Ngày 08-06-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Quà tặng cao quý nhất
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
00:11 08/06/2023


Hôm xưa, vua Sa-lô-môn lên Ghíp-ôn là nơi cao trọng để tế lễ Thiên Chúa. Ban đêm Chúa hiện ra báo mộng cho vua rằng: Ngươi cứ xin đi, Ta sẽ ban cho ngươi bất cứ điều gì ngươi xin. Nhà vua lên tiếng cầu xin và Chúa đã đáp ứng lời vua kêu cầu.

Nếu hôm nay, Chúa lại hiện ra với bạn trong đêm tối như với Sa-lô-mon và hứa ban cho bạn một trong các ân huệ sau đây, thì bạn sẽ chọn thứ nào?

Hoặc được giàu sang phú quý? Hay là được chức trọng quyền cao? Được hưởng nhiều lạc thú đời nầy? Hoặc là đời sau được hưởng sự sống đời đời trên thiên quốc… thì bạn chọn gì?

Biết rằng mai đây bất cứ ai sống trên đời cũng đều phải chết. Bấy giờ, giàu sang phú quý, chức trọng quyền cao và các lạc thú đời nầy đều vô nghĩa… Chỉ có phúc được sống đời đời trên thiên quốc là điều vô cùng đáng quý và rất đáng ước mơ.

Thế là tất cả những người khôn ngoan, nhìn xa trông rộng đều chọn được phúc sống đời đời trên thiên quốc hơn mọi thứ khác trên đời.

Chúa Giê-su thông ban sự sống đời đời cho chúng ta

Vì yêu thương con người là thụ vật ưu việt và cũng là con chí ái của mình, Thiên Chúa ban cho họ món quà quý báu nhất là sự sống, không chỉ là sự sống tự nhiên mà thôi, nhưng còn là Sự Sống của chính Ngài.

Thiên Chúa là Đấng toàn năng, là nguồn mạch của sự sống nên chỉ có Ngài có thể truyền thông Sự Sống của chính Ngài cho tôi, cho bạn, cho mỗi người chúng ta.

Bằng cách nào?

Muốn cho cành nho tiếp nhận được sự sống của thân nho, thì nó phải được tháp nối nên một với thân nho. Không tháp nối với thân thì không có sự sống.

Muốn cho một bàn tay lìa thân được tiếp nhận sự sống từ thân thể thì bàn tay đó phải được ghép nối vào thân thể. Không được tháp nối nên một với thân thể thì không thể nhận được sự sống.

Vậy muốn cho loài người tiếp nhận Sự Sống của Chúa Giê-su thì phải làm cho họ kết hợp nên một với Ngài. Để thực hiện việc nầy, Chúa Giê-su lập bí tích Thánh Thể, hiến ban Thịt và Máu của Ngài, dưới hình bánh rượu, làm của ăn cho nhân loại, để những ai xứng đáng lãnh nhận Mình Máu thánh Ngài thì được nên một với Ngài, được ở lại trong Ngài như lời Ngài phán:“Ai ăn thịt và uống máu Tôi, thì ở lại trong Tôi, và Tôi ở lại trong người ấy”(Ga 6,56).

Và ai được nên một với Chúa, thì Sự Sống của Chúa cũng sẽ được thông truyền cho người đó.

Điều tuyệt vời là Sự Sống mà Chúa Giê-su thông ban cho những ai tiếp nhận Mình Máu Ngài, không phải là sự sống sinh vật có thể bị lụi tàn theo năm tháng mà là Sự Sống vĩnh cửu không bao giờ tàn phai.

Chúa Giê-su khẳng định điều này: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời” (Ga 6, 51).

“Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (Ga 6, 54).

Lạy Chúa Giê-su,

Chúng con cảm tạ Chúa đã ban chính Mình Máu thánh Chúa cho chúng con để chúng con được nên một với Chúa, được đón nhận Sự Sống của Chúa, nhờ đó, được sống hạnh phúc muôn đời.

Đây là quà tặng quá đỗi tuyệt vời, là hồng ân vô cùng cao quý, không gì sánh được.

Xin cho chúng con đừng thờ ơ, hờ hững với món quà vô giá nầy nhưng biết sốt sắng lãnh nhận với tâm tình cảm tạ sâu xa.
 
Chuyện VỢ Chuyện CHỒNG: Chuyện Người Mù - Tác giả Nguyễn Trung Tây
Lm. Nguyễn Trung Tây
00:18 08/06/2023
 
Ngày 09/06: Vua Trần Gian và Vua Tâm Hồn – Lm. Giuse Đỗ Tuấn Anh, CSsR
Giáo Hội Năm Châu
03:04 08/06/2023

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô

Khi ấy, khi giảng dạy trong Đền Thờ, Đức Giê-su lên tiếng hỏi: “Sao các kinh sư lại nói Đấng Ki-tô là con vua Đa-vít? Chính vua Đa-vít được Thánh Thần soi sáng đã nói: Đức Chúa phán cùng Chúa Thượng tôi : bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt dưới chân Con.

“Chính vua Đa-vít gọi Đấng Ki-tô là Chúa Thượng, thì Đấng Ki-tô lại là con vua ấy thế nào được?” Đám người đông đảo nghe Đức Giê-su cách thích thú.

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:25 08/06/2023

13. Ai muốn sống đời sống của tu sĩ thì phải vì Đức Chúa Giê-su mà biến thành người ngu.

(Sách Gương Đức Chúa Giê-su)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:28 08/06/2023
71. CÁI ĐINH

Một hôm, người nông dân cưởi ngựa đi lên thành phố, ông ta phát hiện một cái móng ngựa bị long, ông ta nghĩ: “Nhiều hơn một cái đinh hoặc thiếu đi một cái đinh thì cũng thế thôi, không can gì cả.” Thế là vội vàng lên đường.

Nhưng đi được nửa đường, cái móng sắt đinh bị long ấy hoàn toàn rơi ra.

- “Nếu gần đây có tiệm giày thì mình sẽ làm lại cho nó cái móng mới, nhưng trên đoạn đường này ngay cả một bóng người cũng không có, thôi kệ nó. Chỉ có cách là nó chịu đau mà đi ba chân vậy.”

Trên đường đi có nhiều đá vụn, tội nghiệp con ngựa biến thành ngựa què.

Đột nhiên, trong rừng nhảy ra hai tên cướp, ngựa chạy không nhanh, người nông phu không có cơ hội để chạy trốn, chỉ có cách là đứng nhìn hai tên cướp ngang nhiên cướp sạch của cải của mình.

Ông ta buồn chán trở về nhà, nhưng cũng được cho là bài học. Từ đó về sau, ông ta đem chuyện này ghi nhớ mãi trong lòng và cảnh cáo mình, nếu chuyện nhỏ mà không làm cho tốt, thì đau thương sẽ biến thành lớn hơn.

(Một trăm câu chuyện giáo dục)

Suy tư ngắn 71:

Một đám mây đen sẽ cản trở toàn bộ ánh sáng mặt trời,

Một sợi dây bị đứt sẽ làm những hạt ngọc bay tứ phía,

Một ý niệm xấu có thể hủy diệt linh hồn,

Một câu nói có thể khiến người ta đau lòng.

Cho nên lòng phải nhân từ, tâm hồn phải khoáng đạt và luôn đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để không trở thành đám mây đen che ưu điểm của người khác...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Từ Manna đến Thánh Thể
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
09:05 08/06/2023
Từ Manna đến Thánh Thể

Suy Niệm Lễ Mình Máu Thánh Chúa Năm – A

( Ga 6, 51-59 )

Để nhắc lại việc cử hành đầy ý nghĩa trong Bữa Tiệc Ly của Chúa Giêsu, giúp các tín hữu sống lại bầu khí trang nghiêm ấy, với lòng biết ơn Thiên Chúa Cha cách sâu xa, và có lúc dừng lại trong thinh lặng trước mầu nhiệm Ðức Tin để chiêm ngắm sự cao cả của Bí Tích vô cùng cao quí với trọn con người và tình thương của Chúa Giêsu mà ngày 11 tháng 8 năm 1264 Đức Ubanô IV đã thiết lập lễ của Chúa, hay còn gọi là Lễ kính Mình Máu Thánh Chúa. Ngài cũng truyền cử hành Lễ này vào ngày thứ Năm sau lễ Chúa Ba Ngôi, tức 60 ngày sau lễ Phục sinh. Tiếp liền sau lễ là cuộc kiệu trọng thể Mình Thánh Chúa vừa được truyền phép ra khỏi nhà thờ, đi trên các nẻo đường, vừa đi vừa hát bài : « Chúa nuôi dân bằng lúa mì tinh hảo, mật ong rừng, Người cho hưởng thỏa thuê » (Ca nhập lễ - lời của thánh Tôma Aquinô). Để loan truyền cho mọi người biết rằng : Chúa Giêsu hiện diện thực sự trong Bí tích Thánh Thể và Hy tế của Người là ơn cứu độ cho toàn thế giới.

Manna của ăn trong sa mạc

Trên hành trình về Đất Hứa để chứng tỏ tình thương và lòng thành tín của Chúa đối với dân giữa sa mạc khô cằn, Thiên Chúa đã làm mưa Manna từ trời xuống mỗi ngày cho cha ông chúng họ ăn no thỏa thích. Theo Môsê, “Đó là bánh Thiên Chúa ban… làm của ăn” (Xh 16, 16). Sau này người ta nói: “Bánh Thiên Thần phàm nhân được hưởng” (Tv 77, 25).

Nhưng cho dù là Manna từ trời xuống nuôi dân Israel trong sa mạc, hay bánh Thiên Thần mang đến cho Êlia nuôi sống người ta 40 ngày cùng lắm là 40 năm đi nữa, thì những thứ bánh đó cũng chỉ nuôi sống con người cách rất tạm bợ, kẻ ăn những thứ bánh ấy vẫn đói, vẫn khát và vẫn phải chết. Hôm nay, Chúa Giêsu giới thiệu cho chúng ta bánh bởi trời xuống là chính Chúa, Người đến làm no thỏa cái đói tinh thần con người, ai ăn chính Người sẽ khỏi đói muôn đời, và nhất là khỏi chết đời đời: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ sống đời đời” (Ga 6, 51).

Bánh Giêsu

“Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân Do thái rằng. Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống” (Ga 6, 51 ).

Chúa Giêsu là bánh từ trời xuống, là hồng ân bởi trời, có khả năng duy trì sự sống không phải chỉ trong một lúc hay một đoạn đường, mà luôn mãi. Người là lương thực ban sự sống đời đời, bởi vì Người là Con Một Thiên Chúa, ở cung lòng Thiên Chúa Cha, đến để trao ban cho con người sự sống tràn đầy, dẫn con người vào trong chính sự sống của Thiên Chúa.

Thế giới ngày nay có rất nhiều người đói và cần bánh. Có người cam chịu chết đói, chết vì cô đơn, vì thiếu hy vọng, nhưng cũng có nhiều người cần đến Chúa Giêsu. Có ba cái đói và ba phương thế để chuyển hóa ba loại bánh: bánh vật chất, bánh Giêsu và bánh Thánh Thể. Bánh Giêsu là bánh quan trọng nhất. Nếu không có Chúa Giêsu, chúng ta không thể sống như lời Chúa nói “Không có Thầy, anh em không thể làm gì được” (Ga 15,5). Theo thánh Augustinô thì “khi chúng ta ăn Chúa Kitô, là chúng ta ăn sự sống (…), thật vậy, giả như, anh em tự tách mình ra không ăn thịt và uống máu Chúa nữa, anh em sẽ không có sự sống”.

Muốn sống đời đời, hãy ăn Bánh Giêsu

Xưa kia Chúa Giêsu mời gọi những người Do thái, giờ đây Chúa bảo chúng ta hãy đến mà ăn cho no uống cho thỏa. Nếu chúng ta khao khát sự sống trường sinh, thì đây là cơ hội tốt để có được mầm sống ấy. Hãy đến gặp Chúa Giêsu và đón nhận Người, bởi chính Người: “Là Bánh Hằng Sống” (Ga 6,51).

Thật hạnh phúc khi được mời gọi ăn thịt và uống máu Chúa Giêsu để được sống đời đời: “Ai ăn thịt và uống máu Ta thì có sự sống đời đời” (Ga 6, 54) và hơn thế nữa còn được Người đến cắm lều ngay nơi lòng kẻ ấy: “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy” (Ga 6, 56). Chúa Giêsu là bánh bởi trời xuống làm no thỏa cái đói, cái khát, nhất là cái ước vọng lớn nhất của con người mọi nơi mọi thời là sự sống đời đời.

Thánh Thể thần lương vượt thế trần

Nếu như trong sa mạc, Manna là quà tặng do lòng thương xót của Chúa dành cho dân, lương thực cứu đói tạm thời, nay Mình Máu Thánh Chúa là lương thực giúp người tín hữu có đủ sức, đủ nghị lực vượt qua trần thế về tới quê trời hưởng phúc vinh quang.

Trong sa mạc, manna chứng tỏ Chúa không bỏ dân của Chúa, ngày nay Chúa ở giữa Hội Thánh và trong thế giới bằng chính mình trong bí tích Thánh Thể. Nhờ Bí tích ThánhThể, người cô đơn tìm được nguồn an ủi; người yếu đuối tìm được sức mạnh; người tội lỗi tìm được ơn tha thứ; người đau yếu tìm được sự chữa lành; người bất hạnh tìm được nghị lực tinh thần; người hấp hối tìm được sự đỡ nâng; người bị bỏ rơi tìm được nguồn tình yêu chất chứa đầy sự thông cảm và âu yếm… Và còn một ý nghĩa rất quan trọng, manna ngày xưa của ăn trong sa mạc, Thánh Thể thần lương vượt thế trần.

Rước kiệu Mình Thánh Chúa

Sau lễ này, Giáo hội kiệu Mình Thánh Chúa và đưa Chúa ra khỏi nhà thờ, tuyên xưng Chúa Giêsu ngự thật trong phép Mình Thánh, mang Chúa vào trong đời ta, với mong ước nhà ta là nhà của Chúa, đường đời ta là đường của Chúa, xin Chúa hiện diện hằng ngày trong đời sống chúng ta! Có Chúa Giêsu là Bánh ban sự sống, Bánh của các thiên thần, Bánh của của kẻ hành hương cùng đi, chúng ta sẽ không cô đơn.

Khi đặt Mình Thánh vào Mặt nhật, dưới dạng mặt trời, ngụ ý rằng Chúa Giêsu là « Mặt Trời » : Ngài là ánh sáng của lòng ta (đó là ý nghĩa của từ « mặt nhật »)

Bình khói hương thơm nghi ngút vừa đi vừa xông, tượng trưng cho lời nguyện cầu của chúng ta tỏa bay lên trước tòa Chúa.

Các em bé rắc hoa trên đường nhắc lại cuộc rước Chúa Giêsu vào Thành Thánh, và những lời tụng ca của các em rất làm Chúa hài lòng.

Qua cuộc rước kiệu, chúng ta thấy Chúa và chắc chắn Chúa thấy tất cả những khổ đau của những bệnh nhân; những nỗi cô đơn của những người trẻ và của những người già; những cám dỗ, những nỗi lo lắng trong cuộc sống của chúng ta. Cuộc rước kiệu này còn có ý nghĩa là xin Chúa chúc lành cho chúng ta và cho toàn thế giới.

Lạy Chúa Giêsu ngự thật trong phép Mình Thánh, xin cho con biết ra đi tìm kiếm của ăn không hư nát là chính Chúa và đón rước Chúa hầu được sống muôn đời. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Kéo lên cao hơn
Lm. Minh Anh
15:55 08/06/2023

KÉO LÊN CAO HƠN
“Đám đông dân chúng thích thú nghe Ngài?”.

Một nhà thần học nói, “Chúa ở khắp mọi nơi. Tuy nhiên, Ngài không muốn bạn tìm Ngài ở khắp mọi nơi mà chỉ trong Lời Ngài. Hãy vươn tới nó và bạn sẽ vui thoả gặp được Ngài!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Bạn sẽ vui thoả gặp được Ngài!”. Đó cũng là nhận xét tương tự của Marcô cuối bài Tin Mừng hôm nay. Chúa Giêsu giảng dạy cho đám đông, họ “vui vẻ” lắng nghe Ngài; giáo huấn của Ngài làm họ vui thoả. Bởi lẽ, nó luôn ‘kéo lên cao hơn’ tâm hồn những ai vươn tới nó!

Đây là phản ứng thông thường đối với sự hiện diện và dạy dỗ của Chúa Giêsu trong cuộc đời chúng ta. Các Thi Thiên chứa đầy những hình ảnh như thế. “Tôi hớn hở vui mừng trong Chúa”; “Lời Chúa quả ngọt ngào!”; hoặc như Thánh Vịnh đáp ca hôm nay, “Linh hồn tôi ơi, hãy ngợi khen Chúa”. Tác động của Lời Chúa và sự hiện diện của Chúa Giêsu trong đời sống của mỗi chúng ta sẽ luôn vô cùng thú vị.

Sự kiện này đặt ra một câu hỏi, “Tôi có vui thích trong Lời của Chúa Giêsu không?”; hay tôi thường xem Lời Ngài như một gánh nặng, hạn chế hoặc giới hạn đối với những gì tôi muốn? Vì lý do đó, bạn và tôi thường xem ý muốn của Thiên Chúa như một điều gì đó khó khăn và nặng nề. Sự thật mà nói, nếu tấm lòng chúng ta phải vướng bận một tội lỗi hay những thú vui thế gian nào đó, thì Lời Chúa có thể nhức nhối và trở nên gánh nặng. Lý do chỉ là vì Lời Ngài mâu thuẫn với nhiều điều không lành mạnh mà chúng ta đã quá gắn bó.

Vậy mà, nếu bạn thấy Lời Chúa gây khó chịu, khó nghe, thì bạn đang bắt đầu đi đúng hướng! Có thể nói, bạn đang bắt đầu để Lời Ngài “chiến đấu” với cám dỗ này, cám dỗ kia mà cuối cùng, bạn chỉ cảm thấy khô khan và trống rỗng. Dẫu thế, đừng sợ, đây là bước đầu tiên để bạn có thể vui mừng trong Chúa và Lời của Ngài, vốn luôn ‘kéo lên cao hơn’ các tâm hồn.

Điều đáng vui mừng là nếu bạn có thể để cho Lời Ngài cắt đứt nhiều chấp trước không lành mạnh trong đời sống, bạn sẽ bắt đầu khám phá ra rằng, bạn sẽ vô cùng yêu mến Lời Ngài và vui mừng vì sự hiện diện của Ngài. Bạn sẽ bắt đầu khám phá niềm vui và sự thích thú trải nghiệm từ sự hiện diện đó, vốn vượt xa bất kỳ sự gắn bó hay niềm vui nào khác mà bạn có thể có. Cả tội lỗi cũng có thể tạo ra những cảm giác thoả mãn giả tạo. Trong trường hợp đó, vui thoả tựa hồ một loại an thần sớm biến mất; đang khi niềm vui của Chúa là điều liên lỉ luôn ‘kéo lên cao hơn’, làm bạn thoả mãn sâu sắc hơn, thâm trầm hơn!

Anh Chị em,

“Đám đông dân chúng thích thú nghe Ngài?”. Hôm nay, bạn và tôi hãy dành thời gian để suy gẫm, liệu chúng ta có thực sự cho phép mình tràn đầy niềm vui trong sự hiện diện của Chúa Giêsu và Lời của Ngài không! Hãy thử nếm vị ngọt của chúng và tìm cách để mình bị lôi cuốn. Một khi đã “bị cuốn hút”, bạn sẽ tìm kiếm Ngài nhiều hơn. Muốn được vậy, hãy quay lưng với những cám dỗ hấp dẫn của thế gian. Hãy luôn tìm kiếm Chúa và Lời Ngài. Một khi khám phá ra điều Chúa muốn biến đổi bạn qua Lời Ngài, Ngài sẽ lấp đầy tâm hồn bạn và tôi với niềm vui lớn nhất. Bởi lẽ, Lời Ngài sẽ ‘kéo lên cao hơn’ những ai yêu mến Ngài!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, lời thế gian tuy dễ chịu, nhưng luôn kéo con xuống; Lời của Chúa, tuy khó chịu, nhưng luôn ‘kéo con lên’. Cho con luôn biết đói và khát Ngài!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Mình Máu Thánh
Lm Vũđình Tường
18:33 08/06/2023
Cơ thể con người cần thực phẩm, nước uống, khí trong lành và ngay cả ngoại cảnh tốt để sống thảnh thơi. Về phương diện tâm linh, Mình Máu Thánh Đức Kitô ban phát đầy đủ sự sống và ơn cần thiết giúp cho tâm linh Kitô hữu sống mạnh và sống thanh nhàn. Mừng kính Bí Tích Mình Máu Thánh Đức Kitô chính là mừng kính sự sống tâm linh của Kitô hữu. Là Bí tích sự sống bởi chính Đức Kitô tự nguyện hiến thân mình làm giá cứu chuộc để ban sự sống trường sinh cho môn đệ. Cái chết của Đức Kitô không phải là cái chết của một xác phàm, của một con người bình thường, mà chính là của Đấng Chí Thánh, Con Thiên Chúa. 'Lậy Cha Con phó linh hồn Con trong tay Cha'. Lời nói cuối cùng trước khi Đức Kitô tắt thở trên thập tự. Vì thế những ai chết với Đức Kitô, và chết trong Đức Kitô, sẽ được chính Đức Kitô đặt vào trong vòng tay âu yếm của Chúa Cha, Người là nguồn sống vô tận, nguồn tình yêu không cùng. Đức Kitô trao ban chính Mình và Máu Ngài cho Kitô hữu. Đây cũng chính là món quà Đức Kitô dâng lên Chúa Cha. Như thế Kitô hữu nhận cùng một món quà Đức Kitô trao cho Chúa Cha. Chúa Cha lại phân phát món quà đó cho môn đệ Đức Kitô.

Đến với Thánh Thể không phải để thắc mắc, tìm hiểu. Đến với Thánh thể với tất cả lòng thành; tâm tình yêu mến thiết tha, và khấng đầu tôn tính. Đến với Thánh Thể để cảm tạ món quà Mình Máu Thánh Đức Kitô trao tặng, đồng thời tuyên xưng niềm tin, ca tụng việc làm kì diệu, ngoài sự hiểu biết của trí tưởng. Thánh Thần Chúa biến đổi bánh rượu thường thành Mình và Máu Thánh Đức Kitô. Việc làm xảy ra công khai, trước sự chứng kiến của toàn thể cộng đoàn dân Chúa. Dẫu mắt trần không nhìn thấy, nhưng tin. Thứ nhất là tin vào lời phán dậy của Đức Kitô. Thứ hai là tin vào việc làm, nhiệm mầu, kì diệu, của Thánh Thần Thiên Chúa. Việc biến đổi xảy ra khi linh mục đặt tay trên bánh, chân thành cầu khẩn, kêu nài Thánh Thần Chúa biến đổi bánh rượu thường, thành Mình Thật, Máu Thật của Đức Kitô. Sau đó linh mục, không nói lời tự mình nghĩ ra, mà long trọng lập lại chính xác, chậm rãi, đúng lời Đức Kitô nói trong bữa Tiệc Li. Lời này được biết đến là lời truyền phép. Lập lại lời Đức Kitô truyền phép, để nói lên việc biến bánh rượu thường thành Mình và Máu Đức Kitô là việc làm của chính Đức Kitô, để nuôi dưỡng tâm hồn Kitô hữu.

Mừng Kính Thánh Thể bao gồm ba điều huyền diệu. Thứ nhất là mừng kính món quà Chúa Cha trao tặng Kitô hữu là chính Con Một Ngài. Thứ hai là mừng kính việc Thánh Thần Chúa biến bánh, rượu thường thành Mình Máu Đức Kitô. Thứ ba là mừng kính món quà thiêng Đức Kitô trao ban cho Kitô hữu. Mừng kính Thánh Thể là mừng kính tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa dành cho Kitô hữu. Đây cũng là ơn đặc biệt Thiên Chúa ban cho nhân loại. Đó là ơn kết hợp tình yêu nhân loại được hoà nhập trong Yêu Thiên Chúa. Tình yêu Thiên Chúa thể hiện qua lời truyền phép của Đức Kitô; tình yêu Kitô hữu thể hiện qua bánh và rượu thường, hoa mầu của ruộng đất và lao công của con người, được tuyển chọn dâng lên làm của lễ. Kitô hữu tham dự Thánh Thể không phải chỉ biết chân thành, khiêm nhường đón nhận, mà chính là cảm tạ Thiên Chúa đã không chê; trái lại còn vui mừng đón nhận lòng thành qua lễ vật Kitô hữu dâng tiến. Kitô hữu dâng lên Thiên Chúa chút quà mọn, mồ hôi và lao nhọc; trong khi Đức Kitô trao ban trọn thân mình cho Kitô hữu. Lượng từ bi vô biên của Đức Kitô biến chút quà mọn thành của ăn trường sinh nuôi dưỡng tâm hồn con người. Đức kitô, một lần duy nhất, trao trọn thân hình mình trên thập tự cho Chúa Cha. Việc trao trọn thân mình thể hiện hàng ngày nơi bàn Tiệc Thánh, nơi Bí Tích Thánh Thể, mỗi lần linh mục dâng lễ. Ngoài Thiên Chúa ra, nhân loại không ai có thể làm được việc trao trọn thân mình cách kì diệu.

Kitô hữu gặp nhau nơi bàn Tiệc Thánh. Đây không phải là gặp gỡ trong giao tế như có người lầm tưởng. Đây là việc gặp gỡ tâm linh của Kitô hữu. Việc gặp gỡ có hai mục đích. Thứ nhất là chung lời, chung tâm tình thành kính thờ lậy Mình Máu Thánh Đức Kitô. Thứ hai là cùng tuyên xưng niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh, và chung hy vọng được vào nước Chúa khi hoàn tất cuộc hành trình dương thế. Mừng kính Thánh Thể là mừng kính, và tạ ơn Đức Kitô tự nguyện hiến thân mình làm giá cứu chuộc Kitô hữu.

Tội vào trần gian. Tội tác hại cuộc sống tâm linh. Tâm hồn Kitô hữu trở nên yếu nhược, dễ sa ngã phạm tội. Đời sống tâm linh lem luốc, tâm hồn bấn loạn, thường ngả theo điều tội lỗi, chiều theo thân xác, sa đọa. Mình Máu Thánh Đức Kitô trở nên nguồn sinh lực tâm linh; tẩy rửa vết nhơ tội lỗi, tăng sức sống cho tâm hồn, nối lại mối giây liên kết với Đức Kitô và với Kitô hữu khác. Chúng ta chung lời cảm tạ, tôn kính Phép Thánh Thể.
Xin Đức Kitô luôn hiện diện trong cuộc sống của mỗi Kitô hữu.

TiengChuong.org

Body and Blood

Our physical body needs food and water, clean air and a good environment, and the whole network of human relationships for life enjoyment. In a spiritual way, the Holy Eucharist, the Body, and Blood of Christ, provide all necessary nourishment for our spiritual body in this life and the life to come. The celebration of the Holy Body and Blood of Jesus is the celebration of our own spiritual life. It is the celebration of life because Christ dies in our place to give us eternal life. His death is not the death of a mortal, but rather death of the Holy One. 'Into your hand I commend my spirit' is his last words on the cross. Those who die with him, and in him, will be delivered into the hands of the Father, who is the unending source of life and love. Jesus offered His Body and Blood and Soul to the Father. At the Eucharist, Jesus gives us His Body and Blood; We receive the Body and Blood of Jesus; the very same gift Jesus gives to the Father. In other words, the Father gives us the Body and Blood of God's only Son.

We gather at the Eucharist not to query how the Spirit of God works. We, actually, gather with humility, in submission, and above all, in adoration, to profess the work of the Holy Spirit, who in a mysterious way changes the bread and wine, which we offer, into the true Body and Blood of Jesus. The transformation, happens in front of our eyes, though unseeable; and that requires us to have faith in Christ to believe. It happens at the time; when the priest invokes the Spirit of God to do the unthinkable transformation. The priest then repeats the same words Jesus said at the Last Supper. It is commonly known as the consecration of bread and wine. These words tell us, that it is Jesus himself, who changes the bread and wine into his real Body and Blood for the nourishment of our souls. The Eucharist is the three celebrations. First, it is the gift the Father gives us. Second is the work of the Spirit; and lastly, it is the work of Christ himself. It is the celebration of the Trinity's love, where Divine love meets our human love. Divine love is seen in the form of the words of consecration, and human love appears in the form of bread and wine. It is the product of the earth and the work of human hands. We participate in the Eucharist not just by receiving but also offering. Our offering is little and humble, and yet the generosity of God gives us in abundance, and much more than we can imagine. We offer some of our labour and sweat; Jesus in his love and generosity gives us His whole Body. This totality of giving happened once on the cross to the Father. It now happens daily at the Eucharist, each time a priest celebrates the Eucharist. Apart from Jesus; no one knows how to make this transformation, he alone has that ability.

At the Eucharist, we gather in the name of Jesus. This gathering is not simply a social gathering as it appears to be. Beneath this appearance, there lies a rich and diverse experience of pilgrims who gather to share a common purpose; and hope to achieve the same destination. Their purpose is to adore the Holy Eucharist, and find nourishment in the Eucharist. Their destination is Christ.

The celebration of the Eucharist is the celebration of Christ, who, on behalf of the human race, sacrifices himself to reconcile with the Father. Sin enters the world. It robs our inner strength; we are weak to resist temptations. Our lives are tainted and our souls are corrupted. Jesus' lifeblood strengthens our inner lives; purifies our lifeblood; nourishes our faith; and unites us in him.
We give thanks to Jesus for being present in our world and our lives.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Linh mục ở Mễ Tây Cơ cứu 3 trẻ em sau khi bạo lực băng đảng khiến một người mất mạng và, nhà thờ đầy những lỗ đạn
Đặng Tự Do
05:13 08/06/2023


Một linh mục đã giải cứu ba đứa trẻ bị bỏ rơi ở một thị trấn Mễ Tây Cơ sau cuộc đối đầu giữa các băng nhóm tội phạm khiến một người thiệt mạng và một nhà thờ Công giáo bị đạn bắn loang lổ.

Nhà thờ ở khu định cư nhỏ Santa Anita thuộc Giáo phận Tarahumara ở bang Chihuahua là nơi diễn ra cuộc đối đầu giữa các băng đảng đối địch. Khu định cư nằm cách Cerocahui chưa đầy 125 dặm về phía nam, cũng ở Chihuahua, nơi gần một năm trước hai linh mục Dòng Tên đã bị sát hại bên trong một nhà thờ Công giáo.

Theo văn phòng tổng chưởng lý bang Chihuahua, tại hiện trường, cảnh sát tìm thấy hơn 700 vỏ đạn, một quả lựu đạn, 19 vỏ đạn và một chiếc xe bán tải Chevrolet Silverado “đã cháy hoàn toàn”

Văn phòng tổng chưởng lý cũng cho biết “ở bên ngoài nhà thờ của cộng đồng, một thi thể không còn sự sống của một người đàn ông không rõ danh tính, khoảng 35 tuổi, đã được tìm thấy.”

Bạo lực khủng khiếp đến mức người đàn ông này, mặc quần áo kiểu quân đội màu xanh lá cây, đã bị chặt đầu.

Santa Anita chỉ cách thành phố Guachochi 9 dặm, nơi đặt trụ sở chính của Giáo phận Tarahumara.

Cha Enrique Urzúa, cha xứ của nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Guadalupe ở Guachochi, đã đến Santa Anita vào ngày 6 tháng 6. Trong một tuyên bố với ACI Prensa, đối tác tin tức tiếng Tây Ban Nha của CNA, ngài chia sẻ rằng những gì ngài thấy là “một tình huống đau lòng.”

“Họ đã phá hủy hoàn toàn nhà thờ” cũng như căn phòng nhỏ dùng để tiếp đón những giáo sĩ đến truyền giáo cho thị trấn.

Tuy nhiên, bộ phim về con người thậm chí còn áp đảo hơn. Vị linh mục nói: “Tôi đã gặp ba đứa trẻ mồ côi cha mẹ và chúng ở đó, bị bỏ rơi.”

Đứa nhỏ nhất trong số những đứa trẻ được vị linh mục giải cứu chỉ mới 1 tuổi, trong khi hai đứa còn lại mới 9 và 11 tuổi. Cha mẹ của các em đã bị băng đảng giết chết và các em sắp chết vì đói khát.

Ngài nói rằng ngài thấy họ đang run rẩy vì đói khát và đưa các em đến giáo xứ “để tìm thức ăn cho các em và xem phải làm gì”. Nhưng khi đến giáo xứ, vị linh mục người Mễ Tây Cơ nhận ra rằng bọn tội phạm “đã cho nổ tung nhà thờ”. Ngài đã đưa các em về Guachochi.


Source:Catholic News Agency
 
LGBTQ+ và phong trào duy nữ
Vũ Văn An
15:02 08/06/2023

Tiến sĩ Carrie Gress là nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Đạo đức học và Chính sách công và là một học giả tại Viện Sinh thái Nhân bản của Đại Học Công Giáo America, đồng thời là chủ bút của tập san phụ nữ Theology of Home và đồng tác giả của loạt sách của tập san này, trên trang mạng National Catholic Register ngày 6 tháng 6, 2023, nhận định rằng các ý tưởng nâng đỡ phong trào LGBT+ có nguồn gốc cũ xưa hơn người ta tưởng, cương lĩnh của nó đã được ấn định nhiều thế ký trước đây, ít nhất cũng từ những thời kỳ sớm sủa nhất của phong trào duy nữ.



Phong trào LGBTQ+ đã có những bước tiến đáng kể trong thập niên qua. Rất ít tổ chức và tập đoàn lớn đã chống lại được áp lực mạnh mẽ phải ủng hộ nghị trình của nó, treo cờ của nó và nói các đại danh từ của nó.

Phong trào chuyển giới là hư cấu mới nhất đang được lén lút áp đặt lên chúng ta, khi những người đàn ông sinh học san ủi các phụ nữ sinh học. Chúng ta giả thiết phải làm ngơ trò hề và khẳng định rằng những người đàn ông này “thực sự là phụ nữ”. “Chuyển đổi” theo hướng khác cũng đang được khuyến khích mạnh mẽ, khi phụ nữ trẻ chấp nhận tiêm testosterone và phẫu thuật “phần ngực” [top].

Những sự chuyển đổi lớn về văn hóa khỏi bất cứ thứ gì giống với đạo đức Kitô giáo có cảm giác như thể chúng bùng phát mà không có chút cảnh cáo nào. Ngay cả Tucker Carlson cũng phải vò đầu bứt tai tìm câu trả lời. Gần đây, người dẫn chương trình trò chuyện [talk-show] đã chỉ ra rằng đã từng có “những cuộc tranh luận hợp lý về cách đạt được kết quả mà các bên đã thống nhất,” chẳng hạn như thịnh vượng và tự do. Những cuộc tranh luận này đã trở thành một thứ hoàn toàn khác, chẳng hạn như thiến thế hệ tiếp theo và cắt xén bộ phận sinh dục trẻ em. Carlson nói, “Tôi xin lỗi, đó không phải là một cuộc tranh luận. Điều đó không liên quan gì đến chính trị. Đâu là kết quả chúng ta đang mong muốn ở đây? Một dân số ái nam ái nữ? Chúng ta có tranh cãi vì điều đó không?”

Thực tế là những ý tưởng làm nền tảng cho đống đổ nát xã hội của chúng ta lâu đời hơn hầu hết chúng ta nghĩ. Cương lĩnh chi tiết của nó đã được thiết lập từ nhiều thế kỷ trước, bắt đầu từ những giai đoạn đầu tiên của phong trào duy nữ.

Nhiều nhà văn duy nữ đã tuyên bố rằng, trong các thập niên 1960 và 1970, phong trào này đã tạo ra một bước đột phá đáng kể so với một thương hiệu cũ của phong trào duy nữ tốt hơn, nhưng nếu xem xét kỹ hơn, chúng ta sẽ thấy một câu chuyện khác, mà những phát hiện của nó tìm thấy trong cuốn sách sắp xuất bản của tôi, The End of Woman: How Smashing the Patriarchy Has Destroyed Us [Kết liễu Người Đàn bà: Việc đập tan chế độ gia trưởng đã hủy hoại chúng ta như thế nào] (Regnery, tháng 8 năm 2023).

Nghiên cứu của tôi gây sửng sốt vì tôi thấy nhiều ý tưởng triết học từng làm sinh động chủ nghĩa duy nữ đương thời đã xuất hiện từ những ngày đầu tiên. Những gì đã xảy ra trong các thập niên 1960 và 1970 - và những gì đang xảy ra bây giờ - chỉ là sự mở rộng hợp luận lý của tư tưởng triết học duy nữ thời kỳ đầu.

Chủ nghĩa duy nữ, thậm chí từ cuối thập niên 1700, đã bắt đầu với một câu hỏi sai. Nó không hỏi, "Làm thế nào để chúng ta giúp đỡ phụ nữ như phụ nữ?" mà là hỏi, "Làm thế nào để chúng ta giúp phụ nữ trở nên giống đàn ông hơn?"

Câu trả lời của các nhà duy nữ cho câu hỏi này liên quan đến sự kết hợp của ba yếu tố tạo nên kết cấu của phong trào: bí ẩn [occult], yêu tự do và tái cấu trúc xã hội - hay còn gọi là “đập tan chế độ phụ hệ”. Những yếu tố này, ở các mức độ khác nhau, phổ biến trong thời kỳ đầu của chủ nghĩa duy nữ, kể cả các tác phẩm của Elizabeth Cady Stanton và Susan B. Anthony.

Khi phong trào tiến triển, ba ý tưởng này - bí ẩn [occult], yêu tự do và tái cấu trúc xã hội - chồng chéo với các lý tưởng cộng sản về yêu tự do, tái cấu trúc xã hội và chủ nghĩa vô thần. Sự chồng chéo này khiến họ trở thành đồng minh tự nhiên và chủ nghĩa duy nữ trở thành nền tảng chính, thậm chí là con ngựa thành Troy, để các nhà cách mạng cộng sản bí mật kích động tìm đường đi vào các định chế Hoa Kỳ.

Sự đan xen giữa chủ nghĩa duy nữ và chủ nghĩa cộng sản bắt đầu từ những năm 1940. Cụ thể, nó bắt đầu với một tổ chức có tên là Đại hội Phụ nữ Mỹ (CAW). Về căn bản là tuyên truyền của Liên Xô, công việc của CAW cuối cùng đã thu hút sự chú ý của Quốc hội Hoa Kỳ và bị Ủy ban Hoạt động Phi Hoa kỳ của Hạ viện điều tra. Quốc hội đã giải tán CAW vào năm 1950.

Tuy nhiên, trước cuộc giải thể đó, nhiều phụ nữ có ảnh hưởng lớn đã can dự vào, bao gồm cả vợ của một chủ cửa hàng bách hóa lớn và nhiều nữ học giả. Cũng trong số những phụ nữ này có Betty Friedan trẻ tuổi, người mà ảnh hưởng đối với phong trào duy nữ không hề bị nói quá.

Friedan luôn cho rằng bà chỉ là một bà nội trợ đơn giản và không biết gì về chủ nghĩa cộng sản. Nhưng người nội trợ giản dị này đã tiếp tục viết cuốn sách The Feminine Mystique vào năm 1963. Nó đã bán được 3 triệu bản trong vài năm đầu tiên. Ảnh hưởng của nó, đặc biệt là tuyên bố rằng gia đình là một “trại tập trung thoải mái”, đã ảnh hưởng đến gần như mọi phụ nữ trong thế giới văn minh.

Theo chân Marx và Engels, Friedan có niềm tin sâu sắc rằng phụ nữ sẽ chỉ được tự do nếu chúng ta rời khỏi mái ấm. Có lẽ, một cách vô tình, bà đã bị ảnh hưởng bởi câu nói nổi tiếng của Hitler tại Auschwitz: Arbeit macht frei (“việc làm giúp bạn tự do”).

Friedan, người nghiên cứu tâm lý học, rất giỏi trong việc thuyết phục phụ nữ rằng gia đình là một nơi tồi tệ. Bà kêu gọi cảm thức của chúng ta về tư cách nạn nhân. Tóm lại, bà đã dạy chúng ta suy nghĩ như những người theo chủ nghĩa Mácxít.

Chủ trương Mácxít về phụ nữ bắt đầu với Friedan tăng cường nhờ ảnh hưởng của một nhóm học giả Mácxít, Frankfort Thinkers, tại Đại học Columbia danh tiếng. Một trong số họ, Wilhelm Reich, đã viết cuốn sách có tầm ảnh hưởng sâu rộng The Sexual Revolution [Cuộc cách mạng tình dục] vào năm 1936, là bản thiết kế cho những gì chúng ta biết ngày nay là cuộc cách mạng tình dục.

Những ý tưởng mang tính cách mạng của các Nhà tư tưởng Frankfort về cơ bản đã ảnh hưởng đến các nhà duy nữ cấp tiến như Kate Millett và Angela Davis, những người đã phổ biến ý tưởng của họ sâu rộng trong giới học thuật và có lẽ quan trọng nhất là trong lãnh vực văn hóa đại chúng trong các thập niên 1960 và 1970. Từ đó, cuộc chiến giai cấp của chủ nghĩa Mácxít đã biến thành cuộc chiến giữa hai giới. Đàn ông là những kẻ áp bức có thương hiệu rộng rãi. Phụ nữ mặc nhiên trở thành kẻ bị áp bức. Tình dục quyết định tất cả.

Với một cuộc chiến giữa hai giới được tuyên bố, các nhà duy nữ coi hình thức phụ nữ và các mối quan hệ phụ nữ vượt trội hơn so với các mối quan hệ dị giới. Đương nhiên, chủ nghĩa đồng tính nữ không liên quan đến việc mang thai và nó không yêu cầu phụ nữ phải phục vụ đàn ông. Một nhà hoạt động duy nữ giải thích trong cuốn sách The Sisterhood Is Powerful [Tình Tỉ Muội Mạnh mẽ], một người đồng tính nữ “không phải làm những công việc vặt vãnh cho họ (ít nhất là ở nhà), cũng không phục vụ cho cái tôi của họ, cũng không phục tùng những cuộc gặp gỡ tình dục vội vàng và cẩu thả. Nàng thoát khỏi nỗi sợ mang thai ngoài ý muốn và nỗi đau khi sinh nở, cũng như khỏi sự cực nhọc của việc nuôi dạy con cái”.

Các nhà nữ quyền khác đã có những bước tiến xa hơn trong thập niên 1970, với khuyến nghị rằng nam giới nên bị loại bỏ hoàn toàn, như Tuyên ngôn SCUM của Valerie Solanas, hay Hiệp hội Cắt bỏ Đàn ông, tiếp theo đó là ý tưởng xóa bỏ hoàn toàn giới tính và tính linh hoạt của giới tính. Đàn ông không còn cần thiết nữa vì phụ nữ đã đủ quyền lực để sống thiếu họ; thông qua ý thức hệ duy nữ, phụ nữ đã trở nên tốt hơn họ. Biên tập viên Emily McComb của Huffington Post gần đây đã nghe thấy nhiều tiếng vang về điều này: “Nghị quyết của Năm mới: 1. Vun đắp tình bạn nữ; 2. Liên kết với nhau để giết tất cả đàn ông".

Những tiến bộ về kỹ thuật, chẳng hạn như thuốc tránh thai, càng làm tăng thêm ảo tưởng rằng phụ nữ có thể “giống như đàn ông” bằng cách ngừa thai hoặc loại bỏ việc mang thai ngoài ý muốn. Mang thai và làm mẹ (thậm chí là làm mẹ về tâm lý và tinh thần) đã trở thành tùy chọn, giống như lấy bằng lái xe, thay vì là một thuộc tính thiết yếu của phụ nữ. Nhưng nó không dừng lại ở đó. Kỹ thuật cuối cùng đã đạt được khả năng biến phụ nữ thành nam giới (đại loại như vậy). Chích testosterone, phẫu thuật “phần ngực” [top] và “phần dưới” [bottom] được đưa ra như những lựa chọn để sửa chữa “cơ thể sai lầm”, mặc dù không thể xóa hoàn toàn các yếu tố nhiễm sắc thể XX có trong hầu hết các tế bào cơ thể của phụ nữ.

Không ai có thể ngạc nhiên khi ý thức hệ duy nữ cuối cùng cũng gặp khủng hoảng - như đã xảy ra với tất cả các ý thức hệ. Một rạn nứt lớn đã phát triển giữa những nhà duy nữ ủng hộ chuyển giới và các đối thủ của họ, TERF, tức Những Nhà Duy nữ Cấp tiến Loại trừ Chuyển giới [Trans-Exclusionary Radical Feminists], chẳng hạn như J.K. Rowling. Đó là sự chia rẽ ở đỉnh cao của một phong trào ngầm mong muốn phụ nữ trở thành giới tính được thèm muốn hơn: đàn ông. Nhiều nhà duy nữ cấp tiến, giữ quan điểm 200 năm tiến bộ về ý thức hệ, dường như nghĩ rằng tình dục nên bị bãi bỏ, trong khi những người khác, nhận thấy phong trào đã đưa họ đến đâu, không muốn thấy phụ nữ bị xóa bỏ hoàn toàn. Trong khi đó, nhiều phụ nữ ngày nay không còn có thể liệt kê những đặc điểm xác định của phụ nữ hay ý nghĩa của việc trở thành phụ nữ.

Mặc dù nhiều người thắc mắc chuyện gì đã xảy ra, nhưng câu trả lời là những phụ nữ ưu tú đã dần dần và đều đặn phục vụ ý thức hệ của họ trong một thời gian cho những phụ nữ rất dễ tiếp thu trong một thực tế song song mà ít người nhận thấy cho đến gần đây. Họ cung cấp giấc mơ thành công, trao quyền và tham vọng. Họ bảo đảm với chúng ta, những điều này sẽ làm cho chúng ta hạnh phúc. Chúng ta sẽ không còn cần đến đàn ông, một ngôi nhà hay “cơn cực nhọc” có con. Người phụ nữ được cho biết, tất cả những điều này sẽ chỉ cản trở chúng ta. Thế nhưng, các số liệu thống kê lại kể một câu chuyện rất khác: trầm cảm, ly hôn, bệnh lây truyền qua đường tình dục, phá thai và tự tử đã trở thành những chi tiết tiểu sử phổ biến của nhiều phụ nữ. Một số phụ nữ đã có thể phục hồi từ chủ nghĩa duy nữ. Thiệt hại mới này, tức việc triệt sản phụ nữ và nam giới trẻ tuổi, có thể, một cách bi thảm, không thể gỡ bỏ được.

Có lẽ chi tiết đáng lo ngại nhất về phong trào duy nữ là, trong số tất cả những bạo chúa đẫm máu của thế kỷ 20, ý thức hệ duy nữ đã giết chết nhiều hơn tất cả những tên bạo chúa đó cộng lại thông qua tai họa phá thai. Một nghiên cứu của Guttmacher năm 2022 đã báo cáo 73 triệu ca phá thai hàng năm trên toàn thế giới, loại bỏ gần như toàn bộ dân số của Vương quốc Anh (69 triệu). Đây không phải là chuyện lính giết lính, mà là một người mẹ đã tin rằng giết con mình là vì lợi ích của chính mình.

Như tôi đã nói trong cuốn sách của mình:

“Để tiến lên phía trước, phụ nữ phải nhận ra sức mạnh thực sự của mình nằm ở đâu và hiểu cách sử dụng nó thật tốt. Chúng ta cũng phải chấm dứt sự phỉ báng đàn ông và tiến tới khôi phục lại gia đình. Nếu chúng ta làm những điều này, thế giới sẽ không kết thúc — hoàn toàn ngược lại, giống như một khu vườn cằn cỗi, nó sẽ từ từ xuất hiện, sống lại, để hồi sinh với những yếu tố mà chúng ta đã nắm bắt được nhưng đã bỏ lỡ.”

Cho đến khi chúng ta nhận ra những thiệt hại khủng khiếp do chủ nghĩa duy nữ gây ra cho nền văn hóa của chúng ta, chúng ta sẽ không thể hạn chế sức mạnh của phong trào LGBTQ+. Pandora phải được đặt lại trong hộp của nó. Con cái chúng ta và các thế hệ tương lai phụ thuộc vào nó.

Phụ nữ có sức mạnh phi thường. Elizabeth Cady Stanton đã dự đoán rằng phong trào phụ nữ sẽ mở ra “cuộc cách mạng vĩ đại nhất mà thế giới từng chứng kiến,” và bà đã không lầm, nếu người ta muốn nói đến quy mô và ảnh hưởng hơn là sự tốt lành về mặt đạo đức. Nếu chúng ta mạnh mẽ, nền văn hóa của chúng ta sẽ không bao giờ sa vào sự thiệt hại do chủ nghĩa duy nữ và “cuộc cách mạng vĩ đại” của nó gây ra. Vấn đề là chúng ta chưa sử dụng đúng quyền lực của mình.
 
Tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục Ukraine Sviatoslav Shevchuk về vụ quân Nga phá đập Nova Kakhovka
Đặng Tự Do
17:31 08/06/2023


Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương kêu gọi cộng đồng thế giới lên án việc Nga cho nổ thủy điện Kakhovka

Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk đã phản ứng trước việc người Nga cho nổ tung nhà máy thủy điện Kakhovka vào lúc 2:50 sáng hôm thứ Ba.

Ngài kêu gọi cộng đồng thế giới lên án việc Nga cho nổ thủy điện Kakhovka.

“Nga tiếp tục cuộc xâm lược diệt chủng chống lại Ukraine. Việc phá hủy nhà máy thủy điện Kakhovka là một tội ác chiến tranh khác, một thảm họa khủng khiếp về môi trường do con người gây ra, đồng thời là tội lỗi chống lại Chúa là Đấng Tạo Hóa, Đấng đã kêu gọi con người nuôi dưỡng chứ không phải hủy diệt thế giới mà Ngài đã tạo ra. Vụ nổ đập thủy điện Kakhovka đã khiến hàng nghìn người gặp nguy hiểm tính mạng, con số này ngày càng tăng. Sự sụt giảm nhanh chóng mực nước trong hồ chứa Kakhovka do vụ nổ là mối đe dọa đối với nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia bị tạm chiếm,” Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav cho biết như trên.

Ngài kêu gọi cầu nguyện cho những người đang gặp nguy hiểm và sự khôn ngoan và can đảm cho các dịch vụ cấp cứu di tản thường dân.

Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav cũng nói với thế giới: “Chúng tôi cảm ơn những người có thiện chí trên toàn thế giới đang giúp cứu sống những người ở Ukraine trong những thời điểm nguy hiểm này. Đồng thời, chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế lên án những hành động khủng bố này của kẻ xâm lược Nga và đáp trả lại một cách thích đáng”.

Được biết, vào rạng sáng ngày 6 tháng 6, quân xâm lược Nga đã cho nổ đập nhà máy thủy điện Kakhovka. Nhà máy thủy điện không thể phục hồi. Việc di tản người dân khỏi các ngôi làng bị ngập lụt vẫn tiếp tục. Có khoảng 80 khu định cư trong khu vực bị ngập lụt.


Source:UGCC

 
Tóm lược chuyến viếng thăm Kyiv của Đức Hồng Y Matteo Zuppi
Đặng Tự Do
17:32 08/06/2023


Đặc phái viên của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Ukraine, Đức Hồng Y Matteo Zuppi hôm thứ Ba đã kết thúc chuyến thăm hai ngày “ngắn nhưng bận rộn” tới Kyiv, trong đó có cuộc gặp với Tổng thống Volodymyr Zelenskiyy.

“Kết quả của những cuộc nói chuyện này, chẳng hạn như những cuộc nói chuyện với các đại diện tôn giáo, cũng như kinh nghiệm trực tiếp về sự đau khổ tàn khốc của người dân Ukraine do hậu quả của cuộc chiến đang diễn ra, sẽ được Đức Thánh Cha lưu ý,” Vatican News cho biết trong một bản tin hôm thứ Ba.

Bản tin cho biết các cuộc trò chuyện của Đức Hồng Y Zuppi “chắc chắn sẽ hữu ích trong việc đánh giá các bước cần thực hiện ở cả cấp độ nhân đạo và tìm kiếm con đường dẫn đến một nền hòa bình công bằng và lâu dài”.

Vào sáng thứ Ba, Zuppi đã dừng lại để cầu nguyện tại Nhà thờ St. Sophia của Kyiv, một trung tâm lịch sử của Kitô giáo.

Sau đó, ngài đã gặp tổng thống Zelenskiyy và các nhà lãnh đạo chính trị khác. Theo Avvenire, tờ báo do Hội đồng Giám mục Ý xuất bản, cuộc gặp với tổng thống diễn ra “rất thân mật”.

Tổng thống Zelenskiyy, viết trên Telegram, cho biết ông và Đức Hồng Y Zuppi đã thảo luận về tình hình ở Ukraine và hợp tác nhân đạo.

“Chỉ có những nỗ lực chung, sự cô lập ngoại giao và áp lực đối với Nga mới có thể mang lại hòa bình chính đáng trên đất Ukraine,” tổng thống nói. “Tôi yêu cầu Tòa thánh giúp thực hiện kế hoạch hòa bình Ukraine. Ukraine hoan nghênh thiện chí của các quốc gia và đối tác khác tìm cách đạt được hòa bình, nhưng vì chiến tranh đang diễn ra trên lãnh thổ của chúng tôi nên giải pháp để đạt được hòa bình chỉ có thể là từ Ukraine”.

Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết Đức Hồng Y cảm ơn chính quyền dân sự Ukraine về các cuộc gặp gỡ, đặc biệt là cuộc gặp với tổng thống Ukraine.

Tháng trước, Đức Thánh Cha Phanxicô đã yêu cầu Đức Hồng Y Zuppi, tổng giám mục Bologna và là chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý, phục vụ với tư cách là đặc phái viên của giáo hoàng để “khởi xướng các con đường hòa bình” giữa Nga và Ukraine.

Đức Hồng Y có mối quan hệ chặt chẽ với cộng đồng xây dựng hòa bình có ảnh hưởng lớn Sant'Egidio, một hiệp hội giáo dân Công Giáo. Sant'Egidio đã tham gia các cuộc đàm phán hòa bình ở nhiều quốc gia bao gồm Mozambique, Nam Sudan, Congo, Burundi và Cộng hòa Trung Phi.

Hôm thứ Hai, ngày đầu tiên trong chuyến thăm của mình, Đức Hồng Y Zuppi đã đến thăm thị trấn Bucha cách Kyiv khoảng 16 dặm về phía Tây. Ngài cầu nguyện trước mộ của hàng chục thường dân bị quân đội Nga thảm sát vào tháng 3 năm 2022. Nhiều nạn nhân đã bị tra tấn và chôn cất trong những ngôi mộ tập thể.

Ông đã gặp Dmytro Lubinets, ủy viên nhân quyền của Quốc hội Ukraine. Các chủ đề thảo luận bao gồm việc đối xử với trẻ em Ukraine ở các vùng lãnh thổ do Nga xâm lược và đối xử với tù nhân, bao gồm cả thường dân.

Cũng trong ngày thứ Hai, Đức Hồng Y đã gặp gỡ các đại diện của Hội đồng các Giáo hội và Tổ chức Tôn giáo.

Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Vatican, hôm 26 tháng 5 nói rằng sứ mệnh của Đức Hồng Y Zuppi không lấy hòa giải làm mục tiêu trước mắt. Thay vào đó, vai trò của ngài là nhằm tạo ra môi trường hòa giải và “giúp hướng tới một giải pháp hòa bình”.


Source:Catholic News Agency
 
Vị Hồng Y xây dựng hòa bình Matteo Maria Zuppi có thể mang lại tiến bộ ở Ukraine không?
Đặng Tự Do
17:34 08/06/2023


Đức Hồng Y Zuppi đã ở Kyiv trong 2 ngày với tư cách là đặc phái viên của Đức Thánh Cha Phanxicô, nhưng đây chắc chắn không phải là vùng xung đột đầu tiên mà ngài bước vào với sứ mệnh hòa bình.

Đức Hồng Y Matteo Maria Zuppi đã đến Kyiv “với tư cách là đặc phái viên của Đức Giáo Hoàng” vào ngày 5 và 6 tháng 6 năm 2023, văn phòng báo chí Vatican cho biết như trên. Nhiệm vụ của Đức Tổng Giám Mục Bologna và chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý là “ lắng nghe sâu sắc các nhà chức trách Ukraine về những cách khả thi để đạt được hòa bình lâu dài và ủng hộ những cử chỉ nhân đạo góp phần làm dịu căng thẳng”.

Vào ngày 20 tháng 5, Đức Thánh Cha đã giao cho vị Hồng Y người Ý nhiệm vụ “dẫn đầu một sứ mệnh, với sự đồng ý của Phủ Quốc vụ khanh, để góp phần làm dịu căng thẳng trong cuộc xung đột ở Ukraine.”

Vào thời điểm đó, Tòa thánh thông báo rằng các chi tiết của sự can thiệp ngoại giao này vẫn đang được nghiên cứu.

Đức Hồng Y Zuppi từ lâu đã là thành viên của cộng đồng giáo dân Sant'Egidio, một hiệp hội Công Giáo cam kết đối thoại đại kết và hoạt động vì hòa bình.

Trên thực tế, Đức Hồng Y đã có một lịch sử lâu dài trong việc giúp mang lại hòa bình trong một số cuộc xung đột thế giới nghiêm trọng.

Khi vẫn chỉ là một linh mục, ngài đã đóng vai trò là người hòa giải trong một số cuộc xung đột. Ngài làm trung gian vào năm 1992 tại Mozambique, lúc đó đang bị nội chiến tàn phá. Sau đó, ngài làm trung gian thay mặt cho Sant'Egidio ở Tanzania, Cuba, Kosovo và Xứ Basque vào năm 2017, khi các thành viên của ETA quyết định coi ngài là 'bảo chứng đạo đức' của họ khi họ hạ vũ khí.

Cộng đồng Sant'Egidio đã có tầm quan trọng đáng kể dưới triều đại giáo hoàng của Đức Phanxicô, đôi khi được mô tả như một cơ quan ngoại giao song song với cơ quan của Bộ Ngoại giao.

Theo Reuters, sứ mệnh được giao phó cho vị Hồng Y 67 tuổi người Ý là gặp riêng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenski và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Trong khi không có đại diện giáo hoàng nào được tiếp đón tại Mạc Tư Khoa kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột, thì Đức Hồng Y Zuppi không phải là đại diện đầu tiên của giáo hoàng đến thăm Ukraine.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử Đức Hồng Y Konrad Krajewski, Tổng trưởng Thánh bộ Phục vụ Bác ái và là quan phát chẩn của Đức Giáo Hoàng, đến đất nước bị chiến tranh tàn phá năm lần, nơi ngài đã mang theo dụng cụ y tế và xe cứu thương.

Đức Hồng Y Michael Czerny, Tổng Trưởng Thánh Bộ Cổ võ Sự Phát triển Con người Toàn diện, cũng đã thực hiện một chuyến viếng thăm ngắn tới Ukraine từ biên giới Hung Gia Lợi vào tháng 3 năm 2022.

Cũng có các Hồng Y khác đã đến thăm Ukraine mà không được Đức Giáo Hoàng yêu cầu, chẳng hạn như Hồng Y Thụy Điển Anders Arborelius vào ngày 1 tháng Sáu vừa qua.

Đức Tổng Giám Mục Paul Richard Gallagher, Bộ trưởng Quan hệ với các Quốc gia và là trụ cột ngoại giao của Giáo hoàng, cũng đã đến thăm Ukraine từ ngày 18 đến ngày 20 tháng 5 năm 2022. “Chuyến thăm của tôi nhằm thể hiện sự gần gũi của Tòa thánh và Đức Thánh Cha Phanxicô đối với người dân Ukraine, đặc biệt trước sự xâm lược của Nga, “ ngài nói vào thời điểm đó.

Theo một nguồn tin của Vatican, trong một thời gian, Tòa thánh đã xem xét chuyến thăm của Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh, nhưng đã loại trừ vì nó có thể được coi là sự chuẩn bị cho chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng. Trong những tháng đầu tiên của cuộc xung đột, Đức Giáo Hoàng đã bày tỏ mong muốn đến thăm cả Mạc Tư Khoa và Kyiv, trước khi từ bỏ dự án này.

Ukraine rất mong muốn Đức Giáo Hoàng đến thăm và trong cuộc triều yết Đức Thánh Cha hôm 13 Tháng Năm vừa qua, Tổng thống Zelenskiy đã lặp lại lời mời Đức Thánh Cha đến thăm Ukraine. Tuy nhiên, Đức Tổng Giám Mục Visvaldas Kulbokas, 48 tuổi, người Lithuania, Sứ thần Tòa Thánh cho biết:

“Thật là tuyệt vời và rất có ý nghĩa nếu có Đức Giáo Hoàng ở giữa chúng ta, nhưng tôi đã suy nghĩ rất lâu và kỹ lưỡng với các giám mục và, thật không may, thật không dễ dàng chút nào để tổ chức một chuyến thăm trong hoàn cảnh này.” Trong điều kiện hiện tại, một chuyến đi như vậy dường như là bất khả thi đối với Đức Giáo Hoàng. Ngài giải thích rằng “Nếu Đức Giáo Hoàng đến, ngài không thể chỉ đến phủ tổng thống như nhiều vị quốc khách khác. Chắc chắn sẽ có những cuộc tụ họp đông người để chào đón Đức Thánh Cha, thánh lễ ngoài trời, vân vân. Trong hoàn cảnh chiến tranh hiện nay khi người Nga liên tục tấn công bằng hỏa tiễn và máy bay không người lái vào các thành phố của Ukraine, khả năng bảo vệ an ninh cho Đức Thánh Cha là rất căng thẳng.”

Đối với Linh mục Martin Werlen, cựu tu viện trưởng tu viện Dòng Biển Đức ở Einsiedeln, một chuyến đi như vậy sẽ phản tác dụng ở chỗ có thể chọc tức Vladimir Putin và Thượng phụ Kirill của Mạc Tư Khoa, khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Ngài cũng tin rằng nếu Kirill lên án chiến tranh, Putin sẽ sớm bị tước vũ khí. Cha Werlen ngậm ngùi nói: “Nhưng Kirill đã không làm như thế, ông ta đã để cho Putin mua lại mình”.

Còn khả năng Đức Thánh Cha viếng thăm Mạc Tư Khoa trước và thăm Kyiv sau đó thì sao? Đó là chuyện con lạc đà chui qua lỗ kim. Chính Thống Giáo, đặc biệt Chính Thống Giáo của Kirill không đời nào chấp nhận một vị Giáo Hoàng đến thăm nước Nga.

Peter Anderson, một ký giả kỳ cựu chuyên về các vấn đề liên quan đến Chính Thống Giáo cho biết hôm 25 tháng 5, 2019, Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ với Đức Thượng Phụ Daniel của Chính Thống Giáo Rumani. Một ngày trước đó, đại diện của Chính Thống Giáo Nga đã đến gặp Đức Thượng Phụ Daniel và bảo ngài phải tránh lặp lại một biến cố đã xảy ra vào năm 1999 khi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đến thăm Rumani, 10 năm sau sự sụp đổ của bức tường Bá Linh. Trong chuyến tông du này, vui mừng với tự do vừa đạt được, các tín hữu Chính Thống Giáo đã tham dự các cử hành của vị Giáo Hoàng Ba Lan, và hô lớn “hiệp nhất, hiệp nhất”. Các Giám Mục và linh mục Chính Thống Giáo Rumani cũng nhiệt thành tham gia vào các cử hành của Công Giáo trong dịp này. Được sự dặn dò của Thượng Phụ Kirill, khi Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi mọi người cùng đọc kinh Lạy Cha, Thượng Phụ Daniel đã không hề nhếch mép.

Ngày 12 tháng Hai, 2016 Đức Thánh Cha Phanxicô đã có cuộc gặp gỡ lịch sử với Thượng Phụ Kirill tại phòng khánh tiết của sân bay Havana của Cuba. Peter Anderson nhấn mạnh rằng hai vị đã không cầu nguyện chung.

Ông nhấn mạnh rằng, Chính Thống Giáo Nga vẫn coi Công Giáo là “tà ma ngoại đạo”, việc cầu nguyện chung là không thể. Thành ra, khả năng Đức Thánh Cha tông du sang Nga lại càng là chuyện không thể. Đó là chuyện con heo biết bay. Trong đời chúng ta sẽ không hân hạnh thấy được điều đó đâu.


Source:Aleteia
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Liên Hội đồng Giám mục châu Á Tổ Chức Hội Nghị Tại Việt Nam
Nam Hà
09:47 08/06/2023
Liên Hội đồng Giám mục châu Á (FABC)Tổ Chức Hội Nghị Tại Việt Nam

WHĐ (07.06.2023) – Từ ngày 05 đến 10 tháng 06, giáo phận Bà Rịa đã đăng cai Hội nghị Liên Hội đồng Giám mục châu Á (FABC) với chủ đề “50 năm FABC: Nhìn lại các văn kiện và áp dụng”, do Văn phòng Phát triển con người và Vụ Biến đổi khí hậu tổ chức nội dung.

Hội nghị được tổ chức tại Trung tâm Hành hương Đức Mẹ Bãi Dâu - giáo xứ Bãi Dâu, qui tụ 9 Tổng Giám Mục và Giám mục, 15 Linh mục, 2 nữ tu và 11 chuyên viên đến từ 11 quốc gia.

Với tinh thần nhìn lại chặng đường 50 năm đã qua, Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Năng - Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGM) đã khơi gợi cảm hứng tinh thần làm việc cho Hội nghị với gợi ý trong nghi thức khai mạc: Giáo huấn của Hội Thánh đã soi sáng các hành động của chúng ta như thế nào? Các văn kiện của FABC trong 50 năm qua đã tạo điều kiện cho chúng ta đồng hành với anh chị em của mình, giúp phát triển con người nơi mỗi chúng ta sống và thi hành sứ vụ ra sao?

Khởi đầu Hội nghị, ngay buổi chiều đầu tiên, các tham dự viên đã hành hương đến Nhà thờ Mồ, nơi chôn cất thi hài của khoảng 300 nam tín hữu bị thiêu sống vì đức tin rạng sáng ngày 08 tháng 01 năm 1862. Tại đây, đoàn hành hương đã tham dự Thánh lễ do Đức cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn chủ sự.

Trong những ngày Hội nghị, các tham dự viên cũng đi thực tế để tìm hiểu về đời sống địa phương và tìm hiểu về môi trường sống đặc thù ở đây, dự buổi giới thiệu về nhạc cụ và âm nhạc Việt Nam.

Phương pháp làm việc của Hội nghị là qui tụ và chia sẻ, tìm hiểu và thấu cảm với những câu chuyện về đời sống đức tin và thách thức của bối cảnh xã hội của từng nơi. Mỗi buổi sáng, Hội nghị qui tụ nơi Bàn Tiệc Thánh Thể và sau mỗi bài chia sẻ của từng quốc gia là 2 phút lắng đọng để hồi tâm và cầu nguyện. Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng - Tổng Thư ký HĐGM đã trình bày với Hội nghị về lịch sử và số liệu của Hội Thánh Chúa tại Việt Nam với chủ đề “Hành trình đức tin của Giáo Hội tại Việt Nam” và Đức cha Giuse Nguyễn Đức Cường - Chủ tịch Uỷ ban Công lý và Hoà bình HĐGM đã chia sẻ về sinh hoạt của Giáo Hội tại Việt Nam trước những nhu cầu về đào luyện đức tin, bác ái xã hội, giới trẻ, đời sống đức tin và môi trường sống của người tín hữu.

Chia sẻ và trình bày của các quốc gia giúp cho Văn phòng Phát triển con người của FABC có đúc kết cụ thể và đóng góp thiết thực cho FABC khi lượng giá thực tiễn 50 năm đã qua, đồng thời kinh nghiệm thực tế sẽ đóng góp tinh thần hiệp nhất trong đa dạng giữa các Hội Thánh địa phương trong châu lục.

Hội nghị cũng chào đón Tiến sĩ Vũ Chiến Thắng - Thứ trưởng Bộ Nội vụ, ông Nguyễn Ánh Chức - Phó Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ, và ông Đặng Minh Thông - Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến chúc mừng và tặng quà Hội nghị.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh hành hương những thánh tích
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
15:34 08/06/2023
Hình ảnh hành hương những thánh tích

Có nhiều thánh địa hương hương trên thế giới như Jerusalem, Nazareth, Bethlehem, nơi quê hương của Chúa Giêsu Kitô đã sinh ra, giảng đạo, chịu chết và sống lại, bên Paris, Lourdes, Fatima, Lavang…nơi Đức Mẹ Maria đã hiện ra.

Ngoài ra còn có những địa điểm hành hương khác có từ thời xa xưa hay Trung cổ. Ở những nơi này không có dấu vết Chúa Giêsu đến hay Đức Mẹ hiện ra. Nhưng có những di tích kỷ vật thánh lưu truyền lại từ lâu đời, như tấm khăn liệm Chúa Giêsu ở thành Turino, căn nhà Đức Mẹ ở Loretto, tấm áo Chúa Giêsu ở Trier, vòng mạo gai Chúa Giêsu ở nhà thờ Đức Bà Paris…và còn nhiều nơi khác nữa còn cất giữ những di tích vật thánh khắp nơi bên trong Giáo Hội.

Những nơi còn cất giữ những di tích vật thánh lưu truyền trong dòng thời gian đã trở thành địa điểm hành hương. Những nơi đó trở thành thánh địa, rất thịnh hành phổ thông cho người tín hữu Chúa Kitô kéo đến hành hương kính viếng cầu nguyện.

Ở Giáo phận Aachen bên nước Đức trong nhà thờ chính tòa có cất giữ bảo quản 04 di tích vật thánh: Áo choàng Đức Mẹ Maria, Tấm tã của Chúa Giêsu lúc còn thơ bé, tấm khăn bọc đầu Thánh Gioan Tẩy giả sau khi ngài bị tử đạo chém đầu, và tấm khăn áo Chúa Giêsu.

Bốn di tích vật thánh lưu truyền này được chuyển giao gìn giữ bảo quản từ thời Vua Carolo cả ( 747-814) ở Aachen, trong ngôi thánh đường của nhà Vua được xây dựng năm 795, và ngôi thánh đường cổ kính này ngày nay trở thành nhà thờ chính tòa của giáo phận Công Giáo Aachen.

Trong dòng thời gian từ thế kỷ 14. cứ mỗi bẩy năm, Giáo phận lại tổ chức hành hương cho người tín hữu khắp nơi đến kính viếng hành hương những di tích vật thánh lưu truyền này.

Vào thời Trung cổ và những năm trước chiến tranh thế giới thứ nhất cũng như thứ hai, mỗi khi có hành hương ở Aachen, rất đông đảo người tín hữu kéo về kính viếng.

Câu hỏi đặt ra là những di tích vật thánh lưu truyền đó có đúng là bản chính gốc hay không. Những nhà khoa học đã nhiều lần nghiên cứu khảo sát, nhưng chưa tìm ra những dấu vết chứng minh rõ ràng.

Những vị trách nhiệm của Giáo phận Aachen không chú tâm đặt nặng vấn đề có phải là chính gốc hay không. Những di tích lưu truyền được tôn kính là vật thánh do lòng tin của con người giúp nâng đỡ đời sống đức tin mới là quan trọng. Qua đó ôn nhắc nhớ lại cùng học hỏi thêm đời sống của Chúa Giêsu, của Đức Mẹ và các Thánh, cho nếp sống đức tin trở nên sống động.

Vì thế, Giáo phận vẫn duy trì tổ chức hành hương về nhà thờ chính tòa Aachen kính viếng những di tích vật thánh lưu truyền này. Năm nay cuộc hành hương được tổ chức từ ngày 09. - 19. Tháng Sáu 2023 ở thành phố Aachen với chủ đề “ Hãy khám phá Chúa”.

Dịp này có những thánh lễ hành hương trong và bên ngoài nhà thờ chính tòa, những cuộc hội thảo diễn thuyết tìm hiểu về ý nghĩa đạo đức thần học cùng lịch sử những di tích vật thánh, và 04 di tích vật thánh lưu truyền được đem ra trình chiếu cho công chúng chiêm ngưỡng.

Áo choàng của Đức Mẹ Maria, một di tích thánh lưu truyền giữ ở Aachen, có lẽ gợi suy tư nhiều cho đời sống con người.

Không biết đây có phải là tập tục nếp sống xưa nay không. Nhưng trong đời sống hằng ngày hầu như người mẹ, người phụ nữ cũng thường có khăn quàng rộng lớn bao phủ thân thể cho kín đáo, cùng bảo vệ cho khỏi bị gío rét lạnh thổi tạt vào.

Ngày lễ hôn phối, cô dâu thường có áo choàng dài rộng bao phủ từ đầu xuống tới chân. Áo chòang này không chỉ là phần trang điểm cho đẹp, cho lộng lẫy sang trọng ngày lễ cưới được long trọng. Nhưng còn muốn nói lên sự gìn giữ bảo vệ cung lòng trái tim của người mẹ tương lai. Từ trong cung lòng đó mầm sự sống người con được tạo dựng sẽ dần thành hình lớn lên, trước khi mở mắt chào đời.

Rồi khi đã có con, nhất là lúc chúng còn thơ bé, còn trẻ tuổi, người mẹ thường hay bồng ẵm con, hay lúc chúng nằm ngủ, quấn dấu ẩn con trong áo khăn choàng, để che chở cho con khỏi bị hơi lạnh nhất là khi trời gío to, hay tiếng động mạnh tạt vào người chúng.

Đức Mẹ Maria cũng thường được khắc tạc hay vẽ với áo choàng rộng bao phủ quanh thân hình sát tới tận chân.

Có những bức tượng còn khắc tạc bên dưới áo choàng Đức Mẹ có nhiều hình tượng người lớn bé đứng ngồi ẩn khuất trong đó nữa. Họ là những người cần đến sự bảo vệ che chở của Đức Mẹ:đàn bà, đàn ông, trẻ con, người lớn, những tu sĩ nam nữ, những chức sắc trong đạo, trong đời.

Hình ảnh này nói lên Đức Mẹ Maria là người mẹ của hết mọi người. Đức Mẹ Maria chấp nhận nuôi dưỡng bảo vệ tất cả những người con của bà Evà.

Ngày xưa, dưới bóng áo choàng của những vị vua chúa, những người bị bắt vì tội phạm còn tìm thấy được sự che chở ân xá tha thứ giảm hình phạt cho khỏi bị kết án.

Tấm áo choàng của Đức Mẹ Maria cũng có chức năng bảo vệ che chở cho những ai gặp hòan cảnh khó khăn nguy hiểm về nhiều phương diện tinh thần lẫn thể xác.

Có nhiều truyền thuyết, hay những cảm nghiệm trong đời sống thuật lại những trường hợp được gìn giữ che chở qua lời bầu cử của Đức Mẹ xin cùng Chúa Giêsu cứu giúp cho được vượt qua tai ương nạn khỏi, qua khỏi những tai biến thời tiết, bệnh tật không chỉ cho cá nhân ai, nhưng có khi còn cho cả vùng, cả một đất nước nữa.

Vì thế, có nhiều đất nước, hay vùng quê hương nhận Đức Mẹ là quan thầy bảo vệ đời sống cho họ với lòng biết ơn và lòng thành kính cầu khẩn.

Cá nhân ai cũng cần sự an ủi trợ giúp từ Trời cao của Thiên Chúa. Nhưng nhiều khi cảm thấy mình yếu đưối không biết làm sao có thể kêu khấn đến được. Nên thường chạy đến dưới áo choàng của Đức Mẹ, xin trợ giúp cầu bầu. Lòng sùng kính Đức Mẹ ở những nơi hành hương, hay mỗi khi đọc kinh Kính mừng nói lên tâm tình của nhu cầu sâu thẳm đó của con người.

Các bậc vợ chồng, tuy họ là áo choàng che chở bảo vệ cho nhau, nhưng chiếc áo choàng của Đức Mẹ vẫn luôn là lá che chở thiêng liêng cần thiết cho niềm vui hạnh phức gia đình.

Cung lòng, tấm áo khăn choàng của người mẹ luôn luôn có đó, là điều cần thiết cùng là tổ ấm che chở mang lại sự đầm ấm cho người con. Nhưng lời cầu xin khấn nguyện dưới tấm áo choàng của Đức Mẹ cũng vẫn là nơi chốn bến bờ bình an cậy trông, mà hầu như người mẹ trần gian nào cũng luôn chạy đến than thở khấn nguyện cho mình và cho con cái mình với cả dòng nước mắt thành khẩn kêu xin.

Thánh nữ Birgitta đã thuật lại về khuôn mặt mầu nhiệm ẩn dấu của Đức Mẹ, khi nhìn ngắm tấm áo chòang của Đức Mẹ: “Đức Mẹ như nói với Thánh nữ: Tấm áo choàng rộng lớn của Mẹ tiềm tàng chứa ẩn ý nghĩa lòng từ bi thương xót. Người nào chạy trốn lòng từ bi thương xót, người đó thật bất hạnh. Con hãy chạy đến ẩn mình dưới bóng áo choàng lòng từ bi thương xót.”

Lòng từ bi thương xót, ai cũng cần cho mình cùng cho người khác trong đời sống.

“Mẹ từ bi! Ngày nay con đến nép thân, dưới áo Mẹ lành che khuất bao u buồn nơi khóc than...”

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Thằng Mõ, Bà Góa
Lm Nguyễn Trung Tây
20:26 08/06/2023
Lm Nguyễn Trung Tây
Thằng Mõ-Bà Góa


□ Chuyện Bác Chuyện Em bối cảnh xảy ra ở khắp nơi, Việt Nam, Mỹ, Úc, Do Thái, Philippines, Papua New Guinea. Em đi tu mà em cũng có thể là một nhân vật đã lập gia đình.

Quan Bác nhăn nhăn mặt như khỉ ăn phải mắm tôm,

— Kinh Thánh có nhiều đoạn đến là khó hiểu. Gặp tớ chậm lụt, đi lễ nghe đọc bài Phúc Âm mà cứ ù ù cạc cạc y như vịt nghe sấm. Tỷ như cái đoạn nói về cái bà góa với 2 đồng xu tiền đó (Mark 12:41-44, Luke 21:1-4). Cũng thấy đến là lạ, tự nhiên bà ấy quẳng vào hòm tiền cúng có hai đồng xu chả mua được cốc nước vối quán bà Cả Nha, thế mà Chúa mở miệng khen bà ấy không tiếc nhời.

Em táo tợn, uống mật gấu, cự nự,

— Quan bác ăn nói chữ nghĩa đến là táo tợn. Dâng cúng thì lại nói là quẳng vào. Sáng đã làm một điếu thuốc lào chửa mà ăn nói vớ vẩn đến thế?

Bác chép miệng,

— Rồi, sáng dậy một cái là tung chăn mền nhào xuống rít liền một hơi thuốc Cái Sắn từ trong Nam gửi ra. Lúc nãy buồn chân đi ngang qua quán nước của bà Cả, lại ghé vào bắn thêm mấy phát nữa, nhưng thấy miệng nó vẫn cứ nhàn nhạt sao đấy.

Em nhìn bác,

— Trời rét tợn mà quan bác cứ áo sống phong phanh như thằng mõ thế kia, hỏi sao mà miệng không nhàn nhạt. Không khéo quan bác lại ốm rồi. Có cần cạo gió hay không? Ghé vào quán bà Cả Nha mượn cái đồng tiền xu Khải Định để em cạo cho…

Bác mắng em mấy mắng,

— Ông rõ là cám lợn dở hơi, cứ vớ vẩn như thằng mõ. Đang nói chuyện này thì lại vẹo sang chuyện khác.

Em cười cầu hòa,

— Em mới nói đùa chơi có mấy câu mà quan bác đã lại cau có gắt gỏng mắm tôm rồi. Thì thôi, yên, bác đang nói về cái vụ bà góa…

Bác quay lại chuyện cũ,

— Đúng rồi, đang nói dở cái chuyện bà góa...

Em góp ý,

— Cái bà góa ở trong Kinh Thánh thì cũng không giống như bà góa ở làng mình đâu. Cái bà Cả Nha ở trong làng dù có là gái góa, nhưng vẫn có quán nước đầu làng để cho quan viên trăm họ ghé vào mua cốc nước vối bắn vài nỏ thuốc lào. Chứ cái bà góa ở trong Kinh Thánh có mà được như thế. Đã là gái góa ở nước Do Thái thuả xưa thì chỉ còn có nước cầm cái mõ mà đi rao khắp làng…

Bác nhăn mặt,

— Sao lại nói người ta nặng nhời như thế…

Em thanh minh,

— Gượm hẵng quan bác. Em đã nói xong đâu mà quan bác đã mắng em sa sả như thế. Thì bác cứ nom đi, ở cái làng mình, nguyên cả huyện rồi kéo theo mấy tổng, người có danh có phận vẫn là cụ bá Tiên nhà có mấy mẫu ruộng thượng đẳng điền. Chứ ai như cái nhà anh Thìn, một miếng đất, em xin lỗi, chó ỉa cũng không có mà cắm sào, cho nên trong làng người ta mới coi khinh, bắt làm thằng mõ.

Bác gật đầu,

— Thì chuyện, chẳng thế mà vua chúa thời xưa, khi phong thưởng cho công thần, họ cũng cứ thưởng toàn là đạc điền ruộng nương.

Em ra vẻ hiểu biết,

— Ấy, cái người ở bên Do Thái cũng thế. Ai mà không có cơ ngơi điền thổ là cầm chắc cái phận thằng mõ trong thôn, tha hồ mà bị người làng coi thường ăn hiếp. Mà cái người Do Thái họ cũng lạ lắm. Đất đai là chỉ truyền từ đời cha sang đời con trai, rồi là sang đời cháu trai, chắt, chít, cũng tinh là con trai. Cho nên gặp ngay cái nhà nào mà ông bố chết sớm để lại có một cái giống, mà lỡ cái giống đó vắn số, là cái bà góa đó đi đời nhà ma. Vừa mất chồng, vừa mất con, lại vừa mất ruộng. Ruộng mà mất rồi thì tự nhiên hóa ra cùng đinh khố chuối như thằng mõ ở trong làng ta mà thôi.

Bác tròn mắt,

— Kinh nhỉ!

Em gật đầu,

— Ấy, cho nên quan bác mới thấy cái bà góa thành Nain hồi đó thiệt tình là mệt. Đã mất chồng, giờ lại mất thằng con trai, mà lại là cái thằng con trai duy nhất. Rõ là khổ! Cho nên người trong thành mới đi theo đông như kiến để mà khóc thương cho cái phận mất ruộng hóa ra thằng mõ của bà ấy đấy (Luke 7:11-17).

— À, thì ra là thế.

Em như hứng chí,

— Mà em nói cho quan bác nghe. Nói tới cái chữ thằng mõ-bà góa ai mà chẳng hiểu người đó là người cùng rốt trong thôn. Thế mà Chúa còn nhấn mạnh thêm một cái chữ nghèo trước chữ bà góa (Luke 21:3, Mark 12:43). Vậy thì quan bác đủ hiểu là cái bà góa này nghèo gấp đôi, nghèo hơn những bà góa thường, nghèo hết nước nói. Ấy thế mà người ta vẫn dám dâng tặng hết tất tật số tiền bé con con. Đàn bà dễ có mấy tay!

Bác hiểu chuyện,

— Hèn chi Chúa cất tiếng khen không tiếc nhời.

Em kết luận,

— Ấy, giờ là đã ba năm rõ mười rồi nhé. Mà này, em nhớ hồi xưa khi còn nhỏ bu em cứ hay kể là làng ta thời mới xây nhà thờ, cha xứ sai ông trùm lên tới tận kinh đô thỉnh ông thợ bạc về đúc một cái chuông bằng đồng. Nhiều người trong làng kéo tới dâng tặng cho Chúa bạc vàng để đúc chuông lắm, có cả cái bà góa trong làng cũng ghé vào dâng hai đồng trinh. Bu em nói hai đồng trinh thời đó thì cũng chẳng bõ dính răng, may ra thì mua được cây kẹo bé bằng cái mắt muỗi. Bởi thế, ông trùm chép miệng khánh vàng còn chưa ăn nổi ai, tiện tay quẳng bỏ. Có thế thôi mà đúc mãi nhưng chuông vẫn không thành. Chuông gõ mà tiếng nghe nó cứ chõm chọe như tiếng phèng la. Mãi sau người ta mới chợt nhớ, quay lại chỗ hòm tiền tìm kiếm hai đồng xu. May phúc cho ông trùm là hai đồng trinh còn nằm tênh hênh ở ngay góc cột. Lúc đó việc đúc chuông mới thành đấy, chuông gõ nghe tiếng boong boong đi xa tới tận mấy tổng lận.


Suy Niệm
Dù có nghèo hèn, tâm thành dâng lên vẫn hóa ra hương thơm bay lên thiên nhan.
Chúa cúi xuống nhìn, đổ xuống trần gian bạc vàng ân sủng.
https://www.youtube.com/@nguyentrungtay.
□ Nguyễn Trung Tây
 
VietCatholic TV
Zelenskiy: Putin biết chắc sẽ thất thủ Crimea. Rộ tin NATO sẽ tham chiến để sớm kết thúc chiến tranh
VietCatholic Media
03:07 08/06/2023


1. Tổng Thư Ký NATO Jens Stoltenberg triệu tập một cuộc họp khẩn cấp trước cuộc khủng hoảng đập Nova Kakhovka

Người đứng đầu NATO Jens Stoltenberg cho biết ông sẽ chủ trì một cuộc họp vào thứ Năm của một ban điều phối khẩn cấp với Ukraine về “sự phá hủy kinh hoàng” sau khi đập Kakhovka bị phá hoại.

Stoltenberg cho biết ông đã nói chuyện với Ngoại trưởng Ukraine, Dmytro Kuleba, về sự tàn phá con đập, “khiến hàng nghìn người phải di dời và gây ra thảm họa sinh thái”. Dmytro Kuleba cho rằng vụ nổ đập Nova Kakhovka không khác gì một thả một quả bom hủy diệt hàng loạt vào Ukraine. Trong bối cảnh đó, Ngoại trưởng Kuleba đề nghị NATO cứu xét một phương cách nào đó để bảo đảm an ninh cho Ukraine.

Thiếu tướng John Kirby, điều phối viên truyền thông của Hội đồng An ninh Quốc gia, cho biết một cuộc họp tại Tòa Bạch Ốc giữa tổng thống Joe Biden và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg sẽ diễn ra vào hôm thứ Hai tới đây “để thảo luận về hội nghị thượng đỉnh NATO sắp tới”.

Biden và Stoltenberg “sẽ xem xét công tác chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh, bao gồm công việc tăng cường hơn nữa khả năng răn đe và phòng thủ của đồng minh, dựa trên Cam kết đầu tư quốc phòng tại Hội nghị thượng đỉnh xứ Wales năm 2014 và làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác của NATO”. Họ cũng sẽ thảo luận về việc hỗ trợ Ukraine “đối mặt với cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo của Nga”.

Chuyến thăm của Stoltenberg diễn ra chỉ một tuần sau khi Biden tiếp đón Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen, người được nhiều người coi là ứng cử viên tiềm năng thay thế Stoltenberg, tại Tòa Bạch Ốc.

Biden dự kiến sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại Lithuania vào tháng Bảy.

2. Các nước thúc giục NATO đưa quân vào Ukraine sau vụ nổ đập Nova Kakhovka để nhanh chóng kết thúc chiến tranh

Sau vụ nổ đập Nova Kakhovka khiến hàng nghìn người phải di dời và gây ra thảm họa sinh thái, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba. Ông Kuleba cho rằng vụ nổ đập Nova Kakhovka không khác gì một thả một quả bom hủy diệt hàng loạt vào Ukraine, và đề nghị NATO cứu xét một phương cách nào đó để bảo đảm an ninh cho Ukraine.

Tờ Guardian có bài tường trình nhan đề “Nato members may send troops to Ukraine, warns former alliance chief”, nghĩa là “Cựu Tổng thư ký NATO cảnh báo các thành viên liên minh có thể sẽ đưa quân vào Ukraine.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Cựu tổng thư ký NATO Anders Rasmussen cho biết một nhóm các quốc gia NATO thúc giục đưa quân tham chiến tại Ukraine để nhanh chóng kết thúc chiến tranh nếu các quốc gia thành viên bao gồm cả Mỹ không cung cấp các bảo đảm an ninh hữu hình cho Kyiv tại hội nghị thượng đỉnh của liên minh ở Vilnius.

Rasmussen, người đóng vai trò cố vấn chính thức cho tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, về vị trí của Ukraine trong cấu trúc an ninh tương lai của Âu Châu, đã đi thăm Âu Châu và Washington để đánh giá tình hình trước khi hội nghị thượng đỉnh quan trọng bắt đầu vào ngày 11 tháng 7.

Ông cũng cảnh báo rằng ngay cả khi một nhóm các quốc gia cung cấp cho Ukraine những bảo đảm an ninh, những quốc gia khác sẽ không cho phép vấn đề tư cách thành viên Nato trong tương lai của Ukraine bị loại khỏi chương trình nghị sự tại Vilnius.

Ông đưa ra nhận xét của mình trong bối cảnh người đứng đầu Nato hiện tại, Jens Stoltenberg, cho biết vấn đề bảo đảm an ninh cho Ukraine sẽ nằm trong chương trình nghị sự tại Vilnius, nhưng nói thêm rằng Nato – theo điều 5 của hiệp ước Washington – chỉ cung cấp các bảo đảm an ninh đầy đủ cho các thành viên đầy đủ.

Đại sứ Mỹ tại NATO, Julianne Smith, cho biết: “Chúng tôi đang xem xét một loạt các lựa chọn để báo hiệu rằng Ukraine đang tiến triển trong mối quan hệ với NATO.”

Rasmussen cho biết: “Nếu NATO không thể đồng ý về một con đường rõ ràng phía trước cho Ukraine, có khả năng rõ ràng là một số quốc gia có thể hành động riêng lẻ. Chúng tôi biết rằng Ba Lan rất tích cực trong việc cung cấp hỗ trợ cụ thể cho Ukraine. Và tôi không loại trừ khả năng Ba Lan sẽ tham gia mạnh mẽ hơn nữa trong bối cảnh này trên cơ sở quốc gia và được các quốc gia Baltic ủng hộ, có thể bao gồm cả khả năng đưa quân đội vào Ukraine.

“Tôi nghĩ người Ba Lan sẽ cân nhắc nghiêm túc việc tham gia và tập hợp một liên minh sẵn sàng nếu Ukraine không đạt được bất cứ điều gì ở Vilnius. Chúng ta không nên đánh giá thấp cảm xúc của người Ba Lan, người Ba Lan cảm thấy rằng trong một thời gian dài Tây Âu đã không lắng nghe những lời cảnh báo của họ về tham vọng thực sự của Nga.”

Ông nói rằng việc Ukraine tìm kiếm sự hỗ trợ quân sự như vậy là hoàn toàn hợp pháp.

Đề xuất nổi bật của ông rằng một số quốc gia có thể coi các rủi ro liên quan đến cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine là nghiêm trọng đến mức cần phải sử dụng quân đội của chính họ tham chiến tại Ukraine, là lời cảnh báo cho các quốc gia khác về mối đe dọa đối với sự thống nhất của NATO, nếu Ukraine không được cung cấp một con đường nhanh chóng để gia nhập NATO, với tư cách là thành viên, và không được bảo đảm an ninh mạnh mẽ. Đức vẫn cảnh giác với việc đi quá xa, vì sợ rằng điều đó sẽ khiêu khích Nga.

Rasmussen cho biết điều bắt buộc là Ukraine phải nhận được các bảo đảm an ninh bằng văn bản, tốt nhất là trước hội nghị thượng đỉnh, nhưng bên ngoài khuôn khổ của NATO. Những điều này cần bao gồm chia sẻ thông tin tình báo, huấn luyện chung với Ukraine, tăng cường sản xuất đạn dược, khả năng tương tác của NATO và cung cấp vũ khí đủ để ngăn chặn Nga khỏi một cuộc tấn công tiếp theo.

Rasmussen nói rằng “sau một khởi đầu chậm chạp, động lực hiện đang được xây dựng đằng sau những ý tưởng này”, bao gồm cả ở Pháp. Theo Rasmussen, đây là những câu chuyện và cuộc tranh luận quan trọng nhất đối với người Âu Châu - từ bản sắc đến kinh tế đến môi trường

Nhưng ông cảnh báo rằng bảo đảm an ninh sẽ không đủ.

Ông nói rằng “một số đồng minh NATO có thể ủng hộ các bảo đảm an ninh để thực sự tránh một cuộc thảo luận thực sự về nguyện vọng trở thành thành viên của Ukraine. Họ hy vọng rằng bằng cách cung cấp các bảo đảm an ninh, họ có thể tránh được vấn đề này. Tôi không nghĩ rằng điều đó là có thể. Tôi nghĩ vấn đề NATO sẽ được nêu ra tại hội nghị thượng đỉnh ở Vilnius. Tôi đã nói chuyện với một số nhà lãnh đạo Đông Âu, và có một nhóm các đồng minh cứng rắn ở Đông và Trung Âu muốn thấy ít nhất là một con đường rõ ràng để Ukraine trở thành thành viên của NATO”.

Ông nói rằng lịch sử cho thấy thật nguy hiểm khi để Ukraine ở trong phòng chờ của NATO vô thời hạn. Ngay cả khi lời mời Ukraine gia nhập NATO không thể được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh Vilnius, khả năng mở rộng lời mời ở Washington vào năm tới có thể được tham khảo. Ông nói, con đường trở thành thành viên đó nên loại trừ việc đặt ra các điều kiện tiên quyết như phải có một kế hoạch hành động để trở thành thành viên của NATO, điều mà cả Thụy Điển và Phần Lan đều không được yêu cầu như một phần trong lộ trình trở thành thành viên của họ.

“Bất cứ điều gì ít hơn thế sẽ là một sự thất vọng đối với Ukraine,” ông nói.

Ông bác bỏ lập luận rằng Ukraine không thể được trở thành thành viên NATO cho đến khi chiến tranh kết thúc, và nhấn mạnh rằng điều này sẽ mang lại cho Putin quyền phủ quyết.

3. Quan chức do Nga cài đặt trong vùng Kherson cho rằng vụ nổ đập Nova Kakhovka mang lại lợi thế chiến thuật cho quân Nga

Một quan chức hàng đầu được Mạc Tư Khoa hậu thuẫn tại một phần của Kherson do Nga kiểm soát nói rằng sự sụp đổ của con đập khổng lồ Nova Kakhovka đã mang lại cho quân đội Nga một lợi thế chiến thuật.

Ukraine và Nga đổ lỗi cho nhau về việc con đập bị phá hủy, khiến nước lũ tràn qua vùng chiến sự và buộc hàng nghìn người phải di tản.

Vladimir Saldo, thống đốc do Nga bổ nhiệm của một phần khu vực Kherson phía nam Ukraine do Mạc Tư Khoa kiểm soát, cho biết ông tin rằng Kyiv phải chịu trách nhiệm về thảm họa, nhưng thảm kịch đã mang lại lợi thế cho quân đội Nga.

“Về mặt quân sự, tình hình đã diễn ra theo hướng có lợi cho các lực lượng Nga về mặt hành động và chiến thuật,” Saldo nói với người dẫn chương trình truyền hình ủng hộ Điện Cẩm Linh Vladimir Solovyov.

Ông cho biết việc đập bị phá hủy và dẫn đến lũ lụt sẽ giúp Nga dễ dàng phòng thủ hơn trước bất kỳ cuộc phản công nào của Ukraine trong khu vực.

“Họ đã làm tổn thương chính mình bằng cách làm điều này. Tính toán của họ là bằng cách cho nổ tung con đập, họ sẽ mang lại một số lợi thế chiến lược hoặc hoạt động cho lực lượng vũ trang Ukraine. Nhưng họ sẽ không thể làm bất cứ điều gì”, ông ta nói.

“Các lực lượng vũ trang của chúng tôi hiện có một không gian rộng mở trước mặt họ, qua đó họ có thể thấy ai đang cố gắng vượt sông Dnipro và bằng cách nào. Và họ sẽ không thể vượt qua hồ chứa Kakhovka nếu họ cố gắng làm như thế.”

4. Tổng thống Zelenskiy nhận định rằng vụ tấn công đập Kakhovka cho thấy Nga biết chắc sẽ mất Crimea

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Kakhovka Dam Attack Shows Russia Knows It Will Lose Crimea: Zelensky”, nghĩa là “Tổng thống Zelenskiy nhận định rằng vụ tấn công đập Kakhovka cho thấy Nga biết chắc sẽ mất Crimea.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy

Theo Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, cuộc tấn công có chủ đích của Nga vào đập Kakhovka gần một nhà máy thủy điện cho thấy Mạc Tư Khoa đang chuẩn bị cho khả năng mất quyền kiểm soát Crimea.

Đập Kakhovka, nằm trên sông Dnipro ở vùng Kherson do Nga kiểm soát ở miền nam Ukraine, đã bị nổ tung sau nhiều vụ nổ hôm thứ Ba. Điện Cẩm Linh đã phủ nhận trách nhiệm, và đổ lỗi cho Kyiv vì đã phát động một cuộc tấn công vào con đập.

Vì con đập này cung cấp nước ngọt cho bán đảo Crimea, sự phá hủy của nó đã khiến một số người suy đoán rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã từ bỏ lãnh thổ tranh chấp, vốn đã bị Nga sáp nhập vào năm 2014.

Zelenskiy đã mô tả việc phá hủy đập Kakhovka là một tội ác chiến tranh và là một ví dụ về “sự diệt chủng sinh thái” trong một bài phát biểu trên truyền hình quốc gia của ông vào tối thứ Ba. Ông hứa rằng “Nga sẽ phải trả giá cho tội ác của mình”, đồng thời gợi ý rằng các lực lượng của Putin sẽ sớm “tháo chạy” khỏi Crimea.

“Việc Nga cố tình phá hủy hồ chứa Kakhovka, đặc biệt là cực kỳ quan trọng để cung cấp nước cho Crimea, cho thấy quân xâm lược Nga đã nhận ra rằng họ cũng sẽ phải rời khỏi Crimea,” Zelenskiy nói.

“Ukraine chắc chắn sẽ lấy lại mọi thứ thuộc về mình, và chúng ta sẽ buộc Nga phải trả giá cho những gì họ đã làm”.

Zelenskiy cũng dự đoán rằng các lực lượng Ukraine sẽ “khôi phục cuộc sống bình thường” ở Crimea sau khi đánh đuổi quân xâm lược của Nga và giành lại quyền kiểm soát bán đảo.

Newsweek đã liên hệ qua email tới Bộ Quốc phòng Nga để bình luận.

Một số chuyên gia cho rằng Nga phá hủy con đập như một động thái chiến lược nhằm làm chậm cuộc phản công của Ukraine, đồng thời bày tỏ sự hoài nghi về ý kiến cho rằng Putin sẵn sàng từ bỏ quyền kiểm soát Crimea.

“Không có chuyện điều này báo hiệu Putin đang từ bỏ Ukraine. Crimea là một phần thưởng lớn và Nga sẽ giữ lấy nó bằng mọi giá”, Đại tá thủy quân lục chiến Mỹ đã nghỉ hưu Mark Cancian cho biết trong một bài phát biểu trước đó với Newsweek.

Ông nói thêm: “Giả định của tôi là người Nga đã cho nổ tung con đập để mở rộng hàng rào phòng thủ bằng nước trước khả năng xảy ra một cuộc tấn công của Ukraine qua sông Dnipro. Đây là một động thái phòng thủ cổ điển mà các quốc gia đã thường xuyên thực hiện trong quá khứ.”

Ngoài việc vỡ đập có tác động tàn phá tiềm tàng đối với nguồn cung cấp nước của Crimea, nó cũng làm dấy lên những lo ngại về an toàn đối với nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia do Nga kiểm soát. Các lò phản ứng của nhà máy được làm mát bằng nước được cung cấp từ hồ chứa Kakhovka hiện đang cạn kiệt.

Tuy nhiên, Rafael Mariano Grossi, tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Ba rằng “không có nguy cơ tức thời nào đối với sự an toàn của nhà máy”, chỉ ra rằng có “một số nguồn nước thay thế. “

5. Thông điệp thách thức của Zelenskiy sau khi đập Kakhovka bị phá hủy

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Zelensky's Defiant Message After Destruction of Kakhovka Dam”, nghĩa là “Thông điệp thách thức của Zelenskiy sau khi đập Kakhovka bị phá hủy”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã đưa ra một thông điệp thách thức sau khi đập Kakhovka ở miền nam Ukraine bị vỡ hôm thứ Ba. Vụ phá hủy làm ngập nước trên nhiều dặm vuông lãnh thổ trước một cuộc phản công từ Kyiv.

Cả Ukraine và NATO đều cáo buộc Nga đứng sau vụ phá hủy đập Kakhovka có tầm quan trọng chiến lược trên sông Dnipro. Nó nằm khoảng 20 dặm về phía đông của thành phố Kherson bị Nga tạm chiếm.

Con đập thời Liên Xô được xây dựng như một phần của nhà máy thủy điện Kakhovka, mà lực lượng Nga đã pháo kích kể từ khi bắt đầu chiến tranh. Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, một cơ quan cố vấn của Hoa Kỳ, cho biết vào tháng 10 năm 2022 rằng các lực lượng Nga có thể đang chuẩn bị thực hiện một cuộc tấn công cờ giả vào công trình.

“Những kẻ khủng bố Nga. Việc đập thủy điện Kakhovka bị phá hủy chỉ khẳng định với toàn thế giới rằng họ phải bị trục xuất khỏi mọi ngóc ngách trên đất Ukraine”, Zelenskiy cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Ba.

“Không nên để lại một mét nào cho chúng, bởi vì chúng sử dụng từng mét để khủng bố.”

“Chỉ có chiến thắng của Ukraine mới mang lại an ninh. Và chiến thắng này sẽ đến. Những kẻ khủng bố sẽ không thể ngăn Ukraine bằng nước, hỏa tiễn hay bất cứ thứ gì khác”, Zelenskiy nói thêm.

Các video chưa được xác minh trên mạng xã hội cho thấy các vụ nổ xung quanh đập Kakhovka. Không rõ cấu trúc bị hư hại khi nào và như thế nào.

Anton Gerashchenko, cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ Ukraine, đã viết trên Twitter rằng vụ việc là một “thảm họa khủng khiếp về công nghệ, sinh thái và nhân đạo”.

“Lũ lụt do phá hủy có thể dẫn đến nhiều cái chết. Nhiều người sẽ mất nhà cửa vì các khu định cư có thể bị ngập lụt. Việc di tản hàng loạt đã bắt đầu,” Gerashchenko nói thêm.

Ông viết rằng con đập cung cấp nước cho Crimea, bán đảo ở Hắc Hải đã bị Putin sáp nhập bất hợp pháp từ Ukraine vào năm 2014.

“Đó là một thảm họa sinh thái - hàng chục nghìn tấn cá và các loại độc nhất vô nhị sẽ chết. Tổ của hàng triệu con chim ở vùng đất ngập nước dọc theo tả ngạn sông Dnipro đã bị ngập lụt.”

Gerashchenko nói thêm: “Kênh Bắc Crimea hiện sẽ cạn kiệt và sẽ còn khô hạn trong một thời gian dài. Người dân ở miền nam và Crimea sẽ không có nước uống”.

Zelenskiy đã tweet rằng ông đã triệu tập một cuộc họp của Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia của mình.

Công ty năng lượng quốc doanh Ukraine Ukrhydroenergo cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Ba rằng thủy điện Kakhovka HPP “không thể sửa chữa được”.

“Hậu quả của vụ nổ là phòng máy bên trong Nhà máy Thủy điện Kakhovka đã bị phá hủy hoàn toàn. Con đập không thể sửa chữa được”. Ukrhydroenergo cho biết thêm, mực nước trong hồ chứa Kakhovka đang “giảm nhanh chóng” vào lúc 9:00 sáng giờ địa phương.

Thống đốc tỉnh Kherson Oleksandr Prokudin cho biết khoảng 16.000 ngôi nhà của người dân trong khu vực nằm trong khu vực “rủi ro nghiêm trọng”.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga qua email để xin bình luận.

6. Zelenskiy kêu gọi các nhóm viện trợ ngay lập tức giúp đỡ chiến dịch giải cứu

Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, đã kêu gọi các tổ chức viện trợ quốc tế hành động ngay lập tức để giúp đỡ người dân sau sự việc vỡ đập Kakhovka ở miền nam Ukraine.

Zelenskiy cho biết tình hình đối với cư dân ở các khu vực Kherson bị Nga tạm chiếm là “hoàn toàn thảm khốc”. Ông cáo buộc các lực lượng Nga đã “bỏ mặc người dân trong những điều kiện tồi tệ này”, “không có cấp cứu, không có nước, phải ngồi trên mái nhà ở các cộng đồng bị ngập lụt”.

Zelenskiy nói:

Chúng tôi cần các tổ chức quốc tế, chẳng hạn như Hội Hồng Thập Tự Quốc tế, ngay lập tức tham gia chiến dịch cấp cứu và giúp đỡ người dân ở khu vực Kherson bị tạm chiếm.

Mỗi người chết ở đó là một bản án đối với kiến trúc quốc tế hiện có và các tổ chức quốc tế đã quên cách cứu sống.

Ít nhất ba người đã chết do lũ lụt sau khi đập thủy điện lớn Kakhovka ở miền nam Ukraine bị phá hủy, các phương tiện truyền thông Ukraine đưa tin, dẫn lời Yevhen Ryshchuk, thị trưởng lưu vong của thành phố Oeshky bị Nga tạm chiếm trong vùng Kherson.

Các nạn nhân được cho là đã chết đuối, Kyiv Independent đưa tin.

7. Vương Quốc Anh tăng tài trợ cho Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế thêm 750.000 bảng Anh để hỗ trợ công tác an toàn hạt nhân ở Ukraine

Anh cho biết họ sẽ tăng tài trợ cho Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, là cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hiệp Quốc, thêm 750.000 bảng Anh để hỗ trợ công tác an toàn hạt nhân ở Ukraine.

Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia lấy nước làm mát từ hồ chứa của đập Kakhovka bị vỡ hôm thứ Ba.

Các chuyên gia Ukraine và Liên Hiệp Quốc cho biết việc phá hủy con đập và việc xả cạn hồ chứa phía sau nó không gây ra mối đe dọa an toàn ngay lập tức cho nhà máy ở thượng nguồn, nhưng cảnh báo rằng nó sẽ có tác động lâu dài cho tương lai của nhà máy điện hạt nhân.

Người đứng đầu IAEA, ông Rafael Mariano Grossi, cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Ba rằng “đánh giá hiện tại của chúng tôi là không có nguy cơ tức thời nào đối với sự an toàn của nhà máy.” Nhưng có những lo ngại dài hạn, cả về an toàn và khả năng nhà máy hoạt động trở lại trong những năm tới.

Reuters đưa tin đại diện thường trực của Vương quốc Anh tại IAEA, Corinne Kitsell, cho biết:

Các cuộc tấn công man rợ của Nga vào cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraine và sự kiểm soát bất hợp pháp của nước này đối với Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia đi ngược lại tất cả các tiêu chuẩn an ninh và an toàn hạt nhân quốc tế.

Cô nói thêm:

Tôi khen ngợi công việc của các nhân viên IAEA tại Ukraine và tôi hài lòng rằng khoản tài trợ bổ sung của Vương quốc Anh sẽ giúp tạo điều kiện thuận lợi cho công việc quan trọng của cơ quan này, đặc biệt là do rủi ro tăng thêm do việc phá hủy đập Kakhovka.

8. Tổng thống Ukraine cáo buộc lực lượng Nga bắn vào lực lượng cấp cứu ở vùng lũ

Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với một hãng tin của Đức, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã cáo buộc lực lượng Nga nổ súng vào lực lượng cấp cứu Ukraine đang cố gắng tiếp cận các khu vực bị ngập lụt ở vùng Kherson do Nga kiểm soát.

“Con người, động vật đã chết. Từ nóc những ngôi nhà ngập nước, người ta nhìn thấy những người chết đuối nổi lềnh bềnh. Bạn có thể thấy điều đó ở phía bên kia. Rất khó để đưa mọi người ra khỏi khu vực Kherson bị tạm chiếm,” Zelenskiy nói với tờ báo nổi tiếng của Đức, Bild, trong một cuộc phỏng vấn độc quyền được công bố hôm thứ Tư.

“Khi các lực lượng của chúng tôi cố gắng đưa các cư dân ra ngoài, họ đã bị quân xâm lược bắn từ xa,” Zelenskiy nói với Bild. “Ngay khi những người trợ giúp của chúng tôi cố gắng giải cứu họ, họ đã bị bắn. Chúng tôi sẽ không thể nhìn thấy tất cả các hậu quả cho đến vài ngày tới, khi nước đã rút xuống một chút.”

Hôm thứ Tư, một tình nguyện viên tham gia nỗ lực cấp cứu ở vùng Kherson, nơi bị ngập lụt sau vụ vỡ đập Nova Kakhovka, nói với CNN rằng các tình nguyện viên phải đối mặt với pháo kích của Nga trong hầu hết các nỗ lực giải cứu.

“Tất nhiên, nó cực kỳ nguy hiểm,” Roman Skabdrakov từ Nhóm tình nguyện Kaiman cho biết.

Nova Kakhovka, một con đập lớn và nhà máy thủy điện ở khu vực phía nam Kherson do Nga xâm lược, đã bị sập vào đầu ngày thứ Ba, khiến hàng nghìn người phải di tản.

9. Ukraine khởi động cuộc điều tra tội ác chiến tranh và tội ác sinh thái đối với sự việc vỡ đập Nova Kakhovka

Ukraine đang điều tra sự việc đập Nova Kakhovka như một tội ác chiến tranh và có thể là “hành vi hủy hoại môi trường” hoặc hình sự phá hoại môi trường, một tuyên bố từ Văn phòng Tổng công tố cho biết hôm thứ Tư.

Tổng công tố Andrii Kostin nói:

“Chúng tôi coi đây là hành vi hủy diệt sinh thái và vi phạm luật pháp cũng như phong tục chiến tranh... Một nhóm điều tra viên liên ngành và liên khu vực được thành lập đặc biệt từ Cơ quan An ninh Ukraine và Cảnh sát Quốc gia đang tiến hành điều tra”

“Ukraine đã khởi xướng các thủ tục tố tụng về tội ác này, coi đây là hành vi vi phạm luật pháp và phong tục chiến tranh và diệt chủng. Nó đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng về lâu dài cho con người và môi trường.”

“Hậu quả thật thảm khốc. Hơn 40.000 người đã bị ảnh hưởng. Nhà cửa và cơ sở hạ tầng đã bị phá hủy, đất đai trở nên không thích hợp cho nông nghiệp và nguồn cung cấp nước bị gián đoạn ở một số khu vực, cả ở khu vực do chính phủ kiểm soát và ở các vùng lãnh thổ bị Nga tạm thời xâm lược”

Bộ Bảo vệ Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên Ukraine cho biết hôm thứ Tư rằng sự việc vỡ đập là hành động hủy diệt sinh thái lớn nhất mà Nga đã phạm phải kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine.

10. Các cuộc di tản trong khu vực Kherson do Ukraine kiểm soát đang diễn ra sau vụ vỡ đập

Các cuộc di tản tại các khu vực bị ngập lụt đang diễn ra sau vụ vỡ đập Nova Kakhovka hôm thứ Ba, các quan chức ở Kherson do Ukraine kiểm soát cho biết.

Thống đốc Kherson, Oleksandr Prokudin, cho biết: “Chúng tôi dự đoán rằng nước sẽ ở lại và tích tụ trong một ngày nữa và sau đó sẽ giảm dần trong 5 ngày nữa.”

Bộ Nội vụ Ukraine cho biết họ đang tìm cách di tản công dân khỏi bờ đông sông Dnipro thuộc vùng Kherson, miền nam Ukraine.

Bộ trưởng Nội vụ Ihor Klymenko, người đã đến thăm khu vực, cho biết: “Công việc di tản đang diễn ra. Chúng tôi đang cố gắng thực hiện nhanh nhất có thể. Chúng tôi bị cản trở bởi dòng chảy mạnh và pháo kích của quân đội Nga.”

Ông nói: “Trụ sở chính sẽ làm việc suốt ngày đêm trong thời gian cần thiết, đồng thời cho biết thêm “chúng tôi đang thực hiện các nhiệm vụ mà chúng tôi sẽ phải đối mặt khi nước rút.”

“Có rất nhiều việc phải làm. Trước hết, nó sẽ liên quan đến ô nhiễm môi trường. Klymenko cho biết 150 tấn dầu máy đã rò rỉ ra khỏi phòng tua-bin khi nhà máy thủy điện bị nổ tung.

Tính đến 4 giờ chiều giờ địa phương ngày 7 Tháng Sáu, 1.854 người đã được di tản khỏi các khu vực do Ukraine kiểm soát ở vùng Kherson.

11. Đường ống dẫn amoniac bị hư hỏng ở vùng Kharkiv

Hôm thứ Tư, Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov, đã cáo buộc Ukraine cho nổ tung một đường ống dẫn khí amoniac ở khu vực Kharkiv.

“Vào khoảng 21h ngày 5 Tháng Sáu, theo giờ Mạc Tư Khoa, tại khu vực làng Masiutivka, vùng Kharkiv, một nhóm trinh sát và phá hoại Ukraine đã làm hư hại đường ống dẫn khí amoniac Togliatti-Odesa”

“Hậu quả của hành động khủng bố này là có những nạn nhân là thường dân. Họ đã nhận được sự chăm sóc y tế cần thiết,” ông ta nói.

Trong khi đó các quan chức Ukraine đã đổ lỗi cho việc pháo kích của Nga gây ra thiệt hại. Oleh Syniehubov, thống đốc khu vực Kharkiv, lần đầu tiên báo cáo thiệt hại do Nga pháo kích vào hôm thứ Hai và cho biết đường ống đã bị hư hại một lần nữa vào thứ Ba.

“Vào khoảng 17:45 ngày hôm qua, đối phương lại nã pháo vào đường ống dẫn khí amoniac ở quận Kupyansk. Tổng cộng có 6 vụ va chạm được ghi nhận tại khu vực trạm bơm gần làng Masiutivka. Hiện tại, kết quả đo đạc cho thấy không có amoniac trong không khí tại các khu định cư của quận Kupyansk,” ông viết hôm thứ Tư trên Telegram.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết sẽ mất từ một đến ba tháng để sửa chữa đường ống dẫn khí amoniac Togliatti-Odesa bị hư hỏng trong một cuộc họp báo. Theo Zakharova, đường ống amoniac là chìa khóa cho thỏa thuận ngũ cốc ở Hắc Hải.

“Đường ống dẫn khí amoniac là một trong những mấu chốt của việc thực hiện các thỏa thuận được đưa ra ở Istanbul vào ngày 22 tháng 7, năm ngoái 2022. Đường ống này là chìa khóa đối với an ninh lương thực toàn cầu,” Zakharova cho biết trong một cuộc họp báo hôm thứ Tư.

Theo Liên Hiệp Quốc, Sáng kiến Ngũ cốc Hắc Hải do Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và Liên Hiệp Quốc đưa ra như một cơ chế để xuất khẩu ngũ cốc, thực phẩm và phân bón, bao gồm cả amoniac, từ các cảng được chỉ định của Ukraine đến các thị trường toàn cầu.
 
ĐTC phải phẫu thuật. Bây giờ tình trạng ra sao? Hình ảnh ngoạn mục lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô
VietCatholic Media
05:08 08/06/2023


1. Bác sĩ phẫu thuật cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô 'khoẻ, tỉnh táo, ý thức được” sau ca phẫu thuật

Chiều thứ Tư, một bác sĩ phẫu thuật người Ý cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô đã tỉnh sau khi phản ứng tốt với cả phẫu thuật và gây mê toàn thân.

Tiến sĩ Sergio Alfieri cho biết ngày 7 tháng 6 trong một cuộc họp báo ngắn tại Bệnh viện Gemelli ở Rome, nơi Đức Thánh Cha Phanxicô đang hồi phục sau ca phẫu thuật bụng rằng Đức Thánh Cha Phanxicô “khỏe, tỉnh táo, ý thức được và đã nói đùa lần đầu tiên cách đây 10 phút”.

Alfieri, giám đốc khoa phẫu thuật bụng của bệnh viện, cũng chính là bác sĩ phẫu thuật đã cắt bỏ một phần đại tràng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong ca phẫu thuật điều trị bệnh viêm túi thừa vào tháng 7 năm 2021.

Bác sĩ phẫu thuật nói với các nhà báo rằng từ quan điểm y tế, sẽ không có gì ngăn cản Đức Thánh Cha tiếp tục chuyến công du đã định đến Bồ Đào Nha và Mông Cổ vào tháng 8 sau khi ngài bình phục.

Các tình trạng được điều trị bằng ca phẫu thuật vào ngày 7 tháng 6 và ca phẫu thuật trước đó vào tháng 7 năm 2021 đều lành tính và đã được giải quyết, bác sĩ phẫu thuật cho biết khi trả lời các câu hỏi.

Ông nhấn mạnh: “Đức Giáo Hoàng không mắc các bệnh khác”.

Alfieri lưu ý rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã bị đau trong vài tháng do vết mổ thoát vị và đã quyết định tiến hành phẫu thuật để điều chỉnh nó vào ngày 6 tháng 6.

Thoát vị vết mổ là một loại thoát vị thành bụng tại vị trí vết rạch phẫu thuật trước đó. Bác sĩ phẫu thuật cho biết chứng thoát vị có thể xảy ra sau các ca phẫu thuật trước đây mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã trải qua ở Á Căn Đình, bao gồm cả viêm phúc mạc, vết đỏ hoặc sưng niêm mạc bụng thường do viêm ruột thừa.

Alfieri cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô đã pha trò và đã hỏi các bác sĩ khi nào cuộc phẫu thuật tiếp theo sẽ diễn ra.

Trong một tuyên bố được đưa ra vào cuối ngày thứ Tư, phát ngôn viên của Vatican Matteo Bruni cho biết “Đức Thánh Cha Phanxicô tỉnh táo và ý thức được và biết ơn vì nhiều thông điệp về sự gần gũi và lời cầu nguyện đã ngay lập tức đến với ngài.”

Alfieri được hỗ trợ bởi các bác sĩ Valerio Papa, Roberta Menghi, Antonio Tortorelli và Giuseppe Quero. Bác sĩ gây mê là bác sĩ Massimo Antonelli, và được hỗ trợ bởi các bác sĩ Teresa Sacco, Paola Aceto, Maurizio Soave và Giuseppina Annetta.

Bác sĩ trưởng văn phòng vệ sinh và sức khỏe của Vatican, Tiến sĩ Luigi Carbone, cũng có mặt trong phòng mổ.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến bệnh viện ngay sau khi chào đón những người hành hương trong buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư, ngày 7 tháng Sáu.

Khi bắt đầu buổi tiếp kiến, ngài đã cầu nguyện trước thánh tích của Thánh Têrêsa thành Lisieux.

Ngài được đưa đến Bệnh viện Gemelli trên chiếc Fiat 500 màu trắng với sự hộ tống của cảnh sát.

Ca phẫu thuật diễn ra vào đầu giờ chiều và kéo dài ba giờ, Vatican cho biết.

2. Câu chuyện về lịch sử Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô

Hàng triệu người Công Giáo trên thế giới cử hành Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô hay còn gọi là lễ Corpus Christi đúng vào ngày thứ Năm 8 tháng Sáu, là ngày thứ Năm sau lễ Chúa Ba Ngôi. Bên cạnh thánh lễ, các buổi cử hành còn kèm theo một cuộc rước Mình Thánh Chúa qua các đường phố.

Tại nhiều nước Âu Châu, các tín hữu tham gia trong đoàn rước trong những trang phục truyền thống rất đẹp khi họ rước kiệu Mình Thánh Chúa qua các đường phố. Chẳng hạn như tại thành phố Appenzell của Thụy Sĩ, các thiếu nữ và những phụ nữ mặc trang phục Taefeli-Meedli đã có từ thời Trung Cổ rước Mình Thánh Chúa từ nhà thờ chính tòa Appenzell đến quảng trường chính của thành phố. Trong khi đó, các cô gái trẻ, đặc biệt trong cộng đồng Sorbian ăn mặc như phù dâu trong trang phục truyền thống màu trắng hát thánh ca chào đón đòn rước kiệu Mình Thánh Chúa qua các đường phố.

Thụy Khanh xin thuật hầu quý vị và anh chị em một vài nét lịch sử về biến cố này với hình ảnh minh họa là cuộc rước kiệu Mình Thánh Chúa tại thành phố Appenzell của Thụy Sĩ

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Vào năm 1246, tại Toà giám mục Liège của Bỉ quốc, người ta thấy có cuộc gặp gỡ bất thường giữa Đức Cha Rôbectô de Thorate và sơ Juliana, một nữ tu khiêm hạ và thánh thiện của Dòng Augustinô. Sơ Juliana đến xin yết kiến vị Giám mục sở tại để dâng lên một lời thỉnh cầu: xin giáo quyền cho thiết lập ngày lễ kính Mình Thánh Chúa Giêsu.

Lẽ đương nhiên, vị Giám mục thánh thiện và khôn ngoan Rôbectô đã hỏi vị nữ tu về nguyên nhân hay động lực thúc đẩy làm nên lời thỉnh cầu. Sơ Juliana thành thật trình bày với Đức Cha rằng hồi nhỏ sơ có thấy hình một vầng trăng rằm với một đốm đen trên đó. Mãi về sau, trong một lần hiện ra, Chúa Giêsu đã giải thích cho Sơ Juliana về ý nghĩa của giấc mơ ngày xưa: vầng trăng rằm tượng trưng cho chu kỳ phụng vụ trong năm; đốm đen là vì trong chu kỳ đó vẫn còn thiếu một ngày lễ để vinh danh Thân Mình Cực Thánh của Chúa Giêsu. Theo Sơ Juliana, ngoài Thứ Năm Tuần Thánh, ngày tưởng niệm việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể, Chúa Giêsu còn muốn Giáo Hội có một ngày khác để tôn kính Mình Máu của Ngài.

Kèm với lời giải thích và tỏ bày ý muốn, Chúa Giêsu còn nêu lên ba lý do của việc làm này:

Thứ nhất, Ngài khát khao niềm tin vào Bí tích Thánh Thể được càng ngày càng vững vàng mạnh mẽ nơi mỗi người Kitô hữu;

Thứ hai, Ngài ao ước mọi tín hữu kín múc được sức mạnh thiêng liêng nơi Bí tích Thánh Thể để có thể can đảm thực thi các nhân đức;

Thứ ba, Ngài mong muốn người tín hữu có cơ hội sửa chữa cho những phạm thánh và bất kính mà loài người đã gây nên.

Dường như được ơn Chúa soi sáng và sắp xếp, nên Đức Cha Rôbectô de Thorate đã lắng nghe và tin tưởng những điều Sơ Juliana nói. Thế rồi, chẳng bao lâu sau, ngài cho thiết lập trong địa phận một ngày lễ kính Mình Thánh Chúa hay còn được gọi là Corpus Christi (tiếng Latinh).

Đức Cha cũng đã trình cho Đức Giáo Hoàng Ubanô IV về những gì ngài đang thực hiện trong địa phận. Và rồi, đến năm 1264, Đức Ubanô đã cho công bố với Giáo Hội hoàn vũ việc chọn ngày thứ Năm sau lễ Chúa Ba Ngôi làm ngày kính Mình Thánh Chúa cách đặc biệt.

Tập quán trên đã được nắm giữ từ thế kỷ 13 cho đến những thập niên gần đây. Sau Công đồng Vaticanô II, một vài sửa đổi đã được thực thi, trong đó lễ Corpus Christi được dời vào ngày Chúa Nhật sau Lễ Chúa Ba Ngôi. Suốt hơn 8 thế kỷ trôi qua, cứ đến ngày lễ Kính Mình Thánh Chúa, khắp nơi, trong nhiều giáo xứ, người ta tổ chức chầu lượt, lôi cuốn biết bao nhiêu giáo hữu đến kính thờ suy tôn Chúa Giêsu trong Phép Thánh Thể.

Tuy cũng có những người chống đối và tìm cách loại trừ ngày lễ này khỏi lòng tín hữu, nhưng những cố gắng đó cũng chỉ hoài công. Lịch sử có ghi nhận: trong cuộc Chiến tranh Ba Mươi Ngày bên Âu Châu, quân đội Thuỵ Điển đã bao vây một làng Wuerzburg tại Bavaria. Vị quan chỉ huy đã đưa ra nhiều nghiêm lệnh nhằm khống chế dân chúng. Trong đó có lệnh cấm tổ chức rước kiệu trong ngày lễ Corpus Christi sắp đến. Các thầy Dòng Camêlô đang cư ngụ trong làng đã phải đối diện với tình hình tiến thoái lưỡng nan: trong khi Thiên Chúa Cha muốn cử hành ngày lễ tôn kính Con Ngài thì vị chỉ huy quân đội Thuỵ Điển lại ngăn cấm, nếu không muốn bị tử hình. Nhưng cuối cùng các vị tu sĩ đã chọn vâng theo ý Thiên Chúa. Thế là một cuộc rước long trọng với linh mục kiệu Thánh Thể từ nhà thờ qua cổng làng đã diễn ra. Lập tức quân đội được phái đến. Súng ống, gươm giáo dàn ra đe doạ. Không sợ hãi, thầy Agapytus hiên ngang rẽ đám đông tiến lên. Đứng trước hàng quân đang lăm le vũ khí, thầy bảo họ hãy quỳ gối xuống trước Thiên Chúa, Đấng Tạo Hoá. Lạ lùng thay, cả đoàn binh đã đồng loạt quỳ xuống, không ai dám thi hành lệnh phá hoại cuộc rước của quan chỉ huy! Thế là dân chúng lại tiếp tục hồ hởi cung nghinh Mình Thánh Chúa qua các nẻo đường đã định.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Thánh Bênađô từng nói: “Tình yêu không phân biệt giai cấp.” Còn Thánh Phêrô Kim khẩu thì viết: “Khi yêu, người ta bất luận giàu nghèo, cũng không màng cân xứng, không ngại khó khăn, nhưng miễn sao thoả lòng ao ước là được.” Khi yêu chẳng ai nói với nhau: “Tôi là con nhà giàu, có bằng tiến sĩ vật lý, còn em chỉ là con bé nhà quê ít học, cho nên em phải biết thân biết phận của mình”. Không thế được! Không thể có thái độ kênh kiệu như thế trong tình yêu chân thật.

Lễ Corpus Christi được lập ra để nhắc nhở với người giáo hữu về một tình mến bao la vô tận. Thiên Chúa đã yêu thương nhân loại đến nỗi đã ban người Con yêu dấu của Ngài, để mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Sự hạ mình từ một Thiên Chúa cao sang xuống mang kiếp người để chia sẻ thân phận khốn cùng và cứu chuộc nhân loại đã là một lối tỏ tình quá sức tưởng tượng. Ấy thế mà, làm như chưa thoả, Thiên Chúa lại còn hạ mình trở thành tấm bánh, vật vô tri vô giác, còn thấp hơn bất cứ một loài thụ sinh nào. Lắm người cảm nhận mình như là quả banh, cây chổi, viết chì trong tay Chúa. Quả là những tâm tình khiêm hạ đáng quí. Nhưng khi so với sự khiêm hạ của Thiên Chúa khi trở nên tấm bánh nuôi dưỡng tâm hồn người ta thì vẫn là một cách biệt không thể đo lường.

Xin cho chúng ta biết quý trọng tình yêu của Thiên Chúa và đừng bao giờ rước Chúa vào lòng một cách không xứng đáng.

3. Linh mục ở Mễ Tây Cơ cứu 3 trẻ em sau khi bạo lực băng đảng khiến một người mất mạng và, nhà thờ đầy những lỗ đạn

Một linh mục đã giải cứu ba đứa trẻ bị bỏ rơi ở một thị trấn Mễ Tây Cơ sau cuộc đối đầu giữa các băng nhóm tội phạm khiến một người thiệt mạng và một nhà thờ Công giáo bị đạn bắn loang lổ.

Nhà thờ ở khu định cư nhỏ Santa Anita thuộc Giáo phận Tarahumara ở bang Chihuahua là nơi diễn ra cuộc đối đầu giữa các băng đảng đối địch. Khu định cư nằm cách Cerocahui chưa đầy 125 dặm về phía nam, cũng ở Chihuahua, nơi gần một năm trước hai linh mục Dòng Tên đã bị sát hại bên trong một nhà thờ Công giáo.

Theo văn phòng tổng chưởng lý bang Chihuahua, tại hiện trường, cảnh sát tìm thấy hơn 700 vỏ đạn, một quả lựu đạn, 19 vỏ đạn và một chiếc xe bán tải Chevrolet Silverado “đã cháy hoàn toàn”

Văn phòng tổng chưởng lý cũng cho biết “ở bên ngoài nhà thờ của cộng đồng, một thi thể không còn sự sống của một người đàn ông không rõ danh tính, khoảng 35 tuổi, đã được tìm thấy.”

Bạo lực khủng khiếp đến mức người đàn ông này, mặc quần áo kiểu quân đội màu xanh lá cây, đã bị chặt đầu.

Santa Anita chỉ cách thành phố Guachochi 9 dặm, nơi đặt trụ sở chính của Giáo phận Tarahumara.

Cha Enrique Urzúa, cha xứ của nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Guadalupe ở Guachochi, đã đến Santa Anita vào ngày 6 tháng 6. Trong một tuyên bố với ACI Prensa, đối tác tin tức tiếng Tây Ban Nha của CNA, ngài chia sẻ rằng những gì ngài thấy là “một tình huống đau lòng.”

“Họ đã phá hủy hoàn toàn nhà thờ” cũng như căn phòng nhỏ dùng để tiếp đón những giáo sĩ đến truyền giáo cho thị trấn.

Tuy nhiên, bộ phim về con người thậm chí còn áp đảo hơn. Vị linh mục nói: “Tôi đã gặp ba đứa trẻ mồ côi cha mẹ và chúng ở đó, bị bỏ rơi.”

Đứa nhỏ nhất trong số những đứa trẻ được vị linh mục giải cứu chỉ mới 1 tuổi, trong khi hai đứa còn lại mới 9 và 11 tuổi. Cha mẹ của các em đã bị băng đảng giết chết và các em sắp chết vì đói khát.

Ngài nói rằng ngài thấy họ đang run rẩy vì đói khát và đưa các em đến giáo xứ “để tìm thức ăn cho các em và xem phải làm gì”. Nhưng khi đến giáo xứ, vị linh mục người Mễ Tây Cơ nhận ra rằng bọn tội phạm “đã cho nổ tung nhà thờ”. Ngài đã đưa các em về Guachochi.


Source:Catholic News Agency
 
Ukraine tổng tấn công Zaporizhzhia, Prigozhin than: 34 chiến xa và hàng loạt phòng tuyến Nga sụp đổ
VietCatholic Media
16:19 08/06/2023

1. Quân Ukraine tấn công tổng lực theo hướng Zaporizhzhia

Thông tấn xã Tass của Nga cho rằng quân Ukraine đã mở một cuộc tấn công tổng lực theo hướng Zaporizhzhia. Theo các blogger quân sự Nga ủng hộ Điện Cẩm Linh, quân Ukraine đã vượt qua được các phòng tuyến của quân Nga khá dễ dàng bằng các đợt tấn công HIMARS theo sau bằng hàng loạt các loại xe tăng tiên tiến của phương Tây.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Năm mùng 8 tháng Sáu, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar xác nhận quân Ukraine đang tấn công theo hướng này, và cả hướng thành phố Bakhmut.

Không đi vào chi tiết, Thứ trưởng Hanna Maliar cho biết trong 24 giờ qua, 730 lính Nga tử trận. Quân Ukraine phá hủy với 18 xe tăng, 16 xe thiết giáp, 28 hệ thống pháo, 1 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 3 hệ thống phòng không, 35 xe chuyển quân và nhiên liệu, và 8 xe công binh.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 8 Tháng Sáu, 212.760 lính Nga tử trận. Tổn thất của quân xâm lược còn bao gồm 3.891 xe tăng, 7.576 xe thiết giáp, 3.668 hệ thống pháo, 595 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 355 hệ thống phòng không, 314 máy bay, 299 máy bay trực thăng, 3.234 máy bay không người lái, 1.171 hỏa tiễn hành trình, 18 tàu chiến, 6.384 phương tiện cơ giới, và 500 đơn vị thiết bị đặc biệt.

Trong khi đó, Tổng thống Zelenskiy đã đến thăm khu vực miền nam Kherson bị lũ lụt tàn phá để đánh giá thiệt hại do vụ vỡ đập Kakhovka.

Chuyến thăm của tổng thống Ukraine diễn ra khi các quan chức do Nga cài đặt tại các lãnh thổ bị tạm chiếm cho biết 5 người đã chết ở thị trấn Nova Kakhovka gần con đập, và thị trưởng lưu vong của thành phố Oeshky bị Nga tạm chiếm, Yevhen Ryshchuk, cho biết 3 người đã chết đuối trong vùng Kherson.

Zelenskiy, phát biểu trong bài phát biểu hàng đêm hôm thứ Tư, bày tỏ lo ngại cho cuộc sống của người Ukraine ở các khu vực bị Nga tạm chiếm.

Ông nói không thể dự đoán có bao nhiêu người sẽ chết ở các khu vực do Nga xâm lược ở Kherson do lũ lụt, đồng thời kêu gọi “thế giới phản ứng rõ ràng và nhanh chóng” để hỗ trợ các nạn nhân.

Ông cũng chỉ trích Liên Hiệp Quốc và Hội Hồng Thập Tự, những tổ chức mà ông cho rằng đã không giúp đỡ nỗ lực cứu trợ. “Quân đội và các dịch vụ đặc biệt của chúng tôi đang giải cứu mọi người nhiều nhất có thể, bất chấp các cuộc pháo kích. Nhưng những nỗ lực quy mô lớn là cần thiết,” ông nói.

“Chúng tôi cần các tổ chức quốc tế, chẳng hạn như Ủy ban Hồng Thập Tự Quốc tế, ngay lập tức tham gia chiến dịch giải cứu và giúp đỡ người dân ở khu vực Kherson bị tạm chiếm.

“Nếu một tổ chức quốc tế không có mặt trong vùng thảm họa, điều đó có nghĩa là nó hoàn toàn không tồn tại hoặc không có khả năng.”

Nhiều giờ sau thảm họa, “họ không có ở đây”, Zelenskiy nói với các hãng tin Bild, Die Welt và Politico. “Chúng tôi chưa có phản hồi. Tôi bị sốc.”

Việc phá hủy con đập gần tiền tuyến ở Ukraine đã khiến hàng chục ngôi làng và một số khu vực của thành phố lân cận bị ngập lụt, làm dấy lên lo ngại về một thảm họa nhân đạo. Các quan chức cho biết hàng nghìn người sẽ phải rời bỏ nhà cửa và nhiều người đã phải rời bỏ nhà cửa mà không có sự trợ giúp.

Zelenskiy cho biết tình hình đối với cư dân ở các khu vực Kherson bị Nga tạm chiếm là “hoàn toàn thảm khốc”. Ông cáo buộc các lực lượng Nga đã “bỏ mặc người dân trong những điều kiện tồi tệ này”, “không có cấp cứu, không có nước, phải ngồi trên mái nhà ở các cộng đồng bị ngập lụt”.

2. Trùm Wagner Prigozhin cho rằng vuộc tấn công của Ukraine đã ‘chọc thủng’ phòng tuyến của Nga

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine Offensive Has 'Broken Through' Russian Lines: Prigozhin”, nghĩa là “Trùm Wagner Prigozhin cho rằng vuộc tấn công của Ukraine đã ‘chọc thủng’ phòng tuyến của Nga.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thảo Ly.

Chỉ huy Tập đoàn lính đánh thuê Wagner, Yevgeny Prigozhin, đã kêu gọi Mạc Tư Khoa cung cấp cho ông ta 200.000 quân để ngăn chặn cuộc phản công đã được hứa hẹn từ lâu của Ukraine, khi các cuộc tấn công của quân đội Kyiv được cho là đã vượt qua các tuyến phòng thủ của Nga và chiếm được vị trí xung quanh thành phố Bakhmut bị tàn phá của Donetsk.

Prigozhin - nổi tiếng với công khai ngang tàng và chỉ trích hệ thống quân sự thông thường của Nga - cho biết trong một video đăng trên kênh Telegram chính thức của mình hôm thứ Ba rằng tổ chức Wagner của ông là lực lượng vũ trang duy nhất có khả năng ngăn chặn cuộc tổng phản công của Ukraine, mà các quan chức ở Nga và phương Tây nói rằng có thể đã bắt đầu.

“Tôi cần 200.000 người,” Prigozhin nói, như được trích dẫn trong một bài báo của The Moscò Times. “Ít hơn 200.000 người ở tiền tuyến Luhansk-Donetsk sẽ không đối phó được. Chúng tôi sẵn sàng chịu hoàn toàn trách nhiệm.”

Tranh chấp giữa Wagner và quân đội Nga về nguồn cung cấp ở Bakhmut đã khiến Prigozhin bắt đầu rút lực lượng của mình khỏi khu định cư bị phá hủy vào tháng trước. Wagner được cho là đã chịu tổn thất lớn khi chiếm Bakhmut, quân số của Wagner được hỗ trợ bởi các cựu tù nhân Nga được tuyển mộ để chiến đấu đã không còn bao nhiêu.

Prigozhin kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố huy động toàn quốc để mở rộng lực lượng quân sự của mình, mặc dù nói thêm rằng nếu không có thời hạn huấn luyện ba tháng đầy đủ, các đơn vị mới được thành lập này sẽ là “bia đỡ đạn”. Các chiến thuật của Wagner được cho là phụ thuộc rất nhiều vào “bia đỡ đạn” như vậy ở Bakhmut.

Prigozhin cho biết lực lượng Ukraine “đã chọc thủng tuyến phòng thủ” ở một số khu vực.

“Gần Bakhmut ở ba nơi, ở Toretsk có một sự tích tụ lớn, và họ sẽ sớm bắt đầu cắt đứt Kurdyumovka và Ozaryanovka. Khu vực Belgorod đang bùng nổ tại các khu giáp ranh. Ở Zaporizhzhia, họ đã chiếm được khu định cư quan trọng nhất. Bây giờ họ sẽ tấn công phía bắc và phía nam theo hướng Donetsk và sẽ không có thời gian. Không quân sẽ không cứu được tình hình. “

Prigozhin lại tấn công Bộ Quốc phòng Nga. “Không có sự quản lý, không có kế hoạch, không có sự chuẩn bị, không có sự tôn trọng lẫn nhau,” ông nói. “Và sau đó, tất cả những điều này được thay thế bằng cơn giận dữ ở cấp trên... Giờ đây chúng ta sẽ chịu tổn thất nghiêm trọng, tôi hoàn toàn chắc chắn về điều này. Chúng ta chắc chắn sẽ mất một phần lãnh thổ.”

Tiền tuyến phía nam phía nam Zaporizhzhia đã được quảng cáo là một trong những địa điểm có khả năng nhất cho cuộc phản công dự kiến của Ukraine. Nếu quân đội Ukraine có thể phá vỡ phòng tuyến của Nga ở đó, họ có thể tiến về phía nam để giải phóng Melitopol và tới bờ biển Azov, cắt đứt cây cầu trên bộ của Mạc Tư Khoa tới Crimea.

Tình hình ở khu vực này, Prigozhin nói, là một “thảm họa”. Anh ta nói thêm: “Novodonetskoye đã bị chiếm rồi. Và nếu quân đội rút lui xa hơn, đến độ sâu từ 5 đến 8 km, điều này có nghĩa là sau đó sẽ có một cuộc xâm nhập không kiểm soát được của đối phương.

“Chúng tôi hiểu rằng ít nhất 50 phần trăm cư dân khác của lãnh thổ này sẽ giúp đỡ Lực lượng Vũ trang Ukraine. Do đó, ngay khi họ tiến sâu hơn một chút, họ sẽ đến Berdyansk và Mariupol, và sẽ không thể ngăn cản họ”.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga qua email để yêu cầu bình luận.

Kyiv đang duy trì sự im lặng trong hoạt động đối với cuộc phản công dự kiến. Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết trong tuần này sẽ không có thông báo nào về việc bắt đầu chiến dịch, mặc dù cô cũng cho biết các đơn vị ở một số khu vực hiện đã chuyển sang “các hành động tấn công”.

Andriy Zagorodnyuk, cựu lãnh đạo Bộ Quốc phòng Ukraine hiện đóng vai trò cố vấn, nói với Newsweek rằng việc Prigozhin tiếp tục chỉ trích công khai kế hoạch chiến tranh của Nga phần lớn là vì lợi ích cá nhân.

“Tôi nghĩ anh ta chỉ đang thổi phồng thôi,” Zagorodnyuk nói. “Thành thật mà nói, có vẻ như anh ta đang đi theo con đường của cựu sĩ quan FSB Igor Girkin: Trở nên hữu ích ở một thời điểm nào đó, bị lãnh đạo quân đội Nga lật đổ, mất vai trò điều hành, trở thành nhân vật truyền thông và thổi phồng sự tiêu cực và chỉ trích.”

Ông nói: “Đây chỉ là ý kiến cá nhân của tôi. “Anh ấy chỉ đang xây dựng hồ sơ truyền thông của mình.”

https://www.newsweek.com/ukraine-offensive-broken-through-russian-lines-prigozhin-bakhmut-donetsk-zaporizhzhia-1804946

3. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh cho biết như sau:

Giữa một bức tranh hoạt động rất phức tạp, giao tranh khốc liệt vẫn tiếp tục dọc theo nhiều khu vực của mặt trận. Trong hầu hết các lĩnh vực, Ukraine nắm thế chủ động.

Các lực lượng Nga có thể vẫn được lệnh quay trở lại cuộc tấn công càng sớm càng tốt: Các đơn vị Chechnya đã dẫn đầu một nỗ lực bất thành nhằm chiếm thị trấn Marivka, gần thành phố Donetsk, nơi chiến tuyến ít thay đổi kể từ năm 2015.

Cho đến ngày 07 tháng 6, mực nước lũ tiếp tục dâng cao ở vùng hạ lưu Dnipro, sau sự việc của Đập Kakhovka, nhưng có khả năng sẽ bắt đầu rút vào ngày 08 tháng 6. Các cuộc pháo kích đã làm phức tạp một số nỗ lực di tản dân thường khỏi các khu vực ngập lụt.

4. Nga phá hủy một chiếc máy kéo của nông dân Ukraine, quay phim tuyên truyền là phá hủy xe tăng Leopard

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “'Leopard' Tank Blown Up in Russian Video Turns Out to Be Ukrainian Tractor”, nghĩa là “Xe tăng Leopard nổ tung trên video Nga hóa ra chỉ là chiếc xe máy kéo của Ukraine.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Truyền thông Nga đăng tải đoạn video ghi cảnh phá hủy xe tăng Leopard do Đức sản xuất trên cánh đồng ở Ukraine, ngay sau khi Bộ Quốc phòng Nga cho biết đã phá hủy thành công một số xe tăng và xe bọc thép do phương Tây cung cấp trong nỗ lực ngăn chặn cuộc tấn công của Kyiv.

Tuy nhiên, tuyên bố này đã bị vạch trần trong cộng đồng “blogger quân sự” của Nga sau khi một số phóng viên nhận thấy các phương tiện trong clip rất giống máy kéo và máy gặt đập liên hợp do Mỹ sản xuất.

Newsweek Mis Information Watch đã đánh giá các tuyên bố, yêu cầu phản biện và nhiều phần phân tích khác nhau từ dữ liệu nguồn mở OSINT để xác định sự thật đằng sau đoạn phim.

Hôm thứ Ba, 6 tháng 6, Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov, trong bản cập nhật hàng ngày cho biết vào ngày hôm trước, “chế độ Kyiv đã cố gắng tấn công theo bảy hướng với năm lữ đoàn,” và liệt kê những tổn thất của đối phương.

Trong số này có “hơn 1.600 binh sĩ, 28 xe tăng, trong đó có 8 xe tăng Leopard và 3 xe tăng bánh lốp AMX-10, 136 phương tiện quân sự khác, trong đó có 79 chiếc do nước ngoài sản xuất”, Konashenkov nói.

Cùng ngày, Ukraine cho biết lực lượng Nga đã mất 37 hệ thống pháo và 13 xe tăng chỉ trong một ngày.

Hôm thứ Ba, hãng truyền thông nhà nước Nga RIA Novosti đã công bố đoạn phim cho thấy “việc phá hủy các phương tiện vũ trang nước ngoài, bao gồm cả xe tăng Leopard”.

Các báo cáo về tổn thất được cho là đã nhanh chóng được các tài khoản mạng xã hội thân Nga thu thập, nhưng ngay sau đó các câu hỏi bắt đầu xuất hiện về tính xác thực của các tuyên bố xung quanh đoạn phim.

Phân tích của OSINT chỉ ra rằng các cuộc tấn công bằng trực thăng Ka-52 của Nga đã làm nổ tung một số phương tiện nông nghiệp do Mỹ sản xuất, bao gồm máy kéo phun thuốc John Deere 4830 và máy gặt đập liên hợp John Deere 9000; chứ không phải là xe tăng do Đức sản xuất.

“Người Nga đã phát hành một đoạn video trong đó họ tuyên bố một chiếc trực thăng Ka-52 của Nga tấn công “xe tăng Leopard 2”. Thực ra, chiếc Leopard này trông giống một chiếc máy kéo hơn, có lẽ là chiếc máy kéo John Deere 4830,” tài khoản Kherson Cat đã tweet như trên kèm thêm hình ảnh của máy kéo.

“Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đã phá hủy xe tăng Leopard 2 của Ukraine trong cuộc phản công gần đây - đạt đến một cấp độ đối phó mới. Các phương tiện bị hỏa tiễn tầm trung nhắm tới từ Ka-52 không những không giống xe tăng mà thực chất là thiết bị nông nghiệp vô tội - máy phun thuốc và máy liên hợp”, tài khoản Ukraine Weapons Tracker viết.

Các kênh Telegram ủng hộ Cẩm Linh nổi bật cũng phát hiện ra sự mâu thuẫn rõ ràng, công khai chế giễu các đoạn phim đã xuất bản.

“Những gì ở đằng kia? Chà, dù sao thì chúng ta cũng đánh thôi,” tài khoản Milinfolive, với hơn 500.000 người ghi danh, một cách bông đùa.

“Một cuộc trò chuyện rất hay giữa phi hành đoàn của trận chiến Ka-52, những người do chất lượng kém của hệ thống quang điện tử, thậm chí không thể xác định được những gì họ đang quan sát qua ống ngắm và quyết định tấn công mục tiêu.”

“Mục tiêu là một chiếc máy kéo-phun thuốc nông nghiệp, trên đó có thể nhìn thấy rõ các bánh xe. Nó đã được ghi nhận là xe tăng Leopard 2 của Đức trong báo cáo của Bộ Quốc Phòng.”

“Điều này thật đáng xấu hổ và làm lung lay niềm tin. Xin lỗi,” tác giả kết luận.

Các tài khoản có mức độ tương tác cao khác, chẳng hạn như Rybar, được cho là có quan hệ với bộ máy an ninh Nga, đã đánh giá ít nghiêm trọng hơn, kết luận rằng mặc dù video có khả năng gây hiểu lầm, nhưng “những sai lầm như vậy xảy ra trong bất kỳ cuộc chiến nào” và đổ lỗi cho bộ phận công chúng sự vụ của Bộ Quốc Phòng Nga.

Mặc dù Newsweek không thể xác định một cách độc lập và thuyết phục các phương tiện bị bắn trúng trong video, phân tích độc lập và sự đồng thuận rõ ràng của cả hai bên xung đột ủng hộ mạnh mẽ quan điểm rằng đó thực sự là thiết bị nông nghiệp chứ không phải xe tăng Leopard 2.

Nga thường xuyên tuyên bố đã phá hủy hệ thống hỏa tiễn HIMARS, mặc dù cho đến nay Ukraine hay Ngũ Giác Đài chưa xác nhận tổn thất nào như vậy.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để bình luận qua email.

5. Tổ chức phi chính phủ quốc tế cảnh báo nguy cơ bom mìn sau vụ vỡ đập Nova Kakhovka

Tổ chức nhân đạo quốc tế CARE cảnh báo rằng mìn có khả năng trôi nổi trong dòng nước lũ do sự việc vỡ đập Nova Kakhovka ở khu vực phía nam Kherson.

Giám đốc quốc gia của CARE Ukraine Fabrice Martin cho biết: “Khu vực trước đây có đập Kakhovka đầy mìn, hiện đang trôi nổi trên mặt nước và gây ra rủi ro rất lớn.

Martin cũng lưu ý “hậu quả thảm khốc” mà vụ vỡ đập có thể gây ra đối với môi trường.

Ông nói rằng dầu đã được xả ra sông Dnipro và cảnh báo rằng nhiều dầu hơn có thể bị rò rỉ, lặp lại những lo ngại mà người đứng đầu công ty sản xuất thủy điện chính của Ukraine đã đưa ra trong một cuộc phỏng vấn với CNN hôm thứ Ba.

Martin cho biết: “Ít nhất 150 tấn dầu đã được thải ra sông Dnipro với nguy cơ rò rỉ thêm hơn 300 tấn. Điều này có thể dẫn đến việc biến mất Công viên Tự nhiên Quốc gia Nyzhniodniprovskyi, với hơn 80.000 ha đất được bảo vệ.”

6. Ukraine cho biết hàng nghìn hecta ở cả hai bờ sông Dnipro sẽ bị ngập lụt

Bộ Nông nghiệp Ukraine cho biết 10.000 ha đất nông nghiệp sẽ bị ngập lụt sau khi đập Nova Kakhovka bị vỡ.

Bộ này cho biết con số này chỉ tính đến phần khu vực do Ukraine kiểm soát, tức là phía bên phải của sông Dnipro, đồng thời cho biết thêm rằng con số này sẽ “cao hơn nhiều lần ở phía bên trái dòng sông.”

Sự sụp đổ có thể biến các cánh đồng ở miền nam Ukraine “thành sa mạc”, Bộ này cho biết thêm.

Theo Bộ Nông nghiệp Ukraine, các khu vực sau đây sẽ “không có nguồn nước” sau vụ nổ đập Nova Kakhovka

94% hệ thống thủy lợi ở Kherson

74% hệ thống thủy lợi ở Zaporizhia

30% hệ thống thủy lợi ở Dnipropetrovsk

7. Ukraine yêu cầu Nga bồi thường hàng tỷ đô la cho việc phá hủy đập Nova Kakhovka

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine Demands Russia Pay Billions in Reparations for Dam Destruction”, nghĩa là “Ukraine yêu cầu Nga bồi thường hàng tỷ đô la cho việc phá hủy đập.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Kyiv đang yêu cầu Nga bồi thường hàng tỷ đô la cho việc phá hủy đập Nova Kakhovka ở miền nam Ukraine.

Oleg Usenko, cố vấn kinh tế của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, nói với Newsweek rằng việc phá hủy con đập quan trọng thời Liên Xô ở miền nam Ukraine trên sông Dnipro là “hoàn toàn khủng khiếp”.

Ukraine và NATO cáo buộc Nga đứng sau vụ phá hủy con đập. Zelenskiy cáo buộc các lực lượng Nga đã cho nổ tung Nhà máy Thủy điện Kakhovka từ bên trong cơ sở như một phần của “cuộc tấn công khủng bố”. Nga đã đổ lỗi cho Ukraine về thiệt hại, nói rằng hành động này được thực hiện để đánh lạc hướng sự chú ý khỏi một cuộc phản công “chùn bước”.

“Đây là một cuộc tấn công khủng bố rất rõ ràng của người Nga sẽ gây ra nhiều tác động tiêu cực: môi trường sẽ bị ảnh hưởng, người dân sẽ mất nhà cửa và cơ sở hạ tầng năng lượng của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng”, ông Usenko nói.

Ông nói: “Cái giá tổng thể của việc phá hủy con đập là “hàng tỷ đô la”.

“Nga phải bị ngăn chặn bằng mọi biện pháp có thể, kể cả các lệnh trừng phạt nặng nề. Ukraine cũng phải được bồi thường cho tất cả những thiệt hại do Nga gây ra - cho đến đồng xu cuối cùng”, ông Usenko nói.

Zelenskiy đã mô tả tình huống này là “một quả bom môi trường hủy diệt hàng loạt” khiến hàng trăm nghìn người không có nước uống bình thường. Hàng nghìn người đã được lệnh di tản khỏi khu vực Kherson bị tạm chiếm một phần trong bối cảnh mực nước dâng cao.

Bộ Nông nghiệp Ukraine cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Ba rằng sự việc vỡ đập sẽ gây ra lũ lụt cho hàng chục nghìn ha đất nông nghiệp ở miền nam Ukraine, cắt nguồn cung cấp nước cho 31 hệ thống thủy lợi ở các vùng Kherson, Zaporizhzhia và Dnipro của Ukraine.

“Việc phá hủy nhà máy thủy điện Kakhovka sẽ dẫn đến thực tế là các cánh đồng ở miền nam Ukraine có thể biến thành sa mạc vào năm tới”, Bộ Nông nghiệp cho biết. “Nhiều phần đất sẽ chìm trong nước ở bờ trái của khu vực hiện đang bị tạm chiếm.”

Anton Gerashchenko, cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ Ukraine, cho biết vụ nổ đập Nova Kakhovka cho thấy Putin sẵn sàng hy sinh mạng sống của cả thường dân Ukraine và Nga.

“Trước hết, đây là tín hiệu cho thấy Nga sử dụng chiến thuật 'tiêu thổ'. Chính quyền Nga không thể nào lại không tính toán đến hậu quả hành động của họ, chắc chắn họ không quan tâm đến cuộc sống và tương lai hạnh phúc của dân thường, nên họ đã ra tay”, Gerashchenko nói với Newsweek.

“Không chỉ người Ukraine, mà cả người dân của họ nữa. Vì vậy, hậu quả của thảm họa Crimea là một bằng chứng nữa cho thấy Điện Cẩm Linh không hề quan tâm đến người dân, và họ sẵn sàng hy sinh bất cứ ai”.

Ông Zelenskiy cho biết các công tố viên Ukraine đang điều tra vụ vỡ đập như một trường hợp “hủy diệt sinh thái” mà Nga phải chịu “trách nhiệm hình sự”.

“Hậu quả của thảm kịch sẽ rõ ràng sau một tuần nữa. Khi nước rút đi, sẽ rõ ràng những gì còn lại và điều gì sẽ xảy ra tiếp theo”, ông nói.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga qua email để xin bình luận.

8. Thị trưởng Ukraine nhận xét rằng Putin 'điên dại' đã hy sinh Crimea bằng cách cho nổ tung con đập

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “'Crazy' Putin Sacrificed Crimea by Blowing up Dam—Ukraine Mayor”, nghĩa là “Thị trưởng Ukraine nhận xét rằng Putin 'điên dại' đã hy sinh Crimea bằng cách cho nổ tung con đập”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Các quan chức Ukraine nói với Newsweek rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hy sinh mạng sống và tương lai hạnh phúc của cư dân sống ở Crimea bị sáp nhập bằng cách phá hủy đập Nova Kakhovka. Ivan Fedorov, thị trưởng của thành phố Melitopol phía nam bị tạm chiếm, nói rằng nhà lãnh đạo Nga là một tên “điên rồ”.

Nga và Ukraine đã đổ lỗi cho nhau về thiệt hại đối với con đập quan trọng thời Liên Xô ở miền nam Ukraine trên sông Dnipro. Nó đã bị phá vỡ vào đầu giờ sáng thứ Ba, làm lan tràn nước trên các dải lãnh thổ trước một cuộc phản công được dự kiến của Kyiv.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã mô tả tình huống này là “một quả bom môi trường hủy diệt hàng loạt” khiến hàng trăm nghìn người không có nước uống bình thường. Hàng nghìn người đã được lệnh di tản khỏi khu vực Kherson bị tạm chiếm một phần trong bối cảnh mực nước dâng cao.

Sự sụp đổ của con đập cũng có thể có tác động tàn phá đối với Crimea, bán đảo ở Hắc Hải mà Putin đã sáp nhập bất hợp pháp từ Ukraine vào năm 2014. Kênh đào Bắc Crimean thời Liên Xô, theo truyền thống cung cấp 85% lượng nước cho Crimea, lấy nước từ Hồ chứa nước Nova Kakhovka qua con kênh hiện đã bị phá hủy.

Hầu hết nước từ Kênh Bắc Crimean được sử dụng cho nông nghiệp hoặc công nghiệp, nhưng khoảng 1/5 được sử dụng làm nước uống, đáp ứng hầu hết nhu cầu của bán đảo.

Vladimir Leontyev, người đứng đầu khu vực Kherson do Nga bổ nhiệm, đã nêu lên những lo ngại về “việc cung cấp nước cho Crimea”. Sergei Aksyonov, Thống đốc khu vực bán đảo Crimea, do Nga dựng nên, nói rằng Crimea có đủ lượng nước trong các hồ chứa của nó.

Fedorov, thị trưởng thành phố Melitopol ở vùng Zaporizhzhia của Ukraine, nói với Newsweek rằng có khả năng sẽ có vấn đề về cấp nước ở Crimea trong nhiều năm vì sự phá hủy của con đập.

Fedorov nói: “Chúng ta sẽ gặp vấn đề lớn với nước - nước uống ở Crimea - bởi vì cơ sở hạ tầng cấp nước cần đến sông Dnipro”.

“Sau khi làm hư hại đập Kakhovka, tất cả cơ sở hạ tầng của nó đã bị phá hủy. Bây giờ không thể cung cấp nước cho Crimea. Đó là lý do tại sao, tôi hiểu rằng trong nhiều năm, Crimea sẽ không có nước. Chúng ta cũng sẽ gặp vấn đề như vậy đối với khu vực Zaporizhzhia bị tạm chiếm của chúng ta vì nhiều thành phố và làng mạc lấy nước từ sông.”

Melitopol, nơi có dân số trước chiến tranh là 150.000 người, là một trong những khu vực đầu tiên rơi vào tay lực lượng Nga sau cuộc xâm lược toàn diện bắt đầu vào tháng 2 năm ngoái. Fedorov đã bị bắt và giam giữ bởi Cơ quan An ninh Liên bang Nga, gọi tắt là FSB, vào tháng 3 năm 2022 trong sáu ngày cho đến khi anh ta được trả tự do trong một cuộc trao đổi tù nhân.

Thị trưởng cho biết Putin phải chịu trách nhiệm về việc phá hủy con đập, dù biết rằng nó sẽ có tác động tàn phá như vậy đối với Crimea.

“Putin không suy nghĩ. Hắn ta là một tên điên. Khi bạn nói về đập Nova Kakhovka, bạn nghĩ về công dân và về con người. Nhưng Putin không bao giờ nghĩ về công dân. Hắn ta chỉ nghĩ về bản thân và chỉ về chính trị. Đó là lý do tại sao Putin phát điên”, Fedorov nói.

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov đã cáo buộc Ukraine về điều mà ông cho là hành động phá hoại, nói rằng việc phá hủy con đập có thể ảnh hưởng đến nguồn cung cấp nước của Crimea. Ông Peskov nói thêm rằng mục đích của Ukraine là tước đoạt nguồn nước của Crimea và Kênh Bắc Crimea đã nhận được ít nước hơn đáng kể.

Elina Beketova nói với Newsweek: “Crimea có thể bị thiếu nước - một số nhà chức trách Ukraine nói - trong nhiều năm. Cô là thành viên nội trú của chương trình Học bổng Dân chủ tại Trung tâm Phân tích Chính sách Âu Châu ở Washington, DC.

“Mặc dù có trữ lượng nước, nhưng chúng ta có thể thấy rằng Crimea sẽ gặp vấn đề về nước uống,” Beketova nói.

Anton Gerashchenko, cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ Ukraine, cho biết vụ sập đập cho thấy Putin sẵn sàng hy sinh mạng sống của cả dân thường Ukraine và Nga như thế nào.

“Trước hết, đây là tín hiệu cho thấy Nga sử dụng chiến thuật 'thiêu đốt'. Chính quyền Nga không thể nào lại không tính toán được hậu quả hành động của họ, nhưng họ chắc chắn không quan tâm đến cuộc sống và tương lai hạnh phúc của dân thường”, Gerashchenko nói với Newsweek.

“Không chỉ người Ukraine, người Nga của họ cũng vậy. Vì vậy, hậu quả của thảm họa Crimea là một bằng chứng nữa cho thấy Điện Cẩm Linh không hề quan tâm đến người dân, và họ sẵn sàng hy sinh bất cứ ai”.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga qua email để xin bình luận.

9. Chiến lược làm đất ngập lụt của Nga

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia's Drowned-Earth Strategy”, nghĩa là “Chiến lược làm đất ngập lụt của Nga.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Ukraine đã cáo buộc Nga sử dụng phiên bản băng hoại hơn nữa của chiến thuật “thiêu đốt” sau vụ phá hủy đập Kakhovka, gây ngập lụt nhiều khu vực ở miền nam Ukraine.

Đại Sứ của Ukraine tại Liên Hiệp Quốc Sergiy Kyslytsya đã đề cập đến chiến lược quân sự trong đó bất cứ thứ gì có thể hữu ích cho đối phương đều bị phá hủy, khi ông lên án Mạc Tư Khoa đứng sau vụ nổ gây ra lũ lụt thảm khốc, gây ra các cuộc di tản hàng loạt và sự phẫn nộ của quốc tế.

Kyslytsya nói với Liên Hiệp Quốc hôm thứ Tư: “Bằng cách sử dụng chiến thuật thiêu đốt, hoặc trong trường hợp này là chiến thuật ngập nước, quân xâm lược Nga đã nhận ra một cách hiệu quả rằng lãnh thổ bị tạm chiếm không thuộc về họ”.

Ý kiến này được lặp lại bởi cố vấn các vấn đề nội bộ Ukraine Anton Gerashchenko, người đã nói với Newsweek rằng việc phá hủy con đập “là tín hiệu cho thấy Nga sử dụng chiến thuật 'thiêu đốt'.”

Gerashchenko nói: “Các nhà chức trách Nga không thể nào lại không tính toán được hậu quả các hành động của họ nhưng họ chắc chắn không quan tâm đến cuộc sống và tương lai hạnh phúc của thường dân,” Gerashchenko nói, “không chỉ người Ukraine—cả dân Nga nữa”.

“Hậu quả của thảm họa đối với Crimea là một bằng chứng nữa cho thấy Điện Cẩm Linh không hề quan tâm đến người dân và họ sẵn sàng hy sinh bất cứ ai,” ông nói thêm, sau các báo cáo cho rằng bán đảo mà Nga sáp nhập vào năm 2014 có thể đối mặt với tình trạng thiếu nước ngọt về lâu dài.

Nga đã phủ nhận trách nhiệm về việc con đập bị phá hủy và cáo buộc Ukraine phá hoại phần cơ sở hạ tầng quan trọng trên sông Dnipro vốn nằm dưới sự kiểm soát của Mạc Tư Khoa. Điện Cẩm Linh cũng không quan tâm đến việc cung cấp bằng chứng cho luận điệu của họ.

Đây không phải là lần đầu tiên Ukraine cáo buộc các lực lượng của Vladimir Putin thực hiện một chiến lược đã có tiền lệ trong lịch sử Nga. Chính sách thiêu đốt đã được Nga triển khai trong cuộc xâm lược của Napoléon vào năm 1812, khiến Quân đội Pháp chỉ còn chiếm giữ được những tàn tích đang cháy của Mạc Tư Khoa.

Một số người dùng mạng xã hội đã so sánh số phận của đập Kakhovka với lệnh của nhà độc tài Liên Xô Joseph Stalin phá hủy một con đập bắc qua sông Dnipro vào năm 1941 để ngăn chặn quân Đức xâm lược. Tương tự, vào năm 1938, Trung Quốc cho lũ lụt phá hủy những con đê trên sông Hoàng Hà để ngăn chặn quân Nhật xâm lược, với cái giá là sinh mạng của hàng chục nghìn dân thường bị mất.

Ukraine đã nhiều lần sử dụng thuật ngữ “thiêu đốt” để mô tả các chiến thuật của quân đội Nga kể từ khi bắt đầu cuộc chiến vào tháng 2 năm 2022, ý nghĩa của thuật ngữ này là nỗ lực biến các khu vực của Donetsk và Luhansk thành đống đổ nát và gần đây nhất là trong cuộc chiến khốc liệt cho thành phố Bakhmut.

“Họ đang cố gắng tìm mọi cách có thể để gây thiệt hại và khiến Ukraine khó hoạt động như một quốc gia, chứ đừng nói đến việc truy tố hoạt động quân sự của họ,” Keir Giles, thành viên tư vấn cấp cao, tại nhóm chuyên gia cố vấn Chatham House trong chương trình Nga và chương trình Á-Âu, cho biết..

“Điều đó hoàn toàn phù hợp với cách Nga tiến hành cuộc chiến này kể từ khi có thông tin rõ ràng rằng Ukraine sẽ không sụp đổ trong vòng ba ngày khi Putin phát động cuộc xâm lược Ukraine,” ông nói với Newsweek.

Cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng thuyết phục về việc con đập bị vỡ như thế nào, mặc dù Ukraine đã nói rằng ý định của Mạc Tư Khoa là ngăn chặn cuộc tấn công của Kyiv trong khu vực.

“Nếu bạn tạo ra một đầm lầy rộng hàng dặm mà ai đó có thể tấn công ngang qua thì bản thân đầm lầy đó đã là một cấu trúc phòng thủ,” Giles nói.

Cố vấn tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak cho biết Mạc Tư Khoa đã phá hủy con đập để ngăn chặn cuộc tấn công của Ukraine ở khu vực này. Sergej Sumlenny, người sáng lập Trung tâm Sáng kiến Khả năng phục hồi Âu Châu, một tổ chức tư vấn của Đức, nói rằng các mục tiêu của Điện Cẩm Linh không chỉ giới hạn trong việc ngăn chặn các nỗ lực tái chiếm lãnh thổ mà Kyiv đã dự kiến.

Ông nói với Newsweek: “Họ đã làm điều đó họ chỉ nhằm ngăn chặn người Ukraine tiến lên, mà mục tiêu của họ còn là áp đặt cho Ukraine những cái giá phải trả trong dài hạn”.

“Đó là sự trả thù như muốn nói rằng 'bạn đã không chấp nhận chúng tôi, bạn sẽ phải đau khổ',” anh nói.

Newsweek đã liên hệ với Điện Cẩm Linh qua email để bình luận.

10. Tổng thống Pháp và Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc thảo luận về tình hình nhân đạo ở Ukraine sau vụ vỡ đập

Trong một tuyên bố, Điện Elysée cho biết tình hình nhân đạo ở Ukraine sau vụ vỡ đập Nova Kakhovka là chủ đề cuộc trò chuyện giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres hôm thứ Tư.

“Tổng thống Cộng hòa đã đề cập đến thực tế là Trung tâm Hỗ trợ và Khủng hoảng của Bộ Ngoại giao sẽ sớm cử một đoàn xe đầu tiên khoảng mười tấn thiết bị để đáp ứng nhu cầu trước mắt của người dân như sức khỏe, vệ sinh, lọc nước, bể chứa di động”

“Tổng thống cũng bày tỏ hy vọng rằng viện trợ nhân đạo sẽ được cung cấp cho người dân Ukraine bị ảnh hưởng bởi lũ lụt và sống ở các vùng lãnh thổ do quân đội Nga kiểm soát”

Hôm thứ Tư, Macron cũng đã nói chuyện với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, và bày tỏ “tình đoàn kết với người dân Ukraine sau vụ tấn công vào đập Kakhovka.”

“Pháp lên án hành động tàn bạo này, đang gây nguy hiểm cho người dân,” tổng thống Macron nói. “Trong vòng vài giờ tới, chúng tôi sẽ gửi viện trợ để đáp ứng nhu cầu trước mắt.”

Về phần mình, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã thảo luận về tình hình hiện tại ở khu vực Kherson sau vụ vỡ đập Nova Kakhovka với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Zelenskiy cho biết họ đã nói chuyện qua điện thoại hôm thứ Tư về “hậu quả môi trường và nhân đạo do hành động khủng bố của Nga gây ra, đồng thời vạch ra những nhu cầu cấp thiết của Ukraine để loại bỏ thảm họa”.

“Chúng tôi đã thảo luận về khả năng sử dụng các cơ chế quốc tế để điều tra nguyên nhân của nó,” Zelenskiy nói.

“Chúng tôi đã đồng ý tiếp tục hợp tác quốc phòng, đặc biệt là bảo vệ bầu trời của chúng ta. Chúng tôi mong muốn việc huấn luyện phi công Ukraine bắt đầu sớm nhất có thể”, ông nói thêm.

Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal, trong một thông điệp video hôm thứ Tư, đã kêu gọi Liên Hiệp Quốc, Hội Hồng Thập Tự Quốc tế và các tổ chức khác giúp đỡ người dân ở những khu vực bị ngập lụt ở Kherson bị Nga tạm chiếm.

Shmyhal nói: “Quân xâm lược Nga thậm chí không nỗ lực giúp đỡ những người này, họ đã bỏ mặc họ cho đến chết”.

Shmyhal cho biết Ngân hàng Thế giới sẽ tiến hành “đánh giá nhanh về thiệt hại và nhu cầu” do sự việc vỡ đập gây ra.
 
Lm bị treo chén vì thích làm quan hơn làm cha. Con heo biết bay ở Moscow? Tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục Ukraine
VietCatholic Media
17:29 08/06/2023


1. Linh mục bị treo chén vì ra tranh cử làm thống đốc tại Nigeria

Lần thứ hai tại bang Benue bên Nigeria, một cựu linh mục được bầu làm Thống đốc tiểu bang, đó là Hyacinth Lorem Alia, vốn nổi tiếng về các thánh lễ “chữa bệnh” cho các bệnh nhân và trừ tà.

Đức Cha William Avenya, Giám mục bản quyền của Giáo phận Gboko, chiếu theo giáo luật cấm các giáo sĩ không được tham gia chính trị, đã ra lệnh cấm linh mục Lorem Alia không được thi hành chức vụ linh mục nữa, sau khi vị này quyết định ra tranh cử. Đức Cha nói: “Việc linh mục này ra ứng cử là điều hoàn toàn trái ngược với ơn gọi của giáo sĩ”.

Ông Lorem Alia nhờ sự nổi tiếng của mình, đã thu hút được biểu các cử tri. Trước đây cũng có một linh mục tên là Moses Orshio Adasu, ra tranh cử trong đảng dân chủ xã hội và thắng cử Thống đốc vào năm 1992, nhưng sau đó bị giới quân nhân “hạ bệ’ vào tháng Mười năm 1993 sau đó.

Ông Lorem Alia nguyên là một tiến sĩ đạo đức sinh học, và cộng tác với Đại học Công Giáo của Giáo phận Gboko. Từ lâu vị này tỏ ra có tham vọng chính trị và cộng tác với đảng “Toàn Quốc đại cấp tiến” (All Progressives Congress, Apc). Đối với nhiều người, ông là biểu tượng một cuộc chiến đấu chống lại tình trạng bất an trong xã hội.

Tại vài nước Phi châu cũng có những trường hợp linh mục dấn thân vào các hoạt động chính trị, như tại Côte d’Ivoire và Cộng hòa Dân chủ Congo.

2. Tình trạng sức khoẻ của Đức Thánh Cha Phanxicô

Các bác sĩ cho biết tình trạng của Đức Thánh Cha sau phẫu thuật là ổn định và ngài hoàn toàn có thể tham gia Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Bồ Đào Nha.

Đức Thánh Cha Phanxicô, 86 tuổi, đã hủy các cuộc họp vào ngày 26 tháng 5 do bị sốt. Ngài đã tiếp tục các hoạt động bình thường của mình vào ngày hôm sau.

Vào cuối tháng 3, ngài phải nhập viện bốn ngày vì nhiễm trùng phổi.

Từ đầu năm 2022, giáo hoàng bị đau đầu gối. Ngài bắt đầu thấy khó khăn trong việc đi đứng và đã phải sử dụng gậy và xe lăn trong hơn một năm.

Năm nay, ngài cũng đã phải đối mặt với căn bệnh tái phát viêm túi thừa, một chứng viêm sưng đau ở ruột già, mà ngài đã được phẫu thuật vào tháng 7 năm 2021.

Bất chấp những thách thức y tế gần đây của ngài, Vatican gần đây đã thông báo ý định của Đức Thánh Cha đến thăm Mông Cổ từ ngày 31 tháng 8 đến mùng 1 tháng 9.

Đức Phanxicô cũng dự kiến sẽ có mặt tại Lisbon, Bồ Đào Nha, cho Ngày Giới trẻ Thế giới từ ngày 2 đến ngày 6 tháng 8. Chuyến đi cũng bao gồm một chuyến viếng thăm Đền Thánh Đức Mẹ Fatima.

3. Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương kêu gọi cộng đồng thế giới lên án việc Nga cho nổ thủy điện Kakhovka

Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk đã phản ứng trước việc người Nga cho nổ tung nhà máy thủy điện Kakhovka vào lúc 2:50 sáng hôm thứ Ba.

Ngài kêu gọi cộng đồng thế giới lên án việc Nga cho nổ thủy điện Kakhovka.

“Nga tiếp tục cuộc xâm lược diệt chủng chống lại Ukraine. Việc phá hủy nhà máy thủy điện Kakhovka là một tội ác chiến tranh khác, một thảm họa khủng khiếp về môi trường do con người gây ra, đồng thời là tội lỗi chống lại Chúa là Đấng Tạo Hóa, Đấng đã kêu gọi con người nuôi dưỡng chứ không phải hủy diệt thế giới mà Ngài đã tạo ra. Vụ nổ đập thủy điện Kakhovka đã khiến hàng nghìn người gặp nguy hiểm tính mạng, con số này ngày càng tăng. Sự sụt giảm nhanh chóng mực nước trong hồ chứa Kakhovka do vụ nổ là mối đe dọa đối với nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia bị tạm chiếm,” Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav cho biết như trên.

Ngài kêu gọi cầu nguyện cho những người đang gặp nguy hiểm và sự khôn ngoan và can đảm cho các dịch vụ cấp cứu di tản thường dân.

Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav cũng nói với thế giới: “Chúng tôi cảm ơn những người có thiện chí trên toàn thế giới đang giúp cứu sống những người ở Ukraine trong những thời điểm nguy hiểm này. Đồng thời, chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế lên án những hành động khủng bố này của kẻ xâm lược Nga và đáp trả lại một cách thích đáng”.

Được biết, vào rạng sáng ngày 6 tháng 6, quân xâm lược Nga đã cho nổ đập nhà máy thủy điện Kakhovka. Nhà máy thủy điện không thể phục hồi. Việc di tản người dân khỏi các ngôi làng bị ngập lụt vẫn tiếp tục. Có khoảng 80 khu định cư trong khu vực bị ngập lụt.


Source:UGCC

4. Tóm lược chuyến viếng thăm Kyiv của Đức Hồng Y Matteo Zuppi

Đặc phái viên của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Ukraine, Đức Hồng Y Matteo Zuppi hôm thứ Ba đã kết thúc chuyến thăm hai ngày “ngắn nhưng bận rộn” tới Kyiv, trong đó có cuộc gặp với Tổng thống Volodymyr Zelenskiyy.

“Kết quả của những cuộc nói chuyện này, chẳng hạn như những cuộc nói chuyện với các đại diện tôn giáo, cũng như kinh nghiệm trực tiếp về sự đau khổ tàn khốc của người dân Ukraine do hậu quả của cuộc chiến đang diễn ra, sẽ được Đức Thánh Cha lưu ý,” Vatican News cho biết trong một bản tin hôm thứ Ba.

Bản tin cho biết các cuộc trò chuyện của Đức Hồng Y Zuppi “chắc chắn sẽ hữu ích trong việc đánh giá các bước cần thực hiện ở cả cấp độ nhân đạo và tìm kiếm con đường dẫn đến một nền hòa bình công bằng và lâu dài”.

Vào sáng thứ Ba, Zuppi đã dừng lại để cầu nguyện tại Nhà thờ St. Sophia của Kyiv, một trung tâm lịch sử của Kitô giáo.

Sau đó, ngài đã gặp tổng thống Zelenskiyy và các nhà lãnh đạo chính trị khác. Theo Avvenire, tờ báo do Hội đồng Giám mục Ý xuất bản, cuộc gặp với tổng thống diễn ra “rất thân mật”.

Tổng thống Zelenskiyy, viết trên Telegram, cho biết ông và Đức Hồng Y Zuppi đã thảo luận về tình hình ở Ukraine và hợp tác nhân đạo.

“Chỉ có những nỗ lực chung, sự cô lập ngoại giao và áp lực đối với Nga mới có thể mang lại hòa bình chính đáng trên đất Ukraine,” tổng thống nói. “Tôi yêu cầu Tòa thánh giúp thực hiện kế hoạch hòa bình Ukraine. Ukraine hoan nghênh thiện chí của các quốc gia và đối tác khác tìm cách đạt được hòa bình, nhưng vì chiến tranh đang diễn ra trên lãnh thổ của chúng tôi nên giải pháp để đạt được hòa bình chỉ có thể là từ Ukraine”.

Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết Đức Hồng Y cảm ơn chính quyền dân sự Ukraine về các cuộc gặp gỡ, đặc biệt là cuộc gặp với tổng thống Ukraine.

Tháng trước, Đức Thánh Cha Phanxicô đã yêu cầu Đức Hồng Y Zuppi, tổng giám mục Bologna và là chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý, phục vụ với tư cách là đặc phái viên của giáo hoàng để “khởi xướng các con đường hòa bình” giữa Nga và Ukraine.

Đức Hồng Y có mối quan hệ chặt chẽ với cộng đồng xây dựng hòa bình có ảnh hưởng lớn Sant'Egidio, một hiệp hội giáo dân Công Giáo. Sant'Egidio đã tham gia các cuộc đàm phán hòa bình ở nhiều quốc gia bao gồm Mozambique, Nam Sudan, Congo, Burundi và Cộng hòa Trung Phi.

Hôm thứ Hai, ngày đầu tiên trong chuyến thăm của mình, Đức Hồng Y Zuppi đã đến thăm thị trấn Bucha cách Kyiv khoảng 16 dặm về phía Tây. Ngài cầu nguyện trước mộ của hàng chục thường dân bị quân đội Nga thảm sát vào tháng 3 năm 2022. Nhiều nạn nhân đã bị tra tấn và chôn cất trong những ngôi mộ tập thể.

Ông đã gặp Dmytro Lubinets, ủy viên nhân quyền của Quốc hội Ukraine. Các chủ đề thảo luận bao gồm việc đối xử với trẻ em Ukraine ở các vùng lãnh thổ do Nga xâm lược và đối xử với tù nhân, bao gồm cả thường dân.

Cũng trong ngày thứ Hai, Đức Hồng Y đã gặp gỡ các đại diện của Hội đồng các Giáo hội và Tổ chức Tôn giáo.

Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Vatican, hôm 26 tháng 5 nói rằng sứ mệnh của Đức Hồng Y Zuppi không lấy hòa giải làm mục tiêu trước mắt. Thay vào đó, vai trò của ngài là nhằm tạo ra môi trường hòa giải và “giúp hướng tới một giải pháp hòa bình”.


Source:Catholic News Agency

5. Vị Hồng Y xây dựng hòa bình này có thể mang lại tiến bộ ở Ukraine không?

Đức Hồng Y Zuppi đã ở Kyiv trong 2 ngày với tư cách là đặc phái viên của Đức Thánh Cha Phanxicô, nhưng đây chắc chắn không phải là vùng xung đột đầu tiên mà ngài bước vào với sứ mệnh hòa bình.

Đức Hồng Y Matteo Maria Zuppi đã đến Kyiv “với tư cách là đặc phái viên của Đức Giáo Hoàng” vào ngày 5 và 6 tháng 6 năm 2023, văn phòng báo chí Vatican cho biết như trên. Nhiệm vụ của Đức Tổng Giám Mục Bologna và chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý là “ lắng nghe sâu sắc các nhà chức trách Ukraine về những cách khả thi để đạt được hòa bình lâu dài và ủng hộ những cử chỉ nhân đạo góp phần làm dịu căng thẳng”.

Vào ngày 20 tháng 5, Đức Thánh Cha đã giao cho vị Hồng Y người Ý nhiệm vụ “dẫn đầu một sứ mệnh, với sự đồng ý của Phủ Quốc vụ khanh, để góp phần làm dịu căng thẳng trong cuộc xung đột ở Ukraine.”

Vào thời điểm đó, Tòa thánh thông báo rằng các chi tiết của sự can thiệp ngoại giao này vẫn đang được nghiên cứu.

Đức Hồng Y Zuppi từ lâu đã là thành viên của cộng đồng giáo dân Sant'Egidio, một hiệp hội Công Giáo cam kết đối thoại đại kết và hoạt động vì hòa bình.

Trên thực tế, Đức Hồng Y đã có một lịch sử lâu dài trong việc giúp mang lại hòa bình trong một số cuộc xung đột thế giới nghiêm trọng.

Khi vẫn chỉ là một linh mục, ngài đã đóng vai trò là người hòa giải trong một số cuộc xung đột. Ngài làm trung gian vào năm 1992 tại Mozambique, lúc đó đang bị nội chiến tàn phá. Sau đó, ngài làm trung gian thay mặt cho Sant'Egidio ở Tanzania, Cuba, Kosovo và Xứ Basque vào năm 2017, khi các thành viên của ETA quyết định coi ngài là 'bảo chứng đạo đức' của họ khi họ hạ vũ khí.

Cộng đồng Sant'Egidio đã có tầm quan trọng đáng kể dưới triều đại giáo hoàng của Đức Phanxicô, đôi khi được mô tả như một cơ quan ngoại giao song song với cơ quan của Bộ Ngoại giao.

Theo Reuters, sứ mệnh được giao phó cho vị Hồng Y 67 tuổi người Ý là gặp riêng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenski và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Trong khi không có đại diện giáo hoàng nào được tiếp đón tại Mạc Tư Khoa kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột, thì Đức Hồng Y Zuppi không phải là đại diện đầu tiên của giáo hoàng đến thăm Ukraine.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử Đức Hồng Y Konrad Krajewski, Tổng trưởng Thánh bộ Phục vụ Bác ái và là quan phát chẩn của Đức Giáo Hoàng, đến đất nước bị chiến tranh tàn phá năm lần, nơi ngài đã mang theo dụng cụ y tế và xe cứu thương.

Đức Hồng Y Michael Czerny, Tổng Trưởng Thánh Bộ Cổ võ Sự Phát triển Con người Toàn diện, cũng đã thực hiện một chuyến viếng thăm ngắn tới Ukraine từ biên giới Hung Gia Lợi vào tháng 3 năm 2022.

Cũng có các Hồng Y khác đã đến thăm Ukraine mà không được Đức Giáo Hoàng yêu cầu, chẳng hạn như Hồng Y Thụy Điển Anders Arborelius vào ngày 1 tháng Sáu vừa qua.

Đức Tổng Giám Mục Paul Richard Gallagher, Bộ trưởng Quan hệ với các Quốc gia và là trụ cột ngoại giao của Giáo hoàng, cũng đã đến thăm Ukraine từ ngày 18 đến ngày 20 tháng 5 năm 2022. “Chuyến thăm của tôi nhằm thể hiện sự gần gũi của Tòa thánh và Đức Thánh Cha Phanxicô đối với người dân Ukraine, đặc biệt trước sự xâm lược của Nga, “ ngài nói vào thời điểm đó.

Theo một nguồn tin của Vatican, trong một thời gian, Tòa thánh đã xem xét chuyến thăm của Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh, nhưng đã loại trừ vì nó có thể được coi là sự chuẩn bị cho chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng. Trong những tháng đầu tiên của cuộc xung đột, Đức Giáo Hoàng đã bày tỏ mong muốn đến thăm cả Mạc Tư Khoa và Kyiv, trước khi từ bỏ dự án này.

Ukraine rất mong muốn Đức Giáo Hoàng đến thăm và trong cuộc triều yết Đức Thánh Cha hôm 13 Tháng Năm vừa qua, Tổng thống Zelenskiy đã lặp lại lời mời Đức Thánh Cha đến thăm Ukraine. Tuy nhiên, Đức Tổng Giám Mục Visvaldas Kulbokas, 48 tuổi, người Lithuania, Sứ thần Tòa Thánh cho biết:

“Thật là tuyệt vời và rất có ý nghĩa nếu có Đức Giáo Hoàng ở giữa chúng ta, nhưng tôi đã suy nghĩ rất lâu và kỹ lưỡng với các giám mục và, thật không may, thật không dễ dàng chút nào để tổ chức một chuyến thăm trong hoàn cảnh này.” Trong điều kiện hiện tại, một chuyến đi như vậy dường như là bất khả thi đối với Đức Giáo Hoàng. Ngài giải thích rằng “Nếu Đức Giáo Hoàng đến, ngài không thể chỉ đến phủ tổng thống như nhiều vị quốc khách khác. Chắc chắn sẽ có những cuộc tụ họp đông người để chào đón Đức Thánh Cha, thánh lễ ngoài trời, vân vân. Trong hoàn cảnh chiến tranh hiện nay khi người Nga liên tục tấn công bằng hỏa tiễn và máy bay không người lái vào các thành phố của Ukraine, khả năng bảo vệ an ninh cho Đức Thánh Cha là rất căng thẳng.”

Đối với Linh mục Martin Werlen, cựu tu viện trưởng tu viện Dòng Biển Đức ở Einsiedeln, một chuyến đi như vậy sẽ phản tác dụng ở chỗ có thể chọc tức Vladimir Putin và Thượng phụ Kirill của Mạc Tư Khoa, khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Ngài cũng tin rằng nếu Kirill lên án chiến tranh, Putin sẽ sớm bị tước vũ khí. Cha Werlen ngậm ngùi nói: “Nhưng Kirill đã không làm như thế, ông ta đã để cho Putin mua lại mình”.

Còn khả năng Đức Thánh Cha viếng thăm Mạc Tư Khoa trước và thăm Kyiv sau đó thì sao? Đó là chuyện con lạc đà chui qua lỗ kim. Chính Thống Giáo, đặc biệt Chính Thống Giáo của Kirill không đời nào chấp nhận một vị Giáo Hoàng đến thăm nước Nga.

Peter Anderson, một ký giả kỳ cựu chuyên về các vấn đề liên quan đến Chính Thống Giáo cho biết hôm 25 tháng 5, 2019, Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ với Đức Thượng Phụ Daniel của Chính Thống Giáo Rumani. Một ngày trước đó, đại diện của Chính Thống Giáo Nga đã đến gặp Đức Thượng Phụ Daniel và bảo ngài phải tránh lặp lại một biến cố đã xảy ra vào năm 1999 khi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đến thăm Rumani, 10 năm sau sự sụp đổ của bức tường Bá Linh. Trong chuyến tông du này, vui mừng với tự do vừa đạt được, các tín hữu Chính Thống Giáo đã tham dự các cử hành của vị Giáo Hoàng Ba Lan, và hô lớn “hiệp nhất, hiệp nhất”. Các Giám Mục và linh mục Chính Thống Giáo Rumani cũng nhiệt thành tham gia vào các cử hành của Công Giáo trong dịp này. Được sự dặn dò của Thượng Phụ Kirill, khi Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi mọi người cùng đọc kinh Lạy Cha, Thượng Phụ Daniel đã không hề nhếch mép.

Ngày 12 tháng Hai, 2016 Đức Thánh Cha Phanxicô đã có cuộc gặp gỡ lịch sử với Thượng Phụ Kirill tại phòng khánh tiết của sân bay Havana của Cuba. Peter Anderson nhấn mạnh rằng hai vị đã không cầu nguyện chung.

Ông nhấn mạnh rằng, Chính Thống Giáo Nga vẫn coi Công Giáo là “tà ma ngoại đạo”, việc cầu nguyện chung là không thể. Thành ra, khả năng Đức Thánh Cha tông du sang Nga lại càng là chuyện không thể. Đó là chuyện con heo biết bay. Trong đời chúng ta sẽ không hân hạnh thấy được điều đó đâu.


Source:Aleteia