Ngày 17-04-2013
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chúa chiên lành
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
06:14 17/04/2013
CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH
( CHÚA NHẬT CHÚA CHIÊN LÀNH. NGÀY CẦU NGUYỆN CHO ƠN THIÊN TRIỆU )

Ga 10, 27-30

Xưa ở nước Do Thái, người ta vẫn thấy người chăn chiên dẫn đàn chiên của mình đi ăn cỏ và uống nước nơi những đồi cỏ xanh rì, nơi những suối nước trong lành.Hình ảnh ấy ở Việt Nam ít có, nhưng ở Paléttina, hình ảnh ấy là hình ảnh rất thân quen. Người chăn và đàn chiên có một sự gắn bó mật thiết.Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh này để ví mình là người chăn chiên, Người là Mục tử nhân lành biết từng con chiên và chiên cũng biết Người.

Thánh Gioan cho chúng ta biết rằng Mục tử tốt lành thì khác với người chăn thuê. Bởi vì :” Chiên tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi”. Mục tử nhân lành hy sinh vì đàn chiên khi chúng bị sói tấn công. Còn kẻ chăn thuê sẽ bỏ chạy khi có thú dữ tấn công đàn chiên, làm cho đàn chiên bị tan tác. Giáo Hội là đàn chiên. Chúa là Mục tử. Giữa Chúa Giêsu và đàn chiên nghĩa là Giáo Hội luôn có sự gắn bó thẳm sâu vì giữa chủ và chiên có sự hiểu biết nhau sâu xa như Chúa Cha biết Chúa Con và ngược lại. Đây là sự hiểu biết hai chiều. Chủ và chiên nhận ra nhau dễ dàng vì quen tiếng của nhau. Giữa chủ và chiên có sự tôn trọng sâu xa. Chủ chiên đến cho chiên sống và sống dồi dào ( Ga 10, 10 ). Chúa Giêsu là Mục tử nhân lành. Do đó, sau khi Chúa chết và phục sinh, Ngài đã trao quyền lãnh đạo Hội Thánh và chăn dắt đàn chiên cho Phêrô. Đây là sứ mạng cao cả. Chúa trao phó cho Phêrô và các Tông đồ thay mặt Chúa chăn dắt và chăm sóc đàn chiên của Ngài. Sứ mạng của thánh Phêrô và các Tông đồ phát xuất từ tình yêu. Chúa là Tình Yêu. Nên, sứ mạng của thánh Phêrô và các Tông đồ phát xuất từ tình yêu của Thiên Chúa. Thánh Phêrô và các Tông đồ yêu mến Chúa, nên cũng yêu mến đàn chiên là Giáo Hội, Chúa đã tin tưởng trao phó cho các Ngài. Chúa là Mục tử tối cao, Mục tử gương mẫu như tác giả Thánh Vịnh hát lên:”Đức Chúa là Mục tử của tôi, tôi không hề thiếu chi…Dù phải đi qua thung lũng tối đen, tôi cũng không hề lo sợ “ ( Tv 23, 1-4 ). Chúa Giêsu là vị Mục tử mà ngôn sứ Ézékiel tiên báo. Giống như Đavít, người Mục tử nhân lành, Ngài chăm sóc những con chiên yếu đuối, lạc lõng, bơ vơ, chữa lành những con bị bệnh hoạn, tật nguyền, yếu đau và đi tìm những con chiên lạc. Chúa Giêsu còn hơn thế đó nhiều, Ngài gánh tội cho trần gian, hiến thân chịu chết trên Thập giá để cứu độ nhân loại. Ngài sống lại khải hoàn và chia xẻ đời mới với đàn chiên của Ngài.

Thánh Phêrô đã minh chứng điều này trong bài Sách Công vụ tông đồ rằng chính nhờ quyền năng của Đức Kitô phục sinh mà người tàn tật được chữa lành. Thánh nhân kêu gọi mọi người hãy tin vào Chúa phục sinh để được chữa lành phần hồn cũng như người tàn tật được Chúa chữa lành về thể xác. Đây cũng là điều, thánh Gioan đã nói :” Nhờ Chúa Giêsu, Thiên Chúa Cha đã làm cho chúng ta trở nên con cái riêng của Người “.

Vâng, đáp trả lại tình thương vô biên của Chúa Giêsu, mỗi người chúng ta hãy cảm tạ tri ân Chúa bởi vì nhờ cái chết và sự sống lại của Người, chúng ta được Chúa phục sinh ban sự sống vĩnh cửu. Sự sống mà chỉ có Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô mới có thể trao ban cho chúng ta được.

Chúa Giêsu Phục sinh vẫn luôn ở trong ta, hoạt động trong mỗi người chúng ta để để tiếp tục cứu rỗi chúng ta. Thánh Gioan đã viết : “ Anh em thân mến, hiện giờ chúng ta là con cái Chúa, nhưng vẫn chưa biết rõ chúng ta sẽ trở nên thế nào, tuy nhiên chúng ta biết rằng khi Đức Kitô hiện ra, chúng ta sẽ nên giống như Ngài, bởi vì Ngài thế nào chúng ta cũng nhìn thấy Ngài như vậy “.

Chúa Giêsu Phục sinh vẫn luôn cư ngụ giữa chúng ta và tiếp tục thông ban sự sống phục sinh của Ngài cho chúng ta.

Hôm nay, Giáo Hội dành riêng ngày lễ Chúa chiên lành để cầu nguyện cho ơn gọi tu sĩ nam nữ và linh mục. Chúng ta cầu xin cho có nhiều tâm hồn nam nữ quảng đại dấn thân cho Chúa trong Hội Thánh, nơi các Dòng tu, các Tu hội vì “ Lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt “.

Lạy Chúa Giêsu là Mục tử nhân lành xin ban thêm đức tin cho chúng con để càng ngày chúng con càng yêu mến và tôn thờ Chúa. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Tại sao Chúa Giêsu lại ví mình là Mục tử tốt lành ?
2.Ở Việt Nam, các bạn có thấy hình ảnh người chăn cừu không ?
3.Mục tử tốt lành là Mục tử thế nào ?
4.Tại sao lại phải cầu nguyện cho có nhiều ơn gọi ?
 
Mục tử tốt lành
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
08:57 17/04/2013
Chúa nhật 4 PHỤC SINH

Chúa Giêsu khẳng định: “Tôi là Mục Tử Tốt Lành. Tôi biết chiên của tôi và chiên của Tôi biết Tôi. Mục Tử Tốt Lành hy sinh mạng sống cho đàn chiên”. Chúa Giêsu là vị Mục Tử Tốt Lành, là Đấng bảo vệ đoàn chiên, yêu thương săn sóc và hy sinh mạng sống cho đàn chiên, là nền tảng, là mẫu mực cho mọi vị chủ chăn tương lai được Ngài trao quyền chăn dắt đoàn chiên, tiếp nối sứ mạng Mục Tử của Ngài.

Chúa Giêsu là vị Mục Tử Tốt Lành với những nét đặc trưng sau đây:

- Vị Mục Tử Tốt Lành hết lòng yêu thương những người thuộc về mình. Vì yêu thương nên Ngài quan tâm đến mọi người và đến từng người. Càng quan tâm thì càng biết tường tận: biết họ muốn gì, họ cần gì, họ có thể gặp phải những nguy cơ cạm bẫy hay thử thách nào.

- Vị Mục Tử Tốt Lành luôn đi đầu, đi trước, hướng dẫn, lãnh đạo đoàn chiên, đứng mũi chịu sào, gánh chịu mọi khổ cực cho người thuộc về mình. Mục Tử Tốt Lành đem chiên đến những miền an toàn, có suối mát có cỏ xanh, cho chiên được ăn uống no nê, được nghỉ ngơi thoải mái. Chiên sẽ tăng trưởng cả về chất lượng lẫn số lượng. Mục Tử Tốt Lành dám hy sinh mạng sống vì chiên.

- Chúa Giêsu được Chúa Cha sai đến để yêu thương, chăm sóc, quy tụ mọi con chiên. Ngài biết tên từng con chiên như Cha Ngài biết Ngài ( Ga 10,14-15). Ngài gọi tên từng con chiên và dẫn đi (Ga 10,3). Mục Tử sẵn sàng hy sinh mạng sống vì chiên: "Không có tình yêu nào cao vời cho bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu" ( Ga 15, 13). Chúa Giêsu đã chứng tỏ Ngài là vị Mục Tử Tốt Lành, vị chủ chăn không bao giờ hèn nhát thấy sói tấn công chiên mà bỏ trốn, nhưng Ngài luôn cứu vớt, tập họp, chăn dắt ( Ga 10,9.16 ).

Chúa Giêsu còn cho thấy tính tương phản của hai loại mục tử. Mục tử thật và mục tử giả. Mục tử thật luôn hết mình vì đàn chiên. Mục tử giả chỉ lo vun quén cho bản thân. Mục tử thật thì hy sinh cho đàn chiên. Mục tử giả chỉ đến để xén lông chiên. Mục tử thật luôn tìm kiếm nguồn nước và đồng cỏ xanh tươi cho đàn chiên no đầy. Mục tử giả chỉ tìm kiếm hạnh phúc cho chính bản thân mình, sống hưởng thụ, lười biếng và thiếu trách nhiệm đến sự sống còn của đàn chiên.

Sứ Điệp Ngày Thế Giới Cầu Nguyện cho Ơn Gọi lần thứ 50 viết: “Các ơn gọi linh mục và tu sĩ được phát sinh từ kinh nghiệm gặp gỡ cá vị với Đức Kitô, và nhờ vào cuộc trao đổi chân thành riêng tư với Ngài, người ta đi đến chỗ đón nhận ý muốn của Ngài. Do đó, cần phải lớn lên trong kinh nghiệm đức tin, nghĩa là tăng trưởng sâu xa mối liên hệ mật thiết với Chúa Giêsu, bằng cách lắng nghe tiếng nói của Ngài được vọng lên trong nơi sâu thẳm của lòng mình. Tiến trình này giúp chúng ta đón nhận lời mời gọi của Chúa, có thể phát sinh nơi cộng đoàn Kitô hữu biết sống đức tin cách mãnh liệt, quảng đại làm chứng cho Tin Mừng, nhiệt thành truyền giáo đến độ quên mình vì Nước Thiên Chúa, siêng năng nhận lãnh các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể và chuyên chăm cầu nguyện”.

Đức Hồng Y Yvan Dias, Tổng trưởng Thánh bộ Phúc âm hóa các Dân tộc, đại diện Đức Thánh Cha đã chủ toạ bế mạc Năm Thánh 2010 tại Thánh địa Lavang.

Sau đại lễ, ĐHY Ivan Dias đã gặp gỡ các Giám Mục Việt Nam trong một tiếng đồng hồ để chia sẻ về tình hình cũng như gởi gắm sứ điệp. Về sứ điệp, ngài mời gọi tất cả Giám mục chia sẻ lại cho các linh mục, chủng sinh của mình về 3 chữ D rất cần thiết trong đời sống của người thuộc về Giáo Hội. 3 Chữ D là: Doctrine, Discipline, Dévotion.

1. Doctrine, về giáo thuyết. Mỗi Linh mục hôm nay được mời gọi nắm vững giáo lý Giáo hội Công giáo, giáo huấn Giáo hội, học thuyết xã hội của GHCG, bởi vì nếu không nắm vững những hướng đi trong đó, thì trong cách ứng xử một Linh mục ở tại giáo xứ nhiều khi có những cái chưa chuẩn mực và nếu như cả một Giáo hội mà lại không nắm vững về Doctrine này thì rất nguy hiểm, sẽ đưa Giáo hội đến chỗ không cứu vãn được. Tại sao Tòa Thánh phải lên tiếng về Giáo hội Trung Quốc? Câu trả lời cho biết vì yếu về giáo thuyết. Nếu hiểu Giáo hội không thể tự lực tự cường được thì người ta sẽ có chọn lựa khác. Chẳng phải nói đâu xa, trường hợp của GHVN ngày nay cũng cho thấy thấp thoáng nguy cơ. Hết rồi thời đối đầu, đã bước sang thời đối thoại. Nhưng đối thoại như thế nào để mình vẫn là GHCG, đó lại là cả một tuyến mở ra cho suy nghĩ và vì vậy quan trọng là nắm vững giáo thuyết để có những quyết định phù hợp.

2. Discipline, về kỷ luật. Đây là một vấn đề thường gây khủng khoảng cho các Giáo hội phương Tây. Vấn đề Linh mục lạm dụng tình dục là do việc không tuân thủ kỷ luật của Giáo hội, để đến khi bùng nổ ra thì không vớt vát được. Hiện nay ở nhiều địa phận của Hoa Kỳ đã phải bán hết cơ sở của mình đi để trang trải cho việc xao lãng kỷ luật của một thời. Đây là một vấn đề đau lòng. Do đó, tuân thủ kỷ luật đời sống Linh mục là một cách để giúp Linh mục một đàng thánh hóa bản thân và đàng khác tránh tất cả những hậu quả tai hại. Thời mới bước chân vào Chủng viện, chắc chắn các chủng sinh đều thuộc lòng câu: Ai sống theo kỷ luật là sống theo ý Chúa, và sau này trên bước đường lớn hơn, Linh mục vẫn thường được nghe nhắc nhở: hãy giữ luật thì luật sẽ giữ cho mình, sẽ bảo vệ mình. Cho nên chữ Discipline mời gọi mỗi người trong hướng đi đời Linh mục cũng gắn bó với luật lệ của Giáo hội cách khít khao.

3. Dévotion, lòng đạo đức sốt sắng. Ở đây theo như lời chú giải của ĐHY Dias, thì nó gắn liền với những phong trào đạo đức, có một thời tưởng như bị bỏ rơi vì đi liền với lòng đạo đức bình dân của đại chúng. Thí dụ: tràng hạt Mân Côi, có một thời người ta rẻ rúng cho là loại kinh dành cho phụ nữ, người nhàn rỗi, người già… nhưng sau này người ta cảm nghiệm được sức mạnh của kinh Mân Côi, nhất là sức mạnh hoán cải, sức mạnh thánh thiêng giúp người ta tiến xa trên đường nên thánh. Những cái thuộc loại Dévotion thì thường gắn liền với những hình thức văn hóa. Ví dụ: hành hương coi như chuyện đi chơi, nhưng ở đó cũng là một thứ Dévotion mời gọi Linh mục không nên xem thường. Tất nhiên không thể loại trừ những hình thức Dévotion truyền thống tôn sùng Thánh Tâm, Chầu Thánh Thể, hay là những hình thức khác nhau dành cho các Thánh. Một Linh mục mà rẻ rúng những hình thức đạo đức bình dân thì coi chừng, tưởng là mình ở trên đỉnh cao trí thức, biết đâu lúc nào đó mình rớt xuống vực mà không hay. Lần hạt Mân Côi, đó là một lời kinh tháp tùng Linh mục trên mọi bước đường, trong mọi hoàn cảnh, đó là lời kinh còn lại duy nhất sau khi đã quên đi tất cả. Gắn bó với một sự đạo đức như thế cũng là một cách giúp cho đời Linh mục được vươn lên, được thăng tiến. (x. Huấn từ khai mạc Tình tâm Linh Mục Giáo Phận Phan Thiết, ngày 10.1.2011, ĐGM Giuse Vũ Duy Thống).

Chúa nhật IV Phục sinh, ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu Linh mục và ơn gọi Tu sĩ nam nữ. Giáo Hội luôn cần đến những mục tử tốt lành. Hãy cầu nguyện cho Giáo Hội có nhiều mục tử đạo đức, thánh thiện như lòng Chúa mong ước.

Trở nên mục tử tốt lành nhờ biết trau dồi giáo thuyết Kinh Thánh (Doctrine), sốt sắng trong lời cầu nguyện gắn bó với Chúa Giêsu (Dévotion) và có tinh thần kỷ luật trong đời sống tu trì (Discipline).

Mục tử tốt lành là phải luôn sống kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu, luôn khát khao và cầu xin ơn Chúa Thánh Thần. Nhờ đó, vị mục tử tốt lành biết rõ đàn chiên,yêu thương đàn chiên và sẵn sàng hiến mạng vì đàn chiên. Từ đó, vị mục tử tốt lành biết nuôi dưỡng đoàn chiên bằng những lương thực có chất lượng cao đặc biệt là cử hành Thánh Thể sốt sắng và nhiệt thành trong bí tích Hòa Giải.

Ơn gọi Linh mục Tu sĩ chính yếu là để “sống với Chúa, và để Ngài sai đi”(Mc 3, 14). Sống với Chúa, là lắng nghe tiếng Ngài trong từng giây phút sống, để nên một với Chúa trong gian nan và hạnh phúc. Để Ngài sai đi, là sẵn sàng đi theo con đường Ngài đã đi, thực thi sứ mạng Ngài trao bất chấp những gì xảy ra.

Giáo dân cần Linh mục như bệnh nhân cần bác sĩ, như học sinh cần thầy cô giáo, như một người bạn sẵn sàng cảm thông chia sẻ vui buồn trong đời sống và như người bạn đồng hành giúp đỡ trong cuộc hành trình tiến về đời sau.

Hãy cầu nguyện cho các Linh mục được trở nên những mục tử như Chúa Giêsu, vị Mục Tử Tốt Lành, biết yêu thương phục vụ đoàn chiên, hiểu biết tâm tư tình cảm của từng người, quan tâm chăm sóc từng con chiên và sẵn sàng hy sinh bản thân vì lợi ích của đàn chiên.

Hãy cầu nguyện cho các Linh mục có những đức tính tốt của những Mục Tử tốt Lành mà Thánh Kinh đã mô tả :

- Yêu thương, trìu mến chiên với tất cả tâm hồn: "Chúa tập trung cả đàn chiên dưới cánh tay: lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt" ( Is 40, 11 ).

- Yêu quý từng con chiên, một con cũng như cả trăm con: "Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao ? Và nếu may mà tìm được, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc" ( Mt 18, 12-13 ).

- Lo cho chiên, tạo những điều kiện tốt đẹp cho chiên: "Ta sẽ chăn dắt chúng trong đồng cỏ tốt tươi và chuồng của chúng sẽ ở trên các núi cao. Tại đó chúng sẽ nằm nghỉ trong chuồng êm ái, sẽ đi ăn trong những đồng cỏ mầu mỡ" ( Ed 34, 14 ).

- Làm cho chiên được sống no ấm, hạnh phúc: "Chúa chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì" ( Tv 23, 1 ); làm chiên luôn vững dạ vì được bảo vệ: "Dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm" ( 23, 4 ).

- Tinh thần trách nhiệm đối với đàn chiên rất cao: "Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh; con nào béo mập, con nào khoẻ mạnh, Ta sẽ canh chừng" ( Ed 34, 16 ).

- Cứu thoát, giải phóng đàn chiên: "Thiên Chúa sẽ cứu thoát dân Người, như mục tử cứu thoát đàn chiên" ( Dc 9, 16 ).

Lạy Chúa Giêsu, Mục Tử Tốt Lành, xin ban cho chúng con nhiều mục tử tốt lành theo gương Chúa để góp phần vào công cuộc Tân Phúc Âm hoá và thông truyền đức tin Kitô giáo trong thời đại hôm nay Amen.
 
Các mục tử hãy nên giống Chúa Kitô
Lm. Vũ Xuân Hạnh
08:59 17/04/2013
Chúa nhật 4 PHỤC SINH

Chúng ta, những người dấn thân trong ơn gọi tu trì của Hội Thánh Chúa Kitô. Vì thế, tất cả chúng ta hãy luôn để lòng mình thấm thía lời Chúa Giêsu: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi”. Nhất là những ai đang mang trọng trách lãnh đạo đoàn chiên của Chúa trong vai trò của một mục tử, chúng ta càng phải cầu nguyện để các chính mình luôn luôn ý thức như Chúa Giêsu đã ý thức: “Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha”.

Đó chính là những lời tâm sự của Chúa Giêsu. Một khi các mục tử nơi trần thế, được Chúa Giêsu ủy quyền để lãnh đạo đoàn chiên của Người, các mục tử phải là những người trước tiên cưu mang, uống lấy, luôn tâm niệm, luôn say trong lời của Chúa Giêsu. Nhờ đó, khi các ngài hành động trong vai trò một người lãnh đạo nơi đoàn chiên của Chúa, các ngài sẽ thực sự hành động trong tư thế của Chúa Giêsu. Để chính khi thừa lệnh Chúa, theo ý Hội Thánh, cử hành bí tích, cử hành thánh lễ, cử hành quyền giảng dạy, các mục tử cử hành cách hết sức sốt sắng, đầy tinh thần trách nhiệm, nhằm mang lại nhiều hiệu quả nhất cho đời sống tâm linh cũng như đời sống vật chất, linh hồn cũng như thể xác của tất cả nhưng ai mà các ngài dấn thân phục vụ.

Chúng ta luôn ý thức và xin Chúa cho mình được trở thành những nhà lãnh đạo kiên trung trong đức tin, bền bỉ trong đức cậy, mạnh mẽ trong đức mến. Nêu cao tấm gương tận tụy hy sinh, phục vụ quên mình, sống thánh thiện, thực hành đức bác ái mục tử…

Các mục tử của Chúa hãy là những người rập khuôn cuộc đời Chúa Giêsu. Các ngài hoàn toàn đi theo dấu chân Chúa Giêsu không bao giờ ngơi nghỉ. Các ngài ý thức từng giây phút rằng, chính các ngài chứ không phải ai khác, là họa ảnh của Chúa Giêsu hôm nay, nơi trần thế này, để làm sao, mọi người khi nhìn thấy mục tử của họ là chính lúc họ an tâm rằng, Chúa Giêsu đang hiện diện nơi vị mục tử ấy. Tắt một lời, các mục tử hãy sống suốt đời của mình như Chúa Giêsu đã sống.

Phải sống như Chúa Giêsu, các mục tử của Chúa mới có thể tự hào mà nói rằng, đàn chiên Chúa trao cho tôi đã lắng nghe tiếng tôi, đã theo tôi.

Sống như Chúa Giêsu, các mục tử mới có thể biết chiên của mình, biết từng nỗi ưu tư, khắc khoải của họ; biết họ đang là người bị loại trừ hay đón nhận mà nâng đỡ họ; biết họ lâm cơn thử thách hay bình an mà trao cho họ lời động viên khích lệ; biết từng cách sống nguội lạnh hay sốt sắng mà hướng dẫn họ…

Sống như Chúa Giêsu, các mục tử là người đưa tay chỉ đường về trời cho đàn chiên không lạc lối. Khi đó, các mục tử mới thật sự là những người ban cho đàn chiên sự sống đời đời.

Sống như Chúa Giêsu, các mục tử ra sức bảo vệ đàn chiên và bảo vệ tới cùng, để đàn chiên không bao giờ phải diệt vong, để không ai, không quyền lực tội lỗi, quyền lực sự xấu nào có thể cướp được đàn chiên khỏi tay mình.

Sống như Chúa Giêsu, các mục tử sẽ phải ghi khắc không bao giờ quên rằng, tôi có làm gì, có lãnh đạo như thế nào, thì sự thật vẫn là: đàn chiên không phải của riêng tôi. Tôi không sở hữu theo ý mình để rồi muốn làm gì thì làm, nhưng là “Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi”. Người “lớn hơn tất cả”. Tôi chỉ là đầy tớ của Người, chỉ làm theo ý Người mà thôi. “Cha tôi” mới là Đấng có quyền. Người thi hành quyền của Người trong tình yêu tuyệt đối.

Sống như Chúa Giêsu, các mục tử sẽ hết sức khiêm nhường phó thác trọng trách của mình, phó thác đàn chiên Chúa trao cho mình trong sự cầu nguyện chìm đắm không bao giờ được phép quên sót. Các mục tử phải luôn luôn thi hành quyền mục tử trong niềm tin tưởng lớn lao rằng, đàn chiên ấy là của “Cha tôi”. Các ngài phải thi hành quyền làm mục tử đến cùng, dù có phải mỏi mòn, bạc nhược, bị hiểu lầm, đuối sức… Phải thi hành đến lúc không còn có thể thi hành được nữa mới thôi. Các mục tử hãy biết rằng, mình chỉ là con người. “Cha tôi” mới là Đấng làm nên tất cả, điều khiển tất cả. Các mục tử hãy tin vững vàng rằng, “Cha tôi” sẽ ban ơn cho tôi, sẽ ban ơn cho đàn chiên mà tôi nhận trách nhiệm coi sóc để không bao giờ có ai có thể cướp được đàn chiên khỏi tay Cha tôi.

Ngoài tâm tình cầu nguyện dành cho các mục tử đang đại diện Chúa nơi trần thế, ta không quên cầu nguyện cho giới trẻ biết lắng nghe tiếng Chúa gọi, nhất là có đủ can đảm để theo tiếng gọi đó bằng một đời dâng hiến trọn vẹn cho Chúa để phục vụ tha nhân, phụ vụ người nghèo khổ, ốm đau, bệnh tật, cô đơn, già yếu… Chúng ta cầu nguyện cho các bạn trẻ khắc ghi lời Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II mà nung đốt lòng mình niềm mơ ước sống đời tận hiến: “Thời đại chúng ta sẽ nghèo nàn đi biết bao, nếu sự hiện diện của những cuộc đời dâng hiến cho tình yêu trở nên khan hiếm. Xã hội chúng ta sẽ nghèo nàn đi biết bao, nếu không được thúc đẩy để ngước nhìn lên nơi có những niềm vui chân thật! Giáo Hội chúng ta cũng sẽ nghèo nàn đi biết bao, nếu thiếu những gì biểu lộ một cách cụ thể và mạnh mẽ tính thời sự vĩnh cửu của việc dâng hiến cuộc đời vì Nước Trời” (Sứ điệp ngày Quốc tế Ơn gọi năm 2000).

Lạy Chúa, xin gìn giữ các linh mục, các tu sĩ là những người Chúa đã gọi và tuyển chọn, để họ luôn yêu mến Chúa và yêu mến con người, nhờ đó hành động, suy nghĩ, đời sống của họ ngày càng nên giống Chúa Giêsu Con Chúa, là Mục Tử Nhân Lành của chúng con.

Xin Chúa sai Thánh Thần đến với các bạn trẻ, để các bạn quản đại đáp lại tiếng gọi của Chúa, yêu mến đời sống của Chúa Giêsu và hiến thân như Người. Nhờ đó, họ có thể tiếp tục làm tất cả những gì Người đã làm nơi trần gian. Amen.
 
Chúa chiên lành - Mùa Xuân Hội Thánh
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
09:00 17/04/2013
Chúa nhật 4 PHỤC SINH

MÙA XUÂN HỘI THÁNH

Đã thành thông lệ từ nhiều năm, mỗi dịp mùa Chay đến, Ban Mục vụ Giới trẻ giáo phận chúng tôi bao gồm một số linh mục đang coi xứ và linh mục dòng, và nhiều tu sĩ nam nữ, dành tất cả các ngày thứ bảy và Chúa nhật trong mùa Chay, lên đường đến các giáo hạt trong giáo phận quy tụ các bạn trẻ, giúp các bạn tĩnh tâm, học hỏi Sứ điệp mùa Chay…

Còn nhớ năm 2010, Ban Mục vụ còn giúp các bạn tìm hiểu năm Thánh 2010. Ngoài ra, nhằm định hướng cho các bạn về đời sống luân lý theo ý Hội Thánh, nhiều đề tài “thời sự” được trình bày như: “Có được phép sống thử?”, “Sống thử: Lợi hay hại?”, “Tình dục: quà tặng hay nguy cơ?”…

Nhìn các linh mục bộn bề công tác, nhất là bao nhiêu việc phải sắp xếp, phải chu toàn trong những ngày Đầu tuần (theo Thánh Kinh, Chúa nhật là ngày Đầu tuần), các ngài phải làm sao hoàn thành bổn phận với giáo dân trong giáo xứ, nhưng cũng không bỏ cơ hội giúp các bạn trẻ tĩnh tâm để dọn tâm hồn mừng mầu nhiệm Vượt qua. Đa số các bạn trẻ phải đi làm suốt ngày, các buổi tĩnh tâm đều phải diễn ra từ xế chiều đến đêm. Vì thế, có hôm kết thúc buổi tĩnh tâm, vì địa bàn giáo phận quá rộng, các linh mục chia tay các bạn trẻ, về đến nhà, đồng hồ đã điểm một, hai giờ đêm…

Có lần đến nơi quy định để tổ chức tĩnh tâm, nhìn qua nhìn lại chỉ thấy có 25 bạn trẻ của cả giáo hạt đi dự tĩnh tâm (số những người trong ban tổ chức đông hơn số người tham dự tĩnh tâm), chúng tôi cứ ngỡ thất bại, cứ ngỡ các linh mục sẽ chán nản, bỏ cuộc. Nhưng không, ai đó đã lên tiếng động viên: “Dù chỉ có hai người đi tĩnh tâm, cũng sẽ giảng như giảng cho 200 người. Dù chỉ có 200 người, cũng sẽ giảng như giảng cho 2.000 người”. Thế rồi tất cả lại bắt tay vào việc với 25 người dự tĩnh tâm cũng bằng ấy “quy mô” y như… đang có 2.500 người vậy… Đúng thôi, một tâm hồn tội lỗi trở về với Chúa còn quý, huống hồ 25 con người đang khao khát yêu mến Chúa!

Theo chân Ban Mục vụ Giới trẻ trong nhiều năm, tôi càng thấy yêu các bạn trẻ, càng kính phục sự hy sinh tận tụy của các linh mục trong Ban. Để đánh thức đức tin, đánh thức niềm yêu mến Chúa, yêu mến Hội Thánh, và để kêu gọi lòng ăn năn tội, để gọi về tâm hồn thánh thiện nhằm chuẩn bị lễ Vượt qua của Chúa, Ban Mục vụ Giới trẻ Phú Cường đã không kêu gọi suông, nhưng đã hành động thiết thực.

Không dám coi những việc làm bên trên là tất cả nghĩa cử của người mục tử, bởi làm mục tử thật sự như Chúa muốn còn khác hơn nhiều, còn được đòi hỏi lớn hơn nhiều. Nhưng ít ra, đó cũng là một phấn đấu đẹp gợi hứng cho mỗi chúng ta có thể ý thức, có thể tự nhủ mình phải phấn đấu, cố gắng vươn lên từng ngày, từng ngày một.

Hôm nay, lễ Chúa Chiên Lành, ngày cầu nguyện cho ơn gọi tu trì, chúng ta cùng nhìn lại hình ảnh đẹp của Ban Mục vụ Giới trẻ mà hun đúc cho bản thân tinh thần cầu nguyện: Xin cho Hội Thánh Chúa ngày càng có nhiều người ham thích dấn thân cho ơn gọi tu trì không phải để hưởng thụ, nhưng là biết xả thân vì cơ đồ của Chúa Kitô và vì mọi con người trần thế.

Hơn hết, chúng ta nguyện xin cho các linh mục, biết thăng tiến và làm đẹp ơn gọi quý báu mà Chúa ban cho mình bằng tất cả mọi nỗ lực dù phải chấp nhận hy sinh, chấp nhận thử thách.

Bởi tình yêu của Chúa Giêsu là tình yêu hy sinh. Chúng ta cầu nguyện cho các linh mục, một khi mang trong mình chính tình yêu hy sinh của Chúa Giêsu, và ấp ủ trong đời mục tử của mình hình ảnh Chúa Giêsu, người linh mục cũng phải biết yêu, phải biết hy sinh như Chúa, để không chỉ khắc họa lại hình ảnh Chúa Giêsu Mục Tử trong đời hiến dâng của mình, mà chính qua sự hiến dâng, linh mục còn cho thấy, linh mục chính là hiện thân của Chúa Giêsu nơi trần thế.

Chúng ta cầu nguyện cho các linh mục luôn có một tình yêu tận hiến đến cùng cho Thiên Chúa và cho con người. Một tình yêu tận hiến đến cùng sẽ giúp linh mục không còn gì hối tiếc vì đã không hết mình cho sứ vụ. Tình yêu tận hiến đến cùng phải là nhân đức hàng đầu của người linh mục. Bởi nếu không có tình yêu tận hiến ấy, mỗi ngày trong đời sống của linh mục trôi qua sẽ nặng nề, buồn tẻ, mệt mỏi… Nhất là khi phải đối diện với những thách đố, nếu không sẵn sàng tận hiến đến cùng bằng một tình yêu trong sứ vụ, vì sứ vụ, người linh mục dễ chán nản, buông xuôi. Nếu đời sống của linh mục mà không còn ham thích chiến đấu, không còn vươn lên cho lý tưởng, không còn tha thiết với sứ mệnh Chúa trao, đồng nghĩa với việc, linh mục sẽ là gánh nặng cho giáo dân, gây thiện hại cho Hội Thánh Chúa, và xúc phạm đến chính hồng ân mà Chúa trao ban cho người linh mục.

Chúng ta cầu nguyện cho các linh mục, để các ngài chỉ biết tìm niềm vui trong sự hiến dâng, trong mọi công tác thánh hóa các linh hồn, trong sự say mê phục vụ người nghèo, phục vụ người bất hạnh. Bởi nếu các linh mục mà không tìm niềm vui trong sứ mạng của mình, không thấy mình hạnh phúc trong vai trò phục vụ, thì không còn gì nguy hiểm bằng. Bởi như sự bù trừ, nếu một người không tìm thấy hạnh phúc ở chỗ này, anh ta sẽ tìm hạnh phúc ở chỗ khác. Nếu linh mục không nhận ra sứ vụ của mình là chân lý để đạt tới hạnh phúc thật, cám dỗ về một lý tưởng khác, một đam mê khác, một hình ảnh khác, một con đường khác… sẽ có cơ hội len lỏi vào đời sống các linh mục. Như thế, sự đổ vỡ tấn công các ngài chỉ còn là yếu tố thời gian. Như vậy, đời linh mục sẽ không còn đau đớn nào bằng, Hội Thánh sẽ không còn nỗi buồn nào bằng, cộng đoàn nơi linh mục đang sống sẽ không còn ê chề nào bằng… Vì thế, chúng ta nguyện xin Chúa giúp các linh mục chỉ yêu Chúa và yêu hình ảnh của Chúa nơi con người mà Chúa ban cho họ trong một trái tim không bao giờ san sẻ…

Cách riêng với giáo phận của tôi, tôi thấy các linh mục trong Ban Mục vụ Giới trẻ, tuy chưa nhiều, tuy chưa lớn, nhưng việc làm của các ngài phục vụ đời sống tâm linh của các bạn trẻ, cách nào đó, đã có thể có tiếng vang. Ước mong các ngài sẽ kiên trì tiếp tục công việc của mình không ngại khó, không ngại khổ, ngày càng phát huy hơn, tiến triển hơn, sáng tạo hơn để lôi kéo các bạn trẻ về với Chúa, yêu mến Chúa. Biết đâu nhờ tấm gương hy sinh của các ngài, nhiều bạn trẻ sẽ can đảm dấn thân cho Chúa, sống đời ơn gọi.

Ngắm nhìn từng linh mục trong linh mục đoàn của giáo phận tôi, với mọi hăng say, mọi lao tác mà các ngài thể hiện, tôi tin rằng, ơn Chúa đang tuôn đổ dồi dào cho giáo phận. Bởi đó, tôi cũng tin rằng, nhờ từng anh em linh mục chúng tôi nỗ lực sống từng ngày trong thánh chức mộc cách thiết thực, và luôn không bằng lòng, không thỏa mãn với sự dâng hiến mà mình đã trao đi để xây dựng Nước Chúa tại giáo phận nhà, sự phát triển về đời sống thánh thiện sẽ còn tiến xa hơn, tiến mạnh hơn cho chính bản thân người linh mục, và cho tất cả mọi anh chị em mà linh mục có trách nhiệm phục vụ...

Tôi vẫn thấy, mùa xuân, hoa vẫn nở rực rở, khoe đủ màu, đủ loại trong cánh rừng, trong những vườn ươm trồng, trong từng ngỏ, trong từng nhà… trên quê hương tôi. Tôi vẫn thầm so sánh, hy vọng và ước mong: ơn Chúa qua tay anh em linh mục chúng tôi, thực sự nở rực trên khắp cùng mọi nơi trong Hội Thánh nói chung và trong chính giáo phận này. Tôi vẫn tin, với ơn Chúa thắm tươi đậm đà trên khắp Hội Thánh, mùa xuân Hội Thánh mãi mãi không bao giờ tàn phai, dẫu tiết trời có thể sang đông, sang hạ!...

Để mùa xuân nở rộ trong Hội Thánh, không thể thiếu vắng hồng ân linh mục. Vì thế, linh mục không nỗ lực cộng tác để hồng ân của Chúa lớn lên từng ngày, đồng nghĩa với việc linh mục giết chết mùa xuân Hội Thánh…!
 
Vị mục tử nhân lành
Lm Giuse Đinh lập Liễm
09:36 17/04/2013
CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH C

A. DẪN NHẬP

Chúa nhật thứ tư mùa Phục sinh của ba chu kỳ niên lịch phụng vụ được mệnh danh là Chúa nhật Chúa Chiên Lành. Nghệ thuật Kitô giáo thuở xưa thường phác họa Đức Giêsu như Đấng Chăn Chiên Lành. Hình ảnh người chăn chiên đã được mô tả trong Cựu ước về Thiên Chúa như là Đấng chăn dắt dân Người (Tv 22). Người Do thái cổ xưa là dân du mục, vì thế văn chương của họ là những sách Cựu ước cũng thường đề cập đến đời sống chăn nuôi, du mục. Chính Đức Giêsu cũng dùng những hình ảnh về chăn nuôi quen thuộc để dạy ta những chân lý thiêng liêng về đạo giáo.

Trong bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu đã xưng mình là Chủ Chăn. Ngài có đàn chiên để chăn dắt. Đàn chiên của Ngài có những đặc tính như Ngài đã tuyên bố :”Chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi, Tôi biết chúng và chúng theo Tôi”(Ga 10,27). Đàn chiên của Ngài có những đặc tính khác với đàn chiên của những nhà lãnh đạo tôn giáo Do thái lúc bấy giờ. Những đặc tính đàn chiên của Ngài là : biết lắng nghe chủ chăn, nhận biết chủ chăn và bước theo chủ chăn.

Đức Giêsu, Đấng Chăn Chiên Lành, không trực tiếp điều khiển đoàn chiên dưới thế này, Ngài dùng các vị đại diện trong Giáo hội là Đức Giáo hoàng, các Giám mục và các Linh mục mà hướng dẫn thay cho Ngài. Chính Ngài đã khẳng định với các Tông đồ :”Ai nghe các con là nghe Thầy, ai khước từ các con là khước từ Thầy”(Lc 10,16). Vì thế, nếu chúng ta đã gọi các vị lãnh đạo trong Giáo hội là chủ chăn, chúng ta có trách nhiệm phải yêu mến, thành tâm lắng nghe sự hướng dẫn của các ngài để đến với Chúa, và nhờ đó, sẽ được dẫn tới cuộc sống đời đời.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1 : Cv 13,14.43-52.

Một khúc quanh quyết định cuộc đời tông đồ của thánh Phaolô. Trước tiên Phaolô và Barnabê loan báo Tin mừng cho người Do thái tại Antiochia miền Pysidia, nhưng rồi các ngài đã phải sớm chấm dứt việc rao giảng vì người Do thái tỏ ra “ghen tức” khi thấy một số đông dân ngoại cũng quan tâm đến Tin mừng (Cv 13,45).

Hai vị Tông đồ quyết định rời hội đường và dứt khoát đến với dân ngoại, không quên nhắc lại lời tiên tri về sứ mạng toàn cầu của Người Tôi Tớ đau khổ (Cv 13,47)

Do vậy, dân ngoại đã hân hoan đón nhận Tin mừng và tôn vinh Thiên Chúa. Lời Chúa được lan tràn ra khắp miền ấy.


+ Bài đọc 2 : Kh 7,9.14b-17.

Trong một cuộc thị kiến, thánh Gioan tông đồ đã thấy một đoàn người thật đông đảo. Họ là dân Thiên Chúa đã khải hoàn. Đoàn người đông đảo này :

- Họ rất đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ.
- Họ đứng trước ngai Con Chiên, Đấng đã cứu độ muôn dân qua cái chết của Ngài.
- Con Chiên sẽ dẫn đưa họ tới nguồn nước trường sinh.

+ Bài Tin mừng : Ga 10, 27-30.

Đức Giêsu tự giới thiệu mình là một vị Mục tử, một vị Mục tử tuyệt vời. Ngài biết rõ từng người chúng ta, Ngài bảo vệ và sẽ đưa chúng ta đến sự sống đời đời. Vấn đề là : chúng ta có tin tưởng bước theo Ngài không ?

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

Bước theo vị Mục tử

I. ĐỨC GIÊSU LÀ MỤC TỬ.

1. Bối cảnh.

Bài Tin mừng hôm nay rất ngắn, được trích ra từ cuộc tranh luận với người Do thái trong dịp Lễ Lều, nhân dịp kỷ niệm ngày thanh tẩy Đền thờ thời Maccabêô.

Đức Giêsu đang ở Giêrusalem trong dịp lễ này. Tại đây xẩy ra cuộc tranh luận với người Do thái về vấn đề Người có phải là Đấng Thiên Sai không, và cuối cùng Người đã xưng mình là Con Thiên Chúa bằng cách tuyên bố rằng : Cha Người ở trong Người và Người ở trong Cha trong sự hiệp thông trọn vẹn đời sống và việc làm (Lc 10,22-41).

Bài Tin mừng hôm nay là một phần trích trong cuộc tranh luận và ghi lại lời Đức Giêsu quả quyết Người đồng bản tính với Chúa Cha.

Trước khi trả lời dứt khoát Người đồng bản tính với Chúa Cha, Đức Giêsu tuyên bố sự khác biệt nhau giữa người Do thái và “chiên của Người”, tức là những kẻ tin theo Người.

Đối với người Do thái, những lời Người nói và những việc Người làm là các phép lạ, không đủ thuyết phục họ, vì xét cho cùng họ có dã tâm và không muốn tin. Ngược lại, chiên của Người là những người biết ngoan ngoãn đón nhận, vì họ không cần đến nhiều dấu lạ bên ngoài để làm điều kiện cho việc đi theo Người.

Như vậy, Đức Giêsu khẳng định Người là Mục tử và Người có đàn chiên để chăn dắt và Người đưa họ đến cuộc sống đời đời mà không ai có thể cướp khỏi tay Người được.
2. Hình ảnh người chăn chiên trong Cựu ước

Hình ảnh người chăn chiên không chỉ là một hình ảnh đẹp ở vùng thôn quê mà nó còn có ở trong Thánh Kinh. Trong khắp vùng Đông phương cổ, các vua chúa thường tự coi mình như mục tử chăn dắt dân nước. Chính Giavê cũng đóng vai trò đó khi giải thoát dân riêng khỏi Ai cập :”Người lùa dân Người đi ví thể đàn chiên, Người dẫn dắt chúng như đàn cừu ngang qua sa mạc” (Tv 78,52).

Đavít, một trong những nhà lãnh đạo chính trị đầu tiên của Israel, là một cậu chăn chiên tại Belem (1Sm 17,34-35). Ông Vua lý tưởng của tương lai, Đức Messia, Đavít mới, cũng được loan báo như một “Mục tử” : “Ta sẽ chỗi dậy một mục tử duy nhất, Người sẽ chăn dắt chúng. Đó là Đavít, tôi tớ của Ta” (Ed 34,23).

Chăn nuôi súc vật từng bầy là nghề chính của dân Do thái. Các tổ phụ vĩ đại của họ từ Abraham, Isaác, Giacob, Maisen, Đavít… đều là mục tử.

Do đó, người Do thái đã diễn tả về Thiên Chúa như là một mục tử nhân hậu, luôn hết tình yêu thương đàn chiên (Tv 22; Gr 31,10; Ed 24,11-16). Và Đức Giêsu đã tự mạc khải như là một Mục tử tuyệt vời (Ga 10,11-14). Rồi đi xa hơn nữa, Người đã bầy tỏ cho nhân loại biết chính Người là Thiên Chúa (Ga 10,27-30).

II. NHỮNG ĐẶC TÍNH CỦA MỤC TỬ.

Những đặc tính của vị Mục tử được tóm gọn trong câu nói của Đức Giêsu :”Chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi, Tôi biết chúng và chúng theo Tôi”(Ga 10,27). Ở đây, ba động từ được Đức Giêsu nói lên, là những động từ tác động rất phù hợp với con người : nghe, biết và theo.

1. Chiên nghe tiếng người chủ chăn.

Ngày nay, tại Palestine, cũng còn có thể chứng kiến được cảnh chăn chiên mà Chúa Giêsu đã từng chứng kiến 2000 năm qua. Cảnh những người mục tử Bedouin mang những đàn chiên của họ trở về nhà từ những cánh đồng cỏ khác nhau sau một ngày đi ăn cỏ.

Thường vào lúc hoàng hôn, các đàn chiên khác nhau cùng kéo về qui tụ ở một chỗ uống nước. Chúng trà trộn lẫn lộn với nhau từ 8 hay 9 đàn nhỏ trở thành một bầy chiên lớn. Mặc dù lẫn lộn chung với nhau nhưng những chủ chăn không hề lo sợ chiên bị lạc. Đến giờ ra về, mỗi chủ chiên thổi lên một tiếng gọi riêng biệt – một tiếng còi, tiếng tiêu, tiếng sáo, hay tù và – thì những con chiên trong đàn sẽ tự động rời khỏi đám đông theo đàn của mình mà về chuồng. Chúng tự biết chúng thuộc về đàn nào, chúng nghe tiếng gọi của người chủ chăn và đi theo. “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi”(Ga 10,27) (Nguyễn văn Thái, Sống Lời Chúa giữa dòng đời, tr 171).

Nghe Chúa chính là lắng nghe Lời Chúa qua Kinh Thánh, nơi giáo huấn của Giáo hội, và những ơn soi sáng nơi tâm hồn mình. Nghe Chúa chính là để có một mối tương giao thân tình với Người, và nhất là để tin vào Người. Thánh Phaolô viết :”Có đức tin là nhờ nghe giảng, mà nghe giảng là nghe công bố lời Đức Kitô” (Rm 10,17) hay “Đức tin nhờ nghe : Fides ex auditu (Ga 3,2).

2. Chiên và chủ chiên biết nhau.

Chiên rất thân thiện với chủ chăn. Khi đàn chiên đang nằm ngủ êm đềm, người chủ chiên có thể bước đi ngay giữa đàn chiên mà không gây rối loạn hay gây mất ngủ cho con nào cả. Trong khi đó chỉ một bước chân của người lạ mặt xâm nhập vào chuồng chiên đang lúc chiên nằm ngủ cũng đủ gây kinh hoàng và hoảng hốt cho cả đàn chiên. Dường như chiên đã coi người chủ chăn như một thành phần rất thân thuộc của chúng. Và sự liên hệ mật thiết phát triển dần dần đến độ chủ chăn có thể phân biệt và hiểu tiếng kêu của từng con chiên, tiếng kêu đau thương hay tiếng kêu hoan lạc. Chiên nghe lệnh của người chủ chăn để biết khi nào đi kiếm ăn hay lúc nào lên đường trở về nhà. Ngoài ra, người chủ chăn còn biết cả tên gọi và đặc tính của từng con chiên nữa.

“Biết” trong Kinh Thánh, từ ngữ này trước hết không mang một ý nghĩa tri thức. Chính tình yêu mới làm cho ta nhận biết người nào đó một cách đích thực, đến nỗi đoán được cả tâm tính họ. Sự thân mật, sự hiểu biết lẫn nhau, yêu mến sâu xa, hiệp thông tâm hồn, trí não, thể xác… là dấu chỉ của tình yêu vợ chồng (St 4,1).

Biết Chúa không chỉ là học hỏi và suy niệm theo nghĩa tri thức, mà là hiểu biết sâu xa, yêu thân tình đến nỗi kết hợp cả thân xác lẫn tâm hồn. Chính tình yêu mới làm cho chúng ta nhận biết Chúa một cách đích thực, đến nỗi đoán biết cả thánh ý Người.

Sự biết chí tình chí thiết này thực sự đã được thể hiện với hai thánh nữ Catarina và Têrêsa Hài đồng Giêsu. Catarina là người mù chữ chỉ học nơi Thánh tâm Chúa Giêsu và trở thành tiến sĩ Hội thánh. Têrêsa cũng chẳng học trường nào, chỉ học nơi tình yêu Chúa Giêsu Hài Đồng, đã được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong làm tiến sĩ Hội thánh tháng 08/1997 trong đại hội giới trẻ tại Paris.

3. Chiên thì theo chủ chăn

Những người chăn bò thường đi sau đàn bò dùng roi quất lên mình bò để lùa chúng đi thành đàn với nhau. Đối với chiên thì hoàn toàn khác hẳn. Người mục tử luôn đi trước để hướng dẫn đàn chiên theo sau. Nếu người chăn chiên đi đàng sau đàn chiên giống như chăn bò, chiên sẽ chạy tán loạn vì không biết đường đi. Chúng muốn được hướng dẫn, được bảo vệ và che chở.

“Theo” đó là một hành động không có gì là thụ động cả, nhưng diễn tả một thái độ tự do : đính kết toàn thân một người nào đó vào thân phận một kẻ khác. Theo nghĩa là gắn bó với Đức Giêsu mời gọi :”Hãy theo Ta”(Ga 1,42).

Đi đâu cho thiếp đi cùng,
Đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam.


Theo Chúa chính là một thái độ hoàn toàn tự do, tự nguyện dấn thân, và trao phó thân phận cho duy một mình Người. Theo Chúa cũng là từ bỏ như Phêrô bỏ chài lưới, vợ con, cha mẹ và mọi sự để theo Thầy; như Matthêu bỏ địa vị, tiền của để theo Chúa; như Mađalena bỏ đường tội lỗi bước vào đời sống mới. Đó là đổi đời, từ bỏ nếp sống cũ, một cuộc tái sinh vào đời sống mới.

III. TÂM TÌNH VỊ CHỦ CHĂN.

1. Tận hiến cho đoàn chiên.

Người chủ chăn rất tha thiết với đàn chiên, họ coi đàn chiên như một phần trong thân thể mình. Họ không yên tâm khi một con chiên đi lạc. Họ không đành lòng bỏ con chiên bị thương mà không băng bó. Họ đã sẵn sàng vác chiên trên vai khi không đi được hoặc khi bị đi lạc.

Khi kẻ làm thuê trông coi con chiên, thì lũ cho sói không gặp rắc rối nào trong việc rình bắt đàn chiên. Ngay khi kẻ làm thuê nhìn thấy một con chó sói đang tiến lại gần, thì hắn ta liền bỏ rơi đàn chiên. Hắn chỉ nghĩ đến một điều duy nhất là cứu thoát bản thân mình mà thôi. Người chủ tốt của đàn chiên không làm như vậy. Họ bảo vệ đàn chiên chống lại sự tấn công của chó sói, thậm chí họ còn sẵn sàng liều mất mạng sống của mình nữa.

Đức Giêsu, Chúa chiên nhân lành, Đấng đã hiến mạng sống mình cho đoàn chiên. Mạng sống của Người không bị lấy đi, cũng không phải theo lệnh Chúa Cha. Chính Người đã tự ý trao ban, và trao ban một cách vui lòng. Người tự hiến cho đoàn chiên để mang chúng về đồng cỏ của sự sống đời đời. Hình ảnh cha thánh Damien, tông đồ người hủi, đã nói lên tình thần tận hiến cho đàn chiên, những con người phong cùi xấu số bị bỏ rơi.

2. Chiến đấu bảo vệ đàn chiên.

Người mục tử Đông phương là một người du mục đáng gờm, một thứ lính chiến, có khả năng bảo vệ đàn vật mình khỏi thú dữ… gấu hay sư tử đến để cướp đoạt một con chiên khỏi đàn (1Sm 17,34-35).

Đavít kể lại cho vua Saulê trước khi giết được tướng Goliat của quân Philitinh :”Hồi tôi tớ bệ hạ chăn chiên cho thân phụ, hễ sư tử hay gấu đực tha con chiên nào, tôi liền rượt bắt, đánh nó và cướp con chiên khỏi miệng nó. Nếu nó cự lại, tôi liền nắm lấy râu đánh và giết nó tức khắc. Tôi tớ bệ hạ đã giết sư tử cũng như gấu đực thì cũng sẽ thanh toán tên Philitinh không cắt bì này như vậy vì nó đã dám nhục mạ đạo quân của Thiên Chúa hằng sống”( 1Sm 17tt).

Đavít đã nêu gương hy sinh, vật nhau với sư tử, với gấu đực, để cướp lại một con chiên bị đem đi. Đavít vì tha thiết với bầy chiên, nên không ngần ngại đánh nhau với sư tử và gấu đen để cướp lại chiên. Đức Giêsu khi nói :”Không ai cướp được chúng” đã nghĩ đến cuộc giao chiến khốc liệt mà Người phải đương đầu trong cuộc khổ nạn, để đối phương “không cướp được” một chiên nào khỏi tay Người. Khác với kẻ chăn thuê, thường chạy trốn trước sói dữ, Đức Giêsu sẽ phó nộp và đành mất mạng sống mình vì chiên của Người (Ga 10,12-15).
3. Không bỏ rơi đàn chiên.

Người chăn chiên rất tha thiết với đàn chiên, lo lắng cho đàn chiên hết mình, không bao giờ để một con chiên nào bị bỏ rơi. Dụ ngôn con chiên lạc đã chứng tỏ điều đó :”Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất”(Lc 15,4-7).

Chung quanh chúng ta hay ngay trong đời sống chúng ta có những hiện tượng rời bỏ hàng ngũ, bất trung thường xẩy ra, thì chúng ta nghĩ thế nào ? Thưa đó là những hiện tượng tự nhiên vì đó là mầu nhiệm của tự do. Nhưng một điều chúng ta cần biết đó là không khi nào Chúa ruồng bỏ ! Chỉ có con người rời bỏ bàn tay Chua. Và ngay khi con người rời bỏ, Thiên Chúa vẫn tiếp tục tìm liên hệ lại : dụ ngôn đứa con hoang đàng đã chứng tỏ điều đó (x. Lc 15).

4. Ban cho chiên sự sống đời đời.

Con chiên đi theo chủ chăn thì sẽ được dẫn đến đồng cỏ xanh tươi đảm bảo sự sống. Cũng vậy, những ai thực sự đi theo Chúa, tức là để Chúa dẫn dắt, thì sẽ được bảo đảm đưa đến sự sống đời đời.

Sự sống này, một đàng không thể mất được, vì đã được chính Chúa Giêsu là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống bảo đảm. Đàng khác, cũng không bị ai cướp đi được, vì một khi đã được Chúa dẫn dắt thì không còn sợ vấn đề Người không đủ khả năng chăm sóc và bảo vệ sự sống của đàn chiên nữa.

Trong một bài giảng, thánh Cyrillô thành Alexandria đã giải nghĩa câu “Ta ban cho chúng sự sống đời đời” như sau :”Đừng hiểu sự sống này chỉ là chuỗi ngày nối tiếp nhau mà chúng ta dù là người tốt hay xấu cũng đều sở hữu sau khi sống lại, nhưng phải hiểu đây là sống trong niềm vui. Ta cũng có thể hiểu “sự sống” này theo nghĩa bí tích Thánh Thể. Nhờ Bí tích Thánh Thể, Đức Kitô tháp nhập chúng ta vào chính sự sống của Người, các tín hữu được thông phần vào chính xác thịt Người, như lời Người phán :”Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì sẽ có sự sống đời đời”(Ga 6,54).

IV. NHIỆM VỤ CỦA ĐOÀN CHIÊN

Chúa Giêsu không thể trực tiếp hướng dẫn mọi Kitô hữu, nhưng Người đã dùng các vị đại diên là hàng giáo phẩm và giáo sĩ để thay quyền Chúa mà hướng dẫn. Vì Chúa đã nói với các tông đồ :”Ai nghe các con là nghe Thầy”(Lc 10,16).

Chúng ta hãy đọc một đoạn mà công đồng Vatican II nói về các Linh mục :”Thi hành chức vụ của Chúa Kitô là Đầu và là Chủ chăn theo phận vụ mình, các Linh mục nhân danh Giám mục tụ họp gia đình Thiên Chúa như một cộng đoàn huynh đệ duy nhất, và nhờ Chúa Kitô trong Chúa Thánh Thần các ngài dẫn đưa họ đến cùng Chúa Cha. Để thi hành thừa tác vụ này cũng như các thừa tác vụ khác, các Linh mục được trao ban quyền thiêng liêng để kiến thiết Giáo hội. Trong việc kiến thiết này, các Linh mục phải theo gương Chúa Kitô mà đối xử rất nhân đạo với hết mọi người…(Sắc lệnh về Linh mục, số 4).
Chúng ta thường gọi những người lãnh đạo trong Giáo hội là mục tử hay chủ chăn. Chúng ta đang sống dưới sự hướng dẫn của các ngài, chúng ta hãy tin tưởng các ngài, vì đức tin bảo cho chúng ta biết : Chính Chúa Giêsu, Mục tử tốt lành đích thực, đang trực tiếp chăn dắt chúng ta qua những người lãnh đạo trong Giáo hội, là Đức Giáo hoàng, các Giám mục, Linh mục. Vì thế, chúng ta có bổn phận nghe theo sự hướng dẫn của các ngài, công tác với các ngài, tùy theo hoàn cảnh và điều kiện của chúng ta, để duy trì và xây dựng đoàn chiên nhỏ bé là gia đình mình, tập thể mình đang sống, đang làm việc và đoàn chiên rộng lớn hơn là Giáo hội.

Một lần nữa chúng ta hãy lặp lại lời Chúa Giêsu đã nói với các Tông đồ :”Ai nghe các con là nghe Thầy, ai khước từ các con là khước từ Thầy”(Lc 10,16). Qua câu Kinh Thánh này, chúng ta có thể khẳng định rằng vâng nghe các vị lãnh đạo trong Giáo hội là vâng nghe Chúa, và như vậy, đây là một nhiệm vụ không thể thiếu được, vì như người ta nói :

Cá không ăn muối cá ươn,
Con cãi cha mẹ trăm đường con hư.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tái định nghĩa hôn nhân: vấn đề công bằng
Vũ Văn An
05:22 17/04/2013
Phong trào đòi định nghĩa lại hôn nhân càng ngày càng lan ra khắp thế giới. Hôn nhân đồng tính hiện đã được nhìn nhận là hợp pháp tại Á Căn Đình, Bỉ, Bồ Đào Nha, Hòa Lan, Thụy Điển, Na Uy, Nam Phi, và mới nhất, Pháp. Anh Quốc đã có dự luật tại Quốc Hội nhằm đưa ra câu định nghĩa về hôn nhân có thể bao gồm cả các cặp đồng tính và những cặp mà một trong hai người phối ngẫu thuộc loại đổi giống. Tại Pháp, dự luật cho phép các cặp đồng tính được kết hôn hợp pháp và được phép nhận con nuôi đã được thông qua tại Hạ Viện. Và Thượng Viện Pháp vừa thông qua dự luật này mấy ngày trước đây. Tổng Thống Pháp, Francois Hollande, là người mạnh mẽ hỗ trợ động thái này vì ông từng được bầu làm Tổng Thống hồi tháng 5 năm 2012 nhờ chủ trương đem hôn nhân đồng tính vào Pháp. Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy đa số dân Pháp ủng hộ cả việc định nghĩa lại hôn nhân lẫn việc cho phép các cặp này nhận con nuôi.

Tại Hoa Kỳ, ngành tư pháp đang xem sét vấn đề “Hôn nhân là gì?” ‘Hôn nhân” đồng tính vốn đã được 9 tiểu bang và Quận Columbia thừa nhận. Hai vụ tại Tòa Án Tối Cao hiện đang thách thức luật lệ hiện hành vốn chủ trương hôn nhân là sự phối hợp giữa một người đàn ông và một người đàn bà. Một cặp đồng tính nữ đang khiếu nại rằng quyền lợi của họ bị vi phạm bởi Đề Nghị 8 (Proposition 8) trong đó, các cử tri của California xác quyết rằng hôn nhân chỉ dành cho một người đàn ông và một người đàn bà. Vụ thứ hai đặt nghi vấn đối với tính hợp hiến của việc Bênh Vực Đạo Luật Hôn Nhân, một đạo luật chỉ thừa nhận hôn nhân giữa một người đàn ông và một người đàn bà cho các mục tiêu thuế khóa và phúc lợi liên bang.

Bất chấp cao trào chính trị và văn hóa nhằm hỗ trợ cho mẫu hôn nhân hoàn toàn mới và cấp tiến này, người ta vẫn thấy tại Pháp một chống đối mạnh mẽ, được hỗ trợ và khuyến khích bởi các nhà lãnh đạo và giáo dân Công Giáo, Do Thái Giáo cũng như Hồi Giáo. Hàng trăm ngàn công dân Pháp đã biểu tình tại Paris trong tháng Giêng và tháng Ba để phản đối việc thừa nhận hôn nhân đồng tính. Người biểu tình gồm cả đàn ông lẫn đàn bà, người già lẫn người trẻ. Tuy nhiên, xem ra cả con số lẫn tính đa dạng của những người bảo vệ hôn nhân này cũng đã không thay đổi được đường đi của Quốc Hội Pháp cũng như duy trì được định nghĩa cổ truyền của hôn nhân.

Hàng giáo sĩ và giáo dân Công Giáo xưa nay vốn ở tuyến đầu trong việc chống lại phong trào phá hoại cơ cấu của hôn nhân có tính hoàn cầu này. Đức Tân Giáo Hoàng Phanxicô, lúc còn là Tổng Giám Mục Buenos Aires, vốn mạnh mẽ chống lại chiến dịch của Nữ Tổng Thống Cristina Kirchner và chính phủ của bà ta nhằm hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính. Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ (USCCB) cũng đưa ra sáng kiến giáo dục, đặt tên là Marriage: Unique for a Reason (Hôn nhân: Độc Đáo vì Một Lý Do), nhằm phản công các luận điểm cho rằng hôn nhân là một định chế có thể bao gồm cả các cặp đồng tính. Ngày 26 tháng 3 năm 2013, hàng ngàn người ủng hộ hôn nhân đã tụ tập tại Khu Bách Bộ tại Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn để phản đối mưu toan thay đổi câu định nghĩa về hôn nhân. Dù không biết chắc cuộc phản đối có tổ chức này sẽ ảnh hưởng ra sao đối với quyết định của các thẩm phán tối cao, song ít nhất nó cũng giúp dóng lên tiếng nói bênh vực cho mục đích chân thực của hôn nhân.

Điều ấy rất quan trọng. Trong phần lớn các cuộc tranh luận liên quan tới việc bao gồm các cặp đồng tính vào định nghĩa của hôn nhân, người ta hay nhấn mạnh tới tính công bằng đối với người đồng tính, mà quên mất cả mục đích cố hữu của hôn nhân. Nhiều biểu ngữ do khoảng 10,000 người biểu tình mang theo mang hàng chữ này: “Mọi trẻ em đều đáng có một người mẹ và một người cha!”. Như thế, định chế chân thực của hôn nhân thực ra là vì sự công bằng của trẻ em.

Nhà nước không có bất cứ lợi ích nhất thiết nào đòi họ phải thừa nhận sự âu yếm hỗ tương của người lớn. Trái lại, họ sẽ có lợi khi nhìn nhận tính độc đáo của sự kết hợp giữa một người đàn ông và một người đàn bà. Con cái từ cuộc kết hợp này sinh ra cần được che chở và dây nối kết giữa cha mẹ chúng cần được duy trì.
Đã đành không phải bất cứ cuộc phối hợp nào giữa một người đàn ông và một người đàn bà cũng đều sản sinh ra những đứa con, nhưng chỉ có việc kết hợp như thế mới sản sinh ra những đứa con ấy mà thôi. Về phương diện sinh học, cuộc phối hợp giữa hai người đàn ông hay giữa hai người đàn bà không thể nào sinh sản con cái được. Dù có những người đàn ông có cảm tình sâu đậm, thậm chí yêu đương nữa đối với những người đàn ông khác, mối liên hệ của họ luôn luôn là son sẻ, ngoại trừ họ đi tìm con cái ở nơi khác, ở các mối liên hệ khác. Đó là một lý do khiến ta không thể coi mối liên hệ đồng tính y hệt như mối liên hệ dị tính, giữa một người đàn ông và một người đàn bà.

Việc các nhà tranh đấu đồng tính đòi người ta nhìn nhận mối liên hệ của họ như là hôn nhân không phải phát sinh từ một phong trào lẻ tẻ. Đúng hơn, nó là một cuộc tấn công tiệm tiến đánh vào hôn nhân bắt đầu từ thế kỷ trước. Khi văn hóa tách biệt việc sinh sản ra khỏi hôn nhân, thì quả cửa đã mở sẵn cho bất tận những thay đổi không ngừng nơi các mối liên hệ của người lớn. Một khi hôn nhân bị coi chỉ như một thứ phương tiện tạo hạnh phúc cho người lớn, thì ly dị tất trở thành hậu quả hợp lý khi hạnh phúc trong mối liên hệ giảm đi hay không còn nữa. Cam kết sống với nhau cho đến chết biến chất thành cam kết cho tới lúc nó không còn đem lại vui chơi nữa. Khi tính vĩnh viễn của hôn nhân càng ngày càng biến khỏi nền văn hóa bình dân của ta, thì có chi lạ khi ai đó rẫy bỏ hoàn toàn cuộc hôn nhân của mình! Hiện nay, hơn 40% các vụ sinh nở tại Hoa Kỳ đã xẩy ra ngoài hôn nhân. Gần 73% trẻ em của các bà mẹ da đen và 53% trẻ em của các bà mẹ nói tiếng Tây Ban Nha được sinh ra ngoài hôn nhân.

Damon Linker, trên tờ báo thế tục The Week, cho rằng việc chấp nhận ngừa thai đã thay đổi triệt để quan điểm văn hóa về hôn nhân. Ông quả quyết rằng trận chiến luật lệ hiện nay chỉ ráng bắt kịp điều đã xẩy ra và việc định nghĩa lại hôn nhân để bao gồm các cặp đồng tính chỉ là chuyện đã rồi (fait accompli). Các ưu tư của ông cũng là các ưu tư của Katherine Jefferts Schori, thuộc Giáo Hội Episcopal, người từng cho rằng trong nền văn hóa hiện nay, mục đích đệ nhất đẳng của hôn nhân không phải là sinh sản con cái mà là liên hệ tín trung của người lớn. Bởi thế, theo Jefferts Schori, chỉ là điều hợp luận lý khi hôn nhân bao gồm cả các cặp đồng tính. Điều đáng lưu ý là Hiệp Thông Anh Giáo, mà Giáo Hội Episcopal vốn thuộc về, đã dẫn đầu cuộc biến cải văn hóa nói trên khi, vào năm 1930, nó trở thành hệ phái tôn giáo chính dòng đầu tiên chấp nhận việc sử dụng thuốc ngừa thai bên trong hôn nhân.

Linker hoàn toàn chính xác khi cho rằng con đường dẫn tới việc chấp nhận hôn nhân đồng tính đã bắt đầu ngay khi người ta làm ngơ việc sinh sản hay bác bỏ, không coi nó như mục đích hàng đầu của hôn nhân. Khi sinh sản bị coi như không liên quan gì tới hôn nhân, thì hôn nhân đã trở thành một định chế chỉ để phục vụ lợi ích của người lớn. Con cái bị phi nhân hóa và trở thành một thứ phụ tùng của hôn nhân, có đó để phục vụ hạnh phúc của người lớn. Cuộc chiến hiện nay để dành việc bao gồm các cặp đồng tính vào hôn nhân đã trở thành khả hữu nhờ sự thất bại của văn hóa trong việc bảo vệ hôn nhân chống lại ngừa thai, phá thai, ly dị và sống chung.

Tuy nhiên, bước sa lầy trên nẻo đường này không hẳn là bất phản hồi nếu có được một thức tỉnh đối với mục đích chân thực của hôn nhân. Muốn điều này không trở thành mơ tưởng, ta phải có được cuộc phục hưng của hôn nhân. Đã đến lúc phải cưỡng lại mọi mưu toan nhằm đúc hôn nhân theo khuôn hình qui phạm văn hóa phổ thông. Những ai muốn bảo vệ hôn nhân như sự kết hợp độc đáo giữa một người đàn ông và một người đàn bà thì phải bảo vệ nó chống lại mọi thiết kế hôn nhân nhằm loại bỏ chính lý do hiện hữu (raison d’être) của nó là con cái. Không làm được như thế, ta sẽ loại bỏ mọi lý lẽ biện minh cho việc hạn chế giống phái hay cả con số người lớn có thể bước vào mối liên hệ mà luật pháp hiện nay nhận diện là hôn nhân. Việc định nghĩa lại hôn nhân như trên sẽ càng ngày càng làm khó thêm việc bênh vực phẩm giá nhân bản nội tại của con cái, thậm chí không thể bênh vực được nó, khi chính sự hiện hữu của chúng bị phó cho ý muốn thất thường của người lớn. Vì vấn đề công bằng, tính trung tâm của con cái trong mục đích của hôn nhân phải được duy trì.

Theo Denise Hunnell, MD, Zenit 10 tháng Tư, 2013.
 
Giải đáp phụng vụ: Bài Tin Mừng được hát trong các Thánh lễ nào?
Nguyễn Trọng Đa
06:36 17/04/2013
Giải đáp phụng vụ: Bài Tin Mừng được hát trong các Thánh lễ nào?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Tôi biết rằng bài Tin Mừng được hát trong dịp lễ Giáng sinh và lễ Phục Sinh. Bởi vì mỗi lễ này bắt đầu một mùa Phụng vụ, xin hỏi là phó tế hoặc linh mục có phải hát bài Tin mừng mỗi ngày Chủ nhật của mùa, hay chỉ hát trong tuần bát nhật của mùa mà thôi? Vì trong 4-5 năm qua, tôi đã hát bài Tin Mừng trong "mùa Giáng sinh và mùa Phục Sinh". Liệu chúng ta phải công bố, tôi nhấn mạnh là qua việc hát, bài Tin mừng của mùa phụng vụ? Tôi không thấy một từ ngữ rõ ràng nào trong Quy chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma, hay trong chính sách lễ. - C. D., Pendleton, California, Mỹ.


Đáp: Trong thực tế, không có quy tắc nào bắt buộc bài Tin Mừng phải được hát trong bất cứ mùa đặc biệt nào, hoặc không có bất cứ qui định nào hạn chế việc hát bài Tin Mừng ngoài các mùa này.

Nói cách khác, về mặt lý thuyết bài Tin Mừng có thể được hát hoặc được đọc trong mọi ngày trong năm. Sự lựa chọn để đọc hay hát bài Tin Mừng là dựa vào các hoàn cảnh, chẳng hạn lễ trọng của ngày phụng vụ hay mùa phụng vụ, và khả năng của thừa tác viên thực hiện việc hát tốt hay không, và hiệu quả mục vụ tổng thể của việc áp dụng này.

Như thế, các thừa tác viên rất được khuyến khích để hát bài Tin mừng trong tất cả các lễ trọng và lễ chủ nhật, nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của nó trong cử hành Thánh lễ.

Các qui chế phụng vụ cũng khuyến khích mạnh mẽ việc hát thánh vịnh đáp ca.

Điều này không có nghĩa là việc hát các bài đọc khác là bị loại trừ, nếu người đọc được đào tạo tốt để làm việc này. Truyền thống nhạc bình ca (hát grê-gô-ri-ô) có nhiều thánh ca thường được dùng trong Thánh Lễ trọng. Một bài cho bài Cựu Ước, một bài cho Thư tông đồ, và một bài thứ ba cho bài Tin Mừng. Tầm quan trọng của bài Tin Mừng được nhấn mạnh, không chỉ bởi qua việc nó được hát, nhưng còn bởi sự trang trọng của lời giới thiệu, việc Rước Sách Tin Mừng, việc sử dụng hương, và việc công bố bài Tin Mừng được dành cho một thừa tác viên có chức thánh.

Trong những năm gần đây, nhiều nhạc sĩ đã sáng tác các thánh ca tương đối đơn giản, thích hợp với truyền thống âm nhạc riêng của mỗi ngôn ngữ địa phương.

Về tầm quan trọng của hát trong Thánh Lễ, Quy chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma nói như sau:

“39. Thánh Tông Ðồ khuyên Kitô hữu, lúc hội họp trông đợi Chúa đến, hãy cùng nhau hát những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca do Thánh Thần linh hứng (x. Cl 3, 16). Quả vậy, hát là dấu chỉ niềm vui trong tâm hồn (x. Cv 2, 46). Bởi đó, thánh Au-gút-ti-nô nói đúng: "Người nào yêu thì hát". Và ngay từ ngàn xưa, câu: "Ai hát hay là cầu nguyện gấp đôi" đã trở thành ngạn ngữ.

“40. Vậy việc sử dụng ca hát trong cử hành Thánh Lễ phải là điều quan trọng, sau khi đã lưu ý đến cách cảm nghĩ của mỗi dân tộc và khả năng của mỗi cộng đoàn. Dù không luôn luôn cần phải hát tất cả các bản văn tự chúng đã được trù liệu để hát, chẳng hạn trong các Thánh Lễ ngày thường, nhưng trong các cử hành vào Chúa Nhật và lễ trọng thì lo sao đừng thiếu tiếng hát của các thừa tác viên và dân chúng.

Nhưng khi chọn lựa những phần để hát thực sự thì hãy dành ưu tiên cho những phần quan trọng hơn, nhất là những phần do vị tư tế hay phó tế hay người giúp lễ hát, giáo dân thưa, hoặc những phần mà cả vị tư tế lẫn giáo dân cùng hát.

“41. Chiếm vị trí hàng đầu là hát grê-gô-ri-ô, như là đặc điểm của phụng vụ Rôma. Mọi loại thánh nhạc khác, nhất là đa giọng, cũng được phép sử dụng nếu chúng đáp ứng với tinh thần của hành vi phụng vụ và trợ giúp sự tham dự của mọi tín hữu. Vì giáo dân thuộc nhiều quốc tịch mỗi ngày một năng hội họp với nhau hơn, nên ước gì họ có thể cùng nhau hát bằng tiếng Latinh, ít là một vài kinh trong phần Thường Lễ, nhất là kinh Tin Kính và kinh Lạy Cha, với những cung điệu dễ hát” (Bản dịch tiếng Việt của linh mục P.X. Nguyễn Chí Cần, giáo phận Nha Trang). (Zenit.org 16-4-2013)

Nguyễn Trọng Đa
 
Hội Đồng Giám mục Pháp có Tân Chủ Tịch
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
09:45 17/04/2013
PARIS, 17/04/2013 - Trong khóa họp thường niên diễn ra tại Paris từ ngày 16 đến ngày 18 tháng Tư 2013, sáng hôm nay các giám mục Pháp đã bỏ phiếu bầu chủ tịch Hội Đồng Giám Mục để thay cho Đức Hồng Y André Vingt-Trois, Tổng Giám Mục Paris, người đảm nhiệm chức vụ này từ năm 2007.

Đức Cha Georges Pontier, Tổng Giám Mục Marseille, đã trúng cử cương vị Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Pháp khóa mới nhiệm kỳ 3 năm và thường sau đó có thể tái khóa. Ngài sẽ chính thức điều hành công việc mới này bắt đầu từ ngày 1 tháng Bảy 2013. Ngoài ra, hai giám mục khác cũng được chọn làm Phó Chủ Tịch là Đức Cha Pascal Delannoy, giám mục giáo phận Saint-Denis, và đức cha Pierre-Marie Carré, Tổng Giám Mục giáo phận Montpellier.

Tân Chủ Tịch HĐGM Pháp sinh ngày 01 tháng 05 năm 1943. Cho đến hiện nay, ngài là chủ tịch Ủy Ban Nghiên Cứu và Dự Án trực thuộc HĐGM Pháp và đã nắm chức Phó Chủ Tịch kiêm thành viên thường trực của HĐGM Pháp từ năm 2001 đến 2007.

Từng theo học tại Giáo Hoàng Học Viện Gregorio tại Rôma, và Đại Học Quốc Gia Toulouse, đức cha Georges Pontier có học vị Thạc sĩ Thần Học và Văn Chương Hiện Đại. Được tấn phong giám mục năm 1988, ngài lần lượt làm giám mục chính tòa giáo phận Digne (1988-1996), giáo phận La Rochelle et Saintes (1996-2006) và từ 2006 cho đến nay là Tổng Giám Mục Marseille. Ngoài ra, ngài còn nắm giữ chức vụ chủ tịch Ủy Ban về Châu Mỹ La Tinh trực thuộc HĐGM Pháp từ năm 1993 đến năm 1999.

Trong địa bàn có nhiều tôn giáo khác, Đức cha Pontier rất gần gũi với các khu vực bình dân thuộc phía Bắc thành phố Marseille và cũng rất quan tâm đến vấn đề đối thoại đức tin và đặc biệt là đối với Hồi Giáo.

Giáo Hội Pháp đang phải đương đầu với đạo luật hôn nhân đồng tính của tổng thống Hollande. Trong bài diễn văn hôm qua, Đức Hồng Y Vingt-Trois cũng đã nêu ra nhiệm vụ mới chống lại cải cách hôn nhân, bằng cách lên án khuynh hướng khước từ sự khác biệt về giới tính.
 
ĐTC đề cao mối tương quan giữa chiêm ngắm và hành động
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
16:18 17/04/2013
ROMA, 17/04/2013 - Theo truyền thống, sáng thứ Tư hàng tuần là buổi tiếp kiến chung của Đức Giáo Hoàng dành cho các đoàn hành hương từ khắp nơi trên thế giới đổ về quảng trường Thánh Phêrô tại Rôma. Sáng nay có khoảng 80 ngàn người tham dự thuộc Châu Âu gồm các tín hữu trong các giáo phận khác nhau của Italia, các giám mục Anh Quốc ; thuộc Châu Á như các nhóm của Ấn Độ, Singapore, Sri Lanka và Philippines ; và Châu Mỹ bao gồm các đoàn của Argentina, Panama, Vênêzuêla và Mêhicô. Cũng có sự hiện diện của đoàn hành hương đến từ Australia.

Trong bài giáo lý hôm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô nói về biến cố « lên trời và ngự bên hữu Đức Chúa Cha » của Chúa Giêsu trong Kinh Tin Kính, bằng cách trưng dẫn một số trình thuật của thánh sử Luca liên quan đến biến này.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến cử chỉ ban phúc lành cho các môn đệ của Chúa Phục Sinh khi lên trời và tâm trạng vui mừng của các ông (x. Lc 24,50-53). Theo Đức Thánh Cha Phanxicô, sỡ dĩ có sự chia tay trong hân hoan này là vì các Tông Đồ tin tưởng vào sự hiện diện với các ông của Chúa Giêsu Phục Sinh và vào sự tiếp tục hướng dẫn trợ giúp ngay cả khi Ngài rời bỏ họ để về cùng Chúa Cha.

Cũng trong viễn cảnh lên trời của Chúa Giêsu, Đức Thánh Cha diễn giải rằng với tư cách làm người, Chúa Giêsu là người dẫn đường mở lối cho nhận loại tiến vào chốn trường sinh và Ngài đem nhân loại đến gần Thiên Chúa hơn.

Đề cập đến việc can thiệp của các thiên thần trước sự bất động chiêm ngưỡng Đức Giêsu lên trời của các môn đệ, Đức Thánh Cha nhận thấy ở đây lời mời gọi ra đi làm chứng cho Chúa Phục sinh sau khi đã được chiêm ngắm quyền năng của Người.

Từ đó, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu tin tưởng vào sự hiện diện của Chúa Giêsu Phục Sinh trong suốt cuộc sống của mình. Kể từ biến cố lên trời, cuộc sống của Kitô hữu được chính Chúa Giêsu chịu Khổ Nạn và Phục Sinh nâng đỡ. Đặc biệt, ngài khích lệ mỗi người hãy đem tình yêu Thiên Chúa đi vào thế giới.

Sau bài huấn dụ, Đức Thánh Cha cũng ngỏ lời với các bạn trẻ, các bệnh nhân cũng như các cặp vợ chồng mới cưới.

Ngay sau khi ngỏ lời chào đối với các đoàn hành hương thuộc khối Pháp Ngữ, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến tầm quan trọng của hai chiều kích chiêm ngắm và hành động trong đời sống Kitô hữu. Ngài cũng mời gọi họ chiêm ngắm quyền Chúa của Đức Giêsu để trung thành với dự phóng của Thiên Chúa trên họ và để có sức mạnh làm chứng cho Tin Mừng trong đời sống thường nhật.

Cũng như các buổi tiếp kiến chung vào các thứ Tư trước, Đức Thánh Cha nói bằng Tiếng Ý, sau đó được dịch ra các thứ tiếng khác. Cho đến nay, ngài vẫn giữ nguyên tắc này ngay cả với những khách hành hương thuộc khối nói Tiếng Tây Ban Nha. Riêng đối với nhóm câu lạc bộ bóng đá « San Lorenzo », cũng như thứ Tư tuần trước, chính ngài tóm tắt bài giáo lý và ngỏ lời chào bằng tiếng mẹ đẻ.
 
Top Stories
Hung Hoa: la Caritas diocésaine organise une mission sanitaire au sein de la population pauvre de la province de Lao Cai
Eglises d'Asie
09:34 17/04/2013
Depuis qu’il est créé, le groupe Caritas du diocèse de Hung Hoa est particulièrement attentif aux besoins des populations pauvres de la province de Lao Cai, une région montagneuse, frontalière de la Chine, au nord-ouest du Vietnam.

Cette province a été détachée de la province de Hoang Liên Son depuis seulement vingt ans. Les conditions de vie y sont si difficiles et les habitants si dépourvus de ressources que peu de médecins acceptent de s’installer au milieu d’eux. Les malades de la région n’ont finalement que deux solutions : ou bien passer la frontière et aller requérir des soins dans les services hospitaliers de Chine ou bien se rendre à Hanoi pour solliciter l’admission dans un des grands hôpitaux de la capitale. Les deux solutions sont financièrement très onéreuses et seule une infime minorité de malades possède des ressources suffisantes pour effectuer l’un ou l’autre de ces deux choix.

Pour ces raisons, le groupe Caritas de Hung Hoa a décidé de tenter de répondre à ces besoins en matière de santé, et plus particulièrement dans le domaine des affections oculaires, très nombreuses dans la région. Il s’est alors mis en relation avec des bienfaiteurs de l’association du Cœur Miséricordieux du Christ et il a sollicité l’assistance d’un groupe de chirurgiens spécialisés. Une fois leur accord obtenu, le groupe s’est tourné vers les autorités provinciales afin d’être autorisé à effectuer des opérations oculaires gratuites dans la polyclinique provinciale du 2 au 7 avril 2013. L’autorisation lui a été accordée assez rapidement.

Au total, le groupe engagé dans ce programme d’interventions chirurgicales oculaires gratuites était composé du directeur de Caritas Hung Hoa, un prêtre du diocèse, du curé de la paroisse de Lao Cai assisté de l’ensemble du conseil paroissial, de deux médecins spécialisés dans ce type d’opération, exerçant habituellement dans les hôpitaux de Saigon, de deux infirmières religieuses Amantes de la Croix et de deux autres infirmières laïques.

L’ensemble de la population de la province avait été avertie de la mise en œuvre de ce programme. L’annonce de cette mission sanitaire diocésaine a été accueillie très favorablement par les habitants de Lao Cai. Des missions semblables ayant eu lieu au mois d’octobre 2012 et au mois de mars 2013, la confiance des habitants de la région était déjà gagnée. Les malades n’ont pas tardé à se présenter en nombre. Au total, 1 035 ont été examinés par l’équipe médicale ; 228 d’entre eux ont été retenus, 126 pour une opération de la cataracte, 102 pour une intervention sur un ptérygion (tumeur d’origine conjonctivale située sur la cornée de l’œil). Consultations et interventions chirurgicales se sont succédé à un rythme soutenu. Les patients sont repartis satisfaits et reconnaissants avec un assortiment de médicaments gratuits pour les soins postopératoires (1).

(1) Les informations utilisées dans cet article ont été puisées dans une dépêche de Viet Catholic News du 9 avril 2013.

(Source: Eglises d'Asie, 17 avril 2013)
 
Pope Francis: Jesus the Advocate
L’Osservatore Romano
10:58 17/04/2013
L’Osservatore Romano - “Jesus is our Advocate”. Pope Francis used this metaphor to explain the role the Saviour took on as man's defence to the 80,000 faithful present in St Peter's Square this morning, Wednesday 17 April, for the General Audience. “When someone is summoned by the judge or has a case”, the Pope said, “the first thing he does is to call a lawyer to defend him. We have One who always defends us, who defends us from the devil's snares, who defends us from ourselves, from our sins”. And he asked them not to be afraid to turn to him, whether to ask for pardon and mercy or to ask to be defended, for “he is our Advocate; he always defends us! Don't forget this”.

Then speaking of the event of the Ascension, recounted by the Evangelist Luke, the Pope presented Jesus as “a roped guide, while climbing a mountain who, having reached the summit, pulls us up to him, and leads us to God”. In other words he shows us which way to go. “In Christ, true God and true man, our humanity was taken up to God; he opened the way” and intercedes for us. “This”, he specified, “is a first important point: Jesus is the one eternal High Priest who, with his Passion, passed through death and the tomb, was raised and ascended into Heaven; he is with God the Father, where he intercedes on our behalf for ever”.

And the Holy Father went on to explain, this is also true even when we do not see it. The Ascension, in fact, “does not show Jesus' absence, but tell us that he is alive in our midst in a new way; no longer in a specific place in the world as he was prior to the Ascension. He is now in the domain of God, present in every space and time, close to each one of us”. Hence the certainty that “in our life we are never alone; we have this Advocate who waits for us, who defends us”.

In greeting the groups present, the Pope had special words for the young people, reminding them that “it is impossible to understand a young person without enthusiasm!”. He then expressed solidarity to a group of workers from Sassari who are going through a difficult time, even though they were not present at the Audience because their flight was delayed. Lastly he prayed to God for the victims of the earthquake in Iran and Pakistan and expressed his closeness to those afflicted.
 
Pope Francis: The Church is not a babysitter
L’Osservatore Romano
10:59 17/04/2013
L’Osservatore Romano - The Church cannot be merely “a babysitter who takes care of the child just to get him to sleep”. If she were this, hers would be a “slumbering church”. Whoever knows Jesus has the strength and the courage to proclaim him. And whoever has received baptism has the strength to walk, to go forward, to evangelize and “when we do this the Church becomes a mother who generates children” capable of bring Christ to the world. This, in sum, was the reflection proposed by Pope Francis this morning, Wednesday 17 April, during the celebration of Mass in the Chapel of the Domus Sanctaeeee Marthae, at which many employees of the Institute for Religious Works were present, accompanies by Ernst von Freyberg and Paolo Cipriani, respectively President of the supervisory board and the general director of IOR. Among the concelebrants were Bishops Vicenzo Pisanello of Oria, and Giacinto Boulos Marcuzzo, Vicar of the Patriarch of Jerusalem for Latins in Israel.

“Let us ask the Lord,” he concluded, “for the grace to become baptized persons who are brave and sure that the Holy Spirit who is in us, received at baptism, always moves us to proclaim Jesus Christ with our life, our testimony and even with our words”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Họp mặt Quý Linh Mục, Phó Tế, Tu Sĩ nam nữ Liên Đoàn Công Giáo VN miền Nam Hoa Kỳ
Sr. Agnes Kimchi, O.P.
04:08 17/04/2013
Phỏng vấn Cha Gioan Viannêy Nguyễn Ngọc Thụ, Chủ tịch liên đoàn Công Giáo VN Miền Nam Hoa Kỳ

PV. Kính thưa cha, chúng con cám cha và quý cha trong ban chấp hành liên đoàn Công Giáo Miền Nam Hoa Kỳ đã có sáng kiến thành lập ngày họp mặt các linh mục, phó tế và tu sĩ trong điạ hạt này. Xin cha bật mí cho mọi người được biết động lực nào thúc bách cha tổ chức ngày họp mặt đặc biệt dành riêng cho linh mục tu sĩ như thế này?

Xem hình ảnh

Cha chủ tịch: Khi được nhận lãnh trách nhiệm này, tôi cảm thấy trong cần có một cơ hội để các anh chị em tu sĩ linh mục chúng tôi phát huy tinh thần hiệp thông, liên đới và đồng hành với nhau, để cùng nâng đỡ nhau trong sứ vụ và trong đời thánh hiến. Từ ý tưởng này, Ban chấp hành chúng tôi đã có quyết định đưa đến ngày họp mặt hôm nay.

PV. Thưa cha, vậy mục đích của những ngày họp mặt này là gì ạ?

Cha chủ tịch: Thực ra, trước đây, chúng tôi cũng có những buổi họp mặt định kỳ như ngày Đại Hội Emau dành cho các Linh Mục, hoặc những ngày tĩnh tâm chung, trong những ngày như thế, chúng tôi đã có những buổi cầu nguyện, chia sẻ kinh nghiệm, suy tư, trao đổi và học hỏi lẫn nhau; vì thế, trong ngày họp mặt lần đầu tiên trong tư cách chủ tịch liên đoàn công giáo Việt Nam, chúng tôi muốn tao cơ hội để các anh em Linh Mục, phó tế, cũng như các nam nữ tu sĩ có một ngày gặp gỡ nhau trong tình huynh đệ để cầu nguyện chung, thư giản, giải trí, sau một thời gian thi hành sứ vụ. Chúng tôi không đề cao tính cách hội họp, thảo luận, hay học hỏi, nhưng chỉ “relax”, từ đó, anh chị em tu sĩ, linh mục chúng tôi có cơ hội để đồng cảm với nhau hơn trong sứ vụ và đời thánh hiến.

PV. Thưa cha, hôm nay là ngày cuối cùng của những ngày gặp gỡ, cha thấy mức độ thành công trong việc tổ chức lần đầu tiên này như thế nào ạ?

Cha chủ tịch: Chúng tôi luôn tạ ơn Chúa vì buổi họp mặt được diễn ra tốt đẹp. Lần đầu tiên, một số linh mục tu sĩ chưa xếp được công việc. Con số các vị đăng ký từ đầu là 33 vị, nhưng cho đến ngày gặp mặt,

một số linh mục và tu sĩ vì lý do đau bệnh, hoặc ngăn trở công việc nên không tham dự được. Có những cha đến từ Oaklahoma, New Mexico, Corpus Christi, Rock Port, và đa số là các cha, các phó tế, và tu sĩ vùng Houston và miền lân cận. Tuy vậy, anh chị em tu sĩ, linh mục chúng tôi đã tham gia rất tích cực và phấn khởi, các vị cảm thấy thực sự thư giản với bầu khí nhẹ nhàng, đầy tình huynh đệ, có thể nói là chúng tôi thực sự “relax” sau những ngày bận rộn với sứ vụ và công việc khác nhau, đặc biệt là qua Tuần Thánh và Tuần Bát Nhật Phục Sinh. Qua những ngày này, chúng tôi thực sự cảm thấy mình nhận được nhiều ân sủng nơi Chúa và được sự nâng đỡ qua các vị ân nhân, những người luôn mở rộng vòng tay đón tiếp, giúp đỡ, và đồng hành với chúng tôi.

PV. Thưa cha, xin cha cho con một câu hỏi cuối cùng. Về những dự tính cho tương lai trong nhiệm kỳ của cha, cha có muốn tiếp tục tổ chức ngày họp mặt này như là ngày gặp gỡ truyền thống giữa các linh mục, phó tế, và tu sĩ nam nữ Tại Miền Nam Hoa Kỳ không ạ?

Cha chủ tịch. qua trao đổi với các anh em linh mục và tu sĩ, các ngài đề nghị rằng: “ như thế này thì tốt quá, nếu có thể, nên tổ chức mỗi năm 3 lần (cười!).

Vâng, chúng tôi dự tính sẽ tổ chức ngày họp mặt này như là ngày truyền thống của các linh mục tu sĩ Miền Nam Hoa Kỳ và thời gian thuận tiện, có lẽ cũng vào sau Tuần Bát Nhật Phục Sinh.

PV. Xin cám ơn cha rất nhiều, Xin bình an, niềm vui, và phúc lành của Chúa Phục Sinh luôn đong đầy trên quý cha, quý thầy phó tế và các tu sĩ nam nữ trong đời thánh hiến và sứ vụ.

Tu viện Thánh Catarina, Houston, TX 10/04/2013.

Tản Mạn về Ngày Hạnh Ngộ

Sr. Agnes Kimchi O.P.

Ngày 08 tháng 4 vừa qua, lúc 5 giờ chiều, tại tu viện Thánh Clemente Dòng Chúa Cứu Thế, các linh mục phó tế và tu sĩ đã họp mặt nơi đây, cùng chia sẻ niềm vui bên bàn tiệc Thánh. Và kế đến, các cha Đa Minh và anh chị em giáo xứ Đức Mẹ Lộ Đức đã chào đón các anh chị em tu sĩ, linh mục bằng một một bữa tiệc thịnh soạn. Niềm vui nối tiếp niềm vui, ngày kế đến, các anh chị em tu sĩ, linh mục lại được sự chiếu cố của Cha Dominic Nguyễn Trung, Quản Nhiệm Cộng Đoàn Palacios và một số anh chị em thiện nguyện của cộng đoàn khoản đãi và đó là một ngày các anh chị em tu sĩ linh mục thực sự hưởng gió biển như các môn đệ ngày nào với Chúa Giêsu trên biển hô Galilêa, để rồi cùng với Ngài thưởng thức những mẩu cá nướng. Sau khi ngắm mây trời và hít thở gió biển, mọi người trở về miền yên tịnh khác là ngôi nhà nguyện đơn sơ của các sơ Đa Minh Houston. Buổi hội ngô này được khép lại sau bửa điểm tâm sáng do các sơ phục vụ. Đây là cơ hội nói lên tình huynh đệ trong đời dâng hiến mà các vị cha tiền bối đã chia sẻ trong thánh lễ như TV 133:1 đã chép “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau.”

Tất cả là Hồng Ân và tất cả là lời Tạ Ơn.

Cuộc hội ngộ nào cũng có những điều thú vị của nó. Có những cuộc hội ngộ được tổ chức chu đáo, chuẩn bị kỹ lưỡng, cũng có những cuộc hội ngộ bất ngờ, thiếu sự chuẩn bị, nhưng dù sao đi nữa thì cuộc hội ngộ nào cũng có điểm kỳ thú chung và sau đó để lại nỗi luyến tiếc khi chia tay!

Nhìn lại cuộc hội ngộ cách đây hai tuần, một cuộc hội ngô không tính trước của các môn đệ sau cuộc tử nạn của Đức Giêsu. Mất Thầy, xa Chúa, đó là lý do để các môn đệ buồn rầu, sợ hãi. Họ tu họp vào căn phòng đóng kín với nỗi run ray kinh hoàng, đây đó,có vài người môn đệ khác lại “rẻ nhóm” lang thang phiêu dạt chỉ tìm hạnh phúc và an toàn, họ đi, cứ đi mà không biết tương lai mình sẽ thế nào, nhưng rồi Đức Giêsu hiện diện, thổi hơi trên họ, ban cho họ sự bình an mà họ đã vụt mất khi vắng bóng Ngài. Và như thế, niềm vui lại tràn đầy. Bình an lại phá vỡ nỗi sợ hãi. Các môn đệ không ngờ rằng Thầy Giêsu, Chúa của mình sẽ chuẩn bị cho họ tâm tình và sự trưởng thành để thi hành sứ vụ cho đến khi Ngài lìa họ mà về Trời. Một lần nữa, các môn đệ bỡ ngỡ luyến tiếc như bắt đầu một cuộc chia tay khác. Như thế, chúng ta thấy được rằng, trong mọi biến cố và trong sứ vụ, các môn đệ phải học để biết sứ điệp của Chúa bằng niềm tin.

Cuộc hội ngộ của các linh mục, phó tế, tu sĩ Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam miền Nam Hoa Kỳ sau tuần Bát Nhật Phục Sinh mang sắc thái khác hơn cuộc hội ngộ xưa giữa Chúa Giêsu phục sinh với các môn đệ cách đây hơn 2000 năm. Đó là một cuộc hội ngộ có chuẩn bị. Khi cha đại diện Đức Tổng Giám Mục DiNardo và cũng được gọi là cha chủ tịch Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Tồng Giáo Phận Galveston-Houston (kiêm chủ tịch Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam miền Nam Hoa Kỳ) nhận nhiệm vụ đại diện đức Tồng Giám Mục vào đầu tháng 12 năm 2012, trong lá thư đề ngày 24 tháng 12 năm 2012, Cha và các cha trong ban chấp hành Liên Đoàn miền Nam đã hoạch định chương trình cho ngày họp mặt liên giáo sĩ, tu sĩ và ngài mời gọi tất cả các linh mục, phó tế, và tu sĩ công giáo Miền Nam Hoa Kỳ tham dự ngày họp mặt này.

Cuộc hội ngô của các linh mục, tu sĩ hôm nay giống như cuộc hội ngộ xưa, vì giữa ho, có Đức Giêsu hiện diện qua các Thánh Lễ được cử hành, qua việc tham dự bàn tiệc Thánh chung với nhau, qua tâm tình chia sẻ niềm vui, tiếng cười, và cả những bữa cơm thân ái do các vị ân nhân thiết đãi như cử chỉ yêu thương mà Đức Giêsu phục sinh thường làm cho các môn đệ khi Ngài nướng cá cho các môn đệ cùng ăn, khi bẻ bánh và cá, khi ăn và uống…

Và chắc rằng cuộc hội ngộ này cũng giống như cuộc hội ngộ năm xưa ấy, khi Chúa Giêsu thổi hơi trên các môn đệ để ban Thánh Thần cho các ngài. Hôm nay, qua các Thánh Lễ và những lời cầu xin, các linh mục, phó tế, và tu sĩ cũng được ban tràn đầy Thánh Thần để các ngài mạnh dạn mang niềm vui, bình an của Chúa khi thi hành thiên chức linh mục và sứ vụ trong ơn gọi hiến dâng.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hoạt động ''Khuyến mãi''
Trầm Thiên Thu
09:47 17/04/2013
Xã hội ngày nay không còn xa lạ gì với việc khuyến mãi trong chuyện mua bán thường nhật.

Khuyến mại hay khuyến mãi là hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân nhằm xúc tiến việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ bằng cách dành cho khách hàng những lợi ích nhất định. Thuật ngữ này được ghi là “khuyến mại” và đã được dùng quen thuộc trong các văn bản cũng như nhiều hoạt động quảng bá của các công ty, doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo nghĩa chính xác của từ Hán Việt, hoạt động này phải được gọi là “khuyến mãi”. Vì theo nghĩa Hán Việt: MẠI (賣) là bán, MÃI (買) là mua. Do đó, chúng ta thường nghe nói với các cụm từ: Tư sản mại bản, mại dâm, mãi lộ,…

Như vậy, nghĩa ban đầu của “khuyến mãi” vốn là khuyến khích nhân viên tiếp thị (chẳng hạn bằng tiền thưởng) của chính doanh nghiệp mình thúc đẩy việc tiếp thị để tiêu thụ hàng hoá. “Khuyến mại” có nghĩa trái ngược với “khuyến mãi”. Khuyến mãi mới mang nghĩa thực như định nghĩa nêu trên đây.

Khuyến mại là sự kiện hoặc tập hợp các sự kiện/hoạt động tập trung của hơn một doanh nghiệp, một tổ chức, một chính sách, hoặc một chương trình hành động, nhằm xúc tiến hỗ trợ hoạt động bán hàng và làm tăng trưởng giao dịch thương mại. Đơn giản hơn, có thể hiểu khuyến mãi là khuyến khích phát triển thương mại.

Khuyến mãi là các hoạt động gia tăng quyền lợi (kinh tế hoặc phi kinh tế) của doanh nghiệp như thưởng giá, thưởng quà, trúng thưởng, hoặc giá trị đi kèm nào đó, khi việc mua sắm của khách hàng nhằm tăng doanh số bán của hàng hóa dịch vụ.

Khuyến mãi mang nghĩa là “khuyến khích mua hàng hoá hoặc dịch vụ”, do đó mục đích chính của khuyến mãi là kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy người tiêu dùng mua nhiều các hàng hoá, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp hoặc phân phối. Ngoài ra, hoạt động khuyến mãi còn nhằm mục đích quảng bá thương hiệu sản phẩm và doanh nghiệp.

Chuyện đời là thế. Người ta quảng cáo đủ cách, với các chiêu khuyến mãi “hấp dẫn”, để người tiêu dùng nghe “bùi tai” mà đổ xô đi mua hàng – dù có khi chẳng xài tới hoặc không thực sự có lợi. Nói chung, khuyến mại hoặc khuyến mãi đều có tính lừa dối nhau mà thôi!

Chúa Giêsu không dùng phương pháp khuyến mãi như người đời, nhưng Ngài có cách “khuyến mãi” hoàn toàn không giống ai, vì tư tưởng của Thiên Chúa vượt trên tư tưởng loài người, cách xa nhau như trời với đất vậy!

Luật Chúa vô cùng ngắn gọn và đơn giản: YÊU. Thật vậy, Chúa Giêsu chỉ đòi buộc chúng ta yêu thương nhau: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15:12). Rồi Ngài giải thích: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15:13). Thế nhưng chuyện yêu thương lại không dễ thực hành, đến nỗi dường như hóa nhiêu khê!

Ngài còn cảnh báo: “Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết” (Mt 10:17-18). Nghe “ớn” quá và “oải” quá! Lợi đâu chả thấy mà chỉ thấy đau khổ và nguy hiểm chờ chực.

Nhưng Ngài căn dặn và động viên: “Khi người ta nộp anh em thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em” (Mt 10:19-20). Ngài biết rõ chúng ta thế nào nên Ngài nói thêm: “Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát” (Mt 10:22). Đó là một trong những độc chiêu “khuyến mãi” của Đức Kitô, hấp dẫn thật chứ không ảo tưởng!

Điều kiện thật khó khăn, thật gay go, thật khắc nghiệt, nhưng cũng không lạ gì, vì đó là chuyện tất yếu: “Trò không hơn thầy, tớ không hơn chủ. Trò được như thầy, tớ được như chủ đã là khá lắm rồi” (Mt 10:24-25; Mc 13:9-13; Lc 21:12-19).

Ngoài những điểm chung, Chúa Giêsu còn nói điểm riêng của từng người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9:23). Ngài biết chúng ta như “chú Tàu nghe kèn” nên Ngài giải thích để chúng ta hiểu rõ: “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì? Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần” (Lc 9:24-26).

Rồi Ngài thẳng thắn và nghiêm túc cảnh báo: “Anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em, vì ngày ấy sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất. Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người” (Lc 21:34-36).

Quả thật, chẳng ai biết “khi nào thời ấy đến” (x. Mc 13:33). Những tin đồn chỉ là nhảm nhí, thất thiệt. Thế mà không ít người vẫn “run như cầy sấy”. Chúa nói thì không tin, lại cứ tin theo những tiên tri giả. Nguy hiểm quá! Thế mà lúc nào cũng “leo lẻo” là “tín thác vào Chúa”. Quá ngây ngô!

Đệ nhất tuyên ngôn của Chúa Giêsu là “Bài Giảng Trên Núi” – cũng gọi là “Bát Phúc” hoặc “Tám Mối Phúc Thật”. Và đây là cách “khuyến mãi” không giống ai của Chúa Giêsu: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp. Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an. Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng. Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương. Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa. Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5:3-10).

Chúa Giêsu còn nói thêm: “Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa” (Mt 5:11). Rồi Ngài cho biết thêm một mối phúc khác: “Phúc thay những người không thấy mà tin!” (Ga 20:29).

Khó thật! Nếu không có ơn Chúa thì chúng ta chẳng làm được gì (x. Ga 15:5). Nhưng Ngài lại hứa chắc: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:20). Thế thì chúng ta có thể làm được, nếu thực sự muốn và quyết tâm hành động. Và chúng ta sẽ được Thiên Chúa cứu độ.

Đau khổ mới làm người ta thành nhân, thực sự nên người. Thánh Phaolô xác định: “Chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ: đây không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa, cũng không phải bởi việc anh em làm, để không ai có thể hãnh diện” (Ep 2:8-9). Đây cũng là lời cảnh báo những ai có “máu” tự kiêu, ảo tưởng và “chảnh”.

Đôi khi chúng ta cảm thấy đau khổ vượt quá sức mình, choa rằng thập giá của mình “nặng” hơn thập giá của người khác. Thực ra không phải vậy, Thiên Chúa biết sức chúng ta thế nào rồi. Ngài biết chúng ta chịu được nên trao cho chúng ta để chúng ta có dịp làm vinh danh Chúa, đồng thời chúng ta cũng được thêm công trạng. Thánh Phaolô cho biết: “Không một thử thách nào đã xảy ra cho anh em mà lại vượt quá sức loài người. Thiên Chúa là Đấng trung tín: Người sẽ không để anh em bị thử thách quá sức; nhưng khi để anh em bị thử thách, Người sẽ cho kết thúc tốt đẹp, để anh em có sức chịu đựng” (1 Cr 10:13).

Thánh Phaolô kể về kinh nghiệm của chính mình: “Để tôi khỏi tự cao tự đại vì những mặc khải phi thường tôi đã nhận được, thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Satan được sai đến vả mặt tôi, để tôi khỏi tự cao tự đại. Đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ này. Nhưng Người quả quyết với tôi: ‘Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối’. Thế nên tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Ki-tô ở mãi trong tôi.10 Vì vậy, tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Kitô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (2 Cr 12:7-10).

Một cách “khuyến mãi” khác mà Chúa Giêsu mặc khải cho Thánh Faustina: “Linh hồn nào càng đau khổ thì càng có quyền đến với Lòng Thương Xót của Ta; hãy thúc giục các linh hồn tín thác vào Lòng Thương Xót sâu thẳm khôn dò của Ta, vì Ta muốn cứu độ tất cả các linh hồn. Trên Thập Giá, suối nguồn Lòng Thương Xót của Ta được mở rộng ra cho các linh hồn nhờ lưỡi đòng – Ta không loại trừ ai! (Nhật Ký, số 1182).

Những gì Chúa Giêsu hứa đều chắc chắn và là sự thật: “Trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành” (Mt 5:18).
 
Thông Báo
Đại Hội ThánhMẫu La Vang Lần Thứ Hai tại Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang, Tổng Giáo Phận Galverston-Houston, Hoa Kỳ
Nguyễn Đức Vượng
14:11 17/04/2013
THÔNG BÁO CHƯƠNG TRÌNH TỔNG DỢT CA ĐOÀN TỔNG HỢP “MẸ LAVANG” CHO ĐẠI HỘI

Kính báo đến quý Ca Trưởng, Ca Viên trong ngoài Giáo Xứ. Để chuẩn bị cho 3 ngày Đại Hội Thánh Mẫu La Vang lần thứ 2 tại Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang ngày 3, 4 và 5/5/2013. Địa chỉ: 12320 Old Foltin Rd. Houston TX 77086. Việc tổng dợt cho Ca Đoàn Tổng Hợp “Mẹ La Vang” được ấn định 3 buổi và nơi chốn như sau:

- Buổi tổng dợt thứ nhất lúc 7 giờ tối Chúa nhật ngày 21/04/2013 tại Nhà Nguyện Linh Đài.

- Buổi tổng dợt thứ 2 vào lúc 7 giờ tối Chúa nhật ngày 28/04/2013 tại Nhà Nguyện Linh Đài.

- Buổi tổng dợt thứ 3 vào lúc 7 giờ tối thứ năm ngày 02/05/2013 tại Nhà Nguyện Linh Đài với các Ca Viên của các Giáo Xứ, Cộng Đoàn khác (nếu họ đã đến ). Ngay sau khi tổng dợt sẽ thực tập việc sắp xếp chỗ cho chu đáo trong Ba Ngày Đại Lễ này.

Một lần nữa xin chân thành cám ơn quý nhạc sĩ, ca sĩ quý ca trưởng, ca viên trong ngoài giáo xứ trước, về những hy sinh cho Đại Hội Thánh Mẫu lần Thứ Hai này. Cũng thế, trong thời gian Đại Hội có nhiều chương trình văn nghệ khác nhau sau các các buổi hội thảo, thánh lễ, trong lúc dùng cơm. Nếu Ca Đoàn, Nhóm, Ca Sĩ Cá Nhân nào muốn đóng góp các tiết mục văn nghệ: Tham gia đóng góp kịch, thánh ca, các bản nhạc về tình yêu, về quê hương cho mọi người xa gần thưởng thức. Mọi chi tiết xin liên lạc với Cha Thiên Ân (832) 692-4761 hay Chị Michelle Hoàng (832) 576-4965..

Xin Chúa qua lời bầu cử của Đức Trinh Nữ Maria luôn chúc lành trên Gia Đình , Ca Đoàn và Đại Hội Thánh Mẫu năm nay và nhất là cho những ai từ xa về Bên Mẹ La Vang sẽ được bình an.

Tri ân và thông báo

Cha Nguyễn Đức Vượng và Cha Trần Thiên Ân