Ngày 30-04-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Lễ thánh Giuse thợ
Lm Giacôbê Tạ Chúc
03:37 30/04/2009
Lễ Thánh Giuse thợ được Đức cố Giáo Hòang Piô XII thiết lập năm 1955 và được mừng vào ngày 1 tháng 5. Đây cũng là ngày Quốc tế lao động trên tòan thế giới. Ngày trân trọng các giá trị nhân bản và siêu nhiên của công việc.

Trong sách Sáng thế, Thiên Chúa được mô tả như một nghệ nhân miệt mài với công việc tạo thành vũ trụ và con người. Từ ngày thứ nhất cho tới ngày thứ sáu, Thiên Chúa làm việc liên lỉ, và Ngài đã hòan thành mọi sự một cách tốt đẹp. Trong công trình sáng tạo, con người là trọng tâm của tạo thành. Thiên Chúa cho con người làm quản lý các công trình Ngài đã dựng nên. Thiên Chúa muốn con người làm chủ và hòan thành kế họach tình thương của Ngài:” Ta hãy làm ra người theo hình ảnh Ta, như họa ảnh của Ta. Chúng hãy trị trên cá biển và chim trời, và trên súc vật và mọi lòai mãnh thú và mọi thứ côn trùng nhung nhúc trên đất”( St 1, 26). Như vậy, lao động bắt nguồn từ lệnh truyền của Thiên Chúa, con người phải mồ hôi đẫm mặt, mới có bánh ăn( St 3, 19). Thánh Giuse, người thợ mộc làng quê Nazareth đã sống cuộc đời bình dị bằng mồ hôi và công sức của mình, điều đó giúp chúng ta hiểu được giá trị và sự cao cả của lao động. Từ Hy Lạp Tectôn được dịch là “thợ mộc”, gán cho Giuse(Mt 13,55). Với truyền thống của gia đình, chắc hẳn Đức Giêsu cũng được hướng dẫn để làm nghề này, một nghề”cha truyền con nối”.Sách Talmud đã chép:”Kẻ nào không dạy nghề tay chân cho con mình, kẻ đó như thể cướp mất sự nghiệp sinh tồn của con cái”. Tin mừng Marcô ghi rằng:” Đức Giêsu không phải là bác thợ, con bà Maria sao?”( Mc 6,3). Kinh thánh không nói nhiều về Thánh Giuse, thế nhưng với nghề thợ mộc, Thánh nhân đã hòan thiện gia đình Thánh gia, một mẫu gương tuyệt vời cho các gia đình. Con người từ cổ chí kim, luôn coi trọng lao động, bất cứ ở dưới hình thức nào: Lao động chân tay, hay lao động trí óc, giá trị của chúng đều như nhau. Đức Giêsu dạy cho con người chăm chỉ làm việc, Ngài bắt chước Cha:” Cha Ta làm việc liên lỉ Ta cũng vậy”(Gạ,17).Trong các dụ ngôn về nước Trời, Đức Giêsu luôn nói về lao động: dụ ngôn người Mục tử( Ga,1-16); người nông dân (Mc 12, 1-12) người gieo giống( Mc 4, 1-9)… Thánh Phaolô làm nghề may lều, và Ngài tự hào về nghề này, vừa có thể làm tông đồ, vừa có thể phục vụ cho vấn đề mưu sinh:” Ngày đêm chúng tôi làm việc vất vả lam lũ, để không phải phiền tóai đến ai trong anh em”(2Tx 3,8). Thánh Phaolô còn nhấn mạnh rằng:” Hễ ai không muốn làm việc thì đừng có ăn”(2Tx 3,10).

Công đồng Vaticanô II dạy rằng:” Đối với các tín hữu, chắc chắn sinh họat cá nhân cũng như tập thể của nhân lọai, hoặc nổ lực vĩ đại của con người vất vả qua các thế kỷ nhằm cải thiện hòan cảnh sinh sống, tự nó vốn phù hợp với ý định của Thiên Chúa. Thật vậy con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, nên đã nhận mệnh lệnh chinh phục trái đất cùng tất cả những gì chứa đựng trong đó, cai quản vũ trụ trong công bình và thánh thiện, và khi nhận Thiên Chúa là Đấng tạo dựng muôn lòai, họ quy hướng chính bản thân mình cũng như vũ trụ về Ngài. Như thế khi con người chinh phục tất cả thì danh Chúa được tôn vinh khắp địa câu” ( GS, 34).
 
Thánh Giuse, Cha Chúa Giêsu
Lm Joseph M. Phạm Châu Diên
03:53 30/04/2009
Tiểu luận về phụ tính của Thánh Giuse

Nội Dung

TỰ NGÔN: PHỤ TÍNH THÁNH GIUSE LÀ VẤN ĐỀ QUAN TRỌNG
CHƯƠNG I: KHÁI NIỆM VỀ PHỤ TÍNH NƠI LOÀI NGƯỜI
CHƯƠNG II: HIỆN HỮU PHỤ TÍNH CỦA THÁNH GIUSE
CHƯƠNG III: BẢN CHẤT PHỤ TÍNH CỦA THÁNH GIUSE


TỰ NGÔN
PHỤ TÍNH THÁNH GIUSE LÀ VẤN ĐỀ QUAN TRỌNG


1. Phụ tính Thánh Giuse là vấn đề mấu chốt

Trong một tập chuyên luận về Thánh Giuse, vấn đề đáng lưu tâm đặc biết là phụ tính của Ngài. Đó là luận đề mấu chốt, chân lý làm nền, sợi chỉ vàng quán xuyến học thuyết về Thánh Cả. Tất cả đều quy hướng về đó như về một trung tâm. Tất cả đề phát ra từ đó như từ một đỉnh chóp.

Giống như chức làm Mẹ Thiên Chúa trong Maria học thuyết, chức làm Cha Chúa Giêsu khiến cho Giuse học thuyết trở nên quy nhất và linh hoạt. Trong kế hoạch Thiên Chúa, cuộc hôn nhân Giuse-Maria nhằm mục đích dọn đường cho Đấng Cứu Thế sinh ra cách êm thấm đàng hoàng.

Cũng như Đức Mẹ, Thánh Giuse chỉ là một nhân vật tương đối, nghĩa là Ngài hiện hữu sinh tồn vì Đấng tuyệt đối, là Chúa Giêsu. Thiên Chúa đã bố trí cho ông bà một sứ mạng cao cả bên cạnh Chúa Cứu Thế. Chính mối liên hệ ấy, tuy theo mức độ thân mật khác nhau, đã là nguồn gốc sinh ra các đặc ân cho hai Đấng.

2. Phụ tính Thánh Giuse chưa được đề cao

Theo sau tiến sĩ Suarez, nhiều thần học sĩ chủ trương rằng: các Thánh khác phục vụ Giáo hội, là Huyền thể Đức Kitô, còn Thánh Giuse, cũng như Đức Mẹ, thì phục vụ chính bản thân Con Thiên Chúa. Bởi Thiên chức cao sang ấy, Thánh Giuse có một phẩm cách vượt xa các Thánh nhân. Các Thánh chỉ là tôi tớ, còn Thánh Giuse là Cha Chúa Giêsu.

Mặc dầu quan trọng dường ấy, trải bao thế kỷ, phụ tính của Thánh Giuse vẫn chưa được đúng mức đề cao. Trong các văn kiện phụng vụ cũng như Giáo huấn, Giáo hội cứ một mực xưng Thánh Giuse là cha nuôi, cha như thức, cha Chúa Giêsu trước mặt người ta, mà không xưng Ngài là cha Chúa Giêsu cách đơn thuần như Phúc âm ghi chép. Có lẽ vì sợ giáo hữu hiểu nhầm, vì e đối phương công kích về mầu nhiệm Nhập thể và sự đồng trinh vĩnh viễn của Mẹ Maria.[1]

Có học giả cho rằng danh xưng Cha Chúa Giêsu dùng trong Phúc âm chỉ là kiểu nói bóng, là lối thậm xưng, dường như họ không thấy, theo Phúc âm, Thánh Giuse luôn luôn yêu mến và hành động như một người cha tận tụy đối với Chúa Hài đồng.

3. Phụ tính Thánh Giuse bắt đầu được đào sâu khơi rộng

May thay, năm 1870, Đức Piô IX dựa vào chức vụ Thánh Giuse làm Cha Chúa Giêsu trước mặt người ta, mà tôn Ngài làm Đấng Bảo trợ Giáo hội toàn cầu. Từ đó tới nay, vấn đề phụ tính Thánh Giuse được đào sâu khơi rộng.

Năm 1952, Linh mục F.Filias cho xuất bản một công trình thấu đáo về phụ tính Thánh Giuse, nhan đề JOSEPH and JESUS, gồm 30 bài diễn văn đọc tại học hội Salamanca Yphanho, mà các học giả thời nay cho là kiệt tác.

Tuy nhiên cũng phải nhận rằng Phụ tính Thánh Giuse là một vấn đề tế nhị, còn nhiều điểm chưa rõ, nhiều sự hiểu lầm, nên phải rất thận trọng trước những luận điều quá đáng, những từ ngữ viển vông, để khỏi gây bỡ ngỡ trong hàng giáo hữu, mà vẫn nói lên được sứ mạng cao cả của Ngài bên cạnh Chúa Hài đồng.. [2]

Thiên tiểu luận này có 3 chương:

Chương I – Khái niệm về Phụ tính
Chương II – Hiện hữu Phụ tính của Thánh Giuse.
Chương III – Bản chất Phụ tính của Ngài.

CHƯƠNG I
KHÁI NIỆM VỀ PHỤ TÍNH NƠI LOÀI NGƯỜI

(Theo Thánh Thomas). [3]

4. Cha là người sinh ra con bằng đường lối truyền sinh

Trước khi bàn về phụ tính của Thánh Giuse, tưởng cần có một khái niệm rõ ràng về phụ tính nơi loài người nói chung, hầu hiểu đúng đắn về chức vụ Thánh Giuse bên cạnh Chúa Hài Đồng, không thái quá cũng không bất cập.

Thực ra, Cha Mẹ là hai danh từ đầu tiên đứa trẻ học biết và sử dụng, quen thuộc đến nỗi không cần phải định nghĩa. Ngay từ tấm bé, ta đã nhận ra đó là hai người sinh đẻ, thương yêu, nuôi nấng, dạy dỗ ta.. [4]

Thiên Chúa ngôi nhất sinh ra Ngôi Lời bằng đường truyền sinh vĩnh cửu, nên danh xưng của Ngôi Nhất là Cha, “do tự Ngài mà mọi phụ hệ trên trời dưới đất được có tên”. (Ep 3,15).. [5]

Nơi nhân loại, cha là người sinh ra con theo đường lối truyền sinh thể lý, bằng hành vi sinh thực (Acte générateur).

5. Cơ sở thể lý và tinh thần của phụ tính

Hành vi sinh thực nơi loài người khác loài vật ở chỗ, loài vật chỉ hành động theo bản năng, còn loài người hành động theo tư cách nhân linh, nghĩa là có kèm theo trí thức và ý chí, ít là cách mặc nhiên, về sự sinh con và giáo dục con cái sau này, chẳng những trên bình diện tự nhiên mà đối với tín hữu, còn trên bình diện siêu nhiên nữa.

Hành vi sinh thực có mục đích bảo tồn nòi giống. Đó là bản năng tự tồn kéo dài với giống nòi trong xã hội và Giáo hội.
Tóm lại, phụ tính gồm hai cơ sở:

1- Cơ sở thể lý: tức hành vi sinh thực.
2- Cơ sở tinh thần: tức sự biết và muốn sinh con, cùng nuôi dạy con nên người, ít nữa là biết và muốn cách mặc nhiên.

Đành rằng cơ sở thể lý có tính cách quyết định hơn cở sở tinh thần, nhưng phải có cả hai một trật thì người cha mới thực là cha trọn nghĩa. Tobia đã làm gương một người cha hoàn hảo, khi ông cầu nguyện cùng Chúa: “Giờ đây, lạy Chúa, Chúa biết rằng không phải vì lý do sắc dục mà con cưới lấy cô em đây làm vợ, song chỉ vì mến yêu dòng dõi những người biết ca tụng danh Chúa đến muôn đời”. (Tb 8,9)

6. Nghĩa vụ cha mẹ đối với con

Phụ hệ làm phát sinh cho người cha một chuỗi quyền lợi và nghĩa vụ đối với con. Theo luật tự nhiên, sinh con chưa đủ, còn phải lo cho nó phát triển tới mức thành toàn. Đã rõ, đứa trẻ không thể tự mình đạt tới mức ấy, để rồi chu toàn nghĩa vụ trong xã hội và Giáo hội được. Phần thể xác, trải bao năm tháng, nó cần được săn sóc, dưỡng nuôi và che chở cho khỏi mọi thứ hiểm nguy. Phần tinh thần, nó cần được giáo dục trí đức về cả hai mặt đạo đời.

Trách nhiệm ấy thuộc về ai, nếu không phải về những người đã sinh ra nó? Đây không phải là việc từ thiện, muốn làm hay không cũng được; nhưng là bổn phận buộc nhặt phải làm theo luật tự nhiên. Vì nghĩa vụ nặng nề ấy, luật tự nhiên buộc cha mẹ phải sống trong bậc hôn nhân, để giúp đỡ nhau và cùng nhau dưỡng dục con cái nên người. Nên những kẻ sinh con ngoại hôn, hoặc đa thê, đa phu làm sao chu toàn nghĩa vụ ấy được?
Và phải có sự hợp tác của cả cha lẫn mẹ thì việc giáo dục con cái mới quân bình: tâm và tình phải nhờ ở mẹ, lý và chí là cậy ở cha.

7. Công ơn cha mẹ: sinh – dưỡng – dục.

Công ơn cha mẹ quy về ba mục: Sinh - Dưỡng - Dục.. [6]
Sinh có lẽ là ít công phu hơn cả.
Dưỡng đòi nhiều thời gian, công sức hơn, như lời rằng: Công sinh không tày công dưỡng.
Dục càng nhiều lao tâm khổ tứ hơn nữa. Nó định giá trị cho việc sinh con:
Sinh con chẳng dạy chẳng răn
Thà rằng nuôi lợn cho ăn lấy lòng.

Để làm tròn phận sự, người cha được tạo hoá ban cho phụ quyền. Gọi là quyền, chứ thực ra đó là nghĩa vụ. Cha nuôi dạy con vì lợi ích của con, khác với chủ nuôi đầy tớ vì lợi ích của chủ.

Tình yêu là động cơ mạnh mẽ luôn luôn thúc đẩy người cha hành động. Vì yêu mà sinh con, vì yêu mà nuôi con. Cũng vì yêu mà dạy con. Con cái là như phần mình của cha mẹ (aliquid parentum), là đời sống cha mẹ nối dài, nên yêu con cũng là yêu mình vậy.. [7]

Con cái là sản phẩm của cha mẹ, hỏi có nghệ sĩ nào không ưa thích tác phẩm của mình?. [8]Mối tình cha mẹ thương con sâu sắc, tự nhiên đến nỗi, trong Thập Giới, Thiên Chúa không cần đến truyền cha mẹ phải yêu con, cũng như không cần truyền người ta phải yêu bản thân vậy.

8. Tình thương con được biểu lộ thế nào?

Cũng như tình mẹ, tình cha thương con được phát lộ qua 3 đức tố: Hảo ý, Thiện lành, Đồng tâm.. [9]

1) Hảo ý là cảm tình bề trong làm khởi động ý muốn sinh con, và lo liệu mọi sự cho con.
2) Thiện lành là hành động bên ngoài để thực hiện hảo ý nói trên, tức là dưỡng nuôi săn sóc, dạy dỗ con cái nên người. Cha mẹ tốt không coi con như của tội, của nợ, nhưng là nguồn phúc, nguồn vui, có sức gây nên những hành động quảng đại, có khi anh hùng nữa. “Vì tình yêu không thể bất động, nhưng làm nên những việc lạ lùng” (Thánh Grêgôriô).

3) Đồng tâm: Cha xử với con như với chính mình (Amatus in amante), coi lợi ích của con cũng như của mình vậy (Amans in amato). Cái vui của con cũng là cái vui của bố. Cái buồn của bố cũng là cái buồn của con. Hai cha con đều quy về một hướng là hạnh phúc của con. Hơn nữa, đối với tín hữu, người cha là hình ảnh sống động, là đại diện hữu hình của Thiên Chúa: cha yêu con vì Chúa, cha hướng con về hạnh phúc trường sinh, mà cha con sẽ cùng nhau tận hưởng muôn đời.

9. Điểm đối chiếu hữu ích để hiểu phụ tính Thánh Giuse.

Những ý niệm trên đây, lẽ tất nhiên không áp dụng cho Thánh Giuse theo nghĩa đen từng tiếng. Sở dĩ chúng tôi trình bày chi tiết như thế, là để đả phá cái xu hướng cho rằng phụ tính chỉ do hành vi sinh thực tạo nên, mà bỏ qua phần phong phú nhất, cao khiết nhất của phụ tính đích danh. Có thể đây cũng là một điểm đối chiếu, giúp ta hiểu rõ hơn về vai trò Thánh Cả bên cạnh Chúa Hài đồng.

10. Bản tóm lược về phụ tính nơi loài người.
Là một quan hệ, phụ tính gồm 3 yếu tố: Chủ thể, Khách thể và Cơ sở liên hệ.
I. Chủ thể: người cha.
II. Khách thể: người con.
III. Cơ sở:

* Chuyển thành:
a) Yếu tố thể lý: hành vi sinh thực của người cha.
b) Yếu tố tinh thần: Sự biết và muốn (ít là cách mặc nhiên) về mục đích việc truyền sinh.

* Dĩ thành:
a) Yếu tố thể lý và hệ quả: sự biến đổi tồn tại nơi người cha, tạo nên bởi hành vi truyền sinh, kèm theo tình phụ tử tự phát và nghĩa vụ nuôi dạy con.
b) Yếu tố tinh thần và hệ quả: sự quyết tâm của người cha, tạo nên do hành vi thương mến đầu tiên, kèm theo sự hảo ý, thiện hành và đồng tâm đối với con.
Giai đoạn chuyển thành: In fieri
Giai đoạn dĩ thành: In facto esse

CHƯƠNG II
HIỆN HỮU PHỤ TÍNH CỦA THÁNH GIUSE


Thánh Giuse làm Cha Chúa Giêsu là điều hiện hữu, là điều có thực. Phúc âm tặng Ngài danh hiệu Cha Chúa Giêsu, đồng thời thuật lại cách thức Ngài thi hành chức vụ ấy.
Chương này gồm 2 điều:

1. Thánh Giuse với danh hiệu Cha Chúa Giêsu.
2. Thánh Giuse thi hành chức vụ Cha Chúa Giêsu.

ĐIỀU MỘT
THÁNH GIUSE VỚI DANH HIỆU CHA CHÚA GIÊSU


11. Đức Mẹ và Thánh Luca gọi Giuse là Cha Chúa Giêsu.

Đọc Phúc âm Luca, ta gặp nhiều câu gọi Thánh Giuse là Cha Chúa Giêsu. Sau bài ca của cụ già Simeon, Thánh ký viết: “Cha Ngài và Mẹ Ngài ngạc nhiên về các điều nói về Ngài” (Lc 2,33). Lúc tìm thấy Chúa con trong đền thánh, Đức Mẹ nói với Ngài: “này Cha Con và Mẹ phải đau khổ tìm Con” (Lc 2,48).

Có người cho rằng Chúa Giêsu đã phủ nhận phụ tính của Thánh Giuse khi Ngài nói: “Nào không biết con phải ở nhà Cha con sao?” (Lc 2,49). Thánh sử Augutinh trả lời: “Chúa Giêsu không muốn cho người ta tưởng rằng Ngài là con Đức Mẹ và Thánh Giuse thì không còn là con Thiên Chúa nữa. Ngài khẳng định Thiên Chúa là Cha Ngài, nhưng không phủ nhận Thánh Giuse cũng là Cha Ngài”.

Ngoài ra, còn nhiều nơi khác, Luca gọi chung hai Đấng là cha mẹ, là song thân Chúa Giêsu (Lc 2, 27.41.43). Như vậy Đức Mẹ và Thánh Luca đã gọi Giuse là Cha Chúa Giêsu. Chắc đó không phải là một kiểu nói hữu danh vô thực.

12. Người Do thái gọi Giuse là Cha Chúa Giêsu

Phúc âm còn hiến một bằng chứng gián tiếp, yếu hơn, đó là dư luận người Do Thái đương thời coi Chúa Giêsu là con của Giuse. Philip gặp Nathanael thì bảo: “Chúng tôi đã gặp Đấng mà Môisen trong lề luật và các Tiên tri chép đến, đó là Đức Giêsu, con Giuse thành Naxaret” (Gn 1,45). Thấy công việc kỳ lạ Chúa làm, dân chúng hỏi nhau: “bởi đâu ông này được khôn ngoan, làm các việc quyền năng ấy? Ông không phải là con bác thợ mộc ư?” (Mt 1,54-55). Hoặc rõ hơn: “Nào ông ấy không phải là con Giuse sao?” (Lc 4,22. Gn 6,42)

Như vậy theo Thánh Kinh, mọi người đều công nhận phụ tính của Thánh Giuse đối với Chúa Giêsu. Người Do Thái thì hiểu phụ tính ấy theo huyết nhục. Còn Đức Mẹ và Thánh Luca biết rõ sự đầu thai kỳ diệu của Chúa Giêsu, thì hiểu phụ tính ấy cách cao khiết hơn.

13. Giáo hội xưng Thánh Giuse là Cha Chúa Giêsu

Trong kinh phụng vụ lễ Thánh Giuse Giáo hội ca ngợi rằng: “Đấng Sáng tạo càn khôn định cho Người làm Phu quân Trinh nữ - Và muốn cho Người được gọi là Cha của Ngôi Lời”. [10]

Các Đức Giáo Tông Piô IX là Lêô XIII, trong văn kiện tôn Thánh Cả làm bổn mạng Giáo hội toàn cầu, cũng xưng Ngài là “Cha Chúa Giêsu trước mặt người ta”.

Vậy Thánh Thần Chúa đã dùng danh hiệu Cha mà gọi Giuse để diễn tả sứ mạng cao siêu của Ngài bên cạnh Chúa Cứu Thế, thì không lẽ gì ta còn phải ngần ngại dùng danh hiệu ấy, mặc dầu ở đây nó đòi hỏi một sự giải thích khá tinh vi.


ĐIỀU HAI
THÁNH GIUSE THI HÀNH CHỨC VỤ CHA CHÚA GIÊSU


14. Phụ tính của Thánh Giuse là điều hiện thực

Cứ sự thường, có danh phải có thực, đâu có phải chỉ là hư cấu. Danh hiệu dành cho Thánh Giuse là một thực tại. Điều ấy, Thánh Augutinh cùng nhiều học sĩ đã chủ trương và còn lưu truyền cho tới ngày nay.

Có nhiều chứng cứ bênh vực ý kiến ấy. Chúng tôi dành nội diện vấn đề cho chương III, luận về bản chất phụ tính của Thánh Giuse. Ở đây, chúng tôi bàn về ngoại diện vấn đề, tức là những công việc, với tư cách là Cha, Thánh Cả đã làm cho Chúa Hài đồng, như Phúc âm còn ghi chép, bấy nhiêu tưởng cũng đủ để xác định phụ tính của Thánh Giuse là điều hiện thực có căn cứ vững vàng.

15. Với cuộc hôn nhân Giuse lãnh trách nhiệm làm cha Ấu Chúa.
Đọc Phúc âm Mattheo, chương I, ta thấy Thánh Giuse, mặc dầu biết “thai nơi Trinh Nữ là do tự Thánh Thần”, mà cứ làm lễ thành hôn “rước Bà về sum họp”. Như thế, chẳng phải là Ngài đã vâng lệnh Thiên Chúa, lãnh lấy trách nhiệm làm Cha Hài Nhi đó sao? Chẳng phải Ngài đã lấy cuộc hôn nhân mà bảo toàn danh dự cho Ấu Chúa, như bất cứ người cha chính thức nào khác đối với con mình sao? Nếu không có Thánh Giuse, người ta sẽ chẳng coi Ấu Chúa là con ngoại hôn ư?

Theo lời thánh Bernadino Sienna: “Nào Thánh Giuse chẳng phải là người được tuyển chọn đặc biệt, để nhờ Ngài và dưới danh nghĩa Ngài, mà Đức Kitô được sinh vào thế gian cách đàng hoàng, đoan chính đó sao?

Vai trò Thánh Giuse được nhà hùng biện Bossuet trình bày tuyệt bút như sau: “Trong Thánh Kinh, tôi nhận thấy có 2 Thiên chức tương phản: đó là Thiên chức các tông đồ và Thiên chức Thánh Giuse. Chúa Giêsu được mặc khải cho các Tông đồ cũng như cho Thánh Cả, nhưng với điều kiện ngược nhau. Các Tông đồ thì để rao giảng Ngài cho thế gian; còn Thánh Cả thì để che giấu Ngài trong thinh lặng. Các Tông đồ là đèn sáng, soi cho thế gian nhìn nhận Chúa; còn Thánh Cả là bức màn lớn để che khuất Ngài đi. Nhưng đằng sau bức màn bí mật ấy, có ẩn tàng Đức Đồng Trinh của Mẹ Maria và sự cao sang tuyệt vời của Chúa Cứu Thế”.

16. Giuse đặt tên, truyền họ cho Ấu Chúa

Việc đầu tiên Giuse thi hành phục quyền là đặt tên cho Chúa. Theo phong tục Do Thái, đặt tên cho con là quyền của người cha. Chính Thiên Thần đã bảo: “Ông sẽ đặt tên Con trẻ là Giêsu” (Mt 1,25). Đành rằng Thiên thần cũng đã trình Đức Mẹ điều ấy, lúc mầu nhiệm Nhập thể chưa được thông báo cho Thánh Giuse (Lc 1,31). Nhưng sau khi Thánh Cả được thông tri thì có lý mà luận rằng Đức Mẹ đã nhường quyền đặt tên Ấu Chúa cho Thánh nhân, y theo phong tục Do Thái.

Đồng thời, với tư cách là cha pháp định, Thánh Giuse đã lưu truyền danh hiệu “Con vua Đavit” cho Đức Kitô hầu thiên hạ nhận ra ngài là Đấng Cứu Thế. Vì có lời tiên tri rằng Đấng Thiên sai sẽ sinh ra từ vọng tộc ấy (2 Sm 7,12 – Tv 89,4)

17. Giuse dưỡng nuôi, che chở Chúa Hài đồng

Sau ngày đản sinh, ai che chở, dưỡng nuôi Ấu Chúa, nếu không phải là Thánh Gia trưởng cùng với Mẹ Maria? Khi Herode lùng giết Hài nhi, chính Thánh nhân đã đem Ngài chạy chốn qua Ai Cập. Giuse đã làm phận sự người cha cách cao đẹp dường nào!

Hồng y Phêrô Ailly suy luận: “Lạ lùng thay, Đấng nâng đỡ che chở vạn vật lại được Giuse chở che, nâng đỡ! Kỳ diệu thay Đấng làm cho kẻ đói khát no nê, rày để cho Giuse dưỡng nuôi bằng lao động! Đấng sung mãn trên trời, Đấng xưng mình là Bánh hằng sống, rày xuống thế, phải nhờ lao lực của Giuse mới có bánh mà ăn!”

Nhiều học giả, có lẽ cảm hứng theo Isodoro Isolanis, đã áp dụng cho Thánh Giuse, theo nghĩa đen, lời Đức Kitô sẽ nói trong ngày thẩm phán: “Hỡi người mà Cha ta chúc phúc, hãy lãnh lấy cơ nghiệp Nước trời. Vì Ta đói người đã cho Ta ăn, Ta khát ngươi đã cho uống, Ta trần mình ngươi đã cho mặc…” (Mt 25, 34-35)

18. Chúa Giêsu hằng vâng phục Giuse như cha mình

Phụ quyền của Thánh Giuse hằng được Chúa Giêsu công nhận suốt cuộc đời ẩn dật, vì “Ngài hằng tuân phục Đức Mẹ và Thánh Giuse”. Thánh Bernado kêu lên: “Ai vâng phục ai? Thiên Chúa vâng phục loài người! Thiên Chúa mà Thiên Chúa vâng phục, rày vâng phục bà Maria lại cả ông Giuse vì bà Maria nữa. Hãy ngưỡng mộ sự hạ cố của Con, và sự cao sang của Mẹ, (của Cha), xem đàng nào hơn đàng nào? Thực ra cả hai đàng đều kỳ diệu, khiến ta phải kinh ngạc.”
Nói đúng ra, Thánh Giuse cũng như Đức Mẹ, không có quyền sít sao truyền khiến Chúa Kitô vì dầu với tư cách loài người, Ngài vẫn là chủ tể vạn vật. Nhưng Ngài tự nguyện phục tùng cha mẹ - như sau này Ngài phục tùng các lý hình - để làm trọn thần ý Chúa Cha, và lưu lại cho ta một gương khiêm nhường hiếu thảo.

Phần Thánh Giuse cũng như Đức Mẹ, đã sử dụng quyền mình cách khiêm nhường cung kính như để tuân theo thần ý Cha Cả trên trời. Cứ xem thái độ ở lặng mà cung kính của Ngài khi tìm thấy Chúa Con thì đủ rõ.

19. Giuse lo việc trí dục, đức dục và huấn nghệ cho con

Cùng với Đức Mẹ, Thánh Giuse đã lo việc trí dục, đức dục và huấn nghệ cho con.

Về trí dục, linh hồn Đức Kitô có ba thứ tri thức:

1) Tri thức thanh nhàn (Scientia beata): Ngài biết mọi sự như Ngôi Lời biết trong bản tính Thiên Chúa.
2) Tri thức thiên phú (Scientia Infusa): Ngài biết những điều Thiên Chúa phú vào linh hồn Ngài, như một số Thánh nhân đã được.
3) Tri thức thực nghiệm (Scientia experimentalis): Ngài biết những điều do giác quan thu nhận và lý trí suy tư.

Hai tri thức trên là thường tại đối với Ngài, chỉ có tri thức thực nghiệm mới là đối tượng của giáo dục, vì nó có thể tăng tiến như lời Phúc âm còn ghi: “Chúa Giêsu tiến tới về khôn ngoan, vóc dáng và ân sủng trước mặt Thiên Chúa và trước mặt người ta” (Lc 2,52). Qua các dụ ngôn, ta thấy Ngài có óc quan sát sâu sắc về thiên nhiên và nhân thế dường nào!

Chính trong khung cảnh gia đinh, Ngài đã học ăn, học nói, học xử sự, học Thánh kinh, học cầu nguyện cùng cách thế giữ đạo Giavê. Chính nhờ gương sáng và lời khuyên của cha mẹ, mà Ngài đã tập các nhân đức tuyệt vời, như lời Phaolô viết: “Ngài phải đau khổ dữ dằn mà học cho biết vâng phục” (Hr 5,8)

Khi Chúa lớn khôn, Thánh Giuse đã tập và truyền nghề thợ mộc cho Ngài. “Chẳng có thầy nào tài hơn Thánh Cả. Chẳng có trò nào giỏi vượt Chúa Con” (Buzy).

20. Giuse đau khổ vì con

Qua các dẫn cứ Thánh kinh trên đây, ta thấy Thánh Giuse luôn hành động theo tư cách người cha đối với Chúa Giêsu, ngày đêm hết lòng phục vụ.

Tuy nhiên, đó mới là những hành động bên ngoài. Phúc âm còn tiếp tục đưa ta vào kho tàng nội tâm vô cùng phong phú, để chiêm ngưỡng mối tình của Cha Thánh thương con đến quên mình, bất từ gian khổ.

Tích lạc mất Chúa Con mở ra một cơ hội để ta thấy được tâm tư sâu kín, dào dạt tình thương của Giuse đối với Chúa Con. Chính lúc gian nan khốn khó mới bộc lộ tấm lòng phụ tử đầy hy sinh, tận tuỵ của Ngài (Lc 2, 41-50)

Giám mục Bossuet suy luận: “Thế nào? Hỡi Giuse trung tín! Của báu Cha trên trời trao phó cho Người đâu mất rồi? Ôi, ai hiểu được những than vãn của Người? Nếu ta chưa tin ở tình phụ tử của Người, thì hãy xem những dòng lệ, những quặn đau để biết Người thật là bố. Thực là chí lý, khi Đức Mẹ nói: “này cha con và mẹ đã đau khổ tìm con! …Con ơi, mẹ không ngần ngại gọi Người là cha con. Mẹ không có ý làm tổn thương sự đản sinh khiết bạch của con. Mẹ chỉ có ý nói đến sự ân cần, nỗi lo lắng của Người đối với con. Vì thế, mẹ dám gọi Người là cha con. Mẹ đã liên kết Người vào khổ đau của mẹ.”

Thánh Bernadino Sienna kết luận: “Đây là chỗ duy nhất trong Phúc âm Đức Mẹ gọi Thánh Giuse là Cha Chúa Giêsu; vì sự đau khổ Người chịu khi Con lạc mất, là dấu chỉ hiển nhiên về tình phụ tử của Người.”

Trên đây mới là một trong bảy mối buồn của Thánh Giuse, mà chúng ta tưởng không cần trình bày hết cả. Ngài đã thông hiệp mọi đau khổ đời sống ẩn dật Chúa Giêsu, mà Ngài coi như là đau khổ của chính mình.

21. Giuse vui mừng với con

Bên cạnh bảy mối sầu cũng có bảy niềm vui. Biết bao lần lòng Thánh Cả chẳng lâng lâng, khi chiêm ngưỡng Hài nhi mũm mĩm trắng hồng, nằm trên mớ cỏ xanh? Khi bồng Hài nhi ấp trên lòng ngực hoặc dắt đi lẫm chẫm bên mình? Còn cái vui nào hơn cái vui thấy Hài nhi, theo dòng năm tháng “cứ tiến tới về khôn ngoan, vóc dáng và ân sủng trước mặt Thiên Chúa và trước mặt người ta?” (Lc 2,52)

Nhân chi thậm ái giả tử. Điều ấy càng đúng với Thánh Giuse biết bao! Vì Ngài yêu Con cũng là mến Chúa một trật. Nhờ lời báo mộng của Thiên thần, và có thể nhờ lời kể lại của Trinh nữ về sự tích Truyền tin, Thánh Giuse đã biết và tin vững vàng mầu nhiệm Nhập thể. Mỗi khi thấy Chúa Hài đồng, Ngài hẳn đã nói:

“Đây là Ngôi Lời hoá thành nhục thể, và trú ngụ trong nhà chúng tôi. Và chúng tôi được ngắm vinh quang Người tràn đầy ân sủng và chân lý.” (Gn 1, 14)

22. Giuse yêu con cách vô cùng thắm thiết

Cùng với đức Tin, Thánh Giuse đã được phú ban đức Mến đặc biệt dồi dào, chỉ kém Đức Mẹ mà thôi, để Ngài chu toàn sứ mạng tuyệt vời bên cạnh Ấu Chúa.

Lạ lùng thay, thắm thiết thay, mối tình Thánh Cả dành cho Ấu Chúa. Đó là mối tình của cha hiền dành cho người con duy nhất, đẹp đẽ, khôn ngoan. Đó cũng là mối tình con thảo dâng lên Chúa Cả cao sang, toàn năng, nhân hậu. Yêu Con cũng là mến Chúa. Mến Chúa cũng là yêu Con. Thiên nhiên và ân sủng đã phối hiệp kỳ diệu nơi tình yêu ấy!

“Phúc thay người Cha có thể yêu Con tối đa mà không sợ bao giờ thái quá! Người có thể ban mọi sự cho Con mà không bớt đi phần nào của Thiên Chúa. Ôi! Cha có phước! Người không phải giảm bớt sự nồng nhiệt tình yêu như các cha mẹ khác. Người không phải sợ lời Chúa ngăm đe: kẻ nào yêu con hơn Ta ắt chẳng xứng với Ta” (Mt 10,37) (Billuart)

Đến đây tưởng đã có thể kết luận: Phúc âm trình bày Thánh Giuse là Cha Chúa Giêsu, với đầy đủ danh hiệu, hành động và tâm tình của một Người Cha đích thực, tuy phụ tính của Ngài có một bản chất độc nhất vô nhị, như sẽ trình bày ở Chương sau.

CHƯƠNG III
BẢN CHẤT PHỤ TÍNH CỦA THÁNH GIUSE


23. Phụ tính theo nghĩa tinh thần

Sau khi chứng minh Phụ tính của Thánh Giuse là hiện thực, ta muốn biết Ngài làm Cha Chúa Giêsu cách nào.

Ngài có phải là Cha Chúa Giêsu theo nghĩa đen, nghĩa hẹp không? Chắc là không. Theo nghĩa đen, Cha hay Bố là người sinh ra con theo đường truyền sinh thể lý (Thánh Thomas).

Thánh Giuse không góp phần thể lý vào việc sinh hạ Chúa Giêsu, lẽ tất nhiên không hiểu phụ tính của Ngài theo nghĩa đen được. Vậy phải hiếu theo nghĩa rộng, nghĩa tinh thần, do cuộc hôn nhân của Ngài với Mẹ Maria.

Chương này gồm ba điều:

Điều I: Phụ tính do hôn quyền.
Điều II: Phụ tính do thủ trinh.
Điều III: Mấy danh hiệu diễn tả phụ tính của Thánh Giuse.

ĐIỀU MỘT
PHỤ TÍNH DO HÔN QUYỀN


24. Phụ tính do hôn quyền

Mattheo kết thúc gia hệ Đức Kitô bằng câu: “Giacob sinh Giuse, hôn phu của Maria, người đã sinh ra Đức Giêsu gọi là Kitô” (Mt 1,16). Còn Luca thì chép việc thần sứ Gabriel được Thiên Chúa phái đến với một Trinh nữ, đã đính hôn với một người tên là Giuse thuộc nhà Đavit (Lc 1,27)

Đó là hai chỗ Phúc âm đề cập trước hết tới việc Đức Kitô đầu thai sinh hạ. Và ta thấy Thánh Giuse được giới thiệu là vị hôn phu của Trinh Nữ Maria. Đem đối chiếu 2 đoạn văn này, nhiều Giáo phụ nhận ra đó là một chỉ dẫn của Thánh Linh, giúp ta xác định được mối liên hệ giữa Thánh Giuse và Ngôi Lời Nhập thể, xuyên qua cuộc hôn nhân của Thánh Cả với Đức Mẹ.

Thánh Augutinh có lẽ là Đấng đầu tiên liên kết chặt chẽ Phụ quyền Thánh Giuse với cuộc hôn nhân kỳ diệu ấy khi ngài viết: “Do cuộc hôn nhân tín nghĩa, hai Đấng đáng được gọi là song thân Đức Kitô; chẳng những bà Maria được gọi là Mẹ, mà cả ông Giuse cũng được gọi là Cha Chúa Giêsu, bởi tư cách là chồng của mẹ Ngài; nhưng là người chồng, người cha trong tinh thần, không phải theo thể xác”.

Thánh Thomas Aquino cũng đồng quan điểm: “Thánh Giuse được làm Cha Chúa Giêsu, vì Ngài đã nuôi dưỡng Hài nhi và là phu quân Đức Mẹ”. Như thế, Thánh Giuse thực là Cha Chúa Giêsu, bởi Ngài thực là Bạn trăm năm Đức Mẹ.

25. Biện giải dựa theo pháp lý

Dần dà, các thần học sĩ đưa ra hai cách biện giải: một cách dựa vào pháp lý, một cách dựa vào thần học.

1) Biện giải dựa vào pháp lý

Theo luật Thiên Chúa: “Người đàn ông sẽ bỏ cha mẹ mà khắn khít với vợ mình, cả hai sẽ nên một thân xác” (Mt 19,5). Vì thế, thân xác Mẹ Maria là thân xác Thánh Giuse. Nên con Đức Mẹ cũng là con Thánh Cả theo hôn nhân quyền, mặc dầu Ngài không có góp phần thể lý.

Tiến sĩ Barthelemu de Pise viết: “Đã hẳn Chúa Giêsu không phải là con ông (Giuse), mà lại là con ông. Vì có cuộc trao thân đổi phận, Đức Maria thuộc về ông, nên Ấu Chúa cũng thuộc về ông”.
Theo luật pháp Roma, hoa màu mọc hoặc trồng trên đất ai là của người ấy. Hài nhi Giêsu là hạt giống thiên thượng Chúa Thánh Thần gieo vào lòng trinh nguyên Đức Nữ Maria, là vườn niêm phong thuộc về Thánh Cả. Nên Ấu Chúa là con của Ngài vậy.

Lý luận trên đây được Thánh Phanxicô Salê mặc cho một hình thức thi vị đậm đà, khiến càng thêm phổ biến. Ngài viết: “Giả sử có con chim bồ câu ngậm hạt chà là, để rơi xuống một mảnh vườn. Khi cây chà là mọc lên thì ta bảo nó thuộc về ai, nếu không phải thuộc về chủ đất? Cũng thế, khi Chúa Thánh Thần gieo hạt giống thiên thượng vào lòng Trinh nữ Maria, là vườn của Thánh Giuse, thì cây lạ lùng kia thuộc về Giuse vinh hiển, nào ai hồ nghi được?”

26. Biện giải dựa vào thần học

2) Biện giải dựa vào thần học

Nhờ suy tư thần học, nghiên cứu Thánh kinh, các Giáo phụ nhận ra rằng Thiên Chúa muốn bày tỏ mầu nhiệm Nhập thể và sự đầu thai trinh bạch của Chúa Giêsu ra lần lần mà thôi. Nên trong thời thơ ấu, ngài sinh trưởng bình thường như các thiếu nhi khác, không làm phép lạ nào.

Hơn nữa, Thiên Chúa không muốn để đức Giêsu bị coi là con ngoại hôn, hoặc con hợp thức hoá do hôn nhân hậu tiếp của cha mẹ. Bởi vậy, người Do Thái không hề nghi hoặc về sự đản sinh đoan chính của Ngài.

Để đạt hai ý định nói trên, Thiên Chúa trong kế hoạch kỳ diệu đã muốn sử dụng cuộc hôn nhân Giuse – Maria làm bức màn che phủ. Ngài đã sắp đặt để cho cuộc kỳ duyên ấy tiếp nhận và dưỡng dục con Ngài. Như vậy, ngoại trừ Đức Mẹ, Thánh Giuse cũng cộng tác phần nào vào việc Ngôi Lời giáng thế.


ĐIỀU HAI
PHỤ TÍNH DO THỦ TRINH


27. Khái niệm về đức đồng trinh và sự thủ trinh

Đoạn trên, ta thấy vì hôn quyền, Thánh Giuse đã cộng tác vào việc thực hiện mầu nhiệm Nhập thể. Bây giờ ta tiến thêm bước nữa để xác định đặc tính Phụ quyền của Thánh Giuse. Nói nôm na là: Ngài làm Cha Chúa Giêsu cách nào?
Thánh kinh nói rõ: Thiên Chúa muốn Con Ngài sinh bởi người nữ, vừa có chồng vừa đồng trinh. Phải chăng đó là những điều kiện tiền quyết định để đức Maria làm Mẹ Thiên Chúa? Và như vậy, ta chẳng có thể kết luận rằng, vì cuộc hôn phối và sự thủ trinh, Thánh Giuse đã cộng tác một cách nào đó vào việc Đức Kitô giáng thế?

Về lý do hôn nhân, ta đã trình bày ở trên. Sau đây sẽ trình bày về lý do thủ trinh của Thánh Giuse. Trước khi giải quyết vấn đề, ta hãy định nghĩa chữ đồng trinh. Đồng trinh là đức tốt của một người, bất kể nam hay nữ, hoàn toàn kiêng cữ mọi thú vui xác thịt, không thất tiết bao giờ. [11] [11]. Có đồng trinh thể lý và đồng trinh nhân đức. Đồng trinh thể lý là sự nguyện vẹn về cơ quan sinh thực, như đã được tạo nên lúc sơ sinh. Còn nhân đức đồng trinh là sự quyết tâm kiêng cữ mọi thú vui xác thịt, vì lòng kính mến Thiên Chúa, bất luận là tư tưởng, ngôn ngữ hay hành động.

28. Sự thủ trinh của Giuse đã giúp vào việc con Chúa giáng trần.

Đức Tin dạy rằng: Mẹ Maria cưu mang con cách hoàn toàn đồng trinh, do tác động của Chúa Thánh Thần, dựa vào đặc ân Vô nhiễm, nhiều học giả luận rằng: “Trong chương trình Thiên Chúa, Đức Maria phải trinh trong cả xác lẫn hồn mới đáng làm Mẹ Con Ngài”.

Nhưng ngày Truyền tin, làm sao Đức Mẹ có được điều kiện ấy, nếu Thánh Giuse không quảng đại tôn trọng thân xác rất trong sạch của bà? “Bởi từ sau lễ đính hôn, cũng là lễ thành hôn theo tục Do Thái, sự đồng trinh của Đức Mẹ khác hẳn sự đồng trinh của một thiếu nữ thanh tân, một nữ tu hay là một phụ nữ độc thân chẳng hạn, vì đây là đồng trinh trong bậc phu thê, phải cả hai bên đồng tình mới giữ được, nghĩa là phải có sự ưng thuận của Thánh Giuse” (Thánh Alberto)

Như thế, sự Thánh Cả thủ trinh đã trực tiếp vào việc che chở, bảo toàn sự đồng trinh Đức Mẹ, gián tiếp giúp vào việc thực thi điều kiện cho Chúa Cha ấn định, cho Con Chúa ra đời.

29. Dẫn chứng của các thần học gia

Trước hết phải kể thánh sử Augutinh. Ngài viết: “Thực Thánh Giuse đáng gọi là Cha Chúa Giêsu, do cuộc hôn nhân Thánh Thiện Đồng Trinh của Ngài với Đức Mẹ”. Nơi khác Ngài còn viết: “Tại sao hai Phúc âm đều lập gia hệ Chúa Giêsu kể từ Giuse? Bởi vì Ngài là Cha Chúa. Tại sao Ngài là Cha Chúa? Bởi vì Ngài càng khiết tịnh thì càng đúng là Cha Chúa hơn”

Linh mục Elie Thérèse suy niệm: “Ôi Thánh Giuse! Chính nhờ người mà Đức Maria làm Mẹ Chúa Kitô. Quả thế, bà làm Mẹ Chúa Kitô vì bà giữ mình đồng trinh. Mà bà giữ mình đồng trinh được là vì Thánh Cả đã bảo toàn đức ấy nơi bà, chứ không hề dám động chạm theo quyền lợi của ông. Cao trọng hơn chức vị Thánh Cả! Mẹ Maria mang ơn lớn với Người. Vì sau Thiên Chúa thì nhờ Người mà bà được làm mẹ Thiên Chúa”.
Linh mục Jacques Nouet tóm lược các lý lẽ như sau: “Điều xứng hợp là Trinh nữ Maria phải kết hôn để bảo toàn danh dự nhưng lại phải đồng trinh để sinh Con Chúa. Để bà vừa làm mẹ, vừa đồng trinh thì phu nhân của bà cũng phải đồng trinh. Do đó ta có thể lý luận như sau:

“Sự sống Chúa Giêsu tuỳ thuộc vào mẫu tính Đức Maria. Mẫu tính ấy tuỳ thuộc vào đức đồng trinh của bà; đức đồng trinh ấy lại tuỳ thuộc vào đức đồng trinh của Thánh Giuse; vậy đức đồng trinh của Thánh Cả có liên hệ với sự sống Chúa Giêsu”.

Từ năm 1870, là năm Đức Piô IX tôn Thánh Giuse làm Đấng Bảo trợ Giáo hội toàn cầu, các học sĩ càng đề cao giáo thuyết này hơn đến nỗi đã thành giáo thuyết phổ thông.
Tóm lại, đại đa số thần học sĩ ngày nay đều công nhận sự thủ trinh của Thánh Giuse đã cộng tác vào việc thực hiện Nhập thể.

30. Sự cộng tác của Giuse có tính cách gián tiếp và tinh thần

Nhưng ngài đã cộng tác theo cách nào? Tưởng cần nhắc lại rằng: Nhập thể là công trình của lòng nhân hậu Thiên Chúa, nên không có chuyện nguyên nhân tất yếu ở đây (Cause nécessaire). Nhưng chỉ có nguyên nhân chuẩn bị, nghĩa là duyên cớ dọn đường, mở lòng Thiên Chúa thi hành ý định của Ngài thôi (Cause dispositive).

Bằng cuộc hôn nhân và sự thủ trinh, Thánh Giuse đã tạo nên nguyên nhân chuẩn bị cho việc Nhập thể theo chương trình Thiên Chúa. Như vậy, sự cộng tác của Thánh Giuse có tính cách gián tiếp, ngoại tại, và tinh thần khả dĩ bảo vệ đức đồng trinh cho Mẹ Maria, và bảo toàn danh dự cho Chúa Giêsu và Mẹ Ngài.

Bây giờ ta xét xem sự cộng tác đồng trinh ấy có thể coi là cơ sở tinh thần Phụ tính của Thánh Giuse chăng? Nơi Phụ tính đặc biệt này, không có cơ sở thể lý như nơi các người cha khác; nhưng chỉ có cơ sở tinh thần. Cơ sở tinh thần này gồm hai hành vi.

1) Đồng ý kết hôn với trinh nữ Maria
2) Bảo toàn đức đồng trinh của Bà.

Hai hành vi ấy đã được Thiên Chúa quy định, hầu chuẩn bị cho Con Chúa ra đời, mặc dầu Thánh Giuse không biết, không muốn trước.

Tuy nhiên, ta phải nhận rằng cơ sở tinh thần do hôn quyền và thủ trinh, dầu rất cao sang, rất đặc biệt, cũng chưa đủ làm nên Phụ tính của Thánh Giuse, nếu không có sự tuyển chọn, sự uỷ thác của Thiên Chúa.
Tóm lại, Phụ tính của Thánh Giuse được xậy dựng trên hai cơ sở:

1) Sự uỷ thác siêu việt của Thiên Chúa.
2) Sự cộng tác tích cực của Phu quân Đức Maria.

ĐIỀU BA:
MẤY DANH HIỆU DIỄN TẢ PHỤ TÍNH CỦA THÁNH GIUSE


31. Không có danh hiệu nào diễn tả đúng được phụ tính của Giuse.

Phụ tính Thánh Giuse là trường hợp độc đáo ngoại lệ, không có danh từ nào thích đáng diễn tả được hết nội dung phong phú.
Thánh Linh, qua miệng Đức Mẹ, dưới ngòi bút của Luca, gọi Thánh Giuse là Cha Chúa Giêsu, không thêm phẩm từ nào cả (Lc 2,48). Đơn sơ thế thôi miễn là ta nên nhớ “thai nơi bà là do tự Thánh Thần”.
Nhưng từ thời Giáo hội sơ khai, nhiều người theo dư luận Do Thái, đã coi Chúa Giêsu là con đẻ của Giuse, làm tổn thương đến mầu nhiệm Nhập thể tinh tuyền và đức đồng trinh vĩnh viễn của Mẹ Maria. Vì thế, Giáo hội không dám dùng danh hiệu Cha Chúa Giêsu cách đơn thuần, mà phải thêm phẩm từ cho rõ nghĩa. Chẳng hạn: Cha nuôi, Cha pháp định, Cha như thức, Cha đồng trinh, …
Tuy không diễn tả được hết chức vụ và sứ mạng của Thánh Giuse bên cạnh Chúa Hài đồng, mỗi danh từ cũng nói lên được một vài khía cạnh. Phải tổng hợp ý nghĩa các danh từ ấy, mới có được khái niệm tạm đầy đủ về Phụ quyền của Thánh Giuse. Đức Tin không dừng lại ở từ ngữ mà xuyên qua từ ngữ, đậu lại ở sự thật.
Dưới đây, ta sẽ xét về từng danh hiệu:

32. Danh hiệu cha nuôi Chúa Giêsu

Cha nuôi là danh hiệu lưu truyền từ thời thượng cổ, và ngày nay còn là danh hiệu thông dụng nhất trong Giáo hội. Ngay từ những thế kỷ sơ khai, các Giáo phụ dựa vào Phúc âm, đã gọi Thánh Giuse là Cha Chúa Giêsu. Nhưng phần thì sợ có sự hiểu lầm, phần thì muốn nói lên công lao dưỡng dục của Thánh Cả, nên gọi Ngài là Cha nuôi Chúa Giêsu.

Danh từ cha nuôi, con nuôi là danh từ khá quen thuộc với dân ta. Một người vì hiếm muộn hoặc vì một lí do nào khác nhận một em bé làm con, đem về dưỡng nuôi, săn sóc, dạy dỗ, yêu thương, lớn lên lại gầy dựng gia đinh, khi qua đời còn trối phần gia nghiệp cho nữa. Đáp lại, người con nuôi coi cha nuôi như cha đẻ, tôn kính mến yêu và khi cha qua đời con là việc giỗ chạp, trông coi phần mộ. Nhiều người con nuôi có hiếu chẳng kém gì con đẻ.. [12]

Nhưng ở đây, danh hiệu Cha nuôi không hoàn toàn thích hợp vì Chúa Giêsu đối với Thánh Giuse là con trong nhà, không phải là con người khác. Tuy vậy danh từ ấy cũng diễn tả được công lao Thánh Cả, đồng thời cũng nói lên một sự thật: “Con Giuse không phải bởi Giuse” (Thánh Ephrem). [13]

33. Danh hiệu của pháp định

Cha pháp định là danh hiệu lưu hành giữa các nhà bác học hơn là trong đám bình dân. Danh hiệu này dựa trên hai lý do: Một là Thánh Giuse là hôn phu Đức Mẹ nên được người Do Thái đương thời nhìn nhận là cha hợp pháp của Chúa Giêsu. Hai là Thánh Giuse là dòng dõi Đavit nên truyền tước hiệu Con vua Đavit cho Chúa Giêsu, khiến người Do Thái có thể nhận ra Ngài là Đấng Cứu Thế thiên hạ đợi trông từ bao thế kỷ. Hai bản gia hệ Đức Kitô đều xây dựng trên Phụ tính pháp lý này của Thánh Giuse.
Tuy vậy, danh hiệu này có vẻ khô khan, không nói lên được mối tình thắm thiết Thánh Giuse dành cho Ấu Chúa.

34. Danh hiệu cha như thức

Cha như thức là danh hiệu xuất phát từ bản gia hệ Đức Kitô do Luca lập: “Chúa Giêsu bắt đầu công vụ vào trạc 30 tuổi, và người ta tưởng Ngài là con của Giuse” (Lc3,23).
Cách trực tiếp, danh hiệu này phủ nhận dư luận sai lầm của người Do Thái tưởng Giuse là cha đẻ Chúa Giêsu. Cách gián tiếp, danh hiệu này biểu thị mầu nhiệm Ngôi Lời đầu thai cách diệu kỳ trinh bạch.

Giáo hội từ lâu vẫn sử dụng danh hiệu ấy. Bài kinh phụng vụ lễ Thánh Cả có câu: “Hãy đến thờ lạy Đức Kitô, con Thiên Chúa, Đấng đã khứng để người ta coi mình là Con Thánh Giuse”. Đức Lêo XIII xưng Thánh Giuse là Cha Chúa Giêsu trước mặt người ta. Đức Phaolô VI gọi Ngài là Cha pháp định, coi như chính thức của Chúa Giêsu.

Tuy nhiên, danh hiệu này ít được sử dụng,vì nó có tính cách tiêu cực, có thể làm cho giáo hữu tưởng rằng Thánh Giuse chỉ là Cha hờ, không có nền tảng vững chắc cho Phụ tính của Ngài.

35. Danh hiệu cha đồng trinh

Cha đồng trinh là danh hiệu xuất hiện từ đầu thế kỷ XX, cảm hứng theo tư tưởng Thánh Augutinh. Danh hiệu này có ưu điểm nói lên sự cộng tác tinh thần của Thánh Cả vào công trình Nhập thể, bằng việc thành hôn với Đức Mẹ, và việc gìn giữ đức đồng trinh của Bà. Hai việc ấy, chính Thiên Chúa đã an bài để dọn đường cho Chúa Giêsu đầu thai cách kỳ diệu.

Tuy nhiên cũng cần ý tứ, chớ nên dựa vào từ ngữ mà luận quá xa, thành ra sai lạc. Cha đồng trinh không thể tương đương với Mẹ đồng trinh. Mẹ đồng trinh có góp phần thể lý, còn cha đồng trinh chỉ góp phần tinh thần vào việc sinh hạ Chúa Giêsu. Vì thế không thể xếp hai Đấng cùng hàng được.
Đức Piô X châu phê kính “Thánh Giuse là Cha đồng trinh Chúa Giêsu: O Ioseph, virgo Pater Iesu”.
Ngoài ra còn nhiều danh hiệu khác như Cha đại diện, Cha tâm tình của Chúa Giêsu.. [14]

36. Các danh hiệu Thánh Giuse phải được liên kết với nhau.

Nhưng dầu có thêm bao nhiêu đi nữa thì cũng không có danh từ nào thật thích đáng để diễn tả hết mối liên hệ giữa Thánh Cả và Chúa Giêsu. Mỗi danh từ ấy chỉ nói lên được một vài khía cạnh sứ mạng Thánh Cả mà thôi. Vì thế, không nên coi danh từ nọ hơn danh từ kia, nhưng đúng hơn phải liên kết tất cả lại với nhau và suy rằng: Thánh Giuse đáng gọi là Cha Chúa Giêsu, phần vì đã dưỡng nuôi Chúa, phần vì được luật pháp thừa nhận, phần vì là hôn phu Đức Mẹ, phần vì là đại diện cho Đức Chúa Cha.

37. Ước nguyện cho danh hiệu đơn thuần “Cha Chúa Giêsu” được phép sử dụng.

Kết thúc thiên khảo luận này, chúng tôi mạo muội nghĩ rằng giáo lý về mầu nhiệm Nhập thể và đồng trinh Đức Mẹ đã sáng tỏ, tưởng đã đến lúc có thể xưng Thánh Giuse là Cha Chúa Giêsu không kèm theo phẩm từ và không sợ có sự hiểu lầm nữa.

Nguyện vọng này, chúng tôi cung kính đặt dưới quyền phân định của Giáo hội.
Lạy Thánh Giuse là Cha Chúa Giêsu và là Cha chúng con!
Xin thương phù hộ cho đoàn con cái!

Nội dung theo số mục

TỰ NGÔN PHỤ TÍNH THÁNH GIUSE LÀ VẤN ĐỀ QUAN TRỌNG
1. Phụ tính Thánh Giuse là vấn đề mấu chốt
2. Phụ tính Thánh Giuse chưa được đề cao
3. Phụ tính Thánh Giuse bắt đầu được đào sâu khơi rộng

CHƯƠNG I KHÁI NIỆM VỀ PHỤ TÍNH NƠI LOÀI NGƯỜI
4. Cha là người sinh ra con bằng đường lối truyền sinh
5. Cơ sở thể lý và tinh thần của phụ tính
6. Nghĩa vụ cha mẹ đối với con
7. Công ơn cha mẹ: sinh – dưỡng – dục.
8. Tình thương con được biểu lộ thế nào?
9. Điểm đối chiếu hữu ích để hiểu phụ tính Thánh Giuse.
10. Bản tóm lược về phụ tính nơi loài người.

CHƯƠNG II HIỆN HỮU PHỤ TÍNH CỦA THÁNH GIUSE
11. Đức Mẹ và Thánh Luca gọi Giuse là Cha Chúa Giêsu.
12. Người Do thái gọi Giuse là Cha Chúa Giêsu
13. Giáo hội xưng Thánh Giuse là Cha Chúa Giêsu
14. Phụ tính của Thánh Giuse là điều hiện thực
15. Với cuộc hôn nhân Giuse lãnh trách nhiệm làm cha Ấu Chúa.
16. Giuse đặt tên, truyền họ cho Ấu Chúa
17. Giuse dưỡng nuôi, che chở Chúa Hài đồng
18. Chúa Giêsu hằng vâng phục Giuse như cha mình
19. Giuse lo việc trí dục, đức dục và huấn nghệ cho con
20. Giuse đau khổ vì con
21. Giuse vui mừng với con
22. Giuse yêu con cách vô cùng thắm thiết

CHƯƠNG III BẢN CHẤT PHỤ TÍNH CỦA THÁNH GIUSE
23. Phụ tính theo nghĩa tinh thần
24. Phụ tính do hôn quyền
25. Biện giải dựa theo pháp lý
26. Biện giải dựa vào thần học
27. Khái niệm về đức đồng trinh và sự thủ trinh
28. Sự thủ trinh của Giuse đã giúp vào việc con Chúa giáng trần.
29. Dẫn chứng của các thần học gia
30. Sự cộng tác của Giuse có tính cách gián tiếp và tinh thần
31. Không có danh hiệu nào diễn tả đúng được phụ tính của Giuse.
32. Danh hiệu cha nuôi Chúa Giêsu
33. Danh hiệu của pháp định
34. Danh hiệu cha như thức
35. Danh hiệu cha đồng trinh
36. Các danh hiệu Thánh Giuse phải được liên kết với nhau.
37. Ước nguyện cho danh hiệu đơn thuần “Cha Chúa Giêsu được phép sử dụng.

NGỢI KHEN CHÚA GIÊSUNHỜ ĐỨC MARIA
VỚI THÁNH CẢ GIUSE, HALLELUIA


TÀI LIỀU THAM KHẢO CHÍNH YẾU:
Existence et nature de la paternité de Saint Joseph: par Roland Gauthier.
Cahiers de Josephologie, Oratoire St Joseph, Montreal 1953-62

PHỤ LỤC GIUSE THẬP VỊNH

THIÊN DUYÊN KỲ DIỆU
Một búi tơ vò gỡ chẳng ra!
Duyên may dun giủi khách tài hoa
Người sao thanh vẹn mà trân trọng,
Sự thể rành rành nghĩ xót xa!
Vừa định rút lui đêm tối mịt
Đã khuyên sum họp ánh chan hoà!
Làn mây u ám bay đi kịp,
Đàn sáo tưng bừng nổi khúc ca.

HANG ĐÁ BE-LEM
Be-Lem chiều xuống cành tiêu sơ,
Đức Mẹ băn khoăn sắp đến giờ!
Phận túng ngậm ngùi không quán trọ,
Cơ may dun giủi gặp hang lừa!
Thiên Thần mừng rỡ tung hô Chúa,
Loài vật khiêm cung thở ấm Vua,
Thánh Cả tôn thờ trong lặng lẽ,
Hai hàng nước mắt nhỏ như mưa!

DÂNG CON ĐỀN THÁNH
Cha mẹ đem Con với cặp cầm. [15]
Tuân theo luật pháp tựa dân phàm
Lễ dâng con trẻ bao hoan lạc!
Lời sấm cụ già xiết khổ tâm!
* Con trẻ sẽ là bia đích bắn!
* Mẹ hiền lòng bị lưỡi dao đâm
Giuse dâng hiến trong dòng lệ
Chẳng khác chi là lễ Ap-ram!. [16]

BÔN ĐÀO NGOẠI CẢNH
Biển cát mênh mông không bóng cây,
Con lừa lầm lũi đã bao ngày.
Tấm thân cha khó phơi sương nắng.
Tỉnh mạn, Con thơ cột sợi dây!
Bạo Chúa đà vung gươm độc ác,
Anh hài đang khóc tuổi thơ ngây,
Vậy mà Con Chúa không hề hấn
Mới biết can trường dễ mấy tay!

HOAN LẠC HỒI HƯƠNG
Đất khách quê người sống tạm an,
Hồi hương nay có lệnh thần loan.
Lối đi Ai Cập đây gian khổ,
Đường lại Giu Đê khúc khải hoàn!
Đồi núi quê hương mờ ẩn hiện,
Đền thờ Vua Cả lộ hiên ngang.
Cái vui quê cũ vui là thế,
Cho bõ phong trần trải những năm

BUỒN BÃ LẠC CON
Đường về chiêng đã gác đầu non,
Ngoảnh lại, than ôi, chẳng thấy Con!
Dạ Mẹ xót xa dường xát muối,
Lòng Cha cay đắng tựa bồ hòn.
* Con đem đi mất nguồn vui vẻ
* Để mẹ cha rày phải héo hon!
Mừng rỡ gặp Con, bà gạn hỏi,
Còn ông ăng lặng đứng mà nom!

VỊNH CHÚA HÀI ĐỒNG
Đêm xuống núi đồi đã lặng yên,
Ngôi nhà Thánh thất cảnh thần tiên.
Bóng cha mờ tỏ vờn trên vách,
Dáng mẹ khoan dung hiện dưới đèn.
Con trẻ bị bỏ lời trước hết,
Hài nhi chập chững bước đầu tiên.
Mỗi ngày thêm lớn, thêm khôn sáng,
Cha mẹ càng thêm thoả ước nguyền.

VỊNH MẸ THÁNH GIA
Việc nhà sớm tối những lo toan,
Đời sống chồng con được vẹn toàn,
Canh ngọt cơm ngon hầu mỗi bữa,
Áo đầy áo mỏng liệu quanh năm.
Yêu Con cũng thể yêu Thiên Chúa,
Kính Bạn như là kính Thánh nhân,
Nội tướng muôn đời treo giá ngọc,
Đề cao phẩm hạnh khách hồng nhan.

VỊNH THÁNH GIA
Một căn nhà nhỏ có hai gian,
Ba đấng bao năm sống hộp đoàn.
Khóm huệ trắng tinh thơm cảnh quế,
Hàng thông cao vút rợp nhà lan.. [17]
Tiếng chàng tiếng đục khua vui vẻ,
Câu kệ câu kinh vọng phút nhàn.. [18]
Ấy bởi Hài nhi nguồn hạnh phúc,
Biến ngôi nhà nhỏ hoá Thiên đàng.

VỊNH THÁNH GIA TRƯỞNG
Trôi theo gương sáng giữa gian trần,
Chiêm ngưỡng tôn nhan đấng Thánh nhân.
Nghĩa trọng phu thê gìn khiết bạch,
Tình nhân phụ tử giữ ân cần.
Với cưa với đục, nuôi con Chúa,
Khi hiểm khi nghèo, phó tấm thân.
Ấy Chúa ngày xưa nhờ Thánh Cả,
Bây giờ ắt hẳn nhớ vông huân.

CHÂU THUÝ

Chú thích:
[1] Kinh cũ Việt Nam gọi Thánh Giuse là Bố nuôi Con ĐCT
[2] Chớ đặt Phụ tính của Thánh Giuse ngang hàng với Mẫu tính của Đức Mẹ. Không nên gọi Thánh Giuse là Cha Con Thiên Chúa hoặc Cha Thiên Chúa chẳng hạn. Tuy nạn kỹ ra thì cũng có lý, nhưng nguy hiểm, không nên dùng.
[3] Chương này có tính cách triết học dùng làm tài liệu nghiên cứu, hơn là để học nơi nhà thờ, nhà hội.
[4] Danh từ Cha Mẹ, xưa gọi là Bố Cái, như còn thấy Con dại cái mang - Bố Cái đại vương. Nay cũng gọi là Ba mẹ, Ba má, nhái theo tiếng Pháp papa, maman.
[5] Thánh linh bởi Chúa cha và Chúa con mà ra bằng đường lối nhiệm xuất, không phải bằng đường lối truyền sinh, nên danh xưng của Ngài là Thần, Thần khí, chứ không gọi là Con như Ngôi Lời.
[6] “Cửu tự cù lao” là: Sinh – Cúc – Phủ - Cố - Phục – Phúc – Súc - Dục – Phú. Ngoài 2 chữ Sinh và Dục, các chữ kia quy về một chữ Dưỡng, nghĩa là nuôi nấng, săn sóc.
[7] Thường tình cha mẹ yêu con hơn con yêu cha mẹ: “Nước mắt chảy xuống” – “Có nuôi con mới biết lòng cha mẹ”.
[8] Câu “Vợ người văn mình” nói lên sự thật ấy.
[9] Bienveillance – Bienfaisance – Concorde.
[10] Te Sator rerum statuit pudicae – Virginic Sponsum, voluitque Verbi – Te patrem dici …(Hym. Sti Iosepn, 19 Martii).
[11] Theo quan niệm thông thường, đồng trinh là đức tốt của phái nữ mà thôi, coslex vì nó dễ kiểm nhận nơi họ. Nhưng theo quan niệm Kitô giáo thì đồng trinh cũng là đức tốt của phái nam. (Kh 14,4)
[12] Kinh cầu Thánh Giuse có câu: “Đấng dưỡng nuôi Con ĐCT”. Kinh “Lạy Thánh Giuse là Cha nuôi Đức Chúa Giêsu!” (Bùi Chu). Kinh lạy ơn ĐCT đã chọn ông Thánh Giuse làm bố nuôi Con Chúa” (Hà Nội).
[13] Về danh hiệu cha nuôi, Demeret có cảm nghĩ sau đây: “Việc nuôi dưỡng không tạo nên phụ tính của Thánh Giuse, nhưng giả thiết điều ấy. Không phải vì ông nuôi Chúa nên ông là cha. Trái lại vì ông là cha nên ông nuôi Chúa”.
[14] Danh hiệu Thánh Giuse là Père nourricier – Père légal – Père putaif – Père virginal – Père par le coeur – Père vicaire (Paterna vice du Préface de St Joseph).
[15] Cầm là loài chim, cặp chim câu non
[16] Tổ phụ Abraham dâng hiến Issac.
[17] Huệ thông tượng trưng cho Đức Mẹ và Thánh Cả
[18] Khẩu hiệu thánh gia: Cầu nguyện và Lao động
 
Mục tử nhân lành
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
04:32 30/04/2009
Chúa Nhật IV Phục Sinh

Mục tử nhân lành là một hình ảnh rất đẹp ở xứ Palestin. Danh xưng mục tử nhân lành không phải là tôn danh người ta gán cho Chúa Giêsu để ca tụng Ngài, nhưng đây chính là mạc khải của Chúa Giêsu cho biết Ngài là ai. Ngài là mục tử thứ thiệt, mục tử chính hiệu, mục tử nhân lành đúng nghĩa.

- Mục tử nhân lành là mục tử biết rõ đàn chiên:

Ngài biết rõ từng con chiên. Biết theo nghĩa Thánh kinh, tức là không phải chỉ biết trên lý thuyết, biết theo con số, nhưng là biết tường tận từng đặc điểm, từng tính cách của mỗi con chiên và Ngài có thể gọi tên từng con một, dẫu đàn chiên của Ngài là vô cùng đông đảo. Tương quan giữa Ngài và đàn chiên là rất gần gũi và mật thiết. Đàn chiên trở nên lẽ sống của Ngài.

Ngài gọi tên rồi đi trước dẫn đường cho đàn chiên theo sau. Ngài đi trước chứ không phải đi sau để “lùa”. Chiên đi sau cũng có nghĩa là chúng được Ngài cho tự do để có thể theo hoặc không theo Ngài. Ngài đi trước bằng lời nói, bằng việc làm. Ngài đi trước bằng gương sáng phục vụ cách tận tuỵ.

- Mục tử nhân lành là mục tử yêu thương đàn chiên:

Ngài không chăn dắt bằng quyền uy và bạo lực như những mục tử trong Cựu Ước. Ngài cũng không chăn dắt kiểu tắc trách, gặp chăng hay chớ như những kẻ chăn thuê. Ngài chăn dắt hoàn toàn bằng tình yêu và trách nhiệm. Tình yêu được thể hiện đặc biệt ở chổ: đối với những con chiên đau yếu, Ngài tận tuỵ chạy chữa; những con chiên thương tích, Ngài tận tình băng bó; những con chiên lạc đàn, Ngài tận lực kiếm tìm; những con chiên có nguy cơ làm mồi cho sói hùm, Ngài tận trung canh giữ... Ngài chưa thể an giấc, bao lâu còn những con chiên bị yếu đau, thương tích. Ngài chưa thể an phận, bao lâu còn những con chiên ngơ ngác lạc đàn. Ngài chưa thể an tâm, bao lâu còn những con chiên hoang đàng đùa giỡn trước nanh vuốt của ác thú. Mục tử nhân lành là thế, và nhất là Ngài còn sẵn sàng hy sinh mạng sống mình vì đàn chiên.

- Mục tử nhân lành là mục tử hiến mạng vì đàn chiên:

Thường tình thì chủ chiên bắt các con chiên hiến lông, hiến thịt, hiến sữa và cả hiến mạng cho mình. Hiếm có trường hợp ngược lại. Đây là điểm khác biệt rõ nét giữa mục tử nhân lành và người chăn thuê. Chỉ có mục tử chính hiệu Giêsu nhân lành mới sẵn sàng tự nguyện hiến mạng cho đàn chiên. Ngài hiến mạng để bảo vệ sự hiệp nhất cho đàn chiên. Ngài hiến mạng để cho đàn chiên được sống và sống dồi dào. Nói cách khác để đàn chiên có được sự hệp nhất và sự sống sung mãn, Chúa Giêsu đã phải trả bằng chính giá máu của mình. Đây là đỉnh cao của tình yêu mà Ngài dâng hiến cho đàn chiên.

Là những Kitô hữu, chúng ta được mời gọi trở nên những con chiên tốt lành của Chúa Kitô, Vị Mục Tử Nhân Lành, mục tử chính hiệu. Trở nên tốt lành qua hai tương quan tình yêu:

- Tương quan với người mục tử: biết – nghe – đi theo. Biết mục tử của mình là Đấng đã yêu thương và hiến mạng sống vì mình. Biết qua Lời của Chúa, qua Phụng vụ các Bí tích, qua cầu nguyện…. Nghe theo tiếng người mục tử, tiếng mang lại hạnh phúc đời đời, chứ không nghe tiếng người lạ. Đi theo mục tử của mình, chứ không đi theo người lạ, kẻ trộm hay sói dữ. Nếu chiên mà nghe và đi theo người lạ thì sẽ bị lạc; nghe và đi theo kẻ trộm sẽ bị bắt; nghe và đi theo sói dữ sẽ bị ăn thịt. Chỉ khi biết nghe và đi theo chủ mình thì mới có sự sống đích thực. Vì chỉ có chủ chiên mới đưa đàn chiên tới những nơi có đồng cỏ xanh tươi, có suối nước mát lành.

- Tương quan với các con chiên khác: hiệp nhất trong yêu thương, phục vụ trong quên mình. Biết, nghe và đi theo chủ chiên, con chiên cũng phải biết yêu thương hiệp nhất trong đàn chiên nữa. Chiên không thể cấu xé nhau, hay mạnh con nào con đó sống. Trái lại các con chiên khoẻ mạnh phải biết phục vụ nâng đỡ các con chiên ốm yếu theo gương của chủ mình. Sẽ không thể nào có một đàn chiên duy nhất, nếu các con chiên không hoà hợp với nhau, không yêu thương nâng đỡ nhau. Sẽ không thể nào trở nên gương sáng cho các con chiên khác không thuộc về đàn noi theo, nếu đàn chiên không biết hy sinh phục vụ lẫn nhau theo tinh thần của người mục tử nhân lành.

Hãy tạ ơn Chúa vì hồng ân được thuộc về đàn chiên của Chúa. Và hãy xin Người giúp chúng ta luôn biết trung thành nghe và đi theo vị mục tử tuyệt hảo là chính Chúa, qua các các vị chủ chăn đại diện cho Chúa ở trần gian. Xin Chúa cũng gởi thêm cho chúng ta nhiều mục tử nhân hậu biết noi gương Chúa hết lòng yêu thương và sẵn lòng hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên được Chúa trao phó. Amen.
 
Xin cho được giống Thánh Cả Giuse
Tuyết Mai
08:22 30/04/2009
Đời thường của con người là lớn lên phải làm việc mà tự nuôi thân bất kể là gái hay trai. Từ thuở nhỏ khi còn ở nhà của cha mẹ thì tất cả anh chị em trong nhà đã được cha mẹ tập cho chia sẻ mọi công việc trong nhà, tuỳ theo lớn bé, và tuỳ theo trai hay gái, để phụ giúp cho cha mẹ một tay, và lẽ đương nhiên nhất là nhờ như thế mà mọi việc trong nhà đều được xong một cách nhanh chóng, và nhờ thế mà tất cả mọi thành viên trong gia đình ai cũng biết trách nhiệm và bổn phận của mình.

Cha mẹ chúng ta cũng hay lắm! Các ngài biết phân chia công việc theo thứ tự tuổi tác và trai hay gái. Con trai thì được phân công cho làm những chuyện có tính cách nam nhi, như phụ làm những chuyện vặt vẵn không nằm trong khuôn viên của nhà bếp. Thí dụ như con trai lớn nhất nhà thì công việc là phải chăn dắt các em nhỏ làm baì tập từ trường mang về nhà (homework), rồi thì giúp các em giải trí lành mạnh như chơi banh trước nhà hay rủ nhau ra ngoaì công viên, trước giờ cơm. Hoặc được cha mẹ sai chạy ra chợ nếu cần.

Còn tất cả con gái thì sau giờ làm bài tập thì đều phải có bổn phận có mặt tất cả trong nhà bếp để phụ với mẹ một tay, và cũng là cách để dậy con caí tập nấu nướng, cho tương lai sau này biết mà lo cho gia đình riêng của mình. Chẳng những học nấu nướng mà con gaí còn phải tập khâu, may vá, đan, và giặt dũ các caí trong nhà. Con trai thì có thể được sai để phụ hút bụi nhà, đổ rác, hay khuân vác những thứ đồ nặng, cần vai u thịt bắp. Và có phải đây là thời gian mà tất cả chúng ta trai hay gaí đều phải tập sự cho quen với công việc trong nhà. Và có phải đây là một bổn phận mà thành viên trong một gia đình cần phải biết và thực thi hay không? Và có phải ngay từ bé cha mẹ chúng ta đã dậy cho con caí của mình biết trách nhiệm và bổn phận trên công việc làm của mình, tuy dù không được trả lương, nhưng đó là một xã hội nhỏ, mà tất cả mọi thành viên trong gia đình phải góp đôi bàn tay mà làm việc. Không ai la lối, không ai phản đối, không ai so sánh, không ai đòi được trả tiền, và không ai dám từ chối khi công việc được giao phó!? Bởi tất cả con cái đều hiểu được rằng mình có làm việc thì mới có được ăn. Bởi tất cả đều hiểu được rằng khi mà moị ngươì trong gia đình đều đầu tắt mặt tối, ra công ra sức để làm việc, thì miếng ăn vào miệng mới được ngon, và mình không trở thành một ngươì vô dụng!???.

Khi đã quen công việc trong gia đình từ bé, thì khi trưởng thành, ra đời đi tìm công ăn việc làm để nuôi tấm thân và gia đình riêng cuả mình là chuyện đương nhiên mà thôi! Bởi nguyên tắc là tay làm hàm nhai, đói thì đầu gối phải bò, chứ chẳng ai nuôi mình cả! Chỉ trừ khi mình bị bại liệt nằm một chỗ mà cần người khác giúp đỡ từ miếng ăn cho đến mọi thứ. Đôi khi chúng ta cũng có biết một vài gia đình có những tình trạng là một trong hai người vợ hoặc chồng dựa vào đồng tiền và quyền hành của mình, đã áp bức và hành xử với người phối ngẫu cuả mình một cách rất thiếu trách nhiệm, thiếu tế nhị, và kém hiểu biết hết sức.

Để tạo một gia đình thì có phải từ đầu đã đòi hỏi cả hai được Chúa kết hợp cho nên một và sanh con đẻ cái như sự mong ước của Thiên Chúa hay không? Hãy nhìn Gia Đình Thánh Gia gương mẫu mà xem. Thánh Gia thì làm chủ gia đình, làm nghề thợ mộc để nuôi sống một gia đình gồm Mẹ Maria, Chúa Con Giêsu, và chính bản thân của ngaì nữa! Làm công việc thợ mộc của ngài, không ai mà không hiểu một caí nghề rất là cực nhọc, phải đổ mồ hôi mới có được đồng tiền. Một cái nghề tuy cực nhọc nhưng cũng mang laị rất nhiều hữu ích cho mọi ngươì, và cũng là công trình do chính bàn tay của ngaì tạo ra. Một cái nghề rất là lương thiện. Không gian xảo, không lừa đảo, không ăn nói dối gian, không nói thách, không đổi đồ dổm để bảo là đồ thật. Thánh Giuse ngài làm ăn rất thành thật và rất có lương tâm. Làm được caí nào thì ăn cái đó, chứ không như người ta mà mánh mung, vốn thì bỏ ra một mà đòi gom vào cả trăm, như chúng ta thấy ở mọi thời đại!??

Thánh Cả Giuse sở dĩ được Thiên Chúa Cha chọn ngaì làm dưỡng phụ cho Chúa Con Giêsu, cũng vì đức tính hiếm có của ngaì. Vì ngaì luôn trung tín và một lòng tôn kính Thiên Chúa. Luôn ăn ngay ở lành, một con ngươì rất trung thực. Ăn ở rất nhường nhịn anh chị em của mình. Không tham lam. Không tham danh lợi thú trần gian. Không ham bả phù hoa, mà ngài chỉ một lòng dâng mình trọn đời cho Thiên Chúa. Tâm hồn và tấm lòng cuả ngaì thì luôn bao la và bác aí. Tuy dù cuộc sống khó khăn của ngaì, nhưng Thánh Giuse đã không bao giờ làm ngơ trước sự khổ đau và khổ ngheò của anh chị em chung quanh ngài.

Ước gì chúng ta khi còn sống nơi trần gian này, biết bắt chước gương lao động tốt lành lương thiện của ngài, để tình trạng cá bé ăn hiếp cá lớn sẽ không còn. Luôn dùng khả năng riêng mà Thiên Chúa ban cho mình, làm nên mọi công ích, cho chính mình, gia đình, và phụ giúp cho mọi anh chị em không may mắn như mình. Xin ngài giúp cho chúng ta thấy thế naò là đủ, để sự tham lam của chúng ta không làm hại anh chị em của mình, mà mất linh hồn đời đời kiếp kiếp, bởi những của chúng ta tham thì đều thuộc về anh chị em của mình, mà vì quyền hành chúng ta đã ăn chẹn, ăn bớt, tham nhũng, và ăn cắp trắng trợn trên sức lao động của anh chị em có cổ bé của chúng ta.

Trong một xã hội mà chúng ta thấy nhan nhãn mỗi ngày là người giầu có thì họ càng giầu có thêm, mà người nghèo khổ thì đầy dẫy vì không có công ăn việc làm. Như thế là vì sao!??? Taị sao chúng ta lại có những tệ nạn như thế naỳ!? Khi mà Chuá ban cho tất cả chúng ta nguyên liệu thật trù phú, thật mầu mỡ, thật bao la, để nuôi no nê các con caí của Ngài, thế thì có phải do lòng tham của nhiều người mà đã đang tâm đi cướp Của cuả người khác mà làm của riêng mình hay không?

Có phải đó là tất cả tình trạng của mọi tệ nạn mà chúng ta thấy xẩy ra hiện nay trên khắp cùng thế giới hay không? Mà những con người gian ác này họ vẫn cứ trơ trơ sống ngang nhiên trước chúng ta, mà không ai có thể làm gì được họ??? Rồi đây Chúa sẽ phạt họ và quẳng họ vào hoả ngục nơi mà lửa đời đời sẽ đốt cháy họ không có ngày ra.

Xin Thánh Cả Giuse luôn là mẫu gương đạo đức và thánh thiện trong cuộc sống hằng ngày của chúng con, để chẳng những cuộc sống cuả chúng con trở nên hưũ ích cho riêng gia đình chúng con mà còn được trở thành lợi ích chung cho tất cả anh chị em chúng con cùng sống chung trong traí đất naỳ! Và để tất cả sẽ cùng được nên thánh giống ngaì, cùng hưởng hạnh phúc miên viễn muôn đời trên Nước Hằng Sống bên cạnh Thiên Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần, các Thánh, và tất cả đạo binh trên Thiên Quốc. Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Cuộc nghiên cứu cho biết: trẻ em tham dự thánh lễ sẽ tiếp tục như vậy.
Bùi Hữu Thư
04:36 30/04/2009

Cuộc nghiên cứu cho biết: trẻ em tham dự thánh lễ sẽ tiếp tục như vậy.



Người Công Giáo Hoa Kỳ tiếp tục là người Công Giáo

Hoa Thịnh Đốn ngày 28, tháng 4, 2009
(Zenit.org).- Một phát ngôn viên của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ nói, nếu phụ huynh muốn con em giữ vững đức tin Công Giáo từ thuở nhỏ đến lúc trưởng thành, nên đưa chúng đi lễ.

Tổng Giám Mục Donald Wuerl Tổng Giáo Phận Hoa Thịnh Đốn, cựu chủ tịch của Uỷ ban Giáo lý và tân chủ tịch Uỷ ban Tín Lý của Hội Đồng Giám Mục, nói như vậy Thứ Hai vừa qua để đáp lại một cuộc thăm dò dân ý của Diễn Đàn tại Ghế Quỳ Nhà Thờ (Pew Forum) đã cho thấy một yếu tố chính yếu về việc một người sẽ tiếp tục giữ đạo khi trưởng thành hay không tùy thuộc vào điều người này khi còn thơ ấu và vị thành niên có đi lễ thường xuyên không.

Cuộc Nghiên Cứu, “Đức Tin như triều dâng: Những sự thay đổi về tôn giáo tại Hoa Kỳ,” được Diễn Đàn tại Ghế Qùy về Tôn Giáo và Đời Sống Công Cộng phổ biến ngày thứ hai vừa qua.

Đức Tổng Giám Mục nói, “Phúc trình này đề cao tầm quan trọng của việc tham dự Thánh Lễ của trẻ em và trẻ vị thành niên. Thời kỳ vị thành niên là thời kỳ quan trọng trong việc phát triển tôn giáo, và cuộc thăm dò này cho thấy, những gì xẩy ra trong thời kỳ vị thành niên có một ảnh hưởng lâu dài. Chúng ta phải giúp cho các trẻ em và phụ huynh của chúng ý thức được tầm quan trọng của việc đi lễ hàng tuần để cho trẻ vị thành niên biết Chúa Giêsu đang ở đó cho chúng, bây giờ và mãi mãi.”

Cuộc nghiên cứu cũng cho thấy có phân xuất 68% người Công Giáo giữ đạo, con số này cao hơn đa số các phái Thiên Chúa giáo khác. Lý do chính để người ta rời bỏ giáo hội theo cuộc nghiên cứu, là họ cứ từ từ trôi xa khỏi đức tin.”

Cuộc nghiên cứu cho hay chỉ có từ 2% đến 3% những người được thăm dò cho biết lý do rời bỏ giáo hội là vì bị bạo hành tính dục khi còn nhỏ tuổi, khi họ được hỏi một câu trống không về lý do họ bỏ đi.

Khi được hỏi phải lựa chọn trong danh sách các lý do khiến họ rời bỏ giáo hội, thì con số tăng lên tới 21% người Công Giáo trở thành Tin Lành, và 27% các người trước đây là Công Giáo, bây giờ không thuộc giáo phái nào, lý do bất đồng ý kiến về các vấn đề tín lý chiếm con số cao hơn.

Đức Tồng Giám Mục Wuerl nói, cuộc thăm dò cho thấy sự vững bền của đức tin Công Giáo, dù cho phải đối đầu với một đại họa như vấn đề bạo hành tính dục.

Ngài nói, “Người Công Giáo có thể tách rời tội lỗi và những thiếu sót của con người khỏi bản chất của đức tin. Bạo hành tính dục một đưá trẻ là một tội trọng và một tội phạm ghê gớm, nhưng đa số người Công Giáo, vì có những kinh nghiệm tốt đẹp với các linh mục tại giáo xứ của họ, công nhận rằng vấn đề bạo hành tính dục bởi các linh mục chỉ là một hiện tượng đi lạc đường của một số người. Họ cũng nhìn vào lịch sử 2.000 năm của Giáo Hội, và thấy đức tin vẫn triển nở mặc dầu phải trải qua nhiều giai đoạn đau thương.”
 
Tháng Tư và người Việt Công Giáo tại Úc
Vũ Văn An
06:31 30/04/2009
Tháng Tư và người Việt Công Giáo tại Úc

Tháng Tư hàng năm là tháng người Việt tại Úc thấy mình gần gũi người Úc mói chung hơn cả. Bởi tháng này có hai ngày kỷ niệm quan trọng đó là các ngày 25 và 30. Ngày 25, người dân Úc nói chung kỷ niệm biến cố Gallipoli, được biết nhiều hơn dưới danh hiệu Anzac Day. Ngày 30, người Việt tại Úc kỷ niệm biến cố mất nước, ngày ô nhục Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng Cộng Sản xâm lược. Xem ra, hai ngày ấy chẳng có liên quan gì với nhau. Biến cố Gallipoli xẩy ra cách nay 94 năm tức vào năm 1915, ở tận Thổ Nhĩ Kỳ xa xôi. Biến cố người Việt mất nước mới xẩy ra đây thôi, vào năm 1975, 60 năm sau biến cố trên. Nhưng nghĩ cho cùng, hai biến cố ấy hay đúng hơn hai ngày lễ ấy giống nhau ở điểm: cả hai đều để kỷ niệm một mất mát lớn.

Ngày của cả nước

Nhận định về ngày Anzac, linh mục Humphrey O’Leary, Dòng Chúa Cứu Thế, cho rằng: ngày “quốc khánh” 26 tháng Giêng hàng năm, tục gọi là Ngày Nước Úc (Australia Day), không tác động trên triết lý sống (ethos) của quốc gia bằng ngày Anzac. Giống như ngày 30 tháng Tư: đối với người Việt Tự Do, đó là ngày ô nhục, ngày mất nước; nhưng đối với Cộng Sản, thì đó là ngày giải phóng, ngày thống nhất đất nước, ngày chiến thắng vẻ vang. Ngày 26 tháng Giêng cũng thế: đối với người Da Trắng, đó là ngày lập quốc; nhưng đối với Thổ Dân, đó là ngày Mộng Thời (Dreamtime) của họ bị phạm thánh bởi bàn tay dơ bẩn ngoại nhân. Nhưng ngày Anzac thì khác, nó được toàn dân Úc kỷ niệm, với một nghi lễ đã trở thành sách vở.

Cha O’Leary cho rằng đó là điều thật lạ. Vì các quốc gia thường chỉ cử hành chiến thắng, hay cử hành những biến cố đánh dấu những bước tiến của dân tộc. Mỹ chẳng hạn, ngày 4 tháng Bẩy được dành để cử hành việc tuyên bố độc lập; tại Pháp, ngày 14 tháng Bẩy được dành để cử hành ngày phá ngục Bastille; còn tại Ái Nhĩ Lan, ngày 12 tháng Bẩy được dành để cử hành chiến thắng Orange. Đàng này, Anzac Day không cử hành một chiến thắng mà là cử hành một thất bại, một thất bại ê chề với một tổn thất hết sức lớn lao. Đoàn quân đổ bộ lên bán đảo Gallipoli vào ngày 25 tháng Tư năm 1915 không bao giờ hoàn thành được mục tiêu chiếm đóng bán đảo này. Cuối năm đó, họ buộc phải rút lui, sau khi chôn vùi ở đó 10,700 binh lính, gồm 8,000 người Úc và 2,700 người Tân Tây Lan, một con số tử vong khá lớn vì lúc đó dân số Úc chưa tới 4 triệu rưỡi người. Trong khi ấy, suốt cuộc chiến Việt Nam, Úc chỉ hy sinh 521 binh sĩ với khoảng 3,000 người bị thương.

Chiến dịch Gallipoli

Đến tháng Tư 1915, Thế Chiến I đã khởi sự được 8 tháng. Anh và Pháp đang chống trả Đức ở mặt trận phía Tây, Nga đánh với Đức và đồng minh Áo Hung ở mặt trận phía Đông; Thổ Nhĩ Kỳ đứng về phe Đức. Anh và Pháp muốn chiếm bán đảo Gallipoli làm bàn đạp tiến chiếm Constantinople, thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ, vừa mở đường tiếp tế cho Nga, vừa loại Thổ ra ngoài vòng chiến. Tầu chiến không thôi, không thi hành được kế hoạch, phải đổ bộ binh sĩ lên bán đảo. Đoàn quân được chọn gọi là Quân Đoàn Úc và Tân Tây Lan (Australian and New Zealand Army Corps). Theo kế hoạch, 1,500 binh sĩ đầu tiên có nhiệm vụ tiến lên bờ, chiếm giữ cao điểm Dải Núi Thứ Ba (Third Ridge). Kiểm soát được dải đất cao này là vô cùng thiết yếu đối với sự thành công của trọn bộ cuộc hành quân. Đợt đổ bộ sau đó của 2,500 binh sĩ sẽ mở đường tiến sâu vào chiếm pháo đài Dardanelles. Sau cùng, 21,000 quân còn lại sẽ được phái lên bờ để tiến sâu vào nội địa dưới sự bảo vệ của số 4,000 quân sĩ trước đó.

Ngày 25 tháng Tư, ngay lúc hừng đông, đợt đổ bộ đầu tiên chiếm được bãi biển, nhưng không làm sao kiểm soát được dải đất cao dùng để khống chế khu vực, khiến đợt đổ bộ sau không thực hiện được đúng kế hoạch. Khu vực toán đầu tiên đổ bộ lại lởm chởm, đầy những vách đá thẳng đứng, những sườn rãnh chi chít, nơi hết sức an toàn cho các tay súng bắn tỉa của Thổ. Binh lính Úc, vì thế, mau chóng mất liên lạc với nhau và không tiến tới được mục tiêu của mình. Nhờ đêm hôm, họ tiến thêm được ít trăm thước và suốt bẩy tháng sau đó, họ cũng chỉ tiến thêm không được bao xa. Giữa ngày 6 và ngày 8 tháng Năm, binh sĩ Úc và Tân Tây Lan tham gia trận đánh lớn tại Krithia, gần Cape Helles. Cuộc tấn công này thất bại, đem lại tổn thất rất lớn về nhân mạng. Sau cuộc phản công gần như tự sát của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 19 tháng Năm, là một thời kỳ sa lầy kéo dài tới tận cuối năm. Binh sĩ Úc và Tân Tây Lan trở thành nạn nhân của bắn tỉa, liệng lựu đạn, cái nóng nung người và nhất là ruồi, kiết lỵ và bệnh tật. Qua tháng Tám, Đồng Minh quyết định phá vỡ thế sa lầy bằng cách đổ bộ quân Anh lên Suvla Bay, phía bắc Vịnh Anzac. Để đánh lạc hướng quân Thổ, binh sĩ Úc và Tân Tây Lan mở cuộc tấn công sâu về hướng Nam. Một trong các trận đánh lạc hướng này xẩy ra tại địa điểm ngày nay được đặt tên là Cây Thông Đơn Độc (Lone Pine). Binh sĩ Úc tấn công một khu vực kiên cố bằng hào sâu và bằng chiến thuật xáp lá cà đã đuổi được quân Thổ ra khỏi khu vực. Rất nhiều binh sĩ Úc đã hy sinh trong trận đánh này. Hôm sau, họ tấn công khu vực nhỏ có thế đất bằng phẳng gọi là The Nek. Chính tại đây, ba đợt khinh kỵ binh Úc đã bị tàn sát trên một mảnh đất tí hon giữa hai giao thông hào phân cách quân Thổ với quân Úc. Việc nối liền Suvla với Anzac kể như thành công, nhưng chiến lược chính của trận đánh thì kể như thua. Chỉ có binh sĩ Tân Tây Lan tới được mục tiêu của họ là Chunuk Bair. Họ chiếm được đỉnh đồi trong chốc lát, nhưng không giữ được lâu. Binh sĩ tại Suvla không được đưa vào trận tấn công chính và do đó, mục tiêu chính đã không chiếm được. Cuốn phim Gallipoli năm 1981 đã mô tả tình huống trên bằng cách cho thấy trong khi quân Anzacs bị thảm sát tại The Nek, quân Anh nhởn nhơ uống trà trên bãi biển.

Cuối tháng Tám, cấp chỉ huy cố gắng chiếm Đồi 60, cao điểm kiểm soát Suvla Bay. Nhưng quân Thổ cố thủ thành công tại đó. Tổn thất vì thế hết sức cao.

Tình hình sa lầy kéo dài đến tận cái giá lạnh mùa đông khiến nhiều binh sĩ chết cóng. Các cấp chỉ huy buộc phải ra lệnh rút quân. Mà triệt thoái đâu phải chuyện dễ. Quân Thổ sẵn sàng tấn công bất cứ lúc nào một đoàn quân nay đã ra suy yếu. Nhưng liên tiếp trong ba tuần tháng Mười Hai, 40,000 binh sĩ Anzac đã âm thầm triệt thoái, mà không bị quân Thổ phát hiện… Mãi tới năm 1919, nhân viên của Ủy Ban Mộ Phần Chiến Tranh của Đế Quốc mới tới Gallipoli để thiết lập một nghĩa trang, nhận diện và chôn cất hàng ngàn người chết phơi xương với nắng mưa từ 1915.

Anh hùng

Có người cho rằng tầu chở binh sĩ Úc và Tân Tây Lan đã đi lạc mục tiêu cả hàng cây số về hướng Bắc, và đã đổ bộ họ ở một địa điểm quá hiểm trở. Nhưng đại đa số các sử gia đều cho rằng việc đổ bộ này đúng mục tiêu, nhằm yếu tố bất ngờ, ở chỗ yếu nhất trong hệ thống phòng thủ của Thổ. Nhưng cũng khó mà tránh được cảm tưởng cho rằng Churchill đã dùng binh sĩ Úc và Tân Tây Lan làm vật hy sinh. Nghĩ cho cùng, ai cũng phải nhận cuộc hành quân Gallipoli thất bại vì kế hoạch ngèo nàn, vì lòng can đảm và tài nghệ của binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ, vì tài lãnh đạo của quân đội Thổ, dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Mustapha Kemal Ataturk, cha đẻ của Thổ Nhĩ Kỳ tân tiến sau này, vì địa hình địa vật, vì thiếu yểm trợ hữu hiệu của pháo binh, vì thiếu hoả lực của súng máy…

Chỉ có điều, dù biết vậy, người lính Úc lúc nào cũng “hân hoan, trầm lặng và tự tin” như nhận định của tờ Melbourne Argus vào ngày 8 tháng Năm năm 1915. Không một dấu hiệu lo lắng hay bồn chồn. Người Úc vượt lên trên hoàn cảnh. Không đợi lệnh và thuyền chưa tới bờ, họ đã nhẩy xuống biển, tạo thành một tuyến thép, sẵn sàng tiến chiếm giao thông hào của địch. Với súng chưa lên nòng, họ tiến lên chỉ bằng nguyên những mảnh kim khí lạnh. Rồi họ giáp mặt với một vách núi gần như thẳng đứng. Vừa lên lưng chừng, họ bị địch từ giao thông hào xả súng xuống như mưa. Những con người của thuộc địa vốn có óc thực tiễn này áp dụng một phương thức ‘đáp lễ’ cũng thực tiễn chẳng kém. Vứt bỏ ba-lô, súng lên nòng, họ lợi dụng lúc đêm khua, âm thầm leo núi tiếp, không bắn một phát súng. Họ mất một số người, nhưng không nao núng. Máu nóng khắp huyết quản, thay vì đào hào, họ nhào qua hướng bắc, hướng đông, tìm kẻ địch mới mà hạ sát bằng lưỡi lê… Vấn đề lớn là tải thương đồng bạn. Ký giả tờ Argus cho rằng: lòng can đảm của các binh sĩ Úc bị thương là điều sẽ không bao giờ quên được. “Thực thế, tôi chưa bao giờ thấy một điều nào giống như người lính Úc bị thương trong chiến tranh…Nhiều người bị bắn tả tơi, không hy vọng chi chữa trị, nhưng niềm vui của họ vang dội khắp trời đêm…Họ hạnh phúc vì họ biết họ được thử thách lần đầu và tỏ ra không thiếu sót…”.

C.E.W. Bean, trong cuốn The Story of ANZAC, Sydney, Angus & Robertson, năm 1921, cho hay: “vì trước chiến tranh, người Úc một nửa đã là lính rồi.Thực vậy, suốt thời chiến tranh, trong các trận đánh nóng bỏng tại Gallipoli…, người chiến binh Úc không khác bao nhiêu với người Úc ở nhà đang rong ruổi trên các biên cương trang trại”. Theo ông, với Đoàn Quân Anzac xông xáo trên bãi biển Gallipoli, “ý thức quốc gia của Úc đã ra đời”. Vì đoàn quân ấy bao gồm mọi thành phần dân Úc, những con người chỉ sợ lỡ thời cơ không dự được phần vào biến cố đang diễn ra và chiến tranh kết thúc trước khi mình tới chiến trường. “Đó chính là chất liệu cho hàng ngũ 12 tiểu đoàn non trẻ của Sư Đoàn Úc đầu tiên…”. Đoàn quân này là tổng hợp mọi nét lãng mạn, hào hiệp viển vông (quixotic) và mạo hiểm của dân Úc từ người giầu, người có học, cho tới người nghèo, thô kệch, không có giáo dục. Họ đến với nhau không một chút phân biệt.

Người Úc là thế đấy

Không gì chứng tỏ cái ý thức quốc gia Úc mà Bean nói tới cho bằng lá thư của Roy Denning gửi cho mẹ, được đăng lại trong Cheryl Mongan and Richard Reid, We have not forgotten, Yass & District’s War 1914-1918, Milltown Research & Publications, Yass, 1998: “Sáng sớm tinh mơ (ngày 26 tháng Tư năm 1915), con nghe các sĩ quan, tới chỗ các binh sĩ, nói: ‘anh em hãy kiên trì, đừng có ngủ’, và câu trả lời hân hoan là: ‘Thưa ngài không đâu, chúng tôi sẽ không ngủ’, và lòng con tràn đầy một sự thán phục. Con biết ngày hôm trước đã căng thẳng như thế nào rồi, và con biết cần phải can đảm và quyết tâm như thế nào mới có thể giữ cho mình khỏi ngủ và tỉnh táo suốt những canh dài mệt mỏi của đêm khuya, cho nên con nghĩ con có lý khi cảm thấy tự hào được làm người Úc và sau đêm đó, con không còn sợ bất cứ hậu quả nào của cuộc hành quân này nữa. Cho con người Úc làm đồng chí, con sẽ đi bất cứ nơi đâu khi nhiệm vụ réo gọi…Người Úc đã qua ngày và đêm thứ nhất tại mặt trận, Chúa Nhật 25 tháng Tư năm 1915, như thế đấy…”

Và vì thế ngay từ năm 1916, toàn thể nhân dân Úc đã chính thức dành một ngày để kỷ niệm đoàn quân Úc anh dũng đó, dù họ thất bại. Tờ báo công giáo tại Sydney, tên là Freeman’s Journal, nhân ngày kỷ niệm đầu tiên, đã đặt tựa cho bài xã luận của mình là “Ngày Anzac, ngày hạ sinh một quốc gia” (Anzac Day, the birth of a nation). Bài xã luận này viết: “Ngày Anzac, mà chúng ta cử hành lần đầu tiên, và chúng tôi hy vọng chúng ta sẽ cử hành nó một cách long trọng và có suy nghĩ, đối với chúng ta có nghĩa hơn là cuộc chiến đấu bất tử trên các vách núi Gallipoli. Trong khi nhắc ta nhớ đến sự anh dũng của các anh hùng tử sĩ, nó cũng nhắc ta nhớ đến ngày người Úc thực sự nhận ra chính mình. Trước ngày các chiến binh Anzacs khiến các quốc gia theo dõi phải kính phục, thì cảm thức quốc gia của chúng ta chỉ có tính phất phơ, vô hồn. Chúng ta chỉ là người Úc cho có tên, và dù có lá cờ riêng, chúng ta vẫn không là gì khác hơn là chiếc đuôi gắn vào Đại Đế Quốc, và các diễn giả của Ngày Đế Quốc vẫn được nhiều người nghe hơn là những linh hồn ít ỏi còn bám lấy Ngày Nước Úc và đặc biệt tôn kính lá cờ đầy sao của mình. Ngày Anzac thay đổi tất cả những điều ấy… Bất kể chiến tranh kết thúc ra sao, ít nhất ta cũng là một quốc gia, với một trái tim, một linh hồn, và một nguyện vọng rộn ràng”.

Người Việt Tự Do cũng kỷ niệm mất mát

Nhận định về biến cố Anzac, linh mục Humphrey O’Leary, CSsR, cho rằng cuộc thất bại tại Gallipoli quả đã củng cố cảm thức quốc gia của cả Úc lẫn Tân Tây Lan. Tại sao lại thế, phải chăng vì bản chất hai dân tộc này vốn có tính kỳ quặc (quirky)? Phải chăng chỉ có Úc và Tân Tây Lan là cử hành một thất bại chứ không cử hành một chiến thắng?

Xin thưa với linh mục rằng không phải, người Việt Tự Do chúng tôi cũng cử hành một thất bại qua Ngày Mất Nước 30 tháng Tư. Ngày này người Cộng Sản Việt Nam gọi là ngày chiến thắng, ngày thống nhất đất nước, ngày đại thắng Mùa Xuân. Cả người Việt Tự Do lẫn người Việt Cộng Sản đều cử hành ngày này, nhưng với hai ý thức hoàn toàn đối nghịch. Xét cho cùng gọi ngày 30 tháng Tư là Ngày Mất Nước vẫn đúng hơn là Ngày Đại Thắng. Vì người Việt Tự Do mất nước thật. Còn người Việt Cộng Sản có thực sự là đại thắng hay không thì phải đợi lịch sử trả lời. Mà thực ra cũng không cần phải đợi lịch sử làm gì. Rõ rệt trong suốt chiến dịch tổng tấn công mùa Xuân 1975, họ chỉ đánh thắng một trận duy nhất tại Xuân Lộc, cửa ngõ Sài Gòn. Ông Nguyễn Văn Thiệu không từ chức ngày 21 tháng Tư (Giáp bảo: chìa khóa là ngày này khi Thiệu từ chức; Văn Tiến Dũng chỉ chờ có thế để ra lệnh tổng tấn công) và Ông Dương Văn Minh, buổi sáng 30 tháng Tư, không ra lệnh cho “tất cả các anh em chiến sĩ VNCH hãy bình tĩnh ngưng nổ súng và ở đâu ở đó", thì cuộc diện chưa biết sẽ ra sao. Tinh thần chiến đấu của QLVNCH đến lúc đó vẫn còn rất cao.

Nhà văn Thanh Thương Hoàng được ông VCQ, nguyên Chánh Võ Phòng Phủ Tổng Thống, kể cho nghe biến cố ngày 30 tháng Tư tại Dinh Độc Lập trước khi quân Cộng Sản kéo vào, cho hay một số sĩ quan QLVNCH thuộc lực lượng Lôi Hổ vào Dinh đối chất với Tham Mưu Trưởng Nguyễn Hữu Hạnh: “chưa có gì, tại sao bắt chúng tôi buông súng?”. Chính tướng Hạnh sau này phải thú thực là rất may vì Đại Tá VCQ không kiếm được xe để ông vào Bộ Tổng Tham Mưu, nếu không ông đã chết trong tay các sĩ quan QLVN rồi. Nói đâu xa, chính Võ Văn Kiệt cũng tỏ lòng biết ơn đối với Dương Văn Minh. Cho nên cái gọi là đại thắng mùa Xuân xét cho cùng không chỉnh. Sai lầm chiến thuật tại Việt Nam năm 1975 rất giống với sai lầm chiến thuật của Anzac năm 1915.

Vậy thì ngày 30 tháng Tư đúng là Ngày Mất Nước. Không giống như ngày Anzac, vốn là ngày khởi đầu cho một diễn trình thảm bại và phục sinh như nhận định của linh mục O’Leary, 30 tháng Tư là đỉnh cao của một chuỗi sự kiện bắt đầu từ ngày ông Thiệu “bằng lòng” với Hiệp Định Paris, dựa trên lời hứa của một người sắp sửa bị dân Mỹ hạ bệ và do đó, vô phương thi hành lời hứa, dù là lời hứa với một dân tộc. Thế là người Cộng Sản mạnh dạn đem quân chính quy tấn chiếm Phước Long, rồi ban Mê Thuột, rồi Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Xuân Lộc, và sau cùng thủ đô Sài Gòn, bức tử Việt Nam Cộng Hòa sau 21 năm hiện diện, sau khi cưỡng bức Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.

Ngày ấy, ông Kissinger, kiến trúc sư của Hiệp Định Paris, đang ở đâu? Trong một lá thư mới đây gửi cho Hội Thủy Quân Lục Chiến Vào Ngày Sài Gòn Thất Thủ (Fall of Saigon Marines Association), Kissinger cho biết ông ta ngồi trong một góc phòng của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia tại cánh phía Tây Tòa Bạch Ốc. “Cả Ford lẫn tôi đều không ảnh hưởng gì được tới diễn biến; chúng tôi đã trở thành khách bàng quang của màn kịch chót. Chúng tôi ngồi tại văn phòng của mình, không bận bịu vì các nhiệm vụ khác, nhưng vẫn không thể nào tác động gì được đối với thảm kịch đang diễn ra, lơ lửng giữa cơn đau mình không tài nào dập tắt và một tương lai mình hết đường khuôn định. Xét một cách chủ yếu, chức vụ chỉ huy của chúng tôi thực ra chẳng còn gì để làm…” trong khi ấy, quanh họ, người phụ tá là Robert C. "Bud" McFarland, sau này trở thành Cố Vấn An Ninh của Reagan, khóc như mưa, vì anh ta vốn là một cựu thủy quân lục chiến và từng cùng đồng đội chiến đấu tại Việt Nam để ngăn ngừa thảm họa này không xẩy ra.

Kissinger cho rằng: “Để được thanh thản trong tâm hồn về lâu về dài, một ngày nào đó, chúng ta sẽ phải lượng giá xem tại sao những người tốt ở mọi phía lại không tìm ra cách thế tránh được thảm họa này và tại sao thảm kịch trong nước đã trước nhất làm chúng ta tê dại và sau đó đè bẹp chúng ta luôn. Nhưng vào ngày chiếc trực thăng cuối cùng rời nóc toà đại sứ, chỉ còn lại một cảm thức trống rỗng. Những ai trong chúng ta từng chiến đấu để tránh thảm kịch cuối cùng này quá gần với thảm kịch ấy nên không thể duyệt lại được lịch sử 20 năm người Mỹ can dự vào. Vả lại, nay đã quá trễ không còn thay đổi được các biến cố nữa”.

Người Cộng Sản Việt Nam “thắng” là nhờ thái độ ấy. “Người tốt ở mọi phía” chỉ là huyền thoại. Chỉ có một phía tốt trong cuộc chiến ấy mà thôi, đó là Việt Nam Cộng Hòa, người bị Mỹ dùng mọi xảo thuật chính trị, dụ vào thế phải đầu hàng vô điều kiện, dù chẳng đánh đấm được bao nhiêu. Người Việt Tự Do rất đúng khi sử dụng thuật ngữ Ngày Mất Nước, chứ không hẳn thua trận.

Hậu quả

Trong khi Ford và Kissinger ngồi thinh lặng ở Tòa Bạch Ốc, thì theo Phạm Văn Đồng 200 ngàn người Việt Tự Do bị giam giữ. Tuy nhiên, theo ước tính của một số quan sát viên Tây Phương, con số dè dặt nhất cũng là từ 500 ngàn cho tới 1 triệu tù nhân trong tổng số 20 triệu dân. Miền Nam trở thành một nhà tù vĩ đại. Ngay như Võ Văn Kiệt cũng phải thú nhận rằng: “người VN đã phải trả giá cho chiến thắng 30/4/75 bằng cả nỗi đau và nhiều sự mất mát. Nhiều gia đình người dân miền Nam theo lời ông Kiệt, rơi vào hoàn cảnh có ngừơi thân vừa ở phía bên này, vừa ở phiá bên kia. 30/4 khi nhắc lại, vẫn theo ông Kiệt, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn.

Ông Kiệt nói lời ấy đã lâu rồi, nay mà nói lại, chắc ông ta phải nói như thế này: người buồn nhiều hơn người vui gấp bội. Thực thế, sau hai mươi năm “chiến tranh giải phóng”, mong đem lại “độc lập, tự do, hạnh phúc” cho toàn dân, từ 3 đến 4 triệu thường dân ở hai phía đã hy sinh tính mạng, hơn 1 triệu rưỡi binh sĩ tử trận, gần 2 triệu binh sĩ bị thương, mà độc lập, tự do và hạnh phúc không những vắng bóng, mà mức độ lệ thuộc, áp bức và khốn khổ còn mỗi ngày mỗi gia tăng, khiến 140,000 người phải bỏ xứ ra đi ngay sau khi Miền Nam mất nước, tiếp theo là 983,000 người khác tìm đường vượt biên và vượt biển mong ngoi lên hưởng được đôi chút “độc lập, tự do, và hạnh phúc” của xứ người. Tự điển Webster về chiến tranh Việt Nam ước lượng ít nhất cũng từ 10% tới 50% những người vượt biển đã bỏ xác giữa trùng khơi biển cả.

Hy vọng

Hiện nay, con số những người “trốn chạy” hay “bỏ phiếu bằng chân” đến được bến bờ tự do kia đã lên tới hơn 2 triệu người, rải rác khắp nơi trên thế giới. Có thể nói: không một góc biển chân trời nào không có bàn chân người Việt Tự Do lui tới. Và dĩ nhiên, tới đâu, họ cũng là sứ giả của tự do. Tại Úc và Tân Tây Lan, cũng như một vài quốc gia láng giềng chịu ảnh hưởng nặng nề của hai quốc gia này, hiện nay, con số người Việt Tự Do, dù ước tính dè dặt nhất, cũng trên 200,000 người. Họ chính là đoàn quân Anzac da vàng, tuy không thắng một trận chiến, nhưng đã và đang trở thành niềm hãnh diện của Con Rồng Cháu Tiên, sẽ vực dậy tâm thức dân tộc, sẽ thúc đẩy triều sống dân chủ, làm sống dậy thèm khát độc lập tự do hạnh phúc. Chính vì thế, mỗi lần Anzac Day trở về, người Việt Tự Do ở Úc cũng hân hoan cử hành như người Úc chính gốc, cũng diễn hành trên các đường phố khắp các thủ phủ của họ, một hòa đồng thực sự chứ không phải chỉ hời hợt bên ngoài, do một đồng cảm, đồng nghĩ, đồng gia tài dĩ vãng.

Ngày 30 tháng Tư, đối với người Việt Tự Do ở trong nước và ở ngoại quốc, cũng giống như Chiếc Cầu Thang Sài Gòn (Saigon Staircase) mà ông Ford cho trưng bày trong Viện Bảo Tàng mang tên ông. Trong bức thư gửi cho Hội Thủy Quân Lục Chiến Vào Ngày Sàigòn Thất Thủ, ông Ford, tổng thống Mỹ cùng ngồi với Kissinger ở một góc Tòa Bạch Ốc, ngày Sài Gòn thất thủ, cho rằng ngày đó là ngày buồn nhất trong cuộc đời công khai của ông và “chúng tôi đã làm hết sức những gì mình có thể làm được. Lịch sử sẽ phán xét liệu chúng tôi còn có thể làm gì khá hơn thế”. Ông bảo: chiếc cầu thang, vốn được bắc từ nóc tòa Đại Sứ Mỹ lên bãi trực thăng ở phía trên, trên đó hàng ngàn người Việt lẫn người Mỹ hốt hoảng chen nhau tìm đường “trốn chạy” trong những ngày sau cùng của Sài Gòn, bị nhiều người coi là biểu hiệu của thất bại quân sự. Nhưng theo ông, nó tượng trưng cho khát vọng tự do khôn nguôi của con người. Ông trích dẫn lời của Ernest Hemingway mà bảo rằng: “con người vốn không được dựng nên cho thất bại. Con người có thể bị tiêu diệt, nhưng không bao giờ thất bại. Điều này đúng cho cả các cá nhân lẫn các dân tộc. Quốc gia không phải chỉ là lãnh thổ, thành thị, sự thịnh vượng và ngay cả chính quyền nữa. Họ có thể bị quân đội ngoại xâm chiếm đóng, họ có thể tạm thời bị nô lệ. Họ có thể trở nên nghèo nàn về kinh tế. Nhưng linh hồn của một dân tộc vĩ đại thì không bao giờ bị chà đạp được.

Nói thế rồi, ông cho hay: “Bảo Tàng Viện Ford đảm nhiệm việc trông coi Chiếc Cầu Thang Sài Gòn nhân danh một dân tộc như thế. Tôi hy vọng một ngày nào đó, chiếc cầu thang này sẽ được hoàn lại cho một Việt Nam tự do”. Ông Ford góp phần làm mất Việt Nam Tự Do, nay ông chỉ còn biết dùng biểu tượng để khích lệ sự sống dậy của Việt Nam Tự Do ấy. Dĩ nhiên, ông không thể vực dậy một Việt Nam như thế, khối người Việt Tự Do ở hải ngoại lẫn ở trong nước đang và sẽ làm được việc ấy.

Thất bại và phục sinh

Lễ Phục Sinh tuy không nhất định vào ngày nào trong năm, nhưng phần lớn xẩy ra trong tháng Tư. Năm nay Lễ ấy rơi vào ngày 12, và Chúa Nhật vừa qua là Chúa Nhật Thứ Ba Mùa Phục Sinh. Phúc âm là đoạn Luca 24:35-48, thuật lại việc Chúa Giêsu hiện ra với các Tông Đồ tại Giêrusalem, sau biến cố Emmaus. Trong lần hiện ra này, Người dùng Thánh Kinh mà “mở trí” cho các ông hiểu: Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại” (câu 46).

Sau khi đặt câu hỏi trên đây, linh mục O’Leary cho hay: muốn trả lời được câu hỏi ấy, ta phải dựa vào câu truyện Phục Sinh, vì Phục Sinh cũng gợi nhớ một thất bại: Chúa Giêsu bị phản bội bởi một trong các môn đệ của mình và bị những môn đệ còn lại bỏ rơi. Người bị địch thủ gài bẫy, rồi bị kết án tử một cách lầm lẫn và chết trên cây thập tự. Nói đúng hơn, câu truyện Phục Sinh không thể tách biệt khỏi câu truyện thất bại.

Chỉ có điều, thất bại ấy đã được biến đổi để trở thành chiến thắng. Vì quả thực, Chúa Giêsu đã chỗi dậy từ cõi chết để bước vào sự sống mới, một sự sống thuộc về Người vĩnh viễn. Phục sinh không còn là giấc mơ hay hoài mong mà là một sự thật, một thực tại. Chúa Kitô đứng giữa các môn đệ không phải là một bóng ma, một linh thể, mà là Chúa hàng sống của họ. Chiến thắng của Chúa Kitô có được là nhờ một thất bại biểu kiến. Cử hành Phục Sinh là cử hành cả đau thương, thất bại, lẫn chiến thắng vinh quang. Và vì thế, Phục Sinh là đỉnh cao của cả Anzac Day lẫn ngày 30 tháng Tư. Người Công Giáo Việt Tự Do ở Úc, vì thế, thấy mình thật gần gũi với các anh chị em Úc chính gốc khác, nhất là các anh chị em Úc Công Giáo.

Bài hát kết thúc thánh lễ Chúa Nhật Thứ Ba Phục sinh tại giáo xứ Regina Coeli (Nữ Vương Thiên Đàng), được Thúy, một thiếu nữ Việt Nam, đệm đàn là bài hát của Dan Schutte, tựa là City of God, quả là thích hợp cho chủ đề thất bại, thành công, chết chóc, sống lại: Awake from your slumber! Arise from your sleep! A new day is dawning for all those who weep. The people in darkness have seen a great light. The Lord of our longing has conquered the night. Let us build the city of God. May our tears be turned into dancing! For the Lord, our light and our love, has turned the night into day(Hãy tỉnh giấc ngủ mê! Hãy chỗi dậy từ giấc ngủ! Một ngày mới đang bừng dậy cho mọi người đang khóc. Người trong bóng tối đã thấy ánh sáng vĩ đại. Chúa ta thuộc về đã chiến thắng đêm đen. Ta hãy xây thành Thiên Chúa. Hãy biến nước mắt ta thành múa nhẩy! Vì Chúa, ánh sáng và tình yêu ta, đã biến đêm thành ngày).
 
Linh mục phát ngôn viên Tòa thánh: Giáo hội đã thích ứng với kỹ thuật truyền thông tân tiến
Phụng Nghi
17:38 30/04/2009
SALAMANCA, Spain (Zenit.org).- Linh mục giám đốc văn phòng báo chí Tòa thánh xác nhận rằng sự thử thách nơi vai trò của ngài trong Giáo hội là không chỉ phổ biến tin tức, nhưng còn làm cho những tin tức đó không ngừng có những tác động qua lại.

Đó là phát biểu của Linh mục Dòng Tên Federico Lombardi trong bài diễn từ khi tiếp nhận văn bằng tiến sĩ danh dự do trường Đại học Salamanca thuộc phủ giáo hoàng trao tặng, theo bản thông báo của trường phổ biến cho báo chí.

Cha nêu lên một số hành động tiên tiến mà Giáo hội đã thực hiện nhằm thích ứng với những thực tại mới, chẳng hạn như kênh của Tòa thánh trên mạng YouTube phát bằng 4 ngôn ngữ truyền đi những video tin tức hàng ngày, những cuộc họp tổ chức cho hơn 13 ngàn người quản trị mạng lưới Công giáo tại Ý, cũng như việc tạo ra những trang mạng để thảo luận về các vấn đề liên quan đến đạo đức sinh học.

Người phát ngôn của Tòa thánh phân tích những tiến hóa trong lãnh vực truyền thông do sự phát triển của internet và truyền hình bằng vệ tinh trong những thập niên vừa qua.

Ngài nhấn mạnh đến “tốc độ và biên độ nhờ đó tin tức được phát tán trên internet” và tính vô số của các tiếng nói, làm cho thật “khó mà gài vào những phản ứng hay quản lý” và đồng thời cũng gây trở ngại cho việc xác minh các sự kiện.

Viện dẫn làm thí dụ, cha nói đến một số những điều gây tranh cãi mà ngài phải đối phó trong chức vụ trưởng văn phòng báo chí Tòa thánh: như bài diễn văn của Đức giáo hoàng đọc tại Regensburg, cuộc thảo luận về những người theo chủ nghĩa truyền thống nệ cổ và giám mục Williamson, những lời tuyên bố của Đức giáo hoàng tại châu Phi liên quan đến việc sử dụng bao cao su.

Cha xác nhận rằng không thể nào Giáo hội truyền đạt tin tức mà lại không gây ra “những mâu thuẫn và xung đột” trong xã hội đương thời.

Cha cũng nói về kinh nghiệm của mình với Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI, nêu lên khả năng hiểu biết rộng và nhất quán của ngài, làm cho “ngài có can đảm bảo vệ những lập trường chẳng mấy thoải mái mà không dao động trước những vấn đề văn hóa nổi trội.”

Linh mục phát ngôn viên nhắc lại chuyện Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đã từng bị chỉ trích suốt một thời gian dài là “một người Ba lan lạc hậu và bảo thủ, không hiểu biết gì về thế giới tân tiến.” Thế nhưng vào cuối triều đại giáo hoàng, ngài được tôn kính như là một “người can trường và nhất quán, kiên vững trong đức tin và có khả năng làm chứng nhân cho đức tin đó trong những tình huống khác biệt của cuộc đời.”
 
Tin ngắn từ Vatican
VietCatholic Network
17:48 30/04/2009
Tiếp kiến tổng thống cộng hòa Bạch Nga

Sáng 27-4-2009, ĐTC Bênêđíctô 16 đã tiếp kiến tổng thống cộng hòa Bạch Nga, Ông Alexandre Lcasenko.

Tháp tùng tổng thống có ngoại trưởng Dergei Martino. Sau khi gặp ĐTC, tổng thống đã gặp ĐHY Bertone, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, và Đức TGM ngoại trưởng Dominich Mamberti

Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết trong các cuộc trao đổi trong bầu không khí tích cực, các vị đã đề cập đến những vấn đề liên quan tới đức tin, lý trí, sự đối thoại liên tôn và liên văn hóa, cũng như vấn đề liên hệ tới sự thăng tiến hòa bình và tiến bộ đích thực của nhân loại, đặc biệt là một số vấn đề liên quan tới Giáo Hội Công Giáo tại Bạch Nga, cũng như viễn tượng đào sâu quan hệ giữa hai bên.

Sau hết các vị cũng nêu bật sự sống chung hòa bình giữa các cộng đồng Công Giáo và Chính thống, và các tôn giáo khác tại Bạch Nga.

Trong số 10 triệu dân tại nước này, đa số theo Chính Thống Nga, cũng có 1 triệu 500 ngàn tín hữu Công Giáo, trong đó có nhiều người gốc Ba Lan. Từ sau khi chế độ cộng sản sụp đổ tại Bạch Nga cho đến nay, số giáo xứ Công Giáo gia tăng gấp 4 lần và hiện có 467 xứ đạo, thuộc 4 giáo phận, với hơn 400 linh mục, trong số này 1 phần 3 đến từ Ba Lan. HĐGM Bạch Nga nhiều lần phê bình chính phủ vì các biện pháp chèn ép các LM nước ngoài, nhất là các LM Ba Lan, được mời đến làm việc mục vụ tại Bạch Nga.

Tiếp kiến thái tử Charles

Buổi trưa cùng ngày 27-4, ĐTC đã tiếp kiến riêng thái tử Charles của nước Anh và phu nhân Camilla. Sau đó thái tử đã hội kiến với ĐHY Quốc vụ khanh Bertone.

Trong các cuộc hội kiến thân mật các vị đã trao đổi ý kiến về những vấn đề quan tâm chung, trong đó có sự thăng tiến con người và phát triển các dân tộc, bảo vệ môi sinh và tầm quan trọng của đói thoại liên văn hóa và liên tôn để cổ võ hòa bình và công lý trên thế giới.

Thái Tử Charles đã được ĐTC Gioan Phaolô 2 tiếp kiến tại Vatican hồi năm 1985

Buổi tiếp kiến chung sang thứ Tư hàng tuần

Sáng thứ tư 29-4-2009, Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đã khẳng định với hơn 40.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung với ngài tại quảng trường thánh Phêrô rằng cần phải tái khám phá ra sự hiện diện và vẻ đẹp của Thiên Chúa trong thế giới, trong Giáo Hội và nơi tha nhân, cũng như ý thức cử hành vẻ đẹp và phẩm giá của phụng vụ với tất cả sự dấn thân, và yêu thương Giáo Hội.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã giới thiệu gương mặt Đức Thượng Phụ Germano của thành Constaninopoli sống vào thế kỷ thứ 8.

Đức Thánh Cha đã nêu bật định nghĩa về Giáo Hội của Đức Thượng Phụ Germano như sau:

Giáo Hội là đền thờ của Thiên Chúa, là không gian thánh thiêng, là nhà cầu nguyện, là dân được triệu tập, là thân mình của Chúa Kitô... Nó là trời ở dưới đất, nơi Thiên Chúa siêu việt ngự và đi dạo như trong nhà Người, nhưng nó cũng là dấu ấn hiện thực của việc đóng đanh, của mồ chôn và sự sống lại... Giáo Hội là nhà của Thiên Chúa, trong đó hiến tế thần bí ban sự sống được cử hành, đồng thời cũng là phần thân tình nhất của đền thờ và hang đá thánh. Trong đó có mồ và bàn tiệc thánh, của nuôi linh hồn và các bảo đảm của sự sống. Sau cùng trong Giáo Hội có các viên ngọc qúy là các tín điều của giáo huấn do Chúa trực tiếp cống hiến cho các môn đệ”

Tuy sống cách xa thời đại của chúng ta nhưng thánh Germano nói với chúng ta ba điều sau đây: Thứ nhất, có thể trông thấy Thiên Chúa trong thế giới và trong Giáo Hội. Thứ hai là vẻ đẹp và phẩm giá của phụng vụ. Cử hành phụng vụ với ý thức sự hiện diện của Thiên Chúa, với phẩm giá và vẻ đẹp cho thấy một chút sự rạng ngời của Chúa là dấn thân của mọi Kitô hữu được giáo dục trong lòng tin. Thứ ba là yêu mến Giáo Hội. Là con người chúng ta có khuynh hướng chỉ trông thấy các tội lỗi và điều tiêu cực trong Giáo Hội. Nhưng với sự trợ giúp của lòng tin chúng ta có khả năng trông thấy một cách đích thật, và cũng có thể tái khám phá ra vẻ đẹp của Thiên Chúa hôm nay và luôn mãi. Chính trong Giáo Hội mà Thiên Chúa hiện diện, Ngài tự hiến cho chúng ta trong Thánh Thể và ở lại đó để chúng ta thờ lậy. Thiên Chúa nói với chúng ta trong Giáo Hội. Trong Giáo Hội Thiên Chúa ”đi dạo với chúng ta” như thánh Germano đã nói. Trong Giáo Hội chúng ta nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa và học tha thứ. Xin Chúa dậy cho chúng ta biết trông thấy sự hiện diện và vẻ đẹp của Ngài trong Giáo Hội, trông thấy sự hiện diện của Ngài trong thế giới và xin Chúa giúp chúng ta cũng trong suốt dưới ánh sáng của Ngài.
 
Đức Thánh Cha khuyên giới trẻ hãy biết yêu
Bùi Hữu Thư
21:38 30/04/2009

Đức Thánh Cha khuyên giới trẻ hãy biết yêu



VATICAN, ngày 29, tháng 4, 2009
(Zenit.org).- Đức Thánh Cha Benedict XVI đang khuyến khích giới trẻ tìm biết Chúa Kitô và yêu mến Người y như thánh Catarina thành Siena đã làm như vậy vào thế kỷ 14.

Đức Thánh Cha gửi lời mời gọi này ngày hôm nay, ngày lễ Thánh Catarina thành Siena, vào cuối buổi tiếp kiến chung tại Quảng Trường Thánh Phêrô.

Thánh Catarina (1347-1380) là một Tiến Sĩ Hội Thánh được Đức Thánh Cha trình bầy như một tấm gương cho giới trẻ, cho những người bệnh tật và những cặp vợ chồng mới cưới trong lời chào mừng theo thông lệ vào cuối buổi tiếp kiến.

Đức Thánh Cha nói với giới trẻ tại Quảng Trường Thánh Phêrô, "Anh chị em hãy yêu Đức Kitô như Thánh Catarina, để hăng say và trung thành đi theo Người.”

Và Ngài mời gọi những người đau ốm “hãy nhận chìm những đau đớn của quý bạn vào trong mầu nhiệm của tình yêu máu cực thánh Đấng Cứu Chuộc, đã được vị thánh cả thành Siena chiêm ngắm với lòng sùng kính vô bờ."
 
Top Stories
Hundreds of Catholics protest newspaper to defend priest
Emily Nguyen
04:25 30/04/2009
Hundreds of Catholics promptly showed their angers after the publication of an article on a police newspaper in Hanoi.

Protesting at the Capital Security newspaper
Police videotaped protestors
Police videotaped protestors
Protestors with their banners
Hours after the Capital Security newspaper in Hanoi city had published an article accusing Fr. Peter Nguyen Van Khai, the spokesman of Hanoi Redemptorists of spreading false Church doctrine with the intention to incite riots against the government, hundreds of Catholics protested in front of the newspaper to defend their priest, and to demand the newspaper to withdraw their malicious, false accusation.

Protesting in front of a state-owned newspaper office, especially the one dedicated to the police force is absolutely unprecedented in Vietnam.

Both state media and police have been used to create the culture of fear and submissiveness. Protesting against them is something out of the ordinary if not too risky for the participants' own safety. The protest at the Capital Security newspaper, the voice of Hanoi police force, on Monday morning April 27, therefore, surprises many.

What made the people upset was not only the article on the said newspaper on April 26, 2009 which depicts Fr. Nguyen Van Khai as someone who was trying to take advantage of the politically motivated atmosphere in order to incite his parishioners into sabotaging the national unity and security, but also a picture of him holding a mega phone with a caption specifically describing him as calling for a riot against the government. This has been an outrageous lie, according to many protesters who came to bear witness for the priest's innocence.

The protesters demand to meet the editor and the reporter who wrote the article and post Fr. Khai's picture with ill intention to challenge the accuracy of their report and their ethical conducts. These individuals were nowhere to be found. The newspaper however sent out a representative who listened intensely to the witness who were present at the scene when Fr. Khai holding the mega phone to keep the parishioners in line as they were flooding in to attend a court trial for 8 Thai Ha defendants being held at O Cho Dua on Dec 8, 2008. They insisted that Fr. Khai was helping security police doing their job, not breaking the law as the caption of the picture misleads.

As a result of this protest, the newspaper kept the same article which is riddled with false information, but at least the ill- intentioned picture has been replaced by another one. Plain clothed and uniform police on the other hand were immediately mobilized to the site where they took pictures and videotaped everyone who participated in the protest in a threatening manner.

Although the parishioners could not completely root out the falseness of the newspaper, but they have set a record of people's sheer determination to take the law into their own hands and partially won, in a country where the law is only enforced to protect the right of the ruling party and its members, while ordinary citizens are left to defend themselves and subsequently suffer injustice. Fresh in the Catholics and others' mind was the story of Archbishop Ngo Quang Kiet of Hanoi whose statement at Hanoi People’s Committee on Saturday Sep. 20, 2008 was distorted in order for the state media to attack him for months.

Reporting on the meeting, state media had seized on an isolate phrase in a comment by the archbishop and pulled it out of context in order to condemn him. Here is the full text of his comment: “Hence, we want to repeat here our wish to build up the nation as a great united block. Travelling overseas often, we feel humiliated to be carrying a Vietnamese passport because wherever we go, we are always examined scrupulously [by customs agents]. We are really sad. We desire our country becomes stronger so that we can be like Japanese citizens who can pass through everywhere without being inspected. Koreans already enjoy that. We hope Vietnam becomes a strong, united country, so that we are respected everywhere we go."

His comment was condensed by state-controlled media into a few words: “we feel humiliated to be carrying a Vietnamese passport” in order to condemn him of smearing the nation, and thus causing the fury of people in the capital. Obviously, the quote was left out of context to interpret the speaker's comment in the opposite way.

Years of living as second class citizens has taught these Catholics well on how to survive in a country with laws and regulations designed and implemented to protect only privileged class of party members and their likes, that unless the ordinary people overcome the culture of fear and submissiveness, their lives would never be better or their rights protected under this communist regime. They have no other alternative but to blow their own horn. The protest was an example of how people's determination and their voice has made a difference in setting a terrible record straight, and how to get tyrannical power become lessen over time.
 
E’ “patriottico” opporsi al piano di Hanoi per lo sfruttamento degli Altipiani
Asia-News
14:28 30/04/2009
Il superiore dei Redentoristi replica alle accuse lanciate dalla stampa di regime contro due religiosi ricordando che “proteggere la natura e l’ambiente è una condizione necessaria per lo sviluppo umano”. Uno degli accusati è in prima linea nella battaglia per la vita, invisa al governo.

Protestare al giornale di Sicurezza Capitale
La polizia ha videoregistrato dei protestatori
La polizia ha videoregistrato dei protestatori
I protestatori con i loro stendardi
Hanoi (AsiaNews) – “E’ la prova del loro patriottismo” l’opposizione di due religiosi redentoristi al progetto del governo vietnamita per lo sfruttamento a cielo aperto della bauxite esistente negli Altipiani centrali e che ha provocato loro virulenti attacchi della stampa di regime (nella foto, la protesta contro uno dei giornali). Lo afferma in una pubblica dichiarazione il superiore provinciale dei religiosi, padre Vincent Pham Trung Thanh.

Il documento, che porta la data del 28 aprile, padre Pham Trung Thanh rileva che il progetto ha sollevato la preoccupazione di scienziati, intellettuali, ex ufficiali e molte personein patria e all’estero che contestano i danni ambientali e sociali che tale tipo di sfruttamento provocherebbe. In proposito, il superiore dei Redentoristi ricorda le parole di Benedetto XVI nel messaggio per la Giornata della pace del 2007, che “c’è un reciproco rapporto tra l’ecologia della natura, l’ecologia umana e l’ecologia sociale”. “L’esperienza mostra - sottolinea il religioso - che la mancanza di rispetto dell’ambiente danneggia la coesistenza umana, e viceversa. E’ sempre più evidente che c’è un legame inseparabile tra la pace e il creato e la pace tra gli uomini. Entrambi presuppongono la pace con Dio”.

”Proteggere la natura e l’ambiente - afferma ancora la dichiarazione – è una condizione necessaria per lo sviluppo umano”. “In ogni processo di sviluppo, in qualsiasi luogo, va preso in considerazione il bene spirituale e materiale dell’intera popolazione, specialmente dei poveri e di coloro che sono sottosviluppati. L’economia deve servire l’intera società e il benessere di tutti i suoi membri, non solo una minoranza privilegiata”.

Per questo, conclude il superiore dei Redentoristi, “ansie e preoccupazioni” di padre Joseph Le Quang Uy e padre Peter Nguyen Van Khai, i due religiosi attaccati dalla stampa, sono la prova concreta del loro patriottismo”.

C’è da aggiungere che dei due religiosi presi di mira dalla stampa - che tra l’altro li ha accusati di voler rovesciare il regime, il che prevede anche la pena di morte – uno è padre Peter Nguyen Van Khai, protavoce del monastero e della parrocchia di Thai Ha, a Hanoi, l’altro è padre Le Quang Uy, noto in tutto il Paese per il suo impegno per i poveri, i malati di Aids e la difesa della vita.

Quest’ultima è un’attività di fatto sgradita al governo, che considera l’aborto uno degli strumenti più efficaci per il suo piano di controllo della popolazione. Su 82 milioni di abitanti, il Vietnam registra 1,4 milioni di aborti ogni anno, che lo pongono ai primi posti, in percentuale, nel mondo. Tra le cause, gli esperti indicano l’ineguaglianza tra i sessi, che fa aumentare gli aborti selettivi, la diminuzione dell’età dei rapporti sessuali, ora a 14,5 anni, e la stessa politica familiare del Partito.

Padre Joseph Uy, che ha 50 anni, è il leader spirituale dei “Discepoli di Gesù”, che ogni giorno sono impegnati a portare conforto ai poveri e ai senza casa con piccole donazioni e si danno da fare per convincere le giovani che hanno gravidenze indesiderate a non abortire, dando invece i bambini in adozione.

Quanto a padre Nguyen Van Khai, il Dipartimento di Hanoi per le investigazioni criminali lo ha ripetutamente convocato “di persona” per “chiarimenti su alcuni documenti”. Il religioso si è opposto e con lui si sono schierati sacerdoti, religiosi e parrocchiani di Thai Ha. In un una dichiarazione del 28 aprile, essi scrivono che “padre Peter Nguyen Van Khai è il portavoce del monastero e della nostra parrocchia. ogni songolo documento o dichiarazione da lui resi come nostro portavoce va inteso come riflessione comune o aspirazione collettiva, volontà, posizione opinione di tutti i sacerdoti, i religiosi e i parrocchiani”. “Personalmente, padre Nguyen Van Khai è solo un membro della nostra comunità che ha il compito di fare dichiarazioni”.

“Tutti i sacerdoti, religiosi e parrocchiani sono totalmente all’unisono e sono corresponsabili di ogni questione, politica e azione pertinenti al onastero redentorista, parrocchia di Thai Ha”. Per questo “se c’è qualche questione” che il Dipartimento deve risolvere con monastero e parrocchia, “chiediamo che ciò venga fatto con tutti i sacerdoti, religiosi e fedeli”.
 
CHINE, Hongkong: en nommant ses vicaires généraux, l’évêque de Hongkong réaffirme sa volonté de maintenir des liens étroits avec l’Eglise catholique en Chine
Eglises d'Asie
14:48 30/04/2009
Quatre jours après son entrée officielle en fonction (1), le nouvel évêque de Hongkong, Mgr John Tong Hon, a nommé les trois vicaires généraux appelés à l’épauler étroitement dans sa mission. Sur les trois, l’un était déjà en poste depuis 1992, les deux autres accédant pour la première fois à cette responsabilité. Il s’agit de deux prêtres diocésains, les PP. Michael Yeung Ming-cheung et Dominic Chan Chi-ming, et le troisième, le P. Pierre Lam Minh, appartient à la Société des Missions Etrangères de Paris (MEP). Lors d’une conférence de presse le 25 avril, tous trois ont exprimé leur désir de voir renforcé le rôle du diocèse de Hongkong comme « pont » entre l’Eglise universelle et l’Eglise en Chine.

Le P. Yeung, 64 ans, sera plus spécialement responsable de l’administration diocésaine et de tous les organes de communication et d’information du diocèse. Par ailleurs responsable de la Caritas locale et membre du Conseil pontifical Cor Unum (qui coordonne les œuvres caritatives du Saint-Siège), il connaît le continent pour y avoir supervisé différents projets d’aide, notamment dans le domaine social. Le 25 avril, il a repris l’expression utilisée par son évêque pour caractériser les relations entre l’Eglise universelle et l’Eglise en Chine (« compliquées »), tout en précisant que tout est affaire de circonstances en Chine et qu’en fonction de celles-ci, beaucoup de choses peuvent être accomplies.

Du fait de sa longue expérience comme vicaire général, le P. Chan, 56 ans, connaît le diocèse dans ses moindres détails. Mgr Tong lui a confié l’administration des paroisses. Le 25 avril, il a rappelé que nombre des professeurs qui enseignent au grand séminaire de Hongkong sont aussi actifs sur le continent, où ils interviennent dans des séminaires et des noviciats. Ce mouvement de l’Eglise de Hongkong vers l’Eglise de Chine continentale ne doit pas faire perdre de vue le fait que « nous pouvons apprendre des catholiques du continent quant à leur manière de vivre la foi », a-t-il expliqué.

Membre des MEP, le P. Lam, âgé de 56 ans, s’est vu confier par l’évêque les questions liées aux congrégations religieuses et missionnaires, en plus de différents secteurs pastoraux et de la Commission diocésaine ‘Justice et Paix’. Le 25 avril, le P. Lam a souligné le fait que la mission d’« Eglise-pont » confiée à l’Eglise de Hongkong n’était pas l’apanage du seul clergé: « Tous les laïcs sont appelés à servir de pont entre l’Eglise universelle et l’Eglise en Chine. » Directeur spirituel du grand séminaire du diocèse de Hongkong depuis 2001, il connaît les réalités de l’Eglise de Chine pour avoir reçu et accompagné de nombreux séminaristes, prêtres et religieuses au Holy Spirit Seminary; il est régulièrement invité à prêcher des retraites en Chine continentale.

Le P. Lam a estimé que sa nomination comme vicaire général n’était pas uniquement due à sa vocation de missionnaire mais aussi à son passé. Né au Vietnam au sein d’une famille ethniquement chinoise, il a grandi dans un pays en guerre où il a été personnellement témoin des ravages commis par les armes. « C’est là que s’est ancrée ma vocation de prêtre et mon désir de paix et de justice, a-t-il expliqué en cantonais. Ma foi a été au cœur de l’énergie que j’ai mise en œuvre pour m’intégrer à la société hongkongaise. » Après avoir quitté le Vietnam en 1978 et passé neuf mois dans un camp en Malaisie, le P. Lam est arrivé en France, accueilli dans le diocèse de Bordeaux, où il a pu continuer sa formation sacerdotale. Ordonné prêtre au titre de ce diocèse en 1984, ce n’est qu’en 1990, qu’il demande à rejoindre les Missions Etrangères de Paris, qu’il connaissait depuis son enfance au Vietnam. Envoyé à Hongkong en 1991, il a travaillé successivement sur les paroisses de l’Etoile de la Mer (Chai Wan), de la Résurrection (Kwun Tong) et de St Pierre (Aberdeen) jusqu’en janvier dernier. Il a été responsable du groupe MEP de Hongkong entre 2002 et 2008.

Sur près de sept millions d’habitants, le diocèse de Hongkong compte 450 000 fidèles (locaux et immigrés), servis par 302 prêtres (70 diocésains et 232 religieux – de 16 congrégations). La messe solennelle d’installation de Mgr John Tong a lieu le jeudi 30 avril dans la cathédrale de l’Immaculée Conception, en présence du clergé et des représentants des différentes communautés religieuses et paroissiales du diocèse.

(1) Voir EDA 506.

(Source: Eglises d'Asie, 30 avril 2009)
 
CHINE: Au sein de la partie « officielle » de l’Eglise, le nombre des baptêmes est en hausse significative
Eglises d'Asie
16:47 30/04/2009
Nombre d’études l’indiquent depuis des années déjà: la Chine vit un « réveil des religions » et, si la soif spirituelle des Chinois « profite » à toutes les religions et mouvements religieux, il semble que ce soient les Eglises chrétiennes, notamment protestantes, qui attirent à elles le plus grand nombre de nouveaux croyants. Un article récemment publié dans le journal catholique Xinde (‘La Foi’) montre que l’Eglise catholique n’est pas tenue à l’écart de cette tendance et précise que le nombre des baptêmes est très nettement en hausse lorsque l’Eglise sait se montrer entreprenante dans le domaine de l’évangélisation. Là où les catastrophes naturelles, tel le tremblement de terre du Sichuan, sévissent, le nombre des catéchumènes est aussi en très nette hausse.

Dans un article publié le 22 avril, Xinde, qui est édité à Shijiazhuang, dans le Hebei, par les dynamiques Presse de la foi du Hebei, indique que, depuis le début de cette année, 22 308 personnes ont été baptisées dans la foi catholique en Chine. Ce décompte recoupe les données fournies par 90 des 97 diocèses de la partie « officielle » de l’Eglise; il ne tient donc pas compte des baptêmes administrés au sein de la partie « clandestine » de l’Eglise (1). Il est indiqué que les chiffres communiqués par certains diocèses sont incomplets et ne rassemblent que les baptêmes célébrés dans les paroisses des grands centres urbains. Quoi qu’il en soit, le nombre des baptêmes est, cette année, en augmentation de près de 40 % en comparaison des chiffres de l’an dernier. Selon Xinde, cette augmentation est à mettre au compte des efforts en matière d’évangélisation déployés en réponse à l’appel du pape Benoît XVI pour l’année jubilaire (juin 2008-juin 2009) consacrée à saint Paul, à l’occasion du deuxième millénaire de la naissance de l’« apôtre par vocation » (Ro 1,1).

Très concrètement, il semble qu’une catastrophe naturelle comme le tremblement de terre qui a ravagé une partie du Sichuan en mai 2008 contribue à amener de nouveaux fidèles à l’Eglise. Ainsi, rapporte le journal, avec 390 baptisés, le nombre des nouveaux catholiques a doublé cette année dans le diocèse de Chengdu. Selon le P. Peter Wu Xianliang, de Chengdu, les gens qui ont vécu l’épreuve de ce tremblement de terre ressentent un plus grand besoin de soutien spirituel et religieux. Dans le diocèse voisin de Chongqing, lui aussi durement touché par le séisme, 1 400 baptêmes ont été célébrés à Pâques, soit un chiffre trois fois supérieur à celui de l’an dernier.

Ailleurs, dans le pays, l’augmentation du nombre des baptisés peut être moins conséquente, elle n’en demeure pas moins riche d’enseignements. A Tianjin, grande métropole portuaire située à l’est de Pékin, la paroisse de Yixingbu a célébré neuf baptêmes à Pâques. Le chiffre est modeste mais l’événement est significatif pour les paroissiens car ce sont les premiers nouveaux baptisés de la paroisse depuis des décennies. Selon un paroissien, Yixingbu est une paroisse qui ne s’est pas véritablement relevée des persécutions, commencées dans les années 1950. L’église paroissiale a été confisquée durant la Révolution culturelle (1966-1976) et, à ce jour, elle n’a toujours pas été rendue au culte. Dans les années 1980, lors de la réouverture des églises, les paroissiens ont pris l’habitude de se joindre à d’autres paroisses alentours. Ordonné en 1995, le P. Yuan Shuguo a été nommé il y a peu curé de Yixingbu; pour pallier l’absence de lieu de culte, il a loué un local commercial et appelé les paroissiens à s’y rassembler. Aujourd’hui, témoigne-t-il, ils sont au nombre de 300 environ et les neuf baptêmes célébrés à Pâques sont un encouragement pour eux à s’impliquer dans le travail d’évangélisation. « Neuf baptêmes, c’est peu sans doute, mais cela marque le renouveau de l’évangélisation dans la paroisse », souligne-t-il (2).

(1) La tenue des statistiques concernant l’Eglise catholique en Chine est un art délicat. Le catholicisme figurant au nombre des religions officiellement reconnues (bouddhisme, taoïsme, islam, catholicisme, protestantisme), les catholiques sont officiellement dénombrés et les statistiques gouvernementales donnent le chiffre de 5,3 millions de fidèles. Selon une estimation du Centre d’études du Saint-Esprit (du diocèse de Hongkong), le chiffre réel avoisine sans doute les 12 millions de fidèles. Au sujet du nombre des diocèses, le Saint-Siège en compte 138 (116 étant actifs et 22 étant considérés comme n’étant plus actifs); le gouvernement chinois, lui, en compte seulement 97 (du fait des regroupements opérés au sein des instances « officielles » de l’Eglise ces dernières années pour faire, en partie, coïncider les limites des diocèses avec les frontières des circonscriptions administratives civiles).

(2) Ucanews, 28 avril 2009.

(Source: Eglises d'Asie, 30 avril 2009)
 
Opposition to the government’s plans for the Central Highlands is a “patriotic” duty
Asia-News
17:27 30/04/2009
Redemptorist superior responds to media attacks against two clergymen, saying that “protecting nature and the environment is a necessary condition for human development.” One of the two under attack is on the frontline in the battle for life, something which makes the government unhappy.

Hanoi (AsiaNews) – Opposition by two Redemptorists to plans by Vietnam’s government to start open-pit bauxite mining in the Central Highlands, which led to virulent attacks from government media (protest against one of the papers pictured), is “proof of their patriotism,” said Fr Vincent Pham Trung Thanh, Redemptorist provincial superior of Vietnam, in a public statement.

Dated 28 April, the statement explained that scientists, intellectuals, former officials and countless of Vietnamese at home and abroad share the same concern and are adamantly opposed to the government’s bauxite plans for their long term detrimental and impact on the environment and society.

Citing the message of Pope Benedict XVI on World Day of Peace 2007, Fr Vincent Pham said that “there is a reciprocal connection between the ecology of nature, the human ecology, and the social ecology.”

“Experience shows that disregarding the environment always harms human coexistence, and vice versa. It becomes more and more evident that there is an inseparable link between peace with creation and peace among men. Both of these presuppose peace with God,” Fr. Vincent Pham added.

“Protecting nature and the environment is a necessary condition for human development,” he said, adding that “in any development process, in any area, the spiritual and material benefits of the whole community, especially of the poor and the underdeveloped, must be taken into account. The economy must serve the entire society and the welfare of all the members of the society, not just a privileged minority,” he stressed.

For this reason, the concerns and anxieties voiced by Fr Joseph Le Quang Uy and Fr Peter Nguyen Van Khai, the two clergymen attacked by the media, “are proof of their patriotism,” said the Redemptorist provincial superior.

Of the two priests targeted by state media and accused, among other things, of trying to overthrow the government, a crime punishable by death, one, Fr Peter Nguyen Van Khai, is also spokesman for the Thai Ha monastery and parish. The other is Fr Quang Uy, known around the country for his work with the poor and AIDS patients and for his pro-life commitment.

The government is particularly unhappy with the last activity since it views abortion as an effective means for population control. In a country 82 million people, 1.4 million abortions are carried out each year, one of the highest rates in the world.

Experts note that gender inequality, which increases the rate of sex-selection abortions, lower average age for first sexual experiences and the government’s own family planning policy are to blame instead.

Fr Joseph Uy, 50, is the spiritual leader of the ‘Disciples of Jesus’, a group that tries to bring some comfort to the poor and the homeless through small donations and persuade young women with unwanted pregnancies to give their children up for adoption rather than opt for an abortion.

In another development, Hanoi Criminal Investigation Department has repeatedly sent “urgent summoning orders” asking Fr. Peter Nguyen to be present “in person” at the department for the “clarification of a number of documents.” So far, Fr. Peter Nguyen has refused to go and has been backed by priests, religious and parishioners in Thai Ha.

In a statement released on Tuesday 28April, representatives of priests, religious and parishioners of Thai Ha parish said: “Rev. Peter Nguyen Van Khai is our appointed spokesperson for the Redemptorist monastery-Thai Ha parish. Every single document or statement produced by Rev Peter Nguyen Van Khai as our spokesperson therefore has to be understood with common sense as the reflection of the collective aspiration, will, position, view of all priests, religious, and parishioners from the Redemptorist monastery–Thai Ha parish. Rev Peter Nguyen Van Khai personally is just a member among our community who is responsible for making announcements.”

“All priests, religious and parishioners here at Redemptorist monastery-Thai Ha are in perfect unison and all responsible for any affair, policies, and actions that are pertinent to the Redemptorist monastery-Thai Ha parish,” the statement said.

It concluded saying that “Should there be any issue that [requires] the above-mentioned agencies [... ] to work with the Redemptorist monastery-Thai Ha parish, we ask that it be done with all our priests, religious and parishioners.”
 
Update on the current persecution against the Catholic Church
VietCatholic Network
17:37 30/04/2009
Dear brothers and sisters in Christ, journalists and people of good will of the international community,

We would like to inform you with an update on the current persecution against the Catholic Church in Vietnam by the government.

As you might have known, the ongoing crisis the Redemptorist community and Thai Ha parishioners in Hanoi, Vietnam have been facing since they began to hold protest against the government’s illegal requisition of their properties has been escalating to a whole new level.

While the land and facility belonged to the Redemptorist monastery and Thai Ha parish have never been returned to them as promised, and 8 among Thai Ha parishioners had just been sentenced for participating in the protest, the Redemptorists and the faithful now have to come out once again to protest over new governmental construction project at their Ba Giang lakeside.

They also held vigils to pray for the leaders to scrap the decision to start a bauxite mining in central highlands as the plan is viewed by so many Vietnamese domestic and abroad, as very harmful to the environment and national security. The Catholics' latest effort is in harmony with countless number of scientists, intellectuals, former public officials as well as other religious leaders. However, it has been viewed by the government as highly disturbing.

Fr. Peter Nguyen Van Khai - the spokesman for the Redemptorist monastery and Thai Ha parish and Fr. Joseph Le Quang Uy- a pro-life activist who wrote a petition to collect support from all Vietnamese to protect the environment have been singled out by the authority as those who "critically damaging national unity and blocking the national construction and development process".

The priests have since been viciously attacked by the state run media with harsh words. Fr. Peter Nguyen has been denounced by the New-Hanoi newspaper and other state-owned media outlets for “instigating parishioners in order to cause divisions, inciting riots, falsely accusing the government, disrespecting the nation, breaking and ridiculing the law and instigating others to violate it." The newspaper has gone too far by posting with a false caption a picture which was taken as Fr. Peter Nguyen was holding a mega phone, trying to help the police keeping order in front of the courthouse when they came to provide support for the Thai Ha defendants at the trial back in December of 2008. To this false representation, hundreds of parishioners had come to defend their priest and demanded the newspaper to correct their errors. The picture was taken down but the article was not.

Fr. Joseph Le, on the other hand, has been rudely mocked by the daily as “stupid” and “ignorant”, sabotaging the national unity block, the national construction and development process; and plotting to overthrow the communist regime.

The newspapers have called on its owner- the Vietnam government- for “immediate and severe punishment” against Fr Joseph Le and Fr. Peter Nguyen “before they go too far”. The accusations leveled against the two priests, especially “the crime” of plotting to overthrow communist regime - an offense which can lead to capital punishment for the convicted, were so severe that many have believed that Vietnam government has been preparing public opinions for an arrest and persecution on the two priests.

The police and Dept of Investigation have been restless in harassing Fr. Peter Nguyen with numerous summoning orders asking him to come for interrogations. The priests have kept their silence but supports have been poured in from all over the world. Their superior Fr. Vincent Nguyen Trung Thanh, the Redemptorist provincial superior of Vietnam, on April 28 has issued a statement in which he defended action of his confreres praising them as patriotic noblemen whose worries and concerns “are proper which serve as proof of their patriotism”.

As this report is being made to you, the fates of these two priests are still in limbo. Reliable sources have told VietCatholic News that the two priests are in imminent danger of being arrested and persecuted unless the public and the international community get involved. We’re therefore asking you to help us protect our dear priests, our heroes, our voice from being taken from us and punished for what we all believe in but so few like themselves dare to speak out.

Please pray with us and voice your support for the safety of our priests and of those who are bravely fighting for the common good of people in Vietnam. Their action is not just for Thai Ha parish or the Redemptorist monastery but for the country as a whole in our quest for justice and peace for each and every citizen.
 
Vietnam Targets Redemptorists in Land Battle
Zenit
18:17 30/04/2009
2 Priests Accused of Plotting Overthrow

HANOI, Vietnam, APRIL 29, 2009 (Zenit.org).- An ongoing land battle between the Church and the Vietnamese government has escalated such that the state-run press is accusing a Redemptorist priest of plots to overthrow the government, a crime that can bring the death penalty in Vietnam.

The Church has not been successful in its land battles with Hanoi; the former site of the apostolic nunciature there was cleared last year for a public park.

Now, the government is taking over another plot of land, this one the property of the Thai Ha parish and Redemptorist Monastery in Hanoi. The superior of the community, Father Matthew Vu Khoi Phung, wrote the government in protest.

The government has responded with various measures, including summoning the Redemptorists to investigation. On Sunday, the newspaper New Hanoi, run by the communist party, accused the community spokesman, Father Peter Nguyen Van Khai, of "instigating parishioners in order to sow divisions, inciting riots, falsely accusing the government, disrespecting the nation, breaking and ridiculing the law and instigating others to violate it," according to VietCatholic News.

Monday, the Capital Security newspaper echoed the accusations in the New Hanoi, saying Father Nguyen teaches false Church doctrine to incite riots against the government.

Another Redemptorist has also fallen victim to the same state-run media.

Father Joseph Le Quang Uy in Saigon has been accused of "stupidity" and "ignorance" for his opposition to government plans for bauxite mining in Vietnam's Central Highlands.

The VietCatholic News noted that both articles called on the government for "immediate and severe punishments" of the two priests. The VietCatholic report suggested that the government might be "preparing public opinions for imminent crackdowns," given that the accusations against the Redemptorists could be used to call for capital punishment.
 
Redemptorists launch campaign against government mining projects
Indian Catholic
18:21 30/04/2009
HANOI, Vietnam: Redemptorist priests in Hanoi have asked people to pray and sign a petition asking the government to stop its controversial bauxite mining projects in the central provinces.

About 4,000 Catholics attended a special Mass to pray for government leaders to scrap two bauxite mining projects, which they say will cause environmental damage and adversely affect the lives of local people.

During the Mass, concelebrated by eight local Redemptorist priests on April 25 at Thai Ha church in the capital, Redemptorist Father Pierre Nguyen Van Khai asked the congregation to pray for government leaders to recognize the long-lasting harmful effects of mining bauxite. “We pray for them to maintain a clean and healthy environment for the next generations,” he said.

Since last October, when the Vietnamese government first released details of its two bauxite mining ventures on state-run media, many prominent figures including doctors, journalists, scientists, as well as retired government officials, religious leaders and social activists have demanded the government halt the projects.

They expressed outrage over the signing of the contracts with a Chinese company and accuse the government of not submitting them to the National Assembly for approval. Hundreds of Chinese workers are already working on the projects in Dak Nong and Lam Dong provinces, they said.

One of the mines is expected to start operating at the end of this year.

Opponents of the schemes say the projects will bring only short-term economic benefits, cause air and water pollution, and exhaust local water resources.

The excavations will also cause ecological disasters, they claimed.

Local people say they fear their livelihoods from cashew nut, coffee, fruit, rubber and tea cultivation would be threatened as a result of the projects, which they believe would offer only limited job opportunities to them.

Father Khai, 38, also urged Massgoers to fight for the rights of indigenous people who have no say in governmental policies. They live in poverty since their land is used for government development projects, he added.

After the Mass, worshippers prayed, holding candles in front of a statue of the Virgin Mary in the compound of the church.

Up to 600 people also signed a petition against the mining projects.

On the same day, Redemptorist Father Joseph Le Quang Uy posted a message, calling for environmental protection, in his own blog and on websites run by local Redemptorists and other Church organizations. He urged Vietnamese Catholics at home and abroad to sign a petition against the projects.

Meanwhile, in an April 28 letter to local Catholics, Redemptorist Father Vincent Pham Trung Thanh, provincial superior of the Redemptorists, said the local Church has a duty to protect the environment and work for the spiritual and material benefits of the people, especially the underprivileged. The Church believes the economy has to serve the people, not the other way around, he said.
 
抵制河内开发高原项目是“爱国行动”
Asia-News
18:27 30/04/2009
赎主会长上驳斥官方媒体对两位会士的指责,指出“保护大自然和环境是人文发展的必要条件”。其中一位被控会士始终站在捍卫生命第一线,不受政府欢迎

河内(亚洲新闻)—赎主会越南省会会长范神父公开发表声明,支持两位遭到河内官方媒体指责的同会会士。强调,两位赎主会会士公开反对政府开发高原项目是“他们爱国的证据”。由于天主教修会会士明确反对河内政府开发中部地区,招致官方媒体的狂轰滥炸(见照片,抗议媒体的场面)。

四月二十八日,赎主会省会长范神父签署文件指出,此类计划令科学家、前政府高官、知识分子,甚至海内外环保人士感到忧虑,担心可能造成的环境灾难。他援引教宗本笃十六世的二OO七年世界和平日文告指出,“保护自然、保护人类和保护社会之间的关系是相互的。不尊重环境,自然会给人类的共同生存带来灾害”。

范神父继续表示,“保护大自然和环境是人文发展的必要条件”。最后,他充分表达了对两位会士遭政府官方媒体攻击的“忧虑和担心”。并重申,这是“他们爱国的证据”。

同时,上述指控在越南是可能被判处死刑的。两位会士,一位是首都河内总主教区太河堂区新闻发言人阮神父;一位是始终站在捍卫生命、保护穷人和病患第一线的黎神父。

特别是黎神父,不受将堕胎视为控制人口有效措施的政府的欢迎。越南全国8,200万人口,每年堕胎140万,居世界之首。有关专家指出,导致选择性堕胎激增的原因是,社会中的男女不平等的陋习、性关系低龄化以及政府家庭政策本身的局限性。

现年五十岁的黎神父,是每天为弱势群体服务的“耶稣门徒”小组的精神领袖。这一团体,专门照顾穷人,说服青年不要堕胎,并为他们提供具体的帮助。

日前,河内政府犯罪调查部门要求太河堂区发言人阮神父前去应讯,遭到了会士拒绝。整个堂区都支持阮神父的工作,并发表声明强调,发言人的一切行为均为集体共同作出的。“阮神父本人仅为团体一名成员,负责对外发表声明”。

“堂区全体司铎、会士和教友共同承担一切堂区问题的责任及后果”。为此,一旦出现问题,政府部门“应与本堂区交涉”。
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Chút tâm tình về vị chủ chăn mới của giáo phận Ban mê thuột
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
05:26 30/04/2009
Không là linh mục cao niên, cũng chẳng đảm nhận vị trí đầu của ban này ban nọ trong giáo phận, tôi được cắt cử đi đón Giám Mục giáo phận thay cho một linh mục trưởng ban Tu sĩ. Đi vì bổn phận thì cũng đúng, mà đi vì tò mò để gặp mặt tân Giám mục giáo phận cũng chẳng sai vì bản thân chưa từng gặp Ngài lần nào. Nói rằng đi để cho người ta thấy mình “oai”, có vai vế gì đây thì không dám phủ quyết, nếu còn chút liêm sĩ.

Xe khởi hành lúc 7g00 từ Toà Giám Mục Ban Mê Thuột. Đến cổng Toà Giám Mục Quy Nhơn vào khoảng 16g15. Đức tân Giám Mục đã có mặt ở sân chờ sẵn. Tuần tự quý Cha đến chào vị mục tử giáo phận mình. Vừa bắt tay Đức Giám Mục, tôi vừa giới thiệu tên mình và nói luôn rằng mình chưa biết Ngài và đây là lần đầu được diện kiến. Thật bỡ ngỡ khi nghe Ngài đáp lại: “Nhưng con, con đã biết cha phần nào”.

Chiên thì dĩ nhiên là nhiều hơn chủ chiên. Chuyện chiên chưa biết chủ mà chủ đã biết chiên quả là điều hiếm thấy. Xin tạ ơn Chúa đã gửi đến cho giáo phận chúng con vị mục tử đã lấy sự “biết chiên” làm nền tảng của sứ vụ.

Đồng tế trong Thánh Lễ sáng hôm sau do Đức Giám Mục chủ tế. Ngài nhường Cha Tổng đại diện giáo phận Ban Mê Thuột giảng Lễ. Cuối Thánh Lễ, sau khi nói vài lời thân tình chia tay cùng quý Cha, Quý Sơ, các ứng sinh của giáo phận Quy Nhơn, Ngài ngõ lời với đoàn giáo phận Ban Mê Thuột đi đón Ngài rằng xin hãy đón nhận Ngài vào giáo phận vì Ngài rất “dễ bảo”. Hai từ dễ bảo gợi nhớ cho tôi về Mẹ Maria, một con người dễ bảo, đúng hơn là con người biết lắng nghe. Mẹ là người biết lắng nghe Thánh Thần thúc đẩy trong sự khiêm hạ, đầy hân hoan và nhiệt thành. Hai tiếng “xin vâng” đủ minh chứng điều này.

Xin tạ ơn Chúa đã gửi đến cho giáo phận chúng con vị mục tử sẵn sàng biết lắng nghe. Xin cho Ngài biết lắng nghe tiếng Thánh Thần thúc đẩy, chỉ dạy, qua Lời Mạc Khải, qua đường lối chung của Mẹ Hội Thánh toàn cầu, qua các biến cố lịch sử, qua tiếng nói của đàn chiên, của cả những con chiên ghẻ, chiên “khó bảo” vì vô tri…

Một mục tử sẵn sàng “lắng nghe” và tích cực “biết” chiên quả là mục tử “như lòng Chúa mong ước” sẽ dẫn chiên đến đồng cỏ xanh tươi và dòng suối mát, sẽ đi tiên phong để bảo vệ đàn chiên trước sói dữ, sẽ chăm sóc những con chiên đau yếu, đi tìm các con chiên lạc đàn, sẽ nỗ lực kiếm tìm các con chiên đang ở ngoài đàn…và dĩ nhiên sẽ sẵn sàng hiến mình vì đàn chiên, vì từng con chiên.

Xin tạ ơn Chúa. Viết đến đây tôi bổng nghe Chúa thầm nói: Lời tạ ơn đẹp lòng Ta nhất là hãy sử dụng ơn ban của Ta cách hữu hiệu, hãy sử dụng đúng và đẹp ý Ta.
 
Giáo họ Tà Mon, Phan Thiết, được nâng lên hàng giáo xứ
Pm. Cao Huy Hoàng
15:07 30/04/2009
PHAN THIẾT - Bầu trời buổi sớm 30-4 của ba mươi tư mùa kỷ niệm thật u ám! Mưa suốt đêm qua, làm con đường vào Tàmon trơn trượt vì bùn lầy đỏ cả mặt đường! Hình như nhà ai cũng vắng vẻ. Tất cả đều tập trung lên Nhà Thờ Tàmon cho ngày lịch sử trọng đại của họ: Ngày Thành Lập Giáo Xứ Tàmon và đón Linh mục Quản Xứ Tiên Khởi Phaolô Nguyễn Văn Linh.

Xem hình ảnh

Đức Giám Mục Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, Giám Mục Giáo Phận Phan Thiết cùng 20 Linh Mục về Giáo Họ Tàmon trong tiếng trống chiêng mừng đón. Thỉnh thoảng, vài tiếng chuông trên tháp chuông rung lên - không thấy tiếng chuông liên hồi, vì tháp chuông rung lắc đến kinh sợ!

Chưa tới 200 giáo dân trong ngôi nhà thờ chật hẹp với hơn 500 người bên ngoài nhà thờ đang lắng nghe Lm. Hạt Trưởng Hạt Hàm Thuận Nam, Cha Phêrô Nguyễn Hữu Nhường đọc quyết định thành lập Giáo Xứ Tà Mon và bài sai do Đức GM giáo phận đã ký. Tiếng vỗ tay thật lớn, thật dài, thay lời Tạ ơn Chúa, cảm tạ Mẹ Giáo Hội.

Đức GM Phaolô vui mừng với Tân Giáo Xứ Tàmon với lời nhắn nhủ: 120 hộ với hơn 800 giáo dân đang chung sống với hơn 400 hộ lương dân cùng xã, con số ấy cho thấy, sự trẻ trung của một giáo xứ có tiềm năng phát triển và truyền giáo. Ngài giới thiệu Cha Quản Xứ tiên khởi Phaolô Nguyễn Văn Linh vừa 40 tuổi trẻ trung, và 7 năm linh mục, đã làm phó xứ 3 giáo xứ, trong đó có phó giáo xứ Hiệp Đức của Tàmon! Ngài kêu gọi Tân Giáo Xứ cộng tác với Cha xứ để phát triển GX. Sau nghi thức tuyên xưng đức tin, Ngài trao chìa khóa nhà tạm cho Cha Quản Xứ, Ngài dẫn Cha Quản Xứ mở đóng cửa nhà thờ, Ngài đưa vào tòa giải tội… Qua những nghi thức nầy, mọi tín hữu nhận ra rằng, chính Đức Giám Mục là Chủ Chăn của họ, và Cha Quản xứ được ủy thác các việc của Ngài.

Trong bài Giảng, Đức Cha đã nhấn mạnh đến những nhu cầu của đời sống con người: vật chất, tinh thần, đức tin - ấm no, hạnh phúc, và được thờ phượng Chúa. Ngài đặc biệt lưu tâm đến mầu nhiệm giáo hội nơi mỗi giáo xứ: cộng đoàn đức tin, cộng đoàn truyền giáo, và cộng đoàn yêu thương hiệp nhất.

Trước khi kết thúc Thánh Lễ, Cha Quản Xứ Tiên Khởi Tà Mon đã thưa lời cảm tạ chân thành đến 2 Đức Cha Nicolas và Phaolô, Cha Hạt Trưởng, quí Cha tiền nhiệm, quí Cha, quí thầy, quí nữ tu, hội đồng và cộng đoàn. Lời cảm tạ ngắn gọn nhưng thật cảm động vì ý Chúa đã thương cho Cha đến với Tàmon rất sớm, từ những ngày mới chịu chức, và hôm nay lại làm quản xứ nơi nầy- thật thân thương và cũng đầy trách nhiệm.

“Hôm nay là ngày Thiên Chúa dựng nên, chúng tôi vui mừng sung sướng triền miên…”

Quả là một ngày vui mừng của Tàmon - một Tàmon mang tiếng là vừa nghèo vừa khổ đến nỗi trong vùng nầy không ai quên được câu nói “hoàn cảnh tàmon” đã đi vào phương ngữ.

Tà Mon thuộc miền núi, xã Tân Lập, Huyện Hàm Thuận Nam bây giờ, nguyên là một vùng rừng núi âm u. Trong chiến tranh, có thể nói, là vùng chia nhau quản lý - ngày quốc gia, đêm cộng sản. Sau 1975, Tamon ít người lui tới vì sợ bom, mìn, và u minh lắm.

Năm 1977 nhà nước đưa một số đồng bào 7 xã, thuộc huyện Hàm Tân gồm: Tân Sơn, Cam Mỹ, Cam Bình, Tân Thiện, Tân An, Tân Hòa, Phước Hội đến đây thành lập vùng Kinh Tế Mới. Đa phần là đồng bào từ Quảng Trị đến hết miền Trung Trung Bộ mới di tản vào những ngày trước 30-04-1975. Rừng thiêng nước độc, hai bàn tay trắng vì mới bỏ xứ ra đi, trợ cấp 13kg lương thực hỗ lốn, lang, mì, bo bo cho một người/ tháng, những người cầm súng cầm bút của chế độ trước, giờ đây phải cầm rựa cầm cuốc cầm cày... ấy là, thời khởi thủy của Tà Mon.

Theo phạm vi địa lý tôn giáo, Tà Mon bấy giờ thuộc Giáo xứ Hiệp Đức. Nhưng Giáo xứ Hiệp Đức không có Linh mục Quản xứ.

Từ 1977 đến 1980, đoàn chiên lạc tìm nhau để làm quen và phát hiện dần những con cái của Thiên Chúa, hình thành một cộng đồng cơ bản của Đức tin Kitô Giáo họp nhau kinh nguyện tại các gia đình.

Năm 1982, Linh mục Phanxicô Xavie Lê Quang Diễn từ trại cải tạo về nhận quản xứ Hiệp Đức, nhưng suốt 2 năm liền chưa được phép thi hành tác vụ Linh mục. Mặc dù vậy, Ngài đã thường xuyên thăm viếng và ủi an hơn 20 gia đình công giáo mới tìm lại được. Ngài lập chi họ Tà Mon và nhờ Cha GB. Trương Văn Hiếu, GX. Hòa Vinh, và Cha Stephano Lê Công Mỹ, GX. Đông Hà, giúp các bí tích cần kíp trong thời gian này.

Năm 1984 Cha FX được phép thi hành tác vụ Linh mục, Ngài thành lập Praesidium Đức Mẹ Vô Nhiễm gồm 7 thành viên với công tác tìm lại những con chiên lạc, gỡ rối...Quí Ông Bênêđictô Lê Công Kính và Phêrô Ngô Công Giải nhận trách nhiệm phát triển Praesidium và thu hồi về cho Tà Mon các con cái của Chúa. Kết quả là, tháng 12-1988 Cha FX dâng thánh lễ đầu tiên tại tư gia Ông Bênêđictô Lê Công Kính với hơn 100 Giáo dân Kinh Tế Mới. Từ đó cứ mỗi tuần có thánh lễ vào thứ sáu và có thánh lễ các dịp lễ trọng.

Năm 1992, con số giáo dân tìm lại được và rửa tội mới đã lên đến 40 hộ công giáovà gần 250 giáo dân, và vẫn phải tham dự Thánh Lễ tại tư gia ông Kính.

Ngày 17-02-1993, sau khi thỉnh ý cha Quản xứ FX và trình Đức Cha Nicolas, mọi người đồng tâm nhất trí làm đơn gửi chính quyền xin xây nhà thờ họ.

Đến tháng 12-1997, được giấy phép xây dựng nhà thờ với một diện tích lọt lòngkhá khiêm tốn: 10m x 20m. Được Đức Cha Nicolas hỗ trợ và Cha FX Lê Quang Diễn chỉ đạo công trình, mọi người cùng nhau xây dựng Thánh đường thật vội vã và tạm thời vì đồng tiền ít ỏi. Cha FX nâng chi họ Tà Mon lên hàng Giáo họ. Có các Nữ tu Dòng Thánh Phao Lô Thành Sartre Cộng Đoàn Hiệp Đức đến giúp Giáo Họ việc dạy giáo lý, ca đoàn, phụng vụ.

Năm 2000, Cha FX bàn giao cho Cha sở mới là Cha Phêrô Phan Ngọc Cẩm. Cha Phêrô tiếp tục công trình của vị tiền nhiệm bằng việc tăng thêm lịch Thánh lễ 3 ngày/tuần và giao cho Cha Phó FX. Đặng Hùng Tân và GB. Ngô Đình Long đảm trách.

Năm 2004, Cha Phêrô Nguyễn Hữu Nhường, Hạt trưởng Hạt Hàm Thuận Nam về Quản xứ cùng với Cha Phó Phêrô Võ Tấn Luật. Và sau khi Cha Luật về làm Chánh xứ Lương sơn, hai Cha Phó Giacôbê Nguyễn Minh Luận và Phaolô Nguyễn Văn Linh thay nhau giúp giáo họ Tàmon cho đến nay. Cha Chính xứ Hiệp Đức Phêrô Nguyễn Hữu Nhường đã dày công chuẩn bị cho Giáo Họ Tàmon từ nhân sự cấp Hội Đồng Giáo Xứ đến cơ sở vật chất tạm thời là một nhà xứ cùng các đóng góp quan trọng trong vai trò Hội Đồng Tư Vấn để Tàmon được nâng lên Hàng Giáo Xứ như hôm nay. Mặc dầu còn quá nhiều việc cho Cha xứ mới: nhà thờ chật hẹp và xuống cấp, tháp chuông phải làm lại, chưa có phòng Giáo Lý, chưa có giếng nước, chưa có máy điện riêng… nhưng tất cả đến đây đã là bài ca tạ ơn cho một Tàmon 30-4-2009 Tân Giáo Xứ.

Thật là một niềm vui trọng đại.

Nếu vì biến cố 30-4 của ba mươi tư năm về trước mà đoàn người di tản từ Gio Linh, Đông Hà, La Vang, Thạch Hà… đã bỏ nơi chôn nhau cắt rốn, thì 30-4-2009 hôm nay, lại là ngày Tạ ơn Chúa vô cùng vì mắt Chúa đã đoái trông đến con cái Ngài, ban cho một Tàmon quê hương mới, sau ba mươi tư năm lầm lũi, giá lạnh, côi cút trong hóc núi hang rừng dày đặc đạn bom một thời chinh chiến.

Hãy ca tụng Chúa vì muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
 
Sinh viên Công Giáo Huế tham dự hội thi Hiểu biết về HIV/AIDS
Phêrô Nguyễn Ngọc Giáo
15:11 30/04/2009
HUẾ, Việt Nam (30-4-2009) Khoảng chừng 650 sinh viên Huế đang theo học tại các trường Đại học và Cao đẳng tại Huế, đã tham dự buổi hội thi tìm hiểu về Kiến thức và Giảm thiểu kỳ thị về HIV/AIDS tại hội trường dòng Chúa Cứu Thế Huế hôm 26-4-2009.

Ban giám khảo hội thi là Linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Minh Sang, bề trên dòng Chúa Cứu Thế Huế và 3 linh mục, 5 nữ tu Y bác sĩ trong ban truyền thông HIV của giáo phận Huế thuộc các dòng Phaolô, Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, Con Đức Mẹ Đi viếng Huế.

Linh mục Antôn Nguyễn Văn Tuyến, người đặc trách Sinh viên Công giáo Huế, đã tổ chức hội thi này nhằm nâng cao nhận thức và vai trò của sinh viên trước đại dịch HIV/AIDS.

Tại hội thi có chủ đề “Con là một kỳ quan”, Cha Tuyến giải thích mục đích là tạo ra môi trường lành mạnh để giúp người sinh viên hiệp thông với Giáo Hội trong việc tìm hiểu các vấn đề liên quan đến HIV/AIDS. Ngài nói rằng, “ Chúng ta hãy khám ra hình ảnh Thiên Chúa nơi ngưòi anh em của mình và làm chứng nhân tình thương cho Chúa trong cư xá, nơi phòng trọ và tại giảng đường”.

Các bạn sinh viên được chia thành 3 nhóm, mỗi nhóm đề cử 10 thành viên tham gia cuộc thi như giới thiệu về nhóm, trắc nghiệm kiến thức HIV, trình bày thủ công “dán Cây” mô tả nguyên nhân, hành động các dạng kỳ thị và hậu quả vấn đề, thi đóng tiểu phẩm qua 3 chủ đề chính: gia đình, trường học và cộng đồng.

Những hoạt động này đã thu hút sự tham gia của nhiều bạn sinh viên, chị Matta Trần Thị Thơ, trường đại học Y, đại diện nhóm 2 tham gia thi môn dán cây diễn tả nguyên nhân và hậu quả của lây nhiễm, chị ca ngợi những hoạt động này, nhằm đưa ra thông điệp chung của sinh viên muốn gửi tới mọi người là “Đừng kỳ thị người nhiễm HIV”.

Linh mục Phanxicô Xavie Trần An, dòng Thiên An Huế, một nhân chứng của Lòng Thương Xót Chúa, được mời đến chia sẻ về cuộc đời của ngài từ một chàng trai hư hỏng, sau đó trở thành nguồn hy vọng cho nhiều người, đặc biệt là những người nghiện ma túy và bệnh nhân HIV, thường tìm đến ngài để nhờ ngài tư vấn và tìm sự cảm thông. “Chúa đã dùng tôi để yêu thương họ”. Ngài nói.

Trong suốt buổi sinh hoạt định kỳ tháng của Sinh viên thường có giờ tĩnh nguyện hoặc Thánh lễ, các Linh mục đã tận dụng cơ hội này để dâng Thánh lễ cầu nguyện cho anh chị em bệnh nhân HIV/AIDS còn sống và những Người Bạn đã qua đời.

Quan tâm đến người bệnh HIV bằng hình thức thăm viếng, an ủi, cầu nguyện, học hỏi để yêu thương mà không phân biệt đối xử. Đó là dấu chỉ tình thương của Chúa thể hiện qua mỗi bạn sinh viên, Linh mục Giuse Nguyễn Quốc Giang, giám đốc Đệ tử viện dòng Chúa Cứu Thế Huế giảng trong thánh lễ cầu cho bệnh nhân AIDS.
 
Nam Úc, Lễ Tưởng Niệm 30/4 và Thắp Nến Cầu Nguyện Cho Quê Hương VN
Jos. Vĩnh SA
15:47 30/04/2009
Lễ Tưởng Niệm 30 tháng Tư và Thắp Nến Cầu Nguyện Cho Quê Hương Việt Nam


Đặt Vòng Hoa Tưởng Niệm
Lúc 7 giờ tối, thứ Năm, ngày 30 tháng Tư năm 2009. Công Đồng Công Giáo Việt Nam - Nam Úc đã tổ chức Thánh Lễ Tưởng Niệm ngày 30 tháng Tư và cầu cho tất cả các chiến sĩ trận vong và đồng bào đã bỏ mình vì lý tưởng tự do, dân chủ trên đường tỵ nạn.

Chủ tế Thánh Lễ, Đ/ô. Phaolô Nguyễn Minh Tâm quản nhiệm Cộng Đồng, với phần phụng vụ đặc biệt cầu cho Quốc Thái, Dân An và các nạn nhân đã hy sinh trong chiến cuộc Việt Nam trước năm 1975.

Đến tham dự Thánh Lễ, nhận thấy có một số quan khách, đại diện các hội đoàn, đoàn thể chính trị trong Công Đồng Người Việt Tự Do Nam Úc.

Sau Thánh Lễ mọi người xuống cuối Hội Trường thắp nến, rồi sắp hàng, lần lượt tiến lên đặt trước bàn thờ Tổ Quốc để cầu nguyện cho các anh hồn tử sĩ và cho quê hương.

Mặc dù trời lạnh, những cũng có khoảng gần 500 người, trong và ngoài Cộng Đồng đến tham dự.
Dâng Hương Cầu Nguyện
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Lật mặt kẻ viết bài: ''Lật mặt kẻ bịa đặt'' !
Luật sư Lê Văn Minh
00:14 30/04/2009
Chúng ta cần đặc biệt chú ý đến đoạn văn sau dây trong bài "Lật mặt kẻ bịa đặt" của Anh Quang trên Báo Hà Nội Mới ra ngày 27/4/2009:

"Hàng chục năm sau chiến tranh, trên mỗi mảnh đất, trong mỗi con người Việt Nam vẫn còn đó những hậu quả nặng nề. Linh mục Uy có biết hay cố tình không biết? "Nỗi đau da cam" vẫn hiển hiện đến tận hôm nay, làm nhức nhối mọi người dân Việt Nam và những người có lương tri, yêu chuộng hòa bình công lý trên khắp thế giới. Nhắc lại để cho linh mục Uy được rõ, từ năm 1961 đến năm 1971, quân đội Mỹ đã rải khoảng hơn 80 triệu lít chất diệt cỏ và phát quang xuống một diện tích khoảng 24,67% tổng diện tích lãnh thổ Nam Việt Nam, trong đó phần lớn là chất độc da cam. Với số lượng rất lớn chất độc hóa học được rải, lặp đi lặp lại nhiều lần trong thời gian dài với nồng độ cao, không những làm chết cây cối, động vật gây ô nhiễm môi trường mà còn làm biến đổi các hệ sinh thái tự nhiên. Và đặc biệt để lại những di chứng đau thương cho con người. Tòa án Bertrand Roussel cũng như Hội nghị Paris năm 1970 đã lần đầu tiên nêu lên trước dư luận thế giới về sự tàn khốc của cuộc chiến tranh hóa học của Mỹ tại Việt Nam, gọi đích danh đó là "cuộc chiến tranh hủy diệt môi trường, hủy diệt hệ sinh thái và con người" ở Việt Nam".

Khai thác bô-xít và chất độc màu da cam?

Nội dung đoạn văn trên chẳng ăn nhập gì với nội dung bài viết về Linh mục Lê Quang Uy của Anh Quang. Khi viết đoạn văn trên, phải chăng Anh Quang muốn so sánh tác hại nhiều mặt cho môi trường, khí hậu đối với cả vùng rộng lớn Nam Trung bộ, Đông Nam bộ, ảnh hưởng cả về chính trị - xã hội của việc khai thác bô-xít với "Nỗi đau da cam" do Mỹ để lại trong chiến tranh tại Việt Nam?

Có phải Anh Quang muốn lưu ý với Linh mục Lê Quang Uy rằng, Linh mục băn khoăn, lo lắng, lên tiếng “hãy cứu lấy Tây Nguyên khỏi thảm họa bauxite đỏ” làm gì khi mà tác hại của nó, dù có nhiều mặt đến đâu, dù có ghê gớm đến đâu cũng không đáng kể gì so với việc "quân đội Mỹ đã rải khoảng hơn 80 triệu lít chất diệt cỏ và phát quang xuống một diện tích khoảng 24,67% tổng diện tích lãnh thổ Nam Việt Nam" trong chiến tranh trước đây?

Việc khai thác bô-xít là chủ trương lớn của Đảng, tại sao Anh Quang lại đem chuyện "chất độc màu da cam" với những tác hại khủng khiếp của nó, "không những làm chết cây cối, động vật gây ô nhiễm môi trường mà còn làm biến đổi các hệ sinh thái tự nhiên. Và đặc biệt để lại những di chứng đau thương cho con người" ra để mà so sánh? Như vậy chẳng khác nào Anh Quang coi việc khai thác bô-xít hiện nay cũng giống như "cuộc chiến tranh hủy diệt môi trường, hủy diệt hệ sinh thái và con người" như chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam trước đây, nhưng mức độ tác hại về môi trường thấp hơn, để lại những di chứng đau thương cho con người ít hơn?

Ẩn sau bài viết "Lật mặt kẻ bịa đặt", đặc biệt là đoạn văn trích dẫn trên đây, phải chăng Anh Quang đã có ý đồ bôi nhọ Đảng?

Tổn hại đến quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ?

Như chúng ta đã biết, trong bối cảnh hiện nay, quan hệ hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ đang tiến triển tích cực, các mặt hợp tác phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, đem lại nhiều kết quả thiết thực đáp ứng lợi ích và nguyện vọng của nhân dân hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ. Quan điểm đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong quan hệ với Hoa Kỳ là khép lại quá khứ hướng tới tương lai tốt cho cả hai bên.

Về vấn đề chất độc màu da cam, khi trả lời phỏng vấn của hãng Truyền hình Mỹ CNN ngày 06/07/2007 nhân chuyến đi thăm chính thức Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã nêu rõ: "Cảm ơn Hoa Kỳ đã có giúp đỡ cho nạn nhân chất độc mầu da cam. Tôi cũng đã gửi lời cảm ơn về sự giúp đỡ những nạn nhân. Nhưng, những nạn nhân còn rất nhiều. Cuộc sống của họ còn khó khăn và những vùng bị nhiễm độc cần được tẩy độc. Chúng tôi mong Tổng thống và Quốc hội Hoa Kỳ tiếp tục nỗ lực nhiều hơn với những nạn nhân này".

Về mối bang giao tốt với cả hai nước Hoa Kỳ và Trung Quốc, khi trả lời phỏng vấn của hãng Truyền hình Mỹ CNN ngày 06/07/2007 nhân chuyến đi thăm chính thức Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng đã nêu rõ: "Chúng tôi muốn hữu nghị với tất cả các nước. Việt Nam trải qua chiến tranh, Việt Nam muốn là bạn với tất cả để đất nước phát triển. Cả Trung Quốc và Hoa Kỳ đều là ưu tiên trong đường lối đối ngoại của Việt Nam, không phải câu trả lời này có tính chất xã giao".

Như vậy, quan điểm đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam là đúng đắn và hết sức cần thiết, nhất là trong tình hình hiện nay.

Vậy mà khi viết bài "Lật mặt kẻ bịa đặt", Anh Quang đã cố tình khơi lại chuyện chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam, chuyện "Nỗi đau da cam", là vấn đề khá nhạy cảm, điều đó có thể góp phần làm ảnh hưởng xấu, làm tổn hại đến quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, tăng cường sự hiểu biết và thông cảm lẫn nhau giữa hai dân tộc.

Việc làm này của Anh Quang là do động cơ nào và nhằm mục đích gì?

Trách nhiệm này thuộc về ai?

18 giờ 30 ngày 29 tháng 4 năm 2009
 
Linh mục Nguyễn Văn Khải, phát ngôn viên của DCCT Thái Hà
Thiên Bình
00:19 30/04/2009
Ngay sau buổi thắp nến cầu nguyện của giáo xứ Thái Hà về vấn đề bauxite Tây Nguyên, ngày 26, 27 và 28/4/2009, đồng loạt báo đài nhà nước nhảy vào cuộc đánh hội đồng người phát ngôn của Tu viện – Giáo xứ Thái Hà là linh mục Phêrô Nguyên VănKhải. Theo như nhận định của nhiều người, việc có một chiến dịch bôi nhọ linh mục Nguyễn Văn Khải là nằm trong kế hoạch của một chỉ thị từ cấp cao nhằm trấn áp tất cả những người cưỡng lại “chủ trương lớn” khai thác bauxite ở Tây Nguyên.

Bản tin được phát liên tục trong mấy ngày này trên đài phát thanh VOV có nội dung mạ lị linh mục Nguyễn Văn Khải. Bản tin có giọng điệu quen thuộc từ trước tới nay của truyền thông nhà nước cộng sản như sau: "Nguyễn Văn Khải nhân danh phát ngôn viên Giáo xứ Thái Hà, Linh mục Nguyễn Văn Khải đã ra cái gọi là thông cáo, kêu gọi tổ chức cầu nguyện, mà thực chất nhằm kích động bà con giáo dân, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Thông cáo này được đăng tải trên trang Web của Dòng Chúa cứu thế ngày 23/4 vừa qua. Với thái độ thách thức chính quyền, linh mục Nguyễn Văn Khải, nêu lý do phải tổ chức cầu nguyện vì điều mà ông ta mô tả là “cho bất công sớm chấm dứt, công lý hoà bình được sớm hiển trị trên quê hương Việt Nam”, và để cái gọi là “buộc chính quyền ngừng dự án khai thác bôxit, cho đất nước khỏi bị nguy hại”.

Cùng thời điểm, đài truyền hình Hà Nội phát y chang bản tin VOV, nhưng có thêm những lời vu cáo: "Những hành vi của linh mục Nguyễn Văn Khải, không phải vì Tổ quốc, mà là cản trở và chống phá sự phát triển của đất nước và dân tộc."

Bên cạnh đó, các báo Hà Nội Mới, An ninh thủ đô, Sài gòn giải phóng… dường như cũng nhắc lại nguyên văn những cáo buộc ác ý từ bản tin VOV đối với linh mục Nguyễn Văn Khải với những kỹ năng, xảo thuật nhào nặn thông tin vốn thuộc bản chất của những tờ báo Đảng.

Ngoài nội dung bội nhọ, các báo đài cùng đồng thanh đưa những lời răn đe dọn đường để bỏ tù linh mục Nguyễn Văn Khải: "Những hành vi của Nguyễn Văn Khải không chỉ vuợt quá giới hạn chức phận của một linh mục, mà còn vi phạm điều 88 của Bộ Luật hình sự Việt Nam về tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”.

Thực ra, theo nhận định khá xác thực của giới phân tích tình hình, chiến dịch bôi nhọ linh mục Nguyễn Văn Khải và cả linh mục Lê Quang Uy chẳng qua là một chiến dịch nhằm vu cáo và quy kết tội tất cả những ai phản đối dự án bauxite của giới chức lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng cộng sản, trong số báo ra ngày 26/4/2009, đã không ngần ngại xác định chiến dịch quy kết này khi ám chỉ những người phản đối dự án bauxite với những lời lẽ: “Cần cảnh giác và có thái độ rõ ràng, kiên quyết với những mưu toan chính trị hóa vấn đề (bauxite) của các thế lực thù địch, thiếu thiện chí, muốn chia rẽ nội bộ chúng ta; xuyên tạc sự thật, lợi dụng những tình cảm thiêng liêng trong trái tim, khối óc mỗi người để kích động hòng thực hiện những mưu đồ xấu xa của họ”

Đồng thời với vu cáo, buộc tội những ai chủ trương phản đối dự án bauxite Tây Nguyên, tất cả các bào đài của Đảng đều cố gắng lái dư luận bằng những lời có cánh như:"Đảng và Nhà nước luôn chỉ đạo và yêu cầu, việc khai thác, chế biến sử dụng bôxit phải bảo đảm lợi ích trước mắt, lâu dài và bền vững của đất nước, bảo đảm hiệu quả kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, an ninh, quốc phòng…." Thậm chí, báo An ninh thủ đô còn đi quá đà với những lời lẽ dối trá đến trắng trợn để lừa bịp quần chúng nhân dân: “Ai cũng biết, việc khai thác quặng bauxite là một vấn đề lớn, dự án đã được đưa ra bàn trong các hội thảo khoa học, đã được trình trước Quốc hội để các đại biểu Quốc hội - những người đại diện cho mọi tầng lớp nhân dân đóng góp ý kiến, Đảng và Nhà nước đã lắng nghe mọi ý kiến, phân tích trên cơ sở khoa học và đời sống dân sinh để có một quyết định đúng đắn, vì sự giàu mạnh và phát triển bền vững của đất nước”.

Tuy nhiên, chiến dịch truyền thông nhà nước bôi nhọ những người phản đối dự án bauxite Tây Nguyên như linh mục Nguyễn Văn Khải đã bị dự luận đông đảo quần chúng tảy chay và truyền thông quốc tế đặt vấn đề. Hôm qua, 28/4/2009, trước sự chất vấn của báo chí quốc tế, Lê Dũng, phát ngôn viên Bộ ngoại giao, đã phải lên tiếng. Phát biểu của người phát ngôn Bộ ngoại giao không có gì mới mẻ hơn là nhắc lại những gì báo đài nhà nước đang tập trung dọn đường dư luận bắt bớ những người như linh mục Nguyễn Văn Khải cổ suý cho phong trào cưỡng lại “chủ trương lớn” khai thác bauxite Tây Nguyên.

Tuy vậy, với phát ngôn “đảo ngược” vấn đề của Lê Dũng, giới phân tích nhận định rằng tình hình hiện nay kẻ đứng sau đang muốn xoay chuyển vấn đề bauxite Tây Nguyên sang vấn đề bất công, công lý: Linh mục Nguyễn Văn Khải có thể bị quy kết “tội” kêu gọi “cầu nguyện cho bất công đang lan tràn được chấm dứt, cho công lý được thực thi”, chứ không còn bị quy kết kêu gọi “cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo quốc gia sáng suốt để dừng dự án bauxite Tây Nguyên” nữa. Báo an ninh thủ đô hôm nay 29/4/2009 đang cố tình lái dư luận theo hướng chỉ đạo “xoay chuyển” này với bài viết “Ông Nguyễn Văn Khải “dũng cảm” hay hèn nhát”. Đặc biệt, theo một nguồn tin rất đáng tin cậy, trong những ngày sắp tới, sau khi dọn đường dư luận theo hướng “xoay chuyển” này, lực lượng an ninh sẽ ráo riết tiến hành việc thẩm vấn và có thể là bắt giữ linh mục Nguyễn Văn Khải. Nhưng dù nhà nước cộng sản bây giờ muốn quy kết, chụp mũ linh mục ở vấn đề kêu gọi chống bất công và đòi công lý, thì chắc chắn cả dân tộc này không thể không ghi nhớ thêm một cái tội lớn của chế độ.
 
Ông Nguyễn Trọng Tỵ: già cả lú lẫn hay đang hợm mình?
J.B Nguyễn Hữu Vinh
04:20 30/04/2009
Tuổi già càng cần gương mẫu và sống đạo đức

Cổ nhân nói “Thất thập cổ lai hy” – Người sống đến 70 xưa nay hiếm. Với những người trọng tuổi, sự cẩn thận, chín chắn và gương mẫu để làm gương cho con cháu học tập như là một quy luật bắt buộc. Ở lứa tuổi đó, họ thường ngẫm lại cuộc đời mình như những bài học để rút kinh nghiệm cho thế hệ sau. Đặc biệt họ thường sống đức độ và làm những điều thiện để khi từ bỏ thế giới không phải ân hận.

Tuy nhiên, giá trị để lại của một con người không nằm ở tuổi tác. Nhà thơ Hàn Mạc Tử -Tên thật là Nguyễn Trọng Trí, là một giáo dân công giáo - đã sống chỉ vẻn vẹn có 28 năm trên đời, nhưng đã để lại cho đời những vần thơ bất hủ và tên tuổi ông mãi mãi sống cùng đất nước. Vua Quang Trung – Nguyễn Huệ sống trị vì được 4 năm và chết khi mới 39 tuổi, nhưng sự nghiệp giải phóng đất nước khỏi ách xâm lăng đã ghi tên ông vào trang sử vàng của dân tộc cho con cháu ngàn đời ghi nhớ công ơn.

Ngược lại, có những con người sống đến cả trăm tuổi, nhưng người đời vẫn không coi là con người đáng tôn trọng, thậm chí còn nguyền rủa là những thằng điên, những tội nhân của nhân loại, trường hợp Polpot, Ieng-Xary vừa qua là một ví dụ.

Trường hợp cá biệt?

Trường hợp ông Nguyễn Trọng Tỵ là Luật sư lại còn là Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội là một trường hợp khá đặc biệt.

Ông Tỵ là Luật sư, một cái nghề được coi là cao quý - tất nhiên nghề nghiệp cũng như chiếc kim tiêm trong tay người thầy thuốc, có thể cứu bệnh nhân khỏi tử thần, cũng có thể tiêm thuốc độc cho người đang sống sang thế giới bên kia – Nhưng, qua những hành động và việc làm của ông Tỵ người ta hiểu ông dùng nghề nghiệp của mình theo chức năng nào.

Với những vụ việc liên quan đến tôn giáo như Thái Hà và Toà Khâm sứ, ông Tỵ đã thể hiện đức tính quý báu của mình là “càng già càng dẻo càng dai”. Với tuổi 80 nhưng ông đã xung kích trong việc dùng ảnh hưởng nghề nghiệp của mình để bóp méo sự thật, thoá mạ và chỉ trích người khác, kết tội thay toà án, vi phạm pháp luật cách ngang nhiên đúng theo tính cách theo đóm ăn tàn.

Trong vụ việc ở Toà Khâm sứ, ông Nguyễn Trọng Tỵ dù không hiểu đầu cua tai nheo đã không ngần ngại phán bừa rằng: “việc Tòa Tổng Giám mục Hà Nội đứng ra đòi lại mảnh đất của Tòa Khâm sứ cũ là không có căn cứ pháp lý, vì Tòa nhà Khâm sứ cũ chưa bao giờ thuộc quyền sử dụng của Tòa Tổng Giám mục Hà Nội”. Vậy những giấy tờ xác định Toà Khâm sứ thuộc chủ quyền tài sản của Toà Tổng Giám mục Hà Nội từ những năm 30 của thế kỷ trước là gì? Và ngay trong các văn bản của Thành phố Hà Nội đã cho rằng “năm 1961 linh mục Nguyễn Tùng Cương đã ký giấy bàn giao quản lý sang nhà nước”? Nếu tài sản đó chưa bao giờ thuộc quyền sử dụng của Toà TGM Hà Nội, thì lấy gì để bàn giao?

Rõ ràng là ông luật sư già nua, tội nghiệp này hoặc đã lú lẫn, hoặc đã cam tâm bất chấp sự thật để nói bừa, nói xằng bậy. Ở cái tuổi đó, việc nói xằng bậy là điều người ta kiêng kỵ và ít khi phạm phải, vì họ đã đánh mất sự kính trọng của lớp trẻ đối với mình. Nhưng ông Tỵ thì không.

Dẫn chứng rất cụ thể: Ngày 8-12-2008 phiên toà sơ thẩm 8 giáo dân Thái Hà mới được mở, vậy mà ngày 08/09/2008 trên tờ Hà Nội mới, ông ngang nhiên kết tội giáo dân “Hành vi này đã vi phạm pháp luật hình sự…” và “đáng lẽ cơ quan công an cần có quyết định sớm hơn, ngay từ khi giáo dân có biểu hiện quá khích”, trong khi là luật sư, ông hiểu rất rõ rằng không ai có thể bị coi là có tội khi chưa có một bản án có hiệu lực. Chắc ông quên?

Thậm chí ông lại còn hung hăng “khi xét xử có thể có tình tiết tăng nặng, việc phá mấy mét tường ở 178 Nguyễn Lương Bằng mặc dù giá trị không lớn nhưng nếu gây hậu quả nghiêm trọng”… Với câu nói này, ông Tỵ là luật sư đã “vẽ đường cho chó chạy” để cố gắng kết tội giáo dân vô tội khi họ xác tín đó là đất đai của họ bị chiếm dụng bất hợp pháp sau khi UBND TP Hà Nội đã đưa ra những chứng cứ mà bất cứ ai cũng có thể bác bỏ?

Sao ông là luật sư, ông không nhắc tới những vụ án lâu ngày không xét xử với các tình tiết tăng nặng vì thiệt hại thật sự lớn lao như vụ “Điện kế điện tử” ở Sài Gòn đến nay vẫn nằm im? Vụ đó thiệt hại mới được công bố là “chỉ hơn 8 tỷ đồng” so với 8 giáo dân với mảng tường gạch hơn 3 triệu đồng, vụ nào cần bắt khẩn cấp và xét xử, cần phải tăng nặng hơn hả ông Tỵ?

Và cuối cùng, qua hai phiên toà sơ thẩm và phúc thẩm, dù ông Tỵ đã cố gắng trong việc vẽ đường, toà án cũng chỉ kết được bản án tù treo, cải tạo không giam giữ và cảnh cáo. Điều này hẳn đã không làm ông luật sư chuyên muốn đưa người vào tù này hài lòng.

Mới đây nhất, ngày 29/4/2009 ông Tỵ lại tiếp tục lên giọng kết tội người khác trên tờ Hà Nội mới rằng: “Rõ ràng Nguyễn Văn Khải đã vượt quá giới hạn của một người tu hành, can thiệp vào chính trị, đi ngược lại lợi ích của đất nước”. Là một người mang danh luật sư, ông Tỵ chắc rất hiểu rằng chẳng pháp luật nào quy định cho người tu hành không được tham gia các vấn đề của đất nước, cuả dân tộc hay cả chuyện chính trị nếu họ muốn, trừ trường hợp tôn giáo mà họ theo cấm điều đó. Nếu như ông Tỵ nói là không được can thiệp vào chính trị, vậy thì các linh mục, các nhà sư có “được – phải” đi bầu cử không? Những nhà sư và linh mục trên diễn đàn chính trị như Quốc hội, mặt trận có được gọi là “can thiệp vào chính trị” không? Sao không thấy ông mở miệng nói đến?

Không hiểu khi nói câu này, ông Tỵ có biết rằng linh mục Nguyễn Văn Khải cũng là một công dân hay không? Hay với những người như ông Tỵ, thì các chức sắc tôn giáo và các giáo dân hữu thần không được coi là công dân hoặc chỉ là các công dân hạng hai?

Ai cho phép ông Tỵ cấm công dân thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ của mình? Ai cho phép ông Tỵ ngang nhiên kết tội người khác đi ngược lại lợi ích đất nước?

Người ta càng không hiểu ông Tỵ muốn nói đến lợi ích của đất nước nào ở đây, khi mà hàng ngũ trí thức và nhân dân Việt Nam, kể cả bậc đại công thần như Đại tướng Giáp đang lo lắng trước thảm hoạ Bô-xit đỏ ở Tây Nguyên và mái nhà Đông Dương có thể bị những người ngoại quốc trú đóng ở đó?

Nhưng, thực ra ông Tỵ cũng chỉ theo đóm ăn tàn, dựa hơi chiến dịch báo chí đánh đòn hội đồng Linh mục Nguyễn Văn Khải và các linh mục Dòng Chúa Cứu thế để cao giọng.

Ông thừa biết là trước đó, từ Đại tướng Giáp, đến các nhà khoa học, trí thức trong nước (trừ những người như ông Tỵ) đã có những tiếng nói phản ứng với vụ bô-xit này từ lâu. Nhưng ông ngậm tăm, cũng không thấy ông kết tội ông Võ Nguyên Giáp và các nhà khoa học “đã vượt quá giới hạn của người về hưu và làm khoa học, can thiệp vào chính trị, đi ngược lại lợi ích của đất nước”?

Đọc những lời ông Tỵ viết, tôi nghĩ không biết ông có khi nào đọc báo đài hoặc xem các thông tin về tình hình đất nước không: “Ai cũng biết, việc khai thác quặng bô-xít là một vấn đề lớn, dự án đã được đưa ra bàn trong các hội thảo khoa học, đã được trình trước Quốc hội để các đại biểu Quốc hội - những người đại diện cho mọi tầng lớp nhân dân đóng góp ý kiến. Thực tế Đảng và Nhà nước đã lắng nghe mọi ý kiến, phân tích trên cơ sở khoa học và đời sống dân sinh để có một quyết định đúng đắn, vì sự giàu mạnh và phát triển bền vững của đất nước nói chung và người dân Tây Nguyên nói riêng”.

Câu này tôi đã nghe quen quen trên tờ An ninh Thủ đô của tác giả Trọng Nghĩa nào đó. Tôi nghĩ chàng phóng viên này có thể bịa đặt về sự kiện và thời gian vì tuổi trẻ nhiều khi bốc đồng không nghĩ đến hậu quả. Nhưng với một ông già đã 80 tuổi vẫn hăng máu nói bừa thì quả thật tôi không hiểu ông có định giữ chút liêm sỉ nào nữa hay không?

Chẳng lẽ ông Tỵ không biết rằng: Dự án Bô-xit đã được triển khai từ năm 2006 khi tiến hành đền bù, đến nay đã 3 năm Quốc hội chưa bao giờ đề cập vấn đề này, chính vì thế mà trong những ngày gần đây các trí thức đã phải đề nghị đưa ra Quốc hội. Và cũng chỉ mới ngày 24/4/2009 sau khi hàng loạt ý kiến phản hồi khắp nơi thì Bộ Chính trị mới ra thông báo “ Rà soát lại dự án Nhân Cơ”. Chẳng lẽ ông không biết?

Lợi ích mà ông Tỵ nói ở đây là lợi ích nào? của ai khi mà các nhà khoa học đã nói rõ ràng rằng Bô-xit là thảm hoạ của Tây Nguyên, khai thác Bô-xit thì Tây Nguyên sẽ chết?

Hay chỉ vì ông nghĩ rằng đằng sau ông có cả hệ thống bảo vệ nên ông muốn nói sao thì nói, làm sao thì làm? Nếu vẫn cái lối suy nghĩ đó thì thật đáng thương cho một ông già đã đứng trước cửa mồ mà vẫn dựa hơi nói càn, vẫn ăn theo nói leo không cần suy nghĩ.

Cha mẹ hiền lành để đức cho con

Người đời thường nói “con trâu già đi trước gặm kỹ quá, thì đàn con sau đó chỉ còn nước nhịn đói mà thôi” ấy là nói về chuyện hồng phúc, đức độ. Còn về tiền bạc của cải thì khác, con nào gặm được nhiều thì no bụng, tích trữ được nhiều thì con cháu tha hồ tiêu xài, phá phách và thậm chí là chơi ma tuý.

Với tuổi 80 của ông, người ta nghĩ ông đã an hưởng tuổi già, làm những việc phúc đức cho con cháu hưởng ân đức của mình. Nhưng với tuổi 80 ông vẫn bon chen trên trường đời, vẫn xung kích trong việc phụ hoạ, chống phá những người sống hết mình vì người khác như linh mục Nguyễn Văn Khải và những giáo dân hiền lành như ở Thái Hà thì quả thật không thể hiểu ông có còn thời gian để nghĩ lại cuộc đời mình hay không?

Đọc những lời phát biểu của ông Tỵ, tôi cứ nghĩ mãi có khi nào ông đọc câu ca dao “Cây xanh thì lá cũng xanh, Cha mẹ hiền lành để đức cho con” không?

Hay ông đang hợm mình, cứ nghĩ mình nhiều tuổi thì người ta nể nang nên chơi nổi? Hay ông dựa vào cái ghế ông đang cố bám mà nghĩ rằng chẳng ai làm gì được ông nên ông cứ nói xằng nói bậy.

Thưa ông luật sư, ngoài những phiên toà mà ông được dự, còn có một phiên toà khác ông sẽ tự đối diện mà không thể bào chữa, có thể nó sẽ xẩy ra trên giường bệnh, trước giờ chết, hoặc phiên toà đó sẽ được mở trong lòng thế hệ mai sau, đó là phiên toà với chính lương tâm mình.

Tưởng rằng ông là người “tuổi già vẫn việc giỏi” thì có bản lĩnh, nhưng khi một số giáo dân gọi điện thoại đến ông, ông chối leo lẻo rằng: “Tôi không xúc phạm ai, không làm hại ai, nếu có gì thì cứ đến toà soạn mà hỏi…”. Giấy trắng mực đen còn đó, ông có là luật sư giỏi biến hoá người thường thành tội nhân cách nào đi nữa, thì ông cũng không thể chối được những lời ông đã nhả ra.

Với nghề nghiệp luật sư, có luật sư nào thay toà án như ông Tỵ này không? Những luật sư dưới quyền ông sẽ nghĩ gì khi trên đầu mình là một người tư cách như vậy? Những thân chủ nào giao tính mạng cho những luật sư dám kết tội thay toà với tư duy như của ông?

Càng khó hiểu hơn, đội ngũ luật sư Hà Nội đang được dẫn dắt bởi một luật sư già nua và tính cách như ông Nguyễn Trọng Tỵ, thì họ sẽ ra sao khi bảo vệ những dân lành vô tội không thế lực và tiền bạc.

Và có một điều cần suy nghĩ là đừng vội trách thế hệ con cháu ngày nay hư hỗn, khi lớp cha ông đã không là những tấm gương tốt cho chúng noi theo.

Gieo gió thì ắt sẽ gặt bão, cuộc sống vốn công bằng, thưa ông Tỵ.
 
Thư quan trọng gửi cho cộng đồng Việt Nam về Cúm Heo
Bs Nguyễn Thùy Trang M.D Genetics
04:33 30/04/2009
Tôi vừa có một cuộc họp quan trọng với WHO (Tổ chức y tế thế giới) về tình trạng cúm heo. Tôi xin thông báo với cộng đồng với tư cách cá nhân và xin quí vị hãy xem đây là thư riêng cho quí vị.

Tình trạng cúm heo A(H1N1) nguy hiểm và nguy hiểm hơn những gì quí vị đọc trên những bản tin trên các báo chí. Theo riêng cá nhân tôi tìm hiểu thì nước Mỹ đã có 91 trường hợp và một tử vong, con số chính thức có thể cao hơn vì nhiều trường hợp chưa phát hiện, trong khi đó dịch ở Mexico có thể cao hơn nhiều so với con số mà chính phủ Mexico đưa ra. Theo ước đoán của tôi có thể trên 50,000 người bị dịch và có thể cao hơn. WHO hiện đang họp để nâng báo động lên cấp 5 trong nay mai và có thể lên 6 là cao nhất. Khi báo động cấp 6 tức là đóng cửa biên giới các nước lây nhiễm kể cả những chuyến bay và lưu thông nhất là tới Hoa Kỳ và Canada. Tôi hy vọng không có trường hợp nầy xảy ra.

Theo các khoa học gia cho biết là loại gen mới nầy do phối hợp của gen cúm gia cầm, cúm heo và cúm người. Nhiều bác sĩ chuyên môn ngành Genetics mà tôi tiếp xúc có ý nghi ngờ loại Virus nầy do người làm ra chứ không phải do tự nhiên. Nếu trường hợp nghi ngờ nầy là sự thật thì đây có thể là việc làm có chủ tâm và tại sao phải làm vậy thì chưa có câu trả lời.

Như quí vị biết là công việc làm ra một loại vi trùng mới như loại siêu vi trùng cúm heo A(H1N1) không phải là chuyện khó trong xã hội hôm nay. Chuyện cộng đồng chúng ta phải làm gì để giúp đồng hương VN tránh được thảm họa nầy mang đến cho gia đình chúng ta là việc quan trọng trong lúc nầy.

Tôi gửi khẩn cấp lá thư nầy đến cho quí đồng hương là hết sức cẩn thận, đừng xem thường nạn dịch nầy. Tôi mong quí đồng hương chúng ta là trong lúc nầy nên tránh các sinh hoạt chổ đông người. Khi đi shopping hay những nơi đông người thì xin quí vị rửa tay nhiều lần vì khi chúng ta đụng vào các nấm cửa, quần áo, đồ vật mà mình không biết có dính Virus hay không.

Nếu quí vị làm việc cần phải tiếp xúc với khách thì lúc nói chuyện, tìm cách đừng để mặt quá gần. Nếu sau khi tiếp xúc với người mà mình nghi có bệnh thì hãy vào rửa tay trước và rửa mặt liền sau đó. Nên mua loại napkins ướt có chất alcohol bán rất nhiều ở các cửa tiệm. Dùng loại nầy để lau tay, lau mặt thường nếu không có cơ hội rửa tay, rửa mặt.

Khi con em mình bị ho, bị sổ mũi chảy nước hãy liên lạc ngay với bác sĩ để khám. Theo tôi biết hiện nay chưa có Vaccine để chủng loại Virus mới nầy và các nhà thuốc cần thời gian 4-5 tháng để hoàn tất nhưng quí vị có thể chích ngừa loại Vaccine Flu hiện có để tránh loại Flu thông thường.

Thuốc Tamiflu rất hiệu quả cho loại Virus mới nầy, một vài nơi ở các nước Á Châu có thể mua không cần toa bác sĩ, nhất là mua online. Ở Mỹ & Canada và một số nước châu âu thì phải cần toa mới mua được Tamiflu và thuốc nầy rất mắt tiền nên có thể nhiều đồng hương chúng ta không có khả năng để mua thuốc. Nếu quí vị có bảo hiểm y tế thì khi thấy có triệu chứng đầu tiên của bệnh nầy là ho và sổ mũi nước thì xin gặp bác sĩ hay đi bệnh viện khám, nếu có bệnh, họ sẽ cho uống liền Tamiflu hay loại thuốc tương tự.

Xin quí đồng hương hãy chuẩn bị sẵn một ít đồ hộp, gạo, nước uống để ăn trong vòng một tháng cho gia đình mình. Nếu trường hợp WHO báo động tới level 6 thì trường học, công sở có thể bị buộc đóng cửa. Lúc đó thức ăn, đồ uống giá thành có thể cao hơn nhiều vì nhiều cơ sở hoạt động bị ngưng. Hiện nay WHO đang chuẩn bị nâng báo động lên level 5 trong vòng vài ngày tới.

Chúng ta nên chuẩn bị sớm thì đở hơn là lúc xảy ra nạn dịch toàn cầu, biên giới, cơ sở, trường học đóng cửa, đồ ăn thức uống giá thành cao thì sẽ khó khăn hơn nhiều vì sự thiếu hụt.

Mong quí vị phổ biến tin nầy qua email cho bạn bè, thân hữu.

Trân Trọng
 
34 năm sống trong sự sợ hãi đã là quá dài!
Alfonso Hoàng Gia Bảo
04:53 30/04/2009
Nhân ngày 30/4/2009:
34 năm sống trong sự sợ hãi đã là quá dài!

“Chủ trương lớn” khai thác Bauxite đang khiến đảng csvn bị ‘sa lầy’ ở Tây Nguyên. Thế nhưng 34 năm trước cũng chính nơi này đã giúp họ làm nên “Đại thắng mùa Xuân” 1975 bằng sự khởi đầu đánh chiếm Ban Mê Thuột một cách quá dễ dàng. Một chiến thắng mà nhiều người đến nay vẫn cho rằng tính chất chiến lược của nó đã khiến chế độ Sàigòn nhanh chóng thất thủ chỉ 7 tuần sau đó.

Thế nhưng sau 34 sống dưới chế độ cộng sản, những đứa bé còn ngồi ghế nhà trường thời ấy đã trưởng thàn và được tận mắt chứng kiến thêm nhiều ‘bàn thua’ khác của mọi tầng lớp trước sự cai trị độc đoán của đảng Csvn, chúng tôi mới chợt nhận ra rằng việc Ban Mê Thuột thất thủ mới chỉ là cơ hội cho họ và sự thử thách cho VNCH, nhưng chính cái tâm lý quá hãi sợ cộng sản đã là ‘thủ phạm’ gây nên tình trạng hoảng loạn không chỉ trong dân chúng mà còn cả trong cả binh lính làm cho tình hình xấu đi quá nhanh khiến chính quyền Sàigòn còn đủ cánh nào có thể kiểm soát được tình thế nữa.

Năm nay 2009, không biết lại có điềm gì, có là năm định mệnh hay không mà một lần nữa Tây nguyên lại phải ‘dậy sóng’? Nhưng rõ ràng việc đảng csvn định phó thác, giao khoán Tây nguyên cho TQ đem người sang ‘tung hoành’ dưới danh nghĩa khai thác Bauxite xem ra cũng nghiêm trọng chẳng kém gì sai lầm của ông Thiệu khi đột ngột ra quyết định rút quân và ‘giao phó’ vùng cao nguyên này cho phía cộng sản.

Phải chăng ‘vũng lầy’ Bauxite Tây nguyên đang mở ra những cơ hội và thử thách mới, mà nếu mọi người không còn bị sợ hãi như 34 năm trước, biết đâu mọi thứ cũng sẽ nhanh chóng thay đổi chỉ trong năm nay?


Tây nguyên, vùng đất “chiến lược” hay “định mệnh”?

Lâu nay chúng ta quen nhìn con số ‘30/4’ dưới dạng ngày tháng (date format) vì bị ám ảnh bởi cái ngày đen tối Sàigòn rơi vào tay cộng sản hơn ba thập kỷ trước, do vậy mà chắc có it người để ý đến sự trùng hợp kỳ lạ của cặp phân số này: 30/4=7,5 cũng chính là hai chữ số của năm định mệnh 1975.

Đây có thể chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng sự sụp đổ quá nhanh của miền Nam mà kể từ khi Ban Mê Thuột (BMT) thất thủ rạng sáng ngày 12/3/75 (phía Hà Nội lại bảo là ngày 11/3) cho đến lúc chiếc xe tăng T54 của bộ đội Bắc Việt húc đổ cánh cổng dinh Độc Lập Sàigòn trưa ngày 30/4/75, một cuộc đổi đời “ngoạn mục” với gần 20 triệu người dân miền Nam diễn ra chỉ vỏn vẹn trong 49 ngày, không ai có thể bảo là tình cờ được nữa, mà hầu hết các ý kiến đều xem việc VNCH để mất “cao nguyên chiến lược” vào tay bộ đội Bắc Việt chính là nguyên nhân.

Đúng là sau khi để mất BMT bộ đội miền Bắc đã nhanh chóng tràn xuống đánh chiếm Nha Trang và đã đe dọa ‘cắt đứt’ lãnh thổ VNCH ra làm hai thật. Nhưng chúng ta cũng đừng quên rằng trong suốt cuộc chiến cả những lúc khốc liệt nhất 1968-1972, cái gọi là “vị trí chiến lược” của nơi này lại rất ít được nghe nói đến, thậm chí như chua từng nghe, mà dư luận này chỉ mới có kể từ sau khi biến cố 30/4 xảy ra kéo theo sự thất thủ của Sàigòn.

Bằng chứng là BMT chưa hề được ‘vinh dự’ là một trong số những địa danh chiến sự nổi tiếng như Cổ thành Quảng Trị, Khe Sanh, Huế, An Lộc, Bình Long v.v… thời ấy.

Thậm chí cho đến cả hiện nay nhiều người vẫn nói “tính chiến lược” của Tây nguyên một cách rất vô tư thoải mái: “Nhận định chung của nhiều nhà nghiên cứu là 'Ai chiếm được Tây Nguyên sẽ làm chủ Việt Nam và Đông Dương' … Khi nói về Việt Nam, người ta thường đánh giá Tây Nguyên là địa bàn chiến lược, có giá trị rất lớn về mặt quân sự, kinh tế…. Người Pháp, người Mỹ và thế giới cũng nhận thức được vị trí yết hầu của khu vực này với câu nói nổi tiếng: Tây Nguyên là "nóc nhà của Đông Dương". (trích “Bước ngoặt của chiến cuộc” – BBC Vietnamese) [1].

Không chỉ đoạn trích dẫn trên, mà từ ngày xảy ra vụ Bauxite Tây nguyên chúng tôi cũng đọc được ở nhiều bài viềt những đại danh từ “nhà nghiên cứu, người ta, người Pháp, người Mỹ” cũng trong ý nghĩa đề cao Tây nguyên nhưng đều không được nêu tên tuổi cụ thể và tính “chiến lược” cũng vậy, chẳng thấy dẫn chứng kết luận ấy là rút ra từ những trận đánh lịch sử nào trong quá khứ, hay cứ thấy cao cao thì gọi là “nóc nhà”? Mà nếu thế thì danh xưng “nóc nhà của Đông Dương” đã thuộc về đỉnh núi Pansifan cao trên 3.000 mét trên dãy Hoàng Liên Sơn từ lâu rồi. Mọi người có thể kiểm chứng điều này bằng Google searching engine với cụm từ “Top of Indochina” sẽ có khoảng 7500 kết quả và tất cả đều chỉ về Sapa và Pansifan Mountain mà chẳng phải Central Highland hay ‘Tây nguyên’ nào hết, vì nơi này chỗ cao nhất mới chỉ 1600 mét so với mặt biển làm sao có thể gọi là “nóc”?.

Khi chiến cuộc đã tàn, vì đã có sẵn cái đích ‘thất thủ nhanh’ dẫn đường nên mọi lý giải dường như chẳng còn mấy khó để tìm cách vươn đến cái đích ấy. Thêm vào đó còn có thể vì nhiều người không muốn nhớ đến những tháng ngày buồn cũ, nên cảm thấy ‘bằng lòng’ với những suy diễn thiếu khách quan bởi sự dẫn đường này.

Nếu ngày xưa tướng Pháp H.Navarre không bị thua tan tác ở trận Điện Biên Phủ, không chừng vùng đồi núi hiểm trở Tây Bắc cũng lại được “người ta, nhiều nhà nghiên cứu, người Pháp…” phong cho cái danh hiệu ‘nóc nhà của Tây Bắc – Thượng Lào” như Tây Nguyên hiện nay cũng nên?

Những người thắng cuộc nói gì?

Trong quyển “Đại Thắng Mùa Xuân” [2] xuất bản năm 1976 ông Đại tướng Văn Tiến Dũng người trực tiếp chỉ huy trận đánh BMT đồng thời cũng là tác giả đã thuật lại rất chi tiết về chiến dịch Tây Nguyên. Các chương 2-5 mô tả các bước chuẩn bị và chi tiết về trận đánh BMT nằm ở các chương 6-7 tiếp theo. Người viết bài này mặc dù cố đi tìm một sự đánh giá của vị tướng trực huy chỉ huy trận đánh Tây nguyên này, nhưng không thể tìm thấy đoạn nào về nó, thậm chí còn bị ‘thất vọng’ khi đọc được: “Đồng chí Lê Duẩn nói với một số cán bộ cơ quan Bộ Tổng Tham mưu: các đồng chí hãy suy nghĩ xem trận Buôn Ma Thuột có phải là trận mở đầu cuộc Tổng tiến công lớn của ta không?” (Chương 6 - Đòn đánh trúng huyệt). sau khi bộ độ tràn ngập BMT được mấy hôm.

Điều này chứng tỏ trước khi đánh chiếm tỉnh lỵ cao nguyên này, các chiến lược gia Bắc Việt cũng chẳng hề có kế hoạch lớn lao nào khác tiếp theo. Việc đánh BMT cũng như việc đánh chiếm Phước Long hồi đầu tháng 1/75, như hồi ký của tướng Văn Tiến Dũng về tình hình của quân cách mạng lúc ấy “… tranh thủ bất ngờ, tiến công lớn và rộng khắp, tạo điều kiện để năm 1976 tiến hành Tổng công kích - Tổng khởi nghĩa, giải phóng hoàn toàn miền Nam.” (Chương 2 - Thời cơ)

Ấy thế mà sau trận đánh BMT họ đã vớ được thời cơ do VNCH ‘dâng tặng’ “Nhưng giờ đây, cả một quân đoàn chủ lực của nguỵ rút chạy hộc tốc, bỏ cả Tây Nguyên - một địa bàn chiến lược rất quan trọng thì vì sao? Theo lệnh ai? Hai đòn sấm sét ta đánh ở nam Tây Nguyên đã làm rung động quân địch đến thế kia ư? Đúng là đòn đánh trúng huyệt, địch bắt đầu ngấm, chỉ sau có mấy ngày. Đúng là địch đã choáng váng và rối loạn về chiến lược. Lại một sai lầm nữa rất lớn về chiến lược của chúng.” (Chương 8 - Bước ngoặt của chiến tranh)

Và cục diện chiến trường miền Nam từ đó đã bất ngờ chuyển sang một hướng mới khác không ai ngờ trước nổi trước đó. Ngay cả cục tình báo CIA Mỹ mắc phải sai lầm về tình hình: “Dự đoán của trùm CIA ở Sài Gòn Thomas Polgar đưa ra trong báo cáo ngày 26/2/1975 về sự tấn công hạn chế của quân đội Bắc Việt vào mùa xuân, (Polgar và Tổng hành dinh CIA đều nhận định Bắc Việt sẽ tấn công vào mùa hè năm 1975 và kéo dài sang năm 1976 để gây áp lực lên cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ) là hoàn toàn sai lầm.” [3]

Gần đây trong bài “Đại tướng Võ Nguyên Giáp và 4 điều tiết lộ” [4], nhà văn Trần Khải Thanh Thủy có thuật lại chuyện tướng Võ Nguyên Giáp trong dịp sinh nhật 85 tuổi tại nhà riêng năm 1995, ông có bảo “Lẽ ra ta không có được chiến thắng lẫy lừng là giải phóng Miền Nam, chỉ vì sau hội nghị Paris 1973, anh Ba Duẩn ra chỉ thị ngừng tất cả các cuộc tấn công lại, chỉ tập trung vào củng cố lực lượng, tăng gia sản xuất, nuôi quân cho tốt rồi sau vài năm phát triển vượt bậc sẽ đánh một trận tơi bời, dứt điểm, không để địch có cơ ngóc đầu phản công như hồi tổng tiến công xuân Mậu Thân 1968 nữa…..nhưng là lệnh của cấp trên nên buộc phải chấp hành, không ngờ, phía dưới, cũng như vùng sâu vùng xa, lực lượng dân quân, du kích, bộ đội địa phương, phần đang phát triển mạnh nên không chịu ngừng kế hoạch luyện tập, tấn công lại, phần vì không nhận được lệnh trên nên cứ âm thầm chuẩn bị. Thế là như đứa bé đang tuổi ăn tuổi lớn, không có cách gì ngừng sự phát triển lại được nên đành để vậy. Nhờ đó ta có được chiến thằng vĩ đại vào 4-1975”

Không biết thực hư của câu chuyện này ra sao nhưng cũng xin nêu lên để chúng ta thấy thêm rằng, sở dĩ đã có những kiểu giải thích ‘ngẫu hứng’ như vậy, vì bên thắng cuộc nhiều người cũng “ấm ớ hội tề” chẳng hiểu vì sao phe ta lại chiến thắng quá dễ, quá sức nhanh?

Sự sợ hãi: bàn thua trông thấy !

Giữa cả một rừng thông tin về biến cố 30/4/75, trong khi chưa ai ‘giải mã’ được vì sao miền Nam thất thủ quá nhanh một cách đầy thuyết phục, thật may cho các thế hệ hậu sinh chúng tôi nhờ có internet đã dễ dàng tiếp cận những thước phim, hình ảnh, tài liệu về cuộc chạy trốn cộng sản lớn nhất trong lịch sử VN của hàng triệu người. Ngoài ra còn phải kể đế các nhân chứng sống là chính những người thân gia đình, các bè bạn chúng tôi thuật lại nhiều chuyện về việc chạy nạn ở miền Trung, đặc biệt là ở bãi biển Chu Lai - Tam Kỳ, Quảng Ngãi những ngày cuối tháng 3/75.

Nay mỗi khi có dịp xem lại những thước phim chiến tranh thời ấy, hình ảnh đọng lại trong tâm trí chúng tôi bao giờ chẳng mấy khi là những lời thuyết minh hay lý giải về chiến thuật, mà chính là cái tâm trạng hoảng loạn hiện rõ trên nét mặt từng người trong cuộc. Cộng thêm cái kinh nghiệm 34 năm qua dù chẳng có mấy người dám nói ra, nhưng tôi thấy có lý do để tin rằng, chính cái tâm lý “sợ hãi cộng sản” mới thật sự là thứ chiến lược, chiến thuật tồi tệ nhất đã góp phần làm nên cái ngày định mệnh 30/4/75 chứ chẳng phải ‘tại’, ‘do’ hay ‘bởi’ thất thủ cao nguyên nào hết.

Tháng 3/2009 vừa qua mọi người lại mới có thêm một nguồn tư liệu về chiến tranh VN được công bố và được dịch và giới thiệu qua loạt bài “Mở Hồ sơ mật của CIA về nguyên nhân tại sao mất VNCH 1975” [3] gồm nhiều kỳ trên báo Tiền Phong, trong đó có đoạn viết về biến cố BMT bị thất thủ như sau “… tướng Quang báo với Tổng thống Thiệu chuyện chưa từng xảy ra là “quân đội chán nản, thậm chí tuyệt vọng” , còn tướng Nguyễn Khắc Bình, Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia, nhận định, việc mất cao nguyên là sự tàn phá tâm lý ghê gớm đối với binh sĩ VNCH. Sự sụp đổ cực kỳ nhanh chóng của quân lực VNCH không chỉ bởi sức mạnh tổng tấn công của quân đội Bắc Việt, mà còn vì lý do VNCH bỏ ngỏ trận địa cho bộ đội Bắc Việt” (trích Kỳ II: Đổ lỗi)

Đoạn trích dẫn trên cho chúng ta thấy binh lính VNCH đã thất trận ngay cả khi súng còn chưa kịp nổ. Do vậy, cái gọi là “yếu tố chiến lược của Tây Nguyên” lẽ ra chỉ nên được đặt ra trong sự sụp đổ của Sàigòn, nếu sau khi mất BMT đã có thêm những cuộc quyết đấu giữa hai bên và VNCH bị thua vì bị thất thế về địa hình do mất Tây nguyên, chỉ khi ấy nhận định “Ai chiếm được Tây Nguyên sẽ làm chủ Việt Nam và Đông Dương” mới có giá trị. Nhưng rất tiếc điều này lại chưa có cơ hội chứng minh trước lúc Sàigòn thất thủ. Quân đội VNCH khi ấy gần như chỉ có “cầm cự” và “rút lui chiến thuật”, một cách nói hoa mỹ mà thật ra là nhiều nơi đã bỏ chạy trong sự hoảng loạn.

Hoảng loạn là sự bộc phát ra bên ngoài của cái tâm trạng sợ hãi ‘rối bời’ bên trong con người mình. Vậy cội nguồn của sự sợ hãi nơi những người lính và dân miền Nam trước đây ở đâu ra?

Câu hỏi đã khiến tôi liên tưởng lại cái thời mới tập tễnh vào tiểu học hồi thập niên 60, mặc dù còn nhỏ nhưng cũng đã hân hạnh được nghe danh “Việt cộng là đồ ác ôn, tàn ác!” mà đi kèm với nó thường là tấm áp-phích vẽ 4-5 tên “vi-xi” ốm cà tong cà teo, mặt mày xấu xí trông như lũ quỉ cùng đánh đu trên một cây đu đủ cũng ốm yếu chẳng kém họ, khiến nó oằn cong sát xuống đất mà vẫn không thể gãy, để tuyên truyền cho dân chúng miền Nam thấy cái sự nghèo đói của chủ nghĩa cộng sản đem lại.

Nhìn tấm áp-phích ấy ai cũng biết đó chỉ là tranh cổ động. Miền Bắc thời ấy tuy đói rách thật nhưng không thể tệ đến mức kinh khủng như thế. Ấy vậy mà tác dụng ám ảnh của nó rõ ràng không ai có thể phủ nhận, nếu không thì tôi cũng chẳng tài nào nhớ dai cái hình xấu xí lâu đến tận bây giờ.

Và đây cũng mới chỉ là một trong vô số những điều được chính quyền Sàigòn tuyên truyền về sự tàn ác của cộng sản mà thời xưa gọi là “tâm lý chiến”, mặc dù chẳng phải hoàn toàn là bịa đặt nhưng khi xem những bộ phim như “Chúng tôi muốn sống”, “Ánh sáng miền Nam”… ai mà chẳng thấy sợ Việt Cộng?

Điều này cho chúng ta thấy việc tuyên truyền về những sự ác của chủ nghĩa cộng sản quả là con dao hai lưỡi cực kỳ lợi hại: Lúc lực lượng còn cân bằng, chế độ Sàigòn còn đủ mạnh để che chở người dân an bình đó là điều tốt, vì nó giúp cho dân khỏi bị rơi vào những lời đường mật do bị cộng sản du đi theo họ. Nhưng một khi chế độ bị ‘lung lay’, sự bảo vệ ấy chẳng còn những ám ảnh về cái ác của cộng quân lập tức trỗi dậy và quay lại hại ngay chính chủ nhân của nó.

+ Nếu chẳng phải vì lý do này thì vì điều gì mà hàng trăm ngàn người đã phải giẫm đạp lên nhau trên quốc lộ 19, 21 từ BMT, Pleiku xuống Qui nhơn, Nha Trang tháng 3/75?

+ Nếu sau khi mất BMT dân chúng vẫn cứ bình tĩnh để không gây ra những cảnh hỗn loạn ‘đục nước béo cò’, ai dám chắc có sẽ ngày 30/4?

Tâm lý sợ hãi Việt cộng của quân dân miền Nam 34 năm trước đã vô tình là thứ đồng minh vô cùng lợi hại giúp bộ đội Bắc Việt chiến thắng quá dễ dàng trong các cuộc đọ sức. Nhiều nơi chưa đánh lính đã buông súng bỏ chạy, nơi này thấy nơi kia chạy cũng chạy theo, nhà này thấy nhà khác chạy cũng chạy để rồi tất cả như những quân cờ Đômino đổ.

Bởi vậy không phải tự nhiên khi chúng ta đọc quyển “Đại Thắng Mùa Xuân’ của ông Đại tướng Văn Tiến Dũng, những tĩnh từ trạng thái “hoảng loạn, kinh hãi, sợ hãi, tháo chạy v.v…” được nhắc đến rất nhiều lần mà chẳng phải những danh từ “chiến lược, chiến thuật…” như lẽ ra nó phải chiếm đa số trong các sách viết về chiến tranh.

Cảnh tượng tuyệt vọng dân chúng miền Nam VN trong những ngày ấy không dễ gì xảy ra thêm lần nữa. Nhưng nếu ai biết nó thảm hại ra sao hãy cứ nhìn cảnh các nhà đầu tư chứng khoán những lúc họ bị rơi vào tình trạng hoảng loạn tranh giành nhau bán đổ bán tháo cố phiếu như thế nào, ắt sẽ hiểu ngay rằng trong mọi tình huống, mọi lĩnh vực, một khi NIỀM TIN đã chẳng còn thì SỰ SỢ HÃI thế chỗ ngay tức thì và sẽ gây nên những sự sụp đổ chẳng còn ai có thể cứu vãn nổi.

Mọi sai lầm của quá khứ chẳng ai còn có thể sửa chữa được điều gì ngoại trừ rút ra được những bài học quí giá. đó là, muốn cho đất nước chóng thoát khỏi sự cai trị độc đoán của đảng Csvn, trước hết mỗi người cần phải sớm loại bỏ được sự sợ hãi họ ra khỏi chính con người mình.

Tham khảo:
[1] http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/03/090312_buonmathuot.shtml
[2] http://vnthuquan.net/truyen/truyentext.aspx?tid=2qtqv3m3237n4n0ntnqn31n343tq83a3q3m3237n1n
[3] http://www.tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=157214&ChannelID=5
[4] http://vietnamnewvn.blogspot.com/2009/01/no10-ai-tuong-vo-nguyen-giap-va-4-ieu.html


Sàigòn, 30/4/2009
 
Hạ Viện Hoa Kỳ chấp nhận ngày 2 tháng 5 hàng năm là ngày Tỵ Nạn Việt Nam
Dân biểu Joseph Cao Ánh
05:00 30/04/2009

FOR IMMEDIATE RELEASE April 28, 2009
CONTACT: D. Clayton Hall /A. Brooke Bennett
Phone: (202) 225-6636


Cao Commemorates “Vietnamese Refugees Day”

Washington, D.C. – Today, Congressman Anh “Joseph” Cao’s (LA-02) first piece of legislation, H.Res. 342, designating May 2, 2009 as “Vietnamese Refugees Day,” was passed unanimously by the U.S. House of Representatives.

“The resolution commemorates the arrival of Vietnamese refugees in the United States, documents their harrowing experiences and subsequent achievements in their new homeland, and honors the host countries and other voluntary agencies that welcomed the boat people and facilitated their resettlement into mainstream society in the United States,” declared Cao.

On May 2, 2009, designated as “Vietnamese Refugees Day,” the Library of Congress’ Asian Division will join many Vietnamese-American organizations across the United States in sponsoring a symposium entitled: “Journey to Freedom: A Boat People Retrospective.”

“Like me, many of the conflict’s refugees came to the United States. In fact, it was April 28, 1974, exactly 34 years ago today, that, as Saigon fell, I climbed aboard a C-130 destined for the United States and my new life,” said Cao in support of the resolution.

Cao added that, since the Vietnam War ended, approximately 2,000,000 Vietnamese boat people and other refugees are dispersed globally. As of 2006, 72 percent of those Vietnamese-American in the United States are naturalized United States citizens — the highest rate among Asian groups.

Vietnamese-Americans significantly contribute to the cultural and economic prosperity of the United States as artists, scientists, astronauts, restaurateurs, Olympians, professors and lawyers. H.Res. 342 designates May 2, 2009 as “Vietnamese Refugees Day” in honor of Vietnamese-Americans’ journey to freedom.

“By doing so, we enshrine in the hearts and consciousness of Americans the tragic, heroic and uplifting stories of perseverance and the pursuit of freedom of millions of Vietnamese refugees to ensure these stories will stand as an inspiration to generations of Americans to come,” affirmed Cao.

The bill had 67 co-sponsors.

(Cao’s statement from the House floor can be viewed here: http://clips.shadowtv.net/media/stv/3343/8/2009/118/13/3343_8_20090428_130414_820.wmv)
 
Hàng Tướng Dương Văn Minh
Lữ Giang
05:43 30/04/2009
Trong các tướng lãnh tham gia chính trường tại miền Nam Việt Nam, có lẽ tướng có thân phận bi thảm nhất là Tướng Dương Văn Minh. Biết Dương Văn Minh không hiểu biết gì về chính trị và thủ đoạn chính trị, thường suy nghĩ và hành động theo cảm tính, lại mắc bệnh tham lam, nên Hoa Kỳ đã biến ông thành một một công cụ đầy oan nghiệt để thực hiện chính sách của Hoa Kỳ trong từng giai đoạn rồi loại bỏ.

Dương văn Minh ngày lật đổ TT Ngô Đình Diệm
Có thể coi cuộc đời và vai trò của Tướng Dương Văn Minh như là một chương bi thảm trong lịch sử VNCH và cũng là một chương bi thảm trong tương quan giữa VNCH và Hoa Kỳ.

Người Việt ai cũng thuộc câu “Tri bỉ tri kỷ bách chiến bách thắng” , nhưng mặc đầu đã chiến đấu với Mỹ trong 20 năm và đã ở trên đất Mỹ 34 năm, đa số người Việt chống Cộng không biết Mỹ và địch đang làm gì, cứ suy nghĩ và hành động theo cảm tính, nên đấu tranh đã 34 năm mà vẫn chưa thấy ánh sáng ở cuối đường hầm. Vì thế, hôm nay nhân kỷ niệm ngày mất nước, chúng tôi xin trình bày tóm lược về một số bí ẩn và tai tiếng chung quanh cuộc đời và vai trò của Tướng Dương Văn Minh với ước mong mọi người có thể nhìn vào đó tìm ra bài học lịch sử khi tiếp tục đấu tranh.

VỤ BIỂN THỦ MỘT THÙNG PHUY VÀNG

Trong cuốn “Việt Nam một trời tâm sự” , Tướng Nguyễn Chánh Thi có kể lại:

Sáng ngày thứ 4, một toán thuyền và độ vài trăm người có súng đi ra với nhiều lá cờ trắng xin đầu hàng. Tiếp theo là một chiếc tàu chở ông Hồ Hữu Tường và ông Trần Văn Ân, cố vấn của Lê Văn Viễn ra điều đình. Tướng Thi kể tiếp:

“Trong toán này có Thiếu Tá Tư Nhỏ trước kia ở Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa đào ngũ theo Bình Xuyên vì y là con rễ của Bảy Viễn.

“Tư Nhỏ ra đầu hàng và tình nguyện đi chỉ chỗ vàng bạc chôn giấu của Bảy Viễn. Hắn ta nói:

“- Trước đây một toán Bình Xuyên 8 người cùng chiếc du thuyền của Bảy Viễn chở 6 thùng 200 lít đựng bạc và một thùng đựng vàng, hột xoàn đem đi chôn giấu. Khi chôn xong rồi thì 8 người ấy đều bị giết ngay và lấp xuống ở gần đó.

“Khi tình hình ở đây được hoàn toàn yên ổn, tôi được quan sát tận mắt sự đào hầm giấu tiền và các bộ mặt căng thẳng của Bộ Tư Lệnh của Đại Tá Dương Văn Minh và Trung Tá Nguyễn Khánh mà đâm ra hoài nghi.

“Trung Tá Nguyễn Khánh lúc đó chơi trò “cao bồi”, hai tay cầm hai khẩu súng lục, miệng nói: Cấm không ai được đến gần đây cả!

“Tiền!” Thật là khó coi? Chán mắt!

“Tôi lạnh lùng cho chiếc tàu của tôi trở về vị trí đóng quân, trong lòng tôi suy nghĩ miên man về thái độ cử chỉ của bọn họ. Tin ít mà ngờ nhiều.”
[1]

Câu chuyện về tài sản của Bình Xuyên được Tướng Thi kể lại có nhiều điểm khác với câu chuyện do Đại Tá Nguyễn Văn Y, cựu Tổng Giám Đốc Công An Cảnh Sát Quốc Gia, tường thuật lại dưới đây. Vì thế, một câu hỏi đã được đặt ra: Phải chăng đây là hai số tiền và vàng khác nhau? Chúng tôi tin rằng hai số tiền và vàng này chỉ là một, nhưng Tướng Thi chỉ được nghe nói hay nhìn thoáng qua nên không biết chính xác, còn Đại Tá Y là người đứng ra chỉ huy việc truy tìm số tài sản này nên câu chuyện được ông kể lại đầy đủ và chính xác hơn. Về sau, ông Diệm cũng chỉ ra lệnh điều tra về số tiền và vàng mà Đại Tá Y đã tìm được, chứ không nói gì đến số tiền và vàng mà Tướng Thi đã kể.

Đại Tá Nguyễn Văn Y, cựu Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia kiêm Đặc Ủy Trưởng Phủ Đặc Ủy Trưởng Trung Ương Tình Báo của VNCH đã tường thuật như sau:

Lúc đó ông là Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Chợ Lớn, chỉ huy Tiểu Đoàn 184. Vào khoảng tháng 5 năm 1955, sau khi đánh đuổi quân Bình Xuyên chạy vào Rừng Sát, ông đã thả các nhân viên Phòng 2 đi thăm dò ven rừng. Các nhân viên này thấy một người đang ngồi câu cá trên một chiếc xuồng ở một khu vắng, dáng điệu rất khả nghi, nên bắt về thẩm vấn. Sau nhiều cuộc tra hỏi, người này thú nhận anh ta là một cận vệ của Bảy Viễn, được phái ở lại giữ hai thùng phuy vàng và bạc đã phải nhận chìm xuống nước trước khi chạy trốn. Ông đã cho thợ lặn xuống tìm nhưng không thấy. Nhân viên Phòng 2 tiếp tục phỏng vấn, người này quả quyết nơi anh ta làm dấu đúng là nơi đã nhận 2 thùng phuy xuống. Thấy thái độ quả quyết của anh này, ông cho thợ lặn xuống mò một lần nữa, nhưng trong một phạm vi rộng hơn. Quả nhiên, thợ lặn đã vớt được hai thùng này cách xa nơi đánh dấu khoảng 100 thước, vì bị nước cuốn trôi đi. Đây là thứ thùng phuy đựng dầu xăng loại 200 lít.

Công cuộc kiểm tra cho thấy một thùng đựng bạc giấy, còn một thùng đựng vàng. Bạc giấy toàn là loại 500$, được gói trong những bao nilon nhỏ, có nhiều bao bị nước thấm nước. Ông bảo nhân viên đem số bạc ướt phơi khô rồi đưa tất cả đi nạp vào ngân khố. Còn thùng vàng được chở đến giao cho Đại Tá Dương Văn Minh, Quân Trấn Trưởng Sài Gòn. Tướng Nguyễn Khánh, lúc đó là Trung Tá Chỉ Huy Phó của Đại Tá Minh, cho biết số vàng này khi giao nạp đã được bỏ vào trong hai cái rương, nhưng rồi sau đó không còn nghe Dương Văn Minh nói gì về số vàng này.

Ông Diệm đã ra lệnh cho Thẩm Phán Lâm Lễ Trinh, Biện Lý Tòa Sơ Thẩm Sài Gòn, và Thiếu Tá Mai Hữu Xuân, Giám Đốc An Ninh Quân Đội, mở cuộc điều tra vụ này.

Ông Huỳnh Văn Lang, lúc đó là Bí Thư Liên Kỳ của Đảng Cần Lao và Tổng Giám Đốc Viện Hối Đoái, cho biết ông Lâm Lễ Trinh đã tiết lộ rằng khi được hỏi về số vàng này, Tướng Minh đã sừng sộ và giận dữ, nói rằng ông Diệm là người bội bạc, ông đã giúp ông Diệm đánh dẹp Bình Xuyên mà còn hỏi cái gì.

Ông Lang cũng cho biết ông có được đọc bản báo cáo hai trang của Đại Tá Mai Hữu Xuân. Đại Tá Xuân chỉ xác nhận số vàng Tiểu Khu Chợ Lớn tịch thu được đã giao cho Đại Tá Dương Văn Minh cất giữ và đề nghị nên đem ra chia nhau! [2]

Ông Cao Xuân Vỹ cho biết khi ông Nguyễn Ngọc Thơ đề nghị cho Tướng Dương Văn Minh chỉ huy Chiến Địch Đinh Tiên Hoàng để bắt Ba Cụt, ông Diệm đã nói với ông Nhu: “Thôi, cho nó số vàng đó đi cho yên!”

CHỨA CHẤP GIÁN ĐIỆP VIỆT CỘNG

Anh Nguyễn Tư Thái, tự là Thái Đen, Phụ Tá Trưởng Đoàn Công Tác Đặc Biệt, cho biết vào đầu năm 1960, nhân viên của Đoàn thấy một người thường lui tới nhà Dương Văn Minh, ở số 3 đường Trần Quý Cáp, Sài Gòn, nhưng mỗi lần đi ra, anh ta thường nhìn trước nhìn sau rất kỹ, thấy không có gì khả nghi mới bước ra. Những người bình thường không ai làm như vậy. Một hôm, đợi anh ta ra khỏi nhà Dương Văn Minh một khoảng xa, nhân viên tình báo liền bắt đẩy anh ta lên xe và đem về thẩm vấn. Lúc đầu anh ta nói anh ta chỉ là người đến dạy học cho các con của Tướng Minh. Tuy nhiên, sau nhiều cuộc thẩm vấn khéo léo, anh ta nhìn nhận anh ta là một ủy viên của Huyện Ủy Thủ Đức, được phái đến gặp Dương Văn Minh để lấy tin tức. Anh này đã bị giam giữ luôn, nhưng Dương Văn Minh không hay biết gì cả.

Sau vụ này, Đoàn Công Tác Đặc Biệt và Tổng Nha Cảnh Sát đã bố trí thường trực chung quanh nhà Dương Văn Minh, theo dõi từng bước đi của những người ra vào nhà ông, quay phim và chụp hình. Điện thoại của nhà ông cũng bị nghe lén.

Khoảng tháng 3 năm 1960, có một người có mặt mày và hình dáng rất gióng Dương Văn Minh, đã đến ở luôn trong nhà Dương Văn Minh và mỗi lần đi đâu thường được chính Dương Văn Minh chở đi. Sưu tra hồ sơ, nhân viên tình báo biết ngay đó là Dương Văn Nhựt, em của Dương Văn Minh, có bí danh là Mười Tỵ, hiện đang là Thiếu Tá trong bộ đội miền Bắc. Vợ của Dương Văn Nhựt hiện đang sống tại Sài Gòn. Theo dõi sát, nhân viên tình báo biết được Dương Văn Nhựt đang đi vận động Phật Giáo và sinh viên chống ông Diệm.

Trong cuộc phỏng vấn ngày 16.10.2004, Đại Tá Nguyễn Văn Y cho biết khi vợ Dương Văn Nhựt có bầu gần sinh, Dương Văn Nhựt đã đưa vợ tới ở nhà của Trung Tá Dương Văn Sơn, em của Dương Văn Minh. Lúc đó Dương Văn Sơn đang làm trưởng phòng truyền tin của Biệt Khu Thủ Đô. Tướng Minh thường đến nhà Dương Văn Sơn nói chuyện với Dương Văn Nhựt. Vì thế, nhà Dương Văn Sơn cũng bị theo dõi như nhà Dương Văn Minh.

Một hôm, Tổng Thống Diệm gọi ông và bảo đem tất cả hồ sơ vụ Dương Văn Minh vào gặp ông. Có lẽ trước đó Đoàn Công Tác Đặc Biệt đã trình nội vụ cho Tổng Thống biết rồi.

Khi ông đem hồ sơ vào, Tổng Thống Diệm hỏi: “Dương Văn Minh có theo Cộng Sản không?” Rồi ông nói tiếp: “Võ Nguyên Giáp nhiều công trạng như rứa mà nay Cộng Sản chỉ mới cho lên Trung Tướng. Dương Văn Minh công trạng có bao nhiêu đâu mà nay đã lên Trung Tướng rồi, còn muốn gì nữa?”

Đại Tá Y nói ông vốn là đàn em và là người quen biết với Tướng Minh nên chưa biết phải trả lời như thế nào. Tổng Thống liền đưa cho ông cái hộp quẹt và bảo đem tất cả hồ sơ ra đốt đi. Tổng Thống nói: “Mỹ mà nó biết được Trung Tướng của mình theo Việt Cộng thì xầu hổ lắm. Đốt hết đi! Từ rày tôi không muốn nhắc tới cái vụ này nữa.”

Nhưng đốt hồ sơ rồi cũng chưa xong, nhân viên tình báo còn phải bắt Dương Văn Nhựt và dẫn ông ta ra chiến khu để ông ta đi qua Cambodia và trở về lại miền Bắc, với lời cảnh cáo: “Nếu trở lại sẽ bị thanh toán”. Câu chuyện này có lẽ Tổng Cục Phản Gián của Hà Nội không hề hay biết.

Sau đó, ông Diệm đã bảo Đại Tướng Lê Văn Tÿ, Tổng Tham Mưu Trưởng, thông báo cho Tướng Minh biết từ nay ông ta chỉ có thể xử dụng các đơn vị cấp đại đội trở xuống mà thôi. Tướng Minh biết lý do tại sao, nhưng các cố vấn Mỹ không biết chuyện gì đã xẩy ra, nên rất thắc mắc. Họ nghĩ rằng ông Diệm sợ Tướng Minh làm đảo chánh nên mới hạn chế như vậy. Ngày 18.7.1962, ông Diệm thông báo cho Tướng Harkins biết ông quyết định hủy bỏ chức Tư lệnh Bộ Tư lệnh Hành quân của Tướng Minh vì ông ta “thiếu khả năng.” Ngày 8.12.1962 Trung Tướng Dương Văn Minh được cử làm Cố Vấn Quân Sự Phủ Tổng Thống, một chức vụ được coi như “ngồi chơi xơi nước”.

Sau này, báo Tuổi Trẻ Chúa Nhật của Việt Cộng trong số ra ngày 1.9.1996, dưới đầu đề “Tướng Dương Văn Minh dưới mắt các nhà binh địch vận” , đã tường thuật lại mối quan hệ giữa Tướng Dương Văn Minh và người em là Dương Văn Nhựt như sau:

“Năm 1960, Mười Tỵ, thiếu tá thuộc Bộ Tổng Tham Mưu Quân Đội Nhân Dân Việt Nam - được lệnh về Nam nhận công tác đặc biệt. Nhiệm vụ của ông là quan hệ, tranh thủ người anh ở bên kia chiến tuyến, đại Tướng Dương Văn Minh. Sau khi vượt Trường Sơn vào Nam, Thiếu Tá Dương Văn Nhựt, tức Mười Tỵ, đã được Ban Binh Vận Trung Ương Cục tìm mọi cách đưa vào Sài Gòn. Thông qua một người em gái, ông Mười Tỵ đã đến được và ở lại nhà của Dương Văn Minh suốt một tuần lễ. Hai anh em ở hai phía chiến trận gặp gỡ hàn huyên. Bằng tình cảm gia đình, ông Mười Tỵ thuyết phục Tướng Minh. Từ đó, ông Mười Tỵ cứ phải đi về trong “vùng địch” hoặc ra nước ngoài để tiếp xúc và gặp gỡ anh mình. Khi Dương Văn Minh lưu vong ở Thái Lan, ông Mười Tỵ cũng được bố trí sang Thái Lan qua ngã Campuchia. Ông đến Nam Vang, sống trong nhà một Hoa kiều. Tại đó, trong vòng một tháng, ông vừa học bằng sách vở, vừa thực tập giao tiếp để nói tiếng Hoa hồng để nhập vai người đi buôn. Có khi từ Nam Vang ông phải bay lòng vòng sang Ý, rồi từ Ý được cơ sở Việt kiều đón về Pháp để móc nối chị dâu (vợ của Tướng Minh) từ Thái Lan qua liên lạc”.

Bài báo viết thêm:

“Kể từ 1972, bộ đội bắt đầu mở nhiều trận đánh lớn, nên Mười Tỵ được lệnh không ra vùng địch và ra nước ngoài nữa vì “sợ rủi ro làm hỏng ý đồ chiến lược”, nên việc móc nối với Dương Văn Minh được giao cho Nguyễn Hữu Hạnh.”

BỊ BIẾN THÀNH TÊN ĐAO PHỦ CỦA MỸ

Vì không hiểu gì về thủ đoạn chính trị, Dương Văn Minh đã bị Hoa Kỳ biến thành tên đao phủ thanh toán Tổng Thống Ngô Đình Diệm, ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu và ông Ngô Đình Cẩn rồi sau đó loại bỏ.

1.- Giết Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu

Biết Tướng Dương Văn Minh đang bất mãn với ông Diệm nên CIA thuyết phục ông ta làm đảo chánh lật đổ ông Diệm. Dương Văn Minh đồng ý ngay. Trên danh nghĩa, ông ta là người chỉ huy cuộc đảo chánh, nhưng bên trong CIA chỉ giao cho ông ta một nhiệm vụ duy nhất là thanh toán nhà Ngô. Còn việc lập kế hoạch và chỉ huy cuộc đảo chánh được trao cho Tướng Trần Thiện Khiêm.

Khi tiến hành cuộc đảo chánh, Tướng Dương Văn Minh đã ra lệnh hạ sát Đại Tá Hồ Tấn Quyền, Tư Lệnh Hải Quân; Đại Tá Lê Quang Tung, Tư Lệnh Lực Lượng Đặc Biệt, và Thiếu Tá Lê Quang Triệu, Tham Mưu Trưởng Lực Lượng Đặc Biệt.

Khi được ông Diệm báo tin đang ở nhà thờ cha Tam, Dương Văn Minh đã cho lập “toán hành quyết” đi đón và giết ông Diệm và ông Nhu. Toán này do Đại Tá Mai Hữu Xuân cầm đầu. Tướng Minh cho Đại Úy Nguyễn Văn Nhung, cận vệ của mình, đi theo làm sát thủ.

Khi xác ông Diệm đưa về Tổng Tham Mưu, một quân cảnh cho biết chính mắt ông ta thấy Tướng Dương Văn Minh đã xuống lột quần ông Diệm ra xem có “chim” hay không.

Tướng Trần Văn Đôn cho biết khi hay tin hai ông đã chết, ông rất xúc động và đến hỏi Dương Văn Minh:

- Tại sao hai ông ấy chết?

Ông Minh có vẽ khó chịu, trả lời bằng tiếng Pháp: Ils sont morts! Ils sont morts! (Mấy ông ấy chết rồi, thì chết rồi) [3]

2.- Giết ông Ngô Đình Cẩn

Chính Tướng Nguyễn Khánh đã cho soạn thảo và ban hành Sắc Luật số 4/64 ngày 28.2.1964 thiết lập Toà Án Quân Sự đưa ra những quy định trái với nguyên tắc bất hồi tố của hình luật, và cử nhóm tay chân bộ hạ vào làm “phán quan” để tuyên án tử hình ông Cẩn. Sắc Luật lại quy định rằng các bị cáo không có quyền kháng cáo hay thượng tố. Bị cáo bị án tử hình có thể đệ đơn xin ân xá lên Quốc Trưởng trong thời hạn 24 tiếng đồng hồ. Trong trường hợp phạm nhân bị xử tử hình đã đệ đơn ân xá, án tử hình sẽ thi hành trong hạn 5 ngày kể từ khi tuyên án, nếu trong hạn đó, đơn xin ân xá không được chấp thuận. Những sự quy định này nhắm gài Tướng Dương Văn Minh, lúc đó đang là Quốc Trưởng bù nhìn, vào cái thế phải chịu trách nhiệm giết ông Cẩn.

Mặc dầu đứng đàng sau Tướng Khánh trong vụ làm luật giết ông Cẩn và biết chắc ông Cẩn phải bị giết, Đại Sứ Cabot Lodge giả vờ đứng ra làm con thoi, đề nghị Tướng Minh ân xá cho ông Cẩn. Tướng Minh biết mình bị gài nên nói với Đại Sứ Lodge: “Khánh luôn luôm tìm cách đặt tôi vào tình trạng khó khăn (He always tries to put me in the difficult position). Tôi sẽ bị cả nước thù ghét và tố cáo nếu tôi ân xá Cẩn.” Đại Sứ Lodge nhận xét: “Rõ ràng là Khánh đang sắp xếp các sự việc để cho Minh gánh lấy tất cả trách nhiệm nếu không hành quyết Cẩn.”

Hôm 5.5.1964 Tướng Dương Văn Minh đã ký quyết định bác đơn xin ân xá của ông Cẩn và trở thành tên sát thủ ông Cẩn!

BỊ ĐƯA RA LÀM HÀNG TƯỚNG

Dương văn Minh ngày bị CSVN đưa ra khỏi Dinh Độc Lập 30-4-75
Vào tháng 4 năm 1975, Hoa Kỳ thấy tình hình miền Nam Việt Nam không còn cứu vãn được, nên đã sắp xếp cho miền Nam đầu hàng Bắc Việt để tránh sự đổ máu quá nhiều. Biết Tướng Dương Văn Minh có liên lạc với Việt Cộng, Đại Sứ Martin của Mỹ đã phối hợp với Đại Sứ Merillon của Pháp thuyết phục Tướng Thiệu từ chức và lừa Tướng Dương Văn Minh ra làm hàng tướng bằng cách tạo cho ông một ảo vọng rằng chỉ có ông mới có thể nói chuyện với “phía bên kia” để hình thành một “chính phủ liên hiệp Quốc – Cộng!”

Trong cuốn Decent Interval, Frank Snepp, một phân tích viên của CIA ở Saigon lúc đó, nói rằng tại miền Nam lúc đó, không ai tin Hà Nội có thể chấp nhận một giải pháp khi họ đang trên đà chiến thắng. Ông Vũ Văn Mẫu cũng đã nhận ra được điều đó nên khi gặp Đại Sứ Merillon, ông đã nói với ông Đại Sứ bằng tiếng Latin rằng nếu giải pháp một chính phủ liên hiệp không thành thì xin giúp ông được ra đi.

Frank Snepp cho biết thêm:

“Khi tôi đang bận đánh máy bản báo cáo thì Polgar ở trong phòng riêng với các viên chức khác của Trạm Tình Báo (Toà Đại Sứ) thảo luận về việc chuyển giao nhanh quyền hành. Một khi Thiệu từ chức, Phó Tổng Thống Trần Văn Hương phải trao quyền hành ngay lập tức cho Minh “Lớn” , và Quốc Hội phải sẵn sàng chấp thuận sự chuyển giao, để sự chuyển giao đó có thể được thực hiện “một cách hợp hiến” (nhấn mạnh của Đại Sứ Martin) và “nhanh chóng” . [4]

Sau khi ép buộc Tướng Nguyễn Văn Thiệu từ chức Tổng Thống, Mỹ thúc đẩy Phó Tổng Thống Trần Văn Hương trao quyền lại cho Tướng Dương Văn Minh để đầu hàng Việt Cộng, nhưng ông Trần Văn Hương không hiểu gì về tình hình lúc đó nên tìm cách cù cưa. Ông bí mật đến gặp Tướng Minh và yêu cầu Tướng Minh làm Thủ Tướng, nhưng Tướng Minh từ chối. Tuy nhiên, do sự thúc đẩy của CIA và một số nhân vật chính trị, cuối cùng ông cũng đồng ý trao quyền cho Tướng Minh với điều kiện phải có sự quyết định của Quốc Hội.

Ngày 26.4.1975 lưỡng viện Quốc Hội đã họp tại Thượng Viện dưới quyền chủ toạ của ông Trần Văn Lắm, Chủ Tịch Thượng Viện, để đưa Tướng Dương Văn Minh lên làm Tổng Thống. Có 136 trong số 219 nghị sĩ và dân biểu đến họp. Sau khi Đại Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực VNCH, và Tướng Nguyễn Khắc Bình, Tổng Giám Đốc CSQG trình bày về tình hình, Quốc Hội bắt đầu thảo luận về việc trao quyền cho Tướng Dương Văn Minh. Có rất nhiều sự bất đồng về việc trao quyền, nhiều người cho rằng sự trao quyền này là bất hợp hiến. Nhưng các nhóm vận động hậu trường đã hoạt động rất ráo riết nên cuối cùng, lúc 20 giờ 54 phút, Quốc Hội đã biểu quyết chấp thuận trao quyền cho Tướng Dương Văn Minh với số phiếu 147/151.

Chiều 28.4.1975, Tướng Dương Văn Minh đã nhận chức Tổng Thống. Lễ bàn giao được diễn ra tại Phòng Khánh Tiết của Dinh Độc Lập.

Cũng trong chiều 28.4.1975, Đô Đốc Chung Tấn Cang, Tư Lệnh Hải Quân, vào Dinh Hoa Lan gặp Tướng Minh cho biết tình hình và hỏi Tướng Minh có định ra đi không. Tướng Minh cho con gái là Dương Mai, con rễ là Đại Tá Nguyễn Hồng Đài và hai cháu ngoại lên tàu di tản với Đô Đốc Cang, còn ông và bà Minh ở lại.

Đêm 29.4.1975, Tướng Minh vào ngũ trong Dinh Độc Lập để tránh pháo kích. Lúc đó, ông chỉ còn hy vọng Thượng Tọa Thích Trí Quang, người hứa sẽ đưa người “phía bên kia” đến thương lượng để thành lập chính phủ liên hiệp. Tướng Nguyễn Hữu Có kể lại lúc 4 giờ 35 sáng ngày 30.4.1975, Thích Trí Quang đã nói với Dương Văn Minh qua điện thoại:

“Thưa Tổng Thống, cũng như Tổng Thống là tôi vẫn chờ đến giờ nầy và theo tôi nghĩ có lẽ với tình thề hiện tại, trong sứ mạng của tôi, người đứng trung gian bắc nhịp cầu của thế cờ chính trị, có thể nói là chấm dứt. Với trọng trách là Tổng Thống, hơn nữa là một Đại Tướng, tôi nghĩ công việc phải nhờ vào tài quân sự của Đại Tướng, chứ giải pháp chính trị của tôi coi như chấm dứt, và từ giờ phút này nếu có chuyện gì xẩy đến thì mọi trách nhiệm đều do Tổng Thống, à quên Đại Tướng quyết định với giải pháp quân sự, mà trong lãnh vực này Đại Tướng rất rành và giỏi hơn tôi. Xin chào Tổng Thống...”

Dương Văn Minh chỉ trả lời gọn một câu: “Thầy giết tôi rồi!” và cúp máy điện thoại.

Lúc đó là 4 giờ 45 phút sáng.

Frank Snepp kể lại, sau đó Tướng Minh đi đi lại lại một cách bực dọc (nervously) trong dinh Độc Lập trống vắng. Đoàn sứ giả đi thương lượng ở Tân Sơn Nhứt không thấy về. Có người khuyên ông nên tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, nhưng ông không đồng ý. Ông nói rất nhiều đồng bào của ông sẽ khinh ông. (Too many of his countrymen would think ill of him). Ông muốn hoản lại chuyện này cho đến khi nội các được thành lập. Khi đó ít ra những người khác phải chia xẻ sự sỉ nhục.[5]

Lúc 8 giờ 30, ông đến Phủ Thủ Tướng thảo luận lại thành phần chính phủ của Vũ Văn Mẫu rồi quay về dinh Độc Lập làm lễ ra mắt.

Lúc 10 giờ 15 sáng ngày 30.4.1975, khi thấy không còn gì để hy vọng nữa, Dương Văn Minh lên tiếng trên đài phát thanh Sài Gòn kêu gọi quân nhân, cảnh sát và các lực lượng bán quân sự “giữ vị trí, buông súng để bàn giao chính quyền trong vòng trật tự” . Lúc 11 giờ 30, chiếc xe tăng Cộng Sản đầu tiên loại T-54 tiến trên đại lộ Thống Nhứt về phía Dinh Độc Lập, ủi sập cổng, sau khi bắn hai phát đại bác long trời lở đất. Tiếng chân chạy ồn ào trong đại sảnh, có tiếng đạn lên nòng, một khẩu lệnh vang lên: “Mọi người đi ra khỏi phòng ngay!” Dương Văn Minh là người bước ra đầu tiên, Thiếu Tá tùy viên Hoa Hải Đường đi bên cạnh, phía sau là Vũ Văn Mẫu, Nguyễn Văn Huyền... Nhiều bộ đội ở đầu kia đại sảnh hét to: “Mọi người giơ hai tay lên!” . Dương Văn Minh, Vũ Văn Mẫu và đoàn tùy tùng nhất loạt tuân lệnh.

Hai ông Minh và ông Mẫu được đưa đến đài phát thanh Sài Gòn để đọc lời đầu hàng. Nhưng khi hai ông vào bên trong đài phát thanh thì không còn nhân viên kỹ thuật nào ở đó để làm công việc thu băng. Sinh viên Nguyễn Hữu Thái phải mất hai tiếng mới tìm ra nhân viên kỹ thuật. Bản tuyên bố đầu hàng do chính trị viên Bùi Văn Tùng thảo, ông Minh đọc và đài phát thanh phát đi vào lúc 13 giờ 30.

Tính lại, Dương Văn Minh đã làm Tổng Thống không tới 40 tiếng đồng hồ: Nhận chức vào chiều 28 tại Dinh Độc Lập đến trưa 30.4.1975 đã tuyên bố đầu hàng!

NHÌN LẠI CON NGƯỜI CỦA DƯƠNG VĂN MINH

Tướng Nguyễn Chánh Thi tiết lộ rằng khi còn ở Pháp, Tướng Dương Văn Minh có gởi cho ông một lá thư đề ngày 15.4.1987, trong đó có đoạn như sau:

"Thi,

“Được tin Thi tôi rất mừng. Lúc nào tôi cũng nhớ anh em thuở xưa, mà tôi còn lưu lại rất nhiều kỷ niệm.

“Từ khi tôi đến nước Pháp tới nay, lật bật đã gần sáu năm rồi, sống với một cuộc đời réfugié tuy có thong thả nhưng lúc nào cũng bận tâm. Thoát được chế độ Cộng sản với hai bàn tay không - Pháp chẳng giúp đỡ gì - mình sống ẩn thân trong một đô thị thật nhỏ, kể ra cũng tạm yên.

“Nghe Thi kể chuyện các anh em quân nhân, tôi rất khổ tâm. Lúc đó tôi bị đày ở Bangkok cho nên có nhiều việc tôi không được rõ hết.

“Anh em có đọc sách của anh Đỗ Mậu kể chuyện lại cho tôi nghe; tôi phải công nhận anh Đỗ Mậu kể chuyện như vậy là rất can đảm. Lên án Cần-lao và Công-giáo đến mức đó là cùng. Ngoài ra, anh Đỗ Mậu có trách tôi không biết tự tử như các bực tiền bối, cũng có phần đúng. Nhưng đây chỉ là một vấn đề quan niệm mà thôi.

“Theo tôi, tự tử không phải lúc nào cũng là đúng. Đôi khi mình phải dám sống để hứng nhận những hậu quả cho sự quyết định của mình gây ra...”


Thân phận của Tướng Minh đã bị Hoa Kỳ biến thành một cái mền rách, nhưng vì quá yếu kém về chính trị, nên cho đến khi gần tới giờ về cỏi âm, ông vẫn chưa nhận ra được! Lãnh đạo mà như thế, mất miền Nam là chuyện không có gì đáng ngạc nhiên.

Nhìn lại con người của Dương Văn Minh, chúng ta thấy có 3 đặc điểm sau đây:

Thứ nhất là tham nhũng và thiếu trách nhiệm:

(1) Biển thủ một thùng phuy vàng lấy được của Bình Xuyên và một số tiền bạc thu được sau cuộc đảo chánh 1.11.1963. Cho một tay chân bộ hạ nổi tiếng tham những là Tướng Mai Hữu Xuân kiêm ba chức quan trọng cùng một lúc để truy lùng tài sản và khảo của các viên chức chế độ cũ, đó là Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia, Đặc Ủy Trưởng Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo và Đô Trưởng Sài Gòn. Tướng Xuân đã nhận cả tiền của Việt Cộng để thả các cán bộ cao cấp của Việt Cộng ra.

(2) Không quan tâm đến tình hình miền Nam sau cuộc đảo chánh và có quyết định sai lầm: Ra lệnh phá hủy các ấp chiến lược đã được thiết lập để đối phó với Cộng Sản, đưa miền Nam tới bờ vực thẳm khiến Hoa Kỳ phải thực hiện “Pentagon’s coup” để lật đổ và đưa quân vào miền Nam cứu vãn tình thế.

Thứ hai là ngố:

Mặc dầu làm việc với Hoa Kỳ và hành động theo sự xúi biểu của Hoa Kỳ, ông không hiểu gì về chính sách và thủ đoạn của Hoa Kỳ trong từng giai đoạn, nên đã bị Hoa Kỳ biến thành công cụ:

(1) Ông bị biến thành một tên sát thủ giết Tổng Thống Ngô Đình Diệm, ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu và ông Ngô Đình Cẩn thay cho người Mỹ khi Hoa Kỳ muốn thay đổi chính sách. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó ông bị Hoa Kỳ loại và đưa những tay chân bộ hạ của CIA lên cầm quyền.

(2) Khi Miền Nam sắp sụp đổ, ông bị Hoa Kỳ lường gạt bằng chiêu bài “hoà giải hoà hợp” để đưa ông ra làm Hàng Tướng!

Thứ ba là hèn:

(1) Thiếu Tá Nguyễn Văn Nhung, cận vệ thân tín của ông, được ông phái đi giết Đại Tá Lê Văn Tung và Thiếu Tá Lê Văn Triệu, sau đó hạ sát ông Diệm và ông Nhu. Ấy thế mà sáng 30.1.1964, khi linh Nhảy Dù bắt Thiếu Tá Nhung trước mặt ông và dẫn đi, rồi tối hôm đó hạ sát, ông chẳng có một lời nào!

(2) Sáng ngày 30.4.1975, bộ chỉ huy 3 chiến thuật của Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù đang quần thảo với Việt Cộng trước cổng Bộ Tổng Tham Mưu ở Lăng Cha Cả thì Tổng Thống Dương Văn Minh ra lệnh đầu hàng. Thiếu Tá Phạm Châu Tài, chỉ huy trưởng bộ chỉ huy 3 chiến thuật, đã nói chuyện với Tổng Thống Dương Văn Minh qua điện thoại:

- Tôi là chỉ huy trưởng cánh quân đang tử chiến với Việt Cộng ở Bộ Tổng Tham Mưu, tôi đang cố liên lạc với Bộ Tổng Tham Mưu thì lệnh ngưng chiến đã ban ra và quân của Việt Cộng vẫn còn đang tiến về thủ đô. Tôi vào trong Bộ Tổng Tham Mưu thì không còn một tướng lãnh nào ở đây, họ đã bỏ chạy hết, do đó tôi muốn nói chuyện với Tổng Thống để xin quyết định.

Tổng Thống Minh trả lời:

- Các em chuẩn bị bàn giao đi.

Thiếu Tá Tài hỏi lại:

- Có phải là đầu hàng không?

Tổng Thống Minh trả lời:

- Đúng vậy, ngay bây giờ xe tăng của Việt Cộng đang tiến vào Dinh Độc Lập.

Thiếu Tá Tài nói:

- Nếu xe tăng của Việt Cộng tiến về Dinh Độc Lập thì chúng tôi sẽ đến cứu Tổng Thống. Nếu Tổng Thống ra lệnh đầu hàng thì Tổng Thống có chịu trách nhiệm với hơn 1000 quân đang tử chiến ở Bộ Tổng Tham Mưu hay không?"

Tổng Thống Minh trả lời:

- Tùy ý các anh em.

Nói xong cúp máy!

(3) Ký giả Borries Gallasch, phóng viên tờ Der Spiegel của Đức, người ký giả ngoại quốc duy nhất có mặt trong Dinh Độc Lập vào sáng 30.4.1975, đã kể lại thái độ của Tướng Dương Văn Minh khi đối diện với các bộ đội cộng sản đến bắt ông đầu hàng như sau: Đại Tướng Dương Văn Minh im lặng. Dưới chiếc mũ cối, những người lính bộ đội nhìn ông Minh với vẻ tò mò... Cuối cùng ông Minh đã lên tiếng, hỏi một người lính: “Em trai của tôi hiện nay ra sao? Khi nào tôi có thể gặp chú ấy?”.

Làm tướng mà phải đầu hàng là nhục rồi, nhưng lại còn hèn hơn nữa khi nói mé cho những tên bộ đội nhỏ bé của Cộng quân biết rằng ông có người em theo Việt Cộng là Dương Văn Nhựt để chứng tỏ ta đây cũng thuộc “gia đình Cách Mạng” !

NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG

Ngày 8.8.1983, Dương Văn Minh, được chính quyền Hà Nội cho phép di cư sang Pháp và sống với hai người con trai là Dương Minh Đức và Dương Minh Tâm. Khoảng năm 1988, ông âm thầm qua Pasadena, Nam California, Hoa Kỳ, và sống với con gái là Dương Mai đang định cư ở đó. Trong những những ngày còn lại của cuộc đời, Tướng Dương Văn Minh phải sống trong bóng tối, không dám gặp cộng đồng người Việt tại đây.

Ngày 5.8.2001, ông bị té từ xe lăn, được đưa vào bệnh viện Huntington Memorial Hospital và qua đời ngày hôm sau, hưởng thọ 86 tuổi. Linh cữu ông cũng được phủ cờ vàng ba sọc đỏ, được di chuyển lên xe bởi 6 người thân gồm các ông Hoa Hải Đường, Nguyễn Hồng Đài, Trịnh Bá Lộc, Hoa Hải Thọ, Ngô Long và Nguyễn Trí Dũng. Sau đó, linh cửu ông đã được hoả thiêu trưa thứ bảy 18.8.2001 vào lúc 12 giờ tại vãng sanh đường Skyrose thuộc nghĩa trang Rose Hill, Nam California.

Ngày 29.4.2009

Ghi chú:

[1] Nguyễn Chánh Thi, Việt Nam: Một trời tâm sự, Xuân Thu, Hoa Kỳ 1987, tr. 27 và 28.

[2] Huỳnh Văn Lang, Nhân chứng một chế độ, Tập II, California, Hoa Kỳ, tr. 66 – 70.

[3] Trần Văn Đôn, Việt Nam nhân chứng, Xuân Thu, California, Hoa Kỳ 1989, tr. 231.

[4] Frank Snepp, Decent Intreval, Random House, New York, 1977, tr. 382 – 383.

[5] Frank Snepp, Decent Intreval, Random House, New York, 1977, tr. 540.
 
Đoàn Luật sư TPHCM xác nhận chủ quyền đảo Hoàng Sa và Trường Sa
RFA
08:06 30/04/2009
RFA-04-29-2009 - Đoàn Luật sư TPHCM hôm qua bày tỏ khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Trong một lá thư ngỏ hôm qua gửi Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa cùng các cơ quan báo chí trong nước, Đoàn Ls TP HCM lên tiếng như vừa kể, và cho biết chủ quyền này dựa trên cơ sở pháp lý lẫn thực tế chiếu theo Công pháp Quốc tế, được ghi nhận rõ trong nhiều tài liệu lịch sử của Việt Nam cũng như của thế giới.

Đoàn Ls TP HCM tuyên bố sẽ luôn bảo vệ quan điểm là Việt Nam có chủ quyền bất khả xâm phạm đối với hai đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
 
Nhà của luật sư Lê Trần Luật bị khám xét
Thư ký luật sư
15:19 30/04/2009
SAIGÒN - Chiều ngày 29/4, công an khu vực đã đến nhà của luật sư để khám xét, mang theo quyết định Số 100/QĐ: "Khám nơi cất dấu TV - PT (tang vật - phương tiện) về hành vi lưu trữ thông tin, tài liệu chống nhà nước CHXHCN Việt Nam".

Họ đã lấy đi 3 máy tính để bàn, 1 máy tính xách tay, 1 máy điện thoại di động cùng một số tài liệu về vụ án Phạm Thanh Nghiên (thuộc khối 8406), Phạm Bá Hải (thuộc tổ chức Bạch Đăng Giang), Trương Minh Đức (thuộc đảng Vì Dân), một số hồ sơ về dân oan, tài liệu liên quan đến khối 8406, một số kỷ vật của GS Trần Khuê dành tặng luật sư Lê Trần Luật, tập thơ của nhà thơ Bùi Chát, đề án thành lập website & diễn đàn luật sư.

Cuộc khám xét diễn ra từ 18h ngày 29/4 - 0h30 sáng ngày 30/48.

Theo luật sư Lê Trần Luật, an ninh đã có những hành vi gây phiền nhiễu trong suốt 2 tháng nay, kể từ trước khi diễn ra phiên tòa phúc thẩm các giáo dân của giáo xứ Thái Hà. Họ nói rằng luật sư đã hiểu sai chính sách và đường lối của nhà nước CHXHCN VN, và đã yêu cầu luật sư cải chính các bài bào chữa trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời yêu cầu luật sư phải tự nhận rằng: các phát biểu trả lời phỏng vấn của mình là nông nổi và bốc đồng. Việc luật sư dứt khoát không chấp nhận các yêu cầu này đã dẫn đến tình trạng căng thẳng hiện nay đối với luật sư.
 
Thương dân Việt mù thông tin
Quế Sơn
16:30 30/04/2009
Thương Dân Việt Mù Thông Tin “ Tương lai sẽ thuộc về các quốc gia mà ở đó người dân biết sử dụng có hiệu quả thông tin, tri thức và công nghệ. Đây chính là nhân tố chủ yếu, chứ không phải là tài nguyên thiên nhiên, để phát triển kinh tế thắng lợi” đó là lời của Thủ tướng Singapore ông Goh Chok Tong trong bức thông điệp gửi tới toàn dân ngày quốc khánh năm 1993

Khi đọc những dòng trong bức thông điệp trên, tôi thấy thật thương cho dân mình bởi từ trước đến nay đã lần nào chính phủ mình nói được những lời trên đối với dân nước mình chưa?

Khi đọc những dòng trong bức thông điệp trên, tôi thấy thật thương cho dân mình bởi từ trước đến nay đã lần nào chính phủ mình nói được những lời trên đối với dân nước mình chưa?

Còn N.Wiener- cha đẻ của ngành Cybernetics cách đây hơn nửa thể kỷ đã nói: “ Cuộc sống có chất lượng là cuộc sống với thông tin”.

Tôi đã từng được tiếp xúc, trao đổi với các giáo sư đang làm việc trong ngành thông tin, tôi mới giật mình khi biết rằng cho đến nay thì dân Việt mình vẫn mù tịt thông tin về mọi lĩnh vực. Vậy thử hỏi đến giờ này dân mình đã thực sự có cuộc sống có chất lượng chưa???? Khi mà thông tin thì lại mù tịt.

Đến nay nước mình vẫn được xếp vào các nước chậm phát triển, là nước chiếm hơn 80% về nông nghiệp, dân mình lại quen nếp sống cam chịu từ xưa. Rồi hệ thống truyền hình, báo, đài đều thông tin theo sự chỉ đạo của nhà nước. Mạng Internet thì chỉ có các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là phát triển, nhưng việc khai thác và sử dụng thông tin thì lại ít người được đào tạo, cho nên mặc dù cho là phổ biến nhưng mà người dân vẫn không biết cách truy cập để lấy các thông tin nhằm so sánh, đánh giá với các thông tin mà nhà nước cung cấp. Còn thế hệ trẻ thì dùng Internet chủ yếu cho việc chát chít hay chơi Game…

Với những lý do trên cho chúng ta thấy một thực tại của nước mình là nhân dân rất kém thông tin. Các giáo sư mà tôi từng tiếp xúc đều có chung một cảm nhận là dân mình chẳng có thông tin nên đồng nghĩa với chẳng có dân chủ, chẳng có tự do tí nào.

Mới đây một giáo sư từng nói với tôi rằng: Cậu xem, bên Mỹ khi bầu cử, các ứng cử viên có quyền ứng cử và nêu lên ý kiến đánh giá đối với các ứng cử viên khác, thậm chí là chửi nhau khi diễn thuyết, nhưng sau khi diễn thuyết xong họ lại bắt tay nhau vui vẻ, còn dân việt mình khi bầu cử thì do trên chỉ đạo tất rồi. Dân mình đi bầu cử chỉ là cái trò hề cả thôi, bởi tất cả đã được “ Đảng” xếp hết cả rồi. Thế mới biết là hệ thống nhà nước mình nó thế nào? Đấy chỉ là một ví dụ nhỏ để ta có thể lần lượt đi tìm hiểu xem dân mình mù thông tin ra sao?

1. Về Kinh Tế.

Đối với các doanh nghiệp: Qua theo dõi báo chí trong và ngoài nước đều thấy rằng biết bao nhiêu lần các doanh nghiệp Việt Nam bị kiện vì bán phá giá, bị cấm nhập khẩu các mặt hàng vào các nứơc mà chủ yếu là Mỹ. Nguyên nhân do đâu? Có thể trả lời ngay rằng đó là do thiếu thông tin. Các doanh nghiệp của ta không tìm hiểu và không được nhà nước thông tin cụ thể về các chính sách, yêu cầu chất lượng và luật pháp của nước bạn, vì thế việc bị kiện và cấm nhập khẩu của các nước đối với các doanh nghiệp của ta là không có gì lạ lẫm.

Đối với người nông dân: Cho đến bây giờ thì nước ta vẫn là một nước mà nông nghiệp vẫn chiếm tới hơn 80%, mạng lưới truyền thông cho dân vẫn là truyền hình, đài, báo. Vì thế mà đối với nông dân thì nhà nước bảo sao thì làm vậy, bảo làm bậy vẫn cứ làm theo, việc cung cấp thông tin của nhà nước đối với nông dân của ta đọc mà cười ra nước mắt, không biết có phải do yếu kém về trình độ chuyên môn hay không? Mà khi nào có sự chỉ đạo của nhà nước về trồng cây gì? hay nuôi con gì? đều thấy thất bại. Bao nhiêu dự án đều phá sản, rồi các thông tin về giá lúa gạo trên thị trường trong thời gian qua… đã làm cho nông dân chẳng biết kêu ai nữa.

Ví dụ: Năm ngoái thóc lúa của nông dân Đồng Bằng Sông Cừu Long không thể bán được, rồi mới đây hàng đoàn các Xe chở Dưa Hấu chất đống ở cửa khẩu cho thối vì Trung Quốc không mua….

2. Về xã hội.

Chúng ta thấy rằng việc người dân ta bị bưng bít thông tin không lạ lẫm gì? Như đã nói ở trên thì mạng lưới truyền thông đều do nhà nước quản lý, vì thế mà nhà nước chỉ cung cấp những thông tin có lợi cho mình. Có hay chăng chỉ thí vài con tốt rồi dùng truyền thông thổi bùng lên, để cho dân biết “Đảng” mình trong sạch như thế nào?

Chúng ta thấy rằng việc người dân ta bị bưng bít thông tin không lạ lẫm gì? Như đã nói ở trên thì mạng lưới truyền thông đều do nhà nước quản lý, vì thế mà nhà nước chỉ cung cấp những thông tin có lợi cho mình. Có hay chăng chỉ thí vài con tốt rồi dùng truyền thông thổi bùng lên, để cho dân biết “Đảng” mình trong sạch như thế nào?

Chúng ta thử nhìn lại các vụ mà báo chí phanh phui, ví như vụ Lã Thị Kim Oanh và gần đây là vụ PMU18, tôi thường nói với bạn bè của mình rằng đó chỉ là những trò mèo “thí tốt cứu tướng” thôi, vì đối với một người dân bình thường cũng có thể phân tích thấy rằng: những con tốt được thí đó không thể nào chết được.

Lại nói thêm về vụ PMU18: Tôi đã được một người bạn làm giảng viên trường Đại Học Tài Chính bảo trước đó 3 tháng là không thể xử Nguyễn Việt Tiến được đâu, vì còn liên quan đến rất nhiều các quan lớn trong chính phủ, rồi còn biết bao nhiêu chuyện khác…nhưng mà tôi chẳng tin, cho đến khi Nguyễn Việt Tiến được thả tôi mới tin là bạn tôi nói đúng.

Với luật pháp Việt nam thì khi vào tù, giả như có bị tuyên án tử hình thì lại kiếm thằng điên, hay con nghiện chết thay ( vì khi xử bắn thì bịt mặt nạn nhân và không một người dân nào được tham dự) còn nếu mà tòa tuyên án có mức an cụ thể thì lại càng dễ, khi trong tù giả vờ điên xin ra nước ngoài điều trị rồi định cư luôn ở đó ( Vì tiền đều để ở ngân hàng nước ngoài rồi mà). Sau đó nhiều năm sau sau trở về lại trở thành các nhà doanh nghiệp được chào đón nồng nhiệt.

Chúng ta cứ thử nhìn lại xem với các vụ án lớn liên quan đến các “quan” hay các vụ tham nhũng có to đến mấy thì chỉ trong nửa tháng đến một tháng là dân mình chẳng ai thèm quan tâm đến nữa, vì có biết nó thế nào đâu mà quan tâm??? Làm gì có ai cung cấp thông tin?

Và với việc lập ra ban chống tham nhũng của chính phủ thực chất chỉ là trò hề, vì đó là nơi mà các tham quan có thể thông tin cho nhau biết rằng: “Dân đang lên tiếng đấy, mày chịu khó tạm ngưng đi đã, để dân nó yên ắng thì lại tiếp tục”

Còn về vụ việc liên quan đến chuyện đất đai của Giáo Xứ Thái Hà- Tòa Khâm Sứ mới đây thì truyền hình, báo, đài là công cụ đắc lực của nhà nước dùng để đấu tố, mạt hạ Đức Cha Kiệt, các Linh Mục Dòng Chúa Cứu Thế và các giáo dân giáo xứ Thái Hà. Các công cụ của sự dối trá đó đã gây ra sự chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, làm cho người dân lương – giáo có những cái nhìn không tốt về nhau. Các tay bồi bút trên báo chí và truyền hinh với trình độ ngu muội luôn đưa ra giọng điệu xuyên tạc sự thật, nhằm bôi nhọ thanh danh người khác.

Mới đây là chuyện Bauxite, khi các nhà trí thức gửi các kiến nghị lên chính phủ ( họ đã lập hẳn một Website: Bauxitevietnam.org để nói lên các hiểm họa mà khi khai thác Bauxite sẽ xảy ra) rồi đơn của Tướng Giáp gửi Thủ Tướng đề nghị dừng việc khai thác Bauxite vì xét thấy nó sẽ ảnh hưởng đến môi trường sống và an ninh quốc gia, thì chính phủ lại phớt lờ. Với giọng điệu là để họp bộ chính trị, nhưng thực chất là nhằm kéo dài thời gian đưa ra quyết định.

Tôi vẫn nói với bạn bè: Tướng Giáp bây giờ chỉ còn được coi là bù nhìn thôi, chứ nếu không thì khi Tướng Giáp gửi thư như vậy thì Chính Phủ phải ngừng ngay dự án khai thác đó chứ! Trước những thông tin mỗi ngày một nóng lên trên các trang mạng, tôi điện về quê hỏi xem ở nhà có thấy báo, đài, ti vi nói về Bauxite hay không? thì gia đình tôi nói có, nhưng mà không biết Bauxit là cái gì? Vì các bản tin chỉ nói chung chung thôi. Thế mới biết là nhà nước thông tin đến dân thế nào? Khi mà một chuyện lớn ảnh hưởng đến sự an nguy của quốc gia như vậy

Rồi lại chuyện: Linh Mục Khải gửi thông báo lên các trang mạng kêu gọi mọi người cùng hiệp thông cầu nguyện để cho dự án khai thác Bauxite sớm chấm dứt. Thì liên tục trên truyền hình, báo, đài xuất hiện các kẻ bồi bút mà ở đó “ Lương Tâm rẻ hơn lương bồi bút” lại tiếp tục bổn cũ soạn lại đó là: thực hiện chiến dịch đấu tố Cha Khải, qua những bài viết xuyên tạc sự thật. Các bài viết của họ khi đọc ta thấy được rằng đó là các bài viết rẻ tiền mà như trong tác phẩm “Đời Thừa” của Nam Cao, nhân vật Hộ có nói: “viết những thứ mà người đọc chỉ đọc một lần rồi ném vào sọt rác..” Không biết rồi con cháu của những kẻ bồi bút sau này sẽ thế nào? Khi mà Cha, Ông chúng nó luôn dối trá như vậy? Tôi thấy thật thương hại cho những kẻ bồi bút đó và cũng thương cho dân mình bị nhà cầm quyền bưng bít thông tin về đủ mọi chuyện.

Đó là một số vấn đề tôi điểm qua để chúng ta thấy được một thực tại của Xã hội ta đang sống, thấy được dân ta mù thông tin ra sao? Để từ đó chúng ta khi tiếp nhận những thông tin mà nhà nước cung cấp, thì chúng ta cần phải suy xét và truy cập các thông tin trên mạng để so sánh, chứ không nên tin thông tin độc quyền một chiều của nhà nước.
 
Luật sư Lê Trần Luật bị câu lưu 17 tiếng đồng hồ
Nam Việt
16:31 30/04/2009
Sau chiến dịch đánh sập Văn Phòng Luật Sư Pháp Quyền “thành công”. Và để mở đường cho việc bắt giam Ls công lý - Lê Trần Luật cũng như trợ lý, cộng sự của ông là bà Tạ Phong Tần. Hàng loạt chiến dịch bôi nhọ bởi truyền thông cộng sản đã được thực hiện, hàng loạt giấy triệu tập của Cơ quan an ninh được gởi đến cho hai người này cũng như các cộng sự của ông Luật trong nhiều tháng vừa qua.

Ngày 29 tháng 4 năm 2009, Công an An ninh Tp. HCM đã câu lưu và làm việc với ông Lê Trần Luật và bà Tạ Phong hơn 17 tiếng đồng hồ. Họ đã tịch thu toàn bộ máy móc, trang thiết bị làm việc của Văn phòng sau khi ông Luật không đồng ý cho An ninh “mượn” chiếc máy tính cá nhân của ông ta theo đề nghị. Cần nói rằng, những trang thiết bị mà An ninh Tp. HCM tịch thu lúc 1h sáng nay (30.4) là phương tiện làm việc của Văn Phòng Luật sư Pháp Quyền được sắm mới sau đợt cưỡng chế tịch thu trái pháp luật do cơ quan Thi hành án quận Gò vấp thực hiện hồi đầu tháng 3.2009 vừa rồi.

Ngay cả điện thoại di động và đường truyền Internet – phương tiện duy nhất nhằm mục đích đảm bảo thông tin liên lạc của ông Luật cũng bị tịch thu và bị cắt.

Ngoài ra, quá trình lục soát họ còn thu giữ những tài liệu liên quan đến các vụ án mà Ls Lê Trần Luật đã thực hiện trước đó. Trong đó có hồ sơ vụ án Thái Hà, hồ sơ khu đất “Hồ Ba Giang” của Giáo xứ Thái Hà. Họ cho rằng, đây là những tài liệu mang tính chất “phản động” và tuyên bố “sẽ bắt ông về tội Tuyên truyền chống nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam” theo điều 88 bộ luật Hình sự.

Trước những sự việc chúng tội vừa sơ lược nêu trên; nhận thấy:

Nhân quyền tại Việt Nam đang bi chà đạp một cách thô bạo

Nhà cầm quyền Việt nam đã không tôn trọng và thực thi các Công ước quốc tế mà mình đã tham gia ký kết.

Nhân phẩm, danh dự của con người đã không được chính quyền Việt nam tôn trọng; quyền của người Luật sư đã bị cản trở, bị xâm phạm một cách trái pháp luật.

Vì vậy, chúng tôi xin được đại diện cho những người yêu chuộng Công lý – Sự thật – Tự do khẩn thiết kêu gọi mọi người trong nước cũng như hải ngoại; các vị lãnh đạo các quốc gia, các tổ chức quốc tế và mọi người có lương tri trên thế giới lên tiếng đấu tranh yêu cầu nhà cầm quyền Việt nam chấm dứt ngay hành vi sách nhiễu, đe dọa, bắt bớ trái pháp luật ông Lê Trần Luật cùng cộng sự của ông ta. Yêu cầu chính quyền Việt nam phải tộn trọng pháp luật quốc gia và quốc tế.

Mong nhận được sự hưởng ứng của mọi người.

Sài gòn 30.4.2009
 
Lòng dân đang phẫn uất
Dân Quyền
16:32 30/04/2009
Cách đây không lâu, vào đúng ngày Chúa Giêsu phục sinh, tôi được một cậu bạn rủ đi thăm gia đình của một chị bạn trên khu phố cổ Hà Nội. Lúc đầu tôi cũng không muốn đi lắm, nhưng nghe cậu ta quảng cáo, chị bạn của cậu ta là một người rất hiểu biết và vui tính, thân thiện, cởi mở, đặc biệt bố của chị là một trí thức có hiểu biết sâu rộng mọi mặt văn hóa, đời sống, chính trị,… cũng là người vui tính, gần gũi và cởi mở, nên tôi nhận lời. Tôi cũng không nghĩ là mình tìm được gì ở cuộc gặp gỡ này những vẫn nhận lời bạn đi cùng vì sự vận động hết sức nhiệt tình.

Sau khi đi ngoằn ngoèo quanh khu phố cổ chúng tôi dừng trước một ngôi nhà ở phố Tạ Hiến. Với câu nói đầu tiên tôi nhận ra ngay tính thân thiện của bà mẹ khoảng sáu mươi tuổi, nhưng vẫn khỏe và nhanh nhẹn lắm. Ngồi chơi nói chuyện với chị được vài phút chúng tôi được mẹ chị mời ăn bữa trưa một cách hết sức thân mật với món mì xào.

Bà nghĩ chúng tôi mới đến chắc chưa ăn gì mà đã trưa, nên không ngần ngại mời chúng tôi. Trước lời mời chân thành của bà, chúng tôi bối rối. Bởi lần đầu tiên chúng tôi mới đến gia đình bà mà đã được tiếp đãi chu đáo quá, nên chúng tôi sinh ra ngại. Sau giây lát phân vân chúng tôi đều nói cùng lúc: Cám ơn bà! Thế là công việc xào mì được làm nhanh chóng. Chỉ sau ít phút đã có ba đĩa mì xào nghi ngút khói. Chúng tôi cùng ăn ngon lành. Vừa ăn tôi vừa làm quen với chị và nói chuyện một cách cởi mở như đã quen từ rất lâu rồi.

Đúng! Quả không sai. Kiến thức văn hóa của chị qua là khiến tôi phải thán phục. Chị nói thao thao bất tuyệt và toàn những kiến thức sâu rộng nhiều khi tôi không thể hiểu. Chị nói về nền văn minh Trung Quốc, Ấn Độ, nên văn minh Lưỡng Hà,…, rồi nhiều chuyện khác rất thú vị. Chị con kể hoàn cảnh bố của chị thời bao cấp.

Chị kể: Bố của chị là người học trong trường bách khoa ra. Những cũng có biết một chút ít về âm nhạc nữa. Ngày đó bố của chị bị dồn vào hội viên của hợp tác xã âm nhạc. Bao nhiêu năm rồi hợp tác xã đó không hoạt động nữa nhưng vẫn chưa giải thể được không biết vì lý do gì? Chị kể một cách khó chịu về những khó khăn của thời kỳ bao cập gây lên cho gia đình chị. Tôi không hỏi chị học trường nào ra, nhưng tôi biết chị booking tour cho một công ty du lịch ở một vài điểm bên bờ hồ Hoàn Kiếm. Câu chuyên vẫn còn những đã đến lúc chị phải đi làm ca chiều, nên tôi nhắc khéo. Chiều nay chị có phải đi làm không? Chị trả lời có. Xin lỗi các em chị phải đi mặc quần áo. Sau đó chị đi.

Được một lát, chị đã mặc chỉnh tề, duyên dáng xuất hiện. Bạn tôi xung phong đưa chị ra chỗ làm và bảo tôi ngồi chờ. Lúc ngồi chờ tôi nói chuyện với bố mẹ của chị.

Lại một lần nữa tôi phải thán phúc ông bố của chị. Ông có khả năng nói được tiếng Trung quốc, tiếng Anh và một vài thứ tiếng mà tôi cũng chẳng để ý nữa. Nhưng tôi thích cách nói chuyện hấp dẫn, thu hút đến kì lạ.

Nói được một lúc tôi hỏi ông về tình hình kinh tế trong nước và quốc tế trong giai đoạn hiện nay thế nào? Hỏi vậy làm chuyện thôi chứ tôi cũng không am hiểu lắm về tình hình kinh tế. Ông phân tích một cách thuyết phục như một chuyên gia. Qua mỗi vấn đề ông còn đưa ra những ví dụ cụ thể để cho tôi dễ hiểu.

Nói đến chuyện về tình hình quân sự: Ông nói là trong khoảng chục năm tới sẽ không có khả năng chiến tranh ở khu vực ASIAN. Bời vì sau chiến tranh Việt Nam một số nước lớn không muốn thử nghiệm vũ khí hay tranh giành ở khu vực này nữa và muốn biến khu vực này là khu vực ổn định trên thế giới. Mọi thử nghiệm vũ khí hay thi triển sức mạnh quân sự sẽ được đẩy tới khu vực các nước Trung Đông hay Châu Phi. Ví dụ là vừa rồi anh Triều Tiên muốn gây chiến tranh với việc hăm dọa vũ khí hạt nhân cách công khai nhưng các nước lớn đã khéo léo xoa dịu.

Tình hình Việt Nam trong giai đoạn hiện nay mặc dù không trong chiến tranh nhưng rất tai hại.

Tình hình chính trị Việt Nam đối với thế giới thì chẳng con vai trò gì đáng nói. Việt Nam có ông Mĩ, mẹ Nga, bố Nhật, di ghẻ Tầu, chú thì hàng loạt như Canada, Đức, Pháp,…

Tình hình thế giới hiên nay được ông so sánh giống thời Đông Chu Liệt Quốc của lịch sử Trung Quốc. Thời nay cũng có những con tin mà ông nói là con tin thời hiện đại. Ví dụ như ở Việt Nam con của Nguyễn Tấn Dũng đi du học ở Mĩ, con của Nguyễn Gia Khiêm đi du học ở Canada,… nhưng thực tế là một hình thức con tin thời hiện đại. Bởi vậy mà Việt Nam mấy lão trong Bộ Chính Trị hay mấy lão lãnh đạo cấp cao của nhà nước mọi hoạt động lớn, nhỏ nhất cử, nhất động đều phải nghe theo sự sắp đặt của ông, bà, bố, mẹ, dì và các chú.

Thực tình tôi nghĩ ông đang kể chuyện hài cho vui chứ tôi cũng không chú ý lắm. Nhưng nghe một lúc lại càng thấy vui và lại rất sâu sắc và có lý.

Ông còn nói: Thế giới chẳng coi bộ chính trị hay cán bộ cấp cao của nước ta ra gì cả, vì chúng bị xỏ mũi hết rồi. Nhưng đối với dân thì mấy lão rất hách dịch, vênh vang, coi thường nhân dân. Lại thêm phần tham lam nên thành một lũ quan tham hết lượt. Tham ô lan tràn, có vụ nào mà bị lộ không thể giấu nổi thì cho máy con tốt ghẻ thí thân sau thời gian ngắn thì lại tha. Ví dụ như vụ Lã Thị Kim Oanh chần chừ mãi không giải quyết vì mấy lão cũng mắc, rồi vụ PU18. Ông Dũng nói bắt song lại thả không có một lập trường nào rõ ràng cả. Thử hỏi là Thủ Tướng mà làm một việc nhỏ không làm nổi làm sao chèo lái được con thuyền quốc gia.

Trên làm láo ở dưới bảo ai thèm nghe. Người ta còn phỉ nhổ cả vào mặt cho chứ chẳng phải chơi. Mấy ông cán bộ nhà ta trở thành bù nhìn ăn hại hết rồi, thật vô tích sự!

Ông nói tiếp: Bọn nó bây giờ mặt chai hết cả có mắng chửi thì cũng vẫn thế thôi chẳng ích gì. Nhưng bây giờ mà cứ động vào mấy dự án của mấy lão ấy mà coi, các lão sẽ tìm mọi cách đạp cho te tua bất kể là đối tượng nào.

Tôi nghĩ mà cũng thấy có phần ông nói đúng. Chỉ nhìn sơ qua vụ Thái Hà và Tòa Khâm Sứ đặc biệt gần đây là vụ Bauxite ở vùng Tây Nguyên thì biết như thế nào.

Vụ Bauxite ở Tây Nguyên mối nguy hại của nó thì từ những người tri thức đến những người dân đen đều biết rõ. Mà máy lão lãnh đạo cấp cao cứ giả vờ mù, bất chấp tất cả để kiếm chác chút đỉnh trước khi hết nhiệm kì. Từng bước phá hủy đất nước này mà không lo đến mai sau. Thật là đau đớn khốn khổ cho vận mệnh quốc gia để mấy vị quan tham đùa giỡn, tham ô.

Đấy cứ nhìn gương vị đại công thần Đại Tướng Võ Nguyên Giáp và một số vị tướng hiện nay cùng giới các nhà khoa học, các nhà trí thức… Cũng lên tiêng nhưng họ đâu có coi ra gì. Thế nên mấy ngày nay giáo xứ Thái Hà cha phát ngôn viên của giáo xứ là cha Phê-rô Nguyễn Văn Khải cũng đang bị điêu đứng vì bị đấu tố, hạ nhục và triệu tập, bắt bớ vì đấu tranh cho vấn nạn Bauxite. Còn rất nhiều rất nhiều dân oan đang chịu cảnh ngộ tương tự nhưng không thể nói lên được tiếng nói của mình…

Một xã hội thật đang thối nát quá mức rồi. Nếu không tỉnh táo sửa đổi thì tôi tin rằng những nhà chính trị gia bất chấp nhân tâm này, đang đẩy nhân dân đến con đường bần cùng hóa quá mức. Đồng thời còn triệt hạ con cháu chúng ta nữa. Thật không biết rửa đâu cho hết nhục, chui đâu cho hết sử sách cười chê.

Nhìn hoàn cảnh ngày nay mà nhân dân nơi nơi oán trách, kêu than. Nhà nhà phải chịu cảnh tức tối trong lòng, không khi nào ngơi sự căm tức, phẫn nộ. Đau đớn, khôn khổ nào cho bằng khi đầy tớ lại phản chủ của mình? Đất nước này sẽ ra sao đây khi vẫn còn những bất công như vậy ở khắp mọi nơi?
 
Về ý nghĩa câu phát ngôn của Bộ Ngoại Giao Trung Cộng ngày 28.4.2009
Lê Sáng
17:56 30/04/2009
Có lẽ ít ai để ý đến câu chữ trong những câu lời qua tiếng lại của hai đồng chí cộng sản về việc tranh chấp quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên biển Đông. Người ta chỉ để ý đến toàn bộ vụ việc, và có vẻ nhàm tai với những lời qua tiếng lại như “phường chèo” của hai đồng chí cộng sản từng cầm dao giết nhau, nay muốn khép lại quá khứ… mà có vẻ trong thực tế không thể khép lại được. Bên này nói có đầy đủ bằng chứng, bên kia nói có đầy đủ bằng chứng về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Để đọc tiếp những dòng dưới đây, xin quí vị hãy đọc kỹ bản tin trên BBC này: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/04/090428_paracels_china_reax.shtml

Trong nội dung phát ngôn vào ngày 28.4.2009 về quần đảo Hoàng Sa từ phát ngôn viên Khương Du của bộ ngoại giao Trung Cộng có đoạn: "Việt Nam và Trung Quốc không có tranh chấp xung quanh quần đảo này".

Mới nghe qua, không ai để ý và bận tâm đến nội dung này. Nhưng đọc lại thấy hơi lạ, rõ ràng hai bên tranh chấp, và thường xuyên lời qua tiếng lại mà Trung Cộng lại phát ngôn chính thức rằng Việt Nam và Trung Quốc không có tranh chấp xung quanh quần đảo này. Lần lời qua tiếng lại này, chỉ liên quan đến Hoàng Sa. Các lần trước đây khi liên quan đến cả Trường Sa, thì Trung Quốc không phát ngôn như vậy.

Rồi Việt Cộng lại tuyên bố sắp cho xuất bản cuốn sách “Quần đảo Hoàng Sa không thể nhượng quyền của Việt Nam” – Tiêu đề cuốn sách cũng lạ. Trong tâm trí mọi người đây là quần đảo của Việt Nam bị Trung Cộng dùng vũ lực chiếm đoạt năm 1974, chứ có chuyện nhượng bán gì đâu mà đặt vấn đề không thể nhượng quyền??? Mà tại sao chỉ ra sách về Hoàng Sa? Mà không nói gì đến Trường Sa không thể nhượng quyền? Hai quần đảo này đều bị Trung Cộng chiếm đoạt bằng vũ lực, và đang cùng chung vấn nạn mà ???

Tất cả những băn khoăn trên đối với một xã hội tự do, dân chủ là chuyện rỗi hơi, vớ vẩn… Nhưng trong xã hội cộng sản, với những cuộc thương lượng “đi đêm”, ngụy quyền lực nhân dân để quyết đáp vận mệnh quốc gia dân tộc theo ý đồ đen tối của một nhóm người, thậm chí của một cá nhân cộng sản… sau đó lại bưng bít tin tức, bịt miệng nhân dân… dùng vũ lực để tước đoạt quyền tiếp cận tin tức, tự do ngôn luận… thì đây lại là vấn đề lớn. Lớn đến mức nó có thể làm cả chế độ sụp đổ nhanh như những gì người ta chứng kiến ở Liên Xô, Đông Âu. Cộng sản luôn thực thi chính sách bưng bít tin tức, che dấu ngụy trang tài liệu, làm giả sự kiện … Làm cho người ngoài không sao có đủ dữ kiện để phân tích kết luận vấn đề.

Theo giới am hiểu tình hình Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam, thì lời phát ngôn “Việt Nam và Trung Quốc không có tranh chấp xung quanh quần đảo này” là một lời cảnh cáo của Trung Cộng đối với BCT CSVN, vì những đồng chí lão thành của họ khi trước đã chính thức bán quần đảo này cho Trung Cộng. Xin lưu ý là CHÍNH THỨC NHƯỢNG BÁN - Chứ không phải văn bản của Phạm Văn Đồng ký năm 1958, mà đến nay quan chức cộng sản vẫn tìm cách biện minh đó là vì tình hữu nghị... Việc chính thức nhượng bán này xảy ra vào đầu thập niên 1990 khi việt cộng chứng kiến Liên Xô sụp đổ, liền qua sang quì gối trước Trung Cộng, xin bình thường hoá quan hệ ngoại giao sau 10 năm chiến tranh biên giới… Những thước phim về những lần gặp gỡ giữa Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt … với Đặng Tiểu Bình … chỉ có Trung Cộng được quay và lưu giữ… Những văn bản ký kết trong bóng tối “Tuyệt mật” cũng chỉ có một bản, do Trung Cộng lưu giữ… Nay được bộ ngoại giao Trung Cộng mang ra nhắc nhở 15 tên việt gian trong bộ chính trị CSVN.

Quả đúng vậy, nếu các tin tức và văn bản bán nước nêu trên của những tên việt gian cộng sản trong bộ chính trị CSVN được Trung Cộng bạch hoá, thì cho dù thế hệ đương quyền đầu thập niên 1990 nay đã chết, đã nghỉ hưu, già yếu… Thì bất cứ người dân nào, thậm chí cả những tên đảng viên nhép, cũng không thể câm nín được nữa họ sẽ phỉ nhổ vào BCT – TƯĐ về những việc làm khất tất, ngụy quyền, bán nước cho Tầu để thoát hiểm trong “hiệu ứng Domino CS đông Âu” của việt gian cộng sản. Những tên chó săn công an quân đội, dù trung thành đến đâu, cũng sẽ bất tuân lệnh BCT – TƯĐ để cứu mạng mình trước một cơn địa chấn sẽ giật sập cái chế độ phi lý nhất lịch sử nhân lọai này – Đây là vấn nạn làm những tên UVBCT CSVN mất ăn mất ngủ… Sở dĩ chỉ những tên UVBCT mất ăn mất ngủ là vì chỉ những tên này được tiếp cận tin tức, tài liệu này mà thôi, những tên UVTƯ thì chỉ được nghe một cách không chính thức, và không được tiếp cận tài liệu…

Vậy còn ý nghĩa của cuốn sách “Quần đảo Hoàng Sa không thể nhượng quyền của Việt Nam” thì sao ? Vẫn theo giới chức thẩm quyền này, có nhiều phe nhóm (Ít nhất có 4 phe nhóm) trong đảng CSVN, chúng luôn tìm cách hất cẳng nhau để tiếm quyền, trước tiên là quyền được tiếp cận tin tức tài liệu… Việc ra cuốn sách quái gở kia, nằm trong ý đồ của một phe nhóm, một mặt muốn cảnh cáo phe nhóm đưa ra quyết sách và đặt bút ký với Trung cộng khi xưa, một mặt muốn phản thùng ý đồ của Trung Cộng, vì đã dồn csvn vào chân tường khi đe doạ tiết lộ thông tin. Một phe nhóm khác của csvn cũng cho rằng Trung Cộng chỉ doạ mà không thể làm thực, vì csvn sụp đổ, chưa chắc Trung Cộng sẽ có lợi nhất… Nên cũng ủng hộ việc ra cuốn sách và chiến thuật phản thùng ý đồ của Trung Cộng …

Xin lưu ý, các nội dung giải mật nêu trên được giới chức có thẩm quyền tiết lộ một cách vô tình, tác giả cũng tiếp cận tin cách bí mật. Nó độc lập với tác giả. Tuy nhiên thông qua vụ việc này, một lần nữa lại có thể khẳng định:

1) Người cộng sản là kẻ sẵn sàng làm bất cứ việc gì kể cả bán nước để phục vụ lợi ích của họ. Trong khi thực thi các thủ đoạn đê hèn, CSVN luôn bưng bít tin tức tài liệu để che dấu hành vi, loè bịp người dân trong nước hòng tiếp tục sống trên xương máu họ…

2) Việt gian cộng sản rất sợ tin tức tài liệu liên quan đến nó bị tiết lộ, vì vậy ngưòi dân Việt, đặc biệt là những người có địa vị cao trên trường quốc tế, có môi trường tự do, có năng lực trình độ… Hay bằng mọi cách có thể, lấy ra, bạch hoá tài liệu về csvn, hãy truyền tin đi, hãy giúp đồng bào trong nước tiếp cận được tin tức tài liệu… Để cho sự thật giải thoát người dân nước Việt.
 
Tin Đáng Chú Ý
Tại sao có ''siêu vi mới'' và làm thế nào để đề phòng ''cúm mới'' nguy hiểm
BS Nguyễn Thị Thanh MD
17:21 30/04/2009
TẠI SAO CÓ SIÊU-VI-MỚI TRÊN THẾ GIỚI
TẠI SAO GỌI SIÊU-VI-MỚI LẠI NGUY HIỂM
LÀM THẾ NÀO ĐỂ ĐỀ PHÒNG CÚM-MỚI NGUY HIỂM


Hỏi: Tại sao lại sinh ra những siêu vi (virus) mới, độc, gây nên bệnh cúm giết người dễ sợ như vậy ?

Trả lời: Trên trái đất siêu vi nhiều vô số. Nó chỉ gồm có nhân không có nguyên sinh như tế bào, nên nó cần phải sống ký sinh vào thực vật hay động vật. Trong cơ thể con người luôn có những siêu vi hiền sống và sinh sản hàng tỉ tỉ con hàng ngày. Chúng ta gọi là hiền vì sức đề kháng cơ thể chúng ta mạnh tiêu diệt chúng dễ dàng. Nhưng nếu sức đề kháng chúng ta suy yếu, siêu vi trở nên hung dữ. Siêu vi có nhiều cách trở nên nguy hiểm sinh bệnh như sau:

1- Sức đề kháng con người đột nhiên yếu đi vì: vì đói, lạnh, đặc biệt vì lo âu buồn phiền đau khổ ngậm nhấm sức chống đối siêu vi và vi trùng của cơ thể.

2- Hai siêu vi cấu kết với nhau, cả hai cùng mở màng nhân để phối hợp hoàn toàn với nhau nên một siêu vi mới (xem hình A). Đây là sự hình thành những siêu vi hoàn toàn mới với số nhiễm sắc thể mới là tổng cộng của 2 ADN siêu vi củ: ADN + ADN = ADN mới. Sức mạnh của siêu vi mới lớn gấp bội với sự hợp lực của 2 siêu vi củ.

3- Siêu vi bị giết chết nhiều, nên chúng tự vệ bằng cách liên minh với nhau, tiếp sức đề kháng miễn nhiễm cho nhau: Hai siêu vi kết cấu với nhau, chúng nó truyền cho nhau những sức miển nhiểm chúng đã có, như vậy siêu vi ngày càng trở nên mạnh để sinh tồn. Sau đó 2 siêu vi rời nhau ra thành hai siêu vi mạnh hơn trước vạn bội để sinh sản nên những siêu vi mới mạnh (xem hình B).

Sự biến tính của siêu vi để sinh SV mới:
Hình A trên - 2 siêu vi phối hợp với nhau thành một siêu vi mới mạnh hơn.
Hình B dưới - 2 siêu vi giao nhau, truyền cho nhau tính miễn nhiễm (lờn thuốc).

Nếu gặp những trường hợp nói trên xẩy ra ví dụ: ‘ 1 + 2 ’ hay ‘ 1 + 3 ’ thì siêu vi có tác động gây bệnh cho cơ thể người hay vật dễ dàng.

Hỏi: Lúc nào thì những bệnh cúm thường xẩy ra cho người và vật ? Và tại sao ?

Trả lời: Hoàn cảnh bệnh cúm xẩy ra theo nguyên tắc sinh lý học cũng do những hoàn cảnh nói trên là chính:

1- Cơ thể mất sức đề kháng: Một người gặp quá nhiều ưu tư phiền muộn lâu ngày hay bị stress nặng thường xuyên thì sức đề kháng bị sút giảm ngay. Những vấn đề làm cho các sinh vật, thực cũng như động mất sức đề kháng là: Sống thiếu dinh dưỡng, thiếu môi trường trong sạch, hấp thụ quá nhiều chất độc, bất cân bằng hệ thần kinh đại-phó giao cảm tự động (déséquilibre du système nerveux neuro-végétatif autonome ) do lo lắng thái quá, phiền muộn, hận thù, ganh tương, suy sụp tình cảm, thất tình, tương tư, tài chánh, danh vọng..vv… Đặt biệt là trong lúc bang giao thời tiết, lạnh sang nóng và nóng sang lạnh, tức là giữa mùa đông-hạ, hạ-thu, và thu-đông. Vào những thời gian nầy người ta thường lơ đễnh dễ bị trúng lạnh, trúng gió, lập tức hệ thần kinh miễn nhiễm của cơ thể bị đóng cứng. Người VN có phương pháp ‘cạo gió’ trị trúng lạnh trúng gió rất hay nhưng sau đó phải giữ gìn đừng để tái trúng lạnh lại làm cho cơ thể mất sức đề kháng nặng hơn.

2- Nếu trong thời gian cơ thể thực hay động vật đang mất sức đề kháng mà không được chữa trị lại gặp một hay nhiều siêu si gây cúm mới mạnh ( hoặc siêu vi gây bệnh siêu vi như bệnh Zona, bệnh suyễn, theo nghiên cứu của tôi suyển và nhiều bệnh khác đều là bệnh siêu vi có thể chữa trị lành dứt tận gốc) sinh ra thì lập tức siêu vi tác hại cơ thể. Sự tác hại đầu tiên nầy khiến cho siêu vi mới càng sinh ra mãnh liệt dị thường.

3- Theo nguyên tắc, mổi lần siêu vi được nuôi dưỡng tốt, nó ở thế chiến thắng và nó tự do phát tán sức mạnh và sinh sản cực kỳ nhanh chóng. Có nghĩa là khi siêu vi mới vào trong cơ thể người yếu thì nó đã chiến thắng. Sự chiến thằng nầy như là một cuộc tập trận đầy đủ với nhiều kinh nghiệm tác chiến, nên sức mạnh của siêu vi mới nầy gia tăng khủng khiếp.

Như vậy là siêu vi mới trở thành một loại siêu vi độc hại và nguy hiểm vô cùng. Nên khi siêu vi mới nầy lây qua cơ thể người có sức đề kháng mạnh nó vẩn thoải mái tung hoành, nó có tác động sinh bệnh ngay. Vì vậy khi gặp siêu vi mới mạnh là chúng ta phải lo chích ngừa với bất cứ thuốc chống siêu vi nào (để gia tăng sức đề kháng chung) và lo bảo toàn chức năng của hệ thống miễn nhiễm cơ thể bằng mọi cách (đã và sẽ nói rõ trong loạt bài nầy) để nếu rủi ro bị nhiễm bệnh thì không đến nổi tử vong.

Hỏi: Khi xẩy ra dịch cúm mới và nguy hiểm như tại Mexico hiện nay, thì phải đề phòng như thế nào?

Trả lời:
1- Tránh du lịch nơi đang xẩy ra cúm: Ngoài những điều mà BS Nguyễn Thùy Trang đã khuyên “Chúng ta nên tránh đi du lịch, tham quan Mễ Tây Cơ, nơi có bệnh dịch cúm nầy đang lây lan. Những người Việt chúng ta sống gần biên giới Mễ như San Diego, El Paso Texas nên cẩn thận, tránh tiếp xúc với những người bị Flu trong lúc nầy.”, tôi xin bổ túc thêm nhiều điều cần thiết sau đây để tránh bất cứ dịch cúm nguy hiểm nào:

2- Giữ sức ấm cho cơ thể: Hiện chúng ta đang sống vào thời giao mùa lạnh sang nóng, đi đâu nên đề phòng, trời đang nóng đột nhiên mưa gió lạnh, trời trở lạnh ban đêm. Đừng ỷ y là trời nóng đi đâu ăn mặt như giữa hè, nhất là các cô các bà thấy hè đến làm dáng ngay với chiếc áo dài mỏng tanh đi Nhà Thờ, đi Chùa là rất dễ cảm lạnh, chảy mủi nước, ho đau cổ nhức đần, ớn lạnh. Từ những triệu chứng cảm do mất sức đề kháng biến ra cúm chỉ là một bước ngắn. Nhất là đối với trẻ em, vì khi chúng bị trúng lạnh thì chúng không biết nói ra mà chỉ sinh nhỏng nhẻo, biếng ăn, khóc nhè… Đến khi cha mẹ biết thì tình trạng trúng lạnh đã nhiễm sâu vào cơ thể không trị dễ dàng trị liệu hay trị bằng cạo gió được. Vì vậy nên đề phòng kỹ càng cho trẻ em trong các buổi giao thời. Tại sao cần giữ cho cơ thể ấm? Sức ấm vừa phải giúp các động mạch mở ra, máu luân lưu đến cái bộ phận cơ thể để tiêu diệt siêu vi, vi trùng. Nếu gặp lạnh các động mạch tóp nhỏ lại, lưu lượng máu kém đi hoặc tệ hơn nữa là máu có thể ngừng nơi cơ quan bị lạnh. Nếu thời gian kéo dài thường là trên 2 giờ thiếu máu nuôi dưỡng, cơ quan có thể chết và làm nguy hai đến tính mạng.

3- Rửa tay và Tắm: Nên rửa tay cho sạch thường xuyên, vì vi trùng có thể truyền qua việc bắt tay, sờ vào nắm cửa... Nên tắm rửa sạch sẽ.

Trong các buổi giao thời chưa nên vội đi tắm hồ bơi lạnh, rất nguy hiểm.

4- Giao dịch: Giữa bạn bè nếu thấy các “triệu chứng bị cảm”, chảy mủi nước, ho hen, đau cổ, mặt mày nhuận sắc hồng đỏ, hay ủ rủ tái tím, nên tránh ‘bắt tay nhau’ nói chuyện nhiều (đặc biệt người CG trong nhà thờ lúc chúc bình an cho nhau), tránh nói chuyện thẵng mặt. Vì trong lời nói gió xuất ra từ người bị cảm có nhiều hơi nước, trong hơi nước chứa vô vàn siêu vi. Nếu trong nhà có người bị cảm cúm, nên tự động cách ly, ngủ riêng, ăn riêng, làm việc, đọc sách riêng…. Giữa trẻ nhỏ với nhau thì thật khó. Vì vậy nhà nào có đông con nít thì việc đề phòng rất cần thiết, nếu không một đứa đau là cả bầy bị bịnh, rất khổ cho người mẹ.

5- Vệ sinh áo quần, tất găng, dày dép: Đừng nên vội vã vứt bỏ mọi thứ áo ấm, bít tất, giày ấm… hãy dần dần và phải đề phòng luôn nhất là đối với trẻ em, người yếu duối, bệnh mới lành và người già cả. Đi đâu nhằm khi trời nóng cũng phải đem theo áo ấm, áo choàng..vv.. Vì trời trở gió lạnh bất ngờ. Nhà có người mắc bịnh cúm nên giặt áo quần với nước pha Eau de Javel.

6- Vệ sinh miệng: Nên đánh răng xúc miệng kỷ hơn. Sau đó nên súc miệng, đặt biệt là súc “ọc ọc” cổ họng (gargarisme) với nước muối hay nước Mint Top Care (Mouthwash & Gargle).

7- Uống: Nên uống nhiều nước lọc, mà là nước ấm hay nóng vừa uống. Nên tránh uống nước đá, nên kiêng các thứ nước ngọt có chất hóa học (réservants) để giữ nước khỏi hư. Mổi ngày nên uống tối thiểu từ 1.5 đến 2 lít nước lọc. Uống nước nhiều bổ thận, và tẩy các chất độc trong máu. Ít uống nước là 1 trong những nguyên nhân sinh bệnh bàng quang và thận.

8- Ăn: Bộ tiêu hóa có chức năng trọng đại ảnh hưởng lên hệ thần kinh, do đó lên hệ thống miễn nhiễm của cơ thể. Để đề phòng bệnh cúm nên ăn nhũng thức ăn hiền, hợp tạng và ngon miệng tùy sở thích và hoàn cảnh gia đình. Thức ăn bổ dưỡng và ngon miệng làm gia tăng sức đề kháng. Không nên cố ăn lấy nhiều, nên chừa tí sức cho dạ dày thoải mái. Đừng để bị táo bón. Nói chung những thức ăn hằng ngày của chúng ta có 3 loại: a- Thức ăn kích thần – b- Thức ăn bình hòa – c- Thức ăn an thần. Trong bữa ăn tùy theo tình trạng từng cá nhân, gia đình nên lựa chọn những thức ăn gì cho thích hợp để đề phòng bệnh. Ví dụ gia đình có vẻ căng nhau hay sinh gây gổ, bị đau cúm, đau bịnh cao huyết áp, tim đập nhanh, thần kinh kích động: Nên thường cho ăn thức ăn an thần. Nếu ngược lại tình trạng gia đình buồn rầu ủ rủ, người nầy than mệt, người kia than buồn, mặt ủ mày châu thì nên cho ăn thức ăn hưng phấn lên. Chung chung thì bữa ăn nào cũng nên có đầy đủ các chất âm dương và bình hòa. Hệ thần kinh rất nhạy cảm với thức ăn qua hệ thống tiêu hóa. Vì thế vợ chồng nhiều khi bỏ nhau chỉ vì “cơm chẵng lành canh chẵng ngọt”. Ăn uống vui vẻ, bộ tiêu hóa hài hòa làm tăng gia sức đề kháng rất nhanh ngoài sức tưỡng tượng. Tôi sẽ đưa ra một bảng chỉ dẩn về những thức ăn Kích thần (Duong= Kính thần=Sympathicomimétique= Positif) và thức An thần (Âm=An thần=Parasympathicomimétique=Négatif), thức ăn bình hòa.

9- Tinh thần: Nên tìm cách vứt bỏ, quên đi mọi ưu tư buồn phiền. Nên hòa giải mọi gây cấn, giận hờn, ganh ghét giữa cha mẹ, vợ chồng, anh chị em, con cái. Nên tạo một không khí vui vẻ, hồ hởi, tình cảm trong gia đình, giữa vợ chồng, cha mẹ con cá, bạn bè thân thiếti. Nguồn hạnh phúc gia đình rất quan trọng để đem lại sức đề kháng cho từng thành viên gia đình, nhỏ dại cũng như già cả. Con cái có lổi lầm gì cũng nên nhẹ nhàng an ủi, tha thứ. Tránh mọi xung đột nhất là trước và trong bữa ăn, giấc ngủ. Trong gia đình quan trọng nhất là vợ chồng có gì giận nhau thì nên tìm cách giải hòa. Gia đình nên tránh mời mọc bà con bạn bè đến tiệc tòng trong thời gian có dịch cúm, gặp việc tối cần thiết như Kỵ giổ cũng nên làm đơn giảm thôi. Đàn ông nên tránh bầu bạn nhậu nhẹt, bài bạc rượu chè trai gái.
 
Văn Hóa
Điều ấy đã xảy ra
Hoang Quang
05:00 30/04/2009
ĐIỀU ẤY ĐÃ XẢY RA

Mỗi lần nghe quan đỏ phán:
Nhân dân ta-đồng bào ta-chiến sĩ ta!...
Tôi bỗng lạnh nổi da gà,
Điều gì xảy ra sau hô ngữ ấy?!

Dân tộc Việt Nam đã nghe và đã thấy,
Cái chữ “ta’’độc đoán chủ thể vương quyền!
Cái chữ “ta”của vô sản chính chuyên !
Trò lừa bịp cả con thuyền đất nước ?!!

Bọn đầu xỏ dùng bạo quyền chiếm được,
Nên con người – sông núi của Việt Nam,
Lệ thuộc cái “ta” của cộng sản tham tàn,
Buộc cúi đầu – hoang mang – im lặng!!!

Điều gì xảy ra sau vạn ngày cay đắng ?
Cành thiên tuế giương chiến thắng Thái Hà!
Trí thức ngẩng đầu đòi sự thật thăng hoa!
Cả thế giới mở phiên tòa tâm thức!!!

Võ Nguyên Giáp,đại tướng già cũng bực,
Một lũ yêu “nhất quán” phá môi trường ?!
Chủ trương nào đào bauxit tang thương ?
Nối giáo giặc là đoạn trường họa diệt !!!

Mạnh-Triết-Dũng, hẳn các ngài cũng biết,
Cớ sao cố tình giả điếc làm ngơ?!
Gió can qua không hề đến tình cờ,
Ngày lịch sử ắt có giờ vận nước!!!


30 – 4 - 2009
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Mọc Cánh Như Phưiợng Hoàng Bay Cao
Lm. Trần Cao Tường
18:11 30/04/2009

Mọc Cánh Như Phượng Hoàng Bay Cao



Ảnh của Cao Tường ((trên nóc đại học Boston College)

Giới trẻ thì mệt mỏi rã rời; người lớn thì nghiêng ngả đổ nhào.

Nhưng những ai cậy trông vào Đức Chúa, sẽ có sức mạnh luôn luôn đổi mới.

Họ mọc cánh như chim phượng hoàng bay cao.

Họ chạy mà không mỏi, đi mà không mệt.

(Isaia 40:30-31)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền