Ngày 03-06-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:26 03/06/2019
27. Bất cứ việc gì đều có chỗ cực kỳ của nó, thiện thì có chỗ cực kỳ của thiện, ác thì có cái cực kỳ của ác, con người ta không thể đột nhiên mà đạt tới chỗ cực kỳ. (Thánh Bernardus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")

----------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

https://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:33 03/06/2019
32. GIỮA TIỆC KHOE MẶT

Có nhà nọ đãi tiệc mời khách, ngồi bên trên có hai người khách. Một người mù mắt trái người kia mù mắt phải.

Tiệc sắp bắt đầu, có người khách bị cận thị đến muộn, chủ nhà bèn mời ông ta đến ngồi bàn bên trên ấy, người ấy nhích đến trước bàn tiệc, nhướng cặp mắt nhặm nhìn rất lâu sau đó hỏi một người ngồi kề bên:

- “Ngồi bàn trên khoe cái mặt là ai vậy ?”

(Quảng Tiếu phủ)

Suy tư 32:

Người ngồi bàn trên chỗ giữa “khoe cái mặt” ấy không ai khác hơn là ông chủ nhà, nhìn người chủ nhà mà hỏi người bên cạnh “ai vậy” thì đúng là cận thị nặng mà lại không lịch sự chút nào...

Cận thị là người nhìn xa không thấy nhưng phải nhìn thật gần mới thấy...

- Có nhiều người Ki-tô hữu đi dâng thánh lễ nhưng không thấy Đức Chúa Giê-su trên bàn thờ, mà chỉ thấy một ông cha sở nóng tính khó chịu của mình: con mắt tâm hồn của họ bị cận thị nặng vì thích tìm khuyết đểim của người khác.

- Có nhiều người Ki-tô hữu đi dâng lễ mà không thấy Chúa trong bài giảng, nhưng chỉ thấy bài giảng sao quá dài: con mắt tâm hồn của họ bị cận thị nặng vì họ chỉ muốn bài giảng ngắn ngắn cho mau hết giờ để còn đi nhậu.

- Có nhiều người Ki-tô hữu phớt lờ trước những đau khổ của tha nhân, nhưng lại vui mừng hớn hở khi có ai đó mời đi ăn nhà hàng: con mắt tâm hồn của họ bị cận thị nặng, vì họ chỉ thích sung sướng mà không chia sẻ đau khổ với người khác.

Cận thị thì không thấy xa mà chỉ thấy gần, người tâm hồn bị cận thị thì không nhìn thấy Chúa rõ ràng nơi tha nhân, và cũng chẳng nhìn thấy Chúa qua hoàn cảnh của cuộc sống...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)

-----------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

https://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Xin hãy hành động ngay.
Giuse Thẩm Nguyễn
12:57 03/06/2019


Là người tin Chúa, chúng ta phải làm gì để bảo vệ đức tin của chúng ta. Đó là câu hỏi mà người tín hữu yêu Chúa, yêu Giáo Hội và yêu cuộc sống luôn thao thức trăn trở.

Chúa ban cho mỗi người một khả năng và có nhiều cách để tham gia truyền bá Tin Mừng cũng như bảo vệ Giáo Hội. Một trong cách mà Hội Đồng Giám Mục California khuyến khích người tín hữu là dùng quyền công dân của mình, lá phiếu của mình là một công cụ có sức mạnh đẩy lùi những tấn công.

Những vị đại diện nào mà phản lại chúng ta, tấn Công Giáo Hội thì chúng ta cần cho người ấy nghỉ việc.

Điển hình ông nghị sĩ tiểu bang là Jerry Hill thuộc miền 13, thuộc khu vực San Mateo là người đề nghị dự luật SB 360, bắt các linh mục Công Giáo phải vi phạm ấn tín giải tội, một dự luật tấn công trực diện vào Giáo Hội, tấn công vào quyền tự do tôn giáo của người dân. Người Công Giáo ở khu vực này hãy dùng lá phiếu của mình để bầu cho những người có cùng quyết tâm bảo vệ tự do tín ngưỡng và Giáo hội.

Chúng ta đau lòng khi Giáo hội bi tấn công, nhưng chúng ta không làm gì cả thì thật là sai lầm và thiếu xót. Hãy dùng quyền công dân của mình để chống đối, để phản kháng và bắt những quan chức dân bầu phải thực hiện ý dân.

Xin quý vị bấm vào đường dẫn cuối phần giới thiệu này (Take Action!) và làm theo cách hướng dẫn.

Thí dụ: Oppose Bill Targeting “ Seal of Confession “ ( Chống đối cái luật tấn công “Ấn Tín Giải Tội”)

Khi quý vị bấm vào đây, một màn khung sẽ hiện ra, chỉ cần điền vào những thông tin như tên, tên họ, email… và bấm Sumit là xong.

Nếu muốn biết người dân biểu, nghị sĩ hay ứng viên nơi quý vị đang sinh sống, chỉ cần nhìn vào khung “Find your elected officials “rồi điền thông tin của quý vị và bấm “GO” là quý vị biết ai là người đại diện dân cử của mình.


Source: California Catholic Conference Take Action!
 
Thủ tướng Ý Giuseppe Conte hứa giải ngân 300 triệu để trùng tu 300 nhà thờ bị hư hại vì động đất ở Trung Ý năm 2016.
Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
16:22 03/06/2019
Ngày 3.6.2019, Thủ tướng chính phủ Ý là Giuseppe Conte họp với với Đức Hồng Y Chủ tịch HĐGM Gualtiero Bassetti cùng với các Giám mục của các địa phận Trung Ý bị hư hại vì động đất năm 2016. Các Giám mục nói: “Chính quyền ở đây bị coi là xa cách và muộn màng trong qui trình trùng tu.” Họ cảm thấy không thoải mái khi liên hệ với hệ thống pháp lý cũ kỹ và hành chánh nặng nề. Sắc lệnh mà Conte hứa hẹn mức bảo hiểm 300 triệu euro thiết lập các thủ tục để bắt đầu trùng tu khoảng 600 nhà thờ - trong số 3 ngàn nhà thờ bị thiệt hại do trận động đất - được xác định trong một năm rưỡi theo các tiêu chí ưu tiên được thiết lập bởi các giáo phận với có sự tham gia của các Vùng miền và Thành phố.

Các giám mục đã nhấn mạnh rằng các nhà thờ được xây dựng - ngoài việc là nơi cử hành phượng tự của đức tin – còn là một đối chiếu thiết yếu với việc phục vụ lợi ích chung: mở lại những nhà thờ trở thành một giải đáp cho cảm giác không tin tưởng và cô đơn, cũng như một cách thiết yếu để vực dậy sự hiện diện của khách du lịch. Thủ tướng Conte đã bày tỏ cách tiếp cận thực dụng, trong đó - về mặt thực thi - xem xét khuôn khổ lập pháp, tạo điều kiện cho công việc trùng tu.

Hàng ngàn cơn chấn động chỉ trong hơn ba tháng và bốn khu vực (Abruzzo, Umbria, Marche và Lazio) đã bị sốc bởi những gì các chuyên gia coi là một sự kiện địa chấn duy nhất vào ngày 24 tháng 8 năm 2016 tiếp tục khiến dân Trung Ý run sợ, từ cường độ đến thiệt hại nghệ thuật. Đây là các con số của trận động đất: Accumoli - 6.0 độ (24.8); Amatrice – 4.8 (26.8); Castelsantangelo sul Nera - 5.4 độ (26.10). Norcia - 6.5 độ (xảy ra ngày 30 tháng 10 mạnh hơn động đất của Irpinia ngày 23 tháng 11 năm 1980). Tổng số là 303 người thiệu mạng và 388 người bị thương.

Cục Bảo vệ dân sự đã giúp đỡ 17 ngàn người bao gồm: 4,700 người rời xứ sở; 9,400 người tạm trú tại khách sạn; 2,900 người được tạm trú tại khu vực; 326 lều được dựng lên. Bộ Quốc phòng gửi đến 450 lính để bảo vệ nhà của những người bị di dời thuộc 62 quận.

Chính phủ Ý sẽ chi 7 tỷ và 800 triệu từ nay đến năm 2047 để xây dựng lại các khu vực bị tàn phá bởi trận động đất. Trong khi 360 triệu đã được phân bổ để đối phó với tình trạng khẩn cấp kể từ ngày 24 tháng 8. Cục Bảo vệ dân sự cho biết: với hai nghị quyết khẩn cấp, 90 triệu euro đã được hướng tới các hoạt động sơ cứu do tổ chức này điều phối. Người Ý đã quyên góp 19 triệu euro kể từ trận động đất Reatino. Liên hiệp Âu châu kích hoạt Quỹ Đoàn kết Âu châu trong vòng 12 tuần kể từ khi động đất, Ý có thể thỉnh cầu Quỹ Liên đới của Âu châu kích hoặt. Âu châu dành thêm 300 triệu vào những nguồn này dành cho các vùng sẽ được sử dụng vào năm 2023.

Lm Nguyễn Tất Thắng OP
 
Đức Cha Thomas Tobin: Người Công Giáo không được ủng hộ các cuộc diễn hành đồng tính
Đặng Tự Do
16:34 03/06/2019
Cha Raymond J. de Souza, chủ bút tập san Convivium của Canada nhận định cay đắng về bản án của Đức Hồng Y George Pell rằng:

“Thời này là thời đồng tính. Khi nói động đến người đồng tính, bạn phải cẩn thận uốn lưỡi không phải 77 lần 7 nhưng là 77 lũy thừa 7. Những thế lực tinh ma quỷ quái đã buộc Đức Hồng Y vào chính cái tội mà ngài chống đối gay gắt nhất.”

Trước thảm họa nhãn tiền của Đức Hồng Y Pell, vẫn có các Giám Mục trên thế giới không sợ. Đức Giám Mục Thomas Tobin của Providence, Rhode Island, Hoa Kỳ là một trong các vị ấy.

Bất chấp những trò ném đá hội đồng của hầu hết các phương tiện truyền thông tại Mỹ trong mấy ngày qua, Đức Giám Mục Thomas Tobin đã bảo vệ một tweet của ngài trong đó kêu gọi người Công Giáo không được ủng hộ các cuộc diễn hành đồng tính, và nói rằng những cuộc diễn hành như thế quảng bá một nền văn hóa trái với đức tin và đạo đức Công Giáo.

Đức Cha Thomas Tobin, là Giám mục Providence, Rhode Island, cho biết nghĩa vụ của ngài trước mặt Chúa là phải dạy bảo đức tin một cách rõ ràng về các vấn đề như vậy, và ngài sẽ tiếp tục làm như vậy bất kể những chống đối.

Ngài đã viết trên Twitter vào thứ Bảy rằng người Công Giáo không nên ủng hộ hay tham dự các cuộc diễn hành đồng tính vào tháng Sáu.

“Chúng đề cao một nền văn hóa và khuyến khích các hoạt động trái với đức tin và đạo đức Công Giáo,” ông nói thêm. “Chúng đặc biệt gây hại cho trẻ em.”

Tweet của ngài đã nhận được sự tấn công dữ dội trên các phương tiện truyền thông, lôi kéo các chỉ trích từ những người phò đồng tính khét tiếng như Mia Farrow và Patricia Arquette.

Hôm Chúa Nhật, Đức Cha đã đưa ra một tuyên bố tiếp theo nói rằng ngài lấy làm tiếc vì những bình luận của ngài đã biến thành một cuộc tranh cãi trong cộng đồng và gây khó chịu cho một số người, đặc biệt là những người đồng tính.

“Tôi cũng thừa nhận và đánh giá cao sự hỗ trợ rộng rãi mà tôi đã nhận được về vấn đề này,” ngài nói thêm.

Đức Cha Tobin nói thêm rằng ngài và Giáo Hội Công Giáo có sự tôn trọng và tình yêu dành cho những người đồng tính.

“Tuy nhiên, với tư cách là một Giám mục Công Giáo, nghĩa vụ của tôi trước mặt Chúa là dẫn dắt tín hữu được tôi chăm sóc và dạy bảo về đức tin, một cách rõ ràng và đầy lòng thương cảm, ngay cả trước những vấn đề rất khó khăn và nhạy cảm. Đó là điều tôi luôn cố gắng thực hiện - về nhiều vấn đề khác nhau - và tôi sẽ tiếp tục làm như vậy khi các vấn đề đương đại nảy sinh.”

Dưới đây là toàn văn tuyên bố của Đức Cha Thomas Tobin

“Tôi rất tiếc rằng những bình luận của tôi ngày hôm qua về Tháng Tự hào đã trở nên gây tranh cãi trong cộng đồng của chúng ta và gây khó chịu cho một số người, đặc biệt là những người đồng tính. Đó chắc chắn không phải là ý định của tôi, nhưng tôi hiểu tại sao một số lớn các cá nhân đã cảm thấy bất bình. Tôi cũng thừa nhận và đánh giá cao sự hỗ trợ rộng rãi mà tôi đã nhận được về vấn đề này.

Giáo Hội Công Giáo, cũng như tôi, có sự tôn trọng và tình yêu đối với những người đồng tính. Những cá nhân cảm thấy bị thu hút bởi đồng giới vẫn là những đứa con yêu dấu của Thiên Chúa và anh chị em của chúng ta.

Tuy nhiên, với tư cách là một Giám mục Công Giáo, nghĩa vụ của tôi trước mặt Chúa là dẫn dắt các tín hữu được giao phó chăm sóc và dạy bảo đức tin cho họ một cách rõ ràng và đầy lòng thương cảm, ngay cả trước những vấn đề rất khó khăn và nhạy cảm. Đó là điều tôi luôn cố gắng thực hiện – về nhiều vấn đề khác nhau - và tôi sẽ tiếp tục làm như vậy khi các vấn đề đương đại phát sinh.

Khi những người đồng tính tập hợp cho một cuộc biểu tình tối nay, tôi hy vọng rằng sự kiện này sẽ là một biến cố an toàn, tích cực cho tất cả mọi người. Khi họ tập hợp lại, tôi sẽ cầu nguyện cho sự tái sinh sự hiểu biết và lòng tôn trọng lẫn nhau trong cộng đồng rất đa dạng của chúng ta.”

Đức Cha Thomas Tobin
Giám mục Providence, Rhode Island.



Source:Catholic Herald
 
Ngày cuối cùng của Đức Phanxicô tại Lỗ Ma Ni: thân phận thiểu số
Vũ Văn An
00:01 03/06/2019
Ngày 2 tháng Sáu, ngày cuối cùng của Đức Phanxicô tại Lỗ Ma Ni đã được ngài dành cho thân phận thiểu số nơi hai cộng đồng bị trù dập nhất tại đây trong nhiều thế kỷ. Với cộng đồng thứ nhất tức cộng đồng Kitô giáo, nhất là cộng đồng Công Giáo Hy Lạp, ngài tôn vinh qua nghi lễ phong chân phúc cho 7 vị lãnh đạo của họ bị chế độ Cộng Sản sát hại từ năm 1950 tới năm 1970. Với Cộng đồng thứ hai, tức người Roma mà thông thường vẫn được gọi là người “Gypsies”, ngài long trọng thay mặt Giáo Hội xin lỗi về nhiều thế kỷ bị kỳ thị, khinh miệt, đẩy ra bên lề xã hội .



Căn nhà lâu ngày cho chuyện dân gian hút máu

Claire Giangravè của tạp chí Crux cho rằng nghĩ tới vùng đông bắc Transylvania của Lỗ Ma ni, hình ảnh đầu tiên xuất hiện là những lâu đài phủ sương mờ, những căn nhà ma quái của Quận Công Dracula hút máu người.

Khung cảnh đầy điềm ấy không khác mấy so với bầu khí mục vụ ấm cúng chào đón Đức Giáo Hoàng Phanxicô hôm 2 tháng Sáu. Các xe do lừa kéo và các người địa phương vận y phục ngày lễ và truyền thống đã nghinh đón Đức Giáo Hoàng tại Cánh Đồng Tự Do ở
Blaj, Transylvania.

Trong khi chuyện hút máu dân gian chỉ là hư cấu, thì mảnh đất nhớp nhúa bùn của vùng Transylvania quả đã mục kích phần lớn các vụ đổ máu trong thật nhiều thế kỷ. Gần đây nhất, cộng đồng Kitô giáo bản địa của nó đã kinh qua bách hại cả dưới thời Quốc Xã lẫn dưới thời Cộng Sản.

Tại xứ sở bị chiến tranh và đổ máu làm cho tan hoang, Đức Phanxicô, trong Nghi Lễ Phong Chân Phúc cho 7 vị Giám Mục tử đạo, đã đọc một diễn từ cổ vũ nền văn hóa tự do và lòng thương xót, một nền văn hóa có khả năng đề kháng chủ nghĩa thực dân ý thức hệ vẫn còn đang đe dọa hủy diệt gia tài văn hóa của họ.

Ngài nói rằng “Các lãnh thổ này biết rõ con người phải chịu đau khổ như thế nào khi một ý thức hệ hay một chế độ nắm quyền, tự đặt mình thành quy tắc sống và đức tin của mọi người, làm giảm và thậm chí loại bỏ khả năng quyết định, tự do và không gian sáng tạo của họ”.

Ngài đơn cử “Các hình thức thực dân ý thức hệ làm mất giá trị con người, sự sống, hôn nhân và gia đình và trên hết, với các đề xuất có tính tha hoá cũng duy vô thần như các đề xuất trong dĩ vãng, gây hại các người trẻ tuổi và trẻ em của anh chị em, khiến họ không còn gốc rễ để từ đó có thể lớn lên”.

Ngài nói thêm: “bằng cách gieo rắc sợ hãi và chia rẽ, các tiếng nói đó đang chôn vùi những điều tốt đẹp nhất của các lãnh thổ này”.

Ngài nói như thế tại chính nơi, vào năm 1948, đảng Cộng Sản buộc cộng đồng Công Giáo Hy Lạp phải gia nhập Chính Thống Giáo đa số. Tại đây, ngài đã phong chân phúc cho 7 vị giám mục của giáo hội theo nghi lễ Đông Phương này, những vị đã từ khước việc từ bỏ đức tin dưới chế độ độc tài, một chế độ chỉ bị lật nhào vào năm 1989.

Ngài ca ngợi các vị: “Trước sự chống đối quyết liệt của chế độ, các ngài chứng tỏ một đức tin và tình yêu gương mẫu cho giáo dân của các ngài. Với lòng can đảm vĩ đại và sự dũng cảm nội tâm, các ngài đã thiết lập được niềm tín thác và tin tưởng vào Giáo hội yêu dấu của các ngài”.

Các mục tử, tử đạo vì đức tin này, đã tái chiếm hữu và truyền lại cho người Lỗmani, những điều mà chúng ta có thể tóm gọn trong hai từ ngữ: tự do và lòng thương xót”.

Tự do đã đành, nhưng thương xót ở chỗ nào? Đức Thánh Cha trích dẫn câu nói của một trong các vị này, Đức Cha Iuliu Hossu của Gherla, người được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI phong Hồng Y bí mật (in pectore) và việc này chỉ được công bố năm 1973, 3 năm sau khi ngài chết năm 1970 trong tư cách bị giam tại nhà từ khi được thả khỏi nhà tù năm 1955: “Thiên Chúa từng cảm thấy bóng tối của sự đau khổ này nên đã sẵn sàng tha thứ và cầu nguyện cho mọi người hoán cải”. Không oán hận những người hành hạ mình chỉ một lòng tha thứ và cầu nguyện cho phần rỗi của họ.

Ngài cho rằng “Thái độ thương xót này đối với các người hành hạ các ngài là một sứ điệp tiên tri, vì ngày nay nó là một lời mời gọi mọi người chiến thắng hận thù bằng đức ái và tha thứ, bằng cách sống đức tin Kitô giáo một cách kiên định và can đảm”.



Xin lỗi người “Gypsies” vì đã kỳ thị và cô lập họ

Cộng đồng thứ hai tại Lỗ Ma Ni cũng mang thân phận thiểu số bị trù dập, theo Giangravè của tạp chí Crux, là cộng đồng người Roma mà thông thường người ta vốn gọi là “Gypsies”.

Khi đến thăm họ, sau nghi lễ Phong thánh, tại khu Barbu Lăutaru ở phía bắc thành phố Blaj, nơi sắc dân này sinh sống đông đảo hơn cả, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng lòng ngài nặng chĩu “bởi nhiều kinh nghiệm kỳ thị, cô lập và đối xử tàn tệ” mà cộng đồng Gypsies từng phải chịu.

Điều đáng nói, theo ngài, là “lịch sử cho chúng ta hay cả các Kitô hữu, trong đó có người Công Giáo, không xa lạ gì với các tàn bạo này”. Nên, ngài nói với họ “tôi muốn xin lỗi anh chị em về điều này. Tôi xin sự tha thứ, nhân danh Giáo Hội và nhân danh Chúa – và tôi xin sự tha thứ của anh chị em”.

Việc ngài đến thăm cộng đồng Gypsies ở Lỗ Ma Ni là một vòng tròn khép kín vì ngài từng gặp một phái đoàn Gypsies tại Nhà Trọ Thánh Marta, nơi ngài cư ngụ tại Vatican, trước khi lên đường qua Lỗ Ma Ni. Vòng tròn này cho thấy sự quan tâm của Đức Phanxicô đối với họ.

Con số của sắc dân này đông nhất tại Âu Châu, vào khoảng 2 triệu người. Và nền văn hóa du mục của họ, theo Giangravè, rất thích hợp để hội nhập các nét tôn giáo và ngôn ngữ của nước tiếp đón họ. Ở Lỗ Ma Ni, hơn 70% người Roma tự nhận mình theo Chính Thống Giáo, khoảng 7% theo Công Giáo và Thệ Phản. Thời Quốc xã, họ bị đầy đi lao động khổ sai. Hiện nay, họ bị buộc sống ở các khu ngoại vi thành phố với 95% tụ tập ở các khu thiếu thốn, nhiều khi không có điện và nước máy.

Xin lỗi rồi, Đức Giáo Hoàng Phanxicô thúc giục cộng đồng này chọn lựa giữa hòa giải và trả đũa. Ở đây, ngài nêu gương Chúa Kitô: “đường Chúa Giêsu... là đường đòi cố gắng, nhưng là đường dẫn tới hòa bình. Và nó băng qua tha thứ”.

Một phần gây trở ngại cho việc hội nhập là nỗi khó khăn của người Roma trong việc thích ứng với xã hội Tây Phương nhưng cũng vì sự kỳ thị chủng tộc và thiên kiến của người Tây Phương đối với họ. Như tục họ cưới vợ cưới chồng rất trẻ, lúc mới 11, 12 tuổi, đến nỗi họ được gọi là “dân con nít” (children people). Tại một số nước trong Liên Hiêp Âu Châu, trong đó có Lỗ Ma Ni, 42% người Roma chỉ học hết bậc tiểu học, 10% hoàn tất bậc trung học.

Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng Phanxicô vẫn tìm thấy nhiều ưu điểm của họ đến nỗi ngài bảo “họ có vai trò lớn lao để thủ diễn” và họ đừng sợ chia sẻ vẻ đẹp và sự phong phú trong nền văn hóa của họ với thế giới, tức việc họ nhấn mạnh tới sự sống, gia đình, quan tâm đến người dễ bị thương tổn, kính trọng người cao niên và lòng hiếu khách.

Nối tiếp truyền thống tiền nhiệm

Giám đốc biên tập hay người viết xã luận của Tòa Thánh, Andrea Tornielli, thì cho rằng khi xin lỗi cộng đồng Gypsies, Đức Phanxicô chỉ tiếp nối truyền thống của các vị tiền nhiệm.

Quả thế, ngay từ tháng 9 năm 1965, Đức Phaolô VI đã tỏ quan tâm đối với cộng đồng này khi cử hành thánh lễ tại Trại Roma Quốc Tế ở Pozezia. Dịp này, ngài nói với họ “anh chị em ở bên trong Giáo Hội; không ở bên lề, mà theo một nghĩa nào đó, ngay ở trung tâm, anh chị em ở ngay trung tâm Giáo Hội. Anh chị em ở trong trái tim của Giáo Hội vì anh chị em đơn độc”.

Dịp đó, Đức Phaolô VI cũng nhắc đến các lạm dụng, kỳ thị và bách hại chống lại người Gypsies, dù không tỏ lời xin lỗi; tuy nhiên, ngài vẫn là vị giáo hoàng đã khai mở thời đại tìm sự tha thứ từ các giáo hội Kitô giáo khác vì những trang sử đen tối của quá khứ.

Tornielli cho rằng chính Đức Gioan Phaolô II đã chuyên biệt đề cập đến việc xin lỗi, thực hiện trong lễ nghi thống hối nhân dịp Năm Thánh 2000 “Chúng ta hãy cầu xin để khi chiêm ngắm Chúa Giêsu, Chúa và là Hoàn Bình của chúng ta, các Kitô hữu có khả năng ăn năn vì những ngôn từ và thái độ gây ra do kiêu căng, thù hận hay ý muốn thống trị người khác, ghét bỏ thành viên các tôn giáo khác và các nhóm yếu đuối nhất trong xã hội, như di dân và người du mục”.

Đức Bênêđíctô XVI cũng biểu lộ sự quan tâm và hiểu biết đối với các cộng đồng này khi ngài tiếp đón đại diện khác nhau của người Roma và các sắc dân du mục khác: “bất hạnh thay, qua nhiều thế kỷ, anh chị em đã từng nếm mùi đắng đót của việc thiếu lòng hiếu khách và đôi khi, bị bách hại... Lương tâm Âu Châu không thể quên những đau khổ như thế! Ước mong sao dân tộc anh chị em không bao giờ là đối tượng của xách nhiễu, khước từ và khinh miệt nữa!”
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đức Giám Mục Xuân Lộc mừng Tết Thiếu Nhi với các em Trường Khuyết Tật La Vang
Nữ tu Têrêsa Ngọc Lễ, O.P
09:35 03/06/2019
Sáng 1/6 hôm Chúa Nhật vừa qua quả là một buổi sáng rộn ràng với các em thiếu nhicó hoàn cảnh đặc biệt tại Nhà Nuôi Dưỡng Trẻ Em Khuyết Tật La Vang – cơ sở của Dòng Nữ Trợ Thế Thánh Tâm Chúa Giêsu tại Giáo xứ Lộ Đức, Hố Nai, Biên Hòa – Đồng Nai.

Với nhiều trẻ em lành lặn về thể chất, ngày 1/6 thực sự đúng là ngày vui vì các em có thể đón nhận niềm vui cách trọn vẹn hơn trong cả tâm hồn lẫn thể xác. Nhưng với các em khuyết tật, sự không lành lặn về thân xác, trí năng, hay đang phải mắc phải những căn bệnh mà ngay cả cha mẹ đôi khi cũng đã không thể nuôi nấng hay bỏ mặc, thì ngày Tết Thiếu Nhi đôi khi cũng qua đi một cách lặng lẽ, không đặc biệt.

Xem Hình

Vì thế, với tấm lòng mục tử muốn ôm ấp chiên con, nhất là những chiên đau bịnh, Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám mục Giáo phận đã đến thăm, trao quà, dâng Thánh Lễ cho các em khuyết tật tại Nhà Nuôi dưỡng Trẻ Em Khuyết Tật La Vang, một chuyến viếng thăm không có sẵn trong kế hoạch Lịch Mục vụ trước đó. Do vậy, ngày 1/6 năm nay quả là đặc biệt với các em khuyết tật và với quý Soeur tại nơi đây.

Biểu hiện qua những nụ cười đơn sơ, dù nhận thức rõ hay kém do bị bệnh thiểu năng về trí tuệ, down nhẹ hay nặng, … nhưng hầu hết các em cũng đều biết vẫy hoa, cười thật tươi, trao hoa, thậm chí còn nắm tay lại Đức Cha khi Ngài đến thăm,cúi xuống, xoa đầu, cầm tay từng em.Đó là ngôn ngữ của trái tim mà tín hiệu tình yêu gửi đi, nhận, giải mã tín hiệu, xử lý tín hiệu và đáp trả lại một cách thật trùng khớp giữa Đức Cha và các bé khuyết tật, hay ngược lại.

Không chỉ dừng lại với các em có thể đón và trao hoa, Đức Cha Giuse đã đến tận giường để thăm và chúc lành cho các em bị bệnh về trí năng, down nặng, lại không thể đi lại…phải cần sự trợ giúp đặc biệt từ quý Soeur chăm sóc.

Để lần viếng thăm, đem niềm vui cho các em khuyết tật trong ngày Tết Thiếu Nhi được trọn vẹn, cũng như phó thác các em cho Chúa, Đức Cha Giuse đã dâng Thánh Lễ cầu nguyện đặc biệt cho các em được sống trong bình an, niềm vui, sự chúc lành của Chúa, cũng như có thêm được nhiều người quan tâm, yêu thương, săn sóc và giúp đỡ.

Khẳng định tình thương của mọi người dành cho các em, trong bài giảng, với cách nói chuyện thân tình với ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu, Đức Cha Giuse đã nói với các em rằng “Ngày hôm nay, ngày Tết của các con, và trong Giáo phận cũng có rất nhiều các thiếu nhi, nhưng Đức Cha, quý Cha, mọi người đến nơi đây để thăm các con là vì thương các con. Vậy các con có vui không?” Những tiếng thưa “Dạ vui!” vừa to, đơn sơ và thật đáng yêu của các em. “Nhưng có một Vị to lắm, Ngài cao trọng lắm thương yêu các con rất nhiều. Vậy các con có biết Vị đó là ai không?” Các em dõng dạc đáp liền –“Dạ Chúa!” Dẫn chứng từ bài Tin Mừng vừa đọc, Đức Cha nói với các em “Chúa Giêsu rât thương yêu thiếu nhi khi các bà mẹ đưa con cái của họ đến với Ngài. Và như vậy, Chúa Giêsu cũng đang rất thương yêu các con. Vậy các con có vui không?” – Những tiếng đáp thật dễ thương vang dội cả một không gian nhà nguyện nhỏ “Dạ có!”

Cũng vẫn như bao lần những bó hoa của mọi người dâng tặng Đức Cha thay lời tri ân, nhưng hôm nay, hoa và người cầm hoa dâng kính Đức Cha xem ra thật đặc biệt, đầy cảm động như chính những mảnh đời khuyết tật của các em, nhưng lại rất tràn trào ý nghĩa, yêu thương như chính tâm hồn của các thiếu nhi khuyết tật nơi đây.

Sau Thánh Lễ, trong căn phòng học nhỏ thường ngày, các em đã cùng hát vang bài “Một gia đình nhỏ, một hạnh phúc to”, cũng như bày tỏ niềm vui qua vũ điệu đơn sơ dâng lên Đức Cha Giuse, quý Cha, và mọi người đang hiện diện. Quả là một không gian đầy màu sắc và cảm xúc, của tiếng hét, tiếng ồn, của những em thích gì làm nấy...Nhưng không gian đó vẫn hạnh phúc, vẫn đáng yêu vì chính tâm hồn trẻ nhỏ mà các em đang có. Như chính tâm hồn của trẻ nhỏ thích quà, những biểu hiện niềm vui rất ngộ nghĩnh trong khuôn mặt của từng em khi được nhận quà từ Đức Cha, được xoa đầu… quả là đáng yêu.

Trước khi kết thúc chuyến viếng thăm các em khuyết tật, Đức Cha Chánh Giáo Phận đã có ít phút trò chuyện với quý Soeur, Ban Hành Giáo và Ban Caritas Giáo xứ Lộ Đức. Ngài cám ơn tình yêu thương,sự hy sinh của mọi người dành cho các emthay cho Giáo Phận. Đặc biệt, Đức Cha đã ca ngợi sự hy sinh phục vụ trong âm thầm của quý Soeur với các em bị khuyết tật tại nơi này hay những cộng đoàn khác nữa của Dòng. Đức Cha Giuse nói rằng, những sự hy sinh vất vả trong âm thầm, bất kể những mệt mỏi, vất vả của cá nhân để chăm lo cho các em, như những mạch nước ngầm nuôi dưỡng tình yêu thương trong trần gian, làm trổ sinh những cây trái xanh tươi của niềm vui, hạnh phúc, và yêu thương, những giá trị cao quý mà xã hội, thế giới ngày hôm nay đang thiếu vắng cách trầm trọng. Để biểu tỏ tâm tình, cũng như sự quan tâm với các em và các Soeur đang phục vụ, Đức Cha Giáo phận cũng trao tặng một món quà khác đến các Soeur để trợ giúp trong việc chăm sóc và nuôi dưỡng các em khuyết tật.

Có đến thăm, chứng kiến chỉ một chút những hành vi xem ra rất tăng động, hay những biểu hiện bất thường trong lời nói và hành động của những em thiểu năng trí tuệ, khuyết tật, với những em phải nằm liệt…mới cảm nhận được sự vất vả của các Soeur khi chăm sóc, nuôi dưỡng các em từng ngày. Một cuộc đời dâng hiến phục vụ chính Chúa qua các em khuyết tật, thật đẹp biết bao!

Tin và hình ảnh: Nữ tu Têrêsa Ngọc Lễ, O.P
 
Giáo tỉnh Hà Nội cử hành ngày Thế Giới Truyền Thông lần thứ 53
BTT GP Lạng Sơn
13:41 03/06/2019
BÙI CHU - Sáng Chúa Nhật ngày 02 tháng 6 năm 2019, Lễ Chúa Thăng Thiên, Ban Truyền Thông của các Giáo phận thuộc Giáo tỉnh Hà Nội đã quy tụ về Đền Thánh Sa Châu tại Giáo phận Bùi Chu để cử hành Ngày Thế giới Truyền thông lần thứ 53.

Sa Châu là một Giáo xứ lớn và kỳ cựu của Giáo phận Bùi Chu, nơi có Đền Thánh Giuse của Giáo phận này. Ngày họp mặt hôm nay cho các thành viên Ban Truyền Thông trong Giáo tỉnh Hà Nội tại Bùi Chu năm nay vì thế được tổ chức khá quy mô và chu đáo. Có khoảng 200 tham dự viên đã đến tham dự, trong một tinh thần hồ hởi, vui tươi và đầy nhiệt huyết.

Ngày Thế Giới Truyền Thông năm 2019 được cử hành với Chủ đề lấy từ sứ điệp của Đức Thánh Cha: “Chúng ta là chi thể của nhau” (Ep 4,25).

Chương trình bắt đầu lúc 8 giờ 45 với lời chào mừng và phát biểu khai mạc của Cha Giuse Nguyễn Văn Toanh – Trưởng Ban Truyền Thông Giáo phận chủ nhà Bùi Chu. Ngày lễ Chúa Lên Trời hàng năm được chọn làm ngày Bổn mạng giới Truyền thông Công Giáo. Hôm nay, theo lời mời gọi của Giáo hội, các Ban Truyền thông mỗi Giáo phận trong Giáo tỉnh Hà Nội cùng quy tụ về Sa Châu để cử hành ngày Thế giới Truyền thông lần thứ 53. Đây là dịp gặp gỡ, chia sẻ và khích lệ nhau để cùng thực thi công việc được Thiên Chúa qua Giáo hội trao phó, dùng phương tiện truyền thông hiện đại để đem Tin Mừng Chúa cho mọi người. Ngày họp mặt cũng là dịp anh chị em cùng chia sẻ thao thức của mình trong sứ vụ Truyền thông Công Giáo hôm nay.

Sau lời khai mạc và tiếng vỗ tay giòn giã, các tham dự viên hoà mình vào bầu khí vui tươi sôi động mà ý nghĩa của ca khúc Chủ đề ngày Họp mặt giới Truyền thông hôm nay, qua vũ điệu do các nữ tu Truyền thông Bùi Chu thể hiện.

Các tham dự viên lắng nghe bài thuyết trình của Cha Giuse Trần Ngọc Đăng – Phó Giám đốc Đại Chủng viện Bùi Chu với chủ đề: "Truyền thông theo đường hướng và phong cách của Đức Giáo Hoàng Phanxicô". Truyền thông không chỉ là chia sẻ một kênh thông tin, nhưng còn là cơ hội quý báu Chúa ban để xây dựng tình hiệp thông trong Giáo hội và giữa cộng đồng nhân loại. Truyền thông hiện đại hôm nay thực là một phương tiện kỳ diệu Chúa ban để con ngừoi có thể gặp gỡ tiếp xúc với nhau trong một thế giới gần gũi, đa dạng nhưng liên hệ mật thiết và tương quan với nhau chặt chẽ. Ngày hôm nay, con người xem hay nghe tin tức thì chưa đủ, họ còn muốn chạm đến chính sự kiện đó bằng nhiệt cách. Cha Giuse chia sẻ về mẫu gương và đường hướng truyền thông của Đức Thánh Cha Phanxicô. Phong cách truyền thông của Đức Thánh Cha là giản dị, súc tích và vui tươi. Đường hướng truyền thông của ngài gồm bốn điểm: Tôn trọng sự thật; vun trồng lòng thương xót; loan báo Tin mừng, gieo hy vọng và loan tin tốt lành; vun đắp văn hoá gặp gỡ.

Tiếp tục chương trình, các Giáo phận đã chia sẻ một vài kinh nghiệm và tham thức cũng như chính những công việc cụ thể đang thực hiện trong sứ vụ Truyền thông Công Giáo. Công việc Truyền thông ngày nay rất được chú ý, có thể coi là một mảng mục vụ rất quan trọng. Ý thức được công việc mình đang làm, mỗi Ban Truyền thông đã không ngừng nỗ lực đem ra những sáng kiến mới, những phương cách hữu hiệu để làm cho công việc được tiến triển tốt đẹp. Sự liên đới, cộng tác và chia sẻ giữa các Ban Truyền thông với nhau trong những năm qua tại Giáo tỉnh Hà Nội là điều rất đáng được ghi nhận.

Cao điểm của Ngày Họp mặt Truyền thông Giáo tỉnh Hà Nội hôm nay là Thánh lễ mừng Chúa Lên Trời được cử hành trọng thể tại Đền Thánh Sa Châu do Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ, Giám mục Giáo phận Thái Bình, nguyên Chủ tịch tiên khởi của Uỷ ban Truyền thông Xã hội trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, chủ sự. Đồng tế với Đức cha Phêrô có 25 linh mục gồm Cha chính xứ Sa Châu, quý Cha Giáo phận Bùi Chu và quý Cha trong Ban Truyền thông các Giáo phận tham dự. Ngoài thành viên các Ban Truyền thông, tham dự Thánh lễ còn có đông đảo quý tu sỹ nam nữ và hàng ngàn tín hữu. Trước Thánh lễ là một cuộc rước long trọng xung quanh Đền Thánh.

Trong bài giảng lễ, Đức Cha Phêrô quảng diễn ý nghĩa của mầu nhiệm Chúa Giêsu Lên Trời mà Giáo hội cử hành trong Chúa Nhật hôm nay. Sau khi hoàn tất sứ vụ nơi trần gian, Chúa Giêsu được Chúa Cha tôn vinh và rước lên Trời trong vinh quang của Người. Tuy nhiên, sứ vụ của Chúa Giêsu còn kéo dài nơi nhân loại hôm nay được tiếp nối bằng chính sứ vụ của Giáo hội. Giáo hội đón nhận lệnh truyền của Chúa để loan báo Tin Mừng “cho mọi loài thọ tạo”. Trong dòng lịch sử, bằng nhiều phương cách khác nhau, Giáo hội đã không ngừng thực thi sứ vụ đã lãnh nhận, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

Ngỏ lời với giới Truyền thông Công Giáo đang hiện diện, Đức cha Phêrô chia sẻ: Ngày nay, Giáo hội cũng loan báo Tin Mừng qua các phương tiện truyền thông hiện đại. Mỗi người làm công tác Truyền thông Công Giáo cũng chính là góp phần vào sứ vụ của Giáo hội. Ngài mời gọi mỗi người hãy ý thức tầm quan trọng của sứ vụ mình đã được uỷ thác, hun đúc lòng yêu mến Giáo hội và nhiệt thành, quảng đại dấn thân loan báo Tin Mừng qua các phương tiện truyền thông mới. Mỗi chúng ta là những thành phần làm nên Gia đình Giáo hội, là những chi thể làm nên thân thể mầu nhiệm Đức Kitô là Hội Thánh. Chính khi tích cực thông truyền đức tin Kitô giáo qua các phương tiện truyền thông, chúng ta trở nên người loan báo Tin Mừng hữu hiệu trong thời đại này.

Sau Phép lành cuối lễ, cha đặc trách truyền thông của giáo phận Hải Phòng đã thay mặt Ban Truyền thông các Giáo phận hiện diện bày tỏ tâm tình tri ân Đức cha Phêrô chủ sự Thánh lễ hôm nay, Đức cha Tôma Aquinô Giáo phận chủ nhà Bùi Chu, quý Cha và mọi người đã tổ chức ngày họp mặt đầy ý nghĩa hôm nay cho giới Truyền thông Công Giáo của Giáo tỉnh Hà Nội. Ngài cũng ngỏ lời với anh chị em Truyền thông hiện diện hôm nay, cảm ơn anh chị em về sự cộng tác và lòng nhiệt thành, đồng thời mời gọi anh chị em cộng tác với nhau hơn nữa để làm nên mạng lưới Truyền thông Công Giáo rộng khắp và mạnh mẽ, xây dựng tình hiệp nhất yêu thương và liên đới, “thay nút Like bằng lời Amen”.

Ngày họp mặt kết thúc sau bữa trưa huynh đệ đầy niềm vui tại Trung tâm Mục vụ Giáo xứ Sa Châu. Thời gian họp mặt vắn vỏi, chỉ trong một buổi sáng, nhưng để lại nhiều ấn tượng nơi lòng người tham dự, đem lại nhiều ý nghĩa mới cho sứ vụ Truyền thông của anh chị em tham dự. Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành cho sứ vụ của anh chị em và nâng đỡ anh chị em trong hành trình loan báo Tin Mừng bằng các phương tiện truyền thông hiện đại.
 
Tiếng Gọi Nào Cho Em
Sr. Bích Nga và Minh Du
15:58 03/06/2019
Đến hẹn lại lên, mỗi năm cứ đến hè về sân nhà thỉnh sinh lại rộn rã lên những tiếng cười và những tràng pháo tay. Năm nay, ngày Hội ơn gọi được tổ chức 2 đợt: đợt I cho các em học sinh cấp III từ ngày 01-02 tháng 6; đợt II ngày 06-07/7 cho các em học sinh đã tốt nghiệp THPT.

Đợt I với chủ đề TIẾNG GỌI như một lời mời thôi thúc các em cứ đến và xem. Được sự quan tâm cổ vũ của quý Soeurs trong ban cổ võ ơn gọi của Hội Dòng cũng như sự cộng tác của quý Cha, quý Souer tại các cộng đoàn nên năm nay có rất đông các em học sinh từ khắp nơi cùng quy tụ về ngày Hội. Một chút mệt mỏi vì quãng đường xa mới tới; một chút ngại ngần vì những người lạ chưa một lần gặp gỡ; một chút bối rối về một không gian lạ lẫm; một chút nhớ nhà vì lần đầu tiên đi xa… tất cả dường như chỉ thoáng qua khi thấy quý Soeurs cùng các chị thỉnh sinh niềm nở đón tiếp, tận tình hướng dẫn. Ngày thứ 2 càng thú vị hơn khi không gian trở nên quen thuộc, con người càng thêm thân thiết. Các em được “cháy” hết mình khi trải qua các thử thách sinh động, hấp dẫn của trò chơi lớn. Ngọn lửa nhiệt tình càng được thổi bùng lên qua các tiết mục văn nghệ mà các thành viên trong tổ đã cố gắng cùng nhau tập luyện. Các tiết mục văn nghệ được trình làng tuy vội vã nhưng cũng để lại rất nhiều cảm xúc trong lòng mọi người khi tham gia và tham dự với các cung bậc cảm xúc có lúc dâng trào nhưng cũng có lúc trầm lắng.

Cuộc gặp gỡ nào rồi cũng có lúc phải chia tay, nhưng với cuộc gặp gỡ lần này sao ta thấy lòng bồi hồi đến thế. Chúa ơi! liệu rằng đây đã là tiếng gọi dành cho các em hay các em còn cần nghe tiếng gọi nào khác nữa? Tạ ơn Chúa đã cho các em có 2 ngày trải nghiệm thật thú vị. Cám ơn Hội Dòng và quý Souers trong ban tổ chức đã vất vả chăm lo cho các em và dành cho các em những gì tốt đẹp nhất. Hẹn năm sau gặp lại các em sẽ thật đông, thật vui và thật nhiều em sẵn sang tiếp bước. Hội Dòng sẽ luôn luôn mở rộng cửa để đón chào các em.
 
Góp ý với Cha Antôn Đinh Minh Tiên về việc “Chúa Giêsu giũ bỏ nhân tính để chỉ còn thiên tính”
Vũ Văn An
17:55 03/06/2019
Nhân Lễ Thăng Thiên năm nay, Cha Antôn Đinh Minh Tiên, Dòng Đa Minh Việt Nam, có bài suy niệm về ngày lễ đăng trên trang mạng Trung Tâm Học Vấn Đa Minh (https://catechesis.net/chua-nhat-vii-phuc-sinh-nam-c-chua-thang-thien/). Chúng tôi đọc bài suy niệm này do một người bạn giới thiệu vì lưu ý tới một đoạn gây bối rối cho anh. Anh hỏi ý kiến chúng tôi. Chúng tôi cũng hết sức bối rối và vì không phải là một người thông thạo thần học, nên đã cố gắng tìm tòi xem có sách nào dạy giống như cha Đinh Minh Tiên hay không, nhưng chưa tìm ra. Đành xin hỏi chính Cha Đinh Minh Tiên vậy.

Đoạn gây bối rối ấy như sau: “Trong ngày lên trời, Chúa Giêsu chính thức từ bỏ thân xác con người (nhân tính), để chỉ còn lại thiên tính và ngự bên hữu Thiên Chúa để cầu bầu cho con người. Nói cách khác, Chúa Giêsu giũ bỏ nhân tính để chỉ còn lại thiên tính; không còn là người mang hai bản tính, nhưng hoàn toàn là Thiên Chúa. Nhưng Chúa Giêsu phải cho các môn đệ một dấu chỉ để biết Ngài trở về với Chúa Cha, và không có dấu chỉ nào giúp các ông dễ nhận hơn theo truyền thống là lên trời”.

Thiển nghĩ đây là điều mới mẻ đối với vốn giáo lý khiêm nhường của chúng tôi và của đại đa số tín hữu Công Giáo Việt Nam. Quả tình chúng tôi chưa bao giờ được nghe dạy như thế. Chỉ được dạy: Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa nhập thể, và cứ như thế mãi mãi, nghĩa là Người là người thực sự chứ không khoác nhân tính như người ta khoác một chiếc áo để có thể giũ bỏ dễ dàng. Đã đành thân xác của Người đã biến đổi với biến cố Phục Sinh, không còn lệ thuộc không gian và thời gian nữa, nhưng vẫn có thể “ăn uống” bên bờ Hồ Galilê với các tông đồ, một cách rất người, chứ “không phải ma”. Người đã về trời với thân xác ấy.

Và điều khiến chúng tôi bối rối thêm là Cha Đinh Minh Tiên không hề trích dẫn bất cứ nguồn nào để hỗ trợ cho điều ngài viết.

Thành thử, thực sự chúng tôi ước ao được Cha Đinh Minh Tiên cho hay nguồn ngài dựa vào để quả quyết như thế.

Chứ theo tầm hiểu giới hạn của chúng tôi, điều mà thần học gọi là sự kết hợp ngôi vị (hypostatic union) nơi Ngôi Hai Thiên Chúa từ lúc nhập thể là vĩnh viễn (xem Archbishop Michael Sheehan, Apologetics and Catholic Doctrine, 2001 Edition, Wagga Wagga, NSW, 2650, Australia, p. 378-379).

Vả lại, sự hiểu biết thông thường cho hay: điều Thiên Chúa làm có bao giờ Người giũ bỏ, như giao ước ký với Dân Do Thái chẳng hạn, Giáo Hội ngày nay coi nó không bao giờ bị thu hồi, phương chi là việc Người “assume” (tiếp nhận) bản tính con người hay nhân tính. Làm sao Người giũ bỏ như chiếc áo mặc mà một số dị giáo vốn dạy?

Không biết Cha Đinh Minh Tiên có cùng hiểu như chúng tôi ý kiến của Thánh Irênê, một trong các giáo phụ tiên khởi khi ngài viết trong Against Heresies 1:10:1 [A.D. 189]:

“Vì Giáo Hội... đã nhận được từ các tông đồ và các môn đệ của các ngài đức tin vào một Thiên Chúa, Cha Toàn Năng, Đấng tạo thành trời đất cùng biển khơi và mọi loài trong chúng; và vào một Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng trở nên xác phàm để cứu rỗi chúng ta; và vào Chúa Thánh Thần, Đấng công bố qua các tiên tri các chế độ và việc xẩy ra, và việc sinh hạ từ một trinh nữ, và cuộc khổ nạn, cùng sống lại từ cõi chết, và việc xác lên trời [bodily ascension] của Chúa qúy yêu của chúng ta là Chúa Giêsu Kitô, và việc từ trời Người xuống trong vinh quang Chúa Cha để tái lập mọi sự; và sự sống lại của mọi xác thịt của toàn thể nhân loại, để trước Chúa Giêsu Kitô, là Chúa và Thiên Chúa cùng Đấng Cứu Rỗi và là Vua chúng ta, phù hợp với sự chấp thuận của Chúa Cha vô hình, mọi đầu gối của những kẻ ở trên trời và dưới đất cũng như dưới lòng đất đều cùng bái lậy”.

Xác Chúa Giêsu lên trời rồi lại bị Người giũ bỏ sao, vậy thì cái xác ấy dấu đi đâu?

Chưa hết, Kỳ Họp V của Công Đồng Canxêđoan ghi như sau: “Các thẩm phán cao qúy nhất và vinh quang nhất nói: Dioscorus nhìn nhận rằng ông chấp nhận biểu thức hai bản tính, nhưng không có hai bản tính. Nhưng Tổng Giám Mục hết sức thánh thiện là Lêô nói rằng có hai bản tính trong Chúa Kitô được kết hợp một cách không thể thay đổi, không thể phân rẽ, không thể hỗn độn trong Chúa Con duy nhất được sinh ra là Chúa Cứu Thế của chúng ta. Qúy vị chọn ai, Lêô hết sức thánh thiện hay Dioscorus?

“Các vị giám mục hết sức đáng kính hô vang: chúng tôi tin như Lêô. Những người nói ngược là các người theo Eutyches.Lêô đã trình bầy đức tin đúng.

“Các thẩm phán cao qúy và vinh quang nhất nói: vậy hãy thêm vào định tín, phù hợp với phán đoán của giáo phụ thánh thiện nhất là Lêô của chúng ta, rằng có hai bản tính kết hợp với nhau một cách không thể thay đổi, không thể tách biệt, không thể hỗn độn, trong Chúa Kitô”.

Bách Khoa Từ Điển Công Giáo, ấn bản đầu thế kỷ 20 nói đến việc bản tính nhân loại của Chúa Kitô được thờ lạy với cùng một sự thờ phượng như bản tính Thiên Chúa của Người; hình thức thờ lạy này được gọi là latria trong tiếng La Tinh... Vì bản tính nhân loại là bản tính thực chất và đích thực của Chúa Kitô, nên bản tính nhân loại và mọi phần của nó đều là đối tượng của việc thờ phượng gọi là latria này. Nếu bản tính nhân loại không còn nữa thì nói chuyện thờ lạy làm chi?

Viết như Cha Đỗ Minh Tiên, hình như việc chúng ta thờ lạy Chúa Giêsu trong Phép Thánh Thể, như phương thức hiện nay, là điều sai lầm. Thánh “Thể” còn đâu để mà tôn thờ!

Mong được cha Đinh Minh Tiên soi sáng.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Nắng Sớm Mai
Thérésa Nguyễn
08:22 03/06/2019
NẮNG SỚM MAI
Ảnh của Thérésa Nguyễn

Cảm ơn nắng sớm nhẹ nhàng
Soi trên hoa trắng dịu dàng bình an.
(tn)
 
VietCatholic TV
Đức Phanxicô rất xúc động và vui mừng đọc Kinh Lạy Cha với tín hữu Chính Thống tại Bucarest
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
08:23 03/06/2019
Sau cuộc gặp gỡ với Thánh Hội đồng Chính Thống Rumani (còn gọi là Lỗ Ma Ni) kéo dài hơn 30 phút, Đức Thánh Cha đã đến Nhà thờ chính tòa “Ơn cứu độ nhân dân” của Chính Thống Giáo.

Khi đến nơi, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trầm trồ khen ngợi ngôi thánh đường vĩ đại mới được Đức Thượng Phụ Daniel và Đức Thượng Phụ đại kết Bácthôlômêô của Chính Thống Constantinople khánh thành hồi tháng 11 năm ngoái, 2018.

Sau lời chào mừng của Đức Thượng Phụ Daniel, Đức Thánh Cha đã ngỏ lời với mọi người và ngài giải thích về những ý chỉ trong kinh Lạy Cha mà mọi người sắp cùng nhau đọc.

Đức Thánh Cha nói:


Thưa Đức Thượng Phụ, Các anh em Giám Mục

Anh chị em thân mến,

Tôi biết ơn và cảm động khi được ở trong ngôi đền linh thánh này mang chúng ta lại với nhau trong sự hiệp nhất. Chúa Giêsu đã kêu gọi hai anh em Anrê và Phêrô bỏ lưới của họ lại phía sau và trở thành những môn đệ chài lưới người (x. Mc 1: 16-17). Lời mời gọi một người là không đầy đủ nếu không có người kia. Hôm nay chúng ta muốn dâng lên, bên cạnh nhau, từ trung tâm của đất nước này, lời Cầu nguyện của Chúa. Lời cầu nguyện ấy chứa đựng những lời hứa chắc chắn mà Chúa Giêsu đã đưa ra với các môn đệ: “Thầy sẽ không để anh em mồ côi” (Ga 14:18), và mang đến cho chúng ta sự tự tin để tiếp nhận và chào đón ân sủng là những anh chị em của chúng ta. Do đó, tôi muốn chia sẻ một vài suy nghĩ để chuẩn bị cho lời cầu nguyện này, mà tôi đọc để cầu nguyện cho hành trình huynh đệ của chúng ta và với ý nguyện rằng Rumani có thể luôn là ngôi nhà cho mọi người, một vùng đất gặp gỡ, một khu vườn nơi hòa giải và hiệp thông phát triển.

Mỗi lần chúng ta đọc kinh “Lạy Cha Chúng Con”, chúng ta khẳng định rằng từ Cha không thể đứng một mình, tách biệt với từ Chúng Con. Hiệp nhất trong lời cầu nguyện của Chúa Giêsu, chúng ta cũng kết hợp với kinh nghiệm của Người trong tình yêu và lời cầu bầu, là những điều dẫn chúng ta đến với việc nói rằng: ‘Cha tôi và Cha anh em, Thiên Chúa của tôi và Thiên Chúa của anh em’ (x Ga 20:17). Chúng ta được mời gọi để biến của tôi trở thành của chúng ta, và điều của chúng ta trở thành một lời cầu nguyện. Lạy Cha, xin giúp chúng con coi trọng một cách nghiêm chỉnh cuộc sống của anh chị em chúng con, để biến lịch sử của họ thành lịch sử của chúng con. Lạy Cha, xin giúp chúng con, đừng phán xét anh chị em của chúng con qua các hành động và những hạn chế của họ, nhưng hãy chào đón họ trước hết và trên hết như những con cái của Cha. Xin giúp chúng con vượt qua cám dỗ muốn hành động như một người anh, là người quá quan tâm đến mình đến nỗi quên mất ân sủng là tha nhân (x. Lc 15: 25-32).

Hướng về Cha, Đấng ngự trên thiên đàng, một thiên đàng bao trùm tất cả và trong đó Cha làm cho mặt trời mọc trên cả người lành và kẻ ác, trên người công chính và kẻ bất lương (x. Mt 5:45), chúng ta hãy cầu xin sự bình an và sự hài hòa mà ở đây, trên trái đất này, chúng ta đã không bảo tồn. Chúng ta cầu xin điều này nhờ lời chuyển cầu của tất cả những anh chị em trong đức tin đang sống với Chúa trên thiên đàng sau khi đã tin tưởng, yêu thương và chịu đựng rất nhiều, ngay cả trong thời đại của chúng con, chỉ đơn giản là vì họ là Kitô hữu.

Cùng với họ, chúng con muốn tôn vinh danh Cha, đặt danh Cha ở trung tâm tất cả những việc chúng con làm. Lạy Cha, xin cho danh Cha, chứ không phải danh của chúng con, là danh làm xúc động và thức tỉnh trong chúng con việc thực thi đức bác ái. Đã bao nhiêu lần, trong lời cầu nguyện, chúng con hạn chế chính mình trong việc xin sỏ những ơn này ơn kia và trong việc liệt kê các thỉnh cầu, mà quên rằng điều đầu tiên chúng con nên làm là ca ngợi danh thánh Cha, tôn vinh Cha, và tiếp theo sau đó là nhìn nhận, nơi anh chị em mà Chúa đặt để bên cạnh chúng con, một hình ảnh sống động của Cha. Ở giữa tất cả những điều phù du chóng qua mà chúng con đang bị cuốn hút, lạy Cha xin hãy giúp chúng con biết tìm kiếm những gì thực sự tồn tại đó là sự hiện diện của Cha và của anh chị em của chúng con.

Chúng con trông đợi nước Cha trị đến. Chúng con cầu xin và chúng con mong đợi điều đó, bởi vì chúng con thấy rằng hoạt động của thế giới này không tạo điều kiện cho điều đó, khi nó được tổ chức xoay quanh tiền bạc, tư lợi cá nhân và quyền lực. Bị chìm đắm trong một chủ nghĩa tiêu thụ ngày càng điên cuồng lôi kéo chúng con bằng những thực tại lấp lánh nhưng thoáng qua, lạy Chúa, chúng con cầu xin Chúa phù giúp chúng con biết tin vào những gì chúng con cầu nguyện: đó là từ bỏ sự an toàn thoải mái của quyền lực, sự quyến rũ của thế giới, sự giả định vô ích về sự tự túc của chính chúng con, và thói giả hình chuộng vẻ bề ngoài. Như thế chúng con sẽ không đánh mất hình ảnh Vương quốc mà Chúa kêu gọi chúng con.

Ý Cha được thực hiện, chứ không phải ý muốn của chúng con. “Ý Chúa là tất cả mọi người được cứu” (Thánh Gioan Cassian, Những Hội nghị Linh thao, IX, 20). Chúng con cần mở rộng tầm nhìn của mình, lạy Cha, xin chớ để chúng con đặt giới hạn của riêng mình lên ý chí nhân từ, cứu độ của Cha muốn ôm lấy mọi người. Lạy Cha, xin giúp chúng con, bằng cách gửi Chúa Thánh Thần đến với chúng con, như vào ngày Lễ Ngũ Tuần; Ngài là nguồn can đảm và niềm vui, thúc đẩy chúng con rao giảng tin mừng Phúc Âm vượt ra ngoài giới hạn của các cộng đồng mà chúng con thuộc về, vượt qua những rào cản ngôn ngữ, văn hóa và quốc gia của chúng con.

Mỗi ngày chúng ta đều cần đến Ngài, là lương thực hàng ngày của chúng ta. Ngài là bánh ban sự sống (x. Ga 6: 35,48) khiến chúng ta nhận ra rằng chúng ta là con cái yêu dấu, và khiến chúng ta không còn bị lẻ loi và mồ côi nữa. Ngài là bánh của sự phục vụ, bẻ ra để phục vụ chúng ta và yêu cầu chúng ta đến lượt mình phục vụ lẫn nhau (x. Ga 13,14). Lạy Cha, khi Cha ban cho chúng con lương thực hàng ngày, xin củng cố chúng con để chúng con biết tiến ra và phục vụ anh chị em của chúng con. Và khi chúng con xin Cha cho chúng con lương thực hàng ngày, chúng con cũng xin Cha ban cho chúng con của nuôi ký ức, ân sủng để nuôi dưỡng những căn cội chung trong bản sắc Kitô giáo của chúng con, là những điều không thể thiếu trong thời đại mà nhân loại và đặc biệt là giới trẻ, có xu hướng cảm thấy bị mất gốc giữa những bất định của cuộc sống và không có khả năng xây dựng cuộc sống của họ trên một nền tảng vững chắc. Lương thực mà chúng con cầu xin bắt đầu bằng một hạt giống, từ từ phát triển thành một hạt ngũ cốc, sau đó được thu hoạch và cuối cùng được đưa đến bàn ăn của chúng con. Cầu xin cho điều đó truyền cảm hứng cho chúng con biết là những người gieo trồng kiên nhẫn tình hiệp thông, không mệt mỏi trong việc gieo hạt giống hiệp nhất, khích lệ lòng tốt, hoạt động liên tục bên cạnh anh chị em của chúng con. Không có sự nghi ngờ hoặc thủ thế, không gây áp lực hoặc đòi hỏi sự đồng nhất, nhưng đầy tràn niềm vui huynh đệ trong một sự đa dạng hài hòa.

Lương thực chúng con yêu cầu hôm nay cũng là lương thực mà rất nhiều người ngày nay đang thiếu thốn, trong khi một số ít lại thừa mứa. Kinh Lạy Cha là một lời cầu nguyện khiến chúng ta bất an và kêu lên phản kháng lại nạn đói tình yêu trong thời đại chúng ta, chống lại chủ nghĩa cá nhân và sự thờ ơ bỉ báng danh Thánh Cha. Lạy Cha, xin giúp chúng con biết đói khát sự trao ban nhưng không chính mình. Xin nhắc nhở chúng con, bất cứ khi nào chúng con cầu nguyện rằng cuộc sống không phải là để giữ cho bản thân được thoải mái mà là để cho bản thân bị bẻ ra; không phải để tích lũy nhưng là để chia sẻ; không phải là ăn cho thỏa thích mà là cho người khác ăn. Sự thịnh vượng chỉ là sự thịnh vượng nếu nó bao trùm tất cả mọi người.

Mỗi lần chúng ta cầu nguyện, chúng ta cầu xin Chúa tha những tội lỗi của chúng ta, những nợ nần của chúng ta. Điều này cần sự can đảm, vì nó có nghĩa là chúng ta cũng phải tha thứ cho những xúc phạm của người khác, cho những khoản nợ nần mà người khác mắc nợ chúng ta. Chúng ta cần tìm ra sức mạnh để tha thứ cho anh chị em của chúng ta từ trái tim (x. Mt 18,35), đến độ như Cha. Lạy Chúa, xin tha thứ cho những lỗi phạm của chúng con: xin bỏ lại quá khứ phía sau chúng con và cho chúng con biết cùng nhau đón nhận hiện tại. Lạy Cha, xin giúp chúng con đừng buông trôi theo sự sợ hãi, đừng xem sự cởi mở là mối đe dọa, nhưng biết tìm kiếm sức mạnh để tha thứ cho nhau và bước tiếp, và can đảm không sống một cuộc đời lặng lẽ mà tiếp tục tìm kiếm, với sự minh bạch và chân thành, khuôn mặt của anh chị em chúng con.

Và khi cái ác rình mò ở ngưỡng cửa trái tim chúng con (xem Sáng thế Ký 4: 7) khiến chúng con muốn khép mình lại; khi chúng con cảm thấy cơn cám dỗ thật mạnh mẽ để quay lưng lại với tha nhân, lạy Chúa, xin hãy giúp chúng con một lần nữa, vì bản chất của tội lỗi là lìa xa Chúa và xa lánh người lân cận. Lạy Cha, xin hãy giúp chúng con nhận ra trong mỗi anh chị em của chúng con một nguồn hỗ trợ trên cuộc hành trình chung của chúng con để về với Cha. Xin linh hứng trong chúng con ơn can đảm để nói với nhau: Lạy Cha chúng con. Amen.

Và bây giờ, chúng ta hãy đọc lời cầu nguyện mà Chúa đã dạy chúng ta.


Source:Libreria Editrice Vaticana
 
Phép lạ nhãn tiền tại linh địa Şumuleu Ciuc: Nửa thế kỷ sắt máu không dập tắt được niềm tin Kitô
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
17:21 03/06/2019
Hoạt động đầu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô trong ngày thứ Bẩy mùng 1 tháng Sáu là thánh lễ tại đền thánh Đức Mẹ Sumuleu-Ciuc.

Lúc 9g30 sáng thứ Bẩy, 1 tháng 6, Ðức Thánh Cha sẽ đáp máy bay đến phi trường Bacau.

Đến nơi lúc 10:10, Đức Thánh Cha sẽ dùng trực thăng để bay đến vận động trường Sumuleu-Ciuc, rồi từ đó di chuyển bằng xe hơi đến đền thánh Ðức Mẹ Sumuleu-Ciuc để cử hành thánh lễ cho các tín hữu Công Giáo vào lúc 11g30.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Người Công Giáo theo nghi thức Latinh ở Rumani là thành viên của một sắc dân thiểu số Hung Gia Lợi. Họ không phải là những di dân. Tổ tiên họ vẫn ở đó từ trước nhưng các cuộc chiến tranh, bản đồ được vẽ lại, nên giờ đây họ thấy mình là người Rumani. Đó là một cộng đồng nhỏ được bao quanh bởi các Kitô hữu Chính thống ở một trong những xã hội sùng đạo tôn giáo nhất Châu Âu. Người Công Giáo sống chủ yếu trong các khu vực đồng bằng ở phía đông của khu vực Transylvania. Người ta có cảm giác rằng những khu vực này là những cái nôi hay một thành trì của Công Giáo. Có một truyền thuyết được phổ biến rộng rãi là Đức Trinh Nữ Maria đã xuất hiện trước một nhóm người Công Giáo đang bảo vệ khu vực này chống lại một đội quân Tin lành xâm lược. Một cuộc hành hương hàng năm đến địa điểm Đức Mẹ hiện ra này giúp củng cố ý thức rằng đây là một thành trì của Công Giáo ở Đông Nam Âu Châu.

Theo niên giám thống kê của Tòa Thánh, Rumani có 3 tổng giáo phận, 8 giáo phận, một giáo phận Công Giáo Đông phương, và một giáo hạt tòng nhân cho người Armenia.

Tổng số người Công Giáo là 1,453,000, được chăm sóc mục vụ bởi 2006 linh mục trong 1,892 giáo xứ. Bên cạnh đó, còn có 1,141 nữ tu. Giáo Hội sở hữu 15 bệnh viện, 34 viện dưỡng lão và các nhà chăm sóc cho người khuyết tật và một số lớn trường trung học và tiểu học. Giáo Hội cũng có cả một trường Đại Học.

Rumani có quan hệ ngoại giao đầy đủ với Tòa Thánh. Sứ Thần Tòa Thánh hiện nay là Đức Tổng Giám Mục Miguel Maury Buendía, 63 tuổi, người Ý.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha nói: (Bản dịch của Vũ Văn An)

Anh chị em thân mến, với niềm vui và tạ ơn Chúa, hôm nay, tôi tham gia cùng anh chị em tại đền Thánh Mẫu yêu dấu này, rất giàu lịch sử và đức tin. Chúng ta đến đây như con cái đến gặp Mẹ của chúng ta và nhìn nhận rằng tất cả chúng ta đều là anh chị em. Các đền thánh giống như các “bí tích” của Giáo hội, một giáo hội vốn là bệnh viện dã chiến: chúng giữ cho ký ức của dân trung thành của Chúa, những người, giữa cơn hoạn nạn, vẫn tiếp tục tìm kiếm nguồn nước hằng sống, luôn làm mới lại niềm hy vọng của chúng ta. Chúng là những nơi của lễ hội và cử hành, của nước mắt và khẩn cầu. Chúng ta đến dưới chân Mẹ, ít lời thôi, để Mẹ nhìn ngắm chúng ta, và với cái nhìn đó, dẫn đưa chúng ta đến với Chúa Giêsu, Đấng là Đường, là Sự thật và là Sự sống (Ga 14: 6).

Chúng ta đến đây vì một lý do: chúng ta là những người hành hương. Ở đây, hàng năm, vào Thứ Bảy trước Lễ Ngũ Tuần, anh chị em đến hành hương để tôn trọng lời thề hứa của tổ tiên anh chị em, và để củng cố đức tin của anh chị em vào Thiên Chúa và lòng sùng kính của anh chị em đối với Đức Mẹ, trước bức tượng gỗ vĩ đại của Mẹ. Chuyến hành hương hàng năm này là một phần của di sản Transylvania, nhưng đồng thời nó cũng tôn vinh các truyền thống tôn giáo của Lỗ ma ni và Hung gia lợi. Tín hữu của các tín phái khác cũng tham gia vào nó, và do đó nó là biểu hiệu của đối thoại, hợp nhất và huynh đệ. Nó mời gọi chúng ta tái khám phá việc làm chứng cho đức tin sống động và cuộc sống tràn đầy hy vọng.

Đi hành hương là nhận ra rằng chúng ta đang trên đường trở về nhà như một dân tộc. Cũng để nhận ra rằng chúng ta là một dân tộc. Một dân tộc mà sự giàu có được nhìn thấy trên vô số khuôn mặt, vô số nền văn hóa, ngôn ngữ và truyền thống. Dân thánh và trung tín của Thiên Chúa, trong kết hợp với Đức Maria, tiến trên đường hành hương miệng ca hát lòng thương xót của Chúa. Tại Cana miền Galilê, Đức Maria đã can thiệp với Chúa Giêsu để Người thực hiện phép lạ đầu tiên của Người; trong mọi đền thánh, Mẹ trông chừng chúng ta cầu bầu không những với Con của ngài mà còn với mỗi người chúng ta, xin cho chúng ta đừng để mình bị cướp mất tình yêu huynh đệ của mình bởi những tiếng nói và vết thương chuyên khích động chia rẽ và phân mảnh. Không được quên hoặc bác bỏ các tình huống phức tạp và đầy phiền muộn của quá khứ, nhưng chúng cũng không được gây trở ngại hay làm cớ cản trở ý chí của chúng ta muốn sống với nhau như anh chị em.

Đi hành hương là cảm thấy được kêu gọi và bắt buộc cùng làm cuộc hành trình với nhau, xin Chúa ban ơn thay đổi các oán giận và bất tín trong quá khứ và hiện tại thành các cơ hội mới để hiệp thông. Điều đó có nghĩa phải để lại phía sau sự an toàn và thoải mái của chúng ta và lên đường đến một vùng đất mới mà Chúa muốn ban cho chúng ta. Đi hành hương có nghĩa là dám khám phá và thông đạt “bí nhiệm” sống chung với nhau, và không ngại hòa nhập, ôm hôn và hỗ trợ lẫn nhau. Đi hành hương là tham dự vào biển người phần nào hỗn độn đó, một biển người có thể đem lại cho chúng ta trải nghiệm đích thực của tình huynh đệ, là trở nên thành phần của một đoàn lữ hành có thể cùng nhau, trong liên đới, tạo ra lịch sử (x. Evangelii Gaudium, 87).

Đi hành hương là không nhìn quá nhiều vào điều đáng lẽ đã xảy ra (nhưng đã không xẩy ra), nhưng nhìn vào mọi điều đang chờ đợi chúng ta và không thể bị trì hoãn lâu hơn nữa. Đó là tin vào Chúa, Đấng đang đến và thậm chí lúc này đang ở giữa chúng ta, linh hứng và tạo ra tình liên đới, tình huynh đệ và mong muốn sự tốt lành, sự thật và công lý (x. Evangelii Gaudium, 71). Đi hành hương là cam kết bảo đảm rằng những người tụt hậu của hôm qua có thể trở thành những người chủ động của ngày mai, và những người chủ động của hôm nay không trở thành những người tụt hậu của ngày mai. Và anh chị em thân mến, điều này đòi hỏi một kỹ năng nào đó, nghệ thuật biết dệt các sợi chỉ của tương lai. Đó là lý do tại sao chúng ta ở đây hôm nay, để nói với nhau: Mẹ dạy chúng ta dệt tương lai!

Là những người hành hương đến đền thánh này, chúng ta hướng mắt nhìn ngắm Đức Maria và mầu nhiệm Thiên Chúa kén chọn. Bằng cách nói tiếng xin vâng đối với sứ điệp của thiên thần, Đức Maria - một phụ nữ trẻ ở Nadarét, một thị trấn nhỏ ở Galilê bên rìa của Đế quốc Rôma và của chính Israel - đã khởi động cuộc cách mạng dịu dàng (x. Evangelii Gaudium, 88). Đó là mầu nhiệm Thiên Chúa kén chọn: Người nhìn những kẻ thấp hèn và làm bối rối người quyền thế; Người khuyến khích và linh hứng để chúng ta nói xin vâng, như Đức Maria, và dấn bước lên đường hòa giải.

Anh chị em thân mến, chúng ta đừng quên: Chúa không làm thất vọng những người chấp nhận rủi ro. Vậy, chúng ta hãy lên đường lữ hành, và lữ hành với nhau. Chúng ta hãy chấp nhận mạo hiểm và để Tin Mừng trở thành chất men thấm vào mọi điều và làm cho các dân tộc chúng ta tràn đầy niềm vui cứu rỗi, trong hợp nhất và tình huynh đệ
 
Những lời khuyên quý giá của Đức Thánh Cha dành cho các gia đình Công Giáo tại Iasi
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
15:04 03/06/2019
Hoạt động đầu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô trong ngày thứ Bẩy mùng 1 tháng Sáu là thánh lễ tại đền thánh Đức Mẹ Sumuleu-Ciuc vào lúc 11g30.

Sau khi nghỉ ngơi, ban chiều, Ðức Thánh Cha đã dùng trực thăng bay đến thành phố Iasi và viếng thăm Nhà thờ chính tòa Ðức Maria Nữ Vương của giáo phận địa phương vào lúc 17g25.

Giáo phận Iasi đã được Đức Giáo Hoàng Lêô thứ 13 thành lập vào ngày 27 Tháng Sáu năm 1884. Hiện nay, giáo phận được Đức Cha Petru Gherghel, 79 tuổi coi sóc.

Iasi được xem là vùng có đông người Công Giáo nhất tại Rumani. Thật vậy, trong tổng số 4,359,000 dân, có 226,600 người Công Giáo chiếm 5.2%, là tỷ lệ cao nhất tại quốc gia này. Anh chị em giáo dân sinh hoạt trong 149 giáo xứ, dưới sự chăm sóc mục vụ của 393 linh mục, trong đó có 297 linh mục triều và 96 linh mục dòng. Bên cạnh đó, còn có 419 nữ tu và 222 nam tu sĩ không có chức linh mục.

Sau khi viếng thăm nhà thờ chính tòa, Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ với giới trẻ và các gia đình tại quảng trường trước Tòa Nhà Văn hóa của thành phố Iasi.

Trong diễn từ tại đây, Đức Thánh Cha nói:


Anh chị em thân mến, bună seara!

Hiện diện nơi đây với anh chị em, tôi cảm thấy sự ấm áp như ở nhà và cảm thấy là một phần của một gia đình, được bao quanh bởi cả những người trẻ và người già. Với sự hiện diện đông đảo của anh chị em và khi nhìn anh chị em, thật dễ dàng để cảm thấy như ở nhà. Đức Giáo Hoàng cảm thấy như ở nhà với anh chị em. Cảm ơn anh chị em đã chào đón nồng nhiệt và những chứng tá của anh chị em. Đức Cha Petru, một người cha nhân lành kiên cường, bao gồm tất cả các anh chị em trong lời phần giới thiệu của ngài. Và Eduard đã xác nhận điều này khi anh nói với chúng ta rằng cuộc gặp gỡ này không chỉ đơn giản là dành cho thanh niên hoặc người lớn, nhưng anh chị em “muốn cha mẹ và ông bà của chúng ta cũng ở với chúng ta đêm nay”.

Hôm nay là ngày Thiếu Nhi ở Rumani - chúng ta hãy chào đón các em bằng một tràng pháo tay! Điều đầu tiên tôi muốn chúng ta làm là cầu nguyện cho các em, cầu xin Đức Trinh Nữ che chở các em dưới lớp áo của Mẹ. Chúa Giêsu đã đặt các trẻ nhỏ ở giữa các Tông đồ của Ngài; chúng ta cũng muốn đặt các em ở trung tâm. Chúng ta muốn khẳng định lại cam kết yêu thương các em bằng chính tình yêu mà Chúa yêu thương các em và nỗ lực để bảo đảm quyền có một tương lai của các em.

Tôi rất vui khi biết rằng tại Quảng trường này, chúng ta thấy khuôn mặt của gia đình Thiên Chúa, gồm những trẻ em, những người trẻ, những cặp vợ chồng, những người nam nữ thánh hiến, những người Rumani cao niên từ các vùng và truyền thống khác nhau, và những người khác đến từ Moldova. Cũng có những người đến từ bên kia sông Prut là những người nói tiếng Csango, tiếng Ba Lan và tiếng Nga. Chúa Thánh Thần đã kêu gọi chúng ta ở đây và Người giúp chúng ta khám phá vẻ đẹp của việc ở bên nhau, có thể gặp nhau để cùng nhau hành trình. Mỗi anh chị em đều có ngôn ngữ và truyền thống của riêng mình, nhưng anh chị em rất vui khi được ở đây với những người khác, với niềm hạnh phúc được chia sẻ bởi Elisabeta và Ioan và mười một đứa con của họ. Tất cả các anh chị em đều khác nhau, anh chị em đến từ nhiều miền khác nhau, nhưng “ngày hôm nay tất cả mọi người được tụ họp lại, với nhau, giống như vào mỗi buổi sáng Chúa Nhật trong những ngày xa xưa, khi mọi người đi đến nhà thờ với nhau”. Hạnh phúc của cha mẹ khi nhìn thấy con cái của họ tập trung xung quanh họ. Chắc chắn, hôm nay có niềm vui trên thiên đàng trước sự chứng kiến của tất cả những đứa trẻ muốn ở bên nhau.

Đây là kinh nghiệm của một ngày lễ Ngũ tuần mới (như chúng ta đã nghe trong bài đọc), trong đó Thánh Linh chấp nhận sự khác biệt của chúng ta và ban cho chúng ta sức mạnh để mở ra những con đường hy vọng bằng cách phát huy những điều tốt nhất ở mỗi người. Đó là con đường tương tự được các Tông đồ thực hiện cách đây hai ngàn năm. Hôm nay chúng ta được kêu gọi thay thế vị trí của họ và được khuyến khích trở thành người gieo hạt giống tốt. Chúng ta không thể chờ đợi người khác làm vì điều này tùy thuộc vào chúng ta.

Hành trình cùng nhau không dễ, phải không nào? Đó là một ơn sủng mà chúng ta phải kêu cầu. Đó là một tác phẩm nghệ thuật dành cho chúng ta tạo ra, một món quà đẹp cho chúng ta truyền lại cho các thế hệ tương lai. Nhưng chúng ta bắt đầu ở đâu?

Tôi muốn nhấn mạnh một điểm được cặp vợ chồng già của chúng ta, Elisabeta và Ioan, đưa ra. Thật tốt khi thấy tình yêu đâm rễ sâu thông qua những hy sinh và dấn thân, qua các công việc và những lời cầu nguyện. Tình yêu đã bén rễ trong hai anh chị và nó đã sinh ra nhiều hoa trái. Như tiên tri Giôen từng nói, khi người trẻ và người già gặp nhau, người già không ngại mơ mộng (xem 2:28 [3: 1]). Đây là giấc mơ của anh chị em: “Chúng tôi mơ ước rằng họ có thể xây dựng một tương lai mà không quên xuất thân của mình. Chúng tôi mơ ước rằng không ai trong số những người dân của chúng ta quên đi gốc rễ của họ”. Anh chị em nhìn về tương lai và anh chị em mở ra cánh cửa ngày mai cho con, cháu và dân tộc của anh chị em bằng cách mang đến cho họ những bài học tốt nhất mà anh chị em đã học được từ hành trình của chính mình: đừng bao giờ quên anh chị em đến từ nơi nào. Bất cứ nơi nào anh chị em đi và bất cứ điều gì anh chị em làm, đừng quên gốc rễ của anh chị em. Đó cũng là một giấc mơ, và một lời khuyên mà Thánh Phaolô đã dành cho Ti-mô-thê: hãy giữ vững đức tin của mẹ và bà của anh (x. 2 Tim 1: 5-7). Khi anh chị em tiếp tục phát triển dưới mọi khía cạnh - mạnh mẽ hơn, già hơn và thậm chí quan trọng hơn - đừng quên bài học đẹp nhất và đáng giá nhất anh chị em đã học được ở nhà. Đó là sự khôn ngoan do tuổi tác mang lại. Khi anh chị em lớn lên, đừng quên mẹ và bà của anh chị em, và đức tin đơn sơ nhưng mạnh mẽ đã cho họ sức mạnh và sự kiên cường để tiếp tục và không bỏ cuộc. Đó là một lý do để anh chị em có thể tạ ơn và cầu xin sự quảng đại, lòng dũng cảm, và lòng vị tha của một đức tin “cây nhà lá vườn” có nghĩa là không phô trương, nhưng chậm rãi và chắc chắn xây dựng nên vương quốc của Thiên Chúa.

Chắc chắn, một đức tin không được hiển thị trên thị trường chứng khoán, không “bán” được, dường như “chẳng có tác dụng gì nhiều”, như Eduard nhắc nhở chúng ta. Tuy nhiên, đức tin là một ân sủng giúp duy trì một xác tín sống động, sâu sắc và đẹp đẽ rằng chúng ta là những đứa con yêu dấu của Chúa. Thiên Chúa yêu thương với tình yêu hiền phụ. Mỗi cuộc sống và mỗi một người trong chúng ta thuộc về Người. Chúng ta thuộc về Người trong tư cách là con cái Chúa, nhưng đồng thời chúng ta cũng là cháu chắt, vợ, chồng, ông bà, anh chị em, bè bạn, hàng xóm với nhau; như những anh chị em với nhau. Ma quỷ chia rẽ, phân tán, tách biệt. Nó gieo rắc bất hòa và nghi kỵ. Nó muốn chúng ta sống “tách biệt” với những người khác và với chính chúng ta. Trái lại, Thánh Linh nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta không phải là những hữu thể vô danh, trừu tượng, không mặt mũi, không có lịch sử hay căn tính. Chúng ta không được dựng lên để thành hư vô hoặc hời hợt. Có một mạng lưới tinh thần rất mạnh mẽ liên kết chúng ta; đó là mạng lưới “kết nối” và nâng đỡ chúng ta, và mạnh hơn bất kỳ loại kết nối nào khác. Đó là gốc rễ, là nhận thức rằng chúng ta thuộc về nhau, rằng mỗi cuộc sống của chúng ta được neo trong cuộc sống của người khác. “Giới trẻ phát triển mạnh khi họ đang thực sự được yêu thương”, Eduard nói. Tất cả chúng ta đều phát triển khi chúng ta cảm thấy được yêu thương. Bởi vì tình yêu lôi kéo chúng ta ra khỏi chính mình và mời gọi chúng ta bén rễ trong cuộc sống của người khác. Nó giống như những lời thật đẹp của một nhà thơ từ quốc gia anh chị em, là người có chí nguyện rằng trên đất nước Rumani ngọt ngào này “con cái của các bạn chỉ sống trong tình huynh đệ, giống như những ngôi sao đêm” (M. Eminescu, Những gì tôi Chúc cho anh chị em, Rumani Ngọt Ngào). Chúng ta thuộc về nhau và hạnh phúc của chúng ta là làm cho người khác hạnh phúc. Mọi thứ khác đều là vô nghĩa.

Hãy tiến bước cùng nhau, bất cứ nơi nào anh chị em có thể, đừng bao giờ quên những gì anh chị em đã học ở nhà.

Điều này làm tôi nhớ đến lời tiên tri của một trong những ẩn sĩ thánh thiện của vùng đất này. Một ngày nọ, linh mục ẩn tu Galaction Ilie của Tu viện Sihăstria đang đi giữa đàn cừu gặm cỏ trên sườn núi thì gặp một vị ẩn sĩ thánh thiện mà ngài quen biết. Cha Galaction hỏi ngài: Thưa cha, xin hãy nói cho con biết khi nào thế giới này sẽ kết thúc? Và vị ẩn sĩ đáng kính, với một tiếng thở dài, trả lời: Cha Galaction ơi, cha muốn biết khi nào thế giới này sẽ kết thúc sao? Khi không còn những lối đi giữa những người hàng xóm! Nghĩa là, khi không còn tình yêu và sự hiểu biết Kitô giáo giữa anh chị em, họ hàng, các Kitô hữu và các dân tộc! Khi con người mất hết tình yêu, thì đó thực sự sẽ là ngày tận thế. Bởi vì không có tình yêu và không có Chúa, không ai có thể sống trên trái đất!

Cuộc sống bắt đầu héo mòn, trái tim chúng ta ngừng đập và khô héo, người già không còn mơ ước và những người trẻ tuổi không còn nói tiên tri khi những con đường giữa những người hàng xóm biến mất. Vì không có tình yêu và không có Chúa, không ai có thể sống trên trái đất.

Eduard nói với chúng ta rằng, giống như nhiều người khác trong thị trấn của mình, anh đã cố gắng thực hành đức tin giữa vô vàn những thử thách. Thực sự nhiều thử thách có thể làm chúng ta nản lòng và khiến chúng ta đóng kín vào chính mình. Chúng ta không thể phủ nhận hoặc giả vờ rằng những trường hợp như thế không xảy ra. Những khó khăn là có thật và chúng rất là hiển nhiên. Nhưng điều đó không thể làm cho chúng ta quên rằng chính đức tin mang đến cho chúng ta thách đố lớn nhất: đức tin có thể khiến chúng ta bị bao vây hoặc cô lập, nhưng vượt xa điều đó, đức tin có thể mang lại điều tốt nhất cho tất cả chúng ta. Chúa là người đầu tiên thách thức chúng ta. Ngài nói với chúng ta rằng điều tồi tệ nhất xảy đến khi không còn những lối đi giữa những người hàng xóm, khi chúng ta thấy nhiều chiến hào hơn các thông lộ. Chúa là người ban cho chúng ta một bài hát mạnh mẽ hơn tất cả các bài hát ồn ào làm tê liệt chúng ta trên hành trình của mình. Và Ngài luôn làm theo cách tương tự: đó là hát một bài hát hay hơn và thử thách hơn.

Chúa ban cho chúng ta một ơn gọi, một thử thách để khám phá những tài năng và khả năng mà chúng ta sở hữu và đưa chúng ra phục vụ những người khác. Ngài yêu cầu chúng ta sử dụng tự do của mình như một sự tự do để lựa chọn, để đồng ý với một kế hoạch yêu thương, một khuôn mặt, một cái nhìn. Đây là sự tự do lớn hơn nhiều so với tự do đơn giản là có thể tiêu thụ hay mua sắm. Đó là một ơn gọi khiến chúng ta chuyển động, khiến chúng ta lấp đầy các chiến hào và mở ra những con đường mới để nhắc nhở tất cả chúng ta rằng chúng ta là con cái của Chúa và là anh chị em với nhau.

Trong thời Trung cổ, những người hành hương cùng nhau khởi hành từ thủ đô lịch sử và văn hóa này của đất nước anh chị em, theo con đường Transylvania để đến Santiago de Compostela. Ngày nay, nhiều sinh viên từ nhiều nơi trên thế giới sống ở đây. Tôi nhớ qua vệ tinh mà chúng ta đã có vào tháng 3 (với Scholas Occurentes), và trong cuộc họp đó tôi biết rằng năm nay thành phố của anh chị em sẽ là thủ đô của các bạn trẻ. Anh chị em có hai điều tuyệt vời ở đây: một thành phố được biết đến trong lịch sử về sự cởi mở và sáng tạo, và một thành phố có thể tiếp đón những người trẻ tuổi từ nhiều nơi trên thế giới như ngày nay. Hai điều này nhắc nhở chúng ta về tiềm năng và sứ mệnh cao cả mà anh chị em có thể thực hiện: đó là mở ra những con đường để cùng nhau tiến bước và theo đuổi viễn cảnh tiên tri, theo đó, không có tình yêu và không có Chúa, không ai có thể sống trên trái đất. Ngày nay, từ nơi này, những con đường mới có thể mở ra tương lai, hướng tới châu Âu và nhiều nơi khác trên thế giới. Anh chị em có thể là những người hành hương của thế kỷ hai mươi mốt, có khả năng hình dung ra một lần nữa những liên kết hợp nhất chúng ta.

Tôi không muốn nói nhiều đến việc tạo ra các chương trình hoặc dự án lớn cho bằng khả năng làm đức tin phát triển. Như tôi đã đề cập với anh chị em lúc đầu: đức tin không chỉ được truyền tải bằng lời nói mà còn bằng những cử chỉ, những ánh mắt và sự vuốt ve, giống như mẹ và bà của chúng ta đã làm; với hương vị của những điều chúng ta học được ở nhà một cách trực tiếp và đơn sơ. Nơi nào có ồn ào, chúng ta hãy cố gắng lắng nghe; nơi nào có sự nhầm lẫn, chúng ta hãy truyền cảm hứng cho sự hài hòa; nơi mọi thứ không chắc chắn và mơ hồ, chúng ta hãy mang lại sự rõ ràng. Nơi nào có sự loại trừ, chúng ta hãy mang đến tình liên đới; nơi nào có thứ truyền thông giật gân, thêm mắm dặm muối, chúng ta hãy quan tâm đến tôn nghiêm của người khác; nơi nào có sự hung hăng, chúng ta hãy mang lại hòa bình; nơi nào có sự giả dối, chúng ta hãy mang đến sự thật. Trong tất cả mọi thứ, chúng ta hãy quan tâm đến việc mở ra những con đường cho phép những cảm giác thân thuộc, trở thành con cái Chúa và anh chị em với nhau (xem Thông điệp cho Ngày Truyền thông Xã hội Thế giới 2018).

Rumani là “khu vườn của Mẹ Thiên Chúa”, và trong cuộc gặp gỡ này, tôi đã có thể nhận ra lý do tại sao. Đức Maria là một người mẹ khuyến khích những giấc mơ của con cái mình, người ấp ủ những hy vọng của chúng, người mang lại niềm vui cho ngôi nhà của chúng. Mẹ là một người mẹ dịu dàng và chân thật, người chăm sóc chúng ta. Anh chị em là một cộng đồng sống động, hưng thịnh và tràn đầy hy vọng mà chúng ta có thể dâng lên cho Mẹ của chúng ta. Chúng ta hãy tận hiến tương lai của những người trẻ, gia đình và Giáo Hội cho Mẹ. Mulumec! [Cảm ơn anh chị em!]


Source:Libreria Editrice Vaticana