Ngày 13-04-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Suy Niệm Chúa Nhật III Phục Sinh – Năm B
Lm. Anthony Trung Thành
08:39 13/04/2018
Bài Tin mừng hôm nay tường thuật lại việc Đức Kitô Phục Sinh hiện ra với các Tông đồ. Lần hiện ra đặc biệt này, Ngài ban cho các ông ơn bình an, soi sáng cho các ông am hiểu Kinh Thánh và ra lệnh cho các ông phải làm chứng nhân về sự chết và sự phục sinh của Ngài.

1. Đức Kitô Phục Sinh ban bình an cho các Tông đồ

Sau khi Đức Giêsu bị bắt, các Tông đồ hoang mang lo sợ. Vì thế, hầu hết các ông đều bỏ trốn. Phêrô chối Thầy ba lần. Trên đồi Canvê chỉ còn lại Thánh Gioan, Đức Mẹ và một số phụ nữ. Nỗi hoang mang lo sợ càng gia tăng khi Thầy đã chết và được táng trong mộ. Cụ thể, các ông vào phòng đóng kín cửa lại. Một vài môn đệ thì bỏ về quê. Cũng vì hoang mang lo sợ nên khi thấy Thầy hiện ra thì họ lại tưởng là ma. Đức Kitô Phục Sinh thấu hiểu tình trạng sợ hãi lo lắng của các ông, nên lần hiện ra này Ngài đã ban bình an cho các ông. Ngài nói: “Bình an cho các con.” Được ban ơn bình an của Đức Kitô Phục Sinh, các ông không còn sợ hãi gì nữa. Từ nay các ông mạnh dạn rao giảng và làm chứng cho Ngài dù phải bắt bớ tù tội và chết chóc.

Ngày hôm nay, Đức Kitô Phục Sinh vẫn tiếp tục ban ơn bình an cho chúng ta. Nhưng để lãnh nhận ơn bình an của Ngài, chúng ta phải giữ mình sạch tội, nhất là tội trọng. Và khi đón nhận bình an của Chúa Phục Sinh, chúng ta phải có trách nhiệm trao ban bình an cho những người xung quanh.

2. Đức Kitô Phục Sinh soi sáng cho các Tông đồ am hiểu Kinh Thánh

Trong suốt ba năm đi theo Thầy, các Tông đồ đã được Đức Giêsu giảng dạy rất nhiều điều, nhưng hầu như các ông chưa hiểu được bao nhiêu. Có những lần, nghe giảng xong, các ông lại xin Thầy giải thích thêm. Chẳng hạn, khi Đức Giêsu giảng xong dụ ngôn người đi gieo giống, “các môn đệ hỏi Người dụ ngôn ấy có ý nghĩa gì.” (Lc 8,9). Đức Giêsu đã giải thích cho họ một cách rõ ràng. Khi Đức Giêsu tiên báo về cuộc thương khó và sự phục sinh của Ngài, các ông không hiểu nên Thánh Phêrô đã can ngăn Ngài. Vì thế, hôm nay Ngài nhắc lại và mở trí cho các ông hiểu: “Ðúng như lời Thầy đã nói với các con, khi Thầy còn ở với các con, là cần phải ứng nghiệm hết mọi lời đã ghi chép về Thầy trong luật Môsê, trong sách tiên tri và thánh vịnh.” Rồi Người mở trí cho các ông am hiểu Kinh Thánh. Người lại nói: “Có lời chép rằng: Ðấng Kitô sẽ phải chịu thương khó, và ngày thứ ba Người sẽ từ cõi chết sống lại.”(Lc 24, 44-45)

Cũng vậy, khi Đức Giêsu bảo rằng : “Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi, nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại.” Các ông không hiểu lời Ngài nói, nên Người Do Thái mới nói: “Đền Thờ này phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong, thế mà nội trong ba ngày ông xây lại được sao?”Nhưng sau này các ông mới hiểu, chính Thánh Gioan cho chúng ta biết rằng: “Nhưng Đền Thờ Đức Giêsu muốn nói ở đây là chính thân thể Người. Vậy, khi Người từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó. Họ tin vào Kinh Thánh và lời Đức Giêsu đã nói.” (x. Ga 2,19-21)

Ngoài những vấn đề được đề cập trên, còn rất nhiều vấn đề khác, các Tông đồ chỉ hiểu sau khi Đức Kitô Phục Sinh soi lòng mở trí cho họ. Nhờ đó, bốn thánh ký đã ghi lại những lời Đức Giêsu đã nói và những việc Ngài đã làm, đồng thời các ông mạnh dạn giải thích Kinh Thánh cho mọi người.

3. Đức Kitô Phục Sinh mời gọi các Tông đồ làm chứng về sự chết và phục sinh của Ngài.

Sau khi ban bình an và soi sáng cho các Tông đồ hiểu Kinh Thánh, nhất là tin nhận về sự chết và phục sinh của Ngài, Đức Giêsu mời gọi các ông làm chứng về những sự việc đó. Các ông đã vâng nghe lời Đức Giêsu và ra đi rao giảng Tin mừng khắp mọi nơi. Bài đọc I hôm nay cho chúng ta biết, khi thấy dân chúng ngạc nhiên và bàn tán với nhau về phép lạ chữa lành cho người què, Thánh Phêrô giải thích cho họ biết: Phép lạ Ngài làm không phải do quyền năng của mình nhưng là do quyền năng của Đấng Phục Sinh ban cho. Rồi Ngài làm chứng cho Đức Kitô Phục Sinh rằng: “Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa Isaac, Thiên Chúa Giacóp, Thiên Chúa các tổ phụ chúng ta đã làm vinh danh Chúa Giêsu, Con của Ngài, Ðấng mà anh em đã nộp và chối bỏ trước mặt Philatô, trong khi Philatô xét là phải tha cho Người. Anh em đã chối bỏ Ðấng Thánh, Ðấng Công Chính, và xin tha tên sát nhân cho anh em, còn Ðấng ban sự sống thì anh em lại giết đi, nhưng Thiên Chúa đã cho Người từ cõi chết sống lại, điều đó chúng tôi xin làm chứng.”(Cv 3,13-15). Sau những lời giảng dạy hùng hồn như thế, Ngài mời gọi dân Do thái : “Hỡi anh em, thế nhưng tôi biết rằng anh em đã hành động vì không biết, như các thủ lãnh anh em đã làm. Thiên Chúa đã hoàn tất việc Người dùng miệng các tiên tri mà báo trước. Ðức Kitô của Ngài phải chịu khổ hình. Vậy anh em hãy ăn năn hối cải, ngõ hầu tội lỗi anh em được xoá bỏ.”(Cv 3,17-19). Bài giảng đầu tiên của Thánh Phêrô đã thu hút được khoảng 3000 người trở lại.

Trong bài đọc thứ II, Thánh Gioan cũng làm chứng cho Đức Kitô là Đấng công chính, làm trạng sư cho chúng ta nơi Đức Chúa Cha. Chính Người là của lễ đền tội chúng ta; không nguyên đền tội chúng ta mà thôi, nhưng còn đền tội cho cả thế gian. Vì thế, Ngài mời gọi chúng ta làm chứng cho Ngài bằng cách giữ các giới răn của Người vì “Ai nói mình biết Người, mà không giữ giới răn Người, là kẻ nói dối, và nơi người ấy không có chân lý.”(1 Ga 2,4)

Mặc dầu các Tông đồ gặp nhiều cấm cách, bắt bớ, tù tội khi đi rao giảng và làm chứng cho Đức Kitô Phục Sinh nhưng các ông luôn luôn can đảm không hề cảm thấy sợ hãi. Chính thánh Phêrô và các Tông đồ khác khẳng định rằng: “phải vâng lời Thiên Chúa còn hơn là vâng lời người đời.” (Cv 5,29). Thực sự như thế, hầu hết các môn đệ đã lấy cái chết của mình để làm chứng cho niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh. Sự can đảm làm chứng cho Đức Kitô Phục Sinh của các Tông đồ cũng là động lực giúp chúng ta chu toàn sứ mạng rao giảng Tin mừng cho mọi người trong thời đại hôm nay.

4. Đức Kitô Phục Sinh muốn gì nơi chúng ta?

Chúng ta không được vinh dự gặp Đức Kitô Phục Sinh hiện ra, nhưng qua Kinh Thánh chúng ta tin thật Đức Kitô đã phục sinh. Mặt khác, qua Bí tích Rửa tội và Thêm sức, chúng ta cũng được Đức Kitô Phục Sinh ban Thánh Thần. Nhờ thế, Chúa Thánh Thần luôn soi sáng cho chúng ta am hiểu Kinh Thánh. Ngoài ra, Chúa Phục Sinh luôn đồng hành với chúng ta và sẵn sàng ban ơn Bình an của Ngài cho chúng ta. Vì vậy, chúng ta cũng có trách nhiệm làm chứng về sự chết và sự phục sinh của Đức Kitô bằng lời nói và bằng chính cuộc sống hằng ngày của chúng ta.

Lạy Chúa Kitô Phục sinh, xin ban bình an cho chúng con, xin soi sáng cho chúng con để chúng con am hiểu Kinh Thánh để từ đó chúng con can đảm làm chứng cho Chúa khắp mọi nơi. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành
 
Làm chứng nhân
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
08:41 13/04/2018
“Chính anh em là chứng nhân về những điều này”(Lc 24,48). Những điều này là những điều gì đây? Chúa Giêsu đã minh nhiên khẳng định: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội” (Lc 24,47).

Phải nhìn nhận rằng cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Kitô là một chủ đề chính của lời rao giảng của các tông đồ. Đã có lúc, có nhiều đấng vì muốn nhấn mạnh đến mầu nhiệm Phục sinh nên thích chưng ảnh tượng Chúa Phục sinh trong cung thánh Nhà thờ, thế mà Hội Thánh vẫn không chuẩn nhận. Theo luật hiện hành thì phải chưng ảnh tượng Chúa chịu nạn (Crucifix), dù rằng mầu nhiệm Chúa Phục sinh chính là mầu nhiệm nền tảng của Kitô giáo, vì như lời thánh Phaolô Tông đồ rằng: Nếu Chúa Kitô không sống lại thì Kitô hữu là những người khốn khổ nhất.

Cả hai mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh luôn song hành với nhau, không thể tách rời. Mầu nhiệm Phục sinh khẳng định rằng Chúa Kitô chính là Thiên Chúa thật, vì chỉ có Thiên Chúa mới có thể làm chủ sự sống và sự chết. Mầu nhiệm Tử nạn lại mạc khải cho chúng ta biết: “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4,8). Không có tình yêu nào cao quý cho bằng tình yêu của người hiến dâng mạng sống vì người mình yêu (x.Ga 15,13). Cũng như các Tông đồ xưa, Kitô hũu chúng ta mọi thời cần phải làm chứng rằng Đấng tử nạn đã phục sinh đồng thời phải làm chứng rằng Đấng phục sinh là Đấng đã tử nạn.

Đấng tử nạn đã phục sinh: Khi tuyên bố chân lý này, chúng ta tuyên tín rằng Chúa Kitô chính là Thiên Chúa thật. Người đã phục sinh như lời Người đã tiên báo. Nhìn nhận Chúa Kitô là Thiên Chúa có nghĩa là kính dâng lên Người sự thần phục của chúng ta. Không chỉ chúng ta mà mọi vật mọi loài cần phải suy phục Đấng đã phục sinh như là nguyên lý và là cứu cánh của mọi hiện hữu. Cùng với thánh Phaolô chúng ta tuyên xưng: “Trong Người, muôn vật được tạo thành trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình. Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng hay là bậc quyền năng thượng giới, tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng, nhờ Người và cho Người…” (Col 1,16).

Sự suy tôn, thần phục không chỉ thể hiện bằng việc nhìn nhận những gì chúng ta là, chúng ta có, đều do bởi Đấng đã phục sinh mà còn thể hiện bằng việc gắn bó với Người và hết tâm hết lòng tuân giữ lời Người phán dạy. Thánh Gioan khẳng định qua bài đọc thứ hai:“Căn cứ vào điều này, chúng ta nhận ra rằng chúng ta biết Thiên Chúa: đó là chúng ta tuân giữ các điều răn của Người…”(1 Ga 2, 4). Các Tông đồ xưa đã thực thi điều này khi khẳng khái trước mặt quan quyền rằng: Phải vâng lời Chúa hơn là vâng lời phàm nhân (x.Cvtđ 4,19).

Đấng phục sinh là Đấng đã tử nạn: Chân lý này gợi mở cho chúng ta niềm hy vọng, khi cho thấy tình yêu bao la của Thiên Chúa trong Đức Kitô. Vì yêu thương thế gian, Thiên Chúa đã ban chính Con Một (x.Ga 3,16). “Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người, cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hoà giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời” (Col 1,19-20).

Tuyên xưng Đấng phục sinh là Đấng đã tử nạn thì cũng là nhìn nhận tội ác của con người, của chính mỗi người chúng ta. Vì chúng ta, Đức Kitô đã chịu nộp, chịu khổ hình thập giá. Như thế lời tuyên xưng này luôn bao hàm lời mời gọi hoán cải ăn năn để được ơn tha tội. Thiên Chúa đã rộng ban ơn tha thứ, sự giải hòa, qua cái chết của Đức Kitô. Thánh Tông đồ dân ngoại khẳng định rằng Chúa Kitô đã chết cho chúng ta ngay khi chúng ta còn là kẻ phản nghịch. Ơn cứu độ đã được trao ban, nhưng chúng ta có nhận được sự thứ tha hay không, vẫn còn tuỳ ở mỗi người chúng ta. Nói như thánh Âugustinô: “Thiên Chúa dựng nên tôi, không cần có tôi, nhưng Người không thể cứu tôi mà không cần có tôi”. Và sự sám hối, ăn năn chính là một cách thế căn bản để đón nhận hồng ân tha thứ, hồng ân cứu độ.

Chính anh em là chứng nhân về những điều này. Lời truyền của Đấng Phục sinh năm xưa vẫn còn vọng vang đến những người tin là các Kitô hữu. Ước gì bà con lương dân, anh chị em khác đạo không chỉ nghe các bài ca “Hallêluia, Chúa đã sống lại”, mà còn nhìn thấy các Kitô hữu, cách riêng các mục tử trong Hội Thánh biết sám hối ăn năn, thay đổi đời sống. Các Tông đồ xưa, đã làm chứng nhân trước hết bằng việc dứt bỏ sự ích kỷ, háo danh, hám lợi để sống quảng đại, xả thân vì Danh Chúa và vì hạnh phúc của tha nhân. Các Ngài đã dần bỏ sự hèn nhát mà hiên ngang làm chứng cho sự thật cho dù phải trả bằng chính giá máu… Xin lỗi Đức cố Giáo Hoàng Phaolô VI, không chỉ hôm nay mà cả trước đây lẫn sau này người ta vẫn thích nghe theo các chứng nhân hơn là các nhà giảng thuyết. Cha ông dân Việt đã từng cảm nghiệm rằng: “lời nói gió bay, gương bày lôi kéo”.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Ngoại trưởng Tòa Thánh ca ngợi các nữ tu dấn thân chống nạn buôn người và thúc đẩy hòa giải
Đặng Tự Do
02:12 13/04/2018
Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher, ngoại trưởng Tòa Thánh, đã tham dự một cuộc hội thảo do Đại sứ quán Hoa Kỳ phối hợp với Toà Thánh, Liên hiệp các Bề Trên Dòng Tu, và Tổ chức Đoàn kết với Nam Sudan tổ chức để vinh danh các hoạt động của các nữ tu dấn thân chống nạn buôn người và thúc đẩy hòa giải

Cuộc hội thảo có chủ đề là “Làm thế nào để các nữ tu dấn thân cho công lý, hòa bình và chống buôn người có thể góp phần hiệu quả hơn trong việc đề ra các chính sách ở cấp quốc gia và quốc tế?”

Những người tham gia đã nói về công việc của các chị em phụ nữ ở Châu Phi, Mỹ Latinh, Châu Á và Trung Đông, trong việc kiến tạo hòa bình và mang lại nhiều quyền lợi hơn cho các phụ nữ ở một số nước nghèo hay các nước đang phải sống trong bạo lực hay trong một bối cảnh kinh tế xã hội bất lợi.

Chống lại nạn mại dâm, khiêu dâm và buôn người

Các nữ tu hoạt động chống lại nạn buôn người, mại dâm và ngành công nghiệp khiêu dâm trên không gian mạng đã nói lên sự cần thiết phải giáo dục các cháu bé cũng như làm việc với các chính phủ và mọi thành phần trong xã hội để bảo vệ các nạn nhân và truy tố những kẻ phạm pháp.

Các nữ tu đã chia sẻ những câu chuyện đầy bi kịch và cảm động khi ở bên cạnh những người đang sống giữa chiến tranh và xung đột, đôi khi bị nhắm đến như các mục tiêu, bị cướp, hãm hiếp hay những người toan tính tự tử vì không vượt qua được những thất vọng trong cuộc sống.

Trân trọng những chứng tá can đảm

Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher đã phát biểu từ kinh nghiệm cá nhân của ngài với những nữ tu mà ngài đã gặp khi còn là sứ thần ở Burundi, Guatemala và Úc. Ngài đã bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với công việc can đảm và vị tha của họ, những công việc thường bị coi là thừa thãi và bị đánh giá thấp ngay cả trong Giáo hội và trong xã hội rộng lớn hơn.

Ngài nói: “Đối với tôi, đây là tất cả những tấm gương can đảm của những nữ tu đang sống và hoạt động trên tiền tuyến, họ sống đức tin của mình, dựa vào tất cả các nguồn lực của đức tin và linh đạo của các dòng liên hệ. Họ đã và đang đưa ra các chứng tá cho Giáo Hội và cho Chúa Kitô”.

Giúp cho tiếng nói các nữ tu được lắng nghe

Ngài nói thêm: “Trong tất cả 30 năm làm công việc ngoại giao này thay mặt cho Tòa Thánh, ở khắp mọi nơi, tôi đã được chứng kiến những tấm gương cao đẹp của các nữ tu và tôi không chút nghi ngờ rằng họ sẽ tiếp tục phục vụ nhân loại và Chúa Kitô trong tương lai”

Các nữ tu nhìn thấy sứ mệnh của họ như một món quà ban tặng cho mọi người và cho các quốc gia đang tuyệt vọng tìm kiếm sự chữa lành, hòa giải và hòa bình. Thách thức đối với Vatican và hàng giáo phẩm Công Giáo ở khắp mọi nơi là làm sao để những tiếng nói mạnh mẽ này đến được các hành lang quyền lực và những nơi các quyết định chính trị hoặc kinh tế được đưa ra.
Souece: Vatican News - Religious sisters share stories from the frontline
 
ĐGH Phanxicô: Chúa Giêsu Kitô ban cho chúng ta sự tự do đích thực.
Giuse Thẩm Nguyễn
11:08 13/04/2018
Trong bài giảng Thánh Lễ sáng thứ Sáu 13 tháng Tư năm 2018, tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng tự do Kitô Giáo đích thật là có một lòng trí trong sáng, rộng mở để có chỗ Thiên Chúa ngự vào cuộc đời mình và đi theo Ngài.

Đức Thánh Cha đã trình bày những suy tư của ngài trên ba ví dụ về tự do - người Pharisiêu tên là Gamaliel; hai thánh Tông Đồ Phêrô và Gioan; và Chúa Giêsu.

Tự do mà chúng ta nghe trong mùa Phục Sinh là tự do của con cái Thiên Chúa. Đức Kitô đã ban cho chúng ta sự tự do này “qua hành động cứu chuộc của Người” trên Thánh Giá.

Trường hợp người Pharisiêu tên là Gamaliel

Đức Giáo Hoàng nói rằng Ông Gamaliel là ví dụ đầu tiên về tự do trong bài đọc hôm nay. Ông là một nhà thông luật và là một người Pharisiêu, là người đã thuyết phục Thượng Hội Đồng phóng thích hai vị tông đồ Phêrô và Gioan.

Ông Gamaliel, theo Đức Thánh Cha là một người tự do, ông lý luận với một đầu óc trong sáng và ông đã thuyết phục được những đồng sự rằng “thời gian sẽ trả lời” về phong trào Kitô giáo trong thời đại của ông.

“Người tự do không sợ thời gian. Người ấy để Thiên Chúa thực thi công việc của Người. Người ấy biết chờ đợi. Người tự do là người kiên nhẫn. Gamaliel là một người Do Thái, chứ không phải là một Kitô hữu và ông chưa nhìn nhận Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế. Nhưng ông là một người tự do. Ông nghĩ ra và trình bày ý kiến của mình cho những người khác chấp nhận. Tự do không được thiếu kiên nhẫn.”

Đức Giáo Hoàng thêm rằng quan Philatô cũng lý luận rất khá bằng một đầu óc sáng suốt khi nhận biết Chúa Giêsu vô tội. Nhưng ông không có tự do vì ông không thể vượt qua ý muốn được thăng quan tiến chức. “Quan Philatô thiếu can đảm để có tự do vì ông ta là nô lệ cho sự nghiệp, tham vọng và sự thành đạt.”

Hai Tông Đồ Phêrô và Gioan

Đức Giáo Hoàng đưa ra ví dụ thứ hai về tự do là trường hợp hai Thánh Phêrô và Gioan. Các ngài đã chữa lành cho người bại liệt, trước khi bị điệu ra trước Thượng Hội Đồng, và chỉ được thả ra sau khi đã bị đánh đòn, mặc dù các ngài vô tội.

“Các ngài ra khỏi Thượng Hội Đồng với lòng hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu.” Đức Giáo Hoàng nói rằng đây là “niềm vui được bắt chước Chúa Giêsu. Đó là loại tự do lớn hơn, rộng hơn và mang tính Kitô hơn.”

“Đây là sự tự do của những ai yêu mến Chúa Giêsu Kitô. Họ được đóng ấn của Chúa Thánh Thần qua niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô. ‘Chúa đã làm việc đó vì con, nên con cũng làm việc này vì Chúa’. Ngay trong thời đại của chúng ta, có rất nhiều Kitô hữu bị tù đày, bị tra tấn nhưng họ có tự do để tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô.”

Chúa Giêsu: Một ví dụ tuyệt vời nhất về tự do.

Cuối cùng, Đức Giáo Hoàng nói về ví dụ thứ ba và là ví dụ tuyệt vời nhất cũng như đích thực nhất về tự do là chính Chúa Giêsu.

Khi Chúa hóa bánh ra nhiều trong sa mạc, dân chúng tiến đến để tôn Ngài làm vua. Nhưng Chúa đã trốn lên núi để tránh cái phần số ấy. “Chúa đã tránh khỏi cái vinh quang và không bị mê hoặc bởi cái vinh quang ấy. Ngài tự do, vì sự tự do của Ngài là làm theo thánh ý Chúa Cha để cuối cùng kết thúc bằng cái chết trên Thập Giá. Chúa Giêsu là một ví dụ tuyệt vời nhất về tự do.”

Để kết luận, Đức Thánh Cha nói:

“Hôm nay chúng ta hãy suy nghĩ về sự tự do của chúng ta. Chúng ta có ba ví dụ về tự do: người Pharisiêu Gamaliel, hai Tông Đồ Phêrô và Gioan; và Chúa Giêsu. Chúng ta có sự tự do của người Kitô không? Tôi tự do hay tôi là nô lệ cho những đam mê, tham vọng, giàu sang hay những ảo vọng chóng qua? Tưởng là nói đùa, nhưng thực ra có nhiều người đã là nô lệ cho thời trang! Chúng ta hãy thử suy nghĩ về sự tự do của chúng ta trong một thế giới “tâm thần phân liệt”. Nó la lên “Tự do, tự do, tự do” nhưng thực ra nó là nô lệ. Chúng ta hãy suy ngẫm về sự tự do mà Thiên Chúa ban cho chúng ta trong Chúa Giêsu.”
Source: Vatican News - Pope at Mass: ‘Christ gives true freedom’
 
Chuyện Ơn Gọi hiếm có thời nay: cả hai thành tài sắp đám cưới, lại rủ nhau đi tu.
Trần Mạnh Trác
14:50 13/04/2018
Buenos Aires, Á Căn Đình - Trước khi khám phá ra ơn gọi cuả mình, Cha Javier Olivera và Sơ Marie de la Sagesse đã chuẩn bị làm đám cưới với nhau. Nhưng Chúa lại xếp đặt cho họ một cách khác.

Trả lời phỏng vấn cuả ACI Prensa, văn phòng thông tấn xã CNA bằng tiếng Tây Ban Nha, Cha Olivera cho biết cả hai đều lớn lên trong những gia đình Công Giáo và "cha mẹ chúng tôi lại quen biết nhau từ lúc còn bé." Hai người gặp nhau thường xuyên khi còn là trẻ em.

"Nhưng tôi thực sự không còn giữ đạo nữa. Khi lên 19 tuổi, sau khi đi lang thang kiểu ‘tây ba lô’ ở Peru xong thì tôi trở về nhà và gặp lại cô ấy. Tôi hỏi cô ấy rằng cô có tin vào sự giữ trinh tiết trước khi kết hôn không, bởi vì đối với tôi, đây chỉ là một sáng chế của giáo hội. Cô ta kể ra một loạt các nguyên lý cuả sự tiết trinh một cách rõ ràng và mạch lạc, từ quan điểm triết lý cho đến niềm tin tôn giáo, và điều đó làm cho tôi thật sự ngỡ ngàng. Tôi đã gặp được một người phụ nữ biết bảo vệ những gì cô ấy tin và đồng thời lại rất thông minh," Cha Olivera nhận xét.



Ngay sau cuộc gặp gỡ đó, họ bắt đầu hẹn hò nhau. Tại thời điểm đó, cả hai đang theo học ngành luật. Olivera theo học tại viện Đại học Buenos Aires còn cô ta học tại viện đại học La Plata.

Cha Olivera nói rằng "cũng giống như các việc tán tỉnh bình thường nhưng chúng tôi đã tận dụng những cái đẹp văn hóa qua âm nhạc, văn học và triết học. Chúng tôi chung nhau đọc sách, chúng tôi rủ nhau ra quán uống cà phê. Chúng tôi nhập bọn với bạn bè đi tham dự hội nghị văn chương của các tác giả Công Giáo Argentina."

"Tôi bắt đầu thực hành đức tin trở lại, tức là cầu nguyện và đi lễ Chúa Nhật. Tất cả phần lớn là nhờ ở cô ấy, Thiên Chúa chủ yếu dùng cô ấy như một công cụ," Cha Olivera nói, thêm rằng họ cũng lần chuỗi Mân Côi chung với nhau.

Về phần mình, Sơ Marie de la Sagesse, tên rửa tội là Trinidad Maria Guiomar, nói với ACI Prensa rằng những gì Sơ đánh giá cao nhất về người bạn trai là "sự chân thành tìm kiếm sự thật mà không lo sợ hậu quả."

Họ đính hôn với nhau khi vừa lên 21 tuổi và quyết định sẽ kết hôn sau khi ra trường đại học, tức là 2 năm rưỡi sau đó.



Khám phá ra ơn gọi

Bỗng một ngày kia, người anh trai cuả Trinidad Maria đã tung ra một tin động trời là anh ta sẽ gia nhập chủng viện, và Sơ ấy nhớ lại cảnh tượng lúc ấy, "gia đình chúng tôi đã chóng váng quay cuồng bởi vì chúng tôi không thể tưởng tượng ra việc đó nổi."

"Tôi đang có xe hơi và với vị hôn thê của tôi, chúng tôi quyết định đưa anh ta đến chủng viện ở San Rafael, tỉnh Mendoza, " Sơ nói. Cả hai chúng tôi quyết định nấn ná ở lại thêm một vài ngày để Javier có cơ hội gặp lại một số bạn bè cũ nay cũng đang ở chủng viện, và Trinidad Maria có thể gặp lại một số bạn bè trong một dòng nữ ở đó.

Cha Olivera kể tiếp: "Khi chúng tôi trở về, chúng tôi bàn luận về tất cả những chuyện điên rồ đó, rằng thật là uổng phí khi người anh trai cuả cô bỏ lại tất cả mọi thứ, trong đó là một gia đình tương lai và một sự nghiệp quan trọng. Nhưng chúng tôi cũng bắt đầu tự hỏi, 'Điều gì sẽ xảy ra nếu Thiên Chúa cũng gọi chúng tôi như vậy?' Và câu trả lời đầu tiên là, “không” một cách rất mạnh mẽ, đó là việc điên rồ, vì chúng tôi đã vừa trải qua một cuộc hứa hôn thực sự đẹp và chúng tôi đã mua xắm đáng kể cho lễ thành hôn."

Nhiều tuần trôi qua, nhưng câu hỏi vẫn ám ảnh mãi: "Trong cái đáy sâu thẳm cuả linh hồn, tôi liên tục suy nghĩ về những gì sẽ xảy ra nếu Thiên Chúa gọi tôi, nếu tôi để lại tất cả mọi thứ, tại sao không phải là một linh mục nhỉ? Cách tốt nhất để được lên thiên đường là cuộc sống linh mục hay cuộc sống vợ chồng? Nơi nào, tôi có thể làm tốt nhất?"

Sau rất nhiều trăn trở, Cha Olivera đã quyết định cho vị hôn thê cuả mình biết về mối quan tâm ấy, bất ngờ thay, cô ấy cũng thú nhận rằng cô đã "nghĩ những điều tương tự" sau khi người anh trai gia nhập chủng viện.

Tuy nhiên, họ đã không quyết định gì cả. "Vì chúng tôi vẫn còn hai năm nữa thì mới học xong, đó là một lý do tuyệt vời để mà trì hoãn," Cha Olivera nói.



Họ đã kiếm tới "một cha giáo rất thận trọng" để làm cố vấn, và vị linh mục nói với họ: "nhìn này, đó là một vấn đề riêng giữa mỗi một người chúng con và Thiên Chúa. Không ai có thể can thiệp vào chuyện linh hồn."

Về phần mình, Sơ Marie de la Sagesse nói với ACI Prensa rằng "đó là một thời gian rất dài để suy nghĩ một cách thật sâu xa, dài tới hai năm, cho đến khi tôi nhận thức rõ ràng rằng Thiên Chúa đã dành một đời sống tận hiến cho tôi, và tôi không còn chút nghi ngờ nào rằng Ngài muốn tôi từ bỏ tất cả. "

Sau khi ra trường, cả hai đều chấp nhận ơn gọi của họ. Năm 2008, khi cả hai đều lên 31, Olivera được thụ phong linh mục tại giáo phận San Rafael, và Marie de la Sagesse khấn trọn đời trong dòng Chúa Giêsu Thương Xót.



Cha Olivera hiện tại làm giáo sư đại chủng viện và có một blog là "Que no te la cuenten" (tìm cho chính mình). Ngài viết một cuốn sách dạy về cách giải quyết những chuyện nghi ngờ có tựa đề "¿Alguna vez pensaste? El llamado de Cristo "(bạn có bao giờ nghĩ về nó không? Ơn gọi của Chúa Kitô).

Sơ Marie de la Sagesse thì sống ở miền nam nước Pháp và phục vụ ở giáo xứ Saint Laurent, giáo phận Fréjus-Toulon.

Nhắc đến câu chuyện của họ, Sơ nói rằng "tôi coi đó là một ân sủng đặc biệt khi cả hai chúng tôi đã nhận được ơn gọi hầu như cùng một lúc. Vì vậy, sự quan phòng cuả Chuá thì thật là chu đáo, Ngài không bỏ mất bất kỳ một chi tiết nhỏ nhặt nào. Và điều mà tôi thực sự đánh giá cao là chúng tôi vẫn còn là bạn và không chỉ cho chúng tôi mà thôi, nhưng cho cả hai gia đình chúng tôi nữa."
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Nén Hương Tháng Tư
Nguyễn Bá Khanh
08:48 13/04/2018
NÉN HƯƠNG THÁNG TƯ
Ảnh của Nguyễn Bá Khanh
Tháng tư lên chùa thắp hương
Cầu cho quê cũ nhiễu nhương chẳng còn.
(nbk)