Ngày 26-06-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Địa chỉ tối ưu
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
07:49 26/06/2020
Chúa Nhật XIII TN A

Các bạn trẻ ngày nay rất thích nghe diễn giảng về chủ đề thành công trong cuộc sống. Có một vài điểm chung trong các bài diễn thuyết của nhiều danh nhân, doanh nhân thành đạt mà có thể kể ra hai điểm chung thường thấy trình bày đó là để đạt thành công trong cuộc sống thì cần phải có “hoài bão” (ambition) và biết cách “đầu tư” (investing). Sống mà không có hoài bão tức là không có mục đích, lý tưởng cụ thể thì hầu chắc không thể thành công. Người có hoài bão mà không biết đầu tư công sức, thời giờ và cả vật chất cho mục tiêu lý tưởng muốn đạt thì cũng chỉ là người mộng mơ viễn vông.

Phụng vụ Lời Chúa Giáo hội dọn cho đoàn tín hữu trong Chúa Nhật XIII TN A có thể nói tập trung vào chủ đề “đầu tư đúng địa chỉ tối ưu” để được hạnh phúc viên mãn, để được sống đời đời. Đầu tư là hành vi bỏ ra, tiêu phí một khoản nào đó và rồi sau đó mong sẽ thu lại một khoản nhiều hơn phần đã bỏ ra. Dĩ nhiên đã và đang có đó nhiều người đầu tư cách thiếu khôn ngoan, lầm lạc và hậu quả là phần thu lại ít hơn phần đã bỏ ra và có khi là chẳng thu lại được gì, kiểu “dã tràng xe cát”. Một trong những lý do gây ra các hậu quả trên đó là vì họ đã đầu tư không đúng địa chỉ.

Bài đọc thứ nhất trích Sách các vua quyển thứ hai tường thuật câu chuyện một cặp vợ chồng cao niên ở miền Sunam đã biết khôn ngoan đầu tư đúng địa chỉ. Hai vợ chồng đã đón tiếp ngôn sứ Êlisêu và dâng cho Ngài căn phòng khá đủ tiện nghi trên lầu. Hiệu quả của sự đầu tư của hai vợ chồng như nhãn tiền với lời khẳng định của vị ngôn sứ: “Năm tới cũng vào thời kỳ này, bà sẽ bồng một bé trai” (2V 4, 16a). Trong cảnh già nua mà vẫn son sẻ thì quả là một điều bất hạnh và là một nỗi nhục trước mặt người đời. Dâng trao cho vị ngôn sứ chỉ một căn phòng vật chất và rồi lại được một người con nối dõi tông đường thì quả là thu một món lời khôn kể xiết. Ngoài ra căn phòng ấy cũng không mất đâu cả vì hầu chắc vị ngôn sứ sẽ không ở lại đó mãi mãi. Đầu tư đúng địa chỉ quả là một hành vi khôn ngoan.

Bài Tin mừng tường thuật những lời của Chúa Giêsu thoặt xem ra có vẻ nghịch thường. Một vị tôn sư lại thẳng thừng kêu gọi người ta phải yêu mến mình hơn cả mẹ cha. Người lại còn mạnh mẽ khẳng định rằng kẻ nào cố tìm mạng sống mình thì sẽ mất, và kẻ nào đành mất mạng sống mình vì Người, thì sẽ tìm lại được mạng sống (x.Mt 10, 37-39).

Một lý chứng duy nhất biện minh cho người có những lời lẽ xem ra nghịch thường và cả sống sượng như thế, đó là vì người ấy chính là Thiên Chúa, là Đấng dựng nên các bậc sinh thành của chúng ta, là Đấng cho chúng ta từ hư vô làm người trên cõi dương trần này. Những ai tin nhận Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật thì mới có thể đón nhận và sống theo những lời ấy.

Đã tin Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật, là Đấng mà nhờ Người mọi vật mọi loài được dựng nên (x.Col 1, 15-20), thì việc chọn yêu mến Người hơn cả mẹ cha, việc sẵn sàng hiến dâng mạng sống vì Người chính là việc đầu tư khôn ngoan nhất vì đã đầu tư đúng địa chỉ tối ưu nhất. Chắc chắn một khi đã đầu tư đúng địa chỉ tối ưu thì phần sẽ thu lại là gấp trăm gấp ngàn lần phần đã bỏ ra. Chính Chúa Giêsu cũng đã từng minh định rõ sự thật này với các môn đệ. Khi Phêrô lên tiếng thưa: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy” thì Chúa Giêsu đã nói: “Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái, ruộng đất gấp trăm lần, cùng với sự ngược đãi và sự sống vĩnh cữu ở đời sau” (Mc 10, 28-30).

Cần lưu ý là trong lời khẳng định của Chúa Giêsu có đó sự ngược đãi. Đây là một hiện thực và cũng là một chướng ngại phải vượt qua. Bất cứ sự đầu tư nào cũng có đó phần khó khăn vì kết quả luôn ở thì tương lai. Để mong thành công trong những thiện hảo đời này thì người đầu tư dĩ nhiên cần một chút liều lĩnh nào đó, nói đúng hơn là sự can đảm và kiên trì vượt khó. “Đường đến thành công không hề có bóng chân của người ngại khó, sợ khổ” (Franklin). Để được thành nhân và nhất là được hạnh phúc vĩnh cửu thì khi khôn ngoan đầu tư mọi sự vào Đấng Cứu Độ thì vẫn có đó chướng ngại phải can đảm vượt qua. Đó là mầu nhiệm thập giá mà Chúa Kitô đã nói rõ ràng: “Ai muốn theo Tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9, 23).

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:39 26/06/2020

10. Tu đức lập công thì hoàn toàn không để ý có bao nhiêu sự an ủi của thần linh, nhưng chỉ để ý đến nhiều đau khổ.

(sách Gương Chúa Giê-su)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/samac.tw

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:44 26/06/2020
57. KHIÊNG BÀN CÁO TRẠNG

Sáng sớm, có người viết trên mặt bàn đầy sương rơi mấy câu giễu cợt: “Ta muốn làm hoàng đế”. Kẻ thù thấy như vậy liền khiêng cả chiếc bàn đến vệ môn tố cáo.

Sau khi đợi rất lâu quan huyện mới xuất hiện nên ánh nắng mặt trời chiếu khô mấy chữ ấy, quan huyện hỏi:

- “Mày khiêng cái bàn lại để làm gì? ”

Người ấy vội vàng chối nói:

- “Tôi muốn hỏi ngài có muốn mua cái bàn này không? ”

(Tiếu lâm)

Suy tư 57:

Người ta nói “tai vách mạch rừng” là để răn đe những người hay phát ngôn bừa bãi không cẩn thận, dễ dàng mang họa vào thân, và có khi vì lời nói đùa mà bị tù tội...

Kẻ tiểu nhân thì hay bới lông tìm vết để hại người, mà trong cuộc sống của mỗi người thì lại vô thập toàn, nên luôn có những kẻ tiểu nhân lòng dạ hẹp hòi dòm ngó và tìm cách làm hại.

Có những người Ki-tô hữu thật vui tính, nên có những lúc ăn nói không để ý làm cớ cho người lòng dạ hẹp hòi khó chịu và tìm cách chơi xấu cáo gian; có những linh mục tính tình đơn sơ hiền hậu, nên lời nói cũng đơn sơ khiến cho kẻ tiểu nhân lấy cớ để hạ bệ kiện cáo; có những người thích nói đùa cách vô tội vạ nên bị kẻ tiểu nhân dựng thành cớ để cáo gian...

Ở đời kẻ ăn ngay ở lành thì kết cuộc sẽ được sự lành, kẻ bới lông tìm vết để hãm hại người khác thì trước sau gì cũng bị phạt, đó là sự công bằng của Thiên Chúa mà ai cũng hiểu, nhưng rất ít người ghi sâu vào tâm khảm.

Kẻ tiểu nhân khiêng bàn đi tố cáo người khác nhưng lại bị hố và bị khiển trách; người Ki-tô hữu vì có Chúa ở trong mình nên luôn tha thứ và rộng lượng với người vì ghen ghét mà tố cáo mình, đó chính là đem lửa (tình yêu) bỏ trên đầu họ vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/samac.tw

http://nhantai.info
 
Sống đức tin cậy mến noi gương hai Tông đồ Phêrô Phaolô
Lm. Đan Vinh
21:42 26/06/2020

Lễ Thánh Phêrô và Phaolô (29/06)
Cv 12, 1-11; 2 Tm 4, 6-8.17-18; Mt 16, 13-19

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG:
(13) Khi Đức Giê-su đến vùng kế cận thành Xê-da-rê Phi-líp-phê, Người hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói con Người là ai? ” (14) Các ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ”. (15) Đức Giê-su lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? ” (16) Ông Si-mon Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống”. (17) Đức Giê-su nói với ông: “Này anh Si-mon con ông Giô-na, Anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều đó, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. (18) Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: Anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá. Trên Tảng Đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy. Và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. (19) Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời. Dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy. Dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy”.

2. Ý CHÍNH: HỘI THÁNH ĐƯỢC XÂY TRÊN ĐÁ TẢNG ĐỨC TIN CỦA PHÊ-RÔ.
Sau khi Si-mon đại diện cho Nhóm Mười Hai khẳng định Người là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống (15-16), ông đã được khen là có phúc (17), được đổi tên thành Phê-rô và được hứa xây Hội Thánh trên nền tảng đức tin mà ông vừa tuyên xưng, tiên báo Hội Thánh ấy sẽ trường tồn, bất chấp ma quỷ chống phá (18). Sau cùng Người cũng trao cho ông chìa khóa Nước Trời với quyền cầm buộc và tháo cởi (19).

3. HỎI ĐÁP VÀ CHÚ THÍCH:
HỎI 1: Khi thay mặt anh em tuyên xưng Đức Giê-su là “Con Thiên Chúa hằng sống”, phải chăng ông Si-mon đã tin về bản tính Thiên Chúa của Người?
ĐÁP:
Có lẽ khi tuyên xưng Đức Giê-su là “Con Thiên Chúa hằng sống”, Phê-rô vẫn chưa hiểu rõ ý nghĩa của tước hiệu ông nói. Ông chỉ muốn giải thích ý nghĩa của tước hiệu Đấng Ki-tô, theo lời ngôn sứ Na-than tuyên sấm về người con sẽ nối nghiệp vua Đa-vít như sau: “Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi một người do chính ngươi sinh ra, và Ta sẽ làm cho vương quyền nó được vững bền. Chính nó sẽ xây một nhà để tôn kính Danh Ta, và Ta sẽ làm cho ngai vàng của nó vững bền mãi mãi. Đối với nó, Ta sẽ là Cha. Đối với Ta, nó sẽ là con” (2 Sm 7, 12-14). Lời ấy đã không ứng nghiệm nơi Sa-lô-mon, con vua Đa-vít. Từ đó, dân Do thái hằng trông mong Đấng Thiên Sai thuộc dòng dõi vua Đa-vít sẽ đến. Về sau, trong cuộc khải hoàn vào thành Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su cũng được dân chúng ca tụng bằng tước hiệu "Con Vua Đa-vít" này (x. Mt 21, 9). Khi tuyên xưng tước hiệu "Con Thiên Chúa hằng sống", Phê-rô chưa hiểu ý nghĩa lời ông nói. Sau đó, Đức Giê-su đã cho biết ý nghĩa tước hiệu này là nói về bản tính Thiên Chúa, qua lời khen ông có phúc vì đã được Chúa Cha thương mặc khải cho biết sự thật ấy (x Mt 16, 17).

HỎI 2: Tại sao Đức Giê-su đổi tên Si-mon thành Phê-rô? Việc đổi tên chính xác xảy ra vào lúc nào: Khi vừa gặp mặt (x Ga 1, 42), khi thành lập Nhóm Mười Hai (x Mc 3, 16; Lc 6, 14) hay sau khi Phê-rô tuyên xưng đức tin (x Mt 16, 18)?
ĐÁP:
Cũng có thể Đức Giê-su đã đặt tên Phê-rô cho Si-mon khi vừa gặp mặt (x. Ga 1, 42), hay khi thành lập Nhóm Mười Hai (x. Mc 3, 16; Lc 6, 14). Tuy nhiên có lẽ việc đổi tên xảy ra sau lời tuyên xưng đức tin của Si-mon là hợp lý nhất (x. Mt 16, 18), vì sau khi đổi tên, Đức Giê-su đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của ông trong Hội Thánh: Đức tin của Phê-rô vào Đức Giê-su chính là tảng đá vững chắc mà trên đó, Người xây dựng Hội Thánh của Người. Ngoài ra Đức Giê-su còn trao tối thượng quyền cho ông để ông cầm buộc và tháo cởi (x. Mt 16, 18-19). Người cũng cho Phê-rô đứng đầu Nhóm Mười Hai (x Mt 10, 2), và hứa sẽ cầu nguyện để ông kiên vững đức tin, hầu chu tòan sứ mệnh củng cố đức tin cho các anh em (x. Lc 22, 32). Cuối cùng, Người còn trao quyền chăn dắt đoàn chiên Hội Thánh cho ông nữa (x.Ga 21, 15-17).

HỎI 3: Một số người cho rằng: Si-mon Phê-rô là một người đầy khuyết điểm và đã từng phạm tội chối Thầy ba lần, thì làm sao xứng đáng lãnh đạo Hội Thánh và thi hành quyền tối thượng là cầm buộc và tháo cởi được?
ĐÁP:
Từ ngày được Đức Giê-su gọi theo làm môn đệ, Si-mon đã phạm nhiều sai lầm. Chẳng hạn: Ông bị Thầy quở trách vì đã suy nghĩ theo kiểu khôn ngoan của loài người (x. Mt 16, 23); Bị trách là kẻ hèn tin khi đang đi trên mặt nước (x. Mt 14, 31); Bị Thầy cảnh báo không được dự phần với Thầy, vì đã từ chối không cho Thầy rửa chân (x. Ga 13, 8-10); Nhất là vì quá tự tin vào sức mình nên ông đã hèn nhát chối Thầy ba lần, dù đã được Thầy cảnh báo trước (x. Mc 14, 30.66-72).
Nhưng Si-mon Phê-rô cũng có những ưu điểm xứng đáng được Đức Giê-su tín nhiệm trao quyền lãnh đạo Hội Thánh. Chẳng hạn: tại thành Xê-da-rê Phi-líp-phê, ông đã tuyên xưng đức tin: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống”, nên đã được Chúa đổi tên thành Phê-rô, và được trao quyền tối thượng cầm buộc và tháo cởi (x. Mt 16, 18-19). Có lần ông được Đức Giê-su hứa sẽ cầu nguyện cho để luôn kiên vững đức tin, và trao thêm sứ mệnh củng cố đức tin cho các anh em (x. Lc 22, 32). Phê-rô cũng rất nhiệt tình, thường đại diện anh em trả lời những vấn nạn của Thầy (x. Lc 5, 3-10), đại diện Nhóm Mười Hai tuyên xưng đức tin vào lời dạy về Bánh Thánh Thể, đang khi nhiều môn đệ khác chán nản rút lui (x. Ga 6, 68). Nhờ kiên vững đức tin, nên ông đã được Đức Giê-su đặt đứng đầu Nhóm Mười Hai (x. Mt 10, 2), được đi trên mặt nước (x Mt 14, 28-32), trở thành một trong ba môn đệ thân tín nhất chứng kiến cuộc hiển dung của Người (x. Mt 17, 1), chứng kiến phép lạ bé gái mới chết được Người cho sống lại (x. Mt 5, 37), và nhất là chứng kiến lúc Thầy hấp hối trong vườn Cây Dầu (x. Mt 26, 37).
Tuy có lần sa ngã phạm tội, nhưng Phê-rô đã lập tức sám hối (x. Mt 26, 69-75). Nhờ yêu Chúa nhiều hơn anh em, nên ông đã được Người tha thứ và trao nhiệm vụ chăn dắt đoàn chiên (x. Ga 21, 15-17). Chính lòng yêu mến Đức Giê-su đã thúc bách Phê-rô chạy thi với Gio-an ra mồ và đã sớm đạt được đức tin vào mầu nhiệm phục sinh của Thầy (x. Ga 20, 1-9). Phê-rô cũng được Chúa Phục Sinh hiện ra (x. Lc 24, 34), được cùng anh em lãnh nhận ơn Thánh Thần và đi rao giảng Tin Mừng khắp nơi (x. Cv 2, 14-36), có khả năng chữa lành nhiều bệnh nhân (x. Cv 9, 33-35.40-41), chủ tọa công nghị Giê-ru-sa-lem năm 49 (x. Cv 15, 5-29). Cuối cùng ông đã can đảm quay vào thành Rô-ma để bị bắt và chịu khổ hình thập giá, dưới thời hoàng đế Nê-rô (năm 64-67). Cái chết của Phê-rô chứng tỏ lòng mến Chúa cao độ, và nêu gương đức tin vững như đá tảng, để các tín hữu chúng ta học tập noi theo.

II. SỐNG LỜI CHÚA:

1. LỜI CHÚA: “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: Anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên Tảng Đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời. Dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy. Dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy” (Mt 16, 18-19).

2. CÂU CHUYỆN:

1) SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU TRONG VIỆC BIẾN ĐỔI LÒNG NGƯỜI :
Nữ tu Antoinette được bề trên sai đến phục vụ tại một bệnh viện lớn. Tại đây có một ông già cực kỳ khó tính. Tiếp xúc với ai ông cũng nạt nộ la mắng. nhất là khi gặp chuyện trái ý, ông lại to tiếng ầm ĩ khiến mọi người chung quanh đều khó chịu xa lánh.
Ngày nọ, khi đang mải mê làm việc giúp các bệnh nhân khác, nữ tu Antoinette nghe thấy tiếng hét lớn của ông già khó tính: “Mau mau mang ra đây cho tôi một quả trứng luộc". Các y tá khác đều lảng tránh sang phòng bên, riêng nữ tu Antoinette đã mau mắn đến nhà bếp đem quả trứng đến cho ông già này.
- Sao trứng chưa chín mà đã đem cho tôi hả? Bộ muốn tôi đau bụng chết sao? Ông lão khó tính cau có trách mắng. Nữ tu Antoinette không đáp lại mà đem trứng xuống bếp luộc lại.
- Trứng gì mà luộc chín quá vậy? Sao lại làm ăn vô ý vô tứ như vậy hả?
Antoinette chẳng biết phải làm gì để chiều ý ông lão. Chị liền đi lấy một cái bếp lò đến kê bên giường và trao cho ông già khó tính một trái trứng để luộc cho vừa ý. Thấy thế ông ta liền nổi nóng đạp đổ bếp lò, quăng quả trứng kia xuống nền gạch và lớn tiếng: "Cô không biết tôi là bệnh nhân sao? Bệnh nhân mà lại phải tự luộc trứng hả? "
Nữ tu Antoinette không nói nửa lời. Chị im lặng đi lấy chổi và cây lau nhà đến quét dọn và lau sạch sàn nhà… Lát sau, chị đem đến cho lão già khó tính một trái trứng khác và nói: "Ông cố gắng dùng thử trứng này, tôi đã luộc vừa chín tới thôi? " Bất giác, ông lính già rùng mình cảm động, nói lí nhí trong miệng: "Tôi thật có lỗi vì đã vô lý quát mắng cô. Giờ đây tôi sẽ ăn quả trứng này cũng để cám ơn lòng tốt của cô !"
Tình yêu có sức biến đổi lạ lùng hơn bất cứ một sự biến đổi lạ kỳ nào, nhất là nó có khả năng biến đổi cả lòng những con người độc ác nữa. Ước gì chúng ta biết noi gương theo Thầy Chí Thánh Giê-su luôn nhìn thấy những điều tốt đẹp nơi con người và luôn hy vọng vào những người đang lầm lạc trong cuộc đời này để dùng tình yêu biến đổi cảm hoá họ.

2) PHẢI LÀM GÌ ĐỂ NÊN GIỐNG CHÚA GIÊ-SU?
Ngày xưa, một ông vua nước Hy Lạp tổ chức một cuộc thi làm tượng ảnh nghệ thuật: các nghệ nhân sẽ tạc tượng hoặc làm tranh tượng về chân dung của nhà vua. Vua hứa sẽ ban phần thưởng lớn cho những tác phẩm giống ngài nhất. Nghe thông báo, các nghệ nhân từ khắp các nước chung quanh đã ùn ùn kép đến Hy Lạp xin vào hoàng cung ứng thí. Nghệ nhân Ấn-độ thì mang theo dụng cụ để chạm trổ đồ kim hoàn vàng bạc và các loại ngọc trai quý giá. Nghệ nhân Ai Cập thì mang theo đồ nghề đục đẽo đá quý và một khối đá cẩm thạch rất đẹp. Ai cũng quyết tâm dành được giải thưởng của nhà vua. Riêng nghệ nhân nước chủ nhà Hy Lạp chỉ đến ứng thí với bộ đồ gọt dũa đánh bóng đơn giản.
Mỗi đoàn dự thi được ban tổ chức bố trí chỗ ở và làm việc tại một phòng trong khu hoàng cung. Tới ngày thi, nhà vua ra lệnh mỗi đoàn phải hoàn thành tác phẩm trong thời gian một tuần lễ. Thế là các nghệ nhân vội vàng bắt tay vào việc. Họ đục đẽo, chà sát, đánh bóng để khắc họa chân dung nhà vua Hy Lạp cho giống như người thật. Khi một tuần trôi qua, nhà vua truyền đem các tác phẩm đến trưng bày tại đại sảnh lớn trong hoàng cung để nhà vua và bá quan trong triều đến chấm điểm. Nhà vua hết sức hài lòng, khi chiêm ngưỡng các tác phẩm dự thi họa lại chân dung của mình, do các nghệ nhân Ấn Độ, Ai Cập và nhiều nước khác sáng tác. Mỗi bức tượng, tranh tượng hay phù điêu đều có những đường nét tinh vi sắc sảo, nhìn giống hệt khuôn mặt của ngài. Các tác phẩm ấy được tạc vẽ từ đất nung, từ đá cẩm thạch, hay các loại vàng bạc quý kim khác. Cuối cùng khi đến chỗ trưng bày của các nghệ nhân Hy Lạp thì nhà vua và bá quan rất ngạc nhiên vì không thấy bất cứ bức tượng hay tranh tượng nào được trưng bày, mà chỉ thấy một phiến đá cẩm thạch trắng, được các nghệ nhân đánh bóng. Nhà vua liền hỏi tác phẩm đâu, thì một người đã đưa ngài đến đứng trước phiến đá và chỉ vào chân dung của ngài hiện ra trong đó. Nhìn thấy hình ảnh trung thực của mình, nhà vua đã hiểu ra và hết sức cảm động. Ngài nhận xét các bức tranh hay tượng khác, dù có giống ngài nhưng chúng không sống động và trung thực bằng hình ảnh được phản chiếu từ chính con người thật của ngài. Nhà vua đã chấm cho tác phẩm của đoàn nghệ nhân Hy Lạp hạng nhất. Còn các tác phẩm khác cũng được xếp hạng và đều có phần thưởng tương xứng với giá trị của chúng. Sau đó, tất cả các tác phẩm đều được trưng bày tại viện bảo tàng quốc gia cho dân chúng tự do đến chiêm ngưỡng.

3. SUY NIỆM:
Hôm nay, Hội Thánh mừng kính 2 vị Tông đồ là Phê-rô và Phaolô chung trong một ngày lễ. Chúng ta cùng suy nghĩ về cuộc đời của hai Tông đồ trụ cột này của Hội Thánh để thấy được sức mạnh tình thương của Thiên Chúa trong việc biến đổi lòng người.

1) Về ơn kêu gọi của hai Tông đồ Phê-rô và Phao-lô:
- Phê-rô làm nghề đánh cá tại làng Bet-sai-đa, gần hồ Ga-li-lê. Phê-rô tên thật là Si-mon, có em là An-rê. Khi An-rê được thầy là Gio-an Bao-ti-xi-ta giới thiệu về Đức Giê-su thì "Trước hết ông gặp anh mình là Si-mon và nói : Chúng tôi đã gặp được Đấng Mê-si-a. Rồi ông dẫn anh mình đến gặp Đức Giê-su. Đức Giê-su nhìn Phê-rô và nói: "Anh là Si-mon, con ông Gio-na, anh sẽ được gọi là Kê-pha nghĩa là Đá" (Ga 1, 41-42). Sau đó ít ngày, đang lúc Đức Giê-su đi trên bờ hồ Gê-nê-sa-rét, có đám đông dân chúng đi theo. Người thấy ông Si-mon đang giặt lưới dưới thuyền, nên Người đã xuống thuyền ấy mà giảng dạy cho dân chúng đang ngồi trên bờ hồ. Giảng xong, Người bảo Si-mon chèo thuyền ra giữa hồ đánh cá. Mặc dù suốt đêm vất vả mà không bắt được con nào, nhưng Si-mon vẫn vâng lời Thầy: Ông chèo thuyền ra khơi thả lưới và đã bắt được mẻ cá lạ lùng. Trước sự lạ ấy, Si-mon tỏ vẻ kính sợ, nhưng Người bảo ông: "Đừng sợ, từ nay anh sẽ là kẻ chài lưới người ta. Thế là ông đưa thuyền vào bờ rồi dứt khoát bỏ nghề chài lưới để theo làm môn đệ Người” (Lc.5, 10-11).
- Phao-lô tên thật là Sao-lê quê thành Tác-sô, miền Ki-li-ki-a. Theo học với vị thầy nổi tiếng là Ga-ma-li-en. Sao-lê giữ luật Mô-sê nghiêm chỉnh. Tuy là người Do Thái nhưng ông cũng có quốc tịch Ro-ma. Sao-lê rất sùng đạo Do thái nên rất ghét đạo mới của Đức Giê-su. Nghe tin ở Đa-mát có nhiều tín hữu Ki-tô, Sao-lê đã xin lệnh của thượng tế, đem quân đến thành Đa-mát bắt các tín hữu mang về Giê-ru-sa-lem trị tội. Nhưng khi đến cửa thành, Sao-lê đã bị một làn chớp sáng đánh trúng bị té xuống ngựa, mắt ông bị loà không nhìn thấy gì. Ông nghe thấy tiếng Chúa Giê-su hiện ra hạch tội và ông đã khuất phuc. Rồi ông được một người trong thành là A-na-ni-a đón vào thành và dạy đạo. Sau khi được chịu phép rửa tội, Sao-lê được sáng mắt và đổi tên thành Phao-lô. Ông còn được Chúa Phục Sinh hiện ra dạy dỗ riêng và trao sứ mệnh làm tông đồ rao giảng Tin Mừng (x. TĐCV 22, 3-21). Thế là từ một người cuồng tín bắt đạo, Phao-lô đã được ơn biến đổi thành Tông đồ nhiệt tình rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại.

2) Tính cách của hai vị Tông đồ Phê-rô và Phao-lô:
- Tông đồ Phê-rô khi đi theo Đức Giê-su gần ba năm, thường đại diện Nhóm 12 trả lời Thầy. Khi Người hỏi: “Người ta nói Thầy là ai? ” Phê-rô đã đại diện anh em thưa rằng: "Thầy là Đức Ki-tô Con Thiên Chúa hằng sống". Có lần Phê-rô ngăn cản Thầy đừng đi Giê-ru-sa-lem chịu khổ nạn, và ông đã bị Thầy nặng lời quở trách. Phê-rô đã được các tác giả Tân Ước đề cập tới 195 lần. Ông có lòng nhiệt tình yêu mến Thầy. Khi nghe Đức Giê-su cho biết các môn đệ sắp hèn nhát bỏ Thầy chạy trốn, Ông đã thề hứa : “Dù moi người bỏ thầy, còn Phê-rô sẽ không bao giờ". Tuy nhiên, ông cũng là một người yếu đuối, nên đã phạm tội chối Thầy 3 lần: "Tôi không biết ông Giê-su là ai". Đến khi nghe tiếng gà gáy và Đức Giê-su bị trói đi ngang qua chỗ ông và Người nhìn ông, thì ông đã xúc động ra ngoài khóc lóc thảm thiết. Sau khi sống lại, Chúa Giê-su đã hiện ra với Si-mon và hỏi ông ba lần về lòng mến và cả ba lần ông đều tuyên xưng: "Thưa Thầy, có. Thầy biết con mến Thầy”. Mỗi lần như thế, Chúa lại trao cho ông trách nhiệm chăn dắt đàn chiên của Người (x. Ga 21, 15-19).
b) Tông đồ Phao-lô sau khi trở lại, đã nhiệt tình thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng. Ông đã đi khắp vùng Đế Quốc Rô-ma rao giảng cho dân ngoại tin Chúa, chấp nhận mọi gian nan chống đối gặp phải: bị bắt bớ xét xử, bị đánh đòn, đắm tầu, đói rét, ở trần… vì Danh Chúa. Nhờ sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần, Phao-lô đã viết nhiều bức thư để giáo huấn các tín hữu sống đức tin, dạy họ chừa bỏ các tội lỗi và thói hư để sống theo gương mẫu và lời dạy của Chúa Giê-su. Phao-lô còn nêu gương can đảm làm chứng cho Chúa như ông đã viết: “Họ là người phục vụ Đức Ki-tô ư? Tôi nói như người điên: Tôi còn hơn họ nữa! Hơn nhiều vì công khó, hơn nhiều vì ở tù, hơn gấp bội vì chịu đòn, bao lần suýt chết. Năm lần tôi bị người Do thái đánh bốn mươi roi bớt một. Ba lần bị đánh đòn, một lần bị ném đá, ba lần bị đắm tàu, một đêm một ngày lênh đênh giữa biển khơi… (2 Cr 11, 23-25…)

3) Về lòng mến Chúa của hai vị Tông đồ Phê-rô và Phao-lô:
- Tông đồ Phê-rô: Theo sách Công vụ Tông đồ, vào lễ Ngũ Tuần, sau khi đón nhận đầy ơn Thánh Thần, Phê-rô đã cùng các Tông đồ bắt đầu thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng. Ông đã giảng một bài đầu tiên tại Giê-ru-sa-lem. Sau bài giảng nhờ ơn Thánh Thần tác động, đã có 3 ngàn người xin tòng giáo. Sau đó Phê-rô cùng Nhóm 11 chọn ông Mat-thi-a thế chỗ cho Giu-đa phản bội. Ông cũng được Thánh Thần ban ơn làm nhiều phép lạ cứu nhân độ thế kèm theo lời giảng. Ông đã chữa cho một người què tại cửa Đền thờ, và đón nhận dân ngoại vào Hội Thánh. Người ta tin rằng chỉ cần cái bóng của ông lướt qua bệnh nhân cũng đủ chữa lành cho họ. Phê-rô và các Tông đồ trong Nhóm 12 ưu tiên loan báo Tin Mừng cho dân Do thái. Ông đã bị các đầu mục dân Do thái bắt bớ xét hỏi nhiều lần và cấm rao giảng Danh Đức Giê-su. Nhưng ông đã tuyên bố trước Thượng Hội Đồng rằng: Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm… Về những sự kiện đó, chúng tôi xin làm chứng cùng với Thánh Thần” (Cv 5, 29-32). Vào lúc cuối đời, khi đang ở Rô-ma và có nguy cơ bị bắt, Phê-rô đã nghe lời các tín hữu cải trang và đã trốn thoát được ra ngoài thành Rô-ma để tiếp tục lãnh đạo Hội Thánh. Nhưng rồi ông đã gặp Đức Giê-su đang vác thánh giá đi vào trong thành. Ông hỏi Người: “Quo vadis? ” (Thầy đi đâu? ). Chúa trả lời: “Ta vào thành Rô-ma để chịu đóng đanh một lần nữa” rồi Chúa biến mất. Phê-rô hiểu ý Chúa muốn ông ở lại Rô-ma để làm chứng cho Chúa giữa các tín hữu, nên ông quyết định quay vào trong thành. Rồi Phê-rô bị bắt và bị kết án tử hình thập giá vào năm 65 dưới thời hoàng đế Nê-rông. Khi chịu đóng đinh, để tỏ lòng tôn kính Chúa Giê-su, ông xin được đóng đinh và quay ngược đầu xuống đất. Ngày nay một ngôi Đền thờ Thánh Phê-rô to lớn trong thành Rô-ma được xây dựng, trong đó có chứa mộ phần của thánh Phê-rô. Trong thời gian giảng đạo ở Rô-ma, thánh Phê-rô đã viết 2 bức thư cho các tín hữu miền Tiểu Á đang chịu bách hại, khuyên dạy họ hãy can đảm sống đức tin bằng việc hiệp nhất yêu thương nhau, vâng phục các chủ chăn, đoạn tuyệt tội lỗi và chờ đợi ngày Chúa quang lâm sắp đến.
- Tông đồ Phao-lô: Phao-lô thực là dụng cụ Chúa dùng để đưa nhiều người về với Chúa. Ông là một người trung thành, can đảm, thẳng thắn… Là cầu nối kết giữa dân Do thái và dân ngoại, giữa Cựu ước và Tân ước. Nhờ Phao-lô mà dân ngoại trong đó có chúng ta hôm nay không phải chịu nghi thức cắt bì của đạo Do Thái và không phải mang “ách Luật Mô-sê” như dân Do thái xưa. Từ khi gặp Chúa và theo làm Tông đồ của Người, Phao-lô đã nhiệt tình yêu mến Chúa. Chẳng hạn ông viết : “Đối với tôi sống là Đức Ki-tô” (Pl 1, 21) “Tôi coi mọi sự như phân tro, để chỉ mong được lời lãi Tình yêu Chúa Ki-tô" (Pl 3, 8).- "Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? … Tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, chiều cao hay vực thẳm, hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta” (Rm 8, 35-39). "Tôi sống nhưng không phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi" (Gl 2, 20). Cuối cùng, trong thời kỳ người Rô-ma bách hại đạo Công Giáo, Phao-lô đã bị bắt, và bị chém đầu ngoài thành Rôma vào năm 67.

4) Sống “hiệp nhất” để làm chứng cho Chúa noi gương hai vị Phê-rô và Phao-lô:
- Hiệp nhất trong đức tin: Hai vị Tông đồ đã hiệp nhất một lòng một ý trong sứ mệnh rao giảng Tin Mừng. Mặc dù còn có nhiều khác biệt về bản thân, tính tình, về ơn gọi theo Chúa, về xu hướng truyền giáo… nhưng cả hai đã tạo nên một sự hiệp nhất trong đa dạng, qua việc cùng trở thành nền tảng xây dựng toà nhà Hội Thánh, sẵn sàng chết vì Danh Chúa. Hai vị đã được Hội Thánh tôn vinh trong một ngày đại lễ. Các ngài đã trở nên biểu tượng của sự hiệp nhất trong đa dạng của Hội Thánh: “Khác nhau trong điều phụ, hiệp nhất trong điều chính, yêu thương trong tất cả”. Đó chính là khuôn vàng thước ngọc cho các tín hữu chúng ta noi theo.
- Hiệp nhất trong lòng mến: Ngày nay muốn trở nên tông đồ của Chúa Giê-su, các tín hữu chúng ta phải có lòng mến Chúa noi gương hai vị Tông đồ. Nhờ lòng mến Chúa thôi thúc, chúng ta sẽ được ơn Chúa thanh luyện khỏi những đam mê, thói hư, các vết nhơ tội lỗi. Nhờ siêng năng nghe Lời Chúa và tham dự thánh lễ rước lễ mỗi ngày, xét mình mỗi tối trước khi đi ngủ, học tập theo Chúa Giê-su… chúng ta cũng sẽ nhìn tha nhân bằng ánh mắt bao dung nhân hậu, ăn nói điềm đạm, vui vẻ chân thành, ứng xử hiền hòa và khiêm tốn phục vụ … Nhờ đó chúng ta sẽ nên những tông đồ giáo dân nhiệt thành làm chứng cho Chúa, noi gương hai vị Tông đồ Phê-rô và Phao-lô.

4. THẢO LUẬN:
Đối với bạn, Đức Giê-su là ai? (Là một ngôn sứ, để xin Người cầu bầu với Chúa Cha cho ta; hay là một thần tượng để ta chiêm ngưỡng thán phục; hay chính là Đấng Thiên Sai Con Thiên Chúa, để ta tin theo và sẵn sàng bỏ mọi sự theo làm môn đệ Người, sẵn sàng vác thập giá là đón nhận các đau khổ gặp phải, kết hiệp với sự đau khổ của Người trên cây thập giá để góp phần cứu rỗi tha nhân? )

5. NGUYỆN CẦU:
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Tòa nhà Hội Thánh sau hai ngàn năm đến nay vẫn đang tiếp tục được xây dựng những chỗ còn dang dở. Xin Chúa giúp mỗi tín hữu chúng con tích cực góp phần xây dựng để ngôi nhà Hội Thánh sớm hoàn thành. Xin cho chúng con luôn sống yêu thương hòa thuận để gia đình và Giáo xứ chúng con trở thành một cộng đoàn yêu thương hiệp nhất và bình an. Nhờ đó nhiều người sẽ nhận biết tin thờ Chúa và sau này cùng được chia sẻ niềm vui ơn cứu độ với chúng con.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON


 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
50 Tân tòng Công Giáo Nổi danh của Thế kỷ 20
Vũ Văn An
00:25 26/06/2020

Vào mỗi dịp Phục Sinh, Giáo Hội khắp thế giới chào đón hàng ngàn người Công Giáo mới. Riêng tại Hoa Kỳ, trung bình, hơn 100, 000 người đã gia nhập Giáo Hội hàng năm. Họ xuất thân từ mọi giới và thuộc mọi lứa tuổi. Một số gia nhập Giáo Hội sau nhiều năm đấu tranh bản thân, một số gia nhập Giáo Hội vào cuối cuộc đời. Nhiều người khác được động viên gia nhập Giáo Hội vì gương sáng của các vị thánh, các linh mục, tu sĩ, giáo dân và thành viên gia đình làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô.



Dĩ nhiên, cuối cùng, họ đều đạt tới một kết luận chung như vị tân tòng nổi tiếng là Thánh Hồng Y John Henry Newman từng viết: “Về Kitô Giáo, 1, 000 khó khăn không tạo nên một hoài nghi”.

Và điều cũng chắc chắn là trong hành trình đến với Đạo Công Giáo, nhiều tân tòng đã được khuyến khích bởi mẫu mực của các tân tòng nổi tiếng hơn.

Minh tinh màn bạc, các thi sĩ, tiểu thuyết gia, nhạc sĩ, triết gia, khoa học gia, và cả các hoàng hậu đã xác tín trong lương tâm của họ rằng họ phải trở thành người Công Giáo.

Họ đều là những người tội lỗi, giống tất cả chúng ta, và, với một nhóm đa dạng và đáng lưu ý như thế, họ có những tính khí, nhân cách và nhược điểm rất khác nhau.

Tính đa dạng muôn mầu ấy tự nó là một tiểu vũ trụ của những con người khác nhau gia nhập Giáo Hội hàng năm. Nhưng nó cũng là một nhắc nhở hữu ích rằng mọi người đều được Chúa Kitô kêu gọi và không quá khứ nào, dù đen tối và rối loạn đến đâu, khiến chúng ta không được vòng tay yêu thương đầy thương xót và tha thứ của Thiên Chúa ôm ẵm.

Matthew Bunson trên National Catholic Register liệt kê 50 tân tòng nổi tiếng nhất của thế kỷ 20 (https://www.ncregister.com/daily-news/50-catholic-converts-notable-new-church-members-over-the-last-century):

Mortimer Adler (1902-2001): Triết gia và nhà giáo dục Hoa Kỳ, ông khám phá ra Thánh Tôma Aquinô ở lứa tuổi 20 và trở thành một nhân vật nổi tiếng của Phong trào Tân-Thomist.

Đức Hồng Y Francis Arinze (b. 1932): Tân tòng người Nigeria, được Chân Phúc Cyprian Tansi rửa tội lúc 9 tuổi. Ngài trở thành Giám Mục trẻ nhất thế giới lúc mới có 32 tuổi và sau đó được nâng lên hàng Hồng Y và là bộ trưởng Bộ Thờ Phượng Thiên Chúa và Kỷ luật Bí tích.

Francis Beckwith (b. 1960): Triết gia và thần học gia, được bầu làm chủ tịch Hội Thần học Phúc âm nhưng trở lại Công Giáo năm 2007.

Tony Blair (b. 1953): Lãnh tụ Đảng Lao động Anh và thủ tướng từ 1997 tới 2007. Ông là thủ tướng trẻ tuổi nhất từ năm 1812. Vợ ông, Cherie, cũng là người Công Giáo.

Cherry Boone (b. 1954): Con gái ca sĩ tin lành nổi danh Pat Boone. Kết hôn măm 1975 với nhà văn Dan O’Neill, cả bà lẫn chồng đều trở lại Công Giáo.

Robert Bork (1927-2012): Thẩm phán bảo thủ Hoa Kỳ và nhà luật học nổi tiếng hơn cả vì cuộc tranh đấu chính trị đầy nham hiểm mưu toan chặn đứng việc bổ nhiệm ông vào Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ năm 1987. Ông và vợ trở lại Công Giáo năm 2003.

Louis Bouyer (1913-2004): Thần học gia người Pháp và là một trong các thành viên sáng lập của Ủy Ban Thần Học Quốc Tế và tập san thần học quốc tế Communio.

Dave Brubeck (1920-2012): Một trong số các nhạc sĩ nhạc jazz nổi tiếng nhất của Hoa Kỳ. Ông trở lại năm 1980 và được uỷ nhiệm sáng tác Mass to Hope (Thánh Lễ Hy Vọng).

Tim Conway (b. 1933): Diễn viên hài Hoa Kỳ nổi tiếng hơn cả nhờ vai trò của ông trong các chương trình truyền hình McHale’s Navy The Carol Burnett Show.

Gary Cooper (1901-1961): Tài tử Hoa Kỳ, đoạt 3 giải Academy Awards, trong đó có giải “Tài tử Hay nhất” trong Sergeant York High Noon. Ông được yết kiến Đức Giáo Hoàng Piô XII năm 1953 và chính thức gia nhập Giáo Hội năm 1959.

Frederick Copleston (1907-1994): Tu sĩ Dòng Tên người Anh và sử gia triết học, ngài trở lại Công Giáo năm 18 tuổi và gia nhập Dòng Tên năm 1930.

Dorothy Day (1897-1980): Nhà văn, nhà hoạt động xã hội và đồng sáng lập phong trào Thợ Thuyền Công Giáo cùng với Peter Maurin. Án phong thánh của bà đã được mở tại New York năm 2000 và vì thế bà được gọi là Tôi Tớ Thiên Chúa. Điều lạ về Dorothy là mặc dù trở lại Công Giáo, chủ nghĩa tranh đấu xã hội và vô chính phủ của bà vẫn còn đó. Đức Bênêđíctô XVI coi bà như một điển hình “hành trình đức tin... trong môi trường duy tục hóa”. Đức Phanxicô coi bà là một trong bốn người Hoa Kỳ vĩ đại; ba người kia là Abraham Lincoln, Martin Luther King và Thomas Merton.

Catherine de Hueck Doherty (1896-1985): Lãnh tụ đòi công lý xã hội người Gia Nã Đại và sáng lập viên hình thức tông đồ Madonna House. Trở lại từ Chính thống giáo Nga, án phong thánh của bà được mở năm 2000 và do đó, giống Dorothy Day, bà được gọi là Tôi Tớ Thiên Chúa.

Diana Dors (1931-1984): Nữ tài tử người Anh, được coi như “trái bom tóc hoe” (blonde bombshell) trong các cuốn phim.

Đức Hồng Y Avery Dulles (1918-2008): Tu sĩ Dòng Tên Hoa Kỳ, thần học gia và Hồng Y, con trai cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ John Foster Dulles.

Newt Gingrich (b. 1943): Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ từ 1995 tới 1999, đồng thời là một tác giả, ứng cử viên tổng thống và sử gia.

Rumer Godden (1907-1998): Tiểu thuyết gia người Anh nổi tiếng hơn cả nhờ các tiểu thuyết Black Narcissus In This House of Brede.

Graham Greene (1904-1991): Nhà văn Anh, nổi tiếng hơn cả trong các giới Công Giáo nhờ các tiểu thuyết Brighton Rock, The Power and the Glory, The Heart of the Matter và The End of the Affair.

Sir Alec Guinness (1914-2000): Tài tử người Anh đoạt giải Oscar về “Tài tử Hay nhất” năm 1957 nhờ cuốn phim The Bridge on the River Kwai (Cầu Sông Quai).

Scott Hahn (b. 1957): Thần học gia Thánh kinh, nhà hộ giáo và nhà văn viết rất nhiều, và là một diễn giả. Vợ ông, Kimberly, cũng là một tân tòng.

Susan Hayward (1917-1975): Nữ tài tử đoạt giải Oscar trong vai trò tử tội Barbara Graham của phim I Want to Live! (1958).

Elisabeth Hesselblad (1870-1957): Tân tòng người Thụy Điển trở lại từ giáo hội Luthêrô và sáng lập viên Dòng Nữ Tu Bridgettine, bà được Đức Giáo Hoàng Phanxicô phong thánh năm 2015.

Dietrich von Hildebrand (1889-1977): Triết gia và thần học gia người Đức, được nhiều vị Giáo Hoàng tôn vinh vì các đóng góp vĩ đại của ông vào tư duy Công Giáo.

Katharine, Nữ Công tước Kent (b. 1933): Phu nhân của Hoàng tử Edward, Công tước Kent (Cháu trai Vua George V và Hoàng hậu Mary và em họ Nữ hoàng Elizabeth II), thành viên hoàng gia đầu tiên trở lại Công Giáo từ năm 1701.

Joyce Kilmer (1886-1918): Thi sĩ, nhà báo và chủ bút Hoa Kỳ, nổi danh hơn cả nhờ bài thơ ngắn Trees (1913). Ông bị giết năm 1918 cuối Thế chiến I.

Russell Kirk (1918-1994): Lý thuyết gia chính trị Hoa Kỳ và là một trong các nhân vật có ảnh hưởng hơn hết trong phong trào bảo thủ Hoa Kỳ.

Dean Koontz (b. 1945): Tiểu thuyết gia viết nhiều, từng bán hơn 450 triệu bản các cuốn tiểu thuyết của ông.

Clare Boothe Luce (1903-1987): Người phụ nữ Hoa Kỳ đầu tiên được cử làm đại sứ tại một nhiệm sở quan trọng, là dân biểu Hạ viện Hoa Kỳ từ 1943 tới 1947, và là một nhà văn và kịch tác gia.

Đức Hồng Y Jean-Marie Lustiger (1926-2007): Tổng Giám Mục Paris từ 1981 tới 2005, là Hồng Y từ năm 1983 và là người cổ vũ cuộc đối thoại Công Giáo-Do Thái giáo. Ngài từ Do Thái Giáo trờ lại Công Giáo.

Gabriel Marcel (1889-1973): Triết gia Pháp, kịch tác gia và triết gia hiện sinh nổi tiếng nhờ tác phẩm The Mystery of Being (Huyền Nhiệm Hữu Thể).

Jacques Maritain (1882-1973): Triết gia Pháp, tác giả của hơn 60 cuốn sách và là một trong các nhân vật chủ chốt trong việc phục hồi chủ thuyết Tôma thời hiện đại. Ông và vợ, là Raïssa, trở lại Công Giáo năm 1906.

Norma McCorvey (1947-2017): Nguyên đơn trong vụ nổi đình đám Roe v. Wade năm 1973 hợp pháp hóa phá thai, sau đó đã trở thành phò sinh. Mới đây, có tin cho hay: lúc sắp qua đời, bà tuyên bố lý do phò sinh là vì bị mua chuộc.

Marshall McLuhan (1911-1980): Giáo sư, triết gia và lý thuyết gia truyền thông người Gia Nã Đại, nổi tiếng nhờ sáng chế kiểu nói “phương tiện truyền thông là một sứ điệp” và “làng hoàn cầu”.

Thomas Merton (1915-1968): Đan sĩ dòng Trappist người Hoa Kỳ, linh mục, thi sĩ, nhà hoạt động xã hội và là một trong các tân tòng Công Giáo nổi tiếng nhất và gây tranh cãi nhiều nhất trong thế kỷ 20.

Vittorio Messori (b. 1941): Nhà báo Ý nổi tiếng nhờ các cuộc phỏng vấn xuất bản thành sách The Ratzinger Report: An Exclusive Interview on the State of the Church (1985) và Crossing the Threshold of Hope của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II (1994).

Malcolm Muggeridge (1903-1990): Nhà báo, nhà thơ trào phúng và tác giả người Anh. Ông trở thành người Công Giáo năm 1982 cùng với vợ, Kitty, phần lớn nhờ ảnh hưởng của Thánh Têrêxa Calcutta.

Bernard Nathanson (1926-2011): Bác sĩ y khoa Hoa Kỳ và là thành viên sáng lập của tổ chức NARAL Pro-Choice America (phò phá thai), nhưng đã tham gia phong trào phò sinh trong thập niên 1970.

Hoàng hậu Nazli (1894-1978): Hoàng hậu Ai Cập từ năm 1919 tới năm 1936 trong tư cách là vợ thứ hai của Vua Fuad và là mẹ của Vua Farouk Ai Cập. Bà và con gái, Fathia, từ Hồi Giáo gia nhập Công Giáo năm 1950.

Patricia Neal (1926-2010): Nữ tài tử đoạt giải Academy Award nhờ diễn xuất trong phim Hud (1963). Bà trở lại Công Giáo ít tháng trước khi qua đời.

Richard John Neuhaus (1936-2009): Cựu mục sư Luthêrô, nhà văn, thần học gia và sáng lập viên và chủ bút tập san First Things.

Robert Novak (1931-2009): Nhà báo, phụ trách cột báo và bình luận gia chính trị bảo thủ.

Joseph Pearce (b. 1961): Nhà văn và viết tiều sử văn học người Anh.

Walker Percy (1916 -1990): Văn sĩ Hoa Kỳ được yêu mến nhờ các tiểu thuyết viết về cuộc vật lộn của con người với tính hiện đại.

Knute Rockne (1888-1931): Huấn luyện viên gốc Na Uy của đội túc cầu Notre-Dame từ 1918 tới 1930 và được coi là một trong các huấn luyện viên vĩ đại nhất trong lịch sử thể thao.

Adrienne von Speyr (1902-1967): Y sĩ, nhà văn linh đạo và huyền nhiệm học người Thụy Sĩ, tác giả của hơn 60 cuốn sách về linh đạo và thần học.

Thánh Teresa Benedicta Thánh giá (Edith Stein) (1891-1942): Triết gia Đức gốc Do Thái và Nữ tu dòng Cát Minh, chết tại Auschwitz. Bà được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong thánh năm 1998. Bà là một trong sáu vị thánh quan thầy của Âu Châu.

Sigrid Undset (1882-1949): Tiểu thuyết gia Na Uy, được giải thưởng Nobel về Văn Chương năm 1928.

Evelyn Waugh (1903-1966): Nhà văn Anh nổi tiếng nhờ tiểu thuyết Brideshead Revisited (1945).

John Wayne (1907-1979): Tài tử đoạt giải Academy Award, được yêu mến trong các phim Miền Tây và chiến tranh.

Israel Zolli (1881-1956): Học giả Ý gốc Do Thái và là trưởng giáo sĩ Do Thái Giáo ở Rôma từ 1940 tới 1945. Là một người bạn của Đức Piô XII, ông từ Do Thái Giáo trở lại Công Giáo năm 1945.
 
Tổng thống Mễ Tây Cơ chỉ là con ma nhà họ Hứa. Các linh mục bị giết. Cảnh sát trưởng bị ám sát
Đặng Tự Do
17:03 26/06/2020
Cảnh sát trưởng thành phố Mexico đã bị bắn và bị thương. Hai vệ sĩ của ông ta bị giết cùng với một người phụ nữ qua đường trong một vụ ám sát y như trong xinê vào đầu ngày thứ Sáu 26 tháng 6. Một trong những băng đảng ma túy mạnh nhất tại Mexico, Jalisco New Generation Cartel, gọi tắt là CJNG, bị tình nghi gây ra vụ ám sát kinh hoàng này.

Lúc 6g30 sáng giờ địa phương, Omar Garcia Harfuch, cảnh sát trưởng thành phố Mễ Tây Cơ, đang di chuyển tại một khu phố hạng sang giữa thủ đô Mễ Tây Cơ trong một chiếc xe SUV được trang bị kính chống đạn thì bị một chiếc xe tải lớn và một chiếc xe nhỏ hơn lao vào chận đường. Sát thủ trên hai chiếc xe này bắn tới tấp vào xe cảnh sát trước khi rút lui an toàn. Toàn bộ vụ tấn công được ghi lại trên các camera an ninh gần đó y hệt như trong các cuốn phim bạo lực của Holywood.

Omar Garcia Harfuch bị 3 vết thương nhưng may mắn sống sót. Khoảng ba giờ sau đó, từ giường bệnh của mình, Garcia đã gửi đi một tin nhắn trên Twitter cáo buộc vụ tấn công mình và cái chết của hai vệ sĩ là một “cuộc tấn công hèn nhát” do bọn CJNG, một băng đảng khét tiếng bạo lực nhất ở Mễ Tây Cơ thực hiện.

Một phụ nữ 26 tuổi đang lái một xe hơi cùng người thân đi bán thức ăn đường phố gần đó cũng bị giết trong vụ xả súng làm kinh hoàng khu phố Lomas de Chapultepec. Khu vực này là nơi cư trú của nhiều người giàu có và có nhiều tòa đại sứ.

Garcia bị thương ở vai, xương đòn và đầu gối, Bộ trưởng An ninh Alfonso Durazo nói trong một cuộc họp báo.

CJNG hiện được lãnh đạo bởi một cựu sĩ quan cảnh sát và có trụ sở tại bang Jalisco phía tây Mễ Tây Cơ. CJNG đã bị quy trách nhiệm vì đã thúc đẩy mức độ bạo lực kỷ lục ở Mễ Tây Cơ trong các trận chiến nhằm loại bỏ các đối thủ để kiểm soát việc buôn bán ma túy và các hoạt động tội phạm khác.

Trong thời gian gần đây, các Giám Mục Mễ Tây Cơ nhiều lần công khai bày tỏ sự thất vọng đối với tổng thống Andrés López.

Trong chiến dịch tranh cử hồi năm 2018, Andrés López hứa hẹn sẽ có các phương án vãn hồi trật tự tại Mễ Tây Cơ. Ông thắng cử dễ dàng vì người dân Mễ Tây Cơ âu lo trước tình trạng an ninh trật tự dưới thời tổng thống Enrique Nieto. Tuy nhiên, từ ngày ông Andrés López cầm quyền, tình trạng xem ra càng thê thảm hơn. Ông thực ra chẳng có đối sách gì cả và ngày càng lúng túng trong việc điều hành đất nước.

Tháng 10 năm ngoái, trong một diễn biến hết sức bi đát, giáo phận Cuernavaca đã phải đình chỉ tất các Thánh lễ buổi tối vì tình trạng bất an trong thành phố và bang Morelos. Ngay cả lễ Đêm Giáng Sinh cũng bị hủy bỏ.

Từ năm 2012 đến nay, 27 linh mục đã bị giết tại Mễ Tây Cơ. Đất nước này tiếp tục là quốc gia nguy hiểm nhất trên thế giới đối với các linh mục. Theo nhận định của Cha Omar Sotelo, là Giám đốc Trung tâm Truyền thông Đa phương tiện Mễ Tây Cơ, “Bạo lực chống lại hàng giáo phẩm đã tăng lên trong những năm gần đây mà không thấy có những hành động cụ thể nào để ngăn chặn nó. Dân chúng luôn phải đối mặt với những tội ác, chúng ta biết rõ điều đó, nhưng bây giờ trên hết, chức tư tế đã trở thành một chức vụ nguy hiểm; trong chín năm qua, Mễ Tây Cơ là nước có nhiều linh mục bị giết nhất trên thế giới.”

Trong năm 2019 vừa qua, có 1 linh mục bị giết tại Mễ Tây Cơ. Hôm 23 tháng Tám, 2019, Cha José Martín Guzmán Vega, 55 tuổi, 15 năm trong chức linh mục, đã bị đâm chết tại thành phố Matamoros, giáp giới với thành phố Brownsville, Texas. Ngài là linh mục thứ 27 bị giết trong vòng 7 năm liên tiếp trong đó năm nào cũng có một vài linh mục bị giết ở quốc gia này.

Trước đó, ngày 3 tháng Tám, 2019, cha Aarón Méndez Ruiz giám đốc một trung tâm tạm trú cho người tị nạn bị bắt cóc vì ngài cố gắng ngăn cản một bọn tội phạm đến trung tâm này bắt các người tị nạn để đòi tiền chuộc. May mắn, ngài được giải thoát sau đó.

Chiều ngày 22 tháng Bẩy, 2019, cha Juvenal Candía Mosso đang đi trên một chiếc taxi trên đường đến thăm một nhà tù thì bị bắn nhiều phát súng khi đi ngang qua Đại Chủng Viện Thánh Giuse ở thành phố Cuernavaca. Người tài xế xe taxi đã chết vì những vết thương quá nặng do bị trúng nhiều phát đạn. Cha Juvenal may mắn thoát chết.

Đầu năm nay, Cha Roly Candelario Piña Camacho, một linh mục thuộc Dòng Cha Piarist đang làm mục vụ tại Giáo phận Tlaxcala, đã được tìm thấy bị thương nặng máu me lai láng ở bên cạnh đường cao tốc liên bang México-Puebla hôm 6 tháng Giêng.

Theo các báo cáo sơ khởi của các phương tiện truyền thông địa phương, ngài đã bị bắt cóc vài ngày trước đó. Bọn bắt cóc yêu cầu các thành viên trong gia đình ngài trả tiền chuộc mạng, nhưng họ không có tiền trả. Chúng bắn ngài bốn phát và mang ngài ra bỏ ở bên cạnh đường cao tốc. Một người “Samaritanô nhân lành” đã dừng xe lại, gọi cảnh sát. Sau đó, ngài được chuyển đến một bệnh viện địa phương, nơi Lực lượng Vệ binh Quốc gia đang canh gác nghiêm ngặt đề phòng bọn tội phạm gây thêm bạo lực.

Trong tuyên bố được đưa ra hôm 7 tháng Giêng, giáo phận Tlaxcala cho biết nếu không có người “Samaritanô nhân lành” này chắc chắn vị linh mục đã chết vì mất máu. Tuyên bố nói thêm:

“Giáo phận Tlaxcala bày tỏ sự đoàn kết và gần gũi về tinh thần với Cha Roly, cộng đồng dòng linh mục Piarist và gia đình ngài. Chúng tôi cầu nguyện cho sự chấm dứt bạo lực và cho mạng sống con người được tôn trọng”.


Source:Reuters
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Vụ đốt nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế đường Kỳ Đồng Sàigon, từ những góc nhìn
Gioan Lê Quang Vinh
11:33 26/06/2020
Hai hôm nay nhiều người xôn xao về vụ một anh chạy xe ôm đốt nhà thờ Kỳ Đồng. Kết luận của nhà chức trách: anh ta bị tâm thần. Chuyện anh ta bị tâm thần thế nào thì bác sĩ biết, anh ta biết, ở đây chúng tôi không có ý kiến gì vì không thuộc lãnh vực của mình. Tuy nhiên, tưởng cũng cần nhắc lại lời một vị quan thanh liêm ngày xưa: “Trên có Trời biết, dưới có đất biết”.

Cũng có vài vị quản lý cơ sở tôn giáo có tinh thần đơn sơ một cách ngoan hiền nên tin cái rụp. Nhưng thôi, chuyện đó cũng không thuộc lãnh vực của người viết.

Ở đây chúng ta thừ xét sự việc trên đây từ góc độ pháp luật và từ góc độ Học Thuyết Xã Hội Công Giáo.

Về pháp luật: Theo nguyên tắc (người viết nhấn mạnh), chùa, nhà thờ, thánh đường, thánh thất, đình, đền, miếu, trụ sở tổ chức tôn giáo, các cơ sở đào tạo của tổ chức tôn giáo, kinh bổn sách và các đồ dùng thờ cúng được pháp luật bảo hộ. Như vậy, bất kỳ hành vi nào cố ý phá hoại các tài sản đó sẽ bị xử phạt.

Căn cứ Điều 143 Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi 2009 và Khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP thì hình phạt cho người đốt nhà thờ có thể như sau: phạt tù từ hai năm đến bảy năm với hành vi dùng chất nổ, chất cháy hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm khi có hành vi gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng.

Còn nếu người phạm tội mà bị tâm thần thì sao?

Khoản 1, điều 49 Bộ Luật Hình sự 2015 quy định: Đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh quy định tại Điều 21 của Bộ luật này, Viện kiểm sát hoặc Tòa án căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh.

Tại khoản 2, Điều 49 của Bộ Luật Hình sự 2015 cũng quy định người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng đã lâm vào tình trạng quy định tại khoản 1 thì trước khi bị kết án cũng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh và sau khi khỏi bệnh, người đó phải chịu trách nhiệm hình sự.

Xét dưới góc độ Học Thuyết Xã Hội Công Giáo:

Giáo Lý Công Giáo dạy: “Khủng bố là một trong những hình thức bạo lực tàn ác nhất gây kinh hoàng cho cộng đồng thế giới hiện nay; nó gieo thù hận, chết chóc, cũng như thôi thúc báo thù và trả đũa”(x. GLHTCG. 2297, HTXH 513)

“Phải lên án chính sách khủng bố một cách tuyệt đối. Chính sách khủng bố là sự khinh rẻ hoàn toàn mạng sống con người, và vì thế, không bao giờ có thể biện minh được: vì con người luôn luôn là cứu cánh chứ không bao giờ là phương tiện. Các hành vi khủng bố đánh thẳng vào phẩm giá con người và xúc phạm tới toàn thể nhân loại: “bởi đó, mọi người có quyền chống lại chính sách khủng bố” (HTXH 514, x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Ngày Thế giới Hoà bình năm 2002)

Cũng theo luân lý Kitô giáo, đây là tội phạm thánh vì đã xúc phạm nơi thánh.

"Điều 1205 Giáo Luật 1983 quy định: "Nơi thánh là những nơi đã được cung hiến hay được phép theo quy định của các sách phụng vụ, để dùng vào việc thờ phượng Thiên Chúa hay đề mai táng các tín hữu".

Một hành động vừa vi phạm pháp luật, vừa trái luân lý Kitô giáo một cách nghiêm trọng như thế không thể xem như chuyện đùa hay chuyện phòng ngừa kẻ tâm thần. Bác ái Kitô giáo đòi chúng ta yêu thương, cầu nguyện cho con người là nạn nhân của “tâm thần” như thế. Nhưng sự khôn ngoan của người môn đệ Chúa khi ra đi loan báo Tin Mừng lại đòi chúng ta cẩn trọng, e dè trước nhiều vụ phạm thánh.

“Xin cho Nước Chúa trị đến”.

Gioan Lê Quang Vinh
 
Thánh Lễ Cầu Bình An Cho Các Cộng Sự Viên VietCatholic Tại Sydney
Diệp Hải Dung
21:22 26/06/2020
Thánh Lễ Cầu Bình An Cho Các Cộng Sự Viên VietCatholic Tại Sydney

Tối thứ Sáu 26/06/2020 các anh chị em cộng sự viên của Viecatolic Network ở Sydney đã đến Trung Tâm Hành Hương Thánh Mẫu Bringelly Sydney tham dự Thánh lễ đâc biệt Cầu Bình An và cầu nguyện cho Thân Nhân và Ân Nhân VietCatolic đã qua đời trong kỳ đại dịch Coronavirus 2020. Thánh lễ được trực tuyến online do Cha Paul Văn Chi Phó Giám Đốc VietCatholic Chủ tế và Cha Phêrô Trần Văn Trợ cùng hiệp dâng Thánh lễ.

Xem Hình

Sau khi kết thúc Thánh lễ. Cha Paul Văn Chi và các anh chị em cộng sự viên VietCatholic Sydney họp dự thảo về chương trình Tuổi Trẻ và Gia Đình sẽ phổ biến trên VietCatholic trong tương lai.

Diệp Hải Dung
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Biểu tưởng sụp đổ
Đinh Quân
11:58 26/06/2020
Biểu tưởng sụp đổ

Những tượng đài bị giật đổ với thủ đoạn chính trị hay thù hận?? ?

-“Chế độ kiểm duyệt phá bỏ quá khứ tồi tệ này đang xúc phạm tới tất cả chúng ta, những công dân Mỹ yêu quí. Họ muốn phá hủy di sản của chúng ta, để họ có thể áp đặt chế độ áp bức mới vào vị trí thay thế…” ( Lời tuyên bố của TT Donald Trump trong cuộc vận động tranh cử tại Tulsa, Oklahoma ngày 20/6/20 )

-“Không thể lấy thù hận mà loại bỏ hận thù và chỉ có tình yêu mới xóa được hận thù…”

( Lời Mục sư Martin Luther King, lãnh đạo phong trào đòi quyền bình đẳng cho người Da Đen. )

*Trong dòng lịch sử mỗi quốc gia trên thế giới thường có những tượng đài để tưởng nhớ ghi ơn các vị anh hùng có công bảo về đất nước chống ngoại xâm hay các danh nhân giúp nhân loại trong nhiều lãnh vực như khoa học, y tế, chính trị, văn hóa, môi sinh, bác ái…Những biểu tượng có khi lại là thần tượng của một số người ngưỡng mộ.

Tại Hoa Kỳ với biểu tượng Nữ Thần Tự Do trên sông Hudson, New York trong những ngày cuối tháng 5 và tháng 6 vừa qua đã bị tà khí phủ mờ sau cái chết của người da đen tội phạm George Floyd ngày 25/5 bị cảnh sát hành động quá tay ( Những theo một bá cáo xét nghiệm độc tính vừa mới được công

bố thì G.Floyd chết vì trong máu anh ta có chất Fentanyl nồng độ cao gấp 3 lần gây chết ).

Từ sự việc này đã bùng phát những cuộc xuống đường xảy ra trong nước và lan ra 1 số quốc gia trên thế giới với nhiều ngàn người tham gia mang mỹ từ ‘Black Lives Matter’.

Từ ôn hòa nhưng bị lợi dụng đục nước thả câu, trà trộn bới những tổ chức khủng bố Antifa, Thế lực ngầm của phe cấp tiến với Dàn Đội Ngũ Hành Động (Organization For Action) đã lộ rõ mặt, cùng sự tổ chức yểm trợ của Đảng Cộng Sản Tàu…

Bọn côn đồ đã gây hoảng loạn đốt phá cướp của khiến nhiều người tử vong và bị thương tích,

trong đó có cả cảnh sát với nhiệm vụ giữ an ninh và bảo vệ sinh mạng, tài sản cho dân chúng.

Những cảnh hỗn loạn trên, truyền thông, báo chí đã nói đến rất nhiều, nên bài viết này chỉ xin lược qua vài hình ảnh giật phá tượng đài tại nhiều nơi trong nước và hải ngoại mà những kẻ biểu tình gán ghép tội là cổ xúy chế độ nô lệ, đàn áp da màu, hủy hoại văn hóa dân tộc thiểu số:

- Tượng đài Tổng thống George Washington, được mệnh danh là ‘Người cha lập quốc’ bị phá hủy.

- Tượng TT Andrew Jackson, bị ghép tội bất công với người Da Đỏ qua luật ‘Indian Removal Act’

- Tượng Christopher Columbus, người khám phá ra Mỹ châu.

- Tượng Francis Scott, tác giả quốc ca Hoa Kỳ.

- Tượng tướng Ulysses Grant, chiến thắng trong cuộc nội chiến và dứt bỏ chế độ nô lệ.

Và 1 số tượng khác ở nhiều nơi……………..

- Những người biểu tình cũng loại bỏ cả tượng ảnh Công Giáo mà Shau King người tranh đấu cho

Phong trào ‘Black Lives Matter’ kêu gọi dẹp bỏ tranh tượng Thiên Chúa, Đức Mẹ và Các Thánh và hắn ngu xuẩn hàm hồ nói là những ảnh tượng này là dạng thức thô bạo của chủ nghĩa da trắng. Chúng được tạo ra như một công cụ áp bức và tuyên truyền phân biệt chủng tộc…

Tại San Francisco, CA chúng đã kéo đổ tượng Thánh Junipero Serra, vị Linh mục Tây Ban Nha, người sáng lập Sứ vụ tôn giáo.

- Thêm vào đó, bà chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi ra lệnh di dời 4 chân dung cựu chủ tịch Hạ viện Liên minh Miền Nam khỏi tòa nhà Hạ viện và loại bỏ 11 tượng trong bộ sưu tập Hội trường tượng đài quốc gia.

- Phong trào biểu tình lan qua nhiều quốc gia khác, đặc biệt tại Anh quốc tượng Edward Colton bị kéo

qua nhiều khu phố trước khi đẩy xuống biển- Tượng nhà buôn nô lệ Robert Miligan bị gỡ bỏ-

Tượng Cecil Rhodes dùng người Phi châu khai phá tài nguyên để làm giàu- Tượng Robert Powell, người sáng lập phong trào Hướng Đạo Sinh phải di dời để bảo quản.

-Tại Bỉ, tượng vua Leopold cũng phải dọn đi vì bị cáo buộc đã đối xử tàn bạo với người Da Đen tại thuộc địa Congo…

…………….

*Viết đến đây, tôi lại nghĩ đến Trung quốc và Việt Nam, không cần phải đợi đến phong trào ‘BLM’ nổi dạy tại Mỹ, việc xóa bỏ các biểu tượng – nhất là về tôn giáo- đã xảy ra từ lâu rồi.

-Tại Trung quốc, theo nhật báo Pháp Le Figaro cho hay Tập Cẩm Bình muốn viết lại Kinh Thánh theo đường lối của đảng CS. Tờ báo này viết :”Từ giờ trở đi Kinh Thánh sẽ phải tuân thủ theo kinh Mác-Lê, pha trộn màu sắc Trung quốc và các truyện về Chúa Giê-su sẽ phải ở trong đường lối của đảng. Nên Bắc kinh mở những cuộc tấn công nhắm vào các tôn giáo, không chỉ Thiên Chúa giáo và Phật giáo mà cả

Tin Lành và Hồi giáo.

Tại Liêu Ninh, tượng Phật cao 20m bị chỉnh sửa đầu thành bông sen.

Tượng Địa Tạng Bồ Tát 10m tại nghĩa trang Tuấn Long Tuyền bị xây bít 4 mặt.

Tỉnh Sơn Đông chi 400 ngàn nhân dân tệ để phá bỏ tượng Phật cao 30m.

Nhiều nhà thờ Công Giáo bị phá hủy, Thánh giá được thay bằng cờ Trung cộng, các tượng thánh bị đập phá hay chặt đầu.

Trường Công Giáo Giang Tây, chân dung ông Tập được thay thế ảnh Đức Mẹ Maria.

-Tại Việt Nam, khi bọn cộng sản Miền Bắc sau khi cưỡng chiếm Miền Nam đã giật sập một số tượng mà chúng ngụy biện là tội đồ của nhân dân như :

-Tượng Hai Bà Trưng tại bến Bạch Đằng, chúng cho là hình tượng của mẹ con bà Trần Lệ Xuân và con gái là Ngô đình Lệ Thủy.

-Tượng chiến sĩ QLVNCH trước tòa nhà Quốc Hội VNCH.

-Tượng Tiếc Thương trước cổng vào Nghĩa Trang Tử Sĩ Quân Đội VNCH.

……………..

*Trước những cuộc xuống đường đập phá các biểu tượng xảy ra tại Hoa kỳ, người viết có đôi dòng suy tư nhỏ nhận định như sau :

- Hành động đập bỏ các tượng đài thật ngu ngốc không hiểu rõ về đối tượng phá hủy, giống hết Trung cộng và Việt cộng.

- Rất thất vọng và khó hiểu về một TT tiền nhiệm thay vì giúp kinh nghiệm cho TT kế nhiệm lại tìm mọi cách lật đổ người đã được dân bầu lên hợp pháp !!!

- Chống kỳ thị phân biệt chủng tộc màu da chỉ là cái cớ mặt nổi bên ngoài.

- Không phải chỉ chống Cảnh sát đàn áp và đòi dẹp bỏ ngành Cảnh sát.

- Đề cao chủ nghĩa xã hội- chủ nghĩa cộng sản qua những hành động đã lộ ra.

- Phe cấp tiến dân chủ chống phe bảo thủ cộng hòa để tranh giành địa vị, không phải là yêu nước.

- Nhưng mục đích tiên quyết vẫn là kiếm phiếu trong mùa bầu cử sắp đến và bằng mọi thủ đoạn bỉ ổi

để lật đổ vị Tổng Thống đương nhiệm Donald Trump.

Chúng ta hãy đoàn kết ủng hộ Vị Tổng Thống thứ 45 để lèo lái Hoa Kỳ thoát khỏi tai kiếp Cộng sản.

Chúng ta hãy cầu nguyện để chủ nghĩa Cộng sản tàn bạo sẽ hoàn toàn sụp đổ trên toàn thế giới và khi đó những tà tượng Mao Trạch Đông tại Trung cộng, Hồ chí Minh tại Việt Nam và Kim Nhật Thành &

Kim Chính Nhật, Bắc Triều Tiện sẽ bị người dân lôi cổ xuống đập bỏ như những tên độc tài tàn bạo khi chế độ Cộng sản sụp đổ tại Liên Sô và Đông u.

Đinh Quân
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Thống kê về Giáo Hội Công Giáo nước Đức năm 2019.
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
12:05 26/06/2020
Thống kê về Giáo Hội Công Giáo nước Đức năm 2019.

Người tín hữu Công Giáo cũng như Tin lành nước Đức, theo khế ước giữa Giáo hội và chính phủ đất nước qui định, trong thời gian còn lao động làm việc có lương, hằng tháng phải đóng thêm tiền thuế cho Giáo hội.

Và cũng có luật lệ kèm theo, người lao động được quyền ra tòa án xin giấy tờ chứng minh ra khỏi đời sống sinh hoạt Giáo hội. Và như thế không phải đóng thêm khoản thuế cho Giáo hội nữa.

Lý do quay lưng lại với đời sống sinh hoạt Giáo hội có nhiều, như bất mãn với Giáo hội, xa lạ dửng dưng với đời sống đức tin trong Giáo hội, không còn thấy có lợi gì nữa trong Giáo hội, thấy có những khủng hoảng bê bối trong Giáo hội, cho rằng đời sống đạo giáo luân lý của Giáo hội không còn hợp với đời sống thực dụng trong xã hội nữa…

Vì thế luôn có những người tín hữu rời bỏ Giáo Hội thông qua hình thức giấy tờ. Những người xin ra khỏi đời sống sinh hoạt Giáo hội cho rằng: họ không bỏ đạo bỏ đức tin vào Chúa, mà muốn sống không bị ràng buộc gì với Giáo hội!

Giáo hội thì không nghĩ như thế: quyền lợi và bổn phận phải đi đôi liền với nhau. Vì thế, có luật của Giáo hội qui định, người quay lưng rời bỏ Giáo hội thì cũng không được hưởng quyền lợi của một người tín hữu trong Giáo hội.

Dẫu vậy Giáo hội vui mừng vẫn mở rộng cánh cửa thánh đường tiếp đón những người thành thực quay trở lại với đời sống sinh hoạt trong Giáo Hội qua việc tuyên xưng đức tin trở về với Giáo hội và được Giáo hội chứng nhận.

Hằng năm Giáo Hội Công Giáo đều đưa ra những con số thống kể về tình trạng đời sống năm vừa qua tiến triển như thế nào.

Hôm thứ sáu ngày 26.06.2020 những con số thống kê cho năm 2019 được Hội Đồng Giám Mục Công Giáo nước Đức công bố:

1. Số người tín hữu Công Giáo nước Đức là 22.600.371, tương đương với 27, 2 phần trăm dân số nước Đức.
2. Số xứ đạo sau khi nhiều xứ đạo nhỏ cạnh nhau được liên kết chung hợp lại thành liên xứ đạo: 9.936 - (Năm 2018 có 10.045 xứ đạo)
3. Số linh mục: 12.983 - (Năm 2018 có 13.285 linh mục.)
4. Số người tham dự thánh lễ 9, 1 phần trăm ( Năm 2018 có 9, 3 phần trăm).
5. Bí tích hôn phối có 38.537 đôi vợ chồng trẻ lãnh nhận ( năm 2018 có 42.789 đôi vợ chồng trẻ).
6. Bí tích Rửa tội có 159.043 trẻ em, ( năm 2018 có 167.787 trẻ em)
7. Xưng tội rước lễ lần đầu có 166.481 bạn trẻ ( Năm 2018 có 171.336 trẻ em).
8. Người qua đời chôn cất theo nghi thức Công Giáo có 233.937. ( Năm 2018 có 243.705 người)
9. Số Tân tòng gia nhập Công Giáo 2.330 người ( Năm 2018 có 2442 người)
10. Số trở lại Giáo hội sau khi đã ra khỏi Giáo hội 5.339 người - ( Năm 2018 có 6.303 người)
11. Quay lưng rời bỏ Gíao hội 272.771 người - ( Năm 2018 có 216.078 người).

Những con số thống kê này vẽ nên bức tranh thực tế với những thất thoát thua thiệt không đẹp, buồn nhiều hơn vui, lo nghĩ tư lự nhiều hơn an tâm, nhiều thách đố đòi hỏi phải đổi mới phát triển đặt ra hơn là tiếp tục đi như đã cùng đang là.

Trung thành với sứ mệnh Chúa trao cho, nên từ nhiều năm qua Giáo Hội Công Giáo nước Đức luôn đi tìm con đường làm chứng loan báo tin mừng của Chúa cho có hiệu qủa tốt đẹp, làm sao cho hình ảnh Thiên Chúa, hình ảnh Giáo hội sống động trong đời sống con người giữa lòng xã hội luôn có nhiều biến chuyển thay đổi càng ngày càng đi sâu vào tình trạng tục hóa các giá trị đạo đức tinh thần.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Ao Sen
Đặng Đức Cương
11:37 26/06/2020
AO SEN
Ảnh của Đặng Đức Cương

Hè về Sen nở đầy ao
Hương Sen ngan ngát thanh tao dịu dàng
(bt)
 
VietCatholic TV
Phước hay họa khi Trung Quốc công nhận thêm một Giám Mục Thầm Lặng? Câu chuyện anh em Đức Bênêđíctô
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:20 26/06/2020

1. Trung Quốc công nhận thêm một Giám Mục Thầm Lặng

Trung Quốc vừa công nhận thêm một Giám Mục Thầm Lặng nữa là Đức Cha Phêrô Lý Huệ Nguyên (Li Huiyuan - 李慧源)năm nay 55 tuổi. Năm 2015, ngài được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm là Giám Mục Phó giáo phận Phượng Tường (Fengxiang -凤翔) thuộc tỉnh Thiểm Tây (Shaanxi-陕西) nhưng không được bọn cầm quyền Trung Quốc công nhận. Đến năm 2017, ngài trở thành Giám Mục bản quyền của giáo phận khi Đức Cha Luca Lý Cảnh Phong (Ly Jing Feng - 李景峰)qua đời.

Nhiều giám mục từ Thiểm Tây đã tham dự buổi lễ chính thức nhận tòa của ngài.

Do các quy định liên quan đến đại dịch, vẫn còn hiệu lực chỉ có 300 người có thể tham dự buổi lễ tại nhà thờ, cùng với một số đại diện của chính quyền dân sự.

Giáo phận Phượng Tường có khoảng 20, 000 tín hữu Công Giáo, 50 linh mục và 200 nữ tu.

Đức Cha Luca Lý Cảnh Phong là người không bao giờ chấp nhận Hội Công Giáo Yêu Nước do cộng sản lãnh đạo.

Trươc đó, hôm 9 tháng 6 năm 2020: sau 4 năm được Tòa Thánh bổ nhiệm, Ðức Cha Phêrô Lâm Gia Thiện (Lin Jiashan - 林家善), 86 tuổi, đã chính thức nhận chức vụ Tổng Giám Mục giáo phận Phúc Châu (Fuzhou) tỉnh Phúc Kiến (Fujian - 福建)sau khi được bọn cầm quyền Trung Quốc công nhận.

Lễ nghi nhậm chức tại nhà thờ Phiếm Thuyền Phổ (Fanchuanpu), cũng gọi là Nhà Thờ Ðức Mẹ Mân Côi ở thành phố Phúc Châu, do Ðức Cha Giuse Thái Bỉnh Thụy (Cai Bingrui), Giám Mục giáo phận Hạ Môn (Xiamen), cũng là Chủ tịch Hội Công Giáo yêu nước tỉnh Phúc Kiến, chủ sự trước sự hiện diện của 80 người, trong đó có 50 linh mục.

Tòa Thánh đã im lặng trong cả hai trường hợp các Giám Mục Thầm Lặng vừa được bọn cầm quyền Trung Quốc công nhận. Lý do rất đơn giản: chẳng có gì đáng để hồ hởi phấn khởi, giá phải trả mắc quá. Để được công nhận, cả hai vị Giám Mục phải tuyên thệ gia nhập Hội Công Giáo Yêu Nước. Giáo Hội Thầm Lặng bị xóa sổ tại Phúc Châu và Phượng Tường.

Bọn cầm quyền ở Thiểm Tây từ lâu đã tỏ ra rất nhũn nhặn để lôi kéo các Giám Mục và linh mục vào Hội Công Giáo Yêu Nước. Trái ngược với những gì đang diễn ra tại Thiểm Tây, các giáo phận ở Phúc Kiến, Chiết Giang, Hà Nam, Quảng Đông, Hắc Long Giang đang chịu bách hại rất khắc nghiệt.


Source:Asia News

2. Nhận định của Đức Cha Rudolf Voderholzer: Tình huynh đệ anh em Đức Bênêđíctô khiến người cảm động

Đức Cha Rudolf Voderholzer, Giám Mục Regensburg đã bày tỏ niềm vui trước kết quả tích cực trong chuyến viếng thăm bất ngờ của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 tại Regensburg. “Với chuyến trở về Đức bất ngờ, một kế hoạch không lường trước được, nhanh chóng lên kế hoạch, là một thách thức cho mọi người tham gia, nhưng cuối cùng kết thúc thật tuyệt vời và trên hết, là một chuyến viếng thăm đầy cảm xúc, ” Đức Cha Voderholzer nói như trên trong một cuộc họp báo trong vườn Tòa Tổng Giám Mục Regensburg. Ngài rất nhẹ nhõm và hài lòng vì cuộc gặp gỡ đó rất tích cực và củng cố sức mạnh cho vị Giáo Hoàng đã nghỉ hưu cũng như cho anh trai của ngài, và mọi việc diễn ra không có chút trở ngại nào.

Đức Bênêđíctô XVI đã về đến Vatican. Chiếc máy bay đặc biệt của Không quân Ý đã hạ cánh xuống sân bay quân sự Ciampino vào khoảng 1 giờ chiều ngày thứ Hai 22 tháng 6. Đức Bênêđíctô sau đó đã về đến Tu Viện Mẹ Giáo Hội tại Vatican hơn nửa giờ sau đó. Trước khi khởi hành, Đức Cha Rudolf Voderholzer và Thủ tướng miền Bavaria Markus Söder đã nói lời tạm biệt với ngài tại một sân bay ở Munich. “Chúng tôi chúc ngài được Chúa ban phước lành cho một chuyến bay thuận lợi và hứa với ngài rằng chúng tôi sẽ chăm sóc anh trai của ngài thật tốt, ” Đức Cha Voderholzer nói và cho biết thêm vào sáng thứ Hai, anh em Ratzinger đã gặp nhau lần cuối trước khi Đức Bênêđíctô trở lại Vatican.

Theo Đức Cha Voderholzer, chính tình cảm với người anh trai bị bệnh nặng Georg đã khiến Đức Bênêđíctô thực hiện chuyến đi này. “Tôi cầu chúc mọi người chúng ta có thể trải nghiệm một tình cảm huynh đệ, và một mối quan hệ tốt đẹp như thế, ” Đức Cha Voderholzer nói và nhận định rằng mối quan hệ giữa anh em Ratzinger rất thắm thiết nhưng không bi lụy. Mối quan hệ sống động ấy dựa trên niềm hy vọng, xác tín, và vị tha. Từ khi Đức Bênêđíctô thoái vị đến nay, hai anh em đã gặp gỡ nhau 9 lần, mỗi cuộc gặp gỡ như thế rõ ràng đã mang lại cho họ sức sống, sự can đảm và niềm vui mới.

Đức Cha Voderholzer đã gọi Đức Bênêđíctô là “người xây dựng các nhịp cầu, là người, với phong cách lặng lẽ, thậm chí khiêm tốn và trên hết là nhờ lời nói của mình, đã có thể chinh phục mọi người vào cuộc tìm kiếm để gặp gỡ Chúa Kitô”.

Đức Cha nhận xét rằng trong những ngày viếng thăm này, Đức Bênêđíctô, người đàn ông vĩ đại về tinh thần, đã trải nghiệm sự yếu đuối về thể chất của mình, khi về già và trong sự hữu hạn của mình. Đức Bênêđíctô nói bằng một giọng khàn khàn, gần như thì thầm và phát âm rõ ràng cũng là một vấn đề đối với ngài. Nhưng suy nghĩ của ngài vẫn rất minh mẫn. Tất cả các quá trình cuộc sống hàng ngày, Đức Bênêđíctô phải dựa vào sự giúp đỡ của người khác.

Theo Đức Cha Voderholzer, với một vĩ nhân như Đức Bênêđíctô, có lẽ phải có nhiều can đảm, và khiêm tốn, để đặt mình vào tay người khác và thể hiện điều này trước công chúng. Đức Bênêđíctô đã nói rõ rằng “người ta không thể hoàn toàn che giấu chính mình”.

Đức Cha Voderholzer cho biết ngài cảm thấy Đức Bênêđíctô đã vui như thế nào khi nhìn thấy phong cảnh quen thuộc, những con hẻm và lối đi quen thuộc và trên tất cả nhìn thấy mọi người qua cửa sổ của chiếc xe. “Thực tế là rất nhiều người đã đổ xô ra hai bên đường để chào ngài. Ngài vô cùng cảm động. Đức Bênêđíctô đã phải thu hết sức mạnh còn lại của mình để vẫy tay chào họ.”

“Đức Bênêđíctô đã gặp gỡ chúng tôi trong tất cả những yếu đuối về thể chất của ngài và chúng tôi có thể trải nghiệm những gì thực sự quan trọng vào cuối đời của ngài”.

Đức Giám Mục Regensburg cũng cảm ơn các nhà báo. Họ đã phải tường trình một cách bất đắc dĩ để giữ cho chuyến đi này riêng tư, dù rằng đây là một sự kiện cảm động đối với nhiều người tại Regensburg, cả khu vực, và toàn nước Đức.

Đức Tổng Giám Mục Nikola Eterović, Sứ Thần Tòa Thánh ở Đức, đã đến gặp Đức Bênêđíctô tại Regensburg vào sáng Thứ Bảy. Nhưng chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức là Đức Cha Georg Bätzing của Limburg đã không đến gặp Đức Bênêđíctô 16. Chỉ vài ngày trước chuyến viếng thăm Đức của Đức Bênêđíctô, Đức Cha Bätzing đã lên tiếng chỉ trích một bài khảo luận dài của Đức Bênêđíctô về nguyên nhân dẫn đến tai tiếng lạm dụng tính dục của hàng giáo sĩ.[1]

Đức Cha Bätzing, 59 tuổi, người kế vị Hồng Y Reinhard Marx làm chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức hồi tháng 3, đã kêu gọi Đức Thánh Cha Phanxicô triệu tập một Thượng Hội Đồng Giám Mục ở Rôma để thảo luận về các nghị quyết của “tiến trình công nghị” của Đức ở mức độ Giáo hội hoàn vũ. [2] Những vấn đề tiến trình công nghị Đức muốn thảo luận là thay đổi giáo lý về đạo đức tình dục để chúc lành cho các kết hiệp đồng tính, thay đổi hình thái đời sống linh mục để xoá bỏ luật độc thân linh mục, và phong chức linh mục cho phụ nữ.

“Những gì phát sinh một cách đồng nghị cũng phải được làm rõ và trả lời một cách đồng nghị”, Đức Cha Georg Bätzing nói, giải thích rằng ngài “hoàn toàn ủng hộ việc chuyển đến Rôma, đến cấp độ toàn Giáo hội, những hiểu biết và quyết định mà chúng tôi thu được từ tiến trình công nghị tại Đức liên quan đến vai trò của phụ nữ và công việc mục vụ của Giáo Hội.”

Ngài nói thêm rằng ngài có “những ý tưởng cụ thể về những gì có thể đạt được trong Thượng Hội Đồng Giám Mục” này.

Tuyên bố của Đức Cha Bätzing được đưa ra vào hôm 27 tháng Năm. Đến nay Tòa Thánh không trả lời gì về đề nghị này.

Theo ký giả Sandro Magister, “Synodale Weg” hay “Tiến Trình Công Nghị” ở Đức, càng ngày càng cho thấy nguy cơ lớn hơn đối với Giáo Hội Công Giáo, không riêng ở Đức mà khắp hoàn vũ.

Magister cảnh báo rằng “Tiến Trình Công Nghị” này thực ra đang bước theo ba tiền thân hay ba luồng tư duy Đức ở thế kỷ 19. Cả ba luồng tư tưởng này cuối cùng đã trở thành ly giáo.

[1] New leader of German bishops signals no retreat from progressive line

[2] German bishop calls for Rome synod to discuss German synod


Source:Die Tagestpost
 
Tổng thống Mexico chỉ là con ma nhà họ Hứa. Các linh mục bị giết. Tư lệnh cảnh sát thủ đô bị ám sát giữa ban ngày
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
19:42 26/06/2020

Cảnh sát trưởng thành phố Mexico đã bị bắn và bị thương. Hai vệ sĩ của ông ta bị giết cùng với một người phụ nữ qua đường trong một vụ ám sát y như trong xinê vào đầu ngày thứ Sáu 26 tháng 6. Một trong những băng đảng ma túy mạnh nhất tại Mexico, Jalisco New Generation Cartel, gọi tắt là CJNG, bị tình nghi gây ra vụ ám sát kinh hoàng này.

Lúc 6g30 sáng giờ địa phương, Omar Garcia Harfuch, cảnh sát trưởng thành phố Mễ Tây Cơ, đang di chuyển tại một khu phố hạng sang giữa thủ đô Mễ Tây Cơ trong một chiếc xe SUV được trang bị kính chống đạn thì bị một chiếc xe tải lớn và một chiếc xe nhỏ hơn lao vào chận đường. Sát thủ trên hai chiếc xe này bắn tới tấp vào xe cảnh sát trước khi rút lui an toàn. Toàn bộ vụ tấn công được ghi lại trên các camera an ninh gần đó y hệt như trong các cuốn phim bạo lực của Holywood.

Omar Garcia Harfuch bị 3 vết thương nhưng may mắn sống sót. Khoảng ba giờ sau đó, từ giường bệnh của mình, Garcia đã gửi đi một tin nhắn trên Twitter cáo buộc vụ tấn công mình và cái chết của hai vệ sĩ là một “cuộc tấn công hèn nhát” do bọn CJNG, một băng đảng khét tiếng bạo lực nhất ở Mễ Tây Cơ thực hiện.

Một phụ nữ 26 tuổi đang lái một xe hơi cùng người thân đi bán thức ăn đường phố gần đó cũng bị giết trong vụ xả súng làm kinh hoàng khu phố Lomas de Chapultepec. Khu vực này là nơi cư trú của nhiều người giàu có và có nhiều tòa đại sứ.

Garcia bị thương ở vai, xương đòn và đầu gối, Bộ trưởng An ninh Alfonso Durazo nói trong một cuộc họp báo.

CJNG hiện được lãnh đạo bởi một cựu sĩ quan cảnh sát và có trụ sở tại bang Jalisco phía tây Mễ Tây Cơ. CJNG đã bị quy trách nhiệm vì đã thúc đẩy mức độ bạo lực kỷ lục ở Mễ Tây Cơ trong các trận chiến nhằm loại bỏ các đối thủ để kiểm soát việc buôn bán ma túy và các hoạt động tội phạm khác.

Trong thời gian gần đây, các Giám Mục Mễ Tây Cơ nhiều lần công khai bày tỏ sự thất vọng đối với tổng thống Andrés López.

Trong chiến dịch tranh cử hồi năm 2018, Andrés López hứa hẹn sẽ có các phương án vãn hồi trật tự tại Mễ Tây Cơ. Ông thắng cử dễ dàng vì người dân Mễ Tây Cơ âu lo trước tình trạng an ninh trật tự dưới thời tổng thống Enrique Nieto. Tuy nhiên, từ ngày ông Andrés López cầm quyền, tình trạng xem ra càng thê thảm hơn. Ông thực ra chẳng có đối sách gì cả và ngày càng lúng túng trong việc điều hành đất nước.

Tháng 10 năm ngoái, trong một diễn biến hết sức bi đát, giáo phận Cuernavaca đã phải đình chỉ tất các Thánh lễ buổi tối vì tình trạng bất an trong thành phố và bang Morelos. Ngay cả lễ Đêm Giáng Sinh cũng bị hủy bỏ.

Từ năm 2012 đến nay, 27 linh mục đã bị giết tại Mễ Tây Cơ. Đất nước này tiếp tục là quốc gia nguy hiểm nhất trên thế giới đối với các linh mục. Theo nhận định của Cha Omar Sotelo, là Giám đốc Trung tâm Truyền thông Đa phương tiện Mễ Tây Cơ, “Bạo lực chống lại hàng giáo phẩm đã tăng lên trong những năm gần đây mà không thấy có những hành động cụ thể nào để ngăn chặn nó. Dân chúng luôn phải đối mặt với những tội ác, chúng ta biết rõ điều đó, nhưng bây giờ trên hết, chức tư tế đã trở thành một chức vụ nguy hiểm; trong chín năm qua, Mễ Tây Cơ là nước có nhiều linh mục bị giết nhất trên thế giới.”

Trong năm 2019 vừa qua, có 1 linh mục bị giết tại Mễ Tây Cơ. Hôm 23 tháng Tám, 2019, Cha José Martín Guzmán Vega, 55 tuổi, 15 năm trong chức linh mục, đã bị đâm chết tại thành phố Matamoros, giáp giới với thành phố Brownsville, Texas. Ngài là linh mục thứ 27 bị giết trong vòng 7 năm liên tiếp trong đó năm nào cũng có một vài linh mục bị giết ở quốc gia này.

Trước đó, ngày 3 tháng Tám, 2019, cha Aarón Méndez Ruiz giám đốc một trung tâm tạm trú cho người tị nạn bị bắt cóc vì ngài cố gắng ngăn cản một bọn tội phạm đến trung tâm này bắt các người tị nạn để đòi tiền chuộc. May mắn, ngài được giải thoát sau đó.

Chiều ngày 22 tháng Bẩy, 2019, cha Juvenal Candía Mosso đang đi trên một chiếc taxi trên đường đến thăm một nhà tù thì bị bắn nhiều phát súng khi đi ngang qua Đại Chủng Viện Thánh Giuse ở thành phố Cuernavaca. Người tài xế xe taxi đã chết vì những vết thương quá nặng do bị trúng nhiều phát đạn. Cha Juvenal may mắn thoát chết.

Đầu năm nay, Cha Roly Candelario Piña Camacho, một linh mục thuộc Dòng Cha Piarist đang làm mục vụ tại Giáo phận Tlaxcala, đã được tìm thấy bị thương nặng máu me lai láng ở bên cạnh đường cao tốc liên bang México-Puebla hôm 6 tháng Giêng.

Theo các báo cáo sơ khởi của các phương tiện truyền thông địa phương, ngài đã bị bắt cóc vài ngày trước đó. Bọn bắt cóc yêu cầu các thành viên trong gia đình ngài trả tiền chuộc mạng, nhưng họ không có tiền trả. Chúng bắn ngài bốn phát và mang ngài ra bỏ ở bên cạnh đường cao tốc. Một người “Samaritanô nhân lành” đã dừng xe lại, gọi cảnh sát. Sau đó, ngài được chuyển đến một bệnh viện địa phương, nơi Lực lượng Vệ binh Quốc gia đang canh gác nghiêm ngặt đề phòng bọn tội phạm gây thêm bạo lực.

Trong tuyên bố được đưa ra hôm 7 tháng Giêng, giáo phận Tlaxcala cho biết nếu không có người “Samaritanô nhân lành” này chắc chắn vị linh mục đã chết vì mất máu. Tuyên bố nói thêm:

“Giáo phận Tlaxcala bày tỏ sự đoàn kết và gần gũi về tinh thần với Cha Roly, cộng đồng dòng linh mục Piarist và gia đình ngài. Chúng tôi cầu nguyện cho sự chấm dứt bạo lực và cho mạng sống con người được tôn trọng”.


Source:Reuters