Ngày 09-05-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thiên Chúa của Đức Giêsu
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
01:42 09/05/2017
Chúa Nhật V Phục Sinh A

Thiên Chúa của Đức Giêsu

Phúc Âm Thánh Gioan chương 14 là lời tâm sự của Chúa Giêsu với các môn đệ. Nó có cấu trúc xoay quanh cuộc trở về với Chúa Cha của Chúa Con và vai trò độc nhất của Chúa Con trong việc đưa dẫn các môn đệ về với Chúa Cha.

Tôma và Philipphê đã hỏi Chúa 2 câu và Chúa đã mạc khải 2 chân lý thật quan trọng:

- Thầy là đường là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy.

- Ai thấy Thầy là thấy Cha; Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy.

Chỉ có thể đạt tới Cha khi chúng ta đi theo Đấng tự nhận là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Và cũng không ai có thể tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa mà lại không do Thánh Thần. Hiểu biết đích thực về Cha và Con mang dấu ấn Thánh Thần. Chính trong Thánh Thần mà Thiên Chúa là Cha và Đức Giêsu là Con ( x. Gm. Bùi Văn Đọc, Thiên Chúa Cha, Đấng giàu lòng thương xót, trang 184 ). Thiên Chúa mà mọi tín hữu tôn thờ và yêu mến hết linh hồn, hết sức lực, hết trí khôn, chính là Thiên Chúa hiện thân nơi Đức Giêsu Kitô "Ai thấy Thầy là thấy Cha" ( Ga 14, 9 ) vì "Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy" ( Ga 14, 10 ).

Toàn bộ Lịch Sử Cứu Độ được xây dựng trên tương quan Cha - Con "Chúa Cha yêu Chúa Con". Hai chữ Tình Yêu là cách diễn tả sâu thẳm nhất tương qua Cha - Con. Tình yêu đó được Chúa Giêsu thể hiện qua đời sống nhân hậu, bao dung vô bờ của Ngài. Lời nói việc làm của Ngài chính là lời nói việc làm của Chúa Cha ( Ga 14, 10 ). Toàn bộ cuộc đời của Ngài được Chúa Cha chiếm ngự. Ngài như tấm gương trong suốt phản chiếu khuôn mặt và trái tim Chúa Cha.

Chúa Giêsu dạy cho chúng ta biết về Chúa Cha bằng nhiều cách: bằng lời nói, bằng việc làm, nhưng nhất là chính phận làm Con. Nhiều lần và bằng nhiều cách khác nhau, Chúa Giêsu đã nói với con người về Thiên Chúa là Cha, Đấng mà họ phải tin tưởng phó thác ( Mt 6, 32 ), noi gương ( Mt 5, 45 - 48 ), nguyện cầu ( Lc 11, 2 ), phải tôn thờ vì Ngài là Chúa trời đất ( Mt 10, 28 ), là Cha đầy quan tâm ân cần ( Mt 6, 25 - 32 ) và đặc biệt gần gũi với những kẻ tội lỗi ( x. sđd tr. 191 ).

Điều kỳ diệu và tuyệt vời là chính Đấng Tuyệt Đối, Đấng Toàn Năng, Cao Cả, Chí Thánh Chí Tôn và Hằng Hữu đã có thể trở thành tương đối, thấp hèn, bạn với quân thu thuế với phường tội lỗi, cuối cùng phải chết khổ hình. Nơi Đức Giêsu, sự uy nghi của Thiên Chúa tỏ hiện trong khiêm tốn và yếu đuối cách nghịch thường. Điều đó, sự khôn ngoan của bậc hiền triết không lý giải được, nhưng nói như Pascal, trái tim lại hiểu được vì nó có lý lẽ riêng của nó. Thiên Chúa của Đức Giêsu không phải là Thiên Chúa ngự trên toà cao cho người ta sấp mình thờ lạy mà không dám nhìn đến tôn nhan, không dám gọi tên mà chỉ dám cầu xin với niềm sợ hải. Thiên Chúa của Đức Giêsu dễ gần, dễ thấy, dễ quen. Thiên Chúa hiện diện nơi con người Đức Giêsu khiêm hạ. Chính Ngôi Lời làm người đã chọn máng cỏ làm tổ ấm lúc chào đời, đã chọn xóm làng Nadarét làm nơi sinh sống, đã chọn những kẻ thấp hèn trong xã hội làm bầu bạn, đã quỳ gối rửa chân cho các Môn Đệ, rồi chọn cây thập giá làm giường khi chết cùng với hai kẻ cướp làm bạn đồng hành đi vào thế giới bên kia. Thiên Chúa làm người đã chọn nhà Dakêu để tạm trú, chọn người thiếu phụ Samari để gặp gỡ đối thoại, đã chấp nhận cử chỉ biết ơn của người phụ nữ tội lỗi Mađalêna, đã chọn kẻ trộm lành làm ứng viên đầu tiên vào Thiên Đàng, đã chọn Phaolô kẻ bắt bớ Giáo Hội làm Tông Đồ Dân Ngoại...

Quả thật Thiên Chúa của Đức Giêsu chẳng giống tí nào với Thiên Chúa các đạo binh của Ítraen. Người Do thái nghĩ rằng Thiên Chúa chỉ về phe với dân Người chọn, chỉ bênh vực những người Do thái ngoan Đạo và lên án nguyền rủa, trừng phạt các dân ngoại cùng người tội lỗi. Thiên Chúa của Đức Giêsu không về phe với kẻ cầm quyền độc ác, người giàu có ích kỷ hay người đạo đức giả. Vì thế các bậc kinh sư, tư tế, kỳ lão trong dân không chấp nhận Thiên Chúa ấy mà trái lại họ đã giết Đức Giêsu để bảo vệ Thiên Chúa của họ. Họ đã giết Đấng Thánh để bảo vệ đền thờ, đã chà đạp và xoá bỏ "hình ảnh Thiên Chúa vô hình" ( Cl 1, 15 ) để bảo vệ Thiên Chúa của lề luật.

Thiên Chúa của Đức Giêsu, Thiên Chúa của chúng ta cũng không phải là Thiên Chúa của các triết gia, không phải là Thiên Chúa của các nhà du hành vũ trụ tìm kiếm mà là Người Cha nhân hậu, từ bi, đầy lòng thương xót. Người chỉ muốn lòng nhân chứ không cần lễ tế. Người không phải là Người Cha nghiêm khắc độc đoán, Người Cha dễ tính xuề xoà mà là Người Cha yêu thương, tha thứ. Một Người Cha chuẩn bị sẵn sàng quần áo, giày dép, nhẫn đeo tay và vỗ béo con bê chờ sẵn đứa con hoang đàng trở về và hơn thế nữa còn ra ngoài ngóng trông rồi vui sướng tiến về phía con đón nó vào lòng hôn lấy hôn để ( Lc 15, 11 - 32 ). Lòng nhân hậu được tỏ bày khi tha thứ. Thánh Phaolô là người cảm nhận sâu xa lòng từ bi, nhân hậu, thứ tha ấy ( 2 Cr 3, 7 - 11 ).

"Thiên Chúa không ai thấy bao giờ, Con Một, Đấng ở nơi cung lòng Cha, chính Người đã thông tri" ( Ga 1, 18 ). Con người có thể biết Thiên Chúa qua công trình sáng tạo và lịch sử cứu độ, nhưng chưa ai thấy khuôn mặt Ngài. Chính Chúa Con tỏ bày cho nhân loại biết sự thật sâu xa của Thiên Chúa "Ai thấy Thầy là thấy Cha". Qua cuộc sống và lời giảng dạy, Chúa Giêsu đã chỉ cho nhân loại thấy Chúa Cha, một Thiên Chúa là Cha nhân hậu từ bi, đầy lòng xót thương, tha thứ và còn hơn thế nữa Chúa Giêsu là con đường độc nhất dẫn đến Cha "Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy" ( Ga 14, 6 ). Mọi con đường cứu độ đều phải đi vào Con Đường Giêsu: "Thiên Chúa không ban một danh nào khác dưới bầu trời, để nhờ danh đó mà chúng ta được ơn cứu độ" ( Cv 4, 12 ). Nhân loại được cứu độ nhờ Danh Đức Giêsu.

Đức Giêsu đã về với Chúa Cha trong vinh quang Phục Sinh, sau khi đã sống một đời yêu thương tự hiến. Cuộc đời Đức Giêsu trở thành con đường cho chúng ta đi. Đọc và suy niệm Tin Mừng trong tin yêu, Chúa sẽ dạy chúng ta nghĩ gì, nói gì, làm gì. Khi đi vào con đường Chúa đã đi qua chúng ta cũng trở nên nẻo đường cho anh chị em mình, nẻo đường dẫn lối về Thiên Chúa là Cha yêu thương.


 
Sứ điệp Fatima
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
01:55 09/05/2017
Sứ điệp Fatima

Cũng như Lộ Đức, Fatima là trung tâm hành hương Đức Mẹ nổi tiếng trên thế giới. Tại làng Fatima, Đức Mẹ đã hiện ra nhiều lần với ba trẻ chăn chiên Lucia, Phanxicô và Gianxita. Thời gian này đang xảy ra chiến thế giới lần thứ nhất (1914-1918). Các nước Châu Âu kinh hoàng và kiệt quệ vì chiến tranh. Giữa bối cảnh đau thương đó, Đức Mẹ đã đến thăm và can thiệp. Sứ điệp Đức Mẹ nhắn gửi đầu tiên qua ba trẻ là: “Các con hãy cầu nguyện! Hãy cầu nguyện thật nhiều!”. Ngày 19-8-1917, Đức Mẹ đề nghị: “Hãy hy sinh nhiều để xin ơn tha thứ cho các tội nhân. Có rất nhiều linh hồn đang sa xuống hỏa ngục, vì không có ai hy sinh đền tội và cầu nguyện cho họ”. Mỗi ngày 13, từ tháng 5 đến tháng 10, Đức Mẹ hiện ra với ba trẻ. Người đến cầu nguyện mỗi ngày một đông hơn. Đức Mẹ hiện ra lần cuối cùng vào ngày 13-10-1917, và có một phép lạ hùng vĩ xảy ra như chính Mẹ đã hứa trước đó: trước đám đông hơn 70 ngàn người, mặt trời nhảy múa trên không trung. Những người có mặt lúc đầu lo sợ vì họ nghĩ ngày tận thế đã đến, sau đó họ vui mừng và quỳ gối lần hạt, nhiều người ăn năn khóc lóc sám hối tội lỗi của mình.

Từ Fatima, Đức Mẹ đã truyền đi thông điệp cho cả thế giới, như một điều kiện khẩn thiết để thế giới được Hòa bình: “Hãy siêng năng lần hạt; hãy cải thiện đời sống; hãy tôn sùng Trái Tim Mẹ”.
Chiến tranh thế giới kết thúc vào tháng 11-1918. Người ta tin chắc đó là do quyền năng của Đức Mẹ. Đất nước Bồ Đào Nha và Châu Âu được Hòa bình. Fatima từ đó đã trở nên trung tâm hành hương quốc tế, mỗi ngày đón tiếp hàng ngàn tín hữu đến cầu nguyện.

Đức Giáo Hoàng Piô XI đã dâng cả thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ. Năm 1942, Đức Giáo Hoàng Piô XII một lần nữa dâng thế giới cho Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã trao phó gia đình nhân loại cho Đức Mẹ sau ngày bế mạc Công đồng Vaticanô II (1964) và một lần nữa ngài dâng thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria.

Ngày 13-5-1982, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tới linh địa Fatima để tạ ơn Đức Mẹ (sau 1 năm ngài bị ám sát tại Quảng trường Thánh Phêrô ngày 13-5-1981). Ngài tin mình sống sót nhờ sự can thiệp trực tiếp của Đức Mẹ Vô Nhiễm. Chính Ali Agca, kẻ bắn Đức Thánh Cha, một tay bắn súng thiện xạ, cũng hết sức ngạc nhiên, không thể hiểu được vì sao ngài không chết. Sự kiện lạ thường ngoài sức tưởng tượng này đã xảy ra đúng vào ngày kính nhớ Đức Mẹ hiện ra lần đầu tiên với ba trẻ Phanxicô, Giacinta va Lucia ở Fatima, khiến Đức Thánh Cha nghĩ ngay đến Người Mẹ trên trời dấu yêu. Đức Thánh Cha kết luận: “Một người bắn, nhưng một người khác hướng dẫn đường đạn”. Và Đức Thánh Cha thêm: “Đức Mẹ Maria đã cứu sống tôi”. Do lòng biết ơn Đức Mẹ Fatima, kể từ sau ngày bị nạn, Đức Thánh Cha đã có nhiều nghĩa cử thánh thiện nhằm tôn vinh và tạ ơn Đức Mẹ. Chẳng hạn, ngày 13.5.1982, Đức Thánh Cha đã hành hương Fatima và đặt lên chiếc triều thiên của tượng Đức Mẹ tại đền thánh Fatima viên đạn lấy ra từ thân thể, như một lời khẳng định với thế giới rằng, Đức Mẹ đã che chở ngài.Tiến xa hơn nữa, trong nghĩa cử tỏ lộ lờng yêu mến Nữ Vương Fatima, đó là cuộc hành hương đền thánh Fatima dịp phong Á Thánh cho hai thánh trẻ Phanxicô và Giacinta năm 2000, cũng vào ngày 13-5, Đức Thánh Cha đã đặt dưới chân tượng Đức Mẹ Fatima chiếc nhẫn Giám mục quý giá do Đức Cố Hồng Y Stefan Wyszynski, Tổng Giám Mục Kracow dâng tặng lúc Đức Thánh Cha được bầu làm Giáo hoàng ngày 16-10-1978. Năm 2002, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II công bố ngày 13-5 hàng năm sẽ trở thành ngày lễ kính Đức Mẹ Fatima. Chưa hết, để diễn tả lòng yêu mến Đức Mẹ thẳm sâu của mình, Đức Thánh Cha đã viết tông thư “Kinh Mân Côi kính Đức Trinh Nữ Maria” và thêm vào chuỗi Mân Côi truyền thống mầu nhiệm Năm Sự Sáng. Ngài cũng công bố năm 2003 là Năm Thánh Mẫu Mân Côi, nhằm cổ súy việc đọc kinh truyền thống này để tôn vinh mầu nhiệm Mân Côi và các mầu nhiệm của cuộc đời Chúa Cứu Thế. Qua đó, Đức Thánh Cha khuyên dạy các tín hữu hãy yêu mến, hãy chú trọng nhiều đến chuỗi Mân Côi trong đời sống Kitô hữu của mình, hãy chuyên chăm cầu nguyện bằng chuỗi Mân Côi.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã dâng hiến triều đại Giáo Hoàng của mình cho Đức Mẹ Fatima vào ngày 13-5-2013. Ngài đã hai lần yêu cầu Đức Hồng Y José da Cruz Policarpo, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Bồ Đào Nha dâng hiến sứ mệnh theo Thánh Phêrô của ngài lên Đức Mẹ Fatima.

Năm 2013, kỷ niệm 96 năm Đức Mẹ hiện ra với ba trẻ mục đồng. Đây cũng là cơ hội để dâng hiến những ngày Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Rio de Janeiro (23-28 tháng7) lên Đức Mẹ Fatima. Đức Tổng Giám Mục Tempesta đã tuyên bố về việc dâng hiến này trong một lá thư gửi cho Tổng Giáo Phận của ngài vào ngày 3 tháng 5 vừa qua: đó là “dâng hiến tất cả những ngày Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, tất cả giới trẻ, những cộng sự viên và ban tổ chức” lên Mẹ Maria, để Mẹ dạy cho họ biết “xin vâng với Chúa Kitô, và sứ mệnh của tình yêu và sự cứu chuộc của Người”.

Những Đền thánh, Quảng trường, Nhà thờ, Nhà nguyện…và bao công trình khác được xây dựng tại Fatima. Trung tâm hành hương Đức Mẹ Fatima lôi cuốn khách thập phương đến cầu nguyện mỗi ngày một thêm đông.

1. Nguồn gốc của từ Fatima

Tên Fatima có nguồn gốc từ tiếng Ả rập. Đó là tên của một công chúa xứ Ả rập. Cô Fatima bị quân Công Giáo bắt làm con tin trong thời gian người Moro chiếm đóng Bồ Đào Nha. Sau đó, cô trở thành vị hôn thê của Bá tước Ourém. Cô đã trở lại đạo và lãnh nhận Bí tích Rửa tội trước khi thành hôn với Bá tước này vào năm 1158. Cô lấy tên là Oureana (Oriane), tên của thành phố Ourém ngày nay phát xuất từ chữ Oureana.

Làng Fatima nhỏ bé ngày xưa nay đã trở thành thị trấn sầm uất và là linh địa thuộc thành phố Ourém trong quận Santarém.

2. Đôi nét lịch sử

Năm 1917, Fatima là miền quê gồm khoảng 2.500 người cư ngụ rải rác trong khoảng 40 thôn xóm. Dân lao động làm ruộng nương rẫy. Trẻ em thường chăn dắt bờ, dê, cừu...Phần lớn dân cư đều mù chữ, chỉ có khoảng 10% phụ nữ biết đọc, biết viết.

Các gia đình Dos Santos và Marto cư ngụ trong thôn Aljustrel, đây là một trong những thôn xóm xưa nhất của xứ đạo Fatima. Vào đầu thế kỷ XX, Aljustrel là một nơi chỉ có 25 gia đình sinh sống với khoảng 100 cư dân, làm nghề nông và chăn cừu, phần lớn mù chữ. Họ kiếm sống ở vùng đất khô cằn bằng cần cù làm việc. Ban tối cả gia đình quây quần bên lờ sưởi dùng bữa và tạ ơn Chúa. Cuộc sống của dân quê chất phác. Gia đình Dos Santos có 1 bé gái, sinh ngày 22-3-1907. Gia đình người em họ Marto có 1 con trai là Francisco Marto, sinh ngày 11-6-1908 và 1 con gái là Jacinta Marto, sinh 11-3-1910. Ba em bé này thường chăn dắt đàn cừu tại bãi cỏ “Cova de iria” cách thôn chừng 2 km.

Vào ngày đầu tiên của năm 1916, trời mưa lớn, ba em nhỏ là Lucia 9 tuổi, và hai người em họ là Phanxicô 8 tuổi và Giaxinta 6 tuổi đang trú mưa tại một hang. Bỗng nhiên, một vầng sáng trắng xuất hiện trên đồng cỏ. Các em sửng sờ khi thấy một thanh niên trẻ đẹp trong y phục màu trắng đứng giữa vầng sáng. Người thanh niên trong vầng sáng ấy nói với các em rằng: "Ðừng sợ, ta là sứ thần Hòa bình. Hãy cùng ta cầu nguyện". Ðoạn người quỳ xuống và cầu nguyện: "Lạy Chúa, con tin kính, con thờ lạy, con trông cậy và con yêu mến Chúa. Xin Chúa tha thứ cho những kẻ đã không tin kính, không thờ lạy, không trông cậy và không yêu mến Chúa". Thiên Thần lại cúi đầu sâu hơn, và cầu nguyện ba lần như vậy, các em cũng lập lại lời cầu nguyện này với Thiên Thần.

Rồi vào một ngày mùa hè, đang khi các em vui đùa, Thiên Thần lại hiện ra với các em và bảo: "Hãy cầu nguyện và cầu nguyện thật nhiều. Thánh Tâm Chúa Giêsu và Trái Tim Mẹ Maria đã dành cho chúng con đầy lờng thương xót. Hãy tiếp tục dâng lên Thiên Chúa những lời cầu nguyện và những hãm mình. Hãy biến mọi việc làm thành những hy sinh dâng lên Thiên Chúa để đền bù tội lỗi đã xúc phạm đến Người, và cầu cho kẻ có tội ăn năn trở lại. Bằng phương thế này, Hòa bình sẽ đến với quê hương các con... Ta là Thiên Thần bản mệnh của nước Bồ Ðào Nha. Hãy đón nhận và vui lòng chịu đựng mọi thử thách Chúa sẽ gửi đến cho các con.". Mùa thu năm ấy, Thiên Thần lại hiện đến cùng các em. Trong lần hiện ra thứ ba này các em thấy Thiên Thần một tay bưng một chén Thánh, một tay cầm Mình Thánh Chúa, các em đã nhìn thấy những giọt máu nhỏ xuống chén thánh. Ðể chén thánh và Mình Thánh Chúa lơ lửng trên không trung, Thiên Thần cung kính quỳ xuống đất và cầu nguyện: "Lạy Ba Ngôi Cực Thánh - Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần - con cung kính thờ lạy Chúa, con xin dâng lên Chúa mình và máu thánh cực trọng, linh hồn và bản tính Thiên Chúa của Chúa Giêsu Kitô đang ngự trong các nhà chầu trên khắp hoàn cầu để đền tạ vì những tội bội bạc, thờ ơ, xúc phạm đến Người. Cậy vì công nghiệp vô cùng của Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu và Trái Tim Vẹn Sạch Mẹ Maria, xin Chúa cho kẻ có tội được ăn năn trở lại.".

Sau hơn một năm, kể từ ngày Thiên Thần hiện ra lần đầu tiên cùng các em, vào ngày 13 tháng 5 năm 1917, Ðức Mẹ đã hiện ra cùng các em. Trong những tháng kế tiếp, ba trẻ trở lại đồi Cova da Iria theo lời dặn dờ của Đức Mẹ, bất chấp những khó khăn ngoại cảnh như thời tiết bất thuận lợi hay khó khăn tinh thần như sự ngờ vực và cấm đoán của cả chính quyền lẫn giáo quyền. Vượt qua tất cả, các em vui mừng và hy vọng tiến đến điểm hẹn, vừa đi vừa lần hạt, lờng khát mong gặp lại Đức Mẹ. Chính Đức Mẹ luôn tôn trọng lịch gặp gỡ với các em như đã hẹn trước là ngày 13 mỗi tháng (trừ tháng 8 các em bị nhốt), khích lệ, trờ chuyện, cầu nguyện, dạy dỗ, nâng đỡ, ủi an và mạc khải cho các em nhưng điều cần kíp do Đức Mẹ mong muốn hay hoàn cảnh đời buộc.

a. Đức Mẹ hiện ra lần đầu

Ngày 13-5-1917, vào lúc trưa, 1 bà mặc áo trắng tinh hiện ra với 3 em bé chăn cừu, nói với các em là hãy lần chuỗi đọc kinh Mân Côi hàng ngày để cầu nguyện cho thế giới chấm dứt chiến tranh, được Hòa bình. Trước khi biến đi, Bà bảo 3 em hãy trở lại nơi đây đúng giờ trưa ngày 13 tháng sau.

Giacinta quên giữ kín nên về nhà thuật lại sự việc cho cha mẹ nghe. Tin này loan truyền nhanh khắp làng. Mọi người tỏ ra không tin. Vị linh mục chính xứ hỏi Lucia, nhưng cũng không tin. Trong báo cáo gửi lên Đức Giám Mục Giáo Phận Leiria, cha xứ viết: cần phải xa lánh chuyện này.

b. Đức Mẹ hiện ra lần thứ hai

Ngày 13 tháng 6, đúng giờ trưa, 3 em lại tới nơi hẹn, theo sau có khoảng vài chục người tờ mờ đến xem sự thể ra sao. Mọi người lần chuỗi đọc kinh. Đức Mẹ hiện ra với 3 em, nhắc Lucia về tầm quan trọng của việc đọc kinh Mân Côi, đồng thời báo trước cái chết của 2 anh em Phanxicô và Gianxinta : “Ta sẽ sớm đưa Phanxicô và Gianxinta về trời, cờn con, con sẽ ở lại thế gian một thời gian. Chúa Giêsu muốn dùng con để loan truyền cho mọi người biết ta và yêu mến ta”. Đức Mẹ cũng yêu cầu Lucia học chữ để dễ loan báo lời Đức Mẹ cho các người khác. Những người đi theo không nhìn và nghe thấy gì. Họ chỉ nhìn thấy cành cây nhỏ nơi Đức Mẹ đứng trĩu xuống dưới một sức nặng, rồi đột nhiên bật lên khi Đức Mẹ biến đi.

c. Đức Mẹ hiện ra lần thứ ba

Ngày thứ Sáu 13-7-1917, “bà mặc áo trắng” lại hiện ra với 3 em, có khoảng 4.000 người theo sau. Đức Mẹ vẫn nhắc Lucia việc đọc kinh Mân Côi mọi ngày, để chiến tranh mau chấm dứt. Lần này Đức Mẹ tiết lộ cho 3 em "bí mật" gọi là "bí mật Fatima". (Năm 1942, 2 bí mật đầu đã được công bố, cờn bí mật thứ 3 thì mãi tới năm 2000, Giáo Hội mới công bố).

d. Đức Mẹ hiện ra lần thứ tư

Ngày 10-8-1917, viên chánh tổng, một người chống đối hàng giáo sĩ ra lệnh 3 em tới để tra hỏi, nhưng không có kết quả. Ngày 13-8, ông ta nhốt 3 em vì làm rối loạn trật tự công cộng và tiếp tục tra hỏi, nhưng hoài công. Rốt cuộc, ngày 15-8, ông ta phải thả 3 em ra.

Tuy nhiên, ngày 13-8, có khoảng 18.000 người tới bãi chờ xem sự lạ, nhưng 3 em vắng mặt vì cờn bị nhốt. Chúa Nhật 19-8, khi 3 em dẫn đàn cừu tới thả ở bãi Cova de iria, Đức Mẹ lại hiện ra với 3 em, yêu cầu các em nói với mọi người cầu nguyện cho những người tội lỗi mau thống hối và hứa sẽ làm 1 phép lạ cho mọi người tin.

e. Đức Mẹ hiện ra lần thứ năm

Ngày 13-9, có khoảng 30.000 người tụ họp tại bãi Cova de iria, cầu nguyện cùng với 3 em. Đức Mẹ lại hiện ra với 3 em và cho biết tháng sau, sẽ có Chúa, Đức Mẹ núi Carmêlô, thánh Giuse và Chúa Hài đồng Giêsu sẽ cùng tới.

f. Đức Mẹ hiện ra lần thứ sáu

Đây là bản sao chụp 1 trang của báo Ilustração Portugueza ngày 29-10-1917 cho thấy đám đông dân chúng đang ngẩng nhìn Phép lạ Mặt trời, khi Đức Mẹ hiện ra ở Fatima.

Ngày 13-10-1917, mưa như trút nước trên bãi Cova da Iria. Một đám đông khoảng 70.000 người kể cả nhiều phóng viên chụp hình và các ký giả tụ tập tại đây lần chuỗi, đọc kinh cầu nguyện. Lúc giữa trưa, Đức Mẹ hiện ra với 3 em và tỏ cho các em biết, Bà chính là Đức Nữ Trinh Maria, Mẹ Rất Thánh Mân Côi. Đức Mẹ mời gọi các em cầu nguyện, làm việc đền tạ và tiếp tục lần chuỗi mỗi ngày. Đức Mẹ cũng muốn người ta phải xây một nhà nguyện dâng kính Đức Mẹ tại đây. Đức Mẹ nhắc nhở thế giới, đừng xúc phạm đến Chúa nữa, Người đã bị xúc phạm quá nhiều.Đức Mẹ cũng loan báo thế chiến thứ nhất sẽ sớm chấm dứt và yêu cầu những kẻ có tội hãy mau sám hối. Khi Đức Mẹ về trời thì mưa ngưng rơi, mặt trời xuất hiện trên bầu trời xanh biếc. Đám đông đã có thể nhìn thẳng vào mặt trời và thấy mặt trời nhảy múa, tung ra các chùm tia sáng nhiều màu. Mặt trời dường như xuống thấp gần trái đất, khiến đám đông sợ hãi. Việc lạ xảy ra trong 10 phút, sau đó mọi sự trở lại bình thường. Hiện tượng này được hầu hết đám đông chứng kiến, và một số người ở cách đó mấy dặm cũng nhìn thấy.

Trong thời gian này, các nhà khoa học trên thế giới không hề ghi nhận 1 hiện tượng khác thường nào của mặt trời.

Trong khi đó, riêng 3 em nhìn thấy Thánh Gia, rồi Đức Mẹ Sầu Bi, Chúa Hài Đồng Giêsu và sau hết là Đức Mẹ núi Carmêlô lần lượt xuất hiện như đã hứa trước với 3 em.

Phanxicô và Giaxinta chết sớm trong đợt dịch cúm Tây ban nha. Phanxicô chết năm 1919. Jancinta chết năm 1920. Cả 2 em đã được thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II nâng lên hàng đáng kính vào ngày 13-5-1989, được phong Chân Phước vào ngày 13-5-2000 và ĐTC Phanxicô phong thánh vào ngày 13.5.2017. Mộ của 2 thánh hiện nằm trong lòng Vương cung thánh đường Fatima. Còn Lucia vào tu viện dòng Dorothea ở Pontevedra (Galicia, Tây ban nha) ngày 24-10-1925, sau đó khấn lần đầu ở Tuy (Tây ban nha) năm 1928. Năm 1925 và 1929, Lucia lại được Đức Mẹ hiện ra với mình. Tháng 10-1934, Lucia khấn trọn và lấy tu danh là nữ tu Đức Mẹ Maria Sầu Bi.

Sau nhiều năm điều tra, Đức Giám Mục Da Silva, cai quản Giáo phận Leiria, trong thư mục vụ ngày 13.10.1930 đã công nhận sự kiện Đức Mẹ hiện ra với 3 em ở Fatima và chính thức cho phép việc tôn sùng Đức Mẹ Fatima. Theo lệnh hàng giáo phẩm, Lucia đã viết các hồi ký về sự kiện trên gồm 4 bản: 1 bản năm 1935, 1 bản năm 1937, 1 bản năm 1941 và 1 bản đầu năm 1942. (wikipedia).
Năm 1946, nhân kỷ niệm 300 năm ngày dâng nước Bồ Đào Nha cho Đức Trinh Nữ Maria, vị sứ thần tờa thánh Vatican là Hồng Y Masella đã đội (vương miện) triều thiên lên tượng Đức Mẹ Fatima, với sự tham gia chứng kiến của khoảng 600.000 tín hữu hành hương. Vương miện này do các phụ nữ Bồ Đào Nha cung hiến để cảm tạ Đức Mẹ đã gìn giữ Bồ Đào Nha trong cuộc thế chiến thứ nhất.
Từ năm 1948, Lucia vào tu trong đan viện dòng kín Carmêlô ở Coimbra (Bồ Đào Nha), dưới tên nữ tu Lucia Trái Tim Vô nhiễm nguyên tội. Lucia qua đời ngày 14-2-2005 ở tuổi 97. Thánh lễ an táng được cử hành vào ngày 16-2-2005 tại Vương cung thánh đường Coimra. Sau khi Lucia qua đời, đức Hồng Y Joseph Ratzinger, Bộ Giáo Lý Đức Tin (sau này là Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI) cho niêm phong phòng của Lucia, có lẽ để điều tra trong tiến trình phong thánh cho Lucia.

3. Nhà Thờ Chúa Ba Ngôi Cực Thánh

Đồng cỏ Cova da Iria ngày xưa nay trở thành quảng trường có tên Santuario. Đến Trung tâm mục vụ Centro Pastoral Paul VI với những lối đi bên hông. Trung tâm này cũng là ngôi Nhà thờ rất lớn có tên là Most Holy Trinity Church (tiếng Bồ Đào Nha là: Santissima Trindade). Có khi người ta gọi đây là Most Holy Trinity Church khi thì Paul VI Pastoral Centre.

Nhà thờ được ĐGH Bênêđictô XVI thánh hiến vào năm 2007, với chi phí 80 triệu Euro do khách hành hương dâng cúng. Viên đá đầu tiên được lấy từ mộ thánh Phêrô ở Roma.Trung tâm hay thánh đường là một tờa nhà hình khối trờn đường kính 125m, cao 18m, trần không có cột chống đỡ mà chỉ tựa vào 2 cây đà cực lớn nên trông rất rộng. Nội thất nhà thờ pha trộn kiểu đương đại, phục hưng và trung cổ, được chia làm hai ngăn bởi một bức tường di động cao 2m. Hướng dẫn viên cho biết Nhà thờ có 8,900 chỗ ngồi rộng thoải mái cùng với 76 chỗ cho người khuyết tật; cung thánh đủ chỗ cho100 vị đồng tế.Cửa chính nhìn ra quảng trường là 4 tấm bằng đồng cao 8 mét, mỗi tấm nặng 3,200kg với những hình ảnh kể về công cuộc tạo dựng nên trời đất. Mái cổng vào là những tấm lưới sắt mô tả cảnh thiên thần ca hát mời gọi hãy đến thờ phượng Chúa khi khách hành hương tiến vào nhà thờ. Kiến trúc sư là người Chính thống giáo Hy Lạp nên nhiều kiến trúc chịu ảnh hưởng của nghệ thuật Byzantine và Orthodox. Nhà thờ này có nét kiến trúc hiện đại tương tự như các Nhà thờ mới ở Rotoldo và Lộ Đức.

Nổi bật trên cung thánh là Chúa Giêsu trên cây Thánh giá rất lạ.Nữ điêu khắc gia người Anh không phải là Kitô hữu đã kết hợp ý tưởng văn hóa nhiều châu lục. Khuôn mặt Chúa Giêsu mang dáng vẻ Á Châu, đôi tay dáng Châu Mỹ, đôi chân dáng Châu Phi, gót chân dáng Châu Đại Dương và thân mình dáng Châu Âu. Bên trái bàn thờ có tượng Đức Mẹ Fatima màu trắng thanh thoát. Nổi bật trên bức phong cung thánh rộng 50m cao 10m bằng gạch terracota màu vàng kim phía sau Thánh giá là Con Chiên Thiên Đàng, hai bên với bức tranh nghệ thuật mosaic mạ vàng. Bên trái Đức Maria cùng với Phanxicô và Lucia và đông đảo chư thánh. Bên phải là thánh Gioan Tẩy Giả cùng với 12 Tông Đồ.

Trung tâm Mục vụ Phaolô VI được Đức Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II khánh thành ngày 13-05-1982. Đây là trung tâm nghiên cứu và suy tư về Sứ điệp Fatima. Trung tâm có sức chứa 2.000 người và cho 400 khách hành hương trọ, và cũng có nhiều văn phờng mục vụ, nhiều nhà nguyện nhỏ, nhiều phờng giải tội và bảo tàng bên trong.Từ Trung tâm Mục vụ này, người ta kẻ một đường sơn đặc biệt rộng khoảng gần 1 mét kéo dài cho tới Nhà nguyện và lễ đài ngoài trời dài khoảng 500 mét dùng để cho khách hành hương đi bằng đầu gối cầu nguyện và sám hối. Phía bên trái trung tâm này là cây Thánh giá nghệ thuật được dựng nên kỷ niệm kết thúc Năm thánh 1951.

Cửa chính của Trung tâm mục vụ Phaolô VI hay Nhà thờ Chúa Ba Ngôi nằm thẳng đường với mặt tiền Vương cung Thánh đường Mân Côi tạo thành một tổng thể kiến trúc rộng và hài Hòa. Hai bên là những hàng cây lá xanh đậm tạo nên bức tường làm cho quảng trường thánh địa trở thành một khu vực biệt lập nhưng lại có thể dễ dàng ra vào ở mọi hướng. Hai bên quảng trường cũng có nhiều tượng các thánh, nhiều kiến trúc với những di tích và kỷ niệm các biến cố xã hội tôn giáo.

4. Nguyện đường Hiện ra

Đây là một gian nhà nhỏ, mái phẳng, trần lộ thiên, hai bên bằng kính trắng, có nhiều cửa ra vào rộng rãi. Nhà nguyện rất đơn sơ không có khung cảnh đồ sộ hay mang nét huyền bí, nhưng đây lại là địa chỉ thật linh thiêng vì là nơi Đức Mẹ đã hiện ra với 3 trẻ vào năm 1917.

Năm 1919, một nguyện đường nhỏ đã được xây tại đây. Đến ngày 13-10-1921, thánh lễ đầu tiên được cử hành tại nhà nguyện này. Đã có nhiều lần tu bổ, nhưng nguyện đường vẫn giữ hình dáng cũ cho đến ngày nay. Giữa nhà nguyện có bệ cao khoảng 1 mét đặt tượng Đức Mẹ Fatima đầu đội triều thiên bằng vàng nặng 1,2 kg, gắn 313 viên ngọc trai và 2.679 viên đá quý. Sau này, Đức Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II đã gắn viên đạn đồng bắn vào ngài lên trên vương miện Đức Mẹ. Nguyện đường Hiện ra mở cửa suốt ngày đêm, chẳng thấy có an ninh canh gác, nhưng không một ai đến phá hoại hay trộm cắp những vật quý trên vương miện.

Bên trái nhà nguyện là những dãy nhà dành cho người hành hương đốt nến kính Đức Mẹ. Sát bên phải nhà nguyện có cây sồi xanh với tên gọi là Large “Azinheira” sống trên 100 năm. Cây dáng cổ thụ lá xanh thẫm. Chính ba trẻ chăn chiên đã nói rằng, trên cây này vào ngày 13-5-1917, các em thấy tia chớp sấm sét thứ hai xảy ra và sau đó Đức Mẹ hiện ra. Và cũng chính dưới tàn cây này mà ba trẻ cùng cầu nguyện với những người đi theo các em trong khi chờ Đức Mẹ hiện ra. Cây sồi này là cây duy nhất cờn lại. Năm 2007, Bộ Tài nguyên Lâm sản Bồ Đào Nha đã xếp cây này vào loại “cây có giá trị công ích”.Gần lối vào Đền Thánh phía nhà xứ là Đài tưởng niệm Bức tường Bá linh, chứa đựng 5,7323 pound mảnh tường Bá linh do một người di cư ở Bồ Đào Nha đến Đức sau khi Bức tường này bị sụp đổ vào năm 1989. Ông dâng kính mảnh tường này như là một sự tưởng niệm việc Thiên Chúa can thiệp như Đức Mẹ Fatima đã hứa.

5. Vương cung Thánh Đường Mân Côi

Ba trẻ chăn chiên kể lại, Đức Mẹ hiện ra đã nói với các em : “Ta muốn xây nơi đây một nguyện đường để kính Ta, vì Ta là Đức Mẹ Mân Côi”. Vì vậy, thánh đường này cờn được gọi là “Basilica of Our Lady of Rosary”. Kiến trúc sư Hòa Lan Gerardus van Krieken vẽ bản nháp và Kiến trúc sư Joao Antunes đã hoàn tất.

Ngày 13-5-1928, Đức Tổng giám mục Manuel Santos làm phép đặt viên đá đầu tiên. Nhà thờ được thánh hiến vào tháng 10 năm 1953. Năm 1954, Đức Giáo Hoàng Piô XII nâng lên hàng vương cung thánh đường.

Nhà thờ có nét kiến trúc tân cổ điển với một ngọn tháp trung tâm cao 65m. Mặt tiền có tượng Đức Mẹ Fatima cao 4,73m nặng 13.000kg nằm ở phần lõm mặt tiền Nhà thờ trên lối vào chính. Một linh mục Dờng Đaminh người Mỹ là Thomas Mc Glynn đã dành nhiều thời giờ nói chuyện với thị nhân là Sr Lucia khi Sr diễn tả cho ngài từng chi tiết Đức Maria đã nhìn như thế nào lúc Mẹ hiện ra. Bức tượng là tác phẩm hợp tác giữa thị nhân và nhà điêu khắc để miêu tả chính xác nhất Đức Mẹ Fatima. Bức tượng này là món quà của người Công Giáo Hoa kỳ gửi đến Đền thánh Fatima năm 1958.
Nhà thờ có chiều dài 70,5m, rộng 37m. Trên tháp chuông là một vương miện bằng đồng nặng 7.000kg bên trên đặt cây thánh giá có chất lân tinh ban đêm có thể thấy từ xa. Bộ chuông gồm 62 cái và chuông lớn nhất nặng 3.000kg, quả chuông nặng 90kg.

Mặt tiền hai bên có đến 200 cột nối liền với các Tu viện và các tờa nhà của bệnh viện. Trên các cột trụ có tượng 17 vị thánh. Những hàng cột tạo thành một vờng cung ôm trọn một bề ngang của quảng trường. Ở ngoài hành lang bên trái có vườn cỏ dựng hai bức tượng thạch cao của hai trẻ đang cầm tràng chuỗi là Phanxicô và Giacinta. Giữa hành lang và cổng chính của nhà thờ là một lễ đài có mái che dùng để cử hành thánh lễ ngoài trời giống như ở quảng trường Thánh Phêrô.

Bên trong Nhà thờ gồm một gian chính, hai gian ngang. Cung thánh được ngăn cách bởi một bao lơn rước lễ ngày xưa. Phía bên trái có tượng Đức Mẹ Fatima Thánh Du, được Giám mục của Leiria đặt làm giống hình ảnh Đức Mẹ mà Lucia mô tả và được Tổng Giám mục Evora làm phép trọng thể vào ngày 13-5-1947, và sau đó tượng được rước đi khắp thế giới trong đó có Miền Nam Việt Nam. Bức tượng này, sau khi thánh du mọi nơi, đến năm 2003 đã được đem về đặt trên một bệ đá bên trái bàn thờ chính.

Phía trước cung thánh, phía cánh ngang bên phải là mộ của Phanxicô chết năm 1919. Cũng như người em gái, thi hài Phanxicô được chôn ở nghĩa trang giáo xứ Fatima. Năm 1952, di hài hai em được cải táng và đem về chôn trong Nhà thờ. Phía bên trái có phần mộ của Lucia và Giaxinta. Giaxinta chết năm 1920 lúc mới 9 tuổi. Lucia chết ngày 13-2-2005, an nghĩ tại tu viện Carmêlô ở Coimbra, sau đó được cải táng và đem về chôn bên cạnh người em họ của mình vào ngày 19-2-2006.

Gần bàn thờ, có mộ Đức Cha José Alves Correia da Silva, Giám Mục tiên khởi của Giáo phận Leiria. Chính ngài đã mở cuộc điều tra và đến năm 1930 tuyên bố sự kiện Fatima là “đáng tin” và cho phép việc tôn sùng.

Có 15 bàn thờ dâng kính 15 mầu nhiệm Kinh Mân Côi. 14 bàn thờ nhỏ nằm hai bên hông của gian chính, mỗi bàn thờ có một bức phù điêu bằng đồng mô tả 14 mầu nhiệm của Chuỗi Mân Côi. Mầu nhiệm thứ 15 là một bức hình đắp nổi cao bằng đá Chúa Ba Ngôi đội vương miện cho Đức Mẹ nằm trên vờm của bàn thờ chính, do Maximiano Alves và Stella Albuquerque thực hiện, nặng 65.000kg.
Một cây đàn đại phong cầm được thiết kế vào năm 1952 với 12 ngàn ống ở trên cao phía sau mặt tiền Nhà thờ. Bốn tượng của 4 vị đại Tông đồ cổ võ Kinh Mân Côi và lờng sùng kính Đức Maria được đặt ở 4 góc Đền thờ. Đó là Thánh Antôn Maria Claret, Thánh Đaminh, Thánh Gioan Eudes và Thánh Stêphanô vua nước Hunggary.

Và còn rất nhiều tác phẩm đủ loại do nhiều nghệ nhân thực thiện để làm cho vương cung thánh đường thêm uy nghi. Đó là những kỷ vật có thể do một giáo xứ hay một cộng đồng địa phương hay ngoại quốc dâng tặng để kính Đức Mẹ.

6. Sứ điệp Fatima.

Ngày xưa, Fatima là một khu vực hoang vu. Làng Fatima là một thôn nghèo. Nét hoang vu và nghèo nàn ngày xưa đó như còn phảng phất nơi những hoa cỏ nội đồng, những bụi lau, cây sậy… Tuy nhiên, bên cạnh chút hương đồng gió nội của thời xa xưa ấy là những khách sạn, những nhà dòng, những nhà nghỉ, những nhà tĩnh tâm dành cho khách hành hương….và vô vàn của hiệu bán các tranh, ảnh tượng thánh và đồ lưu niệm. Trung tâm Fatima chính là Vương cung Thánh đường kính dâng Mẹ với quảng trường rộng mênh mông.

Nhìn từ Vương cung thánh đường: bên phải chính là nhà nguyện Đức Mẹ hiện ra,nơi đây con cái Mẹ Lần Chuỗi và Chầu Thánh Thể suốt ngày đêm; bên trái là Bảo Tàng Viện, nơi lưu giữ tất cả những kỷ vật dâng kính Mẹ Fatima từ khắp nơi trên thế giới, mà đặc biệt nhất là triều thiên Đức Mẹ Fatima có gắn đầu đạn mà Ali Aca đã ám sát Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ngày 13.05.1981 (điều lạ lùng là triều thiên được làm từ năm 1957, nhưng khi Đức Thánh Cha tặng cho trung tâm Fatima đầu đạn này để gắn vào triều thiên của Đức Mẹ như 1 lời tạ ơn… thì ngay chính giữa triều thiên đã có sẵn 1 lỗ vừa khớp với đầu đạn… như thể là Mẹ đã chuẩn bị trước, giống như trong “Bí Mật thứ 3” được chị Lucia ghi lại và được Giáo Hội cho công bố năm 2000); bên cạnh của Bảo Tàng Viện là một phần nhỏ của Bức Tường Ô Nhục Bá Linh do cộng sản Đông Đức dựng lên năm 1961 để ngăn những người trốn chủ nghĩa cộng sản từ Đông Đức qua Tây Đức, bức tường này bị phá huỷ vào năm 1989 đánh dấu sự cáo chung của chủ nghĩa cộng sản tại Châu Âu, và biến cố này được coi như có sự can thiệp của Mẹ Maria, vì từ năm 1917, Đức Mẹ đã kêu gọi “cầu nguyện cho Nước Nga trở lại”; phía trước của quảng trường mênh mông là “Nhà Thờ hầm” thật hùng vĩ và hiện đại khánh thành năm 2007 để dành cho những dịp hành hương vào Mùa Đông, trong quần thể này có nhiều văn phòng mục vụ, nhiều nhà nguyện nhỏ, nhiều phòng giải tội và bảo tàng…

Những ngày hành hương, tham quan và cầu nguyện, gợi lên trong tôi những suy nghĩ về Sứ điệp Fatima.

a. Hòa bình

Đức Mẹ Maria hiện ra với ba trẻ chăn chiên với mục đích là mang sứ điệp Hòa bình chân chính đến cho nhân loại. Ăn năn đền tội và cầu nguyện là điều kiện để bảo đảm cho nền Hòa bình thế giới và sự bình an của mỗi tâm hồn.

Bên cạnh Vương cung Thánh đường, có một mảng lớn của bức tường Bá linh.Người ta gọi đó là “bức tường ô nhục” vì nó được xây nên để phân cách nước Đức,chia ra thành Đông Đức và Tây Đức, làm cho anh em một nhà phải xa nhau. Bức tường ấy đã bị phá đổ và một mảng tường lớn có chiều dài chừng7m, chiều rộng chừng 2,2m được đưa về đây, như một lời tạ ơn Đức Mẹ và như lời mời gọi, hãy phá bỏ những hàng rào ngăn cách giữa các dân tộc, các quốc gia, xây dựng và củng cố nền Hòa bình đích thực.

Tháng 10 năm 1930, Ðức Cha Dom José Alves Correia, Giám Mục giáo phận Leiria, công nhận biến cố Mẹ hiện ra tại Fatima, và ban phép sùng kính Mẹ Fatima.Thôn làng nhỏ bé Fatima đã trở nên trung tâm hành hương thế giới. Khách thập phương tề tựu về bên Mẹ cầu khẩn, tạ ơn, xin ơn. Fatima trở thành động lực thúc đẩy mọi người hưởng ứng lời Mẹ nhắn nhủ: cầu nguyện và hy sinh cho tội nhân được ơn trở lại, nhất là nguyện cầu cho thế giới được Hòa bình.

Sứ điệp Hòa bình của Fatima rất Hòa hợp với sứ điệp hòa bình của Phúc Âm. Hòa bình thật khẩn thiết và quan trọng biết bao cho cuộc sống nhân loại! Mọi người đều mong muốn hòa bình, khát khao được sống trong hòa bình. Mẹ Maria ban cho nhân loại một nền hòa bình chân chính và bền vững. Muốn được hưởng nền Hòa bình đích thực ấy, nhân loại cần phải thực hiện những điều kiện hữu lý và hoàn toàn khả thi mà Đức Mẹ đưa ra, đó là:- Sám hối ăn năn và cải thiện đời sống. Xưng tội rước lễ các ngày Thứ Bảy đầu tháng - Siêng năng cầu nguyện, hy sinh hãm mình đền tội và lần Chuỗi Mân Côi - Tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria.

b. Lần hạt Mân Côi và hãm mình đền tội.

Ngay lần đầu tiên khi hiện ra với ba em ngày 13.5.1917, Đức Mẹ đã xin ba em: “Các con hãy cầu nguyện kinh Mân Côi mỗi ngày để xin hòa bình cho thế giới và chấm dứt chiến tranh”. Sứ điệp này Đức Mẹ còn nhắc lại nhiều lần khi hiện ra với các em sau này.

Khi hiện ra lần thứ ba, ngày 13.7.1917, Đức Mẹ cũng lặp lại sứ điệp trên và cho ba em được thấy thị kiến hỏa ngục. Chị Lucia kể lại như sau:"Ta muốn con đến đây ngày 13 tháng sau, và tiếp tục đọc kinh Mân Côi tôn kính Đức Bà Mân Côi để xin hòa bình cho thế giới và cho chiến tranh chấm dứt”. “Đức Mẹ cho chúng tôi thấy một biển lửa rất lớn, hình như ở dưới lòng đất. Ngập lặn trong biển lửa đó là ma qủi và các linh hồn, như thể những cục than trong như phalê mầu đen hoặc vàng cháy giống hình người, bị đẩy lên đẩy xuống trong đám cháy, phát ra những tia lửa và đám khói, rơi xuống tứ tung như những tàn lửa trong một đám cháy lớn, không trọng lượng, không cân bằng, giữa những tiếng la hét thất thanh, đau đớn và tuyệt vọng, làm kinh tởm và run sợ vì khiếp đảm. Lũ quỉ có thể nhận ra được vì những hình thù ghê tởm làm nôn mửa của thú vật gây khiếp đảm và chưa hề thấy, nhưng trong như pha lê và đen. Thị kiến này chỉ xảy ra trong giây phút và nhờ Đức Mẹ đã hứa trước là sẽ đưa chúng tôi lên Trời, nếu không chắc chúng tôi sẽ chết vì khiếp đảm và sợ sệt.Sau đó, chúng tôi nhìn lên Đức Mẹ; với vẻ mặt nhân từ và buồn sầu, Người nói với chúng tôi: Các con đã thấy hỏa ngục nơi nhiều linh hồn các kẻ có tội đã rơi xuống. Để cứu vớt họ, Thiên Chúa muốn thiết lập trên thế giới lòng sùng kính Trái Tim Vẹn Sạch Mẹ. Nếu họ làm những gì Mẹ nói, nhiều linh hồn sẽ được cứu rỗi và sẽ có hòa bình…”

“Chúng tôi nhìn thấy về phía trái Đức Mẹ, hơi xếch lên trên có một Thiên Thần, tay trái cầm ngọn giáo lấp lánh phát ra những ngọn lửa như muốn thiêu đốt thế giới, nhưng tắt ngấm khi tiếp xúc với ánh hào quang phát ra từ tay phải của Đức Mẹ chỉ về phía Thiên Thần. Tay phải của Thiên Thần chỉ mặt đất và nói với giọng rất lớn: Hãm mình đền tội, Hãm mình đền tội, Hãm mình đền tội!” (Trong thị kiến này, chị Lucia nói đến Vị Giám mục mặc áo trắng mà chị nghĩ là Đức Thánh Cha, nhiều giám mục, linh mục, tu sĩ leo lên ngọn núi cao, dốc mà trên đỉnh có cây Thánh Giá lớn…)

Để cứu linh hồn các kẻ có tội khỏi sa hỏa ngục và để giải quyết vấn đề lớn lao của thế giới là chiến tranh,Đức Mẹ đã xin: lần hạt Mân Côi và hãm mình đền tội. (x.Thư mục vụ tháng 5/2017, ĐGM Giáo Phận Xuân Lộc).

Những vấn đề của thế giới ngày nay trên căn bản cũng không khác bao nhiêu những vấn đề của thế giới vào thời gian Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, có khác chăng là khác về tính cách nghiêm trọng và cường độ của các vấn đề. Đứng trước những vấn đề lớn lao như chiến tranh, bất công, áp bức, tự do tôn giáo, tục hóa, vô thần..., người ta có thể hỏi: “Lần hạt Mân Côi và hảm mình đền tội có nghĩa gì? Có ích gì?”.

- Trước tiên, sứ điệp Fatima, khi kêu gọi cầu nguyện, ăn năn trở lại, hy sinh hãm mình, không chối bỏ sự quan trọng của những công việc trong lãnh vực văn hóa, chính trị, xã hội, ngoại giao, khoa học… Tuy nhiên, nếu muốn đi tới tận nguồn căn nguyên của các vấn đề thì phải đi vào lòng người, bị thoái hóa vì tội lỗi. Tin Mừng Thánh Marcô thuật lại câu chuyện người bất toại được bốn người khênh đến xin Chúa chữa lành bệnh. Tuy nhiên, trước khi chữa bệnh bất toại, Chúa đã nói một câu bất ngờ mà họ không nghĩ đến, nhưng lại là căn nguyên của cơn bệnh: “Này con, tội con đã được tha” (Mc 2,5). Chỉ có Chúa mới giải thoát con người khỏi tội lỗi; chỉ có ơn thánh của Chúa mới có khả năng cải hóa và thay đổi lòng người là nguồn gốc của các chương trình, dự án, hành động…
- Tình liên đới đại đồng: trong thế giới đầy dẫy những dấu hiệu của sự chết, của sự dữ, nhất là hận thù, căm hờn, ích kỷ, tư lợi, dục vọng đang gây ra biết bao tội ác, cần phải làm tăng thêm những dấu hiệu của sự thiện, của tình thương trong thế giới phủ đầy bóng tối của sự chết, sự dữ, nhất là sự hận thù, căm hờn, ích kỷ, tư lợi, dục vọng đang gây ra biết bao tội ác, càng cần được thắp lên ánh sáng của sự thật, sự thiện, công lý và tình thương. Mỗi cử chỉ, hành động của tình yêu được lan toả ra khắp nơi, làm tăng thêm sức mạnh của sự thiện. Tình yêu trong đau khổ là một sức mạnh có khả năng thấm vào lòng và biến đổi con người, gây lên một bầu khí mới.
- Đền bù tội lỗi phá hủy các thụ tạo là công trình của Chúa và có khi còn xúc phạm trực tiếp đến Chúa.

7. Kết luận

Sự kiện Fatima đã qua đi trọn vẹn trong năm 1917, cách đây đúng 100 năm. Sứ điệp Fatima như lời mời gọi của Đức Mẹ bùng lên mãnh liệt khắp mọi miền trên thế giới. Sứ điệp Fatima, với lời kêu mời khẩn thiết để hoán cải và đền tội đã lôi kéo con người tới trọng tâm của Tin Mừng. Fatima chắc chắn là cuộc hiện ra mang tính chất tiên tri nhất trong thời hiện đại. Mẹ Fatima là Mẹ Mân Côi. Mân Côi chính là hoa hồng. Mân Côi là bông hồng đẹp, viên ngọc quí. Bằng chuỗi Mân Côi, Hội Thánh trở thành một vườn hồng mênh mông, hương thơm sắc đẹp, dâng lên Mẹ hiền. Bằng cuộc sống hàng ngày, mỗi kitô hữu kết dệt nên những bông hoa thiêng liêng dâng kính Mẹ. Với ơn Mẹ, cuộc sống mọi người sẽ toả hương khoe sắc nhân đức và mang đến cho đời Hòa bình và bình an. Xin Mẹ chúc lành cho đời sống chúng con.
 
Hãy Tin Tưởng Vào Chúa
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
10:07 09/05/2017
Hãy Tin Tưởng Vào Chúa

Suy niệm Chúa Nhật V Phục Sinh năm - A

( Ga 14, 1-12 )

Theo nguồn tin của Tổ Chức Khí Tượng Thế Giới (WMO: World Meteorological Organization) nói hôm Thứ Năm (27/01/2011). Các lớp băng ở Bắc Cực tan thêm và bởi thời tiết cực đoan khiến trái đất này đang nóng dần lên. Có một số khác lại cho rằng trái đất đang lạnh đi, ngày 06/01/2014 cơn bão Hercules đi qua khu vực phía bắc Mỹ khiến nhiệt độ nơi này xuống thấp kỷ lục trong vòng 20 năm -31 độ C ở Chicago, thậm chí đến - 60 độ C tại một số thành phố làm 13 người chết, gần 3.000 chuyến bay bị hủy. Ngày 7/1, 50 bang nước Mỹ đều có nhiệt độ dưới 0 độ C vào một thời điểm. Ngay tại Sapa, Việt Nam có tuyết phủ nhiều ngày.

Số khác trung dung hơn, cho rằng nhiệt độ Trái đất đang thay đổi nóng lạnh, đột ngột bất thường, từ mức lạnh gần như thấp nhất chuyển sang mức nóng đỉnh điểm chưa từng thấy trong lịch sử suốt gần 100 năm qua.

Tóm lại, sự sống trên mặt đất của con người và mọi sinh vật đang bị đe dọa, và người ta đi tìm một hành tinh xanh khác dễ sống hơn.

Về phương diện con người, nạn phá thai đã lến tới mức báo động chưa từng thấy trong lịch sử loài người. Mỗi năm chỉ riêng Việt Nam đã có gần 3 triệu ca phá thai. Có nghĩa là mỗi ngày có khoảng 8 ngàn ca phá thai. Thứ nhất Sài Gòn, kế đến là Hà Nội, Huế, Cần Thơ... Duy trì sự sống là một yếu tố căn bản cho sự tồn tại của một dân tộc, ấy vậy mà họ đang tiêu hủy sự sống con người.

Con người đã dùng vũ khí sinh học giết người hàng loạt để hủy diệt nhau. Có những chuyện chưa từng nghe thì nay đã thấy, như "Bất hiếu với cha mẹ nơi cửa tử bệnh viện" gây nỗi xót xa, tức giận trong cộng đồng, nghĩa là mẹ ốm có thể chữa được, 8 người con cãi nhau rồi quyết định mang mẹ về chờ chết. Hay cả năm người con đồng ý với án tử hình bố. Một vài dẫn chứng cụ thể trên cho thấy Trái đất này, con người ngay nay thật khó sống và khó yêu.

Những ngày hè thật là nóng, phiến quân IS đã làm thế giới lo sợ, nay cộng thêm khủng hoảng quan hệ Liên - Triều, khiến người ta lo âu về chiến tranh thế giới có thể xảy ra.

Trái đất và con người đang như thế, lời Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng : "Lòng các con đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy " (Ga 14, 1). Tại sao Chúa Giêsu nói những lời ấy? Thưa là vì trước sự ra đi sắp đến của Người đã làm cho các môn đệ cảm thấy bất an. Các ông lo cho chính mình, sợ bị bỏ rơi, phải sống cô đơn, và bằng một lời hứa Chúa Giêsu nâng đỡ các ông : " Thầy đi để dọn chỗ cho các con " (Ga 14, 2), và sau đó " Thầy sẽ trở lại đem các con đi với Thầy, để Thầy ở đâu thì các con cũng ở đó " (Gn 14,2-3). Qua thánh Tôma, các tông đồ đáp lại lời trấn an của Chúa Giêsu như sau: ": " Lạy Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết đường đi? " (Ga 14, 5). Nhân định nầy rất đúng, và Chúa Giêsu đã không tránh né câu hỏi đi kèm theo đó. Câu trả lời của Chúa Giêsu qua bao thế kỷ vẫn còn giá trị như là ánh sáng rõ ràng cho bao thế hệ tiếp đến: "" Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy "(Ga 14, 6).

"Chỗ" mà Chúa Giêsu ra đi để chuẩn bị, là ở nơi "nhà Cha"; ở đó, người môn đệ sẽ có thể được sống đời đời với Thầy mình, và tham dự vào niềm vui của Người. Tuy nhiên, để đạt đến mục tiêu nầy, thì chỉ có một đường mà thôi: đó là Chúa Kitô, là Ðấng mà người môn đệ phải từ từ đồng hóa chính mình theo đó. Sự thánh thiện thật sự hệ tại ở điểm nầy: đó là không phải người Kitô sống, nhưng Chúa Kitô sống trong người đó (x. Gal 2,20). Ðây là đích điểm cao cả, được đi kèm với một lời hứa cũng hết sức khích lệ: " Ai tin vào Thầy, người ấy sẽ làm những việc Thầy đã làm. Người ấy còn làm được những việc lớn lao hơn, vì Thầy về với Cha"(Ga 14,12).

Chúng ta lắng nghe những lời trên của Chúa Giêsu: " Lòng các con đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy..." Thử hỏi, cuộc sống của chúng ta sẽ ra như thế nào, nếu vô thần, nếu người kitô hữu không thực hành và liên lỉ sống đức tin, được củng cố bởi Ðức Cậy hướng về Trời Cao, nơi con người có thể gặp Chúa Kitô? "Thầy đi để dọn chỗ cho các con … để Thầy ở đâu thì các con cũng ở đó " (Ga 14, 2).

Vậy, đừng xao xuyến lo âu vì những bất ổn của địa cầu, của tình anh em hữu nghị đổi thay, hay lòng người thay lòng đổi dạ. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Chúa Đức Giêsu Kitô. Hãy phó thác hoàn toàn cho Chúa, như trẻ nhỏ trong vòng tay của nguời Mẹ. Vì thế giới này là tạm bợ, con người là thay đổi, không phải là chổ nương thân. Chỉ trong Thiên Chúa chúng ta mới tìm được nguồn vui tột đỉnh của tâm hồn. Ước chi lời khuyên của Chúa Giêsu hôm nay thấm nhập vào trong tâm trí chúng ta, như là nguồn mạch của hòa bình, sự thanh thản và niềm an vui. Nếu Chúa Giêsu Kitô là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống, chúng ta còn lo sợ hãi gì? Tại sao không tin tưởng vào Thiên Chúa, là Cha Đức Giêsu, Cha chúng ta và tin vào Đức Giêsu, Chúa chúng ta?

Còn hạnh phúc nào hơn khi có Thiên Chúa là sức mạnh thiêng liêng giúp chúng ta không bị gục ngã dưới sức nặng của khổ nhọc, của tuyệt vọng và buồn phiền...

Xin Mẹ Maria giúp chúng ta chăm chú nhìn lên Thiên Chúa Cha. Xin Mẹ hãy nắm tay hướng dẫn và thôi thúc chúng ta luôn vững tin vào Chúa như Mẹ. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:42 09/05/2017
55. NƯỚC TIỂU RA RƯỢU
Ở Sở Khâu có một học trò, rất thích đồ cổ.
Ngày nọ, nhặt được một đồ cổ hình dáng như con ngựa, anh ta đi hỏi người ta coi đây là vật gì, nhưng họ đều không biết, chỉ có một người nói:
- “Cái này đại khái là đồ đựng rượu hình dáng con ngựa đó mà !”
Anh học trò rất vui mừng, bèn làm một cái hòm quý giá bỏ nó vào trong, mỗi khi khoản đãi khách thì lấy ra dùng để rót rượu.
Có người nọ nhìn thấy thì kinh ngạc nói:
- “Tại sao anh lại có thể lấy đồ đựng nước tiểu để tiếp đãi khách ? Nó chính là cái “súc tử” mà các phi tần trong cung đình đều nói tới đó !
Anh học trò quá xấu hổ, đem cái đồ vật cổ ấy quăng đi rất xa rất xa.
(Cửu Môn Tử Ngưng Đạo ký)

Suy tư 55:
Có người nói ở đời đáng sợ nhất là người có lòng dạ thâm độc, bởi vì những người như thế thì như loài rắn độc luồn lách để cắn người ta, nhưng theo tôi thì có một loại người đáng sợ hơn nữa, đó là những người không biết thẹn, không biết xấu hổ.
Người ngay chính thật thà làm một chút gì trái với lương tâm thì mặt mày đỏ bừng vì xấu hổ, làm cái gì cảm thấy bất lợi cho người khác thì cảm thấy thẹn với lương tâm; còn những người không biết thẹn thì vẫn cứ trơ trơ phạm tội, vẫn cứ nhởn nhơ trên đau khổ của người khác do mình gây ra.
Nguyên tổ A-dong và E-va đã biết xấu hổ sau khi phạm tội nên lấy là che thân và như thế có nghĩa là còn có thể chữa được, còn có thể cứu vớt.
Ma quỷ phạm tội nhưng vẫn cứ không biết xấu hổ, lại còn kiêu căng chống nghịch với Thiên Chúa nên bị phạt đời đời trong hoả ngục mà cũng không biết thẹn, như thế là hết thuốc chữa, hết phương cứu vớt cho dù Thiên Chúa rất giàu tình thương.
Người Ki-tô hữu phải tập biết xấu hổ và tập biết thẹn khi phạm tội, dù là tội nặng hay tội nhẹ, để biết mình còn có lương tâm ngay chính, nếu không thì cũng sẽ hết thuốc chữa vậy.
Anh học trọ biết thẹn, nên lập tức đem cái thứ mà mình không biết nên cho là quý giá vứt rất xa rất xa, bởi vì anh ta có một lương tâm trong sáng ngay thẳng.
Thiên Chúa rất thích chúng ta có lương tâm nhứ thế để ban ơn và dạy dỗ chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

---------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
TV Thời sự Giáo hội và Thế giới ngày nay 8/5/2017
VietCatholic Network
15:08 09/05/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây


Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với ĐTC.

2- ĐTC tấn phong 10 linh mục tại Vatican.

3- ĐTC tiếp Đại chủng viện miền Campana.

4- Cuộc họp của ĐTC với với Thủ tướng Aung San Suu Kyi của Myanmar dẫn đến quan hệ ngoại giao.

5- ĐTC kêu gọi hòa bình cho Phi Châu.

6- Vatican phát hành tem thư kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima.

7- ĐTC Phanxicô sẽ tiếp TT Donald Trump tại Vatican vào cuối tháng này.

8- Phong Trào Cursillo Việt Nam Tại Âu Châu Tham Dự Đại Hội Ultreya Thế Giới lần thứ 5 tại Fatima.

9- Một bước tiến lớn trong án phong chân phước cho ĐHY Nguyễn Văn Thuận.

10- ĐTC nhận đơn từ chức của ĐC Nguyễn Văn Trâm.

11- ĐC Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn, Tân GM chính tòa Bà Rịa.

12- Đại Hội mừng Ngân Khánh Đức Mẹ La Vang 2017.

13- Giới thiệu Thánh Ca: Về Đây Với Mẹ.

Sau đây là phần tin chi tiết:

- Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với ĐTC.

Lúc 12 giờ trưa, từ cửa sổ của Dinh Tông Tòa, ĐTC chủ sự buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng và ban phép lành cho mọi người. Trước khi đọc kinh, ĐTC quảng diễn bài Tin Mừng Chúa Nhật Chúa Chiên Lành. ĐTC nói: Trong bài Tin Mừng Chúa Nhật Chúa Chiên Lành hôm nay (Ga 10:1-11), Chúa Giêsu nói với chúng ta hai hình ảnh bổ túc cho nhau. Đó là hình ảnh người mục tử và hình ảnh cửa đàn chiên.

Đàn chiên là tất cả chúng ta. Để bảo vệ đàn chiên thì có một cái cửa có người canh gác. Có nhiều hạng người đến với đàn chiên. Có người đi qua cửa mà vào đàn chiên. Đó là người mục tử. Có kẻ không vào bằng cửa, mà lại đi theo lối khác. Đó là kẻ lạ, là kẻ không yêu mến đàn chiên, nhưng đến vì trục lợi. Chúa Giêsu nói rằng, Chúa chính là mục tử, là người thân thiết với đàn chiên, là người gọi tên từng con chiên và chiên nhận ra tiếng của Người.

Hình ảnh thứ hai là cửa đàn chiên. Chúa Giêsu nói Người chính là cái cửa. Chúa nói: Ta là cửa và ai qua cửa mà vào, thì được cứu rỗi, tìm được sự sống và sống dồi dào. Chúa Kitô là Mục Tử Nhân Lành, là cánh cửa cứu rỗi cho nhân loại, vì Người đã hiến dâng mạng sống mình vì đoàn chiên… Người là vị lãnh đạo mà bạn có thể tin tưởng, giống như những con chiên có thể nhận ra tiếng nói của mục tử, vì con chiên biết rằng, người mục tử sẽ dẫn dắt chiên đến đồng cỏ xanh tươi. Thế nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng có thể dễ nhận ra tiếng nói của người mục tử… vì chúng ta luôn bị chia trí và phân tâm bởi biết bao tiếng nói khác nhau. Hôm nay chúng ta được mời gọi tách mình khỏi những thứ khôn ngoan giả dối của thế gian, để bước theo Chúa Giêsu, Đấng Phục Sinh, Đấng duy nhất hướng dẫn và trao tặng ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta.

Nhân Ngày quốc tế cầu nguyện cho Ơn gọi, đặc biệt là Ơn gọi linh mục, ĐTC cũng kêu gọi mọi người cầu xin Chúa ban cho chúng ta những mục tử nhân lành. Ngài cũng xin Mẹ Maria chuyển cầu cho chúng ta và cùng đồng hành với 10 tân linh mục vừa chịu chức sáng hôm nay. Xin Mẹ Maria nâng đỡ để các cha mới luôn sẵn sàng và quảng đại đi theo tiếng Chúa gọi mời.

Sau khi ban phép lành, ĐTC ngỏ lời chào thăm các tín hữu và du khách hành hương. Cha chào thăm tất cả anh chị em ở Roma và đến từ khắp nơi trên thế giới. Ngày mai chúng ta cầu nguyện với Đức Mẹ Mân Côi của Pompeii. Trong tháng này, chúng ta cầu nguyện với kinh Mân Côi, cách đặc biệt là cầu nguyện cho hòa bình. Hãy nhớ rằng, chúng ta đọc kinh Mân Côi cầu nguyện cho hòa bình, như lời mời gọi của Đức Mẹ Fatima. Sắp tới Cha sẽ đến viếng thăm Fatima nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày Đức Mẹ hiện ra tại đây.

Chúc anh chị em một ngày tốt lành và đừng quên cầu nguyện cho Cha.

- ĐTC tấn phong 10 linh mục tại Vatican.

ĐTC đã tấn phong 10 tân linh mục vào sáng Chúa Nhật thứ tư của Lễ Phục sinh, còn được gọi là "Chúa Nhật Chúa Chiên Lành". Chúa Nhật này cũng là ngày cầu nguyện cho ơn gọi. Trong bài giảng Thánh lễ, ĐTC đề cập đến 3 điểm rất quan trọng liên quan đến chức năng Linh Mục.

Trước hết, ĐTC nhắc nhở rằng, chức năng Linh mục không phải là một "sự nghiệp" theo nghĩa thông thường và không nên được coi như một con đường tiến thân trong Giáo Hội. "Những người này đã được Chúa Giêsu lựa chọn không phải để làm theo đường lối riêng của họ, nhưng để làm linh mục." Tiếp đến, ĐTC nói: "Đừng đưa ra các bài thuyết giảng với những ý tưởng quá cao siêu hay phức tạp". Ngài nói, "Hãy đơn giản như Chúa đã nói, và Ngài đã chiếm được trái tim chúng ta."

ĐTC nói thêm, "Một vị linh mục học nhiều thần học và đã đạt được một hoặc hai hay ba văn bằng cao hơn, nhưng nếu không học cách mang Thánh giá Chúa Kitô, thì là vô ích: Người đó sẽ là một học giả giỏi, một giáo sư giỏi, nhưng không phải là một linh mục. "

ĐTC cũng đã kêu gọi các Linh mục, " Nhân danh Chúa Kitô và Giáo Hội, tôi kêu gọi anh em hãy luôn luôn có lòng thương xót: Đừng áp đặt lên các tín hữu những gánh nặng mà họ không thể gánh nổi (và cũng không nên vác lên chính mình những gánh quá nặng). Chúa Giêsu đã từng khiển trách các Luật sĩ, và từng gọi họ là những kẻ giả hình. "

ĐTC đã kết thúc bài giảng với lời kêu gọi niềm vui. "Hãy vui vẻ, không bao giờ buồn," Ngài nói. "Hãy giữ niềm vui trong tinh thần phục vụ Đấng Kitô, ngay trong sự đau khổ, sự hiểu lầm, và [thậm chí] tội lỗi của chính mình”. “Đã có thí dụ về Người Chăn Chiên trước mắt anh em, Ngài không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ. "

Cuối cùng ĐTC nói, "Đừng trở thành những “ông hoàng” hay “giáo sĩ nhà nước”, nhưng hãy làm người chăn cừu, hãy làm Linh mục của Dân Chúa."

- ĐTC tiếp Đại chủng viện miền Campana, Italia.

ĐTC nhắn nhủ các vị giảng huấn tại Giáo Hoàng chủng viện Campano Di Posillipo, miền nam Italia, huấn luyện các chủng sinh về tương quan tình bạn với Chúa Giêsu và học cách phân định, nhận ra tiếng Chúa.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày mồng 6 tháng 5 năm 2017, dành cho 120 Linh mục và chủng sinh thuộc chủng viện vừa nói. Chủng viện này được thánh Piô 10 thành lập năm 1912 dành cho nhiều giáo phận ở miền nam Italia và hiện là chủng viện duy nhất ở Italia do các cha dòng Tên điều khiển. 22 giáo phận hiện có chủng sinh theo học tại đây.

Trong bài huấn dụ, ĐTC nói với ban giảng huấn rằng: Huấn luyện về linh đạo cho các Linh mục giáo phận theo phương pháp sư phạm Linh Thao của thánh Ignatio là một trách vụ cam go, nhưng đồng thời đầy phấn khởi. Trong chiều hướng này, ngài khuyến khích các vị đặt ở vị trí trung tâm tương quan bản thân của các chủng sinh với Chúa Kitô, được tỏ lộ ưu tiên qua tình yêu thương đối với người nghèo; tiếp đến là giáo dục về sự phân định, giúp những người trẻ nhận ra tiếng Chúa giữa bao nhiêu tiếng nói vang dội và nhiều khi tràn vào tai và tâm hồn con người.

ĐTC nói thêm, huấn luyện linh mục theo linh đạo Ignatio là ngày càng tỏ ra cởi mở hơn đối với chiều kích của Nước Thiên Chúa, vun trồng ước muốn phục vụ và ngày càng quảng đại hơn trong sự hiến thân cho Chúa và cho tha nhân.

- Cuộc họp của ĐTC với với Thủ tướng Aung San Suu Kyi của Myanmar dẫn đến quan hệ ngoại giao.

Vatican và Myanmar đã thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ vào thứ Năm mồng 4 tháng 5 vừa qua, vài phút sau khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô họp với bà thủ tướng Aung San Suu Kyi của Myanmar (Miến Điện). Động thái bất ngờ này có nghĩa là Vatican sẽ có ảnh hưởng ngoại giao nhiều hơn ở Myanmar, nơi đang phải đối mặt với sự giám sát quốc tế về những hành động tàn bạo chống lại thiểu số Hồi giáo Rohingya.

ĐHY Charles Maung Bo của Miến Điện cho biết có khoảng 700 ngàn người Công Giáo ở Myanmar trong tổng số dân khoảng 51,4 triệu người, phần lớn là người Phật giáo. Vatican trước đây có vị đại diện Tòa Thánh cho Myanmar có trụ sở tại Thái Lan. Với sự thiết lập ngoại giao có nghĩa là Vatican và Myanmar sẽ chỉ định một đại sứ đầy đủ.

Thông cáo này được đưa ra ngay sau khi Đức Giáo Hoàng gặp bà Suu Kyi, thủ tướng chính phủ dân sự Myanmar và cũng là Ngoại trưởng nước ngoài. Bà Suu Kyi là người đã từng người đoạt giải Nobel Hoà bình. Bà nắm quyền vào năm 2016, sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử trầm trọng sau khi cựu lãnh đạo quân sự Myanmar khởi xướng một cuộc chuyển đổi chính trị.

Vào tháng Hai vừa qua, ĐTC đã đưa ra một lời chỉ trích gay gắt về việc đối xử với người Rohingya, nói rằng họ đã bị tra tấn và giết chết chỉ vì họ muốn sống với văn hóa và đức tin Hồi giáo.

- ĐTC kêu gọi hòa bình cho Phi Châu.

ĐTC Phanxicô kêu gọi “Chúng ta hãy cùng nhau kết hiệp với các anh chị em tại đại lục lớn lao này và hãy cùng cầu nguyện cho các Kitô hữu Châu Phi, để cho họ có thể làm chứng cho sự hòa giải, cho nền công lý và hòa bình, theo gương Chúa Giêsu giầu lòng thương xót.”

Đây là lời kêu gọi của ĐTC trong video về ý chỉ cầu nguyện Tháng Năm, 2017, phát hình trên Mạng Lưới Cầu Nguyện Quốc Tế của ĐTC ngày mồng 5 tháng 5 năm 2017. Trong cuốn phim ngắn được bỏ lên mạng, ngài nói: “Khi chúng ta nhìn về Phi Châu, chúng ta có thể thấy ngay kho tàng các sản vật thiên nhiên tại đây. Đại lục này duy trì được niềm vui cho đời sống và niềm hy vọng giữa một di sản thiên nhiên văn hóa và tôn giáo giầu có.” “Tuy nhiên, chúng ta không thể bỏ qua những cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn đang tiêu diệt các dân nước và phá huỷ những tài sản thiên nhiên và văn hóa.”

Qua video này, ĐTC đã kêu gọi mọi người cùng cầu nguyện với ngài, trong khi các hình ảnh của những người thuộc các nước Phi Châu được chiếu trên mành ảnh truyền hình.

- Vatican phát hành tem thư kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima.

Vài ngày trước cuộc hành hương của ĐTC Phanxicô đến Fatima để kỷ niệm 100 năm ngày Đức Mẹ Maria hiện ra với các trẻ mục đồng ở Fatima, ngày 4/5/2017, văn phòng tem thư Vatican đã phát hành một loại tem và một bưu thiếp của bưu điện Vatican. Cùng ngày này, Văn phòng tem thư Vatican cũng phát hành các con tem về hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô và Đức Nguyên Giáo Hoàng Biển Đức XVI nhân nhân kỷ niệm sinh nhật thứ 90 của Ngài.

Giống như lời kể của Lucia, một trong 3 trẻ mục đồng, trên con tem kỷ niệm ngày Đức Mẹ hiện ra có hình Đức Trinh nữ hiện ra từ một đám mây, mặc áo trắng phủ ánh sáng và một tấm khăn choàng viền vàng phủ đầu và vai của Mẹ. Trước Đức Mẹ, 3 trẻ mục đồng đang cầu nguyện và tôn kính trong khung cảnh miền quê, với sự bình an nhẹ nhàng của sự kiện.

Các cuộc hiện ra ở Fatima cũng là một trong hai đề tài được Vatican chọn cho hai đồng tiền kỷ niệm được phát hành năm nay. Đồng tiền có hình 3 trẻ mục đồng và hình nền là đền thánh Đức Mẹ. Một đề tài khác được chọn là kỉ niệm 1950 năm cuộc tử đạo của hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô.

- ĐTC Phanxicô sẽ tiếp Tổng thống Donald Trump tại Vatican vào cuối tháng này.

Trưa thứ Năm ngày 4 tháng Năm, Phòng Báo Chí Tòa Thánh công bố: “Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ tiếp ông Donald Trump, Tổng thống Hoa Kỳ, vào ngày thứ Tư, 24/5/2017, vào lúc 8g30 sáng tại Dinh Tông Tòa. Sau đó, tổng thống Trump sẽ gặp ĐHY Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, và Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher, Bộ trưởng Ngoại giao Tòa Thánh.”

Trong một cuộc họp báo cùng ngày, Tòa Bạch Ốc nói thêm là trong chuyến viếng thăm đầu tiên tại hải ngoại với tư cách tổng thống Hoa Kỳ, ông Donald Trump cũng sẽ thăm Israel và Ả Rập Xê-út, cũng như tham dự một cuộc họp của NATO tại Brussels vào ngày 25 tháng Năm và Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Sicily vào ngày hôm sau.

- Phong Trào Cursillo Việt Nam Tại Âu Châu Tham Dự Đại Hội Ultreya Thế Giới lần thứ 5 tại Fatima.

Đại Hội Ultreya Toàn Thế giới lần thứ 5 được tổ chức tại Fatima từ ngày mồng 4 đến ngày 8 tháng Năm, 2017. Phái đoàn Cursillo Âu Châu do Đức Ông Linh hướng Mai Đức Vinh và ông Nguyễn Minh Dương, chủ tịch văn phòng điều hành hướng dẫn, gồm khoảng 60 Cursillistas đến từ Pháp, 50 Cursillistas đến từ Đức và 50 Cursillistas đến từ Bỉ. Ngoài ra còn có 6 Cursillistas đến từ Việt Nam và 3 Cursillistas đến từ quận Cam, Hoa Kỳ.

Đại hội Ultreya lần thứ 5 Thế Giới nhằm Đại lễ Kỷ niệm 100 năm ngày Đức Mẹ hiện ra tại Fatima. Ngày 13/05/2017, ĐTC Phanxicô sẽ cử hành lễ phong thánh cho Chân phước Phanxicô và Chân phước Jacinta, hai trong số ba mục đồng được chứng kiến 6 lần Đức Mẹ hiện ra, từ 13/05/1017 đến 13/10/1017. Ngài ban ơn toàn xá cho các tín hữu đến hành hương tại Fatima trong năm 2017.

Tưởng cũng nên biết, năm 1949, ĐC Juan Hervas sáng lập Phong trào Học hội Ki Tô giáo, viết tắt: Cursillo, tại đảo Palma de Majorqua (Tây Ban Nha). Từ năm 1965, Phong trào liên tục mở nhiều khóa tĩnh huấn trên các giáo phận miền Nam. Phong trào phát triển mạnh tại Hoa Kỳ vào năm 1982, Giáo Xứ Việt Nam tại Paris từ 1993 và trong nhiều Giáo phận tại Việt Nam. Riêng Phong trào Cursillo Âu châu tới nay đã có hơn 1000 cursillistas, đa số tại Pháp, một số đến từ Đức, Anh, Bỉ, Na Uy.

- Một bước tiến lớn trong án phong chân phước cho ĐHY Nguyễn Văn Thuận.

Hôm mồng 4 tháng 5 năm 2017, Bộ Phong Thánh đã công bố sắc lệnh nhìn nhận Vị Tôi Tớ Chúa ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã thực hiện các nhân đức “đến mức độ anh hùng”.

Việc công bố này đã được ĐTC cho phép trong buổi tiếp kiến trước đó vào ban sáng cùng ngày dành cho ĐHY Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh. Bộ Phong Thánh đã đi tới sắc lệnh trên đây sau khi 9 cố vấn của Bộ đã cứu xét tập “Hồ sơ đúc kết” về cuộc sống và các nhân đức của Vị Tôi Tớ Chúa ĐHY Nguyễn Văn Thuận, và đa số các vị đã bỏ phiếu thuận. Tiếp đến là cuộc họp của Hội đồng các Hồng Y và Giám Mục thành viên của Bộ Phong Thánh. Các vị đã đồng thanh bỏ phiếu chấp thuận.

Với sắc lệnh này, từ nay ĐHY Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận có thể được gọi là “Đấng Đáng Kính”. Giai đoạn kế tiếp là Bộ Phong Thánh sẽ chính thức cứu xét phép lạ nhờ lời chuyển cầu của ĐHY Nguyễn Văn Thuận. Nếu qua lọt cửa ải này, thì sẽ đến lượt Hội đồng các Hồng Y và Giasm Mục của Bộ cứu xét và bỏ phiếu. Nếu được chấp thuận thì sẽ đệ lên ĐTC để ngài phê chuẩn và cho công bố sắc lệnh nhìn nhận phép lạ nhờ lời chuyển cầu của Vị Tôi Tớ Chúa. Sau đó là việc ấn định ngày phong Chân Phước.

- ĐTC nhận đơn từ chức của ĐC Nguyễn Văn Trâm

Hôm 6/5/2017, Phòng báo chí Tòa Thánh loan báo: ĐTC đã nhận đơn từ chức Giám Mục chính tòa giáo phận Bà Rịa của ĐC Tôma Nguyễn Văn Trâm. Đức Giám Mục Phó Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn đương nhiên lên kế nhiệm theo giáo luật.

Ngày 6/5/2017 cũng là ngày ĐC Tôma Nguyễn Văn Trâm mừng kỷ niệm 25 năm thụ phong Giám Mục. Thánh Lễ tạ ơn đã được ngài cử hành lúc 9g30 sáng tại nhà thờ chính tòa Bà Rịa. Đồng tế thánh lễ có ĐHY Nguyễn Văn Nhơn, TGM Hà Nội, Đức TGM Leopoldo Girelli, Đại Diện Tòa Thánh tại Việt Nam, Đức TGM Huế Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch HĐGMVN và 16 Giám mục khác, cùng với đông đảo Linh mục. Cuối lễ, Đức TGM Girelli cũng thông báo quyết định của ĐTC nhận đơn từ chức vì lý do tuổi tác của ĐC Tôma Trâm.

ĐC Nguyễn Văn Trâm sinh ngày 9-1-1942, cách đây 75 năm, tại Phước Tuy. Ngài thụ phong linh mục năm 1969; sau đó ngài đã đi du học Roma và đậu tiến sĩ giáo luật. Năm 1992, ngài được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám Mục Phụ tá Giáo phận Xuân Lộc. Năm 2005, khi Tòa Thánh thành lập Giáo phận Bà Rịa, ĐC được bổ nhiệm làm GM tiên khởi của giáo phận này. Sau khi ĐC Vũ Duy Thống ở Phan Thiết qua đời ngày 1-3-2017, ĐC Tôma Trâm được Tòa Thánh cử kiêm nhiệm chức vụ Giám quản Giáo phận Phan Thiết.

Được biết Giáo phận Bà Rịa hiện có hơn 261.535 ngàn tín hữu Công Giáo theo niên giám năm nay của Tòa Thánh, với 84 giáo xứ và 190 linh mục.

- ĐC Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn, Tân Giám Mục chính tòa Bà Rịa.

Như chúng tôi vừa loan tin, ĐTC đã nhận đơn từ chức GM chính tòa giáo phận Bà Rịa của ĐC Tôma Nguyễn Văn Trâm. ĐC Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn, nguyên Giám Mục Phó, đã lên kế nhiệm theo giáo luật.

ĐC Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn năm nay 65 tuổi, sinh tại Bình Trước, Giáo phận Xuân Lộc. Ngài thụ phong linh mục năm 1980, sau đó lần lượt làm Cha sở các giáo xứ Bình Sơn và Giáo xứ Phước lễ, đồng thời làm Quản hạt Bà Rịa trong 4 năm (1994-2001).

Năm 2001, Cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn sang Pháp du học trong 5 năm, đậu cao học thần học tín lý tại Đại Học Công Giáo Paris. Trở về nước năm 2006, Cha Nguyễn Hồng Sơn làm giám đốc tiểu chủng viện thánh Tôma ở Bà rịa. Năm 2009 ngài làm Tổng thư ký Hội đồng linh mục giáo phận Bà Rịa, và năm 2011 được bổ làm Tổng đại diện của giáo phận này. Năm 2015, cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn được Tòa Thánh bổ nhiệm làm GM Phó tại Bà Rịa.

Trong buổi lễ hôm qua, ngày 6 tháng Năm, tại Nhà Thờ chính tòa Bà Rịa, ĐC Nguyễn Văn Trâm đã trao gậy mục tử cho Đức GM kế vị và dẫn ngài đến ghế GM tại Nhà Thờ chính tòa.

- Đại Hội mừng Ngân Khánh Đức Mẹ La Vang 2017.

Đền thánh Đức Mẹ La Vang thuộc Tổng Giáo Phận New Orleans vừa thông báo về việc tổ chức đại hội mừng Ngân Khánh Đức Mẹ La Vang năm 2017, tại Đền Thánh Đức Mẹ La Vang New Orleans, địa chỉ 6054 Vermillion Blvd, New Orleans, Louisiana.

Đại hội mừng Ngân Khánh sẽ kéo dài trong 3 ngày, khai mạc vào chiều thứ Sáu ngày 12/05/2017 và bế mạc vào trưa Chúa Nhật ngày 14/5/2017. Chủ đề đại hội Thánh Mẫu năm nay là “Hiệp Cùng Đức Mẹ La Vang – Cảm Tạ Hồng Ân Thiên Chúa”. Thánh Lễ Khai Mạc Trọng Thể sẽ do ĐC Dominic Mai Thanh Lương chủ sự.

Trong suốt thời gian đại hội sẽ có nhiều Thánh Lễ Khấn - Chầu Thánh Thể long trọng, và nhiều cuộc Cung Nghinh Thánh Tượng Đức Mẹ LaVang, Thánh Thể và Di Hài các Thánh Tử Đạo Việt Nam và một chương trình văn nghệ ca tụng thánh danh Mẹ Maria. ĐTC Phanxicô sẽ ban lành và ơn toàn xá cho tất cả giáo dân tham dự đại hội mừng Ngân Khánh Đức Mẹ La Vang năm 2017.

Trước khi kết thúc chương trình Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay, chúng tôi hân hạnh giới thiệu đến quý vị và anh chị em một bản thánh ca tôn vinh mẹ Maria của Linh mục Nhạc sĩ Paul Văn Chi, mang tựa đề Về Đây Với Mẹ. Bản thánh ca này sẽ được trình bày qua tiếng hát của ca sĩ Tuyết Trinh. Kính mời quý vị và anh chị em cùng thưởng thức.
 
Giáo Hội Pháp ủng hộ tân Tổng Thống Macron
Lê Đình Thông
09:12 09/05/2017
Giáo Hội PHÁP ỦNG HỘ TÂN TỔNG THỐNG MACRON

Theo Nhật báo Công Giáo La Croix, trong cuộc bầu tổng thống vừa qua, có tới 62% người Công Giáo bỏ phiếu cho ông Macron, 71% trong số những tín hữu trung kiên. Tỷ lệ tham gia của người Công Giáo lên tới 78%.

Trong bài giảng, các vị linh mục đều nhắc nhở tín hữu làm tròn bổn phận công dân. Qua cuộc đầu phiếu vừa qua, các cử tri Công Giáo đã bác bỏ chính sách bài ngoại và bế quan tỏa cảng của bà Marine Le Pen.

Bài toán nan giải của tân tổng thổng Macron là làm sao có được đa số 577 ghế trong quốc hội. Cuộc bầu cử quốc hội sẽ diễn ra vào hai ngày 11 và 18/06 sắp tới.

Ngày 15/05, TT Macron sẽ công bố thành phần nội các thu hẹp, gồm 15 tổng bộ trưởng, 1/3 đến từ xã hội dân sự và được phân chia đồng đều giữa nam và nữ.

Paris, ngày 09/05/2017

Lê Đình Thông
 
Thư Đức Thánh Cha gửi các Giám Mục Venezuela
LM. Trần Đức Anh OP
09:33 09/05/2017
VATICAN. Trong thư gửi các GM Venezuela, ĐTC bày tỏ xác tín: những vấn đề trầm trọng của đất nước này có thể được giải quyết, nếu có ý chí bắc cầu.

Trong thư đề ngày 5-5-2017, ĐTC cho biết ngài lo lắng theo dõi tình trạng của nhân dân Venezuela đang đứng trước những vấn đề trầm trọng đồng thời ngài cũng bày tỏ đau buồn sâu xa vì những cuộc đụng độ và bạo lực trong những ngày qua làm cho nhiều người chết và bị thương, chúng không giúp giải quyết các vấn đề, trái lại càng gây thêm đau khổ.

ĐTC cám ơn các GM cùng với các LM, tu sĩ và giáo dân chia sẻ tình cảnh đau khổ của dân chúng, thiếu lương thực và thuốc men, một số còn phải chịu những cuộc tấn công và những hành vi bạo hành chống lại các thánh đường của họ. Ngài viết:

”Tôi cũng cám ơn anh em vì đã liên tục kêu gọi tránh bất kỳ hình thức bạo lực nào, tôn trọng các quyền của công dân và bảo vệ phẩm giá con người cũng như các quyền căn bản, vì như anh em, tôi xác tín rằng những vấn đề trầm trọng của Venezuela có thể giải quyết được, nếu có ý chí kiến tạo những nhịp cầu, nếu người ta muốn đối thoại nghiêm túc và tôn trọng đã hiệp định đã đạt được”.

Sau cùng, ĐTC khuyến khích các GM Venezuela đừng để cho những người con yêu quí của đất nước này để cho mình bị sự thiếu tin tưởng và tuyệt vọng đánh bại, vì đây là những sự ác thấu nhập vào tâm hồn con người khi người ta không nhìn thấy viễn tượng tương lai. (SD 6-5-2017)

Tình hình

Trưa Chúa Nhật 7-5-2017, có một số người Venezuela hiện diện tại Quảng trường Thánh Phêrô trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với ĐTC. Họ mang những biểu ngữ và cờ Venezuela, cũng như những thánh giá màu đen âm thầm lưu ý về chế độ của tổng thống Nicolas Maduro, về những người chết trong những ngày qua vì biểu tình phản đối chế độ này.

Từ hơn 3 năm nay, Venezuela lâm vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng về kinh tế và chính trị. Các tổ chức nhân quyền và Giáo Hội Công Giáo phê bình cuộc bách hại chính trị chống phe đối lập cũng như sự đàn áp các giá trị dân chủ cơ bản. Làn sóng phản đối mới đây xảy ra khi ngành tư pháp tại Venezuela toan tính tước quyền của Quốc hội và vụ tổng thống Maduro truyên bố triệu tập một tổ chức để soạn thảo hiến pháp mới cho nướ cnày.

Từ đầu tháng 4 đến nay đã có hơn 35 người chết vì những xáo trộn tại Venezuela (KNA 7-5-2017)
 
Một Kitô hữu Pakistan bị án tù chung thân vì bị vu cáo báng bổ Hồi giáo
Hồng Thủy
09:35 09/05/2017
Tin Lahore - Zafar Bhatti, một Kitô hữu, đã bị vu cáo xúc phạm Hồi giáo vào năm 2012, đã bị tòa án Rawalpindi kết án tù chung thân hôm 03/05.

Bhatti bị kết án đã gửi các tin nhắn bằng điện thoại di động, có nội dung xúc phạm đến Hồi giáo. Anh đã phủ nhận các lời cáo buộc và giải thích với quan tòa rằng số điện thoại đó không phải do anh đứng tên.

Năm 2012, Bhatti bị bắt và bị giam ở nhà tù Rawalpindi. Vì những đe dọa nguy hiểm cho mạng sống của Bhatti nên phiên tòa được xử tại nhà tù. Buổi xét xử cuối cùng diễn ra hôm 24/04 và ngày 03/05 vừa qua, quan tòa đã kết án anh bị tù chung thân.

Theo các luật sư Kitô giáo, các tòa án Pakistan thường kết án tử những người bị tố cáo vi phạm luật 295 c (một trong những điều tạo nên cái gọi là Luật phạm thượng), nhưng vì họ không có chứng cứ phạm tội rõ ràng của Bhatti nên anh chỉ bị xử tù chung thân. Các luật sư bào chữa cho Bhatti cũng bị đe dọa, do đó buổi hầu tòa đã được chuyển đến Lahore, cũng là nơi gia đình của Bhatti đang sinh sống. Theo các luật sư, Bhatti lẽ ra phải được trắng án vì thiếu bằng chứng, nhưng anh bị xử chung thân do áp lực của các tín đồ Hồi giáo.

Luật chống phạm thượng ở Pakistan tiếp tục được dùng như công cụ để trả thù những đối thủ.

Mới đây, Quốc hội Pakistan đã phê chuẩn một giải pháp yêu cầu những chuẩn mực để ngăn chặn các lam dụng và đưa ra một số điều luật hướng dẫn. Tuy nhiên các yêu cầu đó đã gặp phải sự chống đối mạnh mẽ bởi các phong trào và các đảng phái Hồi giáo.
 
Kitô hữu ở ở Aleppo ở Syria tận hiến cho Đức Mẹ Fatima
Hồng Thủy
09:44 09/05/2017
Aleppo – Hiệp thông với Đức Giáo Hoàng trong dịp kỷ niệm 100 Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, các Kitô hữu ở Aleppo thuộc quốc gia Syria đang trong chiến tranh dành 3 ngày dâng kính Đức Mẹ Fatima và sẽ tận hiến thành phố lớn thứ hai của Siria cho Đức Mẹ.

TGM Antoine Audo
Đức Cha Antoine Audo, tổng Giám mục Công Giáo Canđê ở Aleppo nói với hãng tin Á châu: “Sẽ là giây phút hy vọng cho các Kitô hữu, là chứng tá của một đức tin vững vàng trong khó khăn, một tình cảm cộng đồng được chia sẻ, nuôi dưỡng trong những năm chiến tranh đẫm máu, đã làm vững chắc sự hiệp nhất giữa các Giáo Hội khác nhau.”

Đức Cha nhấn mạnh rằng tháng năm là tháng quan trọng đối với các cộng đoàn Kitô tại Aleppo. Tất cả các nhà thờ đầy các tín hữu đọc kinh Mân côi, lãnh nhận Thánh Thể, đọc các kinh cầu. Đây là một thời điểm rất quan trọng, cầu nguyện và hiệp thông xung quanh Mẹ Maria, một truyền thống yêu thích và có nguồn gốc lâu đời.” Đức Cha cũng nói: “Tháng năm là tháng đặc biệt để cầu nguyện cho hòa bình, cho các cuộc xung đột được chấm dứt.

Ba ngày dâng kính Đức Mẹ Fatima do sáng kiến của giáo xứ Công Giáo Latinh thánh Phanxicô sẽ bắt đầu với buổi cầu nguyện cộng đoàn vào 5 giờ chiều 11/5. Trong ngày kế tiếp sẽ có lần hạt Mân Côi, cầu nguyện với Mẹ Maria cho hòa bình, các phim dâng kính Đức Trinh nữ và các thánh lễ cộng đoàn.

Cao điểm của lễ hội được dự kiến là vào thứ bảy 13/5. trùng với thánh lễ do Đức Giáo Hoàng cử hành tại Fatima, tại Aleppo cũng sẽ có Thánh lễ trọng thể được cử hành tại nhà thờ chánh tòa của các tu sĩ Phanxicô, với sự hiện diện của các Giám mục và linh mục ở Aleppo. Các tín hữu của các ngành Kitô giáo ở miền bắc, miền được xem là tâm điểm của các xung đột, được mời tham dự

Cuối cũng sẽ có cuộc rước kiệu với tượng Đức Mẹ Fatima và thánh hiến thành phố Aleppo cho Đức Mẹ Fatima. Đây là một hành động có giá trị biểu tượng mạnh mẽ, với hy vọng có thể đóng góp vào việc kiến tạo hòa bình không chỉ ở Siria mà cho toàn miền trung đông bị đẫm máu bởi các cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ.

Đức Cha Audo chia sẻ: “Việc tận hiến Aleppo cho Mẹ Maria, chủ đề hòa bình, là những nguồn hy vọng và là một giấc mơ của niềm hy vọng của chúng tôi. Chúng tôi muốn lợi dụng sự kiện này để tái đề cập đến các chủ đề đối thoại, hiệp nhất và gặp gỡ, không chỉ giữa các giáo phái Kitô giáo khác nhau, mà còn với những người Hồi giáo bằng cách khai thác tiếng vang rộng lớn đã có từ chuyến thăm Ai Cập của Đức Giáo Hoàng.”

Theo Đức Cha, người ta có thể đáp lại thảm kịch chiến tranh bằng sự cuồng tín hay hiệp thông: Giáo Hội đã giúp chọn lựa điều thứ hai. Niềm tin của các Kitô hữu vững mạnh và chắc chắn và điều này mang lại điều lạc quan, ngay cả nếu vẫn còn những bất ổn và bóng tối cho tương lai.
 
Đức Tổng Giám mục Roberto Lucker nói Nicolas Maduro không thể đàn áp các cuộc biểu tình
Đặng Tự Do
17:03 09/05/2017
Trong một bài đăng trên thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc hôm 9 tháng 5, Đức Tổng Giám mục đã nghỉ hưu Roberto Lucker của tổng giáo phận Coro, Venezuela, buộc tội chính quyền Nicolas Maduro muốn áp đặt “một chế độ độc tài ngụy trang thành dân chủ” trên đất nước đang gặp nhiều khó khăn này.

Đức Cha Roberto Lucker đã thường xuyên đụng độ với nhà độc tài đã quá cố Hugo Chavez, đặc biệt trong thời gian ngài giữ chức vụ chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Venezuela.

Trong một cuộc phỏng vấn với nhật báo La Verdad, Đức Tổng Giám mục Lucker nói rằng những cuộc biểu tình vĩ đại chống lại chính phủ đang có hiệu lực. “Tôi nghĩ rằng chính phủ không thể chịu áp lực của các cuộc biểu tình thêm nữa”. Chính phủ Venezuela đã sử dụng vũ lực để dẹp tan những cuộc biểu tình, “nhưng Nicolas Maduro sẽ không thể ngăn chặn họ”.

Đức Tổng Giám Mục giải thích rằng mọi người sẽ tiếp tục chứng minh ý chí của mình, bất chấp sự can thiệp bạo lực của cảnh sát, vì tình hình của họ đã quá tuyệt vọng: “không có lương thực, không an ninh, và dĩ nhiên người ta không muốn điều này, vì thế họ phản đối, và tìm kiếm một phương thế thoát khỏi cuộc khủng hoảng này.”
 
Kitô hữu Thống đốc đầu tiên tại Indonesia bị tuyên án 2 năm tù về tội báng bổ Hồi Giáo
Đặng Tự Do
17:18 09/05/2017
Trong một bản án được nhiều người coi là một cái tát vào mặt công lý và làm ảnh hưởng đến sự đoàn kết quốc gia, ông Basuki Tjahaja Purnama, thường được gọi là Ahok, là thống đốc theo Kitô Giáo đầu tiên của thủ đô Jakarta, Indonesia, đã bị kết án tội báng bổ Hồi giáo và bị tuyên án 2 năm tù. Ông Ahok bị bắt ngay giữa phiên tòa và bị đưa ngay vào nhà giam.

Trong nỗ lực tái tranh cử hồi đầu năm nay, ông Ahok, một người theo đạo Tin Lành, lập luận rằng nhiều đối thủ của ông đã lạm dụng kinh Qu'ran khi cho rằng những người Hồi giáo phải quyết liệt từ chối sự lãnh đạo của những người không theo Hồi giáo.

Lời bình luận của ông về kinh Qu'ran làm cho các giáo sĩ Hồi giáo cực đoan tức giận, và thúc giục các cuộc biểu tình lớn của công chúng chống lại Thống đốc. Tháng Tư vừa qua, ông đã thất bại trong cuộc tái tranh cử chức thống đốc Jakarta.

Vụ án hình sự chống lại ông Ahok, do các thành phần thánh chiến Hồi giáo gây ra, đã làm chia rẽ Indonesia: một quốc gia tự hào về sự hòa hợp giữa các tôn giáo. Phán quyết của tòa án làm sâu sắc thêm sự chia rẽ này. Các thẩm phán thực sự đã vượt ra ngoài khuyến nghị của công tố viên, là người đã gợi ý rằng Ahok cùng lắm là bị tù treo.
 
Bẩy vị tử đạo Tây Ban Nha được tuyên Chân Phước
Đặng Tự Do
17:32 09/05/2017
Cha Antonio Arribas Hortigüela (1908-36) và sáu bạn tử đạo tại Catalonia trong cuộc Nội chiến Tây Ban Nha, đã được tuyên chân phước tại nhà thờ chánh tòa Girona hôm 6 tháng Năm.

Đức Hồng Y Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Tuyên Thánh, đã chủ tọa lễ Thánh Lễ tuyên Chân Phước cho bảy vị Thừa sai Thánh Tâm Chúa Giêsu này.

Cha Antonio Arribas Hortigüela và các thầy Abundio Martín Rodríguez, José Vergara Echevarría, José-Oriol Isern Massó, Gumersino Gómez Rodríguez, Jesús Moreno Ruíz và José del Amo y Del Amo đã bị cộng sản sát hại vào ngày 29 tháng 9 năm 1936 tại chủng viện của dòng Thừa sai Thánh Tâm Chúa Giêsu ở tỉnh Catalonia.

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Hồng Y nói:

“Các môn đệ trung tín và anh hùng của Chúa Giêsu đã bị giết hại vì đức tin trong thời khủng hoảng tôn giáo”.

Trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng hôm Chúa Nhật 7 tháng 5, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc đến các vị như sau:

“Anh chị em thân mến,

Hôm qua ở Girona, Tây Ban Nha, có lễ tôn phong Chân Phước cho cha Antonio Arribas Hortigüela và 6 người bạn trong Dòng Thừa Sai Thánh Tâm. Các ngài là những môn đệ trung tín và anh hùng của Chúa Giêsu. Các ngài là chứng nhân sáng ngời giữa thời hận thù bách hại đức tin. Các ngài đón nhận phúc tử đạo, vì tình yêu mến đối với Thiên Chúa, vì trung thành với ơn gọi trong Giáo Hội, và để làm chứng cho Tin Mừng yêu thương.

Cầu xin cho gương sáng tử đạo của các ngài vì tình yêu đối với Thiên Chúa và lòng trung thành với ơn gọi của mình, thức tỉnh trong Giáo Hội một ước muốn làm chứng cho Tin Mừng.”
 
Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ quyết định cải tổ truyền thông: tập trung vào kỹ thuật số, từ bỏ báo in
Đặng Tự Do
17:57 09/05/2017
Hội Đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ đã thông báo một kế hoạch tái tổ chức các nỗ lực truyền thông của mình, với trọng tâm mới là các phương tiện truyền thông kỹ thuật số, theo cùng một khuôn mẫu với việc cải cách truyền thông của Vatican.

Cách tiếp cận mới sẽ nhấn mạnh đến truyền thông kỹ thuật số, các phương tiện truyền thông xã hội và các chương trình truyền hình; trong khi loại bỏ dần việc truyền thông qua các ấn phẩm. Việc tái tổ chức sẽ liên quan đến việc tạo ra mười chức vụ mới trong cơ cấu của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, trong khi 12 chức vụ hiện nay liên quan đến việc xuất bản các ấn phẩm sẽ bị loại bỏ.

Ông James Rogers, giám đốc truyền thông của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, nói: “Đây là một vấn đề hội nhập văn hóa. Nếu bạn muốn loan báo Tin Mừng, bạn cần tiếp cận với mọi người nơi họ đang hiện diện.”

Ông James Rogers, một chuyên gia về truyền thông tại Washington DC, đã được bổ nhiệm làm giám đốc truyền thông của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ ngày 10 tháng 2 năm 2015.

Ông nhận xét rằng cơ quan truyền thông của Hội Đồng Giám Mục được xây dựng vào lúc báo in là lực lượng chủ yếu trong giới truyền thông. Tình hình đang thay đổi mạnh mẽ trong những năm gần đây theo hướng tập trung vào một nền thông tin kỹ thuật số, nơi mà các thông tin có thể được tìm kiếm và chia sẻ tức thì.

Mặc dù các ấn phẩm sẽ được tiếp tục in trong thời gian ngắn sắp tới, hầu hết các tài nguyên của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ sẽ được dồn sang các phương tiện truyền thông thị giác, kỹ thuật số và truyền thông xã hội, ông Rogers nói.

Những thay đổi này không ảnh hưởng đến Catholic News Service, là thông tấn xã được Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ hỗ trợ, nhưng các biên tập viên hoạt động trong một khuôn khổ độc lập.
 
Đức Hồng Y André Vingt-Trois tái tục các hoạt động bình thường sau một thời gian nằm bệnh viện
Đặng Tự Do
18:22 09/05/2017
Đức Hồng Y André Vingt-Trois của Paris đã được về nhà sau một thời gian nằm bệnh viện và sẽ dần dần phục hồi các hoạt động bình thường sau khi hồi phục khỏi căn bệnh Guillain-Barre.

Đức Hồng Y Vingt-Trois đã vào bệnh viện vào cuối tháng Hai vừa qua vì bị nhiễm trùng nặng. Các thử nghiệm cuối cùng cũng cho thấy sự hiện diện của hội chứng Guillain-Barre, một căn bệnh hiếm nhưng nguy hiển vì làm suy nhược hệ thống miễn dịch, và tấn công vào hệ thần kinh. Ngài bị buộc phải ở lại để được chăm sóc tại bệnh viện.

Tuần thánh và lễ Phục Sinh vừa qua tại Paris đã vắng bóng ngài. Hiện nay, các bác sĩ báo cáo rằng ngài đã hồi phục đủ để bắt đầu làm việc, trong khi vẫn tiếp tục việc điều trị tại gia.

Thật bất ngờ, Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher của Sydney, Australia, cũng đã từng bị chứng bệnh tương tự vào năm 2015 và gần như bị tê liệt hoàn toàn một thời gian. Ngài đã trở lại hoạt động thường xuyên ít tháng sau đó.
 
Tuyên bố chung Công giáo và Chính Thống: một mốc điểm quan trọng
Thanh Quảng sdb
23:53 09/05/2017
Tuyên bố chung Công Giáo và Chính Thống: một mốc điểm quan trọng.
9/5/2017 Đài phát thanh Vatican cho hay đang khi Đức Giáo Hoàng chuẩn bị cho chuyến thăm viếng mục vụ tới Bồ Đào Nha vào thứ Sáu 12/5 này thì các nhà phân tích đang còn ngẫm suy về những kết quả quan trọng và liên tôn của chuyến thăm lịch sử của Đức Thánh Cha tới Ai Cập tuần qua.
Trong số những hình ảnh gây ấn tượng nhất của chuyến đi ngắn ngủi của Đức Thánh Cha đến Cairo là hình ảnh Ngài ôm hôn Giáo trưởng Imam Al Azhar, Sheik Ahmed Al-Tayeb và cuộc cầu nguyện chung tại nhà thờ chính tòa Chính Thống giáo, nơi có 29 người chết trong vụ đánh bom tự sát hồi tháng 12 năm ngoái. Đức Thánh Cha cầu nguyện trước bức tường còn vấy máu, đốt lên những ngọn nến trước di ảnh của những người bị sát hại trong cuộc tấn công.
Ngay trước khi nghi thức cầu nguyện đại kết tại nhà thờ Thánh Phêrô và Phaolô, Đức Thánh Cha Phanxicô và Giáo chủ Chính thống giáo Coptic, Đức Thượng Phụ Tawadros II, đã ký kết một tuyên bố chung, khẳng định lại nguồn gốc chung của hai tôn giáo về đức tin và nói rõ cả hai mong muốn chấm dứt việc cần phải rửa tội lại cho những người thay đổi di chuyển qua lại giữa hai Giáo Hội. Lời tuyên bố cũng kêu gọi cả hai Giáo Hội nên có một bản dịch chung về “Kinh Lạy Cha” và một đồng thuận mừng lễ Phục Sinh chung một ngày.
Để tìm hiểu thêm về tầm quan trọng của bản tuyên bố này, Philippa Hitchen đã phỏng vấn vị nguyên viện trưởng của Đại học Giáo hoàng Thánh Anselm là Linh mục Mark Sheridan, một tu sĩ dòng thánh Biển Đức (Benedictine), người đã làm việc cho công tác đối thoại giữa các Giáo Hội Công Giáo và Chính thống nhiều năm.
Theo cha Mark thì đây là vấn đề rất quan trọng cho cuộc đối thoại đại kết rộng rãi hơn, giúp cho các Giáo Hội Công Giáo và Chính thống Ai Cập, rỡ bỏ được "một vấn đề gây ra nhiều bất đồng trong quá khứ".
Khi được hỏi về những khó khăn trong việc thực hiện tinh thần của tuyên bố mới này, Cha Mark nói: "Tuy còn nhiều điều trong nhiều lĩnh vực cần được bàn thảo, nhưng điều tiến bộ quan trọng đạt được trong cuộc đối thoại này là "những người đang nắm giữ những cương vị tối cao của hai Giáo Hội đã cùng đồng hành và sánh bước với nhau".
(Nguồn đài phát thanh Vatican)
 
Top Stories
Indonésie: Ahok, le gouverneur sortant de Djakarta, a été condamné à deux ans de prison pour blasphème
Eglises d'Asie
08:58 09/05/2017
Un tribunal de Djakarta a reconnu, mardi 9 mai, Nasuki Tjahaja Purnama, dit ‘Ahok’, gouverneur sortant de Djakarta battu aux récentes élections, coupable de « blasphème » et l’a condamné à deux ans de prison ferme. Fin avril, le procureur avait pourtant modifié la qualification des faits en « insulte envers les oulémas » et requis à ce titre une peine de deux ans de « mise à l’épreuve », équivalente à une peine de sursis.

Défini à l’article 156a du Code pénal, le blasphème n’était pas constitué selon le ministère public, ce qui expliquait la requalification des faits ; le tribunal, composé de cinq juges, en a décidé autrement, considérant que les éléments constitutifs de cette infraction étaient bel et bien réunis. Le président de séance, le juge Dwiarso Budi Santiarto, a ajouté que « le défendant n’éprouve aucun remord. Son action a provoqué des troubles, ‘blessé’ l’islam, divisé les musulmans et la société ».

Un procès au cœur de l’échec électoral du gouverneur Ahok

Cette décision intervient à l’issue d’un procès ouvert le 13 décembre dernier, intenté par le FPI (Front des défenseurs de l’islam), une organisation radicale connue pour ses manifestations violentes et ses attaques contre les minorités, arguant que lors d’un discours tenu en septembre 2016, dans le cadre de la campagne électorale, Ahok avait cité de manière blasphématoire une sourate du Coran (« Ô les croyants ! Ne prenez pas pour amis les juifs et les chrétiens ; ils sont les amis les uns des autres. Et celui d’entre vous qui les prend pour amis devient un des leurs. Allah ne guide certes pas les gens injustes ») afin de convaincre l’électorat musulman qu’il lui était possible de voter pour lui, un non-musulman. Au terme d’une campagne électorale considérée comme « la plus sale » de l’histoire de la capitale indonésienne, selon le Jakarta Post, accaparée par les questions religieuses, Ahok, gouverneur du Grand Djakarta depuis 2014, avait contre toute attente été battu aux élections du 19 avril dernier. Pendant la campagne, de nombreuses manifestations avait été organisées par les détracteurs d’Ahok, certains revendiquant même « la peine de mort » contre le gouverneur chrétien issu de la minorité chinoise.

Alors que des rassemblements étaient prévus aux abords du tribunal le 9 mai, le porte-parole de la police de Djakarta avait indiqué que 13 000 policiers seraient déployés pour assurer la sécurité et éviter les violences. A l’énoncé du verdict, dans un climat tendu, les détracteurs d’Ahok adressaient des remerciements aux juges et proclamaient « Allah est le plus grand » alors que ses partisans, venus déposer des roses, s’en allaient en pleurant.

« Une décision qui incarne la justice que le peuple réclame »

Selon les chiffres gouvernementaux, l’Indonésie est le premier pays musulman au monde, avec 200 millions de fidèles, ce qui représente 85 % de la population indonésienne. La minorité chrétienne représente près de 10 % de la population. C’est une république démocratique dont la Constitution garantit la liberté religieuse, où le blasphème est toutefois puni de cinq ans d’emprisonnement.

Une partie de l’opposition s’est réjouie de cette décision : « cette décision repose sur des preuves solides et incarne la justice que le peuple réclame », selon Fadli Zon, du Parti Gerindra (Parti du mouvement de la grande Indonésie). Lors des dernières élections présidentielles, le manifeste politique du candidat soutenu par ce parti précisait que les institutions de l’Etat ont l’obligation de « s’assurer de la pureté des religions officiellement reconnues » de manière « à les préserver de toute hérésie ou blasphème ».

« Une évidente manipulation de la foi musulmane à des fins politiques »

Au contraire, l’Institut Setara pour la Paix et la Démocratie, une ONG qui milite pour les droits de l’homme et la liberté religieuse en Indonésie, a déclaré que cette décision était « contraire à l’Etat de droit », rappelant qu’« en principe, si les juges sont dans l’hésitation, ils doivent choisir l’option la plus favorable à la défense ». L’ONG a en outre remis en cause la pertinence de l’article 156a du Code pénal qui pénalise le blasphème.

Pour le Rév. Jeirry Sumampow, porte-parole de la Communion des Eglises (protestantes) en Indonésie, le décalage entre le réquisitoire du procureur et la décision du tribunal « indique que les juges étaient sous pression ». Le P. Agustinus Ulahayanan, secrétaire de la Commission pour le Dialogue interreligieux de la Conférence épiscopale d’Indonésie, a déclaré à l’agence Fides qu’« aujourd’hui, nous prenons acte de la faiblesse du système judiciaire et de l’impact qu’ont obtenu les groupes radicaux. Au cours de ces derniers mois, on a assisté à une évidente manipulation de la foi musulmane à des fins politiques et ceci constitue un phénomène qui pourra se répercuter également sur les prochaines élections nationales. »

La défense d’Ahok a d’ores et déjà indiqué son intention d’interjeter appel et son vice-gouverneur, Djarot Saiful Hidayat, devait le remplacer dès aujourd’hui dans ses fonctions de gouverneur de Djakarta, avant de céder la place, en octobre, à Anie Baswedan, nouvellement élu. A l’énoncé du verdict de ce 9 mai, le gouverneur a en effet été conduit en détention, à la prison de Cipinang.

Cette décision intervient le lendemain du jour où le ministre de la Sécurité a annoncé que le gouvernement demanderait au pouvoir judiciaire d’interdire le Hizb ut-Tahrir, un groupe islamique radical, qui a tenu un rôle majeur dans la campagne anti-Ahok, en raison d’activités qui constituent une menace pour l’unité nationale. (eda/pm)

(Source: Eglises d'Asie, le 9 mai 2017)
 
Vietnam: Le procès de béatification du cardinal François-Xavier Nguyên Van Thuân est en bonne voie
Eglises d'Asie
09:00 09/05/2017
De plusieurs sources romaines (1), on a appris, le 4 mai dernier, qu’un grand pas avait été franchi dans le processus de béatification du cardinal François-Xavier Nguyên Van Thuân. Celui-ci fut d’abord évêque du diocèse de Nha Trang, avant d’être nommé en 1975 archevêque coadjuteur de Saigon. Après treize années d’internement dans les camps et les prisons du gouvernement vietnamien, il fut finalement forcé de s’exiler à Rome où il fut appelé par le pape Jean-Paul II à la présidence du Conseil pontifical ‘Justice et Paix’, une responsabilité qui a été la sienne jusqu’à sa mort en septembre 2002.

Dans une émission du 4 mai 2017, Radio Vatican en langue vietnamienne a rapporté que la Congrégation pour les causes des saints venait de promulguer un décret reconnaissant publiquement « le caractère héroïque des vertus pratiquées par le serviteur de Dieu, le cardinal François-Xavier Nguyên van Thuân ». Cette proclamation a reçu l’approbation du pape François le jour même.

Etude des miracles attribués à l’intercession du cardinal vietnamien

Le décret promulgué par la congrégation romaine peut être considéré comme la conclusion de l’étude minutieuse par les neuf conseillers de la congrégation du dossier appelé « Positio », qui passe en revue la vie et les écrits du cardinal. La majorité des membres du groupe d’études a voté pour la poursuite de la béatification. Ce vote a été suivi de celui du groupe de cardinaux et évêques membres de la Congrégation pour les causes des saints. Ils ont donné leur accord au précédent vote. Dans la prochaine étape du procès de béatification, la congrégation romaine se penchera sur les miracles attribués à l’intercession du cardinal.

Cette étape du procès fait suite à l’enquête menée par le diocèse de Rome en vue de la béatification du cardinal vietnamien. En effet, après l’annonce par Benoît XVI de l’ouverture du procès, c’est ce diocèse qui avait eu la charge de mener la première enquête. Elle fut d’abord menée sans trop de difficultés auprès des proches, amis, relations du cardinal en Europe et dans les autres pays du monde. L’enquête dans les diocèses du Vietnam rencontra certains obstacles. En particulier, les deux prélats chargés de recueillir les témoignages n’obtinrent pas de visa pour voyager au Vietnam. Les autorités prétendirent officiellement que les deux prélats de Rome ne s’étaient pas présentés comme envoyés du Vatican. Peu de temps après, le gouvernement manifesta de nouveau sa mauvaise humeur en empêchant un ancien gardien du cardinal, un témoin important du procès, de se rendre à Rome pour la cérémonie de clôture de l’étape diocésaine du procès. Malgré cela, l’enquête fut diligentée par les évêques du lieu.

Treize années de détention

Le cardinal Nguyên Van Thuân avait été ordonné prêtre en 1953, puis, en 1967, nommé évêque de Nha Trang. Le 24 avril 1975, six jours avant la fin de l’ancien régime du Sud-Vietnam, il était nommé archevêque coadjuteur de Saigon.

C’est ce poste, dont il est resté titulaire jusqu’à sa nomination à la présidence du Conseil pontifical Justice et Paix, en 1993, qui lui vaut, en grande partie, les épreuves qui ont marqué sa vie après 1975. Les nouvelles autorités révolutionnaires n’acceptent pas cette nomination. Le 16 août 1975, Mgr Nguyên Van Thuân est placé en résidence surveillée dans une petite paroisse de son ancien diocèse, puis incarcéré à Nha Trang dans des conditions particulièrement sévères. Il est ensuite conduit au Nord-Vietnam et placé dans le camp de rééducation de Vinh Phu. Puis, après quatre ans d’assignation à résidence dans la paroisse de Giang Xa, au Nord-Vietnam, il est de nouveau interné en divers endroits jusqu’au mois de décembre 1988, date à laquelle il est libéré. Il ne peut cependant pas rejoindre son poste de Hô Chi Minh-Ville et, bientôt, lors d’un voyage à Rome, le gouvernement vietnamien lui fait savoir qu’il est indésirable au Vietnam et qu’il ne peut y retourner. A Rome, il est nommé d’abord vice-président, puis président du Conseil pontifical Justice et Paix. Le pape Jean Paul II le fait accéder à la dignité cardinalice en 2001. Il est rappelé à Dieu l’année suivante au mois de septembre. Jean-Paul II a présidé ses obsèques à la basilique Saint-Pierre.

Mgr François-Xavier Nguyên Van Thuân est l’auteur de plusieurs livres témoignant de son expérience spirituelle. Le premier est intitulé Sur le chemin de l’espérance. (eda/jm)

(1) Voir l’agence Fides et Radio Vatican, émissions en langue vietnamienne, 4 mai 2017.

Copyright Légende photo : 30 octobre 2001, le cardinal Nguyên Van Thuân en visite au Chiapas (Mexique).
(Janet Schwartz/AFP)


(Source: Eglises d'Asie, le 9 mai 2017)
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Một trăm năm Fatima: Francisco dưới ngòi bút Lucia (tiếp theo)
Vũ Văn An
03:48 09/05/2017
Francisco và các bằng hữu có lông của em

Francisco rất thích các loài chim và không chịu thấy ai đánh cướp tổ của chúng. Em luôn để dành một phần bánh mì ăn trưa, đập nó vụn ra và rải trên đá để chim ăn. Lùi đàng sau mấy bước, em gọi chúng như thể em mong chúng hiểu em. Em không muốn bất cứ ai khác lại gần, kẻo chúng sợ.

Em nói như thể đàm thoại với chúng: “Ôi những bạn nhỏ đáng thương! Các bạn đói lắm hả. Hãy đến mà ăn!”

Còn chúng, mắt ngau ngáu, chẳng đợi được mời, sà xuống quanh em. Em khoái chí thấy chúng bay trở lại đỉnh cây, diều no cứng, hát líu lo trong một bản hợp ca điếc ráy, được Francisco phụ họa tài tình.

Một hôm, chúng con gặp một bé trai tay cầm một con chim nhỏ mà chính em đã bắt được. Đầy lòng cảm thương, Francisco hứa tặng em này hai đồng bạc cắc nếu em chịu thả để con chim bay đi. Bé trai sẵn sàng thỏa thuận. Nhưng trước hết, em muốn thấy tiền trong tay đã. Francisco bèn từ ao Carreira chạy một mạch về nhà, khá cách xa Cova da Iria, để lấy mấy đồng bạc cắc, hòng trả tự do cho con chim. Và khi ngắm con chim bay đi, em vỗ tay hân hoan, và nói: “Cẩn thận nhé, đừng để bị bắt lại”.

Gần đó, có người đàn bà cao tuổi tên là Ti Maria Carreira, được các con trai thỉnh thoảng nhờ ra đồng trông nom đàn chiên và dê của họ. Các súc vật này rất hoang nên thường hay đi lạc đủ mọi hướng. Bất cứ gặp Ti Maria lúc nào ở khu này, Francisco đều là người đầu tiên chạy tới giúp bà. Em giúp bà dẫn đàn vật tới khu gặm cỏ, đuổi theo các con lạc và đưa chúng về một nơi với nhau. Bà già tội nghiệp cám ơn Francisco rối rít và gọi em là thiên thần hộ mệnh của bà.

Khi chúng con gặp bất cứ người bệnh nào, em đều hết sức cảm thương mà nói: “Em không chịu được khi thấy họ, vì em cảm thấy rất thương hại họ! Hãy nói với họ là em cầu nguyện cho họ”.

Một hôm, người ta muốn đưa chúng con đi Montelo, tới nhà của một người tên là Joaquim Chapeleta. Francisco không muốn đi. “Em không đi, vì em không thể chịu đựng được khi thấy người muốn nói mà nói không được” (mẹ của ông này câm).

Khi Jacinta và con trở về lúc nhá nhem, con hỏi dì con xem Francisco ở đâu. Bà trả lời: “Làm sao dì biết được! Dì mệt nhoài vì suốt buổi chiều đi tìm nó. Một số bà đến đây, muốn gặp các con nhưng hai đứa con đâu có ở đây. Nó chạy đi, và mất hút luôn. Bây giờ hai con hãy đi tìm nó đi!”

Chúng con ngồi xuống ghế dài ở trong bếp một lúc, nghĩ rằng sau đó nên đi Loca do Cabeço, vì biết chắc chúng con sẽ thấy em ở đó. Nhưng ngay sau khi dì con rời nhà, thì tiếng em đã thốt ra từ gác xép qua một chiếc lỗ nhỏ ở trần. Em leo lên đó khi nghĩ rằng một ai đó sẽ đến đây. Từ vọng gác này, em quan sát mọi việc diễn ra, và sau này thuật cho chúng con hay:

“Nhiều người đến quá! Thiên đàng đã giúp em khỏi để họ bắt gặp em! Nếu không, em không biết phải nói với họ ra sao?”

(Có một chiếc cửa sập ở trong bếp, rất dễ với tới bằng cách để một chiếc ghê lên bàn, nhờ thế mà leo lên được gác xép).

Lòng yêu mến và nhiệt thành của Francisco

Như con đã thưa, dì con bán đàn vật trước mẹ con. Từ đó trở đi, trước khi con ra ngoài vào buổi sáng, con cho Jacinta và Francisco biết địa điểm con sẽ cho chiên gặm cỏ ngày ấy: ngay lúc có thể rời nhà, hai em đã tới gặp con.

Một hôm, hai em đứng chờ con tới. “Ồ, làm thế nào hai em đến sớm thế?” Francisco trả lời: “Em đến, vì, em không biết tại sao, ở với chị chẳng ăn nhằm gì với em trước đây, em đến chỉ vì Jacinta thôi; nhưng nay, em không ngủ được vào buổi sáng vì mong được ở với chị”

Khi các lần hiện ra vào các ngày 13 mỗi tháng đã qua đi, em nói với chúng con vào buổi chiều trước mỗi ngày 13 tiếp theo rằng: “Này, sáng sớm mai, em sẽ trốn ra ngoài qua vườn phía sau, tới chiếc hang ở trên đồi Cabeço. Ngay khi có thể, bọn chị hãy đến gặp em ở đó”.

Ôi thân thương thay! Con đang viết những điều quanh việc em ngã bệnh và gần qua đời, mà giờ đây lại thấy mình trở về với thời kỳ hạnh phúc chúng con còn ở bên rặng núi, với chim kêu vui vẻ quanh chúng con. Con xin Đức Cha tha thứ cho. Con viết bất cứ điều gì con bỗng nhớ ra, như con cua bò ngược bò xuôi không lo đến chuyện tới nơi kết thúc cuộc hành trình. Con trao việc làm của con cho Tiến Sĩ Galamba, tùy ngài sử dụng bất cứ điều gì trong đó, dù con vẫn cho rằng ngài tìm được rất ít hay không được gì cả.

Do đó, con xin trở lại với bệnh tình của Francisco. Nhưng, trước hết, con xin kể cho Đức Cha vài điều về việc đi học của em. Một hôm, em ra khỏi nhà và gặp con cùng chị Teresa của con, người đã lập gia đình và sống ở Lomba. Một người đàn bà khác ở ấp lân cận yêu cầu chị tới gặp con về người con trai của bà phạm một tội gì đó mà con không nhớ, và nếu cậu ta không chứng minh được sự vô tội, thì sẽ bị kết án một là biệt xứ hai là mấy năm tù. Nhân danh người đàn bà khốn khổ này, người mà chị muốn thấy được ơn, Chị Teresa năn nỉ con xin ơn này cùng Đức Mẹ. Sau khi nhận được lời nhắn nhe này, con lên đường tới trường, và trên đường đi, con kể cho Jacinta và Francisco nghe. Lúc tới Fatima, Francisco bảo con:

“Này, trong khi bọn chị tới trường, em sẽ ở lại đây với Chúa Giêsu Ẩn Mình, để xin Người ban ơn đó”.

Khi từ trường trở về, con đến gọi và hỏi em: “Em đã cầu xin Chúa ban ơn ấy chưa?” Em thưa: “Có, em đã xin rồi. Chị nói với chị Teresa rằng mấy ngày nữa, cậu ấy sẽ có mặt ở nhà”.

Và quả thật, mấy ngày sau, cậu trai đáng thương ấy đã trở về nhà. Vào ngày 13, cậu và cả gia đình cậu tới cám ơn Đức Mẹ vì ơn đã nhận được.

Một dịp khác, khi chúng con rời nhà, để ý thấy Francisco bước rất chậm, con hỏi em:

“Chuyện gì vậy, em như người không thể cất bước!”

“Em bị đau đầu quá, và cảm thấy như muốn té”.

“Vậy em đừng tới. Cứ ở nhà đi!”

“Em không muốn thế. Em thích được ở nhà thờ gần bên Chúa Giêsu Ẩn Mình, trong khi bọn chị đi học”.

Francisco lúc đó đã ngã bệnh rồi nhưng vẫn cố gắng bước đi, nên một hôm con đi với em tới chiếc hang ở Cabeço, và tới Valinhos. Lúc về nhà, chúng con thấy nhà đầy người. Một người đàn bà đáng thương đứng cạnh chiếc bàn, đang như làm phép rất nhiều đồ vật đạo đức: tràng hạt, mẫu ảnh, tượng chịu nạn, v.v… Jacinta và con chẳng bao lâu bị vây quanh bởi đám đông muốn hỏi han chúng con. Francisco bị người xưng mình là “làm phép” ấy nắm lấy, muốn em giúp bà ta.

Em trả lời rất nghiêm nghị rằng “Cháu không thể làm phép và cả bà nữa cũng không thể! Chỉ có các cha mới được làm!”.

Lời lẽ của em truyền đi giữa đám đông nhanh như chớp, như thể được nói trên loa phóng thanh, khiến người đàn bà đáng thương vội tẩu thoát giữa nhiều lời chủi rủa của đám đông, mọi người đòi lại các đồ vật đã đưa cho bà ta.

Khi thuật truyện về Jacinta, con đã kể Francisco một hôm đã đến được Cova da Iria ra sao; em đã mang một sợi dây và đã đưa lại cho con thế nào; vào những ngày nóng nực, em đã là người đầu tiên dâng hy sinh không uống nước ra sao; và thỉnh thoảng em nhắc em gái phải chịu đau khổ vì các người có tội như thế nào, và v.v…Do đó, con nghĩ không cần phải nhắc lại các việc ấy ở đây.

Một hôm, con ngồi cạnh giường em, để chuyện trò với em, Jacinta, người phải đứng lên một lúc, cũng ở đó. Bỗng nhiên, chị Teresa của em vào báo cho chúng con hay có một đám khá đông người đang tới ở ngoài lộ, và chắc chắn sẽ đến tìm chúng con. Ngay khi chị ra ngoài, con nói với Francisco: “Được rồi, hai em đợi họ ở đây, chị đi trốn”.

Jacinta tìm cách chạy phía sau con, và cả hai chúng con trốn được ở phía sau chiếc thùng bị lật úp ngay ở ngoài chiếc cửa dẫn tới vườn sau nhà. Không lâu sau, chúng con nghe thấy tiếng ồn ào của những người lục soát căn nhà, đi vào vườn và đứng ngay phía sau chiếc thùng; nhưng chúng con không hề hấn gì vì phía trống của chiếc thùng quay về hướng đối nghịch.

Khi thấy họ đã đi rồi, chúng con ra khỏi chỗ trốn, và tới gặp lại Francisco; em kể cho chúng con nghe mọi điều xẩy ra.

“Có nhiều người lắm và họ muốn em cho họ hay bọn chị ở đâu, nhưng em đâu biết. Họ muốn gặp chúng ta để hỏi đủ thứ. Ngoài ra, còn có một bà đến từ Alqueidāo, bà muốn một người bệnh được chữa khỏi và một người tội lỗi được ăn năn trở lại. Em sẽ cầu xin cho người đàn bà ấy, còn bọn chị sẽ cầu xin cho các người khác, nhiều người như thế lắm”.

Sau khi Francisco qua đời được ít lâu, người đàn bà trên đến gặp chúng con và yêu cầu con chỉ cho bà phần mộ của em. Bà muốn tới đó cám ơn em vì hai ơn mà bà đã xin em cầu xin cho.

Một hôm, chúng con vừa ra khỏi Aljustrel, trên đường tới Cova de Iria, một nhóm người tình cờ gặp chúng con ở chỗ rẽ. Để thấy và nghe rõ chúng con, họ nâng Jacinta và con lên một bức tường. Francisco không chịu để họ nâng lên đó, như thể em sợ bị té. Rồi từ từ, em qua bên kia và tựa vào một bức tường đổ nát ở phía đối diện. Một người đàn bà đáng thương và đứa con trai, thấy họ có thể đích thân nói với chúng con, như lòng mong ước, bèn tới qùy xuống trước mặt Francisco. Họ năn nỉ em xin với Đức Mẹ ban ơn cho người cha gia đình được khỏi bệnh và không phải ra ngoài mặt trận. Francisco cũng qùy gối, lấy mũ ra,và hỏi xem họ có thích đọc kinh mân côi với em không. Họ nói họ thích, và bắt đầu đọc. Chẳng bao lâu sau, tất cả những người này đều ngừng hỏi những câu hỏi kỳ cục và đến qùy gối cầu nguyện. Sau đó, tất cả cùng đi với chúng con tới Cova da Iria, vừa đi vừa đọc kinh mân côi. Khi đã tới đó, chúng con đọc một tràng mân côi nữa, rồi họ mới ra về, lòng đầy sung sướng.

Người đàn bà đáng thương hứa sẽ trở lại và cám ơn Đức Mẹ vì các ơn đã cầu xin, nếu nhận được. Bà đã trở lại nhiều lần, không những có con trai đi cùng mà cả chồng bà nữa, người nay đã bình phục. Họ đến từ giáo xứ Thánh Mamede và chúng con gọi họ là gia đình Casaleiros.

Bệnh tình của Francisco

Dù đang bệnh, Francisco lúc nào cũng tỏ ra vui vẻ và hài lòng. Thỉnh thoảng, con hỏi em:

“Này Francisco, em có đau lắm không?

“Em khá đau, nhưng không hệ gì! Em chịu đau khổ để an ủi Chúa, và sau đó, chỉ ít lâu nữa htôi, em sẽ lên thiên đàng!”

“Khi lên đó, em đừng quên cầu xin Đức Mẹ mau đem chị lên đó nữa nghe!”

“Điều đó, em sẽ không cầu xin đâu! Chị biết rõ ngài chưa muốn chị ở đó!”

“Vậy em nghe đây. Khi lên đó, em đừng quên cầu nguyện nhiều cho các người có tội, cho Đức Thánh Cha, cho chị và cho Jacinta”

“Vâng, em sẽ cầu nguyện. Nhưng này chị, tốt hơn, chị nên yêu cầu Jacinta xin những điều ấy, vì em sợ em sẽ quên khi em thấy Chúa. Lúc ấy, em chỉ muốn được an ủi Người mà thôi”.

Một hôm, vào buổi sáng sớm, chị Teresa của em đến tìm con.

“Chị hãy mau đến nhà em! Francisco sức khỏe tệ lắm, và cho hay nó cần nói với chị điều gì đó”.

Con mặc quần áo vội vàng rồi ra đi. Francisco yêu cầu mẹ và các anh chị em rời khỏi phòng, nói rằng em muốn yêu cầu con một việc bí mật. Mọi người ra ngoài, và em nói với con:

“Em sắp sửa xưng tội để rước Mình Thánh, và sau đó, qua đời. Em muốn chị cho em hay chị có thấy em phạm bất cứ tội nào không; chị cũng đi và hỏi xem Jacinta có thấy em phạm bất cứ tội nào hay không”. Con trả lời:

“Em không vâng lời mẹ em mấy lần, khi dì nói em phải ở lại nhà, nhưng em lại chạy trốn để ở với chị hoặc đi trốn”.

“Đúng vậy. Em nhớ. Bây giờ chị đi hỏi Jacinta xem nó có nhớ điều gì khác nữa không?”

Con đi, và Jacinta nghĩ một lúc, rồi trả lời: “À, chị nói với anh ấy rằng trước khi Đức Mẹ hiện ra với chúng ta, anh ấy có lấy của cha em một đồng cắc để mua một chiếc hộp nhạc của José Marto ở Casa Velha; và khi mấy đứa con trai từ Aljustrel ném đá vào những đứa ở Boleiros, anh ấy cũng có ném một vài viên!”

Khi con đem lời nhắn của Jacinta tới cho em, em nói: “Em đã xưng các tội ấy rồi, nhưng em sẽ xưng chúng một lần nữa. Có thể vì các tội này mà Chúa buồn sầu đến thế! Nhưng dù không chết, em cũng sẽ không bao giờ tái phạm chúng nữa. Giờ đây, em thật lòng hối hận vì chúng”.

Rồi chắp hai tay lại, em đọc kinh: “Ôi lạy Chúa Giêsu của con, xin Chúa tha tội chúng con, xin Chúa cứu chúng con khỏi lửa hỏa ngục, xin đem các linh hồn lên thiên đàng nhất là các linh hồn cần [được cứu] nhất”. Rồi em nói:

“Bây giờ, chị cũng cần xin Chúa tha các tội lỗi cho em”.

“Em đừng lo, chị sẽ cầu xin như thế. Nếu Chúa chưa tha thứ các tội của em, thì Đức Mẹ đã không nói với Jacinta hôm trước rằng nay mai ngài sẽ tới đem em về thiên đàng. Bây giờ, chị sẽ đi lễ, và trong Thánh Lễ, chị sẽ cầu nguyện với Chúa Giêsu Ẩn Mình cho em”.

“Vậy, chị hãy xin Người để cha xứ cho em rước lễ”

“Nhất định chị sẽ xin”.

Khi con từ nhà thờ trở về, Jacinta đã thức dậy và đang ngồi cạnh giường của Francisco. Ngay khi thấy con, Francisco hỏi ngay:

“Chị có xin với Chúa Giêsu Ẩn Mình để cha xứ cho em rước lễ không?”

“Chị đã xin”.

“Vậy khi ở thiên đàng, em sẽ cầu nguyện cho chị”.

“Thật không? Sao hôm trước em bảo em sẽ không cầu nguyện cho chị?”

“Hôm đó [chị có ý xin] cho chị mau mau được đem về trời. Nhưng nếu đó là điều chị muốn em xin, em sẽ xin, và lúc đó, ta cứ để Đức Mẹ muốn làm gì thì làm”.

“Đúng, em cầu xin như thế đi”.

“Rồi. Chị đừng lo. Em sẽ cầu”

Sau đó, con chia tay các em và đi thi hành các nghĩa vụ học hành và làm việc thông thường hàng ngay. Khi về đến nhà lúc ban đêm, con thấy em hân hoan rạng rỡ. Em đã xưng tội, và cha xứ đã hứa sẽ đem Mình Thánh đến cho em vào hôm sau.

Ngày hôm sau, sau khi rước lễ, em nói với em gái: “Anh hạnh phúc hơn em, vì anh đã có Chúa Giêsu Ẩn Mình trong lòng anh. Anh sắp sửa lên thiên đàng, nhưng anh sẽ cầu xin nhiều với Đức Mẹ để các Đấng đem cả em lên đó nay mai”.

Jacinta và con dành gần hết hôm đó để ở bên giường em. Vì không còn khả năng đọc kinh, nên em yêu cầu chúng con đọc kinh mân côi cho em. Rồi em nói với con:

“Chắc chắn khi ở thiên đàng, em sẽ nhớ chị kinh khủng. Ước chi Đức Mẹ cũng mau đem chị lên đó!”

“Em sẽ không nhớ chị đâu! Cứ tưởng tượng mà xem! Em ở trên đó với Chúa và Đức Mẹ! Các Đấng tốt lành xiết bao!”

“Đúng vậy! Có lẽ, em sẽ không nhớ!”

Rồi con nói thêm: “Có lẽ em sẽ quên! Nhưng không hệ gì!”

Còn tiếp
 
Giải đáp phụng vụ: Có cuốn sách nào hệ thống hóa luật Phụng vụ không?
Nguyễn Trọng Đa
10:05 09/05/2017
Giải đáp phụng vụ: Có cuốn sách nào hệ thống hóa luật Phụng vụ không?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Trước đây tôi từng làm việc như một chuyên viên phụng vụ, và tiếp tục tình nguyện huấn luyện các người giúp lễ, và làm chưởng nghi cho Giám mục. Theo kinh nghiệm của tôi, rất khó để điều chỉnh cho đúng các làn sóng của luật phụng vụ, vì có rất nhiều tài liệu khác nhau. Tôi biết rằng có Bộ Giáo Luật, nhưng mục đích của Bộ Giáo Luật này không đề cập đến luật phụng vụ. Thưa cha, hiện tại có cố gắng hoặc nỗ lực nào để hệ thống hóa luật phụng vụ trong một bộ sưu tập toàn diện không? Bộ Giáo Luật cho phép giáo dân có quyền về phụng vụ hợp thức và thành sự, và có vẻ như một Luật phụng vụ được hệ thống hóa sẽ giúp bảo đảm quyền nảy, và ngăn ngửa các lạm dụng phụng vụ liên tục. - J. M., Michigan, Hoa Kỳ.


Đáp: Trong câu trả lời này, chúng tôi lấy lại một số tài liệu được sử dụng trong thư trả lời năm 2008.

Mặc dù Bộ Giáo Luật của Giáo Hội chỉ được hệ thống hóa lần đầu tiên vào năm 1917, việc soạn thảo và hệ thống hóa này đã phản ánh một truyền thống pháp lý lâu đời bén rễ trong luật Rôma.

Do đó, các chuyên viên Giáo Luật có thể kín múc từ nguồn suối sâu của các giải thích truyền thống trong việc nêu rõ ý nghĩa của luật. Hầu hết các chuyên viên Giáo Luật đều cho rằng các nghi ngờ về ý nghĩa khách quan của một luật là khá hiếm.

Tuy nhiên, các nghi ngờ cũng đã xảy ra, và thường được làm sáng tỏ theo thời gian, bởi một giải thích trung thực, do cơ quan lập pháp ban hành, theo một luật mới vốn làm sáng tỏ hơn câu hỏi đang được bàn đến, hoặc bằng sự phát triển trong học thuyết giáo luật, cho đến khi có sự đồng thuận giữa các người thực hành mẹo luật.

Toà Thánh có một cơ quan đặc biệt chuyên về giải thích trung thực các luật. Quyết định đầu tiên của cơ quan này, liên quan đến Bộ Giáo Luật năm 1983, đã đề cập đến ý nghĩa của từ ngữ "iterum" (có nghĩa là "lại, nữa" hay "lần thứ hai") trong Điều 917, đề cập đến việc Rước lễ. Quyết định này nói đến nghĩa "lần thứ hai", về số lần mà một người có thể Rước lễ trong một ngày.

Tất cả, trừ các khía cạnh thiết yếu nhất của luật phụng vụ, được tìm thấy bên ngoài Bộ Giáo Luật, và chưa bao giờ được hệ thống hóa hoàn toàn trong một quyển sách duy nhất. Và do tính phức tạp và sự biến đổi của tình hình, nó sẽ không được hệ thống hóa sớm.

Trong luật phụng vụ, chúng ta phải phân biệt giữa các luật có thể được áp dụng cho các hình thức thông thường và hình thức ngoại thường của nghi lễ Rôma.

Các nghi thức của hình thức ngoại thường được xác định cách tỉ mỉ.

Trong hơn bốn thế kỷ, nghi thức này đã tạo ra một bộ pháp lý đáng kể, được tập hợp với nhau trong các cuốn chứa đựng các sắc lệnh xác thực của Thánh Bộ Nghi thức. May thay, loạt luật phức tạp này thường được các học giả thuần thục đưa vào các sách hướng dẫn mô tả, để cho các linh mục và chưởng nghi sử dụng. Hai trong số các cuốn tốt nhất đã được tái bản: cuốn "The Ceremonies of the Roman Rite Described, Các nghi thức của nghi lễ Rôma được miêu tả" của Cha A. Fortescue và J.B. O’Connell, được cập nhật bởi cha Alcuin Reid, OSB, và cuốn “Compendio di Liturgia Pratica, Tóm tắt phụng vụ thực hành” đầy đủ hơn bằng tiếng Ý của L. Trimelloni.

Việc hệ thống hóa và giải thích các qui chế của hình thức thông thường thể hiện một số khó khăn cụ thể. Sự trẻ trung tương đối của nghi lễ (ít nhất là về các chữ đỏ của nó) có nghĩa là có rất ít trong cách thức của hệ thống luật pháp lịch sử, vốn có thể làm rõ ràng bất cứ đoạn văn nghi ngờ nào.

Một khó khăn khác là phạm vi của các sách phụng vụ khác nhau, vốn là các nguồn quan trọng nhất của luật phụng vụ. Đôi khi chúng được cập nhật, để người ta đoan chắc rằng có lần in mới nhất của mỗi nghi thức, vì chúng có thể sửa đổi các qui chế trước đó, dưới ánh sáng của kinh nghiệm thực tế.

Cũng có khó khăn rằng nói chung các chữ đỏ cố tình tránh các mô tả chi tiết về nghi thức, như là để lại một mức độ uyển chuyển nào đó. Thí dụ, cả hai hình thức ngoại thường và hình thức thông thường đều nói rằng linh mục cầu nguyện với đôi tay mở rộng, nhưng trong khi hình thức ngoại thường có các mô tả chi tiết, nghi thức thông thường ít nói rõ về khoảng cách và vị trí của đôi tay, để lại điều này cho sự quyết định của linh mục. Thật vậy, sự mô tả chính xác nhất được tìm thấy trong Sách Lễ Nghi Giám mục, số 104. Ngoài sự việc rằng sách này thường không có trong phòng thánh (phòng áo lễ), sự mô tả không đi vào chi tiết nhiều, chỉ nói rằng đôi bàn tay “nâng lên và giang ra một chút”, và cũng trích dẫn Tertullian nói rằng cử chỉ đó được thực hiện để bắt chước Đức Kitô trong cuộc Thương Khó của Ngài.

Một yếu tố khác nữa là sự tham gia của các trường hợp khác của luật phụng vụ bên cạnh Tòa Thánh, chẳng hạn các phong tục hợp pháp và Hội Đồng Giám Mục. Các Hội Đồng Giám Mục có thể đề nghị các sự thích nghi cụ thể đối với quốc gia của họ, vốn đòi hỏi sự chấp thuận của Tòa Thánh trước khi trở thành luật cụ thể. Họ cũng có thể xuất bản các tài liệu khác, chẳng hạn hướng dẫn về một số vấn đề phụng vụ nào đó, mặc dù không ràng buộc về mặt pháp lý nghiêm ngặt, nhưng trong thực tế trở thành một điểm qui chiếu.

Tương tự như vậy, sự xuất hiện các bản dịch chính thức đôi khi làm cho việc giải thích trở nên khó khăn, đặc biệt khi các bản dịch thay đổi ý nghĩa của một văn bản, thậm chí giữa các quốc gia dùng chung một ngôn ngữ. Không giống như phụng vụ, Giáo luật không có các bản dịch chính thức, và chỉ có văn bản Latinh có thể được sử dụng cho các mục đích pháp lý mà thôi.

Mặc dù có các khó khăn này, việc diễn giải phụng vụ là không tùy tiện.

Thánh Bộ Phượng Tự và Kỷ luật Bí Tích đôi khi thực hiện các diễn giải đích thực cho văn bản Phụng Vụ. Chẳng hạn, Thánh Bộ tuyên bố rằng số 299 của Qui chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma, khi tuyên bố rằng việc linh mục cử hành Thánh Lễ quay xuống giáo dân là được "mong muốn hơn", nhưng điều này không cấu thành sự buộc về pháp lý.

Gần đây, Thánh Bộ Phượng Tự đã bắt đầu xuất bản tạp chí chính thức và công bố các sắc lệnh quan trọng nhất của mình, trên trang mạng của Tòa thánh Vatican, mặc dù vẫn chưa đầy đủ. Cũng có một sáng kiến tư nhân rất hữu ích trên trang mạng: http://www.ipsissima-verba.org/ chứa đựng cách thực tiễn tất cả các câu trả lời chính thức trong 50 năm qua, trong đó nhiều câu trả lời có kèm bản dịch tiếng Anh.

Ngoài ra còn có các “huấn thị" chính thức, vốn là văn bản pháp lý kỹ thuật thiết lập luật liên

quan đến các khía cạnh đặc biệt của phụng vụ. Các ví dụ gần đây là huấn thị Liturgiam Authenticam về việc dịch các văn bản, và huấn thị Redemptionis Sacramentum về chống các lạm dụng phụng vụ.

Các giải thích trung thực như vậy đã làm sáng tỏ ý kiến của nhà làm luật, về các vấn đề tương tự, và vì thế giúp giải quyết các điểm tranh chấp. Trong một số trường hợp, các quyết định lịch sử về hình thức ngoại thường vẫn còn là hữu ích, trong việc hiểu được hình thức thồng thường hiện tại.

Một phương tiện khác là xem xét việc sử dụng một từ ngữ đặc biệt trong các tài liệu chính thức, để đánh giá toàn bộ ý nghĩa của nó. So với luật dân sự, toàn bộ các qui định phụng vụ cấu thành một bộ phận tương đối nhỏ, và điều này làm cho các so sánh này là khá dễ dàng.

Có một số cuốn sách tham khảo xuất sắc, vốn có thể giúp ích người tìm kiếm lội qua bãi lầy của luật phụng vụ. Tại một số quốc gia, nhiều sách đã được in, chứa các tài liệu quan trọng nhất, và cho phép nghiên cứu thông qua các chỉ dẫn chuyên đề tuyệt vời - thí dụ cuốn Enchiridion Liturgico (1994) bằng tiếng Ý, và bộ "The Liturgy Documents, Văn kiện Phụng vụ" gồm bốn cuốn bằng tiếng Anh. Cũng có cuốn "Documents on the Liturgy 1963-1979, Tài liệu về Phụng vụ 1963-1979" dày 1.511 trang và cũ hơn, xuất bản năm 1983.

Đúng là nhiều trong số các tài liệu này được đưa lên trang mạng, nhưng chúng thiếu các chỉ dẫn chuyên đề rất hữu ích, để có thể làm rõ tình trạng của câu hỏi.

Ngoài ra còn có một số sách hướng dẫn phụng vụ cho hình thức thông thường, vốn tiêu hóa các qui chế thành các giải thích thực tiễn cho các cử hành.

Trong số các cuốn đầu tiên, và có lẽ vẫn là tốt nhất, là cuốn "Ceremonies of the Modern Roman Rite, Các nghi thức của nghi lễ Rôma hiện đại” (2004) và cuốn "Ceremonies of the Liturgical Year, Các buổi lễ của Năm Phụng vụ" (2002), đều là của Đức Cha Peter J. Elliott. Về Thánh Lễ, cũng có một cuốn rất hay "A Commentary on the General Instruction of the Roman Missal, Một bình giải về Qui chế Tổng quát Sách Lễ Rôma" (2008). Tôi có thể phản bác một số cách giải thích trong đó, nhưng cuốn sách là một bản thông tin nền tảng cho tôi về nguồn gốc của Qui chế Tổng quát Sách Lễ Rôma (GIRM), vốn giúp rất nhiều trong việc giải thích các điều tối nghĩa hơn.

Cuối cùng, không giống phần lớn luật dân sự, luật phụng vụ thực sự được thiết kế để được hiểu rõ ràng hơn bởi các người không chuyên, vì vậy nó thực sự có ý nghĩa dựa trên việc đọc theo nghĩa đen. Do đó, các linh mục, thầy phó tế, người phụ trách phòng thánh, và các diễn viên phụng vụ khác được miễn trách cho sự cần có một mức độ luật nào đó, trong việc chuẩn bị cho Thánh Lễ.

Khó khăn trong luật phụng vụ thường không ở trong sự hiểu biết, nhưng trong đức tin, đức mến và ý muốn thực hiện nó. (Zenit.org 9-5-2017)

Nguyễn Trọng Đa
 
Một trăm năm Fatima: Francisco dưới ngòi bút Lucia (kỳ cuối)
Vũ Văn An
17:35 09/05/2017
Cái chết thánh thiện của Francisco

Đêm đó, con nói lời tạm biệt em.

“Tạm biệt Francisco! Nếu đêm nay em lên thiên đàng, đừng quên chị khi lên đó, em có nghe chị nói không?”

“Không, em sẽ không quên. Chị hãy nắm chắc điều đó!” Rồi nắm lấy bàn tay phải của con, em giữ nó thật chặt một hồi lâu, nhìn con trong nước mắt đầm đìa.

Con cũng nước mắt đầm đìa hỏi em: “Em có muốn điều gì khác nữa không?” Em nhỏ tiếng trả lời, hoàn toàn tự chủ: “Không!”

Vì khung cảnh trở nên quá xúc động, nên dì con yêu cầu con rời khỏi phòng.

“Vậy tạm biệt Francisco! Cho tới khi chúng ta gặp nhau lại ở trên thiên đàng, tạm biệt em…”

Thiên Đàng quả đang gần kề. Em bay về đó ngày hôm sau trong vòng tay của Mẹ Trên Trời. Không bao giờ con có thể mô tả được con nhớ em đến thế nào. Nỗi buồn mất mát này xé nát trái tim vốn đã bị đâm thâu qua của con trong nhiều năm sắp tới. Chính hồi ức quá khứ sẽ vang vọng mãi mãi thiên thu.

Tiếng thơm thánh thiện của Jacinta và Phanxicô

Sau các chi tiết trên về Francisco, chị Lucia tường trình lại các lần hiện ra, rồi viết lời bạt cho cuốn hồi ký 4. Tuy nhiên, sau đó, chị viết thêm một số hoài niệm khác về Jacinta theo lời yêu cầu của linh mục tiến sĩ Galamba, trong đó có việc nhờ lời cầu nguyện của em, mà một người đàn ông bị nấc cụt liên tục trong 3 năm đã được chữa lành và một chàng thanh niên hoang đàng trở về nhà cha mẹ sau khi biến dạng một thời gian không ai biết ở đâu. Chị cũng nhân dịp này nhận định về cuốn sách của Cha Fonseca, Dòng Tên, tựa là “Đức Mẹ Fatima” mà theo chị có nhiều chỗ không đúng. Cuối cùng là phần chị nói tới cảm nhận của chính bản thân chị về “Tiếng Thơm Thánh Thiện của Jacinta”. Chị viết:

“Mọi hành động của Jacinta rõ ràng phản ảnh thánh nhan Thiên Chúa theo cung cách người lớn và giầu nhân đức. Con không bao giờ thấy nơi em tính phù phiếm thái quá hay hứng chí ấu trĩ chỉ thích các trò chơi và đồ vật đẹp mã, rất đặc trưng nơi các trẻ nhỏ. Điều này, dĩ nhiên, diễn ra sau các lần Đức Mẹ đã hiện ra; trước đó, em là hiện thân của hứng chí và thất thường! Con không thể nói các trẻ em khác vây quanh em như chúng vây quanh con. Điều này có lẽ do sự kiện này là em không biết nhiều bài hát và truyện kể để dạy chúng và tiêu khiển chúng, hay có lẽ nơi em, có một sự nghiêm túc đi trước tuổi của em.

Trước mặt em, nếu một đứa trẻ, thậm chí cả người lớn cũng vậy, nói hay làm một điều khó coi, em sẽ la ngay, nói rằng ‘em đừng làm việc đó, vì làm thế là xúc phạm đến Thiên Chúa là Chúa chúng ta, mà Người thì đã bị xúc phạm quá nhiều rồi!’”

Lucia nhận định rằng: một mình Jacinta không lôi cuốn được nhiều trẻ em khác, nhưng có cả Lucia, thì các trẻ em khác rất muốn chơi với Jacinta. Nhân những cơ hội này, Jacinta dạy chúng Kinh Lạy Cha, Kinh Kính Mừng, cách làm dấu thánh giá, ca hát, đọc kinh Mân Côi với nhau và khuyên chúng “đừng phạm tội, nhờ thế tránh được việc xúc phạm đến Chúa và phải sa hỏa ngục”.

Chị Lucia coi Jacinta như một “mẫu mực nhân đức”. Chị cho biết: cả người lớn cũng hay tới gặp Jacinta, một người “luôn nhẫn nại, không hề đòi hỏi hay kêu ca gì. Bất cứ nằm ở thế nằm nào khi mẹ em bỏ đi, em cứ nằm như thế. Nếu có ai hỏi xem em có cảm thấy đỡ hơn không, em đều trả lời: “em vẫn vậy” hoặc “em nghĩ em tệ hơn, cám ơn chị”.

Người lớn đến với em khá đông, nhiều khi chỉ để ngồi bên giường em như thể họ thích được ở bên cạnh em. Nhưng cũng vì thế, em phải nghe nhiều câu hỏi gây khó chịu. Nhưng em không bao giờ tỏ vẻ thiếu kiên nhẫn hay giận dữ, để “dâng nhiều hy sinh hơn cho Chúa”.

Nhiều người mến Jacinta và Francisco vì các nhân đức của các em. Chị Lucia kể lại nhận xét của một số người đến thăm Jacinta và Francisco, sau đó đến thăm chị để kiểm chứng. Chị nghe lóm một người nói: “Để xem em này nói với ta điều gì”. Một người khác nói tiếp: “Điều gây ấn tượng nơi tôi là sự ngây thơ và thành thật của Jacinta và Francisco. Nếu em này không tự mâu thuẫn, tôi sẽ tin. Tôi không biết tôi cảm thấy gì trước mặt hai em bé này”. Một linh mục trong đoàn lên tiếng: “dường như ta cảm thấy có điều gì siêu nhiên quanh con người các em”.

Francisco, theo chị Lucia, có khác với Jacinta. Em có phong cách dễ dãi hơn, luôn luôn thân hữu và mỉm cười, chơi với mọi trẻ em khác không hề phân biệt. Em không la mắng ai. Em chỉ lẳng lặng bỏ đi, bất cứ khi nào thấy một điều không như mong muốn. Nếu có ai hỏi tại sao bỏ đi, em chỉ trả lời “tại chị/anh không tốt” hoặc “tôi không muốn chơi nữa”.

Khi người lớn tới thăm, em thường giữ im lặng, hoặc chỉ lên tiếng khi có người hỏi em trực tiếp và lúc ấy, chỉ trả lời ngắn gọn. Dù thế, nhiều người vẫn thích tới thăm em. Họ bảo: “tôi không biết gì về Francisco, nhưng ở đây, tôi cảm thấy rất tốt!”.

Có một bà tâm sự với mẹ Lucia và mẹ Francisco rằng: “Đây là một mầu nhiệm khó lường! Chúng là con nít như mọi đứa trẻ khác, chúng không nói gì với chúng ta, ấy thế nhưng trước mặt chúng, người ta cảm thấy một điều gì đó khó giải thích, và điều này làm chúng khác với các trẻ em khác”.

Có người còn ví bầu khí quanh Francisco như bầu khí trong nhà thờ. Chị Lucia nhận định rằng: “con không lấy làm lạ khi người ta có cảm giác đó, vì họ đã quá quen thuộc với việc chỉ tìm thấy nơi mọi người khác sự lo lắng về của cải vật chất vốn đi đôi với cuộc sống trống rỗng, hời hợt. Trong khi đó, chỉ nhìn thấy mấy em này (Jacinta và Francisco) đủ hướng tâm trí người ta về Mẹ trên trời, Đấng mà người ta tin các trẻ em này luôn hiệp thông với; hướng về cõi đời đời, vì họ thấy các em háo hức, hân hoan và hạnh phúc xiết bao khi nghĩ tới lúc được về đó; hướng tới Thiên Chúa, vì các em nói các em yêu mến Người hơn cả cha mẹ các em; và nghĩ tới cả hỏa ngục nữa, vì các em cảnh báo họ rằng người ta sẽ sa xuống đó nếu họ tiếp tục phạm tội…”

Về Francisco, chị kể thêm một phép lạ: Có người đàn bà tên Mariana ở làng Casa Velha đến tận phòng xin em cầu nguyện cho đứa con trai của bà làm hòa với cha cậu sau khi bị ông giận đuổi đi. Francisco hứa với bà: “Bác đừng lo. Cháu sắp sửa lên thiên đàng rồi, và khi lên đó, cháu sẽ xin Đức Mẹ ban ơn ấy”.

Đúng buổi chiều Francisco qua đời, cậu thanh niên đã xin cha cậu tha thứ. Người chị cậu này, sau đó, kết hôn với anh trai Francisco và Jacinta và có người con gái “mà Đức Cha đã gặp ở Cova da Iria, khi cô sắp sửa vào Dòng Dorothy”.

Thay lời kết luận

Tuy nhiên, không ai thâm thúy bằng Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong bài giảng lễ phong chân phúc cho Francisco và Jacinta Marto tại Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Mân Côi Fatima ngày 13 tháng Năm năm 2000 trước sự tham dự của nhiều Hồng Y, giám mục thế giới và hơn 600,000 tín hữu tụ tập tại quảng trường Nhà Thờ, dĩ nhiên, trong đó, có Nữ Tu Maria Lucia của Trái Tim Vô Nhiễm.

Ngài ví Francisco như Môsê xưa thấy ngọn lửa bốc cháy mà không thiêu rụi. Theo ngài, điều gây ấn tượng nhất và cuốn hút trọn vẹn con người của chân phúc Francisco là vị Thiên Chúa trong ánh sáng mênh mông soi thấu những chiều sâu thẳm nhất của ba trẻ ấy. Nhưng Người chỉ cho một mình Francisco biết Người “buồn sầu” xiết bao! Nên chân phúc đã chỉ có một nguyện ước là “an ủi Chúa Giêsu và làm cho Người hạnh phúc”.

Đức Gioan Phaolô II nói tiếp: “Một biến đổi đã diễn ra trong đời sống cậu, một sự biến đổi mà ta có thể gọi là triệt để: một sự biến đổi chắc chắn không quen thuộc chút nào với các trẻ em bằng tuổi cậu. Cậu hoàn toàn dấn thân vào một đời sống thiêng liêng thâm hậu, phát biểu qua việc cầu nguyện liên lỉ và sốt mến, và đạt tới một hình thức kết hợp huyền nhiệm thực sự với Chúa. Việc này thúc đẩy cậu thực hiện cuộc thanh tẩy tinh thần cách tiệm tiến qua việc từ bỏ các vui thú riêng của cậu, thậm chí cả các trò chơi trong trắng của tuổi thơ cậu.

“Francisco chịu đựng các đau khổ lớn lao không hề ta thán, do căn bệnh khiến cậu qua đời gây ra. Dường như tất cả những đau khổ này chẳng đáng kể bao nhiêu khi được an ủi Chúa Giêsu: cậu qua đời với nụ cười trên môi. Cậu bé Francisco có một nguyện ước lớn lao là đền tạ các xúc phạm của các người tội lỗi bằng cách cố sống tốt và dâng các hy sinh và lời cầu nguyện. Đời sống Jacinta, em gái cậu, cũng được cổ vũ bằng cùng các tình cảm như thế…

“Bé Jacinta cảm nhận và đích thân trải nghiệm nỗi buồn sầu của Đức Mẹ, nên đã anh dũng hiến thân làm của lễ hy sinh cho các người có tội. Một ngày kia, khi em và Francisco đã ngã bệnh buộc phải liệt giường, Trinh Nữ Maria đến thăm hai em tại nhà, như chính em thuật lại: ‘Đức Mẹ đến thăm chúng em và nói rằng chẳng bao lâu nữa, ngài sẽ đến và đem Francisco lên thiên đàng. Và ngài hỏi xem em có còn muốn làm nhiều người tội lỗi ăn năn trở lại không. Em nói với ngài là em muốn’. Và khi đến lúc Francisco ra đi, Jacinta bảo anh trai: ‘Gửi lời em kính chào Chúa và Đức Mẹ và thưa với các Đấng rằng em chịu mọi sự các Đấng muốn để các người tội lỗi ăn năn trở lại’. Jacinta xúc động sâu xa vì thị kiến hỏa ngục trong cuộc hiện ra ngày 13 tháng Bẩy đến nỗi không một việc hãm mình hay đền tội nào được em coi là quá lớn để cứu các người có tội”.

Nhân dịp này, Đức Gioan Phaolô II cám ơn Chúa đã cứu ngài khỏi chết trong mưu toan ám sát ngày 13 tháng Năm năm 1981. Ngài cũng “cám ơn chân phúc Jacinta vì các hy sinh và lời cầu nguyện cho Đức Thánh Cha, người mà chân phúc thấy phải chịu đau khổ rất nhiều”.

Đức Gioan Phaolô II nói rằng: “với nghi thức phong chân phúc này, Giáo Hội muốn đặt lên bệ đèn hai cây nến được Thiên Chúa đốt để soi sáng cho nhân loại trong các giờ phút đen tối và âu lo của họ này”.

Trước khi kết thúc, Đức Giáo Hoàng ngỏ lời với các thiếu nhi nam nữ: “Các lời cuối cùng của cha dành cho các thiếu nhi: các trẻ trai trẻ gái thân mến, cha thấy rất nhiều đứa trong chúng con ăn mặc giống như Francisco và Jacinta. Chúng con trông rất xinh! Nhưng chỉ ít lâu nữa hoặc ngày mai chúng con sẽ cởi mấy thứ quần áo này ra và… các trẻ mục đồng sẽ biến mất. Họ không nên biến mất, phải không? Đức Mẹ cần tất cả chúng con để an ủi Chúa Giêsu, Đấng đang buồn sầu vì những điều xấu xa làm cho Người; Người cần các lời cầu nguyện và hy sinh của chúng con cho các người tội lỗi.

“Các con hãy xin cha mẹ và các thầy cô của các con ghi danh học “trường” Đức Mẹ, để ngài dạy chúng con nên giống như các mục đồng này, những em đã cố gắng làm bất cứ điều gì ngài yêu cầu họ. Cha cho các con hay ‘người ta thực hiện nhiều tiến bộ trong một thời gian ngắn bằng cách tùng phục và lệ thuộc Đức Mẹ hơn là cả năm trường với các sáng kiến cá nhân, chỉ dựa vào một mình mình’ (Thánh Louis de Montfort, Lòng Sùng Kính Đích Thực Đức Nữ Trinh Maria, số 155). Đó là lý do làm cho các mục đồng này nên thánh nhanh như thế. Một người đàn bà cho Jacinta trọ ở Lisbon, khi nghe lời khuyên rất đẹp đẽ và khôn ngoan của bé gái này, đã hỏi ai đã dạy em. Em đáp"chính Đức Mẹ”. Hoàn toàn phó thác cho sự hướng dẫn của một Cô Giáo tốt như thế, Jacinta và Francisco chẳng bao lâu đã đạt tới đình cao của hoàn hảo”.

Viết theo cuốn “Fatima In Lucia’s Own Words” do Cha Louis Kondor, SVD, Thỉnh Nguyện Viên Án Phong Chân Phước cho Francisco và Jacinta làm chủ biên, với các lời giới thiệu và chú thích của Cha Joaquim M. Alonso, Văn Khố Trưởng của Đền Thánh Fatima, bản tiếng Anh của Các Nữ Tu Đa Minh Mân Côi Muôn Đời, do Trung Tâm Thỉnh Nguyện Fatima ấn hành năm 1976
 
Thông Báo
Thông báo Khóa Huấn Luyện Lãnh đạo Phong Trào Liên Minh Thánh Tâm 2017 tại Hoà Kỳ
Trần Hữu Thức
09:31 09/05/2017
LIÊN ĐOÀN Công Giáo VIỆT NAM TẠI HOA KỲ PHONG TRÀO LIÊN MINH THÁNH TÂM VIỆT NAM TẠI HOA KỲ

2004 Cinderella Ln. San Jose, CA 95116-3600. Điện thoại: (408) 891-6929

Website: lienminhthanhtam.org

KHÓA HUẤN LUYỆN LÃNH ĐẠO PT LMTT 2017

từ ngày 21 đến ngày 23 tháng 07 (July 21-23), 2017

Kính thưa quý Cha và toàn thể anh em LMTT,

Phong Trào Liên Minh Thánh Tâm Việt Nam tại Hoa Kỳ sẽ tổ chức Khoá Huấn Luyện Lãnh Đạo nhằm mục đích đào tạo tầng lớp lãnh đạo và thường huấn cho các thành viên trong các ban thủ lãnh hiện nay; Thứ tự ưu tiên dành cho các đoàn viên sau đây:

Xem Hình Năm 2016

1. Quý anh em đã tham dự khoá Trung Cấp do Miền tổ chức năm 2015 & 2016; Phong Trào ưu ái mời gọi quý anh ghi tên tham dự khoá Huấn Luyện Lãnh Đạo PT LMTT 2017 này.

2. Thành viên các ban thủ lãnh Phong Trào, Miền, Liên Đoàn, Đoàn.

3. Các đoàn viên hoạt động, đã tuyên hứa,

Ban giảng huấn: Do quý linh mục danh tiếng và giảng viên kinh nghiệm đã giảng thuyết trong các khóa Trung Cấp trước đây:

- Phần tĩnh tâm và thảo luận; do quý Cha giảng thuyết: LM. Phan Quang Cường, LM. Chris Phạm Quốc Tuấn, LM.Mai Khải Hoàn, LM.Nguyễn Huy Châu, LM. Nguyễn Thái, LM. Thái Quốc Bảo (không thay đổi trừ phi các LM phải thi hành mục vụ khẩn)

- Phần huấn luyện; do quý giảng viên: Phó Tế Bác sĩ Nguyễn Đức Tuấn; Tiến Sĩ Nguyễn Ngọc Lộ, Tiến Sĩ Lâm Kim Bảo; Giảng viên Nguyễn Văn Liêm/ Cựu LĐT, Giảng viên Nguyễn Đức Thắng/ Cựu Trưởng PT, Giảng viên Hoàng Hiệu, và các phụ tá. (không thay đổi trừ phi các vị gặp trở ngại khẩn)

Lệ phí là $175.00, nhưng Khối Tổ Chức Khóa Học đã tài trợ, để lệ phí chỉ còn $135.00 cho một tham dự viên, gồm: 02 đêm phòng ngủ, nuôi ăn 03 ngày, và tài liệu học tập. Tất cả khoá sinh phải luôn luôn hiện diện tại nơi tĩnh huấn, không được tự ý bỏ ra về dù ngày hay đêm trong 3 ngày tĩnh huấn. Nơi tĩnh huấn có đủ tiện nghi sinh hoạt ăn ngủ đầy đủ như một khách sạn.

Địa chỉ: Lestonnac Retreat Center 16791 East Main St., Tustin, California 92780, gần nhà thờ Tustin

Khai giảng lúc 5:00pm, thứ Sáu ngày 21 tháng 07, 2017; Mãn khoá lúc 5:00pm Chúa Nhật ngày 23 tháng 07, 2017; Khoá học chỉ có thể nhận khoảng trên 60 khoá sinh, tối đa là 80. Vậy, xin quý anh em cố gắng ghi tên tham dự ngay để bảo đảm chỗ cho mình. Đơn Xin Tham Dự có thể lấy trong website: lienminhthanhtam.org hoặc Liên Đoàn/ Đoàn mình/ hoặc gọi số 408 891-6929

(Các Liên Đoàn hoặc Đoàn vui lòng “download” lấy Đơn Xin Tham Dự trong website: lienminhthanhtam.org Chân thành cám ơn.)

Sau khi tốt nghiệp, khoá sinh sẽ được cấp Chứng Chỉ Mãn Khoá và được gia nhập “Khối nồng cốt của Phong Trào LMTT”; Khối này giữ nhiệm vụ tổ chức các khoá học cho Phong Trào, Miền, Liên Đoàn & Đoàn.

Phong Trào rất tin tưởng sau khoá học này, các khoá sinh có đủ khả năng đảm nhiệm các chức vụ trong PT LMTT để phục vụ Chuá và anh em tốt đẹp hơn. Cũng vậy, quý cha Tổng Tuyên Úy PT, Miền, quý cha Tuyên Úy Liên Đoàn rất hài lòng về 2 khóa Tĩnh Huấn Trung Cấp trước đây; Quý ngài ước mong và mạnh dạn khuyến khích các đoàn viên LMTT hăng hái tham dự khoá Huấn Luyện Lãnh Đạo PT LMTT 2017 này.

Để khích lệ: Sẽ có 3 phần thưởng cho các Đoàn có số đoàn viên tham dự khoá học đông nhất như sau:

Phần thưởng 1: Đoàn nào có 15 khoá sinh tham dự trở lên; được $500.00 tiền mặt

Phần thưởng 2: Đoàn nào có 12 đến 14 khoá sinh tham dự;được: $300.00 tiền mặt

Phần thưởng 3: Đoàn nào có 10 đến 11 khoá sinh tham dự; được: $200.00 tiền mặt
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Dưới Nắng Ban Mai
Thérésa Nguyễn
18:22 09/05/2017
DƯỚI NẮNG BAN MAI
Ảnh của Thérésa Nguyễn
Nhìn bông hoa trắng dịu dàng
Thấy lòng thanh khiết nhẹ nhàng bình yên.
(tn)
 
VietCatholic TV
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay 03/05/2017
VietCatholic Network
10:35 09/05/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây


Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô.

VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Ai Cập là dấu chỉ của niềm hy vọng sự trợ giúp và tình huynh đệ.

2- Phát ngôn viên Công Giáo Ai Cập nói: Chuyến viếng thăm của ĐGH là một thành công lớn.

3- TGM Chính Thống Giáo Coptic nói Đại Học Al-Azhar nên xét lại các sách giáo khoa có tư tưởng Hồi Giáo cực đoan.

4- ĐTC kêu gọi một giải pháp thương thuyết và chấm dứt bạo động tại Venezuela.

5- Tổng thống Nicolas Maduro của Venezuela lợi dụng Đức Giáo Hoàng.

6- ĐHY Ấn Độ phản đối việc phá hủy cây thánh giá lịch sử của thành phố.

7- Các GM Công Giáo tại Nga chỉ trích lệnh cấm giáo phái Chứng Nhân Giêhôva.

8- Một GM Nigeria phàn nàn chính phủ làm quá ít để ngăn chặn các cuộc tấn công các Kitô hữu.

9- HĐGM Indonesia ủng hộ lời kêu gọi chống giảng thuyết thù oán.

10- Tân GM Phụ Tá Xuân Lộc: ĐC Gioan Đỗ Văn Ngân.

11- Khai Mạc Tháng Hoa Kính Đức Mẹ Tại La Vang.

12- Họp mặt và Huấn luyện các Xướng ngôn viên VietCatholic TV tại miền Nam California.

13- Giới thiệu Thánh Ca: Mẹ Là Bóng Mát.

Sau đây là phần tin chi tiết:

- Ai Cập là dấu chỉ của niềm hy vọng sự trợ giúp và tình huynh đệ.

Sáng thứ tư ngày 5 tháng 3, 2017, đã có khoảng 40.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ chung hàng tuần với ĐTC.

Như quý vị đã biết, ĐTC vừa công du Ai Cập về nên trong bài huấn dụ ĐTC đã chia sẻ với mọi người một số cảm tưởng của ngài. ĐTC nói, “Tôi đã viếng thăm đất nước này thể theo bốn lời mời: của tổng thống Cộng hòa Ai Cập, của Đức Thượng Phụ chính thống Coptic, của Đại Imam al-Azhar và của Đức Thượng Phụ Công Giáo Copte. Tôi xin cám ơn từng vị vì sự tiếp đón thật nồng hậu các vị đã dành cho tôi. Và tôi xin cám ơn toàn dân Ai Cập vì sự tham dự và lòng trìu mến dành cho Người Kế vị Thánh Phêrô.” Tiếp đến, ĐTC đã duyệt lại các sinh hoạt của ngài trong hai ngày viếng thăm:

Trước hết là thăm đại học al-Azhar, là đại học hồi giáo cổ xưa nhất và là học viện tối cao của Hồi giáo Sunni, và cuộc gặp gỡ với Đại Imam và trải rộng ra Hội nghị quốc tế về Hoà Bình. Việc viếng thăm nhắm hai mục đích: trước hết là đối thoại giữa các tín hữu Kitô và Hồi giáo, đồng thời là để thăng tiến nền hoà bình trên thế giới.

Ngày thứ hai của chuyến viếng thăm đã được dành cho các tín hữu Công Giáo. Thánh lễ cử hành tại sân vận động do chính quyền Ai Cập dành cho đã là một lễ hội của đức tin và tình huynh đệ. ĐTC đã khích lệ giáo đoàn Công Giáo bé nhỏ tại Ai Cập sống kinh nghiệm của hai môn đệ làng Emmaus luôn luôn tìm kiếm Chúa Kitô, Lời và Bánh sự sống, niềm vui của đức tin, lòng sốt mến của niềm hy vọng, và sức mạnh làm chứng tá trong tình yêu rằng “chúng tôi đã gặp Chúa!”.

ĐTC cũng đã nhắc lại cuộc gặp gỡ với các linh mục, tu sĩ nam nữ và chủng sinh trong Đại chủng viện. ĐTC nói rằng Ngài đã trông thấy vẻ đẹp của Giáo Hội tại Ai Cập… Ai Cập đã là dấu chỉ của niềm hy vọng, của sự ẩn núp, của sự trợ giúp. ĐTC nhắc lại rằng, khi vùng đất này đã bị đói, tổ phụ Giacóp đã cùng các con mình đi xuống đó: thế rồi khi Chúa Giêsu đã bị bách hại, Ngài cũng đã tới đó. Vì thế, chuyến viếng thăm này là bước vào trong con đường của việc nói tới niềm hy vọng: đối với chúng ta Ai Cập là dấu chỉ của niềm hy vọng đối với lịch sử ngày nay, và đối với tình huynh đệ.

Sau phần huấn dụ, ĐTC đã chào nhiều đoàn hành hương khác nhau - trong đó có các nhóm đến từ Pháp, Ai Len, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Croazia, Canada, Philipines, Sri Lanka, Việt Nam và Hoa Kỳ - và ngài xin Chúa chúc lành cho họ và cho gia đình họ. ĐTC cũng đã đặc biệt chào các bạn trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn. ĐTC nhắc cho mọi người biết tháng 5 là tháng kính Đức Mẹ và ngài khích lệ tất cả biết khẩn nài Mẹ: người trẻ biết học nơi Mẹ bằng cách lần hạt Mân Côi; xin mẹ nâng đỡ người đau yếu trong thử thách; và các cặp vợ chồng mới cưới biết noi gương Mẹ mến Chúa yêu người.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành tòa thánh ĐTC ban cho mọi người.

- Phát ngôn viên Công Giáo Ai Cập nói: Chuyến viếng thăm của ĐGH là một thành công lớn.

Cha Rafic Greiche (Grê-xê), phát ngôn viên của Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Ai Cập, mô tả chuyến tông du gần đây của Đức Giáo Hoàng là “một ơn lành to lớn cho người Ai Cập, cả người Hồi giáo và các tín hữu Kitô.” “… Người Ai Cập chúng tôi lên tinh thần, đặc biệt là sau vụ tấn công hôm Chúa Nhật Lễ Lá”.

Cha Samir Khalil Samir nói rằng việc ký kết một tuyên bố chung, trong đó Giáo Hội Chính Thống Coptic và Giáo Hội Công Giáo công nhận phép rửa tội của nhau, là một “bước tiến lớn”, vì Ai Cập có rất nhiều các cuộc hôn nhân hỗn hợp giữa người Công Giáo và người Chính Thống.

Cha Samir, là một học giả hàng đầu về đạo Hồi, cho biết thêm là qua cuộc gặp gỡ với tổng thống Ai Cập, Abdel Fattah el-Sisi, “Đức Giáo Hoàng đang là người duy nhất có thể giúp các Kitô hữu.”

- TGM Chính Thống Giáo Coptic nói: Đại Học Al-Azhar nên xét lại các sách giáo khoa có tư tưởng Hồi Giáo cực đoan.

Dưới ánh sáng của chuyến tông du của Đức Thánh Cha tại Ai Cập, Đức Tổng Giám Mục Anba Angaelos, là giáo chủ Chính Thống Coptic ở Anh, cho biết ngài hy vọng Đại Học al-Azhar sẽ xem xét lại các sách giáo khoa tôn giáo đang được sử dụng trong trường đại học này và mạng lưới các trường học Hồi Giáo tại Ai Cập.

“Một số những sách giáo khoa này đã được sử dụng, hoặc lạm dụng, bởi các nhóm cực đoan, và cần phải có một tổ chức Hồi giáo đáng tin cậy giải thích lại những điều này một cách khác. Đó là một công việc thực sự chỉ có al-Azhar mới có thể làm.” Ngay trước chuyến tông du của Đức Thánh Cha, một số chính trị gia Hồi Giáo Ai Cập cũng đã cáo buộc rằng nhà trường dung túng cho chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo.

Hội đồng Tối cao Al Azhar - được coi là tổ chức hàng đầu của thế giới Hồi giáo Sunni về tư tưởng Hồi Giáo - đã đưa ra một tuyên bố phủ nhận cáo buộc là nhà trường dung túng cho việc quảng bá tư tưởng thánh chiến Hồi giáo và nói rằng bạo lực là trái với tinh thần Hồi giáo. Hội đồng đã tuyên bố rằng “Luật Sharia cấm tất cả mọi hình thức tấn công chống lại con người, bất kể tôn giáo và niềm tin của họ.”

- Đức Thánh Cha kêu gọi một giải pháp thương thuyết và chấm dứt bạo động tại Valenzuela.

Trong buổi tiếp kiến khoảng 70.000 thành viên của Phong Trào Công Giáo Tiến Hành Ý nhân dịp kỷ niệm 150 năm ngày thành lập, tại quảng trường Thánh Phêrô Chúa Nhật 30-4-2017 vừa qua, ĐTC Phanxicô đã gửi đến họ nhiều sứ điệp khác nhau, trong đó có sứ điệp dành cho Venezuela: ĐTC nói:

“Chúng ta không ngừng tiếp nhận những tin tức bi đát về tình hình tại Venezuela và sự gia tăng những xung đột tại đây khiến cho rất nhiều người bị thương tích, thiệt mạng và bị bắt giữ… tôi muốn gửi lời kêu gọi thống thiết đến chính phủ quốc gia này và tất cả mọi thành phần của xã hội Venezuela để mong họ sẽ tránh được tất cả mọi hình thức bạo hành mới, để cho các nhân quyền được tôn trọng, và họ sẽ tìm kiếm được các giải pháp thương thuyết hòa giải cho cuộc khủng hoảng trầm trọng về đời sống con người, về vấn đề xã hội, chính trị và kinh tế, đang làm kiệt quệ dân chúng tại đây.”

Trong cuộc gặp gỡ với giới truyền thông trên chuyến máy bay từ Cairo trở về Rôma cũng trong ngày 30 tháng Tư sau khi hoàn tất chuyến tông du tại Ai Cập, ĐTC đã nhắc lại tình hình tại Venezuela. Ngài nói rằng Tòa Thánh có thể can thiệp với tính cách “trung gian trợ giúp” nếu “các điều kiện được rõ ràng” khiến cho hoạt động ngoại giao này có thể thực hiện. Các điều kiện đó là: Một lịch trình bầu cử, việc trả tự do cho những thành phần chống đối bị giam giữ, cởi mở cho sự trợ giúp nhân bản của quốc tế, và việc tái thiết quyền hành của Quốc Hội. ĐTC nhấn mạnh, tất cả những gì có thể làm cho Venezuela, cần phải được làm với “những cam kết cần thiết”.

- Tổng thống Nicolas Maduro của Venezuela lợi dụng Đức Giáo Hoàng.

Trong bài phát biểu trên truyền hình hôm Chúa Nhật 30 tháng Tư, TT Nicolas Maduro của Venezuela hoan nghênh đề nghị của ĐTC Phanxicô giúp làm trung gian trong cuộc khủng hoảng chính trị tại Venezuela. Nhưng ông nói rằng phe đối lập đã từ chối theo đuổi các cuộc đàm phán theo khuyến cáo của ĐTC.

Đây là thủ đoạn mới nhất của Nicolas Maduro trong việc lợi dụng thiện chí của Tòa Thánh và ĐTC Phanxicô. Hồi tháng 12, các cuộc đàm phán hòa bình đã thất bại vì chính phủ Maduro không thực hiện đầy đủ các cam kết đã được đặt ra như các điều kiện tiên quyết cho các cuộc đàm phán. Đức TGM Claudio Maria Celli, là đại diện của Vatican tại bàn đàm phán, đã rút lui khỏi các cuộc thương lượng, khi ngài thấy rằng Nicolas Maduro chỉ muốn câu giờ hơn là thực tâm đàm phán.

Julio Borges, chủ tịch Quốc hội, nói rằng lời đề nghị từ ĐTC Phanxicô nên được hiểu rằng chính phủ Nicolas Maduro phải có thiện chí thương thuyết, cụ thể là phải đưa ra một lịch trình tổng tuyển cử: “nếu không có như thế, không có gì bảo đảm cho khả năng tiến về phía trước.”

Trong khi đó, đứng trước những đau khổ càng ngày càng trầm trọng của người dân Venezuela, HĐGM nước này đã đưa ra một chỉ dẫn cụ thể hơn: “Bất tuân dân sự là cần thiết để lật đổ một chế độ độc tài.”

- Đức Hồng Y Ấn Độ phản đối việc phá hủy cây thánh giá lịch sử của thành phố.

Trong cao trào chèn ép các tôn giáo không phải là Ấn Giáo, từ sau khi lãnh tụ Ấn Giáo cực đoan là Narendra Modi được bầu làm thủ tướng từ tháng 5 năm 2014 đến nay, một cây thánh giá đã bị nhà cầm quyền Ấn tại thành phố Mumbai phá hủy hôm 29 tháng Tư vừa qua.

ĐHY Oswald Gracias là TGM Mumbai, và cũng là một thành viên trong nhóm 9 thành viên trong Hội Đồng các Hồng Y Cố Vấn của ĐTC đã mạnh mẽ phản đối. Tuy nhiên, các quan chức thành phố đã phớt lờ sự phản đối của ngài.

Cây thánh giá này đã được dựng nên vào năm 1895 tại một khu đô thị cũ trong thời gian một bệnh dịch tàn phá thành phố này. Các quan chức đã trích dẫn một đạo luật trong đó cấm các biểu tượng tôn giáo trên tài sản công cộng để phá hủy cây thánh giá này, tuy nhiên người chủ sở hữu của phần đất nơi thánh giá được dựng cho rằng ông đã trình bằng chứng rõ ràng rằng cây thánh giá được dựng trên bất động sản của tư nhân.

Tưởng cũng nên biết thêm, thành phố Mumbai trước đây gọi là Bombay, nơi đã có ít nhất là 900 người chết bị chết trong vụ bạo loạn giữa người Hồi Giáo và người Ấn Giáo kéo dài từ tháng 6 năm 1992 đến tháng 1 năm 1993. Đến tháng 12 năm 1993 lại xảy ra thêm một vụ đánh bom “nhân danh công lý” giết chết thêm 300 người khác.

- Các Giám Mục Công Giáo tại Nga chỉ trích lệnh cấm giáo phái Chứng Nhân Giêhôva.

Tòa án Tối cao Nga đã tuyên bố giáo phái Chứng Nhân Giêhôva là một tổ chức cực đoan và đã ra lệnh tịch thu tài sản của họ trên toàn lãnh thổ Nga.

Quyết định này đã bị HĐGM Công Giáo Nga chỉ trích. Đức Ông Igor Kovalevsky, tổng thư ký HĐGMCG Nga nói: “Các Giáo Hội như Giáo Hội Công Giáo của chúng tôi không công nhận giáo phái Chứng Nhân Giêhôva là một giáo phái Kitô và không tham gia vào các cuộc đối thoại với họ, nhưng chúng ta phải có sự phân biệt rõ ràng giữa các vấn đề về thần học và quyền lợi hợp pháp”.

Ngài nói thêm, “Có những mối nghi ngại rất mạnh mẽ nơi người Công Giáo là chúng tôi rồi đây cũng có thể phải đối mặt, nếu không là bách hại thẳng thừng thì cũng là các hành vi phân biệt đối xử và hạn chế về tự do niềm tin của chúng tôi.”

- Một Giám mục Nigeria phàn nàn chính phủ làm quá ít để ngăn chặn các cuộc tấn công các Kitô hữu.

Một GM Nigeria nói rằng chính phủ đang làm quá ít để ngăn chặn các cuộc tấn công vào các tín hữu Kitô bởi nhóm Hồi giáo Fulani.

Đi xa hơn nữa, Đức GM Joseph Bagobiri của Kafanchan nói rằng “các loại vũ khí được sử dụng trong các cuộc tấn công khiến người ta nghi ngờ rằng thân nhân của họ trong chính phủ và quân đội có khả năng đã cung cấp cho họ để những thứ vũ khí này.”

Dân Fulani là một nhóm du mục, hầu như tất cả theo Hồi Giáo. Họ đấu tranh để hình thành một quốc gia Hồi Giáo độc lập. Tuy đa số sống bằng nghề chăn nuôi gia súc và canh nông, một số người Fulani cũng hội nhập vào đời sống xã hội của các quốc gia Phi Châu. Dân Fulani đã từng xung đột liên miên với nông dân ở trong khu vực.

Trong một bài nói chuyện hồi tháng Giêng năm nay, ĐC Bagobiri nhận xét rằng: “Ở phương Tây, người ta hầu như không nghe về nhóm này, nhưng từ tháng 9, 2016 tới nay, chúng đã đốt cháy 53 làng, giết hại 808 người, gây thương tích cho 57 người, phá hủy 1.422 ngôi nhà và 16 nhà thờ.”

- HĐGM Indonesia ủng hộ lời kêu gọi chống giảng thuyết thù oán.

HĐGM Indonesia ủng hộ lời kêu gọi của chính quyền chống lại các bài giảng cỗ võ bất khoan dung tôn giáo và sắc tộc.

Hôm 28 tháng 4, bộ trưởng Tôn giáo vụ của chính quyền Indosesia đã đưa ra lời kêu gọi, gồm 9 điểm nhắm đến các nhà giảng thuyết tôn giáo và các diễn đàn rộng lớn hơn. Trong lời kêu gọi có nhắc đến: các bài giảng thuyết không nên đối nghịch các yếu tố sắc tộc, tôn giáo mà có thể dẫn đến xung đột. Các bài giảng cũng không nên có những lời sỉ nhục chống lại niềm tin hay thực hành của các cộng đoàn khác và nên tránh việc nhen nhóm những hành động phân biệt, hạn nhục hay tiêu diệt.

ĐC Yohanes Harun Yuwono của Tanjungkarang, chủ tịch Ủy ban đại kết và liên tôn của HĐGM chào đón lời kêu gọi và nói rằng các bài giảng nên mời gọi hòa hợp. ĐC chia sẻ là Giáo Hội Công Giáo muốn các linh mục giảng các giá trị nhân văn cao quý kiến tạo tình huynh đệ đích thực. Ngài nói: “Chắc chắn là họ phải rao giảng sự khác biệt và tình yêu thương cho mọi người.”

- Tân Giám Mục Phụ Tá Xuân Lộc: Đức Cha Gioan Đỗ Văn Ngân.

Hôm 2-5-2017, Phòng báo chí Tòa Thánh thông báo: ĐTC đã bổ nhiệm cha Gioan Đỗ Văn Ngân làm GM Phụ tá giáo phận Xuân Lộc.

ĐC Gioan Đỗ Văn Ngân năm nay 64 tuổi, sinh ngày 6 tháng 7 năm 1953 tại Ninh Bình, giáo phận Phát Diệm. Theo học tại tiểu chủng viện thánh Giuse, Sài Gòn, từ năm 1965-1973, rồi tại Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X Đà Lạt trong 4 năm từ năm 1973-1977. Ngài thụ Phong linh mục ngày 14 tháng 1 năm 1992 thuộc Giáo phận Xuân Lộc.

Năm 1998, cha Đỗ Văn Ngân đậu cử nhân văn chương Việt Nam tại Đại Học Khoa học xã hội và nhân văn ở Thành phố Sai Gòn. Từ năm 2006-2010, cha học chuyên môn tại Đại Học Santo Tomas tại Manila, Philippines, và đậu cử nhân triết học.

Từ năm 2016, Cha Đỗ Văn Ngân được ĐC Giuse Đinh Đức Đạo, GM chính tòa Xuân Lộc, bổ nhiệm làm Tổng đại diện giáo phận này.

Xuân Lộc là giáo phận đông tín hữu Công Giáo nhất tại Việt Nam, với 961.186 người, thuộc 248 giáo xứ, 411 linh mục giáo phận và 151 linh mục dòng, 257 đại chủng sinh và 1.742 nữ tu.

- Khai Mạc Tháng Hoa Kính Đức Mẹ Tại La Vang.

Sáng ngày 1 tháng 5, lễ Thánh Giuse thợ, cũng là ngày đầu tháng kính Đức Mẹ, Tổng Giáo phận Huế tổ chức trọng thể Dâng Hoa tại Linh Đài Đức Mẹ La Vang, khai mạc tháng Hoa.

Dưới cái nắng chói chang của ngày đầu mùa Hạ trên vùng đất khô cằn đá sỏi Quảng Trị, Đức nguyên TGM TGP Huế Phanxico Xavie Lê Văn Hồng, được sự ủy thác của Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh, đã chủ sự Nghi thức Khai mạc tháng Hoa và chủ tế Thánh lễ tạ ơn tại Linh Đài Đức Mẹ La vang.

Sau khi Đức TGM Phanxico Xavie tuyên bố khai mạc tháng Hoa tôn vinh Mẹ Maria, một màn pháo hoa rực sáng trước Linh Đài mừng kính Đức Mẹ. Sau đó, các em thanh tuyển thuộc Hội Dòng Con Đức Mẹ Vô nhiễm đã dày công tập luyện trong suốt thời gian qua để dâng lên Mẹ Vũ khúc chào mừng Mẹ đầy ân sủng của Thiên Chúa. Đại diện các Dòng tu Nam-Nữ thuộc Tổng Giáo phận Huế và đại diện Tín hữu cũng đã dâng Mẹ những lẵng hoa tươi sắc màu bày tỏ tấm lòng tôn kính Mẹ là Mẹ Thiên Chúa.

Trong dịp này, Đức TGM Phanxico Xavie cũng đã mời gọi Cộng đoàn hướng về Đại hội La Vang lần thứ 31 nhân dịp kỷ niệm 100 Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, và xin Mẹ chúc lành cho Đại hội sắp tới và cho mỗi người chúng ta biết chuẩn bị tâm hồn hướng về Đại hội và biết lắng nghe lời Mẹ: “Hãy siêng năng lần hạt, cải thiện đời sống và tôn sùng Thánh tâm Mẹ”.

Lễ khai mạc tháng Hoa tại Linh đài Đức Mẹ La vang đã kết thúc sau khi Đức TGM Phanxico Xavie ban phép lành cho cộng đoàn tham dự.

- Họp mặt và Huấn luyện các Xướng ngôn viên VietCatholic TV tại miền Nam California.

Các xướng ngôn viên Truyền Hình của VietCatholic TV vùng Little Sài Gòn thuộc Orange County, miền Nam California, đã có cuộc họp mặt vào ngày 29/4/2017 vừa qua với mục đích quen biết nhau, chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi thêm các kỹ thuật Xướng Ngôn Viên Truyền Hình. Tham dự buổi họp mặt có các xướng ngôn viên Mai Hương, Phương Chi, Thùy Vân, Nguyệt Hằng, Kim Phượng, Thanh Lan, Thu Hương, Cẩm Hạnh, Cẩm Loan và Thùy Diễm.

Đặc biệt trong buổi họp mặt này, có phần huấn luyện kỹ thuật đọc tin của cô Lý Mai Trang, nguyên giảng viên Học Viện Nhạc thành phố Sài Gòn. Cô đã truyền đạt những kiến thức cơ bản về cách đọc tin, và phân tích rõ ràng sự khác biệt giữa các cách đọc tin tức thời sự, một bài suy niệm hay một phóng sự tường trình. Cô cũng đã chỉ ra sự khác biệt không những về cách phát âm, giọng đọc, mà còn cả cách phát âm đúng từng miền, hoặc là khi nào thì cần đọc cho có tâm tình, khi nào thì đọc tin với sự xác tín, v.v… Rất nhiều những kỹ thuật về đọc tin, từ cách đọc tin trước ống kính cho đến trang phục, make up và diễn xuất, đã được cô Lý Mai Trang trình bầy cặn kẽ. Các chị em xướng ngôn viên tham dự rất thích thú và chăm chú lĩnh hội kiến thức và các kỹ thuật được trình bầy.

Buổi họp mặt và chương trình Huấn luyện hôm nay được chị Anne Lang phối trí rất chu đáo và diễn tiễn rất thành công.

Cuộc họp mặt đã mang lại niềm hân hoan chứa chan khi các xướng ngôn viên có dịp quen biết nhau, vì tuy cùng làm việc, nhưng ít có khi chị em gặp mặt nhau đông đủ để hàn huyên và học hỏi với nhau như ngày hôm nay.

Trước khi kết thúc, cha Gioan Trần Công Nghị, Giám đốc VietCatholic, đã hết lòng các ơn chị Mai Trang, chị Anne Lang và các chị phụ tá, các cameramen và các xướng ngôn viên vì lòng quảng đại, sự nhiệt tình hy sinh và tâm tình qúy mến với công tác tông đồ, và đặc biệt là sự hy sinh thì giờ quí báu của một ngày cuối tuần đến tham dự buổi họp mặt và học hỏi của chương trình Vietcatholic TV.

Trước khi kết thúc chương trình Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới ngày nay, chúng tôi hân hạnh giới thiệu đến quý vị và anh chị em một bản thánh ca viết về Mẹ Maria nhân tuần lễ đầu tiên của tháng Hoa tôn vinh Mẹ. Bản thánh ca này mang tựa đề Mẹ Là Bóng Mát của nhạc sĩ Phanxicô, sẽ được trình bày qua tiếng hát của ca sĩ Như Ý. Kính mời quý vị và anh chị em cùng thưởng thức.