Ngày 11-06-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Được gọi để nói có
Lm. Minh Anh
01:25 11/06/2022

ĐƯỢC GỌI ĐỂ NÓI ‘CÓ’
“‘Có’ thì nói ‘có’, ‘không’ thì nói ‘không’; thêm thắt điều gì là do ác quỷ!”.

Ngày kia, Thomas Jefferson và một nhóm kỵ sĩ dừng ngựa trước một chiếc cầu đã bị cuốn trôi; ở đó, cũng có một nông dân đang đứng ngẩn ngơ! Jefferson quyết định vượt sông và họ phải chiến đấu với dòng nước xiết. Người lạ đứng quan sát. Sau khi nhiều người đã sang được bờ, người lạ hỏi Jefferson, liệu ông có thể cho anh ‘quá giang?’. Jefferson đồng ý! Hai người an toàn qua bờ bên kia. Một người trong nhóm hỏi, “Tại sao bạn chọn tổng thống để được sự ưu ái này?”; người ấy sốc, thừa nhận, anh không biết gì, “Tất cả những gì tôi biết, là dường như trên khuôn mặt của một số các bạn viết ‘Không’, và số khác là ‘Có’. Khuôn mặt ông ấy viết ‘Có!’”
.
Kính thưa Anh Chị em,

“Khuôn mặt ông ấy viết ‘Có!’”, thật ấn tượng với kết luận của người khách lạ về Jefferson! Nhưng sẽ ấn tượng hơn với Giêsu, mà không chỉ khuôn mặt, nhưng cả con người, tính cách và sứ vụ của Ngài hoàn toàn viết ‘Có!’. Trong Tin Mừng hôm nay, Ngài nói, “‘Có’ thì nói ‘có’, ‘không’ thì nói ‘không!’”. Đơn giản, ngắn gọn, nhưng hết sức sâu sắc! Vì lẽ, những lời này nói lên sự trung thực của cả con người và sứ mệnh của Ngài đối với Chúa Cha, đối với con người. Noi gương Ngài, chúng ta, những môn đệ của Chúa Giêsu, cũng ‘được gọi để nói ‘Có’’ như Ngài!

Trong thư Côrintô, thánh Phaolô nói, “Đức Kitô Giêsu, Con Thiên Chúa, Đấng chúng tôi rao giảng, đã không vừa ‘có’ lại vừa ‘không’; nơi Ngài, chỉ toàn là ‘có!’”. Chúa Kitô chỉ toàn là ‘Có’ đối với Chúa Cha và Ngài cũng là ‘Có’ đối với tất cả chúng ta; Ngài là hiện thân của tình yêu thuỷ chung của Thiên Chúa dành cho con người. Ngài là lời ‘Xin Vâng’ của chúng ta đối với Chúa Cha; thay mặt chúng ta, Ngài thưa lên với Cha một cách trọn vẹn lời ‘Có’ yêu thương; và Ngài tuyệt đối làm theo ý muốn của Chúa Cha trọn cuộc sống Ngài.

Để bảo đảm lời ‘Có’ đối với Chúa Cha và đối với những kẻ Cha trao, Chúa Giêsu phải nói ‘Không’ với bất cứ điều gì mâu thuẫn với việc sống theo lời ‘Có’ căn bản của mình. Ngài nói ‘Không’ trước những cám dỗ khác nhau xảy đến từ đầu trong hoang địa và những lúc khác khi thi hành sứ vụ, mãi cho đến tận đồi Canvê! Điển hình nhất là khi Phêrô dỗ dụ Ngài tránh khỏi thập giá, Ngài nhất mực bảo vệ lời ‘Có’ này khi bảo, “Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy!”.

Hôm nay, Giáo Hội kính nhớ thánh Barnaba, một người được gọi là ‘Con Của Sự Khích Lệ’, một người luôn nói ‘Có’ với Chúa Thánh Thần như bài đọc Công Vụ Tông Đồ cho biết; noi gương ngài, chúng ta nói ‘Có’ với Chúa Thánh Thần. Chính Chúa Giêsu còn phải chiến đấu để chống lại việc nói ‘Không’, phương chi chúng ta, vốn thường bị cám dỗ nói ‘Không’ với nhiều hình thức khác nhau; chúng luôn cản trở chúng ta bày tỏ một tình yêu trung thành. Là Kitô hữu, noi gương Barnaba và Chúa Kitô, chúng ta ‘được gọi để nói ‘Có’’; vì thế, cái ‘Không’ của chúng ta luôn nhằm phục vụ cái ‘Có’ tuyệt vời đó đối với Chúa, đối với tha nhân, và đối với cuộc sống!

Anh Chị em,

‘Có!’. Một tấm gương ngời sáng sau Chúa Giêsu không ai khác hơn là Đức Mẹ. Maria là con người đã trọn vẹn nói ‘Có’ với Thiên Chúa và chương trình của Ngài một cách tuyệt vời! Mặc dù, lời ‘Có’ của Mẹ trả một giá khá đắt, nhưng Mẹ đã vượt qua tất cả! Vì thế, mỗi khi bị cám dỗ để nói ‘Không’, chúng ta hãy chạy đến với Mẹ, xin ngài giúp sức để mãi can trường, vững vàng trong niềm tin, hầu đủ sức cam kết trước bất cứ hoàn cảnh nào. Hôm nay, chúng ta được mời gọi xét lại mức độ cam kết của mình trong mọi lĩnh vực. Bạn đã xây dựng thói quen nói ‘Có’ trong những vấn đề lớn và nhỏ của cuộc sống chưa? Mọi người có nhận ra phẩm chất này ở bạn không? Tắt một lời, bạn có đáng tin không? ‘Đáng tin’ là một cách thức công bố Phúc Âm mạnh mẽ nhất! Hãy cam kết ngay hôm nay, và Chúa sẽ làm những điều kỳ diệu qua bạn!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin giúp con luôn nói ‘Có’ với Chúa và với anh chị em con; cũng xin cho con luôn biết nói ‘Không’ với những gì cản trở con nên ‘anh hùng’ như Chúa và tha nhân chờ đợi!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Thánh lễ Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi 12/6 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
02:46 11/06/2022


BÀI ĐỌC 1 Cn 8:22-31

Bài trích sách Châm ngôn.

Hãy nghe đây lời minh định của Đức Khôn Ngoan: “Đức Chúa đã dựng nên ta như tác phẩm đầu tay của Người, trước mọi công trình của Người từ thời xa xưa nhất.

Ta đã được tấn phong từ đời đời,

từ nguyên thuỷ, trước khi có mặt đất.

Khi chưa có các vực thẳm,

khi chưa có mạch nước tràn đầy, ta đã được sinh ra.

Trước khi núi non được đặt nền vững chắc,

trước khi có gò nổng, ta đã được sinh ra,

khi Đức Chúa chưa làm ra mặt đất với khoảng không,

và những hạt bụi đầu tiên tạo nên vũ trụ.

Đã có ta hiện diện khi Người thiết lập cõi trời,

khi Người vạch một vòng tròn trên mặt vực thẳm,

khi Người làm cho mây tụ lại ở trên cao

và cho các mạch nước vọt lên từ vực thẳm,

khi Người định ranh giới cho biển, để nước khỏi tràn bờ,

khi Người đặt nền móng cho đất.

Ta hiện diện bên Người như tay thợ cả.

Ngày ngày ta là niềm vui của Người,

trước mặt Người, ta không ngớt vui chơi,

vui chơi trên mặt đất, ta đùa vui với con cái loài người.”

Đó là Lời Chúa.

BÀI ĐỌC 2 Rm 5:1-5

Bài trích thư thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Rô-ma.

Thưa anh em, một khi đã được nên công chính nhờ đức tin, chúng ta được bình an với Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Vì chúng ta tin, nên Đức Giê-su đã mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa, như chúng ta đang được hiện nay; chúng ta lại còn tự hào về niềm hy vọng được hưởng vinh quang của Thiên Chúa.

Nhưng không phải chỉ có thế; chúng ta còn tự hào khi gặp gian truân, vì biết rằng: ai gặp gian truân thì quen chịu đựng; ai quen chịu đựng, thì được kể là người trung kiên; ai được công nhận là trung kiên, thì có quyền trông cậy. Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta.

Đó là Lời Chúa.

TUNG HÔ TIN MỪNG

Alleluia. Alleluia.

Xin dâng lời tôn vinh chúc tụng

Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần,

là Thiên Chúa đã có, hiện có và đang đến.

Xin tôn vinh chúc tụng muôn đời.

Alleluia.

TIN MỪNG Ga 16:12-15

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gioan.

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng:

“Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em. Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em.”

Đó là Lời Chúa.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:03 11/06/2022

21. Khốn khó càng lớn, thì càng cần phải tin tưởng và trông cậy vào Thiên Chúa hơn.

(Thánh Don Bosco)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:07 11/06/2022
4. MÓNG TAY TRUNG QUỐC

Có một người ngu đần ngay cả lạnh ấm no đói mà cũng không phân biệt rõ ràng, sau khi chết thì yết kiến diêm vương, diêm vương giận hắn ta quá vô dụng, và muốn phạt hắn ta kiếp sau làm súc sinh, nhưng lại nghĩ rằng người này khi sống đã không làm gì nên trọng tội, cho nên muốn phạt hắn ta làm các bộ vị trên thân thể người ta, bèn hỏi phán quan, phán quan đáp:

- “Nó ngu xuẩn vô dụng thì phạt nó làm lông mày, râu tóc”.

Diêm vương nói:

- “Lông mày râu tóc có quan hệ đến nghi biểu của con người, hay là phạt nó làm cái móng tay?”

Người ngu vội vàng cầu cứu:

- “Nếu cho con kiếp sau làm cái móng tay, thì tiểu nhân xin làm móng tay của người Trung Quốc chứ không muốn làm móng tay của người ngoại quốc”.

Diêm vương hỏi:

- “Tại sao?”

Đáp:

- “Làm móng tay của người Trung Quốc, nếu gặp người đẹp thì có thể dài vài tấc, ít nữa cũng có thể dài vài phân, và cuối cùng thì cũng có một ngày xuất đầu lộ diện; nhược bằng rơi vào tay người ngoại quốc thì mỗi ngày họ đều dùng kéo cắt bỏ, thì tiểu nhân suốt đời không có ngày ló đầu ra !”

(Yết hậu ngữ)

Suy tư 4:

Phạt người ngu kiếp sau làm cái móng tay vì cho họ là người vô dụng, thì diêm vương quả là...vô dụng, vì diêm vương ở trong hỏa ngục không có tay chân hình hài nên không thấy được cái quan trọng của cái móng tay, bởi vì tất cả bộ vị trên thân thể con người –dù là người ngu- đều có ích cho con người, Thiên Chúa là Đấng toàn năng đã làm như thế.

Con người thời nay rất coi trọng cái móng tay và càng săn sóc nó kỹ càng hơn, nhất là các cô gái, bởi vì có bàn tay thon thả mà không có móng thì không còn là tay búp măng nữa.

Có một vài người Ki-tô hữu coi việc lên thiên đàng là chuyện nhỏ như cái móng tay, cho nên họ khinh thường những chuyện bác ái nhỏ như móng tay, họ thường nói:

- Giúp người là chuyện nhỏ như móng tay, lúc nào giúp cũng được, bây giờ thì chưa.

- Đi lễ ngày chúa nhật là chuyện nhỏ như cái móng tay, tuần này không đi thì tuần sau đi, bây giờ đi nhậu cái đã.

- Xưng tội là chuyện nhỏ như cái móng tay, đợi đến mùa chay thánh rồi xưng luôn, Chúa không phạt chết ngay đâu mà sợ.

Có những chuyện nhỏ như cái móng tay, nhưng hậu quả thì không lường được; có những việc làm nhỏ như cái móng tay, nhưng nó đủ sức nhận chìm chúng ta trong biển lửa hỏa ngục đời đời...

Không coi thường chuyện nhỏ như cái móng tay, nhưng thực hành nó với cả tấm lòng yêu thương và biết ơn.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Chúa nhật Lễ Đức Chúa Trời Ba Ngôi
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:09 11/06/2022
LỄ ĐỨC CHÚA TRỜI BA NGÔI

Tin mừng: Ga 16, 12-15

“Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy; Thần khí sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em”.




Bạn thân mến,

Hôm nay là ngày lễ Đức Chúa Trời Ba Ngôi, là Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần, đây là mầu nhiệm lớn trong đạo Công Giáo, và cũng là cốt lõi đức tin của người Ki-tô hữu, trong tâm tình của ngày lễ này, tôi xin chia sẻ với bạn mấy ý sau đây:

Thiên Chúa Ba Ngôi là Thiên Chúa tình yêu. Một tình yêu bất khả phân và viên mãn, là chủ thể của mọi tình yêu trên trời dưới đất, tình yêu này được hình thành không phải do nguyên lý của xác thịt, nhưng mọi tình yêu của loài xác thịt đều phải phát xuất từ tình yêu này mà có và tồn tại. Tình yêu này đã tạo dựng nên trời đất muôn vật, và hoàn thiện nó bởi tình yêu dâng hiến hy sinh cách trọn vẹn của Đức Chúa Giê-su, khi Ngài chết trên thập giá và sống lại vinh quang.

Tình yêu này không dừng lại khi Đức Chúa Giê-su hoàn tất công trình cứu chuộc ở trần gian và lên trời vinh hiển, nhưng Thánh Thần được Đức Chúa Cha phái đến với Hội Thánh, vẫn tiếp tục hoàn thiện và đổi mới hội thánh và mỗi người Ki-tô hữu, cho đến ngày đạt đến viên mãn trong Nước Thiên Chúa.

Thiên Chúa Ba Ngôi là Thiên Chúa của Hiệp Nhất.

Đức Chúa Cha yêu thương Đức Chúa Con, và Đức Chúa Thánh Thần là do sự hiệp nhất yêu thương này mà có, một sự hiệp nhất như gốc cây nho với cành nho và sinh ra hoa trái để cho con người hưởng dùng. Hiệp nhất là đặc tính cốt lõi của Thiên Chúa Ba Ngôi, và cũng là nơi phát sinh ra sự hiệp nhất trong mọi cộng đoàn con cái của Giáo Hội trên trần gian.

Hiệp nhất nhưng không lệ thuộc, Đức Chúa Con không lệ thuộc vào Đức Chúa Cha nhưng đồng bản tính và ngang hàng với Cha, Đức Chúa Thánh Thần không lệ thuộc vào Đức Chúa Con và Đức Chúa Cha, nhưng là đồng bản tính với Cha và Con, và trở nên Đấng thánh hóa và đổi mới nhân loại và vũ trụ sau khi Đức Chúa Giê-su về trời.

Ba ngôi hiệp nhất để vạn vật biến hóa sinh tồn, để Giáo Hội được hiệp nhất và đổi mới luôn trong Thần Khí của Thiên Chúa.

Bạn thân mến,

Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi đã được Đức Chúa Giê-su mặc khải cho chúng ta biết, nhưng bí nhiệm đời đời của mầu nhiệm này thì trí óc con người của chúng ta không thể suy thấu, nhưng với đức tin, ân sủng của Thiên Chúa ban cho và qua giáo huấn của Giáo Hội, thì chúng ta hiểu rằng: đây là mầu nhiệm của tình yêu, mầu nhiệm của hiệp nhất.

Do đó khi mà bạn và tôi suy niệm đến tình yêu và sự hiệp nhất giữa Ba Ngôi Thiên Chúa, thì bạn và tôi cũng cầu xin Thiên Chúa ban cho gia đình chúng ta có một tình yêu chân thật, một sự hiệp nhất gắn bó giữa cha mẹ và con cái với nhau, một tình yêu bất khả phân ly và tương trợ lẫn nhau, giữa một xã hội đầy chia rẽ và vắng bóng tình yêu của Thiên Chúa này...

Bạn và tôi cũng nhớ đến cộng đoàn và giáo xứ của mình khi suy đến mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi này, đó là sự đoàn kết và hiệp nhất với nhau của mỗi phần tử trong cộng đoàn và giáo xứ, để dưới sự lãnh đạo của Đức Chúa Thánh Thần, tất cả chúng ta biết sống yêu thương đoàn kết và hiệp nhất với nhau hơn...

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Antôn Padua – Vị Tiến Sĩ Tin Mừng
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
08:18 11/06/2022
Antôn Padua – Vị Tiến Sĩ Tin Mừng

Suy Niệm Lễ Thánh Antôn Padua

(Kn 7,7-10.15-16; Eph 4;1-7.11-13; Mc 16;15-20)

“Muôn dân tường thuật sự khôn ngoan của các thánh, và Giáo Hội loan truyền lời ca tụng các Ngài: tên tuổi các Ngài sẽ muôn đời tồn tại” (Hc 44,14-15).

Bài đọc I : Sách Khôn ngoan cơ ngợi Đức Khôn Ngoan trổi vượt trên mọi trân châu, bảo ngọc trong đời. Khôn ngoan là tiếp nận những lời dạy dỗ bảo ban và trở nên bạn hữu của Thiên Chúa.

Bài đọc II : Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Êphêsô, mời gọi chúng ta giữa nhiều sự khôn ngoan phù phiếm của trần thế, hãy vươn tới Đức Kitô, vì Người chính là sự khôn ngoan đích thật.

Qua bài Tin Mừng (Mc 16, 15-20), Chúa Giêsu truyền lệnh cho các môn đệ hãy loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo, nghĩa là phải quảng đại và mạnh dạn chia sẻ kho tàng khôn ngoan mà mình có được.

Ngày 30 tháng 05 năm 1232 là ngày Thánh Antôn được phong Thánh. Thật ý nghĩa, nhân dịp kỷ niệm 790 năm phong thánh của ngài, chúng ta cùng tìm hiểu đôi nét về thánh nhân.

Thánh Antôn Pađua thành Padova, mà hôm nay chúng ta mừng kính. Tên thật của Ngài là Fernando. Ngài sinh ngày 15 tháng 8 năm 1195 tại Lisbone thủ đô nước Bồ Đào Nha. Cha mẹ của Ngài là ông Martinô và bà Maria rất đạo đức. Tròn 15 tuổi, Ngài gia nhập dòng Thánh Augustinô và chịu chức linh mục ở đây. Tròn 25 tuổi, Ngài đổi sang dòng Thánh Phanxicô năm 1220. Ngài được sai đi truyền giáo ở Marrốc và ước ao được phúc tử đạo. Sau này, Ngài đi rao giảng khắp miền Tây nước Ý và miền Nam nước Pháp. Ngài qua đời ngày 13 tháng 6 năm 1231, lúc mới tròn 36 tuổi. Ngài được Đức Giáo Hoàng Grêgôriô X phong thánh vào ngày 30 tháng 5 năm 1232. Vào năm 1946, Đức Giáo Hoàng Piô XII đã tôn phong Ngài lên bậc tiến sĩ Hội Thánh.

Mặc dầu Ngài là người Bồ Đào Nha nhưng lại rất được người Việt Nam yêu mến. Vấn đề đặt ra là tại sao Thánh Antôn lại thu hút mọi người như vậy? Có người cho rằng vì Ngài hay làm phép lạ (Nói đúng hơn, nhờ lời chuyển cầu của Ngài nên Chúa làm nhiều phép lạ). Đúng, nhưng vì sao Ngài lại làm phép lạ? Kinh Ông Thánh Antôn cho chúng ta biết rằng: “Để thông ơn phúc cho cả và thiên hạ, xưa ở đời này đầy lửa kính mến Chúa, hằng ước ao cho danh cha cả sáng, cùng ái mộ phần rỗi nhân loại, nên đã làm phép lạ cứu giúp muôn vàn người khỏi tai nạn phần hồn phần xác”

Như vậy, lý do Thánh Antôn hay làm phép lạ đã rõ ràng: thứ nhất, để làm vinh danh Chúa; thứ hai, để cứu giúp con người phần hồn phần xác. Ngài không những cứu giúp những việc lớn lao, mà Ngài còn cứu giúp cả những việc nhỏ nhặt hằng ngày: “Hễ ai túng rỗi chạy đến cầu xin Người, bất luận việc lớn bé thế nào, liền được ơn Người cứu giúp” (Lời kinh khẳng định).

Thông thường các thánh hay làm phép lạ khi đã qua đời, còn Thánh Antôn không những làm phép lạ khi đã qua đời mà Ngài còn làm phép lạ ngay cả khi còn sống.

Chuyện kể, khi còn niên thiếu: “Một ngày mùa hè, cha Ngài sai Ngài canh giữ ruộng lúa mì khỏi chim phá. Bỗng Antôn nhớ lại đã đến giờ đọc kinh tại nhà thờ mà Ngài không bao giờ bỏ. Ngài liền gọi bầy chim sẻ lại và nhốt vào một cái lều lộ thiên, cấm không được bay ra phá lúa. Rồi Ngài an tâm đi nhà thờ. Lúc trở về Ngài thấy bầy chim sẻ vẫn ở trong lều và đồng lúa vẫn an toàn.”

Lần khác, “Antôn đang thinh lặng cầu nguyện ở nhà thờ chìm trong bóng tối, Ngài cảm thấy bị cám dỗ mãnh liệt. Không hề chần chừ, Ngài lấy ngón tay cái vẽ dấu Thánh giá trên bậc bàn thờ, Thánh giá in sâu vào đá hoa. Thấy dấu này, quỷ trốn biệt và cơn cám dỗ tiêu tan.”

Trong thời gian giảng thuyết, Ngài cũng làm rất nhiều phép lạ, chẳng hạn như: Phép lạ cá nghe giảng; ngựa đói chê cỏ để thờ lạy Thánh Thể; uống thuốc độc mà không hề hấn gì, ly vỡ lại lành…

Khi Ngài qua đời, tự nhiên các đoàn trẻ la hét “cha chúng tôi đã qua đời,” mặc dầu họ không biết cái chết của Thánh Antôn. Trong cuốn Assidua, đã thuật lại nhiều phép lạ của thánh Antôn, nhất là ngay khi Ngài mới qua đời, cuốn sách viết: “Chỉ chạm tới mộ Ngài, bệnh nhân liền vui sướng cảm thấy mọi bệnh tật tan biến. Những ai không tới gần mộ được, thì lúc trở về ngang nhà nguyện cũng được chữa lành bệnh. Nơi đó, nhiều người điếc được nghe, mù được thấy, què được nhảy nhót như dê con; cũng nơi đó lưỡi nhiều người câm được mở ra, cất tiếng ca ngợi Chúa. Chi thể tê liệt được hồi phục, đi lại bình thường. Những chứng bệnh như còng lưng, thống phong, sốt rét cũng như tất cả các bệnh khác đều được chữa lành cách lạ lùng. Tóm lại, từ nhiều nơi trên trần gian đến đây, người ta đều xin được như ý mong ước.”

Đặc biệt trong ngày lễ phong thánh, không ai biết chuyện gì đã xảy ra, thế mà dân chúng tuôn ra đường phố vừa ca hát, vừa nhảy múa, chuông trong thị trấn bắt đầu rung vang, dầu không ai động tới, và tất cả mọi người đều hoan hỷ vui sướng như ngày lễ hội. Ít hôm sau, một vài anh em từ Ý tới loan tin chính là hôm đó Antôn được phong thánh.

Tính từ khi thánh nhân qua đời cho tới khi phong thánh có 47 phép lạ được Giáo Hội công nhận. Từ đó tới nay, thánh Antôn vẫn làm phép lạ đây đó trên thế giới. Có người được khỏi bệnh, có người tìm được của cải đã mất, có người thi cử đỗ đạt, nhiều người được ơn ăn năn trở lại qua Bí tích Giao hòa…Chứng tỏ Chúa vẫn nhận lời Thánh Antôn. Nhưng cũng có người phàn nàn là xin mãi mà chẳng được?

Thánh Giacôbê trả lời rằng: “Anh em xin mà không được là vì anh em xin với tà ý” (Gc 4, 2-3). Còn Thánh Augustinô thì nói: xin không được là do tâm hồn không tốt; hoặc do cách cầu nguyện xấu; cũng có thể là do xin điều xấu nên không được Chúa nhận lời. Vì thế, nhiều khi chúng ta cũng phải xem xét nội dung và cách cầu nguyện của chúng ta.

Mừng lễ Thánh Antôn hôm nay, chúng ta không chỉ nhờ ngài xin ơn, mà còn phải học nhân đức của Ngài như: khiêm nhường; thăng tiến trên đường nhân đức; siêng năng đọc, suy gẫm và truyền đạt Lời Chúa; mến Chúa và yêu người. Trong lời nguyện nhập lễ hôm nay cho chúng ta biết: Ngài không những là nhà giảng thuyết lừng danh mà còn là người cứu giúp những ai nghèo khổ.

Sống trong một xã hội đầy dẫy những bất công như hôm nay, chúng ta cầu xin Chúa nhờ lời chuyển cầu của Thánh Antôn làm cho chúng ta trở thành những Antôn của thời đại, để đem yêu thương xóa tan bất công, nghèo khó, yêu người không chỉ bằng lời nói mà còn bằng những việc làm cụ thể, yêu người không chỉ yêu phần xác mà còn yêu cả phần hồn nữa, hầu nhờ đó xã hội này ngày một tốt đẹp hơn. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:22 11/06/2022

22. Mặc dù Thiên Chúa đã cho phép vài khó khăn ngăn trở, nhưng đó chính là dấu lạ bày tỏ rõ ràng, Ngài phải từ việc khó này để đạt được lợi ích lớn hơn để chúng ta tin tưởng và trông cậy Ngài, dũng cảm nhẫn nại mà tiến lên phía trước.

(Thánh Don Bosco)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:25 11/06/2022
5. CÂU ĐÁP KỲ DIỆU CỦA CON NHÁI

Gà 雞 (1) ngẫu nhiên đi trên con đường nhỏ trong ruộng, gặp một con nhái, bèn hỏi:

- “Anh là aì?”

Đáp:

- “Gà đồng 田雞 (2) ”.

Gà rất kinh ngạc, nói:

- “Phàm là gà thì trên thân phải có lông, mà anh thì trên thân một cọng lông cũng không có, sao lại có thể là gà chứ?”

Nhái nói:

- “Nếu nhất định phải có lông mới có thể gọi là gà, vậy thì gà rừng 野雞 (3) (gái điếm) nơi nhà họ Hồ ở Thượng Hải, lẽ nào trên thân đều có lông sao?”

(Yết hậu ngữ)

Suy tư 5:

Con gà thật thà hỏi, con nhái lắc léo nói đến các cô gái điếm cũng được người ta gọi là gà rừng, thế thì con gà làm gì hiểu nỗi cái hàm ý của con nhái.

Nói về Đức Đức Chúa Giê-su cho mọi người nghe thì đừng nói người này thế này người kia thế nọ, nhưng hãy lấy cuộc sống của mình ra mà nói; nói về Đức Chúa Giê-su cho kẻ khác nghe, thì đừng “đá” qua cho người khác nhưng hãy chứng tỏ mình là người đã tin và đã thực hành lời của Chúa trong cuộc sống cho họ nghe và thấy, có như thế mới thực là người nói rất hay về Đức Đức Chúa Giê-su.

Con gà rất ngạc nhiên vì con nhái tự xưng là gà đồng, vì trên người nó không có một cọng lông.

Cũng vậy, người ta cũng sẽ rất ngạc nhiên khi chúng ta tự xưng mình là người Ki-tô hữu mà trên mình không có một chút vốn liếng hiểu biết về Lời Chúa, không có một chút kiến thức về sống đạo, ít nữa là đi dâng thánh lễ và chịu các bí tích...

Nếu chúng ta mà như thế, thì ngay cả Đức Đức Chúa Giê-su cũng kinh ngạc nữa chứ đừng nói là con gà. Ha ha ha...

(1) 雞 đọc là “ji” nghĩa là con gà.

(2) 田雞 đọc là “thian ji” nghĩa là gà đồng, cũng là tên gọi khác (tiếng Đài台語) của con nhái.

(3) 野雞đọc là “ye ji” nghĩa là “gà rừng”, người ta dùng để gọi gái điếm.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Suy niệm Lễ Chúa Ba Ngôi
Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương
21:39 11/06/2022
Suy niệm Lễ Chúa Ba Ngôi

Đây là mầu nhiệm cả trong đức tin của Giáo Hội Công Giáo.

Chúng ta có thể hiểu được mầu nhiệm này không? Thưa không, vì đây là mầu nhiệm. Nhưng làm sao chúng ta có thể hiểu? Chúng ta có thể hiểu được mầu nhiệm Ba Ngôi khi chúng ta biết sống khiêm tốn, thánh thiện và đạo đức. Chính Đức Giêsu là người đã mặc khải cho chúng ta biết về mầu nhiệm Ba Ngôi là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Ba Ngôi Thiên Chúa tuy khác biệt nhưng không tách biệt. Một Chúa nhưng là Ba Ngôi. Ba Ngôi nhưng là một Chúa. Cả Ba Ngôi đều cúu độ - cùng sáng tạo – cùng hướng về một đích là giúp con người đạt được hạnh phúc.

Mầu nhiệm Ba Ngôi là mầu nhiệm tình yêu thể hiện qua sự kết nối giữa Chúa Cha và Chúa Con. Chính tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con phát xuất Chúa Thánh Thần. Thật vậy, hình ảnh Chúa Ba Ngôi là hình ảnh của một giáo hội hiệp hành, một gia đình hiệp nhất, một giáo xứ hiệp thông. Không thể đến với Thiên Chúa Ba Ngôi mà không thể yêu thương và hiệp nhất với nhau. Bởi vì chúng ta đều phát xuất từ hình ảnh của Thiên Chúa, nên chúng ta phải biết tôn trọng, bao dung và yêu thương nhau như Chúa Ba Ngôi. Không thể đến với Thiên Chúa mà không đến với nhau. Nghĩa là, một khi đã gặp gỡ Thiên Chúa thì tắt hẳn chúng ta phải gặp gỡ anh chị em vì nơi anh chị em có sự hiện diện của Thiên Chúa. Chúng ta không chỉ gặp Chúa ở trong nhà thờ mà lại không gặp Chúa ở ngoài xã hội đang cư ngụ nơi tha nhân. Tình yêu Ba Ngôi thôi thúc chúng ta mỗi ngày biết sống gắn bó, nối kết và quan tâm lẫn nhau, nhất là trong bối cảnh cả và thế giới đối diện với đại dịch, chiến tranh và thiên tai. Chính trong hoàn cảnh này hơn bao giờ hết, chúng ta được mời gọi biết tương thân tương ái và giúp đỡ lẫn nhau mà không phân biệt hay loại trừ bất cứ một người nào.

Hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi tiếp tục mời gọi chúng ta chiêm ngắm và tuyên xưng mỗi ngày để chúng ta biết sống cho nhau, vì nhau và cùng nhau.

Hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi nhắc nhở chúng ta sống đức tin một cách mãnh liệt ngang qua việc tuyên xưng thầm lặng nhưng đầy xác tín khi chúng ta làm dấu thánh giá một cách ý thức và sốt sắng, khi chúng ta cầu nguyện, khi chúng ta tham dự thánh lễ và làm những việc lành phúc đức.

Hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi mời gọi tất cả chúng ta biết dấn thân phục vụ và không ngần ngại ra đi rắc gieo sự bình an và hạnh phúc cho tha nhân.

Hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi nhắc nhở mỗi chúng ta sống trong xã hội sẽ có nhiều khác biệt: ngôn ngữ, văn hóa, tính cách, sự giàu nghèo, tôn giáo, sắc tộc, mầu da… Nhưng chúng ta hãy biết nối kết với nhau và cùng nhau xây dựng một xã hội văn minh tình thương và một thế giới đầy ấp tình người. Hơn nữa, chúng ta biết làm hòa với nhau và biết bỏ qua cho nhau những khác biệt để hợp nhất và hiệp thông nhằm mở mang Nước Chúa.

Thiên Chúa Ba Ngôi luôn luôn ở với chúng ta và đồng hành với chúng ta trong mọi đường đi nước bước. “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy. Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy”.(Ga 14:23). Đó là niềm tin xác tín của chúng ta. Cho nên trong mọi sự và ở khắp mọi nơi, chúng ta luôn luôn ý thức sự hiện diện đó để sống cho tốt lành thánh thiện và thực thi sứ vụ Loan Báo tin Mừng trong từng giây phút của cuộc đời bằng cuộc sống đượm tình bác ái yêu thương.

Mỗi ngày chúng ta làm dấu Thánh giá rất nhiều lần, nhưng thử hỏi chúng ta có ý thức khi chúng ta làm dấu thánh giá hay không? Quả thật, khi chúng ta làm dấu Thánh giá, là chúng ta đang tuyên xưng mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi nơi thân thể và nơi con người của chúng ta. Chính vì thế, khi làm dấu thánh giá chúng ta hãy làm một cách chậm rãi, tâm tình và sốt sắng trong việc chúng ta làm và thể hiện việc tuyên xưng đức tin một cách rõ ràng vững vàng.

Tóm lại, đạo Công Giáo dạy chúng ta tin vào những mầu nhiệm chính trong đạo: Đó là mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi; Mầu nhiệm Ngôi Hai xuống thế làm người và Mầu nhiệm Đức Giê-su chịu chết và chuộc tội cho nhân loại. Chính Chúa Giê-su, Ngôi Hai Thiên Chúa làm người đã mặc khải cho chúng ta biết về Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Những gì Ngài có là bởi Chúa Cha và Chúa Thánh Thần là Người sẽ nói cho chúng ta biết về mọi sự mà Người đã nhận từ Chúa Giê-su, mà Chúa Giê-su xuất phát từ Chúa Cha.

Nguyện xin Ba Ngôi hằng ngự trị trong lòng chúng ta để tiếp tục gìn giữ, bảo ban và thánh hoá mọi sự nơi con người và tâm hồn chúng ta để chúng ta luôn luôn là đền thờ xứng đáng để Thiên Chúa Ba Ngôi hiện diện.

Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Theo khuyến cáo của các bác sĩ, Đức Thánh Cha hoãn chuyến tông du đến Cộng Hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan.
Thanh Quảng sdb
01:38 11/06/2022
Theo khuyến cáo của các bác sĩ, Đức Thánh Cha hoãn chuyến tông du đến Cộng Hòa Dân chủ Congo (DRC) và Nam Sudan.

Văn phòng Báo chí Tòa Thánh cho hay Đức Thánh Cha Phanxicô đã hoãn chuyến Tông du đến Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan, dự kiến diễn ra vào đầu tháng Bảy tới.

(Tin Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô đã phải hoãn chuyến Tông du sắp tới đến Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan vào một ngày nào đó, chưa được quyết định.

Chuyến đi đến lục địa châu Phi này đã được dự kiến diễn ra vào tuần đầu tiên của tháng Bảy tới.

Ông Matteo Bruni, Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa thánh, đã thông báo vào hôm thứ Sáu hôm qua như sau:

“Theo yêu cầu của các bác sĩ của ĐTC, và đề phòng không gây ra nguy hiểm cho các liệu pháp mà ĐTC đang điều trị cho đầu gối của mình, Đức Thánh Cha đã buộc phải hoãn chuyến Tông du của ngài tới Cộng hòa Dân chủ Congo và để Nam Sudan, chính thức sẽ được diễn ra từ ngày 2 đến ngày 7 tháng 7, cho đến một thời điểm mới chưa được xác định ”.

Chuyến Tông du đến Châu Phi bao gồm thủ đô Kinshasa và thành phố Goma - và Juba, thủ đô của Nam Sudan.
 
Nhận định ý thức hệ một chiều của David Kertz đối với lập trường của Đức Piô XII trong Thế chiến II
Vũ Văn An
01:45 11/06/2022

Về David Kertz, nhiều nhà bình luận Công Giáo đã lên tiếng về việc tìm tòi hay đúng hơn bới móc văn khố mật của Tòa Thánh về triều giáo hoàng thời Thế chiến II của Đức Piô XII vừa được Đức Phanxicô mở cho các học giả nghiên cứu, nhất là sau khi ông ta viết bài “The Pope, the Jews, and the Secrets in the Archives” đăng trên tờ The Atlantic ngày 27 tháng 8 năm 2020, chỉ vài tháng sau khi Văn Khố nói trên được mở, nhưng rồi lại bị đóng đi đóng lại ít nhất cũng hai lần vì đại dịch Covid-19. Nhưng về cuốn sách sắp xuất bản: The Pope at War: The Secret History of Pius XII, Mussolini, and Hitler mà chúng tôi cho chuyển ngữ một chương sang tiếng Việt và cho đăng trên VietCatholic ngày 6 tháng 6 vừa qua thì chưa có bài phê bình nào của giới truyền thông Công Giáo. Có thể vì cuốn sách mới được ra mắt độc giả ngày 7 tháng 6 vừa qua.



Tạp chí America của các Cha Dòng Tên Hoa Kỳ, ngày 8 tháng 6, cho đăng lại bài viết của Nicole Winfield thuộc hãng tin Associated Press, tựa là “Vatican’s Pius XII archives begin to shed light on WWII pope”. Nhà báo này chỉ tường thuật lại các sự kiện, không hẳn đưa ra nhận định. Cô tóm tắt nội dung cuốn sách của David Kertz như sau:

"Vatican từ lâu vẫn bảo vệ vị giáo hoàng thời Thế chiến II, Pius XII, chống lại những lời chỉ trích rằng ngài giữ im lặng khi Nạn Diệt chủng Do thái diễn ra, nhấn mạnh rằng ngài làm việc lặng lẽ sau hậu trường để cứu các sinh mạng. Một cuốn sách mới, trích dẫn các tài liệu văn khố của Vatican mới mở gần đây, cho thấy các sinh mạng mà Vatican đã nỗ lực cứu vớt nhiều nhất chỉ là những người Do Thái đã trở lại Công Giáo hoặc là con cái của các cuộc “hôn nhân hỗn hợp” giữa người Công Giáo và người Do Thái.

Các tài liệu chứng thực cho những cuộc tìm kiếm như điên các chứng chỉ rửa tội, danh sách tên những người trở lại đạo được Vatican giao cho đại sứ Đức và những lời khẩn cầu chân thành từ những người Công Giáo ngỏ với vị giáo hoàng để tìm người thân là người gốc Do Thái, được ghi trong cuốn "The Pope at War" của David Kertzer, xuất bản hôm thứ Ba [7 tháng 6] tại Hoa Kỳ.

Cuốn sách tiếp nối cuốn “The Pope and Mussolini,” [Giáo hoàng và Mussolini] từng đoạt giải Pulitzer cũng của Kertzer, viết về người tiền nhiệm của Đức Piô, tức Đức Piô XI. Nó sử dụng hàng triệu tài liệu được phát hành gần đây từ các văn khố của Vatican cũng như các văn khố nhà nước của Ý, Pháp, Đức, Hoa Kỳ và Anh để tạo nên lịch sử của Thế chiến II qua lăng kính của triều giáo hoàng Piô XII và mạng lưới ngoại giao rộng lớn của nó với cả các quốc gia thuộc phe Trục lẫn Đồng minh.

Kertzer nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại trước ngày phát hành sách: “Số lượng tài liệu trong các văn khố về việc tìm kiếm hồ sơ rửa tội cho người Do Thái có thể cứu mạng họ thực sự rất đáng kinh ngạc”.

Cuốn sách dài 484 trang và gần 100 trang chú thích của nó, miêu tả một vị giáo hoàng nhút nhát, người không bị thúc đẩy bởi chủ nghĩa bài Do Thái, mà là một niềm tin rằng sự trung lập của Vatican là cách tốt nhất và duy nhất để bảo vệ lợi ích của Giáo Hội Công Giáo khi cuộc chiến đang diễn ra vũ bão.

Kertzer, giáo sư nhân chủng học và Ý học tại Đại học Brown, gợi ý rằng động lực chính của đức Piô là sợ hãi: Nỗi sợ hãi đối với Giáo hội và những người Công Giáo ở các vùng lãnh thổ do Đức chiếm đóng, khi ngài tin rằng cuối cùng, phe Trục sẽ thắng; và nỗi lo sợ chủ nghĩa Cộng sản vô thần sẽ lan rộng khắp châu Âu Kitô giáo nếu phe Trục thua.

Kertzer viết, để xoa dịu nỗi sợ hãi đó, Đức Piô đã vạch ra một lộ trình thận trọng đến tê liệt để tránh xung đột bằng mọi giá với Đức Quốc xã. Các mệnh lệnh trực tiếp được gửi tới tờ báo L’Osservatore Romano của Vatican là không được viết về những hành động tàn bạo của người Đức - và bảo đảm hợp tác liên tục với chế độ độc tài Phát xít của Benito Mussolini ở sân sau của Vatican.

Điều đó có nghĩa là không bao giờ nói một lời trước công chúng để tố cáo rõ ràng các vụ thảm sát của SS, ngay cả khi người Do Thái đang bị vây bắt ngay bên ngoài các bức tường của Vatican, như đã xảy ra vào ngày 16 tháng 10 năm 1943, và được đưa lên các chuyến tàu đến Auschwitz.

Kertzer kết luận rằng đức Piô không phải là “Giáo Hoàng của Hitler” – tựa đề đầy công kích của cuốn sách gây tai tiếng về thời đức Piô của John Cornwell. Nhưng ngài cũng không phải là người đấu tranh cho người Do Thái như những người ủng hộ ngài vốn chủ trương”.

Đó cũng là giải thích và kết luận của chương chúng tôi đã cho đăng tải.

Hàng triệu tài liệu?

Điều thứ nhất, nói rằng Kertz đã dùng cả “hàng triệu” tài liệu của văn khố Vatican và nhiều văn khố khác là điều đáng hoài nghi khi ông chỉ cần dựa vào một số ngày làm việc ở Văn khố vừa mở và bị đóng đi đóng lại để viết nên những điều ông đã viết. Thực ra, ngay trước khi văn khố mở, Kertz đã có định kiến sẵn: chỉ tìm những tài liệu để chứng minh thêm cho luận điểm có sẵn của mình về Đức Piô XII, cho nên, tờ National Catholic Reporter, khi thuật lại buổi Webinar về Văn Khố Mật ở Đại Học Fordham tháng 5 năm 2021, viết, Kertz cho rằng "tôi không nghĩ sẽ có bất cứ chứng cớ có thể kết luận nào (smoking gun), quả thực, tôi sẽ thất vọng về bất cứ chứng cớ nào có thể thực sự thay đổi tâm trí người ta lúc này”.

Tờ National Catholic Reporter nhân dịp này nhận định như nhiều chuyên viên về văn khố mật Vatican rằng “các nhà nghiên cứu...cũng cho hay có thể cần nhiều năm mới có thể đánh giá được các tư liệu mà Vatican đã cung cấp về Đức Piô XII, vị đã lãnh đạo Giáo Hội hoàn cầu từ 1939 tới 1958, và từng được soi mói trong nhiều thập niên kể từ các hành động của ngài thời Diệt Chủng”.

Matteo Luigi Napolitano, Giáo sư Lịch sử Các Liên hệ Quốc tế của Đại Học Molise, Ý, trong bài Pius XII, the New Vatican Archives, and the “hypologists”, để trả lời luận điệu của Kertz, đăng trên Catholic World Report (https://www.catholicworldreport.com/2021/01/08/pius-xii-the-new-vatican-archives-and-the-hypologists/), cho rằng các giải thích và kết luận của Kertz chỉ “dựa vào một lượng rất nhỏ các tài liệu, trong số hàng triệu tài liệu nay đã có sẵn”. Ông nhận định: “nhiều cơ quan truyền thông tường trình các lời tố cáo của Kertz mà không hề tìm tòi phê phán mảy may, và không hề nêu các câu hỏi chủ yếu như: học giả này đã thực sự làm việc trong bao nhiêu ngày tại các văn khố Vatican trước khi các kết quả của ông được trình bầy như là ‘dứt khoát’ bởi báo chí thế giới? Ông đã có được bao nhiêu tài liệu có thể thực sự chứng minh cho các khám phá và “các sự thật” đột phá của mình? Ông có giải thích các tài liệu cách đúng đắc hay không hay chỉ bóp méo một cách trầm trọng một vài mảnh của các tài liệu ấy?”

Sau khi chứng minh Kertz đã bỏ qua nhiều tài liệu và giải thích sai một số sự kiện, Napolitano cho rằng “Thu thập sự thật từ các văn khố lịch sử là một nhiệm vụ phức tạp hơn xem xét chúng trong một số ngày rất nhiều. Thực vậy, đối với bất cứ học giả hoặc nhóm học giả nào, gần như không thể chu toàn được nhiệm vụ này trong một khoảng thời gian ngắn ngủi như thế. Kể từ lúc các văn khố còn lại cuối cùng của Đức Piô XII được mở hồi tháng Ba (2020), nhiều câu truyện giât gân đã được lưu truyền trong một vài giới truyền thông như thể mọi điều về Đức Piô XII đã được nói và làm rồi. Khổ công tìm sự thật lịch sử là một điều khác hẳn – phức tạp và thách thức hơn nhiều so với “lịch sự tự tạo”. Tưu chung, nó đòi hỏi thì giờ, kiên nhẫn, tận tâm và khả năng nghiên cứu, khảo sát và công bình lượng giá hàng triệu tài liệu mới mở”.

Trên VietCatholic ngày 29/04/2020, trong bài Covid-19 và việc bôi lọ Đức Piô XII, chúng tôi cũng đã nói đến một trong những học giả được Napolitano gọi là “hypologist”, đó là linh mục Hubert Wolf, người Đức, chỉ ở trong Văn khố mới mở được 5 ngày, đã vội phổ biến các nhận định sai lầm về Đức Piô XII, cho rằng ngài cố tình che đậy tội ác của Đức Quốc Xã. Nhân dịp này, Sử gia Tiến sĩ Michael Hesemann, giáo sư giáo sử tại Hàn Lâm Viện Gustav-Siewerth ở Bierbronnen, Đức, người cũng đã tìm tòi tại các văn khố mới mở này, cho biết tài liệu “mật” về Đức Piô XII và triều giáo hoàng của ngài lên tới 15 triệu trang giấy! Theo Benedict Mayaki của VaticanNews, thì các tài liệu này gồm khoảng 120 dẫy (series) và văn khố khác nhau thuộc Phủ Quốc Vụ Khanh, các thánh bộ, và các văn phòng giáo triều, chứa trong 20,000 đơn vị văn khố.

Về danh hiệu “hypologist”, Napolitano không có định nghĩa chuyên biệt cho từ ngữ này, nhưng cứ theo từ nguyên thì tiền từ hypo có nghĩa là dưới, kém, thấp như hypothermia=nhiệt độ thấp; hypodermic needle=chích dưới da; và nếu ông đặt nó tương phản với apologist=nhà hộ giáo, thì hypologist có thể hiểu là nhà hạ giáo. Dù sao, theo ông, hypologists là những người thậm chí tự xưng mình là các sử gia khách quan, làm việc có sổ bộ ghi chép, hồ sơ, tài liệu và tư liệu văn khố, một cách cho là công bằng vô tư. Thế nhưng, họ thực sự bị thúc đẩy bởi các xác tín ý thức hệ và luận đề đã định sẵn. Họ cắt và dán các tài liệu và sử dụng các trích dẫn lựa lọc và ngoài ngữ cảnh lấy từ chúng. Họ giấu các tài liệu chủ chốt, hoặc các phần của các tài liệu này nếu chúng mâu thuẫn với bản đồ ý thức hệ của họ.

Chỉ cứu những người Do Thái trở lại Công Giáo?

Điểm thứ hai, vì không thể chối cãi việc Đức Piô XII đã cứu nhiều người Do Thái, Kertz cho rằng các sinh mạng mà Vatican đã nỗ lực cứu vớt nhiều nhất chỉ là những người Do Thái đã trở lại Công Giáo hoặc là con cái của các cuộc “hôn nhân hỗn hợp” giữa người Công Giáo và người Do Thái. Cho nên tranh đấu cho “con chiên” của ngài thì có, chứ không hề là nhà quán quân nhân quyền cho người Do Thái nói chung.

Điều trên đúng là điển hình của một lối suy luận lấy được để bênh vực xác tín ý thức hệ. Theo Cha Robert A. Graham, Dòng Tên, một trong 4 học giả Dòng này, từ năm 1965 tới 1981, thu thập và hiệu đính bộ Actes et Documents du Saint Siège relatifs à la Seconde Guerre mondiale [Các Hành động và Tài liệu của Tòa Thánh liên quan tới Thế Chiến Hai] gồm 11 cuốn, lấy từ Văn Khố lúc đó còn gọi là Mật của Vatican, thì con số người Do Thái được Đức Piô XII cứu là 860,000 người (https://www.jewishvirtuallibrary.org/860-000-lives-saved-the-truth-about-pius-xii-and-the-jews). Con số này được chính các tổ chức và cá nhân Do Thái chứng thực. Thực vậy, trong cuốn sách năm 1967 của ông, tựa là Three Popes and the Jews, nhà ngoại giao Do Thái Pinchas Lapide (lãnh sự Do Thái ở Milan và từng phỏng vấn các người sống sót Nạn Diệt Chủng ở Ý) tuyên bố rằng Đức Piô XII “là phương thế trong việc cứu sống ít nhất 700,000, nhưng có thể là 860,000 người Do Thái khỏi cái chết trong tay Quốc Xã” (https://www.catholiceducation.org/en/controversy/persecution/pius-xii-and-the-jews.html).

Số người Do Thái trở lại Công Giáo hay có liên hệ với người Công Giáo không thể là gần một triệu người như thế được. Từ điển mở Wikipedia cho hay theo David Moss, hiện là chủ tịch hiệp hội những người Công Giáo Do Thái (Hebrew Catholics), thì con số thành viên của họ vào năm 2000 chỉ là vào khoảng 10,000 người, đông nhất là ở Mỹ và Israel. Họ cũng rải rác ở Gia Nã Đại, Pháp, Ý, Úc, Tây Ban Nha, Anh, Á Căn Đình, Ba Tây, Mễ Tây Cơ, Venezuela, Colombia, Bỉ, Tân Tây Lan và Đức. Do đó, có thể nói đại đa số người được cứu sống là người Do Thái không dính dáng gì tới Công Giáo. Vả lại, xét cho cùng, người Do Thái trở lại Công Giáo cũng vẫn còn là người Do Thái. Điều này rất phù hợp với não trạng của những người tạm gọi là Sionists, mà Kertz có thể là một thành viên, khi họ lên tiếng phản đối việc phong thánh cho Edith Steine. Không nói đâu xa, chính thân nhân của Edith Steine cũng vẫn chủ trương bà bị Quốc Xã thảm sát vì là người Do Thái chứ không phải là người Công Giáo nên Giáo Hội Công Giáo không thể phong thánh cho bà được, mặc dù Đức Gioan Phaolô II đã gọi bà là người con gái Sion và là người con của Giáo Hội Công Giáo. Cứu người Do Thái trở lại đạo Công Giáo, vì thế, vẫn là cứu người Do Thái.

Nói đến đây, tưởng cũng nên phản bác một luận điểm nữa của Kertz. Trong một cuộc phỏng vấn của trang mạng Forward (https://forward.com/culture/504773/pope-pius-xii-the-pope-at-war-david-kertzer-mussolini-hitler-vatican-archive/) ngày phát hành cuốn The Pope at War: The Secret History of Pius XII, Mussolini and Hitler, Kertz cho rằng Giáo Hội Công Giáo đã can dự vào việc Quốc Xã chọn ai được sống và ai phải chết. Nếu thế thì tại sao Giáo Hội lại để cho Nữ Đan Sĩ Edith Steine của mình bị Quốc Xã thảm sát? Phải nói là Giáo Hội cố gắng hết sức để cứu được càng nhiều người Do Thái càng hay. Lẽ dĩ nhiên, những người Do Thái trở lại Công Giáo “biết đường” để kêu cứu rõ ràng hơn các người Do Thái khác. Và Giáo Hội cũng có “thế” mạnh hơn khi can thiệp với bọn Đức khát máu Quốc Xã cho các “con chiên” của mình là những người lẽ tự nhiên mình có quyền can thiệp, yêu cầu. Nhưng lời yêu cầu ấy có phải lúc nào bọn khát máu cũng chấp thuận đâu, như trường hợp Edith Steine và người em gái của bà.

Im lặng, không phản đối tội ác?

Về luận điệu ý thức hệ chống Đức Piô XII của Kertz, dựa vào văn khố Vatican mới mở gần đây, bạn đọc có thể đọc hai bài nhận định của giáo sư Napolitano: Misinterpreting Pius XII: an Essay by D.I. Kertzer đăng trên L’Osservatore Romano của Tòa Thánh ngày 4 tháng 9 năm 2020 (http://www.vaticanfiles.net/misinterpreting-pius-xii-an-essay-by-di-kertzer.html); và bài Pius XII, the New Vatican Archives, and the “hypologists” đăng trên Catholic World report (https://www.catholicworldreport.com/2021/01/08/pius-xii-the-new-vatican-archives-and-the-hypologists/).

Ở đây, chúng tôi xin trở lại với cuộc thương thảo mật giữa Đức Piô XII và đặc phái viên của Hitler. Kertz đã dựa vào cuộc thương thảo này để giải thích và kết luận là Đức Piô XII không hề lên tiếng bênh vực người Do Thái.

Trước nhất, với một triều đại Giáo Hoàng kéo dài gần 20 năm, mà chỉ dựa vào một biến cố duy nhất để lên án nặng nề Đức Piô XII đủ chứng minh đây là một kết án thiên lệch, vội vã, không công bằng.

Kertz phạm sai lầm lớn ở chỗ không hiểu mục tiêu cuộc thương thuyết mật này là gì. Thường thường bất cứ cuộc thương thuyết mật nào cũng chỉ có mục tiêu giới hạn và nếu là một cuộc thương thuyết mật giữa hai bên, thì người ta chỉ bàn tới những vấn đề liên hệ trực tiếp đến hai bên, không bàn đến những vấn đề không trực tiếp liên hệ đến hai bên.

Hitler khi muốn bắt tay với Đức Piô, rất có thể hắn có nhiều mục tiêu, nhưng mục tiêu chính thức của hắn lần này là tiến tới một thỏa hiệp với Tòa Thánh, hay nói cách khác là một tông hiệp (concordat) thay thế tông hiệp hắn đã ký trước đây với tòa thánh năm 1933. Đức Piô XII, khi đồng ý họp mật, cũng hiểu như thế. Nhưng ngài đòi điều kiện tiên quyết là Đệ Tam Reich phải chấm dứt chính sách đàn áp người Công Giáo Đức nhất là hàng giám mục và giáo sĩ. Điều kiện tiên quyết này đã không được phía Hitler chính thức chấp nhận, nên kết quả của các cuộc tiếp xúc mật không thành. Lịch sử chỉ có thế, không thể căn cứ vào đó mà chỉ trích Đức Piô XII giữ im lặng trước cuộc bách hại người Do Thái của Quốc xã, không hề phản đối chính sách tàn ác của bọn này.

Thành thử trong biến cố chuyên biệt này, không thể lên án Đức Piô XII là im lặng được. Còn nói suốt trong triều Giáo Hoàng của ngài, ngài vẫn giữ im lặng, mặc tình để Hitler tự tung tự tác sát hại người Do Thái thì là chuyện khác. Về khía cạnh này, suốt từ thập niên 1960 đến nay, cuộc tranh luận vẫn chưa ngả ngũ. Tuy nhiên, ai cũng phải nhận rằng không lớn tiếng chỉ đích danh tội phạm và im lặng trước kẻ phạm tội không hẳn là một vấn đề. Lấy một thí dụ gần đây: Đức Phanxicô rõ ràng không chỉ đích danh Nga nói chung và Putin nói riêng là kẻ xâm lăng, nhưng rõ ràng ngài chống cuộc xâm lăng Ukraine của Nga và Putin.

Về Đức Piô XII, nhiều biến cố lịch sử chứng minh ngài chống chính sách phân biệt chủng tộc của Quốc Xã. Từ điển mở Wikipedia tường trình nhiều biến cố như thế. Chỉ xin nhắc lại ở đây một số tiêu biểu: lúc còn làm Quốc vụ khanh Tòa Thánh, ngài giúp soạn thảo thông điệp Mit brennender Sorge năm 1937 chống Quốc Xã. Năm 1939, trong thông điệp đầu tiên của ngài, Summi Pontificatus, Đức Piô XII tỏ bày nỗi thất vọng trước cuộc xâm lăng Ba Lan cùng năm của Quốc xã; nhắc lại giáo huấn Công Giáo chống kỳ thị chủng tộc và bài Do Thái; và ủng hộ cuộc kháng chiến chống những kẻ đối lập với các nguyên tắc đạo đức của “mạc khải trên Núi Sinai” và “Bài giảng trên Núi”. Lễ Giáng sinh năm 1942, một khi việc thảm sát người Do Thái trở nên rõ ràng, ngài tỏ ý quan ngại trước việc sát hại hàng “trăm ngàn” các người “không có lỗi” chỉ vì “quốc tịch hay chủng tộc” của họ. Ngài còn can thiệp nhằm ngăn cản các vụ Quốc Xã trục xuất người Do Thái ở nhiều quốc gia trong các năm 1942 tới 1944.

Cả tờ US. News & World Report ngày 14 tháng 11 năm 2008, trong bài Catholic-Jewish Controversy Slows Path to Sainthood for Pope Pius XII cũng cho hay: “có một số bằng chứng cho thấy cá nhân Đức Piô đã bị Đức quốc xã ghê tởm. Khi làm sứ thần tại Đức năm 1923, Đức Hồng Y Pacelli đã viết thư tố cáo nỗ lực nắm chính quyền thất bại của Hitler. Với tư cách là ngoại trưởng của Vatican trong những năm 1930, ngài đã phản đối luật chống chủng tộc Do Thái của Hitler. Và vào năm 1935, Pacelli đã có một bài phát biểu trong đó ngài nói rằng Đức Quốc xã đã ‘bị ám bởi sự mê tín về chủng tộc và sùng bái máu’.

Sau khi trở thành giáo hoàng... Các tài liệu mới được phát hiện trong văn khố của chính phủ Anh cho thấy đức Piô XII thậm chí có thể đã tích cực trong các âm mưu lật đổ Hitler. Nhật ký của Adolf Eichmann, sĩ quan SS được nhiều người coi là kiến trúc sư của Nạn Diệt Chủng, chứng minh rằng nhiều người trong SS nghĩ rằng Vatican đang cố gắng cản trở nỗ lực trục xuất của Đức Quốc xã”.

Như thế đủ chứng tỏ Đức Piô XII có lên tiếng chống lại Hitler và chủ nghĩa Quốc Xã, dù không nêu đích danh họ.

Tại sao ngài không nêu đích danh? Tờ US. News & World Report nói trên cho biết: “Một số người tị nạn Do Thái tin rằng phản ứng kín đáo của Đức Giáo Hoàng đối với Nạn Diệt Chủng có ích tốt nhất cho họ. Một cặp vợ chồng Do Thái trốn đến Tây Ban Nha nhờ sự giúp đỡ của Đức Piô viết, ‘Không ai trong chúng tôi muốn Đức Giáo Hoàng có lập trường công khai. Tất cả chúng tôi đều là những kẻ trốn chạy, và những kẻ trốn chạy không muốn bị chĩa mũi dùi. Nếu Đức Giáo Hoàng phản đối, Rome sẽ trở thành trung tâm chú ý. Tốt hơn là Đức Giáo Hoàng không nói gì’.

Tờ báo trên cũng cho rằng “Các nhà sử học thừa nhận rằng vị giáo hoàng có lý do để cảnh giác khi đối đầu trực tiếp. Bị mắc kẹt giữa mối đe dọa kép của chủ nghĩa cộng sản Liên Xô và chủ nghĩa phát xít Đức, với hàng triệu tín đồ của Giáo Hội ngài sống ở các nước bị chiếm đóng, nhà lãnh đạo Công Giáo không có nhiều lựa chọn tốt...

“Đức Piô đã thực hiện một số nỗ lực để âm thầm cứu các nạn nhân của Diệt Chủng. Thư từ trên giấy tiêu đề của Vatican năm 1940 chỉ ra rằng Đức Piô đã yêu cầu các thành viên của hàng giáo phẩm làm bất cứ điều gì có thể để giúp đỡ những người Do Thái bị truy nã. Ngài đã sử dụng các nguồn lực của Giáo Hội để bảo vệ khoảng 4,000 người Do Thái sống ở Rome trong thời kỳ Quốc xã chiếm đóng”.

Cha Peter Gumpel, thỉnh nguyện viên án phong thánh cho Đức Piô XII, người tự hào không một tờ giấy nào liên quan tới Đức Piô XII trong Văn Khố Mật của Vatican mà ngài chưa xem qua, trong cuộc phỏng vấn ngày 30 tháng 6 năm 2014 của Hãng tin Zenit, đã cho hay: “căn cứ vào kinh nghiệm bản thân, cha phải nói rằng: năm 1942, cha đang ở Hòa Lan, bị Đức phát vãng vì lý do chính trị. Trong thánh lễ ngày 26 tháng 7 năm đó, cha được nghe thư mục vụ của vị tổng giám mục duy nhất của Hòa Lan lúc đó là Đức Cha De Jong. Thư này cực lực lên án sự chiếm đóng Hòa Lan của Đức. Cha có hai phản ứng tức khắc: thoạt đầu, cha bái phục sự can đảm của vị giáo phẩm này, nhưng liền sau đó sợ người Đức sẽ trả đũa nghiêm khắc. Đúng thế, chỉ vài ngày sau, tức vào ngày 2 tháng 8, người Đức tăng nhanh việc phát vãng người Do Thái tại Hòa Lan, gồm cả những người Do Thái trở lại Kitô Giáo, trong đó có người con gái nổi danh của Sion, nữ thánh Edith Stein và người em gái của bà. Cha kết luận rằng một phản đối tương tự (của Đức Piô XII) cũng sẽ không cứu được mạng sống người Do Thái, ngược lại chỉ có hiệu quả tai hại hơn. Đức Piô XII biết như thế nên đã quyết định hành động cách khôn ngoan”.

Như đã nói trên đây, Linh mục Robert Graham, S.J, một trong 4 linh mục dòng Tên thu thập và hiệu đính bộ tài liệu gồm 11 cuốn từ các tài liệu của Văn khố Mật từ năm 1965 tới năm 1981 tựa là Actes et Documents de la Sainte Siège relatifs à la Seconde Guèrre Mondiale, trong bài The Vatican & the Holocaust: 860,000 Lives Saved - The Truth About Pius XII & the Jews được trang mạng Jewish Virtual Library (https://www.jewishvirtuallibrary.org/860-000-lives-saved-the-truth-about-pius-xii-and-the-jews) đăng tải, cũng cho như thế khi thuật lại lời phát biểu của Đức Cha Jean Bernard, một tù nhân của Quốc Xã tại Dachau từ 1941-1942, sau làm Giám Mục Luxembourg: “Các linh mục bị giam giữ run rẩy mỗi lần tin tức tới tai chúng tôi về một phản đối nào đó của các giới chức tôn giáo, đặc biệt là Vatican. Tất cả chúng tôi đều có ấn tượng các viên cai tù sẽ làm chúng tôi phải đền tội nặng nề vì những giận dữ do các lời phản đối này tạo nên... Bất cứ khi nào lối đối xử với chúng tôi trở nên tàn ác hơn, các mục sư Thệ phản trong số các tù nhân thường đổ giận lên các linh mục Công Giáo: ‘Rồi, ông Giáo Hoàng ngây thơ của các ông và những ông cả quỷnh giám mục của các ông lại thối miệng...tại sao họ không có ý niệm gì cả để mà câm miệng lại. Họ chơi trò anh hùng để chúng tôi trả giá”.

Cha cũng cho hay Albrecht von Kessel, một viên chức tại tòa đại sứ Đức bên cạnh Tòa Thánh thời Thế chiến II, năm 1963 đã viết rằng “Chúng tôi tin chắc một phản đối nẩy lửa của Đức Piô XII chống lại việc bách hại người Do Thái... chắc chắn sẽ không cứu được dù là một người Do Thái. Hitler, giống con thú bị bẫy, sẽ phản ứng lại bất cứ thứ đe dọa nào ông ta cảm thấy chống lại ông ta, bằng bạo lực tàn nhẫn”. Thành thử, Đức Piô XII quyết định thay thế phương thức chống đối của vị tiền nhiệm và đi theo phương thức ngoại giao, vốn là phương thức ngài được huấn luyện khi bước vào ngành ngoại giao của Tòa Thánh.

Đó là nhận định của Frank J. Coppa trên Encyclopedia Britanica. Tác giả này cho rằng: “Được đào tạo như một nhà ngoại giao, Đức Piô XII tuân theo đường lối thận trọng do Đức Lêô XIII và Bênêđíctô XV mở đầu chứ không phải là đường lối đối đầu hơn do Đức Piô IX, Đức Piô X và Đức Piô XI chủ trương. Với hy vọng phục vụ như một ‘Giáo hoàng Hòa bình’, Đức Piô XII đã cố gắng không thành công trong việc ngăn cản các chính phủ châu Âu tham gia vào chiến tranh. Là một phần trong chính sách duy trì tính vô tư của Tòa thánh và đóng vai trò trung gian giữa các quốc gia, Đức Piô không muốn đối kháng phát xít Ý và Đức Quốc xã bằng cách ban hành một thông điệp có thể sẽ kích động họ, một quyết định hiện được các sử gia không có thiện cảm với ngài trích dẫn như một dấu hiệu của sự dửng dưng của ngài trước cái ác. Ngược lại, những người bảo vệ ngài thì cho rằng Đức Piô XII đã tìm cách tránh bị trả thù và gây tổn hại lớn hơn”.

Tuy nhiên, không vì thế ngài không, một cách gián tiếp, lên tiếng chống chủ nghĩa Quốc Xã Đức và ngấm ngầm giúp trào lưu nhằm lật đổ chế độ đồ tể Hitler, như trên đã nói một phần. Coppa cũng đồng ý như thế: bất chấp chính sách vô tư vừa nói, “nó đã không ngăn cản Đức Piô XII thông báo cho chính phủ Anh sớm vào năm 1940 rằng một số tướng lĩnh Đức đã chuẩn bị lật đổ chính phủ Đức Quốc xã nếu họ có thể được đảm bảo về một nền hòa bình danh dự, và nó cũng không ngăn cản việc ngài cảnh báo cho Đồng minh về cuộc xâm lược của Đức vào Hòa Lan tháng 5 năm 1940. Nó cũng không ngăn cản việc ngài cố gắng một cách vô hiệu ngăn cản Benito Mussolini tham chiến (phát xít Ý gia nhập phe Trục vào ngày 10 tháng 6 năm 1940)”.

Coppa cũng cho rằng không ngăn cản được chiến tranh, Đức Piô XII là vị Giáo Hoàng đầu tiên đã dùng Đài Phát Thanh truyền đi các thông điệp Giáng sinh, trong đó, nhắc lại các chủ đề của Đức Benêđíctô XV thời Thế chiến I: trật tự thế giới mới thay thế cho chủ nghĩa dân tộc vị kỷ đã gây ra xung đột. Trong thông điệp Giáng sinh năm 1942, Đức Piô đã tiến gần đến việc bày tỏ sự thiện cảm của mình đối với những người “không có lỗi… đôi khi chỉ vì chủng tộc hoặc quốc tịch, đã bị gán cho cái chết hoặc sa sút từ từ”. Ngài quyết định không nói thêm, vì sợ rằng những lời tố cáo công khai của giáo hoàng có thể kích động chế độ Hitler tàn bạo hơn nữa đối với những người chịu sự khủng bố của Đức Quốc xã — như trường hợp các giám mục Hòa Lan công khai phản đối hồi đầu năm — đồng thời gây nguy hiểm cho tương lai của Giáo Hội.

Theo Coppa, trong việc cụ thể giúp các người Do Thái lâm nạn, ngài còn thiết lập Sở Thông tin Vatican để cung cấp sự giúp đỡ và thông tin về hàng ngàn người tị nạn chiến tranh và chỉ thị Giáo Hội cung cấp trợ giúp kín đáo cho người Do Thái, một việc đã cứu được hàng ngàn sinh mạng.

Cha Graham thì cho rằng chính sách của Đức Piô XII là lưu ý tới các điều kiện địa phương. Nó được hàng giáo phẩm địa phương phối trí. Vì chính sách của Quốc Xã đối với người Do Thái thay đổi từ nước này qua nước nọ. Do đó, dù các biện pháp chống Do Thái bị phản ứng mạnh ở Pháp bằng các cuộc phản đối công khai do Đức Tổng Giám Mục Saliège của Toulouse, cùng với Đức Tổng Giám Mục Gerlier của Lyons và Đức Cha Thias của Mantauban lãnh đạo, việc phản đối của các ngài đã được sự hỗ trợ của một chiến dịch cứu cấp và trú ẩn rất hữu hiệu, hơn 200,000 sinh mạng đã được cứu. Ở Hòa Lan, kết quả “khác một cách thê thảm”. Nhà sử học Do Thái Pinchas Lapide tóm tắt như sau:

"Kết luận buồn thảm nhất và gây nhiều suy tư nhất là trong khi hàng giáo sĩ Hòa Lan phản đối to tiếng hơn, minh nhiên hơn và thường xuyên hơn chống lại việc bách hại người Do Thái hơn hàng giáo phẩm của bất cứ nước nào do Quốc Xã chiếm đóng, thì nhiều người Do Thái hơn, khoảng 107,000 người tức 79% tổng số, bị trục xuất khỏi Hòa Lan; hơn bất cứ nơi nào ở Tây Phương”.

Còn Rome thì sao? Cha Graham cho hay, năm 1943, đại sứ Đức cạnh Tòa Thánh, Von Weizsaecker, gửi một điện tín về Bá Linh với nội dung: “Mặc dù bị áp lực từ mọi phía, Đức Giáo Hoàng vẫn không để ngài bị lôi kéo vào bất cứ chỉ trích nào đối với việc trục xuất người Do Thái khỏi Rome... Vì có thể không có lý do gì chờ mong các hành động khác của Đức chống lại người Do Thái ở Rome, chúng tôi có thể coi một vấn đề gây sáo trộn như thế đối các liên hệ Đức-Vatican đã bị loại bỏ”

Điện tín của Von Weizsaecker, trên thực tế, là một lời cảnh cáo đừng tiến hành việc trục xuất người Do Thái Rôma đã được dự trù. Hành động này, theo Cha Graham, đã được hỗ trợ bởi chính lời cảnh cáo của Đức Piô XII gửi Hitler: nếu việc săn đuổi và giam giữ người Do Thái ở Rome không dừng lại, ngài sẽ phản đối công khai. Nhờ hai can thiệp này, cuộc lùng bắt người Do Thái ở Rome đã ngưng lại, 7 ngàn người đã được cứu sống.

Ở Hung Gia Lợi, ít nhất 80,000 người đã được cứu. Ở Bảo Gai Lợi, nơi Sứ thần Roncalli, Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII tương lai, phục vụ, con số cũng tương tự.

Theo cha Graham, David Herstig đã kết luận cuốn sách của ông về chủ đề này như sau: “Ngày nay, những người được Đức Piô XII cứu đang sống rải rác khắp thế giới. Số từ Lỗ Ma Ni trở về Israel mà thôi đã là 360,000 người tính đến năm 1965”.

Ngày nay, theo cha Graham, ước lượng Đức Piô XII đã giám sát một hệ thống cứu sống 860,000 người Do Thái, hơn bất cứ cơ quan quốc tế nào cộng lại. Con số này đã được chính các nhà văn và văn khố Do Thái thừa nhận.

Trong cuộc phỏng vấn của tờ Forward đã nhắc trên đây, Kertz cho biết vụ 1,200 người Do Thái Rome bị vây bắt và giam giữ gần cung điện của Đức Piô XII và sau đó chuyển tới Auschwitz để bị giết là điều ám ảnh ông và khiến ông tìm hiểu ngọn ngành. Thực tại người Do Thái ở Rome thời Thế chiến II không ai nắm vững bằng Trưởng Giáo Sĩ Do Thái Israel Zolli. Thế mà sau Thế chiến II, ông ta đã trở lại Đạo Công Giáo và lấy tên thánh của Đức Piô XII làm tên thánh của mình, Eugenio. Không biết Kertz có lưu ý tìm hiểu việc này, việc cả thế giới đều biết?

Đức Piô X biết rõ chủ trương của ngài có thể bị phê phán, nhưng lương tâm buộc ngài phải hành động như thế. Kertz thì cho là ngài nhút nhát.

Trong bài Pius XII knew he would be misunderstood, theologian says, Elise Harris, cho hay vị linh mục 90 tuổi, Peter Gumpel, đã nhắc trên đây, cho biết ngay trong thời Quốc Xã bách hại người Do Thái, Đức Piô XII đã biết nhiều người không cùng lập trường với ngài: âm thầm cứu sống người Do Thái, không lớn tiếng chỉ trích đích danh chế độ đồ tể Quốc Xã để không kích thích việc gia tăng đàn áp của Quốc Xã. Chính ngài cho hay: “Ta biết điều ta đang làm sẽ không làm vừa lòng mọi người, nhưng ta vẫn sẽ làm nó vì trong lương tâm ta cảm thấy bổn phận ta phải làm như thế”.

Nhân dịp này, Cha nhắc đến những tài liệu nói về việc hàng giáo phẩm Ba Lan nài nỉ “đừng lớn tiếng, nó chẳng giúp được gì, chỉ làm sự việc tồi tệ hơn”. Ở Đức cũng thế, cũng một lời năn nỉ: “Vì Trời, đừng nói gì cả vì chỉ làm cho tình thế, cho việc bách hại tệ hơn thôi”.

Dựa vào một luật sư Do thái tên Kempner, cha cho rằng “những người không có trách nhiệm cai quản nào, chưa bao giờ đương đầu với một tình huống như thế, không thể hiểu được lập trường này”. Luật sư này nói rằng: “điều duy nhất phải làm là giúp người ta trong bí mật bao nhiêu có thể”.

Về các tranh cãi quanh vấn đề này xin xem thêm loạt bài chúng tôi từng phổ biến năm 2008 và năm 2009 trên Vietcatholic: Gia tô Bí lục Tân thời, Vatican và Vấn đề Tài liệu, Vatican và Vấn đề Diệt Chủng
 
Số lượng những người thờ ơ tôn giáo tăng rất mạnh ở Á Căn Đình
Đặng Tự Do
05:39 11/06/2022


Đất nước quê hương của Đức Thánh Cha Phanxicô đang thế tục hóa với tốc độ nhanh chóng, cũng như các quốc gia Mỹ Latinh khác. Các vụ bê bối liên tục đã làm tổn hại sâu sắc hình ảnh của Giáo Hội Công Giáo ở Á Căn Đình, nơi chỉ còn 31% người Công Giáo thực hành đạo.

Từ 90% là người Công Giáo vào năm 1960, đất nước hiện có từ 52% đến 65% dân số theo Công Giáo, theo các cuộc khảo sát khác nhau. Cố nhiên, các cuộc khảo sát này có những sai sót trong phương pháp nghiên cứu, và có thể nhằm đưa ra các giải thích mang mầu sắc ý thức hệ.

Khoảng 20% dân số nói rằng họ không có tôn giáo và những người theo đạo Tin Lành đại diện cho khoảng 12% người Á Căn Đình, một con số vẫn thấp hơn so với nước láng giềng Brazil.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô vẫn giữ được một sự ưa chuộng nhất định, nhưng đã có sự sụt giảm, từ 62% năm 2017 xuống chỉ còn 52% ngày nay.

Và, cũng như ở nhiều nơi trên thế giới, thiền định phương Đông và các thực hành tâm linh cá nhân đang thu hút ngày càng nhiều người, trong khi có một sự thờ ơ với các giáo lý và ràng buộc tôn giáo.

Trong một diễn biến liên quan đến Giáo Hội tại Á Căn Đình, kết quả của cuộc điều tra liên quan đến một biến cố được cho là phép lạ thánh thể có thể sẽ được công bố vào ngày 16 tháng 6 tới đây, lễ Mình Máu Thánh Chúa hay còn gọi là Corpus Christi.

Các giáo dân tại Giáo xứ St. Vincent de Paul ở Hurlingham, Buenos Aires, Á Căn Đình cho rằng sau Thánh lễ ngày 30/8 năm ngoái một cục máu đông hình thành trên một bánh thánh.

Giáo xứ cho biết hai người đàn ông đang dọn dẹp nhà thờ cho biết đã thấy các bánh thánh rơi trên sàn nhà. Vị linh mục đã hướng dẫn họ đặt các bánh này vào một chiếc ly và để chúng tan ra. Những người đàn ông báo cáo rằng nước đã chuyển sang màu máu và các cục máu đông hình thành trên các bánh thánh.

Nội dung bản tin của giáo xứ như sau: “ Phép lạ này xảy ra tại giáo xứ St. Vincent de Paul vào ngày 30 tháng 8. Một số bánh thánh rơi xuống sàn, và hai người đàn ông phụ trách dọn dẹp giáo xứ đã thông báo cho linh mục. Ngài ra lệnh đặt những bánh này vào một cái ly, đổ nước vào cho đến khi các bánh thánh tan ra hết”.

“ Ngày hôm sau, 31 tháng 8, họ lại dọn dẹp giáo xứ. Họ tìm một kính lúp để quan sát cho rõ và không thể tin vào những gì mắt mình nhìn thấy.

Nước có màu máu, và vào lúc 3 giờ chiều, nó trở nên đặc hơn hình thành một cục máu đông. Vào lúc 6 giờ chiều, phép lạ đã hoàn tất.”

“Vị linh mục đã giao phép lạ cho Đức Giám Mục giáo phận Morón”.

Giáo phận Morón ở Buenos Aires sau đó đã ra thông báo làm rõ vụ việc. Cha Martín Bernal, phát ngôn viên giáo phận cho biết cha xứ đã không truyền phép các bánh thánh và vụ việc có lẽ “không phải là một phép lạ Thánh Thể”.

Tuy nhiên, Giám mục Morón Jorge Vázquez cho biết “để mọi người yên tâm”, ngài bắt đầu “một cuộc điều tra và phân tích những bánh thánh nói trên”.

Đây là toàn bộ thông cáo báo chí của Giáo phận Morón

“Đối diện với các tuyên bố khác nhau về một phép lạ Thánh Thể được cho là đã xảy ra vào ngày 31 tháng 8 năm nay, Đức Cha Jorge Vázquuz, Giám mục của Morón, khẳng định qua lời chứng của linh mục đã cử hành Thánh lễ ngày hôm đó rằng điều này không phải là một phép lạ Thánh Thể, vì các bánh thánh mà các bản ghi âm và các bản văn đề cập đến chưa hề được thánh hiến bởi bất kỳ linh mục nào, nhưng đã bị làm rớt trước khi được thánh hiến.

Các bánh thánh này được giữ trong một túi nhựa, và sau đó được cho vào nước để làm tan ra, như quy định thường lệ trong những trường hợp như thế này.

Tuy nhiên, để mọi người yên tâm, Đức Cha đã bắt đầu một cuộc điều tra thích ứng và việc phân tích các bánh thánh nói trên sẽ được thực hiện trong phòng thí nghiệm.”
Source:tn.com.ar
 
Báo cáo của Hoa Kỳ: Vi phạm tự do tôn giáo vẫn tiếp diễn trên khắp thế giới
Đặng Tự Do
05:40 11/06/2022


Các chính phủ và xã hội trên khắp thế giới tiếp tục vi phạm tự do tôn giáo, nhưng một số quốc gia đã đạt được tiến bộ trong năm ngoái, các quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết khi công bố báo cáo thường niên.

Ngoại trưởng Antony Blinken và đại sứ Rashad Hussain đã đưa ra những đánh giá của họ về thực trạng toàn cầu của quyền được tin và thực hành đức tin khi trình bày Báo cáo năm 2021 của Bộ Ngoại giao về Tự do Tôn giáo Quốc tế. Báo cáo, được yêu cầu hàng năm theo luật năm 1998, đã đánh giá điều kiện của tự do tôn giáo ở gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Ngoại trưởng Blinken nói: “Ở nhiều nơi trên thế giới, các chính phủ không tôn trọng các quyền cơ bản của công dân, đồng thời cho biết thêm rằng tất cả các xã hội” phải làm nhiều hơn nữa để chống lại các hình thức thù hận đang gia tăng, bao gồm chủ nghĩa bài Do Thái và chống Hồi giáo”.

Ông Blinken nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo rằng Afghanistan, Miến Điện, Trung Quốc, Eritrea, Pakistan và Ả Rập Xê Út là những ví dụ về các quốc gia bị vi phạm quyền tự do tôn giáo. Ngoài ra, quyền của các nhóm thiểu số tôn giáo “đang bị đe dọa” ở các nước như Ấn Độ, Nigeria và Việt Nam.

Tuy nhiên, Iraq, Morocco, Đài Loan và Timor-Leste là một trong những quốc gia đạt được “tiến bộ đáng chú ý”.

Hussain, người đã được Thượng viện xác nhận vào tháng 12 năm 2021 với tư cách là đại sứ đặc mệnh toàn quyền về tự do tôn giáo quốc tế, cho biết, “Từ Nhân chứng Giêhôva ở Nga; Người Do Thái ở Âu Châu; Baha'is ở Iran; Kitô hữu ở Bắc Triều Tiên, Nigeria và Ả Rập Xê Út; Người Hồi giáo ở Miến Điện và Trung Quốc; Người Công Giáo ở Nicaragua; và những người theo chủ nghĩa vô thần và nhân văn trên khắp thế giới, không có cộng đồng nào được miễn nhiễm với những hành vi lạm dụng này”.

Chuyên gia chính sách công cộng của Southern Baptist Chelsea Sobolik nói với Baptist Press sau khi báo cáo được công bố: “Khi hàng triệu người phải đối mặt với sự đàn áp dưới tay chính phủ của họ và hàng triệu người khác bị cưỡng bức phải di dời, vai trò của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày càng quan trọng để bảo đảm rằng tôn giáo quốc tế tự do là ưu tiên hàng đầu của chính sách đối ngoại.

Sobolik, giám đốc chính sách công của Ủy ban Tự do Đạo đức & Tôn giáo, cho biết: “Chúng ta phải luôn vận động để các chính phủ ngừng ngược đãi công dân của họ và làm việc để thúc đẩy việc bảo vệ cuộc sống và lương tâm trên toàn thế giới.

Hussain nói với các phóng viên các chủ đề chính trong báo cáo năm nay là:

“Có quá nhiều chính phủ sử dụng luật và chính sách phân biệt đối xử và lạm dụng chính người dân của họ.

“Sự không khoan dung và lòng thù hận đang gia tăng trong xã hội đang thúc đẩy bạo lực và xung đột trên khắp thế giới.”

“Sự hợp tác mạnh mẽ giữa xã hội dân sự, chính phủ và các đối tác đa phương đã dẫn đến một số tiến bộ và mang lại hy vọng trong việc giải quyết những thách thức phức tạp này”.

Hussain cho biết, xã hội dân sự, bao gồm các nhà lãnh đạo và tổ chức tôn giáo, là điều cần thiết cho công việc: “Hy vọng lớn nhất của chúng tôi là chúng ta có thể cùng nhau đoàn kết nỗ lực để bảo đảm tôn trọng tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng cho tất cả mọi người trên toàn cầu.”
Source:kentuckytoday.com
 
ĐTGM Sviatoslav Shevchuk: Hơn 100 ngày biểu lộ sự hiện diện tuyệt vời của Chúa giữa chúng ta
Đặng Tự Do
05:42 11/06/2022


Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương đã có một video trình bày các nhận định của ngài sau 100 ngày chiến tranh kinh hoàng tại Ukraine.

Đức Tổng Giám Mục nói rằng chúng ta tin rằng Chúa là Đấng duy nhất mà chúng ta có thể và nên đặt hy vọng vào. Và hôm nay, vào ngày thứ một trăm của cuộc chiến này, chúng ta bắt đầu ngày đầu tiên của Thập kỷ Truyền giáo, đó là mười ngày chờ đợi sự xuất hiện của Chúa Thánh Thần. Trong những ngày này, Giáo hội của chúng ta cầu nguyện cho tinh thần truyền giáo, cầu nguyện để có thể chia sẻ đức tin của mình với những người chưa phải là Kitô hữu ngày nay và chưa gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô.

Đức Tổng Giám Mục đã đề cập đến một đoạn trong bài Tin Mừng hôm nay kể về cuộc trò chuyện giữa Chúa Kitô và các môn đệ của Người trong Bữa Tiệc Ly.

“Và sau đó Philíp thưa với Chúa Giêsu, ‘Lạy Chúa, xin chỉ cho chúng tôi biết Chúa Cha và điều đó là đủ cho chúng con’.” Vị Tông đồ này bày tỏ ước muốn sâu xa nhất của mỗi người – đó là được biết Đấng Tạo Hóa của họ, được biết Đấng Cứu Rỗi của họ. Đây là mong muốn sâu sắc nhất của mỗi người mà họ phải hiện thực hóa trong cuộc đời mình.”

Đức Tổng Giám Mục cũng giải thích rằng khi chúng ta nói về việc tìm kiếm sự thật, thấu hiểu những gì xảy ra với một người, ngay cả trong một cuộc chiến tàn khốc, chúng ta đang hướng về Chúa Kitô. Hơn nữa, khi chúng ta tìm kiếm sự sống sung mãn, chúng ta muốn sống, ngay cả trong thời kỳ quân sự xâm lược đang gieo rắc chết chóc, chúng ta đang rao giảng về Chúa Kitô.

“Khi chúng ta đang cùng nhau đi trên con đường của Thập kỷ Truyền giáo này, tôi xin các bạn cầu nguyện cho tất cả các linh mục, tu sĩ, nữ tu và giáo dân của chúng ta, những người rao giảng về Chúa Kitô cho những người chưa biết Ngài, và cầu nguyện cho những người thực hiện công việc truyền giáo này của Giáo hội của chúng ta. Tôi xin anh chị em một lời cầu nguyện đặc biệt cho những người lính của chúng ta. Họ là những nhân chứng đặc biệt về sự hiện diện của Thiên Chúa cho chúng ta ngày nay, vì không có người vô thần nào trên chiến tuyến. Ngay cả những người không tin Chúa cũng cảm thấy rằng có ai đó đang ở ranh giới giữa sự sống và cái chết, và các Kitô hữu biết Ngài là ai và hướng về Thiên Chúa hằng sống hiện diện trong chúng ta trong Con Ngài là Chúa Giêsu Kitô.”

“Hôm nay chúng ta cầu nguyện cho tất cả những người chưa biết con đường thật, những người vẫn đang tìm kiếm Chúa. Lạy Chúa, xin giúp chúng con chu toàn ơn gọi truyền giáo. Lạy Chúa, xin chúc lành cho Ukraine. Lạy Thiên Chúa, xin ban cho con cái Ngài niềm vui khi gặp Ngài. Lạy Chúa, Chúa là Chân lý của chúng con, Ngài là cuộc sống của chúng con, xin cho chúng con sống trong Ngài, biết Ngài, gặp gỡ Ngài, giúp cả thế giới biết đến Ngài.”
Source:UGCC
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo hạt Phú Thọ: Mừng bổn mạng Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu 2022
Văn Minh
08:08 11/06/2022
“Được lời lãi cả thế gian mà đánh mất linh hồn thì nào có lợi ích gì” câu lời Chúa trên đây đã được linh mục (Lm) Giuse Phạm Bá Lãm nhấn mạnh trong Thánh lễ mừng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu – bổn mạng của Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu (GĐPTTTCG) giáo hạt Phú Thọ và xứ đoàn Tân Phước - diễn ra lúc 17g30 thứ Sáu ngày 10-6-2022, tại nhà thờ Tân Phước.

Xem Hình

Thánh lễ trọng thể do Lm Giuse Phạm Bá Lãm – Hạt trưởng hạt Phú Thọ chủ tế. Đồng tế cùng ngài có Lm Đaminh Nguyễn Văn Minh – chánh xứ Tân Phước, tân linh hướng GĐPTTTCG giáo hạt Phú Thọ, Lm Anphongsô Nguyễn Kim Thạch, Giáo phận Cần Thơ, Lm Gioan Vianney Nguyễn Hữu Lợi, Dòng Máu Châu Báu Chúa Kitô và Lm khách mời.

Hiện diện trong Thánh lễ có quý vị đại diện GĐPTTTCG/TGP Sài Gòn, quý vị ân nhân, quý đoàn viên các xứ đoàn Tân Trang, Hòa Hưng, Phaolô, Bắc Hà, Thánh Giuse, Thăng Long, Vĩnh Hòa, Phú Bình, Phú Hòa và Tân Phước, cùng đại diện các hội đoàn trong giáo xứ Tân Phước cùng hiệp dâng.

Trước Thánh lễ, lúc 17g, các đoàn viên cùng nhau qui tụ trong ngôi thánh đường để làm giờ thánh. Kế đó, các thành viên GĐPTTTCG cùng cờ đoàn kiệu tượng Thánh Tâm Chúa Giêsu xung quanh thánh đường hòa trong tiếng kèn đồng rộn rã.

Đầu lễ, Lm Đaminh thay mặt giáo xứ Tân Phước có lời chào mừng các Lm đồng tế, cùng các thành viên GĐPTTTCG đã qui tụ về ngôi thánh đường để hiệp dâng Thánh lễ hôm nay. Sau đó, Lm hạt trưởng cũng giới thiệu cùng cộng đoàn từ nay Lm Đaminh Nguyễn Văn Minh sẽ là linh hướng của GĐPTTTCG giáo hạt Phú Thọ, thay Lm Anphongsô Hoàng Ngọc Bao, xin nghỉ vì lý do sức khỏe.

Bài giảng trong Thánh lễ, Lm Giuse Phạm Bá Lãm đã dựa bài Tin Mừng Mt 18,12-14 qua dụ ngôn “con chiên lạc” để phác họa đôi nét về dung nhan của vị Mục tử nhân lành đã hết lòng vì đàn chiên. Trong đàn chiên, nếu có một con chiên bị đi lạc, thì người chăn chiên sẽ để lại cả bầy chiên để ra đi tìm kiếm cho bằng được con chiên bị đi lạc. Khi tìm được rồi, thì vui mừng mời mọi người đến để chung vui ăn mừng. Như vậy, nếu trong GĐPTTTCG chúng ta có một người đi hoang, thì tất cả chúng ta cũng phải ra đi tìm kiếm cho bằng được người anh em ấy trở về với đoàn thể của mình. Thật vậy, chỉ có tình yêu thương và sự tha thứ thì mới đem lại cho chúng ta niềm vui và hạnh phúc mà thôi. “Được lời lãi cả thế gian mà đánh mất linh hồn thì nào có lợi ích gì”(Thánh Phanxico Xavie).

Đúc kết bài giảng, Lm Giuse nhắn nhủ: thành viên GĐPTTTCG hãy luôn ý thức được rằng Chúa luôn luôn yêu thương chúng ta vô bờ bến, vì vậy, chúng ta cũng phải yêu và giúp đỡ lẫn nhau để ngày một trở nên giống hình ảnh Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Thánh lễ tiếp nối với lời nguyện tín hữu và dâng những của lễ.

Sau phần hiệp lễ, ông Giuse Phạm Quang Thúy – Trưởng ban, thay mặt GĐPTTT hạt Phú Thọ và xứ đoàn Tân Phước lên ngỏ lời cảm ơn các Lm đồng tế, quý vị trong HĐMVGX Tân Phước, quý vị ân nhân, quý vị khách mời, cùng các đoàn viên các xứ đoàn đã đến hiệp dâng Thánh lễ thật sốt sắng. Để tỏ lòng cảm mến và tri ân, các vị đại diện dâng lên các Lm bó hoa tươi và món quà nhỏ để nói lên tâm tình của người con đối với vị mục tử.

Đáp từ, Lm hạt trưởng chúc mừng bổn mạng GĐPTTTCG giáo hạt Phú Thọ được nhiều hồng ân của Thánh Tâm Chúa, và cùng nhau xây dựng đoàn thể ngày một phát triển như lòng Chúa ước mong. Tiếp theo lời chúc mừng, Lm Đaminh Nguyễn Văn Minh cũng chúc mừng các đoàn viên GĐPTTTCG vì anh em luôn có Trái Tim Thánh Tâm Chúa ở bên người, và cùng nhau làm sáng Danh Chúa trong sứ vụ cũng như môi trường sống của mình.

Thánh lễ khép lại lúc 18g30. Sau Thánh lễ, các Lm cùng đại diện BCH giáo hạt chụp chung tấm hình lưu niệm và tham dự tiệc mừng liên hoan cùng những tiết mục văn nghệ diễn ra tại hội trường của giáo xứ.
 
Sa mạc huấn luyện Huynh trưởng cấp I tại Hiệp đoàn Phủ Lý và Lý Nhân Hà Nội
BTT Liên đoàn TNTT Đaminh Savio
08:42 11/06/2022
Sa mạc huấn luyện Huynh trưởng cấp I tại Hiệp đoàn Phủ Lý và Lý Nhân

Trong ba ngày từ 06 – 08/6/2022 tại Trung tâm Hành hương Sở Kiện, sa mạc huấn luyện Huynh trưởng cấp I với chủ đề Horeb được tổ chức. Sa mạc đã quy tụ gần 300 sa mạc sinh đến từ 69 giáo xứ trong hai giáo hạt Phủ Lý và Lý Nhân.

Xem Hình

Sau hơn hai năm đại dịch Covid hoành hành, các hoạt động giáo dục Đức tin đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong đó có hoạt động của Thiếu nhi Thánh thể (TNTT). Chính vì thế, ngay khi dịch bệnh được kiểm soát, quý Cha Tuyên úy Liên đoàn và các Hiệp đoàn đã nhanh chóng lên kế hoạch tổ chức các khóa sa mạc huấn luyện Huynh trưởng – những nhân sự cần thiết để đồng hành với các em TNTT.

Trải qua ba ngày Sa mạc với các ý lực sống lần lượt là cầu nguyện – rước lễ và hy sinh – làm tông đồ, các sa mạc sinh đã được tham gia 8 bài khóa bổ ích như: Bản chất, tôn chỉ và mục đích của TNTT, Ơn gọi và sứ mạng của người Huynh trưởng, Các phương pháp TNTT. Các sa mạc sinh cũng được tham gia thực hành Lãnh nhận Lời Chúa, họp đội, nghiêm tập cơ bản. Trong hành trình sa mạc, các sa mạc sinh được tìm hiểu về thánh Luca Vũ Bá Loan – vị niên trưởng trong hàng ngũ các thánh tử đạo Việt Nam, một người con của quê hương Lý Nhân. Ý nghĩa hơn nữa, hành trình sa mạc lại diễn ra vào đúng ngày Tổng Giáo phận mừng kỷ niệm 182 năm sinh nhật Nước Trời của ngài.

Trước khi kết thúc Thánh lễ tạ ơn, cha quản hạt Phủ Lý Giuse Bùi Quang Tào đã mượn hình ảnh người khôn xây nhà trên đá để nhắn nhủ các sa mạc sinh. Ngôi nhà đức tin của mỗi người chỉ vững chắc nếu được xây dựng trên nền đá, trên viên đá góc tường là chính Đức Giêsu Kitô. Ngài cũng cho biết Đức Tổng Giám Mục Giuse, quý Cha, quý phụ huynh và toàn thể cộng đoàn đã và luôn hướng về các sa mạc sinh bởi các bạn là tương lai, là niềm hy vọng của Giáo hội.

Hành trình ba ngày Sa mạc đã khép lại nhưng hành trình Đức tin, hành trình làm tông đồ cho Chúa Kitô lại được mở ra cho mỗi sa mạc sinh như lời bài hát “lý tưởng của tôi là đem Chúa cho mọi người, lý tưởng của tôi là đuốc chiếu soi ngàn nơi, lý tưởng của tôi là vui xây đời bác ái, lý tưởng của tôi là gieo mến thương ngàn nơi”.

BTT Liên đoàn TNTT Đaminh Savio
 
Nữ Đan Viện Cát Minh Kon Tum Chính Thức Thành Lập Theo Giáo Luật
Minh Sơn
09:02 11/06/2022
Nữ Đan Viện Cát Minh Thánh Giuse Kon Tum Chính Thức Thành Lập Theo Giáo Luật

Ngày 07/06/2022 là một ngày đặc biệt, ghi dấu hồng ân “Ngày công bố sắc lệnh thành lập chính thức theo giáo luật” Đan Viện Cát Minh Thánh Giuse Kon Tum (Dòng Kín)

Xem Hình.

Ngay từ sớm, quý nữ đan sĩ cùng với đoàn cồng chiêng của anh em Jarai đã có mặt đón chào Đức Cha Giáo phận, quý Cha và quý khách vào trong khuôn viên Đan Viện được thiết kế cảnh quan thiên nhiên hài hòa với ngôi nhà nguyện xinh xắn, tại thôn 2, xã Hòa Phú, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai để dâng thánh lễ tạ ơn.

Đức Cha Aloisiô Nguyễn Hùng Vị, Giám mục Giáo phận Kon Tum chủ tế thánh lễ vào lúc 9 giờ 30 tại Nhà Nguyện Đan Viện. Cùng đồng tế với Đức Cha có Cha Tổng đại diện Giáo phận Kon Tum, Cha đặc trách tu sĩ Giáo phận Kon Tum và Tổng Giáo phận Sài Gòn, Cha Bề trên Dòng Cát Minh tại Việt Nam, quý Cha Quản hạt và quý Cha trong giáo phận Kon Tum. Hiệp dâng thánh lễ có sự hiện diện của Mẹ Chủ tịch Hiệp hội Dòng Cát Minh tại Việt Nam, quý Bề trên, tu sĩ nam nữ và cộng đoàn dân Chúa.

Trước khi bước vào thánh lễ, cộng đoàn được nghe tóm tắt lịch sử thành lập Đan Viện Cát Minh Thánh Giuse Kon Tum. Trong thánh ý quan phòng yêu thương của Thiên Chúa, hạt mầm Cát Minh chiêm niệm đã được ấp ủ từ lâu trong trong miền đất truyền giáo Tây Nguyên Kon Tum thân yêu này. Năm 2003, linh mục Simon Phan Văn Bình đã bày tỏ ước nguyện và Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh đã ngỏ ý với Mẹ Bề trên Marie Gabriel về thao thức muốn thành lập Dòng Kín ở Giáo phận Kon Tum. Ngày 24/04/2006, một nhóm nữ tu được phép Bề trên rời Đan Viện Cát Minh Sài Gòn lên ở tạm nơi nhà Vãng lai trong khuôn viên Tòa giám mục Kon Tum, bắt đầu cuộc sống cầu nguyện đan tu, trong khi chờ đợi mua đất để xây dựng.

Ngày 15/10/2007, Giáo phận Kon Tum và các nữ tu vui mừng đón nhận giấy chuẩn nhận từ Tòa Thánh cho phép thành lập Dòng Kín tại Giáo phận Kon Tum.

Trải qua những năm tháng âm thầm, với bao thử thách, trắc trở về nhiều mặt, có lúc tưởng như bế tắc, đến tháng 11/2011, chị em tại Kon Tum được Đức Cha Micae tìm được một mảnh đất phù hợp tại giáo xứ Hòa Phú, lúc đó giáo xứ mới thành lập được một năm, và công việc xây dựng Đan Viện bắt đầu tiến hành với cha sở tiên khởi của giáo xứ là Cha Bartôlômêô Nguyễn Đình Phước, DCCT. Ngày 19/03/2012 Đức Cha đã đến làm phép khu nhà mới, và các nữ tu di chuyển về nơi ở mới này đang khi việc xây dựng chưa hoàn tất.

Ngày 30/04/2012, linh mục Luy Gonzaga Nguyễn Quang Hoa được bổ nhiệm làm chính xứ Hòa Phú thay Cha Bartôlômêô Nguyễn Đình Phước đi học. Cha Luy Gonzaga tiếp tục công trình xây dựng Đan Viện đang còn dang dở, trong lúc đó các nữ tu tạm trở về Đan Viện Mẹ tại Cát Minh Sài Gòn.

Cuối năm 2015, Đức Cha Aloisiô Nguyễn Hùng Vị tiếp nối sứ vụ Giám mục chính tòa Giáo phận Kon Tum thay Đức Cha Micae, Đức Cha Aloisiô đã tận tình đón nhận và nâng đỡ các chị em Cát Minh.

Khi cơ sở Đan Viện Kon Tum hoàn thành, ngày 07/06/2017, 10 nữ tu Cát Minh Sài Gòn đã hăng hái lên đường đến Tây Nguyên nhận sứ vụ. Ngày 20/07/2017, lễ thánh tổ phụ tiên tri Êlia, Đức Cha Aloisiô đã làm phép khánh thành Đan Viện.

Ngày 14/03/2022, Tòa Thánh ban sắc lệnh thành lập Đan Viện Cát Minh Kon Tum chính thức theo giáo luật.

Và ngày 07/06/2022, Đức Cha Aloisiô Giám mục Giáo phận Kon Tum đã ký sắc lệnh thành lập Nữ Đan Viện Cát Minh Thánh Giuse trong Giáo phận Kon Tum.

Sau khi nhìn lại đôi dòng lịch sử với biết bao cảm nghiệm tình yêu Thiên Chúa, Cha Giuse Hoàng Hữu Chi, OFM đại diện Giám mục về Tu sĩ đã công bố Sắc Lệnh của Tòa Thánh, thông qua Bộ Đời sống Thánh hiến và các Tu đoàn, cho phép thành lập Đan Viện Cát Minh tại Giáo phận Kon Tum (công bố song ngữ cùng với Cha Phêrô Vũ Trọng Hà Nguyên Khôi).

Cha Tổng đại diện Giuse Đỗ Hiệu đọc Sắc Lệnh thành lập Nữ Đan Viện Cát Minh Thánh Giuse Kon Tum của Đức Giám Mục Giáo phận Kon Tum có hiệu lực từ ngày 07/06/2022.

Ngỏ lời mở đầu thánh lễ, Đức Cha Aloisiô mời gọi cộng đoàn cùng tạ ơn Thiên Chúa với các nữ đan sĩ trong ngày quan trọng này, vì kể từ đây Giáo phận chính thức có một Đan Viện để cùng đồng hành nhất là trong đời sống cầu nguyện cho mọi nhu cầu của Giáo phận, đặc biệt là về truyền giáo.

Trong phần chia sẻ Lời Chúa, dưới ánh sáng của các bài đọc, Đức Cha Aloisiô gợi lên tâm tình cảm tạ Thiên Chúa vì biết bao ơn lành mà Chúa đã ban cho mỗi người, nhất là những người sống đời thánh hiến, đặc biệt các nữ đan sĩ Dòng Kín, mà Chúa đã thương chọn gọi mặc dù chị em là những con người bé nhỏ, hèn mọn, còn nhiều bất toàn so với những người khác. Đây thực sự là một huyền nhiệm, là “ơn tiền định”. Ơn tiền định này Chúa muốn xếp đặt cho mỗi người có một ơn gọi, một con đường đi, chứ không phải Chúa định đoạt hết mọi sự và con người không còn sự tự do.

Đức Cha xác tín cầu nguyện đóng vai trò quan trọng trong đời sống đức tin như hơi thở đối với cuộc sống. Đời sống đan tu với lời cầu nguyện liên lỉ, những hy sinh âm thầm chắc chắn sẽ như “hơi thở”, như “bộ phổi” để hít thở ơn lành của Chúa đem xuống cho Giáo phận Kon Tum này. Và đan viện như “trái tim cầu nguyện” mang lại sức sống cho Giáo Hội địa phương.

Thánh lễ tiếp tục được diễn ra trang nghiêm sốt sắng.

Vào cuối thánh lễ, Sơ Bề trên đại diện cho Đan Viện Kon Tum nói lên tâm tình cám ơn quý Đức Cha, quý Cha, Mẹ Chủ tịch Hiệp hội Dòng Cát Minh tại Việt Nam, quý nữ tu Đan Viện Cát Minh Sài Gòn, quý Bề trên, quý tu sĩ cùng toàn thể mọi thành phần dân Chúa. Từ nay, một lịch sử mới đang mở ra cho Đan Viện Thánh Giuse Kon Tum, mỗi nữ đan sĩ nguyện đọc lại lịch sử với niềm tri ân, để sống hiện tại ơn gọi cách say mê và hướng nhìn tương lai với niềm hy vọng.

Đáp từ, Đức Cha Aloisiô cám ơn Đan Viện Cát Minh Sài Gòn đã quảng đại chia sẻ nhân sự và nâng đỡ về mọi mặt trong nhiều năm qua để hôm nay Đan Viện Thánh Giuse Kon Tum được đứng trên đôi chân của mình. Đức Cha cũng nhắc nhớ tâm tình tri ân đối với Đức Cha Micae và các linh mục đã chung tay bằng cách này hay cách khác để Đan Viện được hiện diện tại Giáo phận Kon Tum như hiện nay; cám ơn các ân thân nhân xa gần…Xin Chúa trả công bội hậu cho tất cả. Đức Cha chúc mừng và cầu chúc cho Đan Viện Thánh Giuse Kon Tum ngày càng phát triển để Giáo phận Kon Tum cũng được phát triển lành mạnh nhờ đời sống cầu nguyện và những hy sinh thầm lặng của các nữ đan sĩ.

Thánh lễ kết thúc trong tâm tình tín thác, tri ân, chúc tụng Thiên Chúa và chan hòa yêu thương với mọi người. Đức Cha chụp hình lưu niệm với các nữ đan sĩ và chia vui trong bữa cơm ấm áp tình gia đình.

Minh Sơn

Wgpkt(08/06/2022) Kontum
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Bố Đốc - Gioan Lê Quang Vinh
Gioan Lê Quang Vinh
21:21 11/06/2022
Bố Đốc

LTS. Cha Bề Trên trong bài này là Cha Phaolô Tịnh Nguyễn Bình Tĩnh, nguyên Giám đốc Tiểu Chủng Viện Thánh Gioan, Đà Nẵng từ năm 1971, nguyên Giám mục Giáo phận Đà Nẵng (2000-2006). Khẩu hiệu Giám mục của ngài là "Khiêm tốn phục vụ". Trước khi được tấn phong Giám mục, ngài là Giám đốc Đại Chủng Viện Xuân Bích, Huế. Hiện ngài đang hưu dưỡng tại Nhà Hưu Dưỡng Linh mục Đà Nẵng.

Ngài gốc Giáo phận Phát Diệm, sinh tại Ninh Bình năm 1930, là người con út trong một gia đình Công Giáo, cùng gia đình di cư vào Nam và theo học các chủng viện tại Vĩnh Long và Thị Nghè do các linh mục Xuân Bích giảng dạy. Ngài được thụ phong linh mục năm 1960 và gia nhập Tu hội Xuân Bích năm 1961.

Bài viết do một học trò của ngài, để nhớ một vị Bề Trên tuyệt vời trong một thời ký nhiều khó khăn.


Cha Bề Trên đầu tiên của mình là vị linh mục có trái tim của người mẹ mà tụi mình gọi thân thương là Bố Đốc (Cha Giám Đốc nói tắt).

Mùa hè năm 1975 Bố Đốc lặn lội vào miền Nam, tìm từng đứa học trò nhỏ để khích lệ bước theo Thầy Giêsu. Cha đi Long Khánh, lên Ngọc Lâm, xuống Gia Kiệm, sang Hố Nai rồi về Sàigòn đến nhà từng anh em mà khuyên bảo và mời gọi. Có những anh em ở miền Nam không đi theo Cha, xin học gần nhà, sau này làm linh mục ở Xuân Lộc như Nguyễn Đức Ngọc (chánh xứ Đa Minh), Trần Công Thuận (Giáo sư Đại Chủng Viện Xuân Lộc) hoặc vào Dòng như Đinh Tuấn Hậu (linh mục Dòng Đa Minh). Có anh em theo Cha rồi lại bị “thế gian” mời về gia đình, sau này làm linh mục ở Sàigòn như Đỗ Anh Dũng hay ở Xuân Lộc như Đỗ Mạnh Thái. Nhưng cũng có nhiều anh em theo chân Cha Bề Trên, cuối cùng bị nhà nước “mượn nhà”, đuổi đi tứ tán. Có anh bay qua tuốt bên trời u Mỹ làm linh mục như Đinh Xuân Long, Văn Quang, Nguyễn Văn Long.

Hồi đó khi Cha Bề Trên đến nhà mình gọi “Hai con Vinh Phúc đi với Cha nhé”, thì hai anh em mình quyết định sẽ đi theo Cha ngay. Nhưng hôm sau, một Cha giáo của mình ở giáo xứ Hòa Bình nghe chuyện thì đến nói với ba mẹ mình: “Hai đứa nó (Vinh, Phúc) còn nhỏ không hiểu gì, ông bà đừng cho đi. Ở miền Trung miền Bắc ghê lắm, khó khăn đủ kiểu, không như miền Nam đâu, ra đến Quảng ngãi đã thấy treo cờ nhiều rồi. Cháu Hậu nhà tôi, tôi không cho đi, Vinh và Phúc thì ông bà cũng phải giữ ở nhà” (Hậu sau này làm linh mục Dòng Đa Minh). Lại thêm cha phó xứ là Cha Bố của thằng em mình đến nhà giải thích, nói thêm ý như cha Nhân đã nói khiến ba mẹ mình lo lắng quá, bèn quyết định “Hai đứa ở nhà, không đi đâu cả”.

Nhưng Ý Chúa không như ý muốn hay sự sắp xếp của con người.

Vâng, Thánh Ý Chúa không như ý muốn hay sự sắp xếp của con người. Thánh Ý Chúa thẳm sâu không ai dò thấu. Cuối cùng thì mấy tháng sau hai anh em mình lên đường đi theo tiếng Chúa gọi qua Cha Bề Trên, đặt chân đến ngôi nhà yêu dấu mang tên Thánh Gioan.

Cha xứ Bùi Chu lúc bấy giờ, ông nội linh tông của thằng em mình, viết thư cho Cha Bề Trên và đưa thư cho anh em mình xem trước. Bây giờ mình không nhớ nguyên văn lá thư ngắn ấy, chỉ nhớ đại khái là ngài khen hai anh em (cháu cụ mà), và cuối thư ngài viết chữ “BÁI” rõ to (ý kính cẩn với Cha Bề Trên, “kính bái”), rồi ký: Linh mục André Đoàn Thanh Điện. Xa nhà ít lâu thì mình nghe tin Cha xứ André bị bắt đưa đi xa, mười mấy năm sau mới được về lại Bùi Chu. Cha Bố của thằng em mình, Cha Giuse Nguyễn Văn Thanh, giữ quyền Chánh xứ.

Khi anh em mình ra đến nơi thì Cha Bề Trên tỏ vẻ không hài lòng vì đã trễ quá tính từ ngày ngài đến nhà gọi đi. Do đó ngài quyết định rất nhanh: “Hai con đã ra đến nơi rồi, không lẽ Cha bảo về. Nhưng vì ra quá hạn, hai đứa phải ở lại lớp”. Thằng em mình vốn nóng nảy, không thích ở lại lớp và chắc cũng ỷ lại là có Cha Bố là cha phó, ông nội là Cha xứ Bùi Chu, nên nó xin phép về lại gia đình. Hôm sau Cha đưa nó ra bến xe mua vé cho nó một mình về miền Nam. Mình thì kiên nhẫn học lại lớp. Một tuần sau thằng bạn thân cùng lớp với mình là Thanh Phan cũng từ miền Nam ra, sau khi bàn hỏi suy nghĩ quá ư là kỹ. Bố Đốc cũng bực mình nên phán với nó “Con cũng ở lại lớp”.

Nó vui vẻ nhập lớp dưới với mình. Khoảng một hai tháng sau Cha Bề Trên thương tình, gọi hai thằng vào và bảo: “Hai con sẽ được lên lớp với điều kiện làm bài thi tiếng Pháp do chính Cha ra đề”. Hai thằng mình về phòng ôm cuốn Cours de Langue 2 và 3 học tới học lui y như dò vé số, từng chữ từng chữ một. May mà làm bài thi hai đứa mình đạt điểm cao bất ngờ nên Cha cho cả hai được lên lớp.

Rồi ngày tháng đi qua. Tuổi thơ mình được bảo bọc trong tình thương của Cha. Cha hay nói: “Các con biết Cha thương các con biết bao”. Sau này mình ít thấy các linh mục nói câu ấy với người thuộc quyền dù các ngài rất có tình nghĩa, có lẽ vì Cha Bề Trên của mình có tấm lòng của người mẹ hơn là người cha.

Một lần thằng bạn của mình bị Cha la. Nó giận và nói: “Cha chẳng hiểu con gì cả”. Vậy mà ngài buốn mấy ngày. Ngài nói với mình: “Cha thương các con lắm. Vậy mà nó nói Cha không hiểu nó”.

Thằng em mình về miền Nam đi học. Vì sống gần nhà, nó thân thiết với gia đình Bà Cố của Cha Đinh Tất Quý (chánh xứ Bùi Phát sau này) và được Bà Cố rất thương yêu. Rồi năm sau nó lại bay ra xin gia nhập lại chủng viện. Cha Bề Trên đồng ý ngay.

Thế là năm sau, mình có thêm thằng em, đỡ nhớ nhà.

Sống xa gia đình, nhưng có Cha Bề Trên và các cha giáo, nhất là Cha linh hướng của mình là Cha Phêrô Mẫn, mình thấy ấm áp và vui tươi, giống như đi trên con đường tuyệt đẹp, đầy hoa và gió mát lành.

Hồi đó Cha Bề Trên hay phê vào phiếu nhận xét cuối tháng, lúc nào cũng khen mình xong rồi thêm câu “nhưng lười học”. Sở dĩ mình chán học bài vì mấy môn Văn, Sử toàn tán chuyện mà dù không cần suy nghĩ cũng biết là chẳng đâu vào đâu. Cô dạy Sử còn nói: “Ông nội tao mà "theo ngụy" tao cũng gọi là thằng ông nội”. Nhiều năm sau, mình gặp tiến sĩ Sử học Trịnh Tiến Thuận (ĐHSP), nghe ông nói đúng như thế: “Tụi bạn bên khoa Toán, Lý nói với tôi là: “Này Thuận, mày dạy Sử nghĩa là mày nói dối suốt ngày sao mày chịu nổi?”.

Nhờ ít học bài mà ham đọc sách, mình cùng với anh bạn nối khố gốc Hà nội (Hố nai) là Đỗ Mạnh Thái (hiện là cha xứ Phước Thiện, Xuân Lộc), được chỉ định phụ trách thư viện. Hai con mọt sách nhờ thế mà đọc hết sách này đến sách kia, từ truyện Tàu ngày xưa đến Tự Lực Văn Đoàn, từ sách đạo đức đến truyện tuổi mới lớn, nói chung là không thiếu thứ gì, nên ít học bài là chuyện… dễ hiểu. Hai tên khi có giờ rảnh là vào thư viện đóng cửa đọc liên tục. Chuyện này chẳng ai biết, trừ Cha linh hướng của hai tên Thái, Vinh.

Nhớ trước khi Thái, Phúc (em mình) và mình lên đường theo Cha Bề Trên thì ba đứa rủ thêm vài anh bạn ở Hố nai đi xe đạp sang Lạc An thăm bạn bè. Đến ngay bến đò sang Lạc An, cán bộ trên bờ sông giương súng lên, bắt giữ hết mấy chiếc xe đạp với lý do “Xe không có giấy tờ”. Cả bọn thất thểu đi bộ về mười mấy cây số!

Cũng nhờ những chuyện đại loại như chuyện bị công khai lấy xe đạp mà anh em thân nhau hơn.

Chuyện đi học ở trường cũng có nhiều cái bi hài. Hồi đó anh em mình đọc sách nhiều và nghe các Cha dạy, nên thầy cô Văn Sử giảng gì cũng biết đúng sai. Cái tuổi ấy cũng hay thắc mắc. Do đó mà thầy cô đa phần là thương anh em mình vì thấy tụi mình hiền, ngoan, nhất là không bao giờ quay bài (ngược hẳn giáo dục thời nay), nhưng một số thầy cô thì e dè và không ưa. Họ thấy tụi mình hay có ý kiến thì bèn… mời phụ huynh.

Khi mình chở Bố Đốc đi họp phụ huynh thì một chuyện bất ngờ làm các cô dạy Văn, Sử… đứng hình luôn. Các cô ấy ngoại hình cỡ vừa vừa trở xuống, mà ăn mặc thì theo kiểu mà dân chúng hay “e dè mỉm cười”, nên khi thấy vị phụ huynh này (Bố Đốc) ngoại hình uy nghi, đẹp trai, phong độ và rất đỗi trí thức, ăn mặc phong nhã thì tất cả bọn họ lúng túng ra mặt. Mình có cảm giác như khi quân dữ nghe biết Chúa Giêsu thì “lùi lại và ngã ra hết”. Họ bối rối không biết nói gì, Bố Đốc cũng chào xã giao rồi về. Từ hôm ấy, nếu mình nhớ không nhầm thì các cô bắt đầu may áo dài, nhưng cũng ít mặc vì áo dài không... ủng hộ hình dáng các cô Văn, Sử cho lắm.

Cô giáo dạy Văn làm chủ nhiệm lớp. Cô giảng toàn chính trị (môn Văn mà), và tỏ vẻ tự hào về môn cô dạy, trong khi học sinh thì không coi trọng môn này. Cô nghe nói nhiều đến “nhà” của anh em mình mà chưa có dịp đến thăm. Một lần Bố Đốc bảo mời cô ghé chơi. Cũng giống như lúc họ mời phụ huynh, lần này cô bước đến nhà, thấy khang trang sạch đẹp và Bố Đốc thì ngoại hình rất “manly”, uy nghi…, cô bỗng tỏ ra bối rối hẳn, nói năng lắp bắp và đi đứng ngượng ngùng. Từ đó về sau cô nói về tôn giáo dè dặt hơn, giảng bài cũng bớt “hung hăng” hơn và nói chung là dần dần cô có cái nhìn khác.

Cái tuổi ấy chỉ cần thấy Bố của mình uy nghi như thế thì cũng rất tự hào rồi.

Từ đầu đến giờ kể chuyện Cha Bề Trên, xin dừng lại một chút để kể chuyện con cái Bố "quậy tưng": )

Lúc bấy giờ mình mê đọc sách vô cùng, chuyên môn lén đọc sách vào những giờ dễ bị phạt mà mình có kể, như giờ nghỉ trưa vào thư viện đóng cửa đọc sách với Thái (lúc đó dĩ nhiên anh bạn nối khố này còn đi học như mình, chưa làm linh mục). Nặng tội nhất là sau mười giờ đêm lẻn lên sân thượng, mắc một bóng đèn nhỏ đọc sách đến tận một hai giờ sáng. Có lần Cha linh hướng gọi mình vào và bảo: “Trưa nay giờ cơm Bố nghe Cha Giám Đốc nói gì đó mà Bố đoán là ngài biết con và mấy anh em nữa lên sân thượng đọc sách quá nửa đêm. Con đi thú lỗi thì ngài sẽ tha cho”.

Mình lo lắng, chờ lúc Bố Đốc vui nhất mình lại gần ngài và nói: “Thưa Cha, con muốn thú lỗi…” và kể hết sự tình. Bố cười ha ha và vỗ vào lưng mình mấy cái: “Tốt lắm, lần sau đừng làm thế nữa con nhé”. Nhưng tối hôm đó Cha linh hướng nói với mình: “Chuyện Cha Giám Đốc biết là chuyện đứa khác chứ không phải chuyện của con. Bố nhầm rồi con ạ”. Rồi ngài cười xòa. Mình cũng bật cười vì nhờ hiểu lầm mà thú tội sớm nên Bố Đốc vui lắm. Nhưng cũng tiếc, giá mà đừng tự thú thì chắc còn đọc được vài đêm nữa !!!

Lại chuyện đọc sách. Lúc bấy giờ Cha giáo Phan Thanh Mai đi Mỹ để lại một tủ sách quý, trong số đó có rất nhiều sách kiếm hiệp Kim Dung. Nhà nước cấm sách kiếm hiệp, bắt phải nộp hết (nhưng sau này họ lại in bán tràn lan mỗi bộ có khi đến cả vài triệu đồng). Những ngày đó công an hay vào xét nhà, nên Bố Đốc bảo đem nhiều loại sách, nhất là truyện kiếm hiệp đi đốt. Không đốt thì họ tịch thu, lại phải làm biên bản phiền toái lắm. Nhờ lúc đó đất rộng (chưa bị tịch thu nhà), lại có một căn nhà không mái do người Đức để lại, nên việc đốt sách cũng dễ dàng. (Bây giờ ngồi nhẩm tính số sách mà người ta buộc Cha Bề Trên phải hủy đi lúc đó tính chung các loại, theo giá bây giờ thì chắc cũng phải vài ba tỷ đồng). Anh em đốt sách mà cứ có cảm giác như mình là Tần Thủy Hoàng ngày xưa. Đốt ngày này qua ngày khác vẫn không hết vì mỗi tên còn giấu vài bộ đọc chơi.

Chỗ giấu an toàn nhất mà thằng em mình với Thắng noir nghĩ ra là dưới đống trấu dùng để nấu bếp. Mình cũng giấu vài bộ. Anh em giấu nhiều sách quá làm Bố Đốc sốt ruột, sợ người ta khám xét gây nhiều bất trắc nên ngài dùng quyền Bề Trên ra lệnh: “Trong các con đứa nào còn giấu sách là mắc tội trọng”. Có đứa thì sợ. Mình là tên sợ đầu tiên vì mình nghĩ đơn giản “Nếu giữ sách lại mà người ta lấy cớ làm khó dễ Cha Bề Trên vốn đã bị hành hạ nhiều thì phiền cho ngài quá”, nhưng có tên thì nói: “Tội là do Chúa quyết định, đâu phải do Cha”, thế là nó giấu tiếp.

Có một tên đọc kiếm hiệp bị Bố bắt gặp. Nó sợ quá nên nói dối: “Con mượn ở người anh họ bên giáo xứ Thanh Đức chứ không phải sách cha Mai”. Nói dối là tội nặng có thể dẫn đến bị đuổi, từ ngữ lúc đó là bị “cho về”. Nhưng may mắn là lúc đó Bố vội đi công chuyện nên chỉ tịch thu cất trong phòng Bố rồi khóa cửa đi ra ngay. Anh chàng lo sợ, mà lại sực nhớ ở trang đầu còn có đóng dấu Lm. Phan Thanh Mai nên càng sợ hơn, bèn dùng mũi dao rọc sách cạy cửa phòng Bố để lấy lại cuốn sách “phi tang”. Chẳng may đã không mở được cửa mà lại còn bị gãy mũi dao trong ổ khóa. Anh chàng hoảng hốt chạy đến tìm mình và nói: “Ông đến xem có cách gì xử lý giúp tôi” vì nó biết mình biết sửa khóa làm chìa. Mình đến phòng Bố Đốc xem qua ổ khóa và nói thành thật: “Cái này phải tháo ổ khóa, nhiêu khê lắm, mà tớ lui cui mở phòng, lỡ Bố bắt gặp về thì tiêu đời cả lũ”.

Rồi Bố về sớm các bạn ạ. Cái xui này lại kèm theo cái xui “khuyến mãi” khác. Lúc đó Cha Thái là Cha sở Hà Tân đến thăm Bố. Bố về mở cửa không được, đành tiếp Cha Thái ngoài hành lang. Bố lại gọi mình xuống. Bố hỏi: “Vinh xem giùm Cha ổ khóa bị gì thế, có phải có ai cạy hay không?”. Mình run quá, mà cũng không dám tố cáo tên kia, nên đành nói lấp lửng: “Nếu có cạy thì đây cũng là tay không chuyên nghiệp, Cha ạ”. Bố nhìn mình ngờ vực rồi lắc đầu. Khá lâu sau, Bố nói với mình: “Cha biết con bao che cho anh em nào đó, đúng không?”. Mình chỉ cười trừ.

Cuối cùng mình cũng mở được cửa cho Bố Đốc. Khi Bố vào được phòng, vì quá mệt mỏi, Bố vào nghỉ luôn, và may mắn ngài quên luôn cuốn sách kiếm hiệp kia. (Trong số các bạn đọc đoạn này, mình nghĩ có anh chàng đó, bây giờ chắc đã hoàn hồn rồi phải không bạn hiền? Cho mình giấu tên bạn cho đến khi bạn hứng chí tự thú “C’est moi”).

Lại chuyện sách. Một chị bên Dòng Phaolô quý mình nên hay gửi mấy thứ quà nho nhò, có khi có tập sách Thánh ca mới. Thỉnh thoảng đi học về thấy các soeur nhà bếp lên đưa quà thì cũng vui. Nhưng một anh bạn thấy mình hay nhận quà “chưa qua Bố kiểm duyệt” cũng thắc mắc. Có lần hắn hỏi vui khi có Cha: “Hôm nay Cha đi phố về hay sao mà Vinh lại có quà bên nhà Dòng”. Thế là Bố Đốc hỏi ngay: “Con nhận quà gì, sao Cha không biết?”. Mình tức cái tên bạn ấy quá chừng, nhưng lại nghĩ: “Cũng may, Bố biết sớm”.

Nói cho lãng mạn chút về "Những chiếc bóng hồng lướt qua"

Hồi đó trong nhà ít khi có con gái đến. Mặc dù đi học ở trường cũng có các bạn nữ, nhưng lúc ấy anh em vẫn nhớ lời Sách Gương Phúc (Gương Chúa Giêsu) “Đừng thân mật với bất cứ phụ nữ nào, nhưng hãy đưa mọi phụ nữ tốt lành về với Thiên Chúa”. Nhờ đó, như Bố Đốc luôn nhắc nhở, sẽ tập cho mình đức khiết tịnh mà dù đi tu hay ở đời đều cần.

Một lần cô cháu gái của Bố Đốc là đệ tử Dòng Phaolô sang thăm thì mấy đứa con trai tụi mình tò mò đến nhìn xem “(con ông) cháu Cha” như thế nào. Nàng da trắng, tóc ngang vai và đeo kính trắng trông rất trí thức (đệ tử dòng mà lị). Chỉ vậy thôi mà đứa nào gặp cô ấy nói chuyện là bị anh em dọa “méc Bố Đốc”. Xui cho mình là “bị” chở nàng về nhà Dòng. Chiều hôm đó mình chở Khoa mập đi sang phố, thấy cô cháu của Bố đi bộ tội nghiệp nên Khoa bảo để nó đứng xuống chờ, còn mình chở cô đệ tử đi một quãng về nhà Dòng. Chở cô nàng thì chẳng có gì, nhưng một tên trong nhóm biết được. Vốn hay bông phèng, nó nói: “Mày chở cháu Bố, nhớ nhé”. Mình sợ Bố Đốc nghe chuyện không rõ đầu đuôi nên đến gặp Bố xin “tự thú”. Cha Bề Trên thấy buồn cười chuyện trẻ con nên vỗ vào lưng mình bôm bốp và cười ha ha. Mình nói với Quang: “Mày chỉ khéo hù dọa”. Đến bây giờ mình vẫn nhớ nguyên văn Bố Đốc nói với mình lúc đó: “Con đừng quan tâm làm gì. Ở tuổi đó đứa nào cũng đẹp thế đấy con, chứ ít năm sau là khác con ạ. Nó có hai người chị hiện đang ở giáo xứ Phát Diệm trong Sàigòn, lúc bằng tuổi nó hai chị cũng đẹp như nó. Bây giờ hai đứa đã lấy chồng, mập hẳn ra, trông hết đẹp rồi”. Ý Bố muốn gì mình hiểu ngay. Nhưng Bố ơi, tụi con tuổi mới lớn, không quen nhìn cô gái thành… bà già!

Có lần Bố Đốc nhờ mình đánh máy stencil một số bài về Giáo Lý Hôn Nhân để Cha phát cho các Cha trong giáo phận dịp tĩnh tâm năm (Bố là Giáo sư Luân Lý, tác giả cuốn Luân Lý Cơ Bản xuất bản năm 1994 mà sau này các Cha giáo Luân Lý hay trích dẫn). Thấy vậy một tên cùng lớp mình la lên: “Chắc Bố Đốc muốn cậu học giáo lý hôn nhân sớm vì nghĩ đến cháu của Bố”. Mình vừa giận vừa sợ Bố nghe, nên la lên: “Đừng có đùa giỡn nguy hiểm vậy chứ”. Mình vừa nói dứt câu thì cả bọn điếng hồn vì nghe tiếng Bố khóa cứa phòng bên cạnh đi ra ngoài! Mình vẫn hy vọng là Bố không nghe được lời thằng bạn mình nói. Nhưng mấy hôm sau khi mình vào phòng bố thì nghe tiếng nói từ phòng kia rõ mồn một! Anh chàng đùa nghịch ấy bây giờ là một cha xứ.

Chuyện về Cha Bề Trên, Bố Đốc, còn dài lắm, dài như tình thương của Bố…

Gioan Lê Quang Vinh
 
VietCatholic TV
Hỏa lực hùng hậu của pháo binh Ukraine: Tiểu đoàn lính đánh thuê của Nga biến mất cùng với kho đạn
VietCatholic Media
02:53 11/06/2022


1. Hoả lực kinh hồn của pháo binh Ukraine: Tiểu đoàn lính đánh thuê của Nga biến mất cùng với kho đạn

Trong bản báo cáo sáng thứ Bẩy 11 tháng 6, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết một khu phức hợp gần Mariupol do Nga chiếm đóng đã bốc cháy trong một cuộc pháo kích dữ dội của pháo binh Ukraine. Cả một tiểu đoàn lính đánh thuê Wagner đã nổ tung cùng với đống đạn đạn dược

Tờ The Sun của Anh tường trình về diễn biến này như sau:

Tổng thống Vladimir Putin đã bị giáng một đòn mạnh vào cuộc xâm lược Ukraine của Nga với một cuộc tấn công bằng pháo binh được tường trình đã giết chết hàng trăm binh sĩ của tiểu đoàn Wagner. Đoạn phim đã xuất hiện cho thấy một kho đạn lớn bốc cháy sau khi bị trúng đạn. Cả tiểu đoàn chỉ để còn một người duy nhất sống sót.

Các binh sĩ thuộc Tập đoàn Wagner khét tiếng của Nga được cho là đã sử dụng một sân vận động làm căn cứ ở Kadiivka, miền đông Ukraine.

Theo báo cáo, ít nhất 300 lính đánh thuê đã thiệt mạng trong cuộc tấn công. Đó là một trong những tổn thất nhân mạng lớn nhất kể từ khi cuộc chiến ở Ukraine bắt đầu vào tháng Hai.

Serhiy Haidai, thống đốc tỉnh Luhansk, nói rằng lực lượng Ukraine đã chụm các khẩu pháo M777 Howitzer lại và nã liên tục vào trụ sở của lính đánh thuê.

Ông nói: “Lực lượng vũ trang Ukraine đã phát động một cuộc tấn công có mục đích tốt vào đó. Chỉ có một người sống sót “.

Tập đoàn Wagner khét tiếng của Putin được cho là đã hoạt động bí mật ở Ukraine kể từ khi Nga sáp nhập Crimea một cách bất hợp pháp.

Người Nga đã chiếm đóng cơ sở thể thao này kể từ cuộc xâm lược đầu tiên của họ vào Ukraine vào năm 2014.

Trước khi tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào tháng 2, Điện Cẩm Linh đã có nhiều năm hỗ trợ các phiến quân thân Nga ở khu vực Donbas.

Tập đoàn Wagner được coi là quân đội riêng của Putin và đã hoạt động trên khắp thế giới. Tổng thống Nga được cho là đã sử dụng nhóm này trong các điệp vụ bí mật vì họ không có ràng buộc rõ ràng với Điện Cẩm Linh. Tập đoàn Wagner bao gồm 8.000 lính đánh thuê, đã bị buộc tội giết trẻ em, hãm hiếp và tra tấn phụ nữ và thực hiện các vụ hành quyết.

Lính đánh thuê Wagner thường là lính Nga đã nghỉ hưu và họ được cho là có thể kiếm được tới 2.000 bảng Anh mỗi tháng.

Nhóm này xuất hiện lần đầu tiên tại Ukraine vào năm 2014, và đóng vai trò quan trọng trong việc chiếm giữ bất hợp pháp Crimea.

Nga ước tính đã mất hơn 30.000 người chỉ sau hơn 100 ngày diễn ra cuộc chiến, được xem là một trong những thảm họa quân sự lớn nhất thời hiện đại.


Source:Mirror

2. Bộ trưởng Quốc phòng Anh thề sẽ làm việc “chặt chẽ hơn nữa” với Ukraine trong chuyến thăm Kyiv

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace, người đã có chuyến thăm không báo trước tới Kyiv trong tuần này, đã đồng ý làm việc “chặt chẽ hơn nữa” với Ukraine trong các cuộc gặp với Tổng thống Volodymyr Zelenskiy và Bộ trưởng Quốc phòng Oleksiy Reznikov.

“Cả ba đồng ý làm việc chặt chẽ hơn nữa trong tương lai để ủng hộ mục tiêu chung của họ là giúp Ukraine tự giải phóng khỏi sự chiếm đóng bất hợp pháp của Nga,” theo thông cáo báo chí của Bộ Quốc phòng Anh. “Họ cũng thảo luận về các loại thiết bị và đào tạo mà Vương quốc Anh hiện đang cung cấp và những hỗ trợ nào mà chúng tôi có thể cung cấp để giúp các lực lượng Ukraine bảo vệ đất nước của họ.”

Không rõ cuộc họp diễn ra khi nào. Bộ Quốc phòng nói rằng chuyến đi hai ngày diễn ra “trong tuần này” và Zelenskiy đã đăng video về cuộc họp trên kênh Telegram chính thức của mình vào chiều thứ Sáu.

Zelenskiy nói với Wallace trong cuộc họp rằng “chiến tranh đã cho thấy một biểu hiện tuyệt vời của những người bạn thực sự của chúng ta là ai,” và Vương quốc Anh đã chứng tỏ mình là một trong những người ấy.

“Tôi rất biết ơn vì một công việc thực sự đoàn kết như vậy. Những lời nói này liên tục chuyển thành hành động, và đây là sự khác biệt rất quan trọng giữa quan hệ của Ukraine với Anh và các nước khác “, Zelenskiy nói. “Vũ khí, tài chính, trừng phạt là ba thứ mà Vương quốc Anh luôn thể hiện rõ vai trò lãnh đạo của mình”.

Bản tin của Anh cho biết các cuộc họp tập trung vào việc làm thế nào để Vương quốc Anh có thể tiếp tục cung cấp “viện trợ quân sự có hiệu quả nhằm đáp ứng các mối đe dọa hiện tại và tương lai mà Ukraine đang đối mặt” khi cuộc chiến “bước sang một giai đoạn khác”.

3. Vladimir Putin nhếch mép trong lời đe dọa Thụy Điển khi so sánh mình với Peter Đại đế

Trong một sự kiện kỷ niệm 350 năm ngày sinh của Peter Đại đế hôm 10 tháng Sáu, Vladimir Putin tuyên bố rằng khi xâm lược Ukraine ông đang cố làm cho xong những gì sa hoàng bỏ sót lại

Bạo chúa tự mãn Vladimir Putin đã đe dọa Thụy Điển về việc “đòi lại” lãnh thổ khi ông ta so sánh mình với một kẻ chuyên quyền Nga khác đã chinh phục đất nước này hàng trăm năm trước.

Trong một sự kiện kỷ niệm 350 năm ngày sinh của Peter Đại đế, bạo chúa Putin đã khoe khoang mình đang cố hoàn tất những gì sa hoàng chưa hoàn tất khi xâm lược Ukraine.

Nhà cai trị chuyên quyền Peter Đại Đế - là người được công chúng Nga ca ngợi vì đã hiện đại hóa đất nước - dẫn đầu các cuộc chiến bao gồm chống lại quân Ottoman và chiếm đất từ Thụy Điển trong Đại chiến phương Bắc.

Trong khi biến Nga thành một đế chế, ông cũng là một bạo chúa độc ác và trong một cuộc nổi dậy của những người lính canh, ông đã tự tay chặt đầu 5 người trong số họ một cách không thương tiếc và thậm chí còn bắt con trai của mình giam cầm và tra tấn.

“Peter đã chiến đấu với Thụy Điển và giành lấy các vùng lãnh thổ,” Putin nói với khán giả bao gồm các kỹ sư, doanh nhân và nhà khoa học trẻ của mình.

“Ngài đã không chiếm giữ bất cứ thứ gì của ai! Ngài chỉ đòi lại những gì thuộc về Nga! “

“Peter đã làm gì? Ngài đã lấy lại và củng cố,” ông nói.

“Đó là những gì Ngài đã làm. Và xem ra mọi thứ đã được đặt lên vai chúng ta để lấy lại và củng cố. “

Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto dự kiến sẽ gặp Vua Carl Gustav XVI và Hoàng hậu Silvia của Thụy Điển trên đảo Åland nhưng cuộc gặp đột ngột bị hủy - với suy đoán là do bình luận của Putin. Thụy Điển đã cấp tốc thực hiện các biện pháp phòng vệ trong trường hợp bị Nga tấn công.

Trong cuộc gặp gỡ những người trẻ xuất sắc nhất và sáng giá nhất của Nga, Putin cũng thừa nhận công chúng sẽ cần phải đợi một thập kỷ trước khi họ có thể rũ bỏ những ràng buộc của các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Một khán giả đã hỏi ông: “Vậy liệu chúng ta có sống tốt hơn trong thời gian 10 năm nữa không?”

Putin trả lời: “Vâng, cuối cùng thì sau khi đạt được các mục tiêu mà tôi đã đặt ra, phẩm chất cuộc sống ẽ tốt hơn.”

Erdogan đã cáo buộc Thụy Điển hỗ trợ và chứa chấp các tay súng người Kurd và các nhóm khác mà họ cho là khủng bố.

Sự phản đối đã khiến các quan chức Phần Lan, Thụy Điển và nhiều nước NATO ngạc nhiên và làm mờ đi triển vọng về tiến độ nhanh chóng trong đơn xin gia nhập thành viên trước thềm hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid vào cuối tháng này.

“Đơn xin của chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các thành viên NATO,” Thủ tướng Thụy Điển Linde nói trong một tuyên bố về chính sách đối ngoại tại quốc hội Thụy Điển.

“Ý muốn của chúng tôi là, trên tinh thần xây dựng, đạt được tiến bộ đối với các vấn đề mà Thổ Nhĩ Kỳ đã nêu ra.”

Linde nói thêm rằng không có gì phải nghi ngờ rằng Thụy Điển đã sát cánh cùng các đồng minh chống lại chủ nghĩa khủng bố.

Chính phủ Thụy Điển đã sống sót sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm hôm thứ Ba với sự giúp đỡ của một nhà lập pháp ủng hộ người Kurd ở Bắc Syria. Điều này có thể làm phức tạp nỗ lực gia nhập NATO, vì tất cả các thành viên của phải chấp thuận khi có quốc gia mới xin gia nhập.

Ankara cũng đã lên tiếng chỉ trích chính quyền Thụy Điển về việc ngừng xuất khẩu vũ khí sang Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2019 khi nước này phát động chiến dịch quân sự ở miền bắc Syria.

Mặc dù không đề cập trực tiếp đến Thổ Nhĩ Kỳ, Linde cho biết tư cách thành viên của Thụy Điển trong NATO có thể “thay đổi các điều kiện xuất khẩu vũ khí trong khuôn khổ các quy định quốc gia của chúng tôi”.

https://www.mirror.co.uk/news/world-news/smirking-vladimir-putin-threatens-sweden-27196907

4. Bộ trưởng Nông nghiệp Đức nói “Nga cố tình sử dụng nạn đói như một vũ khí”

Bằng cách phong tỏa các cảng của Ukraine, Nga đang “cố tình sử dụng nạn đói như một vũ khí”, Bộ trưởng Nông nghiệp Đức Cem Özdemir cho biết hôm thứ Sáu.

Özdemir nói với chi nhánh N-TV của CNN trong chuyến thăm Kyiv hôm thứ Sáu đó là “một loại chiến tranh đặc biệt ghê tởm mà Nga đang tham gia”. Ông nói thêm: “Các tuyến đường thay thế cho xuất cảng bằng hàng hải tốn một số tiền lớn”.

Özdemir đã thảo luận về các cách thay thế để xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine với Bộ trưởng nông nghiệp Ukraine Mykola Solskyi.

Ông Özdemir nói: “Sẽ là tự sát nếu Ukraine dựa vào lời nói của Putin mà không có những bảo đảm quân sự hiệu quả, đáng tin cậy rằng an ninh của các cảng và tàu của Ukraine được bảo đảm,” Özdemir nói.

“Tôi sẽ không tin lời của Putin bằng bất kỳ cách nào; Ông ta đã được chứng minh là một kẻ nói dối khét tiếng, “Özdemir nói với N-TV.

Trong thời gian bình thường, Ukraine sẽ xuất khẩu khoảng 3/4 lượng ngũ cốc mà nước này sản xuất. Theo số liệu của Ủy ban Âu Châu, khoảng 90% số hàng hóa xuất khẩu này được vận chuyển bằng đường biển, từ các cảng Hắc Hải của Ukraine. Nga hiện đang ngăn chặn việc tiếp cận hàng hải tới các cảng ở Hắc Hải do Ukraine nắm giữ, có nghĩa là ngay cả những loại ngũ cốc vẫn nằm trong sự kiểm soát của Ukraine cũng không thể xuất khẩu sang nhiều quốc gia phụ thuộc vào nó.

Theo Liên Hiệp Quốc, cuộc chiến của Nga ở Ukraine có thể đẩy tới 49 triệu người vào cảnh đói kém hoặc tương tự như nạn đói vì tác động tàn phá của nó đối với nguồn cung và giá lương thực toàn cầu.

Riêng Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach đã tham gia một hội nghị tài trợ cho việc xây dựng một trung tâm phục hồi chức năng cho những người tàn tật trong chiến tranh vào thứ Sáu tại Lviv. Đức sẽ hỗ trợ các xưởng sản xuất chân tay giả.

Lauterbach cho biết khoảng 200 bác sĩ Đức đã sẵn sàng giúp đỡ trong việc phẫu thuật và điều trị chấn thương ở Ukraine.

Lauterbach nói: “Thật đáng buồn khi thấy đất nước này đang phải hứng chịu quá nhiều từ một cuộc chiến tranh xâm lược biên giới một cách man rợ”.

5. Ngân hàng Trung ương Nga cắt giảm lãi suất lần thứ hai trong 2 tháng

Ngân hàng Trung ương Nga đã cắt giảm lãi suất lần thứ hai trong hai tháng, giảm lãi suất từ 11% xuống 9,5%. Ngân hàng cho biết lạm phát đang chậm lại nhanh hơn dự kiến.

Ngân hàng cũng cho biết “sự suy giảm trong hoạt động kinh tế” nhỏ hơn so với dự báo vào tháng 4, mặc dù nó nói thêm rằng môi trường kinh tế vẫn “đầy thách thức.” Việc cắt giảm mới đã diễn ra sau khi ngân hàng cắt giảm lãi suất từ 14% xuống 11% vào ngày 26 tháng 5.

Ngân hàng trung ương cho biết lạm phát ở Nga hiện là 17%, so với mức dự báo là 17,8% vào tháng Tư. Hiện chính phủ Nga dự đoán rằng tỷ lệ này sẽ giảm xuống từ 5% đến 7% vào năm 2023 và trở lại 4% vào năm 2024.

Theo ngân hàng, sự sụt giảm này “phần lớn là do sự điều chỉnh giá đối với một nhóm nhỏ hàng hóa và dịch vụ, sau khi chúng tăng mạnh vào tháng 3”. Theo ngân hàng, sự sụt giảm đó một phần là do đồng rúp của Nga tăng giá.

Lãi suất đã tăng cao tới 20% ngay sau khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng Hai khi ngân hàng cố gắng ngăn chặn các lệnh trừng phạt của phương Tây gây ra cuộc khủng hoảng tài chính.

Đồng rúp giảm xuống mức thấp kỷ lục so với đô la Mỹ sau cuộc xâm lược khi phương Tây đóng băng khoảng một nửa trong số 600 tỷ đô la dự trữ ngoại tệ của Nga. Hàng trăm công ty đa quốc gia đã rời khỏi đất nước, và Nga bị cấm mua công nghệ và dịch vụ quan trọng của phương Tây.

Đồng tiền của Nga kể từ đó đã tăng trở lại, được hỗ trợ bởi các biện pháp kiểm soát vốn nhằm buộc các doanh nghiệp và nhà đầu tư mua đồng rúp, cộng với giá năng lượng toàn cầu tăng vọt.

Nhưng nền kinh tế Nga hầu như không có chỗ đứng vững chắc. Việc kiểm soát vốn và dự trữ khẩn cấp không thể tồn tại lâu, và khả năng vỡ nợ có thể xảy ra. Điện Cẩm Linh hôm 31/5 tuyên bố rằng Nga có tiền và sẵn sàng trả nợ nên không có lý do khách quan nào dẫn đến việc vỡ nợ.
 
Giáo Hội tại Á Căn Đình và câu chuyện về phép lạ thánh thể ở Morón, Buenos Aires
VietCatholic Media
05:36 11/06/2022


1. Số lượng những người thờ ơ tôn giáo tăng rất mạnh ở Á Căn Đình

Đất nước quê hương của Đức Thánh Cha Phanxicô đang thế tục hóa với tốc độ nhanh chóng, cũng như các quốc gia Mỹ Latinh khác. Các vụ bê bối liên tục đã làm tổn hại sâu sắc hình ảnh của Giáo Hội Công Giáo ở Á Căn Đình, nơi chỉ còn 31% người Công Giáo thực hành đạo.

Từ 90% là người Công Giáo vào năm 1960, đất nước hiện có từ 52% đến 65% dân số theo Công Giáo, theo các cuộc khảo sát khác nhau. Cố nhiên, các cuộc khảo sát này có những sai sót trong phương pháp nghiên cứu, và có thể nhằm đưa ra các giải thích mang mầu sắc ý thức hệ.

Khoảng 20% dân số nói rằng họ không có tôn giáo và những người theo đạo Tin Lành đại diện cho khoảng 12% người Á Căn Đình, một con số vẫn thấp hơn so với nước láng giềng Brazil.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô vẫn giữ được một sự ưa chuộng nhất định, nhưng đã có sự sụt giảm, từ 62% năm 2017 xuống chỉ còn 52% ngày nay.

Và, cũng như ở nhiều nơi trên thế giới, thiền định phương Đông và các thực hành tâm linh cá nhân đang thu hút ngày càng nhiều người, trong khi có một sự thờ ơ với các giáo lý và ràng buộc tôn giáo.

Trong một diễn biến liên quan đến Giáo Hội tại Á Căn Đình, kết quả của cuộc điều tra liên quan đến một biến cố được cho là phép lạ thánh thể có thể sẽ được công bố vào ngày 16 tháng 6 tới đây, lễ Mình Máu Thánh Chúa hay còn gọi là Corpus Christi.

Các giáo dân tại Giáo xứ St. Vincent de Paul ở Hurlingham, Buenos Aires, Á Căn Đình cho rằng sau Thánh lễ ngày 30/8 năm ngoái một cục máu đông hình thành trên một bánh thánh.

Giáo xứ cho biết hai người đàn ông đang dọn dẹp nhà thờ cho biết đã thấy các bánh thánh rơi trên sàn nhà. Vị linh mục đã hướng dẫn họ đặt các bánh này vào một chiếc ly và để chúng tan ra. Những người đàn ông báo cáo rằng nước đã chuyển sang màu máu và các cục máu đông hình thành trên các bánh thánh.

Nội dung bản tin của giáo xứ như sau: “ Phép lạ này xảy ra tại giáo xứ St. Vincent de Paul vào ngày 30 tháng 8. Một số bánh thánh rơi xuống sàn, và hai người đàn ông phụ trách dọn dẹp giáo xứ đã thông báo cho linh mục. Ngài ra lệnh đặt những bánh này vào một cái ly, đổ nước vào cho đến khi các bánh thánh tan ra hết”.

“ Ngày hôm sau, 31 tháng 8, họ lại dọn dẹp giáo xứ. Họ tìm một kính lúp để quan sát cho rõ và không thể tin vào những gì mắt mình nhìn thấy.

Nước có màu máu, và vào lúc 3 giờ chiều, nó trở nên đặc hơn hình thành một cục máu đông. Vào lúc 6 giờ chiều, phép lạ đã hoàn tất.”

“Vị linh mục đã giao phép lạ cho Đức Giám Mục giáo phận Morón”.

Giáo phận Morón ở Buenos Aires sau đó đã ra thông báo làm rõ vụ việc. Cha Martín Bernal, phát ngôn viên giáo phận cho biết cha xứ đã không truyền phép các bánh thánh và vụ việc có lẽ “không phải là một phép lạ Thánh Thể”.

Tuy nhiên, Giám mục Morón Jorge Vázquez cho biết “để mọi người yên tâm”, ngài bắt đầu “một cuộc điều tra và phân tích những bánh thánh nói trên”.

Đây là toàn bộ thông cáo báo chí của Giáo phận Morón

“Đối diện với các tuyên bố khác nhau về một phép lạ Thánh Thể được cho là đã xảy ra vào ngày 31 tháng 8 năm nay, Đức Cha Jorge Vázquuz, Giám mục của Morón, khẳng định qua lời chứng của linh mục đã cử hành Thánh lễ ngày hôm đó rằng điều này không phải là một phép lạ Thánh Thể, vì các bánh thánh mà các bản ghi âm và các bản văn đề cập đến chưa hề được thánh hiến bởi bất kỳ linh mục nào, nhưng đã bị làm rớt trước khi được thánh hiến.

Các bánh thánh này được giữ trong một túi nhựa, và sau đó được cho vào nước để làm tan ra, như quy định thường lệ trong những trường hợp như thế này.

Tuy nhiên, để mọi người yên tâm, Đức Cha đã bắt đầu một cuộc điều tra thích ứng và việc phân tích các bánh thánh nói trên sẽ được thực hiện trong phòng thí nghiệm.”
Source:tn.com.ar

2. Báo cáo của Hoa Kỳ: Vi phạm tự do tôn giáo vẫn tiếp diễn trên khắp thế giới

Các chính phủ và xã hội trên khắp thế giới tiếp tục vi phạm tự do tôn giáo, nhưng một số quốc gia đã đạt được tiến bộ trong năm ngoái, các quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết khi công bố báo cáo thường niên.

Ngoại trưởng Antony Blinken và đại sứ Rashad Hussain đã đưa ra những đánh giá của họ về thực trạng toàn cầu của quyền được tin và thực hành đức tin khi trình bày Báo cáo năm 2021 của Bộ Ngoại giao về Tự do Tôn giáo Quốc tế. Báo cáo, được yêu cầu hàng năm theo luật năm 1998, đã đánh giá điều kiện của tự do tôn giáo ở gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Ngoại trưởng Blinken nói: “Ở nhiều nơi trên thế giới, các chính phủ không tôn trọng các quyền cơ bản của công dân, đồng thời cho biết thêm rằng tất cả các xã hội” phải làm nhiều hơn nữa để chống lại các hình thức thù hận đang gia tăng, bao gồm chủ nghĩa bài Do Thái và chống Hồi giáo”.

Ông Blinken nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo rằng Afghanistan, Miến Điện, Trung Quốc, Eritrea, Pakistan và Ả Rập Xê Út là những ví dụ về các quốc gia bị vi phạm quyền tự do tôn giáo. Ngoài ra, quyền của các nhóm thiểu số tôn giáo “đang bị đe dọa” ở các nước như Ấn Độ, Nigeria và Việt Nam.

Tuy nhiên, Iraq, Morocco, Đài Loan và Timor-Leste là một trong những quốc gia đạt được “tiến bộ đáng chú ý”.

Hussain, người đã được Thượng viện xác nhận vào tháng 12 năm 2021 với tư cách là đại sứ đặc mệnh toàn quyền về tự do tôn giáo quốc tế, cho biết, “Từ Nhân chứng Giêhôva ở Nga; Người Do Thái ở Âu Châu; Baha'is ở Iran; Kitô hữu ở Bắc Triều Tiên, Nigeria và Ả Rập Xê Út; Người Hồi giáo ở Miến Điện và Trung Quốc; Người Công Giáo ở Nicaragua; và những người theo chủ nghĩa vô thần và nhân văn trên khắp thế giới, không có cộng đồng nào được miễn nhiễm với những hành vi lạm dụng này”.

Chuyên gia chính sách công cộng của Southern Baptist Chelsea Sobolik nói với Baptist Press sau khi báo cáo được công bố: “Khi hàng triệu người phải đối mặt với sự đàn áp dưới tay chính phủ của họ và hàng triệu người khác bị cưỡng bức phải di dời, vai trò của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày càng quan trọng để bảo đảm rằng tôn giáo quốc tế tự do là ưu tiên hàng đầu của chính sách đối ngoại.

Sobolik, giám đốc chính sách công của Ủy ban Tự do Đạo đức & Tôn giáo, cho biết: “Chúng ta phải luôn vận động để các chính phủ ngừng ngược đãi công dân của họ và làm việc để thúc đẩy việc bảo vệ cuộc sống và lương tâm trên toàn thế giới.

Hussain nói với các phóng viên các chủ đề chính trong báo cáo năm nay là:

“Có quá nhiều chính phủ sử dụng luật và chính sách phân biệt đối xử và lạm dụng chính người dân của họ.

“Sự không khoan dung và lòng thù hận đang gia tăng trong xã hội đang thúc đẩy bạo lực và xung đột trên khắp thế giới.”

“Sự hợp tác mạnh mẽ giữa xã hội dân sự, chính phủ và các đối tác đa phương đã dẫn đến một số tiến bộ và mang lại hy vọng trong việc giải quyết những thách thức phức tạp này”.

Hussain cho biết, xã hội dân sự, bao gồm các nhà lãnh đạo và tổ chức tôn giáo, là điều cần thiết cho công việc: “Hy vọng lớn nhất của chúng tôi là chúng ta có thể cùng nhau đoàn kết nỗ lực để bảo đảm tôn trọng tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng cho tất cả mọi người trên toàn cầu.”
Source:kentuckytoday.com

3. Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk: Hôm nay chúng ta đang trải qua 100 ngày chiến tranh, 100 ngày biểu lộ sự hiện diện tuyệt vời của Chúa giữa chúng ta

Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương đã có một video trình bày các nhận định của ngài sau 100 ngày chiến tranh kinh hoàng tại Ukraine.

Đức Tổng Giám Mục nói rằng chúng ta tin rằng Chúa là Đấng duy nhất mà chúng ta có thể và nên đặt hy vọng vào. Và hôm nay, vào ngày thứ một trăm của cuộc chiến này, chúng ta bắt đầu ngày đầu tiên của Thập kỷ Truyền giáo, đó là mười ngày chờ đợi sự xuất hiện của Chúa Thánh Thần. Trong những ngày này, Giáo hội của chúng ta cầu nguyện cho tinh thần truyền giáo, cầu nguyện để có thể chia sẻ đức tin của mình với những người chưa phải là Kitô hữu ngày nay và chưa gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô.

Đức Tổng Giám Mục đã đề cập đến một đoạn trong bài Tin Mừng hôm nay kể về cuộc trò chuyện giữa Chúa Kitô và các môn đệ của Người trong Bữa Tiệc Ly.

“Và sau đó Philíp thưa với Chúa Giêsu, ‘Lạy Chúa, xin chỉ cho chúng tôi biết Chúa Cha và điều đó là đủ cho chúng con’.” Vị Tông đồ này bày tỏ ước muốn sâu xa nhất của mỗi người – đó là được biết Đấng Tạo Hóa của họ, được biết Đấng Cứu Rỗi của họ. Đây là mong muốn sâu sắc nhất của mỗi người mà họ phải hiện thực hóa trong cuộc đời mình.”

Đức Tổng Giám Mục cũng giải thích rằng khi chúng ta nói về việc tìm kiếm sự thật, thấu hiểu những gì xảy ra với một người, ngay cả trong một cuộc chiến tàn khốc, chúng ta đang hướng về Chúa Kitô. Hơn nữa, khi chúng ta tìm kiếm sự sống sung mãn, chúng ta muốn sống, ngay cả trong thời kỳ quân sự xâm lược đang gieo rắc chết chóc, chúng ta đang rao giảng về Chúa Kitô.

“Khi chúng ta đang cùng nhau đi trên con đường của Thập kỷ Truyền giáo này, tôi xin các bạn cầu nguyện cho tất cả các linh mục, tu sĩ, nữ tu và giáo dân của chúng ta, những người rao giảng về Chúa Kitô cho những người chưa biết Ngài, và cầu nguyện cho những người thực hiện công việc truyền giáo này của Giáo hội của chúng ta. Tôi xin anh chị em một lời cầu nguyện đặc biệt cho những người lính của chúng ta. Họ là những nhân chứng đặc biệt về sự hiện diện của Thiên Chúa cho chúng ta ngày nay, vì không có người vô thần nào trên chiến tuyến. Ngay cả những người không tin Chúa cũng cảm thấy rằng có ai đó đang ở ranh giới giữa sự sống và cái chết, và các Kitô hữu biết Ngài là ai và hướng về Thiên Chúa hằng sống hiện diện trong chúng ta trong Con Ngài là Chúa Giêsu Kitô.”

“Hôm nay chúng ta cầu nguyện cho tất cả những người chưa biết con đường thật, những người vẫn đang tìm kiếm Chúa. Lạy Chúa, xin giúp chúng con chu toàn ơn gọi truyền giáo. Lạy Chúa, xin chúc lành cho Ukraine. Lạy Thiên Chúa, xin ban cho con cái Ngài niềm vui khi gặp Ngài. Lạy Chúa, Chúa là Chân lý của chúng con, Ngài là cuộc sống của chúng con, xin cho chúng con sống trong Ngài, biết Ngài, gặp gỡ Ngài, giúp cả thế giới biết đến Ngài.”
Source:UGCC
 
Putin không xong: xây xẩm, mặt sưng húp, phải cấp cứu. Thế giới lên án phiên tòa Kangoroo của Nga
VietCatholic Media
16:15 11/06/2022


1. Vladimir Putin cần 'chăm sóc y tế khẩn cấp' sau khi cảm thấy xay sẩm mặt mày

Các bác sĩ khuyên Vladimir Putin nên tránh xuất hiện trước công chúng sau khi ông cảm thấy “ốm yếu, suy nhược và chóng mặt” khi đứng dậy khỏi bàn làm việc trong chương trình truyền hình dài 90 phút của Nga

Vladimir Putin cảm thấy “ốm yếu, suy nhược và chóng mặt” khi đứng dậy khỏi bàn làm việc sau phiên họp ảo kéo dài một tiếng rưỡi, điều này đã được khẳng định.

Kênh General SVR Telegram đưa tin, Tổng thống Nga cần hỗ trợ y tế khẩn cấp và đã được các bác sĩ thúc giục không tiến hành các cuộc phỏng vấn kéo dài.

Nhiều tuyên bố về các vấn đề y tế đã được đưa ra liên quan đến sức khoẻ của Putin bao gồm ung thư và bệnh Parkinson.

Sự việc “chóng mặt” này có thể giải thích cho một thông báo đột ngột trong tuần này rằng chương trình phát sóng trực tiếp 'Đường dây trực tiếp' hàng năm của Putin - một cuộc hỏi đáp khi ông trả lời các câu hỏi từ những người Nga bình thường - đã bị hoãn lại vô thời hạn.

Chương trình Đường dây trực tiếp được lên lịch vào nửa cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7, nhưng bây giờ không có ngày nào được xác định.

Mặc dù vậy, Putin đã được nhìn thấy trong một lần xuất hiện khá hiếm hoi trước công chúng ở Mạc Tư Khoa vào hôm thứ Năm.

Anh ta đã gần gũi với nhiều người tại một sự kiện đánh dấu kỷ niệm 350 năm ngày sinh của Peter Đại đế và một buổi họp tại cùng một địa điểm với các doanh nhân trẻ, kỹ sư và nhà khoa học.

Nhưng SVR cho biết: “Việc hoãn vô thời hạn chương trình Đường dây trực tiếp với Tổng thống là do sức khỏe của Vladimir Putin không ổn định.

“Một tuần trước, tổng thống đang chuẩn bị trả lời các câu hỏi của người dân Nga vào cuối tháng 6 đến đầu tháng 7.”

“Nhưng các bác sĩ khuyên ông ấy không nên xuất hiện lâu trước công chúng trong tương lai gần.”

“Lập luận mới nhất ủng hộ việc không nói trước công chúng là một sự việc xảy ra sau cuộc họp liên kết video kéo dài một tiếng rưỡi gần đây với các đại diện của khối quân sự. Sau cuộc họp, Putin cảm thấy ốm yếu, suy nhược và chóng mặt trong khi cố gắng đứng dậy khỏi bàn.

Mặt Putin trông “sưng húp” và tay chân run rẩy trong những lần xuất hiện trước


Source:Mirror

2. Biden đổ lỗi cho cuộc chiến của Nga ở Ukraine khiến lạm phát tiếp tục tăng cao

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã phản ứng trước báo cáo Chỉ số Giá tiêu dùng hôm thứ Sáu trong đó tiết lộ lạm phát tiếp tục cao. Ông hứa rằng chống lạm phát là “ưu tiên kinh tế hàng đầu” của ông, đồng thời đổ lỗi cho việc giá cả tiếp tục tăng cao là do Nga xâm lược Ukraine một cách vô cớ.

“Ngay cả khi chúng tôi tiếp tục công việc bảo vệ tự do ở Ukraine, chúng tôi phải làm nhiều hơn nữa — và nhanh chóng — để giảm giá ở Hoa Kỳ,” Biden nói trong một tuyên bố.

Sau khi đưa ra tuyên bố, Biden đưa ra nhận xét tại Cảng Los Angeles, nơi ông đang tạm dừng cuộc họp thượng đỉnh khu vực để giải quyết vấn đề lạm phát.

“Báo cáo lạm phát hôm nay xác nhận những gì người Mỹ đã biết. Ông Putin nói rằng việc tăng giá đang ảnh hưởng nặng nề đến người Mỹ.”

Biden đã sử dụng ngôn ngữ tương tự trong một tuyên bố đã công bố trước đó:

“Đợt tăng giá vì cuộc chiến của Putin đã ảnh hưởng nặng nề vào tháng 5 tại đây và trên toàn thế giới: giá xăng cao tại các máy bơm, giá năng lượng và thực phẩm chiếm khoảng một nửa mức tăng giá hàng tháng và giá bơm xăng tăng 2 USD / gallon ở nhiều nơi kể từ khi quân đội Nga bắt đầu đe dọa Ukraine, “theo tuyên bố.

Trong tuyên bố, ông cũng kêu gọi các công ty dầu khí đừng thu “lợi nhuận quá mức”.

“Giá nhiên liệu là một phần chính của lạm phát, và cuộc chiến ở Ukraine là một nguyên nhân chính gây ra điều đó. Hoa Kỳ đang trên đà sản xuất một lượng dầu kỷ lục trong năm tới, và tôi đang làm việc với ngành công nghiệp để đẩy nhanh sản lượng này. Nhưng điều quan trọng là các ngành công nghiệp dầu khí và lọc dầu ở nước này không sử dụng thách đố do chiến tranh ở Ukraine tạo ra như một lý do để khiến mọi thứ tồi tệ hơn đối với các gia đình bị trục lợi quá mức vì giá sinh hoạt tăng cao”, ông Biden nói trong tuyên bố.

Và sau khi kết thúc bài phát biểu của mình ở Los Angeles, Biden đã đề cập đến các công ty dầu mỏ lớn của Mỹ vì đã không giúp hạ giá khí đốt.

Ông nói: “Chúng tôi sẽ bảo đảm rằng mọi người đều biết lợi nhuận của Exxon. Năm ngoái, Exxon đã kiếm được nhiều tiền hơn bất kỳ ai”.

Ông chỉ trích các công ty vì đã không sử dụng hàng nghìn mẫu đất mà họ đã thuê để khai thác thêm dầu.

“Họ không khoan. Tại sao họ không khoan? Bởi vì họ kiếm được nhiều tiền hơn mà không cần phải sản xuất nhiều dầu hơn. Giá cả tăng cao, là điều thứ nhất. Và thứ hai, lý do họ không khoan là họ đang mua lại cổ phiếu của chính họ, mua lại cổ phiếu của chính họ và không đầu tư mới. “

Biden cũng yêu cầu Quốc hội thông qua luật để giúp những người Mỹ đang gặp khó khăn với giá sinh hoạt cao hơn.

“Tôi kêu gọi Quốc hội thông qua dự luật cắt giảm chi phí vận chuyển trong tháng này và đưa nó đến bàn làm việc của tôi, để chúng tôi có thể hạ giá hàng hóa,” Biden nói trong tuyên bố.

3. Các quan chức Ukraine lên án mạnh mẽ “phiên tòa giả mạo” ra lệnh tử hình các quân nhân Anh

Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba hôm thứ Sáu đã lên án mạnh mẽ “phiên tòa giả mạo” trong đó ba tù nhân chiến tranh người Anh bị buộc tội là lính đánh thuê và bị tòa án của cái gọi là Cộng hòa Nhân dân Donetsk, gọi tắt là DPR, thân Nga,kết án tử hình.

Nhà chức trách DPR cho biết ba cá nhân - công dân Anh Aiden Aslin và Shaun Pinner, và Brahim Saadoune, quốc tịch Maroc - là những chiến binh nước ngoài đã bị quân Nga bắt tại thành phố Mariupol của Ukraine vào tháng 4.

Truyền thông nhà nước Nga cho biết ba tù nhân có một tháng để kháng cáo bản án của họ trước khi bị xử tử.

Kuleba đã tweet vào thứ Sáu, “Là những người tham chiến, họ được bảo vệ bởi luật nhân đạo quốc tế và phải được đối xử phù hợp”. Ông nói thêm rằng Ukraine sẽ tiếp tục làm việc với Vương quốc Anh để bảo đảm trả tự do cho họ.

Tổng công tố Ukraine Iryna Venediktova cũng bình luận về hoàn cảnh của những người đàn ông hôm thứ Sáu, nói rằng, “những người này là quân đội có tư cách của những người chiến đấu. Họ tham gia vào chiến tranh một cách hợp pháp. Chúng tôi gọi họ là những chiến binh. Công ước Geneva hoàn toàn bao gồm họ”.

Venediktova lên án việc xét xử những người đàn ông là “bộ mặt của những bộ lạc rất hoang dã, tăm tối”, Venediktova nói, “những người văn minh không làm điều đó.”

Venediktova cho biết cô không thể báo cáo tất cả thông tin liên quan đến những gì đang được thực hiện để cứu sống ba người đàn ông và đưa họ trở về Ukraine an toàn, nhưng cô cho biết chính phủ Ukraine đang làm mọi thứ theo thẩm quyền của mình để giải thoát họ.

4. Thủ tướng Đức cho biết ứng cử viên thành viên Liên Hiệp Âu Châu phải ủng hộ các biện pháp trừng phạt chống lại Nga

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết ông hy vọng các biện pháp trừng phạt chống lại Nga sẽ được ủng hộ bởi tất cả các nước xin gia nhập Liên Hiệp Âu Châu, bao gồm cả Serbia.

“Đó là một cuộc chiến khủng khiếp, một cuộc chiến vô nghĩa đã được bắt đầu cho một tầm nhìn đế quốc của Nga. Đó là lý do tại sao điều quan trọng là Liên minh Âu Châu, và tất cả chúng ta, phải đoàn kết với Ukraine và giúp nước này tự vệ trước cuộc tấn công này “, ông Scholz nói với Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic trong một cuộc họp báo chung ở Belgrade hôm thứ Sáu.

“Các lệnh trừng phạt sẽ không đơn giản biến mất khi vũ khí im lặng,” Scholz nói. Ông nói thêm: “Nga phải hiểu rõ cái giá phải trả cho cuộc xâm lược Ukraine.”

“Rõ ràng là một thỏa thuận cuối cùng cũng phải làm rõ câu hỏi về việc Kosovo được công nhận hay không, bởi vì không thể tưởng tượng được rằng hai quốc gia không công nhận lẫn nhau sẽ trở thành thành viên của Liên Hiệp Âu Châu,” Scholz nói trong một cuộc họp báo chung trước đó với Thủ tướng Kosovo Albin Kurti ở Pristina vào thứ Sáu.

“Hôm nay tôi yêu cầu cả hai bên một lần nữa cam kết rõ ràng cho cuộc đối thoại này. Mọi người phải tiếp cận nhau, bất kể khó khăn như thế nào “. Vucic đã bác bỏ “những lời đe dọa” và “áp lực” chống lại Serbia khi nói đến việc công nhận và đối thoại với Kosovo.

Kosovo và Serbia đều là thành viên của Liên Hiệp Âu Châu. Ông Scholz cho biết hội đồng Liên Hiệp Âu Châu sẽ đưa ra quyết định về việc Ukraine tăng tốc gia nhập Liên Hiệp Âu Châu sau khuyến nghị của ủy ban Liên Hiệp Âu Châu.

5. Thị trưởng Mariupol: Nga phá hủy 1.300 tòa nhà cao tầng trong thành phố mà không dọn xác người dân

Các lực lượng Nga chiếm đóng thành phố Mariupol đổ nát của Ukraine đã phá hủy 1.300 tòa nhà chung cư cao tầng mà không di dời hàng trăm thi thể bị chôn vùi dưới đống đổ nát, thị trưởng Ukraine Mariupol Vadym Boychenko cho biết hôm thứ Sáu.

Phát biểu trên Telegram của hội đồng thành phố, ông Boychenko - người đã phải di tản khỏi Mariupol đến lãnh thổ do Ukraine kiểm soát - cho biết những người còn lại trong thành phố đã nói với anh ấy rằng: “Ban đầu, quân xâm lược Nga đã nhờ người dân Mariupol tháo dỡ đống đổ nát một cách cẩn thận.”

Nhưng Boychenko cho biết khi người Nga nhìn thấy số lượng thi thể thực tế được tìm thấy dưới đống đổ nát, họ ngay lập tức di dời cư dân địa phương khỏi khu vực này.

“Số lượng thi thể thực sự dưới đống đổ nát của những ngôi nhà bị phá hủy thật đáng sợ. Gần 50 đến 100 người đã thiệt mạng dưới hầu hết các ngôi nhà bị phá hủy, và 1.300 tòa nhà cao tầng đã bị phá hủy ở Mariupol, “Boychenko nói

Boychenko nói rằng do việc phá dỡ các tòa nhà được thực hiện một cách bừa bãi, thi thể của những cư dân Mariupol thiệt mạng trong cuộc giao tranh đã được chuyển đến bãi rác cùng với đống đổ nát bê tông.

Vào ngày 25 tháng 5, một cố vấn của thị trưởng, Petro Andriushchenko - người cũng đã chuyển đến lãnh thổ do Ukraine nắm giữ - nói với CNN rằng các quan chức tòa thị chính Mariupol tin rằng ít nhất 22.000 cư dân của thành phố đã thiệt mạng trong ba tháng chiến tranh.

Thị trưởng Boychenko hôm thứ Sáu cho biết “Thật không may, con số thực của những người thiệt mạng trong thành phố có thể cao hơn nhiều so với chúng tôi đã báo cáo.

Tổng thống Ukraine đã mô tả số lượng dân thường thiệt mạng trong thành phố là “hàng chục nghìn”.

6. Macron có thể thăm Ukraine sau quyết định của Liên Hiệp Âu Châu về việc gia nhập của Ukraine

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có thể sẽ có chuyến thăm đầu tiên tới Ukraine kể từ khi Nga xâm lược sau khi Liên minh Âu Châu quyết định vào cuối tháng 6 về đơn xin gia nhập liên minh của Kyiv, một nguồn tin của Điện Élysée nói với các nhà báo tại một cuộc họp báo hôm thứ Sáu.

“Chúng tôi đang chờ ủy ban cho ý kiến. Quyết định có thể là trao cho Ukraine tư cách ứng cử viên,” nguồn tin cho biết.

“Chúng tôi sẽ xác định thời gian của chuyến thăm theo các thông số này”

Nguồn tin của Élysée nhấn mạnh rằng Macron muốn thăm Ukraine theo cách hữu ích nhất cho đất nước.

Kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược Ukraine, nhiều nhà lãnh đạo phương Tây đã đến thăm nước này, trong đó có Thủ tướng Anh Boris Johnson và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi. Nhưng Macron vẫn chưa đến thăm Kyiv, mặc dù ông đã đóng vai trò tích cực trong suốt cuộc khủng hoảng.

Macron gần đây đã bị các nhà lãnh đạo Ukraine chỉ trích vì nhận xét trong đó ông nói “chúng ta không được làm bẽ mặt Nga” để theo đuổi chính sách ngoại giao.

7. Pháp: 3 người nước ngoài bị kết án tử hình “phải được đối xử trên sự tôn trọng của luật nhân đạo quốc tế”

Vào cuối ngày thứ Sáu, Pháp cho biết họ “cực kỳ lo ngại” về bản án tử hình dành cho ba người đàn ông - hai người Anh và một người Maroc - là những chiến binh tình nguyện cho Lực lượng vũ trang Ukraine.

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Pháp mô tả phiên tòa của họ là một “trò giả tạo” và ba người nước ngoài “phải được đối xử theo sự tôn trọng của luật nhân đạo quốc tế.”

Pháp cũng kêu gọi “Nga và các nước ủy quyền của họ ở Ukraine tôn trọng nghĩa vụ của họ trong vấn đề đó.”

Một tòa án ở cái gọi là Cộng hòa Nhân dân Donetsk, gọi tắt là DPR, thân Nga, đã kết án tử hình các công dân Maroc Brahim Saadoune và công dân Anh Aiden Aslin và Shaun Pinner vào thứ Năm sau khi cáo buộc họ là “lính đánh thuê” cho Ukraine.

8. Liên Hiệp Quốc “lo ngại” về bản án tử hình của ba chiến binh nước ngoài ở Donetsk

Liên Hiệp Quốc cho biết họ “lo ngại” về bản án tử hình của ba người nước ngoài ở Donetsk, đồng thời nói thêm rằng “theo Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine, tất cả những người đàn ông đều là một phần của lực lượng vũ trang Ukraine và không thể bị coi là lính đánh thuê. “

Trả lời các phóng viên trong cuộc họp báo tại Geneva hôm thứ Sáu, phát ngôn nhân Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Ravina Shamdasani cho biết: “Văn phòng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc lo ngại rằng vào ngày 9 tháng 6, cái gọi là 'tòa án tối cao' của 'Cộng hòa Nhân dân Donetsk' tự xưng đã kết án tử hình ba quân nhân của các lực lượng vũ trang Ukraine, nhưng là công dân nước ngoài, bị bắt ở Mariupol, vì tội làm lính đánh thuê và vì cố gắng cướp chính quyền ở cái gọi là 'nước cộng hòa'. “

Một tòa án ở Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) thân Nga, tự xưng đã kết án công dân Maroc Brahim Saadoune và hai công dân Anh Aiden Aslin và Shaun Pinner vào hôm thứ Năm, sau khi cáo buộc họ là “lính đánh thuê” cho Ukraine.

Shamdasani nói rằng kể từ năm 2015, Liên Hiệp Quốc đã nhận thấy rằng “cái gọi là” cơ quan tư pháp “ở các” nước cộng hòa “tự xưng đã không tuân thủ các bảo đảm xét xử công bằng cần thiết, chẳng hạn như xét xử công khai, tính độc lập và không thiên vị của tòa án và quyền được có luật sư biện hộ. “

“Những phiên tòa như vậy đối với các tù nhân chiến tranh được coi là một tội ác chiến tranh. Trong trường hợp sử dụng án tử hình, việc bảo đảm xét xử công bằng là quan trọng hơn cả,” Shamdasani nói.
 
Putin quá ác: Phi châu bị đói vì Putin. Tòa Thánh trực tiếp giải quyết vụ đại nghịch bất đạo ở Ấn
VietCatholic Media
17:40 11/06/2022


1. Đức Thánh Cha tiếp kiến Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn

Đức Thánh Cha Phanxicô đặc biệt đề cao vai trò của Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn trong việc thăng tiến đối thoại và vui tươi giữa tín đồ các tôn giáo khác nhau.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây, trong buổi tiếp kiến sáng mùng 06 tháng Sáu năm 2022, dành cho Hội đồng đối thoại liên tôn này, đang nhóm đại hội toàn thể tại Vatican, từ ngày 06 đến ngày 08 tháng Sáu này, về chủ đề: “Đối thoại liên tôn và vui sống” và dưới quyền chủ tọa của Đức Hồng Y Chủ tịch Miguel Ángel Ayuso Guixot, thuộc dòng thánh Comboni người Tây Ban Nha.

Đức Thánh Cha nói: “Sứ mạng của anh chị em là: Thăng tiến với các tín hữu khác, một cách huynh đệ và vui tươi, hành trình tìm kiếm Thiên Chúa; coi những người thuộc các tôn giáo khác không phải một cách trừu tượng, nhưng cụ thể, với lịch sử, ước muốn, những vết thương và mơ ước. Chỉ như thế chúng ta mới có thể cùng nhau xây dựng một thế giới có thể là nơi cư ngụ trong an bình cho tất cả mọi người. Đứng trước những loạt khủng hoảng và xung đột, “một số người tìm cách trốn chạy thực tại trong thế giới riêng tư, nhưng giữa sự dửng dưng ích kỷ và sự phản đối bạo lực, luôn luôn có một con đường có thể, đó là đối thoại”. (Fratelli tutti, 199)

Hội đồng đối thoại liên tôn hiện có khoảng mười Hồng Y và gần hai mươi giám mục thành viên, trong đó có Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, nguyên Giám mục giáo phận Xuân Lộc. Ngoài các vị thành viên, tham gia khóa họp hiện nay cũng có các chuyên gia cố vấn của Hội đồng, cùng với Tiến sĩ Abraham Silo Wilar, đại diện Hội đồng đại kết các Giáo hội Kitô ở Genève.

Chủ đề của khóa họp được trình bày dưới một quan điểm rộng rãi, nhờ một số tường trình liên quan đến các vùng địa lý khác nhau và qua những lúc suy tư, trao đổi giữa các tham dự viên.

Đức ông Indunil Kodithuwakku, người Sri Lanka, Tổng thư ký của Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn, trình bày cho các tham dự viên hoạt động của Hội đồng trong những năm qua, từ khóa họp lần chót. Khóa họp toàn thể vẫn là cơ hội thích hợp để suy tư về hiện trạng đối thoại liên tôn tại các nơi trên thế giới và đào sâu vai trò của Cộng đoàn Kitô để thăng tiến sự sống chung và tình huynh đệ giữa các tín đồ thuộc các truyền thống tôn giáo hầu họ có thể góp phần vào thiện ích của toàn thể nhân loại.

2. Một phái đoàn linh mục Ấn Độ đến Vatican gặp Đức Hồng Y Sandri

Hôm Thứ Tư, 08 tháng Sáu, một phái đoàn cấp cao các linh mục thuộc Tổng giáo phận Ernakulam của Giáo Hội Công Giáo Syro-Malabar lên đường sang Vatican để gặp Đức Hồng Y Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, để bàn về việc cử hành thánh lễ thống nhất trong Giáo hội này.

Phái đoàn đến Roma theo lời mời của Đức Hồng Y Sandri và dưới sự hướng dẫn của Đức Tổng Giám Mục Antony Karyil, Đại diện Đức Tổng Giám Mục Trưởng và ba vị Tổng đại diện của giáo phận, cùng với cha sở nhà thờ chính tòa Ernakulam, cũng là chuyên gia về phụng vụ. Sau cùng là cha Chưởng ấn của giáo phận.

Cuối tháng Ba vừa qua, tại thành phố Ernakulam, thuộc bang Kerala, một nhóm giáo dân Syro-Malabar đã đốt công khai ở hai hình nộm có hình Đức Hồng Y George Alencherry, tổng giám mục Giáo chủ của Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Syro-Malabar, và Đức Hồng Y Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ Giáo hội Đông phương. Cử chỉ này đang gây ra sự mất tinh thần trong cộng đồng Công Giáo Ấn Độ có nguồn gốc rất cổ kính này, lại là một trang đen tối khác trong cuộc xung đột đã diễn ra trong nhiều năm về vấn đề phụng vụ “thống nhất”, gây ra chia rẽ giữa các giám mục, giáo sĩ và tín hữu.

Tháng 8 năm ngoái, Thượng hội đồng Syro-Malabar đã ấn định Lễ Phục sinh 2022 là thời hạn để bắt đầu cử hành một cách thống nhất Phụng Vụ Qurbana, là phụng vụ Thánh Thể theo nghi thức Đông phương này, trong tất cả 35 giáo phận.

Cho đến nay, nhiều giáo phận trong Giáo Hội Syro-Malabar đã tuân theo các phương thức cử hành Thánh lễ khác nhau. Một điểm khác biệt rõ ràng là các linh mục khi cử hành thánh lễ đối diện với cộng đoàn ở một số giáo phận, trong khi ở một số giáo phận khác, các linh mục đối diện với bàn thờ.

Cách thức hợp nhất là sự kết hợp của cả hai và nó được ấn định có hiệu lực từ Lễ Phục sinh 2022 trên toàn Giáo hội. Trong phần Phụng Vụ Lời Chúa, các linh mục sẽ quay xuống cộng đoàn. Trong phần Phụng Vụ Thánh Thể, các linh mục sẽ quay lên bàn thờ. Từ Kinh Lạy Cha sẽ lại quay xuống cộng đoàn.

Thượng Hội Đồng Giáo Hội Syro-Malabar đã biểu quyết một cách áp đảo cách thức hợp nhất này. Nhưng chống đối đã lập tức nổi lên. Trong một diễn biến phức tạp khác vị Giám Quản Tông Tòa của tổng giáo phận Ernakulam-Angamaly đã chính thức tuyên bố rằng ngài đã ban hành một ngoại lệ đối với phong cách thống nhất của thánh lễ cho tổng giáo phận của ngài, và đã nhận được sự cho phép từ Rôma. Các linh mục trong tổng giáo phận của ngài sẽ tiếp tục quay xuống như từ trước đến nay, nghĩa là giống như trong các thánh lễ của Công Giáo nghi lễ Latinh. Ngoại lệ tương tự sau đó cũng được cấp cho giáo phận Irinjalakuda.

Tuy nhiên, Đức Hồng Y Alencherry vào ngày 10 tháng 12 đã ban hành một chỉ thị bác bỏ các các miễn trừ. Ngài nói rằng đã nhận được một lá thư từ Rôma, trong đó tuyên bố rằng toàn bộ Giáo Hội Syro-Malabar áp dụng chung cách thức hợp nhất, một có miễn trừ gì cho bất cứ ai. Tất cả đều phải áp dụng các quy tắc phụng vụ đã được Thượng hội đồng phê chuẩn.

Giáo Hội Công Giáo Syro Malabar có hơn ba triệu tín hữu ở Ấn Độ và một số nơi khác trên thế giới.


Source:Asia News

3. Thế giới, đặc biệt Phi châu đang bị đói

Chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Phi châu và Madagascar, gọi tắt là SECAM, Đức Hồng Y Philippe Ouédraogo, Tổng giám mục Giáo phận Ouagadougou, thủ đô Burkina Faso, tố giác tình trạng nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là Phi châu, đang bị nạn đói đe dọa, và kêu gọi vượt thắng sự ích kỷ.

Trong sứ điệp nhân lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, ngày 05 tháng Sáu vừa qua, Đức Hồng Y Ouédraogo viết: “Năm nay, chúng ta mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống giữa nhiều thách đố. Năm 2022 này có sự leo thang chưa từng có của nạn đói trên thế giới, vì những hậu quả của đại dịch Covid-19, những thay đổi khí hậu, vì những chiến tranh kéo dài, đặc biệt tại Ukraine...

Theo những kết luận của Phúc trình hoàn cầu về cuộc khủng hoảng lương thực (GRFC) năm nay, 2022, thì hồi năm ngoái đã có 193 triệu người lâm vào tình trạng thiếu thốn trầm trọng về lương thực, và cần được trợ giúp khẩn cấp tại năm mươi ba nước, và người ta dự báo rằng viễn tượng bất an lương thực hoàn cầu trong năm 2022 này càng tệ hơn năm ngoái. Phần lớn các nước bị hạn hán là ở Phi châu. Thực vậy, theo tổ chức Lương nông quốc tế, FAO, mức độ cực kỳ bất an về lương thực ở Phi châu hầu như tăng gấp bốn lần, từ trong ba năm qua, từ năm 2019 đến năm 2022, với hơn 281 triệu người đói trong năm ngoái (2021)”.

Đức Hồng Y Chủ tịch tổ chức SECAM nhắc nhở các tín hữu rằng: trong tư cách là những môn đệ của Chúa Kitô ngày nay, chúng ta được mời gọi phá vỡ cái lôgíc vơ vét ích kỷ những của cải và học cách chia sẻ với những người khác. Thực vậy, những của cải là một món quà của Thiên Chúa cho tất cả mọi người và thuộc về tất cả mọi người, như Công đồng chung Vatican II đã dạy, Thiên Chúa dành trái đất và tất cả những gì trong đó cho mọi người và mọi dân tộc sử dụng. Vì vậy, những tài nguyên được dựng nên phải được chia sẻ công bằng cho tất cả mọi người, theo qui luật công lý, gắn liền với bác ái” (GS 69).

Đức Hồng Y Ouédraogo cũng kêu gọi “các chính phủ và các tổ chức nhân đạo hãy làm tất cả những gì có thể để không ai chết vì đói. Ngoài ra, chúng tôi khuyến khích phát triển những chính sách và chương trình hữu hiệu đề cao giá trị sự sản xuất lương thực ở địa phương và bài trừ nạn phung phí thực phẩm; bảo vệ đất đai canh tác và bảo đảm cho các nông dân được đất đai để trồng cấy. Vì giải pháp cho nạn đói không phải chỉ đạt được bằng sự trợ giúp lương thực. Việc trợ giúp này phải được coi như một giải pháp tạm thời và với mục đích để phần nào trong dân chúng có thể sống còn trong một tình trạng bị khủng hoảng”.

Trong bối cảnh thế giới đang lao đao về tình trạng lương thực, Nga đã phong tỏa các hải cảng của Ukraine, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ thứ hai trên thế giới. Cuối tuần qua, Nga cũng bắn những hỏa tiễn họ gọi là các hỏa tiễn chính xác nhất thế giới vào một kho chứa ngũ cốc lớn thứ hai của Ukraine.

Đại diện cấp cao của Liên minh Âu Châu, Josep Borrell, đã lên án một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga vào cuối tuần qua đã phá hủy một kho chứa ngũ cốc lớn ở thành phố cảng Mykolaiv, miền nam nước này.

“Một cuộc tấn công hỏa tiễn khác của Nga góp phần vào cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Lực lượng Nga đã phá hủy kho chứa ngũ cốc lớn thứ hai ở Ukraine, tại Mykolaiv,” Ông Borrell nói.

Hình ảnh trên mạng xã hội hôm Chúa Nhật cho thấy kho chứa ngũ cốc đã chìm trong biển lửa. Mykolaiv gần với một số khu vực sản xuất ngũ cốc màu mỡ nhất của Ukraine.

Borrell cho biết cuộc tấn công trái ngược với cam kết gần đây của Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc cung cấp đường đi an toàn cho các tàu buôn qua Hắc Hải từ các cảng của Ukraine.

“Thông tin sai lệch được lan truyền bởi Putin làm chệch hướng thông tin, những lời ông ta nói trở nên đáng hoài nghi hơn bao giờ hết” ông nói.