Ngày 01-07-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Bình an của người truyền giáo
Lm JB Nguyễn Minh Hùng
08:20 01/07/2016
BÌNH AN CỦA NGƯỜI TRUYỀN GIÁO

Chúa Nhật XIV THƯỜNG NIÊN NĂM C

Với lời sai đi của Chúa: “Thầy sai các con ra đi như chiên con ở giữa sói rừng. Các con đừng mang theo túi tiền, giày dép, bao bị... Đến bất cứ nơi đâu, các con hãy nói thế này: “Bình an cho nhà này”, chúng ta hãy xác tín, tất cả mọi người, dù là linh mục, tu sĩ hay giáo dân, đều có chung một ơn gọi xuất phát từ Chúa Kitô, đó là được sai đi sống chứng nhân cho Tin Mừng ở giữa cuộc đời này.

Nhưng cuộc ra đi, vào đời làm chứng cho Chúa, làm chứng cho Tin Mừng của Chúa, không là những bước chân êm ái, càng không bao giờ là lụa là gấm vóc. Nhưng đó là khó khăn, là chống đối, là “chiên ở giữa sói rừng”...

Những tưởng đầy những khó khăn giăng mắc như vậy, Chúa sẽ dạy phải mang theo vũ khí, mang theo gậy gộc và tất cả những gì cần thiết để đề phòng. Nhưng không! Chúa dạy những điều ngược lại: “Các con đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép, và đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào nhà nào, trước tiên các con hãy nói: Bình an cho nhà này”.

Hình như Lời Chúa có sự mâu thuẫn? Vì một người xem ra không hề có bình an, ngược lại, bị vây bọc bởi những nguy hiểm đến nỗi “như chiên con ở giữa sói rừng”, vậy mà lại lên tiếng chúc “bình an cho nhà này”. Như Vậy bình an mà Chúa muốn nói đây là bình an như thế nào? Làm sao lại có thể trao ban bình an, trong khi bản thân chẳng có bình an?

Hóa ra, hành trang để giữ người môn đệ trong đời sống đức tin không phải là tiền của, hay bất cứ thứ vật chất nào, nhưng là bình an trong tâm hồn. Đó chính là bình an nội tâm. Đó là ơn bình an của người biết tín thác cho Chúa, biết đặt trọn sự sống và cuộc đời mình trong tay Chúa.

Đó là thứ bình an sâu lắng, là tất cả sự chấp nhận vì lòng yêu mến Chúa, vì muốn tháp nhập thập giá đời mình vào thập giá Chúa Kitô. Đó là bình an cho dù bên ngoài, nơi thân xác vẫn có đó rất nhiều đau khổ, rất nhiều thử thách, gian lao...

Đó là thứ bình an nội tâm cần thiết vô cùng cho những tâm hồn thuộc về Chúa Kitô, những tâm hồn muốn làm môn đệ Chúa. Bình an ấy giúp họ ngày đêm miệt mài để “Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến”, và Lời của Người lan tỏa, dẫu có phải chịu cảnh khốn cùng, nguy hiểm như “chiên con ở giữa sói rừng” đi nữa.

Bình an trong tâm hồn mới có thể giúp ta giữ vững đức tin, giúp ta mạnh mẽ sống đời sống chứng nhân Tin Mừng. Nếu lòng mà thiếu vắng ơn bình an, ta không thể đứng vững trước những khó khăn, nhiều lúc tưởng chừng vùi lấp mình trong đau khổ. Nếu không có bình an nội tâm, chính lúc bản thân bị chìm trong đau khổ, thì tuyệt vọng dễ hơn vươn lên.

Nếu không lãnh nhận bình an nơi Thiên Chúa, nhiều lúc cuộc đời vùi ta trong đau khổ, sẽ dễ làm ta nghi nan, nguy hiểm hơn, dễ mất đức tin.

Chỉ có Thiên Chúa là nguồn bình an đích thực. Hãy cậy dựa vào Chúa, xin Người ban cho ta bình an trong tâm hồn. Hãy chiêm ngắp thập giá Chúa Kitô để học nơi Người bài học của sự vâng phục và đón nhận. Để như Chúa Kitô, lòng ta cũng sẽ bình an và nhờ đó có thể trao ban bình an cho anh chị em.

Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết cách trao bình an cho anh chị em, bằng việc chính chúng con luôn nỗ lực cầu nguyện để kín múc bình an nội tâm nơi Chúa. Dù qua năm tháng, dù lâm vào hoàn cảnh nào, hay dù gặp thử thách đến đâu, lòng chúng con vẫn trung kiên sống ơn gọi của mình, để danh Chúa được cả sáng và biên cương của Hội Thánh được nới rộng ngày càng nhiều hơn. Amen.

Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:20 01/07/2016
66. ĐỔ QUYÊN GỌI VỀ.
Thạch Nghị chưa lấy vợ, trong lòng khó mà tránh khỏi cảm thấy cuộc sống cô độc.
Một lần nọ, nghe tiếng chim đổ quyên gọi về, chưa lập gia đình là Thạch Nghị than thở, nói:
- “Con chim này giục người trở về, còn ta thì trở về nơi nào chứ ?”
(Vân Tiên tạp ký)

Suy tư 66:
Không có gì tệ hại cho bằng sự cô đơn, sự cô đơn gặm nhấm tâm hồn làm cho anh hùng trở thành yếm thế, làm cho người hy vọng thành thất vọng, làm cho người lạc quan trở thành bi quan. Có người cô đơn thì đi tìm rượu uống, có người cô đơn thì đi tìm bạn trên đường phố cho qua sự cô đơn, có người cô đơn thì đi nghe nhạc hát kara-okê.v.v...
Những người dâng mình cho Chúa có cô đơn không ?
Không ai thấm thía nỗi cô đơn cho bằng các linh mục, tu sĩ, nhưng họ không thể đi tìm rượu khi cô đơn, họ càng không thể đi kiếm “một ai đó” để tâm sự khi cô đơn.
Còn nỗi cô đơn nào hơn khi tất cả giáo dân ra về sau thánh lễ, cha mẹ con cái cười cười nói nói vui vẻ, nam nữ tay trong tay âu âu yếm yếm tình đẹp như mơ..., trong lúc đó thì cha sở một mình âm thầm đi đóng cửa nhà thờ, nỗi cô đơn gặm nhấm tận tim gan ! Rồi từ đó biết bao là câu hỏi tự tâm của ngài: tại sao tôi không thể như họ, tôi cũng có thể có một bạn gái để âu yếm tỏ tình, tôi cũng đẹp trai khỏe mạnh học thức như ai, sao lại không thể có một mái nhà con cái.v.v... Vâng, thật cô đơn khi nghĩ đến tình cảm và thân phận con người, nhưng bởi vì thế mà danh phận và nhân đức anh hùng của các linh mục mới trổi vượt trên tất cả, vì nhờ những giây phút cô đơn như bị người đời bỏ rơi ấy, mà linh mục trở thành cao cả không những trước mặt con cái loài người mà ngay cả nơi các thiên thần vì nhân đức anh hùng của các ngài.
Ma quỷ lợi dụng sự cô đơn để cám dỗ nhân loại vốn là loài có quả tim bằng thịt biết rung động trước mọi hoàn cảnh vui buồn. Cho nên, người linh mục phải luôn cảnh giác, cầu nguyện và luôn kết hợp với Đức Chúa Giê-su Thánh Thể, bởi vì lý do lớn nhất khiến cho các linh mục và các tu sĩ sợ –có lẽ- là sự cô đơn.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (CN 14 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:23 01/07/2016
Chúa Nhật 14 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Lc 10, 11-12; 17-20.
“Bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy.”


Anh chị em thân mến,
“Lúa chín đấy đồng, mà thợ gặt thì ít”, câu nói này của Đức Chúa Giê-su chúng ta đã nghe rất nhiều lần trong cuộc sống, và theo thói quen tốt lành của mỗi nơi, mà chúng ta dành ngày thứ năm mỗi tuần để cầu nguyện cách riêng cho các “thợ gặt” truyền giáo, là các linh mục, cũng như cầu nguyện cho ơn gọi làm linh mục tu sĩ trong Giáo Hội.

Đức Chúa Giê-su mời gọi chúng ta cầu xin chủ ruộng sai nhiều thợ gặt đến, và vì chúng ta bấy lâu nay chỉ hiểu thợ gặt chính là các linh mục và các tu sĩ nam nữ mà thôi, nên chúng ta quên mất có rất nhiều thợ gặt khác đang âm thầm hoặc công khai làm việc trên cánh đồng truyền giáo, đó chính là bạn và tôi và những người Ki-tô hữu khác, họ là những thợ gặt của thời hiện đại, trong tâm tình đó tôi xin chia sẻ với bạn mấy vấn đề sau đây :

1. Cha mẹ cũng là thợ gặt truyền giáo.
Trước hết, có một vấn đề mà chúng ta phải công nhận: gia đình là cánh đồng nhỏ mà thợ gặt không ai khác hơn chính là cha mẹ, nhưng thời hiện đại này thì gia đình không còn nhỏ nữa mà chúng đã biến thành lớn với một vài đứa con trong gia đình, bởi vì cuộc sống văn minh hiện đại đã làm cho chúng nó mất đi phương hướng về tôn giáo và tín ngưỡng mà chúng nó đã lãnh nhận, do đó cha mẹ phải chính là người thợ gặt nhiệt thành lo lắng cho con cái mình, biết dạy dỗ chúng nó trở thành những “hạt lúa béo đầy ắp sữa ân sủng” của Chúa.

Hiện tượng chỉ có những người già, những người lớn tuổi mới đi tham dự thánh lễ nơi các nước phát triển là bức tranh rất thực tế, bởi vì các bạn trẻ và ngay cả các trẻ em cũng ít đi lễ nhà thờ, nguyên nhân khách quan thì đã rõ, nhưng nguyên nhân chủ quan thì nằm ngay trong gia đình của các em như: bận học hành vui chơi mà không có thời gian đi thờ, và đời sống tâm linh của cha mẹ cũng ảnh hưởng rất lớn trên con cái, như cha mẹ ít nhắc nhở con cái sống đạo, cha mẹ không mặn nồng với giáo xứ, không thiết tha đi tham dự thánh lễ…

Cha mẹ sẽ là thợ gặt lành nghề trên “cánh đồng” truyền giáo của mình khi họ có đời sống đạo đức tốt lành và kiên trì, đức tin của cha mẹ là công cụ gặt hái hiện đại và hiệu quả nhất trong gia đình của mình, với tinh thần hy sinh và cầu nguyện, cha mẹ sẽ trở nên những thợ gặt mẫu mực cho con cái của mình. Do đó, khi mà chúng ta ngồi buồn bực vì con cái không nghe lời mình để đến tham gia các sinh hoạt của nhà thờ, chi bằng chúng ta quyết tâm trở nên những thợ gặt nhiệt thành nhất trong gia đình của chúng ta, bằng cách làm gương sáng cho chúng nó…

2. Mỗi giáo dân là một thợ gặt.
Các linh mục và các tu sĩ nam nữ đương nhiên là những thợ gặt chuyên môn trên cánh đồng truyền giáo, các vị ấy với những năm tháng được huấn luyện để trở thành những thợ gặt chuyên nghiệp, nhưng họ vẫn còn quá ít và thiếu trên cánh đồng truyền giáo rộng lớn bao la, cho nên, mỗi giáo dân là mỗi thợ gặt trong hoàn cảnh cuộc sống của mình, đó là một đòi hỏi của Đức Chúa Giê-su trong thời đại ngày nay.

Qua bí tích Rửa Tội, người Ki-tô hữu đã trở thành một chi thể của Giáo Hội, một công dân của Nước Trời và là một thợ gặt trong cánh đồng truyền giáo của Giáo Hội, không một giáo dân nào trong thời đại ngày nay nói rằng: truyền giáo là bổn phận của các linh mục và của các tu sĩ nam nữ nữa, nhưng đa số giáo dân đều hiểu rằng, mình cũng có bổn phận rao giảng Lời Chúa cho mọi người và sống Tin Mừng giữa tha nhân.

Đức Chúa Giê-su sai bảy mươi hai môn đệ ra đi loan báo Tin Mừng Nước Trời, có nghĩa là ngoài mười hai vị tông đồ ra, Ngài còn chọn thêm cho mình những môn đệ khác để cùng với các tông đồ rao giảng về nước Thiên Chúa. Bảy mươi hai môn đệ này đại diện cho các cộng đoàn dân Thiên Chúa trên khắp thế giới, mà mỗi Ki-tô hữu là những thợ gặt trong thế giới hiện đại hôm nay.

Anh chị em thân mến,
Tuy không chuyên nghiệp như các linh mục và các tu sĩ nam nữ, nhưng đã là bổn phận thì phải tìm cách để chu toàn, do đó mà chúng ta –người Ki-tô hữu- trước hết phải sống đạo tốt lành, biết noi gương phục vụ và biết cộng tác với cha sở của mình trong việc xây dựng giáo xứ ngày càng tốt đẹp hơn.

Chỉ có những ai biết khiêm tốn đón nhận sứ mạng mà không chút kêu ca hay tự mãn, thì mới có thể trở thành thợ gặt trên cánh đồng truyền giáo.

Có những người Ki-tô hữu thao thức tìm cho mình một hướng đi như các linh mục và tu sĩ nam nữ, gọi nôm na là linh đạo giáo dân, một ý tưởng rất tốt, nhưng linh đạo giáo dân là gì nếu không phải là sống đạo giữa trần thế dựa trên Lời Chúa, linh đạo giáo dân trước hết chính là chu toàn bổn phận của mình trong yêu thương, và khi đã làm tốt việc đó, thì đã trở thành những thợ gặt nhiệt thành trên cánh đồng truyền giáo trong thế giới hôm nay rồi vậy.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
--------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:25 01/07/2016

19. Tham tiền tài là căn nguyên của vạn sự ác, những tư dục tình cảm lệch lạc khác như là cành lá của nó, từ nó mà bồi bổ cho khỏe mạnh thì sẽ đơm hoa kết quả, và sẽ không khô héo.

(Thánh Nilus the Elder)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

-----------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
ĐTC nói Lòng Thương Xót: Một đề tài để nói, nhưng là một điều để sống
Thanh Quảng sdb
02:48 01/07/2016
ĐTC nói Lòng Thương Xót: Một đề tài để nói, nhưng là một điều để sống
Thanh Quảng sdb

Hôm thứ Năm tại Quảng trường thánh Phêrô trong buổi triều yết ĐTC nói: Chúa mời gọi chúng ta tự vấn lương tâm mình một cách nghiêm chỉnh. ĐTC nói Lòng Thương Xót là một đề tài để nói, nhưng là một điều để sống. Lòng thương xót không phải là một khái niệm trừu tượng mà là một lối sống, như lời thư của Thánh Giacôbê Tông Đồ đã viết lòng thương xót mà không có việc làm là một sự chết.

Đức Thánh Cha Phanxicô dùng Phúc âm của Thánh Matthêu chương 25 câu 31 để quảng diễn về hành vi của lòng thương xót đối với người khác. Điều gì làm cho lòng thương xót trở nên sống động là tính năng động của nó biết đáp ứng nhu cầu tinh thần và vật chất của người khác. ĐTC cho hay lòng thương xót nó có mắt để nhìn, có tai để nghe và có bàn tay để giang rộng giúp đỡ...

ĐTC cho hay đôi khi chúng ta bỏ qua những tình huống nghèo đói như nó chẳng đánh động gì tới chúng ta. Chúng ta cứ bình chân như vại, không có gì xảy ra và trong sự thờ ơ đó biến chúng ta trở nên kẻ giả hình mà không biết, dẫn đến một hình thức lãnh cảm tinh thần làm tê liệt tâm hồn và làm cho cuộc sống ra chai đá.

Những người có kinh nghiệm về lòng thương xót trong cuộc sống không thể thờ ơ trước nhu cầu của anh em đồng loại. Giáo huấn của Chúa Giêsu đã cảnh giác chúng ta như Chúa đã phán: "Xưa Ta đói, các ngươi cho ăn; Ta khát các ngươi đã cho uống; Ta mình trần các ngươi đã cho mặc, Ta bệnh tật, trong tù, các ngươi đã đến thăm viếng."

Đức Thánh Cha Phanxicô kết luận bài chia sẻ của mình bằng cách suy tư về chuyến tông du gần đây của Ngài thăm viếng nước Armenia, một quốc gia đầu tiên, đón nhận đức tin Kitô giáo. Ngài cảm ơn Tổng thống Armenia và Đức Thương phụ Chính thồng Karekin II, các giám mục Công Giáo và toàn dân Armenia đã chào đón Ngài như một người lữ hành trong tình huynh đệ và an hòa.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: là Kitô hữu được kêu gọi để tăng cường sự hiệp thông và làm chứng tá cho Tin Mừng của Chúa Kitô.
(Nguồn Radio Vatican)
 
Hướng đi mới trong ngành truyền thông Tòa Thánh khi 85% dân số dùng Smart Phone.
Đặng Tự Do
05:42 01/07/2016
Một năm sau khi Đức Thánh Cha công bố “tự sắc” thành lập Viện Truyền Thông Vatican với trọng trách là cải tổ các phương tiện truyền thông của Tòa Thánh, trong tư cách là Viện Trưởng, Đức Ông Eduardo Dario Viganò, đã cho biết về một loạt các công việc đã được hoàn thành trong 12 tháng qua; và hướng về tương lai với một tầm nhìn mới.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho Alessandro Gisotti của Vatican Radio, Đức Ông Viganò chỉ ra rằng những chỉ dẫn rõ ràng trong “tự sắc” của Đức Giáo Hoàng đã đặt nền văn hóa kỹ thuật số hiện nay tại trung tâm của cuộc cải cách; và đặt “người sử dụng” các phương tiện truyền thông của Tòa Thánh thành “nhân vật trung tâm”. Thách thức lớn nhất chúng ta đang đối diện là “thôi đừng bám vào giả định cho rằng ngoài kia có ai đó đang chờ mong lắng nghe, xem và đọc những thông tin của chúng ta”.

Cuộc cải tổ các phương tiện truyền thông của Tòa Thánh liên quan đến tất cả các phương tiện truyền thông của Vatican bao gồm nhật báo Quan Sát Viên Rôma, Vatican Radio và Đài Truyền Hình Trung Ương Tòa Thánh, nhà xuất bản Libreria Editrice Vaticana, nhà in và Văn phòng Báo chí Tòa thánh.

Đức Ông Viganò chỉ ra rằng các thống kê gần đây cho thấy khoảng 85% dân số sử dụng các thiết bị di động để kết nối với phương tiện truyền thông. Trong bối cảnh đó, tự sắc của Đức Giáo Hoàng là “một lời mời để bỏ lại đằng sau sự kiêu ngạo của cung cách truyền thông một chiều” và để nhận ra rằng chúng ta đang được mời gọi để mang thông điệp của Tin Mừng đến cho những người nam nữ ngày nay đang đắm mình trong các phương tiện truyền thông mới.

Nói về các công việc đã đạt được trong một năm qua, Đức Ông Viganò cho biết đó là một thời gian làm việc căng thẳng nhưng rất “hào hứng”. Khoảng 400 người đã dự hơn 140 cuộc họp trong một nỗ lực để tìm hiểu các tiềm năng hiện có và xây dựng các dự án mới. Một số kết luận từ các cuộc họp này đã dẫn đến việc đầu tư vào các khóa đào tạo chuyên nghiệp và một số nhân viên được yêu cầu “phát triển” bằng cách theo học các bằng thạc sĩ về quản trị kinh doanh và truyền thông.

Đức Ông Viganò nói thêm là Đức Giáo Hoàng và Hội đồng 9 Hồng Y cố vấn có những quan tâm rất lớn đến cuộc cải tổ các phương tiện truyền thông Tòa Thánh. Trong kỳ họp cuối cùng vào đầu tháng Sáu vừa qua, các vị đã yêu cầu được nghe các báo cáo cập nhật về tiến trình cải cách. Đức Ông cho biết những số liệu cụ thể đã được báo cáo vì “các Hồng Y sẽ phải chịu trách nhiệm đưa ra một số quyết định cụ thể”.

Về khía cạnh kỹ thuật của cuộc cải tổ và cụ thể là việc cho ra mắt cổng thông tin Internet multi-media mới của Tòa Thánh, Đức Ông Viganò cho biết “tất cả mọi chuyện đang diễn ra tốt đẹp, chúng ta sẽ có một cổng thông tin mới với các nhu liệu tốt hơn, với nhiều lựa chọn hơn, vv. Tuy nhiên, đối tượng thực sự của cuộc cải tổ nằm đằng sau hậu trường.” Đức Ông mô tả cổng thông tin mới của Tòa Thánh như là đỉnh của một tảng băng trôi trong một hệ thống mà tất cả mọi thứ sẽ được sản xuất bởi một nhóm chuyên viên với những nỗ lực được phối hợp chung. Ngài nói: “Chúng ta phải học để gạt kinh nghiệm cá nhân của chúng ta sang một bên và đặt bản thân chúng ta ở vị trí khiêm nhường học tập vì sự khiêm nhường là con đường cần thiết của cuộc cải tổ”.

Nói thêm về cổng thông tin mới, Đức Ông Viganò giải thích rằng cổng thông tin này sẽ có tính năng video, podcast, hình ảnh, các sản phẩm in ấn và phát thanh trực tiếp. Ngài nói rằng những lợi thế cho những ai nghe/xem/đọc chúng tôi là từ nay họ sẽ không còn bị hoang mang hoặc phải cậy dựa vào sự hướng dẫn của chúng tôi.

Theo Đức Ông, trước đây “chúng ta đã không tồn tại đối với công chúng”. Khi Đức Thánh Cha Phanxicô được bầu vào ngôi Giáo Hoàng hầu hết những người muốn tìm hiểu ngài là ai đều hướng về Wikipedia để biết tiểu sử Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio chứ không phải là tìm kiếm nơi các thông tin của Tòa Thánh. Ngài nói rằng có quá nhiều việc phải được thực hiện để nâng cao danh tiếng và vị trí của Web site Tòa Thánh.

“Chúng ta phải trở thành 'nguồn' cung cấp các thông tin về Vatican và các tin tức về Đức Giáo Hoàng - không chỉ là một nguồn chính thức nhưng phải là một nguồn quan trọng”.

Sau một thời gian nghiên cứu sâu về các cơ quan hình thành nên phương tiện truyền thông của Vatican, Đức Ông Viganò nói Viện Truyền Thông đã đi đến kết luận rằng hệ thống truyền thông Tòa Thánh trong những năm qua đã bị tê liệt. Nói cho cùng, “nó giống như một động cơ trong đó có tất cả mọi thứ nhưng không hoạt động hiệu quả; thay vì sản sinh ra năng lượng nó chỉ sản xuất nhiệt và cuối cùng là quá nóng và khựng lại. Ở đây chúng ta có một động cơ; chúng ta muốn nó hoạt động đúng để nó có thể đi nhanh, để nó có thể thắng lại, hay tăng tốc vượt qua mặt khi cần thiết”.

Về sự hiệp nhất nhất Vatican Radio và Đài Truyền Hình Trung Ương Tòa Thánh, Đức Ông Viganò nói một sự 'tái định vị' và 'cấp quyền' cho 105 chương trình phát thanh bằng các ngôn ngữ khác nhau sẽ sớm trở thành hiện thực. Bởi vì, theo Đức Ông, điều quan trọng là phải duy trì các đài phát thanh hầu mọi người có thể tiếp tục nghe radio Vatican ở Ý và cả ở những miền khác trên thế giới với các ngôn ngữ khác nhau.

“Như Cha Lombardi đã nói nhân dịp kỷ niệm lần thứ 80 của Đài phát thanh, Đài phát thanh Vatican ngày nay không chỉ là một trạm phát thanh”.

Các chương trình với các ngôn ngữ khác nhau, sẽ là nhịp “đập trái tim”, là những nhân vật chính của cổng thông tin mới với hàng loạt các chương trình đa ngôn ngữ và đa văn hóa cả văn bản, âm thanh và hình ảnh.
 
Chuyện không tin cũng xảy ra: Chĩa súng vào linh mục trong suốt thời gian xưng tội
Đặng Tự Do
18:48 01/07/2016
Một linh mục tại Cleveland, Ohio, Hoa Kỳ báo cáo với cảnh sát rằng hồi đầu tháng Sáu ngài đã phải trải qua một kinh nghiệm đau buồn lần đầu tiên trong cuộc đời linh mục của mình. Vị linh mục cho biết ngài đã nghe xưng tội từ một người đàn ông cầm súng trên tay chĩa vào bụng ngài trong toàn bộ thời gian xưng tội.

Vụ việc xảy ra vào ngày thứ Bảy 11 Tháng Sáu tại nhà thờ St. Christopher thuộc quận Rocky River, Cleveland, Ohio. Vị linh mục nói rằng một người đàn ông ở tuổi 20 gần xấp xỉ 30 với làn da nhợt nhạt có đặc trưng là một hình xăm chữ thập trên cánh tay trái, tóc dài ngang vai, bước vào nhà thờ để xưng tội trong giờ xưng tội hàng tuần.

Vị linh mục nói ngay sau khi người đàn ông ngồi xuống, người này rút một khẩu súng từ phía sau lưng và chĩa vào bụng ngài. Vị linh mục báo cáo vụ việc với cảnh sát, qua đường giây nóng 911. Ngài nói: “Anh ấy chĩa súng vào tôi trong toàn bộ thời gian xưng tội. Nhưng anh ta không có lời lẽ nào đe dọa. Anh ta đã không nói rằng tôi sẽ giết cha. Anh ấy cũng không nói rằng tôi sẽ bắn cha. Anh ta chỉ chĩa súng vào bụng tôi trong khi xưng tội. Tôi chưa bao giờ phải giải tội cho một kẻ chĩa súng vào mình trong suốt thời gian xưng tội như thế”.

Cảnh sát khuyên các linh mục địa phương phải có các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ bản thân họ và giáo phận Cleveland cũng đã ra một thông báo tương tự.
 
Các linh mục phải được giả định là vô tội trong các cáo buộc lạm dụng tình dục
Đặng Tự Do
19:12 01/07/2016
Trước trào lưu truy tố ra trước pháp luật các giám mục thẳng thừng phủ nhận, hoặc thờ ơ né tránh đương đầu với các khiếu tố về lạm dụng tình dục trong Giáo Hội; nhiều giám mục chuyển sang thái cực ngược lại là chấp nhận chóng vánh các đơn tố cáo và nhanh chóng mưu tìm một giải pháp hầu làm vừa lòng những người khiếu kiện. Và như thế khiến cho nhiều linh mục tốt lành phải chịu oan ức.

Hướng dẫn mới về việc xử lý khiếu nại lạm dụng tình dục trong Giáo Hội Công Giáo vừa được ban hành tại Ái Nhĩ Lan nhấn mạnh rằng trong tiến trình điều tra các cáo buộc, vị linh mục có liên quan phải được coi là vô tội trong khi cuộc điều tra đang diễn ra, ngay cả khi ngài đã bị đình chỉ chức vụ để cuộc điều tra được tiến hành khách quan.

Hướng dẫn, được phát hành bởi Hội đồng Quốc gia về Bảo vệ trẻ em (NBSC) của Ái Nhĩ Lan, kêu gọi một sự cân bằng giữa quyền lợi của những người cáo buộc và quyền lợi hợp pháp của các giáo sĩ. NBSC đề nghị rằng, nếu một linh mục qua đời trước khi một cuộc điều tra đi đến kết luận, “những suy nghĩ cẩn thận phải được các vị thẩm quyền Giáo Hội cân nhắc về cách tiến hành các nghi lễ phụng vụ cầu hồn bởi vì việc công khai ca ngợi phẩm chất của người quá cố như một linh mục có thể có một tác động bất lợi trên những người khiếu kiện”

NBSC khuyến cáo rằng các cuộc điều tra phải diễn ra bí mật. Tuy nhiên, hướng dẫn nhấn mạnh rằng trong khi giáo dân không cần biết tất cả các chi tiết, “những gì họ được thông báo phải là sự thật.”

Tài liệu khẳng định rằng một linh mục không thể thông báo về các trường hợp lạm dụng được tiết lộ trong tòa giải tội. “Ấn tín giải tội cần được bảo đảm giữ bí mật tuyệt đối, không có bất kỳ ngoại lệ nào.” Tuy nhiên, linh mục nào biết về các lạm dụng trong tòa giải tội, từ người lạm dụng hay từ người bị lạm dụng, nên khuyên người đó báo cáo vấn đề với các cơ quan thực thi pháp luật.
 
Đức Giáo Hoàng Danh Dự Bênêđíctô thứ 16 nói về quyết định thoái vị, và triều Giáo Hoàng của mình trong một cuốn sách mới
Đặng Tự Do
23:12 01/07/2016
Trong một cuộc phỏng vấn dài được in thành sách và sẽ được công bố vào tháng Chín, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã nói về quyết định thoái vị của ngài, phản ứng của ngài trước cuộc bầu cử Đức Thánh Cha Phanxicô kế nhiệm ngài, và những thách đố ngài đã phải trải qua trong việc điều hành Giáo Hội bao gồm cả những chi tiết về một nhóm “vận động đồng tính” bên trong Vatican mà ngài đã đập tan.

Cuốn sách là một bộ sưu tập chưa từng có về ký ức của một vị Giáo Hoàng - bao gồm cuộc sống thời niên thiếu của Đức Bênêđictô 16, thời tuổi trẻ dưới chế độ Đức Quốc xã và sứ vụ của ngài tại Vatican bao gồm cả triều giáo hoàng của ngài. Cuốn sách có tựa đề “Final Conversations”, nghĩa là “Những lời đàm thoại cuối cùng”, được dự kiến phát hành trên toàn thế giới vào ngày 9 tháng Chín, và sẽ gồm hơn 250 trang.

Nhật báo “Corriere della Sera” nghĩa là “Tin Chiều” của Ý, đã giành được quyền xuất bản các trích đoạn từ cuốn sách, và đã đưa ra một bản tóm lược hôm 1 tháng 7, trong đó tiết lộ:

1. Đức Bênêđictô 16 nhìn nhận có sự hiện diện của một nhóm “vận động đồng tính” tại Vatican trong triều đại giáo hoàng của Ngài. Ngài nói rằng chỉ có bốn hoặc năm người tham gia vào nhóm đó, và ngài đã đánh bại những nỗ lực của họ nhằm ảnh hưởng đến các chính sách của Vatican.

2. Đức Bênêđictô 16 nhìn nhận là ngài thiếu sự cứng rắn cần thiết để có thể cai quản Giáo Hội hiệu quả. Ngài cũng xác nhận rằng, trong khi làm việc dưới triều Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, ngài nộp đơn từ chức vài lần, nhưng rồi tiếp tục làm việc theo yêu cầu của Đức Giáo Hoàng.

3. Không ai ép Đức Bênêđictô 16 từ chức, và rất ít người biết ý định thoái vị của ngài trước khi ngài thông báo công khai điều này trong công nghị Hồng Y ngày 11 tháng 2. Khi công bố quyết định này, ngài đã nói bằng tiếng La Tinh chứ không phải là tiếng Ý, để tránh bất kỳ những diễn dịch sai lạc đáng tiếc nào.

4. Đức Bênêđictô 16 đã theo dõi cuộc bầu cử người kế nhiệm mình từ Castel Galdolfo và ngạc nhiên khi thấy Đức Hồng Y Jorge Bergoglio được bầu. Ngài nghĩ đến một vài Hồng Y khác chứ không phải vị Hồng Y người Á Căn Đình. Tuy nhiên, ngài rất vui mừng với kết quả bầu cử sau khi thấy người kế nhiệm ngài nói với dân chúng sau kết quả bầu cử.

5. Đức Bênêđictô 16 giữ một cuốn nhật ký ghi chép mọi điều trong suốt triều đại giáo hoàng của ngài, nhưng ngài có ý định đốt nó đi. Ngài nhìn nhận rằng các sử gia sẽ coi cuốn nhật ký này là một “cơ hội bằng vàng”. Điều thú vị là Đức Bênêđictô 16 cho biết ngài có ý định đốt đi nhưng chưa đốt, ít nhất là ở thời điểm xảy ra cuộc phỏng vấn.

Cuốn “Final Conversations” là kết quả của một cuộc phỏng vấn dài với Peter Seewald, là người đã từng hợp tác với Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 trong ba cuộc phỏng vấn dài được in thành sách. Cuốn “Ánh sáng thế gian”, được xuất bản năm 2010 là cuốn đầu tiên được hình thành bởi một vị Giáo Hoàng đương kim. Hai cuốn sách trước đó, “Muối Đất” (1997) và “Thiên Chúa và thế giới” (2002) xuất hiện trong khi ngài là Đức Hồng Y Ratzinger, Tổng Trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin.
 
Lễ Hai Thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ tại Vatican
VietCatholic Network
23:45 01/07/2016
Quý vị và anh chị em đang theo dõi phóng sự về Lễ Thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ cùng nghi thức trao dây Palium cho các Tổng Giám Mục vừa được bổ nhiệm trong 12 tháng qua.

Giờ đây ca đoàn đang hát bài Phêrô con là Đá (Tu es Petrus)

“Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.”

“Bây giờ tôi biết thực sự là Chúa đã sai thiên sứ của Người đến, và Người đã cứu tôi thoát khỏi tay vua Hê-rô-đê, và khỏi mọi điều dân Do-thái mong muốn tôi phải chịu.”

Đức Thánh Cha làm dấu thánh giá bắt đầu Thánh Lễ:

Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần

Amen

Đức Thánh Cha: Nguyện xin ân sủng Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh (chị) em.

Cộng Đoàn: Và ở cùng cha.

Đức Thánh Cha: Anh (chị) em, chúng ta hãy nhìn nhận tội lỗi chúng ta, để xứng đáng cử hành mầu nhiệm thánh.

Cộng Đoàn: Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa toàn năng, và cùng anh (chị) em: tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm, và những điều thiếu sót.

Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng.

Vì vậy tôi xin Ðức Bà Maria trọn đời đồng trinh, các Thiên Thần, các Thánh và anh (chị) em, khẩn cầu cho tôi trước tòa Thiên Chúa, Chúa chúng ta.

Đức Thánh Cha: Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội, và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.

Cộng Đoàn: Amen.

Đức Hồng Y trưởng đẳng phó tế đang trình lên Đức Thánh Cha các vị Tổng Giám Mục vừa được bổ nhiệm trong một năm qua. Ngài nói:

Trọng kính Đức Thánh Cha,

Các vị Tổng Giám Mục đáng kính với lòng trung thành và sự tận tụy sâu sắc với Đức Thánh Cha và Tòa Thánh, khẩn khoản xin Đức Thánh Cha ban cho các ngài những dây pallium lấy từ ngôi mộ của Thánh Phêrô, như một dấu hiệu của quyền bính mà các vị Tổng Giám Mục, trong sự hiệp thông với Giáo Hội Rôma, được hưởng theo luật trong giáo tỉnh của các ngài.

Các dây Pallium được ban phép lành hôm nay sẽ được đại diện của Đức Thánh Cha trao cho các vị Tổng Giám Mục Metropolitan tại các địa phương tương ứng của các ngài.

Các vị Tổng Giám Mục hiện diện ở đây ngày hôm nay sẽ đọc lời thề trung thành với Đức Thánh Cha theo công thức quy định.

Các vị Tổng Giám Mục lần lượt được xướng tên gồm có:

1. Đức Cha Dominique Lebrun Tổng Giám Mục Rouen (Pháp)

2. Đức Cha Luis Gerardo Cabrera Herrera, O.F.M. Tổng Giám Mục Guayaquil (Ecuador)

3. Đức Cha Salvatore Ligorio Tổng Giám Mục Potenza-Muro Lucano-Marsico Nuovo (Italia)

4. Đức Cha Roque Paloschi Tổng Giám Mục Porto Velho (Brazil)

5. Đức Cha Matteo Maria Zuppi Tổng Giám Mục Bologna (Italia)

6. Đức Cha Corrado Lorefice Tổng Giám Mục Palermo (Italia)

7. Đức Cha Fidel Herráez Vegas Tổng Giám Mục Burgos (Tây Ban Nha)

8. Đức Cha Juan José Omella Omella Tổng Giám Mục Barcelona (Tây Ban Nha)

9. Đức Cha Jozef De Kesel Tổng Giám Mục Mechelen-Brussel, Malines-Bruxelles (Bỉ)

10. Đức Cha Lorenzo Piretto, O.P. Tổng Giám Mục Izmir (Thổ Nhĩ Kỳ)

11. Đức Cha Francisco Moreno Barrón Tổng Giám Mục Tijuana (Mexico)

12. Đức Cha Marcos Aurelio Pérez Caicedo Tổng Giám Mục Cuenca (Ecuador)

13. Đức Cha Christopher M. Cardone, O.P. Tổng Giám Mục Honiara (Isole Salomone)

14. Đức Cha Basilio Athai Arcivescovo Taunggyi (Miến Điện)

15. Đức Cha Roger Houngbédji, O.P. Arcivescovo Eletto Di Cotonou (Benin)

16. Đức Cha Zanoni Demettino Castro Tổng Giám Mục Feira De Santana (Brazil)

17. Đức Cha Rodolfo Luís Weber Tổng Giám Mục Passo Fundo (Brazil)

18. Đức Cha Lauro Tisi Tổng Giám Mục Trento (Italia)

19. Đức Cha Felice Accrocca Tổng Giám Mục Benevento (Italia)

20. Đức Cha Darci José Nicioli, C.Ss.R. Tổng Giám Mục Diamantina (Brazil)

21. Đức Cha Bernard Anthony Hebda Tổng Giám Mục Saint Paul And Minneapolis (Hoa Kỳ)

22. Đức Cha Juan De La Caridad García Rodríguez Tổng Giám Mục San Cristóbal De La Habana (Cuba)

23. Đức Cha Ruy Rendón Leal Tổng Giám Mục Hermosillo (Mexico)

24. Đức Cha Kenneth David Oswin Richards Tổng Giám Mục Kingston In Jamaica (Antille)

25. Đức Cha Adam Szal Tổng Giám Mục Przemyśl Dei Latini (Ba Lan)

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Dây Pallium màu trắng, có 6 hình thánh giá màu đen, vị Tổng Giám Mục đứng đầu giáo tỉnh đeo ở cổ khi cử hành thánh lễ, biểu hiệu tình hiệp thông với Đức Thánh Cha, và phẩm giá của vị Tổng Giám Mục chính tòa. Dây làm bằng lông chiên tượng trưng vị mục tử vác chiên lên vai.

Như thông báo được Đức Ông Guido Marini, trưởng ban nghi lễ phụng vụ của Đức Thánh Cha, đưa ra ngày 12 tháng Giêng năm 2015, từ nay Đức Thánh Cha không choàng dây này cho vị Tổng Giám Mục trong thánh lễ, nhưng lễ trao giây Pallium sẽ được cử hành tại giáo phận địa phương do vị đại diện Tòa Thánh chủ sự, và với sự tham dự của các Giám Mục trong giáo tỉnh và các tín hữu.

4 thầy Phó tế mang các dây Pallium từ mộ thánh Phêrô lên bàn thờ, rồi Đức Hồng Y trưởng đẳng Phó tế Renato Martino xướng danh 25 vị Tổng Giám Mục chính tòa, trước khi các vị cùng tuyên xưng đức tin. Rồi Đức Thánh Cha đọc lời nguyện làm phép các dây Pallium.

Trong số 9 ngàn người hiện diện trong thánh lễ sáng thứ Tư 29 tháng Sáu, đặc biệt có phái đoàn 3 vị thuộc Tòa Thượng Phụ Chính Thống Constantinople ở vị trí danh dự trước bàn thờ chính do Đức TGM Metodio, Đồng Chủ tịch Ủy ban đối thoại giữa Chính Thống và Công Giáo tại Hoa Kỳ, hướng dẫn.

Đồng tế với Đức Thánh Cha, ngoài 25 vị Tổng Giám Mục Chính tòa, còn có 40 Hồng Y, 50 Giám Mục và 400 Linh mục. Phần thánh ca, ngoài Ca đoàn Sistina của Tòa Thánh và Ca đoàn “Mẹ Giáo Hội” còn có ca đoàn Tân Đại Học Oxford của Anh giáo gồm 30 ca viên đảm trách.

Trong những năm gần đây, Thánh lễ kính hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô được phong phú hóa nhờ sự tham dự của dàn hợp xướng từ các Giáo Hội Kitô giáo khác phối hợp chung với ca đoàn của Sistina của Vatican. Năm nay, một ca đoàn của giáo phái Tin lành Lutherô từ Đức và một ca đoàn Anh giáo từ Đại học Oxford cùng hát lễ. Một ngày trước đó là tối thứ Ba, các ca đoàn này đã trình diễn một buổi hòa nhạc tại điện Sistina.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Giờ đây, Đức Thánh Cha đọc lời nguyện sau:

Lạy Chúa, Chúa đã ban cho chúng con được vui mừng hoan hỷ nhân ngày đại lễ kính hai thánh tông đồ Phê-rô và thánh Phao-lô. Chính nhờ các ngài Hội Thánh đã bắt đầu đón nhận đức tin, xin cho Hội Thánh cũng luôn trung thành tuân giữ lời các ngài giảng dạy. Chúng con cầu xin...

Bài Ðọc I: Cv 12, 1-11

“Bây giờ tôi biết thật Chúa đã cứu tôi khỏi tay Hêrôđê”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, vua Hêrôđê làm khổ mấy người trong Hội thánh. Ông đã dùng gươm giết Giacôbê anh của Gioan. Ông thấy việc ấy đẹp lòng người Do-thái, nên lại cho bắt cả Phêrô. Bấy giờ là ngày lễ Bánh Không Men. Bắt được người, vua cho tống ngục, giao cho bốn đội binh, mỗi đội bốn người canh giữ, có ý đợi sau lễ Vượt Qua, sẽ điệu người ra cho dân. Phêrô bị giam trong ngục, nhưng Hội thánh vẫn luôn luôn cầu nguyện cùng Chúa cho người. Ðến khi vua Hêrôđê sắp điệu người ra, thì đêm ấy, Phêrô phải mang xiềng xích, nằm ngủ giữa hai tên lính, và có quân canh giữ trước cửa ngục. Bỗng có thiên thần Chúa đứng kề bên, một luồng ánh sáng chiếu giãi vào ngục; thiên thần đập vào cạnh sườn Phêrô, đánh thức người dậy mà rằng: “Hãy chỗi dậy mau”. Xiềng xích liền rơi khỏi tay người. Thiên thần bảo người rằng: “Hãy thắt lưng và mang giày vào”. Người làm y như vậy. Thiên thần lại bảo rằng: “Hãy khoác áo vào mà theo ta”.

Người liền đi ra theo thiên thần, mà chẳng biết việc thiên thần làm có thật chăng, người tưởng như trong giấc mộng. Qua khỏi chặng thứ nhất và chặng thứ hai, thì đến cửa sắt thông ra thành. Cửa ấy tự nhiên mở ra. Thiên thần và Phêrô rảo qua một phố nọ, rồi thiên thần biến đi. Phêrô hoàn hồn và nói rằng: “Bây giờ tôi biết thật Chúa đã sai thiên thần cứu tôi khỏi tay Hêrôđê và khỏi mọi âm mưu của dân Do-thái”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 33, 2-3. 4-5. 6-7. 8-9

Ðáp: Chúa đã cứu tôi khỏi điều lo sợ (c. 5b).

Xướng: 1) Tôi chúc tụng Chúa trong mọi lúc; miệng tôi hằng liên lỉ ngợi khen Người. Trong Chúa linh hồn tôi hãnh diện, bạn nghèo hãy nghe và hãy mừng vui. - Ðáp.

2) Các bạn hãy cùng tôi ca ngợi Chúa, cùng nhau ta hãy tán tạ danh Người. Tôi cầu khẩn Chúa, Chúa đã nhậm lời, và Người đã cứu tôi khỏi điều lo sợ. - Ðáp.

3) Hãy nhìn về Chúa để các bạn vui tươi, và các bạn khỏi hổ ngươi bẽ mặt. Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe, và Người đã cứu họ khỏi mọi điều tai nạn. - Ðáp.

4) Thiên Thần Chúa hạ trại đồn binh chung quanh những người sợ Chúa và bênh chữa họ. Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao; phúc đức ai tìm nương tựa ở nơi Người. - Ðáp.

Bài Ðọc II: 2 Tm 4, 6-8. 17-18

“Từ đây triều thiên công chính đã dành cho cha”.

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.

Con thân mến, phần cha, cha đã già yếu, giờ ra đi của cha đã gần rồi. Cha đã chiến đấu trong trận chiến chính nghĩa, đã chạy đến cùng đường và đã giữ vững đức tin. Từ đây triều thiên công chính đã dành cho cha. Và trong ngày đó, Chúa là Ðấng phán xét chí công sẽ trao lại cho cha mũ triều thiên ấy, nhưng không phải cho cha mà thôi, mà còn cho những kẻ yêu mến trông đợi Người xuất hiện. Nhưng có Chúa phù hộ giúp sức cho cha, để nhờ cha, việc giảng đạo nên trọn, và tất cả Dân Ngoại được nghe giảng dạy: và cha đã thoát được khỏi miệng sư tử. Nguyện cho Người được vinh quang muôn đời. Amen.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Mt 16, 18

Alleluia, alleluia! - Con là Ðá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 16, 13-19

“Con là Ðá, Thầy sẽ trao cho con chìa khoá nước trời”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt thành Cêsarêa Philipphê, và hỏi các môn đệ rằng: “Người ta bảo Con Người là ai?” Các ông thưa: “Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một tiên tri nào đó”. Chúa Giêsu nói với các ông: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?” Simon Phêrô thưa rằng: “Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”.

Chúa Giêsu trả lời rằng: “Hỡi Simon con ông Giona, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời. Vậy Thầy bảo cho con biết: Con là Ðá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được. Thầy sẽ trao cho con chìa khoá nước trời. Sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở”.

Ðó là lời Chúa.

Trong bài giảng thánh lễ, sau khi diễn giải các bài đọc của ngày lễ và rút ra những bài học về lòng can đảm của các Tông đồ và cộng đồng Kitô tiên khởi đương đầu với những bách hại, sự chuyên chăm cầu nguyện, xác tín về sự gần gũi và nâng đỡ của Chúa trước những nghịch cảnh khó khăn, dấn thân làm chứng tá cho đến độ sẵn sàng đổ máu, Đức Thánh Cha nhắc nhở các vị Tổng Giám Mục chính tòa về ý nghĩa dây Pallium mà các vị lãnh nhận: đó là hình ảnh con chiên mà vị mục tử vác trên vai như Chúa Kitô, vị Mục Tử nhân lành đã làm, đó là biểu hiệu sự hiệp thông giữa Tòa Thánh Phêrô, và người Kế Nhiệm với các vị TGM chính tòa, và qua các vị với các Giám Mục khác trên thế giới. Đức Thánh Cha nói:

Bài giảng

Kinh Tin kính

Lời nguyện giáo dân

DTC: Anh chị em thân mến, Đức tin của chúng ta được kiện cường nhờ lời chuyển cầu của hai thánh Tông đồ Phê rô và Phao lô, tín thác vào lời chuyển cầu của các ngài chúng ta cùng dâng lên Thiên Chúa từ nhân những tâm tư cầu nguyện của chúng ta.

1. Chúng ta hãy cầu nguyện cho Đức Thánh Cha, xin Chúa kiện cường niềm tin vững mạnh cho Ngài để Ngài qui tụ và hướng dẫn các tín hữu trong tình yêu và bền vững trong niềm cậy trông vào cuộc sống vĩnh hằng. Chúng con cầu xin Chúa…

2. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các Đức Tổng Giám mục mới lãnh gi6y Pallium hôm nay. Xin Chúa phù trợ các ngài trong công việc mục vụ giáo phận, xin cho các Ngài luôn trung thành với truyền thống các Tông đồ để thánh hóa dân Chúa trao phó cho các Ngài. Chúng con cầu xin Chúa…

3. Chúng ta cầu nguyện cho các nhà lập pháp và các chính phủ. Xin Chúa soi dẫn họ biết làm việc cho công ích và công bằn xã hội hầu kiến tạo hòa bình cho nhân loại. Chúng con cầu xin Chúa…

4. Chúng ta cầu nguyện cho các Kito6 hữu đang bị bách hại đó dây trên thế giới được thấy Long nhân Chúa tỏ hiện và giải thoát họ khỏi nanh vuốt kẻ thù. Chúng con cầu xin Chúa…

5. Chúng ta cầu nguyện cho các nhà truyền giáo, ban cho họ sinh lục hầu họ luôn quảng đại dấn thân cho Tin mừng Phúc âm. Chúng con cầu xin Chúa…

ĐTC: Lạy Chúa xin nhận lời chúng con cầu nguyện và nhờ lời chuyển cầu của các thánh, xin Chúa ban cho chúng con dồi dào hồng ân Chúa, Chúng con cầu xin nhờ Chúa Giêsu Kitô con Chúa Chúa chúng con. Amen

Sau đó là Thánh lễ được tiếp tục với lời cầu nguyện dâng lễ

Lạy Chúa, chúng con dâng những lễ vật này để tôn vinh danh Chúa. Xin Chúa thương nhận lời hai thánh tông đồ cầu khẩn, và ban cho chúng con được sốt sắng cử hành lễ tế tạ ơn. Chúng con cầu xin ...

Lời tiền tụng

Lạy Chúa là Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi, mọi lúc, thật là chính đáng phải đạo và sinh ơn cứu độ cho chúng con. Hôm nay, Chúa cho chúng con được vui mừng trong ngày lễ trọng kính hai thánh Tông đồ Phê-rô và Phao-lô. Chúa đã sắp đặt để thánh Phêrô là người đầu tiên tuyên xưng đức tin, thánh Phaolô là người làm sáng tỏ đức tin, thánh Phêrô thiết lập Hội Thánh tiên khởi cho người Ít-ra-en, thánh Phaolô là thầy giảng dạy muôn dân. Như vậy, các ngài đã dùng đường lối khác biệt để quy tụ một gia đình duy nhất cho Ðức Kitô, nên các ngài đáng được thế giới ngưỡng mộ và được lãnh nhận cùng một triều thiên vinh quang.

Vì thế, cùng với toàn thể Thiên thần và các thánh chúng con ca ngợi Chúa và không ngừng tung hô rằng:

Ca đoàn hợp xướng: Thánh! Thánh! Thánh! ...

Kinh nguyện Thánh thể I được đọc hôm nay

Ca đoàn hát Lạy Chiên Thiên Chúa

Rước lễ

Trong lúc đó các ca đoàn hát bài về Thánh Thể, Bài Đâu có Tình yêu thương

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã dùng bí tích thánh thể bồi dưỡng chúng con. Xin dạy chúng con sống trong Giáo Hội như các Kitô hữu đầu tiên, là chuyên cần tìm hiểu giáo lý các tông đồ, và siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, để chúng con yêu mến Chúa hết lòng và nhờ đó được đồng tâm nhất trí với nhau. Chúng con cầu xin ...

và Đức Thánh Cha ban phép lành trọng thể cho tất cả…

Kết thúc ca đoàn hát bài Kính Trinh Nữ vương trong lúc đó ĐTC tiến tới cầu nguyện trước một Thánh Phêrô…
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam : Hồng Ân Thánh Hiến
Người Giồng Trôm
08:47 01/07/2016
DÒNG CHÚA CỨU THẾ: HỒNG ÂN THÁNH HIẾN

Bước theo Đức Kitô trên con đường thập giá phải nói rằng đó là con đường chẳng mấy ai đi. Thế nhưng, vẫn có những chọn lựa cho cuộc đời, cho ơn gọi của mình. Sau một thời gian tìm hiểu và đi qua các giai đoạn đào tạo của Nhà Dòng và nhất là sau một năm Tập Viện, hôm nay, 1 tháng 7 năm 2016, có 14 tập sinh tuyên lời khấn lần đầu và 9 thầy sau những năm tu học tuyên lời khấn vĩnh viễn.

Xem Hình

Thiệp mời khấn năm nay ghi:

Trong tâm tình ngợi khen và tạ ơn Thiên Chúa

TỈNH DÒNG CHÚA CỨU THẾ

Hân hoan kính báo

Các tập sinh sẽ tuyên khấn lần đầu:

1. Luca Môk HA Ninh

2. Phaolô R’Ô Hiếu

3. Giuse Phạm Văn Trạm

4.Antôn Nguyễn Văn Nhật

5. Phanxicô Xaviê Hoàng Minh Nhật

6. Gioan Baotixita Nguyễn Thu Thảo

7. Phêrô Cao Văn Trọng

8. Phêrô Hoàng Văn Lâm

9. Phêrô Trương Diệp Khoa

10. Giuse Phạm Anh Khoa

11. Giuse Phạm Đình Cường

12. Giuse Phạm Quang Hợp

13. Phêrô Nguyễn Văn Pháp

14. Gioan Baotixita Hồ Thanh Dũng

Và với thiệp khấn vĩnh viễn ghi:

Trong tâm tình ngợi khen và tạ ơn Thiên Chúa

TỈNH DÒNG CHÚA CỨU THẾ

Hân hoan kính báo

Quý tu sĩ sẽ tuyên khấn vĩnh viễn:

1. Giuse Vũ Văn Được

2. Phaolô Lư Thanh Nhã

3. Giuse Maria Trần Văn Tài

4. Phanxicô Nguyễn Đức Huy.

5. Antôn Trần Văn Huynh

6. Tôma Nguyễn Thế Chương

7. Giuse Quách Minh Đức

8. Phêrô Trịnh Công Chí

9. Phêrô Nguyễn Bảo Vinh.

Được biết Thánh Lễ tuyên khấn được cử hành lúc 8 giờ 30 tại Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Sài Gòn và Thánh Lễ khép lại vào lúc 10 g 45 phút.

Chủ tế Thánh Lễ khấn dòng hôm nay là Cha Giuse Nguyễn Ngọc Bích – Giám Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế. Cùng đồng tế với Cha Giám Tỉnh có rất đông quý Cha trong Dòng, quý cha Xứ, quý cha Bảo trợ và quý Cha thân quen cùng quý tu sĩ nam nữ và cộng đoàn dân Chúa. Hiển nhiên cộng đoàn đặc biệt trong Thánh Lễ sáng nay là quý ông bà cố, quý thân nhân và ân nhân của các ứng sinh.

Cha Phaolô Lưu Quang Bảo Vinh – Giám Học Học Viện Thánh Anphongsô đã chia sẻ Lời Chúa trong Thánh Lễ này.

Cha Phaolô mời gọi cộng đoàn cùng nhìn về hình ảnh của Núi Thánh. Trên Núi Thánh, Thiên Chúa đã chọn những người để Thiên Chúa ký kết Giao Ước, để Thiên Chúa bày tỏ tình thương và quyền năng của Ngài. Từ núi Thánh, Thiên Chúa sai đi những người Thiên Chúa chọn để nói lời Thiên Chúa.

Cha mời gọi các khấn sinh hôm nay hãy có ánh mắt của Thiên Chúa, có tai nghe của tai nghe Thiên Chúa và có tâm tình như Thiên Chúa để lắng nghe nỗi khổ của con người.

Để kết, Cha Phaolô nhắc anh em hãy tìm kiếm những sự trên Trời và trong cái ở với Ngài sẽ ở với Ngài và nghe tâm tư của Ngài và từ đó anh em lên đường đi rao giảng với quyền năng của Thiên Chúa. Quyền năng lớn nhất là trừ quỷ, giải thoát.. . Xin để vinh quang của Thiên Chúa chiếu tỏa trên anh em.

Sau bài giảng là nghi thức tuyên khấn lần đầu và tuyên khấn vĩnh viễn.

Nghi thức gồm 3 phần: Giới thiệu và thẩm vấn ứng viên – nghi thức tuyên khấn – nghi thức Diễn nghĩa.

Sau khi Cha Giám Tỉnh nhận lời khấn lần đầu và lời khấn vĩnh viễn, quý Cha đồng tế đã tiến ra trước gian cung Thánh Lễ ôm hôn và chúc bình an cho quý Thầy tuyên khấn hôm nay.

Lời bài hát rất nổi tiếng và quen thuộc “Theo Chúa” của linh mục nhạc sĩ Thành Tâm được ca đoàn của quý thầy được cất lên. Lời bài hát như nói lên tâm tình xác tín bước theo Chúa trong con đường tận hiến của tu sĩ, đặc biệt trong ngày tuyên khấn hôm nay.

Trước khi Thánh Lễ tuyên khấn khép lại, Cha Giám Tỉnh Giuse ngỏ đôi lời cảm ơn quý Cha Bảo Trợ, quý Cha Xứ, quý Cha thân quen cùng quý tu sĩ nam nữ và cộng đoàn dân Chúa. Đặc biệt Cha Giám Tỉnh cảm ơn quý ông bà cố và gia đình đã quảng đại dâng hiến những người con cho Hội Thánh, cho Hội Dòng.

Nguyện xin Chúa Thánh Thần tuôn đổ muôn ơn lành trên quý Thầy tuyên khấn hôm nay và gìn giữ quý Thầy trong đời sống tận hiến mà quý Thầy đã chọn và đi theo
 
Nghi thức gia nhập tiền tập viện hội dòng Mến Thánh Giá Xuân Lộc
MTG Xuân Lộc
21:49 01/07/2016
NGHI THỨC GIA NHẬP TIỀN TẬP VIỆN

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ XUÂN LỘC

Chiều nay thứ sáu, ngày 01/07/2016 trong khung cảnh tĩnh lặng của tu viện nhưng âm vang trong lòng niềm vui khi Hội dòng Mến Thánh Giá Xuân Lộc tiếp nhận 10 gia nhập Tiền Tập Viện.

Xem Hình

Nghi thức được bắt đầu vào lúc 16g30’ với sự hiện diện của tất cả quý chị em trong Hội dòng.

Trong giai đoạn Thanh Tuyển, các em đã có dịp sống gần gũi với cộng đoàn, đã có thời gian nhận định và suy nghĩ về khả năng của các em để dấn thân chia sẻ cùng một ơn gọi với Hội dòng Mến Thánh Giá Xuân Lộc. Các em quyết định gia nhập Tiền Tập Viện là bày tỏ ý muốn sống ơn gọi Mến Thánh Giá với ánh sáng của Chúa Thánh Thần và sự trợ giúp của những người đồng hành. Các em sẽ từng bước khám phá tình thương của Thiên Chúa dành cho mỗi ngày và trong giai đoạn mới.

Kết thúc nghi thức là những chia sẻ của chị Anna Nguyễn Thị Phượng - Tổng Phụ trách Hội dòng Mến Thánh Giá Xuân Lộc. Chị mời gọi các em ngay từ bây giờ hãy tập sống ba lời khuyên Phúc Âm cách nhẹ nhàng và đơn sơ. Khi còn trẻ và tràn đầy nhiệt huyết các em hãy tập các nhân đức này một cách tận tình với lòng yêu mến, để tìm ra cho các em một kim chỉ nam định hướng đúng đắn cho cuộc đời. Chị cũng chúc cho các em hưởng trọn niềm vui trong ngày đầu bước vào tập viện và sẽ được nối dài mãi.

Hướng về cộng đoàn chị nhắn nhủ chị em hãy sống yêu thương và nâng đỡ các em hôm nay gia nhập Tiền Tập Viện, để các em nhận ra chúng ta là mộn đệ được Đức Giêsu tuyển chọn. Đồng thời tha thiết kêu mời chị em chú tâm đến việc mục vụ ơn gọi của Hội dòng. Cách riêng quý chị em đang phục vụ tại môi trường các giáo xứ hãy mở cánh cửa tâm hồn, sống phục vụ và hăng say tận tâm trong đời sống phục vụ, để các bạn trẻ nhìn thấy tình yêu và niềm vui nơi người tu sĩ. Hãy giúp các bạn trẻ tìm hiểu về ơn gọi đời sống thánh hiến và đưa các bạn trẻ đến với Hội dòng.

Sau đó cộng đoàn cùng các em tạ ơn Chúa qua giờ chầu Thánh Thể.

T. T Mến Thánh Giá Xuân Lộc
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Kết quả của một tội ác đã được bao che
Quê Hương
08:30 01/07/2016
Như vậy là sau khi tập đoàn gian ác Formosa đã công khai xác nhận việc xã độc để giết cá, giết môi trường và hủy diệt cuộc sống của ngư dân và nhân dân 4 tỉnh miền Trung với lý do thật ấu trĩ và trẻ con là trong thời gian đó nhà máy bị mất điện cho nên, không kiểm soát được hệ thống xã thải thì vào
lúc 17 giờ chiều ngày 30/6, nhà cầm quyền CSVN mới dám công bố thủ phạm chính là Formosa. Nhìn lại 3 tháng qua kể từ ngày tập đoàn gian ác Formosa xã độc thì diễn biến tình hình mà các nhà lãnh đạo ĐCSVN hành xử để gọi là phục vụ nhân dân, đã cho chúng ta thấy rằng họ có xứng đáng để được nhân dân tin tưởng hay không?.

Đầu tiên ngày 22/4/2016 cái ngày cao điểm của cá chết thì TBT Nguyễn phú Trọng đã đến thăm tập đoàn gian ác Formosa tại Vũng Áng, vẻ mặt vui cười coi như không có chuyện gì xảy ra, ông TBT còn khen ngợi sự phát triển về kinh tế của Vũng Áng, Hà Tĩnh, khen ngợi Formosa phát triển đúng hướng.

Sau đó, các quan chức lãnh đạo của bộ tài nguyên - môi trường, thông tin - truyền thông và lãnh đạo các tỉnh lại đưa ra những chứng cứ phản khoa học như: cá chết là do chèn âm thanh, nở tảo hoa.

Báo chí thì không được vào cuộc để tìm rõ nguyên nhân, điện thoại thì bị chặn những từ khóa có chữ Formosa, cá chết… Bộ y tế thì cấm các bệnh viện xét nghiệm hay thông báo xét nghiệm cho những ai bị ngộ độc nước biển hoặc ngộ độc cá. Thứ trưởng Vũ tuấn Nhân còn xua tay cấm phóng viên đài truyền hình VTC đặt câu hỏi về cá chết vì hỏi như thế là có hại đất nước, MC Phan Anh bị đài truyền hình VTV1 đưa lên đấu tố 60 phút vì dám chia sẻ và bình luận trên Facebook về vụ 2 con cá chết trong phần phóng sự của đài truyền hình VTC.

Ngày 13-05, báo Nông Thông Ngày Nay bị phạt 140 triệu đồng vì in trên ấn phẩm Thế Giới Tiếp Thị bài “Nhân dân mãi mãi là người đến sau”, và “Lời than của cá”, các quan lãnh đạo các tỉnh còn tổ chức tắm biển, ăn cá biển.

Ngày 2/6 chủ nhiệm VP chính phủ Mai tiến Dũng phát biểu: “đã tìm ra nguyên nhân cá chết nhưng chưa công bố”.

Ngày 8/6 thủ tướng Nguyễn xuân Phúc phát biểu "Hãy phát huy hiệu quả nguồn tài nguyên biển cho phát triển kinh tế - xã hội".

Trong khi đó chính tên giám đốc ngoại vụ Formosa Chu xuân Phàm đã trả lời phỏng vấn phóng viên truyền hình VTC là chúng không thể chọn cả hai giữa cá, tôm và nhà máy. Điều này đã chứng minh rằng việc lá thư xác nhận xã chất độc với lý do mất điện khiến không thể kiểm soát hệ thống xã thải của Formosa là ngụy biện, là khinh thường sự hiểu biết của nhân dân Việt Nam. Những hình ảnh cúi đầu xin lỗi của ban lãnh đạo tập đoàn gian ác Formosa là đạo đức giả.

Hoa Kỳ và quốc tế đã tình nguyện vào cuộc để tìm ra nguyên đã bị các nhà lãnh đạo ĐCSVN từ chối, cũng như đã từ chối vụ 2 chiếc phi cơ rớt trên biển vừa qua.

Nhân dân xuống đường biểu tình ôn hòa đòi chính quyền minh bạch rõ ràng đã bị lực lượng công an, an ninh và đoàn quân áo xanh thẳng tay đàn áp, đánh đập dã man đến nỗi LHQ phải lên tiếng phản đối, máu của nhân dân đã đổ ra rất nhiều cho hành động gian ác của Tàu cộng nói chung và tập đoàn Formosa nói riêng. Trong khi đó, những phóng viên độc lập Trương Minh Tam và Chu Mạnh Sơn đến khu vực Hà Tĩnh để tìm ra nguyên nhân thì bị công an bắt giam và bị đánh đập trong nhiều ngày mới được thả.

Đài truyền hình PTS của Đài Loan đã âm thầm đưa phóng viên đến Vũng Áng để phỏng vấn người dân và đưa lên đài, chính phủ Đài Loan cũng vào cuộc để bắt Formosa phải nhận tội. Chính vì thế cho nên Formosa bắt buộc phải nhận tội, không biết các nhà lãnh đạo ĐCSVN có cảm thấy đây là một sự nhục nhã không khi mà chính quyền Đài Loan đã vì lẽ công bằng và tôn trọng sự thật cho nên đã hành xử với Formosa của họ như vậy.

Nhưng thật đau lòng cho dân tộc Việt Nam khi mà nhà cầm quyền tuy đã công bố thủ phạm là Formosa, nhưng cũng không dám đưa ra một hành động pháp lý nào để trừng trị những tên lãnh đạo của tập đoàn gian ác này theo đúng luật pháp. Ba tháng mà ngư dân và nhân dân của 4 tỉnh miền Trung phải gánh chịu trong mỏi mòn đầy nước mắt, con đường mưu sinh hàng ngày bị chặt đứt hoàn toàn không biết trong thời gian tới họ sẽ sống ra sao?. 500 triệu đô la mà Formosa đã công bố ra nói là bồi thường có đủ để cứu sống hàng triệu nạn nhân mà chúng đã gây ra được bao nhiêu ngày, cũng không biết 500 triệu đô la này có trọn vẹn đến với nạn nhân trong một cơ chế mà nhìn đâu cũng có tiêu cực và tham nhũng. Không thấy Formosa đưa ra lời hứa khắc phục môi trường như chúng đã làm ở Mỹ khi vi phạm. Nên nhớ là việc làm ăn giả dối của Formosa ở Mỹ không nặng bằng Việt Nam, nhưng chúng vẫn bị chính quyền Mỹ nhanh chóng ra tay để truy tố và bắt Formosa phải bồi thường 2 tỷ đô la để khắc phục hậu quả và phục hồi trong sạch môi trường. Còn Việt Nam thì chắc có lẽ nằm mơ cũng chưa có.

Khi họp báo để công bố nguyên nhân, bộ trưởng TT-TT Trương Minh Tuấn công nhận Formosa đã chủ động xã chất độc, nhưng vẫn đổ tội cho các thế lực thù địch kích động dân biểu tình lật đổ chính quyền, một sự chụp mũ và vu khống không biết ngượng.

Cũng 17 giờ 30 chiều ngày 30/6 văn phòng chính phủ họp báo kêu gọi nhân dân hãy độ lượng và khoan hồng cho tập đoàn gian ác Formosa. Bênh vực không được cuối cùng bắt buộc phải công bố thủ phạm là Formosa sau khi chính thủ phạm nhận tội, các nhà lãnh đạo ĐCSVN đã cố tình phớt lờ mạng sống của nhân dân và sự khổ đau không thể nào khắc phục được của hàng triệu ngư dân và nhân dân miền Trung.

Rồi đây khi môi trường bị ô nhiễm nặng như thế này không được khắc phục để trở lại trong sạch thì chuyện gì sẽ xẩy đến cho nhân dân trong tương lai, gia đình những nạn nhân đã chết vì sự xã chất độc trong thời gian qua của tập đoàn gian ác Formosa có gì đẻ bù đắp cho sự mất mát của họ không?.

Một sự vô cảm không có tình người của các quan chức lãnh đạo trong guồng máy cầm quyền, những con người nhân danh bảo vệ đảng, bảo vệ chế độ đã đàn áp, đánh đập dã man người dân giờ đây, có khi nào trực diện với lương tâm để mà sám hối cho những hành động của mình không?.

Làm sao để thống kê được hết những mất mát đau thương mà người dân phải gánh chịu vì hành động có chủ mưu của tập đoàn gian ác Formosa nói riêng và bọn Tàu cộng nói chung. Có cái gì để bảo đảm là trong tương lai tập đoàn gian ác Formosa không tiếp tục xã độc nữa?.

Giữa quyền lợi thiêng liêng của Tổ Quốc, của đất nước và nhân dân với quyền lợi cá nhân và tập đoàn Formosa, xin ông TBT Nguyễn phú Trọng, chủ tịch nước Trần đại Quang, thủ tướng Nguyễn xuân Phúc và chủ tịch QH Nguyễn thị Kim Ngân trả lời với nhân dân đi?. Sự tồn vong của cả một dân tộc, sự ô nhiễm môi trường không được quan tâm đúng mức mà còn tạo điều cho tập đoàn Formosa hoạt động trở lại, chính quyền đã tự vạch vạch ra lằn ranh ngăn cách đối với nhân dân, đang dồn nhân dân vào chân tường. Nơi nào có áp bức thì nơi đó có đấu tranh, đây là quy luật muôn đời.

Nếu việc làm gian dối và tàn ác của tập đoàn Formosa không được các nhà lãnh đạo đất nước giải quyết theo quyền lợi của nhân dân, mà tiếp tục theo quyền lợi của Formosa thì chắc chắn nhân dân sẽ đứng lên giành lại quyền sống bởi vì họ không còn gì phải mất. Câu hỏi được đặt ra là quân đội và công an cùng đoàn quân áo xanh từ dân mà ra, được dân nuôi từ tiền đóng thuế có đứng về phía nhân dân hay tiếp tục tiếp tay cho tội ác,

(Nguồn: Quê Hương, danlambaovn.blogspot.com 1.7.2016)
 
Một nhà nước bất tài, bất tín và hoang tưởng
D.L.V
08:29 01/07/2016
D.L.V (Danlambao) - Bất cứ một sự việc nào liên quan đến nhà nước CSVN xảy ra đều nói lên sự bất lực, bất tài và dối trá của cái nhà nước đó. Sự việc cá chết gần đây, sự kiện công bố nguyên nhân cá chết ngày hôm nay và trước đó là vụ phi cơ bị mất tích phản ánh rõ rệt nhất về sự bất tài và bất tín của đảng và nhà nước CSVN.

Tại sao gọi nhà nước CSVN là bất tài? Sự kiện cá chết hàng loạt đã xảy ra 3 tháng trước đây. Trong thời gian đó cuộc sống của ngư dân và những người phụ thuộc vào ngư nghiệp phải điêu đứng. Trong 100 ngày dài đó, nhà nước CSVN hầu như không có hành động gì cả. Điều ngạc nhiên là viên tổng bí thư tên Trọng lại ghé thăm hãng Formosa, như là một cách ủng hộ tinh thần cho một đối tượng mà ai cũng nghĩ chính là thủ phạm gây ra thảm nạn.

Những nhân vật chóp bu trong đảng ngày thường tỏ ra nhanh nhẩu đột nhiên... á khẩu. Họ không nói được một lời nào. Tất cả những cái bộ quan đều im lặng, lúng túng, không biết làm gì. Khi Hoa Kỳ tỏ ý giúp đỡ điều tra thì họ lại lờ đi. Cũng giống như các viên tướng CSVN từ chối giúp đỡ của Airbus trong việc phân tích cái hộp đen máy bay bị nạn. Thái độ của những người CSVN nói lên cái bản chất của chế độ. Đó là bản chất bất tài. Bản thân họ là bất tài, nhưng họ không dụng cái tài của người khác.

Cái bất tài của các viên chức CSVN còn biểu hiện qua những phát ngôn ngây ngô của các "nhà khoa học" cộng sản. Người thì đạo mạo với danh vị "phó giáo sư" xuất hiện trên tivi tuyên bố rằng cá chết là do "thủy triều đỏ". Kẻ thì đưa ra nguyên nhân mang tính huyền bí như "tảo nở hoa"!

Ngày hôm nay cũng cái nhà nước đó lại chính thức công bố rằng nhà máy Formosa là thủ phạm gây cho cá chết hàng loạt. Không biết những "nhà khoa học" và các viên chức CSVN đang nghĩ gì trước công bố này? Họ nghĩ gì có lẽ không quan trọng, nhưng điều quan trọng là qua sự kiện, người dân thấy được sự bất tài của cái nhà nước ăn hại và ăn bám này. Sự bất tài của cái nhà nước CSVN còn qua câu nói của viên bộ trưởng Trần Hồng Hà rằng "còn có những tổn thương lớn hơn đến tâm lý, nhưng chúng tôi thấy rằng không cần thiết là bao nhiêu…" Không bao nhiêu? Ôi! thật là một viên chức ngu xuẩn. Do vậy, "bất tài" là cách mô tả chính xác nhất cho các nhà nước CSVN.

Tại sao gọi nhà nước CSVN là bất tín? Tại vì cách đây chỉ vài tuần, một viên thứ trưởng bộ tài nguyên môi trường hùng hồn khẳng định rằng Formosa không phải là thủ phạm cá chết hàng loạt. Nhưng mặc cho viên thứ trưởng tuyên bố, người dân biết tỏng tòng tong Formosa là thủ phạm. Biết nhưng họ không có phương tiện và cơ hội đến lên tiếng. Bởi vì nếu họ lên tiếng thì bị công an bắt bớ và đánh đập. Thế rồi đột nhiên cái bộ đó lại thay đổi phán quyết và khẳng định rằng Formosa là "tội đồ". Đó chẳng thể hiện sự gian dối là gì. Nhà nước CSVN dối trá không phải là điều gì đáng ngạc nhiên vì họ đã gian trá trong suốt 80 năm qua.

Một nhà nước mà tiền hậu bất nhất như thế thì có đáng để người dân tin tưởng không? Chắc chắn không. Thực ra, ngay cả lời tuyên bố của viên bộ trưởng Trần Hồng Hà rằng Formosa là thủ phạm vẫn chưa đáng tin. Thời gian 3 tháng qua, viên bộ trưởng này làm gì? Tại sao phải cần đến 3 tháng để khẳng định nguyên nhân? Có phải đó là thời gian nhà nước CSVN cần thiết để thương lượng với Formosa để đi đến một kết cục có lợi cho đôi bên. Như thế thì có thể nói rằng lời tuyên bố hôm nay chỉ là một kết cục của một dàn xếp hoặc thỏa thuận giữa nhà nước CSVN và Formosa chứ không phải là một cuộc điều tra khách quan.

Không có một cuộc điều tra khách quan, người dân vẫn không biết được nguyên nhân thực sự của thảm họa vừa qua. Người dân cần biết Formosa đã thải ra biển những hóa chất gì, họ thải ra đã bao lâu, bằng phương tiện gì? Ai chịu trách nhiệm? Ai liên đới? Tại sao Formosa có thể làm như thế và gây ra thiệt hại nặng nề cho hàng trăm ngàn người mà nhà nước CSVN không kiểm soát được, thậm chí không biết được? Một nhà nước mà không quản lý được những an toàn môi trường, không biết một nhà máy lớn như thế làm gì thì có xứng đáng tồn tại không?

Người dân cần một cuộc điều tra độc lập tại sao cá chết hàng loạt. Người dân không thể tin lời tuyên bố kiểu phủi tay hết trách nhiệm của nhà nước CSVN. Chỉ có điều tra độc lập thì sự việc mới rõ ràng và bài học mới có thể rút ra.

Viên bộ trưởng bộ tuyên truyền thì răn đe rằng "Tôi cần nói thẳng rằng, có thế lực chống phá chế độ đã lợi dụng tình trạng cá chết để công kích sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước". Viên bộ trưởng này lầm to. Không cần đến sự kiện cá chết vừa qua người dân mới công kích đảng CSVN. Bất cứ sự kiện nào trong quá khứ cũng là một dấu chấm đen cho cái "dung nhan" của CSVN vốn đã xấu xí càng thêm xấu xí thêm mà thôi. Không chỉ "công kích" mà người dân đòi đảng CSVN phải thoái vị và trả quyền lãnh đạo về người dân.

Chế độ chính trị kiểu gì mà lúc nào cũng răn đe người dân. Chế độ chính trị loại gì mà lúc nào cũng cố gắng nặn ra một kẻ thù để hù doạ người dân. Thời Liên Xô các viên chức tuyên truyền không ngớt tung tin "thế lực phương Tây" kích động người dân chống phá nhà nước cộng sản. Trung Cộng thì lải nhải cái điệp khúc "hostile western forces" (thế lực thù địch phương tây) để chống lại người dân. Còn cộng sản VN vốn dĩ là chư hầu của Trung Cộng nên cũng bắt chước quan thầy Trung Cộng tung ra cái bóng "thế lực thù địch" hoặc "thế lực chống phá" để dằn mặt dân chúng. Cộng sản vẫn hoàn cộng sản, chứ chẳng có gì "đổi mới" và văn minh cả.

Thế mới biết nhà nước CSVN là một nhà nước mắc bệnh hoang tưởng. Hoang tưởng vì họ nhìn đâu cũng thấy kẻ thù. Vì mang chứng bệnh hoang tưởng nên nhà nước CSVN phải dồn tâm sức để đối phó với dân, chứ không phải để phục vụ và bảo vệ người dân. Do đó, nhà nước CSVN thực chất là một nhà nước bất tài, bất tín và hoang tưởng.

(Nguồn: D.L.V, danlambaovn.blogspot.com 1.7.2016)
 
Việt Nam Cộng Hòa, một giải pháp cho Việt Nam – Biển Đông.
Bảo Giang
08:54 01/07/2016

Việt Nam Cộng Hòa, một giải pháp cho Việt Nam – Biển Đông.

Những cơn sóng biển không bao giờ ngừng lại. Hôm nay chúng có thể tạo ra một trận cuồng phong ở bờ đông. Ngày mai lại có khả năng làm nên một cuộc sóng thần bên bờ tây với những hủy diệt kinh người. Cũng thế, ngọn sóng ở Biển Đông nay đã dâng lên qúa khổ rồi. Không sớm thì muộn, nó sẽ đổ xuống và tạo ra những biến động lớn. Hơn thế, nó còn có khả năng đẩy những bờ đất liền vào trong một trật tự mới. Ở đó:

– a, Việt Nam sẽ hoàn toàn thay đổi. Rũ bỏ cái áo khóac cộng sản, trở thành một nước Cộng Hòa theo thể chế Tự Do. Từ đó, góp sức vào việc bảo vệ nền hòa bình và tiến bộ của thế giới. Riêng Hoàng Sa, Trường Sa sau những ngày bị bán đi, nay mặc áo trở về quê mẹ

–b, Vẫn là quanh co dối trá tiếp nối gian dối, CSVN đẩy dân tộc vào vòng nô lệ thuần phục Trung cộng. Đất nước hoàn toàn tan hoang tê liệt. Ta không chỉ mất Hoàng Sa, Trường Sa mà ngay Hồng Hà, Cửu Long cũng phải cuộn mình, cùng với Trường Sơn ăn cơm nhà người!

Đó là hai viễn cảnh mà xem ra Việt Nam bó buộc phải chọn lấy một. Cách nào thì cũng gặp những gian truân của nó :

1. Từ phía tây phương và khối Đông Nam Á:

Chuyện Trung cộng lấn chiếm biển đông đang là một đề tài nóng ở trong vùng. Diễn đàn quốc tế, nhiều lãnh đạo trên thế giới tỏ ra bực bội và bất bình về cảnh lấy thịt đè người của Trung cộng. Sự lên tiếng này rồi sẽ ra sao?

Theo tôi, nếu không có một động thái thay đổi hoàn toàn, tích cực từ phía Việt cộng, câu chuyện Biển Đông cũng sẽ dừng lại ở vị trí, thế giới tây phương và các nước thuộc vùng Đông Nam Á theo thông lệ ngoại giao mà tuyên bố dăm ba câu nẩy lửa cho qua chuyện, không một nước nào nhảy vào đổ vỏ ốc. Bởi lẽ, họ cũng không mất phần lợi nhuận nếu Trung cộng nuốt trửng biển, đất của Việt Nam! Cách riêng với Hoa kỳ, sẽ chẳng bao giờ có được một sự can thiệp cần thiết bằng quân sự. Hoa kỳ có luật pháp của họ, chẳng một ai có thể vượt qua luật pháp của Hoa Kỷ để ký một Hiệp Ước về quân sự, về an ninh với một nước cộng sản không tôn trọng Nhân quyến và luật pháp quốc tế như tập đoàn CSVN. Theo tinh thần này, Hoa Kỳ sẽ đưa ra những lý luận cứng rắn của họ nhưng với cái nhìn của họ. Nó hoàn toàn khác với cái nhìn và ước mơ của tập đoàn cộng sản tại VN là muốn bắt cá hai tay. Nói cách khác, Hoa Kỳ dường như đang thúc đẩy và sẵn sàng hỗ trợ một chương trình hoàn toàn từ bỏ Trung cộng từ phía Việt Nam?

Trong khi đó, vì quyền lợi và an ninh của nước mình, Nhật Bản cũng muốn lôi kéo Việt Nam vào thế liên minh quân sự với họ để chống Trung cộng. Tuy nhiên, thế liên mình này có thể sẽ dừng lại ở vị trí những lời tuyên bố mở ngõ, mời chào. Nó không thể đi đến hành động thực tế. Bởi lẽ, hệ Liên Minh này, nếu có, nó phải được đặt trên một tiền đề Việt Nam phải là một quốc gia không cộng sản. Sẽ không bao giờ có thế liên minh giữa một Nhật Bản, đồng minh quân sự của Hoa Kỳ, ký kết liên minh quân sự với một Việt Nam cộng sản để chống lại một nước cộng sản khác. Chuyến đi Á Châu của TT Obama đã cho thấy thái độ dứt khoát của họ trong cách nhìn về biển đông. Chỉ lên tiếng, không có hành động. Phần các quốc gia trong khối Asia chỉ là cái trống chầu!

2. Từ phía người dân Việt Nam,

Ngày nay không còn một người Việt Nam nào mà không biết tên, không biết mặt cái nguyên nhân đưa đến những hậu qủa tai họa cho đất nước. Đó là tập đoàn cộng sản Hồ chí Minh. Một tập đoàn đã làm suy thoái tiềm lực quốc gia. Một tập đoàn đã làm cho dân ta ra bạc nhược, hèn nhát và ích kỷ trong hơn 70 năm qua. Một tập đoàn không đi chung bước đi với cộng đồng dân tộc. Trái lại, chỉ vì quyền lợi của cá nhân, thiểu số. Họ đã nhân danh đảng cộng sản, đã tàn sát hàng triệu sinh linh Việt Nam. Họ chỉ biết cúi đầu tôn thờ kẻ thù phương Bắc và áp dụng thuần thục phương cách dùng cái búa, cái liềm đối với người dân mà thôi. Búa thì đã đập chết nhiều người rồi, còn cái Liềm thì chưa từng ngơi nghỉ. Hơn thế, nó luôn kề xát vào cổ nguời dân Việt và không ngừng kéo qua kéo lại cho vết thương ở đó luôn rỉ máu. Từ đó, người dân ăn không ngon, ngủ không yên và luôn sợ hãi cái liềm càng lúc càng cứa sâu thêm vào cổ họng của mình. Đây chính là sách lược của một tập đoàn tàn ác mà Bình Ngô đại Cáo đã nhắc đến là:

‘Bọn gian tà còn bán nước cầu vinh,

Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn.

Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ,

Dối trời lừa dân đủ muôn ngàn kế.

Gây thù kết oán trải mấy mươi năm,

Bại nhân nghĩa nát cả đất trời” ( Bình Ngô Đại Cáo)

Gần đây, dư luận từ trong ra ngoài, xem ra đều có chung một đáp án rõ ràng là. Phải triệt hạ cộng sản trước khi cùng nhau chống ngoại xâm từ phương bắc. Người người đều biết, không tận diệt được tập đoàn CS thì không thể nói đến chuyện chống ngoại xâm. Nghĩa là, người dân Việt Nam không bao giờ có thể chống xâm lăng từ phương bắc theo cái định chế của HCM và tập đoàn cộng sản nêu ra. Lý do, bài học cũ còn đây. Sau chiến dịch biên giới 1979, người chiến binh VN vì quê hương chết không có chỗ chôn thây, nhưng kẻ cưóp nước thì được xây đài, đúc tượng trong những nghĩa trang hoành tráng mang tên “liệt sỹ Trung Quốc”, được quan cán nhà nước cúng tế hàng năm! Cúng kiếng xong là những chuyến bay đưa quan cán đi chầu Trung cộng để nhận bằng khen, với những bàn tay xoa trên đầu. Rồi sau những chuyến đi ấy là nhà tù ở trong nước càng ngày càng có thêm nhiều ngưòi lên tiếng bảo vệ Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam!

Quan cán là thế, trong khi với người dân xem ra là khác biệt. Họ không thách đố, nhưng xem ra cuộc biến động ở Biển Đông như là một cơ hội tốt, giúp họ hoàn thành giấc mơ giải phóng dân tộc ra khỏi gông cùm của cộng sản. Để từ Bắc chí Nam, xóa đi tất cả mọi dấu vết của hiệp thưong, hiệp định chia cắt. Để từ đây một nhà Việt Nam thống nhất theo thể chế Cộng Hòa, ở đó người dân được sống trong Tự Do, Dân Chủ, Độc Lập. Khát vọng này chắc chắn sẽ là nguồn hồi sinh cho dân tộc Việt Nam sau gần một thế kỷ bị áp bức dưới ách nô lệ cộng sản.

3. Về phía nhà cầm quyền CS tại Hà Nội.

Đến nay, xem ra nhà cầm quyền CS tại Hà Nội vẫn chủ quan cho rằng họ có thể thủ thắng, đứng vững theo đường lối gian dối cố hữu của CS. Họ không hề nhận biết là đã rơi vào tình thế cô đơn, tuyệt vọng. Ngó ra ngoài, không có một đồng minh, chỉ có một đồng chí gian trá duy nhất. Tệ hơn thế, đồng chí ấy đã, đang và còn vả vào mặt những kẻ qùy gối trước mặt chúng. Đối ngoại là thế, nhìn vào bên trong, cũng chỉ thấy thảm họa. Những ruồi nhặng bu quanh kiếm ăn thì không thiếu, người vì nước thì không có. Kết quả, trên dưới đều hoang mang, hốt hoảng. Họ nhìn đâu cũng chỉ thấy kẻ thù.

Sở dĩ cộng sàn VN lâm vào thảm cảnh này là vì cộng đồng thế giới nói chung, người Việt nói riêng, đã nhận diện chính xác về bộ mặt của chế độ “cộng sản chỉ là một tập thể gian dối, và tạo ra gian dối” (thủ tướng A.Mirkel). Bằng chứng ư? Cái công hàm của Phạm văn Đồng là nguyên cớ để TC xâm lấn biển đông, không một người Việt Nam nào không biết. Nhưng tập đoàn CSVN vẫn quanh co dối trá. Tồi tệ hơn, tháng 3-1974 một mặt, họ vỗ tay reo hò khi TC chiếm Trường Sa từ tay của Việt Nam Cộng Hòa. Mặt khác láo khoét lừa dối dư luận: “Vì ta bận đánh Mỹ, không có thời gian và chưa đủ khả năng để giải phóng Hoàng Sa nên nhờ bạn Trung Quốc giải phóng. Sau này mình thống nhất đất nước rồi phía bạn sẽ trả cho mình.” (Hoàng Tùng) RFA). Riêng Lê đức Thọ, ủy viên BCT, trưởng ban tổ chức TU đảng thì mạnh dạn hơn:” Hãy an tâm, Trường Sa, Hoàng Sa trong tay Trung quốc còn hơn là trong tay ngụy quyền miền nam”.

Kết qủa, năm 1988, sau trận chiến Gạc Ma, mất nốt những gì chưa mất, họ cũng không mở mắt ra. Nay đến cái giàn khoan TC kéo vào trong lòng biển VN thì họ lại loanh quanh, tráo trở, đưa ra lời giải thích của Trần Duy Hải, phó chủ nhiệm Ủy Ban Biên Giới Quốc Gia cho là: “Công hàm của Phạm văn Đồng” Hoàn toàn không đề cập đến vấn đề lãnh thổ và chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa:”

Quả thật, khó tìm ra một lời giái thích nào ấu trĩ như thế. Trước thì hùa nhau bán lén, nay giấy trắng mực đen đã bị phơi bày ra, Y lại giở giọng nhằm đổi lỗi cho người bằng cách trơ tráo xác nhận “Trường Sa và Hoàng Sa thuộc Việt Nam Cộng Hòa theo hiệp định 1954”.Vậy, đất từ bờ sông Bến Hải đến Cà Mâu là của ai? Có phải là của VNCH theo hiệp định Geneve hay không? Kẻ nào đã nhờ súng đạn Nga Tàu và chiếm, cướp lấy cuộc sống Tự Do của người dân ở đấy? Hỏi xem, CS có dám trả lại cho miền nam hay không? Nếu họ dám trả lại, tôi cũng dám cá cược là Trung cộng sẽ phải bị đẩy bay ra khỏi vùng đất ấy ngay lập tức!

4. Về phía Trung cộng.

Một câu hỏi có nhiều người hỏi là: Liệu Trung cộng có mở chiến dịch quân sự vào VN hay không? Vời những sự kiện có sẵn như hôm nay, tôi cho rằng chuyện này không có nhiều khả năng xảy ra. Bởi vì, từ nhiều năm trờ lại đây, tất cả các cấp tướng của QD nhân dân và Công An CS đã lần lượt được gởi sang Trung cộng để học tập về đường lối cua TC cả rồi. Họ học gì, tập gì không ai biết, nhưng có điều gần như chắc chắn nó phải có điều kiện đi kèm khi họ nhận được cấp bằng thăng cấp và tốt nghiệp từ đây. Theo đó, với một danh sách dài, gồm hầu hết tên tuổi, chức vụ, đơn vị của các tướng lãnh quân đội, công an cũng như bên hành chánh của Việt cộng đã nằm trong tay Trung Cộng, họ cần gì mở ra cuộc chiến cho nó gây thêm phiền toài. Trước đã chẳng có lợi ích gì, còn gây thù oán với nhân dân Việt Nam. Theo đó, khả năng một cuộc chiến lớn là không thể xảy ra. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng có những trận kiểu đuổi gà, đập vịt ở biên giới. Hai bên tập trung quân làm như một sống một chết. Nhưng kết quả chỉ là pháo vào rừng hoang, hoặc có cảnh lạc đạn gây thương vong. Rồi cuối chuyện đuổi gà, đập vịt này là tính toán cho một hội nghị song phương được mở ra.

Ngày mở ra hội nghị cũng là ngày kết thúc những thắng lợi hoàn toàn về phía Trung cộng. Đất, biển được khoanh vùng. Việt Nam mất bao nhiêu đất, bao nhiêu biển không ai hay, chỉ có một thông báo chung chung cho cái tình hữu nghị đới đời viễn vông do TC khua chiêng đánh trống với thế giời. Phần cái lưỡi bò ở trên Biển Đông thì đã được tập đoàn Trọng, Phúc Quang, Ngân… chấp hành, treo ở trong văn phòng của chính phủ từ lâu rồi, cứ thế mà thi hành. Nếu cần, làm thêm một cái công ty ma kiểu liên quốc để cho cái giàn khoan kia là đơn vị trúng thầu là hết chuyện. Về nhân sự, những kẻ lãnh đạo sẽ lần lượt được Trung cộng phát cho sợi giây như vòng hoa đeo vào cổ. Từ đây, nối nghiệp nhau làm thái thú. Riêng những tên gọi như Hoàng Sa, Trường sa thì sẽ được nhà nước CS giải quyết theo sách lược đã được viên tiến sỹ tên Nguyễn Quang Ngọc, Viện Trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại Học Quốc Gia Hà Nội, trong một buổi hội thảo về Vấn đề chủ quyền của VN ở Hoàng Sa và Trường Sa, Y đã phát như sau: “Không nên đưa vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa ra Tòa án Quốc Tế, hay Liên Hiệp Quốc…. Còn việc đòi lại và bảo vệ chủ quyền như thế nào thì không nên nôn nóng, để đến trăm năm hoặc nghìn năm sau con cháu chúng ta đòi lại vẫn được!” Quả là không hổ danh những tiến sỹ mụ cối của thời đại chuột!

5. Việt Nam về đâu?

Điều người ta lo sợ nhất là cục diện biển đông từ từ chìm lắng xuống. Trong nước không còn những cuộc biểu tình của dân chúng phản đối Trung cộng xâm lựơc. Ngoài nước cũng hết người đánh trống. Rồi sau cái bề mặt trong lặng lẽ, CSVN ồ ạt cấp giấy nhập cảnh cho từng đoàn từng lũ công nhân cũng như thường dân Trung cộng xâm nhập vào nội địa Việt Nam. Thành phần này dần đần chiếm hết công ăn việc làm của người trong nước. Những kẻ thân TC, biết nói tiếng Hoa như Phạm vũ Luận cổ võ, dần dần nắm những chức vụ, những cơ sở trọng yếu của đất nước. Phần người dân trở thành nô lệ hay những công nhân đứng xếp hàng xin đi lao động ở nước ngoài. Với hoạt cảnh này, trước là làm ruồng, rỗng mọi phần trên đất nước, sau là làm tê liệt đời sống kinh tế của quốc dân để triệt tiêu Việt Nam. Với tình thế này, nó hoàn toàn có khả năng đẩy Việt Nam vào một trong hai lối rẽ sau:

Thứ nhất. Nếu tập thể cộng sản còn nắm quyền và sống trong dối trá như hiện nay. Họ vẫn coi việc người dân chống Trung cộng, chống độc tài tàn bạo CS như những kẻ thù thì câu chuyện của Crimea hay Tân Cương sẽ lập lại trên phần đất Việt Nam không có gì lạ.

Thứ hai. Nước sẽ tràn bờ. Bạo tàn CS không thể khuất phục được lòng dân. Cuộc đổi thay, hoàn toàn thay đổi sẽ đến. Việt Nam thành lập nền Cộng Hoà, Củng cố lại sức mạnh Dân Tộc. Dốc toàn lực để bảo vệ non sông.

Ngoài hai hướng đi này, xem chẳng còn một cách nào khác. Tuy nhiên, khi muốn củng cố lại sức mạnh dân tộc, trước hết, phải nhận định rằng: người Việt Nam đi kháng pháp là vì truyền thống chống xâm lăng của dân tộc, không phải vì tập đoàn Việt Minh cộng sản. Theo đó, nếu muốn tái tạo niềm tin trong lòng ngưòi để củng cố sức mạnh của dân tộc, ngõ hầu bảo vệ và xây dựng đất nước, điều kiện tiên quyết là phải xoá bỏ hoàn toàn cơ cấu của chế độ CS. Phải phá bỏ nó bằng một trong ba phương thức sau:

a. Thứ nhất, phương cách tự giải trừ.

Phía cộng sản phải nhận thức được rằng: Tư tưởng CS không tạo được niềm tin và thành tín với dân tộc. Không đủ khả năng đứng chung với dân tộc, nên họ phải dựa vào chủ nhân Tàu để mà sống còn. Đăy không phải là một đánh giá mới mẻ về CS. Tuy nhiên, nhiều người tự ái vì bị tiêm nhiễm bởi cái lối truyên truyền nhồi sọ của CS, cho rằng ngưòi viết, không viết đúng sự thật, nên dễ bất bình chống đối, bất phục. Nhưng không ai trách họ. Bởi vì đường của dân tộc, đường lịch sử của đất nước là câu chuyện không phải là mưòi năm, 50 năm mà là nghìn năm. Chế độ cộng sản không thể tồn tại mãi, CS có cạo sửa lịch sử, thì lịch sử chân chính vẫn tồn tại với non sông và đất nước. Anh hùng và kẻ bán nước hại dân cũng đều tồn tại trong lịch sử, nhưng ở trong hai khung hình khác nhau. Một bên được tôn thờ với khói nhang. Một bên bị nguyền rủa, tru di. Gobachev còn mà Lênin cũng còn! Đó là lẽ thường mà cũng là công đạo của trời đất vậy. Cộng sản VN có khả năng học vá ứng dụng bài học này hay không?

– Nhân danh đảng CS và nhà nước CHXHCNVN, chính thức gởi công hàm đồng cấp đến nhà nước TC, thông báo việc hủy bỏ công hàm của Phạm văn Đồng ký vào ngày 14-9-1958 là vì sai nhầm trong nhận thức và sai nhầm chính trị.

– Tuyên bố thành lập nền Cộng Hòa. Giải tán mọi cơ chế của đảng cộng sản, kể cả quốc hội và những trưòng sở liên hệ của nó từ trung ương đến địa phương.

– Để đảm bảo cho đời sống an ninh, giữ gìn tính mạng của nhân dân và sinh hoạt đối nội, đối ngoại không bị rơi vào khủng họảng, giữ lại hệ thống chính quyền hiện tại cho đến khi có thể có tổng tuyển cử bầu nguyên thủ quốc gia. Đồng thời:

– Xóa bỏ toàn bộ những văn bản và những hình thức kìm chế, bóp nghẹt tôn giáo. Mời những nhân sự thích hợp ở hải ngoại cũng như trong nước tham chính. Trao, trả lại các cơ sở giáo dục thuộc các tôn giáo mà nhà nước CS đã chiếm đoạt trước đây, để những cơ sở này chung lưng phục hưng lại đời sống luân lý, và đạo đức của xã hội đã bị băng hoại trong hơn 70 năm qua. Chấm dứt hay tạm ngưng ngay lập tức tất cả những dự án gọi là quy hoạch giải phóng mặt bằng để gây ra thêm thảm hoạ cho ngưòi dân…

Lợi thế của phương cách này nhanh gọn, êm thắm, ít đỗ vỡ, ít sáo trộn. Bản thân của các cấp trong guồng máy cũ được bảo đảm. Khả năng củng cố tiềm lực quốc gia vào guồng nhanh nhất. Có khả năng thu kết được sự ủng hộ lớn từ người dân và tạo được niềm tin với các quốc gia trên thế giới.

b. Thứ hai. Môt cuộc Chỉnh Lý.

– Lực lượng có thể chỉ là một tập hợp nhỏ trong quân đội, công an, và một số viên chức hành chánh. Họ đủ can đảm nhập cuộc, đứng lên làm cuộc chỉnh lý, nắm quyền và mau chóng thực hiện những điểm nêu lên ở trong phương thức trên.

Lợi và bất lợi. Khởi đầu của phuơng án này sẽ là rất khó khăn, vì ít có ai trong những ngưòi đang có ít nhiều thế lực dám mạo hiểm, hy sinh. Tuy nhiên, khi tiến hành nó sẽ nhanh như chớp ngang đầu, bởi hàng hàng lớp lớp dân chúng cuồn cuộn nổi dậy cùng với họ giật sập chế độ cộng sản. Bước đầu có nhiều nguy hiểm, tuy nhiên cuộc kháng cự của CS sẽ là không quá mạnh. Một phần lo chạy lấy thân, một phần vì không còn thiết tha gì với chế độ. Đặc biệt, trong phương án này có nhiều thuận lợi để kết hợp với những thành phần trong phương thức một trong việc điều hành đất nước. Bước đi chuyển biến dễ dàng hơn và cuộc tái lập đem lại sự ổn định cũng mau hơn.

c. Thứ ba, nước vỡ bờ.

Đây là thế kết hợp giữa 2 và 3. Gọi là thế kết hợp vì điểm 3, không thể tự mình đứng ra khởi công, nhưng phải liên hoàn với 2. Trong tình thế của VN hôm nay, từ thù trong cho đến giặc ngoại, buộc chúng ta phải dự trù cho một cuộc tổng nổi dậy để cứu nguy đất nươc. Phương thức này có thể song hành, liên kết với phương thức thứ hai. Đây là một phương án nghiêm chỉnh cần phải được đặt ra để thực hiện hơn là câu chuyện xuông. Tuy nhiên, vấn đề quan yếu nhất chính là vấn đề nhân sự có khả năng thu hút sức mạnh quần chúng để làm cuộc nổi dậy.

Lợi thế. Đây chính là một điều mà người dân Việt và rất nhiều đoàn đảng viên CS tại Việt Nam đang trông chờ. Bởi lẽ sự kết hợp giữa 2 và 3 không chỉ là điểm tựa, là cầu nối nhưng còn là sự bảo đảm hữu hiệu cho các cuộc biểu tình liên tục và kéo dài ở trong nước có cơ hội phát triển và bùng nổ. Là điểm tựa, là cầu nối thúc đẩy những nhóm quân sự ở Việt Nam mạnh dạn hơn trong việc tiến hành cuộc chỉnh lý thay đổi toàn bộ cơ cấu hiện tại. Và đây có lẽ cũng chính là những điều mà giới lãnh đạo tây phương đang nhắm đến trong những lời tuyên bố mạnh mẽ của họ. Bất lợi. Sự sợ hãi, lưỡng lự không dám dứt khoát của những nhân vật này để có sự bắt đầu cũng là một trở ngại lớn.

Tóm lại, muốn củng cố sức mạnh dân tộc và dồn toàn lực để cứu quốc, buộc chúng ta phải thực hiện được một trong ba phương thức trên càng sớm càng tốt. Đây là một giải pháp khả dĩ đem đến ổn định cho Việt Nam và biển đông trong tương lai.

Tuy nhiên, nếu chúng ta và thế giới tự do mong chờ giải pháp này để đem đến ổn định cho Biển Đông, thì TC sẽ là quốc gia duy nhất không muốn có sự thay đổi như thế ở Việt Nam. Trái lại, họ chỉ muốn bảo vệ chế độ CS và áp đặt mọi phe phái trong chế độ này ngồi vào bàn hội nghị song phương với họ trong cuộc biển động. Theo đó, họ sẽ gia tăng tối đa việc trấn áp các phe phái mang tinh thần Việt Nam trong chủ trương thoát ách Tàu. Nhưng nếu những đột biến này xảy ra, khả năng Trung cộng đổ quân vào Việt Nam để cứu nguy cho CS là khó xảy ra. Bởi vì khi đó thay vì giúp CSVN, TC lại tạo cho toàn dân Việt Nam khí thế chông xâm lăng. Với khí thế ấy, TC không thể nào hưởng được cái lợi trên phần đất ấy trái lại sẽ là thảm họa cho Trung cộng. Bởi vì chính trong lòng nội địa của TC cũng đang chờ thời cơ để tự phá vỡ gọng kìm của cộng sản. Mỗi thế lực của một tỉnh bang đều có nhiều khả năng phân chia thành một nưóc riêng biệt như Hàn, Sở. Triệu, Ngô, Tề, Tần, Tấn xưa kia. Với cách nhìn này, tôi cho là TC không liều mình dấn thân vào tranh chấp với cuộc thay dổi ờ VN. Nhưng sẽ tím cách ảnh hưởng lên nó. Theo đó, nếu cuộc thay đỗi đã thành hình, thì TC không thể tham dự vào tranh chấp và việc Việt Nam bảo vệ trọn vẹn bờ cõi, bao gồm cả Trường Sa và Hoàng Sa càng có nhiều cơ hội để thực hiện.

Bảo Giang.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Thung Lũng Tối
Nguyễn Trung Tây, Lm
18:10 01/07/2016
THUNG LŨNG TỐI
Ảnh của Nguyễn Trung Tây Lm. (SVD)
Dù bước đi trong thung lũng tối,
Con không lo mắc nạn,
bởi có Chúa ở cùng con.
(Thánh Vịnh 23:4)
 
VietCatholic TV
Huấn luyện kỹ thuật viên truyền hình: Hướng dẫn dành cho các xướng ngôn viên
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
23:34 01/07/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Quý vị và anh chị em đang theo dõi video huấn luyện dành cho các xướng ngôn viên truyền hình VietCatholic.

Kim Thúy xin chào mừng anh chị em và cám ơn lòng quảng đại của anh chị em đối với công cuộc truyền giáo của Giáo Hội. Trong video này, Kim Thúy sẽ giới thiệu với anh chị em về vai trò của xướng ngôn viên trong một chương trình truyền hình và những quy tắc thực hành với vision hướng tới khả năng sản xuất các chương trình truyền hình chuyên nghiệp không chỉ phát trên các kênh truyền thông xã hội mà còn trên các đài truyền hình.

Trước hết, có lẽ là Kim Thúy nên nói qua với các bạn một vài nét về VietCatholic TV.

Thưa các bạn,

Được thành lập vào ngày lễ Các Thánh 1 tháng 11 năm 1996, VietCatholic đã không ngừng cải tiến kỹ thuật. Từ việc chỉ phát những văn bản và hình ảnh, từ năm 2005, VietCatholic đã thử nghiệm các chương trình phát hình. Năm 2008, VietCatholic đã có khả năng tường thuật trực tiếp Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới ở Sydney; và từ năm 2011, VietCatholic đã hợp tác với các cơ quan trung ương Tòa Thánh để thực hiện chương trình Thế Giới Nhìn Từ Vatican phát đều đặn mỗi tuần một lần từ 30 phút đến 50 phút. Chương trình trình bày những hoạt động của Đức Thánh Cha, những giáo huấn của ngài, những hoạt động của giáo triều Rôma, lập trường của Tòa Thánh và giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo.

Bên cạnh đó là những phóng sự đặc biệt dành cho những biến cố lớn trong đời sống Giáo Hội như Giáng Sinh, Phục Sinh, Phong Thánh, Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới …

Từ năm 2013, mỗi ngày Đức Thánh Cha Phanxicô lại có những thánh lễ và những lời giảng dạy rất thiết thực của ngài. Cho nên, VietCatholic lại có thêm chương trình Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô phát hàng tuần cũng khoảng 30’.

Cuối năm 2014, VietCatholic hình thành thêm chương trình Giáo Hội Năm Châu, phát hình hàng tuần từ Melbourne, nhằm trình bày những tin tức có liên quan đến đời sống của Giáo Hội tại các địa phương và những vấn đề quan yếu trên thế giới.

Các chương trình của VietCatholic được phát trên các kênh xã hội như YouTube, Vimeo, và trên các đài truyền hình Vietnam hải ngoại.

Bây giờ, Kim Thúy nói qua với các bạn một vài nét về vai trò của một xướng ngôn viên.

Thưa các bạn,

Kỹ thuật sản xuất các chương trình truyền hình có những bước tiến rất đáng kể cho nên ngày nay chỉ với một studio nhỏ và một ít máy móc chúng ta đã có thể hình thành nên một đài truyền hình.

Kỹ thuật thay đổi tận gốc như thế, nhưng, vai trò của một xướng ngôn viên trong một chương trình truyền hình không thay đổi bao nhiêu và được xác định rất rõ ràng trong định nghĩa về chức năng của một News Presenter.

Vai trò của xướng ngôn viên là:

- Giúp soạn thảo các bản tin để khi đọc lên độc giả dễ hiểu. Các bản tin thông thường là những bản dịch theo lối văn viết. Khi nhận được script, có thể xướng ngôn viên phải chỉnh sửa lại một đôi chỗ để thành lối văn nói dễ hiểu hơn.

- Tìm hiểu cách phát âm. Các script đều không có ghi chú về phát âm, dụng ý là muốn các xướng ngôn viên có dịp nghe phát âm, chẳng hạn tại đây: http://www.forvo.com/

- Trình bày tin.

- Bình luận bản tin. Hình thức thấp nhất là biểu cảm bằng nét mặt. Nếu tự tin hơn, xướng ngôn viên có thể đưa ra một lời bình luận ngắn gọn đã được soạn sẵn.

Trong phần tiếp theo Kim Thúy sẽ nói qua với các bạn về những thực hành đang được áp dụng rộng rãi trong các studios của VietCatholic.

Đầu tiên là vấn đề Make up:

• VietCatholic phát hình ở high resolution với vision là có thể phát trên các đài truyền hình chứ không chỉ phát trên YouTube và Vimeo, do đó, các bạn cần ĐÁNH PHẤN ĐẬM hơn mức bình thường, nếu không hình ảnh không được đẹp.

• Các bạn cần make up sao cho lên hình được đẹp, đơn giản nhưng đẹp tinh tế (khác với xuề xòa, qua loa...)

• Tránh đánh son quá bóng

• Đối với nam đừng đánh phấn trắng quá.

• Các bạn nên make up cẩn thận, khéo léo tạo khối trên gương mặt để che khuyết điểm, tôn ưu điểm trên gương mặt, các đường nét trang điểm càng sắc sảo (đẹp hài hòa chứ không phải đậm lòe loẹt) chừng nào thì hiệu ứng beauty box đạt hiệu quả chừng đó, như vậy gương mặt sẽ bớt đơ, khán giả sẽ nhận thấy sự biểu cảm của xướng ngôn viên tốt hơn khi dựng hình trên máy.

Về tóc:

• Các bạn tránh để tóc che mất mắt hay quá nhiều phần trên gương mặt.

• Khi sử dụng dụng quạt cho tóc bay, cần vừa phải để không làm rối mắt người xem, cần gọn gàng ra nếp, dù thẳng hay uốn thì lượng tóc phía trước khung ảnh cần vừa phải, quá ít sẽ gây trơ, quá nhiều sẽ gây nặng nề cho gương mặt.

• Các bạn nên make up cho cả phần tóc mỏng, đường ngôi, viền chân tóc để cân đối gương mặt khi lên hình.

Chuyện tiếp theo là trang phục:

• Xướng ngôn viên nữ mặc áo dài. Loại áo dài đơn giản – đừng kiểu cọ.

• Xướng ngôn viên nam mặc veston.

• Các bạn không được mặc áo vừa có mầu GREEN lại vừa có mầu BLUE vì không thể bóc được background.

• Các bạn cũng không được cài hoa trên đầu vì rất khó bóc background.

Một trong những vấn đề quan trọng của kỹ thuật truyền hình là ánh mắt:

• Các bạn cần tránh để màn hình chạy chữ quá gần, khán giả sẽ thấy ánh mắt đảo qua lại liên tục.

• Màn hình chạy chữ nên chạy đều đều, không nên chạy theo khung khiến cho xướng ngôn viên bị vấp do đổi khung hình và ánh mắt bị đảo xuống dưới.

• Biểu cảm trên gương mặt là điều các bạn nên hết sức chú ý. Cần giữ các cơ mặt được sống động, bằng cách tưởng tượng ra ống kính chính là khán giả mình đang nói chuyện cùng, tránh chùng khóe môi, mắt khiến cho gương mặt xướng ngôn viên bị buồn não, thiếu sức sống.

Dáng đứng, dáng ngồi:

• Thẳng lưng, hai vai mở rộng, không còng vai, ưỡn bụng, hướng cằm thẳng

• Hai tay các bạn có thể cử động phụ họa theo bài đọc để tự nhiên hơn nhưng không quá đà, cần tạo một tư thế thân thiện, tự nhiên.

Giọng đọc là điều rất thiết yếu để các bạn chuyển tải được đúng nội dung muốn trình bày

• Khi các bạn phát âm tiếng Việt: dù đọc giọng đọc Bắc, Trung, Nam đều cần tròn vành rõ chữ, chuẩn âm vùng miền. Tránh chọn cách đọc lơ lớ nửa Bắc nửa Nam... đọc chính xác các âm s, sh, ch, tr, các chữ có phụ âm đuôi n, ng, c, t và các dấu ~ và dấu ? , các âm ô, ê, a, cần tròn trịa tránh phát âm “bẹt”, chuẩn chính xác của vùng miền cụ thể, nếu chưa chuẩn thì cần luyện tập nhiều để loại bỏ cách phát âm pha trộn, gây khó chịu cho khán tính giả.

• Phát âm của xướng ngôn viên lúc đọc bản tin hay các bài suy niệm đều rất khác với phát âm tự nhiên trong đời thường, giọng đọc và phát âm của xướng ngôn viên vừa chuẩn vùng miền, tròn vành rõ chữ, vừa đạt tiêu chuẩn biểu cảm đúng độ của bài đọc. Do các bản tin đòi hỏi tính thời sự, cấp thời nên việc tập phát âm này phải được rèn luyện trước khi chính thức ghi hình, thu tiếng, phát sóng.

• Khi các bạn phát âm tiếng nước ngoài: cần tham khảo thêm các trang mạng luyện giọng, phát âm, chẳng hạn tại đây: http://www.forvo.com/ , để phát âm được đúng. Khi luyện giọng phát âm, cần có thiết bị ghi âm lại và nghe lại để so sánh giữa giọng chuẩn và giọng của mình, càng giống chừng nào càng tốt chừng đó.

Tập đọc các bản tin:

• Các bạn bắt buộc phải tập đọc trước vì tiếng Việt là một trong những ngôn ngữ đòi hòi việc ngắt câu chính xác.

Kim Thúy lấy một ví dụ vui vui là như thế này nhé.

Trong truyện Kiều của Nguyễn Du,

Nếu các bạn đọc câu số 1644 như sau

Thất kinh nàng chửa biết là làm sao.

Thì các bạn diễn tả đúng ý của cụ Nguyễn Du.

Thúy Kiều đang hỏang hốt vì thấy một đám đông những kẻ mặt mày hầm hè, gậy gộc, gươm giáo tuốt ra sáng lòa.

Nhưng nếu các bạn đọc

“Thất kinh”, rồi ngưng một phát, “nàng chửa”, rồi ngưng thêm một phát nữa “biết là làm sao”.

Tức là các bạn đọc

Thất kinh/ nàng chửa/ biết là làm sao.

Thì các bạn đang diễn tả không phải tâm trạng của Thúy Kiều mà của một tên sở khanh, sau khi làm cho con người ta có bầu, rồi hắn ta đắn đo không biết phải làm sao đây.

Cho nên, các bạn bắt buộc phải tập đọc trước

• Ngoài ra các bạn cần đọc trước bản tin để nắm rõ nội dung bản tin, để từ đó có thể phân loại bản tin về thể loại nào (thời sự, suy niệm...) từ đó chọn ra cách biểu cảm trong giọng đọc cho phù hợp. Thí dụ, giọng đọc bản tin thời sự cần sự gãy gọn, nhịp nhàng, âm sắc sáng, tone cao; trong khi giọng đọc bài suy niệm cần sự mềm mại, tone cao, thấp uyển chuyển theo cảm xúc của bài đọc, tốc độ có thể chậm hơn bài đọc thời sự một chút, nhưng không quá chậm, gây buồn ngủ.

Bây giờ, Kim Thúy đọc hai đoạn, một là một bản tin thời sự và một là một bài suy niệm để các bạn so sánh nhé:

“Radio Vatican hôm 24 tháng 6 cho biết 52 phần trăm người Anh đã ủng hộ quyết định rút ra khỏi Liên minh Âu châu trong cuộc trưng cầu hôm thứ Năm vừa qua; chỉ có hơn 48 phần trăm bỏ phiếu để tiếp tục ở lại. Sự kiện này đã làm cho Thị trường Chứng khoán châu Âu tụt dốc thê thảm.”

“Sự hoàn thiện mà Ðức Giêsu chỉ ra được đề cập đến trong bài Tin Mừng hôm nay: 'Anh em đã nghe luật dạy rằng: hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.' Ðó là bước cuối cùng trên con đường hoàn thiện và cũng là bước khó nhất. Xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ân sủng để chúng ta biết cầu nguyện cho kẻ thù của mình, cầu nguyện cho những kẻ muốn làm hại chúng ta, muốn gây ra cho chúng ta những điều xấu xa và cầu nguyện cho cả những kẻ muốn ngược đãi chúng ta.”

• Khi tập đọc cần tập thật nhuần nhuyễn nhiều lần các chữ nước ngoài để khi thu hình không bị vấp, cần xác định tốc độ đọc thật chính xác, quá chậm sẽ gây cảm giác rề rà, buồn chán, quá nhanh sẽ gây cảm giác hấp tấp vội vàng và dễ bị vấp.

• Đừng nervous quá trong khi thu hình để tránh khỏi bị đọc vấp sẽ mất rất nhiều công edit và mặt sẽ bị giựt ở chỗ ráp nối.

• Nếu đọc vấp, cố gắng giữ nguyên đầu mình ở đúng vị trí đang đọc và đọc lại nguyên câu, như vậy vẫn có thể ráp nối mà không bị giựt khuôn mặt.

• Tránh lối đọc tin vô cảm. Tránh cả những hình thức biểu cảm mãnh liệt. Cần vừa phải và nhẹ nhàng.