Ngày 23-05-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Suy niệm : Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô
Lm. Anthony Trung Thành
19:01 23/05/2016
Suy Niệm LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA KITÔ - C

Trong suốt ba năm đời sống công khai, Chúa Giêsu nuôi sống các Tông đồ và dân chúng bằng Lời của Ngài. Trước khi về trời, Ngài còn thiết lập Bí tích Thánh Thể để làm của ăn nuôi sống các Tông đồ và Giáo Hội mãi cho tới tận thế. Không những thế, Ngài còn làm phép lạ hoá bánh ra nhiều để cứu đói dân chúng về phần xác và mời gọi các Tông đồ: “Các con hãy cho họ ăn” (Lc 9,13). Đó là ba của ăn liên kết chặt chẽ với nhau và liên quan đến đời sống con người. Đó cũng là ba điểm tôi muốn gợi ý cùng anh chị em suy niệm trong ngày lễ kính Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu Kitô hôm nay.

1. Chúa Giêsu nuôi sống các Tông đồ và dân chúng bằng Lời của Ngài.

Chúa Giêsu dùng Lời của Ngài để giảng dạy và nuôi dưỡng các môn đệ và những người đi theo Ngài. Bắt đầu là lời mời gọi “Hãy theo Ta!” (x. Mt 4,19). Tiếp đến là những lời giáo huấn để đào tạo các ông trở thành những môn đệ chân chính. Bài Tin mừng hôm nay cũng diễn ra trong bối cảnh dân chúng đi theo để lắng nghe Lời Ngài. Họ lắng nghe một cách say mê đến nỗi quên cả thời gian, quên cả ăn uống. Lời của Chúa là Sự Thật và là Sự Sống. Đúng như Ngài đã từng nói: “Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống” (x. Ga 6,63); “Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi, các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông” (Ga 8,31-32). Lời của Chúa có sức biến đổi: người tội lỗi trở thành Thánh nhân; người bệnh tật được chữa lành. Lời của Chúa xua trừ ma quỷ, làm cho kẻ chết sống lại...Con người sống nhờ Lời Chúa: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4).

Các Tông đồ và Giáo Hội cũng dùng Lời Chúa để sống, dạy dỗ và khuyên nhủ. Thánh Phaolô nói: “Có đức tin, là nhờ nghe giảng, mà nghe giảng là nghe công bố lời Đức Kitô” (Rm 10,17). Nơi khác, Ngài nói: “Mọi lời xưa đã chép trong Kinh Thánh, đều được phép để dạy dỗ chúng ta. Những lời ấy làm cho chúng ta nên kiên nhẫn, và an ủi chúng ta, để nhờ đó, chúng ta vững lòng trông cậy” (Rm 15,4). Thánh Phanxicô Xaviê nên thánh nhờ suy niệm và sống câu Lời Chúa: “Được lời lãi cả thế gian mà thiệt mất linh hồn nào ích lợi gì” (x. Mt 14,26). Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu nên thánh nhờ suy niệm và sống câu Lời Chúa: “Ai trở nên như trẻ nhỏ thì mới được vào Nước trời” (Mt 8,4).

Giáo Hội luôn mong muốn mọi người kitô hữu đọc, suy gẫm và đem Lời Chúa thực hành trong đời sống, làm lương thực nuôi sống linh hồn. Bởi vì: “Ai nghe và thực hành Lời Chúa thì giống như người khôn ngoan xây nhà mình trên đá” (x. Mt 7,24).

2. Chúa Giêsu nuôi sống các Tông đồ và dân chúng bằng Mình và Máu Thánh Ngài.

Chúa Giêsu không chỉ nuôi dân chúng bằng Lời của Người, mà còn nuôi dân chúng bằng chính Thịt Máu Người. Để ăn uống Mình và Máu Thánh Người, cần phải hội đủ hai điều kiện chính: sạch tội trọng và có ý ngay lành. Điều kiện để rước lễ đơn giản như vậy nhưng hiệu quả thì vô cùng to lớn. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo cho biết: "Khi rước Mình Máu Thánh Chúa, chúng ta được gắn bó chặt chẽ hơn với Đức Kitô, được tha thứ các tội nhẹ và bảo vệ khỏi các tội trọng. Nhờ rước lễ, tình yêu của chúng ta với Đức Kitô được mật thiết hơn, nên sự hiệp nhất trong Hội Thánh là Nhiệm Thể Người, được củng cố" (Số 1416). Chính Chúa Giêsu cũng đã khẳng định: “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời” (x. Ga 6,54). Vì hiệu quả lớn lao như vậy, nên Giáo Hội buộc nhặt mỗi người kitô hữu ít nhất mỗi năm rước lễ một lần. Giáo Hội khuyến khích mỗi người kitô hữu siêng năng rước lễ và cho phép rước lễ mỗi ngày hai lần, nhưng lần thứ hai phải tham dự thánh lễ đầy đủ. Cho nên, mỗi người kitô hữu chúng ta hãy dọn mình và siêng năng rước lễ, vì “Nếu không ăn thịt và uống máu Người thì không có sự sống nơi mình” (x. Ga 6, 53). Trong bài đọc II, Thánh Phaolô trích dẫn bản văn phụng vụ về việc Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể. Qua đó, thánh nhân không những mời gọi chúng ta ăn uống Mình Máu Thánh Người mà còn phải có tâm tình chia sẻ với anh chị em xung quanh (x. 1Cr 11, 23-26).

3. “Các con hãy cho họ ăn” (Lc 9,13).

Ăn uống là một trong những nhu cầu thiết yếu của con người. Con người cần ăn uống để tiếp tục sống. Nhưng cũng có người vì ăn uống mà phải chết, đó là ăn uống phải những thực phẩm bẩn, độc hại. Thật vậy, con người trong xã hội ngày nay thay vì cho nhau ăn uống những thực phẩm sạch, họ đang cho nhau ăn uống những thực phẩm bẩn.

Hằng ngày chúng ta đối diện với biết bao nhiêu thực phẩm bẩn: gạo bẩn, cá bẩn, rau bẩn, hoa quả bẩn, kẹo bánh bẩn, thức uống bẩn…Có người nói rằng, chúng ta toàn ăn phải“Thịt lừa”: thịt lợn người ta lừa là thịt trâu, thịt bò; cá bẩn người ta lừa là cá sạch; rau bẩn người ta lừa là rau sạch... Vì ăn uống phải thực phẩm bẩn nên số lượng người bị ngộ độc ngày càng nhiều. Có người vì ăn uống phải thực phẩm bẩn nên lăn ra chết tức thì. Có người ăn phải thực phẩm bẩn nên phải mang bệnh tật, để rồi phải chết dần chết mòn. Tai hại hơn, khi con người bị nhiễm độc tố kim loại nặng thì hậu quả lại vô cùng nguy hiểm, không phải bản thân mình chết mà ảnh hưởng cả những thế hệ tương lai. Thư chung Đức Giám Mục Giáo Phận Vinh năm 2016 về thảm hoạ môi trưởng biển Miền Trung khẳng định: “Hậu quả của nhiễm độc kim loại nặng đối với sức khỏe con người còn khủng khiếp hơn. Các độc tố này sẽ tồn tại lâu dài trong lòng biển. Nước biển và hải lưu sẽ làm loãng nồng độ chất độc để không gây chết tức thì cho sinh vật biển, nhưng các sinh vật này sẽ bị tác hại lâu dài qua việc hấp thụ độc tố từ chuỗi thức ăn. Khi con người tiêu thụ thủy sản, nước mắm, muối có nhiễm độc, các độc tố này sẽ xâm nhập và tích lũy ngày càng nhiều trong cơ thể. Đến một lúc nào đó hàm lượng độc tố này vượt ngưỡng cho phép, chúng sẽ gây bệnh tật như ung thư, tổn thương não... Và có thể gây dị dạng, quái thai cho các thế hệ sau.”

Chúng ta không chỉ đối diện với các thực phẩm bẩn, chúng ta còn phải đối diện với các phương tiện truyền thông bẩn. Sự bùng nổ các kỷ thuật thông tin, sự ra đời của các phương tiện truyền thông đang làm thay đổi xã hội và các gia đình, vì lợi ích lớn nhưng tác hại cũng không hề nhỏ. Đó là những loại hình văn hoá phi đạo đức, những văn hoá phẩm đồi truỵ, những trang giả danh Công Giáo, các thông tin bịa đặt vu cáo, kết tội vô căn cứ những người dám nói lên sự thật, bênh vực cho công lý. Đài truyền hình Việt Nam đã vu khống cho Đức Tổng Giáo Mục Giuse Ngô Quang Kiệt năm 2008 vì sự góp ý chân thành của Ngài trong việc xây dựng một đất nước Việt Nam giàu mạnh, và ngày 15 tháng 05 vừa qua lại một lần nữa Đài truyền hình Việt Nam tiếp tục vu khống Đức Giám Mục Giáo Phận Vinh, vì Ngài đã nói lên sự thật về nạn ô nhiễm môi trường biển Miền Trung.

Đứng trước những thách đố như vậy, là người kitô hữu chúng ta phải làm gì? Cho nhau ăn gì?

Con người là một bản thể có hai phần hồn xác. Về phần hồn, chúng ta hãy giúp nhau sống Lời Chúa và rước Mình Máu Thánh Người. Về phần xác, chúng ta hãy cho nhau ăn những thức ăn sạch.

Khi biết sống theo Lời Chúa và dọn mình để rước Mình Máu Thánh Người thì chắc chắn chúng ta: không phổ biến, không dùng những phương tiện truyền thông bẩn; “Cương quyết không sản xuất, chế biến ‘thực phẩm bẩn’ gây huỷ hoại sức khoẻ, tổn thương đến tính mạng đồng bào mình; từ bỏ lối phát triển kinh tế không những không bền vững mà còn huỷ hoại đến môi sinh” (Thư chung ĐGM Gp. Vinh 2016); biết ngăn chặn những người sản xuất hay buôn bán những thực phẩm bẩn; biết sản xuất, buôn bán và cho nhau ăn những thực phẩm sạch, không phải chỉ để bảo vệ mạng sống của mình mà còn cần bảo đảm sự sống cho những người xung quanh.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho mọi người chúng con biết loại ra khỏi cuộc sống những thực phẩm bẩn, đồng thời biết sống Lời Chúa và dọn tâm hồn trong sạch để rước Thánh Thể Chúa mỗi ngày. Amen

Lm. Anthony Trung Thành
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Giám Mục phải hỏi ý kiến Tòa Thánh trước khi lập dòng
Lm. Trần Đức Anh OP
08:32 23/05/2016
VATICAN. ĐTC Phanxicô qui định từ nay, GM giáo phận buộc phải xin ý kiến của Tòa Thánh trước khi lập dòng giáo phận, nếu không sắc lệnh thành lập sẽ vô hiệu.

Theo khoản giáo luật số 579 hiện hành, GM giáo phận có thể lập dòng trong lãnh thổ của mình, miễn là tham khảo ý kiến Tòa Thánh trước đó. Trong thực tế có nhiều Giám Mục không hỏi ý kiến Tòa Thánh và vẫn lập dòng thành sự. Nay ĐTC xác định rõ hơn tính chất bó buộc của khoản luật này.

Phúc chiếu công bố hôm 20-5-2016, với chữ ký của ĐHY Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, khẳng định rằng:

”Bộ các Hội dòng đời sống thánh hiến và các tu đoàn tông đồ, ý thức rằng mỗi dòng tu mới, dù được khai sinh và phát triển trong một Giáo Hội địa phương, đều là một hồng ân cho toàn thể Giáo Hội, nhưng Bộ thấy cần phải tránh thành lập các dòng mới ở cấp giáo phận mà không có sự phân định đầy đủ, xác định tính chất đặc sắc của đoàn sủng, ấn định những nét đặc thù có đặc tính thánh hiến trong các dòng tu ấy qua việc tuyên khấn các lời khuyên Phúc Âm và ấn định các khả thể phát triển thực sự, Bộ thấy nên xác định rõ hơn sự cần thiết phải xin ý kiến của Bộ, theo giáo luật số 579, trước khi tiến hành việc thiết lập một hội dòng giáo phận mới. Vì thế, theo ý kiến của Hội đồng Tòa Thánh về các văn bản luật, ĐTC Phanxicô, trong buổi tiếp kiến ngày 4-4-2016 dành cho Quốc vụ khanh Tòa Thánh ký tên dưới đây, qui định rằng việc hỏi ý kiến Tòa Thánh phải hiểu là cần thiết để thành lập hữu hiệu (ad validitatem) một dòng tu giáo phận, nếu không thì sắc lệnh thành lập dòng ấy sẽ vô hiệu lực.

Phúc chiếu này sẽ được công bố qua việc đăng trên báo Osservatore Romano, Quan sát viên Roma, và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-6-2016, rồi được đăng trên Công báo của Tòa Thánh (Acta Apostolicae Sedis).

Vatican ngày 11 tháng 5 năm 2016.
Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh
 
Đức Thánh Cha tiếp Đại Iman của Đại Học Hồi giáo Al-Azhar
Lm. Trần Đức Anh OP
08:33 23/05/2016
VATICAN. Hôm qua, 23-5-2016, lần đầu tiên ĐTC Phanxicô tiếp kiến Đại Imam Viện trưởng đại học Hồi giáo Al-Azhar của Ai cập, Giáo Sư Ahmed el-Tayeb.

Giáo Sư năm nay 70 tuổi, đã từng học về tư tưởng Hồi giáo ở Đại học Sorbonne, Paris. Đại học Al-Azhar ở thủ đô Cairo được coi là thẩm quyền cao nhất của Hồi giáo Sunnit.

Hồi năm 2011, Đại học Al-Azhar đã đoạn giao với Tòa Thánh, vì ĐTC Biển Đức 16 kêu gọi chính phủ Ai Cập bảo vệ các tín hữu Kitô thiểu số tại nước này sau vụ một nhà thờ của Giáo Hội Chính Thống Copte ở thành phố Alesssandria. Các thủ lãnh Hồi giáo coi lời kêu gọi ấy là xen mình vào nội bộ của Ai cập.

Từ khi ĐGH Phanxicô lên cai quản Giáo Hội, Tòa Thánh tìm cách mở lại quan hệ với Đại học Al-Azhar, qua việc gửi sứ giả, hoặc sứ điệp, hay qua những cuộc tiếp xúc giữa các nhân vật của hai bên.

Cha Lombardi, Giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, cho biết cùng đi với Đại Imam của đại học Al-Azhar có một phái đoàn gồm 7 người, trong đó có Đại sứ Ai Cập cạnh Tòa Thánh, Ông Hatem Seif Elnasr.

Đại Iman đã được ĐHY Jean Louis Tauran, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn và Đức Cha Tổng thư ký của Hội đồng này tiếp đón và tháp tùng đến gặp ĐTC.

Trong cuộc nói chuyện thân mật dài 30 phút, ĐTC và Đại Iman đã đề cao ý nghĩa lớn lao của cuộc gặp gỡ này trong khuôn khổ cuộc đối thoại giữa Công Giáo và Hồi giáo. Rồi hai vị cũng đề cập đến đề tài sự dấn thân chung của các vị hữu trách và tín hữu thuộc các tôn giáo lớn cho hòa bình thế giới, từ khước bạo lực và khủng bố, tình trạng các tín hữu Kitô tron gbối cảnh các cuộc xung đột và căng thẳng tại Trung Đông, cũng như việc bảo vệ các tín hữu ấy.

ĐTC đã tặng Đại Iman mề đai cành Ôliu hòa bình và một bản Thông điệp Laudato sí của ngài.

Sau cuộc hội kiến với ĐTC, trước khi rời dinh tông tòa, trong một phòng khách thuộc căn hộ tiếp kiến, Đại Iman cùng với phái đoàn, đã hội kiến với ĐHY Tauran, có Đức Cha Tổng thư ký Ayuso Guixot tháp tùng. (SD 24-5-2016)
 
Tân Tổng Giám mục La Havana kêu gọi đối thoại hiệu quả hơn giữa Giáo hội và nhà nước.
Vatican Radio
08:35 23/05/2016
Cuba - Trong Thánh lễ ngày Chúa Nhật 22/5 hôm qua, trước sự hiện diện của Phó Tổng Thống Salvador Valdes Mesa và ông Caridad Diego, Bộ trưởng Bộ Tôn giáo vụ của Đảng Cộng sản Cuba, Đức Cha Juan de la Caridad Garcia Rodriguez, Tân Tổng Giám mục của Havana, đã đưa ra lời kêu gọi để tiếp tục cuộc đối thoại giữa Giáo Hội Công Giáo và chính quyền Cu ba. Ngài nói: “Sự hiện diện của quí vị ở đây mời gọi và khuyến khích chúng tôi tiếp tục cuộc đối thoại, một cuộc đối thoại có thể hiệu quả hơn, thực tế hơn, để Giáo Hội có thể tìm ra những không gian khác cho sứ vụ loan báo Tin mừng, phụng vụ, sứ vụ giáo dục và bác ái cho người nghèo”.

Giây phút Đức Hồng Y, Jaime Ortega, Cựu Tổng Giám mục Havana đón Đức Tân Tổng Giám mục tại cửa vào nhà thờ và trao cho Đức Tổng Giám mục kế vị ngài cây gậy mục tử làm cho nhiều người hiện diện xúc động. Nhà thờ chánh tòa đầy kín người, nhiều giáo dân phải tham dự lễ bên ngoài và theo dõi trên các màn hình khổng lồ.

Đức Cha Garcia Rodriguez sinh tại Camagüey ngày 11/7/1948, được thụ phong Linh mục ngày 25/1/1972 và phục vụ trong vài giáo xứ. Cha đã thành lập và là giám đốc của trường truyền giáo của Giáo phận Camagüey. Ngày 15/3/1997, Cha được bổ nhiệm làm Giám mục phụ tá Giáo phận Camagüey và ngày 10/6/2002, được chọn làm Tổng Giám mục Giáo phận Camagüey. (Agenzia Fides, 23/05/2016)
 
Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein: Đức Bênêđíctô thứ 16 coi việc thoái vị như là sự mở rộng sứ vụ Thánh Phêrô
Đặng Tự Do
19:25 23/05/2016
Phát biểu tại buổi giới thiệu một cuốn sách mới về Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 tại Đại học Giáo hoàng Grêgôriô tại Rôma hôm thứ Sáu 20 tháng 5, Đức Tổng Giám mục Gänswein nhận xét rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 không phải là hai giáo hoàng “trong một cuộc cạnh tranh” với nhau, nhưng đại diện cho một sự “mở rộng” của sứ vụ Thánh Phêrô với “một một vị đương nhiệm” và “một vị chiêm niệm.”

Theo Đức Tổng Giám Mục Gänswein, người vừa là thư ký riêng của Đức Giáo Hoàng Danh dự, vừa là chủ tịch Phủ Giáo Hoàng của Đức Phanxicô, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã không từ bỏ sứ vụ Giáo Hoàng như Đức Giáo Hoàng Celestine V vào thế kỷ 13 nhưng tìm cách tiếp tục sứ vụ Thánh Phêrô của mình một cách thích hợp hơn với thể trạng yếu đuối của ngài.

“Vì vậy, từ ngày 11 tháng 2 năm 2013, sứ vụ Giáo Hoàng không giống như trước đây. Đó là và vẫn là nền tảng của Giáo Hội Công Giáo; nhưng đó là một nền tảng mà Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã biến đổi sâu sắc và lâu dài bởi triều đại giáo hoàng ngoại thường của ngài.”

Phản ánh về thời gian Đức Bênêđíctô thứ 16 cai quản Giáo Hội, Đức Tổng Giám mục Gänswein nói rằng ngài là một “homo historicus” – nhà sử học - cổ điển, một người Tây phương tiêu biểu xuất sắc cho sự phong phú của truyền thống Công Giáo, nhưng đồng thời “ngài rất táo bạo để mở ra cánh cửa cho một giai đoạn mới, cho một bước ngoặt lịch sử mà năm năm trước không ai có thể tưởng tượng nổi.”

Bình luận về cuốn sách được viết bởi Roberto Regoli có tựa đề: “Oltre la crisi della Chiesa. Il pontificato di Benedetto XVI” nghĩa là “Vượt lên những khủng hoảng của Giáo Hội, Triều Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI”, Đức Tổng Giám Mục Gänswein đã ca ngợi cuốn sách là “xuất sắc và khai sáng” cũng như “có tài liệu phong phú và đầy đủ”

Đức Tổng Giám mục Gänswein cũng khẳng định lại một lần nữa là vụ “Vatileaks” hoặc các vấn đề khác “có rất ít hoặc không có liên hệ gì” với quyết định thoái vị của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 vào ngày 11 tháng Hai năm 2013.

Trong phần mô tả về Mật Nghị Bầu Giáo Hoàng năm 2005, Roberto Regoli cho biết lúc Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II được Chúa gọi về, Giáo Hội có 183 Hồng Y, trong đó có 117 Hồng Y cử tri. Tuy nhiên, do Đức Hồng Y Jaime Sin của Phi Luật Tân và Đức Hồng Y Adolfo Suárez Rivera của Monterrey đau ốm không đến được chỉ có 115 vị Hồng Y tham gia bầu Giáo Hoàng.

Theo Roberto Regoli, cuộc bầu cử Giáo Hoàng đã diễn ra “gay go” vì có một nhóm các Hồng Y ủng hộ Đức Hồng Y Joseph Ratzinger gọi là nhóm “Muối Đất” (đặt theo tựa cuốn sách phỏng vấn Đức Hồng Y Joseph Ratzinger) bao gồm Đức Hồng Y Lopez Trujillo, Ruini, Herranz, Ruoco Varela và Medina; trong khi có một nhóm khác không ủng hộ ngài là nhóm “Thánh Gallen” bao gồm Đức Hồng Y Danneels, Martini, Silvestrini, Murphy O'Connor, Walter Kasper và Lehmann.

Đức Tổng Giám Mục Gänswein xác nhận những nhận xét của Roberto Regoli và nói thêm là bài thuyết trình của Đức Hồng Y Ratzinger, trong tư cách niên trưởng Hồng Y Đoàn, với tựa đề “Chế độ độc tài của chủ nghĩa tương đối” đã có yếu tố quyết định.

Trong ngày đầu tiên là ngày 18 tháng Tư, 2005, có một vòng bỏ phiếu và Đức Hồng Y Joseph Ratzinger được 47 phiếu (40.87%); vị thứ hai là Đức Hồng Y Jorge Bergoglio (là Đức Đương Kim Giáo Hoàng) được 10 phiếu (8.7%).

Cuộc bầu cử kết thúc vào ngày thứ hai là ngày 19 tháng Tư, 2005 sau 4 vòng bỏ phiếu. Đức Hồng Y Joseph Ratzinger được 84 phiếu (73.04%); vị thứ hai là Đức Hồng Y Jorge Bergoglio được 26 phiếu (22.61%).
 
Đức Hồng Y Kurt Koch nói: Kitô hữu phải tìm cách cải đạo người Hồi Giáo
Đặng Tự Do
19:42 23/05/2016
Kitô hữu được mời gọi để tìm cách cải đạo tất cả những người Hồi giáo, Đức Hồng Y chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Đại Kết Kitô Giáo đã nói như trên với một cử tọa tại Đại học Cambridge.

Theo Đức Hồng Y Kurt Koch lệnh truyền của Chúa Kitô phải được áp dụng cả cho các thành phần vũ trang Hồi Giáo.

Phát biểu tại một cuộc họp liên tôn, Đức Hồng Y Koch nói nhiệm vụ truyền giáo được áp dụng cho tất cả các Kitô hữu, trong mối quan hệ của họ với tất cả các tôn giáo khác, ngoại trừ Do Thái giáo.

Đức Hồng Y thừa nhận rằng các Kitô hữu chia sẻ với người Do Thái và người Hồi giáo cùng một sự tôn kính đối với các truyền thống đức tin được truyền lại từ tổ phụ Abraham. Nhưng ngài nói rằng “chúng ta không thể phủ nhận rằng quan điểm về tổ phụ Abraham trong truyền thống Do Thái và Kitô giáo là khác biệt so với truyền thống Hồi giáo.”

Trong khi các Kitô hữu nhìn nhận giao ước của Thiên Chúa được thực hiện với người Do Thái, chúng ta không thể nói như thế với đức tin Hồi giáo, vị Hồng Y nhấn mạnh. Như vậy “chúng ta có với các tín hữu Do Thái một mối quan hệ đặc biệt mà chúng ta không có với người Hồi giáo.”
 
Đức Bênêđíctô XVI, vị giáo hoàng chiêm niệm
Vũ Văn An
20:42 23/05/2016
Nhân buổi ra mắt cuốn sách “Bên Kia Cuộc Khủng Hoảng Của Giáo Hội” (Tiếng Anh: Beyond The Crisis of the Church) của Roberto Regoli về triều Giáo Hoàng của Đức Bênêđíctô XVI, Đức Tổng Giám Mục Georg Ganswein, thư ký riêng của ngài đồng thời đứng đầu phủ giáo hoàng hiện nay, đã mô tả vị giáo hoàng hưu trí như sau: “Ngài cầu nguyện, ngài thích nghiên cứu và đọc sách, ngài rất chăm đọc thư từ, ngài đi dạo quanh Vườn Vatican với chuỗi Mân Côi trong tay, ngài tiếp khách”.

Từ ngày 12 tháng Hai, năm 2005, và từ kết quả mật nghị hội bầu giáo hoàng mà mọi người đều mong chờ chỉ trừ ngài, tới ngày 11 tháng Hai năm 2013, ngày thay đổi mãi mãi thừa tác vụ giáo hoàng, cho tới tận ba năm qua, ngài sống giữa lòng Vatican, chỉ cách vị kế nhiệm ngài có vài bước, nhưng luôn luôn “dấu mình đối với thế giới”.

Tuy nhiên, rất có thể vị giáo hoàng hưu trí này, người thỉnh thoảng lắm mới xuất hiện công khai, như trong dịp phong hiển thánh cho hai Đức Gioan XXIII và Gioan Phaolô II hoặc dịp khai mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót gần đây, sẽ tham dự một biến cố công cộng trong một tương lai “không xa lắm” vì ngày 29 tháng Sáu này là ngày kỷ niệm ngài thụ phong linh mục được 65 năm!

Theo Đức Tổng Giám Mục, đây là dịp tốt để chứng tỏ rằng ngài không phải là “ngọn nến đang tắt dần” như một tờ tuần báo Ý so sánh mới đây. Trái lại, ngọn nến này vẫn cháy rất đều, “sức sáng của nó vẫn y nguyên” từ 89 năm nay! “Ngài thanh thản, ngài bình an với Chúa, với chính ngài và với thế giới”. Hơn nữa, gần đây đã có sự gia tăng lượng người muốn được gặp ngài và đã được ngài tiếp kiến, dù “chúng tôi đã cố giảm thiểu các buổi thăm viếng vì có quá nhiều thư từ phải đọc hàng ngày, và quá nhiều sách vở và bản thảo nữa”.

Trong buổi ra mắt sách nói trên , Đức Tổng Giám Mục cũng ôn lại diễn trình bầu Đức Bênêđíctô XVI ngày nào. Theo ngài, Đức Hồng Y Ratzinger chưa bao giờ nghĩ là ngài sẽ lên ngôi giáo hoàng. Nguyện vọng của ngài lúc đó là viết cho xong một số tác phẩm cuối cùng, trong bình an và yên tĩnh. Cuộc bầu cử là một cú sốc thực sự đối với ngài và ngài tỏ ra xao xuyến.

Đức Tổng Giám Mục cho biết cú sốc hoàn toàn có tính tiêu cực đối với Đức Bênêđíctô là cái chết của Manuela Campagni, thuộc tu hội đời “Memores Domini”, lúc ấy đang phục vụ tại phủ giáo hoàng. Bà bị chết trong một tai nạn xe hơi vào năm 2010. Điều đáng nói là dù năm đó, xẩy ra vụ tai tiếng của giám mục cực hữu Williamson, thuộc nhóm Lefèbre, được ngài tha vạ tuyệt thông, nhưng sau đó bác bỏ sự kiện Diệt Chủng Do Thái, khiến truyền thông chỉ trích luôn cả người tha vạ, nhưng biến cố này “không làm tan nát cõi lòng của Đức Giáo Hoàng bằng cái chết của Manuela”.

Giải thích việc trên, Đức Tổng Giám Mục cho rằng “Đức Bênêđíctô XVI không phải là một ‘giáo hoàng kịch sĩ’ và càng không phải là ‘vị giáo hoàng người máy’ vô cảm; trên ngai tòa Phêrô, ngài vẫn là một con người, và ngài vẫn mãi là một con người cho tới tận nay”.

Tưởng cũng nên nhớ lại, vào dịp ấy, Đức Bênêđíctô XVI đã gửi đi sứ điệp như sau: “Cảnh chia lìa bất chợt như thế, và cung cách bà bị lấy đi khỏi chúng ta khiến chúng ta đau đớn lớn lao mà chỉ có đức tin mới an ủi được. Tôi tìm được sự nâng đỡ nhờ nghĩ tới những chữ làm thành tên của cộng đoàn bà: ‘Memores Domini’. Suy gẫm về các chữ này, về ý nghĩa của chúng, tôi tìm được một cảm thức bình an, vì chúng gợi lên mối liên hệ sâu sắc còn mạnh hơn cả sự chết. ‘Memores Domini’ có nghĩa ‘những người tưởng nhớ Chúa’: nói cách khác, họ là những người sống trong sự nhớ tới Thiên Chúa và tới Chúa Giêsu. Trong việc tưởng nhớ hàng ngày này, một sự tưởng nhớ đầy đức tin và tình yêu, họ tìm ra ý nghĩa cho mọi sự, cho những hành động nhỏ mọn và cho các quyết định lớn lao, cho công việc, cho học hành và tình bạn… Đó là lý do tại sao tôi tìm được bình an khi nghĩ rằng Manuela là một ‘Người Tưởng Nhớ Chúa’, một người sống trong niềm tưởng nhớ Chúa. Mối liên hệ này với Người sâu sắc hơn vực thẳm sự chết. Nó là mối liên kết không điều gì có thể bẻ gẫy được”.

Còn về lý do khiến Đức Bênêđíctô XVI quyết định rời khỏi chức vụ, Đức Tổng Giám Mục bác bỏ giả thuyết Rì Rỏ Vatican. Dĩ nhiên, sự phản bội của Paolo Gabriele, một sự phản bội làm nổ ra tai tiếng Rì Rỏ Vatican, làm Đức Giáo Hoàng “đau khổ rất nhiều”, nhưng “tôi xin nói một lần dứt khoát và hết sức rõ ràng rằng cuối cùng, Đức Bênêđíctô XVI không hề từ chức vì người quản gia nghèo, bị lầm lẫn này, hay vì những mẩu thông tin (tidbits) phát xuất từ căn hộ của anh ta từng được lưu truyền ở Rôma như những đồng xu giả trong cái gọi là ‘vụ tai tiếng rò rỉ Vatican’ nhưng được thương mãi hóa thành những thỏi vàng thực sự ở khắp nơi khác trên thế giới”.

Đức Tổng Giám Mục nhấn mạnh rằng “không kẻ phản bội nào hay ‘con quạ’ nào hoặc bất cứ nhà báo nào có thể đẩy ngài tới quyết định đó. Vụ tai tiếng đó quá nhỏ để có thể đưa tới [quyết định] tầm cỡ ấy, một điều gì lớn hơn thế, một bước đắn đo sâu xa hơn có tầm quan trọng lịch sử lâu đời đã được Đức Bênêđícô XVI tiếp nhận”. Đối với ngài, từ chức là “điều thích đáng” vì “ngài ý thức rõ: càng ngày ngài càng có ít sức mạnh hơn để chu toàn chức vụ rất nặng nề ấy”.

Theo Đức Tổng Giám Mục Gänswein, từ ngày bầu Đức Phanxicô, tức ngày 13 tháng Ba, năm 2013, “ta có không phải hai vị giáo hoàng, nhưng thực tế là một thừa tác vụ mở rộng, với một thành viên hoạt động và một thành viên chiêm niệm”. Đức Tổng Giám Mục giải thích thêm: “Giống như thời Thánh Phêrô, cả ngày nay nữa, Giáo Hội Duy Nhất, Thánh Thiện, Công Giáo và Tông Truyền liên tiếp chỉ có một vị giáo hoàng hợp pháp. Ấy thế nhưng, trong ba năm qua, chúng ta đang sống với hai vị kế nhiệm Thánh Phêrô sống giữa chúng ta, hai vị không ở trong mối liên hệ cạnh tranh với nhau, ấy thế nhưng cả hai đều hiện diện một cách phi thường!”.

Đức Tổng Giám Mục cho rằng: “Chính vì thế, Đức Bênêđíctô XVI đã không từ bỏ cả danh hiệu lẫn áo dài mầu trắng. Do đó, cách xưng hô chính xác đối với ngài hiện nay vẫn là ‘Holiness’ (Thưa Đức Thánh Cha)”. Và cũng chính vì thế, ngài “đã không lui về sống tại một đan việc hẻo lánh, nhưng bên trong Vatican”. Như thể ngài chỉ “đứng qua một bên” để nhường chỗ cho vị kế nhiệm ngài và mở ra một chương mới trong lịch sử của ngôi vị giáo hoàng, và “với bước này, ngài phong phú hóa ngôi vị giáo hoàng bằng ‘một cây trồng mạnh mẽ’ của lời cầu nguyện và cảm thương đặt tại Vườn Vatican”.

Phi thần thoại hóa ngôi vị giáo hoàng

Theo ký giả Edward Pentin, cũng trong buổi ra mắt trên, Đức Tổng Giám Mục Gänswein cho hay: Đức Bênêđíctô XVI không bỏ ngôi giáo hoàng như Đức Celestinô V ở thế kỷ 13 mà đúng hơn tìm cách tiếp tục thừa tác vụ Phêrô của ngài một cách thích đáng hơn, phù hợp với sức khỏe yếu kém của ngài. “Do đó, từ ngày 11 tháng Hai năm 2013, thừa tác vụ giáo hoàng không còn y nguyên như trước. Nó vẫn là và tiếp tục là nền tảng của Giáo Hội Công Giáo; ấy thế nhưng là một nền tảng mà Đức Bênêđíctô XVI đã biến đổi một cách sâu xa và lâu bền bởi triều giáo hoàng ngoại thường của ngài”.

Suy nghĩ về việc từ chức của Đức Bênêđíctô XVI, Đức Tổng Giám Mục cho rằng ngài đã suy nghĩ rất lung về việc này theo quan điểm thần học. Ngay trong kiểu nói Latinh “munus petrinum” (thừa tác vụ Phêrô), ta đã thấy chữ “munus” có khá nhiều nghĩa: phục vụ, bổn phận, hướng dẫn hay hồng phúc”. Nên “trước và sau khi từ chức”, Đức Bênêđíctô XVI coi ngài có trách vụ “tham dự vào thừa tác vụ” nhiều nghĩa này.

Đức Tổng Giám Mục giải thích: “Ngài rời ngai giáo hoàng, ấy thế nhưng, qua biện pháp ngài đưa ra ngày 11 tháng Hai năm 2013, ngài không rời bỏ thừa tác vụ nói trên” một điều “hoàn toàn không thể có sau việc ngài chấp nhận chức vụ một cách bất phản hồi vào tháng Tư năm 2005”.

Thay vào đó, “ngài đã xây dựng một chức vụ bản vị có chiều kích hợp đoàn và công đồng, gần như một thừa tác vụ cộng đoàn, như thể ngài muốn lặp lại một lần nữa lời mời gọi vốn chứa đựng trong khẩu hiệu lúc ngài còn là Joseph Ratzinger, Tổng Giám Mục Munich và Freising, và dĩ nhiên được duy trì lúc làm Giám Mục Rôma: "cooperatores veritatis", có nghĩa “những đồng công nhân của sự thật”.

Đức Tổng Giám Mục Gänswein nhấn mạnh rằng khẩu hiệu trên không ở số ít mà ở số nhiều, và được lấy từ Thư Thứ Ba của Thánh Gioan, trong đó, câu 8 viết thế này: “Ta phải chào đón những người này để trở thành những đồng công nhân của sự thật”.

Theo Đức Tổng Giám Mục, “một số người coi việc từ chức này là một cuộc cách mạng, hay nếu không, thì hoàn toàn nhất quán với tin mừng, trong khi nhiều người khác thấy ngôi giáo hoàng như bị tục hóa chưa từng thấy, và do đó, có tính hợp đoàn và hợp chức năng hơn, thậm chí có tính phàm nhân hơn và ít thánh thiêng đi. Nhưng cũng có những người cho rằng với biện pháp này, Đức Bênêđíctô XVI, qua biện pháp này, đã gần như phi thần thoại hóa ngôi vị giáo hoàng, nếu nói theo ngôn từ thần học và phê bình sử học”.

 
Sứ điệp của Cha Bể Trên Cả về Lễ Mẹ Phù Hộ Các Giáo hữu cho đại Gia đình Salêdiêng
Thanh Quảng sdb
23:56 23/05/2016
Sứ điệp của Cha Bể Trên Cả về Lễ Mẹ Phù Hộ Các Giáo hữu cho đại Gia đình Salêdiêng
Chuyên ngữ: Thanh Quảng sdb

Valdocco, Turino ngày 24/5/2016 - Các con thân mến,

Cha gửi lời chào thăm tất cả mọi thành viên trong đại gia đình Sa-lê-diêng trên toàn thế giới, Hôm nay chúng ta long trọng mừng lễ Đức Mẹ Phù hộ các Kitô hữu hay còn có thể nói theo những người ở "Valdocco" thì mừng lễ “Đức Mẹ của Don Bosco”.

Điều ấy gợi nhớ cho chúng ta tới Cha thánh Gioan Bosco, người Cha và Thầy của Thanh thiếu niên, nghĩa là những người trẻ được đào tại trong trường của sự thánh thiện này trong căn nhà này, trong khuôn viên sân này.

Cha xin tóm lược lại trong một vài khía cạnh như lương thực tinh thần cho chúng con trong ngày mừng đại lễ này. Trước tiên, cha muốn mời gọi chúng con không chỉ mừng Lễ Đức Mẹ Phù hộ các giáo hữu như chúng ta thường mừng, nhưng hãy để chiều kích Maria ăn sâu vào cuộc sống của các con, vào trái tim sâu thẳm của các con và vào cách thức chúng ta giáo dục những người trẻ trên toàn thế giới.

Cha nói thế vì đối với chúng ta nói về Mẹ Phù Hộ không chỉ nói xuông về lòng sùng kính. Có thể chúng ta có một lòng sùng kính đặc biệt hoặc không. Nhưng với chúng ta, nói về Đức Mẹ Phù hộ các Giáo hữu là nói tới chiều kích Maria trong ơn gọi của chúng ta. Đó là một tâm tình chúng ta có về một người mẹ, Mẹ luôn sát cánh với công việc mục vụ của chúng ta, đó là một xác tín mạnh mẽ như Cha thánh Bosco thường nói: "Mẹ là Người làm tất cả và tiếp tục làm mọi sự."

Đồng thời cha cũng muốn chia sẻ với chúng con một điều sâu kín trong trái tim của cha là: Hỡi các con thân yêu, cha muốn nhắc lại những gì cha đã phát biểu khi kết thúc Tổng Tu Nghị năm ngoái, những lời của chính cha Bề trên cả Juan Vecchi: "Chính những người trẻ có thể cứu vãn Tu hội Salêdiêng”. Nghĩa là chúng ta xác tín rằng với ơn Chúa và những người trẻ giúp chúng ta sống và thực thi ơn gọi của chúng ta.
Cha có dịp đi đây đó trên toàn thế giới, qua các châu lục khác nhau, cha thấy các tỉnh dòng, các cơ sở của dòng có nơi nào ắp đầy giới trẻ, cũng có nơi thiếu vắng! Những nơi có đông đảo giới trẻ thì đầy sức sống và tương lai hy vọng; nhưng những nơi thiếu vắng giới trẻ thì thật là mối ưu tư lo lắng cho chúng ta. Cha chia sẻ điều này để sẻ chia với chúng con một khát vọng khác, sâu thẳm trong trái tim của cha, mà cha xin san sẻ với chúng con như một người anh chị em của cha:

Chúng con các hội viên Salêdiêng, các thành viên của đại gia đình Salêdiêng thân mến,

Trách vụ chính của chúng ta không phải là quản trị. Chúng ta không được sinh ra để làm quản gia. Trước nhất chúng ta là những nhà giáo dục giới trẻ. Chúng ta được sinh ra để chia sẻ cuộc sống với giới trẻ, để đồng hành với giới trẻ, chuẩn bị cho họ một cuộc sống tốt đẹp và đưa họ đến gặp gỡ Chúa Giêsu.

Cha nói điều này bởi vì cha tự hỏi mình như Cha thánh Bosco đã từng hỏi: "Tại Valdocco, các Salêdiêng của cha đâu hết rồi?"

Cha không thể chấp nhận biện luận rằng lúc đó chúng ta đang bận rộn lo lắng công việc quản trị! Không được việc quản lý có người khác làm, còn chúng ta được giao phó giáo dục những người trẻ!
Cha xin kết luận. Trong ngày mừng lễ Đức Mẹ Phù hộ các Giáo hữu hôm nay, cha xin Mẹ hãy cùng đồng hành với chúng ta. Mẹ hun đúc trong tâm lòng chúng ta trái tim người mục tử. Mẹ ban cho chúng ta sự nhiệt thành và niềm đam mê trong công tác giáo dục, luôn luôn gắn liền với tuổi trẻ, với các thanh thiếu niên nam nữ...

Để thực hiện được những việc tốt lành cho giới trẻ, chúng con hãy cùng hoạt động với mọi thành phần dân Chúa để cùng thực hiện trách vụ và sứ mệnh với chúng ta. Đừng bao giờ để cho việc quản trị hay những việc tương tự làm chúng ta xa cách giới trẻ. Cha xin nhắn nhủ chúng con nhân danh Cha thánh Bosco, và cha nhắc lại điều này với trọn vẹn tấm lòng và niềm xác tín của cha.

Cha chúc chúc con một đại lễ Mẹ Phù Hộ vui vẻ.
Lm Ángel Fernández Artime SDB
Bề trên Tổng quyền
 
Top Stories
Viet Nam: Shameful wave of arrests of activists as Obama visits
Amnesty International
12:18 23/05/2016
Viet Nam: Shameful wave of arrests of activists as Obama visits

Press release: 23 May 2016, 17:23 UTC

Vietnamese authorities must end their crackdown on peaceful protesters and release all prisoners of conscience, Amnesty International said today.

As Viet Nam hosts US President Barack Obama on a three-day visit, the authorities have pressed ahead with their assault on the freedoms of expression and peaceful assembly by arresting six peaceful activists and orchestrating a campaign of intimidation and harassment against dozens more.

“Even as it faces the glare of global attention with the US President’s visit, the Vietnamese authorities, shamefully, are carrying out their repressive business as usual,” said Rafendi Djamin, Amnesty International’s Director for South East Asia and the Pacific.

The six peaceful activists who have been arrested in recent days are: Nancy Nguyễn, Nguyễn Viết Dũng, Phạm Đoan Trang, Vũ Huy Hoàng, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, and Nguyễn Bá Vinh.

“Before leaving Vietnam, President Obama must insist on the release of all prisoners of conscience and a commitment that peaceful protests will be allowed," said T. Kumar, International Advocacy Director for Amnesty International. "Human rights cannot be sacrificed for security and trade deals."

In addition to the arrests, dozens of activists have complained on social media that they are being prevented from leaving their homes by uniformed and plain-clothes police stationed outside.

Amnesty International has spoken to several activists in different cities around the country who are subjected surveillance and intimidation. Several activists have been physically attacked in the last week and Amnesty International is unaware of the arrests of any alleged perpetrators.

The authorities’ crackdown has included the banning of BBC journalists, and the blocking of social media sites including Facebook and Instagram.

“Vietnamese authorities must allow journalists do their job and individuals to express themselves freely,” said Rafendi Djamin.

Background

Over the past month, Vietnamese authorities have mounted a countrywide crackdown on protests against the government’s failure to address the fallout from an ecological disaster that has devastated fish stocks in the coastal provinces.

Among those who have been swept up by the most recent wave of arrests which took place in the last week is Nancy Nguyễn, a US citizen, who arrived in the country on 17 May 2016 to join the protests. Two days later, she reported on social media that 20 security officials were outside her hotel.

Nancy Nguyễn has not been heard from since and her current fate and whereabouts remain unknown.

Nguyễn Viết Dũng was arrested on 20 May in Hồ Chí Minh City, having travelled there from his home town in Nghệ An province. He was released on 23 May after being flown back to Nghệ An.

He was only recently released in April 2016, after a one-year jail term for participating in a peaceful protest in Hanoi.

Journalist Phạm Đoan Trang and blogger Vũ Huy Hoàng were arrested in Hanoi on the morning of 23 May. The details of their arrests are unclear.

On the morning of 23 May, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh and Nguyễn Bá Vinh were arrested in Nha Trang. Nguyễn Bá Vinh had travelled to a local beach in the early morning with a banner which read “Why have the fish died?”

He was physically attacked by a group of men in plain clothes. Nguyễn Ngọc Như Quỳnh went to the beach to help him and was also attacked. The two were arrested at around 8am local time and detained until 4pm.

None of the men involved in attacking them were arrested. This is second time in a week that Nguyễn Ngọc Như Quỳnh has been arrested. On 15 May, she was detained in Hồ Chí Minh City while attempting to join demonstrations in the city.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hình ảnh chuẩn bị và chương trình đại hội Thánh Thể VII tại đan Viện Biển Đức Thiên Tâm, TX
Trần Trọng Long
09:39 23/05/2016
Xem hình ảnh



Để chuẩn bị cho Ngày Thánh Thể VII sẽ diễn ra từ thứ Năm mùng 2 tháng 6 cho đến Chuá Nhật mùng 5 tháng 6 năm 2016, nhiều đoàn thể và giáo dân từ những vùng Arlington, Austin, Dallas, Fort Worth và Houston, đã tới đây từ nhiều tháng qua để xây dựng một ngôi hội trường (thứ 2) mới, một ngôi Nhà Thánh Thể mới, và một con đường rước kiệu Thánh Thể mới, với 14 chặng đàng Thánh Giá, đã được nhập cảng và đang trên đường giao hàng.

Theo ông trưởng ban tổ chức thì tất cả những công việc trên đã tiến tới giai đoạn hoàn tất, và sẽ sẵn sàng đón tiếp khách hành hương vào lúc đại hội khai mạc.

Được biết việc tổ chức đại hội hằng năm là do thành phần giáo dân quanh vùng chủ xướng, cổ võ và thực hiện trong khuôn viên rộng 300 acres (121 hecta) cuả đan viện Biển Đức Thiên Tâm, một đan viện dành cho các đan sĩ VN, được thành lập từ năm 2009 tại một trang trại nuôi đà điểu cuả phố Kerens, TX, nằm gần trục lộ giao thông I-45, giữa Dallas và Houston.

Chúng tôi đã đến quan sát các hoạt động chuẩn bị hôm thứ Bảy vừa qua, và xin gửi tới quí độc giả những hình ảnh ghi nhận một cách vội vàng ở trên.

.................

Chương trình 3 ngày đại hội cuả 'Ngày Thánh Thể VII' sẽ diễn ra như sau:

Thứ Năm - Ngày 2 tháng 6

6:30 pm Nghi Thức Làm Phép: Nhà Thánh Thể, Hội Trường # 2, 14 Đàng Thánh Giá

7:00 pm Thánh Lễ Khai Mạc

Cầu Cho Giáo Hội Hoàn Vũ

Chủ Tế: Lm. Nguyễn Phi Long, C.Ss.R.

Giảng Lễ: Lm. Nguyễn Cao Sâm, S.V.D.

9:00-11:00 pm

Hội Thảo 1: (“Các Con hãy cho họ ăn”- “Các Con” là ai và làm gì?

Từ Hiệp Thông đến Sứ Vụ )

Lm. Nguyễn Cao Sâm, S.V.D.

11:00 pm Chầu Thánh Thể chung

12:00-7:00 am Chầu Thánh Thể cá nhân

Thứ Sáu - Ngày 3 tháng 6

7:30 am Thánh Lễ Sáng

Biệt Kính Thánh Cả Giuse

Chủ Tế: Lm. Nguyễn Đức Hạnh, O.S.B.

Giảng Lễ: Lm. Trần Văn Hào

10:00-12:00 pm

-Hội Thảo 2: Các con hãy cho họ ăn (Luca 9,13)

Lm. Nguyễn Khắc Hy, S.S.

-Hội Thảo 3: “Hy Tế: Cuộc THƯƠNG KHÓ tiếp diễn”

Lm. Trịnh Đức Hòa

1:30 – 3:00 pm

-Hội Thảo 4: “Chúa động lòng thương”

Ông Cao Tấn Tĩnh, BVL

-Hội Thảo 5: “Hiệp Lễ: Ơn Thần Linh hoá”

Lm. Trịnh Đức Hòa

3:00-3:45 pm

-Đọc Kinh Lòng Thương Xót Chúa

-Hội Thảo Giới Trẻ 1

Lm. Nguyễn Minh Quang, C.Ss.R.

4:00-5:00 p.m

Đi Đàng Thánh Giá

Chú sự: Đức Cha Nguyễn Mạnh Hiếu

5:00-6:00 pm

-Hội Thảo 6: “Con tin nói Chúa!”

Ông Cao Tấn Tĩnh, BVL

-Hội Thảo 7: “Hỏi & Đáp”

Lm. Trinh Đức Hòa

6:45 pm Cung Nghinh Hài Cốt Các Thánh Tử Đạo Việt Nam

7:00 pm Thánh Lễ Đại Trào

Biệt Kinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam

Chủ Tế & Giảng Lễ: Đức Cha Nguyễn Mạnh Hiếu

9:00-11:00 pm

Hội Thảo 8: (“Hãy Cho họ ăn các con” – Hãy Cho” ai và cho cái gì? –

Từ Sứ Vụ đến Hiệp Thông)

Lm. Nguyễn Cao Sâm, S.V.D.

11:00 pm Chầu Thánh Thể chung

12:00-7:00 am Chầu Thánh Thế cá nhân

Thứ Bảy- Ngày 4 tháng 6

7:30 am Thánh lễ Sáng

Biệt Kính Đức Trinh Nữ Maria

. Chủ Tế: Lm. Nguyễn Cao Sâm, S.V.D.

. Giảng Lễ: Lm. Nguyễn Vân Sơn

10:00-12:00 pm

-Hội Thảo 9: “Thánh Thể là mầu nhiệm của Lòng Thương Xót”

. Lm. Nguyễn Vân Sơn

. -Hội Thảo 10: “Họ hết rượu rồi” (Gioan 2, 3)

. Lm. Nguyễn Khắc Hy, S.S.

. -Hội Thảo Liên Minh Thánh Tâm và Chầu Thánh Thể

. Lm. Trần Văn Hào

. -Hội Thảo Giới Trẻ 2

. Lm. Nguyễn Minh Quang, C.Ss.R.

2:00-3:30 pm

-Hội Thảo 11: (“Họ Ăn các con hãy cho”-“Họ ăn” gì và chúng ta làm gì?-

Mục Vụ trong Hiệp Thông và Sứ Vụ)

. Lm. Nguyễn Cao Sâm, SV.D.

. -Hội Thảo 12: “Họ nhận ra Người trong lúc bẻ bánh” (Luca 24,31)

. Lm. Nguyễn Khắc Hy, S.S.

. -Hội Thảo Giới Trẻ 3

. Lm. Nguyễn Minh Quang, C.Ss.R.

3:30-3:45 p.m Đọc Kinh Lòng Thương Xót Chúa

4:00-5:00 pm Giờ Đền Tạ Mẫu Tâm

. Ông Cao Tấn Tĩnh, BVL

7:00 pm Thánh Lễ Đại Trào

. Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Giesu

. Chủ Tế: Đức Cha Nguyễn Mạnh Hiếu

. Giảng Lễ: Lm. Nguyễn Khắc Hy, S.S.

. Rước Kiệu Thánh Thế

10:00-12:00 am Văn Nghệ & Xổ Số

12:00-7:00 am Chầu Thánh Thế cá nhân

Chúa Nhật -Ngày 5 tháng 6

7:30 am Thánh Lễ Bế Mạc

. Thánh Tâm Chúa Giesu

. Chủ Tế: Đức Cha Nguyễn Mạnh Hiếu

. Giảng Lễ: Lm. Nguyễn Đức Hạnh, OSB
 
Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Long chào tạm biệt Giáo xứ Holy Eucharist
Trần Bá Nguyệt
07:12 23/05/2016
(Melbourne – 22/5/2016)

Thánh lễ mừng kính Chúa Ba Ngôi Chúa Nhật 22/5/16 tại Giáo xứ Holy Eucharist đã trở thành một sự kiện đặc biệt ngoài chương trình của Đức Cha Long. Ba ngày trước đó, Ngài đã ngỏ lời đến dâng lễ với cộng đoàn dân Chúa St Albans, thuộc Miền Tây Melbourne để tạm biệt một cộng đoàn Việt Nam có số giáo dân người Việt đông nhất Miền Tây Melbourne.

Mời xem hình

Trong lời chào mừng, vị đại diện cộng đoàn đã nhắc lại chuyện ngày xưa trong Sách Công Vụ Tông Đồ khi giáo dân Hội Thánh Ê-phêxô tiễn chân Thánh Phaolô xuống tàu giã từ họ để đi Roma trong “ngậm ngùi và nước mắt”. Hôm nay, cộng đoàn dân Chúa Holy Eucharist đã chào đón Đức Cha Nguyễn Văn Long đến giáo xứ để dâng Thánh Lễ tiễn biệt trong niềm vui mới, bằng một tràng pháo tay thật dài, vì biết rằng dù ở đâu, Đức Cha cũng vẫn luôn cầu nguyện và nhớ đến cộng đoàn Miền Tây Melbourne, nơi có số giáo dân người Việt đông hơn số giáo dân thuộc các sắc dân khác tại St Albans.

Mở đầu thánh lễ, các em thuộc Đoàn Thanh Niên Công Giáo giáo xứ đã dâng hoa kính Đức Mẹ vì hôm nay là Chúa Nhật thứ tư trong Tháng Hoa của Mẹ. Trong sắc phục áo dài trắng, các thiếu nữ Việt xinh tươi đã dâng lên Mẹ lời ca mượt mà và những đoá hoa đầy màu sắc tươi thắm tượng trưng lòng con thảo.

Tiếp theo, Cha chính xứ Tuấn Anh đã giới thiệu Đức Cha và cha khách từ Việt Nam sang với cộng đoàn. Sự hiện diện của Đức Cha hôm nay đã nói lên sự ưu ái và kỳ vọng của Đức Cha nơi cộng đoàn Miền Tây này, nơi mà mới cách đây hai tháng, Đức Cha đã đến để trao chìa khoá giáo xứ tượng trưng cho cha chính xứ mới và trao nhiệm vụ cho các cha thuộc Dòng Chúa Cứu Thế.

Trong bài giảng, Đức Cha đã nhắc đến 5 năm là Giám Mục Phụ Tá Đức TGM Melbourne với “niềm vinh dự, nhưng cũng có nhiều lo âu và nỗi buồn” khi phải ra đi nhận nhiệm vụ mới. Đức Cha cũng nhắc đến những sinh hoạt sát cánh và vui vẻ với giáo dân miền Tây. Tuy nhiên, ơn gọi dấn thân như khẩu hiệu Ra Khơi của Đức Cha đã báo trước sự chuẩn bị để đón chờ những bão tố của biển cả mênh mông. Hôm nay vâng lời bề trên Đức Cha cũng lên đường như tổ phụ Abraham ngày xưa đã vâng lời Thiên Chúa đi vào đất hứa. Ngài nhắc đến ơn gọi “ra đi” của Ngài, cũng như của mỗi giáo dân, trong nhiệm vụ rao giảng lời Chúa.

Mừng Lễ Ba Ngôi Thiên Chúa, mỗi người hãy nhớ đến sự hạ mình của Ngôi Hai xuống thế làm người cứu chuộc nhân loại bằng cái chết trên Thập Giá. Đức Thánh Cha Phan-xi- cô cũng đã kêu gọi mọi người không chọn nơi an thân, nhưng phải sẵn sàng đến với những người cùng khổ. Thánh Phan-xi- cô Assissi cũng đã “nghe lời Chúa phán ra từ Thánh Giá mà ra đi xây dựng lại Giáo Hội”. Với hai bàn tay trắng, chúng ta đã tới miền đất quê hương thứ hai này và đã góp sức xây dựng Giáo Hội Úc Châu. Chúng ta phải cảm ơn Thiên Chúa đã cho chúng ta có cơ hội dấn thân để đem yêu thương đến đây trong tinh thần truyền giáo với sự thúc đẩy của Đức Tin mà các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã gieo vào tâm hồn mỗi người Việt tha hương để làm sáng danh Chúa trên quê hương Úc Châu này.

Sau Thánh Lễ, Đức Cha đã lưu lại chụp ảnh với giáo dân, các em thiếu nhi, thanh niên, các hội đoàn và dùng một bữa tiệc cầm tay vui vẻ, hoà đồng với giáo xứ. Đức Cha cũng nhắc lại nhiều kỷ niệm và những sinh hoạt gằn bó với Giáo Xứ Holy Eucharist nơi có nhiều kỷ niệm với Đức Cha, đặc biệt là Hội CBMCG duy nhất tại Melbourne với các nhân tố trong đoàn múa có mặt trong các sinh hoạt cộng đồng, cũng như các em thiếu nhi và đoàn thanh niên Công Giáo giáo xứ. Kính chúc Đức Cha luôn an mạnh trên con đường phục vụ dân Chúa nơi nhiệm sở mới.

(Bài và hình của Trần Bá Nguyệt – DCUC)
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Hoa Xương Rồng
Đặng Đức Cương
18:21 23/05/2016
HOA XƯƠNG RỒNG
Ảnh của Đặng Đức Cương
Sinh ra vốn ở chốn cỗi cằn
Mưa dập gió vùi vạn khó khăn
Em vẫn vươn lên đầy kiêu hãnh
Hương nồng , sắc thắm - bõ tháng năm.
(Trích thơ của Lưu Vĩnh Xiêm)