Ngày 30-04-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chúa Phục Sinh đang đứng đó
Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
04:46 30/04/2019
Chúa Nhật III PHỤC SINH, năm C
Ga 21,1-19

Các môn đệ của Chúa sau khi Thầy Giêsu bị bắt, bị kết án tử, chịu đóng đinh vào Thập giá, người ta táng xác Người trong mồ, nhưng Người đã Phục sinh khải hoàn ra khỏi mồ…Các môn lúc đó như rắn mất đầu, tâm trí bị lu mờ, đức tin hoảng loạn, họ không còn nhớ lời Thầy đã loan báo tới ba lần trước khi Người nộp mình theo ý Chúa Cha rằng :” Người sẽ chiến thắng tử thần và sống lại vinh quang “…Do đó, khi Thầy bị giết, rồi Thầy được an táng trong huyệt đá mới, các môn đệ đã tán loạn trở về làng để làm nghề cũ của mình.

Các môn đệ là những người đã sống với nhau thời gian Chúa Giêsu mời gọi họ…Họ đã được Thầy Giêsu đào tạo, huấn luyện…Các môn đệ đã được sống bên cạnh Chúa, học hỏi và chứng kiến nhiều phép lạ Chúa Giêsu đã làm. Chết chết, tất cả đều sụp đổ vì các môn đệ đâu đã hiểu được ý của Thầy Giêsu. Phêrô dù bộc trực cản đường cứu thế của Thầy, rồi chối Thầy ba lần, nhưng các môn đệ vẫn nể nang, kính trọng Ông vì Ông là thủ lãnh các môn đệ. Hôm nay, Ông không ra lệnh cho các bạn bè của Ông ra khơi đánh cá, nhưng Ông gợi ý :” Tôi đi đánh cá đây “. Các bạn khác vì mến Phêrô, nên họ xin Phêrô cho họ đi đánh cá với Ông. Thật thân tình! Thật hạnh phúc ! khi các môn đệ những giờ phút này đang ở bên nhau. Biển Hồ là nơi lý tưởng để các Ông đánh bắt cá ! Gioan, vị tông đồ được Chúa Giêsu thương mến đã nhận ra Chúa Phục Sinh đang đứng trên bờ. Tuy nhiên, Gioan vẫn điềm nhiên ngồi yên trong thuyền. Phêrô nghe Gioan hô Chúa đó ! Ông hồ hởi, phấn khởi, nồng nhiệt, vội khoác áo vào vì Ông đang ở trời và nhảy xuống biển để đi tới gặp Chúa Giêsu sống lại. Chúa Phục Sinh đang đứng trên bờ nhìn xem đám môn đệ thân yêu của mình đã mất ngủ, mệt mỏi và vất vả suốt đêm mà không bắt được con cá nào. Phêrô và Gioan, hình ảnh của hai con người tâm tính khác nhau, nhưng tất cả đều phát xuất vì lòng mến, vì tình thương.Đây cũng là đặc tính của Giáo Hội. Hội Thánh của Chúa Kitô tuy nhiều thành phần nhưng tất cả đêu hiệp nhất, tôn trọng sự khác biệt của nhau.

Tin vào lời của Chúa phục sinh, các môn đệ đã thả lưới theo lệnh Chúa truyền, mặc dù cả đêm vất vả không được một con cá nào. Mẻ cá ngoài sức tưởng tượng đã nói lên quyền năng của Chúa sống lại. Người đã củng cố đức tin của các môn đệ, làm cho tâm trí của các Ông trở nên mới. rồi Người sai các Ông đi vào thế giới để lưới người ta bởi vì “ Không có Thầy các con không thể làm được gì cả “ ( Ga 15,5 ). Hội Thánh ngày hôm nay vẫn tiếp tục làm công việc của Chúa trao phó, nhờ Chúa hiện diện việc truyền giáo luôn mang lại kết quả tốt đẹp.

Chúa sống lại vẫn luôn hiện diện với Hội Thánh qua Bí tích Thánh Thể. Chúa nuôi dưỡng con cái của Ngài bằng chính thịt máu của Ngài. Bao lâu còn các Linh mục bấy lâu còn Bí tích Thánh Thể. Bí tích Thánh Thể là Bí tích nuôi sống dân Chúa. Giáo Hội luôn tồn tại nhờ sự có mặt của Chúa phục sinh và sự tác động hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Simon Phêrô trở nên vị lãnh đạo của Hội Thánh khi Ông tuyên tín ba lần “ yêu mến Chúa “. Chúa cất nhắc Phêrô làm đầu Hội Thánh và bắt đầu từ Phêrô các Đức Giáo Hoàng là những Đấng kế vị thánh Phêrô lãnh đạo Giáo Hội của Chúa.

Phêrô thật sự theo Chúa, theo chính con đường của Chúa khi Chúa nói :” Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ anh tự mình thắt lưng lấy và đi đâu tùy ý.Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải giang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh không muốn “ ( Ga 21,18-19 ).

Lạy Chúa Giêsu, xin củng cố đức tin cho chúng con để chúng con luôn nhận ra Chúa đang hiện diện giữa chúng con.Amen.


GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Tại sao Chúa sống lại,lại tỏ mình cho các môn đệ ở Biển Hồ Tibêria ?
2.Tại sao Gioan lại nhận ra Chúa phục sinh liền ?
3.Thái độ của Simon Phêrô khi nghe Gioan nói :” Chúa đó “ ?
4.Tại sao Chúa phục sinh lại hỏi 03 lần về lòng yêu mến của Phêrô đối với Ngài ?
5.Chúa nói với Phêrô thế nào về sứ mạng của Phêrô ?
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.
07:04 30/04/2019
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh

3. Nên phán đoán xét mình, không nên đoán xét người khác; đoán xét người khác thì hoài công nhọc nhằn, thường thường sai lầm và không tránh khỏi phạm tội, đoán xét mình thì được nhiều lợi ích vô cùng. (sách Gương Đức Chúa Giê-su )

Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

--------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.
07:30 30/04/2019
MỖI NGÀY

MỘT CÂU CHUYỆN

(Tập 8)

Lời ngõ,

“Mỗi ngày một câu chuyện” là những câu chuyện được chọn lọc và dịch nguyên văn trong tổng tập truyện “Chuyện hài châm biếm của các thời đại Trung Quốc”, cùng với những bài suy tư ngắn thực tế trong cuộc sống đời thường của người dịch…

“Mỗi ngày một câu chuyện” có thể giúp gợi ý cho quý linh mục soạn bài giảng, quý anh chị giáo lý viên làm minh hoạ cho bài giáo lý, ngoài ra nó cũng là những câu chuyện có ích khi giải trí sau moat ngày lao động mệt nhọc…

“Mỗi ngày một câu chuyện” đã được mọi người đón nhận như là người bạn vui tính trong cuộc sống.

Xin hân hạnh gởi đến các bạn “Mỗi ngày một câu chuyện”.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb..

1. BÊN RAU TRỒNG TIỀN

Có một lão ông trồng cà nhưng trồng mãi mà cà vẫn cứ bị chết héo, vì thế ông ta thường khổ não về chuyện này, thế là ông lão đi tìm một lão nông giỏi trồng rau để thỉnh giáo.

Lão nông nói:

- "Mỗi bên cây cà mới mọc thì chôn một đồng tiền, thì nó sẽ sống không bị chết héo”.

Ông già kinh ngạc hỏi tại sao như vậy, lão nông trồng rau nói một câu mà hai nghĩa:

- “Ông không nghe nói: có tiền thì sống, không tiền thì chết hay sao ?!”

(Quảng Tiếu phủ)

Suy tư 1:

“Có tiền thì sống không tiền thì chết” là phản ảnh của một xã hội mà kim tiền ngự trị trong tất cả mọi sinh hoạt của con người: không tiền thì con cái không được học hành, không tiền thì khi bệnh hoạn không thể đi bác sĩ, không tiền thì sẽ không có gì ăn uống, ngay cả một cọng rau cũng không có tiền mà mua nên sẽ bị chết đói...

Người không có tiền chết đói đã đành, nhưng những người có tiền bị chết đói mới là chuyện đáng nói; họ có tiền nhưng họ không mua được lương thực trường sinh là Mình Máu Thánh Chúa Ki-tô, bởi vì họ đem tiền đốt vào trong những cuộc ăn chơi trụy lạc; họ có tiền nhưng họ vẫn bị chết đói, vì họ dùng tiền bạc để bồi dưỡng thân xác mà không lo bồi dưỡng linh hồn mình...

Người có tiền của thì khó vào thiên đàng, nhưng nếu ta dùng tiền của để làm những điều công chính như giúp đỡ người nghèo khó, chia sẻ với người mồ côi.v.v... thì chắc chắn là cũng vào được thiên đàng vậy...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)

--------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Thi ca suy niệm Chúa Nhật tuần 3C Phục Sinh
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
18:41 30/04/2019
Chúa Nhật 3 PHỤC SINH. C
(Ga 21: 1-14)
MẺ CÁ


Ra khơi đánh cá thâu đêm,
Tông đồ thả lưới, chẳng thêm được gì.
Rạng đông giặt lưới tháo chì,
Đón chào ngày mới, đợi khi nước ròng.
Bên bờ khách lạ thong dong,
Yêu cầu thả lưới, bên dòng nước trôi.
Vâng lời hạ lưới một hồi,
Cá vào trúng lưới, kéo lôi đầy thuyền.
Tuân theo vâng lệnh lời khuyên,
Môn đồ nhận biết, Thầy truyền đến bên.
Phê-rô sửng sốt ngó lên,
Là Thầy đứng đó, trên nền cát xa.
Lửa than đốt cháy thổi phà,
Sẵn sàng bánh cá, cả nhà cùng xơi.
Mang thêm cá mới tới nơi,
Cùng nhau trui nướng, gọi mời ăn chung.
Lưới đầy cá lớn trong thùng,
Chúa làm phép lạ, bao dung tấm lòng.
Quây quần bên Chúa xoay vòng,
Không ai dám hỏi, trong lòng vững tin.

Chứng kiến cuộc khổ nạn đau thương của Chúa, các Tông đồ tỏ ra chán nản và cảm thấy hụt hẫng. Các ngài chưa hiểu rõ về sứ mệnh rao truyền sự Chúa sống lại. Các ngài trở lại với cuộc sống thường nhật. Cả đời các ngài đã quen với sông nước và chài lưới. Các ngài lại rủ nhau đi đánh cá. Cực nhọc thâu đêm mà các ngài chẳng bắt được con cá nào. Đột nhiên một người lạ xuất hiện với lệnh truyền: Hãy thả lưới bên hữu thuyền thì sẽ được. Vâng lời, các ngài đã thả luới và một mẻ cá đầy chưa từng thấy.

Hiểu rõ tâm trạng yếu đuối của các tông đồ, Chúa Giêsu đã từ từ huấn luyện và chỉ dạy các Tông đồ trở thành những thợ đánh cá người. Các ngài đi từ những đau buồn, nghi ngờ, lo âu đến sự vui mừng gặp lại Chúa. Hình ảnh mẻ cá là viễn tượng sứ mệnh cuộc đời của các ngài. Kinh nghiệm của các Tông đồ cũng là kinh nghiệm của mỗi người chúng ta. Chúng ta cũng phải lo toan vất vả và cực nhọc lo lắng trong cuộc sống hằng ngày nào là gia đình, con cái và rồi công ăn việc làm. Chúng ta tính toán đủ cách nhưng rồi chẳng có kết quả bao nhiêu. Hãy lắng nghe lời mời gọi của Chúa: Hãy thả lưới, hãy cố thêm một lần nữa.

Một điều rất lạ mà ít người lấy làm lạ, đó là ai theo đạo Chúa cũng tin rằng Chúa ở khắp mọi nơi, nhưng lại ít khi thấy Chúa trong lúc này và ở đây ngay bên cạnh mình. Chúng ta thấy, hầu như lần nào Chúa hiện đến, các Tông đồ cũng chẳng nhận ra Ngài. Ngày thứ nhất trong tuần, Chúa hiện ra với bà Maria Mađalêna, thì bà tưởng là người làm vườn. Chúa hiện ra với hai môn đệ về quê, các ông tưởng là khách đi đường. Hôm nay lần Chúa hiện ra ở bờ biển, các Tông đồ cũng không biết là ai.

Chúa hiện ra mọi nơi và mọi lúc, nhưng Chúa muốn tỏ cho ai, người đó mới có thể thấy Chúa. Kinh Thánh thuật lại một số trường hợp điển hình như trong phòng hội của các môn đệ, hiện ra trên đường đi và ngoài bãi biển. Ngài hiện ra trong những cảnh thông thường nhất nơi cuộc sống. Chúng ta cũng cần có con mắt đức tin để nhận biết Ngài. Hãy tập nhìn mọi tạo vật chung quanh vì nó đang biểu lộ vinh quang của Chúa.

Bà Sue Bender, trong cuốn Every Sacred, kể rằng một nhà giáo dạy vẽ tên là Gale. Trong lớp hội họa, bà yêu cầu các học viên phải vẽ thực tập. Mỗi người chọn một vật quen thuộc, đơn sơ và vẽ đủ 100 lần. Chính bà cũng bị học sinh yêu cầu vẽ hay chụp 100 lần chỉ một vật. Hãy tập nhìn, chúng ta sẽ nhận ra sự kỳ diệu của vạn vật.

Mẻ cá lạ lùng đã đưa các Tông đồ trở lại với sứ mệnh làm nhân chứng. Chúa không cho mẻ cá dư đầy để bán kiếm nhiều tiền hay ăn uống dư thừa. Chúa dùng mẻ cá đặc biệt để dạy các Tông đồ về quyền năng của Chúa. Chúa muốn các ông cộng tác ra đi tung lưới khắp nơi để thu hoạch mẻ cá nước trời.

Chúa Nhật 3 PHỤC SINH. B
(Lc 24, 35-48)
ĐỪNG SỢ


Khi hai môn đệ trở về,
Tâm hồn thanh thản, cận kề bên nhau.
Các ông kể sự trước sau,
Giê-su bẻ bánh, biến mau khỏi bàn.
Nhận ra Chúa đã khải hoàn,
Tâm tư thổn thức, hân hoan trong hồn.
Thầy đây, đừng sợ, lời đồn,
Phục sinh cõi chết, cao tôn vĩnh hằng.
Đừng lo bối rối nghĩ sằng,
Chân tay xương thịt, rõ ràng Thầy đây.
Chia phần ăn uống cùng Thầy,
Chứng minh sự thật, khởi xây Nước Trời.
Chu toàn ứng nghiệm tuyệt vời,
Mọi lời Kinh Thánh, trong đời Ngôi Hai.
Thi hành thánh ý thiên sai,
Chết đi sống lại, ngự ngai Vua trời.

THỨ HAI, TUẦN 3 PHỤC SINH
(Ga 6, 22-29).
HÃY TIN


Đám người ăn bánh no nê,
Hôm sau muốn gặp, tìm về bến xưa.
Đôi thuyền rời bến lưa thưa,
Giê-su ở lại, còn chưa xuống thuyền.
Không tìm thấy Chúa ở trên,
Đám đông dân chúng, sang miền bên kia.
Gặp Người, họ hỏi tía lia,
Bao giờ Thầy đến, đừng lìa chúng con.
Biết rằng tìm kiếm héo hon,
Chỉ vì ăn bánh, cá ngon Thầy làm.
Chúa khuyên đừng có tham lam,
Ra công làm việc, cộng cam ở đời.
Hãy tìm những sự trên trời,
Nơi không mối mọt, ngàn đời khắc ghi.
Tin yêu phó thác phụ tùy,
Tôn thờ Thiên Chúa, từ bi sống đời.

THỨ BA, TUẦN 3 PHỤC SINH
(Ga 6, 30-35).
MANNA


Làm sao xác tín vào Người,
Có chi dấu lạ, để đời chứng minh.
Xưa trong sa mạc cực hình,
Man-na rơi xuống, bình sinh một thời.
Cha ông ăn bánh bởi trời,
Người ban cho họ, ơn trời khắp nơi.
Chúa rằng bảo thật các ngươi,
Cha Ta ban bánh, sống đời thế gian.
Chúa cho sự sống tràn lan,
Đến từ thượng giới, đầy tràn phúc ân.
Hiệp lời cầu khẩn vì dân,
Ban cho bánh thánh, dự phần quang vinh.
Chính Ta là bánh trường sinh,
Ai ăn sẽ sống, thần linh rạng ngời.
Những ai khao khát ơn trời,
Chúa thương nuôi dưỡng, trọn đời ấm no.

THỨ TƯ, TUẦN 3 PHỤC SINH
(Ga 6, 35-40).
THẦN LƯƠNG


Chính Ta là bánh trường sinh,
Ai ăn sẽ sống, thần linh sáng ngời.
Thần lương ban xuống bởi trời,
Sẽ không hề đói, ai người ăn Ta.
Tình yêu cao quí hải hà,
Hiến mình tế lễ, thật là của ăn.
Các ngươi đã thấy tận căn,
Đa đoan lòng dạ, băn khoăn nghi ngờ.
Không tin Con Chúa hững hờ,
Chối từ ân phúc, vô bờ xót thương.
Ta từ trời xuống mở đường,
Ai tin sẽ sống, thần lương nuôi hồn.
Vâng lời thánh ý kính tôn,
Đấng sai Ta đến, vĩnh tồn thiên thu.
Sống đời phó thác khiêm nhu,
Vững tin vào Chúa, luyện tu sống đời.

THỨ NĂM, TUẦN 3 PHỤC SINH
(Ga 6, 44-52).
BÁNH TRƯỜNG SINH


Ta là bánh sống đời đời,
Ai dùng thịt máu, Ngôi Lời Chúa Con.
Bánh thiêng ban xuống bởi trời,
Người nào đón nhận, sống đời trường sinh.
Cha yêu nhân loại hết tình,
Ban Con yêu dấu, hiến mình vì ta.
Cha Ta Đấng đã sai Ta,
Nghe lời giáo hóa, chính Cha tỏ bày.
Ngôi Lời mạc khải hôm nay,
Thần lương sự sống, lạ thay nhiệm mầu.
Từ trời ban xuống cao sâu,
Ẩn mình nhiệm thể, nguyện cầu kính tôn.
Bánh ban sự sống nuôi hồn,
Ai ăn sẽ sống, nên khôn ở đời.
Chúa luôn hiện diện mọi nơi,
Nhà chầu Thánh Thể, cùng người sẻ san.

THỨ SÁU, TUẦN 3 PHỤC SINH
(Ga 6, 53-60).
THÁNH THỂ


Làm sao ăn thịt Con Người,
Những người Do-thái, gọi mời niềm tin.
Nhiệm mầu Bí tích cầu xin,
Không ai hiểu thấu, ngắm nhìn kính tôn.
Chúa ban Thịt Máu nuôi hồn,
Thông ban sự sống, xác hồn kết giao.
Thần lương cao quí trên cao,
Ai ăn sẽ sống, ngọt ngào tâm linh.
Nhân thần kết hợp vô hình,
Tràn ban sức sống, dưỡng sinh bởi trời.
Đức tin phó thác trong đời,
Nguồn ơn nhiệm lạ, cao vời Chúa ban.
Hợp chung bánh rượu hòa tan,
Trở nên Mình Máu, sẻ san cho người.
Xác thân nhân ái Ngôi Lời,
Nghiền tan hóa bánh, nuôi người trần gian.

THỨ BẢY, TUẦN 3 PHỤC SINH
(Ga 6, 61-70).
SỰ SỐNG

Lời này nghe chói khó tin,
Môn đồ lẩm bẩm, nên xin rút về.
Người đời bắt bẻ khen chê,
Lòng tham dạ tối, ê chề thế gian.
Chối từ mầu nhiệm Chúa ban,
Mong tìm thỏa mãn, miên man trần đời.
Những lời mạc khải cao vời,
Chúa ban thần trí, cho người tin yêu.
Con Người thượng giới huyền siêu,
Biến thành nhục thể, toàn thiêu hiến mình,
Yêu thương nhân loại hết tình,
Chúa ban Thịt Máu, dưỡng sinh xác hồn.
Phê-rô cùng với đồng môn,
Một lòng tín thác, kính tôn Chúa Trời.
Theo ai dẫn lối vào đời,
Một Thầy một Chúa, gọi mời vững tin.
 
Tình Thương Chúa
Lm Vũđình Tường
21:34 30/04/2019
Cuộc khổ nạn và Phục Sinh vinh hiển của Đức Kitô vừa là sự phá huỷ vừa là nguồn sống thật. Phá huỷ gì? Đức Kitô Phục Sinh đập tan xiềng xích của sự chết, chế ngự ma quỷ, phá tan quỉ kế bè lũ chúng và những âm mưu đen tối do chúng tạo dựng lên. Sự Phục Sinh vinh hiển của Ngài mang lại niềm vui, tràn đầy hy vọng và tương lai huy hoàng cho các môn đệ và những ai tin theo Ngài. Đức Kitô Phục Sinh lần đầu tiên hiện ra với các môn đệ, không phải để hạch tội bất trung, chối bỏ, trốn chạy khi Ngài gặp nạn. Không phải thế, Đức Kitô hiện ra với các ông và lời nói đầu tiên chính là ban cho các ông ơn bình an. Bởi các ông đang sống trong lo sợ, bất an, sợ sệt. Điều các ông đang cần chính là ơn bình an và Đức Kitô Phục Sinh ban cho các ông điều các ông đang cần. Bình anh cho anh em Gn 20,20. Ngài cho các ông xem tay và cạnh sườn để các ông nhận ra Đức Kitô chịu đóng đinh và Đức Kitô Phục Sinh, không phải là hai con người khác nhau, mà chính là một Đấng.

Lần hiện ra thứ hai Đức Kitô Phục Sinh ban cho các ông sức mạnh và sự sống Phục Sinh của chính Ngài. Đức Kitô thổi hơi vào các ông phán bảo: Hãy nhận lấy Thánh Thần Gn 20,22. Sau khi trốn chạy Thầy, các tông đồ sống như kẻ không hồn bởi sợ bị bắt, sợ khổ đau, tương lai mù mịt. Các ông lẩn trốn, bám víu lấy nhau trong sợ hãi. Thánh Thần Chúa mang lại cho các ông sự sống mới, tinh thần mới, tương lai tươi sáng mới. Bình minh mới rực sáng trong tâm hồn các ông và các ông mạnh dạn ra khỏi cửa cài then, làm công việc thường ngày của mình. Hầu như con người không đủ khả năng đón nhận tất cả ân sủng Chúa cùng lúc, nhưng phải đón nhận từ từ. Đức Kitô biết rõ hữu hạn của nhân loại vì thế Ngài sẽ ban Thánh Thần xuống hướng dẫn Kitô hữu, bởi sự giới hạn lãnh nhận của họ Gn 16,12.

Lần thứ ba hiện ra với các môn đệ, không phải sau cửa cài then mà bên bờ biển, nơi chài lưới quen thuộc của các ông. Lần hiện ra này Đức Kitô biến đổi các ông, kẻ chài lưới cá thành kẻ chài lưới các linh hồn. Thiên Chúa biết rõ tâm hồn, con tim của từng người. Tuy nhiên Đức Kitô muốn Phêrô tuyên xưng đức tin của ông. Điều này không mang lợi ích gì cho Đức Kitô nhưng cần thiết và quan trọng cho chính Phêrô và cho các đồng nghiệp của Phêrô. Ba lần Đức Kitô hỏi Phêrô ông có yêu mến Ngài không và cả ba lần Phêrô tuyên xưng ông yêu mến Đức Kitô hết cả tấm lòng Gn 21:15-17. Sau mỗi lần tuyên xưng đức tin, Đức Kitô lại trao cho Phêrô một trách nhiệm. Cả ba trách nhiệm đều qui về một điều duy nhất là chăm sóc các linh hồn với tình thương đi chung với lòng mến. Sứ mạng rao giảng Tin Đức Kitô Phục Sinh cho muôn dân luôn có va chạm và thách đố. Kẻ không tin mãnh liệt chống lại Tin Mừng Phục Sinh. Người tin theo muốn rao giảng Tin Mừng Phục Sinh theo phong cách riêng của họ, vì thế đưa đến va chạm, bất mãn. Phúc Âm ghi rõ Phêrô sẽ phải đương đầu với những thách đố đến độ phải đổ hết máu trong tim ra làm nhân chứng sống động cho Tin Mừng Phục Sinh (Gn 21, 19).

Kitô hữu, tin theo Đức Kitô Phục Sinh, sống tinh thần phục vụ với lòng yêu mến. Nuôi nấng, chăm sóc đàn chiên, và bảo bọc chúng sẽ không tránh khỏi chống đối, thách đố tư bề. Tuy nhiên họ không cô đơn, Đức Kitô Phục Sinh sẽ cùng đồng hành với họ. Tình yêu Ngài ban phát. Chúng ta đón nhận, không phải cho riêng mình, nhưng để chia sẻ cho anh em. Tình yêu Chúa luôn sống động và đồng hành cùng chúng ta trong cánh đồng truyền giáo. Đức Kitô Phục Sinh không hướng dẫn các tông đồ thêm về việc truyền giáo mới bởi đã có Thánh Thần Chúa cùng đồng hành với họ. Thánh Thần sẽ hướng dẫn, chỉ bảo công cuộc chứng nhân. Ngài cũng không còn đồng hành bằng xương, bằng thịt như trước ngày về trời, bởi đã có Phêrô thay thế Ngài nơi trần gian.

TiengChuong.org

Caring with love

The death and resurrection of Jesus is both condemnation and consolation. What is being condemned? His death condemned the power of darkness and evil spirit, and all that is invented by Satan. Jesus' appearances to His apostles show that the Risen Lord is the loving and forgiving God. Everywhere He went, He filled the hearts of people not only with the gift of joy, but He offered them heavenly gifts, the gift of eternal life. To His apostles, He showed God's love, forgiveness and consolation. He empowered them with the gift of His own Spirit. He breathed on them and sent them to spread the Good News. We, humans, are incapable of receiving all God's gifts at once, as Jesus once said it would be too much for us to receive all God's gifts at once but God will give us God's Spirit Who will slowly reveal His will to us Jn 16,12.

The very first time Jesus appeared to His apostles, He gave them the gift of peace. God's gift filled them with great joy. 'Peace be with you' He said, and showed them His hands and His side Jn 20,20. It served as the proof that the Crucified Jesus and the Risen Jesus is the same person. At the second appearance, Jesus gave them God's Spirit, the Spirit of the Risen Lord. The apostles were like dead men walking aimlessly and lost. Seeing Jesus, they came alive with true hope and a bright future. He gave them His Spirit when 'He breathed on them and said: Receive the Holy Spirit' Jn 20,22. The third appearance was when Jesus appeared to the apostles, in the midst of their daily toil, on the shore of Tiberias. God knows our mind and heart, but for the sake of other apostles, Jesus asked Peter three times 'Simon son of John, do you love me more than these others do?'. Each time Peter professed that he loved Jesus. At each answer, Jesus entrusted Peter one more task. The first one was to 'feed my lambs'. The second task was to 'look after my sheep', and the third and last one was 'feed my sheep' Jn 21,15-17. The tasks given were the life time commitment and it entailed great challenges that involved sacrifice. The evangelist spelled out clearly 'the kind of death by which Peter would give glory to God' v.19

We, the followers of Jesus, are called to mission, with great love. Feed the lambs, look after the sheep and feed the sheep. Doing the action of feeding, looking after, and caring for others with great love is what Jesus expects His followers to do. It is not a choice but a must. The Risen Lord empowered us with the Spirit of love. Love is given, received and love is shared. God's love is always active and accompanies us on our mission. No more instructions about how to do the mission are needed, because we are led by God's Spirit.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Hồng Y DiNardo: Quốc gia chúng ta lẽ ra phải tốt đẹp hơn như thế này
Đặng Tự Do
16:07 30/04/2019
Đức Hồng Y Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã lên án vụ nổ súng tại một hội đường Do Thái gần San Diego vào ngày thứ Bẩy 27 tháng 4, là ngày kết thúc lễ Vượt Qua của người Do Thái, và cầu nguyện cho những người bị ảnh hưởng.

“Cùng với các anh em giám mục, tôi vô cùng đau buồn và lo lắng sâu sắc trước tin tức một nơi thờ phượng khác đã phải gánh chịu bạo lực.

Đất nước chúng ta lẽ ra phải tốt đẹp hơn như thế này,” Đức Hồng Y DiNardo cho biết trong một tuyên bố đưa ra hôm Chúa Nhật 28 tháng Tư.

“Thế giới của chúng ta nên thoát ra được những hành động thù hận như thế này và chủ nghĩa bài Do Thái. Cuộc tấn công này tham gia vào một danh sách quá dài các cuộc tấn công chống lại những người vô tội, những người thuộc mọi tín ngưỡng, những người chỉ muốn tụ tập và cầu nguyện,” ông nói.

Vụ thảm sát hôm Thứ Bảy tại hội đường Chabad ở Poway, California, đã giết chết một người và làm ba người khác bị thương. Kẻ nổ súng đã bị bắt và bị buộc tội giết người. Đây là vụ xả súng bắn chết người thứ hai tại một hội đường Do Thái trong sáu tháng qua. Hung thủ, John Earnest, đã viết và xuất bản một bản tuyên ngôn chống Do Thái trước cuộc tấn công.

Earnest cũng đã nhận trách nhiệm về một cuộc tấn công đốt phá một đền thờ Hồi giáo ở Escondido, California, hồi tháng Ba vừa qua.


Source:Catholic News Agency

Quý vị và anh chị em có thể đăng lại các bản tin của VietCatholic trên Web site của mình. Chúng tôi hoan nghênh điều đó và xin đa tạ. Tuy nhiên, ngoại trừ các giáo phận, các dòng tu, và các cơ quan trong Liên Hiệp Truyền Thông Công Giáo, quý vị và anh chị em không được dùng các bản tin để làm thành videos riêng của mình.
 
Phụ bản tờ “Phụ nữ Giáo Hội Thế giới” của tờ Quan Sát Viên Rôma sẽ được tái bản trong vài ngày tới
Đặng Tự Do
16:30 30/04/2019
Tạp chí “Donne Chiesa Mondo” - “Phụ nữ Giáo Hội Thế giới”, một nguyệt san được công bố như một phụ bản của tờ Quan Sát Viên Rôma của Tòa Thánh, đã bị gián đoạn trong tháng Tư vừa qua sau khi toàn ban biên tập đã đồng loạt từ chức.

Thông cáo của Phòng Báo Chí Tòa Thánh ngày 30 tháng Tư, 2019 cho biết:

Tờ Quan Sát Viên Rôma vui mừng thông báo rằng tạp chí hàng tháng, Donne Chiesa Mondo (Phụ nữ Giáo Hội Thế giới) sẽ được xuất bản thường xuyên từ tháng 5. Ban biên tập gồm có: Francesca Bugliani Knox, Elena Buia Rutt, Yvonne Dohna Schlobitten, Chiara Giaccardi, Sharhzad Housmand Zadeh, Amy-Jill Levine, Marta Rodríguez Díaz, Giorgia Salatiello, Carola Susani và Rita Pinci (Điều hợp viên)

Ban chủ nhiệm gồm: Giulia Galeotti, Silvia Guidi, Valeria Pendenza, và Silvina Pérez.

Rita Pinci đã làm việc hơn hai mươi năm với tư cách là phóng viên cho nhật báo Il Messaggero hàng ngày. Bà là tổng biên tập trung ương và do đó là phó giám đốc của tờ báo. Rita là người phụ nữ Ý đầu tiên nắm giữ những vai trò này trên một tờ báo lớn hàng ngày tại Italia. Silvina Pérez là phó giám đốc của cổng thông tin Tcs-Hdp, biên tập tạp chí Specchio của tờ La Stampa, và là phó giám đốc của tuần báo Panorama và Chi. Ông đã làm việc cho Huffington Post Italia.

Tưởng cũng nên nhắc lại, sáng lập viên Lucetta Scaraffia và toàn ban biên tập, gồm toàn phụ nữ, của tạp chí “Phụ nữ Giáo Hội Thế giới”, đã đồng loạt từ chức vào cuối tháng Ba vừa quaa.

Scaraffia cáo buộc ông Andrea Monda, tân chủ nhiệm tờ Quan Sát Viên Rôma vào đầu năm nay dự định sẽ nắm giữ vị trí chủ biên của tờ tạp chí phụ nữ do bà lãnh đạo. Theo bà, ông Monda đã lùi bước sau khi ban biên tập đe dọa sẽ từ chức và các tờ báo Công Giáo phân phối các bản dịch của tạp chí “Phụ nữ Giáo Hội Thế giới” tại Pháp, Tây Ban Nha và Mỹ Latin, nói với bà rằng họ sẽ ngừng phân phối nếu bà không còn giữ trách nhiệm chủ biên.

“Sau những nỗ lực bất thành nhằm đưa chúng tôi vào vòng kiểm soát, là những nỗ lực gián tiếp nhằm loại bỏ tính hợp pháp của chúng tôi”. Để dẫn chứng, bà Scaraffia nói với thông tấn xã AP rằng nhiều phụ nữ khác được đưa vào để viết cho tờ Quan Sát Viên Rôma “với một quan điểm đối kháng với chúng tôi”.

Trong một tuyên bố, ông Monda phủ nhận việc cố gắng làm suy yếu tạp chí “Phụ nữ Giáo Hội Thế giới” và nói rằng ông chỉ cố gắng củng cố những tiếng nói và quan điểm của phụ nữ khác trên tờ Quan Sát Viên Rôma. Ông khẳng định luôn bảo đảm quyền tự chủ của tạp chí, và tự giới hạn bản thân trong việc đề xuất các ý tưởng và giới thiệu những người có thể đóng góp cho tờ tạp chí phụ nữ.

“Tránh sự can thiệp vào phụ bản hàng tháng này, tôi đã yêu cầu đừng có một cuộc đối đầu thực sự trên tờ Quan Sát Viên Rôma, dựa trên cơ chế nhóm này đối kháng với nhóm kia hoặc việv hình thành các nhóm kín. Tôi đã làm như vậy như là một dấu hiệu của sự cởi mở và của ‘paressia’, (quyền tự do nói lên sự thật) mà Đức Thánh Cha Phanxicô yêu cầu.”

Ông Monda cho biết thêm ông ghi nhận quyết định rút lui một cách tự nguyện của Scaraffia, cám ơn bà vì các đóng góp của bà, và cam kết rằng tạp chí sẽ được tiếp tục theo ý hướng hiện nay là “không có chủ nghĩa giáo sĩ trị hay tương tự.”


Source:Holy See Press Office

Quý vị và anh chị em có thể đăng lại các bản tin của VietCatholic trên Web site của mình. Chúng tôi hoan nghênh điều đó và xin đa tạ. Tuy nhiên, ngoại trừ các giáo phận, các dòng tu, và các cơ quan trong Liên Hiệp Truyền Thông Công Giáo, quý vị và anh chị em không được dùng các bản tin để làm thành videos riêng của mình.
 
Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Mễ Tây Cơ: “Chúng ta đang sống trong một giai đoạn khủng hoảng và đầy khó khăn”
Đặng Tự Do
17:00 30/04/2019
Các Giám Mục Mễ Tây Cơ đã nhóm phiên khoáng đại lần thứ 107 từ hôm thứ Hai 29 tháng Tư và sẽ kết thúc hôm thứ Sáu 3 tháng Năm. Trong diễn từ khai mạc, Đức Tổng Giám Mục Rogelio Cabrera López của tổng giáo phận Monterrey, và là Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Mễ Tây Cơ nhận định như sau:

“Là các Giám mục Mễ Tây Cơ, chúng ta phải nhận ra rằng, trong tư cách là một Giáo hội, chúng ta đang trải qua một giai đoạn khủng hoảng và khó khăn lớn. Không chỉ vì những vụ tai tiếng đã ảnh hưởng rất nhiều đến uy tín và thẩm quyền đạo đức của chúng ta, mà còn vì sự thay đổi của thời đại mà chúng ta đang sống và chúng ta đang phản ứng không thỏa đáng. Có một số điều nào đó không thay đổi, nhưng lại có những con người thay đổi; những người sống trong một cuộc khủng hoảng văn hóa - nhân học sâu sắc đang thay đổi. Như chúng ta đã nói trong Dự án Mục vụ Toàn cầu của chúng ta:

“Quá trình biến đổi mà chúng ta đang sống, mang đến những đổi thay mà ngay cả chúng ta, trong tư cách là Giám mục và nhiều linh mục, vẫn chưa hiểu, vì vậy chúng ta khó có thể có một phản ứng đầy đủ và kịp thời trước chiều sâu và tốc độ của sự thay đổi đang diễn ra và đó là lý do tại sao chúng ta bối rối.”

Người di cư, thanh niên, phụ nữ, dân tộc thiểu số và thậm chí cả các linh mục không phải lúc nào cũng cảm thấy gần gũi và nhạy cảm với các vấn đề của họ. Trong bối cảnh thay đổi này, chúng ta lại bị đặt trước tai ương ấu dâm khủng khiếp mà chúng ta chưa biết phải đối mặt ra sao trong quá khứ, nhưng hiện tại chúng ta đang giải quyết nhanh chóng, bằng cách ưu tiên hỗ trợ các nạn nhân và thiết lập các cam kết và các giao thức thích hợp.

Ngoài ra, trong bối cảnh chính trị hiện tại mà đất nước chúng ta đang sống, một nơi rất phân cực, không thiếu những tiếng nói yêu cầu và thậm chí đòi hỏi chúng ta phải có một thái độ chống đối hơn, không chỉ là một sự phản kháng, mà còn là một thái độ đối lập hoàn toàn. Tôi tin rằng quan điểm của các giám mục chúng ta phải là một trong những quan điểm tôn trọng đối với chính quyền dân sự, nhưng không từ bỏ quyền phơi bày sự thật mà chúng ta tin tưởng; hợp tác trong các vấn đề phổ biến đối với chúng tôi, nhưng từ bỏ bất kỳ mong muốn hợp tác nào là đồng lõa và nhằm thủ lợi.

Thời điểm đổi thay này đặt chúng ta vào trạng thái phải cảnh giác để khám phá con đường của Chúa, phải biết phân định để thực hiện những gì Ngài yêu cầu Giáo hội của Ngài thực thi trong thời điểm lịch sử này.”


Source:Mexican Conference of Bishops

Quý vị và anh chị em có thể đăng lại các bản tin của VietCatholic trên Web site của mình. Chúng tôi hoan nghênh điều đó và xin đa tạ. Tuy nhiên, ngoại trừ các giáo phận, các dòng tu, và các cơ quan trong Liên Hiệp Truyền Thông Công Giáo, quý vị và anh chị em không được dùng các bản tin để làm thành videos riêng của mình.
 
Phúc trình tự do tôn giáo vẫn liệt kê Việt Nam là nước đáng quan ngại
Vũ Văn An
17:38 30/04/2019


Hãng tin CNA, ngày 29 tháng Tư, cho hay, theo một báo cáo của Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Hoa Kỳ, đa số các quốc gia vi phạm tự do tôn giáo tồi tệ nhất thế giới là ở Trung Đông, Á Châu và Phi Châu.

Báo cáo trên, được công bố ngày 29 tháng Tư, cho hay ngoại trừ Cuba, tất cả các quốc gia vi phạm đều ở đông bán cầu.

Chủ tịch Ủy Ban trên, Tenzin Dorjee, viết trong một phụ bản đính kèm báo cáo: “Mục đích của chúng tôi không phải chỉ để nêu tên những nước vi phạm, nhưng cung cấp các hành động cụ thể để Chính Phủ Hoa Kỳ có thể đưa ra trong lúc làm việc với các quốc gia này nếu muốn lấy tên ra khỏi danh sách của chúng tôi”.

Mỗi năm, Ủy Ban trên đều nhận diện “các quốc gia gây lo ngại đặc biệt” bằng cách sử dụng các tiêu chuẩn xác định “các vi phạm có hệ thống, liên tiếp và quá đáng” về tự do tôn giáo.

Các tác nhân không phải là quốc gia được dành cho danh hiệu “các thực thể gây lo ngại đặc biệt” nhưng cũng sử dụng cùng các tiêu chuẩn như trên.

Một số các vi phạm trên bao gồm: tra tấn hay đối xử hoặc trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ giá; giam giữ lâu mà không xét xử; bắt cóc hay giam giữ bí mật; và các bác bỏ trắng trợn quyền sống, quyền tự do, và an toàn bản thân.

Trong số 16 quốc gia được nhận diện là “các quốc giai gây lo ngại đặc biệt” trong năm 2019 có 10 quốc gia được bộ ngoại giao Hoa Kỳ ghi nhận hồi tháng 11 năm 2018. Đó là Miến Điện, Trung Hoa, Eritrea, Iran, Bắc Hàn, Pakistan, Saudi Arabia, Sudan, Tajikistan và Turmenistan. Bảng liệt kê cũng kể thêm 6 nước khác là Cộng Hòa Trung Phi, Nigeria, Nga, Syria, Uzbekistan và Việt Nam.

Thêm vào đó, Ủy Ban còn nhận diện 12 nước khác phạm 1, 2 hoặc 3 tiêu chuẩn để bị coi là “các quốc gia gây lo ngại đặc biệt” bằng cách xếp họ vào danh sách “loại hai”. Đó là các nước: Afghanistan, Azerbaijan, Bahrain, Cuba, Ai Cập, Ấn Độ, Nam Dương, Iraq, Kazakhstan, Lào, Mãlai, và Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong số các tác nhân không phải quốc gia, Ủy Ban nhận diện Nhà Nước Duy Hồi Giáo, Taliban ở Afghanistan, al-Shabaab ở Somalia, và lần đầu tiên xuất hiện trên danh sách năm nay là Houthis ở Yemen và Hayat Tahrir al-Sham ở Syria.

Houthis là bộ lạc theo phái Shiite Hồi Giáo, từng kiểm soát phần lãnh thổ chủ yếu và đã đuổi tổng thống khỏi thủ đô năm 2015. Saudi Arabia và một số đồng minh Ả Rập giúp phản công bọn này. Iran thì tiếp tục ủng hộ chúng. Chúng đang đánh lại liên minh do Saudi Arabia lãnh đạo nhằm kiểm soát cả nước, nhất là thành phố cảng quan trọng Hodeidah.

Kết quả 3 năm cuộc nội chiến Yemen là khoảng từ 13,500 tới 80,000 người chết và hàng triệu người tản cư, và khoảng 14 triệu người hay gần như thế có nguy cơ chết vì đói.

Báo cáo khuyến cáo chính phủ Hoa Kỳ đề cử một cố vấn đặc biệt bên cạnh tổng thống thống để lo về tự do tôn giáo quốc tế.

Ủy ban ghi nhận rằng tuy Toà Thánh Vatican đã đạt được một thỏa thuận tạm thời với Trung Hoa về việc bổ nhiệm các giám mục hồi tháng Chín, “tuy nhiên, việc đàn áp Giáo Hội Công Giáo hầm trú đã gia tăng cuối năm vừa qua”.

Trong số các nhận định được lồng vào báo cáo có các nhận định của Johnnie Moore; người này gọi thoả thuận Vatican-Trung Quốc là “thỏa thuận gây ra các biến cố đáng báo đông nhất”.

Ông viết: “Ngay trong những ngày Vatican còn đang thương thảo, Trung Quốc đã sử dụng thoả thuận đang được bàn cãi để thực hiện việc đóng cửa một số cộng đồng lớn nhất và nổi tiếng nhất quốc gia nhưng không đăng ký”.

Ông tin rằng Vatican “nay mang một trách nhiệm tinh thần và luật pháp nặng nề phải giúp giải quyết vấn đề do chính mình giúp tạo ra, dù là bất đắc dĩ, bằng cách cung cấp giấy phép cho Trung quốc tấn công đầy tội ác các cộng đồng Kitô giáo (như được trưng dẫn trong báo cáo này) và bằng cách cung cấp cho chính phủ Trung Quốc lá chắn thêm nữa để họ tiếp tục các lạm dụng không thể hiểu được, không thể bào chữa được và vô nhân đạo chống các người Hồi Giáo ở phía tây đất nước”.

Ủy Ban Tự do Tôn giáo Quốc tế là một định chế lưỡng đảng nhằm cố vấn cho Tổng thống, Quốc hội, và Bộ Ngoại giao về các vấn đề tự do tôn giaó trên thế giới.

Quý vị và anh chị em có thể đăng lại các bản tin của VietCatholic trên Web site của mình. Chúng tôi hoan nghênh điều đó và xin đa tạ. Tuy nhiên, ngoại trừ các giáo phận, các dòng tu, và các cơ quan trong Liên Hiệp Truyền Thông Công Giáo, quý vị và anh chị em không được dùng các bản tin để làm thành videos riêng của mình.
 
Asia News: Cộng sản Trung Quốc tiếp tục đàn áp khốc liệt anh chị em giáo dân Công Giáo ở Hà Nam
Đặng Tự Do
18:00 30/04/2019
Trung Quốc vẫn tiếp tục mạnh mẽ các chính sách đàn áp và Trung Hoa hóa Giáo Hội Công Giáo tại quốc gia này, đặc biệt là ở tỉnh Hà Nam (河南, Henan – trước gọi là Hồ Nam). Thông tấn xã AsiaNews báo động rằng bọn cầm quyền đang tiếp tục thi hành một chiến dịch triệt hạ các thánh giá kéo dài trong 4 năm qua ở tỉnh Hà Nam. Hôm thứ Hai 29 tháng Tư, nhà cầm quyền địa phương thành phố Vệ Huy (卫辉, Weihui), trong giáo phận An Dương (安阳, Anyang), đã phá hủy những cây thánh giá bằng sắt khổng lồ nổi bật trên hai tháp chuông.

Hai videos về chiến dịch này, đã được gửi tới AsiaNews, cho thấy các công nhân trên những cần cẩu cao đang gỡ bỏ các cây thánh giá. Hàng chục cảnh sát đang ở trong sân để ngăn chặn những lời chỉ trích và các kháng cự của anh chị em giáo dân. Nhiều tín hữu, bất lực trước sự lạm dụng quyền lực của bọn cầm quyền, quỳ gối trên các bậc thang của nhà thờ trong lời cầu nguyện và ca hát. Các tín hữu vẫn cầu nguyện suốt cả ngày.

Thoạt đầu, bọn cầm quyền tỉnh Hà Nam cho rằng phải cần phá hủy các thánh giá vì có quá nhiều thánh giá nổi bật trên nền trời. Nhưng sau đó, chúng tiến thêm một bước nữa là xông vào bên trong các nhà thờ loại bỏ các đồ trang trí, tranh vẽ và ảnh tượng được đánh giá là “quá Tây” nhằm mục đích “Trung Hoa hóa”, nghĩa là nhằm đưa ra một Kitô giáo “theo đặc điểm của Trung Quốc”, và trên hết phải bị đặt dưới quyền lực của Đảng Cộng sản. Ở Hà Nam, chiến dịch này đã kéo dài trong nhiều năm. Thông thường, các thánh giá được thay thế bằng cờ Trung Quốc, khiến các nhà thờ trông giống một “văn phòng chính phủ” hơn là một nơi thờ phượng.

Kể từ khi cho ra mắt pháp lệnh mới về các hoạt động tôn giáo, Hà Nam đã trở thành một nơi thí nghiệm các hình thức đàn áp: một số nhà thờ đã bị đóng cửa, cấm dạy giáo lý cho trẻ em và thanh thiếu niên, các ngôi mộ của các tín hữu Kitô bị phá hủy.

Theo một số linh mục thuộc Giáo Hội thầm lặng, lý do rất đơn giản: ở Hà Nam các Kitô hữu chiếm khoảng 4% dân số, khiến địa phương này trở thành một trong những tỉnh có tỷ lệ Kitô hữu cao nhất. Một linh mục cho biết “Bằng cách tung ra các hình thức bạo lực như vậy, bọn cầm quyền chủ yếu muốn làm lung lạc những người đang có ý định trở thành người Công Giáo hơn là nhắm vào những người đã là người Công Giáo.” Chúng biết rõ là chúng khó lòng lung lạc những người đã có một đức tin sâu sắc.


Source:Asia News

Quý vị và anh chị em có thể đăng lại các bản tin của VietCatholic trên Web site của mình. Chúng tôi hoan nghênh điều đó và xin đa tạ. Tuy nhiên, ngoại trừ các giáo phận, các dòng tu, và các cơ quan trong Liên Hiệp Truyền Thông Công Giáo, quý vị và anh chị em không được dùng các bản tin để làm thành videos riêng của mình.
 
Linh mục dòng Đa Minh: Luật mới của California về ấn tín tòa giải tội chỉ nhằm bách hại các linh mục
Đặng Tự Do
23:45 30/04/2019
Nếu California áp dụng dự luật đang được đề nghị nhằm ép buộc các linh mục phải vi phạm ấn tín tòa giải tội, thì không chỉ có Giáo Hội Công Giáo mà tất cả mọi tôn giáo sẽ phải đau khổ, một linh mục dòng Đa Minh đã đưa ra nhận xét trên trong một bài viết gần đây trên tờ USA Today.

Hôm Chúa Nhật 28 tháng Tư, Cha Pius Pietrzyk, trợ lý giáo sư giáo luật tại Chủng viện St. Patrick ở Menlo Park, California, cảnh báo rằng nếu dự luật này được thông qua, không có tôn giáo nào được an toàn.

Nếu một nguyên tắc cốt lõi ăn sâu vào truyền thống và giáo lý Công Giáo có thể bị nhà nước xóa bỏ dễ dàng như thế, thì không còn quyền tín ngưỡng hay lương tâm cơ bản nào là an toàn.

Dự luật Thượng viện California 360, tìm cách buộc các linh mục phải vi phạm ấn tín tòa giải tội trong các trường hợp nghi ngờ lạm dụng hoặc bỏ bê trẻ em.

Hơn 40 ngành nghề, bao gồm cả giáo sĩ, đã bị chi phối bởi luật pháp tiểu bang yêu cầu họ phải thông báo cho chính quyền dân sự trong các trường hợp nghi ngờ lạm dụng hoặc bỏ bê trẻ em. Tuy nhiên, luật hiện hành miễn trừ đối với “các trao đổi sám hối” giữa một cá nhân và thừa tác viên của họ nếu yêu cầu bảo mật bắt nguồn từ tín lý của giáo hội liên hệ. Lời thú tội trong tòa giải tội là một trường hợp điển hình.

Thượng nghị sĩ Jerry Hill đã giới thiệu dự luật California 360 vào tháng Hai, nói rằng: “Luật pháp nên được áp dụng như nhau cho tất cả các nhà chuyên môn bị chi phối bởi luật bắt buộc phải báo cáo những tội ác này - không có ngoại lệ, chấm hết.” Ông ta cho rằng việc miễn trừ cho các giáo sĩ chỉ là nhằm bảo vệ những kẻ lạm dụng và khiến trẻ em có nguy cơ cao hơn.

Đáp lại, Cha Pius Pietrzyk khẳng định rằng dự luật này không có gì khác hơn là “một nỗ lực nhằm tống giam các linh mục vô tội”.

Mặc dù mục đích của đạo luật báo cáo bắt buộc là tốt, “không có bằng chứng nào cho thấy việc buộc các linh mục tiết lộ các trường hợp lạm dụng biết được trong tòa giải tội sẽ ngăn chặn được một trường hợp lạm dụng trẻ em nào”.

Thay vào đó, ngài nói, “Có tất cả mọi lý do để tin rằng việc loại bỏ miễn trừ này sẽ có nghĩa là thủ phạm đơn giản sẽ không đưa vụ việc đó ra tòa giải tội. ”

Dự luật sẽ buộc một linh mục nghe được tội lạm dụng tình dục trong tòa giải tội “phải chọn hoặc là đối diện với án tù hoặc là phản bội bí mật đó và vi phạm lương tâm sâu sắc nhất của ngài và luật pháp của Thiên Chúa và của Giáo Hội Công Giáo.”

Cha Pius Pietrzyk nhận xét rằng: “Tôi biết rõ là tất cả các linh mục thuộc mọi quang phổ thần học và ý thức hệ, không ai trong số họ từng xem xét việc vi phạm ấn tín tòa giải tội.”

“Giáo Hội Công Giáo cho rằng bí tích hòa giải là một bí tích quan trọng, cho phép các hối nhân nhận được ân sủng của Chúa Kitô và tha thứ tội lỗi cho họ,” vị linh mục giải thích.

“Mặc dù vị linh mục hoạt động như một công cụ, nhưng việc xưng tội về cơ bản là một cuộc gặp gỡ giữa hối nhân Kitô hữu với Thiên Chúa; người ấy thừa nhận tội lỗi của mình với Chúa và thông qua vị linh mục nhận được ơn xá giải của Chúa. Đó là một khoảnh khắc linh thánh trong đó một người tiết lộ phần sâu thẳm nhất trong lương tâm của mình trước Thiên Chúa.”

Giáo hội dạy rằng “ấn tín bí tích hòa giải” là bất khả xâm phạm và không thể thay đổi bởi các thẩm quyền con người, bởi vì nguồn gốc của bí tích này nằm trong mặc khải của Thiên Chúa,” Cha Pius Pietrzyk nói. Một linh mục cố ý vi phạm ấn tín này phạm vào một trọng tội và lập tức bị tuyệt thông.

Giáo Hội Công Giáo cho rằng thông tin mà linh mục nhận được trong tòa giải tội không thuộc về ngài. Nó chỉ thuộc về Chúa. Vì lý do đó, một linh mục dứt khoát bị cấm tiết lộ tội lỗi của một hối nhân, không có bất kỳ ngoại lệ nào.

Niềm tin này là nền tảng cho giáo lý Công Giáo, tồn tại trong nhiều thế kỷ trước khi Hoa Kỳ được thành lập, vị linh mục lưu ý. Và từ lâu điều này đã được các tòa án và chính quyền dân sự tán thành.

Cha Pius Pietrzyk nhắc nhớ rằng vào năm 1813, Tòa Đại Hình New York tuyên bố: “Buộc một thừa tác viên nói ra những gì nhận được trong tòa giải tội, là tuyên bố rằng sẽ không còn có sự thú tội nữa; và đặc tính quan trọng này đạo Công Giáo sẽ bị tiêu diệt.”

Năm 1980, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ thừa nhận: “Quan hệ giữa linh mục và hối nhân thừa nhận nhu cầu của con người phải tiết lộ cho một cố vấn tâm linh, là người mình hoàn toàn tin tưởng một cách tuyệt đối, những gì được cho là khiếm khuyết trong hành động hoặc suy nghĩ ngõ hầu có thể nhận được sự an ủi và hướng dẫn.”

Với bối cảnh tôn giáo và lịch sử của ấn tín bí tích hòa giải, tất cả người dân Hoa Kỳ cần phải cảnh giác trước dự luật của California.

“Buộc các cá nhân lựa chọn giữa phần bất khả xâm phạm nhất trong niềm tin tôn giáo và tù tội chính là điều mà Dự luật Nhân quyền [10 tu chính án đầu tiên của Hoa Kỳ được thông qua năm 1791- chú thích của người dịch] muốn tránh đi.”


Source:Catholic News Agency

Quý vị và anh chị em có thể đăng lại các bản tin của VietCatholic trên Web site của mình. Chúng tôi hoan nghênh điều đó và xin đa tạ. Tuy nhiên, ngoại trừ các giáo phận, các dòng tu, và các cơ quan trong Liên Hiệp Truyền Thông Công Giáo, quý vị và anh chị em không được dùng các bản tin để làm thành videos riêng của mình.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Chùm thơ 30 tháng 4
Sơn Ca Linh
07:29 30/04/2019
1. XIN LỖI EM ANH KHÔNG VỀ ĐÚNG HẸN

Anh đã hẹn em xuân nầy sẽ gặp,
Để trọn lời nguyền đính ước trăm năm.
Để bên nhau cùng ngắm ánh trăng rằm,
Và hái tặng em đóa hồng tươi ân ái !
Nhưng bước hành quân nối dài trở lại,
Hết Bình Giã, Đồng Xoài, tới Đỗ Xá, Pleime.
Xuân Mậu Thân hay “đỏ lửa mùa hè”,
Không phải dối em nhưng anh đành lỡ hẹn !
Có những bình minh anh nhờ cánh én,
Mang dùm anh lời nhắn gởi cho em.
Một bài thơ anh vừa viết trong đêm,
Dưới ánh hỏa châu vang rền đạn lửa !
Anh cứ tưởng hòa bình không xa nữa.
Đã qua rồi Char-li hay máu đổ Khe Sanh.
Nhưng đường hành quân cứ biền biệt trôi nhanh,
Mà chẳng thấy mùa xuân sang biển lặng !
Bước chân anh càng dày thêm cay đắng,
Mỗi ngày qua bạn bè chết trước mất sau.
Thượng Đức, Ban Mê, Quảng Trị…đổi màu,
Đường số 7 Phú Yên ngập tràn máu đổ !
Cuộc hẹn cùng em nhạt nhòa vụn vỡ,
Mảnh quê hương giờ rách nát thảm thương.
Cả lũ bọn anh xơ xác trên đường,
Thương tích đầy mình, con tim rách nát…
Chiều tháng 4, trong hơi tàn phờ phạc,
Anh nguyện đôi lời xin Trời chứng dùm anh.
Lỗi hẹn cùng em, dù chẳng muốn, thôi đành.
Xin lỗi em, đừng chờ, anh xin vĩnh biệt !

Sơn Ca Linh (Tháng 4/2017)

2. MỘT CHIẾC CẦU ĐÃ GÃY

Quê hương nào mà vắng những dòng sông,
Lịch sử nào
lại thiếu trang chuyện “chiếc cầu đã gãy” ?
Đã có một thời,
Anh với em giữa đôi bờ ngăn xa thuở ấy,
Cứ tưởng rồi biền biệt đến thiên thu !
Nước lũ sông kia lên quằn quạy đục ngầu,
Mang rác rưới hận thù che khuất nẻo !
Đã có một thời,
Ta điếc lác, mù loài, ta vật vờ xiêu vẹo…
Quờ quạng tìm nhau trong bóng tối mông mênh.
Bắn giết nhau cho mặc kiếp điêu linh,
Xác phơi ruộng đồng, thân chôn rừng thẳm…
Rồi ta trở về,
Thương tích đầy mình cùng hai chiếc nạng,
Ngẫm chuyện bồ câu mang cành lá ô-liu !
Ta đốt nén hương trên mộ bạn đìu hiu,
Và ngâm khúc bài đồng dao mẹ dạy…
Nhưng trong lòng ta,
Vẫn gờn gợn chuyện “chiếc cầu đã gãy”,
Nhịp bắc qua rồi mà đôi bờ vẫn mãi cách xa.
Anh và em ngại ngùng chẳng chịu bước qua,
Dẫu muốn lắm,
tay bắt mặt mừng chén rượu nồng tao ngộ !
Thì có chi đâu,
Kẻ ôm sỹ diện hảo một bụng đầy ý thức hệ,
Người loay hoay mang chút tự hào dang dở tự do.
Thêm ngoại nhân ác tâm lắm kế nhiều trò…
Nên phần “người” đành để phần “con” vượt mặt !
Lằn ranh đó bao năm rồi chia cắt,
Biết bao giờ ta mới đến cùng nhau.
Bờ Bắc bờ Nam nối lại nhịp cầu,
Thay chiếc cầu xưa, “một chiếc cầu đã gãy” !

Sơn Ca Linh (28/4/2018)

3. KỂ TỪ SAU ĐÊM ẤY ?

Ta đã thấy gì sau đêm ấy,
Đêm hòa bình mà “mắt mẹ chưa vui”[1]
Thấy em thơ nước mắt sụt sùi,
Vầng khăn trắng phủ lên đời côi cút !
Ta đã thấy tương lai là ngõ cụt,
Kiếp phận đời xin phó mặc rủi may.
Của cải gia tài, trắng cả đôi tay,
Còn duy nhất chút nợ tình dang dở.
Ta đã thấy người vợ hiền nức nở,
Ôm xác chồng lạnh ngắt vết thương đau !
Làm sao qua giờ đứt đoạn cây cầu ?
Và cuối xóm mái nhà xưa tan nát ?
Ta nghe thấy con chìa vôi đang hát,
Tháp giáo đường tắt lịm tiếng chuông ngân.
Con sông quê ta hụp tắm bao lần,
Giờ hoang vắng nên bãi bờ xa lạ !
Ta đã thấy gánh gồng ai tất tả,
Dắt díu đi mà chẳng biết về đâu !
Tay ẵm tay bồng mắt mẹ lo âu,
Nắng tháng tư, bụi đường mờ chân bước…!
Ta đã thấy giữa núi rừng mạn ngược,
Những thân tàn ma dại đám tàn quân.
Rách nát xanh xao còm cỏi tấm thân,
Trường cải tạo của một bầy súc vật.
Ta đã thấy bao công trường tất bật,
Nước mắt em hòa nhại nhễ mồ hôi.
Mái tóc, làn da, dáng đứng hoa khôi,
Tay liềm cuốc, bút nghiên đành xếp lại.
Ta đã thấy những đêm dài tê tái,
Những con thuyền trôi dạt giữa mênh mông.
Ai đó trên bờ dõi mắt ngóng trông,
Người đi mãi giữa trùng dương cổ mộ…
Sau đêm ấy, tiếng đàn ta đứt đổ,
Mối duyên đầu lịm tắt khúc tình ca.
Lê lết đường đời mờ mịt trôi xa…
Ta hoá dại khờ kể từ sau đêm ấy !

Sơn ca Linh (Tháng 4/2017)

4. CHUYỆN NHỮNG CON ĐƯỜNG

20 năm,
Con đường dài của hận thù, của máu,
Hận thù ý thức hệ, máu của anh em.
Đại bác, tàu bay, đạn…mượn của mỗi bên,
Anh em xáp lại quần nhau cho tới chết !
Từ đó,
Thân mẹ Việt Nam cong cong chữ S,
Đông tây, nam, bắc chằng chịt những con đường.
Nào phải gấm hoa, mà là “đại lộ kinh hoàng”,
Đường Mậu Thân oan nghiệt, đường mùa hè đỏ lửa.
Rồi tháng 4,
Mùa xuân vọng về những con đường cuối,
Miền Trung tháo chạy, thất thủ Tây nguyên…
Ra biển, vượt đèo, đường nào cũng ngập máu triền miên,
Anh em rượt nhau quyết thư hùng hiệp kết.
Con đường cuối
Bắc Nam xuôi ngược, đậm màu bi thiết,
Đạn dược bao nhiêu chơi ráo máng cạn tàu.
Nợ máu dâng đầy, làm sao nhìn mặt nhau,
Chắc tại mẹ, sinh con sinh nhầm thế kỷ !
Biết bao giờ,
Những “Đại lộ kinh hoàng”, những “Tỉnh lộ Bảy”…
Những con đường xưa loang lổ vết hận thù.
Gai gốc nhập nhằng ý thực hệ âm u,…
Phát quang, dọn sạch,
Để chỉ còn Việt Nam - con đường duy nhất !
Sơn Ca Linh
(Tháng 4.2019)
________________________________________
[1] Lời trong ca khúc “ĐÊM NAY HÒA BÌNH SAO MẮT MẸ CHƯA VUI” của có nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Tháng hoa kính Đức Mẹ Maria
Lm Đaminh Nguyễn Ngọc Long
07:58 30/04/2019
Nếp sống đạo đức trong Hội Thánh Công Giáo dành tháng Năm hằng năm mừng kính Đức Mẹ Maria.

Tập tục đạo đức

Tập tục đạo đức mang đậm mầu sắc rộn ràng tình cảm lòng yêu mến như có hiện nay đã bắt đầu thành hình từ cuối thế kỷ thứ 18. Năm 1784 Dòng Kamillino ở thành phố Ferrara bên Ý đã tổ chức lần đầu tiên giờ thánh kính Đức Mẹ Maria vào tháng Năm.

Khuôn mẫu hình thức mừng kính Đức Mẹ từ đó theo dòng thời gian từ mấy thế kỷ qua được duy trì phát triển trong nếp sống đạo đức Hội Thánh Công Giáo trên hoàn vũ.

Tập tục nếp sống đạo đức này ăn rễ sâu trong lòng người giáo hữu Chúa Kitô khắp nơi. Vì thế, hằng năm vào tháng Năm nơi các thánh đường Công Giáo bàn thờ kính Đức Mẹ Maria được sửa dọn trang hoàng với nhiều bông hoa tươi thắm, những hàng nến cháy sáng rực rỡ.

Nhiều nơi, như tập tục nếp sống đạo đức bên Việt Nam còn có những giờ thánh kính Đức Mẹ, chầu Thánh Thể và các em nhỏ dâng hoa kính Đức Mẹ nữa.

Tháng Năm

Tên gọi tháng Năm - Mai (Đức) , May (Anh), Mai (Pháp) - có nguồn gốc từ vị Thần cổ xưa ở bên Ý „Maius“. Vị Thần nầy được sùng bái là người bảo vệ gìn giữ sự sinh sôi nẩy nở. Cũng theo thần thoại Hy Lạp „Maia“ là một người mẹ nhỏ. „Maia“ là vị Thần đất, là người mẹ của mọi sự sinh sản phát triển.

Tháng Năm , theo niên lịch cùng tứ thời bát tiết, là tháng cao điểm của mùa Xuân trong trời đất. Ánh nắng mặt trời chiếu tỏa trong khòng gian vũ trụ còn dịu mát chưa nóng gay gắt.

Tháng Năm theo quan niệm chung là tháng của thảo mộc cây cối. Vì trong tháng này mọi loài thảo mộc cây cối mọc phát triển cành lá tươi xanh, nụ hoa bung nở vươn mình ra ngoài từ trong thân cây. Tháng Năm vì thế theo tuần hoàn của thời tiết là tháng chào mừng thiên nhiên.

Theo thời tiết bốn mùa tuần hoàn xoay chuyển bên xứ Âu Châu cùng vùng bắc Mỹ châu, bắt đầu từ cuối tháng Ba sang tháng Tư hằng năm cây cối đã bắt đầu thức dậy sau mùa Đông lạnh gía, cây cối nụ lộc lá xanh nhỏ như y phục ra bên ngoài. Sang tháng Năm bộ y phục quần áo của chúng phát triển xanh tươi phủ kín khắp cành nhánh cùng tỏa bóng râm rợp mát mặt đất. Vào tháng này chim chóc đến đó làm tổ, sinh con bay chuyền lượn kêu hót inh ỏi vang trời, ong bướm bay lượn hút mật.

Các cánh hoa đã bung nở vươn mình ra ngoài thiên nhiên khoe hương sắc tươi thắm hấp dẫn. Các loài cỏ chui mọc lên từ dưới mặt đất ở khắp các đường đi, nơi các bãi cỏ. Bức tranh thiên nhiên mầu xanh tràn đầy sức sống là một phép lạ của thiên nhiên. Nó hướng tâm trí chúng ta tới Đấng Tạo Hóa đã lập làm nên bức tranh phép lạ thiên nhiên này.

Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa đã tạo dựng nên mọi sự ban cho có sức sống. Con người chúng ta ngắm nhìn chiêm ngưỡng và cúi đầu xin dâng lời cảm tạ Ngài.

Nhớ về khu vườn địa đàng

Khu vườn đầu tiên Thiên Chúa tạo dựng cho con người được hưởng dùng là vườn địa đàng. Nhưng con người đã đánh mất nó. Vì Ông Bà nguyên tổ Adong Evà đã phạm tội không vâng lời Thiên Chúa cấm đoán. Và do đó, Ông Bà bị đuổi ra khỏi khu vườn địa đàng này. Hậu qủa là sự đau khổ, tội lỗi và sự chết xâm nhập vào đời sống con người.

Tháng Năm khi khu vườn phép lạ thiên nhiên phát triển bung nở rộ vẻ đẹp thần thánh làm con người chúng ta tưởng nhớ tới khu vườn địa đàng đầu tiên ngày xưa Thiên Chúa đã tạo lập cho Ông Bà nguyên tổ chúng ta, mà giờ đây đã bị mất. Dẫu vậy Thiên Chúa đã vì tình yêu thương mở ra một con đường cho con người. Con đường này không dẫn đưa trở lại khu vườn địa đàng, nhưng hướng đưa lên trời cao. Bắt đầu con đường này có Đức Mẹ Maria đứng đó rồi. Đức Mẹ Maria đã được Thiên Chúa tuyển chọn làm mẹ sinh hạ cùng nuôi dưỡng Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa.

Mẹ Maria đã nói lời xin vâng theo thánh ý Thiên Chúa muốn cho mình. Và trong suốt dọc đời sống, Đức Mẹ đã phải sống trải qua những thử thách, những hy sinh đau khổ. Mẹ Maria đã cùng đồng hành với Chúa Giêsu con mình đến giờ phút cuối cùng lúc Chúa Giêsu bị đóng đinh chết trên thập gía. Và sau khi qua đời Đức Mẹ Maria đã được Thiên Chúa đưa về trời cả hồn lẫn thân xác.

Hội Thánh Công Giáo ca tụng Đức Mẹ Maria không chỉ là người tôi tớ Chúa, nhưng cũng là nữ vương trời đất, là người được ân đức cao trọng trong mọi loài thụ tạo của công trình sáng tạo thiên nhiên.

Đức Mẹ Maria và tháng Năm

Trong kinh cầu Đức bà, Đức Mẹ Maria được ca ngợi tôn vinh là Nữ vương các Thiên Thần, nữ vương các Thánh Tổ Tông, Nữ vương các Thánh Tiên Tri, nữ vương các Thánh Tông đồ, nữ vương các Thánh Tử vì đạo, nữ vương các Thánh Hiển tu, nữ vương các Thánh đồng trinh...

Ngoài ra người giáo hữu Chúa Kito còn xưng tụng Đức Mẹ Maria là „ nữ vương tháng năm“. Vì tháng Năm, tháng hoa nở rộ là tháng đẹp nhất trong năm. Và qua đấy muốn liên kết nối liền mối tương quan sự đẹp tươi thắm cây cối bông hoa là sự sống thiên nhiên với cuộc đời Đức Mẹ Maria, là mẹ đã hạ sinh Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa cho trần gian.

„Theo nếp sống Phụng vụ của Hội Thánh, tháng Năm còn trong mùa phục sinh mừng kỷ niệm mầu nhiệm Chúa Giêsu sống lại, và cũng là thời gian chờ đợi mừng lễ đức Chúa Thánh Thần hiện xuống. Hai khía cạnh này ăn với khớp truyền thống của Hội Thánh dành tháng Năm mừng kính Đức Mẹ Maria.

Đức Mẹ Maria là bông hoa tươi đẹp nhất trong khu vườn sáng tạo thiên nhiên. Đức Mẹ là bông hoa „ Rosa - hoa hồng“ bung nở rộ trong thời gian, khi Đức Mẹ hạ sinh Chúa Giêsu, như món qùa tặng mùa xuân mới cho trần gian. Và đồng thời Đức Mẹ Maria là người có trái tim tâm hồn chan chứa lòng khiêm nhường đã đón nhận Chúa Giêsu vào trong cung lòng mình, và là người mở lòng mình ra sẵn sàng đón nhận ân đức Chúa Thánh Thần ban xuống cho mình.“ ( Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI., Kinh truyền tin ngày 9.5.2010.)

„ Hoa muôn sắc con dâng trước tòa, mầu tươi thắm hương ngát tốt xinh.

Hoa muôn sắc con dâng trước tòa, còn thua kém nhan Mẹ Chúa thiên đình.“

Tháng hoa kính Đức Mẹ Maria

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long

 
Giải đáp phụng vụ: Khi khẩn cấp. có thể dùng bình thánh thay chén thánh được không?
Nguyễn Trọng Đa
21:47 30/04/2019
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Trong trường hợp khẩn cấp, một bình thánh (ciborium) có thể được sử dụng như một chén thánh (chalice) không? Con hiểu rằng chén thánh được dùng đựng Mau Thánh và bình thánh đựng Mình Thánh, nhưng do thiết kế tương tự của chúng (ngoại trừ bình thánh có nắp), chúng có thể được dúng lẫn lộn không, trong trường hợp chén thánh hoặc bình thánh bị vỡ hoặc hư hỏng, ảnh hưởng đến việc sử dụng nó? - M. P., Emporia, Kansas, Hoa Kỳ.


Đáp: Đây là loại câu hỏi mà trong đó cảm thức chung (lương tri) làm việc thay cho quy định phụng vụ - về cơ bản bởi vì luật phụng vụ không cố gắng tiên liệu mọi tình huống.

Rõ ràng là chúng ta không đứng trước một trường hợp khẩn cấp nghiêm trọng, chẳng hạn Thánh lễ bí mật cho các người Công Giáo bị bắt bớ trong một trại tù, mà trong đó tất cả các quy định phụng vụ không thể được áp dụng. Ở đây chúng ta ở trong tình trạng khẩn cấp vào phút cuối khi ai đó làm hỏng chén thánh trước Thánh lễ, và nó không thể được thay thế trong một thời gian hợp lý.

Trong các trường hợp như vậy, tôi sẽ nói rằng được phép sử dụng một bình thánh giống như chén thánh, thay cho chén thánh thật sự. Cả hai chén có lẽ đã được làm phép để chứa hai hình, và do đó, bình thánh có thể được sử dụng một cách hợp pháp để chứa Máu Thánh.

Quả thực thậm chí có thể nhầm lẫn chúng. Cách đây không lâu, tôi đã cử hành thánh lễ tại một quốc gia Nam Mỹ. Trong khi tráng chén, tôi nhận thấy một sự tăng hoặc giảm nhỏ ở đáy chén khiến tôi nghi ngờ. Độ cong bên trong của một chén thánh thường trơn tru trong khi bình thánh thường có một sự tăng hoặc giảm nhỏ ở phía đáy, rõ ràng giúp dễ dàng cho rước lễ bằng cách cản trở bánh thánh nằm hoàn toàn bằng phẳng. Dù nguyên nhân là gì, tôi đã đề cập đến sự nghi ngờ của mình với vị linh mục phụ trách, và một sự thay đổi nhanh cái nắp trên bình thánh trong nhà tạm đã nhanh chóng tiết lộ rằng trực giác của tôi là chính xác và ai đó đã vô tình chuyển đổi hai bình.

Bởi vì cảm thức chung là quy tắc chung, nên có nghĩa là không có nguyên tắc chung làm việc ở đây. Rõ ràng rằng một bình thánh thấp, hoặc một bình mà khó uống nếu không làm đổ rượu, không nên được sử dụng ngay cả trong trường hợp khẩn cấp.

Các luật làm ra chén thánh là tương đối nghiêm ngặt, mặc dù nhiều hình thức khác nhau đã được cho phép. Thí dụ, luật quy định rằng đáy của chén thánh là rộng hơn và nặng hơn bình thánh, và núm trung tâm của thân chén có thể cầm dễ dàng, do đó không được trang trí quá công phu.

Cần tránh chiều cao chén thánh quá mức, để không cản trở việc làm dấu thánh giá trên chén thánh, và đường bờ của chén được chạm vào môi linh mục phải là trơn tru. Hầu hết các quy định này đều được nói đến trong chữ đỏ của hình thức ngoại thường, mà trong đó linh mục làm nhiều dấu thánh giá trên chén thánh, và trên hết là bắt buộc phải giữ ngón tay cái và ngón trỏ sát nhau, từ lúc truyền phép cho đến khi tráng chén, kể cả khi cầm chén thánh .

Sự việc cử chỉ này không còn tồn tại ở hình thức thông thường, cũng như việc cử hành thánh lễ đồng tế, đã dẫn đến nhiều đổi mới trong thiết kế chén thánh, với chén lớn hơn, đế nhỏ hơn và đôi khi không có cuống thân chén, để cho linh mục có thể dễ dàng cầm chén với cả hai tay.

Sự việc thường cho rước lễ với bánh thánh được truyền phép trong cùng Thánh lễ, thay vì bánh thánh lấy từ nhà tạm, đã dẫn đến việc sử dụng rộng rãi các nhà tạm nhỏ hơn, và điều này cũng dẫn đến việc giảm kích thước của bình thánh, mà trong nhiều trường hợp không còn giống chén thánh chút nào nữa.

Trên đây là các thí dụ về làm thế nào mà một số khía cạnh của phụng vụ, trong trường hợp này, sự thiết kế chén thánh và bình thánh, không còn là cố định vĩnh viễn, nhưng trong thực tế thích nghi để phù hợp với sự thực hành và luật phụng vụ hiện hành.

Chúng cũng vi phạm luật, nhưng rất hiếm khi. Thí dụ, trong một số cửa hàng ở Rôma, người ta vẫn thấy bán các chén thánh bằng gốm dễ vỡ, hoặc chén thánh với vòi rót, mặc dầu việc rót hai hình là bị cấm minh nhiên trong luật phụng vụ. (Zenit.org 30-4-2019)

Nguyễn Trọng Đa

https://zenit.org/articles/using-a-ciborium-as-a-chalice/
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Phút Tĩnh Lặng
Thérésa Nguyễn
22:07 30/04/2019
PHÚT TĨNH LẶNG
Ảnh của Thérésa Nguyễn

Lặng yên và thư thái
Nhìn mây bay cuối trời
Buông cái tôi nằng nặng
Thấy mình là.. muôn nơi...
(Trích thơ của Thích Tánh Tuệ)
 
VietCatholic TV
Nỗi buồn của anh chị em giáo dân Công Giáo Trung Quốc: Thánh giá tiếp tục bị triệt hạ
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
20:34 30/04/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Bốn năm trước đây, bọn cầm quyền tỉnh Hà Nam Trung Quốc đã tiến hành một chiến dịch triệt hạ các thánh giá khỏi nóc các ngôi nhà thờ trong tỉnh này. Sau một thời gian tạm dừng vì các áp lực quốc tế, chiến dịch này đã được tái tục.

Thông tấn xã AsiaNews báo động rằng hôm thứ Hai 29 tháng Tư, nhà cầm quyền địa phương thành phố Vệ Huy (卫辉, Weihui), trong giáo phận An Dương (安阳, Anyang), thuộc tỉnh Hà Nam, trước đây gọi là Hồ Nam, đã phá hủy những cây thánh giá bằng sắt khổng lồ nổi bật trên hai tháp chuông.

Hai videos về chiến dịch này, đã được gửi tới AsiaNews, cho thấy các công nhân trên những cần cẩu cao đang gỡ bỏ các cây thánh giá. Hàng chục cảnh sát đang ở trong sân để ngăn chặn những lời chỉ trích và các kháng cự của anh chị em giáo dân. Nhiều tín hữu, bất lực trước sự lạm dụng quyền lực của bọn cầm quyền, quỳ gối trên các bậc thang của nhà thờ trong lời cầu nguyện và ca hát. Các tín hữu vẫn cầu nguyện suốt cả ngày.

Thoạt đầu, bọn cầm quyền tỉnh Hà Nam cho rằng phải cần phá hủy các thánh giá vì có quá nhiều thánh giá nổi bật trên nền trời. Nhưng sau đó, chúng tiến thêm một bước nữa là xông vào bên trong các nhà thờ loại bỏ các đồ trang trí, tranh vẽ và ảnh tượng được đánh giá là “quá Tây” nhằm mục đích “Trung Hoa hóa”, nghĩa là nhằm đưa ra một Kitô giáo “theo đặc điểm của Trung Quốc”, và trên hết phải bị đặt dưới quyền lực của Đảng Cộng sản. Ở Hà Nam, chiến dịch này đã kéo dài trong nhiều năm. Thông thường, các thánh giá được thay thế bằng cờ Trung Quốc, khiến các nhà thờ trông giống một “văn phòng chính phủ” hơn là một nơi thờ phượng.

Kể từ khi cho ra mắt pháp lệnh mới về các hoạt động tôn giáo, Hà Nam đã trở thành một nơi thí nghiệm các hình thức đàn áp: một số nhà thờ đã bị đóng cửa, cấm dạy giáo lý cho trẻ em và thanh thiếu niên, các ngôi mộ của các tín hữu Kitô bị phá hủy.

Theo một số linh mục thuộc Giáo Hội thầm lặng, lý do rất đơn giản: ở Hà Nam các Kitô hữu chiếm khoảng 4% dân số, khiến địa phương này trở thành một trong những tỉnh có tỷ lệ Kitô hữu cao nhất. Một linh mục cho biết “Bằng cách tung ra các hình thức bạo lực như vậy, bọn cầm quyền chủ yếu muốn làm lung lạc những người đang có ý định trở thành người Công Giáo hơn là nhắm vào những người đã là người Công Giáo.” Chúng biết rõ là chúng khó lòng lung lạc những người đã có một đức tin sâu sắc.


Source:Asia News

Quý vị và anh chị em có thể đăng lại các bản tin của VietCatholic trên Web site của mình. Chúng tôi hoan nghênh điều đó và xin đa tạ. Tuy nhiên, ngoại trừ các giáo phận, các dòng tu, và các cơ quan trong Liên Hiệp Truyền Thông Công Giáo, quý vị và anh chị em không được dùng các bản tin để làm thành videos riêng của mình.