Ngày 24-04-2012
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chúa Chiên Lành
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
05:19 24/04/2012
CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH
Ga 10, 11-18

Ở Việt Nam người ta ít thấy các đàn chiên đi ăn cỏ nơi những cánh đồng bát ngát cỏ xanh. Tuy nhiên, ở Paléttin, mục tử và đàn chiên đi ăn cỏ trên cánh đồng cỏ non, xanh tươi và uống nước nơi những suối trong mát bóng là hình ảnh rất quen thuộc.Chúa Giêsu ví mình là mục tử tốt lành. Bởi vì, giữa mục tử và đàn chiên có một mối tương quan mật thiết. Do đó, hình ảnh Đức Giêsu đưa ra để giảng dạy cho các môn đệ và giảng dạy cho dân là hình ảnh gợi cảm và ấn tượng, thiết thực nhất khi Chúa tự nói về mình.

Tôi vẫn còn nhớ như in một tấm ảnh bằng giấy rất lớn vẽ chúa Giêsu vác con chiên trên vai và theo sau Ngài là vô số chiên. Tấm ảnh ấy lúc còn nhỏ tôi thấy trong phòng khách của Nhà xứ của tôi. Cha xứ lúc ấy đã gắn lên tường một khung hình to và gây rất nhiều ấn tượng cho những người xem. Quả thực, ảnh ấy cho chúng ta nhớ lại đoạn Kinh Thánh hôm nay nói về “ Mục Tử Nhân Lành “. Thánh Gioan viết :” Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên. Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy “ ( Ga 10, 11-12 ). Rõ ràng Chúa Giêsu dạy chúng ta ; Mục tử nhân lành khác với người làm thuê. Mục tử tốt không bỏ chiên khi chiên bị chó sói tấn công bởi Mục tử nhân lành dám hy sinh mạng sống vì đàn chiên, cho từng con chiên của mình. Chúa Giêsu cho chúng ta hay giữa Ngài và Giáo Hội có một sự liên kết chặt chẽ :” Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi “ ( Ga 10, 14 ). Ở đây, chúng ta phân biệt từ biết, biết không phải sơ sơ, hời hợt nhưng biết sâu xa. Biết hai chiều. Chúa biết từng con chiên và chiên quen thuộc tiếng của chủ nên nhận ra nhau dễ dàng, trân trọng nhau hết mình.

Chúa Giêsu là mục tử tốt lành, tối cao duy nhất và gương mẫu. Tất cả các Mục tử phải noi gương Chúa, bắt chước Chúa, giúp chăn dắt chiên của Chúa.Đã là Mục tử, các Mục tử phải họa lại hình ảnh của Chúa là Mục tử tốt lành, nhân hậu. Bởi vì, Mục tử nhân lành đến “ để chiên được sống và sống dồi dào “ ( Ga 10, 10 ). Chúa Giêsu Phục Sinh đã trao cho Phêrô và các tông đồ sứ mạng chăn dắt và củng cố đức tin của anh em, nghĩa là củng cố lòng tin của các chiên. Đặc biệt Phêrô, người thủ lãnh đầu tiên đã chối Chúa ba lần nhưng cũng yêu mến Chúa hết lòng. Ngài có thể chạy trốn những cuộc bắt bớ để bảo đảm tính mạng của mình, nhưng Ngài đã dám liều mang để củng cố đức tin của anh em mình. Chính cái chết của Phêrô đã có sức thuyết phục mạnh mẽ hơn bất cứ lời chứng, lời rao giảng nào. Cái chết của Phaolô và các tông đồ luôn có sức thu hút mạnh mẽ hơn bất cứ bằng chứng nào. Từ thời các tông đồ cho đến ngày nay đã có biết bao các Mục tử nằm xuống để củng cố đức tin của anh em mình.

Dụ ngôn người Mục tử tốt lành biểu lộ tình yêu cao vời, tuyệt mỹ của Thiên Chúa. Mỗi người chúng ta đều có một chỗ đứng trong con tim của Chúa. Ngài yêu con người đặc biệt, Ngài không yêu cách chung chung nhưng yêu với tất cả tấm lòng của mình.
Chúa yêu thương nhân loại, yêu thương con người cách vô điều kiện ngay cả khi con người vô tâm bạc nghĩa.Chúa vui mừng khi tìm thấy con chiên lạc.

Giáo Hội dành Chúa nhật IV Mùa Phục Sinh để cầu nguyện cho ơn thiên triệu. Công việc cứu độ của Chúa, Ngài không làm một mình nhưng Ngài cần rất nhiều người tiếp nối công việc của Ngài để lo cho các linh hồn trên toàn thế giới.

Giáo Hội cần rất nhiều bạn trẻ nam nữ quảng đại dấn thân cho phần rỗi các linh hồn. Các bạn trẻ lớn lên lấy vợ lấy chồng là điều đáng quí, nhưng nếu có nhiều bạn trẻ đáp lại tiếng Chúa mời gọi và quan tâm tới đám đông đang bơ vơ đói khát là điều thật giá trị và cao quí.

Chúa đã phán :” Lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt “. Lời của Chúa là lời mời gọi tha thiết tới các bạn trẻ nam nữ hãy dấn thân, hãy quảng đại phục vụ Nước Chúa.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho có nhiều linh mục thánh thiện, nhiều tu sĩ nam nữ đạo đức để lo cho đàn chiên của Chúa trên khắp thế giới.

Lạy Chúa Giêsu, xin sai Thánh Thần đến biến đổi tâm hồn chúng con nên mới hầu chúng con luôn biết yêu thương người nghèo và quảng đại giúp các chủng sinh chuẩn bị dấn thân trong sứ vụ linh mục mà họ sẽ lãnh nhận. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Mục tử tốt lành là gì ?
2.Người chăn thuê là người thế nào ?
3.Chúa cần những Mục tử nào ?
4.Chúa đã phán thế nào ?
5.Lúa chín đầy đồng có nghĩa gì ?
 
Mục tử tốt
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
08:36 24/04/2012
Chúa Nhật 4 phục sinh (Tđcv 4, 8-12; 1Ga 3, 1-2; Ga 10, 11-18).

Tình yêu Chúa cao vời biết bao, ngút cao như mây trời và mênh mang như biển cả. Chúa yêu thương con người qúa bội. Thiên Chúa đã hứa ban ơn cứu độ và đã thực hiện trọn vẹn lời hứa. Chúa Giêsu đã xuống thế mang thân phận con người để hòa nhập cuộc sống. Thiên Chúa làm người để cùng chia sẻ mọi nỗi trăn chuyên, cơ cực, khổ đau, chối bỏ và ruồng rẫy trong thân phận người. Ngài đã dám hy sinh xả thân vì đàn chiên. Hình ảnh người mục tử chăn chiên thật ấn tượng. Chủ chiên đi trước và đoàn chiên theo sau. Chủ chiên mong tìm nguồn suối mát để chiên được giải khát. Chủ chiên đi tìm cánh đồng cỏ xanh tươi để chiên bồi dưỡng, nghỉ ngơi. Chúa Giêsu ví Ngài như người Chủ Chiên nhân lành.

Người mục tử tốt lành lo chu đáo cho mọi nhu cầu của đoàn chiên. Đối với người Do-thái, hình ảnh người chăn chiên rất quen thuộc. Họ hiểu trọn vẹn ý nghĩa về vai trò của người chủ chiên và người làm thuê. Chúa Giêsu đã truyền dậy: Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên (Ga 10. 11). Tác giả sách Tông Đồ Công Vụ đã viết về Chúa Giêsu chủ chiên tốt lành: Chính người là viên đá đã bị chư vị là thợ xây loại ra, đã trở thành viên đá góc tường. Để được ơn cứu độ sẽ không có một Danh nào khác, mà chỉ nhờ Danh Chúa Giêsu Kitô.

Thơ của thánh Gioan tông đồ đã minh chứng rằng Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta là dường nào. Ngài cho chúng ta được quyền làm con cái Thiên Chúa và hưởng nhờ ơn cứu độ. Ngài chăn dắt chúng ta như mục tử chăn dắt đoàn chiên mình. Thánh Gioan đã ghi: Chúa phán: Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta và các chiên Ta biết Ta (Ga 10,14). Chúa biết nhu cầu tâm linh của từng con chiên. Mục đích tối hậu là dẫn dắt mọi người về chung hưởng hạnh phúc viên mãn trong một đàn chiên theo một Chúa Chiên: Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử (Ga 10,16).

Chúng ta biết rằng nhu cầu cuộc sống thì vô vàn và sức lực cùng khả năng của con người thì giới hạn. Sống giữa một xã hội đổi thay và hỗn hợp văn hóa, tuyền thống, ngôn ngữ và tôn giáo, chúng ta khó có thể đáp ứng thỏa đáng mọi nhu cầu của con người. Để tìm một một nguồn dưỡng nuôi thích đáng, mỗi người đều phải cộng tác nâng đỡ và mở cửa tâm hồn đón nhận. Sống trong một nền văn hóa đa dạng có các phương tiện truyền thông tốc độ, người có trách nhiệm giáo dục và hướng dẫn cần tỉnh thức nhiều hơn. Đàn chiên không đơn thuần nhập đàn theo nhau tìm đến dòng suối mát hay cánh đồng tươi xanh để cùng ăn uống thỏa thuê. Nhu cầu cuộc sống không đơn giản đi theo bày đàn.

Sứ mệnh mục tử được lan trải và áp dụng trong các vai trò cụ thể qua sự dưỡng nuôi và giáo dục. Chúng ta đang cần có các mục tử tốt trong mọi bước đi của cuộc đời. Chúng ta cùng chia sẻ vai trò quan trọng này trong chức vụ là cha mẹ, huynh trưởng, nhà giáo dục, các thầy thuốc bác sĩ, các công nhân viên, các quan chức chính phủ và các nhà giáo dục tôn giáo.

Tại gia đình, vai trò giáo dục chủ yếu là của cha mẹ, phụ huynh lo lắng cho con cái về mọi mặt. Hãy yêu thương và dùng thời gian ở bên để chia sẻ buồn vui và những khó khăn với con cái. Đôi khi có những đứa con ngỗ nghịch, chúng ta cần kiên nhẫn dậy bảo với tình thương bao dung. Cha mẹ phải luôn là mục tử gương mẫu dám hy sinh cho đàn con.

Nơi nhà trường, chúng ta cần các thầy cô. Các thầy cô cần học biết hoàn cảnh và nhu cầu của từng học sinh. Các em không phải là một đám học trò nhưng là từng cá vị có những khả năng riêng biệt cần phát triển. Kiến thức, văn hóa và đạo đức là tinh hoa cần được trau dồi và truyền đạt cho các thế hệ tiếp nối.

Trong nhà thương, cần có các bác sĩ và y tá như là từ mẫu. Các bác sĩ chăm sóc và chữa lành bệnh nhân và đối xử với họ đầy phẩm chất của một con người. Đem tình yêu thương để phục vụ đồng loại với lương tâm ngay chính. Chữa lành và cứu sống chứ không hủy hoại và tiêu diệt.

Nơi công cộng và xã hội, chúng ta cần các nhân viên công chức lo cho sự an ninh trật tự, an vui và hạnh phúc chung của mọi người hơn là chỉ vì lợi ích riêng tư. Các nhân viên chính quyền lo cho dân như phụ mẫu.

Trong Giáo Hội, nơi nhà thờ và các trung tâm mục vụ, cần các tu sĩ nam nữ, các giám mục và linh mục phục vụ mọi người trong yêu thương. Hướng dẫn con đường tâm linh chính thật. Không gây hoang mang mập mờ làm lung lạc đức tin. Biết nêu gương sáng và chăm sóc lo lắng đời sống tâm linh cho các tín hữu. Đời sống phải đi đôi với lời giảng dạy. Giáo dân cần thấy bài giảng hơn là nghe bài giảng. Sống niềm tin một cách chân thành và trong sáng. Dám hy sinh xả thân vì anh chị em.

Trong gia đình nhân loại, mỗi thành viên đều nhận những vai trò khác nhau từ đời sống trong gia đình ra ngoài xã hội. Chúng ta không phân biệt giai cấp, chức vụ hay nguồn gốc, mỗi người đều có trách nhiệm và bổn phận lo xây dựng một cuộc sống xã hội tốt đẹp chung. Vì thế, chúng ta không thể đổ dừa trách nhiệm cho riêng một thành phần nào. Ai cũng được kêu gọi đóng góp công sức và khả năng của mình để làm cho cuộc sống con người tươi đẹp hơn.

Chúng ta thường có khuynh hướng gán trách nhiệm, những lời trách móc và đổ lỗi cho người khác, hơn là qui chiếu trách nhiệm cho chúng ta. Dễ dàng so sánh và phê bình người khác, hơn là xét lại những ngôn hành của chính mình. Chúng ta nên nhớ rằng từ sự suy tư, lời nói đi tới hành động có một khoảng cách rất lớn. Mỗi người cần có một sự dấn thân tu tâm và quyết chí thực thi lời dậy hằng ngày. Nếu lời nói không đi đôi với việc làm thì ngôn hành trở thành bất nhất. Chỉ nói mà không làm. Ai trong chúng ta cũng có những kinh nghiệm tiêu cực này.

Chúa Giêsu là Chúa Chiên Lành. Chúng ta gẫm suy về những lời truyền dạy và thực hành của Chúa. Chúa Giêsu là mẫu gương tuyệt vời giúp chúng ta tu tập sống đạo. Chúa đã giảng và sống lời giảng qua sự cầu nguyện, yêu thương, hy sinh, tha thứ, khiêm nhường, từ bỏ và công bằng chân thật. Chúng ta cần tu tâm tích đức, tu tâm luyện tính và tu tâm hành đạo. Chúng ta đặt niềm tin vào Chúa Giêsu là Chúa, là mục tử và là Đấng cứu độ. Bước theo Chúa Chiên, chúng ta sẽ tìm được nguồn sống thật và no thỏa trong nguồn suối ân tình.

Chúa Giêsu là Chủ Chiên và là cửa chuồng chiên. Đức Giêsu nói: "Thật, tôi bảo thật các ông: Tôi là cửa cho chiên ra vào (Ga 10,7). Trong cuộc sống, có rất nhiều cánh cửa mở rộng đón mời chúng ta vào. Có những cánh cửa dẫn chúng ta vào con đường lầm lạc và hư mất. Có những cánh cửa đưa dẫn chúng ta lạc xa trong thế giới tục hóa với nền văn minh sự chết. Có những cánh cửa mở ra cho chúng ta tìm những thỏa mãn hưởng lạc và vui thú trụy lạc. Có những cánh cửa đưa chúng ta vào chung hưởng nguồn vui an lạc thật sự. Chúa Giêsu nói: Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ (Ga 10,9). Chúa Giêsu là cửa. Cửa của sự sống và sự sống lại. Hãy đến với Chúa Giêsu và qua Ngài, chúng ta sẽ tìm được nguồn sống chan hòa trong niềm an vui, hy vọng và hoan lạc muôn đời.
 
Trả dần những món nợ ân tình
LM. Giuse Trương Đình Hiền
11:57 24/04/2012
TRẢ DẦN NHỮNG MÓN NỢ ÂN TÌNH

Thánh Lễ Tạ Ơn Giáp Mười Năm Linh Mục Tại Tuy Hòa
25.04.2002 – 25.04.2012 của các linh mục :Anr. Điểm, Tom. Binh, Aug. Phú, Phr. Hoà, Phx.Triều


Chúng ta đang ở giữa Mùa Phụng Vụ Phục Sinh, khi tiếng hát vui mừng Alleluia còn vang vọng trong muôn vạn cõi lòng Kitô hữu, khi Bàn Tiệc Lời Chúa trong những ngày nầy qua sách Tông Đồ Công Vụ liên tục đưa chúng ta trở về sống lại cái thuở “Ban đầu tuyệt vời của Kitô giáo”, cái thuở mà ở đó, các Tông Đồ và môn đệ Chúa Kitô hăng hái ra đi rao giảng Tin Mừng cho dù phải đối diện với bao gian nan thử thách. Đặc biệt, hôm nay chúng ta cùng với Dân Chúa mừng lễ Thánh Tông Đồ Maccô, tác giả của cuốn Tin Mừng ngắn nhất trong 4 cuốn Tin Mừng về cuộc đời và lời giảng dạy của Chúa Giêsu ; và trong khung cảnh Phụng Vụ đặc biệt nầy, chúng ta lại được dịp cùng với Năm Anh em Linh mục (Triều, Phú, Binh, Hòa và Điểm (đang du học tại Áo quốc) chào mừng kỷ niệm “Thập niên” cuộc đời linh mục, tạ ơn mười năm bước lên bàn thánh : 25.04.2002 – 25.04.2012.

Cách đây 10 năm, khi chọn thời điểm Phụng Vụ lễ thánh Maccô nầy để phong chức cho 5 linh mục, chắc chắn Đức Cha Phêrô đã có một dụng ý : ngài muốn nối kết cuộc đời linh mục, Bí tích truyền chức thánh với sứ vụ Tông Đồ, rao giảng Tin Mừng mà Thánh Maccô như một biểu tượng, một dấu ấn sinh động để không ngừng nhắc nhớ, khơi gợi.

Thật vậy, là tác giả của Tin Mừng, người chuyển tải cuộc đời và sứ điệp của Chúa Giêsu cách trung thực, xác tín và súc tích, chắc chắn Maccô đã có một cuộc đời tiếp cận sâu xa với Chúa Giêsu, hay chí ít, cũng là người thường xuyên lắng nghe và suy tư nhuần nhuyến những lời giảng dạy về Chúa Giêsu của Thánh Tông Đồ Phêrô.

Giám mục Papias nhận xét thế nầy về Thánh Maccô : “Marcô chỉ có một lo lắng này là không bỏ sót một điều nào đã nghe và không thêm điều gì mới. Đọc phúc âm Marcô, chúng ta chắc chắn được nghe tiếng của vị đã nói với Hội Đồng tối cao Do Thái : “chúng tôi không thể không nói những điều mắt thấy tai nghe”(Cv 4,20).

Không chỉ là một người viết Tin Mừng và rao giảng Tin Mừng cho muôn dân, Maccô còn là một chứng Nhân trọn hảo cho Tin Mừng đó bằng cuộc tử đạo anh hùng của mình. Theo truyền thuyết, thánh Maccô được ủy phái đi truyền giáo ở Ai Cập. Với cuốn Phúc Âm, ngài đã đưa nhiều người trở về với Chúa. Ngài là vị sáng lập và là Giám Mục đầu tiên giáo đoàn Alexandria. Nhờ tài lợi khẩu, trí thông minh và sự thánh thiện, ngài đã dẫn đưa được nhiều người về cùng Chúa. Nhưng bóng tối không bao giờ thích ánh sáng. Những lương dân đã quyết tâm tìm cách ám hại ngài. Họ đã bắt ngài điệu qua các phố với mục đích bêu xấu ngài, và lôi kéo ngài trên đường đá gồ ghề cho tới khi tắt thở. Hôm đó là ngày 25/4/67.

Trong ngày kỷ niệm “Sinh Nhật trên trời” của Thánh Maccô hôm nay, cũng là ngày mừng “Sinh Nhật 10 năm trong chức linh mục” của quý cha đang ở giữa bàn thờ. Như vậy, thật là ý nghĩa, để chúng ta, qua hình tượng của Maccô, vẽ lại chân dung của người linh mục hôm nay bằng một nét mà tôi cho là cơ bản nhất :

Linh mục gắn liền với Đức Ki-tô :

ĐGH G.P.II đã thuyết minh nguyên tắc nền tảng nầy trong Tông huấn Pastores dabo vobis : “Như vậy, các linh mục được mời gọi nối dài sự hiện diện của Đức Ki-tô, Vị Mục Tử duy nhất và tối cao, bằng cách noi theo lối sống của Ngài và bằng cách làm sao cho mình như thể được Ngài xuyên thấu ngay giữa đàn chiên được giao phó cho mình...” (Số 15).
Thật hạnh phúc biết bao cho thời đại nào, quốc gia nào, cộng đoàn nào có được những linh mục như thế ; và quả thật những linh mục như Maximilien Kolbe, như Gioan Maria Vianney, như Anrê Trần An Dũng Lạc, như Phêrô Tuần Nguyễn Cao Hiên…đã mang lại cho Hội Thánh biết bao nhiêu hoa trái thánh thiện.
Nhưng liên kết với Đức Ki-tô bằng cách nào ? Thay cho câu trả lời, tôi xin được trích đọc một số câu trong bài thơ “trên cánh đồng hợp tác” của lm thi sĩ Võ Tá Khánh :

Tôi cúi xuống
Thấy Ngài trước mắt
Lội suối băng đồng tìm con chiên lạc
Xin cho tôi tấm lòng
Của kẻ có con chiên lạc mất
Xin cho tôi tấm lòng
Của người Cha tìm đứa con đi hoang
Và là tấm lòng
Của kẻ nhìn đám đông bơ vơ
Mà dạt dào thương xót
Của kẻ không đành tâm bỏ sót
Một em bé nào
Hay bất cứ một người đuôi mù què quặt...
Xin cho tôi trái tim,
Của người đã khóc
Trước sự đau khổ của kẻ khác

Xin cho tôi trái tim đó
Trái tim yêu mấy cho vừa
Cây sậy dập đong đưa
Không đành bẻ gãy...
Không nỡ tắt ngọn đèn leo lét
Trái tim yêu thương cho đến chết
Và chết rồi còn nở hoa.


Và chúng ta cũng có thể nói ngược lại rằng : một linh mục mà không liên kết với Đức Ki-tô, không để Ngài xuyên thấu, là đã đánh mất căn tính linh mục của mình, đã đánh mất “Mùa xuân linh mục” và cuộc sống linh mục chỉ là một kéo dài mùa đông ảm đạm, như một lời hát ví von của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang : “Vì tôi là linh mục, không mặc chiếc áo dòng nên suốt đời hiu quạnh, nên suốt đời lang thang... Vì tôi là linh mục, chưa rửa tội bao giờ, nên âm thầm qua đời, tội ác đành mang theo......”.

Kính thưa quý cha và toàn thể cộng đoàn, hôm nay mừng 10 năm linh mục,

Tôi nghĩ rằng không ai trong quý vị lại cho rằng : 10 năm linh mục cũng chỉ là “10 năm tình cũ”, mà nếu không nhắc lại ắt sẽ lãng quên :
“Mười năm không gặp tưởng chừng đã cũ, mây bay bao năm tưởng mình đã quên…”

Ngày kỷ niệm hôm nay thật là ý nghĩa khi đây chính là dịp để chúng ta “khơi dậy đặc sủng của Thiên Chúa” như lời khuyên nhủ của Thánh Phaolô dành cho đồ đệ Timôthê :

“Vì lý do đó, tôi nhắc anh phải khơi dậy đặc sủng của Thiên Chúa, đặc sủng anh đã nhận được khi tôi đặt tay trên anh. Vì Thiên Chúa đã chẳng ban cho chúng ta một Thần Khí làm cho chúng ta trở nên nhút nhát, nhưng là một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương và biết tự chủ. Vậy anh đừng hổ thẹn vì phải làm chứng cho Chúa chúng ta, cũng đừng hổ thẹn vì tôi, người tù của Chúa ; nhưng hãy đồng lao cộng khổ với tôi để loan báo Tin Mừng” (2 Tm 1, 6-9).
Thật vậy, chúng ta phải “khơi dậy đặc sủng”, vì sống thiên chức linh mục cũng giống như bao ơn gọi khác. Thời gian sẽ làm phai nhạt dần “tình yêu thuở ban đầu” (Kh 2,4). Sự sốt sắng, trân trọng, trung thành, nghiêm túc... sẽ dễ nhường chỗ lần lần cho thái độ coi thường, sơ sài, thiếu chuẩn bị và thiếu cả thái độ nội tâm, đức tin cần thiết cho các tác vụ thánh. Sự thánh hiến của chức linh mục chỉ đạt được hiệu quả trọn vẹn khi được sống từng ngày trong cố gắng và trung thành.

Cũng chính trong ý nghĩa đó, trong dịp mừng quý cha 10 năm lãnh tác vụ linh mục, tôi chợt nhớ tới bài thơ ‘Mắc Nợ” của Nguyễn Văn Thiên mà Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên, Giám Mục hải Phòng, trong một bài giảng tĩnh tâm năm 2011 cho các linh mục Qui Nhơn, đã nhắc tới :

Ta mắc nợ mùa thu
Bài-thơ-lá-rụng-sương-mù
Ta mắc nợ ai, bao năm rồi chưa trả nổi
Một nụ cười má lúm đồng... xu
Chúng mình mắc nợ mẹ hiền lời ru
Mắc nợ thầy cô
một dấu chấm câu đặt không đúng chỗ
Mắc nợ bạn bè
một lần vẫy tay cuối phố
Mà một đời trả mãi chắc chi xong!


Đối với chúng ta, những linh mục, chúng ta mắc nợ :
Bài Thánh Vịnh chưa tròn của giờ Kinh Sáng
Mắc nợ những giờ Chầu Thánh Thể chiều đông…
Mắc nợ bao người kẻ liệt ngóng trông,
Mắc nợ bài giảng chưa xong của ngày Chúa Nhật…
Mắc nợ người nghèo bàn tay thân mật,
Mắc nợ những em thơ ánh mắt dễ thương…
Ta nợ người trẻ nhiệt huyết để lên đường,
Nợ các gia đình những lần ủi an thăm viếng…


Kính thưa quý cha, trong lần kỷ niệm 10 năm hôm nay, tôi cầu chúc quý cha dần dần trả hết những món nợ ân tình đó. Amen.

LM. Giuse Trương Đình Hiền


 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Nhiều người Trung Quốc gia nhập đạo Công Giáo
Nguyễn Long Thao
08:37 24/04/2012
Nhiều người Trung Quốc gia nhập đạo Công Giáo

Hồ Bắc 23/04/12.- Cơ quan tin tức Công giáo Fides loan báo rằng tại Trung Quốc đã có 22,104 người được rửa tội vào Chúa Nhật Phục Sinh vừa qua. Số liệu thống kê trên do Trung tâm nghiên cứu về Đức Tin ở Hồ Bắc cung cấp. Điều đáng chú ý là 75 phần trăm tân tòng là người lớn ở 101 giáo phận. Tại Hồ Bắc có 4.410 người đã được rửa tội vào ngày Lễ Phục Sinh, nhiều hơn năm ngoái là 615 người. Ở Hồng Kông có 3.500 được rửa tội.

Tưởng cũng nên nói thêm nhiều giáo phận ở Trung Quốc không có tục lệ rửa tội cho nhiều người vào dịp lễ Phục Sinh. Tại Thượng Hải, vào dịp lễ Phục sinh vừa qua có 379 người được rửa tội nhưng tính tới cuối năm giáo phận báo cáo là có 1500 người. Ngoài ra Trung tâm nghiên cứu còn cho biết vì có khó khăn trong vấn đề liên lạc nên nhiều giáo phận đã không cung cấp dữ liệu cho Trung Tâm. Do vậy con số người được rửa tội tại Trung Quốc mỗi năm có thể cao hơn nhiều.
 
Cuộc khủng hoảng tài chánh kinh tế nhìn từ góc cạnh của người dân các khu xóm ổ chuột
Linh Tiến Khải
13:09 24/04/2012
Phỏng vấn nhà văn Dominique Lapierre, người Pháp

Cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh bùng nổ năm 2008 vẫn tiếp tục gây ra các hậu qủa tiêu cực cho nền kinh tế toàn thế giới và khiến cho cuộc sống của dân nghèo vốn đã khốn khổ lại càng khốn khổ hơn. Để cứu vãn tình thế, giới lãnh đạo chính trị tìm mọi cách để tăng thuế trên những gì có thể tăng được, thường là những nhu yếu phẩm cần thiết cho cuộc sống thường ngày, hay giảm bớt các ngân khoản liên lụy đến các giai tầng thấp kém hơn trong xã hội, mà không muốn hay không dám đụng đến quyền lợi của chính mình. Điển hình như ủy ban do quốc hội Italia thành lập để cứu xét việc giảm bớt lương của các dân biểu. Sau mấy tháng họp, ngồi chơi xơi nước, bàn lui bàn tới, cuối cùng bản tường trình đưa ra kết luận là ”không biết phải cắt giảm làm sao” số lương hàng tháng 16.500 Euro của các dân biểu!

Và giới lãnh đạo sống trên mồ hôi nước mắt tiền thuế của dân với mọi đặc quyền đặc lợi, không biết phải cắt giảm thế nào cái hầu bao của họ, để tiết kiệm cho ngân qũy quốc gia, hầu đương đầu với cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh đang lôi kéo nước nhà đi xuống. Thế mới biết lợi nhuận và quyền hành là trên hết, còn tình yêu đất nước, danh dự và liêm sỉ là những điều không cần thiết. Thế rồi, cảnh hàng trăm ngàn gia đình phải khó khăn chật vật với đồng lương ít ỏi và cuộc sống bấp bênh, hay hàng triệu người già lãnh trợ cấp xã hội hay số tiền hưu dưỡng được vài trăm Euro mỗi tháng nhưng cũng bị cắt giảm, không là chuyện khiến cho hàng lãnh đạo chính trị băn khoăn.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của nhà văn Pháp Dominique Lapierre về cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh dưới cái nhìn của người dân sống trong các khu xóm ổ chuột. Dominique Lapierre là một nhà văn nổi tiếng đã viết nhiều sách bán chạy nhất thế giới. Nhưng ông cũng nổi tiếng vì các hoạt động thăng tiến nhân bản và trợ giúp dân nghèo bên Ấn Độ. Cuốn sách mới nhất ông vừa xuất bản mang tựa đề ”Những kẻ rốt hết sẽ là những người đầu tiên”, được giới thiệu trong cuộc họp báo chiều ngày 21 tháng 1 năm nay tại Milano bắc Italia. Năm ngoái ông đã gặt hái nhiều thành công với cuốn ”Ấn Độ tình yêu của tôi”.

Hỏi: Thưa ông Lapierre, ông nghĩ gì về cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh kéo dài đang gây ra nhiều hậu qủa tiêu cực trên thế giới hiện nay, đặc biệt là đối với dân nghèo?

Đáp: Nói thật ra thì cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh trước hết muốn nói lên sự kiện nó giảm thiểu mạnh mẽ việc trợ giúp cho mười bốn trung tâm trợ giúp nhân đạo của tôi. Và tính phần trăm thì chỉ còn một phần mười. Nghĩa là ai trước kia cho 1.000 Euro thì nay chỉ cho 100 Euro thôi. Và ngoài số tiền quyền tác giả của tôi, thì tôi cần 1 triệu Euro cho ngân sách năm 2012 này để trang trải chi phi cho 4 chiếc thuyền nhà thương lưu động, săn sóc cho 2 triệu người bị bệnh lao phổi, săn sóc 50.000 trẻ em để chúng không mắc bệnh phong cùi, tài trợ cho 150 trường học và đào 650 giếng nước. Có ngân khoản cho các hoạt động nhân bản này đối với tôi nó là nỗi ám ảnh thường xuyên. Có lẽ cuối cùng thì tôi cũng phải bán nhà chăng, tôi không biết được.

Hỏi: Từ góc cạnh của các người dân nghèo sống trong các khu xóm ổ chuột mà ông đang trợ giúp, ông nhận thấy cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh này như thế nào?

Đáp: Tôi thấy có hai Ấn Độ. Một Ấn Độ của kinh thành niềm vui và giầu có, thế giới của kỹ nghệ vi tính và các triệu phú mới, và một Ấn Độ nghèo. Tôi xin đơn cử một thí dụ: tại Pháp người ta đang đóng cửa các lò luyện thép của trung tâm Arcelor-Mittal là xưởng luyện thép quốc tế nổi tiếng xuất phát từ tên của ông Lakshimi Mittal, một doanh thương Ấn Độ Calcutta, là người giầu đứng hàng thứ sáu trong số các tỷ phú giầu nhất thế giới. Năm ngoái tôi biết là ông Mittal đã mua một biệt thự giá 70 triệu Euro tại Saint Tropez cách chỗ tôi ở 5 cây số. Tôi đã viết cho ông ta một lá thư bầy tỏ tâm tình tiếp đón ông đến sống tại nơi đẹp nhất thế giới này và hy vọng ông sẽ hạnh phúc. Nhưng tôi xin ông điện thoại cho tôi và cho tôi gặp ông 5 phút thôi để tôi cho ông biết những gì tôi đang làm trên quê hương của ông là Ấn Độ. Tôi đã đem bức thư tới tận nhà cho ông, nhưng cho tới nay tôi cũng không nhận được câu trả lời nào.

Hỏi: Nhưng mà Ấn giáo dậy lòng thương xót đối với các thụ vật bé bỏng nhất mà thưa văn sĩ?

Đáp: Cả người Ấn giáo cũng có các tổ chức bác ái của họ, nhưng tôi nghĩ là họ thực thi sự mù quáng lựa chọn. Một người Ấn độ giầu không muốn biết rằng mỗi tối có 800 triệu người đồng hương của mình đi ngủ với chiếc dạ dầy không no.

Hỏi: Nhưng mà bên Tây Phương cũng lại không như thế hay sao, thưa ông? Giúp một người phong cùi bên Ấn Độ thì có lẽ dễ hơn là giúp một người vô gia cư ở ngoại ô thành phố Paris?

Đáp: Có lẽ đúng vậy, bởi vì cả tình bác ái cũng cần có một chiều kích ngoạn mục. Câu hỏi của qúy vị rất là hay. Tôi xin nói rằng mới đây tôi đã tham dự một chương trình trên đài truyền hình Một của Pháp trong vòng 19 phút lúc 6 giờ chiều Chúa Nhật, có 6 triệu khán thính giả. Trong những ngày sau đó tôi nhận được các lời xin trơ giúp hơn là các trợ giúp! Người ta viết cho tôi hàng chục lá thư: ”Thưa ông Lapierre, ông là người thật quảng đại, ông có thể giúp tôi được không. Tôi đã mất việc làm và tôi không có tiền” ... Đây là một dấu chỉ: người Pháp xin trợ giúp cho họ.

Hỏi: Thế ông có trả lời thư họ không?

Đáp: Có chứ. Tôi trả lời cho hết mọi người, nhưng không thể làm gì hơn là nói lên sự đáng tiếc của tôi. Trong một quốc gia như nước Pháp có một hệ thống an sinh xã hội bảo đảm cho một trẻ em, cả khi là trẻ em di cư lén lút, không bị chết, vì không được săn sóc. Trái lại, bên Ấn Độ không hề có chuyện đó. Nếu chúng tôi không làm, thì không có ai làm cả.

Hỏi: Vậy văn sĩ có làm một trong các dự án cho Tây Phương không?

Đáp: Dự án của tôi cho Tây Phương là viết sách để giữ cho nó tỉnh thức và là chứng nhân cho quyền năng của chúng ta có thể thay đổi các sự việc.

Hỏi: Sự thất bại của Hy Lạp trong cuộc khủng hoảng tài chánh kinh tế này đang cho thấy Âu châu không có nhiều tình liên đới, có đúng thế không thưa ông?

Đáp: Cứ cho là đúng đi. Nhưng khi tôi biết rằng có 50.000 người Hy Lạp đã chết từ 4-5 năm nay mà vẫn tiếp tục lãnh lương hưu trí, hay có 100.000 người tàn tật giả, hoặc có các triệu phú người Hy lạp sang sống tại những vùng thiên đàng thuế má, hay có các dân biểu tranh đua nhau khoe của, thế thì cái hệ thống này đã cống hiến cho thế giới bài học gì? Chấp nhận nó là điều không thể được. Ngày nay, các vụ lạm dụng đều được phanh phui ra hết, đó là điều đáng buồn cho nhân dân Hy Lạp; và tôi tin rằmg phải trợ lực họ nhưng chính người Hy lạp cũng phải thay đổi các sự kiện. Cần phải tố cáo các điều này trước khi ngồi đó mà khóc.

Hỏi: Xem ra văn sĩ đang nói tới tình hình của Italia...

Đáp: Tôi sẽ không bao giờ nói đủ rằng tại Italia tôi tìm thấy phẩm chất của tình liên đới và sự quảng đại duy nhất trên thế giới. Tuy nhiên, sự vắng bóng ý thức công dân sau cùng dẫn đưa tới thất bại. Chính vì thế trong các sinh hoạt trợ giúp nhân bản của mình, chúng tôi đã thiết định các luật lệ nghiêm ngặt: không ai có thể lấy đi cho dù một rupi tiền dành cho người nghèo. Và ngay trong việc trợ giúp người nghèo cũng có các ưu tiên. Tôi luôn luôn kiểm thực các đơn xin trợ giúp, và việc sử dụng ngân khoản trợ giúp. Tiền bạc làm cho con người hư hỏng. Cần phải thiết định một nền luân lý tuyệt đối không thể thương lượng.

Hỏi: Nền luân lý ấy dựa trên cái gì thưa ông?

Đáp: Dựa trên một tôn giáo hay trên một ý thức luân lý đơn sơ, không quan trọng: trong nghĩa này không có sự khác biệt giữa nền văn hóa kitô và nền văn hóa ấn độ. Cả bên Ấn Độ nữa gian tham hối lộ đã trở thành một thói quen trên tất cả mọi bình diện, từ các bộ trưởng cho tới các người đổi tiền. Tôi tìm đi ngang qua đó bằng cách cậy dựa trên sự hiện diện của tôi hay các luật lệ mà chúng tôi đã đưa ra. Mới đây một môn đệ của Gandhi là bà Anna Hazase đã tuyệt thực trước Quốc Hội Ấn để xin quốc hội đưa ra luật chống gian tham hối lộ,. Các đân biểu đã làm luật nhưng với điều kiện là không áp dụng cho chính họ.

Hỏi: Đây cũng là điều giống với Italia.. Nhưng các quốc gia trẻ như Trung Quốc và Ấn Độ đang nhảy vọt về kinh tế có giúp vượt thắng cuộc khủng hoảng quốc tế hay không thưa ông?

Đáp: Năm nay tại Ấn Độ người ta than phiền về sự thụt lùi, vì người ta đã dự kiến kinh tế chỉ gia tăng 7% trong khi năm ngoái đã gia tăng 9%. Bên Pháp thì thấp hơn mười lần. Vâng, các quốc gia trẻ này có thể thay đổi sự quân bình của thế giới, và đó là điều tốt thôi, kể cả trên bình diện thị trường. Chẳng hạn bên Pháp việc bán các loại rượu có mác đã gia tăng nhờ các giới giàu Trung Quốc thích mua. Họ có thể mua 2.000 Euro một chai.

Hỏi: Nhưng mà người dân các nước này có được hưởng sự sung túc ấy không thưa ông?

Đáp: Hy vọng vậy. Trong 50 năm quen biết Ấn Độ tôi ghi nhận có nhiều diều đã thay đổi, nhưng hiện vẫn còn có 100 triệu trẻ em sẽ không bao giờ được cắp sách đến trường, và 200 triệu người không có nước trong lành để uống. Đúng thật là có 900 triệu người Ấn có điện thoại, là dụng cụ đã thay đổi cuộc sống của cả những người nghèo nhất. Chỉ cần nghĩ tới việc một nông dân có thể gọi điện thoại lên thành phố để hỏi giá gạo, hầu thoát cảnh đầu tư của các thương gia khai thác gạo. Truyền hình cũng giúp thay đổi như vậy. Cho tới nay người ta dậy rằng nếu tôn trọng karma của những người nghèo tốt lành, thì họ có thể trở nên giầu có. Ngày nay thì người ta biết là không đúng như vậy. Và nếu mai này mà có một Gandhi bạo lực, thì tôi không muốn sống tại Ấn Độ nữa đâu.

Hỏi: Thưa văn sĩ, trong các tương quan với thế giới thứ ba, Tây Phương bị điều kiện hóa bởi sự sợ hãi. Thí dụ có người xin trợ giúp nhưng với điều kiện là không có di cư. Văn sĩ nghĩ sao?

Đáp: Khó mà trả lời câu hỏi này. Điều chúng tôi làm trong khung cảnh hạn hẹp của mình đó là trợ giúp các phương tiện cho người dân để họ sống còn trong nhà họ. Ấn Độ, Phi châu là các vùng đất rất phong phú, họ không cần di cư sang Âu châu. Nều chúng ta cho người dân khả thể sống một cách xứng đáng, thì hãy tạo dựng phát triển. Và điều này cũng có nghĩa là xét lại hệ thống tư bản một cách hoàn toàn.

(Avvenire 21-2-2012)
 
Phát triển Tân Phúc Âm Hóa bằng tổ chức du lịch
Bùi Hữu Thư
20:21 24/04/2012
Điệp văn của Đức Thánh Cha Benedict XVI Đại Hội Cancun

ROME, Ngày 24 tháng 4, 2012 (Le Monde vu de Rome) Đức Thánh Cha Benedict XVI kêu gọi việc phát triển tân phúc âm hóa bằng tổ chức du lịch, trong một điện văn gửi cho Đại Hội Thế Giới lần thứ VII về mục vụ du lịch.

Đức Thánh Cha Benedict XVI đã gửi điệp văn ký ngày ngày 18 tháng 4, năm 2012, cho Đức Hồng Y Antonio Maria Vegliò, chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về mục vụ cho người di dân và sơ tán (personnes en déplacement), và cho Đức Cha Pedro Pablo Elizondo Cárdenas, Giám Mục Cancún-Chetumal. Đại Hội có chủ đề "Du Lịch có thể tạo sự thay đổi" được tổ chức tại Cancun (Mễ Tây Cơ) từ ngày 23 đến 27 tháng 4, 2012.

Phát triển Tân Phúc Âm Hóa bằng tổ chức du lịch

Đối với Đức Thánh Cha Benedict XVI, du lịch là một "hiện tượng đặc thù của thời đại chúng ta", và phải được "soi sáng và biến đổi bởi Lời Chúa."

Tuy nhiên, ngài nhận xét, mỗi chuyến đi phản ảnh "một hành trình khác, sâu xa và ý nghĩa hơn", mà con người đã được mời gọi để thực hiện: "là hành trình dẫn đưa tới việc gặp gỡ Thiên Chúa."

Ngoài ra, ngài tiếp, khả năng "thưởng thức vẻ đẹp của các quốc gia, các nền văn hóa và thiên nhiên", có thể đẫn đưa con người đến với Thiên Chúa, và giúp cho có một "cảm nghiệm về đức tin," vì "sự vĩ đại và huy hoàng của các tạo vật làm cho chúng ta phải chiêm ngưỡng Đấng Tạo Hóa" (Sg 13, 5).

Đức Thánh Cha mời gọi hãy "tận dụng những cơ hội" mà du lịch cung ứng để "trình bầy Chúa Kitô như giải đáp tối cao cho các vấn đề của con người ngày nay": đây là bổn phận "tân phúc âm hóa" mà tất cả mọi người đã rửa tội được mời gọi lãnh nhận.

Ngài khẳng định: "Mục vụ du lịch" phải là một thành phần "có toàn quyền", của "mục vụ cơ bản và bình thường của Giáo Hội": việc này cho phép phối hợp các dự án và nỗ lực, cũng như để đáp trả "với một sự trung thành lớn lao hơn về sứ mệnh truyền giáo của Chúa Kitô".

Ba lãnh vực cần chú tâm đặc biệt để có một "kỹ nghệ du lịch đổi mới"

Đức Thánh Cha Benedict XVI tuyên bố: Nếu Giáo Hội "khuyến khích và cổ võ cho những tiềm năng của du lịch, Giáo Hội cũng nói lên "nhưng nguy cơ và sai lạc cần phải sửa đổi."

Về vấn đề này Đức Thánh Cha khuyên "gia tăng sự thận trọng, và tránh phải va chạm với những sai lạc này (…) một cách khẩn cấp", ngài nhắc đến kỹ nghệ du lịch khiêu dâm như "một hình thức đê tiện nhất của những sai lệch này." Về phương diện này, ngài lên án "việc sử dụng con người cho các mục tiêu tính dục hay để tiếp giáp các cơ phận (des greffes d’organes), việc khai thác trẻ vị thành niên, những sự bạo hành và tra tấn." Đây là đoạn trong điện văn của Đức Thánh Cha được giới truyền thông trích dẫn nhiều nhất.

Tuy nhiên, Đức Thánh Cha Benedict XVI nhấn mạnh ba lãnh vực mục vụ du lịch phải "chú tâm":

Trước hết, ngài mời gọi việc cổ võ cho một "nền văn hóa du lịch đạo đức và có trách nhiệm", dưới ánh sáng của học thuyết xã hội của Giáo Hội. Ngài mong ước là du lịch phải "tôn trọng phẩm giá con người và các dân nước, phải dễ dàng cho tất cả mọi người tham gia, phải công bình, vững bền và bảo vệ môi sinh." Ngài tiếp: Các ngày nghỉ phải là "một quyền lợi", và phải là một "thực tại" có thật cho tất cả mọi người, kể cả những người "kém may mắn nhất."

Thứ hai, Đức Thánh Cha Benedict XVI nói đến "via pulchritudinis" (con đường của vẻ đẹp) "không bao giờ được quên lãng." Vì di sản lịchsử-văn hoá-tôn giáo là "con đường dẫn tới Thiên Chúa", Đức Thánh Cha kêu gọi phải "chăm sóc cho việc đón tiếp" các khách du lịch. Ngài cũng đề nghị là các cuộc viếng thăm phải được thực hiện "vói sự tôn kính các thánh điạ như là một phần vụ về phụng vụ" và là "mục tiêu ưu tiên" đối với các tuyệt tác này.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha lập lại sự chú ý của ngài đến việc "phát triển toàn vẹn con người", và khuyến khích mục vụ du lịch phải "theo buớc các kitô hữu trong việc họ vui hưởng những ngày nghỉ và thời gian tự do của họ", để cho họ có thể "thụ hưởng một sự phát triển nhân sự và thiêng liêng.
 
Top Stories
Vatican: - Meeting on the Catholic Church in China
Fides
10:10 24/04/2012
Vatican City (Agenzia Fides) - From April 23 to 25, the Commission Pope Benedict XVI established in 2007 to study the issues of great importance for the life of the Catholic Church in China will meet at the Vatican.

The Superiors of the Dicasteries of the Roman Curia are part of the Commission, that are experts on the matter, and some representatives of the Chinese Episcopate and religious congregations. The statement released by the Vatican Press Office informs that in previous meetings the theme was on the formation of seminarians, consecrated people and priests .

This year, however, the formation of the lay faithful in the light of the situation of the Catholic community in China and in the '"Year of Faith," will be taken into consideration, which will be celebrated in the Church from 11 October 2012 to 24 November 2013. Attention will be paid also to the progress made in formation programs for priests, seminarians and consecrated people, and what remains to be done for their adequate preparation to service tasks, which they are called upon to carry out within the church and for the good of society. (SL) (Agenzia Fides 23/4/2012)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Tuyên Úy Đoàn Việt Nam Úc Châu họp thường niên tại Melbourne
Trần Văn Minh
09:45 24/04/2012
Các linh mục Việt Nam trong Tuyên uý đoàn Úc châu Họp thường niên.
Nguyện Đường Thánh Vincent Liêm
Melbourne. Chiều thứ Hai 23 tháng 4 Năm 2012. Tại Hội trường Trung tâm Công Giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm. Các linh mục Việt Nam trong tuyên uý đoàn liên bang Úc châu đã về dự buổi họp thường niên Năm 2012.
Đặc biệt tại buổi gặp mặt ngày đầu tiên, Đức cha Vincent Nguyễn Văn Long, giám mục phụ tá Tổng giáo phận Melbourne đã đến tham dự buổi họp. Hiện diện trong ngày họp đầu tiên, chúng tôi thấy có Linh mục Raphael Võ Đức Thiện Tuyên uý Cộng đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm. Đức Ông Phạm Minh Tâm Trung tâm Công giáo Thuyền nhân Adelaide. Lm Dương Thanh Liêm từ Sydney, Lm Anthony Nguyễn Hữu Quảng chủ nhiệm Nguyệt San Dân Chúa Úc châu và một số linh mục vv...
Ca đaòn Liên Minh Thánh Tâm hát lễ
Đức Cha Long đang chia sẻ Lời Chúa

Sang ngày thứ Ba, ngày họp chính thức, các linh mục trong tuyên uý đoàn đã về tham dự đông hơn. Hiên diện trong buổi họp, chúng tôi nhận thấy có các linh mục:
Đức ông Nguyễn Minh Tâm Nam Úc
Linh mục Nguyễn Viết Huy Nam Úc.
Linh mục Paul Chu Văn Chi Sydney.
Linh mục Dương Thanh Liêm Sydney
Linh mục Nguyễn Văn Tuyết Sydney
Linh mục Đặng Đình Nên Sydney
Linh mục Nguyễn Mộng Huỳnh Tây Úc
Linh mục Võ Đức Thiện Melbourne
Linh mục Huỳnh San Melbourne
Linh mục Nguyễn Hữu Quảng Melbourne
Các Linh mục trong kỳ họp Tuyên Úy Đoàn

Sau một ngày họp mục vụ. Các linh mục trong tuyên uý đoàn đã cùng Đức cha Vincent cử hành Thánh lễ đồng tế tạ ơn tại Nguyện đường Trung tâm Thánh Vinh Sơn Liêm. Mặc dù trời mưa gío, nhưng vì một dịp hiếm có khi các linh mục từ khắp nơi về dâng thánh lễ, giáo dân cũng đến tham dự rất đông và sốt sắng. Và Ca đoàn Đoàn Liên Minh Thánh Tâm đã hát phụng vụ Thánh lễ rất long trọng.
Trong bài chia sẻ, Đức cha Vincent đã loan báo năm 2013, Giáo hội Úc sẽ chọn là Năm Hồng ân nhờ vào những biến cố trọng đại mà Giáo hội Công giáo Úc châu đã đạt được trong mấy năm vừa qua, cụ thể là Đại hội giới trẻ Công giáo thế giới và gần đây là lễ tuyên Thánh cho Mẹ Mackillop vị thánh đầu tiên của Giáo hội Úc.
Đức cha cũng kêu gọi mọi người thêm lời cầu nguyện cho các linh mục, để các ngài trở thành hiện thân sống động của Đức Kitô. Nhân vô thập toàn, xin cầu nguyện cho các ngài tìm nên giống Đức Kitô, tìm sự hiến thân phục vụ, tìm sự công chính để trở thành môn đệ khiêm tốn và trung tín của ngài và cầu nguyện cho mỗi người trong chúng ta, như trong bài phúc âm để chúng ta biết đi tìm của ăn không hư mất, đó là tìm bánh hằng sống.
Cuộc họp thường niên của các linh mục trong Tuyên uý đoàn sẽ kết thúc vào chiều thứ Tư 25/4/2012. Tuyên uý đoàn liên bang Úc châu đã quyết định địa điểm cuộc họp thường niên Năm 2013 sẽ được tổ chức tại TGP Sydney.
Melbourne 24/4/2012.
Trần Văn Minh.
 
Giáo Xứ Bó Tờ vui mừng chào đón Cha tân Chính Xứ
Giuse Trần Ngọc Huấn
07:18 24/04/2012
Giáo Xứ Bó Tờ Vui Mừng Chào Đón Cha Tân Chính Xứ Giuse Nguyễn Văn Chung

Tiếp tục chương trình thuyển chuyển và nhận nhiệm sở mới của các linh mục trong Giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng, chiều ngày thứ Hai, 24 tháng 3 năm 2012, cộng đoàn dân Chúa tại Giáo xứ Bó Tờ, thuộc giáo hạt Cao Bằng, vui mừng chào đón cha tân chính xứ Giuse Nguyễn Văn Chung.

Giáo xứ Bó Tờ nằm ở xã Hoà Thuận, huyện Phục Hoà, tỉnh Cao Bằng. Đây là giáo xứ có đông đảo anh chị em giáo hữu là ngừời dân tộc thiểu số Tày – Nùng . Cách đây hơn bốn năm, giáo xứ đã rất vui mừng khi được chào đón cha xứ Vinhsơn Đào Văn Uyên về nhận nhiệm sở. Bốn năm trôi qua tuy không phải là quãng thời gian dài nhưng đủ để lại biết bao tình cảm vương vấn. Đối với giáo xứ Thanh Sơn mà cha Tân chính xứ Bó Tờ hôm nay đã từng là chính xứ cũng thế. Gắn bó với cộng đoàn trong gần năm năm qua, biết bao buồn vui, chia sẻ cùng với bà con giáo dân. Giờ đây khi các cha vâng theo bài sai của Đức Cha giáo phận để nhận nhiệm vụ mới sẽ không tránh khỏi những lưu luyến, băn khoăn vì những việc còn dang dở. Nhưng cứ tống cựu rồi lại nghinh tân, sự chuyển giao nhiệm sở lần này tại giáo xứ Bó Tờ không chỉ là chuyển giao mục vụ giữa hai cha, mà còn là sự nối tiếp hành trình thiêng liêng đưa giáo xứ Bó Tờ phát triển đi lên trong đời sống đức tin.

Xem hình

Khoảng 14 giờ chiều, một đoàn từ giáo xứ Bó Tờ đã đến nhà xứ Thanh Sơn để gặp gỡ và chào đón cha tân chính xứ Giuse Nguyễn Văn Chung. Cùng với Đức cha Giuse và cha xứ mới cùng quý cha, mọi người làm thành một đoàn thật đông để tiến về giáo xứ Bó Tờ, nơi cộng đoàn dân Chúa đang tề tựu và chờ đón.

Trải qua gần 70 km đường đèo quanh co khúc khuỷu, đúng 17h00, đoàn Đức cha và quý cha đã về tới cổng dẫn vào giáo xứ Bó Tờ. Ngay từ đầu đường lớn dẫn vào thánh đường, mọi người đã có mặt với cờ hoa trên tay để chào đón. Niềm vui tràn ngập trên khuôn mặt mỗi người. Đức cha Giuse nhận và hôn kính Thánh Giá Chúa. Sau đó mọi người cùng tiến về nhà thờ Bó Tờ, kính viếng Thánh Thể và cầu nguyện ít phút. Trong khuôn viên thánh đường, Đức cha Giuse, cha xứ mới và quý Cha cùng cộng đoàn hiện diện vui mừng chào thăm nhau trong tình nghĩa thật đậm đà gần gũi.

Đúng 19 giờ, tại thánh đường Thánh Tâm của Giáo xứ Bó Tờ, Đức Giám mục giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng, Giuse Đặng Đức Ngân, đã chủ sự thánh lễ và trao nhiệm sở mới cho cha tân chính xứ Giuse. Cùng về chia niềm vui, tham dự Thánh lễ để dâng lời tạ ơn, cầu nguyện với cha tân chính xứ và cộng đoàn giáo xứ Bó Tờ, có quý cha, quý tu sĩ, thân nhân của cha Giuse và anh chị em giáo dân các giáo xứ lân cận và các giáo xứ trước đây cha Giuse đã từng phục vụ. Một đoàn trống từ giáo xứ Thanh Sơn đã làm cho không khí của ngày lễ càng thêm rộn ràng vui tươi.

Bước vào Thánh lễ, Cha Tổng đại diện Giuse Trần Đức Hạnh đã long trọng đọc Văn thư của Đức Giám mục Giáo phận về việc Bổ Nhiệm tân linh mục chính xứ Bó Tờ Giuse Nguyễn Văn Chung. Cộng đoàn Phụng vụ vỗ tay trong niềm vui tạ ơn và đón nhận Cha xứ mới.

Tiếp theo đó là những nghi thức diễn nghĩa của việc nhậm chức chính xứ.

Mở đầu là phần Tuyên Xưng Đức Tin: Để thể hiện sự hiệp thông và trung tín với đức tin Tông truyền của Hội thánh, Cha tân chính xứ đứng trước bàn thờ và Đức giám mục giáo phận, đặt tay trên sách Phúc Âm tuyên xưng đức tin Công giáo và lời hứa trung thành với Hội Thánh.

Tiến tới cuối Thánh đường, Đức cha Giuse trao chìa khoá nhà thờ cho cha xứ mới và trao dây chuông cho ngài. Tiếng chuông nhà thờ là hiệu lệnh quy tụ đoàn chiên trong việc phụng thờ Thiên Chúa. Cha tân chính xứ kéo chuông nhà thờ nói lên ý nghĩa người được trao quyền triệu tập cộng đoàn dân Chúa trong Giáo xứ và quyền quản trị thánh đường.

Tiếp theo là nghi thức trao Tòa Giải Tội: Toà giải tội nơi diễn ra tình thương của Thiên Chúa qua tư cách của người mục tử nhân lành “chăn dắt đoàn chiên, tìm kiếm những con chiên lạc và cứu chữa những con chiên bị thương tích” (Ga 10, 1-16), Cha tân chính xứ ngồi Tòa Giải tội nghĩa là được trao quyền thay mặt Chúa tha thứ và giao hòa mọi hối nhân với Thiên Chúa và Hội Thánh. Nhân danh Chúa Giêsu, qua Bí tích hòa giải, ban ơn giải thoát cho mọi tâm hồn bị ma quỷ xiềng xích, mở cửa cho họ về với Chúa và với cộng đoàn.

Tiến tới gian cung thánh, Đức cha Giuse trao ghế chủ toạ cho cha xứ mới Giuse. Ghế chủ tọa tượng trưng cho quyền quản trị Dân Chúa. Cha tân chính xứ ngồi vào ghế Chủ tọa thể hiện tư cách của vị mục tử, đại diện cho Chúa Kitô Vị Thủ lãnh tối cao coi sóc đoàn chiên được trao phó.

Kết thúc của nghi thức, Đức cha Giuse trao chìa khoá Nhà Tạm Thánh Thể cho cha xứ mới. Cha xứ mới mở cửa và xông hương tôn thờ Mình Thánh Chúa. Nhà Tạm là nơi Chúa Giêsu đang hiện diện trong Bí tích Thánh Thể, nguồn thần lương nuôi dưỡng người tín hữu đang trên đường lữ thứ trần gian. Với cử chỉ mở cửa Nhà Tạm, Cha tân chính xứ lãnh nhận quyền và bổn phận đem của ăn thiêng liêng là Mình Thánh Chúa cho giáo dân, đó là trách nhiệm quan trọng hàng đầu của vị mục tử, dấu chỉ của sự thi hành thánh ý Chúa, chăm sóc nuôi dưỡng đoàn chiên của Ngài.

Qua những nghi thức long trọng và được cử hành cách công khai giữa Cộng đoàn Dân Chúa, nói lên rằng: Nhận giáo xứ mới không phải là việc riêng giữa cha chính xứ với Đức giám mục nhưng là của toàn thể cộng đoàn giáo hội địa phương. Nhận chức chính xứ cũng không phải đơn thuần chỉ là một thủ tục theo giáo luật mà còn là cơ hội để bà con giáo dân cầu nguyện cho người lãnh nhận xứ vụ mục tử, nhất là cho mỗi người giáo hữu có dịp được hiểu biết và ý thức sâu xa hơn về mối dây hiệp thông giữa Đức giám mục giáo phận, về nghĩa vụ cộng tác với cha tân chính xứ trong việc phục vụ dân Chúa.

Trong bài giảng, Đức cha Giuse chia sẻ với cộng đoàn về mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa Giêsu và việc Ngài hiện ra với các môn đệ. Ngài cũng chia sẻ về ơn gọi và sứ vụ của các linh mục, nhất là linh mục chính xứ trong lòng Giáo hội hôm nay. Ngài mời gọi mọi người cộng tác và cầu nguyện cho cha tân chính xứ, cũng như bày tỏ tình yêu mến và tri ân với cha xứ tiền nhiệm. Với ơn của Chúa, tin tưởng rằng giáo xứ Bó Tờ sẽ trở nên như một ngọn đèn đức tin, chiếu sáng giữa hành trình cuộc đời nơi vùng đất còn nhiều thách đố này.

Trước lời nguyện chung là nghi thức cha tân chính xứ đến trước Đức Giám mục để lặp lại lời hứa khi chịu chức linh mục. Nghi thức này nhắc đến thái độ vâng phục Giám mục và sự trung thành của vị mục tử với các nhiệm vụ sắp được trao phó.

Trong nghi thức chúc bình an, Cha xứ mới Giuse Nguyễn Văn Chung xuống các hàng ghế giáo dân để chào chúc bình an cho mọi người.

Trước khi kết thúc Thánh Lễ, với tâm tình cảm động, hai cha nguyên và tân chính xứ Bó Tờ cũng bày tỏ những tâm tư cảm xúc của mình. Người ra đi, người ở lại, lời chia tay và lời chào của hai cha dường như nghẹn lại trong nỗi xúc động trào dâng. Sẽ chẳng có gì là kết thúc và khởi đầu, đó là một sự chuyển giao, sự chuyển tiếp của tình yêu mến và nhiệt huyết phục vụ hy sinh nơi cha chính xứ và cộng đoàn, giữa mục tử và chiên lành. Các ngài xin mọi người hãy luôn cầu nguyện để trên hành trình dấn thân phục vụ và trong mọi công việc mục vụ sắp tới được luôn bình an trong Chúa, vững tâm và sẵn sàng đáp trả tình Chúa bao la, tình anh em đậm đà.

Tiễn cha nguyên chính xứ Vinhsơn Đào Văn Uyên – người đã gắn bó với bà con giáo dân Bó Tờ suốt mấy năm qua và chào đón tân chính xứ Giuse Nguyễn Văn Chung, cộng đoàn giáo dân tại Bó Tờ có bao điều muốn nói. Bằng những lời cảm ơn chân thành, những lời chúc bình an trong Chúa và gói gọn tâm tình đó trong sự cảm mến, vị đại diện giáo xứ đã kính dâng lên Đức Cha, dâng lên hai cha nguyên và tân chính xứ. Cảm ơn Đức Cha vì sự quan tâm, thương mến của Đức Cha đã hiện diện trong thánh lễ trọng đại này, đã thương xem và cử đến những vị mục tử hăng hái, đầy nhiệt huyết tông đồ đến coi sóc giáo xứ Bó Tờ. Cảm ơn chân thành cha nguyên chính xứ Vinhsơn vì những gì cha đã làm, những tình cảm mà cha đã trao cho cộng đoàn giáo xứ Bó Tờ trong suốt gần năm năm qua và chúc cha thành công với nhiệm sở mới. Chào đón cha tân chính xứ Giuse với tất cả tấm chân tình, hi vọng và xin hứa với cha là toàn thể bà con giáo dân Bó Tờ sẽ đồng hành, cộng tác với cha trong thời gian sắp tới. Niềm vui càng lớn hơn với cộng đoàn giáo xứ mà đa phần là người dân tộc thiểu số khi mọi người biết rằng Cha xứ mới Giuse Nguyễn Văn Chung cũng là người có dòng máu mẹ cùng dân tộc thiểu số và ngài có thể nói bằng tiếng dân tộc Tày – Nùng của họ.

Trong huấn từ ngắn, Đức cha Giuse bày tỏ tâm tình của mình khi đến với giáo xứ Bó Tờ. Đức cha Giuse chia sẻ: các linh mục cũng là con người, cũng có những bất toàn và yếu đuối của con người, vì thế ngài cũng kêu gọi mọi người hãy có sự cảm thông, chia sẻ với các cha và đồng hành cùng các cha để đưa đời sống đức tin và sinh hoạt đạo đức của giáo xứ ngày một đi lên hơn nữa. Ngài cầu chúc mọi thành phần dân Chúa nơi giáo xứ Bó Tờ luôn khiêm tốn và trung thành với ơn của Chúa, sẵn sàng mở lòng chia sẻ ơn của Chúa đến với mọi người, để mọi lời nói, việc làm trong gia đình, giáo xứ, Giáo hội và xã hội đem lại sự bình an, hiệp nhất, yêu thương.

Thánh lễ kết thúc với phép lành mà Đức Cha trao ban. Nghi thức nhận chức chính xứ mời gọi mọi người cùng tiến tới Đất Thánh của giáo xứ để cầu nguyện cho những tín hữu đã qua đời, nhưng vì hoàn cảnh không cho phép, nên mọi ngừời cùng sốt sắng đọc Kinh vực sâu để cầu nguyện cho các linh hồn trước khi hát bài tạ lễ.

Những giọt nước mắt cảm động vẫn rơi, giờ phút chia tay và chào đón vẫn như ngắn lại. Sau thánh lễ, mọi người vẫn nán lại nhà thờ để tạm biệt cha nguyên chính xứ và chào đón cha xứ mới. / .

Giuse Trần Ngọc Huấn
 
Nhóm Ve chai Phanxicô Assisi đi thăm và tặng quà tại Trại Phong Bến Sắn
Quân Tuấn Anh
08:50 24/04/2012
BÌNH DƯƠNG - Thực hiện chương trình của nhóm trong việc chia sẻ bác ái theo tinh thần của Thánh Phanxicô Assisi, Chúa Nhật III Phục Sinh (22/4/2012) Nhóm Ve chai Phanxicô Assisi – Giáo xứ Khiết Tâm đã đi thăm và tặng quà cho các bệnh nhân phong cùi tại Trại Phong Bến Sắn, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.

Xem hình ảnh

Cũng như bao chương trình tông đồ khác, các thành viên của nhóm rất háo hức đón chờ ngày hoạt động này và đó cũng là thành quả của biết bao ngày tháng thu lượm ve chai để gây quỹ bác ái, ai ai cũng hăng say, nhiệt tình và dấn thân để làm một việc nhỏ nhưng tràn đầy biết bao ý nghĩa lớn. Được sự cho phép của Cha Chánh xứ Khiết Tâm cùng với Ban Caritas giáo xứ, nhóm đã lên kế hoạch từ trước và thực hiện chương trình vào Chúa Nhật III Phục Sinh hôm nay.

Tham gia chương trình với nhóm có quý Sr Dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ, Ban Mục vụ Di dân của Giáo xứ Khiết Tâm cùng với quý ân nhân và các anh chị em trong nhóm. Sáng sớm, mọi người có mặt trước khuôn viên Thánh đường Giáo xứ Khiết Tâm và xuất phát tới Trại Phong Bến Sắn, sau khi chào thăm Sr phụ trách trung tâm và được Sr cho biết về lịch sử hình thành và phát triển của Trại Phong Bến Sắn, nhóm được chia ra thành nhiều nhóm nhỏ để làm việc, nào là hổ trợ nấu cơm cho bệnh nhân, nào là chuẩn bị các phần quà, nào là sinh hoạt với các em thiếu nhi, rồi hổ trợ cho bệnh nhân ăn cơm…ai ai cũng hăng say, nhiệt tình với công việc được phân công.

Tiếp theo đó là đi thăm từng khoa của bệnh viện và phát quà cho 150 bệnh nhân, tuy phần quà ít ỏi, đơn sơ nhưng mang nhiều niềm cảm thông, chia sẻ. Thấy niềm vui hơn hở và nụ cười trên môi của các bệnh nhân khi cầm trên tay những phần quà chắc hẵn rằng họ sẽ cảm thấy hạnh phúc lắm, nhưng hạnh phúc lớn hơn không phải chỉ là những phần quà nhỏ bé vật chất mà là phần quà của sự yêu thương và ấm áp tình người mà mỗi thành viên trong đoàn trao cho họ.

Vào buổi chiều, mọi người trong đoàn được quý Thầy Dòng Tên đang phục vụ nơi đây dẫn đi thăm các gia đình của bệnh nhân trong khu vực và cũng tìm hiểu về cuộc sống thường ngày của họ, với những cái bắt tay, những lời chào hỏi thân thiện tuy lần đầu tiên gặp gỡ nhưng ai cũng cảm thấy vui tươi, phấn khởi và sẵn sàng chia sẻ cho mọi người về cuộc sống hàng ngày của họ.

Kết thúc chương trình, anh Nhóm trưởng đại diện nhóm nói lên lời cám ơn với Sr phụ trách và tất cả mọi người nơi đây đã giúp nhóm thực hiện được kế hoạch của mình, đồng thời cám ơn Sr đã nhiệt tình lo lắng, hướng dẫn và sắp xếp cho chuyến tông đồ của nhóm được thành công tốt đẹp. Chương trình khép lại với biết bao hình ảnh đẹp in dấu trên mỗi người khi tham gia chương trình này, qua đó cũng mời gọi mọi người tham gia các hoạt động của nhóm để một phần nào đó gửi những niềm vui, niềm hạnh phúc tới những mảnh đời bất hạnh, kém may mắn.
 
Giáo xứ An Phú kỉ niệm 50 năm thành lập
Nguyễn Dũng
09:43 24/04/2012
GIÁO XỨ AN PHÚ LƯỢC SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

I. LƯỢC SỬ HÌNH THÀNH:

Xem hình ảnh


Lược sử hình thành Giáo xứ An Phú sau 50 năm tồn tại và phát triển. Từ năm 1962 đến nay. Qua những nhiệm kỳ của các Linh mục Chánh Xứ như sau:

v Từ năm 1962-1991: THÀNH LẬP VÀ XÂY DỰNG CƠ SỞ.

I.1. DỰNG TẠM MỘT NHÀ NGUYỆN ĐƠN SƠ:

Sau hiệp định Genève 1954 chia cắt Bắc-Nam, từng đoàn nguời rời bỏ quê hương, xứ đạo, một số gia đình miền Bắc theo dòng người di cư vào Nam, sinh sống lập nghiệp tại đây. Đa số là những người làng An Mỹ, Phú Xuyên gốc Bùi Chu cùng một số làng khác, sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa, trồng rau, chăn nuôi…

Một số gia đình Công Giáo đã cùng nhau mua đất san lấp ao hồ, vùng trũng sình lầy và cùng chung vai hợp sức xây dựng ngôi nguyện đường bằng những vật liệu thô sơ gỗ, tre, lá để có nơi thờ phượng Chúa.

Thỉnh thoảng các Cha ở Bùi Phát, Hòa Hưng… đến đây dâng lễ, lúc này chưa thành lập xứ, giáo dân đi lễ Giáo xứ Bùi Phát, Vườn xoài, Hoà Hưng, Dòng Chúa Cứu Thế…

Địa giới nằm giữa hẻm 219 gần cống Bà xếp, phía ngoài giáp đường rày xe lửa thuộc Giáo xứ Hoà Hưng, phía trong giáp kênh nhiêu lộc ( bên kia kênh là Giáo xứ Bùi Phát và Giáo xứ Vườn Xoài). Phía Đông Nam giáp Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.

Bấy giờ khoảng hơn 20 gia đình công giáo, hơn 100 giáo dân sống xen kẻ cùng các gia đình tôn giáo bạn. Khi có nhà nguyện, giáo dân ở đây xin với Linh Mục Phao-lô Nguyễn Văn Truyền ( Bấy giờ là chánh xứ Hòa Hưng ) xin đặt Mình Thánh Chúa và làm lễ. Nhưng Cha sở Giáo xứ Hòa Hưng không đồng ý vì chưa có sự chấp thuận của Tòa Tổng Giám Mục.

Ngày 18/07/1959, Đức Cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền quản nhiệm Giáo Phận Sài Gòn về làm phép nhà nguyện đơn sơ này.

I.2. XÂY DỰNG NHÀ THỜ LẦN THỨ NHẤT:

Ngày 14/06/1962, với quyết định của Đức cố TGM Phao-lô Nguyễn Văn Bình (1910-1995) cho phép thành lập Giáo Xứ An Phú, thuộc Hạt Chí Hòa (TGP Sài Gòn 1924-1975 ) cùng với việc bổ nhiệm Cha sở tiên khởi.

Ngày 22/06/1962, bà con giáo dân chào đón Cha Mát-thêu Phạm Công Ngơi (U) từ Giáo xứ Cây Điệp (Quang Trung), khi đó bị giải tỏa, ngài về Giáo xứ Lạc Quang, huyện Hóc Môn, tình nguyện nhận lời Bề Trên về phục vụ tại khu vực Cống Bà Xếp, ngài là vị Linh mục tiên khởi có công lập xứ.

Thời gian đầu chỉ có một hoặc hai ông kiêm nhiệm tất cả việc nhà Chúa như ông Tiềm, ông Tuy…..

Ngày 26/06/1962, Cha Mát-thêu họp các vị đại diện, thành lập Ban chấp hành lâm thời. Cha đã chia Họ Đạo ra làm 05 giáo khu để quản trị gồm: khu Thánh Gio-an, khu Thánh Tâm, khu Mông Triệu, khu Thánh Phê-rô và khu Thánh Phao-lô (Mỗi giáo khu bầu 01 ông).

Sau đó Cha cố thành lập các Hội đoàn như:

+ Đội Nghĩa Binh Thánh Thể, tiền thân của Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể hiện nay, để dạy dỗ và giáo dục các em thiếu nhi.

+ Hội các Bà mẹ, Hội con Đức Mẹ, Hội liên minh Thánh Tâm và Ca đoàn Thánh Tâm…

Cha Mát-thêu cũng chọn lễ mừng kính Thánh Giu-se (19/3) hằng năm làm Bổn mạng Giáo xứ An Phú.

Ngày 01/07/1962 Cha Quản Hạt Chí Hòa về tuyên bố ranh giới mới của Giáo xứ.

Một thời gian sau vượt qua mọi khó khăn, mua thêm một số đất, Cha cố cùng với bà con giáo dân bắt tay xây dựng lại ngôi nguyện đường đơn sơ này bằng những vật liệu kiên cố bằng: cây, gỗ, vách ván, mái tôn khang trang hơn. Đó là ngôi nhà thờ đầu tiên.

Những người dân ở đây đặt tên là An Phú, với ý nghĩa là An là An Mỹ, Phú là Phú Xuyên và một ý nghĩa thân thương khác là Cha sở cũng mong muốn cho mọi người được An cư và Phú thịnh về mọi mặt. Đến nay hình ảnh ngôi nhà thờ bé nhỏ, mộc mạc ấy vẫn còn in đậm trong ký ức của nhiều người.

Do con đường vào nhà thờ quá chật hẹp, khi đưa tiễn người quá cố hoặc khi xảy ra hỏa hoạn khó bề thoát hiểm và số giáo dân đổ vào Sài Gòn ngày một đông, cộng thêm nhà ở của Cha sở lại nằm gần hố rác mất vệ sinh. Cha cố bàn với ông Tiềm, ông Dự, Ông Phan, ông Tuy, ông Sâm… và một số ông có vị thế lúc bấy giờ mua đất dời nhà thờ đi nơi khác, nhưng có một số giáo dân không chịu vì ngôi nhà nguyện do họ tạo lập.

I.3. XÂY DỰNG NHÀ THỜ LẦN THỨ HAI:

Qua một thời gian, Cha cố gởi kiến nghị và được sự đồng ý của Tòa Tổng. Cha liền vận động các ân nhân xa gần và giáo dân trong xứ, quyết định mua một số căn hộ tại địa chỉ 205/45 Trần văn Đang hiện nay, cách ngôi nhà thờ cũ 50m, lấy đất để xây nhà thờ mới với diện tích 20.6m x 14.2m, thuê người đổ đất nâng cao nền và xây dựng mới bằng cột bê tông, tường gạch, mái tôn kiên cố hơn gồm một trệt, một lầu lửng khang trang rộng rãi đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của giáo dân lúc bấy giờ và một tháp chuông cao hơn để tiếng chuông được vang xa. Bên cạnh nhà thờ Cha dành một miếng đất để làm nhà xứ.

Năm 1963 trong lúc đang tiến hành xây nhà thờ thứ hai, Cha cố Mát-thêu dành 150m2 đất tại ngôi nhà thờ cũ, làm thành một dãy năm gian được xây lên làm Trường tiểu học lấy tên An Phú học đường và nhà ở cho các sơ Dòng Đa Minh đến phục vụ, khi đó có các soeur Nga, soeur Liên, soeur Tâm.

Con em các gia đình hằng ngày cắp cặp đến An Phú học đường ê, a câu chữ vỡ lòng. Từ nơi đây ngọn lửa đức tin đã được duy trì và nuôi dưỡng để cộng đoàn nhỏ bé này phát triển lớn lên từng ngày và dần trưởng thành hơn trong nửa thế kỷ qua.

( Sau 30/4/1975, nhà nước trưng dụng làm trường tiểu học Trần Văn Đang tại vị trí nhà thờ cũ, nhưng khu nhà các Dì ở vẫn thuộc tài sản của Giáo xứ ).

Năm 1964, các soeur Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm đến phục vụ, giúp xứ có soeur Maria Bảy, soeur Côi, soeur Sa… Các soeur làm đủ mọi nghề để sinh sống như bán thuốc, dạy học, dạy trẻ, phục vụ nhà thờ, dạy giáo lý…

Khởi công xây dựng từ năm 1963 miệt mài vận động và xây dựng đến năm 1965 ngôi Thánh đường thứ hai mới hoàn thành. Họ Đạo An Phú từng bước vượt qua bao khó khăn để tiến lên từng ngày cùng xứ bạn.

Ngày 23/07/1987, Giáo xứ An Phú tổ chức mừng Ngân khánh 25 năm thành lập.

Nghĩa tử của Cha cố Mát-thêu là các cha Gio-an Bao-ti-xi-ta Nguyễn Xuân Đức, cha Giu-se Nguyễn Duy Diễm và cha Giu-se Trần Văn Lưu.

Sau 29 năm phục vụ, vì sức yếu bệnh tật, ngài đã về nhà Chúa ngày 07/02/1991 trong niềm tiếc thương vô hạn của nhiều người. Giáo Xứ đã mất đi một vị Cha già đáng kính và thân thương. Thân xác ngài được an nghỉ tại nghĩa trang Lái Thiêu. Hằng năm nhân ngày giỗ, hoặc lễ bổn mạng của ngài, đề tỏ lòng biết ơn và tưởng nhớ, cộng đoàn Giáo xứ cùng đến mộ để thăm viếng và đọc kinh cầu nguyện.

Từ năm 1991-2003: CANH TÂN VÀ ĐỔI MỚI

Cha Giu-se Nguyễn Duy Diễm, năm 1962, khi đó còn là một chủng sinh, sau đó tập sự giúp xứ An Phú, dưới sự chỉ bảo của Cha cố Mát-thêu.

Ngày 15/04/1975 Cha Giu-se Nguyễn Duy Diễm chịu chức linh mục, trong bối cảnh miền Nam sắp giải phóng, được Đức Tổng bổ nhiệm làm phụ tá cho Cha cố Mát-thêu. Cha Giu-se bàn với Cha cố gộp hai Giáo Khu Gioan + Thánh Tâm thành Khu Thánh Tâm vì số giáo dân các khu nầy ít hơn các khu khác, còn các khu khác không thay đổi.

Năm 1976, TGP Sài Gòn đổi tên thành TGP- TP Hồ Chí Minh có 15 Giáo Hạt và Giáo xứ An Phú thuộc Giáo hạt Tân Định (Quận 3)

Khi cha cố qua đời, Cha Giu-se được bổ nhiệm làm chánh xứ.

Cha đã chọn bổ sung và củng cố lại HĐMVGX, các Hội đoàn, Đoàn TNTT, thành lập các ca đoàn (Emmanuel; Magnificat; An-rê Trần An Dũng Lạc). Giáo dân lúc bấy giờ khoảng trên 2.000 người, và 500 hộ gia đình công giáo.

Năm 1993 Cha sở bắt đầu đặt lại tên và gộp các khu thành 4 Họ Giáo:

• Khu Thánh Tâm thành Họ Giáo Thánh Linh.

• Khu Phê-rô thành Họ Giáo Hiển Thánh.

• Khu Phao-Lô thành Họ Giáo Hiển Linh,

• Và Họ Giáo Mông Triệu.

Mỗi Họ Giáo có một Trưởng và một phó.

Ban thường vụ gồm: 01 ông Chánh, 02 ông phó, 01Thủ quỹ và 01Thư ký và Cha sở chọn ngày Lễ Chúa Chiên Lành làm Bổn mạng Giáo xứ. Trong giai đoạn này Giáo xứ có nếp sinh hoạt tôn giáo khá sinh động theo phong thái và cung cách, tư duy cấp tiến của Cha Giu-se.

Các souer Dòng Mến Thánh Giá đã giúp xứ từ năm 1964, Sau này, nhà Dòng đã cử thêm một số chị em khác đến thay và thêm một số một số chị em Dòng Lao Động Truyền Giáo ( Nước Hằng Sống ) đến phụ giúp kinh nguyện và hát các Thánh lễ sáng.

Đây là thời kỳ biến động về kinh tế và xã hội. Ngoài công việc mục vụ thiêng liêng coi sóc cộng đoàn. Cha luôn trăn trở ngôi nhà thờ ngày càng xuống cấp. Khó khăn trong việc xin cấp phép xây dựng, Cha sở đã cùng HĐMV vận động giáo dân tu sửa lại Thánh Đường như: sửa chữa tháp chuông, thay đổi nội thất, trang trí lại cung thánh, bàn thờ, tượng Chúa, trần và sàn nhà thờ đều bằng gỗ, đóng mới lại các ghế ngồi, thay cửa gỗ bằng cửa sắt cho thông thoáng, đập bỏ gác lửng hai bên (chỉ chừa lại gác đàn), xây dựng lễ đài Đức Ki-tô Mục Tử trước nhà thờ để giáo dân kính viếng và cầu nguyện.

Cũng thời gian này Cha đã vận động giáo dân mua 1.500m2 đất tại khu vực nghĩa trang Bình Hưng Hòa để thành lập nghĩa trang Giáo xứ, làm nơi an nghỉ cho những giáo dân qua đời trong xứ.

Năm 2000 Cha tiếp tục vận động giáo dân đóng góp mua một căn hộ lấy đất ở phía sau nhà thờ để mở rộng khuôn viên nhà xứ. Thiết kế thêm một số phòng để các em thiếu nhi sinh hoạt.

Ngày 06 tháng 11 năm 2003 Hội đồng mục vụ cùng cộng đoàn Giáo xứ tiễn Cha Giu-se về nhận nhiệm vụ mới tại Giáo xứ Thánh Gia (Tân Định). Sau hơn 28 năm phục vụ.

Từ năm 2003 đến nay: XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

Ngày 08/11/2003 cộng đoàn Giáo xứ An Phú hân hoan chào đón Tân Chánh Xứ Phê-rô Lê Hoàng Chương, khi đó là cha phó Giáo xứ Tân Sa Châu, về nhận nhiệm sở mới tại Giáo xứ An Phú.

Với tuổi đời còn trẻ và lòng nhiệt thành nhà Chúa, Cha thường xuyên đi mục vụ thăm viếng các gia đình trong xứ: xức dầu, giải tội và trao Mình Thánh Chúa.

Hiện nay tổng số giáo dân gần 2.300 người, hơn 600 gia đình công giáo.

Sau hai năm tìm hiểu và cầu nguyện, Cha đã tiến hành hai việc quan trọng là bầu HĐMVGX và xây dựng lại ngôi thánh đường mới.

Năm 2005 Cha sở họp HĐMV lấy ý kiến giáo dân, bầu HĐMVGX theo quy chế HĐMVGX của tòa Tổng Giám Mục năm 2002, vì có một số nhân sự xin từ nhiệm vì hết nhiệm kỳ. Kiện toàn lại Hội gia đình Phạt Tạ Thánh Tâm. Hội các Bà Mẹ Công Giáo, Hội Lêgiô. Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể.

Bổ sung và thành lập thêm ca đoàn Mẹ Thiên Chúa và ca đoàn Thiếu Nhi, nhóm cầu nguyện lòng thương xót Chúa, ban Caritas Giáo xứ, ban Phụng tự, ban Truyền Thông Giáo xứ….

Ngày 20/01/2006 Cha sở cùng HĐMVGX làm đơn xin Đức Tổng cho phép khởi công xây nhà sinh hoạt đức tin, với số tiền quỹ ít ỏi, Cha đã kêu gọi giáo dân tiết kiệm đóng góp và gởi thư ngỏ đến các Giáo xứ thân quen để được giúp đỡ. Sau khi khoan địa chất thăm dò để làm nền móng và đi đến quyết định nhờ Kiến trúc sư thiết kế. Được chính quyền cấp phép và Giáo xứ bắt đầu tiến hành công việc xây dựng.

Ngày 10/11/2007, Đức cha Giuse Vũ Duy Thống chủ sự Thánh lễ đặt viên đá đầu tiên.

Ngày 02/12/2007, Đức Hồng Y Gioan Bao-ti-xi-ta Phạm Minh Mẫn chủ sự Thánh lễ khởi công.

Ngày 19/04/200, Đức cha Giuse Vũ Duy Thống chủ sự Lễ Khánh Thành nhà sinh hoạt giáo lý đức tin.

Ngày 05/05/2008, Cha sở thành lập phòng Hài cốt, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của giáo dân muốn gởi Hài cốt tại Giáo xứ.

Trong khi còn đang lo việc xây dựng, ngày 30/5/2010, Cha sở cùng HĐMV tiễn các soeur về Dòng Mến Thánh Giá nhận nhiệm vụ mới, sau gần 41 năm phục vụ tại Giáo xứ An Phú.

Khi nhà Giáo lý đã hoàn thành, Cha sở cùng HĐMV đi đến với các Giáo xứ để quyên góp và tiếp tục vận động từng gia đình trong xứ, bắt tay xây dựng nhà thờ mới trên nền ngôi thánh đường cũ đã xuống cấp sau hơn 40 năm sử dụng. Được sự đồng ý của Tòa Tổng và chính quyền cấp phép xây dựng ngày 30/03/2009.

Ngày 08/08/2009, Đức Hồng Y Gioan Bao-ti-xi-ta Phạm Minh Mẫn chủ sự Thánh lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng nhà thờ mới.

Nhìn lại thời gian đã qua, nhất là từ năm 1962 đến nay, Giáo xứ đã có khá nhiều thay đổi về mọi mặt, từ việc xây dựng, tu sửa, tôn tạo các cơ sở công trình vật chất đến việc mở mang, phát triển các Hội đoàn và các mặt sinh hoạt của Giáo xứ.

Để có được thành quả như ngày hôm nay, không thể không kể đến công sức và nỗ lực của những vị Linh Mục quản nhiệm và của rất nhiều người. Vượt qua bao khó khăn, sau cùng với sự cầu nguyện, đóng góp, sự giúp đỡ tích cực của quý Đức Cha, quý Cha, quý tu sỹ nam nữ, giáo dân trong và ngoài xứ, các mạnh thường quân, các vị ân nhân còn sống cũng như đã qua đời, các cấp chính quyền cũng tạo điều kiện.

Ngôi thánh đường mới Gíáo xứ An Phú đã được hoàn thành trong bình an Chúa ban và tốt đẹp như mọi người mong đợi.

Ngày 15/05/2011, Lễ khánh thành nhà thờ mới được tổ chức trọng thể do Cha Hạt trưởng Hạt Tân Định - Gioan Bao-ti-xi-ta Võ Văn Ánh chủ sự.

Kể từ đây ngôi thánh đường mới Gíáo xứ An Phú đáp ứng được nhu cầu về chỗ ngồi cho cộng đoàn và mọi sinh hoạt trong nhà thờ cũng như những công năng khác, như: chỗ để xe, nhà kho, các phòng tiếp sức mùa thi, các phòng học hỏi lời Chúa, nhà tạm chầu Mình Thánh Chúa, phòng gởi hài cốt cho giáo dân trong và ngoài xứ.

Cha sở chỉnh trang lại tượng đài Đức Mẹ La-Vang, Mẹ ban ơn, và bức phù điêu các Thánh Tử Đạo nằm trong khuôn viên rộng thoáng để cộng đoàn lui tới cầu nguyện.

Thắm thoát Giáo xứ đã trải qua hơn 50 năm với bao nỗi buồn vui, những thay đổi thăng trầm của lịch sử và thời cuộc. Nhưng với một niềm tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa đã tuôn đổ biết bao hồng ân trên Giáo xứ An Phú. Ước mong mọi thành phần dân Chúa trong xứ, biết đoàn kết yêu thương nhau, sẵn sàng cộng tác nhân lực và tài trí cùng với Cha sở để dựng xây Giáo xứ ngày một triển nở, hướng về tương lai để tiến bước và hân hoan chuẩn bị chào đón năm Thánh, mừng Kim Khánh kỷ niệm 50 năm thành lập Giáo Xứ.
 
“Tổ ấm huynh đệ” tổ chức ngày hội vui cho các em khuyệt tật ở Phan Thiết
Paul Nguyễn-văn-Sự
09:52 24/04/2012
Hằng năm vào ngày 18/4 “Tổ ấm huynh đệ” trường dạy những người khuyết tật thuộc Tòa Giám Mục Phan Thiết đã tạo mọi điều kiện tốt nhất để các em khuyết tật được vui chơi trong những dịp này.

Xem hình ảnh

Vì đa số các em thuộc gia đình nghèo, con em công nhân viên, nên để kết hợp và có sự hỗ trợ của các phụ huynh, trường đã dời ngay hội vui vào dịp nghỉ cuối tuần (thứ bảy 21/4/2012).

Dưới sự điều hành của hai Soeurs Maria Hoàng thị Liên, Anna Kim-Phượng, 12 cô giáo của trường, 30 phụ huynh, 9 tình nguyện viên từ các cựu huynh trưởng Hướng đạo và Thiếu Nhi Thánh Thể, 84 trong số 104 em học sinh của Tổ ấm rời Tòa Giám Mục lúc 7giờ sáng, trực chỉ Resort Hòn-Rơm I để cùng thưởng ngoạn không khí biển và vui chơi trong ngày hội.

Tại sân chơi này các em được các cô giáo cho khởi động những bài hát cử điệu hoạt động ngoài trời và sau đó được các tình nguyện viên hướng dẫn trò chơi “hội chợ” như: ném loon, ném bóng rổ, đi du lịch bằng máy bay, ném bóng bàn. Điều đặc biệt là ban tổ chức hội chợ “lỗ nặng” vì tất cả các em tới bất cứ gian hàng nào cũng đều trúng thưởng, em nào không thể chơi được thì các tình nguyện viên ẵm vào sát đích để thực hiện trò chơi.

Sau giờ ăn và nghi trưa, đoàn vượt hơn 10 km đến tham quan Resort “Cát Trắng” theo lời mời của ông chủ người Anh “Mr. Karl”. Ở đây, các em lại nhận được sự đồng cảm của ban Giám đốc, mỗi em được trao một phần quà cùng với sự tiếp đón chân tình của ông chủ và bà quản lý Lưu-ngọc Yến. Trước khi ra về, đáp lại lời cám ơn của chúng tôi, bằng giọng lơ lớ Việt Nam, ông chủ nhắc đi nhắc lại nhiều lần: “không được nói 2 từ cám ơn, vì đây là trách nhiệm của chúng ta, những người may mắn lành lặn”. Câu nói này làm cho tôi nhớ đến lời Đức Cha Nicolas Huỳnh-văn-Nghi trước đây có lần nói với chúng tôi: “Chúng ta phải cám ơn Chúa vì Ngài đã cho chúng ta có người nghèo để ta có cơ hội phục vụ”.

Ngày hội vui khép lại, niềm vui của các em và phụ huynh còn kéo dài, nhưng sự trăn trở của Quý Soeurs, các cô giáo và tình nguyện viên vẫn bị đè nặng trước hình ảnh những trẻ em thiếu may mắn.
 
Thường huấn Linh Mục giáo phận Hưng Hóa đợt I năm 2012
Lm. Giuse Nguyễn Văn Thành
10:05 24/04/2012
Từ ngày 16-21/04/2012, tại Trung tâm mục vụ Hà Thạch, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ, linh mục đoàn Giáo phận Hưng Hóa và quí thầy phó tế về tham dự tuần thường huấn đợt I năm 2012 do Tòa Giám Mục tổ chức. Tổng số linh mục và phó tế là 70.

Ý thức được tầm quan trọng của việc giải tội, Đức cha Gioan Maria Vũ Tất, Giám mục Giáo phận Hưng Hóa, mời cha Phêrô Đăng Xuân Thành, giáo sư kiêm giám học Đại Chủng Viện Hà Nội giúp tuần thường huấn về vấn đề giải tội và linh hướng.

Đúng 14g thứ hai ngày 16/04, Đức cha Gioan Maria đã khai mạc tuần thường huấn bằng việc cầu xin Chúa Thánh Thần. Hơn nữa, ngài giới thiệu với linh mục đoàn về cha giảng phòng trong đợt thường huấn này. Khi nghe biết cha Phêrô Đăng Xuân Thành giảng huấn, linh mục đoàn rất vui vì ngài là một trong những giáo sư rất xuất sắc và có chiều sâu. Trong số quí cha trẻ và các thầy phó tế tham dự, phần lớn là học trò của ngài. Tuy ngài là linh mục triều nhưng ngài đã hoàn toàn dành cho việc dạy học và đồng hành với các chủng sinh, nam nữ tu sĩ và hội đoàn tông đồ suốt 31 năm trong chức vụ linh mục.

Cha Phêrô Thành trình bầy cho linh mục đoàn về chủ đề: “Linh mục, thừa tác viên của lòng Chúa thương xót” (The priest, minister of divine mercy). Đây là một tài liệu hỗ trợ các cha giải tội và linh hướng của Thánh bộ Giáo sĩ. Một chủ đề rất hay, thực tiễn và mang tính thời sự đối với Giáo Hội ngày nay. Đây cũng là cơ hội rất tốt để các linh mục làm mục vụ tốt hơn tại các giáo xứ và các thầy phó tế có thêm kinh nghiệm trước khi lãnh nhận sứ vụ mới.

Ngay phần giới thiệu của tập sách, cha giảng phòng đã nhấn mạnh đến lời của Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI, diễn từ với các tham dự viên khóa học về Tòa Trong do Tòa Giải Quốc tế tổ chức, 11/3/2010: “Cần quay lại với tòa giải tội như một nơi không những để cử hành bí tích Hòa Giải, mà còn để “ở lại” thường xuyên hơn cho người tín hữu tìm được sự thông cảm, khuyên nhủ và an ủi, cho họ cảm thấy được Chúa yêu thương và thông cảm, và cảm nghiệm sự hiện diện của Chúa trong bí tích Thánh Thể”.

Tài liệu gồm có những phần chính sau đây:

Nhập đề: Tiến tới sự thánh thiện
Phần I: Thừa tác vụ sám hối và hòa giải trong tương quan với việc nên thánh của người kitô hữu.
Phần II: Thừa tác vụ linh hướng
Kết luận: Hãy để Đức Kitô hình thành nơi anh em (Gl 4,9).
Phụ trương 1: Bảng xét mình dành cho các linh mục
Phụ trương 2: Kinh đọc trước – sau khi giải tội.

Với tài liệu dày 83 trang, cha Phêrô Thành đã giải thích trong vòng 4 ngày cách rất rõ ràng và dễ hiểu. Sau đó, ngài trở lại Đại Chủng viện để tiếp tục công việc huấn luyện chủng sinh. Đức Giám mục, linh mục đoàn và các thầy phó tế Giáo phận Hưng Hóa cám ơn cha giáo và tặng ngài tấm hình chụp chung, tuy đơn sơ nhưng rất ý nghĩa, để làm kỉ niệm nhân dịp hồng phúc này.

Những ngày còn lại, Đức giám mục Giáo phận gặp gỡ linh mục đoàn để thông báo những thông tin mới nhất về cuộc họp HĐGMVN kỳ I mới kết thúc dịp tuần Bát Nhật Phục Sinh vừa qua. Hơn nữa, ngài hỏi ý kiến và tham bàn với linh mục đoàn về một số công việc hệ trọng liên quan đến Giáo phận.

Tuần thường huấn được kết thúc bằng Thánh lễ Tạ Ơn sáng thứ 7 trong tinh thần hiệp nhất yêu thương. Sau bữa sáng như thường lệ, các linh mục trở về nhiệm sở của mình để dâng lễ Chúa nhật III mùa Phục Sinh.

Xin Chúa Kitô Phục Sinh ban cho linh mục đoàn Giáo phận Hưng Hóa ơn bình an, sự nhiệt tình truyền giáo và lòng bác ái yêu thương.
 
Lễ phong chức 6 tân Linh mục tại nhà thờ chính tòa Phát Diệm
Thùy Chi
12:15 24/04/2012
PHÁT DIỆM – Sáng ngày 24.4.2012, nhà thờ Chính tòa Phát Diệm tấp nập đông người hơn những ngày thường khác. Thấp thoáng trong hơn 5.000 người là các bà các cô với áo dài nhiều sắc màu, lớp lớp quí nữ tu Hội Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm, Dòng Phaolo thành Chartres, Dòng Đức Bà Truyền Giáo, quí thầy Xitô cùng tu sĩ nam nữ trong và ngoài giáo phận Phát Diệm, anh chị em giáo dân giáo phận Phát Diệm, ông bà cố cùng ân nhân và thân nhân của các tân chức linh mục, quan khách trong miền Nam và hải ngoại, quí vị ban hành giáo các giáo xứ. Và niềm vui lớn lao đối với quí tân chức và cộng đoàn, đó là có sự hiện diện của Giám mục Phụ tá Tổng Giáo phận Hà Nội là Đức cha Laurenxô Chu Văn Minh, quí cha giáo Đại Chủng viện Thánh Giuse Hà Nội, đã về đây hiệp dâng thánh lễ tạ ơn Thiên Chúa và cầu nguyện cho 6 Phó tế được Đức Giám mục giáo phận Giuse Nguyễn Năng phong chức linh mục.

Xem hình ảnh

Đúng 8 giờ 30, dàn kèn trống giáo xứ Chính tòa Phát Diệm đã vang lên những bản thánh ca sôi động dẫn đoàn đồng tế 67 linh mục và 18 Phó tế khóa X niên học 2004 – 2011 của Đại Chủng viện Thánh Giuse Hà Nội là những anh em đại diện cùng lớp với sáu tân chức cùng tiến vào Cung thánh. Sau 15 phút ổn định trật tự, cha Giuse Vũ Ánh Hồng, Chính xứ Tân Khẩn kiêm Trưởng Ban Phụng tự đã đọc danh sách 6 tân chức trước Đức cha chủ phong và cộng đoàn:

1. Thầy Giuse Phạm Văn Công, 35 tuổi, thuộc giáo xứ Quảng Phúc(xã Yên Phong, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình), giáo hạt Bạch Liên ;
2. Thầy Gioan Baotixita Lê Văn Hào, 32 tuổi, thuộc giáo xứ Thuần Hậu (xã Ân Hòa, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình), giáo hạt Tôn Đạo;
3. Thầy Giuse Nguyễn Văn Lượng, 33 tuổi, thuộc giáo xứ Như Sơn (xã Xuân Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình), giáo hạt Cách Tâm;
4. Thầy Phêrô Trần Văn Phán, 33 tuổi, thuộc giáo xứ Hòa Lạc (xã Như Hòa, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình), giáo hạt Tôn Đạo;
5. Thầy Giuse Phan Văn Toàn, 44 tuổi, thuộc giáo xứ Tân Mỹ (xã Kim Mỹ, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình), giáo hạt Văn Hải;
6. Thầy Antôn Nguyễn Văn Vinh, 37 tuổi, thuộc giáo xứ Áng Sơn (xã Ninh Hòa, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình), giáo hạt Ninh Bình.

Mặc dù trời càng gần trưa thì bên ngoài trời nắng nóng đến 39 độ C và trong nhà thờ người người dự lễ chen chật kín, nhưng thánh lễ đã diễn ra một cách trọng thể qua các nghi thức truyền thống của Giáo hội Công giáo khi Đức cha Giuse Nguyễn Năng phong chức linh mục cho các tân chức. Ngài đã có hơn 8 phút chia sẻ về chức linh mục với các tân chức và cộng đoàn. Mở đầu chia sẻ, Đức cha Giuse Nguyễn Năng giải thích: “Theo tiếng Latinh, linh mục được gọi là Priest, nghĩa là 'chiếc cầu nối hai bờ'. Một bên là bờ Thiên Chúa, còn bên kia là bờ con người. Linh mục luôn phải giữ đúng vị thế của mình, là liên kết giữa hai bờ. Nếu linh mục không nối liền với bờ Thiên Chúa thì chẳng cần có linh mục làm gì nữa. Nhưng nếu linh mục xa rời bờ con người, thì linh mục chẳng phục vụ được ai”.

Tiếp đó, ngài ân cần nhắn nhủ với các tân chức: “Các con sắp lãnh nhận Bí tích Truyền chức thân mến! Muốn cho giáo dân gần Chúa và kết hợp với Chúa, các con phải là người đầu tiên gần Chúa, sống với Chúa. Là người đầu tiên đầy Chúa và là người có kinh nghiệm về Chúa. Muốn cho giáo dân nên thánh, các con hãy là những người đầu tiên chuyên chăm cầu nguyện, sống cuộc đời thánh thiện và đầy lửa Thánh Thần. Các con không phải là một công nhân hay viên chức hành chính, cũng không phải là một người thi hành nghi thức tế tự, nhưng các con là người của Thiên Chúa. Khi các con đầy Chúa thì đời sống của các con sẽ toát ra sức hấp dẫn đối với những ai gặp gỡ và có khả năng lôi cuốn họ lại gần Chúa. Không những nối với bờ Thiên Chúa, các con còn là người nối liền với bờ loài người. Linh mục được sai đến với con người để phục vụ theo tinh thần của Đức Kitô là Đấng đã đến trần gian, không phải để được hầu hạ, nhưng để hầu hạ và hiến mạng sống mình vì loài người”.

Thánh lễ Truyền chức Linh mục hôm nay tại Giáo phận Phát Diệm trùng với hai lễ giỗ của hai vị Giám mục rất gắn bó với giáo phận. Đó là lễ giỗ 120 năm của Đức cha Paul Francois Puginier (7.4.1835 – 25.4.1892), Giám mục Đại diện Tông tòa Địa phận Tây Đàng Ngoài (Hà Nội). Ngay sau ngày 26.1.1868 Đức cha Puginier được tấn phong Giám mục phó với quyền kế vị, ngài đã có mười tháng bảy ngày đặc trách hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa, mà sau 33 năm địa phận Duyên Hải Đàng Ngoài (Phát Diệm) được thành lập vào ngày 2.4.1901; và lễ giỗ 45 năm của Đức cha Ansemo Tadeo Lê Hữu Từ (28.10.1896 – 24.4.1967), ngài là vị giám mục thứ tư của Giáo phận Phát Diệm.

Trong suốt thánh lễ, cộng đoàn đã vâng theo ý cầu nguyện của Đức cha chủ tế cùng dâng lời tạ ơn Chúa, vì Chúa đã ban cho chúng ta có chức linh mục trong Hội Thánh. Các linh mục là những người hiện thân của Chúa Kitô để phục vụ chương trình cứu độ và đem ơn cứu độ đến cho chúng ta. Chúng ta cũng tạ ơn Chúa vì hồng ân linh mục. Xin Thiên Chúa ban ơn cho các linh mục để các ngài được luôn luôn trở thành gương mẫu của Chúa Giêsu.
 
Tân Ban Đại Diện Tuyên Úy Đoàn Việt Nam Úc Châu
Lm Anthony Nguyễn Hữu Quảng SDB
23:52 24/04/2012
Tân Ban Đại Diện Tuyên Úy Đoàn Công Giáo Việt Nam Úc Châu

Sau hai ngày họp thường niên, Đại hội đã bàu chọn một tân ban đại diện Tuyên Úy Đoàn cho nhiệm kỳ 2012 – 2014 như sau:
Chủ tịch: Lm Chu Văn Chi
Phó chủ tịch: Lm Võ Đức Thiện
Thư ký: Lm Bùi Xuân Mỹ
Thủ qũy: Lm Nguyễn Mộng Hùynh

Và tân ban đại diện mời các linh mục đặc trách các phong trào đoàn thể như sau:
- Linh hướng Cursillo Liên bang: Lm Chu Văn Chi
- Linh nguyền Liên bang Thăng Tiên Hôn Nhân: Đức Ông Nguyễn Minh Tâm
- Tuyên úy Liên bang PT Thiếu Nhi Thánh Thể & Linh hướng Legio Mariae: Lm Võ Đức Thiện
- Tuyên úy đặc trách Giới trẻ Liên Bang: Lm Dương Thanh Liêm
- Tuyên úy phong trào Lòng Chúa Thương Xót: Lm Nguyễn Văn Tuyết
- Báo Dân Chúa: Lm Nguyễn Hữu Quảng

Lm Văn Chi đại diện anh em cám ơn Đức Ông Tâm đã lo lắng cho anh em trong những năm qua và tân ban đại diện bắt tay vào công việc từ ngày hôm nay. Đại hội năm tới sẽ vào các ngày 16-18/4/2013 tại Sydney và mở rộng mời các Linh mục làm việc trong các Giáo xứ có thánh lễ cho người Việt Nam cùng tham dự.

Lm Anthony Nguyễn Hữu Quảng
 
Văn Hóa
Thơ Tin, Cậy, Mến của Hàn Mặc Tử
Trần Văn Cảnh
07:36 24/04/2012
KỶ NIỆM 100 NĂM HÀN MẶC TỬ
GIÁO SƯ LÊ ĐÌNH THÔNG CHO CẢM TƯỞNG VỀ


« Thơ Tin, Cậy, Mến của Hàn Mặc Tử »

Kỷ niệm 100 năm Hàn Mặc Tử (Bài 5 : Thơ Tin, Cậy, Mến của Hàn Mặc Tử )

Paris, ngày chủ nhật 15.04.2004, Thư viện Giáo xứ Việt Nam mửng sinh nhật thứ 22 và tổ chức Ngày Văn Hóa « KỶ NIỆM 100 NĂM HÀN MẶC TỬ ». Khoảng 400 người đã đến tham dự. Giáo Sư Lê Đình Thông, Giáo sư Đại Học Paris, đã được mời cho cảm tưởng về Hàn Mặc Tử. Ông đã chọn nói về « Thơ Tin, Cậy, Mến của Hàn Mạc Tử »

« Năm nay, nhóm Thư viện Giáo Xứ thắp 100 ngọn bạch lạp, kỷ niệm sinh nhật thứ 100 của thi sĩ Hàn Mặc Tử (1912-2012). Cảo thơm lần giở trước đèn. Thay cho phong tình cổ lục là thơ văn Hàn Mặc Tử rải rác trong các tác phẩm, từ Lệ Thanh thi tập, Gái quê, Đau thương, Xuân Như ý đến Thượng Thanh Khí, Cẩm Châu Duyên, Chơi giữa mùa trăng. Giáo sư Đỗ Mạnh Tri, người có công in Hàn Mặc Tử anh tôi trong tủ sách Tin Nhà, vừa bàn về Thinh lặng và siêu thoát trong thơ Hàn Mặc Tử. Chúng tôi mạo muội đưa ra vài ghi nhận về vần thơ tin, cậy, mến của Hàn Mặc Tử ».
Vừa nói xong câu nhập đề trên, Giáo sư Lê Đình Thông nhìn đồng hồ và xác định rằng « Tin, Cậy, Mến là ba nhân đức đối thần. Cả ba đều rất quan trọng ». Nhưng thấm nhuần thần học Phaolô, ông xác tín như Phaolô rằng « Hiện nay, đức Tin, đức Cậy, đức Mến, cả ba đều tồn tại ; Nhưng cao trọng hơn cả là đức Mến ». Rổi ông đề nghị : « Vì thời gian đã trễ, tôi xin không đọc bài cảm tưởng, nhưng xin tóm gọn vào những điểm chính yếu. Và xin bắt đầu bằng Đức Mến ». Cùng lúc ấy, bài viết đầy đủ của Gs Lê đình Thông đã được phân phát. Bài này đã được phổ biến trên Vietcatholic : http://vietcatholic.net/News/Html/97298.htm.

1. Đức Mến trong thơ Hàn Mặc Tử.

Theo Giáo Sư Thông : Hàn Mặc Tử bày tỏ về đức Mến bàng bạc khắp trong các sáng tác, văn xuôi cũng như thơ. Về Thơ, có lẽ bài « Đây thôn Vĩ Dạ » là bài hay hơn cả. Nó thuật lại mối tình lặng lẽ của Hàn Mặc Tử với một thiếu nữ Huế, nhà ở thôn Vĩ Dạ. Giáo sư cắt nghĩa :
« Đây thôn Vĩ Dạ là thơ mới bảy chữ, gồm ba khổ :

Ÿ khổ 1 :
câu 1: Sao anh không về thăm thôn Vĩ ? Giới thiệu không gian (thôn Vĩ). ‘‘Về’’, vì tuy không đi chung một chuyến đò mà tưởng như đã thân quen, người viễn khách về lại chốn cũ.
Câu thơ mở đầu được viết ở thể nghi vấn, như một lời hờn trách.
câu 2 : Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên : nói đến thời gian, vào lúc hừng đông. Chữ ‘‘nắng’’ được láy âm như tiếng chim gọn đàn ríu rít.
câu 3 : Vườn ai mướt quá xanh như ngọc: không gian thu hẹp là vườn cau, khóm trúc.
câu 4 : Lá trúc che ngang mặt chữ điền : Người thôn nữ e ấp núp sau cành trúc, che ngang khuôn mặt tiểu thư khuê các, giống như tấm hình ‘‘nàng mặc áo lụa dài trắng đứng dưới vòm cây xanh mát’’.
Tác giả gieo vần gián cách, minh họa cho sự khắc khoải đợi trông.
Khổ 1 có 17 chữ vần bằng, 11 chữ vần trắc nên hơi thơ thoảng nhẹ như sương mai.
Câu 1 : tác giả sử dụng một lần chữ ‘‘anh’’ ; câu 10 một lần chữ ‘‘em’’. Còn lại là bốn chữ ‘‘ai’’, mỗi lần mang ý nghĩa khác nhau:
- câu 3: Vườn ai mướt quá xanh như ngọc (ai : thôn nữ).
- câu 7: Thuyền ai đậu bến sông Trăng đó (ai : người lái đò).
- câu 12 : Ai biết tình ai có đậm đà (‘‘ai’’ đầu là viễn khách; ‘‘ai’’ sau là thôn nữ).

Ÿ khổ 2:
câu 5: Gió theo lối gió / mây đường mây. Cách ngắt câu : 4 rồi 3 chữ, tạo thành tiết tấu nhịp nhàng. Cách ngắt câu còn nói lên sự chia lìa, tan tác của mây và gió, của viễn khách và thôn nữ.
câu 6: Dòng nước buồn thiu / hoa bắp lay. Nước sầu trôi lờ lững, bắp sầu nên nhẹ lay.
câu 7: Vườn ai mướt quá xanh như ngọc. Tác giả biến sông Hương thành sông Trăng. Nhà thơ hỏi con thuyền liệu có xuôi dòng, chở kịp vầng nguyệt bạch, là người viễn khách hóa thân, vật vờ trên sông Hương, về kịp thăm thôn Vĩ, và cũng là thôn nữ ?
câu 8: Lá trúc che ngang mặt chữ điền : Khuôn mặt thôn nữ chữ điền e ấp sau cành trúc la đà.
Số chữ vần trắc chỉ còn là 9. Tác giả tăng thêm vần bằng là tăng niềm nhớ nhung da diết, tăng nỗi u hoài day dứt không nguôi.

Ÿ khổ 3 :
câu 9: Mơ khách đường xa / khách đường xa. ‘‘Khách đường xa’’ lặp lại hai lần, réo rắt nhạc sầu mong đợi.
câu 10: Áo em trắng quá nhìn không ra. Lần đầu và cũng là lần cuối, thi nhân gọi người thôn nữ là ‘‘em’’.
câu 11: Ở đây sương khói mờ nhân ảnh. Thời gian chuyển thành sương khói hoàng hôn. Vì viễn khách không về thăm thôn Vĩ, thôn nữ chỉ còn là nhân ảnh nhạt nhòa, hay nói đúng hơn là tâm ảnh.
câu 12: Ai biết tình ai có đậm đà. Chữ ai lập lại hai lần là cung thương hồ cầm. Tuy không gặp nhau, viễn khách và thôn nữ cùng chia nhau chữ ai, sầu ai oán.
Số chữ vần trắc chỉ còn 7 khiến câu thơ nghe như tiếng thở dài não nuột.

Đây thôn Vĩ Dạ

Sao anh không về chơi thôn Vĩ ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá, xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông Trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay ?

Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà.


Tác giả có lần thổ lộ : ‘‘Vườn thơ tôi rộng rinh không bờ bến. Càng đi xa là càng ớn lạnh.’’ Vườn thôn Vĩ Dạ có bờ tường cách ngăn. Còn vườn thơ Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử rộng rinh làm ta ớn lạnh. Hồn thơ Hàn Mặc Tử vượt thời gian và vượt cõi không gian.

Năm 2011, nhà xuất bản Arfuyen dịch thơ Hàn Mặc Tử sang tiếng Pháp, lấy thôn Vĩ đặt tên cho toàn tập : Le hameau des roseaux. Dịch giả đã chuyển hóa thôn Vĩ sang thôn sậy, có lẽ vì sậy buông xõa như tóc mây, không khác gì hoa bắp. Tên bài thơ được dịch là Voici le Hameau des Roseaux. Sách Xuất hành trong Cựu ước (Xh 30,23) nói đến ‘‘sậy hương’’ (roseau aromatique). Phải chăng ấn bản tiếng Pháp muốn nói đến người thôn nữ bến sông Hương ?

Đây thôn Vĩ Dạ được coi là tuyệt bút. Tuy thi nhân không về thăm thôn Vĩ, nhưng hồn thi nhân còn lưu lạc đất Thần Kinh. Ngày nay, có con đường ở thôn Vĩ mang tên Hàn Mặc Tử. Và trong tâm hồn nhân thế vẫn khắc ghi những bài thơ thần bút của thi nhân ».

2. Đức Cậy trong thơ Hàn Mặc Tử

Giáo Sư Lê Đình Thông tiếp tục với Đức Cậy trong thơ Hàn Mặc Tử. Ông nói :
« Niềm trông cậy của Hàn Mặc Tử được diễn tả tượng trưng qua vầng trăng. Trong tiếng Pháp, thuật từ ‘‘khuynh hướng tượng trưng’’ (symbolisme) do tiếng latinh symbolictum (symbole de foi). Hàn Mặc Tử viết nhiều về trăng. Trăng giãi sáng văn thơ của Hàn: văn xuôi có Chơi giữa mùa trăng ; văn vần có nhiều bài, từ Uống trăng, Sáng trăng, Ngủ với trăng, Một miệng trăng, Say trăng, Rượt trăng, Trăng vàng trăng ngọc, Vầng trăng ; đến Trăng mờ Đà Lạt.

Hàn Mặc Tử yêu trăng cũng là dễ hiểu, vì nhà thơ ‘‘yêu chuộng Mẹ Từ Bi’’ là Đấng ‘‘đẹp như mặt trăng’’. Trăng có trong Cựu ước và Tân ước. Sách Diễm ca (còn gọi là Nhã ca) chép rằng: ‘‘Kìa Bà nào đang tiến lên như rạng đông, đẹp như mặt trăng, rực rỡ như mặt trời,
uy hùng như đạo binh xếp hàng vào trận.’’ (Dc 6,10)

Theo Thánh vịnh, ‘‘Chúa đặt vầng trăng để đo thời tiết. Fecit lunam in tempora’’ (Tv 104,19). Vì Thiên Chúa đã phán: ‘‘Phải có những vầng sáng trên vầng trời để phân rẽ ngày với đêm.’’ (St 1,14)

Trong tập Gái quê, Hàn sáng tác 7 bài thơ nói về trăng. Qua tập Đau thương là 17 bài thơ trăng. Hành trình trăng của Hàn Mặc Tử cũng là hành trình thơ. Bài thơ cuối đời nói đến cái chết của nhà thơ là trăng tròn thụ nạn :

Một mai kia ở bên khe nước ngọc
Với sao sương, anh nằm chết như trăng
Không tìm thấy nàng tiên mô đến khóc
Đến hôn anh và rửa vết thương tâm.


Trong số các thi phẩm của Hàn Mặc Tử, Đà Lạt Trăng mờ là thơ trăng toàn bích, nói lên niềm cậy trông của thi nhân trong phút thiêng liêng vừa hé mở:

Đà Lạt Trăng Mờ

Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu.
Trời mơ trong cảnh thực huyền mơ
Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt
Như đón từ xa một ý thơ.

Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều
Để nghe dưới đáy nước hồ reo
Để nghe tơ liễu run trong gió
Và để xem trời giải nghĩa yêu.

Hàng thông lấp loáng đứng trong im
Cành lá in như đã lặng chìm
Hư thực làm sao phân biệt được
Sông Ngân Hà nổi giữa màn đêm.

Cả trời say nhuộm một màu trăng
Và cả lòng tôi chẳng nói rằng
Không một tiếng gì nghe động chạm,
Dẫu là tiếng vỡ của sao băng ».


3. Đức Tin trong thơ Hàn Mặc Tử

Về « Đức Tin trong thơ Hàn Mặc Tử, Giáo sư Lê Đình Thông nói :
« Ngoài văn xuôi, Hàn Mặc Tử diễn tả đức tin qua nhiều bài thơ như Nguồn thơm, Điềm lạ, Xuân đầu tiên, Đêm xuân cầu nguyện. Bài Nguồn thơm có câu:
Tôi van lơn, thầm nguyện Chúa Giêsu
Ban ơn xuống cho mùa xuân hôn phối

Theo học giả Thái Văn Kiểm, ‘‘Xuân Như Ý là mùa xuân của sáng thế ký, lúc mà vũ trụ sơ khai, linh khí của Thượng đế chập chờn trên nước’’. Mùa xuân vĩnh viễn đó đầy rẫy những lời nguyện cầu của thánh kinh, hương lạ mê ly, âm thanh mầu nhiệm, tất cả chìm ngập trong bể hào quang và trong tinh hoa của thi vị.
‘‘Lòng tin tưởng ở Thượng đế đã chứng giám, an ủi cho những nỗi thống khổ của Hàn Mặc Tử và giúp cho thi tài được hoàn toàn thành tựu. ‘‘Mùa xuân như ý được xem như tập thơ có giá trị hơn hết trong tất cả những thi phẩm của Hàn. Bài Ave Maria cũng đủ chứng minh điều đó.’’

Thái Văn Kiểm trong Un grand poète vietnamien : Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên trong Tuyển tập Hàn Mặc Tử và Nguyễn Bá Tin trong Hàn Mặc Tử anh tôi đều cho rằng tên bài thơ là Ave Maria. Quách Tấn trong Đôi nét về Hàn Mặc Tử lại cho rằng bài trường thi 8 chữ này là Thánh nữ Đồng trinh. Bản hợp xướng của nhạc sư Hải Linh lấy tên Tầu lạy Bà là muốn chuyển nhạc đề từ vầng trăng khuyết lẻ loi của thi nhân sang trăng rằm chung khúc ngất ngây, nốt nhạc chắp cánh cho phượng hoàng bay bổng, chiêm ngắm triều thiên Đức Mẹ Chúa Trời.

Về xuất xứ bài thơ, Quách Tấn cho rằng ‘‘một đêm Tử nằm mộng, thấy Đức Mẹ Maria lấy ngành dương nhúng nước thánh rảy khắp mình Tử, Tử cảm thấy ‘‘mát đến ớn lạnh’’. Cho nên khi cầm viết viết được, Tử soạn bài Thánh nữ Đồng trinh để tạ ơn Đức Mẹ.’’

Tác giả Nguyễn Bá Tín lại cho rằng :

Ÿ ‘‘Từ ngày anh suýt chết ngoài bờ biển Qui Nhơn, anh thu mình lại, sống nội tâm, trầm mặc xa vắng. Bài Ave Maria mà anh đã xuất thần sáng tác, có những lời tạ ơn nồng nàn tha thiết’’.

Ÿ ‘‘Anh nói : Phượng Trì, cái tên thật là tuyệt, nghe như bay lên cao, bay lên cao, hay quá. Hai tiếng đó đã tạo cho anh một ý niệm bay về trời mà trong bài thơ Ave Maria ở đoạn cuối, anh lặp lại bốn lần một cách tha thiết.’’

Ÿ ‘‘Bốn chữ song lộc triều nguyên, Hàn Mặc Tử mượn trong khoa tử vi đẩu số có từ đời Đại Tống bên Tầu, nói về đại quý cách của người được trời ban nhiều ân sủng cao trọng không ai bằng : Song lộc là Hóa Lộc và Lộc Tồn đều là phúc lộc tinh. Hóa lộc nói về lợi lộc trần thế và vinh quang. Lộc tồn là sao thiên lộc, lộc bởi trời vô tận, có một ý nghĩa thiêng liêng gồm ơn phù trợ và cứu giải. Ngoài ra còn ban ơn thông tuệ và văn chương uyên thâm quán thế. Triều là hướng về, chầu về. Nguyên là bản mệnh. Hàn Mặc Tử rất thích bộ sao này, vì chính anh cũng có bộ sao đó trong bản số. Suốt bài thơ, anh không bày tỏ một lời nào bi lụy có thể làm mất đi nét trong sáng huyền diệu’’.

Bài Ave Marie là kinh Kính mừng:‘‘lạy Bà là Đấng tinh tuyền thánh vẹn’’ ; lại vừa là lời kinh Tin kính, ‘‘tổng lãnh Thiên thần quỳ lạy Mẹ, tung hô câu đường hạ ngớp châu sa.’’

Ave Maria

Như song lộc triều nguyên ơn phước cả
Dâng cao dâng thần nhạc sáng hơn trăng
Thơm tho bay cho đến cõi Thiên đàng
Huyền diệu biến thành muôn kinh trọng thể.

Và Tổng lãnh Thiên thần quỳ lạy Mẹ
Tung hô câu đường hạ ngớp châu sa
Hương xông lên lời ca ngợi sum hòa
Trí miêu duệ của muôn vì rất thánh.

Maria! Linh hồn tôi ớn lạnh
Run như run thần tử thấy long nhan
Run như run hơi thở chạm tơ vàng
Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến.

Lạy Bà là Đấng tinh tuyền thánh vẹn
Giàu nhân đức, giàu muôn hộc từ bi
Cho tôi dâng lời cảm tạ phò nguy
Cơn lâm lụy vừa trải qua dưới thế.

Tôi cảm động rưng rưng hai dòng lệ
Dòng thao thao như bất tuyệt của nguồn thơ
Bút tôi reo như châu ngọc đền vua
Trí tôi hớp bao nhiêu là khí vị

Và trong miệng ngậm câu ca huyền bí
Và trong tay nắm một vạn hào quang
Tôi no rồi ơn võ lộ hòa chan
Tấu lạy Bà, Bà rất nhiều phép lạ.

Ngọc Như Ý vô tri còn biết cả
Huống chi tôi là Thánh thể kết tinh
Tôi ưa nhìn Bắc đẩu rạng bình minh
Chiếu cùng hết khắp ba ngàn thế giới.
Sáng nhiều quá cho thanh âm vời vợi
Thơm dường bao cho miệng lưỡi khong khen

Hỡi Sứ thần Thiên Chúa Gabriel
Khi người xuống truyền tin cho Thánh nữ
Người có nghe xôn xao muôn tinh tú
Người có nghe náo động cả muôn trời?

Người có nghe thơ mầu nhiệm ra đời
Để ca tụng bằng hương hoa sáng láng
Bằng tràng hạt, bằng Sao Mai chiếu rạng
Một đêm xuân là rất đỗi anh linh.

Đây rồi! Đây rồi! Chuỗi ngọc vàng kinh
Thơ cầu nguyện là thơ quân tử ý
Trượng phu lời là Tông đồ triết lý
Là Nguồn Trăng yêu mến Nữ Đồng Trinh
Là Nguồn Đau chầu lụy Nữ Đồng Trinh

Cho tôi thắp hai hàng cây bạch lạp
Khói nghiêm trang sẽ dâng lên tràn ngập
Cả Hàn giang và màu sắc thiên không
Lút trí khôn và ám ảnh hương lòng
Cho sốt sắng, cho đê mê nguyền ước.

Tấu lạy Bà, lạy Bà đầy ơn phước
Cho tình tôi nguyên vẹn tợ trăng rằm
Thơ trong trắng như một khối băng tâm
Luôn luôn reo trong hồn, trong mạch máu
Cho vỡ lở cả muôn ngàn tinh đẩu
Cho đê mê âm nhạc và thanh hương.

Chim hay tên ngọc, đá biết tuổi vàng
Lòng vua chúa cũng như lòng lê thứ
Sẽ ngây ngất bởi chưng thơ đầy ứ
Nguồn thiêng liêng yêu chuộng Mẹ Sầu Bi.

Phượng Trì! Phượng Trì! Phượng Trì! Phượng Trì!
Thơ tôi bay suốt một đời chưa thấu,
Hồn tôi bay đến bao giờ mới đậu
Trên triều thiên ngời chói vạn hào quang?


Ave Maria là bản trường ca tám chữ. Khác với kinh Kính mừng gồm hai đoạn đối xứng :
Ÿ đoạn 1 nói về trăng tròn phước cả của Đức Mẹ ;
Ÿ đoạn 2 trở về với thân phận phàm nhân tội lỗi.

Ave Maria của Hàn Mặc Tử là hành trình nhân thế với bao khổ lụy, thương đau. Nhà thơ là Thánh thể kết tinh, dâng nhạc thơ tấu lạy Đức Bà. Nhờ có đức tin, thơ của Hàn tuy ‘‘cấu, cào, nhai ngấu nghiến ; thịt da sượng sần và tê điếng’’ nhưng luôn vững niềm cậy trông.

Chất liệu Ave Maria là trăng (sáng hơn trăng, trăng rằm, nguồn trăng) ; là sao (song lộc, bắc đẩu, tinh đẩu, sao mai) ; là sáng láng (sáng hơn trăng, hào quang, sáng nhiều quá, hào quang) ; là ngọc ngà châu báu (châu ngọc, ngọc như ý, chuỗi ngọc).

Ave Maria là kinh thơ tụng ca Thánh mẫu (muôn kinh, huyền diệu, nhân đức, từ bi, cảm tạ, phò nguy, huyền bí). Trong bài thơ, tác giả định nghĩa kinh thơ là :
nguồn trăng (siêu việt) + nguồn đau (nhân thế) = nguồn thơ

Tác giả sử dụng kỹ thuật láy âm (assonance) và điệp tự (répétition), vừa tạo nhạc tính, lại vừa là lời thở vắn than dài của nhân thế : run như run (hai lần), dòng thao thao, đây rồi đây rồi, tấu lạy Bà, lạy Bà, trong hồn, trong mạch máu, cho vỡ lở, cho đê mê. Ngoài ra là phép cân xứng (symétrie) và sánh đôi (parallélisme): song lộc, hai dòng lệ, hai hàng cây bạch lạp.

Phượng trì ! Phượng trì ! Phượng trì ! Phương trì ! là phượng hoàng bay miết, được lập lại bốn lần, như tiếng gõ cửa của định mệnh, âm hưởng giống như bốn nốt nhạc của bản giao hưởng số 5 của Beethoven.
Vần thơ khởi nghiệp của Hàn Mặc Tử tượng hình bằng cánh chim nhạn :
Vội vàng chi lắm nhạn lưng mây
Chầm chậm cho mình giữ mối giây.
Với phượng trì tung cánh bay bổng, nhà thơ không còn níu kéo cánh chim bay nữa, để hồn thơ đậu ‘‘trên triều thiên ngời chói vạn hào quang’’.

Khi viết : Tôi no rồi ơn võ lộ hòa chan, Hàn Mặc Tử so sánh ơn trời với võ lộ (雨露) là sương mai ướt sũng. Sách Lã Thị Xuân Thu (呂 氏 春 秋) có câu : Tuyết sương vũ lộ thì, tắc vạn vật dục hĩ (雪 霜 雨 露 時 , 則萬 物 育 矣) (Khai xuân luận 開 春 論).

Thân phận phàm nhân còn được cực tả qua ngũ quan :
Ÿ khứu giác (odorat): thanh hương, thơm tho, hương xông lên, thơm dường bao ;
Ÿ thính giác (ouïe): thần nhạc, nghe xôn xao, reo trong hồn ;
Ÿ thị giác (vue): sáng hơn trăng ; sáng nhiều quá ;
Ÿ vị giác (goût) : miệng lưỡi khong khen, trong miệng ngậm câu ca ;
Ÿ xúc giác (toucher): chạm tơ vàng, nắm một vạn hào quang.

Đức Cha Hoàng Văn Đạt, Linh mục Thi sĩ Cung Chi và một số Linh mục đang soạn
luận án tiến sĩ tại Đại Học Công giáo Paris (Thư Viện Giáo Xứ ngày 15/04/2012)

Kết luận

Sau khi đã trình bày rút gọn bài cảm tưởng chung của mình về « Thơ Tin, Cậy, Mến của Hàn Mặc Tử », Giáo sư Lê Đình Thông đã xin đưa ra một kết luận. Ông nói :
Tôi xin kết luận bằng một nhận định của Đỗ Phủ rằng : « Ngữ bất kinh nhân, tử bất hưu » (语不惊人, 死不休) ; nghĩa là ‘‘Thơ chưa làm kinh động lòng người thì chết chưa yên.’’ Thơ Hàn Mặc Tử đã làm kinh động lòng người, làm kinh động lòng tôi, làm kinh động lòng quí vị. Thơ tin cậy mến của Hàn Mặc Tử thực sự làm kinh động lòng người. Mỗi câu mỗi chữ đều dính cân não, đều tràn huyết lệ :

Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút
Mỗi lời thơ đều dính não cân ta.

Trong bài Ave Maria, nhà thơ nhận mình là Thánh thể kết tinh. Ý tưởng này lại càng làm nổi bật ý nghĩa nhập thể : ‘’Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.’’ (Ga 1,14).

Và để kết thúc phần trình bầy rất ngắn của tôi, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh thi sĩ Hàn Mặc Tử, tôi xin có bài thơ. Tôi không phải là thi sĩ. Nhưng trước hồn thơ bát ngát điệp trùng của Hàn Mặc Tử, mấy ai không có tâm hồn thi nhân để đón nhận tâm tình của Hàn Mặc Tử ? Thì tôi, tôi cũng xin đón nhận bằng một vần thơ rất là chất phác. Tôi đặt tên là « Vần thơ nhập thể ». Chúng ta nên phân biệt rằng thơ Việt Nam chỉ có vần thơ nhập thế (poésie engagée) mà chưa có thơ nhập thể. Nhập thể là tôi dùng chữ « incarné ». Hàn Mặc Tử là người đầu tiên làm thơ nhập thể. Thơ nhập thể của Hàn Mặc Tử đã khiến tôi cảm xúc, làm lên đôi vần thơ như sau :

Vần thơ nhập thể (poésie incarnée)

Vần thơ nhập thể nhẹ hơi sương
Trí não trào dâng quá lạ thường
Khắc khoải linh hồn tràn huyết lệ
Mê man xác thịt rướm đau thương
Niềm tin chất ngất thơ mầu nhiệm
Cậy mến miên man dạ vấn vương
Kỷ niệm trăm năm Hàn Mặc Tử
Thuyền trăng thấp thoáng bến sông Hương.


Xin cám ơn quý vị».

Một tràng pháo tay rất to và rất dài đã vang khắp hội trường để cám ơn Giáo Sư Lê Đình Thông.


Paris, ngày 22 tháng 04 năm 2012
Trần Văn Cảnh

 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Cỏ Cây Sa Mạc
Lê Trị
21:42 24/04/2012
CỎ CÂY SA MẠC
Ảnh của Lê Trị
Mặc sa mạc biến hình
Khóm cỏ gai bụi vùi
Chờ cơn mưa phục sinh..
(Trích thơ của Trương Thái Du)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền