Ngày 19-05-2013
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chúa Thánh Thần - sự sống mới
+TGM Giuse Ngô Quang Kiệt
08:24 19/05/2013
Lễ Hiện Xuống (Cv 2, 1-11; 2Cr 12, 3b.7.12-13; Ga 20, 19-23)

Trong kinh Tin Kính chúng ta tuyên xưng: Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần là Đấng Ban Sự Sống. Tin mừng hôm nay thuật lại: Chúa Giêsu thổi hơi vào các môn đệ và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”. Cử chỉ này nhắc ta nhớ lại việc Thiên Chúa tạo dựng con người. Sách Sáng thế 2, 7 tường thuật: “Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật”. Hơi thở là Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là sự sống. Không phải là một sự sống bình thường như sự sống của các sinh vật khác. Đây là sự sống của Thiên Chúa với tất cả những chiều kích cao sâu phong phú của nó. Trong khuôn khổ Lời Chúa hôm nay ta có thể thấy sự phong phú của sự sống Chúa Thánh Thần.

Đó là sự sống thiêng liêng. Sự sống là tất cả. Nên sự sống là món quà quí nhất Thiên Chúa tặng ban cho con người. Không có sự sống là không có gì hết. Còn hơn thế nữa. Chúa ban cho ta sự sống của chính Thiên Chúa. Cho ta giống hình ảnh cao đẹp của Chúa. Cho ta được chung hưởng sự sống hạnh phúc với Chúa.

Đó là cuộc sống trong bình an. Tổ chức Y tế thế giới đã đưa ra một định nghĩa mới về sức khỏe. Khỏe mạnh không phải chỉ là không có bệnh tật gì mà còn phải là cuộc sống bình an. Chúa Thánh Thần là sự sống bình an. Nên các môn đệ đang lo âu sợ hãi bỗng trở nên mạnh mẽ, can đảm. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn. Nhưng các ngài vẫn vui tươi và bình an.

Đó là cuộc sống hiệp thông. Con người không sống đơn độc, nhưng sống với người khác. Cuộc sống xã hội làm con người nên phong phú. Nhưng cuộc sống xã hội chỉ phát triển trong sự hiệp thông. Đó chính là ơn Chúa Thánh Thần. Ngày lễ Ngũ Tuần, thế giới tràn ngập ơn hiệp thông. Nên người muôn dân muôn nước, dù khác biệt mầu da, chủng tộc, ngôn ngữ vẫn hiểu biết và sống chan hòa. Sách Công vụ Tông đồ đề cập đến người thuộc 17 địa phương khác nhau. Ta nghĩ đến 70 lần 7. Con số vô vàn vô số chủng tộc có thể sống với nhau trong tình hiệp thông chan hòa.

Đó là cuộc sống yêu thương. Chúa Thánh Thần là tình yêu muôn đời giữa Ba Ngôi Thiên Chúa. Là tình yêu nguyên thủy. Là tình yêu của mọi tình yêu. Giáo Hội sơ khai được ơn Chúa Thánh Thần nên sống với nhau trong tình yêu thương. Mọi người đối xử với nhau như anh em ruột thịt. Bỏ của cải làm của chung. Nên không ai bị thiếu thốn.

Đó là cuộc sống hài hòa. Thánh Phaolô diễn tả cuộc sống theo ơn Chúa Thánh Thần khiến xã hội trở nên hài hòa như trong một thân thể. Mỗi người làm việc riêng theo chức năng của mình. Nhưng hài hòa với mọi người, như các chi thể trong một thân thể. Mỗi chi thể làm việc riêng nhưng đều hướng về lợi ích của toàn thân. Ta hãy xem một cầu thủ đá bóng. Khi thấy bóng, mắt phải quan sát. Trí óc phải phán đoán. Chân tay phải chuyển động. Và cả mắt nhìn, cả trí phán đoán, cả chân tay chuyển động là làm sao đưa bóng đến mục đích. Như thế mọi thành phần trong cơ thể đều kết hợp hài hòa để đạt được ích lợi chung.

Nhìn vào tình hình thế giới hôm nay, ta thấy cuộc sống do Thiên Chúa tạo dựng đang bị phá vỡ. Lực lượng sự dữ tàn phá hình ảnh Thiên Chúa nơi con người. Xúi giục con người sống theo thú tính. Khiến khuôn mặt con người trở nên méo mó. Đánh mất vẻ đẹp của hình ảnh Thiên Chúa. Tàn phá lương tâm khiến con người không còn phân biệt thiện ác. Tàn phá thiên nhiên khiến thế giới trở nên khó sống. Thiên nhiên nổi giận. Khí hậu biến đổi đang tác hại đến sự sống của con người. Còn tệ hại hơn nữa, lực lượng sự dữ tàn phá chính sự sống. Và tồi tệ nhất là con người hủy diệt chính sự sống khi giết hại thai nhi là chính con người, chính con cái của mình. Sự xấu làm cho cuộc sống mất bình an. Con người phải sống trong lo sợ. Sợ bị mất mạng. Sợ bị mất tiền của. Sợ bị mất danh dự. Sợ bị mất tự do. Sợ hãi làm cho con người sống mà như đang chết đi. Sự xấu làm mất tình hiệp thông. Người trong một nước nói cùng ngôn ngữ mà không hiểu nhau. Người trong một gia đình trở nên xa lạ vì mỗi người đều nghĩ đến quyền lợi riêng. Cuộc sống thiếu tình yêu thương. Đang có những tình anh em kiểu Cain và Abel. Rủ nhau ra đồng để giết hại nhau. Tình đồng chí kiểu môi hở răng lạnh. Nhưng răng cắn môi đau. Và cuộc sống thiếu sự hài hòa. Khiến cho các tập thể trở nên rời rạc. Vì mỗi người không nhìn đến lợi ích chung của toàn thân. Chỉ biết vun quén cho riêng mình.

Chính trong tình hình này, ta cần ơn Chúa Thánh Thần hơn bao giờ hết. Chỉ có Chúa Thánh Thần Đấng Ban Sự Sống mới có thể thay đổi, phục hồi và phát triển sự sống cho thế giới. Vì thế ta phải tha thiết, rên xiết kêu van xin Chúa Thánh Thần ngự đến.

Lạy Đấng Ban Sự Sống xin hãy đến. Xin hãy thổi hơi thần linh để con người được có lại sự sống của Thiên Chúa.

Lạy Đấng Bảo Trợ xin hãy đến. Chúa là nguồn mạch bình an. Xin hãy ban bình an cho chúng con.

Lạy Nguồn Ơn Hiệp Thông xin hãy đến. Ngài là sự hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa. Xin hãy ban ơn hiệp thông để thế giới ngày càng gần gũi hiểu biết nhau hơn chí người trong cùng một nhà mà cũng như xa lạ, không thể hiểu nhau.

Lạy Thánh Thần Tình Yêu xin hãy đến. Ngài là tình yêu của mọi tình yêu. Là tình yêu nguyên thủy giữa Chúa Cha và Chúa Con. Xin cho chúng con sống với nhau trong tình bác ái huynh đệ chân thực.

Lạy Thánh Thần Hài Hòa xin hãy đến. Ngài làm cho tất cả “dầu là Do thái hay Hi lạp, nô lệ hay tự do, nếu đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí đều trở nên một thân thể”. Và mọi chi thể trong thân thể đều kết hợp hài hòa nhịp nhàng ăn khớp để hoạt động vì cùng một mục đích là ích lợi cho toàn thân.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến và đổi mới mặt đất này. Nhưng mặt đất này do con người tàn phá. Nên xin hãy đổi mới tâm hồn con người. Xin đổi mới mọi sự trong ngoài chúng con. Để chúng con nên con người mới, xây dựng một thế giới mới chan hòa sự sống, chan hòa bình an, chan hòa tình yêu thương.

Lạy Mẹ Maria, xưa kia Mẹ đã cùng với các tông đồ trong nhà Tiệc Ly cầu nguyện xin Chúa Thánh thần ngự đến. Nay xin Mẹ cũng tiếp tục cầu nguyện để chúng con được đón nhận Chúa Thánh Thần.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Các nhà lãnh đạo Công Giáo Nam Dương bất mãn với chính sách tự do tôn giáo hai mặt của Hoa Kỳ
Đặng Tự Do
00:56 19/05/2013
Giải thưởng tự do tôn giáo mà Appeal to Conscience Foundation dành cho tổng thống Nam Dương đã gây ra một làn sóng phản đối mạnh mẽ trong các nhà lãnh đạo các tôn giáo thiểu số tại Nam Dương.

Tuyên bố của Appeal to Conscience Foundation nói rằng giải thưởng tự do tôn giáo 2013 được trao cho tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono vì “những đóng góp của ông trong tiến trình đối thoại liên tôn”.

Phẫn nộ trước tuyên bố của Appeal to Conscience Foundation, cha Franz Magnis Suseno, linh mục Dòng Tên tại Nam Dương, đã dẫn đầu cuộc biểu tình tố cáo rằng nhà lãnh đạo Indonesia đã không đoái hoài gì đến việc giải quyết tình trạng phân biệt đối xử và bạo lực chống Kitô hữu và cả các thành viên của cộng đồng thiểu số Hồi giáo Shiite. "Ai cũng biết rõ ràng là ông ta chẳng có làm gì để bảo vệ các nhóm thiểu số".

Chính sách tự do tôn giáo hai mặt của Hoa Kỳ thường gây ra những bất mãn trầm trọng nơi dân chúng các nước đang rên siết dưới ách các chế độ độc tài. Việt Nam là một thí dụ điển hình. Trong khi cộng sản Việt Nam không ngừng đàn áp dân chúng và các tôn giáo; đồng thời chính Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ liên tục kêu gọi đưa Việt Nam vào lại danh sách CPC; thì vì những quyền lợi chính trị lắt léo, phúc trình của bộ ngoại giao Mỹ vẫn kiên quyết phủ nhận những vi phạm tự do tôn giáo và không tiếc lời ca ngợi “những thành quả về nhân quyền” của cộng sản Hà Nội.
 
“Vực sâu” giữa ĐGH Phanxicô và Thần học Giải phóng
Xứ Phúc
07:49 19/05/2013
“Vực sâu” giữa ĐGH Phanxicô và Thần học Giải phóng

ĐGH Phanxicô vẫn thường được các thần học gia giải phóng ca ngợi, tuy nhiên, ngài luôn bất đồng với họ trong cách diễn giải Phúc Âm.

ROME — ĐGH Phanxicô luôn bày tỏ mối quan tâm dành cho người nghèo. Đó là lý do giới thần học gia giải phóng ưa thích, ca ngợi ngài. Tuy nhiên, theo một chuyên viên phân tích Vatican, luôn tồn tại hố ngăn cách giữa ĐGH và giới thần học giải phóng.

Thần học giải phóng phát triển tại châu Mỹ Latinh từ thập niên 50 của thế kỉ trước như cách diễn giải Phúc Âm theo triết Mác-xít, nhấn mạnh vào sự tự do, thoát cảnh đói nghèo vật chất và bất công hơn là ưu tiên cho sự tự do thiêng liêng.

Nhà báo kỳ cựu chuyên viết về Công giáo và Vatican cho tạp chí L’Espresso bằng tiếng Ý, Sandro Magister, cho hay: “Thực sự là có vực sâu ngăn cách tầm nhìn của các nhà thần học giải phóng châu Mỹ Latinh và tầm nhìn của ĐGH người Argentina. Chỉ ba ngày sau khi đắc cử giáo hoàng, Hồng y Jorge Mario Bergoglio, nay là ĐGH Phanxicô đã lên tiếng kêu gọi “một giáo hội nghèo và vì người nghèo”; điều này nghe có vẻ như ĐGH đã sẵn sàng đứng vào hàng ngũ các nhà thần học giải phóng.

Chính Leonardo, cựu linh mục dòng Phanxicô và là người đứng đầu nhóm thần học giải phóng, đã không tiếc lời ca ngợi ĐGH. Thế nhưng, vẫn theo Sandro Magister, ĐGH “luôn tỏ ra bất đồng với thần học giải phóng, cho dù ngài có phải chịu sự cô lập. Ngài hiểu tận tường thần học giải phóng; ngài biết nó xuất hiện và lan rộng trong dòng Tên.”

Thay vì chịu ảnh hưởng bởi Boff và các nhà thần học triệt để khác, ĐGH Phanxicô đã đi theo cha Juan Carlos Scannone, một trong những giáo sư của ngài.

Nhà báo Magister viết thêm, cha Scannone “đã xây dựng một nền thần học vì “mọi người” thay vì thần học của giải phóng, dựa trên nền tảng văn hóa và đời tận hiến dành cho mọi người, mà vị trí thứ nhất thuộc về người nghèo, bằng tâm linh truyền thống và ý thức công lý.” Đây mới là thần học vì con người mà vị Giám mục thành Rôma đeo đuổi, chứ không phải thần học giải phóng.

Trong lời tựa cuốn sách của Guzmán Carriquiry xuất bản năm 2006 về di sản và tương lai của châu Mỹ La tinh, ĐGH Phanxicô viết về thần học giải phóng khi còn là tổng giám mục: "Sau khi “chủ nghĩa xã hội thực tế” sụp đổ, những dòng tư tưởng đã rơi vào hỗn loạn. Không thể tái tạo triệt để hay có sự sáng tạo mới, họ tồn tại cách vật vờ. Tuy nhiên, dù lỗi thời, ngày nay vẫn còn một số người vẫn muốn đề xuất nó lần nữa."

Việc ĐGH Phanxicô thường xuyên bận tâm đến các thực tại thiêng liêng là dấu hiệu sự không liên kết với thần học giải phong, mặc dù ngài luôn quan tâm người nghèo cách đặc biệt.

Ngày 16/5 vừa qua, ĐGH nhắc các tân đại sứ đến Tòa Thánh, “ngài yêu thương mọi người, người giàu cũng như người nghèo, nhưng, nhân danh Đức Kitô, ĐGH có nhiệm vụ nhắc người giàu giúp đỡ người nghèo, tôn trọng và thăng tiến người nghèo.”

Theo catholicnewsagency.com

 
Các lệch lạc của chủ thuyết nhân bản hiện đại
Linh Tiến Khải
08:33 19/05/2013
Phỏng vấn triết gia Rémi Brague

Trong các ngày cuối tháng 4 năm 2013 triết gia Rémi Brague, người Pháp, giáo sư dậy triết tại các đại học Paris và Muenchen bên Đức, đã cho phát hành cuốn sách tựa đề ”Điều thuộc về riêng con người. Về một tính cách hợp pháp bị đe dọa”.

Cuốn sách mạnh mẽ phê bình các lệch lạc của chủ thuyết nhân bản ngày nay. Chúng có tính cách ”chống nhân bản”, chủ trương hư vô, và triệt để tương đối hóa mọi sự. Cuốn sách xuất hiện trong thời điểm nóng bỏng của các cuộc xuống đường biểu tình rầm rộ chống lại luật hôn nhân đồng phái được quốc hội Pháp vội vã thông qua chiều ngày 23-4-2013. Các phê bình của triết gia Brague nhắm vào bối cảnh suy đồi luân lý đạo đức và tụt dốc tôn giáo chung của toàn đại lục Âu châu. Nó đang có khuynh hướng khinh thường và tiêu diệt tính chất nhân bản hợp lệ và dẫn đưa tới các quan niệm lệch lạc tháo thứ, trong đó có hôn nhân đồng phái đang được nhiều chính quyền sử dụng như chiêu bài mỵ dân để kiếm phiếu trong các cuộc bầu cử, điển hình là trường hợp của tổng thống Hollande của Pháp.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn triết gia về các lệch lạc của chủ thuyết nhân bản hiện đại. Triết gia Rémi Brage sinh năm 1947, nguyên là giáo sư Triết lý thời trung cổ và triết lý A rập tại Đại học Paris 1 Pantheon Sorbonne. Giáo sư cũng là giảng viên tại saị học Ludwig Maximilian Muenchen bên Đức, và nhiều đại học khác, trong đó có dại học quốc gia Pensylvania và đại học Boston bên Hoa Ký, đại học Navarra Pamplona bên Tây Ban Nha, và đại học Vita-Salute San Raffaele Milano Italia.

Giáo sư là tác giả và dịch giả của hàng chục cuốn sách. Trong số các sách được phát hành bằng tiếng Ý có các cuốn như: ”Tương lai của Tây Phương. Sự cứu thoát của Âu châu là trong mô thức Roma” (2005); ”Sự khôn ngoan của thế giới. Lịch sử kinh nghiệm nhân bản của vũ trụ” (2005); ”Thiên Chúa của các kitô hữu” (2009); ”Còn ở trên trời. Hạ tầng cơ sở siêu hình” (2012).

Hỏi: Thưa giáo sư Rémi, trong khảo luận mới xuất bản hồi tháng 4 vừa qua giáo sư truy tầm lịch sử của một sự đe dọa dài chống lại quan niệm truyền thống của chúng ta liên quan tới điều được coi là ”nhân bản”. Thế thì đe dọa này đến từ đâu thưa giáo sư?

Đáp: Suy ra cho cùng, một cách mâu thuẫn, nó lại đến từ chính sự thành công của dự án nhân bản, trong chặng cuối cùng của nó. Không còn phải là giai đoạn nhấn mạnh trên phẩm giá con người, trong Thánh Kinh, trong giáo huấn của các Giáo Phụ và nơi các nhà tư tưởng thời Trung Cổ, rồi vào thế kỷ XV nữa. Nhưng một ít nó đã ở trong giai đoạn thúc đẩy nó đi tìm khám phá ra thiên nhiên, với Francis Bacon. Thế rồi một cách chắc chắn, trong giai đoạn không khoan nhượng đối với tất cả những gì cao vượt hơn con người: nó cho rằng không có thiên nhiên, không có các thiên thần, không có Thiên Chúa. Nhưng khi làm như thế là con người đánh mất đi mọi điểm tham chiếu. Con người không còn có thể biết xem có phải là một sự thiện tiếp tục hiện hữu nữa hay không, và như thế nó cũng không còn biết có nên tiếp tục cuộc mạo hiểm làm người, bằng cách bảo đảm cho việc truyền sinh giống người hay không.

Hỏi: Sự đe dọa này thổi trên sự hiểu biết của chúng ta cả trong ngàn năm mới này nữa hay sao thưa giáo sư?

Đáp: Vâng, và nó hiện diện hơn bao giờ hết. Trước hết có sự hiện diện của các phương tiện rất là cụ thể nhằm chấm dứt nhân loại: đó là các vũ khí nguyên tử và các vũ khí sinh học, sự ô nhiễm đất đai và sau cùng một cách kín đáo hơn là mùa đông dân số. Nạn mùa đông dân số liên quan tới các vùng đất tiến bộ mở mang, có học thức và có các cơ cấu xã hội dân chủ hơn các miền khác. Trường hợp tệ hại nhất trong các trường hợp có thể xảy ra đó là cảnh tuyệt chủng đơn thuần, hay ít nhất là một loại tuyển chọn giữa các tuyển chọn kinh ngạc nhất. Thế rồi còn có giấc mơ vượt qúa cái nhân bản nữa. Đây là giấc mơ cũ ít nhất là từ thời triết gia Nietzsche. Ngày nay giấc mơ về ”siêu con người” này được củng cố bởi các tiến bộ của ngành sinh học. Sau cùng còn có sự nghi ngờ của con người đối với chính mình. Con người không còn biết mình có khác con vật hay không. Và con người lại còn nghi ngờ mình thực sự giá trị hơn thú vật. Có một loại ”môi sinh sâu xa” còn mơ tưởng sát tế con người cho Trái Đất, được tôn thờ như một loại thần linh.

Hỏi: Thưa giáo sư Rémi, ai là các tác nhân, hay có các yếu tố nào hoạt động để xóa bỏ sự khác biệt giữa những gì là nhân bản với cái không phải là nhân bản hay không?

Đáp: Thế giới khoa học hoàn toàn có lý, khi tìm kiếm các dấu vết của thời tiền nhân bản của con người, hay trái lại, các diễn tả trước các cung cách hành xử của con người, thí dụ như nơi vài sinh vật lớn đầu tiên nào đó. Nhưng trái lại, tôi sẽ khắt khe hơn với những người phổ biến rộng rãi các khám phá này, cười gằn với sự vui thích xấu bụng và nói: ”Qúy vị thấy chưa, qúy vị chỉ là những kẻ tìm cách ngoi lên, từ các lũ khỉ đã gặp may mắn thôi!”

Ngay từ thời Đệ nhất thế chiến, các tác giả có ảnh hưởng đã tấn công tư tưởng về ”thuyết nhân bản”. Chẳng hạn tôi nghĩ tới thi sĩ người Nga Alexander Blok, là người đã chế ra từ ”thuyết nhân bản”. Trong các thập niên 1960, trong một bầu khí trí thức đã được triết gia Heidegger chuẩn bị từ tác phẩm ”Bức thư về thuyết nhân bản”, hai triết gia Luis Althusser và Michel Foucault, trong một bình diện sâu xa rất khác biệt đã tấn công, với các lý lẽ khác nhau, điều mà hai ông gọi là ”chủ thuyết nhân bản”, mà không định nghĩa nó là gì.

Hỏi: Vậy chúng ta có các lính canh đứng trước cuộc tấn công chống lại chủ thuyết nhân bản này hay không thưa giáo sư?

Đáp: Trong địa vị khiêm tốn của tôi, tôi hy vọng mình là một trong những người đó. Nhưng tôi cũng đề phòng đối với các bạn bè của tôi, đối với các “đồng minh khách quan” của tôi. Lý do là vì trong số họ cũng có những gương mặt vụng về chống lai thyyết nhân bản, mà không nói lên một cách chính xác tại sao phải bênh vực sự nhân bản. Có những người tranh đấu cho các quyền con người, và đó là điều tguyệt hảo, nhưng họ lại không có khả năng giải thích tại sao con người có các quyền cần phải được tôn trọng. Thế rồi còn có những người không thực sự chú ý tới điều đích thật trong hoạt động phản đối môi sinh và việc lo lắng tôn trọng các thụ tạo khác. Họ hô hào bảo vệ môi sinh và cứu sống các loại súc vật, nhưng lại hoàn toàn im lặng trước tệ nạn phá thai và cảnh tàn sát người vô tội.

Hỏi: Cuộc tranh luận đang xảy ra tại Pháp về luật đo dân biểu Taubira đề xướng liên quan tới hôn nhân đồng phái và quyền của họ được nhân nuôi con, thế thì nó âm hưởng cho tới mức độ nào đối với thách đố nền tảng mà giáo sư phân tích?

Đáp: Cho tới một điểm nào đó. Đa số những người bênh vực luật này được linh hoạt bởi các tâm tình tốt, như ước muốn bình đẳng hay sự thương hại đối với những người cho tới nay vẫn bị khinh miệt. Nhưng luật này có cái luận lý nội tại của nó. Cho phép các cặp đồng phái được nhận nuôi con, nghĩa là không sinh con một cách cần thiết, thì một cách không thể tránh né được nó dẫn đưa tới chỗ truyền sinh nhân tạo, gọi là ”được y khoa trợ giúp”, và việc cho mướn tử cung, gọi là ”mang thai thay thế”. Và trong cách này thì đứa trẻ trở thành một đồ vật, mà người ta chế tạo và mua bán, một đồ vật tiện lợi, mà người ta “có quyền có”. Điều này dẫn đưa tới chỗ xóa bỏ sự khác biệt, không phải giữa con người và con vật, nhưng giữa các bản vị con người và các đồ vật. Các nhà xã hội học của chúng ta - mà trên thực tế phải gọi là các chuyên viên xã hội như người ta gọi tại Pháp hiện nay - được phân biệt tại đây giữa người cầu mong có các cải tổ xã hội, cho xã hội, và người thăng tiến các cuộc cải cách của xã hội, và như thế họ tiến tới sự chiến thắng tột đỉnh của chủ nghĩa tư bản: đó là biến con người trở thành hàng hóa có thể mua bán đổi chác.

Hỏi: Đối với giáo sư, các chắp nối, một đàng là giữa lý trí, đàng khác là một tâm tình đồng thời duy nhân bản và tôn giáo, có là điều có thể làm được hay không?

Đáp: Hơn là có thể, chúng cần thiết, nếu nhân loại muốn trước hết là nhân bản thực sự, nghĩa là nếu muốn sống còn. Thế rồi, nếu nó muốn thực sự là người, có nghĩa là có lý trí. Chứ còn đưa ra các lời kêu gọi đối với thiên nhiên hay đối với bản năng để bảo đảm tương lai của nhân loại, tín thác cho cái vô lý vận mệnh của cái gọi là ”con vật có lý trí”, là một từ nhiệm của lý trí, một sự phản bội đích thực của triết lý.

Hỏi: Thưa giáo sư, chúng ta có được trang bị đầy đủ để soạn thảo một ”tư tưởng của sự Thiện” hay không?

Đáp: Chúng ta có thể bắt đầu kín múc từ các suối nguồn nền văn hóa của chúng ta. Tôi đã kết thúc cuốn sách của tôi với một suy niệm lấy từ trình thuật đều tiên về sự sáng tạo trong sách Sáng Thế. Vào cuối công trình tạo dựng Thiên Chúa tuyên bố rằng tất cả những gì Người đã làm ”đều là điều rất tốt lành”. Người ta có thể nhắc tới thuyết của Platon về ”Tư tưởng của sự Thiện”. Nhưng cần phải suy tư trở lại tất cả những điều đó trong chiều sâu, để có thể tái đề nghị nó với vài hy vọng thuyết phục. (Avvenire 30-4-2013)
 
ĐTC: Đừng sợ hãi để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn và rộng mở con tim cho các sự mới mẻ của Thiên Chúa
Linh Tiến Khải
11:11 19/05/2013
"Đừng sợ hai để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn và rộng mở con tim cho các sự mới mẻ của Thiên Chúa". Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 250.000 thành viên các phong trào, hội đoán và hiệp hội giáo dân trong thánh lễ cử hành lúc 10 giờ rưỡi sáng 19-5, Chúa Nhật lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.

Họ là các thành viên của 150 phong trào, hiệp hội và đoàn thể giáo dân trong Giáo Hội về Roma cử hành Năm Đức Tin. Hàng chục ngàn tín hữu không tìm được chỗ trong quảng trường đã đứng chật dọc đại lộ hòa giải, cho tới gần bờ sông Tevere. Cùng đồng tế thánh lễ với Đức Thánh Cha có hàng chục Hồng Y, Giám Mục và hàng trăm linh mục.

Mở đầu thánh lễ Đức Thánh Cha đã làm phép nước xin Chúa chúc lành cho nước, là thụ tạo tuyệt vời Chúa đã dựng nên để trao ban phong phú cho đât đai, sự tươi mát và khuây khỏa cho thân xác con người, dấu chỉ lòng lành của Chúa, của sự giải thoát dân Chúa khỏi ách nô lệ bên Ai Cập, giải khát họ trong sa mạc, là hình ảnh của nước hằng sống, của giao ước mới và của bí tích tái sinh khởi đầu nhân loại mới, tự do khỏi sự thối nát của tội lỗi.

Sau đó các Phó Tế đã rảy nước thánh trên cộng đoàn trong khi ca đoàn Sistina hát thánh ca ”Tôi đã thấy nước chảy ra từ bên phải Đền Thờ, nước đó chảy tới những ai thì ban ơn cứu độ, và họ hát Halleluia.”

Các bài Sách Thánh đã được tuyên đọc bằng tiếng Tây Ban Nha và Anh. Phúc Âm được hát bằng tiếng Ý. Các bài thánh ca và ca tiếp liên được hát bằng tiếng Latinh.

Giảng trong thánh lễ Đức Thánh Cha nói: trong ngày hôm nay chúng ta chiêm ngắm và sống lại trong phụng vụ biến cố Chúa Kitô phục sinh đổ Thánh Thần xuống trên Giáo Hội, một biến cố ơn thánh tràn đầy Nhà Tiệc Ly ở Giêrusalem để rồi lan tràn ra trên toàn thế giới.

Điều gì đã xảy ra trong ngày xa xưa ấy nhưng cũng gần gũi vì đạt tới con tim chúng ta? Thánh sử Luca trả lời cho câu hỏi này qua bài đọc Sách Công Vụ chúng ta vừa nghe (Cv 2,1-11). Thánh sử đưa chúng ta trở về Giêrusalem, lên tầng trên của phòng tiệc ly, nơi các Tông Đồ đang tụ họp. Tiếp đến Đức Thánh Cha đã ghi nhận vài yếu tố trong Phúc Âm lôi kéo sự chú ý: tiếng động mạnh bất thình đến từ trời như tiếng gió thổi tràn đầy căn nhà và các lưỡi lửa chia ra đậu trên đầu từng Tông Đồ. Ngài nói:

Tiếng động và các lưỡi lửa là các dấu chỉ chính xác và cụ thể đụng chạm tới các Tông Đồ, không chỉ bề ngoài, nhưng cả trong nội tâm nữa; trong tâm trí. Hậu qủa là ”tất cả đều được tràn đầy Chúa Thánh Thần”, là Đấng tỏa thoát ra sự năng động không thể cưỡng lại được của Người, với các kết qủa gây kinh ngạc: ”Họ bắt đầu nói các tiếng khác trong cách thức Thần Khí cho họ quyền diễn tả”. Khi đó mở ra trưởc chúng ta một quang cảnh hoàn toàn bất ngờ: một đám đông đã tụ tập lại và tràn đầy kinh ngạc, bởi vì mỗi người nghe các Tông Đố nói trong tiếng riêng của mình. Tất cả sống một kinh nghiệm mới, chưa từng xảy ra trước đó: “Chúng ta nghe họ nói trong ngôn ngữ của chúng ta”. Và họ nói về các việc vĩ đại của Thiên Chúa.

Tiếp tục bài giảng Đức Thánh Cha nêu bật ba từ gắn liền với hoạt động của Chúa Thánh Thần: đó là sự mới mẻ, hòa hợp và sứ mệnh rao truyền Tin Mừng. Sự mới mẻ luôn khiến cho chúng ta hơi sợ hãi, bởi vì chúng ta cảm thấy chắc chắn hơn, nếu chúng ta kiểm soát được mọi sự, nếu chính chúng ta là những người xây dựng, lên chương trình, dự tính cho cuộc sống chúng ta theo các lược đồ, các an ninh và sở thích của chúng ta. Và điều này cũng xảy ra với Thiên Chúa. Thường khi chúng ta theo Chúa, tiếp nhận Người, nhưng chỉ tới một điểm nào đó thôi; chúng ta khó mà tín thác nơi Người với sự tin tưởng tràn đầy bằng cách để cho Chúa Thánh Thần hoạt động; Người là linh hồn, là Đấng hướng đẫn cuộc sống chúng ta trong tất cả mọi lựa chọn. Chúng ta sợ rằng Thiên Chúa làm cho chúng ta đi theo các con đường mới, ra khỏi chân trời thường hạn hẹp, khép kín và ích kỷ của chúng ta, để rộng mở chúng ta cho các chân trời mới. Nhưng trong toàn lịch sử cứu độ, khi Thiên Chúa mặc khải, Người đều mang tới sự mới mẻ, biến đổi và xin chúng ta hoàn toàn tín thác nơi Người: ông Noê đóng tầu bị mọi người chê cười nhưng được cứu rỗi; tổ phụ Abraham bỏ quê hương chỉ với một lời hứa trong tay; ông Môshê đương đầu với quyền lực của pharaô và hướng dẫn dân Do thái tới sự tự do; các Tông Đồ sợ hãi đóng kín trong nhà tiệc ly, đi ra với lòng can đảm để loan báo Tin Mừng. Không phải sự sự mới mẻ vì cái mới mẻ, việc tìm kiếm cái mới để vươt thắng sự nhàm chán, như thường xảy ra trong thời đại chúng ta. Sự mới mẻ mà Thien Chúa đem vào trong cuộc sống chúng ta là điều được thực hiện thật sự, điều trao ban cho chúng ta niềm vui đích thực, sự thanh thản đích thực, bởi vì Thiên Chúa yêu thương chúng ta và chỉ muốn thiện ích cho chúng ta. Chúng ta hãy thử hỏi xem chúng ta có rộng mở cho ”các ngạc nhiện của Thiên Chúa” hay không? Hay chúng ta đóng kín chính mình vì sợ hãi đối với sự mới mẻ của Chúa Thánh Thần? Chúng ta có can đảm đi theo các con đường mới mà sự mới mẻ Thiên Chúa cống hiến cho chúng ta, hay chúng ta bảo vệ mình đóng kín trong các cấu trúc tàn tạ vì đã mất khả năng tiếp đón?

Đề cập tới sự hòa hợp là hoa trái hoạt động của Chúa Thánh Thần Đức Thánh Cha nói: Một cách bề ngoài, xem ra Chúa Thánh Thần tạo ra sự mất trật tự trong Giáo Hội, bởi vì Người đem tới sự khác biệt các đặc sủng, các ơn; nhưng dưới hoạt động của Người tất cả điều này, trái lại, là một sự phong phú lớn, bởi vì Chúa Thánh Thần là Thần Khí của hiệp nhất; sự hiệp nhất không có nghĩa là sự đồng nhất, nhưng dẫn đưa tất cả tới sự hài hòa. Trong Giáo Hội Chúa Thánh Thần tạo ra sự hài hòa. Tội rất thích kiểu nói của Một giáo phụ gọi Chúa Thánh Thần ”chính là sự hài hòa”. Chỉ có Người mới có thể dấy lên sự khác biệt, cái đa dạng, đồng thời lại tạo ra sự hiệp nhất. Cả ở đây nữa khi chúng ta muốn làm ra sự khác biệt, thì lại đóng kín trong các riêng tư của chúng ta, trong các chủ trương loại trừ của chúng ta và gây chia rẽ. Và khi chúng ta muốn tạo ra sự hiệp nhất theo các dự tính nhân loại của chúng ta, chúng ta kết thúc bằng việc tạo ra sự đồng nhất, đồng nhất hóa. Trái lại, nếu chúng ta để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn, thì sự phong phú, sự đa dạng, sự khác biệt không bao giờ trở thành xung khắc, bởi vì Chúa Thánh Thần thúc đẩy sống sự đa dạng trong niềm hiệp thông của Giáo Hội. Việc đồng hành trong Giáo Hội, được hướng dẫn bởi các Chủ Chăn có một đặc sủng và sứ vụ đặc biệt, là dấu chỉ hoạt động của Chúa Thánh Thần. Giáo Hội tính là một đặc thái nền tảng đối với mỗi một kitô hữu, đối với mỗi một cộng đoàn và phong trào. Chính Giáo Hội đưa Chúa Kitộ tới cho tôi và đưa tôi tới với Cháu Kitô. Các con đường song song nguy hiểm! Khi ta mạo hiểm vượt qúa giáo lý và Cộng đoàn Giáo Hội và không ở trong chúng, thì ta không hiệp nhất với Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô (x. 2 Ga 9). Như thế chúng ta hãy tự vấn xem tôi có rộng mở cho sự hòa hợp của Chúa Thánh Thần, bằng cách thắng vượt mọi chủ trương riêng tư không? Tôi có để cho Người hướng dẫn tôi sống trong Giáo Hội và với Giáo Hội hay không?

Điểm sau cùng là sứ mệnh rao truyền Tin Mừng. Đức Thánh Cha nói: Các thần học gia xưa kia nói: linh hồn là một loại thuyền buồm, Chúa Thánh Thần là gió thổi vào cánh buồm để làm cho thuyền tiến tới, các thúc đẩy của gió là các ơn của Thần Khí. Không có sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, không có ơn thánh của Người, chúng ta không tiến tới. Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta bước vào trong mầu nhiệm của Thiên Chúa hằng sống và cứu chúng ta khỏi nguy hiểm của một Giáo Hội vô ngộ và tự quy chiếu về chính mình, đóng kín trong tường rào của mình. Người thúc đẩy chúng ta mở cửa để ra ngoài, để loan báo và làm chứng cho cuộc sống mới của Tin Mừng, để thông truyền niềm vui của đức tin, của cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô. Chúa Thánh Thần là linh hồn của sứ mệnh loan báo Tin Mừng. Điều đã xảy ra tại Giêrusalem cách đây 2000 năm không phải là một sự kiện xa chúng ta, mà là một sự kiện đạt tới chúng ta, mà mỗi người trong chúng ta kinh nghiệm. Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống trong Nhà Tiệc Ly tại Giêrusaém chỉ là sự khởi đầu, một sự khởi đầu kéo dài. Chúa Thánh Thần là ơn tuyệt diệu Chúa Kitô phục sinh ban cho các Tông Đồ, nhưng Người muốn nó đến với tất cả mọi người. Chúa Giêsu nói Người sẽ xin Thiên Chúa Cha ban Đấng ủi an để Người ở cùng các môn đệ luôn mãi (Ga 14,16). Chúa Thánh Thần là ”Đấng an ủi” trao ban can đảm để chúng ta rong ruổi trên các nẻo đường thế giới và loan báo Tin Mừng. Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta trông thấy chân trời, và thúc đẩy chúng ta đi tới các vùng ngoại ô cuộc đời để loan báo cuộc sống của Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta hãy tự vấn xem chúng ta có khuynh hướng khép kín trong chính mình, trong nhóm của mình, hay chúng ta để cho Chúa Thánh Thần rộng mở cho sứ mệnh truyền giáo.

Phụng vụ hôm nay là một lời cầu lớn mà Giáo Hội dâng lên Thiên Chúa Cha cùng với Chúa Giêsu để Người canh tân việc đổ tràn đầy Chúa Thánh Thần xuống. Mỗi người trong chúng ta, mỗi nhóm, mỗi phong trào, trong sự hài hòa của Giáo Hội, hãy hướng lên Thiên Chúa Cha để xin ơn ấy. Cả ngày nay nữa như khi mới nảy sinh, cùng với Đức Maria, Giáo Hội khẩn nài” Lậy Chúa Thánh Thần xin hãy đến, xin hãy đổ đầy con tim của các tín hữu Chúa và đốt lên trong đó ngọn lửa tình yêu! Amen.

Hàng trăm linh mục đã giúp Đức Thánh Cha cho các tín hữu chịu Mình Thánh Chúa.

Sau lời nguyện cuối lễ Đức Tổng Giám Mục Fisichella, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng, đại diện mọi người cám ơn Đức Thánh Cha đã cho họ sống kinh nghiệm gặp gỡ trong hai ngày. Đặc biệt vì ngài đã chỉ cho thấy con đường và kiểu cách tái rao truyền và làm chứng cho Tin Mừng giữa lòng thế giới.

Trước khi kết thúc thánh lễ Đức Thánh Cha đã nói: Anh chị em thân mến, lễ hội đức tin bắt đấu với buổi canh thức hôm qua và đạt tột đinh với bí tích Thánh Thể sáng nay, sắp kết thúc. Một lễ Hiện Xuống mới đã biến quảng trường thánh Phêrộ trở thành Nhà Tiệc Ly lộ thiên. Chúng ta đã cùng sống trở lại kinh nghiệm của Giáo Hội mới nảy sinh, hiệp nhật trong lời cầu nguyện cùng với Đức Maria Me Chúa Giêsu (x Cv 1,14). Cả chúng ta nữa trong sự khác biệt của các đặc sủng, chúng ta sống kinh nghiệm vẻ đẹp của tình hiệp nhất, chỉ là một. Đó là công trình của Chúa Thánh Thần, là Đấng luôn luôn canh tân sự hiệp nhất của Giáo Hội.

Tôi xin cám ơn tất cả các phong trào, cộng đoàn, đoàn thể, hiệp hội. Anh chị em là một ơn, và là sự phong phú cho Giáo Hội. Chính anh chị em là sự giầu có của Giáo Hội. Tôi đặc biệt cám ơn tất cả các anh chị em đến từ Roma và biết bao niêu miền khác trên toàn thế giới. Hãy luôn luôn đem theo sức mạnh của Tin Mừng! Đừng sợ hãi! Hãy luôn tươi vui và say mê đối với sự hiệp thông của Giáo Hội! Chúa phục sinh luôn ở với anh chị em và Đức Mẹ sẽ che chở anh chị em! Chúng ta hãy nhớ tới các anh chị em vùng Emilia Romagna, nạn nhân của trận động đất ngày 20 tháng 5 năm ngoái. Tôi cũng cầu nguyện cho Liên hiệp các hiệp hội thiện nguyện Italia chống ung thư.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã xông hương ảnh Đức Mẹ phần rỗi của dân Roma, trong khi cộng đoàn hát kinh Lậy Nữ Vương Thiên Đàng, rồi ngài ban phép lành cuối lễ cho tất cả mọi người.
 
Giáo hội trên không gian mạng
Gioan Lê Quang Vinh
13:04 19/05/2013
Trong khi mừng ngày Truyền Thông Công Giáo, chúng ta đã vui mừng tìm hiểu Sứ điệp của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI về Truyền Thông, trong đó ngài nêu bật tầm quan trọng của các trang mạng xã hội như là "cổng thông tin của sự thật và đức tin", và là "không gian mới cho việc loan báo Tin Mừng".

Nhưng chắc chắc chúng ta cũng ưu tư vì không ít những người lợi dụng các trang mạng xã hội để đánh phá Giáo Hội Công Giáo một cách rất gian hùng và đầy ác ý. Khi tình cờ đọc những lời thoá mạ vô căn cứ hay những cách phóng đại mọi sự một cách thô thiển, chúng ta thường tự hỏi tại sao một số người lại ghét Giáo Hội đến như thế.

Đức Hồng Y Fulton Sheen đã viết: Người ta ghét Chúa Giêsu “vì Người còn là một chướng ngại vật làm cản trở tội lỗi, tính ích kỷ, thuyết vô thần và tinh thần thế tục”. Và dĩ nhiên người ta cũng ghét Giáo Hội vì Giáo Hội là nhiệm thể của Chúa Giêsu, tiếp tục công trình cứu độ của Người.

Ngày xưa người ta ghét Giáo Hội và họ dùng các nhục hình để tra tấn, giết chết con cái Giáo Hội. Ngày nay người ta bách hại cách khác. Họ lên án, tố cáo con cái Giáo Hội, và họ dùng Internet để nói xấu, bôi nhọ và vu cáo Giáo Hội đủ điều.

Điều lạ lùng là ngày nay người có quyền lực ghét Giáo Hội đã đành, cả những người không có sức mạnh hay quyền hành gì cũng ghét và lên án Giáo Hội. Họ bới móc mọi chuyện, soi mói từng li từng tí và bịa đặt đủ thứ chuyện để báng bổ… Chúng ta thật sự ngạc nhiên về những con người thiếu cái tâm như thế.

Có thể có ba loại người căm ghét và muốn phá Giáo Hội.

Thứ nhất là những người sống trong bóng tối, làm những công việc của ác thần. Như người đau mắt sợ ánh sáng hay như những kẻ trộm cướp sợ ánh bình minh, những người này thấy Giáo Hội chói chang chiếu vào nơi ẩn khuất của họ, và họ phản ứng tự vệ.

Loại người thứ hai căm ghét Giáo Hội là những người có đời sống luân lý xã hội buông thả. Họ thích phá vỡ các định chế hôn nhân. Họ muốn phạm tội ác phá thai. Họ muốn lỗi đức công bằng xã hội mà không sợ bị phát hiện. Họ muốn cướp bóc một cách thản nhiên. Như một tài xế sợ các bảng chỉ đường làm cản trở mình đi vào đường cấm, những người này sợ sứ điệp mà Giáo Hội mang đến sẽ làm họ chùn chân trước tội ác.

Loại người thứ ba mà chúng ta thấy nhan nhản trên các trang mạng xã hội, là những người a dua, không biết nhiều về Giáo Hội. Họ mắng chửi điên cuồng chỉ vì phong trào, vì làm hài lòng ai đó đứng sau họ. Có thể họ là những “dư luận viên”, bình luận ăn lương, hy sinh cái tâm của mình vì lợi lộc riêng. Cũng có thể họ không dám sống cho sự thật và cho tình yêu, nên khi họ thấy một người con của Giáo Hội, linh mục hay giáo dân, dấn thân vì công lý, sự thật và tình yêu thì họ chê trách. Những người này khi tiếp xúc với Giáo Hội, hiểu rõ về Giáo Hội, họ dễ ăn năn thống hối và quay về.

Điều đáng nói là trong một xã hội mà tôn giáo và các giá trị tâm linh cũng như tinh thần cao quý không được coi trọng, thì những lời nói xấu, phỉ báng các tôn giáo hay các chức sắc tôn giáo dễ được người ta tin. Một nên giáo dục mà trong đó lòng căm thù và sự phản kháng được đề cao hơn mọi giá trị khác, thì mọi điều cao quý cũng dễ trở thành vô nghĩa.

Khi những thành trì và những giá trị mà con người được dạy ở nhà trường, được đề cao trên các phương tiện truyền thông bị phá vỡ hoặc lung lay, con người cũng dễ nghĩ rằng tôn giáo cũng chỉ là một định chế xã hội rồi sẽ đổ vỡ như những gì họ được đưa vào óc mình. Họ không biết rằng Chúa Giêsu Kitô đã hứa và lời hứa ấy vững bền muôn đời: “Trên tảng đá này Thầy xây Hội Thánh của Thầy, và dù quyền lực hoả ngục cũng không làm gì được”.

Là những người tin vào Đức Kitô, tin vào Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền, chúng ta cảm thấy trách nhiệm của mình đối với Giáo Hội ngày hôm nay quả là nặng nề. Làm sao giải thích được cho những người có cái tâm đen tối và trái tim đầy căm hờn hiểu được những giá trị yêu thương?

Trong cuốn Góp Nhặt Cát Đá, thiền sư Vô Trú (Mư Ju) có kể câu chuyện này:

Vào thời Minh Trị 1860 -1912, thiền sư Nan-in ở Nhật tiếp một giáo sư Đại học đến hỏi về Thiền. Nan-in mời giáo sư dùng trà, ông đã rót đầy tách của khách nhưng vẫn tiếp tục rót thêm. Vị giáo sư ngồi nhìn nước trong tách tràn ra cho đến khi không kềm mình được nữa phải lên tiếng:

- “Đầy quá rồi, xin đừng rót nữa.”

- “Giống như cái tách này”, Nan-in nói “Ông cũng đầy ắp những quan niệm, những tư tưởng của ông, làm sao tôi có thể bày tỏ Thiền cho ông được. Trừ phi ông cạn cái tách của ông trước.”

Ngày nay lòng người cũng chẳng khác, có khi thành kiến còn nặng nề hơn. Làm cho họ hiểu về các giá trị cao quý hơn tiền của, chức quyền hay danh tiếng thì không dễ.

Có những con người luôn miệng báng bổ tôn giáo, xúc phạm đến Thiên Chúa và các giá trị thánh, chúng ta không thể tranh luận với họ vì lòng họ đã đầy. Dĩ nhiên cách tốt nhất để giúp con người thời đại thoát khỏi cái cám dỗ khủng khiếp ấy là lời cầu nguyện. Mỗi khi đọc đâu đó lời xúc phạm đến Thiên Chúa và Giáo Hội, bạn ơi, chúng ta hãy thêm cho “tác giả” của những lời báng bổ ấy một lời cầu nguyện chân thành.

Về phần mình, ý thức Internet là “cổng thông tin của sự thật và đức tin", và là "không gian mới cho việc loan báo Tin Mừng" như Đức nguyên Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã nói, chúng ta cũng cần đưa vào trang mạng của mình những giá trị cao đẹp để giúp anh chị em mình đi tới.

Hãy dành thì giờ và không gian mạng cho Lời Thiên Chúa, cho những hình ảnh cao đẹp, cho những câu chuyện làm thức tỉnh lòng người, và trình bày những mối quan hệ xã hội đáng quý. Loan báo Tin Mừng một cách nhẹ nhàng và tích cực, dưới tác động của Chúa Thánh Thần, chúng ta tin rằng mình sẽ làm cho Giáo Hội được người ta hiểu, yêu mến và bước theo để cộng tác với Thiên Chúa là Cha chúng ta tìm được những đứa con còn đi lạc của Ngài.

“Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến,
và tự trời toả ánh quang minh của Ngài ra!
(…)
Nếu không có Chúa trợ phù,
trong con người còn chi thanh khiết, không còn chi vô tội.
Xin Chúa rửa sạch điều nhơ bẩn, tưới gội chỗ khô khan,
và chữa cho lành nơi thương tích.
Xin uốn nắn điều cứng cỏi, sưởi ấm chỗ lạnh lùng,
chỉnh đốn lại chỗ trật đường.”
(Trích Ca Tiếp Liên, Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống)
 
Đem Chúa Kitô vào nhà tù
Vũ Văn An
22:49 19/05/2013
Bằng Hữu Tù Nhân Quốc Tế (Prison Fellowship International) là một hiệp hội có mặt tại 132 quốc gia trên thế giới. Các hội viên của họ đi thăm viếng các nhà tù để cổ động điều họ gọi là “công bình tái lập” nhằm làm giảm cái đau của các nạn nhân và phục hồi nhân tính kẻ phạm tội.

Bộ phận của hiệp hội tại Ý mang tên Bằng Hữu Tù Nhân Ý Onlus và được điều hợp bởi Marcella Clara Reni. Bà và Carlo Paris là đồng tác giả cuốn "Tra le Mura Dell'anima" [Giữa Các Bức Tường Của Linh Hồn], do nhà Sabbiarossa xuất bản, nhằm thuật lại kinh nghiệm của người từng hy vọng đem Chúa Giêsu vào các nhà tù, nhưng thay vào đó, đã khám phá ra Người trên khuôn mặt và nỗi đau khổ của các tù nhân.

Trong một cuộc phỏng vấn của Zenit gần đây, Marcella Reni, một phụ nữ can trường đã có gia đình, vốn hành nghề công chứng viên, hiện là giám đốc toàn quốc phong trào Canh Tân Đặc Sủng Công Giáo của Ý và là chủ tịch Bằng Hữu Tù Nhân Ý Onlus, đã cho hay bà tình cờ khám phá ra hiệp hội Bằng Hữu Tù Nhân Quốc Tế. Bà vốn là một công chứng viên, trong khi cha của bà là một trung sĩ Cảnh Sát (Carabinieri). Nên trong tâm não của bà, khía cạnh luât pháp khá nổi bật. Một ngày kia, có người cho bà hay “thưa bà công chứng, em tôi là một bác sĩ trẻ; nó đang ngồi tù chờ được phán xử, nhưng nó hoàn toàn vô tội, không làm điều gì đáng tội cả. Xin bà vào nhà giam để làm việc bà vốn làm. Marcella đi, nhưng với nhiều thiên kiến trong đầu, vì nghĩ: ai cũng nói thế cả, ai cũng vô tội cả, nhưng ai mà biết được…

Thành thử khi gặp viên bác sĩ trẻ, bà lạnh lùng làm công việc công chứng của mình. Bà cố gắng tìm xem anh ta có hiểu điều bà đọc cho anh ta nghe hay không. Khi đã đọc xong biên bản, bà yêu cầu anh ta ký nhận. Lúc ấy bà mới hiểu anh ta như đã chết về cả phương diện thể lý lẫn phương diện xúc cảm rồi. Vốn trên hành trình tâm linh từ lâu, bà cảm thấy xúc động bởi người đàn ông không muốn sống này nữa. Bởi thế, nhìn vào mắt anh ta, bà nói: “can đảm lên anh ạ, từ hôm nay trở đi, tôi sẽ cầu nguyện cho anh, mỗi ngày tôi sẽ đọc cho anh một Kinh Lạy Cha”. Rồi bà thu dọn giấy tờ, rời khỏi nhà tù, và bắt đầu cầu nguyện cho viên bác sĩ trẻ.

Đầu óc bà lúc đó nẩy sinh câu hỏi “nếu thực sự anh ta vô tội thì sao đây? Sao anh ta đau khổ quá vậy?”. Thế rồi cuộc sống bận rộn làm bà quên khuấy, quên cả việc cầu nguyện cho anh ta. Tuy nhiên, ít năm sau, có người đàn ông tới văn phòng bà, bà không nhớ anh ta là ai; anh ta lịch sự nói: “chào bà công chứng, tôi là người mới từ nhà tù ra. Tôi đến cám ơn bà đã cứu sống tôi. Trong những năm qua, tôi đã cố gắng tự sát ba lần. Cả ba lần, tôi đều nghe có tiếng nói từ trái tim bảo tôi rằng ‘ở bên ngoài, có người đang cầu nguyện cho mi”. Và cả ba lần, tôi đều dừng lại vào phút chót”.

Trên thực tế, bà đã quên cả việc cầu nguyện cho anh ta, nhưng Chúa nào quên anh, Người luôn nhớ đến anh. Từ đó, Marcella hết sức quan tâm tới các tù nhân. Sau biến cố này, bà diễm phúc gặp một số hội viên của hiệp hội Bằng Hữu Tù Nhân Quốc Tế tại Ý, những người bà không quen biết. Hiệp hội này có mặt khắp năm châu và tới Ý tìm hiểu xem có thể mở được một bộ phận hay không.

Họ ước mong có được một nhóm Công Giáo. Nên đã xin Đức Gioan Phaolô II giúp. Ngài hướng dẫn họ tới gặp phong trào Canh Tân Đặc Sủng, vì “chỉ những người say mê và hứng khởi đối với Chúa mới có thể đảm nhiệm được loại công việc này”.

Thế là sau một số cuộc gặp gỡ, hội Bằng Hữu Tù Nhân Ý Onlus ra đời và bắt đầu hoạt động từ năm 2009. Vì các lý do nghề nghiệp, và vì Marcella có thạc sĩ luật, nên Canh Tân Đặc Sủng đề nghị Marcella đích thân điều khiển hội. Bà đảm nhiệm công việc này một cách rất ngạo nghễ, vì nghĩ rằng mình sẽ vào nhà tù để đem Chúa Giêsu đến cho họ. Ấy thế nhưng, điều đánh động trái tim bà hơn cả và làm bà hồi tâm là khi bước vào nhà tù, bà thấy Chúa Giêsu đang sống ở trong đó, và Người đích thân ra gặp bà. Bà chẳng đem vào đó được gì ngoại trừ sự khốn khó của mình.

Marcella cho hay hiệp hội Bằng Hữu Tù Nhân Quốc Tế ra đời tại Hoa Kỳ do sáng kiến của Thượng Nghị Sĩ Dân Chủ Charles Colson, cánh tay mặt của TT Nixon. Ông liên lụy tới vụ Watergate và bị kết án 13 năm tù giam. Chính trong thời gian ngồi tù này, ông đã hồi tâm và khi ra tù, ông bán hết mọi điều mình có và hiến trọn cuộc đời còn lại để giúp đỡ các tù nhân trên thế giới. Có những nơi trên thế giới nhà tù hết sức bất nhân, nhưng theo Colson “Với Chúa Giêsu, nhà tù, dù tồi tệ nhất, cũng trở thành nơi nhân đạo hơn. Không có Chúa Giêsu, nó chỉ là một nơi bất nhân mà thôi”.

Trong bối cảnh này, bối cảnh ta có thể gọi là “đồng hành bạn bè với tù nhân”, trực giác đã tiến xa hơn một bước nhờ dự án Sicomoro, tức dự án gặp gỡ giữa tù nhân và nạn nhân. Bởi thế, tại Ý, hội Bằng Hữu Nạn Nhân cũng đã được thiết lập, vì những người thiết lập hiểu rõ: nạn nhân chịu đau khổ không thua gì các tù nhân, nên cả họ nữa cũng cần được phục hồi.

Nói với một tù nhân từng bị kết án về ít nhất 35 vụ sát nhân, Mario Congiusta, mà con trai từng bị giết vì bác bỏ yêu cầu “đóng thuế” (pizzo) cho Mafia ở Calabria, cho rằng “Vì đối với bạn, chẳng chóng thì chày, bản án cũng sẽ kết thúc. Tuy nhiên, nỗi đau buồn của tôi sẽ không bao giờ kết thúc cả”.

Nhưng nay, Mario giải thích rằng ông “đi từ đau buồn tới dấn thân để nó không xẩy ra với người khác nữa, và ông thấy mình thanh thản sau khi làm việc với dự án Sicomoro. Giống như ông, nhiều nạn nhân khác tìm được bình an sau khi làm việc với dự án Bằng Hữu Nạn Nhân Nhà Tù.

Dự án Sicomoro đầu tiên ra đời tại nhà tù Opera. Tất cả các tù nhân ở đấy đều mang án chung thân, những người tay đã vấy máu. Hội yêu cầu nhà tù trao phó cho họ các tù nhân khá hơn để xem xem dự án này có thành công hay không. Tuy nhiên, các nhà chuyên môn đã trao cho hội những tù nhân dữ tợn nhất vì họ bảo: “nếu dự án thành công với những người này, nó sẽ thành công với mọi người khác”. Và quả đúng thế thật!

Nhưng có ai yêu cầu hội làm như thế không? Marcella cho hay ai cũng yêu cầu như vậy. Đây là cách phục hồi và đem người ta trở lại với điều thiện, để họ thấy rằng: nhiều người trong số họ, cả những tù nhân khét tiếng nhất, cũng là nạn nhân theo nghĩa họ xuất thân từ những gia đình tuyệt vọng vì nghèo nàn về xã hội và luân lý, và hội có nhiệm vụ sửa chữa các thiệt hại này.

Và trong các hoạt động này, hội được chứng kiến nhiều cuộc hồi tâm, ăn năn trở lại. Trong dự án Sicomoro đầu tiên, hội gặp một tín hữu của Chứng Nhân Giêhôva, từng được sinh ra và được dưỡng dục trong một gia đình Chứng Nhân Giêhôva. Cuối dự án, ông ta đã xin được lãnh nhận các bí tích Công Giáo. Nay, ông ta đã được rửa tội và khi hỏi lý do tại sao trở lại, ông trả lời: “họ trình bày với tôi một Thiên Chúa luôn sẵn sàng phán xét tôi. Còn các anh, các anh trình bày một Chúa Giêsu sẵn sàng tha thứ cho tôi. Tôi muốn vị Thiên Chúa này”.

Marcella, nhân dịp này, cho hay hội rất nghèo, không có tài chánh hay người bảo trợ, mọi lợi nhuận từ cuốn sách nói trên được dành cho dự án Sicomoro. Chỉ cần các nạn nhân, những người muốn chữa lành các vết thương gây ra cho họ, mau mắn tiếp xúc với hội. Vì hội thấy rõ những cuộc gặp mặt giữa nạn nhân và tù nhân mang lại lợi ích cho cả đôi bên. Hội giúp đỡ bằng cách cầu nguyện cho họ và chứng kiến được nhiều thay đổi lạ lùng. Thoạt đầu, hội gặp khó khăn vì người ta không cho phép hội lui tới các nhà tù. Bây giờ thì người ta mong hội vì họ đã hiểu được sức mạnh của dự án. Ít nhất đã có 10 nhà tù xin hội tới can thiệp.

Vào một nhà tù, hội giải thích dự án cho các tù nhân. Ai muốn tham dự đều được nhận. Dựa vào tội ác đã phạm, hội đi tìm nạn nhân. Các nạn nhân vào nhà tù thường trách cứ các tù nhân về nỗi đau họ phải chịu. Kinh nghiệm này giúp họ và giúp các tù nhân hiểu ra rằng người ta chẳng làm gì được ngoài việc hiểu rõ nỗi đau khổ đã gây ra. Điều ấy thúc đẩy họ tìm cách sửa chữa thiệt hại. Đây là những cuộc gặp gỡ đầy xúc động, làm mủi lòng cả những người đứng ra tổ chức các cuộc gặp gỡ này. Nhưng chính ở lúc này, một sợi dây liên kết bắt đầu ló dạng, với ăn năn và tha thứ. Kết quả không tài nào tin được: nhiều cuộc đời đã được phục hồi, những cuộc đời trước đây vấy bẩn bởi tội ác và nhiều nạn nhân thoát được đau buồn từng vây khốn họ.

Nhận định cuối cùng: trong số 132 quốc gia có sự hiện diện của Bằng Hữu Tù Nhân Quốc Tế, ta thấy có Cambodia. Nhưng tìm hoài không thấy Việt Nam đâu. Không ngờ Cambodia văn minh hơn Việt Nam không những nhờ Đế Thiên Đế Thích, mà còn nhờ có sự hiện diện của những hiệp hội như Bằng Hữu Tù Nhân Quốc Tế nữa.
 
Top Stories
Pope at Pentecost: Newness, harmony and mission
VIS
08:45 19/05/2013
Below the official English language translation of Pope Francis’ homily at Mass for the Feast of Pentecost with New Movements:

Dear Brothers and Sisters,

Today we contemplate and re-live in the liturgy the outpouring of the Holy Spirit sent by the risen Christ upon his Church; an event of grace which filled the Upper Room in Jerusalem and then spread throughout the world.

But what happened on that day, so distant from us and yet so close as to touch the very depths of our hearts? Luke gives us the answer in the passage of the Acts of the Apostles which we have heard (2:1-11). The evangelist brings us back to Jerusalem, to the Upper Room where the apostles were gathered. The first element which draws our attention is the sound which suddenly came from heaven “like the rush of a violent wind”, and filled the house; then the “tongues as of fire” which divided and came to rest on each of the apostles. Sound and tongues of fire: these are clear, concrete signs which touch the apostles not only from without but also within: deep in their minds and hearts. As a result, “all of them were filled with the Holy Spirit”, who unleashed his irresistible power with amazing consequences: they all “began to speak in different languages, as the Spirit gave them ability”. A completely unexpected scene opens up before our eyes: a great crowd gathers, astonished because each one heard the apostles speaking in his own language. They all experience something new, something which had never happened before: “We hear them, each of us, speaking our own language”. And what is it that they are they speaking about? “God’s deeds of power”.

In the light of this passage from Acts, I would like to reflect on three words linked to the working of the Holy Spirit: newness, harmony and mission.

1. Newness always makes us a bit fearful, because we feel more secure if we have everything under control, if we are the ones who build, programme and plan our lives in accordance with our own ideas, our own comfort, our own preferences. This is also the case when it comes to God. Often we follow him, we accept him, but only up to a certain point. It is hard to abandon ourselves to him with complete trust, allowing the Holy Spirit to be the soul and guide of our lives in our every decision. We fear that God may force us to strike out on new paths and leave behind our all too narrow, closed and selfish horizons in order to become open to his own. Yet throughout the history of salvation, whenever God reveals himself, he brings newness and change, and demands our complete trust: Noah, mocked by all, builds an ark and is saved; Abram leaves his land with only a promise in hand; Moses stands up to the might of Pharaoh and leads his people to freedom; the apostles, huddled fearfully in the Upper Room, go forth with courage to proclaim the Gospel. This is not a question of novelty for novelty’s sake, the search for something new to relieve our boredom, as is so often the case in our own day. The newness which God brings into our life is something that actually brings fulfilment, that gives true joy, true serenity, because God loves us and desires only our good. Let us ask ourselves: Are we open to “God’s surprises”? Or are we closed and fearful before the newness of the Holy Spirit? Do we have the courage to strike out along the new paths which God’s newness sets before us, or do we resist, barricaded in transient structures which have lost their capacity for openness to what is new?

2. A second thought: the Holy Spirit would appear to create disorder in the Church, since he brings the diversity of charisms and gifts; yet all this, by his working, is a great source of wealth, for the Holy Spirit is the Spirit of unity, which does not mean uniformity, but which leads everything back to harmony. In the Church, it is the Holy Spirit who creates harmony. One of Fathers of the Church has an expression which I love: the Holy Spirit himself is harmony – “Ipse harmonia est”. Only the Spirit can awaken diversity, plurality and multiplicity, while at the same time building unity. Here too, when we are the ones who try to create diversity and close ourselves up in what makes us different and other, we bring division. When we are the ones who want to build unity in accordance with our human plans, we end up creating uniformity, standardization. But if instead we let ourselve be guided by the Spirit, richness, variety and diversity never become a source of conflict, because he impels us to experience variety within the communion of the Church. Journeying together in the Church, under the guidance of her pastors who possess a special charism and ministry, is a sign of the working of the Holy Spirit. Having a sense of the Church is something fundamental for every Christian, every community and every movement. It is the Church which brings Christ to me, and me to Christ; parallel journeys are dangerous! When we venture beyond (proagon) the Church’s teaching and community, and do not remain in them, we are not one with the God of Jesus Christ (cf. 2 Jn 9). So let us ask ourselves: Am I open to the harmony of the Holy Spirit, overcoming every form of exclusivity? Do I let myself be guided by him, living in the Church and with the Church?

3. A final point. The older theologians used to say that the soul is a kind of sailboat, the Holy Spirit is the wind which fills its sails and drives it forward, and the gusts of wind are the gifts of the Spirit. Lacking his impulse and his grace, we do not go forward. The Holy Spirit draws us into the mystery of the living God and saves us from the threat of a Church which is gnostic and self-referential, closed in on herself; he impels us to open the doors and go forth to proclaim and bear witness to the good news of the Gospel, to communicate the joy of faith, the encounter with Christ. The Holy Spirit is the soul of mission. The events that took place in Jerusalem almost two thousand years ago are not something far removed from us; they are events which affect us and become a lived experience in each of us. The Pentecost of the Upper Room in Jerusalem is the beginning, a beginning which endures. The Holy Spirit is the supreme gift of the risen Christ to his apostles, yet he wants that gift to reach everyone. As we heard in the Gospel, Jesus says: “I will ask the Father, and he will give you another Advocate to remain with you forever” (Jn 14:16). It is the Paraclete Spirit, the “Comforter”, who grants us the courage to take to the streets of the world, bringing the Gospel! The Holy Spirit makes us look to the horizon and drive us to the very outskirts of existence in order to proclaim life in Jesus Christ. Let us ask ourselves: do we tend to stay closed in on ourselves, on our group, or do we let the Holy Spirit open us to mission?

Today’s liturgy is a great prayer which the Church, in union with Jesus, raises up to the Father, asking him to renew the outpouring of the Holy Spirit. May each of us, and every group and movement, in the harmony of the Church, cry out to the Father and implore this gift. Today too, as at her origins, the Church, in union with Mary, cries out:“Veni, Sancte Spiritus! Come Holy Spirit, fill the hearts of your faithful, and kindle in them the fire of your love!” Amen.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Dâng hoa kính Đức Mẹ tại giáo xứ Việt Nam Paris
Trần Văn Cảnh
16:46 19/05/2013
DÂNG HOA KÍNH ĐỨC MẸ TẠI GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS

Paris, Chúa Nhật 12.05.2013, Ca đoàn Triều Dâng giới trẻ dâng hoa kính Đức Mẹ. Mỗi năm Giáo Hội dành hai tháng kính Mẹ Maria vào tháng năm và tháng mười. Tại Việt Nam, tháng mười là tháng mân côi, đặc biệt lần chuỗi mân côi, ngắm phép lần hạt bảy sự thương khó Đức Bà; tháng năm là tháng Đức Bà, được dành để đọc kinh cầu nguyện một cách công khai và linh đình, qua việc rước kiệu và dâng hoa dưới hình thức vãn. Trong nhiều xứ việc dâng hoa được tổ chức trang trọng, để các họ thay nhau luân phiên dâng hoa trong tháng, hoặc để các họ tự dâng hoa trong họ mình. Mỗi lần dâng hoa đều có rước kiệu. Rước kiệu, chẳng những có kiệu Đức Mẹ, có đội con hoa đi theo, mà còn có thánh giá, đèn nến, cờ ngũ hành, phường bát âm, trống kèn, tùy khả năng của mỗi họ, và dân họ với những người họ khác muốn tham dự đi theo, các ông áo tấc, các bà áo đỏ.

Xem Hình

Đến nhà thờ, nếu ở họ lẻ không có cha, thì xướng kinh, đọc kinh, lần hạt rồi dâng hoa, và đọc kinh kết thúc. Nếu là họ chánh, có cha, thì có chầu, rồi dâng hoa, hay ngược lại. Việc dâng hoa, thì dài vắn, tùy nơi và tùy họ. Vắn nhất thì cũng có 3 bài vãn, một bài nhập đề, một bài dâng hoa (hoặc ngũ sắc hoặc bảy hoa) và một bài kết thúc. Khá hơn thì có thể lên đến 4, 5, hay 6 bài.

Từ mấy năm nay, Giới trẻ Giáo Xứ Việt Nam muốn lấy lại truyền thống văn minh Công Giáo việt nam, đã tổ chức dâng hoa. Những năm trước đây, tổ chức đơn giản. Năm nay, 2013, dẫu còn đơn giản, nhưng cha tuyên úy Vũ Minh Sinh đã cho hát vãn dâng hoa và đã lo liệu có đủ nghi lễ tối thiểu, có khai mạc « chào Mẹ », có « dâng Mẹ năm hoa ngũ sắc »: hồng, trắng, vàng, tím, xanh. Và có đặt hoa chân tượng Mẹ để « đền tạ và ngợi khen Mẹ ».

Khai mạc, đi vào chào Mẹ
« Chúng tôi mọn mạy phàm hèn, Dám đâu ngửa mặt trông lên bàn thờ »
Dâng Mẹ năm hoa ngũ sắc
Đền vàng quỳ trước dâng hoa, Trông lên tháp báu thấy tòa Ba Ngôi,….
Bảy hoa…Họp cùng năm sắc đều dâng, Đường mười hai ngọc kết tuần triều thiên.


Đền tạ và ngợi khen Mẹ
Đội ơn Đức Mẹ nhân từ,
Đã cho con mọn ngây thơ ngợi mừng.
Tấm lòng xin với hoa dâng,
Giải niềm thảo kính vốn từng thần hôn.
Chúng con dâng cả xác hồn,
Xin thương chịu lấy chúng con đừng từ.
Ban ơn cho chúng con nhờ,
Được lòng sốt sắng phượng thờ cho lien.
Đời này được sự bằng yên,
Đời sau lại được ngợi khen hát mừng. Amen.
(Toàn niên kinh nguyện – Bùi Chu, tr. 243-259)


Paris, ngày 12 tháng 05 năm 2013
Trần Văn Cảnh
 
Văn Hóa
Lễ Chúa Thánh Thần : Trường thi Chim Bồ Câu 2
Lm. Phêrô Hồng Phúc
08:20 19/05/2013
TỔ ẤM (tiếp theo )

Chim trở về tổ.
Sau những ngày trăn trở xa bay,
đôi khi hàng ngàn ki-lô-mét đường dài,
một hai năm chứ không chỉ vài ngày.
Vậy mà chim vẫn tìm thấy ngay
mái chuồng tổ ấm!
Người ta nghĩ chim theo hướng từ trường,
người ta đoán chim theo luồng gió thổi.
Cách nào vẫn còn tăm tối.
Chỉ chắc là chim biết tổ trở về
vì một tình yêu tổ ấm tràn trề.
Dù chuồng mới,
dù thay đổi - chẳng nề - chim vẫn nhận ra!
Trở về chuồng đối với chim là lẽ sống.
Trở về nguồn đối với ta là sức sống.
Lời Thánh vịnh thốt lên xúc động:
“Lạy Chúa tể càn khôn,
là Thượng Đế là Chúa con thờ.
Ngay chim sẻ còn tìm được mái ấm.
Én nhạn kia cũng làm tổ đặt con
bên Bàn thờ Chúa.
Một ngày tại khuôn viên thánh điện
quý hơn cả ngàn ngày.
Thà con ở cổng đền Thiên Chúa,
vẫn còn hơn sống trong trại ác nhân.
Thiên Chúa là vầng thái dương là thuẫn đỡ.
Người tặng ban ân huệ với vinh quang.
Ai sống đời trọn hảo
Chúa chẳng nỡ từ chối ơn lành”. (Tv 83, 4-12).
Sao con không biết nhận ra nhanh
bàn tay Chúa quan phòng dẫn dắt.
Như chim kia tìm về chuồng bằng mọi cách.
Lời Thánh vịnh có thầm nhắc con không:
“Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ.
Biết con cả khi đứng khi ngồi.
Con nghĩ tưởng gì Ngài thấu suốt rồi.
Đi lại hay nghỉ ngơi Ngài đều xem cả.
Đường lối con theo Ngài không lạ!
Miệng lưỡi con chưa thốt lên lời,
lạy Chúa, Ngài đã am tường rồi.
Ngài bao con cả trước lẫn sau.
Tay Ngài chụp lên con mà giữ lại.
Kỳ diệu thay mức thượng trí siêu phàm.
Quá cao vời con chẳng làm sao hiểu.
Đi mãi đâu cho thoát Thần trí Ngài.
Lẩn nơi nào cho khuất được thánh nhan.
Con có lên trời, Chúa đang ở đó.
Nằm dưới âm ty thì Ngài vẫn có.
Dù chắp cánh bay về phía hừng đông xuất hiện.
Hay ở chốn tận cùng miền biển phương Tây.
Vẫn tay ngài chăn dẫn tại đây.
Cánh tay hùng mạnh đỡ nâng con.
Con tự nhủ: bóng tối đen hẳn che khuất được tôi.
Ánh sáng quanh con phải chi thành đêm tối.
Nhưng với Ngài tối tăm chẳng có chi mù mịt.
Và đêm đen sáng tỏ như ban ngày.
Đêm ngày sáng tối cũng như nhau” (Tv 138, 1-12).
Đức Cha Ti-a-mê-Tót nói như sau:
“Bạn bắt một chim non lìa tổ,
nó sẽ kêu thảm đạm mãi không thôi.
Thiên Chúa là tổ êm ấm của hồn tôi”.
Chúa là tổ để hồn con nghỉ ngơi,
hồng ân là cánh nâng con lên trời.
“Xưa Chúa gặp Israel nơi rừng núi,
chốn tịch mạc rùng rợn thâm u.
Vừa bao bọc vừa săn sóc nữa.
Nâng niu tựa con ngươi mắt Chúa,
như đại bàng trên tổ lượn quanh.
Giục bày con bay nhảy,
đôi cánh xoè đỡ lấy,
và bồng con trên mình êm ái.
Duy mình Chúa dẫn đầu Dân Người mãi.
Ngoài Chúa ra chẳng còn thần ngoại”(Đnl 32,10-12).
Nay xin Chúa nhìn lại, nhận thế giới hôm nay,
cũng đã được Máu Cứu Chuộc tràn đầy.
“Vì không còn Do thái hay Hy lạp,
nô lệ hay tự do.
Tất cả là một trong Chúa Kitô” (Gal 3,28).

“Đã đến lúc những kẻ tôn thờ Chúa Cha đích thực,
phải thờ phượng trong tâm hồn và chân lý.”
(Ga 4,23).
Ôi niềm vui cao quý!
Ôi hạnh phúc vô cùng!
Vũ trụ này là lò lửa cháy bùng.
Mỗi ngôi sao là một hòn than hồng của Chúa.
Con cũng được sống bằng ánh lửa
từ mặt trời – hòn than của Chúa bắn ra.
Lửa mang sự sáng, sức nóng, sức tiêu hao.
Vì được tạo thành từ tình yêu của Chúa.
Sáng như chân lý,
nóng như tình yêu,
hao mòn vì đã hiến trao!
Kim loại còn chảy, con bùn đất cứ nguội mãi sao?
Nếu con lạnh ngắt, người ta bảo con đã chết!
Nóng là sức sống, sống lạnh ngắt sao?
Vâng con yêu Chúa, lạy Chúa Tối Cao.
Nhiệt của Chúa truyền vào trái tim,
tuần hoàn theo máu dâng lên.
Mỗi giây một nhịp triền miên dập dồn.
Thật: “Từ sớm tới khuya Ngài làm con kiệt lực,
con thở than như nhạn kêu chim chíp.
Con rầm rì ví thể bồ câu,
mắt hoen mờ vì trông Chúa đã lâu” (Is 38,14).

CHỈ MỘT MỐI TÌNH

Chim bồ câu chung thuỷ,
xứng đáng là biểu tượng tình yêu.
Dù cuộc đời ngắn ngủi chẳng bao nhiêu,
chim hạnh phúc sớm chiều tha thiết.
Nếu không may một con chết,
con còn lại thủ tiết.
Chim thuỷ chung như trong đời chỉ biết
có một lần yêu!
Ôi tình Chúa mãi cao siêu,
Tình con có được một chiều như chim?
Đã một lần,
tình yêu Chúa trào dâng.
Tan ra thành vũ trụ.
Chúa dựng nên con người làm chủ
trên mọi loài cầm thú.
Sống bằng hơi thở của Chúa Trời.
Nay cũng chính Ngôi Lời
tìm lại tình yêu đã ban tặng loài người
từ ngày tạo thành muôn vật.
Hỡi con người trái đất,
hãy mau nhận biết thật
“Thiên Chúa LÀ TÌNH YÊU” (1Ga 4,8)
“Chính Người đã yêu ta trước,
và sai Con Ngài làm hy sinh cứu chuộc cho ta” (1Jo 4,10).
Hãy yêu Chúa thiết tha.
“Hết linh hồn, hết sức, hết trí khôn ta” (Mt 22,37).
Niềm vui sướng chan hoà.
Ta đã một lần được dâng hiến,
như lời thánh Phaolô tường thuật:
“Tôi đã đính hôn anh em cho huyền phu duy nhất
như hiến dâng một người trinh nữ thanh khiết
cho Chúa Kitô” (2Cor 11,2).
Và từ đây trong chí nguyện tự do,
con hạnh phúc tự hiến cho Thiên Chúa.
Như Đức Mẹ “Con là Nữ tỳ Chúa” (Lc 1, 38).
Như Phaolô “Tôi tớ Đức Giêsu” (Rm 14, 12-13).
Như Gioan: mến Chúa hết tâm tư.
Như Chúa dạy: “Trở nên như trẻ nhỏ” (Mt 18,3).
Kìa không xanh lộng gió,
màn vũ trụ bao la.
Chúa tạo dựng tất cả cho ta.
Trái đất là cái nôi sự sống,
Chúa cho con cả trời cao đất rộng.
Chúa yêu con cho con nên giống với Người.
Con dâng gì cho Chúa, Chúa của con ơi?
Dâng hiến trọn đời!
Vâng con chỉ có một lời: DÂNG HIẾN.
Chúa hãy cho con tan biến.
Để con đi hết cục diện không gian.
Như bồ câu, xin cho con đôi cánh nhẹ nhàng,
để cho con bay tới tận Thiên đàng.
Đây hạt bụi trần gian,
được kết hợp với Chúa vũ hoàn.
Ôi hạnh phúc ngập tràn,
dịu dàng và mầu nhiệm!
Một tia nắng được đi vào nguồn sáng.
Bọt biến chìm trong đại dương lai láng.
Nước bốc hơi nhập ngàn mây hùng tráng.
Người trần gian được nhập hàng Thần thánh.
Và linh hồn được nhận lãnh Chúa Trời!
Con biết làm sao nói lên lời,
Diệu huyền mạnh mẽ quá ai ơi.
Tình yêu xoá bỏ muôn ranh giới
CHÚA Ở CÙNG CON TỚI MUÔN ĐỜI./.

 
Lời Tình Thánh
Trầm Tư
13:20 19/05/2013
LỜI TÌNH THÁNH

tôi muốn mời em lên núi
thăm ngọn lửa thiêng cháy suốt đêm
dấu chân Môi-sê còn in
mười điều răn em ơi soi kiếp người lồng lộng

tôi muốn mời em về miền đất hứa
biển đỏ hai vách tường nước còn dâng
vị ngôn sứ bị lưu đầy đất ngoại bang
khắc khoải bờ Cựu Ước ngó em bên kia Tân Ước

tôi muốn mời em vào đền thánh
Giêrusalem đang vào mùa lễ hội
buổi sáng gặp em trong sân phụ nữ
lần đầu trong đời tôi để lạc tiếng Amen

tôi muốn mời em lên Can-vê
chiều thứ sáu tiếng ai reo ngoài đền
buốt cõi thiên hạ tiếng đóng đinh
em có thấy không tôi treo tình tôi ngang trời

tôi muốn mời em xuôi làng Emmaus
trĩu nặng nỗi buồn và hành trình im lặng
ai bẻ bánh và dâng lời chúc tụng
nhìn vào mắt nhau em sẽ thấy đời Phục Sinh

tôi muốn mời em về miền biển
chiều nay gió êm và tiếng lòng tôi rất khẽ
Galilê thuyền ai thả lưới xuôi dòng
thả hộ tôi lời thơ tình thánh thiện

tôi muốn mời em
miệng ấp úng như trẻ tập nói
nhạc tình thánh vang lừng miền giáo đường
Chúa trên cao xuống cứu chuộc từng đôi một

Trầm Tư