Ngày 10-06-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh lễ Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi 11/6/2017 dành cho người đau yếu
VietCatholic Network
03:56 10/06/2017
Bài đọc 1: Xh 34,4b-6.8-9
Đức Chúa! Đức Chúa! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi.

Bài trích sách Xuất hành.
Khi ấy, ông Mô-sê thức dậy và lên núi Xi-nai theo lệnh của Đức Chúa, tay mang hai bia đá.
Đức Chúa ngự xuống trong đám mây và đứng đó với ông. Người xưng danh Người là Đức Chúa. Đức Chúa đi qua trước mặt ông và xướng: “Đức Chúa! Đức Chúa! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín.” Ông Mô-sê vội vàng phục xuống đất thờ lạy và thưa: “Lạy Chúa, nếu quả thật con được nghĩa với Chúa, thì xin Chúa cùng đi với chúng con. Dân này là một dân cứng đầu cứng cổ, nhưng xin Ngài tha thứ những lỗi lầm và tội lỗi của chúng con, và nhận chúng con làm cơ nghiệp của Ngài.”
Đó là lời Chúa.

Đáp ca: Đn 3,52.53-54.55-56

Xin dâng lời khen ngợi suy tôn muôn đời.
Lạy Chúa, chúc tụng Ngài
là Thiên Chúa tổ tiên chúng con,
Chúc tụng danh thánh Ngài vinh hiển. Đ.
Chúc tụng Chúa trong thánh điện vinh quang,
Chúc tụng Chúa trên ngôi báu cửu trùng. Đ.
Chúc tụng Chúa, Đấng ngự trên các thần hộ giá
mà thấu nhìn vực thẳm,
Chúc tụng Chúa trên vòm trời tận chốn cao xanh. Đ.

Bài đọc 2: 2 Cr 13,11-13
Ân sủng của Chúa Giê-su Ki-tô, tình thương của Chúa Cha, và ơn hiệp thông của Chúa Thánh Thần.

Bài trích thư thứ hai của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.
Thưa anh em, anh em hãy vui mừng và gắng nên hoàn thiện. Hãy khuyến khích nhau, hãy đồng tâm nhất trí và ăn ở thuận hoà. Như vậy, Thiên Chúa là nguồn yêu thương và bình an, sẽ ở cùng anh em.
Anh em hãy hôn chào nhau cách thánh thiện. Tất cả các thánh ở đây gửi lời chào anh em.
Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giê-su Ki-tô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần. A-men.
Đó là lời Chúa.

Tung hô Tin Mừng: x. Kh 1,8
Allêluia. Allêluia.
Xin dâng lời tôn vinh chúc tụng
Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần
là Thiên Chúa đã có, hiện có và đang đến,
xin tôn vinh chúc tụng muôn đời. Allêluia.


Tin Mừng Ga 3,16-18

Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.
“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa.”
Đó là lời Chúa.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Liên Hiệp Quốc lên án bọn khủng bố Hồi Giáo IS sát hại những thường dân bỏ chạy về phiá quân Iraq
Đặng Tự Do
02:29 10/06/2017
Trong thông cáo báo chí đưa ra hôm 8 tháng 6, Giám Đốc Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc là ông Zeid Ra'ad Al Hussein tố cáo bọn khủng bố Hồi Giáo IS đang cố thủ tại Mosul đã sát hại hơn 231 thường dân, trong đó chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, khi họ lẩn trốn khỏi bọn khủng bố để chạy về phía quân Iraq.

Ông Hussein nhận định rằng từ hôm 19 tháng Hai đến nay, dân chúng trong khu vực phía Tây thành phố Mosul sống trong tình trạng bị bao vây, lương thực cạn kiệt dần. Họ bị bọn khủng bố Hồi Giáo IS bắt làm bia đỡ đạn cho chúng. Quyết định bỏ trốn khỏi những khu vực do bọn khủng bố Hồi Giáo IS chạy về phiá quân Iraq là một quyết định khó khăn đối với nhiều người. Họ có thể bị bọn khủng bố bắn chết nếu bỏ trốn. Tuy nhiên, nếu cứ tiếp tục ở lại, họ có thể bị chết vì đói và cũng có khả năng chết vì các cuộc không kích do liên quân thực hiện.

Trong hai tuần vừa qua, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ghi nhận đã có một sự leo thang đáng kể những hành động tàn ác chống lại thường dân.

Ông Hussein, nói: “Việc bắn vào trẻ em khi chúng đang cố chạy đến những an toàn cùng với gia đình là quá tàn bạo đến mức không có lời lên án nào đủ mạnh trước những hành động đê hèn như vậy”.

Trong vụ khủng bố kinh hoàng nhất, diễn ra vào ngày thứ Năm tuần trước, bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã bắn chết ít nhất 163 thường dân, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, bên cạnh nhà máy sản xuất nước ngọt Pepsi ở khu phố al-Shifa. Xác của những người bị giết nằm phơi trên đường phố trong vài ngày sau vụ giết người này, cho đến khi quân Iraq làm chủ được tình hình và chôn cất những người xấu số.

Trong cùng một khu phố này, ít nhất 27 người, trong đó có 14 phụ nữ và năm trẻ em đã bị giết bọn khủng bố Hồi Giáo IS vào ngày 26 tháng 5 và ít nhất 41 người khác vào ngày 3 tháng 6.

Hiện nay, bọn khủng bố Hồi Giáo IS đang trong cơn hấp hối tại Mosul. Chúng chỉ còn kiểm soát được chưa đầy 4 km vuông chung quanh đền thờ Hồi Giáo al-Nuri là nơi tên Abū Bakr al-Baghdadi đã công bố thành lập cái gọi là Nhà Nước Hồi Giáo vào ngày 29 tháng Sáu năm 2014. Tuy nhiên, có đến 180,000 dân bị kẹt trong vùng này. Ông Hussein bày tỏ lo âu rằng việc sử dụng các loại vũ khí mạnh và thường không chính xác của quân Iraq và liên quân là một vấn đề vì sự hiện diện của một số lượng quá đông dân chúng tập trung trong một diện tích nhỏ. Các cuộc không kích của liên quân do Hoa Kỳ lãnh đạo vào hôm 31 tháng 5 có thể đã giết chết từ 50 đến 80 thường dân vô tội.
 
Các Giám Mục, tổng thống và thủ tướng dâng hiến Ba Lan cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ
Đặng Tự Do
05:23 10/06/2017
Tổng thống Andrzej Duda và thủ tướng Beata Szydło
Các Giám Mục Ba Lan
Đoàn Hiệp Sĩ
Đức Tổng Giám mục Stanisław Gądecki
Trong một diễn biến ngoại thường, hôm thứ Ba 6 tháng Sáu, 3 vị Hồng Y, 30 Tổng Giám Mục và 120 Giám Mục Ba Lan từ khắp các giáo phận trên cả nước đã tề tựu tại Đền thờ Đức Mẹ Fatima ở Zakopane, để cùng với tổng thống Andrzej Duda và thủ tướng Beata Szydło dâng Ba Lan cho Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria.

Đây là một vài hình ảnh, chúng tôi sẽ có video về biến cố này trong chương trình Suy Niệm tuần tới (13 tháng Sáu, 2017).

Trong một nghi lễ long trọng, trước tượng Đức Mẹ Fatima, Đức Tổng Giám mục Stanisław Gądecki, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ba Lan đã long trọng đọc một bản cam kết của hàng giáo sĩ và các tín hữu Công Giáo nước này tuyên hứa với Đức Mẹ sẽ bảo vệ hôn nhân, bảo vệ quyền sự sống con người từ lúc thụ thai đến cái chết tự nhiên, và chống lại sự “suy thoái đạo lý” trong xã hội.

Bên cạnh tổng thống Andrzej Duda và thủ tướng Beata Szydło, còn có các thành viên chính phủ, các nghị sĩ và đại diện của chính quyền địa phương.

Mỗi giáo phận và giáo xứ trong nước cũng sẽ thực hiện việc dâng hiến cho Đức Mẹ vào ngày 8 tháng 9 tới đây, là lễ Sinh Nhật của Đức Mẹ.

Tháng 11 vừa qua, tổng thống Duda cũng đã có mặt khi các giám mục của Ba Lan tuyên bố Chúa Kitô là Vua Ba Lan.
 
Khủng bố Hồi Giáo đánh chết một giám mục và xô xác xuống sông
Đặng Tự Do
06:14 10/06/2017
Trong bài “Post-mortem examination reveals Bishop Jean Marie Benoit Bala was assassinated’, tờ Cameroon Intelligence Report số ra ngày 6 tháng Sáu cho biết như sau:

“Cuộc khám nghiệm tử thi cho thấy Đức Cha Jean Marie Benoît Bala đã bị ám sát chết trước khi thi thể ngài bị ném xuống sông chưa đầy bốn giờ đồng hồ trước khi người ta phát hiện ra thi thể của ngài.”

“Bác sĩ đoàn tiến hành việc khám nghiệm tử thi bao gồm hai phó giáo sư y khoa, ba bác sĩ y khoa, trong đó có một bác sĩ do Hội đồng Giám mục Công Giáo Cameroon chỉ định theo yêu cầu của Đức Tổng Giám Mục Kleda thuộc Giáo phận Douala”, là Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Cameroon.

Tờ Cameroon Intelligence Report cho biết thêm là quá trình khám nghiệm tử thi kéo dài không đến 4 giờ đã có đủ bằng chứng để đưa ra các kết luận chính xác về nguyên nhân tử vong.

Theo những phát hiện của cuộc khám nghiệm tử thi, các bác sĩ cho biết “Thi thể được vớt lên từ sông Sanaga có một cánh tay đã cứng lại, gấp lại trên bụng. Điều này cho thấy rằng Đức Cha Balla đã chết trước khi bị ném xuống nước, nên không có phản ứng vẫy vùng trong dòng nước.”

Các bác sĩ tuyên bố “Đức Cha Bala đã bị tra tấn và bị giết một cách dã man”. Bộ phận sinh dục bị viêm lên cho thấy ngài đã bị điện giật và quan trọng nhất là phổi của ngài không có một giọt nước nào, chứng tỏ ngài đã chết trước khi bị ném xuống nước.

Một trong những thành viên của nhóm khám nghiệm tử thi nói rằng một người đàn ông bị chết đuối sẽ nằm ở dưới đáy sông vì uống nhiều nước, chứ không nổi lên như trường hợp của Đức Cha Balla. Tình trạng cơ thể cũng cho phép các chuyên gia kết luận rằng ngài đã bị ném xuống sông chưa tới 4 giờ trước khi được vớt lên.

Đức Cha Jean-Marie Benoit Balla sinh ngày 5 tháng 5 năm 1959. Ngài được thụ phong linh mục vào năm 1987 và được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm Giám Mục vào năm 2003. Ngài đã coi sóc giáo phận Bafia từ đó cho đến ngày 31 tháng 5 vừa qua.

Hội Đồng Giám Mục Cameroon đã ra một tuyên bố kêu gọi người Công Giáo nước này cầu nguyện cho linh hồn Đức Cha Bafia. Các Giám Mục mô tả ngài là người can đảm, chu đáo, khôn ngoan, kiên nhẫn và dịu dàng đến mức không có ai có điều chi bất hòa với ngài.

Cameroon đã chứng kiến nhiều vụ giết các linh mục Công Giáo chưa được giải quyết trong những năm gần đây. Bọn khủng bố Hồi Giáo Boko Haram là thủ phạm chính trong các vụ bắt cóc và thủ tiêu các linh mục và nữ tu tại quốc gia này.

Tưởng cũng nên nhắc lại là giáo phận Bafia tuyên bố Đức Cha Jean-Marie Benoit Balla, là đấng bản quyền, đã bị mất tích vào sáng sớm ngày thứ Tư 31 tháng 5. Sau đó, người ta tìm thấy chiếc xe của ngài gần sông Sanaha. Một tờ giấy tìm thấy trong xe viết: “Đừng tìm kiếm tôi! Tôi đã nhảy xuống sông.” Đây là một thủ đoạn của bọn khủng bố nhằm đánh lạc hướng điều tra của cảnh sát và bôi lọ các nạn nhân.

Cha Remy Ngomo, nói với thông tấn xã Camernews, rằng Đức Cha Balla đã tỏ ra “rất lo lắng và đầy đau khổ” khi ngài nói chuyện với cha vào cuối tháng 5. Đức Cha nói rằng ngài “hoàn toàn kinh hoàng” trước cái chết bí ẩn gần đây của cha Armel Collins Ndjama, là giám đốc chủng viện. Ngài đã bị giết ngay trong phòng của ngài hôm 10 tháng 5. Đức Cha Balla đã tỏ ra hoang mang vì cảnh sát tỏ ra lơ là trong việc điều tra và không có những biện pháp nào nhằm bảo vệ an ninh cho dân chúng và ngăn chặn các hành vi khủng bố của những kẻ Hồi Giáo cực đoan.

 
Diễn biến quan trọng: Quân Kurd tiến vào thành phố Raqqa
Đặng Tự Do
08:16 10/06/2017
Các nữ quân nhân người Kurd vui mừng sau ngày đầu chiến thắng tại quận al-Mishlab
Trong khi bọn khủng bố Hồi Giáo IS đang hấp hối tại thành phố Mosul của Iraq, tại Syria, hôm 6 tháng Sáu, Lực Lượng Dân Chủ Syria, gọi tắt là SDF, gồm chủ yếu là người Kurd, đã tuyên bố mở chiến dịch giải phóng thành phố Raqqa, nơi vẫn thường được coi là thủ đô của bọn khủng bố Hồi Giáo IS.

SDF theo phương châm là đa sắc tộc, đa tôn giáo, duy trì tính thế tục, cổ vũ dân chủ nên thu hút được đông đảo người của nhiều tôn giáo tham gia. Ít nhất 30% quân số của SDF là nữ giới nhưng các nữ quân nhân này tỏ ra rất thiện chiến.

Raqqa là thành phố lớn thứ sáu của Syria, nằm cách Aleppo 160km về phía Đông. Trước cuộc nội chiến bùng phát vào năm 2011, Raqqa có 230,000 dân trong đó hơn 10% là các tín hữu Kitô. Trong quá khứ, Raqqa là vùng toàn tòng Kitô Giáo và đã từng là nơi đặt Tòa Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ La Tinh và Tòa Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Maronite.

Năm 2013, quân nổi dậy Syria chiếm được Raqqa. Tuy nhiên, quân chính phủ vẫn còn giữ được phi trường Al-Tabqa lân cận và dùng phi trường này làm căn cứ để mở các cuộc không kích vào thành phố Raqqa, gây thiệt hại nặng cho quân nổi dậy. Trước các cuộc không kích kinh hoàng này, đa số các Kitô hữu đã bỏ chạy khỏi Raqqa trong năm 2013.

Lợi dụng tình trạng quân nổi dậy Syria bị quân chính phủ đánh nhừ tử, cuối năm 2013, bất kể các hiệp nghị trước đó, bọn khủng bố Hồi Giáo IS tấn công vào quân nổi dậy Syria và ngày 13 tháng Giêng 2014 chiếm được thành phố này.

Raqqa là nơi tiêu biểu cho sự tàn bạo của bọn khủng bố Hồi Giáo IS. Thật vậy, sau khi chiếm được Raqqa, bọn khủng bố Hồi Giáo IS tử hình tất cả những người Hồi Giáo Alawites, đóng đinh các tín hữu Kitô còn sót lại, phá hủy tất cả các nhà thờ Kitô Giáo, trừ ra nhà thờ Các Thánh Tử Đạo của Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Armenia bị chúng sử dụng làm bộ chỉ huy cảnh sát Hồi Giáo.

Ngày 10 Tháng 8 năm 2014, quân khủng bố Hồi Giáo IS tiến đánh phi trường Al-Tabqa. Sau nửa tháng giao tranh ác liệt, ngày 24 tháng 8, phi trường Al-Tabqa lọt vào tay bọn khủng bố Hồi Giáo IS. 170 quân nhân Syria tử trận. 250 quân nhân bị bắt sống và tất cả đều bị bọn khủng bố Hồi Giáo IS xử tử.

Số dân tại Raqqa không đông đúc như Mosul. Dân chúng liều lĩnh chạy trốn trước sự tàn bạo của bọn khủng bố Hồi Giáo IS và để khỏi chết vì bom đạn của rất nhiều nước. Chẳng hạn, như hôm 15 tháng 11 năm 2015, nổi giận vì bị tấn công khủng bố tại Paris, Pháp đưa máy bay thả 20 trái bom vào nhiều địa điểm.

Tuy nhiên, hôm thứ Sáu 9 tháng 6 vừa qua, giám đốc khu vực Trung Đông của UNICEF là ông Geert Cappelaere cảnh báo rằng: “Khoảng 40,000 trẻ em vẫn đang bị mắc kẹt tại Raqqa trong những điều kiện cực kỳ nguy hiểm”. Ông kêu gọi tất cả các bên tạo một hành lang an toàn cho những người muốn rời khỏi thành phố. Đó là một điều bọn khủng bố Hồi Giáo IS không bao giờ chấp nhận.

Suốt trong đêm mùng 6 rạng sáng ngày 7 tháng 6, liên quân do Hoa Kỳ lãnh đạo mở 25 cuộc không kích dữ dội vào thành phố Raqqa, mở đường cho quân Kurd.

Sáng ngày 7 tháng Sáu, quân Kurd chiếm được cửa thành phía Đông và giải phóng được quận al-Mishlab.

Diễn biến mới nhất diễn ra vào sáng thứ Sáu 9 tháng Sáu, khi quân Kurd bất ngờ mở thêm mặt trận phía Tây. Sau nhiều giờ giao tranh ác liệt, quân Kurd vào được cửa thành phía Tây và chiếm được quận Sabahiya. Một lực lượng khác của quân Kurd tấn công vào cửa thành phía Bắc và bao vây bọn khủng bố Hồi Giáo IS tại Grain Silos.

Hiện nay, bọn khủng bố Hồi Giáo IS vẫn còn kiểm soát được 90% thành phố và giăng đầy mìn bẫy trên đường cũng như các tay bắn tỉa. Tuy nhiên, nhiều quan sát viên lạc quan cho rằng việc giải phóng Raqqa có lẽ sẽ nhanh hơn chiến dịch Mosul rất nhiều.

40,000 trẻ em vẫn đang bị mắc kẹt tại Raqqa
 
Đức Thánh Cha viếng thăm chính thức Tổng Thống Italia
Lm. Trần Đức Anh OP
10:30 10/06/2017
VATICAN. ĐTC cầu mong mọi thành phần ở Italia hợp lực để giải quyết tình trạng thất nghiệp của giới trẻ và ngài cám ơn sự cộng tác, giúp đỡ của Italia để người kế vị Thánh Phêrô có thể phục vụ Giáo Hội hoàn vũ.

ĐTC bày tỏ lập trường trên đây trong diễn văn tại Phủ Tổng thống Italia sáng hôm 10-6-2017 nhân cuộc viếng thăm chính thức tại đây. Ngài viếng thăm đáp lễ cuộc viếng thăm của Tổng thống Italia, Ông Sergio Mattarella, tại Vatican ngày 18 tháng 4 năm 2015, sau khi ông mới được bầu làm tổng thống.

Đến điện Quirinale vào lúc 10 giờ 45, sau nghi thức tiếp đón, ĐTC đã hội kiến với tổng thống Matarella và trao đổi quà tặng. Ngài cũng dừng lại tại Nhà Nguyện Đức Mẹ truyền tin ở trong dinh Tổng Thống, rồi sau đó có phần trao đổi diễn văn.

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC nhắc đến những thách đố mà Italia, cũng như nhiều nước Âu Châu đang phải đương đầu, như nạn khủng bố quốc tế, được nuôi dưỡng bằng trào lưu cực đoan, hiện tượng di dân gia tăng với chiến tranh và những chênh lệch xã hội và kinh tế tại nhiều miền trên thế giới, nhiều thế hệ trẻ khó tìm được công ăn việc làm xứng đáng, và tình trạng này không tạo điều kiện cho việc thành lập các gia đình mới và có con cái.

ĐTC nhận xét rằng: "Italia, qua hoạt động quảng đại của các công dân và sự dấn thân của các tổ chức, đang tận dụng tài nguyên tinh thần dồi dào của mình để biến những thách đố vừa nói thành những cơ hội để tăng trưởng và có những cơ may mới.”

ĐTC đặc biệt ca ngợi nỗ lực của Italia trong việc đón tiếp và giú đỡ người di dân và tị nạn, cũng như trợ giúp dân chúng tại những vùng bị động đất.

Riêng về vấn đề kiến tạo công ăn việc làm, ĐTC nhận xét rằng: ”Cần có một sự hợp lực và những sáng kiến để các nguồn tài chánh được dùng để phục vụ cho đối tượng rộng lớn và có giá trị xã hội, thay vì để chúng bị lấy mất và phân tán trong những cuộc đầu tư chủ yếu là cầu cơ, tạo nên một sự thiếu dự phóng dài hạn, thiếu quan tâm đến vai trò thực sự của những người kinh doanh, và xét cho cùng, có là một sự yếu đuối, một bản năng chạy trốn trước những thách đố của thời đại chúng ta”.

Sau cùng ĐTC đề cao sự cộng tác của Giáo Hội và Nhà Nước Italia, chiếu theo hiệp định Laterano được ký kết giữa Tòa Thánh và Italia. Đặc biệt hình thức của đặc tính đời (laicità) tại đây không có nghĩa là đố kỵ và xung đột giữa Giáo Hội và nhà nước, nhưng có đặc tính thân hữu và cộng tác, trong sự phân biệt nghiêm túc về thẩm quyền.

Giữa Giáo Hội và Nhà Nước Italia có sự cộng tác rất tốt, mang lại lợi ích cho cá nhân và toàn thể cộng đồng quốc gia.

Vào cuối cuộc viếng thăm của ĐTC, tại khuôn viên điện Quirinale, ngài và tổng thống Mattarella đã chào thăm khoảng 200 thiếu nhi được mời. Các em từ những vùng bị động đất ở miền trung Italia. (SD 8-6-2017)
 
Vị tử đạo Lituania đầu tiên dưới thời Sô viết được phong chân phước
Hồng Thủy
11:46 10/06/2017
Vác-sa-va, Ba lan – Ngày 25/06 tới đây, Đức tổng giám mục Teofilius Matulionis, giám mục người Lituani bị giết trong nhà tù cộng sản sẽ trở thành chân phước tử đạo đầu tiên trong thời kỳ cộng sản ở Lituani.

Lễ phong chân phước dự kiến được cử hành tại Vilnius, thủ đô Lituani. Sẽ có khoảng 30 ngàn người, bao gồm các giám mục và linh mục hải ngoại cũng được dự kiến sẽ tham dự thánh lễ.

Đức tổng giám mục Gintaras Grusas của Vilnius, chủ tịch hội đồng giám mục Lituani nói: “Ngoài việc là vị tử đạo đầu tiên dưới thời Sô viết được Giáo Hội hoàn vũ nhìn nhận, Đức tổng giám mục Matulionis cũng là người Lituani đầu tiên được phong thánh trên quê hương mình. Đức tổng Grusas cũng nhận định: “đức tin triệt để trong việc tìm kiếm chân lý bằng mọi giá” của đức tổng Matulionis để lại một sứ điệp hấp dẫn, đặc biệt đối với người trẻ, những người sẽ tham dự đại hội giới trẻ kéo dài 2 ngày trước lễ phong chân phước.

“Trước những căng thẳng hiện thời trên thế giới, lời mời gọi kiên trì trong hòa bình và đi theo ý Chúa, nhận biết rằng Chúa luôn ban cho chúng ta những điều chúng ta cần, luôn quan trọng”, đức tổng Grusas nhận xét. Ngài nói thêm: “Chứng kiến đức tin của một người không cần thiết phải là đi đến cái chết. Có những hình thức bách hại nhẹ hơn đang xảy ta hàng ngày trong xã hội chúng ta, và đòi chúng ta phải can đảm đối diện.”

Đức tổng Matulionis sinh năm 1873 tại Kudoriskis, đông bắc Lituani. Ngài được truyền chức vào năm 1900 tại Petersburg, Nga. Năm 1923, trong cuộc xử đức tổng giám mục Jan Cieplak và một số giáo sĩ Công Giáo, ngài bị kết án tù 3 năm. 6 năm sau khi được ra tù, ngài được bí mật truyền chức giám mục, nhưng sau đó bị gửi đến nhà tù Solovski trên quần đảo Solovetsky, miền Bạch hải.

Năm 1933, trong một cuộc trao đổi tù binh, Đức tổng Matulionis được trở về Lituani và giúp phổ biến lòng sùng kính Thánh Tâm khi làm tuyên úy quân đội. Năm 1943, ngài được bổ làm giám mục Kaisiadorys và bị bắt vào năm 1946 vig từ chối cộng tác với lực lượng Sô viết chiếm đóng Lituani. Ngài bị gửi đến một số nhà tù và chỉ vào năm 1956, khi được trả tự do, ngài khôi phục nhiệm vụ giám mục cách bí mật.

Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII thăng ngài làm tổng giám mục vào năm 1962, nhưng chính quyền Sô viết không cho phép ngài dự Công đồng chung Vatican II, và ngày 20/08/1962, ngài bị chích thuốc độc chết. Người ta tin là một y tá cảnh sát KGB (tình báo Sô viết ) đã thực hiện.

Án phong thánh cho Đức tổng Matulionis được bắt đầu năm 1990, sau khi Lituania được độc lập khỏi sự cai trị của Sô viết và tháng 12/2016, Đức Giáo Hoàng đã ra sắc lệnh nhìn nhận sự tử đạo của ngài.

Đức tổng giám mục Grusas nói đức tổng giám mục Matulionis tử đạo đã dâng những đau khổ của mình để cầu cho nước Nga trở lại, đồng thời cũng thúc đẩy Giáo Hội tiến bước qua việc giáo dục các giáo sĩ ở lại với đàn chiên ngay cả khi có nghĩa là bách hại và lưu đày. (CNS 09/06/2017)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lễ khấn lần đầu tại hội Dòng Mến Thánh Giá Xuân Lộc
T. T Mến Thánh Giá Xuân Lộc
10:24 10/06/2017
LỄ KHẤN LẦN ĐẦU TẠI HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ XUÂN LỘC

“Lạy Chúa, Ngài đã quyến rũ con và con để cho Ngài quyến rũ” (Gr 20,7).

Sáng nay, thứ sáu ngày 09/06/2017, trong khí trời thanh thoát nhẹ nhàng của buổi ban mai, lòng người rộn ràng hòa với tiếng nhạc của đời thánh hiến: “Từ độ thanh xuân, Ngài đã quyến rũ con và con để cho Ngài quyến rũ” (Gr 20,7). Hội dòng Mến Thánh Giá Xuân Lộc hân hoan vui mừng với niềm vui hồng ân tiên khấn của bảy chị em.

Xem Hình
Thánh lễ do Đức Cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh – Nguyên Giám Mục giáo phận Xuân Lộc chủ tế vào lúc 6g00’, cùng đồng tế có cha Giuse Nguyễn Văn Thông - Tổng Đại diện giáo phận Hải Phòng, quý cha thân quen với quý chị em tiên khấn.

“Tạ ơn Chúa đã ban cho bảy tân khấn sinh dám đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa. Tạ ơn Chúa ban cho Hội dòng thêm nhiều chị em cùng chung tay xây dựng Hội dòng theo đặc sủng và sứ mạng của người con Mến Thánh Giá Xuân Lộc. Tạ ơn Chúa đã ban cho Giáo Hội những bông hoa trang điểm cho Giáo Hội thêm rạng ngời”. Đó là lời mời gọi của Đức Cha mở đầu thánh lễ.

Ngày lãnh nhận hồng ân tiên khấn ví tựa những nụ hoa vừa hé nở, ươm bao ước nguyện, tình yêu quý chị dâng hiến hôm nay sao nồng nàn ấm áp, đơn sơ và tinh ròng. Lãnh nhận hiến chương và nội quy trong tay như kim chỉ nam cho cuộc đời mới. Hôm nay quý chị em đã xác định được đích đến.

Trong bài giảng lễ, Đức Cha Đaminh khơi lên trong lòng quý chị em trong Hội dòng Mến Thánh Giá Xuân Lộc, cách riêng với quý chị em lãnh nhận hồng ân tiên khấn: “Các con hãy chiến sĩ can trường, hãy là những vận động viên đạt huy chương vàng của nước trời, và hãy là những nhà nông lành nghề trong cánh đồng truyền giáo của Giáo Hội Chúa Kitô”.

Thánh lễ kết thúc trong niềm vui và lời tạ ơn Thiên Chúa. Chị Anna Nguyễn Thị Phượng Tổng Phụ trách Hội dòng Mến Thánh Giá Xuân Lộc đại diện quý chị em dâng lời cám ơn Đức Cha, người cha luôn đi bên đàn con dù tuổi già sức yếu: “Ơn cha cao dày và tình cha sâu rộng vẫn mãi là những đỡ nâng che chở đời con”. Chị cám ơn quý cha, quý tu sĩ, quý ông bà cố và thân nhân của chị em cùng quý khách đã đến chia sẻ niềm vui với Hội dòng.

Sau thánh lễ, Đức Cha Đaminh, quý cha và mọi người lưu lại chia sẻ niềm vui với Hội dòng trong bữa cơm huynh đệ.

T. T Mến Thánh Giá Xuân Lộc
 
Dạ Tiệc Gây Qũy Đại Hội Thánh Mẫu La Vang III -2018
Trần Bá Nguyệt
04:04 10/06/2017
Trần Bá Nguyệt, DCUC
Melbourne, 09-06-2017
Không khí lạnh những ngày đầu mùa đông Melbourne đã chuyển sang vô cùng ấm cúng trong sảnh đường của Nhà Hàng Happy Reception khi ban tổ chức và khách mời tất bật đến để cùng nhau góp sức cho Đêm Gây Quỹ chuẩn bị cho Đại Hội Thánh Mẫu Lavang 2018. Đây là Đại Hội lần thứ ba được tổ chức tại Tổng Giáo Phận Melbourne.
Hình Trần Bá Nguyệt

Hình Trần Văn Minh

19:40, Liên Khúc Thánh Ca Ba Miền đã được ba MC Thanh Trúc, Quang Minh và Hồng Thắm diễn đạt trong giọng hát của từng miền Việt Nam.
19:45, sau lời mở đầu vắn gọn của các MC, Ban Tổ Chức Đêm Gây Quỹ được mời lên sân khấu để trình làng cùng với bốn linh mục trong Ban Tuyên Uý TGP Melbourne. Anh Nguyễn Ngọc Trúc, Trưởng Ban Điều hành Cộng Đồng CG VN TGP, đã mở lời chào mừng và nói về ý nghĩa của đêm Gây Quỹ hôm nay nhằm chuẩn bị cho Đại Hội lần thứ ba vào năm tới, 2018.

Cha Hoàng Kim Huy, Trưởng Ban Tuyên Uý, đã nhắc lại những cố gắng và công lao của Đức Giám Mục Vincent Nguyễn Văn Long khi Ngài được trao nhiệm vụ phụ tá Giám Mục Vùng Miền Tây Melbourne. ĐGM Vincent đã khởi xướng việc tổ chức Đại Hội Thánh Mẫu Lavang lần đầu tiên vào năm 2013. Đại Hội đã nhắc nhở mọi tín hữu Công Giáo Melbourne về trách nhiệm và ý nghĩa của sự “hiệp nhất, đoàn kết, và yêu thương” trong Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam TGP Melbourne. Ý nghĩa của sự đoàn kết ấy được nhắc lại trong “Lễ Chúa Ba Ngôi, ngày Chúa Nhật 11-6 tới”. Chính trong tinh thần Hiệp Nhất của Một Chúa Ba Ngôi ấy mà mọi tín hữu gắn bó với nhau trong công cuộc sống đạo, loan truyền Tin Mừng của Chúa đến mọi người anh em không phân biệt tôn giáo giữa một xã hội tục hoá, ngày càng xa lìa giáo huấn yêu thương của Chúa. Cha Huy cũng mời gọi mọi người xin Chúa Chúc Lành và hàn gắn những bất đồng để “cùng nhau nâng chén góp sức cho Đêm Gây Quỹ hôm nay”.

Cả hội trường gần 500 người (trên 54 bàn tiệc) đã cùng đứng lên hát điệp khúc bài ca “Lạy Đức Mẹ Lavang” trong tiếng nhạc êm đềm dâng Mẹ.
Buổi tiệc gây quỹ đã sôi nổi ngay lập tức với màn độc tấu Saxophone của vị linh mục trẻ, Cha Vũ Ngọc Tuyển, và lời giao lưu vui nhộn của MC Thanh Trúc. Tiếng đàn réo rắt của vị linh mục trẻ, (DCCT, Quản nhiệm TT Hoan Thiện) lúc nào cũng e lệ như cô dâu mới, trước bà con trăm họ đang lắng đọng tâm hồn trong tiếng kèn réo rắt, tuy (như cha nói) “không chuyên”, nhưng đầy ắp tâm tình thay mặt cho những người con của Mẹ đang cảm thấy rất ấm lòng trong cái lạnh bảy độ Celcius bên ngoài.

Các màn trình diễn hát và múa tiếp theo của Ca Đoàn Cung Chiều (CĐ Thánh Gioan Hoan Thiện), Ca Đoàn Vô Nhiễm (Trung Tâm Vinh Sơn Liêm), Ca Đoàn Don Bosco (Giáo Xứ St. Margaret Mary’s), Cộng Đoàn St. Monica, Ca Đoàn St. John, và nhóm trẻ Giáo Xứ Holy Eucharist đã làm thay đổi liên tục bầu không khí của Đêm Gây Quỹ. Mọi người dường như quên thưởng thức những món ăn ngon mà chăm chỉ theo dõi những màn trình diễn, đôi khi đã nghe đi nghe lại đâu đó đôi lần, trong Tổng Giáo Phận.

Đêm Gây Quỹ náo động với màn đấu giá ba bức tượng: Thánh Tâm Chúa, Mẹ Fatima và Mẹ Lavang, cùng bức tranh gạo Đức Mẹ Bồng Đức Chúa Con. Các cánh tay giơ lên theo tiếng giới thiệu linh hoạt của MC Quang Minh, anh Lê Thành Nhân, và hai MC nữ. Kết quả đã thu về cho bốn tác phẩm là 17.833 đô la Úc. Đặc biệt một anh chị đã đặt một mức giá là 3.333 đôla như một kỷ niệm của đêm nay cho bức tượng Thánh Tâm Chúa.

Ban Tổ Chức cũng mời Cha Nguyễn Hữu Quảng, thay mặt Ban Tuyên Uý, trao tặng Ông Frank Cheng, Chủ Nhà Hàng Happy Reception, người đã nhiều năm luôn luôn ủng hộ và giúp đỡ cho các buổi gặp mặt của cộng đồng VN Melbourne. Ông cũng dí dỏm ví mình như con cua cần có những cái càng và nhiều chân của cộng đoàn để con cua có thể bò mạnh khoẻ hơn.

20:40, màn xổ số cuối cùng của bữa tiệc với năm giải trúng. Nhiều vị đã hiến tặng số trúng bằng tiền mặt do các mạnh thường quân gửi đến cho Ban Tổ Chức để chuẩn bị cho Đại Hội Lavang năm tới, 2018.

23:00, Anh Nguyễn Ngọc Trúc, thay mặt cho ban Tổ Chức đã tuyên bố thành quả thâu được trong đêm gây quỹ với con số 70.823 đôla Úc. Quý cha tuyên uý và cộng đoàn cùng hát bài “Tán Tụng Hồng Ân” và nhận phép lành tạm biệt Đêm Gây Quỹ” với lời chúc “an toàn trên xa lộ” trên đường về nhà nghỉ ngơi của Cha Trần Ngọc Tân, Quản Nhiệm TT Vinh Sơn Liêm, sau một đêm cùng nhau làm việc Vinh Danh Mẹ Lavang. Hẹn gặp nhau trong Đêm Gây Quỹ lần thứ hai tại Nhà Hàng Anabella cho cộng đoàn vùng Phía Đông và Bắc Melbourne vào ngày 27 tháng 10 năm 2017.
 
Lễ Khấn Tron Đời Tại Hội Dòng Mến Thánh Giá Xuân Lộc
Ban TT Hội Dòng Mến Thánh Giá Xuân Lộc
10:15 10/06/2017
Lễ Khấn Tron Đời Tại Hội Dòng Mến Thánh Giá Xuân Lộc

“Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô” (Pl 3,6).

Sáng nay, thứ bảy ngày 10/06/2017, Hội dòng Mến Thánh Giá Xuân Lộc hân hoan vui mừng vì tình yêu Thiên Chúa dành cho những tâm hồn sống đời thánh hiến qua lời khấn vĩnh thệ của 9 chị em.

Xem Hình

Đúng 8g30’ đoàn rước bắt đầu tiến bước vào Nguyện Đường của Hội dòng. Thánh lễ khấn trọn đời hôm nay do Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo - Giám Mục giáo phận Xuân Lộc chủ tế, cùng đồng tế có Đức Ông Phanxicô Borgia Trần Văn Khả, quý cha Quản hạt, quý cha thân quen của Hội dòng và của quý chị em tuyên khấn hôm nay.

Trong lời dẫn nhập đầu lễ, Đức Cha Giuse mời gọi cộng đoàn phụng vụ chiêm ngắm tình thương lạ lùng của Thiên Chúa dành cho con người. Tình thương đó được biểu lộ qua việc ký kết giao ước giữa Thiên Chúa toàn năng và 9 thụ tạo Ngài đã dựng nên. Đồng thời mời gọi cộng đoàn cùng nhau cảm tạ Chúa vì tình thương Ngài dành cho Hội dòng và cầu nguyện xin Chúa chúc lành cho các khấn sinh hôm nay tuyên khấn luôn can đảm dấn thân sống đời thánh hiến cách trung tín.

Trong bài giảng lễ, Đức Cha Giuse nhắn nhủ cách đặc biệt đến các khấn sinh: “Ba bài đọc hôm nay chỉ nhắc cho chúng con điều này: Chúa Giêsu có sức hấp dẫn, lôi cuốn mọi người. Chúa Giêsu không phải là một danh từ trừu tượng mà thực sự Ngài sống động. Lý do của tất cả cuộc đời chúng con phải là Chúa Giêsu. Cha mong ước chúng con ý thức được điều này, để cuộc đời chúng con thuộc về Chúa Giêsu, luôn được Chúa Giêsu lôi cuốn. Và như thế, tất cả những ai gặp gỡ chúng con đều nhận ra và thốt lên: “Đây là người được Thiên Chúa chúc phúc”.

Nghi thưc khấn trọn đời
Bằng lời khấn trọn đời, các khấn sinh đã nguyện ký thác cuộc đời cho Hội dòng. Tình yêu Chúa đã ấp ủ quý chị từ thuở đời đời, quý chị biết được thuộc về Chúa là một hồng ân, nên giờ đây quý chị tin tưởng ký thác đời mình một lần cho mãi mãi nguyện sẽ không bao giờ đổi thay. Dẫu biết rằng cuộc đời có đổi thay, có vấp ngã, phận người lại mong manh yếu đuối. Có những tháng ngày quý chị muốn chùn bước, e ngại phong ba bão táp cuộc đời, nhưng tình yêu Chúa dìu dắt và là sức mạnh để quý chị quyết định tuyên khấn.
Trong nghi thức khấn trọn đời, với phần diễn nghĩa có ba nét đặc trưng:
- Lãnh nhận nhẫn giao ước là dấu chỉ giao ước tình yêu quý chị đã ký kết với Đức Kitô. Ước mong quý chị giữ trọn lòng trung tín với Người, để đáng được vào dự tiệc cưới nước trời.
- Đón nhận Thánh Giá là dấu chỉ giúp chị em năng suy niệm về Đức Giêsu Kitô - Chịu Đóng Đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí quý chị. Thập giá của Đức Kitô quý chị nhận không phải là biểu tượng của đau khổ, nhưng là bằng chứng tình yêu cao cả của Thiên Chúa đối với con người.
- Gia nhập cộng đoàn: Chị Tổng phụ trách đón nhận quý chị em là thành viên chính thức của Hội dòng với đầy đủ nghĩa vụ và quyền lợi. Từ đây, quý chị sẽ chung tay xây đắp Hội dòng ngày một tiến triển giữa lòng Giáo Hội và xã hội.

Nghi thức khấn dòng kết thúc, thánh lễ được tiếp tục với phần phụng vụ thánh thể.

Sau lời nguyện hiệp lễ, chị Anna Nguyễn Thị Phượng - Tổng Phụ trách Hội dòng Mến Thánh Giá Xuân Lộc thay lời cho chị em trong Hội dòng dâng lời tri ân Đức Cha Giuse, Đức Ông Phanxicô Borgia, quý cha Quản hạt, quý cha đồng tế, quý Bề trên và quý tu sĩ nam nữ, quý ông bà cố và thân nhân các khấn sinh cùng quý khách. Tình thương và hy sinh của Đức Cha và mọi người hiện diện trong thánh lễ hôm nay làm cho niềm vui của Hội dòng thêm tròn đầy. Đồng thời là nguồn nâng đỡ Hội dòng tiến bước trong sứ vụ truyền giáo do Đấng Sáng Lập để lại.

Sau thánh lễ, Đức Cha Giuse và mọi người cùng lưu lại chia sẻ niềm vui với Hội dòng trong bữa cơm huynh đệ.

Ban TT Hội Dòng Mến Thánh Giá Xuân Lộc
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Việc hát Alleluia trước Tin Mừng vẫn là lý tưởng
Nguyễn Trọng Đa
08:36 10/06/2017
Giải đáp phụng vụ: Việc hát Alleluia trước Tin Mừng vẫn là lý tưởng

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Trong phần tiếp theo của một bài trả lời của cha năm 2007 liên quan đến Alleluia và Câu tung hô Tin Mừng (Versum ante Evangelium), cha nhận xét rằng "ý định của Giáo Hội là bất cứ khi nào có thể, Alleluia hay các câu tung hô theo mùa luôn nên được hát". Hiện nay, Huấn thị Musicam Sacram (âm nhạc trong Phụng vụ), ở các số 28-31, phác thảo các bậc của Lễ hát (Misa cantata). Số 29 nói rằng bậc nhất có thể dùng riêng một mình, còn bậc hai và bậc ba chỉ được dùng tất cả, hay một phần chung với bậc nhất. Cuối cùng, trong đoạn 31, huấn thị xếp hạng Alleluia trước Tin Mừng vào bậc ba. Câu hỏi của con là liệu trong một Thánh Lễ không có âm nhạc (chẳng hạn như Thánh lễ ngày thường ở hầu hết các giáo xứ), có là thích hợp để hát bài Alleluia, theo luật phụng vụ hiện nay không? - A. L., Miami, Florida, Hoa Kỳ.


Đáp: Câu hỏi này cho chúng tôi một cơ hội để giải thích làm thế nào một số qui định của các văn kiện sau vượt qua các qui định trước đó, mà không huỷ bỏ văn kiện cơ bản. Huấn thị Musicam Sacram được ban hành ngày 5-3-1967, và vẫn có hiệu lực như là văn kiện đầy đủ nhất về âm nhạc trong phụng vụ, kể từ Công đồng chung Vatican II. Nó vẫn là một điểm tham khảo hợp lý cho sự khớp nối của nó về các nguyên tắc của âm nhạc phụng vụ, và tầm nhìn tổng thể mà nó chứa đựng.

Thí dụ, các qui chế tổng quát sau đây vẫn có thể áp dụng được:

“5. Lễ nghi phụng vụ sẽ mang hình thức cao quí hơn, khi được cử hành kèm theo ca hát, khi mỗi thừa tác viên chu toàn đúng nhiệm vụ của mình, và khi có dân chúng tham dự.

Thật vậy, dưới hình thức đó, lời cầu nguyện được diễn tả thâm thúy hơn; màu nhiệm phụng vụ với những đặc điểm có tính cấp bậc và cộng đồng được biểu lộ rõ ràng hơn; lòng người hợp nhất với nhau hơn nhờ cùng hát chung một giọng ca, và tinh thần của con người cũng dễ dàng được nâng cao hơn, nhờ được nhìn ngắm vẻ đẹp của sự vật thánh mà vươn tới những thực tại vô hình. Cuối cùng, toàn bộ việc cử hành biểu thị trước nền phụng vụ thiên quốc đang được hoàn tất trong thành Giê-ru-sa-lem mới, một cách rõ ràng hơn.

“Vì thế, các vị chủ chăn phải làm hết sức mình để đạt tới hình thức cử hành đó. Ngay cả trong những buổi cử hành không kèm theo ca hát, nhưng có giáo dân tham dự, vẫn phải phân chia các chức vụ và vai trò, như khi cử hành có kèm theo ca hát, nhất là phải liệu cho các thừa tác viên cần thiết và có khả năng, cũng như lo cho giáo dân tham dự tích cực hơn.

Phải chuẩn bị thiết thực cho mội buổi cử hành trong tinh thần hợp tác giữa mọi người liên hệ, dưới quyền chỉ huy của vị quản nhiệm thánh đường, về mặt nghi thức cũng như mục vụ âm nhạc.

“6. Muốn tổ chức một buổi cử hành phục vụ cho đích đáng thì trước hết phải phân chia và thi hành các chức vụ cho đúng, khiến mỗi thừa tác viên hay mỗi tín hữu, khi thi hành các chức vụ, sẽ chỉ làm và làm hết những gì thuộc phận sự của mình thôi, chiếu theo bản tính của sự vật và những qui tắc phụng vụ. Những công việc tổ chức cũng đòi ta phải giữ đúng ý nghĩa và bản chất của mỗi phần và mỗi bài hát. Muốn đạt mục đích ấy thì phải hát thật sự, đặc biệt những bản văn nào đương nhiên cần hát, và phải tôn trọng thể loại cũng như hình thức của những văn bản đó, do bản tính chúng đòi hỏi.

“7. Giữa những hình thức cử hành hoàn toàn long trọng mà trong đó, tất cả những gì phải hát đều được hát, và hình thức đơn giản nhất không có ca hát, có thể nhiều bậc khác nhau, tùy như muốn dành cho ca hát một vị trí lớn hay nhỏ. Tuy nhiên, khi chọn những bài hát để hát, phải dành ưu vị cho những bài do bản tính có tầm quan trọng hơn: trước hết những phần linh mục chủ sự hay thừa tác viên hát và giáo dân thưa đáp, thứ đến những bài chỉ dành riêng cho giáo dân, hoặc dành riêng cho ca đoàn.

“8. Mỗi khi cử hành phụng vụ mà cần hát thì có thể chọn người hát, ưu tiên dành cho những người có khả năng hơn về mặt ca hát, đặc biệt trong những buổi cử hành khá long trọng và có những bài hát khó hơn hay khi phải truyền thanh, truyền hình.

Nếu không chọn được người hát hay, và nếu linh mục hay thừa tác viên không thể hát đúng, thì vị đó có thể đọc mà không hát những bài hát phải hát, nếu bài ấy quá khó, nhưng phải đọc lớn tiếng và rõ ràng. Nhưng linh mục hay thừa tác viên không được làm như thế, chỉ vì muốn tiện cho mình.

“9. Khi chọn bài hát cho ca đoàn hay giáo dân, nên lưu ý đến khả năng ca hát của những người đó. Trong các lễ nghi phụng vụ, Hội Thánh không loại bỏ một loại ca nhạc nào, miễn là loại đó hợp với tinh thần lễ nghi phụng vụ và bản chất của mỗi phần, và không ngăn trở giáo dân tham dự đúng mức và tích cực.

“10. Để giúp tín hữu dễ tích cực tham gia phụng vụ và có hiệu quả hơn thì trong mức độ có thể, nên thay đổi cách thích hợp những hình thức cử hành và mức độ tham dự, cùng lưu ý đến bậc lễ của ngày ấy, và tầm quan trọng của cộng đoàn.

“11. Nên nhớ rằng tính cách long trọng đích thực của một buổi cử hành phụng vụ ít tùy thuộc vào hình thức ca hát cầu kỳ hoặc phô diễn các lễ nghi cho đẹp mắt, hơn là dựa vào phong cách cử hành sao cho xứng đáng, trang nghiêm và đạo đức. Phong cách này nhằm toàn bộ chính việc cử hành phụng vụ, nghĩa là thi hành mọi phần lễ nghi theo bản tính riêng của phần ấy. Nơi nào có thể làm hay được, thì rất ước mong các nơi ấy trình bày một hình thức phong phú hơn về ca hát và đẹp mắt hơn về nghi lễ, nhưng nếu bỏ qua, hoặc thay đổi hay cử hành không đúng cách một trong những yếu tố của nghi lễ phụng vụ thì chẳng phải là long trọng đích thực nữa” (Bản dịch Việt ngữ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam).

Mặc dù vậy, một số quy định cụ thể trong huấn thị đã là lỗi thời, do việc xuất bản Sách Lễ và Sách Bài Đọc năm 1970, các ấn bản sau đó của chúng, và các sách phụng vụ khác.

Thí dụ, điều này đã xảy ra cho một số yếu tố của số 31, được đề cập bởi người đọc của chúng ta.

"31. Phần sau đây thuộc về bậc ba: (a) các bài hát Nhập Lễ và Rước Lễ; (b) các bài hát sau Bài đọc hoặc Thánh Thư; (c) Alleluia trước Tin Mừng; (d) bài hát Tiến Lễ; (e) các bài đọc Kinh Thánh, trừ khi thấy nên đọc hơn hát".

Với việc xuất bản Sách Lễ mới và Sách Bài Đọc mới, "bài hát sau bài đọc (b)" thực tế đã biến mất, và được thay thế bởi Thánh vịnh đáp ca. Vào năm 1967, "Alleluia trước Tin Mừng" đã được nhắc trước tiên đến tất cả các bài hát Alleluia Bình ca phức tạp. Chúng nằm trong số các giai điệu Bình ca đẹp nhất, tuy nhiên chúng đòi hỏi người hát phải giỏi, để thể hiện các sắc thái tốt đẹp, vốn nối kết văn bản và giai điệu. Cũng có các phiên bản đa ngữ cổ điển của một số bản văn này đòi hỏi ca đoàn được đào tạo tốt. Chính sự phức tạp này đã đặt Alleluia vào bậc ba.

Một lần nữa Sách Bài Đọc mới, trong khi vẫn duy trì cùng một bản văn, cho phép môt sự thực hiện đơn giản hơn nhiều, và trình bày nó như là một sự tung hô của cộng đoàn hơn là sự trình tấu của ca đoàn. Do đó, phần dẫn nhập của lần xuất bản thứ hai vào năm 1981 nói:

"23. Alleluia, hay khi mùa phụng vụ đòi hỏi, câu tung hô Tin Mừng cũng là ‘một nghi thức hay hành vi dùng riêng một mình’. Nó phục vụ như lời chào mừng của cộng đoàn tín hữu đối với Chúa, vì Ngài sắp nói với họ, và như một biểu hiện đức tin của họ thông qua lời hát. Alleluia hoặc câu tung hô Tin Mừng phải được hát, và trong khi hát, mọi người đứng. Nó không phải chỉ được hát bởi một ca viên xướng lên, hoặc chỉ bởi ca đoàn mà thôi, nhưng bởi toàn thể các người hiện diện tại đó".

Bản dịch trong các ngôn ngữ khác là không quá nghiêm ngặt, và cho phép người ta đọc thay vì hát Alleluia, hoặc bỏ qua. Tuy nhiên, các người dịch thuật cho ấn bản Hoa Kỳ đã nhận được phê chuẩn cho bản dịch nghiêm ngặt hơn.

Trong phần dẫn nhập năm 2000 cho "Sách Tin Mừng", việc hát Alleluia bởi tất cả mọi người một lần nữa được nói rõ:

"11. Các tín hữu đứng chào mừng và tung hô Ngôi Lời Nhập thể, và tôn vinh Sách Tin Mừng, vốn là dấu chỉ cho sự hiện diện của Người. Tất cả mọi người hát Tung hô Tin Mừng, vốn kết thúc khi thầy phó tế đến giảng đài".

Cuối cùng, bản dịch tiếng Anh mới nhất của Sách Lễ Rôma, được ban hành năm 2011, cho biết thêm chi tiết về nghi thức:

"Tung hô Tin Mừng

"62. Sau bài đọc trước Tin Mừng, Alleluia hay một bài hát khác được qui định bởi chữ đỏ được hát lên, như thời điểm phụng vụ đòi hỏi. Sự tung hô kiểu này cấu thành một nghi thức hoặc hành động dùng riêng một mình, nhờ đó toàn tín hữu có mặt chào đón và chào mừng Chúa, là Đấng sắp nói với họ trong Tin Mừng, và tuyên xưng đức tin của họ qua việc hát. Alleluia được hát bởi tất cả mọi người, họ đứng, và được dẫn dắt bởi ca đoàn hoặc bởi một ca viên, được lặp lại nếu hoàn cảnh yêu cầu. Mặt khác, câu tung hô được hát bởi ca đoàn hoặc bởi một ca viên.

"a) Alleluia được hát trong mọi mùa trong năm, trừ Mùa Chay. Các câu tung hô được lấy từ Sách Bài Đọc hoặc sách Graduale (Sách hát Lễ Rôma).

"b) Trong Mùa Chay, thay vì hát Alleluia, câu Tung hô Tin Mừng được đưa ra trong Sách Bài Đọc được hát. Cũng có thể hát một bài Thánh Vịnh hoặc Ca Tiếp Liên (Tract), như được tìm thấy trong sách Graduale.

"63. Khi chỉ có một bài đọc trước Tin Mừng:

"a) trong một mùa trong năm, khi Alleluia được quy định hát, có thể sử dụng hoặc một bài Thánh Vịnh Alleluia hoặc bài Thánh Vịnh đáp ca, sau Alleluia và câu tung hô của nó;

"b) trong một mùa trong năm, khi Alleluia không được quy định, có thể sử dụng một Thánh Vịnh và Câu tung hô Tin Mừng, hoặc chỉ Thánh Vịnh mà thôi;

"c) Alleluia hoặc Câu tung hô Tin Mừng, nếu không hát, có thể bỏ qua.

"64. Ca Tiếp Liên, ngoại trừ Chúa Nhật Phục Sinh và Lễ Hiện Xuống, là tùy chọn, và được hát trước Alleluia".

Một lần nữa, giả định là rằng nó phải được hát. Tuy nhiên, ở đây qui định không còn lặp lại "cần phải được hát" của Sách Bài Đọc, nhưng đúng hơn đi theo sau "nếu không hát, có thể bỏ qua" được tìm thấy trong các bản dịch khác. Điều này ít nhất mở ra khả năng cho việc chỉ đơn giản đọc Alleluia hoặc hát Alleluia, và đọc câu tung hô, mặc dù rõ ràng là việc hát được ưa thích hơn.

Các giai điệu Bình ca phức tạp, được đề cập ở trên đây, vẫn có thể được sử dụng, bất cứ khi nào cộng đoàn có khả năng hát chúng, mặc dù việc này xảy ra chủ yếu trong các tu viện và chủng viện. (Zenit.org 6-6-2017)

Nguyễn Trọng Đa
 
Ngôn ngữ của dấu chỉ
LM. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
14:55 10/06/2017
Ngôn ngữ của dấu chỉ

Có câu chuyện vui giả tưởng trong dân gian: Một giáo sư dậy môn thần học sau khi qua đời được đưa đến trình diện Thiên Chúa. Trước ngai tòa Thiên Chúa, vị giáo sư được Thiên Chúa ca ngợi về công lao nghiên cứu giảng dậy cho sinh viên về mầu nhiệm Thiên Chúa. Sau đó Thiên Chúa tiếp: „ Thưa giáo sư, nhưng đôi khi ngài giảng dậy nói về Ta, mà chính Ta cũng không biết như thế…!“

Phải, chúng ta có thể nói, diễn tả về Thiên Chúa cao sang diệu vợi bao nhiêu có thể. Nhưng người nghe có thể lĩnh hội hiểu được không? Và có giúp cho đức tin của họ thêm sâu xa vững chắc vào Chúa không, nhất là trong những khi đời sống gặp cảnh chao đảo hồ nghi?

Những nhà thần học tầm cỡ to lớn vĩ đại thông thái thường đưa ra nhận xét: Tất cả những gì chúng ta nói về Thiên Chúa, đều vừa không đúng như Ngài là, và cũng có điểm giống như Ngài là. Nhất là về mầu nhiệm Một Thiên Chúa có ba ngôi.

Vậy diễn tả đức tin về mầu nhiệm Thiên Chúa ba ngôi như thế nào cho dễ hiểu cùng nói lên được cả tâm tình đức tin từ trong tâm hồn?

Người tín hữu Chúa Kitô hằng ngày đều tuyên xưng đức tin mình vào Thiên Chúa Ba Ngôi. Họ tuyên xưng bằng lời nói qua môi miệng, và còn bằng cả cử chỉ trên ngay nơi chính thân thể mình: dấu thánh giá.

Dấu thánh giá với người tín hữu Chúa Kitô là dấu chỉ cực thánh nhất. Dấu chỉ này biểu lộ diễn tả đức tin từ trong tâm hồn ra bên ngoài. Dấu chỉ đó là ngôn ngữ của đức tin từ trong trái tim tâm hồn người tin yêu Thiên Chúa.

Ngay từ thuở còn thơ bé sau khi mở mắt chào đời, em bé đã được Hội Thánh ghi dấu thánh giá trên trán rồi tưới gội làn nước Bí Tích rửa tội trên đỉnh đầu: Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần. Amen.

Em được rửa tội không chỉ trong làn nước thiên nhiên do Thiên Chúa tạo dựng nên, nhưng còn trong Ba Ngôi Thiên Chúa.

Rồi trong đời sống hằng ngày, người tín hữu Chúa Kitô đều làm dấu thánh giá, để nói lên lời cầu xin ơn chúc lành, phù hộ của Chúa, để nói lên tâm tình tạ ơn, và tuyên xưng đức tin vào Một Thiên Chúa có Ba ngôi

Dấu thánh giá nhắc nhớ đến Bí Tích và đức tin rửa tội ngày xưa đã lãnh nhận “ một Thiên Chúa, một đức tin và một phép Rửa“.

Những dấu chỉ dấu thánh gía hình chữ thập được làm trên toàn thân thể:

- trên trán, nơi có trí não suy nghĩ điều tin

- trên môi miệng, nơi để nói loan truyền điều tin

- trên ngực, nơi có trái tim trung tâm của sự sống và tình yêu,, yêu mến điều tin

- ngang sang hai bờ vai trái và phải nói lên tâm tình: Những người bên trái bên phải con đường đời sống mà ta gặp gỡ hay có trách nhiệm với đều liên kết với nhau trong sự tin tưởng cùng lo cho nhau.

Dấu thánh giá không chỉ diễn tả đức tin của riêng một cá nhân với Chúa, nhưng còn nói lên chiều kích nền tảng của nếp sống trong xã hội con người với nhau.

Người tín hữu Chúa Kitô mỗi khi làm dấu thánh gía nói lên đức tin vào một Chúa Ba Ngôi. Và qua đó họ được củng cố thêm mạnh sức cho đức tin vào Chúa: Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Họ không sống đức tin một mình, nhưng trong Ba Ngôi Thiên Chúa.

Và dấu chỉ dấu thánh giá họ làm là ngôn ngữ diễn tả đức tin từ trong tâm hồn ra bên ngoại ngay trên chính thân thể mình.

Lễ Chúa Ba Ngôi.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Văn Hóa
Khúc tâm tình với chân phước J.B Malo
Ngàn Sâu Ký
08:41 10/06/2017
Khúc tâm tình với chân phước J.B MALO

Đời người tột đỉnh ngày vui
Một ngày dấu ấn cho tôi trong đời,
Ngày vui Vĩnh Hội một thời
Ghi danh bản địa núi đồi nhấp nhô.
Ngày nay gần giống thành đô
Vĩnh Hội khác hẳn năm xưa một thời,
Chúa làm ai thấu biết người
Mời ai hãy đến ngỏ lời chung tay.
Giáo dân xứ Hội hôm nay
Đổi thay sắc đẹp tháng ngày vinh hoa.
Hôm nay nét đẹp vang xa
Có cha người Pháp tên Ngài Malo.
Cửa Rào Ngài chết năm nao
Trên thuyền sông nước một thời gió sương.
Đời người tuổi tác nên gương,
Ngài từ nước Pháp lên đường sang ta.
Đầu tiên ở điểm Trung Hoa
Sau qua Lào bạn họ tra tấn Ngài,
Mười sáu tháng ở Lào cũng đủ
Mười tám năm trú ngụ Trung Hoa,
Thời gian Vĩnh Hội quê ta
Là lúc kiệt sức bị tra tấn nhiều.
Ngài nằm đó không rên, không khóc
Con nghe lòng khóc mãi từng cơn
Đúng chứ cha ơi! Con hiểu rất nhiều
Chứng nhân tử đạo là điều gương soi.
Lòng tin quả cảm Ngài ơi!
Hôm nay Ngài được Chúa trời thưởng công.
Sáng hôm nay tưng bừng lễ hội
Rợp bóng người xe cộ nối tiếp nhau,
Trẻ già trai gái rợp màu
Hòa chung sức sống nhịp cầu ơn thiêng.
Lễ đài lộng lẫy mang tên
Malo chân phước xứng danh anh hào
Vàng trắng nối trùng trùng như gió bão,
Có hình Ngài trong bóng cờ nhân đạo
Nở nủ cười và rạng rỡ mừng vui
Ngăn trào lưu đang tiến bước dập vùi.
Vĩnh Hội ơi sao mà vui đến thế!
Con say rồi uy lệ của bàn tay (Chúa)
Vuốt ve con và nâng ẵm suốt ngày.
Nhưng giờ đây trước dung nhan cao cả
Nói sao cùng vinh dự của đoàn con
Sáng hôm nay khi chưa tỉnh mộng hồn
Con nhìn thấy muôn tấm lòng rạng rỡ.
Tiếng đàn điệu nhạc khong khen
Trước đoàn mục tử sau là Đức Cha,
Cùng Đại sứ Pháp các cha người Lào
Lung linh huyền ảo lễ đài đẹp thay
Chúa làm mới biết hôm nay
Ấm lòng tín hữu tháng ngày chờ mong.
Trời khoe sắc dưới nắng hồng
Biển người như một tấm lòng mến tin,
Ngàn Sâu giới trẻ trọn tình
Làm tròn trách nhiệm của mình được giao,
Đức Cha giảng thấu tâm can
Đức Tin triển nở nhớ Ngài Malo.
Lời ca tiếng hát tung hô
Đức Ông quảng diễn, Đức Cha thay lời
Thay cho Giáo Phận khắp nơi
Thay cho vị thánh kính danh ta thờ.
Đức Cha chia sẻ bất ngờ
Có đoàn Tòa Thánh đã về đến Vinh
Lý do khó dễ quên mình
Rôma sang được chút tình khó quên,
Lời chúc Tòa Thánh ban thêm
Hưởng ơn toàn xá cho người thiện tâm
Người thân thiếu vắng thiệt thầm
Cuộc đời có Chúa lòng đầy bình an.
Ra về lòng muốn lưu ban
Nhìn lên tượng Chúa ngập tràn niềm vui.
Trước sông, sau núi, Tượng đài
Ơn lành tỏa xuống Giáo đoàn Việt Nam
Hữu tình bản địa Ngàn Trươi
Gặp cha chân phước Malo rạng ngời.
Nguyện cầu Chúa chúc bình an
Xuống cho hết thảy giáo đoàn chúng con,
Cầu xin Thiên Chúa thương ban
Lòng đầy can đảm vững vàng Đức Tin.
Đời nay con nhắc nhở
Chuyện xưa ở Cửa Rào
Vĩnh Hội đà triển nở
Thơ bừng áng Phúc Âm
Trải muôn ngàn sóng gió
Cha không nỡ lìa con.
Thánh nhân ơi! Máu đã khơi nguồn
Đẳng cay cuộn chảy
Trên hồn chúng con.

An Hòa, 21/02/2017
Bút danh
Ngàn Sâu Ký