Ngày 27-05-2015
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:03 27/05/2015
MẤT TIÊU THỂ DIỆN
N2T

Thời Tam quốc, người trong đô thành Hàm Đan nước Triệu có tư thế rất đẹp khi đi bộ.
Có một thiếu niên ở Thọ Lăng nước Yên nghe nói thế, bèn không ngại đường xa vạn dặm đến Hàm Đan học cách đi bộ.
Kết quả, không những học không thành, mà ngay cả tướng đi trước kia của mình cũng quên mất tiêu, cuối cùng chỉ có cách là bò mà trở về nhà.
(Trang tử)

Suy tư:
Tôi có một người quen vượt biên qua Mỹ khi tuổi đã hơn ba mươi, qua Mỹ khoảng 5 năm thì về thăm quê hương Việt Nam, chuyện như thế là chuyện thường tình, nhưng cái đáng nói ở đây là khi trở về Việt Nam, thì “quên” mất tiếng Việt, ai hỏi gì cũng làm như không biết gì, sau đó người nhà nói là quên mất tiếng Việt rồi ! Bà con ai cũng cười!
Thể diện là cái bề ngoài, cái vỏ bên ngoài của một con người có thế giá hoặc không thế giá; sĩ diện cũng được gọi là tự ái, ai cũng có tự ái và ai cũng có sĩ diện. Nhưng sĩ diện đúng chỗ và tự ái đúng lúc thì làm cho bản thân được mọi người nể trọng, bằng không thì chỉ làm trò cười cho mọi người .
Có người có bộ mặt bên ngoài (thể diện) nhưng lại không có cái thực chất bên trong, nên trở thành giả dối, lừa bịp người khác; có người có bên trong mà không có bên ngoài nên dễ gây hiểu lầm cho người khác.
Cứ sống cách thành thật, không vì sĩ diện mà tự lừa dối mình và người khác; phá vỡ đi cái đạo mạo và trịch thượng bên ngoài để thực chất bên trong được tự do mĩm cười, thân thiện với anh chị em, đó chính là bộ mặt thật của một tâm hồn biết yêu mến thật vậy.
Đức Chúa Giê-su đã từng quở trách những người Pha-ri-siêu là “thứ giả hình”, là “cái mả tô vôi”, tức là những người sống vì thể diện và vì sỉ diện...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

--------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:05 27/05/2015
N2T

4- Dấu thương tích của Đức Chúa Giê-su có thể làm cảm động tâm hồn cứng cỏi, có thể đốt cháy linh hồn đóng băng, có thể trói buộc người dã tâm.

(Thánh Wenceslaus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong “Cách ngôn thần học tu đức”

----------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đính hôn là thời gian tìm hiểu, học biết và đào sâu tình yêu
Linh Tiến Khải
11:04 27/05/2015
Đính hôn là thời gian, trong đó hai người nam nữ được mời gọi dấn thân học biết, tìm hiểu nhau, cùng nhau chia sẻ một dự án, đào sâu tình yêu và nghiêm chỉnh chuẩn bị trước khi thành hôn. Giáo Hội phân biệt giữa việc đính hôn với hôn nhân. Chúng ta đừng nhẹ dạ khinh rẻ giáo huấn khôn ngoan này của Giáo Hội.

Kính thưa quý vị thính giả, ĐTC Phanxicô dã nói như trên với hơn 60.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hôm qua. Trong bài huấn dụ ngài đã khai triển đề tài giáo lý việc đính hôn. ĐTC nói: Đính hôn, fidanzamento là từ có liên hệ với sự tin tưởng, sự tự tin, sự tin cậy. Tự tin với ơn gọi Thiên Chúa ban, bởi vì hôn nhân trước hết là việc khám phá ra một tiếng gọi của Thiên Chúa. Dĩ nhiên thật là một điều xinh đẹp, ngày nay người trẻ có thể lựa chọn lấy nhau trên nền tảng của một tình yêu đối với nhau. Nhưng chính sự tự do của việc ràng buộc đòi hỏi một sự hài hòa quyết định có ý thức, chứ không phải chỉ là một sự thoả thuận đơn sơ của sự hấp dẫn hay của tình cảm, của một lúc, của một thời gian ngắn… nó đòi hỏi một lộ trình. ĐTC định nghĩa việc đính hôn như sau:

Đính hôn, nói cách khác, là thời gian trong đó hai người đuợc mời gọi làm một công việc đẹp trên tình yêu, một công việc được tham gia và chia sẻ và đi vào chiều sâu. Người ta từ từ khám phá nhau, nghĩa là người nam “học biết” người nữ, bằng cách học biết người đàn bà này, người đính hôn của mình; và người nữ “học biết” người nam bằng cách học biết người đàn ông này, người đính hôn với mình. Chúng ta đừng đánh giá thấp tầm quan trọng của việc học hiểu này: nó là một dấn thân đẹp, và chính tình yêu đòi hỏi điều đó, bởi vì nó không phải chỉ là một hạnh phúc vô tư, một cảm xúc thần tiên… Trình thuật kinh thánh nói tới toàn việc tạo dựng như là một công việc tình yêu xinh đẹp của Thiên Chúa. Sách Sáng Thế nói rằng: “Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra qủa là rất tốt” (St 1,31). Chỉ sau cùng Thiên Chúa mới “nghỉ ngơi”. Từ hình ảnh này chúng ta hiểu rằng tình yêu của Thiên Chúa, là Đấng đã khai sinh ra thế giới, đã không phải là một quyết định ngẫu hứng. Không! Nó đã là một công việc xinh đẹp. Tình yêu của Thiên Chúa tạo dựng các điều kiện cụ thể của một giao ước không thể bãi bỏ, vững chắc, được chỉ định kéo dài.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: Giao ước tình yêu giữa người nam và người nữ, giao ước suốt đời không được ngẫu hứng, người ta không làm nó trong một sớm một chiều. Không có hôn nhân tốc hành: cần phải làm việc trên tình yêu, cần phải bước đi. Giao ước tình yêu của người nam và người nữ được học hỏi và gạn lọc. Tôi xin phép được nói rằng nó là một giao ước tiểu công nghệ.

Làm cho hai cuộc sống trở thành một, đó cũng hầu như là một phép lạ, một phép lạ của sự tự do và của con tim tín thác cho lòng tin. Có lẽ chúng ta phải dấn thân hơn nữa trên điểm này, bởi vì các “tọa độ tình cảm” của chúng ta đã hơi bị lẫn lộn rồi. Ai yêu sách muốn tất cả và ngay lập tức, thì rồi cũng nhượng bộ tất cả và ngay lập tức trước khó khăn đầu tiên hay vào dịp đầu tiên. Không có hy vọng cho sự tin tưởng và lòng trung thành của việc cho đi chính mình, nếu thói quen tiêu thụ tình yêu như một loại điều hòa sự thoải mái tâm thể lý thắng thế. Đó không phải là tình yêu! Việc đính hôn thử lửa ý chí cùng nhau giữ gìn cái gì đó mà sẽ không được mua hay bán, phản bội hay bỏ rơi, cho dù việc cống hiến có hấp dẫn tới đâu đi nữa. Nhưng cả Thiên Chúa nữa, khi nói về giao ước với dân Ngài, đôi khi Ngài làm với các từ đính hôn. Trong sách ngôn sứ Giêrêmia, khi nói với dân rằng họ đã xa rời Ngài, Thiên Chúa nhắc cho dân biết khi họ đã là “người đã đính hôn” của Thiên Chúa và nói: “Ta nhớ đến ngươi, đến tình thương yêu tuổi thanh xuân của ngươi, đến tình yêu thời đính hôn của ngươi” (Gr 2,2). Và Thiên Chúa đã làm lộ trình đính hôn này, rồi Ngài cũng đã ban một lời hứa, như chúng ta đã nghe đầu buổi tiếp kiến, trong sách Hosea: “Ta sẽ làm cho ngươi thành hôn thê của ta luôn mãi, Ta sẽ làm cho ngươi là hôn thê của Ta trong công minh và chính trực, trong ân tình và thương xót. Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong tín thành và ngươi sẽ biết Ta là Chúa” (Hs 2,21-23). Đó là một con đường dài mà Chúa đi với dân Ngài trong lộ trình đính hôn. Sau cùng Thiên Chúa thành hôn với dân Ngài trong Đức Giêsu Kitô: hôn thê nơi Đức Giêsu là Giáo Hội. Dân Chúa là hôn thê của Đức Giêsu. Đường dài biết bao! Và hỡi anh chị em người Ý, trong nền văn chương của anh chị em có tác phẩm “Các chồng vợ được hứa” Các người trẻ cần biết tác phẩm này và đọc nó. Đó là một tuyệt tác, trong đó kể lại lịch sử của hai người đã đính hôn phải chịu biết bao đau khổ, đã đi một con đường với biết bao khó khăn cho đến khi tới đích là hôn nhân. Anh chị em đừng bỏ môt bên tuyệt tác này về việc đính hôn, mà nền văn chương Italia đã cống hiến. Hãy tiến tới, hãy đọc nó và anh chị em sẽ thấy vẻ đẹp, nỗi khổ đau, nhưng cũng thấy hạnh phúc của hai người đính hôn.

Nói thêm trong bài huấn dụ ĐTC trình bầy quan điểm của Giáo Hội đối với việc đính hôn như sau:

Trong sự khôn ngoan của mình Giáo Hội giữ gìn sự phân biệt giữa việc đính hôn và hôn nhân – nó không phải như nhau - chính vì sự tế nhị và sâu xa của việc kiểm thực ấy. Chúng ta hãy chú ý đừng nhẹ dạ khinh rẻ giáo huấn khôn ngoan này của Giáo Hội, cũng được nuôi nấng bởi kinh nghiệm tình yêu hôn nhân được sống hạnh phúc. Các biểu tượng mạnh mẽ của thân xác nắm giữ các chìa khóa của linh hồn: chúng ta không thể coi nhẹ các mối dây ràng buộc của thịt xác, mà không mở ra vài vết thương lâu khỏi trong tinh thần (1 Cr 6,15-20).

Dĩ nhiên, nền văn hóa và xã hội ngày nay đã trở nên thờ ơ đối với sự tế nhị và nghiêm chỉnh của việc buớc qua này. Đàng khác, không thể nói rằng nền văn hóa và xã hội quảng đại đối với người trẻ nghiêm chỉnh muốn xây dựng gia đình và sinh con cái! Trái lại chúng thường tạo ra hàng ngàn chướng ngại tâm thần và cụ thể.

Việc đính hôn là một lộ trình cuộc sống phải chín mùi như một trái cây, nó là một con đường trưởng thành trong tình yêu, cho tới lúc trở thành hôn nhân.

Các khóa chuẩn bị hôn nhân là một diễn tả đặc biệt của việc chuẩn bị này. Và chúng ta thấy biết bao nhiều cặp, đôi khi tới tham dự với một ít không muốn, họ nói: “Mà các linh mục này bắt chúng ta phải theo một khóa học. Tại sao? Chúng ta biết rồi mà!” Và họ đến mà không muốn. Nhưng sau đó họ hài lòng và cám ơn, bởi vì thực sự họ đã tìm thấy ở đó dịp thường khi là duy nhất, giúp suy tư về kinh nghiệm của họ không phải trong các phạm trù tầm thường. Phải, nhiều cặp ở cùng nhau biết bao lâu, có khi cả trong sự thân tình, đôi khi sống chung với nhau, nhưng không hiểu biết nhau thực sự. Xem ra lạ, nhưng kinh nghiệm chứng minh cho thấy nó là như thế. Vì vậy cần đánh giá trở lại việc đính hôn như thời gian của sự hiểu biết nhau, chia sẻ một dự án.

Con đường chuẩn bị cho hôn nhân được định hướng trong viễn tượng này, bằng cách cũng hưởng nhờ kinh nghiệm đơn sơ nhưng sâu đậm của các vợ chồng kitô. Và cũng bằng cách chỉ cho thấy ở đây điều nòng cốt: Thánh Kinh cần cùng nhau tái khám phá một cách có ý thức; lời cầu nguyện, trong chiều kích phụng vụ của nó, cũng như cần sống việc cầu nguyện trong gia đình; bí tích Hòa Giải, trong đó Chúa đến chứng minh nơi các người đính hôn và chuẩn bị họ tiếp nhận nhau một cách đích thật với “ơn thánh của Chúa Kitô”; và tình huynh đệ với người nghèo và người cần trợ giúp, thách thức chúng ta sống thanh đạm và chia sẻ.

Các người đính hôn mà dấn thân trong điều này, thì cả hai đều lớn lên và tất cả những điều này đưa tới chỗ chuẩn bị cử hành đẹp Hôn Nhân một cách khác, không phải hôn nhân đời nhưng là hôn nhân kiểu kitô! Chúng ta hãy nghĩ tới các lời của Thiên Chúa, mà chúng ta đã nghe khi Ngài nói với dân Ngài như một người nam đính hôn nói với một người nữ đính hôn: “Ta sẽ làm cho ngươi thánh hôn thê của Ta luôn mãi, Ta sẽ làm cho nguơi thành hôn thê của Ta trong công minh và chính trực, trong ân tình và xót thương. Ta sẽ làm cho ngươi thành hôn thê của Ta trong trung thành, và ngươi sẽ biết Ta là Chúa” (Hs 2,21-23). Mỗi cặp đính hôn hãy nghĩ tới điều này và nói với nhau: “Anh sẽ khiến cho em trở thành hiền thê của anh. Em sẽ khiến cho anh trở thành hôn phu của em”. Chờ đợi lúc đó; đó là một lúc, một lộ trình từ từ tiến tới, nhưng là một lộ trình trưởng thành. Không được đốt giai đọan các chặng của lộ trình này. Sự trưởng thành được làm từng bước một.

Thời gian đính hôn có thể thực sự trở thành một thời gian khai tâm, cho cái gì? Cho sự kinh ngạc. Cho sự kinh ngạc của các ơn thiêng liêng mà Chúa, qua Giáo Hội, làm giầu chân trời của gia đình mới sẵn sàng sống trong phước lành của Ngài. Bây giờ tôi xin mời anh chị em cầu xin Thánh Gia Nagiarét: cầu nguyện với Chúa Giêsu, cha thánh Giuse và Mẹ Maria. Cầu nguyện để gia đình làm lộ trình chuẩn bị này; cầu nguyện cho các người đính hôn. Chúng ta hãy cầu xin Đức Mẹ, tất cả cũng nhau đọc một Kinh Kính Mừng cho các người đính hôn, để họ hiểu vẻ đẹp của con đường hướng về Hôn Nhân.

ĐTC đã cũng mọi người đọc một kinh Kính Mừng. Rồi ngài nói: “Xin chúc các cặp đính hôn hiện diện tại quảng trường lộ trình đính hôn tốt lành.”

Sau khi chào các đoàn hành hương và chúc họ được nhiều niêm vui và ơn ích ĐTC dã cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Công Giáo Việt Nam tại Pháp học hỏi Đời Sống Thánh Hiến
Agnès Thảo
10:33 27/05/2015
BẢN ĐÚC KẾT KHÓA GẶP GỠ XVI

Mục Vụ Trưởng Thành CGVN tại Pháp


Học hỏi về đề tài:

« 2015, năm Đời Sống Thánh Hiến: sống đạo và ơn gọi »

từ 14 đến 17/5/2015 tại trung tâm MASSABIELLE Saint Joseph

1, rue Auguste REY, 95390 SAINT PRIX, www.massabielle. net

Năm Thánh Hiến đã được chính thức khai mạc tại Roma vào Chúa Nhật I mùa Vọng, ngày 30/11/ 2014.

Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi cho tất các bậc thánh hiến đã được đọc trong thánh lễ khai mạc. Ngài đề cao dạng thức đặc biệt trong Giáo Hội của bậc sống thánh hiến sẵn sàng ‘từ bỏ tất cả để bắt chước Chúa Kitô ‘. Ba từ mấu chốt để sống trong năm nay: vui tươi, can đảm và hiệp thông.

Trung thành với hoài bão của Người Cha Chung, Ban Mục Vụ Trưởng Thành CGVN tại Pháp cũng tổ chức khoá gặp gỡ tại Saint Prix với sự tham dự của 13 Cộng Đoàn, Ban Tuyên Úy, Giới Trưởng Thành, Quí Đức Ông Mai Đức Vinh, quí cha, qúi nam nữ tu sĩ và giáo dân.

Số tham dự viên được chia thành 5 nhóm để bàn thảo và đúc kết các bài thuyết trình, cũng như các chứng từ.

Để khai mạc khóa học hỏi, cha Tổng Tuyên Úy Nguyễn Kim Sang đã cho biết lý do chọn hai đề tài:

1 / năm 2015, năm đời sống thánh hiến: SỐNG ĐẠO.

2/ năm 2015, năm đời sống thánh hiến: ƠN GỌI

Mục đích của hai đề tài này: Tạ ơn Chúa (thống hối, tha thứ) - Hướng về tương lai (cổ động ơn gọi, sự dấn thân của tu sĩ, linh mục) - Sống ơn gọi chín chắn (của nam nữ tu sĩ).

Đề tài học hỏi được áp dụng theo dụ ngôn ‘Cây nho và ngành nho’ như Chúa và Giáo Hội.

Ơn gọi này phải được xuất phát từ gia đình: sống ơn gọi cụ thể và đích thực để sinh nhiều hoa trái và làm chứng nhân tình yêu của Chúa nơi trần thế.

THUYẾT TRÌNH ĐỀ TÀI I : do ông Many Hùng.

năm 2015, năm đời sống thánh hiến: SỐNG ĐẠO.

1. Người giáo dân là ai ?

Giáo dân là người tín hữu sống giữa đời, được lãnh nhận bí tích thánh tẩy. Qua bí tích này, họ được thấm nhập vào thân thể màu nhiệm Chúa Kitô, được đặc biệt mời gọi qiúp Giáo Hội qua ba chức vụ: Tư Tế, Ngôn Sứ và Vương Giả của Ngài.

a/ Vai trò Tư Tế: nhờ chức vụ Tư Tế, người giáo dân có thể thực sự thánh hóa đời sống mình, thánh hóa mọi sinh hoạt trần thế. Tất cả đều trở nên của lễ thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa nhờ Chúa Kitô.

b/ Vai trò Ngôn sứ: người giáo dân tham gia vào chức vụ Ngôn Sứ của Đức Giêsu bằng cách góp phần vào sứ vụ loan báo ý định cứu độ của Thiên Chúa cho nhân loại: họ bày tỏ đức tin và đức ái cho những người chung quanh, trong lãnh vực nghề nghiệp, và nhất là trong đời sống gia đình.

c/ Vai trò Vương giả: lĩnh nhận chức vụ vương giả, người giáo dân được hưởng một sự tự do đích thực, không còn làm nô lệ ác thần, chiến thắng ách thống trị của tội lỗi nơi mình, và có trách nhiệm phải hăng say hoạt động để đưa tất cả mọi anh chị em của mình về với Thiên Chúa.

NHỮNG CẢN TRỞ TRONG VIỆC SỐNG ĐẠO:

Những thách đố sống đạo trong xã hội hôm nay: khiến lòng đạo đức và đời sống đức tin của nhiều anh chị em giáo dân, đăc biệt những người trẻ hôm nay ngày càng sa sút.

-Xã hội hôm nay vô thần, vô luân lý, vô đạo đức và duy vật dưới chiêu bài bình đẳng và thế tục. Một xã hội chối bỏ Thiên Chúa, đề cao vật chất và hưởng thụ.

-Cho tự do, cho phép phá thai được bồi hoàn 100% chẳng hạn.

-Cho phép cử hành hôn nhân đồng tính.

-Cho phép các bé gái vị thành niên uống thuốc ngừa thai…

SỐNG ĐẠO TRONG XÃ HỘI HÔM NAY:

-Mến Chúa yêu người là hai điều căn bản của cuộc sống đạo.

-Sống hiệp thông của giáo dân mang ý nghĩa về sự quan hệ của giáo dân với Thiên Chúa, cũng như các giáo dân với nhau trong Đức Kitô, nhờ Chúa Thánh thần.

-Trong gia đình, trong giáo xứ, mỗi người giáo dân phải liên kết với Thiên Chúa qua đời sống cầu nguyện mỗi ngày.

KẾT LUẬN:

Trong cuộc lữ hành trên trần thế, chúng ta sẽ gặp nhiều cám dỗ, thách đố, chịu đựng khổ đau…Nhưng chắc hẳn phần thưởng sẽ chờ chúng ta nơi cuối đường, nếu chúng ta biết sống theo tinh thần Phúc Âm.

Sống đạo hôm nay cũng là sống tích cực, góp phần vào việc xây dựng hạnh phúc cho mọi người. Chính nhờ mồi tương quan xã hội đó mà chúng ta có cơ hội để truyền giáo, để giao tế, để cộng tác, để hiệp nhất, để yêu thương và làm chứng cho Thiên Chúa Tình Yêu.

ĐÚC KẾT CỦA NĂM NHÓM QUA BỐN CÂU HỎI CỦA ĐỀ TÀI I: SỐNG ĐẠO

1: Bạn tìm thấy những phương thế để tăng cường việc sống đạo của bạn ở đâu ?

-Qua sự cầu nguyện để nhờ lòng thương xót Chúa, Thánh Linh nâng đỡ và biến đổi cách sống đạo của chúng ta mỗi ngày một tốt hơn (chẳng hạn ít phán đoán người khác, được niềm vui và bình an trong tâm hồn), biết dấn thân cho việc tông đồ nhiều hơn, biết thể hiện lòng bác ái trong cuộc sống hàng ngày.

-Qua Bí tích Thánh Thể để Chúa luôn ở trong ta và để nuôi dưỡng linh hồn chúng ta, cũng như để niềm vui của chúng ta được trọn vẹn trong sự quan phòng của Thánh Linh.

-Qua sự thinh lặng trong thời gian chầu Mình Thánh, chúng ta được kết hợp mật thiết với Chúa, từ đó chúng ta nhận chân ra sự sai sót của mình, giao hòa với Thiên Chúa qua bí tích Giải Tội, nhằm việc sống đạo của chúng ta được tăng cường và sốt sắng hơn.

2 Khi lâm vào một cơn khủng hoảng, bạn thường đến đâu ? Lúc đó bạn cảm thấy điều gì nâng đỡ mình ? Bạn có được bạn bè Kitô hữu nào nâng đỡ không ?

-Khi gặp hoạn nạn, khủng hoảng tinh thần, chúng ta phải tìm đến với Chúa qua cha xứ, để bộc lộ những ưu tư của mình cho cha nghe và xin lời khuyên của ngài. Nhờ đó, chúng ta cũng nhẹ gánh lo âu.

-Ngước mắt nhìn lên Thánh Giá, nhìn xuống những đau khổ của mình. Từ đó, chúng ta thăng hoa sự đau khổ của mình làm món quà tinh tuyền dâng lên Chúa. Xin vâng và chấp nhận để Chúa biến đổi thành những mầm sống để sinh hoa trái trong gia đình và cho chính bản thân. Mong sao Thánh giá Chúa sẽ ban cho chúng ta sự can đảm và sức mạnh để vượt qua sự hoạn nạn và khủng hoảng tinh thần này.

3/ Bạn làm sao để quyết định khi phải đứng trước những giằng co giữa việc sống đạo và các bổn phận khác ?

Trước những quyết định khó khăn giữa việc sống đạo và các bổn phận khác, chúng ta hãy cầu nguyện phó thác vào Chúa, xin Chúa soi sáng cho chúng ta, giúp chúng ta quyết định.

Lời Chúa trong Thánh Kinh sẽ cho chúng ta câu trả lời, giúp chúng ta dung hòa và lựa chọn.

4 / Bạn liên lạc với Thiên Chúa bằng cách nào ? Thánh Kinh liên hệ thế nào với bạn ?

Liên lạc với Chúa qua kinh nguyện, Bí Tích Thánh Thể, chầu Mình Thánh Chúa. Qua những chia sẻ yêu thương với tha nhân, luôn thực thi Lời Chúa trong Kinh Thánh. Chúa sẽ dẫn đưa chúng ta đến con đường ánh sáng, đường sự thật và đường sự sống.

---------------------------------------------------

THUYẾT TRÌNH ĐỀ TÀI I I: ĐÔ MAI ĐỨC VINH

TÓM LƯỢC TÔNG THƯ

của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi cho tất cả những người đang sống tận hiến nhân dịp Năm Đời Sống Thánh Hiến.

Để chúng ta thấu triệt những điều trong bức tông thư này, ĐÔ Mai Đức Vinh đã tóm lược và giải thích cho chúng ta hiểu rõ ý nghĩa các phần của tông thư này:

Nhập đề:

ĐGH ý thức bổn phận phải củng cố đức tin của các linh mục, tu sĩ, chủng sinh và thỉnh sinh. Đồng thời kỷ niệm 50 năm Công Đồng Vatican I I ban hành hiến chế về Giáo Hội (Lumen Gentium) và sắc lệnh về Dòng Tu (Perfectae Caritatis) cùng khai mạc Năm Đời Sống Thánh Hiến.

Nội dung:

Gồm ba chương:

Chương I: ba mục tiêu của năm Đời Sống Thánh Hiến:

a/Nhìn về quá khứ với niềm tri ân: Tri ân các vị lập dòng đã được Thánh Thần Thiên Chúa hướng dẫn nhận ra dấu chỉ thời đại và nhu cầu của Giáo Hội, nên đã đưa ra một lối sống đặc sủng. Sự sáng tạo cùng sức mạnh thiêng liêng mà Chúa đã ban cho các ngài: hoạt động tông đồ và bác ái thích hợp đã thu hút các ngài một gia đình thiêng liêng quen gọi là DÒNG TU hay TU HỘI. Đồng thời cố gắng trung thành với đặc sủng của các bậc đi trước.

b/Sống hiện tại một cách say mê: Nhìn về quá khứ để củng cố hiện tại và chuẩn bị cho tương lai. Chủ đích vẫn là: có luôn sống trung thành với đặc sủng của các bậc tiền bối sáng lập, có luôn gắn bó với Tin Mừng, hiệp thông với Giáo Hội và xã hội, phục vụ Dân Chúa với niềm vui, đặc biệt cho những người nghèo khổ, thành tâm xây dựng hiệp nhất trong cộng đoàn ?

c/Hướng về tương lai trong niềm hy vọng: Thực tế không phủ nhận được là hiện nay hơn xưa kia, đời sống thánh hiến trải qua nhiều giao động khó khăn, dưới mọi hình thức (thiếu ơn gọi, già nhiều hơn trẻ, khủng hoảng tài chính, thu hẹp hoạt động, mất chỗ đứng trong xã hội…). Dẫu vậy, chúng ta phải luôn luôn trung thành, tín thác.

Với sự hướng dẫn của Thánh Linh, với sức mạnh của Thiên Chúa và gắn bó với Tin Mừng, với niềm hy vọng và xác tín vào lòng thương xót Chúa …sẽ tạo điều kiện cho những người trẻ sống thánh hiến biết kiên trì và hy vọng.

Chương II: Những chờ đợi của năm Đời Sống Thánh Hiến.

a)Sống thánh hiến trong niềm vui: Đi tu (sống thánh hiến) không phải chỉ cho mình, mà là cho Giáo Hội và xã hội, phải là muối mặn, đèn sáng và men nồng cho nhân loại.

Người sống thánh hiến phải cương quyết chống lại những tên tử thù: buồn rầu, kêu trách, khép kín …mà phải luôn luôn giữ niềm hy vọng và xác tín, phải là con người hạnh phúc được Chúa tuyển chọn, hạnh phúc sống đời huynh đệ trong cộng đoàn, hạnh phúc được phục vụ dân Chúa cách riêng cho người nghèo khổ.

b)Người sống thánh hiến đóng vai NGÔN SỨ: Người sống thánh hiến không phải chỉ biết sống đời tu hành, mà còn phải biết đào sâu quá khứ, lịch sử, nguồn gốc…phải biết nhận ra và giải thích đúng các dấu chỉ, các biến cố, biết đưa ra ánh sáng những bất công và những tội ác, phải suy nghĩ và đáp ứng nhu cầu xã hội, cố gắng làm bổn phận của mình.

c)Người sống thánh hiến phải biết sống hiệp thông: Hiệp thông là linh đạo của người thánh hiến phải sống Họ luôn phải biết hiệp nhất, đồng tâm nhất trí để phục vụ nhau, và tha nhân đươc bình an của Chúa ngự trị trong tu hội và mang lại niềm vui cho đoàn thể. Kẻ thù của hiệp thông là phê bình, ganh tị, chỉ trích, chia rẽ, gây bè cánh (chẳng hạn trong nhà dòng nếu chỉ nghĩ tới thứ bậc thì thật nguy hiểm cho việc sống thánh hiến).

Nhờ tinh thần hiệp thông trong tu viện, người sống thánh hiến luôn được gắn liền với Giáo Hội và mọi người thiện chí trong xã hội, cũng như hiệp thông với các anh chị em khác.

c)Người sống thánh hiến cần mở rộng linh đạo hiệp thông: Đừng quên lời Chúa dạy ‘ phải đi khắp phương thiên hạ ‘ (Marc 16,15) và ‘ tứ phương ‘ đều có người nghèo, người bệnh, người cô đơn, người đói khát tin mừng. Hiệp thông mở rộng trong các phạm vi giáo dục, văn hóa, chủng tộc. Khởi đầu từ môi trường tu viện -: phương thế hiệp thông là cầu nguyện, tôn trọng lẫn nhau, trao đổi, chia xẻ.

e)Người sống thánh hiến phải biết tự vấn về những mong đợi của Giáo Hội và nhân loại.

Cố tổ chức những cơ hội trao đổi giữa những người thánh hiến chiêm niệm và thánh hiến hoạt động có chung một vị sáng lập (Biển Đức, Xitô, Phanxicô…), giữa những dòng tu và tu hội có chung một văn hóa (miền, quốc gia).

Đừng tránh né, đừng khép kín và dậm chân tại chỗ.

CHƯƠNG III: Những chân trời mới của năm thánh hiến:

a/ Ngỏ lời với giáo dân: Giáo dân có thể chia xẻ linh đạo, hoạt động tông đồ, tổ chức mục vụ, tìm hiểu ơn gọi tận hiến để cộng tác để chia xẻ vui buồn của đời sống thánh hiến, chung sức rao giảng tin mừng.

b) Ngỏ lời với các người sống thánh hiến ngoài Công Giáo. Đời Đan tu là một gia sản của Giáo Hội hiệp nhất vẫn còn sinh động trong Giáo Hội Chính Thống và Công Giáo.Vì thế, theo ĐGH Phanxicô cần có những gặp gỡ, trao đổi và chia xẻ huynh đệ giữa hai linh đạo.Và xa hơn là có thể hoạt động bác ái, giáo dục chung trong những phạm vi khả dĩ.

Người sống thánh hiến cần sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

c) Ngỏ lời với các bậc tu trì trong các Giáo Hội lớn như Phật giáo, Ấn giáo đều có những hình thức tu trì đáng trân trọng: cần gặp gỡ, trao đổi và tự vấn, xây dựng.

d) Ngỏ lời với Giám mục chủ chăn: Xin các ngài quan tâm đến bậc sống thánh hiến trong giáo phận: trân trọng, khích lệ, thăng tiến, mở rộng sự tham gia tông đồ…(tổ chức các Hội đoàn yểm trợ ơn gọi tận hiến). Sau cùng ký thác cho Mẹ Maria, Đấng đã sống trọn ven đời thánh hiến.

------------------------------------------------

CHỨNG TỪ SỐNG ĐỘNG

CỦA QUÍ NỮ TU DÒNG ĐỨC BÀ TRUYỀN GIÁO


(Sr Nga, Sr Lan, Sr Thiên Ân).

Thật chân tình và cảm động khi đươc nghe quí Sơ dòng Đức Bà Truyền Giáo lên làm chứng từ về cuộc đời tu trì, đầy truân chiên, nhưng với sự quyết tâm theo Thầy Chí Thánh và phục vụ Tình Người, con đường chông gai đã nở hoa nơi xứ người.

-Sơ Nga, giới thiệu Dòng Đức Bà Truyền Giáo, thành lập năm 1861 tại Lyon (Pháp), hoạt động tại Phát Diệm vào năm 1924. Những mục đích của hội dòng là: đi vùng sâu, vùng xa, lo cho các dân tộc thiểu số - lo những phụ nữ lỡ lầm và trẻ em -dạy học (3-5 tuổi). Linh đạo của nhà dòng là CHIÊM NIỆM, HIỆP THÔNG và SỨ MỆNH.

-Sơ Lan và Sơ Thiên Ân thuật lại hành trình đời tận hiến đầy tân khổ, nhưng với quyết tâm theo Chúa, trên những vùng đất cằn cõi, hằn lên sỏi đá. Đã vững tâm, đã bền chí, dù nay sống nơi xứ người.

Đặc biệt là những lời chứng này hoàn toàn tự phát và đột biến. Nguyện chúc qúi Sơ vững tâm với Lời Hứa Tin Mừng. Tín thác và Cậy trông.

---------------------------------------------------------

ĐÚC KẾT CỦA NĂM NHÓM VỀ ĐỀ TÀI II: ƠN GỌI

Câu hỏi 1: Theo bạn, năm đời sống thánh hiến có liên quan gì đến người giáo dân ?

Năm đời sống thánh hiến, cách riêng là dành nhiều cho giới tu sĩ, nhưng giáo dân cũng được Chúa chọn và thanh tẩy qua bí tích rửa tội, trở nên con cái Chúa với ba chức vụ: tư tế, ngôn sứ, vương giả, và cùng mục đích với người sống thánh hiền, theo Chúa với niềm vui hy vọng và xác tín, cùng nhau rao giảng tin mừng để mở rộng nước Chúa và củng cố Giáo Hội. Vì vậy, người giáo dân luôn sống hiệp thông với Chúa và những người sống thánh hiến. Họ có bổn phận phải biết cảm thông, chia xẻ vui buồn, chia xẻ linh đạo, chia xẻ hoạt động tông đồ và mục vụ trong họ đạo.

Người sống thánh hiến được Chúa sai đến giúp cho giáo dân, ngược lại giáo dân phải ý thức sức mọn của mình, nên đặt tin tưởng vào sự hướng dẫn của linh mục, tu sĩ trong giáo xứ mình.

Giáo dân khai mở năm thánh hiến để tìm hiểu giá trị ơn gọi tận hiến, để cộng tác, tổ chức những hội yểm trợ ơn gọi tận hiến, bằng sự cầu nguyện và phương tiện, cùng động viên con cái dấn thân.

Câu hỏi 2: Tại sao ĐGH kêu gọi: Người sống Đời Thánh Hiến phải có tâm tình tri ân, phải vui vẻ sống hiện tại và hy vọng nhìn về tương lai ?

ĐGH kêu gọi người sống đời sống thánh hiến phải có tâm tình tri ân là để tìm về nguồn của ơn gọi. Các tu sĩ tìm lại mục đích ban đầu sự chọn lựa của mình.

Giáo dân tìm lại căn tính người Kitô hữu của mình.

Những người sống thánh hiến và giáo dân sau khi được phép rửa tội đều đi đến điểm chính yếu: là hy vọng Đức Kitô chịu chết và phục sinh để cứu rỗi chúng ta, ban cho chúng ta một cuộc sống vĩnh cửu, phục vụ cho ngừơi hèn mọn và khó nghèo. Mặc dù xã hội hôm nay nhiều giao động, nhiều khó khăn dưới mọi hình thức, chúng ta phải biết nhìn lại quá khứ để cảm tạ Chúa và tri ân những người sáng lập dòng và tu hội, củng cố hiện tại và chuẩn bị tương lai với niềm hy vọng, tín thác vào sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và vào sức mạnh của Thiên Chúa luôn gắn bó với tin mừng, giúp đỡ những người trẻ sống thánh hiến biết kiên trì và hy vọng.

Câu hỏi 3: Người giáo dân có thể cộng tác với đời sống thánh hiến trong những phạm vi nào ?

CẦU NGUYỆN: vì giáo dân cần đáp trả lại những người sống tu trì đã dành nhiều thì giờ cầu nguyện cho mình.

GÓP PHẦN VẬT CHẤT để làm nghẹ gánh cho các dòng tu, góp công sức trong khả năng có thể của mình.

NGHĨ đến Giáo Hội Mẹ Việt Nam.

---------------------

Cũng như mọi khóa gặp gỡ khác, ngày Chúa Nhật là ngày tổng hợp, rút ưu khuyết điểm của khóa gặp gỡ.

Ưu Điểm của khóa XVI:

-Mọi thành viên cảm thấy thoải mái, vui vẻ, và sẵn sàng mời gọi thêm thân hữu trong những khóa gặp gỡ về sau Bởi đây là một đề tài thân thương, tương hợp với mọi gia đình Nhưng duyên do chính là Niềm vui gặp gỡ, sống trọn tâm tình Công Giáo…dù chưa một lần gặp gỡ.

Khuyết Điểm:

-Đại hội có sự trục trặc trong phút chót về các chuyên viên chụp hình. Sự kiện này xảy ra ngoài ý muốn. Nhưng nhờ Chị Linh Đan (Orléans) và anh Xuân Anh (Lille), hy vọng diễn hành tốt đẹp.Có nhiều đề nghị cho những khoá tới, nhưng nhiều đề tài đã được bàn trong những khóa trước… (sic). Xin vui lòng chờ đợi.

Trung thành với những ngày đầu của bao khóa gặp gỡ, chúng tôi luôn trung thành với chứng từ những ngày khởi đấu: Kinh Sáng (Laudes), Thánh Lễ, Kinh Chiều (Complies), dâng lên Mẹ Thiên Chúa, xin trao nhau giấc n gủ bình an.

THAY LỜI KẾT:

Sau khi họp mặt, nêu lên những ưu khuyết điểm, giờ là lúc tiến về khoá gặp gỡ khoá XVII. Thánh Lễ như một Đỉnh Cao của những gì chúng tôi hoài vọng. Chúng tôi cám ơn Trung Tâm Saint Prix đã sẵn lòng tiếp đón chúng tôi với tất cả tâm tình Công Giáo. Chúng tôi cũng xin gửi lời tri ân tới Hội Đồng Giám Mục Pháp, Ngoại kiều vụ (Commission Française Episcopale au Service des Migrants), không có sự trợ giúp tài chính của Ủy ban này, chúng ta cũng khó tổ chức những khóa học hỏi:

-Ngày họp mặt của giơi trẻ VN tại Pháp (Champagne /Ardèche 08-11/5/2014)

-Khóa huấn luyện căn bản ca trưởng phụng vụ IV tại Paris (24-26/4/2015).

-Khóa Mục Vụ Trưởng Thành (14-17/05/2015) tại St Prix.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta và hẹn sớm tao ngộ.

Ban thư ký

Agnès Thảo, ĐQKhánh, Nguyễn Xuân Anh
 
Cựu Chủng Sinh Khoá IV Đại Chủng Viện Vinh – Thanh họp mặt và mừng Bổn Mạng
Hằng Nga
10:33 27/05/2015
Hằng năm, cứ vào ngày 26 tháng 05, anh em cựu chủng sinh khoá IV trường Đại Chủng Viện Vinh-Thanh lại qui tụ bên nhau để mừng lễ bổn mạng, kính thánh Philiphê Nêri linh mục. Giáo xứ Thuận Nghĩa đã trở thành địa điểm hội ngộ của anh em trong năm 2015 này.

Hình ảnh

Từ chiều ngày lễ, anh em tập trung về địa điểm tương đối đầy đủ và quây quần bên nhau trong niềm hân hoan phấn khởi. Đúng như lời thánh vịnh 133,1: “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau”.

Sau giờ cơm liên hoan mừng lễ, vào lúc 19h30, anh em tập trung trước tiền sảnh nhà thờ cùng với cộng đoàn giáo xứ tham dự giờ dâng hoa cộng đồng. Quý cha, quý nữ tu và cộng đoàn đã tiến dâng cho Mẹ những đóa hoa ngát hương lòng. Dâng lên cho Mẹ bao sướng vui hạnh phúc. Gửi trao về Mẹ bao lắng lo khổ sầu. Chia sớt với Mẹ bao dự phóng tương lai… Linh mục, tu sĩ hay giáo dân giờ đây như chỉ còn một lòng, một ý hướng nhìn về Mẹ mến yêu. Mẹ của Hội Thánh. Mẹ của nhân loại. Người mẹ đầy tình yêu thương.

Bầu khí thiêng liêng ấy lại như “nối dài vô tận” khi được kết nối bằng Thánh lễ long trọng mừng kính thánh Philiphê Nêri, linh mục Bổn mạng của quý Cha. Trong lời khai lễ, Cha chủ tế Raphael Đỗ Minh Tuấn đã nêu lên lý do của buổi lễ hôm nay. Ngài cũng tỏ bày niềm tự hào, hạnh phúc khi được trở về với giáo xứ Thuận Nghĩa – một mảnh đất giàu truyền thống, mảnh đất được mệnh danh là “cái nôi” sản sinh ra ơn gọi Linh mục, tu sĩ. Ngài cũng kêu mời mọi người cầu nguyện cho anh em trong buổi lễ quan thầy trọng đại này và mong cho giáo xứ luôn giữ vững truyền thống đức tin kiên cường của cha ông, xứng đáng là con cháu của vị thánh tử đạo Phêrô Vũ Đăng Khoa, người con ưu tú của giáo xứ. Trong bài giảng lễ, Cha Phêrô Nguyễn Xuân Đình giúp mọi người tái khám phá lại hành trình ơn gọi làm môn đệ của Đức Kitô. Ngài cho rằng, để trở nên môn đệ trung thành của Đức Kitô thì điều kiện tiên quyết là phải tuân giữ các giới răn của Chúa mà cái cốt lõi, cái quyết định là phải biết từ bỏ chính mình, phải chịu tiêu hao và mục nát như hạt giống kia được gieo vào lòng đất. Để làm sáng tỏ vấn đề, Ngài đã nêu lên chứng nhân tiêu biểu của sự từ bỏ đến tột cùng để trung thành với Chúa, mưu ích phần rỗi các linh hồn, đó là Thánh Philipphê Nêri. Cha Phêrô cũng cho thấy hình ảnh của “anh thanh niên” trong Tin Mừng, không chấp nhận lời mời gọi theo Chúa vì anh có nhiều của cải, vẫn còn hiện diện đầy dẫy trong xã hội hưởng thụ hôm nay và Ngài lên tiếng mời gọi mọi người hãy cởi bỏ hình tượng “anh thanh niên” ấy để lấy tình yêu đáp lại tình yêu.

Sau Thánh lễ, Cha Quản xứ Antôn Nguyễn Văn Đính đã giới thiệu với cộng đoàn quý Cha trong khoá học của Ngài. Ngài cũng thay lời cho toàn thể giáo dân trong giáo xứ Thuận Nghĩa bày tỏ tâm tình vui sướng, hãnh diện khi các cha đã ưu ái chọn Thuận Nghĩa làm nơi cử hành Thánh lễ bổn mạng và cầu chúc cho quý cha luôn hồn an xác mạnh. Sau đó, đại diện Hội Đồng Mục Vụ Giáo xứ dâng lên quý cha tấm lòng của người con Thuận Nghĩa được thể hiện qua lặng hoa tươi thắm và món quà đơn sơ nhưng đầy ý nghĩa. Tiếp đó, các cha ngồi lại bên nhau để sẻ chia nỗi lòng, những kinh nghiệm quý báu trong công việc mục vụ. Nhờ đó, tình đệ huynh lại càng được thắm chặt hơn, sâu nặng hơn.

Đúng 4h30 rạng sáng ngày 27/05, quý cha lại cùng đồng tế dâng Thánh lễ cầu bình an cho Giáo xứ và Cha Quản xứ. Ngang qua Thánh lễ, mỗi tín hữu được gọi mời sống tinh thần quảng đại, phục vụ trong khiêm hạ, chịu nhỏ lại để anh em được lớn lên.

Mười bốn năm trong thiên chức Linh mục, lăn lộn trên cánh đồng truyền giáo. Khoảng thời gian ấy không phải quá dài cho một đời làm Tông đồ Chúa nhưng quãng thời gian ấy các Linh mục khóa IV Đại Chủng Viện Vinh-Thanh đã từ bỏ tất cả để làm vinh danh Thiên Chúa, đã sống hết mình vì đoàn chiên và phục vụ tha nhân. Mừng lễ bổn mạng chính là cơ dịp thuận tiện nhất để những con người trải dài từ mảnh đất Nghệ - Tĩnh – Bình được chọn vào một lớp, được Chúa soi dẫn cùng chung một ý hướng thắt chặt tình anh em, “ngụp lặn” trong gương của vị Thánh Bổn mạng ngọn nguồn yêu thương.

Nhờ lời chuyển cầu của Thánh Philipphê Nêri – bổn mạng Linh mục khóa IV Đại Chủng Viện Vinh-Thanh, hy vọng quý cha sẽ luôn “cháy” hết mình, cống hiến hết mình vì đoàn chiên, lo cho phần rỗi của tha nhân như Thánh Bổn Mạng đã từng làm và yêu con chiên hết lòng như Chúa Giêsu đã từng yêu.
 
Đại hội Công Giáo Việt Nam tại Đức năm 2015
Trầm Hương Thơ
18:43 27/05/2015
ĐẠI HỘI Công Giáo VIỆT NAM TẠI ĐỨC 2015

Đẹp Thay! Đại Hội Chúa Thánh Thần

Cho muôn vạn loài những linh ân

Thổi hương Thần Khí ban sức sống

Như vạn mầu sắc giữa mùa xuân.

NGÀY KHAI MẠC ĐẠI HỘI.

- Thứ bảy 23.05.2015 từng đoàn người nô nức từ khắp muôn phương trên nước Đức, có những người đến từ xa hơn như Hòa Lan, Bỉ, Pháp, Tiệp -Khắc, v.v... tìm về thánh phố Haßfurt Schulzentrum Tricastiner Platz 1 để tham dự Đại Hội Công Giáo hằng năm vào dịp lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống. Ghi danh nhận phòng tất bật đúng như ý nghĩa của ngày Đại Hội. Tiếng chào hỏi xôn xao tay bắt mặt mừng vui hớn hở. Năm nay tôi thấy có đông các nam nữ tu sỹ trẻ tham dự hơn những năm vừa qua. Các bạn trẻ cũng thế, hình như mỗi năm số các bạn trẻ lại tăng dần lên, đây là dấu hiệu đáng mừng cho Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại CHLB Đức.

Xem hình đại hội

- Đúng 18.30 tại hội trường Haßfurt thuộc tiểu bang Bayern Ông GB Phùng Khải Tuấn chủ tịch LĐCGVN. đã thay mặt BCH, và Ban Tổ Chức chào mừng đến qúy Lm. Tu Sỹ cùng toàn thể qúy vị tham dự viên đã hiện diện trong ngày hôm nay tại đây. Đặc biệt ông chào mừng đến các bạn trẻ vào các cháu thiếu nhi. Các bạn các cháu sẽ là rường cột tương lại kế tiếp cho LĐCG và cho tương lại VN của chúng ta. Hôm nay ca đoàn các bạn trẻ sẽ đảm trách hát trong toàn bộ thánh lễ khai mạc Đại Hội, đây là một sự hãnh diện của chúng ta. Đặc biệt hơn nữa là Ông trân trọng giới thiệu và chào mừng Lm. Nguyễn Thiết Thắng thuyết trình viên của Đại Hội năm nay.

Đại Hội năm nay diễn ra vào dịp kỷ niệm cách đây 40 năm Quê hương Tổ quốc Việt Nam chúng ta bước sang giai đoạn thay đổi về nếp sống xã hội, từ đó cũng đã gặp nhiều thử thách, nhất là các thách đố về tinh thần sống đạo trong gia đình. Chúng ta là những người con dân đất nước Việt Nam, tuy sống xa ngoài quê hương, nhưng lúc nào cũng hướng về Quê cha Đất tổ với lòng yêu mến và biết ơn. Xin Thiên Chúa nhờ lời bầu cử của Đức Mẹ La Vang và các Thánh Tử đạo Việt Nam chúc phúc lành cho Đại Hội chúng ta được thành công tốt đẹp. Giờ đây thay mặt Ban tổ chức con xin long trọng khai mạc Đại Hội Công Giáo Việt Nam tại Đức kỳ thứ 39 với chủ đề ''THÁCH ĐỐ ĐỨC TIN TRONG GIA ĐÌNH''.

"ĐẠI HỘI Công Giáo VIỆT NAM TẠI ĐỨC QUỐC" lần thứ 39 đã được lọng trọng khai mạc ngay sau bài diễn văn chào mừng của ông chủ tịch LĐCGVN. GB. Phùng Khải Tuấn.

- Cây nến Phục Sinh đã được rước lên bàn Thánh do một Sr trẻ cùng bẩy em thiếu niên rất trẻ cầm biểu tượng của bẩy ơn Chúa Thánh Thần.

- Lm. Stêphanô Bùi Thượng Lưu Đại diện Tuyên úy đoàn chào mừng Đại Hội. cha cũng chào mừng và chúc mừng tới sự hiện diện của Lm. Giuse Nguyễn Trung Điểm sinh nhật 70 tuổi. Đặc biệt cha cũng chào mừng và khen ngợi các em thanh thiếu niên hôm nay hiện diện rất đông đảo. Điển hình là ca đoàn trẻ, rất trẻ với hơn 100 ca viên. Cha mong rằng chúng con phát triển lên mãi. Cha và các bậc cha mẹ luôn hãnh diện vì các con.

Ngài cũng không quên nhắc đến sau biến cố 30.04.1975 hàng triệu thuyền nhân Việt Nam đã phải bỏ Quê Cha Đất Tổ trong gian nan nguy biến quyết tâm bảo toàn Đức Tin cho các thế hệ tương lai... Hôm nay sau 40 năm hầu hết chúng tạm an cư lạc nghiệp với biết bao ân lành hồn xác, qua lòng tốt của Giáo Hội và dân tộc Đức. Chúng ta cúi xin Chúa chúc phúc và trả công bội hậu cho các vị ân nhân của mỗi gia đình và cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại Đức.

40 năm biến cố 30.04.1975 cũng là dịp để tưởng nhớ và cầu nguyện cho hàng trăm ngàn thuyền nhân đã bỏ mình trên đường vượt biên tìm tự do. Chúng ta không thể quên các chiến sĩ đã bỏ mình vì Tổ Quốc. Là con dân đất Việt, chúng ta cũng không thể quên cầu cho Tổ Quốc mau thoát ách cộng sản vô thần.v.v...

- Thánh lễ được bắt đầu với 17 Lm. và một thầy phó tế cùng đông đảo các em giúp lễ tiến vào hội trường cùng với tiếng nhạc hân hoan tưng bừng.

Lm. Nguyễn Thiết Thắng dòng Biển Đức đang tu học tại Rôma chủ tế và giảng lễ trong ngày hôm nay và cũng là thuyết trình viên chính thức của cả trong 3 ngày Đại Hội này. LM đã giải thích cho đại hội hiểu rõ ràng vai trò của Chúa Thánh Thần tác động vào đời sống chúng ta như thế nào. Thiên Chúa Ba Ngôi ra sao?

Buổi tối BTC. chia ra hai sinh hoạt giới trẻ và người lớn song song.

- Giới cao niên có Lm. Đaminh Nguyễn Ngọc Long và thầy Phó tế Phêrô Nguyễn Công Trứ cùng với Hội các bà mẹ Công Giáo phụ trách. Lồng trong giờ chầu Thánh Thể có tôn vinh lòng Chúa Thương Xót, dâng hoa kính Đức Mẹ và nghi thức tôn kính các thánh Tử vì đạo nước Việt Nam.

Lòng thương xót chúa bao la

Cao sâu vô lượng hải hà thấm chi

Ngàn đời ôm mối tình si

Trái tim nhỏ máu chỉ vì thương con.

Những lời nguyện cầu xin Đức Mẹ tiếp theo như: Những lời kinh thơ, như những nụ hương lòng nở hoa, như những ngọn nến hồng tỏa thơm thiện ý của từng người chúng con dâng lên Đức Mẹ mỗi người một cánh hoa hồng tiến dâng.

Tháng năm ngào ngạt ân tình

Tháng năm vạn đóa hoa xinh tỏa bừng

Tháng năm tháng nở kinh mừng

Tháng năm lời hát vang lừng mến yêu.

Sau đó là kinh và nghi thức hôn xương Thánh Tử Vị Đạo Nước Việt Nam và chấm dứt khoảng 23 giờ đêm.

- Giới trẻ có Lm. Liêm, Lm. Nam, LM. Stêphan và các sr, các thầy phụ trách cùng các bạn trẻ.

- Chương trình tâm linh cho giới trẻ năm nay thật là rất tuyệt vời. Tôi thấy Lm. Stêphanô Bùi Thượng Lưu đại diện HĐTU đã tham dự từ đầu cho đến hết chương trình. Cha đặc biệt khen ngợi cũng như cảm phục các bạn trẻ.

- LM. Nguyễn Thiết Thắng đã kể chuyện về cuộc đời của chính ngài làm cho các bạn trẻ say mê, hy vọng sau này sẽ có thêm nhiều ơn gọi.

- Tôi cố gắng tham gia cả hai chương trình mà phải nói là chương trình nào cũng rất cảm động. Ngày đầu tiên khai mạc Đại hội thật tốt đẹp từ lúc 18h30 và bế mạc lúc 24giờ.

Chúa Nhật: NGÀY CHÍNH CỦA ĐẠI HỘI.

- Bầu trời hôm nay Chúa Nhật thật đẹp khi ánh bình mình vừa ló dạng, thì qúy Sr. cũng hướng dẫn mọi người cất lên những lời kinh để cảm tạ và ca tụng Thiên Chúa.

Hương kinh sáng sớm dâng Ngài

Cảm ơn ngày mới khoan thai dịu dàng

Chan hòa Thần khí ươm vàng

Đẹp thay! ơn Chúa nhẹ nhàng ban trao.

Vâng, sáng nay năng thật nhẹ nhàng, không nắng gắt như năm trước nên sau giờ kinh sáng là những ly cà phê thơm ngát và khúc bánh mỳ thịt đã được anh chị em thuộc cộng đoàn Wiesbaden vùng cha Nam phục vụ chu đáo và rất vui vẻ.

8giờ 30 Lm. Giuse Nguyễn Thiết Thắng thuyết trình cho Đại hội theo chủ đề: ''THÁCH ĐỐ ĐỨC TIN TRONG GIA ĐÌNH'' đây là một chủ đề nóng bỏng trong xã hội hôm nay.

Cha dẫn nhập với rất nhiều câu chuyện thật thú vị. Những thách đố niềm tin ngày nay trong gia đình, hay là những đối chọi về đức tin giữa hai thế hệ già-trẻ không khó hòa hợp được là bởi vì cách học hỏi khác nhau. Các bạn trẻ thời nay đã bị ảnh hưởng rất nhiều về những phim ảnh hay truyền thông. Có rất nhiều những nhà làm phim họ làm với những ẩy ý trong đó để lôi kéo hướng dẫn dư luận theo phái của họ mà nếu con trẻ của chúng ta không được trang bị trước bằng những hành trang tinh thần tốt hơn thí chắc chắn sẽ bị ảnh hương lôi kéo vào vòng chảy của cái xã hội hưởng thụ để rồi quên đi chính Thiên Chúa là chủ của cái vũ trụ này. Nhưng nếu muốn hướng dẫn các trẻ em theo đường chính đường tốt thì trước hết cha mẹ và người lớn phải học hỏi và sống đúng như thế thì mới cho đi và truyền đạt lại cho con em chúng ta được. Chúng ta không thể cho cái chúng ta không có. Cha mẹ không thể cứ cãi nhau mà lại cho con cái được một gia đình êm ấm.v.v... Rất nhiều câu hỏi được các bậc cha mẹ đặt ra đều được trả lời một cách sau sách và hữu lý. 2 giờ đồng hồ qua rất mau chương trình còn rất hấp dẫn thì đã đến giờ giải lao và đón Đức Giám Mục Ulrich Boom Giáo phận Würzburg đến dâng thánh lễ.

Bài giảng của ĐGM Ulrich Boom rất hay và sống động vì nó liên quan đến Việt Nam và tôi xin sơ lược vài đoạn như sau: Đã 40 năm chẵn miền Nam Việt Nam Sài Gòn thất thủ. Bao nhiêu tang tóc đau thương đã ghi lại trong trí tôi những hình ảnh cô bé (Kim Phúc) đã bị Bom xăng làm cháy hết cả quần áo trần truống tháo chạy la hét cầu cứu khóc lóc để thoát thân. Một cậu bé bị bắn mang thương tích trên đường chạy loạn. Lúc bấy giờ chúng tôi còn là học sinh đã tham gia giúp đỡ cơ quan cứu trợ "terre des hommes" bằng cách đi bán những bông hồng để gom tiền giúp đỡ những thiếu niên bị thương trong chiến tranh.

Hiệu là một bạn trẻ Việt Nam được đưa đến Đức chữa thương vào cuối thập niên 60. Đương kim Đức Giám Mục của GP Münster khi đó là Heinrich Tenhumberg ngài đã có một dự án cứu trợ cho những thanh thiếu niên bị thương trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Trong số thanh thiếu niên này có Hiệu cũng đang được điều trị tại Bệnh viện Đại học Münster. Sau thời gian đo Hiệu đã đi học Thần học và thụ phong phó tế tại Münster. Nhưng vị Giám mục của thầy Hiệu ở Sài Gòn muốn rằng thầy Hiệu sẽ được thụ phong linh mục tại giáo phận nhà và thầy đã trở về thụ phong Linh mục tại Việt Nam vào khoảng cuối năm 1974, hay đầu năm 1975 trước khi Sài Gòn bị chiếm. Từ đó chúng tôi mất liên lạc nhau. Nhiều năm sau có một sinh viên Việt Nam đã vượt biên đến Đức kể lại là cha Hiệu đã bị giam giữ tại một trại tù của Cộng Sản chung với bố của em sinh viên này. Đây là một câu chuyện thực sự trong cuộc sống. Chắc nhiều qúy vị ở đây đã nếm trải qua những sự như thế trong chính gia đình của mình.

Hôm nay chúng ta cùng nhau mừng đại lễ Ngũ Tuần để đón nhận Thần Khí Chúa xuống trên chúng ta, Ngài sẽ ban bình an và sai ta đi như Ngài đã sai các thánh Tông đồ khi xưa tôi cầu chúc bình an cho tất cả qúy ông bà anh chị em một đại lễ tràn đầy bình an, Amen.

Song song với thánh đại trào bên người lớn thì cũng có thánh lễ đồng tế riêng cho thiếu nhi do 3 cha Hà, cha Lê Phan và cha GB Thiện hướng dẫn và cuối thánh lễ cùng gia nhập chung bên người lớn. Cha Antôn Hà cho biết hơn 200 em đã tham dự thánh lễ bên thiếu nhi các em hát nhạc phẩm "Gottes Liebe" để tặng Đại Hội, hoan hô các em thiếu nhi cũng như cha mẹ, những huynh trưởng và 3 cha cha cha.

Cha xứ Hassfurt và những giáo dân người ở trong giáo xứ đã đến tham dư chung với chúng ta khá đông.

Cuối thánh lễ Ông GB Phùng Khải Tuấn chủ tịch liên đoàn thay mặt Đại Hội cám ơn ĐGM đã ưu ái đến dâng đại thánh lễ Chúa Thánh Thần cho đại hội. Ông cũng thay mặt cám ơn tới Ông chủ tịch thành phố Hassfurt, Lm sở tại và qúy quan khách Đức. Ca đoàn tổng hợp hôm nay đảm trách phần thánh ca trong đại lễ đã hát thật hay và không kém phần điêu luyện. Từ 3 năm nay những khóa ca trưởng đã liên tục được đào tạo tại Đức nên phần điều khiển ca đoàn cũng như những ca viên tiến bộ rất nhiều. Cám ơn các anh chị đã bỏ công luyện tập để có những đóng góp rất tích cực cho công việc chung.

- Buổi chiều chương trình hội thảo tiếp tục vào lúc 14g30 rất thú vị do Lm. Giuse Nguyễn Thiết Thắng chia sẻ và hướng dẫn.

- Song song là sinh hoạt thanh thiếu niên do Lm. Thomas Lê Thanh Liêm, Lm Stephan và huynh trưởng hướng dẫn.

- Thể thao thì có LM. Antôn Đỗ Ngọc Hà anh Phước và các cộng tác viên đảm trách.

- Các em thiếu nhi thì có các sr và huynh trưởng phụ trách.

- Vào lúc 17 giờ chầu Thánh Thể đại trào do Lm. Vicent Trần Văn Bằng phụ trách. Không chỉ cầu nguyện thay cho mọi người, nhưng bằng cách ngài gợi ý cho chúng ta cùng cầu ngyện và suy gẫm và xét mình trước mặt Chúa.

Hãy hạ mình xuống sát mặt đất để cám ơn Thiên Chúa, Ngài đã cho ta được sống những ngày tháng này, Ngài đã dẫn ta đi tới những miền đất mà ta không hề nghĩ tới, hay biết tới, Ngài đã cho ta từng hơi thở của Thần Khí Thánh Thần.v.v... Một giờ chầu thật nhẹ nhàng nhưng sâu sắc để thấm vào hồn ta những ơn lành và ta hiểu được một cách dễ dàng.

ĐÊM VĂN NGHỆ

Sau giờ cơm chiều vào lúc 19giờ 00 chương trình văn nghệ được bắt đầu với sự dẫn nhập của anh tân tổng thư ký Liên Đoàn về ý nghĩa của lá Hoàng Kỳ Việt Nam. Màu cờ đã có từ thời hai bà Trưng và Lá cờ vàng ba sọc đỏ đã được chính thức công nhận từ thời vua Thành Thái 1890 và là biểu tượng tinh thần linh thiêng của người Việt Quốc Gia hiện nay.

Tất cả hội trường trang nghiêm đứng lên trang trọng rước Hoàng Kỳ tiến lên lễ đài, nghi thức chào Quốc Kỳ và hát Quốc ca VNCH vang lên thật cảm động.

Tiếp theo là nghi thức tưởng niệm tất cả những anh hùng tử sỹ đã hy sinh cho chính nghĩa tư do, những người đã chết trong các trại tù cộng sản và những linh hồn đã chết trên đường chạy trốn ách cai trị tàn bạo vô thần của cộng sản.

Sau lễ tiễn Hoàng kỳ Lm. Stêphanô Bùi Thượng Lưu đại diện Hội Đồng Tuyên Úy lên thông báo với toàn thể Đại Hội là nhiệm kỳ của BCH cũ đã hoàn thành rất tốt ngài thấy mặt mọi người chân thành cám ơn và xin Thiên Chúa chúc lành. Đồng thời ngài cũng mới ông Đaminh Nguyễn Văn Sĩ trong Ban tư vấn Liên Đoàn lên giới thiệu tân BCH. mới với nhiệm kỳ 2015-2017.

Tiếp theo là một chương trình văn nghệ vô cùng đa dạng và đầy hào hứng của khắp các vùng đóng góp. Từ những màn vũ trống cơm, vũ quạt của các em bé tẹo cho đến những nàng tiên kiêu sa như mới vừa giáng thế. Từ những bài hát quan họ cho đến ca trù v. v...

Năm nay cũng đặc biệt là các Lm. ca sỹ đóng góp rất tận tình như cha Hải, cha Minh, và đặc biệt là Lm nhạc sỹ kiêm ca sy Xuân Đường đến từ dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam với 2 bài ca thật hay của ngài cho chương trình tiếng hát vì trẻ thơ.

Hai MC. hôm nay cùng với những MC phụ và ban nhạc RÁP đã đem đến cho đêm văn nghệ thêm phần hấp dẫn đến 22giờ đêm và phải nhường sân khấu lại cho các bạn trẻ. Tiếp theo ngay sau đó là chương trình của giới trẻ rất sôi động với màn thi biểu diễn Breakdane.

Tôi ngồi dưới xem mà cứ lo cho các em bi trật tay hay gẫy cổ còn các em thì vỗ tay cổ vũ đầy hào hứng. Như vậy chúng ta thấy rằng mỗi thời thì nó lại có cái khác nhau mà đôi khi chúng ta cứ muốn giới trẻ họ sống theo chúng ta thì chắc là không ổn, hay ta theo họ thì cũng chẳng thể được nên có những đối chọi trong sinh hoạt hoặc đức tin là chuyện đương nhiên thôi. Cái quan trọng là chúng ta luôn tỉnh thức và xin Chúa soi sáng cho ta để biết sống đúng với bổn phận và trách nhiệm của mình với gia đình và tổ quốc thì đấy mới là điều quan trọng của ý nghĩa cuộc sống này.

NGÀY THỨ HAI: RƯỚC KIỆU ĐỨC MẸ VÀ THÁNH LỄ BẾ MẠC ĐẠI HỘI.

Những lời kinh thanh thanh vang lên buổi sáng nay của qúy Sr hướng dẫn cùng mọi người cảm tạ về những ơn lành Chúa Thánh Thần đã ban xuống cho chúng con trong ngày thứ 3 của Đại Hội. Sau giờ kinh đoàn người bắt đầu huyên náo bên những ly cà phê ấm áp tình người. Thời tiết sáng nay mát mẻ dễ chịu, sau giờ ăn sáng là những hình ảnh đẹp đẽ và duyên dáng Việt Nam của những tà áo dài mỗi phút một nhiều hơn.

Hôm nay là ngày bế mạc ngày đăc biệt dành cho Đức Mẹ nên các con cái của Mẹ là phải đẹp là đúng rồi, vì Mẹ là Quan Thầy của Liên Đoàn CGVN tại Đức, Mẹ đẹp nhất nên con cái Mẹ cũng được hưởng nhờ Mẹ chứ. Kiệu Đức Mẹ La Vang Việt Nam đã được rước đi thăm trên những con đường thành phố Hassfurt chung quang khu vực Đại Hội.

Những lời kinh kính mừng Trinh Vương từ ái Maria. Bên đã vang vọng khắp những con đường có Tượng Mẹ đi qua. Đoàn Kiệu dài, rất dài trên đường với nhiếu những hội đoàn và đội khênh kiệu 12 người với áo dài khăn đóng rất đẹp. Có cảnh sát Đức và an ninh giữ trật tự cho đoàn kiệu.

Giữa những lời kinh của chuỗi mân côi, là những lời nguyện dâng, xin cho Giáo Hội quê hương được an bình, cho lòng người biết thay đổi để cùng nhau giữ được quê cha đất tổ. Khi xưa Mẹ đã hiện ra nơi La vang đất nước chúng con an ủi và dạy bảo những bậc cha ông chúng con trong cơn bách đạo cùng quẫn những vẫn luôn kiên trung giữ gìn đức tin. Những tâm hồn ngây thơ trong trắng tung hoa hát mừng Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con, con tin chắc rằng Mẹ sẽ vui và nhận lời chúng con khẩn nguyện.

Trở về hội trường lớn đoàn kiệu cung nghinh Thánh tượng Đức Mẹ La Vang. Linh mục đoàn những tu sỹ, ca đoàn và tất cả tham dự viên theo sự hướng dẫn của Lm Stêphanô cầu nguyện và dâng Nước VN cho Mẹ. Cả Đại Hội hát lên với cả tâm hồn bài.

"Lạy Đức Mẹ La Vang! dân Việt nam khắp trên toàn cầu. Lạy Đức Mẹ La Vang! dân con Việt đồng thanh bái chào! Nơi xứ người tạm dung, nguyện xin Mẹ dìu dắt chúng con. Trên bước đường ly hương, đoàn chúng con sống trong tình thương"

Trước khi mừng đại lễ Chúa Thánh Thần và tạ ơn để bế mạc Đại Hội. Các thanh nữ dâng lên Trinh Vương Maria một vũ khúc tiến hoa thật uyển chuyễn, mềm mại như ân tình ngát hương, thật đẹp thay! những bông hoa tươi thắm, kính dâng lên ngai tòa Đức Mẹ giữa tháng hoa của mùa xuân hương ngàn sắc thắm, như màu của những trái tim thành tâm tìm về Đại Hội hằng năm kính dâng Mẹ.

Sau khi thầy phó tế công bố Tin Mừng của ngày lễ Ngũ tuần các Tông Đồ được tràn đầy Thánh Thần và được sai đi.

LM. Giuse Nguyễn Thiết Thắng chia sẻ một số tâm tình tôi xin tóm gọn lại như sau: Sau 40 mươi năm thảm họa đất nước rất nhiều người Việt Nam đã phải ra đi. Trong những cuốn phim phóng sự mà đã đánh động tôi nhất là hui hình ảnh. Hình ảnh thứ nhất là một người phụ nữ năm 1954 đã phải chạy vào miền nam Việt Nam vai gánh gồng nhưng tay vẫn ôm theo một ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Hình Ảnh thứ hai là trên chiếc ghe vượt biển đi tìm tự do lênh đênh không biết bao nhiều ngày trên biển cả cho đến khi được cứu vớt lên một người đàn ông không có một cái tài sản gì ngoài chiếc quần đùi nhưng hai tay thì ôm chặt một bức khung ảnh Đức Mẹ. Hai hình ảnh rất cảm động đó nói lên rằng họ ra đi là để bảo vệ niềm tin của mình cho đến hơi thở cuối cùng. Sáng hôm nay khi đi rước kiệu tôi nhìn thấy hai bên đường những người Đức đã ra đứng nhìn và có cả quay phim chụp ảnh nữa với sự trang trọng. Đây là có Chúa Thánh Thần tác động và dẫn chúng ta đi, đi đến đây để sống đức tin mà Chúa muốn, dây có thể là một hình thức chúng ta đang tuyên xưng đức tin trước mọi người bản xứ để hâm nóng lại đức tin cho họ. Ở đâu có ơn Chúa Thánh Thần thì ở đó có bình an. Người nào có ơn Chúa Thánh Thần thì người đó bình an. Gia đình nào có ơn Chúa Thánh Thần thì gia đình đó bằng an. Cộng đoàn nào có ơn Chúa Thánh Thần thì cộng đoàn đó có bình an và hiệp nhất. Còn không có ơn của chúa Thánh Thần thì điều đó sẽ ngược lại. Vậy chúng ta hãy xin Đức Mẹ phù trợ và giúp ta đến với Chúa để bản thân ta, gia đình và cộng đoàn luôn bình an và sống trong yêu thương của Ngài. Amen

Trước khi ban phép lành bế mạc Đại Hội ông chủ tịch LĐCGVN. Phùng Khải Tuấn đại diện BCH. và ban tổ chức Đại Hội, nói lời chân thành cám ơn tới tất cả mọi người. Từ tu sỹ đến giáo dân, từng bàn tay thiện chí đóng góp âm thầm hay công khai cho ngày Đại Hội được tốt đẹp. Ban tổ chức xin hết lòng tri ân, xin Chúa Thánh Thần ban tràn đầy hồng ân xuống trên từng người chúng ta, và hẹn nhau vào kỳ đại Hội Công Giáo ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống năm 2016 tại Aschaffenburg.

Trầm Hương Thơ

26.05.2015
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Thừa tác viên khi đọc các Giờ Kinh Phụng Vụ
Nguyễn Trọng Đa
08:28 27/05/2015
Giải đáp phụng vụ: Thừa tác viên khi đọc các Giờ Kinh Phụng Vụ

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi 1: Tôi đã đến thăm một chủng viện, và trong Giờ Kinh Phụng vụ, linh mục đọc câu giáo đầu khai mạc giờ kinh, - thí dụ, "Lạy Chúa Trời, xin mở miệng con" hoặc "Lạy Chúa Trời, xin tới giúp con" - và kết thúc Giờ Kinh bằng việc ban phép lành. Chỉ có các chủng sinh đọc các Thánh vịnh và điệp ca thánh vịnh. Trong một cộng đoàn tu trì khác, các chủng sinh đọc Giờ Kinh cho đến kết thúc, trong khi linh mục không ban phép lành. Thưa cha, tại sao linh mục không ban phép lành, trong khi ngài là cấp cao nhất trong cộng đoàn? - R. A., Quezon City, Philippines.


Hỏi 2: Khi đọc các Giờ Kinh Phụng vụ, liệu cá nhân giáo dân có buộc đọc các Giờ Kinh Giữa (Kinh Giờ Ba, Giờ Sáu và Giờ Chín) không? - L. M.

Đáp: Thực sự có nhiều cách phối hợp sự hướng dẫn đọc Các Giờ Kinh Phụng Vụ. Phần dẫn nhập Các Giờ Kinh Phụng Vụ (tức Tông hiến Laudis canticum) đưa ra các chỉ dẫn khá chính xác liên quan sự can thiệp tối thiểu của thừa tác viên có chức thánh và các thừa tác viên khác:

"253. Khi cử hành các Giờ Kinh Phụng Vụ, cũng như các việc phụng vụ khác, “người có chức thánh hay tín hữu, thường lúc thi hành phận vụ, mỗi người chỉ phải làm trọn phần việc của mình mà thôi, theo bản tính sự việc và qui luật phụng vụ đòi hỏi”.

"254. Nếu là chính Giám mục chủ tọa, nhất là tại nhà thờ chính tòa, thì sẽ có linh mục đoàn và các người có chức thánh bao quanh, và cùng với đông đảo giáo dân tích cực tham dự đầy đủ. Còn thường thường, khi cử hành, có giáo dân tham dự, thì linh mục hay phó tế chủ tọa, và cũng nên có thừa tác viên hiện diện.

"255. Linh mục hay phó tế chủ tọa có thể mặc áo trắng dài hay vắn, và mang dây các phép. Linh mục cũng có thể mặc áo choàng. Còn trong những ngày lễ trọng, thì có thể có nhiều linh mục mặc áo choàng, và các thầy sáu mặc áo phó tế.

"256. Nhiệm vụ của linh mục hay phó tế chủ tọa, là đứng ở chỗ dành riêng đọc câu giáo đầu khai mạc giờ kinh, xướng kinh “Lạy Cha”, đọc lời nguyện kết thúc, chào, chúc lành và giải tán dân chúng.

"257. Linh mục hay thừa tác viên có thể đọc các lời cầu.

”258. Khi không có linh mục hay phó tế, mà người chủ tọa giờ kinh chỉ là một người trong cộng đoàn, thì không vào cung thánh, cũng không chào và đọc lời chúc lành cho dân chúng.

"259. Ai giữ vai trò đọc sách thì đứng ở nơi thích hợp mà đọc các bài dài hay vắn.

"260. Ca xướng viên có nhiệm vụ xướng lên các điệp ca, các thánh vịnh và các bài ca khác. Còn việc đọc thánh vịnh, thì giữ những điều đã nói ở trên trong các số từ 121 đến 125" (Bản dịch Việt ngữ của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ)

Các số từ 121 đến 125 nói như sau:

"121. Ta nên tùy thể văn hay tùy thánh vịnh dài vắn, tùy đọc bằng tiếng Latinh hay tiếng bản quốc và nhất là tùy đọc một mình hay nhiều người hoặc có giáo dân tham dự, mà định cách đọc thánh vịnh, sao cho người đọc cảm được một cách dễ dàng hơn, hương vị thiêng liêng và vẻ đẹp văn chương của các thánh vịnh. Không nên dùng thánh vịnh như một số lượng các lời kinh để cầu nguyện, mà phải liệu sao cho thay đổi và phải lưu ý đến đặc tính riêng của mỗi thánh vịnh.

"122. Có thể hát hay đọc thánh vịnh một mạch từ đầu đến cuối, hay luân phiên đối đáp từng câu hay từng triệt giữa hai bè hay hai bên của cộng đoàn, hoặc theo kiểu xướng đáp, tùy cách thức đã được truyền thống và kinh nghiệm chấp nhận.

"123. Đầu mỗi thánh vịnh, đọc điệp ca như đã nói ở trên trong các số từ 113 đến 120 và cuối thánh vịnh, đọc Vinh tụng ca. Vinh tụng ca là lời kết thúc xứng hợp vốn được truyền thống xưa nay sử dụng. Kinh này làm cho lời cầu nguyện của Cựu Ước có một ý nghĩa ca tụng, quy về Chúa Kitô và Ba Ngôi Thiên Chúa. Sau thánh vịnh, có thể tùy ý lặp lại điệp ca.

"124. Thánh vịnh nào quá dài thường chia làm nhiều đoạn, như có ghi sẵn. Việc phân chia đó cho thấy rõ mỗi giờ kinh đều gồm ba thánh vịnh hoặc ba đoạn thánh vịnh, nhưng ý nghĩa của mỗi thánh vịnh vẫn không thay đổi.

"Nên giữ cách phân chia đó, nhất là khi cử hành chung bằng tiếng Latinh, và thêm Vinh tụng ca vào cuối mỗi đoạn.

"Nhưng, được phép đọc theo lối cổ truyền hay ngừng lại đôi chút giữa các phần trong cùng một thánh vịnh, hoặc đọc cả thánh vịnh cùng với điệp ca luôn một lúc từ đầu đến cuối.

"125. Ngoài ra, tùy thể văn, có thể chia thánh vịnh thành nhiều triệt, để sau mỗi triệt có thể lặp lại điệp ca, nhất là khi hát bằng tiếng bản xứ. Trong trường hợp này, chỉ cần đọc Vinh tụng ca ở cuối thánh vịnh” (Bản dịch, như trên)

Vì vậy, câu trả lời cho câu hỏi số 1 là thông thường linh mục hay phó tế chủ tọa sẽ chúc lành và giải tán cộng đoàn.

Tuy nhiên, trước hết trong một chủng viện, có thể xảy ra rằng có một lý do tốt để bỏ qua lời chúc lành sau cùng và giải tán cộng đoàn, trong khi có thể sử dụng một sự kết thúc tùy chọn. Lịch ngày của chủng viện thường bắt đầu bằng Giờ Kinh Sáng, sau đó các chủng sinh ở lại trong nhà nguyện để cầu nguyện riêng cho đến Thánh Lễ. Trong các trường hợp như vậy, có thể là không thích hợp cho việc linh mục chúc lành và giải tán cộng đoàn, bởi vì thật ra cộng đoàn còn ở lại, tham dự Thánh lễ và được chúc lành cùng giải tán cuối Thánh lễ nữa.

Đúng là có khả năng rằng Thánh Lễ được kết hợp với Giờ Kinh Sáng và Giờ Kinh Chiều, nhưng điều này nên được tiên liệu thỉnh thoảng diễn ra, chứ đừng theo một cơ sở hàng ngày hoặc thường xuyên.

Về câu hỏi thứ hai, chúng tôi có thể trả lời rằng vì đối với một giáo dân, việc đọc bất cứ Giờ Kinh Phụng Vụ nào là một sự tùy chọn, chứ không là bắt buộc, nên người ấy có thể chọn hoặc bỏ qua Giờ Kinh Giữa, hoặc đọc một trong ba Giờ Kinh Giữa, hoặc đọc cả ba Giờ Kinh Giữa cũng được.

Nếu một giáo dân làm lời khấn riêng tư, hoặc một hình thức cam kết cá nhân nào đó, chẳng hạn gia nhập một Dòng Ba hoặc một phong trào thiêng liêng, thì người ấy tuân giữ nghĩa vụ thiêng liêng được chọn một cách tự do, theo tập tục của Dòng Ba hoặc phọng trào ấy. (Zenit.org 26-5-2015)

Nguyễn Trọng Đa
 
Văn Hóa
Nghỉ ngơi
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
09:58 27/05/2015
Vào một ngày kia, có một anh bạn gọi phôn cho tôi và nói rằng cuộc sống ở đất nước Hoa Kỳ qúa bon chen và vất vả. Anh làm việc liên tục mà chẳng có giờ ăn, giờ nghỉ. Mỗi đêm anh chỉ ngủ được bốn hoặc năm tiếng. Tôi hỏi: Làm sao mà bận rộn thế? Anh nói rằng phải lo đủ thứ việc, cho dù gia đình chỉ có ba miệng ăn. Vợ chồng đều có công ăn việc làm tốt. Tôi nói rằng sao anh không làm in ít thôi. Anh trả lời: Đâu có được. Công việc níu kéo công việc, tiệm cần mở cửa sớm và phải có người trông coi. Anh ta phải có mặt mọi lúc từ sáng sớm tới chiều tối. Thế là đầu tắt mặt tối.

Từ khởi nguyên, Thiên Chúa đã an bài một trật tự lạ lùng trong vũ trụ. Chính Thiên Chúa đã mở ra khuôn vàng thước ngọc cho sự điều hòa ngày sống: Ngày thứ bảy, Thiên Chúa đã hoàn thành công việc Người làm. Khi làm xong mọi công việc của Người, ngày thứ bảy , Thiên Chúa nghỉ ngơi (Stk 2,2). Thiên Chúa không mệt mỏi trong công việc, nhưng Chúa muốn thánh hóa ngày sống trong một nhịp điệu vần xoay. Mọi sự có khởi đầu, có tiến triển, có thành qủa và kết thúc. Không có sự sống hay công việc nào kéo dài mãi. Cần có khoảnh khắc thời gian ngưng nghỉ bồi dưỡng để mang lại thành qủa tốt lành hơn: Thiên Chúa ban phúc lành cho ngày thứ bảy và thánh hóa ngày đó, vì ngày đó Người đã nghỉ, ngưng làm mọi công việc sáng tạo của người (Stk 2, 3).

Chúng ta sống ở đời này để làm gì? Xem ra câu hỏi hơi thừa. Chúng ta được sinh ra vào đời là để sống, kiếm sống, tu luyện, học hỏi, trau dồi kiến thức, lao động, phát triển, hưởng phước và mong tìm thỏa mãn các ước mơ. Muốn có một cuộc sống ý nghĩa đích thực, chúng ta nên tìm hiểu mục đích căn cốt của đời người. Sự sống của mỗi người là một món qùa quý báu. Mỗi một sinh mạng hiện hữu trên đời đều có một số mệnh được Tạo Hóa an bài. Cuộc sống không có ai giống ai. Ngay từ khi được tựu thai trong lòng mẹ, mỗi cá nhân đã được an bài một định mệnh. Chúng ta không thể tính toán hay so đo hơn thiệt với người khác. Đây chính là mầu nhiệm của sự sống. Chính Thiên Chúa là nguồn trao ban sự sống cho chúng ta.

Sống là sự phấn đấu không ngừng để lớn lên và phát triển. Kinh nghiệm cho chúng ta thấy cuộc sống là một thách đố vươn lên. Ngay từ khi lọt lòng mẹ, chúng ta đã phải phấn đấu với vòng đua thời gian để hiện hữu. Trẻ em mới sinh được một hay hai năm, ngày ngày đã phải tách xa tình yêu thương của cha mẹ và sống chung với các bảo mẫu. Dù cha mẹ có yêu thương con cái, cũng đành phải rời xa con để đi làm ăn kiếm sống. Thấy thật thương cho bày trẻ. Tuổi thơ yêu dấu của các trẻ trôi qua rất mau. Nhiều bậc phụ huynh vì lo công ăn việc làm, họ không đã không còn có đủ thời gian ở bên và lo cho con cái. Đôi khi họ phải giao phó con cái cho ông bà nội ngoại hay người giữ trẻ trông nom và chăm sóc.

Suốt ngày cha mẹ lo công việc bề bộn tại văn phòng, sở làm, cửa tiệm và khi về đến nhà lại tiếp tục lăn xả vào bếp và dọn dẹp liền tay biến cuộc sống làm việc như cỗ máy. Cuộc sống là thế mà, cứ làm cứ chạy và cứ đuổi theo, như con mèo tìm cắn đuôi mình. Càng xoay càng chóng mặt. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể làm chủ thời khóa biểu của mình và sắp xếp công việc cho thích hợp. Hãy dùng thời giờ để sống, để cho đi, để kết bạn và để làm việc. Hãy dùng thời gian để vui chơi, để nghỉ ngơi, để yêu thương và để được yêu. Thời gian là suối nguồn của sự khôn ngoan và niềm an vui hy vọng.

Một vài thống kê, các công nhân cho dù vẫn được nhận các lợi nhuận của ngày nghỉ nhưng ít người muốn nghỉ. Vì làm việc trong ngày nghỉ, mỗi giờ sẽ được hưởng lương gấp rưỡi (over-time). Thống kê năm 2013, một điều ngạc nhiên là 42% các công nhân đã không lấy ngày nghỉ. Rõ ràng dân nước Hoa Kỳ đang dần bị kéo lôi vào sự lam lũ của công việc. Chúng ta cảm nghiệm thấy rằng vì thiếu những giây phút nghỉ ngơi bồi dưỡng, cuộc sống dễ bị áp lực, mệt mỏi, chán nản và bị quấy nhiễu cả tinh thần lẫn thể chất.

Giờ giải lao, nghỉ ngơi, thư dãn, ngày nghỉ, lễ nghỉ, nghỉ hè hay đi nghỉ là một phần trong các sinh hoạt của đời sống. Nghỉ ngơi không là sự hoang phí thời gian, nhưng là giúp cho thời gian sống mang nhiều ý nghĩa. Ngày nghỉ sẽ giúp chúng ta thoát khỏi mọi ràng buộc của sinh hoạt ngày thường. Chúng ta sẽ có chút tự do cho đời sống riêng tư. Tự do nghỉ ngơi trong thinh lặng nguyện cầu hoặc có thể dùng thời giờ giải trí, đi tắm biển, đi dã ngoạn, đi mua sắm, đi thăm viếng và làm những gì chúng ta ưa thích. Ngày xưa, khi các môn đệ trở về sau cuộc hành trình rao giảng, Chúa Giêsu cũng khuyến khích các ngài vào nơi thanh vắng nghỉ ngơi lấy lại sức: Người bảo các ông: Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi một chút (Mc 6, 31).

Xả stress hay nghỉ ngơi là điều cần thiết để tiến hành công việc thường nhật một cách có hiệu qủa hơn. Ngày nay, có nhiều người chạy theo nhu cầu cuộc sống đã lao động liên tục và không ngừng nghỉ. Văn hóa lao động của người Hoa Kỳ đang cuốn hút các nghị lực của người lao động. Công việc đã làm giảm đi mối tương quan liên hệ giữa con người, ảnh hưởng sức khỏe và liên quan cả vấn đề sinh lợi sản phẩm. Đừng liều thân nhắm mắt đưa chân theo thời. Chúng ta hãy cố gắng tự tạo khoảng thời gian để ngưng nghỉ và thư dãn bồi sức, thân tâm sẽ cảm thấy được khỏe khoắn hơn, giúp tăng sinh lực và làm tươi mát cuộc đời.

Biết rằng hành trình cuộc sống, dù chúng ta có sẵn sàng hay không, vào một ngày nào đó, tất cả mọi sự sẽ chấm dứt. Ngày đó, chúng ta sẽ không còn cơ hội mở mắt để thấy ánh nắng mặt trời, không còn ngày hay đêm và không còn tính giờ đếm phút. Mọi sự chúng ta đã thu gom, dù cũ hay mới, đều để lại cho người khác. Tài sản, của cải, danh dự, quyền lực và mọi liên hệ sẽ chấm dứt. Sự hận thù ghen ghét, bức xúc, ghen tương và thù hành sẽ nhạt phai trôi dần vào quên lãng.

Niềm hy vọng trong các chương trình dự phóng và các dự tính tương lai sẽ chấm hết. Có đôi lần, sự chiến thắng hay thất bại, xem ra rất quan trọng, nhưng rồi tất cả cũng sẽ trở thành mây khói. Chúng ta đến từ đâu, thuộc đảng phái nào hay thuộc dân nước nào không còn là vấn đề quan trọng. Ngay cả màu da, phái tính, ngôn ngữ và văn hóa sẽ không còn ảnh hưởng gì nữa. Tất cả sẽ ra đi. Chỉ những điều cao quý đã lưu lại, được khắc ghi trong tim của nhiều người và các thế hệ kế thừa là có ý nghĩa đích thực. Chúng ta có thể chiêm ngắm đời sống của các vị Thánh, những người có trái tim rộng mở biết hy sinh chia sẻ và tất cả những ai đã, đang và sẽ góp phần vào việc dựng xây một xã hội tốt đẹp.

Vậy ý nghĩa và giá trị của cuộc đời là gì? Ý nghĩa của đời sống không phải những cái chúng ta sở hữu, mà là cái chúng ta xây dựng và cống hiến. Ý nghĩa cuộc đời không phải là điều chúng ta học hỏi, mà là điều chúng ta thực hành. Điều quan trọng nhất là tư cách sống, chứ không phải chỉ là khả năng tài trí. Sống cuộc đời sinh ích không phải là sự ngẫu nhiên tình cờ, nhưng là một sự lựa chọn cách sống. Hãy cộng tác vào công trình xây dựng một xã hội tốt đẹp và sinh ích chung cho mọi người.

Tạ ơn Thượng Đế đã ban cho chúng ta một cuộc sống trên trần đời. Chúng ta cũng cần có tâm tình tạ ơn Giáo Hội và Xã Hội, cám ơn tha nhân, tri ân gia đình, bạn bè và biết ơn bao nguồn sống tự nhiên mà Tạo Hóa đã an bài. Chúng ta cố gắng tạo cơ hội giúp cho những liên hệ gia đình, bạn bè gần gũi thân thương và cống hiến thời giờ cộng tác vào các sinh hoạt chung của nhân loại. Sự hiện hữu của chúng ta trên trái đất này sẽ được thăng hoa và sinh hoa kết quả tốt. Xin Thiên Chúa chúc lành cho từng giây phút sống được an vui và hạnh phúc.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Nhà Hát Con Sò Sydney, Úc
Diệp Hải Dung Australia
21:19 27/05/2015
NHÀ HÁT CON SÒ SYDNEY, ÚC
Ảnh của Diệp Hải Dung, Australia
Nhà hát Opera Sydney, Úc
được người Việt gọi là
Nhà hát Con Sò.
Nhà hát có kiến trúc độc đáo
hình con sò hay những
cánh buồm no gió ra khơi.
Đây cũng là một trong những
công trình kiến trúc
tiêu biểu nhất thế kỷ 20
và là một trong các địa điểm
biểu diễn nghệ thuật
nổi tiếng nhất thế giới.
(btst)