Ngày 17-06-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Những chọn lựa
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
07:00 17/06/2010
CHÚA NHẬT 13 THƯỜNG NIÊN, năm C

Lc 9, 51-62

Đời là một cuộc hành trình đức tin, đòi người theo Chúa phải phấn đấu, vượt thắng, hy sinh và chọn lựa liên lỉ, chọn lựa không ngừng. Chọn lựa nào cũng phải chịu mất mát, hy sinh, thiệt thòi.Kitô hữu không thể bắt cá hai tay vừa chọn Chúa, vừa chọn ma quỉ…Theo Chúa phải “từ bỏ mình, vác thập giá mà theo Ngài “. Ai bắt cá hai tay vẫn luôn là người bị thiệt thòi nhiều nhất.Bài Tin Mừng và hai bài đọc Chúa nhật 13 thường niên, năm C sẽ cho chúng ta hiểu rõ theo Chúa phải thế nào ?

Thực tế, đọc bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy những ví dụ Chúa đưa ra về ba trường hợp của ba hạng người xin đi theo Chúa, mang tính hài hước và thật dí dỏm. Người thứ nhất xin được đi theo Chúa đến bất cứ nơi đâu, đến bất cứ chỗ nào. Tuy nhiên, Chúa bắt người ấy phải chọn lựa: hoặc phải được yên ổn có nhà có cửa, có nơi trú ẩn êm đềm, ổn định.Hoặc chấp nhận đời sống lưu linh lưu địa, không bảo đảm, đời sống thật bấp bênh: ” Chồn có hang, chim có tổ, nhưng Con người không có chỗ dựa đầu “ ( Lc 9, 58 ). Người thứ hai xin đi theo Chúa nhưng còn lưu luyến gia đình. Chúa trả lời ngay: ” Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết. Còn anh, anh hãy đi loan báo triều đại Thiên Chúa “ ( Lc 9, 54 ). Chúa đòi hỏi anh phải chọn lựa giữa người thân và việc rao giảng Tin Mừng. Người thứ ba xin đi theo Chúa, nhưng xin được về từ biệt gia đình, người thân, Chúa đòi hỏi anh phải chọn lựa cách thật dứt khoát, kiên quyết: ” Ai đã tra tay cầm cày mà còn quay lại đằng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa “ ( Lc 9, 62 ).

Ở đây, chúng ta không thể nói rằng: ” Chúa không quan tâm tới gia đình, cha mẹ “. Ngay điều răn thứ tư trong thập giới đã viết: ” Thảo kính cha mẹ “…hoặc “…Kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì sẽ phải xử tử “ ( Mt 15, 4 ). Mặc dầu Chúa dạy như thế nhưng Ngài khuyên chúng ta phải biết chọn lựa cái gì là ưu tiên, cái gì là thứ yếu. Người môn đệ của Chúa không phải là không quan tâm tới những tình cảm huyết nhục của gia đình hay không để ý gì đến những tình cảm huynh đệ, tình bạn thân thương, nhưng Chúa muốn người môn đệ hãy coi trọng việc tìm kiếm Nước Chúa trên hết mọi sự ở thế gian này. Đó là mục đích và đó là cứu cánh của những môn đệ của Chúa. Cuộc đời là cuộc hành trình liên lỉ. Do đó, đời con người đòi phải có những quyết định cho từng sự việc, từng thời gian, thời điểm vv…Những chọn lựa, những quyết định của cuộc đời người sẽ làm nên con người, làm nên cuộc sống riêng tư của từng người. Đời sống của những môn đệ Chúa là tiếng đáp trả dứt khoát tình thương của Chúa gọi mời. Chúa kêu gọi con người: ” Tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa “. Nước Thiên Chúa mà người Kitô hữu phải tìm kiếm là Tin Mừng, là chính Thiên Chúa, nên nó luôn đòi hỏi môn đệ Chúa phải can đảm, mãnh liệt đáp trả lại tiếng gọi yêu thương của Chúa. Đời người là những chặng đường, là cuộc hành trình liên lỉ, lâu bền, là cuộc hải hành không mệt mỏi, nó đòi hỏi người môn đệ đáp trả nhiều lần lời mời gọi tình yêu của Chúa. Cuộc đời của con người được đan kết bằng nhiều chuỗi sự kiện. Chúa nói: ” Hãy tìm Nước Thiên Chúa…”. Nhiều khi chúng ta nghe lời của Chúa nhưng chúng ta lại quên chọn Chúa. Chúng ta thường chọn sở thích, chọn mình hơn chọn Chúa. Do đó, chúng ta chưa hiểu thế nào là lắng nghe và tuân theo, thực hành lời Chúa, thế nào là Tin Mừng, thế nào là thế gian ?

Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm lòng tin cho chúng con để mỗi người chúng con biết chọn Chúa hơn là chọn bản thân. Amen.
 
Hành trang theo Chúa: Cầu nguyện
Lm. Jude Siciliano, OP
07:21 17/06/2010
CHÚA NHẬT 12 THƯỜNG NIÊN - C

Dcr 12: 10-11; Tv 63; Gl 3: 26-29; Lc 9: 18-24

Bài Phúc âm hôm nay có vẻ như một bài kiểm tra trong lớp học. Thầy giáo đặt câu hỏi và học sinh hăm hở đưa tay trả lời. Chúng ta nghe câu Chúa Giêsu hỏi: “Dân chúng nói Thầy là ai?” Câu trả lời ngay: “Ông Gioan Tẩy Giả”, “Elia”, “Một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại”.

Chúng ta nghe các câu trả lời, nhưng các bạn có biết phản ứng của các gương mặt của những người trả lời ra sao không? Chắc những người này đã kéo đoàn hò reo đi theo một thủ lĩnh với đầy tham vọng và đắc ý. Họ đang đi với một thủ lĩnh đang rao giảng và được dân chúng ủng hộ. Họ chỉ có suy nghĩ đơn giản là coi Thầy họ ngang hàng với Gioan Tẩy Giả, Elia, hay một ngôn sứ? Các môn đệ đang nghĩ họ đang tiến đến vinh quang. Có thể đúng thật, nhưng không phải loại vinh quang như các ông đang nghĩ.

Trong lớp, khi học sinh không trả lời đúng câu hỏi, thì Thầy giáo đặt lại câu hỏi theo cách khác. Đó là việc Chúa Giêsu làm. Chúa Giêsu lại đặt câu hỏi chú trọng vào các ông, mong rằng các ông sẽ trả lời đúng kinh nghiệm của các ông về Thầy họ. “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”. Phêrô, thủ lĩnh của nhóm, đôi khi cũng không trả lời đúng câu hỏi được. Nhưng, lần này, Phêrô có vẻ trả lời đúng “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”.

Gương mặt của Phêrô trong lúc trả lời trông ra sao? Có vẻ tôn kính, hay kính sợ? Hài lòng vì mình trả lời đúng? Phêrô trả lời đúng, nhưng ông ta hiểu sai về phong cách Chúa Giêsu là “Đấng Kitô của Thiên Chúa”. Các môn đệ, kể cả Phêrô, còn phải tìm hiểu nhiều về Chúa Giêsu là ai. Vì thế khi thầy giáo bảo các học sinh im lặng có nghĩa là các em còn phải học hỏi nhiều. Cũng vậy, đối với các tông đồ, Chúa Giêsu muốn các ông luôn học hỏi về Ngài. Và các buổi học sau Chúa Giêsu dạy cho các ông về tin mừng Ngài đem đến. Là “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.”

Sau đó Chúa Giêsu bắt đầu hành trình đi Giê-ru-sa-lem. (Chúng ta sẽ nghe đoạn này phúc âm thánh Luca tuần tới). Ngài dạy các ông nhiều lần nữa trong lúc các ông đồng hành với Thầy lên thành thánh. Trên đường đi các ông sẽ nghe Thầy dạy dỗ; Thầy sẽ tranh luận với các lãnh đạo tôn giáo, và các ông sẽ trông thấy Thầy chữa bệnh và tha thứ cho người tội lỗi. Suốt mùa Hè cho đến tháng 11, chúng ta sẽ cùng đi với các ông, và sẽ nghe các câu chuyện Phúc âm trên đường lên Giê-ru-sa-lem.

Các môn đệ sẽ hiểu biết thêm Chúa Giêsu là ai. Nhưng cuối cùng, các ông sẽ ngỡ ngàng và bị khủng hoảng vì sự đau khổ của Chúa Giêsu và các ông sẽ bỏ chạy mất. Là Thầy các ông, Chúa Giêsu không bỏ rơi các ông. Ngài sẽ chịu đau khổ và chịu chết, nhưng, như Thầy đã nói với các ông là đó không phải là kết thúc câu chuyện “Đến ngày thứ ba” Thầy sẽ chỗi dậy. Lúc bấy giờ, các ông chưa hiểu Thầy muốn nói gì trên con đường vinh quang các ông đang đi. Nhưng, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục dạy dỗ các ông, cho đến khi Ngài trở về với Chúa Cha. Rồi Chúa Giêsu sẽ gởi Thánh Thần xuống trên các ông, vì ngay đoạn đầu Phúc âm chúng ta đã nghe Gioan Tẩy Giả nói: "Đấng đến sau ông sẽ “làm phép rửa trong Thánh Thần và lửa” (Lc 3:16)

Các môn đệ cần phải hiểu các phép lạ Chúa Giêsu làm, và sự hoan hô của đám đông, không đáp đúng câu hỏi của Chúa Giêsu. “Còn anh em, anh em nghĩ Thầy là ai?” Tháng vừa qua, chúng ta mừng lễ Chúa Thánh Thần. Chúng ta đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần mà Chúa Giêsu đã hứa. Nhưng, thử hỏi chúng ta có biết gì nhiều hơn các môn đệ trong lúc các ông đi theo Chúa Giêsu lên Giê-ru-sa-lem không? Hôm nay Chúa Giêsu cho chúng ta chút ánh sáng để hiểu biết thêm về việc làm môn đệ của Ngài là thế nào, và tôi muốn nói sang đề tài khác. Tôi cũng như một học sinh đang gặp một bài học khó hiểu. Tôi đợi đến giờ chơi để ra khỏi lớp.

Đối với môn đệ của Chúa Giêsu, không có niềm vui sâu đậm nào mà không có bóng dáng ơn Chúa Thánh Thần. Nói vậy không có nghĩa là đối với người môn đệ, đường lên Giê-ru-sa-lem là một hành trình vui vẻ đâu. Hôm nay Chúa Giêsu nói cho các môn đệ biết là ai muốn theo Ngài có thể phải trả một giá đắt là sẽ bị chết. Nếu theo Chúa Giêsu là lên đường thắng cuộc, thì chúng ta nên kết luận rằng thắng cuộc là do bởi sự cố gắng của chúng ta. Chúng ta làm việc nhiều, cố gắng nhiều và chúng ta thắng cuộc. Nhưng, ngược lại, khi chúng ta theo chân Chúa Giêsu, chúng ta nghiệm lại sự yếu đuối, và thất bại như các môn đệ đã gặp. Và rồi, chúng ta lại tìm thấy sự vui vẻ mới, và chúng ta kiên trì trong đau khổ, và điều đó do bởi Chúa Thánh Linh của Đấng đã hứa là Ngài sẽ chỗi dậy vào ngày thứ ba phải không?

Chúng ta hiểu ngay vì sao bài Phúc âm hôm nay liên hệ đến bài đọc thứ nhất của ngôn sứ Zacaria.

Đối với nhiều người, ngôn sứ viết về người chịu khổ là một điều khó hiểu. Mặc dù chúng ta không hiểu ngôn sứ có ý gì, nhưng các Kitô Hữu tiên khởi hiểu đoạn văn này ám chỉ Chúa Kitô. Ngôn sứ Zacaria có thể viết về một số người tốt và huy hoàng trong quá khứ, và ngay cả đến bây giờ, đã bị chịu khổ hình vì họ giúp đỡ người khác. Tiếc thay số các thánh chịu chết vì đạo rất nhiều. Không ai có thể biết được người nào đại diện Thiên Chúa, và theo đường Thiên Chúa có thể dắt đến đỉnh tối cao đó.

Zacaria diễn tả Thiên Chúa là “Thần Khí ơn huệ và khấn nguyện” đối với những người chống đối lại. Và rồi, như một tấm màn được vén lên, những người đó sẽ trông thấy sự dữ họ đã làm (chúng sẽ nhìn lên Ta, người chúng đã đâm, chúng sẽ khóc than như người ta khóc than người con một…”) và họ sẽ thay lòng đổi dạ và trở về với Thiên Chúa. Sự tha thứ của Thiên Chúa sẽ như “suối mở ra… để tẩy rửa tội lụy và uế nhơ”.

Hãy trở về với lớp học chúng ta. Chúng ta tập ăn năn như các môn đệ một cách máy móc, không như đức tin mà chúng ta đã tuyên xưng. Chúng ta chỉ trả lời “xin vâng” trên môi hay “Thầy là Đức Kitô” mép thôi nhưng lại không chấp nhận lối sống của Đấng Kitô, vì chúng ta chọn sự khai thác hơn là phục vụ; chọn sự lấy lòng hơn ngay thẳng; chọn sự tích lũy hơn là chia sẻ; chọn quyền uy hơn bình đẳng; chọn lên án hơn là tha thứ.

Chúng ta thấy rõ là Chúa Giêsu đã nói là làm môn đệ của Ngài không phải là việc làm bán thời gian: Chỉ là vào ngày Chúa Nhật ở nhà thờ và đôi khi hãy làm vài việc thiện trong cả tuần. Vác thánh giá không phải là hành động trong ngày thứ Sáu Tuần thánh, nhưng phải luôn vác khi nào chúng ta cảm thấy có năng lực. Và cũng không phải hy sinh vì danh thánh Chúa Giêsu là việc dành riêng cho các thánh Tử đạo mà thôi. Trái lại, Chúa Giêsu đòi hãy hy sinh mạng sống mình vì danh Ngài hàng ngày. Vì thế, trong suốt đời theo làm môn đệ Chúa. Và việc vác thánh giá không chỉ dành riêng cho một số ít người, nhưng tất cả chúng ta, các môn đệ đều phải làm để theo Chúa Giêsu.

Bài Phúc âm hôm nay bắt đầu “Hôm ấy, Đức Giêsu cầu nguyện một mình”. Việc cầu nguyện là điểm chính trong phúc âm thánh Luca, và thường xảy ra trước một việc quan trọng. Thí dụ: trước khi Chúa Giêsu chịu phép rửa (3:21); trước khi Chúa Giêsu chọn mười hai tông đồ (6:12); Phêrô tuyên xưng đấng Kitô trước khi Chúa Giêsu tiên báo sự đau khổ của Ngài (9:18); trước khi Chúa Giêsu dạy các môn đệ đọc kinh “Lạy Cha” (11:2) v.v… Thánh Luca thường viết Chúa Giêsu đi một mình để cầu nguyện.

Người đọc Phúc âm thánh Luca cần phải học hỏi để trở nên môn đệ Chúa không chỉ do lời dạy của Chúa Giêsu, hay là người đó có lòng đạo đức tốt mà thôi. Nhưng thật ra, chúng ta học cầu nguyện nơi Chúa Giêsu vì Ngài luôn cầu nguyện; đó là hành trang của chúng ta trên đường đi theo Ngài, ngay cả khi chúng ta cùng chịu đau khổ vì Ngài tại Giê-ru-sa-lem. Ai lại muốn theo Thầy khi nghe thầy bảo hãy chịu đau khổ? Ai lại muốn khi làm môn đệ thì phải luôn chịu hy sinh? Ở Brooklyn, người ta thường trả lời vấn nạn này bằng câu “hãy thử xem”.

Nhưng, Phúc âm thánh Luca (và sách Công vụ Tông đồ) hứa với chúng ta là chúng ta không đi một mình chúng ta trên đường đời. Chúng ta, những người đã nhận Bí tích Rửa tội, đã được Chúa Thánh Linh cho chúng ta năng lực và xức dầu chúng ta để hàng ngày giúp chúng ta làm việc bổn phận. Có lẽ vì thế mà thánh Luca nói Chúa Giêsu năng cầu nguyện để nhắc chúng ta luôn cầu nguyện. Vì khi cầu nguyện, mắt chúng ta sẽ được mở ra, và chúng ta sẽ cảm nhận được Chúa Giêsu và Chúa Thánh Linh đang cùng đồng hành với chúng ta trên đường đi Giê-ru-sa-lem.

Chuyển ngữ FX. Trọng Yên, OP
 
Căn Tính Kitô Hữu
PM. Cao Huy Hoàng
11:21 17/06/2010
Chúa Nhật Thứ12 Mùa Thường Niên, Năm C

Người ta bảo Thầy là ai? Kẻ thì thưa là Gioan. Người lại đáp là Elia, hay Giêremia. Người thì cho rằng Thầy là một tiên tri nào đó, chưa rõ. Còn Phêrô: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống” (Lc 9, 20)

Thiết tưởng, nếu bởi xác thịt thì Phê-rô cũng không khác gì những anh em bạn chài, những anh em thực dụng, mà trả lời cách ởm ờ rằng chưa biết rõ Thầy mình. Nhưng không, câu nói của Phêrô mang đậm màu mạc khải, câu nói xuất phát bởi Thần Khí, nói đúng căn tính của một con người mang tên Giêsu, được gọi là Kitô, đấng được Thiên Chúa Xức Dầu, để chu toàn Thánh Ý của Thiên Chúa. Căn tính ấy, được Chúa Giêsu cho biết khi Ngài mời gọi các môn đệ: “Ai muốn theo Tôi, hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Tôi” (Lc 9,23). Điều ấy được hiểu rằng, như Ngài đã từ bỏ mọi sự của chính mình Ngài mà làm theo ý của Cha Ngài.

Hai chi tiết “Kitô” và “từ bỏ” có tương quan mật thiết, không phải ngẫu nhiên, nhưng là căn tính độc đáo của của một tôn giáo mang tên “Kitô Giáo” do chính Chúa Kitô thiết lập. Độc đáo vì “từ bỏ”, nhưng không mất mát, mà lại là được tất cả. Được tất cả, nhưng không phải được cho mình, mà là cho Thiên Chúa. Rồi, trong Thiên Chúa, người từ bỏ tất cả lại có được tất cả.

Thật là tuyệt diệu lạ thường, khi nhớ lại lần lãnh bí tích Rửa tội của mỗi người, để trở nên con cái Chúa, con cái của Hội Thánh Chúa, mỗi người đã tuyên hứa từ bỏ ma quỷ và các việc của ma quỷ. Như vậy việc từ bỏ ở nơi mỗi Kitô hữu công giáo, đã là một điều kiện ắt có và đủ, và phải thực hiện trong suốt cuộc sống đức tin của người tín hữu ấy.

Một điều kiện song song với điều kiện từ bỏ là phải tin vào Đức Kitô: Con Thiên Chúa, Ra đời làm người, chịu chết, sống lại, và lên trời để bảo đảm cho kẻ tin vào Người được phần rỗi đời đời.

Và điều kiện cuối cùng là sống tình huynh đệ trong Giáo Hội Chúa Giêsu đã thiết lập.

Lời Chúa hôm nay cho thấy Giáo Hội của Chúa đã thi hành đúng đắn ý định của Chúa Giêsu cho và trong toàn thể nhân loại. Và thêm một lần nhắc nhở các tín hữu rằng tin vào Đức Kitô là phải từ bỏ mọi sự để hoàn toàn đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, mà theo cách nói của Thánh Phaolô, là “mặc lấy Chúa Kitô”: “Thật vậy, nhờ đức tin, tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa trong Đức Giê-su Ki-tô. Quả thế, bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Ki-tô, đều mặc lấy Đức Ki-tô” (Gal 3, 26-27).

Và nên một trong Chúa Kitô:

“Không còn chuyện phân biệt Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Ki-tô” (Gal 3, 28)

Các Kitô Hữu thêm một lần có cơ hội đặt lại vấn đề một cách nghiêm túc: Chúa Giêsu mà tôi đang tin và đi theo Ngài, là ai? Và tôi, với danh xưng Kitô hữu Công giáo, nghĩa là gì, phải làm gì, phải sống thế nào ?

Có thể nói không ít người trong chúng ta, theo đạo từ đời cha ông đến nay, vẫn nghĩ rằng tôi theo đạo để được mọi thứ: Nước Trời, sự sống đời sau, cứu rỗi…, mà quên rằng trước khi được là tôi phải mất: mất chính mình-mất con người cũ rích của mình trong tình trạng tội lỗi:

-Mất tự do theo kiểu của ma quỷ hướng tới điều bất toàn, bất lương, bất an, bất hạnh…, để được tự do theo Thần Khí mà tiến lên trong đường hướng thánh thiện của Thiên Chúa toàn thiện, toàn mỹ, toàn an, toàn phúc.

-Mất chính mình để được Thiên Chúa và anh em của Thiên Chúa.

-Mất danh dự phù du của mình để tìm lại danh dự vĩnh cửu trong uy tín danh dự cao trọng vô cùng của Thiên Chúa.

-Cả việc mất mạng sống mình ở đời nầy, để được sống vĩnh cửu với Đức Kitô, Đấng đã chết và sống lại muôn đời trong sự sống viên mãn của Thiên Chúa.

Vì khi tháp nhập với Đức Kitô trong thân thể mầu nhiệm của Ngài là Hội Thánh qua Bí Tích rửa tội, mỗi Kitô Hữu cũng tháp nhập vào căn tính của Chúa Kitô là “Từ bỏ và cứu thế”. Ý nghĩa nầy rõ nét nhất nơi các Kitô hữu được thông truyền chức linh mục đời đời của Chúa Giêsu để trở thành một Alter Christus, nhưng cũng không thể mờ nhạt nơi các tín hữu được ‘xức dầu’ với ơn Tư tế, vương đế, và tiên tri.

Nhìn lại những tấm gương “từ bỏ và cứu thế” của các Kitô Hữu Linh Mục trong suốt hành trình 350 của Giáo Hội Việt Nam, hết thảy chúng ta có quyền và có bổn phận vui mừng Tạ Ơn Chúa, Tạ ơn Chúa Giêsu Kitô, vì đã có những thế hệ linh mục không chỉ từ bỏ mà từ bỏ cách tận hiến cả đời mình, tận hiến tất cả cho Lời Vàng Phúc Âm sống động trong tâm hồn các tín hữu, và cũng đã có biết bao linh mục đổ máu minh chứng cho Đức Tin, hoặc không đổ máu nhưng đổ hết tấm lòng cho những người nghèo khố, để các bạn chí thiết của Thiên Chúa được sống trong Chúa, trong bình an thật. Đồng thời, chúng ta cũng không quên tha thiết cầu nguyện cho các linh mục thời nay trong giai đoạn khó từ bỏ các phương tiện, tiện nghi, danh dự, chức quyền mà ma quỷ đang dọn sẵn đầy hấp dẫn, thật cuốn hút và nhiều khi tưởng như là thật giá trị, thật hợp thời.

Các Kitô hữu giáo dân cũng đã đóng góp phần từ bỏ đáng trân trọng của mình qua các thời kỳ để gieo hạt giống đức tin Kitô Giáo và đã có hạt trổ sinh muôn bông trên cánh đồng truyền giáo Việt Nam. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận việc thờ ơ với danh xưng Kitô hữu nơi một số thành phần, thờ ơ từ việc chưa hiểu ra ý nghĩa tháp nhập với Đức Kitô, đến việc đi ngược lại tinh thần của Chúa Giêsu trong những giai đoạn thực sự là cần thiết, giai đoạn giáo hội bị bức bách chẳng hạn. Nếu đức tin công giáo phải được kế thừa cách trân trọng như gia sản thiêng liêng Thiên Chúa đã ban cho thế hệ trước, thì các Kitô hữu chuyển giao thế hệ mang trọng trách lớn lao đối với các thế hệ hậu duệ trong một đất nước đã đổi lấy Đức Tin bằng máu của các Thánh Tử Đạo anh hùng.

Lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Ai muốn theo ta, hãy từ bỏ chính mình vác thập giá mình hằng ngày mà theo ta” vẫn luôn là một lời mời gọi khẩn thiết, nếu không nói đó là một đòi hỏi tự căn tính của Bí tích rửa tội, một lời thề hứa long trọng trước Thiên Chúa, mà mỗi Kitô hữu không thể thờ ơ hay bỏ qua như chuyện chơi đùa với Thiên Chúa, với Thần Linh được.

Thật quí trọng thay danh xưng Kitô Hữu, nhưng cũng đầy tính trách nhiệm với lời hứa khi lãnh nhận Bí Tích Rửa tội.

Trước khi ra sân trong trận Nam Phi gặp Uruguay, lượt 2 của vòng World Cup 2010, hình ảnh những cầu thủ Nam Phi, cổ động viên Nam Phi hát Quốc ca thật trang nghiêm, như thật hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn trên những khuôn mặt xương xẩu, khắc khổ làm tôi nghĩ đến tinh thần cần có của các Kitô Hữu Công Giáo dưới ngọn cờ Thánh Giá Chúa Kitô, những người đang hát bài Quốc Ca Nước Trời dưới chân cây Thánh Giá Chúa Giêsu Kitô “xương xẩu, khắc khổ”. Có thể các Kitô hữu đa số là những người “xương xẩu khắc khổ” trong nhân loại nhưng họ lại là của Chúa Kitô, thuộc về Chúa Kitô hay đúng hơn họ chính là những Chúa Kitô đang hoạt động. Vì không phải họ chỉ “có” Chúa Kitô, mà họ còn là “một Kitô khác” sống động với Tin Mừng giữa đời thường. Tưởng như họ đang thua trong cuộc chạy đua, cuộc tranh chấp ngôi vị trần thế, hoặc tưởng như họ đang thất bại trước những đàn áp của bạo lực của bất công của thế quyền, nhưng thật ra họ đang cùng Chúa Kitô chiến thắng.

“Chúng nhìn xem Đấng chúng đã đâm thâu qua.” (Zach 12, 10)

Trong Chúa Kitô, các Kitô hữu sống đúng tinh thần từ bỏ và ý hướng cứu thế của Tin mừng, cũng bị các thế lực trần gian “đâm thâu qua”, nhưng họ luôn luôn là người chiến thắng, như Chúa Kitô đã chiến thắng.

Như vậy, hành trình đức tin của tôi, của bạn, của những người mang danh xưng Kitô hữu công giáo là hành trình của chính Đức Kitô “từ bỏ chính mình” để “Tử nạn”, nhưng lại là một hành trình vinh dự mang lại chiến thắng cứu rỗi nhân loại, như trong bài ca:

“Vinh dự của chúng ta, là Thập Giá Đức Kitô, nơi Ngài ơn cứu độ ta, sức sống của ta, và sự Phục sinh của ta”. (Gal 6,14)

Lạy Chúa, chúng con theo đạo Chúa Kitô để được “mất tất cả cho vinh danh Thiên Chúa”, và tin tưởng rằng, khi Thiên Chúa được Vinh Danh, chúng con lại được tồn tại muôn đời trong vinh danh của Thiên Chúa.

Xin cho nguyện ước nầy trở nên công việc cụ thể là “từ bỏ ma quỷ và các việc của nó” để “sống trong tinh thần Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô” trong giáo hội, trong suốt hành trình đức tin và đời người chúng con. A men.
 
Quy chính
Lm Vũđình Tường
15:51 17/06/2010
Đi theo con đường mình thích, chọn theo sở thích riêng, hoặc ngay cả theo phe này, nhóm nọ, đảng phái kia. Tất cả đều là đường dẫn đến diệt vong. Điều gì làm cho chúng ta xác quyết như thế.

Thưa, lịch sử loài người cho thấy. Từ trước đến nay có đường lối nào do con người đề ra tồn tại từ đời nọ đến đời kia. Binh hùng, tướng mạnh, vũ khí tối tân, trước sau gì cũng đi vào lịch sử. Lịch sử hay bị đào bới. Ít năm sau, học giả, sử gia hậu thế, đào biến cố này, bới sự kiện nọ, đưa lời bình phẩm, khen chê. Thời gian sau lại có học giả, sử gia khác tiên đoán. Kẻ phản bác đôi phần; kẻ phê bình khác đi. Cứ thế tái diễn.

Sở thích riêng, đường lối, phe, đảng dẫn đến diệt vong. Đường lối do cá nhân khai sáng. Cá nhân thường có tham vọng và giới hạn. Tham vọng gắn liền với xấu tốt. Thường thì xấu nhiều tốt ít. Thói xấu dễ bắt chước, học đòi. Tự bản chất đường lối đã mang tính xấu, phẩm chất xấu. Để đạt tham vọng kẻ chủ trương theo thói đời

Đẹp tốt khoe ra, xấu xa đậy lại.

Ngoài ra kẻ chủ trương còn phải tìm cách lập luận, chống chế, che đậy cái xấu càng kĩ càng tốt.

Phong trào, phe nhóm đảng phái nào, có ngày sinh, cũng có ngày tử. Thường thì kẻ khai sáng chủ thuyết chết trước. Đường lối của họ từ từ tàn héo, kéo thêm sinh mạng bao con dân vô tội làm lễ tế chủ thuyết.

Đường diệt vong

Chọn đi theo í riêng là chọn đường tà. Chọn đường hợp sở thích là chọn né tránh sự thật. Đức Kitô cho biết chọn cách đó là chọn con đường dẫn đến diệt vong. Con người không thể tự cứu mình. Phải nhờ đến ơn Trên.

Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất c.24

Đời người chỉ sống một lần, sao lại đánh cá cuộc đời chọn đường dẫn đến diệt vong. Câu trả lời thích hợp duy nhất do kiêu ngạo mà ra. Người kiêu ngạo là người theo í riêng. Í họ là í trời. Cứ nhìn vào lịch sử các vị vua chúa thời xưa thì biết. Vua tự phong là con trời mà không đi theo đường lối của trời. Vua tự nhận í vua là í trời. Trời đâu muốn con cái mình chỉ dậy nhau bằng gươm đao, chém giết. Í vua là í trời là một lập luận không lối thoát. Thời đại mới đổi từ vua sang dân, cá nhân sang tập thể. Hình thức đổi, nội dung vẫn thế. Í dân là í trời. Thế mà dân theo đạo trời, lại cấm cản, tìm cách bắt bớ, triệt hạ thánh giá, bỏ tù tu sĩ. Lãnh đạo như thế ngược í trời. Trái í trời, không lối thoát, ngày diệt vong không xa.

Đường sống

Cải tà qui chính là chọn đi theo đường lối Chúa bắt nguồn từ trái tim yêu mến. Con đường Đức Kitô vạch ra chắc chắn dẫn đến cải tà, qui chính.

Ngoài đường lối Đức Kitô vạch ra và mời gọi. Không còn đường nào tốt hơn là bước theo hướng dẫn của Ngài.

Lí do thứ nhất

Đức Kitô đi trước mở đường. Ngài đi trọn con đường. Con đường dẫn đến khải hoàn. Đây không phải là đường rộng thênh thang mà là đường hẹp. Cũng không phải đường trải thảm đỏ mà mầu đỏ trên đường là mầu máu. Không phải máu của đệ tử mà là của Đấng mở đường. Con đường dẫn đến thập giá trước khi sống lại vinh quang. Người mở đường là Đức Kitô, đạp nát chông gai, phá tan rào cản, vạch ra con đường cho môn đệ tự nguyện bước theo.

Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy Gn 14,16

Người mở đường xác quyết đi theo đường đó là con đường sống. Con đường duy nhất dẫn đến sự sống. Người xác quyết điều đó bởi Ngài đã đi qua, đã sống lại vinh quang, đã hiện ra với các môn đệ, cho họ xem dấu đinh nơi bàn tay, vết thẹo nơi cạnh sườn và trái tim bị đâm thâu.

Lí do thứ hai

Con đường này được Thánh Thần Chúa soi sáng. Thánh Thần Chúa không bao giờ sai lầm vì thế đường Ngài dẫn đến đường sự thật.

Ai yêu mến Thầy thì giữ lời Thầy Gn 14,23

Đức Kitô xác định rõ. Không thể giữ lời Đức Kitô mà không biết lời Ngài giảng dậy. Cải tà quy chính không thể thực hiện nếu không đi đôi với cầu nguyện. Cầu nguyện hàng ngày, ăn chay, hãm mình, làm việc bác ái là dấu chỉ sống khiêm nhường, từ bỏ í mình, nhận í Chúa.

Lí do thứ ba

Con đường Đức Kitô đi không phải là con đường do chính Ngài sáng tác. Con đường do Chúa Cha sáng tác, chỉ lối, dẫn đường. Đức Kitô đi theo con đường được Chúa Cha soi sáng. Con đường dẫn đến sự sống thật. Chúa Cha không bị ràng buộc, thúc bách bởi bất cứ thế lực nào. Hướng dẫn của Ngài trước sau như một, phát xuất từ tình yêu, cho tình yêu và loan truyền tình yêu Chúa cho muôn dân.

Đi theo Đức Kitô là bước trên con đường tình yêu. Đức Kitô vâng phục Chúa Cha đi theo con đường Chúa Cha vạch ra. Chúng ta đi theo Đức Kitô chúng ta đi theo con đường Đức Kitô đã đi qua. Đường Đức Kitô đã đi chính là đường Chúa Cha vạch ra, vì Đức Kitô không tự mình làm gì mà không có Chúa Cha hướng dẫn. Đi Theo Đức Kitô chính là đi theo Chúa Cha. Theo Ngài có nghĩa là

Vác thập giá mình hàng ngày mà theo c.24
 
Đức Kitô của Thiên Chúa
Lm Giacobe Tạ Chúc
22:56 17/06/2010
Sau những ngày tháng lang bạt đó đây để rao giảng Tin mừng, Đức Giêsu được biết đến như là một địa chỉ của lòng thương xót, sự tha thứ và tinh thần phục vụ cho con người. Cụ thể các phép lạ của Ngài làm, những Giáo huấn của Giêsu có tầm mức ảnh hưởng đến các tầng lớp trong dân Do thái thời bấy giờ. Thế mới hiểu được vì sao người ta lại xầm xì, bàn tán về Đức Giêsu, một Đấng cứu tinh mới xuất hiện.

Người ta bảo con Người là ai ?

Câu hỏi này được đặt ra để chất vấn các môn đệ và cả những người theo Chúa Giêsu. Vấn nạn về Giêsu Nazareth vẫn rất hiện sinh, trong khung cảnh của nhân lọai ngày hôm nay. Dân chúng có rất nhiều đáp án về con người Giêsu. Hoặc là Gioan Tẩy Giả, hoặc Êlya, hay một Tiên tri nào đó. Vẫn là một bài tóan với nhiều kết quả, mỗi kết quả là một bí ẩn về con người Giêsu. Dân chúng quan tâm đến Ngài, vì chính Ngài rất quan tâm đến họ. Sở dĩ có nhiều dư luận về Ngài là vì Đức Giêsu đã đi qua và cúi xuống trên thân phận của nhiều người, những người tội lỗi, những người bệnh hoạn, những người bị bỏ rơi, và ngay cả những người có thế giá trong dân về tôn giáo, hay chính trị. Đức Giêsu quá rõ người ta đang đổ dồn bao ánh mắt về phía Ngài.

Các ngươi bảo Ta là ai ?

Chỉ Phêrô, vị Tông đồ trưởng mới đủ can đảm, và khả năng đại diện cho anh em mà thưa cùng Chúa: « Thầy là Đức Kitô của Thiên Chúa ». Lời tuyên xưng rất đơn giản, nhưng sau đó là một chặng đường đầy chông gai và bóng Thập Giá đổ nặng lên lời tuyên tín của Phêrô. Tin Đức Giêsu không dừng lại ở một định nghĩa, hay là một công thức mang tín Giáo điều mà là một gợi hứng để bỏ mình vác lấy Thập Giá mà đi theo Ngài.

Giữa một thế giới « vàng thau lẫn lộn », xin cho mỗi người luôn biết gạn lọc khơi trong để tìm đến một suối nguồn vĩnh cửu là Thiên Chúa, chân thât và duy nhất.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
SOS từ các cộng đồng đánh cá vùng Vịnh
Trần Mạnh Trác
10:38 17/06/2010
Port Arthur, Texas. Một linh mục Công Giáo tuyên úy cho ngư phủ vừa lên tiếng tha thiết kêu gọi mọi người hãy tiêu thụ tôm ở Texas vì tôm ở đây không hề bị nhiễm độc do vụ tràn dầu ở vịnh Mexico và báo động mọi người hãy cứu vãn ngành công nghiệp thủy sản ở đây.

Ngài cũng không quên bày tỏ sự lo ngại sâu sắc về việc sinh kế đang suy sụp bởi tai ương nhân tạo đối với những ngư dân ở các tiểu bang láng giềng.

"Nếu mọi người muốn giúp đỡ ngư dân, thì hãy nỗ lực mua tôm vùng Vịnh", đó là lời kêu gọi cuả Cha Oubre Sinclair, tuyên úy ngành ngư nghiệp cuả Giáo Phận Beaumont, Texas. "Mua tôm và đặt hàng tôm cuả vùng Vịnh, sẽ là một trợ giúp rất lớn."

"Nếu tai nạn tràn dầu không được giải quyết sớm, thì cộng đồng đánh cá xung quanh vùng Vịnh sẽ có nguy cơ sụp đổ," ngài nói thêm.

Cha Oubre và các đại diện khác của nhiều nhóm ngư dân đã tổ chức một cuộc họp báo vào đầu tháng sáu ở Port Arthur, Texas, một trong những cảng đánh cá lớn nhất cuả tiểu bang Texas. Ngoài Cha Oubre, là đại diện văn phòng quốc gia cuả Apostleship of the Sea; Port Arthur Area Shrimper's Association; Port Arthur International Seafarers' Center; CDM Consulting; và the Texas Cooperative Extension-Sea Grant.

Họ đồng thanh kêu gọi công chúng tiếp tục hỗ trợ các gia đình đánh cá Texas bằng cách mua hải sản, ghi nhận rằng "hải sản với chất lượng cao " tiếp tục được thu hoạch trong 63 phần trăm vùng Vịnh.

Họ cũng lưu ý rằng ngư dân Texas đã gặp nhiều khó khăn kinh tế kể từ năm 2001, bởi vì tôm nuôi từ nước ngoài "đã được bán phá giá vào thị trường Mỹ," làm tổn thương thị trường cuả loại tôm đánh bắt tự nhiên.

Ngoài ra, ngư dân vùng Vịnh đã phải chịu những thiên tai của các cơn bão Katrina, Rita và Wilma trong năm 2005 và cơn bão Ike trong năm 2008.

Và tuy dầu tràn đã không nhiễm độc các vùng nước của Texas, các vị đại diện vẫn bày tỏ quan ngại rằng vấn đề dầu tràn sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế địa phương vì sẽ làm giảm môi sinh màu mỡ và ảnh hưởng đến uy tín "sạch sẽ, an toàn và ngon miệng. " của hải sản trong vùng.

Những điều dự đoán đó đã xảy ra đối với ngành tôm cuả Louisiana, kể từ khi dấu tràn bắt đầu ngày 20 tháng 4 sau một vụ nổ và cháy trên một giàn khoan thuê của BP. Kể từ đó, muôn vàn gallon dầu khí đã dạt vào vùng nước của vịnh.

Cha Oubre kêu gọi người Công giáo và "tất cả mọi người có lòng tốt" hãy đoàn kết với các cộng đồng đánh cá đang bị tổn thương do nạn dầu tràn.

Tại Texas, "hải sản của chúng tôi liên tục được thử nghiệm trên thuyền", theo lời ông M. Badeaux Doreen, tổng thư ký cuả Apostleship of the Sea. "Nhiều nỗ lực đã được đẩy mạnh để đảm bảo không có cá tôm bị ô nhiễm nào có thể đi tới bàn ăn cuả quí vị."

Cha Oubre, người gần đây đã được tái bầu làm chủ tịch cuả các Tuyên Úy Ngành Ngư Nghiệp HK, nói rằng rất là quan trọng để mọi người hiểu về cấu trúc đã được thực hiện để theo dõi ảnh hưởng ô nhiễm trong ngành công nghiệp đánh cá.

Trước tiên các ngư dân đã sử dụng việc thử nghiệm bằng mùi, "mọi hải sản có mùi diesel đều bị ném trở lại biển. Ngoài ra, khi về tới bến thì ngư sản lại được thử nghiệm hóa học để đảm bảo an toàn và có chất lượng.

Terrie Looney, nhân viên cuả văn phòng quận kiểm tra tài nguyên tự nhiên cuả biển và ven biển, cũng đã nói thêm về cơ cấu theo dõi tình hình ngoài khơi bờ biển của Texas.

"Hầu hết đó là vấn đề giám sát, theo dõi bằng vệ tinh, tiến hành tuần tra bãi biển và không phận, và phân tích các mẫu đưa tới từ công chúng,"

"Chúng tôi đang liên tục theo dõi chất lượng nước," Looney nói: "Ngay bây giờ, vấn đề quan yếu nhất là giòng nước, báo cáo cuối cùng tôi nhận được thì dầu tràn vẫn còn xa 150 dặm ngoài khơi bờ biển phía đông. Tuy nhiên, một cơn bão có thể thay đổi mọi thứ. "

Cha Oubre cho biết ngài đang trực tiếp hoạt động với các tổ chức từ thiện Công Giáo để cung cấp viện trợ cho các cộng đồng đánh cá bị ảnh hưởng.

"Cũng giống như các nông trại, tất cả các cộng đồng đánh cá xung quanh bờ biển cần được giúp đỡ để có thể sinh tồn,"

Ngày 01 Tháng Sáu, Catholic Charities của Tổng Giáo Phận New Orleans đã bắt đầu phân phối 1.000.000 $ nhận được từ BP để cứu trợ khẩn cấp trực tiếp cho các gia đình đánh cá nghèo.
 
ĐTC Benedict XVI mời gọi các bạn trẻ đến với Bí Tích Thánh Thể
Paul Minh Nhật chuyển ngữ
11:15 17/06/2010
Vatican, 16/06/2010. (Zenit.org). - ĐTC Benedict XVI chỉ ra rằng Đức Ki-tô như là nguồn mạch của sức mạnh cho nhiều hoàn cảnh cuộc sống, đặc biệt là cho các bạn trẻ, người đau ốm và các đôi bạn mới kết hôn.

Đức Giáo Hoàng đưa ra lời chào kết thúc như truyền thống của ngài để khép lại buổi tiếp kiến chung ngày hôm nay tại quảng trường thánh Phê-rô, ngài gửi đến lời cổ vũ đặc biệt cho ba nhóm người này.

Với các bạn trẻ, ngài nói: "Các bạn trẻ thân mến hãy luôn luôn tìm thấy sự hiện diện diện của Đức Ki-tô trong bí tích Thánh Thể là lương thực thiêng liêng để giúp các con tiến lên trên con đường nên thánh"

Đức Thánh Cha nói tiếp: "cho các con, những người đau ốm, xin Chúa Ki-tô phù hộ và an ủi các con trong ngày phán xét và thống khổ; và cho các con, những đôi vợ chồng trẻ, xin cho bí tích thánh thể mà đã bén rễ nơi các con trong Đức Ki-tô trở nên nguồn mạch nuôi dưỡng tình yêu của các con trong đời sống hằng ngày."
 
Đức Giáo Hoàng sẽ trao dây Pallium cho các Tân Tổng Giám Mục trên toàn thế giới.
Ngọc Loan
12:05 17/06/2010
VATICAN Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI sẽ cử hành Thánh Lễ trọng thể trao dây Pallium vào Lễ Thánh Phêrô và Phaolô 29 tháng 6 tới đây, sau đó Đức Thánh Cha sẽ đi nghỉ hè tại nhà nghỉ mát Giáo Hoàng Castel Gandolfo.

Đức Giáo Hoàng sẽ trao dây Pallium cho các vị Tân Tổng Giám Mục trong một năm qua, cho đến nay Văn Phòng Lễ Nghi Giáo Hoàng cho biết khoảng 35 vị Tổng Giám Mục sẽ nhận lãnh dây Pallium. Thế nhưng con số chưa xác định chính xác vì số các vị Tổng Giám Mục sẽ đi tham dự được cũng như con số tân Tổng Giám Mục mà Đức Giáo Hoàng có thể bổ nhiệm từ đây cho tới ngày đó.

Các vị Tổng Giám Mục có thể có 2 dây, một khi đang cai quản Tổng Giáo Phận và được bổ nhiệm cai quản Tổng Giáo Phận khác. Thế nhưng không phải vị Tổng Giám Mục nào cũng được trao ban dây Pallium. Chỉ có vị Tổng Giám Mục nào chăm sóc Giáo Dân mới được dây Pallium, thế nên các vị Tổng Giám Mục làm việc trong Giáo Triều hay các Bộ tại Vatican, các vị làm Khâm Sứ Tòa Thánh tại các quốc gia sẽ không được trao ban dây Pallium.

Các vị Tổng Giám Mục tại Hoa Kỳ và tại Canada trong dịp này sẽ lãnh dây Pallium gồm có TGM Jerome E. Listecki tại Milwaukee; TGM Dennis M. Schnurr tại Cincinnati; TGM Thomas G. Wenski tại Miami; và TGM Albert LeGatt tại Saint-Boniface, Manitoba- Canada.

Dây Pallium là một dây làm bằng lông chiên màu trắng, bề ngang chừng 5 centimét, có trang trí 6 hình thánh giá kết bằng tơ màu đen, được đeo ở cổ, có 2 giải ngắn một ở phía trước ngực và một ở phía sau lưng. Len để làm dây Pallium được lấy từ những con chiên màu trắng được các tu sĩ thuộc một tu viện tại giáo xứ thánh Agnès, ở đường Nomentana, Roma, nuôi, và hàng năm, cứ đến ngày lễ thánh nữ Agnès tử đạo, 21 tháng Giêng, họ mang chiên tới trao cho ĐTC và ngài trao lại cho các nữ tu thuộc đan viện thánh Cecilia thuộc dòng Biển Đức, gần Vatican nuôi để xén lấy lông làm len và đan thành dây Pallium.

Dây Pallium là biểu hiệu cổ kính nhất của Giám Mục. Thánh Simeon thành Tessalonica viết: ”Dây Pallium chỉ Chúa Cứu Thế khi gặp chúng ta như chiên lạc đàn, Ngài vác lên vai, và khi nhận lấy nhân tính con người trong cuộc nhập thể, Ngài thần hóa nhân tính ấy bằng cái chết của Ngài trên Thánh Giá, Ngài dâng chúng ta cho Chúa Cha, và qua cuộc phục sinh, Ngài nâng chúng ta lên cao”. Dây này cũng biểu hiệu sự hiệp thông giữa vị vị TGM chính tòa với Tòa Thánh Phêrô.

Trong ngày tiếp kiến thứ Tư hàng tuần vào ngày 30 tháng 6 năm 2004, một ngày sau khi trao ban dây Pallium, đây cũng là lễ trao ban Dây Pallium cuối cùng trong đời Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2, Đức Thánh Cha đã giải thích dây Pallium như sau:

“Dấu chỉ của dây pallium ngày nay vẫn còn giữ một ý nghĩa hùng hồn. Nó diễn tả nguyên lý cơ bản hiệp thông, tạo hình thái cho sự sống của giáo hội trong tất cả mọi phương diện của nó; nhắc nhớ cho con người nhớ rằng sự hiệp thông này có tính cách kết cấu và phẩm trật; chứng tỏ rằng Giáo hội muốn trở nên một, cần có sự phục vụ riêng của Giáo hội Roma và Giám mục Roma vị lãnh đạo Giám Mục Đoàn (x. tông huấn hậu thượng Hội Đồng Giám Mục của các Giám Mục "Pastored Gregis," 56).

Phương diện bổ sung khác mà nghi thức của dây pallium minh họa rất tốt, là phương diện về công giáo tính của Giáo hội, mà trên thực tế Giáo Hội được Chúa Kitô sai đi công bố Tin Mừng cho muôn dân và phục vụ toàn thể nhân loại.”
 
Tòa Thánh cảnh giác để giảm số tử vong nơi sản phụ
Ngọc Loan
12:49 17/06/2010
VATICAN Tòa Thánh Vatican đã cảnh giác cộng đồng quốc tế hãy áp dụng những chiều kích chăm sóc xã hội và sức khoẻ để giảm thiểu điều mà được coi là cơn sốc vì số tử vong của sản phụ trên toàn thế giới.

Tổng Giám Mục Silvano Tomasi, đại diện thường trực cho Liên Hiệp Quốc tại Geneva- Thụy Sĩ đã nói những sự cải tiến như thế phải bao gồm đến việc phân phối các thuốc kháng sinh cho những sản phụ mắc vi khuẩn HIV, vi khuẩn gây nên bệnh Siđa. Ngài cũng nhắc đến việc đưa ra lứa tuổi thấp nhất cho người phụ nữ được thành hôn là 18 tuổi, điều này cũng có thể giúp giảm thiểu số tử vong nơi sản phụ.

Tổng Giám Mục Tomasi đã đưa ra bài thuyết trình về số tử vong nơi sản phụ cho Ban Hội Đồng Nhân Quyền tại Geneva vào ngày thứ Hai 14 tháng 6. Các chuyên gia đã ước tính có khoảng 350,000 tới 500,000 sản phụ đã qua đời mỗi năm trong lúc mang thai hoặc ngay vừa sau khi sanh.

TGM Tomasi ghi nhận rằng số tử vong nơi sản phụ thường xảy ra tại các quốc gia kém phát triển, và có sự liên hệ chặt chẽ giữa số tử vong sản phụ và số tử vong của các trẻ vừa sinh ra. Mỗi năm có khoảng 3 triệu em bé đã qua đời trong tuần đầu tiên sau khi chào đời, 3 triệu thai nhi qua đời trong lúc sanh và khoảng 2.3 triệu em qua đời trong một năm đầu tiên khi chào đời.

Đức Tổng nói Giáo Hội Công Giáo có một lịch sử lâu dài chăm sóc cho những người mẹ và trẻ em mới sinh ra, nhất là qua công việc tại các bệnh viện, bệnh viện sản khoa và các chuẩn y viện nhi khoa. Giáo Hội giải quyết một cách toàn diện mà tiên quyết là quyền của người mẹ và trẻ em bao gồm những thai nhi.

“Chính sách nhằm chiến đấu với số tử vong nơi sản phụ và các thơ nhi cần phải phấn đấu cho một sự cân bằng tinh tế giữa quyền người mẹ và quyền của thơ nhi, cả hai đều mang quyền này, mà quyền đầu tiên là quyền được sống”.

Đức Tổng Giám Mục đã nói đến một sự cải tiến rõ rệt mà có thể thực hiện qua những khâu xã hội và y tế mà có thể ngăn ngừa số tử vong nơi sản phụ bao gồm đến, sự chăm sóc trước và sau khi sanh đẻ, có những phương tiện y tế và vận chuyển cần thiết và đúng đắn, những phụ sản có tay nghề, thuốc trụ sinh thích hợp, các dụng cụ y tế được khử trùng và cung cấp nước trong sạch.

Ngài nói tất cả “những chiều kích này sẽ mang lại lợi ích cho cả mẹ lẫn con cái họ”.

TGM Tomasi thêm rằng điều quan trọng nhất là nếu cộng đồng quốc tế muốn giảm tỉ lệ tử vong nơi sản phụ, thì “phải tôn trọng và cổ võ quyền lợi y tế và quyền được cung cấp dược phẩm, không phải chỉ hứa suông nhưng phải thi hành bởi các quốc gia cũng như bởi các tổ chức phi chính phủ hay bởi các xã hội dân sự”.
 
Phải chăng ĐHY Ouellet-chứ không phải ĐHY Pell- sẽ đứng đầu Thánh Bộ Giám Mục tại Giáo triều Rôma?
Đominic David Trần
15:21 17/06/2010
Phải chăng ĐHY Ouellet-chứ không phải ĐHY Pell- sẽ đứng đầu Thánh Bộ Giám Mục tại Giáo triều Rôma?

Rôma ngày 17/06/ 2010 theo Thông Tấn XÃ CWN; một nhà báo kỳ cựu của nước Ý đã tường trình trong tháng Năm 2010 rằng: Đức Hồng Y George Pell sẽ trở thành vị tân Bộ Trưởng của Thánh Bộ Giám Mục Giáo triều- nay 'nhà báo này nói lại rằng' chức vị ấy sẽ trao cho Đức Hồng Y Marc Oullet của Tổng Giáo Phận Quebec, Canada.

Đức Hồng Y Marc Ouellet, PSS
Nhà báo Andrea Tornielli của Nhật Báo Il Giornale nước Ý, người đã từng tiên đoán chính xác một vài diển biến quan trọng trong suốt triều đại Giáo Hoàng đương nhiệm, đã viết trong bài báo in trong tháng Năm /2010 rằng Đức Thánh Cha Benedicto XVI đã quyết định chọn ĐHY Pell làm người đứng đầu Thánh Bộ Giám Mục. Chức vụ Bộ Trưởng Thánh Bộ Giám Mục của Giáo Triều là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng bởi vì Thánh Bộ Giám Mục chịu trách nhiệm chính trong việc đề nghị tuyển chọn các vị Giám Mục cho phần lớn các Giáo Phận Công Giáo trên thế giới.

Việc xin từ nhiệm của ĐHY Giovanni Battista Re, Bộ Trưởng đương chức Thánh Bộ của đã được bàn tán trong vài tháng qua.

Cho dù các Đấng Bậc bên trong Tòa thành Vatican nói chung đều đồng ý rằng ĐHY Pell của Úc là sự chọn lựa của Đức Thánh Cha Benedicto XVI- thế nhưng những trình thuật gần đây ám chỉ cho thấy rằng việc bổ nhiệm này sẽ gặp nhiều chống đối- trong khi đó người ta thuật lại rằng chính bản thân ĐHY Pell được nghe nói lại là ngài có vẻ lưỡng lự nếu phải rời khỏi nhiệm vụ Tổng Giám Mục hiện nay tại TGP Sydney, nước Úc.

Đức Hồng Y Marc Ouellet, nguyên trước đây là Bí Thư của Hội Đồng Giáo Hoàng về Hiệp Nhất Tín Hữu Thiên Chúa Giáo của Tòa Thánh, đã được Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolồ đệ Nhị bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục Quebec và kiêm nhiệm danh vị Hồng Y Giáo Chủ Canada từ năm 2002.

Đức TGM Quebec Ouellet nhận mũ Hồng Y từ tay Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolồ đệ Nhị vào năm 2003. Ngài cũng là một đồng minh thân thiết của Đức Thánh Cha Benedicto XVI nhất là qua việc cùng chung phục vụ trong Ban Tổng Biên Tập và Chủ Bút của Tạp Chí Thần Học quốc tế rất nổi tiếng Communio (tức Tạp Chí Hiệp Thông Thần Học Quốc Tế).

Hiện nay, Toà Thánh Vatican không có loan báo chính thức gì về việc từ nhiệm của ĐHY Re- bản tường thuật cũng cho biết rằng Đức Hồng Y Ouellet sẽ kế vị ĐHY Re trong nhiệm vụ Bộ Trưởng Thánh Bộ Giám Mục. Cũng nói thêm rằng các tường thuật trước kia nói rằng ĐHY Pell sẽ nhận nhiệm vụ này: phải được coi là tin đồn thổi hoặc suy diễn sự việc mà thôi
 
Bài Giảng Giáo Hoàng trong Thánh Lễ bế mạc năm Linh Mục
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
20:51 17/06/2010
“Chức Linh Mục…không chỉ là Nhiệm Vụ, nhưng là Bí Tích”

VATICAN (Zenit.org).-Bài huấn đức Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI trình bày hôm nay trong Thánh Lễ Giáo Hoàng kính Thánh Tâm đánh dấu năm bế mạc Năm Linh Mục.

* * *

Các anh em thân mến trong Thừa Tác Vụ Linh Mục,

Các Anh Chị Em thân yêu,

Năm Linh Mục chúng ta đã cử hành trong ngày kỷ niệm 150 năm qua đời cuả Cha Sở Họ Ars, mẫu mực thừa tác vụ linh mục trong thế giới chúng ta, bây giờ tới kỳ kết thúc. Chúng ta đã để Cha Sở Họ Ars hướng dẫn chúng ta tới một sự đánh giá đổi mới về sự cao cả và vẻ đẹp của thừa tác vụ linh mục. Linh Mục không phải chỉ là con người nắm giữ chức vụ, giống như những người trong mọi xã hội cần để thực hành một số nhiệm vụ.. Ngược lại linh mục làm điều gì mà con người không thể tự mình làm được: nhân danh Chúa Kitô linh mục nói những lời xá giải chúng ta khỏi tội chúng ta và nhờ vậy linh mục thay đổi, khởi sự với Chúa, toàn diện cuộc đời chúng ta. Trên những của lễ bánh và rượu ngài nói những lời cám ơn của Chúa Giêsu, là những lời biến thể--lời làm cho chúa Kitô hiện diện, Đấng Phục Sinh, Mình và Máu Người—những lời thay đổi các yếu tố của thế giới, những lời mở thế giới cho Chúa và kết hợp thế giới với Chúa.

Như vậy, chức linh mục không chỉ là “chức vụ” nhưng là bí tích: Thiên Chúa dùng chúng ta những con người nghèo hèn ngõ hầu, nhờ chúng ta, Người hiện diện cho mọi người nam và người nữ, và hành động nhân danh họ. Sự cả gan như vậy của Chúa Đấng phó mình cho những con người—Đấng, ý thức về sự yếu hèn chúng ta, nhưng coi con người có khả năng hành động và và hiện diện thay cho Người- sự cả gan này của Chúa là sự cao cả thật ẩn giấu trong từ “chức linh mục”. Sự Chúa nghĩ là chúng ta có khả năng làm sự này; sự mà bằng cách này Người kêu gọi những con người đến phục vụ Người và như vậy từ bên trong Người ràng buộc chính mình với họ: đó là điêu chúng ta muốn suy niệm và tái đánh giá trong vòng năm qua. Chúng ta muốn tái thức tỉnh niềm vui của chúng ta trong việc biết Chúa gần gũi chúng ta, và tái thức tỉnh sự biết ơn của chúng ta đối với sự kiện Người phó mình cho những yếu đuối của chúng ta; đối với sự kiện Người hướng dẫn và nâng đỡ chúng ta hằng ngày. Bằng cách này chúng ta cũng muốn chứng tỏ lại một lần nữa cho giới trẻ biết rằng ơn gọi này, tình bạn này phục vụ cho Chúa và với Chúa, là hiện hữu—và Chúa thật sự chờ đợi chúng ta nói tiếng “vâng”.

Cùng với toàn thể Giáo Hội chúng ta muốn làm rõ lại một lần nữa là chúng ta phải xin Chúa cho ơn gọi này. Chúng ta phải xin cho có thợ gặt cho Chúa, và sự xin này với Chúa là, đồng thời, cách Người gõ cửa các tâm hồn giới trẻ, là những kẻ coi mình có khả năng làm điều Chúa thấy họ có khả năng làm. Điều phải chờ đợi là vẽ huy hoàng mới mẻ của chức linh mục sẽ không làm đẹp lòng “kẻ thù”, kẻ thù muốn thấy chức linh mục biến đi, như vậy cuối cùng Thiên Chúa bị đẩy ra khỏi thế giới.

Và như vậy điều xảy ra là, trong chính năm của niềm vui đối với bí tích chức linh mục, những tội lỗi các linh mục ra ánh sáng—cách riêng sự lạm dụng các trẻ em, trong đó chức linh mục, mà nhiệm vụ là tỏ bày sự quan tâm của Chúa cho sự lành chúng ta, trở thành đối nghịch với nó. Chúng ta cũng kiên trì xin Chúa và những người liên hệ tha thứ, đang khi hứa làm mọi sự có thể để bảo đảm sự lạm dụng như thế sẽ không bao giờ xảy ra nữa; Và trong sự chấp nhận những người nam tới thừa tác vụ linh mục và trong sự huấn luyện họ, chúng ta sẽ làm sự có thể hầu cân nhắc tính đích thực ơn gọi của họ và làm mọi cố gắng đồng hành các linh mục trong cuộc hành trình của họ, ngõ hầu Chúa sẽ bảo vệ họ và canh chừng trên họ trong những tình huống hỗn loạn và giữa những nguy hiểm cuộc sống.

Giả như Năm Linh Mục đã là môt sự suy tôn của một sự biểu diễn nhân bản cá nhân, thì nó sẽ bị hủy hoại bởi những biến cố này. Nhưng đối với chúng ta điều xảy ra thì chính xác là sự đối nghịch: chúng ta thêm tình biết ơn vì ân huệ của Chúa, một ân huệ ẩn giấu trong “những bình sành”, ân huệ lại một lần nữa, dầu giữa sự yếu hèn con người, làm cho tình yêu của Người hiện diện cách cụ thể trong thế giới này. Vậy chúng ta hay nhìn tất cả những gì xảy ra như là một lời gọi đến sự thanh luyện, như là một nhiệm vụ chúng ta mang đến cho tương lai và làm cho chúng ta biết và yêu hơn nữa ân huệ lớn chúng ta đã lãnh nhận từ Thiên Chúa. Như vậy, ân huệ của linh mục trở thành một sự dấn thân đáp ứng với lòng can đảm và khiêm tốn của Chúa bằng chính sự can đảm và khiêm nhượng của chúng ta. Lời Chúa, mà chúng ta đã hát trong bài Ca Nhập Lễ phụng vụ hôm nay, có thể nói vơi chúng ta, đúng giờ này, về ý nghĩa trở thành và trở nên một linh mục:” Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền lành và khiêm nhượng” (Mt 11:29).

Chúng ta đang cử hành lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, và trong phụng vụ chúng ta dòm ngó, nói được như vậy, vào trong trái tim Chúa Giêsu được mở ra trong sự chết bởi lưỡi đòng của người lính Roma. Thực tế con tim Chúa Giêsu được mở ra cho chúng ta và trước mặt chúng ta—và như vậy chính con tim của Chúa được mở ra. Phụng vụ giải thích cho chúng ta ngôn ngữ con tim của Chúa Giêsu, nói với chúng ta hơn hết rằng Chúa là mục tử của nhân loại, và như vậy mặc khải cho chúng ta chức linh mục của Chúa Giêsu, mọc rễ sâu trong con tim của Người; như vậy sự đó chứng tỏ cho chúng ta nền tảng đời đời và tiêu chuẩn hiệu nghiệm của tất cả thừa tác vụ linh mục, phải luôn luôn được neo chặt trong con tim Chúa Giêsu và sống từ khởi điểm này.

Hôm nay tôi muốn suy niệm cách riêng về những bản văn này nhờ đó mà Giáo Hội khi cầu nguyện đáp ứng lời Chúa được trình bày trong các bài đọc. Trong những bài hát này, lời và đáp ca thâm nhập vào nhau. Một đàng, chính những bài hát được rút ra từ lời Chúa, nhưng đàng khác, những bài hát đó đã là đáp ca nhân bản cho lời này, một đáp ca trong đó chính lời được truyền thông và đi vào trong những đời sống chúng ta. Bản văn quan trọng nhất trong những bản văn này trong phụng vụ hôm nay là Thánh Vịnh 23 (2)—“Chúa là mục tử tôi”—trong thánh vịnh này Israel khi cầu nguyện nhận lãnh sự Chúa tự mạc khải là mục tử, và lấy thánh vịnh này làm sự hướng dẫn của chính đời sống mình. “Chúa là mục tử tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì”; câu thứ nhất này bày tỏ niềm vui và sự biết ơn đối với sự kiện là Chúa hiện diện với và quan tâm về nhân loại.

Bài đọc từ Sách Ezechiel bắt đầu với cũng một chủ đề: “Đây chính Ta sẽ chăm sóc các chiên ta và thân hành kiểm điểm” (Ez 34:11). Chúa đích thân chăm sóc tôi, chúng tôi, và tất cả nhân loại. Tôi không bị bỏ rơi, trôi dạt trong vũ trụ và trong một xã hội để tôi ngày càng bị mất và lúng túng. Chúa chăm sóc tôi. Người không phải là một Chúa xa cách, đối với Người mạng sống tôi là vô giá. Các tôn giáo thế giới, theo mức chúng ta có thể thấy, đã luôn luôn biết rằng cuối cùng chỉ có một Thiên Chúa. Nhưng Chúa này xa cách. Rõ ràng Người đã từ bỏ thế giới cho những quyền năng và những quyền lực khác, cho những vị thần khác. Chính với những vị thần này mà chúng ta phải xử lý. Chúa là đấng tốt lành, nhưng ở trên cao. Người không có dáng nguy hiểm, cũng không hay giúp đỡ. Do đó, ta không cần lo lắng vể ngài. Ngài không ra oai với chúng ta.

Thật kỳ quặc, loại suy nghĩ này tái xuất hiện trong thời Khai Sáng. Vẫn còn một sự công nhận rằng thế giói giả thiết có một Đấng Sáng Tạo. Nhưng ông Chúa này, sau khi tạo dựng thế giới hiển nhiên đã rút lui khỏi thế giới. Chính thế giới do một số luật lệ chi phối nó, và Chúa đã không được, cũng không thể xen vào trong những luật lệ ấy. Chúa chỉ là một nguyên nhân xa cách. Có thể nhiều người cũng không cần Chúa chăm sóc họ. Họ đã không cần Chúa xen vào đời sống của họ. Nhưng nơi nào sự quan tâm yêu thương của Chúa được nhận thức như là xen vào con đường này, thì những con người bị thất bại.

Điều tốt đẹp và an ủi là biết có một Đấng yêu tôi và chăm sóc tôi. Nhưng điều rất quan trọng là có một Chúa Đấng biết tôi, yêu tôi và quan tâm đến tôi. “Tôi biết chiên tôi và chiên của tôi biết tôi” (Jn 10:14), Giáo Hội nói trước bài Tin Mừng với những lời của Chúa. Chúa biết tôi, Người quan tâm đến tôi. Tư tưởng này sẽ làm chúng ta thật sự vui mừng. Hãy để nó thâm nhập vào những chiều sâu bản thể chúng ta. Sau đó chúng ta cũng phải công nhận điều đó có ý nghĩa gì: Chúa muốn chúng ta, là những linh mục, trong một lúc rất nhỏ của lịch sử, chia sẻ quan tâm của Người về dân chúng. Là những linh mục, chúng ta ao ước thành những con người chia sẻ quan tâm của Chúa đối với những người nam và những người nữ, thành những kẻ chăm sóc họ và cung cấp cho họ một kinh nghiệm cụ thể về sự quan tâm của Chúa. Bất cứ phạm vi hạt dộng nào được giao phó cho linh mục, thì ngài, với Chúa,, phải có khả năng nói: “Tôi biết chiên tôi và chiên tôi biết tôi”.

“Biết”, theo cách diễn đạt Kinh Thánh, không bao giờ qui chiếu về sự biết thuần túy bên ngoài như biết con số điện thoại của ai. “Biết” có nghĩa là ở gần nội tại với một người khác. Có nghĩa là yêu họ. Chúng ta phải cố gắng “biết” những người nam và những người nữ như Chúa biết và vì Chúa; chúng ta phải ra sức đi với họ theo con đường tình bạn với Chúa.

Chúng ta hãy trở về với bài Thánh Vịnh của chúng ta. Ở đó chúng ta đọc: “Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vi danh dự của Người. Dầu qua thung lũng âm u, con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng, côn trượng Người bảo vệ--con vững dạ an tâm” (23 [22]: 3ff.). Người mục tử chỉ đường ngay cho những kẻ được phó thác cho mình. Anh ta đi trước chiên và hướng dẫn chiên. Chúng ta hãy đặt bài Thánh Vịnh một cách khác: Chúa chỉ chúng ta con đường ngay để thành người. Chúa dạy chúng ta nghệ thuật làm người. Tôi phải làm gì để khỏi sa ngã, để khỏi lãng phí sự sống của tôi trong sự vô lý? Chính xác đó là câu hỏi mà mọi người nam và nữ phải hỏi và là một câu hỏi vẫn có giá trị trong mọi lúc đời sống chúng ta. Câu hỏi này bị bóng tối che phủ là dường nào trong chính thời đại chúng ta! Chúng ta nhớ mãi những lời của Chúa Giêsu, Đấng cảm thấy thương xót những đoàn lũ bởi vì họ như một đoàn chiên không chủ chăn. Lạy Chúa, xin thương xót chúng con với! Xin chỉ đường cho chúng con! Từ Tin Mừng chúng con biết sự này nhiều: chính Ngườii là con đường.

Sống với Chúa Kitô, theo Người—điều này có nghĩa là gặp được con đường ngay, như thế những cuộc sống chúng ta có thể đầy ý nghĩa và một ngày kia chúng ta cũng có thể nói: “Vâng, điều tốt là đã sống”. Dân Israel tiếp tục biết ơn Chúa bởi vì trong các Điều Răn Chúa đã chỉ cách sống. Thánh Vịnh cả thể 119 (118) là một sự diễn tả độc đáo về niềm vui cho sự kiện này: chúng ta không luống công trong sự tối tăm. Chúa đã chỉ chúng ta con đường và phải đi cho đúng. Sứ điệp các Điều Răn được tổng kết trong sự sống của Chúa Giêsu và trở thành một mẫu luân lý. Như vậy chúng ta hiểu rằng những luật này từ Chúa không phải là những xiềng xích, nhưng là con đường Người chỉ cho chúng ta. Chúng ta có thể vui mừng vì các luật ấy và vui mừng vì trong Chúa Kitô chúng đứng trước chúng ta như môt thực tại sống động. Chính Chúa cũng làm chúng ta vui mừng. Nhờ đi với Chúa Kitô chúng ta kinh nghiệm niềm vui Mặc Khải, và với tư cách linh mục, chúng ta phải truyền thông cho những kẻ khác niềm vui của chúng ta là sự kiện chúng ta được chỉ cho con đường đúng.

Sau đó có câu về “thung lũng đen tối nhất” mà qua đó Chúa dẫn chúng ta. Con đường của chúng ta với tư cách những cá thể một ngày kia sẽ đẫn chúng ta vào trong thung lũng bóng tối sự chết, nơi không ai có thể đồng hành chúng ta. Nhưng Người sẽ ở đó. Chính Chúa Kitô xuống trong đêm tối sự chết. Dầu ở đó Người sẽ không bỏ chúng ta. Cả ở đó Người sẽ dẫn chúng ta. “ Nếu con có lạc vào đường gian ác, Chúa hiện diện ở đó”, Thánh Vịnh 139(138) nói. Thật sự Chúa ở đó, cả trong những nổi khổ sở sự chết, và từ đó Thánh Vịnh Đáp Ca của chúng ta có thể nói: dầu ở đó, trong thung lũng tối tăm nhất, tôi không sợ sự dữ. Khi nói về thung lũng tối tăm nhất, chúng ta có thể nghĩ về những thung lũng tối tăm của sự cám dỗ, sự ngã lòng và thử thách mà qua đó mọi người phải đi qua. Cả trong những thung lũng tối tăm này của đời sống Chúa ở đó. Lạy Chúa, trong sự tối tăm cám dỗ, trong giờ tối tăm khi mọi ánh sáng xem ra đã tắt hết, xin chỉ cho chúng con Chúa ở đó. Xin giúp chúng con những linh mục, cho chúng con vẫn ở lại bên những người được giao phó cho chúng con trong những đêm tối này. Hầu chúng con có thể chỉ cbo họ chính ánh sáng của Chúa.

“Gậy và côn trượng của Chúa- chúng nâng đõ con”: người mục tử cần gậy để bảo vệ khỏi những thú dữ sẵn sàng vồ đoàn chiên; chông lại những kẻ trộm dòm ngó mồi. Cùng với cây gậy có côn trượng ban cho sự nâng đỡ và giúp thực thi những sự đi xuyên ngang khó khăn. Cả hai thứ này ví như thành phần thừa tác vụ Giáo Hội, thừa tác vụ linh mục. Giáo Hội cũng phải dùng roi người mục tử, roi nhờ đó ngài bảo vệ đưc tin khỏi những kẻ xuyên tạc đức tin, khỏi những trào lưu dẫn đoàn chiên đi lạc. Việc sử dụng cây roi hiện giờ có thể là một việc phục vụ tình yêu.

Ngày nay chúng ta có thể thấy rằng không có gì phải làm với tình yêu khi cách cư xử bất xứng của đời sống linh mục được bao che. Cũng không có gì phải làm với tình yêu nếu bè rối được phép phổ biến và đức tin bị nhăn nhúm và vỡ vụn ra, dường như đó là một cái gì chính chúng ta đã phát minh. Dường như đó không còn là hồng ân Thiên Chúa, viên ngọc quí mà chúng ta không thể để tuột khỏi chúng ta. Cũng vậy, cây roi phải luôn luôn trở thành lại côn trượng người mục tử-- môt côn trượng giúp những người nam và những người nữ đi những con đường khó và theo Chúa.

Cuối bài Thánh Vịnh chúng ta đọc về bàn được dọn ra, về dầu để xức trên đầu, về chén uống tràn đầy, và về sự ở trong nhà Chúa. Trong Thánh Vịnh đó là một cách nói trước hêt và hầu như về viễn ảnh niềm vui lễ hội được ở trước sự hiện diện của Chúa trong đền thờ, được làm khách của Người, kẻ mà chình Chúa phục vụ, được ở với Chúa. Đối với chúng ta, chúng ta đọc Thánh vịnh này với Chúa Kitô và Thân Thể của Người là Giáo Hội, viễn ảnh này của hy vọng đảm nhận một bề rộng và một chiều sâu còn lớn hơn. Chúng ta thấy trong những lời này một loại điềm báo tiên tri về mầu nhiệm Thánh Thể, trong đó chính Chúa biến chúng ta thành những khách của Người và hiến mình cho chúng ta làm của ăn- làm thứ bánh này và thành rượu ngon mà chỉ mình nó có thể dứt khoát thỏa mãn sự đói và sự khát con người. Sao mà chúng ta có thể không vui mừng một ngày kia chúng ta sẽ làm khách tại chính bàn tiệc của Chúa và sống trong nhà ở của Người? Sao mà chúng ta có thể không vui vì đã cho phép chúng ta dọn bàn tiệc Chúa cho những người nam và những người nữ, ban cho họ Mình và Máu Người dâng hiến cho họ hồng ân quí báu về sự hiện diện của Người. Thật sự chúng ta có thể cầu nguyện chung, với tất cả tầm lòng chúng ta, những lời Thánh Vịnh: “Lòng nhân hậu và tình thương của Chúa ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời: “Tv 23(22):6”

Sau cùng, chúng ta hãy nhìn thoáng qua hai ca hiệp lễ mà Giáo Hội cống hiến chúng ta trong phụng vụ hôm nay. Trước hết có những lời mà Thánh Gioan dùng kết thúc việc tường thuật sự đóng đinh của Chúa Giêsu: Một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì Máu cùng nước chảy ra” (Ga 19:34). Con tim của Chúa Giêsu bị lưỡi đòng đâm thủng. Một khi được mở ra, con tim ấy trở thành một nguồn suối: nước và màu chảy ra chỉ hai bí tích cơ bản nhờ đó mà Giáo Hội sống động: Rửa Tội và Thánh Thể. Từ cạnh sườn bị đâm thủng của Chúa, từ con tim Người bị mở, chảy ra mạch nước hằng sống, mạch nước tiếp tục chảy ra qua bao thế kỷ và sự này làm nên Giáo Hội. Con tim bị mở là nguồn một giòng sống mới; ở đây Gioan chắc chắn cũng đã nghĩ tới lời tiên tri Ezechiel, kẻ thấy chảy ra từ đền thờ mới một suối nước cho sự phì nhiêu và sự sống (Ez 47): Chính Chúa Giêsu là đền thờ mới, và trái tim rộng mở của Người là nguồn của một dòng nước ban sự sống mới được truyền thông cho chúng ta trong Bí Tích Rửa Tội và Thánh Thể,

Phụng vụ Lễ Trọng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu cũng cho phép một câu khác, giống như câu

này, được sử dụng như là ca hiệp lễ. Ca hiệp lễ này đươc trích từ Tin Mừng Gioan: “Ai khát hãy đến với tôi, ai tin vào tôi hảy đến mà uống! Như Kinh thánh đã nói: Từ lòng Người sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống”(x.Gn 7:37 x)

Trong đức tin chúng ta uống, nói được vậy, nước hằng sống của Lời Chúa, Như vậy chính kẻ tin trở thành một mạch suối ban nước hằng sống cho đất khô lịch sử. Chúng ta thấy điều này trong các thánh. Chúng ta thấy sự này trong Đức Maria, người nữ vĩ đại của đức tin, tình yêu và sự sống. Mỗi người Kitô hữu và mỗi linh mục phải trở thành, khỉ sự từ Chúa Kitô, một mạch suối ban sự sống cho những kẻ khác. Chúng ta phải là những kẻ hiến dâng nước hằng sống cho một thế giới khô cháy và khao khát.

Lạy Chúa, chúng con cảm tạ ơn Chúa vì Chúa đã mở lòng chúng con; vì trong sự chết và sự phục sinh của Chúa, Chúa trở nên nguồn mạch sự sống. Xin ban cho chúng con sự sống, xin cho chúng con sống nhờ Chúa như nguồn mạch chúng con, và xin làm cho chúng con cũng có thể thành những nguồn, những mạch suối có khả năng ban nước sự sống trong thời đại chúng con. Chúng con cảm tạ Chúa vì ân sủng thừa tác vụ linh mục. Xin Chúa chúc lành chúng con, và chúc lành tất cả những ai trong thời đại chúng con đang khao khát và tiếp tục tìm kiếm, Amen.
 
Đức Giáo Hoàng giải thích tại sao xã hội cần Thomas Aquinas
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
20:56 17/06/2010
Ngài ghi nhận tính hợp thời về Thần Học Luân lý của vị Thánh.

VATICAN (Zenit.org).- Thần học luân lý của Thánh Thomas Aquinas là hợp thời cả ngày nay, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI nói và chỉ tới sự nhấn mạnh của vị Thánh về luật tự nhiên.

Đức Giáo Hoàng nói về những huấn giáo của Aquinas hôm nay, ngài tiếp tục bài giáo lý của ngài về văn hóa Kitô hữu của những Thời Trung Cổ sau sự gián đoạn nhiều tuần để tập trung vào những chủ đề khác.

Ngài giải thích việc Thomas xoay xở chứng tỏ “tính độc lập của triết học và thần học và, đồng thời, sự hợp lẽ phải hỗ tương của chúng.

Sự nhấn mạnh của vị thánh về phẩm giá của lý trí nhân bản có mối quan hệ hỗ tương với huấn giáo của ngài về tự nhiên và ân sủng, Đức Thánh Cha minh họa. Và ngài ghi nhận rằng lý trí, với quyền năng của nó, có khả năng quan trọng “phân biệt luật luân lý tự nhiên.”

“Lý trí có thể nhận ra [luật này] bằng cách xem xét điều gì là tốt nên làm và điều gì là tốt nên tránh hầu đạt hạnh phúc ở trong tâm hồn mỗi người, và cũng áp đặt một trách nhiệm đối với những kẻ khác và, do đó, sự tìm kiếm công ích,” ngài nói. “Nói cách khác, các nhân đức của con người, thần học và luân lý, ăn rễ sâu trong bản tính con người.

“”Ân sủng thần linh ủng hộ, nâng đỡ và buộc hành động sự dấn thân đạo đức nhưng, về phần họ, theo thánh Thomas, mọi người, tin hay không tin, được kêu gọi nhìn nhận những đòi hỏi của nhân tính được diễn tả trong luật tự nhiên và được cảm hứng trong luật này để diễn đạt những luật tích cực, tức là, những luật phát xuất từ các thẩm quyền dân sự và chính trị để điều hòa sự chung sống nhân bản.”

Con đường gây ấn tượng

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đề cao tầm quan trọng của luật tự nhiên và những trách nhiệm nó ngụ ý, và nói rằng khi những trách nhiệm này bị từ chối, “con đường được mở ra cách đột ngột cho thuyết tương đối đạo đức trên bình diện cá thể và cho thuyết độc tài của nhà nước trên bình diện chính trị.”

Ngài trưng dẫn vị tiền nhiệm của ngài, Đức Khả Kính Gioan Phaolô II, kẻ xác nhận: “Do đó điều cần thiết khẩn cấp cho tương lai xã hội và cho sự phát triển của một nên dân chủ lành mạnh, là tái khám phá những giá trị luân lý và nhân bản thiết yếu và bẩm sinh phát ra từ chính sự thật con người và diễn tả và bảo vệ phẩm giá con người: những giá trị mà không cá nhân nào, không đa số nào và không Quốc gia nào có thể tạo dựng, thay đổi hay phá hủy, nhưng chỉ phải thừa nhận, tôn trọng và cổ võ.”

Quan niệm về lý trí nhân bản do Thomas đề nghị thì “đáng giá,” Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI xác nhận: bởi vì trí khôn con người, hơn hết nếu nó chấp nhận những cảm hứng của đức tin Kitô hữu, là một kẻ cổ võ một nền văn minh công nhận phẩm giá con người, tính bất khả xâm phạm về những quyền lợi của nó và sức mạnh thuộc những giá trị của nó.”

Đức Thánh Cha nhận xét rằng điều “không lạ” là học thuyết về phẩm giá con người “ “trưởng thành trong các lãnh vực tư tưởng thụ hưởng di sản của Thánh Thomas Aquinas, kẻ có môt quan niệm rất cao về tạo vật nhân bản.”

Tuy nhiên, Đức Giám Mục thành Roma kết luận với một sự nhớ rằng tư tưởng sâu sắc của Thánh Thomas và huấn giáo của ngài phát sinh từ “đức tin sống động và lòng đạo đức sốt sắng của ngài.

Thánh nhân là một nhà tư tưởng và là một vị thánh, Đức Giáo Hoàng nhắc lại, là kẻ cầu nguyện với Chúa theo những cách này: “Xin Chúa ban cho con, con cầu xin, một ý muốn tìm kiếm Chúa, một sự khôn ngoan gặp được Chúa, môt cuộc sống đẹp lòng Chúa, một sự kiên trì chờ đợi Chúa với sự tin tưởng và một sự tin tưởng mà cuôi cùng thành công trong sự chiếm hữu Chúa.”
 
Linh Mục Trung Quốc kính dâng lên Đức Thánh Cha qùa tặng của Giáo Phận Thượng Hải và Xà Sơn.
Dominic David Trần
23:12 17/06/2010
Thành Phố Vatican-China: ngày 16/06/2010 theo bản tin Thông Tấn Xã Công Giáo Á Châu và Tòa Thánh Vatican cho biết là Linh Mục Mátthêu Chu -theo ủy nhiệm và nhân danh của các giáo phận Thượng Hải và Xà Sơn (Sheshan) - đã kính dâng lên Đức Thánh Cha Benedicto XVI một bức tranh thánh và một bức phù điêu thu nhỏ. Vị giáo sĩ Công giáo này hiện nay đang sống tại Đài Bắc và có những mối liên lạc mật thiết với Giáo Hội Lục địa Trung quốc. Vị giáo sĩ này đã tấu trình lên Đức Thánh Cha về ước muốn của các tín hữu địa phương rất mong được thấy việc khởi sự tiến trình phong Chân phước cho các vị Linh Mục Matteo Ricci SJ ( tức Lợi Mã Đậu theo phiên âm Hán Việt); và giáo dân Phao-lồ Xu Guangqi.

Đức Thánh Cha Benedicto XVI đã tiếp nhận hai món qùa của các Giám Mục và toàn thể tín hữu thuộc Giáo phận Thượng Hải từ tận tay vị Linh Mục Matteo Chu vào buổi tiếp kiến chung vào cuối ngày 16/06/2010 tại Quảng trưòng Thánh Phêrô.

Hai món qùa này gồm có: -một bức tranh thánh trên lụa mô tả chân dung Đức Mẹ Xà Sơn (Sheshan) trên nền bức tranh là Lời Kinh Khẩn cầu Đức Trinh Nữ Maria do chính Đức Thánh Cha Benedicto viết trong Tông Thư Giáo Hoàng kính gởi đến Các Tín hữu Công giáo Trung Quốc; và một bức phù điêu thu nhỏ cũng là Thánh tượng Đức Bà Xà Sơn, là Đấng bảo trợ Giáo Hội Trung quốc, được điêu khắc bằng gỗ rất cổ lấy từ thân cây mọc trên ngọn đồi của Thánh Địa nơi Đền Thánh Quốc gia Đức Mẹ Xà Sơn của Trung Quốc tọa lạc.

Linh Mục Matteo Chu, người được ủy nhiệm kính dâng tặng vật lên Đức Thánh Cha, được sinh ra đời tại lục địa Trung quốc. Vị Linh Mục này là một Tu Sĩ Dòng Tên đã từng bị bắt và đưa vào Trại Lao Cải tại lục địa trong 27 năm trường. Sau khi được trả tự do Linh Mục Matteo Chu đã theo Đức Hồng Y Gong Pinmei đến Hoa Kỳ, sau đó về lại Đài Bắc, Đài Loan.

Cùng được phép tham dự buổi triều yết Đức Thánh Cha với Linh Mục Matteo Chu là giáo sĩ Gu Guangzhong, một Linh Mục Trung quốc.

Linh Mục Matteo Chu có những mối liên hệ mật thiết với Giáo Phận Thượng Hải, nơi đã kính gởi hai qùa tặng nói trên đến Đức Thánh Cha. Linh Mục Matteo Chu hiện đang ở Rôma nhân chuyến hành hương đến Giáo đô tham dự Đại Lễ kết thúc Năm Linh Mục. Linh mục Matteo Chu phát biểu với Thông Tấn Xã Công Giáo Á Châu là ngài đã kính xin Đức Thánh Cha ban Phép Lành đặc biệt cho Giáo Hội Công Giáo (thầm lặng) tại Lục địa Trung quốc. Linh Mục Matteo Chu cũng kính tâu lên Đức Thánh Cha về ước muốn của Giáo dân và Giáo Phận Thượng Hải rất mong được thấy tiến trình cứu xét và tôn phong Chân phước cho Linh Mục Matteo Ricci SJ (Lợi Mã Đậu) vị Thừa sai Dòng Tên nổi tiếng tại Trung quốc và người khoa học gia bạn của ngài là giáo dân và vị triều quan Phao-lồ Xu Guangqi.
 
Vì một nền văn hoá sự sống
Thiên Phong
23:30 17/06/2010
Cách đây 2 tuần, chúng tôi có giới thiệu bài « Hồng Y Ouellet bị một nhóm phụ nữ tấn công thô bạo » của Phóng Viên Normand Lester. Có thể nói, vị Hồng Y Giáo Chủ Canada và Tổng Giám Mục Québec, thuộc Hội Các Linh Mục Xuân Bích, đang là tiếng nói mạnh mẽ và quyết liệt nhất trong cuộc đấu tranh bảo vệ sự sống tại đất nước có bao điều tốt đẹp nhưng vẫn còn đó nhiều lấn cấn này. Sau đây chúng tôi xin giới thiệu những lời của chính Đức Hồng Y, được đăng tải lần đầu tiên vào ngày 16.5 vừa qua. (Thiên Phong)

Chẳng biết là tôi được diễm phúc hay vô phúc khi bảo vệ phẩm giá con người một cách vô điều kiện và bất khoan nhượng. Trong cuộc tranh cãi hiện nay về cái chết êm dịu, người ta bảo rằng tôi là một kẻ cổ hủ và cố chấp. Một số người không nhìn nhận sự thật rằng phẩm giá con người không hề sút giảm chút nào khi con người ấy chưa được sinh ra, khi con người ấy bệnh hoạn, tật nguyền hay hấp hối. Tôi khẳng định phẩm giá của nhân vị vẫn có một cách tròn đầy kể từ khoảnh khắc đầu tiên cho đến khi sự hiện hữu ấy hoàn toàn chấm dứt. Phẩm giá ấy là bất khả xâm phạm. Lý do thật đơn giản: vì đó là một nhân vị!

Dù luật pháp của con người cho phép hay không cho phép (việc giết người), thì từ trong lương tâm sâu thẳm, luật luân lý tự nhiên vẫn bảo ta rằng không được giết người, rằng ta phải tôn trọng sự sống con người và phải bảo vệ những con người mong manh yếu đuối nhất. Tôi đã nói chuyện về điều này với Liên Hiệp Các Tổ Chức Y Tế Công Giáo Canada. Rồi tôi cũng đã đề cập vấn đề này trong cuộc gặp với Jean-Luc Mongrain, trong đó tôi không tự giới hạn mình nơi tư cách một người hữu trách tôn giáo nói theo quan điểm mục vụ, kẻo người ta sẽ lập tức hô cái khẩu hiệu rằng « tôn giáo của người này không phải là luật cho người khác. » Thực vậy, tôi đã tranh luận hoàn toàn từ quan điểm thuần lý, quan điểm mà trên nguyên tắc mọi người đều nhìn nhận.

Vào cái ngày mà người ta đặt ra một điều kiện cho sự tôn trọng nhân vị, thì xã hội sẽ đánh mất nền tảng đạo đức của nó, và cánh cửa sẽ mở toang cho những kẻ mạnh nhất tha hồ lạm dụng những con người yếu nhất. Vào cái ngày mà người ta nói rằng đứa trẻ trong bụng mẹ nó được tôn trọng và bảo vệ với điều kiện là nó khỏe mạnh và đồng thời không đe dọa sức khỏe của mẹ nó, hay với điều kiện là nó đã được thụ thai hợp lúc, hay với điều kiện là nó đã được mong muốn và chờ đợi, thì ngày đó nhân quyền bắt đầu bị chà đạp, cho dù luật của quốc gia ấy cho phép chọn phá thai và chọn cái chết êm dịu. Phẩm giá của con người đâu phải là một món hàng để người ta có thể đổi chác để lấy một thứ khác. Phẩm giá con người chính là bạn, là tôi, trong tư cách là nhân vị. Đó là nền tảng luân lý của nền văn minh chúng ta.

Nền tảng này hiện nay đang bị tranh cãi và bị thay thế bởi những xu hướng chủ quan và nhất thời của các cá nhân. Một số người nghĩ rằng sự đau đớn vào lúc gần chết biện minh cho việc chọn một cái chết êm dịu. Sự đau đớn ấy chỉ nói lên rằng cần có những hỗ trợ của y khoa để làm giảm nhẹ nó. Một số người tố cáo rằng tôi không cảm thông nỗi khốn quẫn của những phụ nữ vốn không hề nhẹ dạ khi chọn phá thai. Hãy tin rằng tôi rất cảm thông với nỗi khổ cùng cực của họ. Nỗi khổ của họ càng là lý do để đừng đơn giản hóa việc phá thai, coi nó chỉ như một tiến trình y khoa và không đặt nó vào một khuôn khổ pháp lý.

Thật quan trọng việc suy nghĩ về tương lai của xã hội chúng ta và hướng đến một sự cách tân văn hóa, phục vụ cho một nền văn hóa sự sống. Ở Québec, 30.000 đứa trẻ bị chết oan do phá thai hằng năm; phải chăng những đứa trẻ này không thể được tiếp đón bởi các gia đình hay các tổ chức nhận nuôi? Chưa kể rằng giá trị nội tại của sự sống con người phải được bảo vệ, ai cũng biết rõ chúng ta đang rất cần nguồn lực con người, và các chương trình nhập cư của chúng ta chưa đủ sức để lấp đầy các thiếu hụt trong những năm sắp tới.

Một số cây bút xã luận công kích chính phủ trung ương vì chính phủ không đưa việc phá thai vào nghị trình của G8 bàn về vấn đề săn sóc sức khỏe các bà mẹ và trẻ em tại những nước thuộc thế giới thứ ba. Tôi thì cho đó là điều may. Vì như vậy, chính phủ không bành truớng cách thực hành của chúng ta tới những nền văn hóa khác, và nhất là tránh áp đặt một não trạng tân thực dân trên những nước giàu lòng tôn trọng sự sống. Chúng ta tự hào mình là một quốc gia tiên tiến; những phải chăng chúng ta đang « tiên tiến » xét theo tiêu chuẩn tôn trọng phẩm giá của nhân vị? Tinh thần cộng đồng vốn rất mạnh mẽ nơi các dân tộc thuộc thế giới thứ ba, nhưng tinh thần ấy có tồn tại nơi chúng ta không? Chúng ta cần phải học tinh thần cộng đồng ấy, để biết bảo vệ những con người mong manh yếu ớt nhất trong xã hội của mình.

(dịch từ « Pour une culture de la vie » của Hồng Y Marc Ouellet)
 
Giáo luật và dân luật
Vũ Văn An
00:14 17/06/2010
Ngày 25 tháng 5 vừa qua, dưới sự bảo trợ của Hội Giáo Luật Hoa Kỳ và Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, một cuộc hội thảo kéo dài một ngày đã được tổ chức để giới truyền thông có dịp học hỏi những nét căn bản về giáo luật, và mối tương quan cũng như dị biệt của nó với dân luật. Vì mặc dù giáo luật là bộ luật “lâu đời nhất trên thế giới, mà lại liên tục thi hành chức năng của mình hơn hết”, nhưng nhiều người không hiểu rõ nó, bởi nó quá khác biệt với hệ thống dân luật.

Đó là nhận định của Cha Kevin McKenna, một linh mục thuộc tổng giáo phận New York và là diễn giả đầu tiên của cuộc hội thảo, với đề tài “Giáo luật và dân luật: cùng làm việc cho ích chung”. Theo cha McKenna, bộ giáo luật hiện nay có gốc rễ từ thời các Tông Đồ, khi các ngài bắt đầu ‘san định’ các luật lệ tại Công Đồng Giêrusalem vào thế kỷ thứ nhất, như mô tả của Sách Tông Đồ Công Vụ. Qua nhiều thế kỷ sau, các qui định của các vị giáo hoàng và các công đồng đã được thêm vào, tạo nên điều cha McKenna gọi là một “tình trạng hết sức cồng kềnh và lôi thôi” mà mãi tới thế kỷ 20 mới được lập bộ (codified) lần đầu tiên.

Vị luật gia giáo luật này cho rằng bộ giáo luật chịu ảnh hưởng nặng nề của luật Rôma và cho biết nó đã được lập bộ như thế nào dưới thời Đức GH Piô X: “theo mẫu bộ luật Nã Phá Luân của Pháp, là bộ luật hết sức phổ thông tại Âu Châu vào đầu thế kỷ 20”.

Chính Đức Gioan XXIII đã yêu cầu phải cập nhật hóa bộ luật năm 1917. Nhờ thế, một bộ luật mới đã được ban hành vào năm 1983, tức bộ giáo luật hiện hành.

Khác nhau

Cha McKenna, sau đó, đã đề cập tới một số tương đồng và dị biệt giữa giáo luật và dân luật, nhất là tại Hoa Kỳ. Dị biệt đầu tiên là hệ thống cai trị dân sự gồm có ba ngành trong khi giáo luật thu gồm “cả ba chức năng ấy vào một đấng bề trên giáo quyền”. Ngài cũng cho rằng việc “kiểm soát và cân bằng từng được đan kết vào hệ thống tam quyền của các chính phủ dân sự được thấy rõ nhất qua hệ thống cứu viện (recourse system) trong cơ cấu Giáo Hội, qua đó, một số quyết định của cấp địa phương, thường là của các giáo phận, có thể được đệ trình cho cấp ‘cao hơn’, thường là một Thánh Bộ hay một văn phòng, tại Rôma. Một thủ tục khá đặc thù và mất thì giờ.

Cha McKenna cũng cho biết một số dị biệt khác:dân luật để các thẩm phán ấn định ra luật lệ theo nghĩa các phán quyết của họ trở thành tiền lệ cho các vụ án về sau. Điều này “không có trong hệ thống giáo luật”. Một dị biệt khác: là vai trò của hiến pháp (hay một văn kiện tương tự), nó được coi là nền tảng hay nguồn gốc của mọi luật lệ trong hệ thống dân sự. Về điểm này, Cha McKenna cho biết như sau: nhân dịp duyệt lại bộ giáo luật hiện nay, có người đã đề nghị soạn ra một thứ hiến pháp cho Giáo Hội, nhưng gợi ý này đã bị Đức Gioan Phaolô II bác bỏ.

Điểm dị biệt nữa được Cha McKenna lưu ý là dân luật có thể thay đổi nhanh hơn giáo luật. Vì, theo Cha, “Bộ giáo luật cố gắng cung cấp các quan niệm căn bản; các quan niệm này có thể được thích nghi, hy vọng đáp ứng được các hòan cảnh và tình thế thay đổi cũng như các hoàn cảnh cá nhân, mà không cần tạo ra những khoản luật mới”.

Tìm sự kiện

Tuy nhiên, điểm dị biệt chủ yếu được Cha MaKenna nhắc đến chính là các cố gắng tìm sự kiện và bằng chứng trong một vụ xử. Ngài cho biết: Giáo Hội không có bộ phận độc lập truy tìm sự kiện giống như cơ quan Điều Tra Liên Bang (FIB) hay lực lượng cảnh sát. Theo Cha, “Giáo luật đặt cơ sở trên truyền thống Âu Châu lục địa, một truyền thống vốn có từ thời luật Rôma. […] Xét về truyền thống, các hệ thống luật pháp đặt căn bản trên luật Rôma, như giáo luật chẳng hạn, thường sử dụng phương thức ‘dựa vào tìm hiểu’ (inquiry-based) để điều tra và xét xử các vụ án, trong khi dân luật hay sử dụng phương thức đối đầu hay đối thủ (adversarial approach)” (1).

Chính vì thế, theo Cha, người ta thường hay “phàn nàn” về tính “kín đáo áp đặt trên các vụ xử liên quan đến các lời tố cáo lạm dụng tình dục”. Cha cho biết thêm: “Trong hệ thống giáo luật, chính các thẩm phán, hay những người được các thẩm phán ủy quyền, chứ không phải các đại diện của thân chủ, hay các luật sư, có vai trò thu lượm bằng chứng bằng miệng hay bằng chữ viết. Diễn trình tìm sự kiện và chứng cớ diễn ra trong một số cuộc điều trần thường kéo dài trong một khoảng thời gian tương đối lâu chứ không hẳn trong một vụ xử duy nhất như vụ án dân sự. Trong hệ thống giáo luật, vì bằng chứng thường được thu lượm trong một khoảng thời gian dài như thế, nên các thẩm phán thường áp đặt nhiều hạn chế buộc nhân chứng phải kín miệng (confidentiality) để tránh có thể “gây nhiễm” cho các nhân chứng khác sẽ xuất hiện trước tòa sau này. Điều này tương phản với hệ thống dân luật là hệ thống sử dụng thủ tục đối chất (cross-examination) trước bồi thẩm đoàn”.

Phương thức tranh thủ sự hợp tác của nhân chứng cũng khác nhau giữa hai hệ thống luật này vì luật dân sự có thể áp đặt hình phạt thể lý, trong khi giáo luật chỉ dựa vào ảnh hưởng tinh thần.

Tòa hỗn hợp

Cha McKenna, nhân dịp này, cũng cho hay giáo luật có thụ lý những tội phạm thuộc “toà hỗn hợp” (mixed forum) nghĩa là những tội phạm đối với cả Giáo Hội lẫn xã hội. Tội lạm dụng tình dục thuộc loại này. Ngài giải thích thêm: “Khi một tòa án Giáo Hội dựa vào quyền tài phán của mình mà xử một tội ác, nó không được can thiệp vào diễn trình của một vụ án dân sự đang diễn ra, căn cứ trên cùng một bộ sự kiện”. Ngài đơn cử cuộc tranh luận gần đây liên quan tới vấn đề có thể coi các giám mục như nhân viên của Tòa Thánh hay không, và phạm vi thẩm quyền của Tòa Thánh đối với các vị giám mục và các giáo phận là như thế nào. Theo Cha, đây là một vấn đề phức tạp, cả về phương diện thần học. Nhưng Cha đã giải thích cặn kẽ: giám mục không phải là nhân viên theo nghĩa thông thường vì các ngài hành xử thẩm quyền riêng trong giáo phận của mình. Cha cho hay một tòa án dân sự muốn xác định được mối liên quan đó, thì “nhất định phải đi sâu hơn vào học lý, thần học, lịch sử và giáo luật của Giáo Hội, và có lẽ phải giải quyết các vấn đề thần học mà từ trước đến nay chính Giáo Hội cũng chưa giải quyết được”.

Một bước đi trước qua ba thập niên thương thảo

Diễn giả thứ hai trong cuộc hội thảo này là nhà giáo luật thuộc Hội Giáo Luật Hoa Kỳ, nữ tu Sharon Euart. Bà nói về cố gắng của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ trong việc giải quyết nạn lạm dụng tình dục nơi hàng giáo sĩ từ những năm giữa thập niên 1980 cho đến nay. Diễn giả cho rằng các cố gắng ấy hết sức tích cực. Tựa đề bài nói của bà là “Giáo Luật và Cuộc Khủng Hoảng Lạm Dụng Tình Dục Của Giáo Sĩ: Một Cái Nhìn Tổng Quát về Kinh Nghiệm Hoa Kỳ”.

Nữ tu Euart cho rằng “Luật Giáo Hội vẫn đã có điều khoản coi việc lạm dụng tình dục vị thành niên là một vi phạm trầm trọng từ thời Trung Cổ. Tội lỗi điều răn thứ sáu với một vị thành niên được coi là một tội hình sự. Việc kết án loại tội ác này luôn luôn cứng rắn và không hàm hồ”. Theo bà, việc tu chính bộ giáo luật gần đây nhất, được ban hành năm 1983, đã giảm thiểu con số các tội phạm và hình phạt trong Giáo Hội, nhưng “việc kết án giáo sĩ lạm dụng tình dục vị thành niên luôn được duy trì và được coi là tội ác mà hình phạt có thể lên tới việc bị sa thải khỏi hàng giáo sĩ”.

Muốn một diễn trình đơn giản hơn

Nữ Tu Euart cho rằng loại hình phạt trên chính là hình phạt đã được các vị giám mục Hoa Kỳ chú ý đặc biệt trong cố gắng cùng với Tòa Thánh giải quyết nạn lạm dụng tình dục. Bộ luật năm 1983 đưa ra hai phương thức để áp đặt việc sa thải khỏi hàng giáo sĩ: 1) linh mục có vấn đề tự ý xin hồi tục, hay là 2) bị sa thải khỏi hàng giáo sĩ bởi một diễn trình pháp chế, tức một tòa án có tính hiệp đoàn gồm 3 linh mục thẩm phán có chuyên môn”.

Các giám mục Hoa Kỳ muốn có một diễn trình hợp lý hơn, một “diễn trình hành chánh để sa thải khỏi hàng giáo sĩ” trong đó các giám mục giáo phận có nhiều tiếng nói hơn trong phán quyết. Theo Nữ Tu Euart, điều ấy có nghĩa: các ngài muốn có một diễn trình cho phép các ngài “sa thải một linh mục căn cứ vào tính nhất thiết của mục vụ hơn là căn cứ vào hình luật”, nghĩa là tiêu chuẩn để sa thải phải đặt nặng việc bảo vệ trẻ em trong tương lai. Thủ tục này bớt kềnh càng, bớt dài dòng và bớt khó thi hành hơn. Tuy nhiên, theo giáo luật, việc sa thải kiểu hành chánh này vẫn đòi phải có việc thích đáng bảo vệ vị linh mục. Cuộc thương thảo với Tòa Thánh vì thế không thành công, vì Tòa Thánh đòi phải có sự bảo vệ cần thiết đối với quyền lợi của mọi bên liên hệ: của nạn nhân, của linh mục, của giám mục và cộng đoàn Giáo Hội. Thay vì nhấn mạnh tới diễn trình hành chánh như đề nghị, cuộc thương thảo tìm các phương thế để làm dễ diễn trình pháp chế của việc sa thải khỏi hàng giáo sĩ.

Trong khi ấy, vào năm 1987, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã đưa ra 5 nguyên tắc liên quan tới việc lạm dụng tình dục. Các nguyên tắc này đã được công khai công bố năm 1992. Nữ Tu Euart cho hay: “Lúc ấy, các giám mục công khai dồn hết năng lực mục vụ của mình vào cố gắng đập tan cái vòng lạm dụng”. Mặt khác, bà nói thêm, “Khi các thương thảo giữa đại diện Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ với Tòa Thánh không đạt được thỏa thuận về một diễn trình hành chánh phi pháp chế, thì năm 1993, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cho thiết lập một ủy ban hỗn hợp gồm đại diện Tòa Thánh và Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ để nghiên cứu diễn trình pháp chế và đề nghị ra các phương cách hợp lý hoá nó. Ủy Ban Hỗn Hợp này đã đưa đề nghị thay đổi một số điều luật đặc thù để có thể áp dụng rộng rãi hơn diễn trình sa thải theo pháp chế vào các vụ lạm dụng tình dục vị thành niên. Các đề nghị thay đổi này đã được đại đa só các vị giám mục Hoa Kỳ chấp nhận và sau đó, sau khi được sửa đổi chút ít, đã được Tòa Thánh công bố vào năm 1993”.

Làm sáng tỏ sự việc

Nữ Tu Euart cho hay: đến cuối thập niên 1990, phần lớn các giáo phận Hoa Kỳ đã có những hệ thống chắc chắn để xử lý các vụ lạm dụng tình dục: các nguyên tắc đã được chấp thuận, hội đồng tái duyệt được thiết lập, và nhiều biện pháp khác được thực thi. Bà cũng cho biết: “những vấn đề giáo luật còn lại phần lớn là để bảo đảm rằng các linh mục vi phạm sẽ không trở lại thừa tác vụ nữa và các quyết định này phải được các bộ sở liên hệ tại Rôma tôn trọng. Thời ấy, người ta không hiểu rõ thánh bộ Rôma nào có thẩm quyền sau hết về những vấn đề trên, một tình trạng khiến nhiều giám mục nản lòng trong việc áp dụng kỷ luật đối với các linh mục vi phạm”.

Năm 2001, một văn kiện của Đức Gioan Phaolô II đã đánh tan nhiều nghi ngại, nhờ nó khẳng định rằng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin “có thẩm quyền duy nhất trong Giáo Hội và có nhiệm vụ đưa ra các qui định đặc biệt về thủ tục để công bố hay áp đặt các chế tài giáo luật trong các vụ liên quan đến các tội ác theo giáo luật này”.

Theo Nữ Tu Euart, trong văn kiện năm 2001 nói trên, có nhiều điều khoản phản ảnh những thay đổi được các giám mục Hoa Kỳ và Tòa Thánh chấp thuận năm 1993 “nói một cách thực tiễn, chúng đã biến các điều khoản trước đây chỉ là luật đặc thù cho Hoa Kỳ thành luật phổ quát áp dụng cho toàn thế giới”.

Nhờ thế, khi vụ tai tiếng trở thành tít lớn ở Hoa Kỳ năm 2002, người ta đã thấy một loạt dài các biện pháp được đưa ra để xử lý vấn đề. Tuy nhiên, nhiều biện pháp khác vẫn cần phải có: tháng 4 năm 2002, các vị hồng y và viên chức của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã gặp các nhà lãnh đạo của Vatican. Từ các cuộc hội kiến này, đã có quyết định để các giám mục Hoa Kỳ đưa ra các tiêu chuẩn và chính sách. Kết quả là văn kiện “Những Qui Định Chủ Yếu Cho Các Chính Sách Của Giáo Phận Trong Việc Xử Trí Các Lời Tố Cáo Giáo Sĩ Hay Phó Tế Lạm Dụng Tình Dục Vị Thành Niên”. Cùng năm đó, Tòa Thánh đã chuẩn y văn kiện này.

Nhìn trở lui

Nữ Tu Euart đưa ra một số nhận định làm bài học từ kinh nghiệm của các giám mục. Bà cho rằng các thảo luận công khai về vấn đề này ngay từ giữa thập niên 1980 rất có thể hữu ích, vì nhờ thế “công chúng ý thức được cam kết của các giám mục trong việc xử lý vấn đề này y như họ đã ý thức các lạm dụng dẫn tới cuộc khủng hoảng”. Dù gì, bà cũng nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc sẵn sàng chịu tính sổ (accountability), khi nhấn mạnh “Các giám mục lúc ấy cần, và bây giờ tiếp tục cần phải lãnh lấy vấn đề, nhận trách nhiệm đối với các giải pháp nhiều khi thiếu sót của mình và đảm bảo rằng các vụ trong tương lai sẽ được xử lý nhanh hơn và hữu hiệu hơn”.

Nhận xét thứ ba liên quan tới các diễn trình giáo luật “cồng kềnh”. Bà cho rằng: giáo luật không phải là vấn đề. “Vấn đề là việc các giám mục trù trừ không chịu sử dụng các điều khoản giáo luật lúc đó đã có sẵn để loại bỏ các linh mục khỏi thừa tác vụ. Các khí cụ giáo luật đã có sẵn lúc ấy. Tuy nhiên, nói thì nói thế, chứ việc các giám mục áp dụng các thủ tục giáo luật quả đôi lúc có gặp trở ngại vì những thủ tục đặc biệt và cồng kềnh và vì sự kiện này nữa là rất ít giáo luật gia đã được huấn luyện và có kinh nghiệm trong luật hình sự của Giáo Hội”. Về phương diện này, bà ca ngợi các buổi hội học (workshop) năm 2003 nhằm huấn luyện các luật gia giáo luật về việc áp dụng các thủ tục hình sự.

Tiêu chuẩn kép?

Đến phần các tham dự viên đặt câu hỏi, người ta mới thấy tính phức tạp của các vấn đề trên. Ít nhất thì cũng cần phải giải thích ngắn gọn về chức linh mục đời đời và việc loại một người khỏi bậc sống giáo sĩ.

Bản chất cồng kềnh của giáo luật đã khiến một trong các diễn giả là Cha John Beal của Đại Học America so sánh nó với bất cứ thủ tục pháp lý nào. Cha quả quyết rằng giống luật lệ Hoa Kỳ, giáo luật bảo đảm dành cho bị cáo một diễn trình thích đáng. Ngài cho hay trong bất cứ hệ thống pháp lý nào, “nếu bạn sẵn sàng dành cho bị cáo một phiên xử công bằng […] là bạn đã cam kết (tôn trọng) các thủ tục khá cồng kềnh”. Đơn cử, ngài nhắc mọi người nhớ tới những phức tạp trong việc đem công lý lại cho những kẻ gây ra tội ác ngày 11 tháng 9 năm 2001, sát hại hàng 3000 người.

Một người khác hỏi về vụ “một người bạn luật gia giáo luật” tìm cách bênh vực hai linh mục khỏi tội lạm dụng tình dục, hai vị linh mục mà vị luật gia này tin là vô tội. Về việc này, Cha Beal nhận xét rằng “đã có lúc, trong ‘thời xa xưa tồi bại’, lời của linh mục luôn nặng ký hơn […] nạn nhân. Bây giờ thì quả lắc đồng hồ đã lắc quay hướng khác: một lời tố cáo không hoàn toàn sai, nhưng một khi đã được đưa ra, thì bị cáo bó buộc phải chứng tỏ sự vô tội của mình. Quả là một thay đổi đáng kể”.

Cha cũng nhắc tới cầu thủ túc cấu quốc gia Ben Roethlisberger, tháng 3 vừa qua bị tố cáo tấn công tình dục, và cho rằng “theo diễn trình giáo luật, thì lúc này chắc chắn anh ta đã bị văng ra khỏi ngành bóng đá rồi” vì lượng chứng cớ mà công tố viên tìm ra, dù bị coi là không đủ để kết án, “cũng quá đủ đối với một vụ xử theo giáo luật để kết án anh ta phạm tội lạm dụng tình dục”. Vị linh mục này không quả quyết liệu quả lắc đồng hồ hiện nay có lắc đúng hay không, chỉ nói rằng với chứng cớ chỉ có tính giai thoại (anecdotal), người ta nên dành phán quyết này cho những người có nhiều bằng chứng hơn.

(1) Trong luật pháp, hệ thống tìm hiểu (inquiry hay inquisitorial) gồm một quan tòa (hay một nhóm quan tòa cùng làm việc chung) với nhiệm vụ điều tra vụ án. Trong khi hệ thống đối đầu (adversarial) là cơ cấu gồm hai bên theo đó, các tòa hình sự tiến hành qua phương thức đặt phía công tố đối nghịch với phía bào chữa. Công lý được thể hiện khi “địch thủ” hữu hiệu nhất có khả năng thuyết phục quan tòa hay bồi thẩm đoàn rằng quan điểm của ông ta hay bà ta là quan điểm đúng.
 
Nhìn lại 90 năm Hội Hiệp Sĩ Columbus cống hiến cho Tòa Thánh Vatican
Ngọc Loan
03:25 17/06/2010
VATICAN: Đối với Hội Hiệp Sĩ Columbus tại Hoa Kỳ, có lẽ mọi người sẽ phải ngạc nhiên vì những đóng góp âm thầm to lớn mà họ đã dành cho Tòa Thánh Vatican tại Roma. Những đóng góp đó bao gồm về những hoạt động bác ái và cả về các chính sách ngoại giao, đặc biệt giữa Hoa Kỳ và Tòa Thánh Vatican.

Suốt quá trình 90 năm qua, Hiệp Sĩ Columbus đã giúp rất nhiều trẻ em nghèo tại Roma, xây cho họ những sân chơi, mà cũng tại nơi này nhiều giáo sĩ sau này được vinh thăng lên hàng Hồng Y đã từng chơi đá banh, và cũng đó đã tổ chức phân phát những bữa ăn miễn phí cho người nghèo.

Tại Vatican, Hội Hiệp Sĩ đã ủng hộ tài chánh cho những công trình trùng tu, trả chi phí cho hệ thống viễn thông truyền hình được tải qua vệ tinh satelite cho những biến cố của Giáo Hoàng từ thập niên 1970, và giúp những công trình khai quật khu hầm mộ dưới đền thờ Thánh Phêrô.

Những công trình được biết đến cũng như không được biết đến của Hội Hiệp Sĩ Columbus đang được triển lãm tại Viện Bảo Tàng Capitoline- Roma cho đến tháng 10 với chủ đề: “Chào mừng mọi người, Mọi sự đều miễn phí”, đó cũng là câu phương châm của Hội Columbus cho những trung tâm Âu Châu trong thời kỳ Thế Chiến Thứ I và Thế Chiến thứ II.

Lá thư gởi Tổng Thống Hoa Kỳ Franklin D. Roosevelt


Công việc triển lãm này cũng nói lên lòng quý mến của Tòa Thánh đối với Hội Hiệp Sĩ Columbus đã cống hiến cho Thành Roma. Thật vậy vào năm 1920 theo lời mời của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XV, Hội Hiệp Sĩ đã bắt đầu làm việc tại Roma. Họ đã xây hàng loạt những sân chơi mà không lấy một chi phí nào, nhiều sân chơi ngày nay vẫn còn được xử dụng. Những sân chơi này đã đóng một vai trò rất quan trọng trong thời kỳ Thế Chiến Thứ II, khi mà các nữ tu và các linh mục đã xin Đức Giáo Hoàng cho tiếp tục xử dụng làm nơi sinh hoạt.

Sau khi Hoa Kỳ dội bom khu ngoại ô San Lorenzo tại Roma vào năm 1943, gây thiệt hại khu sân chơi của Hội Hiệp Sĩ Columbus, chủ tịch Hội Hiệp Sĩ tại Roma, hiệp sĩ Count Enrico Galeazzi đã được Đức Giáo Hoàng Piô XV mời đến và nhờ chuyển tay một lá thư riêng tới Tổng Thống Hoa Kỳ Franklin D. Roosevelt, xin Tổng Thống hãy miễn dội bom và xin đừng gây thiệt hại nhân mạng cho dân thành Roma.

Thế nhưng khi Hiệp Sĩ Galeazzi mang bức thư tới Hoa Kỳ và chưa kịp trình cho Tổng Thống, thì Ý đã ký bản hiệp định đình chiến với quân đồng minh, trong khi quân Quốc Xã Đức đã xâm lăng Ý. Lá thư này cũng đang được triển lãm tại viện bảo tàng.

Sau Thế Chiến thứ II, Hội Hiệp Sĩ tiếp tục làm trung gian về mặt ngoại giao giữa Tòa Thánh Vatican và Hoa Kỳ. Thật vậy vào năm 1982, chính Hội Hiệp Sĩ Columbus đã điều đình để có một cuộc tiếp kiến giữa Tổng Thống Hoa Kỳ Ronald Reagan và Đức Hồng Y Agostino Casaroli, Hồng Y Quốc Vụ Khanh của Tòa Thánh. Cả hai vị đã thảo luận cho những chuẩn bị căn bản đưa đến tiến trình liên hệ ngoại giao chính thức giữa Tòa Thánh và Hoa Kỳ. Và chẳng bao lâu sau đó, quốc gia Vatican và Hoa Kỳ đã chính thức thiết lập ngoại giao và đặt Tòa Khâm Sứ tại Hoa Kỳ cũng như Tòa Đại Sứ tại Vatican.

Những ai có dịp đến Roma và viếng thăm bảo tàng triển lãm những công trình của Hội Hiệp Sĩ Columbus, hẳn sẽ rất ngạc nhiên vì những đóng góp trên mọi khía cạnh của Hội cho Tòa Thánh mà không ai ngờ tới.

Trong những năm qua, Hội Hiệp Sĩ Columbus đã bảo trợ cho những công trình trùng tu trong Đền Thánh Phêrô, trần nhà nguyện Bí Tích Thánh Thể, các khu nhà nguyện, khu hầm mộ giáo hoàng, và trùng tu hai pho tượng lớn Thánh Phêrô và Thánh Phaolô tại Quãng Trường Thánh Phêrô.

Sau khi Tòa Thánh Vatican khai quật khu nghĩa địa nằm dưới Đền Thờ Thánh Phêrô vào cuối thập niên 1940, Hội Hiệp Sĩ đã bảo trợ để quay phim tài liệu với những khám phá mới tìm được, rồi sau đó ủng hộ ngân quỹ về phim ảnh cho thư viện Vatican.

Hội Hiệp Sĩ cũng đã tiếp tục xây dựng những sân chơi và các dự án khác và thêm vào những tiện nghi tân thời. Hiệp Sĩ Tối Cao Carl Anderson thừa nhận rằng những hoạt động của Hội đã thắt chặt thêm tình hữu nghị giữa Italy và Hoa Kỳ, đặc biệt sau 2 cuộc thế chiến.

Trong một buổi họp báo cắt băng khánh thành khu triển lãm của Hội tại Roma, Hiệp Sĩ Aderson đã nhắc đến “Đức Giáo Hoàng Phaolô đệ lục đã nói trong buổi bế mạc Công Đồng Vaticanô II rằng, người Samaritanô nhân hậu sẽ là mẫu gương tâm linh cho Giáo Hội Công Giáo” và đây là một đường hướng mà Hội Hiệp Sĩ Columbus đã áp dụng một cách cụ thể.

Khi các giáo sĩ tại Vatican đã gặp Hiệp Sĩ Anderson và đưa ra ý kiến dành cho một cuộc triển lãm, Hội đã phải tìm tòi và lục lại tất cả những tài liệu lưu trữ và họ đã rất ngạc nhiên với những gì tìm thấy. Trong số đó có những điện văn trong thời chiến, những mảnh bom do quân đội đồng minh thả bom tại Roma.

Một món đồ lớn nhất được triển lãm đó là chiếc xe limousine Graham-Paige được dòng họ anh em Graham cũng là những thành viên Hội Hiệp Sĩ đã tặng Đức Giáo Hoàng Piô XI vào năm 1929. Sau khi Tòa Thánh và Italy ký công ước Lateran, Đức Giáo Hoàng đã dùng chiếc xe này và được tự do đi ra ngoài khuôn viên Vatican và Đức Thánh Cha thường dùng chiếc xe này để di chuyển qua thành phố đến Thánh Đường Thánh Gioan Latêranô.

Đến thời Đức Giáo Hoàng Piô XII, ngài ưa chuộng và thường xuyên dùng chiếc xe này cho đến khi không còn xử dụng nữa, hiện nay trên đồng hồ cây số đã chỉ 30,000 dặm, tức là xe đã chạy được khoảng 48,000 cây số.

Hội Hiệp Sĩ Columbus.

Là một tổ chức Bác Ái và Phục Vụ Công Giáo lớn nhất được thành lập tại Hoa Kỳ vào năm 1882 tại New Haven, Connecticut, do Linh Mục Michael J McGivney, người Mỹ gốc Ái Nhĩ Lan.

Cha McGivney thành lập hội quy tụ những người nam với mục đích giúp đỡ những người vợ góa và những đứa con mồ côi, một khi người chồng qua đời vì đó là trụ cốt chính nuôi sống gia đình thời bấy giờ. Thật vậy Cha McGivney đã cảm nghiệm được tình cảnh đau thương này, chính bản thân Cha đã phải rời bỏ chủng viện để lao động sinh sống nuôi gia đình khi ông Cố qua đời và sau đó Cha lại trở lại chủng viện. Cha muốn quy tụ những người nam Công Giáo, vì những hội bác ái khác thật sự là hội lạc giáo, họ đã không chấp nhận người Công Giáo. Cha đã lấy tên hội là “Những người Con của Columbus”. Lấy danh Columbus là một người Ý đã khám phá và đặt chân lên Tân Thế Giới thế nhưng Cha muốn dùng tên Columbus nhằm bắt lên một nhịp cầu đánh tan sự kỳ thị chủng tộc đặc biệt là người Mỹ và người Ái Nhĩ Lan mà chính bản thân Cha là người gốc Ái Nhĩ Lan.

Hội được thành lập vào năm 1882, 10 năm trước khi kỷ niệm 400 năm Christopher Columbus đặt chân đến Mỹ Châu. Về sau Hội được đổi tên là Hội “Hiệp Sĩ Columbus” do sự đề nghị của Hiệp Sĩ Tối Cao đầu tiên là Hiệp Sĩ James T Mullen.

Hiện nay Hội Hiệp Sĩ Columbus có khoảng 1.8 triệu thành viên với 14,000 hội đồng, và khoảng 200 hội đồng được thiết lập trong khuôn viên các trường Đại Học và lấy tên Christopher Columbus, một nhà hàng hải đã tìm ra vùng đất mới tại Mỹ Châu. Hội Hiệp Sĩ Columbus thâu nhận thành viên nam trên 18 tuổi là người Công Giáo và thực hành đức tin Công Giáo.

Hội Hiệp Sĩ Columbus có trụ sở chánh tại Hoa Kỳ và có mặt tại Canada, Mexicô, Caribbean, Guatemala, Panama, Cộng Hòa Dominican, Phi Luật Tân, Guan, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Cuba, và mới đây đã thiết lập trụ sở và thâu nhận thành viên tại Ba Lan.

Tất cả những buổi lễ cũng như những buổi hội họp tuyệt đối chỉ dành cho thành viên trong Hội. Theo bản tường trình vào năm 2008, Hội Hiệp Sĩ đã tặng gần 145 triệu Mỹ kim cho công việc bác ái từ thiện với chỉ tiêu 1.1 tỉ Mỹ kim trong tài khóa 10 năm, đã thực hiện công tác miễn phí tổng cộng gần 70 triệu giờ.

Hiệp Sĩ Tối Cao Carl Anderson
Hội Hiệp Sĩ Columbus ngày nay được coi như là một cánh tay mặt của Giáo Hội Công Giáo. Số tiền mà Hội Hiệp Sĩ Columbus có được là do tiền dâng tặng, số tiền lời do Bảo Hiểm Nhân Thọ của Hội với mức ngân quỹ cổ phần lên tới 70 tỉ Mỹ kim, tài sản của Hội lên tới 14 tỉ Mỹ Kim. Hiện nay Hội Hiệp Sĩ Columbus được coi là có ngân quỹ Bảo Hiểm Nhân Thọ được xếp hàng đầu trên thế giới.

Ngày 15 tháng 8 năm 2008, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã công bố sắc lệnh chứng nhận Cha Michael J McGivney, đấng sáng lập Hội Hiệp Sĩ Columbus là Nhân Chứng Anh Hùng mở đường thiết lập hồ sơ phong Chân Phước và phong Thánh. Nếu Cha McGiven được phong Chân Phước và phong Thánh thì Cha sẽ là một linh mục đầu tiên sinh trưởng tại Hoa Kỳ được phong Thánh.
 
Đức Thánh Cha tiếp kiến chung các tín hữu, Ngài nhấn mạnh sự hòa hợp giữa đức tin và lý trí
LM Trần Đức Anh, OP
06:59 17/06/2010
VATICAN - Chừng 20 ngàn tín hữu hành hương đã tham dự buổi tiếp kiến chung hàng tuần của ĐTC Biển Đức 16 sáng thứ tư 16-6-2010 và ngài đã trình bày về thánh Tômaso Aquinô, Tiến Sĩ Hội Thánh.

Buổi tiếp kiến diễn ra tại Quảng trường thánh Phêrô dưới trời nắng khá gay gắt. Trong số hàng trăm nhóm đăng ký tham dự buổi tiếp kiến này, đặc biệt có 350 sĩ quan và binh sĩ thuộc trường Truyền Tin ở Cecchignola Italia và 110 sĩ quan và binh sĩ thuộc Phi đoàn 9 “Baracca” của không quân Italia. Ngoài ra, có 50 sinh viên đến từ các nước đang tham dự khóa học mùa hè của Đài thiên văn Vatican.

Tuy bị khàn tiếng, nhưng ĐTC vẫn cố gắng ngỏ lời với các tín hữu bằng nhiều thứ tiếng. bằng tiếng Anh, ĐTC nói:

"Anh chị em thân mến, tiếp tục loạt bài giáo lý của chúng ta về nền văn hóa Kitô thời Trung Cổ, chúng ta đi tới giáo huấn của Thánh Tômasô Aquinô mà Giáo Hội liên tục đề cao như kiểu mẫu của một phương pháp thần học tốt đẹp. Thánh Tômasô nhấn mạnh sự hòa hợp giữa đức tin và lý trí, và sự hòa hợp này tôn trọng quyền tự trị và sự bổ túc cho nhau giữa hai phương thức nhận thức chân lý. Lý trí và đức tin, xét cho cùng, đều bắt nguồn nơi Lời Chúa. Đức tin chiếu dọi ánh sáng trọn vẹn trên các chân lý mà lý trí có thể nhận biết được một cách tự nhiên, trong khi kín múc từ Mạc Khải một nhận thức siêu nhiên về các mầu nhiệm của Thiên Chúa và chính Chúa Ba Ngôi. Về phần mình, lý trí giúp chứng minh đặc tính đáng tin cậy của đức tin, bênh vực giáo huấn đức tin, và chứng tỏ đức tin hợp lý và có thể hiểu được. Sự bổ túc cho nhau giữa đức tin và lý trí phản ảnh chân lý và ơn thánh của Thiên Chúa xây dựng, nâng cao và kiện toàn bản tính con người, nhờ đó bản tính con người có khả năng theo đuổi hạnh phúc, vốn là điều mà con người mong ước nồng nhiệt nhất. Thánh Tômasô xác tín rằng về xét về phương diện tự nhiên, chúng ta có thể nhận biết các nguyên tắc của luật luân lý tự nhiên. Xác tín này rất thời sự, vì luật này, vốn ăn rễ sâu nơi chân lý về bản tính con người, chính là nền tảng sự tôn trọng phẩm giá con người và các nhân quyền phổ quát. Thánh Tômasô là bổn mạng của các trường và đại học CG; chúng ta hãy cầu xin thánh nhân giúp chúng ta được ơn khôn ngoan và sự hiểu biết phát sinh từ một đức tin Kitô sâu xa và sinh động”.

Trước đó, trong bài giáo lý dài bằng tiếng Ý, ĐTC đã trình bày với nhiều chi tiết hơn về Thánh Tômasô Aquino. Chẳng hạn ngài nhắc đến sự kiện đạo lý của thánh nhân được Công đồng chung Vatican 2 đặc biệt cổ võ việc học hỏi qua hai văn kiện: sắc lệnh Optatam totius về việc đào tạo linh mục và tuyên ngôn Gravissimum educationis về nền giáo dục Kitô giáo. Ngay hồi năm 1880 ĐGH Leo 13, vốn là người rất ngưỡng mộ và cổ võ việc học hỏi về thánh Tomasô đã tôn phong thánh nhân làm bổn mạng các trường học và đại học Công giáo. ĐTC giải thích rằng:

”Lý do chính khiến cho Giáo hội đánh giá cao như thế không những vì nội dung giáo huấn của thánh Tommasô nhưng nhất là vị tổng hợp mới mẻ và sự phân biệt của thánh nhân giữa triết học và thần học. Các Giáo Phụ đã cứu xét các triết học khác nhau theo kiểu triết gia Platon, trong đó người ta trình bày một quan niệm đầy đủ về thế giới và sự sống, kể cả vấn đề Thiên Chúa và tôn giáo. Khi đối chiếu các thứ triết học ấy, các vị đã đề ra một cái nhìn đầy đủ về thực tại, đi từ đức tin và sử dụng những các yếu tố của triết học Platon, để giải đáp những vấn nạn hiện sinh về con người. Quan niệm ấy dựa trên mạc khải Kinh Thánh và được soạn ra dựa trên một triết thuyết Platon đúng đắn dưới ánh sáng đức tin, mà các vị gọi là ”triết học của chúng ta”. Vì thế danh từ ”triết học” không phải là thành ngữ diễn tả một hệ thống thuần túy lý trí, và với tư cách đó, nó tách biệt khỏi đức tin, nhưng triết học ở đây chỉ một cái nhìn toàn bộ về thực tại, được xây dựng trên ánh sáng đức tin, nhưng được lý trí suy tư và nhận làm của mình; đó là một cái nhìn đi xa hơn khả năng của lý trí, nhưng với tư cách đó, nó cũng thỏa đáng.. Đối với Thánh Tomasô, cuộc gặp gỡ với triết học tiền Kitô giáo của Aristote, qua đời khoảng năm 322 trước Chúa Kitô, mở ra một viễn tượng mới. Hiển nhiên triết học Aristote là một triết học được soạn ra mà không có kiến thức về Cựu và Tân Ước, và giải thích thế giới bằng lý trí mà thôi, chứ không dựa trên mạc khải. Lý trí này có sức thuyết phục. Và thế là hình thức cũ ”triết học của chúng ta” thời các Giáo Phụ không còn tác dụng nữa. Quan hệ giữa triết lý và thần học, giữa đức tin và lý trí, được suy nghĩ lại. Có một thứ triết học đầy đủ và có sức thuyết phục, lý trí đi trước đức tin, rồi có một nền thần học, một sự suy tư với đức tin và trong đức tin.

”Chính do đạo lý trên đây của thánh Tomaso, hồi thế kỷ 19, khi người ta mạnh mẽ chủ trương lý trí tân thời và đức tin không thể dung hợp với nhau, ĐGH Lêo 13 đã đề cao thánh Tômaso Aquino như vị hướng dẫn trong cuộc đối thoại giữa đức tin và lý trí.. Trong các tác phẩm của mình, Thánh Tomasô giả thiết và cụ thể hóa đặc tính lý trí ấy. Đức tin củng cố, kiện toàn và soi sáng gia sản chân lý mà lý trí con người thủ đắc được.”

Trong phần chào thăm các phái đoàn hành hương, ĐTC mời gọi các tín hữu nói tiếng Tây Ban Nha: ”Tôi xin anh chị em cầu nguyện cho những người chuyên về các thánh khoa, để noi theo gương thánh Tômasô Aquino, họ nghiên cứu các môn đó trong sự kiên trì và giảng dạy một cách trung thành, đồng thời theo gương đời sống thánh thiện của thánh nhân.”

Tại nhiều nước Âu Châu, mùa này là mùa chịu chức linh mục. Vì thế, trong lời chào các tín hữu đến từ Cộng hòa Slovak, ĐTC cũng nhắc đến sự kiện này và nói rằng ”chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì hồng ân các tân linh mục và cầu nguyện để các vị trở thành những thừa tác viên theo Con tim của Chúa Giêsu”.

Trong số đông đảo các tín hữu nói tiếng Ý hiện diện, cũng có các tân linh mục, vì thế, ĐTC đặc biệt được nhắc đến 30 linh mục mới chịu chức thuộc giáo phận Brescia, bắc Italia, và ngài hứa cầu nguyện để sứ vụ của các vị được phong phú với nhiều thành quả quí giá.

ĐTC không quên các bạn trẻ, các bệnh nhân và các đôi vợ chồng mới cưới. Ngài nhắn nhủ rằng: ”Hỡi những ngừơi trẻ thân mến, các con hãy luôn kín mức từ Chúa Kitô hiện diện trong Thánh Thể lương thực thiêng liêng để tiến bước trên con đường thánh thiện; và hỡi anh chị em bệnh nhân, xin Chúa Kitô nâng đỡ và an ủi anh chị em trong thực thách và đau khổ. Và sau cùng, anh chị em tân hôn quí mến, ước gì bí tích hôn phối đã làm cho anh chị em được ăn rễ sâu nơi Chúa Kitô trở thành nguồn mạch nuôi dưỡng tình yêu thường nhật của anh chị em.”
 
Khuyến khích giới trẻ cầu nguyện qua nghệ thuật
Phụng Nghi
08:34 17/06/2010
MADRID (Zenit.org).- Một số tượng điêu khắc sẽ được phối hợp đưa vào cuộc rước trong Ngày Giới trẻ Thế giới tổ chức vào năm tới, để giúp cho người trẻ khám phá được vẻ đẹp và lợi ích tâm linh mà nghệ thuật đem lại.

César Franco, Giám mục Phụ tá Tổng giáo phận Madrid (Tây ban nha) hôm nay tuyên bố rằng các tượng điêu khắc sẽ được mang từ khắp nơi trên đất nước Tây ban nha về Madrid để rước trong Ngày Giới trẻ Thế giới.

Cuộc rước sẽ được tổ chức ngày 19 tháng 8 năm 2011 tại Paseo de Recoletos ở Madrid trong lúc đi các Chặng đường Thánh giá, mà chủ sự là Đức giáo hoàng Benedict XVI.

Các tượng điêu khắc này, được chọn lựa để mô tả những cảnh tượng khác nhau lúc Chúa Kitô chịu Khổ nạn, thường được khiêng đi trong các đám rước vào Tuần thánh, qua các phố phường ở nhiều đô thị, theo tập tục của người Tây ban nha.

Rafael Cebrian, thuộc Tu hội Huynh đệ Chúa Giêsu Nazareth ở Murcia, có nhiệm vụ tổ chức những cuộc rước kiệu trong Tuần thánh, cho biết rằng sáng kiến này có mục đích “đem người trẻ lại gần với đức tin qua vẻ đẹp của nghệ thuật.”

Ông nói tiếp: “Tất cả các bức điêu khắc được thực hiện có mục đích để dạy giáo lý, trình bầy nhiều cảnh tượng khác nhau trong cuộc Thương khó của Chúa. Chúng tôi sẽ tiếp tục sứ vụ theo đúng mục đích đề ra, đó là giảng dạy về cuộc Khổ nạn của Chúa cho người trẻ trên toàn thế giới.”

Những tượng điêu khắc này, chẳng hạn “La Cena” (Bữa Tiệc Ly) của Francisco Salzillo, sẽ được chuyển đến từ các thánh phố Madrid, Cuenca, Malaga, Leon, Valladolid, Murcia, Granada, Zamora, Jerez (Cadiz) và Orihuela (Alicante).

Javier Cremades, một người tham gia trong ban tổ chức Ngày Giới trẻ Thế giới, giải thích rằng các bức điêu khắc này sẽ tượng trưng cho hàng ngàn đám rước ở khắp nơi trong nước Tây ban nha.

Ông nói rằng đây “không phải là một tập hợp những công trình nghệ thuật đem trưng bầy trước công chúng, mà có mục đích để cho người trẻ có thể cầu nguyện trước các kho tàng tôn giáo bình dân của người Tây ban nha.”

Hệ thống mạng

Trong khi đó, giữa lúc những chuẩn bị cho Ngày Giới trẻ Thế giới đang diễn tiến, đã có hơn 100 ngàn người trẻ từ những nơi xa xôi đang theo dõi các chi tiết tổ chức.

Hàng ngàn người trẻ đang coi những tin tức mới nhất in bằng 16 ngôn ngữ trên trang mạng Ngày Giới Trẻ Thế giới 2011 bằng Facebook, và tham gia vào các tiến trình chuẩn bị bằng những phản hồi hoặc góp ý.

Hadz Tok, từ thành phố Surabaya ở Indonesia, đang theo dõi các tin tức về Ngày Giới trẻ Thế giới và bày tỏ niềm háo hức về cuộc hội ngộ ở Madrid: “Một người bạn giới thiệu cho tôi biết về trang mạng. Tôi hy vọng là trang này sẽ cho tôi các tin tức về những chuẩn bị và diễn tiến của Ngày Giới trẻ Thế giới này.”

Ihab Kamal Jabbouri đã vào trang mạng từ thành phố Baghdad ở Iraq. Anh sống trong một cộng đồng Kitô giáo nhỏ, ở đây ai cũng biết anh có tài chơi đàn organ. Anh muốn “đi Madrid để gặp gỡ cho biết những người trẻ Kitô giáo đến từ khắp nơi trên thế giới.”

Những người tổ chức Ngày Giới trẻ Thế giới đã mở một cuộc thăm dò để tìm hiểu ý kiến của những người truy cập trang mạng: Bạn muốn thấy gì trong túi đeo lưng của một người hành hương tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới?

Những câu trả lời rất là vắn tắt: nến để tham dự đêm canh thức, kim chỉ nam hướng dẫn về Madrid, sách Tin mừng và kem chống nắng. Và tuy là những ngày này được tổ chức vào tháng 8, cũng đã có những yêu cầu mang theo khăn quàng để chưng diện. Các thanh thiếu niên tham gia cũng cho ý kiến về cách chọn những vật làm lưu niệm biến cố này, và cả tên đặt cho một chương trình truyền hình nữa.

Tất cả những điều đó sở dĩ thực hiện được là nhờ ở sự trợ giúp vô giá của 70 thành viên quản trị thuộc nhiều quốc gia khác nhau, đã tình nguyện bỏ thời giờ trả lời những câu hỏi, giải quyết các thắc mắc, và khuyến khích giới trẻ cố gắng đi Madrid. Từng giờ từng phút, lúc nào cũng có một thành viên trong ban quản trị có mặt để phục vụ.

Hiện nay, số người đang theo dõi các tin tức bằng tiếng Spanish là 46 ngàn, tiếng Anh và tiếng Ý mỗi tiếng có khoảng 16 ngàn, và tiếng Pháp có 6 ngàn 600 người.

Thế là, tuy còn tới 14 tháng nữa Ngày Giới trẻ Thế giới mới khai mạc (16 tháng 8 năm 2011), nhưng người trẻ khắp nơi trên thế giới đã tích cực dấn thân rồi.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh lễ kết thúc năm thánh linh mục và truyền chức phó tế cho các thầy giáo phận Qui Nhơn
Huy Ngọc
09:59 17/06/2010
Thánh lễ kết thúc năm thánh linh mục và truyền chức phó tế cho các thầy giáo phận Qui Nhơn

Vào lúc 5h sáng hôm nay, tại nhà thờ chính tòa, Đức Cha Phêrô Nguyễn Soạn giám mục giáo phận Qui Nhơn đã chủ tế thánh lễ kết thúc năm thánh linh mục, cùng đồng tế với Đức cha chính còn có Đức Cha Phó Matthêu Nguyễn Văn Khôi, và toàn thể các linh mục trong giáo phận. Cũng trong dịp này Đức Cha Phêrô đã đặt tay phong chức phó tế cho 8 thầy thuộc khóa VII Đại Chủng Viện Sao Biển Nha Trang:

1. Thầy Simon Trần Văn Đức
2. Thầy G.B Nguyễn Kim Ngân
3. Thầy Phêrô Bùi Huy Ngọc
4. Thầy Phêrô Nguyễn Ngọc Thắng
5. Thầy Luy Huỳnh Anh Trung
6. Thầy Gioakim Nguyễn Đức Vinh
7. Thầy Giuse Phan Thế Vinh
8. Thầy Luy Nguyễn Xuân Vũ

Tác vụ phó tế mà các thầy lãnh nhận ngày hôm nay thuộc bí tích Truyền Chức, nhưng không phải là chức tư tế, theo đó, thừa tác vụ này không mang tính “mục vụ” (Pastoral) đích danh mà liên kết trực tiếp với giám mục (trong thánh lễ truyền chức chỉ có một mình Đức Giám Mục đặt tay). Không đứng trong hàng ngũ mục tử dẫn dắt cộng đoàn, nhưng trong hàng ngũ phục vụ cho một lãnh vực của đời sống Giáo Hội. Với các công việc cụ thể như, phụ giúp các giám mục và linh mục trong việc cử hành mầu nhiệm thánh, nhất là thánh lễ, trao Mình Thánh Chúa, chứng kiến và chúc lành đôi hôn phối, công bố và rao giảng Tin Mừng, chủ tọa lễ nghi an táng và đặc biệt là việc bác ái.

Và để các thầy tân phó tế ngày hôm nay thực hiện lời nhắn nhủ của thánh Polycarpô cho các phó tế “hãy tỏ lòng nhân hậu, nhiệt thành, và hãy bước theo chân lý của Chúa, Đấng đã làm tôi tớ mọi người” (LG 29,1; Polycarpô, thư gửi tín hữu Philíp 5,2) xin cộng đoàn dân Chúa hiệp ý dâng lời cầu nguyện cho các thầy.


 
Bài phát biểu của Cha Giuse Đinh Huy Hưởng, Giám Đốc Quỹ Bác Ai Du Sinh, ngày khai trương quán ăn phục vụ người nghèo
Lm. Jos. Đinh Huy Hưởng
11:39 17/06/2010
Bài phát biểu của Cha Giuse Đinh Huy Hưởng, Giám Đốc Quỹ Bác Ai Du Sinh, ngày khai trương quán ăn phục vụ người nghèo tại Trụ Sở Phát Diệm, Xóm Mới

LÀM CÔNG TÁC BÁC ÁI TỨC LÀ RAO TRUYỀN PHÚC ÂM KHÔNG CẦN LỜI NÓI

Kính thưa quý cha, quý vị hảo tâm, thân hữu và bà con tất cả,

Thông điệp đầu tiên của Đức Đương Kim Giáo Hoàng Biển Đức thứ 16 có tựa đề ”THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU”. Trong thông điệp quan trọng này, Đức Thánh Cha cắt nghĩa rất sâu sắc cho chúng ta hiểu thế nào là Tình Yêu đích thực. Chúng ta là các Kitô hữu cũng như các tổ chức bác ái phải thi hành các công tác bác ái xã hội để hoàn thành sứ mạng”loan báo Tin Mừng, chia sẻ tình yêu và công lý xã hội trên khắp thế giới “. Đối với các Kitô hữu “tình yêu là cốt lõi của niềm tin”. Đức Thánh Cha đưa ra một công thức để chúng ta thi hành:”Tất cả chúng ta đã được Chuá yêu thương cách nhưng không thì cũng phải chia sẻ tình yêu cho tha nhân cách nhưng không” Để biểu lộ tình yêu Thiên Chuá, Giáo hội - như một tổ chức - có bổn phận yêu thương qua việc “rao giảng Lời Chúa, cử hành bí tích và thực hành bác ái”

Xem hình khai trương quán ăn phục vụ người nghèo

Làm công tác bác ái tức là rao truyền Phúc âm không cần lời nói.

Căn tính của việc bác ái chính là tinh thần của Đức Kitô, nghĩa là mọi việc làm, lới nói đều phải noi gương Ngài. Tắt một lời, chúng ta phải giữ nằm lòng giáo huấn hệ trọng được tóm gọn như sau:”Không thể có một cộng đồng Giáo Hội trong một Giáo Hội phổ quát mà trong đó không có tổ chức để thực hành sứ vụ bác ái. Do đó, không một tín hữu nào lại có thể cảm thấy mình bị lạc lõng trong những tổ chức bác ái của cộng đoàn mà họ là thành phần trong Giáo Hội hoàn vũ phổ quát và hiệp nhất, một cộng đồng Kitô giáo thực sự trong mạng lưới hiệp thông để cùng nhau làm việc thiện.”

Kính thưa quý cha và quý vị,

Vâng theo lời Chúa dạy:”Bất cứ điều gì con làm cho một trong những nhỏ bé này là con làm cho chính Thày”(Mt 35,41);”Anh em hãy cho họ ăn đi”(Lc 9,12).Dưới ánh sáng của thông điệp Thiên Chúa là Tình Yêu, được sự động viên, giúp đỡ của Đức Cha Giuse Nguyễn Năng, Giám Mục giáo phận Phát Diệm, của cha Hạt Trưởng hạt Xóm Mới, quý cha và các nhà hảo tâm, hôm nay, 15.6.2010, quán ăn miễn phí phục vụ người nghèo tại vùng Xóm Mới chính thức đi vào hoạt động, với sự sắp xếp và tài trợ chính của Quỹ Bác Ai Du Sinh. Thời gian đầu, chỉ phục vụ được bữa trưa thứ ba, năm, bẩy hàng tuần. Phiếu ăn nhờ quý cha hạt Xóm Mới hàng tháng trao cho quý bà con lương cũng như giáo. Thời gian mở cửa từ 11g đến 12g trong những ngày kể trên. Bà con có thể dùng bữa tại chỗ với khay ăn hoặc mang hộp về nhà. Hiện tại bà con gìa yếu có thể nhờ người đáng tin cậy đến nhận phần ăn giúp. Trong tương lai, nếu có thêm nhân sự, chúng tôi sẽ cử người mang cơm đến tận nhà quý ông bà.

Thay mặt đơn vị tổ chức, trước hết, xin cám ơn các ông bà, anh chị em có hoàn cảnh khó khăn đã đến với quán ăn này để chúng tôi được phục vụ như phục vụ Chúa Kitô. Quý vị quả thật là các thượng khách của quán chúng tôi; còn chúng tôi, linh mục, tu sĩ, giáo dân đều là người phục vụ.

Chúng con cám ơn Đức Cha Giuse Nguyễn Năng, Giám mục giáo phận Phát Diệm đã quảng đại dành cho chúng con một mặt bằng rộng rãi, khang trang, ngay mặt tiền, rất tiện cho việc đi lại Xin được ghi ơn Cha Hạt trưởng Xóm Mới, Quý cha cố tại Trụ Sở Phát Diệm, quý cha hạt Xóm Mới, đã đồng tình, hỗ trợ vật chất và tinh thần để quán ăn mở cửa sớm hơn dự định.

Xin cám tạ bà MariaTêrêsa Quách Thị Lý, Hội Trưởng Hội Bác Ai Vinh Sơn Họ Hạnh Thông Tây, khởi sự giúp 1 tạ gạo ngon, 3 bình gas và nhiều kinh nghiệm quý báu, hy vọng bà còn giúp nhiều hơn trong những ngày tới; cám ơn anh Giuse Phạm Hòa Hiệp, chị Matta Nguyễn Đỗ Kim Thy, Giám Đốc công ty Đại Hiệp, ủng hộ hệ thống bếp gas và dụng cụ nấu ăn hiện đại; bà Bẩy, phu nhân đại tá Phó Giám Đốc Bệnh Viện 175 tặng quà cho bà con ngày khai trương; anh chị Nhã& Mai, chị Lý(Thái) đã vất vả sắp xếp, thu dọn, liên hệ, mua sắm…với sự tiếp tay của một số anh chị em xứ Đức Tin và vùng Xóm Mới trong suốt nửa tháng nay và còn tiếp tục về lâu về dài. Xin cám ơn tổ cấp dưỡng với chị Hiền, chị Ngọc, chị Lan, chị Thanh và một số anh chị em thiện nguyện. Tất cả các anh chị em không ai nhận thù lao, chỉ làm vì lòng mến Chúa và thương mến người nghèo khó.

Thêm vào đó, chúng tôi rất phấn khởi nhận được sự động viên, ủng hộ nhiệt tình dưới nhiều hình thức, của nhiều nhà hảo tâm trong cũng như ngoài nước, quen biết cũng như chưa quen mà chúng tôi không đủ thời gian nêu danh hết được, xin quý vị thông cảm và nhận nơi đây tấm lòng biết ơn sâu đậm nhất. Xin Chúa trả công cho quý vị thay chúng tôi. Mong rằng quý cha, quý vị tiếp tục nâng đỡ quán ăn này để có thể phục vụ được nhiều người hơn, với chất lượng cao hơn và thường xuyên hơn. Cũng xin thông báo, theo yêu cầu của một số bác sĩ và bệnh nhân nghèo, nồi cháo tình thương cho bệnh viện Gò Vấp sẽ được thực hiện ngày gần đây.

Chúng con xin ký thác quán ăn này cho Lòng Thương Xót Chúa, Đức Mẹ La Vang và Cha Thánh Giuse. Xin Chúa ban cho quán này hũ gạo không vơi, thùng dầu không cạn như xưa Ngài đã ban cho bà góa thành Sarepta. Chớ gì được như vậy!

Xin chân thành cám ơn và kính chào toàn thể quý vị.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Ai sẽ cất lên tiếng nói?
lykhách
06:37 17/06/2010
Ai sẽ cất lên giùm tiếng nói?
Cho dân nghèo khốn khổ trên đất nước tôi
Cho quê hương dần cạn mất tình người
Dân tộc trở trăn bao năm dài nhức nhối!

Ai sẽ cất lên giùm tiếng nói?
Để nhắc nơi nhau đời cần xót vì đời
Dưới độc quyền bầy lãnh đạo tăm tối
Đồng tiền đang khẳng định đỉnh cao ngôi!

Càng nhiều tiền chữ nhân càng nhỏ
Càng cao sang càng sa đọa, đua đòi
Càng trí thức càng dối gian, luồn cúi
Càng quyền uy càng sống chẳng ra người

Càng thánh thiện càng không muốn đụng tới
Những trở trăn đầy nước mắt mồ hôi
Chuyện quê hương nhức nhối thế thời
Bao phận họa tai, dập vùi, oan nghiệt

Hãy nhìn mà xem, nhìn rõ để biết
Qua những nhân danh cao đẹp mỹ miều
Nào công bằng, bác ái với thương yêu…
Thùng càng rỗng càng kêu lớn tiếng

Trước khốn khổ chung mấy ai mở miệng?
Muốn thân an nhàn hưởng lợi riêng
Chỉ muốn đi những nơi người biết đến
Những tiệc tùng được vinh dự gọi tên

Họ là ai?
Là những kẻ thiếu lương tâm nhưng đầy tự ái
Thiếu hiểu biết nhưng lại đầy tự đại
Thiếu lòng nhân nhưng kêu gọi bác ái
Thiếu công bằng nhưng mở miệng dạy đời

Họ là những kẻ đặc quyền, đặc lợi
Nên khó cảm thông trước khổ đau người
Họ là kẻ ăn gian nói dối
Lấy vải thưa che mắt thánh đãi bôi

Ai có thể xét tận công, xử tận tội?
Chẳng ai có quyền ở dưới vòm trời!
Ai có quyền được lên tiếng nói?
Bất cứ mọi ai muốn được sống làm người

Vì quyền nói không phải là xin-cho
Và kẻ nghe có quyền nghe cho rõ
Những kẻ nghe có quyền to-nhỏ
Chỉ kẻ bất chính mới sợ người nhỏ-to

Dưới ánh mặt trời rồi mọi điều sẽ tỏ
Những dối gian, tội ác, thánh thiện, nhân nghĩa…
Thời gian sẽ sàng lọc để không là không, có là có
Phải trọn công bằng, bác ái mới nở hoa

Nhưng ai sẽ cất giùm lên tiếng nói
Cho những cảnh đời cùng khổ trên đất nước tôi?
Dưới sự vô độ gian tham của độc đảng ngu muội
Cầm đất, bán dân…chà đạp lên truyền thống giống nòi!

Những đảng viên nhà cao của chìm, nổi
Những cán bộ, dưới đạp đầu - trên luồn cúi
Những tiếng nói lương tri bị giam cầm tù tội
Nhan nhãn vô lương, bất trí, vô cảm, xu thời…

Những độc quyền luôn luôn sợ tiếng nói
Những độc tôn luôn sợ bị đổi ngôi
Những độc thoại chưa phải là tiếng gọi
Phải đồng thanh mở miệng đòi quyền người

Hỡi cha, hỡi mẹ, hỡi chị, hỡi em, hỡi anh
Hãy hỏi vì sao dân tộc ta mãi nín thinh
Hãy hỏi đất nước này rồi đâu là điểm đến
Sẽ thuộc Tàu chăng? hay phó mặc định mệnh?

Đảo mất - biển vây - thuê đất - bán sức người
Dân ta lưu lạc khắp phương trời
Thanh niên bán rẻ thân tôi mọi
Thiếu nữ xuất khẩu làm thú vui
Cướp đất, nông dân bị xua đuổi
Biển mất, ngư dân bị người hạch tội
Tại sao chúng ta không có quyền lên tiếng nói
Tại sao chúng ta phó thác đất nước vào độc đảng ngu muội
Tại sao chúng ta phải chấp nhận sống dưới quyền uy gian dối
Ươn hèn, nhịn nhục, xin xỏ, xu thời, luồn cúi…
Nếu tổ tiên ta sống thế, thì Việt Nam không tồn tại tới thế kỷ hai mươi!
Chúng ta có quyền sống cho ra con người
Và phải đòi quyền sống - chẳng phải xin xỏ - cho cả giống nòi
Chính chúng ta phải cất lên tiếng nói
Chẳng chờ đợi ai, chẳng phó thác mòn mỏi
Vào độc tôn, độc đảng, độc quyền, độc thoại
Hay bất kỳ nhân danh từ những áo thụng xu thời!
Chính chúng ta phải cất lên tiếng nói
Từng người, vạn người, muôn người
Đồng cảm đau chung, đồng thuận muôn lời:
“Chúng ta có quyền lên tiếng nói!”
 
Nỗi ám ảnh cú vấp ''vuột tay“ tại Word Cup 2010 giống như csVN đang muốn vươn lên ''cao tốc“
Hà Long
06:45 17/06/2010
Nhân loại đang háo hức theo dõi Word Cup 2010 tại Nam Phi, một lễ hội bóng đá có một không hai trên quả đất cứ được tổ chức 4 năm một lần. Cho những ai sống tại Đức thì thật hài lòng về đổi tuyển áo trắng Đức với lối chơi tỏa sáng của các cầu thủ trẻ đã đè đẹp đội Úc với tỷ số 4-0, một tỷ số bàn thắng lớn nhất từ ngày khai mạc. Đã hơn 15 trận đấu theo các nhận định quốc tế thì đội tuyển Đức vẫn đang chơi hay nhất, cho dù „cỗ xe tăng“ khó so sánh được cách chơi hào hứng, bén nhạy và kỹ thuật đội với các đội banh gạo cội của làng bóng đá thế giới như: Ý (vô địch thế giới), Tây Ban Nha (vô địch Âu Châu), Brazil, Anh, Pháp là những đội tuyển mạnh nhất hiện nay. Một tờ báo Ý đã nhận định khen ngợi rằng „một cỗ xe tăng đang được gắn tên lửa kèm theo.“

Có khen thì có chê. Khi phải nhìn thấy các cú vuột tay của các cầu thủ giữ khung thành, cụ thể và thê thảm nhất là thủ môn Anh quốc, Robert Green. Anh ta đang phải chịu người đời mỉa mai chê cười. Thật tội nghiệp nhìn thấy thủ môn vuột tay đón trái banh „vô hại“ từ cầu thủ Mỹ, Clint Dempsey rồi sau đó anh Robert Green bò chườn theo phía sau banh đang chui vào lưới của mình.

Ngoài ra còn những thủ môn khác vuột tay như muốn tự đào lỗ chôn mình trước khung nhôm như người giữ thành Algeria, Fawzi Chaouchi với tay hụt qủa bóng khi thi đấu với Slovenia. Còn thủ môn Paraguay, Justo Villar tự cho phép mình thực hiện một phi vụ bay miễn phí trong khu cấm địa của mình chống lại đội tuyển Italy.

Các lỗi cơ bản bóng đá của các thủ môn không thể tha thứ được vì rằng để cơ hội cho đối thủ tung lưới của đội mình. Tạm gọi là lỗi chết người và không làm sao cứu vãn lại được tình thế cân bằng.

Từ chốn thi đấu nơi các vận động trường đẹp của Nam Phi chúng ta được phép nhìn sang tòa nhà Quốc Hội của Việt Nam tại thủ đô Hà Nội, nơi đang thi đấu, tranh cãi, gật đầu, bỏ phiếu và vỗ tay nhất trí một lòng. Người dân nhìn vào chẳng khác một cuộc bóng đá dai dẳng từ vài tuần qua với một nhiều cú vấp „vuột tay“ để banh đâm thọt lưới của mình. Nào quy hoạch trung tâm Ba Vì, nào trục đại lộ Thăng Long, nào đường sắt cao tốc, nào mất điện mất nước, nào chỉ số thông minh IQ, nào cho thuê đất rừng 50 năm như muốn biếu không bọn ngoại bang với giá 2,75 đồng/m2 đất, nào „đu dây“ qua sông Pô Kô, thôi thì hầm bà lằng cứ như một cuốn chỉ rối không tìm đường ra được khỏi khung thành của quốc hội VN.

Càng lúc người dân càng nhìn rõ những cú vuột tay vô hại rồi các cầu thủ đại biểu tại quốc hội VN trơ tráo bò chườn theo trái banh tung vào lưới và… hình như họ lãnh cảm không thấy xấu hổ với những lập luận thật khó thuyết phục.

Các cú vấp "vuột tay“ để đời của csVN

- Hay nhất vẫn là cú vấp ấn tượng về chỉ số IQ có một không hai của đại biểu Trần Tiến Cảnh từ Hà Nam: "Các nước có chỉ số IQ cao đều xây đường sắt cao tốc". Đã vậy ông ta còn chườn bò theo trái banh đã vuột khỏi tay: "Việt Nam không phải nước nghèo, với quyết tâm chính trị, tôi đề nghị phải xây." Trong khi đấy Ngân hàng Thế giới đang cảnh báo: „Nợ công của Việt Nam lên đến 47,5% GDP“.

- Xây ĐSCT ư? Lo gì vốn liếng và nợ nần? Trái banh này được Phó chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội Trần Đình Long sút cắt chỉ vào lưới của đội nhà: “Mai sau thế hệ con cháu tài giỏi hơn chúng ta sẽ làm thay”. Lại còn có vị ăn mày dĩ vãng: “Đánh Mỹ được thì làm đường cũng được…”

- Kinh khủng với một trái bóng căng phồng như cắt gió tung lưới đội nhà khi nghe ông PTT Nguyễn Sinh Hùng giơ tay đón bắt bóng: „Việt Nam không thể không làm ĐSCT“. Lý lẽ hoang tưởng của ông Hùng dựa vào giấc mơ của nàng tiên ngủ đang trong rừng của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển: "Đây là dự án đón đầu, có tầm nhìn xa. Năm 2030, khi dự án đi vào hoạt động, thu nhập người dân sẽ khác, có thể là 3.000 USD/người chứ không phải 1.000 USD như bây giờ. Vì thế, nếu tính giá vé đường sắt cao tốc, phải tính bằng thu nhập lúc đó. Tính thế nào cũng vẫn rẻ hơn vé máy bay!"

- Nhưng lúc nàng tiên thức giấc phải buông miệng hỏi ngay câu „đầu tiên“, theo Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết vặn lại: “Tiền đâu?“

- Những cú banh tung lưới đội nhà cứ ào ạt đè nát đội mình khi một vị còn lấy truyện Tàu làm thí dụ độc đáo qua ông Trần Bá Thiều, Giám đốc công an TP Hải Phòng: "Người ta cho vay thì mình cứ vay, có nơi cho vay là tốt quá. Cứ ý kiến ra, ý kiến vào. Nếu Chính phủ đã quyết liệt như vậy thì tại sao Quốc hội không ủng hộ Chính phủ? Tần Thủy Hoàng xưa nếu không quyết liệt thì làm sao để lại Vạn lý Trường Thành?".

- Nhạo báng nhất với trái banh „đu dây“ khi bộ trưởng giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng bị chất vấn về các chiếc cầu qua sông Pô Kô. Ông Dũng thú nhận rằng: Không phát hiện được sự việc... Không nắm được việc “đu dây”. Một cách chạy tội vô trách nhiệm khi người dân nghe được lời khen của ông Dũng: người dân có những sáng tạo “chúng ta không ngờ tới”. Một chiếc cầu cho dân nghèo giá khoảng 50 ngàn Đôla chưa thực hiện được thì nói chi đến số tiền 56 tỉ Đôla làm ĐSCT, mà chỉ là tiền mượn nợ của nước ngoài.

- Một vài tựa báo như những cú vấp „vuột tay“ đau đớn: Việt Nam khai thác khoáng sản kiểu… vứt đi? (Bee.net.vn) để nói đến việc sử dụng công nghệ lạc hậu, cấp phép ồ ạt, khai thác tràn lan đang làm chảy máu nguồn tài nguyên khoáng sản. Theo kết quả thống kê, tổn thất khai thác khoáng sản đối với hầm lò là 40 - 60%, đối với apatit là 26 - 43%...

- Kiểu cha chung chẳng ai khóc khi nói về khoáng sản VN với tựa đề của VietnamNet: Luật hở, cấp phép nhiều, thu ngân sách chẳng được bao nhiêu! Chủ tịch MTTQ tỉnh Cao Bằng, ủy viên Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Quốc hội, bà Hoàng Thị Bình cho hay chủ trương của tỉnh là nghiêm cấm xuất lậu quặng, nhưng do đường mòn giáp Trung Quốc rất gần, "bên này Việt Nam, bên kia Trung Quốc nên quản lý cũng khó". Theo báo thanh Niên đã có bài “Bức tử” lòng đất: Quặng ngày đêm chảy sang Trung Quốc. Các nhà hữu trách csVN đang bó tay ôm banh (tiền) vô trách nhiệm để cho khoảng sản rướm máu!

- Về việc thầy giáo Đỗ Việt Khoa tuyên bố đầu hàng bỏ nghề giáo, bỏ chống tiêu cực, ông Trần Văn Truyền, tổng thanh tra chính phủ vén bức màn bí mật của csVN: Nếu chỉ hô hào, chẳng ai dám chống tham nhũng!

- Để “chống cháy” mùa mất điện, nhiều hộ gia đình đã phải bấm bụng, bỏ hàng triệu đồng để mua thiết bị chống nóng, hoặc, “đi đêm” với điện lực địa phương. Về thông tin dân phải “đi đêm” với nhân viên điện lực xã, huyện để có điện, các vị lãnh đạo điện lực tỉnh đều lấp lửng không xác nhận cũng không … phủ nhận. “Quả thật, tôi không dám nói là… không có chuyện ấy. Việc này cũng khó kiểm tra lắm. Nhưng cái chính là thiếu điện thì phải cắt công bằng. Ai mà làm việc ấy thì không thể tồn tại được”, phó giám đốc điện lực Nam Định giãi bày.

- Tác giả Trần Huy Ánh với bài: „Hà Nội mở rộng Nín thở lo nước ngập“ cho thấy kiểu làm qua quýt không nghĩ đến hậu quả, mà cuối cùng người dân phải chịu thiệt thòi: „Trước thềm 1000 năm Thăng Long, Hà Nội ngổn ngang công trường đào bới vỉa hè, dây dợ chằng chịt, thiếu đường đi, bãi đỗ xe nên thành phố cuống cuồng bịt, mở ngã ba ngã tư. Mỗi đêm mưa to cả HN nín thở lo ngày mai nước có ngập lối ra khỏi nhà...“

- Vỉa hè ở Hà Nội mới lát xong đã hỏng: Mới lát xong cách đây chưa lâu nhưng nhiều đoạn vỉa hè đá xanh trị giá hàng tỷ đồng ở Hà Nội đã bị sụt lún, bong tróc, gây mất mỹ quan. Nhiều người dân phản ánh, việc thi công khá cẩu thả. Sáng 21/5, ông Vũ Thành Vĩnh, Chủ tịch Mặt trận tổ quốc quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, nhiều người dân đã phản ánh vỉa hè trên một số tuyến phố trung tâm được lát đá vội vàng. Theo ông Vĩnh, với chi phí hơn 40 tỷ đồng để lát mới vỉa hè hồ Hoàn Kiếm thì cũng phải xem xét lại vì sẽ gây lãng phí tại những đoạn vỉa hè còn đẹp. Từ việc này ông Phùng Minh Sơn, Phó ban thi đua khen thưởng thành phố đã nhìn thấy trái banh vô trách nhiệm đang lăn quanh vòng hồ Hoàn Kiếm: "Quan trọng nhất, việc chỉnh trang các tuyến phố phải thực sự sạch đẹp, đảm bảo chất lượng, chứ không để năm sau lại tiến hành đào bới để sửa chữa."

- Và tiếp tục sự việc đào đường tại Hà nội đã gây ra: Hàng loạt ống cấp nước sạch bị đơn vị đào đường làm vỡ. Trong quá trình đào đường hạ cáp ngầm, lát vỉa hè dịp 1.000 năm, đơn vị thi công đã làm vỡ nhiều đường ống, thất thoát hàng trăm nghìn m3 nước. Hàng nghìn hộ dân thủ đô điêu đứng vì thiếu nước sạch giữa mùa hè. Người phản ánh trên báo, tên Hoàng Sơn đã tố cáo: „Đào lên đào xuống. Suốt ngày bảo là vì lợi ích người dân. Rốt cục chỉ thấy người dân là khổ.“ Cũng như đại biểu Nguyễn Văn Thuận muốn giơ tay đầu hàng cách quy hoạch tại Hà Nội: “Phải tạo chuyển biến rõ rệt nội đô cho đàng hoàng. Nội đô hiện nay cứ nay đào mai bới. Nhà cổ khi bảo giữ, lúc nói phá, không nhất quán“.

- Báo Tiền Phong đang đưa ra một câu hỏi: Lo Hà Nội sẽ là một đại quy hoạch treo? Thảo luận về Quy hoạch chung Hà Nội, đại biểu Quốc hội còn băn khoăn, lo lắng không chỉ về nguồn vốn đầu tư quá lớn, mà quan trọng hơn - chưa thấy rõ động lực có thể biến một thủ đô mang dáng dấp của một tỉnh với 60% là nông thôn, trở thành siêu đô thị 10 triệu dân? Cụ thể nhất, ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) nhận xét, việc lập quy hoạch cho một đô thị hơn 3.300 km2 trong vòng một năm là việc làm quá sức, quá vĩ đại! Khi mở rộng thủ đô, tại QH đại biểu này đặt câu hỏi, chúng ta đã làm được gì với 900km2 của Hà Nội khi chưa mở rộng, nhưng không thấy trả lời. Bây giờ, Thủ đô mở rộng rồi, ta sẽ làm gì với cái lõi 900 km2 đó?

- Cách giải tỏa giao thông tại thủ đô Hà Nội có một không hai trên thế giới: Bịt ngã tư để tránh ùn tắc, thế là sau 1 năm tốn 27 tỉ đồng, vẫn ùn tắc trên tựa đề của vnexpress. Tờ báo cho biết sở GTVT Hà Nội đã phải “giải phóng” ngã tư Đê La Thành - Giảng Võ sau một thời gian bịt lại. Thêm một dự án giảm ùn tắc giao thông tốn tiền tỉ nhưng không hiệu quả. Ngay từ sáng sớm 1-6, những người dân lưu thông qua ngã tư Đê La Thành - Giảng Võ, quận Đống Đa, Hà Nội khá ngỡ ngàng khi hệ thống đèn đỏ hoạt động trở lại, dải phân cách di động bằng inox bịt ngã tư được Sở GTVT Hà Nội dựng lên cách đây chưa đầy 1 năm cũng được dỡ đi. Như một trái bóng vụt tay lăn vào lưới tờ báo VietnamNet cho biết thêm sở GTVT Hà Nội... không muốn nói thêm việc bịt ngã tư! ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội chườn theo trái banh tung lưới và phủi tay khi được phỏng vấn là người đứng đầu ngành giao thông Hà Nội, ông suy nghĩ gì không? Tôi không suy nghĩ gì cả. Chuyện công việc bình thường!

Lời kết

Đối với Word Cup 2010 tại Nam Phi là một niềm kiêu hãnh cho mỗi cầu thủ và đội tuyển quốc gia chiếm được vé vòng loại tham gia. Ai cũng mang trên ngực niềm tin và hình ảnh tự hào đại diện cho tổ quốc mình. Là cầu thủ họ thi đấu với tất cả tài năng, có thể là toàn sức trong cuộc đời bóng đá của họ tại Word Cup. Trong suốt trận tranh tài kéo dài 90 phút chỉ cần lơ là một giây hoặc mắc phạm một lỗi nhỏ của một cá nhân sẽ làm tiêu tan kết quả tốt cho toàn đội. Đội anh quốc, Đội Tây Ban Nha đang gặp khó khăn thực sự, nếu không chỉnh đốn vượt qua thì họ phải khăn gói giã từ Nam Phi thật sớm. Ngoài ra có những lỗi lầm sẽ làm cho cầu thủ phải bứt rức trong suốt cuộc đời.

Bên nghị trường Quốc Hội cũng không khác gì như thế. Danh dự, trách nhiệm, niềm tin của một đại biểu phải có như một cầu thủ chơi bóng trong sân. Đừng đánh mất lòng tin của người dân đã gửi gấm qua lá phiếu cho họ. Tại quốc hội VN, các đại biểu hãy noi gương của các nhà chính trị còn một chút lương tâm và niềm tự hào cá nhân khi công việc chính trị bị tắc đường thì họ hiên ngang từ chức như thủ tướng Nhật Yukio Hatoyama (đã “nuốt” lời hứa lúc tranh cử là sẽ buộc Mỹ phải di chuyển căn cứ không quân Futenma ra khỏi Okinawa), tổng thống Đức Horst Koehler (vì báo chí không kính trọng và chỉ trích những lời phát biểu liên quan đến sự tham chiến của quân đội Đức tại A Phú Hãn), Tướng Lee Sang-eui, Chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng Liên Quân Nam Hàn, đệ đơn xin nghỉ hưu sau khi bị chỉ trích là thiếu trách nhiệm trong vụ đắm tàu chiến Cheonan. Đó là niềm tự hào cuối cùng mà các nhà chính trị tầm vóc có thể làm được cho chính họ.

Về điểm này, ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) tạm tổng kết cho biết sự chai lì, vô cảm và vô trách nhiệm của các nhà chính trị VN, đúng hơn cho hơn 3 triệu đảng viên csVN: "Chúng ta cái gì cũng thích "nhất", đường sắt cao tốc cũng muốn dài nhất, tiền của vẫn cứ thoải mái đổ vào các dự án "hoành tráng" trong khi trẻ em vùng xa còn phải đu dây qua sông đi học hàng ngày", rồi "Chi ngân sách ra rồi không hoàn thành nhiệm vụ, gây tốn kém Nhà nước, chẳng thấy ai bị kỷ luật, chẳng thấy ai từ chức, không thấy ai xin lỗi nhân dân".

Cuối cùng, PGS.TS Phạm Công Hà, Chủ tịch Hội Kinh tế & Vận tải Đường sắt Việt Nam, thách đố tất cả đại biểu trong quốc hội VN về quyết định ĐSCT: "Việc bỏ phiếu thông qua chủ trương xây dựng ĐSCT là một sự kiện trọng đại. Giá mà có một tấm bia trang trọng ghi tên các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành và không tán thành vay vốn để xây dựng ĐSCT, tấm bia đặt ở nơi công cộng để cử tri cả nước đọc được và suy ngẫm, để con cháu sau này phán xét, thì tôi tin rằng các ĐBQH sẽ suy nghĩ hết sức cẩn trọng trước khi chạm vào nút ấn lịch sử."

Theo bóng đá, một lỗi lầm „vuột tay“ để lọt bóng vào khung thành của mình là đồng nghĩa tiêu diệt hoàn toàn niềm hy vọng và lòng tự hào của quốc gia để có thể đoạt được cúp.

Đó là nỗi ám ảnh kinh khủng nhất cho mỗi cầu thủ quốc gia!

Còn sự vô tâm và vô trách nhiệm của 493 Đại Biểu Quốc Hội của csVN như thế nào với những phát biểu hào nhoáng bên ngoài chẳng khác chi trái banh tự đâm thọt vào khung thành của chính mình?
 
Văn Hóa
Ngày của Cha
Kim Hoa
08:22 17/06/2010
Tại Đà Nẵng, sáng hôm đó Ba tôi dặn rằng: “Ở nhà đi học ngoan, chiều đi làm về Ba dẫn đi ăn kem nhe”. Tôi “Dạ” một tiếng thật lớn, rồi nhìn chiếc Mobilette của Ba từ từ ra khỏi nhà.
Chiều đến, tôi ngồi trông ra cửa, mong sao cho tiếng máy xe của Ba thật gần, thật gần …, rồi trời tối dần, tối dần … chờ mãi cũng chẳng thấy Ba về dẫn đi ăn kem. Cả nhà tôi phải tắt đèn đi ngủ.

Ngày hôm sau, ngồi trong lớp được người nhà xin cho về sớm.

“Ba em chết rồi!”

Người ta chở về nhà tôi một chiếc quan tài lớn đã đóng kín.

Không như 2 tháng trước lúc Mẹ chết tại Bệnh viện, Ba bế Mẹ đặt nằm ngay ngắn trên chiếc giường phủ ra trắng, rồi quay ra sau lưng nhìn thấy tôi, Ba ôm tôi khóc “Mẹ con chết rồi!”. Tôi thấy được Mẹ tôi nằm đó, mắt hé hé Ba đưa tay vuốt mắt Mẹ.
Rồi tôi cũng khóc khi thấy mọi người cùng khóc.

Còn Ba tôi chết, chị và anh tôi chỉ dấm giúi, quẹt quẹt hai con mắt chẳng thấy ai khóc to tiếng như ngày Mẹ tôi mất, vì thế hình như tôi cũng không có giọt nước mắt nào dành cho ngày Ba tôi mất thì phải? Tôi có nghe hàng xóm vuốt đầu tôi rồi nói “Tội nghiệp tụi nó mồ côi cả Cha lẫn Mẹ, rồi tụi nó sẽ ra sao?”

Năm đó tôi mới lên tám, vừa bước vào lớp Ba. Chị Cả lớn nhất trong nhà tôi được 16 tuổi còn đang cắp sách đến trường.

Sau này tôi mới nghe kể lại, sáng sớm hôm đó có người đến báo cho chị em chúng tôi biết “Ba chúng tôi đêm qua ngủ lại nơi làm việc, và bị Việt cộng ám sát trong đêm”. Chính quyền phái người đến chở anh chị tôi đến nhận xác Ba, và cho đóng quan tài ngay tại chổ, xong mới đưa quan tài về nhà, vì thân thể Ba bị bắn nát không còn nguyên vẹn.

Và cũng vì chỉ thấy một chiếc hòm đóng kín, và sự sợ hãi cứ bao trùm trong nhà đến độ tiếng khóc không bậc ra trong cửa miệng của các anh chị, mà nhiều năm sau tôi vẫn cứ mơ hồ Ba tôi chưa chết, Ba đi đâu đó rồi sẽ lại về với chị em chúng tôi …

Những năm sau tôi lớn lên trong cô nhi viện, trong nhà Tu …, anh chị em tôi ít có dịp sống chung với nhau để có thể tìm hiểu thêm về cái chết của Ba Mẹ. Vẫn như ngày Ba chết, anh chị vẫn giữ thái độ im lặng với các em nhỏ dại …, Bắt đầu từ tôi trở xuống chưa hề biết rỏ điều gì về Ba Mẹ, thì chị Cả tôi gặp cơn bịnh ngặt nghèo và ra đi thật vội vã, không cho tôi thời gian chuẩn bị trưởng thành để thay chị ấp ủ các em như chị đã từng làm với chúng tôi.

Hai anh tôi đi Lính đóng quân ở xa nhà, tôi loay hoay bận rộn cho cuộc sống nhiều bất hạnh hơn an vui với các em, cho đến ngày mất Nước …

Nước mất, nhà chúng tôi cũng mất, anh em còn lại mỗi đứa đi mỗi nơi tìm đường sinh sống. Tôi vào tận Sông Bé với những ngày vô cùng cơ cực, nỗi sầu khổ chứa chan đến độ tôi cứ hình dung Ba tôi lại trở về. Ba tôi sẽ đến mang tôi ra khỏi cái địa ngục nơi đây, Ba tôi sẽ cho tôi ăn sung mặc sướng như ngày nào, đưa chúng tôi đi đến một nơi nào đó, không phải là nơi đây …. Lúc nào tôi cũng mơ màng như thế cho qua đi thời gian dài đằng đẳng nơi vùng kinh tế mới khắc nghiệt, thiếu thốn đủ mọi điều …
Sao cuộc sống đầy đọa chúng con đến độ như vậy hả Ba?

Và thế là tôi đi tìm Ba, tôi đi tìm Ba tôi qua những người có giọng nói Quãng Nam, Đà Nẵng, gặp ai nói tiếng Quãng tôi cứ sà đến hỏi “Bác quê ở đâu? Có biết làng Phú Quý, Quận Đại Lộc không?”

Cả một vùng Sông Bé, hơn mười năm tôi chôn chân, chẳng ai biết được Ba tôi. Tôi theo cuộc sống đi dần về Sài Gòn vẫn không quên hỏi thăm quê làng Phú Quý của Ba tôi mà tôi chỉ biết ghi trong giấy tờ. Tôi vẫn ôm bên cạnh các giấy tờ để chứng minh chúng tôi là con của Quốc Gia, giấy tờ đất gia phả hương hỏa của Ba tôi tôi vẫn còn giữ, giấy khai sinh, giấy khai tử của Ba Mẹ … Cũng nhờ thế, tôi biết được ngày chết của Ba Mẹ tôi, mà rất nhiều năm sau khi chết, Ba Mẹ mới được tôi lập bàn thờ làm ngày Giỗ kỵ.

Rồi thì Trời đã không phụ lòng người, hay Ba tôi không nở để tôi đi tìm mãi … Tôi gặp được một người đàn ông khá lớn tuổi trong một tiệc cưới của bạn con trai tôi tại Sài Gòn.

Tôi vẫn hỏi:
- Chú Quê ở đâu vậy?
- Tôi Quê Đại Lộc
- Chú biết làng Phú Quý không?
- Ồ làng của tôi, cô hỏi ai?
- Chú có biết ông Quý làm Công An, năm 1960 bị Việt cộng ám sát không?
- Ủa, Bác của tui đó. Cô là ai mà biết Bác tui?

Sự ngạc nhiên cùng cực trong mắt người đàn ông ấy, và sự vui mừng không nói nên lời trong tôi. Tôi nín thở trả lời:
- Tôi là con gái Ông ấy.
- Hả? Thật không???... Vậy em là em của chị đây …

1960 – 2010. Năm mươi năm sau ngày Ba tôi chết.

Tôi biết mình có một Gia Tộc Nguyễn rất lớn, Ngày Giỗ Tộc tổ chức 2 lần vào tháng Hai cho số người đi lập nghiệp trong Miền Nam và ngày Giỗ chính nhằm mười lăm tháng Ba âm lịch hằng năm tại Làng Phú Quý, Đại Lộc.

Từ người em họ mới nhận ra ấy, tôi gặp các con của Bác tôi là anh Bốn Chi … Anh em gặp nhau nước mắt chảy dài. Anh nói:
- Ba anh lúc hấp hối cứ bảo phải đi tìm bằng được các em, nghe đồn người ta bảo các em đi vượt biên rồi mất tích, Ba anh cứ lo Mồ Mã của Ba Má các em thất lạc làm sao đưa về với nghĩa trang Gia Tộc? Anh gặp lại các em mừng còn hơn trúng số độc đắc, anh vui lắm. Em có biết là anh lang thang nhiều ngày ở Sài Gòn để đi hỏi thăm tin tức về các em nhiều năm trước không?

Chúng tôi cùng một Ông Cố, Ông Nội anh là anh ruột Ông Nội của tôi, anh kể tôi nghe nhiều chuyện về Ba tôi mà anh biết.

- Ba em tội lắm, rất yêu thương anh em, làng mình nằm trong vùng mất an ninh, ai theo Quốc Gia thì phải bỏ làng ra đi như Chú anh hiện nay ở Mỹ, cũng nhờ Ba em bảo lảnh mà ra khỏi làng vào Nam đi lính Nhảy Dù đến năm 1975 thì lên Tàu đi Mỹ luôn, anh sẽ báo cho Chú Mười Nghiêm biết là đã tìm ra được các em.

- Ngày đó không có Ba em thì Ba anh cũng khốn đốn. Mỗi lần ngày Giỗ kỵ Ông Bà, Ba em về làng 3,4 xe đi theo hộ tống … Điều đau lòng là lúc Ba em mất, anh và chú Mười Nghiêm đã vào Sài Gòn không về đưa tang được, nên các em không biết được nhiều bà con bên Nội, lại nữa các em còn nhỏ dại quá…

Tháng Ba vừa qua Bác Mười Nghiêm từ Mỹ về Việt Nam đưa tôi về thăm làng Phú Quý của Ba. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy mộ Ông Nội, mộ Cô ruột của tôi, và tất cả những ngôi mộ của Ông Cố, Ông Tổ cùng bà con bên Nội của tôi …

Sau đó tôi liên lạc được thêm 2 Cô em họ của Ba cũng đang ở Mỹ.

Cảm động nhất là đứa cháu ở Úc, đã tìm ra tung tích của tôi qua bài báo, nhờ anh em cùng trường Tu Gioan Đà Nẵng tìm hộ. Ba cháu gọi tôi là chị, ông gọi điện cho tôi nói rằng ông là người đứng ra lo tẩm liệm, tang ma cho Ba tôi ngày đó. Ba tôi không những là Bác mà còn là Ân Nhân của gia đình ông vì thế suốt 50 năm qua ông luôn xin Lễ cầu nguyện cho Ba Mẹ và chị tôi. Ông mong có dip về Việt Nam để gặp gỡ anh em chúng tôi, và kể cho tôi tất cả những gì tôi muốn biết về Ba tôi.

Ba ơi! Thế là con đã tìm ra Ba rồi. Con vẫn nói với Ba hằng ngày bên bàn thờ của Ba Mẹ:
“Ba Mẹ nhớ cầu xin Chúa thật nhiều cho 5 đứa con mà Ba Mẹ bỏ lại đây nhe Ba Mẹ, Ba Mẹ biết tụi con côi cút đến chừng nào không? Đừng bỏ rơi tụi con nữa, phù hộ cho từng gia đình anh em tụi con có cuộc sống tốt nhe Ba Mẹ …”

Bây giờ hằng ngày Bác tôi cách xa tôi nữa vòng trái đất vẫn thường gọi “KH con đâu rồi? Bác đây, Bác cháu mình nói chuyện đi” và các Cô em của Ba tôi hay email và gởi quà về cho anh em chúng tôi, cả người em ở bên Úc lúc nào vợ chồng cũng luôn miệng nói Ba tôi là ân nhân, và cũng cất công tìm kiếm anh em chúng tôi rất nhiều năm qua …

Đó có phải là món quà tuyệt vời nhất mà Ba tôi đã dành cho anh em chúng tôi trong những năm dài tìm kiếm Ba trong vô vọng không?

Cảm tạ Ơn Chúa! Cảm ơn Ba đã cho chúng con những tháng ngày đầy ấp yêu thương của những tình cảm ruột thit, bà con, mà Ba đã để lại. Con thật lòng biết ơn những người đã vì Ba mà san sẻ cho chúng con những yêu thương, ngọt ngào mà chúng con quá thiếu thốn từ ngày Ba Mẹ đã bỏ lại tụi con đi thật xa.

Father’s Day 2010
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Hương Đồng Cỏ Nội
Nguyễn Ngọc Danh
10:47 17/06/2010

HƯƠNG ĐỒNG CỎ NỘI



Ảnh của Nguyễn Ngọc Danh

Ta trở về đây thăm cố hương

Sao như khách lạ ghé qua đường

Cảnh cũ – người xưa - bao nỗi nhớ

Cơm chiều – khói rạ vẫn còn thơm

(Nguyễn Ngọc Danh)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Cái Tâm
Lm. Trần Cao Tường
10:49 17/06/2010

CÁI TÂM



Ảnh của Cao Tường

Cuộc đời ôi những mong manh

Cái vui tiếc nuối cái tình đã qua

Tôi xin giữ cái tâm và

Niềm tin Thượng Đế rất xa mà gần.

(Thơ Hoa Văn, Như Áng Mây Hồng)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Những Cánh Chim Bạt Gió
Dominic Đức Nguyễn
22:26 17/06/2010

NHỮNG CÁNH CHIM BẠT GIÓ



Ảnh của Dominic Đức Nguyễn

Nghe tiếng chim chiều về gọi gió

như tiếng tơ lòng người bạc phước

nhắp chén men say còn vương bóng quê hương

dừng bước tha hương lòng đau...

(Trích ca khúc Ngày Về của Hoàng Giác)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền