Ngày 02-05-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
“Như Thầy đã yêu”
Lm.Giuse Nguyễn Hữu An
06:13 02/05/2018
Chúa Sinh 6 Phục Sinh B

Các bài đọc phụng vụ hôm nay hướng về chủ đề: “Yêu thương”.

Thánh Phêrô nhìn nhận Cornêliô và cả gia đình ông đều là những người rất đạo đức và thực hành yêu thương. Cornêliô rất kính sợ Thiên Chúa và quảng đại cứu trợ. Vì thế, ông đã được Chúa nhìn tới (Cv 10,4) và được Thánh Thần ngự đến, sau đó Phêrô đã làm phép rửa cho họ nhân danh Đức Giêsu Kitô (Cv 10, 44.48).

Trong bài đọc hai, Thánh Gioan mời gọi: “Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Chúa. Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,7-9).

Bài Tin Mừng tiếp nối Tin Mừng Chúa Nhật tuần trước. Chúa Giêsu tiếp tục giải thích về dụ ngôn cây nho và cành. Nhựa sống luân chuyển nuôi dưỡng cây nho và cành sinh ra hoa trái. Tình yêu từ cội nguồn Thiên Chúa chính là nguồn sống phong phú nuôi dưỡng và làm phát triển người tín hữu. Có ở lại trong tình yêu của Chúa mới sinh hoa kết trái : “Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người”.

Chúa Giêsu ban điều răn mới: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34; x. Mt 8,26-27 // Mc 4,39-41 // Lc 8,24-25; Mt 28,19-20; Mc 1,25-27 // Lc 4,35-36; Mc 5,43 // Lc 8,56; Mc 9,25; Ga 15,12.17).

Trong Cựu Ước, Thiên Chúa vẫn dạy phải yêu thương những người thân cận như chính mình. Những người thân cận là ai? Đó những người quen biết trong họ hàng, khu xóm, những người không thân nhưng có quan hệ với mình. Nói chung là những người mình quen biết trong cuộc sống.

Chúa Giêsu mở rộng tầm nhìn cho những người theo đạo cũ. Khái niệm người thân cận được minh họa qua câu chuyện người Samaritanô trên đường Giêricô xưa. Vì người bị cướp, bị đánh đập không phải là người đồng đạo, không phải là người quen biết, nên những luật sĩ, tư tế bỏ đi, không coi họ là người thân cận. Còn người Samaritanô là người ngoại, nhưng lại xem nạn nhân giữa đường như người thân cận với mình. Cái “mới” là ở chỗ đó. Yêu thương như Thầy đã yêu thương là yêu thương không loại trừ ai, không tính đến là lương hay giáo, quen hay không quen. Yêu thương cả những người nghịch lại với mình, chứ không phải chỉ chọn lựa yêu thương những người hợp với mình...”.

Chúa Giêsu gọi là điều răn mới và nhấn mạnh nơi chữ như ”Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.

Chữ “như” ở đây thật quan trọng. Chúa Giêsu đã so sánh : như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến anh em, anh em hãy yêu mến nhau như Thầy đã yêu mến anh em.

Như Cha đã yêu mến Thầy. Chúa Giêsu đã nhiều lần nói về tình yêu của Chúa Cha dành cho Ngài (x.Ga 3,35;5,20;17,24). Chúa Cha cũng nhiều lần xác nhận điều này (x.Mt 3,17;17,5). Tình yêu của Chúa Cha đối với Chúa Con là tình yêu chia sẻ và trao ban.Tình yêu của Chúa Con đối với Chúa Cha là tình yêu tôn kính và vâng phục. Chúa Con yêu các môn đệ như tình yêu Chúa Cha đối với Ngài. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II viết trong thông điệp “Sự Rạng Ngời Chân Lý”: Chữ như này đòi hỏi phải bắt chước Chúa Giêsu, nơi tình yêu của Người mà việc rửa chân cho các môn đệ là một dấu chỉ cụ thể. Chữ như cũng chỉ mức độ mà Chúa Giêsu đã yêu thương các môn đệ và các môn đệ cũng phải yêu thương nhau bằng mức độ ấy. (số 20).
Yêu “như Thầy đã yêu” là yêu như thế nào?

Thầy chấp nhận cái chết thập hình để chuộc tội nhân loại: “Không có tình thương nào cao hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình”.

“Thầy không coi anh em là tôi tớ, nhưng Thầy coi anh em là bạn hữu của Thầy”. Ngài là Thầy, là Chúa.Các môn đệ là người, là đệ tử. Nếu Chúa muốn coi các ông là tôi tớ cũng được, nhưng không,Chúa đã coi họ là bạn hữu ngang hàng với Ngài. Bạn hữu tri âm tri kỷ nên “tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha của Thầy,Thầy đã cho anh em biết”.

Cả cuộc đời của Chúa đã sống tình yêu nhập thể và hiến dâng cho tất cả mọi người.Chúa không để ai về tay không khi đến với Người. Kẻ mù được sáng, người què đi được, kẻ điếc nghe được, người câm nói được, những kẻ tội lỗi, những cô gái điếm tìm được ơn thứ tha…

Tình yêu của Chúa Giêsu cao đẹp quá, quý giá vô ngần. “Anh em hãy yêu như Thầy đã yêu”. Lời này quả thật là quá khó đối với con người ! Vẫn biết rằng con người chẳng bao giờ yêu nhau tới mức ”như Thầy đã yêu”, nhưng lời mời gọi của Chúa vẫn luôn giục giã chúng ta hướng theo đường Chúa đã đi, lấy tình yêu của Chúa làm tiêu chuẩn cho mọi hành động, làm khuôn vàng thước ngọc cho mọi suy nghĩ, lời nói việc làm của chúng ta.

Cội nguồn của dòng sông tình yêu phát xuất từ Chúa Cha qua Chúa Giêsu tuôn chảy đến nhân loại.Tình yêu là nguồn sự sống, là động lực chính yếu của cuộc đời và sau hết tình yêu cũng là cứu cánh của cuộc đời:”Vạn sự đã do tình yêu sáng tạo, vạn sự được Tình yêu nâng đỡ, vạn sự đi về tình yêu và đi vào trong tình yêu” (R.Tagore)

Chính tình yêu Thiên Chúa đã gọi chúng ta vào trường đời để dạy chúng ta sống yêu thương. Chính tình yêu Thiên Chúa đã cứu sống chúng ta. Và chính nhờ tình yêu ấy mà chúng ta được sống, cũng như cành nho chỉ sống nhờ kết hợp với cây nho chúng ta được “ở lại trong tình yêu của Chúa”.

Lần kia, có một thanh niên nghi ngờ về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Vì thế, anh ta đến thăm viếng một tu sĩ nổi tiếng là thánh thiện. Anh hỏi vị tu sĩ: Thầy có tin tưởng vào Thiên Chúa không?.
Vị tu sĩ đáp : có chứ.

Người thanh niên hỏi : Dựa vào chứng cứ nào mà thầy tin được ?

Vị tu sĩ đáp : Ta tin tưởng vào Thiên Chúa, bởi vì ta biết Người. Mỗi ngày, ta đều cảm nghiệm được sự hiện diện của Thiên Chúa trong tâm hồn ta.

Người thanh niên hỏi : nhưng làm thế nào điều đó có thể xảy ra được?

Vị tu sĩ đáp : Khi biết sống yêu thương, thì chúng ta cảm nghiệm được Thiên Chúa, và nỗi nghi ngờ tan biến, giống như làn sương buổi sáng bị tan biến trước ánh nắng mặt trời vậy.

Người thanh niên suy nghĩ về câu nói này trong giây lát, rồi hỏi :Làm thế nào để con có thể đạt được niềm tin chắc chắn này?.

Vị tu sĩ đáp : Bằng cách hành động theo tình yêu. Con hãy cố gắng yêu thương những người đồng loại; yêu thương họ một cách tích cực và không ngừng. Trong khi con học hỏi được cách càng ngày càng yêu thương hơn, thì con sẽ càng ngày càng trở nên tin tưởng vào sự hiện hữu của Thiên Chúa, và sự bất tử của linh hồn. Ðiều này đã được thử nghiệm. Ðây là đường lối đúng đắn.

”Anh em hãy yêu thương nhau”, đây là dấu hiệu rõ ràng nhất, thiết thực nhất để nhận ra ai là người thuộc về Chúa : ”Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ của Thầy, là chúng con yêu thương nhau”.

Nguyện xin Chúa giúp chúng con tập sống yêu thương ”như Thầy đã yêu” khi thực thi lời Chúa dạy “ Điều gì chúng con làm cho người bé nhỏ nhất là làm cho cho chính Ta”.



 
Suy Niệm Chúa Nhật VI Phục Sinh - B
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
08:55 02/05/2018
Thầy gọi các con là : BẠN

Ga 15, 9 - 17

Hôm nay chúng ta cử hành Chúa Nhật thứ VI Phục Sinh trước lễ Chúa Giêsu lên trời và lễ Chúa Thánh Thần hiền xuống. Trong các Chúa Nhật trước, Chúa Giêsu Phục Sinh tỏ mình là Mục Tử Nhân Lành, là cây nho thật, chúng ta là cành phải kết hợp với cây. Nhưng hôm nay, Người cho chúng ta thấy một Trái Tim rung động đầy tình yêu.

1) Tình yêu không biên giới

Trong Trái Tim này tất nhiên chúng ta chỉ thấy tình yêu. Tình Yêu là mầu nhiệm thẳm sâu nhất của Thiên Chúa, vì Ngài là Tình Yêu. Tình yêu là trung tâm của đức tin Kitô giáo. Các bản văn của Gioan (1 Ga 4,7 - 10; Ga 15,9 - 17) mạc khải rõ: “Thiên Chúa là tình yêu ; ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1 Ga 4,16) người ấy sẽ sinh trái.

Từ tạo dựng đến cứu chuộc, Thiên Chúa làm tất cả vì tình yêu. Chúa đợi chờ chúng ta đáp trả bằng tình yêu. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu mời gọi chúng ta : “Hãy ở lại trong tình yêu của Thày” (Ga 15,9).

Phụng vụ hôm nay mời gọi chúng ta làm một cuộc xuất hành nội tâm tình yêu đi từ chính mình qua con người của mình bằng cầu nguyện với trái tim lắng nghe, vứt bỏ sau lưng những gì không cần thiết khiến chúng ta mất đi điều tối cần là : Thiên Chúa và tình yêu của Người.

Chúa Giêsu thật là có lý khi dạy chúng ta : “Các con hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con” (x. Ga 15,12.17). Thiên Chúa đã yêu chúng ta trước. Con Thiên Chúa đã trở nên mẫu mực, nguyên tắc, nguồn suối và thước đo, để chúng ta yêu: "Như Thầy đã yêu mến các con".

Một trong những hoa trái của tình yêu là niềm vui : “Thầy nói với các con điều ấy để niềm vui của Thầy ở trong các con” (Ga 15,11). Nếu cuộc sống chúng ta không chiếu tỏa được niềm vui của đức tin, nếu chúng ta để cho những phiền toái choáng ngợp lòng chúng ta khiến chúng ta không nhận ra Chúa đang ở đó, là vì chúng ta không biết Chúa Giêsu cho đủ, chưa yêu “như Chúa”.

Tình yêu của Thiên Chúa là không biến giới. Người đã trao ban mạng sống mình cho các bạn hữu. Dù bạn hữu không hiểu Chúa, và trong lúc định đoạt nhất đã bỏ rơi, phản bội và khước từ Người. Ðiều này nói với chúng ta rằng Người yêu thương chúng ta, cho dù chúng ta không xứng đáng với tình yêu của Ngài : Chúa Giêsu yêu thương chúng ta như thế đó!

2) Tên mới của các môn đệ là : BẠN

Thiên Chúa là người chủ động. Người khẳng định : “Chính Thầy đã chọn các con” (Ga 15,16). Chúng ta luôn bị cám dỗ để tin rằng chúng ta đã chọn Chúa, nhưng trong thực tế, chúng ta chỉ là người đáp lại tiếng Chúa gọi. Người đã chọn chúng ta một cách nhưng không để trở nên “Bạn” : “Thầy không còn gọi các con là tôi tớ nữa (…) Thầy gọi các con là bạn” (Ga 15,15).

Ban đầu, Thiên Chúa đã ngỏ lời với Ađam như một người bạn nói với bạn mình. Đức Kitô, Ađam mới, đã lấy lại và không chỉ gọi chúng ta là bạn nhưng là bạn nghĩa thiết của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình Yêu.

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta yêu : “Như Thầy đã yêu các con”. Trong tình yêu của Chúa Giêsu, chiều kích nhưng không là nền tảng và tình yêu của chúng ta phải có. Yêu như Chúa là phải yêu nhưng không. Tình yêu của Chúa không có sở hữu. Đấng Cứu Thế mời gọi chúng ta : “Anh em hãy yêu thương nhau”. Chúa Kitô thúc đẩy chúng ta làm cuộc xuất hành tình yêu hướng về người khác. Dâng tặng tình yêu thương cho anh em và đáp lại tình yêu của Chúa để trở nên BẠN.

3) Tình yêu hỗ tương : tình bạn

Nói đến tình bạn, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến sự có đi có lại trong tình yêu. Vậy, trong nghĩa nào thì tình bạn khác với tình yêu? Tình bạn là một tình yêu hỗ tương. Theo thánh Augustinô, tình bạn là có đi có lại, nhưng không có tính toán vì không có sự giả vờ trong tình bạn thật.

Sự tương hỗ Kitô giáo được sinh ra từ sự nhưng không, không có nghĩa là “dịch vụ chưa thanh toán, hay làm mà không cần lý do”, nhưng được thi hành với lý do cao cả : tình yêu được sinh ra bởi đức tin.

Tình yêu Kitô giáo là sự đảo nghịch, nhưng không đối xứng: cho và nhận không cùng đẳng cấp. Tin Mừng về sự có đi có lại không đơn giản chỉ là một sự đổi chác. Nếu chúng ta chỉ yêu đến mức trao đổi, đây không phải là tình yêu đích thực. Và nếu chỉ vì chúng ta cho mà chúng ta được yêu, thì đây không phải là ta được yêu thực sự. Chỉ những ai hiểu được sự nhưng không tự nhiên này, mới có thể hiểu được Thiên Chúa và chính mình. Con người với hình ảnh giống Thiên Chúa, được tạo dựng và trao ban nhưng không. Đây là cách còn người tìm thấy sự thật của chính mình và thể hiện bản thể mình là giống “hình ảnh của Thiên Chúa”.

Đặc tính của mối liên hệ tình bạn này tối thiểu có ba điều : hoàn toàn hiến thân (“Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình”) (Ga 15,13); Tín nhiệm (“Ta đã giao phó cho các con tất cả những gì Ta đã nghe được từ nơi Cha Ta”); lựa chọn ơn gọi là tiền định nhưng không (“Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con”) (Ga 15,16).

Tất cả có thể tóm gọn trong từ : “YÊU”. Người Thầy nhân lành yêu cầu chúng ta làm việc bác ái như là một điều răn duy nhất có thể. Không có bác ái, tất cả đều không không vậy. Thực tế, Đức ái phải dẫn con người tới các nhân đức khác để làm cho con người tốt.

Là những người thừa hưởng sự ưu đãi này, các môn đệ được “nâng lên” làm BẠN của Thiên Chúa : “Không có tình yêu lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu” Nó có nghĩa gì? Rất đơn giản, có nghĩa là chúng được Chúa Kitô yêu mến và nếu tình yêu là một cuộc xuất hành ra khỏi chính mình, chúng ta phải ra khỏi chính mình và đặt mình vào trong Trái Tim Chúa và sau đó tự hỏi Chúa yêu thương chúng ta thế nào và Chúa đợi gì, chúng ta làm như Chúa : yêu mến người khác như Chúa yêu mến chúng ta. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Dẫn Nhập & Lời Nguyện Giáo Dân Chủ Nhật VI Sau Phục Sinh B. 6.5.2018
Lm Francis Lý văn Ca
19:37 02/05/2018
Đầu Lễ: Anh Chị Em thân mến,
Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban tặng Con Một Ngài cho thế gian. Tình yêu Thiên Chúa tỏ hiện nơi con người của Đức Kitô qua cái chết của Người trên thập giá để cứu nhân loại. Tình yêu của Thiên Chúa Cha dành cho nhân loại vô bờ bến.

Đời sống của người tín hữu chúng ta, là con cái của Thiên Chúa, cũng phải phản ảnh lại tình yêu vô biên của Thiên Chúa đối với nhân loại.

Qua các bài đọc hôm nay, chúng ta được mời gọi thực hiện những giới răn của Chúa trong đời sống thường ngày.

Với những tư tưởng chuẩn bị, giờ đây, chúng ta bắt đầu thánh lễ với bài ca nhập lễ sau đây:

TRƯỚC BÀI I:
Thánh Phêrô được Chúa mạc khải đi về phía dân ngoại rao giảng về Đức Kitô phục sinh. Đối với người Dothái thời bấy giờ, họ chỉ hiểu sự cứu rỗi chỉ dành cho dân tộc của họ. Qua thị kiến nầy, chúng ta hiểu thêm: sự cứu rỗi của Chúa dành cho hết mọi người.

TRƯỚC BÀI II:
Thánh Gioan muốn chứng minh Thiên Chúa là tình yêu và Ngài là nguồn của mọi sự thương yêu khác. Chúng ta phải khám phá ra lòng yêu mến của chúng ta đối với Thiên Chúa.

TRƯỚC BÀI TIN MỪNG:
Chúa Giêsu chứng tỏ cho các tông đồ tình yêu của Ngài đối với họ phát xuất từ tình yêu của Thiên Chúa Cha. Ngài muốn tình yêu giữa các tông đồ phải thể hiện giữa nhau như chính Ngài với Thiên Chúa Cha.

Lời Nguyện Giáo Dân.

Linh mục: Anh Chị Em thân mến, Tình yêu Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta là chính Con Yêu Dấu của Ngài. Qua Đức Kitô, chúng ta dâng lên Thiên Chúa những ý nguyện cầu sau đây: 1. Qua bí tích rửa tội, chúng ta được trở nên con cái của Chúa, anh em với nhau trong sự kết hiệp và giao tế xã hội... Xin Chúa giúp chúng ta mỗi ngày luôn phát triển sự hiệp nhất trong tình thương yêu và sống đùm bọc lẫn nhau. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

2. Xin Chúa chúc lành và nâng đỡ tuổi trẻ Việt Nam. Xin cho họ luôn ý thức sự cao quý của tuổi thanh xuân, để họ bảo tồn những truyền thống tốt đẹp tiềm tàng trong huyết quản của người thanh niên thiếu nữ Việt Nam. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

3. Chúng ta cầu nguyện cho quê hương xứ sở…. Xin cho mỗi người trong chúng ta trong cách sống luôn nhớ đến cội nguồn. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

4. Xin cho chúng ta biết biểu lộ lòng hiếu thảo đối với Mẹ trên trời bằng cách đáp trả lại lời Mẹ nhắn nhủ: Ăn Năn Đền Tội, Cải Thiện Đời Sống và Siêng Năng Lần Hạt Mân Côi. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

5. Xin Chúa qua lời cầu bầu của Mẹ Maria, ban cho thế giới chúng ta đang sống sự bình an như lòng mong ước và xin cho các tín hữu đã qua đời được sống hạnh phúc trong Nhà Chúa muôn đời. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Linh mục:
Lạy Chúa, xin giúp chúng con yêu mến Chúa với một tâm hồn nhiệt thành, đến với anh chị em với một trái tim rộng mở, ngõ hầu đời sống của chúng con sẽ gặp được Chúa trong những người anh em chúng con tiếp xúc hằng ngày. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Amen
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Nhận định của Đức Hồng Y Pietro Parolin Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh về cuộc đối thoại với Trung Quốc và cuộc chiến tại Syria
Đặng Tự Do
03:43 02/05/2018
Sau một bài thuyết trình được tổ chức tại nhà thờ chánh tòa Chioggia về “Ba vị Giáo Hoàng trong năm 1978”, là đề tài đầu tiên trong cuộc hội thảo được tổ chức bởi phong trào Fondaco về tình phụ tử, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã trả lời các câu hỏi về các chủ đề thời sự trên thế giới.

Trung Quốc,

Giải thích lý do tại sao Tòa Thánh lại đi đối thoại với cộng sản Trung Quốc, Đức Hồng Y nói:

“Nếu chính phủ đó không phải là cộng sản và tự do tôn giáo đã được tôn trọng, thì sẽ không cần phải đàm phán. Bởi vì chúng ta đã có những gì chúng ta mong muốn.”

Về tình trạng hiện nay của cuộc đối thoại với cộng sản Trung Quốc, Đức Hồng Y cho biết:

“Cuộc đối thoại này đã diễn ra trong một thời gian dài, với rất nhiều kiên nhẫn và với những thành công và thất bại. Có người nói: nó giống như ‘điệu nhảy của Thánh Vito’, hai bước tiến về phía trước thì lại có một bước lùi lại phía sau. Dù sao, chúng ta vẫn còn đang tiến hành, và điều này là quan trọng.”

Về mục tiêu của cuộc đối thoại này, Đức Hồng Y giải thích:

“Mục tiêu của chúng tôi không phải là một mục tiêu chính trị. Chúng tôi đã bị buộc tội chỉ muốn có quan hệ ngoại giao, chỉ muốn có thành công bằng mọi giá. Nhưng Tòa Thánh, như Đức Giáo Hoàng đã nói nhiều lần, không quan tâm đến bất kỳ thành công ngoại giao nào. Chúng tôi chỉ quan tâm đến không gian tự do cho Giáo Hội, để Giáo Hội có thể sống một cuộc sống bình thường trong sự hiệp thông với Đức Giáo Hoàng. Sự hiệp thông này là nền tảng cho đức tin của chúng ta”.

“Điều cơ bản là Giáo hội phải được thống nhất. Cộng đồng chính thức, chịu sự kiểm soát của nhà cầm quyền, và cộng đồng hầm trú - ngày nay mỗi người đi theo con đường riêng của họ - cần phải được thống nhất. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 trong thư gửi cho người Công Giáo Trung Quốc đã nói rằng mục đích của tất cả công việc ở Trung Quốc phải là sự hiệp thông giữa hai cộng đồng, và sự hiệp thông của toàn thể Giáo hội Trung Hoa với Đức Giáo Hoàng. Chúng tôi hy vọng rằng một thỏa thuận có thể đạt được đặc biệt là trong việc đề cử các giám mục. Và chúng tôi hy vọng rằng thỏa thuận đó sẽ được tôn trọng. Chúng tôi có ý chí làm như vậy và chúng tôi hy vọng rằng chính phủ Trung Quốc cũng có ý chí như vậy”.

Syria

Khi được hỏi về quan điểm của Vatican trước cuộc không kích của Hoa Kỳ, Anh và Pháp vào Syria, Đức Hồng Y cho biết:

“Tòa Thánh quan sát diễn biến này với sự quan tâm rất lớn. Trong cuộc chiến đã kéo dài hơn sáu năm này, nhiều lần Đức Giáo Hoàng đã thỉnh cầu cộng đồng quốc tế và tất cả các nhân vật chính. Đó là một chuyện bi thảm và phức tạp. Ở cấp độ địa phương, có sự xung khắc giữa chế độ của tổng thống Assad và phe đối lập. Bên cạnh đó, còn có một cuộc đụng độ ở cấp khu vực, đặc biệt là giữa người Hồi Giáo Shiite và người Hồi giáo Sunni. Và sau đó có những thế lực lớn, đã lần lượt can thiệp vào, ban đầu là trong mặt trận thống nhất chống lại ISIS, chống lại chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo đã chiếm đóng nhiều lãnh thổ. Sau đó, Khi đã đánh bại được ISIS – trên những lãnh thổ nó từng chiếm đóng, nhưng tôi không nghĩ nó đã bị đánh bại hoàn toàn ở cấp độ ý thức hệ - thì các thế lực to lớn bắt đầu tách ra và đánh lẫn nhau”

“Chúng ta đã chứng kiến một sự khinh miệt nhân quyền hoàn toàn, với hàng ngàn và hàng ngàn thường dân bị cuốn vào cuộc chiến, bị sử dụng làm những con tin hoặc các lá chắn người. Một sự hủy diệt hoàn toàn về nhân quyền. Và ngay cả các quyền trong chiến tranh, bởi vì trong chiến tranh không phải mọi thứ đều được cho phép”.

Bàn về cách giải quyết cuộc xung đột tại Syria, Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh nói:

“Chúng tôi đã luôn nói rằng một giải pháp quân sự chẳng giải quyết được vấn đề. Các nước Châu Âu gần đây đã gặp nhau tại Brussels để thảo luận về Syria, và bà Federica Mogherini Tổng Đại diện Đối ngoại của Liên minh, đã truyền tải thông điệp này. Tuy nhiên, cần phải đấu tranh để các giải pháp này có thể cất cánh. Chế độ của tổng thống Assad tin rằng họ có thể giành chiến thắng quân sự, đặc biệt là với sự trợ giúp của người Nga, là nước đã giúp Assad giành lại được nhiều vùng lãnh thổ. Suy nghĩ này làm suy yếu các cuộc đàm phán ở Geneva. Và sau đó lại có vấn đề là các cuộc đàm phán lại diễn ra trên các bàn hội nghị khác nhau: Geneva là chính, nhưng sau đó đã có thêm những sáng kiến khác, ở Astana, ở Sochi.. .

Tôi không biết liệu những sáng kiến này có giúp thúc đẩy giải pháp ngoại giao và hòa bình hay là chỉ gây ra nguy cơ khiến cơ may thành công còn xa diệu vợi hơn nữa. Tôi tin rằng, như chúng tôi đã nói với các nhân vật chính rất nhiều lần, ngay cả khi họ chiến thắng trong một cuộc chiến quân sự, hòa bình sẽ không tự động được lập lại, bởi vì đất nước đó vẫn còn rất nhiều thù hận, rất nhiều sự tương phản, và quá nhiều những chia rẽ”
Source Vatican Insider Parolin: “A great sign of hope for Korea”
 
Các tổ chức phò sinh hoan nghênh quyết định của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ bỏ quyền phá thai khỏi các nhân quyền
Đặng Tự Do
04:50 02/05/2018
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã loại bỏ một phần nói về “quyền sinh sản” trong báo cáo nhân quyền thế giới hàng năm của mình và thay thế nó bằng các số liệu thống kê nói lên “sự ép buộc trong kiểm soát dân số”.

Báo cáo quốc gia năm 2017 về thực tiễn nhân quyền, được công bố tuần trước, đưa ra các thông tin về phá thai cưỡng bức, buộc triệt đường sinh sản và “các biện pháp kiểm soát dân số cưỡng chế khác”.

Mục này trước đây dưới thời Obama được gọi mục về “quyền sinh sản” mà trong thực chất là quyền phá thai, ngừa thai nhằm áp lực các quốc gia kém mở mang phải áp dụng các biện pháp kế hoạch hóa trong sinh sản.

Ông Michael Kozak phát ngôn viên Cục Dân chủ, Nhân quyền và Lao động cho biết sự thay đổi này là “không làm giảm các quyền của người phụ nữ” mà đúng hơn là “ngừng sử dụng một thuật ngữ có nhiều ý nghĩa khác nhau.”

Các nhóm phò sinh đã hoan nghênh sự thay đổi này. Lila Rose of Live Action cho biết: “Quyền sinh sản 'từ lâu đã là một thứ lộng ngôn xảo ngữ nhằm hủy hoại cuộc sống con người trong bụng mẹ.”

“Một cụm từ có vẻ như trao quyền cho người phụ nữ nhưng thực chất là buộc họ giết những đức con chưa chào đời.”
Source Catholic Herald - US State Department removes ‘reproductive rights’ from human rights report
 
Đức Thánh Cha nói với ký giả báo Avvenire: “Tin Mừng phải là đường hướng biên tập”
Đặng Tự Do
05:49 02/05/2018
Hôm thứ Ba 1 tháng Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có cuộc gặp gỡ với các nhân viên của tờ Avvenire (Tương Lai) và gia đình của họ. Avvenire là tờ báo hàng ngày của Hội Đồng Giám Mục Ý. Tờ báo được thành lập vào tháng 12 năm 1968 và hoạt động trên đất Ý liên tục từ đó cho đến nay.

Thánh Giuse, gương mẫu cho những người làm nghề truyền thông

Trong cuộc gặp gỡ mừng 50 năm hoạt động của báo Avvenire ở Ý, Đức Thánh Cha đưa ra nhận xét rằng Thánh Giuse là gương mẫu cho những người làm nghề truyền thông. Ngài thừa nhận rằng Tin Mừng không tường thuật một lời nào của Thánh Giuse. Do đó, Thánh Giuse có vẻ như là “tương phản với người làm nghề truyền thông”. Tuy nhiên, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến khả năng của Thánh Giuse trong việc lắng nghe, phó thác chính mình cho Lời Chúa nhận được trong giấc mơ, và bừng tĩnh giữa đêm đen để “nhận ra lời hứa của Thiên Chúa”.

Thánh Giuse: biểu tượng của những người thánh thiện

Đức Thánh Cha nói tiếp rằng Thánh Giuse có thể dạy chúng ta làm thế nào để lấy lại một “cảm thức từ tốn lành mạnh”, và “cởi mở với những lời nói và câu chuyện của người khác”. Thánh Giuse đã dùng cả trái tim và đôi chân của mình trong sự ngoan ngoãn đáp lại Lời Chúa được trao cho ngài qua giấc mơ. Vì vậy, ngài “là biểu tượng của những người thánh thiện trong chúng ta, những người nhận ra rằng điểm tham chiếu của họ là Thiên Chúa, Đấng bao trùm tất cả cuộc sống ta với một ý nghĩa thống nhất”.

Quá khứ của Avvenire

Đề cập đến sự xuất hiện của tờ báo 50 năm trước, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở các nhân viên hiện tại của tờ báo rằng thật không phải dễ dàng để có được tờ báo này. “Bao nhiêu lúng túng và đề kháng, bao nhiêu sự khác biệt và những ý kiến trái ngược nhau tìm cách ngăn chặn ý chí của Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục muốn cho ra đời của một tờ báo Công Giáo hàng ngày toàn quốc”.

Chuyển đổi của Avvenire

Đức Thánh Cha ghi nhận những chuyển đổi mà Avvenire đã và đang phải trải qua theo sau những thay đổi trong công nghệ truyền thông. Đó chính là lãnh vực mà “Giáo hội không muốn mình không có tiếng nói”. Trung thành với sứ mệnh của mình, Giáo Hội công bố Tin Mừng về Lòng Thương Xót; và các phương tiện truyền thông cung cấp một tiềm năng rất lớn để đóng góp cho nền văn hóa của cuộc gặp gỡ.

Những nhà truyền thông mà Giáo Hội cần

Đức Thánh Cha nhắc nhở cử tọa về những gì Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã nói về các nhà báo Công Giáo. Họ không được kêu gọi để tung ra các chuyện giật gân để thu hút độc giả, nhưng phải làm tốt công việc mình bằng cách lắng nghe và giáo dục độc giả suy nghĩ và đánh giá. Ngài khuyến khích cử tọa của mình đừng mệt mỏi trong việc tìm kiếm sự thật, bắt đầu với việc đọc sách Phúc âm như một thói quen. “Hãy để Phúc Âm là đường hướng biên tập ràng buộc sự liêm chính của anh chị em…. Khi đó anh chị em sẽ có ánh sáng để phân định, và những từ ngữ của sự thật để giải thích những gì đang xảy ra một cách đúng đắn”

Để kết luận, Đức Thánh Cha bày tỏ mong muốn của ngài rằng “cả anh chị em cũng thể hiện một Giáo Hội không nhìn vào thực tế từ bên ngoài, hoặc từ trên cao, mà đi vào bên trong, hòa nhập với Giáo Hội, sống với Giáo Hội và - qua dịch vụ mà anh chị em cung cấp— linh hứng và mở rộng hy vọng cho mọi người”.
Source Vatican News -Pope Francis to Avvenire: 'The Gospel is your editorial line'
 
Đối thoại với Trung Quốc: một cuộc đối thoại không mong sớm đạt được một thành quả thần tốc!
Thanh Quảng sdb
06:13 02/05/2018
Đối thoại với Trung Quốc: một cuộc đối thoại không mong sớm đạt được một thành quả thần tốc!

Dù có nhiều dấu hiệu gần đây làm chúng ta tưởng rằng đã có nhiều bước tiến quan trọng đã và đang được hình thành qua các cuộc đối thoại giữa Tòa Thánh với Trung Quốc, dù chỉ một thỏa thuận nho nhỏ chính thức giữa đôi bên cũng chưa hề có!

Liên hệ giữa các đại diện của Toà Thánh và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã diễn ra trong thời gian qua. Mục tiêu các cuộc họp bàn này là nhằm nỗ lực giải quyết các vấn đề liên quan đến Giáo Hội tại Trung quốc theo một mô thức xây dựng, chứ không đối đầu tranh cãi. Vấn đề đầu tiên và quan trọng nhất rất tế nhị là việc bổ nhiệm các Giám mục. Cách thức của Giáo Hội là xây dựng một mối giao hảo hỗ tương hợp tác mang lại lợi ích cho tất cả mọi người. Điều đó không có nghĩa là có thể giải quyết được mọi vấn đề hiện tại bằng thần dược của một cây đũa thần.

Việc bổ nhiệm Giám mục tại Trung Quốc
Việc bổ nhiệm Giám mục tại Trung Quốc
Trong cuộc phỏng vấn với tờ "La Stampa", Ngoại trưởng Vatican, Đức Hồng Y Pietro Parolin nói: "Như quí vị biết với sự chào đời của một 'Trung hoa mới', đã nói lên những khoảnh khắc tương phản quá khứ nghiêm trọng và đau khổ trong những năm 1980, rồi qua những nỗ lực giao tiếp đã khởi xướng được những cuộc trao đổi giữa đại diện Tòa Thánh và Trung Quốc qua nhiều thăng trầm của thời gian... Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nói lên tinh thần của những cuộc đối thoại này trong Tông thư của Ngài vào năm 2007 dành cho những người Công Giáo ở Trung Hoa: 'Giải pháp cho các vấn đề còn tồn đọng chưa được giải quyết sẽ được tiếp nối giữa triều đại Giáo hoàng của Đức Phanxicô và chính quyền Trung quốc, các cuộc đàm phán đã và đang tiếp nối mở ra những con đường cởi mở đối thoại nhưng nhất thống với truyền thống của Giáo hội ".

Việc thành lập một thể chế chính trị cộng sản mới ở Trung Quốc là kết quả của cuộc cách mạng của Mao Trạch Đông. Mục tiêu của nó là giải phóng quần chúng khỏi sự thống trị của phương Tây, của nghèo đói và thất học, giải thoát sự đàn áp của các tầng lớp cầm quyền cũ, một tầng lớp mang nặng ý tưởng về Thượng đế tôn giáo. Vì vậy, một giai đoạn lịch sử đặc biệt khó khăn và một thời gian cấm cách gây nhiều đau khổ cho tầng lớp linh mục tu sĩ và tín hữu.

Sau đó, vào thập niên 1980, có một sự thay đổi bắt đầu ở Trung Quốc. Tuy nhiên, ý thức hệ cộng sản vẫn còn mạnh và gần đây còn thấy những dấu hiệu được tăng cường hơn qua những kiểm soát về mọi lãnh vực an ninh và đời sống văn hóa-xã hội. Đây cũng là một nỗ lực để áp đặt trật tự trên sự bộc phát và tăng trưởng về kinh tế. Một mặt, sự bùng nổ kinh tế này đã kiến tạo sự hạnh phúc, tạo nên nhiều thời cơ và sáng kiến mới; nhưng mặt khác, nó đã làm đảo lộn xã hội qua những nạn lạm phát, tham nhũng, làm suy yếu những giá trị truyền thống, đặc biệt nơi những người trẻ. Trong bối cảnh này, một ý thức hệ cứng ngắc không thể đáp ứng trước những thay đổi sâu sắc như vậy, chắc chắn cũng ảnh hưởng tới tình hình tôn giáo!

Tòa Thánh tiếp tục những truyền thống sẵn có đó là kiến tạo một môi trường đối thoại tôn trọng, trong một nỗ lực nhằm góp phần vào lợi ích cho Giáo Hội và xã hội. Các tín hữu Công Giáo trên khắp toàn cầu cần hiểu rằng thực tế này liên quan chặt chẽ với chính họ: nó không phải những sự kiện xảy ra ở một đất nước xa xôi, mà xảy ra cho chính đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội mà chúng ta là những thành viên, bất kể chúng ta đang sống ở đâu.

Đây là bài viết đầu tiên trong một loạt bài viết chuyên đề về cuộc đối thoại giữa Toà Thánh và Trung Quốc sẽ được đăng tải trong tương lai.
 
ĐGH Phanxicô: Người Kitô được kêu gọi thực hiện những chọn lựa dứt khoát
Giuse Thẩm Nguyễn
13:52 02/05/2018
(Vatican News) Trong lời huấn dụ với đông đảo khách hành hương tập trung tại Quảng Trường Thánh Phê-rô trong buổi tiếp kiến chung vào thứ Tư hàng tuần, ngày 02 tháng Năm, năm 2018, ĐGH Phanxicô đã tiếp tục loạt bài giáo lý của ngài về Bí Tích Rửa Tội, trong đó nước là nguồn mạch sự sống cho người nhận lãnh Bí Tích, vì thế người ta không thể vừa theo Chúa lại vừa theo với ma quỷ được. Ngài mời gọi các Kitô hữu hãy vui mừng và tạ ơn vì ân sủng của phép Rửa Tội.

ĐGH cũng đặc biệt chào đón một nhóm những người trẻ đến từ Syria và kêu gọi cầu nguyện cho hòa bình ở Syria, Trung Đông và trên toàn thế giới.

Nước: Nguồn mạnh sự sống và hạnh phúc.

ĐGH phản ánh về biểu tượng sức mạnh của nước và đã trở nên nguồn mạch sự sống và hạnh phúc. Không có nước sẽ gây ra sự tiêu diệt mọi nguồn sống phong phú, nhưng có nước cũng có thể gây ra chết chóc “khi nó nhận chìm mọi thứ” và nước cũng là một yếu tố để làm sạch và thanh tẩy.

Ngài nhắc lại những sự kiện được mô tả trong Kinh Thánh vào thời Tân Ước trong đó Thiên Chúa đã can thiệp và đoan hứa qua “ những dấu chỉ của nước, gồm cả việc Chúa Giê-su chịu phép rửa tại sống Jordan và nước đã chảy ra từ cạnh sườn Người trên Thánh Giá.

Khi ban phép lành thánh hóa nước trong Bí Tích Rửa Tội, Giáo Hội cầu cho nước ấy trở nên nguồn mạch sự sống mới trong Đức Kitô và làm sạch mọi tội lỗi qua sự tuôn đổ nguồn ơn của Chúa Thánh Thần.

Qua bí tích Rửa Tội, Giáo Hội nài xin hoạt động của Chúa Thánh Thần để cho những ai lãnh nhận Bí Tích này được đi vào mầu nhiệm cứu chuộc nhờ sự chết và sự sống lại của Chúa Kitô và cùng ngài sống lại trong cuộc sống vĩnh cửu.”

Nhưng để được như thế, chúng ta phải từ bỏ ma quỷ và những công việc của nó.

Ma quỷ chia rẻ, Thiên Chúa kết hợp.

Khi một người được thanh tẩy trong Bí Tích Rửa Tội thì sẽ được ơn cứu rỗi, nhưng người đó phải mở lòng và từ bỏ ma quỷ.

ĐGH nhắc nhở những người hiện diện rằng ma quỷ là kẻ chia rẽ trong khi Thiên Chúa luôn luôn kết hợp, cho nên không thể có việc vừa theo Chúa lại vừa theo ma quỷ được.

Người ta không thể gắn bó với Thiên Chúa bằng cách “đặt ra các điều kiện”, nhưng cần phải tách mình ra khỏi những ràng buộc nhất định để có thể ôm ấp người khác.

ĐGH nói rằng khi chúng ta quyết định bước theo con đường sự sống và cứu rỗi, chúng ta cần phải nhất quyết từ bỏ ma quỷ và những việc của nó và cùng nhau tiến bước trong đức tin.

Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta sức mạnh.

Bí Tích Rửa Tội là một dấu chỉ mà chúng ta quyết định sống với mầu nhiệm mới mẻ và sự sống đời đời. Chúng ta được kêu gọi để công bố niềm tin của chúng ta và bất cứ khi nào chúng ta làm dấu thánh giá với nước thánh, chúng ta sẽ nhớ lại với lòng biết ơn món quà chúng ta nhận được qua Bí Tích Rửa Tội.

Cầu nguyện cho Syria.

Sau bài giáo lý, ĐGH đã có lời chào đặc biệt tới một nhóm trẻ người Syria đến Roma với một nhiệm vụ đặc biệt của Caritas Ba Lan.

Phái đoàn đến đây nhằm dấy lên sự lưu ý về những khó khăn của người nghèo, khuyến khích công tác của những người tình nguyện và mong sự giúp đỡ cho những nạn nhân bị bách hại ở Syria.

ĐGH đã ban phép lành và kêu gọi mọi người “hãy cầu nguyện cho hòa bình thế giới, đặc biệt cho Trung Đông và Syria”

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Tình trạng thê thảm cuả Giáo Hội Congo: linh mục còn bị đói.
Trần Mạnh Trác
19:33 02/05/2018
Dolisie, Cộng hòa Congo (CNA ngày 2-5-2018): Theo lời một giám mục địa phương thì cảnh nghèo đói ngày càng tồi tệ thêm ở Cộng hòa Congo, ngay cả những linh mục cuả ngài cũng không có đủ để ăn.

Nước Cộng hòa Congo, còn gọi là Congo Brazzaville, là một quốc gia rất giàu tài nguyên, đặc biệt là dầu mỏ. Nhưng gần 50 phần trăm dân số vẫn sống dưới mức nghèo, theo thống kê cuả Ngân hàng Thế giới.

Đức Giám Mục Bienvenu Manamika Bafouakouahou là vị giám mục cuả giáo phận Dolisie, thành lập năm 2013, là nơi mà đa phần người dân thiếu nước sạch và y tế cơ bản.

"Người dân Congo là một người nghèo xác sơ sống trong một đất nước giàu xụ. Dầu hoả thì nằm ngay ở dưới mặt đất, nhưng sự phong phú do nó mang lại bị chia chác giữa một thiểu số giàu có và quyền lực," Đức Giám Mục Bafouakouahou cho biết trong một cuộc phỏng vấn với văn phòng Aid To the Church In Need (trợ giúp các giáo hội thiếu thốn).

"Trong giáo phận của tôi, điều quan tâm đầu tiên cuả các linh mục là có đủ để mà ăn," Đức Giám Mục nói tiếp. "Nếu ai trong số họ có vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, thì tôi không biết phải làm gì."

Vị giám mục giải thích rằng các bệnh viện đang đình công nhiều tháng vì chính phủ không cung cấp y tế cơ bản nữa. Thêm vào đó giá dầu rẻ đã hạn chế các chương trình chi tiêu cuả chính phủ đến nỗi nhiều bác sĩ và y tá đã không được trả tiền lương.

Quốc gia đã một thời theo chủ nghĩa Mác Xít vẫn còn chịu nhiều hệ lụy của cuộc nội chiến trong những năm 1990, nhiều cơ sở hạ tầng đã bị phá hủy.

"Không có nước uống an toàn; nhiều người lớn đã chết vì nước ô nhiễm,", theo lời giám mục Bafouakouahou.

Mặc dù giáo phận Dolisie đang phải chật vật với cái đói, nhưng ơn gọi linh mục thì rất phong phú, theo lời vị giám mục.

Tuy nhiên, ở một nước mà tỷ lệ thất nghiệp là hơn 50 phần trăm, Đức Giám Mục Bafouakouahou cho biết ngài phải cẩn thận khi lựa chọn chủng sinh để đảm bảo ơn gọi linh mục là bắt rễ từ trong Đức tin, chứ không phải là một cơ hội việc làm "khi bị kẹt".

Có sự kết nối giữa đói nghèo và sự tăng trưởng của những nhóm “Tam điểm” và Hồi giáo.

"Do nghèo đói, Hồi giáo đang dùng tiền bạc của họ để lôi kéo giáo dân, thậm chí có cả những đứa trẻ giúp lễ của tôi," theo lời giám mục Bafouakouahou.

Khi ngài hỏi một trong những đứa giúp lễ cũ tại sao chúng lại đi theo đạo Hồi, thằng bé trả lời: "cha ơi, khi con giúp lễ ở bàn thờ, cha có cho con một xu nào không? Với Hồi giáo, con sẽ được một học bổng, một người vợ và một cửa hàng."

Vị giám mục Congo nói rằng cách thức ngài củng cố số dân Công Giáo là sử dụng việc Chầu Thánh thể, đài phát thanh Công Giáo địa phương, và rao giảng ngay ở giữa chợ.

Dân số Công Giáo đang bị thu hẹp lại, giảm từ 60 phần trăm đến 40 phần trăm từ năm 1995 đến năm 2005.

Theo viện nghiên cứu Pew thì trong năm 2010, chỉ còn 30 phần trăm dân Congo theo đạo Công Giáo.
 
Khám phá phế tích Kitô Giáo dưới lãnh thổ trước đây do ISIS chiếm đóng
Vũ Văn An
20:15 02/05/2018
Theo nữ ký giả Hollie McKay của Fox News, trong hơn 2 năm, các lực lượng ISIS, từng chiếm đóng Manbij, một thành phố phía bắc Syria, ít lưu ý tới đỉnh một chiếc cổng xưa trên một mô đất trống nơi người ta đổ rác.

Chúng không hay biết gì việc chiếc cổng chạy xuống sâu dưới đất khoảng mấy bộ Anh, vì nếu biết, chắc chắn chúng đã phá hủy nó rồi. Đây là phế tích của một nơi trú ẩn của các Kitô hữu ngày xưa, hoặc một nhà thờ, có thể có từ các thế kỷ đầu tiên của thế giới Kitô Giáo, thời Đế Quốc Rôma.

Abdulwahab Sheko, đứng đầu Ủy Ban Tìm Tòi của Hội Đồng Phế Tích ở Manbij cho Fox News hay khi hướng dẫn phóng viên của Đài này đi thăm một vòng phế tích: “Tôi hết sức phấn khởi, tôi không thể tả nổi. Tôi đang nắm được mọi sự trong tay”.

Trong số các tạo tác tìm được chứng minh đây là một địa điểm quan trọng đối với các Kitô hữu, người ta thấy một số hình thánh giá khác nhau được khắc vào cột hay tường, nhiều chữ viết khắc vào đá.

Sheko giải thích khi bước qua điều mà ông gọi là “nơi thứ nhất” của địa điểm: “Nơi này rất đặc biệt. Đây là nơi tôi nghĩ một cảnh vệ đứng ở cổng để canh chừng bất cứ chuyển động nào ở bên ngoài. Anh ta có thể cảnh cáo người khác phải đi ra qua ngả khác nếu họ phải ra ngoài”.

Phế Tích Kitô Giáo Thời Đế Quốc Rôma, được khám phá sau khi ISIS bị đẩy lui


Không gian cổ xưa này được đẽo thành những đường hầm hẹp, hoàn tất với những lỗ thông lấy ánh sáng từ bên ngoài mà người ta tin là các hành lang để người thờ phượng qua lại. Cũng có rất nhiều lối thoát ra ngoài trong các đường hầm này, trong đó, có những tảng đá lớn có thể được dùng làm cửa chắn. Cũng có cả 3 bậc lởm chởm dẫn tới chỗ được Sheko cho là một bàn thờ.

Theo một nhà khảo cổ hàng đầu của Hoa Kỳ, thì việc khám phá ra điều gọi là “một nhà thờ bí mật” có từ thế kỷ thứ ba hoặc thứ tư công nguyên là một khám phá quan trọng.

John Wineland, giáo sư sử học và khảo cổ học tại Đại Học Southeastern nói rằng “Chúng cho thấy có một dân số Kitô Giáo đáng kể tại khu vực cảm thấy mình cần phải che dấu các hoạt động của mình. Đây có lẽ là dấu chỉ việc chính quyền Rôma bách hại, một điều rất thông thường vào lúc ấy”.

Wineland cho rằng các Kitô hữu bị nhà cầm quyền Rôma bách hại “thoạt đầu còn lác đác, nhưng sau đó càng ngày càng có tính hệ thống hơn”. Kitô giáo là tôn giáo bất hợp pháp trong Đế Quốc Rôma cho tới khi việc thờ phượng của nó được Hoàng Đế Constantinô hợp pháp hóa năm 313 công nguyên.

Wineland cho rằng các Kitô hữu thời ấy “gặp nhau trong bí mật, dưới đất, để tránh rắc rối. Nhưng người Rôma lại sợ bất cứ nhóm nào hội họp bí mật”.

Ông nói thêm: “Người Rôma hiểu lầm nhiều thực hành của Kitô hữu và thường kết án họ về nhiều thứ tội như tội ăn thịt người chẳng hạn”. Ông cho rằng các lời kết án này thường phát xuất từ việc “người Rôma hiểu lầm việc Kitô hữu rước lễ, trong đó, Chúa Kitô truyền cho họ ăn thịt và uống máu của Người”.

Chiến binh ISIS không biết tới sự hiện hữu của ciếc cổng (Fox News)


Vì càng ngày càng khai quật và nghiên cứu được nhiều phế tích hơn, nên chưa rõ việc khám phá này quan trọng ra sao.

Sheko cho biết: ông bắt tay với nhiều nhà khảo cổ và cơ quan quốc tế kể từ ngày nhóm của ông bắt đầu khai quang địa điểm này vào mùa thu năm ngoái, và cần sự giúp đỡ để nhận diện các tạo tác và để “thử nghiệm xương” của những hài cốt người được tìm thấy ở đây. Nhưng cho đến nay, đáp ứng từ ngoại quốc thấy rõ trong câu tuyên bố này: rất nguy hiểm để gửi các nhóm khảo cổ tới phần đất vẫn còn chiến tranh tàn phá này.

Sheko nói ông cũng hy vọng Tòa Thánh Vatican sẽ “biết đến các khám phá này” và sớm gửi một ai đó tới để thanh tra phế tích.

Địa điểm này rất may thoát được được sự chú ý của ISIS. Sheko cho hay ông đang nghiên cứu khu vực này thì nhóm nổi tiếng chống Kitô Giáo xâm lăng năm 2014. Ông tìm đủ cách để giữ nó được bí mật cho tới lúc ISIS bị đẩy lui trong một cuộc tấn công đẫm máu năm 2016 của Lực Lượng Dân Chủ Syria (SDF) được Hoa Kỳ yểm trợ.

Vì khu vực này hiện đầy mìn bẫy, nên việc thu dọn và đào xới rộng lớn tại khu vực chỉ có thể bắt đầu từ tháng Tám năm rồi. Đến tháng Ba năm nay, việc khai quật đã mang lại đủ tư liệu để Sheko và nhóm của ông có thể tổ chức “một ngày hội” để người địa phương có thể tới và thăm viếng.

Các chuyên viên nay đang nghiên cứu địa điểm Kitô Giáo cổ xưa (Fox News)


Trên thực tế, chính các người địa phương đã dẫn tới “nơi thứ hai” mới được khám phá gần đây, một nơi vẫn còn rất nhiều côn trùng và rác rưởi, thậm chí có cả một con chó hoang đang nằm ngủ. Bên trong nơi thứ hai này, bên dưới 11 bậc đá lởm chởm và dẫn tới một cái hang có rất nhiều phòng, người ta thấy nhiều biểu tượng Kitô Giáo rải rác khắp nơi, được khắc vào tường đá và cả trên các trần vòng cung.

Chỉ vào các biểu tượng, Sheko giải thích “chúng tôi nghĩ sau Kitô Giáo, nơi này không còn là nơi bí mật nữa”.

Wineland đồng ý và nói rằng dựa vào các hình chụp do Fox News cung cấp, ông tin rằng các thánh giá được đẽo vào tường, cùng với những mẫu hình học phù hợp với thời Rôma, dường như đã được thêm vào sau, sau khi Kitô Giáo đã được nhìn nhận rộng rãi.

Ông nói: “Đó là điều ta có thể gọi là việc sử dụng đệ nhị đẳng của nơi này, và rất có thể là nơi các Kitô hữu gặp nhau để thờ phượng”.

Sâu hơn chút nữa xuống mê lộ địa đạo là một “nghĩa trang”, theo Sheko, có lẽ dành cho các giáo sĩ. Mỗi ngôi mộ tại đấy có “chiếc gối cao bằng đá” để tựa đầu.

Một biểu tượng Kitô Giáo được đẽo vào đá tại địa điểm cổ xưa (Fox News)


Bên trong các ngôi mộ, vẫn còn hài cốt người. Một cư dân địa phương nói với Fox News: ông tới thăm phế tích thường xuyên và thực sự đã đụng vào xương người và thấy chúng “vữa ra” trước mắt ông.

Diễn trình dọn dẹp “nơi thứ hai” bắt đầu hồi tháng Chín năm 2017, đòi hỏi 7 người đàn ông, dụng cụ đào xới và một forklift (xe nâng hàng).

Sheko cho hay còn nhiều phế tích hơn nữa cần đựợc đào xới nhưng các nhà dân ở phía trên chúng khiến việc khai quật phức tạp hơn nhiều.

Hiện nay, các địa điểm này được canh giữ bởi 1 thanh niên 21 tuổi, vận thường phục với khẩu AK-47 trong tay. Và bên ngoài văn phòng Hội Đồng Phế Tích không có chữ viết, các tạo tác qúy giá nằm ngổn ngang ngay trên đường, vì thiếu tài nguyên bảo quản và theo Sheko, “không có bảo tàng để chứa”.

Các tạo tác này bao gồm một hình nổi thuộc thời Rôma tạc vào một khối xây dựng bằng đá vôi, các bia mộ, các mảnh khung vòm và chân cột. Một trong các tạo tác này có khắc chữ Hy Lạp trên một khối kiến trúc.

Chữ Hy Lạp tại địa điểm cổ xưa (Fox News)


Wineland nói “chữ Hy Lạp là ngôn ngữ chung của Đế Quốc Rôma phía Đông, điều này giải thích tại sao Tân Ước được viết bằng tiếng Hy Lạp thời Đế Quốc Rôma”.

Hassan Darwish, người chịu trách nhiệm về văn khố và địa hình, cũng cho biết việc họ cố gắng thu hồi một số vật chủ yếu bị ISIS khám phá và đem bán ở các thị trường địa phương. Đó là những tranh ghép (mosaics) cổ xưa, một số bị ISIS phá nát các khuôn mặt trước khi rút lui.

Manbij, nằm trong Khu Cai Trị Aleppo phía Tây Bắc gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, và cách Euphrates 18 dặm về phía tây, từ lâu vốn được coi là một trong những thị trấn cổ xưa nhất và quan trọng nhất. Vì sự nổi bật của khu vực trong nhiều thế kỷ sau khi Kitô Giáo được thành lập, các nhà khảo cổ tin rằng còn nhiều địa điểm Kitô Giáo nữa có thể được khai quật tại các khu vực vừa thoát khỏi ISIS.

Phần lớn lãnh thổ của Syria hiện nay đã bị Cộng Hòa Rôma sát nhập năm 64 trước công nguyên. Trong nhiều thế kỷ nó là một trung tâm giao thương và thương mại chủ yếu của Đế Quốc Đông Phương hay Byzantine.

Tuy nhiên, qua thế kỷ thứ 7, Hồi Giáo bắt đầu lan rộng do các cuộc chiến thắng của người Ả Rập, và cuối cùng, Syria trở thành Hồi Giáo một cách áp đảo.

Lúc bắt đầu có cuộc nội chiến, các Kitô hữu chiếm 10% dân số Syria.

Manbij nằm ở Aleppo phía đông bắc, gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ (Fox News)


Wineland nói rằng các khám phá gần đây nhắc ông nhớ tới việc bách hại nặng nề đối với các Kitô hữu tại Syria và Iraq hiện nay. “Việc này dẫn đến việc suy giảm đáng kể con số các Kitô hữu ở trong vùng. Một số người bị giết, số khác phải trốn chạy, và nhiều người khác buộc phải trở lại Hồi Giáo”.

Tuy nhiên, bất chấp lịch sử khó khăn của Kitô Giáo tại Syria, Sheko cho hay ông muốn minh xác cam kết của ông trong việc khai quật và bảo vệ bất cứ phế tích nào ông và nhóm của ông có thể tìm ra.

Ông nói: “chúng tôi là người Hồi Giáo, nhưng chúng tôi không phải Hồi Giáo theo kiểu ISIS. Chúng tôi chăm sóc các phế tích Kitô Giáo. Chúng tôi tôn kính chúng. Chúng tôi tôn kính nhân loại”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo hạt Phú Thọ: Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm thực thi bác ái
Văn Minh
10:22 02/05/2018
“Anh em chớ quên làm việc từ thiện, giúp đỡ lẫn nhau, vì Thiên Chúa ưa thích những hy lễ như thế” (Dt 13,16).

Hưởng ứng lời Kinh Thánh trên đây, vào lúc 5g30 sáng Chúa Nhật, ngày 29.04.2018, đại diện Ban Chấp hành (BCH), cùng quý ân nhân và các thành viên trong Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm (GĐPTTTCG) giáo hạt Phú Thọ gồm có 95 người trên 02 xe, khởi hành từ giáo xứ Tân Phước đi thực thi bác ái.

Xem Hình

Đồng hành cùng đoàn có cha Gioan Vianney Nguyễn Hữu Lợi, Dòng Máu Châu Báu Chúa Kitô, và anh Phêrô Nguyễn Hồng Thịnh, phó nội vụ BCH/ GĐPTTT TGP Sài Gòn.

Trên đường đi, đoàn đến Trung tâm Đức Mẹ Núi Cúi, Giáo phận Xuân lộc, cùng nhau đọc kinh, cầu nguyện, xin Mẹ che chở cho đoàn đi trên đường được mọi sự bằng an.

Đúng 16g00, đoàn tới Mái ấm Nhân đạo Tà Nung, TP Đà Lạt, do quý soeur Dòng Nỹ Tỳ Chúa Thánh Thần - bảo trợ. Mái ấm Nhân Đạo Tà Nung hiện đang nuôi dưỡng 60 trẻ em nghèo là người dân tộc thiểu số. Trong đó, có 30 trẻ em sơ sinh, và 30 trẻ em mồ côi. Tại đây, đại diện BCH trao 60 thùng mì tôm, 60 chai nước tương, 60 chai dầu ăn, 60 gói đường1/2kg, 15 thùng sữa chua, 02 thùng bột nêm, cùng một số quần áo trẻ em và 25.000.000đ (hai mươi lăm triệu) tiền mặt.

Thực hiện công việc bác ái xong, đoàn đến Tu hội Truyền giáo Vinh Sơn, số 51 đường Yết Kiêu, phường 05, TP Đà Lạt. Sau khi ổn định chỗ nghỉ, các thành viên tham dự Thánh lễ lúc 18g00, do cha Gioan Vianney Nguyễn Hữu Lợi chủ sự và nghỉ đêm tại đây.

Sáng hôm sau, lúc 5g30, tham dự Thánh lễ và sau bữa điểm tâm sáng lúc 8g00, đoàn được thầy Matthêu Đa Cátk Then hướng dẫn đi tham quan một số thắng cảnh Đà Lạt.

Sáng ngày 01.05, lúc 5g30, các thành viên cùng quý thầy tham dự Thánh lễ đồng tế mừng kính Thánh Giuse Thợ, do cha Phanxicô Nguyễn Văn Lý – Giám đốc Tu hội Truyền giáo Vinh Sơn, chủ tế.

Sau khi ăn sáng xong, lúc 8g00, đoàn lên xe trở về Sài Gòn, kết thúc chuyến đi thật tốt đẹp. Trên đường về, đoàn tới Đức Mẹ suối An Bình đèo Bảo Lộc, đọc kinh tạ ơn và trở về TPHCM lúc 20g00 cùng ngày trong sự bình an.

Được biết, đại diện BCH cũng trao cho Dòng Gioan Thiên Chúa tại Hố Nai số tiền là 25.000.000đ hai mươi lăm triệu đồng, cơ sở Nuôi dưỡng hướng nghiệp trẻ khiếm thị Bừng Sáng số: 266/5 Nguyễn Tri Phương, quận 10, TPHCM, 15.000.000đ, Dòng Sain Paul Kon Tum 5.000.000đ, tô cháo Phạm Ngọc Thạch 5.000.000đ, đến thăm và tặng quà cho 16 linh mục và 01 soeur tại nhà hưu dưỡng Chí Hòa với số tiền 8.500.000đ tám triệu năm trăm ngàn đồng. Ngoài ra, BCH cũng giúp đỡ cho những đoàn viên và những người có hoàn cảnh khó khăn trong và ngoài GĐPTTT giáo hạt Phú Thọ một số tiền mặt.

Tổng số tiền của GĐPTTT giáo hạt Phú Thọ thực thi bác ái trong Mùa Chay 2018 được 104.000.000đ, là do các thành viên trong GĐPTTT và quý ân nhân trong giáo hạt Phú Thọ cùng nhau đóng góp.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Chuyện lạ các thánh: Muốn theo Chuá nhưng muốn từ từ mà thôi.
Trần Mạnh Trác
16:31 02/05/2018
Ngày 5 tháng 5 là ngày lễ kính sự trở lại cuả thánh Agustinô, là một trong số hiếm hoi các thánh có 2 ngày lễ trong niên lịch Phụng Vụ (các thánh khác phải kể đến thánh Gioan Tẩy Giả, thánh Phaolô vv..)

Cuộc sống bê bối cuả thánh Agustinô thành Hippo thì nhiều người đã được nghe qua rồi, và ngài cũng đã thú tội một cách rành mạch trong cuốn sách nổi danh “Tự Thú” (Confession.)

Điều đáng ghi nhận là sự hối cải cuả thánh Agustinô không hoàn toàn xuông xẻ như chúng ta thường nghĩ, đây là một cuộc hối cải có ‘lúc lên lúc xuống’ trong nhiều năm trời, với nhiều ‘lập luận lấp liếm’ để đình hoãn cái sức ‘thu hút’ cuả Thiên Chuá.

Và dĩ nhiên sau khi bị Chuá thu hút rồi, thì ngài đã cho đi 100 phần trăm. Phải như vậy chứ. Và vì thế xứng đáng là một vị đại thánh cuả Giáo Hội.

Chúng ta sẽ ‘sơ lược mau chóng’ câu chuyện cuả ngài, và chú trọng đến các ‘lời vàng ý ngọc’ mà ngài để lại cho hậu thế.

Sự trở lại cuả Thánh Agustino thành Hippo

Sinh ngày 13 tháng 11 năm 354 tại Tagaste, xứ Numidia, Bắc Phi (nay là Souk-Ahras, Algeria), đặt tên là Aurelius Augustinus. Là con cuả một người cha ngoại giáo nhưng đã theo đạo trước khi chết, và mẹ là bà thánh Monica, một phụ nữ ngoan đạo.

Được dậy giỗ trong đức tin Thiên Chuá Giáo, nhưng Agustinô đã bỏ đạo trong thời trai trẻ và sống một cuộc sống bê tha. Lúc lên 15 tuổi thì cặp với một phụ nữ người Carthage được 15 năm. Có một con trai đặt tên là Adeotadus, có nghiã là ‘Hồng Ân Thiên Chuá’ (Thiên Ân).

Là một học giả, Augustino dạy môn ‘hùng biện’ tại các thành phố Carthage (Bắc Phi) và Milan (Ý). Sau khi làm quen và sống thử với nhiều triết thuyết đương thời, Augustinô gia nhập bè phái Manichaean. Phái Manichaean chủ trương có sự giằng co quyền lực giữa hai sức mạnh: Sự Thiện và Sự Dữ, và chủ trương con người nên có một cuộc sống luân lý ‘trung dung’, ‘phóng khoáng’.

Trong tác phẩm ‘Confession’, Augustinô đã tóm tắt tư tưởng cuả mình trong giai đoạn trên như sau: ”Lạy Chuá, xin hãy ban cho con sự Khiết Tịnh, nhưng đừng ngay lập tức nhá” ("God, give me chastity and continence - but not just now.")

Sau cùng thì Augustinô đã bác bỏ tà thuyết cuả phái Manichaean và trở lại đạo Công Giáo nhờ vào lời cầu nguyện và nước mắt cuả người mẹ là thánh Monica, và nhờ vào sự hướng dẫn ‘nhẫn nại’ cuả thánh Ambrose thành Milan.

Sau khi người mẹ là thánh Monica qua đời, Augustinô trở về Bắc Phi, bán hết cuả cải mà ban phát cho người nghèo, rồi thành lập một tu viện. Ông trở thành một đan sĩ, rồi một linh mục, rồi một nhà du thuyết, và sau cùng là giám mục thành Hippo năm 396.

Ngài thành lập nhiều tu viện, chống lại các tà giáo như Manichaeism, Donatism, Pelagianism và những phe lạc giáo lúc đó. Đó là một thời tao loạn, đế quốc La Mã ở Bắc Phi bị tàn phá và rơi vào tay những đám rợ người Vandals.

Ngài mất ngày 28 tháng 8 năm 430 tại Hippo, Bắc Phi.

Ngài trở thành Tiến Sĩ Hội Thánh vì những tư tưởng cuả Ngài để lại cho hậu thế. Dòng Tư Tưởng cuả Agustinô có thể được tóm lược với một câu nói bất hủ cuả Ngài như sau: “Trái Tim cuả chúng con được tạo dựng cho Chuá, Chuá ôi, chúng không thể nghỉ yên cho đến khi được yên nghỉ trong Chuá mà thôi.”

Những lời vàng ý ngọc

Bạn hãy tu thân rồi thiên hạ sẽ cúi mình dưới chân bạn.

(Conquer yourself and the world lies at your feet)

Thiên Chuá không cần tiền cuả bạn, nhưng người nghèo thì cần. Vận bạn hãy cho người nghèo, và Chuá sẽ nhận lấy nó.

Thanh danh cuả thế gian chỉ là những cơn gió thoảng, trống không, rơi bên vực thẳm.

Bạn được gì đâu nếu bạn không được Chuá?

Sự thiếu hạnh phúc là do ở linh hồn đang bị hôn mê vào những điều vong tử.

Tình yêu đặt vào cuả cải thê gian thì giống như sợi giây ràng buộc chân con chim, nó lưới bắt mất linh hồn, không cho nó bay tới Thiên Chuá.

Chuá coi trọng sự Tinh Khiết cuả Ý Định hơn là sự thực hiện một công trình.

Tôi đề nghị bạn vinh danh Chuá hằng giây hằng phút cả ngày dài như thế này: Những gì bạn làm, làm thật tốt, và như vậy là bạn vinh danh Chuá đấy.

Thiên Chuá dù có quyền vô hạn cũng không thể cho hơn, dù khôn ngoan cũng không biết cho gì hơn, dù giàu có cũng không có gì mà cho hơn, là phép Thánh Thể.

Chúng ta sống và chết là sống và chết với hàng xóm.
 
Những người đã từng theo tà giáo Đức Chúa Trời Mẹ tại Hoa Kỳ nói gì về tà giáo này?
Đặng Tự Do
20:05 02/05/2018


“Anh em thân mến, anh em đừng cứ thần khí nào cũng tin, nhưng hãy cân nhắc các thần khí xem có phải bởi Thiên Chúa hay không, vì đã có nhiều ngôn sứ giả lan tràn khắp thế gian.” (1 Ga 4:1)

Kỳ trước: Lược sử hình thành và những huyền thoại chung quanh giáo phái Đức Chúa Trời Mẹ

Trong hai năm, Michele Colon xác tín hoàn toàn rằng tận thế sắp xảy ra và một bà già ở Hàn Quốc là Đức Chúa Trời Mẹ. Trong hai năm đó, Colon, một y tá Hoa Kỳ, đã tham dự các buổi lễ tại “Hội Thánh của Đức Chúa Trời Hội Truyền Giáo Thế Giới”, gọi tắt là WMSCOG, ở vùng ngoại ô Ridgewood của New Jersey.

Colon nói với People.com cô đã đào thoát khỏi tà giáo này cách đây hơn bốn năm. Cô nói rằng cô đã bỏ trốn vì tin rằng cô đã bị tẩy não bởi một tà giáo dùng tận thế để dọa người ta.

Hơn thế nữa, Colon còn nộp đơn kiện chống lại WMSCOG, một tổ chức đã được thành lập cách đây hơn 50 năm. Chúng tôi có một bản sao đơn kiện này, trong đó cô tố cáo nhóm này đã thu được những “lợi nhuận” khổng lồ và “sử dụng một số các chiến thuật kiểm soát tâm lý … để ngăn chặn các thành viên tố cáo các hành vi tội phạm và sai trái của họ.”

Nhóm này đã kiện ngược lại Colon cho rằng cô đã vu cáo gây thiệt hại cho danh tiếng của họ trong một nỗ lực muốn được nổi tiếng “và xây dựng một sự nghiệp như chuyên gia về tà giáo”.

Nhưng các cuộc phỏng vấn với sáu cựu hội viên của nhóm này, trong đó có một cựu thành viên đã từng sinh hoạt với họ trong 12 năm, cho thấy họ hoàn toàn khẳng định những cáo buộc của Colon là đúng. Tất cả bảy cựu thành viên đều nói rằng nhóm này cô lập các thành viên của nó với gia đình và bạn bè của họ bằng cách kiểm soát các thông tin và sử dụng các kỹ thuật tẩy não.

“Sợ hãi và cảm thức tội lỗi - đó là những gì nuôi dưỡng tà giáo này”, Colon nói với People. com. “Họ lấp đầy bạn với nỗi sợ hãi này rằng thế giới sẽ kết thúc bất cứ lúc nào và bạn cảm thấy tội lỗi vì không làm tốt đủ trước khi tận thế xảy ra”

Trong một tuyên bố được đưa ra trước tòa, WMSCOG đã bác bỏ tất cả các cáo buộc cho rằng giáo phái này “bất khoan dung tôn giáo” và thúc giục các cơ quan chức năng Hoa Kỳ mở các cuộc điều tra về tổ chức này để thấy rằng họ “phục vụ cộng đồng và tuân thủ đúng các chuẩn mực Kitô Giáo”.

Colon: Đời Sống Cộng Đồng Được Khuyến Khích, Thành Viên Thiếu Ngủ

WMSCOG không công nhận Giáng Sinh hay Phục Sinh, và tuyên bố mình có các thành viên tại hơn 175 quốc gia. Chỉ riêng tại Hoa Kỳ, họ có hơn 150,000 tín đồ.

Tuyên bố của WMSCOG nói cách thức Colon cáo buộc họ là tà giáo bắt nguồn từ phản ứng chống lại niềm tin phi chính thống của họ: “Nếu ai đó thuộc về một nhóm mà chúng ta không chấp nhận, chúng ta gọi nó là ‘tà giáo’ hay tệ hơn nữa”.

“Khi chúng ta không đồng ý hay khó hiểu lý do tại sao một tổ chức duy trì một quan điểm trái ngược với tiêu chuẩn hoặc những gì chúng ta mong đợi, chúng ta chụp mũ họ là ‘tà phái’”

Nhưng Colon và các cựu thành viên khác mà People.com có dịp nói chuyện đều nhấn mạnh rằng WMSCOG, với các nhà lãnh đạo bị cáo buộc dự đoán rằng thế giới sẽ kết thúc vào năm 2012, có tất cả các dấu hiệu của một tà phái.

“Trước khi tôi thoát ly khỏi tà giáo này, họ buộc tôi dành toàn bộ thời gian rảnh rỗi của tôi ở đó,” Colon nói. Cô nói thêm rằng cuộc sống chung được khuyến khích giữa các thành viên và các tín hữu của nhóm này bị cấm bước chân vào một nhà thờ khác.

“Chúng tôi phải ở đó cho đến 1 hoặc 2 giờ sáng một vài đêm. Nó đã trở thành hoàn toàn mất thời gian và tôi đã luôn luôn bị mất ngủ. Đột nhiên, sở thích và những người quan trọng với tôi trước đó không còn quan trọng nữa.”

Colon cáo buộc các nhà lãnh đạo tà giáo đã cố gắng “vi phạm” cuộc sống của cô, đòi hỏi cô phải bỏ ra hàng giờ để phục vụ hoặc học một loại Kinh Thánh của họ. Cô cáo buộc nhóm này kiểm soát âm nhạc cô nghe và cấm cô sử dụng Internet.

Colon giải thích thêm họ bắt buộc bạn phải có mặt thường xuyên vì “họ không thể kiểm soát bạn nếu bạn không ở đó. Mọi người đều thiếu ngủ, và nhóm này liên tục lặp đi lặp lại mọi thứ, và làm cho mọi thứ trở nên lung linh, và nó trở nên khắc sâu trong đầu bạn. Họ là những kẻ cơ hội. Họ tìm cách chiêu mộ những người đang trải qua những giai đoạn khủng hoảng trong cuộc sống hoặc đang có một số khoảng trống trong cuộc sống cần lấp đầy - và họ sẽ lấp đầy nó.”

“Ngay từ đầu, họ không nói cho bạn biết toàn bộ những gì họ tin, bởi vì nếu họ làm thế, sẽ không có ai tham gia với họ”

WMSCOG được lãnh đạo bởi một bà già ở tuổi 70, được gọi là “Đức Chúa Trời Mẹ”, một người đàn bà nhìn có vẻ hiền lành, còn được gọi là Jang Gil-ja, Zhang-Gil-jah, Chang Gil-jah, Mẹ Thiên Thượng, Mẹ Jerusalem mới, và Mẹ Jerusalem.

Colon nói rằng nhóm này không nói với cô về sự tồn tại của “Đức Chúa Trời Mẹ” cho đến một lúc nào đó khi họ thấy cô đã thực sự tin vào những điều họ nói.

Colon nói với People.com:

“Họ không nói cho bạn biết toàn bộ những gì họ tin, bởi vì nếu họ làm thế, sẽ không có ai tham gia với họ. Họ không hề nói rằng chúng tôi tin người đàn bà này là Thượng đế và chúng tôi muốn thuyết phục bạn từ bỏ gia đình, tiền bạc và sở thích của bạn. Nếu bạn vẫn muốn tham gia thì đó là điều tốt cho bạn. Không thì thôi. Trong trường hợp như thế, ít nhất bạn có thể đưa ra một quyết định sau khi đã được thông tin đầy đủ.”

Ngược lại, Colon nói, “họ đút cho bạn ăn từng ‘thìa thông tin’ một mỗi khi họ cảm thấy bạn sẵn sàng để nghe họ. Nếu bạn đặt câu hỏi, họ sẽ bảo ‘cứ học thêm nữa đi’ và tất cả các câu hỏi của bạn sẽ được trả lời nếu bạn tiếp tục học. Họ cứ chập chờn một củ cà rốt trước mặt bạn.”

Trong bản tuyên bố của nhóm này trước tòa, nhóm này cho biết “sự khác biệt lớn nhất giữa giáo hội chúng tôi và các hội thánh khác là chúng tôi tin vào cả Đức Chúa Trời Mẹ cũng như Đức Chúa Trời Cha. … Theo những lời tiên tri của Kinh Thánh, Đức Chúa Trời Mẹ xuất hiện trong thời cuối của ơn cứu chuộc.”

Gil-ja cũng là chủ tịch của Tổ chức We Love U và Quỹ phúc lợi cuộc sống mới, cả hai được coi là các tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Seongnam, là thành phố lớn thứ hai của Hàn Quốc. Seongnam cũng là nơi đặt trụ sở chính của “Hội Truyền giáo Thế giới của Đức Chúa Trời”.

WMSCOG được hình thành từ một giáo phái được thành lập vào năm 1964 với tên gọi là “Giáo Hội Đức Chúa Trời Các Chứng Nhân của Chúa Giêsu”, một đứa con tinh thần của một người tên là Ahn Sahng-hong. Các cựu thành viên nói rằng họ được kể rằng Ahn Sahng-hong - người đã qua đời năm 1985 – là Chúa Kitô đến lần thứ hai, và cả hai Ahn Sahng-hong và Jang Gil-ja được gọi là “Elohim God”.

Theo WMSCOG, sau khi “hoàn thành sứ mệnh của mình” là phục hồi “phúc âm của giao ước mới,” Ahn Sahng-hong “lên thiên đàng”. Kể từ đó, “Mẹ Giêrusalem mới của chúng ta đã lãnh đạo công việc phúc âm của Giáo Hội Đức Chúa Trời để truyền lời Chúa từ Sion đến thế gian, giống như đã được tiên tri trong Kinh Thánh.”

Cáo buộc các nhà lãnh đạo ép các thành viên phá thai

Colon và các cựu thành viên khác cáo buộc rằng các nhà lãnh đạo tà giáo này chỉ đạo cho các thành viên phải phá thai. Họ nói với các phụ nữ rằng thật là “vô nghĩa và ích kỷ” để đưa một đứa trẻ vào trong một thế giới đang gần bờ vực hủy diệt.

Các cựu thành viên đều tuyên bố rằng tiền đóng góp từ 10 đến 15 phần trăm tiền lương của họ là bắt buộc, và rằng tà giáo thậm chí còn khuyến khích các thành viên quyên góp tài sản để bán gây qũy.

Họ cũng cáo buộc rằng những nỗ lực tuyển dụng tập trung nhắm vào những người da trắng trẻ, những người đã giàu có, và các thành viên được phái đi nhiều lần trong tuần đến các trung tâm mua sắm và các đại học để chiêu dụ tín đồ. Theo các cựu thành viên, nhóm này cũng nhấn mạnh đến việc tuyển dụng các cựu chiến binh vừa trở về sau chiến tranh, những người có thể dễ bị tổn thương tâm lý hơn.

Một số cựu thành viên nói rằng họ được khuyến khích bỏ học đại học, bỏ việc và bỏ gia đình của họ để họ có nhiều thời gian hơn trong việc chiêu dụ tín đồ. Họ tuyên bố các thành viên – kể cả trẻ em và thậm chí là trẻ sơ sinh - cũng bị buộc ăn chay trong nhiều ngày.

Các cựu thành viên mà People.com có dịp nói chuyện đã cáo buộc WMSCOG cũng đã cố gắng thuyết phục các thành viên của mình ly dị với những người phối ngẫu mà họ không thuyết phục được, và rồi họ sẽ sắp xếp các đám cưới giữa các thành viên người Mỹ và các thành viên người Hàn Quốc. Điều đó đã xảy ra với Colon. Chồng cũ của cô bây giờ vẫn là một thành viên trong tà giáo này và đã ly dị với cô để kết hôn với một người phụ nữ Đại Hàn.

Trong một tuyên bố gởi đến People.com, WMSCOG bác bỏ cáo buộc họ ép các thành viên phá thai, phủ nhận việc chiêu dụ các cựu chiến binh hay những người dễ bị tổn thương. Họ cũng phủ nhận việc kiểm soát cuộc sống của các thành viên hoặc giấc ngủ của họ. Ngoài ra, nhóm này cũng tuyên bố chưa bao giờ đưa ra một thời gian cụ thể về ngày tận thế.

Chuyên gia về tà phái nói: “Tà phái phát triển mạnh nhờ sự khai thác tài chính các thành viên”

Rick Ross, người đã được trích dẫn trên toàn thế giới về những công việc của ông liên quan đến các tà phái gây hại cho con người, nói rằng ông đã gặp một số cựu thành viên của WMSCOG những người cáo buộc nhóm này ép buộc người ta phá thai, nhưng ông không chắc về điều này (vì các tà phái mà ông gặp thường khuyến khích điều ngược lại để tăng dân số)

“Nếu trên thực tế, đó là sự thật, thì tôi nghĩ lý do là vì họ muốn người ta toàn tâm cống hiến cho họ” Ross giải thích. “Họ không muốn các tín đồ sao lãng vì chuyện khác. Đó là lý do tại sao mọi thứ phải được nhóm cho phép, kể cả người nào bạn kết hôn, người nào bạn muốn hẹn hò, bạn được có con hay không. Họ muốn người ta làm việc tối đa cho nhóm và một đứa trẻ có thể gây ra các trở ngại.”

Trong khi chưa đủ các yếu tố để cáo buộc nhóm này có thể “gây nguy hiểm về thể chất” cho những người bên ngoài xã hội, Ross xác tín rằng có đủ các yếu tố để tin rằng đây là một tà giáo.

Ross nói: “Họ không nói về việc tự sát hàng loạt hoặc dự trữ vũ khí, nhưng nhóm này không chấp nhận bất kỳ hội thánh nào khác là có giá trị, bởi vì họ khăng khăng mình là giáo hội duy nhất đúng.”

“Theo họ thì dù là Giáo hoàng đi chăng nữa - cũng cần thờ lạy Đức Chúa Trời Mẹ của họ và nếu bạn có chút quan tâm nào đó đến ơn cứu rỗi thì không có cách nào khác là gia nhập vào nhóm của họ.”

Ross nói rằng WMSCOG “phát triển mạnh nhờ vào việc khai thác tài chính” các thành viên. Ông nói rằng cuộc sống chung do tà giáo này thiết kế, một phần, là để các nhà lãnh đạo có thể sử dụng lao động không công của họ.

Ngoài ra, khi sống chung, “những người trong tà giáo này không cần phải thanh toán các hóa đơn của chính họ, như thế họ có thêm tiền đưa cho nhóm, đó là điều mà họ hy vọng,” Ross nói.

Ông nói thêm, “Tà phái này thống trị cuộc sống của con người để họ không có cuộc sống nào khác nữa.”

Những vụ kiện cáo WMSCOG tại Hoa Kỳ

Ngày 09/04/2013, Michele Colón, y tá, cựu thành viên tại Hoa Kỳ của tà giáo “Hội Thánh của Đức Chúa Trời Hội Truyền Giáo Thế Giới”, gọi tắt là WMSCOG, đã nộp đơn kiện chống lại tà giáo này tại Bergen County, NJ. Số hồ sơ là BER-L-3007-13.

Ngày 18/03/2014, Michelle Ramirez, một cựu thành viên khác cũng nộp đơn kiện WMSCOG tại Tòa Án Liên Bang New Jersey. Số hồ sơ là 2: 2014cv1708.

Tất cả hai vụ kiện này đều thất bại vì không có đủ bằng chứng buộc tội và hai nạn nhân yếu thế này không có khả năng thuê các luật sư đương đầu nổi với dàn luật sư hùng hậu của nhóm này.

Ngược lại, WMSCOG còn đâm đơn kiện ngược lại 2 người nói trên và 2 người khác nữa về tội phỉ báng và đòi bồi thường cho họ hàng triệu Mỹ Kim.

May mắn cho cô ý tá Michele Colón, vào ngày 17 tháng 3 năm 2015, Tòa Thượng Thẩm New Jersey đã bác bỏ đơn kiện Colón của WMSCOG. Nhóm này kiện cô ý tá tội phỉ báng, làm mất thanh danh của họ, khiến họ đã mất 5 triệu Mỹ Kim doanh thu. Tuy nhiên, tòa bác bỏ vì theo hồ sơ thuế vụ thu nhập của WMSCOG đã tăng hơn 3,6 triệu vào khoảng thời gian mà WMSCOG tuyên bố đã mất 5 triệu doanh thu.


Source People.com Former Members Allege New Jersey Church, South Korea-Based World Mission Society Church of God, is Actually a 'Cult'
 
Bài Giáo Lý 4 của ĐTC Phanxicô về Bí Tich Rửa Tội: Bí Tích Rửa Tội: Nguồn mạch sự sống
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
23:01 02/05/2018

“Theo mức độ mà khi tôi nói ‘không’ với các đề nghị của ma quỷ - là kẻ chia rẽ - tôi có thể thưa ‘có’ với Thiên Chúa, Đấng mời gọi tôi nên đồng hình đồng dạng với Ngài trong các tư tưởng và các hành động”.

Dưới đây là bản dịch bài giáo lý thứ bốn của ĐTC Phanxicô về Bí Tích Rửa Tội, được ban hành ngày 2 tháng 5, 2018 tại Quảng trường Thánh Phêrô. Trong bài giáo lý này, chúng tôi cũng thêm cả bản dịch bài tóm tắt bằng Tiếng Anh được đọc trước bài nói chuyện của Đức Thánh Cha vì nó rất ngăn gọn và đầy ý nghĩa.

Anh chị em thân mến: Tiếp tục loạt bài giáo lý của chúng ta về Bí Tích Rửa Tội, giờ đây chúng ta chuyển sang việc làm phép nước, từ bỏ Satan và tuyên xưng đức tin. Trong việc làm phép nước của giếng rửa tội, Hội Thánh cầu xin cho nước này có thể trở nên nguồn mạch của sự sống mới trong Đức Kitô và việc thanh tẩy tội lỗi qua sự tuôn đổ Thánh Thần. Sau khi nhắc lại những lời ngôn sứ tiền trưng cho Bí Tich Rửa Tội trong Cựu Ước, phép rửa của Chúa Giêsu ở sông Giođang, và nước chảy ra từ cạnh sườn Người trên Thánh Giá, lời nguyện làm phép cầu xin Thiên Chúa thánh hóa nước của giếng rửa tội, ngõ hầu, qua đó, những người chịu phép Rửa có thể đi vào Mầu Nhiệm cứu rỗi của Cái Chết và sự Phục Sinh của Đức Kitô. Như một dấu chỉ của quyết định sống mầu nhiệm của đời sống mới và vĩnh cửu này của chúng ta, chúng ta sau đó từ bỏ Satan và tất cả công việc của nó, và tuyên xưng đức tin của Hội Thánh vào Thiên Chúa Ba Ngôi. Mỗi khi chúng ta chúc phúc cho mình bằng nước thánh, chúng ta có thể nhớ lại ân huệ đã nhận được trong ngày Rửa Tội của mình với lòng biết ơn, và xin ơn kiên trì trong các cố gắng trở nên đồng hình đồng dạng nhiều hơn với Đức Kitô, Đấng Cứu Độ chúng ta.

Nguồn: http://w2.vatican.va/content/francesco/en/audiences/2018/documents/papa-francesco_20180502_udienza-generale.html ngày 2 tháng 5, 2018 (trước khi được thay thế bằng bản dài).


* * *

Anh chị em thân mến, Chào anh chị em!

Tiếp tục suy niệm về Bí Tích Rửa Tội, hôm nay tôi muốn tập trung vào các nghi thức chính, được diễn ra tại giếng rửa tội.

Trước hết chúng ta hãy xét đến nước, mà trên đó quyền năng của Chúa Thánh Thần được khẩn nài để nó có sức mạnh tái sinh và đổi mới (x Ga 3:5 và Tt 3.5). Nước là nguồn mạch của sự sống và an lạc, trong khi việc thiếu nước dập tắt tất cả mọi sự phong phú, như xảy ra trong sa mạc; tuy nhiên, nước cũng có thể là nguyên nhân của sự chết, khi nó nhận chìm mọi sự trong các làn sóng của mình hoặc cuốn đi mọi sự trong số lượng nước khổng lồ; cuối cùng, nước có khả năng rửa, làm sạch và thanh lọc.

Khởi đi từ biểu tượng tự nhiên được công nhận phổ quát này, Thánh Kinh mô tả các sự can thiệp và lời hứa của Thiên Chúa qua dấu chỉ của nước. Tuy nhiên, quyền năng tha tội không ờ trong chính nước, như được Thánh Ambrôsiô giải thích cho những người mới được rửa tội: “Bạn đã thấy nước, nhưng không phải mọi nước đều chữa lành: nước chữa lành có ân sủng của Đức Kitô. [...] Hoạt động là của nước, hiệu quả là của Chúa Thánh Thần” (De sacramentis 1,15).

Do đó, Hội Thánh khẩn nài sự tác động của Thần Khí trên nước “để những ai lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội trong nó, được mai táng với Đức Kitô trong cái chết và được sống lại với Người trong sự sống đời đời” (Nghi Thức Rửa Tội cho Trẻ Em, 60). Lời nguyện làm phép [nước] nói rằng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho nước “làm dấu chỉ của Bí Tích Rửa Tội” và nhắc lại các tiền trưng chính của Thánh Kinh: Thần Khí bay là là trên mặt nước thời nguyên thuỷ để biến nó thành mầm sống (x St 1:1-2); nước hồng thuỷ đã đánh dấu sự chấm dứt của tội lỗi và sự bắt đầu của đời sống mới (x. St 7: 6-8, 22); qua nước của Biển Đỏ, con cái ông Abraham đã được giải thoát khỏi ách nô lệ ở Ai Cập (x. Xh 14:15-31). Trong sự liên hệ với Chúa Giêsu, chúng ta nhớ lại phép rửa ở sông Giođang (x. Mt 3:13-17), máu và nước chảy ra từ cạnh sườn Người (x. Ga 19:31-37), và lệnh truyền cho các môn đệ đi làm phép rửa cho muôn dân nhân danh Ba Ngôi (x. Mt 28:19). Được củng cố bởi việc tưởng nhớ ấy, chúng ta xin Chúa thấm nhuần trong nước nguồn ân sủng của Đức Kitô đã chết và Phục Sinh (x Nghi Thức Rửa Tội cho Trẻ Em, 60). Và như vậy, nước này được biến đồi thành nước mang trong mình quyền năng của Chúa Thánh Thần. Và với nước này với quyền năng của Chúa Thánh Thần, chúng ta rửa tội người ta, rửa tội người lớn, trẻ em, mọi người.

Sau khi đã thánh hoá nước của giếng rửa tội, chúng ta cần phải chuẩn bị tâm hồn để đến gần Bí Tích Rửa Tội. Điều này xảy ra với việc từ bỏ Satan và tuyên xưng đức tin, hai việc này gắn bó chặt chẽ với nhau. Theo mức độ mà khi tôi nói “không” với các đề nghị của ma quỷ - là kẻ chia rẽ - tôi có thể thưa “có” với Thiên Chúa, Đấng mời gọi tôi nên đồng hình đồng dạng với Ngài trong các tư tưởng và các hành động. Ma quỷ chia rẽ; Thiên Chúa luôn hiệp nhất cộng đồng, muôn dân thành một dân duy nhất. Không thể gắn bó với Đức Kitô bằng cách đặt điều kiện. Cần phải tách mình ra khỏi một số ràng buộc nào đó để có thể thực sự ôm hôn những người khác; hoặc là tốt với Thiên Chúa hoặc tốt với ma quỷ. Đây là lý do tại sao sự từ bỏ và hành động đức tin đi cùng nhau. Cần phải chặt hết các cây cầu, bỏ chúng lại phía sau, để bắt đầu Con Đường mới là Đức Kitô.

Câu trả lời cho các câu hỏi - “Con có từ bỏ Satan, tất cả mọi việc của nó, và tất cả các quyến rũ của nó không?” - được công thức hoá ở ngôi thứ nhất số ít: “Con từ bỏ.” Và đức tin của Hội Thánh được tuyên xưng cùng một cách khi nói rằng: “Con tin”. Con từ bỏ và con tin: đây là nền tảng của Bí Tích Rửa Tội. Nó là một sự lựa chọn có trách nhiệm, đòi hỏi phải được biến thành các cử chỉ cụ thể của lòng tin cậy vào Thiên Chúa. Hành động của đức tin giả thiết một cam kết rằng chính Bí Tích Rửa Tội sẽ giúp chúng ta kiên trì bền vững trong các hoàn cảnh và thử thách khác nhau của cuộc đời. Chúng ta hãy nhớ sự khôn ngoan cổ xưa của dân Israel, “Con ơi, nếu con tự trình diện để phụng sự Chúa, thì hãy chuẩn bị để chịu thử thách” (Hc 2:1), có nghĩa là sẵn sàng chiến đấu. Và sự hiện diện của Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta sức mạnh để chiến đấu tốt.

Anh chị em thân mến, khi chúng ta nhúng tay vào nước thánh - khi vào một nhà thờ chúng ta chạm vào nước thánh - và làm dấu Thánh Giá, chúng ta nghĩ đến Bí Tích Rửa Tội mà chúng ta đã nhận được với niềm vui và lòng biết ơn - nước thánh này nhắc nhở chúng ta về Bí Tích Rửa Tội - và chúng ta nhắc lại lời thưa “Amen” của mình - “Tôi vui sướng” -, để sống đắm chìm trong tình yêu của Chúa Ba Ngôi Cực Thánh..

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ

Nguồn: http://w2.vatican.va/content/francesco/it/audiences/2018/documents/papa-francesco_20180502_udienza-generale.html
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Hoa Sa Mạc
Lê Trị
08:30 02/05/2018
HOA SA MẠC
Ảnh của Lê Trị
Cám ơn mưa nắng hài hòa
Phục sinh đất đá nở hoa rộn ràng.
(nđc)
 
VietCatholic TV
Video Phóng sự đặc biệt: 30/4 Hội đồng Liên Tôn VN tại HK cầu nguyện cho Việt Nam
VietCatholic
09:20 02/05/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
LITTLE SAIGON - NAM CALI -- Buổi lễ cầu nguyện cho Quê Hương Việt Nam do Hội đồng Liên tôn Việt Nam tại Hoa kỳ tổ chức đã diễn ra vào tối ngày 27-4-2018 tại Trung tâm Công Giáo Việt Nam với sự tham dự của trên 300 người gồm đại diện các tổ chức, cộng đoàn, hiệp hội, các đại diện dân cử, các tổ chức đấu tranh cho nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam. Ngay từ 6:g chiều Ban Tổ chức là qúi vị trong Ban Lãnh Đạo Hội Đồng Liên Tôn đã có mặt và nhiều cơ quan Truyền thông Truyền hình cũng đã tới để phỏng vấn các vị trong Ban tổ chức về buổi lễ đặc biệt hôm nay.

Buổi lễ đã diễn ra trang nghiêm và long trọng với nghi lễ niệm hương và cầu nguyện trước Bàn thờ Tổ quốc cho Quê hương Việt Nam nhân ngày 30 tháng 4, do Ban Lãnh đạo Hội đồng Liên Tôn chủ sự. Các Vị đã cầu nguyện cho các chiến sĩ vị quốc vong thân, cho những người đã chết vì lý tưởng tự do, cho các anh hùng đang tranh đấu cho nhân quyền tự do mà phải chịu đựng các bản án bất công của chế độ độc tài Cộng sản VN.

Nghi thức khai mạc là chào quốc kỳ Hoa Kỳ và Quốc kỳ VNCH, tưởng niệm các chiến sĩ và đồng bào đã chết vì lý tưởng tự do nhân quyền. Sau đó LM Trần văn Kiểm, thành viên Hội đồng Liên Tôn chào mừng tất cả các quan khách và nói lên lý do có buổi tổ chức hôm nay.

Mục sư Hồng Nguyễn xuân Hồng, chủ tịch Hội đồng Liên tôn đã đọc bản Tuyên cáo của Hội Đồng về việc Nhà cầm quyền Việt Nam tiếp tục đàn áp các nhà hoạt động cho Dân chủ Tự do. Bản tuyên cáo này sau khi đọc xong đã được trao cho đại diện của Nghị sĩ và Dân biểu tiểu bang California, Hoa Kỳ, để nhờ can thiệp.

Tiếp đến giáo sư Nguyễn thanh Giầu, Hội trưởng Phật giáo Hòa Hảo trình bày về hiện tình sự đàn áp và các vi phạm tự do tín ngưỡng tại Việt Nam.

Giữa các tiết mục này, các Ban Hợp Ca gồm: Ban Tù Ca Xuân Điềm, Ca Đoàn Nô tỳ Thiên Chúa, Đoàn Du Ca Nam California, Ban Tập Thể Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hoà Miền Tây Nam Hoa Kỳ đã hát lên những ca khúc đấu tranh với tất cả tâm hồn và nhiệt huyết, nói lên tinh thần yêu nước và thương đồng loại đang bị thống khổ dước ách Cộng sản vô thần.

Sau cùng, Lm Trần Công Nghị, phó chủ tịch ngoại vụ Hội đồng Liên tôn nói lời cảm tạ quí chức sắc và các đại diện các đoàn thể, hiệp hội, các vị dân cử cùng toàn thể đồng đạo, đồng bào đã tới tham dự buổi cầu nguyện rất ý nghĩa hôm nay. Đặc biệt cám ơn LM giám đốc Trung tâm CGVN đã cho sử dụng Trung tâm để tổ chức buổi lễ. Cám ơn các Ban Hợp Ca, Hội Đồng Huân Tước Đức Mẹ La Vang, Hiệp sĩ đoàn Santa Barbara, Hội Đền Hùng Hải Ngoại, Hội Đức Thánh Trần và sau cùng là các cơ quan truyền thông báo chí đã giúp phổ biến chương trình của buổi lễ.

BẢN TUYÊN CÁO CỦA HỘI ĐỒNG LIÊN TÔN VỊÊT NAM TẠI HOA KỲ
Về việc nhà cầm quyền Việt Nam kết án nặng nề và bất công các công dân phát biểu ôn hoà những nguyện vọng dân chủ tự do của họ


Vào ngày 5-4-2018 vừa qua, toà án cộng sản Việt Nam đã kết án tổng cộng 66 năm tù và 17 năm quản chế cho 6 nhà hoạt động thuộc Hội Anh Em Dân Chủ trong nước. Sáu nhà hoạt động đó gồm có: Nguyễn Văn Đài, Lê Thu Hà, Trương Minh Đức, Nguyễn Trung Tôn, Phạm Văn Trội và Nguyễn Bắc Truyển. Luật sư Nguyễn văn Đài nhận mức án nặng nhất: 15 năm tù giam và 5 năm quản chế. Mục sư Nguyễn Trung Tôn và Ký giả Trương Minh Đức đều bị án 12 năm tù giam và 3 năm quản chế. Còn lại là Blogger Nguyễn Bắc Truyển bị án 11 năm tù; cô Lê Thu Hà, cộng sự viên của Luật sư Đài, 9 năm tù; và thấp nhất là Kỹ sư Phạm Văn Trội cũng đến 7 năm tù giam.

Những người nầy trước khi bị bắt cũng đã bị sách nhiễu, thậm chí bị đánh đập thương tích, bởi công an hoặc côn đồ dưới sự điều động của công an.

Những nhà hoạt động dân chủ nầy chỉ muốn sử dụng quyền công dân của mình để nói lên nguyện vọng của bản thân cũng như bảo vệ quyền lợi của người dân thấp cổ bé miệng, và chỉ cho dân thấy những quyền lợi hợp pháp mà họ có thể đòi hỏi trong một chế độ dân chủ. Thế nhưng, điều đó đe doạ quyền lợi phi pháp của phe nhóm cầm quyền độc tài, cho nên họ đã khép những người nầy vào những tội danh tưởng tượng với khung hình phạt nặng nề nhất. Vì vậy phiên toà đã diễn ra trong vội vã, khuất tất, hoàn toàn tước bỏ mọi quyền lợi hợp pháp của các bị cáo.

Đây không phải là phiên toà kangaroo duy nhất của nhà cầm quyền VN. Trước đó, họ đã kết án tổng cọng 19 năm tù giam và 5 năm quản chế 2 phụ nữ có con nhỏ là Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và Trần Thị Nga, rồi mới đây lại thêm một thành viên Hội Anh Em Dân Chủ nữa là Nguyễn Văn Túc bị toà án Thái Bình kết án 13 năm tù và 5 năm quản chế. Rồi toà án Nghệ an kết án nhà hoạt động dân quyền Nguyễn Viết Dũng 7 năm tù và 5 năm quản chế, và toà án Hà Tĩnh kết án nhà hoạt động xã hội Trần thị Xuân 9 năm tù và 5 năm quản chế, đều bằng tội danh ‘mưu toan lật đổ chính quyền’ (sic).

Trước và sau phiên toà xử 6 anh em dân chủ, nhiều tiếng nói có trọng lượng đã vang lên từ nhiều nơi trên thế giới, như Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Nghị Viện Liên Âu, dân biểu Đức, dân biểu Úc, dân biểu Mã-lai, Cơ quan Theo dõi Nhân Quyền, Hội Ân Xá Quốc tế, Hội Ký Giả Không Biên Cương, cũng như nhiều đoàn thể và cá nhân ngoại quốc và người Việt trong và ngoài nước yêu cầu nhà cầm quyền Cộng Sản hãy trả tự do cho những người nầy, vì họ chỉ đơn thuần làm nhiệm vụ của người công dân phục vụ dân tộc. Tuy nhiên, những tiếng nói lương tri ấy đã không lọt vào tai điếc của nhà nước độc tài toàn trị.

Trước những sự kiện đau lòng tại quê hương, những vấn đề biển đảo, môi trường, sự tham nhũng thối nát, sự lệ thuộc lân bang, nền giáo dục suy đồi, luân lý băng hoại, trước trách nhiệm chung của người Việt, lương cũng như giáo, đối với tiền đồ tổ quốc, Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ long trọng kêu gọi:

• Nhà cầm quyền Việt Nam hãy sớm từ bỏ thái độ ngạo mạn, khinh thường công ước quốc tế, dẫm đạp lên dư luận, mà trả tự do ngay lập tức cho các nhà hoạt động thuộc Hội Anh Em Dân Chủ trong nước và cho những tù nhân lương tâm bị kết án oan ức vì các hoạt động dân chủ, xã hội.

• Đồng hương Việt Nam ở các quốc gia hãy tiếp xúc trực tiếp với các chính quyền Âu Mỹ và các tổ chức Nhân Quyền trên thế giới, cung cấp cho họ những tin tức cụ thể về sự vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam, để nhờ họ cùng lên tiếng can thiệp.

• Trong dịp kỷ niệm Ngày Quốc Hận 30-4, kêu gọi các cộng đoàn Cộng đồng Việt Nam hải ngoại hãy tập họp biểu dương ý chí, viết thỉnh nguyện thư cho các đại diện dân cử và chính phủ địa phương để xin họ yêu cầu nhà cầm quyền VN trả tự do cho hơn 100 tù nhân lương tâm đã bị kết án bất công.

• Kêu gọi các nhà hảo tâm yêu nước yêu đồng bào yễm trợ để mở rộng hoạt động văn hoá, giáo dục, thông tin, cung cấp kiến thức về lịch sử chân thực cho giới trẻ ngoài và trong nước, để toàn dân nhận chân được những luận điệu xuyên tạc nhồi sọ của chế độ, mà tỉnh thức và mạnh dạn tạo lấy hướng đi cho tương lai tự do hạnh phúc của mình và con cháu.

Với nguyện ước được sớm thấy một đât nước Việt Nam tự do phú cường trong đó mọi người đều là anh chị em thân thiết, không phân biệt kẻ thống trị người bị trị, mọi người đều góp phần xây dựng tổ quốc trong tình tương thân tương ái, Hội Đồng Liên Tôn kính mong mọi người cùng hưởng ứng lời kêu gọi nầy, sát cánh với nhau, làm việc chung với nhau vì đại nghĩa để tiến tới thành công.
Cầu mong Đấng Thiêng Liêng phù trợ đồng hương trong nổ lực đem lại hạnh phúc tự do cho mọi người.

Hội đồng Liên Tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ đồng ký tên:

Ban Lãnh Đạo Hội Đồng Liên Tôn VN tại Hoa Kỳ gồm các vị sau đây:

Chủ tịch Mục Sư Nguyễn Xuân Hồng (Tin Lành)
Phó chủ tịch Nội vụ: Chánh Trị Sự Hà Vũ Băng (Cao Đài)
Phó chủ tịch Ngoại vụ: Linh mục Trần Công Nghị (Công Giáo)
Thư ký: Giáo Sư Nguyễn Thanh Giàu (Phật Giáo Hoà Hảo)
Thủ quỹ: Giáo Sĩ Mai Biên (Chính Thống Giáo)
Và các thành viên gồm:
Hoà Thượng Thích Minh Nguyện (Phật Giáo)
Ông Trang Văn Mến (Phật Giáo Hoà Hảo)*
Mục Sư Lê Minh (Tin Lành)
Linh Mục Trần Văn Kiểm (Công Giáo)
Ông Nguyễn Khanh (Công Giáo)

 
Thế Giới Nhìn Từ Vatican 03/05/2018: Bạo lực kinh hoàng, linh mục bị giết ngay trong tòa giải tội
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
13:59 02/05/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Phản ứng của Hội Đồng Giám Mục Hàn Quốc về hội nghị hoà bình hai miền Nam Bắc Triều Tiên

Hội đồng Giám mục Công Giáo của Hàn Quốc đã lên tiếng hoan nghênh bản tuyên bố được đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh về hoà bình hai miền Nam Bắc Triều Tiên hôm thứ Sáu 27 tháng Tư. Các giám mục nói rằng đó là “một cơ hội quý giá” mà Thiên Chúa đã ban cho người dân Hàn Quốc để đáp lại những lời cầu nguyện của họ. Trong nhiều tháng qua, Giáo hội tại Hàn Quốc đã cầu nguyện mỗi tối cho hòa bình. Do đó, các giám mục nói, “có những điều kỳ diệu đang xảy ra ở vùng đất này.”

Mới năm ngoái, một hội nghị thượng đỉnh như thế dường như hoàn toàn là không thể được, vì Bình Nhưỡng và Hoa Thịnh Đốn liên tục chế nhạo lẫn nhau, cả với các đe dọa tấn công hạt nhân. Sau đó, vào tháng Giêng, Kim Jong Un cho biết ông muốn mở rộng cửa cho các cuộc đàm phán. Trong vòng vài tuần sau đó, các vận động viên Hàn Quốc đã diễn hành cùng nhau dưới một lá cờ tại Thế vận hội Mùa đông.

Hội nghị thượng đỉnh hôm thứ Sáu được thế giới theo dõi chặt chẽ một phần vì Tổng thống Mỹ Donald Trump dự định sẽ gặp Kim Jong Un vào đầu mùa hè tới đây nếu thấy rằng Bắc Hàn có chút thiện chí hòa bình nào đó. Nếu điều đó xảy ra, các nhà quan sát nói rằng nó sẽ đánh dấu một sự trở lại với cộng đồng quốc tế của Bắc Triều Tiên.

Đức Hồng Y Andrea Yeom, Tổng giám mục Hán Thành và đồng thời là Giám Quản Tông Tòa Bình Nhưỡng đã lên tiếng cám ơn Đức Thánh Cha Phanxicô là người đã nhiều lần khích lệ các tín hữu trên thế giới cầu nguyện cho sự thành công của tiến trình hòa bình tại bán đảo Triều Tiên. Ngài cũng bày tỏ lòng biết ơn tất cả các tín hữu trên thế giới đã và đang cầu nguyện cho tiến trình hòa bình hai miền Nam Bắc Triều Tiên.

Trước đó một ngày Đức Hồng Y cùng với 3 vị Giám Mục Phụ Tá đã dâng lễ cầu nguyện cho sự thành công của hội nghị thượng đỉnh tại nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội của Hán Thành.

2. Diễn tiến cuộc họp

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Lúc 9:30 sáng thứ Sáu 27 tháng Tư, Tổng thống Moon Jae-in đã đón Chủ tịch Kim Jong-un tại ranh giới quân sự hai miền trước cửa phòng họp của Ủy ban đình chiến quân sự tại Bàn Môn Điếm.

Sau khi ông Kim bước qua ranh giới Nam Hàn, ông Kim lại mời tổng thống Nam Hàn, bước qua lằn ranh để vào Bắc Hàn.

Sau cử chỉ biểu tượng đó, hai người quay lại phía Nam Hàn,, nắm tay, và bắt đầu cuộc họp.

Cuộc họp buổi sáng xong, hai nhà lãnh đạo tách ra dùng bữa trưa riêng biệt. Ông Kim quay lại phía miền Bắc để dùng bữa trưa.

Khi ông Kim quay lại buổi chiều, hai lãnh đạo đã tham gia lễ trồng cây thông biểu tượng cho hòa bình và đi dạo trước khi tiếp tục họp.

Buổi tối, hai ông đã dự tiệc khoản đãi ở Ngôi nhà Hòa bình cùng các thành viên tháp tùng.

Tháp tùng Kim Jong-un có bà Kim Yo-jong, em gái ông Kim.

3. Tuyên bố chung

Tuyên bố chung ngày 27/4 có tựa đề là “vì hòa bình, thịnh vượng và thống nhất” gồm các điểm chính sau:

Hai bên nhấn mạnh vận mệnh của dân tộc sẽ được chính hai miền Nam-Bắc quyết định

Hai bên sẽ ngừng mọi “hành vi thù nghịch”

Khu phi quân sự sẽ được biến thành “vùng hòa bình” với việc ngừng các loa phóng thanh tuyên truyền bắt đầu từ 1/5

Hai bên sẽ nỗ lực xúc tiến cuộc gặp ba bên gồm hai miền Nam Bắc và Hoa Kỳ hoặc cuộc gặp bốn bên bao gồm cả sự góp mặt của Trung Quốc

Tổ chức đoàn tụ cho các gia đình

Kết nối và hiện đại hóa các tuyến đường bộ, đường sắt dọc biên giới

Tiếp tục cùng tham dự các sự kiện thể thao như Asian Games 2018

Hứa hẹn vùng biển phía Tây sẽ trở thành hải phận hòa bình, ngăn ngừa xung đột quân sự ngẫu nhiên, đảm bảo hoạt động đánh bắt cá an toàn cho ngư dân

4. Đức Thánh Cha kêu gọi các tín hữu trên thế giới cầu nguyện cho các tín hữu Kitô bị bách hại

Trong thông cáo báo chí đưa ra hôm thứ Tư 25 tháng Tư, ông Greg Burke, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, cho biết vào ngày 7 tháng 7, Đức Thánh Cha sẽ đến Bari, “cửa sổ hướng về phương Đông”, nơi các di tích của Thánh Nicholas được bảo tồn, trong một ngày suy tư và cầu nguyện về tình hình đầy bi kịch ở Trung Đông đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều anh chị em trong đức tin của chúng ta.

Ngài dự định mời những người đứng đầu các Giáo hội và Cộng đồng Kitô giáo từ vùng này tham dự một cuộc gặp gỡ đại kết cầu nguyện cho hòa bình.

Đức Thánh Cha Phanxicô đặc biệt kêu gọi các tín hữu trên toàn thế giới hiệp thông cho sự kiện này qua lời cầu nguyện.

5. Cuộc họp lần thứ 24 của Hội đồng Hồng Y với Đức Thánh Cha Phanxicô

Hôm thứ Năm 26 tháng Tư, ông Greg Burke, Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh, đã trình bày với các phóng viên về cuộc họp lần thứ 24 của Hội đồng Hồng Y Cố vấn.

Theo ông Greg Burke, Hội đồng Hồng Y cố vấn đã họp với Đức Thánh Cha Phanxicô tại Rôma từ hôm thứ Hai 23 tháng Tư. Ngày thứ Tư 25 tháng Tư là ngày thứ ba và cũng là ngày cuối trong phiên họp lần thứ 24.

Một phần lớn công việc của các ngài đã được dành riêng cho bản dự thảo Tông Hiến mới dành cho giáo triều Rôma, sẽ được đệ trình lên Đức Thánh Cha để phê chuẩn lần cuối cùng. Các chủ đề trong Tông Hiến mới bao gồm việc phục vụ của Curia dành cho Đức Thánh Cha và các Giáo hội địa phương, đặc tính mục vụ trong các hoạt động của họ, việc thiết lập và các nhiệm vụ của Phân Bộ thứ ba của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, và làm sao để việc công bố Tin Mừng và tinh thần truyền giáo trở nên nguyên tắc chủ đạo hướng dẫn toàn bộ các hoạt động của Curia.

Đức Hồng Y Sean O’Malley trình bày cho các vị Hồng Y những nỗ lực đã được thực hiện nhằm bảo vệ trẻ vị thành niên và những người lớn dễ bị tổn thương trong Giáo Hội. Ngài cũng liên hệ đến cuộc họp gần đây giữa Ban cố vấn dành cho những người bị lạm dụng và Ủy ban Giáo hoàng về bảo vệ trẻ vị thành niên, và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lắng nghe những kinh nghiệm của các nạn nhân bị lạm dụng và xem câu chuyện của họ như là một điểm khởi đầu.

Trong những ngày cuối cùng, các buổi họp đã diễn ra cả buổi sáng lẫn buổi chiều. Cuộc họp tiếp theo của Hội đồng sẽ diễn ra từ ngày 11 đến ngày 13 tháng Sáu.

6. Ba linh mục Mễ Tây Cơ bị thiệt mạng trong vòng một tuần

Hôm thứ Năm 26 tháng Tư, người ta đã tìm thấy thi hài của một linh mục bị bắt cóc ở trung tâm Mễ Tây Cơ. Ngài là linh mục thứ ba chết thảm trong bối cảnh bạo lực trong vòng một tuần qua.

Các công tố viên ở bang Morelos cho biết một thân nhân đã xác định thân thể được tìm thấy là của cha Moises Fabila Reyes, 83 tuổi.

Hôm thứ Năm, Đức Hồng Y Carlos Aguiar Retes, tổng giám mục tổng giáo phận Mexico City, đã ra một tuyên bố, xin “Đức Mẹ Guadalupe cầu bầu cho người quá cố trước con Mẹ.”

Đức Hồng Y Aguiar Retes viết: “Chúng tôi hiệp thông trong nỗi đau chụp xuống gia đình và bạn bè của Cha Moisés Fabila, chúng tôi cầu nguyện xin Thiên Chúa đón nhận linh hồn ngài, và xin Đức Mẹ Guadalupe an ủi các thân bằng quyến thuộc”.

Cha Fabila Reyes làm việc tại đền thờ Đức Mẹ Guadalupe của Thành phố Mexico, là một trong những địa điểm hành hương nổi tiếng nhất trên thế giới. Số lượng tín hữu đến thăm đền thánh này vào mỗi ngày 12 tháng Mười Hai hàng năm, lễ Đức Mẹ Guadalupe, có thể lên tới 5 triệu người.

Trong thông báo được đưa ra hôm thứ Năm, Văn phòng công tố Mễ Tây Cơ cho biết người thân của cha đã báo cáo với cục chống bắt cóc liên bang ở Mexico City rằng cha Fabila Reyes đã bị mất tích sau khi đi nghỉ vào đầu tháng Tư. Ngài bị bắt ở Cuernavaca, bang Morelos, là một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các hình thức tội phạm có tổ chức.

Trung tâm đa phương tiện Công Giáo cho biết ngài bị bắt cóc ngày 3 tháng 4 tại Morelos. Gia đình ngài đã phải trả một khoản tiền chuộc lên đến hơn 100,000 đô la. Theo Heraldo de Mexico, các khám nghiệm sơ bộ cho thấy vị linh mục 83 tuổi dường như đã chết vì đau tim, trong điều kiện thiếu thuốc men khi bị giam giữ.

Trước đó, vào ngày 20 tháng 4, Cha Juan Miguel Contreras bị bắn chết trong một nhà thờ ở ngoại ô Guadalajara, khi ngài đang ngồi tòa giải tội. Hai ngày trước đó, Cha Rubén Alcántara, là Cha Tổng Đại Diện của Giáo phận Cautitlan Izalli, bên ngoài Thành phố Mexico, đã bị đâm chết.

Như thế, có đến 5 linh mục đã bị giết kể từ đầu năm 2018 đến nay, đưa số linh mục bị giết tại Mễ Tây Cơ lên đến 24 vị từ ngày 24 tháng 12 năm 2012, khi chính quyền nhiệm kỳ sáu năm của Tổng thống Enrique Pena Nieto bắt đầu.

Thật là chua chát vì Mễ Tây Cơ, quốc gia có dân số Công Giáo lớn thứ hai trên thế giới, đối với các linh mục, còn nguy hiểm hơn cả Syria hay Iraq, nơi bọn khủng bố Hồi Giáo IS đang ra sức diệt chủng các Kitô hữu và các nhóm thiểu số khác.

7. Đức Thánh Cha khai mạc Tháng Hoa kính Đức Mẹ.

Chiều ngày 1 tháng 5 là ngày lễ thánh Giuse Thợ và cũng là ngày khởi đầu tháng Hoa kính Đức Mẹ, Đức Thánh Cha đã kính viếng Đền Đức Bà Tình Yêu Thiên Chúa, một ngôi đền nổi tiếng ở Roma.

Đón tiếp Đức Giáo Hoàng tại đền thánh là Đức Tổng Giám Mục Angelo De Donatis, Giám quản Giáo Phận Roma, Đức Giám Mục Paolo Lujudice là phụ tá giám mục phía nam, cùng với giám đốc đền thánh và linh mục sở tại. Phái đoàn ra đón Đức Giáo Hoàng còn có nhiều đại diện của phong trào Con Cái Đức Mẹ Tình Yêu Thiên Chúa có trụ sở đặt tại đây.

Trên Twitter, Đức Thánh Cha viết như sau: “Khi cử hành lễ thánh Giuse thợ, chúng ta hãy luôn luôn nhớ rằng công việc làm là một yếu tố nền tảng đối với phẩm giá con người.

Hôm nay, tại Đền thánh Đức Bà Tình Yêu Thiên Chúa, chúng ta sẽ lần Hạt Mân Côi đặc biệt cầu cho hòa bình tại Syria và trên toàn thế giới. Tôi mời gọi kéo dài lời cầu Mân Côi cho hòa bình trong suốt tháng 5 này.”

Sau khi lần hạt Mân Côi trước ảnh Đức Mẹ Bồng Chúa Hài Đồng, Đức Giáo Hoàng làm phép ngôi mộ của vị Tôi Tớ Chúa là cha Uberto Terenzi, cha sở đầu tiên của giáo xứ Divino Amore và là đấng sáng lập của hai nhà dòng. Sau đó Đức Giáo Hoàng đã gặp các bậc cao niên trong giáo xứ, những cụ đã được rửa tội bởi chính cha Terenzi, người đã lập ra giáo xứ tại đền thánh, chạy dọc theo con đường Via Ardeatina, cách Roma 12 km về phía nam.

Đức Giáo Hoàng cũng được các cụ về hưu tại Viện Hưu Dưỡng Divino Amore và Ngôi Nhà Gia Đình Master Divini Amori là chỗ trú thân của các trẻ em lang thang và trẻ sơ sinh được điều hành bởi hội dòng Nam Tình Yêu Thiên Chúa.

8. Hồi Giáo cực đoan thảm sát một nhà thờ tại Nigeria, hai linh mục bị giết khi đang đồng tế

Các quan chức Giáo hội và chính phủ ở Nigeria đã xác nhận hai linh mục nằm trong số ít nhất 19 người bị thiệt mạng hôm thứ Ba 24 tháng Tư khi các thành phần Hồi Giáo cực đoan tấn công một nhà thờ Công Giáo ở Ayar-Mbalom, bang Benue.

Khu vực này nằm ở “vành đai trung tâm” của Nigeria, nơi người Hồi giáo ở phía bắc gặp người Kitô hữu miền Nam. Trong vài năm qua, nhóm Hồi giáo cực đoan Fulani đã tấn công những người nông dân Kitô hữu trong khu vực này.

Dân Fulani là một nhóm du mục, hầu như tất cả theo Hồi Giáo. Họ đấu tranh để hình thành một quốc gia Hồi Giáo độc lập. Tuy đa số sống bằng nghề chăn nuôi gia súc và canh nông, một số người Fulani cũng hội nhập vào đời sống xã hội của các quốc gia Phi Châu, đặc biệt là tại các quốc gia Tây Phi như Cameroon và Nigeria. Dân Fulani đã từng xung đột liên miên với nông dân ở trong khu vực.

Những người Fulani chủ yếu sống bằng nghề chăn nuôi gia súc. Tuy nhiên cũng có nhiều người có học thức. Họ đang nắm nhiều chức vụ quan trọng trong chính quyền về hải quan, xuất nhập cảnh và Bộ Nội vụ tại Nigeria ngày hôm nay. Vì vậy, thật rất là dễ dàng để mang những thứ vũ khí nguy hiểm qua biên giới Nigeria mà không ai có thể ngăn chặn điều này.

Cha Moses Iorapuu, Giám đốc Truyền thông của Giáo phận Makurdi, đã xác nhận hai linh mục bị giết là Cha Joseph Gor và Cha Felix Tyolaha của giáo xứ Thánh Y Nhã. Cuộc tấn công xảy ra vào sáng sớm.

Cha Gor trước đó đã viết trên Facebook: “Chúng tôi đang sống trong sợ hãi. Những người Fulani vẫn còn lảng vảng xung quanh chúng tôi tại Mbalom. Họ từ chối không đi nơi khác. Họ vẫn thả súc vật quanh làng chúng tôi. Chúng tôi không có phương tiện để tự vệ”.

Cha Iorapuu nói rằng những người chăn gia súc Fulani tấn công “theo phong cách cổ điển của họ”: đốt nhà cửa, phá hủy thức ăn và giết người.

Hơn 100 người đã bị giết bởi những người chăn gia súc Fulani kể từ đầu năm 2018.

Một quan chức nhà nước Benue cho biết 50 ngôi nhà đã bị phá hủy trong một cuộc tấn công mới nhất hồi đầu tháng Tư.

9. Các Giám mục Nigeria đang dự ad limina nói những kẻ khủng bố và lính đánh thuê đã xâm nhập vào quốc gia này

Các Giám mục Nigeria đã lên án mạnh mẽ vụ tấn công vào một nhà thờ Công Giáo vào hôm thứ Ba 24 tháng Tư và các cuộc tấn công tiếp theo vào các cộng đồng Kitô hữu gây ra bởi nhóm khủng bố Hồi Giáo Fulani. Các ngài mô tả các cuộc tấn công là “khủng khiếp, dã man và ma quỷ.”

Ít nhất 19 người trong đó có hai linh mục đã bị giết khi nhóm cực đoan Hồi Giáo Fulani xả súng vào một nhà thờ tại Ayar Mbalom trong bang Benue, Nigeria.

Phát biểu với Vatican News trong một cuộc phỏng vấn, bốn vị Giám mục thuộc khu vực Vành đai Trung Tâm của Nigeria đã mô tả các cuộc tấn công là “khủng khiếp, dã man và ma quỷ”.

Nói chuyện với Cha Paul Samasumo của Vatican News, với sự có mặt của vị tân Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Nigeria, là Đức Tổng Giám Mục Augustine Akubeze, bốn vị Giám Mục nói rằng các cuộc tấn công vô cớ vào đàn chiên của các ngài, đã khiến các ngài vô cùng lo buồn. Bốn Giám mục thuộc khu vực vành đai trung tâm của Nigeria là các Đức Cha Wilfred Anagbe, của giáo phận Makurdi; Đức Cha Peter Adoboh của giáo phận Katsina-Ala; Đức Cha William Avenya của giáo phận Gboko; và Đức Cha Michael Ekwoy Apochicủa giáo phận Otukpo. Các vị giám mục nhận xét rằng đây là cuộc tấn công lớn thứ hai sau vụ tấn công vào đêm giao thừa khi nhóm khủng bố Hồi Giáo Fulani giết 72 người.

Các Giám mục Nigeria tin rằng những kẻ khủng bố và lính đánh thuê quốc tế đã thâm nhập vào nhóm khủng bố Fulani. Các ngài nêu câu hỏi làm thế nào các cuộc tấn công này có thể tiếp tục xảy ra dưới ánh sáng ban ngày mà các thủ phạm hầu như không bao giờ bị trừng phạt vì các hành động tàn ác của họ.

“Bộ máy chính phủ hoàn toàn bất lực, hành động bất thường hoặc cố ý bất lực và cố tình làm cho tình hình trở nên rối loạn,” Đức Giám Mục Avenya nói thay mặt cho các Giám mục khác hiện diện.

Các Giám mục nói rằng thế giới cần phải chú ý đến những gì đang xảy ra ở vành đai giữa của Nigeria, nơi những người bị tấn công chủ yếu là các Kitô hữu thiểu số.

“Thế giới không lắng nghe tiếng kêu của chúng tôi. Mọi chuyện đã bắt đầu như đã từng xảy ra ở Rwanda; thế giới giả điếc không nghe thấy gì cả. Như đã từng xảy ra nhiều thập kỷ trước ở Đức, thế giới bị điếc lác. Và đây là những gì đã và đang xảy ra với chúng tôi, và thế giới cần phải biết rằng chúng tôi đang gặp những rắc rối to!” Đức Cha Avenya nói.

Theo Đức Cha Peter Adoboh và Đức Cha Wilfred Anagbe, Ngigeria đang có nhu cầu khẩn cấp về nước sạch và viện trợ nhân đạo cho các trại dành cho những người di cư trong nội bộ. Nhiều người đã phải bỏ chạy trước các cuộc tấn công của nhón Fulani, một số trại đã được dựng lên trong khu vành đai trung tâm Nigeriaa.

“Khu vực này chủ yếu là nông thôn, và gồm toàn những người không có tiếng nói ở bất cứ nơi đâu. Nếu Giáo Hội không thể gióng lên một tiếng nói cho họ, thì họ gặp rắc rối to. Giáo hội đang nỗ lực kêu lên thay cho họ ... tình trạng thảm hại này cần phải được lắng nghe. Thế giới nên biết rằng nạn diệt chủng đã bắt đầu xảy ra đối với các bộ tộc chủ yếu là các nhóm dân thiểu số ở vành đai trung tâm và… ở phía bắc” nơi đa số dân theo Hồi Giáo.

Cuối cùng, các Giám mục nói trong tư cách là các vị mục tử họ muốn khuyến khích người dân, linh mục và nam nữ tu sĩ đừng để mất hy vọng. “Chúng ta là những người sống mầu nhiệm Phục sinh, và vì thế chúng ta có hy vọng.”

Trong khuôn khổ chuyến viếng thăm ad limina, vào sáng thứ Năm 26 tháng Tư, các Giám mục Nigeria đã gặp Đức Thánh Cha Phanxicô và báo cáo trực tiếp với ngài về tình trạng của Giáo hội ở Nigeria.

10. Nhận định của Đức Hồng Y Pietro Parolin Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh về cuộc đối thoại với Trung Quốc và cuộc chiến tại Syria

Sau một bài thuyết trình được tổ chức tại nhà thờ chánh tòa Chioggia về “Ba vị Giáo Hoàng trong năm 1978”, là đề tài đầu tiên trong cuộc hội thảo được tổ chức bởi phong trào Fondaco về tình phụ tử, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã trả lời các câu hỏi về các chủ đề thời sự trên thế giới.

Giải thích lý do tại sao Tòa Thánh lại đi đối thoại với cộng sản Trung Quốc, Đức Hồng Y nói:

“Nếu chính phủ đó không phải là cộng sản và tự do tôn giáo đã được tôn trọng, thì sẽ không cần phải đàm phán. Bởi vì chúng ta đã có những gì chúng ta mong muốn.”

Về tình trạng hiện nay của cuộc đối thoại với cộng sản Trung Quốc, Đức Hồng Y cho biết:

“Cuộc đối thoại này đã diễn ra trong một thời gian dài, với rất nhiều kiên nhẫn và với những thành công và thất bại. Có người nói: nó giống như ‘điệu nhảy của Thánh Vito’, hai bước tiến về phía trước thì lại có một bước lùi lại phía sau. Dù sao, chúng ta vẫn còn đang tiến hành, và điều này là quan trọng.”

Về mục tiêu của cuộc đối thoại này, Đức Hồng Y giải thích:

“Mục tiêu của chúng tôi không phải là một mục tiêu chính trị. Chúng tôi đã bị buộc tội chỉ muốn có quan hệ ngoại giao, chỉ muốn có thành công bằng mọi giá. Nhưng Tòa Thánh, như Đức Giáo Hoàng đã nói nhiều lần, không quan tâm đến bất kỳ thành công ngoại giao nào. Chúng tôi chỉ quan tâm đến không gian tự do cho Giáo Hội, để Giáo Hội có thể sống một cuộc sống bình thường trong sự hiệp thông với Đức Giáo Hoàng. Sự hiệp thông này là nền tảng cho đức tin của chúng ta”.

“Điều cơ bản là Giáo hội phải được thống nhất. Cộng đồng chính thức, chịu sự kiểm soát của nhà cầm quyền, và cộng đồng hầm trú - ngày nay mỗi người đi theo con đường riêng của họ - cần phải được thống nhất. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 trong thư gửi cho người Công Giáo Trung Quốc đã nói rằng mục đích của tất cả công việc ở Trung Quốc phải là sự hiệp thông giữa hai cộng đồng, và sự hiệp thông của toàn thể Giáo hội Trung Hoa với Đức Giáo Hoàng. Chúng tôi hy vọng rằng một thỏa thuận có thể đạt được đặc biệt là trong việc đề cử các giám mục. Và chúng tôi hy vọng rằng thỏa thuận đó sẽ được tôn trọng. Chúng tôi có ý chí làm như vậy và chúng tôi hy vọng rằng chính phủ Trung Quốc cũng có ý chí như vậy”.

Khi được hỏi về quan điểm của Vatican trước cuộc không kích của Hoa Kỳ, Anh và Pháp vào Syria, Đức Hồng Y cho biết:

“Tòa Thánh quan sát diễn biến này với sự quan tâm rất lớn. Trong cuộc chiến đã kéo dài hơn sáu năm này, nhiều lần Đức Giáo Hoàng đã thỉnh cầu cộng đồng quốc tế và tất cả các nhân vật chính. Đó là một chuyện bi thảm và phức tạp. Ở cấp độ địa phương, có sự xung khắc giữa chế độ của tổng thống Assad và phe đối lập. Bên cạnh đó, còn có một cuộc đụng độ ở cấp khu vực, đặc biệt là giữa người Hồi Giáo Shiite và người Hồi giáo Sunni. Và sau đó có những thế lực lớn, đã lần lượt can thiệp vào, ban đầu là trong mặt trận thống nhất chống lại ISIS, chống lại chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo đã chiếm đóng nhiều lãnh thổ. Sau đó, Khi đã đánh bại được ISIS – trên những lãnh thổ nó từng chiếm đóng, nhưng tôi không nghĩ nó đã bị đánh bại hoàn toàn ở cấp độ ý thức hệ - thì các thế lực to lớn bắt đầu tách ra và đánh lẫn nhau”

“Chúng ta đã chứng kiến một sự khinh miệt nhân quyền hoàn toàn, với hàng ngàn và hàng ngàn thường dân bị cuốn vào cuộc chiến, bị sử dụng làm những con tin hoặc các lá chắn người. Một sự hủy diệt hoàn toàn về nhân quyền. Và ngay cả các quyền trong chiến tranh, bởi vì trong chiến tranh không phải mọi thứ đều được cho phép”.

Bàn về cách giải quyết cuộc xung đột tại Syria, Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh nói:

“Chúng tôi đã luôn nói rằng một giải pháp quân sự chẳng giải quyết được vấn đề. Các nước Châu Âu gần đây đã gặp nhau tại Brussels để thảo luận về Syria, và bà Federica Mogherini Tổng Đại diện Đối ngoại của Liên minh, đã truyền tải thông điệp này. Tuy nhiên, cần phải đấu tranh để các giải pháp này có thể cất cánh. Chế độ của tổng thống Assad tin rằng họ có thể giành chiến thắng quân sự, đặc biệt là với sự trợ giúp của người Nga, là nước đã giúp Assad giành lại được nhiều vùng lãnh thổ. Suy nghĩ này làm suy yếu các cuộc đàm phán ở Geneva. Và sau đó lại có vấn đề là các cuộc đàm phán lại diễn ra trên các bàn hội nghị khác nhau: Geneva là chính, nhưng sau đó đã có thêm những sáng kiến khác, ở Astana, ở Sochi ...

Tôi không biết liệu những sáng kiến này có giúp thúc đẩy giải pháp ngoại giao và hòa bình hay là chỉ gây ra nguy cơ khiến cơ may thành công còn xa diệu vợi hơn nữa. Tôi tin rằng, như chúng tôi đã nói với các nhân vật chính rất nhiều lần, ngay cả khi họ chiến thắng trong một cuộc chiến quân sự, hòa bình sẽ không tự động được lập lại, bởi vì đất nước đó vẫn còn rất nhiều thù hận, rất nhiều sự tương phản, và quá nhiều những chia rẽ”

11. Chính quyền miền Bavaria quyết định treo thánh giá tại tất cả các tòa nhà chính phủ

Chính quyền miền Bavaria của Đức đã ra lệnh đặt các thánh giá tại lối vào của tất cả các tòa nhà hành chính của chính phủ. Chính quyền tiểu bang nói rằng quyết định treo thánh giá này phản ánh “bản sắc văn hóa của Bavaria và ảnh hưởng của phương Tây Kitô Giáo”. Nghị định này đã được thông qua vào hôm thứ Ba 24 tháng Tư và sẽ được áp dụng cho các tòa nhà chính phủ của tiểu bang. Các tòa nhà chính phủ liên bang ở Bavaria không được nêu trong nghị định này.

Các trường công lập và các phòng xử án của tiểu bang có tỷ lệ người Công Giáo cao nhất ở Đức đã có nghĩa vụ treo thánh giá tại lối vào. Bang Bavaria được cai trị bởi Liên minh Xã hội Kitô Giáo, là đối tác trong miền Bavarian của Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo của Thủ tướng Angela Merkel, có khuynh hướng bảo thủ hơn về các vấn đề xã hội. Quyết định này được đưa ra sau cuộc bầu cử liên bang vào tháng Chín năm ngoái. Vào thời điểm đó người ta đã chứng kiến sự gia tăng các phong trào chống nhập cư và phong trào mị dân Alternativ für Deutschland.

12. Phát biểu của Đức Hồng Y Parolin với các linh mục, nam nữ tu sĩ, và các chủng sinh Papua New Guinea và quần đảo Solomon

“Nhiệm vụ đầu tiên của linh mục và các tu sĩ là cầu nguyện thường xuyên cho những người được giao phó cho sự chăm sóc của họ”. Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã nói như trên trong một bài diễn văn trước các linh mục, nam nữ tu sĩ, và các chủng sinh của Papua New Guinea và quần đảo Solomon trong nhà thờ Thánh Giuse ở Boroko, Port Moresby.

“Cầu nguyện phát sinh từ tình bạn của chúng ta với Chúa Giêsu và củng cố tình bạn ấy; đó là nơi mà 'trái tim nói với trái tim'“.

Đức Hồng Y Parolin nói trước hơn hai trăm linh mục, nam nữ tu sĩ, và các chủng sinh tham dự thánh lễ và sau đó tham dự hội nghị về Thánh Thể.

Trong một báo cáo gởi cho thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc về sự kiện này, Cha Joseph Vnuk, Hiệu trưởng Viện Thần học Công Giáo ở Bomana, Port Moresby, nhấn mạnh rằng Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã nhắc nhớ lại sự liên lỉ cầu nguyện, lòng trung thành và niềm vui cũng như những cống hiến của những nhà truyền giáo trước đây và cái chết của hàng trăm người Công Giáo trong chiến tranh, đặc biệt là Chân Phước Peter ToRot, vị Chân Phước đầu tiên của Papua New Guinea.

Đức Hồng Y Parolin đã đến Papua New Guinea để tham dự cuộc họp khoáng đại của Liên Hội đồng Giám mục Châu Á. Ngài khuyến khích các linh mục, nam nữ tu sĩ, và các chủng sinh trở thành các chứng nhân can đảm cho Chúa Kitô. Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng “Trung tín với Chúa Kitô, trung tín với sứ vụ của mình sẽ giúp chúng ta thoát ra khỏi não trạng muốn sống yên thân ở những nơi thoải mái bỏ mặc những người được trao phó cho chúng ta chăm sóc”.

Cha Joseph Vnuk nói với Fides rằng niềm vui là chủ đề thứ ba và cuối cùng trong bài nói chuyện của Đức Hồng Y Parolin. Ngài lưu ý rằng cả Tông huấn đầu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô - Evangelii Gaudium- Niềm vui Phúc Âm - và gần đây nhất là Tông huấn Gaudete et Exsultate- Hãy Mừng rỡ hân hoan - đều chọn niềm vui làm chủ đề. “Chỉ có một nỗi buồn trên thế giới – đó là không nên thánh”. Đức Hồng Y nói như trên khi ngài trích dẫn một tác giả người Pháp.

Trong một phiên hỏi đáp dài sau đó, Đức Hồng Y Parolin khuyến khích các linh mục, nam nữ tu sĩ, và các chủng sinh đừng đánh mất nhiệt tình trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng. “Không có thời gian nào là không thích hợp để sống trong ơn gọi của một người đã chịu phép Rửa Tội. Không có thời gian là không thuận lợi để trở thành các linh mục và nam nữ tu sĩ.”

Đức Hồng Y nhân dịp này cũng nói về phong cách giáo hoàng mới của Đức Giáo Hoàng Phanxicô và cách thức này ảnh hưởng đến giáo triều Rôma như thế nào. Cuối cùng, Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh khuyến khích các linh mục, nam nữ tu sĩ, và các chủng sinh tham gia vào công việc hoà giải và kiến tạo hòa bình.

13. Phản ứng tại Pháp về lời kêu gọi của tổng thống Macron hàn gắn các quan hệ giữa Giáo Hội và nhà nước

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tham dự một cuộc họp của Hội đồng Giám mục Pháp (CEF) tại trường đại học Bernardins ở Paris, vào ngày 9 tháng 4 năm 2018. Diễn biến này gây ngạc nhiên cho nhiều người. Đó là một vấn đề nhạy cảm trong một xứ sở nơi tôn giáo và nhà nước đã bị luật pháp tách biệt vào năm 1905. Bên cạnh đó, giờ đây Pháp cũng là nơi sinh sống của cộng đồng Hồi giáo và Do Thái lớn nhất châu Âu.

Ông Macron còn đi xa hơn thế khi kêu gọi có các mối quan hệ mạnh mẽ hơn giữa nhà nước và Giáo Hội Công Giáo.

Tổng thống nhận xét rằng việc ông có mặt giữa các Giám Mục tự nó đã là một thành tựu quan trọng vì “chúng ta chia sẻ cảm giác rằng mối liên hệ giữa Giáo hội và Nhà nước đã bị hư hại, rằng đã đến lúc chúng ta, cả các vị và tôi, đều muốn sửa chữa điều đó”.

Lớn lên trong một gia đình chẳng theo tôn giáo nào, Macron đã tự mình xin được chịu phép Rửa Tội để gia nhập Giáo Hội Công Giáo khi lên 12 tuổi.

Lời kêu gọi của tổng thống đã được các đối thủ chính trị đón nhận một cách hằn học. Jean-Luc Melenchon, ứng cử viên tổng thống thất cử trong cuộc đua vào tháng Năm 2017 nói:

“Chúng ta mất ba thế kỷ nội chiến và đấu tranh để có được như ngày hôm nay, hoàn toàn không có lý do gì để vặn ngược đồng hồ quay trở lại... vì một ý tưởng bất chợt như thế của tổng thống”

Cựu Thủ tướng Manuel Valls và lãnh đạo Đảng Xã hội Olivier Faure nói rằng việc tách biệt giữa Giáo Hội và nhà nước phải là một trụ cột chính trị, ở một đất nước mà các công chức bị cấm không được đeo mạng che mặt Hồi giáo và những trang phục khác có ý nghĩa tôn giáo.

Chính phủ của tổng thống Macron hiện đang vất vả tìm cách xác định lại các quy chế và vai trò của Hồi Giáo là tôn giáo lớn thứ hai tại Pháp, sau một loạt các cuộc tấn công của các chiến binh Hồi giáo giết chết khoảng 240 người kể từ đầu năm 2015.

Các nhà lãnh đạo Công Giáo không coi nặng và chẳng kỳ vọng gì nhiều nơi các phát biểu của tổng thống Macron. Các ngài không nghĩ rằng một sớm một chiều các ngài có thể gây ảnh hưởng lên các quyết định của chính phủ.

Đức Hồng Y Georges Pontier, người đã gặp tổng thống vào tối thứ Hai, nói với đài truyền hình CNews rằng ông hiểu những nhận xét của tổng thống không có gì khác hơn là một lời mời gọi tham dự vào các cuộc đối thoại cởi mở hơn.

Ngài nói: “Một số người tưởng tượng Giáo Hội Công Giáo muốn áp đặt quyền hạn của mình trên tư duy của mọi người, và hơn thế nữa, nhưng điều đó không đúng”.

14. Các Giám Mục Ba Lan kêu gọi các tín hữu hải ngoại hội nhập nhiều hơn vào Giáo Hội địa phương

Kết thúc phiên họp nhân kỷ niệm 100 năm độc lập của Ba Lan, các Giám Mục nhận định các ngài không còn đủ giáo sĩ để làm mục vụ cho người Ba Lan sống ở nước ngoài và kêu gọi người Công Giáo di cư hòa nhập nhiều hơn với Giáo hội địa phương.

Trong một bức thư mục vụ được đọc tại các Thánh Lễ Ba Lan ở nước ngoài vào ngày 29 tháng Tư, các giám mục cảm ơn hơn 2,000 linh mục và nữ tu Ba Lan hiện đang phục vụ người Ba Lan trên toàn thế giới, và những người thiện nguyện giúp đỡ các linh mục và nữ tu trong các hoạt động phụng vụ, giáo dục, văn hóa và bác ái.

Do số ơn gọi ngay tại Ba Lan có khuynh hướng giảm sút, các ngài khích lệ ơn gọi ngay trong các cộng đoàn Ba Lan trên thế giới. Theo đánh giá của các ngài “Cho dù đã có một nhóm rất đông các linh mục Ba Lan ở hải ngoại, chúng tôi vẫn cảm thấy thiếu sót không thể phục vụ một cách kịp thời mọi nơi có người Ba Lan sinh sống.”

Các Giám Mục cũng khuyến khích người Ba Lan hội nhập nhiều hơn vào Giáo Hội địa phương: “Chứng tá đức tin của anh chị em sẽ ảnh hưởng tích cực đến các tín hữu từ các nhóm quốc gia khác, đặc biệt là những người thuộc cộng đồng Giáo hội địa phương. Các giám mục ở các nước khác trông cậy vào sự trợ giúp như vậy từ người Công Giáo Ba Lan.”

Các ngài cám ơn các giám mục địa phương đã thể hiện “sự cởi mở và hiểu biết” bằng cách ban cấp những nơi thờ phượng và các điều kiện cần thiết cho công việc mục vụ bằng tiếng Ba Lan. Tuy nhiên, các ngài cũng khích lệ các tín hữu Ba Lan nên tham dự Thánh Lễ bằng ngôn ngữ địa phương họ cư trú.

Đức Ông Stefan Wylezek, giám đốc mục vụ cho người Ba Lan ở Anh và xứ Wales nói việc khích lệ người tham dự Thánh Lễ bằng ngôn ngữ địa phương có nhiều khó khăn. Họ không có trở ngại về Anh ngữ nhưng nhiều người Ba Lan cảm thấy các lời nguyện bằng tiếng Anh lạnh lùng, chứ không “diễn cảm và sốt mến” như ngôn ngữ của chính họ.

Đức Ông Wylezek cho biết tại Luân Đôn có các thánh lễ tiếng Ba Lan tại 217 giáo xứ và trung tâm mục vụ do 120 linh mục Ba Lan cử hành.

Giáo hội Ba Lan điều hành một mạng lưới mục vụ ở 25 quốc gia, theo thỏa thuận với các hội đồng giám mục địa phương, phục vụ khoảng 15 triệu người Ba Lan mà gia đình họ rời khỏi quê hương trong ba đợt chính. Đợt thứ nhất là sau Thế chiến II. Đợt thứ hai là vào những ngày đầu thập niên 1980 khi cộng sản đàn áp phong trào Đoàn kết tại Ba Lan. Đợt thứ ba là vào năm 2004 khi quốc gia này hội nhập vào Liên hiệp châu Âu.

Tại Pháp và Đức, nơi đã có các cộng đoàn Ba Lan hoạt động từ những năm 1830, 236 linh mục Ba Lan hiện đang làm mục vụ cho ba triệu người Ba Lan, trong khi ở Mỹ, các giáo sĩ Ba Lan làm việc tại hơn 300 giáo xứ.

15. Các Giám mục Nigeria kêu gọi tổng thống Muhammadu Buhari từ chức

Các Giám mục Nigeria đã kêu gọi tổng thống Muhammadu Buhari từ chức. Diễn biến này xảy ra sau vụ tấn công vào một nhà thờ Công Giáo vào hôm thứ Ba 24 tháng Tư và các cuộc tấn công tiếp theo vào các cộng đồng Kitô hữu gây ra bởi nhóm khủng bố Hồi Giáo Fulani.

Ít nhất 19 người trong đó có hai linh mục đã bị giết khi nhóm cực đoan Hồi Giáo Fulani xả súng vào một nhà thờ tại Ayar Mbalom trong bang Benue, Nigeria.

Các Giám Mục Nigeria đang ở Rôma tham dự ad limina đã ra một thông cáo kêu gọi tổng thống Muhammadu Buhari từ chức. Ông Muhammadu Buhari, một người Hồi Giáo, đã nhậm chức tổng thống từ ngày 29 tháng 5 năm 2015. Sau một thời gian chiến tranh dai dẳng với bọn khủng bố Hồi Giáo Boko Haram, với khát vọng hòa bình, dân chúng đã chọn ông làm tổng thống vì ông từng là một vị tướng trong quân đội Nigeria. Tuy nhiên, lựa chọn này có lẽ là một sai lầm tai hại. Tổng thống Muhammadu Buhari tỏ ra bất lực không thể dẹp tan được Boko Haram. Đồng thời, quốc gia này lại còn gánh chịu thêm nhiều tang tóc gây ra bởi nhóm khủng bố Hồi Giáo Fulani. Tình hình tại Nigeria xấu đi một cách nhanh chóng.

Ông Muhammadu Buhari còn đưa ra nhiều chính sách sai lầm trong đó có việc giải giới các đơn vị tự vệ do dân chúng hình thành nên để bảo vệ họ. Về điểm này các Giám Mục viết:

“Chính phủ liên bang, có trách nhiệm chính là bảo vệ cuộc sống của dân chúng, đã cáo buộc rằng những người dân nào yêu cầu được tự vũ trang để tự bảo vệ mình là những kẻ kích động việc hành xử luật pháp trong tay họ. Tuy nhiên, chính phủ liên bang lại không làm gì để trừng phạt các cơ quan an ninh cố tình làm ngơ trước tiếng kêu và tiếng khóc của những công dân bất lực và vô phương thế tự vệ, những người bị giết khi đang ngồi trong nhà, nông trại, xa lộ, và ngay cả trong những nơi thờ phượng thiêng liêng của họ?”

“Là các nhà lãnh đạo tinh thần, chúng tôi đã liên tục yêu cầu người dân của mình giữ gìn hòa bình và tuân thủ pháp luật, ngay cả khi phải đối mặt với những hình thức khiêu khích tồi tệ nhất. Nhưng ngày nay, các Kitô hữu cảm thấy bị bỏ rơi và phản bội trong một quốc gia mà tất cả chúng tôi vẫn tiếp tục hy sinh và cầu nguyện. Chính chúng tôi cũng cảm thấy bị bỏ rơi và bị phản bội.”

“Chính phủ nên khuyến khích và trao quyền cho công dân để tự bảo vệ bản thân và môi trường của họ. Đây không phải là lúc để giải giáp mọi người”
 
TV Thời Sự Giáo Hội Và Thế Giới Ngày Nay, Thứ Năm 3/5/2018: Đêm Thắp Nến Cầu Nguyện Cho Quê Hương Việt Nam 30 tháng Tư.
VietCatholic Network
18:56 02/05/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Buổi Tiếp Kiến Chung với Đức Thánh Cha, Thứ Tư ngày 2 tháng Năm.

2- Đức Thánh Cha Phanxicô hành hương tới Đền Đức Mẹ Tình Yêu Thiên Chúa (Divino Amore).

3- Đức Thánh Cha tiếp Hiệp Hội giúp những người bị bệnh họa hiếm.

4- Đức Thánh Cha cảnh báo: chúng ta cần lưu tâm đến sự tò mò trong thế giới ảo.

5- Phái đoàn Giám mục nước Đức về Roma để thảo luận với Tòa Thánh.

6- Các Giám Mục Ba Lan kêu gọi các tín hữu hải ngoại hội nhập nhiều hơn vào Giáo Hội địa phương.

7- Các Giám mục Nigeria kêu gọi Tổng thống Muhammadu Buhari từ chức.

8- Kỷ niệm ngày 30 tháng Tư, Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ tổ chức cầu nguyện cho Quê Hương Việt Nam.

9- Giới thiệu Thánh Ca: Dâng Mẹ Cuộc Đời.

Xin mời quý vị theo dõi phần tin chi tiết