiền không phải quá nhiều nhưng gây phiền lòng người dân. Đây là thói xấu phải lên án, giám sát, có biện pháp kiên quyết để người dân yên tâm chứ không phải cứ đến bệnh viện, trường học, đi xin việc, rồi việc này việc khác phải đưa phong bì phong bao”[9].

Qua lời phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ta có thể kết luận là hiện nay đi đâu cũng gặp tham nhũng.

Mỗi khi tiếp xúc cử tri, cán bộ lãnh đạo đều tuyên bố: Kiên quyết xử lý nghiêm, loại bỏ khỏi bộ máy của Đảng và Nhà nước những cán bộ hư hỏng, tham nhũng.

Một khi cán bộ lãnh đạo nào tuyên bố như vậy, thì người dân lại nói với nhau: Nói vậy thì nghe vậy, biết có kiên quyết thực hiện hay không. Khi nào thấy mới tin! Người dân lại tiếp tục ngóng cổ chờ những vị lãnh đạo đất nước ra tay làm trong sạch bộ máy Đảng và Nhà nước.

Sau khi nghe ông Đinh Thế Huynh tuyên bố “ Xây dựng văn hóa khinh bỉ kẻ tham nhũng” thì Giáo sư Tương Lai phát biểu: “Khi nó đã vô liêm sỉ rồi, dây thần kinh xấu hổ đứt rồi thì nó màng gì tới chuyện văn hóa khinh bỉ? Đây chẳng qua chỉ là một lời nói mị dân”[10].

Tu ố (xấu hổ) là một trong “Tứ đoan” của Mạnh tử. Mạnh tử nói: “ Vô tu ố chi tâm phi nhân dã”( người không lòng xấu hổ không phải là con người). Hiện nay mỗi khi ra đường, ta gặp nhiều người “tuy mặc áo đội mũ mà như con chim, con muông” (Cổ học tinh hoa)

Trong y học có một chứng bệnh gọi là thương hàn “nhập lý” (lậm vào bên trong).Khi đã “nhập lý” thì rất khó trị. Căn bệnh tham nhũng ở Việt Nam hiện nay cũng đã “nhập lý” (lậm vào xương cốt) mà cách chữa trị như ông Đinh Thế Huynh thì chẳng khác nào bệnh ghẻ ruồi mà lại dùng thuốc đỏ bôi lên!

Muốn chữa trị tuyệt gốc căn bệnh tham nhũng hiện nay, phải chấp nhận đau đớn một lần. Người xưa nói: “cát ung tuy thống, thắng ư dưỡng độc”(xẻ mụt nhọt tuy đau, còn hơn nuôi dưỡng nọc độc). Tuân tử nói: “ Nguyên ác bất đãi giáo nhi tru” (Kẻ đứng đầu tội ác không cần dạy dỗ, mà giết đi)

Nguyễn Văn Nghệ

Diên Khánh- Khánh Hòa

Chú thích:

[1] https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chong-tham-nhung/phai-xay-dung-van-hoa-khinh-bi-ke-tham-nhung-326239.html

[2] https://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/tham-nhung-vat-hau-qua-khong-he-vat-524426.html

[3] https://vtc.vn/tin-nhanh-24h/chu-tich-qh-khong-co-tinh-tiet-giam-nhe-toi-nang-gia-may-xet-nghiem-covid-19-ar553693.html

[4] https://vnexpress.net/nhieu-ho-ngheo-phai-trich-tien-ho-tro-can-bo-thon-uong-nuoc-4113789.html

[5] https://nongnghiep.vn/la-lung-lap-danh-sach-tien-ho-tro-covid-19-cho-1200-nguoi-chet-di-tu-d267260.html

[6] https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/truong-doan-thanh-tra-bo-xay-dung-chiem-doat-1-315-ty-dong-tai-vinh-phuc-651465.html

[7] https://plo.vn/thoi-su/khai-tru-dang-nu-can-bo-chiem-200-trieu-dong-tien-dang-phi-919907.html

[8] https://plo.vn/phap-luat/vu-cat-doi-que-xet-nghiem-o-bv-xanh-pon-co-dau-hieu-hinh-su-876504.html

[9] https://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/tham-nhung-vat-hau-qua-khong-he-vat-524426.html

[10] https://www.rfa.org/vietnamese/news/progams/LiteratureAndsArts/whats-scornful-culture-ml-09172016110211.html
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Thánh Maria Goretti Bông Huệ Nhỏ Nhuốm Máu
Đinh Văn Tiến Hùng
21:06 06/07/2020
Lễ kính ngày 6/7 hàng năm

*Bông Huệ nhỏ tuyết trinh nơi đồng nội,

Vượt lên cao tràn ngập nắng hồng ân,

Gió mưa lay, không vương mắc bụi trần,

Đẹp lòng Chúa, đem về vườn Thiên quốc.

“Xin kính chào Vị Nữ Thánh khả ái ! Hỡi Vị Tử Đạo dưới đất và Thiên Thần trên trời !

Từ nơi vinh quang, xin ghé mắt nhìn xuống đoàn con đây, đang yêu mến, tung hô và chúc tụng Ngài. Trên vầng trán Ngài ghi rõ danh tánh chói sáng hiển vinh của Chúa Kitô chiến thắng. Trên khuôn mặt tinh khiết Ngài tỏa sáng sức mạnh tình yêu và lòng kiên trung với Đức Lang Quân Chí Thánh. Ngài là Vị Hiền Thê

dùng chính máu đào mình họa lại hình ảnh Chúa Kitô. Hỡi vị Nữ Thánh quyền uy cạnh ngai tòa Chiên Thiên Chúa, xin phó dâng lên Ngài những người đang có mặt nơi đây, cũng như những người đang kết hợp cách thiêng liêng với chúng tôi. Tất cả đều ngưỡng phục lòng anh hùng của Ngài, nhất là muốn bắt chước Ngài trong nhiệt tâm giữ vững đức tin và bảo toàn phong hóa cao quí.

Từ nay các bậc làm cha mẹ chạy đến kêu cầu, xin Ngài trợ giúp trong nhiệm vụ giáo dục con cái.

Xin đặt vào vòng tay Ngài một trẻ thơ, cùng thanh thiếu nữ, hầu Ngài bảo vệ chúng thoát khỏi mọi hiểm độc và an vui bước trên đường đời trong niềm hoan lạc của những con tim trong trắng.

Ước gì được như vậy.”

Đó là lời Đức Thánh Cha Piô 12 vào chiều thứ bảy 24/6/1950 trong khung cảnh Năm Thánh, khi tuyên phong Hiển Thánh cho thiếu nữ đồng quê 12 tuổi MARIA GORETTI, trước sự hân hoan nồng nhiệt của 500 ngàn khách hành hương từ khắp nơi đổ về, cùng sự hiện diện của thân mẫu và gia đình cô.

Maria Goretti sinh 16/10/1890 taị vùng đồi thơ mộng gần thành phố Corinaldo, nước Ý. Nhưng vì sinh kế cả gia đình phải chuyển đến vùng thôn quê sình lầy Ferriere di Conca. Là chị cả trong một gia đình 6 anh chị em, cô luôn noi gương cha mẹ là người đạo hạnh và cần mẫn.

Sống trong cảnh nghèo túng, Goretti không được đi học, nhưng có lòng sùng kính đặc biệt Thánh Tâm Chúa và Mẹ Maria Đồng Trinh. Mồ côi cha từ năm lên 10, nhưng mỗi lần đi ngang mộ cha đều dừng lại cầu nguyện cho cha.

Gia đình sau khi cha mất trở nên túng quẫn hơn, cô luôn nâng đỡ tinh thần cho mẹ, xốc vác mọi việc trong nhà, đóng vai người mẹ thứ hai đối với các em, luôn săn sóc, dạy bảo và thúc giục các em cầu nguyện. Mỗi lần đi dự lễ, cô phải đi bộ 2 giờ đồng hồ, luôn là người đến sớm nhất và về sau cùng. Cô rẩt cẩn thận trong cách ăn mặc, nói năng hòa nhã khiêm tốn, tránh truyện trò thô tục…nổi bật nhất là nhân đức khiết tịnh như bông huệ tuyết trinh.

Từ ngày ba ngã bệnh rồi mất, để có người giúp đỡ công việc đồng áng và chia sể hoa lợi, gia đình cô phải đón nhận một gia đình khác gồm 2 bố con đến ở chung. Người con trai 19 tuổi tên Alessandro, đầu óc tràn đầy ý tưởng xấu, nên luôn nhìn Goretti với con mắt dục vọng. Cô luôn ở nhà săn soc các em khi mẹ làm việc ngoài đồng.

Nên một hôm, Alessandro đến cám dỗ cô phạm tội, nhưng cô rất sợ hãi và từ chối rồi tìm cách tránh xa chàng. Rồi 10 ngày sau, chàng ta lại dở trò cũ, cô khiếp sợ và nói : ‘Nếu anh làm điều đó, anh sẽ phải xuống hỏa ngục !’ Chàng ta túm lấy cô, nhưng cô dùng hết sức để vượt thoát và chàng đe dọa giết nếu tiết lộ với người khác.

Trưa ngày 5/7/1902, dưới nắng hè chói chang mọi người đang thu hoặch mùa đậu. Chàng ngưng việc đi thẳng về nhà, thấy Goretti ngồi dưới chân cầu thang vá áo và trông chừng em ngủ. Chàng ta mặt hầm hầm bước lên cầu thang vào phòng lấy một thanh sắt đã mài nhọn, quay xuống gọi : ‘Goretti vào đây nhờ một tí !.’ Cô vẫn ngồi không nhúc nhích và không trả lời.

Anh ta nhào tới nắm tay cô kéo vào trong nhà. Cô la lên : ‘Nếu làm điều đó anh sẽ phải xuống hỏa ngục. Buông tôi ra ! ‘

Điên lên vì bị từ chối, anh ta một tay nắm chặt tay cô, một tay cầm dao đâm túi bụi vào thân hình liễu yếu của cô bé. Cô gào to kêu cứu, nhưng không ai bên ngoài nghe thấy. Máu chảy thành dòng, tràn trên sàn nhà và cô gục ngã. Nhưng cô còn tỉnh, cố lết tấm thân nát nhừ ra gần cửa kêu cứu. Nghe tiếng kêu anh ta vội chạy lại, túm cổ cô đâm thêm nhiều nhát chí tử. cô bé bất hạnh phều phào kêu :

-‘Lạy Chúa tôi ! Lạy Chúa tôi ! Má ơi con chết mất !’ Rồi thiếp đi bất tỉnh…

Trong những giờ phút đau thương hấp hối, Goretti âm thầm cầu nguyện cùng Thánh Tâm Chúa và Mẹ

Maria. Cô sẵn sàng chờ đón giờ chết và tha thứ cho kẻ giết mình. Khi Linh mục mang Mình Thánh Chúa

đến, cô hớn hở đón nhận của ăn đàng trước khi về Thiên Quốc. Ôm ghì Thánh Giá và ảnh Đức Mẹ hôn kính rồi thiếp dần. Những giây phút cuối đời, Goretti hơi thở bị tắt nghẽn vị bị ám ảnh những giây phút kinh hoàng phải đối phó với hành động xấu xa của Alessandro. Cử chỉ vô cùng mệt nhọc chống cự với một người vô hình. Sau cùng bằng sức tàn mong manh, cô vùng dậy như muốn trốn thoát, rồi trong giây lát lại buông mình nằm xuống bất động. Linh hồn trinh trong và xinh đẹp của Goretti từ từ ra khỏi xác bay về Thiên Quốc. Lúc đó là chiều Chúa nhật ngày 6/7/1902, một ngày sau khi cô bị đâm 14 nhát dao.

Sau khi qua đời, Maria Goretti đã làm nhiều phép lạ. Nhưng phép lạ to lớn nhất là hoán cải được Alessandro, cô đã hiện về trong tù trao tặng chàng những bông huệ trắng tinh. Từ ngày đó chàng sống khiêm nhường thống hối tội lỗi mình. Chàng được phóng thích sau 30 năm tù và suốt đời sống độc thân.

Về sau chàng xin vào tu viện Dòng Phan Sinh Hèn Mọn Capuchin, miền bắc Ý, trở thành phần tử Dòng Ba, ngày ngày cần mẫn làm những việc hèn mọn cùng chay tịnh để đền tội đến trọn đời, hưởng thọ 89 tuổi.

Ngày 28/4/1947, ĐTC Piô 12 phong Chân Phước cho Maria Goretti.

Ngày 24/6/1950, Ngài lại nâng lên bậc Hiển Thánh.

Rồi đặt Thánh Nữ làm Quan Thày và gương mẫu cho giới trẻ.

Hiện diện trong Lễ Phong Thánh, thân mẫu Thánh đã ngoài 80 tuổi và các em.

Trong đám đông những người tham dự có Alessandro Sereneli khi ấy đã 66 tuổi, đang qùi gối với hai dòng nước mắt lăn trên má lòng thống hối và tràn đầy ơn phúc.

Maria Goretti trở thành vị Thánh tử Đạo vì bảo vệ đức Trinh Khiết khi mới 12 tuổi.

Hàng năm Giáo Hội mừng kính thánh Nữ vào ngày 6 tháng 7.

Lời kinh Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 dâng kính Thánh Nữ :

“Hỡi Cô Bé của Thiên Chúa !

Cô đã sớm biết thế nào là khổ cực, nhọc mệt, đau thương, cùng những niềm vui ngắn ngủi của cuộc sống. Cô cũng biết thế nào là nghèo đói, mồ côi và đã không ngừng yêu mến tha nhân, tự làm người hầu hạ khiêm tốn, ân cần. Cô sống tốt lành không khoe khoang và yêu mến Tình Yêu Chúa trên mọi sự, đã đổ máu đào để khỏi phản bội Chúa và tha thứ cho người đã giết mình, cầu mong hạnh phúc Thiên đàng cho anh ta.

Xin hãy bầu cử cho chúng tôi bên tòa Thiên Chúa Cha, cùng biết thưa vâng theo chương trình Thiên Chúa định liệu trên chúng tôi.

Hỡi Đấng là bạn hữu Thiên Chúa đang chiêm ngắm Chúa. Xin cầu cùng Chúa ban cho chúng tôi những ơn xin cùng Ngài. Chúng tôi cảm tạ Ngài, hỡi Maria Goretti vì tình yêu Ngài dành cho Thiên Chúa và cho anh chị em đồng loại, mà Ngài đã gieo vãi trong lòng chúng tôi- Amen.”

ĐINH VĂN TIẾN HÙNG

*Ghi chú : Tham khảo theo tài liệu của Raymond Thư, CMC
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Đứng Trước Thiên Nhiên
Tấn Đạt
11:41 06/07/2020
ĐỨNG TRƯỚC THIÊN NHIÊN
Ảnh của Tấn Đạt

Thiên nhiên quà tặng từ trời
Mở đôi mắt hưởng tuyệt vời Chúa ban
(bt)
 
VietCatholic TV
Một phụ nữ đốt bức ảnh lòng Chúa thương xót nhưng hình ảnh Chúa vẫn còn
Giáo Hội Năm Châu
03:21 06/07/2020
 
Lạ lùng: Hàng trăm con voi lăn ra chết - Âu lo dịch bệnh kinh hoàng sớm bùng phát tại Phi Châu
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:06 06/07/2020

1. Tòa án cân nhắc biến Hagia Sophia thành đền thờ Hồi giáo

Hagia Sophia của Istanbul - một địa điểm nằm ở trung tâm của cả hai đế chế Byzantine Kitô Giáo và Ottoman Hồi giáo - hiện đang là trung tâm của một phiên tòa đang diễn ra.

Tổng thống Erdogan đã đề xuất biến bảo tàng viện này trở thành một đền thờ Hồi giáo. Trong khi Chính Thống Giáo Thổ Nhĩ Kỳ cương quyết phản đối. Tưởng cũng nên biết Hagia Sophia là một Di sản Thế giới của UNESCO.

Một tòa án Thổ Nhĩ Kỳ đã xét xử vụ kiện này từ hôm thứ Năm 2 tháng 7 và sẽ đưa ra phán quyết trong vòng 15 ngày.

Vụ kiện này thách đố tính hợp pháp của một quyết định do Kamal Ataturk, cha đẻ của Cộng Hòa Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại, khi ông chuyển đổi đền thờ Hồi giáo thành một bảo tàng viện vào năm 1934.

Selami Karaman - một luật sư của Hồi Giáo Thổ Nhĩ Kỳ - cho biết việc sử dụng ngôi đền thờ như một bảo tàng “đã làm tổn thương và làm buồn lòng người dân Thổ Nhĩ Kỳ”.

Các nhóm Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã vận động cho việc chuyển đổi Hagia Sophia thành một đền thờ Hồi giáo, nói rằng điều này sẽ phản ánh tốt hơn vị thế quốc giáo của Hồi Giáo tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Được hoàn thành vào năm 537, Hagia Sophia là đại đền thờ Công Giáo đầu tiên trên thế giới, và duy trì tình trạng là đại đền thờ lớn nhất của thế giới Kitô trong suốt 900 năm trước khi quân Hồi Giáo chiếm được ngôi nhà thờ này và biến thành một trong những đền thờ Hồi giáo vĩ đại nhất của đạo Hồi sau cuộc chinh phạt Istanbul của Đế Quốc Ottoman năm 1453.

Vụ việc đã gây ra một phản ứng quốc tế rất dữ dội. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo hôm thứ Tư 1 tháng 7 kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ nên giữ tòa nhà như một bảo tàng viện.

Hôm thứ Năm 2 tháng 7, Hy Lạp nhận định rằng Ankara đang liều mình mở ra “một vực thẳm cảm xúc khổng lồ” đối với các Kitô hữu nếu quyết định thực hiện đề nghị biến tòa nhà thành đền thờ Hồi giáo.


Source:Reuters

2. Ðức Thượng Phụ Bácthôlômêô cảnh giác chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ về những hậu quả khi biến Hagia Sophia thành đền thờ Hồi Giáo

Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc cho biết Ðức Thượng Phụ Bácthôlômêô I, Giáo chủ Chính thống Constantinople, đã lên tiếng cảnh giác chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ rằng chủ trương biến đền thờ Hagia Sophia, ở Istanbul thành đền thờ Hồi giáo, sẽ gieo rắc bất thuận giữa các tín hữu Kitô và Hồi giáo. Hàng triệu Kitô hữu trên thế giới sẽ chống Hồi giáo.

Ðức Thượng Phụ đưa ra lời báo động khẩn thiết trên đây, hôm 30 tháng 6 năm 2020, trong lúc chờ đợi tòa án tối cao về hành chánh của Thổ nhóm họp ngày 2 tháng 7 năm 2020 để cứu xét đề nghị của chính phủ Thổ, do tổng thống Erdogan điều khiển, nhắm biến thánh đường Hagia Sophia thành nơi thờ phượng của Hồi giáo.

Hagia Sophia, trong tiếng Hy Lạp có nghĩa “Khôn ngoan thánh thiêng”, là đền thờ được xây cất theo kiểu Bizantine, hồi thế kỷ thứ VI và hồi đó là thánh đường lớn nhất thế giới. Sau khi chiếm đoạt thành Constantinople, nay là Istanbul, đế quốc Ottoman đã biến thánh đường Kitô này thành một đền thờ Hồi giáo, hồi năm 1453. Dưới thời ông Mustafa Kemal, người thành lập cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ, đền thờ này bị biến thành một bảo tàng viện hồi năm 1934 và kéo dài đến nay.

Trong bài giảng thánh lễ kính các thánh tông đồ, hôm thứ Ba, 30 tháng 6 năm 2020, tại nhà thờ ở khu vực Ferikoy, Istanbul, Ðức Thượng Phụ Bácthôlômêô nói: Hagia Sophia, do tính chất thánh thiêng của nó, là trung tâm cuộc sống, trong đó Ðông và Tây Phương gặp gỡ nhau, và việc biến nó thành nơi thờ phượng của Hồi giáo sẽ là nguyên nhân gây đổ vỡ giữa hai thế giới này. Trong thế kỷ XXI, thật là điều vô lý và tai hạn nếu Hagia Sophia, từ một nơi giúp hai dân tộc gặp gỡ nhau và chiêm ngưỡng sự cao cả to lớn của nó, lại trở thành lý do đối nghịch và đụng độ nhau. Hagia Sophia không phải chỉ thuộc về người đang sở hữu nó trong lúc này, nhưng thuộc về toàn thể nhân loại và dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ có trách nhiệm và vinh dự lớn làm nổi bật đặc tính phổ quát của đền đài tuyệt vời này”.


Source:Fides

3. Hàng trăm con voi chết một cách bí ẩn tại Botswana

Hàng trăm con voi đã được tìm thấy đã chết ở đồng bằng Okavango của Botswana, nhưng nguyên nhân cái chết của chúng vẫn chưa được biết. Điều này gây lo lắng cho người dân tại quốc gia này về một đại dịch kinh hoàng có thể đang chụp xuống đầu họ. Những người bình dân nói voi to lớn, khoẻ mạnh như thế mà còn chết huống hồ là người ta.

Những bức ảnh cho thấy những con voi đã chết nằm nghiêng, những con khác chết trong tư thế gục đầu về phía trước.

Việc săn trộm đã được loại trừ vì khi kiểm tra các xác voi chết người ta thấy mọi thứ còn nguyên vẹn.

Theo các số liệu của chính phủ số voi chết đã lên đến mức 275, nhưng nhóm Giải Cứu Công Viên Quốc Gia cho biết số voi chết đã hơn 400.

Mark Hiley, Đồng sáng lập viên của nhóm Giải Cứu Công Viên Quốc Gia gọi cái chết của hàng trăm con voi là “một trong những thảm họa lớn nhất đối với voi trong thế kỷ này.”

Theo Hiley, những con voi bắt đầu chết với số lượng lớn vào đầu tháng 5 nhưng chính phủ đã phản ứng chậm chạp.

Không có xét nghiệm nào được hoàn thành, cho nên không có thông tin mới nào liên quan đến những cái chết này. Trong khi đó chính phủ cho biết họ đang điều tra.

Tổng số voi của Phi châu đang giảm mạnh chủ yếu do nạn săn trộm, nhưng Botswana - nơi sinh sống của gần một phần ba số voi trong toàn lục địa, đã chứng kiến số lượng voi tăng lên đến 130, 000 con so với con số 80, 000 vào cuối những năm 1990, do những chính sách bảo vệ tốt loài động vật này.


Source:Reuters

4. Cái chết bí ẩn của đàn voi có thể có những hậu quả tàn khốc

Khi các nhà chức trách ở Botswana tiếp tục điều tra cái chết bí ẩn của hàng trăm con voi ở đồng bằng Okavango, một tổ chức phi chính phủ cho biết sự kiện này có thể có tác động tàn phá đối với loài động vật này. Những con voi đã chết được phát hiện lần đầu tiên cách đây nhiều tháng, và khả năng chết vì săn trộm được loại trừ ngay tức khắc vì xác voi được tìm thấy vẫn còn nguyên vẹn. Người sáng lập và giám đốc của tổ chức Elephants for Africa, Tiến sĩ Kate Evans đã đưa ra nhận định sau.

Kate Evans: Voi chết thì không có gì lạ vì dĩ nhiên voi cũng chỉ là một loài động vật có sinh có tử. Và loài voi là một trong những ứng cử viên số một của bệnh anthrax tiếng Việt gọi là bệnh than. Đó là căn bệnh phổ biến ở Botswana. Nhưng vào thời điểm này trong năm, bệnh ấy không xảy ra, vì vậy điều đó đã bị loại trừ. Botswana đã có một đợt bùng phát vào tháng 11 năm ngoái. Vì vậy, điều đó không thể nào xảy ra bởi vì chúng ta đã có những cơn mưa rất tốt. Và tôi chắc chắn rằng những nhà điều tra đang tập chú vào khả năng cao nhất là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, hay đúng hơn là virus.

Từ cuối những năm 1990, Botswana đã chứng kiến số lượng voi tăng lên đều đặn, nhưng một báo cáo được chuẩn bị cho chính phủ bởi một tổ chức bảo tồn thiên nhiên độc lập cho biết các không ảnh cho thấy những con voi đã chết thuộc mọi lứa tuổi. Evans nói rằng những cái chết đặc biệt liên quan đến các khu vực có ít voi.

Kate Evans: Nếu những đàn voi ít hơn mà bị ảnh hưởng bởi căn bệnh này, thì nó có thể gây ra những hậu quả tàn khốc. Nền kinh tế và môi trường của nước sở tại cũng bị ảnh hưởng.

Tiến sĩ Evans nói thêm rằng những cái chết bí ẩn này đã xảy ra vào thời điểm khó khăn, trong đó các tổ chức bác ái và bảo vệ môi trường đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi những nguồn lực hạn chế do đại dịch coronavirus kinh hoàng này.


Source:Reuters