Ngày 14-05-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Con đường
Lm. Vinh Sơn scj
08:28 14/05/2017
Chúa Nhật V Phục Sinh A

CON ĐƯỜNG…

Cv 6,1-7; 1Pr 2,4-9; Ga 14,1-12

Một bà đạo đức luôn có gắng sống đạo tốt, bà áy náy vì một vài tật xấu bà đã cố gắng hết sức mà vẫn không chừa được....

Bà đến than thở với cha linh hướng. Ngài nói : "Con có để ý thấy không, vào mùa đông, lá sồi rụng nhiều, nhưng vẫn còn vài chiếc. Gió đông thổi mạnh cũng không làm chúng rụng xuống. Nhưng khi mùa xuân đến, chúng tự động rụng nhường chỗ cho lá non mẩy lộc. Vậy cái gì làm cho chúng rơi rụng ? Thưa đó là sự sống mới lưu chuyển trong thân cây. Với chúng ta cũng vậy, khi sự sống mới của Đức Kitô nảy nở trong đời sống, ta sẽ mau thăng tiến trên đường đạo đức."

Trên con đường cuộc đời, Đức Kitô khẳng định: "Thầy là đường, là sự thật và là sự sống”. Ngài là con đường duy nhất dẫn tới sự sống, sự sống vĩnh cửu của Thiên Chúa chính Ngài chia sẻ cho chúng ta,. Ngài là đường đưa nhân lọai đến với Chúa Cha, qua Ngài họ mới có thể vào được Nước Trời

• “Con đường” là một trong những tượng trưng của Thánh Kinh Đức Giêsu là đường, chính Ngài là Lời mà Thánh Kinh quy tụ. Theo Cựu Ước, nghe lời Thiên Chúa là tin tưởng vào Người, dân Israel ra đi và trải qua một con đường dài đầy cực nhọc, thử thách để tới Đất Hứa. Do đó “đường” là tượng trưng cho cuộc Xuất Hành (x. Đnl 1,3-33; 2,1-2; 8,2-10 Tv 77,20. 136) : từ nô lệ đến tụ do. Khi đã vào Đất hứa, dân Israel còn phải ăn ở theo đường Thiên Chúa mới được lãnh phần thưởng muôn đời (x. Đnl 32,4; Tv 25,10; 128,1; 147,19-20; Br 3,13-14.37; 4,1). Mà Thiên Chúa đã mặc khải những đường hướng ấy trong Luật Môsê. Do đó, “đường” còn là tượng trưng cho Luật Môsê. Trong Tân Ước, Thiên Chúa mặc khải những đường hướng của Người qua trung gian Đức Giêsu. Vị trung gian thế giá nhất và là Đấng trung gian sau hết. Do đó, “đường” vẫn còn là tượng trưng. Nhưng đối tượng của tượng trưng đã thay đổi, không còn phải là đường trong sa mạc, cũng không phải là luật Môsê, mà là chính Đức Giêsu (x. Mc 8,34 Mt 16,24 Lc 9,23 Dt 10,20).

Chúa Giêsu là đường và đường sẽ dẫn tới đích. Ngài là đường dẫn đưa “vượt qua” từ sự đau khổ đến vinh quang, từ sự chết đến sự sống, từ đời sống trần gian mau qua đến đời sống trường sinh, như chính Ngài đi từ đau khổ, xuyên sự chết đến vinh quang phục sinh. Ngài là đường dẫn tới đích, con đường duy nhất dẫn tới Chúa Cha : « không ai đến được với Cha mà không qua thầy ». Tất cả được tiên báo trước bằng hình ảnh đường nối liền giữa Trời và Đất như giấc mơ tổ phụ Giacop, ông thấy chiếc thang từ đất chạm tới trời, trên đó có các sứ thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống (x. St 28,12). Và chính Chúa Giêsu cũng khẳng định: “Các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người” (Ga 1,51). Đường nối giữa trời và đất là đường sự sống đưa con người về Cha, về quê trời.

• Chúa Giêsu là sự thật, sự thật về một Thiên Chúa là Tình yêu (x. 1Ga 4, 8), hay chạnh thương và giầu lòng thương xót : toàn bộ Kinh Thánh đã diễn đạt lại sự thật Thiên Chúa đã hết lòng yêu thương, chung thủy với dân người. Cho nên , Kinh Thánh đã diễn giải Sự thật về một Thiên Chúa cứu độ và giải thoát con người: “các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông." (Ga 8, 32). Chân lý sự thật mà Thánh Kinh diễn đạt, xưa kia, được truyền đạt cho loài người qua trung gian ông Môsê và các ngôn sứ; nhưng ngày nay, chân lý ấy được mặc khải qua trung gian Đức Giêsu (Ga 1,17). Tất cả mặc khải Cựu Ước chỉ là chuẩn bị và dọn đường cho mặc khải trọn vẹn và đích thực nằm trong bản thân Đức Giêsu, Người là Chúa Con nhập thể và, vì thế, Người là Lời tuyệt hảo của Chúa Cha (x. Ga 1,1.14), là chân lý được Chúa Cha phát biểu bằng cuộc sống và lời nói của Đức Giêsu (x. Ga 17,8.14 1,18)” (Lm Tanila Hoàng đắc Ánh, sđd, trang 211). Ngài là sự thật về Chúa Cha: nhìn vào Ngài là biết Chúa Cha.

• Đức Giêsu là sự sống như Ngài khẳng định : “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống” (Ga 11,25). Sự sống vĩnh hằng, sự sống trường sinh. Sự sống ngay chính trong cung lòng Chúa Cha (x. Ga 6, 59) ban cho mọi loài được sống. Chính khởi đầu Tin Mừng thứ tư nhấn mạnh: “ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại” (Ga 1,4). Sự sống này được ban cho chúng ta như Chúa Giêsu hứa cho người tin: “Ai tin vào người Con thì được sự sống đời đời” (Ga 3,36). Ngài cũng là sự sống: “Muốn sống vĩnh cửu, loài người phải nghe và làm theo lời Thiên Chúa phán. Thiên Chúa phán qua trung gian Đức Giêsu (x. Ga 12,50). Đức Giêsu là sự sống vì Ngài không phải chỉ nói lời của Thiên Chúa như Môsê hay các ngôn sứ đại diện. Nhưng Người chính là Lời tuyệt đẳng của Thiên Chúa, Ngài là Ngôi Lời - Đấng là Lời của Thiên Chúa. Cho nên trong tư cách mục tử Ngài khẳng định với những người tin đứng vào hàng ngũ của đoàn chiên dưới sự dẫn dắt của chủ chiên: “Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi”(Ga 10,28)

Xa xưa, các tông đồ hoang mang lo lắng phải xa cách Thầy - người mà họ đăt niềm tin, họ lo lắng bởi sự thất vọng sâu xa, khi nhìn cuộc khổ nạn của Chúa như là một sự bế tắc, thất bại, không còn tương lai. Nỗi ưu tư của các tông đồ xưa, cũng chính là nỗi ưu tư của chúng ta hôm nay trước những khó khăn của cuộc sống, một tương lai bấp bênh, trách nhiệm công sở, xã hội đang đè nặng trên đôi vai….

Hay trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta còn quá lo lắng, mải mê kiếm tiền, xây dựng danh vọng, chạy quyền, mua chức. Chỉ lo làm giàu, cạnh tranh với đời. Chúng ta lo chạy đua với thời đại, mải mê dệt cuộc đời mình bằng danh vọng địa vị, tiền bạc. Chúng ta lạc xa đường chân lý, quên đích điểm của đời mình. Như người lữ hành trên lộ trình, như một thủy thủ trong hành trình ra khơi, như một phi công với chiếc máy bay trên bầu trời mênh mông… Họ sẽ đi đến đâu nếu đọc sai bản đồ, nếu đi lệch đường…

Chúng ta luôn cần định hướng và chọn đường…trên đường lữ hành cuộc sống. Như tâm tình của Cha Jm.Thích qua bài hát sinh họat Nguồn sống :

Anh em chúng ta chung một đường lên.

Chung một đường lên đến nơi nguồn thật.

Nguồn thật là đây sức sống vô biên.

Sống vô biên là sống cùng Tạo vật.

Tạo Vật là chính Thiên Chúa – Đấng tạo ra vạn vật, qua Ngài hài hòa với vạn vật và anh chị em.

Như Lời Chúa luôn vang vọng :

“Giờ đây, hỡi các con, hãy nghe ta.

Phúc thay người bước theo đường lối ta chỉ bảo”.

(Cn 8,32)

Lm. Vinh Sơn scj
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tiễn Đức Thánh Cha về lại Rôma
VietCatholic Network
00:39 14/05/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Như chúng tôi đã tường trình, lúc 10 giờ sáng thứ Bẩy 13 tháng 5, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Thánh Lễ tuyên thánh cho Jacinta and Francisco Marto. Sau thánh lễ, Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ dành cho các bệnh nhân đang hành hương kính viếng Đức Mẹ Fatima.

Sau đó, lúc 12h30, Đức Thánh Cha đã dùng bữa trưa với các giám mục Bồ Đào Nha tại nhà thờ Đức Mẹ Núi Carmêlô, trong phạm vi đền thánh Đức Mẹ Fatima. Trong cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha, các Giám Mục Bồ Đào Nha đã bày tỏ những lo ngại về tình trạng tụt dốc về nhiều mặt tại quốc gia này. Bên cạnh con số các tín hữu đang giảm dần, trong một thập niên qua, số linh mục đã giảm rất nhanh đến 50%. Vào năm Thánh 2000, Giáo Hội tại Bồ Đào Nha có hơn 4,000 linh mục thì ngày nay chỉ còn 2789 linh mục. Trong tổng số 4832 giáo xứ tại Bồ Đào Nha, có hàng trăm giáo xứ hoàn toàn không có linh mục chăm sóc.

Khác với lượt đi, lượt về Đức Thánh Cha đã không dùng trực thăng để ra phi trường.

Lúc 14h, Đức Thánh Cha đã đi xe tới căn cứ không quân Monte Real để đáp máy bay về Rôma. Nếu đi trực thăng thì mất không đến 20 phút nhưng đi bằng xe hơi phải mất 37 phút trên một đoạn đường dài 43km.

Hai xa lộ A1 và N109 đã được đóng lại trong vòng 30 phút khi đoàn xe của Đức Thánh Cha đi ra phi trường.

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy được thu hình từ các máy bay trực thăng hộ tống Đức Thánh Cha ra phi trường.

Tại lối vào căn cứ không quân Monte Real, dân chúng đứng chật hai bên đường. Họ tung hoa vào xe Đức Thánh Cha. Một số ký giả và phóng viên truyền hình được cho phép vào bên trong hàng rào an ninh, đã nhanh tay gởi cho Đức Thánh Cha một vài lá thư của họ hay của những người nhờ họ gởi.

Lúc 14:45 chiều, lễ nghi tạm biệt đơn sơ nhưng rất ấm cúng đã diễn ra tại căn cứ không quân Monte Real. Tiễn Đức Thánh Cha về lại Rôma, có tổng thống Marcelo Rebelo de Sousa, thủ tướng António Costa và hầu hết các vị bộ trưởng chính phủ; và đông đảo các Giám Mục Bồ Đào Nha của 21 giáo phận.

Lượt về, Đức Thánh Cha đã không dùng chiếc máy bay của hãng hàng không Alitalia của Ý nhưng ngài dùng một chiếc máy bay của hãng hàng không quốc gia Bồ Đào Nha.

Đức Thánh Cha đã về đến sân bay Ciampino của Rôma lúc 19:05
 
Cuộc rước kiệu cảm động Procissão do Adeus tạm biệt Đức Mẹ
VietCatholic Network
10:30 14/05/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Tại Fatima, sau mỗi lần tượng Đức Mẹ Fatima được rước ra khỏi đền thờ, các tín hữu hành hương lại tham dự một cuộc rước rất đặc biệt mà người Bồ Đào Nha gọi là Procissão do Adeus. Procissão nghĩa là cuộc rước, Adeus nghĩa là tạm biệt.

Ý nghĩa của cuộc rước này là tạm biệt Đức Mẹ và tạm biệt nhau.

Theo truyền thống này, cuối lễ tuyên thánh cho hai trẻ mục đồng Jacinta và Francesco Marto, cộng đoàn đã cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô dự cuộc rước tạm biệt Đức Mẹ.

8 người khiêng kiệu Đức Mẹ qua các lối đi trong khi các tín hữu vẫy những khăn tay màu trắng để tạm biệt Đức Mẹ. Hàng triệu những khăn tay màu trắng như thế tạo thành một quang cảnh rất ngoạn mục.

Nếu đã từng tham dự cuộc rước Procissão do Adeus, quý vị và anh chị em sẽ cảm thấy một cảm giác rất khó diễn tả. Lưu luyến chào tạm biệt Đức Mẹ, trở về với đời thường, nhiều người không khỏi rơi lệ.

Trong video này quý vị và anh chị em cũng có thể thấy Đức Thánh Cha rất xúc động khi ngài vẫy khăn chào tạm biệt Đức Mẹ.

Trong khi đó, anh chị em tín hữu vẫy khăn và quốc kỳ các nước để chào Mẹ. Giữa quốc kỳ các nước, nổi bật lên là lá quốc kỳ quốc gia Việt Nam chúng ta.
 
Đức Phanxicô dưới con mắt Cha Cựu Bề Trên Cả Dòng Tên
Vũ Văn An
17:30 14/05/2017
Cha Adolfo Nicolás, SJ, cựu Bề Trên Cả Dòng Tên, vừa viết lại, trên ấn phẩm Mensajero của Dòng Tên Tây Ban Nha, các cuộc đàm đạo của ngài với Đức Phanxicô, sau khi vị này được bầu làm giáo hoàng, giáo hoàng thứ nhất của Dòng Tên.

Ai cũng biết Cha Nicolás và Đức Phanxicô có sợi dây nối kết chặt chẽ ngay từ đầu, khi đức tân giáo hoàng tìm cách thiết lập mối liên hệ làm việc gần gũi với dòng của ngài sau nhiều thập niên nghi ngờ và lạnh nhạt.

Trong một giai thoại được loan truyền nhanh chóng tại Rôma trong các ngày đầu tiên của triều giáo hoàng mới, Đức Phanxicô trực tiếp gọi điện thoại cho Cha Nicolás một ngày sau khi được bầu, khiến thầy canh điện thoại ở trụ sở chính của Dòng Tên ở Rôma “mắc nỡm”, phát ra câu nói “để đời”: “nếu ông là Giáo Hoàng thì tôi là Napoleon!”

Sau khi đôi bên nói chuyện với nhau, Đức Phanxicô hứa sẽ gọi lại để hẹn một cuộc gặp mặt nhau. Trong một giai thoại đáng lưu ý đối với các nhà chép sử về ngôi vị giáo hoàng, khi gọi lại vào Chúa Nhật sau đó, Đức Phanxicô nói với Cha Nicolás rằng: “Cha hãy tới Nhà Thánh Marta đi vì ngày mai tôi sẽ dọn vào Tông Phủ rồi, vì ở đây, tôi có nhiều tự do hơn”. Nói cách khác, theo Cha Nicolás, “quyết định ở lại Nhà Thánh Marta đã được đưa ra vào phút chót”.

Điều trên xác nhận nhiều truyện kể cho rằng chỉ sau khi tới Tông Phủ và nhìn thấy nó, một dẫy phòng vô tận, phòng này dẫn tới phòng kia, Đức Phanxicô mới quyết định ở lại nhà khách thân thiện và cởi mở hơn.

Cha Nicolás rất ngạc nhiên trước thái độ của Đức Phanxicô: ngài biết rõ người ta nhận định về ngài ra sao và chỉ trích ngài như thế nào. Có một lần ngài nói với cha: “Người ta chỉ trích tôi, thứ nhất, vì tôi không ăn nói như một giáo hoàng, và thứ hai, vì tôi không hành xử như một ông vua”.

Cha Nicolás cho rằng, trong bối cảnh linh đạo Inhã, “đối với tôi điều hiển nhiên là những chỉ trích như thế không hề làm ngài bận tâm”.

Các tu sĩ Dòng Tên nổi tiếng là những người khấn hứa từ khước chức vụ cao và các đề bạt trong Giáo Hội. Phần chủ yếu của tuần lễ thứ hai trong Linh Thao của Thánh Inhã là “bày ra trong trí khôn” cung cách Satan cám dỗ các môn đệ của Chúa Kitô bằng “giầu có, vinh dự và kiêu hãnh”.

Cha cựu bề trên cả nhận xét khiến người ta ngạc nhiên rằng theo cách nhìn của Đức Phanxicô điều thế giới hiện đang cần là “nhiều khôn ngoan, ít tín điều hơn, và nhiều ý nghĩa nói chung hơn để sống và hy vọng”.

Quan điểm trên, theo Cha Nicolás, phát sinh từ việc Đức Phanxicô đọc thấy sự tương tự giữa việc thời nay thiếu đức tin và việc mất đức tin thời dân Do Thái bị đầy ải, lúc truyền thống khôn ngoan thắng thế truyền thống tiên tri.

Về việc cải tổ Giáo Triều, Cha Nicolás nhận xét rằng Đức Phanxicô muốn tiến hành “theo cung cách Tin Mừng hơn cả, điều mà ngài có khả năng” và cuộc cải tổ này “phải liên hệ tới tính khả tín của Giáo Hội” một điều “đụng tới khí lực truyền giáo cực kỳ quan trọng đối với ngài”.

Nói cách khác, mục đích cuộc cải tổ Giáo Triều là loại bỏ các trở ngại đối với nhiệm vụ truyền giáo và rao giảng Tin Mừng, hơn là một mục tiêu ngay trong nó.

Các bài diễn văn Giáng Sinh của ngài với Giáo Triều, theo Cha Nicolás, “là lời kêu gọi mọi người sống phù hợp hơn với Tin Mừng”, không “tránh né và viện cớ” mà phần lớn chúng ta vốn triển khai.

Cha bề trên cả và Đức Giáo Hoàng đã dành nhiều thì giờ bàn luận tới chức linh mục; cha xác nhận rằng đối với Đức Phanxicô, việc hồi tâm mục vụ là ưu tiên chính của hàng giáo sĩ.

Cha Nicolás liệt kê những điều mà đối với Đức Phanxicô vốn không thuộc chức linh mục: một đẳng cấp ưu đãi, một nguồn phúc lợi kinh tế, một nghề nghiệp, một phương thế đạt quyền hành trên người khác v.v… Đồng thời nhấn mạnh tới điều vốn thuộc chức linh mục: linh mục là người “mà lo lắng chính” là sự đau khổ của người khác, và làm cách nào giảm thiểu nó; linh mục là người tiếp xúc với đời người, một tiếp xúc phải được phản ảnh trong các suy nghĩ và lối sống của ngài, v.v…

Để trả lời các chỉ trích thường nghe được từ các giáo sĩ cho rằng Đức Giáo Hoàng không qúy trọng các vị vì ngài có bao giờ khen các vị đâu, Cha Nicolás cho rằng thay vào đó, các vị nên biết ơn ngài vì ngài đã nhận diện rõ ràng các cơn cám dỗ chỉ tạo nên xa cách và thảm hại nơi các vị mà thôi.

Về câu hỏi Đức Phanxicô còn làm giáo hoàng bao lâu nữa, Cha Nicolás cho hay cha không có câu trả lời và cả Đức Phanxicô cũng không. Cha cho hay: “Suy nghĩ của Đức Giáo Hoàng khá linh động tùy theo sự biện phân của ngài về tình trạng của Giáo Hội”.

Khi cha, người cùng tuổi với Đức Giáo Hoàng, nói với ngài về ý định từ chức bề trên cả, Đức Phanxicô nói với cha: “chính tôi đang nghĩ tới việc nghiêm túc bước theo thách thức của Đức Bênêđíctô”.

Nhưng rồi, mấy tháng sau, lúc phải đương đầu với một số đề kháng chống lại các cải tổ của ngài, Đức Phanxicô lại nói với cha: “Tôi xin Chúa nhân lành nhận lấy tôi khi các thay đổi đã thành bất phản hồi”. Nói cách khác, theo Cha Nicolas “phó thác chúng ta trong bàn tay Thiên Chúa”.

Cha Nicolás cho chúng ta một giai thoại lý thú. Ngài kể lại rằng lúc còn là Hồng Y tổng giám mục Buenos Aires, Đức Phanxicô có nghe kể: tại một cuộc cử hành phụng vụ trong nhiệt độ dưới zero ở thủ đô Bosnia là Sarajevo, “một ai đó đã chuyền đi một ly rượu mạnh nhỏ” giúp cho buổi phụng vụ diễn tiến ấm áp và vui tươi.

Cha cho hay: khi được bầu làm giáo hoàng, Đức Phanxicô “không chậm trễ đã cử người đó làm Trưởng Bố Thí của Tòa Thánh và khích lệ vị này tới sống tại Rôma để gần gũi hơn với người nghèo”.

Cha Cựu Bề Trên Cả hẳn có ý nói tới vị trưởng bố thí của Đức Phanxicô, Đức Tổng Giám Mục Konrad Krajewski, người Ba Lan, được Đức Phanxicô cử nhiệm hồi tháng Tám năm 2013. Nhưng thực ra “Don Corrado”, như người ta thường gọi ngài, vốn sống ở Rôma, làm Trưởng Nghi từ năm 1999.
 
100 năm sau, sứ điệp Fatima còn quan trọng hơn bao giờ
Đặng Tự Do
19:21 14/05/2017
Lm. Alexander Lucie-Smith, Catholic Herald

Những đôi mắt của thế giới Công Giáo đã hướng về ngôi đền Bồ Đào Nha, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 100 Đức Mẹ hiện ra tại Fatima. Và người ta không chỉ nghĩ đến Fatima bởi vì Đức Giáo Hoàng đến đó. Ngài không phải là vị Giáo Hoàng đầu tiên đến đây - ngài là vị giám mục Rôma thứ tư đến thăm ngôi đền này. Người ta chú ý vì tầm quan trọng của Fatima, và, một trăm năm sau biến cố Đức Mẹ hiện ra, Fatima còn quan trọng hơn bao giờ hết.

Tôi từng nghĩ rằng Fatima là một khía cạnh của lòng đạo đức bình dân, chỉ thu hút sự quan tâm chuyên biệt, của một nhóm nào đó trong Giáo Hội. Nhưng bây giờ, tôi chắc chắn là không nghĩ như thế vì nhiều lý do.

Trước hết, tại Fatima, Đức Mẹ đã nói thẳng thừng không quanh co. Mẹ là người duy nhất không bao giờ phạm cái tội mà thế giới này gọi là tội xách động tâm tình thù hận vì Mẹ là mẹ và là người mẹ yêu thương tất cả mọi người. Nhưng tại Fatima, Mẹ đã nói rõ với chúng ta rằng tất cả những tội lỗi đều có những hậu quả nhất định, và những hậu quả này thật đáng sợ.

Hỏa ngục là một chủ đề bị bỏ quên trong thần học Công Giáo và trong các bài giảng thuyết những năm về sau này, và nó cần phải được đặt lại đúng vị trí của nó trong cả hai trường hợp. Thật rất là lạ lùng khi chúng ta cố ý lờ đi khái niệm hỏa ngục, bởi vì 100 năm qua kể từ năm 1917, thế giới đã chứng kiến sự tăng trưởng kinh hoàng những ví dụ rất cụ thể về địa ngục mà con người đã tạo ra cho nhau. Tại sao chúng ta lại khó tin vào hỏa ngục ở bên kia thế giới – là một nơi hoàn toàn không có tình yêu thương của Thiên Chúa - khi mà trước mắt chúng ta là những bức tranh và những âm thanh mô tả sống động về những địa ngục trên trái đất mà con người đã tạo ra cho đồng loại của mình: các hố chôn người trong Thế giới Chiến tranh Thứ nhất, các quần đảo ngục tù Gulag, các trại tử thần Đức Quốc xã, và những cánh đồng chết tại Campuchia; và cơ man những thí dụ kinh hoàng khác vẫn còn đang tiếp diễn chung quanh chúng ta.

Những ví dụ đáng sợ này lẽ ra đã quá đủ để thuyết phục chúng ta rằng chúng ta có khả năng gây ra các tội lỗi gian ác và các hành động gian ác ấy có những hậu quả thật kinh khủng. Có lẽ các nhà giảng thuyết và nhà thần học đương đại (trong đó có tôi) né tránh đề cập đến hỏa ngục, vì sợ mích lòng cử tọa của mình. Vâng, trong chừng mực nào đó chúng tôi thất bại, chúng tôi sợ bị người ta chụp mũ là đang reo rắc các bài diễn văn thù hận, các “hate speech” theo ngôn ngữ đương đại. Nếu như thế chúng tôi nên nhường máy vi âm cho Đức Mẹ Fatima. Ít nhất chúng ta hãy có can đảm để nói rằng chính Đức Mẹ đã nói như thế về hỏa ngục.

Điều thứ hai là sự nhấn mạnh vào chuỗi Mân Côi. Đó là một lời cầu nguyện đơn giản, và dễ đề cập. Vậy thì chúng ta hãy cứ nói mạnh vào khía cạnh này. Điều đó không làm hại bất cứ ai. Không ai trong thế giới phương Tây này bị bắt vì rao giảng chuỗi Mân Côi, vậy thì chúng ta nên nói mạnh vào, hứa hẹn sẽ có nhiều điều tốt đẹp.

Thứ ba, là sự nhấn mạnh về Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Mẹ. Đây là điều làm tôi cảm động nhất. Đức Mẹ nói tại Fatima:

“Nếu nhân loại đáp ứng lời kêu gọi của Mẹ, nước Nga sẽ trở lại và thế giới sẽ có hòa bình. Nếu không, nước Nga sẽ truyền bá những thuyết sai lầm trên toàn thế giới, sẽ gây ra nhiều cuộc chiến tranh và bách hại Giáo Hội. Kẻ lành sẽ chịu tử đạo, Đức Thánh Cha sẽ chịu nhiều đau khổ, nhiều quốc gia sẽ bị hủy diệt. Nhưng sau cùng, Trái tim Mẹ sẽ toàn thắng. Đức Thánh Cha sẽ dâng nước Nga cho Mẹ. Nước Nga sẽ trở lại và nhân loại sẽ được Chúa ban cho một thời hòa bình.”

Chiến thắng của Trái Tim Vô Nhiễm là lời hứa của Fatima. Cuối cùng, sự gian ác của Lenin, Stalin và Brezhnev đã bị cuốn trôi bởi Trái tim Đức Mẹ. Chiến tranh và đau khổ chìm vào quá khứ, và chỉ có tình yêu là chiến thắng.

Lời tiên tri này là những gì chúng ta tìm thấy những tiếng vang trong Kinh thánh, đặc biệt trong Cựu Ước, trong những đoạn văn liên quan đến thời Đấng Mết-si-a ngự đến. Đặc biệt, tôi nghĩ đến những câu này từ sách tiên tri Isaiah:

“Người phàm tự kiêu sẽ cúi mặt nhìn xuống, con người ngạo nghễ rồi sẽ bị khuất phục; trong ngày đó, chỉ một mình ĐỨC CHÚA được suy tôn. Vì ĐỨC CHÚA các đạo binh đã dành sẵn một ngày để trị tất cả những gì kiêu căng ngạo nghễ, trị tất cả những gì tự cao tự đại: chúng sẽ bị hạ xuống” (Is 2: 11-12)

Một cảm thức tương tự cũng được diễn tả trong Tân Ước qua kinh Magnificat của Đức Bà. Đó là bài hát biểu hiện hoàn hảo tình yêu chất chứa nơi Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Maria, và tôi nghĩ rằng lòng sùng kính Trái Tim Vô Nhiễm sẽ làm cho chúng ta hiểu rõ đoạn Kinh Thánh này.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
100 năm Fatima tại Melbourne, Australia
Khắc Thái
03:50 14/05/2017
 
Giáo xứ Lam Điền Hà Nội sùng kính Mẹ Fatima
Hạt Thanh Oai
09:22 14/05/2017
Giáo xứ Lam Điền sùng kính Mẹ Fatima

Chiều thứ Bẩy ngày 13 tháng 5 năm 2017: Nhân dịp kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện với 3 trẻ chăn cừu là Lucia (10 tuổi), Jacinta (9 tuổi), và Francisco (7 tuổi) tại làng Fatima, nước Bồ Đào Nha (13/5/1917).

Trong suốt thời gian từ ngày 13 tháng 5 đến 13 tháng 10 năm 1917, Đức Mẹ đã hiện ra cả thảy 6 lần với sứ điệp : Hãy ăn năn sám hối và cầu nguyện không ngừng.

Xem Hình

Hôm nay, bài hát Năm xưa trên cây sồi, làng Fatima xa xôi… lại vang lên tại giáo xứ Lam Điền, như muốn sống tình của con cái Mẹ nước Bồ Đào.

Chính vì thế, chẳng những từ đầu tháng hoa đến giờ, con cái Mẹ tại Giáo xứ Lam Điền hân hoan qui tụ cùng nhau lần Chuỗi Mân Côi, đọc Kinh Cầu khẩn Mẹ. Hôm nay đặc biệt hơn, bày tỏ lòng mến Mẹ, quyết tâm thực hành lời Mẹ hiện ra tại Fatima dạy, nhất là bầy tỏ lòng biết ơn và sùng kính Trái Tim tân khổ và Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria với tước hiệu Fatima.

Cộng đoàn đọc Kinh Dâng Mình cho Đức Mẹ Fatima, đọc kinh khấn Đức Mẹ xong, đoàn hoa Ứng Hòa tấu bài dâng Mẹ, tiếp theo là 5 đội hoa : Thiếu Nhi Nam Lam Điền, Thiếu Nhi Nữ Lam Điền, Hội hoa Mân Côi Lam Điền, Hội hoa Têrêsa Tân An, Hội hoa con Têrêsa Lương Xá, Hội hoa con cái Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa đã sốt sáng trang nghiêm đại diện cộng đoàn dâng lên Mẹ Maria những đóa hoa tươi thắm, những vũ điệu ân tình, với điệu hát ngân nga, giúp cộng đoàn cùng dâng lên Mẹ hiền những đóa hoa lòng thành kính.

Tiếng hát vang lên hòa cùng vũ điệu vãn hoa với lời kinh tha thiết nguyện cầu : Mẹ Fatima ơi, cộng đoàn giáo xứ chúng con cùng quay quần trước ngai Mẹ, mang theo tình mến đầy ắp con tim, chứa chan bao lời kinh ngọt ngào, thiết tha dâng về Mẹ.

Mẹ Fatima ơi, chúng con muốn cả đời con là những cánh hoa mỗi ngày hái dâng lên Mẹ, những cánh hoa yêu mến trong đời, của tình yêu biết cho đi, của lòng tha thứ, bác ái luôn rộng mở với mọi người, và những cánh hoa của trông cậy, phó thác. Mẹ ơi, xin Mẹ đồng hành với chúng con khi vui cũng như lúc buồn, ngày bình an cũng như khi gian khổ. Hạnh phúc có Mẹ trong đời, hạnh phúc có Mẹ kề bên, Mẹ là người đi đầu để chúng con tiếp bước, Mẹ là người đi trước để chúng con được lôi kéo dắt dùi, chúng con vững bước tiến về quê Trời vinh phúc.

Lạy Mẹ Fatima, chúng con cũng xin dâng lên Mẹ Giáo Hội nhất là Giáo Hội Việt Nam, dâng lên Mẹ Giáo xứ, giáo họ, từng gia đình và mỗi người chúng con, qua Mẹ dâng lên Thiên Chúa. Xin Mẹ nâng đỡ phù trì để mọi người chúng con được sống trong bình an và hạnh phúc.

Năm nay, kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, con cái Mẹ chọn những bông hoa muôn màu sắc, tươi thắm cung kính dâng lên Mẹ, hòa vào từng lời ca tiếng hát trầm bổng bay lên trước ngai Mẹ, nài xin Mẹ cứu giúp.

Kết thúc buổi dâng hoa, cộng đoàn dâng Thánh lễ tạ ơn ngay tại tòa Đức Mẹ.

BTT. Hạt Thanh Oai
 
Ngày hành hương bên dòng suối Đức Mẹ Banneux
LM. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
20:07 14/05/2017
Ngày hành hương bên dòng suối Đức Mẹ Banneux

Đức Thánh Cha Phanxico hằng khuyến khuyến khích cổ võ việc đạo đức hành hương : ”hành hương là một lòng đạo đức bình dân, là một hình thức chân thực loan báo Tin Mừng, luôn luôn cần được cổ võ và đề cao giá trị. Tại các đền thánh, tín hữu sống một linh đạo sâu xa, một lòng đạo đức từ bao thế kỷ đã nhào nặn đức tin với những lòng sùng mộ đơn sơ nhưng rất có ý nghĩa”.

Người Công Giáo Việt Nam xưa nay sống lòng sùng kính Đức Mẹ Maria rất sâu đậm thân thiết. Vì thế từ nhiểu năm nay, vào Tháng Năm, tháng hoa kính Đức Mẹ họ kéo về thánh địa Đức mẹ Banneux hành hương kính mừng Đức mẹ Chúa Trời.

Từ những năm qua (2010- 2017) vào ngày chúa nhật thứ hai trong Tháng Năm, tháng hoa kính Đức Mẹ Maria - Ở nhiều nước bên Âu châu ngày chúa nhật thứ hai tháng Năm cũng là ngày hiền mẫu nhớ ơn người mẹ sinh thành con người theo phong tục văn hóa xã hội .

Năm nay vào ngày chúa nhật 14.05.2017 từ 10.00 giờ hàng ngàn người từ khắp các nước Bỉ, Đức, Hòalan, Anh quốc, Lụcxâmbảo, Pháp đã về bên dòng suối nước Đức Mẹ Banneux.

1. Cộng đoàn Công Giáo Bruexelles Vương quốc Bỉ với Cha Phanxico Nguyễn Xuyên.
2. Cộng đoàn Nữ vương các Thánh tử đạo bên Hòa Lan với Cha Giuse Trần đức Hưng.
3. Cộng đoàn Công Giáo vùng Paderborn Essen bên với Cha Phanxico Nguyễn ngọc Thủy
4. Cộng đoàn Công Giáo vùng Frankfurt Mannheim bên Đức với cha Daminh Trần mạnh Nam
5. Cộng đoàn Công Giáo vùng Muenster Osnabrueck bên Đức với Cha Giuse Huỳnh công Hạnh
6. Cộng đoàn Công Giáo CDCG VN vùng Lilles bên Phàp với hai Cha Daminh Thanh Lương và cha Giuse Hữu Phước.
7. Cộng đoàn Công Giáo Luxemburg với Cha Gioan Lê Trung
8. Cộng đoàn Công Giáo Giáo xứ London bên Anh Quốc, với Cha Simon Nguyễn đức Thắng.
9. Cộng đoàn Công Giáo Wien bên Áo với cha Phaolo Lê tấn Kính
10. Các Cộng đoàn Công Giáo vùng Courtrais và Anvers bên Bỉ với Cha Joakim Nguyễn ngọc Tám.
11. Phong trào Tông đồ Fatima với Cha Giuse Lê văn Thắng
12. Cộng đoàn Công Giáo Liege bên Bỉ
13. Cha Jean Maie Bùi văn Tráng bên Bỉ
14. Cha cố Phero Nguyễn trọng Qúy, bên Đức
15. Cha bề trên Dòng Xitô Giuse Trần thanh Hải, bên Đức
16. Cha Raphael Mai quang Khoa, cùng ba Thầy Dòng Xitô, bên Đức.
17. Cha Ignatio Đoàn như Qúy thuộc giáo Phận hải Phòng Việt Nam
18. ha Phaolo Đào văn Thạnh, bên Bỉ
19. C ha Gioan Nguyễn văn Thông, bên Hòa Lan.
20. Cha Martino Vũ quốc Vinh, Dòng Ngôi Lời bên Đức.
21. Cộng đoàn Công Giáo vùng Saarland giáo phận Trier bên Đức
22. Các Sơ Dòng Mến Thánh Gía Louvain bên Bỉ và Bon bên Đức.
19. Và Giáo đoàn Đức Mẹ Lavang Koeln Aachen bên Đức với cha Daminh Nguyễn ngọc Long.

Xin chúc mừng các Cha:
Cha Phanxico Nguyễn Xuyên mừng 35 năm thụ phong Linh mục
Cha Giuse Trần đức Hưng mừng ngân khách Linh mục
Và Cha Giuse Huyền công Hạnh mpừng ngân khánh Linh mục.

Kéo về thánh địa Banneux hành hương kính viếng Đức mẹ Maria, người mẹ trên trời xin ơn phù giúp cho bản thân, cho gia đình. Nhưng không quên công ơn sinh thành dưỡng dục của các người mẹ chúng ta trên trần gian. Xin chúc mừng các người mẹ nhân ngày hiền mẫu nhớ ơn mẹ theo tập tục văn hóa xã hội.

Ngày hành hương

Ngày hành hương như từ những năm qua ( 2010-2017), khởi đầu bằng cuộc rước Đức Mẹ Banneux và di tích xương thánh các Thánh Tử Đạo Việt Nam đi vòng xuyên qua khu rừng có 15 chặng đàng Thánh gía tiến vào nhà thờ lớn tước hiệu Đức Mẹ của người nghèo .

Đòan tín hữu Chúa Kitô hàng ngàn người bước đi theo con đường dài trong rửng thông tiến vào nhà thờ Đức mẹ của người nghèo.

10.45 giờ đoàn rước bắt đầu theo con đường trong khu rừng có 15 chặng suy ngắm đàng thánh gía Chúa Giêsu. Nơi dòng suối nước Đức Mẹ Banneux, đoàn kiệu dừng lại suy niệm và ca tụng Đức Mẹ là suối nước trong.

Đoàn kiệu uốn khúc đến trạm dừng chân thứ hai suy niệm và ca khen nhân đức anh hùng thánh đức của các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

Đến trạm thứ ba đoàn kiệu dừng lại tưởng nhớ tới 100 năm Đức mẹ hiện ra ở Fatima, mọi người đọc kinh dâng nước Việt Nam cho trái tim Đức Mẹ và hát bài Năm xưa trên cây sồi làng Fatima xa xôi….

Sau cùng đoàn kiệu vào tới thánh đường chính của trung tâm hành hương: Đức Mẹ của người nghèo . Ngôi thánh đường lớn này có đủ chỗ ghế ngồi cho 5.000 người.

Trước Thánh lể các em thiếu nhi Giáo Đoàn Đức mẹ Lavang và cộng đaòn Lilles dâng hoa kính mừng Đức mẹ Chúa trời hiển vinh

Sau phần rước kiệu tôn kính Đức Mẹ và di tích xương các Thánh tử đạo Việt Nam ngoài trời trong khu rừng là phần thánh lễ Misa lúc 12.00 giờ như cao điểm của ngày hành hương tại ngôi nhà thờ lớn này.

Mọi người dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, cám ơn Đức Mẹ, cùng cầu Thiên Chúa và Đức mẹ chúc phúc lành phù hộ cho bản thân mỗi người, cho Giáo Hội, cho quê hương đất nước dân tộc Việt Nam, cho các gia đình, cho con em bạn trẻ, và cho các người thân yêu đã đi về cùng Chúa.

Sau phần thánh lễ là giờ mọi người gặp gỡ nhau khoảng 14.30 giờ trong bữa ăn trưa tự túc mang theo. Đây có thể nói được là một kiểu „ picnic“ tự động, mọi gia đình, mọi nhóm đứng ngồi nơi các gốc cây, chỗ có ghế ngồi, chỗ tảng đá...cùng chia sẻ với nhau bữa ăn huynh đệ tình người. Thật là một cảnh nhộn nhịp mầu sắc, mang sâu đậm hương vị ấm cúng giữa con người với nhau quanh bữa ăn dã chiến giữa trời thinh không bên bóng che chở của Đức Mẹ.

Đến 15.30 giờ đi viếng chặng đường thánh giá Chúa Giêsu trong khu rừng. Và ngày hành hương kết thúc lúc 16.30 giờ trong nhà thờ lớn Đức Mẹ của người nghèo với buổi Chầu Thánh Thể và hôn kính Xương các Thánh tử đạo Việt Nam.

Ngày hành hương Đức Mẹ Banneux từ 10.00 giờ sáng tới 17.30 chiều ngắn gọn đơn giản. Nhưng diễn ra trong không khí đạo đức truyền thống long trọng sầm uất cùng chan chứa tình tự con người với Thiên Chúa, với Đức Mẹ và với nhau.

Năm 1933 Đức Mẹ Maria đã hiện ra và đã dẫn Mariette theo con đường ra đến dòng suối nước. Trên con đường nảy Đức mẹ đã dẫn Mariette đi, Đức Mẹ đi trước quay mặt về phía Mariette cùng những người đi theo sau. Điều này nói lên, Đức Mẹ hằng quan tâm đến mọi người, nhìn cùng lắng nghe tâm sự của con người. Và cũng do cung cách Đức Mẹ đã làm như thế, nên ở thánh địa Banneux, kiệu tượng Đức mẹ Banneux đi trước mặt quay về phía người tín hữu đi theo sau kiệu. Đây là một đặc điểm riêng ở thánh địa Banneux, và hầu như không thấy có ở nơi nào khác.

Năm nay hơn 6.000 người tín hữu Chúa Kitô từ khắp các nước trong Âu Châu gồm đủ mọi thành phần dân Chúa, 22 linh mục, các Tu sỹ nam nữ, người lớn tuổi, bậc trung niên, bạn trẻ, thanh thiếu niên, thiếu nhi, người khoẻ mạnh, người đau yếu, và có cả những người không Công Giáo cũng đi hành hương với.

Thật là cảnh tượng của một buổi lễ hùng vĩ tráng lệ đạo đức, cùng uy nghi cảm động. Đây là một bài giảng sâu sắc hùng hồn sống động của hàng ngàn trái tim tâm hồn con người hôm nay đã cùng diễn giảng tình yêu lòng thương xót cao cả của Thiên Chúa và của Đức Mẹ, Đấng là Mẹ Thiên Chúa và con người rồi.

Bài giảng này là một bài giảng thoát ra từ tâm hồn lòng yêu mến, lòng cung kính và nguyện cầu của con người. Như thế còn gì thần học đạo đức thân thiết với đời sống bằng, còn gì văn chương cao đẹp hơn cùng thời sự sống động sâu sắc hay hơn nữa.

Tấm lòng chân tình

Xin ca ngợi cảm phục tấm lòng đạo đức của mọi người đã về cùng hành hương kính Đức Mẹ Banneux hôm qua, hôm nay và ngày mai.

Xin nói lên lời hoan hô cùng cám ơn tinh thần nét sống trẻ trung phấn khởi của các em thiếu nhi đội Dâng Hoa, các em hội Giúp Lễ, các bạn Trẻ đã cùng tham dự ca hát, diễn xuất làm cho buổi lễ hành hương có mầu sắc trăm hoa đua nở sống động. Đây có thể nói được là một bài giảng sống động khởi sắc, mà các con em bạn trẻ chúng ta đã cùng rao giảng làm chứng cho vẻ đẹp xuân xanh tươi tốt trong khu vườn của Thiên Chúa ở trần gian.

Hằng năm mọi người về hàng hương thánh địa Đức mẹ Banneux với tâm hồn song kính cùng vui mừng cầu khẩn, họ mang theo thực phẩm nước uống không chỉ cho mình, cho gia đình mà còn có tấm lòng hiếu khách mời người khác cùng ăn uống nữa. Thật là một không khí thấm đậm tình người.

Và đặc biệt hơn nữa ai nấy đều tự trọng không xả vứt rác trên bãi cỏ, trên đường đi… Nhưng họ ý thức thu gom tất cả hoặc đem vứt thùng rác công cộng hoặc đem về nhà. Đây là nét sống văn hóa vệ sinh tốt đẹp. Nó vừa bảo vệ giữ cho môi trường công trình thiên nhiên được sạch sẽ , vừa tạo nên khung cảnh thẩm mỹ cho thánh địa linh thiêng Banneux.

Xin cám ơn sự hy sinh dấn thân của các Linh mục, các anh chị trong Ban tổ chức đã nỗ lực quảng đại cho việc chung, việc đạo đức kính thờ Thiên Chúa, mừng kính Đức Mẹ Maria cùng tôn vinh các Thánh Tử đạo Việt Nam của chúng ta.
Trước hết và sau hết xin cúi đầu chắp đôi tay nguyện cầu dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, cùng cám ơn Đức Mẹ đã ban ân đức chúc phúc lành cho ngày thánh mẫu hành hương Đức Mẹ Banneux được diễn ra tốt đẹp, như lòng mong ước của chúng ta.

Năm tới, chúng ta cũng cùng hẹn nhau vào ngày Chúa nhật 13.05.2018 lại trẩy về thánh địa Banneux hành hương kính Đức Mẹ Banneux lần thứ IX.

Thánh địa Banneux, ngày 14.05.2017

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Trung Tâm Hành Hương Cha Trương Bửu Diệp Tắc Sậy Mừng Kỹ Niệm 100 Năm Ngày Đức Mẹ Hiện Ra ở Fatima
Tiểu Hổ
20:15 14/05/2017
Trung Tâm Hành Hương Cha Trương Bửu Diệp Tắc Sậy Mừng Kỹ Niệm 100 Năm Ngày Đức Mẹ Hiện Ra ở Fatima và 20 Năm Tròn Tái Lập Giáo Hạt Bạc Liêu.

Lúc 16giờ Chúa Nhật ngày 14/5 Tại Trung Tâm Hành Hương Cha Trương Bửu Diệp Tắc Sậy, Giáo hạt Bạc Liêu giáo phận Cần Thơ đã tổ chức diễn nguyện dâng hoa mừng 100 năm ngày Đức Mẹ hiện ra ở Fatima và 20 năm tái lập giáo hạt Bạc Liêu.

xem hình

Sau phần giới thiệu ngắn gọn xúc tích của cha Giuse Trực, Cha Phó hạt Bạc Liêu. Nguyễn Văn Ghi đã có đôi lời khai mạc buổi diễn nguyện, dâng hoa mừng kính Mẹ Maria.

Sau bài múa sôi động của các diễn viên nhí họ đạo Linh Sơn như lời chào mừng nhau. Bài Chào Mẹ ( Ave Maria – họ đạo Vĩnh Hiệp) đã dẫn dắt toàn thể dân chúa đi sâu vào tâm tình của tháng năm- tháng mừng kính Đức Maria. Lời ca du dương, đội múa uyển chuyển, như các đôi cánh thiên thần bồng bềnh bay trên không trung nâng tâm hồn mọi người lên cao lên cao như có thể chạm vào tà áo tuyệt vời của Mẹ trong một buổi chiều tà, màn đêm buông rơi.

Từng họ đạo thuộc giáo hạt Bạc Liêu đã thể hiện tiết mục của mình đan xen giữa những lời kinh cầu như một sự liên kết chặt chẽ, như sự hiệp thông sâu sắc, tất cả những gì đẹp nhất tinh túy nhất hôm nay được xâu chuỗi lại để dâng về Mẹ mừng biến cố Mẹ hiện ra nơi làng Fatima xa xôi mà lại rất gần gũi thắm đượm trong tâm hồn mọi người.

Hòa quyện theo đó cô ca sĩ Công Giáo trẻ trung Hiền Thục đã cất chung lời ca của mình cùng vang lên lời tôn vinh Thiên Chúa và tri ân tâm tình của người mẹ nhân dịp ngày của Mẹ hôm nay. Tiếng hát cô vút lên cả nhà chúa im lặng không gian chìm xuống và lời ca của cô vượt trỗi trên khoảng không. Nhịp lòng mọi người đang rung lên theo từng câu chữ xuất phát từ tấm lòng con thảo tạt ghi hình bóng mẹ.

Buổi diễn nguyện như một bức màn cứ từ từ hé lộ dẫn dắt tâm hồn mọi người đi sâu về miền cực thánh nơi có một Bà xinh đẹp đang hiện ra với ba trẻ chăn bò lừa với lời nhắn nhủ đầy yêu thương, vòng tay dang rộng ôm con cái vào lòng, ánh hào quang sáng ngời làm biết bao tâm hồn lạc lối quay bước trở về qua: “ Lời Mẹ Nhắn Nhủ” Năm xưa trên cây sồi làng Fatima xa xôi có Đức Mẹ Chúa Trời hiện ra uy linh sáng chói mẹ nhắn nhủ người đời hay mau ăn năn đền tội hay tôn sùng mẫu tâm, hãy năn lần hạt mân côi…..” Với giọng ca sâu thăm thẳm của ca sĩ Công Giáo Phan Đình Tùng đã nhận chìm mọi người vào suối nguồn Fatima, nối kết nhau qua từng chuỗi hạt mân côi. Theo như lời chia sẻ, anh là người được rất nhiều ơn ban nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ và Cha Px. Trương Bửu Diệp nên anh đã về đây để dâng lời tri ân cũng như chia sẻ hồng ân mà Thiên Chúa đã thương đỗ tràn trên gia đình anh. Nơi nào có Hành Hương Đức Mẹ là nơi đó có bước chân anh và lời ca tiếng hát anh được vút lên nâng tâm hồn mọi người chạm đến cung lòng Mẹ. Mỗi nơi anh đến anh đều hướng lòng mình về phía người nghèo và việc trùng tu đền Đài Đức Mẹ. Vừa xong anh đã dâng 1 tỷ cho Trung Tâm Mẹ La Mã Bến Tre, hôm nay anh lại gửi tiếp 100 triêu cho bà con nghèo thuộc xung quanh họ Tắc Sậy và 4oo Triệu cho việc trang trải trung Tâm Hành Hương. Anh nhận nhưng không và cho đi nhưng không. Anh giống như một đứa con thảo không những bên tà áo Mẹ Maria mà anh còn là đứa con ngoan khi anh trân quí giới thiệu Mẹ, vợ con anh với mọi người bằng tâm tình sẻ chia và tin tưởng rằng tất cả những gì anh có là ơn ban.

Chương trình khép lại với thánh lễ rất nghiêm trang, ấm áp. Qua bài giảng của cha Pet Trần văn Thơ được nhấn ở ba nội dung chính:- Mừng 100 năm Đức Mẹ hiện ra ở Fatima- Mừng giáo hạt Bạc Liêu tròn 20 tuổi- Mừng sự hiệp nhất của các họ đạo trong buổi diễn nguyện rất thành công, rất tâm tình và sâu lắng khắc lại trong lòng mọi người tình cảm tha thiết với Mẹ và lời nhắn nhủ năn chạy đến với Mẹ qua chuỗi hạt mân côi.

Thánh lễ đã hết chúng con ra về nhưng trong trái tim mỗi con người chúng con hôm nay sẽ có sự thay đổi mới lạ vì hồng ân mà Mẹ và Cha Px. Trương Bửu Diệp cầu bầu cùng chúa cho chúng con sẽ nâng mãi bước đường con đi về bên tòa cao chúa mai sau.

Tiểu Hổ.
 
Cộng Đoàn Chúa Chiên Lành San Diego Mừng Đại lễ 100 năm Đức Mẹ Fatima hiện ra
Trần Bá Nguyệt
20:48 14/05/2017
San Diego, 13-5-2017
Trong ánh nắng nhẹ nhàng của một buổi chiều thứ bảy Nam California, Cộng Đoàn Việt Nam Giáo Xứ Good Shepherd, Chúa Chiên Lành, thuộc Giáo Phận San Diego, tiểu bang California, Hoa Kỳ đã tổ chức rước kiệu Đức Mẹ Fatima chung quanh giáo xứ và tham dự thánh lễ long trọng.

Xem hình

Đoàn rước kiệu sau Thánh Giá Nến Cao là các đoàn thể Thiếu Nhi, Legio Mariae, Liên Minh Thánh Tâm, Hội Các bà Mẹ Công Giáo, giáo dân, ca đoàn, đoàn giúp lễ, kiệu Đức Mẹ và linh mục chủ tế cùng giáo dân. Đoàn rước tiến nhịp nhàng một vòng chung quanh sân đậu xe của giáo xứ, và tiến vào nhà thờ trong tiếng hát của cộng đoàn.

Trong ngôi thánh đường rộng rãi và thoáng mát, buổi lễ bắt đầu bằng tiết mục khai hoa của Các Bà Mẹ Công Giáo, tiếp đến là mục trình diễn dâng hoa của các em thiếu nhi nam nữ. Trong áo trắng, quần tây đậm mầu của các em nam và áo đầm mầu hồng của các em nữ thiếu nhi, màn dâng hoa bắt đầu trong tiếng hát của Ca Đoàn Magnificat. Cuối cùng là màn dâng Tràng Hạt lên Mẹ Fatima thật cảm động với Cha Quản Nhiệm, Ban Chấp Hành và đại diện của các hội đoàn; Thiếu Nhi Thánh Thể, các nữ ca viên ca đoàn Magnificat, ca đoàn Giáng Sinh, Các Bà Mẹ Công Giáo, Legio Maria.

Mở đầu thánh lễ, linh mục chủ tế, Cha Michael Phạm Minh Cường, Quản nhiệm Cộng Đoàn, thay mặt cho linh mục đồng tế, Cha Giuse Đặng Minh Trí đã chào mừng cộng đoàn và nhắc đến ý nghĩa của việc theo dấu chân Mẹ Fatima để cầu nguyện cho quê hương Việt Nam. Thánh lễ hôm nay cũng là dịp để Mừng Ngày Của Mẹ (Mother’s Day) và mừng 15 năm Ca Đoàn Magnificat của cộng đoàn Việt Nam trong giáo xứ

Hơn 1.000 giáo dân ngồi chật thánh đường, yên lặng nghe bài Phúc Âm hôm nay nói về Con Đường Theo Chúa. “Ai tin vào Thày thì sẽ có sự sống”. Trong bài giảng ngắn gọn và xúc tích, Cha chủ tế đã nhắc đến việc Đức Thánh Cha Phanxicô hôm nay, tại Fatima, đã tuyên thánh cho hai trẻ Jacinta và Phanxicô, là hai trong số ba trẻ đã được diện kiến Đức Mẹ tại Fatima 100 năm trước. Linh mục cũng nhắc đến ba điều Đức mẹ đã nhắn nhủ nhân loại qua ba trẻ em. Đặc biệt là những lời Chị Lucia đã ghi lại cho nhân loại về “chuyện hoả ngục là có thật” và việc Đức mẹ kêu gọi nhân loại phải trở về cùng Chúa hầu tránh cơn thịnh nộ của Chúa. Hãy tuân giữ giới răn mà Chúa đã phán truyền và hãy sám hối, cùng siêng năng lần hạt Mân Côi.

Lời kinh nguyện và những bài ca chúc tụng Mẹ Fatima đã kết thúc thánh lễ sau khi cha chủ tế kêu gọi cộng đoàn cùng vỗ tay chúc mừng Ngày Hiền Mẫu các người mẹ trong cộng đoàn hiện diện trong thánh đường hôm nay.

Cộng đoàn VN thuộc Giáo Xứ Chúa Chiên Lành là một trong năm cộng đoàn người Việt tại Giáo Phận San Diego, miền nam California. Cộng đoàn đã hình thành 27 năm nay và sinh hoạt khá mạnh với các đoàn thể hùng hậu như Liên Minh Thánh Tâm, Thiếu Nhi Thánh Thể và ba ca đoàn (Magnificat, Giáng Sinh và Thiếu Nhi Thánh Thể). Riêng Hội Các Bà Mẹ Công Giáo có số hội viên thường xuyên sinh hoạt lên đến 80 người.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Thông Cáo Báo Chí của Liên Hiệp Truyền thông Công giáo Việt Nam về tình hình tại Vinh
Liên Hiệp Truyền thông Công giáo Việt Nam
17:04 14/05/2017
Thông Cáo Báo Chí: Trước những đợt tấn công được dàn dựng ngày càng nghiêm trọng chống lại các linh mục Công Giáo và giáo dân tại giáo phận Vinh của nhà cầm quyền Việt Nam

Liên Hiệp Truyền thông Công Giáo Việt Nam

Ngày 11 tháng 5 năm 2017

Sydney, ngày 11 tháng 5 năm 2017. Trước cộng đồng quốc tế, Liên Hiệp Truyền thông Công Giáo Việt Nam phản đối
và mạnh mẽ lên án các đợt tấn công được dàn dựng ngày càng nghiêm trọng chống lại các linh mục Công Giáo và giáo dân tại giáo phận Vinh của nhà cầm quyền Việt Nam.

Năm ngoái, một nhà máy thép thuộc sở hữu của tập đoàn Formosa Plastics của Đài Loan đã thải ra 12,000 mét khối chất thải độc hại vào biển thông qua các đường ống thoát nước trong một trường hợp tồi tệ nhất về môi sinh tại Việt Nam.

Chất thải này đã giết chết hàng trăm tấn cá, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của dân chúng các tỉnh miền Trung Việt Nam. Khoảng 250 km bờ biển bị thiệt hại môi trường nghiêm trọng và hơn 40,000 ngư dân mất sinh kế.

Trong một thỏa thuận ngầm được ký kết giữa tập đoàn Formosa và nhà cầm quyền Việt Nam, Hà Nội đã nhận một khoản bồi thường 500 triệu đô la Mỹ thay mặt các nạn nhân. Tuy nhiên, số tiền này chưa bao giờ được trao cho các nạn nhân.

Sự chờ đợi lâu dài đã làm gia tăng cảm thức về sự bất công và sự bất mãn của dân chúng đối với một nhà nước tham nhũng và các chính sách đầy những thất bại.

Cha Đặng Hữu Nam và Cha Nguyễn Đình Thục, là những mục tử tại hạt Thuận Nghĩa - nơi tai họa môi trường Formosa gây ra những ảnh hưởng trầm trọng nhất, đã hỗ trợ những người bị hại và bày tỏ thái độ đối với nhà cầm quyền về những thiếu sót của họ.

Các linh mục đã tích cực tuyên bố và hành động nhân danh các nạn nhân thảm họa môi trường Formosa vì nhà nước Việt Nam vẫn cho phép tổng công ty thép Formosa Hà Tĩnh tồn tại; bao che cho công ty nguy hiểm này tiếp tục thải chất thải độc hại ra biển; và không có bất cứ ý định nào làm sạch môi trường vùng duyên hải này.

Đáp lại các thỉnh cầu chính đáng, từ đầu năm nay, nhà cầm quyền Việt Nam đã huy động một số lượng lớn các cơ quan truyền thông nhà nước trong một chiến dịch vu cáo các ngài.

Nghiêm trọng hơn, trong những ngày gần đây, nhà cầm quyền đã sử dụng các tổ chức ngoại vi của Đảng Cộng sản bao gồm các phong trào phụ nữ, các hiệp hội thanh niên, và các tổ chức cựu chiến binh để đe dọa các ngài. Hội cựu chiến binh ở tỉnh Nghệ An thậm chí còn đe doạ cả Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp của Vinh nhằm đòi ngài phải cách chức hai vị linh mục này.

Kể từ ngày 7 tháng 5 năm 2017, một loạt các cuộc họp và các cuộc biểu tình chống lại hai vị linh mục đã được tổ chức tại huyện Quỳnh Lưu. Học sinh, kể cả những cháu đang học tiểu học, đã bị buộc phải tham gia vào các cuộc biểu tình và hét lên những khẩu hiệu lên án các linh mục, cáo buộc họ chống lại cách mạng, và yêu cầu nhà cầm quyền bắt giữ các ngài ngay tức khắc và phạt tù với những bản án rất nặng.

Khung cảnh tại những cuộc biểu tình này hoàn toàn giống với những cuộc đấu tố trong thời kỳ cải cách ruộng đất (1953-1956), khi hàng chục ngàn người đã bị giết.

Như thường xảy ra ở Việt Nam, những cuộc biểu tình này là lời mở đầu cho một cuộc đàn áp sắp xảy ra đối với các linh mục và những người dám bênh vực các nạn nhân của thảm hoạ môi trường này.

Liên Hiệp Truyền thông Công Giáo Việt Nam hoàn toàn ủng hộ cuộc đấu tranh ôn hòa, hợp lẽ phải của giáo phận Vinh và xác tín rằng Giáo Hội Công Giáo có nghĩa vụ đứng về phía lẽ phải, bênh vực những người nghèo, và những nạn nhân của một chế độ bất công và tàn bạo. Chúng tôi nghiêm khắc lên án và tố cáo trước cộng đồng quốc tế những hành động vô nhân đạo và bạo lực của các cơ quan công quyền đối với Cha Đặng Hữu Nam và Cha Nguyễn Đình Thục, và các nạn nhân thảm họa môi trường Formosa; và yêu cầu chính quyền cộng sản Việt Nam phải thực hiện những điều sau:

1) Ngừng ngay các hành động khủng bố chống lại các linh mục Công Giáo tại Thuận Nghĩa.

2) Chấm dứt việc bách hại Giáo Hội Công Giáo và các tôn giáo khác.

3) Nghiêm túc tuân theo luật pháp do chính nhà nước Việt Nam ban hành và đền bù thỏa đáng cho các nạn nhân của thảm họa Fomosa.

4) Tôn trọng nhân quyền và tự do tôn giáo theo Hiến chương Liên hợp quốc.

Với lòng tín thác hoàn toàn nơi Thiên Chúa, chúng tôi hiệp thông, chia sẻ và đồng hành cùng các nạn nhân thảm họa môi trường Formosa, và giáo phận Vinh trên con đường thập giá này.

Chúng tôi kêu gọi tất cả các Quốc hội, chính phủ, các đảng chính trị của tất cả các quốc gia, các tổ chức Nhân quyền, Tổ chức Ân xá quốc tế, Uỷ ban Quốc tế về Nhân quyền, và mọi tổ chức quan tâm đặc biệt đến Tự do và Nhân quyền ở Việt Nam, xin hãy cùng chúng tôi đồng hành trong cuộc tranh đấu cho Nhân quyền và Tự do Tôn giáo tại Việt Nam.

Liên hệ:

Lm. John Trần Công Nghi
Giám đốc Thông tấn xã VietCatholic
Lm. Anthony Nguyễn Hữu Quảng
Phó Giám đốc Thông tấn xã VietCatholic
Chủ Nhiệm Dân Chúa Úc Châu

Lm. Stêphanô Bùi Thượng Lưu
Chủ Nhiệm Dân Chúa Âu Châu
Lm. Paul Van Chi
Phó Giám đốc Thông tấn xã VietCatholic

Liên Hiệp Truyền thông Công Giáo Việt Nam
 
Văn Hóa
Lễ Mẹ và chuyện kể 100 năm
Sơn Ca Linh
08:41 14/05/2017
MẸ VÀ CHUYỆN KỂ TRĂM NĂM

(Nhân ngày Mother ’ Day và Kỷ niệm 100 năm Mẹ Fatima 1917 – 13/5 – 2017)


Hạ về nhớ chuyện “trăm năm”[1],

Bóng xưa Mẹ đứng âm thầm xa xôi.

Đường quê heo hút lưng đồi,

Mây treo nắng bạc bóng sồi chênh vênh.

Đồi Cova sáng mông mênh,

Mục đồng mấy bé nhìn lên sửng sờ[2]…!

Trong tà áo trắng nên thơ,

Mẹ âu yếm gọi Mẹ chờ lời kinh.

Nguyện cho đời hết chiến chinh,

Mân Côi chuỗi ngọc hòa bình đến mau.

Ăn năn cải thiện nguyện cầu,

Trái tim của Mẹ cùng nhau tôn sùng.[3]

Trên trời Mẹ vẫn thủy chung,

Đồng hành mỗi bước khốn cùng trần ai.

Trăm năm chuyện vẫn nối dài,

Fa-ti-ma đó nhớ hoài ngàn sau !

“Ngày của Mẹ” có chi đâu,

Cho con dâng một kinh cầu “A-Ve”.



Sơn Ca Linh (Mother ’ Day 14/5/2017)


[1] Năm nay Giáo Hội mừng kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima (Bồ Đào Nha) : 1917 - 2017

[2] Đức Mẹ hiện ra lần đầu tiên với ba em bé chăn cừu : Lucia, Phanxico và Giacinta vào trưa ngày 13/5/1917 tại ngọn đồi Cova Iria thuộc giáo xứ Fatima nước Bồ Đào Nha

[3] Sứ điệp của Đức Mẹ Fatima đó là : Ăn năn cải thiện đời sống, siêng năng lần hạt Mân Côi và tôn sùng Trái Tim Mẹ.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Tĩnh Lặng/Tranquil
Robert Helfman
20:52 14/05/2017
TĨNH LẶNG /TRANQUIL
Ảnh của Robert Helfman
Tránh xa thị tứ ồn ào
Tìm nơi tĩnh lặng thở phào bình yên.
(nđc)
 
VietCatholic TV
Giáo Hội Năm Châu 09-15/05/2017: Trào lưu cực đoan Hồi Giáo tại Indonesia
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
18:48 14/05/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ quyết định cải tổ truyền thông: tập trung vào kỹ thuật số, từ bỏ báo in

Hội Đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ đã thông báo một kế hoạch tái tổ chức các nỗ lực truyền thông của mình, với trọng tâm mới là các phương tiện truyền thông kỹ thuật số, theo cùng một khuôn mẫu với việc cải cách truyền thông của Vatican.

Cách tiếp cận mới sẽ nhấn mạnh đến truyền thông kỹ thuật số, các phương tiện truyền thông xã hội và các chương trình truyền hình; trong khi loại bỏ dần việc truyền thông qua các ấn phẩm. Việc tái tổ chức sẽ liên quan đến việc tạo ra mười chức vụ mới trong cơ cấu của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, trong khi 12 chức vụ hiện nay liên quan đến việc xuất bản các ấn phẩm sẽ bị loại bỏ.

Ông James Rogers, giám đốc truyền thông của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, nói: “Đây là một vấn đề hội nhập văn hóa. Nếu bạn muốn loan báo Tin Mừng, bạn cần tiếp cận với mọi người nơi họ đang hiện diện.”

Ông James Rogers, một chuyên gia về truyền thông tại Washington DC, đã được bổ nhiệm làm giám đốc truyền thông của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ ngày 10 tháng 2 năm 2015.

Ông nhận xét rằng cơ quan truyền thông của Hội Đồng Giám Mục được xây dựng vào lúc báo in là lực lượng chủ yếu trong giới truyền thông. Tình hình đang thay đổi mạnh mẽ trong những năm gần đây theo hướng tập trung vào một nền thông tin kỹ thuật số, nơi mà các thông tin có thể được tìm kiếm và chia sẻ tức thì.

Mặc dù các ấn phẩm sẽ được tiếp tục in trong thời gian ngắn sắp tới, hầu hết các tài nguyên của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ sẽ được dồn sang các phương tiện truyền thông thị giác, kỹ thuật số và truyền thông xã hội, ông Rogers nói.

Những thay đổi này không ảnh hưởng đến Catholic News Service, là thông tấn xã được Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ hỗ trợ, nhưng các biên tập viên hoạt động trong một khuôn khổ độc lập.

2. Đức Thánh Cha gởi thư cho các Giám Mục Venezuela

Trong thư đề ngày 5 tháng 5, Đức Thánh Cha cho biết ngài lo lắng theo dõi tình trạng của nhân dân Venezuela đang đứng trước những vấn đề trầm trọng đồng thời ngài cũng bày tỏ đau buồn sâu xa vì những cuộc đụng độ và bạo lực trong những ngày qua làm cho nhiều người chết và bị thương, chúng không giúp giải quyết các vấn đề, trái lại càng gây thêm đau khổ.

Đức Thánh Cha cám ơn các Giám Mục cùng với các linh mục, tu sĩ và giáo dân chia sẻ tình cảnh đau khổ của dân chúng, thiếu lương thực và thuốc men, một số còn phải chịu những cuộc tấn công và những hành vi bạo hành chống lại các thánh đường của họ.

Ngài viết:

“Tôi cũng cám ơn anh em vì đã liên tục kêu gọi tránh bất kỳ hình thức bạo lực nào, tôn trọng các quyền của công dân và bảo vệ phẩm giá con người cũng như các quyền căn bản, vì như anh em, tôi xác tín rằng những vấn đề trầm trọng của Venezuela có thể giải quyết được, nếu có ý chí kiến tạo những nhịp cầu, nếu người ta muốn đối thoại nghiêm túc và tôn trọng đã hiệp định đã đạt được”.

Sau cùng, Đức Thánh Cha khuyến khích các Giám Mục Venezuela đừng để cho những người con yêu quí của đất nước này để cho mình bị sự thiếu tin tưởng và tuyệt vọng đánh bại, vì đây là những sự ác thấu nhập vào tâm hồn con người khi người ta không nhìn thấy viễn tượng tương lai.

3. Đức Tổng Giám mục Roberto Lucker nói Nicolas Maduro không thể đàn áp các cuộc biểu tình

Trong một bài đăng trên thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc hôm 9 tháng 5, Đức Tổng Giám mục đã nghỉ hưu Roberto Lucker của tổng giáo phận Coro, Venezuela, buộc tội chính quyền Nicolas Maduro muốn áp đặt “một chế độ độc tài ngụy trang thành dân chủ” trên đất nước đang gặp nhiều khó khăn này.

Đức Cha Roberto Lucker đã thường xuyên đụng độ với nhà độc tài đã quá cố Hugo Chavez, đặc biệt trong thời gian ngài giữ chức vụ chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Venezuela.

Trong một cuộc phỏng vấn với nhật báo La Verdad, Đức Tổng Giám mục Lucker nói rằng những cuộc biểu tình vĩ đại chống lại chính phủ đang có hiệu lực. “Tôi nghĩ rằng chính phủ không thể chịu áp lực của các cuộc biểu tình thêm nữa”. Chính phủ Venezuela đã sử dụng vũ lực để dẹp tan những cuộc biểu tình, “nhưng Nicolas Maduro sẽ không thể ngăn chặn họ”.

Đức Tổng Giám Mục giải thích rằng mọi người sẽ tiếp tục chứng minh ý chí của mình, bất chấp sự can thiệp bạo lực của cảnh sát, vì tình hình của họ đã quá tuyệt vọng: “không có lương thực, không an ninh, và dĩ nhiên người ta không muốn điều này, vì thế họ phản đối, và tìm kiếm một phương thế thoát khỏi cuộc khủng hoảng này.”

4. Kitô hữu Thống đốc đầu tiên tại Indonesia bị tuyên án 2 năm tù về tội báng bổ Hồi Giáo

Trong một bản án được nhiều người coi là một cái tát vào mặt công lý và làm ảnh hưởng đến sự đoàn kết quốc gia, ông Basuki Tjahaja Purnama, thường được gọi là Ahok, là thống đốc theo Kitô Giáo đầu tiên của thủ đô Jakarta, Indonesia, đã bị kết án tội báng bổ Hồi giáo và bị tuyên án 2 năm tù. Ông Ahok bị bắt ngay giữa phiên tòa và bị đưa ngay vào nhà giam.

Trong nỗ lực tái tranh cử hồi đầu năm nay, ông Ahok, một người theo đạo Tin Lành, lập luận rằng nhiều đối thủ của ông đã lạm dụng kinh Qu'ran khi cho rằng những người Hồi giáo phải quyết liệt từ chối sự lãnh đạo của những người không theo Hồi giáo.

Lời bình luận của ông về kinh Qu'ran làm cho các giáo sĩ Hồi giáo cực đoan tức giận, và thúc giục các cuộc biểu tình lớn của công chúng chống lại Thống đốc. Tháng Tư vừa qua, ông đã thất bại trong cuộc tái tranh cử chức thống đốc Jakarta.

Vụ án hình sự chống lại ông Ahok, do các thành phần thánh chiến Hồi giáo gây ra, đã làm chia rẽ Indonesia: một quốc gia tự hào về sự hòa hợp giữa các tôn giáo. Phán quyết của tòa án làm sâu sắc thêm sự chia rẽ này. Các thẩm phán thực sự đã vượt ra ngoài khuyến nghị của công tố viên, là người đã gợi ý rằng Ahok cùng lắm là bị tù treo.

5. Bẩy vị tử đạo Tây Ban Nha được tuyên Chân Phước

Cha Antonio Arribas Hortigüela (1908-36) và sáu bạn tử đạo tại Catalonia trong cuộc Nội chiến Tây Ban Nha, đã được tuyên chân phước tại nhà thờ chánh tòa Girona hôm 6 tháng Năm.

Đức Hồng Y Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Tuyên Thánh, đã chủ tọa lễ Thánh Lễ tuyên Chân Phước cho bảy vị Thừa sai Thánh Tâm Chúa Giêsu này.

Cha Antonio Arribas Hortigüela và các thầy Abundio Martín Rodríguez, José Vergara Echevarría, José-Oriol Isern Massó, Gumersino Gómez Rodríguez, Jesús Moreno Ruíz và José del Amo y Del Amo đã bị cộng sản sát hại vào ngày 29 tháng 9 năm 1936 tại chủng viện của dòng Thừa sai Thánh Tâm Chúa Giêsu ở tỉnh Catalonia.

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Hồng Y nói:

“Các môn đệ trung tín và anh hùng của Chúa Giêsu đã bị giết hại vì đức tin trong thời khủng hoảng tôn giáo”.

Trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng hôm Chúa Nhật 7 tháng 5, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc đến các vị như sau:

“Anh chị em thân mến,

Hôm qua ở Girona, Tây Ban Nha, có lễ tôn phong Chân Phước cho cha Antonio Arribas Hortigüela và 6 người bạn trong Dòng Thừa Sai Thánh Tâm. Các ngài là những môn đệ trung tín và anh hùng của Chúa Giêsu. Các ngài là chứng nhân sáng ngời giữa thời hận thù bách hại đức tin. Các ngài đón nhận phúc tử đạo, vì tình yêu mến đối với Thiên Chúa, vì trung thành với ơn gọi trong Giáo Hội, và để làm chứng cho Tin Mừng yêu thương.

Cầu xin cho gương sáng tử đạo của các ngài vì tình yêu đối với Thiên Chúa và lòng trung thành với ơn gọi của mình, thức tỉnh trong Giáo Hội một ước muốn làm chứng cho Tin Mừng.”

6. Đức Thánh Cha khích lệ các chủng sinh cầu nguyện với Mẹ Maria

Sáng 8 tháng 5, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến ban giám đốc và các linh mục sinh viên thuộc Giáo Hoàng Học Viện Bồ Đào nha ở Roma gồm 50 người. Ngài mời gọi mọi người hãy tăng trưởng trong tình con thảo với Mẹ Maria.

Đức Thánh Cha nhắn nhủ các linh mục sinh viên hãy tăng trưởng không biết mệt mỏi trong việc huấn luyện về phương diện Kitô, linh mục, mục vụ và văn hóa. Ngài nói: “Bất kỳ anh em theo đuổi ngành chuyên môn nào, quan tâm đầu tiên của anh em vẫn phải luôn làm sao để tiến triển trên con đường thánh hiến linh mục, qua kinh nghiệm yêu mến Chúa: một Thiên Chúa gần gũi và trung tín, như hai chân phước Phanxicô, Giacinta và Nữ Tôi Tớ Chúa Lucia đã cảm thấy”.

Đức Thánh Cha cũng đề cao tương quan với Mẹ Maria, tương quan này giúp chúng ta có tương quan tốt đẹp với Giáo Hội: “cả hai đều là Mẹ chúng ta. Cần vun trồng tình con thảo với Đức Mẹ, vì nếu thiếu điều này, thì có một sự mồ côi nào đó trong tâm hồn. Một linh mục quên Đức Mẹ, nhất là trong những lúc khó khăn, thì sẽ thiếu một sự gì đó, như thể là người mồ côi trong thực tế họ không phải như vậy!”

7. Đa số người Công Giáo bỏ phiếu cho ông Emmanuel Macron

Ứng cử viên tổng thống Pháp Emmanual Macron đã giành được đa số phiếu của Công Giáo, theo một cuộc khảo sát do tờ La Croix và tờ Pelerin thực hiện.

Cuộc thăm dò cho biết khoảng 62% người Công Giáo Pháp bỏ phiếu cho Macron. Trong số những người tham dự Thánh lễ thường xuyên, tỷ lệ bầu cho Macron còn mạnh hơn, lên đến 71%.

Tuy nhiên, ứng cử viên Marine Le Pen đã giành được nhiều phiếu bầu trong vòng bỏ phiếu thứ hai hơn vòng một, rõ ràng là bà giành được sự ủng hộ của một số cử tri Công Giáo, những người trước đó đã ủng hộ ứng viên Cộng hòa Francois Fillon trong cuộc bỏ phiếu sơ bộ.

Các giám mục Pháp đã từ chối ủng hộ một ứng cử viên cụ thể trong cuộc tranh cử tổng thống. Tuy nhiên, trong các tuyên bố trước đây, hàng giáo phẩm Pháp đã chỉ trích đảng Mặt trận Quốc gia của Le Pen vì đảng này kêu gọi hạn chế mạnh mẽ việc nhập cư.

Các nhà lãnh đạo của Manif Pour Tous - một phong trào chống lại việc công nhận hôn nhân đồng tính – bày tỏ quan ngại rằng Marcon sẽ tiếp tục các chính sách của Tổng thống Hollande, là đẩy mạnh hôn nhân đồng tính bất chấp sự phản đối rộng rãi của công chúng.

8. Đức Hồng Y André Vingt-Trois tái tục các hoạt động bình thường sau một thời gian nằm bệnh viện

Đức Hồng Y André Vingt-Trois của Paris đã được về nhà sau một thời gian nằm bệnh viện và sẽ dần dần phục hồi các hoạt động bình thường sau khi hồi phục khỏi căn bệnh Guillain-Barre.

Đức Hồng Y Vingt-Trois đã vào bệnh viện vào cuối tháng Hai vừa qua vì bị nhiễm trùng nặng. Các thử nghiệm cuối cùng cũng cho thấy sự hiện diện của hội chứng Guillain-Barre, một căn bệnh hiếm nhưng nguy hiển vì làm suy nhược hệ thống miễn dịch, và tấn công vào hệ thần kinh. Ngài bị buộc phải ở lại để được chăm sóc tại bệnh viện.

Tuần thánh và lễ Phục Sinh vừa qua tại Paris đã vắng bóng ngài. Hiện nay, các bác sĩ báo cáo rằng ngài đã hồi phục đủ để bắt đầu làm việc, trong khi vẫn tiếp tục việc điều trị tại gia.

Thật bất ngờ, Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher của Sydney, Australia, cũng đã từng bị chứng bệnh tương tự vào năm 2015 và gần như bị tê liệt hoàn toàn một thời gian. Ngài đã trở lại hoạt động thường xuyên ít tháng sau đó.