Ngày 01-06-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Vợ Chồng Tùng Phục Nhau và Tự Hiến Cho Nhau Nhìn trong Ánh Sáng Mầu Nhiệm Tam Vị (3)
Nguyễn Kim Ngân
02:27 01/06/2008

Vợ Chồng Tùng Phục Nhau và Tự Hiến Cho Nhau Nhìn trong Ánh Sáng Mầu Nhiệm Tam Vị (3)



Dẫn Nhập

Cô cháu gái nói với tôi nhân lúc sửa soạn bài đọc lễ cưới: “Cậu chọn bài đọc nào cũng được, nhưng nhớ đừng lấy cái bài có câu Thánh Phaolô bảo rằng ‘Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Thiên Chúa.’” Tôi hỏi: “Tại sao vậy?” “Cậu không thấy như vậy là tiếp tay cho lối sống ‘chồng chúa, vợ tôi’ sao? Thời giải phóng phụ nữ mà ăn nói kiểu ấy thì làm sao nghe được?” Tôi chống chế theo kiểu con nhà có đạo gốc: “Tại cháu chưa hiểu đó thôi, đến như Chúa Giêsu mà cũng còn phục tùng Chúa Cha nữa cơ mà.”

Bẵng đi một thời gian, tình cờ đọc được bài viết của John S. Grabowski Ph.D., giáo sư thần học tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ (CUA) mang tựa đề ‘Mutual Submission and Trinitarian Self-Giving’ tôi mới thấy rõ được câu trả lời chính xác cho thắc mắc của cô cháu gái, và có lẽ cũng là của nhiều người có quan điểm tương tự.


Tính nguyên thủy

Nhưng ‘tính nguyên thủy’ này là gì? Có nhiều cách để trả lời cho câu hỏi này. (1) Có thể trả lời “từ bên dưới” nghĩa là tập trung vào những đặc trưng tính dục của thân xác con người. (2) Cũng có thể dùng cách ngoại suy các phẩm chất biệt loại của dục tính ra khỏi hành vi giao hợp và sinh sản. Đã thấy có nhiều vấn đề nẩy sinh từ cách trả lời thứ (2) này. Trong khi đó có vẻ như cách thứ nhất (tập trung vào các chiều kích tính dục của thân xác) đã được Đức Gioan Phaolô II đề nghị khi ngài đề cập đến ý nghĩa “hôn phối” của thân xác và nhấn mạnh đến những dị biệt về thể lý lẫn cá tính giữa hai phái tính xét như nền tảng của lời mời gọi hai bên tiến đến việc hiệp thông. Tuy nhiên, việc Đức Cố Giáo Hoàng ‘chăm chút’ riêng phần nhân học Kitô giáo trong ‘Gaudium et Spes,’ theo đó “Đức Kitô…mạc khải trọn vẹn con người cho chính con người và dọi sáng vào tiếng gọi vươn lên cao nhất của con người” đã gây cho ta cái ấn tượng là nếu trả lời theo kiểu “từ trên cao” thì có lẽ sẽ có hiệu quả hơn.

Chúng ta đã ghi nhận cách Đức Gioan Phaolô II quy hướng về Tam Vị để có thể hiểu được cái ngài goị là hiệp thông ngôi vị vốn ảnh hưởng đến tình yêu hôn nhân. Thế nhưng chính việc tạo dựng người nam và người nữ theo hình ảnh của Thiên Chúa (x. Gen 1:27) cũng phản ảnh một chút gì đó về cộng đồng Tam Vị thần linh. Điều này không nhất thiết có nghĩa là, ở nơi Thiên Chúa, có những dị biệt tính dục ‘per se’ (tự thân). Tự bản chất thần linh của một hữu thể thiêng liêng, Thiên Chúa vượt lên trên dục tính thể lý (x.MD số 8). Nhưng không giống như các thần linh ngoại giáo mà những lân bang của Israel đã tôn thờ, hành vi tạo dựng đầy tự do của Thiên Chúa, trong nhiều truyền thống Cựu Ưóc, thì được phân biệt rất rõ với việc sản sinh theo tính dục.

Tuy vậy, rõ ràng là chính Kinh thánh cũng sử dụng hình ảnh giống đực và giống cái để mô tả tình yêu và hành động của Chúa trong cuộc sáng tạo. Điều này khiến cho một vài người đi đến kết luận rằng cách thức tốt nhất để mô tả Thiên Chúa và trình thuật sáng tạo người nam và người nữ theo hình ảnh ngài chính là dùng những từ ngữ không phân biệt nam nữ để nói về Thiên Chúa. Nhưng quan điểm này cũng phải đối đầu với những vấn nạn quan trọng. Lý do là nó đã bỏ sót sự kiện là phần lớn Kinh thánh đều sử dụng hình ảnh của người nam, tức giống đực. Hơn nữa, việc Kinh thánh xác định Chúa Cha và Chúa Con không hề mang tính chất độc đoán, xét về cả phương diện chú giải lẫn thần học. Sau hết, khi mô tả việc sáng tạo như là công trình sinh sản của một mẫu thần là ta đã hoá giải một cách tuyệt vọng tính siêu việt của Thiên Chúa vượt trên tạo vật vốn bảo đảm cho tính nội tại dư tràn của ngài. Như vậy, xem chừng như sẽ gặp rất nhiều vấn đề nếu ta muốn cố gắng phác hoạ Thiên Chúa bằng ngôn ngữ giống cái một cách không phân minh nhằm đạt tới một khái niệm trừu tượng về phái tính trên bình diện vũ trụ.

Tuy nhiên, tưởng cũng là chính xác nếu ta bảo rằng Kinh thánh có sử dụng hình ảnh và ngôn ngữ giống cái để nói về Thiên Chúa. Có một vài bằng chứng trong Tân Ước cũng như trong tác phẩm của các Giáo Phụ (nhất là trong truyền thống Syria) vốn áp dụng hình ảnh này một cách đặc biệt vào Ngôi Vị Thánh Thần. Điều này đã khiến nhiều nhà tư tưởng thuộc nhiều khuynh hướng thần học khác nhau đã mô tả Chúa Thánh Thần bằng những hạn từ thuộc nữ giới và mẫu giới hoặc nhìn Chúa Thánh Thần như là ‘nơi’ trong Tam Vị chứa đựng các phẩm chất này.

Đức Gioan Phaolô đã bộc lộ ý thức của ngài về sự kiện vừa nói qua đoạn văn sau đây: “Trong kế hoạch vĩnh cửu của Thiên Chúa, phụ nữ chính là nơi đâm rễ đầu tiên của trật tự tình yêu trong thế giới con người thụ tạo. Trật tự tình yêu thuộc về đời sống thân mật của chính Thiên Chúa, đó là đời sống Tam Vị. Trong đời sống thân mật của Thiên Chúa, Chúa Thánh Thần chính là hiện thân ngôi hiệp của tình yêu. Qua Chúa Thánh Thần, vốn là Quà Tặng Không Hề Được Tạo Dựng, tình yêu đã trở thành một món quà trao gửi đến những ngôi vị được tạo thành” (MD số 29).

Qua bản văn này, cũng như qua việc nhấn mạnh rằng “phẩm giá của phụ nữ được đo lường bằng trật tự tình yêu, Đức Gioan Phaolô II đã gợi lại lời nói của Đức Piô XI liên quan đến ưu quyền của phụ nữ trong trật tự tình yêu. Ưu quyền này lại được hỗ trợ bởi quan điểm thần học Tam Vị cổ điển của Tây phương vốn nhìn Chúa Thánh Thần như là hiện thân của tình yêu tự hiến hỗ tương giữa Chúa Cha và Chúa Con. Chính bởi vì Chúa Thánh Thần là sợi dây tình yêu và hiệp thông trong đời sống Tam Vị, thế nên ta có thể nghĩ rằng phụ nữ, một cách loại suy, cũng phản ảnh và sở hữu cùng các phẩm tính ấy để nuôi dưỡng và nâng đỡ tình hiệp thông giữa gia đình và hôn nhân. Cũng có thể thêm rằng nếu Chuá Thánh Thần lấy tình yêu vô biên mà đổ chan hoà các bể chứa trong đời sống Tam Vị, thì nữ tính nhân loại cũng bộc lộ một hình thái nội tâm đặc loại—đó là nội tâm tính hiển nhiên nhất thể hiện qua mẫu tính (x. MD số 19, 21).

Một cách thức khác để nối kết các phẩm tính của Ngôi Ba Thiên Chúa với các phẩm tính biểu tỏ trong nữ tính nhân loại chính là qua con người của Đức Maria. Đức Gioan Phaolô II đã nói thế này về Mẹ: “Bằng một cách thức trọn vẹn nhất và trực tiếp nhất, Mẹ chính là biểu tượng của mối liên kết thân mật của trật tự tình yêu—vốn đi vào đời người qua một người Nữ--với Chúa Thánh Thần. Trong ngày Truyền Tin, Mẹ nghe thấy những lời này: ‘Chúa Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Bà’ (Lk 1:35). (MD số 29)

Cùng với Chúa Thánh Thần, Mẹ Maria làm cho Đức Kitô hiện diện trong thế giới qua việc Nhập Thể--mẫu tính của Mẹ như thế là nằm ‘trong Chúa Thánh Thần.’ Việc Mẹ vâng phục trong đức tin và phó thác bản thân cho Thiên Chúa đã đem lại kết quả không những cho việc Con Thiên Chúa giáng sinh, mà còn cho tất cả mọi người tín hữu nữa. Một khía cạnh của kết quả này chính là cách thức Mẹ phục vụ như là mẫu mực của các dạng tình yêu tự hiến mang nét nữ tính độc đáo cả trong ơn gọi làm mẹ lẫn ơn gọi thánh hiến đồng trinh (x. MD số 4). Hơn nữa, việc Mẹ sẵn sàng chấp nhận đời sống quy hướng về mối hiệp thông giữa người phụ nữ và người con sắp chào đời của mình đã bộc lộ toàn thể nhân cách của Mẹ. Chính khuynh hướng mang nặng mẫu tính này đã lý giải tại sao phụ nữ thường có xu hướng quy về con người nhiều hơn so với cánh đàn ông (MD số 18).

Xem thế, không thể nói như một số người cho rằng việc Đức Gioan Phaolô II nhấn mạnh đến đức đồng trinh và mẫu tính trong ơn gọi của người phụ nữ chỉ thuần túy là định kiến về phái tính. Đúng hơn, phải nói rằng đây chính là một phần của một nền nhân học Tam Vị rộng lớn hơn. Cả nam lẫn nữ, dù mang những hình thái dị biệt riêng cho phái tính của mình như thế nào chăng nữa, cũng đều phải biết cho đi bản thân mình thì mới đạt tới mức thành toàn. Quả vậy, theo Gaudium et Spes, số 24, thì đây là định nghĩa của nhân vị: “Giữa mọi tạo vật trong thế giới hữu hình, con người—dù nam hay nữ--chính là hữu thể duy nhất mà Thiên Chúa Hóa Công ‘đã muốn tạo nên vì chính nó;’ có nghĩa nó là một nhân vị. Là một nhân vị chính là nỗ lực tiến đến mức tự thành toàn…điều chỉ có thể thực hiện được ‘qua việc chân thành tự hiến.’ Mẫu mực của cách lý giải này về nhân vị chính là Thiên Chúa Tam Vị, xét như một hiệp thông Ngôi vị (MD số 7).

Trong trường hợp nữ giới, tính cách nhân vị này chính là phản ánh mang tính thụ tạo của Chúa Thánh Thần xét như mối liên kết tình yêu hỗ tương giữa Chúa Cha và Chúa Con với Đấng mà qua Ngài, tình yêu này được giáng sinh vào đời.

Như vậy, ‘tính nguyên thủy’ nơi con người là gì? Ở đây, tư tưởng của Đức Gioan Phaolô II dù mang nét bao quát, nhưng khởi điểm của câu trả lời vẫn đến “từ trên cao.” Từ muôn thuở, Chúa Cha sinh ra Chúa Con đồng bản thể với Ngài trong một hành vi tình yêu siêu vượt trên cách sinh sản thể lý, nhưng đồng thời lại mang nét tương tự như thế--hiểu theo cách loại suy (x. Eph 3:14-15; MD số 8). Vì thế, trong sự hiệp thông Tam Vị, Chúa Cha mang phẩm tính của nguồn gốc và sự khai sinh đời sống. Phẩm tính này được Chúa Con chia sẻ trong nhiệm cục cứu độ khi được phép trở thành “trưởng tử giữa nhiều anh em” Rom 8:29; x. Heb1:2-3; 2:10-13) nghĩa là khi ngài đảm nhận vai trò của người cha trong lòng Hội thánh bằng cách trở nên nguồn mạch sự sống.

Quả là có một số tác giả đã nói đến một loại “siêu nữ tính” nơi Ngôi vị của Chúa Con trong Tam Vị trong mức độ là, giống như Chúa Thánh Thần, ngài nhận lấy từ Chúa Cha đời sống và hữu thể. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận rằng, theo một nghĩa nào đó, ngay Chúa Cha cũng mang tính cách thụ nhận, do bởi ngài, tự muôn thuở, đã “lãnh nhận” phụ tính của mình từ Chúa Con đồng bản thể với mình. Tất cả những điều trên cảnh báo chúng ta coi chừng một lối dễ dãi khi xác định tính thụ nhận và nữ tính. Mỗi Ngôi trong Ba Ngôi đều mang tính thụ nhận, cho dù theo cách thức và mức độ khác nhau. Vì vậy, chỉ nguyên yếu tố này mà thôi thì chưa đủ tiêu chuẩn để áp đặt nữ tính và hình ảnh vật chất cho các ngài.

Tất nhiên là trong đời sống Tam Vị cũng có trật tự, thế nhưng cần phải hiểu cho đúng. Ưu tính của Chúa Cha xét như nguồn mạch đời sống Tam Vị, hay ‘tính cách làm đầu’ của ngài (x. 1Cor 11:3), không hề làm sai lệch hoặc làm hư hoại thiên tính và bình đẳng tính trọn vẹn của Chúa Cha hoặc Chúa Thánh Thần. Lý giải khác đi tức là sẽ rơi vào một hình thức của chủ thuyết lệ thuộc. Hiểu vậy, ưu tính của Chúa Cha trong việc ban phát đời sống không thể được hiểu là uy quyền hay thống lĩnh quyền, mà phải hiểu là lòng quảng đại bao dung. Bởi thế, kế hoạch cứu độ của Chúa Cha chính là nhằm tạo dựng một dân tộc dưới quyền thủ lãnh của Chúa Con để tôn vinh ngài (x. Eph 1:3-10). Nam tính nhân loại, nhất là trong phụ tính sinh học hoặc trong lối sống tự hiến tu trì độc thân, đều phản ảnh phẩm tính này, hiểu theo cách loại suy. Do đó, có thể tìm thấy một chút gì đó thuộc về ‘tính nguyên thủy’ của người nam trong nỗ lực cho đi và bảo vệ sự sống một cách quảng đại và đầy sáng tạo.

Việc vợ chồng tùng phục nhau trong hôn nhân theo mô tả của Đức Gioan Phaolô II thì diễn tiến, không phải ở bên ngoài, mà là ở chính bên trong toàn thể phạm vi của những dị biệt sinh học, tâm lý và cá nhân. Nó cũng không hề loại trừ một trật tự nào đó nằm trong tương quan này, vốn vừa tương ứng với các dị biệt này, lại vừa tương ứng, theo kiểu loại suy, với ‘ordo’ (trật tự) Tam Vị. Theo nghĩa này, nền nhân học khơi nguồn “từ trên cao” có thể được xác nhận nhờ những dị biệt tâm lý và thể lý giữa hai phái tính, điều mà Đức Gioan Phaolô II gọi là “ý nghĩa hôn phối của thân xác.”

Thế nhưng các dị biệt cá nhân bất khả giản lược này mở ra cho nghe thấy một tiếng gọi hiệp thông ngay trong lòng bản chất con người được chia sẻ và một phẩm giá bình đẳng. Ngay trên dòng hiệp thông này, ta thấy được tính hiệp nhất của tình yêu đang càng ngày càng gia tăng nhịp hài hoà của tác động trở nên ‘một thịt một xương’ trong hôn nhân, vốn phản ảnh sự kết hiệp ‘ad intra’ (nội tại) của Ba Ngôi cũng như tác động nhất trí của Ba Ngôi trong nhiệm cục cứu độ. Như thế, nền tảng chân thực nơi lối hiểu mới mẻ của Đức Gioan Phaolô II về tương quan vợ chồng trong hôn nhân Kitô giáo chính là nền nhân học Tam Vị vậy.

(còn tiếp một kỳ)
 
Tầm quan trọng của Lời Chúa trong cuộc sống của con người
Nguyễn Q Hoàng, O.Carm.
11:56 01/06/2008
Chủ Nhật 9 thường niên

Tầm quan trọng của Lời Chúa trong cuộc sống của con người

Sách Sáng thế Ký cho chúng ta biết rằng, Thiên Chúa tạo dựng trời đất, biển khơi, và muôn vàn vạn vật bằng chính Lời của Ngài. Hãy có ánh sáng, liền có ánh sáng; hãy có cây cối và vạn vật, v.v… và mọi sự liền có như lời Ngài phán bảo. Nhưng, điều đáng chú ý là Thiên Chúa Sáng tạo nên loài người qua một tiến trình từ một cuộc thảo luận bằng lời nói đến hành động của Ngài. Chúng ta hãy tạo nên con người giống hình ảnh chúng ta. Và Ngài đã tạo nên Adam từ bụi đất và thổi hơi vào cho Adam có sự sống. Nhưng Adam lại cô đơn giữa muôn vàn vạn vật, nên Chúa đã tạo nên bà Eva từ cạnh xườn của Adam.

Những gì Thiên Chúa sáng tạo nên bởi lời của Ngài đều tốt đẹp. Thiên Chúa yêu thích những gì Ngài tạo dựng nên vì đó là công trình và kết quả của lao công của Ngài. Thánh Ênri nê đã diễn tả hình ảnh của một Thiên Chúa yêu thương taọ vật của Ngài qua hình ảnh của một người đang giang tay ôm ấp trọn cả tạo vật vào lòng mình. Tin Mừng của thánh Gioan cho chúng ta biết rằng, Thiên Chúa Yêu thế gian đến nỗi đã trao con một của Ngài để ai tin vào Người sẽ được sống vỉnh cửu. Chúa Giêsu chính là Ngôi Lời của Thiên Chúa, nhập thể và sống kiếp phàm nhân. Ngài kết quả của tình yêu Chúa Cha trao ban cho thế gian, là hiện diện của Nước trời nơi trần thế. Lời của Chúa Giê su chính là lời của Chúa Cha hiện diện nơi Ngài qua tác động của Chúa Thánh Linh.

Chính vì thế, bài Tin Mừng của thánh Mathew hôm nay diễn tả tầm quan trọng của Lời Chúa trong cuộc sống của con người. Nếu chúng ta biết lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành thì cuộc sống của chúng ta sẽ vững vàng như ngôi nhà được xây trên nền đá. Dù cho thử thách, gian nan, cám dỗ và đe dọa đến mạng sống cũng không hề hấn gì. Lời Chúa mà chúng ta lắng nghe và đem ra thực hành không chỉ là những nổ lực của cá nhân chúng ta nhưng còn là sự dẫn dắt của Thánh Linh. Chính Chúa Thánh Linh là Ân Sủng trao ban cho thế gian nhưng không để dẫn dắt chúng ta đi đúng theo ý Chúa như Lời thánh Phao lô nói trong bài đọc hai. Con người chúng ta nên công chính vì chúng ta đã tin vào Đức Giê su Ky tô và thực thi lời của Ngài trong cuộc sống chứ không phải là do giữ luật nghiêm ngặt.

Nhưng làm sao chúng ta phân định Lời Chúa muốn nói với chúng ta qua cuộc sống bận bịu hàng ngày ? Ma quỷ cũng có thể bắt chước lời Chúa để cám dỗ chúng ta làm biết bao điều gian ác. Lịch sử cũng đã minh chứng nhiều sự kiện con người nhân danh Chúa và dùng Lời Chúa để làm bao điều bất công, gian ác, và để tàn sát lẫn nhau. Thánh Tê rê sa thành Avila kinh nghiệm rằng những gì đến từ Thiên Chúa thì vỉnh cửa, nhưng cũng đem lại bình an và hoan lạc thiết thực trong tâm hồn chúng ta. Những gì đến từ ma quỷ chỉ đem đến cho chúng ta sự bối rối, bất an, sự tham lam và gian ác.

Khi đọc Lời Chúa, chúng ta tin những gì chúng ta đọc và chúng ta công bố những gì chúng ta tin. Ước gì lời Chúa là ngọn đèn soi bước và dẫn đường chúng ta đi theo ý Chúa. Xin cho lời Chúa là chính lộ, là thành lũy, là núi đá che chở chúng ta trong những gian nan thử thách. Nguyện cho ý Chúa được thể hiện trong mỗi người chúng ta để vinh quang Chúa được cả sáng và nước Chúa trị đến nơi mọi nẻo đường chúng ta bước đi.
 
Thiên Chúa là Cha của chúng con
Tuyết Mai
12:03 01/06/2008
Thiên Chúa là Cha của chúng con

Sáng sớm hôm nay thức dậy, con nhìn trời bên ngòai tràn đầy nắng ấm và sức sống thiên nhiên, trong con khơi lên một sức sống và khóai cảm thật mãnh liệt, hòa cùng tiết trời và muôn tạo vật, con xin dâng lên Thiên Chúa là Cha của tất cả chúng con, hát lên bài ca để ca ngợi, tôn vinh, cảm tạ, và nhận tấm lòng tri ân thật sâu xa tận đáy lòng của tất cả chúng con.

Ai không cảm và yêu mến vẻ đẹp của thiên nhiên bốn mùa mà Chúa đã tạo dựng cho lòai người chúng con được hưởng dùng, thì quả những con người đó chưa nhận biết Chúa, hoặc họ đã trở thành những con người máy thời đại của hiện tại và tương lai? Nguyện xin cho tất cả lòai người chúng con, chẳng những nhận biết có Chúa, mà còn cố gắng sống cho thật xứng đáng làm con Thiên Chúa, bây giờ và mãi mãi.

Thiên Chúa là Cha ngợi khen danh Chúa muôn đời
Nhìn bầu trời xanh mây buông lơ lửng êm trôi
Nhìn bầy chim lang thang tung cánh trong chiều nắng
Sức sống thiên nhiên đẹp tựa một bức tranh mơ
Mà người họa sĩ là Đức Chúa Cha trên trời

Thiên Chúa là Cha ngợi khen danh Chúa muôn đời
Tình Ngài bao la vô biên như thác cao sơn
Tình Ngài trao ban như mưa Thánh Ân chờ đón
Đổ xuống trên con tin yêu lửa mến không nguôi
Tìm nguồn hạnh phúc là Đức Chúa Cha trên trời

Đường về quê hương là kính Chúa với yêu tha nhân
Quyết tâm theo Ngài dù sóng gió vẫn lòng cậy trông

Thiên Chúa là Cha ngợi khen danh Chúa muôn đời
Cuộc đời trôi qua bao nhiêu sóng gió gian nan
Cuộc đời mong manh như sóng cuốn con thuyền lá
Phó thác dâng Cha cuộc đời này lắm phong ba
Vì người chèo lái là Đức Chúa Cha trên trời.
 
Tỉnh thức trước những xáo trộn
+ GM JB Bùi Tuần
12:18 01/06/2008
TỈNH THỨC TRƯỚC NHỮNG XÁO TRỘN

Tỉnh thức là đức tính luôn cần cho cuộc sống con người. Riêng đối với cuộc sống đạo, tỉnh thức càng là điều không thể thiếu.
Một trong những lý do đòi ta tỉnh thức là để biết sáng suốt trong một tình hình có nhiều xáo trộn.
Xáo trộn trong đạo là tình hình đã được Chúa Giêsu báo trước. Ở đây, chỉ xin đưa ra ba hình ảnh do chính Kinh Thánh đã chọn.

1/ Ba hình ảnh gây xáo trộn

a) Hình ảnh cỏ lùng giữa lúa

Chúa Giêsu phán: "Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất. Khi lúa mọc lên và trổ bông thì cỏ lùng cũng xuất hiện. Đầy tớ mới đến thưa chủ nhà rằng: Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy? Ông đáp: Kẻ thù đã làm đó". (Mt 13,24-28).

Những lời Chúa phán trên đây cho ta thấy một tình hình coi bề ngoài có vẻ bình an, nhưng thực ra là rất xáo trộn. Cộng đoàn của ta là một cánh đồng lúa coi như xanh tốt, nhưng có thể là đang pha trộn nhiều cỏ lùng. Chính bản thân ta cũng là thửa ruộng có lúa và cũng có cỏ lùng. Phải tỉnh thức trong Chúa mới nhận ra được cảnh xáo trộn nguy hiểm đó. Đừng dối lừa mình bằng những ảo tưởng.

Một hình ảnh khác Chúa Giêsu đã dùng để báo về cảnh xáo trộn, đó là hình ảnh kitô giả và ngôn sứ giả.

b) Hình ảnh kitô giả và ngôn sứ giả

Chúa phán: "Thật vậy, sẽ có những ktiô giả và ngôn sứ giả xuất hiện, đưa ra những dấu lạ lớn lao và những điều thiêng, đến nỗi chúng lừa gạt cả những người đã được tuyển chọn, nếu có thể. Thầy báo trước cho anh em đấy" (Mt 24,24-25).

Những lời Chúa phán trên đây cho ta thấy: Sức mạnh của những kitô giả và ngôn sứ giả là rất lớn, rất mạnh, rất tinh vi. Nếu cả những người được tuyển chọn mà còn bị lừa, phương chi những người bình thường, ngây thơ. Phải rất tỉnh thức trong ơn Chúa, mới hy vọng thoát được những lường gạt đạo đức không bao giờ thiếu xung quanh ta. Đừng tự mãn ẩn mình trong nhận định ngây thơ.

Cỏ lùng và ngôn sứ giả là những hình ảnh gây xáo trộn một cách êm nhẹ. Còn hình ảnh sau đây sẽ gây xáo trộn một cách tàn bạo, trắng trợn.

c) Hình ảnh sói dữ

Thánh Phaolô xưa khi từ biệt các kỳ lão Hội thánh Êphêsô, ngài đã nói: "Phần tôi, tôi biết rằng: Khi tôi đi rồi, thì sẽ có những sói dữ đột nhập vào anh em, chúng không tha đàn chiên. Ngay từ giữa hàng ngũ anh em cũng sẽ xuất hiện những người giảng dạy những điều sai lạc, hòng lôi cuốn các môn đệ theo chúng" (Cv 20,29-30).

Với những lời báo trước trên đây, thánh Phaolô cho thấy: Ngài coi việc truyền giáo của ngài là rất mong manh. Ngài linh cảm kết quả truyền giáo sẽ bị chính nội bộ tàn phá. Và sự tàn phá sẽ được thực hiện một cách dữ dằn thô bạo như kiểu chó sói. Đừng lạc quan hão huyền.

Ba hình ảnh gây xáo trộn đạo Chúa luôn xảy ra dưới mọi thời, không nhiều thì ít, dưới nhiều hình thức khác nhau.

Việc xáo trộn hiện nay càng trở nên trầm trọng. Khi mấy lời Chúa căn dặn tha thiết đang bị coi thường.

2/ Xáo trộn hiện nay

a) Do bỏ đường hẹp

Chúa phán: "Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy" (Mt 7,13-14).

Chính Chúa cho thấy sẽ ít người đi vào đường hẹp. Tôi có chút kinh nghiệm về điều đó. Cách đây mấy chục năm, tôi được mời nói chuyện với vài cộng đoàn nhỏ bên Âu châu. Tôi nói về vai trò của thánh giá trong đời sống thiêng liêng. Sau đó, ít là có hai bề trên cộng đoàn đã nhắc cho tôi biết: Thời nay, nhiều nơi tại các nước phát triển, người ta không muốn nghe đến chuyện đau khổ, chuyện từ bỏ, chuyện thánh giá, chuyện khổ chế trong tu đức.

Hồi đó, tôi nghe vậy thì lấy làm lạ. Bây giờ thì não trạng sống hưởng thụ cũng đã lan tới Hội Thánh Việt Nam. Rất nhiều nơi coi tự do hưởng thụ và thi đua hưởng thụ là chuyện bình thường, thậm chí còn coi như một đòi hỏi chính đáng. Do đó mà phong trào tục hoá đã phát triển, sinh ra bao xáo trộn đau buồn.

b) Không thi hành thánh ý Chúa Cha

Một điều đang gây xáo trộn rất nhiều hiện nay là không thực thi thánh ý Chúa. Thực thi thánh ý Chúa được Chúa coi là rất quan trọng, đến nỗi Chúa phán: "Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lạy Chúa, lạy Chúa, là được vào Nước Trời cả đâu. Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi" (Mt 7,21).

Thánh ý Chúa là mỗi người hãy chu toàn bổn phận của mình. Hiện nay nhiều người đã chu toàn bổn phận của mình một cách can đảm rất đáng khen ngợi. Trong những hoàn cảnh rất khó, rất khổ, họ vẫn là người cha người mẹ đảm đang, họ vẫn là người con, người cháu hiếu thảo, họ vẫn là người vượt qua chính mình, để chu toàn trách nhiệm truyền giáo.

Đang khi đó, nhiều người có những hoàn cảnh thuận tiện, lại rất thiếu sót với bổn phận của mình. Ở đây, tôi nhớ tới những lời than phiền về một số kitô hữu chúng tôi đó đây đã chểng mảng trong bổn phận tự đào tạo. Chúng tôi được kêu gọi không ngừng nâng cao hơn trình độ đạo đức và trình độ trí thức của mình. Nhưng chúng tôi ngại phấn đấu. Chểnh mảng như thế là một lỗi bổn phận, gây xáo trộn trong cộng đoàn và Hội Thánh.

c) Thiếu sót về yêu thương

Yêu thương nhau như Chúa yêu thương ta, đó là điều răn mới rất quan trọng của đạo Công giáo. Chúa phán: "Thầy ban cho các con một điều răn mới là các con hãy yêu thương nhau. Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con. Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết các con là môn đệ Thầy: là các con có lòng yêu thương nhau" (Ga 13,34-35).

Tôi mới gặp mấy người ngoài Công giáo. Gia đình họ nghèo. Nghèo của cải, nhưng giàu bác ái. Hầu như cả ngày họ đều đi lo cho các người bị xã hội và gia đình bỏ rơi. Họ chia sẻ cho nhau những nỗi đau buồn và thất vọng. Thấy họ có lòng bác ái, dấn thân không mệt mỏi, tôi rất ngỡ ngàng. Tôi thầm nghĩ: Tấm lòng của họ đầy lửa yêu thương khiêm nhường, mỗi ngày của họ là những dấu chỉ sáng lạn về tình yêu quên mình của Chúa. Đời sống của họ rất lặng lẽ. Nhưng dần dà mọi người lối xóm đều biết họ là niềm hy vọng của những kẻ khốn cùng trên một địa bàn chìm sâu trong đau khổ. Nhiều người chúng ta không bằng họ.

Xáo trộn sẽ còn thêm xáo trộn. Bổn phận của mỗi người chúng ta là hãy tỉnh thức đón nhận ơn cứu độ. Ơn Chúa cứu độ sẽ được ban cho ta như những giọt máu trái tim Chúa Giêsu. Những giọt máu đó ngọt ngào yêu thương và thơm tho tâm tình khiêm tốn vâng phục thánh ý Chúa Cha.
 
Mỗi ngày một câu chuyện (dành cho trẻ em)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:05 01/06/2008
CÂY CON TỘI NGHIỆP

N2T


Trong rừng sâu đẹp đẽ sinh trưởng rất nhiều loại cây, chúng nó rất nhiều chủng loại, hình dáng mỗi loại mỗi khác. Có cây thì cao sừng sững trong mây, có cây thì to dáng kết trái, có cây thì kết đầy trái cám dỗ người ta.

Đương nhiên, mỗi cây cổ thụ đều do cây con mà lớn lên, cho nên, trong rừng sâu vẫn còn có rất nhiều cây con, chúng nó nhỏ bé mơn mỡn, lá màu xanh biếc rất làm cho người ta thích.

Các cây nhỏ đều mọc ở giữa đám cỏ và giữa các cây khác, cho nên có một cây con suốt ngày không được vui vẻ. Nó rất oán hờn. Hôm nay thấy mấy cây cao lớn, nói chúng nó che mất ánh mặt trời, khiến cho nó cả ngày ở trong bóng tôi; ngày mai lại trách mấy cây vạm vỡ, nói chúng nó che mất gió, khiến nó không hấp thụ được không khí trong lành; sau đó nó không thích mấy cây kết trái cám dỗ người ta, nói chúng nó lấy mất dinh dưỡng vốn là của nó, cho nên nó mới thành cây bé tí nhỏ xíu. Sau khi nó đem bạn bè ra chỉ trích, thì bắt đầu phê bình những đám cỏ trên đất, nói chúng nó che mất thổ nhưỡng, và cứ thế, ấm ức khó chịu của cây nhỏ không bao giờ ngừng.

Một hôm, có một công nhân đốn cây đến trong rừng, cây nhò nghĩ rằng: bây giờ kiếm cơ hội để dạy cho mấy cây cổ thụ này một bài học, thế là nó ngăn chận người công nhân đốn cây lại, khóc và nói với anh ta: “Người tốt bụng, xin cứu tôi với.”

Công nhân đốn cây vội vàng hỏi: “Phát sinh chuyện gì vậy ?”

- ¬“Tôi vừa nhỏ vừa yếu, suốt ngày không nhìn thấy mặt trời, còn nữa, rễ của tôi ở dưới đất không thể phát triển được...”

Người công nhân đốn cây tốt bụng hỏi cây con: “Ta có thể giúp cho ngươi những gì ?”

Cây nhỏ vừa nghe thì lập tức không khóc nữa, nó chỉ mấy cây lớn nói: “Chặt chúng nó đi, chặt hết mây cây lớn chung quanh đây, chính chúng nó ngăn trở không cho tôi lớn lên. Không có chúng nó, thì tôi lớn và cao hùng tráng rất nhanh. Ngày này sang năm, tôi sẽ trở thành một cây đại thụ, màu xanh của tôi sẽ thay mấy cây này.”

Công nhân đốn cây làm theo lời của cây con nói, anh ta cho rằng làm như thế là giúp cho cây con mau lớn. Không bao lâu sau, toàn bộ các cây lớn chung quanh đều bị chặt trụi, chỉ chừa lại cây con ấy mà thôi. Cây con nhìn thấy tất cả các cây lớn bị đốn ngã, thì trong lòng rất vui sướng, nó vui vẻ hoan hô.

Nhưng, cây nhỏ hoan hô quá sớm, sau khi tất cả các cây lớn bị đốn ngã thì mặt trời xuất hiện, không có cây lớn che bóng nên cây nhỏ phơi nắng toàn thân chấy nám; mưa tuyết rơi xuống không có cây lớn ngăn chặn, các cành của cây nhỏ bị gãy; đến khi cuồng phong thổi đến thì cây nhỏ cuối cùng cũng bị thổi ngã xuống đất, không thể đứng lên được.

Khi thời tiết luân chuyển, trong đám cỏ bò ra một con rắn, nó bò đến bên cây con chết, thở hơi dài nói: “Cây con ạ, mày thật là một tên ngu chỉ biết mình mà thôi, bây giờ mày còn nhỏ, mất đi người bảo vệ mày, thì chắc chắn không thể sinh tồn được. Bởi vì mày quá ích kỷ, cho nên mới rơi vào kết cục như thế này.”

(Trích: Câu chuyện nhỏ, đạo lý lớn)

Gợi ý:

Các em thân mến,

Cái tâm ghen ghét và ích kỷ của cây nhỏ, không những khiến cho nó mất đi mạng sống, mà còn gây ra tai họa lâu dài cho các cây khác. Cùng một đạo lý như thế, con người sống trong sự hợp quần, có nghĩa là sốn với người khác, sống chung với người khác và sống cùng với người khác, không ai có thể rời khỏi người khác mà có thể tự mình trưởng thành được.

Nếu chúng ta không cần đến người thợ may, thì các chúng ta sẽ không có áo quần đẹp mặt; nếu chúng ta không cần đến bác nông phu, thì chúng ta sẽ không có lúa gạo mà ăn; nếu chúng ta không cần đến các bác sĩ, thầy cô giáo, thì chúng ta sẽ không lành bệnh, không được mở mang kiến thức.v.v...

Đời sống tâm linh của chúng ta cũng thế, nếu chúng ta không cần đến các linh mục thì chúng ta sẽ không lãnh nhận được các bí tích, không có thánh lễ để tham dự bàn tiệc thánh, không có tòa cái giải...

Cây nhỏ đã ích kỷ chỉ biết đến mình nên không những hại mình mà còn hại đến người khác.

Các em bây giờ còn nhỏ thì người ta gọi là trẻ em nên cần được người lớn bảo vệ, lớn lên chút xíu nữa thì gọi là thanh niên cần được tham gia các sinh hoạt của Giáo Hội và xã hội, lớn lên chút nữa thì người ta gọi là trung niên, cần phải có sự nghiệp để đóng góp cho xã hội và Giáo Hội, và có bổn phận bảo vệ trẻ em (cây nhỏ) lớn lên chút nữa thì gọi là người già là tuổi an nhàn hưởng phúc...

Các em thực hành:

- Không tách khỏi gia đình để sống độc lập, suy nghĩ độc lập và sinh hoạt độc lập.

- Tham dự các đoàn thể thiếu nhi ở nhà thờ cũng như ở trường học để tập sống bác ái phục vụ.

- Không ích kỷ chỉ biết mình mà không nghĩ đến người khác.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:06 01/06/2008
N2T


6. Suy niệm là một sợi dây xích trói buộc linh hồn chúng ta với Thiên Chúa.

(Thánh nữ Paula)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Sydney chuẩn bị chào đón khách hành hương
Vũ Văn An
00:32 01/06/2008
Sydney chuẩn bị chào đón khách hành hương

Sydney, Australia, 29 tháng Năm 2008 (Zenit.org).- Nếu trước đây họ chưa biết, thì nay cư dân Sydney hẳn biết rằng chẳng bao lâu nữa khách hành hương Ngày Giới Trẻ Thế Giới (WYD) sẽ tràn ngập phố phường, bãi biển, trung tâm mua bán và phương tiện truyền thông của họ.

Tuần vừa qua, tâm thức của thành phố đã được đánh động khi hàng chục thanh thiếu niên thiện nguyện viên của Sydney hy sinh Ngày Thứ Bẩy để đi phân phối bưu thiệp và bong bóng nhằm thông tri cho dân thành phố biết ngày đại hội sắp đến.

Biến cố trên là một phần trong chiến thuật Dịch Vụ Tuổi Trẻ Công Giáo (CYS) của Tổng Giáo Phận Sydney nhằm lôi kéo sự tham dự của cộng đồng nói chung vào các sinh hoạt sẽ diễn ra trong các ngày 15-20 tháng Bẩy tới. Dịch Vụ này có tên là “Chiến Dịch Tác Động” (Operation Activate), viết tắt bằng tiếng Anh là “Act1v8”, một kiểu viết tắt của Tông Đồ Công Vụ chương 1 câu 8, vốn được dùng làm chủ đề cho WYD 2008 mà đọc thoáng lại thành Activate (số 1 thành i, v + eight thành vate). Vincent Haber, phối trí viên biến cố trên của nhóm CYS, cho hay đây chỉ là một trong các sinh hoạt cổ động mà nhóm từng thực hiện trong mấy năm qua. Anh nói: “Qua sinh hoạt loại này cùng với lòng hăng say đối với nó, chúng tôi tạo nên khuôn mặt tươi mát cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới đối với quảng đại quần chúng nói chung. Họ có thể dừng chân, nêu thắc mắc, chuyện vãn hay nhận được các sách chỉ dẫn chính xác vốn không có trên mạng”.

Monica Doumit, 26 tuổi, một tham dự viên cho biết sinh hoạt loại này rất chủ yếu để phá tan một số tin tức báo chí ngoài đời có tính tiêu cực liên quan đến WYD. Cô nói: “Nhiều người từng nghe nói về WYD, nhưng một số lớn cần được làm sáng tỏ về một số sự kiện nào đó và được thân hành mời gọi để dứt khoát tình nguyện làm thiện nguyện viên hay đăng ký tham dự”. Bạn của Doumit là Vicki Kassouf thêm rằng cô thích có cơ hội đi phúc âm hóa: “một số người hơi ngại ngần không muốn cởi mở về đức tin nên quả là đặc biệt khi họ dừng chân để chuyện vãn và nói về kinh nghiệm và hành trình đức tin trước đây của họ”.

Corinne Lindsell, một phối trí viên chương trình đón khách hành hương tại nhà (Homestay) tại giáo xứ của cô, nhận định rằng: “Đà đã có đó, hào hứng đã có đó, và thực tế chỉ còn 7 tuần lễ nữa đang có tác động lớn”

Chúa Nhật tuần rồi, các vị giám mục, linh mục và chủng sinh đã hướng dẫn các nhóm thanh thiếu niên của Dịch Vụ này và các giáo dân nói chung tham dự cuộc rước kiệu Mình Thánh, nhân ngày Lễ Mình Máu Thánh Chúa, qua nhiều đường phố Sydney. Cuộc rước này đã lôi cuốn chú ý của khách qua đường. Nhân dịp ấy, các thanh thiếu niên Sydney có dịp mặc những chiếc áo thung có in hàng chữ “hãy hỏi tôi”. Ben Galea, phối trí viên 23 tuổi thuộc nhóm Phanxicô của WYD cho hay: “có thể dùng ngày này như một dịp để khởi động việc thảo luận đức tin với những người ngoài phố quả là một chứng tá hết sức đặc biệt chúng tôi đem lại cho thành phố thân yêu này. Đó quả là cái vị nếm thử mà WYD sẽ mang lại cho cả đất nước này”. Vào ngày Thứ Hai tuần rồi, tức đúng 50 ngày trước ngày đại hội, ủy ban tổ chức của WYD đã tổ chức một cuộc họp báo để bật mí chương trình sinh hoạt của Đức Bênêđíctô XVI trong các cuộc gặp gỡ diện đối diện với giới trẻ.

Trong đó, có buổi ăn trưa truyền thống với 12 thanh thiếu niên được chọn trước; một Thánh Lễ với các chủng sinh trong đó Đức Giáo Hoàng sẽ làm phép và cung hiến bàn thờ mới của nhà thờ chánh tòa; và theo lời yêu cầu của chính Đức Bênêđíctô XVI, một cuộc gặp gỡ giữa đức Giáo Hoàng và một số thanh thiếu niên kém may mắn.

Đức cha Anthony Fisher, trong cuộc họp báo trên, cho hay: “Những người Ngài gặp sẽ là các thanh thiếu niên từng ra xa lạ đối với khá nhiều sứ điệp tích cực mà Ngày Giới Trẻ Thế Giới từng cổ vũ”. Vị phối trí viên của tuổi trẻ này nói thêm: “Đây sẽ là một khởi điểm nối kết họ với sứ vụ chữa lành luôn tiếp diễn của Giáo Hội Công Giáo”.

Theo Monica Doumit, một thiện nguyện viên của Act1v8, chỉ còn 50 ngày nữa thôi, nên hiện hào hứng đang gia tăng đáng kể. “chỉ cần nhìn hiệu quả từ các cuộc gặp gỡ tuần qua mà thôi, và nhớ lại kinh nghiệm tại Cologne của mình, tôi không thể không mời gọi mọi người tham dự vào cuộc chuyện trò WYD. Tôi có mặt để nói về WYD trên xe lửa, cho cả người bán cà-phê, ở nơi làm việc và ở bất cứ nơi nào, vì người trẻ chúng tôi thấy rõ tiềm năng của Ngày ấy!”

Đem hành trình lên mạng

Nếu bạn không thấy Thánh Giá, Ảnh Đức Mẹ WYD và sứ điệp Thổ Dân diễn hành qua Melbourne từ ngày 25 tháng Tư tới ngày 10 tháng Năm, thì bạn có thể vào mạng để coi.

Các biểu tượng trên của WYD từng chu du khắp mọi ngả đường Úc Châu, ảnh hưởng đến cuộc sống của rất nhiều người Úc, nhưng tổng giáo phận Melbourne muốn các biểu tượng này đến với nhiều người hơn nữa nên đã cho các biểu tượng này lên mạng điện toán. Belinda White, giám đốc truyền thông của WYD cấp giáo phận của Melbourne, nói rằng vấn đề sinh tử là phải dùng các kỹ thuật tân tiến song song với các biến cố này với “mục tiêu khuyến khích người trẻ tự nguyện chấp nhận bản sắc thiêng liêng của mình, cử hành việc tăng cường và truyền bá sứ điệp mạnh mẽ của hòa bình”. Blog dành cho cuộc hành trình của Thánh Giá và Ảnh Đức Mẹ tại Melbourne tràn ngập các trích đoạn video được cập nhật hóa, các hình ảnh và các bài phúc trình được soạn thảo “từ trái tim” như lời của White. Cô và nhóm của cô ý thức rất rõ việc phải làm sao để các khách hành hương viếng Melbourne trong những ngày ở giáo phận hiểu rõ những gì họ sẽ cảm nghiệm ở đấy.

Cô nhắn với giới trẻ thế giới rằng chắc chắn họ sẽ gặp được rất nhiều bạn hữu trung thực tại Melbourne vì con số những người đến chiêm nhắm các biểu tượng này tại Melbourne mà thôi, trong sáu ngày đầu tiên, đã lôi cuốn gấp đôi số các thanh thiếu niên so với con số dự đoán lúc ban đầu.

Tim Davies, dự án viên Ngày Giáo Phận, chuyên lo việc mời gọi thanh thiếu niên và liên lạc quốc tế, nhận xét một cách thích thú rằng các dịp này “đã vượt quá các nhóm thường lệ chúng tôi vốn mong được tiếp đón và quả là hả dạ khi thấy nhiều khuôn mặt mới lạ đến từ khắp nơi”.

Anh cho hay nhiều người tới tham dự mà không biết mình muốn gì, nhưng tác động do các sinh hoạt và biểu tượng trong cuộc hành trình của Thánh Giá và ảnh Đức Mẹ gây ra đối với họ thật rõ ràng đáng kể. Anh nhấn mạnh: “nói nôm na, tôi thực sự thấy họ biến đổi. Các nữ sinh của một trường kia khởi đầu tham dự một cách hết sức lơ đãng và bàng quang. Nhưng tôi thấy tác phong các em hoàn toàn thay đổi khi đến lượt được vác Thánh Giá. Lòng tôn kính mà Thánh Giá gợi hứng quả là tuyệt vời”.

Anh còn kể tiếp một điển hình về “một dịp khác trong đó các học sinh của sáu trường có cơ hội suy niệm các đặc sủng của các vị thành lập ra trường. Lúc đến trường Marcellin, 50 nam sinh bỗng cùng cất cao một bài hát bằng tiếng Latinh”. Theo Sư Huynh Mark Connors, đứng đầu Văn Phòng Các Ngày Tại Giáo Phận, các biến cố trong tuần lễ thánh du của Thánh Giá và Ảnh Đức Mẹ dùng để đánh dấu Các Ngày Giáo Phận bắt đầu từ ngày 10 đến ngày 14 tháng Bẩy tới tại Melbourne. Sư huynh cho hay: “sứ mệnh của chúng tôi là phục vụ và thúc đẩy giới trẻ ở đây lên đường tới Sydney. Và chúng tôi làm việc ấy bằng cách cử hành tính Công Giáo của chúng ta trong Giáo Hội sống động tại Melbourne, qua việc cung cấp cho các khách hành hương một sự hiếu khách độ lượng và tạo nhiều cơ hội để trao đổi ơn phúc sự sống và ơn phúc đức tin”.

Sư huynh Connors cho hay Melbourne đang chờ đón tiếp 25,000 bạn trẻ từ khắp thế giới đến thăm thành phố và “họ sẽ được chiêu đãi nhiều biến cố pha trộn, lớn nhất xưa nay tại tiểu bang Victoria, để chuẩn bị họ lên đường hành hương về Sydney”.

Lên đường

Một châm ngôn thường được ngỏ với khách hành hương Ngày Giới Trẻ là “Điều quan trọng không phải là nơi đến mà là chính cuộc hành hương”. Vì mục đích ấy, Sydney đang chuẩn bị sẵn sàng để biến cuộc hành trình trong khắp thành phố được “thuận buồm xuôi gió” hết sức có thể. Chính phủ tiểu bang New South Wales đã thiết lập ra Cơ Quan Phối Hợp Ngày Giới Trẻ Thế Giới với nhiệm vụ làm cho mọi công dân hiểu rõ về các biến cố sẽ xẩy ra trong thánh Bẩy này. Nhiều bảng chỉ đường lớn bằng điện tử khắp tiểu bang đã được thảo chương để đếm ngược số ngày dẫn tới WYD, cũng như kêu gọi thiện nguyện viên cho ngày ấy.

Cơ Quan trên cũng tạo ra một hệ thống trên Trang Mạng của họ “để cung cấp cho cộng đồng, cả người tham dự lẫn người không tham dự, các thông tin họ cần để đặt kế hoạch và sắp xếp sinh hoạt, việc làm ăn và đi lại của họ trong suốt tuần lễ có các sinh hoạt của WYD”.

Cơ Quan Đường Xá và Lưu Thông cũng sẽ cung cấp tin tức chi tiết liên quan đến những con đường bị cấm lưu thông, thay đổi lượng lưu thông và các phương tiện vận chuyển phụ trội dành sẵn cho cho các biến cố đại hội.

Nhiều lo ngại đã được nói lên liên quan đến việc tổ chức đường xá và vận chuyển công cộng dành cho khách hành hương, nhưng các nhà tổ chức WYD và chính phủ New South Wales bảo đảm rằng việc phối hợp vận chuyển để chuyên chở cả khách hành hương lẫn cư dân đều đã được chuẩn bị kỹ càng ngay trước WYD cả ba tháng.

Khi một nhà báo hỏi Đức Cha Anthony Fisher, phối trí viên của WYD, về sự bất tiện do biến cố này gây cho cư dân, đức cha đã trả lời như sau: “khi bạn có khách tới ngụ trong nhà, thì việc ấy luôn luôn khiến bạn phải ra ngoài khuôn khổ thường lệ đôi chút […] nhưng đó là bản chất của việc hiếu khách. Tôi tin chắc rằng một khi giới trẻ thế giới mỉm cười khắp các phố xá Sydney, chúng ta sẽ quên hết ta thán”.

Theo Catherine Smibert, phóng viên tự do tại Sydney.
 
Chương Trình chi tiết chuyến tông du Giáo Hoàng cho Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới
Ngọc Loan
05:54 01/06/2008
Sydney- Australia Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI sẽ dùng bữa trưa thân mật với 12 bạn trẻ đại diện tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới được tổ chức tại Sydney và Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ các bạn trẻ kém may mắn cũng như các bạn trẻ ghiền xì ke ma túy đã hoàn thiện.

Đức Giám Mục Anthony Fisher, Giám Mục Phó Tổng Giáo Phận Sydney, người chịu trách nhiệm tổ chức cho Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới cho biết: “Đức Thánh Cha đã có một chương trình dày đặc cho chuyến viếng thăm lần đầu tiên tới Australia. Ngài đã yêu cầu để có những buổi gặp gỡ đặc biệt đế nối kết với mọi thành phần giới trẻ Úc và giới trẻ trên toàn thế giới”.

Đức Giám Mục Fisher đã cho biết về cuộc hành trình của Đức Giáo Hoàng vừa ngay trước khi Tòa Thánh cho công bố chương trình chi tiết vào ngày 30/5 đến chuyến tông du Giáo Hoàng từ ngày 12-21/7/2008.

Mặc dầu chương trình chi tiết được đưa ra, nhưng không cho biết địa điểm Đức Thánh Cha sẽ trú ngụ 3 ngày nghỉ trước khi Đức Giáo Hoàng xuất hiện trước công chúng vào ngày 14-16/7. 3 ngày nghỉ để Đức Giáo Hoàng tịnh dưỡng trong chuyến bay dài và múi giờ thay đổi.

Đức Giáo hoàng sẽ dâng Thánh Lễ với các Giám Mục Úc Châu với sự tham dự của các chủng sinh và các ứng sinh trong các Dòng Tu, một buổi đại kết liên tôn và các buổi gặp gỡ với chính quyền, nhưng trọng tâm chính vẫn là dành cho giới trẻ, những người đến tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới.

Ngoài buổi chào mừng tại cảng Sydney, đêm canh thức và Thánh Lễ đại trào, Đức Giáo Hoàng cũng tham dự chặng Đàng Thánh Giá và dâng lời cầu nguyện trong chặng đàng thứ nhất. Ngài sẽ chủ sự chặng đàng Thánh Giá thứ nhất thềm nhà thờ Chánh Tòa St Mary của Sydney vào tối thứ Sáu 18/7.

8 địa điểm khác tại Sydney cũng được dùng cho chặng Đàng Thánh Giá, từ nhà thờ Chánh Tòa cho đến Nhà Hát Lớn và tới Barangaroo. Tất cả chặng Đàng Thánh Giá sẽ được truyền thanh truyền hình trên khắp thế giới.

Vừa sau khi cử hành Thánh Lễ Bế Mạc vào ngày 20/7, Đức Thánh Cha sẽ đáp trực thăng bay lượn quan sát đến đám đông giới trẻ đang có mặt tại Công Viên Centennial và tại Sân Đua Royal Randwick.

Sau đây là chương trình chi tiết theo giờ địa phương tại Sydney, giờ trong ngoặc theo giờ Tây Phương. Giờ Sydney đi trước giờ Tây Phương 14 tiếng đồng hồ.

Thứ Bảy, 12/7 (Rome)

-- 10 g sáng. (4 g sáng.) Khởi hành từ Phi Trường Leonardo da Vinci tại Roma.

Chúa Nhật, 13/7 (Darwin, Sydney)

-- 9:15 sáng. (7:45 chiều. 12/7 ) tới Phi Trường Quân Sự Darwin để tiếp nhiên liệu.

-- 10:30 sáng. (9 chiều. 12/7 ) Khởi hành từ Phi Trường Quân Sự Darwin.

-- 3 g chiều. (1:00 g sáng.) Tới Phi Trường Quân Sự Richmond tại Sydney.

-- 3:15 chiều. (1:15 sáng.) Di chuyển tới nơi cư trú để nghỉ ngơi..

Thứ Hai-Thứ Tư, 14-16/7 thời gian nghỉ ngơi và dành riêng cho Đức Giáo Hoàng.

Thứ Năm, 17/7 (Sydney)

-- 7:30 sáng. (5:30 chiều. 16/7) Cử hành Thánh Lễ riêng tại Nhà xứ Chánh Tòa Mary Sydney.

-- 9 g sáng. (7 g chiều. 16/7) Nghi Lễ chào mừng tại Quốc Hội Sydney. Đức Giáo Hoàng đọc diễn văn.

Chân Phước Mary McKillop
-- 9:30 sáng. (7:30 chiều. 16/7) di chuyển bằng xe hơi tới Mộ Chân Phước Mary MacKillop.

-- 9:45 sáng. (7:45 chiều. 16/7) Đức Thánh Cha cầu nguyện tại nguyện đường Chân Phước Mary MacKillop.

-- 10 g sáng. (8 g tối. 16/7) Di chuyển tới Căn Cứ Hải Quân.

-- 10:05 sáng. (8:05 tối. /7 16) Viếng thăm Căn Cứ Hải Quân được tháp tùng bởi Thống Đốc toàn quyền Úc và gặp gỡ Thủ Tướng Úc Kevin Rudd.

-- 11:05 sáng. (9:05 tối. 16/7 ) Di Chuyển tới Nhà Xứ Nhà Thờ Chánh Tòa St Mary.

-- 11:30 sáng (9:30 tối16 /7) Tới Nhà Xứ Nhà Thờ Chánh Tòa St Mary.

-- 2:20 chiều. (12:20 đêm.) Tới cầu tầu Rose Bay tại Sydney's Rose Bay. Buổi lễ chào mừng với người thổ dân Aboriginal qua phần trình diễn ca vũ dân tộc của người thổ dân.

-- 2:45 chiều. (12:45 đêm.) Đi lên tàu "Sydney 2000" và đi dọc theo bến cảng tới Barangaroo nằm phía đông bến cảng Darling.

-- 3:30 chiều. (1:30 sáng.) Tới Barangaroo. Buổi lễ chào mừng của Giới Trẻ. Đức Giáo Hoàng ban bài diễn từ.

-- 4:45 chiều. (2:45 sáng.) Di Chuyển bằng xe Giáo Hoàng tới Nhà Xứ Nhà Thờ Chánh Tòa St Mary

-- 5:30 chiều. (3:30 sáng.) tới Tòa Giám Mục.

Thứ Sáu, 18/7 (Sydney)

-- 7:30 sáng. (5:30 chiều. 17/7 ) Thánh Lễ riêng tại Nhà Xứ St Mary.

-- 9:30 sáng. (7:30 chiều.17/7) Tiếp kiến riêng với Thống Đốc bang New South Wales, Thủ Tướng bang New South Wales, thị trưởng Sydney và gia đình tại phòng tiếp tân của nhà Xứ Nhà Thờ Chánh Tòa St. Mary.

Thổ dân Úc cung nghinh Thánh Giá Giới Trẻ
-- 10:25 sáng. (8:25 tối. 17/7 ) Đi bộ tới Nhà Thờ Chánh Tòa St Mary.

-- 10:30 sáng. (8:30 tối. 17/7 ) Buổi gặp gỡ đại kết tại hầm mộ trong Nhà Thờ Chánh Tòa St. Mary. Đức Giáo Hoàng đọc diễn văn.

-- 11:15 sáng. (9:15 tối. 17/7 ) Đi bộ tới phòng nguyện đường Nhà Thờ Chánh Tòa St Mary.

-- 11:20 sáng. (9:20 tối. 17/7) Gặp gỡ đại diện các tôn giáo. Đức Giáo Hoàng đọc diễn văn.

-- 12 g trưa (10 g tối. 17/7 ) Đi bộ tới nhà Xứ Nhà Thờ Chánh Tòa St. Mary.

-- 12:30 chiều. (10:30 tối. 17/7 ) Ăn trưa với 12 bạn trẻ đại diện tại phòng tiếp tân thuộc nhà Xứ Nhà Thờ Chánh Tòa St. Mary.

-- 2:55 chiều. (12:55 đêm.) Đi bộ tới Nhà Thờ Chánh Tòa St. Mary.

-- 3 g chiều. (1 g sáng.) Chủ sự cầu nguyện tại chặng đàng Thánh Giá đầu tiên tại khuôn viên Nhà Thờ Chánh Tòa.Đức Giáo Hoàng sẽ đọc lời nguyện kết thúc chặng Đàng Thánh Giá thứ nhất và hiệp thông theo dõi các chặng Đàng Thánh Giá còn lại qua màng truyền hình đặt tại khu hầm mộ Nhà Thờ Chánh Tòa.

-- 6:30 chiều. (4:30 sáng.) Di chuyển bằng xe hơi tới nhà thờ Thánh Tâm thuộc Đại Học Công Giáo Notre Dame.

-- 6:45 chiều. (4:45 sáng.) Gặp gỡ tại nhà thờ Sacred Heart với các bạn trẻ kém may mắn và các bạn trẻ cai nghiện. Đức Giáo Hoàng ban diễn từ.

-- 7:45 chiều. (5:45 sáng.) Di chuyển bằng xe hơi về Nhà Xứ Nhà Thờ Chánh Tòa St. Mary.

-- 8 g tối (6 g sáng ) về lại Nhà Xứ Nhà Thờ Chánh Tòa St Mary.

Thứ Bảy, 19/7 (Sydney)

-- 9 sáng. (7 chiều18/7 ) Đi bộ qua Nhà Thờ Chánh Tòa St. Mary.

-- 9:30 sáng. (7:30 chiều 18/7) Thánh lễ với các Giám Mục tại Úc Châu, với sự tham dự của các chủng sinh, các tập sinh và cung hiến bàn thánh mới tại Nhà Thờ Chánh Tòa. Đức Giáo Hoàng giảng.

-- 11:45 sáng. (9:45 tối 18 /7) Đi bộ qua nhà Xứ Nhà Thờ Chánh Tòa St Marỵ.

-- 12:15 chiều. (10:15 tối 18/7 Đức Giáo Hoàng và Đoàn tùy tùng dùng bữa trưa với các Giám Mục Úc Châu tại phòng tiếp tân của Nhà Xứ Nhà Thờ Chánh Tòa St. Mary.

2 bạn trẻ này sẽ tham dự bữa ăn trưa với Giáo Hoàng
6:30 chiều. (4:30 sáng.) Di chuyển bằng xe hơi tới Sân đua ngựa Royal Randwick.

-- 7 g tối. (5 g sáng.) Đêm canh thức tại Sân đua ngựa Royal Randwick Đức Giáo Hoàng nhắn nhủ các bạn trẻ.

-- 9 g chiều. (7 g sáng.) Di chuyển bằng xe tới Nhà Thờ Chánh Tòa St. Mary.

-- 9:30 chiều. (7:30 sáng.) Tới Nhà Xứ Nhà Thờ Chánh Tòa St Mary.

Chúa Nhật, 20/7 (Sydney)

-- 8:30 sáng. (6:30 chiều. 19/7) Di chuyển tới bãi trực thăng trong khu quân sự Victoria.

-- 8:45 sáng. (6:45 chiều.19 /7) Tới bãi trực thăng khu quân sự Victoria. Đáp trực thăng bay trên vòm trời nơi các bạn trẻ quy tụ tại vùng ngoại ô Southern Cross Precinct (Công Viên Centennial và Sân đua ngựa Royal Randwick ).

-- 9:15 sáng. (7:15 chiều. 19/7) Di chuyển bằng xe từ khu quân sự Victoria tới Sân đua ngựa Royal Randwick. Đức Thánh Cha ngồi trên xe Giáo Hoàng đi vòng quang công viên Centennial và Sân đua ngựa Royal Randwick chào các bạn trẻ.

-- 9:45 sáng. (7:45 chiều. 19/7) Tới phòng Thánh tại Randwick.

-- 10 gsáng. (8 g tối. 19/7) Cử hành Thánh Lễ đại trào cho Ngày Đại Hội Thế Giới Trẻ lần thứ 23. Đức Giáo Hoàng ban bài giảng. Sau Thánh Lễ Đức Thánh Cha đọc kinh Truyền Tin ban trưa và nhắn nhủ các bạn trẻ.

-- 12:15 chiều. (10:15 tối.19/7) Trở về lại phòng Thánh.

-- 12:30 chiều. (10:30 tối 19/7 ) Transfer by car to St. Mary's Cathedral House.

-- 1 g chiều. (11 g đêm 19/7) Tới Nhà Xứ Nhà Thờ Chánh Tòa St Mary. Dùng bữa trưa với đoàn tùy tùng của Đức Giáo Hoàng.

-- 6 g chiều. (4 gsáng.) Gặp gỡ các nhà bảo trợ và ban tổ chức Đại Hội Thế Giới Trẻ tại Phòng Tiếp Tân của Nhà Xứ Nhà Thờ Chánh Tòa St Mary, sau đó đi tới phòng nguyện đường Nhà Thờ Chánh Tòa St Mary. Đức Thánh Cha bày tỏ lòng cám ơn.

-- 7 g tối. (5 sáng.) Trở về lại Nhà Xứ và nghỉ đêm

Thứ Hai, 21/7 (Sydney, Darwin, Rome)

-- 7 gsáng. (5 gchiều. 20/7 ) Cử hành Thánh Lễ riêng tại Nguyện Đường Nhà Xứ của Nhà Thờ Chánh Tòa St. Mary.

-- 8:35 sáng. (6:35 chiều. 20/7) Chào giã từ tại Nhà Xứ.

-- 8:45 sáng. (6:45 chiều. 20/7) Di chuyển bằng xe Giáo Hoàng tới Domain.

-- 8:50 sáng. (6:50 chiều.20/7) Gặp gỡ các Thiện Nguyện Viên Đại Hội Thế Giới Trẻ, Đức Giáo Hoàng cám ơn và ban diễn từ.

-- 9:10 sáng. (7:10 chiều. /7 20) Di chuyển bằng xe hơi tới Phi Trường Quốc Tế Sydney.

-- 9:30 sáng. (7:30 chiều. 20/7) Buổi lễ tiễn đưa tại Phi Trường Quốc Tế Sydney. Đức Giáo Hoàng đọc bài diễn văn.

Thánh Giá và tượng Đức Mẹ Giới Trẻ được các tù nhân cung nghinh tại Tây Úc
-- 10 g sáng. (8 tối. 20/7 Đáp chuyến bay từ Phi Trường Quốc Tế Sydney.

-- 1:50 chiều. (11:20 đêm. 20/7) Tới phi trường Quân Sự Darwin để tiếp nhiên liệu.

-- 3:05 chiều. (12:35 đêm.) Khởi hành từ phi trường Darwin.

-- 11 g đêm. (5 g sáng.) Tới phi trường Ciampino tại Roma.
 
Chướng ngại của WYD 2008 và Giới Trẻ Hoa Kỳ
Anthony Lê
12:10 01/06/2008
Chướng ngại của WYD 2008 và Giới Trẻ Hoa Kỳ

WASHINGTON (CNS).- Việc tổ chức để mang hàng ngàn các bạn trẻ lại với nhau trong Ngày Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới vốn rất phức tạp, thế nhưng Đại Hội năm nay kéo dài từ ngày 15-20 tháng 7 tại Sydney, Úc Châu, đã làm gia tăng thêm nhiều chướng ngại có liên quan đến mặt tài chánh cho các bạn trẻ hành hương đến từ Hoa Kỳ - những người cách Úc Châu tới hơn 9,000 dặm.

Thật vậy, với việc phải đối mặt với giá vé máy bay rất cao từ $2,000 đến $5,000 / người, cộng với việc rất khó mà tìm được vé vì con số các hãng máy bay có các chuyến bay từ Hoa Kỳ đến Úc Châu cũng rất là giới hạn.

Hiện nay chỉ còn có 2 hãng hàng không chính mà thôi đó là hãng máy bay Quantas của Úc Châu và hãng máy bay United Airlines của Hoa Kỳ, là có chuyến bay đến Úc - và theo thông báo với giá xăng đang trên đà gia tăng, United Airlines có thể hủy bất cứ lúc nào các chuyến bay đường dài quốc tế, trong đó có chặng đến Sydney, Úc Châu.

Cô Pat Pacer - người phối hợp việc đặc trách việc Mục Vụ cho giới trẻ tại Tổng Giáo Phận Chicago cho biết: toàn bộ chi phí của chuyến đi, cộng với việc kiếm ra vé máy bay rất khó, đã khiến cho số bạn trẻ tham gia Ngày Đại Hội Giới Trẻ thế giới lần sắp tới tại Úc Châu, đã bị giảm đi rất nhiều.

Vào năm 2002, tại Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới ở Toronto, Canada, Tổng Giáo Phận Chicago gởi 2,000 bạn trẻ đi hành hương. Vào năm 2005, tại Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới ở Đức Quốc, Tổng Giáo Phận gởi được 500 bạn trẻ, thế nhưng, lần này Tổng Giáo Phận chỉ có thể gởi đi có khoảng 43 bạn trẻ tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Sydney mà thôi.

Điều này cũng hoàn toàn tương tự với các Tổng Giáo Phận lớn khác tại New York, Boston, Atlanta, vân vân.. . vốn chỉ có chưa đầy 15 bạn trẻ đại diện cho mỗi Tổng Giáo Phận đó mà thôi.
 
Đức Thánh Cha tiếp kiến các tham dự viên Hội Nghị của Tổ chức ”Năm Thứ 100”
LM Trần Đức Anh, OP
21:02 01/06/2008
VATICAN. Sáng 31-5-2008, ĐTC đã tiếp kiến các tham dự viên Hội nghị quốc tế do Ngân Quỹ ”Năm thứ 100”, tổ chức, để thăng tiến giáo huấn xã hội Công Giáo.

Ngân quĩ mang tên Thông điệp ”Năm thứ 100” được ĐTC Gioan Phaolô 2 công bố nhân kỷ niệm 100 năm Thông điệp Rerum Novarum, Tân Sự của Đức Lêô 13, và nhắm mục đích thăng tiến giáo huấn xã hội Công Giáo. Hội nghị năm nay do Ngân Quỹ này tổ chức có chủ đề là ”tư bản xã hội và sự phát triển con người”.

Ngỏ lời trong buổi tiếp kiến, ĐTC kêu gọi các tham dự viên góp phần cổ võ trên thế giới sự sử dụng các tài nguyên thiên nhiên Chúa ban để mưu ích cho tất cả mọi người, như người quản lý trung thành các tài sản đã được ủy thác cho mình. ĐTC nhấn mạnh rằng: ”Nói khác đi, cần tránh không để cho lợi lộc cá nhân cũng như tập thể đè nén tự do của con người. Lợi lộc kinh tế và thương mại không bao giờ được chiếm địa vị độc tôn, vì như thế, nó sẽ gây thiệt hại cho phẩm giá con người. Vì tiến trình hoàn cầu hóa ngày càng lan rộng trong lãnh vực văn hóa, kinh tế, tài chánh và chính trị, thách đố lớn hiện nay là ”hoàn cầu hóa” không những các lợi lộc kinh tế và thương mại, nhưng cả những mong đợi về tình liên đới, trong niềm tôn trọng và đề cao giá trị sự đóng góp của mỗi phần tử trong xã hội.. Sự tăng trưởng kinh tế không bao giờ được tách rời khỏi sự tìm kiếm sự phát triển toàn diện về nhân bản và xã hội”. (SD 31-5-2008)
 
ĐTC nhắn nhủ khi đọc kinh Kinh Truyền: ''mỗi người cần cái tâm''
Bình hòa
21:05 01/06/2008
ĐTC nhắn nhủ khi đọc kinh Kinh Truyền: "mỗi người cần cái tâm"

Năm nay lễ Phục sinh sớm hơn mọi năm, vì thế lễ kính Thánh Tâm Chúa đã được cử hành vào những ngày cuối trong tháng Năm, khác với thường lệ vào tháng Sáu, tháng được dành để kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Tuy rằng Thánh Tâm Chúa Giêsu đã trở thành đề tài suy niệm và tôn kính từ thời Trung cổ, đặc biệt nơi các nữ đan sĩ dòng Xitô như thánh nữ Mechtilde Magdeburg (+1282), Mechtilde Hackeborn (+1302), Geltrude (+1302), nhưng lễ kính trong lịch phụng vụ (ngày thứ 6 sau tuần bát nhật lễ Mình Thánh Chúa) mới thành hình từ thế kỷ 18; lúc đầu còn dành riêng cho vài giáo phận, và được mở rộng ra toàn thể Hội thánh dưới thời đức thánh cha Piô IX ngày 23/8/1856. Lễ kính Thánh Tâm thường rơi vào tháng Sáu dương lịch, vì thế lòng đạo đức bình dân cũng dành tháng Sáu để kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, tiếp theo tháng Năm kính Đức Mẹ. Tục lệ này bắt nguồn từ một hội dòng nữ kinh sĩ thánh Augustinô bên Pháp vào thế kỷ XIX. Việc sùng kính được biểu lộ qua việc lần một tràng chuỗi gồm 33 lời nguyện “Chúng con thờ lạy rất thánh Trái tim Đức Chúa Giêsu đã thương yêu chúng con vô cùng, xin hãy lấy lửa yêu mến trong Trái tim Chúa mà đốt lòng con cho được sốt sắng kính mến Chúa”, kèm theo kinh cầu Kính Thánh Tâm. Ngoài ra, phong trào Tông đồ cầu nguyện, do các cha dòng Tên khởi xướng hồi thế kỷ XIX, cũng cổ động việc dâng hiến những công việc trong ngày để phạt tạ Trái tim, và cầu nguyện theo một ý chỉ của Đức Thánh Cha. Hôm qua, trong bài huấn dụ trước khi đọc kinh Truyền tin, Đức Thánh Cha đã giải thích ý nghĩa thần học của lễ Trái Tim Chúa Giêsu, và khuyến khích thực hành các việc tôn kính trong tháng 6 này. Sau đây là nguyên văn bài huấn dụ.

Anh chị em thân mến

Nhân Chúa nhựt hôm nay trùng với ngày đầu tháng Sáu, tôi muốn nhắc nhở rằng tháng này được dành cho Trái tim Chúa Giêsu, biểu tượng của đức tin Kitô giáo được sùng kính bởi các tín hữu cũng như các nhà huyền bí và thần học, bởi vì diễn tả cách đơn sơ và chân thực “tin vui” của tình thương, tóm lược mầu nhiệm Nhập thể và Cứu chuộc. Thứ 6 vừa rồi, chúng ta đã mừng lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, một lễ trọng thứ ba tiếp theo mùa Phục sinh, liền sau lễ trọng kinh Chúa Ba Ngôi và lễ kính Mình Máu Thánh Chúa. Sự liên tục này làm cho chúng ta nghĩ đến một chuyển động hướng đến tâm điểm: một chuyển động của tâm linh do chính Thiên Chúa điều khiển. Thực vậy, từ chân trời vô biên của tình thương, Thiên Chúa đã muốn đi vào cõi hữu hạn của lịch sử và thân phận con người, đã mặc lấy một thân xác và một trái tim, nhờ thế chúng ta có thể chiêm ngắm và gặp gỡ Đấng Vô hạn ở trong kẻ hữu hạn, Mầu nhiệm vô hình và vô tả ở nơi trái tim con người của đức Giêsu Nararét. Trong thông điệp thứ nhất của tôi viết về tình thương, tôi đã bắt đầu từ chỗ ngắm nhìn cạnh sườn bị chọc thủng của Chúa Kitô, được thánh Gioan nói đến trong Tin mừng thứ bốn (19,37; Deus caritas est, 12). Và tâm điểm của đức tin cũng là nguồn hy vọng nhờ đó chúng ta được cứu rỗi, niềm hy vọng là đối tượng của thông điệp thứ hai.

Mỗi người chúng ta đều cần một cái “tâm” của cuộc sống, một nguồn mạch của sự thật và sự thiện để kín múc trong chuỗi những hoàn cảnh trắc trở của cuộc đời và những nhọc nhằn của cuộc sống. Mỗi người chúng ta, khi dừng lại trong thinh lặng, cần cảm thấy không những nhịp đập của con tìm, nhưng mà sâu hơn nữa, cảm thấy nhịp đâp của sự hiện diện có thể tin tưởng được, có thể cảm nhận được nhờ cảm quan của đức tin tuy rất thực hữu: đó là sự hiện diện của Chúa Kitô, tâm của thế giới. Vì thế tôi mời gọi mọi người trong tháng Sáu này hãy canh tân lòng tôn sùng Trái tim Chúa Giêsu, cũng như trân trọng kinh dâng hiến mỗi ngày cho Trái tim, và những ý chỉ cầu nguyện dành cho toàn thể Hội thánh.

Gần kề Thánh Tâm Chúa Giêsu, phụng vụ mời gọi chúng ta hãy tôn kính Trái tim vô nhiễm của Mẹ Maria. Chúng ta hãy tin tưởng phó thác mình cho Mẹ. Một lần nữa, tôi muốn xin Mẹ chuyển cầu cho nhân dân nước Trung hoa và Miến điện, đang hứng chịu thiên tai, và cho những ai đang trải qua những tình trạng đau đớn, bệnh tật, khổ cực về vật chất và tinh thần bao trùm trên nhân loại.
 
Top Stories
Conference examines how clergy abuse is handled by dioceses worldwide
Catholic News Service
15:59 01/06/2008
WASHINGTON (CNS) -- Father Joe Mathias sat and listened, scribbling notes at times, paying careful attention to Teresa Kettelkamp, executive director of the U.S. bishops' Office of Child and Youth Protection.

Kettelkamp was talking about the latest efforts by dioceses across the country to protect children from abuse. For the Jesuit priest from India, it was an education.

As the Indian Catholic Church's lone representative at Anglophone Conference 2008 May 27-30, Father Mathias took in all he could during the gathering of 40 church representatives from English-speaking countries who handle allegations of child sexual abuse and oversee child protection programs in their home dioceses.

Afterward, Father Mathias, secretary of the Commission for Clergy and Religious for the Catholic Bishops Conference of India, didn't hesitate when asked where the Indian church stood in responding to abuse. "Stage zero," he told Catholic News Service.

Father Mathias knows that when he returns to New Delhi he will be the go-to man as the Indian bishops put together their own system to report abuse and to protect children.

"One thing that has impressed me is the commitment and seriousness of the participants," Father Mathias said. "They have done their homework well."

He said what he learned at the conference will help as the bishops also prepare a plan to educate the broader community about child sexual abuse. A recent survey of 12,000 children between 5 and 12 years old by the Indian Ministry of Child and Women Welfare found that nearly half had reported being abused, he said.

Those who joined the Anglophone Conference at the U.S. Conference of Catholic Bishops' headquarters came from countries with vast experience in dealing with abuse issues -- the United States, the United Kingdom, Ireland and Australia -- and developing countries where the topic of sexual abuse is taboo, such as India, Zimbabwe, South Africa and Papua New Guinea.

In his report to the conference, Jesuit Father Michael Lewis, coordinator of the Professional Conduct Committee of the Southern African Catholic Bishops' Conference, said cultural traditions that prevent people from discussing sexual abuse lead to the underreporting of abuse cases, even when clergy is involved.

Later he told CNS that sexual abuse by clergy is rare in Botswana, Swaziland and South Africa, the countries that make up the Southern African conference, saying there were about 60 reported cases during the last 14 years. In most cases, he said, abuse has occurred between adults with very few cases involving children.

Even when abuse comes to light, incidents are more likely to be handled by a tribal chief or local community leaders rather than by the courts, he explained. In such cases, it's the accused and his family who must deal with shame and the loss of respect within the community.

"This has never been challenged in a South African court of law and it is very unlikely to be challenged," he said.

Overall, the conference gave all the participants a chance to compare notes, to see what has worked and what has not, and to learn about new ways to protect children, not just from sexual abuse, but also from the violence of pornography, exploitation, physical abuse and human trafficking.

Bishop Gregory M. Aymond of Austin, Texas, chairman of the U.S. bishops' Committee on the Protection of Children and Young People, said the annual gathering helps even those countries where sophisticated abuse programs are in place.

"We are able to share best practices, able to communicate with one another the unanswered questions," Bishop Aymond told CNS.

"This conference is very important because for those of us who are moving forward and sometimes on the cutting edge of asking these questions and because we have been very wounded by the questions, we can be of support to one another. We can begin to look speculatively at the questions that really have no answers yet," he explained.

Archbishop Philip E. Wilson of Adelaide, Australia, president of the Australian Catholic Bishops Conference, called the gathering a time of renewal. "Dealing with the realities of these sorts of things are really quite deadening and worrying," he said in an interview.

The six-member delegation from Scotland, which sent along a 70-page report detailing its activities during the last year, left knowing the church is moving forward in minimizing abuse incidents.

"We feel comfortable and confident about what we're doing," said Jack McCaig, national coordinator for the protection of children and vulnerable adults for the Roman Catholic Bishops' Conference of Scotland. "We certainly feel we have a tremendous amount to contribute, and we're not really finished. We've got a lot more work to go."

The conference included presentations by:

-- Conventual Franciscan Father Paul Lininger, executive director of the Conference of Major Superiors of Men, on how the organization developed an accreditation program related to standards to prevent sexual abuse.

-- Michelle Collins, executive director of Exploited Children Services at the National Center for Missing and Exploited Children in Alexandria, Va., who explained how investigators track down abusers who peddle Internet violence against children.

-- Monica Applewhite, a Texas-based researcher who assists organizations in developing best-practice standards, examined ways of monitoring accused clergy.

-- Msgr. Stephen Rossetti, president and CEO of St. Luke Institute, an assessment and treatment program in Silver Spring, Md.

-- Margaret Leland Smith, quantitative criminologist and senior researcher at the Institute for Criminal Justice at John Jay College of Criminal Justice in New York who was the data analyst for a study commissioned by the U.S. bishops on the causes and context of clergy sex abuse in this country. The study is set for completion in 2009.

(Source: Dennis Sadowski / Catholic News Service)
 
Congregation for Institutes of Consecrated Life and Societies of Apostolic Life on the: "Authority and Obedience"
+ ĐHY Rodé, C.M.
17:32 01/06/2008
Vatican Instruction on Authority and Obedience "A Journey in Search of God"

Here is the full text of the instruction "The Service of Authority and Obedience" published Wednesday by the Congregation for Institutes of Consecrated Life and Societies of Apostolic Life.

THE SERVICE OF AUTHORITY AND OBEDIENCE
Faciem tuam, Domine, requiram

INTRODUCTION

"Let your face shine upon us and we shall be saved" (Ps 79:4)

Consecrated Life as a witness of the search for God

1. "Faciem tuam, Domine, requiram": your face, O Lord, I seek (Ps 27:8). A pilgrim seeking the meaning of life, enwrapped in the great mystery that surrounds him, the human person, even if unconsciously, does, in fact, seek the face of the Lord. "Your ways, O Lord, make known to me, teach me your paths" (Ps 25:4): no one can ever take away from the heart of the human person the search for him of whom the Bible says "He is all" (Sir 43:27) and for the ways of reaching him.

Consecrated life, called to make the characteristic traits of the virginal, poor and obedient Jesus visible,1 flourishes in the ambience of this search for the face of the Lord and the ways that lead to him (cf. Jn 14:4-6). A search that leads to the experience of peace - "in his will is our peace" 2 - and which underlies each day's struggle, because God is God, and His ways and thoughts are not always our ways and thoughts (cf. Is 55:8). The consecrated person, therefore, gives witness to the task, at once joyful and laborious, of the diligent search for the divine will, and for this chooses to use every means available that helps one to know it and sustain it while bringing it to fulfilment.

Here, too, the religious community, a communion of consecrated persons who profess to seek together and carry out God's will: a community of sisters or brothers with a variety of roles but with the same goal and the same passion, finds its meaning. For this reason, while all in the community are called to seek what is pleasing to the Lord and to obey Him, some are called, usually temporarily, to exercise the particular task of being the sign of unity and the guide in the common search both personal and communitarian of carrying out the will of God. This is the service of authority.

A path of liberation

2. The culture of Western Society, strongly centred on the subject, has contributed to the spread of the value of respect for the dignity of the human person, positively fostering the person's free development and autonomy.

Such recognition constitutes one of the most significant traits of modernity and is a providential given which requires new ways of conceiving authority and relating to it. One must also keep in mind that when freedom tends to become arbitrariness and the autonomy of the person, independence from the Creator and from relationships with others, then one finds oneself before forms of idolatry that do not increase freedom but rather enslave.

In such cases, believers in the God of Abraham, Isaac, and Jacob, in the God of Jesus Christ, must embark upon a path of personal liberation from every idolatrous cult. It is a path which can find its motivation in the Exodus experience: a path of liberation which leads from the acceptance of the common scattered way of thinking to the freedom of adhering to the Lord and from the monotony of one way of looking at things to itineraries that bring one to communion with the living and true God.

The Exodus journey is guided by the cloud, both bright and obscure, of the Spirit of God, and, even if, at times, it seems to lose itself down paths which do not make sense, its destiny is the beatifying intimacy of the heart of God: "I bore you up on eagle wings and brought you here to myself" (Ex 19:4). A group of slaves is freed to become a holy people who know the joy of free service to God. The Exodus events are a paradigm which accompanies the entire biblical reality and is seen as a prophetic anticipation of the same earthly life of Jesus, who, in turn frees from slavery through obedience to the providential will of the Father.

Addressees, intent and limitations of the document

3. The Congregation for Institutes of Consecrated Life and Societies of Apostolic Life during its last Plenary Session, which took place 28-30 September 2005, turned its attention to the theme of the exercise of authority and obedience in consecrated life. It was recognized that this theme calls for careful reflection, first of all because of the changes that have taken place in the internal lives of Institutes and communities in recent years, and also in light of what more recent Magisterial documents on the renewal of consecrated life have proposed.

The present Instruction, the fruit of what emerged in the above cited Plenary Session and in the reflection of this Dicastery that followed, is addressed to members of institutes of consecrated life who live a community life, that is to all men and women who belong to religious institutes, to which societies of apostolic life are very similar. However, other consecrated persons, in relation to their type of life, can also cull useful information from it. This document hopes to offer help and encouragement to all those, called to witness to the primacy of God through free obedience to his will, to live their yes to the Lord in joy.

In confronting the theme of this Instruction, it is well recognized that its implications are many and that there exists in the vast world of consecrated life today not only a great variety of charismatic projects and of missionary commitments, but also a certain diversity of models of governance and practices of obedience, differences often influenced by the various cultural contexts.3 Moreover, one must keep in mind the differences that characterize also under the psychological profile, communities of men and women. In addition one must consider the new problems which the numerous forms of missionary collaboration, particularly those with the laity, pose to the exercise of authority. Also the different weights, attributed to local and central authorities in various religious institutes, determine ways of practicing authority and obedience that are not uniform. Finally one must not forget that consecrated life commonly sees, in the "synodal" figure of the general chapter (or of analogous gatherings), the supreme authority of the institute,4 to which all the members, beginning with the superiors, must make reference.

To all this one must add the realization that in recent years the way of listening to and living authority and obedience has changed both in the Church and in society. This is due to, among other things: the coming to awareness of the value of the individual person, with his or her vocation, and intellectual, affective and spiritual gifts, with his or her freedom and rational abilities; the centrality of the spirituality of communion,5 with the valuing of the instruments that help one to live it; a different and less individualistic way of understanding mission, in the sharing of all members of the People of God, with the resulting forms of concrete collaboration.

Nevertheless, considering some elements of the present cultural influence one must recall that the desire for self realization can at times enter into conflict with community projects; the search for personal well-being, be it spiritual or material, can render total dedication to the service of the common mission difficult; visions of the charism and of apostolic service which are too subjective can weaken fraternal sharing and collaboration.

Also not to be excluded is the recognition that in some settings the opposite problems are prevalent, determined by an unbalanced vision on the side of collectivity and of excessive uniformity, with the risk of stifling the growth and responsibility of the individuals. The balance between the individual and community is not an easy one and thus neither is that between authority and obedience.

This Instruction does not intend to treat all the problems raised by the various elements and sensibilities just cited. These remain, so to say, at the base of the reflections and those directions which are proposed. The principle intent of this Instruction is that of reaffirming that obedience and authority, even though practiced in many ways, always have a relation to the Lord Jesus, the obedient Servant. Moreover, it proposes to help authority in its triple service: to the individual persons called to live their own consecration (first part); to construct fraternal communities (second part); to participate in the common mission (third part).

The considerations and directives which follow are proposed in continuity with those of the documents which have accompanied the path of consecrated life in these past not easy years, especially Potissimum institutioni of 1990,6 Fraternal Life in Community of 1994,7 the Post-Synodal Apostolic Exhortation Vita consecrata of 1996 8 and the 2002 Instruction, Starting Afresh from Christ: A Renewed Commitment to Consecrated Life in the Third Millennium.9

FIRST PART
CONSECRATION AND SEARCH
FOR THE WILL OF GOD


"Because freed we can serve him in justice and holiness"
(cf. Lk 1:74-75)

Whom are we seeking?

4. The Lord asks the first disciples, who, perhaps, still uncertain and doubtful begin to follow a new Rabbi: "What are you looking for?" (Jn 1:38). We can read into this question other radical questions: What does your heart seek? What concerns you? Are you looking for yourself or are you looking for the Lord your God? Are you pursuing your own desires or the desire of the One who made your heart and wants to bring it to fullness, as he knows and understands it? Are you running after only passing things or are you seeking the One who does not pass away? "In this world of dissimilarity, with what do we need to be concerned, Lord God? From the rising of the sun to its setting I see men overwhelmed by the turmoil of this world: some look for riches, others, privilege, others yet again the satisfactions of popularity," observed St. Bernard.10

"Your face, O Lord, I seek" (Ps 27:8) is the response of the person who has understood the uniqueness and the infinite greatness of the mystery of God and the sovereignty of his holy will but is also the response, even if it is only implicit and confused, of every human creature in search of truth and happiness. Quaerere Deum has always been the quest of every being thirsting for the Absolute and the Eternal. Many today tend to consider any kind of dependence humiliating, but the status of creature in itself implies being dependent on an Other and, therefore, as a being in relation, dependent on others.

The believer seeks the living and true God, the Beginning and the End of all things, the God not made in his or her image and likeness but the God who made us in his image and likeness, the God who makes known his will, who indicated the ways to reach him: "You will show me the path of life, fullness of joys in your presence, delights at your right hand forever" (Ps 16:11).

To seek the will of God means to seek a friendly and benevolent will, which desires our fulfilment, that desires, above all, a free response in love to its love, in order to make of us instruments of divine love. It is along this via amoris that the flower of listening and obedience blooms.

Obedience as listening

5. "Listen, child" (Pr 1:8). First of all, obedience is an attitude of a son or daughter. It is that particular kind of listening that only a son or daughter can do in listening to his or her parent, because it is enlightened by the certainty that the parent has only good things to say and give to him or her. This is a listening, full of the trust, that makes a son or daughter accept the parent's will, sure that it will be for his or her own good.

This is most completely true in regard to God. In fact, we reach our fullness only to the extent that we place ourselves within the plan with which He has conceived us with a Father's love. Therefore, obedience is the only way human persons, intelligent and free beings, can have the disposition to fulfil themselves. As a matter of fact, when a human person says "no" to God, that person compromises the divine plan, diminishing him or herself and condemning him or herself to failure.

Obedience to God is the path of growth and, therefore, of freedom for the person because this obedience allows for the acceptance of a plan or a will different from one's own that not only does not deaden or lessen human dignity but is its basis. At the same time, freedom is also in itself a path of obedience, because it is in obeying the plan of the Father, in a childlike way, that the believer fulfils his or her freedom. It is clear that such obedience requires that persons recognize themselves as sons and daughters and enjoy being such, because only a son or a daughter can freely place him or herself in the hands of his or her Father, exactly like the Son, Jesus, who abandoned himself to the Father. Even if in his passion he gave himself up to Judas, to the high priests, to his torturers, to the hostile crowd, and to his crucifiers, he did so only because he was absolutely certain that everything found its meaning in complete fidelity to the plan of salvation willed by the Father, to whom, as St. Bernard reminds us, "it is not the death which was pleasing, but the will of the One who died of his own accord".11

"Hear, O Israel !" (Dt 6:4)

6. For the Lord God, Israel is a child. Israel is the people whom he has chosen, begotten, brought up, held by the hand, raised to his cheek and taught to walk (cf. Hos 11:1-4), to whom - as the highest expression of affection - he constantly addressed his Word, even if this people did not always listen to it or considered it a weight, as a "law". The entire Old Testament is an invitation to listen, and listening is a way of coming to the New Covenant when the Lord says: "I will place my laws in their minds and I will write them on their hearts; I will be their God and they shall be my people" (Heb 8:10; cf. Jer 31:33).

As a free and liberating response of the New Israel to the proposal of a new covenant, obedience flows from listening. Obedience is part of the New Covenant, which has obedience for its distinctive characteristic. From this it follows that obedience can be completely understood only within the logic of love, intimacy with God and the definitive belonging to the One who finally sets all free.

Obedience to the Word of God

7. The first act of obedience on the part of the creature is that of coming into existence in conformity with the divine fiat that calls one into being. Such obedience reaches its full expression in a creature free to recognize and accept him or herself as a gift of the Creator, to say "yes" to coming into being from God. This constitutes the first real act of freedom which is also the first and fundamental act of authentic obedience.

Thus, the real obedience of the believing person is adhering to the Word with which God reveals and communicates himself, and through which he renews his covenant of love every day. From that Word flowed life which continues to be transmitted every day. Therefore, every morning the believing person seeks a living and faithful contact with the Word which is proclaimed that day, meditating on it and holding it in his or her heart as a treasure, making of it the root of every action and the primary criterion of each choice, allowing him or herself to be edified by that Word. And at the end of the day placing him or herself before the Word, praising God as Simeon did for having seen the fulfilment of the eternal Word within the small events of the day (cf. Lk 2:27-32), and confiding to the strength of the Word whatever has remained unaccomplished. The Word, in fact, does not work only by day, but continuously, as the Lord teaches in the parable of the seed (cf. Mk 4:26-27).

The loving encounter with the Word shows one how to discover the way to life and the way through which God wishes to free his children, nourishes one's spiritual instincts for the things which are pleasing to God, conveys the sense and the taste for his will, gives peace and joy for staying faithful, making one sensitive and ready for all the expressions of obedience: to the Gospel (Rm 10:16; 2 Th 1:8), to the faith (Rm 1:5; 16:26; Acts 6:7), and to the truth (Gal 5:7; 1 Pt 1:22).

However, one must not forget that the authentic experience of God always remains an experience of otherness. "However great the similarity that may be established between Creator and creature, the dissimilarity between them is always greater".12 The mystics and all those who have tasted intimacy with God, remind us that the contact with the sovereign Mystery is always contact with the Other, with a will which is at times dramatically dissimilar from our own. To obey God means in fact to enter into an order of values which is "other", taking on a new and different sense of reality, experiencing an unthought-of freedom to reach the threshold of the mystery: "For my thoughts are not your thoughts, nor are your ways my ways, says the Lord. As high as the heavens are above the earth, so high are my ways above your ways and my thoughts above your thoughts" (Is 55:8-9).

This entering into the world of God can arouse fear. Such an experience based on the example of the Saints can show that what is impossible for man is made possible by God. Additionally, it becomes authentic obedience to the mystery of God who is, at the same time, "interior intimo meo"13 and radically other.

In the following of Jesus, the obedient Son of the Father

8. On this journey we are not alone: we are guided by the example of Christ, the Beloved on whom the Father's favour rests (Mt 3:17; 17:5), but also he who has freed us thanks to his obedience. It is he who inspires our obedience in order that the divine plan of salvation be completed through us.

In him everything is a listening to and acceptance of the Father (cf. Jn 8:28-29); all of his earthly life is an expression and continuation of what the Word does from eternity: letting himself be loved by the Father, accepting his love in an unconditional way, to the point of deciding to do nothing by himself (cf. Jn 8:28) but to do always what is pleasing to the Father. The will of the Father is the food which sustains Jesus in his work (cf. Jn 4:34) and which merits for Him and for us the superabundance of the resurrection, the luminous joy of entering into the very heart of God, into the blessed company of his children (cf. Jn 1:12). It is by this obedience of Jesus that "all shall become just" (Rm 5:19).

He also lived obedience when it presented a difficult chalice to drink (cf. Mt 26:39, 42; Lk 22:42), and he made himself "obedient to the point of death, and death on a cross" (Phil 2:8). This is the dramatic aspect of the obedience of the Son wrapped in a mystery which we can never totally penetrate, but which for us is very relevant, because it uncovers for us even more the filial nature of Christian obedience: only the child who senses himself loved by the Father and loves him with his whole self, can arrive at this type of radical obedience.

The Christian, like Christ, is defined as an obedient being. The unquestionable primacy of love in Christian life cannot make us forget that such love has acquired a face and a name in Christ Jesus and has become Obedience. Therefore, obedience is not humiliation but the truth on which the fullness of human persons is built and realized. Hence, the believer so ardently desires to fulfil the will of the Father as to make of it his or her supreme aspiration. Like Jesus, he or she wants to live by this will. In imitation of Christ and learning from Him, with a gesture of supreme freedom and of unconditional trust, the consecrated person has placed his or her will in the hands of the Father to make a perfect and pleasing sacrifice to him (cf. Rm 12:1).

However, even before being the model for all obedience, Christ is the One to whom every true obedience is directed. In fact, it is the putting of his words into practice that renders one a disciple (cf. Mt 7:24) and it is the observance of his commandments which concretizes love for Him and draws the love of the Father (cf. Jn 14:21). He is at the centre of the religious community as the One who serves (cf. Lk 22:27) but also as the One to whom one professes one's own faith ("You have faith in God; have faith also in me" [Jn 14:1]) and to whom one gives his or her own obedience, because only in this does one carry out a sure and persevering following. "In fact, it is the Risen Lord himself, newly present among the brothers and sisters gathered in his name who points out the path to take".14

Obedient to God through human mediation

9. God manifests his will through the interior motion of the Spirit, who "guides to all truth" (Jn 16:13), through multiple external mediations. In effect, the history of salvation is a story of mediation, which makes the mystery of grace which God completes in the intimacy of the heart visible in some way. Even in Jesus' life, it is possible to recognize not a few human means through which He became aware of, interpreted, and accepted the will of the Father, as the raison d'être and as the constant food for his life and his mission.

Mediations that exteriorly communicate the will of God must be recognized in the events of life and in the specific requirements of a particular vocation, but they are expressed as well in the laws that give order to the life of groups of people and in the dispositions of those who are called to lead such groupings. In the ecclesial context, laws and dispositions, legitimately given, provide an insight into the will of God, becoming the concrete and ordered realization of the demands of the Gospel from which they are formulated and perceived.

Consecrated persons moreover are called to the following of the obedient Christ within an "evangelical project" or a charismatic one, inspired by the Spirit and authenticated by the Church. Approving a charismatic program that is a religious institute, the Church guarantees that the inspiration that animates it and the norms that regulate it can provide a path for seeking God and holiness. Therefore, the Rule and the other indications concerning the way of life also become means of mediating the will of the Lord: human mediation but still authoritative, imperfect but at the same time binding, the starting point from which each day begins, and also for moving forward in a generous and creative impulse towards that sanctity which God "wills" for every consecrated person. In this journey persons in authority are invested with the pastoral task of leading and deciding.

It is evident that all this will be experienced coherently and fruitfully only if the desire to know and do the will of God, the awareness of one's own fragility and the acceptance of the validity of the specific mediations remain alive, even when the reasons presented are not fully grasped.

The spiritual intuitions of the founders and foundresses, especially of those who have significantly marked the path of religious life throughout the centuries, have always given great importance to obedience. Already at the beginning of his Rule, St. Benedict addresses the monk: "To thee, therefore, my speech is now directed, who, giving up thine own will, takest up the strong and most excellent arms of obedience, to do battle for Christ the Lord, the true King".15

It must also be remembered that the authority-obedience relationship is situated in the larger context of the mystery of the Church and constitutes a particular actualization of its function as mediator. In this regard the Code of Canon Law recommends that "superiors are to exercise their power, received from God through the ministry of the Church, in a spirit of service".16

Learning obedience in the day-to-day

10. Therefore, for the consecrated person it might also come to having "to learn obedience" through suffering or from some very specific and difficult situations: when, for example, one is asked to leave certain personal projects or ideas, to give up the pretext of managing one's life and mission by oneself; or all the times in which what is asked (or who asks it) does not seem to be very humanly convincing. Those who find themselves in such situations now should not forget that mediation by its nature is limited and inferior to that to which it refers, even more so if it deals with human mediation in relation to the divine will; but one should remember that every time one finds oneself faced with a command given legitimately that the Lord requests obedience to the person in authority who, at that moment, represents him17 and that Christ also "learned obedience from what he suffered" (Heb 5:8).

In this regard, it is fitting to recall the words of Paul VI: "You must feel something of the force with which Christ was drawn to His Cross - that baptism He had still to receive, by which that fire would be lighted which sets you too ablaze - (cf. Lk 12:49-50) something of that ‘foolishness' which St. Paul wishes we all had, because it alone makes us wise (cf. 1 Cor 3:18-19). Let the Cross be for you, as it was for Christ, proof of the greatest love. Is there not a mysterious relationship between renunciation and joy, between sacrifice and magnanimity, between discipline and spiritual freedom?" 18

It is precisely in these cases of suffering that the consecrated person learns to obey the Lord (cf. Ps 119:7), to listen to him and to remain devoted only to him, waiting patiently and full of hope for his revealing Word (cf. Ps 118:81), in complete and generous openness to accomplishing his will and not one's own (cf. Lk 22:42).

In the light and strength of the Spirit

11. One remains devoted to the Lord when sensing in some way his presence in human intermediaries, such as in the Rule, the superiors, the community,19 the signs of the times, the expectations of others and, above all, the poor; when one has the courage to cast the nets on the "strength of his word" (cf. Lk 5:5) and not only from solely human motivations; when one chooses to obey not only God but also others, but in every case, for God and not for others. In his Constitutions, St. Ignatius writes: "Genuine obedience considers not the person to whom it is offered but Him for whose sake it is offered: and if it is exercised for the sake of our Creator and Lord alone, then it is the very Lord of everyone who is obeyed".20

If in difficult moments those who are called to obey request insistently the Father for the Spirit (cf. Lk 11:13), he will give them the Spirit and the Spirit will give light and the strength to be obedient and will help them to know the truth - and it is the truth makes one free (cf. Jn 8:32).

Jesus himself, in his humanity, was led by the action of the Holy Spirit: conceived in the womb of the Virgin Mary by the work of the Holy Spirit, at the beginning of his mission, in his baptism he receives the Spirit which descends upon him and guides him; risen he pours forth the Spirit on his disciples that they might enter into the same mission, announcing the salvation and pardon which he merited. The Spirit who anointed Jesus is the same Spirit who can make our freedom similar to that of Christ, perfectly conformed to the will of God.21

Therefore, it is indispensable that all open themselves to the Spirit, beginning with superiors, who properly receive authority from the Spirit,22 and "docile to the will of God",23 under his guidance must exercise it.

Authority at the service of obedience to the Will of God

12. In consecrated life everyone must sincerely seek the will of the Father, because otherwise the reason itself for this choice of life would disappear; but it is equally important to carry out such a search together with the brothers or the sisters because it is properly that which unites them, "making them a family united to Christ".

Persons in authority are at the service of this search to ensure that it occurs in sincerity and truth. In the homily at the beginning of his Petrine ministry, Benedict XVI affirmed significantly: "My real program of governance is not to do my own will, not to pursue my own ideas, but to listen, together with the whole Church, to the word and the will of the Lord, to be guided by Him, so that He himself will lead the Church at this hour of our history".24 On the other hand, it is necessary to recognize that the task of being a guide for others is not easy, especially when the sense of personal autonomy is excessive or conflictive and competitive in its relations with others. Therefore, it is necessary on everyone's part to sharpen his or her ability to see the encounters of this task in faith, in order that he or she might be inspired to have the attitude of Jesus the Servant who washes the feet of his apostles so that they might have a part in his life and in his love (cf. Jn 13:1-17).

This calls for a great consistency on the part of those who guide institutes, provinces (or other sections of the institute) and communities. Persons called to exercise authority must know that they will be able to do so only if they first undertake the pilgrimage that leads to seeking the will of God with intensity and righteousness. The advice that St. Ignatius of Antioch gave to one of his fellow bishops is valuable for them: "Nothing is done without your agreement, but you do not do anything without God's agreement".25 Persons in authority must act in such a way that the brothers or the sisters can perceive that when they give a command, they are doing so only to obey God.

Reverence for the will of God keeps those in authority in a state of humble seeking, so that their acting conforms as much as possible to that holy will. St. Augustine reminds us that the one who obeys always fulfils the will of God, not because the command of the authority necessarily conforms to the divine will, but because it is the will of God that is obeyed by the one who is in charge.26 But those in authority, on their part, must search assiduously with the help of prayer, reflection, and the advice of others for what God really wills. Otherwise, instead of representing God, superiors risk putting themselves carelessly in God's place.

With the intention of doing God's will, authority and obedience are not therefore two distinct realities or things absolutely opposed but rather two dimensions of the same evangelical reality, of the same Christian mystery, two complementary ways of participating in the same oblation of Christ. Authority and obedience are personified in Jesus: for this reason they must be understood in direct relation to him and in a real configuration to him. Consecrated life intends simply to live His Authority and His Obedience.

Some priorities in the service of authority

13. a) In consecrated life authority is first of all a spiritual authority.27 Persons in authority recognize that they are called to serve an ideal that is much greater than themselves, an ideal which can be approached only in an atmosphere of prayer and humble seeking, which allows them to grasp the action of the same Spirit in the heart of every brother or sister. Persons in authority are "spiritual" when they place themselves at the service of what the Spirit wants to realize through the gifts which he distributes to every member of the community, in the charismatic project of the institute.

To be in the position of promoting the spiritual life, persons in authority will have to cultivate first in themselves an openness to listening to others and to the signs of the times through a daily familiarity in prayer with the Word of God, with the Rule and the other norms of the life. "The service of authority demands a persevering presence, able to enliven and take initiative, to recall the raison d'être of consecrated life, to help the persons entrusted to you to correspond with ever-renewed fidelity to the call of the Spirit".28

b) Persons in authority are called to guarantee to the community the time for and the quality of prayer, looking after the community's daily faithfulness to prayer, in the awareness that the community approaches God with small but constant steps, everyday and by everyone's effort, and that consecrated persons can be useful to one another to the extent that they are united to God. Furthermore, persons in authority are called to take care that, beginning with themselves, daily contact with the Word does not disappear, since "it has the power to edify" (Acts 20:32) individual persons and the community and to indicate ways for the mission. Mindful of the command of the Lord, "Do this in memory of me" (Lk 22:19), persons in authority will assure that the holy mystery of the Body and of the Blood of Christ is celebrated and venerated as "the source and summit"29 of communion with God and among the brothers and sisters. Celebrating and adoring the gift of the Eucharist in faithful obedience to the Lord, the community draws from it the inspiration and strength for its total dedication to God, in order to be a sign of his gratuitous love for humanity and an efficacious pointing toward future goods.30

c) Persons in authority are called to promote the dignity of the person, paying attention to each member of the community and to his or her growth, giving to each one the appropriate appreciation and positive consideration, nurturing sincere affection towards all and keeping reserved all that is said in confidence.

It is appropriate to recall that before invoking obedience (necessary) one needs to practice charity (indispensable). It is also good to make an appropriate use of the word communion, which cannot and must not be understood as a kind of delegation of authority to the community (with the implicit invitation to each to "do what he or she wants"), but neither as a more or less veiled imposition of one's own point of view (each one "does what I want").

d) Persons in authority are called to inspire courage and hope in the midst of difficulties. As Paul and Barnabas encouraged their disciples, teaching that "we must undergo many trials if we are to enter into the reign of God" (Acts 14:22), persons in authority must help in accepting the difficulties of the present moment, remembering that they are part of the sufferings which are often strewn along the road that leads to the Reign of God.

Faced with some difficult situations in consecrated life, for example, where its presence seems to be weakening and even disappearing, the one who leads the community will recall the perennial values of this kind of life, because today, as yesterday, and as always, nothing is more important, beautiful and true than spending one's own life in the service of the Lord and for the littlest of his children.

Leaders of the community are like the Good Shepherd who gives his life for the sheep, because even in the critical moment they do not retreat, but are present, participating in the concerns and the difficulties of the people confided to their care, involving themselves personally; and like the Good Samaritan they will be ready to care for any possible wounds. Furthermore, leaders humbly recognizes their own limits and need for help from others, knowing how to turn their own failures and defeats into rich learning experiences.

e) Persons in authority are called to keep the charism of their own religious family alive. The exercise of authority also includes putting oneself at the service of the proper charism of the institute to which one belongs, keeping it carefully and making it real in the local community and in the province or the entire institute, according to the plans and orientations offered, in particular by General Chapters (or analogous meetings).31 What is required of persons in authority is an adequate knowledge of the charism of the institute, making it part of themselves, in order then better to see it in relation to community life and in relation to its place in ecclesial and social contexts.

f) Persons in authority are called to keep alive the "sentire cum Ecclesia". Persons in authority have the task of helping to keep alive the sense of faith and of ecclesial communion, in the midst of a people that recognizes and praises the wonders of God, witnessing to the joy of belonging to him in the great family of the one, holy, catholic, and apostolic Church. The task of following the Lord cannot be taken by solitary navigators but is accomplished in the bark of Peter, which survives the storms; and consecrated persons contribute a hardworking and joyful fidelity to good navigation.32 Persons in authority should therefore remember that "Our obedience is a believing with the Church, a thinking and speaking with the Church, serving through her. What Jesus predicted to Peter also always applies: ‘You will be taken where you do not want to go'. This letting oneself be guided where one does not want to be led is an essential element of our serving and precisely that which makes us free".33

Sentire cum Ecclesia that shines in founders and foundresses implies an authentic spirituality of communion, that is "an effective and affective relationship with the Bishops, primarily with the Pope, the centre of unity of the Church".34 To him every consecrated person owes full and confident obedience also in virtue of the vow itself.35 Moreover, ecclesial communion demands a faithful adhesion to the Magisterium of the Pope and Bishops as a concrete witness to love for the Church and passion for her unity.36

g) Persons in authority are called to accompany the journey of ongoing formation. A task always to be considered most important today on the part of persons in authority is that of accompanying the persons for whom they are called to care throughout their lives. This they do not only by offering help in resolving possible problems or in managing possible crises but also in paying attention to the normal growth of each one in every phase and season of life, in order to guarantee that "youthfulness of spirit which lasts through time"37 and that makes the consecrated person ever more conformed to the "sentiments which were in Christ Jesus" (Phil 2:5).

Therefore, it will be the responsibility of persons in authority to keep a high level of openness to being formed as well as the ability to learn from life. In particular, this is important to do regarding the freedom of letting oneself be formed by others and for each one to feel a responsibility for the growth of others. Both will be fostered by making use of means of growth in community passed on by tradition and that are today especially recommended by those who have solid experience in the field of spiritual formation: sharing of the Word, personal and community plans, communitarian discernment, review of one's life and fraternal correction.38

The service of authority in the light of ecclesial norms

14. In the preceding paragraphs the service of authority in consecrated life was described in reference to the search for the will of the Father and some of its priorities were pointed out.

In order that these priorities not be understood as purely facultative, it seems appropriate to consider the particular characteristics of the exercise of authority according to the Code of Canon Law.39 In it the evangelical traits of the power exercised by religious superiors on various levels are translated into norms.

a) The obedience of the superior. Moving from the characteristic nature of munus of ecclesial authority, the Code reminds the religious superior that he or she is first of all called to be the first one to be obedient. In the strength of the assumed office, he or she owes obedience to the law of God, from whom his or her authority comes and to whom he or she must render an account in conscience, to the law of the Church, to the Roman Pontiff, and to the proper law of the institute.

b) The spirit of service. After having reaffirmed the charismatic origin and the ecclesial mediation of religious authority, it is reaffirmed that, as all authority in the Church, so too the authority of the religious superior must be characterized by the spirit of service, in imitation of Christ who "came not to be served but to serve" (Mk 10:45).

In particular, some aspects of such a spirit of service are pointed out, whose faithful observance will assure that superiors, in fulfilling their service, will be recognized as "docile to the will of God".40

Therefore, every superior is called to bring to life again, brother to brother or sister to sister, that love with which God loves his children, avoiding, on the one hand, any attitude of domination and, on the other, any form of paternalism or maternalism.

All of this is made possible by confidence in the responsibility of the brothers or the sisters "promoting the voluntary obedience of their subjects with reverence for the human person",41 and through dialogue keeping in mind that bonding must come about "in a spirit of faith and love in the following of the obedient Christ"42 and not for other motivations.

c) Pastoral care. The Code points out, as the primary goal of the exercise of religious power, that of building "a community of brothers or sisters in Christ in which God is sought after and loved before all else".43 Therefore, in the religious community authority is essentially pastoral by its nature in that it is entirely in function of the building of fraternal life in community, according to the very ecclesial identity of consecrated life.44

The principle means that the superior should use to attain such a primary end can only be based on faith: they are, in particular, listening to the Word of God and the celebration of the Liturgy.

Finally, some areas of particular care on the part of superiors as regards the brothers or sisters are singled out: "they are to meet the personal needs of the members appropriately, solicitously to care for and visit the sick, to correct the restless, to console the faint of heart, and to be patient toward all".45

In mission with the freedom of the children of God

15. Today, it is not rare that the mission is addressed to people concerned with their own autonomy, jealous of their freedom, fearful of losing their independence.

With their very existence, consecrated persons present the possibility of a different way for the fulfilment of their own life, a way where God is the goal, his Word the light, and his will the guide, where consecrated persons move along peacefully in the certainty of being sustained by the hands of a Father who welcomes and provides, where they are accompanied by brothers and sisters, moved by the same Spirit, who wants to and knows how to satisfy the desires and longings sown by the Father in the heart of each one.

This is the primary mission of the consecrated person: he or she must witness to the freedom of the children of God, a freedom modelled on that of Christ who was free to serve God and the brothers and sisters; and moreover to affirm with his or her very own being that that God who formed the human creature from clay (cf. Gen 2:7, 22) and knitted that creature in his or her mother's womb (cf. Ps 139:13), can form his or her life, modelling it on that of Christ, the new and perfectly free man.

SECOND PART
AUTHORITY AND OBEDIENCE
IN COMMUNITY LIFE


"One among you is your teacher and you are all brothers" (Mt 23:8)

The New Commandment

16. To all those who seek God, in addition to the commandment, "You shall love the Lord your God with your whole heart, with your whole soul and with your whole mind", there is given the second commandment "similar to the first": "you shall love your neighbour as yourself" (Mt 22:37-39). Thus, the Lord Jesus adds, "Love one another as I have loved you", because from the quality of your love "they will know that you are my disciples" (Jn 13:34-35). The building of fraternal community constitutes one of the fundamental tasks of consecrated life, to which the members of the community are called to dedicate themselves, moved by that same love that the Lord has poured out into their hearts. In fact, fraternal life in community is a constitutive element of religious life, an eloquent sign of the humanizing effects of the presence of the Reign of God.

If it is true that there is no meaningful community without fraternal love, it is likewise true that a correct view of obedience and authority can offer a valid help for living the commandment of love in daily life, especially when it is a question of facing problems regarding the relationship between the individual and the community.

Persons in authority at the service of the community, the community at the service of the Reign of God

17. "All who are led by the Spirit of God are sons of God" (Rm 8:14): we are, therefore, brothers and sisters since God is the Father who guides the community of brothers and sisters with his Spirit, configuring them to his Son.

The function of authority enters into this plan. Superiors, in union with the persons entrusted to them, are called to build a fraternal community in Christ in which God is sought and loved above things, in order to fulfil God's redemptive plan.46 Therefore, persons in authority are at the service of the community as was the Lord Jesus who washed the feet of his disciples, in order that the community in its turn be at the service of the Reign of God (cf. Jn 13:1-17). Exercising authority in the midst of one's brothers or sisters means serving them, following the example of him who "gave his life in ransom for the many" (Mk 10:45), in order that they might give their lives.

Only if superiors themselves live in obedience to Christ and sincerely observe the Rule can the members of the community understand that their obedience to the superior is not only not contrary to the freedom of the children of God but causes it to mature in conformity with Christ, obedient to the Father.47

Docile to the Spirit who leads to unity

18. One and the same call from God has gathered the members of a community or of an institute together (cf. Col 3:15); one and the same desire of seeking God continues to guide them. "Life in community is thus the particular sign, before the Church and society, of the bond which comes from the same call and the common desire - notwithstanding differences of race and origin, language and culture - to be obedient to that call. Contrary to the spirit of discord and division, authority and obedience shine like a sign of that unique Fatherhood which comes from God, of the brotherhood born of the Spirit, of the interior freedom of those who put their trust in God, despite the human limitations of those who represent him".48

The Spirit opens each one to the Reign of God, while maintaining his or her different gifts and roles (cf. 1 Cor 12:11). Obedience to the action of the Spirit unifies the community in its witness to his presence, makes the steps of all joyful (cf. Ps 37:23), and becomes the basis of community life in which all obey, each with various tasks. The search for the will of God and the willingness to carry it out is the spiritual cement that saves the group from the fragmentation that can arise from the great variety of persons in all their diversity when they are lacking a unifying principle.

For a spirituality of communion and a communitarian holiness

19. In these last few years, a renewed concept of anthropology has made the importance of the relational dimension of the human person much more evident. Such a conception finds ample confirmation in the image of the human person that emerges from the Scriptures and, undoubtedly, has also influenced the way of conceiving relations within the religious community, making it more attentive to the value of openness to someone other than oneself, to the fruitfulness of the relation with the diversity and enrichment that come to each one from it.

Such a relational anthropology has also exercised an influence, at least indirectly as we have already recalled, on the spirituality of communion, and has contributed to the renewal of the concept of mission understood as a shared commitment with all members of the people of God, in a spirit of collaboration and co-responsibility. The spirituality of communion presents itself as the spiritual climate of the Church at the beginning of the Third Millennium and, therefore, as an active and exemplary task of religious life at all levels. It is the main pathway for the future of a believing life and of Christian witness. It finds its uncompromising reference in the Eucharistic mystery always seen as more central, precisely because "the Eucharist is thus constitutive of the Church's being and activity" and "it is found at the root of the Church as a mystery of communion".49

Holiness and mission pass through the community because the risen Lord makes himself present in it and through it,50 making it holy and sanctifying the relationships. Has not Jesus promised to be present where two or three are gathered in his name (cf. Mt 18:20)? Thus, brothers and sisters become sacraments of Jesus and of the encounter with God, a concrete possibility of being able to live the commandment

of mutual love. In this way the path of holiness becomes a way that all members of the community follow together; not just a path for an individual but ever more a community experience: in the reciprocal welcoming; in the sharing of gifts, above all the gift of love, of pardon, and of fraternal correction; in the common search for the will of the Lord rich in grace and mercy; in the willingness of each one to bear one another's burdens.

In today's cultural atmosphere, community holiness is a convincing witness, perhaps even more than that of the individual: this shows the perennial value of unity, a gift left by the Lord Jesus. This becomes particularly evident in international and intercultural communities that demand high levels of welcoming and dialogue.

The role of persons in authority for the growth of the community

20. The growth of the community is the fruit of an "ordered" charity, which respects its points of reference. Consequently, "it is also necessary that the proper law of each institute be as precise as possible in determining the respective competence of the community, the various councils, departmental coordinators and the superior. A lack of clarity in this area is a source of confusion and conflict. ‘Community projects,' which can help increase participation in community life and in its mission in various contexts, should also take care to define clearly the role and competence of authority, in line with the constitutions".51

Within this picture persons in authority promote the growth of fraternal life through the service of listening and dialogue, the creation of a favourable atmosphere for sharing and co-responsibility, the participation of everyone in the concerns of each one, service balanced between the individual and the community, discernment and the promotion of fraternal obedience.

a) The service of listening

The exercise of authority implies that persons in authority should gladly listen to those who have been entrusted to them.52 St. Benedict insists: "The abbot calls the whole community together"; "all of us have been called to give advice...because often it is to the youngest that the Lord reveals the best solution".53

Listening is one of the principal ministries of superiors for which they must always be available, above all for those who feel isolated and in need of attention. In fact, listening means accepting the other unconditionally, giving him or her space in one's own heart. For this listening conveys affection and understanding, declares that the other is appreciated, and that his or her presence and opinion are taken into consideration.

Whoever presides must remember that the one who does not listen to his brother or sister does not know how to listen to God either, that an attentive listening allows one to better coordinate the energy and gifts that the Spirit gives to the community and also, when making decisions, to keep in mind the limits and the difficulties of some members. Time spent in listening is never time wasted, and listening can often prevent crises and difficult times both on the individual and community levels.

b) Creation of an atmosphere favourable to dialogue, sharing and co-responsibility

Persons in authority will have to be concerned with creating an environment of trust, promoting the recognition of the abilities and the sensitivities of individuals. Moreover, with words and deeds they will nourish the conviction that the community requires participation and therefore information.

In addition to listening, persons in authority will value sincere and free dialogue - sharing feelings, perspectives and plans: in this atmosphere each one will be able to have his or her true identity recognized and to improve his or her own relational abilities. Persons in authority will not be afraid to recognize and accept those problems that can easily arise from searching, deciding, working and together undertaking the best ways of realizing a fruitful collaboration. On the contrary, they will look for the causes of any possible uneasiness and misunderstandings, knowing how to propose solutions, shared as much as possible. Moreover, they will commit themselves to finding ways of overcoming any form of childishness, and discourage whatever attempts are made to avoid responsibility or to evade major commitments, to close oneself in one's own world and in one's own interests or to work in an isolated manner.

c) Soliciting the contribution of all for the concerns of all

Whoever is in charge has the responsibility for the final decision,54 but must arrive at it not by him or herself but rather by valuing the greatest possible free contribution of all the brothers or sisters. The community is what its members make it. Therefore, stimulating and motivating a contribution from every person so that each one feels the duty to contribute his or her own charity, competence and creativity will be fundamental. In fact, all the human resources are strengthened and brought together in the community project, motivating and respecting them.

It is not enough to place material goods in common, but still more significant is the communion of goods and personal abilities of endowments and talents, of intuitions and inspirations, and still more fundamental, and to be promoted, is the sharing of spiritual goods, of listening to the Word of God, of faith: "the more we share those things which are central and vital, the more the fraternal bond grows in strength".55

Probably not all will be immediately disposed to this type of sharing. When faced with possible resistance, far from giving up the project those in authority should seek to balance wisely the urgency for a dynamic and enterprising communion with the art of being patient, not expecting to see immediately the fruits of their own efforts. They must also recognize that God is the one and only Lord who can touch and change persons' hearts.

d) At the service of the individual and of the community

In entrusting various responsibilities to members of the community, persons in authority must take into account the personality of each brother or sister and each one's difficulties and predispositions, in order to give to each a way to express his or her own gifts, respecting the freedom of all. Simultaneously they must necessarily consider the good of the community and the service to the work eventually entrusted to them.

Such organizing to realize goals is not always easy to put into practice. It is then that the balance of persons in authority, which manifests itself in the ability to take the positive aspects of each one and to make the best use of the strengths available, becomes indispensable. This must be done with that righteousness of intention that makes authority interiorly free, not too concerned with pleasing and humouring, but clear in indicating the true meaning of the mission for the consecrated person that cannot be reduced to a simple valuing of the abilities of each one.

However, it will likewise be indispensable that consecrated persons accept, in the spirit of faith and from the hands of the Father, the responsibility entrusted to them even when it does not agree with their desires and expectations or with their way of understanding the will of God. For each person, still being able to express the specific difficulties by candidly pointing them out as a contribution to the truth, obeying in such cases means relying on the final decision of the person in authority, with the conviction that such obedience is a precious contribution - even if involving suffering - for the building of the Reign of God.

e) Community discernment

"In community life which is inspired by the Holy Spirit, each individual engages in a fruitful dialogue with others in order to discover the Father's will. At the same time, community members together recognize in the one who presides an expression of the fatherhood of God and the exercise of authority received from God, at the service of discernment and communion".56

Sometimes, when the proper law provides for it or when the importance of the decision to be taken demands it, the search for an adequate response is entrusted to community discernment, in which it is a matter of listening to what the Spirit is saying to the community (cf. Rev 2:7).

Even if true and appropriate discernment is reserved to the most important decisions, the spirit of discernment ought to characterize every decision-making process that involves the community. A time of individual prayer and reflection together with a series of important attitudes for choosing together what is right and pleasing to God, should never be missing prior to every decision. Here are some of these attitudes:

- determination to seek nothing other than the divine will, letting oneself be inspired by God's way of acting as seen in the Sacred Scriptures and in the history of the charism of the institute, and with the awareness that evangelical logic is often "upside-down" in relation to human logic that looks for success, efficiency and recognition;

- openness to recognize in each brother or sister the ability to discover the truth, even if partial, and consequently to welcome his or her opinions as mediation for discovering together the will of God - an openness to the point of knowing how to recognize the ideas of others as better than one's own;

- attention to the signs of the times, to the expectations of the people, to the needs of the poor, to the pressing needs of evangelization, to the priorities of the Universal Church and of particular churches and to the indications of Chapters and of major superiors;

- freedom from prejudices, from excessive attachment to one's own ideas, from perceptual frameworks which are rigid or distorted and from strong positions which frustrate the diversity of opinions;

- courage to ground firmly one's own ideas while also opening oneself to new perspectives and to changing one's own point of view;

- firm proposal to maintain unity in any case, whatever the final decision might be.

Community discernment is not a substitute for the nature and function of persons in authority, from whom the final decision is expected. Nevertheless, persons in authority cannot ignore that the community is the best place in which to recognize and accept the will of God. In any case, discernment is one of the peak moments in a consecrated community where the centrality of God, that ultimate end of everyone's search, as well as the responsibility and the contribution of each one in the journey of all towards the Truth, stand out with particular clarity.

f) Discernment, authority and obedience

Persons in authority will be patient in the delicate process of discernment, which they will seek to guarantee in its phases and support in its most critical steps, and to be firm in requesting the implementation of whatever is decided. They will be attentive not to abdicate their own proper responsibility, even for love of living in peace or for fear of hurting someone's feelings. They will feel the responsibility of not avoiding situations in which it is necessary to make clear and, at times, unpleasant decisions.57 True love for the community is really what makes persons in authority able to reconcile firmness and patience, listening to each one, and the courage to make decisions, overcoming the temptation to be deaf and mute.

Finally, it must be observed that a community cannot be in a state of continuous discernment. After the time of discernment there is the time for obedience, which is the implementation of the decision. Both are times in which it is necessary to live in the spirit of obedience.

g) Fraternal obedience

Towards the end of his Rule, St. Benedict affirms: "The brethren must render the service of obedience not only to the Abbot, but they must thus also obey one another, knowing that they shall go to God by this path of obedience".58 "That in honour they forerun one another (cf. Rom 12:10). Let them bear their infirmities, whether of body or mind, with the utmost patience; let them vie with one another in obedience. Let no one follow what he thinketh useful to himself, but rather to another".59 St. Basil asks himself: "In what way do we have to obey each other?" He responds: "As servants to their masters, as the Lord has ordered us: ‘Let him who would be great among you become the servant of all (cf. Mk 10:44)'; Then he adds these words which are still more impressive: ‘Like the Son of Man who came not to be served but to serve' (Mk 10:45); and as the Apostle says: ‘Through the love of the Spirit, be servants to each other' (Gal 5:13)".60

True fraternity is based on the recognition of the dignity of the brothers or sisters and becomes concrete in the attention given to others and to their needs, in the capacity to rejoice in their gifts and their fulfilment, in placing at their disposition the proper time to listen and to be enlightened; however, this demands being interiorly free.

Those persons are certainly not free who are convinced that their ideas and their solutions are always the best; who suppose they can decide by themselves without any mediation for knowing the divine will; who think of themselves as always right and do not have any doubts that it is the others who have to change; who think only of their own things and do not pay any attention to the needs of others; who think that to obey is something from another era, which cannot be propounded in a world which is more evolved.

Rather, free are those persons who live constantly attentive and reach out to take advice in every situation in life, and above all from every person who lives next to them, a mediation of the will of the Lord, however mysterious. "It was for liberty that Christ freed us" (Gal 5:1). He has freed us that we might be able to encounter God in the innumerable ways in daily life.

"The first among you must be your slave" (Mt 20:27)

21. Today, if assuming the responsibilities proper to authority can also seem a particularly heavy burden and demand the humility of being the servant of others, it is, however, always good to recall the severe words the Lord Jesus turns on those who are tempted to clothe their authority in worldly prestige: "Whoever wishes to be first among you must be your slave, just as the Son of Man came not to be served but to serve and to give his life as a ransom for many" (Mt 20:27-28).

Those who seek in their own office a means of becoming greater or affirming themselves, having themselves be served or making others serve them, place themselves clearly outside the evangelical model of authority. St. Bernard's words to his disciple who became a successor of

St. Peter are worth some attention: "Consider if you have made progress on the way of virtue, of wisdom, of intelligence, of goodness. Are you more arrogant or more humble? More benevolent or more haughty? More indulgent or more intransigent? What has developed in you: the fear of God or a dangerous effrontery?" 61

Obedience even under the best conditions is not easy, but it is made easier when the consecrated person sees persons in authority place themselves at the humble and hardworking service of the community and of the mission: an authority that even with all its human limitations in its acting tries to present again the attitudes and sentiments of the Good Shepherd.

"I pray that she who will have the office of responsibility for her sisters," St. Clare of Assisi affirmed in her last will and testament, "be committed to being in charge of the others through virtue and holy behaviour more than by virtue of her office, in order that the sisters, inspired by her example, obey her not so much because of her office, but for love".62

Community Life as mission

22. Led by persons in authority, consecrated persons are called to measure themselves against the new commandment, the commandment that renews all things: "Love one another as I have loved you" (Jn 15:12).

To love each other as the Lord has loved means to go beyond the personal merit of the brothers or sisters and to obey not one's own desires but God who speaks through the condition and needs of the brothers or sisters. It is necessary to recall that the time dedicated to improving the quality of community life is not time wasted because, as the late and fondly remembered Pope John Paul II repeatedly emphasized, "all the fruitfulness of religious life depends on the quality of community life".63

The tension of making real fraternal community is not only preparation for the mission but also an integral part of it, from the moment that "fraternal communion, as such, is already an apostolate".64 In the continuous search for the will of God, being in mission as communities that daily seek to build community means affirming that by following the Lord Jesus, it is possible to realize human life together in a new and humanizing way.

THIRD PART
IN MISSION

"As the Father has sent me, so I also send you" (Jn 20:21)

In mission with all one's being, as Jesus the Lord

23. The Lord Jesus makes us understand with his own form of life that mission and obedience cannot be separated. In the Gospels Jesus is always presented as the One sent by the Father to do his will (cf. Jn 5:36-38; 6:38-40; 7:16-18); he always does what is pleasing to the Father. It is possible to say that the entire life of Jesus is the mission of the Father. He is the mission of the Father.

As the Word came in mission, enfleshing himself in a humanity that he took on completely, we collaborate in the mission of Christ in the same way and we permit him to bring it to its complete fulfilment. Above all we welcome him, making ourselves the place of his presence and, therefore, the continuation of his life in history, to afford others the possibility of meeting him.

Considering that Christ in his life and work was the perfect amen (cf. Rev 3:14) and the perfect yes (cf. 2 Cor 1:20) spoken to the Father, and that to say yes means simply to obey, it is impossible to think about the mission if not in relation to obedience. To live the mission always implies being sent, and that includes referring to the one who sends or to the content of the mission to be developed. It is for this reason that, without reference to obedience, the term mission becomes difficult to understand and is exposed to the risk of being reduced to something that refers only to those developing the mission. There is always the danger of reducing the mission to a profession to be done in view of one's own fulfilment, thereby being managed more or less by oneself.

In mission for service

24. In his Spiritual Exercises, St. Ignatius of Loyola writes that the Lord calls all and says: "Whoever will come with me must work with me, so that following me in effort and suffering, will follow me also into glory".65 The mission must be measured, today as in the past, with notable difficulties that can be confronted only with the strength that comes from the Lord, in the humble and strong awareness of being sent by him and, because of this, being able to count on his help.

Thanks to obedience we have the certitude of serving the Lord, of being "servants of the Lord" in our acting and suffering. Such certitude is the source of unconditional commitment, tenacious faithfulness, interior serenity, disinterested service and dedication of our best energies. "Those who obey have the guarantee of truly taking part in the mission, of following the Lord and not pursuing their own desires or wishes. In this way we can know that we are guided by the Spirit of the Lord, and sustained, even in the midst of great hardships, by his steadfast hand (cf. Acts 20:22-23)".66

One is in mission when, far from seeking one's own affirmation, one is, in the first place, led by the desire to accomplish the will of God, which is worthy of adoration. Such a desire is the very soul of adoration ("Thy kingdom come, Thy will be done") and the strength of the apostle. The mission demands the commitment of all one's human abilities and talents that contribute to salvation when he or she is placed in the river of the will of God, which transports passing things into the ocean of the eternal reality where God, in unlimited happiness, will be all in all (cf. 1 Cor 15:28).

Authority and mission

25. All this implies that authority be recognized as an important task in carrying out the mission, faithful to the charism proper to each. This is not a simple task, nor one without difficulties and ambiguities. In the past, the risk could come from persons in authority being directed mainly towards managing the work, with the danger of not taking care of persons. Today, the risk can come rather from excessive fear of hurting others' feelings or from a fragmentation of competencies and responsibilities that weakens the unified movement towards the common objective and frustrates the role of authority.

However, persons in authority are not only responsible for the animation of the community but also for the coordinating of the various competencies in relation to the mission. Thus, they respect the roles and follow the internal norms of the Institute. Even if persons in authority cannot - and must not - do everything, they nevertheless have the ultimate responsibility for everything.67

Many are the challenges that the present time places on persons in authority in the task of coordinating energies for the mission. Some important tasks are also listed here:

a) Persons in authority encourage the taking up of responsibilities and respect them when taken up

For some, responsibilities can provoke a sense of fear. Therefore, it is necessary that persons in authority convey to their collaborators Christian strength and the courage to face difficulties, overcoming fears and attitudes of giving up.

Their concern will be sharing not only information but also responsibilities, committing themselves to respecting each one in his or her own rightful autonomy. This involves, on the part of authority, a patient coordination and, on the part of the consecrated person, a sincere openness to working together.

Persons in authority need to "be present" when necessary, to foster in the members of the community the sense of interdependence, as far from childish dependence as from a self-sufficient independence. This interdependence is the fruit of that interior freedom that permits each one to work and collaborate, to substitute as well as to be substituted for, to take an active part and to make his or her own contribution, even from behind the scenes.

Whoever exercises the service of authority will have to be attentive not to give into the temptation of personal self-sufficiency, to believe that everything depends on him or her and that it would not be important and useful to foster community participation; it is better to take one step together than to take two or more alone.

b) Persons in authority invite us to confront diversity in a spirit of communion

The rapid cultural changes in progress do not only cause structural transformations that influence activities and the mission but also can give rise to tensions within the community, where diverse kinds of cultural or spiritual formation cause members to give different readings to the signs of the times and, therefore, to propose varied projects not always reconcilable. Such situations can be more frequent today than in the past because there is a growing number of communities that are made up of persons who come from different ethnic groups or cultures, thereby making generational differences more evident. Persons in authority are called to serve with a spirit of communion even these composite communities, helping them to offer, in a world noted for many divisions, the witness that it is possible to live together and to love one another even if different. It must then firmly maintain some theoretical-practical principles:

- to remember that in the spirit of the Gospel, a conflict of ideas never becomes a conflict of persons;

- to recall that a plurality of perspectives fosters a deepening of the question;

- to promote communication so that the free exchange of ideas makes the positions clear and causes the positive contribution of each one to emerge;

- to help free oneself from egocentrism and ethnocentrism, which tend to place the causes of trouble onto others, in order to reach a mutual understanding;

- to understand that the ideal is not that of having a community without conflicts but instead a community that is willing to confront its own tensions in order to resolve them positively, looking for solutions that ignore none of the values that must be taken into account.

c) Persons in authority maintain a balance between the various dimensions of consecrated life

These dimensions can come into tension among themselves. Persons in authority must assure that unity of life be preserved and that the greatest possible attention is paid to the balance between time dedicated to prayer and time dedicated to work, between individual and community, between commitments and rest, between attention to common life and attention to the world and the Church, between personal formation and community formation.68

One of the most delicate balances is that between community and mission, between life ad intra and life ad extra.69 Given that normally the urgency of the things that need to be done can lead not to caring about the things that regard the community and that ever more often today one is called to work as an individual, it is opportune that some inviolable rules that guarantee simultaneously both a spirit of brotherhood or sisterhood in the apostolic community and an apostolic sensitivity in community life be respected.

It will be important that persons in authority be the guarantors of these rules and remind each and everyone that a member of the community who is in mission or is performing some apostolic service, even if working alone, always acts in the name of the institute or of the community and thus works thanks to the community. Often, if some are able to accomplish that particular activity it is because others of the community have given of their time for them, advised them or conveyed a certain spirit. Furthermore, the one who remains in the community substitutes in certain tasks in the house for the persons committed outside the community or prays for them or supports them with his or her own fidelity.

And now it is right not only that apostles be deeply grateful but also that they remain closely united to their own community in all that they do. The apostle must not act like the owner of the community but should try at any cost to have the community move along together, waiting, if necessary, for the one who goes more slowly, valuing the contribution of each one, sharing as much as possible the joys and efforts, insights and uncertainties, so that all feel as theirs the apostolate of each one of the others, without envy or jealousy. Apostles may be certain that no matter how much of themselves they give to the community, it will never equal what they have already received and will continue to receive from it.

d) Persons in authority have a merciful heart

St. Francis of Assisi, in a moving letter to a minister/superior, gave the following instructions about the possible personal weaknesses of his brothers: "And in this I want to know, if you love the Lord and myself, His servant and yours, if you have done this, namely, that there be no friar in the world, who has sinned, as much as one could sin, that, after he has seen your eyes, never leaves without your mercy, if he seeks mercy. And if he would not seek mercy, you are to ask him if he wants mercy. And if afterwards he would have sinned a thousand times before your eyes, love him more than me for this, so that you draw him to the Lord; and you are to always pity such ones".70

Persons in authority are called to develop a pedagogy of forgiveness and mercy, that is, to be instruments of the love of God that welcomes, corrects and always gives another chance to the brother or sister who makes a mistake and falls into sin. Above all they will need to remember that without hope of forgiveness a person finds it hard to get back on the path and tends inevitably to add wrong to wrong and failings to failings. The perspective of mercy, instead, affirms that God is able to draw out, even from sinful situations, a way that leads towards the good.71 May persons in authority spare no efforts so that the whole community may learn this merciful style.

e) Persons in authority have a sense of justice

If the invitation of St. Francis of Assisi to forgive the brother who sins can be considered a precious general rule, it must be recognized that there can be behaviours in the members of some communities of consecrated persons that seriously harm their neighbour and that imply a responsibility vis-à-vis people outside the community and also within the institutions themselves to which they belong. If it is necessary to have understanding for the wrongdoing of the individual, it is also necessary to have a rigorous sense of responsibility and charity towards those who are eventually damaged by the incorrect behaviour of some consecrated person.

May he or she who errs know that he or she must answer personally for the consequences of his or her acts. Understanding for the confrere cannot exclude justice, especially in the face of vulnerable persons and victims of abuse. To accept and recognize the real evil and to assume the responsibility for it and its consequences are already steps on the path that leads to mercy: as for Israel who distanced itself from the Lord, the acceptance of the consequences of evil, that is, the experience of the Exile, is the first step in once again taking up the path of conversion and of rediscovering more deeply that real relationship with him.

f) Persons in authority promote collaboration with the laity

The growing collaboration with the laity in the works and activities conducted by consecrated persons raises new questions that require new responses both on the part of the community and on the part of authority. "The participation of the laity often brings unexpected and rich insights into certain aspects of the charism," given that the laity are invited to offer "religious families the invaluable contribution of their ‘being in the world' and their specific service".72

It was fittingly recalled that in order to reach the objective of mutual collaboration between religious and laity, "it is necessary to have: religious communities with a clear charismatic identity, assimilated and lived, capable of transmitting it to others and disposed to share it; religious communities with an intense spirituality and missionary enthusiasm for communicating the same spirit and the same evangelizing thrust; religious communities who know how to animate and encourage lay people to share the charism of their institute, according to their secular character and according to their different style of life, inviting them to discover new ways of making the same charism and mission operative. In this way, a religious community becomes a centre radiating outwardly, a spiritual force, a centre of animation, of fraternity creating fraternity, and of communion and ecclesial collaboration, where the different contributions of each help build up the Body of Christ, which is the Church".73

Furthermore, it is necessary that there be a well-defined description of the competencies and responsibilities of the laity as much as of the religious, as well as of the intermediate entities (administrative councils and the like). In all this, the one in charge of the community of consecrated persons has an irreplaceable role.

Difficult obedience

26. In the concrete development of the mission, some instances of obedience can be particularly difficult because points of view or means of apostolic or diaconal action can be perceived and thought of in different ways. In the face of certain difficult situations of obedience, to all appearances absolutely "absurd," there can arise the temptation towards distrust and even abandonment. Is it worth continuing? Could I not realize my ideas better in another context? Why get worn out in pointless conflicts?

St. Benedict already confronted the question of an obedience "very burdensome or positively impossible to perform"; and St. Francis of Assisi considered the case in which "the subject sees things which are better and more useful for his soul than those which the prelate [superior] orders him to do". The Father of monasticism replies, asking for a free, open, humble and trusting dialogue between the monk and the abbot, though in the end, if requested, the monk "obeys for the love of God and confiding in his help".74 The Saint of Assisi invites the person to implement a "loving obedience," in which the friar voluntarily sacrifices his views and carries out the command requested, because in this way he "pleases God and neighbour",75 and sees a "perfect obedience, there, where even not being able to obey because he is being commanded "something against his soul", the religious does not break unity with the superior and community, and is also ready to bear persecution because of it. "In fact," observes St. Francis, "whoever chooses to suffer persecution rather than wish to be separated from his brothers truly remains in perfect obedience because he lays down his life for his brothers".76 This reminds us that love and communion represent supreme values to which even the exercise of authority and obedience are subordinated.

It must be recognized that it is understandable, on the one hand, to have a certain attachment to personal ideas and convictions, fruit of reflection or of experience and matured over time, and it is also a good thing to seek to defend them and to carry them forward, always in the perspective of the Reign of God, in a straightforward and constructive dialogue. On the other hand, it is not to be forgotten that the model is always Jesus of Nazareth, who even during his Passion asked God that his will, as Father, be done, nor did he pull back from death on the cross (cf. Heb 5:7).

When requested to give up their own ideas or projects, consecrated persons might experience loss and a sense of rejection of authority or to feel within themselves the "loud cries and tears" (Heb 5:7) and pleading that the bitter chalice might pass. But that is also the time to entrust oneself to the Father in order that his will might be done, and thus to be able to participate actively, with all one's being, in the mission of Christ "for the life of the world" (Jn 6:51).

It is in saying these difficult "yeses" that one can understand in depth the sense of obedience as a supreme act of freedom, expressed in total and confident abandoning of oneself to Christ, the Son freely obedient to the Father, and one can understand the sense of mission as an obedient offering of oneself that brings the blessing of the Most High: "I will bless you with every blessing...(and) all the nations of the earth shall gain blessing for themselves, because you have obeyed my voice" (Gen 22:17, 18). In that blessing obedient consecrated persons know that they will again find all that they left with the sacrifice of their being detached; within that blessing is also hidden the full realization of their own humanity (cf. Jn 12:25).

Obedience and objections of conscience

27. Here one could ask: Can there be situations in which a person's conscience would not seem to permit following the directives given by persons in authority? Can it happen, in short, that the consecrated person must state in relation to the norms or to their superiors: "It is necessary to obey God rather than men" (Acts 5:29)? This is the case of the so-called objection in conscience of which Paul VI spoke,77 and that should be considered in its authentic meaning.

If it is true that conscience is the place where the voice of the Lord resounds, the voice that indicates to us how to behave, it is also true that it is necessary to learn to listen to this voice very attentively in order to know how to recognize it and distinguish it from other voices. In fact, it is necessary not to confuse this voice with those which emerge from a subjectivism that ignores or disregards the sources and criteria that cannot be given up and are mandatory in the formation of judgments of conscience: "It is the ‘heart' converted to the Lord and to the love of what is good which is really the source of true judgments of conscience",78 and "freedom of conscience is never freedom ‘from' the truth but always and only freedom ‘in' the truth".79

The consecrated person will then have to reflect long before concluding that it is not the obedience received but what is sensed within him or herself that represents the will of God. He or she will also have to remember to keep the law of mediation in force in all cases, guarding him or herself from making serious decisions without any examination and verification. It certainly remains indisputable that what counts is to arrive at knowing and fulfilling the will of God, but it ought to be likewise indisputable that the consecrated person is committed by vow to accept this holy will through determined mediations. To say that what counts is the will of God, not the means, and to reject them or to accept them only on the basis of what is pleasing, can take away the meaning of the person's vow, and empty his or her own life of one of its essential characteristics.

Consequently, "apart from an order manifestly contrary to the laws of God or the constitutions of the institute, or one involving a serious and certain evil - in which case there is no obligation to obey - the superior's decisions concern a field in which the calculation of the greater good can vary according to the point of view. To conclude from the fact that a directive seems objectively less good that it is unlawful and contrary to conscience would mean an unrealistic disregard of the obscurity and ambivalence of many human realities. Besides, refusal to obey involves an often serious loss for the common good. A religious should not easily conclude that there is a contradiction between the judgment of his conscience and that of his superior. This exceptional situation will sometimes involve true interior suffering, after the pattern of Christ himself ‘who learned obedience through suffering' (Heb 5:8)".80

Difficult kinds of authority

28. But persons in authority can also become discouraged and disillusioned. In the face of the resistance of some members of the community and of certain questions that seem irresoluble, he or she can be tempted to cave in and to consider every effort for improving the situation useless. What we see here then is the danger of becoming managers of the routine, resigned to mediocrity, restrained from intervening, no longer having the courage to point out the purposes of authentic consecrated life and running the risk of losing the love of one's first fervour and the desire to witness to it.

When the exercise of authority weighs heavily and is difficult, it is good to recall that the Lord Jesus considers such a task an act of love towards him: "Simon, son of John, do you love me?" (Jn 21:16). And listening again to the words of Paul becomes beneficial: "Rejoice in hope, be patient in suffering, persevere in prayer, contribute to the needs of the saints" (Rm 12:12-13).

The silent interior struggle that accompanies fidelity to one's own task, marked at times by solitude or misunderstanding of those to whom one gives oneself, becomes the way of personal sanctification and a means of salvation because of what he or she suffers.

Obedient until the end

29. If the life of the believer is entirely a search for God, every day of life becomes a continual learning of how to listen to his voice in order to do his will. It is a question certainly of a demanding school, almost a struggle between that I who tends to be in control of oneself and one's history and that God who is "the Lord" of every history, a school wherein one learns to entrust oneself so much to God and to his Fatherhood, as also to trust in men and women - his sons and daughters and our brothers and sisters. In this way the certitude grows that the Father never abandons anyone, not even when it is necessary to entrust the care for one's own life into the hands of the brothers or sisters and to recognize in them the sign of his presence and the mediators of his will.

With an act of obedience, even if unaware of it, we came to life, accepting that good Will that has preferred our existing to non-existence. We will conclude our journey with another act of obedience that hopefully would be as much as possible conscious and free but above all an expression of abandonment to the good Father who will call us definitively to himself, into his reign of infinite light, where our seeking will have found its conclusion and our eyes will see him in a Sunday without end. Then we will be fully obedient and fulfilled, because we will be saying "yes" forever to that Love that has made us happy with him and in him.

Prayer for persons in authority

30. "O Good Shepherd, Jesus, good, gentle, tender Shepherd, behold a shepherd, poor and pitiful, a shepherd of Your sheep indeed, but weak and clumsy and of little use, who cries out to You.

"Teach me, Your servant, therefore, Lord, teach me, I pray You, by Your Holy Spirit, how to devote myself to them and how to spend myself on their behalf. Give me, by Your unutterable grace, the power to bear with their shortcomings patiently, to share their griefs in loving sympathy, and discretely to help them according to their needs. Taught by Your Spirit, may I learn to comfort the sorrowful, to strengthen the weak, to be weak with those who are weak, to be indignant with those who suffer scandal, to become all things to all in order to save all. Place true, just and pleasing words in my mouth, so that they all may be built up in faith and hope and love, in chastity and lowliness, in patience and obedience, in spiritual fervour and submissiveness of mind.

"I commit them into Your holy hands and loving providence. May no one snatch them from Your hand, nor from the hands of Your servant's, unto whom You have committed them. May they always persevere with gladness in their holy purpose, unto the attainment of everlasting life with You, our most sweet Lord, their Helper, who live and reign to ages of ages. Amen".81

Prayer to Mary

31. "O sweet and holy Virgin Mary, with Your believing and perplexed obedience, at the announcement of the angel You gave us Christ. At Cana with Your attentive Heart You showed us how to act responsibly. You did not wait passively for the action of Your Son but You anticipated it, making Him aware of the need and with discreet authority taking the initiative to send the servants to Him.

"At the foot of the cross, obedience made You the Mother of the Church and of believers while in the Upper Room every disciple recognized in You the gentle authority of love and service.

"Help us to understand that every true authority in the Church and in consecrated life has its foundation in being docile to the will of God and help each one of us become in fact, authority for others with our own life lived in obedience to God.

"O merciful and compassionate Mother, ‘You who did the will of the Father, ever ready in obedience',82 make our lives attentive to the Word, faithful in the following of Jesus, the Lord and Servant, in the light and with the strength of the Holy Spirit, joyful in fraternal communion, generous in mission, prompt in our service to the poor, looking forward to the day in which obedience in faith will flow into the feast of Love without end".

On 5 May 2008, the Holy Father approved this present Instruction of the Congregation for Institutes of Consecrated Life and Societies of Apostolic Life, and ordered its publication.

From the Vatican, 11 May 2008, the Solemnity of Pentecost.

+ Franc Card. Rodé, C.M.
Prefect
+ Gianfranco A. Gardin, OFM Conv.
Secretary

TABLE OF CONTENTS

Introduction

1. Consecrated Life as a witness of the search for God
2. A path of liberation
3. Addressees, intent and limitations of the document

FIRST PART
Consecration and search for the will of God

4. Whom are we seeking?
5. Obedience as listening
6. "Hear, O Israel !" (Dt 6:4)
7. Obedience to the Word of God
8. In the following of Jesus, the obedient Son of the Father
9. Obedient to God through human mediation
10. Learning obedience in the day-to-day
11. In the light and in strength of the Spirit
12. Authority at the service of obedience to the Will of God
13. Some priorities in the service of authority

a) In consecrated life authority is first of all a spiritual authority
b) Persons in authority are called to guarantee to the community the time for and the quality of prayer
c) Persons in authority are called to promote the dignity of the person
d) Persons in authority are called to inspire courage and hope in the midst of difficulties
e) Persons in authority are called to keep the charism of their own religious family alive
f) Persons in authority are called to keep alive the "sentire cum ecclesia"
g) Persons in authority are called to accompany the journey of ongoing formation

14. The service of authority in the light of ecclesial norms
15. In mission with the freedom of the children of God

SECOND PART
Authority and obedience in community life

16. The New Commandment
17. Persons in authority at the service of the community, the community at the service of the Reign of God
18. Docile to the Spirit who leads to unity
19. For a spirituality of communion and a communitarian holiness
20. The role of persons in authority for the growth of the community

a) The service of listening
b) Creation of an atmosphere favorable to dialogue, sharing and co-responsibility
c) Soliciting the contribution of all for the concerns of all
d) At the service of the individual and of the community
e) Community discernment
f) Discernment, authority and obedience
g) Fraternal obedience

21. "The first among you must be your slave" (Mt 20:27)
22. Community Life as mission

THIRD PART
In mission

23. In mission with all one's being, as Jesus the Lord
24. In mission for service
25. Authority and mission

a) Persons in authority encourage the taking up of responsibilities and respect them when taken up
b) Persons in authority invite us to confront diversity in a spirit of communion
c) Persons in authority maintain a balance between the various dimensions of consecrated life
d) Persons in authority have a merciful heart
e) Persons in authority have a sense of justice
f) Persons in authority promote collaboration with the laity

26. Difficult obedience
27. Obedience and objections of conscience
28. Difficult kinds of authority
29. Obedient until the end
30. Prayer for persons in authority
31. Prayer to Mary


1 Cf. John Paul II, Post-Synodal Apostolic Exhortation Vita consecrata (25 March 1996), 1.
2 Dante Alighieri, The Divine Comedy, Paradise, III, 85.
3 Cf. Vita consecrata, 42: Congregation for Institutes of Consecrated Life and Societies of Apostolic Life Instruction Fraternal Life in Community (2 February 1994), 5; Congregation for Religious and Secular Institutes, Instruction Essential Elements in the Church's Teaching on Religious Life as Applied to Institutes Dedicated to Works of the Apostolate (31 May 1983), 41.
4 Cf. Code of Canon Law, can. 631, § 1; Vita consecrata, 42.
5 Cf John Paul II, Apostolic Letter Novo millennio ineunte (6 January 2001), 43-45; Vita consecrata, 46, 50.
6 Congregation for Institutes of Consecrated Life and Societies of Apostolic Life, Instruction Potissimum institutioni (2 February 1990), in particular nn. 15, 24-25, 30-32.
7 In particular nn. 47-52.
8 In particular nn. 42-43, 91-92.
9 Congregation for Institutes of Consecrated Life and Societies of Apostolic Life, Instruction Starting Afresh from Christ: A Renewed Commitment to Consecrated Life in the Third Millennium (19 May 2002), in particular nn. 7 and 14.
10 St. Bernard, De diversis, 42, 3: PL 183, 662B.
11 St. Bernard, De errore Abelardi, 8, 21: PL 182, 1070A.
12 Benedict XVI, Encyclical Letter Spe salvi (30 November 2007), 43; cf. Fourth Ecumenical Lateran Council, in DS 806.
13 "More intimate than I am to myself": St. Augustine, Confessions, III, 6, 11.
14 Benedict XVI, Letter to the Prefect of the Congregation for Institutes of Consecrated Life and Societies of Apostolic Life on the occasion of the Plenary Assembly, 27 September 2005, in L'Osservatore Romano, English Edition, 12 October 2005.
15 St. Benedict, Rule, Prologue, 3. Cf. also St. Augustine, Rule, 7; St. Francis of Assisi, Regula non bullata 1, 1; Regula bullata, I, 1; cf. Vita consecrata, 46.
16 Code of Canon Law, can. 618.
17 Cf. Second Vatican Ecumenical Council, Decree on the Renewal of Religious Life Perfectae caritatis, 14; Code of Canon Law, can. 601.
18 Paul VI, Apostolic Exhortation Evangelica testificatio (29 June 1971), 29.
19 Cf. Evangelica testificatio, 25.
20 St. Ignatius of Loyola, Constitutions of the Society of Jesus, 84.
21 Cf. Benedict XVI, Post-Synodal Apostolic Exhortation Sacramentum Caritatis (22 February 2007), 12.
22 Cf. Sacred Congregation for Religious and Secular Institutes and the Sacred Congregation for Bishops, Directives for the Mutual Relations between Bishops and Religious in the Church Mutuae relationes (14 May 1978), 13.
23 Perfectae caritatis, 14.
24 Benedict XVI, Homily during the Mass for the beginning of his Petrine Ministry (24 April 2005), AAS XCVII (2005), 709.
25 St. Ignatius of Antioch, Letter to Polycarp, 4, 1.
26 Cf. St. Augustine, Enarrationes in Psalmos 70.1.2: PL 36, 875.
27 Cf. Fraternal Life in Community, 50
28 Benedict XVI, Address to Superiors General, 22 May 2006, in L'Osservatore Romano, English Edition, 31 May 2006, 13; cf. Starting Afresh from Christ, 24-26.
29 Cf. Second Vatican Ecumenical Council, Dogmatic Constitution Lumen gentium, 11; Starting Afresh from Christ, 26.
30 Cf. Sacramentum Caritatis 8; 37; 81.
31 Cf. Vita consecrata, 42.
32 Cf. Mutuae relationes, 34-35.
33 Benedict XVI, Homily during the Chrism Mass, 20 March 2008, in L'Osservatore Romano, English Edition, 26 March 2008, p. 12.
34 Starting Afresh from Christ, 32.
35 Cf. Code of Canon Law, can. 590, § 2.
36 Cf. Vita consecrata, 46.
37 Vita consecrata, 70.
38 Cf. Fraternal Life in Community, 32.
39 Cf. Code of Canon Law, can. 617-619.
40 Code of Canon Law, can. 618.
41 Code of Canon Law, 618.
42 Code of Canon Law, 601.
43 Code of Canon Law, 619.
44 In fact, the religious community is able to follow and manifest the primacy of the love of God that is the end itself of consecrated life and, thus, also its first obligation and the first apostolate of individual members of the community, cf. Code of Canon Law, can. 573, 607, 663, § 1, 673.
45 Code of Canon Law, can. 619.
46 Cf. Code of Canon Law, can. 619; 602; 618.
47 Cf. Perfectae caritatis, 14.
48 Vita consecrata, 92.
49 Sacramentum caritatis, 15.
50 Cf. Vita consecrata, 42.
51 Fraternal Life in Community, 51.
52 Cf. Perfectae caritatis, 14.
53 St. Benedict, Rule, 3, 1.3.
54 Cf. Vita consecrata, 43; Fraternal Life in Community, 50c; Starting Afresh from Christ, 14.
55 Fraternal Life in Community, 32.
56 Vita consecrata, 92.
57 Cf. Vita consecrata, 43.
58 St. Benedict, Rule, 71, 1-2.
59 St. Benedict, Rule, 72, 4-7.
60 St. Basil, Short Rule Question 115.
61 St. Bernard, De consideratione, II, X, 20: PL 182, 754D.
62 St. Clare of Assisi, Testamento, 61-62.
63 John Paul II, To the Plenary of the Congregation for Consecrated Life and Societies of Apostolic Life, 20 November 1992, in L'Osservatore Romano, English Edition, 2 December 1992, p. 2; cf. Fraternal Life in Community, 54, 71.
64 Fraternal Life in Community, 54.
65 St. Ignatius of Loyola, Spiritual Exercises, 95, 4-5.
66 Vita consecrata, 92.
67 Cf. Vita consecrata, 43.
68 Cf. Fraternal Life in Community, 50.
69 Cf. Fraternal Life in Community, 59.
70 St. Francis of Assisi, A Letter to a Certain Minister Provincial, 7-10.
71 Cf. John Paul II, Encyclical Letter Dives in Misericordia, 30 November 1980, 6.
72 Vita consecrata, 55; cf. Starting Afresh from Christ, 31.
73 Fraternal Life in Community, 70.
74 St. Benedict, Rule, 68, 1-5.
75 St. Francis of Assisi, Admonition III, 5-6.
76 St. Francis of Assisi, Admonition III, 9.
77 Cf. Paul VI, Evangelica testificatio, 28-29.
78 John Paul II, Encyclical Letter Veritatis splendor, 6 August 1993, 64.
79 Veritatis splendor, 64.
80 Evangelica testificatio, 28.
81 Aelred of Rievaulx, Pastoral Prayer, 1, 7, 10. CC CM Vol. I 757-763.
82 Vita consecrata, 112.

 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lễ Bổn Mạng Phong Trào Tôn Nữ Vương Gia Đình TGP Sydney
Hoàng Việt Nam
11:42 01/06/2008
SYDNEY - Sáng Thứ Bảy 31/05/2008 các Liên nhóm thuộc các Giáo đoàn Bankstown, Cabramatta, Fairfiled, Lakemba, Marrickville, Miller, Mt. Prithchard và Revesby đã đến tập trung tại sân trường Lakemba tham dự ngày mừng kính Bổn Mạng “Mẹ Thăm Viếng Bà Thánh Isave” của Phong Trào Tôn Nữ Vương Gia Đình TGP Sydney.

Đúng 10 giờ 30 tất cả mọi người quây quần bên kiệu Đức Mẹ và Cha Paul Văn Chi, Tuyên Uý đặc trách Phong Trào Tôn Nữ Vương Gia Đình xông hương Thánh tượng Đức Mẹ Fatima và bắt đầu nghi thức đền tạ với chuỗi kinh Mân Côi Năm Sự Vui. Sau đó, kiệu cung nghinh Thánh tượng Đức Mẹ Fatima từ trường học qua nhà thờ dâng Thánh lễ.

Cuộc kiệu hết sức trang nghiêm với Cờ Úc Việt, cờ Hội Thánh và Cờ Việt Nam dẫn đầu kế tiếp là thứ tự theo các Liên nhóm từng Giáo đoàn. Khi kiệu Đức Mẹ đã vào đến nhà thờ và an vị trên cung thánh. Cha Paul Văn Chi ngỏ lời chúc mừng ngày Lễ Đức Mẹ Thăm Viếng Bổn Mạng của Phong Trào và đồng thời cùng với quý Cha Tuyên Úy Trưởng Nguyễn Khoa Toàn, Cha Nguyễn Thái Hoạch, Cha Mai Đào Hiền và Cha Gary Rawson, Chính xứ Lakemba cùng đồng tế hiệp dâng Thánh lễ.

Trong bài giảng Cha Paul Văn Chi đã nêu lên những gương sáng của các Thánh Nhân đã yêu mến Đức Mẹ một cách đặc biệt và được Mẹ phù trì che chở lúc tại thế và cũng như lúc lâm chung. Ngài nhấn mạnh con đường tận hiến cho Mẹ qua việc đọc Kinh Tôn Vương Gia Đình. Sau đó là nghi thức dâng hiến Phong Trào, các Liên nhóm Trưởng, nhóm Trưởng, Ban Điều Hợp Phong Trào, quỳ trườc bàn thờ và hướng về Thánh tượng Đức Mẹ Fatima, cùng mọi người trong Phong Trào, dâng hiến Cộng Đồng, Phong Trào, các gia đình và và mọi người lên cho Đức Mẹ, nguyện xin Mẹ gìn giữ phù trì cho đoàn con của Mẹ biết noi theo gương sáng của Gia Đình Thánh Gia và Phong Trào Tôn Nữ Vương Gia Đình trong TGP Sydney được thêm phát triển trong Cộng Đồng.

Trước khi kết thúc Thánh lễ, Ông Đỗ Ngọc Việt Phó Chủ tịch CĐCGVN Sydney ngỏ lời chúc mừng Bổn Mạng PT/ Tôn Nữ Vương Gia Đình và kế tiếp Ông Nguyễn Thành Tôn, Trưởng Ban Điều Hợp Phong Trào Tôn Nữ Vương Gia Đình TGP Sydney ngỏ lời cám ơn quý Cha, quý Quan Khách và tất cả mọi người đã đến tham dự Lễ mừng kính Bổn Mạng của Phong Trào. Sau cùng Cha Tuyên úy Trưởng Nguyễn Khoa Toàn ngỏ lời chúc mừng Bổn Mạng và Cha cũng khuyến khích tất cả mọi người nên đặt hết niềm yêu thương nơi Đức Mẹ và khấn xin Mẹ che chở gìn giữ cho Phong Trào Tôn Nữ Vương Gia Đình càng ngày càng tiến triển trong Cộng Đồng và Giáo Hội. Sau khi kết thúc Thánh lễ, mọi người ở lại cùng chung vui liên hoan trong buổi tiệc trà thân mật tại khuôn viên nhà thờ và kết thúc bế mạc 12 trưa cùng ngày.
 
Giáo xứ Phong Cốc, gp Bắc Ninh, đang vươn lên sức sống mới
Dom. Thành Công
16:18 01/06/2008
BẮC NINH -- Tôi trở lại giáo xứ Phong Cốc vào đúng ngày quốc tế thiếu nhi: 01/ 06/ 2008, một ngày mùa hè nhưng thời tiết thật mát dịu tựa như đang giữa mùa thu. Cha xứ Giuse Nguyễn Hoàng Ân đã cho biết: hôm nay ngài tổ chức thánh lễ cầu nguyện cho các em thiếu nhi trong xứ của ngài phụ trách, đồng thời khai mạc chương trình thi đua học Giáo Lý Mùa Hè.

Giáo xứ Phong Cốc – giáo phận Bắc Ninh thuộc xã Đức Long, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh là một giáo xứ cách không xa nhà thờ chính tòa giáo phận (khoảng 30 km), nhưng đây là một giáo xứ nhỏ, nằm ở miền quê nghèo, với số giáo dân thưa thớt. Giáo xứ Phong Cốc gồm 4 họ đạo: Phong Cốc, Cổ Pháp, Đào Viên và Kiều Lương. Số tín hữu tổng cộng khoảng 600 nhân danh, thường trực ở nhà khoảng hơn 300 người, lý do: người trẻ đi làm, hoặc đi học xa nhà.

Giáo xứ nằm cuối nguồn của ba con sông: Sông Cầu; Sông Đuống và Sông Thương. Vì thế hằng năm vào mùa mưa hay bị lụt lội, ngoài ra vì cạnh nhà máy nhiệt điện Phả Lại, nên cũng bị ảnh hưởng bởi khí thải, ô nhiễm... Đó có thể là lý do người nông dân vùng quê này làm ăn thật khó khăn, vất vả quanh năm mà vẫn nghèo túng. Chính vì thế mà người trẻ đang cố gắng học hành để thoát ly, hoặc đi làm ăn xa nhà, với hy vọng thoát được cảnh nghèo khổ.

Sau hơn 1 năm về nhận xứ, trước bao nhiêu công việc mục vụ đòi hỏi cần phải thực hiện, như xây dựng cơ sở vật chất, xây dựng, củng cố các đoàn hội, cha Giuse Nguyễn Hoàng Ân đã dần dần từng bước khôi phục, củng cố tinh thần của một cộng đoàn vốn đã chịu thiệt thòi trong một thời gian khá dài trong hoàn cảnh giáo phận thiếu thốn linh mục. Trước hoàn cảnh: giáo dân thưa thớt, điều kiện kinh tế còn khó khăn, giáo dân chỉ lo tập trung làm ăn, không để ý gì đến việc sống và giữ đạo, ngài đã ưu tiên đến chương trình xây dựng con người mà trọng tâm hơn cả là giáo lý sống đạo, đào tạo các lớp lễ sinh, giáo lý viên và giới trẻ. Bởi lẽ, đứng trước một xã hội đầy biến động và cám dỗ, mỗi người tín hữu chỉ có thể sống và giữ đạo tốt được khi đã được huấn luyện và trang bị một hành trang chắc chắn là những nền tảng giáo lý và giáo huấn của Giáo Hội.

Trong suốt thời gian qua, chương trình đào tạo dài hạn giáo lý viên vào các Chúa Nhật, với hơn nửa năm qua mới được 4 giáo lý viên, các em ở độ tuổi đi học giáo lý còn thiếu người dạy, hoặc trong thời gian năm học, các em còn bận tham gia học chương trình của nhà trường, thì Mùa hè là cơ hội để các em có nhiều thời gian hơn cho việc học hỏi, trau dồi kiến thức giáo lý.

Ngày lễ thiếu nhi, cha xứ tập họp các em lại để động viên khích lệ tinh thần, tổ chức cho các em trong xứ được gặp gỡ, giao lưu, được chơi những trò chơi do các anh chị giáo lý viên, các dự bị chủng sinh, quí Soure hướng dẫn và tổ chức. Trong thánh lễ, các em đã hát lễ, đọc sách thánh và dâng những tâm tình cầu nguyện cho các bạn thiếu nhi cùng trang lứa trên toàn thế giới. Buổi lễ tuy đơn sơ, nhưng thật cảm động và sốt sắng. Kết thúc thánh lễ, các em tiếp tục được tham gia các chương trình sinh hoạt ngoài trời, những trò chơi có giải thưởng. Nhìn khuôn mặt rạng rỡ của các em, tôi dám chắc các em sẽ rất vui và chơi hết mình. Chúa Giêsu chắc cũng sẽ rất vui khi thấy các trẻ em đến với Ngài như vậy.

Chia tay ra về, hình ảnh giáo xứ Phong Cốc cứ như muốn líu kéo tôi, theo tôi trên suốt cả chặng đường dài. Hình ảnh các em thiếu nhi đơn sơ mộc mạc, những thiếu thốn của một vùng quê nghèo, những hình ảnh cơ sở vật chất: nhà thờ, nhà chung và thậm chí nơi để một cha xứ ở cũng không có, gian cung thánh tạm bợ đầu nhà thờ đã trở thành phòng ở... Tất cả, những hình ảnh từ con người đến cảnh vật cứ thay nhau tái hiện cách sống động trong tôi. Tôi thầm nghĩ: trên cánh đồng truyền giáo và tái truyền giáo của giáo phận Bắc NInh cũng như nhiều nơi, chúng ta cần phải có thật nhiều những linh mục sẵn lòng phục vụ Chúa và tha nhân cách âm thầm như thế.
 
Giáo xứ Mẹ Vô Nhiễm, giáo phận Phan thiết, khánh thành nhà thờ
LM Giuse Nguyễn Hữu An
20:11 01/06/2008
PHAN THIẾT - Ngôi Nhà thờ xây dựng kiên cố, khang trang, xứng đáng là nơi thờ phượng Thiên Chúa, thánh hoá con người, đó là niềm ước mong của nhiều thế hệ giáo dân Giáo xứ Mẹ Vô Nhiễm trải dài suốt gần 50 năm qua. Vì đã có tới 7 lần làm nhà thờ tạm bằng cây gỗ, lần nào cũng bị bom đạn chiến tranh phá huỷ và bị cháy rụi. Lần thứ 8 xây Nhà thờ bền vững.

Ngày 31.5.2008, lễ Đức Mẹ Thăm Viếng, Đức Giám Mục Giáo Phận Phan thiết, Phaolô Nguyễn Thanh Hoan cắt băng khánh thành, dâng lễ Cung Hiến Nhà thờ kính Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Cùng đồng tế có 50 linh mục trong và ngoài giáo phận,đông đảo tu sĩ và khoảng 3.000 khách tham dự. Trời thật đẹp, nắng nhẹ, không khí trong lành.

Trải qua cuộc hành trình gần nửa thế kỷ, lễ khánh thành là ngày hội lớn, là cột mốc lịch sử mới của giáo xứ. Ngôi Nhà thờ bề thế, khang trang, xinh đẹp cùng với nhiều công trình xây dựng khác để cộng đoàn Dân Chúa nơi đây vui mừng hát lên tâm tình:Hôm nay là ngày Thiên Chúa dựng nên, chúng con vui mừng sung sướng triền miên.

Để có được như hôm nay, giáo xứ phải vượt qua bao thăng trầm, bao khó khăn thử thách. Ơn Chúa luôn dồi dào. Tình thương của

Đức Mẹ luôn dạt dào. Tin vào sự quan phòng của Chúa thì mọi sự đều làm được nhờ Ơn Chúa. Cậy trông nơi Đức Mẹ thì tất cả đều là hồng ân.

Nhìn lại hành trình giáo xứ đã đi để thấy Ơn Chúa, ơn Mẹ luôn bao bọc đỡ nâng.

Từ năm 1960, bà con di cư từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung đến lập nghiệp tại miền đất Chính Tâm 3. Đức Giám Mục Nha Trang thời bấy giờ là Đức Cha Piquet đã thiết lập miền đất mới này thành Giáo họ Chính Tâm 3, nhận Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội làm Quan Thầy. Từ đó, nơi đây đã có Giáo họ, có Linh mục đặc trách là Cha Đaminh Nguyễn Đức Nghi (Chánh xứ Chính Tâm I), có Nhà thờ bằng gỗ lợp tole.

Năm 1965, chiến tranh bùng nổ, nhà thờ bị tiêu huỷ vì bom đạn, dân chúng sơ tán đi khắp mọi nơi. Cuối năm 1972, chiến sự tạm ổn, bà con trở về lại. Mọi người cùng nhau làm Nhà thờ bằng gỗ lợp tole toạ lạc tại đỉnh đồi. Cha FX Hoàng Kim Điền, Quản xứ Chính Tâm I, phụ trách Giáo họ. Chiến tranh lại bùng nổ từ năm 1973-1975, cho nên tất cả cơ sở đã bị bình địa, dân chúng lại tản mác khắp mọi nơi. Sau năm1975, bà con từ nhiều nơi quy tụ về nơi đây lập nghiệp xây dựng cuộc sống. Cuối năm 1975, cha Giuse Nguyễn Văn Chữ vừa mới thụ phong linh mục về phụ trách Giáo họ. Ngài cùng bà con làm Nhà thờ tạm bằng cây gỗ lợp tole toạ lạc tại nghĩa trang Giáo xứ bây giờ. Sau 2 tháng Ngài bị trục xuất, Nhà thờ bị bắt buộc tháo dỡ. Từ đó, nơi đây không còn cơ sở thờ tự, không có Linh mục… nên bà con phải đi dự lễ tận Nhà thờ Võ Đắt, Nhà thờ Xuân Thành (Đồng Nai) cách xa 20-30km. Ai cũng nhớ một thời truân chuyên sống và giữ đạo Chúa. Từ năm 1992, khi xã Trà Tân có Nhà thờ Chính Tâm, bà con giáo dân đã dự lễ và sinh hoạt chung tại đó. Đức cha Nicolas Huỳnh Văn Nghi đã thành lập Giáo họ Mẹ Vô Nhiễm trực thuộc giáo xứ Chính Tâm. Lâu lâu có lễ giỗ thì cha Phêrô Nguyễn Đình Sáng đến dâng lễ trong các gia đình. Nhờ công lao của Ông Phêrô Hồ Văn Chiêu, giáo họ có được khu đất để làm nhà thờ. Bà con giáo dân chặt cây, xẻ gỗ, chở đá, đổ đất, cùng nhau góp công sức làm nên Nhà thờ bằng gỗ lợp tole. Thánh lễ Chúa nhật đều đặn mỗi tuần, ban tối bà con quy tụ đọc kinh cầu nguyện. Sau một năm sinh hoạt, Nhà thờ bị buộc phải tháo dỡ. Một thời vất vả gian nan mà hào hùng, thật đáng nhớ, đáng “khắc cốt ghi tâm”. Đến năm 1996, sau nhiều thăng trầm gian khổ, Giáo họ mới làm được một ngôi Nhà Thờ Tạm (diện tích 360m2) bằng cột gỗ, vách ván, mái tole tận dụng, nền gạch tàu toạ lạc tại Nhà thờ hiện nay. Nhà Thờ Tạm đã sử dụng trên 10 năm nên đã xuống cấp nghiêm trọng, rất nhiều lần cố gắng dùng cây chống đỡ nhưng vẫn không an toàn. Bao nhiêu là ân sủng của Chúa vẫn trao ban cho đoàn con cái nơi Nhà thờ xiêu vẹo này. Các cha xứ: Phaolô Lê Quang Luân, Phêrô Nguyễn Đình Sáng, Giuse Nguyễn Văn Lừng lần lượt quản xứ Chính Tâm và chăm lo mục vụ Giáo họ Vô Nhiễm. Cha Phó xứ Chính tâm Giuse Nguyễn Hữu An phụ trách Giáo họ từ năm 2000. Thầy Giuse Nguyễn Văn Hiên (Hiện là Cha xứ Nghị Đức) trực tiếp ở với bà con 3 năm. Năm 1997, Cha Sáng xây nhà giáo lý rồi lần lượt nhà xứ và nhà trẻ. Mãi đến ngày 18/8/2002, Cộng đoàn Nữ tu MTG Phan thiết chính thức được thành lập.

Nhà thờ cháy. Một sự việc không may đã xảy ra là ngày thứ sáu, sau Lễ Thánh Matta (29.7.2005), mọi người ra về, khoảng 6g30, Nhà Thờ đã bị cháy do sự cố chập đường dây điện, không có ai ở trong khuôn viên, chỉ có mấy Dì ở phía sau xa xa. Tất cả đều bị cháy rụi, kể cả Nhà Tạm, Chén Thánh, Tượng Chúa, Đức Mẹ, Thánh Giuse, Sách Lễ, Sách Bài Đọc. Những kỷ niệm để nhớ để thương đối với giáo xứ trong những ngày vất vả lao nhọc này. Suốt chiều 29.7.2005, trời mưa gió tầm tã nhưng ai ai cũng nhiệt thành làm việc, cho đến 10 giờ đêm, bà con làm được Nhà thờ bằng lều tạm cho cộng đoàn dâng lễ cầu nguyện. Nhưng cơn mưa lớn chiều thứ bảy hôm đó đã cuốn bay tất cả. Mọi người lại phải vất vả giãi dầm mưa gió đến khuya mới có nơi để tạm dâng lễ sáng Chúa nhật. Sau Thánh lễ sáng, thanh niên nam nữ, các ông bà, thiếu nhi cùng làm việc, đến trưa Nhà thờ lều tạm hoàn thành. Nhà thờ bằng cây bạch đàn, tre nứa, che bạt bên trên, xung quanh trống rỗng lộng gió. Nhà thờ lều bạt tạm này phải thay bạt nhiều lần trong thời gian hơn 10 tháng sử dụng. Cộng đoàn dâng lễ khi trời mưa gió phải chịu ướt vì mưa tạt bốn bên, nước dột bên trên. Mỗi ngày dâng lễ, dự lễ, kinh hạt, ai cũng xót xa, khao khát có ngôi nhà thờ mới.

Nhà thờ tạm khung sắt Giáo xứ Hiệp nghĩa đã tặng khung sắt của nhà thờ cũ. Nhờ sự giúp đỡ của nhiều giáo xứ trong giáo phận, các ân nhân, cùng với công sức của mình, bà con trong xứ đã làm được ngôi nhà thờ tạm chắc chắn, rộng rãi. Như vậy, kể từ ngày thành lập Giáo họ đến nay là 46 năm, bà con giáo dân đã làm 7 nhà thờ rồi. Cái nào cũng bằng cây gỗ tre lá, dời từ nơi này sang nơi khác. Bom đạn phá hủy, cây gỗ mục nát. Nhà thờ tạm này là đẹp và chắc chắn nhất trong 7 lần làm nhà thờ. Lễ đặt viên đá đầu tiên. Sau lắm gian nan, ngày 4.10.2007, Đức Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan,Giám Mục Giáo Phận đến dâng thánh lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng thánh đường mới.

Xây nhà thờ mới. Ngày 10.12.2007, Đức Giám Mục Giáo Phận, Cha Hạt trưởng hạt Đức Tánh FX Phạm Quyền, đã đến dâng thánh lễ ban Phép Thêm Sức, công bố quyết định nâng Giáo Họ lên Giáo Xứ và bổ nhiệm Cha Giuse Nguyễn Hữu An làm Chánh Xứ Tiên Khởi Giáo Xứ Mẹ Vô Nhiễm. Đức Cha, Cha Hạt Trưởng và Cha Xứ đã khai móng cho công trình xây dựng Nhà Chúa. Một ngày đầy kỷ niệm, ngày hân hoan và vui mừng. Ngày 11.12, giáo xứ với hơn trăm người đã ra quân khai móng Nhà thờ mới trong khí thế tiếng trống và lời kêu gọi của các vị bô lão. Sau 16 tháng thi công, Công ty tư vấn thiết kế xây dựng Hoan Thiện cùng với công sức của bà con giáo dân, sự giúp đỡ của các cơ quan bác ái Công giáo, lòng quãng đại của quỳ ân nhân xa gần, Giáo xứ đã hoàn thành ngôi nhà thờ khang trang bền vững, xứng đáng làm nơi thờ phượng Chúa, nơi cộng đoàn dâng lễ kinh nguyện mỗi ngày.

Nhà thờ Mẹ Vô Nhiễm được thiết kế và xây dựng dựa theo mẫu tự Anpha, Ômêga.

Sách Sáng Thế định nghĩa: Thiên Chúa là Alpha và Omêga,là khởi nguyên và cùng tận. Điều ấy có thể diễn tả cách khác: Thiên Chúa là thời gian.

Thánh Gioan xác định: Thiên Chúa là tình yêu.

Thiên Chúa là thời gian và là tình yêu. Như thế tình yêu và thời gian song hành là một. Sống trong Thiên Chúa là sống để yêu và sống trong thời gian là yêu để sống. Kẻ sống trong Thiên Chúa là người biết quý chuộng thời gian. Con người không làm chủ được thời gian. Quá khứ đã qua rồi. Tương lai chưa tới. Chỉ còn hiện tại. Hiện tại là thời gian quý nhất mà con người có trong tay. Lễ khánh thành là ngày hạnh phúc nhất, thời điểm đáng ghi nhớ nhất của mọi người trong giáo xứ. Cộng đoàn Dân Chúa chúc tụng Chúa và tri ân Người luôn mãi.

Trong lời cảm tạ, Ông Chủ tịch HĐGX đã bày tỏ tâm tình.

Đức Cha Phaolô đã chọn ngày hôm nay, ngày 31-5 để dâng lễ Cung hiến Nhà thờ. Hôm nay, ngày kết thúc tháng hoa, tháng kính Đức Mẹ, Ngôi nhà thờ mới được Cung hiến dâng kính Đức Mẹ. Trong suốt 16 tháng xây dựng nhà thờ, ngày nào Giáo xứ chúng con cũng làm việc kính Đức Mẹ, cầu nguyện, lần chuỗi, sống bác ái, hy sinh để kết dệt nên những bông hoa thiêng liêng dâng kính Mẹ.

Hôm nay, Đức Cha, quý Cha, Quý Bề Trên, quý Tu sĩ nam nữ, quý ân thân nhân cùng quý vị cùng hiệp thông trong thánh lễ tạ ơn và cầu nguyện cho giáo xứ chúng con, Cộng đoàn giáo xứ chúng con chân thành tri ân Đức Cha, quý Cha, quý Tu sĩ nam nữ cùng quý vị.

Kính thưa Đức cha, quý cha và quý vị, Nhà thờ cháy là một tai nạn nhưng chúng con thường nói với nhau, đó là một hồng ân. Vì nhờ cháy nhà thờ mà chúng con có các thủ tục xây dựng, nhờ cháy nhà thờ nên nhiều người thương giúp đỡ. Khi nghe tin nhà thờ cháy, Đức cha Nicolas đã rất quan tâm, Ngài nói với Cha Lợi, giáo xứ Hiệp nghĩa, tặng cho chúng con khung sắt nhà thờ cũ để chúng con làm nhà thờ tạm, sớm có nơi dâng lễ hàng ngày. Đức Cha Phaolô đã mời gọi các giáo xứ giáo họ trong giáo phận giúp đỡ chúng con trong cơn hoạn nạn và các giáo xứ đã đáp lời mời gọi của Đức Cha thương giúp cho chúng con. Và còn bao nhiêu là hồng ân khác mà chúng con không thể kể hết được. Nhà thờ cháy đã trở thành một địa danh nhiều người biết đến. Lên xe đò vể Đức linh, hay đi hành hương Đức Mẹ Tàpao, hỏi nhà thờ cháy thì ai cũng biết. Thánh ý Chúa quả là mầu nhiệm, trong mọi sự Chúa luôn quan phòng và thực thi những gì tốt lành nhất cho con cái. Chúng con luôn tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa.

Biết nói thế nào cho đủ lòng tri ân của cộng đoàn Dân Chúa Mẹ Vô Nhiễm đối với lòng quãng đại của mọi người. Giáo xứ chỉ biết dâng lên Thiên Chúa Nhân Lành và Mẹ Vô Nhiễm những Thánh lễ tạ ơn, những giờ kinh nguyện của các Hội đoàn, của các gia đình với lời nguyện chân thành: Xin Chúa và Mẹ tuôn đổ tràn đầy Hồng ân trên tất cả mọi người.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Tâm sự của Trường Mẫu Giáo Măng Non 32 bis Nguyễn thị Diệu
Măng Non
12:00 01/06/2008
TÂM SỰ CỦA TRƯỜNG MẪU GIÁO MĂNG NON

32 BIS NGUYỄN THỊ DIỆU


Lúc này thế giới của tôi hay mưa, ngồi buồn tôi lại lấy giấy bút ra tiếp tục câu chuyện còn dang dở, trước tiên xin hết lòng cám ơn anh Vietcatholic và chuacuuthe.com đã cho tôi cơ hội gặp gỡ, tâm sự với bạn đọc xa gần.

Xin được trở lại với câu hỏi “Liệu mẹ ruột có tiếp tục ở bên tôi sau khi tôi được đặt dưới sự quản lý của mẹ nuôi ?” Có một nghìn lẻ một cách để người ta buộc mẹ ruột tôi từ bỏ ý định tiếp tục dạy học ở 32bis. Mẹ nuôi tôi nhất quyết không thể để lớp trẻ bất hạnh được các bà xơ đào tạo thành lực lượng chống đối cách mạng giải phóng dân tộc nhân dân Việt Nam ! (QĐ 1958 của UBND tỉnh Cửu Long bảo thế đấy). Các bà xơ trí thức tiểu tư sản tay sai đế quốc làm sao xứng đáng dạy chung với những chuyên gia chuyên chính vô sản chuyên đào tạo ra những ‘thiên tài’ ! “Chân lý” độc quyền giáo dục ấy vẫn còn tiếp tục duy trì cho đến hôm nay: ông cha bà xơ không được quyền mở trường dạy học, chỉ nhà nước được in sách giáo khoa và năm nào cũng thay đổi cho nó “update”, dạy gì ghi nấy, toán mẫu, văn mẫu, … rán học, học nữa, học mãi,. .ọc ọc. . cho thành người mẫu, “mẫu”đến độ đi thi cũng phải lén mang mẫu theo. Thuộc bài điểm sẽ cao, không thuộc bài cũng không sao … chỉ được lên lớp, thế mới là giáo dục xã hội chủ nghĩa, đỉnh cao của trí tuệ loài người !

Mẹ tôi chưa bị dí súng cho vào nhà giam như các nữ tu dòng thánh Phao Lô là may lắm rồi, còn ‘mơ với ước’ gì nữa. Từ đó mẹ tôi hết dám qua lại thăm nom tôi. Không còn cách nào khác, tôi tập làm quen với phong cách làm việc của các chuyên gia giáo dục Xã Hội Chủ Nghĩa. Tôi cũng luyện cho đôi tai mình khả năng nghe như không nghe những khi cần. Ấy là hồi xưa chứ bây giờ thì tôi chỉ cần sử dụng phone để nghe nhạc ráp vào những tiết học mà tôi dị ứng. Ôi, bao nhiêu là những buổi họp, những dịp tổng kết thi đua dồn dập, hào hùng, khen thưởng; những buổi ra quân, mở đầu chiến dịch tự trau dồi phẩm chất năng lực, phản chiếu tấm gương thầy giáo vĩ đại Nguyễn Tất Thành. ..v.v... Chưa hết, các chỉ tiêu lên lớp, chăm - ngoan - xuất sắc phải được “quan tâm” đúng mức và bằng mọi cách phải đạt thành tích. Cuối năm thầy cô chạy quanh xin điểm nhau để “chúng ta” cùng dạy siêu đến nỗi chẳng học sinh cá biệt nào phải lưu ban ở lại ! Đồng hành với chính sách giáo dục, việc vác cuốc ra đồng theo kẻng hợp tác xã, xếp hàng mua thực phẩm theo chủ nghĩa công bằng phân phối, cào bằng mọi nhu cầu, đánh giá con người qua bằng khen và danh hiệu chỉ đáng “lộng kiếng”, đã để lại một hậu quả khôn lường. Cái tinh thần ưu việt phải quán triệt trong thời bao cấp ấy vẫn còn giữ vững cho đến bây giờ. Người ta bảo, nó đã cưu mang và đẻ ra cho đất nước hai người con ‘ưu tú’, sống hùng sống mạnh cho đến hôm nay, chưa bao giờ bệnh tật: tên nó là ‘dối trá’ và ’thành tích’.

Mẹ tôi nói rất đúng, dẫu sao niềm vui và hạnh phúc của trẻ nhỏ đã cho tôi nghị lực để tiếp tục theo đuổi lý tưởng phục vụ của mình, nếu không tôi còn ở lại 32bis để làm gì cơ chứ ? Trẻ thơ bao giờ cũng dễ thương và vô tư, chỉ một tháng trôi qua, chúng đã thôi không còn nhắc đến mẹ tôi. Giờ đây, nón tai bèo, xe nhựa, súng hơi … thoải mái chơi đùa. Riêng tôi, vẫn còn đó nỗi u hoài về một thời đã qua, ưu tư về một tương lai sắp tới.

Linh tính mách bảo tôi rằng, đã đến lúc tôi phải từ giã cõi đời, tôi sẽ phải ra đi trong khổ nhục và buồn tủi của kẻ tội phạm hơn là một người đã dày công đóng góp vào sự nghiệp giáo dục nước nhà. Ai là thủ phạm của việc thanh toán này ? Quý bạn đọc chắc đã biết rõ qua các bài viết của Thợ Gốm và Dương Anh Thư … Thế là tôi vĩnh viễn ra đi, không mong hồi sinh trên thế gian này. Dẫu thế nào tôi vẫn muốn trải lòng mình ra với các bạn, không dám mong được phục hồi danh dự như Tả quân Lê Văn Duyệt, chỉ mong các bạn nhìn về biết bao ngôi trường như tôi đây vẫn đang bị lợi dụng cho các chiêu bài đổi mới, hội nhập. Vâng, mẹ nuôi tôi có tha thiết gì đến việc trồng người ? Hình như mắt bà thường để ở dưới mông nên bà chỉ thấy cái nệm xe deluxe, cái ghế mạ vàng. Bán chúng tôi cho Đài Loan, Hàn Quốc hay cho các Đại gia thuê mới có “Bác” trong nhà trong tủ. Chỉ quanh quẩn quận 3 TP. Hồ Chí Minh này thôi, có biết bao ngôi trường đang được kinh doanh cho thuê … trong khi các cháu lại phải vào những nhà giữ trẻ tự phát; các học sinh Trung học cơ sở, Trung học phổ thông phải vào các trường dân lập với học phí ngất trời. Ấy thế mà bà Phó Chủ tịch UBNDTP kêu gọi nhường đất xây trường, xã hội hoá giáo dục ! Nói nào ngay, tôi cũng thấy những ngôi trường vừa mọc lên trên địa bàn thành phố Bác, nhưng nó có sân rộng cho xe hơi chứ làm gì có chỗ cho người đi xe buýt, xe đạp! Trường công không chỗ chứa, dân lập không vẫy chào, con số thất học và bỏ học cứ thế tăng nhanh. Chưa hết đâu, mẹ nuôi tôi còn chủ trương cổ phần hóa trường lớp để tự chủ trong ngân sách, để mẹ rảnh tay lo việc “đại sự”. Cứ cái đà này sớm muộn gì các bạn tôi cũng bị bán đi không chút thương tiếc. Khi đã cầm quyền người ta lo kiếm tiền chứ mấy ai thích “dạy và học” chứ ? Chuyện trường lớp và giáo dục bỗng trở nên “vô duyên” trước kế hoạch “kinh bang tế thế” quán bar, vũ trường đẻ ra tiền muôn bạc vạn.

Ừ, sao người ta cứ nghĩ ra đủ lý do “người lớn” để trẻ em phải ra vỉa hè thế nhỉ ?

Bạn biết đấy, càng ngày tôi càng thấy tâm địa xấu xa, mánh lới của mẹ nuôi tôi. Bà tìm mọi cách để buộc tội và xử tử tôi. Cách thức tra tấn thật dã man. Thú thật giờ này nhớ lại tôi vẫn còn thấy nhói đau ở tim mình. Xin lắng nghe vài câu đối thoại giữa đại diện Phòng giáo dục quận 3 và Uỷ Ban nhân dân quận 3.

- Đại diện (ĐD) Phòng giáo dục quận 3 lên tiếng: Trường Măng Non vốn là tang vật của một vụ án lớn, ta không thể tiêu hủy nó, vì “giờ của nó chưa đến”. Song hiện nay, nó đã xuống cấp và là mối nguy hiểm to lớn cho tính mạng của mấy trăm trẻ em. Trẻ em là mầm non của đất nước, phải được học nơi xứng đáng !

- Như thế ta phải làm gì với nó ? Không thể để lãng phí - một thầy giáo lên tiếng.

- Đại diện UBND quận 3 chậm rãi nói: Trong khi chờ đợi ngày xử tử, ta tận dụng nó để kinh doanh thu lời. Theo tôi thì giao cho công ty dịch vụ công ích đảm nhận, bộ phận này có kinh nghiệm trong kinh doanh chắc chắn sẽ hoàn thành nhiệm vụ cách xuất sắc.

- Một đại diện đeo kính râm thêm vào: tôi thấy thuốc lá, câu lạc bộ hoặc vũ trường là các phương án tối ưu.

- Vị chủ tọa kết thúc: vậy thống nhất giao trường Măng Non cho công ty dịch vụ công ích. Từ nay, phòng giáo dục Quận 3 xem như đã tự nguyện từ bỏ Măng Non. Vậy xin bàn giao luôn hồ sơ lý lịch, CMND … và các “bản cáo trạng” nếu có.

- Đại diện phòng giáo dục: Dạ, tôi lỡ làm thất lạc các giấy tờ tùy thân của nó. Xin thêm là, từ xưa đến nay chưa có một văn bản kiểm kê quản lý nào của UBND TP. Song nó đang ở trong tay chúng ta là của chúng ta, cứ xem hắn là đứa con mồ côi, không cha, không mẹ để tiện bề quản lý.

- Thế thì càng tốt. Đúng là cao kiến !

Ôi vài câu qua lại ấy đủ quyết định số phận của tôi. Bắn tôi ư ? Tôi mong như thế, tôi có thiết gì sống nữa khi các trẻ nhỏ bị đuổi xa tôi. Nhưng không, họ biết yếu điểm của tôi. Tước đi niềm vui của trẻ em là đẩy tôi xuống vực thẳm của buồn sầu, thất vọng. Họ muốn tôi chết dần chết mòn trong cô đơn, tủi nhục hơn là giải thoát tôi bằng cái chết mau lẹ.

Vắng bóng trẻ thơ, tôi trở nên trầm cảm, không còn tha thiết với cuộc sống trần ai. Họ ngang nhiên tháo gỡ hết mọi bông hoa, chim cảnh trên áo tôi. Sau đó tiến hành may nhiều túi rộng để chứa thuốc lá đủ loại. Cũng có lúc tôi muốn thét lên, tranh đấu cho quyền của trẻ thơ vô tội, nhưng không thể, họ đã nhét vải đầy kín miệng tôi, cho còng số 8 vào tay tôi. Tôi chỉ còn có thể lẩm bẩm, càm ràm cho thân phận hẩm hiu xấu số.

Tôi đã nhiều lần rơi lệ khi thấy cảnh trẻ nhỏ níu áo mẹ cha đứng lại mỗi khi ngang qua 32 bis. Em cứ ngỡ cô giáo và các bạn vẫn còn bên tôi, chỉ mình em bị buộc nghỉ học. Không thể tin vào lời mẹ cha. Thừa dịp mẹ cha đi vắng, em mò mẫm đến thăm Măng Non. Măng Non giờ đây vắng bóng cô giáo và các bạn, chỉ thấy tre già nghênh ngang điếu thuốc trên môi. Thất vọng não nề theo em vào tiềm thức.

Chưa hết, tôi cảm thấy đau lòng và tổn thương mỗi khi chứng kiến cảnh các em lớn hơn trở về thăm trường cũ. Em đứng đấy, đôi mắt xa xăm nhìn vào mắt tôi, hờn dỗi, trách móc. Tôi muốn giải thích với em rằng tôi không làm gì nên tội. Tôi đâu muốn rời bỏ lý tưởng xưa nay tôi hằng theo đuổi. Nếu em thương tôi, hãy cố lên, chăm ngoan học giỏi để mai sau đưa tôi thoát khỏi cảnh tù ngục này. Ôi, đến lúc này tôi mới thấy hiệu quả của ngôn ngữ không lời. Như đọc được những gì tôi nhắn gửi, em quay gót lê bước nặng nề, tôi hình dung gánh nặng quá lớn trên đôi vai bé nhỏ của em. Chao ôi ! Người ta đâu để em kịp lớn để giải thoát cho tôi. Họ phải tranh thủ xử bắn tôi sớm chứ ? Đâu để đối phương cướp mất miếng mồi béo bở.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giới Thiệu việc Lần Hạt Mân Côi bằng tiếng La Tinh
Anthony Lê
08:19 01/06/2008
Giới Thiệu việc Lần Hạt Mân Côi bằng tiếng La Tinh

Thánh Lễ bằng tiếng La Tinh
Tại Hoa Kỳ có một số ít các nơi, người ta đang hướng tới việc Đọc Kinh Mân Côi bằng tiếng La Tinh - ngôn ngữ chính thức của Giáo Hội, thay vì bằng tiếng tiếng Anh như họ vẫn thường làm trước đây, nhất là đối với các thế hệ trẻ được sinh ra và lớn lên tại Hoa Kỳ.

Bằng việc tìm đến những Giáo Xứ nào có cử hành Thánh Lễ bằng tiếng La Tinh ít nhất là 2 lần trong 1 tháng, chúng ta sẽ có dịp cùng tìm hiểu tính thánh thiên và vẽ cao đẹp của Thánh Lễ bằng tiếng La Tinh - ngôn ngữ cổ xưa của Giáo Hội và cũng là thứ ngôn ngữ chính thức mà Thiên Chúa giao tiếp với các vị Tổ Phụ và Cha Ông của chúng ta trong Giáo Hội Công Giáo từ thời sơ khai mãi cho đến ngày nay.

Nếu Quý Vị cư ngụ tại tiểu bang Georgia thì tại Giáo Xứ St. Francis de Sales ở Thành Phố Mableton, GA tại địa chỉ 587 Landers Drive, Mableton, Georgia 30126, USA, Điện Thoại: (770) 948-6888- là nơi mà Thánh Lễ bằng tiếng La Tinh được cử hành mỗi ngày, và nhất là vào những ngày Lễ Chủ Nhật và có ca đoàn hát bằng tiếng La Tinh rất hay. Tại Giáo Xứ này, Quý Vị có thể ngạc nhiên khi chứng kiến rất nhiều cậu và cô bé Mỹ - tuổi đời hãy còn rất nhỏ - mà đọc tiếng La Tinh rất rành rõi.

Nếu Quý Vị cư ngụ tại tiểu bang South Carolina thì tại Giáo Xứ Prince of Peace ở Thành Phố Taylors, SC tại địa chỉ: 1209 Brushy Creek Road, Taylors, SC 29687-4103 - là nơi mà Đức Ông Steven L. Brovey sẽ cử hành Thánh Lễ bằng tiếng La Tinh vào mỗi Chủ Nhật thứ nhất hay thứ hai của từng tháng.

Còn nếu Quý Vị cư ngụ tại các tiểu bang khác thì Quý Vị có thể vào trang Web của từng Giáo Phận hay Tổng Giáo Phận mà Quý Vị đang cư ngụ, để từ đó tìm ra các Giáo Xứ có cử hành Thánh Lễ bằng tiếng La Tinh, hay Quý Vị cũng có thể liên lạc trực tiếp với Giáo Phận hay Tổng Giáo Phận đó để xin họ cho Quý Vị danh sách các Giáo Xứ có cử hành Thánh Lễ bằng tiếng La Tinh. Để vào trang Web của Giáo Phận hay Tổng Giáo Phận mà Quý Vị đang cư ngụ tại Hoa Kỳ, xin Quý Vị bấm chuột vào dòng chữ Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ kế bên.

Có vài điều cần lưu ý khi lần đầu tiên tham dự Thánh Lễ được cử hành bằng tiếng La Tinh:

(1) Tôi nhớ lại cách đây 7 năm về trước khi lần đầu tham dự Thánh Lễ bằng tiếng La Tinh tại Nhà Thờ St. Mary ở thành phố Greenville, SC - mặc dầu có cầm sách Thánh Lễ bằng tiếng La Tinh trong tay, thế nhưng tôi vẫn không tài nào theo kịp và không biết phải đọc các chữ bằng tiếng La Tinh như thế nào cho đúng. Điều này cũng hoàn toàn dễ hiểu thôi. Thế nhưng, nếu chúng ta cứ tiếp tục quay trở lại và đi dự Thánh Lễ bằng tiếng La Tinh thường xuyên hơn, thì dần dà chúng ta cũng sẽ nắm bắt kịp và cảm thấy hiệp thông rất dễ dàng với vị Linh Mục chủ tế.

(2) Để chuẩn bị dọn mình cho kỹ càng trước khi tham dự Thánh Lễ bằng tiếng La Tinh, Quý Vị nên đến Nhà Thờ đó sớm một chút (ít ra là 30 hay 45 phút) để đọc qua các sách bằng tiếng La Tinh, hay hỏi bất kỳ giáo dân nào ở đó để nhờ họ chỉ vẽ xem muốn theo dõi Thánh Lễ cho sốt sắng thì cần phải cầm sách nào, và phải đọc qua các phần nào. Các giáo dân người Hoa Kỳ rất tốt về điều này, và chẳng có gì mà chúng ta phải ái ngại cả.

P.S. Hy vọng trong thời gian sắp tới, Người Viết sẽ có dịp giới thiệu cùng Quý Vị độc giả VietCatholic các Bài Học Cơ Bản và Văn Phạm Cần Thiết của tiếng La Tinh để chúng ta hiểu rõ thêm về ngôn ngữ thánh này mà Người Viết có dịp thọ giáo cùng với Nữ Chánh Án Judy McGraw - nguyên Giáo Sư giảng dạy Luật cũng như tiếng La Tinh tại trường Đại Học Luật Emory tại tiểu bang Georgia, cách đây vài năm. Mong Quý Vị nhớ dõi theo!

Còn bây giờ, xin được phép giới thiệu lại cùng Quý Vị cách Đọc Kinh Mân Côi bằng tiếng La Tinh - vì tại các Giáo Xứ chuyên cử hành Thánh Lễ bằng tiếng La Tinh, trước Thánh Lễ, cộng đoàn tại đó thường Lần Hạt Mân Côi với nhau bằng tiếng La Tinh qua các kinh cơ bản như sau:

Làm Dấu Thánh Giá (Sign of the Cross):

In nomine Patris, et Filii, et Spiritus Sancti. Amen

Kinh Tin Kính (Apostles' Creed):

Credo in Deum Patrem omnipotentem, Creatorem caeli et terrae. Et in Iesum Christum, Filium eius unicum, Dominum nostrum, qui conceptus est de Spiritu Sancto, natus ex Maria Virgine, passus sub Pontio Pilato, crucifixus, mortuus, et sepultus, descendit ad inferos, tertia die resurrexit a mortuis, ascendit ad caelos, sedet ad dexteram Dei Patris omnipotentis, inde venturus est iudicare vivos et mortuos. Credo in Spiritum Sanctum, sanctam Ecclesiam catholicam, sanctorum communionem, remissionem peccatorum, carnis resurrectionem, vitam aeternam. Amen.

Kinh Lạy Cha (The Our Father):

PATER NOSTER, qui es in caelis, sanctificetur nomen tuum. Adveniat regnum tuum. Fiat voluntas tua, sicut in caelo et in terra. Panem nostrum quotidianum da nobis hodie, et dimitte nobis debita nostra sicut et nos dimittimus debitoribus nostris. Et ne nos inducas in tentationem, sed libera nos a malo. Amen.

Kinh Kính Mừng (The Hail Mary):

Đáp 1: AVE MARIA, gratia plena, Dominus tecum. Benedicta tu in mulieribus, et benedictus fructus ventris tui, Iesus.

Đáp 2: Sancta Maria, Mater Dei, ora pro nobis peccatoribus, nunc, et in hora mortis nostrae. Amen.

Kinh Sáng Danh (Glory Be):

GLORIA PATRI, et Filio, et Spiritui Sancto. Sicut erat in principio, et nunc, et semper, et in saecula saeculorum. Amen.

Kinh Cầu Nguyện Fatima (The Fatima Prayer) hay Oratio Fatimae

Domine Iesu, dimitte nobis debita nostra, salva nos ab igne inferiori, perduc in caelum omnes animas, praesertim eas, quae misericordiae tuae maxime indigent.

Kinh Nữ Vương (Hail Holy Queen):

SALVE REGINA, Mater misericordiae. Vita, dulcedo, et spes nostra, salve. Ad te clamamus exsules filii Hevae. Ad te Suspiramus, gementes et flentes in hac lacrimarum valle. Eia ergo, Advocata nostra, illos tuos misericordes oculos ad nos converte. Et Iesum, benedictum fructum ventris tui, nobis post hoc exsilium ostende. O clemens, o pia, o dulcis Virgo Maria.

V. Ora pro nobis, Sancta Dei Genetrix.

R. Ut digni efficiamur promissionibus Christi.

Oremus:

(O God, Whose only-begotten Son, by His life... )

Deus, cujus Unigenitus per vitam mortem et resurrectionem suam nobis salutis aeterne praemia comparavit: concede, quaesumus; ut, haec mysteria sanctissimo beatae Mariae Virginis Rosario recolentes, et imitemur quor continent, et quod promittunt, assequamur. Per eumdem Dominum. Amen.
 
Thông Báo
WYD 2008 - Video quảng bá Đại Hội Quốc Tế Giới Trẻ
Đặng Tự Do
11:06 01/06/2008
VietCatholic sẽ truyền hình những biến cố quan trọng trong tuần lễ Đại Hội Quốc Tế Giới Trẻ 2008 tại Sydney và cả chương trình viếng thăm các giáo phận của các bạn trẻ. Chương trình truyền hình của VietCatholic sẽ bắt đầu với cuộc đi Đàng Thánh Giá trọng thể tại tổng giáo phận Perth ngày 8/6/2008.

Chương trình quý vị đang xem là chương trình phát thử để quảng bá cho Đại Hội Quốc Tế Giới Trẻ 2008. Guy Sebastian và Paulini trình bày bài nhạc chủ đề của Đại Hội Quốc Tế Giới Trẻ 2008 tại Sydney: Receive the Power do Guy Sebastian và Gary Pinto sáng tác.

 
Văn Hóa
Những lời để nghiền ngẫm trong những phút giây thanh vắng 06/2008
Anthony Lê
08:37 01/06/2008
Những lời để nghiền ngẫm trong những phút giây thanh vắng 06/2008

Sau đây là Words for Quiet Moments của Tháng 06/2008, vốn được trích dịch từ Catholic Digest số ra tháng 06/2008 từ trang 122 đến 126 để chúng ta cùng đọc và sâu lắng:

Hai Thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ
Chủ Nhật – Ngày 1 tháng 06

Chúng ta không thể cho đi nhiều, thế nhưng chúng ta lúc nào cũng có thể cho đi niềm vui đổ tuôn từ trong một trái tim vốn đầy tràn tình yêu dành cho Thiên Chúa. (Mẹ Chân Phước Têrêsa – Sáng lập viên Dòng Các Nữ Tu Truyền Giáo vào thế kỷ thứ 20).

Thứ Hai – Ngày 2 tháng 06

Việc lệ thuộc vào Thiên Chúa phải luôn bắt đầu mới trở lại mỗi ngày giống thể như chưa có điều gì được thực hiện cả. (C.S. Lewis - Nhà Văn người Anh vào thế kỷ thứ 20).

Thứ Ba – Ngày 3 tháng 06 – Lễ Kính Thánh Charles Lwanga Cùng Các Bạn Tử Đạo

Hành tinh này không cần thêm nhiều người thành công nữa. Thế nhưng, rủi thay nó lại rất cần có thêm nhiều sứ giả hòa bình, nhiều người chữa lành, nhiều người phục chế, nhiều người tự thuật, và nhiều người yêu thích, vân vân … Nó cần đến những người sống ôn hòa. Nó cần đến những người can đảm về đạo đức luân lý để biết sẳn lòng tham gia vào những cuộc chiến nhằm biến thế giới này trở nên một nơi đáng sống và đầy tình yêu thương nhân loại hơn. Và những phẩm chất này chẳng có liên quan gì cả đến sự thành công khi chúng ta định nghĩa chúng. (David Orr – Giáo Sư và Nhà Bảo Vệ Môi Trường ngày nay).

Thứ Tư – Ngày 4 tháng 06

Một người bạn chính là một trong những điều tốt đẹp nhất mà bạn có thể có, và là một trong những điều tốt nhất mà bạn có thể trở nên. (Douglas Pagels – Nhà Văn Hoa Kỳ thời nay).

Thứ Năm – Ngày 5 tháng 06 – Lễ Kính Thánh Boniface

Sự vinh quang của lòng dũng cảm chịu đựng không chỉ phụ thuộc vào sức mạnh của cơ thể hay của hai cánh tay mà là sự gan dạ của lý trí. (Thánh Ambrose Thành Milan – Tiến Sĩ Hội Thánh và là vị Giám Mục của Giáo Phận Milan vào thế kỷ thứ 4).

Thứ Sáu – Ngày 6 tháng 06

Sự giản đơn chính là cùng đích của sự ngụy biện. (Leonardo Da Vinci – Họa Sĩ người Ý và Nhà Phát Minh vào thế kỷ thứ 16).

Thứ Bảy – Ngày 7 tháng 06

Hãy viết ra những sự tổn thương trên cát, và những sự tử tế trên đá hoa. (Tục Ngữ Pháp Quốc).

Chủ Nhật – Ngày 8 tháng 06

Việc nói lên lời cám ơn thì cao hơn hẳn những thái độ chân thành vì đó là sự tốt đẹp của tâm linh. (Alfred Painter)

Thứ Hai – Ngày 9 tháng 06

Nụ cười và những nước mắt cũng chính là những lời cầu nguyện. (Brian Doyle – Nhà Văn Hoa Kỳ thời nay).

Thứ Ba – Ngày 10 tháng 06

Mỗi một tạo vật trên thế giới sẽ nâng trái tim của chúng ta lên cho Thiên Chúa nếu như chúng ta biết nhìn vào nó bằng đôi mắt thiện cảm. (Thánh Felix Thành Cantalice – Vị Tu Sĩ Capuchinô người Ý vào thế kỷ thứ 16).

Thứ Tư – Ngày 11 tháng 06 – Lễ Kính Thánh Barnabas

Không có lời mời gọi yêu thương nào vĩ đại cho bằng việc tự biết yêu thương người khác trước. (Thánh Augustinô – Tổ Phụ của Giáo Hội và cũng là Đức Giám Mục của Giáo Phận Hippo vào thế kỷ thứ 5).

Thứ Năm – Ngày 12 tháng 06

Ánh sáng của Thiên Chúa chiếu tỏa trái đất, làm cho tất cả mọi sự đều trở nên tươi đẹp, và lóng lánh. (Đức Thánh Cha Bênêđíctô 16).

Thứ Sáu – Ngày 13 tháng 06 – Lễ Kính Thánh Anthony Thành Padua

Ai có thể trở nên khó nghèo nêu như người đó không mong ước, nếu như người đó không khao khát để sở hữu những người khác, nếu như người đó muốn sự giàu có nơi Thiên Chúa? (Minucius Felix – Nhà Biện Giải Kitô Giáo vào thế kỷ thứ 3).

Thứ Bảy – Ngày 14 tháng 06

Làm việc gì mà bạn yêu thích chính là nền tảng của việc gặt hái nên sự giàu có nơi cuộc sống của bạn. (Wayne Dyer – Nhà Văn người Hoa Kỳ thời nay).

Chủ Nhật – Ngày 15 tháng 06

“Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa - mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa. Sở dĩ thế gian không nhận biết chúng ta, là vì thế gian đã không biết Người.” (Thư 1 Gioan 3:1)

Thứ Hai – Ngày 16 tháng 06

Thật là tốt khi có tiền và những thứ mà đồng tiền có thể mua được, thế nhưng cũng thật là tốt, để thỉnh thoảng kiểm tra lại một lần hòng đảm chắc rằng bạn đã không mất đi những thứ mà đồng tiền không thể nào mua được. (George Horace Lorimer – Biên Tập Viên người Hoa Kỳ vào thế kỷ thứ 20).

Thứ Ba – Ngày 17 tháng 06

Trong sự hoang dã tôi cảm nghiệm được phép lạ của cuộc sống, và đằng sau nó thì những thành tựu khoa học của chúng ta lại trở nên vô nghĩa. (Charles A. Lindbergh – Nhà Hàng Không Tiên Phong người Hoa Kỳ vào thế kỷ thứ 20).

Thứ Tư – Ngày 18 tháng 06

Cho đi một điều gì đó, dẫu nhỏ nhặt, cho người đang cần đến. Vì không có gì là quá nhỏ đối với người chẳng có cái gì cả. Và nó cũng chẳng là quá nhỏ đối với chính Thiên Chúa, nếu như chúng ta biết cho đi những gì mà chúng ta có thể. (Thánh Gregory Nazianzen – Tiến Sĩ Hội Thánh vào thế kỷ thứ 4).

Thứ Năm – Ngày 19 tháng 06

Đừng quá ngạc nhiên nếu như ngày nào bạn cũng đều té ngã cả; đừng bỏ cuộc, nhưng hãy can đảm đứng thẳng lên. Và dĩ nhiên là vị thiên thần bảo vệ bạn sẽ vinh tôn sự kiên nhẫn của bạn. (Thánh Gioan Climacus – Tu Sĩ vào thế kỷ thứ 6).

Thứ Sáu – Ngày 20 tháng 06

Nếu một đêm Tháng Sáu có thể nói ra được, thì có lẽ nó sẽ khoe khoang ra tính lãng mạn sáng tạo của nó. (Bern Williams).

Thứ Bảy – Ngày 21 tháng 06 – Lễ Kính Thánh Alusiô Gonzaga

Người luôn cầu nguyện sẽ có một trái tim rộng lớn như chính tình yêu của Thiên Chúa vậy. (Mẹ Mary Clare, SLG – Nhà Văn người Anh và Nhà Lãnh Đạo Tinh Thần Anh Giáo vào thế kỷ thứ 20).

Chủ Nhật – Ngày 22 tháng 06

Chúng ta không thể nào chỉ sống cho riêng chúng ta mà thôi vì có tới một ngàn sinh vật khác kết nối chúng ta với những ai đang hiện diện và tất cả những ai qua nhiều thế hệ. (Violet George).

Thứ Hai – Ngày 23 tháng 06

Cách duy nhất để có một người bạn chính là tự mình trở nên một người như thế. (Ralph Waldo Emerson – Nhà Văn và Triết Gia người Hoa Kỳ vào thế kỷ 19).

Thứ Ba – Ngày 24 tháng 06

“Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, này hồn tôi hãy nghỉ ngơi yên hàn. Vì hy vọng của tôi bởi Người mà đến, duy Người là núi đá, là ơn cứu độ của tôi, là thành luỹ chở che: tôi chẳng hề nao núng.” (Thánh Vịnh 62:6-7).

Thứ Tư – Ngày 25 tháng 06

Đừng sợ hãi gì cả khi phải chậm chạp lớn lên; mà chỉ nên sợ hãi khi cứ mãi đứng yên tại chổ. (Tục Ngữ Trung Hoa).

Thứ Năm – Ngày 26 tháng 06

Lòng bác ái tự nó tạo nên sự giàu có; còn sự thèm khát lại tự nó tích trữ sự nghèo khó. (Tục Ngữ Đức Quốc).

Thứ Sáu – Ngày 27 tháng 06

Một nụ cười chính là một đường con vốn có thể tạo nên rất nhiều điều ngay thẳng. (Vô Danh).

Thứ Bảy – Ngày 28 tháng 06 – Lễ Kính Thánh Irenaeus

Những ai vốn chỉ tin vào những gì mà họ có thể hiểu thấu chắc hẳn phải có một cái đầu rất dài hay một tín ngưỡng rất hời hợt. (Charles Caleb Colton – Nhà Văn và Tu Sĩ người Anh vào thế kỷ thứ 19).

Chủ Nhật – Ngày 29 tháng 06 – Lễ Kính Trọng Thể Hai Thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ

Hãy cẩn thận chọn ra nghề nghiệp của bạn, để bạn thật sự đeo đuổi ơn gọi mà Thiên Chúa đã tiền định cho bạn. Không ngày nào trôi qua mà không cầu nguyện đến cùng. Hãy thường lặp lại cùng với Thánh Phaolô rằng: “Lạy Thiên Chúa, Ngài muốn con sẽ phải làm gì cho Ngài đây?” (Thánh Gioan Bosco – Vị Thánh Sáng Lập Dòng Salesian vào thế kỷ thứ 19).

Thứ Hai – Ngày 30 tháng 06

Tình yêu chính là điều duy nhất vốn gia tăng lên khi bạn trao nó cho những người khác. (Vô Danh).

Vài lời nói hay để chúng ta cùng gẩm suy, thổn thức.. . .. xin hẹn gặp lại bạn cũng vào Mục này tháng sau.