Ngày 03-07-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:10 03/07/2020

17. Lấy đau khổ làm vui thì đau khổ cũng trở nên ngọt ngào.

(Thánh John Berchmans)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/samac.tw

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:14 03/07/2020
64. CHÓ HẠI MẮT BỊ BỆNH

Mắt của Vu công bị bệnh nên đi đến thầy thuốc chữa bệnh, lúc ra khỏi cửa thì giẫm phải con chó đang nằm dưới bực thềm, con chó giựt mình cắn áo của ông ta thủng một lổ.

Khi khám bệnh, ông ta đem chuyện này nói với thầy thuốc, thầy thuốc nói:

- “Nhất định là con chó này làm mắt ông bị bệnh.”

Vu công về đến nhà thì nghĩ rằng con mắt mình bị bệnh là chuyện nhỏ, mắt chó mà bệnh thì đêm tối làm sao giữ nhà được. Thế là ông ta sắc thuốc và đem trị cho chó trước, thuốc còn dư thì mới trị cho mình !!

(Nhã Ngược)

Suy tư 64:

Con mắt là cửa sổ của tâm hồn, nó cũng còn là đèn sáng của thân thể, mắt bị mù thì hoàn toàn sống trong màu đen tối, mắt bị mù thì không biết thưởng thức cái đẹp tự nhiên của vũ trụ, do đó mà con mắt rất cần thiết và quan trọng đối với con người.

Dù cho con mắt của con chó có đẹp và quý như ngọc thì cũng không thể bằng con mắt của con người, dù cho con mắt của con chó nhìn ban đêm sáng hơn đèn điện tử, thì cũng không thể quý bằng con mắt của con người, đó là sự thật. Nhưng đối với những người chỉ biết vật chất là cứu cánh của mình, thì con mắt của con chó rất là quan trọng đối với họ, bởi vì mắt con chó bị đui mù thì không thể giữ nhà được, tức là giữ của cải cho họ !!

Con mắt là cửa sổ của tâm hồn, nếu cửa sổ bị hư thì lo mà sửa trước, bằng không thì nhà cửa (là thân thể) sẽ bị bệnh; con mắt là đèn soi thân thể, cho nên khi đèn mù mờ thì lập tức phải sửa chữa và thêm dầu cho nó sáng, nếu không thì cả thân thể sẽ bị tối mù vị tội lỗi. Có những người Ki-tô hữu có mắt tâm hồn bị mù, nhưng vẫn cứ thích sống trong đêm tối mà không muốn đi bác sĩ (bí tích Giải Tội) để chữa lành, bởi vì họ nghĩ rằng con mắt xác thịt mới là quan trọng, nên họ tích cực đi bác sĩ chuyên khoa mắt để chữa trị mắt khi mắt của họ có vấn đề, dù tiền bạc tốn bao nhiêu cũng được; họ rất lo buồn vì con mắt xác thịt của họ bị nhiễm trùng, bị sưng đỏ không thể nhìn thấy được...

Con mắt thân thể hay con mắt tâm hồn đều quan trọng đối với người Ki-tô hữu, nhưng vì để nhìn thấy ánh sáng huy hoàng của Thiên Chúa mà họ sẵn sàng hy sinh con mắt xác thịt của mình, đó là người khôn ngoan vậy !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/samac.tw

http://nhantai.info
 
Cha đã giấu
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
15:37 03/07/2020

Chúa Nhật XIV Thường Niên Năm A

Với lời cầu nguyện:“Con ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn”, Chúa Giêsu phân biệt rõ hai hạn người: “khôn ngoan thông thái” và “những kẻ bé mọn”.

1. NGƯỜI BÉ MỌN DỄ ĐÓN NHẬN CHÂN LÝ.

Ðấng Cứu Thế đến trần gian mang ơn cứu độ cho nhân loại. Ơn cứu độ của Chúa đã được ban rộng rãi, nhưng không phải ai cũng có thể đón nhận. Chúa Giêsu chỉ đích danh hạn người khó đón nhận ơn cứu độ, đó là kẻ “khôn ngoan thông thái”.

Bởi một khi cậy mình khôn ngoan, có kiến thức, hiểu biết nhiều, chắc chắn họ sẽ không thể thông hiểu những kín nhiệm của Trời cao, khó đón nhận chân lý Tin Mừng, chân lý đức tin. Những chân lý ấy không thể lĩnh hội chỉ bằng lý trí, vì đó là những thực tại đứng ngoài lý trí.

Bởi thế, càng kiêu ngạo, càng muốn đem kiến thức để giải thích chân lý đức tin, họ càng xa rời đức tin, xa rời Tin Mừng của Chúa. Một khi đã xa cách Chúa, chắc chắn không bao giờ họ có thể có Chúa ở bên để mà cậy dựa.

Chân lý Tin Mừng đòi phải nỗi lực sống từng ngày, cảm nghiệm từng ngày, liên lỷ cầu nguyện trong chân thành, khiêm tốn, mới có thể tiếp cận và khám phá.

Chỉ những tâm hồn đơn sơ, khiêm hạ mới có thể hội đủ điều kiện đón nhận Chúa, đón nhận chân lý đức tin, chân lý Tin Mừng. Nói cách khác, đơn sơ, khiêm hạ chính là cánh cửa mở ra để loài người bước vào ơn cứu độ của Chúa.

Thiên Chúa yêu người hèn mọn. Người bênh vực người yếu đuối. Chính Chúa Giêsu cho thấy điều ấy khi Người cảm tạ Chúa Cha vì Chúa Cha đã yêu thương nâng đỡ và kêu gọi người nhỏ bé, hèn mọn.

Chính trong sự nhỏ bé của con người, huyền nhiệm tình yêu được tỏ bày. Chỉ có người bé mọn mới dễ đến và tín thác đời mình trong tay Chúa.

Chỉ người nghèo của Chúa mới có thể thấu hiểu thâm sâu tấm lòng của Chúa. Chính Chúa Giêsu khi ở thế gian, thường đến nhà những kẻ thấp bé, bình dân. Chúa lưu tâm đến người nghèo hèn thống khổ. Người không là gì trước mắt nhân loại, lại có vị trí đáng kể trong trái tim nhân từ của Chúa.

Càng trí thức, giàu có, không ngoan…, thì càng phải siêu thoát, càng tập luyện tinh thần khó nghèo, dẹp bỏ thói cậy mình có tất cả, hơn tất cả mới có thể nhận ra Chúa hiện diện, đến gần Chúa, và mang Chúa trong tâm tư mình.

Ngụp lặn theo kiểu thế gian dễ làm ta kiêu ngạo. Mà kiêu ngạo sẽ đưa tới thất bại trên đường tìm Chúa. Nó còn làm ta xa rời đồng loại, mất ân nghĩa với Chúa, dễ đi vào lối mòn của satan, kẻ đã từng phản bội Chúa.

2. CHÚNG TA CẦN CHỌN LỰA KHÔN NGOAN TRONG CHÚA.

Để thánh thiện như Thiên Chúa, ta phải có tâm hồn trẻ thơ trong trắng, đơn sơ, khiêm nhường. Ta cần nhìn nhận mình chẳng là gì, chẳng có gì. Tất cả chỉ nhờ Chúa và do Chúa mà thôi.

Hãy luôn khiêm nhường để được nương tựa bên Chúa. Chính lúc được nương tựa bên chúa, là lúc ta được Chúa bảo vệ, nâng đỡ. Người cứu giúp để ta không vướng vào vòng nguy hiểm của tội lỗi và cám dỗ.

Cần trở nên những người bé mọn theo tinh thần Phúc Âm, để cảm nếm và sống hòa hiệp với Thiên Chúa. Ðức tin Kitô giáo hướng dẫn ta đến một con người cụ thể, chứ không phải những lý lẽ thần học cao siêu. Con người cụ thể ấy là Chúa Giêsu Kitô. Người là vị Thiên Chúa chấp nhận sống với con người.

Hãy nhớ, một người khiêm tốn có thể có đức tin sâu xa hơn một nhà thông thái. Ðức tin là hồng ân cần được lãnh nhận hơn là kết quả do sưu tầm trí thức của con người.

Thánh Têrêsa Avila, tuy không học nhiều, nhưng đã có kinh nghiệm sống động về Thiên Chúa và đã trình bày kinh nghiệm thiêng liêng của mình một cách sâu sắc, đến nỗi thánh nữ được đặt làm tiến sĩ Hội Thánh, vì giáo huấn của thánh nữ để lại là kho tàng thiêng liêng quí báu giúp mọi thành phần Dân Chúa đến với mầu nhiệm Thiên Chúa.

Xin Chúa mở rộng tâm hồn chúng ta để lắng nghe Lời Chúa với sự khiêm tốn, mến yêu. Xin cho chúng ta biết sống theo ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần để đến với Thiên Chúa và anh em.
 
Thánh Lễ Chúa Nhật 14 Quanh Năm 05/7/2020 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
19:16 03/07/2020

Bài Ðọc I: Dcr 9, 9-10

"Này vua ngươi khiêm tốn đến với ngươi".

Trích sách Tiên tri Dacaria.

Ðây Chúa phán: "Hỡi thiếu nữ Sion, hãy nhảy mừng; hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy reo mừng! Này vua ngươi đến với ngươi. Người là Ðấng công chính và là Ðấng cứu độ; Người khiêm tốn ngồi trên lừa con, con của lừa mẹ. Người đã loại bỏ các chiến xa khỏi Ephraim, và ngựa khỏi Giêrusalem. Cung tên chiến trận sẽ được phá huỷ. Người sẽ công bố hoà bình cho các dân tộc. Quyền bính của Người sẽ bành trướng từ biển này đến biển nọ, từ sông cái đến tận cùng trái đất".

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 144, 1-2. 8-9. 10-11. 13cd-14

Ðáp: Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa, con sẽ chúc tụng danh Chúa tới muôn đời

Xướng: Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa, con sẽ ca khen Chúa, và con sẽ chúc tụng danh Chúa tới muôn đời. Hằng ngày con sẽ chúc tụng Chúa, và con sẽ khen ngợi danh Chúa tới muôn đời. - Ðáp.

Xướng: Chúa nhân ái và từ bi, chậm bất bình và giàu ân sủng. Chúa hảo tâm với hết mọi loài, và từ bi với mọi công cuộc của Chúa. - Ðáp.

Xướng: Lạy Chúa, mọi công cuộc của Chúa hãy ca ngợi Chúa, và các thánh nhân của Ngài hãy chúc tụng Ngài. Thiên hạ hãy nói lên vinh quang nước Chúa, và hãy đề cao quyền năng của Ngài. - Ðáp.

Xướng: Chúa trung thành trong mọi lời Ngài phán, và thánh thiện trong mọi việc Ngài làm. Chúa nâng đỡ hết những ai sa ngã, và cho mọi kẻ khòm lưng đứng thẳng lên. - Ðáp.

Bài Ðọc II: Rm 8, 9. 11-13

"Nếu nhờ thần trí mà anh em đã giết được hành động của xác thịt, thì anh em sẽ được sống".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, anh em không sống theo xác thịt, nhưng sống theo tinh thần, nếu thật sự Thánh Thần Chúa ở trong anh em. Nếu ai không có Thánh Thần của Ðức Kitô, thì kẻ ấy không thuộc về Người. Và nếu Thánh Thần của Ðấng đã làm cho Ðức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại ở trong anh em, thì Ðấng đã làm cho Ðức Kitô từ cõi chết sống lại, cũng cho xác phàm hay chết của anh em được sống, nhờ Thánh Thần Người ngự trong anh em.

Anh em thân mến, chúng ta không phải là những kẻ mắc nợ xác thịt, để chúng ta sống theo xác thịt. Vì chưng, nếu anh em đã sống theo xác thịt, anh em sẽ phải chết; nhưng nếu nhờ Thần Trí mà anh em đã giết được các hành động (xấu xa của) thân xác, thì anh em sẽ được sống.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 10, 17

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Con chiên Ta thì nghe tiếng Ta; Ta biết chúng và chúng theo Ta". - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 11, 25-30

"Ta dịu hiền và khiêm nhường trong lòng".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu lên tiếng nói rằng: "Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì Cha đã giấu không cho những người hiền triết và khôn ngoan biết những điều ấy, mà lại mạc khải cho những kẻ bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì ý Cha muốn như vậy. - Mọi sự đã được Cha Ta trao phó cho Ta. Và không ai biết Con, trừ ra Cha. Và cũng không ai biết Cha, trừ ra Con và kẻ Con muốn mạc khải cho.

"Tất cả hãy đến với Ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi. Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an. Vì ách của Ta thì êm ái, và gánh của Ta thì nhẹ nhàng".

Ðó là lời Chúa.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng danh dự Benedict XVI trong thời gian mất mát người anh thân yêu của Ngài.
Thanh Quảng sdb
00:53 03/07/2020
Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng danh dự Benedict XVI trong thời gian mất mát người anh thân yêu của Ngài.

Đức Thánh Cha Phanxicô viết thư chia buồn cùng vị tiền nhiệm là Đức Giáo Hoàng Danh dự Benedict XVI, trước cái chết của người anh là Đức Ông Georg. Đức Thánh Cha cầu nguyện và chia sẻ nỗi đau mất mát với Đức Giáo Hoàng Danh Dự.

(Tin Vatican)

Hôm thứ Năm, ĐTC đã gửi một bức thư chia buồn tới Đức nguyên Giáo hoàng Benedict XVI về cái chết của người anh là Đức Ông Georg.

Đức ông George Ratzinger, 96 tuổi, là một đại nhạc sư (kapellmeister) của dàn hợp xướng nổi tiếng, đã qua đời vào sáng thứ Tư sau khi nhập viện ở Regensburg, thành phố nơi ngài đã sống phần lớn cuộc sống của Đức ông.

Trong lá thư Đức Thánh Cha viết:

Kính thưa Đức Giáo Hoàng danh dự thân mến

Trong tình huynh đệ, Cha đã tế nhị thông báo cho huynh, là người đầu tiên được rõ về sự ra đi của người anh yêu dấu của cha, Đức ông Georg. Với một tình hiệp thông sâu sắc nhất, hiền huynh mong được hiệp thông mật thiết với Cha trong khoảnh khắc đau buồn này.

Huynh cầu xin Chúa đón nhận linh hồn người anh thân yêu của cha về với Chúa, là Chúa của sự sống, trong tình yêu nhân ái của Chúa, trên thiên đàng và ban thưởng cho Đức Ông, người tôi trung rao giảng Tin Mừng Chúa.

Huynh cũng nguyện xin Đức Trinh Nữ Maria, phù giúp cha với niềm hy vọng sâu xa Kitô giáo và sự bình an sâu thẳm thiêng liêng...

Hiệp nhất trong niềm tin vào Chúa Kitô Phục sinh, nguồn hy vọng và bình an của chúng ta,

Thân mến trong tình huynh đệ,

Tôi tớ Phanxicô

Vatican, ngày 2 tháng 7 năm 2020
 
Ý cầu nguyện tháng 7 của Đức Thánh Cha: cầu cho các gia đình được yêu thương, tôn trọng và được hướng dẫn…
Thanh Quảng sdb
05:59 03/07/2020
Ý cầu nguyện tháng 7 của Đức Thánh Cha: cầu cho các gia đình được yêu thương, tôn trọng và được hướng dẫn…

Thứ Năm vừa qua, Đức Đức Thánh Cha Phanxicô đã phát hành một thông điệp video để nói lên ý cầu nguyện cho tháng Bảy là cầu xin cho các gia đình luôn được yêu thương, tôn trọng nhau và được hướng dẫn…"

(Tin Vatican)

Đây là phong tục của Đức Thánh Cha, hàng tháng phát hành một thông điệp video để nói lên ý cầu nguyện của ngài.

Sau đây là toàn văn của ý cầu nguyện:

Gia đình cần phải được bảo vệ.

Dù gia đình đang phải đối diện với nhiều nguy hiểm: tốc độ sống cuồng nhiệt và nhiều căng thẳng…

Nhiều khi, cha mẹ quên dành giờ cho con cái.

Giáo hội cần nâng đỡ các gia đình, đồng hành với họ, giúp họ khám phá ra những phương cách giúp họ vượt qua những khó khăn...

Chúng ta hãy cầu nguyện cho các gia đình luôn ắp đầy yêu thương, biết tôn trọng nhau và được hướng dẫn; và đặc biệt được Nhà nước bảo vệ.
 
Hai Giám Mục trong tình trạng nghiêm trọng. Các tiểu bang Hoa Kỳ chứng kiến sự tăng vọt kỷ lục trong các trường hợp COVID-19
Đặng Tự Do
16:08 03/07/2020

Khi nhiệt độ ở Mỹ đang nóng dần lên, các tiểu bang đang chứng kiến sự gia tăng đột biến về số ca mắc coronavirus.

Việc tái tục các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự đang gặp nhiều khó khăn đặc biệt là tại Arizona, Florida và Texas.

Một chuyên gia y tế hàng đầu của Mỹ đã cảnh báo Quốc hội hôm thứ Ba rằng các trường hợp nhiễm coronavirus mới có thể tăng hơn gấp đôi, tức là lên đến trên 100, 000 trường hợp nhiễm bệnh mỗi ngày nếu chính quyền và công chúng không thực hiện các bước để ngăn chặn đại dịch.

Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Anthony Fauci, một thành viên hàng đầu của lực lượng đặc nhiệm coronavirus của Tổng thống Donald Trump, cho biết Hoa Kỳ đang đi theo “hướng sai” về đại dịch và yêu cầu người Mỹ đeo mặt nạ và tránh đám đông sau khi các hành vi lỏng lẻo đẩy mạnh các ca nhiễm coronavirus.

“Tôi rất quan tâm và tôi không hài lòng với những gì đang diễn ra, bởi vì chúng tôi đang đi sai hướng”, ông tuyên bố trước một khoá họp tại Thượng viện.

Tại Arizona, các trường hợp nhiễm coronavirus đã tăng hơn 260% trong tháng 6 và tăng vọt với kỷ lục 3, 800 trường hợp vào hôm Chúa Nhật, là mức tăng kỷ lục cao thứ tám trong tháng này.

Điều này xảy ra khi những đám đông lớn đổ về những nơi như Salt River East vào những ngày cuối tuần, trèo vào các ống bơm hơi bên trong những máy làm mát, hay xuống nước để trốn cái nóng - đa số họ không đeo khẩu trang y tế.

Trong khi đó, Florida cũng đang gánh chịu một làn sóng nhiễm coronavirus lần thứ hai với hơn 8, 500 trường hợp nhiễm coronavirus mới vào Chúa Nhật.

Thống đốc bang Florida Ron DeSantis hôm Chúa Nhật đổ lỗi sự gia tăng các trường hợp nhiễm coronavirus ở tiểu bang của ông cho sự gia tăng lây nhiễm trong số những người trẻ và việc gia tăng các thử nghiệm COVID-19.

Ông nói: “Tôi nghĩ rằng các trường hợp gia tăng này xảy ra vì rất nhiều người trẻ đang nhiễm bệnh. Chúng tôi đang thử nghiệm nhiều hơn nữa và vì vậy sự gia tăng một phần là do việc thử nghiệm trong nhiều khu vực mà trước đây chưa từng thử nghiệm, đặc biệt là trong phạm vi từ 18 đến 24 tuổi”.

Florida sẽ đóng cửa một số bãi biển một lần nữa trước kỳ nghỉ vào ngày 4 tháng Bảy tới.

Tại Texas 2 Giám Mục và 2 linh mục đã về hưu vừa được chẩn đoán nhiễm coronavirus.

Phó Tổng thống Mike Pence hôm Chúa Nhật đã đến thăm Texas và Thống đốc Greg Abbott. Texas cũng một tiểu bang gần đây đã chứng kiến sự gia tăng các trường hợp COVID-19.

Abbott cho biết tiểu bang ông sẽ quay trở lại các chiến lược giúp họ làm chậm sự lây lan lần đầu tiên vào tháng 3 và tháng 4.

Ông nói: “Chúng ta cần hiểu rằng COVID-19 đã có một bước ngoặt rất nhanh và rất nguy hiểm ở Texas chỉ trong vài tuần qua. Nó đòi hỏi tất cả người dân Texas phải quay lại những chiến lược mà chúng ta đã áp dụng. Hãy đeo khẩu trang, vệ sinh tay, và giữ khoảng cách an toàn.”


Source:Reuters
 
Catholic Standard: Linh mục dòng đang hồi phục sau một vụ được cho là tấn công
Đặng Tự Do
16:10 03/07/2020
Hai giáo xứ Công Giáo ở thủ đô Washington, D.C., đã cầu nguyện và hỗ trợ cho một linh mục dòng đến thăm, là vị được cho là đã bị tấn công vào ngày 9 tháng 6 vào một buổi sáng sớm.

Trang web của Giáo xứ Thánh Phêrô trên Đồi Capitol ghi nhận rằng: “Cha Thomas Haake, thuộc dòng Truyền Giáo Đức Maria Vô Nhiễm, gọi tắt là OMV, gần đây đã bị tấn công trên đường phố ở khu vực Đông Nam của Washington, DC. Chúng tôi rất buồn khi Cha Haake, một khách mời đến thành phố của chúng ta và là một người bạn của giáo xứ Thánh Phêrô, bị tấn công. Cha Haake đã được cung cấp một chỗ trong nhà xứ của giáo xứ Thánh Phêrô để sử dụng một hoặc hai lần một tuần trong khi gặp gỡ những người tham gia chương trình Linh Thao theo Thánh Y Nhã. Chúng tôi tạ ơn Chúa vì Cha Haake đã không bị thương nghiêm trọng và đang phục hồi rất tốt về thể chất và tinh thần. Chúng tôi sẽ chuyển đến ngài những lời cầu nguyện và mối quan tâm của nhiều người tìm hiểu về tình trạng của Cha Haake, và tiếp tục cầu nguyện cho sự chữa lành và công lý ở đất nước chúng ta.”

Tờ Catholic Standard đã tìm cách phỏng vấn Cha Haake về vụ việc, nhưng đến ngày 2 tháng 7, vẫn chưa thu xếp được một cuộc phỏng vấn với ngài.

Một đại diện của Văn phòng Thông tin Công cộng thuộc Sở Cảnh sát Thủ đô ghi nhận rằng: “Vụ việc này đã được xếp loại là ‘Người bị thương phải đưa đến bệnh viện’, trong khi các tình huống hiện đang được điều tra.”

Theo báo cáo sơ khởi của cảnh sát vụ việc xảy ra vào ngày 9 tháng 6, Cha Haake đang đi trên cầu Sousa trong khu phố 2300 của đại lộ Pennsylvania, Đông Nam. Vị linh mục nói với cảnh sát rằng ngài không hiểu tại sao ngã xuống đất và đập mặt xuống vỉa hè, nhưng nhớ được rằng khi thức dậy thì thấy con mắt phải sưng lên, đồng thời bóp tiền cùng điện thoại di động của ngài bị mất. Báo cáo của cảnh sát cho biết thêm là Cha Haake, “không biết tại sao mình bị thương như thế”, và ngài được chuyển đến bệnh viện để điều trị.

Trong một cuộc phỏng vấn ngày 2 tháng 7 với tờ Catholic Standard, Đức Ông Raymond East, Cha Sở nhà thờ Thánh Têrêsa thành Avila ở Washington, cho biết Cha Haake đã ở lại giáo xứ này vào mùa xuân năm nay, bắt đầu vào giữa tháng Tư, một ngày sau lễ Phục sinh.

“Cha Haake đã rất vui được ở với chúng tôi. Chúng tôi rất vui mừng được chào đón ngài đến nhà xứ”, Đức Ông East nói và lưu ý rằng vị linh mục đang ở độ tuổi 60 chứ không phải 80 tuổi như đã nêu trong các tường thuật của các phương tiện truyền thông xã hội. Theo ngài, một bài đăng trên phương tiện truyền thông xã hội đã tuyên bố sai lệch rằng vị linh mục đã bị những người biểu tình Black Lives Matter tấn công.

Đức Ông Raymond East cho biết trong khi các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự chưa được mở lại vì đại dịch coronavirus, vị linh mục tiếp tục trình bày trực tuyến những suy tư tâm linh cho mọi người qua Zoom, và ngài cũng giúp cử hành Thánh lễ 7 giờ sáng cho các nữ tu Truyền giáo tại nhà nguyện của họ ở nhà nguyện bên cạnh.

“Ngài luôn luôn rất kính cẩn trang nghiêm khi cử hành thánh lễ, ” Cha East nói, và cho biết thêm rằng Cha Haake rất được các nữ tu, anh chị em giáo dân giáo xứ Têrêsa, cũng như những người quen biết ngài ái mộ. “Ngài luôn mỉm cười, với đôi mắt lấp lánh.”

Đức Ông East nói thêm rằng Cha Haake thích đi dạo trong thành phố. “Ngài đi bộ khắp nơi, ” Cha Sở giáo xứ Thánh Têrêsa, nói và lưu ý rằng cha bạn của ngài đang đi dạo vào sáng sớm như thường lệ và đọc kinh Mân Côi khi biến cố này xảy ra. Sau khi ngã trên cầu, Cha Haake đi bộ khoảng một dặm đến nhà thờ Thánh Têrêsa, và cử hành thánh lễ cho các nữ tu. Sau đó, ngài được xe cứu thương đưa đến Bệnh viện Đại học George Washington. Đức Ông East nói rằng cha bạn của ngài bị hai vết nứt nhỏ ở má, và không thể nhớ chi tiết về những gì đã xảy ra với ngài.

Cha East nói: ”Ngài chỉ nhớ rằng có những người lái xe đạp đang tiến về phía ngài trước khi ngài bất tỉnh”.

Một nhóm từ giáo xứ Thánh Têrêsa đã ở lại với Cha Haake trong phòng cấp cứu của bệnh viện, và ngài trở lại nhà xứ vào cuối ngày hôm đó. Cha East cho biết một giáo dân đã quay trở lại cây cầu và tìm kiếm bóp tiền và điện thoại di động của vị linh mục nhưng không thành công.

Cha East cho biết Cha Haake hiện đang ở trong khu vực Đồi Capitol, nơi mà nhiều năm trước đó, ngài đã phục vụ trong tư cách là tuyên úy tại Thượng viện Hoa Kỳ.

Tổng giáo phận Washington đã ra tuyên bố sau đây vào ngày 30 tháng 6: “Cha Thomas Haake, một thành viên của Dòng Truyền Giáo Đức Maria Vô Nhiễm, là một linh mục khách đến thăm và phục vụ trong Tổng giáo phận Washington trong vài tháng. Ngài đã phục vụ với tư cách là cha giảng tĩnh tâm, hướng dẫn chương trình Linh Thao theo Thánh Y Nhã tại một vài giáo xứ trong tổng giáo phận. Mặc dù chúng tôi không có thêm thông tin nào về tình trạng của Cha Haake, chúng tôi xin anh chị em tiếp tục cầu nguyện cho ngài được chữa lành và chấm dứt tình cảnh bạo lực ở đất nước chúng ta.”

Sau đó, tổng giáo phận đã ra thêm một tuyên bố khác vào ngày 2 tháng 7 cho biết: “Tại thời điểm này, chúng ta không thể xác nhận sự thật của câu chuyện này do thỉnh cầu của Cha Haake muốn giới hạn vấn đề trong vòng riêng tư. Ngài đã từ chối bất kỳ cuộc phỏng vấn nào tại thời điểm này vì ngài đang tham gia trong cuộc điều tra vẫn còn đang tiếp diễn của Cảnh sát thủ đô. Văn phòng của tòa Tổng Giám Mục chúng tôi phải tuân theo mong muốn về quyền riêng tư của ngài.”

Tuyên bố của tổng giáo phận nói thêm rằng “Khi chúng tôi có thể chia sẻ nhiều hơn với anh chị em sau này, chúng tôi chắc chắn sẽ cho anh chị em biết thêm.”


Source:Catholic Standard
 
Sau khi bức tượng Thánh Junípero Serra bị phá hủy, Đức Tổng Giám Mục Cordileone tổ chức buổi cầu nguyện trừ tà
Đặng Tự Do
16:19 03/07/2020

Sau khi một đám đông giật sập các bức tượng, bao gồm cả một bức tượng của thánh Junípero Serra, trong một công viên ở San Francisco, Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone đã cùng với hàng chục người Công Giáo tham gia cầu nguyện và làm các việc phạt tạ.

“Cái ác đã ló mặt ra ở đây. Vì vậy, chúng ta tập hợp lại với nhau để cầu nguyện xin Chúa, xin các thánh... can thiệp cho chúng ta, nhất là cầu xin cùng Đức Mẹ, trong một hành động đền tạ, xin Chúa thương xót chúng ta và toàn thành phố, xin cho chúng ta có thể hướng lòng mình về phía Ngài một lần nữa, ” Đức Tổng Giám Mục Cordileone nói.

Bức tượng Thánh Junípero Serra đã bị phá hủy tại Công viên Golden Gate vào tối ngày 19 tháng 6 bởi một đám đông không đến 100 người. Đám đông cũng giật sập các bức tượng của Francis Scott Key, là tác giả bài Quốc ca Hoa Kỳ, và Ulysses Grant, là tổng thống Hoa Kỳ và là tướng trong quân đội Liên minh đã đánh bại phe miền Nam là phe muốn duy trì tình trạng nô lệ người da đen. Những người da đen lẽ ra phải có lòng biết ơn tổng thống Ulysses Grant là người đã giúp giải phóng thân phận nô lệ của họ mới phải. Việc giật sập bức tượng của ông cho thấy những kẻ này chỉ là một bọn ngu xuẩn.

Tin tức Đức Tổng Giám Mục Cordileone sẽ cử hành buổi lễ trừ tà tại đây đã bị nhiều thành phần cực đoan trong phong trào BLM phản ứng một cách tức giận với nhiều lời hăm he. Tuy nhiên, buổi lễ đã diễn ra trong yên bình, và hàng chục người Công Giáo đã tham dự.

“Sự hiện diện của rất nhiều người tuyệt vời ở đây là niềm an ủi lớn đối với tôi, ” Đức Tổng Giám Mục nói. “ Tôi cảm thấy một vết thương thật lớn trong tâm hồn tôi khi tôi nhìn thấy những hành động khủng khiếp báng bổ và gièm pha ký ức về Thánh Serra. Ngài là một vị anh hùng vĩ đại, một người bênh vực vĩ đại của người dân bản địa của vùng đất này.”

Đức Tổng Giám Mục Cordileone nhận xét rằng bức tượng đã bị kéo xuống một cách “đầy báng bổ.”

“Một hành vi phạm thánh đã xảy ra ở đây. Đó là một hành động của ma quỷ, ” ngài nói.

“Chúng ta đến với nhau để đọc Kinh Mân Côi, và tham gia vào lời cầu nguyện trừ tà là Kinh Kính Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, bởi vì cái ác đã ở đây, đây là một hoạt động của những kẻ tội lỗi, những kẻ muốn lật đổ Giáo Hội, là những kẻ cũng muốn lôi xuống tất cả các tín hữu Kitô.”

“Vì vậy, chúng ta dâng lời cầu nguyện, xin Chúa chúc phúc cho mảnh đất này với nước thánh, xin Thiên Chúa thanh tẩy, và thánh hóa nó, để đến lượt chúng ta, chúng ta cũng có thể được thánh hoá.”

Theo Đức Tổng Giám Mục các cuộc biểu tình chỉ trích sự bất công chủng tộc đã bị cướp mất hết chính nghĩa.

“Điều gì đang xảy ra với xã hội của chúng ta? Một phong trào quốc gia đổi mới để chữa lành ký ức và sửa chữa những bất công của nạn phân biệt chủng tộc và sự tàn bạo của cảnh sát ở nước ta đã bị một số người cướp mất chính nghĩa và lùa vào một phong trào bạo lực, cướp bóc và phá hoại, “ Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone nói trong một tuyên bố ngày 20 tháng Sáu.

“Việc lật nhào và làm biến dạng các bức tượng trong Công viên Golden Gate, bao gồm cả tượng Thánh Junipero Serra, đã trở thành ví dụ mới nhất, về sự thay đổi đó trong phong trào phản kháng, ” Đức Tổng Giám Mục nói thêm.

“Việc tưởng niệm các nhân vật lịch sử xứng đáng với một cuộc thảo luận trung thực và công bằng về cách thức và danh dự như thế nên được trao cho ai. Nhưng ở đây, không có cuộc thảo luận hợp lý như vậy; đó chỉ là luật rừng, trong một hiện tượng bạo loạn dường như đang được lặp lại trên toàn quốc.”

Đức Tổng Giám Mục Cordileone nhấn mạnh tầm quan trọng của những lời kêu gọi công lý chủng tộc và chấm dứt sự tàn bạo của cảnh sát, bắt đầu sau cái chết ngày 25 tháng 5 của George Floyd, một người đàn ông da đen bị giết bởi một cảnh sát viên ở tiểu bang Minneapolis, là người đã quỳ trên cổ Floyd.

“Tất cả những người làm việc vì công lý và bình đẳng đều hiệp nhất trong sự phẫn nộ của những người đã và đang tiếp tục bị áp bức, “ Đức Tổng Giám Mục nói.

“Đặc biệt là những môn đệ Chúa Giêsu Kitô. Các Kitô hữu được kêu gọi làm việc không mệt mỏi vì phẩm giá của tất cả mọi người, “ ngài nói thêm và lưu ý rằng Thánh Phanxicô Assisi, mà thành phố San Francisco này mang tên ngài, là một trong những nhân vật lịch sử tiêu biểu nhất cho hòa bình và thiện chí.”

“Trong suốt 800 năm qua, các linh mục, tu sĩ nam nữ Dòng Anh Em Hèn Mọn đều lấy cảm hứng từ gương sáng phục vụ, khó nghèo, đồng hoá mình với người nghèo và tìm mọi cách mang đến cho mọi người phẩm giá chính đáng là con cái của Chúa. Thánh Junipero Serra cũng không ngoại lệ.”

Đức Tổng Giám Mục đã ca ngợi vị thánh có lòng truyền giáo nhiệt thành: “Thánh Junipero Serra đã mang đến cho người dân bản địa điều tốt nhất mà ngài thủ đắc: kiến thức và tình yêu Chúa Giêsu Kitô, mà ngài và các anh em Phan sinh đã làm thông qua giáo dục, chăm sóc sức khỏe và đào tạo về kỹ thuật nông nghiệp.”

“Cơn giận dữ chống lại sự bất công có thể là một phản ứng lành mạnh khi sự phẫn nộ chính đáng này có thể thúc đẩy xã hội tiến lên. Nhưng như chính Chúa Kitô dạy, và Thánh Phanxicô đã làm gương, tình yêu, chứ không phải cơn thịnh nộ, là câu trả lời duy nhất, ” Đức Tổng Giám Mục kết luận.


Source:Catholic News Agency
 
Đức Hồng Y Pell: Sứ mệnh Giáo Hội không biện minh cho việc thiếu hiệu năng hay thối nát tài chánh
Vũ Văn An
17:31 03/07/2020



Theo tin của Ed Condon thuộc CNA ngày 30 tháng 6, Đức Hồng Y George Pell nói rằng sứ mệnh thiêng liêng của Giáo Hội không bào chữa cho việc quản trị dở và thối nát tài chánh có thể đem lại nguy cơ lớn lao cho hàng giáo sĩ hơn là tác phong lạm dụng tình dục.

Trong một thông diệp video gửi cho Viện Hoàn Cầu Quản Trị Giáo Hội của Giáo Hoàng Đại Học Thánh Giá ở Rôma tối thứ Ba, Đức Hồng Y Pell nói rằng “chắc chắn, tiền bạc là một trong các ơn phúc của Thiên Chúa, nhưng nó cũng là nguồn cám dỗ”.

“Nói rằng Giáo Hội không phải là một công việc kinh doanh không hề cung cấp một biện minh nào để chúng ta thiếu hiệu năng, càng không để chúng ta thối nát”.

Đức Hồng Y Pell, người đỡ đầu tiên khởi của Viện, đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô bổ nhiệm năm 2014 làm người đứng đầu đầu tiên của Văn phòng Kinh tế của Tòa Thánh, có nhiệm vụ giám sát và cải tổ nền tài chánh của Tòa Thánh.

Ngài nói rằng “tôi nhớ rất ngạc nhiên khi, vừa đến Rôma [năm 2014], được nghe người ta bảo rằng Mẹ Têrêxa, Thánh Nữ Têrêxa thành Calcutta, từng nói: đối với các giáo sĩ, có hai thách đố lớn: một thách đố đụng đến tình dục và thách đố kia đụng đến tiền bạc. “Và thánh nữ nghĩ rằng mối nguy về tiền bạc lớn hơn và mạnh mẽ hơn mối nguy về tình dục sai lầm”.

“Chính Chúa của chúng ta có rất nhiều điều để nói về sự giàu có, Người rất rõ ràng về vấn đề này. Một lần nữa tôi nhớ mình đã bị ngỡ ngàng, có lẽ cách nay đã một thập niên, khi tôi đọc thấy rằng Chúa của chúng ta đã lên án lòng yêu mến giàu có hơn là Người lên án sự giả hình”.

Đức Hồng Y nói rằng, “thật ích lợi khi nhớ rằng nhóm duy nhất bị Chúa chúng ta quất roi là những người đổi tiền, những lái buôn trong đền thờ”.

“Tiền bạc là một thứ nhơ nhuốc. Tôi hoàn toàn thích làm việc với tiền bạc - nó quả khá hấp dẫn - nhưng nó cần được kiểm soát và quản trị”.

Đức Hồng Y Pell nói “Giáo hội không phải là một công việc kinh doanh. Giáo hội siêu nhiên [...] nhưng chúng ta tin vào sự nhập thể, tin Thiên Chúa đã sai Con Một của Người đến và sống với chúng ta. Vì vậy, chúng ta mang sự hiện diện của Chúa Kitô và của Thiên Chúa vào các cộng đồng của chúng ta và chúng ta phải sử dụng tiền bạc và phương pháp học để làm việc này”.

Ngài nói tiếp “Tôi không bao giờ đề nghị phải đảo ngược các ưu tiên của chúng ta”.

Ngài bảo “Tôi nhớ tôi đã nói chuyện tại một hội nghị lớn dành cho giới trẻ... và tôi nói rằng việc làm cho một người trở lại với Chúa Kitô khó hơn là cải tổ nền tài chính của Vatican”. Ngài nhận định rằng “mọi báo chí thế tục đều cho rằng tôi nói ngược lại”.

Đức Hồng Y ca ngợi việc làm của Viện và nói rằng điều thiết yếu đối với những người chịu trách nhiệm quản trị trong Giáo hội là cổ vũ kỷ luật và nhân đức.

“Có một viễn kiến tâm linh là một chuyện, và có một kế hoạch hoặc một dự án lại là một chuyện khác; tất nhiên, để thực hiện những điều đó, bạn cần có kỹ năng quản trị - khả năng nhân bản được huấn luyện và lên khuôn cho các mục đích tốt và hợp ý Thiên Chúa”.

Nhiệm kỳ của Đức Hồng Y Pell, tại Văn phòng Kinh tế, chính thức kết thúc vào năm 2019, nhưng ngài đã được nghỉ phép vào năm 2017 để có thể quay trở lại quê hương Úc đương đầu với các cáo buộc lạm dụng tình dục. Sau một cuộc đấu tranh pháp lý kéo dài, một cuộc đấu tranh từng khiến ngài phải ngồi tù hơn một năm, phần lớn trong cảnh biệt giam, Đức Hồng Y đã được Tòa án tối cao Úc tuyên bố tha bổng mọi cáo buộc vào tháng Tư năm nay.

Đức Hồng Y Pell đưa ra nhiều thí dụ trong thời gian ở tù như những cách trong đó, kỷ luật tự nguyện về thể lý bổ túc cho kỷ luật tâm linh.
Ngài nói “Trong tù, tôi có nhiều thời gian rảnh rỗi để cầu nguyện hàng ngày và tôi đã làm như vậy. Tôi làm như vậy vì đó là bổn phận của tôi, nó phù hợp và hữu ích cho bản thân tôi. Nhưng bên cạnh đó, tôi có một loạt các biện pháp thực tiễn để thực hiện”.

“Cuộc sống của tôi rất đều đặn - Tôi thức dậy vào mỗi buổi sáng lúc 7 giờ 15 và tôi đã không đi ngủ trở lại, tôi tiếp tục thức. Tôi đoan chắc phải tập thể dục mỗi ngày, tôi lưu ý chế độ ăn uống của tôi; có lẽ tôi khỏe mạnh hơn khi ra tù so với lúc vào tù”.

Ngài cho hay “Tất cả những sự kiện có trật tự, có hệ thống đó đã giúp ích cho tôi”.

“Tương tự như vậy, khi chúng ta giám sát các doanh nghiệp của Giáo hội, cách chúng ta phục vụ người ta, cầu nguyện đều đặn không đủ, là những người có lòng nhiệt thành mạnh mẽ - chúng ta phải có khả năng đem viễn kiến của mình vào hành động”.

Viện Hoàn cầu Quản trị Giáo Hội (GICM)

Theo Hãng tin Zenit (bản tin ngày 2 tháng 7, 2020), Chương trình Quản trị Giáo hội (PCM) thuộc Đại Học Thánh Giá, ngày 30 tháng 6, 2020, đã tổ chức một hội nghị trực tuyến để công bố việc phát động Viện Hoàn cầu Quản Trị Giáo Hội (GICM), một cơ sở độc lập bất vụ lợi đặt trụ sở tại Hoa Kỳ và lãnh đạo bởi một hội đồng giáo dân. Viện Hoàn cầu Quản Trị Giáo Hội cổ vũ việc nghiên cứu và giáo dục để trợ giúp các định chế của Giáo Hội thực thi các thực hành quản trị tốt nhất ngõ hầu phản ảnh một cách điển hình các giáo huấn luân lý và xã hội của Giáo Hội. Nhờ sử dụng các nguồn tài nguyên của mình cách tốt nhất, Giáo Hội sẽ có thể đạt được nguyện vọng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô muốn Giáo Hội thực sự là “Giáo Hội nghèo cho người nghèo”.

Chương trình Quản trị Giáo hội khởi đầu do lời yêu cầu của Đức Hồng Y George Pell nhân danh Tòa Thánh lúc ngài đứng đầu Văn phòng Kinh tế, do Đức Phanxicô thiết lập. Chuyên viên giáo dân cao cấp của Đức Hồng Y Pell, Claudia Ciocca, là thành viên giảng dạy của chương trình. Hôm nay, Đức Hồng Y đã tham dự hội nghị qua cuốn video gửi tới; đây là lần xuất hiện đầu tiên qua video kể từ ngày ngài được trắng án.

Chương trình Quản trị Giáo hội cung cấp chứng chỉ một năm cho giáo dân, giáo sĩ và tu sĩ có mặt tại Rôma, cũng như các buổi dành cho cấp chấp hành, dưới hình thức thâm cứu cuối tuần tại Rôma. Các Giám Mục từ khoảng 50 giáo phận đã gửi sinh viên tới chương trình, một số cũng đã tham dự các buổi dành cho cấp chấp hành. Trong 3 năm qua, 110 sinh viên đã ghi danh. Các sinh viên cấp chấp hành khác bao gồm các cha tổng đại diện, các chưởng ấn, quản trị viên bệnh viện, quản trị viên tài chánh, các nhà lãnh đạo các tu hội...

Liên Hội Truyền Giáo Giáo Hoàng cũng yểm trợ Chương trình Quản trị Giáo hội bằng các học bổng cho sinh viên. Tin tức về chương trình có thể tìm thấy tại www.pusc.it/pcm.
 
Giữa cơn đại dịch: Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ với các nạn nhân
Thanh Quảng sdb
19:15 03/07/2020
Giữa cơn đại dịch: Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ với các nạn nhân

Đức Thánh Cha Phanxicô ủng hộ những nỗ lực chống lại Covid-19 qua việc đóng góp 25, 000 Euro cho Quỹ Cứu trợ Lương thực Thế giới (WFP).

(Tin Vatican)

Chủ tịch của Thánh bộ Phát triển Toàn diện con người của Tòa thánh cho hay vào thứ Sáu 3/7/2020, Đức Thánh Cha đã cảm thông với những người bị ảnh hưởng bởi cơn đại dịch và hỗ trợ những ai đang "cố sức cung ứng những dịch vụ thiết yếu cho những người nghèo khổ" bằng việc yểm trợ 25, 000 Euro cho Quỹ Cứu trợ Lương thực Thế giới (WFP).

Đức Thánh Cha đã kêu gọi một cuộc quyên góp thông qua Thánh bộ Phát triển Toàn diện con người của Tòa thánh nhằm hỗ trợ Quỹ Lương thực và Nông nghiệp (FAO), Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD) và Quỹ Lương thực Thế giới (WFP).

Sự quyên góp gần đây là một nghĩa cử khích lệ trong tình liên đới với Quỹ Lương thực Thế giới (WFP), cùng với các quốc gia khác hỗ trợ cho sự phát triển toàn diện, chống lại sự bất ổn xã hội, thiếu thốn lương thực, nạn thất nghiệp và sự khủng khoảng kinh tế của nhiều quốc gia nghèo..."

Đức Thánh Cha Phanxicô đã liên tục hỗ trợ trong khả năng của mình trong cuộc chiến chống Covid-19 này. Gần đây, Ngài đã tặng 35 máy trợ thở cho các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn đại dịch, đặc biệt tại các quốc gia có một hệ thống y tế còn yếu kém. Tất cả các khoản đóng góp mà ĐTC đã thực hiện trong cơn đại dịch Covid-19 này đã lên tới gần 2 triệu Euro.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Một chút suy tư về Phó Tế và con đường phục vụ Hãy Tập Chết Mỗi Ngày
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
08:33 03/07/2020
Một chút suy tư về Phó Tế và con đường phục vụ Hãy Tập Chết Mỗi Ngày

Dẫn nhập:

Trong những tháng đầu của năm Canh Tý (2020), cả thế giới lao đao về cơn đại dịch Covid-19. Đâu đâu, từ Á sang ÂU, từ Bắc Mỹ tới Nam Mỹ, từ những quốc gia giàu có, văn minh hàng đầu như Nhật, Đức, Mỹ, Ý, Nga, Tàu…đến những nước nghèo đang phát triển như Philippines, Indonesia…đều chật vật, khốn đốn với con virus Corona bất trị và cũng rất bí hiểm.

Tuy nhiên, ở giữa cơn đại dịch với bao cảnh tang tóc, chết chóc, thất vọng… thế giới vẫn còn loé lên đây đó những gương mặt thánh thiện, những hành vi can đảm, những nghĩa cử nhân văn, những mẫu gương phục vụ…đã làm cho nhiều người ấm lòng và mang lại niềm hy vọng cho thế giới. Đó là những con người hy sinh và can đảm phục vụ cho tới chết như bác sĩ Lý Văn Lượng ở Vũ Hán; như các bạn trẻ Băng Trịnh, Giulia ở Đức, dùng những tờ giấy nhỏ dán ở chung cư để sẵn sàng phục vụ những người già yếu, ngheo đơn…[1]

Riêng trong môi trường hoạt động mục vụ của Giáo Hội Công Giáo, giai đoạn thương đau của mùa đại dịch nầy cũng là thời khắc để mọi thành phần của Giáo Hội làm chứng về căn cước Kitô hữu của mình: các nữ tu phục vụ âm thầm trong các bệnh viện, các linh mục tuổi già sức yếu trung thành với công tác mục vụ chăm sóc bệnh nhân hay những nhân viên, y bác sĩ quây quần cầu nguyện rồi ra đi “đối đầu” với những đe doạ, thách đố của lây nhiễm hay chết chóc…

Chúng ta cũng đừng quên, một huấn dụ quan trọng đi kèm với một “dấu chỉ” đã trở thành như “bí tích” mà Chúa Giêsu đã ân cần trao cho các môn sinh trong “Giờ phút cao điểm thiết lập bí tích Thánh Thể và chức linh mục vào ngày thứ năm trước khi chịu nạn”, đó là “bài học Rửa Chân”: “Vậy, nếu Thầy là Thầy, là Chúa, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13, 13).

Nếu ơn gọi và cũng là căn tính của chức Phó tế chính là phục vụ, là “rửa chân cho anh chị em mình”, thì phải phục vụ, phải “rửa chân” thế nào đây?

I. MỘT THOÁNG VỀ Ý NGHĨA “PHỤC VỤ”.

1. Phục vụ trong quan niệm chung:

Chúng ta có thể mượn cách cắt nghĩa của tác giả Aug. Trần Cao Khải để tóm tắt ý nghĩa của “phục vụ”: “Phục vụ là sử dụng khả năng, sức lực, tài khéo của mình để làm những công việc vì lợi ích chung hay giúp đỡ người khác thông qua những việc thiết thực nhờ đó con người và cuộc sống của họ được thăng tiến mọi mặt. Nói cách nôm na, phục vụ là giúp đỡ, là làm đầy tớ, là bạn đồng hành chăm lo người khác và quan tâm đến những nhu cầu thiết thực của họ. Ta có thể thấy, trong gia đình ông bà cha mẹ phục vụ con cháu, anh chị em phục vụ lẫn nhau, con cháu phụng dưỡng ông bà cha mẹ. Ngoài xã hội, mỗi người là một thành phần đóng góp công sức phục vụ nhân quần xã hội. Trong Hội thánh, trong cộng đoàn lớn nhỏ, mỗi người là một chi thể sống và làm việc vì lợi ích cho tập thể.

Vậy thì ai cũng là một người phục vụ. Nhưng để trở thành người phục vụ tốt, gương mẫu, xứng đáng thì chúng ta cần hội đủ một số đức tính căn bản, chẳng hạn như khiêm tốn, quảng đại, tế nhị, tận tâm và hy sinh quên mình.”[2]

2. Phục vụ và chức Phó tế của Hội Thánh:

Trong sách “TỰ ĐIỂN Công Giáo” của Uỷ Ban Giáo Lý Đức tin thuộc HĐGMVN xuất bản năm 2016, mục từ Phó Tế được định nghĩa như sau:

Phó tế, tiếng Hy Lạp (Diakonos), có nghĩa là người phục vụ. Phó tế là người đã được giám mục đặt tay trao ban thừa tác vụ thánh để cọng tác với giám mục và linh mục trong việc phục vụ Dân Chúa (x. LG 29). Thừa tác vụ phó tế bắt nguồn từ việc Nhóm Mười Hai truyền chọn bảy người “được tiếng tốt, đầy Thần Khí và khôn ngoan” để đặt tay cầu nguyện và giao cho họ phục vụ việc ăn uống của các tín hữu, đặc biệt là các “bà goá Do Thái theo văn hoá Hy Lạp”. Việc làm của họ giúp các Tông Đồ có thời gian để “chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa” (x. Cv 6, 2-6)[3]

Trong khi đó, chúng ta gặp từ “phục vụ” được lặp đi lặp lại nhiều lần trong nghi thức phụng vụ truyền chức phó tế:[4]

- Trong Lời nguyện nhập lễ: “Lạy Chúa, Chúa đã dạy các thừa tác viên của Hội Thánh Chúa đừng muốn được phục vụ nhưng phải phục vụ anh em; chúng con nài xin Chúa cho các tôi tớ Chúa đây mà hôm nay được Chúa thương chọn lên chức Phó tế, biết khôn ngoan trong hành động, kiên trì trong cầu nguyện và hiền lành trong phục vụ…”

- Trong lời huấn dụ phần nói với cộng đoàn: “…Nhờ ơn Chúa, họ làm những công việc ấy, để anh chị em biết rằng họ thật sự là môn đệ của Đấng không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ.”

- Trong lời huấn dụ phần nói với các tiến chức phó tế: “Các con thân mến, các con sắp lên chức Phó Tế. Chúa đã nêu gương để các con làm theo như Người đã làm. Vậy, Phó Tế là những thừa tác viên của Đức Giêsu Kitô, Đấng ở giữa các môn đệ như người phục vụ, các con hết lòng làm theo ý Thiên Chúa trong lòng mến, các con hân hoan phục vụ Chúa thế nào thì hãy hân hoan phục vụ người ta thế ấy…”

- Trong Lời nguyện Phong chức: “…Lạy Cha, chúng con xin Cha sai Chúa Thánh Thần xuống trên các thầy, để nhờ Người, các thầy được bảy ơn Cha thêm sức, sẽ trung thành thi hành thừa tác phục vụ…”

II. NHÂN ĐỨC RIÊNG CỦA NGƯỜI PHỤC VỤ: KHIÊM NHƯỜNG

Trong Tin Mừng có một “câu chuyện” liên quan đến chuyên đề “PHỤC VỤ” rất hay mà có lẽ không người Kitô hữu nào lại không biết đến. Tin Mừng Matthêô tường thuật câu chuyện đó như sau:

Bấy giờ bà mẹ của các con ông Dê-bê-đê đến gặp Đức Giê-su, có các con bà đi theo; bà bái lạy và kêu xin Người một điều. Người hỏi bà: "Bà muốn gì? " Bà thưa: "Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy." Đức Giê-su bảo: "Các người không biết các người xin gì! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không? " Họ đáp: "Thưa uống nổi." Đức Giê-su bảo: "Chén của Thầy, các người sẽ uống; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được." Nghe vậy, mười môn đệ kia tức tối với hai anh em đó. Nhưng Đức Giê-su gọi các ông lại và nói: "Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người." (Mt 20, 20-28)

Chúng ta dễ dàng nhận ra “điểm nhấn giáo huấn” của Đức Kitô dành cho các Tông Đồ, những người được chọn gọi tiếp nối Ngài trong sứ mệnh phục vụ đó là phải khiêm tốn tự hạ, phải uốn mình trở nên “những người đầy tớ anh em”.

Qua đó, chúng ta có thể xác quyết rằng: nhân đức căn bản của người phục vụ đó chính là KHIÊM NHƯỜNG.

1. Soi vào gương khiêm nhường của Đức Kitô:

1.1. Đức Ki-tô khiêm nhường trong mầu nhiệm nhập thể:

Để giúp suy niệm về sự khiêm nhường của Đức Ki-tô trong mầu nhiệm Nhập Thể, có lẽ đoạn thư của Thánh Phao-lô sau đây là một gợi ý thích hợp:

“Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân giống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nổi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự”. (Pl 2, 6-8).

- Đức Ki-tô khiêm nhường khi tự xoá mình đi: Là Thiên Chúa, Ngài đã "hạ cố" thẳm sâu, đã đi xuống hết cỡ: "làm người và ở cùng chúng ta" (Ga 1, 14). Một sự trút bỏ kỳ diệu, một sự xoá mình lạ lùng. Huyền nhiệm nầy chúng ta không thể lý giải bằng lý trí. Mà thực vậy, "con tim có những lý do mà lý trí không sao hiểu nổi". Vâng, sự khiêm hạ thẳm sâu đó chỉ có thể cắt nghĩa bằng tình yêu và thực hiện với tình yêu.

Học sự khiêm nhường của Đức Ki-tô trong khía cạnh nầy dó là từng ngày hạ mình xuống, xoá mình đi, xem cái tôi, xem địa vị là "nhỏ rức". Thực hiện việc "hạ mình" như thế quả không dễ đối với bản tính hư hèn chuộng cái "danh", cái "lợi", cái tăm tiếng, cái sĩ diện hảo của "nòi con cháu A-dong". Miệng thế gian đã chẳng nói rằng: "Ninh thọ tử bất ninh thọ nhục" (thà chết chẳng thà chịu nhục). Hay "Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp".

Như thế, khi chúng ta bị xúc phạm, bị lăng nhục, bị xem thường, bị kết án, bị phán đoán, đánh giá sai...hãy nhớ ngay đến "Đức Ki-tô đã trút bỏ vinh quang...".

- Đức Ki-tô khiêm nhường khi "mặc thân nô lệ, nên giống phàm nhân": Trút bỏ, hạ cố, xoá mình để dấn thân vào một "sự hiện hữu mới", một môi trường mới, một vị trí mới nhỏ nhất, thấp nhất. Noi gương Đức Ki-tô khiêm nhường đó là biết từng ngày dấn thân đón nhận cái phận hèn, cái tăm tối, cái bị lãng quên, cái không ai chuộng. Đây lại cũng là một điều khó. Vì thường tình, ai mà không thích chọn cho mình một chỗ tốt, một địa vị khá, một môi trường làm việc, sinh sống đàng hoàng, một công việc có giá trị, một sự công nhận về giá trị bản thân. Chọn lựa Đức Kitô khiêm hạ là bình thản theo Ngài trong tự do và yêu thương, trong vui tươi và hạnh phúc trên mọi nẻo đường của hy sinh, tăm tối, thấp hèn, nhỏ bé.

1.2. Đức Ki-tô khiêm nhường trong cung cách ứng xử với tha nhân:

- Chấp nhận làm "một người phục vụ":

"Bởi lẽ giữa người ngồi ăn với kẻ phục vụ, ai lớn hơn ai? Hẳn là người ngồi ăn chứ? Thế mà, Thầy đây, Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ" (Lc 22, 27; Ga 13, 1-15).

- Không phân biệt đối xử: Người thu thuế, gái điếm, kẻ phung cùi, biệt phái, đàn bà, con nít...tất cả đều có thể đối diện, gặp gỡ, rờ đụng, ăn uống với Chúa Ki-tô.

- Quan tâm đặc biệt những người nghèo: Cái tính "cách mạng và triệt để" của nhân cách và sứ điệp của Đức Ki-tô phải chăng đó là sự quan tâm đặc biệt đối với những người nghèo (về cả hai phương diện: thể xác cũng như tinh thần), những người bị loại trừ, những kẻ thấp cổ bé miệng, những người bị ruồng bỏ, kết án.

Sống sự khiêm nhường của Đức Ki-tô trong cách ứng xử với tha nhân đó chính là biết mở lòng đón nhận mọi người, không trừ ai, không định kiến lựa chọn, nhưng tìm thấy mọi người trong trái tim yêu thương và lòng kính trọng; đó chính là biết quan tâm đặc biệt đến những phần tử nhỏ bé, ít ỏi, bị thiệt thòi, bịnh hoạn, ít học, không có những đặc điểm (nhan sắc, trí khôn, gia cảnh...) đang hiện diện trong cộng đoàn và chung quanh ta; đó cũng chính là sẵn sàng cúi xuống để phục vụ, sẵn sàng đảm nhận mọi công tác, nhiệm vụ thấp hèn, tăm tối.

1.3. Đức Ki-tô khiêm hạ trong cuộc khổ nạn:

Cuộc khổ nạn của Đức Ki-tô phải chăng là "điểm đến" cuối cùng của sự tự hạ, của cuộc hạ cố: "Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự". (Pl 2, 8). Chiêm ngưỡng cuộc khổ nạn, nhìn lên Thập giá của Đức Ki-tô chúng ta dễ nhận ra bao nhiêu bài học của sự tự khiêm tự hạ. Sống sự khiêm hạ của Đức Ki-tô trong mầu nhiệm nầy đó chính là mỗi ngày can đảm đón nhận mọi chén đắng của khổ đau trong tâm hồn và thể xác, những tủi cực của bịnh hoạn tật nguyền riêng ta hay của mọi người chung quanh, những hiểu lầm, bị kết án bất công, những giới hạn trong khả năng, những thua thiệt trong quyền lợi, cả những tính hư tật xấu của mình hay của những người khác.

Ngày hôm nay, sự tự hạ của Đức Ki-tô vẫn còn đang tiếp diễn mỗi ngày qua "Thân Thể mầu nhiệm của Ngài" là Hội Thánh, qua "Nhiệm tích Thánh Thể", qua những người nghèo khắp nơi trên thế giới. Đặc biệt, nhờ sự tự hạ trong bí tích Thánh Thể của Đức Ki-tô mà chúng ta nhận được lương thực trường sinh; nhờ sự xoá mình kỳ diệu nầy, Đức Ki-tô đã trở nên "tấm bánh được bẻ ra" để nhân loại được trao phần sự sống vĩnh cửu. Chỉ khi nào chúng ta cảm nhận sâu xa cái bé bỏng, giới hạn, tầm thường của thân phận mình trước tình yêu bao la và quyền năng vô cùng của Thiên Chúa để rồi biết xoá mình và yêu thương phục vụ như Ngài chúng ta mới có thể thanh thản hát lên cùng với Đức Ma-ri-a, Người Đầy tớ khiêm hạ của Thiên Chúa, bài Magnificat:

"Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,

thần trí tôi hớn hở vui mừng..." (Lc 1, 46-55).

(Đọc thêm: Tầm quan trọng của đức Khiêm Nhường trong bài viết Đức Khiêm Nhường của lm. Giuse Nguyễn Ngọc Tuyên)[5]

2. Vài đề nghị thực hành sống đức khiêm nhường:

2.1. Chấp nhận “sự thật của chính mình”:

- Chấp nhận sự thật của chính mình và sống trung thực.

- Đón nhận những khả năng, ơn lành…với tâm tình tạ ơn, trông cây.

- Chấp nhận khuyết điểm, yếu hèn…với trái tim khiêm hạ, phó thác.[6]



2.2. Coi nhẹ “cái tôi”:

- Phục vụ không để “được ưa thích”.

- Phục vụ không để “làm nổi cái tôi”.

- Phục vụ không cần được đền đáp.[7]

Kết: Để sống và phục vụ cách khiêm nhường hãy tập “chết” mỗi ngày

Vâng, đây là lời khuyên của vị linh mục khôn ngoan, lão thành trong một tu viện dành cho một tu sĩ trẻ của câu chuyện được kể bởi cha Giuse Nguyễn Ngọc Tuyên trong bài khảo luận mang tên “Đức Khiêm Nhường”:

- Tốt lắm! Vậy thì, con hãy sống như thầy An-tôn đang nằm dưới nấm mồ ấy. Hãy sống như một người đang chết, con hãy coi như mình đã chết, bởi vì người chết sẽ không còn biết phản ứng gì trước những lời tâng bốc khen ngợi hay lăng mạ mắng chửi. Khi con xem mình như kẻ đã chết, con sẽ tìm được bình an vô tận. Con sẽ từ bỏ được chính bản thân con.[8]

Lm. Giuse Trương Đình Hiền

[1] NGỌC DIỆP - BẢO ANH Bài viết: Dịch Covid-19 và những câu chuyện sẻ chia ấm lòng. Nguồn: https://tuoitre.vn/dich-covid-19-va-nhung-cau-chuyen-se-chia-am-long-20200318104636004.htm

[2] AUG. TRẦN CAO KHẢI. Bài viết: Những đức tính căn bản của người phục vụ. Nguồn: trang web của HĐGMVN: https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/nhung-duc-tinh-can-ban-cua-nguoi-phuc-vu-39539

[3] SĐD tr. 684

[4] TGM. QUI NHƠN, Một số Nghi Thức Thánh Lễ. Nghi Thức Phong chức Phó Tế, tr. 52-60.

[5] “…Trong kinh Cải Tội Bảy Mối Có Bảy Đức thì Đức “Khiêm Nhường” được nhắc tới đầu tiên để đối lại với cái mối tội đầu tiên là “kiêu ngạo”. Trong Hai Mươi Mầu Nhiệm Kinh Mân Côi thì ngay nơi Mầu Nhiệm Thứ Nhất (mầu nhiệm thứ nhất Mùa Vui), Giáo hội dạy chúng ta xin cho được ở khiêm nhường. Chúa hằng rộng lượng ban các ơn lành cho kẻ khiêm nhường kêu xin Người, nhưng lại khước từ lời cầu xin của kẻ kiêu căng, tự phụ. Dụ ngôn người biệt phái và người thu thuế lên đền thờ cầu nguyện cho thấy điều này. Người thu thuế khiêm nhường được Chúa tha thứ tội lỗi và trở nên công chính còn người biệt phái thì không. Người khiêm nhường còn được phúc hiểu biết mầu nhiệm Nước Trời, như lời nguyện của Chúa Giê-su: “Lạy Cha là Chúa tể trời đất, Con ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho những người hiền triết khôn ngoan biết mầu nhiệm Nước Trời, nhưng lại mạc khải những điều ấy cho kẻ bé mọn”.(Mt 11, 25). Thánh Phê-rô và thánh Gia-cô-bê cùng đã quả quyết: “Chúa chống lại kẻ kiêu căng và ban ơn cho người khiêm nhường” (1Pr 5, 5; Gac 4, 6). Sống khiêm nhường rất có lợi vì ta có thể học hỏi mọi thứ từ bất kì ai, bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào. Vua Salomon, một người khôn ngoan và thông thái tuyệt vời đã nói: “Sự kiêu hãnh đi liền với ô nhục, còn khôn ngoan ở với kẻ khiêm nhường” (Cn 1, 2) (…) Thánh Augustin quả quyết: “Không gì cao trọng bằng đức kính mến, nhưng duy chỉ có Đức Khiêm nhường mới duy trì được đức kính mến”. Ngài còn nhắn nhủ: Bạn muốn lên cao ư? Bạn hãy bắt đầu bằng sự tự hạ thẳm sâu. Bạn muốn xây cất một tòa nhà chọc trời ư? Bạn hãy thiết lập nó trên nền tảng của Đức Khiêm Nhường. Nhà càng cao, nền móng càng phải đào sâu và vững chắc”.

[6] LM. GIUSE NGUYỄN NGỌC TUYÊN. Bài viết: Đức Khiêm Nhường. Nguồn: trang mạng giáo phận Bùi Chu:

http://gpbuichu.org/news/Suy-tu/Duc-Khiem-Nhuong-3374.html: “Khiêm nhường là nhân đức giúp ta chấp nhận sự thật về chính mình và sống đúng với thân phận thụ tạo. Điều rất căn bản mà những người khiêm nhường xác tín: “tất cả những gì mình có hoặc hay hơn người khác, là ơn Chúa ban, chứ tự mình thì chẳng có gì và còn kém hơn những người khác, để biết cảm tạ và tin cậy nơi Chúa”. Khiêm nhường là chấp nhận mình như “mình là”. Chấp nhận điều tốt mình có, để tạ ơn Chúa; chấp nhận điều xấu như mình là, để phấn đấu khắc phục, không buồn phiền, không dằn vặt, không oán trách hay ca thán con người hay Thiên Chúa. Nếu mình có gì hay, và có thể hay hơn người khác, hãy nhận thực rằng, nhờ ơn Chúa mà mình có được điều đó. Nếu nhờ ơn Chúa mà mình có được như vậy, thì đâu có gì để vênh vang tự hào!”

[7] AUG. TRẦN CAO KHẢI. Bài viết: Những đức tính căn bản của người phục vụ. Nguồn: trang web của HĐGMVN: https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/nhung-duc-tinh-can-ban-cua-nguoi-phuc-vu-39539: “ĐGM Bùi Tuần, trong tuyển tập “Hành trình Phục sinh” đã viết như sau: “Người phục vụ là người thường được ưa thích. Nhưng đừng quên điều này: Phục vụ mà kiêu căng sẽ không là phục vụ của người môn đệ Đức Kitô. Phục vụ với lòng tự cao tự đại là một xúc phạm. Phục vụ mà tưởng rằng chỉ là cho đi mà không là nhận lãnh cũng là một sai lầm. Phục vụ mà cho rằng chỉ có mình là đúng, là tốt, là cần, sẽ là một thảm họa. Nhưng phục vụ với một dáng vẻ khiêm nhường câu nệ hình thức cũng rất xa lạ với Phúc Âm…”. Thực vậy, Chúa Giêsu luôn là tấm gương khiêm nhường phục vụ cho tất cả chúng ta. “Là những người được kêu gọi tiếp nối sự phục vụ cứu độ của Đức Giêsu, chúng ta cũng tiếp nối tính cách ‘tự hủy’ của Người trong suốt cuộc đời mình. Một sự phục vụ đích thực không thể phục vụ từ trên, nhưng là sự phục vụ từ dưới, như một người tôi tớ. Vì thế, đừng quan trọng hóa bản thân mình, đừng coi mình hơn người khác hoặc muốn ngang hàng với người khác, ‘đừng cho mình là khôn ngoan’, ‘đừng tự cao tự đại, nhưng ham thích những gì hèn mọn’ (Rm 12, 16). Hãy tập sống âm thầm, quên mình, nhận lấy thân phận thấp hèn, “coi người khác trọng hơn mình”. Từ bỏ như vậy không làm mình giảm giá, nhưng là trở nên sáng giá theo ước muốn của Đức Kitô. Chỉ khi ta hạ mình xuống, người khác mới được nâng lên; chỉ khi ta chịu nhỏ xuống, người khác mới có thể lớn lên; chỉ khi ta thành người nghèo khó, người khác mới trở nên giàu có; chỉ khi ta chấp nhận bị khinh khi, người khác mới được tôn trọng; chỉ khi ta chịu kém cỏi, người khác mới được khôn ngoan”.

[8] LM. GIUSE NGUYỄN NGỌC TUYÊN. Bài viết: Đức Khiêm Nhường. Nguồn: trang mạng giáo phận Bùi Chu:

http://gpbuichu.org/news/Suy-tu/Duc-Khiem-Nhuong-3374.html: Số là có một tập sinh hằng ngày ước ao luyện tập đức khiêm nhường, nhưng không biết làm thế nào cho phải cách. Thầy đến hỏi một vị linh mục khôn ngoan lão thành trong dòng về cách thức tập luyện đức khiêm nhường. Thầy nài xin cha chỉ giáo cách từ bỏ cái tôi tự ái. Vị linh mục thánh thiện hỏi:

- Này con, con có hứa sẽ tuyệt đối vâng lời cha hay không? Nếu con vâng lời, cha sẽ dạy cho con biết thế nào là từ bỏ chính mình.

Thầy đáp:

- Thưa cha, con xin hứa vâng lời cha tuyệt đối.

- Thế thì tối nay con hãy làm một việc này cho cha.

- Vâng thưa cha, bất cứ điều gì cha dạy bảo, con cũng sẽ cố gắng làm hết sức.

- Này con, đằng sau tu viện của chúng ta có một cái nghĩa địa. Tuần vừa qua, thầy An-tôn dòng chúng ta được Chúa gọi về, vừa mới được chôn cất ở đó.

Đêm nay, con hãy ra ngoài đất thánh đến quỳ trước mộ thầy, suy niệm về cái chết. Con hãy làm như thế này: trong lúc suy niệm về cái chết của thầy An-tôn, con hãy nhớ lại mọi điều tốt lành nhất của thầy để khen ngợi. Con hãy khen ngợi thầy trước nấm mộ ấy. Đến khi nào con không còn lời để khen, con hãy tưởng tượng ra những điều hay điều tốt mà thầy không có để ca tụng thầy. Cha cho phép con tâng bốc, kể cả nịnh hót thầy nữa. Xong sáng mai, con hãy trở lại gặp cha.

-Vâng, thưa cha, con sẽ làm theo ý cha.

Tối hôm ấy, thầy tập sinh vâng lời bề trên ra ngoài nghĩa địa quỳ trước nấm mộ của thầy An-tôn quá cố, suy niệm về cái chết. Thầy làm y như lời của cha linh hướng. Tìm mọi lời hay ý đẹp, kiếm những gương lành gương sáng của thầy An-tôn mà khen ngợi. Cuối cùng, không còn tìm được lời khen, thầy bịa đặt ra những điều hay điều tốt mà thầy An-tôn không có để tâng bốc. Đêm tàn, bình minh đến, người tập sinh trở về lại tu viện, đến trình diện cha linh hướng. Lúc ấy, cha hỏi:

- Này con, đêm qua con có làm theo lời cha chỉ bảo không?

Thầy đáp:

- Vâng, thưa cha, con đã làm y như lời cha chỉ dạy. Con đã tìm tất cả những điều hay nhất, tốt nhất của thầy An-tôn để mà ca tụng thầy. Rồi đến khi hết những điều hay để nói thì con đã bịa đặt ra những gương lành gương sáng thầy không có để khen ngợi thầy.

- Thế thì con tâng bốc ca tụng thầy An-tôn, con thấy thầy có phản ứng gì không? Thầy có vui mừng thích chí không? Hay thầy có nói gì không con?

- Thưa cha, phản ứng làm sao được? Thầy An-tôn đã chết rồi mà!

- Tốt lắm! Vậy con hãy làm theo ý cha một lần nữa. Đêm nay, con hãy trở lại nghĩa địa, đến trước nấm mộ thầy mà suy niệm về cái chết. Nhưng lần này con hãy nhớ lại những điều xấu xa tồi tệ nhất của thầy. Con hãy cho thầy An-tôn biết những điều con ghê tởm, gớm ghét nhất về thầy. Nếu con không tìm ra những điều xấu về thầy, con hãy dùng trí tưởng tượng mà bày ra những chuyện xấu xa của thầy mà nói với thầy. Thậm chí, cha cho phép con nguyền rủa thầy!

Thế rồi, đêm hôm ấy, người tập sinh trẻ lại ra thăm mộ thầy An-tôn một lần nữa. Lần này, trong khi suy niệm về cái chết, thay vì nói những điều tốt lành của thầy An-tôn, người tập sinh kia lại suy về những tội lỗi, những điều tồi tệ của thầy. Rồi buông lời mắng chửi thậm tệ. Đến khi hết lời chửi mắng, người tập sinh kia phải phịa ra những điều xấu xa tội lỗi nhất để mà nguyền rủa thầy. Suốt cả đêm mặc sức mà mạt sát chửi rủa cho đến tảng sáng. Tiếng gà vừa gáy, người tập sinh chỗi dậy trở về nhà dòng tìm gặp cha linh hướng trình bày đầu đuôi sự việc. Thấy thầy, cha linh hướng hỏi:

- Này con, đêm qua con có làm theo lời cha chỉ bảo không?

Người tập sinh đáp:

- Vâng, thưa cha, con đã làm y như lời cha chỉ dạy. Con đã tìm những lời độc địa xấu xa nhất thiên hạ để hạ nhục thầy An-tôn trước nấm mộ của thầy. Con còn bịa thêm nhiều chuyện để mắng nhiếc thầy như cha đã dạy con.

- Thế thì khi nghe con buông lời mắng nhiếc, thầy An-tôn có phản ứng gì không con? Thầy có buồn, có giận không con? Hay thầy có nói gì không?

- Thưa cha, làm sao thầy An-tôn buồn giận mà đáp lại được? Thầy ấy đã chết rồi mà!

- Tốt lắm! Vậy thì, con hãy sống như thầy An-tôn đang nằm dưới nấm mồ ấy. Hãy sống như một người đang chết, con hãy coi như mình đã chết, bởi vì người chết sẽ không còn biết phản ứng gì trước những lời tâng bốc khen ngợi hay lăng mạ mắng chửi. Khi con xem mình như kẻ đã chết, con sẽ tìm được bình an vô tận. Con sẽ từ bỏ được chính bản thân con.
 
Thông Báo
Thông báo quan trọng: Hủy bỏ chương trình Ngày Thánh Mẫu Năm 2020 tại Carthage, Missouri vì đại dịch coronavirus
Tỉnh Dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc, Carthage, Missouri
16:46 03/07/2020
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Mừng Ngày Lễ Độc Lập Hoa Kỳ
Nguyễn Đức Cung
10:34 03/07/2020
MỪNG NGÀY LỄ ĐỘC LẬP HOA KỲ

Ảnh của Nguyễn Đức Cung

Mừng Ngày Lễ Độc Lập Hoa Kỳ !

Happy 4th Of July !
 
VietCatholic TV
Virus bùng phát lại ở Mỹ, Úc. Hai Giám Mục trong tình trạng nghiêm trọng. Các đền thánh tiêu điều
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
05:09 03/07/2020

1. Úc chứng kiến số trường hợp nhiễm bệnh trong một ngày lớn nhất trong 2 tháng qua

Tử vong toàn thế giới đã lên đến 508, 400 người, trong số hơn 10, 413,000 trường hợp nhiễm coronavirus. Úc đã báo cáo một sự tăng vọt lớn nhất các trường hợp nhiễm COVID-19 trong hai tháng qua.

Điều này đã khiến các Giám Mục âu lo là khả năng tái tục các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự sẽ mong manh hơn, chậm hơn, và rắc rối hơn.

Tiểu bang đông dân thứ hai là Victoria, cho biết hiện đang cân nhắc xem có nên áp đặt lại các biện pháp cách ly xã hội hay không. Đầu tuần này, Victoria ghi nhận 75 trường hợp mới chỉ trong vòng 24 giờ là con số ca nhiễm bệnh trong một ngày cao nhất từ trước đến nay. Bộ trưởng Bộ Y tế Victoria là Brett Sutton lên tiếng kêu gọi những người có triệu chứng nên ở nhà.

Ông nói: “Nếu họ có triệu chứng, họ không nên ra ngoài và thăm viếng người khác. Họ không nên ra ngoài bất kể vì lý do nào, ngay cả vì công việc, bởi vì đó là lúc chúng ta đang gây ra sự truyền nhiễm. Tôi nghĩ vẫn còn có cơ may là dịch bệnh không quay lại. Nhưng nếu không được như thế, vì sức khỏe cộng đồng, việc thay đổi luật là điều mà chúng ta phải xem xét bởi vì chúng ta phải làm bất cứ điều gì cần thiết để xoay chuyển tình hình”.

Các quan chức ở tiểu bang Victoria tuần trước đã triển khai các xe cứu thương và trung tâm kiểm tra di động để kiểm tra nhiều cư dân hơn ở 10 vùng ngoại ô đang là các điểm nóng. Nhưng một số người dân địa phương đã từ chối các xét nghiệm cổ họng và mũi một cách tự nguyện. Victoria đang hy vọng một xét nghiệm nước bọt mới, ít xâm nhập hơn, sẽ khuyến khích nhiều người đi xét nghiệm, mặc dù nó hơi kém chính xác. Trong khi đó, các tiểu bang và vùng lãnh thổ khác vẫn chưa báo cáo số ca nhiễm mới nhất của họ. Bất chấp những cảnh báo về sức khỏe, thủ tướng Scott Morrison đang kêu gọi các tiểu bang mở cửa biên giới trở lại và khởi động nền kinh tế.

Ông nói: “Tôi đã rất kiên định trong việc ủng hộ tất cả các Thủ hiến và các vị Bộ trưởng, bất kể họ đến từ đảng phái chính trị nào, điều quan trọng là phải mở các biên giới này.”

Các hạn chế xã hội của Úc đã thành công trong việc làm chậm sự lây lan của virus. Nhưng chúng đã ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế. Đất nước này đang bước vào thời kỳ suy thoái đầu tiên sau ba thập kỷ khi tỷ lệ thất nghiệp lên tới 7%.

2. Các tiểu bang Hoa Kỳ chứng kiến sự tăng vọt kỷ lục trong các trường hợp COVID-19

Khi nhiệt độ ở Mỹ đang nóng dần lên, các tiểu bang đang chứng kiến sự gia tăng đột biến về số ca mắc coronavirus.

Việc tái tục các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự đang gặp nhiều khó khăn đặc biệt là tại Arizona, Florida và Texas.

Một chuyên gia y tế hàng đầu của Mỹ đã cảnh báo Quốc hội hôm thứ Ba rằng các trường hợp nhiễm coronavirus mới có thể tăng hơn gấp đôi, tức là lên đến trên 100, 000 trường hợp nhiễm bệnh mỗi ngày nếu chính quyền và công chúng không thực hiện các bước để ngăn chặn đại dịch.

Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Anthony Fauci, một thành viên hàng đầu của lực lượng đặc nhiệm coronavirus của Tổng thống Donald Trump, cho biết Hoa Kỳ đang đi theo “hướng sai” về đại dịch và yêu cầu người Mỹ đeo mặt nạ và tránh đám đông sau khi các hành vi lỏng lẻo đẩy mạnh các ca nhiễm coronavirus.

“Tôi rất quan tâm và tôi không hài lòng với những gì đang diễn ra, bởi vì chúng tôi đang đi sai hướng”, ông tuyên bố trước một khoá họp tại Thượng viện.

Tại Arizona, các trường hợp nhiễm coronavirus đã tăng hơn 260% trong tháng 6 và tăng vọt với kỷ lục 3, 800 trường hợp vào hôm Chúa Nhật, là mức tăng kỷ lục cao thứ tám trong tháng này.

Điều này xảy ra khi những đám đông lớn đổ về những nơi như Salt River East vào những ngày cuối tuần, trèo vào các ống bơm hơi bên trong những máy làm mát, hay xuống nước để trốn cái nóng - đa số họ không đeo khẩu trang y tế.

Trong khi đó, Florida cũng đang gánh chịu một làn sóng nhiễm coronavirus lần thứ hai với hơn 8, 500 trường hợp nhiễm coronavirus mới vào Chúa Nhật.

Thống đốc bang Florida Ron DeSantis hôm Chúa Nhật đổ lỗi sự gia tăng các trường hợp nhiễm coronavirus ở tiểu bang của ông cho sự gia tăng lây nhiễm trong số những người trẻ và việc gia tăng các thử nghiệm COVID-19.

Ông nói: “Tôi nghĩ rằng các trường hợp gia tăng này xảy ra vì rất nhiều người trẻ đang nhiễm bệnh. Chúng tôi đang thử nghiệm nhiều hơn nữa và vì vậy sự gia tăng một phần là do việc thử nghiệm trong nhiều khu vực mà trước đây chưa từng thử nghiệm, đặc biệt là trong phạm vi từ 18 đến 24 tuổi”.

Florida sẽ đóng cửa một số bãi biển một lần nữa trước kỳ nghỉ vào ngày 4 tháng Bảy tới.

Tại Texas 2 Giám Mục và 2 linh mục đã về hưu vừa được chẩn đoán nhiễm coronavirus.

Phó Tổng thống Mike Pence hôm Chúa Nhật đã đến thăm Texas và Thống đốc Greg Abbott. Texas cũng một tiểu bang gần đây đã chứng kiến sự gia tăng các trường hợp COVID-19.

Abbott cho biết tiểu bang ông sẽ quay trở lại các chiến lược giúp họ làm chậm sự lây lan lần đầu tiên vào tháng 3 và tháng 4.

Ông nói: “Chúng ta cần hiểu rằng COVID-19 đã có một bước ngoặt rất nhanh và rất nguy hiểm ở Texas chỉ trong vài tuần qua. Nó đòi hỏi tất cả người dân Texas phải quay lại những chiến lược mà chúng ta đã áp dụng. Hãy đeo khẩu trang, vệ sinh tay, và giữ khoảng cách an toàn.”

3. Các cộng tác viên tại đền thánh Đức Mẹ Fatima bị nhiễm coronavirus

Đền thánh Fatima thông báo rằng có 24 người, trong số các cộng tác viên và thành viên của ca đoàn, đã xét nghiệm dương tính với coronavirus sau khi 334 người từng tham gia vào các hoạt động mục vụ được xét nghiệm.

Theo thông cáo gửi đến hãng tin Ecclesia của Hội Đồng Giám Mục Bồ Ðào Nha, Đền thánh Fatima cho biết “tất cả các trường hợp đều liên quan đến các ca viên và các cộng tác viên của đền thánh; những người này không có tiếp xúc với khách hành hương. Các bệnh nhân bị nhiễm bệnh đang ở tại nhà, được theo dõi bệnh trạng đầy đủ và cho đến nay, không cần chăm sóc đặc biệt.”

Các phương tiện truyền thông cũng nói rằng Ðền thánh “đã xác định được tất cả các liên hệ trực tiếp với những bệnh nhân bị nhiễm bệnh”, và cho họ ở nhà để cách ly theo các giao thức đã được quyết định trong các tình huống này, ngay cả khi họ được xét nghiệm âm tính với virus.

Hãng tin Ecclesia cho biết: “Ðền thánh vẫn không đóng cửa các dịch vụ và vẫn duy trì tất cả các cử hành, trong khi bảo đảm tất cả các điều kiện sức khỏe và an toàn của các cộng tác viên và khách hành hương.” Ðền thánh Ðức Mẹ cũng nhắc nhở, và yêu cầu các khách hành hương tuân thủ các quy tắc về khoảng cách và đeo khẩu trang khi vào bên trong Ðền thờ hoặc khi có nhiều người.

Ngày 21 tháng 06 năm 2020, đền thánh Ðức Mẹ Fatima cho biết đã ngay lập tức thực hiện kế hoạch dự phòng cùng với giới chức y tế, ngay khi biết về những ca dương tính với Covid-19 đầu tiên. Ðồng thời, “đền thánh duy trì sự giám sát chặt chẽ và lâu dài về tình hình để bảo đảm các điều kiện an toàn và sức khỏe tốt nhất khi chào đón khách hành hương.”

Đến nay Bồ Ðào Nha ghi nhận hơn 41, 900 trường hợp nhiễm Covid-19 và đã có hơn 1, 500 người chết vì virus độc địa này.

4. Ðền thánh Ðức Mẹ Mễ Du vắng khách hành hương vì đại dịch Covid-19.

Lần đầu tiên trong bốn thập kỷ qua, chỉ có vài trăm tín hữu hành hương hiện diện tại đền thánh Ðức Mẹ Medjugorje, hay còn gọi là Mễ Du, trong ngày kỷ niệm sự kiện được cho là lần “hiện ra” đầu tiên của Ðức Mẹ tại đây.

Kể từ năm 1981, khi xảy ra sự kiện được cho là Ðức Mẹ “hiện ra” với 6 thiếu niên Công Giáo Croatia, và sự kiện này còn tiếp tục, mùa hè nào cũng có hơn 100, 000 khách hành hương đổ về ngôi làng Medjugorje ở phía nam Bosnia để kỷ niệm sự kiện này. Mỗi năm có hàng triệu tín hữu đến hành hương tại đây.

Nhưng hôm thứ Năm 25 tháng 06 năm 2020, sau khi Bosnia dỡ bỏ các biện pháp đóng cửa biên giới và lệnh cấm khách du lịch ngoại quốc để ngăn ngừa lây lan virus corona, chỉ có vài trăm người tụ họp để cầu nguyện trước nhà thờ thánh Giacôbê, phần lớn là các tín hữu ở những vùng xung quanh.

Trong số các tín hữu hành hương này, khoảng vài chục người đi chân đất, đọc kinh cầu nguyện, chịu đựng sức nóng mặt trời để đi lên ngọn đồi, nơi được cho là địa điểm xảy ra những cuộc hiện ra đầu tiên của Ðức Mẹ vào năm 1981.

Ông Davor Pehar sống ở thị trấn Ciluk gần đó, người từ nhiều năm nay đã đến viếng Ðức Mẹ tại đền thánh, cho biết: “Ðiều này chưa từng xảy ra trước đây, ngay cả khi cảnh sát bắt bớ các tín hữu trong thời cộng sản, ngay cả trong cuộc chiến vào những năm 1990.”

Tiếp đón khách hành hương là nguồn thu nhập chính của thị trấn Medjugorje. Các nhà hàng và khách sạn đã mang lại doanh thu quan trọng, tuy thế năm nay hầu hết đều đóng cửa vào giữa tháng 3 trong thời gian phong tỏa.
 
Thực hư câu chuyện chấn động: BLM xúm lại đánh trọng thương một linh mục cao niên?
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
07:13 03/07/2020


Trong những ngày gần đây, các phương tiện truyền thông tại Hoa Kỳ đã đưa tin về việc một linh mục cao niên bị đánh dã man trên đường phố thủ đô Washington DC.

Vị linh mục được tường trình là Cha Thomas Haake, thuộc dòng Truyền Giáo Đức Maria Vô Nhiễm, gọi tắt là OMV. Hầu hết các báo cáo đều quy trách nhiệm cho những người hoạt động trong phong trào Black Lives Matter, gọi tắt là BLM.

Tờ Catholic Standard, là tờ báo chính thức của tổng giáo phận Washington DC có bài tường trình sau đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn bài báo của tổng giáo phận thủ đô. Để dễ hiểu xin lưu ý rằng Cha Thomas Haake không phải là linh mục của tổng giáo phận Washington DC. Ngài được mời đến để giảng tĩnh tâm trong chương trình Linh Thao của Thánh Ignatius, người Việt thường gọi là Thánh Y Nhã, đấng sáng lập Dòng Tên.

Religious order priest recovering after alleged assault

Linh mục dòng đang hồi phục sau một vụ được cho là tấn công

Hai giáo xứ Công Giáo ở thủ đô Washington, D.C., đã cầu nguyện và hỗ trợ cho một linh mục dòng đến thăm, là vị được cho là đã bị tấn công vào ngày 9 tháng 6 vào một buổi sáng sớm.

Trang web của Giáo xứ Thánh Phêrô trên Đồi Capitol ghi nhận rằng: “Cha Thomas Haake, thuộc dòng Truyền Giáo Đức Maria Vô Nhiễm, gọi tắt là OMV, gần đây đã bị tấn công trên đường phố ở khu vực Đông Nam của Washington, DC. Chúng tôi rất buồn khi Cha Haake, một khách mời đến thành phố của chúng ta và là một người bạn của giáo xứ Thánh Phêrô, bị tấn công. Cha Haake đã được cung cấp một chỗ trong nhà xứ của giáo xứ Thánh Phêrô để sử dụng một hoặc hai lần một tuần trong khi gặp gỡ những người tham gia chương trình Linh Thao theo Thánh Y Nhã. Chúng tôi tạ ơn Chúa vì Cha Haake đã không bị thương nghiêm trọng và đang phục hồi rất tốt về thể chất và tinh thần. Chúng tôi sẽ chuyển đến ngài những lời cầu nguyện và mối quan tâm của nhiều người tìm hiểu về tình trạng của Cha Haake, và tiếp tục cầu nguyện cho sự chữa lành và công lý ở đất nước chúng ta.”

Tờ Catholic Standard đã tìm cách phỏng vấn Cha Haake về vụ việc, nhưng đến ngày 2 tháng 7, vẫn chưa thu xếp được một cuộc phỏng vấn với ngài.

Một đại diện của Văn phòng Thông tin Công cộng thuộc Sở Cảnh sát Thủ đô ghi nhận rằng: “Vụ việc này đã được xếp loại là ‘Người bị thương phải đưa đến bệnh viện’, trong khi các tình huống hiện đang được điều tra.”

Theo báo cáo sơ khởi của cảnh sát vụ việc xảy ra vào ngày 9 tháng 6, Cha Haake đang đi trên cầu Sousa trong khu phố 2300 của đại lộ Pennsylvania, Đông Nam. Vị linh mục nói với cảnh sát rằng ngài không hiểu tại sao ngã xuống đất và đập mặt xuống vỉa hè, nhưng nhớ được rằng khi thức dậy thì thấy con mắt phải sưng lên, đồng thời bóp tiền cùng điện thoại di động của ngài bị mất. Báo cáo của cảnh sát cho biết thêm là Cha Haake, “không biết tại sao mình bị thương như thế”, và ngài được chuyển đến bệnh viện để điều trị.

Trong một cuộc phỏng vấn ngày 2 tháng 7 với tờ Catholic Standard, Đức Ông Raymond East, Cha Sở nhà thờ Thánh Têrêsa thành Avila ở Washington, cho biết Cha Haake đã ở lại giáo xứ này vào mùa xuân năm nay, bắt đầu vào giữa tháng Tư, một ngày sau lễ Phục sinh.

“Cha Haake đã rất vui được ở với chúng tôi. Chúng tôi rất vui mừng được chào đón ngài đến nhà xứ”, Đức Ông East nói và lưu ý rằng vị linh mục đang ở độ tuổi 60 chứ không phải 80 tuổi như đã nêu trong các tường thuật của các phương tiện truyền thông xã hội. Theo ngài, một bài đăng trên phương tiện truyền thông xã hội đã tuyên bố sai lệch rằng vị linh mục đã bị những người biểu tình Black Lives Matter tấn công.

Đức Ông Raymond East cho biết trong khi các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự chưa được mở lại vì đại dịch coronavirus, vị linh mục tiếp tục trình bày trực tuyến những suy tư tâm linh cho mọi người qua Zoom, và ngài cũng giúp cử hành Thánh lễ 7 giờ sáng cho các nữ tu Truyền giáo tại nhà nguyện của họ ở nhà nguyện bên cạnh.

“Ngài luôn luôn rất kính cẩn trang nghiêm khi cử hành thánh lễ, ” Cha East nói, và cho biết thêm rằng Cha Haake rất được các nữ tu, anh chị em giáo dân giáo xứ Têrêsa, cũng như những người quen biết ngài ái mộ. “Ngài luôn mỉm cười, với đôi mắt lấp lánh.”

Đức Ông East nói thêm rằng Cha Haake thích đi dạo trong thành phố. “Ngài đi bộ khắp nơi, ” Cha Sở giáo xứ Thánh Têrêsa, nói và lưu ý rằng cha bạn của ngài đang đi dạo vào sáng sớm như thường lệ và đọc kinh Mân Côi khi biến cố này xảy ra. Sau khi ngã trên cầu, Cha Haake đi bộ khoảng một dặm đến nhà thờ Thánh Têrêsa, và cử hành thánh lễ cho các nữ tu. Sau đó, ngài được xe cứu thương đưa đến Bệnh viện Đại học George Washington. Đức Ông East nói rằng cha bạn của ngài bị hai vết nứt nhỏ ở má, và không thể nhớ chi tiết về những gì đã xảy ra với ngài.

Cha East nói: ”Ngài chỉ nhớ rằng có những người lái xe đạp đang tiến về phía ngài trước khi ngài bất tỉnh”.

Một nhóm từ giáo xứ Thánh Têrêsa đã ở lại với Cha Haake trong phòng cấp cứu của bệnh viện, và ngài trở lại nhà xứ vào cuối ngày hôm đó. Cha East cho biết một giáo dân đã quay trở lại cây cầu và tìm kiếm bóp tiền và điện thoại di động của vị linh mục nhưng không thành công.

Cha East cho biết Cha Haake hiện đang ở trong khu vực Đồi Capitol, nơi mà nhiều năm trước đó, ngài đã phục vụ trong tư cách là tuyên úy tại Thượng viện Hoa Kỳ.

Tổng giáo phận Washington đã ra tuyên bố sau đây vào ngày 30 tháng 6: “Cha Thomas Haake, một thành viên của Dòng Truyền Giáo Đức Maria Vô Nhiễm, là một linh mục khách đến thăm và phục vụ trong Tổng giáo phận Washington trong vài tháng. Ngài đã phục vụ với tư cách là cha giảng tĩnh tâm, hướng dẫn chương trình Linh Thao theo Thánh Y Nhã tại một vài giáo xứ trong tổng giáo phận. Mặc dù chúng tôi không có thêm thông tin nào về tình trạng của Cha Haake, chúng tôi xin anh chị em tiếp tục cầu nguyện cho ngài được chữa lành và chấm dứt tình cảnh bạo lực ở đất nước chúng ta.”

Sau đó, tổng giáo phận đã ra thêm một tuyên bố khác vào ngày 2 tháng 7 cho biết: “Tại thời điểm này, chúng ta không thể xác nhận sự thật của câu chuyện này do thỉnh cầu của Cha Haake muốn giới hạn vấn đề trong vòng riêng tư. Ngài đã từ chối bất kỳ cuộc phỏng vấn nào tại thời điểm này vì ngài đang tham gia trong cuộc điều tra vẫn còn đang tiếp diễn của Cảnh sát thủ đô. Văn phòng của tòa Tổng Giám Mục chúng tôi phải tuân theo mong muốn về quyền riêng tư của ngài.”

Tuyên bố của tổng giáo phận nói thêm rằng “Khi chúng tôi có thể chia sẻ nhiều hơn với anh chị em sau này, chúng tôi chắc chắn sẽ cho anh chị em biết thêm.”


Source:Catholic Standard
 
Giáo phận ca ngợi linh mục anh hùng bảo vệ tượng thánh. Trừ tà tại chỗ giật sập tượng Thánh Serra
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:16 03/07/2020

1. Tổng giáo phận St. Louis ca ngợi hành động can đảm của một linh mục trẻ và anh chị em giáo dân dũng cảm bảo vệ tượng Thánh Luois bất kể nguy hiểm tính mạng

Tình hình tại tổng giáo phận St. Louis vẫn đang hết sức căng thẳng. Trong đoạn video này quý vị và anh chị em có thể cảm nhận được tình hình gay go ra sao khi hai vợ chồng người da trắng này cầm súng dứng trước nhà họ và đe doạ chết sống với những người biểu tình nếu họ xâm phạm gia cư của họ.

Những người biểu tình này lên đến 500 người đang kêu gọi thị trưởng thành phố từ chức.

Tổng giáo phận St. Louis đã đưa ra một tuyên bố bảo vệ tên của thành phố, giữa lúc các nhà hoạt động trong phong trào Black Lives Matter, gọi tắt là BLM, kêu gọi giật sập một bức tượng nổi bật của vua Louis thứ Chín.

Tuyên bố của tổng giáo phận viết:

“Đối với người Công Giáo, Thánh Louis là một ví dụ về một người đàn ông tuy không hoàn hảo, nhưng đã phấn đấu để sống một cuộc sống theo mẫu gương Chúa Giêsu Kitô. Đối với người dân thành phố St. Louis này, thánh nhân là một mô hình về cách thức chúng ta nên chăm sóc cho cộng đồng dân cư của chúng ta, và tên ngài là danh xưng mà chúng ta đáng tự hào để đặt cho thành phố mình”.

Tổng giáo phận cũng lên tiếng ca ngợi Cha Stephen Schumacher, một linh mục mới được thụ phong hồi tháng Năm năm ngoái 2019, và anh chị em giáo dân đã can đảm bảo vệ bức tượng trong cuộc biểu tình dữ dội của những người da đen và những kẻ lợi dụng người da đen cho các nghị trình ý thức hệ của họ.

Ký giả Joel Currier của Tờ St. Louis Post-Dispatch tường thuật rằng nhiều thành phần cực đoan trong nhóm biểu tình đòi giật sập tượng đã đánh đấm túi bụi vào những người Công Giáo bảo vệ bức tượng này. Trong số các nạn nhân bị đánh, có cả những người Công Giáo già yếu như hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây.

Thánh Louis là vị vua duy nhất của nước Pháp đã được tuyên thánh. Đức Giáo Hoàng Bonifaciô thứ 8 đã tuyên thánh cho ngài vào năm 1297. Các nhà thám hiểm người Pháp ở thế kỷ thứ mười tám đã đặt tên cho tiền đồn buôn bán lông thú mới mà họ thành lập trên sông Mississippi theo tên của vị thánh. Theo dòng thời gian, tiền đồn đó đã phát triển thành thành phố St. Louis ngày nay.

Thánh Louis đã tham gia vào các cuộc thập tự chinh thứ bảy và thứ tám. Trong cuộc thập tự chinh thứ tám, ngài qua đời vì bệnh kiết lỵ. Louis hăng hái tin vào chính nghĩa của cuộc thập tự chinh để bảo vệ Thành Thánh Giêrusalem và đã chiến đấu trong một chiến dịch phần lớn không thành công ở miền đất ngày nay là Ai Cập từ năm 1249 đến 1254.

Sau khi trở về từ cuộc thập tự chinh thứ bẩy, ngài đã quyết tâm “theo đuổi một cuộc sống như một vị vua Kitô Giáo xứng đáng với hy vọng có thể giải cứu Giêrusalem một ngày nào đó.”

Tổng giáo phận nhấn mạnh sự quan tâm và lo lắng của Thánh Louis đối với người dân của mình, đặc biệt là người nghèo, và chỉ ra những cải cách mà ngài thực hiện trong chính phủ Pháp, tập trung vào công lý bình đẳng, bảo vệ quyền của dân chúng, và ra các hình phạt nặng nề cho các quan chức hoàng gia lạm quyền, cũng như đưa ra một loạt các sáng kiến để giúp đỡ người nghèo.

Thánh Louis đã cho những người ăn xin ngồi ở bàn ăn hoàng gia của mình, thậm chí còn rửa chân cho họ theo gương Chúa Giêsu. Ngài cũng thành lập nhiều bệnh viện.

Đức Tổng Giám Mục Robert Carlson, trong một thông điệp gần đây chống phân biệt chủng tộc, đã bày tỏ hy vọng rằng những lời kêu gọi công lý chủng tộc trên khắp đất nước sẽ khiến mọi người từ bỏ các giải pháp bạo lực và thay vào đó tập trung vào các giải pháp hòa bình.

Ngài nói rằng bức tượng Thánh Louis, với thanh kiếm bảo vệ giữ chứ không phải thanh kiếm để sẵn sàng tấn công. Đó là biểu tượng hòa bình mà thành phố chúng ta cần đến.

“Là người Công Giáo, chúng tôi tin rằng mỗi người- bất kể chủng tộc, tôn giáo, hay niềm tin-đều được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa. Như vậy, tất cả nên được đối xử bằng tình yêu, sự tôn trọng và nhân phẩm. Chúng ta không nên tìm cách xóa bỏ lịch sử, nhưng nhận ra và học hỏi từ nó, trong khi làm việc để tạo ra những cơ hội mới cho anh chị em của chúng ta.”


Source:Catholic News Agency

2. Sau khi bức tượng Thánh Junípero Serra bị phá hủy, Đức Tổng Giám Mục Cordileone tổ chức buổi cầu nguyện trừ tà

Sau khi một đám đông giật sập các bức tượng, bao gồm cả một bức tượng của thánh Junípero Serra, trong một công viên ở San Francisco, Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone đã cùng với hàng chục người Công Giáo tham gia cầu nguyện và làm các việc phạt tạ.

“Cái ác đã ló mặt ra ở đây. Vì vậy, chúng ta tập hợp lại với nhau để cầu nguyện xin Chúa, xin các thánh... can thiệp cho chúng ta, nhất là cầu xin cùng Đức Mẹ, trong một hành động đền tạ, xin Chúa thương xót chúng ta và toàn thành phố, xin cho chúng ta có thể hướng lòng mình về phía Ngài một lần nữa, ” Đức Tổng Giám Mục Cordileone nói.

Bức tượng Thánh Junípero Serra đã bị phá hủy tại Công viên Golden Gate vào tối ngày 19 tháng 6 bởi một đám đông không đến 100 người. Đám đông cũng giật sập các bức tượng của Francis Scott Key, là tác giả bài Quốc ca Hoa Kỳ, và Ulysses Grant, là tổng thống Hoa Kỳ và là tướng trong quân đội Liên minh đã đánh bại phe miền Nam là phe muốn duy trì tình trạng nô lệ người da đen. Những người da đen lẽ ra phải có lòng biết ơn tổng thống Ulysses Grant là người đã giúp giải phóng thân phận nô lệ của họ mới phải. Việc giật sập bức tượng của ông cho thấy những kẻ này chỉ là một bọn ngu xuẩn.

Tin tức Đức Tổng Giám Mục Cordileone sẽ cử hành buổi lễ trừ tà tại đây đã bị nhiều thành phần cực đoan trong phong trào BLM phản ứng một cách tức giận với nhiều lời hăm he. Tuy nhiên, buổi lễ đã diễn ra trong yên bình, và hàng chục người Công Giáo đã tham dự.

“Sự hiện diện của rất nhiều người tuyệt vời ở đây là niềm an ủi lớn đối với tôi, ” Đức Tổng Giám Mục nói. “ Tôi cảm thấy một vết thương thật lớn trong tâm hồn tôi khi tôi nhìn thấy những hành động khủng khiếp báng bổ và gièm pha ký ức về Thánh Serra. Ngài là một vị anh hùng vĩ đại, một người bênh vực vĩ đại của người dân bản địa của vùng đất này.”

Đức Tổng Giám Mục Cordileone nhận xét rằng bức tượng đã bị kéo xuống một cách “đầy báng bổ.”

“Một hành vi phạm thánh đã xảy ra ở đây. Đó là một hành động của ma quỷ, ” ngài nói.

“Chúng ta đến với nhau để đọc Kinh Mân Côi, và tham gia vào lời cầu nguyện trừ tà là Kinh Kính Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, bởi vì cái ác đã ở đây, đây là một hoạt động của những kẻ tội lỗi, những kẻ muốn lật đổ Giáo Hội, là những kẻ cũng muốn lôi xuống tất cả các tín hữu Kitô.”

“Vì vậy, chúng ta dâng lời cầu nguyện, xin Chúa chúc phúc cho mảnh đất này với nước thánh, xin Thiên Chúa thanh tẩy, và thánh hóa nó, để đến lượt chúng ta, chúng ta cũng có thể được thánh hoá.”

Theo Đức Tổng Giám Mục các cuộc biểu tình chỉ trích sự bất công chủng tộc đã bị cướp mất hết chính nghĩa.

“Điều gì đang xảy ra với xã hội của chúng ta? Một phong trào quốc gia đổi mới để chữa lành ký ức và sửa chữa những bất công của nạn phân biệt chủng tộc và sự tàn bạo của cảnh sát ở nước ta đã bị một số người cướp mất chính nghĩa và lùa vào một phong trào bạo lực, cướp bóc và phá hoại, “ Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone nói trong một tuyên bố ngày 20 tháng Sáu.

“Việc lật nhào và làm biến dạng các bức tượng trong Công viên Golden Gate, bao gồm cả tượng Thánh Junipero Serra, đã trở thành ví dụ mới nhất, về sự thay đổi đó trong phong trào phản kháng, ” Đức Tổng Giám Mục nói thêm.

“Việc tưởng niệm các nhân vật lịch sử xứng đáng với một cuộc thảo luận trung thực và công bằng về cách thức và danh dự như thế nên được trao cho ai. Nhưng ở đây, không có cuộc thảo luận hợp lý như vậy; đó chỉ là luật rừng, trong một hiện tượng bạo loạn dường như đang được lặp lại trên toàn quốc.”

Đức Tổng Giám Mục Cordileone nhấn mạnh tầm quan trọng của những lời kêu gọi công lý chủng tộc và chấm dứt sự tàn bạo của cảnh sát, bắt đầu sau cái chết ngày 25 tháng 5 của George Floyd, một người đàn ông da đen bị giết bởi một cảnh sát viên ở tiểu bang Minneapolis, là người đã quỳ trên cổ Floyd.

“Tất cả những người làm việc vì công lý và bình đẳng đều hiệp nhất trong sự phẫn nộ của những người đã và đang tiếp tục bị áp bức, “ Đức Tổng Giám Mục nói.

“Đặc biệt là những môn đệ Chúa Giêsu Kitô. Các Kitô hữu được kêu gọi làm việc không mệt mỏi vì phẩm giá của tất cả mọi người, “ ngài nói thêm và lưu ý rằng Thánh Phanxicô Assisi, mà thành phố San Francisco này mang tên ngài, là một trong những nhân vật lịch sử tiêu biểu nhất cho hòa bình và thiện chí.”

“Trong suốt 800 năm qua, các linh mục, tu sĩ nam nữ Dòng Anh Em Hèn Mọn đều lấy cảm hứng từ gương sáng phục vụ, khó nghèo, đồng hoá mình với người nghèo và tìm mọi cách mang đến cho mọi người phẩm giá chính đáng là con cái của Chúa. Thánh Junipero Serra cũng không ngoại lệ.”

Đức Tổng Giám Mục đã ca ngợi vị thánh có lòng truyền giáo nhiệt thành: “Thánh Junipero Serra đã mang đến cho người dân bản địa điều tốt nhất mà ngài thủ đắc: kiến thức và tình yêu Chúa Giêsu Kitô, mà ngài và các anh em Phan sinh đã làm thông qua giáo dục, chăm sóc sức khỏe và đào tạo về kỹ thuật nông nghiệp.”

“Cơn giận dữ chống lại sự bất công có thể là một phản ứng lành mạnh khi sự phẫn nộ chính đáng này có thể thúc đẩy xã hội tiến lên. Nhưng như chính Chúa Kitô dạy, và Thánh Phanxicô đã làm gương, tình yêu, chứ không phải cơn thịnh nộ, là câu trả lời duy nhất, ” Đức Tổng Giám Mục kết luận.


Source:Catholic News Agency