Ngày 18-04-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thứ Hai 19/4: Tin Chúa vì mục đích gì? - Suy Niệm của Lm. Anthony Nguyễn Hữu Quảng, SDB
Giáo Hội Năm Châu
02:00 18/04/2021

Video sẽ bắt đầu từ 7g tối ngày 18-April-2021 theo giờ Việt Nam

PHÚC ÂM: Ga 6, 22-29

“Hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống đời đời”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Hôm sau, đám người còn ở lại bên kia biển thấy rằng không có thuyền nào khác, duy chỉ có một chiếc, mà Chúa Giêsu không lên thuyền đó với các môn đệ, chỉ có các môn đệ ra đi mà thôi. Nhưng có nhiều thuyền khác từ Tibêria đến gần nơi dân chúng đã được ăn bánh sau khi Chúa dâng lời tạ ơn‡. Khi đám đông thấy không có Chúa Giêsu ở đó, và môn đệ cũng không, họ liền xuống các thuyền kia và đến Capharnaum tìm Chúa Giêsu.

Khi gặp Người ở bờ biển bên kia, họ nói với Người: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ?” Chúa Giêsu đáp: “Thật, Ta bảo thật các ngươi, các ngươi tìm ta không phải vì các ngươi đã thấy những dấu lạ, nhưng vì các ngươi đã được ăn bánh no nê. Các ngươi hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống đời đời, là của ăn Con Người sẽ ban cho các ngươi. Người là Đấng mà Thiên Chúa Cha đã ghi dấu”. Họ liền thưa lại rằng: “Chúng tôi phải làm gì để gọi là làm việc của Thiên Chúa?” Chúa Giêsu đáp: “Đây là công việc của Thiên Chúa, là các ngươi hãy tin vào Đấng Ngài sai đến”.

Đó là lời Chúa.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:14 18/04/2021

5. Cùng kết hợp với Đức Chúa Giê-su thì đó chính là thiên đàng vậy.

(Thánh Bernard)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:18 18/04/2021
19. LÃO PHÚ ÔNG BUỒN PHIỀN

Có một ông lão phú quý song toàn, con cháu đầy nhà.

Khi mừng sinh nhật lần thứ một trăm, khách đến chúc thọ chật nhà, nhưng lão phú ông vẫn không thấy vui vẻ, mọi người hỏi ông ta:

- “Ông là người gặp rất nhiều may mắn, lại còn buồn phiền cái gì nữa chứ?”

Phú ông nói:

- “Ta cái gì cũng không buồn không lo, chỉ lo là lúc ta mừng sinh nhật thứ hai trăm, khách đến chúc thọ tăng thêm mấy trăm mấy ngàn nữa, ta làm sao mà nhớ cho hết chứ?”

(Tiếu Đắc Hảo)

Suy tư 19:

Một trăm tuổi là thọ lắm rồi, con người ta tuổi càng cao thì trí nhớ chắc chắn là phải sút kém, đời sống con người như hoa như cỏ sáng nở chiều tàn, biết sống đến ngày mai không mà lo chuyện không nhớ hết tên hết mặt những người mừng sinh nhật thứ hai trăm của mình !

Có những người khi sung sướng thì không nhớ đến ai cả, nhưng khi gặp khó khăn hoạn nạn thì lại nhớ đến người này người nọ để nhờ giúp đỡ; có người rất thông minh và nhớ dai, nhưng lại không nhớ đến những người đã từng giúp đỡ và cùng chia sẻ niềm vui nổi buồn với mình, người ta gọi họ là những người chỉ biết làm bạn khi giàu có mà thôi…

Người Ki-tô hữu nếu có sống thọ một trăm tuổi thì cái nên nhớ nhất, mà phải nhớ hằng ngày từng giây từng phút, đó là nhớ đến sự phán xét của Thiên Chúa, nhớ đến thiên đàng và hỏa ngục để ăn năn sám hối tội lỗi của mình, ngoài cái nên nhớ đó ra thì tất cả đều không đáng để nhớ.

Đó là cái nên nhớ của người Ki-tô hữu khi mừng thượng thọ lục tuần, thất tuần và bát tuần vậy !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Huấn dụ của Đức Thánh Cha trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng 18/4/2021
J.B. Đặng Minh An dịch
08:56 18/04/2021

Từ trưa Chúa nhật 18 tháng 4 năm 2021, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bắt đầu đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Ðàng với các tín hữu tại Quảng trường thánh Phêrô, sau bốn tuần bị tạm ngưng vì đại dịch Covid-19. Trước khi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, trưa 18/4, Đức Thánh Cha đã có một bài huấn dụ ngắn. Ngài nói:

Anh chị em thân mến, chào buổi sáng!

Vào Chúa Nhật thứ ba của Lễ Phục Sinh, chúng ta trở lại Giêrusalem, đến Phòng Tiệc Ly, theo sự hướng dẫn của hai môn đệ Emmaus, là những người đã lắng nghe những lời của Chúa Giêsu một cách vô cùng xúc động trên đường đi và sau đó nhận ra Ngài “trong cử chỉ bẻ bánh” (Lc 24: 35). Giờ đây, tại Nhà Tiệc Ly, Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra giữa nhóm các môn đệ và chào: “Bình an cho anh em!” (Câu 36). Nhưng, như Tin Mừng cho biết, họ sợ hãi và nghĩ rằng họ “nhìn thấy một bóng ma” (câu 37). Rồi Chúa Giêsu chỉ cho họ thấy những vết thương trên thân thể Người và nói: “Hãy xem tay chân Thầy: chính Thầy đây! Hãy sờ mà xem: ma đâu có xương thịt như các con thấy Thầy có đây” (câu 39). Và để thuyết phục họ, Ngài xin thức ăn và ăn uống trước cái nhìn đầy kinh ngạc của họ (xem câu 41-42).

Có một chi tiết đáng chú ý trong mô tả này. Tin Mừng nói rằng các Tông đồ “vui mừng tột độ đến mức không thể tin là thật”. Đó là niềm vui quá mức khiến họ không thể tin đó là sự thật. Và một chi tiết thứ hai: họ ngạc nhiên, bỡ ngỡ; ngạc nhiên bởi vì cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa luôn dẫn anh chị em đến sự ngạc nhiên: nó vượt ra ngoài nhiệt tình, ngoài niềm vui, nó là một kinh nghiệm khác. Và những điều này thật vui mừng, nhưng đó là một niềm vui khiến họ nghĩ: không, điều này không thể là sự thật!… Đó là sự ngạc nhiên về sự hiện diện của Chúa. Đừng quên trạng thái tâm hồn đẹp đẽ này.

Đoạn Tin Mừng này được đặc trưng bởi ba động từ rất cụ thể, theo một nghĩa nào đó phản ánh đời sống cá nhân và cộng đồng của chúng ta: nhìn, chạm đến và ăn. Ba hành động có thể mang lại niềm vui cho cuộc gặp gỡ thực sự với Chúa Giêsu hằng sống.

Nhìn. “Hãy nhìn vào bàn tay và bàn chân của Thầy” - Chúa Giêsu nói. Nhìn không chỉ là thấy, nó còn hơn thế nữa, nó còn bao hàm cả ý định, ý chí. Đây là lý do tại sao nó là một trong những động từ của tình yêu. Bố mẹ nhìn con mình, những người yêu nhau nhìn nhau; bác sĩ tốt lành nhìn bệnh nhân một cách cẩn thận… Nhìn là bước đầu tiên để chống lại sự thờ ơ, chống lại sự cám dỗ quay mặt đi của một người trước những khó khăn và đau khổ của người khác. Nhìn. Tôi có nhìn thấy, hay nhìn vào Chúa Giêsu không?

Động từ thứ hai là chạm vào. Mời các môn đệ chạm vào Người, để thấy rằng Người không phải là ma - hãy chạm vào Thầy! Chúa Giêsu chỉ cho các Tông đồ và cho chúng ta thấy rằng mối quan hệ với Người và với anh em của chúng ta không thể có “khoảng cách”, không có Kitô giáo ở khoảng cách xa xa, không có Kitô giáo chỉ ở mức độ nhìn. Tình yêu đòi buộc nhìn ngắm nhưng nó cũng yêu cầu gần gũi, nó yêu cầu tiếp xúc, và chia sẻ cuộc sống. Người Samaritanô nhân hậu không chỉ nhìn người đàn ông mà anh ta tìm thấy đã sống dở chết dở dọc đường: anh ta dừng lại, cúi xuống, chữa trị vết thương cho nạn nhân, chạm vào anh ta, chất anh ta lên lưng lừa và chở anh ta về quán trọ. Và với chính Chúa Giêsu cũng vậy: yêu mến Chúa có nghĩa là đi vào một sự hiệp thông sống động, một sự hiệp thông với Người.

Và sau đó chúng ta đến với động từ thứ ba, ăn, động từ này diễn tả rõ ràng con người chúng ta trong sự nghèo đói tự nhiên nhất của nó, tức là nhu cầu nuôi dưỡng bản thân để sống còn. Nhưng việc ăn uống, khi chúng ta làm điều đó với nhau, với gia đình hoặc bạn bè, cũng trở thành một biểu hiện của tình yêu, một biểu hiện của hiệp thông, của cử hành... Biết bao lần Tin Mừng cho chúng ta thấy Chúa Giêsu sống chiều kích hiệp thông này với các môn đệ của Người, ngay cả với tư cách là Đấng Phục sinh. Đến mức bàn tiệc Thánh Thể đã trở thành dấu chỉ tiêu biểu cho cộng đồng Kitô hữu. Cùng nhau ăn và uống Mình Máu Thánh Chúa Kitô: đây là trung tâm của đời sống Kitô hữu.

Thưa anh chị em, đoạn Tin Mừng này cho chúng ta biết rằng Chúa Giêsu không phải là một “bóng ma”, nhưng là một Bản thể sống động; rằng khi Chúa Giêsu đến gần chúng ta, Ngài làm chúng ta vui mừng đến mức không tin, và khiến chúng ta kinh ngạc, với sự kinh ngạc mà chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa mới đem lại, bởi vì Chúa Giêsu là Đấng Hằng Sống. Kitô Giáo trước hết không phải là một học thuyết hay một lý tưởng luân lý, mà là một mối quan hệ sống động với Người, với Chúa Phục Sinh: chúng ta nhìn Người, chạm vào Người, được nuôi dưỡng nhờ Người và, được biến đổi bởi tình yêu của Người, để rồi chúng ta nhìn, chạm vào và nuôi dưỡng người khác như anh chị em với mình. Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta sống kinh nghiệm ân sủng này.

Sau khi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Thánh Cha nói thêm:

Anh chị em thân mến!

Hôm qua, tại Tu viện Casamari, Simeone Cardon và năm bạn tử đạo, là các tu sĩ dòng Xitô Nhặt Phép của Tu viện đó, đã được tuyên phong Chân phước. Vào năm 1799, khi những người lính Pháp rút lui khỏi Naples, họ đã cướp phá các nhà thờ và tu viện. Những môn đệ hiền lành này của Chúa Kitô đã chống trả với lòng dũng cảm anh dũng cho đến chết, để bảo vệ Thánh Thể khỏi bị xúc phạm. Cầu mong tấm gương của họ thúc đẩy chúng ta cam kết trung thành hơn với Thiên Chúa, điều này cũng có khả năng biến đổi xã hội và làm cho xã hội trở nên công bằng và huynh đệ hơn. Xin một tràng pháo tay cho các Chân phước mới!

Và đây là một điều đáng buồn. Tôi rất lo lắng về các sự kiện ở một số khu vực miền đông Ukraine, nơi các vi phạm lệnh ngừng bắn đã gia tăng trong những tháng gần đây, và tôi hết sức lo ngại về sự gia tăng các hoạt động quân sự. Xin làm ơn, tôi thực sự hy vọng rằng sự gia tăng căng thẳng sẽ tránh được và trái lại, những cử chỉ hòa bình sẽ được thực hiện để thúc đẩy sự tin tưởng lẫn nhau và ủng hộ hòa giải và hòa bình, là điều rất cần thiết và rất được mong muốn. Chúng ta cũng phải lưu tâm đến tình hình nhân đạo nghiêm trọng mà dân chúng ở đó đang phải gánh chịu, mà tôi bày tỏ sự gần gũi của mình và tôi mời anh chị em cầu nguyện.

Kính mừng Maria đầy ơn phúc Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ.

Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội khi này và trong giờ lâm tử, Amen.

Hôm nay ở Ý là Ngày dành cho Đại học Công Giáo Thánh Tâm, nơi đã có hàng trăm năm thực hiện một công việc quý báu là đào tạo các thế hệ trẻ. Mong nhà trường tiếp tục thực hiện sứ mệnh giáo dục của mình để giúp những người trẻ trở thành nhân vật chính của một tương lai đầy hy vọng. Tôi thân ái chúc phúc cho các nhân viên, giáo sư và sinh viên của Đại học Công Giáo.

Và bây giờ xin gửi lời chào thân ái đến tất cả anh chị em, các tín hữu Rôma và những khách hành hương người Brazil, người Ba Lan, người Tây Ban Nha và tôi thấy một lá cờ khác ở đó Cảm ơn Chúa, chúng ta có thể gặp lại nhau tại quảng trường này vào các ngày Chúa Nhật và các ngày lễ. Tôi muốn nói với anh chị em một điều: Tôi nhớ quảng trường khi tôi phải đọc kinh Truyền Tin trong Thư viện. Tôi hạnh phúc, cảm ơn Chúa! Và cám ơn sự hiện diện của anh chị em. Xin gửi đến những người con Mẹ Vô Nhiễm ngoan hiền. Và chúc mọi người một ngày Chúa Nhật vui vẻ. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc một bữa trưa ngon miệng và xin tạm biệt!
Source:Holy See Press Office
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hình ảnh lễ cầu Bình An cho LM Giám Đốc Gioan Trần Công Nghị tại Gx CTTĐ VN St Petersburg, FL.
Trần Mạnh Trác
15:25 18/04/2021
Xem hình ảnh

VietCatholic đã đồng hành với Gx CTTĐ VN ở St Petersburg, FL từ ngày họ còn là một giáo điểm nhỏ ở Lagos FL, và vì thế mà khi hay tin cha Giám Đốc VietCatholic Gioan Trần Công Nghị gặp cơn nguy tử, cha chánh xứ Gioan Nguyễn Vũ Việt đã lập tức xắp đặt để cử hành thánh lễ cầu bình an cho ngài vào thánh lễ 10g30 sáng Chuá Nhật 18/4/2021.

Cử hành Thánh lễ là LM Pière Phạm Văn Chính, cũng gốc Phát Diệm như cha Nghị và theo lời phi lộ cuả ngài thì cũng đã từng với cha Nghị tranh đấu cho Nhân Quyền cuả VN tại Washington DC.

Những hình ảnh chúng tôi đưa lên đây, ngoài thánh lễ cầu bình an, cũng còn kèm theo hình ảnh cuả các cơ sở mới cuả Gx mà từ 1 năm qua chúng tôi đã không có dịp cập nhật.
 
Năm 2005 Việt Nam Cộng sản không cho Linh mục Trần Công Nghị nhập cảnh
Ðỗ Hiếu, phóng viên đài RFA
15:26 18/04/2021

Linh mục Trần Công Nghị, giám đốc VietCatholic, đã về tới Hà Nội hôm 27-11 nhưng bị trục xuất ngay tại phi trường Nội Bài. photo of LM Tran Cong Nghi.

Linh mục Trần Công Nghị, Giám đốc hệ thống truyền thông VietCatholic, tại California Hoa Kỳ, đã về đến phi trường quốc tế Nội Bài, Hà Nội hôm chủ nhật 27-11 vừa qua. Tuy nhiên chỉ ít phút sau khi đặt xuống phi trường, Linh mục Nghị bị công an chặn lại và yêu cầu ông lên máy bay qua ngay Đài Loan để trở lại Hoa Kỳ.

Phóng viên Đỗ Hiếu của ban Việt Ngữ đài Á Châu Tự liên lạc với linh mục Nghị để hỏi thăm về sự kiện này. Mời quý vị theo dõi.


Ðỗ Hiếu: Thưa Linh mục Trần Công Nghị, chúng tôi được biết Linh mục đã về tới Hà Nội nhưng không được nhập cảnh và bị trục xuất ngay lập tức. Xin Linh mục kể lại những chuyện gì đã xảy ra tại phi trường quốc tế ở Hà Nội?

Linh mục Trần Công Nghị: Trước việc Ðức Hồng Y Cresencenzio Sepe dẫn đầu một phái đoàn Tòa Thánh đến viếng thăm Việt Nam, và Hà Nội có những cuộc lễ nghi quan trọng công khai ngoài trời và đồng thời đồng ý để Đức Hồng Y Sepe đi thăm 3 giáo phận lớn của Việt Nam là Hà Nội, Huế và Sài Gòn; tôi nghĩ rằng đây là một cơ hội tốt để tôi về thứ nhất là tường trình những sinh hoạt tôn giáo tại Việt Nam và đồng thời trắc nghiệm xem vấn đề tự do tôn giáo tại Việt Nam có có hay không?

Tôi nghĩ đây là một cơ hội tốt để về nước tìm hiểu và tường trình các sinh hoạt tôn giáo tại Việt Nam nhưng lại bị từ chối.

Tất nhiên khi quyết định lên đường về Việt Nam, tôi cũng đã ý thức đựơc rằng, với vị thế và công việc của mình, tôi rất khó được nhà cầm quyền cộng sản chấp nhận cho về nước Việt Nam.

Truớc đây tôi đã từng 2 lần về Việt Nam, nhưng không gặp khó khăn nào. Một lần về với phái đoàn bác sĩ quốc tế đến thăm Việt Nam; lần thứ 2 tôi đi với một cách bí mật qua ngõ Cam Bốt nên họ không biết tôi.

Còn lần nay, khởi hành từ phi trường Los Angeles tối thứ Sáu ngày 25/11/2005 lấy chuyến bay 0015 của hãng EVA đi Đài Loan, và từ Đài Loan đi hãng China Airline, tôi về tới phi trường Hà Nội vào lúc 10:30 giờ sáng ngày Chúa Nhật 27-11.

Thế nhưng khi tôi vừa tới làm thủ nhập cảnh được mấy phút thì bị chận lại, và lập tức 3 nhân viên an ninh mời tôi tới một khu vắng người, bảo tôi ngồi nghỉ chân và đợi ở đó.

Sau chừng 40 phút chờ đợi, công an tới bảo tôi xuất trình vé máy bay và cuống vé hành lý. Một lúc sau trở lại công an nói đã kiểm tra hành lý và không thấy valise đựng đồ đạc của tôi.

Sau đó có 4 công an mặc quân phục và một nhân viên rất lịch sự nói với tôi rằng: “Thưa bác. Bác không được hoan nghênh ở Việt Nam. Cho nên bây giờ xin Bác phải lên máy đi Đài Loan để trở về Hoa Kỳ.".

Được hỏi tại sao thì nhân viên này cho biết: “Cháu không được biết lý do, chúng cháu chỉ thi hành lệnh cấp trên mà thôi, và chúng cháu đã đổi vé máy bay để bác về lại Đài Loan, còn valise đồ đạc thì khi bác về Mỹ khai với hãng máy bay là đã thất lạc và có lẽ đang tới sau, nếu có thì chúng cháu sẽ chuyền về sau cho bác”.

Tôi hỏi lại là: “Nếu Nhà Nước không cho tôi về tại sao Tòa đại sứ của các anh lại cấp phát visa hợp pháp cho tôi? Thì được người nhân viên này trả lời: “Cái đó thì cháu không được biết”.

Bạn nghĩ gì về việc nhà cầm quyền Việt Nam trục xuất LM Trần Công Nghị? Hãy gửi đến Ban Việt Ngữ ý kiến của bạn

Cuộc đối mặt diễn ra rất nhanh và lịch sự. Trong suốt thời gian chờ đợi tất cả chừng 1 giờ đồng hồ, tôi không hề bị tra vấn hay hỏi han bất cứ điều gì khác cả.

Sau đó 4 công an mặc quân phục và hai nhân viên mặc thường phục đưa tôi tới tận cửa máy bay của hãng China Airline mà họ đã làm vé sẵn để lấy chuyến bay về lại Đài Loan, trên đường về Hoa Kỳ.

Trước khi lên máy bay tôi có hỏi các anh công an và nhân viên rằng có thể cho chụp một tấm hình với họ để làm kỉ niệm không? Thì được trả lời là: "Tại phi trường, thưa bị cấm không cho chụp hình, bác ạ!"

© 2005 Radio Free Asia
 
Năm 2020 Thượng Viên California vinh danh LM. Gioan Trần Công Nghị
Ken Khanh Nguyễn
16:41 18/04/2021
Năm 2020 Thượng Viên California vinh danh LM. Gioan Trần Công Nghị

-- Tháng Di Sản người gốc Á và Thái Bình Dương (API Heritage) được tổ chức vào tháng 5 mỗi năm tại Hoa Kỳ để ghi nhớ những thành tựu và đóng góp của người dân gốc Á và Thái Bình Dương tại Hoa Kỳ.;

Vào ngày 15.5.2020 năm nay Thượng Viện Tiểu Bang California và Đơn vị Dân biểu 34 vinh danh LM John Trần Công Nghị, sáng lập VietCatholic, vì những đóng góp cho thành công của Cộng đồng chúng ta.

Thượng Nghị Sĩ Thomas J. Umberg đã đưa Bằng Khen Thưởng cho LM Giám đốc VietCatholic

 
Văn Hóa
Đèn Soi Bước Con Đi
Vũ Văn An
17:32 18/04/2021

Bill là một kiến trúc sư, làm việc trong trung tâm thành phố, năm ngày rưỡi một tuần. Tốt bụng, hiểu biết, thương người và không xét đoán ai, ông là ông chủ lý tưởng của mọi người. Nhiều người biết truyện ông đã từng hiến nửa số lương hàng tuần của mình cho một nhân viên cũ đang nằm chờ chết vì bệnh ung thư, và đang để lại người vợ trẻ với đứa con thơ dại. Ông cũng còn đang tiếp tục cung cấp quần áo cho một cộng sự viên lâu đời nhưng nay đã trở nên nghiện ngập, và hiện đang sống tại một công viên kế cận.



Tuy nhiên, chính Bill nhận rằng Ông đã không luôn luôn sống như vậy đâu. Đời ông thay đổi cách đây năm năm khi, nhờ một người bạn, ông được dẫn khởi vào việc cầu nguyện hàng ngày bằng Kinh Thánh, một giờ mỗi ngày để đọc, suy tư và đáp trả Lời Thiên Chúa. Khi được hỏi về lối cầu nguyện của ông, Bill cho hay nay mình không thể sống nếu không được gặp Chúa hàng ngày theo kiểu này: “Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa đã đáp lời con, và đã trở nên sự cứu độ con” (Tv 119:105; Tv 118:21).

Ông nhận rằng thửa đất lòng ông không luôn luôn mầu mỡ và dễ tiếp thu, nhưng ông biết rằng hạt giống Lời Chúa rất sống động và khỏe khoắn. Lòng trung thành là điều quan trọng đối với Bill, bất luận hôm ấy tâm tư ông có ra sao thì ra. Trung thành giữ giờ này cho Lời hằng sống giúp ông nhìn cuộc đời qua con mắt Thiên Chúa. Ngày sống của ông bắt đầu với lối cầu nguyện như thế này: đọc một đoạn Kinh Thánh, suy nghĩ về đoạn đó, thưa chuyện với Chúa về cuộc sống, về những mối liên hệ, về công việc của ông. Ông để Lời Chúa hành động như chiếc gươm hai lưỡi giúp vạch rõ các ý nghĩ cũng như các động cơ của tâm hồn.

Bill dùng Nhật Ký Kinh Thánh để hàng ngày ghi lại cách thế Lời Chúa được ươm trồng trong trái tim ông, và cách đáp trả bản thân của chính ông giúp cho Lời ấy lớn lên và sinh hoa kết trái. Ông nhận rằng đôi khi phải dùng cả tuần lễ hoặc hơn để suy niệm cùng một đoạn Kinh Thánh như Thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, đoạn 13, các câu 1-8 (tình yêu thì khoan dung, nhân hậu...)

Khi Chúa ngỏ lời, Bill chăm chú nghe. Để khỏi quên Lời Chúa ngỏ vào một ngày nhất định nào đó, ông mang theo những tấm thẻ nhỏ viết câu Kinh Thánh từng có tác động đối với trái tim ông.

Mỗi ngày đều có những thách thức và khó khăn riêng, nhưng Bill không bao giờ rời xa Lời Chúa, vốn là đèn soi bước ông đi và là ánh sáng đời ông.

Nhiều người khác như Bill cũng đang sống bằng một trái tim mầu mỡ và dễ tiếp thu, trong đó, Lời Chúa được ươm trồng. Chúng lớn lên trong tinh thần như một cây khuynh diệp khỏe khoắn và vững chắc, chịu được gió, bão, hỏa hoạn và hạn hán. Ngay khi bị đốn tận gốc, cây khuynh diệp vẫn trồi lên. Sức mạnh của Lời Chúa cũng như thế nơi những tâm hồn dễ tiếp thu này.

Phần lớn, thay đổi bao giờ cũng đau đớn. Con người như bị bứng rễ, bị thách thức và phải quay mặt về hướng khác, đôi khi còn phải bước theo con đường khác hẳn. Bill khẳng định rằng sự đau đớn ấy từng là một thực tại đối với ông. Ông biết rằng, như lời Ezekiel, Chúa đã tạo nên trong ông một trái tim và một tinh thần mới, và như lời tiên tri Isaia, Lời Chúa không trờ về với Người tay không, nhưng hoàn tất những gì nó đã được gieo đi. Bill thấy mình nổi loạn chống đối khi mới khởi sự lối cầu nguyện này. Ông nổi loạn chống lại sự thay đổi tâm hồn, chống lại cái tính thần đổi mới này, và đặc biệt chống lại lời mời gọi của Tin Mừng phải yêu thương, tha thứ và chấp nhận người khác.

Giữ lòng trung thành, bất chấp mọi cảm giác có thể có, ông kiên tâm ngày lại ngày, cho đến khi tìm được sự bình an mà Chúa Kitô đã hứa ban, không phải thứ bình an theo nghĩa giả bóng gió, nhưng là thứ bình an đích thực, vốn là thứ bình an chỉ xuất hiện khi ta biết bước trọn vẹn vào mầu nhiệm sự sống và sự chết, và biết nhìn thế giới và con người qua con maắt Thiên Chúa: “Con bước theo đường giới răn Người, vì Người mở rộng đường hiểu biết của con” (Tv 118:32).

Người con trai duy nhất của Bill, tên David, đang nằm chờ chết ở một dưỡng đường, bệnh AIDS của anh đến hồi cực phát. Mỗi lần đến thăm con vào buổi chiều, để chia sẽ những biến cố trong ngày với con, hai cha con Bill luôn kết thúc buổi hàn huyên bằng việc cùng nhau đọc Thánh Vịnh 23 và ngừng lại rất lâu ở câu 4 trong một tinh thần đức tin sâu sắc: “Dù bước đi trong lũng sâu đen tối, con cũng không hề sợ sệt, vì Chúa luôn ở với con”.

Bill còn một bí mật khác để chia sẻ. Mỗi ngày vào giờ ăn trưa, ông đều lặng lẽ bỏ đi tới Nhà Thờ Chính Tòa và qua ít phút tại đó trong điều ông gọi là buổi cầu nguyện Thờ Lạy.

Bill không coi đức tin của mình như chuyện đương nhiên, nhưng tin vào việc phải luôn giữ cho nó rực sáng.

Buổi cầu nguyện Thờ Lạy giúp ông mạnh sức bước đi gần Chúa hơn. Ông không tự hào là đã nhìn thấy đường hoặc thấy đích, nhưng trong lúc này, ông tin, hy vọng và tìm được khích lệ trong Lời Chúa như đèn soi bước ông đi và như ánh sáng đời ông, và giữ cho thửa đất lòng ông được mầu mỡ và dễ tiếp thu.

Hildergarde Ryan OSB, Catholic Weekly, 10/12/1995.
 
VietCatholic TV
Xin cùng chúng tôi cầu nguyện cho Cha Giám Đốc VietCatholic Gioan Trần Công Nghị trong những giây phút cuối đời
Giáo Hội Năm Châu
08:18 18/04/2021
 
Đức Bênêđíctô tưởng chỉ có thể sống được vài tháng. Thánh thể bị xúc phạm nghiêm trọng ở Mexico
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
17:30 18/04/2021


1. Nhà tạm và Thánh thể bị xúc phạm trong một nhà nguyện ở Mễ Tây Cơ

Giáo phận Querétaro, Mễ Tây Cơ, báo cáo rằng Nhà nguyện Thánh Gia ở Giáo xứ Thánh Sebastianô đã bị cướp vào tuần trước, nhà tạm bị xúc phạm và Thánh Thể bị ném xuống đất.

Trong một tuyên bố ngày 9 tháng 4, giáo phận bày tỏ “nỗi buồn và lo lắng” rằng nhà nguyện “đã bị xâm phạm” vào đêm ngày 8 tháng 4.

Giáo phận cho biết: “Họ đã phá hủy một vài thứ và vật dụng thánh. Họ đã ném các Bánh Thánh xuống sàn và lấy trộm một vật dụng thánh”.

Tuyên bố của giáo phận yêu cầu “cộng đồng Kitô hữu hiệp lại với nhau để dâng lên Thiên Chúa một buổi Canh thức Thánh Thể Trọng thể, như một hành động đền tạ cho sự xúc phạm đối với Mình và Máu Cực Thánh của Chúa chúng ta”.

Tuyên bố cũng kêu gọi “tăng cường an ninh cho các nhà thờ và nhà nguyện, và tiếp tục thúc đẩy việc tôn thờ Thánh Thể thường xuyên.”

“Chúng ta hãy cầu xin Chúa ơn biết ăn năn và hoán cải cho những ai không kính sợ Chúa, lại dám làm những hành động đau buồn và đau đớn như thế, những hành động tấn công sự thánh khiết của Bí tích Thánh Thể, nhưng trên hết là gây bất lợi cho chính những ai gây ra các hành động này.”

Giáo phận cũng lưu ý rằng Điều 1367 của Bộ Giáo luật cảnh báo rằng “Một người ném dám ném xuống đất các bánh thánh đã được thánh hiến hoặc lấy cắp hoặc giữ chúng cho một mục đích phạm tội sẽ phải chịu một vạ tuyệt thông mà chỉ chỉ Tòa thánh mới có quyền giải”.
Source:Catholic News Agency

2. Đức Tổng Giám Mục Gänswein cho biết Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 dự kiến sẽ chỉ sống được vài tháng sau khi từ chức

Khi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 thoái vị vào mùa xuân năm 2013, “dường như đối với ngài và đối với tôi - ngài chỉ có thể sống thêm một vài tháng nữa, chứ không phải tám năm”, Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, thư ký của Đức Giáo Hoàng danh dự, cho biết tại một đại hội về tâm lý học ở Áo, tờ Die Tagespost của Đức đưa tin vào ngày 1 tháng 4.

Đức Tổng Giám Mục cũng nói về cuộc khủng hoảng trong Giáo hội, đặc biệt là ở Đức.

Là một diễn giả bất ngờ tại một hội nghị được tổ chức bởi Viện Tôn giáo trong Tâm thần và Trị liệu của Áo, Đức Tổng Giám Mục Gänswein đã nói về mối quan hệ hiếu thảo mà ngài có với vị giáo hoàng kể từ sau cái chết của cha mình. Ngài vui mừng vì “sự gần gũi ngày càng gia tăng” liên kết ngài với Đức Bênêđíctô XVI, đặc biệt là khi họ cùng nhau lần chuỗi Mân Côi trong Vườn Vatican.

Vị giáo hoàng danh dự người Đức không ngờ lại ở lâu như vậy trong tu viện Mẹ Giáo Hoàng. “Khi ngài từ chức vào mùa xuân năm 2013, dường như đối với ngài và cả với tôi - tôi có thể thú nhận điều đó ở đây - rằng ngài chỉ còn vài tháng nữa chứ không phải tám năm.”

Đức Tổng Giám Mục nói rằng Đức Bênêđíctô XVI đã được tiêm vắc xin vào tháng Giêng năm ngoái -và đã bị ảnh hưởng rất ít về mặt cá nhân bởi những hạn chế về sức khỏe do đại dịch hiện nay. Đức Tổng Giám Mục cho biết ngài đang lo ngại về “những thiệt hại tâm lý” đi kèm với đại dịch, và về những điều mà người ta cấm kỵ không muốn thảo luận như con số “đáng báo động các trường hợp tự tử”.

Đề cập đến tình hình đang diễn ra tại quê hương Đức của ngài (cũng là quê hương của Đức Bênêđíctô), Đức Tổng Giám Mục Gänswein nói về sự tồn tại những “bất đồng chính kiến nghiêm trọng” trong Giáo hội “chưa từng thấy trong nhiều thế kỷ”. Tại Đức, nơi mà sự chia rẽ đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây, ngài nói rằng người ta có thể mong đợi “những phản ứng khác nhau từ mỗi giám mục”.


Source:Aleteia

3. Đài thiên văn Vatican ra mắt trang web mới để chia sẻ các nghiên cứu Công Giáo

Đài thiên văn Vatican, trung tâm nghiên cứu thiên văn học và giáo dục của Đức Giáo Hoàng, vừa tung ra một trang web mới. Trang web mới sẽ hoạt động để nâng cao nhận thức về những đóng góp của người Công Giáo cho khoa học, đồng thời đưa ra trước thế giới nhiều phát hiện của người Công Giáo hơn.

Được thành lập bởi Giáo hoàng Lêô XIII vào năm 1891, có nguồn gốc từ năm 1582, Đài thiên văn Vatican là một trong những đài quan sát hoạt động lâu đời nhất trên thế giới. Trang web mới tuyên bố rằng nhiệm vụ của nó là “nâng cao hiểu biết khoa học về vũ trụ của chúng ta”. Từ lâu, họ đã muốn thu hút công chúng tham gia vào một cuộc đối thoại về đức tin và khoa học. Giờ đây, trang web mới dự kiến sẽ là nền tảng mà họ hằng mong đợi.

Là một thực thể do các tu sĩ Dòng Tên điều hành, Đài thiên văn Vatican được dành riêng cho giáo dục. Trang web mới liên quan đến thiên văn học, công nghệ hỗ trợ lĩnh vực này, vật lý và khoa học hành tinh. Họ cũng đi sâu vào lịch sử của thiên văn học Công Giáo, cũng như những ảnh hưởng mà phát hiện của họ đã có đối với văn hóa và xã hội.

Nhóm các học giả Công Giáo, dẫn đầu bởi Thầy Guy Consolmagno, của Dòng Tên, luôn cập nhật cho độc giả những nghiên cứu gần đây nhất. Như một phần mở rộng khả năng tường trình các nghiên cứu hiện đại, các vị đã bắt đầu một podcast. Đây là một tính năng tương đối mới, trong đó các tu sĩ Dòng Tên có các cuộc thảo luận với các cơ quan khoa học về thiên văn học.

Trong một cuộc phỏng vấn với Crux, Thầy Consolmagno nói về công việc của mình như sau:

“Đức tin của tôi cho tôi biết rằng Chúa đã tạo ra vũ trụ, một vũ trụ hợp lý, đẹp đẽ và tốt đẹp. Khoa học của tôi bao gồm việc cố gắng tìm ra cách Ngài đã làm điều đó! Đặc biệt, tôi nghiên cứu các thiên thạch – từ là các phiến đá từ ngoài không gian - có từ nguồn gốc của hệ mặt trời và cung cấp cho chúng tôi manh mối về những gì đang diễn ra trong khu vực này, khoảng 4.6 tỷ năm trước. “

Thầy Consolmagno cho biết trang web mới đã được phát triển hơn một năm.
Source:Aleteia

4. Một người phụ nữ trẻ chết sau khi phá thai được hợp pháp hóa ở Á Căn Đình

Một phụ nữ trẻ ở Á Căn Đình đã chết hôm 11 tháng 4 trong một bệnh viện, đây là trường hợp tử vong đầu tiên được ghi nhận sau khi nước này thông qua luật hợp pháp hóa việc phá thai vào tháng 12 năm ngoái.

María del Valle González López là một sinh viên 23 tuổi ở thị trấn La Paz thuộc tỉnh Mendoza, Á Căn Đình. Theo tờ Clarín của Á Căn Đình, cô gái trẻ đã đến bệnh viện Arturo Illia ở La Paz vào ngày 7 tháng 4 để phá thai.

“Ở đó, cô ấy được kê một loại thuốc - có lẽ là misoprostol - và vào thứ Sáu, cô ấy bắt đầu cảm thấy không khoẻ. Cô ấy đã được giới thiệu đến bệnh viện Perrupato, nơi đã chứng kiến cái chết của cô ấy,” tờ Clarín báo cáo.

Tờ Clarín cho biết cuộc điều tra về cái chết của María del Valle đã được Văn phòng Công tố Santa Rosa bắt đầu, nhưng do tính chất phức tạp nên nó sẽ được gửi đến Văn phòng Công tố San Martín vào tuần tới.

Misoprostol là một loại thuốc được sử dụng để phá thai trong thời kỳ đầu của thai kỳ hoặc để đẩy nhanh quá trình sẩy thai. Nói chung, một phụ nữ dùng misoprostol sau đó sẽ được thực hiện phẫu thuật nong và nạo để loại bỏ bất kỳ phần nào còn sót lại của em bé ra khỏi tử cung.

Tiến sĩ Luis Durand, một bác sĩ phẫu thuật người Á Căn Đình, nói với ACI Prensa rằng phá thai “không phải là một hành động y tế, bất kể nó có hợp pháp hay không”.

“Một hành động y tế luôn phải tìm cách cải thiện tình hình của bất kỳ ai trải qua sự can thiệp, mặc dù trong hoàn cảnh đó có thể thất bại và không thành công. Việc ‘làm gián đoạn cuộc sống’ của bất kỳ con người nào một cách cố ý không bao giờ được coi là một hành động y tế”, Durand nói.

“Đứa bé luôn chết một cái chết thê thảm. Một trong hai chất được tiêm vào tử cung để đốt em bé, hoặc thai nhi bị lấy ra bằng cách cắt nhỏ, hoặc nó bị xé ra do co thắt tử cung quá mạnh và chết vì ngạt thở”, ông nói thêm.
Source:National Catholic Register