Ngày 18-06-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 19/06: Chấp Nhận hơn là Trả Thù – Lm. Vinh-sơn Nguyễn Văn Định, CS
Giáo Hội Năm Châu
01:14 18/06/2023

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng.Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi.

Đó là lời Chúa
 
Sức mạnh niềm tin vào Chúa
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
01:23 18/06/2023

CHÚA NHẬT XII MÙA THƯỜNG NIÊN
Gr 20,10-13; Rm 5,12-15; Mt 10,26-33
SỨC MẠNH NIỀM TIN VÀO CHÚA

Chủ đề chính của Chúa Nhật này như là sợi chỉ đỏ xuyên suốt các bài đọc Lời Chúa đó là: “Sức mạnh của sự phó thác và tin tưởng vào Thiên Chúa sẽ giúp chúng ta chiến thắng trước những khó khăn và thử thách của cuộc sống.” Chúng ta sẽ tập trung suy nghĩ chủ đề này và rút ra những bài học áp dụng cho cuộc sống của chúng ta.

1. Sức mạnh nơi Chúa

Bài đọc I tường thuật sự kiện tiên tri Giêrêmia khi thi hành sứ vụ của mình, ông phải đối diện với những kẻ chống đối và chế nhạo ông. Họ tố cáo, làm nhục và làm cho ông vấp ngã. Trong hoàn cảnh thử thách và khó khăn như thế, ai có thể đứng về phía ông? Ai có thể là chỗ cho vị tiên tri nương tựa? Giêrêmia một lòng xác tín rằng:
“Nhưng Đức Chúa hằng ở bên con như một trang chiến sĩ oai hùng.Vì thế những kẻ từng hại con sẽ thất điên bát đảo, sẽ không thắng nổi con. Chúng sẽ phải thất bại, và nhục nhã ê chề: đó là một nỗi nhục muôn đời không thể quên” (Gr 20,11).

Chỉ có niềm tin vào Thiên Chúa mang lại cho ông sự vững vàng, kiên nhẫn trước những khó khăn. Cuối cùng Thiên Chúa thấu suốt tâm can ông và báo thù cho ông. Người đã cứu thoát mạng sống người bất hạnh khỏi tay kẻ dữ. Vâng, chỉ có sức mạnh của niềm tin vào Thiên Chúa giúp chúng ta vững vàng và chiến thắng những thử thách gian truân.

Trong bài đọc II, thánh Phaolô nói về nguồn gốc của tội lỗi và ân sủng, đồng thời ngài cũng quả quyết rằng ân sủng của Thiên Chúa mạnh hơn tội lỗi và sự dữ. Quả thế, do một người mà tội lỗi đã nhập vào thế gian, và do tội lỗi mà có sự chết và thế là sự chết đã truyền tới mọi người. Đây là tội nguyên tổ do tổ tông chúng ta là Ađam và Evà phạm, đã truyền lại cho con cháu là mỗi người chúng ta. Tuy nhiên, tội lỗi không phải là quyền lực cuối cùng, là sức mạnh lớn nhất. Nhờ Đức Giêsu chịu chết và sống lại, Thiên Chúa đã ban cho chúng ta ơn cứu độ. Ân sủng của Thiên Chúa lớn hơn tội lỗi, chiến thắng tội lỗi và sự chết. Một cách rất lạc quan, thánh Phaolô cho rằng:
“Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5,20).

2. Sứ vụ và thách đố

Trong bài Tin Mừng hôm nay (x. Mt 10,26-33), sau khi đã gọi và gửi các môn đệ đi truyền giáo, Chúa Giêsu dạy họ và chuẩn bị cho họ đối diện với những khó khăn và bách hại mà họ sẽ phải trải qua. Đi truyền giáo không giống như đi du lịch. Đi theo Chúa không giống như đi dạo. Nên Chúa Giêsu báo trước: “Anh em sẽ phải chịu bách hại.” Vì thế, Chúa khích lệ họ:
“Vậy anh em đừng sợ người ta. Thật ra, không có gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ, không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết… Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn” (Mt 10,26-28).

Họ có thể giết chết thân xác nhưng không thể giết chết linh hồn: Đừng sợ điều đó. Khi sai các môn đệ đi truyền giáo, Chúa Giêsu không bảo đảm sự thành công của họ, cũng không bảo vệ họ khỏi những sai lầm và đau khổ. Họ phải đối diện với những khả năng đó. Đó là sự thật. Cũng như Chúa Giêsu đã bị bách hại và đau khổ khi thi hành sứ vụ, mỗi người môn đệ được mời gọi rập khuôn đời mình theo Chúa Kitô, Đấng đã chịu bách hại bởi con người, bị bỏ rơi và chết trên thập giá vì trung thành với sứ vụ của mình.

Khó khăn và bách hại là một phần của sứ vụ truyền giáo. Chúng ta cũng được mời gọi tìm thấy trong đó cơ hội để chứng thực tính chân thực của đức tin chúng ta và tương quan với Chúa Giêsu. Bách hại và khó khăn có thể trở thành cơ hội để làm chứng cho Chúa. Ở giữa những thử thách đó, chúng ta đừng quên rằng Thiên Chúa Cha gìn giữ chở che chúng ta. Vì những lý do này mà Chúa Giêsu nói: “Các con đừng sợ!” Chỉ những ai biết tin tưởng vào Chúa, kiên trì bền bỉ, họ sẽ tìm được sức mạnh của ân sủng để chiến thắng mọi khó khăn và kẻ thù.

3. Anh em đừng sợ

Ngày hôm nay, các cuộc bách hại chống lại các Kitô hữu vẫn tiếp tục xảy ra trong xã hội chúng ta. Chúng ta hãy cầu nguyện cho những anh chị em đang bị bách hại để nhờ sức mạnh của ân sủng, họ tiếp tục làm chứng cho đức tin với sự can đảm và trung tín của mình vào Chúa. Những gương sáng của họ cũng nhắc nhở chúng ta sứ vụ làm chứng cho Chúa Kitô trong mỗi hoàn cảnh, cả khi thuận lợi cũng như khi không thuận lợi. Chúng ta đừng bao giờ quên lời Chúa dặn: “Đừng sợ!” Nghĩa là: Đừng sợ phải sống thánh thiện. Đừng sợ phải làm chứng cho Chúa. Đừng sợ khó khăn và thử thách. Đừng sợ kẻ thù. Bởi vì Chúa nói rằng:
“Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).

Chúa Giêsu không để chúng ta một mình, bởi vì chúng ta rất quý giá đối với Người. Đó là lý do tại sao Người không để chúng ta một mình. Mỗi người chúng ta là độc nhất và quý giá trong cặp mắt của Chúa Giêsu và Người đồng hành với mỗi người. Như thế, trước những khó khăn và thử thách của cuộc sống, chúng ta hãy tin tưởng và phó thác vào Thiên Chúa. Người sẽ ban sức mạnh cho chúng ta. Người sẽ ban ân sủng cho chúng ta. Người sẽ đồng hành với chúng ta để giúp chúng ta vượt thắng mọi nỗi khó khăn và sợ hãi đó. Bởi vì đức tin và ân sủng của Thiên Chúa mang lại cho chúng ta sức mạnh phi thường để chiến thắng mọi khó khăn thử thách.

Nguyện xin Đức Maria, mẫu gương của sự khiêm nhường và gắn bó can đảm với Lời Chúa giúp chúng ta biết tin tưởng vào Chúa trong mọi lúc, nhất là những lúc gặp thử thách, biết can đảm mà không sợ hãi để làm chứng cho Chúa. Amen!

ĐCV Thánh Phanxicô Xaviê - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Bố Việt Nam và Đức Tính - Lm. Micae Nguyễn Trung Tây
Lm. Nguyễn Trung Tây
05:13 18/06/2023
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:00 18/06/2023

21. Nếu con muốn mua nước thiên đàng thì phải đem bản thân mình dâng hiến cho Thiên Chúa, không dùng giá trị này thì không thể mua được thiên đàng.

(Thánh Augustinus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:03 18/06/2023
79. HIẾU THUẬN CỦA ĐÀM NI

Đàm Ni là vệ binh trong hoàng cung, vào một buổi tối anh ta gác nơi tẩm cung (1) của quốc vương.

Nửa đêm, quốc vương không ngủ được nên muốn đọc sách, ông ta rung chuông một cái, nhưng nửa đêm không ai nghe thấy, nguyên do là Đàm Ni đã ngủ say rồi nên không nghe tiếng chuông. Quốc vương rung chuông lần thứ hai, lần thứ ba, nhưng vẫn không có ai đến, cuối cùng ông ta ngồi dậy nhẹ nhàng đi qua phòng bên cạnh.

Đàm Ni đang gục đầu trên bàn ngủ say, trên bàn còn có một ngọn nến đang cháy và một lá thư đang viết dở dang.

Quốc vương đọc lá thư ấy, trong thư viết như thế này:

- “Mẹ kính mến của con, hôm nay con gác thế cho người khác là đã ba đêm rồi, con biết là con không thể tiếp tục được nữa, nhưng con không thể hình dung ra được là làm như vậy khiến cho con rất vui vẻ ! Trong mấy tuần ngắn ngủi con đã kiếm được một trăm đồng tiền, bây giờ con đem số tiền này gởi cho mẹ, hy vọng có thể phụ giúp gia đình.”

Quốc vương coi xong lá thư thì rất cảm động, ông ta trở về phòng của mình lấy một số tiền vàng đem bỏ vào trong túi của anh vệ binh, hy vọng có thể giúp anh ta một phần nào.

Sau khi Đàm Ni thức dậy, phát hiện trong túi mình có tiền vàng thì lập tức đoán ra được là ai đã bỏ vào túi mình. Sáng hôm sau, khi quốc vương đi ra thì anh ta chạy tới quỳ trước mặt quốc vương và xin ông ta tha thứ cho mình, và cám ơn ông ta đã ban cho mình số tiền vàng ấy.

Nhưng quốc vương đối với lòng hiếu thuận của anh ta thì rất tán dương. Từ đó về sau càng thêm tín nhiệm anh ta, lại còn thăng chức tước cho anh ta nữa. Mà Đam Ni tự mình bất kỳ trước mặt Thiên Chúa hay quốc vương, đều tận trung làm tròn trách nhiệm của mình.

(Một trăm câu chuyện giáo dục)

Suy tư ngắn 79:

Mẹ mãi mãi vẫn là mẹ, mẹ là người vĩ đại nhất và linh thiêng nhất trên thế gian này.

Chỉ có tình yêu mẫu tử mới tạo nên nhân cách sau này của con cái, chỉ có tình yêu mẫu tử mới cống hiến cho giáo hội xã hội những công dân trung thành và yêu mến giáo hội và tổ quốc. Ai không yêu mến cha mẹ gia đình thì cũng sẽ không yêu mến giáo hội và tổ quốc của mình.

(1) Nơi ngủ của nhà vua.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mới mẻ triệt để
Lm. Minh Anh
15:33 18/06/2023
MỚI MẺ TRIỆT ĐỂ

“Đừng chống cự lại với kẻ hung ác!”

Giáo sư William Davis nhận định, “Danh tiếng của bạn là những gì người ta nghĩ về bạn; tính cách của bạn là những gì Chúa biết về bạn. Danh tiếng là những gì người ta nói về bạn trên bia mộ bạn; tính cách là những gì các thiên thần nói về bạn trước ngai vàng Thiên Chúa!”

Kính thưa Anh Chị em,

Sẽ rất thú vị khi chúng ta khám phá “những gì các thiên thần nói về bạn và tôi trước ngai vàng Thiên Chúa” qua sợi chỉ đỏ xuyên suốt các bài Tin Mừng tuần này! Sợi chỉ đỏ ấy được gọi là sự ‘mới mẻ triệt để’ của các mối phúc, vốn làm nên nội dung Bài Giảng Trên Núi!

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói đến sự ôn hoà với kẻ thù. Nguyên tắc ‘mắt đền mắt, răng đền răng’ vào thời điểm đó có nghĩa là, để hạn chế ước muốn trả thù, ‘1 mắt, đền 1 mắt’, chứ không phải ‘100 mắt, đền 1 mắt’. Đã một thời, có những quốc gia áp dụng nguyên tắc ‘10 đền 1’; đây là cách hành xử của thời chiến. Trong bối cảnh đó, ‘1 đền 1’ được hiểu như một ‘chính sách khai sáng’; dừng lại ở mức chỉ trả thù tương xứng là ‘văn minh’. Chúa Giêsu đi xa hơn nguyên tắc ‘tương đối sáng suốt’ này! Trong Vương Quốc Ngài, không có chỗ cho sự trả thù, và đó là ‘mới mẻ triệt để’ của Hiến Chương Nước Trời. Ngài dạy, “Đừng chống cự lại với kẻ hung ác!”, nghĩa là cái ác không được gặp cái ác, ngay cả ‘cái ác tương xứng’; thay cho ác, phải là sự thiện và lòng nhân.

Trong thư Côrintô hôm nay, Phaolô nói đến sự ôn hoà của con cái Thiên Chúa, đó là “Đại lượng, dịu dàng, bằng sức mạnh Thánh Thần; bằng lòng yêu thương không giả dối; bằng lời chân thật; và bằng quyền năng của Thiên Chúa”. Ở thư Rôma, giáo huấn của Phaolô cô đọng hơn, “Đừng để cho sự ác thắng được mình, hãy lấy thiện mà thắng ác!”. Bản năng thiêng liêng của Kitô hữu là luôn làm điều thiện. Để rồi, không ít lần, chúng ta chứng kiến điều ác khuất phục điều thiện. Khi điều đó xảy ra, chúng ta tin chắc, Chúa Thánh Thần đang hoạt động ở đó; và ơn cứu độ của Thiên Chúa ít nhiều đã được biết đến ở đó như lời Thánh Vịnh đáp ca tuyên xưng, “Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người!”.

Anh Chị em,

“Đừng chống cự lại với kẻ hung ác!”. Kẻ hung ác thời nào cũng có, dù không phải luôn luôn; nhưng người môn đệ của Chúa Giêsu thì phải luôn hiền lành và nhu mì như Thầy mình! Chúng ta không có ‘kẻ thù’; nhưng có thể luôn có ‘kẻ ghét’. Ghét do chủ quan, chỉ vì họ ‘ghen ghét’; nhưng cũng có thể rất khách quan, chúng ta ‘dễ ghét’. Có lẽ bạn và tôi chưa sống Tin Mừng. Vì nếu chúng ta thực sự sống cái ‘mới mẻ triệt để’ của Tin Mừng, chắc chắn, chúng ta đang làm tốt nhất những gì Chúa Giêsu cần để xây dựng Vương Quốc Ngài; và bấy giờ, không ai còn ghét chúng ta vì chúng ta ‘dễ ghét’. Nhưng nếu họ vẫn ghét chúng ta chỉ vì chúng ta thuộc về Chúa Kitô, bạn và tôi cứ yên tâm! Vì cuối cùng, tình yêu và sự thiện sẽ thắng, bạn có tin điều đó không? Chúa Thánh Thần sẽ làm đúng thời đúng buổi và chúng ta sẽ ngạc nhiên khi những gì được gieo trồng xem ra vô vọng, một ngày kia, sẽ bất ngờ đơm hoa kết trái!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con chạy theo danh tiếng và sự mới mẻ của thế gian; xin biến đổi con nên ‘mới mẻ’ nhờ sự uốn nắn của Thánh Thần!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Hơn 5 triệu trẻ em gặp nguy cơ thiếu thốn nghiêm trọng ở Sudan khi xung đột leo thang
Thanh Quảng sdb
03:55 18/06/2023
Hơn 5 triệu trẻ em gặp 'nguy cơ thiếu thốn nghiêm trọng' ở Sudan khi xung đột leo thang

UNICEF cho biết hơn một triệu trẻ em đã phải di tản sau hai tháng xung đột và hơn 5 triệu em phải đối diện với “nguy cơ thiếu thốn nghiêm trọng” và tình hình ngày càng tệ ở Sudan.

(Tin Vatican - Zeus Legaspi)

Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp quốc (UNICEF) cho biết hôm thứ Năm, ngày 15 tháng 6, cho hay hơn một triệu trẻ em phải di tản trong bối cảnh chiến tranh xung đột leo thang ở Sudan, dù các em ưu tiên được hưởng sự an toàn và hạnh phúc.

Trong một tuyên cáo, cơ quan Liên Hợp Quốc cho biết việc tiếp cận các dịch vụ cứu sinh và viện trợ nhân đạo hiện đang bị hạn chế, khiến hơn 13 triệu trẻ em cần hỗ trợ nhân đạo bao gồm nước uống và thức ăn dinh dưỡng.

Hơn nữa, UNICEF cho hay: ước tính có khoảng 5,6 triệu trẻ em ở 5 tỉnh của bang Darfur phải đối diện với “những rủi ro nghiêm trọng”, và 270.000 em mới phải di tản vì cuộc chiến hiện nay.

Cơ quan của Liên Hợp Quốc cho biết họ đã nhận được báo cáo hơn 330 trẻ em đã thiệt mạng, trong khi hơn 1.900 em bị thương trong các cuộc giao tranh. Ông Mandeep O’Brien, Đại diện UNICEF tại Sudan cho biết: “Tương lai của Sudan đang bị đe dọa và chúng tôi không thể kể được những mất mát và đau khổ liên tục của các em.

Ông nói thêm: “Trẻ em bị mắc kẹt trong cơn ác mộng không nguôi, chịu gánh nặng ê chề của một cuộc khủng hoảng bạo lực mà chúng không hề biết – bị kẹt trong hai làn đạn giao tranh, bị thương, bị lạm dụng, phải di tản, bị bệnh tật và suy dinh dưỡng”.

UNICEF cho biết họ sẵn sàng hỗ trợ trẻ em Sudan nhưng nhấn mạnh sự cần thiết của việc tiếp cận nhân đạo không bị cản trở khi tới “tất cả các khu vực mà trẻ em đang cần tới”.

Tình hình ở bang Darfur

Cơ quan Liên Hợp Quốc cho biết: “Tình hình ở Darfur đáng lo ngại. Hiện tại, khu vực này đang tiếp tục mất liên lạc, có nghĩa là thiếu thông tin! Trong khi đó, ở miền Tây và miền Trung Darfur, tình trạng thiếu nước uống đã khiến hàng trăm nghìn trẻ em có nguy cơ mắc các bệnh thiếu nước và suy dinh dưỡng. UNICEF cho biết ít nhất 14.836 trẻ em dưới 5 tuổi dự kiến sẽ phải đối diện với các nguy về sức khỏe tổng quát, và nhiều em suy dinh dưỡng…

Cơ quan này cho biết: “Vắc xin và nguồn thuốc được cung cấp đã bị cướp bóc và phá hủy, khiến các em có nguy cơ mắc bệnh cao.

Ở phía Đông Darfur, việc thiếu tài nguyên chăm sóc sức khỏe, công cụ và điện đã dẫn đến cái chết của sáu trẻ em tại Bệnh viện El Daein vào tháng Năm vừa qua.

Kêu gọi giúp đỡ

UNICEF cho hay họ đang cung cấp hỗ trợ khẩn cấp và phân phối các dịch vụ thiết yếu. “Hỗ trợ nhân đạo cứu sinh phải được cung cấp ngay lập tức để bảo vệ và đáp ứng quyền lợi của các em dễ bị tổn thương này.”

Cơ quan hiện đang kêu gọi 838 triệu đô Mỹ để giúp giải quyết cuộc khủng hoảng – gia tăng 253 triệu đô, kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu vào tháng Tư.

Cơ quan này cũng cho biết: “Nếu không có các cam kết tài trợ ngay lập tức, hoạt động ứng phó đang diễn ra trên khắp Sudan, bao gồm cả ở Darfurs, sẽ không thể tiếp tục đáp ứng các nhu cầu cứu sinh khẩn cấp được”.
 
Tính đồng nghị theo Đức Tổng Giám Mục Christophe Pierre, sứ thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ
Vũ Văn An
15:16 18/06/2023

Theo trang mạng của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Đức Tổng Giám Mục Christophe Pierre, sứ thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ, đã khai mạc phiên họp công khai của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ tại Orlando, Florida, ngày 15 tháng 6, với bài phát biểu về tính đồng nghị. Chúng tôi xin chuyển dịch bài phát biểu của ngài, dựa vào bản chính thức đăng trên trang mạng của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ:



...... Mùa thu này, sẽ là hai năm kể từ khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô, sau khi lắng nghe sự thúc giục của Chúa Thánh Thần, đã mở ra con đường đồng nghị cho toàn thể Giáo hội và yêu cầu chúng ta bắt đầu một hành trình đổi mới, bên cạnh Chúa Giêsu, với nhân dân của chúng ta. Mục đích của việc đi trên con đường đồng nghị này là làm cho việc rao giảng Tin Mừng của chúng ta hiệu quả hơn trong bối cảnh của chính các thách thức mà chúng ta phải đối diện ngày nay. Như Đức Thánh Cha đã nói trong bài giảng khai mạc Thượng Hội đồng, cuộc hành trình này phải được thực hiện theo ba cách của Chúa Giêsu khi Người gặp người thanh niên giàu có (x. Mc 10:17): chúng ta phải gặp Chúa và gặp nhau, lắng nghe những câu hỏi của mọi người và những mối quan tâm về tôn giáo và hiện sinh đằng sau chúng, và cùng với họ nhận ra chúng ta phải thay đổi như thế nào để sống một cuộc sống phong phú hơn. (1)

Nếu chúng ta tuân theo sự hướng dẫn của Đức Giáo Hoàng, thì sau hai năm, chúng ta đã biết một số câu trả lời cho những câu hỏi mà qúy Đức Cha đã quen nghe từ tôi: Chúng ta đang ở đâu? và Chúng ta sẽ đi đâu?

Chúng ta đã khám phá ra câu trả lời cho những câu hỏi đó chưa? Chúng ta có biết nhu cầu thực sự của người dân chúng ta là gì không? Qua những cuộc gặp gỡ với những người khác, chúng ta đã được thay đổi như thế nào? Chúng ta đã nhận ra điều gì? Những cách cũ nào cần phải từ bỏ, và những cách mới nào chúng ta phải tiếp nhận để tiến lên? Chúng ta đã chuẩn bị sẵn sàng để cung cấp cho mọi người những hiểu biết sâu sắc mà chúng ta có được chưa? Khi Phiên họp Toàn thể của Thượng Hội đồng diễn ra tại Rôma vào mùa thu này và mùa thu tới, chúng ta đã sẵn sàng cung cấp những hiểu biết sâu sắc này cho Giáo hội hoàn vũ chưa?

Có thể là chúng ta vẫn đang đấu tranh để hiểu tính đồng nghị. Có lẽ thật khó để chúng ta hiện thân “phong cách của Thiên Chúa” này. Có lẽ “tính phiêu lưu của cuộc hành trình này” đã khiến chúng ta hơi “sợ hãi trước những điều chưa biết.” (2) Với tư cách là những người lãnh đạo Giáo Hội, chúng ta rất thành thạo trong việc tổ chức các chương trình và thực hiện các kế hoạch hành động. Và chắc chắn rằng, cách tổ chức như vậy đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Nhưng vì con đường đồng nghị ít nói về một “chương trình” mà thiên về cách trở thành Giáo hội, nó có thể là một thách thức đối với chúng ta. Một hình ảnh xuất hiện trong tâm trí có thể giúp minh họa thách thức này và sự thay đổi tư duy cần thiết đối với chúng ta.

Trong thời buổi kỹ thuật “GPS” này, khi chúng ta hỏi, Làm thế nào để chúng ta đến được nơi chúng ta sẽ đến? chúng ta đã quen với việc dựa vào các hướng dẫn từng ngã rẽ do thuật toán tạo ra. Chúng ta được cho biết chúng ta đang ở đâu, chính xác chúng ta phải đi bao xa và rẽ vào đâu. Nhưng thưa qúy huynh đệ, việc lèo lái thiêng liêng của chúng ta trong tư cách những người lãnh đạo Giáo hội không thể dựa trên một chương trình máy tính. Nó không giống GPS mà giống la bàn hơn. La bàn chỉ chỗ nào là "phía bắc". Quý huynh đệ biết hướng qúy huynh đệ cần đi để đến đích; nhưng việc biện phân làm thế nào để đạt được điều đó đòi hỏi sự chú ý chặt chẽ đến môi trường ngay xung quanh qúy huynh đệ, điều này đòi hỏi sự quan sát cẩn thận và kiên nhẫn. Cũng vậy, chúng ta trong tư cách Giáo hội biết hướng chúng ta đang đi: Chúa Giêsu Kitô và Vương quốc của Người là “phương bắc đích thực”. Nhưng để tìm ra con đường thích hợp, chúng ta phải hòa mình vào thực tại của người dân và lắng nghe cẩn thận những câu hỏi và mối quan tâm của trái tim họ. Đây là con đường đồng nghị; đây là cách nhập thể của Chúa Giêsu.

Với hình ảnh này trong tâm trí, tôi muốn đưa ra ba hướng dẫn mà tôi hy vọng sẽ giúp chúng ta hiểu được phong cách đồng nghị mà Chúa Giêsu đã làm mẫu cho chúng ta, và là phong cách mà Đức Thánh Cha đang kêu gọi chúng ta tiếp nhận. Hai hướng dẫn đầu tiên sử dụng các hành động, như Đức Giáo Hoàng đã giải thích, là cần thiết cho việc biện phân đồng nghị: cụ thể là gặp gỡ và lắng nghe. Hướng dẫn thứ ba gợi ý cách phục hưng Thánh Thể của chúng ta có thể góp phần vào việc truyền bá Tin mừng một cách đồng nghị hơn.

Gặp gỡ để Khám phá

Trước tiên, chúng ta phải dấn thân vào sứ mệnh rao giảng Tin mừng của mình thông qua điều mà tôi gọi là “thông diễn học về khám phá”. (3) Tôi xin giới thiệu điểm này bằng cách đặt câu hỏi:

Sứ mệnh của chúng ta trong tư cách những người lãnh đạo mục vụ có phải là “làm đầy các nhà thờ” không? Chắc chắn tất cả chúng ta đều muốn có thêm nhiều người tham gia vào việc thờ phượng của Giáo hội. Nhưng để khuyến khích điều này, bước đầu tiên của một Giáo hội truyền giáo là “đi ra ngoài”: bước vào những nơi bên ngoài nhà thờ của chúng ta và bên ngoài các cơ cấu giáo hội của chúng ta. Nơi nào Chúa Kitô chưa được nhận biết và yêu mến, chúng ta phải đặt Người ở đó bằng chính sự hiện diện của chúng ta!

Giáo hội là một thực tại năng động; nó luôn luôn “di chuyển”! Giống như chính Chúa Kitô, chúng ta phải đi truyền giáo cho thế giới với sự cởi mở để khám phá những gì thực sự ở đó - không chỉ áp đặt những gì chúng ta đã biết. Điều này đòi hỏi sự gần gũi với người mà chúng ta đang gặp gỡ. Chúng ta phải hướng tới và thu hút mọi người vào “những nơi” hiện sinh nơi họ đang sống. Thay vì chỉ đơn thuần là một người quan sát, một người bình luận, và một thẩm phán – được an toàn tách khỏi những gì chúng ta đang phán xét – chúng ta phải trở thành một nhà thám hiểm, một nhà truyền giáo. Chỉ bằng cách này, chúng ta mới có được nhận thức đích thực, theo nghĩa sâu hơn bao gồm trực giác và kinh nghiệm bản thân thay vì chỉ là thông tin khô khan. (4) Đây là cách Chúa đã chọn để biết chúng ta: bằng cách trở thành một với chúng ta. Đó là cách chúng ta phải gặp gỡ những người mà chúng ta được mời gọi để phục vụ.

Mở rộng ra ngoài các cấu trúc hiện tại và cách thức hoạt động thông thường của chúng ta, Nước Trời sẽ lan rộng “bằng cách tiếp xúc, bằng sự hiện diện thể lý, chứ không phải bằng cách tuyên truyền các ý thức hệ”. (5) Khi chúng ta tương tác với những trải nghiệm đích thực của người ta – dù thực tại đó có thể “hỗn độn” đến đâu - chúng ta mang đến cho họ hy vọng vì họ nhận ra rằng Chúa Kitô sẵn lòng ở bên họ bất kể họ đang ở đâu trên hành trình của họ. Nếu họ “đến nhà thờ” để gặp Chúa Kitô, đó là vì Chúa Kitô đã đến với họ trước. Vì thế, chúng ta hãy làm đại sứ cho Chúa Kitô (x. 2 Cr 5:20)!

Lắng nghe với mục tiêu hợp nhất

Điều trên tự nhiên dẫn đến hướng dẫn thứ hai mà tôi muốn đưa ra: lắng nghe với mục tiêu hợp nhất. Thưa qúy huynh đệ của tôi, chúng ta biết rằng ma quỷ là kẻ muốn tạo ra sự chia rẽ. (6) Thật bực bội khi thấy xã hội chính trị của chúng ta bị chia rẽ như thế nào, và những sự chia rẽ này cản trở sự tiến bộ và gây hại cho những người vốn đã dễ bị tổn thương nhất trước cảnh nghèo đói và đau khổ. Nhưng sau đó, thấy cùng một loại phân cực như vậy đã lây nhiễm chúng ta như thế nào trong Giáo hội! Tôi nhớ lại những lời mà Thánh Phaolô đã nói với Giáo hội sơ khai khi các nhà lãnh đạo của Giáo hội bất hòa với nhau:

“Hỡi anh em, vì anh em đã được gọi để hưởng tự do. Nhưng đừng sử dụng sự tự do này như một cơ hội cho xác thịt; đúng hơn, phục vụ lẫn nhau thông qua tình yêu. Vì toàn bộ lề luật được nên trọn trong một câu, đó là: 'Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.' Nhưng nếu anh em cứ cắn xé nhau, thì hãy coi chừng, kẻo bị đồng loại tiêu diệt (Gl 5:13-15).”

Để vượt qua sự phân cực, chúng ta phải học cách lắng nghe lẫn nhau, làm việc cùng nhau và cùng nhau đồng hành với Phêrô và dưới Phêrô. Tính đồng nghị, mà bây giờ chúng ta nên tin tưởng, không phải là một “chương trình” mới; cũng không phải là ngụy trang cho một kế hoạch thay đổi tín lý Giáo hội. Đó là cách trở thành Giáo hội, cách giúp chúng ta biện phân được con đường mà Thần Khí Thiên Chúa đang kêu gọi chúng ta. Một phần quan trọng của sự nhận thức đó phát xuất từ sự hiểu biết thực sự quan điểm của người khác và tìm kiếm điểm chung đích thực với những người có quan điểm khác với quan điểm của chúng ta.

Cuộc tụ họp hiện tại này là một cơ hội để trở thành loại Giáo hội mà chúng ta được kêu gọi trở thành: tập hợp lại với nhau, lắng nghe nhau và lắng nghe Chúa Thánh Thần, và để cho những khác biệt của chúng ta không chia rẽ chúng ta mà làm phong phú và củng cố sự hiệp nhất của chúng ta. Nói cách khác, cuộc quy tụ những người kế vị các Tông đồ này – giống như cuộc quy tụ đầu tiên mà chúng ta đọc thấy trong sách Công vụ Tông đồ – là một cơ hội đặc biệt để Chúa Thánh Thần xây dựng chúng ta thành Giáo hội và trang bị cho chúng ta để truyền giáo. Cuộc họp này, nếu chúng ta cho phép, có thể là một kinh nghiệm thực sự về tính đồng nghị, miễn là câu hỏi của chúng ta – Chúng ta phải làm gì? – được hỏi với sự cởi mở đón nhận câu trả lời của Thần Khí, và với niềm tin tưởng rằng Thần Khí vẫn nói qua người kế vị Thánh Phêrô. Chỉ nhờ sự hiệp nhất đồng nghị can đảm và khiêm tốn mà chúng ta, trong tư cách các giám mục, mới được trang bị đầy đủ để áp dụng quyền năng thần linh vào những vấn đề đang đè nặng lên người dân của chúng ta ngày nay.

Như những người lãnh đạo trong Giáo Hội với nhiều nhiệm vụ hành chính, đôi khi cuộc sống của qúy huynh đệ có thể cảm thấy giống như một chuỗi các chương trình và cuộc họp vô tận. Tôi hiểu điều này. Và tôi biết rằng qúy huynh đệ không muốn Thượng Hội đồng chỉ là một “điều phải làm” khác.

Do đó, cho phép tôi nêu bật một số thí dụ trong đó tính đồng nghị đã hoạt động ở đất nước này, theo những cách mang lại cho chúng ta niềm hy vọng và niềm vui.

Một thí dụ rõ ràng về điều này là các cơ quan dịch vụ xã hội Công Giáo.

Bất cứ nơi nào tôi đã đi qua trong suốt bảy năm phục vụ tại Hoa Kỳ, tôi đều thấy những tổ chức phục vụ từ thiện này có giá trị như thế nào đối với các giám mục và Giáo hội địa phương của qúy huynh đệ. Gần đây, khi tôi đến thăm một giáo phận để tái cung hiến Nhà thờ Chính tòa, điều đầu tiên tôi được thấy là cơ sở mới của Tổ chức Từ thiện Công Giáo, nơi có kho lương thực, lớp học, dịch vụ y tế cơ bản và hỗ trợ nhập cư. Tôi chắc rằng mỗi người trong qúy huynh đệ có thể nói điều gì đó về các dịch vụ từ thiện mà giáo phận của qúy huynh đệ đang cung cấp, và công việc tuyệt vời mà họ đang làm.

Công việc như vậy không xảy ra nếu không có tính đồng nghị: những người hòa mình vào thực tại địa phương, những người bước vào cuộc sống của những người ở vùng ngoại vi và những người giúp họ hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn. Cả thế giới, bao gồm cả Tòa Thánh, đều biết tầm quan trọng của công việc từ thiện mà Giáo hội đã thực hiện tại Hoa Kỳ.

Một trong những thí dụ điển hình nhất về tính đồng nghị ở Hoa Kỳ là Cuộc Gặp gỡ Toàn quốc Lần thứ năm của Thừa tác vụ gốc Tây Ban Nha/La tinh, sẽ được thảo luận trong Hội nghị này. Các thí dụ khác về tính đồng nghị bao gồm nhiều hoạt động tông đồ nhỏ, cấp cơ sở đã mọc lên trong các giáo phận và giáo xứ của qúy huynh đệ, cung cấp những điều như đào tạo gia đình, đồng hành thiêng liêng và kết nối xã hội cho những người bị gạt ra ngoài lề xã hội và bị hiểu lầm.

Quan điểm của tôi khi làm nổi bật một vài thí dụ này là để chứng tỏ rằng lời kêu gọi đồng nghị không nhất thiết phải khiến chúng ta cảm thấy như một điều gì đó xa lạ, hoặc cảm thấy như một gánh nặng không thể thực hiện được. Các công việc quan trọng trong Giáo hội đã được triển khai trên con đường đồng nghị. Bằng cách thưởng thức và cử hành những công việc này của Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể được khuyến khích mở rộng con đường đồng nghị sang các hoạt động khác của giáo hội. Điều này có khả năng mang lại nhiều niềm vui hơn cho sứ vụ của chúng ta với tư cách là linh mục và giám mục, đồng thời gieo rắc sự hiệp nhất lớn hơn giữa chúng ta.

Trước khi chuyển sang điểm cuối cùng, về Bí Tích Thánh Thể, tôi muốn trân trọng nhắc đến một người là mẫu mực của việc phục vụ đồng nghị, kết hợp với bác ái Thánh Thể: người anh em của chúng ta, người đã về với Chúa cách đây bốn tháng, Đức Giám Mục Dave O’Connell. Đây là một người chăn chiên đã đắm mình trong thực tại của đàn chiên mình, người đã đồng hành với họ và cùng họ tìm ra con đường bất kể hoàn cảnh của họ có khó khăn đến đâu. Vì ngài đã đi theo chiếc la bàn luôn hướng ngài đến với Chúa Kitô, giờ đây ngài có thể vui mừng khi đến đích của mình; và cầu xin sự chuyển cầu của ngài giúp chúng ta, những người anh em của ngài vẫn đang trên hành trình.

Sống Bí Tích Thánh Thể như là Sứ Mệnh

Hướng dẫn thứ ba và cũng là cuối cùng là sống Bí Tích Thánh Thể như là sứ mệnh. Trong một bài phát biểu vào tháng trước với Caritas Quốc tế, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói:

“Không có cách nào tốt hơn để cho Thiên Chúa thấy rằng chúng ta hiểu ý nghĩa của Bí tích Thánh Thể hơn là trao cho người khác những gì chúng ta đã lãnh nhận (x. 1Cr 11,32). Khi đáp lại tình yêu của Chúa Kitô, chúng ta biến mình thành quà tặng cho người khác, chúng ta loan báo Chúa chịu chết và sống lại cho đến khi Người đến (c. 26). Bằng cách này, chúng ta biểu lộ ý nghĩa đích thực nhất của Truyền thống.” (7)

Đức Giáo Hoàng Bênêđictô bày tỏ cùng một chân lý thiết yếu khi ngài nói:

“Tình yêu mà chúng ta cử hành trong Bí tích không phải là điều chúng ta có thể giữ cho riêng mình. Tự bản chất của nó, nó đòi hỏi phải được chia sẻ với tất cả mọi người.… Chúng ta không thể đến bàn tiệc Thánh Thể mà không được lôi cuốn vào sứ mệnh, một sứ mệnh, khởi đi từ chính trái tim của Thiên Chúa, nhằm vươn tới mọi người. Do đó, hoạt động truyền giáo là một phần thiết yếu của hình thức Thánh Thể trong đời sống Kitô hữu.” (8) Đây là điểm liên quan đến Bí tích Thánh Thể: bởi vì đó là sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô, nên là một Bí tích năng động, thấm nhuần mọi việc chúng ta làm với đặc tính yêu thương của Chúa Kitô dành cho dân của Người. Đó là một Bí Tích cho việc truyền giáo. Do đó, một cuộc phục hưng Thánh Thể là một lời kêu gọi để cho toàn bộ cuộc sống của chúng ta là một biểu thức nói lên sự hiện diện của Chúa giữa chúng ta: một việc sống thực sự kết hợp hiện hữu giữa nhân tính của chúng ta, nhân tính Chúa Kitô đã mang lấy, và thần tính mà Người đang dẫn dắt chúng ta vào.

Dạy tín lý về sự hiện diện thực sự, thúc đẩy việc tôn thờ Thánh Thể và rước kiệu Chúa chúng ta: những sáng kiến này chắc chắn sẽ sinh hoa trái trong đời sống của các tín hữu. Nhưng hoa trái sẽ chỉ nhân lên nếu các tín hữu biết rằng Bí tích Thánh Thể mà họ lãnh nhận là để biến họ thành những nhà truyền giáo – những người mang sự hiện diện của Chúa Kitô, hiện đang ở trong họ, đến với những người chưa biết Chúa.

Thánh sử Gioan nói với chúng ta: “[Chúa Giêsu] đã yêu thương những người thuộc về Người trong thế gian và yêu thương họ cho đến cùng (Ga 13:1).” Chúng ta, trong các cơ cấu giáo hội của chúng ta, trong các phương thức diễn tả chân lý Tin Mừng của chúng ta, có đạt đến cùng một “cùng đích” mà Chúa Giêsu đã yêu thương con người không? Chúng ta đã sử dụng hết “lòng hăng hái”, “phương pháp” và “cách diễn đạt” mới mà Đức Gioan Phaolô II đã nói rằng chúng ta cần cho công cuộc tân phúc âm hóa chưa? (9) Nếu chúng ta yêu thương những người đương thời của chúng ta “cho đến cùng”, chúng ta phải để cho sự hiện diện của Chúa Kitô đưa chúng ta vượt qua mọi bức tường ngăn cản chúng ta mang lại hòa bình cho dân của Người. Nếu một số bức tường này được xây dựng với mong muốn có thể hiểu được là bảo vệ sự toàn vẹn của đức tin chúng ta, thì chúng ta phải nhận ra thời điểm tại đó những bức tường ấy đang làm nhiều việc hơn để ngăn chặn sự lan rộng của Tin Mừng hơn là bảo vệ nó. Chúng ta phải cởi mở để thay đổi.

Kết luận

Một năm nữa, chúng ta sẽ chuẩn bị tổ chức Đại hội Thánh Thể Quốc gia tại Indianapolis, sự kiện sẽ dẫn đến đỉnh cao của cuộc Phục hưng Thánh Thể của đất nước này.

Lúc đó, chúng ta sẽ ở đâu trong hành trình đồng nghị của mình?

- Liệu chúng ta có hiểu sâu hơn về nhu cầu của mọi người bằng cách tiếp cận họ với tinh thần sẵn sàng khám phá?

- Liệu việc chúng ta lắng nghe nhau và lắng nghe dân Chúa có đưa chúng ta đến một sự hợp nhất lớn hơn về bản sắc và mục đích không?

- Liệu kinh nghiệm của chúng ta về Bí tích Thánh Thể sẽ ngày càng mang tính truyền giáo, để chúng ta thực sự trở thành “tấm bánh bẻ ra” cho những người đang đói khát không?

Chừng nào chúng ta còn hiệp nhất với nhau dưới quyền Phêrô và cởi mở với Chúa Thánh Thần, tôi tin rằng câu trả lời của chúng ta cho những câu hỏi này có thể là một tiếng “Có” rõ ràng, điều này sẽ vang vọng mạnh mẽ hơn trên khắp đất nước này, nơi mà những người dân mà chúng ta rất vinh dự được phục vụ như những người chăn chiên nhân danh Chúa Kitô.

_____________________________________________________________________________________________________

(1) Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Bài Giảng trong Thánh Lễ Khai Mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục (10 tháng 10 năm 2021).

(2) Đd.

(3) Xem Đức Tổng Giám Mục Christophe Pierre, Khóa giảng Bergoglio, “Đức Giáo Hoàng Phanxicô: Nguồn gốc và Điểm đến – Dẫn đầu Hành trình Đồng nghị”, Đại học Thánh Tâm, Fairfield, CT (ngày 8 tháng 2 năm 2023): nuntiususa.comcastbiz.net/pdf/homelies/20230208TheLeadershipofPopeFrancis.pdf, trang 2-3.

(4) Đd., tr. 3.

(5) Đd., tr. 4.

(6) Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Diễn Văn Truyền Tin Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Chay (26 tháng Hai, 2023).

(7) Diễn văn trước những người tham gia Đại hội đồng Caritas Quốc tế (11 tháng 5 năm 2023).

(8) Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Sacramentum Caritatis (22-2-2007), 84.

(9) Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Diễn Văn Trước Đại Hội Đồng Giám Mục Châu Mỹ La Tinh, Port-au-Prince, Haiti (09/03/1983).
 
Cuộc hành hương vĩ đại của các Giáo sĩ
Thanh Quảng sdb
16:02 18/06/2023
Cuộc hành hương vĩ đại của các Giáo sĩ

Balan, gần 2.000 Đại chủng sinh, các thầy đang chuẩn bị trở thành linh mục ở Ba Lan, đã cùng nhau đi bộ hành hương về đền thờ Đức Mẹ Czestochova.

Trung tâm hành hương Jasna Góra ở Częstochowa đã tổ chức cuộc hành hương lần thứ sáu cho các chủng sinh Ba Lan vào tháng 6 này. Hơn 1.400 thầy đã tham gia cuộc Hành hương.

Điểm nổi bật của cuộc hành hương là Thánh lễ tại Vương cung thánh đường Jasna Góra, nơi có ảnh Đức Mẹ Częstochowa (Đức Bà Đen). Thánh lễ được cử hành bằng tiếng Latinh, do Đức Hồng Y Lazzaro You Heung-sik Tổng trưởng Bộ Giáo sĩ chủ tế..

Đức Hồng Y Lazzaro You Heung-sik là người Hàn Quốc, đã nói trong bài giảng của mình:

Hãy nhớ rằng trong Tin Mừng, người đứng đầu là đầy tớ của tất cả.

Đây là bữa tiệc Cana Galilee của chúng ta, nơi mà chúng ta luôn xác tín rằng chúng ta sẽ được đón nhận và ôm ấp vào vòng tay yêu thương của người Mẹ trên trời, người muốn nuôi dạy các bạn, những linh mục tương lai, theo ý Chúa Giêsu, Con Mẹ.”

Bấm vào đây để coi Video Cuộc Hành Hương Giáo Sĩ.
 
Thiên Chúa ở cùng chúng ta trong những lúc khó khăn nghèo ngặt.
Thanh Quảng sdb
16:33 18/06/2023
Thiên Chúa ở cùng chúng ta trong những lúc khó khăn nghèo ngặt.

Đức Thánh Cha Phanxicô tạ ơn Chúa, giống như một người cha, nắm lấy tay chúng ta khi chúng ta vấp ngã và cố gắng vươn lên. Ngài khuyến khích các tín hữu hãy tin tưởng vào Chúa và phục vụ với tình yêu và hy vọng. ĐTC bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến tất cả mọi người đã hỗ trợ Ngài bằng lời cầu nguyện khi ĐTC nằm viện.

(Tin Vatican - Linda Bordoni)

Đức Thánh Cha Phanxicô đã mở đầu bài phát biểu trong buổi đọc Kinh Truyền Tin Chúa nhật bằng tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến với tất cả mọi người vì những thân tình, quan tâm, tình bạn và sự hỗ trợ bằng lời cầu nguyện trong thời gian ngài nằm ở Bệnh viện Gemelli tại Rôma.

ĐTC nói: “Sự gần gũi về mặt tinh thần lẫn thể lý đã giúp và an ủi tôi rất nhiều. Cảm ơn tất cả! Cảm ơn! Lời cảm ơn chân thành của tôi!"

Chúa nhật tuần trước, cuộc gặp gỡ hàng tuần với các tín hữu và khách hành hương tại Quảng trường Thánh Phêrô đã bị bãi bỏ vì Đức Thánh Cha hồi phục sau ca phẫu thuật bụng được thực hiện tại Bệnh viện Gemelli của Rôma vào ngày 7 tháng Sáu.

Sự phục hồi nhanh chóng của ngài đã khiến ĐTC được xuất viện vào sáng thứ Sáu (16/6/2023), và trưa Chủ nhật, ĐTC đã xuất hiện ở cửa sổ Dinh Tông Tòa để đọc Kinh Truyền tin và chào đón đàn chiên của mình.

Chúa ở giữa chúng ta

Lấy ý từ Tin Mừng thánh Mátthêu (Mt 10:7), trong đó Chúa Giêsu sai các Tông đồ đi loan báo “Nước Trời đã đến gần”, ngài lưu ý rằng sự kiện “Chúa tể tình yêu của Thiên Chúa đã đến” và ở giữa chúng ta là một “thực tại cơ bản của cuộc sống.”

ĐTC nói: “Thật vậy, nếu Thiên Chúa ở cận kề, chúng ta không đơn độc trên trái đất, và ngay cả khi gặp khó khăn, chúng ta cũng không mất niềm tin.”

Giải thích rằng Thiên Chúa là một người cha biết rõ con cái mình và yêu thương chúng, Đức Thánh Cha bảo đảm với các tín hữu rằng “ngay cả khi bạn đi trên những con đường dốc và gồ ghề, ngay cả khi bạn vấp ngã và phải vật lộn để trỗi dậy và tiếp tục đường đời! Thiên Chúa đang đồng hành...

“Vào những lúc bạn yếu đuối nhất, bạn có thể cảm nhận được sự hiện diện của Chúa một cách mạnh mẽ hơn. Ngài biết đường đi, Ngài ở với bạn, Ngài là Cha của bạn!”

Với Chúa mọi sự trở nên quen thuộc và an toàn

ĐTC mời gọi các tín hữu ở lại với hình ảnh của một người cha yêu thương nắm lấy tay con của mình, để đưa con vào đời, một thế giới “rộng lớn và đầy bí ẩn”, rất quen thuộc với đời sống chúng ta. Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta hãy ra đi và loan báo nước Thiên Chúa đã đến gần.

“Sự gần gũi của Thiên Chúa là lời loan báo đầu tiên: bằng cách ở lại với Thiên Chúa, chúng ta sẽ chiến thắng những sợ hãi, chúng ta mở lòng đón nhận tình yêu, chúng ta lớn lên trong sự thánh thiện và chúng ta cảm thấy nhu cầu và niềm vui được loan báo”.

“Nếu chúng ta muốn trở thành những tông đồ tốt, chúng ta phải giống như con trẻ,” Đức Thánh Cha nói, đồng thời để cho Chúa Cha biến đổi tâm hồn chúng ta và ban cho chúng ta niềm vui và bình an mà chính chúng ta không thể tiến đạt được.

Thực hiện những việc làm của tình yêu và hy vọng

Đức Thánh Cha nói, cách để loan báo Thiên Chúa đang ở gần không phải là “bằng lời, mà bằng thực hiện nhiều việc làm của tình yêu và hy vọng nhân danh Chúa”.

“Trọng tâm của bản tuyên ngôn: làm chứng tá phục vụ.”

Đức Thánh Cha kết luận bài suy niệm bằng mời gọi các tín hữu hãy tự hỏi mình có tin tưởng và tín thác vào Thiên Chúa không, có lắng nghe Lời Chúa và lãnh nhận các Bí tích không; liệu mình có biết khơi dậy lòng can đảm nơi người khác và biết gần gũi với những người đau khổ và cô đơn không?
 
Người phụ nữ bị buộc tội phá hoại nhà thờ Công Giáo Miami, và mạo phạm bàn thờ
Đặng Tự Do
17:38 18/06/2023


Một phụ nữ đã bị bắt và bị buộc tội sau khi cô ta bị cáo buộc phá hoại Nhà thờ Công Giáo Thánh Timôthêô ở Miami trong một cuộc tấn công vào Thứ Bảy, ngày 10 tháng Sáu, mà cảnh sát cho rằng có động cơ là thành kiến tôn giáo.

Trong cuộc họp báo hôm thu-thứ Sáu 16 Tháng Sáu, Alfredo Freddy Ramirez III, Giám đốc Sở Cảnh sát Miami-Dade cho biết Alfa Illescas, 44 tuổi, đã bị camera an ninh bắt gặp đang phun sơn những từ ngữ mang tính chất bài Công Giáo và một cây thánh giá lộn ngược trên tường nhà thờ, trên một biển báo và những hàng cột trong sân trường của nhà thờ.

Cảnh sát cho biết đoạn phim cũng cho thấy Illescas đá vào các thùng rác, tiến đến bàn thờ Đức Mẹ và phun sơn vào một camera an ninh đối diện với bàn thờ.

Sau khi điều tra thêm, cảnh sát phát hiện ra rằng Illescas đã “đẩy” và phá vỡ các phần của một bàn thờ khác phía trước nhà thờ.

Illescas được xác định tại nơi ở của cô ấy mặc bộ quần áo giống như trong đoạn phim an ninh và sau đó bị bắt.

“Dựa trên bằng chứng được cung cấp, nạn nhân bị hung thủ nhắm đến dựa trên tôn giáo của họ và tội ác gây ra được thực hiện với thành kiến,” một báo cáo của cảnh sát cho biết.

Báo cáo cho biết chi phí thiệt hại ước tính là 3.000 USD. Illescas bị buộc tội phạm trọng tội hình sự.

Ông Alfredo, cho biết: “Những nơi thờ phượng là một phần quan trọng trong cộng đồng của chúng ta, nơi nhiều người đến cầu nguyện và thực hành niềm tin tôn giáo của họ.

“Tôi rất tự hào về sự kiên trì và làm việc chăm chỉ của các điều tra viên Cục An ninh Nội địa của chúng ta để bắt giữ cá nhân chịu trách nhiệm về tội ác vô nghĩa này,” ông nói thêm.

Trong một tuyên bố gửi cho NBC Miami, Tổng giáo phận Miami cho biết phụ huynh có con học tại trường của giáo xứ đã tình nguyện dọn dẹp những bức vẽ bậy.

“Đây là một bi kịch khi một nơi linh thiêng như trường Công Giáo và tài sản của nhà thờ bị phá hoại. Đó là một tội ác do thù ghét,” tổng giáo phận nói với CNA hôm thứ Ba.

“Tổng giáo phận Miami và các quản lý viên của nhà thờ Thánh Timôthêô đang hợp tác đầy đủ với cuộc điều tra,” tuyên bố cho biết.

Tổng giáo phận cho biết: “Lòng tốt của các bậc cha mẹ là điều hiển nhiên khi họ có mặt ngay tại chỗ để giúp dọn dẹp và sửa chữa những thiệt hại đáng hổ thẹn.

“Chúng tôi đã biết về vụ bắt giữ người phụ nữ nhanh chóng được xác định danh tính và xin cầu nguyện cho tất cả những người hiện đang đi trên hành trình này - những người sợ hãi, những người tức giận và cho nghi phạm để có thể tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn.”

Ana Fernandez, phụ huynh có con học tại trường, nói với NBC Miami rằng cô lo lắng nhưng không ngạc nhiên về vụ tấn công “vì các Kitô hữu đang bị tấn công và bạn thấy điều đó trên khắp thế giới.”


Source:Catholic News Agency

 
Chính Thống Giáo bối rối trước lá thư Kirill gởi Tập Cận Bình
Đặng Tự Do
17:40 18/06/2023


Tòa Thượng Phụ Đại Kết Chính Thống Giáo cảm thấy bối rối trước thư chúc mừng của Thượng phụ Mạc Tư Khoa gửi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Tờ Orthodox Times của Tòa Thượng Phụ Đại Kết Chính Thống Giáo Constantinople đã bày tỏ sự ngỡ ngàng và bối rối trước lá thư của Thượng Phụ Kirill gởi cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Thượng phụ Kirill của Mạc Tư Khoa và Toàn Nga đã gửi thư chúc mừng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhân dịp ông này tròn 70 tuổi.

Trong thư ngài Thượng Phụ Kirill đã viết rằng, “trong suốt những năm dài của nhiệm kỳ, ngài đã chứng tỏ rằng ngài là một chính trị gia có tầm nhìn xa và khôn ngoan, có khả năng suy nghĩ chiến lược và có khả năng đạt được mục tiêu của mình.”

Thượng phụ Kirill viết tiếp rằng: “Ở tầm vóc vĩ mô, Trung Quốc ngày nay là một trong những cường quốc hàng đầu thế giới nhờ vào công việc của ngài và điều đó cho thấy những thành công lớn của ngài trong lĩnh vực kinh tế-xã hội.”

Thượng Phụ Kirill cũng cảm ơn chủ tịch Trung Quốc “đã đặc biệt quan tâm đến việc thiết lập các nguyên tắc công bằng trong xã hội Trung Quốc và đã nỗ lực hết sức để tăng cường tình hữu nghị giữa nhân dân Nga và Trung Quốc cũng như phát triển quan hệ kinh doanh và văn hóa giữa hai nước.”

Thượng phụ Mạc Tư Khoa tuyên bố rằng “các tín hữu của Giáo hội Chính thống Tự trị Trung Quốc, được thành lập nhờ các hoạt động của Phái bộ Giáo hội Nga, cũng nỗ lực đóng góp vào việc này.”

Kết thúc bức thư chúc mừng của mình, Kirill nhấn mạnh rằng ông hy vọng sự phát triển hơn nữa của cuộc đối thoại “giữa lãnh đạo của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Giáo hội Chính thống Nga”.

Tòa Thượng Phụ Đại Kết Chính Thống Giáo Constantinople đã bày tỏ sự ngỡ ngàng và bối rối trước lá thư của Thượng Phụ Kirill gởi cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vì qua các chiến dịch công khai triệt hạ thánh giá, Hán hóa Kitô Giáo, bách hại thẳng tay các tín hữu Kitô và hàng giáo phẩm, Tập Cận Bình nổi lên là một nhà độc tài nguy hiểm nhất thời hiện đại đối với niềm tin Kitô.

Tuy nhiên, tờ Orthodox Times nhận định rằng lá thư của Thượng phụ Kirill gửi cho chủ tịch Trung Quốc xét cho cùng cũng không có gì đáng ngạc nhiên, vì Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa đã hoàn toàn đồng ý với các quyết định và chính sách của Điện Cẩm Linh.

Người ta cũng biết rằng quan hệ giữa hai quốc gia là tốt đẹp và dự kiến sẽ duy trì như vậy chừng nào cuộc chiến ở Ukraine còn kéo dài.

Các nhà phân tích quốc tế nhận xét rằng “sự hợp tác” này giữa hai nước đã tăng lên ngoài mọi kỳ vọng trước đó của hầu hết các nhà quan sát phương Tây.


Source:Orthodox Times
 
Nhìn vào xu hướng di cư đằng sau vụ đắm tàu mới nhất ngoài khơi Hy Lạp
Đặng Tự Do
17:41 18/06/2023


Vụ đắm tàu chết người hôm thứ Tư ngoài khơi miền nam Hy Lạp, liên quan đến một chiếc thuyền lớn chở người di cư bị lật sau khi dường như từ chối lời đề nghị giúp đỡ, chỉ là trường hợp mới nhất của những kẻ buôn lậu chất đầy người lên những con tàu tuyệt vọng sẵn sàng mạo hiểm mạng sống của họ để đến lục địa Âu Châu.

Chuyến đi từ Libya hoặc Tunisia qua Trung Địa Trung Hải và phía bắc đến Âu Châu là tuyến đường di cư nguy hiểm nhất trên thế giới, theo Tổ chức Di cư Quốc tế của Liên Hiệp Quốc.

Dưới đây là một cái nhìn về tình hình ở Địa Trung Hải và một số chi tiết của thảm kịch mới nhất:

Lực lượng bảo vệ bờ biển, hải quân, tàu buôn và máy bay của Hy Lạp đã phát động một chiến dịch tìm kiếm và cứu nạn quy mô lớn sau khi chiếc thuyền đánh cá chở quá tải bị lật và chìm vào sáng sớm thứ Tư, cách phía nam bán đảo Peloponnese khoảng 75 km về phía tây nam.

Cho đến nay, 79 thi thể đã được trục vớt và 104 người đã được giải cứu. Không rõ có bao nhiêu người mất tích, nhưng một số báo cáo ban đầu cho thấy hàng trăm người có thể đã ở trên tàu. Nếu điều đó được xác nhận, vụ đắm tàu này có thể trở thành vụ tai nạn chết người nhiều nhất trong năm nay.

Lực lượng bảo vệ bờ biển cho biết chiếc thuyền đã từ chối một số đề nghị hỗ trợ của cả lực lượng bảo vệ bờ biển và tàu buôn trong khu vực bắt đầu từ thứ Ba. Cơ quan này cho biết trong một tuyên bố rằng thuyền trưởng của con tàu “muốn tiếp tục đến Ý.”

Tuy nhiên, Alarm Phone, một mạng lưới các nhà hoạt động điều hành đường dây nóng cho các thuyền di cư gặp nạn, cho biết họ đã liên lạc với những người mà họ tin là ở trên cùng một con tàu và những người đang rất cần được giúp đỡ. Các hành khách báo cáo rằng thuyền trưởng đã rời bỏ con tàu trên một chiếc thuyền nhỏ trước khi nó bị lật, Alarm Phone cho biết.

Vincent Cochetel, đặc phái viên của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn ở Tây và Trung Địa Trung Hải, đã tweet rằng “chiếc thuyền này không xứng đáng đi biển”.

Nhiều người di cư tìm cách bỏ qua Hy Lạp và đến Ý, nơi họ có thể dễ dàng tiếp tục hành trình về phía bắc tới gia đình và các cộng đồng di cư khác ở những nơi khác.

Nếu những người di cư được chính quyền Hy Lạp giải cứu, họ sẽ phải đi qua vùng Balkan thường thù địch để đến Tây hoặc Bắc Âu. Tuyến đường phía bắc từ Ý gần hơn và thường dễ tiếp cận hơn.

Hầu hết những người di cư đến Hy Lạp đều đi từ Thổ Nhĩ Kỳ, đến các hòn đảo phía đông Hy Lạp gần đó trên những chiếc thuyền nhỏ hoặc băng qua sông Evros - được gọi là Meric ở Thổ Nhĩ Kỳ - chạy dọc biên giới đất liền.

Làn sóng di cư đã giảm mạnh trong những năm gần đây khi Hy Lạp tăng cường tuần tra trên biển và xây dựng một hàng rào biên giới dọc theo Evros. Nhưng quốc gia này phải đối mặt với những cáo buộc dai dẳng từ những người di cư, các nhóm nhân quyền và các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ rằng họ đã trả lại những người di cư qua biên giới cho Thổ Nhĩ Kỳ, ngăn cản họ xin tị nạn một cách bất hợp pháp. Athens đã nhiều lần phủ nhận điều đó.


Source:AP
 
Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 18 Tháng Sáu
Đặng Tự Do
18:23 18/06/2023
Chúa Nhật 18 Tháng Sáu, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 11 Mùa Quanh Năm.

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu.

Đức Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.”

Rồi Đức Giêsu gọi mười hai môn đệ lại, để ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.

Sau đây là tên của mười hai Tông Đồ: đứng đầu là ông Simôn, cũng gọi là Phêrô, rồi đến ông Anrê, anh của ông; sau đó là ông Giacôbê con ông Dêbêđê và ông Gioan, em của ông; ông Philípphê và ông Batôlômêô; ông Tôma và ông Mátthêu người thu thuế; ông Giacôbê con ông Anphê và ông Tađêô; ông Simôn thuộc nhóm Quá Khích, và ông Giuđa Ítcariốt, là chính kẻ nộp Người. Đức Giêsu sai mười hai ông ấy đi và chỉ thị rằng:

“Anh em đừng đi tới vùng các dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của người Samari. Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Ítraen. Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần. Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy.”

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với những người, trong những ngày tôi ở bệnh viện Gemelli, đã bày tỏ tình cảm, sự quan tâm và tình bạn với tôi, và bảo đảm với tôi về sự hỗ trợ của lời cầu nguyện. Sự gần gũi con người và gần gũi tinh thần này đã giúp đỡ và an ủi tôi rất nhiều. Cảm ơn tất cả! Cảm ơn! Lời cảm ơn chân thành của tôi!

Hôm nay, trong Tin Mừng, Chúa Giêsu gọi đích danh – Người gọi đích danh – và sai mười hai Tông Đồ đi. Khi sai các ông đi, Người yêu cầu các ông loan báo một điều duy nhất: “Khi đi đường các con hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã gần đến” (Mt 10:7). Đó cũng chính là lời loan báo mà Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng: Nước Thiên Chúa, nghĩa là vương quyền tình yêu của Người, đã gần đến, nước Thiên Chúa đến giữa chúng ta. Và đây không chỉ là một mẩu tin trong số những mẩu tin khác, không phải như thế, nhưng là thực tế cơ bản của cuộc sống: sự gần gũi của Thiên Chúa, sự gần gũi của Chúa Giêsu.

Thật vậy, nếu Thiên Chúa ở gần, chúng ta không đơn độc trên trái đất, và ngay cả trong khó khăn, chúng ta không mất niềm tin. Đây là điều đầu tiên thông điệp này muốn nói với mọi người: Thiên Chúa không ở đâu xa, nhưng Người là Cha. Thiên Chúa không ở đâu xa, Người là Cha, Người biết anh chị em và Người yêu anh chị em; Người muốn nắm lấy tay anh chị em, ngay cả khi anh chị em đi trên những con đường dốc và gồ ghề, ngay cả khi anh chị em vấp ngã và cố gắng đứng dậy và trở lại con đường. Ngài, Chúa chúng ta, ở đó với anh chị em. Thật vậy, thường vào những lúc anh chị em yếu đuối nhất, anh chị em có thể cảm thấy sự hiện diện của Ngài mạnh mẽ hơn. Ngài biết đường đi, Ngài ở với anh chị em, Ngài là Cha của anh chị em! Ngài là cha của tôi! Ngài là Cha của chúng ta!

Chúng ta hãy ở lại với hình ảnh này, bởi vì lời tuyên xưng Thiên Chúa gần gũi với chúng ta đang mời gọi anh chị em suy nghĩ như một đứa trẻ, được cha bế trên tay: mọi thứ dường như khác hẳn. Thế giới, rộng lớn và bí ẩn, trở nên quen thuộc và an toàn, bởi vì đứa trẻ biết rằng mình được bảo vệ. Người ấy không sợ hãi, nhưng học cách cởi mở: người ấy gặp gỡ những người khác, tìm những người bạn mới, vui vẻ học hỏi những điều mà mình không biết, rồi trở về nhà và kể cho mọi người nghe những gì người ấy đã thấy, trong khi trong tim nảy sinh khao khát được trở thành người lớn và làm những điều mà người ấy đã thấy cha mình làm. Đây là lý do tại sao Chúa Giêsu bắt đầu từ đây, đây là lý do tại sao sự gần gũi của Thiên Chúa là lời loan báo đầu tiên: bằng cách ở gần Thiên Chúa, chúng ta chiến thắng sự sợ hãi, chúng ta mở lòng ra cho tình yêu, chúng ta lớn lên trong sự tốt lành và chúng ta cảm thấy nhu cầu và niềm vui được loan báo.

Muốn nên tông đồ tốt, chúng ta phải như trẻ thơ: phải ngồi “trong lòng Chúa” và từ đó nhìn thế giới với lòng tin tưởng và yêu mến, để làm chứng rằng Thiên Chúa là Cha, chỉ một mình Người có thể biến đổi tâm hồn chúng ta và ban cho chúng ta niềm vui và sự bình an mà chính chúng ta không thể đạt được.

Hãy công bố rằng Thiên Chúa đang ở gần – nhưng chúng ta có thể làm điều này như thế nào? Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu kể lại và khuyên đừng nói nhiều lời, nhưng hãy nhân danh Chúa mà thực hiện nhiều việc làm bác ái và hy vọng. Không nói nhiều lời, hãy hành động! “Chữa lành người bệnh”, Chúa phán, “làm cho kẻ chết sống lại, tẩy sạch người phung cùi, xua đuổi ma quỷ. Anh em đã nhận được nhưng không thì hãy cho đi nhưng không” (Mt 10:8). Đây là trọng tâm của lời tuyên bố: hãy làm chứng nhưng không, phục vụ nhưng không. Tôi sẽ nói với anh chị em một điều: Tôi luôn bối rối, rất bối rối trước những “người nói nhiều” với những lời nói không ngừng và không có hành động gì.

Đến đây, chúng ta hãy đặt một vài câu hỏi: chúng ta, những người tin vào Thiên Chúa gần gũi với chúng ta, hãy tự hỏi: chúng ta có tâm sự với Người không? Chúng ta có biết tin tưởng nhìn về phía trước, như đứa trẻ biết mình được ẵm trong vòng tay của cha không? Chúng ta có biết ngồi trong lòng Chúa Cha bằng lời cầu nguyện, bằng việc lắng nghe Lời Chúa, bằng việc lãnh nhận các Bí tích không? Và cuối cùng, ở gần Người, chúng ta có biết khơi gợi lòng can đảm cho người khác, biết gần gũi những người đau khổ và cô đơn, những người xa cách và cả những đối phương thù địch không? Đây là bản chất của đức tin. Đây là những gì là thiết yếu.

Và bây giờ chúng ta hãy cầu nguyện với Đức Maria; xin Mẹ giúp chúng ta cảm thấy mình được yêu thương và thông truyền sự gần gũi và tin tưởng.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến,

Thứ ba tới, ngày 20 tháng 6, sẽ là Ngày Thế giới về Người tị nạn, do Liên Hiệp Quốc tổ chức: với nỗi buồn và sự đau lòng tột độ, tôi nghĩ đến các nạn nhân của vụ đắm tàu nghiêm trọng xảy ra trong những ngày gần đây ngoài khơi bờ biển Hy Lạp. Và dường như trong bối cảnh biển lặng. Tôi nhắc lại lời cầu nguyện của mình cho những người đã thiệt mạng, và tôi khẩn cầu rằng hãy luôn làm mọi điều có thể để ngăn chặn những thảm kịch tương tự.

Và tôi cũng cầu nguyện cho các học sinh, nạn nhân trẻ tuổi của cuộc tấn công tàn bạo vào một trường học ở phía tây Uganda. Trận chiến này, cuộc chiến này ở khắp mọi nơi… chúng ta hãy cầu nguyện cho hòa bình!

Tôi chào tất cả anh chị em, người Rôma và khách hành hương từ Ý và nhiều quốc gia khác, đặc biệt là các tín hữu của Florida và Munich. Tôi xin chào Trường “Thánh Gioan Phaolô II” ở Opole, Ba Lan, và Trường “Thánh Philip Neri” ở Luân Đôn.

Tôi cũng chào các nhóm từ Zogno, Guardiagrele và Poggiomarino, cũng như Trường “Rosario Scardigno” của Molfetta. Và tôi cũng chào các nữ tu Maria Bambina đang theo dõi Kinh Truyền Tin.

Chúng ta hãy kiên trì cầu nguyện cho dân chúng Ukraine bị hành hạ – chúng ta đừng quên họ! - những người đau khổ rất nhiều.

Tôi cầu chúc tất cả anh chị em một Chúa Nhật hồng phúc, và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Cha Phê-Rô Trương Văn Phúc. Sj – Tân Quản Xứ Hòa Minh – Giáo Phận Đà Nẵng
Toma Trương Văn Ân
16:41 18/06/2023
Cha Phê-Rô Trương Văn Phúc. Sj – T N Quản Xứ Hòa Minh – Giáo Phận Đà Nẵng

Lúc 17 giờ chiều Chúa nhật, ngày 18 tháng 6 năm 2023. Tại nhà thờ Giáo xứ Hòa Minh, Giáo phận Đà Nẵng. Sau khi đã lắng nghe ý kiến và giới thiệu của Bề Trên Giám tỉnh Dòng Tên – Việt Nam, Đức Cha Giuse – Giám mục Giáo phận Đà Nẵng đã bổ nhiệm Cha Phê-rô Trương Văn Phúc.SJ ( Dòng Tên) làm tân Quản xứ Hòa Minh.

Xem Hình

Hiện diện trong Nghi thức bổ nhiệm và Thánh lễ tạ ơn có cha Giu-se Phạm Tuấn Nghĩa, SJ. Bề trên Giám Tỉnh Dòng Tên ( Dòng Chúa Giê-su) Tỉnh Dòng Việt Nam. Cha Phao-lô Phạm Thanh Thảo- Chưởng Ấn Tòa Giám mục. Cha Giacôbê Hứa Hùng Quang- Trưởng hạt Hòa Vang. Cha Philipphe Trần Thanh Minh.SJ Phụ Tá Giáo xứ Hòa Minh và quý Cha. Cùng đồng hành còn có quý Tu sĩ, n nhân, thân nhân, quý Khách, các ban Ngành đoàn thể và cộng đoàn của Giáo xứ Hòa Minh.

Đây là lần thứ 02 Cha Phê-rô làm Quản xứ Giáo xứ này. Lần thứ nhất ( 25.4.2015 đến 20.2.2017) và lần này ( 18. 6. 2023 Đến …. )

Trong huấn dụ, Đức Giám Mục Giáo phận nhắn nhủ: ” Linh mục được sai đến trong tin mến, phục vụ và yêu thương. Mỗi người tín hữu, cách riêng Linh mục cần có cái nhìn của Chúa, đôi mắt đôi tay và con tim yêu thương của Chúa …. Để biết chạnh lòng thương, cảm thông nâng đỡ người yếu đuối bất hạnh, dễ bị tổn thương”. Đức Giám Mục cũng mời gọi cộng đoàn cầu nguyện cho Cha Phúc, được dồi dào Ơn Thánh để chu toàn trách vụ cách trọn vẹn. và cũng cầu nguyện cho mỗi người, đến với anh chị em bằng con đường tình yêu và loan báo Tin Mừng. Đức Cha mời gọi và cầu chúc những Mục tử “ làm mát những phận đời” lãnh nhận Ơn Chúa, thì cũng biết chia sẻ cho anh chị em trong môi trường mình đang sống và làm việc. Cộng đoàn biết cùng với Đức Maria hiệp nhất, sống Đức tin và loan báo Tin Mừng.

Cuối Thánh lễ, Cha Tân Quản xứ tâm tình:” trở về Hòa Minh …. Như trở về nhà” Ngài khẳng định hướng mục vụ cho tương lai với 02 điểm chính: ” thứ nhất: Nơi đây, phải quý con người, hơn quý công việc; và thứ hai: quý tương quan hơn thành công”. Ngài khiêm tốn nhận mình có nhiều giới hạn, cần sự nâng đỡ bằng Lời cầu nguyện và nhiều cách khác nhau của Đức Giám Mục, của Nhà Dòng, quý cha, quý n nhân, thân nhân …. Đồng thời mời gọi mỗi thành viên trong Giáo xứ cùng cộng tác với Cha, trong khả năng Chúa ban cho mỗi người. để Cộng đoàn Giáo xứ trở thành một cộng đoàn hiệp nhất và yêu thương, Cùng sứ vụ loan báo Tin Mừng.

Cha Giuse – Giám tỉnh, dâng lời tạ ơn Chúa và cám ơn Đức Giám Mục, đã tin tưởng giao cộng đoàn Hòa Minh cho các Cha Dòng Tên có cơ hội phục vụ. Cha Giám Tỉnh cũng sơ lược những đóng góp của các Cha Dòng Tên trong hơn 400 năm qua cho Giáo hội, cho Giáo phận Đà Nẵng…. Và một đóng góp lớn cho nền văn hóa Việt Nam, đó là sáng tác và hoàn thiện Chữ Quốc Ngữ.

Cha hạt Trưởng đã tiếp nhận Cha tân quản xứ Hòa Minh trong yêu thương, tin tưởng Giáo xứ Hòa Minh có nhiều khởi sắc khi các ban Ngành và cộng đoàn Hòa Minh cùng cộng tác với Cha tân Quản xứ. Cha hạt trưởng cũng có lời cám Ơn Cha Phanxicô Xavie Nguyễn Thanh Vũ – nguyên Quản xứ, vừa được thuyên chuyển, vì những hy sinh cống hiến phục vụ dân Chúa trong thời gian qua.

Trong tâm tình biết ơn, Ông Trưởng Ban Đại diện đã dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, cám ơn Đức Giám Mục, Cha Giám tỉnh, Quý Cha quý Thầy của Dòng Tên, quí Cha Đồng tế, n nhân, thân nhân …. Và mọi người vì yêu thương đã giúp đỡ, làm cho Giáo xứ Hòa Minh ngày càng phát triển tốt đẹp cả đời sống Đạo và đời sống tinh thần. những bó hoa Cộng đoàn dâng tặng Đức Cha và quý cha gói ghém cả tâm tình biết ơn.

Tôma Trương Văn n
 
VietCatholic TV
Ukraine tiến nhanh ở Zaporizhzhia. Sợ bị ám hại, Putin cắt Internet. Đan Mạch tặng F16 cho Ukraine
VietCatholic Media
04:32 18/06/2023


1. Quân đội Ukraine cho biết giao tranh ác liệt đang diễn ra khi Nga tiến hành hơn 35 cuộc không kích. Quân Ukraine đang tiến nhanh ở hướng Zaporizhzhia

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng Chúa Nhật 18 tháng Sáu, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết giao tranh ác liệt vẫn tiếp diễn trong suốt ngày thứ Bảy.

Quân Ukraine tiến hành các hoạt động tấn công tích cực theo nhiều hướng cùng một lúc, chọc thủng phòng tuyến của quân xâm lược, mỗi hướng đều tiến được tới 2 km.

Trong khu vực Tavria, bao gồm những miền bị Nga tạm chiếm, quân Ukraine thắng lớn và giải phóng P'yatykhatky. Tại đây, Lữ Đoàn 128 tấn công sơn cước đã giao tranh với các lực lượng Nga được kể là yếu nhất trong tuyến phóng thủ phía Nam của quân Nga. Các đơn vị trấn giữ khu vực này là các lực lượng trong cái gọi là quân đội Cộng hòa Nhân Dân Donetsk, và quân dự bị Nga được trang bị thô sơ với các xe tăng đời cũ như T-62 và thậm chí T-54.

Theo các blogger quân sự Nga, sau khi vượt qua được P'yatykhatky, quân Ukraine đang hướng đến Tokmak, nơi họ có thể gặp khó khăn hơn.

Để ủng hộ cho bộ binh, Nga tiến hành 37 cuộc không kích vào Ukraine tập trung vào các hướng tấn công chính của quân Ukraine.

“Đối phương tiếp tục tập trung các nỗ lực chính vào các hướng Lyman, Bakhmut, Avdiivka và Mariinka, và giao tranh ác liệt vẫn tiếp diễn. Có 22 cuộc giao tranh trong ngày qua”, Chuẩn tướng Oleksii Hromov nói.

Tại các khu vực phía đông Luhansk, Donetsk và Kharkiv: Các cuộc tấn công của Nga “không thành công” theo hướng Novoselivske và Bilohorivka ở khu vực Luhansk, cũng như Berestove ở khu vực Kharkiv.

Tại khu vực Donetsk, quân đội cho biết các cuộc tấn công của Nga đã bị chặn lại gần các thị trấn Stepove và Avdiivka, nơi cũng bị không kích. Phía tây thành phố Donetsk, quân đội Ukraine đã đẩy lùi các cuộc tấn công của Nga tại các thị trấn Mariinka, Novomykhailivka và Vodiane. Và đã có các cuộc không kích ở các khu vực Krasnohorivka, Zolota Nyva và Blahodatne.

Tại khu vực phía nam Zaporizhzhia và Kherson: “Đối phương đã tiến hành các cuộc không kích ở các khu vực Mala Tokmachka ở vùng Zaporizhzhia và Kozatske ở vùng Kherson,” theo bản cập nhật.

Lực lượng Không quân Ukraine đã thực hiện 9 cuộc tấn công vào các căn cứ quân sự của Nga và phá hủy một hệ thống hỏa tiễn phòng không.

2. Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch tuyên bố sẵn sàng chuyển giao chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine

Chính phủ Đan Mạch sẵn sàng chuyển giao các chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine, với điều kiện Hoa Kỳ, nơi sản xuất những chiếc máy bay này, chấp thuận bước tiến này.

Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Troels Lund Poulsen nói với các phóng viên báo chí hôm Thứ Bẩy 17 Tháng Sáu: “Tôi muốn nói rằng tôi không thể tưởng tượng được rằng chúng tôi lại không ủng hộ điều này. Ukraine cần máy bay. Hơn bao giờ hết, nếu họ muốn chống lại cuộc xâm lược từ bên ngoài. Điều này cũng áp dụng cho chiến đấu cơ F-16 của Đan Mạch”

Các phi công Ukraine sẽ sớm tới Đan Mạch, nơi họ sẽ được huấn luyện để vận hành và bảo dưỡng F-16.

Khóa huấn luyện sẽ diễn ra tại căn cứ Skrydstrup ở Jutland, nơi Thủ tướng Mette Frederiksen đã đến thăm vào tháng 5 vừa qua.

Đan Mạch và Hà Lan đi đầu trong hợp tác đào tạo phi công Ukraine. Tổng cộng, Đan Mạch có 43 chiến đấu cơ F-16, trong đó 30 chiếc đang hoạt động trong phi đội quân sự. Tuy nhiên, 13 chiếc F-16 của Đan Mạch hiện đã được thay thế bằng những chiếc chiến đấu cơ F-35 hiện đại hơn.

Đan Mạch cùng với Hoa Kỳ, Anh và Hà Lan đã công bố chuyển giao hàng trăm bệ phóng và các hỏa tiễn phòng không cho Ukraine để giúp bảo vệ cơ sở hạ tầng của Ukraine và hỗ trợ các hoạt động tấn công.

Việc chuyển giao hỏa tiễn phòng không và đạn dược đã bắt đầu và đợt chuyển giao cuối cùng sẽ diễn ra trong vài tuần tới.

3. Nga tuyên bố ngăn chặn được cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine vào trạm bơm đường ống dẫn dầu

Thống đốc vùng Bryansk, giáp biên giới với Ukraine, hôm thứ Bảy tuyên bố rằng các hệ thống phòng không của Nga đã chặn đứng một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine vào một trạm bơm dầu đường ống Druzhba trong đêm.

Ba máy bay không người lái đã bị bắn hạ trong cuộc tấn công gần Novozybkov, Aleksandr Bogomaz cho biết. Theo ông, không có thiệt hại về cơ sở hạ tầng.

Khu vực biên giới đã từng chứng kiến các cuộc tấn công trước đó mà Nga cáo buộc là do Kyiv thực hiện.

Vào cuối tháng 5, truyền thông nhà nước Nga đưa tin về một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ở Bryansk. Đầu tháng 5, có những báo cáo chưa được xác nhận rằng 4 máy bay của Nga cũng bị bắn rơi trong khu vực.

Ukraine cũng đã xây dựng một mạng lưới đặc vụ và những người ủng hộ bên trong Nga để thực hiện các hành động phá hoại nhằm vào các mục tiêu của Nga và đã bắt đầu cung cấp cho họ máy bay không người lái để thực hiện các cuộc tấn công, nhiều người quen thuộc với tình báo Mỹ về vấn đề này cho biết như trên với CNN. Họ tin rằng các đặc vụ thân Ukraine bên trong Nga đã thực hiện một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhắm vào Điện Cẩm Linh vào đầu tháng 5 bằng cách phóng các máy bay không người lái từ bên trong nước Nga thay vì bay từ Ukraine đến Mạc Tư Khoa.

Một ngày sau sự việc ở Mạc Tư Khoa, một cuộc tấn công bằng pháo kích “quy mô lớn” đã làm 4 người bị thương ở Belgorod, là một khu vực giáp giới với Ukraine, và thông tin sơ bộ cho thấy một máy bay không người lái đã bị rơi và gây ra hỏa hoạn tại một nhà máy lọc dầu ở phía nam vùng Krasnodar gần Crimea.

Chính phủ Ukraine nói chung không xác nhận hay phủ nhận các cuộc tấn công bên trong lãnh thổ Nga. Quân Đoàn Tự Do cho Nga và Quân Đoàn Tình Nguyện Nga thường nhận trách nhiệm về các vụ tấn công đó.

4. Ngoại trưởng Mỹ sẽ nêu vấn đề chiến tranh ở Ukraine và những “mối quan ngại thực sự” khác với các quan chức Trung Quốc trong chuyến thăm

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đang trên đường tới Bắc Kinh cho một chuyến thăm cấp cao nhằm đưa quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trở lại đúng lộ trình sau nhiều tháng căng thẳng giữa hai quốc gia.

Các quan chức của cả hai chính phủ đã cho thấy những kỳ vọng thấp đối với chuyến thăm, nhưng Blinken đã tuyên bố sẽ nêu lên “những mối quan tâm rất thực tế của chúng tôi về một loạt vấn đề,” bao gồm cả cuộc chiến ở Ukraine.

Trong khi Bắc Kinh tìm cách đóng vai trò hòa giải giữa Mạc Tư Khoa và Kyiv, thông điệp của Trung Quốc đã vấp phải sự hoài nghi đáng kể của các quan chức Mỹ và các nhà lãnh đạo phương Tây khác.

Trung Quốc đã công bố một văn kiện với ngôn từ mơ hồ về một “giải pháp chính trị” cho cuộc xung đột, nhưng họ đã bị chỉ trích vì không kêu gọi Nga rút quân khỏi lãnh thổ Ukraine, như Kyiv và hơn 100 chính phủ trên khắp thế giới đã làm.

Và các quan chức phương Tây đã đưa ra những lo ngại vào đầu năm nay rằng Trung Quốc có thể đang xem xét cung cấp cho Nga sự hỗ trợ quân sự sát thương, đó là một cáo buộc bị Bắc Kinh bác bỏ.

Vào Tháng Tư, các quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho biết họ không thấy bằng chứng Trung Quốc đang cung cấp hỗ trợ rộng rãi cho Nga trong cuộc chiến ở Ukraine, nhưng các quan chức vẫn cảnh giác khi hai nước củng cố mối quan hệ chặt chẽ hơn.

Trước chuyến thăm hôm thứ Bảy, Blinken đã nói chuyện riêng qua điện thoại với Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi và Ngoại trưởng Hàn Quốc Phác Chấn. Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết Blinken đã thảo luận về các ưu tiên khu vực với cả hai nhà lãnh đạo, cũng như tái khẳng định sự ủng hộ liên tục của mỗi quốc gia đối với chủ quyền của Ukraine.

5. Ít nhất 2 người thiệt mạng khi các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và súng cối của Nga vào Kharkiv trong ngày qua

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng Chúa Nhật 18 tháng Sáu, phát ngôn nhân cảnh sát quốc gia Ukraine, Đại Úy Alyona Lyutnytska cho biết hai người đã thiệt mạng khi một hỏa tiễn chống tăng có điều khiển của Nga bắn trúng xe của họ ở khu vực đông bắc Kharkiv. Hai nạn nhân là một người đàn ông 42 tuổi và một phụ nữ 53 tuổi.

Một số khu vực khác của Kharkiv đã hứng chịu các cuộc tấn công bằng súng cối và pháo binh trong ngày qua. Các cuộc tấn công đã làm hư hại những ngôi nhà riêng và một tòa nhà chung cư hai tầng.

Với cuộc phản công của Ukraine đang diễn ra, Nga đã tiếp tục tấn công các mục tiêu trên khắp đất nước.

Tại thủ đô Kyiv, quân đội Ukraine cho biết họ đã đánh chặn 12 hỏa tiễn của Nga trong 24 giờ qua. Và ít nhất hai người chết và 25 người bị thương hôm thứ Sáu trong trận pháo kích vào thành phố Kherson ở miền nam.

6. Ukraine cần thêm vũ khí chính xác tầm xa để đánh bại Nga

Ukraine cần nhiều vũ khí chính xác hơn với tầm bắn 200 km để “xây dựng” cuộc tấn công của mình. Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar đã đưa ra lập trường trên trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv.

“Ukraine đang nắm bắt thế chủ động, nhưng để đánh bại Nga, chúng tôi cần vũ khí chính xác tầm xa.”

“Tất cả các kế hoạch quân sự của chúng tôi đang được thực hiện theo các đánh giá. Điều chính trong chiến tranh hiện đại là phải có nhận thức tình huống để biết vị trí của đối phương và có thể thực hiện các cuộc tấn công chính xác trong khoảng cách xa. Tức là phải có vũ khí có khả năng tấn công đối phương ở cự ly lên tới 200 km”.

“Hơn một năm chiến tranh đã trôi qua, và chúng tôi tin tưởng rằng chúng tôi sẽ đánh bại quân xâm lược Nga, cùng với các đối tác đã cung cấp cho chúng tôi mọi thứ chúng tôi cần”.

Các nguồn tin tình báo cho thấy Nga đã dùng các loại máy bay trực thăng phóng các hỏa tiễn tầm xa vào các cụm quân Ukraine đang tiến hành cuộc tổng phản công. Những chiếc máy bay trực thăng này ở xa tiền tuyến, không thể bị bắn hạ bởi bộ binh Ukraine. Không quân Ukraine thực sự cần các chiến đấu cơ F16 để thiết lập ưu thế trên không, hoặc ít nhất ngang bằng với ưu thế của đối phương.

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh cho biết như sau: “Kể từ khi Ukraine bắt đầu các chiến dịch phản công ở miền nam Ukraine, Nga đã tái triển khai lực lượng trực thăng tấn công trong khu vực.

Hình ảnh cho thấy hơn 20 máy bay trực thăng bổ sung của Nga đã được triển khai tới Sân bay Berdyansk, cách tiền tuyến khoảng 100 km.

Trong cuộc cạnh tranh không ngừng giữa các biện pháp hàng không và các biện pháp phản công, có khả năng Nga đã giành được lợi thế tạm thời về không quân ở miền nam Ukraine, đặc biệt là với các máy bay trực thăng tấn công sử dụng hỏa tiễn tầm xa nhằm vào các mục tiêu mặt đất.”

Vào tháng 5, Vương quốc Anh và Hà Lan được cho là đang xây dựng một “liên minh quốc tế” để giúp Ukraine mua chiến binh F-16.

Kể từ khi cuộc xâm lược của Nga bắt đầu, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã phải vật lộn để có được những chiếc F-16 hỗ trợ cuộc chiến của mình, vì Hoa Kỳ và các đồng minh NATO lo ngại chúng có thể được sử dụng trên đất Nga, có khả năng gây ra căng thẳng leo thang giữa NATO và Nga.

Sau khi nói rằng Kyiv không cần chiến đấu cơ vào đầu năm nay, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đảo ngược sự phản đối của mình bằng cách báo hiệu cho các đồng minh Âu Châu rằng họ sẽ cho phép xuất khẩu F-16 sang Ukraine.

Tháng trước, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal xác nhận rằng các nhóm phi công Ukraine đã được chọn để đào tạo ở Anh, nơi họ sẽ học cách lái các chiến binh hiện đại.

7. Putin cảnh báo NATO về việc bị lôi kéo vào cuộc chiến Ukraine, nói rằng Nga có nhiều vũ khí hạt nhân hơn

Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo có “nguy cơ nghiêm trọng” về việc NATO bị kéo sâu hơn vào cuộc chiến Ukraine nếu các thành viên của liên minh tiếp tục cung cấp vũ khí quân sự cho Kyiv.

“NATO, tất nhiên, đang bị lôi kéo vào cuộc chiến ở Ukraine,” Putin nói tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg hôm thứ Sáu.

“Việc cung cấp vũ khí quân sự hạng nặng cho Ukraine đang diễn ra, họ hiện đang xem xét cung cấp cho Ukraine các máy bay phản lực”.

Bình luận này dường như ám chỉ đến các chiến đấu cơ F-16 mà một số thành viên của liên minh NATO đang lên kế hoạch cung cấp cho Ukraine.

NATO, hay Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, được thành lập sau Thế chiến II để bảo vệ các quốc gia phương Tây khỏi Liên Xô và liên minh có một điều khoản phòng thủ chung trong đó một cuộc tấn công vào bất kỳ thành viên nào được coi là một cuộc tấn công vào tất cả.

Trong khi Ukraine không phải là thành viên của NATO, một số thành viên NATO đã cung cấp cho Kyiv xe tăng, xe bọc thép và các loại vũ khí khác - khiến Nga đe dọa trả đũa.

Trong bài phát biểu trước diễn đàn, Putin cũng đề xuất số lượng lớn vũ khí hạt nhân của Nga sẽ “bảo đảm” an ninh của nước này - lưu ý rằng Nga có nhiều vũ khí như vậy hơn các nước NATO.

8. Putin cắt Internet tại sự kiện vì lo ngại bị tấn công bằng máy bay không người lái

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Cuts Internet at Event Over Drone Attack Fears—Report”, nghĩa là “Báo cáo cho thấy Putin cắt Internet tại sự kiện vì lo ngại các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo các nhà báo địa phương, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cắt truy cập internet di động tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg, gọi tắt là SPIEF, vì lo ngại sự kiện có thể bị máy bay không người lái nhắm tới.

Vài giờ trước khi tổng thống Nga dự kiến đến diễn đàn để có bài phát biểu quan trọng vào hôm thứ Sáu, các nhà tổ chức đã thông báo rằng việc truy cập internet di động sẽ bị gián đoạn tại địa điểm “do công việc kỹ thuật”. Dự án Faridaily, do các nhà báo Nga Maxim Tovkaylo và Farida Rustamova điều hành, cho biết biện pháp này là một phần của các biện pháp an ninh nhằm bảo đảm rằng máy bay không người lái sẽ không tấn công tòa nhà. Bài phát biểu quan trọng của Putin đã được lên kế hoạch vào chiều thứ Sáu theo giờ địa phương.

Diễn đàn SPIEF được tổ chức hàng năm tại St. Petersburg từ năm 1997, thường thu hút hàng nghìn người tham gia từ khắp nơi trên thế giới. Năm nay, trong bối cảnh cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine, phiên họp thứ 26 của diễn đàn đã bị cả các công ty phương Tây và Nga tẩy chanh. Các nhà tổ chức đã không thành công trong việc thu hút các nhân vật chính trị lớn. Những người tham gia bao gồm các quan chức cấp thấp hơn từ các khu vực phần lớn vẫn giữ thái độ trung lập về cuộc xung đột.

Faridaily dẫn lời một người tham gia SPIEF và một nhân viên viễn thông có hiểu biết về vấn đề này cho biết truy cập internet di động đã bị chặn do lo ngại về sự an toàn của tổng thống Nga.

Dự án nói thêm rằng các biện pháp tương tự đã được thực hiện trong một sự kiện có sự tham dự của ông Putin tại thành phố Sochi của Nga từ ngày 7 đến ngày 9 tháng 6.

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết: “Tất nhiên, các biện pháp an toàn và bảo mật kỹ thuật số đang được tăng cường khá đáng kể, thậm chí có thể nói là chưa từng có,” Peskov nói. “Đối phương hành động trắng trợn và không bỏ lỡ cơ hội để gây thiệt hại.”

Ông nói thêm: “Chỉ cần sử dụng Wi-Fi, và mọi thứ sẽ ổn thôi.”

Nga đã hứng chịu một làn sóng tấn công bằng máy bay không người lái trong những tuần gần đây, bao gồm cả ở thủ đô Mạc Tư Khoa và các khu vực Kursk và Bryansk. Chúng nằm gần biên giới với Ukraine và Smolensk, ở phía tây nước Nga.

Ngày 3/5, cơ quan báo chí của chính phủ Nga cáo buộc Ukraine đã đâm hai máy bay không người lái vào điện Cẩm Linh của Tổng thống Putin ở Mạc Tư Khoa. Cơ quan này nói thêm rằng vụ tấn công bị cáo buộc là “một hành động khủng bố có kế hoạch” và một nỗ lực nhằm vào mạng sống của Putin. Ukraine đã phủ nhận mọi liên quan đến các cuộc tấn công bên trong Nga.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để xin bình luận qua email.

9. Điện Cẩm Linh cho biết Putin sẵn sàng tiếp xúc với các nhà lãnh đạo Đức và Pháp

Điện Cẩm Linh ủng hộ đối thoại với Thủ tướng Đức Olaf Scholz và nhà lãnh đạo Pháp Emmanuel Macron, nhưng chưa nhận được đề xuất đối thoại nào, phát ngôn nhân Dmitry Peskov cho biết hôm thứ Bảy.

“Scholz và Macron đều nêu tầm quan trọng của việc tiếp tục đối thoại với Nga và chúng tôi ủng hộ quan điểm này, nhưng cho đến nay vẫn chưa nhận được đề xuất cụ thể nào. Tổng thống hôm qua nói rằng ông ấy vẫn để ngỏ cho đối thoại,” Peskov nói với các phóng viên báo chí.

Tuần trước, Scholz cho biết ông đang lên kế hoạch nói chuyện với Putin “trong tương lai gần”.

“Tôi đã liên tục nói chuyện với tổng thống Nga nhiều lần, không chỉ trước chiến tranh mà kể từ khi chiến tranh bắt đầu và đôi khi kéo dài. Và vì chúng tôi đã không nói chuyện trong một thời gian dài, nên tôi dự định sẽ nói chuyện lại với ông ấy vào một thời điểm nào đó trong tương lai gần,” ông nói, đồng thời cho biết thêm rằng “một điều kiện” cho các cuộc đàm phán hòa bình là Nga phải rút quân khỏi lãnh thổ Ukraine.

“Đàm phán là được, nhưng câu hỏi đặt ra là ai đang đàm phán với ai và về cái gì. Và điều không hợp lý là buộc Ukraine phải chấp nhận rằng việc chiếm đất của Putin không bị trừng phạt và được chấp nhận”, nhà lãnh đạo Đức nói thêm.

10. Ngoại trưởng Blinken cho biết Mỹ theo dõi chặt chẽ tình hình Nga-Belarus nhưng “không có lý do gì để điều chỉnh” tư thế hạt nhân

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang theo dõi chặt chẽ tình hình giữa Nga và Belarus sau khi Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố hôm thứ Sáu rằng Mạc Tư Khoa đã triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tới quốc gia láng giềng.

Mỹ “không có lý do gì để điều chỉnh” tư thế hạt nhân của mình và không “thấy bất kỳ dấu hiệu nào” cho thấy Nga đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân.

Blinken cho biết Mỹ vẫn cam kết bảo vệ “từng tấc” lãnh thổ của NATO.

“Và đối với bản thân Belarus, đây chỉ là một ví dụ khác về việc Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đưa ra những lựa chọn khiêu khích, vô trách nhiệm nhằm nhường quyền kiểm soát chủ quyền của Belarus cho Nga trái với nguyện vọng của người dân Belarus,” Blinken nói.

Nga và Belarus đang nói gì? Thưa: Trong bài phát biểu tại một diễn đàn kinh tế ở St. Petersburg, Putin đã tuyên bố rằng vũ khí hạt nhân chiến thuật được cất giữ ở Belarus đã đến.

Bình luận của ông được đưa ra sau khi hãng truyền thông nhà nước Nga TASS đưa tin rằng cơ quan điều tra chính của nước này đã mở một văn phòng ở Belarus liên quan đến việc chuyển giao vũ khí hạt nhân xúc giác.

Tổng thống Nga cũng chỉ trích NATO và cảnh báo rằng có “nguy cơ nghiêm trọng khi tiếp tục lôi kéo” liên minh này vào cuộc xung đột quân sự bằng cách cung cấp vũ khí quân sự cho Ukraine.

Belarus là một trong số ít đồng minh của Nga trong cuộc chiến với Ukraine. Nó đã giúp Nga tiến hành cuộc xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm 2022, cho phép quân đội của Điện Cẩm Linh tiến vào nước này từ lãnh thổ của mình.

Đầu tuần này, Tổng thống Belarus Aleksander Lukashenko cho biết nước này chuẩn bị nhận vũ khí hạt nhân chiến thuật từ Nga và tuyên bố những vũ khí như vậy là cần thiết để hoạt động như một “sự răn đe” chống lại sự xâm lược.

11. Đại sứ Ukraine tại Anh: Việc chuyển giao vũ khí hạt nhân của Nga cho Belarus nên được suy nghĩ “rất nghiêm túc”

Theo Đại sứ Ukraine tại Vương quốc Anh Vadym Prystaiko, khẳng định của Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng vũ khí hạt nhân đầu tiên của Nga đã được chuyển giao cho Belarus nên được phương Tây xem xét “rất, rất nghiêm túc”.

Tái vũ trang Belarus là vi phạm các thỏa thuận quốc tế, đại sứ nói hôm thứ Sáu.

“Tôi tin rằng phương Tây phải xem xét vấn đề này một cách rất, rất nghiêm túc,” ông nói.

Khi được hỏi liệu Ukraine có coi nặng việc Putin đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân trong những tháng tới hay không, Prystaiko nói: “Tôi tin rằng ông ấy đang tống tiền tất cả chúng ta: trước hết là người Ukraine, nhưng sau đó là người Âu Châu và người Mỹ và tất cả các đối tác của chúng ta trên toàn cầu.”

Prystaiko cũng cho biết Ukraine hiện “được trang bị tốt hơn nhiều để chống lại áp lực này” từ Nga, bởi vì Ukraine có hỏa tiễn phòng không từ các đối tác quốc tế.

Đại sứ cũng đề cập đến cuộc phản công, khi các lực lượng của Kyiv tiến dần lên dọc theo chiến tuyến phía nam.

“Chúng tôi đã không tung ra tất cả các lực lượng; chúng tôi đang thăm dò, cố gắng tìm ra nơi tốt nhất để tấn công,” ông nói.

Prystaiko cho biết thêm sự việc vỡ đập Nova Kakhovka “đang làm thay đổi quân bài của chúng tôi một chút” và “làm trì hoãn cuộc phản công của chúng tôi.”

12. Ukraine đang phải đối mặt với những cơn gió ngược từ không quân và pháo binh Nga trong cuộc tiến quân trên tiền tuyến

Các cuộc không kích và pháo kích của Nga hiện là những vấn đề chính mà lực lượng Ukraine phải đối mặt khi họ tiếp tục tiến công ở miền nam và miền đông Ukraine, một sĩ quan quân đội cấp cao nói với CNN gần chiến tuyến.

“Hàng không của họ hoạt động theo từng đợt, như đã từng ở Việt Nam, Afghanistan. Liên tục, suốt cả ngày, họ làm việc bằng trực thăng hoặc máy bay, và họ làm việc cả ngày,” một phó tiểu đoàn trưởng có biệt danh “Spas” thuộc Lữ đoàn Địa Phương Quân biệt lập nói với CNN trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Sáu. “Thật khó để tiến lên trong bối cảnh như vậy.”

“Nói chung, sự hỗ trợ của hàng không đang rất thiếu,” ông cũng nói thêm rằng pháo binh Nga đã khiến cho bước tiến của họ thậm chí còn khó khăn hơn.

Bất chấp những thách thức, Spas cho biết các lực lượng Ukraine đang tìm cách giải quyết những vấn đề này.

Ông nói: “Chúng tôi chiếm lại lãnh thổ, chúng tôi không cho phép họ tấn công các đoàn xe. “Chúng tôi đến theo từng nhóm nhỏ. Chúng tôi sử dụng tất cả các chiến thuật có thể. Chúng tôi có kinh nghiệm.”

“Chúng tôi đang tiến lên, đánh bật đối phương ra khỏi vị trí, không nhanh như chúng tôi muốn, nhưng chúng tôi đang tiến lên. Đối phương đã hoảng loạn và phải tung quân dự bị vào đây,” ông nói thêm.

13. Các cáo buộc liên quan đến người rò rỉ tài liệu Ngũ Giác Đài Jack Teixeira đã được Tòa Án giải thích

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Charges Against Alleged Pentagon Leaker Jack Teixeira Explained”, nghĩa là “Các cáo buộc liên quan đến người rò rỉ tài liệu Ngũ Giác Đài Jack Teixeira đã được giải thích.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Thành viên của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Không quân Hoa Kỳ bị cáo buộc làm rò rỉ các tài liệu mật của Ngũ Giác Đài lên một nền tảng truyền thông xã hội đã bị Bộ Tư pháp Hoa Kỳ truy tố, theo một thông cáo của Bộ Tư pháp hôm thứ Năm.

Jack Douglas Teixeira, 21 tuổi, đã bị đại bồi thẩm đoàn liên bang ở Boston, Massachusetts, truy tố sáu tội danh liên quan đến việc cố ý lưu giữ và chuyển giao thông tin mật về phòng thủ quốc gia. Teixeria, người đã gia nhập không quân Hoa Kỳ vào tháng 9 năm 2019 và được cấp giấy chứng nhận an ninh tuyệt mật vào năm 2021, đã bị bắt vào ngày 13 tháng 4 và vẫn bị cơ quan an ninh liên bang giam giữ.

Giám đốc FBI Christopher Wray, người được trích dẫn trong thông cáo cho biết: “ Các cá nhân được cấp giấy phép an ninh được giao nhiệm vụ bảo vệ thông tin mật và bảo vệ bí mật quốc gia của chúng ta. Các cáo buộc trong bản cáo trạng hôm nay cho thấy sự vi phạm nghiêm trọng lòng tin đó.”

Một cuộc điều tra ban đầu được tiến hành vào đầu tháng 4 sau khi các tài liệu mật bắt đầu lan truyền trên mạng xã hội chứa thông tin chi tiết về các cập nhật tình báo của Hoa Kỳ, bao gồm cả thông tin về hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Teixeira, người có giấy phép an ninh tuyệt mật khi đảm nhận vị trí nhân viên điều hành hoạt động phòng thủ mạng tại Lực lượng Vệ binh Quốc gia Không quân Massachusetts, sau đó đã bị xác định và bị buộc tội tải hàng trăm trang thông tin nhạy cảm lên một phòng trò chuyện Discord trực tuyến.

Nếu bị kết tội, binh nhất không quân này có thể phải đối mặt với án tù 10 năm và khoản tiền phạt 250.000 USD cho mỗi tội danh cố ý lưu giữ và chuyển giao thông tin mật.

“Như đã trình bày trong bản cáo trạng, Jack Teixeira được chính phủ Hoa Kỳ giao quyền tiếp cận thông tin quốc phòng mật—bao gồm cả thông tin có thể gây ra thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho an ninh quốc gia nếu được chia sẻ,” Bộ Trưởng Tư Pháp Merrick Garland cho biết.

Khi đưa ra bình luận, Văn phòng Báo chí Quốc gia của FBI đã nói với Newsweek qua email rằng văn phòng không có tuyên bố “bổ sung” nào liên quan đến cuộc điều tra dẫn đến cáo buộc của Teixeira.

Theo bản phát hành của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ hôm thứ Năm, Teixeria lần đầu tiên bị cáo buộc bắt đầu chia sẻ thông tin với nhóm trò chuyện Discord vào Tháng Giêng năm 2022. Thông tin nhạy cảm đã được tải lên trực tuyến bằng hai cách khác nhau: Teixeira đánh máy bản sao của các tài liệu được phân loại hoặc chia sẻ ảnh chụp lên nền tảng. Như Bộ Tư pháp đã lưu ý, những hình ảnh được chia sẻ trong cuộc trò chuyện của nhóm vẫn còn y nguyên các con dấu như “BÍ MẬT” và “TUYỆT MẬT”, “chỉ ra rằng chúng chứa thông tin mật của chính phủ Hoa Kỳ”.

Một bản khai có tuyên thệ trước đây của FBI mô tả sự tương tác với một người dùng Discord, là người đã xem bài đăng của Teixeira về các tài liệu được phân loại và trò chuyện với anh ta về thông tin nói rằng binh nhất không quân này đã thay đổi cách anh ta tải thông tin lên Discord vì “lo ngại” bị phát hiện.

Sau khi lưu hành trên Discord, các tài liệu cũng bắt đầu được truyền trên các nền tảng khác, chẳng hạn như 4Chan, Telegram và Twitter.
 
Hoan hô Piatykhatky giải phóng. Tổng kho đạn Nga nổ suốt ngày Chúa Nhật. Hai trực thăng bị bắn rớt
VietCatholic Media
17:34 18/06/2023


1. Không quân và pháo binh Ukraine phá tan một kho đạn khổng lồ của Nga trong vùng Kherson. Bác bỏ tuyên bố của Putin đã phá hủy 5 hệ thống Patriot của Ukraine. Hoan hô Piatykhatky hoàn toàn giải phóng.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều Chúa Nhật 18 Tháng Sáu, Phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine, Đại Tá Yurii Ihnat cho biết sáng sớm Chúa Nhật các lực lượng không quân và pháo binh Ukraine đã phối hợp tấn công một kho đạn dược “rất quan trọng” tại thị trấn Partyzany, hay còn gọi là Rykove, gần thành phố cảng Henichesk do Nga xâm lược ở khu vực phía nam Kherson.

Partyzany, người Nga gọi là Rykove, nằm trên tuyến đường sắt cách Henichesk khoảng 20km, thành phố cảng dọc biển Azov ở miền nam Ukraine, nơi bị lực lượng Cẩm Linh xâm lược từ những ngày đầu Nga xâm lược Ukraine vào tháng 2/2022.

Kho đạn được bảo vệ cẩn mật bằng một hệ thống phòng không dày đặc. Khoảng 5 giờ sáng, không quân Ukraine từ hai hướng thành phố Kherson và thành phố Zaporizhzhia đã phóng các hỏa tiễn Storm Shadow để làm câm nín hệ thống phòng không của quân xâm lược.

Sau đó, Lữ Đoàn pháo binh số 44 của Ukraine đang tham chiến tại thị trấn Piatykhatky ở khu vực phía nam Zapororizhzhia đã nã pháo liên tục suốt buổi sáng. Từ xa người ta có thể nghe thấy những tiếng nổ rất lớn và những cột khói bốc lên cao, và đạn cháy bay lên bầu trời.

Khi được yêu cầu bình luận về tuyên bố của tổng thống Nga Vladimir Putin tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg, cho rằng Nga đã phá hủy được 5 hệ thống Patriot của Ukraine, Đại Tá Yurii Ihnat cho biết “Chúng tôi chỉ có 2 hệ thống Patriot. Và cả hai đều còn nguyên, tôi không hiểu ông ta lấy đâu ra 5 cái để mà phá hủy. Tôi cho rằng ông ta có thể không hiểu Patriot là gì, hay người ta đã báo cáo sai lầm cho ông ta.”

Trong khi đó, Vladimir Rogov, người Ukraine, một tên phản bội được Nga bổ nhiệm làm thị trưởng thành phố Melitopol xác nhận rằng quân Ukraine đã chiếm được thị trấn Piatykhatky. Tuy nhiên, tên phản bội cho rằng quân Ukraine đang cố thủ ở đó trong khi hứng chịu hỏa lực từ pháo binh Nga.

Ông Ivan Fedorov, là thị trưởng chính thức của thành phố Melitopol cho biết thực ra quân Ukraine đã vượt qua Piatykhatky và đang tiến đánh Tokmak; và tốt nhất là tên phản bội đừng để cho người Ukraine bắt được.

Trong khi đó, BBC Nga và hãng tin Mediazona tiếp tục thu thập dữ liệu về thương vong của quân đội Nga ở Ukraine. Đến ngày 16 tháng 6, họ đã xác minh được cái chết của 251 sĩ quan Nga có cấp bậc từ Trung tá trở lên.

Hai cơ quan truyền thông này lưu ý rằng số người chết thực sự cao hơn nhiều và số các sĩ quan mất tích trong chiến đấu hoặc bị bắt không được biết.

Trong 24 giờ qua, 650 lính Nga đã bị loại khỏi vòng chiến cùng với 7 xe tăng, 23 xe thiết giáp, 13 hệ thống pháo, một hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 2 máy bay trực thăng, và 14 xe chuyển quân và nhiên liệu. 2 chiếc máy bay trực thăng Ka-52 được tường trình nằm trong số các máy bay trực thăng đến tiếp cứu cho bộ binh Nga tại Piatykhatky nhưng đã bị Lữ Đoàn 128 tấn công sơn cước bắn rớt bằng hỏa tiễn phòng không vác trên vai.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 18 Tháng Sáu, 219.820 quân xâm lược Nga đã bị loại khỏi vòng chiến. Tổn thất của quân xâm lược còn bao gồm 3.984 xe tăng, 7.729 xe thiết giáp, 3.847 hệ thống pháo, 610 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 364 hệ thống phòng không, 314 chiến đấu cơ, 304 máy bay trực thăng, 3.371 hệ thống máy bay không người lái chiến thuật, 1.211 hỏa tiễn hành trình, 18 tàu chiến, 6.571 xe chuyển quân và nhiên liệu, và 522 thiết bị chuyên dụng.

2. Bộ trưởng Quốc phòng Nga thừa nhận Nga đang thiếu xe tăng

Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu thừa nhận rằng các lực lượng của Nga đang thiếu xe tăng khi cuộc tấn công của Ukraine ở phía nam và phía đông tiếp tục đẩy lùi tiền tuyến với sự trợ giúp của khí tài phương Tây.

Sergei Shoigu, trong chuyến thăm một nhà máy quân sự ở phía tây Siberia, nói rằng cần phải tăng cường sản xuất xe bọc thép, khi Kyiv tiếp tục công bố những tổn thất nặng nề mà Nga phải gánh chịu.

Shoigu cho rằng việc tăng cường sản xuất xe tăng là cần thiết “để đáp ứng nhu cầu của các lực lượng Nga đang thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt”, trong các bình luận lặp lại ý kiến của Vladimir Putin hồi đầu tuần.

Tổng thống Nga đã nói rằng quân đội của ông thiếu “đạn dược chính xác cao, thiết bị liên lạc, máy bay, máy bay không người lái, v.v.”, nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng Ukraine đã phải đối mặt với “tổn thất thảm khốc” trong hai tuần đầu tiên của cuộc phản công.

3. Nga tuyên bố đẩy lùi cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhắm vào nhà máy lọc dầu

Mạc Tư Khoa cho biết họ đã phá hủy ba máy bay không người lái nhắm vào một nhà máy lọc dầu ở khu vực biên giới phía nam Bryansk, AFP đưa tin.

Thống đốc vùng Bryansk Alexander Bogomaz cho biết: “Các hệ thống phòng không của Nga đã đẩy lùi cuộc tấn công trong đêm của lực lượng vũ trang Ukraine vào nhà máy lọc dầu Druzhba ở quận Novozybkov.”

“Nhờ sự chuyên nghiệp của quân đội chúng ta, ba máy bay không người lái đã bị tiêu diệt.”

Ông không đề cập đến bất kỳ thiệt hại. Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái đã tăng lên gấp bội trong những tháng gần đây.

4. Những kẻ xâm lược muốn sử dụng cảng Mariupol để cung cấp đạn dược cho Vuhledar

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Chúa Nhật 18 tháng Sáu, Vadym Boychenko, thị trưởng thành phố Mariupol, cho biết tại Mariupol bị Nga tạm chiếm, những kẻ xâm lược đang dọn dẹp một tuyến đường sắt chạy từ cảng đến nhà ga để tổ chức vận chuyển đạn dược đến thành phố này, cũng như đến Volnovakha và Vuhledar, vùng Donetsk.

“Quân xâm lược bắt đầu dọn đường ray chạy từ cảng Mariupol đến nhà ga. Họ quyết định sử dụng cảng để cung cấp đạn dược cho tuyến Volnovakha vàVuhledar”

Theo ông, việc giao hàng được lên kế hoạch theo lộ trình sau: từ cảng Mariupol, vũ khí và đạn dược được đưa theo đường sắt đến ngã ba đường sắt Volnovakha rồi dùng xe đưa đến Vuhledar hay thành phố Berdiansk bằng các xe tải, thậm chí bằng xe cứu thương.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm thứ Bẩy 17 Tháng Sáu, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar xác nhận các báo cáo của Nga cho rằng quân Ukraine đã bất ngờ tiến đánh thành phố Mariupol, rõ ràng với ý định cắt đứt tuyến đường tiếp tế này.

5. Các quan chức NATO yêu cầu Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg lưu nhiệm thêm một năm nữa khi cuộc tổng phản công của Ukraine đang diễn ra

Jens Stoltenberg dự kiến sẽ được đề nghị tiếp tục làm tổng thư ký NATO thêm một năm nữa, theo một nguồn tin quen thuộc với các cuộc thảo luận.

Nhiệm kỳ của Stoltenberg đã được kéo dài ba lần và ông sẽ từ chức vào tháng 9 sắp tới, sau 9 năm làm tổng thư ký của liên minh quân sự.

Vị Tổng Thư Ký người Na Uy này nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong liên minh và tiếp tục là một nhà lãnh đạo hiệu quả, theo thông tấn xã Reuters.

Chính quyền Biden đang đưa ra ý tưởng về việc Stoltenberg nên ở lại thêm một năm nữa.

Có vẻ như không có sự đồng thuận vào lúc này trong liên minh về ai sẽ là người thay thế ông.

Khả năng ông Stoltenberg được yêu cầu gia hạn nhiệm kỳ lần thứ tư đã tăng lên khi hội nghị thượng đỉnh ở Vilnius đang đến gần, với các đồng minh lo ngại về sự mất đoàn kết khi NATO tiếp tục đáp trả cuộc chiến của Nga ở Ukraine.

Stoltenberg cho biết vào tháng Hai rằng ông không tìm cách gia hạn thêm nhiệm kỳ của mình. Nhưng ông đã từ chối không trả lời khi được hỏi ông sẽ phản ứng ra sao nếu các thành viên NATO yêu cầu ông ở lại.

Bất cứ ai đóng vai trò này đều phải đối mặt với thách thức kép là giữ các đồng minh cùng hỗ trợ Ukraine trong khi đề phòng bất kỳ sự leo thang nào có thể kéo NATO trực tiếp vào cuộc chiến với Nga.

Trong số những người có khả năng thay thế Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, Bộ trưởng Quốc phòng Vương Quốc Anh Ben Wallace là một nhân vật nổi bật, đặc biệt là sau khi ông đề nghị Vương Quốc Anh trao cho Ukraine hỏa tiễn Storm Shadow. Đây là một trong những quyết định thay đổi sâu sắc tình hình chiến trường Ukraine. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại trong tư cách là Tổng thư ký NATO, Ben Wallace sẽ đưa NATO đến một cuộc chiến trực tiếp với Nga vì lập trường thân thiện của ông với nhóm Bucarest Nine.

Nhóm Bucarest Nine bao gồm 9 nước Đông Âu chủ trương một chính sách cứng rắn với Nga đến mức nếu cần thiết, NATO phải đưa quân vào cứu Ukraine nếu cuộc tổng phản công hiện nay thất bại. Trước mắt, họ cho rằng NATO phải bảo vệ không phận Ukraine và an ninh ở Hắc Hải.

Trong cuộc phỏng vấn với thông tấn xã UkrInform của Ukraine, Tướng Waldemar Skrzyczak, nguyên Tổng Tham Mưu Trưởng quân đội Ba Lan nói:

“Tại hội nghị thượng đỉnh NATO, chúng ta cần đưa ra quyết định mà Kyiv đã yêu cầu từ lâu – đó là đóng cửa không phận đối với Ukraine. Trong trường hợp này, Nga sẽ không thể phóng hỏa tiễn vào Ukraine và máy bay của họ sẽ không thể bay tới đó”.

Nếu Nga tiếp tục không kích vào Ukraine, NATO phải bảo đảm an ninh cho không phận Ukraine bằng cách “gửi lực lượng không quân của mình tới Ukraine để bảo vệ bầu trời Ukraine”. Ông nói thêm rằng đó là lập trường của Ba Lan, Rumani và các quốc gia vùng Baltic; và Liên minh có khả năng bảo đảm điều này.

Ông nói, bước thứ hai là bảo đảm an ninh ở Hắc Hải.

“Cần phải tiến hành một chiến dịch dưới sự bảo trợ của NATO để dọn sạch biển mìn hạn chế hoạt động của nền kinh tế Ukraine, sau đó mở các cảng của Ukraine. Đồng thời, chúng ta cần gửi một tín hiệu rõ ràng tới Nga: trong trường hợp có thêm các hành động gây hấn ở khu vực này, NATO sẽ cử lực lượng của mình để bảo vệ đối tác của mình”, Tướng Skrzyczak nói.

Ông tin rằng Liên minh cuối cùng sẽ bảo đảm an ninh ở Ukraine bằng quân đội của mình, điều này sẽ cho phép tái thiết và phát triển đất nước hơn nữa.

6. Bồ Đào Nha sẽ cung cấp máy bay không người lái cho Ukraine

Nhà sản xuất máy bay không người lái của Bồ Đào Nha Tekever cho biết họ sẽ cung cấp cho Ukraine một số hệ thống có thể bay xa và trong một thời gian dài để hỗ trợ các hoạt động trên bộ và trên biển. Đây là một động thái sẽ được tài trợ bởi Quỹ Quốc tế Vương quốc Anh cho Ukraine.

Đầu tháng này, Bộ Quốc phòng Anh đã chia sẻ một video trên mạng xã hội giới thiệu các thiết bị quân sự được cung cấp cho Ukraine.

Ra mắt vào mùa hè năm ngoái, những đợt giao hàng đầu tiên — được tài trợ bởi Đan Mạch, Iceland, Lithuania, Na Uy, Thụy Điển, Hà Lan và Vương quốc Anh — sẽ bắt đầu đến Ukraine vào tháng Bảy.

Báo cáo cho biết: “Các nhà phân tích tình báo nguồn mở đã nhanh chóng xác định được những thứ cần thiết trên chiến trường Ukraine hiện nay như máy bay quadCopticrs Malloy T150 do công ty Malloy Aeronautics của Anh sản xuất, máy bay không người lái DeltaQuad Pro VTOL do công ty DeltaQuad của Hà Lan sản xuất và hệ thống Astero ISR từ Nordic Wing của Đan Mạch”.

Bộ Quốc phòng Anh từ chối bình luận về các nền tảng cụ thể trong video. Defense News xác nhận rằng một trong hai máy bay không người lái không xác định là hệ thống cất cánh và hạ cánh thẳng đứng Tekever AR3, được sản xuất bởi công ty Tekever có trụ sở tại Lisbon, Bồ Đào Nha.

Giám đốc điều hành và người sáng lập của Tekever, Ricardo Mendes, nói với ấn phẩm rằng công ty “rất tự hào được hỗ trợ Ukraine và cảm ơn Bộ Quốc phòng Vương quốc Anh đã cho phép chúng tôi đóng góp vào một trong những chính nghĩa quan trọng nhất trong cuộc đời của chúng tôi.”

Như đã đưa tin, tại cuộc họp của bộ trưởng quốc phòng các nước tham gia Lực lượng viễn chinh chung ở Hà Lan, Ukraine được thông báo sẽ nhận được gói viện trợ quân sự mới trị giá 92 triệu euro nhằm tăng cường khả năng phòng không.

7. Điện Cẩm Linh tiếp tục dùng lương thực để tống tiền thế giới

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết dường như “không có cơ hội” gia hạn thỏa thuận cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc một cách an toàn qua Hắc Hải thông qua vùng biển do Nga kiểm soát.

“Khó có thể dự đoán bất kỳ quyết định cuối cùng nào ở đây, nhưng tôi có thể nói rằng, xét trên thực tế dựa trên hiện trạng mà chúng tôi có, thỏa thuận này không có cơ hội,” Peskov nói với hãng tin Nga Izvestia trong đoạn phim được đăng trên kênh Telegram của họ.

Peskov cũng nói thêm rằng Nga sẽ xem xét “hành vi” của truyền thông phương Tây và thái độ của các nước này đối với các phóng viên Nga ở nước ngoài khi quyết định có cấp quyền tham dự cho các nhà báo của họ tại các diễn đàn lớn ở Nga hay không.

Các nhà báo từ các quốc gia mà Nga gọi là “không thân thiện” đã không được phép tham dự Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St Petersburg đang diễn ra.

Reuters báo cáo rằng khi được hỏi liệu Mạc Tư Khoa có cho phép các nhà báo phương Tây tham dự các diễn đàn ở Nga trong tương lai hay không, Peskov nói:

“Hãy xem truyền thông nước ngoài sẽ hành xử như thế nào.”

Peskov nói thêm rằng vấn đề cấp phép cũng sẽ phụ thuộc vào cách các nhà báo Nga được đối xử ở các quốc gia “không thân thiện”.

Mạc Tư Khoa sử dụng nhãn hiệu các quốc gia “không thân thiện” cho các nước đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga sau khi nước này xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm ngoái.

8. Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã nhắc lại rằng việc Nga chuyển vũ khí hạt nhân vào Belarus là “hoàn toàn vô trách nhiệm”.

Phát biểu khi rời đi Philadelphia, tổng thống Joe Biden nói với các phóng viên: “Tôi đã bình luận về điều đó nhiều lần – điều đó hoàn toàn vô trách nhiệm,” Sky News đưa tin.

Khi được hỏi liệu ông có giúp Ukraine gia nhập NATO dễ dàng hơn không, ông trả lời: “Không. Bởi vì họ phải đáp ứng các tiêu chuẩn như các nước khác.”

“Vì vậy, tôi sẽ không làm cho nó dễ dàng. Tôi nghĩ họ đã làm mọi thứ liên quan đến việc thể hiện khả năng phối hợp quân sự. Nhưng có toàn bộ vấn đề của hệ thống của chúng tôi nhằm bảo đảm cho liên minh. Đó là những vấn đề như có tham nhũng không? có đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn mà mọi quốc gia khác trong NATO làm không? Tôi nghĩ Ukraine chắc chắn sẽ làm được. Nhưng những điều như thế không tự động.”

9. Putin chửi thề khi đưa ra thông điệp thẳng thừng về cắt giảm vũ khí hạt nhân

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Delivers Blunt Message About Nuclear Arms Reduction”, nghĩa là “Putin đưa ra thông điệp thẳng thừng về cắt giảm vũ khí hạt nhân.”

Tổng thống Nga Vladimir Putin có thông điệp lạnh lùng gửi lãnh đạo phương Tây trong bối cảnh căng thẳng hạt nhân tiếp tục leo thang giữa Mạc Tư Khoa và Washington D.C.

“Chúng tôi có nhiều vũ khí hạt nhân hơn các nước NATO,” Putin nói trong Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg hôm thứ Sáu. “Họ biết về điều đó và họ tiếp tục thúc giục chúng tôi bắt đầu đàm phán để giảm bớt. Đồ chết tiệt, như người ta vẫn nói.”

Bình luận của Putin đã được dịch sang tiếng Anh bởi Anton Gerashchenko, cựu Thứ trưởng Bộ Nội vụ Ukraine, trên Twitter. Các bản dịch khác về tuyên bố của Putin còn kèm thêm một tiếng chửi thề.

Những lời lẽ gay gắt được đưa ra chỉ vài phút sau khi ông Putin tuyên bố Nga đã chính thức chuyển một số đầu đạn hạt nhân chiến thuật tới Belarus như đã hứa trước đó với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, là một đồng minh của Điện Cẩm Linh. Tuy nhiên, Putin nhấn mạnh rằng ông thấy Nga không cần phải ngay lập tức sử dụng những vũ khí như vậy trong cuộc chiến ở Ukraine và nói rằng việc di chuyển các đầu đạn “chính xác là một yếu tố răn đe để tất cả những ai đang nghĩ đến việc gây ra một cuộc tấn công chiến lược nhằm đánh bại chúng tôi hiểu rõ về hoàn cảnh này”.

Chính quyền Nga đã nhiều lần đưa ra khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân kể từ khi Mạc Tư Khoa tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022. Hôm thứ Năm, Maria Zakharova, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nga, nói với các phóng viên rằng Điện Cẩm Linh không loại trừ khả năng này trong việc sử dụng vũ khí hạt nhân để tự vệ, đồng thời nói thêm rằng “việc sử dụng vũ khí hạt nhân theo giả thuyết rõ ràng bị hạn chế bởi các tình huống bất thường trong khuôn khổ các mục đích phòng thủ nghiêm ngặt”.

Putin đã làm căng thẳng thêm các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Nga sau khi tuyên bố trong năm nay rằng Mạc Tư Khoa sẽ đình chỉ việc chấm dứt thỏa thuận được nêu trong Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới, gọi tắt là START. Tòa Bạch Ốc đã nói rằng họ sẵn sàng nói chuyện “không có điều kiện” về tương lai của một hiệp ước vũ khí hạt nhân với Điện Cẩm Linh, nhưng Thứ trưởng Ngoại giao Nga, Serge Ryabkov, cho biết hôm thứ Năm rằng các cuộc trò chuyện gần đây giữa hai đối thủ chỉ “xác nhận quan điểm đối lập, không thể hòa giải của họ”

“Việc đình chỉ New START vẫn có hiệu lực và quyết định này chỉ có thể bị thu hồi hoặc xem xét lại nếu Mỹ thể hiện thiện chí từ bỏ chính sách thù địch cơ bản đối với Liên bang Nga”, Ryabkov nói với trang tin TASS của nhà nước Nga.

Tuy nhiên, phát ngôn viên của Điện Cẩm Linh, Dmitry Peskov, đã tiếp tục phát biểu của Putin vào thứ Sáu, nói với TASS rằng cụm từ “Đồ chết tiệt” không có nghĩa là Mạc Tư Khoa phản đối các cuộc thảo luận về tương lai của các thỏa thuận vũ khí hạt nhân với Washington.

“Nga sẵn sàng đàm phán,” Peskov nói.

Newsweek đã liên hệ qua email tới Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ để bình luận.

10. Tướng Mỹ: Trao xe tăng mà không trao chiến đấu cơ thế hệ thứ tư là không hợp lý

Phân tích tình hình chiến sự trong hai tuần qua, Mark Hertling, cựu tướng chỉ huy quân đội Mỹ ở Âu Châu, nói với NBC News rằng “Trao xe tăng mà không trao chiến đấu cơ thế hệ thứ tư là không hợp lý. Ông kêu gọi Hoa Kỳ và các quốc gia Phương Tây đừng tự dọa mình bằng các luận điệu hù dọa vũ khí hạt nhân của Nga.”

Phân tích về quyết định của Tổng thống Joe Biden cho phép các đồng minh huấn luyện lực lượng Ukraine cách vận hành chiến binh F-16 - và cuối cùng là cung cấp máy bay cho họ - có vẻ như là một sự thay đổi lập trường đột ngột, nhưng theo Tướng Mark Hertling, trên thực tế, đó là một quyết định diễn ra sau nhiều tháng tranh luận nội bộ và lặng lẽ đàm phán với các đồng minh.

Biden đã tuyên bố trong hội nghị thượng đỉnh G7 vào cuối tháng 5 tại Hiroshima, Nhật Bản, rằng Hoa Kỳ sẽ tham gia liên minh F-16. Ông bật đèn xanh sau khi Tổng thống Volodymyr Zelenskiyy dành nhiều tháng để thúc ép phương Tây cung cấp cho lực lượng của ông các máy bay phản lực do Mỹ sản xuất khi ông cố gắng đẩy lùi cuộc xâm lược kéo dài hơn 15 tháng của Nga.

Ẩn sau tính toán của chính quyền Biden là những lo ngại rằng một động thái như vậy có thể làm leo thang căng thẳng với Nga. Các quan chức Mỹ cũng lập luận rằng việc học bay và hỗ trợ hậu cần cho F-16 tiên tiến sẽ rất khó khăn và tốn thời gian.

Nhưng trong ba tháng qua, các quan chức chính quyền đã chuyển sang quan điểm rằng đã đến lúc phải cung cấp cho các phi công của Ukraine chương trình đào tạo và các máy bay cần thiết cho nhu cầu an ninh lâu dài của đất nước.

Tuy nhiên, sự thay đổi quan điểm của Biden dường như khá đột ngột.

Vào tháng 2, Biden đã nhấn mạnh trong một cuộc phỏng vấn với David Muir của ABC rằng Ukraine “hiện không cần F-16” và rằng “hiện tại tôi đang loại trừ khả năng đó”. Và vào tháng 3, một quan chức chính sách hàng đầu của Ngũ Giác Đài, Colin Kahl, nói với các nhà lập pháp Hoa Kỳ rằng ngay cả khi tổng thống phê duyệt F-16 cho Ukraine, thì có thể mất tới hai năm để các phi công Ukraine được đào tạo và trang bị.

Nhưng khi chính quyền công khai hạ thấp triển vọng cung cấp F-16 cho Ukraine trong thời gian tới, một cuộc tranh luận nội bộ đang nóng lên.

Theo Tướng Mark Hertling các cuộc thảo luận thầm lặng tại Tòa Bạch Ốc đã được tăng cường vào tháng 2, vào khoảng thời gian Biden đến thăm Ukraine và Ba Lan.

Các quan chức cho biết sau chuyến đi, các cuộc thảo luận bao gồm các quan chức cấp cao của Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc, gọi tắt là NSC, Ngũ Giác Đài và Bộ Ngoại giao đã bắt đầu bàn về những ưu và nhược điểm cũng như chi tiết về cách thức hoạt động của một cuộc chuyển giao như vậy. Các quan chức chính quyền cũng tham vấn sâu hơn với các đồng minh.

Vào tháng 4, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã nghe các nhà lãnh đạo quốc phòng từ các nước đồng minh trong cuộc họp của Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine, những người đang tìm kiếm sự cho phép của Hoa Kỳ để huấn luyện người Ukraine sử dụng F-16. Austin đã nêu vấn đề này trong các cuộc thảo luận về chính sách của NSC và đã có sự đồng ý rằng đã đến lúc bắt đầu đào tạo.

Austin cũng nêu vấn đề với Biden trước hội nghị thượng đỉnh G7 với khuyến nghị “tiến hành phê duyệt các đồng minh” huấn luyện người Ukraine và chuyển giao máy bay, quan chức của bộ cho biết. Các quan chức cho biết Ngoại trưởng Antony Blinken cũng là người ủng hộ mạnh mẽ việc thúc đẩy kế hoạch trong các cuộc đàm phán chính sách của Hoa Kỳ và truyền đạt tới Biden sự cấp bách ngày càng tăng của Âu Châu về vấn đề này.

Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan đã tới Luân Đôn vào ngày 8 tháng 5 để đàm phán với các đồng minh Anh, Pháp và Đức về Ukraine, và F-16 là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự. Họ đã thảo luận chi tiết về cách tiến hành đào tạo và quốc gia nào có thể sẵn sàng chuyển máy bay phản lực tới Ukraine. Theo một trong các quan chức, người ta đã đồng ý rằng trọng tâm sẽ là đào tạo trước.

Sullivan, trước khi rời London, đã nói chuyện qua điện thoại với những người đồng cấp từ Hà Lan và Ba Lan, cả hai quốc gia đều có F-16 và “sẽ rất cần thiết cho bất kỳ nỗ lực nào nhằm cung cấp máy bay phản lực cho Ukraine cho bất kỳ mục đích sử dụng nào trong tương lai”. Quan chức này cho biết thêm Đan Mạch cũng có khả năng cung cấp máy bay phản lực.

Biden và Sullivan đã thảo luận về hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima có thể tạo cơ hội tốt như thế nào để ông thuyết phục các đồng minh chủ chốt về lập trường thay đổi của chính quyền Hoa Kỳ đối với chiến đấu cơ thế hệ thứ tư.

Họ cũng thảo luận về việc Biden ủng hộ các đồng minh cung cấp máy bay phản lực cho Ukraine - một ranh giới mà trước đây ông dường như không muốn gạch bỏ vì lo ngại rằng nó có thể lôi kéo phương Tây vào điều có thể được coi là đối đầu trực tiếp với Mạc Tư Khoa.

Biden, trong cuộc nói chuyện riêng với các nhà lãnh đạo G7 tại Hiroshima, đã xác nhận rằng Hoa Kỳ sẽ đứng sau nỗ lực chung để đào tạo các phi công Ukraine về F-16 và khi mọi việc diễn ra, họ sẽ cùng nhau thảo luận về việc ai sẽ cung cấp chúng và bao nhiêu. sẽ được gửi đi.

Theo Tướng Mark Hertling, các quan chức Nhà nước, Ngũ Giác Đài và NSC hiện đang phát triển kế hoạch huấn luyện và “khi nào, ở đâu và làm thế nào để cung cấp F-16” cho Ukraine như một phần của nỗ lực an ninh dài hạn.

Các quan chức Hoa Kỳ cho biết sẽ mất vài tháng để xác định chi tiết, nhưng Không quân Hoa Kỳ đã âm thầm xác định rằng việc huấn luyện thực tế có thể được thực hiện trong khoảng bốn tháng. Lực lượng Không quân dựa trên ước tính ngắn hơn nhiều về chuyến thăm của hai phi công Ukraine tới căn cứ không quân Hoa Kỳ vào tháng 3, nơi họ tìm hiểu về F-16 và các thiết bị bay mô phỏng. Các quan chức cho biết, khóa đào tạo sẽ diễn ra ở Âu Châu.

Chính quyền đã tập trung vào việc cung cấp vũ khí cho Ukraine - bao gồm hệ thống phòng không, xe bọc thép, thiết bị cầu nối và pháo binh - cần thiết cho một cuộc phản công sắp tới. Cũng có những lo ngại rằng việc gửi F-16 sẽ ngốn một phần đáng kể số tiền được phân bổ cho Ukraine.

Theo Tướng Mark Hertling, một yếu tố thiết yếu dẫn đến sự thay đổi là các đồng minh khác đã sẵn sàng cung cấp máy bay phản lực của riêng họ như một phần của liên minh có trụ sở tại Hoa Kỳ.

Chính quyền Biden vẫn đang xem xét liệu họ có trực tiếp cung cấp F-16 của riêng mình cho Ukraine hay không. Bất chấp điều đó, nó cần sự tham gia của các đồng minh khác vì Mỹ sẽ không thể cung cấp đầy đủ phi đội máy bay phản lực mà Zelenskiyy nói là cần thiết.

Một vấn đề tiềm năng khác trong cuộc trò chuyện về F-16 liên quan đến Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ muốn mua 40 chiếc F-16 mới từ Mỹ, nhưng một số thành viên Quốc hội phản đối việc bán này cho đến khi Thổ Nhĩ Kỳ chấp thuận tư cách thành viên NATO cho Thụy Điển, quốc gia đã nộp đơn xin gia nhập liên minh sau cuộc xâm lược Ukraine của Nga.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã phản đối việc Thụy Điển ủng hộ Đảng Công nhân người Kurd, gọi tắt là PKK, nhóm cực đoan cánh tả DHKP-C và những người theo giáo sĩ Hồi giáo sống ở Mỹ Fethullah Gulen, người mà Ankara tuyên bố đứng sau một âm mưu đảo chính quân sự thất bại vào năm 2016.

Sau khi Erdogan giành được chiến thắng như dự kiến, các quan chức Tòa Bạch Ốc ngày càng hy vọng rằng nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ sẽ rút lại sự phản đối việc Thụy Điển trở thành thành viên.

Nếu ông Erdogan không phản đối việc Thụy Điển gia nhập NATO, điều đó có thể dẫn đến việc Thổ Nhĩ Kỳ nhận được những chiếc F-16 mà họ mong muốn từ lâu và cuối cùng có thể bổ sung vào số lượng những chiếc F-16 cũ hơn đang lưu hành, điều này có thể mang lại lợi ích cho Ukraine.
 
Phụ nữ ngông cuồng đập phá nhà thờ. Chính Thống Giáo bối rối trước lá thư Kirill gởi Tập Cận Bình
VietCatholic Media
17:37 18/06/2023


1. Người phụ nữ bị buộc tội phá hoại nhà thờ Công Giáo Miami, và mạo phạm bàn thờ

Một phụ nữ đã bị bắt và bị buộc tội sau khi cô ta bị cáo buộc phá hoại Nhà thờ Công Giáo Thánh Timôthêô ở Miami trong một cuộc tấn công vào Thứ Bảy, ngày 10 tháng Sáu, mà cảnh sát cho rằng có động cơ là thành kiến tôn giáo.

Trong cuộc họp báo hôm thu-thứ Sáu 16 Tháng Sáu, Alfredo Freddy Ramirez III, Giám đốc Sở Cảnh sát Miami-Dade cho biết Alfa Illescas, 44 tuổi, đã bị camera an ninh bắt gặp đang phun sơn những từ ngữ mang tính chất bài Công Giáo và một cây thánh giá lộn ngược trên tường nhà thờ, trên một biển báo và những hàng cột trong sân trường của nhà thờ.

Cảnh sát cho biết đoạn phim cũng cho thấy Illescas đá vào các thùng rác, tiến đến bàn thờ Đức Mẹ và phun sơn vào một camera an ninh đối diện với bàn thờ.

Sau khi điều tra thêm, cảnh sát phát hiện ra rằng Illescas đã “đẩy” và phá vỡ các phần của một bàn thờ khác phía trước nhà thờ.

Illescas được xác định tại nơi ở của cô ấy mặc bộ quần áo giống như trong đoạn phim an ninh và sau đó bị bắt.

“Dựa trên bằng chứng được cung cấp, nạn nhân bị hung thủ nhắm đến dựa trên tôn giáo của họ và tội ác gây ra được thực hiện với thành kiến,” một báo cáo của cảnh sát cho biết.

Báo cáo cho biết chi phí thiệt hại ước tính là 3.000 USD. Illescas bị buộc tội phạm trọng tội hình sự.

Ông Alfredo, cho biết: “Những nơi thờ phượng là một phần quan trọng trong cộng đồng của chúng ta, nơi nhiều người đến cầu nguyện và thực hành niềm tin tôn giáo của họ.

“Tôi rất tự hào về sự kiên trì và làm việc chăm chỉ của các điều tra viên Cục An ninh Nội địa của chúng ta để bắt giữ cá nhân chịu trách nhiệm về tội ác vô nghĩa này,” ông nói thêm.

Trong một tuyên bố gửi cho NBC Miami, Tổng giáo phận Miami cho biết phụ huynh có con học tại trường của giáo xứ đã tình nguyện dọn dẹp những bức vẽ bậy.

“Đây là một bi kịch khi một nơi linh thiêng như trường Công Giáo và tài sản của nhà thờ bị phá hoại. Đó là một tội ác do thù ghét,” tổng giáo phận nói với CNA hôm thứ Ba.

“Tổng giáo phận Miami và các quản lý viên của nhà thờ Thánh Timôthêô đang hợp tác đầy đủ với cuộc điều tra,” tuyên bố cho biết.

Tổng giáo phận cho biết: “Lòng tốt của các bậc cha mẹ là điều hiển nhiên khi họ có mặt ngay tại chỗ để giúp dọn dẹp và sửa chữa những thiệt hại đáng hổ thẹn.

“Chúng tôi đã biết về vụ bắt giữ người phụ nữ nhanh chóng được xác định danh tính và xin cầu nguyện cho tất cả những người hiện đang đi trên hành trình này - những người sợ hãi, những người tức giận và cho nghi phạm để có thể tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn.”

Ana Fernandez, phụ huynh có con học tại trường, nói với NBC Miami rằng cô lo lắng nhưng không ngạc nhiên về vụ tấn công “vì các Kitô hữu đang bị tấn công và bạn thấy điều đó trên khắp thế giới.”


Source:Catholic News Agency

2. Tòa Thượng Phụ Đại Kết Chính Thống Giáo cảm thấy bối rối trước thư chúc mừng của Thượng phụ Mạc Tư Khoa gửi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Tờ Orthodox Times của Tòa Thượng Phụ Đại Kết Chính Thống Giáo Constantinople đã bày tỏ sự ngỡ ngàng và bối rối trước lá thư của Thượng Phụ Kirill gởi cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Thượng phụ Kirill của Mạc Tư Khoa và Toàn Nga đã gửi thư chúc mừng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhân dịp ông này tròn 70 tuổi.

Trong thư ngài Thượng Phụ Kirill đã viết rằng, “trong suốt những năm dài của nhiệm kỳ, ngài đã chứng tỏ rằng ngài là một chính trị gia có tầm nhìn xa và khôn ngoan, có khả năng suy nghĩ chiến lược và có khả năng đạt được mục tiêu của mình.”

Thượng phụ Kirill viết tiếp rằng: “Ở tầm vóc vĩ mô, Trung Quốc ngày nay là một trong những cường quốc hàng đầu thế giới nhờ vào công việc của ngài và điều đó cho thấy những thành công lớn của ngài trong lĩnh vực kinh tế-xã hội.”

Thượng Phụ Kirill cũng cảm ơn chủ tịch Trung Quốc “đã đặc biệt quan tâm đến việc thiết lập các nguyên tắc công bằng trong xã hội Trung Quốc và đã nỗ lực hết sức để tăng cường tình hữu nghị giữa nhân dân Nga và Trung Quốc cũng như phát triển quan hệ kinh doanh và văn hóa giữa hai nước.”

Thượng phụ Mạc Tư Khoa tuyên bố rằng “các tín hữu của Giáo hội Chính thống Tự trị Trung Quốc, được thành lập nhờ các hoạt động của Phái bộ Giáo hội Nga, cũng nỗ lực đóng góp vào việc này.”

Kết thúc bức thư chúc mừng của mình, Kirill nhấn mạnh rằng ông hy vọng sự phát triển hơn nữa của cuộc đối thoại “giữa lãnh đạo của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Giáo hội Chính thống Nga”.

Tòa Thượng Phụ Đại Kết Chính Thống Giáo Constantinople đã bày tỏ sự ngỡ ngàng và bối rối trước lá thư của Thượng Phụ Kirill gởi cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vì qua các chiến dịch công khai triệt hạ thánh giá, Hán hóa Kitô Giáo, bách hại thẳng tay các tín hữu Kitô và hàng giáo phẩm, Tập Cận Bình nổi lên là một nhà độc tài nguy hiểm nhất thời hiện đại đối với niềm tin Kitô.

Tuy nhiên, tờ Orthodox Times nhận định rằng lá thư của Thượng phụ Kirill gửi cho chủ tịch Trung Quốc xét cho cùng cũng không có gì đáng ngạc nhiên, vì Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa đã hoàn toàn đồng ý với các quyết định và chính sách của Điện Cẩm Linh.

Người ta cũng biết rằng quan hệ giữa hai quốc gia là tốt đẹp và dự kiến sẽ duy trì như vậy chừng nào cuộc chiến ở Ukraine còn kéo dài.

Các nhà phân tích quốc tế nhận xét rằng “sự hợp tác” này giữa hai nước đã tăng lên ngoài mọi kỳ vọng trước đó của hầu hết các nhà quan sát phương Tây.


Source:Orthodox Times

3. Nhìn vào xu hướng di cư đằng sau vụ đắm tàu mới nhất ngoài khơi Hy Lạp

Vụ đắm tàu chết người hôm thứ Tư ngoài khơi miền nam Hy Lạp, liên quan đến một chiếc thuyền lớn chở người di cư bị lật sau khi dường như từ chối lời đề nghị giúp đỡ, chỉ là trường hợp mới nhất của những kẻ buôn lậu chất đầy người lên những con tàu tuyệt vọng sẵn sàng mạo hiểm mạng sống của họ để đến lục địa Âu Châu.

Chuyến đi từ Libya hoặc Tunisia qua Trung Địa Trung Hải và phía bắc đến Âu Châu là tuyến đường di cư nguy hiểm nhất trên thế giới, theo Tổ chức Di cư Quốc tế của Liên Hiệp Quốc.

Dưới đây là một cái nhìn về tình hình ở Địa Trung Hải và một số chi tiết của thảm kịch mới nhất:

Lực lượng bảo vệ bờ biển, hải quân, tàu buôn và máy bay của Hy Lạp đã phát động một chiến dịch tìm kiếm và cứu nạn quy mô lớn sau khi chiếc thuyền đánh cá chở quá tải bị lật và chìm vào sáng sớm thứ Tư, cách phía nam bán đảo Peloponnese khoảng 75 km về phía tây nam.

Cho đến nay, 79 thi thể đã được trục vớt và 104 người đã được giải cứu. Không rõ có bao nhiêu người mất tích, nhưng một số báo cáo ban đầu cho thấy hàng trăm người có thể đã ở trên tàu. Nếu điều đó được xác nhận, vụ đắm tàu này có thể trở thành vụ tai nạn chết người nhiều nhất trong năm nay.

Lực lượng bảo vệ bờ biển cho biết chiếc thuyền đã từ chối một số đề nghị hỗ trợ của cả lực lượng bảo vệ bờ biển và tàu buôn trong khu vực bắt đầu từ thứ Ba. Cơ quan này cho biết trong một tuyên bố rằng thuyền trưởng của con tàu “muốn tiếp tục đến Ý.”

Tuy nhiên, Alarm Phone, một mạng lưới các nhà hoạt động điều hành đường dây nóng cho các thuyền di cư gặp nạn, cho biết họ đã liên lạc với những người mà họ tin là ở trên cùng một con tàu và những người đang rất cần được giúp đỡ. Các hành khách báo cáo rằng thuyền trưởng đã rời bỏ con tàu trên một chiếc thuyền nhỏ trước khi nó bị lật, Alarm Phone cho biết.

Vincent Cochetel, đặc phái viên của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn ở Tây và Trung Địa Trung Hải, đã tweet rằng “chiếc thuyền này không xứng đáng đi biển”.

Nhiều người di cư tìm cách bỏ qua Hy Lạp và đến Ý, nơi họ có thể dễ dàng tiếp tục hành trình về phía bắc tới gia đình và các cộng đồng di cư khác ở những nơi khác.

Nếu những người di cư được chính quyền Hy Lạp giải cứu, họ sẽ phải đi qua vùng Balkan thường thù địch để đến Tây hoặc Bắc Âu. Tuyến đường phía bắc từ Ý gần hơn và thường dễ tiếp cận hơn.

Hầu hết những người di cư đến Hy Lạp đều đi từ Thổ Nhĩ Kỳ, đến các hòn đảo phía đông Hy Lạp gần đó trên những chiếc thuyền nhỏ hoặc băng qua sông Evros - được gọi là Meric ở Thổ Nhĩ Kỳ - chạy dọc biên giới đất liền.

Làn sóng di cư đã giảm mạnh trong những năm gần đây khi Hy Lạp tăng cường tuần tra trên biển và xây dựng một hàng rào biên giới dọc theo Evros. Nhưng quốc gia này phải đối mặt với những cáo buộc dai dẳng từ những người di cư, các nhóm nhân quyền và các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ rằng họ đã trả lại những người di cư qua biên giới cho Thổ Nhĩ Kỳ, ngăn cản họ xin tị nạn một cách bất hợp pháp. Athens đã nhiều lần phủ nhận điều đó.


Source:AP