Ngày 13-06-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Dâng hiến lễ
Lm Vũ Xuâb Hạnh
18:01 13/06/2016
DÂNG HIẾN LỄ

Có lần trong một nhóm, gồm toàn những người trẻ, tôi đã đặt câu hỏi cho các bạn: “Trong thánh lễ, lúc nào là lúc cộng đoàn được nghỉ ngơi thoải mái?”. Hầu hết các bạn đều tròn xoe mắt ngạc nhiên nhìn tôi: Dự thánh lễ mà có chuyện nghỉ ngơi thoải mái à?

Nhưng rồi các bạn như hiểu ra trong lời hỏi của tôi có chứa ẩn ý, vài người đứng lên trả lời: “Thưa cha, đó chính là lúc linh mục giảng lễ”. Thói thường, ai cũng nghĩ như thế: Nếu không thích nghe giảng, thì bài giảng là lúc được nghỉ ngơi. Tệ hơn, rất nhiều người còn dám bỏ ra khỏi nhà thờ khi linh mục giảng.

Nhưng có một bạn trả lời: “Đó chính là lúc dâng lễ vật. Lúc đó linh mục nâng dĩa, nâng chén, đọc lâm râm như đọc thần chú, ca đoàn thì hát, chỉ có cộng đoàn là rãnh rỗi nhất, có muốn tham gia cũng không biết tham gia cách nào”. Rồi bạn bông đùa: “Nhưng tiếc là thời gian dâng lễ vật ngắn quá!”.

Tôi hơi bất ngờ với câu trả lời của bạn. Nhưng nghiệm lại, hình như… không sai?

Quả thật, lúc dâng lễ vật là lúc giáo dân nghỉ ngơi thoải mái nhất? Là lúc mà chỉ có ca đoàn và linh mục chủ tế cử hành?

Tôi không nghĩ thế. Tất cả những ai hiểu biết, chắc cũng sẽ đồng ý với tôi.

Vậy, vì sao khi dâng lễ vật, ngồi làm thinh mà lại không phải nghỉ ngơi?

Nhớ lại hành động và lời đọc của linh mục chủ tế trong phần phụng vụ này, ta sẽ tìm thấy câu trả lời. Cùng với việc nâng dĩa trên đó có bánh, nâng chén trong đó có rượu trên tay mình, linh mục đọc: “Lạy Chúa là Chúa Tể càn khôn, chúc tụng Chúa đã rộng ban cho chúng con bánh này là hoa màu ruộng đất (rượu này là sản phẩm từ cây nho) và công lao của con người. Xin dâng lên Chúa để bánh (rượu) này trở nên bánh trường sinh nuôi dưỡng chúng con (của uống thiêng liêng cho chúng con)”.

Hành động nâng dĩa và chén cùng lúc với lời nguyện ấy có nghĩa là gì, nếu không là hành động dâng hiến bánh rượu! Nhưng nếu dừng lại ở chỗ chỉ dâng hiến bánh rượu thôi, chưa là điều đáng nói. Bởi xét cho cùng, đó chỉ là một hành vi dâng lễ vật không đáng dâng: một chút rượu trong chén, một tấm bánh mỏng manh trên dĩa: quá tầm thường, quá nhỏ nhoi.

Nhưng đâu phải bất cứ cái gì nhỏ nhoi đều tầm thường! Hành động dâng hiến bánh rượu là để xin ơn thánh hiến. Dâng lên Chúa bánh rượu nhưng không chỉ là bánh rượu, mà là tất cả sức lao động, là sự oằn nặng, là nỗi nhọc nhằn của một đời người vất vả. Đâu phải nhỏ nhoi, đâu phải tầm thường.

Lời chúc tụng Chúa “đã ban cho chúng con bánh này là hoa màu ruộng đất, rượu này là sản phẩm từ cây nho” phải luôn luôn đi liền với cụm từ: “Và công lao của con người”. Sức mạnh của lời chúc tụng, của ơn thánh hiến là ở chỗ đó. Hoa màu ruộng đất không phải tự mình sản sinh kết quả. Nó chỉ có thể được sản sinh ra từ công lao của con người.

Cho nên trong sự dâng hiến lễ vật, tưởng chừng nhỏ nhoi, tầm thường, ta lại thấy những giọt mồ hôi của bác nông dân, óc sáng tạo của anh kỹ sư, sự miệt mài chế biến thành phẩm của cô công nhân…

Ta cũng thấy cả đôi tay chai sần của chính bản thân mình để có của ăn, của mặc. Ta cũng thấy nỗi vất vả của mẹ cha ngày nào tạo cho ta nên vóc, nên hình. Và ta thấy sự sống của cả nhân gian trong lễ vật hiến dâng…

Dâng lên Chúa lễ vật phàm trần, dẫu trước mắt mọi người, chỉ là một chút bánh, một chút rượu, nhẹ tênh trên đôi tay linh mục, lại chất chứa cả một khối đời của từng người trong nhân loại.

Bởi đó, dâng lên Chúa lễ vật để xin ơn thánh hiến, không chỉ là thánh hiến bánh rượu, nhưng trong sự thánh hiến bánh rượu, để trở nên Mình Máu Chúa Kitô, là tất cả cuộc đời của mỗi người, là sự sống của muôn người quanh ta cộng góp vào đó.

Vì thế, hành động và lời chúc tụng của linh mục, vô cùng ý nghĩa, rất gần gũi. Nó trở thành một lời cầu nguyện đáng yêu, đáng mến của từng người chúng ta: Chúc tụng Chúa đã ban kết quả của ruộng vườn và công lao của con người, để giờ đây hiến dâng lên Chúa, xin ơn thánh hiến trở thành Thánh Thể Chúa Kitô, lương thực trường sinh cho ta sự sống của chính Thiên Chúa.

Quí giá biết bao nhiêu khi bánh rượu, bé nhỏ vô cùng, lại trở nên Thịt Máu Chúa chúng ta.

Quí giá biết bao nhiêu khi hiến tế đời ta, lại được Chúa Kitô chấp nhận trong hiến tế cứu chuộc của Người.

Quí giá biết bao nhiêu vì lễ vật phàm trần lại có sức lôi kéo ơn thiêng từ trời và mang lại ơn cứu độ đời đời cho tất cả những ai tin mà kết hợp với Chúa Kitô trong bí tích Thánh Thể.

Quí giá biết bao nhiêu vật chất trở nên linh thánh tuyệt vời.

Hiểu được như thế, mỗi lần dâng thánh lễ, bạn và tôi hãy dâng cả cuộc đời của mình, cả niềm đau và nỗi hạnh phúc, cả cái xấu và cái tốt, cả quá khứ đã qua, cả giây phút này, và tương lai phía trước… Dâng tất cả để hy tế cuộc đời ta nên trọn vẹn trong hiến tế cuộc đời Chúa Kitô.

Hiểu như thế, bạn và tôi sẽ không ai còn nói rằng: “lúc dâng lễ vật là lúc nghỉ ngơi thoải mái”.

Hiểu như thế, bạn và tôi sẽ nhận ra rằng, dẫu cho linh mục có đọc thầm lời cầu nguyện, dẫu cho ca đoàn cất cao tiếng hát, thì thái độ im lặng của chúng ta lại là một lời cầu nguyện chìm đắm trong sốt mến.

Sự thinh lặng của ta là sự thinh lặng thánh: Sự thinh lặng hòa cùng lời cầu nguyện của linh mục, sự thinh lặng hiệp cùng ca đoàn cất cao tiếng hát dâng hy tế của Chúa Kitô và và hy tế của chính cuộc đời mình.

Cha Francois Varillon từng kể rằng: Mỗi một lần chuẩn bị dâng thánh lễ, nếu có giờ, cha thường cầm trong tay một tấm bánh chưa truyền phép để chiêm ngắm tấm bánh ấy và suy gẫm cầu nguyện.

Mỗi lần như thế, cha đều thấy có hình ảnh của những con người trong đó. Trong thinh lặng của cõi lòng, cha cũng ước mơ đừng có ai vì miếng cơm manh áo, vì tấm bánh vật chất, mà trở thành kẻ bị tha hóa, bất chấp lương tri con người, để chỉ lo làm giàu bất chính mà quên vận mạng siêu nhiên của mình.

Không phải ai cũng có thể làm được như cha Francois Varillon. Không phải ai cũng có sẵn bánh trên tay để mà chiêm ngắm. Dẫu có, nhưng không phải ai cũng có thời gian đủ để mà thinh lặng. Nếu làm được điều đó là tốt. Chắc chắn thánh lễ ta dâng sẽ sốt sắng lắm.

Nhưng điều mà mọi người có thể thực hiện là: Hãy phó thác cuộc đời mình cho Chúa. Hãy dâng thánh lễ nghiêm túc. Hãy siêng năng rước lấy Mình Thánh Chúa để làm tăng trưởng sự sống thần linh của mình.

Một lần nữa, để kết thúc những gì đã suy nghĩ, chúng ta cùng lặp lại lời nguyện của chính mình: Chúc tụng Chúa đã rộng ban cho chúng con bánh và rượu là sảm phẩm từ ruộng đất và công lao của con người. Xin dâng lên Chúa để trở thành của ăn, của uống thiêng liêng cho chúng con.

Lm VŨ XUÂN HẠNH
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:50 13/06/2016
61. ĂN BÊN ĐÔNG, Ở BÊN TÂY.
Ngày xưa ở nước Tề có một cô gái tướng mạo rất đẹp, đã đến tuổi lập gia đình.
Một hôm, có một người giàu có ở bên (phía) đông nhà của cô gái, sai người đến dạm hỏi, nói:
- “Công tử nhà tôi cũng tài giỏi như người khác, trong nhà lại có điều kiện tốt, nếu lấy công tử thì có thể hưởng thụ phú quý.”
Người nghèo khó ở bên (phía) tây nhà của cô gái, cũng sai người đến nói chuyện cầu hôn, nói:
- “Chàng trai này nhân phẩm tốt, vừa tài giỏi vừa đẹp trai, thật là trong trăm có một, chỉ tội là gia đình có nghèo một chút, mới tối hôm qua đây trong nhà không có lương thực.”
Ông bố nói với con gái:
- “Con muốn lấy nhà nào thì không cần phải nói, chỉ cần dùng tay ra hiệu là được, tay trái thì phía đông, tay phải thì phía tây.”
Cô gái nhếch môi cười, từ từ đưa ra tay trái, tiếp theo lại đưa ra tay phải, hai cái miệng già kinh ngạc nói: “Như thế làm sao coi được ?”
Cô gái thư thả nói:
- “Vậy mà chưa rõ ràng sao, con muốn đến nhà bên đông ăn cơm, và qua nhà bên tây để ngủ đêm...”
Bố mẹ cô gái cuống cả lên:
- “Làm như thế sao được chứ ?”
(Nghệ Văn Loại Tụ)

Suy tư 61:
“Bắt cá hai tay” là ám chỉ đến những người nịnh bợ, những người hám lợi mà không trọng tín nghĩa, những người này thường là đem đau khổ đến cho người khác vì sự lừa dối của họ.
Đời sống tôn giáo cũng thế, có nhiều người thích “ăn nhà bên đông và ngủ nhà bên tây”, có nghĩa là họ ngày Chúa Nhật thì đi nhà thờ với người hàng xóm, ngày một ngày rằm thì đi cúng chùa với người yêu, họ đưa cả hai tay ra để làm vừa lòng người này kẻ nọ, cho nên tôn giáo đối với họ chỉ là cái áo mặc trong những ngày vui chơi mà thôi.
Thiên Chúa sẽ mửa tôi ra khỏi miệng nếu tôi cứ ươn ươn dở dở, không nóng không lạnh, Ngài cũng sẽ nghiêm khắc lên án tôi nếu tôi bắt cá hai tay, nếu tôi miệng nói “kính Chúa yêu người” mà trong lòng thì đầy những xảo trá mưu mô hại người.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

-------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:52 13/06/2016

12. Con vui lòng vì Ngài mà sống nghèo khó.

(Thánh Augustinus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Vatican đình chỉ đơn vị kiểm toán độc lập
Chân Phương
09:26 13/06/2016
Vatican đình chỉ đơn vị kiểm toán độc lập

Tòa Thánh vừa quyết định đình chỉ công việc kiểm toán của Công ty PricewaterhouseCoopers (PwC) hồi tháng Tư nhằm "rà soát lại một vài điều khoản và phạm vi của hợp đồng".

Trong một thông cáo đưa ra ngày 10 tháng 6, Vatican kết luận rằng "theo luật pháp, nhiệm vụ thực hiện kiểm toán, báo cáo tài chính sẽ được giao lại cho Văn phòng Tổng Kiểm toán của Tòa Thánh", chứ không phải là một đơn vị kiểm toán bên ngoài.

Thông cáo cũng nhấn mạnh rằng đây là "trường hợp bình thường ở hầu hết các quốc gia có chủ quyền". Nhưng "PwC sẽ còn đóng vai trò giúp đỡ" trong kiểm toán và "họ cũng sẽ sẵn sàng hỗ trợ và tham vấn cho những Thánh bộ nào cần đến".

Tuy nhiên, thông cáo bác bỏ rằng việc đình chỉ kiểm toán từ bên ngoài là một 'cú giáng mạnh' vào nỗ lực cải cách tài chính của Vatican.

"Điều quan trọng phải làm sáng tỏ rằng, trái với một số nguồn tin đã nêu lên, việc đình chỉ này không phải vì hoài nghi về tính minh bạch hoặc phẩm chất làm việc của PwC, cũng không phải vì có một hoặc nhiều cơ quan của Tòa Thánh muốn như vậy để ngăn trở việc cải cách tài chính", thông cáo viết.

Lộ trình hướng tới thực thi chính xác và phù hợp với Tiêu chuẩn Quốc tế về Kiểm toán Công quyền (International Public Sector Accounting Standards - IPSAS) thường phức tạp và kéo dài. Lộ trình đó đòi hỏi có một loạt các lựa chọn pháp lý cũng như áp dụng các thủ tục hành chính và kiểm toán, đó là những điều mà hiện nay vẫn đang được triển khai.

"Ghi nhận các hoạt động có giá trị mà PwC đã thực hiện, Tòa Thánh tuyên bố rằng hai bên đã ký kết một thỏa thuận mới, phù hợp với khuôn khổ thể chế hiện tại để tạo ra một sự hợp tác rộng lớn hơn với PwC, nhằm đáp ứng được các nhu cầu của Tòa Thánh".

"Thỏa thuận này cho phép tất cả các cơ quan của Tòa Thánh tham gia tích cực hơn vào việc cải cách đang được tiến hành. Với đề xuất này, Tòa Thánh sẽ kịp thời khôi phục lại sự phối hợp với PwC.

Cam kết về kiểm toán kinh tế - tài chính vẫn đang được xúc tiến và là một ưu tiên của Tòa Thánh lẫn Quốc vụ khanh Vatican.

Chân Phương
 
Tòa Thượng phụ Công giáo Canđê mời gọi các Kitô hữu Iraq ăn chay cùng người Hồi giáo để cầu nguyện cho hòa bình
Lã Thụ Nhân
12:38 13/06/2016
Tòa Thượng phụ Công Giáo Canđê mời gọi các Kitô hữu Iraq ăn chay cùng người Hồi giáo để cầu nguyện cho hòa bình

Baghdad (Agenzia Fides) - Khi Iraq tiếp tục bị bom đạn và các cuộc xung đột vũ trang phá hủy, Giáo Hội Công Giáo Canđê mời gọi các Kitô hữu hãy ăn chay vào thứ Sáu ngày 17 tháng 6 năm 2016.

Trong một thông cáo báo chí, Tòa Thượng phụ Công Giáo Canđê kêu gọi: "Trong tình liên đới với những người Hồi giáo trong tháng chay Ramadan này, chúng ta sẽ cùng nhau ăn chay và cầu nguyện cho hòa bình và ổn định trong nước và trong khu vực".

Tuyên bố của Tòa Thượng phụ cũng nhận xét rằng trước những thảm kịch và thảm họa nhân đạo gây ra bởi chiến thắng quân sự của Nhà nước Hồi giáo, Giáo Hội tại Iraq đang đóng vai trò nhân đạo, trên bình diện quốc gia và cả về mặt tinh thần, trong việc giúp đỡ những người bị ảnh hưởng của xung độg, không trừ một ai, qua việc phân phát các giỏ thức ăn cho người tị nạn nhiều lần trong nhiều trại tị nạn; cung cấp các loại thuốc cho các phòng khám; tổ chức bữa ăn tối "Iftar" (xả chay) cho những người Hồi giáo; tiếp nhận các sinh viên đại học; cũng như Caritas Iraq không ngừng cung cấp những thứ kể trên.

Với tinh thần tương tự Đức Thượng phụ Công Giáo Canđê, các Giám mục phụ tá cùng các cộng sự cũng đã quyết định ăn chay trong ngày đặc biệt này, cùng với những người Hồi giáo, và cầu nguyện như thường lệ cho hòa bình ở Iraq, Syria và trên khắp khu vực.

Lã Thụ Nhân
 
40 hoạt động thiết thực của tu sĩ Ấn Độ trong Năm Thánh Lòng Thương Xót
Lã Thụ Nhân
12:42 13/06/2016
40 hoạt động thiết thực của tu sĩ Ấn Độ trong Năm Thánh Lòng Thương Xót

New Delhi (Agenzia Fides) - Cha Joe Mannath, SDB, Thư ký Quốc gia "Hội đồng các Tu sĩ Ấn Độ", vốn hiệp nhất với các tu hội và dòng tu ở Ấn Độ cho hay: "Năm Thánh Lòng Thương Xót là điều gì đó thực tế, nó không chỉ đơn giản chỉ là chúng ta nói một lời cầu nguyện hoặc tham dự một hội nghị. Chúng ta có thể đáp lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô bẳng cách quảng đại đưa ra kế hoạch hành động cụ thể, có lợi cho người nghèo và người đau khổ".

Cha Mannath: "Nhu cầu thật là cấp bách, khả năng thì to lớn, và các tu sĩ chúng tôi có vị thế tốt hơn hầu hết mọi người: những đóng góp của chúng tôi có thể tạo nên sự khác biệt". Đây là lý do tại sao Hội đồng các Tu sĩ Ấn Độ đề xuất một kế hoạch hành động cho tất cả các hội dòng, trong đó đưa ra hơn 40 cam kết thực tiễn để thực hiện trong Năm Thánh này và tiếp tục thực hiện khi Năm Thánh đặc biệc về Lòng thương xót này kết thúc. Cha Mannath cho biết: "Có 40 kế hoạch hành động để lựa chọn: chúng ta đang ở tháng Sáu và nửa năm đã trôi qua. Đề nghị này cũng có thể là một thời điểm tốt để kiểm tra những gì đích thân chúng ta đang thực hiện, như là các cộng đoàn tu sĩ, như là các tỉnh dòng và các dòng tu".

Các hoạt động được đề xuất khuyến khích các công việc có thể được thực hiện cho chỉ trên bình cá nhân, mà còn trên bình diện cộng đồng: thúc đẩy các cử chỉ tha thứ và hòa giải; hiến máu hoặc hiến xác; thăm viếng và chăm sóc bệnh nhân, người già và các tù nhân một cách thường xuyên; đối xử với công nhân và người lao động tham gia vào các nhà tu bằng sự tôn trọng và công bằng; chăm sóc trẻ em đường phố và người nghiện ma túy; tham gia vào công tác giáo dục, giáo lý và giúp đỡ học sinh các gia đình nghèo.

Lã Thụ Nhân
 
Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi chấm dứt vấn nạn nô lệ trẻ em
Lã Thụ Nhân
12:46 13/06/2016
Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi chấm dứt vấn nạn nô lệ trẻ em

Vatican - Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra lời kêu gọi chân thành đến tất cả những người thiện chí nhằm tham gia vào các nỗ lực loại bỏ các nguyên nhân gây ra vấn nạn nô lệ hiện đại.

Sau khi đọc Kinh Truyền Tin tại Quảng trường Thánh Phêrô, một lần nữa Đức Thánh Cha nêu bật một số ưu tiên của thế giới ngày nay và đề cập cụ thể đến Ngày Thế giới Chống Lao động Trẻ em được kỷ niệm hôm Chúa Nhật 12/6/2016.

"Tất cả chúng ta hãy cùng nhau tham gia vào việc đổi mới các nỗ lực để loại bỏ các nguyên nhân của vấn nạn nô lệ hiện đại này, vốn lấy đi một số quyền cơ bản của hàng triệu trẻ em và đặt chúng vào những nguy hiểm nghiêm trọng. Có rất nhiều nô lệ trẻ em trong thế giới hôm nay!"

Được tổ chức dưới sự bảo trợ của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trọng tâm của Ngày Thế giới Chống Lao động Trẻ em năm nay là lao động trẻ em và các chuỗi cung ứng.

ILO đã chỉ ra rằng với 168 triệu trẻ em vẫn đang lao động và tất cả các chuỗi cung ứng, từ nông nghiệp đến sản xuất, dịch vụ đến xây dựng, tạo nên nguy cơ lao động trẻ em có thể hiện diện. ILO kêu gọi các doanh nghiệp và người sử dụng lao động phải hành động ngay để ngăn chặn lao động trẻ em như đã được khẳng định bởi Các Mục tiêu Phát triển Bền vững.

Lã Thụ Nhân
 
50% trẻ em nhiễm HIV/AIDS chết trước sinh nhật lần thứ 2
Lã Thụ Nhân
12:44 13/06/2016
50% trẻ em nhiễm HIV/AIDS chết trước sinh nhật lần thứ 2

UN - Đức Tổng Giám Mục Bernardito Auza, Đại sứ Tòa Thánh và là Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc đã có bài phát biểu trước Hội nghị cấp cao của Liên Hiệp Quốc về HIV/AIDS hôm thứ Sáu 10/06/2016.

Đức Tổng Giám Mục Bernardito Auza lưu ý rằng có đến năm mươi phần trăm trẻ em nhiễm HIV chết trước sinh nhật lần thứ hai của chúng, vì chúng không tiếp cận được chẩn đoán, điều trị và thuốc men cần thiết. Thực vậy, đa số trẻ nhiễm HIV không được chẩn đoán cho đến khi bốn tuổi. Mới đây, Tòa Thánh đã nêu lên những quan ngại này bằng cách triệu tập cuộc họp tại Vatican với giám đốc điều hành của các công ty dược phẩm nhằm đáp ứng kịp thời và giá cả phải chăng hơn để giải quyết bi kịch này.

Lã Thụ Nhân
 
Đức Thánh Cha thăm Tổ chức Chương trình lương thực thế giới
Lm. Trần Đức Anh OP
13:18 13/06/2016
ROMA. Trong cuộc viếng thăm sáng ngày 13-6-2016 tại trụ sở tổ chức Chương trình Lương thực thế giới, ĐTC kêu gọi bài trừ quan niệm coi nạn đói là chuyện ”thường tình, tự nhiên”.

Chương trình Lương thực thế giới (PAM, Wfp) là cơ quan từ thiện lớn nhất của LHQ dấn thân chống nạn đói trên thế giới. Cơ quan này được thành lập năm 1962 và hiện có 11 ngàn nhân viên hoạt động, phần lớn tại những vùng có nạn đói hoặc nạn suy dinh dưỡng. Trong năm 2014, Chương trình PAM đã trợ giúp lương thưc cho 80 triệu người tại 82 quốc gia trên thế giới.

Khi đến trụ sở lúc 9 giờ 20 phút, ĐTC đã được Bà Ertharin Cousin, giám đốc điều hành, Đức Ông Fernando Chica Arellano, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại cơ quan này, và bà Stephanie Hochstetter Skinner-Klée tiếp đón tại khuôn viên, và hướng dẫn vào bên trong. Hai em bé đã trao hai giỏ hoa cho ĐTC rồi đặt trước bức tường tưởng niệm có ghi tên hàng trăm nhân viên của Chương trình lương thưc thế giới đã tự nạn trong khi thi hành sứ mạng. ĐTC đã đến gần bức tường này và mặc niệm trong thinh lặng.

Sau khi chào thăm các quan chức cấp cao khác của tổ chức PAM, Đức Thánh Cha đã hội kiến riêng với 3 vị lãnh đạo củq tổ chức này, rồi chào thăm các vị quốc trưởng cũng như các bộ trưởng đến tham dự phiên họp khai mạc của Hội đồng chấp hành tổ chức PAM.

Khi ĐTC tiến vào thính đường, mọi người đã nồng nhiệt vỗ tay chào mừng. Rồi hai bà chủ tịch và giám đốc điều hành tổ chức PAM đã lần lượt chào ĐTC.

Diễn văn của ĐTC

Trong diễn văn bằng tiếng Tây Ban Nha nhân dịp này, ngài đặc biệt kêu gọi mọi người đừng coi lầm than là chuyện bình thường, để rồi không còn nhạy cảm đối với những thảm trạng của người khác; ngoài ra cần giải trừ sự ”bàn giấy hóa nạn đói”, cụ thể là nạn buôn bán võ khí, chiến tranh và xung đột võ trang cản trở các nỗ lực bài trừ nạn đói. ĐTC nói:

”Trong thế giới được liên kết với nhau và siêu thông tin như chúng ta đang sống, những khoảng cách địa lý dường như được thu ngắn lại. Chúng ta có thể có những tiếp xúc hoặc chứng kiến hầu như đồng thời với những gì đang xảy ra ở nơi khác trên trái đất.. Nhưng có một điều nghịch lý là dường như sự gần gũi do thông tin tạo nên như thế ngày càng bị thu hẹp lại. Thông tin thái quá mà chúng ta có được dần dần tạo nên sự bình thường hóa lầm than. Nghĩa là dần dần chúng ta không còn nhạy cảm đối với những thảm trạng của người khác và coi chúng như những điều ”tự nhiên”, bình thường. Vì thế bao nhiêu hình ảnh được truyền tới chúng ta và chúng ta nhìn thấy đau khổ, nhưng chúng chẳng đánh động chúng ta nữa, chúng ta nghe thấy tiếng khóc, nhưng chúng ta không an ủi, chúng ta thấy đói khát, nhưng chúng ta không đáp ứng nó...

ĐTC nhấn mạnh rằng: ”Cần chấm dứt tình trạng coi lầm thay như điều bình thường, tự nhiên, và ngưng coi nó như một sự kiện của thực tại như bao nhiêu điều khác, bởi vì lầm than có một khuôn mặt. Nó có khuôn mặt của một trẻ thơ, một gia đình, người trẻ và người già. Nó có khuôn mặt của sự thiếu cơ may và công ăn việc làm của bao nhiêu người, khuôn mặt của những vụ cưỡng bách di cư, những căn nhà bị bỏ rơi hoặc bị phá hủy. Chúng ta không thể coi nạn đói của bao nhiêu người là điều tự nhiên, không được nói rằng tình trạng của họ là kết quả của một định mệnh mù quáng, mà chúng ta không thể làm gì được. Khi lầm than không còn có một khuôn mặt nữa, thì chúng ta có thể rơi vào cám dỗ bắt đầu nói và thảo luận về nạn đói, về sự dinh dưỡng, bạo lực, và bỏ quan một bên chủ thể cụ thể, thự tế, đang gõ cửa nhà chúng ta..

Cũng trong chiều hướng ấy, ĐTC nhắc lại cuộc viếng thăm của ngài tại trụ sở Lương nông quốc tế, FAO, ngày 20-11-2014, trong dịp đó ngài khẳng định rằng thế giới có đủ lương thực cho mọi người, tất cả mọi người, ”nhưng không phải tất cả đều có thể được ăn, trong khi nạn phí phạm, loại bỏ, tiêu thụ lương thực thái quá hay dùng lương thực vào những mục tiêu khác đang xảy ra trước mặt chúng ta”. Ngài áp dụng vào cuộc viếng thăm này và khẳng định rằng:

”Chúng ta hãy ý thức rõ: sự thiếu lương thực không phải là một cái gì tự nhiên, không phải là một sự kiện hiển nhiên. Ngày nay, giữa thế kỷ 21, nhiều người vẫn còn đau khổ vì thiếu lương thực, và tai ương ấy là do sự phân phối các tài nguyên một cách ích kỷ và sai trái, biến thực phẩm thành hàng hóa. Đất đai bị ngược đãi và bóc lột tại nhiều nơi trên thế giới, tiếp tục mang mang lại chúng ta hoa mầu, tiếp tục cung cấp cho chúng ta những gì tốt đẹp nhất; những khuôn mặt của những người đói nhắc nhớ cho chúng ta rằng chúng ta đã đảo lộn những mục tiêu của trái đất. Một món quà, có mục đích mưu ích cho tất cả mọi người, nhưng chúng ta lại biến nó thành một đặc ân của một ít người.

”Trào lưu duy tiêu thụ tràn lan trong các xã hội chúng ta, làm cho chúng ta quen với sự thừa thãi và hằng ngày phung phí lương thực, lương thực mà nhiều khi chúng ta không có khả năng mang lại cho nó giá trị đúng đắn, vượt lên trên những tiêu chuẩn kinh tế.. Nhưng chúng ta cần nhớ rằng phí phạm lương thực là điều giống như ăn trộm từ bàn ăn của người nghèo, của người đói. Điều này đòi chúng ta phải suy tư về vấn đề thất thoát và phí phạm lương thực, để tìm ra những phương thế nghiêm túc đối phó với vấn đề, để thực thi tình liên đới và chia sẻ với những người túng thiếu nhất”.

Chống ”bàn giấy hóa” nạn đói

Tiếp tục diễn văn, ĐTC đề cập đến vấn đề bàn giấy hóa. Ngài nói: ”Có những hành động như thể bị kẹt, bị chặn đứng. Tình trạng bấp bênh của thế giới như chúng ta đang sống là điều mọi người đều biết. Trong thời gian gần đây chiến tranh và những hiểm họa xung đột trở thành những quan tâm chính của chúng ta và được thảo luận nhiều. Vì thế, đứng trước bao cuộc xung đột hiện nay, dường như võ khí đã đạt tới mức độ ưu tiên khác thường, đến độ chúng loại bỏ những cách thức khác để giải quyết các tranh chấp. Tình trạng ấy ăn rễ sâu và được người ta chấp nhận đến độ nó cản trở việc phân phối lương thực tại những vùng chiến tranh, thậm chí đi tới sự vi phạm những nguyên tắc và qui luật cơ bản nhất của công pháp quốc tế hiện hành từ nhiều thế kỷ.

”Do đó chúng ta đứng trước một hiện tượng lạ thường và mâu thuẫn: trong khi những viện trợ và kế hoạch phát triển bị cản trở vì những quyết định chính trị phức tạp và khó hiểu, hoặc vì những quan điểm ý thức hệ thiên lệch hoặc vì những hàng rào quan thuế không thể vượt qua được, thì võ khí lại không hề bị cản trở; nó xuất phát từ đâu, đó chẳng phải là điều quan trọng, võ khí tự do lưu hành, hầu như một cách tuyệt đối trong nhiều vùng trên thế giới. Do đó chính chiến tranh được nuôi dưỡng, chứ không phải con người. Trong một số trường hợp, chính nạn đói được sử dụng như một võ khí chiến tranh. Và các nạn nhân gia tăng, vì số người chết đói và kiệt lực thêm vào số những chiến binh bị chết trên chiến trường và nhiều thường dân bị giết trong các cuộc xung đột và khủng bố. Chúng ta ý thức rõ điều đó, nhưng chúng ta để cho lương tâm mình bị tê liệt, và chúng ta không còn để lương tâm mình được nhạy cảm nữa. Qua đó, võ lực trở thanh phương thế hành động duy nhất của chúng ta, và mục tiêu cần ưu tiên đạt tới là quyền lực. Dân chúng yếu đuối nhất không những đau khổ vì chiến tranh, nhưng đồng thời họ thấy mọi sự viện trợ bị cản trở. Vì thế, điều cấp thiết là phải giải trừ thứ bệnh bàn giấy cản trở các kế hoạch viện trợ nhân đạo, không cho các kế hoạch này đạt tới mục đích. Trong lãnh vực này, chúng ta có một vai trò cơ bản, vì chúng ta cần những vị anh hùng thực sự, có khả năng mở ra những con đường, kiến tạo những nhịp cầu, tạo điều kiện dễ dàng cho những hoạt động đặt nặng tầm quan trọng khuôn mặt của người đau khổ. Những sáng kiến của cộng đồng quốc tế cũng phải hướng về mục tiêu ấy.

Trong phần kết của bài diễn văn, ĐTC nói đến sự sẵn sàng đóng góp của Giáo Hội Công Giáo vào những sáng kiến nhắm cứu vãn phẩm giá con người, nhất là những người bị chà đạp các quyền của mình. ”Tôi cam đoan với quí vị sự hỗ trợ hoàn toàn và sự nâng đỡ trọn vẹn của chúng tôi để tạo điều kiện dễ dàng cho mọi cố gắng đã bắt đầu”.

Sau bài diễn văn, ĐTC bước ra khỏi hội trường để chào thăm một nhân viên của Chương trình lương thực thế giới bị thương trong khi thi hành sứ mạng, rồi ngài tiến ra ngoài khuôn viên của tổ chức PAM để chào thăm tất cả các nhân viên và gia đình những người đang phục vụ tại trụ sở này.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đức Mẹ La Vang Thánh du thăm Cộng đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm
Trần Văn Minh
01:42 13/06/2016
Melbourne, lúc 6 giờ chiều, sau Thánh lễ chiều Chúa Nhật 12/06/2016. Tại Trung tâm Công Giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm. Cộng đoàn đã hân hoan chào đón Thánh tượng Đức Mẹ La Vang đến thăm con cái Mẹ tại cộng đoàn.

Mời xem hình

Trong cái lạnh tê tái chiều mùa Đông, trời không mưa, không gió, cái lạnh cũng làm cho nhiều người không muốn bước ra khỏi nhà. Nhưng hôm nay Cộng đoàn rất vui mừng được đón Thánh tượng Đức Mẹ đến với cộng đoàn, nên đủ mọi thành phần con cái Đức Mẹ, từ các cụ già với khăn mũ quấn quanh cổ, cho đến các em thiếu nhi, tay cầm hoa muôn mầu sắc đứng dưới trời, xếp hàng từ cổng vào tới lễ đài và nhiều người đứng trong khuôn viên trung tâm để chờ đón Mẹ.

Khi đội ngũ chỉnh tề, Từ cổng chính, Đức Mẹ La Vang được các chị trong Ngành Nữ Tông Đồ tháp tùng cung nghinh kiệu Đức Mẹ La Vang tiến vào cổng. Đi đầu có hai chị mang băng xanh trắng dài trước kiệu, tiếp theo sau là cờ và đoàn kiệu đi giữa hai hàng của các em Thiếu Nhi Thánh Thể và Ngành Nữ Tông đồ. Bài hát Ave, Ave Maria được cả cộng đoàn vừa hát vừa vỗ tay, kèm theo tiếng chuông trên cổng tam quan trung tâm dòn dã chào mừng Đức Mẹ đã đến với cộng đoàn.

Sau khi Tượng Thánh Mẹ được rước vào trước lễ đài, yên vị tại lễ đài tạm. Linh mục Trần Ngọc Tân quản nhiệm cộng đoàn xông hương, và dâng lời chào mừng, cùng ngỏ lời khát khao của cộng đoàn, mong chờ Mẹ đến thăm và được Đức Mẹ ở lại với cộng đoàn một tuần lễ, để đoàn con có dịp kính viếng, nỉ non tâm sự, dâng lên Mẹ những buồn, vui, sướng, khổ, những nỗi ưu phiền thống khổ để được Mẹ ủi an, nâng đỡ.

Đoàn rước tượng Đức Mẹ tiếp tục cung nghinh Đức Mẹ lên nguyện đường trong tiếng hát chào mừng của Ca đoàn Cecillia. Tượng Đức Mẹ được trang trọng đặt tại vị trí ngay trước bàn thờ để cho cộng đoàn chiêm ngắm, dâng hoa, dâng lời cầu nguyện. Đại diện cộng đoàn đọc lời chào mừng Đức Mẹ và cũng dâng lời cầu nguyện để xin “Mẹ cầu bầu cùng Chúa cho chúng con.” Đoàn dâng hoa của Thiếu Nhi Thánh Thể đã thật xuất sắc thay mặt cộng đoàn dâng năm sắc hoa tươi thắm lên ngai tòa Đức Mẹ. Tiếp theo, từng người trong cộng đoàn, tay cầm bông đã theo chân Linh mục quản nhiệm lên dâng hoa.

Lời hát về Mẹ thật du dương tha thiết, được Ca đoàn Cecillia cất lên trong lúc cộng đoàn lên dâng hoa. Sau mỗi bài hát, Linh mục lại dâng lên Đức Mẹ một lời nguyện xin cho cộng đoàn. Kết thúc lễ chào đón Mẹ ngày đầu tiên đến với cộng đoàn là bài hát “Xin Vâng” được cả cộng đoàn hát vang thể hiện lòng con thảo kính, luôn vâng nghe lời Mẹ dậy bảo.

Được biết, trong suốt tuần lễ Đức Mẹ Thánh du, cộng đoàn mỗi ngày đều có Thánh lễ chiều trễ hơn giờ thường lệ, để mọi người đi làm có thể đến dâng lễ. Và cũng trong thời gian này, cộng đoàn cũng được quý cha khách đến giảng thuyết giúp cộng đoàn hiểu rõ hơn về Đức Mẹ, Mẹ của cả nhân loại.



 
ĐGM Phaolô Nguyễn Thái Hợp viếng thăm 2 giáo xứ miền biển Lộc Mỹ và Cửa Lò
Jos. Trọng Tấn
09:11 13/06/2016
ĐGM Phaolô Nguyễn Thái Hợp viếng thăm và tặng quà cho 2 giáo xứ miền biển Lộc Mỹ và Cửa Lò

Trong tinh thần hiệp thông, yêu thương và liên đới với các nạn nhân của thảm họa ô nhiễm môi trường biển tại miền Trung, chiều và tối ngày 11/6/2016, Đức Giám Mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp cùng phái đoàn TGM Xã Đoài đã đến viếng thăm và tặng quà cho bà con giáo dân và lương dân tại 2 giáo xứ miền biển: Lộc Mỹ và Cửa Lò (Nghệ An). Đây là đợt tương trợ thứ 3 mà TGM Xã Đoài dành cho các nạn nhân của thảm họa ô nhiễm môi trường biển.

Giáo phận Vinh nằm trên địa bàn 3 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình, với đường bờ biển dài hơn 330km. Bên cạnh các giáo xứ miền biển tại khu vực phía nam Hà Tĩnh và Quảng Bình, là những nơi trực tiếp xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt, chịu thiệt hại nặng nề nhất, còn phải kể đến số đông bà con giáo dân tại các giáo xứ miền biển khu vực Nghệ An và phía bắc Hà Tĩnh cũng đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề không kém. Hoang mang, lo sợ, bế tắc, thất nghiệp, tương lai mờ mịt và cuộc sống bất ổn... đó là thảm trạng hiện tại của bà con sinh sống dựa vào biển. Thảm họa ô nhiễm môi trường biển đã nhuốm màu tang tóc lên cuộc sống vốn dĩ đã khó khăn của “những người con của biển”, làm tê liệt cả một nền kinh tế biển.

Buổi chiều ngày 11/6/2016, Đức Cha Phaolô và phái đoàn đã đến thăm giáo xứ Lộc Mỹ. Đây là một giáo xứ nằm ven biển, thuộc địa bàn xã Nghi Quang (Nghi Lộc, Nghệ An), với gần 3000 giáo dân. Người dân tại đây vốn còn nghèo, sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt gần bờ và buôn bán nhỏ lẻ thủy hải sản. Cuộc sống vốn đã khó khăn, nay lại càng khó khăn hơn, bởi họ không thể tiếp tục mưu sinh bằng nghề biển truyền thống. Tại đây, phái đoàn đã trao tặng 500 phần quà cho cả giáo dân và lương dân, mỗi phần quà gồm 25kg gạo thơm và 1 thùng sữa.

Buổi tối cùng ngày, phái đoàn tiếp tục đến viếng thăm giáo xứ Cửa Lò. Tại đây, Đức Giám Mục Phaolô đã dâng thánh lễ cầu nguyện cho các nạn nhân thảm họa ô nhiễm môi trường biển. Sau thánh lễ, Đức Cha đã trao tặng 250 phần quà, mỗi phần quà gồm 50 kg gạo thơm và 2 thùng sữa.

Qua tìm hiểu tại giáo xứ Cửa Lò, một giáo xứ nằm trên địa bàn khu du lịch Biển Cửa Lò với hơn 2.500 giáo dân, Ông Chủ tịch HĐMV giáo xứ cho chúng tôi biết: “Bà con trong giáo xứ chúng tôi hầu hết là gắn bó với biển, sinh sống nhờ biển bằng nghề đánh bắt, buôn bán thủy sản và kinh doanh du lịch biển. Nhưng trong suốt 2 tháng qua, chúng tôi không thể làm ăn buôn bán gì được. Vì đi đánh bắt về cũng không ai mua, buôn bán thì ế ẩm, du khách thì thưa thớt. Suốt cả năm trông chờ vào mấy tháng hè này là tháng du lịch biển, vậy mà khách cũng rất ít so với các năm trước”.

Trong đợt tương trợ lần này tại giáo xứ Lộc Mỹ và Cửa Lò, Đức Giám Mục Phaolô đã trao tổng cộng 25 tấn gạo (trị giá hơn 281 triệu đồng) và gần 1000 thùng sữa tươi (trị giá 185 triệu, do Công ty TNHH DV Hoa Hồng Đỏ gửi tặng). Những phần quà mà phái đoàn mang đến cho bà con tuy rằng không thể đáp ứng đủ nhu cầu đời sống đang lúc khó khăn này, nhưng phần nào xoa dịu nỗi đau và những khó khăn mà mọi người đang phải gánh chịu. Đồng thời đó sẽ là những nguồn động lực tinh thần lớn lao để bà con vượt qua thảm họa này.

Bên cạnh cử chỉ yêu thương, chia sẻ trong chuyến đi này, Đức Giám Mục Phaolô còn nhắn nhủ tới bà con và tất cả mọi người một thông điệp: “Chúng ta đã là những nạn nhân của thảm họa ô nhiễm môi trường biển, thì đừng bao giờ để người khác phải rơi vào cảnh khốn quẫn như chúng ta. Chúng ta hãy chủ động tiêu hủy, chôn cất một cách an toàn nhất có thể, những sinh vật biển bị chết để ngăn chặn chất độc phát tán; không tàng trữ, buôn bán những hải sản, thực phẩm chế biển từ hải sản đã nhiễm độc hoặc nghi ngờ nhiễm độc. Tôi và giáo phận sẽ tiếp tục lên tiếng để yêu cầu nhà cầm quyền công bố nguyên nhân của thảm họa trên và đề nghị có những hướng đi thích hợp nhằm giải quyết công ăn việc làm cho bà con”.
 
Giáo xứ Lộc Bình đón Đức cha Giuse Châu Ngọc Tri viếng thăm mục vụ
Giuse Trần Ngọc Huấn
11:17 13/06/2016
Giáo xứ Lộc Bình đón Đức Cha Giuse viếng thăm mục vụ

Trong chương trình mục vụ đến các Giáo xứ sau khi tựu chức Chủ chăn tại Giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng, chiều Chúa Nhật, 12 tháng 6 năm 2016, Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri đã đến thăm giáo xứ Lộc Bình thuộc Giáo hạt Lạng Sơn.

Xem Hình

Giáo xứ Lộc Bình hiện có gần 200 giáo hữu, do cha Giuse Nguyễn Tiến Đức (O.P) coi sóc. Nhà thờ Lộc Bình nằm cách Tòa Giám mục khoảng 25km.

Vào hồi 19 giờ 30, mọi thành phần Dân Chúa trong giáo xứ Lộc Bình vui mừng chào đón Đức Cha Giuse, vị Tân Giám mục Chính tòa của Giáo phận. Cha xứ Giuse cùng cha phó thay mặt cộng đoàn dâng tặng Đức Cha Giuse những bông hoa tươi thắm và lời chào mừng nồng nhiệt. Niềm vui hân hoan tràn ngập mỗi người. Đức Cha Giuse ân cần chào thăm từng người hiện diện và chúc lành cho các trẻ em. Ngài tiến vào cửa chính của thánh đường, hôn kính Thánh Giá và rẩy Nước Thánh trên cộng đoàn hiện diện. Sau khi tiến vào Thánh đường, cộng đoàn hiệp ý cầu nguyện cho Đức Cha Giuse theo nghi thức tiếp đón Đức Giám Mục Giáo phận kinh lý mục vụ.

Thánh lễ Chúa Nhật XI Thường niên được cử hành lúc 20 giờ do Đức Cha Giuse chủ sự, cùng với hai cha của giáo xứ Lộc Bình. Quý thầy Phó tế, chủng sinh và cộng đoàn Dân Chúa hiện diện và hiệp dâng Thánh lễ cách sốt sắng trong nhà thờ. Cha xứ Giuse vui mừng chính thức giới thiệu Đức Cha Giuse – vị Chủ chăn mới của Giáo phận – với toàn thể Cộng đoàn Phụng vụ. Đức Cha Giuse bày tỏ sự cảm động và niềm vui khi đến thăm giáo xứ Lộc Bình sau hai tháng lẻ hai ngày ngài về nhận Giáo phận. Lộc Bình tuy chỉ cách Tòa Giám mục 25km nhưng Đức Cha đã dành việc kinh lý mục vụ lần đầu tiên đến giáo xứ này gần như sau cùng so với các giáo xứ khác, vì ngài muốn kéo dài niềm vui, sự hồ hởi và đầy những bất ngờ mà ngài cảm nhận được mỗi khi đến với các giáo xứ lần đầu tiên.

Mở đầu bài giảng trong Thánh lễ, Đức Cha Giuse chia sẻ: Nhà thờ giáo xứ Lộc Bình chúng ta hôm nay được trang trí thật đẹp, mỗi người tham dự Thánh lễ hôm nay cũng mặc những trang phục thật đẹp. Cái đẹp bên ngoài là quý nhưng cái đẹp bên trong càng quý hơn. Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi sự, Ngài không chỉ nhìn thấy cái đẹp bên ngoài nhưng còn thấu suốt cái nội hàm bên trong tâm hồn, thấy được đức tin và lòng yêu mến của chúng ta đối với Ngài và dành cho nhau. Chúng ta được nên công chính nhờ đức tin, được thể hiện ra những nét đẹp đạo đức bên ngoài. Chính đức tin là động lực lôi kéo và thúc đẩy mọi người chúng ta đón nhận và thực thi Lời Chúa. Điều đó rất quan trọng đối với mỗi người tín hữu.

Người phụ nữ trong bài Tin Mừng, tuy mang thân phận tội lỗi đầy bất xứng, nhưng đã được Chúa ca ngợi bởi tấm lòng chân thành và tình yêu mến thẳm sâu đối với Chúa. Chị khóc lóc và đến bên Chúa bởi chị tin vào Chúa và bởi tin cùng yêu mến Chúa nên mạnh dạn tiến đến bên Chúa để được Chúa tha thứ. Chúa nhìn thấy đức tin và tình yêu nơi người phụ nữ ấy.

Trong đời sống của mỗi người chúng ta, chúng ta mang danh là những Ki-tô hữu, là những người có đức tin. Đó không chỉ là danh xưng, không phải chỉ là những gì bề ngoài mà thôi nhưng còn phải là chính đời sống của chúng ta. Những việc chúng ta làm chỉ có giá trị khi chúng ta thực thi trong tình yêu đối với Thiên Chúa và qua đó là trải rộng tình yêu với tha nhân. Thiên Chúa nhìn thấu tấm lòng chúng ta đối với Ngài. Ngài mời gọi chúng ta sống yêu thương và chân thành. Ngài đón nhận lễ vật của chúng ta là tất cả những gì chúng ta làm trong tình yêu với Ngài và quảng đại với tha nhân.

Hôm nay chúng ta đón nhận những anh chị em tân tòng được lãnh nhận Bí tích Rửa Rội. Chúa tha thứ mọi tội lỗi cho anh chị em, đón nhận anh chị em vào Hội Thánh của Chúa, làm con của Chúa và được Chúa yêu thương. Đó là nguồn ơn vô giá mà Thiên Chúa ban cho chúng ta. Bí tích là những dấu chỉ bề ngoài nhưng diễn tả thực tại ân sủng lớn lao của Thiên Chúa, biến đổi chúng ta và làm chúng ta trở nên con cái thực sự của Chúa. Chính nhờ đức tin và tình yêu thực sự đối với Thiên Chúa mà chúng ta có thể đón nhận hồng ân cao quý này.

Kết thúc bài giảng, Đức Cha Giuse mời gọi mọi thành phần Dân Chúa nơi giáo xứ Lộc Bình hãy sống xứng đáng với đức tin đã lãnh nhận, sống sao cho anh chị em lương dân xung quanh cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi chính tình yêu của mỗi người tín hữu. Ở đâu có người tín hữu Chúa thì ở đó có Hội Thánh, có dấu chỉ Tình Yêu Thiên Chúa, có đời sống đức tin, có loan báo Tin Mừng.

Sau kinh Tin Kính, Đức Cha Giuse cử hành nghi thức ban Bí tích Rửa Tội - Thêm Sức cho 5 người tân tòng và chứng hôn cho 3 đôi Hôn phối trong giáo xứ Lộc Bình. Đức Cha Giuse chia sẻ rằng đây là lần đầu tiên kể từ khi về nhận sứ vụ mục tử tại Giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng, ngài cử hành bí tích Rửa Tội – Thêm Sức và chứng hôn, đây sẽ là một kỷ niệm, một dấu ấn trong hành trình mục vụ của ngài.

Trước khi kết thúc Thánh Lễ, ông Giuse Nguyễn Trường Sinh, Chủ tịch Hội đồng mục vụ Giáo xứ Lộc Bình, thay lời cho mọi thành phần Dân Chúa cảm ơn Đức Cha Giuse vì chuyến thăm viếng đầy sự quan tâm và ưu ái của ngài tới giáo xứ Lộc Bình nhỏ bé, đồng thời cầu chúc Đức Cha được luôn mạnh khỏe và tràn đầy sức mạnh của Chúa Thánh Thần để coi sóc đoàn chiên Chúa và thu hái được nhiều hoa trái tốt lành trên cánh đồng truyền giáo Lạng Sơn – Cao Bằng này.

Một lần nữa, Đức Cha Giuse bày tỏ sự cảm động và niềm vui của ngài khi đến thăm giáo xứ Lộc Bình. Ngài cầu chúc mỗi người trong giáo xứ luôn được tràn đầy Tình Yêu của Thiên Chúa, đầy nhiệt huyết để sống đức tin và loan báo Tin Mừng Cứu Độ cho mọi người xung quanh.

Niềm vui của ngày đón Đức Cha tới thăm viếng mục vụ được kéo dài khi mọi người sau Thánh lễ đã quy tụ tại khuôn viên nhà xứ để gặp gỡ và chào thăm Đức Cha, chia sẻ niềm vui với anh chị em được lãnh nhận bí tích Rửa Tội, Thêm Sức và Hôn Phối trong Thánh lễ đặc biệt hôm nay. Với sự quan tâm và tấm lòng mục tử của vị Tân Chủ chăn của Giáo phận là Đức Cha Giuse, hy vọng mọi thành phần Dân Chúa trong giáo xứ Lộc Bình ngày càng sống đức tin cách mạnh mẽ, có chiều sâu bởi thấm nhuần Tình Yêu Chúa và loan báo Tình Yêu Chúa cho mọi người trong chính môi trường sống thường nhật của mình.

Giuse Trần Ngọc Huấn – BTT.GPLSCB
 
Thánh lễ Thêm Sức tại giáo xứ Thái An, Xuân Lộc
Hoàng Bá Qúy
11:27 13/06/2016
Thánh lễ Thêm Sức tại giáo xứ Thái An

Giáo Phận xuân Lộc: Sáng Chúa Nhật ngày 12 tháng 6 năm 2016, Đức Cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh, nguyên Giám Mục giáo phận Xuân Lộc đã đến Giáo xứ Thái An, Giáo hạt Biên Hòa, Giáo phận Xuân Lộc dâng thánh lễ và ban bí tích Thêm Sức cho 171 em thiếu nhi trong giáo xứ.

Xem Hình

Đúng 08g45, cộng đoàn giáo xứ đã hiện diện đông đủ chào đón Đức Cha Đaminh trong tiếng kèn tây trang trọng và tiếng trống ta rộn ràng từ cổng thánh đường vào đến nhà xứ.

Sau ít phút nghe báo cáo, nói chuyện cùng Cha xứ và Ban Hành Giáo, Đức Cha Đaminh và quý cha đồng tế cùng đoàn rước tiến lên thánh đường dâng thánh lễ.

Cùng đồng tế với Đức Cha Đaminh có cha Quản hạt Philliphe Lê Văng Năng, Cha xứ Gioakim Nguyễn Bá Tước, quý cha trong hạt và sự hiệp dâng của quý tu sĩ nam nứ, quý chức cùng cộng đoàn dân Chúa.

Trong bài giảng lễ, Đức Cha Đaminh đã mời gọi cộng đoàn hãy sống với Ơn Chúa Thánh Thần được lãnh nhận bằng đời sống chứng nhân, can đảm tuyên xưng đức tin, tiếp tục nên gương sáng cho con cái và những người chung quanh, nhất là với anh chị em lương dân bằng đời sống chan hòa bác ái, yêu thương. Với các em thiếu nhi, Đức Cha mời gọi các em, khi lãnh nhận Ơn Thánh Thần hãy trở nên giống Chúa, hãy sống như Chúa đang hiện diện nơi mình, hãy trở nên những sứ giả của Lòng Thương Xót của Chúa để trong gia đình, trường học và nơi cuộc sống, mọi người nhận ra tình thương của Chúa.

Dù thánh đường đang được xây dựng, thánh lễ được cử hành nơi nhà thờ tạm trong bầu khí nghiêm trang và tâm tình sốt mến.

Sau bài cám ơn của ông chánh trương và nhận hoa cảm tạ của các em, Đức Cha Đaminh đã ban phép lành cuối lễ và chụp hình lưu niệm với các em.

Giáo xứ Thái An trước đây là Giáo họ Martinô nằm trên địa bàn Phường Trảng Dài, Thành phố Biên Hòa. Từ ban đầu, Giáo họ Martinô có khoảng 50 gia đình trực thuộc Giáo xứ Phúc Hải, Giáo hạt Biên Hòa và được Cha Rôcô Đinh Hữu Phương - chánh xứ Phúc Hải coi sóc.

Năm 1988, Đức Cha Phaolô Maria quyết định cắt Giáo họ Martinô khỏi xứ Phúc Hải và sáp nhập vào Giáo xứ Thái Hiệp.

Mười năm sau, Giáo họ Martinô được nâng lên thành Giáo họ biệt lập Martinô dưới sự coi sóc của Cha Gioakim Nguyễn Bá Tước - chánh xứ Thái Hiệp.

Năm 2010, Đức Cha Đaminh nâng GHBL Martinô lên Giáo xứ, đồng thời đổi tên thành Giáo xứ Thái An và bổ nhiệm Cha Gioakim Nguyễn Bá Tước làm Cha chánh xứ tiên khởi.

Hiện nay, giáo xứ có thêm sự coi sóc của cha phó Giuse Vũ Ngọc Hưng với hơn 8.000 nhân danh chia làm 12 họ trong tổng số 68.000 người (lương và giáo) trên địa bàn 15 cây số vuông gồm nhiều dân tộc: Kinh, Hoa, Nùng, Thái Trắng, Thái Đen, Campuchia.....Trong tổng số giáo dân chỉ có 3% là dân bản địa, phần còn lại là giáo dân của hơn 200 xứ trên mọi miền đất nước.

Xin mọi người tiếp tục cầu nguyện cho các em, để các em khi đón nhận ơn Chúa Thánh Thần, các em có đời sống thật xứng đáng và Chúa Thánh Thần tác động giúp các em phát huy và thêm sức mạnh trong đời sống đức tin trở thành chứng nhân của Chúa trong đời sống hằng ngày.

Ban Truyền Thông Hố Nai
 
Họ Đạo Giồng Quýt : Mừng Bổn Mạng Và Tạ Ơn Hồng Ân Thánh Hiến
Người Giồng Trôm
11:36 13/06/2016
Họ Đạo Giồng Quýt: Mừng Bổn Mạng Và Tạ Ơn Hồng Ân Thánh Hiến

Hôm nay, 13 tháng 6, niềm vui lớn đến với họ đạo nhỏ bé Giồng Quýt – giáo phận Vĩnh Long. Họ Đạo Giồng Quýt hân hoan mừng Lễ Thánh Antôn Padua – Bổn mạng họ đạo - và mừng hồng ân thánh hiến Chúa thương ban cho họ đạo bé nhỏ này.

Xem Hình

Được biết, 9 giờ sáng ngày 10 tháng 6 vừa qua, tại Nguyện Đường Hội Dòng Mến Thánh Giá Cái Mơn, hai người con của Giồng Quýt là Ysave Trần Thị Mỹ Hường và Ysave Triệu Thị Ánh Mơ đã trở thành thành viên của Hội Dòng qua lời khấn dòng trước mặt Đức Giám Mục Phêrô Huỳnh Văn Hai và Hội Dòng. Nay, 2 nữ tu trở về quê nhà để cùng với gia đình linh tông huyết tộc tạ ơn Chúa vì hồng ân cao cả này.

Thật sự mà nói, với những Giáo xứ lớn, Giáo xứ có bề dày lịch sử thì ơn gọi quá nhiều, có khi nhiều đến độ năm này qua năm khác, năm nào cũng mừng Lễ và tạ ơn Thánh Hiến. Nhưng với Giồng Quýt cũng như những họ đạo nghèo vùng miền Tây sông nước thì hồng ân Thánh Hiến quả thật là lớn lao.

Hòa cùng niềm vui lớn mừng Bổn Mạng và Tạ ơn Thánh Hiến, nhiều người thân và cả họ đạo đã quy tụ lại trong ngôi Thánh Đường nhỏ bé Giồng Quýt để nói lời tạ ơn Thiên Chúa. Thánh Lễ sáng nay, dự định chủ tế cũng như chủ tế là Cha Đaminh Bùi Văn Đằng – Chánh Xứ Bến Tre cũng là Quản Hạt Bến Tre – nhưng bận đột xuất, Cha Đaminh vắng mặt. Thế là Cha G.B. Nguyễn Thành Bảo – Cha Sở họ Giồng Quýt chủ tế Thánh Lễ.

Được biết, sáng nay Họ Đạo Mỹ Lồng cũng có Thánh Lễ tạ ơn nên quý cha đã chia nhau dự Thánh Lễ ở hai nơi Mỹ Lồng và Giồng Quýt.

9 giờ đúng, tiếng chuông nhà thờ ngân vang như nói lên niềm vui lớn của Họ Đạo nhỏ bé Giồng Quýt hôm nay. Và cùng với ca đoàn, cộng đoàn cùng cất lên bài hát Nhập Lễ cũng như đón đoàn đồng tế: Chúng con về nơi đây dâng ngàn tiếng ca. Chúng con về nơi đây để tạ ơn Thiên Chúa. Qua bao tháng năm mong chờ. Say sưa Thánh ân vô bờ. Được cùng nhau bên Chúa thoả lòng con ước mơ. Với tiếng hát rạo rực niềm tin, với ánh mắt đọng lời nguyện xin, chúng con dâng muôn ngàn ‎y tình. Tình lời kinh hay lời cuộc sống, cùng hoà chung trong tình hiệp nhất, nguyện dâng lên Thiên Chúa tình yêu. ..

Cha G.B. Bảo mở lời đầu Lễ: “Trọng kính quý Cha, quý Dì và quý Thầy và tất cả cộng đoàn ! Ngày hôm nay họ đạo Giồng Quýt rất vui mừng và long trọng dâng lễ tạ ơn Chúa mừng bổn mạng của Họ Đạo, Giáo Hội mừng kính Thánh Antôn và đặc biệt trong dịp này, 2 người con của Họ Đạo được hồng ân khấn trong Hội Dòng Mến Thánh Giá Cái Mơn. Hòa chung niềm vui đó, sự hiện diện của các Cha, các Dì và cộng đoàn trong Thánh Lễ hôm nay làm cho lòng đạo đức, lòng yêu mến Chúa và thắt chặt tình thương, tình đoàn kết trong Họ Đạo chúng con được tốt đẹp hơn. Chúng ta cùng dâng lời tạ ơn Chúa vì rất nhiều hồng ân Chúa ban cho Họ Đạo, cách riêng cho hai Dì. Xin Chúa ban nhiều hồng ân cho 2 Dì và cho cộng đoàn. Xin Chúa đồng hành để cuộc đời của mỗi người chúng ta để đời chúng ta là lời tạ ơn Chúa qua mỗi biến cố, trong đời sống hàng ngày. .. Trong tâm tình hân hoan và tạ ơn Chúa, chúng ta cùng nhau ăn năn sám hối để dâng Thánh Lễ”.

Trong bài chia sẻ, Cha Đaminh Nguyễn Hữu Trung – Quản Nhiệm Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ La Mã Bến Tre – mời gọi cộng đoàn nhìn lại biến cố xảy ra trong cuộc đời của Mẹ Maria chia sẻ niềm vui của mình (kính mời cộng đoàn xem bài giảng https://youtu.be/lgo-gzZXSds).

Trước khi nhận phép lành cuối Lễ, ông đại diện Ban Quới Chức của Hội Đạo Giồng Quýt có đôi lời cảm ơn quý Cha, quý Dì cũng như cộng đoàn đã có mặt và tham dự Thánh Lễ cầu nguyện cho Họ Đạo và cho 2 Dì hôm nay. .. Trước khi dứt lời, ông đại diện mời quý Cha, quý Dì và cộng đoàn ở lại dùng bữa cơm với Họ Đạo.

Tiếp lời của ông Đại Diện, Cha Sở Bảo cảm ơn Cha Sở Cái Sơn, Cha Sở Họ La Mã, Cha Sở Giồng Giá và Thanh Sơn đã có mặt. Cha Bảo cũng chia sẻ với cộng đoàn lẽ ra hôm nay Cha Quản Hạt chủ tế nhưng vì bận việc đột xuất nên Ngài vắng mặt.

Và rồi, đại diện cho 2 Dì ngỏ lời cảm ơn quý Cha, quý Dì, quý Thầy và cộng đoàn đã hiện diện và cầu nguyện cho 2 Dì. 2 Dì cảm ơn đặc biệt đến Cha G.B. Bảo – Cha Sở Họ Đạo dù chỉ mới về với họ đạo hơn 1 năm qua. 2 Dì xin quý Cha, quý Dì, quý Thầy và cộng đoàn tiếp tục cầu nguyện cho 2 Dì.

Bài hát Tạ Lễ kết thúc, cộng đoàn cùng nán lại để ghi dấu những khoảnh khắc kỷ niệm đáng nhớ hôm nay.

Nguyện xin Thiên Chúa, đặc biệt qua lời chuyển cầu của Thánh Antôn – Bổn Mạng Họ Đạo tuôn đổ muôn hồng ân trên Họ Đạo Giồng Quýt và quý Dì mừng hồng ân Thánh Hiến hôm nay.
 
Hạt Phú Thọ: Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm mừng bổn mạng
Văn Minh
11:45 13/06/2016
Hạt Phú Thọ: Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm mừng bổn mạng

Vào chiều thứ Sáu ngày 10.06.2016, tại giáo xứ Tân Phước, giáo hạt Phú Thọ, đã diễn ra Thánh lễ mừng kính trọng thể Thánh Tâm Chúa Giêsu – bổn mạng Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm (GĐPTTT) hạt Phú Thọ, cũng là bổn mạng của xứ đoàn Tân Phước.

Xem Hình

Trước Thánh lễ, lúc 16g30, BCH các cấp cùng các đoàn viên GĐPTTT có giờ chầu Thánh Thể, hướng tâm hồn mỗi đoàn viên tham dự Thánh lễ được sốt sắng. Kế đó, các thành viên GĐPTTT cùng cờ đoàn kiệu tượng Thánh Tâm Chúa Giêsu xung quanh nhà thờ hòa trong tiếng kèn đồng rộn rã.

Đúng 17g30, Thánh lễ trọng thể do cha Giuse Phạm Bá Lãm, hạt trưởng Phú Thọ - chủ tế. Đồng tế với ngài có cha Anphongsô Hoàng Ngọc Bao, linh hướng GĐPTTT hạt Phú Thọ, cha Giuse Vũ Minh Danh, chánh xứ Tân Phước, cha Anphongsô Lê Kim Thạch, giáo phận Cần Thơ, và quý cha khách. Hiệp dâng Thánh lễ, có ông Phêrô Nguyễn Hồng Thịnh, phó trưởng BCH – GĐPTTT/TGP, quý BCH các cấp và quý vị đoàn viên xứ đoàn Tân Phước, Phú Hòa, Tân Trang, Hòa Hưng, Phú Bình, Vĩnh Hòa,

Thánh Giuse, Thăng Long, Bắc Hà và Thánh Phaolô, quý vị khách mời và đông đảo cộng đoàn trong và ngoài giáo xứ Tân Phước.

Đầu lễ, cha Giuse Phạm Bá Lãm, ngỏ lời chào mừng quý cha, quý đoàn viên GĐPTTT cùng cộng đoàn đã cùng nhau quy tụ về giáo xứ Tân Phước để hiệp dâng Thánh lễ hôm nay. Giáo Hội đã mừng lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu vào ngày 03.06, vừa qua. Tuy nhiên, đối với GĐPTTT hạt Phú Thọ cùng xứ đoàn Tân Phước mừng lễ hôm nay. Đồng thời, ngài cũng mời gọi cộng đoàn cầu nguyện cho các linh mục là những người dâng mình cho Thiên Chúa luôn được trở nên những mục tử tốt lành như lòng Chúa ước mong.

Chia sẻ Tin Mừng, cha Giuse Vũ Minh Danh mời gọi cộng đoàn cùng nhau suy ngẫm câu nói: “Đối ngoại hữu kỳ tâm – đối nội vô tâm giả” nói đến người có trái tim biểu lộ ở bên ngoài, bên trong thì lại không có trái tim. Tại bên đất nước Nhật vào năm 1597, người ta tìm bắt những người theo đạo Kitô hữu rất gắt gao. Trong một lần, khi có trận hỏa hoạn xảy ra, một vị quan nho nhã nhặt được một tấm hình mang về nhà và viết bên dưới bức ảnh “đối ngoại hữu kỳ tâm, đối nội vô tâm giả”. Vị quan ấy rất thích tấm ảnh và ông cảm nhận: Đây là tấm ảnh nói lên hành động và là cách đối xử của người Kitô giáo, trái tim biểu lộ ra ngoài nói lên rằng, đối với tha nhân bên ngoài thì hữu tâm, còn với bản thân thì vô tâm, phải đem hết tình yêu của mình ra phục vụ cho mọi người, và giúp ích cho đời, không màng tới bản thân mình. Sau một thời gian, vị quan ấy đã âm thầm xin lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy trở thành con cái Chúa. Việc tôn thờ Trái Tim Chúa là mời gọi người Kitô hữu chúng ta noi theo tấm gương của Ngài, lấy tình yêu đáp lại tình yêu, hoàn toàn tận hiến cho người mình yêu. Như trong dụ ngôn bài Tin Mừng hôm nay, người chủ chăn chiên đã bỏ lại đàn chiên của mình mà đi tìm cho được con chiên bị lạc. khi tìm thấy, người ấy vui mừng vác chiên trên vai mang về, mời bạn bè hàng xóm đến chia vui.

Mừng ngày lễ Thánh Tâm Chúa hôm nay, ước mong cộng đoàn, cách riêng, đối với các thành viên GĐPTTT nêu gương Đức Kitô vượt qua chính mình, lòng bao dung với mọi người, đem hết lòng yêu thương ra phục vụ mọi người ngay trong gia đình và trong Hội đoàn nơi mình đang sinh hoạt, để ngày một trở nên giống hình ảnh Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Sau phần hiệp lễ, ông Giuse Phạm Quang Thúy, Trưởng ban, thay mặt GĐPTTT hạt Phú Thọ và xứ đoàn Tân Phước lên cảm ơn quý cha, quý chức trong HĐMVGX Tân Phước, quý vị ân nhân, quý khách mời cùng đại diện BCH các cấp cùng quý vị đoàn viên GĐPTTT đã đến cầu nguyện và hiệp dâng Thánh lễ được sốt sắng. Để tỏ lòng tri ân, quý vị đại diện dâng lên quý cha bó hoa tươi thắm nói lên tâm tình của người con đối với vị mục tử. Đáp từ, cha Anphongsô Hoàng Ngọc Bao, chúc mừng quý ông bà trong GĐPTTT và gia đình được nhiều hồng ân Thiên Chúa, cùng nhau xây dựng Giáo Hội và loan báo Tin Mừng sự sống và tình thương của Chúa trong Năm

Thánh Lòng Thương Xót đến cho mọi người giữa lòng xã hội hôm nay.

Thánh lễ khép lại lúc 19g00. Sau Thánh lễ, quý cha cùng quý vị đại diện chụp chung tấm hình kỷ niệm, cuối cùng là tiệc mừng liên hoan tại hội trường giáo xứ
 
Giáo xứ Vĩnh Hòa: Thiếu Nhi Rước lễ lần đầu
Văn Minh
12:30 13/06/2016
Giáo xứ Vĩnh Hòa: Thiếu Nhi Rước lễ lần đầu

“Hôm nay các con được Chúa mời gọi đến tham dự bữa tiệc Thánh. Thức ăn trong bữa tiệc này chính là Mình Máu Chúa Giêsu”.

Xem Hình

Trên đây là lời chia sẻ của cha GioanKim Lê hậu Hán nói với các em thiếu nhi trong Thánh lễ Chúa Nhật XI thường niên, đã diễn ra lúc 7g00 sáng ngày 12.06.2016, tại giáo xứ Vĩnh Hòa, giáo hạt Phú Thọ, 58 em thiếu nhi trong giáo xứ Vĩnh Hòa hôm nay lần đầu tiên được Rước Mình Máu Chúa Kitô.

Thánh lễ do cha xứ GioaKim Lê Hậu Hán – chủ tế. Đồng tế cùng ngài có hai cha mới Gioan Baotixita Nguyễn xuân Bình, và cha Vinh Sơn Trương Đức Vinh, quý vị phụ huynh của các em và đông đảo cộng đoàn trong giáo xứ cùng hiệp dâng.

Trước Thánh lễ, 58 em trong trang phục quần áo trắng tinh thắp nến sáng cầm trên tay rước quý cha từ dưới hội trường vào trong thánh đường trong niềm hân hoan chào đón của cộng đoàn giáo xứ.

Đầu lễ, cha xứ thay mặt cộng đoàn chào mừng quý cha, quý vị phụ huynh đã cùng nhau về đây hiệp dâng Thánh lễ cầu nguyện cho các em thiếu nhi bằng một tràng pháo tay giòn giã của cộng đoàn.

Trong phần chia sẻ Lời Chúa, cha GioaKim mời hai cha mới chia sẻ đôi nét về bản thân của mình trước khi các ngài được lãnh nhận thiên chức làm linh mục cho các em thiếu nhi và cộng đoàn: cha Gioan Baotixita Nguyễn Xuân Bình, trước khi vào Đại chủng viện, thường ngày đến nhà thờ cắm bông hoa, tập hát cho ca đoàn Các Bà Mẹ (Thánh Mẫu), phụ trách Ban Lễ sinh phục vụ Bàn Thánh. Chính từ đó, ngài đã nghe tiếng Chúa mời gọi “Con có yêu mến Thầy không?” (Ga 21,15-19). Câu Lời Chúa trên đã thôi thúc ngài thực hiện quyết tâm của mình đi theo ơn gọi làm linh mục làm chứng cho Đức Kitô. Cha Vinh Sơn, khi còn nhỏ được ông nội dẫn dắt đi lễ, khi ấy còn phải qua bên giáo xứ Phú Bình, vì giáo xứ Vĩnh Hòa vẫn đang là họ lẻ. Và cứ như thế, lớn lên tham gia vào Ban Lễ sinh hằng đêm ngủ tại nhà thờ để thức dậy sớm lo phục vụ Bàn Thánh trong các Thánh lễ hằng ngày lúc 5g00 sáng. Từ đó, ngài bước đi theo tiếng Chúa mời gọi làm linh mục làm chứng nhân rao giảng cho Nước Trời.

Cha xứ GioaKim diễn giảng tiếp, vào chiều nay, Ban Lễ sinh của giáo xứ mừng bổn mạng thánh Đaminh Saviô, ngài mời gọi các em cùng học hỏi nơi thánh nhân. Khi lần đầu tiên rước Mình Máu Thánh Chúa Giêsu vào lòng, thánh Saviô đã hứa với Chúa: “ thà chết chứ không phạm tội làm mất lòng Chúa”. Chúc cho các em rước lễ lần đầu hôm nay, luôn ý thức mỗi khi rước lễ là rước chính Chúa ngự vào trong lòng. Vì thế, các em vui mừng trở nên một với Ngài, và trở thành con ngoan trong gia đình, trong giáo xứ, cũng như nơi các em học tập, thành những chứng nhân của đức Kitô giữa cuộc sống hôm nay.

Sau phần hiệp lễ, vị phụ huynh đại diện lên cảm ơn cha xứ GioaKim, quý cha đồng tế, quý chức trong HĐMVGX, quý anh chị huynh trưởng, quý vị phụ huynh đã hy sinh cầu nguyện và lo cho các em có được ngày vui trọng đại này. Bó hoa tươi thắm được các em dâng lên quý cha trong tiếng pháo tay rộn rã của các em. Đáp lời, cha xứ thay mặt chúc các em và gia đình các em, đồng thời, ngài cũng cảm ơn các anh chị huynh trưởng đã hy sinh thời gian truyền đạt kiến thức giáo lý cho các em trong những năm tháng qua. Để từ đây, các em bước sang một trang sử mới trong cuộc hành trình đức tin của mình.

Thánh lễ kết thúc lúc 8g45. Sau Thánh lễ, quý cha cùng các em chụp chung tấm hình làm kỷ niệm. Trước khi ra về, hai cha mới trao cho mỗi em thiếu nhi đi tham dự Thánh lễ một phần quà.
 
Đại Hội Thiếu Nhi Thánh Thể Giáo Phận Phan Thiết Lần Thứ XVI Bên Mẹ Tà Pao
Xuân An
16:25 13/06/2016
Đại Hội Thiếu Nhi Thánh Thể Giáo Phận Phan Thiết Lần Thứ XVI Bên Mẹ Tà Pao

“Mười ba, tháng sáu, Tà pao,

Thiếu Nhi Đại Hội, dâng cao tâm tình:

Chầu Thánh Thể Chúa tôn vinh.

Dâng hiến Mẹ khúc an bình trong tim.”


Đó là lời thơ mà Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống – Giám mục Giáo phận Phan Thiết – đã tóm kết bài giảng và dành tặng cho đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể (TNTT) Giáo phận Phan Thiết trong Thánh lễ của ngày Đại hội lần thứ XVI tại Trung tâm Thánh Mẫu Tàpao (13/06/2016).

Xem Hình

Tiếp nối những kỳ đại hội trước, kỳ họp mặt TNTT năm nay vẫn tổ chức vào dịp hành hương ngày 12 – 13/6 tại điểm hành hương Đức Mẹ Tàpao. Đến với ngày Đại hội có hơn 4.000 Thiếu nhi – Huynh trưởng đại diện cho gần 33.000 em thiếu nhi thuộc 5 Liên đoàn của Giáo phận Phan Thiết về tham dự.

Buổi tối 12 ngày hôm trước, lượt khách hành hương cùng rước kiệu cung nghinh Mẹ, lần chuỗi Mân Côi, Chầu Thánh Thể và Kiệu Thánh Thể quanh quảng trường trung tâm có phần thưa thớt. Nhưng sang rạng sáng ngày 13 này, khoảng trời tại Trung tâm Thánh Mẫu như bừng sáng lên và không gian như vỡ òa âm thanh tươi trẻ của những tiếng gọi nhau í ới mà các em nhỏ gọi nhau tập hợp.

Đúng 6 giờ 15 phút, sau khi các em đã ổn định vị trí hàng ngũ. Ngày Đại hội được chính thức bắt đầu qua nghi thức chào cờ của đoàn TNTT: Cùng với lá cờ của các cấp Xứ đoàn, Liên đoàn dương cao đầu mỗi hàng; cờ đoàn TNTT Giáo phận cũng đang được từ từ kéo lên giá cao. Kế đến, ca khúc “Thiếu Nhi Tân Hành Ca” được huynh trưởng và các TNTT ca vang rộn cả núi rừng trong nhịp dồn dập của tiếng đàn, tiếng trống.

Kết thúc bài tâm ca của người TNTT, Đức Cha Giuse - người trưởng cao cấp nhất của toàn đoàn đã có bài huấn từ ngắn gửi đến các bạn nhỏ nhiều tâm tình thương mến được gọi là “câu chuyện dưới cờ”. Ngài đặc biệt gọi TNTT là các “Tông đồ nhỏ” của Chúa; ngài nhắn các thiếu nhi dùng khả năng của mình hãy “Thánh hóa môi trường”, bảo vệ và làm xanh sạch đẹp môi trường tự nhiên mình đang sống cũng như thể hiện lòng đạo đức cùng tinh thần Kitô hữu theo đúng tiêu chí của phong trào TNTT. Chia sẻ xong câu chuyện dưới cờ, Đức Cha long trọng tuyên bố khai mạc ngày Đại hội TNTT Giáo phận Phan Thiết lần thứ XVI trong tiếng vỗ tay, hò reo vang dội của các em cùng quý khách hành hương tham dự.

6 giờ 30 phút, như thường lệ vẫn là giờ dâng ý xin khấn của cả tháng năm vừa qua và lời cầu nguyện lên Đức Mẹ Tà pao.

Đúng 7 giờ, Thánh lễ đồng tế bắt đầu trong tiếng trống của Giáo xứ Vũ Hòa – Giáo phận Phan Thiết - và tiếng kèn của Chi Hội Đồng Hương Quần Cống rước đoàn đồng tế từ văn phòng trung tâm lên quảng trường. Cùng đồng tế với Đức Cha chủ sự có Cha Tổng Đại Diện Phêrô Nguyễn Xuân Anh và 44 linh mục triều dòng liên giáo phận. Đặc biệt, trong thánh lễ hôm nay có 7 thầy phó tế mới của giáo phận lãnh nhận tác vụ ngày 3/6/2016 vừa qua cũng đến hiệp dâng lễ tạ ơn với cộng đoàn phụng vụ.

Riêng trong phần chia sẻ sau Tin Mừng hôm nay, Đức Cha chủ sự hướng dẫn cộng đoàn và các TNTT nhìn lại tấm lòng và tâm tình yêu mến của Đức Mẹ trong cuộc đời Đấng Cứu Thế qua biến cố Mẹ lạc Con trong Đền Thánh: Lòng Mẹ như dòng chảy tự nhiên tuôn đổ muôn ơn phúc lành xuống cho con cái; Mẹ luôn lo lắng cho bước đường tương lai của con; Mẹ cùng lo lắng với con trong suốt hành trình sứ vụ…Trái tim Mẹ mang một màu duy nhất - màu thắm đỏ yêu thương - luôn hòa trong nhịp đập với trái tim của Chúa Giêsu. Xin Mẹ mở rộng trái tim đón nhận mỗi người, để ta luôn biết tin tưởng, phó thác trong tình yêu Mẹ.

Mặt trời đã lên cao, cái nắng gay gắt đang trải rộng khắp quảng trường trung tâm, các bạn nhỏ bung dù che nắng. Dù có phần chộn rộn xì xào nhưng TNTT vẫn giữ yên vị trí tham dự Thánh lễ. Trước khi nhận ơn toàn xá từ phép lành của Đức Giám Mục, một huynh trưởng đại diện đoàn TNTT dâng tâm tình tri ân cảm tạ lên Đức Cha, Quý Cha, Quý tu sĩ và cộng đoàn. Kế đó, Đức Cha cũng làm phép nước và ảnh tượng cho khách hành hương.

Thánh lễ hành hương kết thúc lúc 8 giờ 20 phút cùng ngày. Quý khách hành hương ra về ngay sau đó, còn các em thiếu nhi vẫn ở lại tham dự chương trình Đố vui Giáo lý có thưởng và văn nghệ giao lưu vui nhộn.

Sau cùng, lúc 9 giờ 30’ Đức Giám Mục Giáo Phận, Cha Tổng Đại Diện cùng quý Cha tuyên úy – đặc trách đoàn TNTT đã hiện diện với các em trong giờ Rước Kiệu Mình Thánh Chúa xung quanh quảng trường. Thời tiết gần trưa có phần nắng nóng, nhưng dưới sự hướng dẫn của các Huynh trưởng, các em Thiếu nhi vẫn tham dự giờ Chầu Thánh Thể và Kiệu Mình Thánh Chúa cách trang nghiêm.

Sau khi nhận phép lành của giờ tôn vinh Thánh Thể, nghi thức hạ cờ đoàn đã khép lại ngày đại hội TNTT Giáo phận Phan Thiết lần thứ XVI. Đức Giám Mục giáo phận nhắn nhủ các em thiếu nhi và tuyên bố bế mạc ngày Đại Hội TNTT Giáo phận Phan Thiết lần thứ 16 và hẹn gặp lại. Các em chia tay nhau ra về mang theo niềm vui và ơn bình an của ngày hành hương hội ngộ.

XUÂN AN
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Lòng thương xót, yếu tính của Tin Mừng và chìa khóa dẫn vào đời sống Kitô hữu (15)
Vũ Văn An
16:51 13/06/2016
V. Các Suy Nghĩ Của Hệ Thống (tiếp theo)

3. Lòng thương xót của Thiên Chúa: Nguồn và là mục tiêu của hành động Thiên Chúa

Nếu lòng thương xót là thuộc tính hữu hiệu, nền tảng tỏ ra bên ngoài của Thiên Chúa, thì, có thể nói, nó là điềm báo ngay ở khởi đầu mọi lịch sử cứu độ. Theo chứng từ của Tân Ước, sáng thế đã được lên kế sách trong viễn ảnh Chúa Giêsu Kitô. Nơi Người, Thiên Chúa, Cha của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã chọn chúng ta ngay trước cả việc tạo ra thế giới và, vì yêu thương, đã dự định từ trước để chúng ta trở nên con cái Người (Ep 1:3-5). Là Chiên Thiên Chúa, Chúa Giêsu Kitô, mà nhờ máu của Người, chúng ta được cứu chuộc, đã được dự tính và được chọn trước cả việc tạo dựng thế giới (1Pr 1:19f.). Mọi sự đã được tạo dựng nơi Người, nhờ Người và vì Người. Trước bất cứ việc sáng tạo nào, Người vốn đã có; trong Người, mọi sự đều hiện hữu (Cl 1:16f.). Mọi sự được tạo dựng trong và nhờ Ngôi Lời hằng hữu, Đấng đã trở nên người phàm trong thời gian. Ngay từ nguyên thủy, Người đã là ánh sáng và sự sống của thế giới (Ga 1:1-4, 14). Như thế, từ thuở đời đời, toàn bộ thế giới và trọn lịch sử cứu độ đều đã đứng dưới biểu hiệu của Chúa Giêsu Kitô. Lòng thương xót được mặc khải dứt khoát nơi Chúa Giêsu Kitô hiện diện như một biểu hiệu trước và trên mọi thực tại (59). Nó là thủy ấn (watermark) của mọi thực tại. Lòng thương xót của Thiên Chúa là giả thuyết nguyên khởi và là cơ sở của sáng thế và của trọn lịch sử cứu độ.

Đó không hề là lý thuyết trừu tượng; nó có những hậu quả cụ thể đối với vấn đề liên quan tới khả thể được cứu độ của mọi người (một điều, phải nói ngay, không cùng nghĩa với việc thể hiện ơn cứu độ). Các giáo phụ biết rằng lòng thương xót và ơn thánh của Thiên Chúa, những điều đã xuất hiện cụ thể và dứt khoát nơi Chúa Giêsu Kitô, đã được tỏ bầy từ thuở nguyên khởi trở đi và, như Thánh Augustinô thường nói, nó hữu hiệu “từ thời Abel công chính” (60). Theo Thánh Tôma Aquinô, Chúa Giêsu Kitô không những là đầu của Giáo Hội, mà còn là đầu của nhân loại nữa (61).

Thánh Tôma chứng minh một cách đầy thuyết phục rằng lòng thương xót đã hoạt động ngay trong lúc tạo thế. Theo ngài, lòng thương xót là tiền giả định của công lý. Vì công lý luôn giả thiết phải có người để người khác nợ công lý. Tuy nhiên, hiện hữu của thụ tạo không phải là khoản nợ, mà phát sinh duy nhất từ lòng tốt của Thiên Chúa (62). Công lý của Thiên Chúa không thiết lập ra lòng thương xót; đúng hơn, lòng thương xót là cội rễ nguyên khởi (prima radix) và là thực tại có trước, mà mọi thực tại đều qui chiếu vào (63). Sau cùng, mọi sự đều lệ thuộc lòng tốt của Thiên Chúa. Như Thánh Tôma vốn nhấn mạnh khi nại tới Sách Thánh và thánh Augustinô và chống lại các lối giải thích khác (64), cả quyết định đời đời và có tính cứu độ của Thiên Chúa trong việc Người nhập thể trong Chúa Giêsu Kitô cũng phát xuất từ lòng thương xót của Người đối với nhân loại, một nhân loại đã sa vào tội lỗi và do đó xa cách Thiên Chúa (65). Lòng thương xót là nguồn gốc đời đời của lịch sử thế giới cũng như lịch sử cứu độ. Mọi sự đều ở trong và ở dưới dấu hiệu của nó. Lòng thương xót là ánh sáng chiếu soi mọi thụ tạo trong cảnh tối tăm của họ (Ga 1:5).

Bất hạnh thay, quan điểm tích cực trên về mọi thực tại trong ánh sáng chói ngời của lòng thương xót Chúa đã bị làm ra lu mờ trong nền thần học Tây Phương. Nguyên nhân của việc làm lu mờ này phải được tìm thấy trong học lý tiền định, như đã được Thánh Augustinô khai triển, nhất là trong giai đoạn về sau của ngài (66). Vị giáo phụ vĩ đại và quan trọng này ngợi ca lòng thương xót của Thiên Chúa trong nhiều đoạn văn thuộc công trình vĩ đại của ngài, cũng như trong việc trình bầy các Thánh Vịnh. Theo chính các chứng từ của ngài, Ngài từng cảm nhận được lòng thương xót của Thiên Chúa một cách phong phú và đầy biết ơn trong đời sống ngài (67). Nhưng trong thời kỳ sau cùng của ngài, Thánh Augustinô cảm thấy bị phái Pêlagiô thách thức (68). Họ là các nhà luân lý học, được linh đạo đơn tu lên khuôn dứt khoát; họ trình bầy một quan niệm có tính đạo đức hết sức về Kitô Giáo; và họ nhấn mạnh tới sự nhất thiết của việc làm tốt để con người được cứu rỗi. Vì lý do này, họ chống lại lời dạy về bản chất không cần công trạng của ơn thánh. Lời dạy này khiến Thánh Augustinô chống lại họ. Theo ngài, ơn thánh của Thiên Chúa sẽ chỉ là và thực sự là ơn thánh nhưng không nếu nó không tùy thuộc việc làm tốt của người ta và không bị việc làm này điều kiện hóa. Điều này dẫn Thánh Augustinô tới việc giảng dạy sự tiền định vô điều kiện nghĩa là sự tiền định không tùy thuộc việc làm tốt hay việc làm xấu của con người.

Trong công trình ở giai đoạn sau của Thánh Augustinô, tư tưởng trên đã được tiến dẫn qua lời dạy của ngài về tội nguyên tổ. Theo lối phiên dịch đoạn thư Rôma 5:12 của Ambrosiaster, được Thánh Augustinô tiếp nhận, vì, trong Ađam, mọi người đã phạm tội, nên, theo đức công lý, Thiên Chúa phải kết án mọi người. Thành thử, toàn bộ nhân loại bị massa damnata (kết án tập thể) (69). Tuy nhiên, để phù hợp với lòng thương xót của Người, Thiên Chúa đã đưa ra một số ngoại lệ và tiền định cho một số ít người được chọn để hưởng phước hạnh đời đời. Điều này dẫn Thánh Augustinô tới học lý tiền định kép, nghĩa là, một tiền định không tùy thuộc việc làm tốt hay việc làm xấu của cá nhân và là một tiền định xác định một số ít được cứu độ còn những người khác, thuộc khối đại đa số, phải trầm luân đời đời.

Chủ trương trên có những hậu quả nghiêm trọng trong việc dọn đường cho một khai triển hoàn toàn xa hơn ở Tây Phương. Đã đành, Giáo Hội không hoàn toàn ủng hộ lời dạy của Thánh Augustinô về sự tiền định, nhưng trong yếu tính, đã làm cho lời dạy này nhẹ bớt đi bằng cách kết án học lý tiền định tuyệt đối, nghĩa là tiền định không kể gì tới tự do của con người (70). Tuy thế, lời dạy của Thánh Augustinô về massa condemnata (kết án tập thể) đã làm lu mờ đoạn văn Thánh Kinh về lòng thương xót của Thiên Chúa và, thay cho cái hiểu Thánh Kinh về công lý cứu rỗi giúp ta trở nên công chính (Rm 1:17; 3:21-22, 26), nó đã đưa ra cái hiểu luật pháp về công lý trừng phạt. Trong lời chú giải của ngài về Tin Mừng Luca, Thánh Ambrôsiô đã từng đặt câu hỏi: Quae est justitia nisi misericordia? “Công lý là chi nếu không phải là lòng thương xót?” (71). Đối với Thánh Ambrôsiô, Chúa Kitô không phải chỉ là quan toà công chính; mà hơn thế, ngài còn là quan toà tốt lành nữa (72). Làm thế nào, trong tư cách quan toà của thế giới, Chúa Kitô lại bị coi là người lên án hầu hết những kẻ Người đã hiến mạng sống trên thập giá hòng cứu độ họ?

Thánh Augustinô để lại cho truyền thống Tây Phương một di sản nặng nề và một “thế chấp” (mortgage) khổng lồ. Vì lời dạy của ngài khiến nhiều người lo âu xao xuyến đối với ơn cứu rỗi, lương tâm và hỏa ngục. Điển hình nổi bật nhất chính là đan sĩ trẻ dòng Augustinô, tên Martin Luther, người, trong cơn xao xuyến khôn nguôi, đã đặt câu hỏi: “Làm thế nào tôi có được vị Thiên Chúa nhân hậu?”. Đối với Luther, đột phá của Phong Trào Cải Cách hệ ở việc khám phá ra ý nghĩa nguyên thủy của công lý Thiên Chúa, một công lý không có tính trừng phạt, mà là một công lý giải thoát và công chính hóa, một công lý cứu chuộc (73).

Tuy nhiên, ngay trong nền thần học Trung Cổ, việc từ từ thắng vượt quan điểm quá hẹp hòi của Thánh Augustinô cũng đã được chuẩn bị. Vì một đàng, người ta đã bắt đầu nhấn mạnh tới sự quan trọng của quyết định tự do nơi con người và, đàng khác, họ cũng bắt đầu có được cái hiểu sâu xa hơn về công lý Thiên Chúa.

Người cha của Thuyết Kinh Viện thời Trung Cổ, Thánh Anselmô thành Canterbury, được kích thích bởi vấn đề này: Làm thế nào, cùng một lúc Thiên Chúa có thể vừa thương xót vừa công chính được. Vì, theo ngài, công lý đòi Thiên Chúa phải thưởng công người tốt và trừng phạt người xấu. Như thế, làm thế nào Người có thể tha thứ cho kẻ có tội, vì lòng thương xót được? Thánh Anselmô đưa ra câu trả lời: Khi thương xót, Thiên Chúa không làm theo các việc làm của ta, nhưng làm theo chính Người và sự tốt lành của Người. Thiên Chúa công chính, không phải vì ta và các việc làm của ta, mà đúng hơn, là để phù hợp với chính Người và lòng tốt của Người. Thánh Anselmô còn đi xa hơn thế mà quả quyết, trong một công thức đã trở nên quen thuộc với ngài, rằng: Thiên Chúa rất công chính đến nỗi không thể được quan niệm là công chính hơn nữa. Lòng thương xót của Người là công lý rất khác biệt của riêng Người (74).

Bậc thầy thần học của khoảng giữa thời Trung Cổ, Thánh Tôma Aquinô, tiếp nhận ý nghĩ của Thánh Anselmô. Ngài cũng nhấn mạnh rằng Thiên Chúa không bị trói buộc bởi lề luật xa lạ, mà chính Người là lề luật và, do đó, Người hành động theo sự tốt lành của Người. Lòng thương xót của Người phù hợp với lòng tốt của Người (75). Lòng thương xót là cội rễ nguyên khởi và là yếu tố có trước mà mọi sự khác đều phải quy chiếu vào (76). Vì lý do này, Thánh Tôma xác quyết chủ đề quán xuyến của Thánh Kinh về tính ưu tiên của lòng thương xót chống lại các lối suy nghĩ chỉ nghiêng một chiều về phía công lý trừng phạt. Bất hạnh một điều, người ta đã không mấy lưu ý tới sự thật này.

Tuy nhiên, một thay đổi có tính dứt khoát đã diễn ra lần đầu tiên trong thế kỷ 20. Chủ yếu nhờ công trình của Karl Barth. Theo ông, sự chọn lựa do ơn thánh không phải là một sắc chỉ trừu tượng, từ thuở đời đời của Thiên Chúa. Chúa Giêsu Kitô là Đấng chọn lựa và là Đấng được chọn lựa; còn chúng ta, chúng ta được chọn lựa trong Chúa Giêsu Kitô. Từ thuở đời đời và trước khi tạo lập thế giới, Thiên Chúa đã chọn lựa chúng ta và tiền định để chúng ta trở nên con cái Người trong Chúa Giêsu Kitô (Ep 1:4-6). Như thế, chọn lựa “là việc khởi đầu từ thuở đời đời của mọi đường lối và công trình của Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô” (77). Theo cách này, tiền định không còn là sắc chỉ tối tăm của Thiên Chúa khiến ta sợ hãi khủng khiếp, mà đúng hơn là tin mừng của Chúa Giêsu Kitô, một tin mừng làm chúng ta hạnh phúc trong đức tin và tin tưởng vào ơn thánh Thiên Chúa.

Karl Barth cũng thấy nhiều vang dội có ý nghĩa và liên tục trong thần học Công Giáo (78). Dựa vào Karl Barth, các thần học gia Thệ Phản cũng như Công Giáo ngày nay không còn diễn tiến từ các quan niệm trừu tượng về công lý và thương xót để sau đó, đem chúng tới chỗ căn bằng với nhau nữa. Đúng hơn, họ diễn tiến từ mạc khải cụ thể có tính lịch sử về việc Thiên Chúa chọn lựa từ thuở đời đời trong Chúa Giêsu Kitô. Theo cách này, lòng thương xót của Thiên Chúa, trong tư cách là tiền giả thuyết nguyên khởi và là điềm báo trước toàn bộ lịch sử thế giới và lịch sử cứu độ, đã bước vào sân khấu.

Nhưng, chủ trương của Karl Barth không tránh khỏi đôi chút phiến diện. Hans Urs von Balthasar vốn đã nhận ra tính giới hạn (constriction) Kitô học và kiểu suy nghĩ duy tâm (idealistic) nơi Karl Barth (79). Karl-Heinz Menke tương phản lối hiểu bao gồm (inclusive) với lối hiểu độc chiếm (exclusive) của Karl Barth về tính đại diện [Stellvertretung]của Chúa Giêsu Kitô (80). Điều các nhà phê bình này muốn nói là: thực tại tạo thế, trong tính độc lập tương đối của nó, và hữu thể nhân bản, trong sự tự do của họ, phải được lưu ý. Ngay từ nguyên thủy, chúng đã nằm dưới dấu hiệu của lòng thương xót của Thiên Chúa rồi, một lòng thương xót đã được mạc khải dứt khoát nơi Chúa Giêsu Kitô. Nhưng cũng như nhân tính đích thực không bị tan hòa (absorbed) vào thần tính của Chúa Giêsu Kitô, mà vẫn duy trì được sự hiện hữu không pha trộn và không thay đổi thế nào (81), thì việc cộng tác tự do của con người nhân bản cũng có chỗ đứng của nó trong lịch sử nhân loại và trong lịch sử cứu độ như vậy. Việc cộng tác tự do của con người không bị hủy tiêu vì Chúa Giêsu Kitô là nguyên mẫu (archetype), tiêu điểm, và mục đích của toàn bộ lịch sử nhân loại. Đúng hơn, nhờ hành vi cứu chuộc của Chúa Giêsu Kitô, con người nhân bản được đổi mới trong phẩm giá tạo vật của họ như một tạo thế mới và được nâng lên một cách nhân hậu (82).

Theo chiều hướng trên, Công Đồng Vatican II nhiều lần làm nổi bật nền Kitô học phổ quát một cách minh nhiên và dứt khoát. Hiến Chế mục vụ Gaudium et Spes đặc biệt được nền Kitô học này lên khuôn. Hiến chế mô tả Chúa Giêsu Kitô như chìa khóa, tiêu điểm và là mục đích của toàn bộ lịch sử nhân loại (83). Người là “mục đích của lịch sử con người, là tiêu điểm các hoài bão của lịch sử và văn minh, là trung tâm của chủng người, là niềm vui của mọi con tim và là đáp ứng đối với mọi hoài mong của nó”. Người là “Alfa và Omega, là thứ nhất và sau cùng, là khởi đầu và kết thúc” (Kh 22:12f.) (84).

Vì thế, lòng thương xót hiện diện như một dấu hiệu bao trùm thế giới, bao trùm lịch sử và bao trùm mọi cuộc sống con người. Trong lòng thương xót của Người, được hiện thân nơi Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa, từ thuở đời đời, đã muốn mọi người được cứu độ. Nhưng, ý muốn cứu độ phổ quát của Thiên Chúa đối với mỗi cá nhân con người có nghĩa gì? Cuối cùng, thực sự có phải mọi người đều được cứu độ cả không?

Kỳ sau: 4. Ý muốn cứu độ phổ quát của Thiên Chúa
__________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________
(59) Xem Kasper, Jesus the Christ, bản dịch của V. Green (New York: Paulist Press, 1977), 252-68.
(60) Kasper, Katholische Kirche, 173-77.
(61) Thánh Tôma Aquinô, Summa theologiae, pt. III, q.8, a.3.
(62) Ibid. pt. I, q.21 a.3
(63) Ibid. pt.I, q.21, a.4
(64) Thánh Tôma nghĩ tới Thánh Albertô Cả và Alexander thành Hales. Xem ibid.,pt. III, q.1, a.3. Từ thời sau Thánh Tôma, đặc biệt nên nhắc tới John Duns Scotus.
(65) Thánh Tôma Aquinô, Summa Theologiae, pt. III, q.1, a.1-6.
(66) Về học lý tiền định, xem Georg Kraus, Vorherbestimmung: Traditionelle Pradestination im Licht gegenwartiger Theologie (Freiburg i. Br.: Herder, 1977); “Pradestination”, Lexikon fur Theologie und Kirche, ấn bản 3, 8:467-73.
(67) Thánh Augustinô, Tự Thú, IV, 4, 7; V, 2,2; VI, 7,12; 16, 26.
(68) Gisbert Greshake, Gnade als konkrete Freiheit: Eine Untersuchung zur Gnadenlehre des Pelagius (Mainz: Matthias-Grunewald, 1972), 47-157; Ansorge, Gerechtigkeit und Barmherzigkeit Gottes, 232-56. Hans von Balthasar, Dare We Hope “That All Men Be Saved?” With a Short Discourse on Hell, bản dịch của David Kipp và Lothar Krauth (San Francisco: Ignatius, 1988), 65-69.
(69) Thánh Augustinô, Handbook on Faith, Hope, and Love, 8, 27; “On the Gift of Perseverance”, 35; City of God, XXI, 12.Muốn có một cuộc thảo luận có phê phán về học lý tội nguyên tổ của Thánh Augustinô, xem Thomas Propper, Theologische Anthropologie, Bd. 2 (Freiburg i. Br.: Herder, 2011), 981-1025. Về mối tương quan giữa tự do của Thiên Chúa và tự do của con người, xem 1351-401.
(70) Công đồng tỉnh Orange lần thứ hai (529 CN) đã bác bỏ sự tiền định khiến các cá nhân phạm điều ác. Xem Heinrich Denzinger, Enchiridion Symbolorum: Definitionum et declarationum de rebus Fidei et morum (Freiburg i.Br.: Herder, 1963), 397. Thượng Hội Đồng Quierzy (853 CN) kết án giáo huấn của đan sĩ Gottschalk về tiền định (xem Denzinger, 621-24), nhưng Thượng Hội Đồng Valence (855 CN) đã làm khác (xem Denzinger, 625-33). Năm 1547, Công Đồng Trent lên án giáo huấn tiền định kép của các Nhà Cải Cách. Xem Denziger, 1567.
(71) Thánh Ambrôsiô, Expositio evangelii secundum Lucam, 2, 90.
(72) Thánh Ambrôsiô, Về Đức Tin Kitô Giáo, II, 2, 28.
(73) Hans von Balthasar, A Short Discourse on Hell, trong Dare We Hope, 193-95.
(74) Thánh Anselmô thành Canyerbury, Proslogion, 8-12. Xem H.-J.Verweyen, “Die Einheit von Gerechtigkeit und Barmherzigkeit bei Anselm von Canterbury”, Internationale katholische Zeitschrift Communio 14 (1985): 52-55; Ansorge, Gerechtigkeit und Barmherzigkeit Gottes, 256-80, đề tựa cho chương nói về Thánh Anselmô là “Lòng Thương Xót của Thiên Chúa trong Tương Quan với Tự Do Tạo Vật”.
(75) Thánh Tôma Aquinô, Summa Theologiae, pt. I, q.21, a.1 ad 2 và 3. Xem IV Sent d.46, q.2, a.2 qla. 2.
(76) Thánh Tôma Aquinô, Summa Theologiae, pt. I, q.21, a.4
(77) Karl Barth, Church Dogmatics, II/2, §33.
(78) B. Dahlke, Die katholische Rezeption Karl Barths: TheologischeErneuerung im Vorfeld des Zweiten Vatikanischen Konzils (Tubingen: Mohr Siebeck, 2010). Hai công trình đã trở nên quan trọng là: Hans Kung, Justification: The Doctrine of Karl Barth and a Catholic Reflection, bản dịch của David Granskou (Philadelphia: Westminster, 1964) và Hans von Balthasar, The Theology of Karl Barth: Exposition and Interpretation, bản dịch của Edward T.(San Francisco: Ignatius, 1992).
(79) Balthasar, The Theology of Karl Barth, 228-48; nhất là 247-48.
(80) Karl-Heinz Menke, Jesus ist Gott der Sohn: Denkformen und Brennpunkte der Christologie (Regensburg: Friedrich Pustet, 2008), 378-85.
(81) Thí dụ, công thức nổi tiếng của Công Đồng Canxêđônia (451): Denzinger, Enchiridion, 302.
(82) Thí dụ, nhiều công thức trong truyền thống cầu nguyện của phụng vụ Giáo Hội. Xem Kasper, Katholische Kirche, 123tt.
(83) Gaudium et Spes, số 10.
(84) Gaudium et Spes, số 45. Xem Ad Gentes, 3:8.

 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Một Đóa Sen Hồng
Lê Trị
15:20 13/06/2016
MỘT ĐOÁ SEN HỒNG
Ảnh của Lê Trị
Tươi thắm mầu hoa mướt lá xanh
Vô tư khoe sắc thẳng vươn cành
Đón chào nắng hạ thơm hương ngát
Ấp ủ sương đêm đẫm giọt thanh..
(Trích thơ của Nguyễn Thị Điệp)
 
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Mẹ La Vang
Mỹ Lê
18:28 13/06/2016
MẸ LA VANG
Ảnh của Mỹ Lê
Lại đây với Mẹ La Vang
Ai ai cũng được vô vàn ủi an
Và bao ơn Mẹ trao ban
An vui sống giữa thế gian dù rằng
Nơi nầy thử thách gian nan
Gặp thánh giá vẫn chứa chan an bình.
(Trích Thơ của Ngô Xuân Tịnh)