Ngày 20-04-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thứ Tư 21/4: Hễ ai thấy Con thì có sự sống đời đời - Lm. Phêrô Trần Văn Thanh. Kính Thánh Giuse
Giáo Hội Năm Châu
00:34 20/04/2021

Video sẽ bắt đầu từ 7g tối ngày 20-April-2021 theo giờ Việt Nam


PHÚC ÂM: Ga 6, 35-40

“Ý muốn của Cha Ta là: hễ ai thấy Con thì có sự sống đời đời”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán với đám đông rằng: “Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta, sẽ không hề đói; ai tin vào Ta, sẽ không hề khát bao giờ. Nhưng Ta đã bảo các ngươi rằng: Các ngươi đã thấy Ta, nhưng các ngươi không chịu tin. Những ai Cha đã ban cho Ta sẽ đến với Ta. Và ai đến với Ta, Ta sẽ không xua đuổi ra ngoài. Bởi vì Ta từ trời xuống không phải để làm theo ý Ta, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai Ta. Vậy ý của Cha, Đấng đã sai Ta, là hễ sự gì Người đã ban cho Ta, Ta chẳng để mất, nhưng ngày sau hết, Ta sẽ cho nó sống lại. Quả vậy, ý của Cha Ta là hễ ai thấy Con và tin vào Người thì có sự sống đời đời”.

Đó là lời Chúa.

 
Mục tử đẹp
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
06:30 20/04/2021
CN 4 PHỤC SINH
MỤC TỬ ĐẸP

“Mục Tử Đẹp” là chữ của Cha Giuse Nguyễn Công Đoan. Ngài giải thích như sau:

Người ta thường dịch là “Mục Tử nhân lành/tốt lành”. Nhưng bản văn Hy lạp dùng “ĐẸP”, gợi lại hình ảnh vua Đavit (x.1S 16,12), phù hợp với những lời hứa về Giao Ước Mới, trong đó Thiên Chúa hứa ban một Mục Tử từ nhà Đavit, một Đavit mới: “Ta sẽ làm nảy sinh cho nhà Đavit một chồi non chính trực. Vị vua lên ngôi trị vì sẽ là người khôn ngoan tài giỏi trong xứ, vua sẽ thi hành điều chính trực công minh. Thời bầy giờ, Giuđa sẽ được cứu thoát, Itraen sẽ được sống yên hàn. Danh hiệu người ta tặng cho vua ấy sẽ là: Đức Chúa, sự công chính của chúng ta” (Gr 23,5-6). “Ta sẽ cho xuất hiện một mục tử để chăn dắt chúng; nó sẽ chăn dắt chúng; chính nó sẽ là mục tử của chúng, và Đavit, tôi tớ của Ta, sẽ là ông hoàng ở giữa chúng. Chính Ta, Đức Chúa, Ta đã phán” (Ed 34, 23-24).

Chúa Giêsu là Mục Tử xuất thân từ nhà Đavit, mục tử đẹp như Đavit. Khi Chúa Giêsu cưỡi lừa con đi vào Giêrusalem, Gioan sẽ trích dẫn lời sách Dacaria: “hỡi thiếu nữ Sion đừng sợ, này Đức Vua của ngươi ngự đến, ngồi trên lưng lừa con” (Dc 9,9).

Chúa Giêsu là Mục Tử Đẹp như Đavit, là Đavit mới. Khi Đavit tình nguyện ra đương đầu với Gôliat, Đavit kể chuyện mình đi chăn chiên: “Khi sư tử hay gấu tha đi một con chiên trong bầy, thì con ra đuổi theo nó, đánh nó và giật con chiên khỏi mõm nó. Nó mà chồm lên con, thì con nắm lấy râu của nó, đánh cho nó chết luôn” (1S 17,34-35). Đavit liều mạng để cứu chiên. Chúa Giêsu là Đavit mới, sẽ hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên được sống, trái với kẻ trộm, kẻ cướp. Chúa Giêsu hy sinh mạng sống vì đoàn chiên thể theo thánh ý của Chúa Cha: “Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được” (Ga 10,18). Chúa sẽ quy tụ tất cả đoàn chiên, để “chỉ có một đoàn chiên và một mục tử” như Thiên Chúa đã hứa trong sách Êdêkien (34,11-16). (x.Tĩnh tâm với Tin mừng Gioan, Lm Giuse Nguyễn Công Đoan, SJ).

Chúa nhật IV Phục sinh, ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu Linh mục và ơn gọi Tu sĩ nam nữ. Giáo Hội luôn cần đến những “Mục Tử Đẹp” như Chúa Giêsu. Hãy cầu nguyện cho Giáo Hội có nhiều mục tử đạo đức, thánh thiện như lòng Chúa mong ước.

“Mục tử đẹp” luôn kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu là có một sự hiểu biết sâu xa về Ngài do đã gặp gỡ và sống với Ngài thực sự. Khi thánh Phêrô tìm người thay thế Giuđa Iscariốt, ngài đã nói với cộng đoàn: “Trong số những anh em đã cùng chúng tôi theo Chúa Giêsu suốt thời gian Người sống giữa chúng ta, kể từ khi Người được Ông Gioan làm phép rửa cho đến ngày Người lìa bỏ chúng ta và được rước lên trời, phải có người trở thành chứng nhân cùng với chúng ta làm chứng Người đã phục sinh” (Cv 1,21-22). Với những lời trên đây, thánh Phêrô, khi chọn người mục tử thay thế Giuđa, đã chỉ đưa ra một tiêu chuẩn là: người đó đã phải cùng sống với Chúa Giêsu và đã tham dự cuộc đời cứu thế của Ngài, một đời mặc lấy thân phận đoàn chiên, yêu thương đoàn chiên, cứu độ đoàn chiên và còn hơn nữa, như lời Ngài nói: “Ta còn có những chiên không thuộc đoàn này. Ta cũng phải đưa chúng về” (Ga 10,16). Ngài cũng khẳng định: “Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (10,11). Muốn được như vậy, người mục tử phải có những tâm tình của Chúa Giêsu. Nhất là sự khiêm nhường. Chúa Giêsu đã mời gọi các môn đệ hãy học với Ngài, đặc biệt là về đức tính“hiền lành và khiêm nhường” (Mt 11,29). Chính Ngài đã cứu chuộc loài người bằng sự hiền từ khiêm tốn, vâng phục thánh ý Chúa Cha. Cầu nguyện là hơi thở của linh hồn, là sự sống, là sức mạnh của đời mục tử. Cầu nguyện là lẽ sống và có một tầm quan trọng đặc biệt trong cuộc sống mục tử. Lời cầu nguyện chỉ thực sự có giá trị và sức mạnh khi phát xuất từ một đức tin có chất lượng và sống động. Mục tử cầu nguyện, hãm mình, đền tội cho giáo dân theo gương cha thánh Gioan Vianney.

Trong Sứ điệp ngày thế giới cầu nguyện cho các ơn gọi năm 2012, ĐTC Bênêđictô xác định: Lời Chúa, cầu nguyện và Thánh Thể là kho tàng quý giá giúp cho các ơn gọi hiểu vẻ đẹp của một cuộc sống hoàn toàn dâng hiến cho Nước Thiên Chúa.Ngài mời gọi mời gọi các mục tử : Khi kín múc ở nguồn mạch tình yêu Thiên Chúa trong đời sống cầu nguyện, cùng với việc năng lui tới với Lời Chúa và các Bí tích, cách riêng Bí tích Thánh Thể, mà ta có thể sống tình yêu đối với tha nhân trong đó ta học biết khám phá khuôn mặt của Chúa Kitô (x. Mt 25, 31-46).

Mục tử tốt lành là phải luôn sống kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu, luôn khát khao và cầu xin ơn Chúa Thánh Thần. Nhờ đó, vị mục tử tốt lành biết rõ đàn chiên,yêu thương đàn chiên và sẵn sàng hiến mạng vì đàn chiên. Từ đó, vị mục tử tốt lành biết nuôi dưỡng đoàn chiên bằng những lương thực có chất lượng cao đặc biệt là cử hành Thánh Thể sốt sắng và nhiệt thành trong bí tích Hòa Giải.

Ơn gọi Linh mục Tu sĩ chính yếu là để “sống với Chúa, và để Ngài sai đi”(Mc 3, 14). Sống với Chúa, là lắng nghe tiếng Ngài trong từng giây phút sống, để nên một với Chúa trong gian nan và hạnh phúc. Để Ngài sai đi, là sẵn sàng đi theo con đường Ngài đã đi, thực thi sứ mạng Ngài trao bất chấp những gì xảy ra.

Giáo dân cần Linh mục như bệnh nhân cần bác sĩ, như học sinh cần thầy cô giáo, như một người bạn sẵn sàng cảm thông chia sẻ vui buồn trong đời sống và như người bạn đồng hành giúp đỡ trong cuộc hành trình tiến về đời sau.

Hãy cầu nguyện cho các Linh mục được trở nên những mục tử như Chúa Giêsu, vị Mục Tử Tốt Lành, biết yêu thương phục vụ đoàn chiên, hiểu biết tâm tư tình cảm của từng người, quan tâm chăm sóc từng con chiên và sẵn sàng hy sinh bản thân vì lợi ích của đàn chiên. Trong bài giảng Lễ Dầu năm 2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khuyên các linh mục : “Cha mời gọi các con điều này, các con hãy là những người chăn chiên có mùi của chiên. Người chăn chiên thì có mùi chiên, làm cho cái mùi ấy thành cái mùi thực, giống các người chăn chiên ở giữa đoàn chiên của các con. Mùi của chiên chỉ có được bằng cách sống các thực tại đời sống hàng ngày của họ, các bối rối khó khăn của họ, các niềm vui của họ, các gánh nặng và các hy vọng của họ”.

Hãy cầu nguyện cho các Linh mục có những đức tính tốt của những "Mục Tử Đẹp" mà Thánh Kinh đã mô tả :

- Yêu thương, trìu mến chiên với tất cả tâm hồn: "Chúa tập trung cả đàn chiên dưới cánh tay: lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt" (Is 40, 11).

- Yêu quý từng con chiên, một con cũng như cả trăm con: "Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao? Và nếu may mà tìm được, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc" (Mt 18, 12-13).

- Lo cho chiên, tạo những điều kiện tốt đẹp cho chiên: "Ta sẽ chăn dắt chúng trong đồng cỏ tốt tươi và chuồng của chúng sẽ ở trên các núi cao. Tại đó chúng sẽ nằm nghỉ trong chuồng êm ái, sẽ đi ăn trong những đồng cỏ mầu mỡ" (Ed 34, 14).

- Làm cho chiên được sống no ấm, hạnh phúc: "Chúa chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì" (Tv 23,1); làm chiên luôn vững dạ vì được bảo vệ: "Dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm" (23, 4).

- Tinh thần trách nhiệm đối với đàn chiên rất cao: "Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh; con nào béo mập, con nào khoẻ mạnh, Ta sẽ canh chừng" (Ed 34,16).

- Cứu thoát, giải phóng đàn chiên: "Thiên Chúa sẽ cứu thoát dân Người, như mục tử cứu thoát đàn chiên" (Dc 9,16).

Linh mục là Mục tử, người chăm sóc phần hồn các tín hữu. Một sứ mạng rất cao quý. Linh mục noi gương Chúa Giêsu - Mục Tử Đẹp, tận tình phục vụ tha nhân qua công việc mục vụ với đức ái mục tử. Đây là linh đạo của linh mục giáo phận.

Sứ điệp Ngày Quốc tế Ơn gọi 2021 với chủ đề: Thánh Giuse – Giấc mơ ơn gọi. Đức Thánh Cha Phanxicô suy niệm: Thánh Giuse gợi ý cho chúng ta ba từ khóa cho ơn gọi của mỗi cá nhân. Đó là ước mơ, sự phục vụ và lòng trung thành.

Trong Kinh Thánh, thánh Giuse được gọi là người công chính. Thánh Giuse được Giáo Hội tôn vinh với nhiều tước hiệu cao quý. Một trong những tước hiệu đó là: “Thánh Giuse,Đấng bảo trợ Giáo Hội và những tâm hồn dâng hiến”. Giáo Hội coi Thánh Giuse là “Đấng giữ gìn các kẻ đồng trinh”. Ngài đã giữ gìn Đức Maria. Ngài cũng sẵn sàng giữ gìn những người tận hiến đời mình cho Chúa.

“Xin Thánh Cả Giuse, Đấng bảo vệ các ơn gọi, đồng hành với anh chị em bằng trái tim hiền phụ của ngài!” (Sứ điệp Ơn gọi 2021).

Lạy Thánh Cả Giuse là Đấng bảo vệ Giáo Hội và những tâm hồn dâng hiến, xin bảo vệ và phù trợ các mục tử để các ngài luôn cố gắng mỗi ngày nên “Mục Tử Đẹp” như Chúa Giêsu. Amen.



 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:22 20/04/2021

7. Muốn được sống đời đời mà không nghĩ đến làm việc thiện thì chỉ là hão huyền.

(sách Gương Chúa Giê-su)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:27 20/04/2021
21. NGƯỜI NGHÈO KHOA TRƯƠNG

Có một người nghèo khoa trương, nói:

- “Nhà của tôi mặc dù không phú túc cho lắm, nhưng những vật dụng trong nhà thì cái gì cũng không thiếu.”

Lại còn cong cong ngón tay ra dáng nói:

- “Nếu có thiếu thì thiếu cái long xa phụng liên (1) , nhưng thức ăn thì loại nào cũng có.”

Lại cong cong tay nói tiếp:

- “Nếu nói không có thì chỉ không có tim rồng gan phụng mà thôi.”

Đứa con nhỏ của ông ta nghe được, thì kêu nói:

- “Buổi tối con không có giường để ngủ, chỉ ngủ trên đất, bữa ăn tối nay một hột cơm cũng không có mà ba vẫn còn nói dối.”

Người nghèo nhướng cặp mày lên nói:

- “Đúng, đúng, ba quên, trong nhà mình cái gì cũng có, nếu thiếu chăng nữa thì chỉ thiếu cơm tim rồng gan phụng, giường ngủ long xa phụng liên mà thôi.”

(Tiếu Đắc Hảo)

Suy tư 21:

Nghèo mà nhìn nhận mình nghèo đó là người khiêm tốn và có can đãm; nghèo nhưng không dám nhìn nhận mình nghèo là người kiêu ngạo, lại còn khoe khoang láo khoét nữa là người nhát hèn.

Người biết nhìn ra cái yếu kém của mình để sống khiêm tốn và học hỏi thêm, đó là người có một tâm hồn lành mạnh và biết vươn lên trong đời sống hoàn thiện; trái lại người chỉ thấy cái hay cái giỏi của mình mà thôi nên họ thường khó chịu khi người khác trổi vượt hơn mình, họ là những người có tâm hồn bệnh hoạn, vì có bệnh trong tâm hồn nên họ thường hay sợ hãi và giận dữ cách vô cớ với góp ý choi mình…

Con cái không có cơm ăn, không có giường để ngủ, mà ông bố thì vẫn cứ khoe khoang để giữ cái thể diện của mình, thì đúng là người bất nhân với con cái của mình vậy !

(1) Xe của vua và hoàng hậu.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Các nhà lập pháp Đức cân nhắc việc chấm dứt chi tiền cho các Giáo Hội
Đặng Tự Do
16:55 20/04/2021


Hạ viện Đức đang xem xét việc chấm dứt các khoản thanh toán của nhà nước cho hai Giáo Hội lớn nhất quốc gia. Các nhà thờ Công Giáo và Tin lành đã nhận được tổng số tiền hơn 650 triệu đô la vào năm 2020.

Hãng tin Công Giáo Đức KNA cho biết tại một phiên điều trần ở ủy ban nội vụ của Bundestag, hay Hạ Viện Đức, các Dân biểu hoan nghênh ý định của Đảng Dân chủ Tự do đối lập, Đảng Xanh và Đảng Cánh tả và chỉ ra rằng nó phù hợp với quy định của hiến pháp bãi bỏ các khoản thanh toán, vốn có từ thế kỷ 19. Ngược lại, một số chuyên gia pháp lý cho rằng một dự luật này là vi hiến.

Dự luật nhằm mục đích tạo ra khuôn khổ cần thiết cho các thỏa thuận giữa liên bang và các giáo phận Công Giáo cũng như các nhà thờ Tin lành. Hầu hết các khoản thanh toán của nhà nước đã có từ năm 1803.
Source:Catholic Sun
 
Ngày 25 tháng 7 sẽ là Ngày Thế Giới đầu tiên dành cho ông bà nội ngoại và người cao niên.
Thanh Quảng sdb
17:54 20/04/2021
Ngày 25 tháng 7 sẽ là Ngày Thế Giới đầu tiên dành cho ông bà nội ngoại và người cao niên.

Thánh Bộ đặc trách Giáo dân, Gia đình và Đời sống đã công bố Ngày Thế giới đầu tiên dành cho Ông bà Nội ngoại và Người cao niên với chủ đề “Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho tới tận thế”.

(Tin Vatican)

Theo Thông cáo báo chí của Tòa Thánh thì Thánh Bộ đặc trách Giáo dân, Gia đình và Cuộc sống, hôm thứ Ba cho hay: Ngày Thế giới đầu tiên dành cho Ông bà Nội ngoại và Người cao niên sẽ được tổ chức vào Chủ nhật ngày 25 tháng 7.

Chủ đề được Đức Thánh Cha Phanxicô chọn nhân dịp kỷ niệm ngày Ngài được chọn làm đầu Giáo hội là “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho tới tận thế” (Mt 28:20), nói lên sự gần gũi của Chúa và Giáo hội đối với những người lớn tuổi, đặc biệt trong thời điểm đầy thử thách của đại dịch Covid-19 này.

Chủ đề, “Thầy luôn ở cùng các con” cũng là “một lời hứa về sự gần gũi và hy vọng rằng già trẻ đều có thể chia sẻ cùng nhau”. Không chỉ con cháu và giới trẻ được mời gọi xây dựng xã hội trong cuộc sống, mà cả những người lớn tuổi, ông bà nội ngoại cũng có sứ mệnh truyền giáo, loan báo, cầu nguyện và khích lệ người trẻ sống niềm tin.

Để khuyến khích và cổ súy việc cử hành Ngày Thế giới này trong các Giáo hội địa phương, Thánh Bộ đặc trách về Giáo dân, Gia đình và Đời sống sẽ cung cấp các tài liệu mục vụ vào khoảng giữa tháng 6, các tài liệu này sẽ đưa lên trang web www.amorislaetitia.va
 
Thông điệp của Đức Giáo Hoàng Phanxicô: hướng tới một nền chính trị bắt nguồn từ người dân
Vũ Văn An
20:02 20/04/2021

Theo bản tin tiếng Pháp của Zenit Ngày 17 tháng 4 năm 2021, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho rằng: "Nhờ nhìn nhận tầm quan trọng của linh đạo trong đời sống các dân tộc, chúng ta tái sinh ra nền chính trị". Đối với ngài, "chính trị bắt nguồn từ người dân".

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một thông điệp video tới những người tham dự Hội nghị Quốc tế về chủ đề: “Một nền chính trị bắt nguồn từ nhân dân”, được tổ chức vào Thứ Năm ngày 15 tháng 4 năm 2021 bởi Trung tâm Thần học và Cộng đồng (Center for Theology & Community).



Đức Giáo Hoàng nói rằng “Nhờ nhìn nhận tầm quan trọng của linh đạo trong đời sống các dân tộc, chúng ta tái sinh ra nền chính trị”. Đó là lý do tại sao điều thiết yếu là các cộng đồng đức tin gặp gỡ, kết tình anh em, làm việc với nhau "cho và với nhân dân". Ngài thường lặp lại câu làm việc" với nhân dân", một liều thuốc giải độc cho "chủ nghĩa cha chú [paternalisme] chính trị".

Ngài cũng trình bầy liều thuốc giải độc cho chủ nghĩa dân túy: “Nói một cách chính xác, câu trả lời thực sự cho việc xuất hiện của chủ nghĩa dân túy không phải là chủ nghĩa cá nhân mà là điều ngược lại: một nền chính trị huynh đệ, bắt nguồn từ đời sống của nhân dân".

Đức Giáo Hoàng khuyến nghị các giáo phận cộng tác với các phong trào bình dân: như trong cuốn sách “Chúng ta hãy cùng nhau mơ ước”, ngài bày tỏ ước muốn “tất cả các giáo phận trên thế giới đều có sự cộng tác bền vững với các phong trào bình dân”.

Thuật ngữ “bắt nguồn” được nhắc đến nhiều lần trong thông điệp của Đức Thánh Cha: “Chúng ta phải xây dựng tương lai từ bên dưới, khởi đi từ nền chính trị với nhân dân, bắt nguồn từ nhân dân".

Đó là điều được ngài gọi là "chính trị viết hoa", được ngài định nghĩa như "việc phục vụ" và phục vụ nhân dân nhưng "với" nhân dân: "Chính trị như một dịch vụ, mở ra nhiều con đường mới cho nhân dân tổ chức và tự phát biểu mình. Đó là nền chính trị không những cho nhân dân mà còn với nhân dân, bắt nguồn từ cộng đồng và các giá trị của họ".

Ngược lại, Đức Giáo Hoàng nhận xét rằng "việc khinh thường văn hóa bình dân là khởi đầu của sự lạm quyền" và một nền chính trị "coi thường người nghèo" không bao giờ có thể "cổ vũ ích chung".

Bản dịch sau đây dựa vào bản dịch tạm thời của Hãng in Zenit:

Thông điệp của Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Anh chị em thân mến,

Tôi rất vui được gửi lời chào đến anh chị em lúc bắt đầu hội nghị do Trung tâm Thần học và Cộng đồng, ở Luân Đôn, tổ chức, xoay quanh các chủ đề được đề cập trong cuốn sách Soñemos Juntos [Chúng ta hãy mơ ước – Chúng ta hãy cùng nhau mơ ước], đặc biệt là về các phong trào bình dân và các tổ chức hỗ trợ họ.

Tôi đặc biệt chào mừng Chiến dịch Công Giáo vì sự phát triển con người, đang kỷ niệm 50 năm thành lập bằng cách giúp các cộng đồng nghèo nhất ở Hoa Kỳ sống có phẩm giá hơn, bằng cách khuyến khích họ tham gia vào các quyết định có ảnh hưởng đến họ.

Các tổ chức khác có mặt ở đây, từ Vương quốc Thống nhất, từ Đức và nhiều quốc gia khác, cũng đang hoạt động trong chiều kích trên, với sứ mệnh đồng hành cùng người dân trong cuộc đấu tranh giành một mảnh đất, một mái nhà và một công việc, ba chữ T nổi tiếng [trong tiếng Pháp], và ở lại bên cạnh họ khi họ bị tổn thương bởi các thái độ chống đối và khinh thường. Sự nghèo đói và bị loại trừ khỏi thị trường lao động do đại dịch mà chúng ta đang sống đã khiến việc làm và chứng từ của anh chị em trở nên cấp thiết và cần thiết hơn nhiều.

Nói cho chính xác, một trong những mục tiêu của cuộc hội nghị của anh chị em là chứng tỏ rằng câu trả lời thực sự cho việc xuất hiện của chủ nghĩa dân túy không phải là chủ nghĩa cá nhân mà là điều ngược lại: một nền chính trị huynh đệ, bắt nguồn từ đời sống của nhân dân.

Trong cuốn sách gần đây của ông, Mục sư Angus Ritchie mô tả nền chính trị này mà anh chị em gọi là "chủ nghĩa dân túy bao hàm" [populisme inclusif]; tôi thì tôi thích sử dụng chữ "chủ nghĩa bình dân" [popularisme] để diễn đạt cùng một ý tưởng [1]. Nhưng điều quan trọng không phải là cái tên mà là cái nhìn, một điều cũng giống y nguyên: Nó có ý nói đến việc tìm ra những cơ chế để bảo đảm cho mọi người một cuộc sống xứng đáng được coi là nhân bản, một cuộc sống có khả năng vun xới nhân đức và dệt nên các mối liên kết mới [2 ].

Trong Hãy cùng nhau mơ ước (Dreaming Together), tôi gọi nền chính trị này là "chính trị viết hoa", nền chính trị như một dịch vụ, mở ra những con đường mới cho mọi người tổ chức và tự phát biểu mình. Đó là một nền chính trị không những cho người dân mà còn với người dân, bắt nguồn từ các cộng đồng và giá trị của họ. Ngược lại, các chủ nghĩa dân túy theo và lấy cảm hứng, một cách có ý thức hay không, từ một phương châm khác: "Tất cả cho dân, không gì với dân cả", của chủ nghĩa cha chú chính trị. Do đó, người dân, theo quan điểm dân túy, không chủ đạo chính số phận của họ, nhưng kết cục trở thành con nợ của một ý thức hệ.

Khi nhân dân bị vứt bỏ, họ không những bị tước đoạt về phúc lợi vật chất mà còn bị tước đoạt phẩm giá hành động, trở thành người chủ đạo của lịch sử mình, của số phận mình, tự phát biểu mình qua các giá trị và nền văn hóa của mình, của tính sáng tạo và sự phong phú của nó. Vì lý do này, đối với Giáo hội, không thể tách biệt việc cổ vũ công bằng xã hội ra khỏi việc thừa nhận các giá trị và văn hóa của nhân dân, bao gồm các giá trị tâm linh, vốn là cội nguồn của cảm thức phẩm giá của họ. Trong các cộng đồng Kitô hữu, các giá trị trên phát sinh từ cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô, Đấng không mệt mỏi tìm kiếm những người nản lòng hoặc lạc lối, những người đi tới các giới hạn của hiện sinh, để trở thành khuôn mặt và sự hiện diện của Thiên Chúa, để trở thành "Thiên Chúa ở với chúng ta".

Nhiều anh chị em họp nhau ở đây từng làm việc từ nhiều năm nay để thực hiện điều trên ở các khu ngoại vi, đồng hành cùng các phong trào bình dân. Đôi khi việc này có thể không thoải mái. Một số người buộc tội anh chị em là quá chính trị, những người khác muốn áp đặt tôn giáo lên anh chị em. Nhưng anh chị em tri nhận rằng tôn trọng nhân dân là tôn trọng các định chế của họ, bao gồm các định chế tôn giáo; và vai trò của các định chế này không phải là áp đặt bất cứ điều gì mà là cùng đi với nhân dân, trong khi nhắc nhở họ về khuôn mặt của Thiên Chúa, Đấng luôn ở phía trước chúng ta.

Đây là lý do tại sao người mục tử đích thực của một dân tộc, một mục tử tôn giáo, là người dám đi ở phía trước, ở phía giữa và ở phía sau lưng dân chúng. Phía trước, để chỉ đường, phía giữa để cảm nhận với dân chứ không tự đanh lừa, phía sau, để giúp đỡ người chậm chạp và để người dân, bằng khiếu tinh tế của họ, cũng tìm được các lối đi.

Đó là lý do tại sao trong Chúng ta hãy cùng nhau mơ ước, tôi nói đến một điều mong ước: tất cả các giáo phận trên thế giới có sự hợp tác bền vững với các phong trào bình dân [3].

Ra ngoài để gặp gỡ Chúa Kitô bị thương và phục sinh trong những cộng đồng nghèo nhất sẽ giúp chúng ta lấy lại sức mạnh truyền giáo của mình, vì đó cũng là cách Giáo hội được khai sinh, ở ngoại vi của Thập giá. Nếu Giáo hội làm ngơ người nghèo, Giáo hội sẽ không còn là Giáo hội của Chúa Giêsu nữa và sẽ làm sống lại những cám dỗ cũ để trở thành một tầng lớp ưu tú về trí tuệ hoặc đạo đức, một hình thức mới của chủ nghĩa Pelagiô hay cuộc sống của phái Essene.

Cũng vậy, một nền chính trị làm ngơ người nghèo không bao giờ có thể cổ vũ ích chung. Một nền chính trị làm ngơ các vùng ngoại vi sẽ không bao giờ có thể hiểu được trung tâm và sẽ lầm tưởng tương lai với sự phóng chiếu qua một tấm gương.

Một cách để làm ngơ người nghèo là hạ giá nền văn hóa, các giá trị tinh thần, các giá trị tôn giáo của họ, hoặc bằng cách bác bỏ chúng hoặc bằng cách lợi dụng chúng cho các mục tiêu quyền lực. Khinh thường nền văn hóa bình dân là khởi đầu của việc lạm quyền.

Nhờ nhìn nhận tầm quan trọng của linh đạo trong đời sống các dân tộc, chúng ta tái sinh ra nền chính trị. Đó là lý do tại sao điều thiết yếu là các cộng đồng đức tin gặp gỡ, kết tình anh em, làm việc với nhau "cho và với nhân dân". Với người anh em tôi, Đại Giáo Trưởng Ahmed Al-Tayyeb, chúng tôi “giả định” nền văn hóa đối thoại như một con đường; sự hợp tác hỗ tương như một cách ứng xử; và hiểu biết lẫn nhau như một phương pháp và tiêu chuẩn [5]. Luôn phục vụ người nghèo.

Anh chị em thân mến, bây giờ, hơn bao giờ hết, chúng ta phải xây dựng một tương lai từ bên dưới, khởi đi từ một nền chính trị với nhân dân, bắt nguồn từ nhân dân. Và cầu mong hội nghị của anh chị em giúp anh chị em soi sáng đường đi. Cảm ơn anh chị em rất nhiều.

Ghi Chú

[1] Xem Populisme inclusif: créer des citoyens à l’ère du monde [Chủ nghĩa dân túy bao gồm: Tạo ra các công dân trong thời đại của thế giới] (Univ. Notre Dame Press, 2019).
[2] Xem Soñemos juntos: El camino a un futuro mejor [Chúng ta hãy cùng nhau mơ ước: con đường dẫn đến một tương lai tốt đẹp hơn. Đối thoại với Austen Ivereigh] (Simon & Schuster, 2020), tr. 116.
[3] Sđd, tr. 126.
[4] Sđd, tr. 124.
[5] Xem Document sur la fraternité humaine pour la paix mondiale et la coexistence commune [văn kiện tình huynh đệ nhân loại vì hòa bình thế giới và sự chung sống], Abu Dhabi (ngày 4 tháng 2 năm 2019), được trích dẫn trong Thông điệp Fratelli tutti, số 285.

 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm hạt Phú Thọ: Thực thi bác ái Mùa Chay 2021
Văn Minh
08:49 20/04/2021
“Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5, 3-12).

Hưởng ứng lời Kinh Thánh trên đây, vào lúc 5g sáng thứ Bảy ngày 17.04.2021, đại diện Ban Chấp hành (BCH), cùng quý ân nhân và các thành viên trong Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm (GĐPTTTCG) giáo hạt Phú Thọ gồm có 95 người trên 02 xe, khởi hành từ giáo xứ Tân Phước đi thực thi bác ái.

Đồng hành cùng đoàn có linh mục (Lm) Gioan Lê Quang Việt – Linh hướng GĐPTTTCG xứ đoàn Tân Phước.

Xem Hình

Đúng 6g30, đoàn tới Trung tâm Bảo trợ người già – Mái ấm Thiên n: số 93/6 đường số 8, khu phố 5, phường Tam Phú, TP Thủ Đức, do các nữ tu Dòng Trinh nữ Vương Mẫu Tâm - bảo trợ. Mái ấm Thiên n hiện có 110 cụ bà là những người neo đơn không có con cháu. Trong đó, có 36 cụ nằm liệt giường không tự chăm sóc được cho bản thân.

Tại đây, đại diện BCH đã trao cho nữ tu Nguyễn Thị Trang - quản lý, số tiền 30.000.000đ (ba mươi triệu đồng) tiền mặt.

Thực hiện công việc bác ái xong, đoàn khởi hành đi Kính viếng Đức Mẹ Tà Fao. Tại nhà nguyện Thánh Thể, đoàn hiệp dâng Thánh lễ thứ Bảy Tuần II Phục sinh do Lm Gioan Lê Quang Việt chủ tế. Sau đó, đoàn tới giáo xứ Bình An - thị xã La Gi - Giáo phận Phan Thiết và nghỉ đêm tại đây.

Sáng hôm sau, lúc 5g00, các thành viên tham dự Thánh lễ Chúa nhật III Phục sinh do Lm Giuse Nguyễn Thành Long – Chánh xứ Bình An - chủ tế. Sau khi điểm tâm sáng xong, các thành viên tự do tắm biển và chụp hình lưu niệm. Trước khi chia tay, đại diện BCH gởi trao 100 phần quà trị giá 30.000.000đ (ba mươi triệu đồng) cho những người có hoàn cảnh khó khăn trong và ngoài giáo xứ Bình An, do Lm Giuse Nguyễn Thành Long quản xứ.

Sau bữa cơm trưa, lúc 13g00, đoàn lên xe trở về TP trong bình an.

Ngoài công việc chia sẻ bác ái trên, lúc 8g00 sáng ngày 20.04.2021, đại diện BCH đến thăm và tặng quà cho 16 linh mục và 03 nữ tu phục vụ tại nhà hưu dưỡng Chí Hòa với số tiền 9.500.000đ triệu đồng; cơ sở Nuôi dưỡng hướng nghiệp trẻ khiếm thị Bừng Sáng, số 266/5 Nguyễn Tri Phương, quận 10, TPHCM, do nữ tu Maria Nguyễn Thị Hoàng, Dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức, quản lý, cùng với 4 soeur và 2 phụ giúp số tiền 10.000.000đ (mười triệu đồng). Được biết, cơ sở hiện đang nuôi dạy 40 em khiếm thị có hoàn cảnh khó khăn đến từ các nơi trong cả nước, không phân biệt tôn giáo (chỉ có 01 em là người Công Giáo), tuổi từ 5 đến 20; giúp các trẻ em nghèo mồ côi Dân tộc miền Tây Nguyên do các nữ tu Dòng Sait Pual Pleiku quản lý, số tiền là 5.000.000đ; tô cháo Phạm Ngọc Thạch 5.000.000đ, giúp đỡ cho 06 gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại giáo xứ Tân Phước mỗi gia đình 1.000.000đ.

Tổng số tiền 98.500.000đ mà GĐPTTTCG giáo hạt Phú Thọ thực thi bác ái trong Mùa Chay 2021, là do các thành viên trong GĐPTTTCG và quý ân nhân trong giáo hạt Phú Thọ cùng nhau đóng góp.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Đọc Bài Thơ Lời Mẹ Dặn Của Phùng Quán Lại Nghĩ Đến Câu Uy Vũ Bất Năng Khuất
Nguyễn Văn Nghệ
08:35 20/04/2021
Bài viết “Đọc bài ‘Tụng Lỗ Tấn’ của Phan Khôi lại nghĩ đến cái xấu ở Việt Nam hiện nay” của tôi được trang web Nghiên cứu lịch sử đăng vào sáng Thứ hai ngày 19/4/2021. Sau khi bài viết được đăng, thì vào lúc 7:19 sáng 19/4/2021 có phản hồi của độc giả Độ Vân:

“Nguyễn Văn Nghệ chỉ cần nhớ một điều:

“Dưới chế độ do ĐCS đứng đầu thì giọng điệu trước 1945 và sau 1945 phải đổi khác 180 độ, nếu còn muốn sống.

“Không những Phan Khôi, mà Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Đào Duy Anh, Nguyễn Lân…đều như vậy. Phải rất lâu về sau, những người dũng cảm nhất mới dám thể hiện: Tôi vẫn là tôi.

“Thời nay mỉa mai tiền nhân rất dễ, nhưng cũng rất hèn. Tiền nhân không sống lại để có thể giải thích”.

Ông Phan Khôi từng xuất thân trong cái lò đào tạo Nho học, chắc hẳn ông không bao giờ quên cái câu “Uy vũ bất năng khuất” trong sách Mạnh tử, thiên Đằng Văn công hạ chứ!

Độc giả Độ Vân nêu tên một số nhà thơ, nhà văn “nếu còn muốn sống” thì tất cả “đều như vậy”. Không biết độc giả Độ Vân dựa vào đâu mà dám khẳng định như đinh đóng cột: “nếu còn muốn sống…đều như vậy”.

Kìa, hãy nhìn xem ông Phùng Quán sinh năm 1932, nhỏ hơn ông Phan Khôi 45 tuổi, cũng thuộc nhóm Nhân văn Giai phẩm, vào năm 1957 ông có làm bài thơ “Lời mẹ dặn”. Đây chính là tuyên ngôn về nhân cách sống của ông Phùng Quán. Lời mẹ dặn năm xưa ông vẫn còn khắc ghi trong lòng: “Năm nay tôi hai mươi lăm tuổi/ Đứa bé mồ côi thành nhà văn/ Những lời mẹ dặn thuở lên năm/ Vẫn nguyên vẹn màu son chói đỏ/ Người làm xiếc đi dây rất khó/ Nhưng chưa khó bằng làm nhà văn/ Đi trọn đời trên con đường chân thật/ Yêu ai cứ bảo là yêu/ Ghét ai cứ bảo là ghét/ Dù ai ngon ngọt nuông chiều/ Cũng không nói yêu thành ghét/ Dù ai cầm dao dọa giết/ Cũng không nói ghét thành yêu/ Tôi muốn làm nhà văn chân thật/ Chân thật trọn đời/ Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi/ Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã/ Bút giấy tôi ai cướp giật đi/ Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá”.

Ông Phùng Quán chẳng những “muốn sống” và còn muốn sống “chân thật trọn đời”, ông đâu cần “phải đổi khác 180 độ”!

Nếu cho rằng ông Phan Khôi bị ép buộc phục vụ cộng sản, sao ông không học gương của Từ Thứ: “Về Tào miệng ngậm như bình kín” (Họa Từ Thứ quy Tào của Phan Văn Trị)

Độc giả Độ Vân có ý lên án tôi: “Thời nay mỉa mai tiền nhân rất dễ, nhưng cũng rất hèn hạ. Tiền nhân không sống lại để có thể giải thích”. Sự thật thì những người hiểu biết không phải văn nô, bồi bút thì không ai “mỉa mai” ông Phan Khôi cả! Những điều nêu ra là để hậu thế rút ra bài học cho cuộc sống mà thôi.

Vào lúc 2:03 sáng ngày 20/4/2021 lại có thêm phản hồi của độc giả Phat công kích độc giả Độ Vân về việc “mỉa mai tiền nhân”: “Thế thì đừng ca ngợi tiền nhân luôn vì tiền nhân không sống lại để giải thích huyền thoại của mình đâu?? Chắc chỉ được ca ngợi tiền nhân, không được chê tiền nhân chứ gì?? Kẻ không dám nói gì chỉ vì cái danh tiền nhân thì mới đúng là hèn hạ, sai thì sửa đúng thì nói cái gì mà tiền nhân với không tiền nhân thực nực cười, họ cũng là người cũng như ta, cũng có sai lầm có công không phải thánh không thể mỉa mai”[*]

Người xưa nói: “Cái quan định luận”, nên hư công luận phê bình. Có như vậy mới biết tư cách ông Phan Khôi như thế nào? Tư cách ông Phùng Quán như thế nào?

Nguyễn Văn Nghệ

Diên Khánh- Khánh Hòa

[*]- nghiencuulichsu.com/2021/04/19/doc-bai-tung-lo-tan-cua-phan-khoi-lai-nghi-den-cai-xau-o-viet-nam-hien-nay/
 
VietCatholic TV
Tình trạng của Cha Giám Đốc VietCatholic. Gương hiếu học và hăng say rao giảng Tin Mừng từ mái nhà
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
05:13 20/04/2021

Cũng khoảng thời gian này, 25 năm trước, là thời gian tôi quen biết và bắt đầu cộng tác với Cha Gioan Trần Công Nghị trong việc hình thành nên Web site VietCatholic.

Chắc chắn, Cha Nghị sẽ được mọi người nhớ đến như một trong các linh mục tiên phong trong việc ứng dụng khoa học điện toán để rao giảng Tin Mừng “từ trên mái nhà” (theo thuật ngữ của Tông thư Sự Phát Triển Nhanh Chóng của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. ) Tôi cũng hân hạnh được biết và cộng tác với hai vị linh mục khác đi tiên phong trong lãnh vực này là Cha Anthony Nguyễn Hữu Quảng, Chủ nhiệm dân Chúa Úc Châu, và Cha Stêphanô Bùi Thượng Lưu, Chủ nhiệm dân Chúa Âu Châu.

Trong suốt 25 năm làm việc chung với Cha Nghị, tôi học được nhiều bài học bổ ích từ nơi ngài, nhưng nổi bật nhất là gương hiếu học và hăng say rao giảng Tin Mừng.

Cha Nghị bắt đầu học Computer và Internet trong khoảng thời gian ngài làm cha phó tại giáo xứ St. Finbar, Burbank của tổng giáo phận Los Angeles, ở phía Tây Bắc Orange County. Từ nhà xứ của ngài về đến Orange County mất gần một giờ lái xe.

Người đầu tiên dạy ngài học Computer và Internet là anh Justin Linh Nguyễn, là người Công Giáo ở Orange County. Gặp nhau tại Mỹ vào năm 1999, Justin cho tôi biết: “Năm 1994, em đăng trên báo dạy kèm Computer và Internet 30 USD một giờ, học tại nhà em.” Lúc ấy, 30 USD là một số tiền khá lớn.

Justin cho biết thêm “Cha ghi danh học, không biết em là người Việt. Cha nói toàn tiếng Mỹ với em. Em cũng nói toàn tiếng Mỹ với cha, nên cũng không biết cha là người Việt. Đến khi cha đến nhà em học, bố em ngớ người ra.”

Đương nhiên là Justin không dám lấy tiền của cha. Nhưng mỗi tuần phải lái xe cả hai tiếng đồng hồ đi học đủ thấy ngài quyết chí đến mức nào. Trong khoảng thời gian đó, máy móc đắt hơn bây giờ rất nhiều, và học Computer còn khó lắm.

Trước thập niên 90, suy nghĩ phổ biến trong ngành điện toán là Computer chỉ dành cho những người chuyên nghiệp, không phải cho quảng đại quần chúng như bây giờ. Thành công lớn nhất, và là đóng góp lớn nhất của Microsoft cho nhân loại là Windows, bắt đầu với Windows 3.1 từ Tháng Tư 1992. Với Windows 95, Microsoft quyết liệt đi theo hướng phổ thông hóa điện toán.

Browser, tức là chương trình để “lướt web”, lúc bấy giờ chủ yếu là Netscape, ra đời năm 1994, vừa dở, vừa chậm, vừa hay làm đứng máy giữa chừng.

Cha Nghị học được cách dùng Netscape thì mừng lắm. Nhưng học đến đó thì chỉ có thể lướt web chứ “chẳng có product gì” (là những từ ngữ ngài ưa dùng). Ý của ngài là phải hiện diện trên Net chứ không chỉ là các khán giả khoanh tay đứng nhìn.

Trong thời gian đó tôi cộng tác với báo dân Chúa Úc Châu của Cha Quảng, chuyên viết các bài về điện toán; và cộng tác với catholic.org ở Hoa Kỳ trong lĩnh vực thảo chương. Catholic.org lúc ấy là Web site lớn nhất của Công Giáo Hoa Kỳ. Cha Nghị vào trang này thường xuyên. Ngài đoán tôi là người Việt Nam nên email cho tôi vào tháng Tư, 1996. Đó là cơ duyên chúng tôi gặp gỡ nhau.

Mấy tháng sau đó, ngày 1 tháng 11, 1996, VietCatholic bắt đầu phát trên mạng lưới toàn cầu.

Hoàn cảnh lúc bấy giờ khó khăn vô cùng. Tất cả các thảo chương phải viết trên Unix dùng một ngôn ngữ điện toán rất khó là Perl. Vào thời điểm đó, Perl khó đến mức viết xong, thử tới thử lui, trao cho chủ, rồi bắt đầu đọc kinh, xin Chúa phù hộ cho khỏi bị chủ đuổi. Nó không có các tiện nghi như hiện nay để mình có thể an tâm là chương trình sẽ vận hành như ý mình mong muốn.

Vì thế, chương trình đầu tiên phát trên VietCatholic là Nụ Cười Nhà Đạo, chỉ toàn những chuyện bông đùa, ngắn gọn vừa với khả năng lập chương trình của hai cha con. Nói “hai cha con” vì ngài cũng phải học viết chương trình bằng Perl, một mình tôi làm không nổi, vì ngoài công việc của VietCatholic, công việc chính của tôi vẫn là phải kiếm cơm, phải cố gắng hết sức vật lộn với các thảo chương điện toán để khỏi bị chủ sa thải. Một linh mục không có nền tảng về Computer học được Perl phải kể là một kỳ tích.

Chương trình Nụ Cười Nhà Đạo rất thành công, người ta vào xem nhiều đến mức VietCatholic phải tạm ngưng trong gần một tháng vào tháng 7, 1997. Lý do là vì người ta vào nhiều quá, thu hút hết bandwidth của nơi đặt server. Họ kêu Cha Nghị đến trả lại computer, đuổi đi chỗ khác. Sau gần một tháng tìm kiếm, một người Việt Nam, tên là anh Hùng, chịu phát lên Internet cho cha, từ chuyên môn gọi là host. Tháng 12, 1998, VietCatholic lại biến mất trên bản đồ thế giới, lần này hô biến hơi lâu, gần cả hai tháng. Anh Hùng, không biết làm ăn sao đó bị khánh tận, người ta tịch thu mọi thứ, kể cả computer của VietCatholic. Thành ra, lại phải mua computer khác, cài đặt lại từ đầu.

Vào thời điểm đó, computer mắc lắm mà phẩm chất lại rất tệ. Cháy ổ cứng là chuyện bình thường. Cho nên, VietCatholic còn phải tạm ngưng mấy lần nữa. Thực sự, tôi không còn nhớ nổi VietCatholic phải mua bao nhiêu computers. Đó là một số tiền khá lớn đối với một linh mục. Những người không có lòng nhiệt thành với Giáo Hội, không thể hy sinh như thế.

Sau này, khi điện toán phát triển, các ngôn ngữ lập trình tân tiến lần lượt ra đời, chúng tôi mới dám nghĩ đến chuyện biến VietCatholic thành một hãng tin, mới dám đăng các bài giảng của Đức Thánh Cha, các tông thư, tông huấn, thông điệp dài tràng giang đại hải.

Để học làm được Web, Cha Nghị còn phải vượt qua một trong những vấn đề làm khổ ngài rất nhiều là ngài không nhớ dai. Viết thảo chương về thực chất là đưa ra một loạt các chỉ thị (command) theo một luận lý thích hợp. Những ai nhớ dai, học thảo chương dễ hơn người khác rất nhiều vì có thể nhớ được hết các commands và công dụng của từng cái. Ngài thường phải hỏi tôi cùng một câu hỏi nhiều lần cho tới khi ngài tìm ra được một phương pháp tổ chức tốt hơn.

Tháng 10, 2006, VietCatholic mở Đại Hội 10 năm thành lập. Trước hết, chúng tôi kéo nhau lên Washington DC tham dự lễ khánh thành nguyện đường Đức Mẹ La Vang. Đến ngày hôm sau Chúa Nhật 22 tháng 10, 2006, cha Nghị thuê một xe hơi chở Cha Lưu và tôi xuống thăm Richmond. Trước khi lên đường, khi còn đang ở nhà một người quen ở Virginia, ngài nói “Các cậu ở đây chơi, mình đi đổ xăng một lát.” Sau đó, ngài quay trở lại chở Cha Lưu và tôi xuống thăm Richmond. Ở đó chơi cả ngày, đến tối mới về. Gần 9 giờ tối, lúc đang đi trên xa lộ, hai bên đồng không mông quạnh, ngài tuyên bố: “Thôi chết, xe hết xăng rồi”. Té ra là ban sáng ngài bảo đi đổ xăng mà thực ra ngài đi mua những thứ linh tinh, quên khuấy mất không đổ xăng. May sao, cuối cùng cứu tinh xuất hiện. Một cô gái tốt bụng lái xe ngang qua, ghé vào trong lúc chúng tôi đang hì hục đẩy cái xe hết xăng vào lề đường, chuẩn bị ngủ khách sạn ngàn sao. Cha đưa cho cô 20 USD. Chập sau cô quành lại đưa chúng tôi một can xăng. Thiệt đúng là hết hồn.

25 năm, một quảng đường dài, đầy vất vả, và căng thẳng nhưng tôi nhìn lại với tâm tình tri ân, tạ ơn Chúa vì được làm việc cùng một linh mục nhiệt thành và được nhìn thấy các gương sáng đức tin nơi ngài.
 
Mạn đàm: Những hồi ức về Cha Giám Đốc VietCatholic của các xướng ngôn viên Melbourne, Australia
Giáo Hội Năm Châu
16:48 20/04/2021
 
Thiếu nữ giàu có bỏ đi tu. Các Giám Mục Đức tổ chức buổi chúc lành đồng tính lớn nhất thế giới
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:53 20/04/2021


1. Thách thức Tòa Thánh, các Giám Mục Đức tổ chức buổi chúc lành cho các kết hiệp đồng tính lớn nhất vào ngày 10 tháng 5

Tiếp tục công khai thách thức Vatican, một số nhà lãnh đạo Công Giáo ở Đức đang công khai ủng hộ việc chúc lành cho các cặp đồng tính, với một buổi lễ chúc lành lớn nhất thế giới được lên lịch trình vào ngày 10 tháng 5. Buổi lễ chúc lành này được dàn dựng như một hình thức trực tiếp chống báng Bộ Giáo Lý Đức Tin.

Giám Mục Franz-Josef Overbeck của Essen nói rằng các linh mục trong giáo phận của ngài sẽ không chịu hậu quả giáo luật nào nếu họ quyết định chúc lành cho các cặp đồng tính nam và đồng tính nữ vào tháng tới như một phần của biến cố mang tên “Tình yêu chiến thắng, buổi chúc lành cho các cặp yêu nhau”.

Tuy nhiên, trang web tổ chức chiến dịch chưa nêu cụ thể bất cứ buổi chúc lành công khai nào trong giáo phận của ngài sẽ diễn ra vào ngày 10 tháng 5 hoặc “khoảng ngày đó”.

Nhận xét của Giám Mục Franz-Josef Overbeck được đưa ra trong một cuộc phỏng vấn với WDR vào đầu tuần này, và theo sau những lời bình luận của ngài về Lễ Phục sinh, khi ngài lập luận rằng “có rất nhiều buổi chúc lành cho các cặp đồng tính” ở Đức. Ngài cũng nói rằng Giáo Hội Công Giáo không cần phải từ chối những người đồng tính nhưng “tìm cách để những người đồng tính có thể chung sống với nhau”.

Lập trường của Đức Cha Overbeck đối lập trực tiếp với tuyên bố do Bộ Giáo lý Đức tin của Vatican đưa ra ngày 15 tháng 3 với sự chấp thuận của Đức Giáo Hoàng.

Văn kiện trên, về mặt kỹ thuật, là một câu trả lời cho một câu hỏi đặt ra cho Bộ Giáo lý Đức tin, lập luận rằng Giáo hội không thể làm như vậy bởi vì “Thiên Chúa không chúc lành cho tội lỗi.”

Trong số các giáo phẩm cao cấp của Đức ủng hộ câu trả lời của Bộ Giáo lý Đức tin có Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki, Tổng giám mục Cologne; Đức Giám Mục Stephan Burger của Freiburg; và Đức Giám Mục Rudolf Voderholzer của Regensburg.

“Tình yêu chiến thắng. Tình yêu là một ơn phúc” Trang web viết như thế về buổi chúc lành các cặp đồng tính vào ngày 10 tháng 5. “Những người yêu nhau thật có phúc. Vào ngày 10 tháng 5 năm 2021, chúng tôi mời bạn đến từ nhiều nơi khác nhau ở Đức để dự các buổi chúc lành. Chúng tôi không muốn loại trừ bất cứ ai. Chúng tôi tôn vinh sự đa dạng trong các kế hoạch sống và câu chuyện tình yêu khác nhau của người ta và cầu xin sự chúc lành của Thiên Chúa. Không có bất cứ bí mật nào. Trên trang này, bạn sẽ tìm thấy các buổi lễ diễn ra và bạn có thể đăng ký dự một buổi lễ và gửi cho chúng tôi một lời chúc”.

Các nhà tổ chức cũng yêu cầu rằng vào ngày hôm đó, những người Công Giáo ở Đức sử dụng “các biểu tượng sáng tạo để hiển thị việc có biết bao người trong Giáo hội ghi nhận sự đa dạng đầy màu sắc của các kế hoạch sống và những câu chuyện tình yêu khác nhau của người ta như một sự phong phú và một phước lành”.
Source:Crux

2. Các nhà lập pháp Đức cân nhắc việc chấm dứt chi tiền cho các Giáo Hội

Hạ viện Đức đang xem xét việc chấm dứt các khoản thanh toán của nhà nước cho hai Giáo Hội lớn nhất quốc gia. Các nhà thờ Công Giáo và Tin lành đã nhận được tổng số tiền hơn 650 triệu đô la vào năm 2020.

Hãng tin Công Giáo Đức KNA cho biết tại một phiên điều trần ở ủy ban nội vụ của Bundestag, hay Hạ Viện Đức, các Dân biểu hoan nghênh ý định của Đảng Dân chủ Tự do đối lập, Đảng Xanh và Đảng Cánh tả và chỉ ra rằng nó phù hợp với quy định của hiến pháp bãi bỏ các khoản thanh toán, vốn có từ thế kỷ 19. Ngược lại, một số chuyên gia pháp lý cho rằng một dự luật này là vi hiến.

Dự luật nhằm mục đích tạo ra khuôn khổ cần thiết cho các thỏa thuận giữa liên bang và các giáo phận Công Giáo cũng như các nhà thờ Tin lành. Hầu hết các khoản thanh toán của nhà nước đã có từ năm 1803.
Source:Catholic Sun

3. Thiếu nữ giàu có bỏ đi tu

Trên Patheos ngày 9 tháng 4, Cha Matthew P. Schneider, LC, có bài tường thuật về một ơn gọi đặc biệt trong thời đại xô bồ hiện nay. Đó là trường hợp Montserrat Medina Martínez, một thiếu nữ Tây Ban Nha. Cô thành công rất sớm trên đường đời: ở tuổi 30, cô sáng lập một công ty được giới kinh doanh mệnh danh là công ty khởi nghiệp.

Theo từ điển mở Wikipedia, Công ty khởi nghiệp là một công ty hoặc dự án do một doanh nhân thực hiện nhằm tìm kiếm, phát triển và chứng thực một mô hình kinh tế có khả năng qui mô lớn. Công ty của Medina đang lên như diều trong lĩnh vực kinh doanh tại Tây Ban Nha. Dù mới 36 tuổi nhưng cô đã đi từ thành công này đến thành công khác trong sự nghiệp. Với học bổng từ Stanford, cô đã tạo ra một công ty khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon mà sau đó cô đã bán cho Pay Pal với giá vài triệu dollars và dù còn trẻ nhưng cô đã được ký hợp đồng với tư cách là đối tác của công ty kế toán thời danh Deloitte. Danh tiếng, tiền bạc, nổi tiếng quốc tế… Cô có tất cả mọi thứ, ngoại trừ hạnh phúc. Sau một thời gian phân định, cô thấy Chúa đang kêu gọi cô sử dụng tài năng của mình một cách khác: cô quyết định bỏ mọi thứ và vào một tu viện dòng Thánh Augustinô với tư cách là một nữ tu chiêm niệm.

Cô đã thổ lộ cõi lòng trong một bức thư và giải thích quá trình dẫn cô đến tu viện với các đối tác của cô tại Deloitte. Người ta có thể tưởng tượng phản ứng của họ sẽ ra sao.

Montserrat tốt nghiệp ngành Kỹ sư Hàng không, hạng danh dự. Ngay sau đó, Stanford đã cung cấp cho cô một học bổng có trả tiền để lấy bằng Tiến sĩ về Toán học vi tính ở đó. Chính trong môi trường này, cô đã đồng sáng lập Jetlore, một công ty trí tuệ nhân tạo mà kết cục trở thành một chuẩn mực ở Thung lũng Silicon và cuối cùng bán cho công ty khổng lồ PayPal. Sau đó, cô được đề nghị trở thành đối tác của Deloitte ở Tây Ban Nha khi mới 34 tuổi.

Tuy nhiên, cô đã quyết định từ bỏ tất cả những thứ đó để theo Thiên Chúa. Trong bức thư gửi cho các đồng nghiệp, cô thừa nhận mình là người Công Giáo nhưng bấy lâu nay không đặt Thiên Chúa làm trung tâm. Cô nhận định, “Tôi đã sử dụng mọi tài năng mà lòng tốt vô hạn của Thiên Chúa chúng ta đã ban cho tôi, nhưng tôi sử dụng chúng vì vinh quang của chính mình và để tích lũy sự giàu có trên thế giới này. Tôi đã chiếm đoạt các hồng ơn nhận được chỉ để tìm kiếm lợi ích cho riêng mình. Tôi đang tự lừa dối bản thân: không hề làm tôi hạnh phúc, thái độ đó chỉ gây ra cho tôi sự trống trải ngày càng lớn thêm”.

Montserrat giải thích với những đối tác khác của Deloitte, “Tôi chìm trong nỗi khốn cùng, không biết phải làm gì với tất cả tội lỗi của mình, tôi hiểu rằng Thiên Chúa đã tha thứ tất cả vì Người là tất cả mọi sự tốt lành và thương xót. Bây giờ tôi muốn bỏ tất cả để đi theo vị Thiên Chúa này, Đấng đã chinh phục trái tim tôi. Tôi sống một món nợ tình yêu… mặc dù tôi biết rằng về phần mình, món nợ đó sẽ luôn được trả”.

Trước khi xin lỗi đồng nghiệp về những lỗi lầm mà cô có thể đã làm đối với họ, người phụ nữ trẻ này tuyên bố rằng cô đã đưa ra “quyết định quan trọng nhất và đồng thời là quyết định đơn giản nhất trong cuộc đời tôi”.

“Tôi đã quyết định, không hối tiếc, ngừng đầu tư vào tương lai trần thế của mình và bắt đầu đầu tư vào tương lai vĩnh cửu của mình. Vì tôi rời bỏ thế gian để phục vụ và làm theo Thánh Ý Thiên Chúa, nên tôi chắc chắn rằng Chúa nhân từ sẽ cung cấp nhiều hơn sự thiếu thốn của tôi với những thứ mà tôi để lại để đi theo Người. Đúng ra, tôi không rời khỏi thế giới, mà chỉ rời bỏ những thứ thuộc về thế giới. Tôi muốn dâng cuộc đời mình cho cầu nguyện và dâng hiến cho tất cả những người được Thiên Chúa yêu thương”, cô khẳng định như thế.
 
Tình cảm quý mến và lời cầu nguyện của hệ thống truyền hình VBS cho Cha Gioan Trần Công Nghị
VBS Television
22:56 20/04/2021