Ngày 21-06-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Linh đạo thời nay (1)
Thiên Phong (dịch)
08:41 21/06/2011
LINH ĐẠO THỜI NAY (1)

Có một mối nguy rõ ràng khi nói về linh đạo thời nay. Người ta có thể nghi ngờ rằng đời sống thiêng liêng mỗi thời mỗi khác, rằng có lẽ ngay cả yếu tính của sự thánh thiện cũng thay đổi theo thời gian. Nhiều người có thể lập luận rằng sự hoàn thiện Kitô giáo, cách nào đó, phụ thuộc vào tính cập nhật, điều mà nói theo ngôn ngữ Thánh Kinh có nghĩa là xuôi theo thế gian và những giá trị thời thượng của thế gian. Thậm chí cũng có nghĩa là nếu một người trước hết không học nghệ thuật trở nên “phù hợp” (ngày nay từ này xem ra đang rất “ăn khách”), thì người ấy không thể nên thánh.

Tất cả những hàm ý trên cho thấy rằng đối với nhiều người trong chúng ta sự thánh thiện dường như có nghĩa tương đương với sự phù hợp! Chúng ta chợt tự hỏi thật chăng đời sống thiêng liêng của hôm nay vẫn không khác với đời sống thiêng liêng của cách đây 10 năm. Nếu không khác, thì sao lại nói về linh đạo thời nay? Còn nếu khác, thì đời sống thiêng liêng hôm nay có còn là đời sống thiêng liêng mà các bậc thầy trong quá khứ đã mô tả rất rành mạch hay không?

Không ít linh mục, tu sĩ (kể cả tu sĩ chiêm niệm), và giáo dân đang cảm thấy lúng túng. Họ nghe nói về nào là thần học mới, luân lý mới, nào là Giáo Hội sau Công Đồng, nào là những người Công Giáo mãi gần đây vẫn còn thuộc về văn hóa thiểu số nhưng nay đã thoát ra khỏi cái gọi là “vành đai cơ chế” để cuối cùng hội nhập vào dòng chảy của xã hội hiện đại. Người ta bảo với chúng ta rằng Giáo Hội đang lớn lên.

Phải chăng dù với bao nhiêu thay đổi ngoạn mục trong Công Giáo như thế, việc theo đuổi sự thánh thiện vẫn không có gì phải thay đổi? Nghĩa là, chúng ta trở lại với câu hỏi phải chăng hôm nay ta vẫn có thể nói về đời sống thiêng liêng theo ngôn ngữ cách đây một thế hệ hay một thập niên. Câu trả lời dứt khoát là CÓ THỂ, vì bất chấp mọi ồn ào tranh cãi, Đức Kitô vẫn là một hôm qua, hôm nay và ngày mai. Các nguyên tắc mà Ngài đã tuyên bố ở Palestine vào thế kỷ thứ nhất vẫn có hiệu lực và vẫn cần thiết cho nước Mỹ ở thế kỷ hai mươi.

Thực ra chính những người đương thời của Đức Giêsu nói chung cũng không chấp nhận lời Ngài; và chuyện xảy ra ở Canvê đã làm chứng quá hùng hồn rằng Ngài đã gây thù chuốc oán do những lời Ngài nói, và (tôi vẫn băn khoăn hoài rằng) họ đã thanh toán Ngài chính vì Ngài đã nói những điều ấy. Nhiều người đương thời của chúng ta hôm nay, nói cho cùng, cũng không mặn mà mấy với giáo huấn của Đức Giêsu. Vì thế, việc người ta chấp nhận hay bài bác Kitô giáo, cách riêng sự thánh thiện Kitô giáo, chẳng phải là điều gì mới mẻ. Đức Giêsu thời ấy có các môn đệ và cũng có những người phỉ báng Ngài; thì thời nay cũng y vậy.

Nếu có gì đặc trưng cho thời đại chúng ta, thì đó là dữ kiện này của lịch sử tôn giáo: ngày nay một số người yêu mến Đức Giêsu đến mức hy sinh bản thân mình một cách anh hùng, đồng thời có những người khác gạt bỏ Đức Giêsu, đến mức điên cuồng chống báng chính nghĩa của Ngài. Vậy rốt cục, linh đạo thời nay là gì? Hoặc giả chúng ta phân tách rành mạch hai đàng: đâu là linh đạo Kitô giáo mọi thời, và đâu là – nếu có – nét riêng của linh đạo này trong thời của chúng ta?

ĐÂU LÀ LINH ĐẠO KITÔ GIÁO?

Chúng ta bắt đầu bằng câu hỏi: “Linh đạo Kitô giáo là gì?” Đối với một số người, mấy tiếng “linh đạo” hay “đời sống thiêng liêng” xem chừng kỳ quặc. Nghe có vẻ như chia tách thể xác và tâm linh theo kiểu đi ngược lại với điều mà chúng ta biết về con người: con người không chỉ là hồn, mà còn là xác nữa.

Có vẻ như chúng ta thiên lệch ngay từ điểm xuất phát khi tách rời một phần của bản tính mình – tâm linh – và quá tập trung vào đó như thể Thiên Chúa không được phụng sự nơi thịt và máu và mồ hôi và nước mắt của người ta, những thứ hầu chắc là thuộc thân xác chứ không thuộc tinh thần. Tuy nhiên, sẽ không có vấn đề, khi chúng ta coi những từ như “linh đạo”, “tâm linh” là những từ hữu dụng để diễn tả nhiều hơn cái hàm ý chứa trong vỏ từ ngữ đơn thuần của nó.

Quả là con người chúng ta gồm thể xác và tâm linh, nhưng giữa hai đàng, thì tâm linh quan trọng hơn. Nhờ phần này của hữu thể mình mà chúng ta, loài thụ tạo, được thông hiệp với Thiên Chúa. Và Thiên Chúa, trong tư cách là Thiên Chúa, đâu có thể xác. Ngài dựng nên chúng ta theo hình ảnh Ngài và giống như Ngài bằng cách ban cho chúng ta tâm linh, giống như tinh thần của Ngài, với một trí năng cho phép chúng ta suy nghĩ và một ý chí cho phép chúng ta yêu thương. Những gì chúng ta suy nghĩ và yêu mến trong tâm linh của mình sẽ ấn định mọi điều khác, gồm cả những gì chúng ta hành động qua thân xác của mình. Chúng ta quì gối cầu nguyện hay nằm dài trên giường, chúng ta mở miệng để khen ngợi, ủi an, hay để gây tổn thương bằng những lời chỉ trích và miệt thị, tất cả đều tùy thuộc những gì ở bên trong chúng ta.

Tuy nhiên, đời sống thiêng liêng có một ý nghĩa đặc biệt, chứ không chỉ là việc sử dụng đúng đắn trí năng và ý chí thuộc tâm linh mình. Đời sống thiêng liêng mở thêm chiều kích ưu việt cho thực hành luân lý. Đời sống luân lý, nói cho cùng, liên quan tới việc sử dụng tự do riêng của chúng ta. Chúng ta tin rằng con người được dựng nên để ca ngợi, kính tôn, và phụng sự Thiên Chúa, và nhờ đó cứu độ linh hồn mình. Chúng ta cũng tin rằng mọi điều khác dưới gầm trời này đã được tạo ra cho con người, nhằm giúp con người đạt được mục đích theo đó mình đã được tạo dựng. Vậy thì, chúng ta sẽ sống một đời sống luân lý tốt (phân biệt với đời sống thiêng liêng) nếu ta sử dụng mọi sự trong cuộc sống mình bao lâu chúng giúp đạt mục đích của cuộc hiện sinh, và loại bỏ chúng một khi chúng cản trở việc đạt mục đích ấy. Đó là luân lý. Đó chưa phải là linh đạo.

Cách nào đó, có thể nói rằng đời sống linh đạo bắt đầu ở chỗ đời sống luân lý kết thúc. Hoặc nhìn từ một góc khác, linh đạo Kitô giáo giả thiết luân lý Kitô giáo, nhưng nó vượt quá nền tảng của luân lý để xây dựng điều mà chúng ta vẫn gọi là công trình của sự thánh thiện - kiểu nói này nghe như phóng đại, nhưng thật chính xác. Sự “vượt quá” này có thể bao hàm nhiều nghĩa, nhưng không có nghĩa nào giải thích thấu triệt ý nghĩa của linh đạo, hay của sự thánh thiện. Chúng ta có thể vượt quá những gì mình bị ràng buộc nghiêm ngặt phải làm để cứu linh hồn mình. Chúng ta có thể vượt quá sự tuân phục các điều răn của Thiên Chúa để thực hành các lời khuyên của Phúc Âm. Chúng ta có thể vượt quá tiếng gọi của bổn phận để phụng sự Thiên Chúa với lòng quảng đại. Chúng ta có thể vượt quá sự nhẫn nại chấp nhận đau khổ để thực sự ưu tiên chọn lựa thập giá. Chúng ta có thể vượt quá những đòi hỏi của luật để đảm nhận cả những thực hành bác ái mà luật không đòi buộc. Chúng ta có thể vượt quá những nghĩa cử bác ái anh hùng ‘năm thì mười họa’, để trao hiến trọn cả cuộc sống mình, suốt đời, dành riêng cho việc phụng sự Đức Kitô và Giáo Hội. Trong tất cả các trường hợp ấy, sự vượt quá những gì tuyệt đối cần thiết để tránh tội (bình diện luân lý) và để trao hiến chính mình cho Thiên Chúa (sự thánh thiện) là một diễn tả đồng thời hai điều. Thứ nhất, nó diễn tả không chỉ ơn thường sủng của Thiên Chúa, ơn mà nếu không có thì không thể nào đạt được sự thánh thiện; thứ hai, nó diễn tả không chỉ sự sẵn sàng thông thường của ý chí để đáp lại ân sủng ấy – nếu không có sự sẵn sàng này thì sự thánh thiện cũng chẳng thể nào sản sinh được.

Lịch sử Kitô giáo từ thời các Tông Đồ là một bằng chứng cho thấy hai yếu tố ấy thường xuyên sống hoạt trong Giáo Hội. Tất cả các thánh và các vị tuẫn đạo, các trinh nữ và các chứng nhân đức tin... chứng minh cho dữ kiện hai mặt này: đó là, với việc Đức Kitô đến và với ân sủng chan hòa của Ngài, con người không chỉ có thể tránh tội mà còn có khả năng nên thánh nữa. Hơn nữa, tất cả những ai cộng tác với ân sủng được ban cho này sẽ vươn lên các đỉnh cao hoàn thiện và đạt được các mục tiêu mà những người khác dù bẩm sinh có giỏi giang đến mấy cũng không đạt được. Tự nhiên (nature) không thể sản sinh ra sự thánh thiện.

Điều mà Thánh Phaolô nói với các tín hữu Rôma có thể áp dụng cho tất cả những ai đã học được bí quyết nên thánh: “Những ai chỉ quan tâm đến những sự xác thịt thì không bao giờ có thể làm hài lòng Thiên Chúa. Tuy nhiên, mối quan tâm của anh em không nằm ở những điều xác thịt, nhưng là ở Thần Khí, vì Thần Khí Thiên Chúa cư ngụ trong anh em.” Một cách căn bản, theo các tiêu chuẩn Kitô giáo thì chính việc Thần Khí Thiên Chúa cư ngụ trong tín hữu làm cho người ấy thuộc Thần Khí. Và cuối cùng, điều làm cho con người ấy thuộc Thần Khí chính là sự cộng tác tự do và quảng đại của người ấy với Thánh Thần Đấng cư ngụ trong người ấy. Ở đâu mà Thánh Thần Thiên Chúa gặp gỡ một tinh thần nhiệt thành đáp trả nơi con người, thì ở đấy ta có đời sống thiêng liêng. Vì thế, theo ngôn ngữ của Thánh Phaolô, đối lập với Thần Khí là xác thịt, và ai sống theo xác thịt thì không trung thành với lòng tốt cao vời của Thiên Chúa. [còn tiếp phần 2]

THIÊN PHONG

dịch từ “Contemporary Spirituality”

của Cha John A. Hardon, S.J. (+2000), Tôi Tớ Chúa
.
 
Linh đạo thời nay (2)
Thiên Phong (dịch)
08:43 21/06/2011
LINH ĐẠO THỜI NAY (2)

THÁNH THIỆN VÀ TỘI LỖI


Chúng ta thật bất ngờ với sự tương phản trong các bản văn của các Tông Đồ, vì xem ra không có tồn tại một “vùng” nằm giữa sự thánh thiện và tội lỗi. Phaolô, Gioan, Phêrô, Giacôbê lặp đi lặp lại cùng một điều rằng: các môn đệ Đức Kitô được mời gọi nên thánh; rằng mục tiêu của họ là sự thánh thiện; và rằng không có sự mặc cả nào giữa Đấng Cứu Độ và Satan. Đây chỉ là một âm vọng của điều Đức Kitô tuyên bố rằng chúng ta không thể đồng thời vừa phục vụ Thiên Chúa vừa phục vụ Mammon được, “Ai không theo Ta là chống lại Ta.” Tân Ước không có ý niệm gì về điều mà ngôn ngữ hiện đại của chúng ta gọi là thỏa hiệp hay tương nhượng. Tân Ước chỉ biết có hoặc trắng hoặc đen.

ĐÂU LÀ NÉT RIÊNG CỦA ĐỜI SỐNG THIÊNG LIÊNG HÔM NAY?

Câu hỏi kế tiếp của chúng ta là: “Đâu là nét riêng của đời sống thiêng liêng hôm nay?” Một cách căn bản, đời sống thiêng liêng thời nào cũng vẫn vậy thôi. Thời nay nó có nghĩa không khác với thời Thánh Phaolô, đó là: một sự nhiệt tình đáp trả Thánh Thần của Thiên Chúa. Ai nhiệt tình đáp trả hơn thì thánh thiện hơn. Ai ít nhiệt tình đáp trả hơn thì ít thánh thiện hơn. Và ai không nhiệt tình đáp trả thì không thánh thiện.

Tuy nhiên, nói vậy cũng chưa hết ý, vì thời nào cũng có những nét riêng – và chính những nét riêng này làm cho mỗi giai đoạn lịch sử của Giáo Hội có tính độc đáo của nó. Nhưng trước khi chúng ta đề cập bất cứ điều gì là riêng của thời đại mình, cần phải ghi nhận một điều quan trọng: thế giới vào bất cứ thời điểm nào cũng không đồng nhất ở khắp mọi nơi. Dù chúng ta đang có những phương tiện truyền thông nhanh chóng giữa các dân tộc, các quốc gia, thì tình hình cũng không hẳn như thế tại nhiều vùng trên thế giới. Nam Phi thì không phải là Nam Mỹ, và - như các sinh viên của tôi nói với tôi - Hoa Kỳ thì không phải là Uganda. Trung Quốc và Nga không giống với Canada và Tây Ban Nha, và những khác biệt không duy chỉ ở ngôn ngữ và khí hậu. Vì thế chúng ta cần bảo đảm mình không vồ vập khái quát hóa về thời hiện đại. Bạn phải luôn cần tự hỏi: “Ở đâu?”

SỰ SUNG TÚC VÀ TÂM HƯỚNG XÃ HỘI

Sau khi lưu ý những điều hiển nhiên ấy, chúng ta có thể nhận diện đặc nét của thế giới phương tây (Âu Mỹ) trong một số điểm tổng quát để giúp chúng ta hiểu hơn những gì nên xác lập là nét riêng của linh đạo ngày nay. Tính tới cả những ngoại lệ, chúng ta có thể mô tả thế giới này, thế giới hôm nay, được đặc trưng bởi sự sung túc và bởi tâm hướng xã hội. Nói vậy tôi không có ý cho rằng mọi người đều sung túc hay đều có tâm hướng xã hội. Nhưng hiện tượng làm giàu và xu hướng về tính cộng đồng là những điều quá rõ không thể chối cãi. Chúng có thể mách với chúng ta một điều gì đó liên quan đến phẩm chất của đời sống thiêng liêng trong thế giới hôm nay.

SỰ SUNG TÚC VÀ TÌNH TRẠNG NGHÈO ĐÓI CÓ LIÊN QUAN

Sung túc! Có quá nhiều đoạn Thánh Kinh nói về những nguy hiểm do của cải mà người tín hữu không thể không lưu ý. Quan trọng nhất là những lời tuyên bố của Đức Kitô sau khi Ngài mời một thanh niên giàu có đi theo Ngài. Và như Matthêu cho biết, khi chàng thanh niên nghe những lời này, anh ta đã buồn rầu bỏ đi, bởi vì anh ta có nhiều của cải. Đó là lúc mà Đấng Cứu Thế nói với các môn đệ của Ngài: “Ta bảo thật anh em, người giàu vào Nước Trời thật khó biết bao. Vâng, con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn một người giàu vào Nước Trời.” Khi các môn đệ nghe như vậy, họ sửng sốt. Họ hỏi: “Vậy thì ai có thể được cứu?” Đức Giêsu nhìn các môn đệ và nói: “Với con người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể.”

Rõ ràng, hiện tượng sở hữu nhiều của cải vật chất tại các nước giàu có hôm nay đặt ra một trách nhiệm to lớn cho bất cứ ai còn muốn đi theo Đức Kitô (chứ không muốn buồn rầu bỏ đi như chàng thanh niên nọ).

Chúng ta được vây quanh bởi cơ man những điều tốt lành của thế giới này. Chúng ta đang sống trong nền văn minh với tuổi thọ của con người được kéo dài nhất và với nhiều phương tiện giải trí nhất so với bất cứ thời nào khác trong lịch sử loài người. Chúng ta đang được bao trùm bởi quá nhiều tiện nghi, quá nhiều phúc lợi, quá nhiều thuốc giảm đau và thuốc tăng lực. Quá nhiều sự dễ chịu và quá nhiều thú vui đang ở trong tầm tay của chúng ta. Chỉ cần nhấn nút là chúng ta có gió mát rượi giữa mùa hè hoặc được sưởi ấm trong mùa đông. Chúng ta có thuốc dưỡng da, thuốc dưỡng tóc, thuốc nhuộm, nào là dạng kem, dạng bột, dạng hơi... Ở Mỹ, đám chó và mèo của chúng ta ăn những thức ăn tốt hơn của hàng triệu người ở Á Châu và Phi Châu. Chúng ta tiêu thụ nhiều thịt hơn, nhiều đường hơn, nhiều rượu hơn, và chúng ta đi lại nhiều hơn với tốc độ cao hơn so với thậm chí những gì mà cách đây một thế kỷ người ta dám tưởng tượng. Đâu có gì phải ngạc nhiên việc các nhà dân số học nhún nhường gọi các quốc gia khác là chưa phát triển, bởi vì theo các tiêu chuẩn của chúng ta, họ không có được sự sung túc như chúng ta.

Chúng ta đừng bảo rằng tất cả những điều này đều không phù hợp với đời sống thiêng liêng hay đều không quan trọng trong cuộc theo đuổi sự thánh thiện. Ở đâu có nhiều của cải, ở đó cũng phải có nhiều hơn tinh thần nghèo khó, nếu chẳng vậy thì chúng ta chỉ nói về sự thánh thiện hay đọc về hạnh các thánh mà thực sự chúng ta không bao giờ lớn lên trên con đường nên thánh.

Tôi xác tín rằng trong khi thời nào thì tiền bạc cũng là gốc rễ của mọi sự dữ, như Thánh Phaolô đã khẳng định mạnh mẽ, thì trong một số nền văn hóa hiện đại hễ sự sung túc lan rộng bao nhiêu, việc thực hành khó nghèo càng cần phải mở rộng bấy nhiêu. Phanxicô Bernadone đã trở thành Phanxicô Assisi, bởi vì trong tư cách là con trai của một thương nhân giàu có, chàng đã bỏ mọi của cải để theo Đức Kitô. Chàng đã trở thành một “Phan sinh”, bởi vì trước hết chàng từng là một người giàu có, bởi vì chàng đã có những địa vị để mà bỏ, để mà hy sinh. Chúng ta cần thứ mẫu gương này hôm nay để lay động, giúp ta tỉnh giấc mê. Khác với Phanxicô, chúng ta có quá nhiều thứ để hy sinh hơn là ta tưởng. Phanxicô có ơn của ngài, chúng ta cũng có ơn của chúng ta. Nhưng nếu chúng ta không học biết chia sẻ những gì mình có dư dật, không học biết hy sinh một điều khi nó làm suy yếu nhiệt tình của mình đối với Đức Kitô, không từ bỏ điều gì đó để có thể đảm nhận thập giá của Ngài, ... thì bài học của thời đại sung túc này sẽ bị chúng ta bỏ vụt mất.

Vì thế, nét nổi bật trước hết của linh đạo thời nay là - và phải là - tinh thần nghèo khó. Điều này có nghĩa rằng ta phải có một tinh thần siêu thoát thực sự đối với cơ man những thứ dễ chịu mà xã hội sung túc đang cung ứng cho ta. Dĩ nhiên không nhất thiết chúng ta phải trở nên nghèo nàn trong thực tế, nói cách chung, trừ phi đó là ơn gọi riêng của mình trong đời sống. Các tu sĩ không thể tự thỏa mãn với chỉ một “tinh thần” nghèo khó – họ phải nghèo thực. Tinh thần nghèo khó đòi chúng ta phải biết thời của mình đang sống là thời nào, và biết bổn phận của chúng ta là không được thỏa hiệp với thế giới vốn đang cố lôi kéo mình.

TÂM HƯỚNG XÃ HỘI VÀ THỰC HÀNH BÁC ÁI PHỔ QUÁT

Tâm hướng xã hội! Nếu thời của chúng ta là thời tích lũy của cải, thì đây cũng là thời của tâm hướng xã hội. Đây có lẽ là từ ngữ tốt nhất để mô tả cách hàm súc hàng loạt những phẩm chất vốn qui hướng vào bản chất xã hội của con người. Con người vừa là những cá nhân vừa là thành viên của xã hội, và không có giai đoạn nào trong lịch sử mà hai khía cạnh này bị quên lãng. Nhưng con người của thời hiện đại có mối quan tâm cách riêng tới chiều kích xã hội của hiện sinh mình, hơn bất cứ thời nào trước đây, có lẽ vì trước đây con người chưa từng có được những khả năng như thế. Bạn có biết rằng thực tế là mọi khoa học xã hội đều chỉ mới xuất hiện trong chỉ vài trăm năm trở lại đây thôi không?

Một số người sẽ tìm manh mối của ý thức xã hội này ở một phản ứng chống lại chủ nghĩa cá nhân thô kệch vốn là phó sản của cuộc cách mạng công nghiệp. Chắc chắn chủ nghĩa Mác đã đổi tên thành chủ nghĩa cộng sản, như một phản ứng bạo liệt trước những sự lạm dụng rõ ràng của chủ nghĩa tư bản. Và phong trào tiến tới một xã hội tập thể ít nhất phần nào đó được giải thích bởi sự tham lam của những cá nhân trong chính quyền, trong giới tài chánh, kỹ nghệ... sự tham lam mà những người theo chủ trương tập thể tuyên bố rằng mình có khả năng đề kháng. Nhiều người khác thì sẽ nói rằng ý thức xã hội của chúng ta là một câu trả lời cho tiếng kêu khắp nơi hướng vọng nền hòa bình giữa các quốc gia từng trải qua những thống khổ tận cùng của hai cuộc chiến tranh thế giới, và vẫn còn lo sợ một cuộc thế chiến thứ ba, lần này sẽ là chiến tranh hạt nhân, là thảm họa thực sự. Chúng ta hoặc cách nào đó ngồi lại với nhau và dàn xếp những khác biệt của mình một cách hữu nghị, hoặc là chúng ta sẽ tiêu diệt nhau, và như vậy trận chiến cuối cùng sẽ mở màn. Với những tiền đề này, sự chọn lựa sẽ hoặc là liên kết và sống còn, hoặc là đối đầu và hủy diệt toàn thế giới.

Rõ ràng là những yếu tố ấy đã đóng góp vào bức tranh lớn. Nhưng tôi không nghĩ chúng là những yếu tố chủ yếu để giải thích tại sao thế giới hiện đại của chúng ta quan tâm tới con người trong tư cách là hữu thể có xã hội tính đến thế. Tôi tin rằng lý do chính nằm ở sự phát triển liên lạc xuyên qua mọi hình thức truyền thông: điện thoại và điện tín, radio và truyền hình, radar và máy điện toán, phim ảnh và những ứng dụng của nó, và sự liên lạc nhanh chóng của người ta trong một quốc gia và giữa các quốc gia. Việc đề cập đến tất cả những ‘sự đời’ này trong một thảo luận về đời sống thiêng liêng không hề là một chuyện ngớ ngẩn; chỉ cần chúng ta đọc lại những gì Đức Phaolô VI đã nói liên quan đến các phương tiện truyền thông xã hội. Bản văn, có hai đoạn, cần phải được đọc toàn bộ. Tôi xin trích dẫn:

Các kênh truyền thông xã hội, ngay cả dù chúng nhắm nói với các cá nhân, chúng vẫn tác động đến toàn xã hội. Chúng thông tin cho một đại chúng mênh mông về những gì đang diễn ra trên thế giới và về những thái độ của con người đương thời, và chúng làm công việc đó một cách tức thì.

Điều này hoàn toàn trùng hợp với quan niệm Kitô giáo về cách mà người ta nên sống với nhau. Những tiến bộ kỹ thuật ấy có mục đích tích cực là đem con người lại gần nhau. Bằng cách chuyển trao những niềm hy vọng và những nỗi ưu tư chung, chúng giúp người ta tìm phương giải quyết. Một sự đánh giá mang tinh thần Kitô giáo về sự đóng góp mà truyền thông mang lại cho thiện ích của nhân loại sẽ bắt rễ trong nguyên tắc căn bản này.

Vì thế, sẽ là sai lầm nếu không đánh giá đúng mức các phương tiện truyền thông xã hội như một dấu chỉ của linh đạo thời nay. Linh đạo này, ngay cả ở chiều hướng hướng nội và chiêm niệm nhất, vẫn phải ý thức hơn bao giờ hết đến những con người khác và đồng cảm sâu sắc với các nhu cầu của họ.

Thánh Phaolô, với tất cả những quan tâm của ngài đối với tất cả các giáo đoàn, sẽ nói gì về mối quan tâm mà các môn đệ Đức Kitô hôm nay cần phải có đối với con người ngày nay, khi chúng ta ngày này qua ngày khác được tiếp cận với những thử thách và bi kịch của người ta trên khắp hành tinh này? Các phương tiện truyền thông quả là một xúc tác cho việc thực hành bác ái! Là người đã di chuyển không mệt mỏi để rao giảng Đức Kitô trong thời của mình, Thánh Phaolô sẽ làm gì hôm nay nếu ngài nắm trong tay các phương tiện (mà chúng ta đang có) để có thể tác động đến không chỉ một hay một chục hay thậm chí một ngàn linh hồn, nhưng quả thực là có thể tác động đến toàn thể các dân tộc bằng lời của Tin Mừng và bằng gương sáng đời sống thánh thiện?

Không ai coi nhẹ tầm quan trọng hàng đầu của sự kết hiệp với Thiên Chúa qua cầu nguyện và việc chế ngự các đam mê của mình bằng những hy sinh. Đời sống thiêng liêng phải cắm rễ sâu nếu cành lá của nó muốn vươn rộng. Hay dùng một hình ảnh khác, đời sống thiêng liêng phải nối kết với suối nguồn ân sủng thần linh nếu nó không muốn cạn khô trong các hoạt động tông đồ. Nhưng bên cạnh những gốc rễ hay suối nguồn đó, ngày nay đời sống thiêng liêng còn phải có một tầm nhìn đủ rộng. Nghĩa là, ta không được bó mình trong góc nhìn hẹp hòi, thiển cận.

Trong Sách Linh Thao của ngài, Thánh Inhaxiô đặt vào môi miệng Chúa Kitô những lời sau đây: “Ta muốn chinh phục toàn thể thế giới và tất cả các kẻ thù của Ta, để đi vào trong vinh quang của Cha. Bất cứ ai muốn đến với Ta phải làm việc với Ta, và một khi bước theo Ta trong đau khổ thì người ấy cũng sẽ bước theo Ta trong vinh quang.” Tiếng gọi này của Chúa Kitô Vua vốn đã từng vang lên bằng những lời tương tự cách đây ngót hai ngàn năm. Chúng ta được đặc ân làm cho lời kêu gọi của Ngài phát huy hiệu quả phi thường trong thế giới tương giao và in đậm ý thức xã hội của chúng ta hôm nay.

Điều này có nhiều hàm ý cụ thể. Nó sẽ mở rộng quả tim chúng ta để nhìn quá công việc mình đang làm và hướng tới bao triệu người đã được cứu chuộc bằng chính Máu của Chúa Kitô. Không còn như những thời trước nữa, dân chúng Á Châu và Phi Châu chẳng còn quá xa chúng ta, vì ngày nay khoảng cách không còn đo bằng cây số, mà chỉ bằng số giờ cần để đi đến một nơi. Với những trái tim rộng mở, chúng ta sẽ mở rộng lời cầu nguyện của mình để bao gồm không chỉ một ít mà là nhiều linh hồn, và chúng ta cầu xin ân sủng Chúa, ân sủng vô hạn, tuôn đổ chan hòa trên toàn nhân loại hôm nay.

Một khi chân trời của chúng ta mở rộng, ta tự khắc sẽ hỏi chính mình: “Đâu là vinh quang lớn hơn nữa mà tôi có thể dâng cho Chúa trong bất cứ điều gì mình đang làm? Bằng cách nào tôi có thể tác động đến không chỉ một ít người tiếp xúc trực tiếp với mình, mà vượt quá không gian nhỏ hẹp xung quanh tôi để tác động đến hàng ngàn người khác, những người mà nếu tôi không góp phần giúp họ, họ sẽ biết Chúa ít hơn, hay yêu Chúa ít hơn, hay phục vụ Chúa với ít lòng quảng đại hơn?”

Tôi hiểu rằng nói như vậy có thể nghe lạ lẫm đối với một số người và ngay cả không thể hiểu được đối với nhiều người khác. Không sao. Với tất cả triển vọng của thế giới nối kết hôm nay, tôi sẵn sàng hài lòng dù chỉ một ít người chia sẻ với các thao thức của mình. Bạn hãy xem đi, tầm nhìn của Đức Kitô về tương lai luôn mang tầm vũ trụ đó chứ. Ngài đôn đốc các môn đệ rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Ngài bảo họ làm chứng cho Ngài cho đến tận cùng trái đất. Và trong Sách Khải Huyền của Thánh Gioan, Ngài đưa ra một tiên báo đầy ấn tượng về cuộc chiến đấu để chiếm chủ quyền trên toàn thế giới giữa một bên là các môn đệ Ngài và bên kia là các tay chân của thần dữ. Qui mô toàn cầu này thật ngoạn mục đó chứ, phải không? Ngày nay chúng ta được may mắn có cơ hội để mở rộng linh đạo của mình và kích hoạt nhiệt tâm tông đồ cho đến tận cùng thế giới, hay nói như Thánh Phaolô: “Mang hết mọi dân nước về qui phục đức tin, vì Danh Đức Kitô”.

THIÊN PHONG

dịch từ “Contemporary Spirituality”

của Cha John A. Hardon, S.J. (+2000), Tôi Tớ Chúa.
 
Thánh Gioan Tẩy giả, con người kỳ diệu
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
08:45 21/06/2011
LỄ SINH NHẬT THÁNH GIOAN TẨY GIẢ

Trong năm phụng vụ chỉ có 3 lễ mừng sinh nhật.Đó là Giáng Sinh của Đức Giêsu ( 25.12).Sinh nhật của Đức Maria ( 8.9) và Sinh nhật của Gioan Tẩy Giả (24.6) .

Cuộc đời và sứ mạng của Gioan gắn liền với cuộc đời và sứ mạng của Chúa Giêsu nên Giáo hội có lý do để sắp đặt việc mừng Sinh nhật của Vị Tiền Hô của Đấng Cứu Thế trở thành một Lễ Trọng trong niên lịch phụng vụ.

Gioan được sinh ra kỳ diệu và ơn gọi cũng kỳ diệu trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

1 .Sinh nhật kỳ diệu

Thánh Luca đã nói tới ngày sinh với những dấu hiệu kỳ diệu của Gioan “ Nhiều người cũng được hỷ hoan ngày con trẻ chào đời” ( Lc 1,14).

a. Dacaria bị câm :
Thân phụ của Gioan bị câm vì nghi ngờ lời Truyền tin của Sứ Thần đang khi ông dâng hương trong đền thờ theo phiên của mình ( Lc 1,5- 23)

b. Khỏi Tội Nguyên tổ
Bà Isave có thai được 6 tháng, Đức Maria đã đến viếng thăm,vừa nghe lời của Đức Maria chào thì thai nhi Gioan đã nhảy mừng trong dạ mẹ ( Lc 1,41) và được đầy tràn Thánh Thần(Lc1,15).Hồng ân này được Giáo hội hiểu là Gioan đã khỏi tội nguyên tổ, một ân huệ cao cả mà ngoại trừ Đức Maria, cả nhân loại không ai có được.

c. Son sẻ mà có con
Hai ông bà Dacaria và Isave là người công chính trước mặt Thiên Chúa,nhưng họ lại không con,vì Bà Isave là người hiếm hoi,cả hai đều đã cao niên ( Lc 1,6- 7).

Vậy mà Bà đã sinh con “ Bà sinh hạ một con trai,nghe biết Chúa đã quá thương bà như vậy,láng giềng và thân thích đều chia vui với bà” (Lc 1,57-58). Trong Cưụ ước cũng có những bà mẹ sinh con kỳ diệu như vậy.Bà Sara mẹ Isaac ( St 11,30;21,1- 7).Bà Rebecca mẹ của Esau và Giacop ( St 25,21- 26).Bà Rakhel mẹ của Giuse ( St 29,21; 30,22- 24).Bà Anna mẹ của Samuel ( 1Sm 1,2- 20).

d. Tên Gioan và hết câm
Gioan sinh được tám ngày, chịu cắt bì và đặt tên là Dacaria nhưng bà mẹ lên tiếng “Không, phải đặt tên cháu là Gioan”. Một tên gọi thật lạ lùng khiến mọi người kinh ngạc vì trong họ hàng của bà không có ai tên đó cả.Khi Dacaria viết tên Gioan trên tấm bảng tức thì miệng lưỡi ông được mở ra,ông hết câm và nói lại được như trước kia ( Lc 1,59- 65).

Mọi biến cố đều kỳ diệu từ khi cưu mang cho đến lúc sinh ra của Gioan vì “ Quả thật,có bàn tay Chúa phù hộ em” ( Lc 1,66).

Sinh nhật Gioan kỳ diệu cũng đúng thôi vì Gioan sẽ lãnh nhận một ơn gọi kỳ diệu là làm Tiền Hô cho Đấng Cứu Thế.

2 . Ơn Gọi kỳ diệu

a Ngôn sứ Isaia loan báo
“ Có tiếng hô từ nơi hoang địa: hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa,sửa lối cho thẳng để Ngài đi.Mọi thung lũng phải lấp cho đầy,mọi núi đồi phải bạt cho thấp,khúc quanh co phải uốn cho ngay,đường lồi lõm phải san cho phẳng.Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” ( Is 40,3- 5; Mc 1,3; Lc 3,4-6; Mt 3,3) . Isaia đã giới thiệu về Gioan như một vị Tiền Hô dọn đường cho Đấng Thiên Sai đến.

b. Ngôn sứ Malakia tiên báo
“ Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt con,người sẽ dọn đường cho con đến để làm lòng cha ông quay về với con cháu” ( Ml 3,1- 24; Mt 1,10; Lc 1,17;7,27).Lời Ngôn sứ Malakia nhắc nhở cho người đương thời và hậu thế về ơn gọi của Gioan như vị sứ giả dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến .

c. Sứ Thần Truyền Tin xác nhận
Sứ Thần của Chúa hiện ra với Dacaria,đứng bên phải hương án,xác nhận với ông rằng người con trai của ông sắp chào đời là Gioan Tẩy Giả “ Sẽ đi trước mặt Chúa và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa”( Lc1,17).

e. Thân phụ Dacaria
Dưới tác động của Thánh Thần, Dacaria đã hát lên bài ca chúc tụng “Benedictus” về ơn gọi của người con trai mình “Hài Nhi hỡi,con sẽ đi trước mặt Chúa,mở lối cho Người,bảo cho dân Chúa biết,Người sẽ cứu độ và tha thứ cho họ hết mọi tội khiên” ( Lc 1,76- 77).

f. Gioan khẳng định
Trong một cuộc tranh luận giữa các môn đệ của Gioan và một người Do thái về việc thanh tẩy,tại Enon,gần Salem thuộc miền Giuđê,chính Gioan đã xác nhận ơn gọi của mình : “ Chính anh em làm chứng cho Thầy là Thầy đã nói : Tôi đây không phải là Đấng Kitô mà là kẻ được sai đi trước mặt Ngài” ( Ga 3,28).

Qua sinh nhật và ơn gọi kỳ diệu của Gioan,Thiên Chúa đã đặt Gioan làm gạch nối giữa Cựu ước và Tân ước với sứ vụ đặc biệt đó là Tiền Hô cho Đấng Cứu Thế.

Là một ngôn sứ trong một đất nước đang thời nhiễu nhương,bị đế quốc Roma cai trị hà khắc,nhiều phe nhóm trong dân nổi loạn,dân chúng lầm than,Gioan cũng mang nặng những ưu tư những trăn trở yêu nước thương dân.

Vị vua Hêrôđê, một hôn quân bạo chúa, sống loạn luân, lấy vợ của anh mình là Hêrôđiađê. Lương tâm ngôn sứ đã thúc đẩy Gioan lên tiếng can ngăn và tố cáo những hành vi sai trái của nhà vua,kêu gọi vua trở về nẻo chính đường ngay.Vì thế Gioan đã bị vua chém đầu.

Trước mặt người đời, Gioan là kẻ thất bại. Sứ mạng của ông không hoàn thành,bị những kẻ gian ác ghen ghét hãm hại, cuối cùng chịu chết chém trong tù.Thế nhưng Đức Giêsu đã nói về ông: “ Trong các con cái người nữ sinh ra,chưa từng một ai cao trọng hơn Gioan Tẩy giả”(Lc 7,28). Như vậy điều quan trọng trước mặt Thiên Chúa chẳng phải là danh giá hay thành tích mà là thái độ sống.Thái độ sống của Gioan là bất khuất trước bạo lực, dám nói sự thật bảo vệ công lý, cho dù sự thật đó dẫn đến tù đày và cái chết.

Sứ mạng ngôn sứ thời nào cũng thế.Đức Giêsu, vị ngôn sứ làm chứng cho sự thật cũng bị bắt bớ, bị hành hạ và bị đóng đinh thập giá. Các Thánh Tử Đạo cũng đã làm chứng cho sự thật, tiếp nối con đường Thầy mình đã đi,cũng gánh lấy tù tội và cái chết. Bởi lẽ “Nếu thế gian đã ghét Thầy,thì thế gian sẽ ghét các con vì các con sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian” ( Ga 15,18 - 19 )

Được sinh ra và lớn lên trong bàn tay phù hộ của Thiên Chúa.Gioan đã sống vai trò ngôn sứ dọn đường cho Chúa Cứu Thế và đã chết vì chân lý.

Người Kitô hữu chúng ta không cần phải làm được những chuyện kỳ vĩ như Gioan hay như các Thánh Tử Đạo, nhưng với tư cách ngôn sứ chúng ta có thể làm chứng cho chân lý, cho công lý, cho tình yêu.Với tư cách là Tẩy Giả,chúng ta có thể góp một chút bột giặt tình yêu tha thứ để làm sạch tấm chăn môi trường đang bị ô nhiễm trầm trọng bởi những thứ bụi bẩn rác rưới ích kỷ, vụ lợi, hưởng thụ sa đoa, ghen ghét hận thù, dối trá lọc lừa. Và như thế chính là góp phần mở đường dọn lối cho Chúa đến.

Cuộc đời Gioan Tẩy Giả luôn mãi là tấm gương cho chúng ta. Không chỉ rao giảng bằng lời nói mà bằng cả cụôc sống.Chúng ta được mời gọi sống lý tưởng của Gioan : Ngài phải lớn lên,còn tôi phải lu mờ đi.
 
Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy
Lm. Giuse Nguyên Văn Nghĩa
11:27 21/06/2011
Mầu nhiệm Thánh Thể, một đề tài thật phong phú đã làm tiêu tốn biết bao nhiêu giấy mực mà dường như vẫn không tát cạn chút nào sự bao la và sâu thẳm của Tình Yêu Thiên Chúa qua mầu nhiệm này. “Giọt máu đào hơn ao nước lã”. Ngạn ngữ này không chỉ đề cao ưu thế của “tình huyết nhục” mà còn gợi cho chúng ta thấy một trong những biểu tượng của tình yêu mang đậm nét hiện sinh đó là máu-thịt. Tình yêu con người lên đến đỉnh cao khi nên một xương một thịt với nhau (x.Mc 10,8). Trích huyết ăn thề cũng là một cách thế tỏ bày tình yêu và sự tín thành với nhau. Máu- thịt vừa biểu trưng cho sự sống vừa biểu trưng cho tất cả những gì ta là. Không phải tôi có thịt máu này mà thịt máu này chính là tôi.

Thiên Chúa đã sai Môsê dùng máu chiên bò để rảy trên bàn thờ và trên dân Israel làm dấu chỉ Người yêu thương chọn Israel làm dân riêng và tín trung với dân cho đến cùng (bài đọc 1). Dĩ nhiên là dân Chúa phải tuân giữ lề luật Người ban. Nếu ngươi tuân giữ lề luật Ta truyền thì ngươi sẽ mãi là dân của Ta và Ta sẽ là Thiên Chúa của ngươi. (x.Xh 18,5-6). Đến thế gian, Đức Kitô đã dùng chính máu châu báu của mình làm dấu chỉ giao ước mới. Ngài đã trao ban chính mình đến giọt máu cuối cùng để cho nhân loại được cứu sống, được giải thoát khỏi ách nô lệ tội lỗi và xứng đáng làm con cái Thiên Chúa hầu hưởng nhận gia tài Thiên Chúa hứa ban (bài đọc 2).

“Các con hãy nhận lấy mà ăn. Này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con… Này là máu Thầy, Máu giáo ước mới và vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Là tín hữu, chúng ta vốn quen và dễ thuộc những lời này. Dù rằng công thức truyền phép trong Thánh Lễ hiện nay có thay đổi vài chữ, nhưng nội dung lời Đức Kitô không hề đổi thay. Chúa Giêsu tự nguyện trao ban trọn vẹn bản thân mình để thể hiện tình Chúa yêu chúng ta, yêu nhân loại đến cùng (x.Ga 13,1). Không có tình yêu nào cao quý cho bằng việc hiến dâng mạng sống vì người mình yêu (x.Ga 15,13). Thầy sẽ bị nộp vì các con, nghĩa là vì yêu, Chúa tự nguyện nhận lấy mọi hậu quả do tội chúng ta gây ra. Khi cho chúng ta tiếp nhận sự sống của Chúa, qua việc nhận Máu của Người là Chúa bày tỏ lòng khoan dung tha thứ. Và hiệu quả của sự thứ tha ấy là nhân loại chúng ta được cứu sống, được giải phóng khỏi ách nô lệ, được trở về làm con cái Chúa và thừa hưởng hạnh phúc Chúa trao ban.

Chúa Kitô lập bí tích Thánh Thể là vì chúng ta, nhân loại chúng ta đã phạm tội và đang ở trong cảnh nô lệ Thần Dữ. “Người mạnh khoẻ không cần đến thầy thuốc mà là người đau yếu. “Con Người đến để cứu chữa những gì đã hư mất” (Lc 19,10). Như thế, có thể nói Bí Tích Thánh Thể có ra là vì người tội lỗi chứ không phải cho người công chính. Mẹ Hội Thánh đã nhắc nhớ chúng ta điều này nhiều lần trong Thánh Lễ bằng những công thức thống hối. Ngay trước khi lên “chịu” Thánh Thể, chúng ta một lần nữa được hướng dẫn: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con…”. Phải, nếu Chúa không vì yêu thương tự nguyện đến với ta thì trên trần gian này chẳng một ai xứng đáng đón nhận Người. Chính Chúa đến mới làm ta nên xứng đáng chứ không phải vì ta xứng đáng rồi nên Chúa mới ngự vào. Không phải do Giakêu xứng đáng, nhưng chính nhờ Chúa Giêsu đến viếng thăm đã khiến cho Giakêu đổi thay và nên xứng đáng (x.Lc 19,1-10).

“Hãy nhận lấy… và hãy làm việc này…”. Hai mệnh lệnh của tình yêu từ Bí tích Thánh Thể. Mệnh lênh thứ nhất: Hãy nhận lấy để được thứ tha. Hãy nhận lấy để được cứu sống, được giải thoát và nên xứng đáng. Tuy nhiên chúng ta đừng quên mệnh lệnh thứ hai: Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy. Theo giáo lý truyền thống ta dễ xem đây là lời lập Bí tích Truyền Chức Thánh, lập nên hàng Tư tế thừa tác. Là tín hữu Công giáo, chúng ta tin nhận chân lý này theo thần học Bí tích. Thế nhưng đọc Thánh kinh, đặc biệt Tin Mừng, ta cũng phải thừa nhận một chân lý khác đó là bên cạnh một ân sủng luôn có đó một sứ mạng. Ân sủng càng cao quý thì sứ mạng càng trọng đại. Được thứ tha nhiều là để ta tha thứ cho tha nhân cách quảng đại, hết lòng. Được cứu sống là để ta biết nỗ lực giải phóng tha nhân khỏi ách nô lệ ma quỷ.

“Hãy làm việc này…”. Mệnh lệnh này không phải chỉ dừng lại ở hình thức bên ngoài dành cho các bậc tư tế thừa tác. Cầm lấy bánh, rượu rồi đọc công thức truyền phép quả là khá dễ dàng, nhưng sống nội hàm của mệnh lệnh ấy mới là vấn đề. Hãy làm việc này…cũng có nghĩa là tất cả những ai đã đón nhận ân ban qua Thánh Thể thì hãy dùng chính máu thịt của mình để gánh lấy hậu quả tội lỗi của nhau đồng thời giúp cho nhau được sống, sống dồi dào.

Là tín hữu giáo dân, chúng ta vốn thích thực hiện mệnh lệnh đầu tiên: “Hãy nhận lấy…”. Là hàng tư tế thừa tác, chúng ta có thực hiện thêm mệnh lệnh thứ hai: “hãy làm việc này…”, tuy nhiên, rất có thể đang dừng lại ở nghi thức cử hành Bí tích theo luật dạy. Tin Mừng Thánh Gioan không tường thuật việc Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể nhưng lại tường thuật việc Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ. Hội Thánh cho chúng ta nghe bài Tin Mừng này trong Thánh Lễ chiều thứ Năm Tuần Thánh, lễ Tiệc Ly, hẳn có ý nhìn nhận hành vi phục vụ trong khiêm hạ này chính là hành vi yêu thương tự hiến của Chúa Giêsu thật cao quý không kém như khi Người tự hiến trong Bí tích Thánh Thể. Sau khi rửa chân cho các môn đệ Chúa Giêsu đã minh nhiên truyền lệnh: “Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau”(Ga 13,14).

Không thực hiện mệnh lệnh thứ hai thì có làm mệnh lệnh thứ nhất cách đầy đủ nghi tiết theo luật dạy thì vẫn không chắc có được hiệu quả mong muốn. Xin hãy nhớ lại câu chuyện dụ ngôn mà Chúa Giêsu kể về anh đầy tớ chỉ biết nhận mà không biết cho đi trong Mt 18,23-35. “Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao ?”(c.32-33). Cuối dụ ngôn, Chúa Giêsu khẳng định anh này đã chẳng nhận được sự gì, nhưng thậm chí còn chuốc lấy sự khốn khổ.

Các bạn đã từng rước Thánh Thể rất nhiều lần. Chúng tôi, các linh mục đã từng cử hành Bí tích Thánh Thể dường như hằng ngày. Chúng ta có dốc hết tâm huyết của mình để gánh lấy những hậu quả xấu xa do tội lỗi của những người trong đạo lẫn ngoài đời, đã và đang thấy đó trên quê hương Việt Nam này hay trong Hội Thánh? Để cho Hội Thánh ngày thêm tinh tuyền, để cho quê hương phát triển trong công lý và hoà bình, chúng ta đã hao mòn máu thịt mình chút nào chưa đây?
 
Tài Liệu Chúa Nhật Giáo Lý 2011: Bài 1 – O Sacrum Convivium
Phaolô Phạm Xuân Khôi
21:07 21/06/2011
Theo cuộc thăm dò dư luận của Trung Tâm Applied Research in the Apostolate (CARA) thuộc Đại Học Georgetown vào tháng 2, năm 2008, thì có 57% người Công Giáo Hoa Kỳ tin rằng Chúa Giêsu hiện diện thật trong Bí Tích Thánh Thể, và chỉ có 31.4% tham dự Thánh Lễ hàng tuần. Như thế nhiều người Công Giáo Hoa Kỳ tuy có tin rằng Chúa hiện diện thật trong Bí Tích Thánh Thể, nhưng sự hiện diện của Người không mấy cần thiết cho đời họ. Nhằm mục đích nhắc nhở các tín hữu về tầm quan trọng của Bí Tích Thánh Thể trong đời sống, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ (HĐGMHK) đã chọn mệnh lệnh của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Thánh Luca: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” làm chủ đề cho ngày Chúa Nhật Giáo Lý 2011 và niên khóa 2011-2012.

Thánh Tôma Aquinô đã tóm lược thần học về Bí Tích Thánh Thể và nói lên tầm quan trọng của Bí Tích này trong đời sống Kitô hữu một cách rất cô đọng trong bài thánh ca O Scarum Convivium dưới đây.

O sacrum convivium!

in quo Christus sumitur:

recolitur memoria passionis eius:

mens impletur gratia:

et futurae gloriae nobis pignus datur.

Alleluia.

Ôi Bàn Tiệc Thánh!

Trong đó chúng ta lãnh nhận Đức Kitô,

lễ tưởng niệm Cuộc Thương Khó của Người được nhắc lại,

tâm trí được tràn đầy ân sủng,

và bảo chứng vinh quang tương lai được Chúa ban cho chúng ta.

Alleluia.


Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã dẫn chứng những hàng này khi ngài diễn tả điều mà ngài gọi là “Sự kinh ngạc” về Thánh Thể, một cảm giác kinh ngạc mà chúng ta phải có khi suy niệm về Bí Tích này (xem Mane Nobiscum Domine, s. 29). Theo Thánh Tôma (trong Thần Học Tổng Lược 3.60.3) thì các Bí Tích được Đức Kitô thiết lập để giúp chúng ta nên thánh, và mỗi Bí Tích có thể được coi là bao gồm ba điểm:

• Căn nguyên của ơn thánh hóa của chúng ta – chính là cuộc Khổ Nạn của Đức Kitô

• Cách thức thánh hóa chúng ta – là ân sủng và các nhân đức

• Mục đích tối hậu của ơn thánh hóa - là sự sống đời đời

Như thế Bí Tích nhắc lại cho chúng ta một điều gì trong quá khứ, biểu thị một điều gì đang hiện hữu, hứa hẹn về một điều gì sẽ xảy ra.

Nhưng nếu muốn hiểu ba bình diện quá khứ, hiện tại và tương lai của Bí Tích Thánh Thể chúng ta cần phải biết Dân Thiên Chúa ngày xưa hiểu những từ ngữ “tưởng niệm”, “tưởng nhớ”, “nhớ” như từ Chúa dùng trong câu Người truyền cho các môn đệ “Các con hãy làm việc này mà ‘nhớ’ đến Thầy” như thế nào.

Khi Thánh Kinh nói đến “tưởng nhớ”, thì các thánh ký không có ý nói về việc gợi lại chuyện cũ, hay nghĩ đến những gì đã xảy ra trong quá khứ, hoặc nhắc đến người nào trong quá khứ như chúng ta hiểu ngày nay.

Đối với dân Do Thái thời Chúa Giêsu, tưởng nhớ là một nghi lễ, thường được đánh dấu bằng một hy lễ và một ngày hội. Đồng thời nó luôn liên quan đến việc làm tái hiện diện một biến cố xảy ra xưa kia.

Khi dân Do Thái cử hành Lễ Vượt Qua, họ không phải chỉ tưởng nhớ một cuộc giải phóng đã xảy ra trong quá khứ, nhưng “trong mỗi thế hệ, một người phải coi như chính mình vừa thoát khỏi Ai Cập” (Mishnah Pesahim 10.5e, trong Passover Haggadah, nxb Nahum Glatzer [New York: Schocken, 1989], viii). Theo nghi thức thì Bữa Vượt Qua làm “tái hiện diện” cuộc giải phóng dân Do Thái khỏi Ai Cập trong quá khứ. Nó vừa là một biểu hiệu, một dấu chỉ, nhưng nhờ quyền năng của Thiên Chúa, nó đã thể hiện biến cố mà nó biểu thị. Cả ngàn năm sau thời ông Môsê, mỗi gia đình Do Thái vẫn cảm nghiệm được cuộc giải phóng nhờ Lễ Vượt Qua.

Ở Palestine trong thế kỷ thứ nhất, Lễ Vượt Qua cũng là lễ mong đợi ngày Đấng Mêsia đến để kết hợp các chi tộc lại và quy tụ họ về quê cha đất tổ. Vì thế các gia đình cầu nguyện trong Lễ Vượt Qua “cho Đấng khôi phục Giêrusalem”. Việc khôi phục Giêrusalem rõ ràng là một biến cố trong tương lai, nhưng được diễn tả bằng thì hiện tại. Trong mọi Lễ Vượt Qua, việc giải phóng trong tương lai được “nếm trước” trong hiện tại. Giống như quá khứ được thực sự nhắc lại, nhớ lại, và hiện tại hóa.

Chính trong khung cảnh Lễ Vượt Qua mà Chúa Giêsu đã thiết lập Bí Tích Thánh Thể, khi Người cầm lấy bánh cùng rượu và công bố rằng chúng trở nên Mình Người và “Máu Giao Ước” (Mc 14:24, cũng xem Xh 24:8). Rồi Người bảo các Tông Đồ: “Các con hãy làm việc này mà nhờ đến Thầy” (Lc 22:19). Các Kitô hữu đầu tiên đều là tín hữu Do Thái sùng đạo nên họ không thể không hiểu Người có ý nói gì. Trong thư gửi tín hữu Côrinthô, Thánh Phaolô nói rõ về liên hệ giữa Lễ Vượt Qua và Bí Tích Thánh Thể: “Vì Đức Kitô, chiên Lễ Vượt Qua của chúng ta, đã chịu hiến tế. Vì thế, chúng ta hãy mừng đại lễ.... với bánh không men của lòng tinh tuyền và chân thật” (1 Cor 5:7-8).

Hội Thánh thẳng thắn nói về thực trạng của việc tưởng nhớ Lễ Vượt Qua mới này giờ đây được hoàn tất nơi Đức Chúa Giêsu Kitô. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo viết: “Tưởng Niệm không chỉ là nhớ lại những biến cố đã qua,.... Khi cử hành phụng vụ, những biến cố này bằng một cách nào đó trở nên hiện diện và sống động” (GLCG 1363). Và “Khi cử hành bí tích Thánh Thể, Hội Thánh tưởng nhớ cuộc Vượt Qua của Ðức Kitô; và cuộc Vượt Qua này trở nên hiện diện giữa cộng đoàn, vì hy tế của Ðức Kitô trên thập giá chỉ dâng một lần là đủ và luôn hiện diện sống động để đem lại ơn cứu độ” (GLCG 1346).

Toàn thể thời gian lịch sử thánh trong quá khứ, hiện tại và tương lai đồng quy khi chúng ta rước Lễ. Chúng ta thực sự tham gia vào những biến cố xảy ra xưa kia. Chúng ta thực sự dự phần vào vinh quang trong tương lai. Nhưng chúng ta không bao giờ xa rời giây phút hiện tại.

Đó là điều xảy ra khi cõi vĩnh hằng nhập vào thời gian, như đã làm khi Ngôi Lời nhập thể. Đó là điều mà Bí Tích làm cho có thể xảy ra. Quá khứ, hiện tại và tương lai kết hợp với nhau trong một giây phút độc nhất.

Lời vĩnh cửu đã mặc lấy một cuộc đời dương gian để cho chúng ta được chia sẻ sự sống vĩnh cửu của Người. Khi rước Lễ, “chúng ta được tham dự vào thiên tính” (2 Pr 1:4). Khi đó và ở nơi đó Con Thiên Chúa ban cho chúng ta tất cả mọi sự Người có: Mình, Máu, Linh Hồn và Thiên Tính – và như thế chúng ta “giờ đây thành con cái Thiên Chúa” (1 Ga 3:2), dù chúng ta chưa được thấy Người. Chúng ta được nếm trước Thiên Đàng, nhưng không phải một cách bền vững và vĩnh viễn. Như ĐTC Bênêđictô thường nói, chúng ta cảm nghiệm cả một sự kiện “đã xảy ra” và “chưa xảy đến”.

Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói rất đúng rằng sự kinh ngạc về Bí Tích Thánh Thể là một phản ứng chính đáng. Khi diễn tả sự ngạc nhiên này một lần nữa trong Thông Điệp cuối cùng của ngài, Ecclesia de Eucharistia, ngài lại dẫn chứng O Sacrum Convivium khi mời gọi các tín hữu Công Giáo đến sự “phung phí” thánh thiện trong lúc họ diễn tả “sự ngạc nhiên và sùng kính trước hồng ân vô giá của Bí Tích Thánh Thể” (Ecclesia Eucharista, số 48).

Dù ý niệm về một “bữa tiệc” thường ám chỉ một sự quen thuộc, Hội Thánh không bao giờ lùi bước trước cám dỗ tầm thường hóa “sự liên hệ mật thiết” này với Đức Lang Quân của mình bằng cách quên rằng Người cũng là Chúa của mình, và “bữa tiệc” vẫn luôn luôn là một bữa tiệc hiến tế được đánh dấu bằng Máu đổ ra trên đồi Golgôtha. Bữa Tiệc Thánh Thể thật sự là một tiệc thánh, trong đó sự đơn giản của dấu chỉ che dấu sự thánh thiện khôn lường của Thiên Chúa: O sacrum convivium, in quo Christus sumitur! [Ôi bữa tiệc thánh, trong đó chúng ta lãnh nhận Đức Kitô!]. Tấm bánh bị bẻ ra trên các bàn thờ, được ban cho chúng ta, những kẻ lữ hành trên đường dương thế, là panis angelorum, bánh các thiên thần, là điều không thể đến gần được nếu không có lòng khiêm nhường như viên bách đội trưởng trong Tin Mừng: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con” (Mt 8:8; Lc 7:6).

Lòng súng kính Bí Tích Thánh Thể đó đã dựng nên các Thánh Đường và trang trí chúng bằng vàng hay đá cẩm thạch. Đó là lòng sùng kính đã gợi hứng cho các bài thơ của Thánh Tôma Aquinô (không phải chỉ có bài O Sacrum Convivium) và những bài phổ nhạc thời danh bởi những nhà soạn nhạc vĩ đại trong lịch sử: Palestrina, Victoria, Liszt và Tallis.

Hầu hết chúng ta không bao giờ soạn một bản nhạc cổ điển hay tạc một bức tượng hoặc xây dựng một công trìng kiến trúc tuyệt mỹ để Chúa Thánh Thể của mình ngự. Nhưng đức tin không cần phải được đo lường bằng những phương cách xa xỉ như trong văn hóa. Hai “đồng bạc cắc nhỏ” của bá góa (x. Mc 12:42) cũng đã là “xa xỉ” rồi. Vậy chúng ta hãy tha hồ hoang phí trong sự ngạc nhiên của mình.

Phaolô Phạm Xuân Khôi

Viết theo tài liệu Chúa Nhật Giáo Lý 2011 của HĐGMHK
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:24 21/06/2011
CƯỠI GÀ MÀ VỀ
N2T

Có một người được mời đến nhà người khác làm khách, chủ nhà dọn ra trên bàn toàn là rau, khách trong bụng không vui. Chủ nhân xin lỗi nói:
- “Nhà nghèo lại xa chợ, không thể đi mua thịt được”.
Khách nói:
- “Vậy thì giết con la tôi đang cưỡi để uống rượu vậy !”
Chủ nhà nói:
- “Giết con la thì anh lấy gì mà đi về ?”
Khách lấy tay chỉ con gà đang đứng trước bậc thềm nhà, nói:
- “Tôi mượn anh con gà ấy để cưỡi về nhà vậy !”

Suy tư:
Người lịch sự khi được mời làm khách thì không đòi hỏi gì cả, ít là thái độ bên ngoài, nhưng người chỉ biết ăn uống hơn tình bè bạn, thì thường chỉ trích và phê bình…
Người Ki-tô hữu được mời đến tham dự bàn tiệc thánh, mời đây không có nghĩa là khách, nhưng là như những người thân trong đại gia đình của Giáo Hội, là những bạn hữu của Chúa Giê-su, cho nên khi đi tham dự thánh lễ và rước Thánh Thể, thì đồng thời họ cũng được sự sống của Chúa Giê-su trong con người của họ. Tuy nhiên, hiệu quả ân sủng mà họ lãnh nhận được từ nơi bàn tiệc thánh, đều tùy thuộc vào lòng họ yêu mến Chúa Giê-su nhiều hay ít mà thôi.
Thông thường không ai tham dự bàn tiệc thánh mà đi xuống hỏa ngục, nhưng “cưỡi” ân sủng Chúa mà lên trời. Chỉ những ai mắc tội trọng mà cố tình đi rước lễ thì mới “cưỡi gà” đi xuống hỏa ngục mà thôi.
--------------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:25 21/06/2011
N2T

11. Ngày nào cũng chuẩn bị chết là điều đáng khen ngợi, nhưng ngày ngày mong chờ sự chết thì càng đáng khen ngợi hơn.

(Thánh vô danh)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Người tị nạn chạy đến châu Âu: Tổng Giám mục Vegliò kêu gọi các chính phủ giúp đỡ
Phạm Kim An
08:47 21/06/2011
Người tị nạn chạy đến châu Âu: Tổng Giám mục Vegliò kêu gọi các chính phủ giúp đỡ

ROMA - Đức Tổng Giám Mục Antonio Maria Vegliò, Chủ tịch Ủy ban Tòa thánh Chăm Sóc Mục Vụ cho Người Di dân và Lữ hành, đã kêu gọi các chính phủ châu Âu, mời gọi họ chấp nhận người tị nạn đã rời khỏi đất nước quê hương họ để đến Châu Âu bằng đường biển

Đức Tổng Giám mục Veglio đã khẳng định: “Sự tiếp nhận là một nhiệm vụ của châu Âu đối với các thuyền nhân nam và nữ này. Do đó, chúng tôi kêu gọi các chính phủ châu Âu hãy làm hết sức mình để cứu các tàu thuyền của những người chạy trốn khỏi đất nước của họ”.

Phát biểu tại một buổi canh thức cầu nguyện tổ chức ở Roma cho các nạn nhân vượt biển đến châu Âu, Ngài nói: “Chúng tôi đề nghị mọi người hãy sống chiều kích đón tiếp, vì biết rằng người ta sẽ không hề mất gì khi tiếp đón họ, nhưng người ta có được một cơ hội quý báu để tìm lại tình nhân loại của mình”.

Từ năm 1990 đến nay, Đài phát thanh Vatican cho biết, gần 17.597 người đã thiệt mạng trong các chuyến đi vượt biên dọc theo biên giới của châu Âu. Riêng trong 5 tháng đầu năm 2011, 1.820 người thiệt mạng ở Địa Trung Hải, trong đó 1.633 người thiệt mạng khi đi về hướng nước Ý. (Zenit 20-6-2011)

Phạm Kim An
 
TGM Tomasi: Phải khẩn cấp xoá bỏ luật phạm thượng ở Pakistan
Phạm Kim An
08:49 21/06/2011
TGM Tomasi: Phải khẩn cấp xoá bỏ luật phạm thượng ở Pakistan

Quan sát viên thường trực tại Geneva phản ứng với vụ Farah Hatim

ROMA - Đức Tổng Giám Mục Silvano Tomasi, quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại các văn phòng LHQ ở Geneva, cho rằng luật phạm thượng của Pakistan là một "công cụ bách hại”, nên “phải khẩn cấp sửa đổi và bãi bỏ nó".

Ngài đã khẳng định như thế trên Đài phát thanh Vatican, khi đề cập đến vụ Farah Hatim, một thiếu nữ Kitô hữu người Pakistan bị bắt cóc ở miền nam Punjab, và buộc phải kết hôn với một người Hồi giáo và chuyển đổi sang đạo Hồi.

Liên quan đến luật phạm thượng, Đức Tổng Giám Mục Tomasi nhắc lại rằng ở Pakistan cũng như ở nơi khác, “người Hồi giáo và Kitô hữu đều đồng ý nói rằng luật hiện hành về phạm thượng không làm việc được: nó chỉ được sử dụng như một công cụ bách hại chống lại một số người, hoặc như sự lạm dụng quyền lực, hoặc như một cái cớ, để giải quyết các vấn đề thuộc loại khác, mà không có liên quan gì đến tôn giáo cả".

Ngài khẳng định: "Chính vì thế, phải khẩn cấp sửa đổi và bãi bỏ loại luật đó, để cho sự tự do tôn giáo có thể được thực hiện với sự trong sáng bởi mọi người. Đây là một con đường khó khăn, vì hiện nay đa số dân và công luận là đặc biệt nhạy cảm, và không chấp nhận bất kỳ sửa đổi nào của luật này. Nhưng dần dần, mọi người cần được giáo dục và đi theo chiều hướng này".

Liên quan đến Farah Hatim, trước tiên Đức Tổng Giám Mục Tomasi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thu thập "các dữ liệu và thông tin chính xác, đáng tin cậy về tình hình ấy, bởi vì cho đến nay, không ai đã thành công trong việc nói chuyện với phụ nữ trẻ đó".

Ngài cũng nhấn mạnh: “Tôi nghĩ rằng toàn bộ hệ thống giáo dục cần phải dẫn đến sự tôn trọng mọi người, ngay cả khi họ là một thiểu số trong nền văn hóa và đức tin của họ". Sau cùng, Ngài hy vọng rằng "hệ thống tư pháp của các nước này không quan tâm đến các nhóm thiểu số”, mà chỉ trước hết đáp ứng "các yêu cầu tôn trọng các nhân quyền cơ bản của mỗi người".

Đức Tổng Giám Mục Tomasi cũng nhắc lại rằng việc bắt cóc và sự buộc phải chuyển đổi tôn giáo của các nạn nhân trẻ thuộc nhóm thiểu số Kitô giáo không phải là mới mẻ. “Đã từ nhiều năm qua các cô gái Kitô hữu buộc phải kết hôn với thanh niên Hồi giáo – và trong quá trình này – họ buộc phải từ bỏ đức tin của họ và bị buộc phải gia nhập Hồi giáo. Mỗi năm, khoảng 700 cô gái bị chuyển đổi tôn giáo như vậy”. (Zenit 20-6-2011)

Phạm Kim An
 
Cha Lombardi: Cuộc đời ĐTC Biển Đức XVI là “hoàn toàn linh mục”
Nguyễn Trọng Đa
08:51 21/06/2011
Cha Lombardi: Cuộc đời ĐTC Biển Đức XVI là “hoàn toàn linh mục”

Xin cho gương sáng của Ngài khuyến khích các ơn gọi mới và sự thánh thiện của linh mục

ROMA - "Cuộc đời của ĐTC Biển Đức XVI thực sự là một đời linh mục hoàn toàn", linh mục Federico Lombardi, Dòng Tên, nhấn mạnh như thế trong bài xã luận số mới nhất của Octava Dies, tuần báo của Trung tâm Truyền hình Vatican.

Vị Giám đốc phòng báo chí của Tòa Thánh phát biểu nhân dịp 60 năm ngày truyền chức Linh mục của ĐTC, vốn sẽ được tổ chức vào ngày 29-6, lễ Thánh Phêrô và Phaolô, mà "toàn thể Giáo Hội đang chuẩn bị trong niềm vui".

Linh mục nhận xét: “Các hội đồng Giám mục, được Thánh Bộ Giáo sĩ khuyến khích, mời gọi cử hành Thánh lễ tạ ơn và cầu nguyện cho các ơn gọi linh mục, đặc biệt là tập trung vào chầu Thánh Thể, để xin Chủ mùa gặt gửi nhiều thợ mới cho vườn nho của Ngài".

Phát ngôn viên của Vatican nêu ra các giai đoạn trong cuộc đời của ĐTC Biển Đức XVI: "Ơn gọi ở tuổi còn rất trẻ, sự đào tạo ở chủng viện bị gián đoạn bởi các kinh nghiệm đau thương của chiến tranh, được truyền chức Linh mục năm 24 tuổi cùng với anh trai của mình, và một nhóm người trẻ tuổi kiên trì trong lòng trung thành với Thiên Chúa và Giáo Hội".

"Các vị đã lấy cảm hứng từ các gương mẫu, như linh mục trẻ Alojs Andritzki, bị giết chết ở tuổi 31 tại Dachau năm 1943, và được phong Chân phước cách đây vài ngày, và Ngài đã thề lúc mới bị bắt: ‘Không một giây phút nào chúng tôi có thể quên chức linh mục của mình’”.

Đối với cha Lombardi, "ĐTC Biển Đức XVI đã cho chúng ta nhiều suy tư và lời nói tuyệt vời về chức linh mục, chẳng hạn năm ngoái khi kết thúc năm thánh Linh mục”.

Cha Lombardi nói khi nhắc lại như một thí dụ: “Người ta lập tức hiểu rằng, các suy tư và lời nói ấy được sinh ra từ kinh nghiệm cá nhân sâu sắc về ân sủng đã nhận được và sống cách trung thành. Sự táo bạo này của Thiên Chúa được giao phó con người; Chúa biết các điểm yếu của chúng ta, nhưng vẫn tin rằng con người có khả năng hành động và hiện diện thay cho Ngài - sự táo bạo này của Thiên Chúa là điều thực sự vĩ đại ẩn dấu trong danh từ ‘linh mục’”.

Phát ngôn viên Tòa thánh kết luận: “Chúng ta cùng hiệp nhất trong tinh thần để cầu nguyện cho ĐTC, xin cho gương sống khiêm nhường và lòng trung thành vui vẻ của Ngài để phục vụ Thiên Chúa táo bạo là một sự khuyến khích hiệu quả, cho sự ra đời nhiều ơn gọi mới và cho sự thánh thiện của các linh mục”. (Zenit 20-6-2011)

Nguyễn Trọng Đa
 
Kết quả tham gia biểu tình của người Công Giáo Ai Cập lật đổ TT. Hosni Mubarak
Nguyễn Long Thao
16:29 21/06/2011
Kết quả người Công Giáo Ai Cập tham gia biểu tình lật đổ TT. Hosni Mubarak

Cairo 21/06/11.- Bản tin của Tổ Chức Bác Ái Trợ Giúp Các Giáo Hội Có Nhu Cầu cho biết chính quyền Ai Cập hiện đang xem xét một đề nghị cho Giáo Hội Công Giáo Coptic được dễ dàng trong việc xây dựng nhà thờ.

Theo luật có từ lâu, chỉ tổng thống mới có quyền chấp thuận cho phép xây nhà thờ, nhưng theo đề nghị mới, các thống đốc khu vực có thể cấp giấy phép và thời gian xét đơn chỉ là ba tháng.

Đức Giám mục Công giáo Coptic Kyrillos Kamal William Samaan của Asyut tuyên bố: "Nếu đề nghị trên thành luật, thì điều đó có nghĩa là việc xây nhà thờ cũng sẽ giống như quy chế xây dựng đền thờ Hồi giáo.”

Ngài nói thêm: "Những gì chúng ta đang chứng kiến, là kết quả do các cuộc biểu tình lật đổ TT Hosni Mubarack vào hồi tháng Giêng năm nay . Và khi các người Kitô giáo tham gia biểu tình là họ muốn quyền của họ phải được tôn trọng và quyền đầu tiên họ yêu cầu là được phép xây dựng nhà thờ. "

Đức Giám Mục kết luận: “Nếu đạo luật này được thông qua thì coi như 50% những khó khăn mà người Công Giáo Coptic ở Ai Cập phải đối diện đã được giải quyết.
 
Món quà của 60 nghệ sĩ nhân lễ kỷ niệm 60 năm thụ phong linh mục của ĐTC Bênêđictô XVI
Tiền Hô
11:32 21/06/2011
Ngày 29 Tháng Sáu tới đây, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI sẽ cử hành lễ kỷ niệm 60 năm thụ phong linh mục của ngài. Để chào mừng biến cố này, 60 nghệ sĩ đã chuẩn bị một món quà đặc biệt cho Đức Giáo Hoàng. Họ sẽ đóng góp 60 tác phẩm nghệ thuật, chủ yếu là những bản nguyên tác (chưa từng công bố), cho một cuộc triển lãm mang tên "Sự Huy Hoàng của Chân Lý, Nét Thẩm Mỹ của Nhân Đức" (“The Splendor of Truth, Beauty of Charity"), sẽ được tổ chức tại Điện Tiếp Kiến Phaolô Đệ Lục (Paul VI audience Hall) từ ngày 4 Tháng Bảy đến ngày 4 Tháng Chín.

Đức Hồng Y Gianfranco Ravasi - Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa nói: "Ý tưởng này mang ý nghĩa gấp đôi. Thứ nhất là nó xuất phát từ cuộc gặp gỡ giữa Đức Giáo Hoàng và 300 nghệ sĩ tại Nhà nguyện Sistine hồi Tháng Mười năm 2009. Họ đã nhấn mạnh mối liên hệ giữa nghệ thuật và đức tin. Thứ hai là nó gắn liền với lễ kỷ niệm 60 năm thụ phong linh mục của Đức Giáo Hoàng. Chúng tôi muốn làm một tấm thiệp chúc mừng ngài nhưng không được viết theo kiểu truyền thống, nhưng bằng sự sáng tạo, độc đáo của các nghệ sĩ với trí tưởng tượng của họ".

Món quà độc đáo này sẽ có sự góp mặt hầu hết các thể loại của thế giới nghệ thuật, được thực hiện bởi bàn tay của một số nghệ sĩ ưu tú nhất.

Đức Hồng Y Gianfranco Ravasi cho biết kiến trúc sư Oscar Niemeyer người Brazil sẽ trình bày mô hình của một ngôi nhà thờ mà ông thiết kế cùng với nhạc nền do nhạc sĩ Ennio Morricone người Ý viết.

Nhưng Đức Hồng Y nói: "Thu hút nhiều sự chú ý của tôi là một phần tác phẩm của nhà soạn nhạc vĩ đại Ennio Morricone. Nó mang dáng dấp của cây Thánh Giá nằm trong âm nhạc. Thanh nằm ngang là những thành phần chạm vào dàn nhạc cụ, trong khi thanh nằm dọc là những tiếng hát. Vì vậy, đó không chỉ là một bản nhạc, mà còn là một tác phẩm nhỏ của nghệ thuật và thiết kế".

Tuy nhiên, không chỉ có 60 nghệ sĩ đó muốn vinh danh Đức Giáo Hoàng vào ngày đặc biệt của ngài. Thánh Bộ Giáo Sĩ đã đề xuất thực hiện 60 giờ chầu Thánh Thể trên toàn thế giới. Ngoài ra, vào ngày 30 Tháng Sáu, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI sẽ trao giải thưởng thần học của Quỹ Giải Thưởng Ratzinger...

Đức Hồng Y Gianfranco Ravasi còn đảm bảo rằng sẽ có nhiều món quà hơn nữa. Ngài cho biết: "Một số lượng rất lớn người bình dân muốn tặng điều gì đó cho Đức Giáo Hoàng và nhiều người đã gửi đến những tác phẩm nghệ thuật, có thể không được ngoạn mục hoặc chất lượng không cao nhưng dù sao cũng rất đẹp và rất cá tính".

Tất nhiên, những tác phẩm nghiệp dư sẽ không được trưng bày tại cuộc triển lãm, nhưng nó cho ta thấy rằng mọi người trên khắp thế giới muốn được hiện diện tại lễ kỷ niệm lớn lao này như thế nào. (20 Tháng Sáu 2011 - Romereprts)
 
Gần 20.000 linh mục sẽ tham dự Đại hội Giới trẻ Thế giới 2011
Tiền Hô
11:32 21/06/2011
Madrid (Tây Ban Nha), 20 Tháng Sáu 2011 (CNA) - Đức Hồng Y Antonio Maria Rouco - Tổng Giám Mục của Madrid (Tây Ban Nha) cho biết, gần 20.000 linh mục dự kiến sẽ đồng hành cùng với những bạn trẻ tham dự Đại hội Giới trẻ Thế giới (World Youth Day) vào Tháng Tám năm nay.

Ngài nói: "Đồng hành cùng với những bạn trẻ trong lễ kỷ niệm tuyệt diệu về Lời Chúa, Thánh Thể và việc chăm sóc mục vụ sốt sắng là thách thức lẫn cơ hội lớn lao mà Đại hội Giới trẻ Thế giới mang lại cho chúng ta vì hiện tại và tương lai của Giáo Hội".

Đức Hồng Y Rouco cho biết sẽ có nhiều vị giám mục và một lượng linh mục "khổng lồ" đến từ khắp nơi trên thế giới dự kiến sẽ tham dự sự kiện dành cho giới trẻ diễn ra từ ngày 16 đến 21 Tháng Tám tại Madrid. "Số lượng linh mục ghi danh tham dự đã vượt quá 12.000 người, và chúng tôi hy vọng rằng số lượng này sẽ đạt đến từ 15.000 đến 20.000", Đức Hồng Y nói trong một Thánh Lễ kính Chúa Giêsu Kitô Vị Thượng Tế Vĩnh Cửu, được tổ chức hôm 15 Tháng Sáu tại Tây Ban Nha.

Đức Hồng Y Rouco Varela nhắc lại rằng, mọi việc chuẩn bị hậu cần và chuẩn bị tinh thần cho Đại hội Giới Trẻ Thế giới 2011 đều tập trung vào "Thánh Giá Chúa Kitô, Thánh Giá của Đại hội Giới trẻ Thế giới, và Bức Ảnh Đức Trinh Nữ Maria ở bên cạnh cây Thánh Giá".

Đức Hồng Y nói thêm: "Sứ vụ của các linh mục trong thời gian chuẩn bị cho Đại hội là cần thiết, và thậm chí trong thời gia diễn ra Đại hội thì còn cần thiết nhiều hơn thế nữa".
 
Đức Thánh Cha sẽ tham dự Đại Hội Thánh Thể tại Ancône ngày 11 tháng 9
Bùi Hữu Thư
15:52 21/06/2011
Ngài kêu gọi sự hiệp nhất, trong năm kỷ niệm lần thứ 150 của sự thống nhất toàn thể nước Ý

ROME, Thứ Ba 21 tháng 6, 2011 (Le Monde vu de Rome) – Đức Thánh Cha Benedict XVI sẽ tham dự Đại Hội Thánh Thể thứ XXV của toàn thể nước Ý tại Ancôna - trong Miền Trung, trên bờ biển Adriatique -, sẽ được tổ chức từ ngày 3 đến ngày 11 tháng 9 với chủ đề: "Lạy Thầy, chúng con biết theo ai bây giờ? Thánh Thể cho đời sống hàng ngày."

Ông Vittorio Sozzi, trách nhiệm về dự án văn hóa cho Hội Đồng Giám Mục Ý nói: Đây là một cơ hội, khi nước Ý kỷ niệm 150 năm thống nhất về chính trị, để tăng cường "sự hiệp nhất", và ngay cả "sự hiệp thông của các giáo hội điạ phương." Ông nhìn thấy nơi đại hội này, một cơ hội để "tái khẳng định trước công chúng đức tin nơi Thánh Thể, là Bí Tích của sự cưú rỗi và hiệp thông."

Đại hội sẽ quy tụ khoảng 300.000 người. Việc tài trợ phần lớn sẽ do Hội Đồng Giám Mục Ý và các giáo phận đài thọ. Chính phủ Ý đã trả 200.000 euros cho "Biến Cố Lớn Lao này."

Đại hội đã được trình bầy tại Vatican ngày 21 tháng 6 bởi Đức Tổng Giám Mục Ancône-Osimo; cùng với ông Vittorio Sozzi, phụ trách dự án văn hóa của Hội Đồng Giám Mục Ý (CEI); Giáo Sư Giovanni Morello, chủ tịch uỷ ban khoa học của các cuộc triển lãm được tổ chức nhân dịp này; và Linh Mục Ivan Maffeis, phó giám đốc Văn Phòng quốc gia về truyền thông xã hội của Hội Đồng Giám Mục Ý.

Đức Thánh Cha sẽ bế mạc đại hội Chúa nhật 11 tháng 9: ngài sẽ bay trực thăng từ Vatican đến (gần tới 300 cây số). Ngài sẽ chủ tế thánh lễ Trưa, sẽ tiếp kiến các giám mục, những người thất nghiệp và nghèo khó trong bữa cơm tối. Buổi chiều, ngài sẽ gặp gỡ các gia đình, các linh mục và các cặp hứa hôn.

Đức Tổng Giám Mục Menichelli đã nhắc rằng Đại Hội Thánh Thể Ý đầu tiên được tổ chức tại Naples năm 1891, và Miền Trung nước Ý đã bắt đầu tiếp nhận Đại Hội ở Lorette năm 1930.

Chủ đề của đại Hội: "Lạy Thầy, chúng con biết theo ai bây giờ?" - được trích trong Phúc Âm Thánh Gioan (Ch. 4): đây là câu Phêrô hỏi Chúa Kitô, Người đã bầy tỏ bằng Bánh Hằng Sống.

Đức Tổng Ancône đã nhấn mạnh: Phụ đề: "Thánh Thể cho đời sống hàng ngày" nhấn mạnh vào sự hòa hợp giữa việc cử hành Thánh Lễ và đời sống hàng ngày. Ngài cũng nhấn mạnh về bốn đặc tính của đại hội này: bình dân, tôn giáo (cũng như các đại hội Thánh Thể khác), nhưng cũng có tính cách lãnh thổ và có chủ đề.

Thực vậy, năm giáo phận của Miền Trung: Ancône, Senigallia, Jesi, Fabriano, Lorette – sẽ phát triển 5 chủ đề, như trong Đại Hội Quốc Gia của Giáo Hội Ý tại Vérone năm 2006: tác động, tinh nhuệ, lao tác và ăn mừng, truyền thống, và công dân.

Giáo sư Morello giải thích: Ba cuộc triển lãm sẽ đóng góp cho đại hội. Triển lãm thứ nhất thu thập các tuyệt tác của các họa sĩ Âu Châu, từ Raphaël đến Tiepolo, với chủ đề: "Tại Bàn Tiệc Thánh của Chúa Kitô" (tại khu thương mại Vanvitelliana). Cuộc triển lãm thứ hai. "Những dấu chỉ của Thánh Thể", lưu động. Và cuộc triển lãm thứ ba "Ngay hôm nay Ta sẽ đến thăm nhà ngươi", cùng với Nhà Xuất Bản Itaca.
 
Đại chủng sinh sẽ không sử dụng thông tin vi tính-điện tử để vào Sa Mạc hiện đại.
Dominic David Trần
16:07 21/06/2011
Đại chủng sinh sẽ không sử dụng thông tin vi tính-điện tử để vào Sa Mạc hiện đại.

TORONTO, 21/06/11 Catholic Register thuật lại cho biết bắt đầu từ tháng Chín năm nay 2011 , tất cả các lớp Đại Chủng Sinh mới nhập học sẽ tham gia vào một hình thức chuẩn bị linh thao mới (Cấm phòng Thiêng liêng theo hình thức mới ) gọi là năm Dự Tập hay Dự Bị (a Propaedeutic year). Thời gian học năm Dự Tập chuẩn bị Tĩnh Tâm kiểu mới này là 10-tháng (Việt Nam trước đây dùng danh từ Năm Dự Tu) sẽ trải qua các lớp Huấn đức (formation) tại Nhà Dự Tập Serra House như của Tổng Giáo Phận Toronto và các môn khoa học truyền thống căn bản ở Đại Chủng Viện. Năm Dự Bị cho các ứng sinh dự tu này nhằm để giúp đỡ cho các ứng sinh chuẩn bị thành các Giáo sĩ-Linh Mục trong cách thế và môi trường không mang tính chất kinh điển và học thuật nặng về phần sách vở lý thuyết.

Chương trình của Năm Dự Tập này cũng sẽ bao gồm việc đọc các tác phẩm kinh điển -truyền thống của Giáo Hội Công Giáo, các tuyển tập suy niệm về Tĩnh Tâm và Linh Thao trong 5.5 ngày mỗi tuần lễ. Đây là việc “giữ chay” hay kiêng khem việc sử dụng trang thiết bị vi tính-điện tử và truyền thông đại chúng.

Đức TGM Thomas Collins của TGP Toronto phát biểu; “ Mỗi khi bạn đang học bài và phải suy niệm về Đức Chúa Giêsu mọi lúc; bạn đang phải viết bài thi về Đức chúa Giêsu và công nghiệp của Ngài thì bạn sẽ luôn thao thức để tự hỏi chính bạn là; - Liệu con đã dâng trọn cả tâm hồn con cho Thiên Chúa chưa ? và - Liệu con đã dâng hiến trọn đời con cho Thiên Chúa?”

Đức Cha Thomas Collins, TGM Toronto giải thích ; “ và chính bởi lẽ ấy, điều chúng tôi muốn làm là giúp cho các Dự tu, các Ứng Sinh Dự Tập vào Đại Chủng Viện một cơ hội để họ tự trả lời hai câu hỏi nêu trên. Họ cùng làm việc đó với cách thế mục vụ hướng ngoại và cùng tập trung hướng về nội tâm bằng cầu nguyện.

Năm Dự Bị cho các Dự Tu hay Ứng sinh Dự Tập này đã trở thành một mô hình đào tạo sau khi nhận được kinh nghiệm từ chương trình cùng tên này do chính Đức cố Hồng Y Jean-Marie Lustiger, Đức cố Tổng Giám Mục Paris đề xướng. Nhưng thật ra chính Đức TGM Thomas Collins nhận thức được những thành quả và tác động tích cực của chương trình này thu gặt được ở Đại Chủng Viện Thánh Gioan Vianney thuộc TGP Denver – Hoa Kỳ. Đang khi Đức TGM Collins hướng dẫn các Khóa Tĩnh Tâm và Tu Đức cho các Đại Chủng Sinh ở TGP Denver, ngài đã yêu cầu các Đại Chủng Sinh thực hiện chương trình này và kết qủa phản hồi của tất cả tham dự viên thật tích cực- ở mức rất cao và vượt xa những mong đợi.

Một Đại Chủng Sinh phát biểu; “ Hiện nay tôi đang sử dụng các trang thiết bị công nghệ thông tin hiện đại nhưng tôi không nghiện và không bị các thiết bị phương tiện này lợi dụng tôi.”

Kể từ khi giới thiệu và thực thi chương trình Năm Dự Bị ở Tổng Giáo Phận Denver- kết qủa cho biết: Trong tất cả các Đại Chủng Sinh tốt nghiệp Đại Chủng Viện và được thụ phong Linh Mục theo chương trình mới này- cho đến hôm nay chưa có vị nào đã rời bỏ hàng ngũ Giáo Sĩ.

“ Kể từ thứ Hai cho đến thứ Sáu và cả buổi sáng Chúa Nhật: các Đại Chủng Sinh trong Năm Dự Bị sẽ bị cấm không được dùng điện thoại, máy vi tính, xem Vô tuyến Truyền hình, nghe đài Vô tuyến truyền thanh, - Đức Tổng Giám Mục Thomas Collins còn khôi hài nói thêm -và thậm chí không được đọc báo The Catholic Register, tờ báo chính thức của Giáo Hội Công Giáo Canada nữa.”

“Việc kiêng khem chay tịnh luôn luôn là một phương tiện để đạt đến cứu cánh; nhưng tự bản thân chính việc kiêng khem chay tịnh không phải là một cứu cánh.” (“The fast is always a means to an end, it’s not an end in itself,”) Đức Ông Robert A. Nusca, Giám Đốc Đại Chủng Viện Thánh Augustine của TGP Toronto phát biểu; “Làm sao chúng ta có thể tập trung và hướng tất cả mọi sự cho Thiên Chúa được trong khi chúng ta đã bị chia trí bởi những sự việc khác hay đang bị phân tâm bởi những tạp niệm? (“How can we focus on Him if we’re distracted?”)

Sự Kiêng khem Chay tịnh về Công nghệ Khoa học Kỹ Thuật (The Technology Fast) có ý hướng nhắm đến việc cổ vũ sự giao tiếp liên lạc giữa con người với nhau và hàm ý xây dựng một cảm thức của “ những tấm lòng ngỏ lời với nhau; những tâm hồn mở rộng đến với nhau - chứ không phải là hiện trạng những máy móc nói chuyện với máy móc.( The technology fast is meant to promote human interaction and a sense of “heart speaking to heart, not machine speaking to machine,”) Đức Ông Giám Đốc ĐCV St. Augustine nói tiếp;

“Sự Kiêng khem Chay tịnh Thông Tin với thiết bị công nghê khoa học hiện đại là một thời gian ở trong Sa Mạc. Trong Phúc Âm, sa mạc là nơi mọi người chịu thử thách và bị cám dỗ… Sa Mạc là nơi Thiên Chúa đã làm những phép lạ vĩ đại nhất. Đi ra sa mạc mênh mông để chịu mọi thử thách chính là để trở về và đi vào chính nội tâm mình (“It’s a time in the desert. - The desert in the Bible is the place where people are tested… It’s where God works his greatest miracles. To go out in the desert is to go within.”)

Đức Ông Nusca, LM. Giám Đốc ĐCV thừa nhận rằng cơ sở Đại Chủng Viện St. Augustine tại thành phố Scarborough bên cạnh hồ Scarborough Bluff không chính xác là một sa mạc, nhưng với cách chuyển ý văn hoa hơn nói về việc đi vào Sa mạc sẽ phải là chương trình thực nghiệm 30 ngày trong Sa mạc tách rời phương tiện thông tin hiện đại mà mỗi Đại Chủng Sinh sẽ cảm nghiệm suốt trong năm học. (While Nusca admits that the seminary’s Scarborough property isn’t exactly the desert, a more literal translation of going into the desert might be the 30-day immersion experience that each seminarian will experience during the year.)

Đức Tổng Giám Mục Thomas Collins giải thích về chương trình Đi vào Sa Mạc Nội tâm và Tu đức mục vụ thiêng liêng đó như sau; “ Các Đại chủng sinh sẽ được sai đi bất cứ nơi nào trên lãnh thổ Bắc Mỹ mênh mông này. Mỗi người trong các con sẽ không được mang theo bất cứ vật dụng gì khác ngoài các thứ được cho phép như sau: - chỉ được phép mang theo bên mình đúng 02 (Hai) dollars; một quyển ghi chép tóm tắt các việc; một quyển Phúc Âm ; vài bộ quần áo theo mùa; và các con phải đến phục vụ cho những người cùng khổ nhất trong những nguời nghèo khó. ( “The guys leave two by two to go off somewhere in North America with nothing but two dollars, a breviary, and a Bible and a change of clothes, and live serving the poorest of the poor,” Collins explained.)

“ Tất cả chúng ta là những người được sống trong sự bảo vệ và an toàn nhất trên thế giới hiện nay. Vì vậy , các Đại chủng sinh nơi đây hãy thức dậy, hãy bước vào thế giới và các con hãy ở ngay nơi mọi người cần các con đến để phục vụ. “

Ngay chính bản thân Đức TGM Thomas Collins và các vị Giám Mục hàng ngày vẫn phải dành thời gian để tĩnh tâm và suy niệm, vì chính các ngài cũng bị rơi vào vào cái bẫy của tất cả mọi người thế gian thường tình. Ở một cuộc hội nghị mới đây của các Đấng bậc lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo; vừa ngay khi Hội nghị được khai mạc, tất cả các Giáo sĩ tham dự, - trong đó có cả Đức Tổng Giám Mục Thomas Collins như chính ngài thừa nhận nơi đây- các ngài đều lấy điện thoại cầm tay các loại ra (cellular phone, Ipad, Iphone, Blackberry) và các Đấng Bậc bắt đầu nói chuyện, text, hay gởi email cho người nào đó không có mặt trong Hội nghị cao cấp này.

“ Tất cả chúng ta trở nên những con người tương tự như nhau trong thế giới của thông tin điện tử kỹ thuật số. Cá nhân tôi nghĩ điều này quả là một phước lành vô biên cho các Đại chủng sinh và tín hữu cùng tha nhân, những người sẽ được các Đại chủng sinh phục vụ.” “We are analog people in a digital world, “I think this will be an immense blessing for the seminarians and the people they serve.”)

Xin góp lời cầu nguyện cho các Đại Chủng Sinh Giuse Nguyễn Quang Diệu, Phanxicô Nguyễn Quốc Cường, Giuse Phạm Văn Công hiện đang theo học tại Đại Chủng Viện St. Augustine vượt thắng mọi tạp niệm và được bền đỗ đến cùng trong Sa mạc của Phúc Âm.

Tin Mừng nhận được trong Lễ Chúa Nhật Kính Mình Máu Thánh Chúa 19/06/2011: thầy Peter Nguyễn Văn Hiệp,Phó Chủ Tịch Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ CTTĐVN Toronto, nguyên là cựu Tu sĩ Dòng Thánh Tâm Huế. Dòng bị đóng cửa sau 1975 thầy đến Canada và sau hơn 20 năm phục vụ tại Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Toronto - thầy đã được chấp nhận vào năm Dự Tập của Chương trình Phó Tế Vĩnh Viễn tại Đại Chủng Viện St. Augustine trong tháng Chín 2011 sắp đến. Xin Thiên Chúa đã thương cho thầy được trở về với Đại Chủng Viện thì xin Thiên Chúa cũng phù trợ cho thầy được ơn bền đỗ, hân hoan như những ngày thầy theo học tại Giáo Hoàng Chủng Viện Đà Lạt. Xin Thiên Chúa và Đức Mẹ La Vang phù hộ cho thầy vượt qua được những Sa Mạc Thiêng liêng và sa mạc đời thường sắp đến.

Courtesy of Canadian Catholic Register.

Dominic David Trần
 
Phong Chân Phước cho 3 Anh Hùng Tử Đạo Lübeck, Đức quốc: chống độc tài Đức quốc xã
LM. Phạm Văn Tuấn
23:21 21/06/2011
Thánh Lễ phong Chân Phước cho 3 Anh Hùng Tử Đạo Lübeck, Đức quốc: “Làm chứng cho sự thật chống lại chế độ tàn ác Đức quốc xã”

Thành Phố Lübeck - Tòa Thánh Vatican chính thức loan báo ngày phong Chân Phước cho 3 Anh Hùng Tử Đạo Lübeck vào ngày thứ bẩy, 25.6.2011, lúc 11g tại nhà thờ chính tòa Herz Jesu thuộc TP Lübeck ở Bắc Đức do Đức Hồng Y Angelo Amato, ĐHY Walter Kasper, Đức TGM Werner Thissen, Đức Cha Franz Bode, Đức Cha Norbert Trelle chủ tế và đồng tế.

Hermann Lange
3 Linh Mục phụ tá công giáo Hermann Lange, Eduard Müller, Johannes Prassek và một mục sư tin lành Karl Friedrich Stellbrink, lúc thi hành công việc mục vụ tại các giáo xứ thuộc tỉnh Lübeck đã bị Đức quốc xã xử chém đầu vào ngày 10.11.1943 tại nhà tù Hamburg bởi bản án của Đức quốc xã. Các Ngài bị kết án tử hình bởi tội: "phá hoại tinh thần quân đội, tuyên truyền gian trá chống chế độ, giúp thù địch, và nghe lén các chương trình phát sóng của thù địch."

Tòa Thánh Vatican đã chấp nhận ngày đề nghị phong Chân Phước do Tòa TGM Hamburg đề nghị. Một thủ tục duyệt trình án phong Chân Phước đạt đến một kết luận nhanh chóng bất thường. Vào năm 2004, Đức TGM Werner Thissen của TGP Hamburg thúc đẩy cho dự án đại kết phong Chân Phước cho tất cả 4 vị giáo sĩ đã không thể không gây ra nhiều tranh cãi và đưa đến mâu thuẫn giữa 2 Giáo Hội. Mới đây, Đức TGM Werner Thissen đã nhấn mạnh, vị mục sư tin lành Karl Friedrich Stellbrink không có thể được phong Chân Phước theo lễ nghi Giáo Hội Công Giáo, tuy nhiên trong ngày lễ phong Chân Phước, mục sư Stellbrink sẽ có một nghi lễ tưởng niệm tôn vinh đặc biệt dành riêng cho Ngài.

Đây là nghi lễ phong Chân Phước đầu tiên tại vùng Bắc Đức được tổ chức tại thành phố Lübeck, nơi quê hương của các vị Anh Hùng Tử Đạo. Ước lượng hàng chục ngàn giáo dân Công Giáo và Tin Lành sẽ đến tham dự.

Eduard Muller
Ngày lễ Phong Chân Phước vào tháng 6 được chọn ra dựa vào bản kết án tử hình cho 4 vị Tử Đạo đã được công bố vào ngày 23.6.1943. Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đánh giá rằng tình hữu nghị của 4 giáo sĩ như là một "nhân chứng đầy ấn tượng của phong trào đại kết qua lời cầu nguyện và khổ đau". Họ là những "cột mốc tỏa sáng" của cuộc đối thoại đại kết.

Đức TGM Werner Thissen cho biết hai Giáo Hội đang chuẩn bị cho "ngày lễ hội trọng đại của chúng tôi ở miền Bắc Đức". Bốn giáo sĩ đã bị xử tử dưới chế độ vô nhân đạo của Đức quốc xã. Bản án tử hình đã làm cho 4 Vị can đảm thêm để làm chứng cho đức tin. Cuộc phong Chân Phước từ Giáo Hội Công Giáo xác nhận sự tôn vinh của giáo dân Đức trong vùng Bắc Đức dành cho 4 Vị trong nhiều thập niên qua.

Đức TGM Werner Thissen nhấn mạnh lễ phong Chân Phước không loại trừ một ai. Cùng với 4 Vị giáo sĩ còn có 18 giáo dân bị giam tù cùng với vô số tù nhân người Do Thái, Sinti và Roma, người đồng tính và những người bất đồng chính kiến chính trị. "Đây không phải một quyền dành riêng cho 4 Vị, nhưng cũng bao gồm tưởng niệm đến các nạn nhân khác. Tuy nhiên, 4 Vị Tử Đạo sẵn sàng hy sinh mạng sống của họ trong thời gian ngục tù và chứng nhân của các Ngài tỏa sáng và vững vàng.“

Johannes Prassek
"Chúng tôi rất tự hào vì Thánh Lễ phong Chân Phước đuợc cử hành tại Lübeck“, bà Regina Pabst, 82 tuổi cho biết. Quan trọng là thành phố Osnarück hoặc Hamburg không được đăng cai tổ chức. Thành phố Lübeck thuộc về Giáo phận Osnabrück từ năm 1943 và từ năm 1995 thuộc về TGP Hamburg. Bà Pabst đã nói như thế vì khi còn là thiếu nữ đã học giáo lý nơi cha phó Eduard Müller. Bà chính là chứng nhân cho Ngài và đánh giá cha Müller là một linh mục thánh thiện.

Trong chương trình tổ chức ngày đại lễ phong Chân Phước, GH Tin Lành sẽ tổ chức thêm một Thánh Lễ vào tối thứ sáu, 24.6.2011 trong nhà thờ tin lành của Lübeck. Giáo Hội Công Giáo chính thức phong Chân Phước cho 3 Anh Hùng Tử Đạo Lübeck vào thứ bẩy, 25.6.2011, lúc 11g tại nhà thờ Herz Jesu của TP Lübeck. Hàng năm, tại nhà thờ Herz Jesu qua nhiều thập niên hai Giáo Hội Công Giáo và Tin Lành luôn gặp gỡ nhau để cầu nguyện với 4 Vị Tử Đạo Lübeck vào dịp tưởng niệm ngày giỗ của các Ngài.

Ba linh mục công giáo Hermann Lange, Eduard Müller, Johannes Prassek và một mục sư tin lành Karl Friedrich Stellbrink của Lübeck đã chấp nhận trả giá bằng mạng sống của họ chống lại tội ác của Đức quốc xã. Sự hy sinh mạng sống này không làm cho chiến tranh được rút ngắn lại hoặc làm cho chế độ phi nhân của Đức quốc xã tan rã, nhưng giá trị làm chứng nhân của họ cho thấy sự thật về một thế giới tốt đẹp hơn trong một bầu trời tối tăm mất hết hy vọng. Họ là chứng nhân của công lý chống lại sự dối trá, giết người trong trại tập trung. Họ là nhân chứng gìn giữ nhân phẩm của con người trong một chết độ tạo ra sự khinh miệt con người. Họ là nhân chứng của đức tin trong một thời đại mà con người tự ngạo như Hitler tự tôn vinh coi mình là Thiên Chúa để gây ra tai họa chiến tranh thế giới và dã tâm khử trừ người Do Thái và các bệnh nhân tâm thần.

Mục sư Karl F. Stellbrink
"Đồng nhất tất cả như nhau" là một công cụ tuyên truyền về sự thống trị của chế độ Đức quốc xã: sự im lặng, sự tuân phục là yêu cầu duy nhất cho sự phân loại của chế độ. Bốn giáo sĩ của TP Lübeck từ chối tùng phục lời yêu cầu tối thượng này.

Họ đã vạch ra rõ ràng những mâu thuẫn không thể dung hoà được giữa đức tin của người Kitô giáo và sự tạo ra phân biệt chủng tộc này, cũng như đối chọi lại ý thức hệ vô thần của Đức quốc xã. Họ can đảm không câm miệng trước những mâu thuẫn như thế. Họ rao giảng sự thật và không để chính quyền cấm cản tự do ngôn luận của họ. Khi các bất công của chế độ kéo dài thì họ càng ý thứ hơn trong việc rao giảng Luật Chúa: Vâng lời Thiên Chúa hơn luật lệ của con người lúc chế độ dùng sự khủng bố cai trị và bắt đầu một cuộc chiến tranh hủy diệt.

Lúc ấy tại giáo phận Münster có vị mục tử là Đức giám mục Clemens August Graf von Galen đã lên án công khai chế độ Đức quốc xã bằng những bài giảng thì Bốn vị giáo sĩ của Lübeck đã sao chép lại những lời giảng huấn này và chuyền tay cho giáo dân tại Lübeck. Những lời giảng về sự thật này làm cho họ thêm can đảm phá tan được bức tường im lặng và thốt to lên những điều trước đây vì sợ hãi chỉ dám giữ thầm kín trong lòng - nhằm chống lại một chế độ tàn ác khi Đức quốc xã của Hitler bắt đầu chiến dịch tiêu diệt "những gì không xứng đáng với cuộc sống" mà khởi đầu bằng các vụ giết chết các bệnh nhân tâm thần người Đức.

Làm chứng cho công lý và sự thật đã nối kết được Bốn vị tử đạo với giáo dân mật thiết với nhau. Chứng nhân tử đạo của họ là mẫu gương phát xuất từ sức mạnh của lòng tin. Họ mạnh dạn cùng nhau đứng lên cho Giáo Hội của Chúa Giêsu Kitô, người đã vạch rõ ra sự bất công, chỉ ra những kẻ dối trá. Bốn vị tử đạo làm chứng cho lòng thương xót của Thiên Chúa như là một nguồn mạch của cuộc sống.

Bốn vị tử đạo cùng nhau rơi đầu bên máy chém. Họ biết mình không thể tách rời ra khỏi Thiên Chúa, "Chúng ta giống như là anh em," cha Hermann Lange làm chứng nói như thế trước máy chém. Ranh giới về tôn giáo đối với họ không còn là mối quan tâm hàng đầu.

Ngày phong Chân Phước đáng ghi nhớ này sẽ mở ra một chân trời mới và tạo ra hướng đi tốt cho giáo dân cũng như khuyến khích giáo dân Công Giáo và Tin Lành làm theo những gì cha Hermann Lange, cha Eduard Müller, cha Johannes Prassek và mục sư Karl Friedrich Stellbrink đã thực hiện rao giảng sự thật bằng cả mạng sống của mình. Bốn vị Tử Đạo đã sống Lời Chúa trong tinh thần, trong đức tin và trong hành động.

Sau Thánh Lễ phong Chân Phước lúc 11g ngày 25.6.2011 là lễ hội được tổ chức ngoài trời trên sân cỏ Domwiese của thành phố Lübeck cho tất cả mọi người trong niềm hy vọng của ngày vui đại kết.

Cùng lúc, ai muốn có giây phút cầu nguyện riêng với các vị Tân Chân Phước thì xuống nhà nguyện dưới hầm kính các Ngài trong nhà thờ Herz Jesu. Lúc 13 giờ bắt đầu cuộc triển lãm hình ảnh và thánh tích (quần áo mặc trong tù) về các vị Tân Chân Phước trong nhà thờ này.

Sau đó lúc 15g30 Chầu Tạ Ơn kết thúc ngày đại lễ tại nhà thờ Herz Jesu.

Lm. Paul Phạm Văn Tuấn
 
NBC lọai Thiên Chúa ra khỏi lời nguyện trên lá quốc kỳ
Trần Mạnh Trác
20:50 21/06/2011
Chưa đầy 1 tuần sau khi Đức Giáo Hòang Benedict cảnh báo chớ nên lọai Thiên Chúa ra khỏi xã hội lòai người, đài NBC đã cố tình lọai tiếng "under God" (dưới sự hộ phù của Chúa) ra khỏi lời nguyện trên lá quốc kỳ.

Nguyên văn lời nguyện như sau: "Tôi nguyện trung thành với lá quốc kỳ của Hiệp Chủng Quốc Mỹ Châu, và với nền cộng hòa mà lá cờ biểu dương, một quốc gia dưới (sự hộ phù của) Chúa, không thể phân ly, với tự do và công lý cho tất cả mọi người."

(I pledge allegiance to the flag of the United States of America, and to the republic for which it stands, one nation under God, indivisible, with liberty and justice for all.)

Đó là lời tuyên thệ của Quốc Hội, của chính quyền các cấp, của các hiệp hội công cũng như tư, của hội hiệp sỉ Columbus, Royal Rangers, Hướng đạo sinh, Girl scouts, Lion Clubs, Rotary clubs và của các học sinh tại các trường học trên tòan quốc.

Theo thể lệ về quốc kỳ, khi tuyên thệ thì "nên đứng với tư thế chú ý và đối mặt với lá cờ, tay phải đặt trên trái tim. Các nhân viên của lực lượng vũ trang và các cựu chiến binh dù mặc quân phục hay không cũng có thể giơ tay chào .. "

Chúa Nhật vừa qua, để khai mạc giải US Open Golf Tournament, là giải bóng "cù" lớn nhất trong năm mà NBC giữ độc quyền phát sóng, đải NBC đã chiếu một họat cảnh với lời nguyện trên lá cờ như sau:

-Trong khi chiếu cảnh các em học sinh đọc lời nguyện và cảnh những chiến binh tác chiến.
-Lời nguyên đọc rằng: Tôi nguyện trung thành với lá quốc kỳ của Hiệp Chủng Quốc Mỹ Châu, và với nền cộng hòa mà lá cờ biểu dương, một quốc gia
-Họat cảnh đổi qua một đội lính đang kéo cờ với tiếng hô "Nghiêm, Thượng Kỳ" (Freeze men, Order Pull,)
-Lời nguyện tiếp tục: với tự do và công lý cho tất cả mọi người.

Những câu "dưới (sự hộ phù của) Chúa, không thể phân ly" bị cắt mất!

Không chỉ một lần, họat cảnh trở lại lần thứ hai và được thay thế bằng những hình ảnh của thể tháo gia, và cũng như lần trước đọan có chữ Chúa (under God) bị lọai bỏ.

Phải chăng đây là một cú "thọt cùi chỏ" lén lút vào Thiên Chúa?

Đúng như lời cảnh báo của ĐGH, khi bỏ Chúa ra ngòai thì người ta sẽ tôn thờ ngẫu tượng. NBC lọai Chúa ra ngòai và thay thế bằng những 'thần tượng' thể thao!

Liệu cú 'đánh lén' này và sự hào nhóang của các 'siêu sao' sẽ che mắt mọi người chăng?

Sự thực hòan tòan ngược lại. Ngay lập tức nhiếu tiếng phản đối đã vang lên trên mạng Twitter. Sự phẫn nộ được mô tả là "dữ dội", "nhanh chóng và khắc nghiệt". Nhiếu đến nỗi chưa đầy 3 giờ sau thì NBC đã bị "phỏng" không chịu nổi, phải đưa Dan Hicks lên "thanh minh thanh nga" một cách gấp gáp và "sĩ diện hão" rằng: "Mới khoảng ba giờ trước đây, khi chúng tôi phát sóng giải chung kết này, ý định của chúng tôi là bắt đầu giải đấu bằng sự khơi dậy lòng yêu nước ... Đáng tiếc thay, một phần của lời nguyện đã bị bỏ đi. Sự việc này không cố ý làm tổn thương bất kỳ ai, và chúng tôi muốn xin lỗi nếu có ai thấy bị xúc phạm."

Cách xin lỗi kiêu kỳ như thế đã "đổ dầu thêm vào lửa"

Theo cách nhìn của Liên minh Bảo Vệ Kitô giáo (Christian Defense Coalition) thì NBC cần nhiều hơn là một lời xin lỗi. Họ kêu gọi đài phải có một lời "giải thích đầy đủ" động lực của mình.

Patrick J. Mahoney, giám đốc của Liên minh tại Washington, DC nói "Rõ ràng đây không phải là một tai nạn và lời xin lỗi thảm hại mà NBC cung cấp cho công chúng là không đủ. Đáng buồn thay, chúng ta đang thấy người ta càng ngày càng lọai bớt đi các biểu tượng đức tin ra khỏi quảng trường công cộng. Trên tầm cỡ quốc gia, điều quan trọng là chúng ta phải làm tất cả những gì có thể để thúc đẩy tự do ngôn luận."

Mahoney tiếp tục "Điều này bao gồm tự do tôn giáo. Hỏi rằng có ai đã mơ thấy rằng một mạng lưới truyền hình lớn của Mỹ lại "kiểm duyệt" và loại bỏ các đề cập đến Thiên Chúa trong một cuộc phát sóng công cộng? Đáng buồn thay, điều này cho thấy những gì liên quan đến Thiên Chúa đang bị tấn công ở đất nước chúng ta."

Dan Gainor, Phó Chủ tịch tại Trung tâm Nghiên cứu Truyền Thông (MRC), cho biết MRC sẽ gửi thư cho các nhà lãnh đạo tôn giáo trên toàn quốc để "kêu gọi họ gây áp lực và yêu cầu mạng lưới cách chức những người có trách nhiệm."

"Không nghi ngờ gì nữa, NBC đã cố tình có một hành động cố chấp để xúc phạm đến các Kitô hữu. Loại bỏ từ 'Thiên Chúa' - không phải một lần, nhưng hai lần - là hoàn toàn không ngẫu nhiên. Đó là một cố tình thô bạo, "

"Lời xin lỗi thảm hại của NBC đã chỉ làm tăng thêm hành vi phạm tội vì đã không công nhận những gì họ làm là sai quấy... Đó là tội cố ý giúp đỡ và về hùa với những kẻ chống đối tôn giáo cách mù quáng "

Trong khi đó, Trung tâm Luật Pháp và Công Lý (American Center for Law and Justice ACLJ) gửi một bức thư phản đối đến NBC và USGA.

Jordan Sekulow, Giám đốc Quan hệ Quốc tế và Chính sách của ACLJ tuyên bố.
"Cụm từ 'under God' không phải là một dòng bỏ đi được (throw-away line.) Đó là một phần quan trọng của lời nguyện trong hơn nửa thế kỷ -.. Một truyền thống lâu đời. Việc NBC thừa nhận đã bỏ đi cụm từ và lời xin lỗi ngắn gọn sau đó là quá ít, quá muộn."

Trong bài giảng về Thiên Chúa, Đức Thánh Cha nói rằng khi thay thế Thiên Chúa với một hình thức thờ ngẫu tượng,...người ta có nguy cơ làm mất đi chính mình và mất đi hy vọng nhận được ân sủng.

Sự tôn thờ thần tượng không mở cửa trái tim con người mà chỉ "đóng khung con người trong việc tìm kiếm đơn độc và tuyệt vọng về chính mình." Một người trong tình trạng này, Đức Thánh Cha nói, "có thể bị buộc phải hành động cách cực đoan".

Trong nhiều hành động tự giải cứu cho mình sau đó, NBC hình như càng ngày càng lún sâu vào vũng lầy.

Trong chương trình NBC Nightly News ngày thứ Hai, các bình luận gia của NBC đã cố gắng khai thác những biến cố khác để dìm xuồng vấn đề "Chúa", nhưng họ càng cố gắng bao nhiêu thì càng để lộ ra cái lúng túng của họ.

Thí dụ Brian Williams đã mở đầu bằng cách khai thác một biến cố của đảng Cộng Hòa: "Một vài sự cố xảy ra cuối tuần vừa qua đã gây nên nhiều khó khăn trong công luận. Riêng mạng truyền thông của chúng tôi thì bị một cú đập chính đáng cho cái gì đó đã bỏ sót trong phạm vi thể thao. Nhưng mà có một sự việc trong lãnh vực hài hước mà có thể không được đánh giá đúng mức đó là một diễn viên hài hước đã gây cho nhiều người hết sức tức giận...

Ông ta đề cập đến việc một diễn viên da đen giả dạng làm Obama đã nói lên một vài câu phản cảm và đã bị đảng Cộng Hòa lôi cổ xuống. Vậy thì vấn đề ông ta muốn đặt ra là gì đây?

Còn Mike Taibbi thì cố gắng đưa việc "Thống đốc Texas Rick Perry đã giành được tràng pháo tay to nhất" để cảnh báo mọi người phải coi chừng vị thống đốc bất khoan dung này...

Vấn đề là cho tới nay Rick Perry vẫn chưa tuyên bố ra ứng cử.

Nói cách khác họ cố gắng cách tuyệt vọng để nhận chìm khó khăn của mình bằng một câu chuyện lớn hơn. Nhưng hình như những cố gắng đó đều vô hiệu.

Một xã hội thiếu Thiên Chúa là một xã hội thiếu tình thương, không nhân nhượng và sát phạt thẳng tay. Trong những ngày này những mạng cạnh tranh đã không bỏ lỡ một cơ hội nào để làm trò hề về NBC, điển hình là mạng Fox với cái lưỡi cay độc của Glenn Beck.

Beck: "Tôi muốn nói theo ngôn ngữ "chơi golf tốt nhất" của tôi rằng đó là một lời xin lỗi (của NBC) yếu nhất mà tôi từng nghe. Cố lọai bỏ vấn đề "under God" bằng cách không đề cập đến nó nữa ư? Có vẻ nghe không xuôi. Ngay cả việc mà việc đó không làm cho bất cứ ai khó chịu, thì chúng ta vẫn muốn biết tại sao NBC đã làm như vậy chứ? Thật là một cú sốc. Đó là một 'birdie.' (một cú đánh lọt banh)"

"Tôi thực sự tin họ. Ý tôi là, tôi không nghĩ rằng họ đã cố gắng để xúc phạm bất cứ ai. Nó chỉ cho thấy họ đã mất liên lạc với người Mỹ trung bình. Họ tin rằng, bạn biết không, họ tin rằng cái điều gọi là "dưới Chúa, không thể phân ly" là điều không ai lưu tâm."

"Thật vậy chăng? Ý tôi là, những gì họ cố gắng (để bỏ từ under God) để làm gì? Phải chăng để có thêm hai giây trong chương trình phát sóng dài 3-1/2 giờ?"
...

Kết quả của câu chuyên sẽ đi đến đâu? Thực tình mà nói thì với số quần chúng Kitô hữu vốn không thù dai, một tuần trôi qua sẽ đưa vấn đề trở thành chuyên "nước chẩy qua cầu."

Nhưng dĩ nhiên các cấp lãnh đạo NBC từ nay sẽ phài nghĩ lại nhiều lần trước khi lọai Thiên Chúa ra ngòai.
 
Top Stories
Vatican lending iPods to pilgrims to lower tour noise level in Rome basilica
AP
11:39 21/06/2011
ROME (AP) -- The Vatican is lending iPods to pilgrims in a pilot program aimed at coupling ancient basilicas with modern technology to lower the noise level from tour guide chatter.

From a tiny booth in the back of St. John in Lateran, the Vatican has been quietly asking tourists if they want to tour Rome's oldest basilica with an iPod in hand loaded with an app to make accessing the place's art, architecture and Christian history user friendly.

The Vatican will formally unveil the experiment on Wednesday. Tourists from around the world were exploring the cavernous basilica with specially adapted iPods in hand Tuesday. There's no charge, although users must leave a document as security. The experiment runs through December.

(source: http://finance.yahoo.com/news/APNewsBreak-Vatican-gives-apf-1164099059.html?x=0&.v=1)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo lý viên giáo phận Saigòn và Mỹ tho tại thánh địa Ba Giồng
Nguyễn Tuấn
00:05 21/06/2011
MỸ THO - Ngày 18/06/2011, tại khuôn viên thánh địa hành hương Ba Giồng giáo phận Mỹ Tho, đã diễn ra buổi tĩnh tâm giao lưu giữa hơn 130 anh chị em giáo ly viên thuộc giáo phận Sài Gòn và khoảng 50 anh chị em giáo ly viên thuộc giáo phận Mỹ Tho. Đây là buổi tĩnh tâm lần đầu được tổ chức chung dành cho giáo lý viên cả hai giáo phận vốn đã có truyền thống sẽ chia, gắn kết lâu dài.

Đúng 8 giờ 30 sáng, đoàn hành hương tĩnh tâm giáo phận Sài Gòn đã có mặt ở nhà thờ giáo xứ Ba Giồng. Tại lễ đài khang trang kính Thánh tử đạo Phêrô Nguyễn Văn Lựu cùng 27 vị khác, các anh chị giáo lý viên hai giáo phận được gặp gỡ làm quen và lắng nghe cha Tổng Đại Diện Phao lô Trần Kỳ Minh giáo phận Mỹ Tho trình bày về lịch sử hình thành đầy thử thách khốc liệt của giáo xứ Ba Giồng cùng với những gương các Thánh can trường tử vì đạo để Ba Giồng có diện mạo mới đầy ân sủng như hôm nay.

Tiếp đến, các anh chị được hướng dẫn đi thăm viếng mộ các Thánh tử đạo, với tấm lòng biết ơn và kính mến, mỗi anh chị giáo lý viên đã dâng lên các Thánh một nén hương thơm cùng bao suy tư của lòng mình trước mẫu gương trung thành theo Chúa đến hơi thở cuối cùng của các vị, và nguyện xin các Thánh Tử Đạo Việt Nam cầu bầu nâng đỡ tất cả là thế hệ nối tiếp của các Ngài trong đời sống đức tin và lòng mến Chúa.

Sau đó, mỗi người có khoảng thời gian riêng để tĩnh tâm trong thinh lặng, để lắng nghe tiếng Chúa nói trong lòng mình, lắng nghe những bảo ban, những yêu thương và những xoa dịu Chúa dành cho trái tim mỗi người sau những chuỗi ngày ngụp lặn trong cuộc sống trần gian đầy khó khăn trắc trở.

Kết thúc giờ tĩnh tâm, các anh chị ngồi lại với nhau và chia sẻ về những gì Chúa khơi lên trong tâm hồn mỗi người để tất cả được thông phần hiệp nhất với nhau trong tình yêu Chúa. Vào khoảng thời gian ăn trưa do Mục Vụ Giới Trẻ tiếp đãi là lúc các anh chị giao lưu, với nhau khiến bầu khí ngày hành hương tĩnh tâm thêm vui tươi thân mật.

14 giờ 30 cùng ngày, các anh chị được lắng nghe trao đổi, chia sẻ về những thắc mắc, suy tư trong đời sống cũng như đường hướng mục vụ của người giáo lý viên. Qua những phút giây ấy, mọi người đều hiểu rằng để người giáo lý viên muốn trở nên hình ảnh phản chiếu liên lỉ sống động của Chúa giữa đời thì không có cách nào khác hơn là phải biết sống kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu trong mọi lời giảng và hành động của mình. Có như thế Lời Chúa mới lớn mạnh bền vững trong lòng người đón nhận.

Cuối ngày là Thánh lễ sốt sắng cầu nguyện cho tất cả các giáo lý viên được các cha đặc trách Ban Giáo Lý của cả hai giáo phận cử hành như lời tạ ơn dâng lên Chúa vì Người đã thương ban cho một ngày tĩnh tâm hành hương thật tốt đẹp mang lại nhiều ơn ích cho tinh thần lẫn thể chất. Sau đó mọi người chia tay nhau trong tình quyến luyến và hy vọng hẹn gặp lại nhau trong ngày không xa.

Chúa Nhật Chúa Ba Ngôi 19/06/2011, trong tiết nắng hanh vàng Chúa thương ban, các bạn trẻ giáo xứ Giồng Cát và Nhị Bình đã có buổi giao lưu gặp gỡ trong tinh thần hiệp nhất yêu thương nhau tại giáo xứ Giồng Cát, hạt Cái Bè, Tiền Giang.
 
Giao lưu giới trẻ Giồng Cát và Nhị Bình hạt Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, giáo phận Mỹ Tho
Nguyễn Tuấn
00:56 21/06/2011
Chúa Nhật Chúa Ba Ngôi 19/06/2011, trong tiết nắng hanh vàng Chúa thương ban, các bạn trẻ giáo xứ Giồng Cát và Nhị Bình đã có buổi giao lưu gặp gỡ trong tinh thần hiệp nhất yêu thương nhau tại giáo xứ Giồng Cát, hạt Cái Bè, Tiền Giang.

Xem hình ảnh

Chương trình giao lưu được Ban Mục Vụ Giới Trẻ chuẩn bị chu đáo nhằm để các bạn có được buổi giao lưu thú vị và vui tươi nhất. Đến với buổi giao lưu, các bạn được cha sở Giồng Cát Lôrensô Nguyễn Kim Điền tìm hiểu về ý nghĩa từ ơn gọi cũng như những ơn gọi mà Chúa dành cho người trẻ trong cuộc sống.

Kế đến, các bạn trẻ được tìm hiểu và học hỏi thêm về những phép giao tiếp lich sự trong những môi trường hoàn cảnh khác nhau và trong nếp sinh hoạt cộng đồng, cá nhân đời thường. Dưới sự dẫn dắt đầy dí dỏm của các anh chị giới trẻ, một lần nữa các em được nhắc nhở học hỏi thêm nhiều điều bổ ích nhằm phát triển kỹ năng giao tiếp của mình.

Sau buổi sẻ chia trò chuyện, các bạn được hướng dẫn sinh hoạt vui chơi tạo bầu khí sôi nổi, Ban Mục Vụ còn dành thêm những phần quà thật dễ thương để khích lệ tinh thần các bạn trong việc chia sẻ những suy tư hiểu biết của mình về những vấn đề đã được trình bày trước đó. Chính nhờ thế mà mọi người trong ban tổ chức đã có những ấn tượng đáng nhớ trước những câu trả lời thú vị không kém phần thông minh hiểu biết của các bạn trẻ của hai giáo xứ.

Buổi giao lưu kết thúc bằng giờ ăn trưa với món bún chả thơm ngon do Mục Vụ Giới Trẻ chuẩn bị, trong thời gian này các bạn trẻ hai giáo xứ có dịp làm quen cũng như hẹn nhau đến với buổi gặp gỡ kế tiếp. Sau mỗi buổi giao lưu bạn trẻ như thế, mọi người trong ban tổ chức đều rút ra được nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức phục vụ. Và ước mong với ơn Chúa trợ giúp, những buổi giao lưu tiếp theo sẽ ngày một tố đẹp hơn.
 
Sinh hoạt Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể giáo xứ Tân Hương
Tiến Dương
00:11 21/06/2011
Chuẩn bị mừng đón ngày bổn mạng của Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể giáo xứ Tân Hương - lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô, Chúa Nhật ngày 19-06-2011, Đoàn TNTT giáo xứ đã tổ chức chương trình " Hãy Đến Trẻ Em Đến Với Thầy".

Xem hình ảnh

Không ngoài mục đích tổ chức cho các em thiếu nhi giáo xứ một ngày hội học hỏi những kỹ năng và vui chơi vào những ngày hè, chương trình thật sự đã mang đến cho giáo xứ một bầu không khí vui tươi và phấn khởi.

Chương trình gồm hai phần chính workshop ( với các chủ đề: Giẹsu dễ thương, Kỹ năng làm việc nhóm theo phong cách Giêsu, Kỹ năng sinh hoạt,...) và phần hội chợ ẩm thực và trò chơi dân gian. Đội ngũ huynh trưởng, giáo lý viên cùng các chú các bác Hội đồng Mục Vụ, các bà mẹ Công Giáo, Đội Bảo Vệ,... đã tạo nên một sân chơi đầu những ngày hè 2011.

Ước tính chương trình có gần 700 em thiếu nhi 3 ngành: Ấu, Thiếu, Nghĩa tham gia.

Chương trình bắt đầu với buổi chào cờ khai mạc long trọng. Tiếp đến các giờ workshop chính thức bắt đầu đầy hào hứng và vui tươi, đúng với tiêu chí chương trình muốn mang đến cho các em thiếu nhi. Sau đó, hội chợ bắt đầu khai mạc. Các bạn thiếu nhi sẽ sử dụng những thẻ chăm ngoan mà ban tổ chức phát cho các em khi các em tham dự một Thánh Lễ để tham gia các trò chơi và thưởng thức những món ăn do chính tay các anh chị huynh trưởng và giáo lý viên thực hiện.
 
Thăm tượng đài Kitô Vua trên đỉnh Tao Phùng, Vũng Tầu
Phạm Huy Thông
00:48 21/06/2011
Tôi đã đến Vũng Tàu mấy lần, lượn xe dưới chân Núi Nhỏ nhưng chưa lần nào leo lên được tượng đài Chúa Kitô vua. Lòng vẫn băn khoăn tự trách, mình đã đi đến Chùa Hương, leo lên tận chùa Đồng Yên Tử, rồi đền Trung, đền Thượng nơi các vua Hùng làm lễ tế trời… Vậy mà chưa lên viếng thăm tượng Chúa - một kỳ quan vào loại đẹp bậc nhất của đạo Công giáo ở nước ta và cũng là tượng đài Kitô vua cao nhất thế giới. Vậy là lần này có dịp đến thành phố du lịch này, tôi hết sức tranh thủ để đi thăm Núi Chúa trên đỉnh Tao Phùng.

Theo con đường Hạ Long- Quang Trung, con đường đã được bình chọn là đẹp nhất Việt Nam năm 2002, chúng tôi đi bộ để có thể tận hưởng gió biển thổi vào mát rượi. Nhìn từ rất xa đã thấy tượng Chúa giang tay màu trắng trên đỉnh núi xanh. Núi này chính là Núi Nhỏ để phân biệt với Núi Lớn, nó là một trong năm ngọn núi như năm nón tay nhô lên ôm gọn thành phố Vũng Tầu xinh đẹp. Từ khi có tượng Chúa trên núi, người dân gọi tắt là Núi Chúa. Núi Nhỏ còn có tên là núi Tao Phùng. Có lẽ đây là nơi gặp nhau giữa trời và đất, giữa biển và đất liền. Do vị trí đặc biệt trên hành trình của các nhà hàng hải, các thuyền buôn thường phải qua lại Vũng Tầu nên người Pháp đã gọi đây là Cap Saint Jacques “Aller au Cap”, còn người Việt gọi giản đơn là Ô Cấp. Từ thế kỷ XVI, những thương gia Bồ Đào Nha mộ đạo đã đặt tên cho Vũng Tầu là vùng đất “Năm dấu Thánh của Chúa”. Tuy nhiên, lịch sử ghi nhận sự hiện diện của người Công giáo có mặt ở đây từ năm 1865 khi linh mục Errad Y cho xây cất một nhà thờ ở Bãi Trước. Một sự kiện khác cũng được ghi nhận là năm 1846, thương gia Matheô Lê Văn Gẫm đã bí mật đưa Giám mục Lefebvre từ Singapore về Việt Nam qua đây, bị bắt và bị hành quyết một năm sau đó ở Chợ Quán Sài Gòn. Ngài đã được nâng lên bậc Chân phước năm 1900 và bậc hiển thánh năm 1988.

Vào đầu những năm 70 của thế kỷ XX, giáo xứ Vũng Tầu do cha xứ Nguyễn Minh Tri coi sóc đã quyết định xây một tượng đài Chúa Giêsu ở mũi Nghinh Phong Ô Quắn cao 10m và bệ tượng cao 5 m. Công việc được khởi sự từ năm 1972 nhưng đến ngày 17-1-1973 thì chính quyền lúc đó bắt phải ngưng thi công. Lý do là giáo hội Phật giáo khiếu nại vì cho rằng đây là vùng đất của Phật giáo. Nhiều cuộc họp thương lượng giữa các bên sau đó dẫn đến thoả hiệp ngày 16-2-1974 là phía Công giáo sẽ dỡ bỏ bức tượng ở Nghinh Phong để xây dựng trên núi Tao Phùng với diện tích 10ha. Núi Tao Phùng cao 176m so với mặt nước biển, khí hậu khắc nghiệt hơn vì gió to, nắng lớn. Bởi vậy, tượng đài phải thiết kế lại cả về qui mô, kết cấu. Phần kỹ thuật bê tông do kỹ sư Nguyễn Quảng Đức phụ trách, phần mỹ thuật do điêu khắc gia Văn Nhân cùng với 50 thợ lành nghề thi công. Vật liệu hầu hết lấy từ trong nước, trừ xi măng trắng nhập ngoại. Cát, sỏi khai thác dưới sông Đồng Nai, đá cẩm thạch lấy từ hòn Non Nước (Đà Nẵng). Khó khăn lớn nhất là việc chuyển hàng ngàn tấn vật liệu lên đỉnh núi, rồi việc đào móng cũng rất vất vả vì trên đỉnh núi lại là một hệ thống địa đạo bằng bê tông được xây dựng rất chắc chắn dưới thời Pháp. Nhưng với lòng mộ đạo, tượng Chúa Kitô vua đã kịp xong phần thô nhưng đúng vào lúc chính quyền Sài Gòn sụp đổ. Do hoàn cảnh bộn bề sau chiến tranh nên công việc hoàn thiện tượng đài phải ngưng lại và nguy cơ xâm phạm di tích trầm trọng vì cảnh khai thác đá tràn lan dưới chân núi Tao Phùng. Sau nhiều lần Toà Giám mục Xuân Lộc đề nghị, ngày 28-1-1992, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tầu đã có công văn số 233/QĐ.UB cho phép linh mục Trần Văn Huyên- chính xứ Vũng Tầu được tiếp tục công việc sửa chữa, tu bổ lại tượng Chúa Kitô vua trên núi Nhỏ (Tao Phùng). Cả giáo phận phấn khởi. Đức cha Nguyễn Minh Nhật gửi thư động viên cha Huyên: “Nhờ cha tìm cách vận động sự giúp đỡ của những người chuyên môn, các vị hảo tâm và mọi anh chị em tín hữu xa gần… để mọi người thiện chí đều có thể góp phần xứng đáng vào việc hoàn tất tượng Chúa trong thời gian sắp tới”. Một Ban xây dựng do linh mục Tổng đại diện Nguyễn Chu Trinh làm trưởng ban được thành lập. Đồng bào Công giáo cả trong và ngoài nước đều quan tâm cộng tác góp công, góp của. Điêu khắc gia Văn Nhân đang định cư ở nước ngoài cũng phấn khởi về nước để hoàn thành các bức phù điêu dang dở ở chân tượng. Tuổi cao không đủ sức leo 800 bậc đá, ông ngồi dưới chân núi chỉ đạo các học trò từng ngày cho đến khi hoàn tất. Sau 20 năm hoang phế tượng đài bị xuống cấp rất nhiều, cỏ dại mọc um tùm, cuộn cáp đồng chống sét cũng bị mất trộm. Bao nhiêu là việc phải làm nào là dựng bức tượng Pieta (Đức Mẹ ẵm xác Chúa) trước tượng đài chính, rồi 4 bức phù điêu ở 4 mặt chân tượng đài là Bữa tiệc ly, Ba vua thờ lạy, Chúa trao chìa khoá cho Phê rô và Chúa ra trước toà Phi la tô, rồi trồng cây cảnh dọc lối lên xuống, lắp đặt hệ thống điện, nước… Sau 2 năm tu sửa, hoàn thiện, ngày 1-12-1994 Đức giám mục giáo phận Xuân Lộc đã chính thức làm phép khánh thành khu tượng đài Chúa Kitô vua trên đỉnh núi Tao Phùng.

Bây giờ chúng tôi leo từng bậc thang lên tượng đài. Gần 800 bậc lát đã rất đẹp. Hai bên có tay vịn bằng sắt hoặc tường xây rất an toàn cho du khách. Trời rất nắng nhưng lối đi lại râm mát vì rợp bóng cây. Nhiều nhất vẫn là hoa đại. Lá xanh và hoa nở trắng xoá thơm lừng. Có nhiều cụm tượng rất đẹp và cứ một đoạn lại có một chỗ nghỉ được lát đá và nhiều ghế ngồi để du khách nghỉ chân hoặc cầu nguyện. Ghế này do các người hảo tâm quyên cúng. Đọc tên thấy có đủ mọi nước trên thế giới. Điều dễ nhận ra so với tất cả các danh thắng khác không chỉ là miễn thu lệ phí khách tham quan mà không khí sạch sẽ, văn minh ở đây. Không hề thấy một vỏ chai, một vỏ thuốc quăng trên đường. Không có cảnh ăn mặc hở hang, lố lăng hoặc nằm ngồi, tình tự trên các ghế đá hay khu vực xung quanh. Phải chăng điều này ảnh hưởng ngay đến bãi tắm ở đây. Chúng tôi không thấy những người mặc đồ tắm khoe thân thể như các bãi tắm khác. Dòng Mến Thánh giá Đà Lạt cũng có mấy gian hàng bán đồ lưu niệm, giải khát ở đây nhưng giá cả rất phải chăng chứ không hề đắt đỏ như một số nơi chúng tôi đã đi qua. Trật tự an ninh cũng tốt. Hôm đầu tiên tôi đến đã 6 giờ tối, có biển cảnh báo du khách không lên núi ban đêm nhưng mấy sinh viên bảo tôi, không sao đâu, lên buổi tối mới thấy cái đẹp của thành phố về đêm. Đúng vậy, lên trên cao nhìn ra biển mới đẹp làm sao. Những dàn khoan lấp lánh ánh đèn và gió lộng thổi dưới chân. Nhưng vì chưa leo lên được tượng đài, sáng hôm sau tôi lại đi nữa. Tôi vẫn thường thấy trên truyền hình tượng Chúa Kitô vua, biểu tượng của Brasil ở thủ đô Rio de Janeiro. Nhưng tượng của Brasil chỉ cao có 26m, hai tay tượng dang rộng 16m. Còn tượng Chúa Ki tô vua trên đỉnh Tao Phùng cao 32m, hai tay dang rộng 18,40m. Vậy là tượng Chúa ở Vũng Tầu là tượng cao nhất thế giới. (Và sẽ đứng thứ nhì thế giới, nếu tượng Chúa Kitô vua ở Pêru được khánh thành cuối năm nay cao 37m). Đấy là chưa kể trong lòng tượng có thể chứa được 100 khách tham quan một lúc. Leo 133 bậc thang trong lòng tượng, chúng tôi trèo lên tận tay của tượng và phóng tầm mắt nhìn ra biển Đông, sóng tung trắng xoá.

Cùng với khu đền thánh Bãi Dâu, tượng Chúa Ki tô vua trên đỉnh Tao Phùng đã góp vào cho thành phố Vũng Tầu những danh thắng đẹp thu hút mỗi năm có cả triệu lượt người tới thăm thành phố xinh đẹp này.

Hà Nội, tháng 5 năm 2011
 
CĐCGVN Nam Úc vui mừng về tin có Tân Giám Mục Việt Nam tại Úc
Jos. Vĩnh SA
09:31 21/06/2011
Cảm Tưởng của Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam - Nam Úc khi hay tin một linh mục người Việt tỵ nạn đầu tiên - tân Giám mục được bổ nhiệm Vincent Nguyễn Văn Long OFM - định cư tại Úc, sẽ được Tấn Phong lên làm Tân Giám Mục Phụ Tá Giáo Phận Melbourne, một Tổng Giáo Phận lớn thứ II của Úc Châu.

(do Jos Vĩnh, Đan Huyền và Hữu Tuất thực hiện)

Video Phần I



Video Phần II






(do Jos Vĩnh, Đan Huyền và Hữu Tuất thực hiện)
 
ĐGM Vinh Sơn Nguyễn Văn Long trả lời phỏng vấn của Trang tin điện tử HĐGMVN
WHĐ
11:24 21/06/2011
“Xin làm một nhịp cầu” -- Đức giám mục Vinh Sơn Nguyễn Văn Long trả lời phỏng vấn của Trang tin điện tử Hội đồng Giám mục Việt Nam

WHĐ (14.06.2011) – Như tin đã đưa, ngày 20-05-2011 vừa qua, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã bổ nhiệm cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Long, dòng Phanxicô Viện tu làm giám mục phụ tá Tổng giáo phận Melbourne (Úc). Đây cũng là niềm hãnh diện chung cho người Công giáo tại Việt Nam. Để đáp ứng mối quan tâm của đông đảo người Công giáo Việt Nam tại quê nhà, Trang tin điện tử của Hội đồng Giám mục Việt Nam đã liên lạc với Đức cha Vinh Sơn để thực hiện bài phỏng vấn sau đây:

WHĐ: Kính chào Đức cha Vinh Sơn. Trang web của Hội đồng Giám mục Việt Nam (http://hdgmvietnam.org) xin chúc mừng Đức cha vừa được bổ nhiệm làm giám mục phụ tá Tổng giáo phận Melbourne. Thưa Đức cha, đây không phải là lần đầu tiên Tòa Thánh chọn một người Việt Nam làm Giám mục (phụ tá) tại một giáo phận ở nước ngoài. Đức cha có nhận định gì về việc này?

ĐGM Vinh Sơn Nguyễn Văn Long: Kính chào quý độc giả của trang mạng HĐGMVN. Tôi rất hân hạnh được chia sẻ với quý vị qua bài phỏng vấn ngắn này. Cách đây vài tuần, tôi cũng nhận được thư chúc mừng của Đức TGM Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, đại diện cho HĐGMVN, với những lời lẽ rất chân tình và đầy khích lệ. Tôi cảm thấy mình gần gũi với Giáo Hội Mẹ Việt Nam qua vai trò mới mà tôi đã được uỷ thác. Ước mong của tôi là được làm một nhịp cầu nho nhỏ giữa người Việt Công giáo trong nước và ngoài nước, cũng như giữa Giáo Hội tai Úc và tại quê nhà.

Trở lại câu hỏi, đây là lần thứ ba Toà Thánh đã chọn một người Việt Nam làm giám mục phụ tá tại một giáo phận nước ngoài (ngoài ra còn có Đức TGM Phêrô Nguyễn Văn Tốt hiện làm Sứ thần Toà Thánh tại Costa Rica). Điều đáng chú ý là cả ba đều sinh sống ở những nước có khối người Việt tị nạn rất đông: Hoa Kỳ, Canada và Úc. Ngoài những yếu tố cá nhân, tôi nghĩ rằng Toà Thánh đã bổ nhiệm ba vị giám mục gốc Việt ở các quốc gia này để nói lên những điểm sau đây:

● Sự hội nhập và lớn mạnh của cộng đồng người Việt Công giáo tại các quốc gia nơi họ sinh sống, đặc biệt là tại ba nước kể trên. Nơi đâu có họ, nơi đó có một sinh khí mới và một sự năng động mới.

● Sự đóng góp đáng kể của các linh mục tu sĩ Việt Nam vào Giáo Hội địa phương. Nếu ngày xưa, người Ái Nhĩ Lan hay người Âu Châu nói chung là những nhà truyền giáo cho các nước thứ ba, thì ngày nay người Việt lại nắm một vai trò then chốt trong việc “tái phúc âm hoá” các nước thứ nhất.

● Sự quan tâm của Toà Thánh cho cộng đồng người Việt Công giáo hải ngoại: mặc dù có những bước tiến đáng kể trong quá trình hội nhập, người Việt Công giáo cũng không tránh khỏi những khó khăn thử thách, đặc biệt trong mối liên hệ với Giáo Hội địa phương. Sự bổ nhiệm các giám mục Việt Nam sẽ một phần nào giúp khắc phục những khó khăn đó.

– Xin Đức cha giới thiệu đôi nét về tình hình Tổng giáo phận Melbourne, nơi Đức cha sẽ phục vụ trên cương vị một giám mục phụ tá.

– Tổng giáo phận Melbourne có con số giáo dân lớn nhất nước Úc. Với tỉ lệ dân Công giáo là gần 30%, TGP có đến hơn một triệu giáo dân, gần 600 linh mục, 500 nam tu sĩ và 1.200 nữ tu. Giáo Hội Úc có điểm son là hệ thống giáo dục rất vững vàng cả về số lượng lẫn phẩm chất. Nguyên tại Melbourne, TGP có trên 250 trường tiểu học, hơn 70 trường trung học và cao học, và 1 trường đại học. Ngoài ra, TGP còn cung cấp các dịch vụ xã hội và công ích như bệnh viện, nhà dưỡng lão, nơi chăm sóc người tàn tật, người nghèo vv… lớn nhất sau chính phủ Úc.

Về phương diện tiêu cực, TGP cũng như nhiều nơi khác trên thế giới đang đứng trước những thay đổi lớn về nhân sự và đời sống đạo của người tín hữu. Con số linh mục, tu sĩ và ơn thiên triệu đang có khuynh hướng suy giảm. Số người đi dự lễ Chúa nhật cũng thế: từ hơn 60% ở thập niên 60 xuống chỉ còn khoảng dưới 15% ngày hôm nay. Trước tình thế này, nhiều giáo xứ đã phải sát nhập và nhiều linh mục nước ngoài đã được động viên để giúp TGP. Riêng các linh mục Việt Nam, con số đã lên đến hơn 30 vị hiện đang làm việc trong các giáo xứ ở đây, chưa kể một số các chủng sinh.

– Những công việc riêng Đức cha sẽ đảm nhiệm tại giáo phận? Ưu tiên mục vụ của Đức cha cùng với những khó khăn và thuận lợi?

– Công việc chính của Giám mục phụ tá là giúp Đức Tổng giám mục điều hành TGP trong nhiều lãnh vực như nhân sự, tài chánh, xây dựng, mục vụ vv… Ngoài ra, TGP còn được chia thành 4 vùng đông, tây, nam, bắc và mỗi giám mục phụ tá chịu trách nhiệm một vùng. Tôi được trao phó cho vùng phía tây Melbourne là vùng lớn nhất và nhiều di dân nhất thành phố, kể cả người giáo dân Việt Nam.

Nước Úc là nước đa văn hoá. Điều này là một điểm đặc thù nhưng đồng thời cũng là một thử thách lớn cho Giáo Hội. Ưu tiên mục vụ của tôi là giúp người tín hữu sống đức tin Công giáo và tông truyền; là giúp các cộng đoàn sắc tộc hội nhập trong tinh thần đoàn kết hài hoà nhưng đồng thời cũng duy trì những nét đặc thù của họ. Mối quan tâm của nhiều sắc dân là duy trì những nét đặc thù của họ trong những thế hệ nối tiếp. Ngay cả đối với các cộng đồng Công giáo Việt Nam, sau hơn 30 năm định cư tại Úc, đã có nhiều mô thức sinh hoạt khác nhau (ví dụ có nơi áp dụng hệ thống ‘tuyên úy’ thuần túy, có nơi khác xây trung tâm và sinh hoạt như một giáo xứ, lại có nhiều cộng đoàn độc lập và gắn liền với giáo xứ Úc nơi họ sinh sống vv…) Làm sao bổ túc và phong phú hóa lẫn nhau; làm sao phát huy sức mạnh đoàn kết hỗ tương là những quan tâm của tôi. Hy vọng rằng, là một người di dân và đặc biệt là một người đã từng lãnh đạo cộng đoàn Công giáo Việt Nam nhiều năm ở Melbourne, tôi sẽ giúp các Giám mục Úc, nhất là ở TGP của tôi, phục vụ và lãnh đạo một cách hữu hiệu hơn.

– Xin Đức cha cho biết khẩu hiệu giám mục của Đức cha và ý nghĩa của chọn lựa này.

– Khẩu hiệu của tôi là “Duc in altum” có nghĩa là “Hãy ra khơi”. Khi chọn khẩu hiệu này, tôi muốn nhấn mạnh hai điều: Thứ nhất là về nguồn gốc của tôi và thứ hai là tâm niệm sống của tôi.

Về điều thứ nhất, tôi là người Việt Nam đã vượt biển để đến nước Úc. Tôi không muốn đeo một cái tên “thuyền nhân” trước ngực cho cả thế giới biết. Tuy nhiên, tôi cũng không thể che đậy quá khứ của cá nhân, của tập thể những người đi tìm tự do như tôi, cũng như của lịch sử quê hương và bối cảnh đất nước đã dẫn đến cuộc “ra khơi” bi thảm, vĩ đại và vô tiền khoáng hậu này. Khi chọn khẩu hiệu này, tôi cũng muốn nói lên những hy sinh, đau khổ, nước mắt và cái chết của biết bao nhiêu nạn nhân. Tôi cũng muốn chúng ta ở trong nước cũng như ngoài nước cùng nhau khai thông những tắc nghẽn để dòng sông lịch sử được chảy và làm tươi mát phì nhiêu đất Việt thân yêu.

“Hãy ra khơi” cũng có một ý nghĩa siêu nhiên đối với tôi đó là lời mời gọi dấn thân đến quên mình. Có thể nói cuộc đời của tôi là những chuỗi ngày vâng theo lời mời gọi “Hãy ra khơi” một cách liên lỉ. Là một người tu sĩ Phan sinh, tôi ở trong tư thế sẵn sàng ra đi: từ cộng đoàn này đến cộng đoàn nọ, từ giáo xứ này đến giáo xứ kia, từ tiểu bang này tới tiểu bang khác và từ nước này đến nước nọ. Trong 3 năm làm việc với tư cách phụ tá Tổng Quyền, tôi trở thành một công dân của thế giới và gia tài duy nhất của tôi là chiếc va li nhỏ. Khi nhận nhiệm vụ mới Hội Thánh trao phó, tôi thâm tín rằng đây cũng là một lần nữa Thiên Chúa mời gọi tôi “Hãy ra khơi”, nghĩa là hãy hiến thân chính mình.

– Kinh nghiệm trước đây khi Đức cha đảm nhận những sứ vụ trong dòng Phanxicô sẽ giúp ích gì cho sứ vụ mới của Đức cha tại Tổng giáo phận Melbourne?

– Tôi đã từng giữ những chức vụ điều hành trong nhà dòng. Tôi nghĩ rằng, kinh nghiệm này sẽ giúp tôi làm bổn phận mới, nhất là trong liên hệ với các anh em linh mục tu sĩ. Bởi lẽ, họ là những cộng sự viên đắc lực nhất và thân cận nhất với các giám mục. Thứ nữa, tôi cũng đã từng là “chiến sĩ tác chiến” như họ, nghĩa là tôi đã vật lộn với những vấn đề to nhỏ của mục vụ giáo xứ. Tôi không chỉ làm việc ở bàn giấy. Tôi nghĩ rằng, những kinh nghiệm mục vụ sẽ giúp tôi đến gần với chủ chiên và đoàn chiên trong TGP Melbourne.

– Đức cha muốn nhắn gửi điều gì với người tín hữu Công giáo tại Việt Nam?

– Đối với Giáo hội quê nhà, ước vọng của tôi là làm một nhịp cầu nho nhỏ giữa giáo hội của hai quốc gia; được đồng hành với giáo dân cũng như đồng bào nói chung trong những khát vọng chân chính, kể cả những khắc khoải, những nỗ lực tìm kiếm chân lý, công bằng và các giá trị không thể thiếu trong một xã hội văn minh.

Tôi muốn nhắn gửi anh chị em tín hữu Công giáo tại quê nhà là tôi cũng như đại đa số người Việt Công giáo hải ngoại luôn đồng hành với anh chị em trong cuộc hành trình tiến về một tương lai tươi sáng cho Giáo Hội và quê hương. Những trang sử oai hùng của chúng ta không chỉ được viết trong quá khứ, khi bắt bớ, tù đày và gông cùm không làm cha ông chúng ta chùn bước. Tôi thâm tín rằng, trong tinh thần đức tin bất diệt, quý anh chị em tín hữu cũng đang viết nên một trang sử mới, trong đau khổ, trong thinh lặng, trong biết bao những vất vả cơ hàn. Anh chị em đang kiện toàn những gì còn thiếu sót trong nhiệm thể khổ nạn của Đức Kitô. Và chúng tôi luôn hiệp thông với anh chị em.

Xin cám ơn quý vị độc giả của trang mạng HĐGMVN và xin kính chúc quý vị sức khoẻ và muôn ơn lành của Ba Ngôi Thiên Chúa, Đức Mẹ La Vang và các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

– Xin thay mặt độc giả của trang web Hội đồng Giám mục Việt Nam, chúng con chân thành cám ơn Đức cha và xin Chúa đổ tràn ơn lành trên Đức cha để Đức cha hân hoan đáp lại lời mời gọi “Hãy ra khơi” mới.

(Nguồn: http://hdgmvietnam.org/duc-giam-muc-vinh-son-nguyen-van-long-tra-loi-phong-van-cua-trang-tin-dien-tu-hoi-dong-giam-muc-viet-nam/3008.63.8.aspx)
 
Lễ mở tay của Tân linh mục Augustino Maria Trương Trường Kỳ tại Seattle.
Nguyễn An Quý
19:53 21/06/2011
Lễ mở tay của Tân linh mục Augustino Maria Trương Trường Kỳ tại Giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Seattle.

SEATTLE. Hôm nay Chúa nhật ngày 19 tháng 06 năm 2011 Giáo hội mừng lễ Chúa Ba Ngôi. Nhà thờ Giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam tại than2h phố Seattle lại trở nên nhộn nhịp. Các bà trong Hội Các bà Mẹ Công Giáo với những chiếc áo dài màu xanh khá đẹp đang chuẩn vị để cùng với nghi đoàn và các linh mục Đồng tế tiến lên bàn thánh cử hành thánh lễ mở tay của tân linh mục Trương Trường Kỳ. Tân linh mục Augustino Maria Trương Trường Kỳ thuộc Dòng Đồng Công vừa được thụ phong linh mục ngày 4 tháng 06 năm 2011 tại Đền Thánh Khiết Tâm Mẹ Carthage Missouri do Đức Giám mục James Vann Johnton thuộc Giáo phận Springfield Missouri đặt tay.

Xem hình lễ mở tay

Trước hết xin ghi lại vài nét về vị tân linh mục vừa mới được thụ phong linh mục vào đầu tháng 6 vừa qua. Linh mục Trương Trường Kỳ năm nay 38 tuổi, năm 16 tuổi ngài vượt biên cùng với một người anh vào khoảng năm 1989. Đây là thời điểm mà thế giới hình như bắt đầu có những suy nghĩ, đắn đo trước làn sóng vượt biển của người dân Việt Nam, họ muốn để đóng khung lại để hạn chế những người Việt Nam bỏ nước ra đi, cho nên những người Việt vượt biên đến các trại tỵ nạn thật vô cùng bi đát bởi màn thanh lọc rất khắc khe. Linh mục Trương Trường Kỳ cũng rơi vào trường hợp này, cũng may thân phụ của ngài vốn là một cựu sĩ quan QLVNCH, nên ngài và người anh dù trải qua các đợt phỏng vấn khá cam go nhưng cuối cùng nhờ cũng chứng minh được bản thân là con của một sĩ quan nên được Cao Uỷ Tỵ nạn xếp vào thành phần tỵ nạn chính trị, bởi vậy mãi đến năm 1992 ngài mới đến được đất Mỹ và cư ngụ tại thành phố Seattle thuộc vùng North.

Do lòng đạo đức và với ao ước dâng mình cho Chúa nên khi mới đến cư ngụ tại thành phố Seattle, ngài đã tìm đến sinh hoạt tại Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Seattle, nhất là khi biết ở đây có nhóm Hoan Thiện tức nhóm sinh hoạt nhằm mục đích thu hút, qui tụ để gieo hạt cho Ơn Gọi, ngài đã hăng say tham gia sinh hoạt ở nhóm này. Trong buổi tiếp tân Soeur Lý là người gầy dựng Nhóm Hoan Thiện này đã kể: “ lúc đó thầy Kỳ mỗi lần đến sinh hoạt trong nhóm Hoan Thiện, thầy phải đi xe Bus, sau các buổi sinh hoạt có lúc đi xe Bus để về, có lúc nhờ bạn bè chở, có lúc Soeur Lý phải chờ về”.

Đến năm 1995 thân phụ và thân mẫu cùng gia đình của ngài đến Mỹ theo diện HO. Vào khoảng năm 1996 ngài xin vào Dòng Đồng Công để tu học và Chúa đã thương chọn nên ngài đã trở thành linh mục của Dòng Đồng Công. Ngài là người con út trong gia đình có 8 người con.

Trong tâm tình tạ ơn và nhớ về chốn cũ nơi có nhiều kỷ niệm khi mới đến Hoa Kỳ, đó là Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam nay là Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Seattle, hơn nữa gia đình ngài hiện cư ngụ tại đây nên hôm nay Chúa Nhật 19 tháng 06 năm 2011, Chúa Nhật lễ Chúa Ba Ngôi, ngài đã dâng Thánh lễ mở tay tại đây lúc 11 giờ 30.

Đúng 11 giờ 30 Thánh lễ bắt đầu, linh mục Trương Trường Kỳ là vị chủ tế Thánh lễ, các linh mục Đồng tế cùng với nghi đoàn tiến lên bàn thánh hoà nhịp với bài ca nhập lễ : Hồng ân Thiên Chúa bao la, muôn đời con sẽ ngợi ca ơn Ngài…”

Mở đầu thánh lễ cha Chánh xứ Đào Xuân Thành ngỏ lời chào mừng Tân linh mục, chào mừng cộng đoàn dân Chúa hiện diện trong thánh lễ, chào mừng các ông bà cố là những thân phụ và thân mẫu của các linh mục Việt Nam trong Tổng Giáo Phận Seattle và ngài đã trân trọng giới thiệu tên từng vị linh mục Đồng tế với Cộng đoàn dân Chúa tham dự thánh lễ kèm với những tràng pháo tay chào mừng của giáo dân rất nồng nhiệt. Linh mục đoàn gồm có linh mục Nguyễn Sơn Miên phụ tá, linh mục Trần Đức Phương cựu Quản nhiệm, linh mục Ngô Đình Thông Dòng Chúa Cứu Thế và linh mục Nguyễn Đức Tuân từ Dòng Đồng Công cùng tháp tùng linh mục Kỳ đến thăm và chung vui với Giáo xứ cùng gia đình linh mục Kỳ và thầy sáu Phó tế Nguyễn Đức Mậu.

Cha chánh xứ đã chia sẻ lời Chúa trong thánh lễ với bài giảng khá linh động. Xin ghi lại vài nét chính của bài giảng. Trước hết ngài có lời chào mừng đặc biệt sự hiện diện đến các ông bà cố là những thân phụ và thân mẫu của các linh mục trong Cộng Đồng giáo xứ, sau đó mở đầu cho bài giảng ngài kể câu chuyện như vui sau:” có một cậu bé trong một gia đình mới khoảng 3 tuổi thôi đã tập làm lễ. Gia đình cũng may cho cậu một bộ áo lễ, vì cậu còn quá nhỏ nên khi mặc vào thì chiếc áo lễ cậu mặc dài lê thê. Cậu bé tập là đủ các nghi lễ, khi gần kết thúc cậu ta nói: này sao bố uống hết rượu của con vậy ..” ( mọi người đều cười rộ lên) qua mẫu chuyện vui này, ngài kết luận: “ơn gọi làm linh mục thực sự đã được nuôi dưỡng và được gieo trồng là nhờ từ các bậc cha mẹ trong các gia đình, ở đây Ông Bà Trương Thế Hùng cũng đã nuôi dưỡng và nâng đỡ, nhờ đó tân linh mục Trương Trường Kỳ đã được bước lên bàn thánh tế lễ với thánh lễ tạ ơn hôm nay, như chúng ta đã thấy kết quả một bông hoa rất là đẹp đã dâng lên cho Chúa, một tràng pháo tay cho ông bà cố…”

( tiếng pháo tay khá dài vang lên trong thánh đường). Ngài nói tiếp: “Kính thưa quý ông bà và anh chị em, hôm nay chúng ta mừng lễ Chúa Ba Ngôi,…Thánh Augustino là vị thánh tiến sĩ của Giáo hội, ngài luôn suy nghĩ và tìm hiểu thế nào là Chúa Ba Ngôi, sao lại Ba Ngôi mà một Chúa. Một hôm, ngài đang đi dạo trên một bãi biển để suy nghĩ về Chúa Ba Ngôi, tự nhiên ngài lại nhìn thấy có một em bé đào một cái hố nhỏ rồi múc nước biển đổ vào hố này. Augustino liền tiến lại gần và ân cần hỏi em bé: nào, con đang làm gì gì vậy? em bé nét mặt hớn hở trả lời: con đang muốn tát cạn cái biển này- Augustino liền nói với em bé: này, con làm như vậy có ích gì đâu, cái hố nhỏ như vậy con làm sao chứa hết nước biển mà bảo là muốn tát cạn biển .Em bé lễ phép trả lời: thưa ngài, ngài đang làm một việc còn vô ích hơn con nữa đấy, bởi vì ngài đang dùng trí óc quá nhỏ bé của ngài để suy nghĩ về Chúa Ba Ngôi thì hoá ra còn vô ích hơn con nữa. Qua đó, Augustino đã ngẫm nghĩ, và đổi lại lối suy nghĩ nên ngài đã cảm nghiệm được tình yêu về mầu nhiệm Chúa ba Ngôi…” khi đề cập đến tân linh mục hôm nay cũng có tên thánh Augustino, ngài nói: “cha Trương Trương Kỳ khi còn ở Việt Nam lúc còn nhỏ, lúc bấy giờ bố của ngài đang ở trong trại tù cải tạo, chắc chắn mẹ ngài đã vất vả để lo cho con cái , ngài vượt biên trong nguy hiểm và rồi đến Mỹ. Trong thời gian ở các trại tỵ nạn, ngài cũng đã hăng say tham gia vào các hoạt động của Thiếu Nhi Thánh Thể. Khi đến Mỹ, ngài cũng đã dành những ngày cuối tuần để đến sinh hoạt với Cộng Đồng Giáo xứ…Từ lúc còn nhỏ ngài đã có tâm hồn yêu Thánh Thế, từ tâm niệm và lòng ao ước đó, Chúa đã cho ngài trở thành vị linh mục của Chúa mà hôm nay chúng ta vui mừng chào đón ngài trong thánh lễ tạ ơn..”Bất ngờ, cha chánh xứ lại đổi tong và kết thúc bài giảng bằng một bài hát với giọng hát truyền cảm vốn có của ngài, bài hát như sau: “ai bảo đi tu là khổ, đi tu sướng lắm chứ, làm ma xơ hay làm sư huynh, đời cứ sống như tiên, khi đã tu mà đang thành cha, thì lại oai ra phết, nếu Chúa thương ban thêm sức ra ơn làm Giám Mục Hồng Y” (tiếng pháo tay vang cả thánh đường khá dài), ngài hát tiếp: “rồi mai thức dậy, đây rượu nho bánh thơm, ngồi nghe xưng tội còn sướng hơn nghe đài ( tiếng cười lại vang lên dài hơn) đừng lo thất nghiệp, luôn có ô vờ thai, ai mà mong muốn thì cứ theo cha Kỳ” Bài giảng kết thúc với tiếng cười vang thỏai mái và tiếng pháo tay khá dài.

Thánh lễ hôm nay lại rơi vào đúng ngày Hiền phụ, nên các cha đồng tế từng vị cũng được các cô ca viên trong ca đoàn đại diện Giáo xứ trao quà đến qúy cha, các gia trưởng là những người cha trong mọi gia đình cũng được cha chánh xứ chúc lành đặc biệt.

Kết thúc Thánh lễ, thân phụ của cha Trương Trương Kỳ là cụ Trương Thế Hùng đã cám ơn quý cha, cám ơn giáo xứ. Anh Nguyễn Kiên phó chủ tịch Uỷ Ban Thường Vụ đại diện Giáo xứ cũng đã ngỏ lời cám ơn quý cha và toàn thể cộng đoàn dân Chúa cùng với lời chúc mừng nhân ngày hiền phụ đến với Quý cha trong giáo xứ, tân linh mục , quý cha hiện diện trong Thánh lễ và toàn thể các bậc gia trưởng hiện diện.

Sau Thánh lễ là buổi tiếp tân do gia đình linh mục Kỳ tổ chức tại Hội trường Giáo xứ với các tiết mục văn nghệ khá hấp dẫn. Được biết Hội Các Bà Mẹ Công Giáo trong Giáo Xứ đã hổ trợ gia đình của tân linh mục qua việc đảm nhận nấu các món ăn khá đặc biệt để cung cấp cho buổi liên hoan. Buổi liên hoan khá đông đảo, Hội trường nhà thờ đầy kín, gần 400 người tham dự gồm đủ các thành phần trong các ban ngành của Giáo xứ, đại diện các Đoàn thể Công giáo Tiến Hành, các Cộng Đoàn. Buổi liên hoan của ngày tạ ơn được kết thúc khoảng 3 giờ chiều. Mọi người ra về trong tâm tình tạ ơn.

Nguyễn An Quý
 
Lễ cung hiến và khánh thành Nhà thờ giáo xứ Uy Tế, Phát Diệm
Anh Xuân
23:12 21/06/2011
PHÁT DIỆM = 9 giờ 30, ngày 20 tháng 6 năm 2011, là thời khắc đi vào lịch sử của giáo xứ Uy Tế thuộc giáo hạt Đồng Chưa (xã Gia Hưng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình), Đức Cha Giuse Nguyễn Năng đã chủ sự thánh lễ Cung hiến và khánh thành Nhà thờ giáo xứ Uy Tế. Quý cha trong giáo phận, và quý khách xa gần đã về hiệp dâng thánh lễ, cầu nguyện và chia sẻ niềm vui với giáo xứ.

Xem hình ảnh

Nhà thờ xưa tọa lạc trên mảnh đất cách xa Nhà thờ mới khoảng 2,5km, nhưng đã bị sụp đổ vào năm 1987. Có thể nói đây là một ốc đảo: nằm ngoài đê, thuộc dòng chảy của sông Hoàng Long – con sông vào mùa mưa luôn chở đầy nước, góp phần giảm lưu lượng của sông Hồng, và luôn ở tư thế sẵn sàng cứu nguy cho Hà Nội. Nơi đây cách xa khu dân cư khoảng 2 km, và hôm nay không còn một ngôi nhà nào, mà chỉ có màu xanh của cây keo, được bao bọc bởi màu xanh của lúa và màu trắng của nước..

Giáo xứ Uy tế thuộc vùng chiêm trũng. Người dân nơi đây phải sống chung với nước, “sống ngâm da, chết ngâm xương”, sáu tháng “đi bằng tay” (phương tiện di chuyển bằng thuyền). Giáo dân Uy Tế ở không tập trung, họ như men được trộn vào trong bột, ở xen lẫn giữa các gia đình tôn giáo bạn. Sống chủ yếu nhờ vào thiên nhiên, mỗi năm một vụ lúa, nhưng nhiều khi phải thu hoạch lúa non, lúa úng, nên đa số giới trẻ ở đây đi làm xa. Họ chỉ về lại quê hương vào dịp Tết, và dịp chầu lượt của giáo xứ.

Nhà thờ mới được đặt gần khu dân cư, trên một thửa đất mà ba mặt là ruộng, lác đác là mộ của các anh chị em lương dân. Có ngôi mộ rất gần nhà xứ, chỉ cách chừng 10 – 15m. Ở vị trí này, vai trò và tầm quan trọng của Nhà thờ nổi bật lên: Nhà thờ không chỉ là nơi các Kitô hữu đến gặp gỡ Chúa, thờ phượng và cầu nguyện. Nhưng còn là nơi các Kitô hữu sống tinh thần hiệp thông của Giáo Hội, cầu nguyện với các thánh, cầu nguyện cho các linh hồn (không phân biệt tôn giáo).

Dù rất mong và quyết tâm xây Nhà thờ mới, nhưng phải nhờ những người con của Uy Tế sống ở mọi phương trời cùng mở rộng tấm lòng, chung tay góp sức, giáo xứ mới có thể biến ước mơ và quyết tâm trở thành hiện thực. Nhà thờ được xây dựng trong khoảng thời gian hơn một năm, với kinh phí bốn tỷ đồng và hơn mười ngàn ngày công.

Hôm nay mừng Nhà thờ mới, nhưng niềm vui của Uy Tế chưa trọn vẹn vì nhà xứ đang xây dựng dở dang, chưa có phòng để dạy giáo lý cho các em. Nhưng hy vọng khi lòng nhiệt tình của giáo xứ được sự giúp đỡ tận tình của quý vị ân nhân, và Chúa thương chúc phúc thì một ngày không xa, Uy Tế sẽ có được niềm vui trọn vẹn.

Hòa quyện với niềm vui mới, giáo xứ Uy Tế sẽ chú tâm thực hành lời nhắn gửi của Đức cha trong thánh lễ này: Anh chị em hãy hiệp nhất với cha xứ, và đoàn kết với nhau để gìn giữ ngôi Nhà thờ và xây dựng giáo xứ ngày càng phát triển. Anh chị em hãy quyết tâm xây dựng đền thờ thiêng liêng là tâm hồn và cuộc đời của mình trên nền móng vững chắc là Lời Chúa, nhờ đó, cho dù phong ba bão táp hay sóng thần cũng không vùi dập được, vẫn kiên trung là người con của Chúa.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Tư tưởng xã hội Công Giáo và nền dân chủ tự do hiện đại (2)
Vũ Văn An
05:42 21/06/2011
Sự bế tắc của an ninh

Nghịch lý thay, việc hối hả đi tìm an ninh đã khiến công dân của các nền dân chủ tự do cảm thấy ít an ninh hơn về nhiều phương diện. Chỉ đơn cử trường hợp hiển nhiên: các khủng bố viên Hồi Giáo quá khích biết rằng một trong các cách phá hoại một nhà nước vốn dựa tính hợp pháp của mình vào khả năng cung ứng an ninh là làm cho các công dân của nó cảm thấy không an toàn một cách có hệ thống. Nhìn như thế, chủ nghĩa khủng bố quả là một đáp ứng chính trị kinh khủng, khéo léo một cách kinh khủng, đối với việc các nền dân chủ Tây Phương muốn chứng minh tính hợp pháp của mình. Một thí dụ khác: Hoa Kỳ mưu cầu sức mạnh quân sự để bảo đảm an ninh cho công dân của mình. Tuy nhiên, những nhà nước xỏ lá như Bắc Hàn hay Iran biết rằng cách duy nhất để mình khỏi bị lực lượng qui ước trổi vượt của dân chủ Tây Phương đè bẹp là thủ đắc các vũ khí giết người hàng loạt. Nghịch lý thay, đòi hỏi an ninh đã làm người dân Hoa Kỳ ít an ninh hơn vì đã góp phần vào việc lan tràn vũ khí hạch nhân và vũ khí giết người hàng loạt.

Trong lãnh vực kinh tế, phần lớn các nhà nước dân chủ tự do đã chấp nhận lý luận của kinh tế học tân cổ điển, cho rằng cách hữu hiệu nhất để bảo đảm sự phát triển tích cực dài hạn là phát huy giao thương và hợp tác kinh tế quốc tế. Do đó, họ đã cổ vũ các vùng tự do mậu dịch như Liên Hiệp Âu Châu và liên hiệp do Hiệp Ước Tự Do Mậu Dịch Bắc Mỹ tạo ra. Họ dùng các khích lệ về thuế để cạnh tranh dành các đại công ty đa quốc gia và đã hạ thấp các hàng rào mậu dịch. Họ đã làm cho việc tự do lưu chuyển vốn qua các biên giới được dễ dàng hơn. Các chính sách này có thể tác động tích cực đối với việc tăng trưởng nói chung của GDP. Vấn đề là liệu biện pháp tổng hợp này có che đậy các cách thế nền tự do mậu dịch dùng để gây hại cho các cá nhân và cộng đồng đặc thù hay không. Câu hỏi nữa là liệu các biện pháp ấy có che đậy những lượng định quan trọng hơn về việc phát triển con người theo một hướng vốn không thể định lượng được hay không (20). Tuy nhiên, thêm vào đó, cái thôi thúc muốn làm cho đời sống các công dân của mình có tư thế hơn qua việc làm họ giầu có nhờ tham gia vào nền kinh tế hoàn cầu cũng đang làm cho các nhà nước dân chủ hiện đại khó quản trị được nền kinh tế của mình nhằm che chở cho các công dân thoát tính thất thường của thị trường. Ký vào các hiệp ước tự do mậu dịch thường cũng có nghĩa quốc gia mất khả năng đưa ra các chính sách bảo hộ (protectionist) vốn là đặc điểm nổi bật của việc mưu cầu an ninh kinh tế cho công dân trước đây. Mặt khác, các nền dân chủ tự do cũng khó khăn hơn trong việc thiết lập các chính sách tài chánh và ngân sách nhằm bảo vệ công dân của mình chỉ vì các chính sách này chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các nhân tố ngoại lai, nằm ngoài quyền kiểm soát của mình. Và những nhân tố này càng khó kiểm soát hơn, một phần vì các nhà nước đã chấp nhận sự liên lập quốc tế nhiều hơn làm phương thế giúp người dân được an ninh hơn. Như thế, theo đuổi một chiều kích của đòi hỏi an ninh trong lãnhvực kinh tế sẽ phá hoại chiều kích khác.

Thêm vào đó, còn có sự căng thẳng giữa việc mưu cầu một nền an ninh toàn bộ và các quan niệm có tính trực giác sâu sắc về tự do dân chủ. Ta đã thấy rằng đòi hỏi an ninh đang dẫn tới một tình thế trong đó, các hiệp ước quốc tế khiến cho các công dân khó có thể góp tay cấu trúc hóa nền kinh tế quốc gia qua việc ảnh hưởng tới diễn trình tạo chính sách. Chủ điểm ở đây không nhằm hỏi xem các hiệp ước này tốt hay xấu về kinh tế học. Đúng hơn, chủ điểm là đòi hỏi an ninh trong các trường hợp này khá xa lạ với một nguyên tắc khác của tính hợp pháp nơi các quốc gia dân chủ: khả năng của họ trong việc đáp ứng ý dân. Nếu đòi hỏi an ninh dẫn tới tình thế trong đó chính phủ càng ngày càng thấy khó có thể điều hướng được căn nhà kinh tế của mình hay đáp ứng được các đòi hỏi của dân phải có chính sách kinh tế này hay chính sách kinh tế nọ, thì đến mức độ nào họ có thể tiếp tục mô tả mình như đại diện của họ được?

Một khía cạnh khác của bế tắc an ninh phát sinh từ việc dân chủ tự do lấy khoa học tự nhiên và kỹ thuật học hiện đại làm phương thế cải thiện thân phận làm người. Công dân các chế độ dân chủ tự do thường đòi các chính trị gia của họ phải cổ vũ một loại làm chủ thiên nhiên về kỹ thuật và khoa học rất cần có để thăng tiến thân phận mỏng dòn của con người. Ấy thế nhưng, đòi hỏi dễ hiểu đối với các dự án khoa học được chính phủ tài trợ nhằm cải thiện các đau khổ của ta này có thể đem lại khả thể sau đây: ta đang liều mình lao đầu vào một “tương lai hậu nhân bản” (21). Khi suy nghĩ về vực thẳm chọn lựa luân lý do các vấn đề như sinh vô tính (cloning), phá thai có chọn lựa, dùng tế bào gốc phôi thai để nghiên cứu, thu lượm bộ phận cơ thể, ưu sinh (eugenics) và các hình thức điều trị di truyền khác nêu lên, ta hẳn phải tự hỏi bao giờ đến lúc việc hối hả tìm cách thăng tiến thân phận làm người bằng cách làm dịu các đau khổ sẽ thực sự kết thúc ở việc hạ cấp nhân tính ta. Tóm lại, một quốc gia dân chủ tự do như Hoa Kỳ, tức một quốc gia đang theo đuổi một cái hiểu toàn bộ về an ninh, rất có thể càng ngày càng thấy khó có thể giữ an ninh cho các công dân của mình về mọi phương diện.

Nói tóm tắt, không một quốc gia nào có thể bảo toàn an ninh cho công dân của mình khỏi các vũ khí giết người hàng loạt; không một quốc gia nào có thể kiểm soát hữu hiệu sinh hoạt kinh tế riêng của mình hay tiền tệ riêng của mình; không một quốc gia nào có thể bảo vệ nền văn hóa và lối sống riêng của mình khỏi bị mô tả hay trình bày bằng những hình ảnh hay ý niệm dù xa lạ và xúc phạm đến đâu; không một quốc gia nào có thể bảo vệ xã hội của mình khỏi các nguy cơ liên quốc, như việc giảm tầng ozone, hâm nóng địa cầu và các bệnh dịch hay lây. Ấy thế nhưng, việc bảo vệ an ninh quốc gia, hòa bình dân sự bằng luật lệ, phát triển và ổn định kinh tế, thanh bình và công bình quốc tế, đều là những nhiệm vụ có tính nguyên tắc của bất cứ nhà nước nào (22). Nếu lý do hiện hữu của một chế độ nào tự nó trở thành trở ngại cho tính hợp pháp của mình, là nó lâm vào nan đề: cái hiểu về chính mình không còn giải quyết được nữa. Vấn đề không phải là Hoa Kỳ không cung cấp được an ninh về một số khía cạnh nào đó. Đúng hơn, vấn đề là khi hấp tấp đi tìm an ninh, ta đã làm hại chính nó.

Đòi hỏi tự do

Ta nên nhớ rằng một nguồn khác của tính hợp pháp đối với nền dân chủ hiện đại là khả năng bảo vệ tự do cho các công dân của mình. Tự do nghĩa trên hết là sự đồng thuận của mọi người được cai trị. Quyền lực nhận được tính hợp pháp của nó từ sự đồng thuận của dân, và mọi quyền lực phải được thi hành bởi người dân hay bởi các đại diện được họ đề cử thích đáng. Trong các nền dân chủ tự do, bắt dân phải tuân theo một luật lệ mà chính họ không chọn lựa là điều bất hợp pháp (23). Từ nguyên tắc chủ đạo này, ta có các sắp xếp hiến pháp, định chế, và luật lệ liên hệ tới nền dân chủ đất nước: bầu cử tự do và công bình; chủ nghĩa hiến pháp (cai trị giới hạn theo luật căn bản); pháp trị nói chung; một hệ thống quyền và tự do đồng đều; tách biệt xã hội dân sự và giáo hội khỏi nhà nước; các đảng phái chính trị để giúp diễn dịch ý dân thành hành động chính trị hữu hiệu, v.v…

Tuy nhiên, ta nên để ý đến đoạn văn trên của Shklar. Cương lãnh dùng để hợp pháp hóa các nền dân chủ tự do nhấn mạnh rằng ta phải bác bỏ tình thế trong đó các chính phủ áp đặt một quan niệm toàn bộ về thiện ích nhân bản lên người dân. Tự do, theo cương lãnh này, không thể bị trói buộc bởi các xác định có trước về thiện ích mà con người nhân bản phải trở nên và phải làm. Lý tưởng là tự do phải bất định (indertiminate), bởi nếu nhấn mạnh như trên là đã ấn định các chọn lựa có sẵn cho các cá nhân công dân rồi. Chính phủ có được tính hợp pháp của mình, một phần, là do khả năng của nó biết tạo ra và làm dễ các chọn lựa riêng tư của công dân.

Quan trọng là phải ghi nhận sự khác biệt yếu tính giữa quqn niệm tự do hiện đại và quan niệm tự do cổ xưa. Trong thế giới cổ xưa, tự do được thể hiện khi các công dân tham gia các cuộc bàn bạc và quyết định của cơ cấu chính trị (24). Điều này có nghĩa các công dân được hiểu như những người lần lượt vừa cai trị vừa được cai trị. Nền tự do cổ xưa thừa nhận sự lần lượt này; công dân vẫn được coi là tự do dù thường là phải nghe theo sự cai trị của một ai đó. Trái lại, trong các nền dân chủ tự do, chính phủ hợp pháp đại diện cho quyền lợi hay ý chí nhân dân. Do đó, ngay khi chính phủ ra lệnh cho tôi phải làm điều gì đó, thì, trên nguyên tắc, trước đó, tôi đã cho phép chính phủ ban hành lệnh đó rồi. Tuy nhiên, trong các nền dân chủ tự do, mệnh lệnh chỉ là biện pháp tệ nhất. Để các công dân chỉ vâng theo chính họ theo nghĩa đầy đủ nhất, chính phủ phải phát huy một lãnh vực tự do tư càng không có giới hạn càng tốt. Nếu đặt để các phòng ngừa hay giới hạn từ bên ngoài hay bên trên lên tự do, thì người dân không thể nói mình tự cai trị chính mình theo nghĩa đầy đủ. Quan niệm tự do này được nhận là dữ kiện trong các cuộc tranh luận chính trị hiện nay. Người ta chỉ còn tranh cãi về việc phải qui định quyền chọn lựa đến mức nào, phải đảm bảo ra sao để số người được hưởng nó cao nhất và đâu là phương thế hữu hiệu nhất để nhân thừa các chọn lựa của người dân.

Sự bế tắc của tự do

Tuy nhiên, đòi hỏi tự do cũng đang dẫn nền dân chủ Hoa Kỳ tới hàng loạt các bế tắc. Thí dụ, quan niệm tự do mà Hoa Kỳ phát huy để tự hợp pháp hóa mình đang làm cho việc giải quyết các nan đề mà nền văn hóa chính trị tạo ra trở nên vô cùng khó khăn. Quan niệm tự do ta vừa nhắc bao hàm rằng các công dân của nền dân chủ tự do càng ngày càng có khuynh hướng nghĩ đến chính trị theo mô thức thị trường với chính phủ được coi là người cung ứng dịch vụ, một người phải phản ứng tức khắc trước các đòi hỏi của công dân và các nhóm quyền lợi. Các đòi hỏi này được cẩn trọng theo dõi qua các cuộc đầu phiếu chính trị, nghiên cứu thị trường hay các nhóm được tập chú. Nhưng dù chỉ quan sát cho có lệ các vấn đề chính trị mà nền dân chủ tự do đang đối phó, ta cũng thấy rõ rằng: nền dân chủ này khó có thể giải quyết được các nan đề kia nếu không có suy nghĩ dài hạn, đặt kế hoạch dài hạn và hy sinh dài hạn. Thí dụ, các chính sách kinh tế đang được các xã hội hiện đại theo đuổi rõ ràng đang dẫn đến sự xuống cấp cho trái đất. Các thảm họa thực sự đã quá đủ không thể cho phép ta được chần chừ không giải quyết vấn đề. Ấy thế nhưng, nếu ta nghĩ tới người công dân như những người có quyền đòi hỏi ưu tiên tiêu thụ, thì ta khó có thể đưa ra được các quyết định khó khăn xem ra cần thiết trong hoàn cảnh này. Tự do chính trị, hiểu theo mô thức chọn lựa của người tiêu thụ đi ngược hẳn lại với các nhân đức ngôn khoan và hy sinh thực tiễn cần để giải quyết thoả đáng các vấn đề môi sinh do các thực hành của ta tạo ra. Theo truyền thống, tự do chính trị được hiểu là bao gồm một loạt các nhân đức của trí hiểu và tính khí làm người ta có khả năng tra vấn một cách có phê phán các giải pháp dưới ánh sáng một cái nhìn toàn bộ cách thức nghị bàn các chủ trương cạnh tranh nhau về sự thiện nhân bản. Thứ khôn ngoan thực tế này tùy thuộc việc ta phải chú ý lâu dài tới các ngữ cảnh rộng lớn hơn cũng như chú tâm lâu dài tới sự lành mạnh của cộng đồng trong nhiều thế hệ. Sự chú ý và chú tâm này sẽ bị phá hoại bởi thứ quan niệm coi tự do như phải tức khắc để cho các cá nhân được chọn lựa thả dàn.

Đáng lo ngại hơn nữa là việc các nền dân chủ tự do càng ngày càng thấy khó có thể biện minh một cách thuận lý thứ tự do mà chính họ đang biện hộ. Nếu nhà nước phải trung lập trước các giá trị kình chống nhau, không được áp đặt một quan niệm nào đó về thiện ích nhân bản, thì người ta có thể nói gì về giá trị của việc bảo vệ tự do và nhân quyền? Có lẽ người ta chỉ còn đường tìm cách biện minh cho cam kết ấy một cách hoa mỹ cho có lệ: nếu bạn muốn thứ cuộc sống có liên quan tới dân chủ tự do, thì đây là các định chế và thực hành bạn cần có để thực hiện được cuộc sống đó. Tuy nhiên, ngay lúc các thực hành và định chế này bị coi là biện minh cho lối sống có hại cho thứ tự do người ta mong chờ, thì chế độ ấy gặp rắc rối. Thí dụ, một quyền đang càng ngày được các nền dân chủ Tây Phương coi như thuộc lãnh vực tư nhưng được nhà nước hỗ trợ đó là việc cá nhân theo đuổi các nguyện vọng của mình mà không bị sự chi phối của giáo quyền, của nhà nước, của xã hội hay của các nhóm đa số. Theo nghĩa này, quyền được hiểu là các hạn chế đối với quyền lực của ngưòi khác, không để họ tác động lên khả năng mưu cầu hạnh phúc mà ta cho là thích đáng. Nói cách khác, quyền bảo đảm sự tự do của cá nhân được chọn lối sống của họ, không bị người khác gây trở ngại. Tuy nhiên, quyền hiểu theo nghĩa này là điều được các nhà khoa học xã hội gọi là sự thiện có tổng số không (zero-sum good). Nghĩa là, trong một số trường hợp, như phá thai hay hút thuốc ở nơi công cộng chẳng hạn, khả năng của một người được thực thi quyền của mình đã tác động bất lợi lên khả năng của người khác khiến họ không thực thi được quyền của họ. Do đó, vấn đề trung tâm trong các nền dân chủ hiện đại trở thành vấn đề này: làm thế nào để xác định được là ở chỗ nào thì quyền của người này bắt đầu còn quyền của người kia phải chấm dứt? Trong bối cảnh ấy, vấn đề chính trị không phải là đưa ra cảm thức chung về giá trị cho các viễn tượng có thể có trong tương lai; mà đúng hơn, đây là vấn đề ai có ưu thế. Trong tình thế ấy, cuộc đấu tranh dành việc định nghĩa và việc ấn định phạm vi các quyền sẽ được quyền lực chính trị và kinh tế tiến hành. Trong lãnh vực chính trị, việc ấy sẽ được tiến hành qua các tòa án và diễn trình tạo chính sách. Những người có đủ tài nguyên thích đáng để mở một cuộc tố tụng hay những ai có tài nguyên chính trị và tài chánh để vận động các viên chức công sẽ thấy các quyền của mình cứ thế mở rộng thêm, bất chấp những người yếu thế, vô học. Người nghèo, người không được tổ chức, và những ai không có khả năng tham gia diễn trình tạo chính sách sẽ thấy các quyền của mình cứ thế co lại mãi. Vậy mà, người ta vẫn bảo quyền là để bảo vệ người yếu thế. Điều gì sẽ xẩy ra nếu quyền được biện minh và được chỉ định theo phương thức cho phép người mạnh thống trị người yếu? Quyền, như thế, chỉ là trò chơi quyền lực dùng để thống trị người yếu. Nhân quyền trở thành vô nghĩa (25).

Một số người sẽ cho là ta bỏ qua lợi ích chính trong quan niệm tự do ở trên. Trong các nền dân chủ tự do, toàn bộ vấn đề phát huy quyền lựa chọn tư có tính bất định là tránh thứ chủ trương về thiện ích nhân bản nào dẫn tới bất khoan dung, đầy tính loại trừ và tính bạo lực từng hiện hữu trong các chế độ tiền dân chủ. Nhà nước dân chủ tự do chỉ làm dễ việc tạo ra quyền chọn lựa, nhờ thế cho phép các cá nhân công dân xác định các cùng đích của họ. Như Aristốt từng nói, quả rất đúng khi ta nhấn mạnh rằng mọi hành động đều nhằm một sự thiện nào đó. Có điều, trong các chế độ dân chủ tự do, sự thiện do các cá nhân tư xác định, không phải do nhà nước. Chính vì thế, dân chủ tự do luôn chủ trương sự tách biệt. Họ tách biệt xã hội khỏi nhà nước để tạo ra một lãnh vực chọn lựa tư không bị chính phủ gây trở ngại. Vấn đề là chính hệ thống tách biệt này đã làm cho tự do chính trị có vấn đề trong các nền dân chủ hiện đại (26). Các luận điểm bào chữa cho việc cần phải có tách biệt để phụng sự tự do được trình bày rõ ràng hơn cả trong các tài liệu sáng lập ra các nền dân chủ hiện đại, như cuốn “Tinh Thần Luật Pháp” (Spirit of the Laws) của Montesquieu hay cuốn “Hồ Sơ Liên Bang Chế” (Federalist Papers). Sự tách biệt chính trong các nền dân chủ hiện đại là giữa người dân và các đại biểu của họ, nghĩa là giữa xã hội dân sự và nhà nước. Sự phân biệt thứ hai là sự phân quyền ngay trong guồng máy cai trị, giữa các ngành với nhau, nhất là giữa lập pháp và hành pháp. Trên bình diện nhà nước, các ngành khác nhau trong chính quyền được trao cho những quan tâm khác nhau và được hưởng sự độc lập đối với nhau để, nhờ hành động hỗ tương, các ngành này không thể chiếm trọn việc cai trị một mình; nguyên tắc là “tham vọng để phản tham vọng” (27). Trên bình diện xã hội, cộng đồng sẽ được “phân chia thành nhiều thành phần, nhiều giới, và giai cấp công dân, để các quyền của cá nhân hay của thiểu số ít bị nguy hiểm do các nhóm đa số cấu kết với nhau dòm ngó” (28). Điều chính yếu ở đây là: toàn bộ “hệ thống tách biệt” nhằm làm cho nhà nước và xã hội trì trệ (inert). Các công dân sẽ không đủ lực để gây hại cho nhau vì khả năng hành động để thoả mãn ý muốn của họ đã bị cắt giảm. Tóm lại, thứ tự do mà các công dân được hưởng trong các nền dân chủ tự do đã được xây dựng một cách đặc thù để giảm thiểu hóa các lựa chọn của họ, tránh cảnh áp chế lẫn nhau.

Tuy nhiên, lối tổ chức quyền lực này, trên thực tế, đã tạo ra một thứ bất lực tổng quát: các công dân bất lực trong việc không làm cho nhau được bao nhiêu, còn nhà cầm quyền, vì bị phân chia, nên khó có thể áp bức công dân. Diễn trình qua đó việc cân bằng các quyền lực tạo ra sự bất lực tổng quát kia chính là tự do. Trên thực tế, vì các công dân không thể hành động trong hệ thống ấy bằng việc cai trị về chính trị, nên họ đành hướng các ước muốn và cố gắng của mình vào các lãnh vực khác với quyền lực hay chính trị. Trong một chế độ được thiết lập cách này, những lối thoát chính cho tham vọng nằm ở kinh tế và văn hóa. Ở đây, không phải các chính khách mà các tổng giám đốc và các nhân vật nổi tiếng sẽ được trọng vọng (29). Hậu quả của quan niệm về tự do này không rõ ràng. Các nền dân chủ tự do phát huy một quan niệm về tự do liên hệ với việc để công dân chọn lựa tư và bất phân biệt. Các công dân coi tự do của họ như một loạt tiện ích có thể dùng để thực hiện các thiện ích hay giá trị riêng tư. Ấy thế nhưng, vì hệ thống này được đưa ra nhắm mục đích cản trở ý muốn của người khác, nên nó chỉ làm người ta thất vọng. Các công dân không ngừng được nhắc nhở là họ tự do, mà họ cũng tin thật là như thế. Nhưng cùng một lúc họ có cảm thức khó chịu là mình bất lực không thực thi được ý muốn của mình một cách công khai. Thực thế, họ buộc phải giải thích rằng diễn trình chính trị đã được thiết lập chính là để cản trở ý muốn của họ, và quả thực nó là như thế. Các chính phủ quốc gia của họ xem ra ở quá xa và không thể đáp ứng các quyền lợi đặc thù của họ, dù nhà nước nào cũng hứa hẹn như vậy. Các cá nhân có tham vọng không còn lựa chọn nào khác hơn là lao mình vào những mưu toan văn hóa và kinh tế; lối thoát duy nhất cho những người có tham vọng lớn là con đường nghề nghiệp. Như thế các công dân dân chủ cảm thấy mình thất vọng ngay trong chính sự tự do chính trị của mình dù họ vẫn ca tụng nó.

Hiệu quả của tất cả những điều trên đối với tâm tư con người ra sao? Nếu tự do được đồng hóa với việc lựa chọn thả dàn, thì ngay lúc một lựa chọn được quyết định, nghĩa là lúc con người cam kết với sự thiện này thay vì sự thiện kia, là lúc họ không còn tự do nữa. Rõ ràng, theo quan niệm này, tự do chỉ là tự do chân chính bao lâu nó bất định. Ấy thế nhưng, như Aristốt từng nói rõ, sự lựa chọn của con người không thể có được nếu không có một cùng đích. Đối với Aristốt, cùng đích (telos) không phải là điều xẩy ra ở lúc kết thúc một hoạt động. Đúng hơn, nó đi trước hoạt động theo nghĩa một hành động bao giờ cũng được dẫn khởi vì một mục đích nào đó có sẵn trong đầu người hành động. Các hành động của con người được xác định bởi sự hiện diện của điều thiện mà ta nhắm tới, vì một hành động không bao giờ diễn ra mà lại thiếu một điều thiện nào đó được người hành động tìm kiếm. “Có thể nói rằng để là một điều thiện, nghĩa là một cùng đích, một điều gì đó phải xác định ra hành động hòng đạt được nó trước khi hành động ấy xác định ra cùng đích. Về phương diện này, ý chí không thể muốn một điều thiện ngoại trừ nó phải được điều thiện đó xác định trước hành động của nó” (30). Nhưng khi người ta nghĩ tới tự do theo nghĩa quyền lựa chọn thì sao? Nhận diện tự do bất định như sự thiện nhân bản là mặc nhiên giải thích đời người và thế giới như thiếu hẳn ý nghĩa khách quan hay tính thiện. Nếu ý chí được coi là không bị giới hạn để có thể tự xác định lấy mình, thì ý chí tự nó trở thành tối hậu trong mỗi chọn lựa của nó; ý chí cá nhân trở thành nguồn của mọi sự thiện và là người tạo nên giá trị. Ý niệm sự thiện vẫn phải bất định và trống rỗng để sự lựa chọn của con người cá thể có thể làm đầy nó (31). Ý niệm tự do hiểu như quyền lựa chọn cá nhân quả đã tạo ra một thứ chân không tâm linh. Để còn được coi là tự do, không chọn lựa nào được liên hệ một cách nội tại với một sự thiện nhân bản vốn trói buộc ta. Muốn còn là tự do, người ta phải không ngừng mở rộng phạm vi chọn lựa sẵn có và cố gắng giữ cho các chọn lựa của mình luôn luôn mở cửa. Theo một nghĩa nào đó, người ta phải không ngừng mở rộng phạm vi năng quyền của mình để duy trì được tự do mình có (32). Nhưng như thế, hằng hà sa số chọn lựa tạo ra hằng hà sa số những khoảng không trống rỗng đến chóng mặt. Khoảng chân không ấy cứ mở ra mãi bởi ý muốn sống độc lập, không bị giới hạn bởi bất cứ sự thiện nào dù hấp dẫn đến đâu. Trong cái khoảng chân không ấy, tinh thần con người hẳn chỉ còn lại lo âu, choáng váng như người xưa vốn nói horror vacui (sự khiếp đảm của chân không). Họ không còn chắc mẩm về vị trí của mình vì mọi hạng cấp đều bị san bằng; họ thấy khó có thể dò tìm các liên hệ xã hội vì mọi hình thức xã hội đều bị xói mòn nhân danh tính chân thực và bình đẳng; họ không còn có thể tìm ra một hướng dẫn để hành động trong truyền thống; họ không chắc chắn về giá trị của chính các ý kiến của mình vì họ hoài nghi luôn cả giá trị của việc nêu ý kiến. Nói tắt, họ không còn biết điều hướng đời mình. Chỉ còn một điều chắc chắn là họ cứ phải mở rộng mãi phạm vi các chọn lựa để gia tăng các tự do có sẵn. Nghịch lý thay, quan niệm dân chủ hiện đại về tự do có thể trở thành nguồn đơn độc, trống rỗng, lo âu, thất vọng và bất lực.

Một lần nữa, nền dân chủ tự do lại sa vào một bế tắc. Vấn đề không phải là nhà nước dân chủ không thi hành được quan niệm tự do của mình. Đúng hơn, trong diễn trình thi hành nó một cách thành công, tự dân chủ đã sản sinh ra các hậu quả thù nghịch đối với tính hợp pháp mà nó luôn tìm cách phát huy. Tình thế này nhắc ta nhớ lại câu hỏi của Aristốt: “Nếu nước bị nghẹn, người ta biết lấy gì gội thông nó?”

Nhà nước thị trường

Có lẽ Tocqueville có lý khi lo lắng cho tương lai Hoa Kỳ. Ông tiên đoán rằng ngoại trừ người Hoa Kỳ hiểu được các nguy hiểm cố hữu ngay bên trong quan niệm đặc thù của họ về tính hợp pháp và đưa ra biện pháp tránh được chúng, họ sẽ có nguy cơ đi phối hợp một nhà nước biết đáp ứng cao, theo tinh thần gia trưởng, với một quan niệm phóng túng về tự do, đặt cơ sở trên một xã hội nguyên phân (atomistic). Một phần để phòng ngừa các bế tắc này, chính phủ Hoa Kỳ đã đề ra chính sách “nhà nước thị trường” (33). Các bế tắc mô tả trên đây dẫn tới kết luận này: nhà nước không có khả năng cung cấp các sự thiện mà nó từng hứa hẹn. Việc không có khả năng thoả mãn các hoài mong này đã dẫn tới việc xoay chiều để đi vào một phong thái chính trị trong đó chính phủ có chức năng phải khai quang để các cá nhân và các nhóm có chỗ thực hiện các cuộc mặc cả của họ mà dành lấy món bở nhất, món giá trị nhất cho đồng tiền bỏ ra để mưu cầu điều họ muốn. Diễn trình này bao gồm việc phá bỏ luật lệ (deregulation) và tư hữu hóa hàng loạt, giúp thị trường có chỗ vừa tăng triển vừa đáp ứng được nhiều vấn đề xã hội khác nhau mà chính phủ tự mình không thể giải quyết được (34). Theo ngôn từ của một số chính trị gia Hoa Kỳ thuộc cả hai đảng gần đây, chính phủ là một phần gây ra vấn đề, chứ không phải một phần đưa ra giải pháp. Diễn trình phá bỏ luật lệ bao gồm việc cho bên ngoài thầu (outsourcing) nhiều thứ (nhà tù, tiền hưu trí, lực lượng cảnh sát. Và nhà nước càng ngày càng rút khỏi nhiều lãnh vực như các qui định về kinh tế và môi sinh, các chính sách về an sinh xã hội, những phạm vi nhiều áp lực tinh thần. Theo mô thức nhà nước thị trường, chính phủ phải khuyến khích kinh doanh nhưng không bảo vệ họ chống lại rủi ro. Nó phải gia tăng mãi lực và chọn lựa cá nhân cho công dân, nhưng không được coi là đương nhiên bất cứ điều nhất trí nào về mục tiêu chung hay sự thiện xã hội. Nhà nước được chủ yếu hiểu như người cung ứng dịch vụ cho công dân tiêu thụ, đáp ứng các ước muốn tức khắc của họ. Các ước muốn đó được khám phá ra nhờ các cuộc thăm dò ý dân, thăm dò các nhóm tập chú, và các cuộc trưng cầu ý dân, các cuộc nghiên cứu thị trường. Sự kiện nhà nước không được giả thiết những quan niệm về sự thiện nhân bản khi hành động, song song với đòi hỏi cho rằng nó hiện hữu một phần là để làm dễ việc tạo ra các chọn lựa bất định cho cá nhân, đã dẫn nó tới việc chấp nhận một triết lý sống hoàn toàn buông thả về xã hội. Cái hối hả muốn làm dễ việc chọn lựa cá nhân đã sản sinh ra chủ nghĩa nguyên phân xã hội (social atomism) vì khả năng mở rộng phạm vi chọn lựa cá nhân tùy thuộc việc thoát ra khỏi mạng lưới chằng chịt các bổn phận xã hội rất có thể gây trở ngại cho khả năng tự do chọn lựa của người ta. Gia đình, truyền thống, cộng đồng hay bổn phận tôn giáo, tất cả chỉ là các biểu hiện lệ thuộc cần phải vứt bỏ để mở rộng phạm vi chọn lựa cá nhân. Công dân các nền dân chủ tự do sẽ cảm thấy mình cô đơn hơn khi họ tiến tới quan niệm này về giải phóng.

Tuy nhiên, bất chấp việc nó rút khỏi các lãnh vực như qui định kinh tế, nhà nước thị trường cũng sẽ không ngưng việc cố gắng làm cho công dân của mình sống an ninh hơn. Thực vậy, quan niệm cho rằng nhà nước hiện hữu là để cung ứng an ninh và dịch vụ cho công dân tiêu thụ đã dẫn tới việc gia tăng quyền lực của nó. Vì các chờ mong vào dịch vụ của chính phủ gia tăng, nên quyền lực của nó cũng phải gia tăng để đáp ứng đòi hỏi, và việc gia tăng quyền lực, ngược lại, sẽ dẫn tới việc gia tăng đòi hỏi từ công chúng. Một hậu quả của các diễn trình này là việc giảm tin tưởng vào chính nhà cầm quyền đang càng ngày càng cung cấp cho dân nhiều dịch vụ hơn (35). Khi nâng cao các chờ mong ngắn hạn về tiện ích và an ninh, các chính phủ chỉ tổ tự tạo cho mình sự bất ổn, một nền hành chánh phản động, và một nền cai trị bằng thăm dò ý kiến và áp lực của các nhóm quyền lợi. Đứng trước cảnh suy giảm lòng tin, các chính trị gia có khuynh hướng muốn duy trì địa vị mình bằng những lời hứa hẹn sẽ cung cấp nhiều dịch vụ hơn, và có lẽ nhiều phiêu lưu hơn ở ngoại quốc (36). Chính phủ biện minh quyền lực càng ngày càng mở rộng của mình bằng cách cho rằng đó là cách giúp dỡ công dân (37). Nhà nước sẽ đặc biệt chú tâm tới các chính sách hữu dụng mà không một người dân có lý lẽ nào có thể bất đồng. Do đó, nhà nước ngăn cấm việc hút thuốc lá nơi công cộng, ban hành những lời cảnh cáo chống bệnh mập phù, thông qua các đạo luật về dây an toàn và đồ cột trẻ em, ra qui định cho việc xả khói xe hơi và các nhà máy, và thanh tra các sản phẩm thịt thà cùng nhiều thức ăn khác. Những chính sách này không phải là những chuyện tầm phào. Tuy nhiên, vì sự ngần ngại không muốn xác định nội dung của tự do, vì trót đã coi tự do là chọn lựa bất định của cá nhân, nên nhà nước sẽ càng ngày càng không có khả năng cai trị cho dù là trong các vấn đề căn bản hơn như các vấn đề khởi đầu và chấm dứt sự sống, bản chất của hôn nhân, bản chất một nền giáo dục tốt, đào luyện con cái theo tính tham lam của thị trường và văn hóa bình dân. Một trong các ưu tư chính của Tocqueville là đứng trên các cá nhân đang bị tách biệt khỏi nhau vì ý muốn có được một cuộc sống tự do và độc lập sẽ là một nhà nước mênh mông, có tính giám hộ và bảo hộ “có trách nhiệm bảo toàn việc vui hưởng của họ và giám sát các lo lắng của họ” (38). Nói tóm lại, ước muốn một cuộc sống tự do và độc lập, một cuộc sống có thể tối đa hóa quyền lựa chọn cá nhân bất định, sẽ dẫn người ta tới việc rút chân ra khỏi những liên lập nào có thể gây hại cho khả năng sống một cuộc sống tự lập, và như thế, ra khỏi việc tích cực tham dự vào sinh hoạt chính trị. Mỗi cá nhân là tối thượng, nhưng chỉ tối thượng trong những điều liên quan tới chính họ (39). Trong các vấn đề liên quan tới xã hội như một toàn bộ, họ sẽ tuân theo đa số hay nhà nước. Bất cứ trình thuật nào về đời sống công của Hoa Kỳ hiện đại cũng đều kể tới cái chiều hướng nghịch lý vừa nhắm chủ nghĩa nhà nước có tính gia trưởng ở thượng tầng chế độ, vừa nhắm cái chủ nghĩa cá nhân có tính nguyên phân ở đáy chế độ ấy. Cả hai khuynh hướng này đều được các quan niệm dân chủ hiện đại về tự do khuyến khích. Cả hai đều là kẻ thù của các quan niệm rộng rãi hơn về tự do chính trị của các công dân dân chủ.

Phóng dịch bài Catholic Social Thought and Modern Liberal Democracy, của Thomas W. Smith, Logos 11:1 Mùa Đông năm 2008, tạp chí tư tưởng Công Giáo của Đại Học Thánh Thomas, Minnesota, Hoa Kỳ.

Ghi chú

19. Các nhà soạn thảo Hiến Pháp Hoa Kỳ rõ ràng hiểu điểm này. Xem Điều 1, tiết 8.

20. Đây là một trong các phê phán của nhà kinh tế học được giải Nobel Amartya Sen đối với việc dùng GDP làm biện pháp phát triển. Thay vào đó, ông đề nghị lấy khả năng phát triển các khả năng nhân bản của một quốc gia làm thước đo phát triển. Xem cuốn Development as Freedom của ông (New York: Anchor Books, 2000). Điểm này có tiếng vang trong truyền thống tư tưởng xã hội Công Giáo. Xem John Paul II, Centesimus Annus (1991), sections 28–29.

21. Muốn hiểu các nét đại cương của những vấn đề chính, xem Francis Fukyama, Our Posthuman Future: Consequences of the Biotechnology Revolution (New York: Farrar, Straus, and Giroux, 2002).

22. Phillip Bobbitt, The Shield of Achilles: War, Peace, and the Course of History (New York:Alfred Knopf, 2002), 228.

23. “Nhà nước dân chủ hiện hữu là để xác định các ý muốn của các cử tri và diễn dịch các ước muốn này thành hành vi lập pháp” (ibid., 177).

24. Muốn có môt khảo luận tốt hơn về quan niệm tự do này và tính trung tâm của chính trị đối với nó, xem Paul A. Rahe, “The Primacy of Politics in Classical Greece,” The American Historical Review 89 (1984): 265–93.

25. “Nếu phát huy bản thân được hiểu theo nghĩa tự lập tuyệt đối, thì tất yếu con người sẽ đến chỗ bác bỏ lẫn nhau. Mọi người đều bị coi là kẻ thù mà người ta cần phòng bị. Như thế, xã hội sẽ trở nên một đám cá nhân được đặt bên cạnh nhau, mà không hề có gắn bó hỗ tương” (John Paul II, Evangelium Vitae [1995], no. 20).

26. Xem Pierre Manent, “Modern Democracy as a System of Separations” Journal of Democracy 14, no. 1 (January 2003): 114–25.

27. “Federalist no. 51” (Publius [James Madison], The Federalist Papers [New York: Signet Classic, 1961], 322).

28. Ibid., 324.

29. Manent, “Modern Democracy as a System of Separations,” 121.

30. David C. Schindler, “Freedom Beyond our Choosing: Augustine on the Will and Its Objects” Communio 29 (Winter 2002): 628.

31. Vì ý chí thiếu mọi xác định nội tại, nên trên thực tế, nó không sở hữu được sự thiện nào để làm đầy ý niệm sự thiện. Trong quyền lực nguyên vẹn của nó, nó bất lực không thể làm được bất cứ điều gì mà chỉ phản ảnh sự trống rỗng của nó lên thế giới. Theo luận lý học, sự trống rỗng nội tại của nó dường như là điều hay lây. Làm mọi giá trị tùy thuộc sự chọn lựa vẫn không khuếch đại được quyền lực của bản ngã nhân bản, như người ta tưởng lúc thoạt nhìn, nhưng là tiêu hủy bản thể của cả thế giới lẫn bản ngã kia thành một thứ trừu tượng hóa tự do rống rỗng” (ibid.” 629).

32. Quan điểm của Hobbes như sau: Do đó, trước nhất, tôi cho rằng khuynh hướng tổng quát của nhân loại là lòng thèm muốn trường cửu và khôn nguôi hết quyền lực này đến quyền lực khác, nó chỉ ngưng với cái chết mà thôi. Lý do của điều này không luôn luôn là con người hy vọng có được một sảng khoái nồng hậu hơn mà chỉ vì họ đã đạt được nó rồi; hay vì họ không thể hài lòng với một quyền lực vừa phải: nhưng vì họ không thể bảo đảm có được quyền lực và phương tiện sống tốt, như hiện nay, mà không cần đến nhiều quyền lực hơn” (Leviathan, 161).

33. Hạn từ này lấy từ Bobbit, The Shield of Achilles, 283–94, 302–9.

34. Muốn có một mô tả đầy đủ về diễn trình này, xin xem Robert Kuttner, Everything for Sale: The Virtues and Limits of Markets (Chicago: University of Chicago Press, 1996).

35. “Nếu xã ước (social contract) đặt căn bản trên việc cung ứng dịch vụ,… thì tự nhiên và hợp lý một công dân bình thường sẽ thu nhỏ mức tin tưởng chính phủ đến độ mỗi dịch vụ của chính phủ sẽ được phán đoán một cách thuận lý theo tính thoả đáng và hợp thời của nó, theo mức phí tổn và các gánh nặng khác do nó tạo ra, và phán đoán việc phân phối dịch vụ theo nhu cầu xã hội nói chung, theo giai cấp xã hội và v.v…. Có lẽ một nền dân chủ như thế, ta tạm gọi là “nền dân chủ dịch vụ”, sẽ lấy làm đặc điểm tiêu chuẩn mức tin tưởng thấp nói chung qua đó việc đánh giá các dịch vụ đặc thù sẽ thay đổi tùy theo thang điểm chấp thuận hay phản đối chuyên biệt”. (Theodore J. Lowi, Personal President: Power Invested, Promise Unfulfilled [Ithaca, NY: Cornell University Press, 1985], 95)

36. “Và đây là bệnh lý: việc tha thiết đi tìm không còn nhằm cuộc sống tốt nữa mà là việc trình diễn cái mã bề ngoài cách hữu hiệu nhất. Đây là một bệnh lý vì nó leo thang mỹ từ trong nước, gia tốc hoài mong từng nấc, và khuyến khích chủ nghĩa liều mạng ở ngoại quốc” (ibid., 20).

37. “In sâu trong tâm tưởng quần chúng là ý niệm tương đối mới này: các định chế, trong đó có chính phủ, phải được tin tưởng và dành cho tính hợp pháp không phải căn cứ vào các cố gắng họ thực hiện hay theo số lượng hay đặc điểm những lần họ đại diện cho ta nhưng theo việc cung ứng dịch vụ” (ibid., 94–95).

38. Quyền này tuyệt đối, lưu ý tới chi tiết, có trật tự, biết tiên liệu, và nhân từ. Nó sẽ giống như thẩm quyền cha mẹ, nếu biết cố gắng chuẩn bị cho người ta trưởng thành. Ngược lại, nó chỉ ráng giữ người ta ở tình trạng ấu trĩ. Nó thích thấy các công dân vui chơi, miễn là họ đừng nghĩ tới gì khác ngoài vui chơi. Nó hân hoan phục vụ hạnh phúc của họ, nhưng muốn làm đại lý duy nhất và quan tòa phán xét. Nó cung ứng an ninh cho họ, dự liệu và cung cấp các nhu cầu của họ, làm dễ các vui khoái của họ, chăm sóc các mối quan tâm của họ, điều khiển nền kỹ nghệ của họ, ra luật lệ cho các di chúc của họ, và phân chia gia tài cho họ. Sao nó không chịu hoàn toàn giải thoát họ khỏi cái rắc rối của suy nghĩ cũng như mọi ưu tư sống? (Alexis de Tocqueville, Democracy in America, George Lawrence dịch [New York: Harper Collins, 1969], 692)

39. “Chủ nghĩa cá nhân là đặc điểm của một xã hội trong đó mỗi cá nhân tự coi mình như đơn vị căn bản của xã hội, tương tự và ngang bằng mọi đơn vị căn bản khác” (Pierre Manent, Tocqueville and the Nature of Democracy, John Waggoner dịch [Lanham, MD: Rowman and Litttlefield, 1996], 52).

(Còn 1 kỳ)
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Bên Mẹ Suốt Ngày
Tâm Duy, Lm
22:08 21/06/2011
BÊN MẸ SUỐT NGÀY
Ảnh của Tâm Duy, Lm
Biết bao là nghĩa, là tình
Mẹ dành cho chỉ một mình con thôi!
Con thương Mẹ quá, Mẹ ơi!
Mẹ là tất cả cuộc đời của con!
(Trìch thơ của Trịnh Hưng)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền