Ngày 26-04-2014
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Gặp Chúa Phục Sinh
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
06:08 26/04/2014
Chúa Nhật III PHỤC SINH, năm A
Lc 24, 13-25

GẶP CHÚA PHỤC SINH

Chúa Giêsu đã qui tụ các môn đệ và dạy dỗ, uốn nắn các ngài. Các môn đệ sau ba năm theo Chúa, cứ tưởng rằng Thầy Giêsu sẽ thiết lập một Vương Quốc trần thế, sẽ khôi phục lại Vương Quốc Israen, Ngài sẽ lên làm vua, các môn đệ sẽ được chia chác nhau ghế ngồi trong tổ chức Nước trần của Chúa Giêsu. Tư tưởng, suy nghĩ, ý hướng ấy vẫn làm cho các môn đệ không sao hiểu nổi việc cứu thế của Chúa Giêsu. Do đó, khi Chúa Giêsu bị bắt, bị giam cầm, bị kết án tử và bị các Thượng tế, Kỳ mục và giới lãnh đạo tôn giáo của dân Do Thái đóng đanh Ngài vào Thập giá, rồi Ngài bị chôn cất trong mồ, các môn đệ hết sức hoang mang, hoảng hốt, tưởng rằng Thầy mình đã chết luôn…

Tâm trạng của các môn đệ lúc đó là như thế ! Tuy nhiên, các môn đệ cũng còn hy vọng, nhưng hết sức băn khoăn, biết đâu Thầy của mình đã sống lại thật như nhiều lần Ngài đã loan báo với các môn đệ ! Quả thực, sáng sớm tờ mờ ngày thứ nhất trong tuần có mấy người phụ nữ, đem hương liệu tới mộ Chúa, nhưng họ rất đỗi ngạc nhiên,lo âu vì xác Chúa Giêsu không còn ở trong mộ,họ đã thấy thiên thần hiện ra báo với họ là Chúa đã sống lại…Và chính Chúa phục sinh đã gặp họ, dặn họ về báo lại với các môn đệ Chúa đã sống lại, các ngài về Galilê để gặp Chúa. Những điều các người phụ nữ loan báo làm cho các môn đệ của Chúa băn khoăn suy nghĩ. Ở đây, chúng ta nhận ra trường hợp của hai môn đệ trên đường Emmau mà Tin Mừng của thánh Luca trong trích đoạn này tường thuật lại. Hai môn đệ này đang hoang mang không hiểu sự việc thực hư như thế nào ! Thôi thì hai ông tạm rời Giêrusalem để trở về quê làm nghề cũ của mình, rồi sau này sẽ hay, nhưng trên đường về làng Emau, Chúa phục sinh hiện ra, đồng hành với hai ông và trò chuyện với hai ông.Nhưng hai môn đệ này vẫn chưa nhận ra Chúa Giêsu sống lại, họ tưởng là người bộ hành nào đó cùng đi với họ về làng Emmau.Câu chuyện trên đường xoay quanh về con người Giêsu Nadaret và Chúa phục sinh giải thích Thánh Kinh cho họ, nhưng mắt họ chưa mở, lòng họ chưa sẵn sàng nhận ra Chúa phục sinh và rồi,chiều đến hai ông đã nài nỉ Chúa Giêsu vào quán trọ ăn cơm và tiếp tục trò chuyện. Với những cử chỉ quen thuộc như cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho hai ông, lúc ấy hai ông mới nhận ra Ngài. Mắt các ông mở ra, các ông nhận ra Chúa Giêsu sống lại, nhưng vừa nhận ra Chúa phục sinh đã biến mất. Các họ vui mừng, phấn khởi, hân hoan, quay lại Giêrusalem để nói với các bạn khác biết : Chúa Giêsu đã sống lại thật rồi.

Các môn đệ về làng Emmau với tâm trạng hỗn mang, lo lắng, hoang mang, mãi đến lúc nhận ra Chúa sống lại, hai ông mới vui mừng, mới hết bồn chồn âu lo. Tâm trạng của hai môn đệ trên đường Emmau có lẽ cũng là tâm trạng của mỗi người ở muôn thời bởi vì chúng ta đã theo Chúa, đã làm con Chúa qua bí tích rửa tội, lớn lên trong đời sống hằng ngày có thể chúng ta đã gặp biết bao thử thách, chán chường của cuộc sống, chúng ta đâm ra thất vọng bởi vì chúng ta mong ước điều chúng ta ước mong, chúng ta xin điều chúng ta muốn, chúng ta cầu nguyện hoài nhưng rồi đợi hoài, đợi mãi hầu như Chúa vẫn chưa nhận lời.Tâm trạng của chúng ta có những lúc cũng như hai môn đệ trên đường Emmau :” Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Israen. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi “. Vâng, hai môn đệ không đủ kiên nhẫn vì đến ngày thứ ba họ đâm ra chán nản, thất vọng, họ định tâm bỏ cuộc, trở về quê cũ để làm nghề cũ kiếm tiền…Con người, hay nói đúng hơn, sát hơn, chúng ta nhiều khi cũng rơi vào tình trạng như hai môn đệ trên đường Emmau, chúng ta đã chờ hai, ba ngày hoặc ba, bốn tuần, hai ba tháng,hay hai ba năm nhưng những ước nguyện của chúng ta vẫn không thành sự thật.Chúng ta hoang mang phàn nàn, kêu trách Chúa, có khi chúng ta cả gan bỏ cả Chúa nữa.

Tuy nhiên, chúng ta luôn phải kiên nhẫn vì Chúa là Đấng trung thành. Như hai môn đệ trên đường Emmau, chúng ta hãy nài nỉ Chúa :” Xin Ngài ở lại với chúng con vì trời đã về chiều và trời đã tối “. Xin Chúa ở lại với chúng ta trong cuộc hành trình đức tin đầy chông gai, khó khăn này. Xin Chúa ở lại với chúng ta trong đời sống, trong thế giới đầy phức tạp và nhiều thử thách chông gai.Xin Chúa ở lại với chúng ta để Chúa hướng dẫn, soi đường chúng ta đi trong bình an và hạnh phúc.

Christophe Husson đã viết :” Cuộc hiện ra của Đức Kitô trên đường chứng minh rằng, tử đây, Người là Đấng Hằng Sống và đã khải hoàn ra khỏi mộ. Người không tự áp đặt mình trước các bạn của Người, mà chỉ đến gặp họ ở điểm, ở mức họ đang sống niềm tin của họ, nhằm khích lệ và cho họ cơ hội vô giá để hồi sinh với niềm hy vọng.” Dọc đường khi Người nói chuyện với chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao ? “.Để cho nỗi thất vọng và chán chường nhường chỗ cho sự đổi mới, các môn đệ phải trường kỳ làm những chứng nhân độc đáo của Đức Kitô trong mầu nhiệm chết và sống lại của Người.Cuối cùng, chẳng phải đây là điểm hình thành vận mệnh của chúng ta hay sao ?

Lạy Chúa phục sinh, xin ban thêm đức tin cho chúng con để chúng con biết nhạy cảm nhận ra Chúa trong mọi biến cố và dấu chỉ của cuộc đời, của thế giới và của những sự việc xẩy ra chung quanh hằng ngày.Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Tâm trạng của hai môn đệ trên đường Emmau ?
2.Chúa phục sinh đã nói gì với hai môn đệ Emmau ?
3.Tại sao hai môn đệ chưa nhân ra Chúa phục sinh ?
4.Nhận ra Chúa phục sinh, hai môn đệ thế nào ?
5.Có lúc nào chúng ta cũng có tâm trạng giống như hai môn đệ Emmau ?
 
Lòng thương xót của Đức Kitô Phục Sinh
Lm. Nguyễn Thành Long
09:06 26/04/2014
Chúa Nhật II Phục Sinh

LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA ĐỨC KITÔ PHỤC SINH

Vì muốn mạc khải cho nhân loại biết về lòng thương xót, năm 1931, Chúa Giêsu đã hiện ra với một nữ tu khiêm hạ Dòng Đức Mẹ Nhân Lành người Ba Lan, có tên là Faustina, người mà năm 2000 đã được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong hiển thánh. Chúa Giêsu hiện ra với chị thánh Faustina với trái tim toả ra hai nguồn ánh sáng trắng và đỏ, biểu tượng máu và nước đổ ra cho đến giọt cuối cùng vì yêu nhân loại, như trong các bức hình Lòng Chúa Thương Xót mà ta vẫn thường thấy. Cũng năm 2000, chính Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã thiết lập ngày lễ kính Lòng Chúa Thương Xót cho toàn thể Giáo Hội, và truyền dạy phải mừng kính trọng thể lễ này vào Chúa Nhật II Phục Sinh với ơn toàn xá. Chúa Nhật hôm nay, vì thế, được gọi là Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót.

Trình thuật Tin Mừng của thánh Gioan được trích đọc hôm nay sẽ làm nổi bật lên sứ điệp lòng thương xót của Đức Kitô Phục Sinh qua 3 nét chấm phá lớn.

- Thứ nhất là qua việc hiện ra nhiều lần với các môn đệ nhằm củng cố niềm tin và ban bình an cho các ông.

Sau khi Chúa Giêsu chết, tâm trạng của các môn đệ vô cùng não nề và thất vọng. Cái chết đau thương của Thầy chiều Thứ Sáu Tuần Thánh là một cơn ác mộng đối với tất cả các môn đệ. Phần thì buồn sầu, phần thì lo sợ sẽ bị người Dothái khủng bố, truy tìm và kết án như Thầy mình. Đã vậy Sáng sớm ngày Chúa Nhật, có thêm cái tin từ bà Maria Macđala là xác thầy bị đánh cắp rồi. Lòng dạ các môn đệ rối tung rối bời.

Thấu hiểu nỗi lòng của các môn đệ, nên sau khi sống lại, Chúa Giêsu đã hiện ra với họ nhiều lần. Hiện ra để làm gì?

Hiện ra để trấn an, để khích lệ và để củng cố niềm tin, niềm hy vọng cho họ. Củng cố bằng việc trao ban bình an cho họ, thứ mà họ đang cần hơn bao giờ hết. Rồi Chúa Giêsu cho họ xem tay chân và cạnh sườn của Ngài. Ngài còn ăn uống trước mặt họ (các xơ còn bảo nếu mà hiện ra với các xơ Ngài sẽ còn ăn dẻ ráng với các xơ nữa kìa). Ngài ăn uống để chứng tỏ Ngài đang sống, đang hiện diện bằng xương bằng thịt chứ không phải là bóng ma. Chưa hết, Ngài còn mở trí mở lòng cho các môn đệ hiểu Kinh Thánh, hiểu toàn bộ chương trình cứu độ của Thiên Chúa, đồng thời trao ban Thánh Thần cho họ.

Rõ ràng ở đây ta bắt gặp một Đức Kitô Phục Sinh rất ân cần, rất trìu mến đối với các môn sinh của mình, tựa như gà mẹ qui tụ ấp ủ đàn con. Được gặp lại Đức Kitô Phục Sinh và được Ngài khích lệ động viên, con tim của các ngài đã “vui trở lại”, niềm tin của các ngài đã vững vàng hơn lên, và nhất là các ngài đã cảm thấy được bình an thực sự, bình an của ơn cứu độ vĩnh hằng. Đây là những yếu tố chuẩn bị cho một cuộc lên đường trong nay mai đây thôi. Lên đường để cao rao, để loan truyền Tin Mừng Phục Sinh cho mọi nước mọi dân.

- Thứ hai là qua việc nhẹ nhàng và tế nhị với Tôma, người môn đệ cứng lòng.

Nhiều người khi đọc trình thuật Phục Sinh thường có thái độ trách móc Tôma: nào là cứng lòng, nào là chậm tin, nào là đa nghi đa ngờ… Thực sự, đối với Đức Kitô Phục Sinh, Tôma là người đáng thương hơn là đáng trách, đáng xót hơn là đáng mắng. Quả vậy, Đức Giêsu biết rất rõ tâm trạng của Tôma, một Tông Đồ vốn có rất nhiều tham vọng. Chính vì có nhiều tham vọng nên khi thấy Thầy mình chết một cách “vô duyên”, “lãng xẹt”, Tôma đã trở nên tuyệt vọng. Không còn mặt mũi nào để lên mặt với bà con lối xóm nữa vì đã lỡ “to tiếng”, lỡ “ngẩng đầu quá cao” đối với họ, nên ông chỉ còn việc đi lang thang trong vô định, lòng dạ rối như mớ canh hẹ. Tin đồn mất xác Thầy dường như cũng chẳng làm ông quan tâm. Vì đối với ông, Thầy chết là đặt dấu chấm hết - một dấu chấm hết to tướng. Chấm hết cho mọi ước mơ hoài bão. Bởi đó, chiều ngày thứ nhất trong tuần khi các môn đệ khác họp nhau để “tìm một lối thoát thân”, Tôma đã vắng mặt. Hay nói đúng hơn là Tôma không muốn có mặt, vì gặp mặt nhau chỉ làm cho con tim thêm tan nát. Cả khi các Tông đồ khác háo hức báo tin cho ông là họ đã nhìn thấy Chúa Phục Sinh, ông còn thách thức ra mặt: “Đừng mong tôi tin khi tôi chưa xỏ được ngón tay vào lỗ đinh của Thầy; đừng đợi tôi mừng khi tôi chưa thọc được bàn tay vào cạnh sườn Thầy”. Chúa Giêsu thấu hiểu tất cả nỗi lòng của ông. Ngài không trách móc ông, cũng không “mắng vốn” ông. Ngài âm thầm chờ đợi “tám ngày sau” và nhẹ nhàng đáp ứng đòi hỏi của ông muốn được kiểm chứng tận mắt tận tay. Đây cũng là một nét chấm phá nữa làm sáng lên lòng xót thương vô ngần của Đức Kitô Phục Sinh.

Đứng trước thái độ nhân hậu từ tâm của Đức Kitô Phục Sinh, thánh Tôma đã cảm xúc đến tận cõi sâu thẳm của lòng mình. Cùng với phản ứng ấy là một hành vi đức tin của sự suy phục, suy phục Đức Giêsu là Thiên Chúa của mình: “Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi” (Ga 20,28). Để rồi từ đây thánh nhân dành trọn quảng đời còn lại của mình để làm chứng cho Tin Mừng Chúa Kitô Phục Sinh và lòng thương xót vô biên của Người.

- Thứ ba là qua việc ban bố mối phúc dành cho những ai “không thấy mà tin”.

“Phúc cho những ai không thấy mà tin” là lời thể hiện lòng thương xót của Đức Kitô Phục Sinh. Bởi chưng con số những người được tận mắt thấy Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra thực sự là rất ít. Chỉ có nhóm Mười Một, nhóm Bảy Mươi Hai, nhóm các bà gồm Maria Macđala, Salômê,…và một số người khác. Còn con số các tín hữu không được thấy Chúa Phục Sinh là bao la không đếm xuể, từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây. Tuy nhiên, chẳng phải họ là người không có phúc đâu. Trái lại, họ còn có phúc hơn cả các Tông Đồ nữa là khác, ít ra là ở khía cạnh này. Chẳng phải Chúa Giêsu đã khẳng định với Tôma và qua Tôma với tất cả mọi người mọi thời: “Phúc cho những ai không thấy mà tin” là gì! Tôma vì được thấy Chúa Phục Sinh hiện ra tỏ tường với mình nên ông mới tin. Còn chúng ta là những người chưa thấy Chúa Giêsu Phục Sinh hiện hình, dù chỉ là một lần; nhưng ta vẫn vững tin vào Ngài. Tin Ngài đã Phục Sinh và đang sống giữa chúng ta. Và vì tin như thế, nên chúng ta là những người có phúc có phận hơn cả Tôma. Tạ ơn lòng thương xót Chúa vì mối phúc lớn lao này mà Ngài đã ân ban cho chúng ta là con cháu, là hậu duệ của của các Tông Đồ.

Hôm nay, trên đường lữ thứ dương trần, người Kitô hữu chúng ta có lẽ đang cần lòng thương xót của Đức Kitô Phục Sinh hơn bao giờ hết, vì cuộc sống hôm nay đầy dẫy những bệnh tật, khổ đau, tai ương hoạn nạn, chiến tranh khủng bố, kinh tế đình đốn, nợ nần túng thiếu, con cái khó răn khó dạy, v.v… Đức Kitô Phục Sinh vẫn đang sống và đang hoạt động trong thế giới này. Ngài vẫn tiếp tục lặp lại sứ điệp: “Bình an cho anh em”. Bình an mà Ngài muốn ban tặng đó là bình an của Nước Trời, bình an ơn cứu độ. Chúa Kitô Phục Sinh vẫn tiếp tục cất cao lời dễ thương: phúc cho ông, phúc cho bà, phúc cho anh, phúc cho chị, phúc cho em… đã không thấy mà tin.

Hãy đến với Chúa Kitô Phục Sinh để được Ngài thi thố lòng nhân hậu xót thương; hãy đến với Chúa Kitô Phục Sinh để được Ngài ủi an nâng đỡ; hãy đến với Chúa Kitô Phục Sinh để được Ngài tặng ban ơn bình an cứu rỗi tràn trào. Amen.

Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha Benedict XVI sẽ đồng tế thánh lễ phong thánh
Trần Mạnh Trác
08:04 26/04/2014


Theo tin Thông tấn xã Công Giáo CNA từ Vatican cho biết thì Đức Giáo Hoàng nghỉ hưu Benedict sẽ tham dự thánh lễ phong thánh cuả Đức Gioan Phaolô II và Đức Gioan XXIII vào ngày Chúa Nhật này.

"Đức Giáo Hoàng danh dự Benedict XVI đã chấp nhận lời mời của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tham dự lễ phong thánh. Ngài sẽ đồng tế thánh lễ, nhưng không phải ở trên bàn thờ, " phát ngôn viên Toà Thánh LM Federico Lombardi tuyên bố như vậy trong cuộc họp báo ngày 26.

Cha Lombardi giải thích rằng vì tuổi đã cao, vị Giáo hoàng nghỉ hưu sẽ ngồi chung với các Hồng Y khác ở dưới chiếc lều che mưa, chứ không trực tiếp đứng trên bàn thờ với Đức Thánh Cha Phanxicô.

Nhắc lại Đức Giáo Hoàng Nghỉ Hưu đã từ chức tháng Hai năm 2013 vì tuổi tác và sức khoẻ ngày càng xa xút. Ngài hiện sống trong một tu viện phía sau đền thờ Thánh Phêrô.

Thánh Lễ Đại Trào cho cuộc phong thánh ngày Chúa Nhật sẽ được tổ chức tại quảng trường Thánh Phêrô và theo lời Cha Lombardi thì vương cung thánh đường Thánh Phêrô sẽ mở cửa cho công chúng vào ngay sau lễ phong thánh cho đến 10:00g đêm.

Khách hành hương sẽ có cơ hội đi thăm các di tích kỷ niệm của hai vị thánh ở bên trong Thánh Đường, thí dụ như tấm bia trên mộ Đức Gioan Phaolô II đã được thay đổi từ " Chân Phước Gioan Phaolô II " thành ra " Thánh John Paul II " (viết bằng chữ latin.)

Trong buổi lễ, di tích của Đức Gioan XXIII sẽ được bốn người cháu trai và gái rước ra, còn di tích của Đức Gioan Phaolô II sẽ được bà Floribeth Mora rước, bà là người phụ nữ Costa Rica đã được chữa lành từ một chứng phình động mạch não thông qua sự chuyển cầu của Đức Cố Giáo Hoàng.

Sơ Marie Simon-Pierre, mắc chứng Parkinson và đã được chữa lành do phép lạ từ đức Gioan Phaolô, sẽ đọc phần kinh cầu giáo dân. Nhắc lại phép lạ cuả Sơ Simon-Pierre đả trở thành căn bản cho việc phong chân phước cho đức Gioan Phaolô II.

Vào sáng thứ Hai kế tiếp, Đức Hồng Y Angelo Comastri, cha sở cuả Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, sẽ cử hành một thánh lễ tạ ơn cho Đức Gioan Phaolô II, đặc biệt dành cho khối người hành hương đến từ Ba Lan, và dàn hợp xướng nổi danh của Krakow sẽ hát buổi lễ này.

Thánh lễ tạ ơn cho Đức Gioan XXIII cũng sẽ được tổ chức ngày thứ Hai tại nhà thờ San Carlo ở trung tâm Roma, dành cho những khách hành hương đến từ quê hương của Đức cố Giáo Hoàng là thành phố Bergamo ở Ý.
 
Hai vị thánh Giáo Hoàng : Gioan XXIII & Gioan Phaolô II
Lm. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
09:10 26/04/2014
Hai vị Thánh Giáo hoàng

Hai vị Chân phước Giáo hoàng Gioan XXIII. và Gioan Phaolo II. ngày 27.04.2014 được tôn phong lên hàng Hiển Thánh trong Hội Thánh Công gíao.

1. Vị Thánh giáo hoàng „Ngày hôm nay“

1. 1. Aggiornamento

Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII. khi được bầu chọn làm Giáo hoàng ngày 28.10.1958, lúc đó đã gần kề ngưỡng cửa 77 tuổi. Nhưng vị Giáo hoàng lại có cung cách sống vui tươi hồn nhiên cởi mở cùng tiến hướng về ngày mai .

Ngày 25.01.1959 trước sự ngạc nhiên của các vị Hồng Y giáo triều Roma cũng như các quan khách vị vọng trong xã hội, ngài công bố ý định khai mở Công đồng chung đại kết Vatican II. Lời công bố Aggiornamento- Thời sự hóa - „ „ Hãy mở những cánh cửa sổ ra. Hãy tìm hiểu nhìn xem những dấu chỉ thời đại . Hãy lắng nghe con người và tìm hiểu những suy nghĩ thắc mắc của họ“.

Công đồng đại kết Vatican II. đã được khai mạc năm 1962 dưới triều đại Giáo hoàng của ngài. Cánh cửa hướng đi mới trong đời sống Hội Thánh đã mở ra.

Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII. được mọi giới mộ mến ca ngợi là người cha, người mục tử nhân hậu tốt lành. Vì mỗi khi tiếp xúc ra trước công chúng, mọi người cảm nhận ra từ nơi ngài chiếu tỏa vẻ nét hiền hậu nhân từ của một con người có nếp sống giản dị khiêm nhường chân thực.

Theo Ngài nếp đời sống mới trong xã hội thời đại ngày hôm nay không là kẻ thù của đức tin. Nhưng can đảm nhìn nhận đó là dấu chỉ của thời đại nhìn trong ánh sáng phúc âm của Chúa.

Theo ngài, sự trung thành với phúc âm của Chúa là kho tàng nền tảng cho đời sống Giáo Hội. Kho tàng lưu truyền này phải được gìn giữ bảo vệ. Như ngài nói trong diễn văn khai mạc Công đồng: „Bổn phận của chúng ta không phải chỉ là bảo vệ kho tàng quý báu vô gía này. Vì chúng ta qúy trọng nó như có một không hai cho mình, những gì là cũ xưa. Nhưng chúng ta muốn bây giờ với niềm vui mừng không chút sợ hãi đi vào công việc đời sống xã hội, mà thời đại đang đòi hỏi đặt ra...“

Câu nói thời danh của ngài „ Aggiornamento - đức tin thời đại ngày hôm nay „ mở cánh cửa sổ thánh đường hướng ra thế giới bên ngoài không là lời hay điều gì mới chống lại truyền thống. Nhưng là hệ luận rút ra từ sự việc xuống dốc trì trệ, rườm rà cùng xa rời trong đời sống Giáo Hội, để trở về nguồn chính gốc là Chúa Giesu Kitô.

Thật là một suy nghĩ được soi sáng hướng dẫn từ trời cao của ân đức Chúa Thánh Thần để hướng đạo đổi mới nếp sống Hội Thánh trên địa cầu.

1.2. Linh đạo Ngày hôm nay

Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII. đã đề ra cho mình 10 chỉ dẫn như linh đạo trong đời sống:

1. Ngày hôm nay, tôi sẽ sống tích cực trọn vẹn, chứ không tìm cách giải quyết mọi vấn đề của đời mình.

2. Ngày hôm nay, tôi sẽ chú ý đặc biệt đến dáng vẻ của mình: ăn mặc đơn sơ, không lớn tiếng, lịch sự trong cách ứng xử; tôi sẽ không phê phán ai; tôi cũng sẽ không đòi ai phải ứng xử hoặc kỷ luật ai trừ ra chính con người của mình.

3. Ngày hôm nay, tôi vui sướng tin chắc rằng tôi được tạo dựng để sống hạnh phúc, không chỉ cho đời sau mà ngay cả từ đời này.

4.Ngày hôm nay, tôi sẽ sống theo hoàn cảnh của mình, mà không đòi hỏi hoàn cảnh phải phù hợp với những ước muốn của tôi.

5.Ngày hôm nay, tôi sẽ dành 10 phút để đọc điều gì thật hữu ích, và luôn nhớ rằng lương thực cần cho cuộc sống như thế nào thì đọc điều hữu ích cũng cần thiết để nuôi dưỡng cho linh hồn mình như vậy.

6. Ngày hôm nay, tôi sẽ làm một điều tốt mà không kể cho ai nghe.

7. Ngày hôm nay, tôi sẽ làm ít nhất một điều tôi không thích: và nếu tôi bị tổn thương, thì tôi cũng không cho ai biết điều này.

8.Ngày hôm nay, tôi sẽ hoạch định một chương trình cho riêng tôi: tôi có thể không theo sát được từng chữ, nhưng tôi sẽ có một chương trình như thế. Và tôi sẽ đề phòng hai điều tai hại: cẩu thả và lừng khừng, không dám quyết tâm.

9.Ngày hôm nay, tôi tin chắc rằng, dù thế nào đi nữa, thì Thiên Chúa vẫn yêu thưong tôi như chỉ có mình tôi trên thế gian này.

10.Ngày hôm nay, tôi sẽ không sợ hãi gì. Tôi sẽ không ngần ngại thưởng ngoạn vẻ đẹp thiên nhiên và tin tưởng vào lòng nhân ái của con người và cuộc đời.

Thật là một linh đạo có hai chiều: theo chiều thẳng đứng hướng lên trời cao nơi Thiên Chúa ngự. Ngài là Đấng tạo dựng nên con người, và theo chiều ngang trải rộng trong đời sống con người dưới mặt đất có giới hạn.

Đạo đức cùng thực tế nhân bản hơn, thật khó trình bày như thế được.

1.3. Cho nền hòa bình

Theo sử sách, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII. đã đóng vai trò tích cực qua những bức thư viết cho hai nhà lãnh đạo Hoa Kỳ J,F. Kennedy và Xô Viết Nikita Chrustschow giúp vào việc làm dịu mối liên lạc căng thẳng mang lại hòa bình trong vụ khủng hoảng vũ khí hạt nhân giữa Hoa Kỳ và Liên Xô năm 1962 ở Vịnh Cuba.

Nhắc đến Thánh giáo hoàng Gioan XXIII. người ta nhớ đến thông điệp Pacem in terris thời danh của ngài góp vào việc xây dựng nền hòa bình trên thế giới.

Đây là cung cách sống của một vị mục tử đầy lòng nhân ái luôn hằng quan tâm đến công trình tạo dựng của Thiên Chúa và đời sống con người trên hoàn cầu.

2. Vị Thánh giáo hoàng Gioan Phaolo II.

2.1. „ Anh em đừng sợ , hãy mở cửa cho Chúa Kitô.“

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II. khi được bầu chọn trở thành Giáo hoàng trong hội Thánh Chúa Kitô năm 1978 đã nói lên lời kêu gọi gây tinh thần phấn khởi cho mọi tâm hồn xưa nay đang bị áp bức đè nén trong các định chế xã hội “Anh chị em đừng sợ đón lấy Chúa Kitô và nhận lấy quyền năng của Người. Anh chị em đừng sợ! Hãy mở ra, mở tung mọi cánh cửa đón lấy Chúa Kitô! Hãy mở mọi biên giới các quốc gia, các hệ thống chính trị, những lãnh vực bao la của nền văn hóa, văn minh, phát triển cho quyền năng cứu độ của Chúa bước vào. Đừng sợ! Chúa Kitô biết rõ mọi điều trong lòng người! Và chỉ một mình Người biết rõ” .

Ngài là vị Giáo Hoàng đã mở tung cánh cửa đi hành hương thăm viếng các Giáo Hội địa phương trên thế giới tất cả 104 chuyến tông du qua 127 quốc gia trên hoàn vũ.

Đi tới quốc gia đất nước nào, vị Giáo Hoàng đều qùi gối cúi mình nằm rạp xuống mặt đất hôn kính mảnh đất thân yêu của quốc gia đất nước đó.

Đây là một hình ảnh thật cảm động cùng đẹp tuyệt vời. Hình ảnh này vừa nói lên lòng yêu mến kính trọng thiên nhiên do Thiên Chúa tạo dựng, vừa là cung cách nếp sống lịch sự nói lên thật đặc biệt lòng yêu mến của vị khách Giáo hoàng cao cả đại diện Chúa Kitô trên trần gian đối với dân tộc quê hương đất nước chủ nhà.

Chan chứa tình tự lòng qúi mến cùng lịch sự kính trọng quê hương đất nước chủ nhà hơn nữa, tưởng khó có thể hơn được.

2.2. Đại hội giới trẻ thế giới

Cũng trong cung cách nếp sống Hãy mở cửa cho Chúa Kitô, ngài đã thiết lật Đại hội giới trẻ thế giới từ năm 1984. Đây là một sáng kiến thiên tài gây làn sóng vui tươi phấn khởi cho người trẻ trong nếp sống đức tin.

Ngài là vị Giáo hoàng của giới trẻ: „ Cha biết có những anh chị em trong các con có cái nhìn nghi hoặc về Giáo Hội. Họ cảm thấy Giáo Hội là chướng ngại ngăn cản hơn là giúp đỡ đến với Chúa Kitô. Họ cảm thấy ít được Giáo Hội thông hiểu cho, những khi họ tự hỏi, không biết Giáo Hội có biết họ không.

Cha có thể nói gì với những Bạn Trẻ như thế đang vướng gặp khó khăn? Cha tự hỏi cha, không biết những Bạn Trẻ đó có thực sự biết Giáo Hội chưa. Trong thực tế hình ảnh về Giáo Hội thường hay được trình bày dưới khía cạnh tiêu cực, nghi kỵ, được suy diễn lệch lạc méo mó, nhất là lên án những gía trị của Giáo Hội.

Lẽ dĩ nhiên Giáo Hội do Chúa thành lập. Nhưng những phần tử trong đó làm thành Giáo Hội là con người, nam nữ gìa trẻ lớn bé. Họ tất cả đều là những tạo vật mỏng dòn yếu đuối tội lỗi trong công trình tạo dựng của Thiên Chúa. Như vậy, không có gì lạ, nếu có những lỗi lầm yếu đuối, vâng cả tội lỗi nữa len lỏi vào ngay trong cơ cấu của Giáo Hội.

Ðó chính là điểm may rủi mà Chúa Giêsu đã chấp nhận khi Người thành lập Giáo Hội không căn cứ trên các Thiên Thần, nhưng trên con người yếu đuối bất toàn, như cha, như các con , chúng ta tất cả đây.

Các Con làm nên Giáo Hội. Có ai trong các Con cảm thấy mình trong sạch vô tội có thể ném hòn đá thứ nhất được? Ai trong các Con cảm thấy mình được Chúa Kitô ủy thác đứng lên hàng đầu cất tiếng lên án người khác, và có thể đưa trình bày đen trắng tất cả những gì thâm sâu ở trong một con người được không? „ (Cuộc gặp gỡ Bạn Trẻ ở Lucca 1989.)

Khi còn sống đi tới đâu vị Giáo Hoàng đều dang rộng vòng tay ra phía trước chào đón các Bạn Trẻ cùng với nụ cười cha con tình thân aí.

Khi ngài qua đời các Bạn Trẻ đã tụ tập đông đảo hằng trăm ngàn đến sân đền thờ Thánh Phero ở Vatican canh thức tham dự lễ an táng tiễn đưa người Cha của họ trở về lòng đất mẹ.

Và trong dòng nước mắt họ cùng vỗ tay thay cho lời chào biệt: Chúng con xin chào tạm biệt Cha, tiễn đưa người Cha Đại hội giới trẻ. Họ còn dương cao biểu ngữ với dòng chữ „Sancto subito“, xin phong Thánh ngay cho vị Cha chung của họ.

2.3. Linh đạo thiêng liêng

Thánh giáo hoàng Gioan Phaolo II. là người đẫn đưa Hội Thánh Chúa bước sang thiên niên kỷ mới thế kỷ 21. Ngài đã lập ra ngày lễ kính lòng Thương xót Chúa vào ngày Chúa Nhật thứ hai sau lễ phục sinh hằng năm. Ngài cũng đã lập ra suy niệm năm Sự Sáng về cuộc đời Chúa Giêsu trong tràng hạt kinh Mân Côi.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II. là người có lòng kính mến Đức Mẹ Maria rất sâu đậm. Khẩu hiệu Giám mục của ngài có hình chữ M với hàng chữ Totus tuus“ . Đây là lời cầu khẩn tâm nguyện của Thánh Luy Maria Montfort: „ Totus tuus ego sum et omnia mea tua sunt. Accipio te in mea omnia, praebe mihi cor tuum , Maria - Con hoàn toàn thuộc về mẹ, tất cả , những gì con có là của Mẹ. Con đón nhận Mẹ là tất cả cho đời con. Xin Mẹ ban cho con trái tim của Mẹ, lạy Mẹ Maria.“.

Theo lịch sử, Thánh gíao hoàng Gioan Phaolo II. khi xưa là người đóng góp tích cực cho sự cởi mở biên giới xã hội được hòa bình tự do của những quốc gia trong hệ thống cộng sản vùng Đông Âu, nhất là ở nước Balan, vào những năm 1989, 1990.

2. 4. Chiếc áo quan

Ai qua đời cũng được đặt nằm trong một cỗ áo quan. Tùy theo ý muốn cùng văn hóa của người qua đời đã bầy tỏ ước muốn, hay của gia thân nhân...mà cỗ áo quan được làm như thế nào.

Chiếc áo quan của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II. bao bọc thân xác ngài lúc qua đời thật khác: bằng gỗ mộc mạc, không sơn phết, không chạm trổ, không trang trí bông hoa. Và điểm khác này nói lên nội dung sâu thẳm chính yếu đời sống của ngài.

1. Hơn 26 năm đức cố Thánh Cha Gioan Phaolo sống là người mục tử hy sinh trọn sức lực thể xác lẫn tinh thần và dồn tất cả mọi thời giờ cho Giáo Hội Công Giáo thế giới và nổi tiếng hầu như ai cũng nghe biết đến ngài. Nhưng khi qua đời lại chọn cho mình „chiếc giường – chiếc áo quan “ đơn sơ bằng gỗ mộc mạc.

Một gương mẫu đời sống hy sinh khiêm nhường không chỉ lúc còn sống mà cả lúc đã chết!

2. Hơn 26 năm là vị thủ lãnh đạo Công Giáo hoàn cầu có quốc gia Vatican riêng. Nhưng khi khuất núi lại mong muốn được chôn trong trong lòng đất mẹ như tất cả mọi người, không muốn được đặt trong một lăng tẩm bằng đá cẩm thạch nổi trên mặt đất.

Một đời sống tâm niệm nhìn nhận mình là tạo vật của Ðấng Tạo Hóa: Từ đất bụi con đã được tạo thành. Và giờ đây con cũng trở về với đất bụi.

3. Hơn 26 năm là người kế vị Thánh Phero, thay mặt Chúa ở trần gian, có đủ mọi quyền hành tháo cởi, trói buộc cao cả. Nhưng khi chết lại mong muốn được khiêng đặt nằm trên nền đất trước bàn thờ Thiên Chúa.

Một đời sống không chỉ lúc còn sống, mà cả lúc xuôi hai tay nằm xuống cũng muốn hằng tuyên xưng: Trong tay Ngài, lạy Chúa, con xin phó thác đời con!

4. Hơn 26 năm phục vụ Giáo Hội vì tình yêu Thiên Chúa và con người. Nhưng lúc chết lại chọn cho mình chiếc áo quan đóng theo một hình chữ nhật phẳng lì, không chạm trổ góc cạnh, sơn phết, không cờ quạt bông hoa bao phủ.

Một đời sống chân thành không muốn để mình bị những lớp hào nhoáng bóng bẩy che lấp, làm lu mờ xa Thiên Chúa và xa con người.

5. Hơn 26 năm là Giáo hoàng của Giáo Hội được kính trọng, được tung hô vạn tuế. Nhưng lúc qua đời lại mong muốn chỉ có cây Thánh Gía Chúa Giêsu đóng gắn trên mặt ván và cây nến Chúa Giêsu Phục sinh duy nhất dựng bên cạnh chiềc quan tài của mình.

Một đời sống thấm nhuần đức tin vào Thánh giá và ánh sáng Chúa Phục sinh không chỉ tuyên xưng lúc còn sống, nhưng cả lúc chết cũng hằng trung tín với. Ánh sáng Chúa Phục sinh soi đường dẫn lối trong cuộc đời và cũng ánh sáng đó dẫn đưa trở về nhà Cha trên trời.

6. Hơn 26 năm đi tìm kiếm đến với con người, sống làm chứng cho tình yêu của Chúa. Nhưng lúc chết không muốn có một vòng hoa, một dòng chữ băng vải tưởng niệm nào chăng mắc xung quanh quan tài mình. Chỉ có cuốn Phúc âm của Chúa đặt nằm bên trên

Một đời sống dấn thân hoàn toàn cho Chúa khi còn sống cũng như lúc đã qua đời. Bầu khí không bông hoa đèn nến trướng vải có vẻ khô khan cứng lạnh. Nhưng những trang trí hình thức đó không cần thiết, không thêm gì cho tình yêu Chúa. Phúc âm mới là nền tảng cho đời sống ra khơi làm nhân chứng.

7. Hơn 26 năm thu hút hấp dẫn người trẻ khắp thế giới. Nhưng lúc qua đời chỉ có tấm hình Chúa Giêsu sống lại căng trên đỉnh đầu chiếc quan tài.

Một đời sống chỉ biết làm chứng cho Chúa Giêsu phục sinh (xx. Cv 1,22). Chính Chúa phục sinh gây lòng hào hứng phấn khởi cho người Trẻ hôm qua, hôm nay và ngày mai. Vị Giáo hoàng chỉ là dụng cụ được Ngài dùng để sống và nói với người trẻ về Ngài.

Ðức Thánh Cha Gioan Phaolo chết rồi mà vẫn muốn gần gũi, muốn sống tình liên đới với thiên nhiên, với con người như khi lúc còn sống. Sức sống chân thành nội tâm đó có sức cảm hóa thu hút lòng người. Ðây là một người, như xưa kia Chúa Giêsu đã nói với Nathanael, „ lòng dạ đơn sơ chân thành ngay thẳng“ ( Ga 1, 47)

Xin hai Thánh Giáo Hoàng nơi cửa sổ nhà Chúa trên trời chúc lành cầu cử cho chúng con trên trần gian.

Lễ kính Lòng thương xót Chúa

Ngày tuyên phong Hiển Thánh của hai Vị Thánh Giáo Hoàng, 27.04.2014

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Những mục tử phải là những con người phi thường .
Pt Huỳnh Mai Trác
10:35 26/04/2014


Ngày 14 tháng 4 , Đức Giáo Hòang đón tiếp Phái đòan các chủng sinh thuộc Đại Học Anagni (Ý), và đã nhắn nhũ là các chủng sinh đừng có ý nghĩ lầm lạc là họ đang học tập để có một chức vụ, một nghề nghiệp, để trở thành những tầng lớp lãnh đạo như của một xí nghiệp .
“Các bạn được đào tạo để trở thành những mục tử, theo như hình ảnh của Chúa Giêsu, Người Mục Tử Nhân Lành, phải trở nên giống như Ngài ở giữa đòan chiên, để chăm nuôi chiên của mình .

Đứng trước ơn gọi như vậy, chúng ta có thể đáp lại như Đức Mẹ Maria khi đáp lời thiên thần : Điều đó làm sao có thể xẩy ra được ? . . . Trở thành những người mục tử nhân lành như Chúa Giêsu, một hình ảnh quá cao trọng, trong khi chúng ta quá nhỏ nhoi . . . Vâng, điều đó quả thật quá lớn lao vĩ đại . Nhưng đó không phải là công việc của chúng ta mà là công việc của Chúa Thánh Thần với sự hợp tác của chúng ta .

“. . .Không phải tôi đang sống mà chính Chúa Kitô đang sống trong tôi”, Đức Giáo Hòang nói thêm câu này vì chỉ như vậy thì chúng ta mới có thể đảm trách các chức vụ như phó tế và linh mục trong Giáo Hội được mà thôi . “Nếu các bạn không sẳn sàng đi theo con đường này, với cách lối sống này và với những kinh nghiệm này thì các bạn hãy can đảm tìm một đường lối khác .

“Trong Giáo Hội có nhiều phương cách cũng như phương tiện để thực hành và trở thành một người Kitô hữu tốt làm chứng tá cho đức tin .
Trước khi kết thúc, Đức Thánh Cha mời gọi các chủng sinh hãy suy nghĩ kỷ càng về vấn đề này và nhất là công việc trở thành người mục tử của Chúa Giêsu, không có gì xấu xa và tầm thường cho bằng là việc coi sóc dân của Chúa với tinh thần là đi tìm lợi lộc . (Nguồn Tin: News.va)

 
Trước lễ phong thánh, ĐTC Phanxicô vui mừng chào đón các nguyên thủ Thế Giới.
Trần Mạnh Trác
13:55 26/04/2014
Trước thềm cuả buổi lễ quan trọng nhất trong năm, ĐTC Phanxicô đã bỏ nhiều thời giờ để đón tiếp các vị nguyên thủ QG tới tham dự. Chúng ta có thể cảm nghiệm sự hớn hở vui mừng cuả ĐTC và cuả các quan khách qua các mẩu đối thoại sau đây:

Ngài phá băng với TT Juan Orlando Hernandez Alvarado cuả Honduras ngay sau khi các nghi lễ ngoại giao vừa chấm dứt bằng một lời nói đùa:

"Thế là xong một màn nghi lễ tra tấn. "

Sau gần nửa giờ nói chuyên với TT Juan Orlando Hernandez Alvarado và được tổng thống giới thiệu ba cô con gái và sau cùng là một cậu con trai, Ngài vui vẻ nói:

"Ít ra thì ngài cũng có một cậu con trai nối dõi đấy. "

Sau buổi tiếp kiến với TT Honduras là tới phiên hoàng gia Bỉ, thái thượng hoàng Albert II và thái hậu Paola.

Cặp hoàng gia vừa thoái vị năm ngoái, đã không thể che giấu sự phấn khích của họ:

"Xin cám ơn ĐTC, thật là một vinh dự được gặp Ngài"

" Hãy cầu nguyện cho tôi, và tôi sẽ cầu nguyện cho Ngài và gia đình. " ĐTC nói.

Cuộc họp tiếp là với ông Arseniy Yatsenyuk, Thủ Tướng cuà xứ đang trong cơn hỗn loạn Ukraina.

Ông Thủ Tướng đã tặng Đức Giáo Hoàng một bức ảnh của những người biểu tình ủng hộ phương Tây tại Quảng trường Maidan ở Kiev. Đổi lại Đức Thánh Cha trao cho ông một cây bút.

" Tôi hy vọng rằng với cây bút này, Ngài sẽ có thể ký một hiệp ước hòa bình. "

Cuộc họp cuối cùng trên lịch trình của Đức Giáo Hoàng là hội kiến với Tổng thống Ba Lan Komorowski Bronisaw. Với nụ cười rạng rỡ, người ta có thể thấy được niềm tự hào dân tộc cuả ông TT trước buổi lễ phong thánh sắp tới.

Cùng đi trong phái đoàn Ba Lan còn có một người bạn thân của Đức Gioan Phaolô II, là một người thợ điện và sáng lập viên phong trào Solidarność: cựu TT Ba Lan Lech Walesa.

Xin xem video cuả Rome Reports ở đây

 
Một vài phản ứng về tin Đức Thánh Cha công du Nam Hàn
Linh Tiến Khải
20:43 26/04/2014
Ngày 10-3-2014, Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã chính thức loan tin Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ viếng thăm Nam Hàn từ 14 đến 18 tháng 8 năm nay, và chủ sự Ngày Giới Trẻ Á Châu lần thứ VI trong giáo phận Daejeon. Đức Thánh Cha cũng sẽ chủ sự thánh lễ phong Chân Phước cho 124 vị tử đạo Nam Hàn.

Trong một thông cáo Hội Đồng Giám Mục Nam Hàn đã bầy tỏ niềm vui và khẳng định rằng: ”Chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha là một cuộc viếng thăm toàn lục địa Á châu”. Tin này đặc biệt khiến cho các anh chị em nghèo khổ bần cùng trong các thành phố lớn vui sướng. Và Giáo Hội Nam Ham đã bắt tay vào việc chuẩn bị ngay cho chuyến viếng thăm lịch sử này.

Cộng hòa Nam Hàn thành hình năm 1948 sau khi Đại Hàn bị chia đôi thành hai miền Nam Bắc. Nam Hàn có khoảng 50 triệu dân sống trên diện tích rộng hơn 99.300 cây số vuông. Tín hữu Kitô được khoảng 13,7 triệu trong đó có 63% theo các Giáo Hội Tin Lành, và 37% thuộc Giáo Hội Công Giáo. Số còn lại theo Phật giáo, Khổng giáo hay các phong trào tôn giáo khác, nhưng có rất nhiều người không theo tôn giáo nào.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số phản ứng về tin vui Đức Thánh Cha Phanxicô công du Nam Hàn.

Trước hết là bài phỏng vấn cha Vincenzo Bordo, thừa sai thuộc dòng Hiến sinh Đức Mẹ Vô Nhiễm, giám đốc một trong các trung tâm Caritas quan trọng nhất Nam Hàn. Hằng ngày trung tâm của cha tiếp đón 500 người vô gia cư.

Hỏi: Thưa cha Vincenzo, cha đã cảm thấy gì khi nghe tin Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ công du Nam Hàn?

Đáp: Chúng tôi đón nhận tin này với niềm hăng say và niềm vui lớn, nhất là tại nơi đây là nơi chúng tôi có một trung tâm cho những người ăn xin, người vô gia cư và sống lang thang trên các hè phố. Khi biết tin tất mọi người đều vui lắm.

Thật thế, khi Đức Thánh Cha mừng sinh nhật ngài đã mời ba người ăn xin và một con chó của họ dùng bữa trưa với ngài. Tôi đã phổ biến tin này cho tất cả các khách của chúng tôi. Khi nghe tin Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm Nam Hàn họ đã nói: ”Như thế thì Đức Thánh Cha cũng sẽ đến thăm chúng ta! Nếu ngài đã mời các người ăn mày đến nhà ngài, thì ngài cũng sế đến đây với chúng ta là 500-600 người cơ mà”. Vì thế, có sự chờ đợi rất lớn từ phía tất cả các anh chị em ăn xin, vô gia cư và bụi đời, mà cử chỉ của Đức Thánh Cha cho thấy sự tôn trọng và thừa nhận đối với những người sống trên đường phố.

Hỏi: Cha và các khách của cha chuẩn bị như thế thế nào cho chuyến viêng thăm này?

Đáp: Trước hết bằng cách làm cho người khác biết Đức Phanxicô là ai. Ở đây chúng tôi sống trong một mội trường không Công Giáo và không kitô, và dân chúng biết rất ít về Đức Thánh Cha và về Giáo Hội Công Giáo. Điều đầu tiên là làm cho người ta biết Đức Giáo Hoàng là ai, ngài làm gì và Giáo Hội Công Giáo là gì. Vì thế sẽ có việc chuẩn bị giáo lý cho các người này, là việc loan báo đầu tiên, bởi vì họ không biết Chúa Giêsu cũng không biết Giáo Hội, và lại càng không biết Đức Giáo Hoàng là ai nữa. Do đó đây sẽ là một dịp rao giảng Tin Mừng.

Hỏi: Là người không quen với cảnh tồi tệ và bần cùng mà chúng ta gặp trên các con đường của các thành phố của chúng ta cha đã có tương quan thường ngày với những người rốt hết trong xã hội. Và cha cũng đã lấy sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô làm sứ điệp của cha ngay từ khi nảy sinh ra trung tâm Caritas này. Một thừa sai diễn tả lời kêu gọi của Đức Thánh Cha ”đi ra các vùng ngoại biên”, cha có các tâm tình nào?

Đáp: Tôi đã cảm thấy niềm vui rất lớn, khi nghe các lời này của Đức Thánh Cha, bởi vì tôi đã làm công tác mục vụ này từ 22 năm nay - đôi khi tôi cảm thấy bị chế nhạo, bị bỏ rơi và bị nguyền rủa nữa. Đức Thánh Cha là người thừa nhận công việc này, và nói rằng các người này là các anh chị em đau khổ. Các lời này của Đức Thánh Cha trao ban cho tôi biết bao can đảm và trao ban biết bao can đảm cho các người phải sống trên hè phố. Họ nói: ”Đức Thánh Cha là một người quan trọng như vậy mà ngài nhớ đến chúng ta sao?” Đây là các tình trạng đau khổ mà bình thường người ta không trông thấy hay không muốn trông thấy. Sự kiện Đức Thánh Cha nhận thức được và đề nghị mọi người chú ý tới các tình trạng ấy trao ban an ủi, hy vọng và niềm vui cho tất cả các bạn hữu của chúng tôi là những người sống trên vìa hè đường phố.

Hỏi: Thưa cha Vincenzo, từ năm 1989, là năm Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II viếng thăm Nam Hàn lần thứ hai cho tới nay, Nam Hàn đã thay đổi như thế nào?

Đáp: Giáo Hội đã thay đổi rất nhiều trong các năm này, xã hội đã thay đổi biết bao vì thế Giáo Hội cũng thay đổi nhiều. Tôi đến Nam Hàn hồi năm 1990 và số tín hữu đi tham dự thánh lễ Chúa Nhật hồi đó là 80%. Khi đến nhà thờ người ta không chỉ thấy tín hữu lớn tuổi, nhưng thấy rất đông người trẻ. Hai mươi năm đã trôi qua, giờ đây số người tham dự thánh lễ Chúa Nhật được khoảng 25-30% và chỉ là người già. Như thế, vấn đề tục hóa rất là lớn. Cần phải tái truyền giảng Tin Mừng và có một hình ảnh mới về Giáo Hội. Phải có các kiểu mới cho một thực tại đã thay đổi, vâng đúng thế, và đây là điều rất cần thiết.

Sau đây là vài nhận xét của cha Timoteo Jung, giám đốc đền thánh ”Jeoldunsan” ”Đồi chặt đầu”, nơi nhiều vị tử đạo đã bị hành quyết. Xác các vị sau đó bị ném xuống sông. Trên đỉnh đồi tín hữu đã xây một nhà nguyện như chứng tá cái chết vì đức tin của các vị và sự hiện diện của Giáo Hội tại Đại Hàn. Đền thánh này đã trở thành đích điểm hành hương của tín hữu Công Giáo Nam Hàn. Hàng năm có nửa triệu tín hữu kính viếng đền thánh, đa số là tín hữu Công Giáo, nhưng cũng có các tín hữu tin lành, phật giáo và cả người vô thần nữa. Các tín hữu thường ở lại nghỉ ngơi vài giờ trong công viên cạnh đền thánh.

Hỏi: Thưa cha, toàn dân Nam Hàn đang nôn nóng chờ đợi chuyến viếng thăm mục vụ của Đức Thánh Cha Phanxicô. Sau 25 năm lại có một chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng: điều này có nghĩa gì đối với tín hữu Nam Hàn?

Đáp: Chúng tôi tín hữu Công Giáo cũng như tất cả mọi người dân Nam Hàn đều cảm thấy Đức Thánh Cha Phanxicô rất yếu mến dân nước Đại Hàn. Chúng tôi cảm thấy rằng đó là một sứ điệp hòa bình và hòa giải.

Hỏi: Qúy vị sẽ tiếp đón Đức Thánh Cha như thế nào, xét vì đền thánh ”Jeoldusan” là một trong các nơi cầu nguyện được viếng thăm nhiều nhất, đặc biệt trong Năm Đức Tin vừa qua?

Đáp: Chúng tôi sẽ tiếp đón Đức Thánh Cha trong cách thế tốt nhất, với con tim rộng mở. Chắc chắn là các tín hữu Công Giáo, nhưng mà toàn dân Đại Hàn nữa, tất cả chúng tôi đều muốn tiếp đón Đức Giáo Hoàng, không phải như là Thủ Lãnh của Giáo Hội Công Giáo, nhưng như là vị lãnh đạo của thế giới, vị lãnh đạo của toàn nhân loại. Giáo phận Daejeon đã tổ chức mọi sự, và cùng với Hội Đồng Giám Mục chúng tôi đang tiến hành các chuẩn bị và nghĩ tới Đức Thánh Cha Phanxicô như là một người đơn sơ, luôn luôn gần gũi dân nghèo.

Sau cùng là vài phản ứng của Linh Mục John Kim Jong-Su, giám đốc Giáo hoàng học viện Đại Hàn tại Roma. Học viện này được thành lập năm 1990 và được Đức Gioan Phasolô II khánh thành năm 2001. Học viện tiếp đón các linh mục và chủng sinh Nam Hàn tu học tại Roma.

Hỏi: Thưa cha Kim, cộng đoàn hoc viện Đại Hàn đã đón nhận tin Đức Thánh Cha công du Nam Hàn như thế nào?

Đáp: Chúng tôi tất cả đều hài lòng và sung sướng. Chuyến viếng thăm này sẽ là một bước tiến tới hòa bình giữa hai miền Nam Bắc Hàn vẫn còn đang sống trong tình trang căng thẳng với nhau. Vì thế mọi người dân Đại Hàn: không phải chỉ có tín hữu Công Giáo thôi mà cả những người không tin đều tiếp đón Đức Thánh Cha.

Hỏi: Cha có thể trình bày ngắn gọn về Giáo Hội Đại Hàn hay không?

Đáp: Giáo Hội Đại Hàn có một lịch sử đôc nhất vô nhị. Đạo Công Giáo tại Đại Hàn đã đo các người không tin, không phải là Công Giáo đưa vào. Có một nhóm nhà thông thái Đại Hàn đã học đạo Công Giáo như là một triết lý, một khoa học tây phương. Sau khi học thì họ đã tìm ra một điều khác là đức tin. Rồi một người trong bọn họ đã được rửa tội tại Bắc Kinh bên Trung Hoa. Sau đó ông trở về Đại Hàn, và đã rửa tội cho một người bạn khác. Và đạo Công Giáo tại Đại Hàn bắt đầu từ đó. Đây là lịch sử duy nhất trên thế giới. Tại Đại Hàn đạo Công Giáo là tôn giáo duy nhất đang lớn lên. Trong nước có biết bao nhiêu tôn giáo khác: phổ biến nhất là Phật giáo, rồi tới Khổng giáo, có ảnh hưởng rất lớn trong xã hội, Giáo Hội Tin Lành có 8 triệu tín hữu và Giáo Hội Công Giáo có 5 triệu. Nhưng Giáo Hội Công Giáo có ảnh hưởng rất lớn trong xã hội Đại Hàn. Giáo Hội Đại Hàn đã nhận sự trợ giúp từ người khác, nhưng giờ đây Giáo Hội đang trợ giúp các Giáo Hội khác bằng cách gửi các thừa sai về hướng Đông, sang Phi châu và Âu châu.

Hỏi: Tình hình giữa hai miền Nam Bắc Hàn hiện nay ra sao thưa cha? Giáo Hội đã dấn thân như thế nào trong lãnh vực này?

Đáp: Tình hình tại Đại Hàn rất bình an, nhưng có căng thẳng. Có hòa bình nhưng có căng thẳng. Giáo Hội Đại Hàn quyết định dấn thân trong việc tái hiệp nhất Nam Bắc Hàn, nhưng cuộc đối thoại giữa hai chính quyền gặp khó khăn. Giáo Hội phải tìm một bước khác, một con đường khác, bằng cách trợ giúp kinh tế, trợ giúp nhân đạo. Giáo Hội phải tiếp tục trợ giúp Bắc Hàn. Con đường này trong tương lai có thể mở ra cho việc hiệp nhất hai miền Nam Bắc Hàn. (RG 11.23-3-2014)
 
Hình ảnh Đêm Canh Thức trước ngày Tuyên Thánh Gioan XXIII và GioanPhaolô II
AP Photo/Vadim Ghirda
21:06 26/04/2014


(Source: AP Photo/Vadim Ghirda)
 
Các thành quả hàng đầu của Đức Gioan XXIII và của Đức Gioan PhaolôII
Vũ Văn An
23:53 26/04/2014
Hai vị giáo hoàng sắp sửa được phong thánh trong giây lát đã đạt được rất nhiều thành quả đáng kể trong triều đại giáo hoàng của các ngài. Riêng Đức Gioan XXIII, chỉ sau khi được bầu không lâu, ngài đã nổi danh là “Giáo Hoàng Tốt Lành”. Được nhìn nhận là vị giáo hoàng đã có công triệu tập Công Đồng Vatican II, ngài cũng nổi danh nhờ tinh thần bác ái đơn sơ từng kéo dài suốt triều đại của ngài và gây tác động lâu dài trên đời sống Giáo Hội. Sau đây là tám thành quả hàng đầu của ngài

Một lịch sử mới

Đức Giáo Hoàng Tốt Lành đã thực hiện nhiều thay đổi đơn giản nhưng rất quan trọng. Ngài tạo ra truyền thống đọc kinh Sai Thiên Thần công khai từ cửa sổ Tông Dinh vào các ngày Chúa Nhật và cung cấp cho các khách hành hương một bài giáo lý ngắn.

Gần gũi bản thân

Là giáo hoàng và giám mục, Đức Gioan XXIII luôn muốn được gần gũi tín hữu. Ngài là vị giáo hoàng đầu tiên rời khỏi tường thành Vatican đi thăm các giáo xứ, các bệnh viện và nhà tù quanh Rôma. Đôi khi, ngài còn “trốn” các vệ sinh Thụy Sĩ để một mình đi dạo trong kinh thành.

Độc đáo

Đức Gioan XXIII can đảm chọn tên của một ngụy giáo hoàng thuộc thế kỷ 15 và khi làm thế, đã "cứu chuộc" tên hiệu đó. Đức Hồng Y Roncalli đã không sợ hãi lấy tên của một kẻ mạo danh, một cái tên trong suốt 500 năm ai cũng tránh.

Hòa bình

Trong triều giáo hoàng của ngài, Đức Gioan XXIII chứng kiến hai cuộc chiến tranh từng phân chia thế giới thành hai chế độ chính trị trái ngược nhau. Ngài nhận thấy nhu cầu phải xây dựng những chiếc cầu hòa bình, thậm chí còn trao đổi thư từ với các nhà lãnh đạo thế giới như Khrushchev, lãnh tụ Liên Bang Xô Viết.

Sứ điệp

Lần đầu tiên trong lịch sử, Đức Gioan XXIII ngỏ lời không phải chỉ với người Công Giáo mà là “mọi người có thiện chí” trong thông điệp “Hòa Bình Trên Trái Đất”. Thông điệp này lý luận chống lại việc sử dụng tranh chấp có vũ trang làm phương tiện đạt hòa bình.

Cải cách

Chỉ vài tháng sau khi được bầu làm giáo hoàng, Đức Gioan XXIII đã công bố một mật nghị để đề cử các tân Hồng Y, mà hơn phân nửa không phải là người Ý. Ngài bổ nhiệm các Hồng Y từ Nhật, Châu Phi, Phi Luật Tân, và Venezuela, cũng như đem lại cho Giáo Triều một sự đại diện lớn lao hơn.

Vatican II

Công trình quan trọng nhất của Đức Gioan XXIII chắc chắn là việc triệu tập Công Đồng Vatican II, một hội nghị gồm các giám mục khắp thế giới để nghiên cứu và thảo luận tình hình của Giáo Hội. Dù là vị giáo hoàng già nua, vốn được coi như một giáo hoàng chuyển tiếp, ngài đã thực hiện được những thay đổi sâu sắc nhất trong Giáo Hội của thời hiện đại.

Đại kết

Đức Gioan XXIII có công gia tăng cuộc đối thoại giữa các Kitô hữu và mọi hệ phái khác, thậm chí mời người Hồi Giáo, người Da Đỏ Mỹ, và thành viên của nhiều hệ phái Kitô Giáo làm quan sát viên tại Công Đồng Vatican II. Ngài cũng thiết lập bộ sở đầu tiên tại Vatican chuyên lo cổ vũ sự hợp nhất giữa các Kitô hữu.

Khi qua đời, Ngài được công chúng hô vang “phong thánh ngay bây giờ” khi họ viếng thăm thi hài ngài, một cử chỉ sẽ được lặp lại sau này lúc Đức Gioan Phaolô II qua đời. Cả hai vị giáo hoàng này đều sẽ cùng tiếp diễn lịch sử chung khi cùng được nâng lên hàng hiển thánh một lúc vào Chúa Nhật ngày mai.

Mười thành quả hàng đầu của Đức Gioan Phaolô II



Triều giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II tạo ra nhiều kỷ lục mới. Đáng kể hơn cả là tài lãnh đạo của ngài đã hướng dẫn Giáo Hội vượt qua nhiều thách đố gian nan trong thời hiện đại.

Chiến đấu cho tự do: “Đừng sợ!”

Một trong các thách đố vĩ đại nhất là Chiến Tranh Lạnh, và hai khối đã đặt thế giới vào thế kình chống nhau liên miên. Đức Gioan Phaolô II từng trực tiếp chịu đựng sự áp chế của Quốc Xã và Cộng Sản. Ngài đóng vai chủ chốt trong việc phá sập chủ nghĩa cộng sản tại Đông Âu. Một trong các cuộc tông du đầu tiên của ngài là trở về quê hương Ba Lan năm 1979. Cuộc tông du này là thời điểm quyết định đã khuyến khích người Ba Lan vùng dậy chiến đấu cho tự do.

Một triều giáo hoàng có tính hoàn cầu

Đức Gioan Phaolô II là nhà du hành dầy dạn, từng đặt chân lên khắp mọi ngả thế giới. Ngài đã thực hiện 104 cuộc du hành quốc tế, và thăm viếng 130 quốc gia. Nói về đường dài, ngài đã vòng quanh thế giới 30 lần. Nhưng có hai quốc gia ngài không thể tới được là Trung Quốc và Nga.

Đối thoại với Hồi Giáo và Do Thái Giáo

Đức Gioan Phaolô II gọi người Do Thái là “anh cả” và trở thành vị giáo hoàng đầu tiên bước vào một hội đường kể từ thời Chúa Giêsu. Ngài cũng đã cầu nguyện trước Bức Tường Than Khóc tại Giêrusalem. Ngài cũng là vị giáo hoàng đầu tiên hôn kính sách Kôrăng và bước chân vào một đền thờ Gồi Giáo.

Cuộc tụ tập Assisi

Nói về việc thúc đẩy cuộc đối thoại liên tôn, Đức Gioan Phaolô II đi tiên phong trong việc kêu gọi cầu nguyện chung cho hòa bình. Buổi cầu nguyện chung đầu tiên đã được tổ chức tại Assisi năm 1986. Hơn 150 phái đoàn thuộc 12 tôn giáo thế giới đã đáp lại sáng kiến này.

Nói không đối với chiến tranh: “Chiến tranh, đừng bao giờ diễn ra nữa!”

Trong triều giáo hoàng của ngài, nhiều tranh chấp lớn đã diễn ra: Rwanda, Kosovo, Sudan, Iraq và chiến tranh Balkan. Từng sống sót Thế Chiến II, Đức Gioan Phaolô II không thể im lặng được. Ngài đã trở thành tiếng nói của nhân loại, tích cực cổ vũ chống bạo lực.

Các thánh

Về việc phong thánh, vị giáo hoàng người Ba Lan này hướng về thời hiện đại. Ngài nâng lên bàn thờ hàng trăm người từng sống cuộc sống gương mẫu đối với Kitô hữu ngày nay. Thí dụ, và là lần đầu tiên, ngài phong chân phước cùng một lúc cho một cặp vợ chồng: ông Luigi Beltrame và vợ là bà Maria Beltrame.

Thư gửi phụ nữ

Đức Gioan Phaolô II quan tâm đặc biệt tới phụ nữ. Ngài là vị giáo hoàng đầu tiên viết tông thư nói về phụ nữ, đó là tông thư Mulieris Dignitatem (phẩm giá phụ nữ). Trong tông thư này, ngài thúc giục phụ nữ suy tư các trách nhiệm bản thân, văn hóa, xã hội và Giáo Hội của họ.

Phẩm giá người bệnh

Bị yếu vì bịnh, Đức Gioan Phaolô II vẫn tích cực cho tới những giờ phút cuối đời. Ngài sử dụng các kinh nghiệm bản thân làm phương tiện giáo huấn đối với một thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề của “nền văn hóa vứt bỏ”.

Tha thứ

Trong Năm Đại Thánh 2000, Đức Gioan Phaolô II chính thức xin lỗi vì các lầm lẫn trong quá khứ của Giáo Hội. Đó là thời khắc lịch sử, được ngài định nghĩa là để thanh tẩy ký ức, giúp các Kitô hữu cởi mở hơn đối với Thiên Chúa khi bước vào Thiên Niên Kỷ Thứ Ba.

Một giáo hoàng cho tuổi trẻ

Đức Gioan Phaolô II hiểu rõ: tuổi trẻ cần được chú ý và giám hộ đặc biệt. Ngài nghĩ tới những cuộc tụ họp đặc biệt dành riêng cho họ: Ngày Giới Trẻ Thế Giới. Ngài nói rằng ngài cảm thấy mình giống người trẻ giữa đám đông: “muốn sống với tuổi trẻ, bạn phải trở thành người trẻ”.

Trong suốt gần 27 năm trong triều giáo hoàng của mình, Đức Gioan Phaolô II đã thắng vượt nhiều trở ngại và đạt được nhiều mục tiêu. Nhưng trên hết, ngài đã vươn tới hàng triệu Kitô hữu, nói chuyện trực tiếp với họ, bằng chính trái tim mình.
 
Top Stories
Mongolie: L’Eglise catholique continue sa croissance dans la discrétion
Eglises d'Asie
12:33 26/04/2014
La jeune communauté catholique de Mongolie ne cesse de s’agrandir. Plus d’une trentaine de baptêmes d'adultes et d'enfants ont été célébrés à Pâques, portant désormais le nombre de catholiques dans le pays à environ 960.

Comme l’année précédente où des dizaines de catéchumènes avaient fait leur entrée dans l’Eglise catholique de Mongolie durant la vigile pascale, les fêtes de Pâques ont été l’occasion de mesurer la croissance de cette communauté qui vient seulement de fêter ses vingt ans d’existence.

Lors de son arrivée en Mongolie en 1992, avec deux autres missionnaires de la Congrégation du Cœur Immaculé de Marie (CICM), Mgr Wenceslao Padilla, aujourd’hui préfet apostolique d’Oulan-Bator, avait reçu pour mission de rebâtir ex nihilo une communauté chrétienne sur les lieux où, soixante-dix ans plus tôt, la même congrégation avait créé une mission sui juris, entièrement balayée par l’avènement du communisme, en 1924.

Un peu plus de vingt ans plus tard, samedi 19 avril 2014 au soir, à Oulan-Bator, les catholiques étaient plus d’un millier à braver le froid de la nuit de Pâques devant le « feu nouveau » allumé sur les parvis des quatre paroisses de la capitale (1).

« A l’heure actuelle, la création d’une paroisse relève d’un véritable exploit », souligne H, un expatrié résidant en Mongolie depuis de nombreuses années, qui explique que les autorisations administratives sont de plus en plus difficiles et longues à obtenir.

En effet, la grande liberté religieuse qui avait accompagné dans les années 1990 l’ouverture du pays après des décennies de communisme, est aujourd’hui progressivement remplacée par une bureaucratie tatillonne et restrictive qui cherche à mettre un frein au développement des différentes Eglises.

Bien que les chrétiens, toutes confessions confondues, ne représentent qu’environ 2 % de la population de la Mongolie, leur croissance se fait discrète, de peur d’être considérée comme une menace pour « l’identité mongole » associée de plus en plus à la pratique de la religion traditionnelle, un bouddhisme tibétain mêlé de croyances chamaniques. Le développement spectaculaire des chrétiens évangéliques est certainement pour beaucoup dans cette méfiance du gouvernement à l’égard des chrétiens : à l’heure actuelle, on compte aujourd’hui plus de 60 000 membres de différentes Eglises évangéliques dans le pays.

Certes, comme le rappelait le 17 mars dernier à l’agence Apic, Mgr Padilla, « du côté du gouvernement, la liberté religieuse est garantie ». Mais depuis 2009, une loi « prévoit pour les étrangers travaillant dans le pays un quota d’embauche de personnel mongol » qui inquiète fortement la communauté chrétienne.

« Selon ces quotas, l'Eglise catholique devrait en principe engager une soixantaine de personnes supplémentaires, mais nous n’avons pas l'argent pour assurer leur salaire » poursuit le prélat, ajoutant que « 13 missionnaires devront partir si la loi est appliquée stricto sensu».

Une situation que confirme H, lequel rapporte qu’en un an, « environ 18 temples protestants ont été fermés d'office dans la seule province de Darkhan-Uul » pour diverses infractions.

« Depuis la fin 2013, explique t-il, la législation mongole s'est considérablement ouverte aux investissement étrangers de plus de 100 000 $, supprimant même l'enregistrement auparavant obligatoire au ministère concerné (...). Mais en revanche, la loi oblige aujourd’hui les organisations à but religieux à employer 95% de Mongols. Donc, pour un pasteur étranger, il faut employer 19 Mongols, ce qui n'est pas à la portée de la plupart des communautés chrétiennes... Un nombre important de pasteurs coréens obtenait un visa d'affaires, mais venaient en réalité faire de l’évangélisation, ce qui est de moins en moins toléré par les autorités », analyse encore cet expatrié, lui-même chef d’entreprise.

L’une des premières communautés à avoir été visées par cette législation, encore inégalement appliquée, semble avoir été celle des Mormons (Eglise de Jésus-Christ des Saints des Derniers Jours) qui assure rassembler aujourd’hui près de 10 000 fidèles dans le pays. En 2010, plusieurs missionnaires américains durent quitter le pays « en raison du nouveau système de quotas instaurés par le gouvernement mongol ».

« Les choses sont devenues plus difficiles pour l’Eglise », reconnaît Mgr Padilla. Sous l’influence de la société de consommation et avec l’enrichissement rapide du pays, « les catholiques changent aussi, ils deviennent matérialistes et n'ont plus le temps de venir à la messe (...) Cela touche même les collaborateurs de l'Eglise ! », regrette le prélat.

« Maintenant, on peut dire que seuls les pauvres viennent à nous ... Mais j’en suis très heureux en fait, car comme le pape François, je pense que l'Eglise doit être pauvre et pour les pauvres! », conclut-il. (eda/msb)

(1) Oulan-Bator compte plusieurs lieux de culte catholique dont quatre sont des paroisses, Sainte-Marie, Saint Pierre-Saint Paul (cathédrale), Le Bon Pasteur, Sainte-Sophie (depuis octobre 2012), auxquelles il faut rajouter les lieux de culte Saint-Thomas (créé en janvier 2013) ainsi que la « Shuvuun fabrik » (‘ferme de poulets’) qui dépend administrativement de la capitale mais se trouve à une trentaine de km du centre ville. Deux autres paroisses ont été créées pour le reste du territoire de Mongolie (Marie-Mère de Miséricorde à Arvaiheer, et Marie-Secours des chrétiens à Darhan). Il existe également plusieurs missions, chapelles isolées ou écoles catholiques en dehors d'Oulan-Bator mais les autorisations d’y pratiquer officiellement le culte semblent beaucoup plus difficiles à obtenir.

(Source: Eglises d'Asie, le 25 avril 2014)
 
Joyful pilgrims pour into Rome for saint ceremony
AP
20:50 26/04/2014
VATICAN CITY (AP) — By train, bus, car and on foot, pilgrims and tourists streamed into Rome on Saturday to participate in the ceremony in St. Peter's Square that will see two popes, John XXIII and John Paul II, be proclaimed saints.

Italy's interior minister says as many as 1 million people could be drawn to Rome for the extraordinary occurrence of two pontiffs being canonized at a Mass on Sunday where two living popes will be present. The Vatican has confirmed that retired Benedict XVI will help Pope Francis and dozens of cardinals celebrate the Mass outside St. Peter's Basilica.

The square will open to the faithful Sunday morning before dawn, and many people had spread out sleeping bags and mats in the area just outside the Vatican in hopes of securing prime viewing spots. The sound of hymns being sung in Italian, Polish, English and other languages could be heard Saturday in much of Rome as pilgrims made their way through the capital heading from buses and trains toward the Vatican. Some pilgrims set out weeks ago from Poland to make the journey by foot; others were arriving by horseback.

Tens of thousands of faithful, many of them young people, will pack several churches throughout Rome late Saturday for a prayer vigil.

(Source: http://news.yahoo.com/joyful-pilgrims-pour-rome-saint-ceremony-185557086.html)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Nhật ký Roma ngày 25.4: Phái đoàn VietCatholic đi lãnh Thẻ Báo Chí do Vatican cấp phát
Lm Văn Chi
08:04 26/04/2014
ROMA - Khởi hành từ Sydney Úc châu lên đưồng đi dự lễ tuyên thánh 2 Giáo Hoàng Gioan XXIII và Gioan Phaolô II, máy bay ghé Franfurt nước Đức, và từ đó lấy máy bay hãng Lufthansa đi Roma. Khi vừa tới phi trường quốc tế Roma vào thứ Năm ngày 25.4.2014, chúng tôi được Cha Trần Mạnh Duyệt, một người Việt Nam có thể nói sống kỳ cựu nhất ở Roma trên 50 năm và Thầy Vượng tiếp đón nồng hậu vì coi những cộng tác viên của VietCatholic đều là khách qúy. Tại phi trường khách thập phương thật đông đúc, họ đúng là những khách hành hương đang quy tụ về Roma tham dự những ngày lễ trọng đại sắp xẩy ra.

Văn Chi, Thanh Thảo, Nguyễn Định
Rất đông người Bên Mộ DGH JP II.
Xác Thánh Giáo Hoàng Gioan 23.
Hàng hang lớp lớp vào hành hương Đền thờ Thánh Phêrô lúc 8 giờ sáng
Được thầy Vượng chở về Foyer Phát Diệm, nơi Cha Trần Mạnh Duyệt hiện làm giám đốc, nhà này cũng kể như tổ ấm khách sạn cho khách hành hương Việt Nam khi có dịp đến Roma. Foyer Phát Diệm có chừng 60 phòng. Cũng chính tại Foyer này mà Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo đến thăm các Đức Giám Mục Việt Nam và những người con Việt Nam tại đây vào thập niên 1980. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô không thể thăm Việt Nam được nên đã chứng tỏ cử chỉ ưu ái là thăm ngôi nhà Việt Nam tại Roma. Thởi gian đó khi Cha Giám Đốc Vũ Kim Điện còn sống, người đã có công gầy dựng và bảo trì mái nhà Việt Nam thân yêu ở Roma này.

Trên đường về nhà Foyer biết bao câu chuyện và những kỷ niệm thân thương được ôn lại. Cha Duyệt và anh ruột của tôi là LM Chu văn Nghi (nay đã qua đời trước kia học cùng lớp với nhau) nên có những mối thân tình. Tôi nóng lòng hỏi cha Duyệt cho biết những diễn tiến đang xẩy ra tại Roma trong những ngày này thì được biết hiện nay nếu những ai đến Roma mà chưa thuê khách sạn thì khó lòng mà kiếm được nơi cư ngụ. Thành phố Roma có trên 3 triệu người, thế mà cũng có tin dự trù cho rằng khách hành hương có thể lên tới mấy triệu người. Nguyên điều đó đủ cho thấy giáo dân khắp nơi yêu mến hai vị Thánh Giáo hoàng này biết bao nhiêu.

Sau khi được ăn một bữa cơm đặm đà hương vị quê hương do các Soeurs tại Foyer nấu, lại thêm những tiếng cười vui vẻ và những câu chuyện xưa co91, mới có, về người này người kia... kể mãi không hết chuyện... Những tiếng gọi bổn phận phải "tường trình": cuộc hành hương, nên tôi đành rời nhà Foyer về Khách Sạn Clodio ở gần Đền Thánh Phêrô cho thuận tiện trong những ngày lễ.

Về đến khách sạn thì Phái đoàn VietCatholic và VFace từ Hoa Kỳ gồm có với MC Thanh Thảo và Cameraman Peter Nguyễn Định cũng mới tơi nơi. Cô Thanh Thảo trước đã tới Roma làm phóng sự, nhưng nay được trở lại cũng coi là một vinh dự đáng nhớ, và riêng với anh Peter Nguyễn đây là lần đầu nên thấy phong cảnh và đền đài Roma và Vatican tráng lệ nên ngợp hồn luôn với biết bao nhiêu mộng ước. Chuyến đi từ xa, nên ai cũng cần nghỉ ngơi... đợi sáng mai còn phải đi làm việc.

Sáng thứ 6 ngày 26.4, chúng tôi chuẩn bị máy móc để lên đường đến phòng báo chí của Tòa Thánh để ghi danh và lấy những tài liệu cần thiết. Xem cách tổ chức của Vatican mà thấy phải khâm phục. Cả mấy ngàn phóng viên từ khắp thế giới tới đây trong dịp này, nhưng hệ thống ghi danh Thẻ Báo Chí Vatican cũng rất là nghiêm chỉnh, đòi hỏi những hồ sơ giấy tờ chứng minh được gửi tới trước qua hệ thống ghi danh internet rất phổ cập và với những mã số đặc biệt. Khi được chấp thuận thì mỗi phóng viên sẽ được Vatican cấp cho một trang riêng, và với mã số riêng có thể vào đó lấy tài liệu và tin tức cần thiết cùng với những thông tin mà Văn Phòng Báo Chí Vatican cập nhật từng giờ.

Tin tức từ phòng báo chí Tòa Thánh cho biết sẽ có khoảng 150 Hồng Y và 1.000 Giám mục, 6.000 linh mục đồng tế lễ tuyên thánh ĐGH Gioan XXIII và ĐGH Gioan Phaolô II vào ngày 27-4-2014, Chúa Nhật kính Lòng Chúa Thương Xót. Trong số các vị đồng tế có ĐHY Agostino Vallini, ĐHY Stanislaw Dziwisz của GP Krakow (Balan, quê hương thánh Gioan Phaolô II), và ĐGM Francesco Beschi của GP Bergamo (Bắc Ý, quê hương Thánh Gioan XXIII).

Đến tham dự lễ tuyên thánh hiện đã có 93 phái đoàn chính thức đến từ các quốc gia và các tổ chức quốc tế, với 24 nguyên thủ quốc gia, các đại diện các tôn giáo lớn như Kitô giáo Chính thống, Anh giáo, Do thái giáo và Hồi giáo.

Trước ngày Tuyên thánh, có đêm canh thức cầu nguyện (26-4-2014) được tổ chức tại ít nhất 11 nhà thờ ở khắp Rôma.

Thánh lễ tuyên thánh sẽ được tổ chức tại Quảng trường Thánh Phêrô lúc 10 giờ sáng ngày 27-4-2014 (giờ Rôma, 15 giờ Việt Nam). Lúc 9 giờ sáng có lần Chuỗi Lòng Thương Xót. Ca đoàn từ GP Karkow, Rôma và Nguyện đường Sistine sẽ diễn nguyện từ 9:30 sáng.

Mang những tấm thẻ báo chí của Tòa Thánh trên người, chúng tôi ra Quảng Trường Thánh Pherô đi dạo một vòng và thu những hình ảnh đầu tiên. Rất đông khách hành hương qui tụ tại quảng trường thánh Phêrô và từng đoàn người đang tiến vào đền thờ để thăm ngôi Đại giáo đường trung tâm của Giáo Hội Công Giáo. Khách xem những kỳ công kiến trúc, những bức tượng và những tranh vẽ, các bàn thờ trong Đền Thờ rất đông, nhưng còn những hàng dài nối đuôi nhau xuống gầm Đền Thờ để viếng xác Thánh Giáo Hoàng Gioan 23 còn nguyên vẹn, và viếng phần mộ Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo 2

Tại Đền Thờ cũng như tại Quảng trường thánh Phêrô chúng tôi gặp một số người Việt Nam trong các Phái Đoàn hành hương từ Sydney Australia, từ London, từ Việt Nam sang. Đi chỗ nào cũng gặp người là người và khi thấy những bộ mặt người Á châu và đến gần nghe được tiếng Việt là chào nhau lia lịa rối rít, tay bắt mặt mừng.

Vì khách hành hương đông quá, chúng tôi không thể chờ xuống quay hình mộ thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II được, nên chúng tôi quyết định đi viếng Đền Thờ Gioan Laterano, là Nhà Thờ Chính Tòa của Roma, chính tại nơi đây hai Thánh Giáo Hoàng Gioan 23 và Gioan Phaolo 2 thường cử hành những Thánh Lễ đặc biệt.

Tại Đền Thờ Gioan Laterano, chúng tôi cũng thấy khách hành hương đang kính viếng rất đông. Hình 2 Vị Thánh Giáo Hoàng đã được đưa lên phía tiền đường Đền Thờ. Chúng tôi quay một số hình kỉ niệm nơi đây và giới thiệu về Ngôi thánh đường đặc biệt và rộng lớn này.

Từ Lateranô, chúng tôi đi bộ vòng sang Nhà Thờ Santa Croce (Thánh Giá), cùng đoàn hành hương khá ồn ào nhộn nhịp. Chúng tôi ghi một số hình ảnh và nói về lịch sử tại sao có tên là N hà thờ Thánh Giá đề làm tài liệu.

Sau đó, phái đoàn VietCatholic đi thẳng đến Colosseum, nơi mà bao nhiêu lần Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan 23 và Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo 2 đã từng đi Chặng Đàng Thánh Giá tại đây vào những ngày Thứ 6 Tuần Thánh. Tôi nhớ nhất hình ảnh Đúc Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo 2 đã hiện diện những ngày Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới Năm Đại Thánh 2000.

Từng bước chúng tôi đi, đều ngập tràn những dấu chân của 2 Vị Thánh Giáo Hoàng. Các tường trình của chúng tôi đã được ghi vào video, nhưng vì thời gian hạn hẹp, không thể kiện toàn bài viết trọn vẹn được. Xin qúi vị và anh chị em thông cảm cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ tường trình tiếp những ngày kế tiếp.

Ghi nhanh từ Roma.
 
Nhật Ký Roma 26.4: Thăm trụ sở Việt Nam tại Roma nơi Thánh Gioan Phaolo II đã đặt chân tới
Lm Văn Chi
20:48 26/04/2014
ROMA - Sáng Thứ 7 ngày 26.4.2014, chuẩn bị Đại Lễ Phong Thánh cho 2 Vị Giáo Hoàng Gioan 23 và Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II được chuẩn bị khá chu đáo và cẩn thận. Công trường thánh Phêrô bàn thờ và các ghế ngồi đã được sắp xếp, các màn hình vĩ đại đã được dựng lên, các cổng vào đã được bố trí bằng các máy an toàn.

Đi qua khu vực chung quanh Vatican các đường phố chật ních người hành hương chen chân nhau "bát phố", mua sắm hay quan sát và thăm viếng các đền đài và dinh thự, nhất là đường Via della Conciliazione hướng về Đền Thánh Phêrô dầy đặc khách hành hương. Xe cộ không di chuyển vào được. Lấy taxi chúng tôi phải đi ra khỏi khu vực khá xa ngoài khu vực Vatican.

Được biết, cho đến lúc này, một nguồn tin từ chính quyền Rôma cho biết là sẽ có cả vài triệu khách hành hương. Khách hành hương từ Ba Lan, quê hương của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II có thể lên tới triệu người tham dự Đại Lễ Phong Thánh. Sau đó, họ sẽ trở về Ba Lan ngay sau Thánh Lễ Phong Thánh ngày Chúa Nhật 27.4. Các hotel Roma đều book kín. Nhiều khách hành hương sẽ đến trực tiếp Đền Thờ Thánh Phêrô tham dự giờ canh thức và sẽ tham dự Đại Lễ Phong Thánh luôn. Sau đó, họ sẽ trở về nhà mình. Được biết, toàn bộ số dân tại Rôma cũng khoảng 3 triệu 700 ngàn người.

Vấn đề con số các tín hữu hành hương đến Vatican để dự lễ phong thánh vẫn còn là một vấn đề bỏ ngõ, và không ai có thể biết được con số chính xác là bao nhiêu. Người ta chỉ có thể dự đoán được là hầu như các con đường lớn dẫn đến Vatican đều sẽ chật kín người. Theo báo Cộng Hòa, trích thuật nguồn tin từ chính quyền thành Rôma, 85% khách sạn và nhà trọ ở Rôma và cả những khu vực chung quanh Rôma, đã được đăng ký chỗ trong thời gian trước và sau lễ phong thánh cho hai vị Thánh Giáo Hoàng.

Khoảng trưa hôm nay, đoàn VietCatholic chúng tôi đến viếng thăm Foyer Phát Diệm, một nhà tạm trú cho khách hành hương như một hotel. Nhiều phái đoàn hành hương đã ở và hiện nay hết chỗ. Chúng tôi muốn đến thăm lại nơi này để ghi lại âm hưởng việc Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đến thăm quý Giám Mục Việt Nam và đoàn con Việt Nam của Ngài.

Hình ảnh ĐGH JPII thăm Foyer Phát Diệm

Tại Foyer Phát Diệm, Cha Trần Mạnh Duyệt, Giám Đốc Foyer Phát Diệm và Sơ Tuyến cùng quý Sơ Phát Diệm đã hướng dẫn chúng tôi đến nơi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II quỳ gối trước hình ảnh Mẹ La Vang, Mẹ Việt Nam. Quý Sơ chỉ hình Mẹ La Vang và nói:

-Cha ơi, đây là chỗ Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đến và quỳ cầu nguyện trước Mẹ La Vang…

Tôi thầm cầu xin Mẹ La Vang cho Quê Hương Việt Nam qua sự bầu cử của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Cha Giám Đốc Trần Mạnh Duyệt dẫn tôi xuống Nhà Nguyện Foyer Phát Diệm. Ngài chỉ cho tôi nơi Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II quỳ cầu nguyện trước Thánh Thể:

-Văn Chi này, đây là nơi Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II quỳ gối cầu nguyện năm 1980, khi Ngài đến thăm quý Giám Mục Việt Nam cùng với Quý Cha, Tu Sĩ và Giáo Dân Việt Nam…

Tôi hồi tưởng lại tình cảm thân thương mà Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ưu ái đế con dân Việt Nam. Ngài cho Đức Ông Vincent Trần Ngọc Thụ, người Việt Nam làm thư ký riêng, Ngài đặt Vị Tôi Chúa, ĐHY FX Nguyễn Văn Thuận là Bộ Trưởng Thánh Bộ Công Lý và Hòa Bình. Ngài cũng mời ĐHY FX Nguyễn Văn Thuận giảng Mùa Chay cho cả Giáo Triều Roma.

Là người Việt Nam ai cũng biết Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhiều lần đã nhắc tới sự kiện Mẹ La Vang hiện ra tại La Vang Việt Nam. Chính Ngài đã phong Thánh cho 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam vào ngày 19.6.1988, và năm Đại Thánh 2000, Ngài đã phong Thánh cho Thánh Trẻ Việt Nam An-Rê Phú Yên.

Tôi nhớ mãi hình ảnh Ngày Giới Trẻ Thế Giới năm 2000 tại Roma, trong Đêm Canh Thức, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã long trọng xướng tên Thánh Tử Đạo Trẻ của Việt Nam An-Rê Phú Yên, với sự reo hò vui sướng của cả 2 triệu người trẻ thế giới tụ họp về Roma. Khi ấy tôi thật sự rơi lệ vì cảm nhận được tình thương của Ngài dành cho Quê Hương và Dân Tộc Việt Nam…

Tôi quỳ lâu giờ tại Nhà Nguyện Foyer Phát Diệm, nơi Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II quỳ cầu nguyện, để khẩn cầu Ngài bầu cử cho Quê Hương và Dân Tộc Việt Nam yêu dấu, như Ngài luôn tha thiết yêu thương.

Tôi đi tiếp những bước chân của 2 Vị Thánh Giáo Hoàng Gioan 23 và Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trên những con đường Roma ồn ào tấp nập hân hoan niềm vui.

Ghi nhanh 4 giờ chiều Thứ 7 ngày 26.4.2014.
 
Chúa Nhật II Phục Sinh: Những sứ giả của Lòng Thương Xót Chúa
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
12:51 26/04/2014
Chúa Nhật II Phục Sinh: Những sứ giả của Lòng Thương Xót Chúa

Sẽ không trở lại

Ngày 16/4 vừa qua, tại Hàn Quốc, xảy ra vụ đắm phà thảm khốc và kinh hoàng nhất lịch sử của họ. Chuyến phà Sewol định mệnh chở 476 người bao gồm các học sinh cấp III, thầy cô giáo, phụ huynh và hành khách đi từ Incheon tới đảo Jeju bất ngờ bị chìm giữa biển cả.

Cho đến nay thông tin xác nhận có 121 người thiệt mạng, hơn 181 người còn mất tích, chỉ trên 100 người được cứu thoát, trong số đó có 1 em bé 5 tuổi gốc Việt Nam sống sót. Các thợ lặn và đội cứu hộ hiện đang phải làm việc vất vả để tìm kiếm các thi thể nạn nhân đang chìm dưới lòng biển.

Tại trường trung học Dansan, học sinh viết rất nhiều thông điệp để tưởng niệm và cầu nguyện xin một phép lạ xảy ra rằng bạn bè của mình sẽ trở về bình an vô sự. Một dòng chữ được viết trên cửa sổ rất cảm động: “Nếu gặp lại bạn, mình sẽ nói với bạn rằng mình yêu quý bạn, bởi vì mình vẫn chưa nói đủ điều đó với bạn.”

Đây chỉ là một ước mơ, là sự nối tiếc trước định mệnh nghiệt ngã, trước sự ra đi vĩnh viễn của bạn mình. Làm sao phép lạ đó xảy ra khi thần chết đã cướp mất sự sống của họ. Cũng như số phận của 239 người trong chuyến máy bay MH 370 hãng hàng không Malaisia mất tích gần 2 tháng nay mà không thể tìm được một dấu vết. Ai có thể làm cho họ sống lại và trở về? Không ai trong chúng ta chứng kiến một người nào đó đã chết nay sống lại. Chúng ta chỉ biết cầu nguyện cho các nạn nhân này.

Chuyện rất khác

Câu chuyện trên rất khác với câu chuyện đã xảy ra cách đây hơn 2000 năm mà chúng ta đang tưởng nhớ và cử hành. Đó là chuyện Đức Giêsu thành Nazareth chết sống lại, chuyện thật như bịa, chuyện có một không hai trong lịch sử nhân loại, chuyện quá mới mẽ gây ngạc nhiên đến mức không thể tưởng tượng, không thể tin nỗi!

Quả thế, sau khi thấy thầy Giêsu bị treo trên cây thập giá và chết một cách nhục nhã đau đớn, các Tông Đồ trong đó có Tôma thất vọng và bỏ cuộc. Niềm tin của họ bị khủng hoảng. Chỉ có con đường duy nhất là “về vườn” để kiếm sống. Việc Chúa sống lại là chuyện “động trời”, không ai dám nghĩ tới.

Tuy nhiên, chính Chúa Phục Sinh đã hiện ra với các phụ nữ, với hai môn đệ trên đường Emmaus, và với nhiều Tông Đồ khác khi họ gặp nhau. Trong những lần đó, Tôma (biệt danh là Điđimô) không có mặt. Họ kể lại: “Chúng tôi đã được thấy Chúa” (Ga 20,22). Nhưng Tôma vẫn không tin nếu không trực tiếp nhìn thấy các dấu đinh của Người” (x. Ga 20,24). Tám ngày sau, họ lại họp nhau và có Tôma ở đó. Chúa hiện ra và tỏ cho ông thấy các dấu đinh. Tôma mới tin và tuyên xưng: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” (20,29).

Qua biến cố Phục Sinh, chúng ta rút ra những ý nghĩa sau đây:

1. Việc Chúa Giêsu chết bày tỏ tình thương vô bờ bến của Thiên Chúa. Còn việc Chúa sống lại minh chứng quyền năng cứu độ của Người. Thiên Chúa chiến thắng sự dữ và thần chết. Nhờ sự vâng phục, Đức Kitô được Thiên Chúa Cha siêu thăng, tặng ban danh hiệu là “Đức Chúa và là Đấng cứu độ duy nhất và phổ quát” của nhân loại. Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ cho chúng ta (x. Cv 4,12).

Vì thế, trong Thông Điệp Dives in Misericordia, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói: “Chúa Giêsu Kitô bị hành hạ và chịu đau khổ vì xót thương chúng ta, thật quá mọi mức độ có thể tưởng nghĩ được. Cả sau biến cố Phục Sinh của Con Thiên Chúa, Thập Giá nói lên và không ngừng nói về Thiên Chúa là Cha, Ðấng tuyệt đối trung thành với tình thương muôn đời của Người đối với con nguời. Tin vào tình thương này có nghĩa là tin vào lòng nhân từ của Thiên Chúa” (số 7).

2. Đức Kitô sống lại cũng cố niềm tin cho các môn đệ và cho chúng ta. Như thánh Phaolô quả quyết: “Nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng” (1Cr 15,14). Nếu Chúa không sống lại, sẽ không có Giáo Hội và không có cộng đoàn chúng ta như hôm nay.

3. Đức Kitô Phục Sinh là sứ giả của Lòng Thương Xót Chúa, Người mang đến cho các môn đệ và cho chúng ta những ân huệ mới: Đó là sự bình an, Chúa Thánh Thần và ơn tha thứ.

Vì thế, mỗi lần Chúa hiện ra đều nói: “Bình an cho anh em” (Ga 20,21). Có Chúa Phục Sinh là có sự bình an. Có bình an là có tất cả. Sự bình an này rất quý giá giúp ta được vững vàng trước mọi gian nan thử thách.

Đức Giêsu thổi hơi và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,22). Chúng ta nhớ lại, khi sáng tạo nên con người, Thiên Chúa thổi hơi vào Adam, nhờ đó ông có sự sống. Đấng Phục Sinh thổi hơi và ban Thánh Thần cho Giáo Hội. Đây là cuộc tạo dựng mới. Chúa Thánh Thần là quà tặng của Đấng Phục Sinh. “Thổi hơi và ban Thánh Thần” là ban cho Giáo Hội sự sống mới, sức mạnh mới.

Đấng Phục Sinh còn sai Giáo Hội đi và ban cho quyền tha tội: “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha” (Ga 20,23). Tha thứ là dấu chỉ của Lòng Thương Xót vô bờ bến của Chúa, được thể hiện qua bí tích Hòa Giải.

Những sứ giả lòng Thương Xót Chúa

Một ngày nọ, Chúa Giêsu đã nói với nữ tu Faustina Kowalska, sứ giả của lòng thương xót, rằng: “Nhân loại sẽ không có hòa bình cho đến khi biết tin vào Lòng Thương Xót của Chúa” (Nhật Ký, 300). Ôi Lòng Thương Xót của Chúa! Đây là tặng phẩm Phục Sinh mà Giáo Hội nhận từ Đức Kitô Phục Sinh và trao ban cho nhân loại ngay khi khởi đầu thiên niên kỷ thứ ba. Mầu nhiệm của Lòng Thương Xót đã thay đổi tận gốc số phận của nhân loại.

Nơi thập giá, Trái Tim của Chúa Kitô đã trao ban tất cả cho con người: ơn cứu độ, sự thánh hóa, ơn tha thứ. Từ Trái Tim Chúa tuôn tràn sự dịu dàng, mà thánh nữ Faustina thấy phát ra hai tia sáng chiếu tỏa thế gian. Theo lời Chúa giải thích cho thánh nữ: “Hai tia sáng nầy tượng trưng cho máu và nước”. Máu nhắc lại hy tế trên đồi Golgotha và mầu nhiệm Thánh Thể; còn nước, theo hình ảnh phong phú của thánh sử Gioan, là bí tích Rửa Tội và hồng ân Chúa Thánh Thần (x. Ga 3,5; 4,14). Những tia sáng từ lòng nhân từ Chúa ban là niềm hy vọng đặc biệt cho những ai cảm thấy mình bị đè bẹp dưới gánh nặng của tội lỗi.

Mỗi Chúa Nhật đều là Chúa Nhật của Lòng Thương Xót Chúa. Mỗi bí tích là bí tích của Lòng Thương Xót Chúa. Mỗi thánh lễ là thánh lễ của Lòng Thương Xót Chúa. Bởi vì, nơi đó tại hiện cuộc tử nạn và phục sinh của Đức Kitô để đền bù tội lỗi của chúng ta và toàn thế giới. Anh chị em được mời gọi hãy chạy đến với Chúa Giêsu Thánh Thể để tận hưởng lòng thương xót Chúa. Anh chị em hãy đến với bí tích Hòa Giải để lãnh nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa. Nếu có ai cảm thấy mình quá yếu đuối và đầy tội lỗi, hãy nhớ đến Lòng Thương Xót Chúa bao giờ cũng lớn lao hơn tội lỗi chúng ta. Chỉ có Lòng Thương Xót Chúa cho ta hy vọng chỗi dậy và tiến bước. Anh chị em hãy tín thác vào Chúa, đừng bao giờ sợ hãi, đừng bao giờ thất vọng!

Hôm nay, tại Rôma, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ tuyên phong hiển thánh cho hai vị Giáo Hoàng nổi tiếng là Đức Gioan XXIII và Đức Gioan Phaolô II. Các ngài quả là những vị thánh Giáo Hoàng của Lòng Thương Xót Chúa đối với thế giới và đối với Việt Nam. Noi gương các ngài, tất cả chúng ta được mời gọi trở thành những sứ giả của Lòng Thương Xót Chúa cho những người xung quanh.

Lạy Chúa, nhờ sự chết và sự sống lại của Chúa, Chúa đã mạc khải tình yêu của Thiên Chúa Cha cho chúng con, chúng con tín thác vào Chúa, chúng con lặp lại ngày lúc này với xác tín rằng: Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa, xin thương xót chúng con và thế giới. Amen!
 
Đêm Canh Thức Tạ Ơn và Cầu Nguyện tại Sydney.
Diệp Hải Dung
12:44 26/04/2014
Tối thứ bảy 26/04/2014 rất đông đủ giáo dân trong Cộng Đồng đã đến Trung Tâm Hành Hương Thánh Mẫu Bringelly tham dự đêm Canh Thức Tạ Ơn Cầu Nguyện chuẩn bị mừng kính ngày Đại Lễ Lòng Chúa Thương Xót và tôn phong hiển Thánh cho 2 vị Giáo Hoàng Gioan XXIII và Gioan Phaolô II.

Hình ảnh

Trước khi khai mạc, mọi người xem trình chiếu về tiểu sử của hai vị Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII và Gioan Phaolô II. Sau đó Cha Tuyên úy Trưởng Phêrô Dương Thanh Liêm làm phép 2 di ảnh của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII và Gioan Phaolô II đồng thời cung nghinh Thánh Giá và di ảnh 2 vị vào trong hội trường trung tâm an vị trên bàn thờ.

Cha Tuyên úy Trưởng chào mừng tất cả mọi người đã không quản ngại đường xa đêm tối đã đến Trung Tâm tham dự đêm Canh Thức Tạ Ơn Cầu Nguyện, sau đó Cha cùng với Cha Nguyễn Hồng Anh từ tiểu bang Melbourne hiệp dâng Thánh lễ.

Kết thúc Thánh lễ là phần nghi thức diễn nguyện Chầu Thánh Thể Chúa Giêsu KiTô do quý Sơ Dòng Trinh Vương điều hợp. Tất cả mọi người đều thinh lặng hướng về Thánh Thể Chúa đồng thời các bạn trẻ tiến dâng những biểu tượng của 2 vị Giáo Hoàng đặt trước Thánh Thể Chúa gồm có: Dây Pallium (Stola) Chén Thánh, Thánh Giá, Chuỗi Mân Côi và Sách Kinh Nhật Tụng. Kế tiếp mọi người xem lại cuộc trình chiếu Lễ an táng của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và mọi người cùng thắp lên ngọn nến dâng tiến lên bàn thờ hai vị Thánh Giáo Hoàng với lòng thành kính.

Sau đó là các hội đoàn đoàn thể trong Cộng Đồng đều đến Chầu Thánh Thể Chúa Giêsu KiTô, canh thức và cầu nguyện suốt đêm.
 
Đại lễ kính lòng Chúa Thương xót tại Nhà thờ Corpus Christi Melbourne Úc Châu
Trần Văn Minh
16:34 26/04/2014
Cộng đoàn họp mừng Đại lễ Lòng Chúa Thương Xót
Lm Đinh Trung Hòa SJ giảng thuyết
Đức Cha Vincent Nguyễn Văn Long chủ sự cuộc rước kiệu
Đức Cha Vincent Nguyễn Văn Long giảng thuyết
Đại lễ kính lòng Chúa Thương xót tại Nhà thờ Corpus Christi Melbourne Úc Châu

Melbourne, vào lúc 2 giờ chiều thứ Bảy 26/4/14. Tuần thứ Hai mùa Phục Sinh. Tại Nhà thờ Corpus Christi Cộng đòan Công Giáo Việt Nam trong khu vực đã long trọng mừng kính Đại lễ Lòng Chúa thương xót một cách trọng thể.

Với chủ đề “Phúc cho ai có lòng thương xót.” Mở đầu cho ngày lễ trọng đại là bài thuyết giảng của linh mục Martin Đinh Trung Hòa SJ, Giáo sư Tiến sĩ Thần học luân lý (Jesuit Theological College Melbourne.) Với đề tài: “Lòng Chúa thương xót: Suối nguồn ân sủng.”

Có mấy câu hỏi mà linh mục giảng thuyết đặt ra cho chúng ta tự vấn mình nguyện xin mở mạch nước nơi tâm hồn con. Để tìm xem những gì gây bế tắc như: Sợ Chúa, thiếu lòng tin Chúa. Lòng vị kỷ, coi mình là trung tâm thế giới. Kiêu căng, ghen tỵ, ham quyền lực, Tham lạc thú.. là căn nguyên của tội lỗi vv.

Đúng 3 giờ, Đức Cha Vincent Nguyễn Văn Long đã đặt mình Thánh Chúa trong mặt nhật và cùng với cộng đòan quỳ chầu Lòng Chúa thương xót một cách rất trọng thể. Mỗi chục chuỗi là một bài suy niệm cùng với những bản thánh ca được ca đòan hát lên trong niềm cung kính suy tôn và cảm tạ suối nguồn ân sủng mà Thiên Chúa đã trao ban cho cộng đòan, mỗi gia đình và từng người con Chúa.

Sau phần chầu Lòng Chúa thương xót, mọi người được mời nghỉ giải lao uồng nước 15 phút trước khi tiếp tục nghe phần giảng thuyết thứ 2 do Linh mục Vinh Sơn Trần Trí Tụê Dòng Chúa Cứu Thế thuyết giảng. Các chủ đề thuyết giảng hôm nay đều giúp cho cộng đòan hiểu thêm về Lòng Chúa thương xót.

Thời tiết buổi chiều vẫn tốt đẹp để buổi rước kiệu Ảnh Chúa thương xót do Đức Cha Vincent và các cha, cùng cả cộng đòan cung nghinh đi trong khuôn viên của nhà thờ.

Cuối cùng, Thánh lễ đồng tế được Đức Cha Vincent Nguyễn Văn Long chủ tế cùng với quý cha Martin Trung Hòa, Vinh Sơn Trí Tụê và linh mục Xưa đồng tế. Sau lời cám ơn của vị đại diện là phép lành với ơn Đại xá cho những người có lòng thành kính tham dự thánh lễ Lòng Chúa Thương xót, có xưng tội rước lễ được hưởng ơn này.

Melbourne 26/4/14.

Trần Văn Minh.
 
Những cảm nghiệm và những lần gặp gỡ của tôi với ĐGH Gioan Phaolô II
LM Gioan Trần Công Nghị
20:36 26/04/2014
Sắp đến ngày tuyên thánh cho Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolo II, nên có số báo, đài, cũng như một số người quen biết hỏi cảm tưởng và kinh nghiệm của tôi với Ngài như thế nào, vì biết tôi đã du học bên Roma và có ít lần được gặp Ngài, nên tôi ghi lại vấn tắt một vài cảm nhiệm như sau:

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II hay Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị, tên khai sinh của Ngài là Karol Józef Wojtyła. Ngài sinh ngày 18 tháng 5 năm 1920 tại Wadowice, miền nam Ba Lan, Ngài lên ngôi Giáo hoàng vào ngày 16 tháng 10 năm 1978. Ngài là vị Giáo Hoàng thứ 264 của Giáo Hội Công Giáo Rôma và là người lãnh đạo tối cao của Vatican. Triều đại của Ngài đã kéo dài hơn 26 năm cho đến khi qua đời vào ngày 2 tháng 4 năm 2005, hưởng thọ 84 tuổi.

Ngài được tạp chí TIME bình chọn là một trong bốn người có ảnh hưởng lớn nhất thế kỷ 20 và cả những năm đầu thế kỷ 21.

Hầu như suốt cuộc đời linh mục của tôi sống dưới triều đại Giáo hoàng của Ngài nên đã để lại những dấu ấn không phai mờ. Đặc biệt là trong một số lần sang Roma được gặp gỡ Ngài khi thì riêng khi thì với phái đoàn hành hương, hay trong tổ chức Đại hội, v.v…, nhất nữa là từ khi khởi sự trang Web VietCatholic là trang báo điện tử đầu tiên bằng tiếng Việt nam gần 20 năm trước đây, vì do nhu cầu cần phải dịch các bài diễn văn, bài giảng, hay các huấn từ của Ngài, các tin tức từ Vatican nên cá nhân tôi được làm quen với linh đạo, huấn từ, hoạt động, các chuyến tông du của Ngài, và bị ảnh hưởng sâu rộng về lối sống và cuộc đời của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II rất nhiều.

  • Những chuyến tông du của Ngài đến 129 quốc gia đều đã được VietCatholic tường trình chi tiết củng với các sinh hoạt, gặp gỡ, diễn từ và hình ảnh. Không thể tóm luợc lại trong vài trang những sinh hoạt đa dạng và nổi bật của Vị Giáo Hoàng tong du nhiều nhất thế giới và đã ảnh hưởng sâu rộng tới biết bao nhiêu người – cả Công Giáo cũng như không Công Giáo.
  • Ngài là vị Giáo Hoàng đầu tiên công khai xin lỗi về những lỗi lầm của Giáo Hội trong quá khứ. Ngài cũng là vị Giáo Hoàng đầu tiên đứng ra hòa giải với Chính Thống Giáo Đông Phương, Do Thái Giáo và Anh giáo.
  • Ngài là vị Giáo Hoàng đầu tiên đứng ra tổ chức cuộc gặp gỡ với các lãnh đạo của các tôn giáo khác như Phật Giáo, Khổng Giáo, Chính Thống Giáo Đông Phương, Do Thái Giáo, Hồi Giáo và Cao Đài.
  • Phái đoàn Liên Tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ gồm có: Phật giáo, Hòa Hảo, Cao Đài, Tin Lành và Công Giáo cũng đã được mời sang Roma tham dự Ngày Họp Liên Tôn thế giới cùng với các vị lãnh đạo tôn giáo Việt Nam khác đến từ các quốc gia Âu châu, họp tại Văn Phòng Phối Kết Tông Đồ Việt Nam hải ngoại.
  • Ngài là vị Giáo Hoàng đầu tiên tổ chức ra Ngày Giới Trẻ Thế Giới hằng năm, và cũng là vị Giáo Hoàng đầu tiên đến thăm vùng Thánh Địa Jerusalem.
  • Trong suốt triều đại của mình, Ngài đã lên tiếng phản đối chiến tranh và kêu gọi hòa bình, phản đối chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa cộng sản, chế độ độc tài, chủ nghĩa duy vật, các phương pháp phá thai, thuyết tương đối, chủ nghĩa tư bản và cách thức chết êm dịu.
  • Đức Giáo Hoàng cũng được coi là một trong những nguồn lực dẫn đến sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở Ba Lan và Đông Âu.
  • Tất cả các hoạt động tông đồ, liên tôn, ngoại giao, tôn giáo, xã hội, văn hóa, chính trị của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là những hoạt động tiên tiến và có sức ảnh hưởng vĩ đại, khai nguồn một trang sử mới của Giáo Hội trân ra thế giới bên ngoài. Đây là một kho sử học qúi hóa vô cùng.


Chính trong bối cảnh lịch sử và môi trường thuận lợi như vậy mà tôi được hân hạnh biết và gặp gỡ Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolo II một số lần và coi đó là ân huệ lớn lao trong đời sống linh mục của tôi. Thời còn là chủng
sinh tôi được gửi đi du học tại Đại học Giáo hoàng Urbano nằm trên đồi Gialicono nhìn xuống công trường Thánh Phêrô và được thụ phong linh mục tại Roma vào năm 1971. Sau đó sang Hoa Kỳ học xã hội học ở Fordham University, New York. Tới giữa năm 1976, tôi được Đại học Giáo hoàng Urbano cấp học bổng trở lại học ở Roma để hoàn thành luận án tiến sĩ Thần học. Chính trong thời gian này Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô tới thăm Đại học Urbano, ngôi trường Giáo hoàng này tượng trưng Giáo Hội hoàn vũ thu hẹp, vì nơi đây đại chủng sinh hay linh mục của chừng 60 quốc gia được cấp học bổng đến tu nghiệp, và coi như “trường con cưng của Giáo hoàng”. Ngài không những đến thăm trường mà còn cho ăn một bữa ăn thịnh soạn, gặp gỡ thân tình.

Tuy nhiên, lần gặp thứ hai của tôi với ĐTC Gioan Phaolô II ghi dấu ấn mạnh mẽ hơn nhiều. Khi đó là mùa Hè 1980, sau khi học xong trờ lại Hoa Kỳ, tôi đã tổ chức chuyến Hành hương cho người Việt Nam thăm Thánh địa Do thái, và các nước Âu châu. Trong dịp này, tôi xin cho phái đoàn Hành hương Việt Nam chừng 40 người được gặp ĐTC Gioan Phaolô II. Và chúng tôi đã được toại nguyện. Tại công trường thành Phêrô, Phái đoàn Việt Nam được xếp ngồi trên các ghế danh dự, và sau khi ban huấn từ, ĐTC Gioan Phaolô II đã tiến lại chỗ phái đoàn Việt Nam để thăm hỏi và nói chuyện. Ngài nói “Cha yêu mến Việt Nam, và để trong trái tim Cha, Cha cầu nguyện cho Giáo Hội Việt Nam luôn luôn”. Thật là một nghĩa cử “tình cha con” mà không ai trong phái đoàn nghĩ trước là sẽ được ân huệ này.

Lần gặp thứ ba trong thời gian tôi là thành viên của Ủy ban Phong Thánh Tử Đạo Việt Nam tại Hoa Kỳ. Trước thời kỳ phong thánh gần một năm tức năm 1987, có cuộc họp giữa các linh mục Việt nam đại diện các quốc gia có người Việt Nam định cư và với Đức Cha Nguyễn Minh Nhật khi đó là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam đến Roma để cùng trình bầy về tiến trình Phong thánh cho Đức Thánh Cha. Phái đoàn được Đức ông Trần Ngọc Thụ khi đó làm bí thư riêng Đức Giáo Hoàng dàn xếp, không những được vào tiếp kiến riêng Đức Giáo Hoàng mà ban sáng còn được vào cùng dâng thánh lễ đồng tế với Ngài tại nguyện đường riêng của Đức Giáo Hoàng. Thật là cảm động khi thấy Ngài dâng thánh lễ với tâm tình kết hợp sốt sắng và sâu đậm với Chúa Giêsu Thánh Thể, mỗi cử chỉ, mỗi tâm tình là những ấn tượng khó phai nhòa cho những ai có dịp chứng kiến… Sau đó, trong buổi tiếp kiến Ngài đã đến bắt tay và thăm hỏi từng người cùng trao quà kỷ niệm.

Lần gặp khác với Ngài là chính trong ngày Đại lễ Phong Các Thánh Tử Đạo Việt Nam vào ngày 19.6.1988 tại Vatican. Buổi lễ khó quên với những kỉ niệm trang trọng và qúi mến. Lần đầu tiên có môt số đông người Việt Nam từ khắp năm châu hợp nhau tại Vatican để mừng ngày lễ trọng đại, không những chỉ là ngày thánh cho Việt Nam, và còn là dịp trình bầy những nét văn hóa, tôn giáo, văn nghệ, ca nhạc, lòng đạo hạnh của người Việt Nam cho khắp thế giới qua buổi Đại lễ và trước đó là buổi diễn nguyện cầu nguyện với chiêng trống, dâng hoa và các nét đặc trưng của sinh hoạt Công Giáo Việt Nam. Sau buổ Đại lễ lại có Văn Nghệ và có chính Đức Giáo Hoàng hiện diện để xem các màn trình diễn.

Năm 2002, nhân dịp Văn Phòng Phối Kết Mục Vụ cho CĐCG Việt Nam Hải Ngoại chuẩn bị tổ chức Hội Ngộ Niềm Tin, các vị trong các Ban tổ chức đại diện các quốc gia cũng được gặp Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô lần nữa. Lần này Ngài đã làm phép 6 Thánh Tương Mẹ La Vang do Hội Đồng Giám Mục Việt Nam tặng cho các Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại ở 6 Châu lục.

Rồi đến năm 2003 khi Đại hội Niềm Tin cho người Việt Nam được tổ chức tại Roma, toàn thể anh chị em Công Giáo ở khắp năm châu về Roma trong Đại hội cũng được tiếp kiến Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II lần nữa và Ngài chúc lành cho các Phái đoàn Việt Nam trong thánh lễ tại Đền Thánh Phêrô.

Trên đây là những kỷ niệm khó quên của tôi đối với Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Hai vị Giáo hoàng Gioan XXIII và Gioan Phaolô II đều là những vĩ nhân thế giới, và đặc biệt đối với những người Công Giáo hiện còn đang sống ngày hôm nay, không ít thì nhiều đều là những người đang được ảnh hưởng của 2 vị Giáo hoàng này khai lối và mở ra kỷ nguyện mới cho việc sống đạo ngày hôm nay.

Khi ĐGH Gioan XXIII triệu tập Công đồng chung Vatican II vào ngày 11/10/1962 Ngài có tuyên bố là Ngài muốn mở cánh cửa Giáo Hội ra “để có một luồng không khí tươi mát mới”. Và thực tế là như vậy! Ngài khai mở Công đồng chung, ai cũng ngỡ ngàng… nhưng rồi ai cũng nhìn ra rằng Giáo Hội cần phải được canh tân và nhập cuộc vào thế giới mới và hiện đại ngày hôm nay.

Kế tiếp công trình của Đức Gioan XXIII là ĐGH Phaolô VI. Chính Đức Phaolô VI đã họp với tất cả 2.904 nghị phụ (là Hồng Y và giám mục tham dự Cộng đồng) được mời tham dự. Trừ các vị già yếu, bệnh tật và các vị ở một số nước không được phép đi, 2.449 vị có mặt, đại diện cho 134 nước trên thế giới.

Các Văn kiện và Tuyên ngôn của Công đồng rất quan trọng và ảnh hưởng không những cho đời sống của người Công Giáo trong 40 năm qua mà còn cho cả thế giới. Chẳng hạn như:

• Tuyên ngôn về liên lạc của Giáo Hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo;
• Hiến chế Tín lý về Mạc khải của Thiên Chúa “Lời Thiên Chúa”;
• Sắc lệnh về Tông đồ Giáo dân;
• Tuyên ngôn về Tự do “Phẩm giá con người”;
• Sắc lệnh về Hoạt động Truyền giáo của Giáo Hội “Đến với muôn dân”;
• Hiến chế Mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay “Vui mừng và Hy vọng”.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã ngỏ lời trong một hội nghị ở Vatican vào ngày 27-2-2000 rằng: “Công đồng Vatican II đã cho chúng ta nhiều phần thưởng quý hoá từ 35 năm qua và còn tiếp tục dẫn đưa chúng ta trong nhiều năm kế tiếp. Công việc của Giáo Hội bây giờ là học hỏi những điều đã đề ra trong các văn bản của Công đồng và đem ra thực hành cho có hiệu quả...”

Vì tầm quan trọng này và ảnh hưởng của 2 vị Thánh Giáo hoàng nêu trên mà người Việt Nam khắp nơi đã về Roma trong những ngày này, như hiện diện ghi dấu ấn một biến cố lịch sử, nhất là những người Việt Nam hiện đang sống tại Âu châu.

Ban Truyền thông VietCatholic TV hiện đã có mặt tại Roma do LM Phó Giám đốc VietCatholic là Cha Văn Chi hướng đẫn đã và đang tường trình trực tiếp các sự kiện xẩy ra tại Roma và Vatican. Cùng đi với Cha Văn Chi từ Hoa kỳ có xướng ngôn viên Thanh Thảo và kỹ thuật viên video Peter Nguyễn. Phái đoàn TV VietCatholic lần này đã xin được phép của Phòng Báo Chí Tòa Thánh ghi hình đại lễ và có chỗ dành riêng. VietCatholic đã từng cộng tác với Truyền hình Rome Report từ nhiều năm qua và với Vatican TV trong những biến cố đặc biệt. Lần này còn có thêm sự cộng tác của đài VFace TV.

Để hỗ trợ cho Chương trình TV VietCAtholic và DVD VietCatholic về biến cố Phong thánh 2 vị Giáo hoàng trong 6 tháng qua dưới sự điều động của kỹ sự Đặng Minh An một cuốn DVD về cuộc đời thánh Gioan XXIII đã hoành thành. Kỹ sư Đặng Minh An và các xướng ngôn viên của TV VietCatholic cũng đang làm việc hết mình cho biến cố này.

Ngoài ra còn có các Nhóm dịch thuật các tài liệu chính thức được phát hành từ Vatican về 2 vị Thánh Giáo hoàng đang hoàn tất các văn bản. Và chính tài liệu nghi lễ Ngày Phong Thánh cũng đang được hoàn tất qua tiếng Việt để giúp việc cho độc giả thấu hiểu mọi chi tiết liên quan tới nghi lễ và thánh lễ Phong thánh Gioan XXIII và Gioan Phaolô II.

Sau đại lễ Phong Thánh, VietCatholic dự tính sẽ phát hành 3 cuốn DVD về Lễ Phong Thánh để những ai không có cơ hội chứng kiến tận mắt được có tài liệu tham khảo và chiêm ngưỡng những kì công mà Thiên Chúa đã thực hiện nơi 2 vị thánh mới của Giáo Hội:

1. Cuộc đời ĐGH Gioan Phaolô II
2. Cuộc đời ĐGH Gioan XXIII
3. Lễ phong thánh Gioan XIII và Gioan Phaolô II


Những ai đã từng xem DVD của VietCatholic đều công nhận hình ảnh rõ ràng và chất lượng, tài liệu phong phú và xác thực, trình bầy và quảng diễn chuyên nghiệp. Được thực hiện một cách nghiêm chỉnh và với ý thức trách nhiêm đạo đức tôn giáo hầu đáp ứng mong mỏi của qúi vị khan thính giả đã yêu mến và ủng hộ VietCatholic trong nhiều năm qua.
 
Thông Báo
Ai Tin: Anh Anphonsô Phạm Văn Hiệp , một cộng sự viên đắc lực của Vietcatholic và Dân Chúa Úc Châu vừa an nghỉ trong Chúa
Văn Hóa
Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II - một nhà thơ kiệt tác
Văn Duy Tùng
19:32 26/04/2014
TÁC PHẨM, TÁC GIẢ VÀ NGƯỜI DỊCH THƠ

Ngày 27 Tháng 04, Năm 2014 sắp tới đây, Hội Thánh sẽ tôn phong hiển thánh cho Đức Thánh Cha Gioan Phao Lô Đệ Nhị.

Con người, cuộc sống, lòng đạo đức, thánh thiện, nhân cách, tinh thần làm việc và cách lãnh đạo Giáo Hội của ngài... Cả thế giới đã rõ, đã biết, đã tường tận, nhất là lòng kính trọng, khâm phục, ngưỡng mộ và kính mến, không những thế mà còn rung cảm thương cho cuộc đời của ngài từ khi còn là một cậu bé mồ côi mẹ, rồi lớn lên đi lao động, đi quân dịch, cũng mang ba lô, đội nón sắt... hiên ngang bảo vệ quê hương. Hết nghĩa vụ quân ngũ, ngài lên đường theo tiếng gọi lương tâm, vào chủng viện đi tu, làm linh mục, giám mục, Hồng Y, làm giáo hoàng và giờ đây, ngài đang chuẩn bị làm thánh cho chúng ta. Cả loài người thiên hạ sẽ gọi và tuyên xưng ngài là Thánh Nhân.

Bắt đầu năm phụng vụ 2015 và mãi đến suốt đời, Hội Thánh Công Giáo sẽ có và dành riêng một ngày đặc biệt trong năm, và Giáo Hội khắp nơi trên Hoàn vũ sẽ mừng lễ kính vị Thánh Gioan Phao Lô II này trong ngày đó.

Nói và viết về ngài, có lẽ với tôi và cả với bạn nữa sẽ rất dè dặt, vì quả thật ngôn ngữ giới hạn của chúng ta không đủ để diễn đạt trong khi sự nhân đức và thánh thiện của ngài thì quá bao la và cao cả. Có nhiều người đã nói, đã viết về ngài, về vị thánh sống từ khi ngài còn nơi dương thế. Vâng, cả thế giới này đã thực hiện và làm những điều đó mỗi ngày ròng rã suốt gần bốn mươi năm qua bằng nhiều hình thức qua các phương tiện truyền thông và báo chí, trên các trang mạng kể từ khi ngài được bầu làm giáo hoàng năm 1978 rồi mãi đến khi ngài qua đời, và vẫn còn khơi dậy cho đến hôm nay. Tôi tin tưởng ảnh hưởng của ngài sẽ còn rộng lớn hơn trong tương lai và sẽ mãi mãi trong dòng chảy của kiếp nhân sinh.

Thánh nhân Gioan Phao Lô Đệ Nhị đã đi vào lòng lịch sử của Thế giới, của Giáo Hội Công Giáo và bất biến trong lòng kính yêu, trong mỗi trái tim của người tín hữu hiện diện khắp nơi trên quả địa cầu này.

Tuy nhiên, có lẽ bạn và tôi sẽ không biết đến về một lĩnh vực rất riêng của ngài mà theo Đức Cha Giáo Phận Bắc Ninh Cosma Hoàng Văn Đạt nghiên cứu và tìm hiểu rằng, Ngài là một trong bảy nhà thơ lớn của nền văn học nước Ba Lan. Và hôm nay Giáo sư Phanxicô Lê Đình Thông đã khổ công nghiên cứu, chuyển ngữ, rồi dịch thơ của thánh nhân lại bằng tiếng Việt Nam của chúng ta, một ngôn ngữ mẹ đẻ rất gần gũi bên cạnh như hơi thở, như cơm với cá, như mẹ với con, thì có thể tôi chưa biết trọn vẹn đến ngài.

Qua tập thơ của Đức Thánh Cha Gioan Phao Lô II đã được vị giáo sư này dịch lại mà tôi nhận được từ một anh nhạc sĩ bạn. Tôi lắng đọng tâm hồn để đọc từng chữ, từng câu, từng ý tưởng và lần lượt từ bài này qua bài khác. Dòng thơ ấy đã lôi cuốn tôi vào một tri thức của chữ nghĩa và của văn chương, dẫn tôi đến bến bờ không phải là sự trừu tượng mà thực thể cho tôi được cảm, được nhận và biết thêm về cuộc sống đời thường với tình cảm sâu kín rất thật, rất giản dị nơi con người của thánh nhân.

Bài thơ "Mẹ Ơi" (Trích đoạn I) của ngài. Qua một góc nhìn với một lăng kính giới hạn nào đó, tôi thấy được tình cảm của ngài đối với người mẹ của mình, một thứ tình cảm luôn dạt dào nhưng luôn khắc khoải và lắng sâu. Ngài không thể che dấu niềm đau vật vờ và nỗi chua xót thiếu thốn người mẹ trong đời sống.

Chúng ta có thể tưởng tượng và nhìn ra được cuộc đời đơn côi của một đứa bé bị mất mẹ, với những tháng ngày ngỏ vắng, dại khờ, với lờ mờ sớm trưa mà ngài phải gánh lấy trong quãng đời thơ dại đó. Tựa đề bài thơ này chỉ vỏn vẹn có mỗi hai chữ "Mẹ Ơi". Vâng, chỉ có hai tiếng giản dị đó thôi cũng đủ cho chúng ta thấy được sự khao khát tình mẫu tử nơi ngài, khao khát của môt đứa bé luôn cần có mẹ bên cạnh để được chở che và vỗ về, được gọi "mẹ ơi" bất cứ khoảnh khắc nào trong đời sống từ khi bé thơ và thậm chí đến khi đã khôn lớn. Nhưng quả thật, ngài đã bất hạnh vì không được gọi hai tiếng thiêng liêng đó. Hai tiếng gọi đầu đời trên môi của em bé mà không một ai hướng dẫn, không một trường lớp nào dạy dỗ, chỉ bảo. Chỉ có Thượng Đế mới gắn chặt tình mẫu tử thiêng liêng đó ngay từ những giây phút phôi thai khi đứa bé được thụ thai, rồi nên hình, nên dạng trong dạ lòng của người mẹ.

Tôi nghĩ rằng: hơn ai hết, dịch giả Giáo sư Lê Đình Thông đã thẩm thấu và cảm nhận điều sâu xa về cuộc đời thiếu thốn tình mẫu tử của thánh nhân, để chọn và dịch lại hai tiếng "Mẹ Ơi" rồi đặt tên làm tựa đề cho bài thơ này.

Hãy điểm qua một vài câu thơ của ngài được chuyển ngữ và dịch thơ lại sau đây: "Dòng đời trôi nổi bấp bênh, qua bao năm tháng lênh đênh nổi sầu. Mẹ tôi mất cũng đã lâu, làm sao quên được niềm đau vật vờ...." Thế đó! Ôi tình cảm thật chân thiết đã in sâu vào tâm trí, trong tiềm thức của ngài mà khi đọc qua, có lẽ chúng ta không ngăn chặn được cái nghèn nghẹn co thắt đâu đó trong tim, và có thể giọt lệ đang làm ta cay mắt và chực ứa trào. Chưa hết, bài thơ "Hoa Trắng" cũng là một kiệt tác về văn chương nhưng cũng rất đậm sâu về tình cảm mà tác giả đã diễn tả như tiếng kêu rên rỉ âm thầm, xót đau trong lòng của một đứa bé mất mẹ.

Bài thơ Hoa Trắng này đã thật sự dẫn đường tôi đến để nhìn thấy ngôi mộ của mẹ thánh nhân. Tôi tin chắc ngôi mộ này rất đơn sơ và có thể lót đá hoặc quét vôi trắng nằm chênh vênh, đơn độc ở một góc chân trời nào đó mãi tận nước Ba Lan. Bài thơ này đã cho tôi cảm nghiệm thêm nổi buồn, xót xa, qua những năm tháng trong từng giây phút trống vắng, lạc lõng, đơn côi giữa dòng đời mà thánh nhân đã đối diện và sống trong hoàn cảnh mất mẹ từ khi ngài còn rất nhỏ bé, khoảng tám chín tuổi nếu người viết nhớ không lầm.

Tôi đây cũng đã mất mẹ, mới mất cách đây bốn năm thôi và mất khi tôi đã là năm mươi tuổi. Vâng, năm mươi tuổi mà mất mẹ thì cũng xem như đã vững chân đứng trong dòng đời ngược xuôi, tự lo và xoay xở và tự sống còn về thể lý. Tuy nhiên và mặc dù thế, trong tôi vẫn luôn cảm nhận được sự đau xót, thương tiếc, đơn côi, bơ vơ, lạc lõng đến thế nào ấy, nhất là khi tôi thất thểu bám sau quan tài để tiễn đưa mẹ tôi xuống lòng huyệt. Dòng lệ và dòng suy tư đã làm tôi ý thức được là kể từ nay tôi sẽ không còn mẹ trong cuộc đời, sẽ không bao giờ được gần bên mẹ, được gọi tiếng mẹ ơi khi cần đến, khi đau khổ hay hoạn nạn để được mẹ ủi an, khi hạnh phúc hay khi sướng vui để kể cho mẹ mừng, khi thất bại hay công thành danh toại để chia sẻ với mẹ... Với những cảm nhận chia ly và mất mát của tôi đó, thì huống gì sự đau đớn, chua xót và đơn côi đối với một đứa bé mới lên tám tuổi thì niềm đau sâu thẳm đến chừng nào ? Làm sao và có thể đứa bé tự định hướng được trong cuộc đời ?.

Những đau xót và thương tiếc của thánh nhân được diễn tả qua các vần thơ trong bài Hoa Trắng, đã thật sự dao động trong tâm hồn tôi, đã làm tôi phải chảy nước mắt khóc thương nhớ đến mẹ của tôi mà giờ đây ngôi mộ và thân xác của mẹ cũng đang nằm cô quạnh dưới lòng đất lạnh: "Mẹ tôi mộ đá trắng ngần, nở bông hoa trắng xoay vần đời con. Vành tang mất mẹ mỏi mòn, bao năm xa cách một lòng nhớ thương. Mẹ tôi mộ trắng xót thương, tình yêu hoa trắng còn vương cõi trần, Mẹ tôi mộ vắng vấn vương..." (Bài thơ Hoa Trắng).

Hãy dành thời gian để đọc hai muơi lăm bài thơ của ngài, rồi thả dòng suy tư về đời sống và con người của thánh nhân. Ngoài các nhân đức và đời sống thánh thiện, ngài còn có lòng đặc biệt yêu quê hương và đất nước của mình. Có hai câu nói mà ngài đã nói và đã để lại cho chúng ta thấy được lòng yêu nước, yêu quê hương, thương giống nòi thật mãnh liệt ở trong trái tim của ngài.

Trong thời gian làm Giáo hoàng, ngài đã thẳng thắn và can đảm nhưng rất chân thành bày tỏ lòng yêu nước của mình. Ngài nói: "Dù là một vị Giáo hoàng, nhưng tôi vẫn có trái tim để yêu quê hương và đất nước của tôi". Ngài còn khẳng định lòng yêu quê hương và muốn bảo vệ cho đồng bào dân tộc của mình qua câu nói sau đây: "Tôi sẽ cởi áo giáo hoàng để về bảo vệ và chiến đấu nếu Liên xô hay một quốc gia nào đó tiến quân xâm lược đất nước tôi".

Ngày đắc cử ngôi vị Giáo hoàng và đứng trên ban lơn, ngài cất tiếng chào mừng và chúc bình an cho mọi tín hữu. Ngoài lời chào mừng và chúc bình an đó, ngài đã dùng một đoạn ngắn của Thánh Mathêu trong Phúc âm để nói với dân chúng: "Các con đừng sợ !" Một câu nói ngắn ngủi ấy thôi, thế mà sau này đã làm tan rã các thế lưc tà quyền và những mưu mô của thế tục. Vì "Các con đừng sợ" nên người dân Đông Đức đã mạnh dạn hiên ngang đứng dậy dùng búa thẳng tay phá sập bức tường ô nhục Bá Linh năm 1989 để vượt qua Tây Đức tìm lại bà con, gia đình, tìm lại tự do mà sau bao nhiêu năm nằm sợ sệt vì phải bị bức tường ngăn cách dòng máu lưu thông trong huyết quản từ một người Mẹ chỉ vì ý thức hệ và lòng tham bá chủ của những đứa con cứng đầu, ngổ nghịch, tham lam và khó dạy ! "Các con đừng sợ", ngài cũng đã lập lại một lần nữa trong kỳ Đại Hội Giới Trẻ như để nhắc nhở những thế hệ trẻ sau này đừng sợ mà hãy mạnh dạn chiến đấu với nền văn hóa của sự chết, văn hóa của bóng tối và của tội lỗi...

Lòng yêu quê hương và đất nước của ngài có thể diễn tả qua người diễn viên nơi sân khấu cuộc đời "Quanh ta có biết bao người, tác phong chín chắn nói cười thong dong. Ta như thác nước xuôi dòng, mà không hổ thẹn tấm lòng sắt son..." (Bài thơ Diễn Viên).

Dù là một vị Giáo hoàng cao trọng, nhưng tôi nghĩ ngài rất gần gũi với người chân lấm tay bùn, người thấp cổ bé miệng. Từ người lao công của hầm mỏ, đến những công nhân lao động chân tay như: xẻ đá, đục, gõ, cưa, bào, và những giọt mồ hôi. "Dùng bàn tay chai đá nứt làn da. Giơ búa cao đập tan bao tảng đá. Đá chẻ ra bao ý nghĩ mặn mà. Nhờ chịu khó ta làm nên tất cả..." Vâng, thơ hay mà người dịch thơ cũng tuyệt vời và khéo léo. Nhưng hình như chúng ta đang nghe có tiếng thở dài mệt nhoài và thấy những giọt mồ hôi nhễ nhãi, lấm tấm trên khuôn mặt và ướt đẫm trên chiếc áo lao động của ngài. "Người thợ điện nghỉ ngơi cơn gió mát, xẻ non cao đào sông rạch xa gần. Bác nông phu phơi lúa chín ngoài sân, bầy con nít nắm tay nhau ca hát..." (Bài thơ Xưởng Thợ).

Gần gũi nhất là tác giả vẽ cho ta một bức tranh, trong đó có hình ảnh sống động của bác nhà nông, con trâu với đồng lúa, với ánh sáng mặt trời đang chiếu dọi trên đồng ruộng. Cho ta thấy bác phu đang cầy cấy mà có thể bác phu đó cũng chính là ngài với những mong ước rất chi là bình thường và giản dị... Sự mong đợi từ những cây mạ non khi vừa ươm xuống lòng ruộng, rồi từng ngày chăm bón ngóng chờ được nẩy mầm, niềm sung sướng khi thấy lúa trổ đòng đòng, thỏa lòng khi được mùa gặt bội thu, hát câu ca vang trên con đường đê, khấp khởi hân hoan kê vai quẩy gánh thóc về.

Hãy nhìn vào bức tranh, để thấu và cảm nhận được lòng ngóng trông của bác nhà nông: "Ánh mắt nào con mong còn đợi, mau đến mùa lúa mới đơm bông. Cấy cầy vất vả nhiều công, mong sao mưa thuận, cầu mong gió hòa..." (Bài thơ Mùa Lúa Mới).

Tôi nghĩ thánh nhân khi đương thời đã có cái nhìn rất thực tế về Nhân Sinh Quan. Ngài không bao giờ bi quan mà luôn có tinh thần lạc quan trong mọi tình huống nơi đời sống. Đặc biệt nơi ngài là sự quan tâm đến những người chung quanh và lòng xót thương khi gặp người bị nạn.

Nếu giả sử ngài không phải là vị giáo hoàng mà tôi chỉ biết và tìm hiểu sau khi đọc các vần thơ, tôi sẽ thấy nơi ngài có lòng thương người và rất quan tâm những ai bên cạnh dù thời gian eo hẹp và dù có bận rộn trong đời sống. "Tâm trí ta mệt nhoài tim bấn loạn, khu phố đông người qua lại vội vàng. Lời dặn dò nghe đó đây loáng thoáng, chớ bỏ qua rồi ra sẽ muộn màng..." (Bài thơ Tiếng Thầm).

Trong cuộc sống và dòng đời vội vã, có lẽ bạn và tôi không dành thời gian nhiều để quan tâm người bên cạnh, mà thật ra người nào cũng có liên quan trong đời sống của chúng ta bằng cách này hay cách khác. Từ người láng giềng, hàng xóm đến những bạn bè, những người Thầy, người Cô dạy dỗ ta, những người cùng mang một dòng máu đỏ da vàng, thâm chí đến những người thân trong gia đình... thử hỏi có mấy khi ta mở lời chào và thăm hỏi hay quan tâm đến đời sống và sức khỏe của họ thật lòng ? Xã hội và môi trường bây giờ có xu hướng về chủ nghĩa cá nhân, họ không còn cái xót thương và lòng trắc ẩn khi gặp người bị hoạn nạn hay thiếu may mắn trong đời sống, thậm chí nghoảnh mặt hay vô tâm để rồi phải sảy ra "những điều trông thấy mà đau đớn lòng" (Nguyễn Du).

Cách đây không lâu bên nước Trung Quốc, có một em bé bị xe cán và bị thương khá nặng khi băng qua đường. Biết bao người qua lại đã nhìn thấy em bé tội nghiệp đang nằm dẫy dụa với các vết thương, nhưng tất cả đều vô tâm mặc dù con phố luôn tấp nập và đông người. Có lẽ vì bận rộn chạy cho kịp cuộc sống để rồi không một ai chịu cúi xuống ra tay giúp đỡ hoặc đưa em bé đi bệnh viện, hoặc băng bó vết thương cho em. Cuối cùng vì kiệt sức bởi máu ra quá nhiều và em đã nhắm mắt lìa trần chết tất tưởi một cách thê thảm và oan uổng. Khi chết rồi, xác em cũng nằm trên góc con phố đó đến chiều tối cũng không có một ai màng đến.

Em nhắm mắt lìa trần nhưng có mở được mắt lương tri cho những người dân cùng mang dòng máu với em trên con phố nào đó ở bên Trung Quốc ? Em nhắm mắt chết tất tưởi, nhưng tôi tin em đã mở mắt loài người trên thế giới để họ nhìn thấu rõ những con người đó đã đánh mất hết lương tâm, chai lì lòng trắc ẩn, coi thường tình người, mất tính nhân bản mà hậu quả là do sự nhồi nhét một thứ chủ nghĩa lạc hậu, lỗi thời, một thứ chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa cá nhân.

Nếu bạn lên youtube mà người Việt Nam đã đưa lên. Hãy mở xem những cảnh người lớn đánh nhau trên đường phố, trong trường học với các học sinh, thậm chí các học sinh nữ. Biết bao người đứng xung quanh chỉ để xem mà không hề chịu vào để can ngăn và giúp kẻ yếu được thoát nạn. Họ quá dửng dưng như thể con tim và lương tâm của họ không còn một chút xót thương và rung cảm của đồng loại.

Hãy nghe lời khuyên của thánh nhân: "Đừng nhìn nhau vẻ hời hợt bề ngoài, đến bên nhau trong sâu lắng khôn nguôi..." (Bài thơ Tiếng Thầm)

Vì chủ nghĩa cá nhân đã che lấp cái tình nghĩa con người, xem vật chất là trên hết. Văn hóa của bóng tối và văn hóa của sự chết đã làm tắt nghẽn dòng máu loài người, bóp chết trái tim biết rung cảm và xót thương, đóng cửa và nhốt lý trí lại nơi hàng rào trong bức tường ích kỷ, làm cho kém đi sự nhận thức và lu mờ để không còn có khả năng biết được những "cái đẹp sẽ cứu rỗi thế giới". Hậu quả là biết bao cảnh đau lòng sảy ra trên thế giới từ chiến tranh chết chóc, khủng bố, đánh bom tự sát, nạn bạo hành trong gia đình, học trò đánh thầy, bác sĩ thủ tiêu bệnh nhân xuống sông vì lỡ làm chết để che dấu bởi cách chữa trị hời hợt và thiếu lương tâm. Các tệ nạn, cướp bóc, giành giựt, hỗn loạn, đảo lộn mọi thứ trong đời sống. Tất cả điều đó cũng phát xuất từ các chủ nghĩa nói trên và xem thường cung cách giáo dục ở các nhà trường từ đức dục, trí dục, luân thường đạo lý, nhân lễ nghĩa trí tín, lòng đạo đức, tính thương người...

Có lẽ thánh nhân đã nhìn thấy một xã hội, một thế giới băng hoại đó nên ngài mới viết ra những lời tâm huyết để mời gọi và nhắn gửi đến chúng ta, nhất là nhắn gửi đến các bạn trẻ: "Các bạn trẻ tìm đường bước tới. Đường loanh quanh trăm lối về đâu. Biết chăng muốn bước qua cầu. Con đường chính đạo nhiệm mầu trong tâm..." Ôi thật là thâm thúy và nhiệm mầu ! (Bài thơ Đường Sáng).

Như đã nói từ đầu, tôi chỉ muốn đề cập đến một góc cạnh trong lăng kính rất giới hạn của ngôn ngữ, và chỉ vỏn vẹn những vần thơ mà tôi cho đó là cái nhìn rất Nhân Sinh Quan trong đời sống đời thường của Đức Thánh Cha Gioan Phao lô II. Những bài thơ, vần thơ tôn giáo, đạo đức, tu đức... của thánh nhân mà Giáo sư Lê Đình Thông cũng đã chuyển ngữ và khéo léo dịch thơ lại rất ý nghĩa và thanh thoát... Tôi không dám luận bàn hay phân tích, nhưng sẽ đọc mãi để cảm hóa lòng đạo đức của mình.

Trong tri thức và những gì là của ngài, cũng huyền nhiệm và cao cả. Từ cuộc sống đời thường nơi dương thế, đến khi ngài làm giáo hoàng, bị ám sát với bốn viên đạn xuyên qua ngực nhưng không chết, và thậm chí ngay cả thời gian mà ngài qua đời trong những ngày lễ Phục sinh và kính Lòng Thương Xót Chúa, cũng nằm trong sự huyền nhiệm đó, mà hễ điều gì, cái gì đã là huyền nhiệm thì con người và khoa học cũng không thể giải thích và chứng minh được.

Xin bạn hãy nhắm mắt suy luận để thấy rõ hơn những gì tôi vừa đề cập.

Vâng, tất cả nơi ngài là huyền nhiệm và cao cả đối với tôi.

Tôi xin mời bạn hãy đọc những vần thơ đó sớm có thể. Khi đọc những vần thơ đó là chính bạn đang thực sự cầu nguyện. Nội tâm và trí đoán của bạn một cách nào đó đang siêu thoát và có thể đang chạm đến Đấng Thượng Trí.

Trong tri thức và lòng đạo đức của ngài, trong tâm tình và văn chương phong phú, kiệt tác, xuất chúng của ngài trải dài trên những vần thơ đó, đích thật là huyền nhiệm nhưng giãi bày, thanh thoát nhưng tình cảm, cao sâu nhưng gần gũi, triết lý nhưng thực tế, có thể sờ mó được, nhất là tấm lòng tình cảm chân chất của ngài đối với mẹ hiền, với quê hương và với nhân thế.

Cuộc đời trải dài tám mươi lăm năm của ngài nơi dương thế, đã để lại biết bao điều thánh đức và gương sáng, về đời sống mục tử và chứng nhân. Nhân thế cũng đã để lại lòng thương mến, kính yêu, trân quí mà người người khắp nơi trên thế giới luôn hướng về Tòa thánh nơi căn phòng có ánh sáng lọt qua cửa sổ trong những đêm ngài hấp hối, rồi tiếng khóc vỡ òa khi tin ngài qua đời. Cuối cùng chiếc quan tài bằng gỗ tạp đơn sơ, giản dị và khiêm hạ như chính con người và đời sống của ngài. Chiếc quan tài đặt xuống mặt đất giữa quảng trường Thánh Phêrô mêng mông biển người, không có đèn nến hoa đăng, không có vải lụa gấm vóc giăng đầy như các chủ tịch của nước Bắc Hàn qua đời, cũng không trầm thơm ngào ngạt, hay khói hương nghi ngút như các vị vua chúa hay các bậc quyền quí, cao sang. Nhưng thay vào đó, ngài có hàng triệu triệu con tim khắp nơi trên thế giới, đủ mọi thành phần đã nhỏ lệ khóc thương tiếc ngài. Ngài đã sống thánh giữa trần gian và đã mang lại cho con người những điều của Chân, Thiện, Mỹ...

Một nhà thơ người Hoa Kỳ mang tên Ralph Waldo Emrson đã nói: "When you were born you were crying and everyone else was smiling. Live your life so at the end, your're the one who is smiling and everyone else is crying." Tạm dịch: Khi bạn sinh ra, bạn khóc mà mọi người đều cười. Hãy sống làm sao đến cuối đời khi bạn ra đi, bạn cười mà mọi người đều khóc.

Vâng, tất cả mọi tín hữu đều đã khóc thương tiếc ngày ra đi của ngài, mặc dù ai cũng biết ra đi là khởi điểm cho ngày trở về theo quan niệm và tín lý của Ki-tô giáo.

Người khôn ngoan thì luôn xây nhà trên đá, luôn nghĩ để dọn đường cho sự sống vĩnh hằng mai sau, còn dưới thế thì sẽ để lại tiếng thơm tiếng tốt muôn đời mà chính bia miệng của loài người sẽ nhắc mãi qua câu tục ngữ: "Trăm năm bia đá thì mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ".

Thánh nhân biết rõ điều đó nên đã tự nói và luôn nhắc nhở lòng mình qua bài thơ ngắn ngủi của ngài sau đây: " Đời người ngắn ngủi không bằng, cây đa cổ thụ đầu làng xanh lâu. Hơn nhau cuộc sống đời sau, linh hồn sống mãi nhiệm mầu huyền vi". Hoặc là: " Đời người thân xác mất đi, linh hồn như cánh chim di miệt mài. Sau này cát bụi hình hài, bao nhiêu sự nghiệp một mai còn hoài" (Bài thơ Độc Thoại).

Vâng, giờ đây mọi người sẽ không còn khóc nữa, nhưng sẽ cùng với ngài hân hoan tạ ơn Chúa và rồi cùng cười trong tiếng lòng với nước mắt sung sướng, nước mắt của hạnh phúc để đón nhận ơn thánh cao cả nhất mà ngài được tôn phong là Đấng Hiển Thánh như Thánh Phao lô đã khẳng định: "Qua Thập Giá, sẽ đến được Vinh Quang".

Có lẽ đã có sự linh ứng khi ngài còn đương thời để rồi bài thơ "Bức Tường" mà ngài đã viết từ hôm nào về một vị thánh, và hôm nay vị thánh đó có lẽ chính là ngài: "Tường thẳng đứng hai bên là hốc đá. Tượng Thánh Nhân còn thanh thản nguyện cầu. Luôn mở ra trang sách thánh nhiệm mầu. Ngập tâm trí trầm hương bao điều lạ..." Ôi, thật là huyền nhiệm. Vâng, như tôi đã nói: Tất cả nơi ngài là huyền nhiệm, là cao cả !.

Thưa bạn! Đến đây có lẽ bạn và tôi sẽ chợt nghĩ và sẽ đề cập đến người đã chuyển ngữ và dịch thuật hai mươi lăm bài thơ của thánh nhân, đó là Giáo sư Lê Đình Thông mà tôi có đề cập ở phần đầu.

Tôi nghĩ rằng đây là một ơn thánh đặc biệt đã tác động cho vị giáo sư mũi tẹt da vàng, sống đời tị nạn lưu vong trên phần đất không phải là nơi chôn nhau cắt rốn của quê hương mình. Lại còn không phải khi sinh ra, vị giáo sư này được hấp thụ thứ ngôn ngữ của mẹ đẻ, gần gũi như hơi thở, như mẹ với con, mà rất xa lạ qua các ngôn ngữ Tiếng Tây, Tiếng Tàu, nhất là Tiếng Ba Lan. Nếu bạn có nói một cách rành mạch một thứ tiếng nào mà không phải ngôn ngữ của mẹ đẻ, thì cũng sẽ giới hạn trong một phạm vi nào đó của chuyên môn, trong xã giao, giao dịch hay trong đời sống thường nhật. Nhưng đối vị với vị giáo sư này thì lại khác. Ông ta đã vượt xa điều tôi tưởng. Hai mươi lăm bài thơ của thánh nhân mà ông ta đã dịch lại cũng đủ để chứng minh điều tôi muốn nói. Tôi nghĩ vị giáo sư này không những là một nhà thơ lỗi lạc mà còn là một nhà Ngôn Ngữ Học uyên thâm.

Có lẽ bạn và tôi không thể phủ nhận cách chuyển ngữ và dịch thuật lại, rồi diễn tả cũng chính bằng những vần thơ và tài tình chuyển qua thành các bài thơ Tiếng Việt Nam với các vần điệu, với các thanh âm bằng trắc để hoàn thành trọn vẹn từ các thể loại thơ lục bát, song thất lục bát, thơ đường, thơ tự do qua cách gieo vần thật phong phú và khéo léo, chứa đựng đầy đủ ngữ nghĩa với văn phong lôi cuốn... Nhà dịch thơ này còn lý luận, phân tích những từ của Hán Việt, rồi chọn và áp dụng vào những vần thơ nói trên. Thí dụ chữ "xiển dương" trong bài thơ Magnifica. Đây là văn từ ghép của Hán Tự mà vị giáo sư này đã dịch thuật lại để dùng từ này áp dụng cho thích hợp với cái khung cảnh, ngữ cảnh cũng như các chủ ngữ trong bài thơ Magnificat.

Trước đây, từ ngữ này đã có một số người đã dùng, trong đó còn có cả nhà thơ, và nhạc sĩ mà một vị nào đó đã dùng từ này để đặt tên cho một bài hát với tựa đề: "Mẹ Triển Dương" có câu hát đầu: "Mẹ triển dương trên núi Li Ba Nô..." Theo Hán Ngữ thì chữ "xiển" nghĩa là "mở ra" chữ "dương" cũng có nghĩa là "rộng, lớn, bao la..." Như vậy: xiển dương có nghĩa là mở ra bao la, trong đại... "Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi bao điều trọng đại..." (Một trong đoạn kinh thánh của Thánh Luca 1, 47-55). Vậy, theo ý nghĩa, tôi nghĩ chữ "xiển dương" mới đúng và chính xác như vị giáo sư này đã dùng đến.

Văn chương Tiếng Việt Nam rất phong phú với nhiều nét đặt thù lôi cuốn, có lẽ là nhờ âm điệu vì có các thanh âm năm dấu, sáu giọng nên tiếng Việt Nam "dễ thương" đến thế.

Lần đầu tiên khi đến Việt Nam và nghe Người Việt Nam nói chuyện, các nhà ngoại quốc đã quả quyết và nói rằng: "Người Việt Nam nói chuyện như hát vậy". Phải lắm, vì mỗi tiếng được phát ra là có âm điệu lên xuống bởi các thang âm của mỗi chữ mang các dấu: huyền, sắc, nặng, hỏi, ngã. Cũng thế, tiếng Việt Nam là một ngôn ngữ đơn âm và nếu dùng đơn phương hay lẻ loi một từ thì sẽ rất nghèo nàn, chính vì thế mới có các chữ được ghép lại qua sáng kiến của các học giả, nhất là các cụ xưa kia để cho tiếng Việt Nam thêm phần phong phú.

Những thế hệ đi trước đã ảnh hưởng rất nhiều đến chữ Nho và khi các cụ ghép lại, thường là tiếng Nôm, tiếng Hán đi đôi. Thí dụ: dân-chủ, độc- lập, thế-lực, chính-quyền, tà-quyền, v.v... Cũng thế, thiết tưởng hôm nay chúng ta gọi tên nước Việt Nam mà thiếu đi một chữ cũng là điều thiếu xót quan trọng.

Nước Việt Nam không nên gọi tách riêng là Nước Việt, Người Việt Nam không nên nói là Người Việt, Tiếng Nói Việt Nam không phải là Tiếng Nói Việt, Nền Văn Hóa Việt Nam không phải là Nền Văn Hóa Việt, Dân Chủ Việt Nam mà gọi Dân Chủ Việt thì ra thể thống gì. V,v...

Xin đừng chia, đừng cách, đừng xẻ đôi đất nước Việt Nam dù qua những hình thức nào đi nữa, ngay cả cái tên Nước Việt Nam, tên gọi thiêng liêng của đất nước đã có từ ngàn năm mà biết bao xương máu đã đổ xuống để bảo vệ và duy trì. Đừng xem thường rồi một lúc nào đó lâu dần thành quen miệng và cứ tưởng đó là "chân lý".

Tôi chân tình và rất cảm phục cách chuyển ngữ rồi dệt lại và cuối cùng làm cho ra những vần thơ kiệt tác một cách trôi chảy mà bạn đang cầm trên tay. Tôi không có cơ hội đọc các bài thơ nguyên thủy của ngài, mà dẫu có đọc cũng không thể hiểu được vì có thể ngài viết bằng chính ngôn ngữ của ngài. Tuy nhiên, sau khi đọc các bài thơ đã được dịch lại, tôi đã cúi đầu để tạ ơn Chúa vì đã thấy và cảm nhận cách dịch thơ rất tài tình và tuyệt vời của Giáo sư Lê Đình Thông. Tôi nghĩ vị giáo sư này góp một bàn tay rất quan trọng để cho chúng ta hiểu thêm một góc cạnh trong đời sống văn chương của ngài, nhất là chắp cánh cho các bài thơ của thánh nhân đến với chúng ta là Người Việt Nam.

Người ta thường nói "dịch" là "diệt". Nhưng với vị giáo sư này thì làm ngược lại, nghĩa là cho nó sống động hơn, đầy cảm xúc hơn qua nghệ thuật văn chương và thơ phú trời ban cho ông ta. Chính vì lẽ đó, các bài thơ ấy đã lôi cuốn trong tôi và tạo cho tôi nguồn cảm hứng lạ thường, điều mà những người làm công việc của nghệ thuật và của âm nhạc rất cần thiết và cần có. Nguồn cảm hứng ấy đã giúp tôi hoàn thành mười ca khúc phổ từ hai mươi lăm bài thơ kiệt tác đó.

Một bài thơ hay và ý vị, ắt phải hội đủ những yếu tố cần thiết về bố cục, ý nghĩa, văn chương, cách gọt chữ, vần điệu, câu cú và điệp từ như tôi đã nói ở trên, nhất là chiều sâu của bài thơ.

Những thế hệ trước đã có các nhà thơ Công Giáo để đời như Hàn Mặc Tử. Lời thơ của vị này sâu thẳm, nhưng chúng ta có thể thấy máu và nước mắt trong từng câu thơ qua sự đau đớn về thể xác, nhưng cũng cho chúng ta cảm nghiệm cái tinh thần luôn biết cậy trông và phó thác. Gần đây có nhà thơ Xuân Ly Băng với các nhà thơ tiếng tăm khác, và hôm nay chúng ta có thêm Giáo sư Lê Đình Thông, một nhà thơ và một người dịch thơ tuyệt vời. Quả thật, Giáo sư Lê Đình Thông còn làm hơn thế, vì tất cả công việc mà ông đang thực hiện không những chỉ để làm niềm vui cho riêng mình, mà còn lấy Nghệ Thuật để loan báo Tin Mừng giữa thế giới hôm nay.

Washington D.C. Ngày 15 Tháng 02, Năm 2014
 
Lòng Chúa Thương Xót
Đinh Văn Tiến Hùng
18:59 26/04/2014
LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT

( Lễ kính 27/4/14 do Thánh GH Gioan Phao-lô II thiết lập )

“ Kẻ tội lỗi càng nhiều bao nhiêu ,thì kẻ ấy càng có
quyền đón nhận Lòng Thương Xót của Ta bấy nhiêu. “
( Lời Chúa phán cùng Thánh Nữ Faustina )

Ngài như ánh Chiêu Dương,
Hướng dẫn con lạc đường,
Thoát khỏi vùng tăm tối,
Trong Tình Chúa Xót Thương.

Con bừng tỉnh giấc mơ,
Như kẻ chết trông chờ,
Được Phục Sinh trong Chúa,
Lời Ngài hứa năm xưa.

Xưa dân Ít-ra-en,
Bốn mươi năm ngày đêm,
Chúa dẫn vào Đất Hứa,
Qua sa mạc bình yên.

Tội A-đam,E-và,
Nhờ Mẹ Ma-ri-a.
Ngôi Hai đã Giáng-Thế,
Để Cứu chuộc tội ta.

Ngài khác vị quan toà,
Không nỡ trừng phạt ta,
Lập Bí tích Hoà-giải,
Muốn con được thứ tha

Nuôi dưỡng xác hồn ta,
Không phải bằng Man-na,
Nhưng chính Màu nhiệm Thánh,
Mình Máu Chúa đổ ra.

Đâu có Tình yêu nào,
Mà nhân loại được trao,
Như Tình Yêu Thiên Chúa,
Chết thay tội thế gian !

Ta đứa con hoang đàng,
Của cải đã tiêu tan,
Mới hồi tâm trở lại,
Ngài chờ đón sẵn sàng

Con đã tỉnh giấc mơ,
Xám hối đợi Ngày Giờ.
Chúa Quang Lâm vinh hiển,
Ngày Phục Sinh mong chờ.

Ngài như Ánh Chiêu Dương,
Hướng dẫn con lạc đường,
Thoát khỏi vùng tăm tối
Trong Lòng Chúa Xót Thương..

Đinh văn Tiến Hùng