Ngày 11-05-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Hai Con Gái Yêu Của Mẹ!
Tuyết Mai
12:34 11/05/2008
Hai Con Gái Yêu Của Mẹ!

Nhân Ngày Hiền Mẫu (Mother's Day) năm nay, Mẹ muốn nhắn gởi hai con đôi lời, tuy đơn sơ mộc mạc nhưng rất chân tình, bởi lời của Mẹ đã bộc phát và thoát ra từ trái tim thương yêu của Mẹ dành cho các con. Trong những ngày này tất cả con cái trên toàn nước Mỹ ai ai cũng rất bận rộn bàn tính chuyện để tổ chức cho Mẹ mình một ngày Hiền Mẫu thật tưng bừng thật đáng ghi nhớ.

Nhưng điều trước tiên Mẹ muốn các con làm trước hết thảy là mua hoa Dâng Tặng Đức Mẹ vì tháng Năm của mỗi năm là Tháng Hoa Đức Mẹ, Mẹ của toàn thể nhân loại. Các con phải nhớ. Yêu Kính Đức Mẹ cách sùng ái và kính trọng, các con thể hiện bằng cách gia đình các con cố gắng hằng đêm cùng nhau Dâng lên Mẹ Maria Chuỗi Mân Côi như khi các con còn sống với Cha Mẹ. Có nhiều thời giờ thì cùng nhau đọc 50 kinh. Có ít thời giờ thì ít hơn (40,30,20, hay ít nhất là 10 kinh) nhé các con của Mẹ. Đó là cách các con bày tỏ tình yêu của các con dành cho Mẹ đó!

Cuộc đời của Mẹ đã quen sống giản dị và rất ít đòi hỏi nên các con không cần thiết để tranh dành nhau mà làm vui lòng Mẹ bằng cách mua quà cho thật đáng giá hay tìm kiếm nhà hàng thật sang trọng để mà chị em con chia rẽ và xa cách nhau? Vì sao? Hai con suy nghĩ lại cho thật kỹ mà xem. Có phải chị em con đứa thì giầu có, đứa thì vừa đủ ăn đủ mặc hay không?

Cái con Giầu, con gái út của Mẹ! Năm ngoái con có đem tặng cho Mẹ quà cáp mắc tiền và cả hiện kim sau khi đãi Mẹ ăn tại một nhà hàng Sang Trọng và nổi tiếng nhất, ai nghe qua cũng phải thèm muốn.

** Đây là lời của Mẹ nhắn gởi riêng con, Mẹ hy vọng con ghi nhớ mà sống với đời sao cho nhiều người thương mến. Trước tiên con phải biết cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho con nhiều may mắn là dư đầy vật chất. Bởi tất cả những gì con đã, đang, và sẽ có là của Ngài ban cho con. Đừng quá ỷ cậy tài của mình mà con đang sống trong ảo tưởng đó! Con có nghĩ là con sẽ giầu cả đời con không? Bởi không ai giầu đến ba họ và không ai khó đến ba đời đâu con. Nên con phải cố gắng hơn nữa để đừng làm buồn lòng Chúa và anh chị em con. Hiện giờ con chỉ còn thiếu một điều tối cần là tình yêu thương của Chúa, của gia đình, và của anh chị em sống chung quanh con. Mẹ biết tuy con rất giầu có nhưng thật sự trong tâm hồn của con rất đau khổ, héo hắt, và rất thiếu thốn tình cảm. Từ chồng đến các con của con, con chẳng tin cậy được ai. Có phải con cứ sợ Tiền Của, nó có chân có ngày nó sẽ bỏ con ra đi? Có phải Tiền Của nó làm con bận lòng và vất vả con lắm không?

Mẹ không hiểu con đổi tâm tánh tự hồi nào? Thưở còn hàn vi gia đình mình nghèo khổ, Cha con thì làm Thầy Giáo lương rất thấp còn Mẹ thì Cha bắt ở nhà để trông nom các con vì Cha con bảo gởi các con cho người ta trông có ngày tiền mất mà tật mang. Có con thì phải có trách nhiệm dậy dỗ các con cho đàng hoàng. Biết Chúa biết Mẹ, biết Ông Bà, họ hàng, nguồn cội và văn hoá của người Việt Nam da vàng của mình. Tuy thiếu hụt nhưng Cha Mẹ cũng cố gắng cho các con đi học thêm Trường Việt Ngữ Hồng Bàng suốt mấy năm liền và những cái "Cúp" các con đem về là niềm hãnh hiện của Cha Mẹ. Rồi cho các con vào Thiếu Nhi Thánh Thể và tiếp tục học những lớp Việt Ngữ cũng đem về cho Cộng Đoàn những chiếc "Cúp" mà các con đã cố gắng tranh nhau với những cộng đoàn bạn. Thuở nhỏ hai chị em con rất thân thiết và khắng khít. Mẹ nhớ con làm em mà lại có tánh thảo nhất nhà, cái gì con ăn con đều ăn có một nửa còn một nửa kia con gói lại để dành cho chị con.

Còn bây giờ? Cái gì đã làm con thay đổi? Từ một con người dễ thương dễ mến trở thành một con người lúc nào cũng bẵn gắt với chồng con và với kẻ ăn người làm dưới quyền của mình? Có phải vì bây giờ con đã trở thành một người Quan Trọng? Có Tiền, Tài, và Danh Vọng? Tất cả những thứ đó đã làm con biến thành một con người của Thế Gian? Mẹ thiết nghĩ đâu quan trọng đến độ con coi chồng con chẳng ra gì vì nó làm ít tiền hơn con? Mẹ khuyên con hãy cẩn trọng và coi chừng, vì ở đời có những khi con tưởng là con có tất cả! Nhưng khi những cái con lầm tưởng là cho con hạnh phúc thì lại là cái phản bội con nhất mà con không lường được. Mẹ đã chứng kiến cảnh của một gia đình rất thân mà con cũng biết, Mẹ mong con nghĩ lại mà làm bài học cho mình.

Con còn nhớ sau khi Cha con thất nghiệp thì Mẹ phải đi làm việc Y Tá trở lại để gánh vác gia đình. Ông bà Chủ của Mẹ rất ư là giầu xụ quanh đây ai cũng biết tiếng hai ông bà. Nhưng sự giầu sang của hai ông bà này thì hình như họ sống không có đức. Hiếp đáp người làm công. Dùng luật lệ của riêng mình mà không sợ phạm pháp. Con cái thì để chúng thật bê tha chẳng chịu học hành. Sau cùng thì Của cứ càng ngày càng chất đầy kho đầy lẫm, nhưng con thì đứa mất, đứa còn lông bông, cũng vì lòng tham vô đáy của hai ông bà.

Trong Ngày Hiền Mẫu năm nay, Mẹ yêu cầu con làm cho Mẹ một điều mà chắc chắn sẽ làm cho Cha Mẹ rất vui lòng và cả con nữa con gái cưng yêu của Mẹ. Quà cáp mắc tiền và nhà hàng mà con định đưa Mẹ đi ăn năm nay, Mẹ không cần đâu con vì con biết Mẹ vừa bệnh phải kiêng ăn và những quà cáp con mua cho Mẹ chẳng bao giờ Mẹ cần và xài đến. Năm nay Mẹ muốn con đến Mẹ thật sớm để đưa Mẹ đi Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống rồi sau đó con chở Mẹ đến thăm chị Hạnh của con, chị đang bệnh và rất cần tiền cho thuốc men, mà chị vì tự ái không muốn nhờ vả con vì con có những lời ăn tiếng nói làm phật lòng chị mà chị không nói ra. Mẹ muốn con tụ họp tất cả gia đình con và gia đình chị con cùng nhau xum họp tại nhà Cha Mẹ để mừng một Ngày Hiền Mẫu thật ý nghĩa và thật hạnh phúc trong tình thương yêu của gia đình đã thật lâu không có tiếng cười rộn rã.

Hạnh, con gái lớn của Mẹ!

Ngày Hiền Mẫu năm ngoái Mẹ biết con rất là buồn vì sự cư xử thiếu tế nhị của em con đã làm con rất buồn lòng, Mẹ biết, nhưng thôi con hãy bỏ qua cho em con khi tuổi còn sôi nổi và bồng bột.

Và đây là lời Mẹ cũng muốn nhắn gởi đến con, hãy ghi nhớ khi Mẹ còn sống để mà biết dậy dỗ con của con. Được cái tánh của con cũng rất giống Mẹ là chịu đựng và nhịn nhục giỏi. Mẹ khuyên con bớt đi cái tánh tự ti mặc cảm mà phải sống một cuộc sống đầy tự tin mới phải vì mình luôn sống có Chúa. Cuộc đời có Chúa là con đã có tất cả! vì ngay hơi thở con không để ý cũng là của Ngài. Có phải những gì mình không để ý đến lại là điều thiết yếu cho cuộc đời của mình không con? Như Tình Yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa ta chẳng bao giờ để ý đến nhưng Ngài lại luôn luôn ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế và ở cả đời sau nữa. Còn những gì chúng ta để ý đến thì đều là những thứ không quan trọng cho cuộc đời và linh hồn của chúng ta. Toàn là những thứ phù du, hôm nay còn ngày mai lại mất, thế tại sao mình lại cố kềm giữ và tìm kiếm chúng mà làm gì, đúng không con gái yêu của Mẹ!?

Ngày Lễ Hiền Mẫu Năm nay, Mẹ muốn con bỏ qua tất cả và tha thứ cho em con để nhà của Cha Mẹ lại có được những tiếng cười không còn là bức tường chia rẽ của tình chị em con.

Lậy Mẹ Maria!

Chúng con cảm tạ Mẹ và chúc Mẹ nguyên suốt một Tháng Hoa được thật nhiều bó hoa thiêng của hết thảy con cái Mẹ trên khắp mọi nơi trên địa cầu. Xin Mẹ luôn cầu nguyện cho chúng con để chúng con luôn được sống trong tình yêu của Ba Ngôi Thiên chúa và cuộc sống muôn đời mới là điều chúng con thiết tha ao ước. Amen.
 
Mười tư tưởng đơn sơ về Nhân Bản và Đạo Đức mỗi tuần
LM Nguyễn Vinh Gioang
12:53 11/05/2008
Mười tư tưởng đơn sơ về Nhân Bản và Đạo Đức mỗi tuần (31)

301. Nhờ biết giáo lý, ta sống đức tin trong mọi hoàn cảnh

Khi đau khổ, đức tin cho ta biết Chúa rất thương ta, và ta được an ủi. Khi bất lực, đức tin cho ta biết Chúa giàu sang vô cùng, và ta được mạnh mẽ. Khi khốn nạn, đức tin cho ta biết Chúa yêu thương vô cùng, và ta không mất lòng trông cậy. Khi buồn phiền, đức tin cho ta biết Chúa luôn quan phòng nâng đỡ, và ta được vui vẻ. Khi nếm cảnh bất công, đức tin cho ta biết Chúa vô cùng công minh, và ta được bình an. Khi bị tủi nhục, đức tin cho ta biết Chúa luôn thinh lặng và chịu đựng, và ta được an ủi. Khi sống cảnh cô đơn, đức tin cho ta biết Chúa luôn ở bên cạnh ta, và ta vẫn vui tươi. Khi người thân chết, đức tin cho ta biết Chúa sẽ cho ta gặp họ lại trên nước Thiên Đàng, và ta vẫn luôn hy vọng. Khi nghĩ đến quá khứ, đức tin cho ta biết Chúa đại lượng vô cùng, và ta không bao giờ mất lòng trông cậy vào Chúa. Khi nghĩ đến tương lai, đức tin cho ta biết Chúa lo lắng từng sợi tóc rụng của ta, và ta vẫn luôn bình tĩnh. Khi nghĩ đến cái chết, đức tin cho ta biết Chúa đã phục sinh và sẽ làm cho thân xác ta sống lại vinh hiển, và ta vẫn vui sống và luôn sẵn sàng vui...chết.

302. Sống Tin Mừng Với nụ cười

Hãy chu toàn mọi việc bổn phận lớn nhỏ trong đời bạn: với nụ cười.
Hãy yêu thương và tha thứ, nhất là đối với kẻ mình không ưa thích: với nụ cười.
Hãy khiêm nhượng nhìn nhận những lỗi lầm của mình: với nụ cười.
Hãy vâng giữ lề luật Chúa và lề luật Giáo Hội: với nụ cười.
Hãy gìn giữ kho tàng Ơn Nghĩa Thánh trong bạn: với nụ cười.
Hãy là một người con ngoan của Giáo Hội: với nụ cười.
Hãy là một người công dân yêu Tổ Quốc tha thiết: với nụ cười.
Hãy là một người con yêu của Chúa và Mẹ: với nụ cười.
Hãy vì Chua mà nhận lấy mọi lo âu, thử thách, thiếu thốn, thất bại, khổ đau, buồn phiền, khó khăn, nghịch cảnh, hiểu lầm, rủi ro, bạc bẽo, cô đơn: với nụ cười.

303. Tại sao Tạo Hoá muốn cho ta ít nói và nói ít?

Tạo Hoá muốn cho ta nhìn cho rõ, nên ban cho ta có hai con mắt.
Tạo Hoá muốn cho ta nghe cho rõ, nên ban cho ta có hai lỗ tai.
Nhưng Tạo Hoá chỉ ban cho ta có một lỗ miệng, mà lỗ miệng nầy phải được dùng vào hai việc, là việc ăn và việc nói.

Như vậy, Tạo Hoá chỉ muốn cho ta dùng một nửa cái miệng để nói mà thôi. Vậy ta hãy nói làm sao cho xứng với một nửa miệng mà Tạo hoá đã ban cho ta dùng.

304. Chúng ta hãy thờ lạy Thánh Ý Chúa! Chúng ta hãy tung hô Thánh Ý Chúa!

Mọi sự xảy ra trong đời chúng ta, không có điều gì tình cờ đâu, nhưng tất cả đều do bàn tay kỳ diệu của Chúa săp đặt.
Chúng ta hãy thờ lạy Thánh Ý Chúa! Chúng ta hãy tung hô Thánh Ý Chúa!
Chúng ta hãy sốt sắng cầu nguyện mỗi sáng khi thức dậy, và mỗi tối trước khi đi ngủ:

“Lạy Chúa, Chúa biết mọi sự, Chúa làm đặng mọi sự, Chúa lại yêu con vô cùng, con không lo gì? Ngày hôm nay (Trong đêm nay), con không biết gì sẽ xảy đến cho con, nhưng con tin chắc Chúa đã biết hết rồi, và Chúa đã sắp đặt tất cả. Con xin hân hoan thờ lạy Thánh Ý Chúa. Con xin sẵn sàng chấp nhận Thánh Ý Chúa, lạy Chúa!”

305. Chúng ta sống hạnh phúc nếu chúng ta lấy Thiên Chúa làm trung tâm điểm cho cuộc sống của mình

Sống hạnh phúc là điều dễ dàng nhất trên đời nầy. Lý do là vì chúng ta muốn sống hạnh phúc, thì chúng ta được sống hạnh phúc.
Thiên Chúa là nguồn hạnh phúc. Ngài đã dựng nên chúng ta trong hạnh phúc. Vì thế, Ngài không bao giờ từ chối ban hạnh phúc cho chúng ta.
Đời chúng ta chắc chắn thế nào cũng được hạnh phúc nếu chúng ta luôn lấy Thiên Chúa làm trung tâm điểm cho cuộc sống của mình.

306.Bạn hãy yêu con người của bạn!

Mỗi người có một con người của mình. Vì thế, bạn có con người của bạn.
Bạn không thể nào xuất ra khỏi con người của bạn để nhập vào một con người khác, như kiểu bạn thay áo quần, thay mũ nón.

Dù bạn có làm được gì đi nữa, dù bạn có mang chức vị nào đi ưưxa, bạn vẫn là bạn từ khi cha mẹ sinh ra bạn cho đến bây giờ. Và nếu bạn có thay đổi, thì chỉ thay đổi được những cái bên ngoài mà thôi.

Vậy bạn hãy dồn tất cả sức lực của mình để hoàn hảo hoá con người của bạn: về mặt tích cực, trau dồi những khả năng và những tài năng của bạn; về mặt tiêu cực, loại bỏ những khuyết điểm, những bất toàn của bạn.

Không ai yêu bạn bằng bạn.
Và không ai yêu bạn bằng Chúa.
Chúa luôn muốn bạn là bạn.
Chúa luôn muốn bạn tin vào con người của bạn.

307. Đời sống cộng đoàn thành công khi sự cầu nguyện chung quá tha thiết!

Trong đời sống cộng đoàn thành công, người ta dễ nhận thấy có sự cầu nguyện chung sốt sắng với nhau, có sự hiệp nhất tha thiết với nhau trong lời cầu nguyện, theo đúng kỹ thuật của Chúa Giêsu dạy: hiệp nhau cầu nguyện thì có Chúa Giêsu đến giúp, hiệp nhau cầu nguyện thì xin gì cũng được Chúa ban. Vì thế, chúng ta thấy trong cộng đoàn thành công nầy, các phần tử thành tâm hiệp nhất với nhau, thành thật yêu thương nhau, cùng nhau tận lực làm việc, và đạt được nhiều kết quả vật chất cũng như tinh thần trong việc làm sáng danh Chúa.

Tạ ơn Chúa!

308. Đời sống cộng đoàn không thành công khi sự cầu nguyện chung quá mờ nhạt!

Trong đời sống cộng đoàn không thành công, người ta dễ nhận thấy rằng chất lượng của sự cầu nguyện chung còn kém: các phần tử trong cộng đoàn nầy, tuy có cầu nguyện chung, nhưng họ chỉ cầu nguyện sát nhau, chứ không cùng nhau cầu nguyện, không cầu nguyện trong nhau, không cầu nguyện theo cùng một hướng về Chúa và về tha nhan. Vì thế, trong đời sống cộng đoàn không thành công nầy, các phần tử ngấm ngầm xa cách nhau: người thì đánh trống xuôi, kẻ thì thổi kèn ngược. Họ sống với nhau như sống trong một khách sạn, như sống trong một chung cư.

Thật đáng buồn và uổng phí cuộc đời của họ!

309. Chúng ta hãy yêu thích Bí Tích Giải Tội!

Hằng ngày, chúng ta lo rửa mặt mũi chân tay cho sạch, lo bận áo quần cho tiêm tất. Thế mà linh hồn mình nhơ nhớp thì chúng ta lại không chịu đi xưng tội để cho được trắng sạch.

Hằng ngày, khi gặp một con rắn độc, chúng ta làm đủ mọi cách để giết nó. Thế mà con rắn độc hãm hại linh hồn, chúng ta lại không đi xưng tội để tìm cách giết nó.

Hằng ngày, khi thân xác đau ốm, chúng ta hối hả chạy đi tìm thầy, tìm thuốc. Thầy xa mấy cũng đi tìm cho gặp. Thuốc đắng mấy cũng chịu khó uống cho lành. Thế mà linh hồn ta luôn bị tội lỗi làm cho đau ốm, chúng ta vẫn dửng dưng, không chịu đi xưng tội để cho được mạnh lại.

Chúng ta đừng xem việc đi xưng tội như một gánh nặng, như một công việc nhọc nhằn.

Chúng ta hãy yêu thích Bí Tích Giải Tội: điều quý nhất trên trần gian nầy mà vàng bạc châu báu kếch sù đến đâu cũng không thể nào mua được, thì Bí Tích Giải Tội lại ban cho chúng ta khi chúng ta thành thật đi xưng tội, đó là sự bình an sâu thẳm trong lương tâm mình.

310. Ích lợi của Bí Tích Giải Tội

Bí tích Giải Tội là lửa (thiêu sạch tất cả những rỉ rét mà tội lỗi đã làm hoen ố linh hồn chúng ta)
Bí tích Giải Tội là nước (rửa sạch tất cả những nhơ nhớp do tội lỗi gây nên trong linh hồn chúng ta)
Bí tích Giải Tội là muối (ướp linh hồn chúng ta khỏi sự thối tha của tội lỗi)
Bí tích Giải Tội là ánh sáng (xua tan bóng tối tội lỗi đang bao trùm linh hồn chúng ta)
 
Mỗi ngày một câu chuyện (dành cho trẻ em)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:05 11/05/2008
CÂY LÊ NHỎ VÀ ONG MẬT

N2T


Trong vườn cây ăn quả có trồng một đám cây lê, khi mùa xuân đến thì cây lê nở đầy hoa. Những con ong mật đến, chúng nó “vù vù” bay tới bay lui bận bịu với việc hút mật hoa, thậm chí có con bò vào trong cả nhụy hoa.

Có một cây lê nhỏ rất để ý đến cử động của ong mật, nó nghĩ trong bụng: “Hoa của mình nở rất tốt, nếu ong mật không cẩn thận làm hoa bị hư, thì làm sao có thể kết thành trái lê ngọt ngào chứ ?” thế là nó lớn tiếng nói với ong mật: “Ong mật, cút đi chỗ khác, không được đến hút mật hoa của tớ.”

Nhưng ong mật không nghe lời nó nói, chúng nó cứ bay tới bay lui, lát sau ngừng ở đó, bận không dứt ra được. Cây lê nhỏ nhìn thấy thì càng thêm giận dữ, nó há to cửa họng lớn tiếng nói: “Cút nhanh, cút nhanh !”

Một cây lê già nghe tiếng kêu lớn của cây lê nhỏ, thì nhỏ nhẹ hỏi: “Bé con, con sao vậy, tại sao lại đuổi ong mật đi vậy ?”

Cây lê nhỏ nhíu lông mày nói: “Bà nội ơi, mấy con ong mật đáng ghét ấy lấy mật hoa của cháu rồi bay mất, đến khi quả lê ra trái thì làm sao ngọt được ?”

Cây lê già cười nói: “Này con, con nhìn cho rõ nhụy hoa của con xem sao, phía trên có rất nhiều phấn hoa đó, khi ong mật hút mật thì bò lui bò tới trên nhụy hoa, trên chân dính rất nhiều phấn hoa, sau đó lại bay vào trong nhụy của đóa hoa khác, đem phấn hoa đến nơi đó, qua sự thụ phấn của ông mật thì hoa nở càng lớn hơn. Nếu không có ong mật hoặc bà gió chuyền đi hoa phấn, thì chúng ta sẽ không ra quả được !”

Cây lê nhỏ nghe bà nội nói, cuối cùng cũng hiểu đạo sinh tồn của thiên nhiên, nó thẹn thò nói với ong mật: “Cám ơn các bạn ong mật, trước đây tôi đã trách lầm các bạn.”

(Trích: Câu chuyện nhỏ, đạo lý lớn)

Gợi ý:

Các em thân mến,

Phân biệt một người bạn tốt hay xấu thì không thể coi dáng vẻ bên ngoài, mà phải nhìn qua công việc họ làm rồi mới phán đoán. Trong cuộc sống đời thường, chúng ta cần phải đối xử tốt với những người bạn chân thành, và xa lánh những người bạn xấu giả dối không trung thực.

Thời nay có những em học sinh phổ thông biết đua đòi bắt chước người lớn: kiếm những bạn có tiền gia đình giàu có để chơi, rồi đua đòi nhau để chơi trội hơn những bạn cùng trang lứa; lại có những nữ sinh trung học mới lớp chín lớp mười, nhưng cuộc sống đã phong sương, bởi vì các em coi việc kết bạn càng mô đen càng chứng tò bản lãnh của mình, thế là tốt xấu không phân biệt được, cuối cùng thì bỏ học, làm khổ cha mẹ và mất đi lý tưởng của mình.

Con ong mật và con ruồi thì khác nhau xa lắc xa lơ: con ong mật thì đem lại ngọt ngào cho người khác, còn con ruồi thì chỉ đem bệnh hoạn đến cho người khác mà thôi.

Cho nên có thể nói người bạn tốt thì giống như ong mật luôn đem niềm vui và hạnh phúc đến cho mọi người; còn người bạn xấu thì giống con ruồi, nó bay qua chỗ này đến chỗ nọ để nói xấu nhau và đem mầm bệnh hoạn đến cho người khác. Chúng ta cần phải tránh xa nó !

Các em thực hành:

- Coi việc làm tốt hay xấu của người khác để kết bạn.

- Được người bạn tốt thì như được ly nước khi khát khô đắng cổ họng.

- Việc làm của người bạn tốt thì luôn đem lại niềm vui cho mọi người.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:06 11/05/2008
N2T


20. Thánh sủng là ánh sáng thần linh của tính siêu nhiên, là đặc ân của Thiên Chúa, là thần ân của người được tuyển chọn, là nắm chắc hạnh phúc đời đời, có thể làm cho người ta thoát khỏi thế tục và yêu mến nhựng việc trên trời, có thể làm cho người xác thịt trở thành người thánh.

(sách Gương Chúa Giê-su)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Ngày Giới Trẻ Thế Giới Và Lễ Chúa Thánh Thần 2008, Thư Đức Hồng Y George Pell Gửi Giới Trẻ
Vũ Văn An
02:25 11/05/2008
Ngày Giới Trẻ Thế Giới và Lễ Chúa Thánh Thần 2008, Thư Đức Hồng Y George Pell Gửi Giới Trẻ

Đây là Lễ Chúa Thánh Thần sau cùng trước khi chúng ta cử hành Ngày Giới Trẻ Thế Giới tại Sydney, một cơ hội cuối cùng để ta kêu cầu Chúa Thánh Thần giúp đỡ.

Vì thế, năm nay, chúng ta nên xem sét vấn đề làm nhân chứng Kitô giáo và Công Giáo có nghĩa gì.

Hai năm trước đây, cũng vào Lễ Chúa Thánh Thần, tôi đã viết về bản chất sức mạnh để làm điều thiện hay điều ác. Năm ngoái, chúng ta suy niệm về thực tại Chúa Thánh Thần, Thần Trí yêu thương của Thiên Chúa hành động trong cuộc sống ta.

Cả ba chủ đề trên đều lấy từ một đoạn trong Sách Tông Đồ Công Vụ (1:8), được chọn làm đề tài chính cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới: “Chúng con sẽ nhận được sức mạnh khi Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các con và các con sẽ là nhân chứng của Ta”.

Một Linh Mục Tranh Đấu

Các nhà lãnh đạo từ các trường và giáo xứ của chúng ta họp nhau để cung cấp dữ kiện cho sứ điệp này, như thường lệ, đã bắt đầu cuộc họp của họ bằng cách lắng nghe một bài nói chuyện về đề tài trên.

Năm nay, diễn giả là Cha Chris Riley, một linh mục Dòng Salêdiêng từng làm việc 34 năm nay với người kém may mắn và hiện là Giám Đốc chương trình “Lấy Tuổi Trẻ Khỏi Hè Phố” (Youth Off the Streets).

Cha Riley giải thích rằng đức tin Kitô giáo mời gọi ta bước vào ánh sáng lòng vị tha sáng tạo, chứ không vào bóng tối chủ nghĩa vị kỷ phá phách. Ta phải thường xuyên nghĩ tới người khác. Chúa Kitô mời gọi ta tu bổ thế giới bằng cách đáp ứng các thảm họa. Người mời gọi ta bước vào một đức tin biết bắc cầu, chứ không phân rẽ; tiếp nhận chứ không phán đoán; nuôi dưỡng chứ không đè bẹp.

Cha Chris Riley
Cha Riley theo gương Chúa Kitô qua việc từ khước một Thiên Chúa hận thù kẻ bóc lột và người làm điều xấu, và chấp nhận lời dạy của Socrate về một cuộc sống không bao giờ được khảo sát, cho rằng một cuộc sống không cam kết là một cuộc sống hoàn toàn vô giá trị.

Cha Riley không lãng mạn hóa công việc của ngài. Cha giải thích cha đã phải gắng gượng biết bao để vượt qua sự tởm gớm khi phải băng bó đôi chân bị đứt và bẩn thỉu của một nạn nhân. Ngài cũng thường xuyên bị những gai nhọn trên mão gai Chúa Kitô đâm vào người khi cúi xuống giúp đỡ những người khốn khổ.

Ngài cũng giải thích mối liên kết tự tại giữa cầu nguyện và hành động. Ngài xác tín rằng cầu nguyện cần được diễn tả bằng hành động không những để giúp người trẻ mà thôi, mà còn nâng đỡ người già trong cảnh cô đơn thường xuyên của các ngài và thách thức nạn kỳ thị chủng tộc trong xã hội ta nữa.

Chương trình “Lấy Tuổi Trẻ Khỏi Hè Phố” hiện hoạt động quanh Sydney, vùng Griffith và Walgett, cả bên Aceh, Indonesia nữa. Họ đang tạo ra một khác biệt. Trong ba năm có mặt tại Macquarie Field, nơi nạn thanh thiếu niên thất nghiệp lên đến 20 phần trăm, tỷ lệ tội phạm đã giảm hơn 25 phần trăm. Hy vọng quả đã đem lại chữa trị.

Chúa Kitô: Nhân Chứng Chính Của Ta

Các nhà lãnh đạo của các trường và giáo xứ thích câu trích dẫn nói là của Thánh Phanxicô thành Assisi: “Luôn luôn rao giảng Phúc Âm và chỉ dùng lời khi cần thiết”. Họ hiểu rằng hành động lớn tiếng hơn lời nói.

Sau bài nói chuyện của Cha Riley, các lãnh tụ giới trẻ có mặt tại cuộc họp chia sẻ các kinh nghiệm riêng của họ trong việc nối vòng tay lớn với những người khốn khó. Tôi hết lòng cảm phục đức độ lượng và các dấn thân của họ. Một số lãnh tụ ấy nói với tôi về việc làm của họ trên những chiếc xe “ven” Đi Tuần Đêm của Hội Thánh Vincent de Paul, hay quét dọn nhà cửa cho những người gặp khó khăn, hoặc giúp một tay tại Nhà Trọ Matthew Talbot.

Dù Chúa Giêsu từng nói với Phôngxiô Philatô, Tổng Trấn La Mã, rằng Người “đến thế gian để làm chứng cho sự thật” (Ga 18:37), nhưng chắc chắn, trong lúc Người còn trên dương thế, giáo huấn của Người sẽ không được một ai chấp nhận như nó phải được chấp nhận, nếu Người không tỏ lòng từ nhân với người bệnh, người đau khổ, và làm các phép lạ cho họ.

Và tính hiệu quả trong chứng tá của Chúa Giêsu sau khi Người qua đời đã được tăng tiến vô kể không phải chỉ vì Người đã sống lại, nhưng (nhất là đối với những người đang chịu đau khổ) còn nhờ cả ở cơn bách hại Người từng phải chịu, và cuộc thống khổ lẫn chịu đóng đinh của Người nữa.

Trong các thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo, gần như mọi đấng được tôn kính là thánh đều là tử đạo, tức những người đàn ông và đàn bà theo gương Chúa Kitô bằng cách hiến mạng sống mình làm gương sáng cao cả chứng minh cho chân lý và tình yêu Thiên Chúa. Ký ức về các vị tử đạo đã được vun trồng lúc đó cũng như bây giờ, vì người ta luôn nhìn nhận rằng “máu các tử đạo là hạt giống của Giáo Hội” (Tertullian, Apologeticus 1). Tuy nhiên, ngày nay, tại Úc, ta thường được kêu gọi làm chứng nhân hàng ngày cho những việc nhỏ nhoi hơn nhiều, trong hình thức tử đạo trắng (white martydom).

Các bạn thẩy đều sẽ được hưởng nhiều giây phút tuyệt diệu trong Ngày Giới Trẻ Thế Giới vì Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô là một trong những bậc thầy thượng thặng đã tiếp nhận ngôi toà Phêrô trong tư cách Giáo Hoàng và Giám Mục Rôma đã 2000 năm nay.

Đóng Đinh
Nhưng cuộc đi Đường Thánh Giá vào chiều Thứ Sáu trên đường phố Sydney, tức việc diễn lại theo Thánh Kinh đoạn đường Chúa Giêsu vác thánh giá tới Calvary như đã được thuật lại trong nhiều đoạn phúc âm, với nhiều lời ca và âm nhạc êm tai kèm theo, sẽ là giây phút giáo huấn cao cả hơn hết của tuần lễ ấy. Có lẽ ngay người trẻ nhất trong chúng ta cũng sẽ không bao giờ được thấy lại tại Úc một chứng tá công cộng mạnh mẽ như thế về tình yêu đang hoạt động của Thiên Chúa qua Con Một của Người. Các bạn phải có mặt tại đó. Một tỉ khán giả truyền hình có thể có vào hôm ấy vì hơn số ấy từng chiêm ngắm Đường Thánh Giá Ngày Giới Trẻ Thế Giới tại Toronto năm 2002.

Chứng Nhân

Chứng nhân đích thực là người chỉ đường, hướng người ta về chân lý, người gây hứng và trở thành động lực. Họ tìm thấy sức mạnh trong khó khăn và sẵn sàng chiến đấu để vượt qua yếu đuối bản thân. Truyền thống được cấu thành bởi dây chuyền các nhân chứng như thế dọc dài suốt các thế hệ và thế kỷ. Ngày nay, chân lý vẫn truyền lan nhờ lòng hứng khởi và gương sáng chứng tá, đặc biệt của người trẻ, của bạn bè và người quen trên liên mạng (internet).

Chứng nhân có hiệu quả là người cần một đức tin sâu sắc trong các chính nghĩa họ cổ vũ; những giá trị cốt lõi đòi phải kiên tâm và dấn thân. Một tiếp nhận sâu sắc về tôn giáo không thay thế được việc dấn thân theo Chúa Kitô và Giáo Hội Công Giáo.

Chứng nhân thực sự Công Giáo là người không những biết Chúa Kitô là ai, là Thiên Chúa thật và là người thật, nhưng còn cố gắng bắt chước Chúa Kitô trong lối sống hằng ngày. Mọi người chịu rửa tội đều được kêu gọi nên trọn lành (hay thánh thiện), điều không đồng nghĩa với đạo đức chán ngắt hay làm người ta đau đầu hoặc lạ đời kỳ dị. Sự trọn lành bản thân nơi nhân chứng Công Giáo hay nhất đòi người ta phải rất sinh động với tình bằng hữu, với việc phục vụ, được đức tin và đức cậy nâng đỡ.

Giới Trẻ Mỹ Chào Mừng Đức Giáo Hoàng
Chứng nhân Công Giáo đích thực là người biết yêu cộng đồng Công Giáo, có bạn hữu Công Giáo, thường xuyên thờ phượng và cầu nguyện, trung thành với Đức Giáo Hoàng và đức tổng giám mục. Ngay từ lúc còn nhỏ, họ đã có những ký ức thân thương về những thời điểm và những con người tốt lành, về Rước Lễ Lần Đấu, có lẽ về cả những lễ rửa tội của gia đình. Sau đó, họ sẽ được nâng đỡ bằng những kỷ niệm lễ tang tốt đẹp của người thân, những nghi lễ cưới xin hân hoan, những buổi hoà giải bản thân trong những lần xưng tội tốt đẹp. Giáo Hội Công Giáo là mẹ và là thầy của ta, là Nhiệm Thể Chúa Kitô.

Chứng nhân Công Giáo trưởng thành cũng là người biết rằng Giáo Hội bất toàn. Ai cũng có thể nhớ được gương xấu của Giáo Hội và giới truyền thông ngày nay còn nhấn mạnh cả những sai phạm vấp ngã lẫn tội ác nữa. Nhưng ta không nên quên mọi điều tốt lành, các ơn phúc, rất nhiều gương sáng của một phục vụ âm thầm và dấu mặt.

Đối với mọi Kitô hữu trưởng thành, quả là một hữu ích nếu họ biết được đôi chút về lịch sử Giáo Hội, để thời đại ta hôm nay với đủ các khả thể lẫn vấn nạn được đặt vào đúng hậu cảnh.

Về phương diện tôn giáo, nhiều thời đại còn tệ hơn thời đại ta nhiều. Nhưng cũng có thời hơn thời ta. Đời sống Úc ngày nay mang lại sự sung túc căn bản cho phần lớn công dân, một điều hiếm có trong lịch sử, với một chừng mực công lý và tươm tất coi được. Nhưng một thiểu số đang gia tăng cảm thấy khó khăn hay không cần phải tín ngưỡng chi hết, còn cái hiểu Kitô giáo về tính dục, hôn nhân và gia đình thì đang bị tấn kích như chưa từng có trong thế giới Tây Phương kể từ thời Đế Quốc La Mã ngoại giáo. Cuộc cách mạng tình dục, việc tan rã cuộc sống hôn nhân và gia đình không phải là điều mới mẻ, cũng không phải là cuộc giải phóng tiến tới tự do và hạnh phúc, nhưng là một cuộc rơi tõm trở lại chủ nghĩa ngoại giáo, một tái khẳng nhận sức mạnh và cái tôi trên tình yêu. Điều ấy làm thiệt hại nhiều người.

Cần có các nhân chứng khôn ngoan và hiểu biết để cảnh cáo xã hội và thuyết phục các Kitô hữu biết bước theo các nẻo đường thăng tiến sự sống, cho dù người khác đang liều thân vào những con đường cùng.

Trở Ngại

Căng thẳng luôn có mặt giữa người của mối phúc và cộng đồng bao quanh, vì Thánh Giá vẫn là dấu chỉ mâu thuẫn.

Vì thế nhân chứng cần được nuôi dưỡng bằng cầu nguyện, cần cố gắng sống khiêm nhường và thông sáng, vì thấy lầm lỗi của người bao giờ cũng dễ hơn nhìn ra chính các thiếu sót của mình. Ta nên cầu nguyện để bớt đi các điểm mù, cố gắng thúc đẩy lòng can đảm chống lại nỗi sợ không được nổi tiếng và học hỏi tốt để loại cho được sự dốt nát cũng như thiếu hiểu biết của ta. Nhân chứng muốn hữu hiệu cần cả chính trực lẫn khả năng.

Rơi vào chủ nghĩa bảo thủ là không đem lại giải pháp nào hết mà còn làm vấn đề tệ hại hơn về lâu về dài. Tất cả chúng ta phải tin vào những điều căn bản của Công Giáo như đức tin, đức cậy, đức mến, kinh tin kính và các điều răn, nhưng chủ nghĩa bảo thủ lại là chuyện khác.

Chủ nghĩa ấy bác bỏ hay hạ giá lý trí, quá đơn giản hóa, đôi khi bất khoan dung và bám chặt lấy cái nghĩa chiểu tự của bản văn Thánh Kinh theo kiểu cá nhân chủ nghĩa và trắng đen.

Đức H.Y. G. Pell
Ta cũng cần giáo huấn chính thức Công Giáo để hướng dẫn ta vượt qua các khó khăn của việc giải thích Thánh Kinh.

Trên hết, tất cả chúng ta đừng bao giờ trở thành nhân chứng giả hiệu, mà cũng đừng bước chân theo họ.

Nhân chứng giả hiệu dẫn ta xa khỏi chân lý và làm méo mó hay bác khước các giáo huấn Kitô giáo trung tâm. Họ không thể đem lại được điều gì dựa trên các hy vọng giả tạo được họ khuyến khích, đôi khi chỉ là những người ham được chú ý và lắm lúc còn dối trá hay lừa đảo nữa. Ta theo con đường khác hẳn, vì ta theo chân Chúa Kitô, Đấng vốn là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống.

Một nét độc đáo đáng chú ý từ hai buổi gặp gỡ các lãnh tụ giới trẻ là không một bạn trẻ nào nhắc đến sinh hoạt chính trị như là cơ may cho chứng nhân Kitô giáo. Tuy nhiên, ta cần nhân chứng Kitô giáo trong hàng ngũ chính trị gia.

Các trở ngại là có thật, nhưng các cơ may cũng có thật. Nên các bạn hãy cầu nguyện cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới mang lại nhiều hoa trái, cho cả khách hành hương người Úc chúng ta lẫn nhiều chục ngàn bạn trẻ hành hương đến từ nước ngoài, nhất là các anh chị em của chúng ta từ Papua New Guinea, Các Quần Đảo Thái Bình Dương và Tân Tây Lan.

Xin Chúa Thánh Thần, trong thời gian này, linh hứng một mùa gặt nhiều nhân chứng kiên vững trong mọi lãnh vực sinh hoạt Kitô giáo và công cộng.

Hồng Y George Pell, Tổng Giám Mục Sydney, Chúa Nhật Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, 11-05-2008.
 
Cuộc Thăm Dò Ý Kiến về Ảnh Hưởng của Chuyến Viếng Tthăm Hoa Kỳ của ĐTC nơi những Người Công Giáo Hoa Kỳ
Anthony Lê
10:30 11/05/2008
Cuộc Thăm Dò Ý Kiến về Ảnh Hưởng của Chuyến Viếng Tthăm Hoa Kỳ của ĐTC nơi những Người Công Giáo Hoa Kỳ

Đã Giúp Cho những Người Công Giáo Hoa Kỳ Hiểu Biết Nhiều Hơn về Những Giảng Dạy của Giáo Hội

NEW HAVEN, Connecticut (Zenit.org).- Một cuộc thăm dò của Hội Hiệp Sĩ Columbus cho thấy những người Công Giáo Hoa Kỳ đã trưởng thành hơn trong việc hiểu biết về những giảng dạy của Giáo Hội, có một ấn tượng khác quan hơn về Đức Thánh Cha và hứng thú hơn để đi bầu cử kể từ chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Bênêđíctô 16 tại Hoa Kỳ vào trung tuần Tháng 4/2008 vừa qua.

Dữ liệu được thâu thập bởi Viện Đại Học Maria về Ý Kiến Công Luận (Marist College Institute for Public Opinion) và kết qua được công bố ra vào hôm thứ Sáu vừa qua cho thấy chuyến viếng thăm của ĐTC mang đến sự ảnh hưởng tích cực không những đến với những người Công Giáo mà thôi mà còn đến cả những người không phải là Công Giáo ở Hoa Kỳ nữa.

Lấy ví dụ, trước khi ĐTC tới Hoa kỳ, có 70% tỉ lệ những người Công Giáo thực dụng (tức những người Công Giáo biết sống và giữ đạo) tuyệt đối mô tả ĐTC Bênêđíctô XVI là vị lãnh đạo tinh thần, và sau chuyến viếng thăm con số đó đã tăng lên 82%, tức tăng lên tới 12% so với ban đầu.

Còn trong số những người không phải là Công Giáo, trước chuyến viếng thăm của Ngài, tỉ lệ thăm dò đạt được là 62%, thế nhưng sau chuyến viếng thăm, con số đó đã tăng lên 79%, tức gia tăng đến 17%.

Đại đa số những người Công Giáo (tức khoảng 54%) cho biết là họ gần gũi hơn với các giá trị tâm linh của riêng họ sau chuyến viếng thăm của ĐTC, và 41% cho biết rằng họ sẽ hăng hái đi bầu cử vào đầu Tháng 11/2008 sắp tới này..

64% những người Công Giáo nói rằng họ đã hiểu biết một cách rõ ràng hơn về quan điểm của Giáo Hội Công Giáo trước những vấn đề cốt lõi, quan trọng kể từ chuyến viếng thăm mục vụ của ĐTC.

88% những người Công Giáo thực dụng và 73% những người không phải là Công Giáo nói rằng: chuyến viếng thăm của ĐTC đã vượt hẳn qua sự mong đợi và kỳ vọng của họ. Và hơn 70% những người Công Giáo có cái nhìn hết sức khả quan hơn về Giáo Hội như là kết quả của chuyến viếng thăm, trong đó bao gồm luôn cả những người Công Giáo thực dụng (82%) và những người không phải là Công Giáo (56%).

Phân nửa những người được thăm dò nói rằng họ có khuynh hướng coi trọng gia đình nhiều hơn, trong khi đó gần 40% thì cho biết rằng họ sẽ trở nên tích cực hơn trong cộng đồng hay trong xứ đạo của họ.

Hiệp Sĩ Tối Cao Carl Anderson nói rằng: kết quả của cuộc thăm dò "rõ ràng cho thấy rằng Đức Thánh Cha Bênêđíctô 16 đã trình bày ra cho những người Công Giáo tại Hoa Kỳ với một cơ hội hết sức lớn hơn. Người người Hoa Kỳ chính là những người có tôn giáo, và họ đáp trả một cách rất tích cực với những thông điệp của đức tin, của niềm hy vọng và của tình yêu mà Đức Thánh Cha đã gởi gấm trong suốt chuyến viếng thăm của Ngài. Giờ đây, tất cả mọi chuyện đều tùy thuộc vào chúng ta trong cộng đoàn Công Giáo để bước qua cánh cửa mà Ngài đã mở ra cho chúng ta, và để cùng làm việc với nhau hòng dựng xây nên một nền văn hóa tình thương."

Viện Đại Học Maria về Ý Kiến Công Luận đã phỏng vấn 1,013 người trưởng thành trên khắp cả nước, và kết quả cuộc thăm dò được công bố ra vào ngày thứ Sáu vừa qua, và tỉ lệ sai sót là ±4.4%. Tất cả mọi cuộc thăm dò đều được thực hiện từ ngày 22 đến ngày 29 tháng 4 năm 2008, tức ngay sau khi Đức Thánh Cha trở về lại Rôma.

Để xem những kết quả chi tiết của Cuộc Thăm Dò, cùng với các hình ảnh phân tích đồ thị, xin hãy vào trang: www.kofc.org/un/cmf/resources/Communications/documents/catholics_reflect.pdf
 
Giáo Hội đang chờ đợi những phép lạ trong ngày Lễ Hiện Xuống
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
12:29 11/05/2008
“Đức Thánh Cha khẳng định rằng ngày lễ sẽ là ngày cầu nguyện cho sự hiệp nhất”

VATICAN (Zenit.org).- Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI nói trong ngày lễ Hiện Xuống Chúa Nhật này, Giáo Hội sẽ cầu nguyện cho sự hiệp nhất, vì biết rằng Thiên Chúa có thể làm những phép lạ.

Đức Giáo Hoàng đã khẳng định điều này hôm thứ Sáu 9/5 khi ngài tiếp kiến Đức Karekin II, Thượng phụ Tối cao của mọi người Armenians. Sau đó ngài đã gặp các giám mục trong phái đoàn của thượng phụ.

Lúc xế chiều trong Sảnh Đường Clemetine, Đức Thánh Cha đã chủ sự cử hành phụng vụ của kinh ban ngày; Đức Karekin II đã tham dự, cùng với các giám mục và một nhóm tín hữu từ Giáo Hội Tông Đồ Armenian. Sau khi chào thượng phụ, Đức Giáo Hoàng ngõ lời với cử tọa.

Đức Biển Đức XVI đã khẳng định rằng Chúa Nhật này, lễ Hiện Xuống, “chúng ta sẽ cầu nguyện cách riêng cho sự hiệp nhất Giáo Hội. […] Nếu lòng trí chúng ta mở ra cho Tinh Thần hiệp thông, Thiên Chúa có thể làm những phép lạ trở lại trong Giáo Hội, phục hồi những hợp đồng họp nhất. Việc cố gắng đối với sự họp nhất Kitô hữu là một hành vi tin tưởng vâng lời trong việc làm của Chúa Thánh Thần, Đấng dẫn Giáo Hội tới chỗ thực hiện trọn vẹn chương trình của Cha, hợp với ý muốn của Chúa Kitô.

Đức Thánh Cha chỉ rõ rằng “lịch sử mới của Giáo Hội Tông đồ Armenian đã được viết trong những màu sắc tương phản bắt bớ và tử đạo, bóng tối và hy vọng, sự hạ nhục và tái sinh thiêng liêng.”

‘Sự phục hồi quyền tự do cho Giáo Hội tại Arménia đã là nguồn mạch niềm vui lớn cho tất cả chúng ta, một nhiệm vụ cả thể tái thiết Giáo Hội đã được đặt trên vai chúng ta.” Tuy nhiên, Đức Giám Mục Roma đã ghi nhận “những hậu quả mục vụ đáng kể đã được hoàn thành trong một thời gian ngắn ngủi như thế.”

“Nhờ sự lãnh đạo mục vụ của ngài,” Đức Giáo Hoàng khẳng định, “ánh sáng vinh quang của Chúa Kitô lại chiếu sáng tại Armenia và những lời cứu độ của Tin Mừng có thể được nghe lại nhiều hơn. Dĩ nhiên, ngài còn đối mặt nhiều thách đố trên những mức độ xã hội, văn hóa và thiêng liêng. Về việc này, tôi phải nhắc lại những khó khăn mới đây dân Armenia phải chịu, và tôi bày tỏ sự cầu ngjuyện nâng đở của Giáo Hội Công Giáo trong việc họ tìm kếm công lý và hoà bình và sự cổ võ công ích.”

Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, đã đi Armenia tháng 3 vừa qua. Cuộc hành trình của ngài phải hoản lại thời gian ngắn do những xung đột giữa người biểu tình và cảnh sát tại Armenia mà hậu quả là 8 người chết. Chánh phủ Armenian đã công bố tình trạng thiết-quân-luật 20 ngày, cấm những nhóm dầu nhỏ tập họp tại thủ đô quốc gia.

Những ý muốn của Chúa

Đức Giáo Hoàng đã nói với Karekin II và phái đoàn của ngài rằng trong sự đối thoại đại kết, “sự phát triển quan trọng đã được thực hiện trong việc làm sáng tỏ những cuộc tranh luận giáo lý theo truyền thống đã chia rẽ chúng ta, cách riêng trên những vấn đề Kitô học. Trong năm năm cuối cùng, nhiều sự đã được hoàn thành bởi Ủy Ban Chung cho việc Đối Thoại Thần Học giữa Giáo Hội Công Giáo và các Giáo Hội Chính Thống Giáo phương Đông, mà Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp của tất cả những người Armenians là một thành viên trọn vẹn của những Giáo Hội ấy.”

Đức Thánh Cha đã kết thúc bằng cách nói rằng “chúng ta cầu nguyện cho sinh hoạt Uy Ban ấy sẽ đem chúng ta đến gần sự hiệp thông trọn vẹn và khả kiến hơn, và cho sẽ đến ngày sự hiệp nhất của chúng ta trong đức tin có thể đưa tới sự cử hành chung Thánh Thể. […] Chỉ khi được nâng đở bằng sự cầu nguyện và bằng sự hợp tac hữu hiệu, sự đối thoại thần học dẫn tới sự hiệp nhất mà Chúa muốn cho các môn đệ của Người

Giáo Hội Tông Đồ Armenian là một trong sáu Giáo Hội Chính Thống Giáo Phương Đông tách rời khỏi Roma sau Công Đồng Chacedon năm 451, do sự tranh cãi nẩy lên từ việc công đồng chấp nhận từ ngữ Kitô học của hai bản tánh trong một ngôi. Tuy nhiên, hầu hết bây giờ đồng thuận rằng sự tranh cãi nổi lên trên những ngữ nghĩa học, chớ không về giáo lý.

Nhiều Giáo Hội Chính Thống Giáo phương Đông đã ký bản ưng thuận với giáo Hội Công Giáo bày tỏ họ chia sẽ cùng một đức tin liên quan với Chúa Kitô.

Giáo Hội Tông Đồ Armenian là một trong những giáo hội di chuyển gần hơn tới sự hiệp nhất, một cách đáng kể nhờ một bản tuyên ngôn 1996 do Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Thượng Phụ Karekin I đã ký về bản tính của Chúa Giêsu.

Hơn 90% người Kitô hữu Armenian ở dưới quyền Toà thượng Phụ Tông Đồ Armenian.
 
ĐTC kêu gọi Giáo Hội phải là khí cụ hoà bình
Đức Long
14:26 11/05/2008
VATICAN - Hôm Chúa Nhật ( 11/05/08), ĐTC cử hành lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống tại thánh đường Thánh Phê rô, trong thánh lễ ĐTC kêu gọi Giáo Hội phải là « khí cụ bình an cho muôn dân ».

Trong bài giảng, ĐTC tuyên bố: « ngay trong thể trạng của Giáo Hội, Giáo Hội phải là dấu chỉ và khí cụ bình an cho mọi dân tộc ».

ĐTC nhấn mạnh khi nhắc lại bài diễn văn của ngài tại Hội Đồng LHQ ở Hoa Kỳ tháng tư vừa rồi rằng: « Vừa rồi tôi đến trụ sở LHQ để nói chuyện với các vị lãnh đạo các quốc gia, tôi đã cố gắng làm người trung gian của thông điệp này. Nhưng không nên chỉ nghĩ đến những sự kiện này ở lúc thượng đỉnh. Giáo Hội dùng ơn bình an của Chúa Kitô qua sự hiện diện thông thường và hoạt động giữa mọi người ».

ĐTC cũng nhắc lại sự đa dạng tạo nên đặc tính Giáo Hội Công Giáo. « Lễ Hiện Xuống làm nổi bật tính đa ngôn ngữ, đa văn hoá khác nhau của Giáo Hội » và tính đa dạng đó có thể được hiểu trong Đức tin.

Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống là một trong những lễ chính theo lịch phụng vụ của người Công Giáo, Tin Lành và Chính Thống. Lễ Hiện Xuống được mừng sau lễ Phục Sinh 50 ngày. Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các tông đồ dưới hình dạng các ngôn ngữ bằng, ngọn lửa,Thánh Thần ban cho các tông đồ ơn giảng dạy lời Chúa.
 
ĐTC bị sẩy chân trong thánh lễ “ một sự cố không hậu quả”
Đức Long
14:50 11/05/2008
Roma- Tòa Thánh gọi “sự cố nhỏ không có hậu quả”, ĐTC bị vấp chân khi ngài đang chuẩn bị cử hành thánh lễ Hiện Xuống sáng Chúa Nhật (11/05/08) tại thánh đường thánh Phê rô.

Cha Pederico Lombardi nói với Ansa, cơ quan báo chí của Toà Thánh: “ Sau khi xông hương bàn thờ, lúc bắt đầu nghi thức lễ, ĐTC đã vấp phải bậc, ngài ngã xuống đất chỉ vài phút, người ta đã giúp ngài đứng dậy, sau đó ngài trở lại ghế ngồi, nghi lễ tiếp tục bình thường”.

“Một sự cố nhỏ không hậu quả, không có gì đáng lo lắng”, cha Lombardi khẳng định.
 
Bài huấn dụ lễ Ngũ tuần 11-5-08 của ĐTC Benedictô XVI: Cuộc thanh tẩy tâm hồn
Bình Hòa
15:27 11/05/2008
Bài huấn dụ lễ Ngũ tuần 11-5-08 của ĐTC Benedictô XVI: Cuộc thanh tẩy tâm hồn

Trong tiếng Việt, lễ phụng vụ hôm qua quen được gọi là lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Tuy nhiên trong nguyên ngữ hy lạp và la-tinh, lễ này được gọi là lễ Năm Mươi (hay ngũ tuần: Pentecostes), bắt nguồn từ dân Do thái. Năm mươi ngày sau lễ Vượt qua, người Do thái kỷ niệm biến cố Thiên Chúa ban giao ước trên núi Sinai. Các Kitô hữu tiên khởi cũng mừng lễ Vượt qua, không phải để tưởng niệm cuộc giải phóng khỏi cảnh nô lệ Ai-cập nhưng là cuộc giải phóng nhân loại khỏi tội lỗi và cái chết nhờ cuộc Tử nạn và cuộc Phục sinh của Đức Kitô. Năm mưòi ngày sau đó, họ cử hành lễ Ngũ tuần, không phải để kỷ niệm việc ban hành giao ước trên núi Sinai, nhưng là kỷ niệm biến cố Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các môn đệ đang cầu nguyện tại nhà Tiệc Ly, đưọc thuật lại ở chương 2 của sách Tông đồ công vụ. Các giáo phụ đã giải thích biến cố này như là ngày khai sinh của Hội thánh, một cộng đoàn gồm bởi các dân tộc thuộc nhiều ngôn ngữ khác nhau nhưng cùng tuyên xưng một đức tin duy nhất, lật ngược tình trạng phân hóa của nhân loại tiếp theo tội kiêu ngạo ở tháp Babel. Vào lễ Ngũ tuần năm nay, đức thánh cha đã chủ sự thánh lễ đồng tế tại đền thờ thánh Phêrô vào hồi 10 giờ sáng, và trong bài giảng, ngài đã nêu bật vài đặc trưng của lễ Ngũ tuần khi chú giải các bài đọc Sách Thánh. Hội thánh được khai sinh vào lễ Ngũ tuần, như là một cộng đoàn đưọc tụ họp không do ý chí của con người nhưng là do ý muốn của Thiên Chúa, nhờ sức mạnh của Thánh Linh. Hội thánh được thành hình nhờ tình yêu mà Thánh Linh trao ban, nhờ đó vừa duy nhất lại vừa đa dạng. Duy chỉ có Thánh Thần mới giúp cho nhân loại vưọt qua khuynh hướng tự nhiên hoặc muốn ly tán hoặc muốn áp đặt. Vì thế, ngay từ đầu, Hội thánh mang trong mình đặc tính phổ thế, bởi vì nhận được sứ mạng mang Tin mừng đến với toàn thể nhân loại. Một đặc tính nữa có thể nhận thấy từ đoạn sách Tin mừng thuật lại việc Chúa Giêsu hiện đến với các thánh tông đồ: Chúa ban cho các ngài sự bình an và Thánh Thần. Đó là hai hồng ân mà Chúa Phục sinh ban cho Hội thánh và trở nên sứ mạng của Hội thánh. Hội thánh được uỷ thác phục vụ hoà bình của nhân loại, qua những công tác đa dạng trong xã hội; cách riêng Hội thánh phục vụ bình an qua việc trao ban ơn tha thứ nhờ bí tích giải tội. Đây là một hồng ân quý giá của Thánh Thần, đó là thay đổi tâm hồn con người. Nhờ con tim được hoà giải, các tín hữu có khả năng trở nên những tác nhân phụng sự công lý và hoà bình trong thế giới. Thánh lễ kết thúc lúc 11 giờ 45. Đúng 12 giờ đức thánh cha đã tiến ra cửa sổ văn phòng để chủ sự buổi đọc kinh kính Đức Mẹ. Bài huấn dụ nêu bật một tư tưởng khác của lễ ngũ tuần, đó là “phép rửa” hoặc “thanh tẩy trong Thánh Linh”, được gắn liền với sứ mạng cứu chuộc của Chúa Giêsu. Sau đây là nguyên văn bài huấn dụ.

Anh chị em thân mến

Hôm nay chúng ta mừng lễ Ngũ tuần, một lễ từ thời xưa mà người Do thái kỷ niệm Giao ước Thiên Chúa thiết lập với dân tộc trên núi Sinai (xc Xh 19). Lễ Ngũ tuần trở thành một lễ của Kitô giáo bởi vì nhớ đến một biến cố diễn ra 50 ngày sau lễ Vượt qua của Chúa Giêsu. Trong sách Tông đồ công vụ chúng ta đọc thấy rằng đang khi các môn đệ tụ họp với nhau để cầu nguyện trong nhà Tiệc Ly, thì Chúa Thánh Thấn ngự xuống trên họ với sức mạnh tựa như gió và lửa. Thế rồi họ bắt đầu loan báo bằng nhiều ngôn ngữ tin mừng Chúa Kitô sống lại (xc 2,1-4). Đây là cuộc “thanh tẩy trong Thánh Thần” mà ông Gioan Tẩy giả đã tiên báo: “Tôi rửa anh em trong nước, nhưng kẻ đến sau tôi, có uy thế hơn tôi, Người sẽ rửa anh em trong Thánh Thần và trong lửa” (Mt 3,11), Thật thế, tất cả sứ mạng của Chúa Giêsu nhắm tới việc trao ban cho nhân loại Thần khí của Thiên Chúa, và rửa họ nhờ sự tái sinh. Điều này được thực hiện nhờ cuộc tôn vinh của Chúa Giêsu (xv Ga 7,39), nghĩa là nhờ cái chết và phục sinh của Người. Thần khí Chúa được trút xuống thế giới cách dồi dào, như một thác nước có khả năng thanh lọc các con tìm, dập tắt ngọn lửa của sự dữ, và thắp lên trong thế giới ngọn lửa của lòng mến Chúa.

Sách Tông đồ công vụ trình bày lễ Ngũ Tuần như là sự hoàn tất lời hứa ấy và như là tột đỉnh của sứ mạng của Chúa Giêsu. Sau khi sống lại, Chúa đã truyền cho các môn đệ hãy ở lại Giêrusalem, bởi vì, theo như lời Chúa nói: “các con sẽ được rửa trong Thánh Thần trong vài hôm nữa” (Cv 1,5), và Người còn thêm rằng “Các con sẽ lãnh nhận sức mạnh của Thánh Thần ngự xuống trên các con, và các con sẽ làm chứng cho Thầy tại Giêrusalem, trong khắp miền Giuđê và Samaria, và cho đến cùng cõi điạ cầu” (Cv 1,8). Vi thế, lễ Ngũ Tuần là một cuộc thanh tẩy đặc biệt của Hội thánh, khởi đầu sứ mạng phổ thế, bắt đầu từ Giêrusalem, với lời giảng lạ lùng bằng các ngôn ngữ khác nhau của nhân loại. Trong phép rửa của Thánh Thần, có hai khía cạnh không thể tách rời nhau được: khía cạnh cá nhân và khía cạnh cộng đoàn, cái “tôi” của mỗi môn đệ và cái “chúng tôi” của Hội thánh. Chúa Thánh thần thánh hiến mỗi cá nhân, và đồng thời biến đổi nó trở nên chi thể sống động của Thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô, thông dự vào sứ mạng làm chứng cho tình yêu của Người. Điều này được thể hiện nhờ các bí tích khai tâm, Rửa tôi và Thêm sức. Trong sứ điệp cho ngày quốc tế bạn trẻ năm 2008, tôi đã đề nghị các bạn trẻ hãy khám phá sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong cuộc đời của mình, và tầm quan trọng của các bí tích ấy. Hôm nay tôi muốn nới rộng lời kêu mời đến tất cả mọi người.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy khám phá vẻ đẹp của việc được thanh tẩy trong Thánh Thần, chúng ta hãy ý thức về bí tích rửa tội và thêm sức, nguồn mạch của ân hiện sủng. Chúng ta hãy xin Mẹ Maria khẩn nài cho Hội thánh được hưởng một lễ Ngũ Tuần mới, mang lại cho hết mọi ngươì, cách riêng là các bạn trẻ, niềm vui vì được sống và làm chứng cho Tin mừng.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hình ảnh và sinh hoạt Ngày Nhớ Ơn Mẹ tại giáo xứ St. Margaret Mary's Brunswick Úc Châu
Lm Anthony Nguyễn Hữu Quảng SDB
08:11 11/05/2008
SINH HOẠT NGÀY HIỀN MẪU TẠI GIÁO XỨ ST. MARGARET MARY’S BRUNSWICK: BỮA TIỆC MỪNG GÂY QŨY NGÀY HIỀN MẪU.

Nhân dịp mừng ngày nhớ ơn mẹ, các em trong Đoàn Thanh Thiếu Niên Salesian thuộc giáo xứ Thánh Margaret Mary đã tổ chức bữa tiệc vào tối 10/5/2008: trước là mừng các bà mẹ sau là gây qũy cho giới trẻ thuộc giáo xứ sẽ đi Đại Hội Giới Trẻ. Bữa tiệc được sự hưởng ứng rất nhiệt thành của qúi phụ huynh và thân hữu nên 240 khách của 24 bàn đã được đặt trước, trả tiền trước cả tuần.

Khoảng 6 giờ 30 tối ngày 10/5, qúi khách được các bạn trẻ Salesian chào đón vào Hall và 7 giờ bữa tiệc được khai mạc với lời giới thiệu và điều hành chương trình thật duyên dáng, đặc sắc là MC Quang Minh, một gương mặt rất quen thuộc ở Melbourne. Sơ Thùy Linh trợ úy của đoàn đã điều động các trưởng tổ chức trang trí Hall và sắp xếp bàn cho bữa tiệc chu đáo... nên khách mời và người tham dự có ấn tượng tốt tạo được bàu khí thân thương, tươi vui và đầm ấm. Các tiết mục giúp vui gồm những giọng hát đơn sơ của các em nhỏ đến những lời ca của linh mục Peter Hoàng và các ca sĩ xen kẽ điệu múa đũa của các em...

Nhóm trưởng của Đoàn Thanh Thiếu Niên Salesian với bản hợp ca chủ đề Đại Hội Giới Trẻ Sydney 2008
Múa đũa của trường Thiên Ân
Múa đũa của trường Thiên Ân
Múa đũa của trường Thiên Ân
Khách tham dự


Bữa tiệc đã trở nên sôi nổi với cuộc đấu gía bức tranh do chính sơ Thùy Linh vẽ tặng; đấu gía chai rượu đỏ 10 tuổi của MC Quang Minh tặng, ảnh Thánh gia của anh ca trưởng Tuấn cùng hai cây bôn-sai của bác Năm và bác Tráng tặng cho bữa tiệc... Bữa tiệc lại càng vui nhộn với phần rút thăm cho 11 món qùa do các ân nhân và thân hữu thương tặng. Dù bữa tiệc được kết thúc lúc 10 giờ đêm sau tâm tình cám ơn của sơ Thùy Linh và tâm tình biết ơn của linh mục chính xứ Anthony Nguyễn Hữu Quảng, nhưng bà con vẫn còn lưu luyến quây quần hàn huyên và sau đó rất đông đã phụ một tay thu dọn hall cho tươm tất.

Qua chính ngày nhớ ơn mẹ 11/5 trường Việt ngữ Thiên An, thuộc giáo xứ vào trước giờ học đã tập trung trong Hall lớn để mừng lễ cho sơ hiệu trưởng Marguerite Nguyện cùng các cô giáo và hai bà mẹ đại diện các bà mẹ trong hội phụ huynh. Qua câu chuyện nhắn nhủ sơ đã chia sẻ khi còn nhỏ sơ đánh rớt đồ, mắt nhắm mắt mở sơ chạy lại nhặt mà không để ý xe đang tới, thấy vậy mẹ sơ đã quên cả nguy hiểm chạy ra giữa đưỡng giang tay cho xe ngừng lại! Hành vi đó nói lên tình yêu đùm bảo chở che của mẹ luôn dành cho con...

Dâng Hoa kính Đức Mẹ
Dâng Hoa kính Đức Mẹ
Dâng Hoa kính Đức Mẹ
Dâng Hoa kính Đức Mẹ
Dâng Hoa kính Đức Mẹ


Thánh lễ cầu nguyện cho các bà mẹ vào lúc 5 giờ chiều. Một đội dâng hoa cải 30 em bé thơ ngây đại diện cho toàn giáo xứ dâng lên hiền mẫu Maria những bông hoa tươi xinh tượng trưng cho tâm lòng mỗi người dâng lên mẹ. Trong thánh lễ hôm nay cộng đoàn Công giáo Việt Nam thuộc giáo xứ không quên các nạn nhân của cơn bão Nargis. Cộng đoàn đã có lần quyên góp thứ hai và thu góp được $529.00 đô cho các nạn nhân.
 
Giáo xứ Việt Nam Paris mừng các Lễ kỉ niệm đặc biệt
Lê Đình Thông
13:04 11/05/2008
MỪNG LỄ KIM KHÁNH 50 NĂM LINH MỤC CỦA CHA VINCENT NGUYỄN VĂN CẨN (1958-2008)
20 NĂM PHÓ TẾ VĨNH VIỄN CỦA THẦY GIRARD XAVIER (1988-2008)
10 NĂM PHÓ TẾ VĨNH VIỄN CỦA HAI THẦY INHAXIÔ NGUYỄN VĂN THẠCH VÀ PHÊRÔ PHẠM BÁ NHA (1998-2008)


PARIS - Trong Thánh lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống hôm nay (11-5-2008), Cộng đoàn Giáo xứ hân hoan mừng lễ 50 năm Linh Mục của Cha Vincent Nguyễn Văn Cẩn (1958-2008), 20 năm Phó tế vĩnh viễn của Thầy Girard Xavier (1988-2008) và 10 năm Phó tế vĩnh viễn của hai Thầy Inhaxiô Nguyễn Văn Thạch và Phêrô Phạm Bá Nha. Hành trình đức tin của cha Vincent khởi đi từ Ninh Cù thuộc Giáo phận Thái Bình. Sau khi thụ phong linh mục năm 1958, ngài là giáo sư chủng viện Thái Bình (Phan Rang) và trung học Hy Vọng ở Bình Tuy. Cha Vincent lần lượt là Cha Xứ Mỹ Đức, Kim Ngọc, Hiệp Hòa, Cù Mi, Thánh Linh. 20 năm trước đây, đúng vào thời điểm Thầy Girard Xavier nhận chức phó tế, cha Vincent đến làm việc tại Giáo Xứ và là tuyên úy các cộng đoàn Marne-la-Vallée và Sarcelles, linh giám nhiều tiểu đội Legio Mariae, dạy Pháp văn và quản lý Giáo Xứ cho đến ngày hưu dưỡng (2005).

Thánh lễ hôm nay còn là Lễ Tạ Ơn của ba Thầy Phó tế vĩnh viễn, biểu tượng của ba sứ mạng rao giảng Lời Chúa, Phụng vụ và Bác ái. Thầy Girard Xavier là vị phó tế vĩnh viễn người Việt đầu tiên vùng Paris. Ngài được Đức Giám Mục Rousset truyền chức năm 1988, cụ thể hóa định hướng phát triển phó tế của Giáo phận Pontoise. 10 năm sau, Thầy Inhaxiô Nguyễn Văn Thạch và Phêrô Phạm Bá Nha được Đức Hồng Y Jean-Marie Lustiger truyền chức phó tế. Thầy Inhaxiô từng là giáo sư Đại Học Khoa Học Huế và Khoa trưởng Đại học Khoa học Cần Thơ. Thầy Thạch hiện tham gia các hoạt động tu đức tại Giáo Xứ, chuyên trách về giáo lý giới trưởng thành và phụ trách Trường Huấn luyện của Phong trào Cursillo. Thầy Phạm Bá Nha là giáo sư văn chương tại Saigon trong nhiều năm, hiện là chủ bút báo Giáo Xứ.

Thật là một sự trùng hợp có ý nghĩa vì Thánh lễ hôm nay được cử hành giữa Tháng Hoa để mừng lễ Kim Khánh của vị Linh giám Đạo binh Đức Mẹ. Trong Tháng Hoa, cộng đoàn bày tỏ lòng biết ơn hiền nội của Thầy Phó tế Xavier là Bà Brigitte Girard, hiền nội của Thầy Ignaxiô là Bà Nguyễn Thị Bích và hiền nội của Thầy Phêrô là Bà Phạm Thị Thu đã đồng hành với các ngài trong cuộc hành trình phục vụ Giáo Hội.

Ngày nay, mục vụ Giáo Xứ phát triển tốt đẹp là nhờ công lao của toàn ban giám đốc, đặc biệt là Cha Vincent Nguyễn Văn Cẩn, Thầy Girard Xavier, Thầy Inhaxiô Nguyễn Văn Thạch và Thầy Phêrô Phạm Bá Nha. Chính trong ý nghĩa này mà Đức Ông Giám Đốc vừa ban tặng áo lễ và stola có thêu huy hiệu của Giáo Xứ. Đức Ông còn thay quý Cha và nữ tu trong ban Giám đốc tặng cho các ngài lời chúc: AD MUL TOS ANNOS: CHÚC TỨ VỊ TRƯỜNG THỌ.

Thay mặt toàn thể Cộng đoàn, Hội đồng Mục vụ dâng lên Thiên Chúa tâm tình cảm tạ, đồng thời kính dâng Cha Vincent và quý Thầy Xavier, Inhaxiô và Phêrô bài thơ chữ Hán sau đây để bầy tỏ lòng biết ơn các Ngài về những đóng góp quý giá cho Cộng đoàn. Đây còn là một bản tụng ca ‘‘ăn quả nhớ kẻ trồng cây ’’ theo truyền thống văn hóa nước nhà.

谨 重 行 圣 务 Cha CẦN, cẩn trọng khi cử hành chức Thánh
芽 文 阐 福 音 Thầy Nha dùng văn chương để mở rộng Tin Mừng
石 岩 基 教 柱 Thầy THẠCH viên đá nền tảng trụ cột Giáo Xứ
唯 耶 起 同 心 Thầy GIRARD XAVIER khai lối phục vụ Giáo Hội
( 黎 庭 聪 )

Dịch âm:
CẨN trọng hành Thánh vụ
NHA văn xiển Phúc âm
THẠCH nham cơ Giáo trụ
DUY DA1 khởi Đồng tâm

Dịch thơ:
Chức Thánh ơn Cha CẨN
Thầy NHA viết đạo đời
Thầy THẠCH luôn cần mẫn
DUY DA [1] mến Chúa Trời.

[1] Duy Da: XAVIER (Duy Da còn có nghĩa là: chỉ một Chúa Kitô)
 
Mừng kỉ niệm Nhóm Bông Hồng Xanh 16 năm hoạt động
Maria Vũ Loan
13:10 11/05/2008
MỪNG LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG
Mừng 16 năm hoạt động của Nhóm Bông Hồng Xanh 1992 - 2008


Hân hoan trong ân sủng Chúa Thánh Thần,
nhóm công tác xã hội Bông Hồng Xanh xin chân thành
cảm ơn Quí Cha, Quí vị ân nhân đã thương yêu và giúp
đỡ chúng con thực hiện một số công việc từ thiện – xã hội,
nhất là chương trình học bổng dành cho học sinh nghèo
ở vùng sâu vùng xa, được thành công tốt đẹp.
Không có sự trợ giúp của quí Cha và quí vị,
chúng con khó mà được đi đến nơi này nơi kia,
chạm tay đến sự thiếu thốn của nhiều người nghèo,
cũng không thể giới thiệu cho mọi người những vùng đất còn khốn khó trên đất Việt.
Xin nhận nơi đây lòng biết ơn chúng của chúng con.
Và xin tiếp tục tín nhiệm chúng con trong những hành trình sắp tới.

Kính thư
Maria Vũ Loan
Và Nhóm Bông Hồng Xanh

 
Lễ Thành Lập Mái Ấm Mẹ Việt Nam tại Giáo phận Vinh
Antôn Trần Đức Hà
14:37 11/05/2008
VINH - (10.5.2008) Phá thai ngày nay đã trở thành một nạn dịch trong cuộc sống nhân loại. Không nói đâu xa ngay trên quê hương Việt Nam đã trở thành một đất nước có tỷ lệ nạo phá thai nằm ở tốp 3 nước dẫn đầu thế giới. Thật đau lòng khi mà đại đa số các quốc gia vẫn cho phép những bà mẹ loại bỏ những đứa con của mình chưa kịp lọt lòng. Trong thông điệp Tin mừng về sự sống, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô 2 đã gọi đó là “vết thương trầm trọng nhất cho xã hội và nền văn hóa”, “chống lại sự sống con người chưa được sinh ra”…Xã hội loài người đang xây dựng cho mình nền văn hóa Cain – nền văn hóa của sự chết để rồi không biết mình sẽ đi về đâu?

Do vậy, một số người đang quan tâm tới vấn đề này uớc mong có một ngôi nhà để làm chốn cưu mang tạm thời những chị em lầm lỡ đang có ý định phá thai là mong ước chung của nhóm. Niềm ước mong đó đã thành hiện thực trong buổi sáng 10.5.2008 vừa qua. Trước sự chứng kiến của đông đảo bà con giáo dân, Đức Giám Mục Giáo phận Vinh Phaolô Cao Đình Thuyên đã cắt băng khánh thành Mái ấm Mẹ Việt Nam, trung tâm bảo vệ sự sống phòng chống phá thai do Lm Trần Trọng Mỹ thành lập. Đây là một trong những Mái ấm bảo vệ sự sống đầu tiên có mặt tại miền Bắc.

Khởi đầu từ ý tưởng của Lm Phêrô Trần Trọng Mỹ (TGP Adelaide – Úc đang thực hiện công tác từ thiện tại Việt Nam) về việc thành lập một ngôi nhà để cưu mang những người chị em lầm lỡ đang có ý định phá thai, sau hơn nhiều tháng năm chờ đợi, Mái ấm Mẹ Việt Nam được thành lập tại Giáo xứ Bình Thuận thuộc Giáo phận Vinh. Một giáo xứ thuộc hạt Nhân Hòa, cách thành phố Vinh chừng 15km về phía Bắc. Về mặt hành chính, Bình Thuận thuộc xã Nghi Thuận, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Thật không phải không có lý do khi tên gọi của giáo xứ là Bình Thuận. Điều này phần nào nói lên được tính cách con người nơi đây. Chỉ trong vòng 1 tháng, toàn bộ cơ sở đã được hoàn thành với sự giúp đỡ của giáo dân trong xứ. Điều đặc biệt là có anh Hồ Văn Huynh đã dâng cúng cả ngôi nhà cũ và mảnh đất 600m2 để Mái ấm xây dựng cơ sở mới. Giáo dân thể hiện lòng nhiệt tình của mình bằng cách giúp đỡ Mái ấm bằng vật chất, công sức, tinh thần. Như ý kiến của cha Trần Trọng Mỹ “Chưa thành lập mà đã đầy ắp tình thương của Chúa, của các ân nhân và của mọi người.”

Lấy tên gọi là Mẹ Việt Nam bởi vì được thành lập trong tháng 5 theo truyền thống giáo hội là tháng hoa dành kính Đức Trinh Nữ Maria. Đức Maria được xem là tấm gương mẫu mực trong việc cưu mang và che chở cho các Hài nhi chuẩn bị được chào đời. Tên gọi Mẹ Việt Nam cũng còn mang ý nghĩa để nói về những bà mẹ Việt Nam trung hậu, đảm đang, luôn làm hết mình vì trẻ thơ. Lm Trần Trọng Mỹ đã cho đắp bức tượng Mẹ Maria trong hình ảnh một người mẹ Việt Nam mặc áo dài, đội nón lá ẳm trên tay trẻ Giê-su.

Giai đoạn một của việc xây dựng cơ sở cho Mái ấm đã hoàn thành. Tổng diện tích khu đất rộng chừng 600 m2, một nửa trong số đó được dùng để xây dựng nhà ở và công trình phụ. Hiện tại, Mái ấm có một ngôi nhà to lớn, rộng rãi hơn 250m2 gồm có 5 phòng, mỗi phòng chứa được 4 chiếc giường có thể cưu mang chừng 15 - 20 chị em. Ngoài ra còn có hệ thống công trình phụ và cả khu vực chăn nuôi của dành cho các chị em khi về sống ở đây chờ ngày sinh.

Về nhân lực, Mái ấm Mẹ Việt Nam nhận được sự giúp đỡ tận tình của các xơ dòng Thừa Sai Bác Ái Bình Thuận và trong thời gian sắp tới chính các xơ là những nhân vật chính quản lý và điều khiển Mái ấm này.

Mái ấm đã được thành lập đứng trước nhiều thuận lợi như sự quan tâm của giáo phận, sự cộng tác của dòng nhóm Bảo vệ sự sống dòng Chúa Cứu Thế, sở dòng Bác ái cũng như nhiều ân nhân khác. Về mặt xã hội, sự thành lập của trung tâm bảo vệ sự sống đều chưa có gì trở ngại.

Làm được điều gì cũng mong nó tồn tại lâu dài nhưng với trung tâm vừa thành lập này thì ngược lại bởi như một thiện nguyện viên tâm sự “Ước gì mỗi bà mẹ đều tự ý thức được thiên chức làm mẹ cao quí của mình để không còn cảnh phá thai, để chúng tôi không còn việc để làm và nhóm chúng tôi mau chóng được giải tán, ước gì mọi mầm sống đều có thể được sinh ra, được đón nhận trong cuộc đời này”….

Trong thời gian này, Mái ấm bước đầu đón nhận các chị em lầm lỡ. Xin các người mẹ đừng nỡ vất đi những đứa con yêu dấu của mình, nếu có gì trường hợp nào cần trợ giúp hay giúp đỡ Mái ấm xin quí vị hãy liên lạc với Mái Ấm Mẹ Việt Nam.

Địa chỉ: Lm.Phêrô Trần Trọng Mỹ - Mái Ấm Mẹ Việt Nam.

Giáo xứ Bình Thuận, Nghi Thuận, Nghi Lộc, Nghệ An

Điện thoại: 0916.817.122 Email: trantrongmy@gmail.com
 
Sinh viên Công giáo Vinh và Thanh Hóa đấu bóng đá giao hữu
Peter Trần Tuấn
16:58 11/05/2008
HÀ NỘI - Hôm nay, hoà trong không khí mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống,nhóm sinh viên công giáo tại Hà Nội của 2 giáo phận Thanh Hoá và Vinh đã có một trận giao hữu bóng đá sôi nổi, hào hứng.

Trận đấu là dịp hai bên tiếp tục cọ sát và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.từ rất sớm, sinh viên công giáo Vinh đã tụ tập đông đảo tại sân vận động với những dụng cụ cổ vũ tự chế trên tay..

Trận đấu diễn ra sôi nổi ngay từ đầu,các cổ động viên cổ vũ hết mình: hò hét,vỗ tay... khiến tinh thần các cầu thủ luôn hưng phấn và hoạt động hết công suất.

Sau 1 thời gian gặp lại,nhóm svcg Vinh đã tiến bộ rõ thấy và giành thắng lợi với tỷ số 4-1.

Sau đây là một vài hình ảnh kỷ niệm:

 
Ngày Hiền Mẫu Mother’s Day tại Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Arlington, VA
Bùi Hữu Thư
23:30 11/05/2008

Ngày Hiền Mẫu Mother’s Day tại Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Arlington, VA



Virginia, ngày 11, tháng 5, 2008 – Ngày Thứ Sáu vừa qua, 9/5/2008, Đoàn Thanh Sinh Công Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Arlington Virginia đã tổ chức một Dạ Tiệc gây quỹ sinh hoạt và tuyên dương các bà mẹ và các người cha trong giáo xứ. Đây là năm thứ 7 các em được trao trách nhiệm tổ chức Ngày Hiền Mẫu và Hiền Phụ. Các năm trước, dạ tiệc được tổ chức tại Câu Lạc Bộ Giáo Xứ, do chính các em bầy biện thức ăn và hầu tiếp. Năm nay các em tổ chức tại nhà hàng Thần Tài, Falls Church, Virginia, với trên 300 thực khách. Hai MC nam nữ cũng được đề cử trong các đoàn viên TSC.

Cha xứ Nguyễn Đức Vượng đã chủ toạ buổi dạ tiệc và ghi nhận các thành quả của Đoàn Thanh Sinh Công, trong các năm qua. Các em đã lo giữ trật tự trong bãi đậu xe trong các thánh lễ cuối tuần. Học hỏi Lời Chúa và các đề tài liên quan đến giới trẻ một tháng hai lần vào thứ sáu thứ hai và thứ tư. Các em cũng tham dự các Đại Hội Thanh Sinh Công Toàn Quốc được tổ chức tại California và Louisianna. Năm nay các em đã được trao phó trách nhiệm tổ chức Đại Hội Toàn Quốc ngay tại vùng Thủ Đô Hoa Kỳ. Đoàn Trưởng Christine Hồ cũng được bầu vào Ban Chấp Hành Trung Ương Toàn Quốc.

Cha Xứ Vượng và Hai MC


Có hai phần vụ đáng ghi nhận là:

  • Thứ nhất: Chương Trình Phát Thanh Tiếng Nói Mẹ La Vang hàng tuần vào ngày Thứ Bẩy trên Đài FM vùng Hoa Thịnh Đốn. Chương trình này cũng được truyền thanh hàng tuần trên Gia Trang của Giáo Xứ: http://www.cttdva.net/truyenthanh.htm
  • Thứ Hai: Năm nay các em Hiệp Lý, Christine Hồ và Thanh Nguyễn đã được giao trách nhiệm đại diện Giáo Xứ và Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Vùng Thủ Đô tham dự 5 buổi họp tại Văn Phòng Di Dân Tị Nạn của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, với bà Cecile Motus và đại diện của 13 sắc tộc khác để bàn thảo về việc tổ chức Ngày Á Châu và Thái Bình Dương Mừng Kính Mẹ Maria năm thứ 6. (Xin xem bài phòng sự về Ngày Sắc Tộc Á Châu và Thái Bình Dương trên vietcatholic.net tại: http://www.vietcatholic.net/News/Clients/ReadArticle.aspx?Id=54544)
Trong bữa tiệc các em trúng giải thi đua viết văn thơ cũng được trao giải thưởng bằng hiện kim nhờ tham dự vào cuộc thi dưới đây:

Thi Đua Viết Văn, Thơ, Chuyện Kể Chủ Đề Về Mẹ:

Nhân dịp ngày lễ Mother’s Day, Các em Thanh Sinh Công đã tổ chức một cuộc thi viết văn thơ, được dành cho tất cả trẻ em trong các Lớp Giáo Lý, và Trường Việt Ngữ, cũng như các em thiếu nhi trong Đoàn TNTT Thánh Tâm tham dự thi đua viết văn, thơ, chuyện kể về người mẹ hoặc người cha của mình.

Ban Vũ Thanh Sinh Công Đang Trình Diễn Vũ Điệu Múa Nón


Thể lệ viết bài và nộp bài:

- Có thể viết tay hoặc đánh máy bằng tiếng Anh hoặc tiếng Việt.

- Bài văn hoặc bài thơ viết không quá dài hơn 300 chữ.

2 Giải nhất: Trị giá $50 mỗi giải.

1 Giải nhì: Trị giá $30

1 Giải ba: Trị giá $20

Giải Nhất về Mẹ:

My mom is the most important person in my life. I am nominating my mom for the Mother of the Year because she’s done a lot of good things for me in my life. She should win the Mother of the Year award because she takes very good care of me and the family; she takes me to school and buys things for me. She also cooks my food and washes my clothes. My mom plays a very big role in my life. She is nice to me, teaches me and helps me if I am stuck on a problem on my homework. She also teaches me how to be a good boy when I grow up, to be humble, polite, and always respect the elder and give kindness to others. I think my mom is important to me because if I did not have my mom, I would not have learned anything. Now I understand how important my mom is to me, and she’s the best mom that I could hope for.

Author: Jason Truong Nguyen

Age: 8 – Grade 1A

Mother’s Name: Stacy Thuy Truong


Giải Nhất về Cha:

I think my Dad should win the Father of the Year Award because of many things. Every week, he will always drive me to Vietnamese school on Fridays, drive me home, and pick me up after church on Saturdays. He takes me to Thieu Nhi and Giao Ly every week so I can learn about the love of God. He always makes very delicious food for our whole family. He works very hard and is willing to work overtime one or two times a week to pay for the very expensive house. My Dad does LOTS of chores around the house every day. He cuts the grass, plants the flowers to make our house very pretty, cooks food, clean my cat’s litter box and much more. And he always wants us to have fun. My Dad does all of this to keep my Mommy happy because if she’s happy, everyone is happy. I love my Dad a lot.

Author: Vivian Ho

Age: 12 – Grade 6

Father’s Name: Hai Q. Ho


Giải Nhì về Mẹ:

Ngày Mẹ Hiền Mẫu

Mẹ là suối mát dịu dàng….

Mẹ là bầu trời yêu thương…

Mẹ ơi! Không có mẹ làm sao con được như ngày hôm nay? Từ hồi con còn bé, mẹ đã uốn nắn và chăm sóc cho con thành người. Mẹ đã bồng bế con, nuôi nấng con, và chăm sóc cho con từng ly từng tí với lòng yêu thương dịu dàng.

Mẹ con giúp con với mọi thứ việc. Mẹ con đã dậy con đọc, viết, và nói tiếng Việt. Mẹ con cũng dậy cho con những đức tính con cần trong đời sống của con. Không những Mẹ con đã dậy con, Mẹ đã chăm sóc con. Lúc con bị ốm đau, Mẹ con ở bên con suốt đêm. Sáng hôm sau con biết Mẹ con ở bên con, vì Mẹ con lúc nào cũng mệt. Tuy dù Mẹ con mệt, Mẹ con không bao giờ đòi hỏi cho bất cứ một cái gì. Ngay cả một câu Cám Ơn Mẹ con cũng không hề đòi hỏi. Mẹ con chỉ có mong cho con được mau sớm khỏe mạnh.

Mẹ con tối ngày ở trong nhà bếp cho gia đình có món ăn ngon mỗi tối để được no bụng. Món ăn Mẹ con rất là đặc biệt. Không những ngon, Mẹ con còn có một gia vị đặc biệt mà con thích nhất. Gia vị đó là “tấm lòng yêu thương của Mẹ con cho gia đình”. Vì cái gia vị đó, Mẹ đã làm cho gia đình con được êm ấm và thuận hòa.

Bây giờ, con xin Cám Ơn Mẹ vì những gì Mẹ đã làm cho con mà con đã không hề để ý tới hoặc là những việc con đã không nói một câu Cám Ơn. Cám Ơn Mẹ. I Love YOU!

Author: Hanh Phuoc Tran

Age: 14 – Grade 9

Mother’s name: Hien Nguyen


Giải Ba về Mẹ:

I think my mom is the best because she tells me the good and the bad. For example, if I was fighting with my brother because he grabbed my toy from my hands, my mom says stop fighting and to just share they toy, then we share but we will not fight again. She also picks me up from school and gives me hugs and kisses when I’m sad. She cooks for me and her food is very good. She buys me an ice cream and tells me jokes that are funny. She also bakes me cookies and tells me to eat right and stay healthy. My mom says to read lots of books so I can be smart. My mom tells me stories at night so I can go to sleep and I love her stories. That is why I love my mom and she is the best mom ever.

Author: Meagan Vi Nguyen

Age: 8 – Grade 2

Mother’s Name: Loan Mai


Bàn Tiệc của Các Em TSC


Quang Cảnh Nhà Hàng Trong Bữa Tiệc


Đoàn Thanh Sinh Công Trong Đồng Phục Đang Đồng Ca


Bà Tiệc của Các Em TSC


Cha Xứ Vượng và các Em Thanh Sinh Công
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
''Tấm và Cám'' trong nội tâm của Chúng ta
Nguyễn Văn Thành
21:26 11/05/2008
Trước 1960, trên quê hương Việt Nam, làm gì có hệ thống truyền hình hay là những đại lộ thông tin vi tính như ngày hôm nay. Cha ông chúng ta, nhất là vào các triều đại Lý, Trần và Lê dùng những câu chuyện cổ tích, thần thoại nhằm thông đạt cho con cháu và các thế hệ về sau những cách sống làm người, những phương thức phục vụ anh chị em bà con thôn xóm. Mỗi câu chuyện nói được là một giáo trình cô đọng và gói ghém những bài học về giáo dục, sư phạm và tâm lý... còn mang tính thời sự cho đến ngày hôm nay.

Câu chuyện "Tấm - Cám" là một minh hoạ rõ ràng và súc tích, cho chúng ta nhận thấy một cách cụ thể: Cha ông chúng ta đã có những kiến thức vững vàng về Phân tâm học, hằng bốn năm thế kỷ, trước khi khoa học nầy ra đời vào đầu thập niên 1900, với những công trình nghiên cứu và sáng tác của Bác sĩ tâm thần S. Freud.

***

1. Gần như ai ai trong chúng ta cũng đã biết ít nhiều về câu chuyện "Tấm - Cám", từ những ngày bé thơ, đêm đêm nằm nghe mẹ kể chuyện, trước khi đi vào giấc ngủ thần tiên. Sau đây tôi chỉ nhắc lại một đôi điều nồng cốt:

Tấm là cô gái mồ côi mẹ, từ khi lên mười tuổi. Sau ngày mãn tang vợ, cha của cô đã tục huyền. Ông có ý định tìm cho con một người mẹ kế, ngày đêm săn sóc lo lắng cho con. Bà này đã goá chồng từ lâu. Bà cũng có một đứa con gái mang tên là Cám.

Người Cha hy vọng: Tấm và Cám ở vào lứa tuổi giống nhau, sẽ trở thành như hai chị em ruột thịt, biết thương yêu đùm bọc và nâng đỡ lẫn nhau, khi ở nhà cũng như lúc ra ngoài xã hội. Khi làm việc cũng như lúc vui đùa giải trí...

Thực tế trong cuộc sống hằng ngày đã chứng minh ngược lại: bà mẹ kế chỉ là một bà dì ghẻ tàn nhẫn độc ác và lạnh lùng. Bà tìm mọi cách để hành hạ Tấm, nhất là khi người cha chẳng bao lâu, sau ngày tái giá, đã lâm bệnh và qua đời một cách quá bất ngờ. Suốt ngày từ sáng cho tới khuya, Tấm không bao giờ có một đôi phút nghỉ ngơi và rảnh rỗi. Bà dì ghẻ trao cho nàng nhiều công việc phải làm ở trong nhà cũng như ngoài đồng áng. Nếu không hoàn tất bổn phận đúng ngày giờ được ấn định, Tấm phải bị la mắng, chưởi bới và roi đòn một cách bất nhân và thậm tệ.

Đang khi ấy, Cám chỉ chạy chơi loanh quanh. Nàng không bao giờ đụng tay vào một công việc nhỏ nhặt. Thêm vào đó, nàng còn hùa theo mẹ, để sai khiến chị giặt áo quần. Hay là đi gánh nước cho mình tắm gội.

Mặc dù vậy, Tấm vẫn thương dì và thương em. Theo lối suy tư và cảm thức của nàng, họ là những người được ba chọn, để có mặt với mình trong lòng cuộc đời.

Tấm luôn luôn tìm cách an ủi, dỗ dành chính mình: dù thế nào chăng nữa, họ đói mình đói. Họ lành mình lành. Họ no mình no. Trước lúc tục huyền và khi lâm chung, phải chăng ba đã an ủi và căn dặn mình như vậy ? Khi yêu thương và lắng nghe họ, ở một tầm độ nào đó mình đã yêu thương chính ba, mặc dù ba là mặt trời và họ chỉ là đêm đen trên mọi nẻo đường xuôi ngược.

Nói thì nói như vậy, nhưng lắm lúc Tấm đã gần như tuyệt vọng. Nàng có cảm tưởng như mình chỉ là "con kiến đen, trên tảng đá đen, nằm giữa đêm đen" không biết đâu là con đường dẫn tới ánh sáng của bình minh rạng rỡ.

Hẳn thực, hôm ấy Tấm được dì bảo đi ra đồng bắt cá, đem về làm đám giỗ cho ba. Lần nầy Cám cũng đi theo để cùng bắt cá với chị. Ngờ đâu, ra tận nơi Cám chỉ ngồi chơi trên bờ ruộng. Tấm mãi lặn lội bùn sâu. Áo quần lấm lem. Mặt mày nhem nhuốc. Cũng nhờ cực nhọc như vậy, nàng mới bắt được một giỏ cá đầy. Trước lúc về nhà, nàng xuống bờ sông tắm rửa. Lợi dụng cơ hội, Cám lấy giỏ cá đầy của chị sang qua giỏ của mình và vội vàng chạy về nhà khoe với mẹ về kết quả lao động của mình.

Theo câu chuyện, nếu hôm ấy không có Bụt hiện ra, chắc hẳn Tấm đã nghe theo tiếng gọi của biển cả, "trầm mình xuống dòng sông đi về về Nơi Vô Định".

Bụt còn hiện ra với Tấm trong nhiều lần khác, mỗi khi Tấm phải đương đầu với lòng người nham hiểm, trước những trớ trêu trong lòng cuộc đời.

Lần cuối cùng cũng nhờ Bụt sáng soi can thiệp, Tấm đã tìm ra được áo quần và những đồ trang sức, đi lên Thành đô, nhằm ngày mở hội của Nhà Vua để chọn người làm Hoàng hậu. Kết quả bất ngờ đã xảy ra: chính Tấm được chọn làm Hoàng hậu để giúp nhà Vua làm đại phụ mẫu của người dân, nhất là cho những ai nghèo đói, bần cùng, bị ức hiếp trong lòng của đất nước và nhân loại.

***

2. Câu chuyện đã chấm dứt một cách đột ngột ở giữa chừng, nhường chỗ cho mỗi người tự do hình dung và sáng tạo tuỳ nghi những giai đoạn kế tiếp. Theo Phân tâm học của Freud, câu chuyện cổ tích nào cũng thường được xây dựng và trình bày giống như một giấc mơ.

Sau khi lắng nghe, mỗi người trong chúng ta tự do tha hồ nêu lên cho chính mình rất nhiều câu hỏi và thắc mắc. Đồng thời, mỗi người cũng khám phá những lối giải quyết tuỳ hoàn cảnh riêng tư. Họ dựa vào những kinh nghiệm vui buồn mà mình đã gặt hái. Họ nương theo những tâm trạng hạnh phúc, khổ đau, thương nhớ, trăn trở mà mình đang kinh qua trong giây phút hiện tại. Mỗi người tự bày vẽ, sửa đổi, hoạ rồng, thêm rắn tuỳ sở thích. Sau đó, người khác tiếp nối câu chuyện, gọt đẽo vài chi tiết. Cắt xén bớt những rườm rà, phụ thuộc. Điều quan trọng đối với tôi chưa hẳn là nội dung thiết yếu đối với bạn bè. Phụ nữ ghi nhớ những đoạn trường éo le. Trẻ em kể lại những hoàn cảnh cụ thể của đời mình, để bổ túc và kiện toàn cho câu chuyện. Và cứ như vậy, từng từng thế hệ nối đuôi nhau ngày ngày đóng góp, thay đổi, làm mới. Phong phú hoá hay là biến thành hiện thực những ý tưởng của cha ông tổ tiên. Cơ hồ nhiều hạt mưa họp nhau lại làm thành con suối. Dòng nước lượn quanh, từ những trái núi nầy đến những hang động khác. Cũng nhờ vậy, càng ngày càng lớn rộng ra. Dòng suối róc rách ngày xưa, bây giờ biến thành một con sông cuồn cuộn chảy băng qua các thôn xóm và thành thị. Cuối cùng nó hòa mình vào biển cả mênh mông.

Trong lối nói có vẻ cao kỳ và chuyên môn của Phân tâm học, khi chúng ta đóng góp phần mình vào câu chuyện cổ tích, bằng cách lắng nghe, kể lại, chuyển biến, sáng tạo, đổi mới, chúng ta đang làm công việc mang tên là thuyên giải, hay là Deutung trong tiếng Đức và Interprétation trong tiếng Pháp.

***

3. Tôi cần cả một cuốn sách dày 300 trang, mới có thể tát cạn nghĩa là liệt kê những động tác cần thực hiện, khi chúng ta Thuyên giải.

Ở đây tôi xin trình bày một vài đường hướng thiết yếu mà thôi.

Trước hết, thuyên giải là đóng góp phần tích cực của mình, để sáng soi những câu hỏi do chuyện cổ tích nêu ra.

- Phải chăng tôi đang làm bà dì ghẻ cho một ai đó, trong lòng cuộc đời và trên từng mảnh đất của quê hương ?

- Có chăng những bà dì ghẻ biết sống tình mẹ hiền hay là từ mẫu, cho đứa con của một người khác, không do chính mình mang nặng đẻ đau?

- Đối với con cái ruột thịt của tôi, phải chăng tôi đang có thái độ cha ghẻ hay mẹ ghẻ, ở một phương diện nào đó, khi tôi nói và dạy dỗ ? Có bao giờ tôi biết lắng nghe tiếng nói của chính mình, để rà soát lại bao nhiêu điều còn rất ghẻ, khi tôi tiếp xúc với con cái hay là anh chị em đồng bào của tôi ?

- Một loạt câu hỏi thứ hai có liên quan đến hai nhân vật Tấm và Cám. Hẳn thực, trong lòng cuộc đời cũng như trong câu chuyện cổ tích, dù khi nghe hay lúc phát biểu, chúng ta thường có xu thế nhị nguyên. Không ít thì nhiều, mỗi người bị cám dỗ phân chia anh chị em đồng bào của mình thành hai phe: một bên mang tên là Tấm, phe kia bị gắn nhãn hiệu là Cám. Chúng ta thương Tấm và có ác cảm với Cám, vì cô nầy ác độc, gian lận, thiếu tư cách, không có tư duy độc lập, chỉ a tùng theo lý kẻ mạnh. Và khi có lập trường tư tưởng như vậy rồi, tự khắc không cần suy nghĩ đắn đo dài dòng, chúng ta ủng hộ phe Tấm và loại trừ những ai đứng về phía của Cám.

4. Chính vì thế, khi thuyên giải thái độ và nếp sống của người đối diện, Phân tâm học đề nghị chúng ta đặt lại câu hỏi như sau:

- Tôi về phe của Tấm. Đó là lẽ thường tình và tự nhiên, vì Tấm là con người dễ thương và đáng thương. Tuy nhiên, có bao giờ tôi giật mình tỉnh thức nhận ra rằng: tôi cũng là Cám, ở một góc độ nào đó, trong cuộc sống thường ngày ? Nếu tôi loại trừ Cám, phải chăng tôi cũng loại trừ một phần của chính mình tôi ? Làm như vậy là tự lường gạt. Tôi khư khư giữ cho mình phần Tốt, mặt Sáng. Đồng thời, tôi phóng chiếu lên khuôn mặt kẻ khác phần xấu và mặt đen. Nếu ai ai cũng hành động với đầu óc kỳ thị như vậy, xã hội quê hương và nhân loại sẽ biến thành một bãi chiến trường đầy máu và tang thương, luôn luôn nặc mùi hận thù và tử khí.

Đảm nhận mình một cách thành thực và can đảm, với mọi bộ mặt tốt và xấu, sáng và đen, phải chăng đó là bước đầu tiên cần bước tới, nhằm thăng tiến bản thân và làm đẹp cuộc đời ?

Theo giáo lý của Thánh Phaolô, "ở đâu tội lỗi tràn trề, ở đó ân sủng thứ tha cũng chứa chan bát ngát". Tội lỗi mà Ngài muốn nói tới là tội lỗi được chúng ta nhận diện và đối diện. Được can trường thú nhận. Không ém nhẹm, che giấu. Chúng ta cần đấm ngực và sám hối. Thay vì mang mặt nạ hay là có bộ mặt mồ mả tô vôi.

***

5. Sở dĩ tôi phải đảm nhiệm, hội nhập và chuyển hoá mọi thành phần làm nên con người muôn màu muôn sắc trong bản thân tôi, là vì theo lối nói của văn sĩ Paulo Cuelho, tôi là người "luyện vàng". Ơn gọi của tôi là chuyển biến tất cả những gì là quặng sản, đồng chì, sắt thép, trong bản thân tôi, thành Vàng nguyên chất. Đó là giấc mơ đẹp nhất trong tất cả mọi giấc mơ. Thêm vào đó, khi tôi nuôi ẵm vun tưới trông nom một giấc mơ kỳ vĩ và trọng đại như vậy, trong thâm sâu của cõi lòng, toàn thể vũ trụ trăng sao, côn trùng chim chóc, hoa lá cát sạn... tất cả đều là đồng minh có khả năng đóng góp phần mình, để giúp tôi:

« Mỗi ngày từng bước, biến Không thành Có,

« Hoá bóng đêm thành mặt trời rạng tỏ. »

Chính Tấm là một con người có tầm cỡ như thế. Hẳn thực, ngày ngày Nàng đã luyện vàng:

- Mất tất cả phần cá mà mình đã góp nhặt, suốt một ngày lặn lội lam lũ, nàng chỉ giữ lại được một con cá bé nhỏ. Tuy vậy, ngày ngày nàng cho nó ăn. Nó trở nên người bạn tri kỷ sớm hôm. Nhờ sự hiện diện của nó, Tấm đã vượt qua được mọi thăng trầm chìm nổi trong cuộc đời.

- Khi con cá ấy bị giết làm thịt, trong khi nàng vắng nhà, Tấm vẫn không đánh mất tất cả. Bộ xương là "phần còn sót lại" được nàng trân quí và cất giữ cẩn thận. Chính nhờ nó, nàng đã tìm ra áo quần, khăn mũ, giày dép và đồ trang sức, để đi lên Thành đô, dự ngày lễ hội do nhà Vua tổ chức.

- Khi bổn phận tách lúa khỏi thùng gạo quá lớn lao và nặng nề, Tấm chỉ đi ra trước sân, nhìn lên và gọi mời, tự khắc từng đám mây đen, làm bằng chim trời sà cánh xuống, cuống quít vui mừng và tiếp tay cho nàng hoàn thành công việc một cách nhanh chóng.

Theo câu chuyện cổ tích - được hình thành trong những triều đại thấm đậm màu sắc văn hoá do ba tôn giáo Phật, Khổng và Lão kết dệt - mỗi lần Tấm gặp khó khăn, luôn luôn có Bụt hiện hình. Nói đúng hơn, chính lúc ấy Tấm trở thành Bụt. Mắt nàng sáng lên, thấy được những điều phải làm. Biết tìm ở đâu những dụng cụ cần thiết, cho cuộc hành trình kết hợp với Nhà Vua để làm Đại phụ mẫu, trong lòng quê hương đất nước. Bụt hiện hình, theo giáo lý của Phật giáo, không phải là một Đấng ở trên hay ở ngoài. Trái lại, khi tâm hồn của Tấm tràn đầy yêu thương, thứ tha và hy vọng, Tấm chính là Đức Bụt. Tấm trở thành Bụt Quan Thế Âm, có trăm con mắt để thấy. Có trăm cánh tay để làm. Có trăm đôi chân để đi gieo vãi Tình Thương, ở bốn phương trời của quê hương và nhân loại.

***

6. Theo lối nói của Kinh Thánh trong Kitô giáo, khi ai tràn đầy Tình thương và Tha thứ, giống như Tấm đối với mẹ kế và đứa em, Chúa Thánh Thần ngự xuống trên họ. Chọn cung lòng họ làm Đền thờ. Giống như một hôm nào, Ngài đã ngự xuống trên Người Con Gái Xion là Maria. Nhờ đó, Bà đã làm được những điều kỳ vĩ, trọng đại trong lòng cuộc đời. Cũng theo giáo lý của Thánh Phaolô, khi được tràn đầy và thấm nhuần Chúa Thánh Thần như vậy, chúng ta trở thành Cung đền của Thiên Chúa. Ngài ở giữa chúng ta. Ngài chia sẻ mọi ngọt bùi đắng cay với chúng ta. Và cái gì của chúng ta cũng là của Ngài, ngoại trừ tội lỗi. Gia tài của Ngài cũng là của chúng ta. Một cách nào đó, chúng ta "làm Chúa" với Ngài. Nhờ Ngài. Giống như Ngài.

7.-Giữa Tấm và người Cha của Tấm, cũng có một quan hệ tương tự. Trong câu chuyện cổ tích, người cha đã lâm bệnh và qua đời. Nhưng trong tâm hồn cũa Tấm, Người Cha vẫn luôn luôn có mặt. Lời của Cha vẫn còn là con đường tất yếu mà Tấm đang đi. Và ngày ngày phải đi như một qui luật tự nhiên và cần thiết. Người mà cha đã yêu thương chọn lựa, Tấm vẫn chọn lựa và yêu thương. Nếu họ còn mang trong mình nhiều tồn tại, Tấm chỉ có một thái độ là thứ tha vô điều kiện. Khi có khả năng thứ tha như vậy, Tấm trở nên vĩ đại và bao la.

Nói cách khác, với ngôn ngữ của Phân tâm học, con đường tất yếu, còn được Freud gọi là Ananké, làm bằng chất liệu yêu thương và thứ tha, đối với những ai cố quyết làm người. Ai đi con đường nầy, trong lòng quê hương và nhân loại, người ấy đang mang trong mình dòng máu của chính Thiên Chúa. Ngài cho phép chúng ta gọi Ngài là Cha: "Áp-ba, Cha ơi". Ngài là Nơi Xuất Phát. Đồng thời, Ngài cũng là Điểm Hẹn cuối cùng cho những ai ngày ngày đánh sáng Đức Sáng Làm Người của mình, như sách Đại học đã dạy:

"Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại tân dân, tại chỉ ư chí thiện", có nghĩa là: Khoa học của con người trọng đại là luôn luôn đánh sáng cái đức chói sáng nằm sẵn trong mình.

Đánh sáng như vậy là đổi mới bản thân và cuộc đời của mình. Từ đó, người ấy có khả năng đổi mới mọi người. Đó là đích điểm tốt đẹp nhất, cần hướng tới để thực hiện trong suốt cuộc đời. Không đi con đường tất yếu ấy, là Thứ Tha và Yêu Thương, chúng ta sẽ trầm luân vào một ngõ cụt. Đó là Thanatos có nghĩa là hận thù, chiến tranh, tử vong và hoại diệt.

Vậy hởi bạn, hỡi em, chúng ta hãy chọn con đường nào, mỗi lần có nguy cơ tranh chấp và xung đột giữa chúng ta và anh chị em đồng bào, đồng loại ?

NB.- Trích ra từ tác phẩm: “HUYỀN SỬ VIỆT NAM » - NGUYỄN Văn Thành CH-1694 Orsonnens, Fr

Tủ Sách Tình Người, Lausanne 2008
 
Thông Báo
Giới thiệu sách: Chúa nói với Ta - Ta đáp trả Lời Chúa
LM Trần Bình Trọng
14:00 11/05/2008
Giới thiệu sách mới:
Hằng tuần Chúa nói với Ta - Ta đáp trả lời Chúa


Nhờ sự đáp ứng thịnh tình của độc giả: quí Cha, quí tu sĩ nam nữ và quí giáo dân về loạt bài: ‘Chiêm niệm và đáp trả lời Chúa’ hằng tuần, mà nay mới được cho in thành sách tại Hoa Kì với tiêu đề: Hằng tuần Chúa nói với Ta – Ta đáp trả lời Chúa, Chu kì Phụng vụ, Năm A, của tác giả Trần Bình Trọng. Sách dày 316 trang. Sách được chính tác giả cho xuất bản với sự hợp tác của nhà xuất bản Tin Vui Media, Garden Grove, California.

Sách được viết nhằm vào giáo dân công giáo và không công giáo và cho cả các linh mục/tu sĩ nam nữ quá bận rộn với những công việc mục vụ xứ đạo. Hi vọng độc giả sẽ hài lòng khi đọc sách này để cùng chiêm niệm và đáp trả Lời hằng sống của Chúa.

Muốn có sách, xin gửi tên, địa chỉ, số điện thoại và email, kèm theo ngân phiếu hay money order ủng hộ là $12 mỹ kim để trang trải tốn phí và giúp cho các công việc bác ái xã hội khác. Xin gửi order hay liên lạc về địa chỉ sau đây:
LM John Trần Bình Trọng
7401 Saint Michael Lane • Annandale, Virginia 22003 USA •
Tel. & Fax 703-923-9307 • E-mail: trongtb@yahoo.com


Ấn loát: Tin Vui Media: Garden Grove, California
ISBN 1-932708-20-0 (Mã số sách tiêu chuẩn quốc tế).
Xuất bản & phát hành

Một số nhận xét của độc giả viết về Sách: "Chúa Nói với Ta, Ta Nói Với Chúa"

Bài giảng mỗi Chúa nhật lôi kéo đến tâm tình cầu nguyện và cái nhìn trực giác. – Sally Allman
Nghe lời giảng linh cảm mỗi tuần. – Michael Cantrell
Một bài giảng đặc sắc. - Nhận xét sau lễ của một giáo dân Giáo xứ Thánh Bernadette
Bài giảng được dọn kĩ lưỡng, đưa ra cách áp dụng tư tưởng thần học đạo đức vào đời sống hằng ngày, giúp tâm hồn mở rộng trước sức tác động của thần linh. – Brian P. Brodfuehrer
Suy niệm sâu sắc mà lại gần gũi với nếp sống hằng ngày nên dễ đi vào lòng người, như có một sự cảm thông và chia sẻ tâm tình giữa tác giả với độc giả. – Ðinh Thu Hà, giáo lý viên Sàigòn
Tư tưỏng sâu sắc mà diễn tả dễ hiểu, hợp với trình độ đại đa số quần chúng.- Nguyễn Long Thao
Suy niệm vắn gọn, súc tích, có sức thôi thúc đem ra thực hành. - Trần Vinh
Ý tưởng diễn tiến mạch lạc và dòng tư tưởng xác lý với lời văn vắn gọn. – Phạm Châu Bình
Lời văn gọt giũa và chải chuốt. Tư tưởng cô đọng và súc tích. Hình như tác giả có khuynh hướng thích chơi chữ và có khi còn dùng những từ ngữ và kiểu nói nghe có vẻ lạ, đôi khi còn pha trò làm vui tai. - Nguyễn Thị Lan
Nhận định xác chứng về ý nghĩa lời hằng sống và suy niệm sâu sắc với áp dụng thực tế cùng với lời nguyện cầu dựa theo tư tưởng lời Thánh kinh, giúp người đọc dễ hiểu lời Chúa và cùng cầu nguyện hầu có thể đem ra thực hành trong đời sống cá nhân. - Lm Ngô Kim Trạng
Những bài suy niệm lời Chúa của tác giả giúp ích nhiều cho đời sống thiêng liêng của độc giả. Kiến thức tác giả bao gồm nhiều lãnh vực với những kiểu hành văn mới, nghe có vẻ lạ tai. - Nguyễn Văn Long
Tư tưởng chiêm niệm lời Chúa của tác giả phong phú, thâm thuý và cao sâu giúp đưa tới cảm nghiệm linh ứng về lời hằng sống. – Cao Thiên Ðài Trang
Ðọc những bài chiêm niệm lời Chúa của tác giả hằng tuần, khiến cho tâm hồn thêm niềm an vui và hi vọng cho cuộc sống hơn, mặc dầu phải đối mặt với những khó khăn trở ngại, thì cũng không rơi vào tâm trạng chán chường và tuyệt vọng. – Têrêsa Thu Hà
Tư tưởng suy niệm sâu sắc và ý nghĩa. - Nt Nguyễn Thị Thanh
Ðọc kĩ mới thấy tư tưởng thâm sâu ý nghĩa: vừa bình dị, vừa bác học, lại có chiều sâu và áp dụng thực tế. – Lm Chu Quang Minh, SJ
Suy tư sâu sắc của tác giả là những gia vị giúp độc giả thưởng thức món ăn tinh thần là lời Chúa. - Lm Hoàng Ngọc Dũng
Những lời chia sẻ từ trong Thánh kinh được diễn giải cách khéo léo và phù hợp với đời sống hiện tại và hiện đại. Ước mong những dòng tư tưởng sẽ đưa độc giả đến lối sống đạo thích hợp, đem lại hạnh phúc và an bình. - Trần Ngọc Khoái
Ðọc đi đọc lại những dòng tư tưởng chiêm niệm lời Chúa của tác giả mà lòng cảm thấy thấm thía. – Lê Thu Hằng
Suy niệm vắn gọn mà súc tích, đem lại cho độc giả những cảm nghiệm thiêng liêng: tình yêu chung thuỷ và khoan dung của Thiên Chúa trước sự bất xứng của con người. Và còn đánh động tâm hồn người đọc, dẫn đến những suy tư và áp dụng cụ thể vào đời sống nội tâm.- Nt Anne Thérèse V.T. Lan.
Suy niệm vắn gọn, dễ hiểu mà ý tưởng sâu sắc với dẫn chứng xác chứng về thần học và Thánh kinh. – Lm Trần Xuân Lãm
Suy tư về cô đơn khác cô độc trong bài ‘Tìm gặp Chúa trong sự Thanh vắng của Tâm hồn’, Chúa Nhật 4 Mùa Vọng, Năm A, rất sâu sắc, có lẽ tác giả có nhiều kinh nghiệm cá nhân về đề tài chăng? – Lm Trần Văn Kiệm
Rất mong được tiếp tục nhận loạt bài: ‘Ðể cùng chiêm niệm và đáp trả lời Chúa’ hằng tuần của tác giả với những dẫn chứng giá trị từ Thánh kinh để chiêm niệm và giữ làm bảo vật trên đường hành trình đức tin. - Trần Việt Tân
 
Sách mới: giúp bệnh nhân và những người khổ đau
LM Vũ Đức
14:24 11/05/2008
SÁCH MỚI
"GIÚP NGƯỜI KHỔ ĐAU"


Xin trân trọn giới thiệu những cuốn sách giúp bệnh nhân và các gia đình có người thân yêu đang trong cơn bệnh tật được suy niệm lời Chúa và những tài liệu cần thiết cách chăm sóc bệnh nhân về tinh thần, tình cảm, xã hội thể lý... để bệnh nhân được tuân theo ý Chúa và nếu Chúa gọi về thì được chuẩn bị sẵn sàng trước giờ lâm chung.

1- MỤC VỤ CHO BỆNH NHÂN
Tài liệu chỉ dẫn, cách chăm sóc bệnh nhân về tinh thần, tình cảm, xã hội thể lý... và chuẫn bị bệnh nhân trước giờ chết.

2- LỜI CẦU PHÓ DÂNG
Giúp bệnh nhân tin và phó thác bằng lời cầu với Thượng Đế trong lúc đau yếu.

3- TÌM HIỂU CHƯƠNG TRÌNH GIÚP CHẾT BẰNG AN
Giới thiệu phương thức chăm sóc, quyền lợi, đưa lại dễ chịu thoải mái tinh thần, thể lý cho bệnh nhân lúc đối diện với thần chết.

4- GIÚP BỆNH NHÂN UNG THƯ VÀ LIỆT KHÁNG
Chỉ dẫn cách ngừa bệnh, chữa trị, đối diện và chấp nhận khi ung thư và liệt kháng đến với người thân trong gia đình.

5- ĐAU KHỔ VÌ MẤT NGƯỜI THÂN YÊU
An ủi, nâng đỡ và hướng dẫn gia đình khi người thân ra đi vĩnh viễn.
.
Tất cả như cẩm nang của mọi gia đình, cố vấn tinh thần, thừa tác viên, hội đoàn và tông đồ giáo dân...

ĐẶC BIỆT CUỐN SÁCH: GIÚP BỆNH NHÂN UNG THƯ
& LIỆT KHÁNG "SIĐA" (HIV&AIDS) GIÚP BỆNH NHÂN
VÀ NGƯỜI PHỤC VỤ BỆNH NHÂN HIỂU BIẾT VÀ DẤN THÂN.....

Những ai muốn nhận sách xin liên lạc:
LM Giuse Vũ Đức
điện thoại: (313) 278 4293
hay Email: hoiphaolo@gmail.com

 
Văn Hóa
Nhớ về Các Nữ Tu nhân Ngày Hiền Mẫu
Anthony Lê
08:58 11/05/2008
Nhớ về Các Nữ Tu nhân Ngày Hiền Mẫu

Đã tự rất lâu rồi, tôi muốn viết vài dòng, để gởi trao lại vài dòng suy nghĩ chân thành dành cho các Ma Soeurs hay các Nữ Tu mà từ thưở ấu thơ tôi có dịp tiếp xúc và gần gũi... thế nhưng, năm tháng rồi cứ mãi trôi qua, và tâm hồn cũng như thân xác tôi cứ thế mà bị biến động một cách điên loạn và cuồng quay trước nhiều thử thách và những kéo lôi tội lỗi của cuộc sống kể từ những ngày "tạm thời" giã từ đồng đội, lìa xa nơi chiến trận... Muốn viết rất nhiều, nhưng ý tưởng không có, vì tâm hồn cứ mãi cô động và quạnh hiu trước những đớn đau của thân xác và cuộc đời... thế là dòng tâm sự cứ đó mà tuột trôi và phai nhạt dần...

TT Bush tuởng thưởng Sr Phạm Thị Hằng ngày 12/5/2006 tại Tòa Bạch Ốc
Rồi bỗng dưng nhớ lại Tháng 5 - Tháng Kính Đức Mẹ - Tháng có Ngày Hiền Mẫu - Tháng có nhiều Thánh Lễ Trọng Đại và cũng là Tháng có Ngày Chiến Sĩ Trận Vong, thế là tâm hồn tôi chợt thức tỉnh, và nhào dậy, tôi phải làm gì đó để tỏ bày và ghi nhớ công ơn - không chỉ qua vài dòng chữ vắn gọn vô thường, bạc bẽo - mà qua cả con tim, tâm hồn lẫn tiềm thức..... của tôi để gởi kính lại tâm tình tri ân đến các vị Nữ Tu - những người Mẹ Hiền của bao lớp người..., và để suy tư đôi chút về ý nghĩa của ơn gọi hết sức cao quý của các vị Nữ Tu...

Có ai trong chúng ta - với thân xác trưởng thành như bây giờ - mà đã chưa từng được kinh qua sự giáo dục và huấn thụ của các Cha, các Thầy, và các Sơ - ngoài sự dưỡng nuôi, giáo dục và bảo bọc của Mẹ-Cha chưa?

Chúng ta có được một nền tảng Đức Tin Công Giáo kiên vững là nhờ ai, nếu như không qua các Cha, các Thầy, và các Sơ tại các xứ đạo thưở xa xưa khi còn ở quê nhà?

Vào ngày Hiền Mẫu, khi mà tất cả mọi người trên thế giới đang chuyển sự chú ý của họ đến cho các bà mẹ "thể xác" - những người phụ nữ anh thư, oai hùng, những người có công trạng rất lớn trong việc đào tạo ra biết bao thế hệ con người - thì tôi lại hướng suy dòng suy tưởng của chính mình về lại cho các vị Nữ Tu - những bà mẹ "thiêng liêng" vốn vẫn thường hay được dòng đời bỏ qua, và xem nhẹ.... viết lời tri ân để gởi đến các vị Nữ Tu cũng chính là gởi lại những tâm tình thảo hiếu nhỏ mọn của chính mình để dành cho người mẹ thể xác của riêng tôi...

Tôi nhớ lúc đó mình hãy còn rất nhỏ - khi Sàigòn sụp đổ, mới 2, 3 tuổi gì đó, hãy còn bập bẹ và nhỏ lắm - Mẹ tôi đã tức tốc gởi tôi đến học các lớp Anh và Pháp Ngữ sơ khởi với các vị Nữ Tu Regina Mundi như Soeur Lộc, Soeur Thành,...., và Giáo Lý với các Sơ Dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô ở tại Nhà Thờ Tân Hòa xưa kia...mãi cho đến khi tôi tới tuổi trung học,.. ... nhớ lại sự dạy dổ ân cần, ánh mắt trìu mến, và nụ cười tươi vui, rạng rỡ trên khuôn mặt của các vị Nữ Tu hiền hậu lúc đó, rồi những lúc tinh nghịch của tuổi ấu thơ để khiến cho các Soeurs phải trừng phạt, và đến khi lớn lên thành tài trong chữ nghĩa, tôi đã vội quên bẵng đi những công ơn dạy dỗ cao cả đó của các Soeurs, để rồi cao chạy xa bay, hòng cố bám víu theo những giá trị và chân lý hời hợt và vô bổ của dòng đời...

Giờ đây, khi tuổi đã gần bóng xế, tôi lại hối hận, và đành phải đặt bút để ghi lại lời tạ tội của mình với các Soeurs - những người thầy đã dạy con nên người, nên hình, nên dạng,.... như ngày nay...

Đền Thánh Thể ở Hanceville, Alabama


Thánh Nữ Têrêsa thành Avila đã từng viết như thế này:

"Là một người phụ nữ có nghĩa là để yêu thương và để gánh chịu sự đau khổ. Là một người Nữ Tu có nghĩa là để yêu thương nhiều hơn và để gánh chịu sự khổ đau nhiều hơn. Là một người Nữ Tu có nghĩa là để mở rộng hẳn ra khả năng của chính mình qua việc là một người phụ nữ."

(To be a woman means to love and to suffer. To be a nun means to love and suffer more. To be a nun means to enlarge one's capacity for being a woman).

Lời nhận xét đó quả thực rất đúng vì nó đề cập đến một khía cạnh nền tảng hết sức quan trọng của Đời Sống Thánh Hiến và Tu Trì, hay nói ngắn gọn hơn chính là ơn gọi để trở thành người mẹ thiêng liêng.

Khái niệm này không chỉ thuần túy là một ý tưởng đạo đức hay một cố gắng để nhằm đền đáp lại những gì mà các vị Nữ Tu Dòng phải hy sinh qua lời khấn trinh tiết vẹn toàn. Mà đúng hơn, chức năng của người mẹ thiêng liêng được cấu thành nên từ một yếu tố nền tảng như vậy qua ơn gọi của Đời Sống Thánh Hiến và Tu Trì nếu như vị đó không sống đúng như vậy thì có nghĩa là vị Nữ Tu đó đã không chu toàn được sứ mệnh của chính mình trong Trái Tim của Đức Trinh Nữ Maria, là Mẹ của Giáo Hội.

Trong đời sống làm mẹ theo nghĩa đời hay theo cách sống trần tục tự nhiên, thì một người phụ nữ sẽ được cho là mang lại hoa trái hay trọn vẹn khi người phụ nữ đó sinh ra con cái, rồi dưỡng nuôi chúng, và giáo dục chúng về phần hồn cũng như phần xác. Thì đó chính là một ơn gọi cao vời, là một trong những món quà tươi đẹp và anh thư nhất mà một người phụ nữ có thể tự làm cho chính bản thân của riêng mình xét về mặt tự nhiên.

Thế còn chức năng làm mẹ thiêng liêng hay chức năng của những người Nữ Tu thì sao?

Chức năng làm mẹ theo nghĩa siêu nhiên thì hoàn toàn vượt hẳn chức năng làm mẹ theo lẽ tự nhiên hay theo quy luật tự nhiên mà cuộc sống đã định tiền cho một người phụ nữ, và vì các Nữ Tu chính là những nàng dâu được thánh hiến của Chúa Giêsu, cho nên các vị được gọi mời để mang lại hoa trái cho dòng đời bằng cách biết cho đi và dưỡng nuôi đời sống tâm linh cho tất cả các linh hồn. Nếu vị Nữ Tu nào hoàn toàn biết, hiểu và sống đúng như vậy ở mức độ cao nhất, thì ơn gọi của vị Nữ Tu đó trong tư cách là một người mẹ thiêng liêng không chỉ bao gồm lối sống ẩn sĩ, giữ lời khấn hứa, và luôn tìm cách đeo đuổi sự nên thánh bên trong phạm vi của tu viện không thôi, mà nó còn mở rộng ra để bao bọc trọn lấy cả thế giới.

Theo lẽ thường, đối với các cô gái khi đang tìm hiểu về Đời Sống Thánh Hiến và Tu Trì, thường hay gặp phải một sự trở ngại, bởi câu nói: "Thế nhưng, mình cũng có thể là một người vợ tốt và một người mẹ ngoan hiền cơ mà?" Đó là lý do tại sao mà các vị đặc trách về ơn gọi hay các Mẹ Bề Trên vẫn thường hay giáo huấn và khuyên lơn các đệ tử của mình rằng, "Nếu các con không thể là một người vợ tốt, và là một người mẹ ngoan hiền, đảm đương, thì các con không thể nào có thể trở nên một vị Nữ Tu xứng đáng và thánh thiện được."

Tại sao vậy?

Thiên Chúa thiết kế ra người phụ nữ là để mang nặng đẻ đau, nhưng điều đó không chỉ dừng lại ở mặt thể lý không mà thôi. Xét về mặt thể lý, tâm linh, và tình cảm thì người phụ nữ được nhào nặn để đơm bông, kết trái và để dưỡng nuôi cuộc sống. Mọi phần khía cạnh của tự nhiên đều dẫn đến một kết cục như vậy. Khi một người phụ nữ bước vào đời sống Thánh Hiến và Tu Trì, thì người đó vẫn là một người phụ nữ. Đúng vậy, và chính con tim của người phụ nữ đó, giờ đây đã được thánh hiến để sống hoàn toàn cho Chúa Giêsu, và cho chính tình yêu của Chúa Giêsu một cách chung thủy và vẹn toàn, và người phụ nữ đó được tự do để từ bỏ đi - một cách rộng lượng và nhưng không - đặc quyền về mặt thể lý để sinh con.

Dẫu là như vậy, thế nhưng, xét về mặt tự nhiên, thì không có gì là thay đổi cả nơi chính người Nữ Tu đó. Một khi đã hòa dần vào đời sống Thánh Hiến và Tu Trì một cách trọn vẹn, thì vị Nữ Tu đó giờ đây phải biết hướng tất cả mọi nguồn sinh lực tự nhiên của mình đến một kết thúc siêu nhiên và vời cao hơn, hay nói cách khác, hướng tới một chức năng làm Mẹ ở mức độ cao hơn rất nhiều.

Như lời kể của một Mẹ Bề Trên Dòng Camêlô người Hoa Kỳ mà tôi đã từng có dịp quen biết trong chuyến hành hương đến Đền Thờ Thánh Thể ở Hanceville, Alabama nhiều năm về trước.

Mẹ kể rằng:

Trong khoảng 2 hay 3 năm gì đó, có một người phụ nữ trẻ đến nói chuyện và viếng thăm Dòng của Mẹ rất nhiều lần để cố khám phá ra đó có phải là nơi mà Thiên Chúa kêu gọi người phụ nữ đó không. Ngày đó cuối cùng cũng đã đến khi người phụ nữ trẻ đó quyết định thực hiện một bước tiến tới gần hơn nữa để nghiêm túc đeo đuổi ơn gọi qua đời sống Thánh Hiến và Tu Trì, và rồi người đó hết sức hồ hởi nên đã nhắn tin cho Mẹ biết là Cô ta đã quyết định gia nhập vào ơn gọi của Dòng. Trước khi người phụ nữ đó chuẩn bị mở miệng ra để nói, thì Mẹ Bề Trên mới nói với người phụ nữ trẻ đó rằng:

"Mẹ nghĩ là con có điều gì đó rất quan trọng để nói với Mẹ. Nào chúng ta hãy gặp nhau tại bãi đậu xe gần trung tâm tĩnh tâm của Dòng nhé!"

Ngay khi chúng tôi vừa tới đó, người phụ nữ trẻ đã hổn hển thông báo tin vui của mình cho tôi nghe. Khi người phụ nữ đó tạm ngừng để xem phản ứng của tôi như thế nào, thì người phụ nữ đó mới nhận ra rằng tôi đang vui cười, thế nhưng bỗng dưng những dòng lệ cứ tuôn trào ra từ đôi mắt của tôi. Tôi thật sự xúc động và cố giải thích với người phụ nữ trẻ đó rằng:

"Tuần này, con sẽ về nhà để mừng Ngày Hiền Mẫu cùng với người mẹ của con; thế nhưng Mẹ sẽ ở đây để mừng Ngày Hiền Mẫu theo một cách hết sức là đặc biệt. Như con thấy đó, khi chúng ta lần đầu tiên thảo luận với nhau về ơn gọi của con vài năm trước đây, Mẹ có thể nhận ra ngay sự dè dặt và sợ hãi của con. Mẹ đã cầu nguyện rất nhiều cho con và đã cùng bước đi với con theo cuộc hành trình này. Con chính là một trong những đứa con gái thiêng liêng của Mẹ, và chính con đã cho phép Mẹ sống đúng với ơn gọi của một người Mẹ thiêng liêng, để có thể nhìn thấy hoa trái tươi vui của nó!"

Sự kiện này minh chứng cho chức năng làm Mẹ thiêng liêng (spiritual motherhood) của đời sống Thánh Hiến và Tu Trì, và nói khơi dậy ra một câu hỏi rằng: "Thế chức năng làm Mẹ theo nghĩa thiêng liêng này bao gồm những gì?"

Rõ ràng là, đối với chức năng làm mẹ theo lẽ tự nhiên, thì nó sẽ bao gồm việc sinh ra con cái về mặt thể lý, trong khi đó ơn gọi của một người Nữ Tu thì không có chuyện đó. Thế nhưng, điều cốt lõi vẫn tồn tại đối với hai chức năng làm mẹ (i.e. theo lẽ tự nhiêntheo lẽ siêu nhiên), ở từng cấp độ khác nhau, chính là sự đầu hàng hay sự từ bỏ chính bản thân mình, và việc sẳng sàng để đơm bông, kết trái.

Trong văn kiện của Giáo Hội có tên là Verbi Sponsa có đoạn viết rằng:

"Những vị Nữ Tu sống trong tu viện hoàn thành sứ vụ đó bằng cách lưu trú vào giữa trái tim truyền giáo của Giáo Hội, bằng lời cầu nguyện liên lũy, bằng việc tự hiến lấy bản thân mình, và bằng chính việc hy sinh để ngợi ca Thiên Chúa. Cuộc sống của họ, do đó, trở nên một nguồn mầu nhiệm của sự đơm hoa kết trái tông đồ và ơn phúc lành cho cả cộng đoàn Kitô Giáo lẫn cho toàn thể thế giới."

(Cloistered nuns fulfill that mission by dwelling at the missionary heart of the Church, by means of constant prayer, the oblation of self and the offering of the sacrifice of praise. Their life thus becoms a mysterious source of apostolic fruitfulness and blessing for the Christian community and for the whole world).

Do thế, sự đơm bông kết trái của Đời Sống Thánh Hiến và Tu Trì của các vị Nữ Tu, nói theo một cách đặc biệt, của các Nữ Tu sống đời sống chiêm niệm và cầu nguyện, chính là xuất phát từ một trái tim tràn đầy niềm yêu thương và một tâm tình dâng hiến thiêng liêng, vốn chỉ có thể diễn đạt theo nghĩa đời thường rằng:

"Tôi đến nơi tu viện này không chỉ đơn giản để tìm ơn cứu rỗi cho chính riêng bản thân của tôi thôi, mà tôi đến đây là để hướng tất cả mọi sự đến cho sự vẽ vang và vinh hiển của Chúa Kitô, Vị Hiền Phu của tôi, và vì sự cứu rỗi cho tất cả mọi linh hồn trên khắp cả thế giới này - sứ vụ mà chính Thiên Chúa đã trao phó cho sự chăm sóc và quan phòng của riêng tôi."

Ôi quả thật là cao vời, là tinh túy, là cao thượng hơn tất cả!

Ở cấp độ mỗi ngày, một vị Nữ Tu có thể tự dò xét và suy nghiệm lại chức năng làm Mẹ thiêng liêng của riêng mình thông qua sự gợi hứng của các bà mẹ theo nghĩa tự nhiên trần tục.

Trong khi những người mẹ trên thế giới phải bỏ ra hàng đêm thức trắng bên những đứa con bị bệnh của họ, thì liệu tôi - một người Nữ Tu Công Giáo - có rộng lượng bỏ ra ngần ấy đêm dài của riêng tôi để thức chầu kính Thánh Thể, để thức chầu kính Thiên Chúa hòng gởi trao lời nguyện cầu thay cho tất cả mọi người bệnh tật và ốm đau trên cả thế giới này - những thứ bệnh tật không những về thể lý mà còn về tâm linh nữa không?

Những người mẹ trần tục tự nhiên - họ chính là những người làm mẹ suốt cả cuộc đời của họ, và họ hứng khởi dõi theo sự trưởng thành và lớn lên của đàn con. Họ luôn có mặt ở đó để hổ trợ cho các con của họ trong những lúc khó khăn, hay những lúc con cái của họ vấp ngã vì những chai sạn và dòng lưới tội lỗi bủa vây của dòng đời suôi ngược.

Thế tôi có biết đảm nhận lấy tất cả mọi gánh nặng để cầu nguyện cho mọi ý chỉ cầu nguyện của nhân loại, để vác lấy chúng và mang chúng vào chính trong con tim bé nhỏ của tôi không?

Những người mẹ trần tục đã phải hy sinh biết bao nhiêu để cung cấp tất cả mọi thứ cho gia đình? Thế còn tôi, tôi có sẳn sàng và hăm hở để thực hiện lấy những hành động nhỏ nhoi của việc khổ xác để cứu lấy các linh hồn không?

Sau cùng, một người mẹ gương mẫu, trước tiên hết vẫn là một người vợ dịu hiền và đạo đức bởi vì đó chính là tình yêu của "hai trở thành một" để từ đó sinh hoa kết trái. Cũng tương tự như vậy, tất cả mọi tình yêu của tôi dành cho cả thế giới này phải được xuất phát và tuôn chảy từ chính tình yêu của tôi dành cho Thiên Chúa.

Các Nữ Tu cùng với Mẹ Bề Trên Angelica


Để kết cục, Đời Sống Thánh Hiến và Tu Trì có thể tìm được một ví dụ hoàn hảo và trọn vẹn về chức năng làm Mẹ xét về mặt thể lý lẫn tâm linh nơi Đức Trinh Nữ Maria. Chính Chúa Giêsu đã nói chủ yếu về Đức Trinh Nữ Maria như sau:

"Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Luca 11:28).

Đúng vậy, chức năng làm Mẹ của Đức Trinh Nữ Maria đã đạt được đỉnh cao hay chiều sâu trong sự "chấp nhận" (fiat) Thiên Chúa ngay trong chính tâm hồn của Mẹ, khi Mẹ quyết định dâng hiến trọn cả cuộc đời của Mẹ cho Ý Chỉ của Thiên Chúa. Rồi sau đó, Chúa Kitô đã khiến Mẹ trở nên một Người Mẹ Thiêng Liêng cho tất cả mọi linh hồn khi Ngài dâng hiến Mẹ cho Thánh Gioan nơi Cây Thập Giá trên đồi Calvary.

Đức Trinh Nữ Maria - Mẹ của Thiên Chúa và cũng là Mẹ của tất cả chúng ta - đã sống và chu toàn đầy đủ chức năng làm Mẹ thiêng liêng như là trái tim của Giáo Hội trong chính tu viện riêng của Mẹ ở Ephesus.

Nguyện xin Đức Maria luôn là nguồn hứng khởi cho các vị Nữ Tu đã bước vào đời sống Thánh Hiến và Tu Trì để giúp các vị Nữ Tu đó chu toàn mọi khả năng của họ trong cả đời sống là một người phụ nữ lẫn là người Mẹ thiêng liêng cho tất cả mọi linh hồn lưu lạc trên cõi trần gian này!

Để kết thúc dòng nghĩ suy nhân Ngày Hiền Mẫu - khi viết vội vài tâm tình gửi kính lại các Vị Nữ Tu thân yêu - xin mời tất cả các Vị Nữ Tu và mọi người chúng ta - hãy cùng nghiệm lại câu nói của Thánh Nữ Têrêsa Benedicta như sau:

"Woman naturally seeks to embrace that which is living, personal and whole. To cherish, guard and protect, nourish and advance growth is her natural, maternal yearning... that is why total surrender which is the principle of the religious life is simultaneously the only adequate fulfillment possible for woman's yeaning."

Have a Happy and Blessed Spiritual Motherhood Day!
 
Tạ ơn Mẹ
Nguyễn Trung Tây, SVD
09:49 11/05/2008

Tạ ơn Mẹ!

Mẹ bát ngát hương trời, Ảnh Nguyễn Trung Tây
Cuộc sống nào cũng bắt đầu từ cung lòng của người mẹ.
Và từ thịt da mẹ,
mầm sống nứt vỏ nẩy mầm hóa ra con.

Chín tháng mười ngày mẹ xanh xao, mẹ nặng nề da thịt, (để)
máu huyết mẹ nẩy sinh máu huyết con.
Mẹ còng lưng ôm con nhỏ tí ti nặng cung lòng, (để)
con bé bỏng chòi chân đạp nhói đau bụng mẹ.
Mẹ cắn bờ môi vượt cạn một mình, (để)
con nhỏ tí teo chào đời tiếng khóc.
Mẹ thơm tho dòng sữa, (để)
da con ửng hồng, (để)
tóc con tóc tơ óng mầu tóc mới.

Đêm trắng nối tiếp đêm khuya,
mẹ bồng con trên vai,
đêm trắng gõ nhịp đêm trường, ầu ơ ví dầu ru con (khi)
con ấm đầu mọc răng sữa.
Mẹ sáng tinh mơ, chạy,
chân lướt cỏ tìm thầy kiếm thuốc, (bởi)
nửa đêm về sáng con ợ hơi ọc sữa.

Thời gian tích tắc đếm nhịp, mẹ nhìn con cao lớn từng phân.
Tay mẹ nắm tay con, mẹ dẫn con chập chững bước vào đời.
Đường đời mênh mông,
bóng con ngơ ngác,
bóng mẹ đổ dài,
che chở bóng con.

Mẹ dẫn con vào lớp Một,
con bập bẹ đánh vần âm Mẹ.
Mẹ buôn bán ngược xuôi mua tập vở, mua viết mực (để)
con tập làm toán cộng lớp Hai:
Mẹ cộng (+) Ngọt ngào (=) Hóa ra con.
Áo mẹ sờn vai (để)
áo con trắng tinh tà áo dài nữ sinh trung học.
Tóc mẹ cháy khô quăn xơ xác (để)
tóc con xanh xanh mầu tóc sinh viên.

Tạ ơn mẹ đã ấp ủ giữ gìn con chín tháng mười ngày trong cung lòng mẹ.
Tạ ơn mẹ mang nặng đẻ đau,
Tạ ơn mẹ công nuôi dưỡng.
Tạ ơn mẹ đã là mẹ con.
Tạ ơn Đất tạ ơn Trời đã ban tặng cho trần gian những người mẹ ướp ngọt mật ong, bát ngát hương trời.
Mẹ! Mẹ là tất cả.
Mẹ là mẹ! Mẹ là mẹ để con yêu.


www.nguyentrungtay.com
 
Nỗi nhọc nhằn của Mẹ
LM Lê Văn Hải
12:48 11/05/2008
Nỗi nhọc nhằn của Mẹ

Trời vùng cao hiu hắt nhè nhẹ mưa,
Gió rừng sâu xào xạc khe khẻ đưa.
Nhớ ơn mẹ lấy chi đền đáp đủ ?
Thấm công cha làm sao nói cho vừa!


Mẹ lom khom bờ ao dù nắng trưa,
Lật đật gánh rau nặng dẫu gió mưa.
Tần tảo sớm chiều củ khoai, hạt gạo,
Thân mẹ nhọc, sức hơi thiếu chẳng thừa!?

Lê lết dường ruộng mẹ còng lưng cắt cỏ
Lom xom bìa rừng mẹ mỏi gối chăn bò
Chắt chiu con gà cái trứng vì con dại,
Công cha nghĩa mẹ thâm thúy lấy gì đo?

Ngực mẹ đau rát, lưng lại thêm còng,
Vai mẹ lệch tay run rẩy gối càng long,
Vì đàn con khôn lớn nên đành thế
Mẹ ngậm đắng nuốt cay vẫn vui lòng.

Nay lú lẫn chân phải mang dép trái,
Mẹ ngớ ngẫn lạc ngõ sáng đến chiều,
Luộm thuộm cài nút, quần lộn áo,
Khôn ngoan m? còn lại, ấy tình yêu!


Sức cha cạn kiệt mắt lại mờ,
Trí mẹ mòm mỏi sớm ngẫn ngơ,
Lưng còng gối quỵ cho con lớn,
Da mồi tóc bạc vì con thơ.

Cha già ít nói ngồi im,
Lần ôn kỷ niệm vui nhìn con khôn,
Mẹ hiền tằn tiện khoai môn,
Cho con no dạ tâm hổn thảnh thơi,
Làm con thảo hiếu ai ơi,
Sáng thăm tối viếng đôi lời ủi an.

Thương con lam lũ chẳng nề,
Sức cùng lực kiệt chẳng hề than van
Miếng cơm manh áo chu toàn,
Đèn sách bút viết lo toan hết lòng,
Phận cha chức mẹ đã xong
Một lời trăn trối mong con nên người.

Đêm nằm trăn trở xót xa,
Nhớ về quá khú khi cha đang còn
Một đời xuống bể lên non,
Quăng câu, bủa lưới nuôi con nên người,
Thanh bần cha vẫn vui tươi,
Thấy con khôn lớn miệng cười thoả tâm.


Một mẹ, một con trong rừng sâu,
Ngô khoai chẳng có dạ thêm sầu,
Mái tránh vách tre mưa gió tạt,
Xót dạ trằn trọc suốt đêm thâu.

Hiếu



Lom khom dường ruộng cắt cỏ lưng mẹ còng,
Lật đật đường cái gánh rau gối mẹ long.
Lát mằng, củ khoai nhường nhịn cho con lớn
Ai ôi, tình mẹ thâm thuý lấy gì đong!?

Lú lẫn chân mẹ mang dép trái,
Ngớ ngẫn lạc ngõ sáng đến chiều,
Luộm thuộm cài nút quần lộn áo,
Khôn ngoan còn lại, ấy tình yêu!


Lê lết bờ ruộng mẹ còng lưng cắt cỏ
Lom xom bìa rừng cha mỏi gối chăn bò
Chắt chiu con gà cái trứng vì con dại,
Công cha nghĩa mẹ thâm thúy lấy gì đo ?

Trời vùng cao hiu hắt nhè nhẹ mưa,
Gió rừng sâu xào xạc khe khẻ đưa.
Nhớ ơn mẹ lấy chi đền đáp đủ?
Thấm công cha làm sao nói cho vừa!


Cha già ít nói ngồi im,
Lần ôn kỷ niệm vui nhìn con khôn,
Mẹ hiền tằn tiện khoai môn,
Cho con no dạ tâm hổn thảnh thơi,
Làm con thảo hiếu ai ơi,
Sáng thăm tối viếng đôi lời ủi an.

Ngực cha đau rát, lưng cha còng,
Tay mẹ run rẩy gối mẹ long,
Vì con khôn lớn nên đành thế
Ngậm đắng nuốt cay vẫn vui lòng.


Sức cha cạn kiệt mắt lại mờ,
Trí mẹ mòm mỏi sớm ngẫn ngơ,
Lưng còng gối quỵ cho con lớn,
Da mồi tóc bạc vì con thơ.

Thương con lam lũ chẳng nề,
Sức cùng lực kiệt chẳng hề than van
Miếng cơm manh áo chu toàn,
Đèn sách bút viết lo toan hết lòng,
Phận cha chức mẹ đã xong
Một lời trăn trối mong con nên người.

Đêm nằm trăn trở xót xa,
Nhớ về quá khú khi cha đang còn
Một đời xuống bể lên non,
Quăng câu, bủa lưới nuôi con nên người,
Thanh bần cha vẫn vui tươi,
Thấy con khôn lớn miệng cười thoả tâm


Một mẹ, một con trong rừng sâu,
Ngô khoai chẳng có dạ thêm sầu,
Mái tránh vách tre mưa gió tạt,
Xót dạ trằn trọc suốt đêm thâu.

Sông Pha, ngày 11/5/2008