Ngày 20-06-2015
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:51 20/06/2015
VỢ CHỒNG CẦU PHÚC
N2T

Nước Vệ có đôi vợ chồng nhìn lên trời cao cầu phúc, bà vợ cầu xin:
- “Xin cho chúng tôi không cần phải phí sức mà được một trăm đồng tiền!”
Ông chồng nói:
- “Tại sao cầu xin ít quá vậy ?”
Bà vợ trả lời:
- “Nếu xin vượt quá con số này, thì ông sẽ đi kiếm thêm vợ bé!”
(Hàn Phi Tử)

Suy tư:
Không ai biết ý và hiểu tính tình của chồng cho bằng vợ mình, vậy mà có những ông chồng không hiểu tính tình của vợ mình. Xét cho cùng thì cũng dễ hiểu thôi: đàn bà thì tế nhị và tỉ mỉ hơn đàn ông, nên hiểu chồng hơn là chồng hiểu vợ.
Hội Thánh là hiền thê của Đức Ki-tô, nên Hội Thánh cũng rất hiểu ý của Ngài và làm theo lời Ngài dạy, để mỗi một phần tử trong Hội Thánh được lớn lên trong sự vâng phục và trung thành với Đức Ki-tô và Hội Thánh của Ngài.
Hội thánh là hiền thê của Đức Ki-tô và Hội Thánh cũng là mẹ hiền của mọi phần tử trong Giáo Hội, nên Hội Thánh rất vui mừng khi có những người con sống tốt lành thánh thiện và biết vâng phục Hội Thánh; Hội thánh cũng rất buồn và khổ đau khi có những người con lạc xa chân lí được lãnh nhận từ Đức Ki-tô, Đấng đã từ cõi chết sống lại để ban ơn cứu độ cho loài người.
Nơi Hội Thánh chúng ta được âu yếm nuông chìu và yêu thương như mẹ hiền yêu thương con cái mình.
Tôi đã làm gì cho Hội Thánh ngay trong cộng đoàn và giáo xứ mà tôi đang sống ?

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

-----------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (CN 12 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:53 20/06/2015
CHỦA NHẬT 12 THƯỜNG NIÊN
N2T

Tin mừng: Mc 4, 35-41
“Người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh ?”


Anh chị em thân mến,
Có rất nhiều lần chúng ta tự hỏi: Đức Chúa Giê-su là ai ? Và cũng có rất nhiều lần khi gặp gian nan thử thách, chúng ta cũng trách Chúa: Chúa đâu rồi sao con khổ thế này ?

1. Đức Chúa Giê-su là Thiên Chúa.
Các tông đồ không dễ dàng gì nhận ra thiên tính Thiên Chúa nơi Đức Chúa Giê-su, mặc dù đi theo làm môn đệ của Ngài đã nhiều năm, mặc dù cùng sát cánh bên Ngài, thấy Ngài làm phép lạ, nghe Ngài giảng dạy, thấy Ngài chữa lành bệnh tật.v.v...nhưng các ông vẫn chưa tin Ngài là Thiên Chúa giáng trần.

Ngài nằm ngủ đó, phía sau con thuyền, mặc cho sóng to gió lớn, mặc cho các môn đệ chèo chống thất vọng, Ngài vẫn cứ ngủ, bởi vì Ngài là Thiên Chúa, là Đấng có quyền trên vạn vật, là Đấng tạo dựng nên chim trời cá nước... Và cho đến khi Ngài ra lệnh cho sóng gió lặng yên mà các môn đệ vẫn còn hoài nghi: người này là ai mà đến sóng gió phải nghe lời...!

2. Đức Chúa Giê-su là con người.
Điều này thì quá rõ ràng, bởi vì lý lịch của Ngài thì ai cũng biết, Ngài là con của bà Ma-ri-a, là em bé sinh ra trong hang lừa máng cỏ, là con của bác thợ mộc Giu-se, là người bị quan Phi-la-tô kết án đóng đinh vào thập giá và đã chết...

Nhưng Đức Chúa Giê-su “làm con người” không phải chỉ có như thế, mà điều quan trọng và có ý nghĩa nhất trong việc làm người của Ngài chính là: để chia sẻ thân phận con người như chúng ta, để thông cảm tha thứ và để cứu độ chúng ta...

Nằm ngủ phía sau con thuyền, Đức Chúa Giê-su chắc chắn nghe và thấy các môn đệ của mình sợ hãi lo âu, nhưng đây là dịp để Ngài thử thách lòng tin của các môn đệ mình: giữa bão táp phong ba có còn tin vào Ngài không ?

Anh chị em thân mến,
Trần gian là bể khổ, ai cũng nói như thế, mỗi người ai cũng chèo chống con thuyền của mình hy vọng đi vào bến bờ bình an, nhưng không phải ai cũng được bình an khi chèo chống con thuyền cuộc đời của mình.

Đức Chúa Giê-su ở đó, Ngài đang nằm ngủ đâu đó trong con thuyền cuộc đời của mỗi người, cứ tin tưởng và phó thác, cứ chèo chống hết sức mình với niềm tin, vì Đức Chúa Giê-su đang ở trong thuyền, chỉ cần chúng ta kêu cứu, Ngài sẽ ra tay giúp đỡ chúng ta...

Đó là cuộc thử thách lòng tin mà –qua hoàn cảnh- Thiên Chúa luôn gởi đến cho những ai tin tưởng vào Ngài, tin tưởng vào Đức Chúa Giê-su là Thiên Chúa thật và là người thật, đang hiện diện trong con thuyền cuộc đời của chúng ta.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
---------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:55 20/06/2015
N2T

14. Ai có thể yêu mến Đức Mẹ Ma-ri-a đến chết, thì nhất định sẽ không mất đi ân sủng.

(Thánh Bernardus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong “Cách ngôn thần học tu đức”

---------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi tuần một ”Chuyện Rất Ngắn”
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:59 20/06/2015
XIN CHA PHỤ TÁ

Giáo dân thấy cha sở mình làm việc nhiều bằng ba linh mục cộng lại, nên nói với ngài xin một cha phụ tá về giúp, vì họ thấy giáo xứ bên cạnh cha sở có nhiều cha phụ tá lại có thầy xứ giúp nên cha sở rất thoải mái có giờ đi chơi nghỉ ngơi, đi ăn uống với đại gia và với chính quyền sở tại…

Cha sở nói:

- “Có cha phụ tá thì cũng tốt thôi, nhưng nếu có cha phụ tá thì tôi sẽ sinh ra lười biếng, rồi sinh ra nhiều tật xấu như thích đi ăn với đại gia, đi nghỉ mát, đi giao tiếp.v.v…thì thật không đúng với chức phận linh mục chút nào cả.” rồi ngài cười nói tiếp: ”Cha sở không có việc làm là cha sở…chết.”

Mọi người cùng cười vui vẻ…

--------------

http://www.vietcatholic.net

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://nhantai.info
 
Lễ sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
08:02 20/06/2015
Lễ Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả

(Lc 1, 57- 66,80)

Từ thế kỷ thứ IV, Giáo Hội đã mừng lễ sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả. Đây là một lễ rất lâu đời xét về mặt thời gian. Nếu như câu hỏi mà những người đương thời để bụng suy nghĩ “con trẻ này rồi sẽ nên thế nào? ” Thì ngày nay người ta vẫn không ngừng đặt ra những câu hỏi, chẳng hạn như : Tại sao lại lấy ngày 24 tháng 6 ? Và lý do gì mà Giáo Hội lại mừng lễ sinh nhật Thánh Gioan cách trọng thể như thế ?

Tại sao lại lấy ngày 24 tháng 6 ?

Lý do lấy ngày 24 tháng 6 thay vì ngày 25 tháng 6 là vì theo cách tính ngày xưa, tức là theo calends( ngày mùng 1), ides(ngày 15) và nones(ngày thứ chín). Dĩ nhiên, những niên hiệu này có một giá trị phụng vụ và biểu trưng hơn là một giá trị lịch sử. Chúng ta không biết chính xác ngày và năm Chúa Giêsu sinh ra, nên khi nào Gioan sinh ra chúng ta cũng không hay.

Dựa vào trang Tin Mừng, thánh Luca cho biết, khi loan báo sự sinh hạ của Chúa Kitô cho Đức Maria, thiên thần cho ngài biết bà Isave chị họ của ngài đang có thai trong tháng thứ sáu. Cho nên, Gioan Tẩy Giả phải được sinh ra sáu tháng trước Chúa Giêsu và như vậy bảng niên đại được tôn trọng cho đến ngày nay.

Giáo Hội mừng lễ sinh nhật Thánh Gioan

Thánh Augustinô nói : “ Giáo Hội có thói quen lấy ngày qua đời của các vị thánh để mừng kính, vì đó là ngày sinh nhật của các thánh trên Trời. Riêng thánh Gioan Baotixita được miễn trừ khỏi qui luật bình thường đó, vì ngài đã được thánh hiến ngày từ trong lòng mẹ trước khi sinh ra, nhờ sự hiện diện của Đức Giêsu Kitô trong lòng Đức Maria Trinh Nữ Rất Thánh khi thăm Bà Thánh Isave, từ đó Giáo Hội tin rằng Gioan Tẩy Giả đã được thánh hoá trong dạ mẹ nhờ sự hiện diện của Chúa Kitô. Đó là lý do Giáo Hội cử hành lễ sinh nhật của ngài ”.

Bài Tin Mừng chính ngày lễ nói về sự chọn tên Gioan. Bài đọc thứ nhất trích sách Ngôn sứ Isaia và Thánh vịnh nói về giá trị cao cả của con người trước mặt Thiên Chúa : “ Ðức Chúa đã gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, lúc tôi chưa chào đời, Người đã nhắc đến tên tôi. Người đã làm cho miệng lưỡi tôi nên như gươm sắc bén, giấu tôi dưới bàn tay của Người. Người đã biến tôi thành mũi tên nhọn, cất tôi trong ống tên của Người” (Is 49, 1-3). Thánh vịnh trở lại với ý niệm này, tức là, Chúa biết chúng ta từ trong lòng mẹ: “Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo, dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con…Khi con được thành hình trong nơi bí ẩn, được thêu dệt trong lòng đất thẳm sâu” (Tv 138, 13). Như thế Thiên Chúa đã an bài sắp đặt mỗi người chúng ta ngay từ khi còn trong dạ mẹ.

Lời mời gọi bảo vệ sự sống các thai nhi

Theo Kinh Thánh, con người là kẻ được Thiên Chúa nhận biết, gọi tên; và Thiên Chúa biết chắc chúng ta từ khi còn trong lòng mẹ. Mắt Ngài thấy chúng ta : “Con mới là bao thai, mắt Ngài đã thấy ” (Tv 138,16).

Chúng ta có một ý niệm rất hẹp hòi và có tính pháp lý về con người, gây nhiều hoang mang trong sự bàn cãi về nạn phá thai. Xem ra một đứa bé chỉ được sở hữu phẩm giá con người khi nó được các thẩm quyền con người thừa nhận.

Khoa học nói với chúng ta rằng trong phôi thai, toàn diện hữu thể nhân bản đang thành hình, được phản chiếu trong mỗi chi tiết rất nhỏ; đàng khác, đức tin chúng ta thêm rằng, điều chúng ta có không phải là công trình vô danh của tạo vật, nhưng một công trình tình yêu của đấng Sáng tạo. Sứ vụ của Gioan Tẩy Giả hoàn toàn được phác họa trước lúc sinh ra: “Hài nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao, con sẽ đi trước Chúa mở lối cho Người” (Lc 1, 76).

Vấn đề nghiêm trọng ngày nay là hàng triệu trẻ em chết vì phá thai mà không được rửa tội. Chúng ta phải nói gì về chúng? Chúng có được thánh hoá cách nào đó trong bụng mẹ chúng không? Chúng có được cứu rỗi không?

Câu trả lời không do dự: Chắc chắn chúng được cứu rỗi. Theo một ý kiến đã trở nên phổ thông từ Trung Cổ, những trẻ con không được rửa tội thì xuống lâm bô, một nơi trung gian trong đó không có đau khổ cũng không được thấy mặt Chúa.

Chúa Giêsu đã thiết lập các bì tích như những phương tiện bình thường của việc cứu rỗi. Do đó, các bí tích là cần thiết, và những ai dầu có khả năng nhận lãnh bí tích, mà từ chối hay lười biếng nhận lãnh bí tích, đi nghịch lại với lương tâm của mình, gây lâm nguy trầm trọng cho sự rỗi muôn đời của mình. Nhưng Thiên Chúa không bị ràng buộc bởi những phương tiện này. Ngài có thể cứu rỗi bằng những phương tiện bất thường, khi con người, không do lỗi mình, không được lãnh bí tích rửa tội. Chúa làm như vậy đối với các thánh Anh Hài, những em bé đã chết không được rửa tội.

Giáo Hội đã luôn luôn công nhận khả năng của một phép rửa tội bằng ý muốn và một phép rửa tội bằng máu, và nhiều em bé chắc chắn đã biết một phép rửa tội bằng máu, dầu thuộc về một bản tính khác.

Khi làm sáng tỏ vấn đề trên sẽ mang lại một sự thoải mái cho những kẻ tin, những kẻ mất bình thản trước số phận khủng khiếp của rất nhiều em bé trong thế giới ngày nay.

Chúng ta hãy trở lại ngày sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả. Khi loan báo sự sinh của con trẻ cho Giacaria, Thiên Thần nói với ông: “ Isave vợ ông sẽ sinh cho ông một con trai ông sẽ gọi là Gioan. Ông sẽ được vui mừng hớn hở và nhiều người cũng được hỷ hoan ngày con trẻ chào đời ” (Lc 1,13-14). Quả thật, nhiều người đã hỷ hoan vui mừng khi con trẻ sinh ra, bước sang thế kỷ XXI, chúng ta ở đây đang mừng vui nói về con trẻ này.

Xin Chúa cho tất cả những người cha và bà mẹ, như bà Isave và ông Giacaria, đang chờ đợi hay kinh nghiệm sự sinh con, có được niềm vui và hớn hở trong đứa con Chúa đã trao ban, và niềm vui sinh con, vì sự sống đã bừng lên nơi con cái. Xin cho mọi người tôn trọng các thai nhi ngay từ trong lòng mẹ. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thông điệp Laudato Si, phản ứng của các nhà lãnh đạo chính trị, tôn giáo và chuyên viên
Vũ Van An
00:38 20/06/2015
Dù có một số chính khách, nhất là ở Hoa Kỳ, lên tiếng chỉ trích Thông Điệp Laudato Si của Đức Phanxicô, ngay cả trước khi nó được công bố chính thức, ký giả Inés San Martín của tờ Crux cho rằng rất nhiều nhà lãnh đạo chính trị thế giới đã hết lòng ca ngợi nó và lên tiếng kêu gọi mau chóng hành động để cứu vãn môi sinh.

Các nhà lãnh đạo chính trị

Hôm thứ Năm vừa qua, Tổng Thống Barack Obama “hoan nghinh” thông điệp của Đức GH Phanxicô và ca ngợi quyết định của ngài trong việc “rõ ràng và mạnh mẽ dùng trọn vẹn thế giá tinh thần trong chức vụ của ngài” để kêu gọi hành động đối với việc thay đổi khí hậu.

Tổng Thống Obama nói rằng ông cam kết đưa ra các hành động mạnh dạn nhằm cắt giảm việc sản xuất khí carbon và gia tăng năng lượng sạch ở Hoa Kỳ và ở ngoại quốc, đồng thời chờ mong hội nghị thượng đỉnh của LHQ về thay đổi khí hậu vào tháng Mười Hai này.

Dù các giới chức trong Giáo Hội nhấn mạnh rằng Laudato Si chủ yếu không phải là một văn kiện về chính sách, nhưng tháng Giêng vừa qua, Đức Phanxicô nói rằng ngài muốn thông điệp được công bố kịp thời để “khuyến khích” việc có nhiều quyết định “can đảm” hơn tại Paris.

Làm chủ nhà cho cuộc họp thượng đỉnh trên sẽ là Tổng Thống Pháp François Hollande, người vừa ra một tuyên bố nói rằng ông hy vọng “tiếng nói đặc thù” của Đức GH Phanxicô sẽ “được nghe khắp các lục địa, không kể các tín hữu”.

Ông Hollande, vốn được dưỡng dục như một người Công Giáo nhưng nay đã tự cho mình là một người vô thần, nói rằng ông hoan nghinh lời kêu gọi của Đức Phanxicô đối với công luận hoàn cầu.

Đối với Tổng Thống Pháp, thông điệp Laudato Si đã đặt sinh thái “vào một viễn ảnh của nhân bản thuyết”.

Hội nghị thượng đỉnh Paris, kéo dài từ ngày 30 tháng Mười Một tới ngày 11 tháng Mười Hai, được Liên Hiệp Quốc bảo trợ và nhiều nhà lãnh đạo của LHQ cũng hoan nghinh thông điệp này.

Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon nói rằng luận điểm của Đức Giáo Hoàng cho thấy rõ việc các chính phủ phải đạt cho được các thỏa hiệp đầy tham vọng khi họ họp nhau tại Pháp. Trong một tuyên bố, ông viết: “Thông điệp đầu tiên của ngài nhấn mạnh rằng thay đổi khí hậu là một trong những thách đố lớn lao nhất đối với nhân loại, và đây là một vấn đề tinh thần đòi ta phải kính cẩn đối thoại với mọi thành phần trong xã hội”.

Trong thông điệp Laudato Si, Đức Phanxicô nặng nề phê phán các hội nghị thượng đỉnh từ trước đến nay của LHQ về thay đổi khí hậu. Ngài viết: “Hội Nghị của LHQ về Việc Phát Triển Lâu Dài, ‘Rio + 20’ (Rio de Janeiro 2012) đã công bố một văn kiện có tầm xa nhưng không có hiệu quả… Các cuộc thương thuyết quốc tế không thể đem lại một tiến bộ có ý nghĩa nào vì lập trường các nước chỉ biết đặt quyền lợi quốc gia của mình lên trên ích chung của cả thế giới”.

Giữ chúc vụ từ năm 2007, Ông Ban cũng đứng đầu hội nhị này.

Một số tổ chức, xưa nay vốn làm việc để bảo vệ thiên nhiên, như Liên Minh Sự Sống Hoang Dã Thế Giới (WWF) và Hòa Bình Xanh (Greenpeace) cũng lên tiếng ca ngợi Đức Giáo Hoàng và văn kiện của ngài.

Chủ tịch WWF, Yolanda Kakabadse, cho rằng tiếng nói của Đức Giáo Hoàng là “một phương thức luân lý rất cần thiết cho cuộc tranh luận về khí hậu. Việc thay đổi khí hậu không còn chỉ là một vấn đề khoa học nữa; càng ngày, nó càng là một vấn đề luân lý và đạo đức”.

Giuseppe Onufrio, giám đốc điều hành của Hòa Bình Xanh tại Ý, nói rằng “thông điệp này là một tin vui” vì “nó khuếch đại đến hàng triệu lỗ tai mới mẻ lời kêu gọi đạo đức mà tất cả chúng ta đang dóng lên về khí hậu”.

Onufrio nói rằng “điều này phải gia tăng áp lực đối với các nhà lãnh đạo của ta để họ chịu hành động theo mệnh lệnh của liên minh khí hậu lớn lao nhất xưa nay, hàng tỷ công dân khắp thế giới”.

Các nhà lãnh đạo tôn giáo

Trong những ngày Laudato Si sắp được công bố, Đức Phanxicô lên tiếng kêu gọi sự đoàn kết tôn giáo nhằm chống lại việc thay đổi khí hậu. Sau khi được công bố, thông điệp nhận được nhiều sự ủng hộ của các vị đại diện Ấn Giáo, Anh Giáo, Chính Thống và Do Thái Giáo.

Đức Thượng Phụ Đại Kết Bartholomew I của Constantinople và Đức TGM Canterbury, Justin Welby, của Anh Giáo, hôm thứ Sáu, đã cho công bố một nhận định chung trên tờ New York Times hôm thứ Sáu qua, tựa là “Thay đổi khí hậu và trách nhiệm luân lý”.

Rajan Zed, chủ tịch Hội Ấn Giáo Hoàn Vũ, đã ra tuyên bố nói rằng ông hy vọng thông điệp sẽ giúp lên khuôn cho chính sách công. Ông Zed cũng yêu cầu Đức Giáo Hoàng tổ chức một hội nghị thượng đỉnh hoàn cầu về môi sinh bao gồm mọi tôn giáo.

Trước khi được công bố, thông điệp đã gợi hứng để giáo sĩ Do Thái Giáo người Mỹ là Arthur Waskow viết “Lá Thư Giáo Sĩ về Cuộc Khủng Hoảng Khí Hậu” gửi “Mọi Người Do Thái, mọi cộng đồng tinh thần và toàn thể thế giới”.

Các chuyên viên

Austen Ivereigh, tác giả cuốn tiểu sử của Đức Phanxicô, tựa là “Nhà Cải Cách Vĩ Đại”, tin rằng Laudato Si có tiềm năng tái lên khuôn chính trị và Giáo Hội. Ông bảo: “đây là giáo huấn xã hội Công Giáo có ý nghĩa nhất kể từ lúc thông điệp Rerum Novarum khởi sự giáo huấn này năm 1891”.

Ông nói thêm rằng thông điệp của Đức Phanxicô tạo ra con đường chân chính thứ ba giữa chủ nghĩa tư bản duy cá nhân và chủ nghĩa ảo tưởng phản nhân bản của phong trào xanh. Ông viết: “Đức Phanxicô không những làm ổn việc ta vừa là Công Giáo vừa là xanh, ngài còn biến nó thành bắt buộc nữa”.

Kishore Jayabalan, trước đây là một viên chức của Vatican về các vấn đề xã hội và nay đang điều khiển Viện Acton tại Ý, cho rằng ông rất vui vì Đức Giáo Hoàng lên tiếng kêu gọi thảo luận về các phương thức khác nhau nhằm phát triển lâu dài. Ông viết: “Điều rất quan trọng là Đức Phanxicô hiểu rằng hữu thể nhân bản là giải pháp, chứ không phải là vấn đề, trái với điều quá nhiều người cổ vũ cho việc kiểm soát dân số vốn chủ trương nhân danh trái đất”.

Joyce E. Coffee, giám đốc quản trị Global Adaptation Index của ĐH Notre Dame, ca ngợi Đức Phanxicô vì đã làm nổi bật hiệu quả bất cân xứng của việc thay đổi khí hậu đối với Nam Bán Cầu. Bà viết: “Ngài mời gọi chúng ta nhìn vấn đề này từ vọng nhìn của người nghèo trên thế giới. Khi qúy vị hành động đối với việc thay đổi khí hậu, qúy vị đang hành động để giúp đỡ nhân loại. Hành động về khí hậu là hành động giúp người nghèo có được đời sống và kế sinh nhai tốt hơn”.

Christiana Z. Peppard, giáo sư phụ giảng về thần học, khoa học và đạo đức học tại ĐH Fordham, hoan nghinh việc Đức Phanxicô nhấn mạnh tới việc bảo vệ dân bản địa, cho rằng đây là điểm “đáng kể và đáng lưu ý”. Bà cho biết “phần bất khoan nhượng nhất trong thông điệp của Đức Phanxicô là lời kết án của ngài đối với niềm tin sai lạc vào tiến bộ, tiến bộ kỹ thuật và kinh tế, bất cần các giá trị sinh thái và nhân bản để hướng dẫn các mô hình này”.

Giám đốc điều hành và chủ tịch của Catholic Relief Services và là nguyên khoa trưởng Cao Đẳng Kinh Doanh Mendoza của ĐH Notre Dame, Carolyn Woo, thách thức những ai có khuynh hướng không chịu lắng nghe Đức Giáo Hoàng. Bà bảo họ hãy tỉnh ngủ: “Tôi muốn yêu cầu những ai đang ở thế phòng ngự và những ai không tin việc thay đổi khí hậu đang tác động lên thế giới hãy từ bỏ lập trường hiện nay của họ và chịu khó đi tới những nơi đang đau khổ”.

Bà Woo là một trong các thuyết trình viên tại buổi công bố Laudato Si tại Vatican. Bà thấy Laudato Si “đầy cả thi ca và tâm linh lẫn thực tiễn”.
 
ĐTC Phanxicô sẽ tông du 2 ngày tới Turin bắc nước Ý
Nguyễn Long Thao
10:00 20/06/2015
Đức Thánh Cha sẽ thực hiện chuyến tông du trong 2 ngày đến thành phố Turin miền bắc nước Ý. Ngài sẽ đến cầu nguyện tại nhà thờ đang lưu trữ khăn liệm thành Turin, viếng thăm Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu để kỷ niệm 200 năm ngày sinh nhật của thánh Gioan Bosco. ĐTC cũng sẽ thăm một số cơ sở tôn giáo khác và gặp gỡ các người bị xã hội ruồng bỏ.

ĐTC sẽ rời Roma vào lúc 7 giờ sáng Chúa Nhật 22 tháng 6 và đến Turin vào lúc 8 giờ. Theo dự liệu, đầu tiên ĐTC sẽ đến công trường thành phố Turin để gặp gỡ công nhân, nông dân, thương gia. Sau đó Ngài đi bộ qua thánh đường thánh Gioan Tẩy Giả và cầu nguyện mấy phút trước tấm khăn liệm thành Turin và trước bàn thờ vị chân phước trẻ Piergiorgio Frassati.

Đến trưa, ĐTC sẽ cử hành thánh lễ ngoài trời cho hàng ngàn giáo dân. Sau đó Ngài dùng cơm trưa tại Tòa Tổng Giám Mục. Khách được mời trong bữa cơm có một số thanh thiếu niên đang bị giam giữ tại trung tâm thiếu nhi phạm pháp, một số người di dân, người vô gia cư và cư dân thành phố Turin.

Sau cơm trưa, ĐTC đến viếng Đền Đức Mẹ An Ủi và Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu để kỷ niệm 200 năm sinh nhật thánh Gioan Bosco la vị sáng lập các cộng đoàn nam nữ tu sĩ dòng Salesian

ĐTC cũng sẽ gặp gỡ các bệnh nhân, các người tàng tật tại nhà thờ Cottolengo.

Việc mục vụ cuối cùng trong ngày Chúa Nhật của ĐTC là Ngài gặp gỡ hàng ngàn giới trẻ tại công viên thành phố.

Sang ngày thứ Hai của chuyến tông du, ĐTC có cuộc gặp gỡ đại kết với các mục sư trong vòng hơn một tiếng đồng hồ. Sau đó Ngài trở về tư dinh tòa Tổng Giám Mục ở đó Ngài sẽ gặp gỡ một số thân nhân, cử hành thánh lễ và dùng cơm trưa với họ.

Dự trù ĐTC sẽ về đến phi trường Ciampino ở Roma vào lúc 6:30 tối ngày thứ Hai.
 
Đức Thánh Cha tiếp kiến đoàn Hiệp sĩ Lao động Italia
Lm. G. Trần Đức Anh
11:40 20/06/2015
Đức Thánh Cha tiếp kiến đoàn Hiệp sĩ Lao động Italia

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến sáng 20-6-2015 dành cho 150 thành viên Liên đoàn quốc gia các Hiệp sĩ Lao Động Italia, ĐTC tái lên án nạn thất nghiệp giới trẻ.

Hiệp sĩ Lao động là những người nổi bật trong giới chủ xí nghiệp và kinh tế, được Tổng thống Italia tưởng thưởng Huân công quốc gia vì đã góp phần kiến tạo công ăn việc làm và làm tăng trưởng giá trị các sản phẩm Italia trên thế giới.

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, ĐTC nói đến tình trạng suy thoái kinh tế hiện nay trong một bối cảnh xã hội với những chênh lệch và nạn thất nhiệp, nhất là nơi người trẻ. Ngài gọi tình trạng thất nghiệp này của người trẻ là một triệu chứng cho thấy có những gì bất ổn trầm trọng, mà người ta không thể chỉ qui trách cho những nguyên nhân trên bình diện hoàn cầu và quốc tế.

ĐTC nhắc lại một điều mà giáo huấn xã hội Công Giáo liên tục nhấn mạnh đó là tiêu chuẩn căn bản, theo đó con người ở trung tâm sự phát triển, và bao lâu còn có những người nam nữ thụ động hoặc ở ngoài lề, thì công ích không thể được coi là đã hoàn toàn đạt được.

ĐTC ca ngợi sáng kiến mà Liên đoàn toàn quốc các Hiệp sĩ lao động Italia đang làm nổi bật, đó là ngoài vai trò xã hội của lao động, còn có chiều kích luân lý đạo đức nữa. Thực vậy, chỉ khi nào ăn rễ trong công lý và tôn trọng luật pháp thì nền kinh tế mới góp phần vào sự phát triển đích thực, không gạt cá nhân và các dân tộc ra ngoài lề, tránh được nạn tham ô và bất lương, cũng như không lơ là với việc bảo vệ môi trường tự nhiên (SD 20-6-2015)

G. Trần Đức Anh OP
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Liên Tu Sĩ Huế: khóa học hỏi giáo luật về Đời sống Thánh hiến
Phaolô Trần Đình Vẹn
07:57 20/06/2015
Liên Tu Sĩ Huế: khóa học hỏi giáo luật về Đời sống Thánh hiến

Cùng với những hoạt động ý nghĩa khác trong năm dành cho người thánh hiến, từ ngày 15 – 19/6/2015, tại Dòng Thánh Tâm Huế, Liên Tu Sĩ Huế đã tổ chức khóa học hỏi giáo luật về Đời Sống Thánh Hiến, dưới sự hướng dẫn của Cha Tôma Aquinô Nguyễn Trường Tam, O.P. Tham dự khóa học có quý Bề trên và các thành viên của hầu hết các tu hội thánh hiến và Đan viện hiện diện tại Huế như: Đan viện Thiên An, Dòng Thánh Tâm Huế, Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm…

Trong thời gian gần một tuần lễ, cha giáo đã trình bày rất cụ thể và rõ ràng những điểm mà giáo luật nói về đời sống thánh hiến. Khởi đi từ những khái niệm cơ bản và những hình thức khác nhau về đời sống thánh hiến theo dòng lịch sử, các học viên lần lượt tìm hiểu về: các tu hội thánh hiến trên các khía cạnh như việc thiết lập, việc sáp nhập, liên hiệp và liên kết giữa các tu hội cũng như việc giải thể một tu hội thánh hiến. Bên cạnh đó là việc tìm hiểu về việc lãnh đạo trong các tu hội như: quyền tự trị, luật chung và luật riêng, tương quan giữa tu hội với các phẩm trật trong Giáo Hội. Đặc biệt, khóa học nhấn mạnh đến phần giáo luật đề cập đến việc thâu nhận ứng sinh và đào tạo tu sĩ cũng như việc các thành viên rời bỏ tu hội song song với việc đề cập đến vấn đề quyền lợi và nghĩa vụ của tu hội và các thành viên.

Các buổi học diễn ra sôi nổi xen lẫn giữa phần trình bày của cha giáo là phần đặt câu hỏi, thảo luận và phần giải đáp của cha hướng dẫn. Rất nhiều những vấn đề thực tế trong các hội dòng liên quan đến pháp lí cũng như những “nố” giả định đã được đặt ra, được các học viên thảo luận và được người hướng dẫn giải đáp rõ ràng. Các thành viên trong các hội dòng từ những vị điều hành đến các thành viên có cơ hội được một lần cùng nhau tìm hiểu giáo luật về đời sống mà mình đang theo đuổi cũng như qui chiếu đến hội dòng của mình. Qua đó, các hội dòng đã nhận ra được những điểm thiểu sót về việc áp dụng giáo luật để kịp thời sửa chữa, đồng thời cũng mở ra cơ hội cho tất cả các thành viên sống đúng và tốt hơn đời dâng hiến theo giáo luật.

Vào chiều ngày 19/6/2015, khóa học đã kết thúc trong niềm hân hoan vì những hoa quả bổ ích do khóa học mang lại, nữ tu M. Teresa Phạm Thị Bích Thủy Bề trên Tổng phụ trách Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm đại diện cho toàn thể Liên Tu Sĩ Huế nói lên tấm lòng tri ân đối với cha giáo đã dành thời gian và công sức để giúp đỡ cho tất cả các học viên trong suốt khóa học. Năm Đời sống Thánh hiến đang dẫn khép lại và những khóa học như thế này không chỉ được mở ra như một sự kiện mang tính cổ động nhưng hy vọng lợi ích của khóa học sẽ ảnh hưởng lâu dài trên tất cả các học viên và hội dòng của họ.
 
Thừa Tác Viên Thánh Thể Sydney Tĩnh Tâm
Diệp Hải Dung
09:41 20/06/2015
Thừa Tác Viên Thánh Thể Sydney Tĩnh Tâm

Sáng thứ Bảy 20/06/2014 các anh em Thừa Tác Viên Thánh Thể TGP Sydney đã đến Trung Tâm Tĩnh Huấn Thánh Giuse Bringelly tham dự Tĩnh Tâm. Sau khi ghi danh mọi người tập trung trong hội trường và cùng Chầu Mình Thánh Chúa do Cha Tuyên Úy Trưởng Dương Thanh Liêm Linh hướng Thừa Tác Viên Thánh Thể TGP Sydney điều hợp nguyện xin Chúa Giêsu Thánh Thể chúc lành cho qúy anh em Thừa Tác Viên.

Xem Hình

Sau khi chấm dứt giờ Chầu Thánh Thể, Cha Dương Thanh Liêm giới thiệu Đức Giám Mục Giuse Đặng Đức Ngân Giám Mục Giáo Phận Lạng Sơn thuyết gỉảng với đề tài: Tình Yêu và Bí tích Thánh Thể. Đức Giám Mục đã trích dẫn Lời Chúa trong Phúc Âm để hướng dẫn các anh em Thừa Tác Viên Thánh Thể hiểu biết về nhiệm vụ và bổn phẩn của mình được vinh dự trao Mình Thánh Chúa mọi người.

Sau đó Cha Dương Thanh Liêm hướng dẫn về những nghi thức phụng vụ trong Thánh lễ để giúp anh em ý thức được trọng trách của mình. Đồng thời các anh em cũng nêu những thắc mắc và ý kiến và Cha Linh hướng Dương Thanh Liêm đã giải đáp thỏa đáng về tác vụ của người Thừa Tác Viên Thánh Thể.

Sau phần nghỉ giải lao. Đức Giám Mục Giuse Đặng Đức Ngân, Cha Tuyên Úy Trưởng Dương Thanh Liêm và Cha Phaolô Nguyễn Văn Thảo Cha Sở Nhà Thờ Chính Tòa Lạng Sơn cùng hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn. Đặc biệt trong Thánh lễ có phần nghi thức Thừa Tác Viên cùng tuyên thệ trước bàn thờ.

Trước khi kết thúc Thánh lễ ông Huỳnh Công Lợi Trưởng Thừa Tác Viên Thánh Thể TGP Sydney ngỏ lời cám ơn Cha Linh hướng Dương Thanh Liêm và đặc biệt cám ơn Đức Giám Mục Giuse Đặng Đức Ngân đã ưu ái đến giảng phòng tĩnh tâm cho các anh em Thừa Tác Viên Thánh Thể được sốt sắng và thêm phần lợi ích về tâm linh

Thánh lễ kết thúc Đức Giám Mục và mọi người cùng ở lại tham dự buổi cơm trưa thân mật trong nhà ăn Trung Tâm và sau đó ra về trong tình yêu thương của Chúa Giêsu KiTô. Và chiều cùng ngày Đức Giám Mục cũng đã đến thăm và dâng Thánh lễ tại Giáo Đoàn Thánh Tử Đạo Lê Đăng Thi Fairfield và Giáo đoàn Thánh Mẫu La Vang Cabramatta.

Diệp Hải Dung
 
Văn Hóa
Chuyện Bác Chuyện Em: Sóng Biển Galilê
Nguyễn Trung Tây
06:59 20/06/2015
□ Nguyễn Trung Tây
Chuyện Bác Chuyện Em: Sóng Biển Galilê

Chuyện Bác Chuyện Em bối cảnh xảy ra ở khắp nơi, Việt Nam, Mỹ, Úc, Do Thái… Em đi tu mà em cũng có thể là một nhân vật đã lập gia đình.

Tháng Một, trời Galilee lạnh buốt. Sáng sáng, sân cỏ bám trắng những hạt sương đông lạnh như trời cao mới đổ xuống hoang mạc tối qua mưa trời Manna. Sớm tinh mơ, bác và em ngồi ăn sáng trong nhà ăn nhà trọ. Bác, chuyên viên bỏ ăn sáng, sáng nay như thường lệ chỉ nhâm nhi ly càfe đắng một thìa đường cát trắng. Em, Việt Nam nguyên gốc, mì gói hai con cua muôn năm. Bên ngoài lạnh buốt, nhưng bên trong nhà ăn lò sưởi cháy đỏ hồng ấm áp làn da nhiệt đới. Bác và em, cả hai mặt hồng hồng nhìn ra cửa kiếng mở rộng thênh thang một góc bình minh Biển Hồ. Trời bình minh Biển Hồ sáng nay mây xám bám tụ nhưng vẫn không cản che được nắng trời trải dài mênh mông sóng nước. Nhìn mặt nước Biển Hồ, em tự dưng gãi gãi tóc, nửa như tâm sự nửa như bán than,

— Gớm! Cái sóng Biển Galilê cũng đến là tợn bác nhỉ.

Bác ăn nói mát mẻ,

— Ông thì còn bao nhiêu sợi tóc trên đầu, mà cứ ngồi đó...gãi. Coi chừng về tới làng, tóc không còn một sợi. Lúc đó thiên hạ lại đồn miệng gọi... ông hói...

Em ăn miếng trả miếng,

— Gớm bác! Bác thì cứ hay nói chuyện hão! Trời mùa đông lạnh teo lại mà bác cứ ăn nói mát mẻ...

Biết em nực gà, bác cười giả lả, nói vuốt đuôi cho xuôi câu chuyện,

— Ừ, thì đấy là tôi cũng vui miệng, nói chuyện tiếu lâm. Chứ chú làm gì mà hói cho được. Tóc dầy...một đống như thế kia...

Em cự nư,

— Ơ bác, đến là hay! Tóc em mà sao lại một đống...

Bác cười,

— Ừ, đúng, đúng. Xin lỗi, tôi nhầm...

Bác nhanh miệng quay lại chuyện sóng Biển Galilê,

— Nhưng mà thôi! Chú nói cũng phải! Lúc ở trên thuyền, tôi mặt tái xanh, bụng dạ cồn cào, ói đầy ra cả khoang thuyền. Nghĩ lại, giờ vẫn còn thấy xấu hổ!

Cơ hội tới, em nhanh tay bám chặt,

— Đấy, đấy! Bây giờ thì chẳng ai thèm đánh cũng vẫn khai cung nhá.

Bác cộ mắt,

— Ông làm như ông hay lắm! Làm gì mà tôi phải khai cung?

Em giải thích,

— Khổ! Thì lúc ở trên thuyền, thấy mặt bác tái xám xanh ngoét lại là em biết có chuyện rồi. Thế mà đưa cho bác chai dầu gió thì lại cứ dãy lên như người phải bỏng. Có đúng không?

Em mát mẻ,

— Bác thì cứ sĩ diện! Khổ, em xin lỗi quan bác, cái tật đó bác vẫn chẳng bao giờ chừa!

Bác chép miệng, quay lại nghề bán than,

— Nào có dám sĩ diện chi đâu mà ông mắng tôi oan uổng như thế. Thiệt tình là tôi không chịu được cái mùi dầu bạc hà. Ở nhà, cảm cúm chi thì vợ nó lại đun nồi nước sả cho xông, nhưng chớ có bao giờ bà ấy dám bứt đám lá khuynh diệp cho vào, bởi nhà tôi biết tôi kị dầu gió và kị đi ghe. Có chuyện phải tếch lên Hà Nội là cứ nhắm đường cái đi thẳng một mạch lên tới phố, chớ đố dám xuống bến đò. Say lắm, tôi chịu thôi.

Em cô mắt nhìn,

— Bác nói thật đấy chớ! Bác không nói chuyện giỡn với em đấy...

Bác nhăn nhăn như khỉ đột bốc nhầm mắm tôm thiu đưa lên mũi ngửi,

— Ông ưa nói chuyện đùa! Tôi có phải là thằng cu Tí cu Tèo đâu mà cứ ăn nói chớt nhả... Tôi cứ tưởng chú cũng biết chuyện tôi hãi nước đấy chứ...

Bác kể chuyện xưa tích cũ,

— Thì cũng bởi hồi nhỏ, thầy u dẫn tôi sang nhà bên ngoại chơi. Tôi mãi mê bắt cá sau ao nhà ông ngoại, lơ đãng làm sao...té ùm xuống ao. Cái bữa đó, suýt nữa là chết đuối. Từ sau vụ đó, tôi đâm ra hãi nước. Gặp sóng nước bồng bềnh là ruột gan cồn cào, bao tử gờn gợn, chỉ chực nôn oẹ... Đến là xấu hổ.

Em như hiểu chuyện,

— Chết chửa, bác không nói, nào ai biết.

Em nửa đùa nửa thật,

— Mà nếu đã biết mình say sóng tợn như thế, vậy còn leo lên thuyền làm chi cho nó khổ cái thân. Rõ là tự mình làm khổ mình.

Bác mắng em mấy mắng,

— Ông đến là vớ vẩn. Cả một đời giữ đạo, bao nhiêu bận rồi được nghe bài Phúc Âm Chúa dẹp yên sóng gió Biển Hồ. Giờ có dịp, chẳng lẽ lại từ chối không đi thuyền ra giữa biển. Cũng phải liều vậy thôi. Mà ông không thấy sao? Thoạt đầu lúc thuyền mới nhổ neo, sóng gần bờ cũng đâu có tợn lắm đâu. Tôi cũng chỉ nhờn nhợn trong dạ vậy thôi. Nào ngờ, thuyền càng xa bờ, sóng lại càng dữ. Tới khi thuyền ra tới giữa Biển thì sóng dâng cao ngất. Lúc đó mới vãi ra chuyện. Mà tưởng thế là xong, ai ngờ càng lúc sóng biển càng cứ cao tợn. Tôi hãi quá, cứ tưởng thuyền chìm, lại càng đâm ra hoảng. Người run lên bần bật như gặp phải ma.

Em an ủi,

— Bác cứ lo hão. Sóng cao thì sóng cao, làm sao mà thuyền chìm cho được. Thuyền mình cao to còn hơn cả thuyền vua. Kèo cột bắt mối đinh đóng chắc chắn. Sao mà chìm?

Bác bĩu môi, mắng em,

— Ông thì chỉ được cái tinh vi... Cứ ngồi ở đó mà nói chuyện đãi bôi cho thằng mõ nó vểnh tai lên lắng nghe. Ai mà chả biết là thuyền mình sao dễ mà chìm. Nhưng đừng có nói thánh. Ở giữa cái biển nước mênh mông như vậy, thuyền vua thì cũng chỉ bằng cái mắt muỗi, mà có là thuyền tây đúc thép thì cũng chả ăn được cái giải gì với ai. Sóng to gió lợn, lật tất tật. Tôi thì lại không biết lội. Gặp nước là sợ. Tôi hãi nước lắm.

Em không chịu thua,

— Em biết. Nhưng giá mà cái thuyền mình nhỏ như cái thuyền đánh cá cơ, lúc đó em mới sợ.

Bác hỏi,

— Thuyền đánh cá nào?

Em nói ngay,

— Ơ, bác quên rồi hay sao? Cái thuyền đánh cá cổ trưng ở bảo tàng viện đó.[1]

Bác gật gù,

— À, tưởng chi. Nom thấy cái thuyền đánh cá đó rồi, lại bị sóng Biển Galilê quật cho một trận mất mật, lúc đó mới thấm cái sợ của thánh Phêrô với mấy ông tông đồ vào cái đêm hôm đó (Matt 8:23-27).

Em nói,

— Thì chuyện. Bác thấy cái thuyền đánh cá của thánh Phêrô chiều sâu chắc cũng chỉ khoảng được thước hai (1.2m) là cùng. Sóng tợn như vậy, làm gì mà bữa đó không phải một mẻ sợ mất mật. Hên là có Chúa đấy. Chứ không lại dám làm mồi tất tật cho cá Biển Galilê bữa đó rồi.



Suy Niệm
Đức Giêsu và các môn đệ chèo thuyền ra Biển Galilê. Sóng gió nổi lên khiến thuyền đánh cá tưởng chìm. Nhưng Đức Giêsu vẫn cứ ngủ say. Các môn đệ hốt hoảng đánh thức Ngài dậy,

— Thầy ơi, xin cứu chúng con.

Đức Giêsu thức dậy, Ngài la mắng sóng gió. Bốn phiá Biển Galilê (bỗng dưng) trở nên yên lặng như tờ.

Cuộc đời nào chẳng có sóng gió. Bao nhiêu lần rồi, sóng đời cuồn cuộn dâng cao như muốn nhận chìm như muốn đập nát mảnh thuyền hồn sâu một thước hai nhỏ bé.

Thuyền hồn nào chẳng mỏng manh dễ vỡ như thủy tinh.

Đau xé nát một lời nói.

Buồn hằn khóe mắt một chuyện tình.

Sầu tủi duyên kiếp số phận hẩm hiu.

Hờn giận người không giữa lời hứa thủy chung.

Thất bại trong đời. Giờ lại tay trắng.

Bệnh tật. Ung thư. Chạy chemotherapy, tóc rụng sói sọi.

Bao nhiêu lần rồi con muốn buông xuôi bỏ cuộc. Sóng nước biển đời tiếp tục dâng cao. Mình con bơ vơ trơ trụi như chiếc lá khô giữa mặt biển đang cuồn cuộn nổi cơn ba đào.

— Thầy ơi...


Lời Nguyện


Chúa ơi, giữa cơn sóng gió trần gian, con cần Chúa!

— Thầy ơi, cứu con...

□ Nguyễn Trung Tây
www.nguyentrungtay.webs.com

Chú Thích

[1] Năm 1986, tại bờ biển Galilê người ta khám phá ra một cái thuyền đánh cá có chiều dài 8.2m, chiều rộng 2.3m, chiều sâu 1.2m. Dùng Carbon 14, khoa học gia đo được tuổi đời của thuyền đánh cá vào khoảng 100 BC và 71 AD.
 
Ngày hiền phụ : Bài ca dao cho cha
Đinh Văn Tiến Hùng
11:22 20/06/2015
Bài CA DAO CHO CHA

Mừng ngày Hiền Phụ 21/6/15
-------------------------

“ Công Cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra,
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con .”

Dù cho sông cạn đá mòn,
Lời Ca dao ấy vẫn còn trong tôi,
Điệu ru từ lúc nằm nôi,
Lời ca dịu ngọt đầu đời gọi cha.
Tình thương ôi thật bao la,
Cơn mưa nắng hạ chan hoà đời con.
Thân gầy lặn lội hao mòn,
Âm thầm chịu đựng không than nửa lời,
Đắng cay miệng vẫn mỉm cười,
Nhìn đàn con dại vui tươi thoả lòng,
Đêm ngày chỉ những cầu mong,
Cho con khôn lớn thành công nên người.
Con xin ghi nhớ những lời,
Cha thường dạy bảo suốt thời ấu thơ.

Giờ đây cha đã đi rồi
Nhớ thương Hiền Phụ lòng thời xót xa,
Ôi ơn dưỡng dục bao la,
Con xin ghi lại bài Ca dao này .

Đinhvăn Tiến Hùng