Ngày 12-05-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Tiếng nói của Thiên Chúa bảo vệ chúng ta trên lối bước
Jos. Tú Nạc, NMS.
13:18 12/05/2011
Chúa Nhật Thứ IV Mùa Phục Sinh, Năm A (Acts 2: 14, 36-41; Psalm 23, 1 Peter 2: 20-25; John 10: 1-10)

Một số đám đông đã cười và chế giễu Phê-rô cùng những người cộng tác của ông, những người mà hình như đang cười nói huyên thuyên, đầy xúc động và say mê một điều gì đó. Bao gồm những thành phần trong đám đông: họ đã say sưa trong men rượu và đã uống thật nhiều.

Thánh Phê-rô đã làm cho họ tỉnh ngộ những quan niệm sai lầm này. Ông giải thích (trong nhưng dòng bị lược bỏ) rằng điều này đa được tuôn tràn từ Thánh Thần va tiên đoán trong Joel và rằng nó báo hiệu sự xuất hiện của những ngày cuối cùng. Những điều mà bây giờ vô cùng khác biệt bởi vì tất cả mọi tín hữu đã được ủy quyền bởi Chúa Thánh Thần thay vì một sự lựa chọn hiếm hoi. Thánh Phê-rô cũng liên hệ đến câu chuyện của Chúa Giê-su – những hành động của quyền năng và lòng trắc ẩn, những điều kỳ diệu và nhưng dấu chỉ, và uy thế của Người với tư cách là con người được gửi đến từ Thiên Chúa. Ông ném ra một lời buộc tội chua cay vào những người Do Thái bằng cách thuật lại sự phản bội và đã hành hình đối với Chúa Giê-su. Thiên Chúa đa lật ngược bản án của họ và khẳng định sự kỳ diệu và lời giáo huấn của Chúa Giê-su bằng sự sống lại của Người từ cõi chết. Thánh Phê-rô đã dẫn tới đỉnh điểm rằng Chúa Giê-su giờ đây đã lên ngôi là Chúa Trời và là Đấng Messiah. Vì ý nghĩa nội dung bằng những ngôn từ của mình chìm đắm trong duy nhất chỉ có sự im lìm bối rối – và rồi là một câu hỏi không tránh khỏi: chúng ta có thể làm gì bây giờ? Những món quà mà Chúa Giê-su mang đến là dành cho tất cả mọi người và lời mời được chịu phép rửa được nhiều người chấp nhận ngay ngày hôm đó.

Chúng ta nên đọc đoan trích với một ý nghĩa về lòng từ bi độ lượng và nhân hậu của Thiên Chúa. Đồng thời, chúng ta không nên bị chi phối bởi một số luận điệu nghệ thuật tu từ thần học của Thánh Lu-ca: dân Do Thái không hề đổ lỗi cho cái chết của Chúa Giê-su – thực ra, Thánh Phê-rô thậm chí đã khẳng định rằng điều đó đã được định trước. Và thế hệ đó không nhiều hoặc ít hủ hóa, thối nát hơn bất kỳ thế hệ nào khác. Câu chuyện cũng nhắc nhở chúng ta về cách thức dễ dàng của nó là vì những người thiện chí thực hiện những gì là vô cùng sai lầm do sự ươn hèn hay ngộ nhận. Thế hệ của chính chúng ta cũng cung cấp vô số những điển hình.

Sự đau khổ là một bí ẩn lâu đời – tại sao những người vô tội và ngay thẳng lại phải chịu đau khổ? Không có câu trả lời rõ ràng, dứt khoát hoăc dễ dàng ngoại trừ tìm thấy ý nghĩa trong nó và cố gắng biến nó thành một kinh nghiệm hữu ích. Sẵn sàng chịu sự đau khổ dễ dàng hơn nhiều khi chúng ta biết rằng điều đó dành cho một nguyên lý hoặc nguyên tắc chính đáng và cao thượng. Tác giả 1 Phê-rô bảo đảm với chúng ta rằng điều đó chỉ làm đẹp lòng Thiên Chúa khi chúng ta sẵn sàng chịu đau khổ cho những gì là đúng đắn.

Sự đau khổ trải qua bởi tội lỗi của chính chúng ta hoặc sự vô minh không thực sự tính đến. Sự đau khổ tự nó là không phải là những gì quan trọng, đó là sự kiên định, không dao động và khước từ để nhượng bộ vì sự thuận lợi và thoải mái. Những điều tăm tối này đã xẩy ra suốt chiều dài lịch sử khi những người từ tâm đơn giản đã bị gây khủng hoảng để rồi đứng dậy và cất lên tiếng nói.

Kẻ trộm và kẻ cướp là ai? Bởi vì đức tin tôn giáo rất mạnh mẽ và được nối kết với những mức độ sâu thẳm nhất của cá nhân con người, nó đễ bị lạm dụng và hủ hóa. Chúa Giê-su đã đối chiếu phong cách riêng của Người về sự cứu giúp và chăm sóc những linh hồn với những ai mà đối với họ tôn giáo là một phương tiện cho sự phong phú và quyền lực. Những ai mà thích hơp với loại tột cùng được liên kết với tài sản, uy thế và quyền lực hơn người để đề cao cái tôi thay về sự sung mãn tinh thần của những ai được ủy thác đối với sự chăm sóc của họ. Trong những năm gần đây, đã có nhưng trường hợp cá biệt đau buồn, nơi mà danh tiếng và sự bảo vệ thể chế được đánh giá cao hơn sự an toàn và viên mãn tinh thần của tín hữu. Đối với các mục tử nhân hiền – được điển hình bởi Chúa Giê-su – sự viên mãn của những linh hồn là điều chí thiện.

Có nhiều tiếng nói cạnh tranh trên thế giới và chúng ta bị tấn công tới tấp từ nhiều phía bởi những tư tưởng và những tuyên bố mâu thuẫn nhau. Làm thế nào để chúng ta có thể bảo đảm rằng chúng ta đang bước theo đường ngay lẽ phải? Một quan hệ cá nhân sâu sắc với người mà được gọi là muc tử nhân hiền là chìa khóa cho sự minh mẫn và sung mãn tinh thần. Tiếng nói của mục tử phải được phân biệt với tiếng nói của người khác bằng ý nghĩa của sự bình an, hòa hợp với Thiên Chúa; sự liên kết và hiệp nhất với tha nhân, và ý nghĩa của niềm hân hoan nội tại mà nó mang lại sau đó. Chúng ta có một người bảo vệ chúng ta trên lối bước – chúng ta hãy học để lắng nghe và bước theo.

(Nguồn: Regis College – The School of Theology)

 
Mục Tử tốt lành
PM. Cao Huy Hoàng
13:31 12/05/2011
Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật Thứ 4, Mùa Phục Sinh - Năm A

Sau những thăng trầm ly loạn kể từ 1975, năm 2000 tôi gặp lại người bạn chí thân của tôi thời trung học Chủng viện Truyền Giáo Lâm Bích do Đức Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận sáng lập, nay đã làm Linh mục : Lm Phanxico Xavie T.H.H. Tôi hỏi Cha : “Cuộc đời Linh Mục có vất vả lắm không ?” Cha trả lời : “Có, thật vất vả, nếu nghĩ tới mấy từ “mục tử tốt lành”. Chỉ có Chúa Giêsu mới nói được câu ấy. Mình không hề dám nói như vậy đâu, nhưng đó là lý tưởng mà cả đời mình nhắm tới”.

Tôi về khoe với anh em tôi - những anh em đã làm linh mục cũng như đã lập gia đình trong gia đình Lâm Bích - câu nói của Cha H. Và anh em tôi có dịp chia sẻ cho nhau một chút hãnh diện về những linh mục xuất thân từ Chủng Viện Truyền Giáo Lâm Bích, hãnh diện về tôn chỉ mục đích của Đức Hồng Y Phanxicô Xavie đề ra, hãnh diện về đường hướng đào tạo của Ban Giám Đốc Chủng Viện, hãnh diện về đời sống linh mục của anh em Lâm Bích... vì chỉ có 200 chủng sinh được đào tạo trong thời gian 1970-1975, mà đã hơn 60 chủng sinh lãnh nhận tác vụ Linh Mục, và đang làm việc khắp năm châu bốn biển. Ấy vậy mới có câu hát : “Anh em con đi, đi khắp năm châu, với tinh thần Lâm Bích”. Vâng, tinh thần Lâm Bích là Truyền Giáo ở bất cứ nơi đâu, trong hoàn cảnh nào. Vì thế, anh em tôi cũng dẹp bỏ mọi mặc cảm về danh xưng “tu muộn”, về thời gian đào tạo, về trình độ học vấn, về những sự thua kém khác dưới cái nhìn của những anh em chính qui từ tiểu chủng viện, để chỉ nhắm tới ý hướng “mục tử tốt lành” cho việc truyền giáo mang lại kết quả.

Tin Mừng hôm nay, Chúa nói “Ta là mục tử tốt lành”, “Ta là cửa chuồng chiên”… Vâng, Chúa Giêsu nên mẫu gương “mục tử tốt lành” cho các linh mục. Và để nên mẫu gương ấy, Ngài cũng đã vất vả biết chừng nào, dẫu Ngài là Ngôi Con Thiên Chúa làm người. Thế thì, huống chi là những con người được trao tác vụ Linh Mục, không vất vả làm sao được. Không tự dưng mà một con người có thể “tốt”, và có thể “lành” trong cuộc đời, vì ai cũng được mẹ “mang thai trong tội” từ cái tội bẩm sinh của tổ tông. Còn Chúa Giêsu thì hoàn toàn như chúng ta - ngoại trừ tội lỗi. Cái tốt, cái lành của Thiên Chúa đã là bản chất nội tại nơi Chúa Giêsu ; còn cái tốt lành của một linh mục là phải liên lỉ loại trừ những nghiêng chiều mang tính bản chất của con người ra khỏi cuộc sống mình -làm sao không vất vả được!

Một cuộc đấu tranh liên lỉ nếu có ý hướng trở nên mục tử tốt lành.

Mà phải đấu tranh liên lỉ, vì phải trở nên mục tử tốt lành.

Là giáo dân, nếu hiểu được điều trăn trở nơi các linh mục là nên giống Chúa Giêsu Mục Tử Tốt Lành, chắc chắn phải rất thông cảm, yêu mến các linh mục của mình, và luôn cầu nguyện cho các Ngài để các Ngài có đủ lòng yêu mến sứ vụ thánh thiêng, và đủ sức chiến đấu trước mọi lôi cuốn nghiêng chiều về một đời sống tha hóa.

Điều đáng tiếc trong Giáo dân là việc cầu nguyện cho các Linh Mục thì ít, mà đòi các linh mục cầu nguyện cho mình thì nhiều; lo cho các linh mục đầy đủ phần vật chất để tranh thủ sự ưu ái cho mình thì nhiều, mà giúp các Ngài nên thánh thiện, nên tốt lành thì ít.

Quả thật, đời sống các linh mục thật đáng thương vì họ phải là người nên “tốt lành trước tiên” bằng một đời sống kết hiệp cả đời với sự thương khó Chúa Giêsu, Thầy dạy các mục tử, Thầy Chí Thánh.

Vì thế việc cầu nguyện cho các linh mục trở nên khẩn thiết biết bao, nhất là vào thời điểm nầy, xã hội này- thời điểm xã hội mà người ta biết rõ rằng: “đánh kẻ chăn thì đoàn chiên tan tác”. Và nếu không cảnh giác, thì vô tình chúng ta lại tiếp tay cho những kẻ muốn “mục tử không còn tốt lành nữa” để không còn giá trị mục tử nữa và sẽ không có được kết quả mà Chúa Giêsu mục tử tốt lành mong muốn.

“Mục tử tốt lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên”.

Người mục tử tốt lành hôm qua và hôm nay, vẫn mãi là người yêu thương đàn chiên vì phần lợi cho đàn chiên, không yêu thương đàn chiên vì phần lợi cho mình. Phải nói thế, vì giữa cái trào lưu vật chất nầy, sự cuốn hút của hưởng thụ không loại trừ bất cứ một ai. Không vin vào lý do cần có điều kiện phương tiện để làm việc và phục vụ để rồi lệ thuộc điều kiện đến nỗi khi không có đủ điều kiện thì không thể phục vụ tốt.

Điều kiện và phương tiện của mục tử tốt lành là lòng yêu mến đàn chiên-yêu mến đến say mê như một nghệ sĩ. Ai làm công tác nghệ thuật đều có thể có cái kinh nghiệm quí giá nầy là: lắng nghe tiếng lòng thổn thức trước khi thực hiện một tác phẩm, và nhìn tận mắt tiếng lòng ấy trải ra trên tác phẩm của mình. Nghệ thuật phát xuất từ tấm lòng và tấm lòng làm nên nghệ thuật.

Tôi vẫn luôn xác tín rằng Chúa Giêsu là một nghệ sĩ vĩ đại trong cuộc đời mục tử của Ngài. Một nghệ sĩ nên vĩ đại vì trong Ngài và thể hiện nơi Ngài những căn tính đặc biệt mà các nghệ sĩ khác có khi cả đời không đạt được. Căn tính ấy chính là Tình Yêu không chút vụ lợi. Một tình yêu cho đi không màng danh tiếng cho mình, nhưng cho danh Cha trên trời cả sáng. Một tình yêu không màng đáp trả cho mình, nhưng màng đến việc đáp trả cho Thiên Chúa, thu hồi về cho Chúa Cha những linh hồn quí giá. Càng yêu thương đàn chiên, và càng mất đi chính mình vì đàn chiên thì giá trị siêu nhiên của một mục tử càng tăng dần theo năm tháng, cho đến mãn đời, và cho đến muôn đời.

Những suy tư này không còn là mục thần học phải học của các linh mục nữa, mà hiện thời, đang là những khát khao rất thời sự của đàn chiên, của giáo dân ở khắp nơi, mà nhất là nơi các giáo xứ vùng quê Việt nam.

Có lần tôi đến thăm một giáo xứ miền núi nghèo lắm, GX. Triệu Phong ở Phan rang, giáo dân gốc GP Huế - Cha sở là một linh mục chủng viện Lâm Bích đã từng lăn lộn giữa đời nhiều năm trong nhiều cảnh sống trước khi làm linh mục- và được mấy ông già cho biết “Cha Vianey thương giáo dân lắm, cái gì cũng lo cho giáo xứ, giáo dân, còn Cha chẳng có gì cả. Cứ nhìn cái nhà của Cha thì biết”. Còn mấy Bà Mẹ Công Giáo thì nói : “Cha nhân đức lắm, đơn sơ, nghèo hèn, khiêm tốn lắm”. Các Huynh trưởng thiếu nhi dành phần hơn : “Cha thương thiếu nhi nhất, cha thích hát với chúng em bài hát này: Giáo xứ chúng em có gần 500 thiếu nhi. Chuyên chăm vâng lời và năng đi đến nhà thờ. Dự lễ rước lễ và viếng Chúa Giê-su Thánh Thể. Học hành chăm ngoan xứng danh thiếu nhi Triệu Phong”.

Vào nhà xứ, một tấm ảnh Cha Thánh Vianey thật lớn đập vào mắt tôi. Ngài nói với tôi “Mẫu gương linh mục cho mình sống đời mục tử nhân lành của Chúa Giêsu đó, Hoàng à”.

Vâng, thật đáng mừng, vì lợi ích cho các linh hồn, còn có biết bao linh mục đã trải lòng yêu thương của mình ra để giáo dân được sống, được bình an, và mối dây tình thân của mục tử tốt lành với đàn chiên ngoan ngày càng thêm bền chặt.

Linh mục trở thành cửa công chính cho giáo dân tiến vào bên trong sự công chính của Thiên Chúa, trở thành cửa chuồng chiên, để qua các Ngài, giáo dân tiến vào bên trong sự hiệp nhất thánh thiện với Thiên Chúa và với nhau. Như Chúa Giê-su đã nói “Tôi là cửa cho chiên ra vào” . Chúa Giêsu mục tử tốt lành vì yêu thương các linh hồn, Ngài là Cửa chuồng chiên để qua Ngài chúng ta tiến thẳng vào tình yêu Thiên Chúa, vì: “Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”. Đây là sứ vụ của Chúa Giêsu Mục tử và cũng là sứ vụ của các Linh Mục.

Nhưng, thiết tưởng đây không phải là niềm kiêu hãnh vô bổ của các linh mục , nhưng là một vinh dự của thiên chức gắn liền với trách nhiệm vô cùng lớn lao là trở nên một Alter Christus, trở nên một cửa chuồng chiên mới thật an tâm cho giáo dân tiến vào với Thiên Chúa. Các ngài không chỉ tiếp nối vai trò trung gian cứu thế của Chúa Giêsu trên trần gian nầy, mà có thể nói, các ngài là trung gian thật của muôn ơn cứu chuộc khi chúng ta nhìn nhận Chúa Giêsu đang thật sự hoạt động trong các Ngài. Điều quan trọng và phải khấn xin là: xin cho các ngài đồng ý để cho Chúa Giêsu sống và làm việc trong các ngài bằng sự khiêm tốn từ bỏ hoàn toàn bản chất con người và mặc lấy thần tính của Chúa Giêsu trong cuộc đời. Thật đáng quí sứ vụ mục tử và cũng thật khó khăn vất vả, nếu không tiếp nhận nguồn ơn nhiệm mầu của Chúa.

Chúng ta vui mừng tạ ơn Chúa, tạ ơn Giáo Hội đã dành thánh lễ Chúa Nhật 4 Phục sinh

để mọi người cầu nguyện cho ơn Thiên Triệu Linh mục, cầu nguyện cho các linh mục,

để các linh mục nhớ lại sứ vụ cao cả của mình và bổn phận trở nên giống Chúa Giêsu Mục tử tốt lành,

để nhắc nhớ cho giáo dân bổn phận yêu mến các linh mục đúng cách là

-phải cảm thông với cuộc chiến đấu liên lỉ của các Ngài,

-phải thực sự hy sinh cầu nguyện cho các Ngài nên thánh,

-phải cộng tác với các Ngài cách tích cực, vô vụ lợi,

-và nhất là phải có trách nhiệm bảo vệ gìn giữ các Ngài thoát khỏi những mưu toan thế gian làm tục hóa thiên chức cao quí thánh thiện của Chúa Giêsu Mục Tử Tốt Lành đã trao ban như quà tặng đặc biệt chỉ riêng cho những người Chúa muốn.

Nguyện xin Chúa Giêsu Linh Mục ban muôn hồng ân cho các linh mục của Chúa và của chúng con, để các Ngài trở nên hiện thân sống động của Chúa Giêsu Mục Tử Tốt Lành, không chỉ khi cử hành hiến lễ tạ ơn mà cả trong đời sống thường ngày, mọi lúc và mọi nơi, và để qua các Ngài, chúng con tiến vào bên trong sự hiệp nhất thánh thiện với Thiên Chúa và với nhau. A men.

 
Với Internet, Chúng ta loan Tin Vui
Gioan Lê Quang Vinh
13:42 12/05/2011
Bạn là một chàng trai hay cô gái tuổi đôi mươi, sống với computer, làm việc và giải trí với Internet, giao tiếp bằng các mạng xã hội. Tân tiến và trẻ trung, năng động và tự do quá phải không? Bỗng có một cụ già trên 80 tuổi đến nói với bạn về cách giao tiếp Internet, bạn sẽ nghĩ gì? Bạn sẽ cho rằng cụ thuộc thế hệ xa xưa, không rành Internet và các vấn đề của nó, đúng không bạn?

Nhưng bạn ơi, có thể bạn lầm. Có một cụ già 84 tuổi, gửi sứ điệp cho giới trẻ thế giới về truyền thông, mà đọc lên nghe trẻ trung và gần gũi không kém bất cứ một blogger hay facebooker nào. Đó là Đức Giáo Hoàng Benedict XVI, người Cha già của giới trẻ Công giáo. Ngài là người Cha già với trọn vẹn ý nghĩa của từ ngữ này, đã không có ai và sẽ không có ai để giới trẻ Công giáo gọi Cha già với niềm trìu mến như gọi các vị Giáo hoàng của mình.

Đoạn văn đánh động tâm hồn tôi nhất là đây, mời bạn cùng đọc chậm rãi với tôi bạn nhé:

“Loan báo Tin Mừng qua các phương tiện truyền thông mới không chỉ có nghĩa là diễn tả nội dung tôn giáo trong các lãnh vực truyền thông khác nhau, nhưng còn là làm chứng một cách kiên định, trong bản lý lịch trên mạng của mình và theo cách thức chia sẻ những chọn lựa, những ưu tiên, những phán đoán phù hợp hoàn toàn với Tin Mừng, ngay cả khi người ta không nói về điều đó cách đặc biệt.”

Bạn thấy đoạn ấy rất hay không bạn? Nếu chưa, xin mời bạn đọc lại, từng từ thôi: “truyền thông”, “Tin Mừng”, “làm chứng”, “lý lịch trên mạng”, “chia sẻ”, “chọn lựa”, “ưu tiên”, phán đoán” và lần nữa “Tin Mừng”.

Tuyệt vời. Bạn có nhận ra người Cha già của chúng ta tuyệt vời chưa? Chúng ta thử sắp xếp lại lời văn của người Cha chung xem sao: Truyền thông là loan tin, chúng ta không loan tin cho sự chết, cho bóng tối, mà loan Tin Mừng. Không những loan tin, chúng ta còn làm chứng cho tin ấy. Làm chứng trước hết là bằng lý lịch trên mạng của chúng ta. Không giấu giếm tên chung của anh em chúng ta: Yêsu. Và khi chọn Yêsu, cho mọi người biết ta thuộc về Yêsu, ta chia sẻ những chọn lựa, ưu tiên và phán đoán của ta.

Tiêu chí cho các chọn lựa, ưu tiên và phán đoán ấy? Có ngay rồi: đó là Tin Mừng.

Bây giờ bạn còn cho rằng ý kiến của cụ già 80 tuổi là “thuộc thế hệ xa xưa, không rành Internet và các vấn đề của nó” nữa hay không? Tôi đoan chắc bạn đã thay đổi hoàn toàn rồi phải không? Vậy xin mời bạn tìm đọc “Sứ điệp của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI nhân Ngày Thế giới Truyền thông xã hội lần thứ 45” và bạn sẽ khám phá nhiều điều thú vị hơn. (Bạn cũng có thể tham dự cuộc thảo luận về Sứ điệp này lúc 18:30, ngày thứ năm, 02/06/2011, tại Dòng Chúa Cứu Thế, 38 Kỳ Đồng, Quận 3, Sài Gòn).

Chúng ta quay lại với đoạn văn trên một chút nữa bạn nhé. Khi Đức Thánh Cha nói đến lý lịch trên mạng, là ngài nhắc đến việc chúng ta trình bày chính mình trên mạng qua hình ảnh, avatar, nick name, lời trích dẫn, và cả những điều chúng ta ưa thích, ý kiến chúng ta đưa ra nữa.

Bạn hãy vào mạng xã hội facebook chẳng hạn. Bạn có nhận xét gì? Nhiều, rất nhiều bạn trẻ Công giáo dùng tên Thánh của mình, chọn avatar là ảnh thánh của Chúa Giêsu, Mẹ Maria hay hình ảnh cao đẹp khác. Các bạn hiên ngang tuyên xưng đức tin bằng những câu trích và những comment tuyệt đẹp.

Điều ấy nói lên rằng Chúa Yêsu thật sự làm chủ cuộc đời các bạn, thật sự chi phối từng phút giây trong đời sống các bạn, và do đó, Yêsu chính là điểm đến cuối cùng mà không ai, không có gì vĩ đại hơn để thay thế.

Giữa xã hội đầy bóng tối, muốn loại trừ Yêsu là Chúa ra khỏi tâm hồn người trẻ, mà được nhìn thấy những con người dám hiên ngang tuyên xưng niềm tin vào Đức Yêsu, ai cũng cảm được sức mạnh của Đấng đã thực sự phục sinh và đang làm chủ thế giới này.

Với Internet, chúng ta cùng loan Tin Vui như vị Cha già khả kính của chúng ta nhắc nhở. Xin đừng để tinh thần thế tục, bóng tối thế gian và những mưu mô len vào trong phương tiện cao quí là Internet. Cũng xin đừng lẩn tránh Đấng là ánh sáng trong những giao tiếp của mình. Và xin đừng dùng lời lẽ bất xứng với các thực tại thánh thiêng.

Yêsu ơi, con tuyên xưng Người là Chúa. Yêsu ơi, con loan tin vui của Người là chủ mọi phương tiện truyền thông. Xin cho con được lặng lẽ đánh xuống từng chữ, từng từ đậm nét Yêsu.

 
Mục Tử nhân lành
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
14:18 12/05/2011
Chúa Nhật Thứ IV Mùa Phục Sinh - Năm A


Mục tử nhân lành là một hình ảnh rất đẹp ở xứ Palestin. Danh xưng mục tử nhân lành không phải là tôn danh người ta gán cho Chúa Giêsu để ca tụng Ngài, nhưng đây chính là mạc khải của Chúa Giêsu cho biết Ngài là ai. Ngài là mục tử nhân lành đúng nghĩa, mục tử chính hiệu, mục tử thứ thiệt.

- Mục tử nhân lành là mục tử biết rõ đàn chiên :

Ngài biết rõ từng con chiên. Biết theo nghĩa Thánh kinh, tức là không phải chỉ biết trên lý thuyết, biết theo con số, nhưng là biết tường tận từng đặc điểm, từng tính cách của mỗi con chiên và Ngài có thể gọi tên từng con một, dẫu đàn chiên của Ngài là vô cùng đông đảo. Tương quan giữa Ngài và đàn chiên là rất gần gũi và mật thiết. Đàn chiên trở nên lẽ sống của Ngài.

Ngài gọi tên rồi đi trước dẫn đường cho đàn chiên theo sau. Ngài đi trước chứ không phải đi sau để “lùa”. Chiên đi sau cũng có nghĩa là chúng được Ngài cho tự do để có thể theo hoặc không theo Ngài. Ngài đi trước bằng lời nói, bằng việc làm. Ngài đi trước bằng gương sáng phục vụ cách tận tuỵ.

- Mục tử nhân lành là mục tử yêu thương đàn chiên :

Ngài không chăn dắt bằng quyền uy và bạo lực như những mục tử trong Cựu Ước. Ngài cũng không chăn dắt kiểu tắc trách, gặp chăng hay chớ như những kẻ chăn thuê. Ngài chăn dắt hoàn toàn bằng tình yêu và trách nhiệm. Tình yêu được thể hiện đặc biệt ở chổ : đối với những con chiên đau yếu, Ngài tận tuỵ chạy chữa; những con chiên thương tích, Ngài tận tình băng bó; những con chiên lạc đàn, Ngài tận lực kiếm tìm; những con chiên có nguy cơ làm mồi cho sói hùm, Ngài tận trung canh giữ... Ngài chưa thể an giấc, bao lâu còn những con chiên bị yếu đau, thương tích. Ngài chưa thể an phận, bao lâu còn những con chiên ngơ ngác lạc đàn. Ngài chưa thể an tâm, bao lâu còn những con chiên hoang đàng đùa giỡn trước nanh vuốt của ác thú. Mục tử nhân lành là thế, và nhất là Ngài còn sẵn sàng hy sinh mạng sống mình vì đàn chiên.

- Mục tử nhân lành là mục tử hiến mạng vì đàn chiên :

Thường tình thì chủ chiên bắt các con chiên hiến lông, hiến thịt, hiến sữa và cả hiến mạng cho mình. Hiếm có trường hợp ngược lại. Đây là điểm khác biệt rõ nét giữa mục tử nhân lành và người chăn thuê. Chỉ có mục tử chính hiệu Giêsu nhân lành mới sẵn sàng tự nguyện hiến mạng cho đàn chiên. Ngài hiến mạng để bảo vệ sự hiệp nhất cho đàn chiên. Ngài hiến mạng để cho đàn chiên được sống và sống dồi dào. Nói cách khác để đàn chiên có được sự hệp nhất và sự sống sung mãn, Chúa Giêsu đã phải trả bằng chính giá máu của mình. Đây là đỉnh cao của tình yêu mà Ngài dâng hiến cho đàn chiên.

Là những Kitô hữu, chúng ta được mời gọi trở nên những con chiên tốt lành của Chúa Kitô, Vị Mục Tử Nhân Lành, mục tử chính hiệu. Trở nên tốt lành qua hai tương quan tình yêu :

+ Tương quan với người mục tử : biết – nghe – đi theo. Biết mục tử của mình là Đấng đã yêu thương và hiến mạng sống vì mình. Biết qua Lời của Chúa, qua Phụng vụ các Bí tích, qua cầu nguyện…. Nghe theo tiếng người mục tử, tiếng mang lại hạnh phúc đời đời, chứ không nghe tiếng người lạ. Đi theo mục tử của mình, chứ không đi theo người lạ, kẻ trộm hay sói dữ. Nếu chiên mà nghe và đi theo người lạ thì sẽ bị lạc; nghe và đi theo kẻ trộm sẽ bị bắt; nghe và đi theo sói dữ sẽ bị ăn thịt. Chỉ khi biết nghe và đi theo chủ mình thì mới có sự sống đích thực. Vì chỉ có chủ chiên mới đưa đàn chiên tới những nơi có đồng cỏ xanh tươi, có suối nước mát lành.

+ Tương quan với các con chiên khác : hiệp nhất trong yêu thương, phục vụ trong quên mình. Biết, nghe và đi theo chủ chiên, con chiên cũng phải biết yêu thương hiệp nhất trong đàn chiên nữa. Chiên không thể cấu xé nhau, hay mạnh con nào con đó sống. Trái lại các con chiên khoẻ mạnh phải biết phục vụ nâng đỡ các con chiên ốm yếu theo gương của chủ mình. Sẽ không thể nào có một đàn chiên duy nhất, nếu các con chiên không hoà hợp với nhau, không yêu thương nâng đỡ nhau. Sẽ không thể nào trở nên gương sáng cho các con chiên khác không thuộc về đàn noi theo, nếu đàn chiên không biết hy sinh phục vụ lẫn nhau theo tinh thần của người mục tử nhân lành.

Hãy tạ ơn Chúa vì hồng ân được thuộc về đàn chiên của Chúa. Và hãy xin Người giúp chúng ta luôn biết trung thành nghe và đi theo vị mục tử tuyệt hảo là chính Chúa, qua các các vị chủ chăn đại diện cho Chúa ở trần gian. Xin Chúa cũng gởi thêm cho chúng ta nhiều mục tử nhân hậu biết noi gương Chúa hết lòng yêu thương và sẵn lòng hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên được Chúa trao phó. Amen.



 
Đức Kitô, mục tử nhân lành
Giuse Đinh Lập Liễm
18:48 12/05/2011
CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH A
+++

A. DẪN NHẬP

Trong bài đọc 2 thánh Phaolô nói :”Trước kia anh em đang lang thang như những con chiên lạc, nhưng nay anh em đã quay về cùng vị Mục tử chăm sóc linh hồn anh em”(1Pr 2,25). Theo đó, thánh Phêrô cho chúng ta biết giữa muôn vàn bất công của cuộc sống, chúng ta như bầy chiên lạc đàn. Chia sẻ thân phận với con người chúng ta và chịu đau khổ vì chúng ta, Đức Kitô, con Chiên bị mang đi giết, đã trở nên Chúa Chiên của chúng ta. Lời khẳng định của thánh Phêrô đã được củng cố trong bài Tin mừng hôm nay.

Đức Kitô đã tỏ mình với chúng ta dưới hình dáng người chăn chiên lành, lo lắng cho con chiên của mình, và Ngài cũng là cánh cửa mở vào chuồng chiên. Vị chủ chăn nhân lành biết từng người chúng ta, và để dẫn dắt chúng ta về với Chúa Cha và đem chúng ta vào trong Ngài. Ngài đã không do dự trả một giá rất đắt , đó là chính bản thân Ngài và là cái giá cao nhất : giá của Máu. Ngài có thể làm gì hơn nữa ?

Đức Kitô chính là Mục tử nhân lành của chúng ta. Chúng ta sung sướng và hãnh diện vì có vị Mục tử ở bên. Chúng ta phải đáp trả lại tình thương vô biên của Ngài và mỗi ngày phải tự hỏi mình : chúng ta có tin tưởng rằng có Đấng luôn ở bên cạnh chúng ta như vị Mục tử tốt lành để bảo vệ, giữ gìn và phù hộ chúng ta không ? Chúng ta có biết lắng nghe tiếng Ngài như đòan chiên lắng nghe tiếng chủ và đi theo Ngài như đàn chiên theo sau chủ mình không ? Chúng ta hãy luôn tin tưởng và gắn bó thân tình với Chúa trong mọi biến cố của cuộc sống. Càng gặp khó khăn nguy hiểm càng phải tin tưởng và liên kết với Ngài chặt chẽ hơn vì Ngài đã khẳng định :”Phần Ta, Ta đến để cho chiên được sống và sống dồi dào”(Ga 10,10).

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1 : Cv 2,36-41

Tuần trước chúng ta đã được nghe bài giảng của thánh Phêrô trong ngày lễ Ngũ tuần, hôm nay chúng ta được nghe phần kết của bài giảng ấy. Sau khi đã cho người Do thái biết Đấng Messia mà Thiên Chúa sai đến đã bị người Do thái giết chết, nay Người đã sống lại. Vậy mọi người hãy ăn năn sám hối, chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu để được ơn tha tội và lãnh được hồng ân cao qúi là Chúa Thánh Thần. Chính Chúa Thánh Thần sẽ hành động trong Giáo hội. Dân chúng đã đáp lại cách nồng nhiệt. Kết quả là hôm ấy có thêm khoảng 3000 người theo đạo, gia nhập đàn chiên của Đức Giêsu.

+ Bài đọc 2 : 1Pr 2,20-25

Thánh Phêrô nói với dân chúng :”Trước đây anh em chẳng khác nào những con chiên lạc, nhưng nay đã quay về với vị Mục tử, Đấng săn sóc linh hồn anh em” (Cv 1Pr 2,41). Vì thế, mọi người hãy theo gương Chúa Giêsu biết đón nhận đau khổ cách xứng đáng và độ lượng theo gương Người.

Đức Giêsu đã đón nhận và chịu đựng mọi đau khổ mà không phàn nàn kêu trách như con chiên bị đem đi làm thịt. Đau khổ luôn có trong đời sống của ta dù không muốn. Đau khổ còn là một huyền nhiệm trong đời sống Kitô hữu. Nếu biết kết hợp đau khổ của ta vào cuộc thương khó của Đức Giêsu thì mọi đau khổ, gian nan khốn khó của ta sẽ có một ý nghĩa cao qúi là đền tội và lập công.

+ Bài Tin Mừng : Ga 10,1-10

Để dân chúng hiểu Ngài là Messia được Chúa Cha sai đến, Đức Giêsu dùng hình ảnh người mục tử và đàn chiên. Hình ảnh này rất quen thuộc và dễ hiểu đối với họ vì họ có nguồn gốc là người du mục. Mục tử rất yêu thương con chiên, dám hy sinh mạng sống vì chiên. Đáp lại, con chiên phải biết tiếng mục tử và theo tiếng gọi của mục tử.

Tuy nhiên bài Tin Mừng hôm nay chú trọng đến một hình ảnh mới là “Cửa chuồng chiên”. Chúng ta nên biết rằng ở xứ Palestina, người ta nuôi chiên rất đông. Ban đêm, các mục tử dẫn đoàn chiên của mình vào một cái chuồng chung ở giữa đồng cỏ và chia phiên nhau canh gác ở ngay cửa ra vào. Đến sáng, từng mục tử qua cửa để vào chuồng và gọi các con chiên trong đàn mình. Chúng đã quen tiếng mục tử nên đi theo ra khỏi chuồng đến những đồng cỏ. Những tên trộm cướp không dám qua cửa vì sợ đụng người canh gác nên phải trèo rào mà vào. Chúa Giêsu chính là mục tử thật, qua cửa mà vào, để gọi và dẫn đàn chiên ra cánh đồng cỏ.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

Theo chân mục tử nhân lành

I. ĐỨC GIÊSU LÀ CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH

Trong Lịch sử trước kỷ nguyên, các vua chúa và đại tư tế thường được gọi là mục tử. Pharaon được gọi là người chăn chiên nhân lành. Danh xưng ấy, dân du mục Israel thường dùng cho Thiên Chúa… Cựu ước đã báo trước Đấng Thiên Sai sẽ đến như mục tử, Ngài sẽ chăn dắt (Mk 5,3) “Ta sẽ cho chỗi dậy một mục tử duy nhất, Ngài sẽ chăn dắt chúng”(Ez 34,23).

Xưa rầy những người biệt phái vẫn tự hào là chủ chăn Israel, nhưng Đức Giêsu cho họ thấy, họ là những chủ chăn xấu. Họ không tin Chúa thì chớ, họ còn ngăn cản người khác tin theo. Trong Tân ước, Đức Giêsu đã áp dụng hình ảnh mục tử cho mình. Ngài tự xưng là chủ chăn được sai đến với các chiên lạc của Israel (Mt 15,24; Lc 19,19). Hôm nay Đức Giêsu muốn cho họ thấy rằng Ngài là chủ chăn thực sự. Ngài tự mạc khải qua ba hình ảnh mà bài Tin mừng hôm nay chỉ nói đến có hai thôi.

1. Hình ảnh chuồng chiên

Chăn chiên là một nghề rất quen thuộc đối với người Do thái vì nơi đây có nhiều đồi núi và nhiều cánh đồng cỏ ở sườn núi, thích hợp cho việc chăn nuôi chiên cừu. Đức Giêsu muốn dùng hình ảnh quen thuộc này để mạc khải về con người của Ngài. Ngài phán :”Thật, Ta bảo thật các ngươi, ai không qua cửa mà vào chuồng chiên, nhưng trèo vào lối khác thì người ấy là kẻ trộm cướp”(Ga 10,1). Qua hình ảnh lề lối chăn chiên này, Đức Giêsu cho biết Ngài là kẻ chăn chiên thật. Ngài có sứ mạng chính đáng, Ngài biết các chiên, và chiên nghe tiếng Ngài. Họ là những người giữ cửa, lẽ ra không được ngăn cản, mà cũng không được cản chiên theo Ngài.


2. Hình ảnh cửa chuồng chiên

Đức Giêsu nói tiếp :”Ta là cửa chuồng chiên, tất cả những kẻ đến trước đều là trộm cướp”(Ga 10,7-8). Đức Giêsu dùng hình ảnh này thật khó hiểu. Chúng ta có thể diễn tả câu nói trên thế này cho dễ hiểu : cũng như những kẻ vào chuồng chiên mà vào qua cửa là kẻ chăn đích thực, còn trèo vào lối khác là kẻ ăn trộm.

Ở đây khi nói đến mục tử giả hiệu, và theo tòan thể mạch văn, Đức Giêsu có ý nhắm tới người biệt phái và luật sĩ là những kẻ từ lâu đã tự đặt mình làm thủ lãnh và linh hướng của dân chúng mà không qua vị canh giữ tối cao, không lãnh nhận từ Thiên Chúa ủy nhiệm nào để thi hành sứ mệnh mục tử, như bọn trộm cướp, họ đã chiếm đọat đám tín hữu vì háo danh và óc thống trị hơn là vì quan tâm đến thiện ích thiêng liêng của tín hữu.

Nhưng có người hiểu chữ “Những kẻ đến trước” theo một chiều hướng khác. Theo họ, những kẻ đến trước đây không phải là những luật sĩ và biệt phái vì đã có lần Đức Giêsu nhận họ ngồi trên tòa Maisen cách chính đáng (Mt 23,2). Hình như Ngài có ý nói đến những “Messia giả”, những kẻ phiêu lưu chính trị thường nổi lên ở Palestine hứa hẹn, nếu dân chúng theo họ, họ sẽ đưa đất nước đến thời đại hòang kim. Tất cả những người này đều là những người nổi lọan, dùng bạo lực để chiếm đọat chính quyền : ví dụ Juđa người xứ Galilêa, 6 năm sau Đức Giêsu (Cv 5,37), Thơ-đa (Cv 5,36), họ dấy lọan làm nhiều người phải chết mà tôn giáo không được nhờ gì.

Trái lại, người mục tử chân chính là người đã được ủy nhiệm chính thức. Ở đây Đức Giêsu muốn nói đến chính sứ mệnh của Ngài, vì Ngài chỉ đến theo lệnh và ủy nhiệm thần linh mà Ngài đã nhận từ Chúa Cha khi chịu phép rửa (Ga 1,31-34).

II. HÃY ĐI THEO ĐỨC GIÊSU MỤC TỬ ĐÍCH THẬT

1. Thế nào là cửa chuồng chiên

Đức Giêsu tự giới thiệu mình là “cửa chuồng chiên”. Đây là một hình ảnh hơi lạ, chúng ta cần tìm hiểu xem tại sao Chúa Giêsu lại ví mình là cửa chuồng chiên.

Trong ẩn dụ này, Đức Giêsu đề cập đến hai loại chuồng chiên. Tại các làng mạc và thị trấn, có những đàn chiên cộng đồng, tất cả các bầy chiên tại địa phương đó đều được nhốt chung khi chúng trở về buổi tối. Các chuồng chiên ấy được bảo vệ bằng một khung cửa thật chắc chắn mà chỉ có người canh cửa mới được giữ chìa khóa mà thôi. Đó là loại chuồng chiên mà Chúa đề cập đến trong câu (2-3).

Nhưng đến mùa nắng ấm, khi chiên được thả trên núi, đêm đến không lùa về làng, thì chúng được nhốt trong các chuồng chiên ngoài sườn đồi. Các chuồng chiên trên sườn núi này chỉ là một khoảng đất trống có rào chung quanh, có một chỗ trống cho chiên ra vào, không có cửa rả gì cả. Đêm đến người chăn chiên nằm ngay tại khoảng đất trống làm chỗ ra vào, không có chiên nào ra vào được, trừ phi nó bước qua anh ta.
Truyện : Cửa chuồng chiên.
George Smith kể lại một loại chuồng chiên như trên khi ông đi du lịch Đông phương , lúc đó người chăn chiên cũng ở đó nên ông hỏi :
- Có phải đó là chuồng chiên không ?
Người ấy đáp :
- Dạ, vâng.
Rồi Geoge nói :
- Tôi thấy chỉ có một lối đi vào.
Giơ tay chỉ khoảng trống hàng rào, người ấy đáp :
- Vâng, ở đàng kia là cái cửa.
Ông Geoge rất ngạc nhiên bảo :
- Nhưng ở đó đâu có cửa ?
Người chăn chiên vội đáp :
- Dạ, tôi là cửa.
Geoge chợt nhớ câu truyện trong Gioan kể rồi nói với người chăn chiên :
- Anh muốn nói gì khi bảo chính anh là cái cửa ?
Người chăn chiên giải thích :
- Chiên vào chuồng xong, tôi đến nằm ngay ngưỡng cửa, và không có con chiên nào có thể đi ra hoặc con chó sói nào có thể vào chuồng trừ phi nhảy qua người tôi.

Nói theo nghĩa đen thì người chăn chiên chính là cái cửa, không có lối nào để ra vào được chuồng chiên, ngoại trừ bước qua chính người chăn. Hình ảnh về cửa chuồng chiên này đối với chúng ta thì rất lạ, còn đối với người Do thái lại là hình ảnh rất quen thuộc.

2. Chúa Giêsu là cửa chuồng chiên

Sách có chữ rằng :”Thùy năng xuất tất do hộ” : Ai ra vào nhà cũng đều phải qua cửa.

Nhà thì phải có cửa để ra vào, ngay nhà tù cũng phải có cửa ra vào. Chuồng trại cũng phải có cửa, không ai trèo hay chui qua hàng rào mà vào. Ai trèo qua hàng rào mà vào thị bị coi là kẻ trộm, ai chui qua mà vào thì được coi hèn như chó, phải lén lút, không dám công khai. Nếu Đức Giêsu xưng mình là cửa thì Ngài có ý nói rằng mọi người phải qua Ngài mới được vào Nước Trời.

a) Chúa Giêsu là mục tử nhân lành

Chúa Giêsu xưng mình là mục tử nhân lành vì mục tử biết và gọi đích danh từng con chiên, các con chiên theo sau người chăn vì biết tiếng người ấy. Các từ ngữ này diễn tả một tình yêu cá biệt. Thiên Chúa yêu thương mọi nguời và từng người một, biết rõ hoàn cảnh từng người một. Tình yêu đi đến cao điểm là thí mạng vì đàn chiên. Cho nên giữa Thiên Chúa và loài người có một tình yêu cao qúi và một sự gắn bó tuyệt vời.

b) Đức Giêsu là cửa chuồng chiên

Đức Giêsu không những xưng mình là mục tử nhân lành, Ngài còn tự cho mình là “cửa chuồng chiên”. Bằng hình ảnh này, Đức Giêsu khẳng định rõ ai muốn vào Nước Trời, muốn lãnh ơn cứu độ bắt buộc phải đi qua Ngài ; muốn đến với Chúa Cha đều phải qua Ngài. Như Ngài đã từng nói :”Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”.

Tác giả thư Do thái viết :”Người đã mở cho chúng ta con đường mới và sống động qua bức màn, tức là chính thân xác Người” (Dt 10,20). Đức Giêsu đã mở ra một con đường đến với Thiên Chúa. Trước khi Đức Giêsu đến, loài người chỉ có thể suy nghĩ về Thiên Chúa như một người xa lạ, hoặc tệ hơn thì như một kẻ thù. Nhưng Đức Giêsu đã đến bảo cho loài người biết, chứng minh cho loài người thấy rõ Thiên Chúa là thế nào, và mở ra con đường đến với Thiên Chúa. Đức Giêsu đã mở ra cánh cửa để loài người đến được với Thiên Chúa. Ngài là cánh cửa duy nhất cho loài người đến với Thiên Chúa.

Để mô tả một phần ý nghĩa của việc vào ra mắt Thiên Chúa, Đức Giêsu dùng câu nói rất quen thuộc của người Do thái, Ngài bảo rằng qua Ngài “chúng ta có thể đi vào và đi ra”. Được đi vào, đi ra tự do không có gì trở ngại, là cách người Do thái dùng để mô tả một đời sống được bảo đảm an toàn. Khi một người có thể đi ra đi vào mà không chút sợ hãi, điều đó có nghĩa là đất nước người đó đang có hoà bình.

c) Phải lắng nghe tiếng mục tử

Từ dân Israel khi xưa cho đến trong xã hội hôm nay, luôn có những người tin theo Đức Giêsu và những kẻ không tin theo Người. Tin theo Người thì được cứu rỗi, còn ngược lại thì không. Tin theo Đức Giêsu là biết sống và thực thi lời Người :”Chiên của Ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta”.

Chúng ta thường đọc thánh vịnh đáp ca với câu “Chúa là Đấng chăn dắt tôi” để cầu nguyện, để đặt hết tin tưởng vào đó. Vậy ở đâu chúng ta có thể nghe được tiếng Chúa Kitô, Đấng chăn dắt chúng ta ?

Chúng ta nghe tiếng Ngài trong Kinh thánh, đặc biệt khi đọc công khai ở đây trong nhà thờ. Chúa Kitô đã nói gì ? Chúa Kitô đã làm gì ? Bạn hãy đọc những câu hỏi này. Bạn hãy tìm câu trả lời. Rồi hãy bước theo tiếng gọi của Đấng chăn dắt linh hồn bạn.

Cái gì là thật ? Cái gì là giả ? Cái gì đúng ? Cái gì sai ? Hãy lắng nghe những vị lãnh đạo của Giáo hội mà Chúa Kitô đã thiết lập. Ngài đã hứa ở cùng Giáo hội cho đến tận thế. Ngài đã hứa gìn giữ Giáo hội cho khỏi lầm lạc.

Bạn sẽ nghe tiếng Ngài từ bàn thờ này, Bạn sẽ nghe tiếng Ngài trong các báo chí Công giáo. Những Giáo hội Kitô giáo cũng có nhiều Chân lý mà Chúa Kitô đã dạy, nhưng chỉ có Giáo hội Công giáo có trọn vẹn những điều Chúa Kitô đã dạy, có dồi dào tiếng nói chính thức của Ngài.

Bạn hãy chăm chú lắng nghe tiếng Ngài. Bạn hãy đổi mới lòng trung thành với Đấng chăn chiên chân thật theo lời thánh Phêrô trong bài đọc II :”Hãy trở về cùng vị Mục tử, Đấng canh giữ linh hồn bạn”. Rồi chúng ta sẽ có sự sống dồi dào.
(GM Arthur Tonne, Bài giảng Tin Mừng Chúa nhật năm A, tr 62).

d) Phải yêu mến mục tử nhân lành

Người mục tử bao giờ chũng yêu thương con chiên, gắn bó với chúng từng giây phút, biết tên từng con một, dẫn chúng đến đồng cỏ xanh tươi và suối nước mát. Tất cả vì đàn chiên. Đấy là hình ảnh của Đức Giêsu, vị Mục tử nhân lành, đối với từng người chúng ta. Vậy chúng ta phải là đàn chiên ngoan ngoãn, yêu mến Chúa, lắng nghe tiếng Chúa, tin theo Chúa mặc dầu phải hy sinh đau khổ. Chúng ta phải biết rằng Chúa thương yêu chúng ta trước, còn ta, ta chỉ việc đáp lại tình yêu nhưng không ấy.

Truyện minh hoạ
Một vị mục sư trung thành, đạo đức, đang đau nặng. Anh em tín đồ qùi cạnh bên giường, cầu xin Chúa cứu chữa ông. Họ nhắc với Chúa rằng ông coi sóc đàn chiên của Ngài rất tận tâm và họ lặp đi lặp lại câu này :”Chúa biết không, mục sư yêu mến Ngài biết bao”!
Nghe vậy, vị mục sư bèn xoay qua phía họ mà nói :
- Xin anh em đừng cầu nguyện như thế. Khi Maria và Marta sai người đi mời Đức Giêsu, thì họ không nói :”Lạy Chúa, này kẻ yêu Chúa”, nhưng nói :”Lạy Chúa, này kẻ Chúa yêu đang bị đau nặng”. Tôi được yên ủi chẳng phải vì tôi yêu Chúa cách bất toàn, nhưng vì Chúa yêu tôi cách trọn vẹn. (Thiên Phúc, Như Thầy đã yêu, năm A, tr 204).

Nhiều khi chúng ta cảm thấy hãnh diện vì đã yêu Chúa nhiều. Chúng ta tưởng mình yêu Chúa nhưng chính Chúa mới là người yêu thương ta trước, yêu vô điều kiện, không bờ bến. Nhiều khi chúng ta hãnh diện mà kể công với Chúa : ta đã làm được những việc này việc nọ cho Chúa nhưng Chúa bảo chúng ta đừng có cao ngạo như thế, trái lại khi làm xong việc gì thì hãy thưa với Chúa :”Chúng con chỉ là những đầy tớ vô dụng, chúng con đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” (Lc 17, 10).

Chúng ta vui sướng vì có Chúa là vị Mục tử nhân lành, Đấng chăn dắt linh hồn chúng ta. Chúng ta chỉ cần trở thành những con chiên ngoan ngoãn, đừng bao giờ trở nên những con chiên bướng bỉnh hay như người ta nói là những con chiên “ghẻ”. Chúng ta sống an bình trong tay Đấng chăn chiên lành, tin tưởng vào Ngài trong mọi trạng huống của cuộc sống. Ngài sẽ lo cho mọi sự vì Ngài đã nói :”Ta đến để cho chiên được sống và sống dồi dào”.

Đồng thời hôm nay cũng là ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu Linh mục và tu sĩ. Chúng ta cầu nguyện cho có nhiều tâm hồn quảng đại, biết dấn thân vô điều kiện, và phục vụ vô vị lợi cho đàn chiên Chúa. Vì đàn chiên không thể thiếu chủ chăn.

Lạy Chúa, Chúa là mục tử tốt lành, xin dẫn dắt chúng con đi trên nẻo đường của Chúa, để chúng con được no thỏa ân tình của Ngài.
Xin ban cho chúng con những chủ chăn nhân lành, chỉ biết say mê Chúa và say mê con người, chỉ biết yêu thương, phục vụ và chăm lo cho đàn chiên Chúa, để chia sẻ với Chúa nỗi bận tâm về một đàn chiên “được sống và sống dồi dào”.



 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:12 12/05/2011
NHƯ THẾ NÀY MÀ ĐẾN SAO ?
N2T

Có một người chạy công văn, chạy mệt bở hơi tai bèn vào trong nhà tắm để tắm. Tắm xong, thì phát hiện áo quần của mình bị người ta lấy mất, do đó mà làm náo lên.
Chủ nhà tắm lại nói anh ta là người có ý đồ điêu ngoa.
Người chạy công văn nghe được thì rất giận dữ, thế là lấy mũ cánh chuồn đội lên, mang đôi ủng vào, lấy dây thắt lưng thắt trên thân thể trần truồng của mình và nói với mọi người:
- “Xin mời chư vị nhìn coi, lẽ nào tôi như thế này mà đến sao ?”

Suy tư:
Trong cơn bối rối bị vu oan mà vẫn làm cho mọi người thấy được mình đúng thì quả là người thông minh, bởi vì không ai từ nhà đi đến nhà tắm mà thân mình trần truồng chỉ cái đội mũ cánh chuồn, mang ủng cao...
Không ai cả đời làm ác rồi chết là được lên thiên đàng mà không được ơn Chúa cứu giúp, nhưng chỉ có những ai được ơn thông minh của Chúa Thánh Thần mới biết mình quá tội lỗi để mà hối cải ăn năn; không ai suốt đời nói mình không tin có Thiên Chúa, không tin Hội Thánh của Ngài ở trần gian, không tin Chúa Giê-su chết và sống lại.v.v...mà chết đi rồi đi thẳng một mạch vào Nước thiên đàng của Ngài...
Con người ta khi sinh ra thì đã trần truồng thì khi chết đi cũng sẽ trần truồng trở về cát bụi, chỉ những ai được tắm trong bí tích Rửa Tội, thì mới hy vọng mặc áo vinh quang làm con cái Thiên Chúa và đội triều thiên chiến thắng ma quỷ mà thôi.
Không ai trần truồng mà lại mang áo mão cân đai để đi tắm, cũng không ai linh hồn trần truồng mà lại đi vào thiên đàng để dự tiệc trường sinh ! Ha ha ha...
------------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:16 12/05/2011
N2T

53. Phạm tội chính là không làm theo giới luật của Thiên Chúa, là quên dùng các quan năng mà Thiên Chúa ban cho chúng ta để làm việc thiện.

(Thánh Basile)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Với Internet, Chúng Ta Loan Tin Vui
Gioan Lê Quang Vinh
08:09 12/05/2011
VỚI INTERNET, CHÚNG TA LOAN TIN VUI

Bạn là một chàng trai hay cô gái tuổi đôi mươi, sống với computer, làm việc và giải trí với Internet, giao tiếp bằng các mạng xã hội. Tân tiến và trẻ trung, năng động và tự do quá phải không? Bỗng có một cụ già trên 80 tuổi đến nói với bạn về cách giao tiếp Internet, bạn sẽ nghĩ gì? Bạn sẽ cho rằng cụ thuộc thế hệ xa xưa, không rành Internet và các vấn đề của nó, đúng không bạn?

Nhưng bạn ơi, có thể bạn lầm. Có một cụ già 84 tuổi, gửi sứ điệp cho giới trẻ thế giới về truyền thông, mà đọc lên nghe trẻ trung và gần gũi không kém bất cứ một blogger hay facebooker nào. Đó là Đức Giáo Hoàng Benedict XVI, người Cha già của giới trẻ Công giáo. Ngài là người Cha già với trọn vẹn ý nghĩa của từ ngữ này, đã không có ai và sẽ không có ai để giới trẻ Công giáo gọi Cha già với niềm trìu mến như gọi các vị Giáo hoàng của mình.

Đoạn văn đánh động tâm hồn tôi nhất là đây, mời bạn cùng đọc chậm rãi với tôi bạn nhé:

“Loan báo Tin Mừng qua các phương tiện truyền thông mới không chỉ có nghĩa là diễn tả nội dung tôn giáo trong các lãnh vực truyền thông khác nhau, nhưng còn là làm chứng một cách kiên định, trong bản lý lịch trên mạng của mình và theo cách thức chia sẻ những chọn lựa, những ưu tiên, những phán đoán phù hợp hoàn toàn với Tin Mừng, ngay cả khi người ta không nói về điều đó cách đặc biệt.”

Bạn thấy đoạn ấy rất hay không bạn? Nếu chưa, xin mời bạn đọc lại, từng từ thôi: “truyền thông”, “Tin Mừng”, “làm chứng”, “lý lịch trên mạng”, “chia sẻ”, “chọn lựa”, “ưu tiên”, phán đoán” và lần nữa “Tin Mừng”.

Tuyệt vời. Bạn có nhận ra người Cha già của chúng ta tuyệt vời chưa? Chúng ta thử sắp xếp lại lời văn của người Cha chung xem sao: Truyền thông là loan tin, chúng ta không loan tin cho sự chết, cho bóng tối, mà loan Tin Mừng. Không những loan tin, chúng ta còn làm chứng cho tin ấy. Làm chứng trước hết là bằng lý lịch trên mạng của chúng ta. Không giấu giếm tên chung của anh em chúng ta: Yêsu. Và khi chọn Yêsu, cho mọi người biết ta thuộc về Yêsu, ta chia sẻ những chọn lựa, ưu tiên và phán đoán của ta.

Tiêu chí cho các chọn lựa, ưu tiên và phán đoán ấy? Có ngay rồi: đó là Tin Mừng.

Bây giờ bạn còn cho rằng ý kiến của cụ già 80 tuổi là “thuộc thế hệ xa xưa, không rành Internet và các vấn đề của nó” nữa hay không? Tôi đoan chắc bạn đã thay đổi hoàn toàn rồi phải không? Vậy xin mời bạn tìm đọc “Sứ điệp của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI nhân Ngày Thế giới Truyền thông xã hội lần thứ 45” và bạn sẽ khám phá nhiều điều thú vị hơn. (Bạn cũng có thể tham dự cuộc thảo luận về Sứ điệp này lúc 18:30, ngày thứ năm, 02/06/2011, tại Dòng Chúa Cứu Thế, 38 Kỳ Đồng, Quận 3, Sài Gòn).

Chúng ta quay lại với đoạn văn trên một chút nữa bạn nhé. Khi Đức Thánh Cha nói đến lý lịch trên mạng, là ngài nhắc đến việc chúng ta trình bày chính mình trên mạng qua hình ảnh, avatar, nick name, lời trích dẫn, và cả những điều chúng ta ưa thích, ý kiến chúng ta đưa ra nữa.

Bạn hãy vào mạng xã hội facebook chẳng hạn. Bạn có nhận xét gì? Nhiều, rất nhiều bạn trẻ Công giáo dùng tên Thánh của mình, chọn avatar là ảnh thánh của Chúa Giêsu, Mẹ Maria hay hình ảnh cao đẹp khác. Các bạn hiên ngang tuyên xưng đức tin bằng những câu trích và những comment tuyệt đẹp.

Điều ấy nói lên rằng Chúa Yêsu thật sự làm chủ cuộc đời các bạn, thật sự chi phối từng phút giây trong đời sống các bạn, và do đó, Yêsu chính là điểm đến cuối cùng mà không ai, không có gì vĩ đại hơn để thay thế.

Giữa xã hội đầy bóng tối, muốn loại trừ Yêsu là Chúa ra khỏi tâm hồn người trẻ, mà được nhìn thấy những con người dám hiên ngang tuyên xưng niềm tin vào Đức Yêsu, ai cũng cảm được sức mạnh của Đấng đã thực sự phục sinh và đang làm chủ thế giới này.

Với Internet, chúng ta cùng loan Tin Vui như vị Cha già khả kính của chúng ta nhắc nhở. Xin đừng để tinh thần thế tục, bóng tối thế gian và những mưu mô len vào trong phương tiện cao quí là Internet. Cũng xin đừng lẩn tránh Đấng là ánh sáng trong những giao tiếp của mình. Và xin đừng dùng lời lẽ bất xứng với các thực tại thánh thiêng.

Yêsu ơi, con tuyên xưng Người là Chúa. Yêsu ơi, con loan tin vui của Người là chủ mọi phương tiện truyền thông. Xin cho con được lặng lẽ đánh xuống từng chữ, từng từ đậm nét Yêsu.

Gioan Lê Quang Vinh
 
Ý: Một linh mục được tôn vinh vì che giấu người Do Thái trong Chiến tranh thế giới thứ hai
Nguyễn Trọng Đa
08:55 12/05/2011
Ý: Một linh mục được tôn vinh vì che giấu người Do Thái trong Chiến tranh thế giới thứ hai

Roma – Linh mục người Ý Martino Michelone đã được truy tặng huy chương danh dự cao cấp, vì đã bảo vệ một gia đình Do Thái khỏi cuộc bách hại của Đức Quốc xã trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

Ngày 8-5, linh mục này, qua đời năm 1979, được các nhà lãnh đạo Do Thái tuyên bố là "Người công chính giữa các dân tộc", vì đã che giấu bốn thành viên của một gia đình trong gần hai năm.

Cha Machelone che chở một cậu bé tên là Luciano Segre - cũng như cha mẹ của Segre và bà cô của cậu - từ năm 1943 đến năm 1945 tại thị trấn Moransengo, miền tây bắc nước Ý.

Huy chương công nhận "Người công chính giữa các dân tộc" tôn vinh những người giúp cứu người Do Thái trong nạn tàn sát người Do Thái.

Theo nhật báo The Edmonton Journal ở Canada, cha Machelone có lần đã phải đi trốn trong chiến tranh, nhằm tránh cuộc tuần tra đang diễn ra.

Đại sứ Israel tại Ý, Ghideon Meir, trao huy chương cho thân nhân còn sống của cha, tại một buổi lễ ở Moransengo.

Luciano Segre, là một đứa trẻ vào thời chiến tranh, nay trở thành một nhà tài chính hàng đầu. Cha Michelone thường giấu lý lịch của Segre, bằng cách cho em mang áo giúp lễ và đi cùng cha đến làm phép cho nhà giáo dân. (CNA 11-5-2011)

Nguyễn Trọng Đa
 
''Huấn thị” về phụng vụ truyền thống sẽ được công bố ngày 13-5
Phạm Kim An
08:57 12/05/2011
"Huấn thị” về phụng vụ truyền thống sẽ được công bố ngày 13-5

Roma – Ngày 11-5, Tòa thánh Vatican đã loan báo rằng một Huấn thị mới về việc thực hiện Tự sắc Summorum Pontificum, liên quan đến việc sử dụng rộng lớn hơn Thánh Lễ truyền thống bằng tiếng La tinh, sẽ được công bố ngày thứ sáu, 13-5.

Chỉ thị được chờ đợi từ lâu mang tên Ecclesiae Universae (Giáo hội hoàn vũ), sẽ được công bố bằng nhiều ngôn ngữ.

Huấn thị Ecclesiae Universae dự kiến sẽ củng cố lời mời gọi của ĐTC Biển Đức 16 để làm cho phụng vụ truyền thống đến với tín hữu ở mọi giáo phận. Văn kiện mới sẽ nói rõ ràng rằng các mục tử không cần xin phép Giám mục của mình để cử hành Thánh lễ bằng tiếng La tinh, theo các quan sát viên đáng tin cậy.

Phòng báo chí Tòa thánh cho biết rằng Huấn thị Ecclesiae Universae sẽ được công bố trong ấn bản ngày 14-5 của nhật báo Tòa thánh L'Osservatore Romano. Do hệ thống dùng in ngày trên tờ báo, số báo đề ngày 14-5 sẽ xuất hiện trong bản in chiều ngày 13-5. (Catholic Culture 11-5-2011)

Phạm Kim An
 
Ấu dâm: Thư luân lưu của Thánh Bộ Giáo lý Đức tin
Nguyễn Trọng Đa
08:59 12/05/2011
Ấu dâm: Thư luân lưu của Thánh Bộ Giáo lý Đức tin

Thư luân lưu giúp các Hội đồng Giám mục xử lý các trường hợp ấu dâm

ROMA – Phòng báo chí Tòa thánh sẽ công bố một thư luân lưu của Thánh Bộ Giáo lý Đức tin về xử lý các trường hợp ấu dâm, ngày thứ hai 16-5 tới.

Một tuyên bố nói rằng thư luân lưu này đã được gửi đến Hội đồng Giám mục trên khắp thế giới, để “giúp đỡ” các Hội đồng này soạn thảo "hướng dẫn xử lý các trường hợp giáo sĩ lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên".

Thư luân lưu sẽ được công bố bằng bảy ngôn ngữ: tiếng Pháp, tiếng Ý, tiếng Đức, tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Ba Lan.

Văn bản của thư luân lưu sẽ được kèm theo một "Dẫn giải tổng hợp”, do phòng báo chí Tòa thánh soạn thảo.

Hồi tháng 11-2010, Tổng trưởng Thánh Bộ Giáo lý Đức tin, Đức Hồng Y William Levada, đã thông báo rằng tài liệu này đang được soạn thảo.

Nên nhớ rằng trang web của Vatican đã gom lại, trong một phần đặc biệt mang tên "Sự lạm dụng trẻ vị thành niên, và phản ứng của Giáo Hội", các biện pháp được chọn để đối phó với các trường hợp như vậy.

Hồng Y Levada loan báo các "hướng dẫn" về sự thực hành cần làm theo, trong trường hợp ấu dâm ở bối cảnh Giáo hội, và đặc biệt đối với những gì liên quan sự trợ giúp cần có cho các nạn nhân, cũng như sự hợp tác với chính quyền dân sự, và sự ngăn ngừa ấu dâm nữa.

Đối với Tòa Thánh, cần thúc đẩy phản ứng của giáo quyền, để cho phản ứng này cứng rắn hơn, chặt chẽ hơn và hiệu quả hơn.

Ngày 21-5-2010, khi trình bày các qui định mới được chọn, Đức Hồng Y Levada đã giải thích: "Chín năm sau khi ban hành Tông thư, dưới dạng Tự sắc "Sacramentorum sanctitatis tutela” (Bảo vệ sự thánh thiện của các Bí tích) liên quan đến "Normae de gravioribus delictis” (Qui định về các tội nặng hơn) được dành cho Thánh Bộ Giáo lý Đức tin giải quyết, Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin thấy cần phải đề nghị thay đổi một số các qui định này, không phải thay đổi toàn bộ bản văn, nhưng chỉ trong một số phần bản văn, trong một cố gắng cải thiện việc áp dụng luật”. Các qui định này đã được thông qua bởi ĐTC Gioan Phaolô II vào năm 2001.

Giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh, linh mục Federico Lombardi, đã công bố một bài trình bày về "Ý nghĩa của việc xuất bản ‘các qui định mới về các tội nặng hơn’”.

Phòng báo chí Tòa thánh cũng xuất bản một bức thư của ĐTC Biển Đức 16 hồi tháng 3-2010 gửi các giám mục Ireland, và văn bản của các cuộc gặp giữa ĐTC và các nạn nhân ấu dâm, nhân các chuyến công du quốc tế khác nhau. (Zenit 11-5-2011)

Nguyễn Trọng Đa
 
Mêxicô: Trang web của Hội Đồng Giám Mục bị tấn công
Tiền Hô
13:15 12/05/2011
Mêxicô: Trang web của Hội Đồng Giám Mục bị tấn công

Trang web của Hội Đồng Giám Mục Mêxicô đã bị đánh sập sau một cuộc tấn công trên mạng nhắm vào nó. Bà Paola Rios - Giám đốc truyền thông kỹ thuật số của Hội Đồng Giám Mục nói với CNA rằng, tin tặc "đã phá hỏng cơ sở dữ liệu". Nhưng bà nói là trang web này đã được sao lưu dữ liệu (back up) thường xuyên, cho nên "tất cả các thông tin đã được cứu, tuy vậy chức năng thì vẫn chưa được phục hồi".

Bà cho biết, trang web là mục tiêu của các cuộc tấn công trên mạng trong những tuần trước cho đến ngày 5 Tháng Năm. "Bất kỳ trang web nào đều có thể là một mục tiêu để tấn công. Các kỹ thuật viên làm việc với chúng tôi cho biết các cuộc tấn công này đến từ mọi nơi, từ các quốc gia khác nhau".

Hỏi về động cơ của việc tấn công này, bà trả lời: "Tôi nghĩ rằng đó là việc ngẫu nhiên. Trang web chúng tôi ngày càng tăng thứ hạng và chúng tôi cho ra các bài báo hàng ngày trên đó".

Bà Rios mong đợi trang web có thể hoạt động trực tuyến trở lại vào tuần tới. "Chúng tôi không thể không có truyền thông, các vị giám mục cần phải gửi thông điệp của họ ra bên ngoài", bà cũng nhấn mạnh rằng, các vị giám mục Mêxicô sẽ tổ chức hội nghị toàn thể trong ba tuần tới đây.

Bà Rios cho biết, một thiết kế mới cho trang web này đã được chuẩn bị để công bố vào thượng tuần hoặc trung tuần Tháng Sáu. Kể từ khi trang web bị tấn công, bộ phận phụ trách đã đẩy nhanh kế hoạch của mình để thực hiện nó sớm hơn. (CNA, 11 Tháng Năm 2011)

Tiền Hô
 
Ai Cập: Kitô hữu chạy trốn khỏi đất nước
Tiền Hô
13:16 12/05/2011
Ai Cập: Kitô hữu chạy trốn khỏi đất nước

Theo ông John Pontifex - phát ngôn viên của Tổ Chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ (Aid to the Church in Need), vì lo sợ cho sự an toàn của mình, một số Kitô hữu Coptic đã bắt đầu chạy trốn khỏi Ai Cập, .

Đưa ra một cái nhìn tổng quan về tình trạng bạo lực đối với Kitô hữu xảy ra gần đây tại Imbaba - ngoại ô thủ đô Cairo, ông Pontifex nói với Đài Phát Thanh Vatican rằng, "nhiều người cảm thấy mất ổn định và sợ hãi tột độ khi nghĩ về tương lai của Kitô giáo, trong một khu vực mà lúc nào người ta cũng nghe Kitô hữu nói rằng: "Chúng tôi muốn bỏ đi, chúng tôi cảm thấy không an toàn khi ở đây".

Theo thống kê của Vatican, người Công Giáo chỉ chiếm 0.3% trong tổng số 79.1 triệu người dân Ai Cập, và ước tính có 9% người Ai Cập là Kitô hữu, hầu hết trong số họ là người Chính Thống Giáo Coptic (CatholicCulture, 12 Tháng Năm 2011).

Tiền Hô
 
Trung Quốc: một giáo phận tự bầu chọn ứng viên giám mục
Phan Thịnh
14:29 12/05/2011
Sán Đầu, 12 Tháng Năm 2011 (UCANEWS) - Hôm qua, Giáo phận Sán Đầu - phía nam tỉnh Quảng Đông, đã tổ chức một cuộc bỏ phiếu để bầu ra một ứng viên cho chức giám mục. Các nhân viên an ninh theo dõi sự kiện này bằng con mắt cảnh giác, trong khi đó, một quan sát viên Giáo hội đã cảnh báo rằng các ứng viên này không phù hợp cho vị trí đang bị trống tòa.

72 người đã tham gia bỏ phiếu, trong đó có 15 linh mục, 5 nữ tu, 2 chủng sinh và 50 giáo dân. Kết quả cho thấy có 66 phiếu thuận và 3 phiếu chống dành cho linh mục Giuse Huang Bingzhang - ứng viên duy nhất. Ngoài ra còn có 3 phiếu trắng.

Một linh mục nói rằng ngài đã "bị một số nhân viên an ninh kèm cặp đến địa điểm bỏ phiếu", tại đó có nhiều nhân viên mặc thường phục hơn là cử tri. Ngài nói rằng ngài cảm thấy rất buồn vì cuộc bầu cử này không được tổ chức theo nguyên tắc Giáo Hội mà đã diễn ra trong bầu không khí nặng nề như vậy.

Theo một nguồn tin từ Giáo Hội, những người đã bỏ phiếu chọn linh mục Huang thì nói rằng họ không còn sự lựa chọn nào khác, họ thú nhận là đã hành động không theo lương tâm của mình, nhưng vì sự an toàn cho sự nghiệp và gia đình của họ.

Chính quyền địa phương thắt chặt kiểm soát cuộc bầu cử để đảm bảo nó hoàn tất. Trong nhiều năm trời, họ đã lên kế hoạch để đưa linh mục Huang lên làm giám mục nhưng phải đối mặt với sự thật là Giáo phận Sán Đầu đã có một giám mục rồi.

Đức Giám Mục Zhuang Jianjian được Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm vào năm 2006 nhưng ngài không được chính phủ Trung Quốc công nhận. Ngài đã bị theo dõi kể từ Tuần Thánh vừa qua và không thể thực hiện công việc mục vụ của mình.

Cũng như vị giám mục 81 tuổi này, có 5 linh mục trong tổng số 20 linh mục của giáo phận không tham gia bỏ phiếu. 3 linh mục đã bị theo dõi và các hoạt động của họ bị hạn chế trong các giáo xứ của mình. Số khác đã bị bắt giữ tại Sở công an trong khi đang lánh mặt.

Sinh năm 1967, linh mục Huang nhập Chủng Viện Thần Học Và Triết Học vùng Trung Nam năm 1985 và thụ phong linh mục vào năm 1991. Kể từ đó. linh mục này làm cha sở Nhà thờ Chánh Tòa Thánh Giuse.

Từ năm 1998, linh mục này làm đại biểu trong ba nhiệm kỳ (mỗi nhiệm kỳ 5 năm) tại Quốc hội Trung Quốc. Linh mục này cũng là phó chủ tịch Hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc kiêm chức chủ tịch Hội Công giáo Yêu nước ở Quảng Đông.

Trước đó, ngày 10 Tháng Năm, Giáo phận Thành Đô ở tây nam tỉnh Tứ Xuyên cũng đã tổ chức một cuộc bầu chọn ứng viên chức giám mục. Linh mục Simon Li Zhigang có được 41 trong tổng số 45 phiếu bầu.

Hàng chục cuộc tấn phong giám mục dự kiến sẽ diễn ra trong năm nay, một vài trường hợp không được sự chấp thuận của Tòa Thánh.

Một quan sát viên thân cận Vatican đã cảnh báo rằng, Giáo hội "công khai" ở Trung Quốc nếu lựa chọn ứng viên giám mục không phù hợp hoặc không được chấp thuận sẽ "tạo thêm căng thẳng bên trong Giáo Hội và xã hội". Ông đặt câu hỏi: "Những ứng viên biết họ không thể được phê chuẩn nhưng vẫn cứ lao vào cuộc bầu cử để cuối cùng được tấn phong. Tạo ra sự căng thẳng cho họ hoặc cho chính quyền thì nào được ích gì?".
 
Đức Thánh Cha ghi nhận sự hợp tác với người Do Thái trong công trình Bác Ái
Bùi Hữu Thư
19:15 12/05/2011
Ngài nhấn mạnh việc chia sẻ giá trị về nhân phẩm

VATICAN, ngày 12, tháng 5, 2011 (Zenit.org).- Đức Thánh Cha Benedict XVI đã nhấn mạnh các lãnh vực trong đó người Công Giáo và Do Thái giáo có thể cùng nhau hoạt động, nhất là về các công trình bác ái và dịch vụ cho người nghèo.

Đức Thánh Cha tuyên bố như vậy trong một buổi tiếp kiến các đaị biểu của B'nai B'rith International ("Các Người Con của Giao Ước" bằng tiếng Do Thái), một tổ chức xưa cổ nhất của người Do Thái trên thế giới được thành lập tại thành phố Nữu Ước năm 1843.

Đức Thánh Cha bầy tỏ sự biết ơn tổ chức này trong "việc đối thoại giữa Công Giáo và Do Thái và đặc biệt nhất là sự tham gia năng động trong buổi họp của Uỷ Ban Liên Lạc Công Giáo-Do Thái Quốc Tế (the International Catholic-Jewish Liaison Committee), được tổ chức tại Paris vào cuối tháng Hai vừa qua."

Ngài ghi nhận rằng "buổi họp tại Paris xác nhận ước muốn của người Công Giáo và Do Thái cùng sát vai đối phó với những khó khăn to lớn các cộng đồng của chúng ta gặp phải trong một thế giới đang biến đổi nhanh chóng, và đáng kể là bổn phận tôn giáo phải chia sẻ trong việc chống nghèo đói, bất công, kỳ thị và chối bỏ các nhân quyền hoàn vũ."

Đức Thánh Cha nói: "Có rất nhiều cách người Do Thái và Kitô Giáo có thể hợp tác để cải tiến thế giới theo Thánh Ý của Thượng Đế về sự thiện hảo của nhân loại."

Ngài nói: "Chúng ta cần chú ý ngay đến các công trình thực tiễn về bác ái và dịch vụ cho người nghèo và thiếu thốn."

Đức Thánh Cha Benedict XVI tiếp, "Tuy nhiên, một trong những việc quan trọng nhất chúng ta có thể cùng hợp tác là làm chứng tá chung về điều chúng ta tin vững vàng là mọi người nam và nữ đều được tạo dựng theo hình ảnh của Đấng thiêng liêng và do đó có một phẩm giá không thể vi phạm."

Ngài nói, "Niềm tin này vẫn là căn bản vững chắc nhất cho mọi nỗ lực để bảo vệ và cổ võ cho các quyền không thể truất phế của mỗi con người."

Đức Thánh Cha nói rằng, "đời sống và hoạt động của mọi tín hữu phải thường xuyên làm nhân chứng cho sự siêu việt, và hướng về những thực tại vô hình ở bên kia chân trời."

Ngài nói, cũng thế "cần bao gồm niềm tin là một Đấng An Bài giầu lòng thương xót đang hướng dẫn chung cuộc cuả lịch sử, bất kể đến những khó khăn và đe dọa có thể đôi khi xảy tới trong suốt hành trình của chúng ta."
 
Đức Phaolô VI và vấn đề kiểm soát sinh đẻ
Vũ Văn An
22:22 12/05/2011
Bất cứ ai quan tâm tới việc xuất hiện hiện tượng người Công Giáo bất đồng công khai đối với giáo huấn luân lý của Giáo Hội trong 40 năm qua, hẳn phải quen thuộc với cuộc tranh cãi do việc công bố thông điệp Sự Sống Con Người ngày 25 tháng 7 năm 1968 của Đức Phaolô VI.
Việc công bố này tiếp theo 5 năm duyệt xét cẩn thận của chính Đức Giáo Hoàng về đủ mọi vấn nạn liên quan tới việc kiểm soát sinh đẻ. Một phần cuộc duyệt xét đó được trao phó cho một nhóm nghiên cứu gồm nhiều giáo sĩ và chuyên viên, mà người ta thường gọi là Ủy Ban Giáo Hoàng Kiểm Soát Sinh Đẻ.
Thực ra, nhóm nghiên cứu này, chính thức gọi là Ủy Ban Giáo Hoàng Về Dân Số, Gia Đình và Sinh Suất, được Đức Gioan XXIII thiết lập ngày 27 tháng 4 năm 1963, 6 tháng sau ngày Công Đồng Vatican II khởi sự. Trái với niềm tin phổ thông, mục đích của ủy ban này không phải là sét xem liệu Giáo Hội có nên thay đổi giáo huấn của mình về ngừa thai hay không, nhưng đúng hơn trợ giúp Tòa Thánh chuẩn bị tham dự hội nghị sắp tới do Liên Hiệp Quốc và Cơ Quan Y Tế Thế Giới bảo trợ.
Đức Gioan XXIII qua đời sau đó 37 ngày và Đức Hồng Y Giovanni Montini được bầu làm giáo hoàng vào ngày 21 tháng 6, lấy hiệu là Phaolô VI. Đức tân giáo hoàng hiểu rất rõ vấn đề đặt ra cho Giáo Hội do việc thế giới thế tục Tây Phương nhất trí về việc kiểm soát sinh đẻ. Người Công Giáo càng ngày càng sử dụng việc ngừa thai và trên các tạp chí bác học, các nhà thần học Âu Châu bắt đầu lên tiếng thách thức giáo huấn vốn được chấp nhận. Ngài cũng chưa có quyết định gì về vấn đề liệu thuốc viên ngừa thai, vì không can thiệp vào diễn trình giao hợp tính dục, có phải là một hình thức ngừa thai hay không. Các cố vấn thuộc mọi phía cố thuyết phục ngài nhận ra tính khẩn trương của vấn đề và làm áp lực để ngài đem vấn đề ra xem sét.
Đứ Phaolô đồng ý rằng vấn đề này cần được xem sét một cách cẩnthận, nhưng lại cho rằng Công Đồng Vatican II, lúc đó đang họp năm thứ hai, không phải là chỗ thích hợp để đảm nhiệm việc đó. Do đó, ngài quyết định mở rộng con số thành viên của Ủy Ban, điều được ngài thực hiện vào ngày 23 tháng 6 năm 1964, bằng cách thêm các y sĩ, phân tâm gia, chuyên viên dân số học và xã hội học, kinh tế gia và một số cặp vợ chồng. Vì ngài không chỉ rõ nhiệm vụ mới của Ủy Ban, nên các thành viên đã tự xác định lấy: tái xem sét nội dung và vị trí của giáo huấn đã được chấp nhận trong Giáo Hội Công Giáo về việc sử dụng kiểm soát sinh đẻ.
Vì đây là một ủy ban có tính bí mật (confidential), nên nhiều chi tiết liên quan tới phương thức làm việc bên trong đã không bao giờ được công bố. Tuy nhiên, ta cũng biết rằng một năm trước khi “Sự Sống Con Người” được công bố, và vào khoảng 6 tháng sau khi Ủy Ban hoàn tất công việc, tức vào mùa xuân năm 1967, bốn tài liệu của Ủy Ban đã bị tiết lộ cho báo chí và được ấn hành bằng tiếng Anh và Tiếng Pháp. Các tài liệu này tiết lộ rằng đa số các thành viên ủng hộ việc đảo ngược giáo huấn cổ truyền về ngừa thai và đã khuyến cáo như thế lên đức giáo hoàng.
Báo chí lúc ấy đã có một ngày hội lớn đối với các tài liệu bị tiết lộ. Người Công Giáo khắp thế giới được người ta mớm cho cảm tưởng là Giáo Hội đã sẵn sàng “thay đổi giáo huấn của mình” về vấn đề ngừa thai. Thành thử, nhiều hy vọng và chờ mong sai lầm đã được củng cố. Điều này một phần phải chịu trách nhiệm đối với sự ngỡ ngàng mà nhiều người trong Giáo Hội bày tỏ trong tháng 7 năm 1968 khi đức thánh cha tái khẳng định giáo huấn đã có từ xưa.
Tại sao người Công Giáo lại được chuẩn bị một cách nghèo nàn như thế để tiếp nhận giáo huấn của đức giáo hoàng? Tại sao đức giáo hoàng lại nhận được quá ít sự ủng hộ đến thế từ chính các giám mục thế giới? Tại sao những người bênh vực thay đổi lại tiết lộ các tài liệu, một điều chắc chắn đã gây ra hoang mang khủng khiếp trong tâm trí những người Công Giáo đơn thành? Trong nhiều năm qua, một số cuốn sách phác họa cho ta phương thức làm việc của Ủy Ban đã được xuất bản, nhưng phần lớn do những người chống đối dai dẳng “Sự Sống Con Người” viết ra.
Phần còn lại của câu truyện
Nhà thần học luân lý ưu tú của Mỹ là Germain Grisez, giáo sư hưu trí môn đạo đức học Kitô Giáo tại Đại Học Mount Saint Mary ở Emmitsburg, Maryland, mới đây có cho đăng tải trên trang mạng của ông, tên là “The Way of the Lord Jesus” (Đường Lối Chúa Giêsu) (www.twotlj.org/Ford.html), một số tài liệu chính thức của Ủy Ban Giáo Hoàng, bao gồm cả 4 tài liệu đã bị tiết lộ. Ít người hiện sống ngày nay có tư cách hơn Grisez để nói về phương thức làm việc của Ủy Ban. Khi còn là một triết gia luân lý trẻ tuổi, ông vốn là cánh tay mặt của Cha John C. Ford, Dòng Tên, nhà thần học luân lý hàng đầu của Mỹ lúc đó và là cố vấn thần học có ảnh hưởng của Ủy Ban trong việc bênh vực giáo huấn cổ truyền của Giáo Hội. Cả hai vị, Cha Ford lẫn Grisez, cùng nhau soạn thảo phần lớn các tài liệu của Ủy Ban để trình bày các luận điểm bênh vực giáo huấn vốn được chấp nhận, chống lại việc ngừa thai nhân tạo.
Grisez cung cấp cho ta các đường dây nối kết với các tài liệu trong ngữ cảnh một tiểu luận có thư mục về Cha John C. Ford, một linh mục Dòng Tên vĩ đại từng chịu đau khổ nặng nề vì bênh vực chân lý Công Giáo trong lãnh vực luân lý tính dục (không nên lẫn lộn với Cha John T. Ford của Dòng Thánh Giá). Các tài liệu này cho thấy rõ: ngay từ những ngày đầu tiên khi Đức Phaolô VI nới rộng Ủy Ban, tổng thư ký Ủy Ban, Cha Henri de Riedmatten, Dòng Đa Minh, có sự phụ họa của các thành viên khác cùng khuynh hướng trong Ủy Ban, đã cương quyết thuyết phục Đức Phaolô VI đảo ngược giáo huấn của Giáo Hội về ngừa thai.
Khi bỏ phiếu ngày 20 tháng 6 năm 1966, trong số 15 thành viên giáo phẩm của Ủy Ban hôm ấy có mặt, thì 9 vị giám mục bỏ phiếu ủng hộ việc thay đổi. Thêm vào đó, 12 trong số 19 chuyên viên thần học hỗ trợ việc thay đổi, cũng như hầu hết các giáo dân thành viên tư vấn. Điều đáng buồn là chính nhà thần học riêng của Đức Phaolô VI, Đức Cha Carlo Colombo, cũng cho thấy rõ là ngài tin có thể có những phương pháp ngừa thai nhất quán với truyền thống luân lý của Giáo Hội.
Một thành viên của Ủy Ban, Đức TGM Karol Wojtyła của Kraków, bị nhà cầm quyền Cộng Sản Ba Lan ngăn cản không tham dự được các phiên họp của Ủy Ban. Điều chắc chắn là ngài sẽ bỏ phiếu với phe thiểu số.
Khi cho công bố “Sự Sống Con Người”, Đức Phaolô VI đã không theo quan điểm của đa số các hồng y và giám mục cố vấn, cũng như với chính nhà thần học riêng của ngài. Nhắc lại các nhận định của Cha Ford về kết quả không cân xứng của diễn trình tham khảo, Grisez viết rằng: “Nói thẳng ra, Cha Ford nhận định, khi Đức Giáo Hoàng Phaolô VI tái tổ chức Ủy Ban, ngài ít chú ý tới việc cố gắng ép nó chống lại thay đổi; đúng hơn, ngài muốn cho những người ủng hộ thay đổi mọi cơ hội để họ trình bày quan điểm của họ”. Họ đã làm thế và đức giáo hoàng đã bác bỏ quan điểm của họ vì coi là thiếu sót.
Trình thuật được công bố mới đây của Grisez sẽ cung cấp nhiều tư liệu quan trọng cho việc đánh giá có phê phán, có lẽ cả tái thẩm định nữa, về một thời kỳ đau đớn trong lịch sử gần đây của Giáo Hội, cơn đau mà hiện nay ta vẫn còn cảm nhận trong đời sống Giáo Hội.

Theo E. Christian Brugger, Học Giả kỳ cựu về đạo đức học và giám đốc Chương Trình Học Giả tại Qũy Văn Hóa Sự Sống (Culture of Life Foundation); cũng là giáo sư thần học luân lý tại Chủng Viện Thánh Gioan Vianey tại Denver, Colorado.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Ngày Văn Hóa Thư Viện Giáo Xứ Việt Nam Paris
Trần Văn Cảnh
08:49 12/05/2011
Ngày Văn Hóa Thư Viện Giáo Xứ Việt Nam Paris

Paris, ngày 08.05.2011, kỷ niệm XXI năm thành lập, Thư viện Giáo Xứ Việt Nam Paris đã tổ chức Ngày Văn Hóa, với một chương trình văn học và văn nghệ phong phú, xoay quanh 3 chủ đề : thuyết trình về « Thầy cả Philipê Bỉnh (1759-1832), nhà văn học quốc ngữ Đàng Ngoài » ; văn nghệ về « Chút gì để lại », thơ Thérèse Nguyễn, nhạc Quách Vĩnh Thiện ; và văn nghệ về « Kim Vân Kiều », thơ Nguyễn Du, nhạc Quách Vĩnh Thiện.

Nhưng trước đó, anh trưởng Ban Thư Viện, Trần Anh Dũng, đã nói đôi lời chào mừng quan khách và giới thiệu thư viện. Trích Bình Ngô Đại Cáo rằng « Nước nhà Đại Việt thực là một nước Văn Hiến », anh Trưởng Ban đã nói rõ về sứ mệnh của thư viện là đóng góp vào tinh thần duy trì Văn Hiến Đại Việt, mà đặc biệt là vào việc hỗ trợ, phổ biến và bảo trì tiếng quốc ngữ cho người Việt sống nơi hải ngoại. Để làm được những công việc này, dẫu đã cố gắng rất nhiều, Thư Viện Giáo Xứ vẫn rất cần đến sự đóng góp của mỗi người trong cộng đoàn người Việt, về tinh thần và vật chất. Tích trữ và phân loại được trên 10.000 đầu sách, Thư Viện Giáo Xứ hân hạnh đón tiếp tất cả mọi người trong cộng đồng người Việt, không phân biệt giai cấp, chính trị, tôn giáo,…Rồi anh mời quan khách tham dự và thưởng thức chương trình văn học và văn nghệ hôm nay.

1. Thuyết trình về « Thầy cả Philipê Bỉnh (1759-1832), nhà văn học quốc ngữ Đàng Ngoài ».

Nhập đề, Ls Lê Đình Thông xác định nội dung bài thuyết trình xoay quanh ba khía cạnh : « Bài thuyết trình này lần lượt giới thiệu tác giả, tác phẩm và sự nghiệp văn học của Philipê Bỉnh ». Sau đây xin trích dẫn những đoạn chính yếu trong bài thuyết trình.

Xem hình Ngày Văn Hóa - Thư Viện tại GXVN Paris

1a. Tác giả :

Năm 1951, Georg Schurfhammer biên soạn ‘‘Văn học công giáo về Phanxicô Xaviê’’. Ông Đỗ Văn Anh và giáo sư Trương Bửu Lâm dịch sang Việt ngữ, đăng trong tập san Việt Nam Khảo cổ, số 2 (Saigon, 1960). Theo tài liệu này, Philipê Bỉnh là một linh mục dòng Tên. Bài thuyết trình này được biên soạn căn cứ vào tài liệu của Viện Khảo cổ, tác phẩm Sách Sổ sang chép các việc của Philipê Bỉnh do Viện Đại học Đà Lạt xuất bản năm 1968 và một số tài liệu khác.

Thầy Cả Bỉnh sinh năm 1759 tại huyện Vĩnh Lại (nay là huyện Vĩnh Bảo), trấn Hải Dương (cùng quê với Nguyễn Bỉnh Khiêm), không thấy ghi họ là gì. Năm 17 tuổi, ông vào chủng viện Kẻ Vĩnh. Năm 34 tuổi thụ phong linh mục, làm thầy cả giữ việc ‘‘Vít vồ’’. ‘‘Vít vồ’’ dịch âm latinh ‘‘episcopus’’. Việc thầy Bỉnh phải chờ 17 năm mới được phong chức linh mục vì kể từ 1786, Đàng ngoài chỉ còn có ba cựu giáo sĩ Dòng Tên người Âu, còn trong Đàng trong, vị nguyên giáo sĩ Dòng Tên cuối cùng đã từ trần năm 1783’’ (Việt Nam Khảo cổ, số 2 (Saigon, 1960). Vì vậy, nhà dòng thiếu người đào tạo.

Vào cuối năm, Philipê Bỉnh và thầy giảng Liên đáp tàu đi Goa, viếng mộ thánh Phanxicô Xaviê. Cùng đi còn có thầy giảng Tôma Vincente, José de Rosario và Phanxicô de Rosario. Tàu qua Macao rồi trực chỉ Bồ Đào Nha, đến Lisbonne (Lisboa) ngày 20-6-1796.

Từ 1807 đến 1811, quân Pháp của Nã Phá Luân do đại tướng Junot chỉ huy chiếm Bồ Đào Nha. Trong thời gian này, Philipê Bỉnh trú ngụ tại Lisbonne.

Năm 1812, Đàng ngoài chỉ còn 5 giáo sĩ Dòng Tên chăm sóc khoảng 200 000 giáo dân, so với 60 000 giáo dân ở Đàng trong. Philipê Bỉnh ghi chép mọi tin tức vào cuốn sổ sang của ông.

Năm 1820, Philipê Bỉnh chép về những trang sử Dòng Tên như sau:

“Hầu tước Pombal có tuyên bố nếu không có giáo sĩ Dòng Tên, ông sẽ gửi các Dòng khác nhưng đến nay chưa gửi ai cả... Chỉ có các tu sĩ Oratoire-Rifoles mới đi đến Macao và Bắc Kinh vì ở những nơi ấy, họ có nhà cửa và tiền bạc mà các giáo sĩ Dòng Tên đã để lại cho họ. Nhưng đã hơn 30 năm rồi mà chỉ có ba người sang Trung Hoa thôi. Làm sao bây giờ? Đối với giáo dân còn chưa đủ huống hồ đối với những người ngoại đạo”. Bìa sách ghi rằng: “Oitocantos os veneraveis Jesuitas Marlyres” (tám trăm tu sĩ Dòng Tên tử vì đạo).

Theo sử liệu, “cha Felippe de Rosario Bỉnh được gửi từ giáo hội Vương quốc Đàng Ngoài, ngụ ở nhà thờ Conceição và thánh Antoniô ở Lisboa, vào đầu năm 1830, cử hành 250 thánh lễ cho các linh hồn nơi luyện ngục. Năm 1832, ông chỉ ghi tựa và trong quyển sách lịch sử các Đức Giáo Hoàng, ở đoạn nói về cái chết của Piô VIII, với một bàn tay run rẩy ông có ghi thêm tên của người kế vị là Grégorio XVI (1831) (Việt Nam Khảo cổ, số 2, Saigon, 1960).

1b. Tác phẩm :

Tác phẩm số 22 nguyên văn như sau : Nhật ký (Lisbôa, 1822-1832).Tiếng Việt (20+) 626 tr. Tên sách : Sách sổ sang chép các việc.

Philipê Bỉnh kể lại với nhiều chi tiết đời sống của ông và cuộc hành trình từ Macao sang Lisboa (1-63). Sau đó, những sự xảy ra trong Hội Thánh và các giáo đoàn trong những năm 1824-1831. Về năm 1832, ông chỉ đề tựa: 1832. Ông có thêm vào đó bảng chỉ dẫn và ở những trang 598, 599 và 601 danh sách những tác phẩm ông sáng tác, trong số đó có rất nhiều tác phẩm bằng tiếng Việt mà chúng tôi chưa tìm thấy được, chẳng hạn như quyển tiểu sử của thánh Phanxicô đờ Hiêrônymô, Antôniô Vieira. Giuse Anchieta, Stanislao Antoniô (81). Trang 624-625 chép lại hai biên lai năm 1830 về sự xin thánh lễ của ông. Những trang 323-324, 529-533, 600, 602-617, 623, 626-627 hoàn toàn trắng.’’ (Việt Nam Khảo cổ, số 2 (Saigon, 1960).

Năm 1968, Viện Đại học Đà Lạt in lại bản chép tay Sách sổ sang chép các việc của Philipê Bỉnh. Linh mục Thanh Lãng, trưởng ban Văn chương Việt Nam Trường Đại học Văn khoa Saigon, viết lời giới thiệu. Trong phần phân tích tác phẩm, linh mục Thanh Lãng viết :

- ‘‘Sách dầy 628 trang, viết tay, bằng một thứ chữ rất đẹp, sáng sủa’’ (tr. XVIII).

- ‘‘Đọc Sách sổ sang chép các việc, ta có dịp khám phá ở tác giả một nhà văn hóa, một nhà thông thái, một nhà văn, một nhà ngôn ngữ học, ta có dịp làm quen với lối văn của Philipê Bỉnh, chứng nhân của một lối văn mới, lối văn xuôi, tiếng nói hằng ngày của tổ tiên chúng ta, ta có dịp va chạm với một xã hội linh động, đau đớn là xã hội Việt Nam về thế kỷ XVIII, hơn thế ta còn có dịp măn mắn chứng kiến, qua ngòi bút của ông, cái xã hội tây phương xa lạ’’ (tr. XIX).

Truyện Thầy Lazarô Phiền của Nguyễn Trọng Quản là tiểu thuyết đầu tiên (1887) viết bằng quốc ngữ. Trước đó 65 năm, Sách sổ sang chép các việc của Philipê Bỉnh (1822) mở đầu cho văn học quốc ngữ Đàng ngoài về bộ môn du ký. Gần một thế kỷ sau, Nguyễn Bá Trác (1881-1945) biên soạn Hạn mạn du ký (1920).

Tuy biên soạn gần một thế kỷ trước, tác phẩm của Philipê Bỉnh có ưu điểm là sử dụng ngôn ngữ bình dị của dân gian. Sau đây là vài dẫn chứng :

- Du ký trình thuật những chuyện nước người :

1 - ‘‘Nước người phô sự phú quý.’’ (tr. 422)
2 - ‘‘Nước người sở tổn sự tiêu dùng chẳng phải như nước ta.’’ (tr. 129)
3 - ‘‘Thói cách nước người ăn uống.’’ (tr. 552)
4 - ‘‘Đàn bà nước chẳng có mớm cơm cho con ăn.’’ (tr. 393)
5 - ‘‘Con trẻ và giống vật nước người thì vâng phép.’’ (tr. 395)
6 - ‘‘chẳng quen xem người đen thì lấy làm gớm ghiếc.’’ (tr. 150)
- so sánh với phong tục tập quán nước ta :
- ‘‘Lễ phép nhà thầy Anam như việc đình trung.’’ (tr. 150)
- ‘‘…thói Anam là thói lịch sự, cho đến nỗi có nhà thì vợ chồng cữ ngồi ăn chung với nhau, vì cha thì ngồi với con trai mà mẹ thì ngồi với con gái.’’ (tr. 150)

Giáo sư Thanh Lãng kể ra các khác biệt của người tây phương, được Philipê Bỉnh nói đến trong tác phẩm Sách sổ sang chép các việc (sđd, tr. XXXV) như sau :

1 - Ăn uống họ ăn lịch sự, sang trọng hơn, nhất là nhiều và béo bở hơn : mỗi bữa cơm, một món gà cho một người cũng là một nửa con gà bự chứ không phải chỉ chạy qua hàng gà như người mình. Ấy là chưa nói đến việc, người ta ăn một ngày bốn bữa, mỗi bữa ba bốn món, mà món nào cũng nhiều, hầu toàn là thịt thà. Không bì với người mình quanh năm suốt tháng chỉ thanh đạm với dưa muối, tương rau…

2 - Áo xống thì mùa nào thức ấy. Theo Philipê Bỉnh thì cả cơ nghiệp anh em các ông không đủ tiền để sắm lấy một bộ, vậy mà người ta ai cũng hết bộ này đến bộ khác, sang trọng lịch sự vô cùng.
3 - Giường nằm, thì lớn nhỏ ai nấy có giường riêng, lịch sự, giường nào cũng chăn nệm trắng muốt, chứ không ai nằm chung với ai như ở Việt Nam nghèo túng nhà mình.
4 - Việc nuôi nấng trẻ sạch sẽ vệ sinh chứ không mớm cơm bẩn thỉu như bên mình.
5 - Ra khỏi nhà người ra có đủ phương tiện xê dịch tiện lợi mau chóng, nào xe mấy, nào xe ngựa, sạch sẽ lịch sự chưa không phải rông bộ miết như bên mình.
6 - Người tây phương làm ăn chuyên cần, nhưng không làm miết quanh năm suốt tháng, đầu tắt mặt tồi như nhân dân ta. Người tây phương làm việc một tuần có 6 ngày, còn ngày chủ nhật thì mọi người đếu nghỉ, tất cả tiệm buôn, mọi trường học, mọi công sở, thảy đều đóng cửa.
7 - Cũng nhờ được nghỉ ngơi điều độ như vậy mà người tây phương họ khỏe hơn ta. Hơn thế, khi bất hạnh có bị đau ốm thì họ cũng được may mắn hơn ta. Họ có những bác sĩ lành nghề, học hành lâu năm, tận tình chăm sóc cho bệnh nhân.
8 - Bước chân đến Tây phương, không làm gì cho Philipê Bỉnh phải chú ý nhiều cho bằng những công trình kiến trúc đồ sộ, sang trọng, rực rỡ của Tây phương. Chẳng phải chỉ vua chúa mới có nhà cao cửa rộng, có cung điện mà ngay người thường dân cũng ở những cao ốc cực kỳ nguy nga. Đền đài nguy nga quý giá mọc lên khắp nơi chứng tỏ thiên hạ người ta giầu có.
9 - Bởi văn minh như vậy cho nên làm gì người ta cũng dùng máy móc tinh vi và mau chóng. Chính vì vậy mà ông đã để ý quan sát nghề ấn loát tối tân của Tây phương.

Điểm thứ 9 nói đến tiến bộ kỹ thuật của Tây phương khiến ta nhớ lại công trình của một nhân sĩ công giáo là Nguyễn Trường Tộ (1827-1871). Từ 1863 đến 1871, Nguyễn Trường Tộ dâng lên nhà vua 14 bản điều trần nhằm mục đích giúp phú quốc cường dân. Năm 1862, ông còn vẽ họa đồ xây cất nhiều công trình kiến trúc công giáo tại Saigon và Xã Đoài, nay thuộc xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.

Linh mục Thanh Lãng đã ghi nhận Philipê Bỉnh là nhà ngữ học người Việt đầu tiên, có công biên soạn hai cuốn tự điển vào năm 1797 :

- Dictionarium Annamiticum Lusitanum
- Dictionarium Lusitanum Annamiticum

Mở đầu tác phẩm, tác giả ghi rằng : A Padre Felippe do Rosario - Thầy Cả Bỉnh sao sách này ở Kẻ Chợ nước Portugal là thành Lisboa năm 1797. Như vậy tự điển của Philipê Bỉnh có trước tự điển Dictionarium Anamitico Latinum (1838) của Taberd 41 năm. Theo linh mục Thanh Lãng,

- ‘‘Phần Bồ Việt không có trong tự điển của Alexandre de Rhodes hẳn nhiên là sáng kiến riêng của Philipê Bỉnh’’.
- ‘‘Philipê Bỉnh đã có những cải cách lớn lao, tất cả các sách vở khác của Philipê Bỉnh đều đã áp dụng theo các cải cách mới. (…)
- ‘‘Tất cả các phụ âm khởi đầu trong lối viết của Philipê Bỉnh đều là những phụ âm khởi đầu như ngày nay. Hệ thống nguyên âm trong lối viết của Philipê Bỉnh cũng tương đối giống hệ thống nguyên âm thời đại ta (tr. XXVIII).

Nói tóm lại, ngoài giá trị sử liệu, Sách sổ sang chép các việc còn góp phần đáng kể vào việc hoàn chỉnh chữ Việt. Các nhà biên soạn tự điển trước ông đều là các giáo sĩ người Pháp :

- Linh mục Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ), dòng Tên (1591-1660)
- Đức Cha Pigneau de Bihaine (Bá Đa Lộc) (1791-1799)
- Linh mục Jean-Louis Taberd, Hội Thừa sai Paris (MEP) (1794-1840)
Linh mục Philipê Bỉnh là người Việt, quê quán Đàng ngoài. Ông đã góp phần cải tiến tiếng Việt vừa chính xác, lại vừa giản dị, đồng thời ông sử dụng nhiều từ ngữ dân gian.

1c. Sự nghiệp văn học của Philipê Bỉnh :

Thầy cả Philipê Bỉnh là tác giả người Việt đầu tiên sử dụng thể loại du ký. Giáo sư Thanh Lãng cho rằng ‘‘Philipê Bỉnh không viết một thứ hồi ký kiểu cách, vô vị. Trái lại, ông đã viết về đời ông, về bạn hữu của ông, về thù địch ông, về xã hội ông, về thời đại ông.’’ (sđd, tr. XXIII). Như vậy, ông là nhà văn học mở đầu lối văn hiện thực không những trong văn học nước ta, mà cả văn học nước ngoài nữa. Chủ nghĩa hiện thực (réalisme) chỉ mới xuất hiện tại Âu Châu vào hậu bán thế kỷ XIX nhằm chống lại chủ nghĩa lãng mạn (romantisme).

Về văn phong, ‘‘sách của Philipê Bỉnh chỉ là sử dụng cái tiếng nói thông thường như trong câu chuyện thường ngày của dân gian. (…) Cái văn dân gian ấy, sau hai trăm năm, không mấy thay đổi’’ (tr. XXII).

Các nhà văn học sử nước ta thường chỉ quan tâm đến các nhà văn học quốc ngữ Đàng trong mà không chú trọng đến văn học quốc ngữ Đàng ngoài. Thầy Cả Philipê Bỉnh đã đem lại cho văn học quốc ngữ sự đóng góp phong phú không những về số lượng tác phẩm, mà còn rất đa dạng, liên quan đến nhiều bộ môn khác nhau. Ngày nay, công trình văn học của ông vẫn còn bị quên lãng. Bài thuyết trình này chỉ là bước khởi đầu để giới thiệu khái quát về Thầy cả Philipê Bỉnh. Chúng tôi mong rằng công việc này sẽ còn được tiếp nối một cách có hệ thống trong tương lai.

2. Văn nghệ về « Chút gì để lại », thơ Thérèse Nguyễn, nhạc Quách Vĩnh Thiện

Sang phần thứ hai, anh Christophe Nguyễn Trinh Nghĩa, chủ tịch Hội ASSOBUSSYSAIGON hướng dẫn chương trình, đã khởi đầu trích bài viết của Nguyễn Thùy để giới thiệu nhà thơ Thérèse Nguyễn.

« Chút gì để lại » là tập thơ của một người nữ cao niên, tuổi đời đang lần đếm về với cõi Vĩnh Hằng, bên cạnh người chồng đã quá ‘trăm năm trong cõi người ta’ (năm nay, 2009, đã 101 tuổi). Tập thơ mang đủ mọi tình cảm đậm đà : tình chồng vợ, tình cha mẹ, tình con cái, tình non sông, tình thương lính chiên, tình chị em, tình yêu Chúa, yêu đời, yêu thiên nhiên. Tình cảm thuần phác, tự nhiên, lời thơ không văn vẻ, trau chuốt nhưng chan chứa yêu thuơng. Tôi xem rồi, thơ có chỗ còn non, nhưng đôi lúc khiến tôi vô cùng rung động.

‘Hai cõi lòng trăm năm gần gũi
Mà trời đày như vạn dặm cách xa
Mẹ cứ nói lời thì thầm bên gối
Cha đâu còn hiểu được những ngày qua ‘!…

Thérèse Nguyễn. Người tôi giới thiệu về thơ nơi đây là một phụ nữ cao niên, làm thơ lúc tuổi về già, luôn có ý nghĩ mình được về nước Chúa lúc nào không hay. Người đàn bà đó làm thơ không vì năng khiếu, cũng chẳng do bức bách vì cảnh ngộ, vì buồn đau tâm sự hay nỗi niềm vọng tưởng một ý hướng nào xa xôi. Bà chỉ là người bình thường trong cuộc sống, một phụ nữ hiền hậu, một người vợ đảm đang, một người mẹ hết lòng cùng con cái và là một người bạn chân tình của bao người trong tương giao xã hội.

Nhưng rồi, hầu như trời đất ‘không cho phép’ (?) một ai luôn được cuộc sống an vui mãi mãi mà không trải qua đôi đoạn đường đau thương, khốn khổ. Đến trên 80 tuổi đời, trong chuỗi ngày đơn côi, Bà bỗng nhiên làm thơ. Thực ra, không phải Bà làm thơ mà là ‘Thơ đến với Bà’. Thơ đến với Bà như liều thuốc an thần, như ‘Đấng Yên ủi’ thoa dịu tháng ngày lạnh giá, giúp Bà trang trải nỗi niềm. Thơ đến với Bà, đóng vai ‘người bạn’, thay cho người chồng giờ này ‘vô tri’ để Bà được nói, được trao gởi tâm tình cùng chồng rôi trang trải đến con cái, gia đình, đến mọi người và với Chúa….

‘Chút gì để lại’ ; ‘Chút gì’ nơi đây là ‘chút tâm tình’, là những mẩu tâm sự bé nhỏ, đơn sơ. Để lại’ là ‘để lại cho con cháu sau này hình dung lại được người Mẹ, người Bà qua những dòng thơ bình dị.

• Trước tiên là tình cảm đối với chông.
• T.nh yêu con cũng chan chứa nơi lòng người mẹ già này.
• Cám ơn đời’, câu thơ giéản dị nhưng chứa chan tình ý đậm sâu.
• Tình yêu quê hương. Hình ảnh người chiên sĩ VNCH kiên cưông, hào hùng, bât khuât
• Nơi xứ người, nhìn về cố quận, Bà đau lòng nhớ lại thảm trạng của Quê hương
• Nơi xứ Pháp, Bà luôn thấy nơi căn hộ nhà của gia dình Bà, ‘hào khi vẫn hừng hừng, Vì Tự Do để nước Việt trường tồn’.
• Tình yêu Chúa.

Sau những lời giới thiệu tổng quát trên đây, anh Trinh Nghĩa đã mời các khán thính giả xem « Niệm Khúc cảnh Vượt Biển. Rồi anh giới thiệu bốn ca sĩ trình diễn 9 bài thơ của nữ thi sĩ Thérèse Nguyễn đã được nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện phổ nhạc.

Ca sĩ Tố Liên trình diễn 2 bài « Nuối Tiếc » và « Rừng Xưa.
Ca sĩ Ngọc Xuân trình diễn 2 bài « Niệm Khúc » và « Đợi Chờ »
Ca sĩ Thi Mai trình diễn 2 bài « Nhớ Thương » và « Tình Mẹ »
Ca sĩ Minh Hiếu trình diễn 3 bài « Dừng Bước Lại », « Ngày tháng Nào » và « Thống Khổ ».

3. Văn nghệ về « Kim Vân Kiều », thơ Nguyễn Du, nhạc Quách Vĩnh Thiện

Sang phần thứ ba, nghe nhạc Quách Vĩnh Thiện phổ thơ Nguyễn Du. Đây là lần thứ tư hay thứ năm tôi được nghe hát thơ Nguyễn Du do hàn lâm viện sỹ Viện Hàn Lâm Âu Châu về Khoa học, Nghệ thuật và Văn chương là anh Quách Vĩnh Thiện phổ nhạc. Tôi vẫn thấy nốt nhạc của anh thích thú và hấp dẫn. Một đàng thì tôi thấy có cái gì rất tân thời, rất âu châu. Một đàng tôi lại cảm được cái gì có âm dân tộc và điệu dân gian Việt Nam. Một đàng thì tôi bị lôi cuốn bởi một cái gì tự nhiên hấp dẫn, như nàng Kiều. Một đàng tôi lại cảm thấy cái gì có vẻ trường cửu, một hương vị thiền.

Ngồi vào phía cuối của phòng hội, nhìn lên sân khấu cách xa khoảng 30 mét, tôi thấy anh Thiện đứng phía sau, hầu như lúc nào anh cũng đứng phía sau. Dường như anh thích cái fonds hơn cái forme. Thích cái cội rễ, cái căn bản, cái gốc gác, cái sâu thẳm, cái nội tại.

Lần nào đến nghe nhạc của anh, tôi cũng được anh đến chào hỏi, chuyện vãn. Mà lúc nào tôi cũng thấy anh bình dị, không hề khoe trương. Anh có cái gì chân thật của một nghệ sĩ chân chính. Nghe anh chơi đàn guitar, nhìn anh lướt những ngón tay trên dây đàn là thấy như hồn anh nhập vào note nhạc. Có lẽ vì vậy mà cung đàn của anh luôn hấp dẫn và thích thú. Đây là lần thứ bốn hay thứ năm tôi nghe nhạc của Quách Vĩnh Thiện do chính anh đệm đàn, dẫu tôi chưa hề biết gì về cuộc sống xã hội của anh. Mà cái biết này có cần không, tôi tự hỏi ?

Nếu trong phần nhạc anh phổ cho thơ Thérèse Nguyễn, bài thánh ca « Thống Khổ » do ca sĩ Minh Hiếu trình diễn, đã làm tôi cảm động hơn cả, thì trong phần Nhạc Quách Vĩnh Thiện phổ thơ Nguyễn Du, bài « Buồn Trông » do ca sĩ Tố Liên trình diễn đã thâu tóm hồn tôi hơn cả. Nó có cái gì vừa lãng mạn, vừa thiên nhiên, vừa gần với số phận con người Việt Nam xa quê viễn xứ :

Buồn trông cửa bể chiều hôm,
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa,
Buồn trông ngọn nước mới sa,
Hoa trôi man mác biết là về đâu,
Buồn trông nội cỏ rầu rầu,
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh,
Buồn trông gió cuốn mặt doành,
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.

Phụ trách hướng dẫn chương trình phần này, cô Thanh Vân đã giới thiệu 4 ca sĩ trình bày 5 bài hát về Kim Vân Kiều của Nguyễn Du, do Quách Vĩnh Thiện phổ nhạc.

Ca sĩ Tố Liên trình diễn 2 bài « Thúy Kiều, Thúy Vân » và « Buồn Trông ».
Ca sĩ Ngọc Xuân trình diễn bài « Lai Xuân »
Ca sĩ Thi Mai trình diễn bài « Chữ Tài Chữ Mệnh »
Ca sĩ Minh Hiếu trình diễn bài « Gặp gỡ làm chi ».

Kết thúc Ngày Văn Hóa, hai người Dẫn Chương Trình là anh TRỊNH NGHĨA và cô THANH VÂN mời cha Đinh Đồng Thượng Sách, luật sư Lê Đình Thông, các anh chị trong Ban Thư Viện và các nghệ sỹ cùng lên sân khấu, đồng ca bài Việt Nam và cám ơn quan khách.

Sau đó, mọi người đã được mời dự tiệc Bánh Sinh Nhật thứ XXI của Thư Viện GXVN Paris.

Thư viện là một trong sáu hoạt động văn hóa được nhiều nhóm mục vụ giáo xứ tham gia góp phần. Đó là :

1. thuyết trình, với trung bình mỗi năm trên dưới 10 bài quan trọng.
2. làm báo, với 4,5 tờ báo lớn nhỏ, mà quan trọng nhất là nguyệt san « Giáo Xứ Việt Nam ».
3. tu thư và xuất bản sách, với trên 20 cuốn sách giá trị đã được biên soạn và xuát bản.
4. làm internet, với 3, 4 mạng khác nhau, trong đó chính yếu là http://giaoxuvnparis.com/
5. thư viện, với việc bảo quản trên 10.000 đầu sách.
6. và làm văn nghệ, với trung bình mỗi năm trên 10 lần khác nhau.

Paris, ngày 11 tháng 05 năm 2011

Trần Văn Cảnh

Xin giới thiệu mấy cổng thông tin :

• Site Nhạc Quách Vĩnh Thiện : http://thienmusic.com
• Site Hội Bussy Saigon của anh Trịnh Nghĩa : http://www.assobussysaigon.com
• Và Site Giáo xứ Việt Nam Paris : http://giaoxuvnparis.com/
 
Thánh lễ quan thầy Cộng đoàn Phaolo - Cộng đoàn Vinh, Hà Nội
Giuse Trần Cương
14:10 12/05/2011
19 giờ ngày 7 tháng 8 tại đền Thánh Giêrado – Giáo xứ Thái Hà, Cộng đoàn Phaolô – một Cộng đoàn trực thuộc Cộng đoàn Giáo Phận Vinh tại Hà Nội, đã long trọng mừng lễ Kính Thánh Phaolô Thánh quan thầy bổn mạng của Cộng đoàn.

Lễ quan thầy Thánh Phaolô chính thức vào ngày 25 tháng 1 nhưng vì nhiều lý do nên hàng năm Cộng đoàn đã dời lại sau lễ phục sinh.
Lễ quan thầy năm nay được xây dựng theo chủ đề “những bước chân rao giảng tin mừng” với ba ý nghĩa đúng như phương hướng của Cộng đoàn Giáo phận Vinh tại Hà Nội: Tâm linh – Tri thức – Kết nối.

Về mặt tâm linh: Trước Thánh lễ có giờ cầu nguyện và suy niệm về Thánh Phaolô để qua đó mọi người chiêm ngắm gương của Thánh nhân, biết nhiệt thành loan báo Tin mừng Chúa đến cho mọi người.

Sau giờ cầu nguyện, suy niệm Thánh lễ được long trọng cử hành do Cha Gioan Lưu Ngọc Quỳnh – Cha Linh hướng Của Cộng đoàn Giáo phận Vinh tại Hà Nội.

Nhiều ân nhân trong ngoài Cộng đoàn Vinh và đông đảo các Thành viên của Cộng đoàn Giáo phận Vinh tai Hà Nội đã tới Tham dự.

Thánh lễ diễn ra sốt sắng, long trọng đúc kết trong từng bài Thánh ca tuyệt vời, trong từng lời giảng của Cha Linh hướng.

Theo bài giảng của Cha, Thánh lễ kính Thánh Phao lô được Giáo hội mừng kính vào cuối tháng 1, nhưng việc tổ chức Thánh lễ sau lễ Phục sinh có một ý nghĩa rất đặc biệt. Vì chỉ khi Chúa Giêsu phục sinh Thánh Phao – lô mới nhận ra được Đấng Kitô, chỉ sau Chúa Giêsu phục sinh Thánh Phao-lô mới được Chúa mời gọi lên đường rao giảng tin mừng. Chiêm ngắm gương Thánh nhân, chúng ta rút ra được rất nhiều giá trị tâm linh quý giá, Ở con người Thánh nhân vừa mang chiều kích tâm linh sâu sắc lại mang tính tri thức trổi vượt.

Chỉ ở biến cố ngã ngựa, biến cố Chúa biến đổi Thánh nhân ta cũng rút ra được nhiều suy ngẫm, Cha Linh hướng đã gói gọn trong ba chiều kích:

Điều thứ nhất : Thánh Phao-lô là một con người rất nhiệt thành, Ngài nhiệt thành trong niềm tin của mình vào Thiên Chúa, chính vì vậy mà trước khi chưa được mặc khải, Ngài đã “nhiệt thành” bắt bớ, thậm chí giết hại những tín hữu theo Chúa Giêsu. Như vậy, khi ta đứng trước một vấn đề, đặc biệt nhất là đức tin và các dấu chỉ mầu nhiệm, chúng ta phải xem xét, suy ngẫm xem điều đó có đúng với ý Chúa không! Nếu bạn nhiệt thành nhưng theo con đường nhận thức sai trái, điều đó sẽ tai hại vô cùng!

Điều thứ 2 : Chúa mời gọi Phao – lô, ở biến cố này ta thấy Chúa đã tỏ mình ra cho Phaolô bằng phép lạ và một câu nói của Chúa như hỏi cả và nhân loại “ Sa-un, Sa – un tại sao ngươi bắt bớ ta?”. Chỉ một câu hỏi trách cứ nhưng đầy sự tha thiết, trìu mến Chúa đã tỏ mình ra cho Ngài “ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ. Nhưng ngươi hãy đứng dậy, vào thành, và người ta sẽ nói cho ngươi biết ngươi phải làm gì”. Chúa đã mời gọi Phao-lô và cũng mời gọi chúng ta hằng ngày, hằng giờ, hằng khắc. Nếu chúng ta cứ phạm tội tức là Chúa lại phải lần nữa bị bắt bớ, đổ máu ra cho chúng ta. Nếu một người mất linh hồn thì không những khốn nạn cho người đó mà Chúa cũng rất buồn vì Ngài đã đổ máu ra một cách vô ích trên người đó . Bạn có bao giờ lắng nghe tiếng Chúa vẫn thiết tha gọi bạn chưa? Sống trong thân phận loài người để nghe được tiếng gọi thiêng liêng quả là khó vô cùng, đặc biệt sống trong xã hội mà tư tưởng vô thần đang tìm mọi cách nhồi nhét vào mỗi chúng ta, việc lắng nghe tiếng Chúa gọi còn khó hơn nhiều!

:
Thánh Phao-lô đáp lại tiếng Chúa gọi mời: “ Lạy Chúa! Con phải làm gì?” câu hỏi ngắn gọn nhưng chứa rất nhiều điều đáng suy tư, khi nhận ra được Chúa, Thánh nhân đã mạnh dạn tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, và Ngài đã phó thác trọn vẹn đời mình cho Chúa “con phải làm gì?” khi hỏi câu này thường thì người hỏi đã sẵn sàng làm theo bất cứ những gì người trả lời chỉ dạy. Như vậy Thánh Phao lô nghe tiếng Chúa và sẵn sàng để Chúa biến đổi, sẵn sàng cống hiến cả cuộc đời của Ngài cho danh Chúa được tỏa sáng, cho cả nhân loại được biết đến tin mừng. Chúng ta có làm được như Thánh nhân không? Chúng ta đã bao giờ suy tư xem mình đã làm gì để rao giảng tin mừng chưa?.

Về mặt tri thức: Cộng đoàn Phao lô đã tổ chức làm chuyên san tập thứ 3 chủ đề: “những bước chân rao giảng tin mừng”. cùng các tác phẩm do các thành viên trong Cộng đoàn sáng tác tổng hợp thành một bộ sưu tập “ góc nhỏ – tầm nhìn lớn” đây như một nét văn hóa Kito giáo mà Cộng đoàn muốn giới thiệu đến mọi người những trăn trở suy tư của người trẻ Công giáo “ tại sao chúng ta không đưa đức tin Kitô Giáo thành như nét văn hóa chủ đạo của Việt Nam – đất nước mà tư tưởng vô thần đã làm hư mất các giá trị của văn hóa đúng nghĩa?

Về mặt kết nối: Sau Thánh lễ Cộng đoàn tổ chức cuộc thi “ áo dài trong Thánh lễ” thu hút sự quan tâm của đông đảo các bạn trẻ trong cũng như ngoài Cộng đoàn Vinh, và nhiều người ngoài tôn giáo. Cuộc thi nhắc nhở mọi người ăn mặc lịch sự khi tham dự Thánh lễ, cũng như nhấn mạnh một nét văn hóa tốt đẹp mà người Công giáo nên thực hiện mỗi khi đến Thánh đường – đến với Chúa! Đó cũng là một cách để mang mọi người về với Chúa

Thánh lễ đã diễn ra rất tốt đẹp những giá trịđược nhấn mạnh,nhắc nhở, khiến người tham dự có nhiều biến đổi và suy tư!

9/5/2011



 
Diễn nguyện Đồng Hành Về Bên Mẹ Tàpao
Hồng Hương
18:25 12/05/2011
Kỉ niệm 94 năm ngày Đức Mẹ hiện ra tại Fatima(13.5.1917 - 2011), tối ngày 12.5.2011, tại Quảng trường TTHH Thánh Mẫu Tàpao, Chương trình diễn nguyện Đồng Hành Về Bên Mẹ do Hội Dòng MTG Phan Thiết và ca đoàn giáo xứ Đồng Tiến phụ trách đã giúp cộng đoàn đi vào giờ cầu nguyện sốt sắng với những lời ca điệu múa mang tâm tình ca ngợi và tôn vinh Mẹ Maria.

Xem hình ảnh

Tàpao hôm nay không còn núi rừng âm u như trước đây nhưng vẫn giữ được phong cảnh núi rừng trùng điệp với ngàn xanh cây lá. TTHH Tàpao đón người người từ khắp nơi quy tụ về Mẹ. Cơn mưa lớn ban chiều khiến nhiều người lo lắng chợt dứt hẳn chỉ ít phút trước giờ rước kiệu Mẹ mang lại khí hậu mát mẻ. Mọi người thầm tạ ơn Mẹ vì quà tặng này. Giữa biển nến lung linh, kiệu Đức Mẹ Tàpao được long trọng rước đi chung quanh quảng trưởng rồi về ngự giữa khán đài. Hàng ngàn con tim thổn thức cùng hướng về Mẹ giơ cao nến với lời chúc khen.

Đức Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan khai mạc chương trình. Bản hợp ca Lạy Mẹ Tàpao (tác giả Linh Huyền Dung) và vũ khúc Đức Mẹ Tàpao (Thơ Xuân Ly Băng-nhạc Jos Hùng) mở đầu cho diễn nguyện với phần I Hướng Về Mẹ. Tiếp đến, câu chuyện ba thiếu niên cất công tìm ra được Thánh tượng Mẹ Tàpao bị hư nát, và nhóm người đầu tiên tìm đến với Mẹ mấy chục năm trước được kể lại qua diễn cảnh Tìm Thấy Mẹ thật xúc động.

Phần II Ngợi Ca Mẹ. Cùng với Mẹ Maria đon đả lên đường thăm viếng và giúp đỡ bà Elisabeth, để rồi cùng với bà chị họ cất cao lời kinh Ca ngợi Manificat. Hôm nay, giữa núi rừng Tàpao linh thiêng này, cộng đoàn cũng hiệp lòng dâng lời chúc tụng Chúa và ca khen Mẹ qua Vũ khúc Đến Với Mẹ Tàpao, Về Bên Mẹ, hợp xướng Linh Hồn Tôn, liên vũ Ngợi Ca Mẹ, đơn ca Đức Bà Tàpao Phù Hộ Các Giáo Hữu. Khán đài rộn ràng trong giai điệu và rực rỡ trong sắc áo của những người con dân tộc như Chăm, Êđê hay K’ho, tất cả đều là con cái Mẹ và được mời gọi cùng Mẹ dấn thân phục vụ Nước Chúa. Xen giữa các tiết mục, cộng đoàn có những giây phút cầu nguyện với Mẹ bằng lời Kinh Lạy Cha và Kinh Mân Côi. Phần II kết thúc với khúc nhạc tưng bừng của đoàn thiên thần Lạy Nữ Vương Thiên Đàng trong niềm hân hoan Mừng Chúa Phục Sinh. Khi cất lời Xin Vâng là lúc Mẹ hiệp thông trọn vẹn với Chúa Giêsu trong công cuộc cứu độ từ Bêlem đến dưới chân Thánh giá và Phục Sinh.

Về Tàpao giữa Tháng Năm, tháng của muôn hoa nở tươi rực rỡ dâng về Mẹ của lòng Tin-Cậy-Mến, Cộng đoàn bước vào phần III của chương trình với chủ đề Dâng Về Mẹ. Với nến cháy sáng, trầm hương nghi ngút và hoa tươi thắm xinh, đoàn con xin tiến dâng Mẹ lòng yêu mến đơn sơ như như đóa hoa nhỏ bé trên đôi tay thuần khiết. Hoa đồng nội cuộn lẫn với hoa lòng, hoa thánh thiện, hoa mầu nhiệm của ơn Thánh nở tươi trong linh hồn đoàn con kết dâng về Mẹ. Mọi người như hóa vào đoàn dâng hoa với liên vũ Dâng Tiến Nữ Vương, Dâng ngọn Lửa Hồng, Tiến Mẹ Nến-Hương-Hoa và lời hòa ca Con khấn xin Đức Mẹ Tàpao.

Hợp xướng và minh họa Mẹ Cùng Con Tiến Bước (Nam Hải) đã khép lành đêm diễn nguyện Đồng Hành Về Bên Mẹ, nhưng lại mở ra trong hành trình Cùng Mẹ Tiến Bước mời gọi mỗi người ra đi muôn phương gieo rắc Tin Mừng Cứu Độ và trao ban bình an Phục Sinh cho muôn người. Đức Cha Phaolô ban phép lành cho cộng đoàn và hẹn gặp lại nhau trong Thánh Lễ Mừng Kính Mẹ Maria sáng hôm sau.

Đến với Mẹ Tàpao, mỗi người cảm nhận được sự linh thiêng và ơn riêng ban cho mình. Bên Mẹ, mọi tâm tư nguyện ước, những buồn vui được trải lòng ra để được Mẹ ủi ai nâng đỡ. Để từ Mẹ, chúng ta cũng học sống lời yêu mến, phó thác xin vâng theo ý Chúa và dấn thân phục vụ anh chị em của mình như gương Mẹ đã sống khi xưa.
 
Bề trên Tổng Quyền Dòng Nữ Salediêng tới thăm Việt Nam
Fx Tran Duc Thinh, SDB
18:34 12/05/2011
SAIGÒN - Trong niềm vui mừng kỷ niệm 50 năm Dòng Nữ Salêdiêng hiện diện tại Việt Nam, nhận lời mời của các Nữ Tu Salêdiêng Việt Nam, Mẹ Bề Trên Tổng Quyền - Sơ Yvonne Reungoat đã tới thăm Việt Nam và các công cuộc của các Nữ Tu Dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ tại Việt Nam.

Xem hình ảnh

Chuyến bay từ Roma đã hạ cánh tại Sân Bay Tân Sơn Nhất lúc 16giờ 15 chiều thứ tư 10/05/2011, ra đón Mẹ Bề Trên Tổng Quyền tại Sân Bay có Sơ Bề Trên Giám Tỉnh cùng Quý Sơ trong Ban Cố Vấn Tỉnh, Quý Sơ và đại diện một số Tập Sinh, Thỉnh Sinh và đệ tử và đại diện các thành phần cựu học viên và tình nguyện viên FMA Việt Nam.

Mẹ Bề Trên Tổng Quyền Dòng Nữ Salêdiêng là một Nữ Tu người Pháp. Được biết sau 136 năm của những nhiệm kỳ Bề Trên Tổng Quyền là người Ý, đây là lần đầu tiên một Nữ Tu người Pháp được bầu chọn làm Bề Trên Tổng Quyền tại Tổng Tu Nghị lần thứ 22 của Dòng, Mẹ Bề Trên Tổng Quyền năm nay 66 tuổi, tốt nghiệp ngành Lịch Sử và Địa Lý tại Đại Học Lyon (Pháp), Mẹ đã làm việc 12 năm trong Ban Tổng Cố Vấn, và trong Tổng Tu Nghị lần thứ 21 của Dòng (năm 2002) Mẹ Yvonne Reungoat đã được bầu làm Phó Bề Trên Tổng Quyền, trong Tổng Tu Nghị lần thứ 22 vừa qua Mẹ đã đắc cử Bề Trên Tổng Quyền Dòng Nữ Salêdiêng. Bề Trên Tổng Quyền Mẹ Yvonne Reungoat là người kế vị thứ 9 của Mẹ Maria Domenica Mazzarello từ khi khai sinh Tu Hội vào năm 1872.

Dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ (hay còn gọi là Dòng Nữ Salêdiêng) hiện diện trên 89 quốc gia thuộc năm châu lục với 81 Tỉnh Dòng và 1488 cộng đoàn.

Tại Á Châu (trong đó có Việt Nam) hiện nay đã có 2.185 Nữ Tu Con Đức Mẹ Phù Hộ phục vụ trong 278 cộng đoàn và hiện diện trên 18 quốc gia với những công cuộc sau:

- Các trường học từ mẫu giáo đến đại học.
- Mục vụ trong các làng mạc.
- Giáo dục y tế và các trung tâm phục vụ về thực phẩm.
- Các trung tâm thăng tiến phụ nữ.
- Các lớp học xoá mù chữ.
- Những nhà dành cho thanh thiếu nữ gặp nguy hiểm. ên Tổng Quyèn
- Những nhà hồi phục nhân phẩm cho những người trẻ nghiện ngập.

Tại Âu Châu có 7.042 Nữ Tu Con Đức Mẹ Phù Hộ phục vụ trong 554 cộng đoàn và hiện diện trên 22 quốc gia, Tại Mỹ Châu có 4.585 Nữ Tu Con Đức Mẹ Phù Hộ phục vụ trong 563 cộng đoàn và hiện diện trên 23 quốc gia. Tại Phi Châu có 465 Nữ Tu Con Đức Mẹ Phù Hộ phục vụ trong 82 cộng đoàn và hiện diện trên 22 quốc gia. Tại Úc Châu có 47 Nữ Tu Con Đức Mẹ Phù Hộ phục vụ trong 11 cộng đoàn và hiện diện trên 4 quốc gia.

Tại Việt Nam, trụ sở chính của Dòng Nữ Salêdiêng hiện nay được đặt tại số 57 Đường số 4 – Phường Tam Phú – Quận Thủ Đức - TP. Hồ Chí Minh. Điện thoại: 08. 38 960 826. Quý Sơ Salêdiêng Việt Nam hiện đang phục vụ tại một số Cộng Đoàn của Nhà Dòng trên một số địa bàn của các Tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Hà Nội, các Chị đã thực hiện Sứ Mệnh Salêdiêng trong công việc phục vụ Các nguyện xá và trung tâm trẻ. Các Trường học Mẫu giáo, các trung tâm thăng tiến và hướng nghiệp, các trung tâm truyền giáo giữa những người dân tộc thiểu số, các lớp học tình thương nhằm thăng tiến trong công việc giáo dục văn hóa vv….

Xin chúc mừng dịp kỷ niệm 50 sự hiện diện của các Nữ Tu Dòng Con Đức Mẹ trên dải đất Quê Hương Việt Nam thân yêu này, cầu chúc Quý Sơ luôn hăng say và nhiệt thành với Sứ Mệnh Salêdiêng để phục vụ giới trẻ Việt Nam, đặc biệt các thanh thiếu nữ nghèo khổ và có hoàn cảnh khó khăn, nhằm giúp các em thăng tiến về đời sống nhân bản, tri thức và giáo dục, giúp các em có điều kiện thăng tiến trong cuộc sống và vươn tới những ước mơ cao đẹp trong cuộc sống để trở thành những công dân lương thiện và những Kitô hữu tốt cho Giáo hội và cho Xã Hội.

Hôm nay thứ sáu ngày 13 tháng 06 năm 2011 cũng là ngày Dòng Nữ Salêdiêng mừng kính Đấng Sáng Lập Dòng Thánh Nữ Maria Domenica Mazzarello. Thánh Nữ Maria Domenica Mazzarello sinh ngày 09 tháng 05 năm 1837, tại Mornese thuộc Tỉnh Alessandria trong một gia đình nông dân đông con.

Được phú ban một sức dẻo dai hơn người, ngay từ tuổi thanh xuân Mazzarello làm việc trên những cánh đồng cùng với người cha của mình, ông Giuseppe. Cha cô nói: “Để Thiên Chúa không bỏ mặc chúng ta thiếu bánh ăn, cần phải cầu nguyện và làm việc”.

Đức Pio IX đề nghị cha Bosco thành lập Tu Hội nữ, và ngài đã mời Cha Pestarino- cha xứ làng Mornese, người đã trở thành Sa-lê-diêng năm 1963 - đến nói chuyện về ý định này, và cuối cùng, cha Bosco chọn ra một số từ những người Con Đức Mẹ Vô Nhiễm của làng Mornese, gởi họ đến Lưu xá vừa mới xây. Maria và các bạn gặp nhiều sự khó khăn do thiếu bánh ăn, và do cả sự không ưa của dân làng, nhưng họ luôn luôn vui vẻ và đức tin của họ không bao giờ nao núng.

Năm 1972, mười lăm người con Đức Mẹ Vô Nhiễm tiên khởi trở thành những người Con Đức Mẹ Phù Hộ. Maria được bầu chọn để hướng dẫn các chị em, nhưng chị xin được gọi là Phụ Tá, chị nói: “Bề Trên thực sự là chính Đức Maria”.

Tu Hội tăng trưởng và lan rộng, họ mở những nhà đầu tiên, có những vị truyền giáo đầu tiên ở Mỹ. Maria được gọi là “mẹ”. Dù thế, mẹ là người đơn sơ và ân cần với tất cả mọi người, mẹ cũng luôn làm gương trong những công việc khiêm tốn hơn. Với sự khôn ngoan mẹ hướng dẫn việc sống linh đạo của Tu Hội, bằng việc nhập thể đoàn sủng do cha Bosco trao ban nơi những người Con Đức Mẹ Phù Hộ. Mẹ Maria Domenica Mazzarello qua đời ngày 14 tháng 05 năm 1881, tại Nizza Monferrato, miền Bắc nước Ý, ở tuổi 44. Khi mẹ mất, Tu Hội có 165 sơ và 65 Tập sinh rải rác trong 28 nhà (19 ở Ý, 3 ở Pháp và 6 ở Mỹ). Mẹ được phong Á Thánh năm 1938 do Đức Thánh Cha Pio XI, và được Đức Pio XII phong Hiển Thánh ngày 24 tháng 06 năm 1951.

Xin Chúng Mừng Lễ Thánh Nữ Maria Domenica Mazzarello – Vị Thánh cùng với Don Bosco Đồng Sáng Lập Dòng Nữ Salêdiêng, cầu chúc Quý Sơ Mừng Lễ thật Sốt Sáng và Vui tươi, luôn kiên vững và trung thành với Sứ Mệnh Salediêng.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Ô dù” và chủ nghĩa de Gaulle
Đoan Trang
10:05 12/05/2011
Ô dù” và chủ nghĩa de Gaulle

Đây là phần tiếp theo trong cuốn sách “Vietnam – Rising Dragon” (Việt Nam – con rồng trỗi dậy) của Bill Hayton, nguyên phóng viên BBC tại Hà Nội. Tiêu đề của phần này do người dịch đặt. Quan điểm của người dịch không nhất thiết trùng quan điểm của tác giả. Người dịch không chịu trách nhiệm về việc kiểm chứng thông tin trong bài viết.

* * *

Để hiểu chuyện này xảy ra như thế nào, rất nên nhìn vào đường lối điều hành. Lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam muốn cai quản đất nước theo một hình thức tương tự như chủ nghĩa de Gaulle (Gaullism) ở Pháp. Dưới chế độ de Gaulle kiểu Việt Nam, một tầng lớp tinh hoa sau hậu trường (tức Đảng Cộng sản) sẽ vạch ra định hướng tổng thể về chính sách và sau đó ủy quyền việc thực hiện cho nhà nước (do Đảng kiểm soát). Chính phủ khi đó sẽ ra luật và sử dụng bất cứ nguồn lực nào có sẵn – hệ thống hành chính quan liêu của nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước (người dịch viết tắt: DNNN), khu vực tư nhân, giới đầu tư nước ngoài, các nhà tài trợ quốc tế hoặc bất kỳ ai khác – để thực thi chính sách.

Và, từ phía sau hậu trường, Đảng sẽ giám sát, kiểm soát, cưỡng ép các diễn viên khác nhau vào vai để đảm bảo là chính sách được tuân thủ. Ít nhất đó là những gì Đảng muốn thấy. Sự thực lại thường không như thế. Đôi khi Đảng đóng vai trò như lực lượng gắn kết – ra quyết định và thực thi – đôi lúc lại chia rẽ, một phần vì vấn đề ý thức hệ nhưng càng ngày càng xuất phát từ chuyện các cá nhân và mạng lưới quan hệ đỡ đầu, bảo trợ cho cá nhân đó. Không ai được bầu vào ban lãnh đạo của Đảng – Bộ Chính trị, gồm 15 người – mà lại không phải xây dựng một mạng lưới vây cánh ủng hộ và đổi lại, phải cho vây cánh ấy lợi ích. Tìm hiểu xem một quyết định cụ thể nào đó là kết quả của ý thức hệ hay của lợi ích vây cánh thường là điều bất khả. Trong phần lớn trường hợp, có lẽ mỗi quyết định là kết quả của cả hai thứ này.

Lấy ví dụ ông T. (*) Điểm xuất phát của ông T. trước khi vươn lên vị trí quyền lực là chính quyền tỉnh Bình Dương, một tỉnh ngay sát TP.HCM. Ông đã góp phần biến tỉnh này thành một nhà máy năng lượng kinh tế, thu hút những luồng vốn đầu tư nước ngoài khổng lồ, tạo ra hàng trăm nghìn công ăn việc làm và đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước. Ông đã làm được việc ấy bằng cách bẻ cong luật – xé rào – để làm vừa lòng giới đầu tư. Ông lách qua các quy định về quy hoạch để có được những khu công nghiệp, ông tiến hành những thỏa thuận về thuế để thu hút công ty nước ngoài và giúp doanh nghiệp một tay nếu họ cần. Phần thưởng cho thành công của ông là sự thăng tiến trong Đảng, đầu tiên lên vị trí lãnh đạo TP.HCM và sau đó làm nguyên thủ quốc gia. Nhưng căn cứ địa của ông vẫn ở Bình Dương và bây giờ nơi ấy là thái ấp của gia đình ông. Cháu trai của ông đã tiếp quản cương vị lãnh đạo tỉnh, gia đình ông kiểm soát nhiều cơ cấu hành chính trong tỉnh. Người Việt Nam hay nói chuyện ai đó “có ô dù”. Cái “ô” của ông T. đã che chở gia đình và mạng lưới vây cánh của ông ở Bình Dương, cũng như “ô” của những đồng sự của ông đã che chở gia đình, vây cánh của họ ở các địa phương khác. Sự che chở của họ cho phép các tỉnh, DNNN, và ngày càng nhiều cá nhân đứng đầu DNNN, quyền tự do bẻ cong và phá luật, vì biết là mình được “bảo vệ” trước pháp luật. Tuy nhiên cũng có giới hạn cho việc một lãnh đạo cấp nhà nước có thể thúc đẩy lợi ích của vây cánh địa phương mình tới đâu. Cuối cùng thì lợi ích quốc gia vẫn tồn tại đó. Chính sách phải là kết quả của sự đồng thuận: lợi ích của quốc gia, phe phái và địa phương đều phải được thỏa mãn. Nhưng để đạt tới đồng thuận thường đòi hỏi các bên phải đánh nhau rất dữ.

Đầu năm 2008, chính phủ nhận thấy rằng bong bóng bất động sản và chứng khoán đã phình quá to. Tác động của thời kỳ hoang dã này đối với thị trường chứng khoán tràn cả ra bên ngoài. Năm 2006, chỉ số chứng khoán quan trọng nhất, VNI trên Sở Giao dịch TP.HCM, đã tăng 145%. Trong hai tháng rưỡi đầu năm 2007, nó tăng thêm 50% nữa. Sàn giao dịch của các công ty môi giới lớn trong thành phố đầy chật người tham gia. Một số dốc hết tiết kiệm vào ván bạc trên thị trường. Niềm lạc quan không bị kiềm chế chút nào. Ngày 12 tháng 3 năm 2007 VNI lên mức kỷ lục 1.170 điểm. Nó sẽ không bao giờ đạt tới điểm đó lần nữa. Nó nhảy qua lại một tí, và vào cuối năm vẫn tăng khoảng 20%. Nhưng sau đó, sang năm 2008, nó sụp đổ. Chỉ số này rơi một mạch 70%, quét sạch khỏi thị trường rất nhiều nhà kinh doanh chứng khoán thời ấy cùng những gia đình đã đánh bạc bằng cả khoản tiết kiệm của họ. Lạm phát tăng 30%, các hộ dân ở thành phố không đủ sống, công nhân nhà máy đình công và bất mãn ngày càng tăng. Tình hình bắt đầu giống như sự khởi đầu của một mối đe dọa đối với quyền lãnh đạo của Đảng. Đã đến lúc các nhà lãnh đạo phải phản công.

Tháng tư năm 2008, Thủ tướng Dũng công khai đề nghị các DNNN hạn chế những ngành kinh doanh không phải lĩnh vực chính của họ ở mức 30% tổng vốn. Việc chính phủ phải xuống nước “kêu gọi” DNNN tuân thủ luật pháp đã bộc lộ những vấn đề mà chính phủ đang phải đối diện trong nỗ lực duy trì quyền kiểm soát. Các DNNN chẳng nghe; đánh nhau nội bộ sau hậu trường càng tăng lên. Chính phủ buộc phải thử một con đường khác. Ngân hàng trung ương – đơn vị đã và đang cho các tổng công ty vay rất dễ dàng với lãi suất thấp và lượng cung tiền hào phóng – nhận lệnh vào cuộc. Lãi suất được nâng lên và dòng tiền cho vay bị giảm xuống. Những cái ô bảo trợ được cất đi; lãnh đạo bắt buộc phải hành động vì lợi ích quốc gia. Có kết quả: nền kinh tế hạ nhiệt và khủng hoảng giảm bớt.

Ban đầu các tổng công ty vận hành theo mô hình chaebol của Hàn Quốc. Các chaebol có rất nhiều nhược điểm, nhưng một số, chẳng hạn Hyundai và Samsung, quả thật đã trở thành các nhà xuất khẩu lớn. Các tổng công ty của Việt Nam kém thành công hơn thế nhiều: VinaShin giành được đơn đặt hàng là nhờ ra giá thấp dưới mức chi phí, còn các hợp đồng bán dầu của PetroVietnam ở Cuba và Venezuela thì là kết quả của chính sách ngoại giao của nhà nước hơn là năng lực kinh doanh. Nhiều công ty dệt may quốc doanh bị thua lỗ và ngành thép thì cũng lạc hậu. Nhưng khu vực quốc doanh vẫn cứ là trụ cột cho sự kiểm soát của Đảng – vừa là công cụ để thực thi chính sách kinh tế vừa là biện pháp làm hài lòng vây cánh ở địa phương, công đoàn và những nhóm lợi ích khác. Mặc dù nhiều DNNN đang bị bán đi, Đảng vẫn nêu rõ quyết tâm giữ lấy 50-100 DNNN quan trọng nhất. Chúng tiếp tục hưởng lợi từ sự hào phóng của nhà nước. Mặc dù cái thời kỳ ngân hàng quốc doanh cho vay dễ dàng nhìn chung đã thuộc về quá khứ rồi, nhưng vẫn còn vô số cách để bơm tiền cho DNNN. Ngân hàng Phát triển Việt Nam (ngân hàng quốc doanh, được thành lập từ tiền viện trợ của các chính phủ nước ngoài) và Quỹ Bảo hiểm Xã hội của nó (được kỳ vọng trở thành nhà đầu tư đơn lẻ lớn nhất trong nước vào năm 2015) dường như đang vận hành giống như những “quỹ đen” không minh bạch, phục vụ lợi ích của khu vực nhà nước. Rõ ràng DNNN có một tương lai quan trọng, không nhất thiết tươi sáng, ở phía trước.

* * *

Sự đan xen xoắn xuýt giữa Đảng và doanh nghiệp không chỉ giới hạn trong khu vực nhà nước mà còn lấn át cả ở khu vực tư nhân. Nhiều công ty “tư nhân” đều từng là DNNN hoặc vẫn còn có phần sở hữu của nhà nước, hoặc đang do đảng viên cai quản. Thậm chí các công ty thật sự là tư nhân cũng gần như không thể có được giấy phép, giấy đăng ký, giấy tờ thủ tục hải quan hoặc nhiều loại giấy tờ quan trọng sống còn khác, nếu không có quan hệ tốt. Công ty nào không tham gia cuộc chơi thì sẽ mau chóng gặp rắc rối. Khảo sát cho thấy ngay cả ngân hàng tư nhân cũng thích cho những người “có quan hệ” vay tiền hơn. Hầu hết những người kiểm soát các đỉnh cao chỉ huy của khu vực tư nhân đều hoặc là do Đảng chỉ định, hoặc người thân, bạn bè của người được chỉ định đó. Tầng lớp tinh hoa của Đảng Cộng sản đang biến chủ nghĩa tư bản Việt Nam thành kiểu công ty gia đình. Tầng lớp tinh hoa mới trong giới thương nhân thì không tách khỏi Đảng Cộng sản mà lại là thành viên của Đảng, hoặc có liên quan tới Đảng.

Lấy ví dụ một trong những người giàu nhất Việt Nam, ông Trương Gia Bình, là Tổng Giám đốc của một công ty tên là FPT mà khởi đầu vốn là “Công ty Công nghệ Chế biến Thực phẩm” thuộc sở hữu nhà nước, sau mới biến thành “Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Công nghệ” và trở thành hãng IT đầu tiên trong nước. Ông Bình cũng là người duy nhất ở Việt Nam thường được nhắc tới với tiền tố “nguyên con rể”, bởi vì ông từng một thời là chồng của con gái ông Võ Nguyên Giáp – vị anh hùng trong chiến tranh, nguyên tổng tư lệnh quân đội, nguyên Phó Thủ tướng. Trong suốt thập niên 1990, nếu công ty nào cần quan hệ với ma trận các công ty của quân đội, hoặc quan hệ trong lĩnh vực xây dựng, truyền thông, thì Tướng Giáp là người họ phải gặp. Một mối quan hệ hữu ích cho một công ty bán phần mềm và điện thoại di động. Giờ đây Bình đã có những mối quan hệ khác: trong số các nhà đầu tư vào những công ty của ông ta, có công ty liên doanh vốn của Mỹ Intel Capital và tập đoàn Texas Pacific.

Có nhiều, rất nhiều ví dụ khác nữa. Trên thực tế là quá nhiều, đến mức người Việt Nam bây giờ có một “thành ngữ” đặc biệt để định danh những trường hợp như thế: “COCC”, hay “5C”. COCC là lớp người ít thâm niên hơn trong tầng lớp elite cộng sản-doanh nhân mới – lãnh đạo các địa phương, quan chức chính quyền và quan chức Đảng nhưng ở cấp thấp hơn. COCC là bốn chữ cái đầu của Con Ông Cháu Cha – nghĩa đen là “con của bố, cháu của ông”, nhưng ý nghĩa của câu này rất rõ ràng với bất kỳ ai đã quen với truyền thống của các gia đình Việt Nam – con trẻ trung hiếu với cao niên, bậc cao niên bảo vệ con trẻ. Những người ở dưới cái ô của COCC có thể thoát khỏi gần như mọi rắc rối, vì các bậc bảo trợ cho họ ở cấp cao hơn cả công an và tòa án. Tầng lớp elite thật sự được gọi là 5C: họ có thể thoát khỏi tất cả các rắc rối. Thậm chí người ta còn bảo rằng một cậu con trai 5C đã từng giết người, nhưng mọi chuyện đều được giữ kín. 5C là viết tắt của Con Cháu Các Cụ Cả – nghĩa đen là “tất cả con và cháu của cụ”. Cụ là địa vị cao nhất trong gia đình Việt Nam, và mọi vị Chủ tịch, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản về cuối đời đều được gọi bằng đại từ này. Cái ô của 5C tỏa rộng – vươn cả ra khỏi những con cháu trực hệ để ít nhiều che luôn cho cả đại gia đình.

Ở Việt Nam, những mối quan hệ như thế đều có giá trị quy ra tiền cả. Các công ty – kể cả trong nước lẫn nước ngoài – đều sẵn sàng trả những khoản tiền lớn để được giới thiệu và tiếp xúc với giới hoạch định chính sách. Những người đã có cửa tiếp cận rồi – thông qua quan hệ thân thuộc trong gia đình – có lợi thế cực lớn. Được giới thiệu một cách tích cực đến một quan chức chủ chốt nào đó có thể tốn tới 100.000 USD. Tiền thường không rót trực tiếp vào túi chính trị gia, mà đến tay người hỗ trợ cho chính trị gia ấy – thường là họ hàng. Đôi khi không phải là tiền mà là quà, thậm chí một căn hộ cho không, đấy là lý do tại sao các nhân viên nhà nước với mức lương danh nghĩa 100 USD/tháng lại có thể hưởng thụ mức sống ngang với một giám đốc kinh doanh thành đạt. Người Việt Nam hay nói về chế độ “chân trong chân ngoài”. Một thành viên trong gia đình làm một công việc được trả lương rất thấp ở đâu đó trong hệ thống hành chính, đó là cách hữu hiệu để duy trì quan hệ, trong khi vợ con, anh em, cháu anh ta có thể tìm kiếm công việc làm ăn ở bên ngoài. Biên chế chính thức bây giờ cũng có giá trị. Lãnh đạo các cơ quan ban ngành có thể giã tới vài nghìn đôla cho một vị trí cấp thấp nhưng có nhiều cơ hội và mối quan hệ.

Nhưng giới thiệu, tiến cử chỉ là một cách để kiếm tiền. Thân nhân của các quan chức cấp cao tìm ra chỗ màu mỡ trong khắp thế giới kinh doanh. Kể từ khi cuộc cải cách kinh tế chớm bắt đầu, tầng lớp elite của Đảng đã gửi con cái ra nước ngoài du học và để cho chúng lên cao dần, có lợi thế kinh doanh. Con cái họ trở về nước, có học hơn và sẵn sàng tiếp nhận công việc ở những cơ sở có đầu tư nước ngoài và khu vực tư nhân mới…

* * *

(*) Người dịch viết tắt tên của nhân vật. Độc giả quan tâm có thể tìm hiểu trong chương I cuốn “Vietnam – Rising Dragon” của nhà báo Bill Hayton. Mong được lượng thứ.

Đoan Trang biên dịch

Nguồn: Trangridiculous.blogspot.com
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Con người có lý trí và tự do (3): liên quan tới tình hình Giáo hội Việt Nam
Hà Minh Thảo.
14:26 12/05/2011
CON NGƯỜI CÓ LÝ TRÍ VÀ TỰ DO (3)

Trong những ngày đầu tháng 05.2011, nhiều bài hay đăng trên các báo mạng, nhưng hai trong đó đã gây sự chú ý đặc biệt nơi chúng tôi: ‘Chuyện kể của một Giám Mục Việt Nam’ được phổ biến trên nhiều báo mạng và ‘"State priests'', a real challenge for the Vietnamese Church’ trên Asia-News. Từ hai bài đó, chúng ta sẽ lướt qua những bài cần thiết khác.

Tuy nhiên, chúng ta cùng bắt đầu bài này với vài đoạn trong Chương 8 ‘Toát yếu về Học thuyết Xã hội Giáo Hội’ có tựa đề ‘Cộng đồng chính trị’.

I. NỀN TẢNG VÀ MỤC TIÊU CỦA CỘNG ĐỒNG CHÍNH TRỊ.

A. Cộng đồng chính trị, con người và dân tộc.

Con người là nền tảng và mục tiêu của đời sống chính trị. Con người, có lý trí Thiên Chúa ban, chịu trách nhiệm về những lựa chọn của mình và có thể cho những dự tính mang lại ý nghĩa cho cuộc sống trên bình diện cá nhân lẫn xã hội. Tính cởi mở đối với Thiên Chúa và tha nhân là đặc điểm và là nét đặc trưng của con người. Chỉ như vậy, con người mới đạt được sự thành toàn bản thân cách trọn vẹn và đầy đủ. Như thế, con người, một hữu thể có bản tính xã hội và chính trị, nên ‘đời sống xã hội không phải là một cái gì thêm vào’ mà là một khía cạnh thiết yếu và không thể phai mờ.

Cộng đồng chính trị phát sinh từ tính cởi mở ấy của con người; lương tâm hướng dẫn con người biết và thúc đẩy con người nghe theo trật tự mà Thiên Chúa đã khắc ghi trong hết mọi thụ tạo: ‘một trật tự luân lý và tôn giáo. Trật tự này là tiêu chuẩn hữu hiệu nhất giúp giải quyết các vấn đề liên quan đến cuộc sống trong tư cách là cá nhân cũng như là thành viên của xã hội’. Trật tự này cần phải dần dần khám phá và phát triển trong tình nhân loại. Cộng đồng chính trị, một thực tại đã có sẵn nơi con người, hiện hữu để hoàn thành một mục tiêu: sự phát triển trọn vẹn mỗi thành viên trong cộng đồng, được mời gọi cộng tác với nhau bền bỉ để đạt được công ích, dưới sự thúc đẩy của các khuynh hướng tự nhiên hướng con người đến những gì là chân là thiện (số 384).

Cộng đồng chính trị đạt được chiều hướng đích thực của mình là nhờ biết tham khảo nhân dân: ‘cộng đồng chính trị là và cần phải là một đơn vị hữu cơ, có tổ chức của một dân tộc đích thực’. Danh từ ‘nhân dân’ không có nghĩa là một đám đông không có hình thù, một quần chúng thụ động, dễ dàng bị điều khiển và bị lợi dụng, nhưng đó là một tập thể những con người, trong đó người nào cũng có thể có ý kiến riêng về các vấn đề chung và được tự do bày tỏ những quan điểm chính trị riêng của mình, đồng thời tận dụng những ý kiến và quan điểm ấy để làm lợi cho công ích, ‘trong vị thế đúng với mình và theo đường lối riêng của mỗi người’. Thực tại nhân dân ‘tồn tại trong đời sống sung mãn của mọi người nam lẫn nữ, mà từ đó nhân dân được hình thành, và trong đó mỗi người… ý thức trách nhiệm riêng và những xác tín riêng của mình’. Những thành viên liên kết thành một cộng đồng chính trị một cách có tổ chức thành một dân tộc, vẫn duy trì được sự tự trị không thể chối bỏ ở mức độ hiện hữu cá nhân và đối với những mục tiêu mình theo đuổi (số 385).

Đặc điểm trước tiên của một dân tộc là cùng nhau chia sẻ cuộc sống và các giá trị, mà đây chính là nguồn đem lại sự hiệp thông trên bình diện tâm linh và luân lý. ‘Xã hội loài người phải được coi đầu tiên như một điều có liên hệ tới tâm linh. Nhờ đó, dưới ánh sáng chân lý, con người sẽ chia sẻ cho nhau sự hiểu biết, thi hành các quyền lợi và chu toàn các bổn phận, được thúc giục đi tìm các giá trị tâm linh, cùng nhau thu nhận niềm vui chân chính từ vẻ đẹp của bất cứ trật tự nào, luôn sẵn sàng truyền lại cho người khác điều hay cái đẹp trong kho tàng văn hoá của mình, hăng hái phấn đấu một cách tích cực để biến những thành tích thiêng liêng của người khác thành của mình. Những thiện ích này không chỉ gây ảnh hưởng mà đồng thời còn mang lại mục tiêu và tầm vóc cho tất cả những gì có liên quan tới các hình thái diễn đạt văn hoá, các định chế kinh tế và xã hội, các phong trào và hình thức chính trị, luật pháp, và các cơ chế khác, nhờ đó xã hội được thể hiện ra bên ngoài cách cụ thể và được phát triển không ngừng’ (số 386).

B. Bênh vực và phát huy các quyền con người.

Xem con người là nền tảng và mục tiêu của cộng đồng chính trị có nghĩa là trước hết phải nỗ lực làm cho phẩm giá con người được nhìn nhận và tôn trọng, bằng cách bênh vực và phát huy các quyền căn bản và không thể tước đoạt của con người: ‘Hiện nay, công ích được thật sự bảo đảm là khi các quyền và nghĩa vụ của con người được tôn trọng’. Trong các quyền lợi và nghĩa vụ của con người đã thu hẹp các đòi hỏi luân lý và pháp lý chính yếu, là những đòi hỏi phải chi phối việc xây dựng cộng đồng chính trị. Những đòi hỏi này tạo nên một chuẩn mực khách quan, mà Luật thiết định sẽ căn cứ vào đó mà thành hình, cũng là những chuẩn mực mà cộng đồng chính trị không thể bỏ qua, vì xét theo thứ tự hiện hữu cũng như xét theo thứ tự mục tiêu cuối cùng, con người luôn đi trước cộng đồng chính trị. Luật thiết định phải bảo đảm làm sao cho các nhu cầu căn bản của con người được đáp ứng (số 388).

Cộng đồng chính trị theo đuổi công ích, nhằm tìm cách tạo ra một môi trường nhân bản, cho phép các công dân thực thi các nhân quyền và thi hành trọn vẹn các nghĩa vụ tương ứng của mình. ‘Kinh nghiệm cho chúng ta thấy rằng nếu các chính quyền không có những hành vi thích hợp đối với các vấn đề kinh tế, chính trị và văn hoá, thì các sự bất bình đẳng giữa các công dân sẽ càng ngày càng lan rộng, nhất là trong thế giới hiện nay, và kết quả là các quyền của con người sẽ trở nên vô hiệu hoàn toàn, việc thi hành các nghĩa vụ sẽ bị phương hại’.

Để thực hiện được công ích cách trọn vẹn, cộng đồng chính trị cần phải đẩy mạnh những hành động có hai mặt bổ sung cho nhau, là vừa bảo vệ vừa phát huy các nhân quyền. ‘Không thể để xảy ra tình trạng một thiểu số (cá nhân hay tập thể) được hưởng lợi thế do các quyền của họ được bảo vệ một cách ưu tiên. Cũng không nên để xảy ra tình trạng trong lúc tìm cách bảo vệ các nhân quyền, các chính phủ vô tình biến mình thành trở ngại không cho các công dân bày tỏ trọn vẹn và sử dụng tự do các quyền ấy của mình’ (số 389).

C. Đời sống xã hội dựa trên tình hữu nghị giữa các công dân.

Đời sống dân sự và chính trị có ý nghĩa sâu xa không phải trực tiếp từ những bản danh sách liệt kê các quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi người. Nhưng đời sống trong xã hội có được đầy đủ ý nghĩa là do nó được xây dựng dựa trên tình hữu nghị giữa các công dân và dựa trên tình huynh đệ. Thật vậy, nói tới các nhân quyền là nói tới các lợi ích của con người được bảo vệ, nói tới sự tôn trọng bên ngoài dành cho con người, và nói tới các của cải vật chất được bảo vệ, cũng như được phân phối theo luật định. Tình hữu nghị còn là nói tới thái độ vô vị lợi, thái độ siêu thoát đối với của cải vật chất, cũng như sự cho đi cách tự nguyện và đón nhận các nhu cầu từ người khác cách chân thành. Tình hữu nghị công dân, được hiểu theo ý này, chính là sự thực hiện đúng đắn nhất nguyên tắc huynh đệ, là nguyên tắc không thể tách khỏi nguyên tắc tự do và bình đẳng. Phần nhiều, nguyên tắc này chưa được ứng dụng trong hoàn cảnh cụ thể ở các xã hội chính trị hiện nay, chủ yếu là do ảnh hưởng quá lớn của các ý thức hệ cá nhân chủ nghĩa và tập thể chủ nghĩa (số 390).

Một cộng đồng có nền tảng vững chắc là khi nó nhắm đến sự phát huy toàn diện của con người và của công ích. Trong trường hợp đó, luật pháp được xác định, được tôn trọng và tồn tại tùy theo thái độ liên đới và xả thân cho người lân cận của mình. Công lý đòi mỗi người phải được hưởng những ích lợi và quyền hạn của mình; có thể xem đó là mức tối thiểu của tình yêu thương. Đời sống xã hội càng trở nên nhân bản hơn khi xã hội ấy có đặc điểm là cố gắng làm cho mọi người nhận thức một cách trưởng thành hơn cái lý tưởng mà họ đang nhắm tới, tức là xây dựng một ‘nền văn minh tình yêu’.

Con người là một ngôi vị chứ không chỉ là một cá thể. Thuật ngữ ‘ngôi vị’ muốn nói rằng đó là ‘một bản tính được phú cho trí khôn và ý chí tự do’: bởi đó, con người là một thực tại cao quý hơn nhiều, chứ không phải chỉ là một chủ thể với những nhu cầu xuất phát từ chiều hướng vật chất của mình. Thật vậy, dù tích cực tham gia vào các dự tính được định ra nhằm thoả mãn các nhu cầu của mình trong phạm vi gia đình, trong xã hội dân sự và chính trị, con người vẫn không thấy mình được phát triển trọn vẹn bao lâu chưa vượt lên trên cách nghĩ về các nhu cầu và chưa mở ra cho hành động vô vị lợi và hiến tặng, phù hợp hoàn toàn với yếu tính và thiên hướng cộng đồng của mình (số 391).

Điều răn bác ái của Phúc Âm soi sáng cho Kitô hữu thấy ý nghĩa sâu xa nhất của đời sống chính trị. Để làm cho cộng đồng chính trị trở nên thật sự nhân bản, ‘không có cách nào tốt hơn là… cổ vũ ý thức nội tâm về công lý, lòng nhân hậu và việc phục vụ công ích, đồng thời củng cố các niềm xác tín nền tảng về bản chất đích thực của cộng đồng chính trị, về việc thực thi cách đúng đắn và về các giới hạn của công quyền’. Mục tiêu mà các tín hữu phải đặt ra trước mặt mình luôn luôn là làm sao thiết lập các mối quan hệ cộng đồng giữa mọi người. Quan điểm Kitô giáo về xã hội chính trị đặt tầm quan trọng hàng đầu trên giá trị của cộng đồng, coi đó vừa là mô hình tổ chức đời sống trong xã hội vừa là một lối sống hằng ngày (số 392).

II. CHUYỆN KỂ CỦA MỘT GIÁM MỤC VIỆT NAM.

Mục Tử Chân Chính không nhượng bộ trước bất công, không thoả hiệp với bóng tối, trả lời người chất vấn khi:

- bị cấm đoán khi đi dâng lễ cho những cộng đoàn tín hữu ở vùng sâu và heo hút vào các dịp Đại Lễ, ngài cho rằng viên chức cấm đoán quá dại vì, nếu để tôi ngày tự do dâng Lễ, thì tối đa ở đó cũng chỉ được khoảng 20 giáo dân nghe giảng, có khi về nhà họ quên mất. Nếu cấm như đã làm thì, sau đó, cả thế giới đều biết, đều nghe đến ngài bị cấm dâng Lễ.

- một lần xin đi nước ngoài, ngài kể : Khi đến cơ quan nhà nước nhận hộ chiếu, người ta dặn dò ngài: “Ông đi nước ngoài nhờ đừng chụp hình với lá cờ vàng ba sọc đỏ, nếu không là toi đời ông!”. Ngài đáp ngay: “Vậy tôi trả hộ chiếu lại cho các ông, tôi không đi nữa”. Họ ngạc nhiên hỏi ngài: “Sao vậy?” Ngài cười: “Chứ nếu đi nước ngoài mà toi đời thì đi làm gì?”… Ngài lý luận sắc bén: “Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu, một trăm năm nô lệ giặc Tây, vậy các ông có ghét Tàu và Tây lắm không? Tôi thấy mấy ông lãnh đạo vẫn đứng chào cờ Trung quốc, chào cờ Pháp, Mỹ đó thôi. Vậy tại sao lá cờ vàng của anh em người Việt mình mà các ông căm ghét đến thế?”. “Còn nữa, hàng năm chúng ta đón bao nhiêu Việt kiều, nhận bao nhiêu tiền họ gửi về, sao lại phải lúc nào cũng căm ghét cờ của họ?”. “Năm 1954 gia đình tôi di cư vào Nam. Gia đình tôi sống được và tôi lớn lên, ăn học là dưới lá cờ vàng. Nếu các ông di cư năm ấy thì các ông cũng thế thôi.”. Nghe những lời hợp lý, họ ngượng ngùng bảo: “Thôi ông cứ đi...”

- nói về cái gọi là Uỷ ban Đoàn Kết Công Giáo hay Công Giáo yêu nước mà dân chúng thường gọi là đám quốc doanh cũng thú vị. Người có quyền nói nhiều giáo phận đã có cái Uỷ ban này, nếu giáo phận ngài tổ chức UBĐK thì mỗi năm nhà nước sẽ chi cho hai tỷ đồng để tiêu dùng và, khi đi họp ở Hà nội thì các ông ‘yêu nước’ sẽ được ở khách sạn năm sao, sẽ được đi Đồ sơn hay đi đâu đó nghỉ mát. Hai tỷ đồng, số tiền lớn thật, có số tiền ấy ngài tha hồ làm được nhiều việc. Thấy ‘hấp dẫn’, ngài hỏi: ‘UB ấy là tổ chức tôn giáo hay chính trị?” Họ đáp: “Đó là tổ chức chính trị phục vụ đảng và nhà nước”.
Ngài từ tốn nói: “Các anh có muốn thấy gia đình người ta chia rẽ, xung khắc không? Ở giáo phận tôi nếu có cha nào tham gia vào UB ấy là lập tức có chia rẽ và nghi kỵ ngay. Là Giám mục, không lẽ tôi muốn nhìn giáo phận chia rẽ?”. Im lặng một lúc, ngài tiếp: “Các ông có nghĩ rằng linh mục giỏi làm chính trị không? Trước kia các ông nghĩ các linh mục tuyên uý trong Quân Lực VNCH làm chính trị, nhưng sau hàng chục năm bắt các linh mục ấy đi học tập, các ông đã biết các linh mục chẳng biết làm chính trị gì cả. Các ông bảo UBĐK ấy là tổ chức chính trị mà kêu gọi các linh mục không biết chính trị vào hoạt động là để họ phá chế độ!... “Chưa hết, dân mình còn nghèo khổ, ông nghĩ làm sao chúng tôi là Giám mục, linh mục, là người có Đạo, lại có thể nhận hai tỷ đồng tiền của dân để tiêu pha, rồi còn ở khách sạn năm sao, rồi đi du lịch nơi này nơi nọ cho được?”. Nghe đến đó thì họ không nói chuyện UBĐK ấy với ngài nữa.

Sự tóm lược của chúng tôi rất thiếu xót, xin mời đọc giả vào địa chỉ : http://vietcatholic.net/News/Html/89735.htm
để được đọc thấm thía hơn.

III. "LINH MỤC QUỐC DOANH'', MỘT THỬ THÁCH THẬT SỰ CHO GIÁO HỘI VIỆT NAM.

A. Bài báo của Asia-News.

Đây là bài tiếng Anh mà chúng ta có thể tìm tại địa chỉ : http://vietcatholic.net/News/Html/89635.htm

Gần đến ngày bầu cử Quốc hội và các Hội đồng Nhân dân, các linh mục quốc doanh gây đau khổ cho Giáo hội Việt Nam. Một mặt, sự ứng cử của ba linh mục vào Quốc hội vi phạm Giáo luật, điển hình là linh mục Phan khắc Từ đã được sự hỗ trợ của đảng cộng sản và nổi tiếng nhờ chỉ trích Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II và Vatican. Mặt khác, những linh mục đã lạm dụng tài sản nhà thờ và vai trò của họ để hỗ trợ cho đảng cộng sản để hưởng lợi. Do đó, giáo dân xa Giáo hội vì không Thánh Lễ như tại nhà thờ Trung Châu (Thái Bình) ngày 29.04.2011, Linh mục cho người gọi giáo dân, đọc kinh Mân côi, ra dự cuộc họp tuyên truyền bầu cử cho đông đúc để quay phim truyền hình. Giáo dân không xưng tội vì sợ Linh mục báo cho cảnh sát. Các “linh mục của nhà nước” tạo ra sự rối loạn chức năng trong Giáo Hội. Cha Peter, Tuyên úy Quân đội Việt Nam Cộng Hoà, khi mãn hạn cải tạo, cán bộ cộng sản nói “Hãy về nhà lấy vợ và sinh con như họ”. Cha nghĩ đó là một trò đùa, nhưng không phài vậy. Trong hai năm, cha xin giám mục một công việc mục vụ, dù đã làm hết sức mình nhưng vô ích. Cha phải tìm một linh mục quốc doanh. Một vài ngày sau, Cha có bài sai đi làm mục vụ và, hôm nay, Cha không biết ai điều hành giáo phận”.

B. Ủy ban đoàn kết Công giáo Việt Nam.

Sau ngày 30.04.1975, những ‘Linh mục quốc doanh, đã thành lập nhóm ‘Linh mục yêu nước’ mà danh xưng không ngừng thay đổi : Ủy ban Liên lạc công giáo Toàn quốc, Ủy ban đoàn kết công giáo yêu nước Việt Nam… và, cuối cùng, đã dừng lại với tên Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam (UBĐKCG).

Trong thư đề ngày 25.12.1997 để báo cáo với lãnh đạo Dân vận, Mặt trận Tổ quốc và Ban Tôn giáo TP. Hồ chí Minh về Phan khắc Từ và Trương bá Cần, Vương đình Bích viết : « Tôi thành khẩn nói rõ với hai anh Từ và Cần, là vấn đề thật của Tổ chức chúng ta, không phải là Nhóm Nghiên cứu (bị Phan khắc Từ giải tán), mà là Nhóm bốn anh em chúng tôi, Minh, Cần, Từ, Bích đã được lãnh đạo gầy dựng và giao cho nhiệm vụ điều động Phong trào Công giáo Yêu nước tại Thành phố này… ». Điều lệ của UBĐK ghi rõ: « UBĐKCGVN ‘là tổ chức đại diện phong trào yêu nước của người Công giáo Việt Nam’, là ‘thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam’. (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do Đảng Cộng sản dựỉng nên, bao gồm các đoàn thể nhân dân. »

Giáo dân không tham gia UBĐKCG nhiều, nhưng có đông Linh mục. Hằng trăm Linh mục dự Đại hội đâu có ít, mỗi lần ? Có lẽ nhiều người đi cho yên, lấy lệ ? Điều có thể kiểm kê được là trong số đó chỉ có mấy người chủ chốt năm này qua năm khác và ôm tất cả. Đức cha Phao lô Nguyễn văn Bình trong bài phỏng vấn của báo Eglises d’Asie (Pháp quốc) số 95, tháng 09.1990, khi được hỏi : « Thưa Đức Cha, có bao nhiêu Linh mục trong UBĐKCG ? » đã trả lời : « Có lẽ có tất cả chừng 30 người. Nhưng thực tế, chỉ có 5 hay 6 người những người khác chẳng mấy quan tâm đến Ủy ban. Họ là những Linh mục làm việc trong các giáo xứ. Thỉnh thoảng họ tới dự một phiên họp thế thôi.

Trong thư gửi các Linh mục, sau Hội nghị thường niên Hội đồng Giám mục Việt Nam, Đức cha Nicolas Huỳnh văn Nghi cho biết : « Ông Trưởng ban Tôn giáo giới thiệu UBĐKCG và lợi ích của tổ chức chánh trị dành cho người công giáo này. Các Giám mục nhận định là trong tiến trình đổi mới và phát triển của đất nước hiện nay, nên dành cho giáo dân tham gia và lãnh đạo tổ chức này (…). Linh mục, tu sĩ là những người chuyên làm công tác tôn giáo. Hãy để họ trong ngành chuyên môn của họ. Tuy nhiên, ông Trưởng ban Tôn giáo thừa biết rằng các Giám mục quá hiểu: nếu các Linh mục rút đi thì làm còn gì UBĐKCG nữa. (Trích Tin Nhà số 32 – Mars 1998).

Ngày 20.10.1993, Đức Tổng Giám mục P.X Nguyễn văn Thuận đã nói khi trả lời phỏng vấn của ông Jacques Berset, Giám đốc hãng Thông tấn Công giáo APIC (Thụy sĩ) : « Điều chắc chắn là Giáo hội tại Việt Nam phải tiếp tục làm việc và sống còn. Có những người Công giáo cộng tác với chính quyền, nhưng rất khó mà phán đoán về họ từ bên ngoài, nhất là khi tất cả đều biến chuyển mau lẹ. Nói một cách khách quan, tôi không thể phán đoán, vì từ nhiều năm nay tôi không còn ở trong nước nữa. Một số người tự nguyện cộng tác, một số khác đôi khi tìm những giải pháp dung hợp, những phương tiện để làm việc một cách dễ dàng hơn. Chúng tôi chấp nhận sự khác biệt đó. Tôi không phán xét những người làm việc với chính phủ. Họ có những lý do của họ: một số người vì lòng ngay và tìm một phương thế để thích ứng với thực trạng, để tìm những dễ dãi cho việc mục vụ, để tránh những hạch sách, trong khi những người khác hoàn toàn chỉ là người xu thời. Không nên lên án tất cả những người ấy. Đối với tôi, điều quan trọng là ý kiến của Tòa Thánh, và Tòa Thánh dạy phải tuân theo luật Chúa.»

Lời vị Giám mục, đang được Giáo hội xét phong Chân Phước, là tiếng nói công bình, đầy bao dung, che chở và đầy đủ, được sự soi sáng của Chúa Thánh Thần để luôn lo lắng cho tiền đồ Quê hương và Giáo hội Việt Nam.

3. Bầu cử Quốc hội.

Trong cuộc bầu đại biểu Quốc hội khóa 13 ngày 22.05.2011, có ba ứng cử viên là linh mục : Phan khắc Từ (Tổng Giáo phận Sài gòn), Trần mạnh Cường (Giáo phận Ban mê Thuột) và Lê ngọc Hoàn (Giáo phận Bùi Chu). Hai Linh mục Cường và Hoàn đang là đại biểu khóa 12 (2007-2011).
Cả ba đều là thành viên UBĐKCG, một tổ chức của Đảng, vi phạm Giáo luật điều 287.2 : « Các giáo sĩ không được tham gia tích cực vào các đảng phái chính trị, hoặc dự phần lãnh đạo trong các nghiệp đoàn, trừ khi nào, theo phán đoán của nhà chức trách có thẩm quyền của Giáo hội, việc bảo vệ quyền lợi của Giáo hội và cổ võ công ích đòi hỏi như vậy ». Nếu là đại biểu, các vị này vi phạm thêm điều 285.3 Giáo luật : « Cấm các giáo sĩ đảm nhận những chức vụ công quyền có kèm theo việc hành sử quyền bính dân sự. »

Cũng như họ là các giáo sĩ vi phạm Giáo luật, việc tổ chức bầu cử cũng trái Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội. Thí dụ điều 1 qui định : « Việc bầu cử đại biểu Quốc hội nước Cộâng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. », tức cho phép các cử tri trực tiếp chọn ứng cử viên để bầu chứ không cần sự xét lựa của cơ quan hay nhóm dân nào.

Hơn thế nữa, ngày 30.03.2011, Mặt trận Tổ quốc tổ chức hội nghị để bỏ phiếu tín nhiệm (hay không) ông Lê quốc Quân, ứng cử độc lập tại Hà nội. Cuộc cử tri đặt câu hỏi đã biến thành cuộc đấu tố ông Quân khi người chủ tọa nêu ra việc ông Quân bị công an Việt Nam bắt giam 100 ngày năm 2007 vì tội "tạm giữ hình sự vì hành vi tham gia tổ chức phản động, chống chính quyền nhân dân" theo điều 79 Bộ Luật Hình sự. Hành vi này của ‘người chủ tọa’ vi phạm Hiến pháp nước Cộâng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam điều 72 : « Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật. »

Do đó, chúng tôi có thể đoan chắc nếu các người ứng cử độc lập như Luật sư Công giáo Lê quốc Quân (Giáo hội khuyên giáo dân tham gia chính trường và yêu cầu các Linh mục làm mục vụ như Giáo luật qui định) được tham dự tranh cử thì cử tri có Tự do chọn và bầu đại biểu Quốc hội thì Việt Nam đã không phải ở trong tình trạng như bài ‘Nhân ngày 30/4, đọc lại vài dữ liệu cũ’ tại địa chỉ : http://www.boxitvn.net/bai/21064
 
Văn Hóa
Cửa chuồng Chiên
Mic. Cao Danh Viện
14:13 12/05/2011
(Chúa Nhật Thứ 4 Mùa Phục sinh)



“Thật Ta là cửa chuồng chiên”

Đi qua cửa đến thảo nguyên xanh rì

Nơi đây vương quốc từ bi

Hòa bình công lý diệu kỳ thiên ân



Cỏ non suối nước trong ngần

Dạt dào ân sủng Thánh Thần trao ban

Theo sau Mục Tử khoan nhân

Đoàn chiên đưa bước an nhàn thảnh thơi



Hồng ân như thể sương trời

Linh đình yến tiệc cao vời Thần Lương

Bồ đào mỷ tửu ngát hương

Tôi công chính bởi tình thương của Người



Đồng xanh thơ giữa cuộc đời

Thân mình Giáo Hội xanh ngời thảo nguyên

Kẻ bất hạnh, kẻ truân chuyên

Dòng sông Bí Tích tinh tuyền đỡ nâng



Gia tài ân sủng vô ngần

Ai ai cũng được dự phần quang vinh

Giêsu: Đấng bị đóng đinh

Chính Người là cửa thiên đình cho tôi

12-5-2011





 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Lòng Mẹ
Lê Trị
21:53 12/05/2011
LÒNG MẸ
Ảnh của Lê Trị
Thương con khuya sớm bao tháng ngày
Lặn lội gieo neo nuôi con tới ngày lớn khôn..
(Trích ca khúc của Y Vân)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền