Ngày 11-04-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Sứ điệp Phục Sinh
Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
07:21 11/04/2017
Chúa Nhật Phục Sinh, năm A
Cv 10, 34.37-43 Cl 3, 1-4 Ga 20, 1-9

Sứ điệp Phục Sinh

Tin Mừng Phục Sinh mà hôm nay chúng ta công bố là hễ có Thứ Sáu Thánh thì cũng có Chúa Nhật Phục Sinh. Tin Mừng hay Sứ điệp Phục Sinh cũng chính là Đức Giêsu sống lại, Ngài vẫn sống và đang hoạt động trong cuộc đời của chúng ta, trong thế giới chúng ta đang sống. Tin Mừng Phục Sinh cũng chính là không phải chúng ta phải đợi lúc chết mới có thể tham dự vào mầu nhiệm Phục Sinh, nhưng chúng ta vẫn có thể tham dự vào mầu nhiệm này khi chúng ta đang sống, đang có mặt giờ này đây, trong thánh lễ Phục Sinh mà chúng ta đang cử hành. Để làm được điều ấy, chúng ta mọi người hãy mở rộng tâm hồn, mở rộng con tim để đón nhận ơn cứu độ chính Chúa Phục Sinh đã ban cho nhân loại cách đây hơn hai ngàn năm…

Thánh Phaolô so sánh thân xác trước khi sống lại như một hạt giống và thân xác sau khi sống lại như một cây non trồi lên từ hạt giống ấy. Do đó, trong thư thứ nhất gửi giáo đoàn Corintô, Ngài viết :” Và cái ngươi gieo, hẳn không phải là cái hình thể sẽ hóa ra sau mà ngươi gieo, nhưng là một hạt trơ trụi, tỉ như hạt lúa hay thứ giống nào khác…Cũng vậy về sự kẻ chết sống lại: gieo xuống trong hư hoại, sống lại trong bất hoại; gieo xuống trong ô nhục, sống lại trong vinh quang; gieo xuống trong yếu đuối, sống lại trong quyền năng;gieo xuống là xác khí huyết, sống lại là xác thần thiêng! Nếu có xác khí huyết, thì cũng có xác thần thiêng ! ( 1 Co 15, 37.42-44 ). Đặc biệt trong lá thư này, thánh Phaolô bảo rằng chúng ta sẽ tham dự vào sự Sống lại của Chúa Giêsu, Ngài viết :” Nhưng kỳ thực, Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết, tiên thường của các vong linh. Vì chưng sự chết do bởi một người, thì sự kẻ chết sống lại cũng do bởi một người. Quả thế, cũng như nơi Ađam mọi người đều phải chết, thì trong Đức Kitô, mọi người cũng sẽ được tác sinh…Và cũng như ta đã mang hình ảnh người trần ai, ta cũng hãy mang lấy hình ảnh của người thiên thai “( 1 Co 15, 20-22.49 ). Tuy nhiên, thánh Phaolô khuyên chúng ta đi xa hơn thế nữa là chúng ta có thể tham dự vào sự Phục Sinh của Chúa Giêsu ngay bây giờ không cần phải đợi đến lúc chết…

Maria Mađalêna đã có kinh nghiệm về sự Phục Sinh của Đức Giêsu. Kinh nghiệm của Maria Mađalêna là do sự can thiệp, do bàn tay của chính Thiên Chúa. Maria Mađalêna kể lại biến cố ngôi mộ trống cho Phêrô và Gioan người môn đệ được Chúa Giêsu yêu mến. Cả Phêrô và cả Gioan đã tận mắt chứng kiến sự kiện mồ trống. Ngôi mộ trống là thách đố lớn cho những người hoài nghi, những người không tin, chỉ dừng chân bên ngoài, tuy nhiên, nó lại là bằng chứng hùng hồn, bằng chứng đức tin cho những ai dám bước vào trong ngôi mộ trống. Vâng, tảng đá được lăn ra không phải là để Chúa Phục Sinh bước ra nhưng là để mọi người có đức tin bước vào và nhận ra Chúa đã khải hoàn từ trong kẻ chết. Ngôi mộ trống là bằng chứng sâu xa, siêu vời cho tất cả nhưng kẻ có đức tin.

Giờ đây, lúc này, chúng ta có thể tham dự vào sự Phục Sinh và năng lực Phục Sinh của Đức Kitô. Mỗi lần chúng ta sống yêu thương, bác ái, xóa bỏ hận thù, đẩy xa tỵ hiềm là chúng ta tham dự vào năng lực quyền năng Phục Sinh của Chúa Giêsu.

Mỗi lần chúng ta sống hy vọng, tin tưởng là chúng ta tham dự vào mầu nhiệm Phục Sinh của Đức Kitô.

Mỗi lần ngã, chúng ta tiếp tục can đảm chỗi dậy, vươn cao, đầu cao mắt sáng là chúng ta tham dự vào mầu nhiệm Phục Sinh.

Chúa Giêsu đã giảng dạy, đã làm phép lạ, đã công bố Nước Trời, nhưng tất cả nhân loại sẽ thấy, sẽ hiểu, sẽ học được nhiều điều nếu tất cả chúng ta dám bước vào ngôi mộ trống, chúng ta sẽ học được rất nhiều điều nơi Đức Giêsu Phục Sinh. Đức Kitô đã chinh phục thế giới, muôn người qua cái chết và sự sống lại của Người. Chúng ta cũng có thể chinh phục được những người khác nếu chúng ta đặt tin tưởng nơi Người. Đó là tất cả những gì gì làm nên sự Phục Sinh và đó là tất cả những gì chúng ta mừng lễ Phục Sinh hôm nay.

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin ban thêm đức tin cho chúng con để chúng con dám bước vào bên trong ngôi mộ trống và chúng con hiểu, chúng con tin và nhận ra Chúa đã Phục Sinh. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Maria Mađalêna đã có kinh nghiệm gì về sự Phục Sinh của Chúa ?
2.Ngôi mộ trống có ý nghĩa gì ?
3.Tại sao Gioan tới mộ trước mà Ông chưa vào ?
4.Khi Gioan vào trong mộ, Ông đã lam sao ?
5.Đối với Ông Bà Anh Chị Em, ngôi mộ trống có ý nghĩa gì ?
 
Tình yêu cao vời
Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
07:26 11/04/2017
Chiều Thứ Năm Tuần Thánh 2017

Tình yêu cao vời

Hôm nay, Giáo Hội cho chúng ta nhìn vào thực tế gương Chúa Giêsu mà các linh mục là những người đại diện Chúa để làm lại những việc xưa Ngài đã làm trước khi vâng lệnh Đức Chúa Cha để thực hiện ý định cứu rỗi nhân loại. Thật vậy, Chúa Giêsu đã để lại cho nhân loại, cho Giáo Hội ba tặng vật thật cao quí, ba việc làm vô biên để con người ghi nhớ muôn đời : rửa chân, lập bí tích Thánh Thể, chức Linh mục thừa tác. Ba việc làm này liên kết hết sức mật thiết với nhau.

Tin mừng viết trong khi ăn lễ Vượt Qua với các môn đệ ở một căn phòng trên lầu:” Chúa Giêsu chỗi dậy ,cởi áo, lấy khăn thắt lưng, rồi đổ nước vào chậu; Người liền rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau “. Linh mục được mời gọi hoàn thành sứ mạng Mục Tử :” Ta đến cho chiên được sống và sống dồi dào “ ( Ga 10, 10 ) hoặc “ đến để phục vụ, chứ không phải để được hầu hạ “. Linh mục là người được xức dầu Thành Thần như Đức Kitô được Thiên Chúa Cha sai đến với mọi người dân có đạo cũng như dân ngoại, để phục vụ họ theo gương Đức Kitô. Do đó, linh mục luôn cần có Đức Ái Mục Tử đến để cho chiên được sống và sống dồi dào. Rửa chân nói lên sự khiêm nhường, lòng yêu mến thâm sâu. Rửa chân là cúi mình như Đức Kitô quên mình là Thầy, là Chúa, coi mình như một tên nô lệ, hầu hạ chủ mình.

Chúa Giêsu đã thiết lập Bí tích Thánh Thể để dưỡng nuôi nhân loại, dưỡng nuôi con người bằng chính Thịt Máu của Người. Linh mục khi đọc lời truyền phép là chính Đức Kitô đọc lời truyền. Đây là mầu nhiệm đức tin bởi vì linh mục là Chúa Kitô khác ( Alter Christus ). Linh mục là tiên tri vì tin điều Chúa, Giáo Hội dạy, dạy điều linh mục tin và sống điều linh mục dạy. Linh mục là người phải can đảm sống lời của Chúa, sống chết làm chứng cho Chúa :” Phần chúng tôi, những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra “ ( Cv 4, 20 ).

Chúa cũng truyền cho các môn đệ :” Yêu thương như Thầy yêu “. Yêu thương là giới luật quan trọngChúa đã để lại cho các môn đệ và cho thế giới, cho nhân loại. Chúa Giêsu đã kiện giới luật yêu thương. Đây là Đức Ái toàn hảo hơn mọi giới luật. Chúa muốn các môn đệ, các linh mục hãy mặc lấy Ngài để sống yêu thương và phục vụ mọi người.
Chiều nay, chúng ta đặc biệt cầu nguyện cho các linh mục đang thay mặt Chúa làm những công việc của Chúa đã làm. Tuy có sứ mạng cao cả như thế nhưng các linh mục vẫn chỉ là những con người yếu đuối, nên những việc cao cả, công việc cứu thế lại được chứa đựng trong chiếc bình sành dễ vỡ là chính thân xác yếu hèn của mình như lời thánh Phaolô đã viết ( 2 Co 4, 7 ).

Chúng ta càng phải cầu nguyện nhiều cho các linh mục để các ngài luôn làm tròn sứ mạng Thiên Chúa và Giáo Hội trao phó, ủy thác.Trên thế giới ngày nay, nhiều nơi vẫn thiếu các linh mục trầm trọng, nhiều nước không có ơn gọi, do đó, nhiều địa phận có nhiều giáo xứ nhưng không hề có linh mục…Xin Chúa sai nhiều thợ gặt lành nghề để vườn nho Chúa luôn có thợ gặt.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa thương các linh mục để các ngài luôn hoàn thành sứ mạng cao cả Thiên Chúa và Giáo Hội đã chọn,và trao phó cho các ngài.Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Chức linh mục phổ quát và chức linh thừa tác là gì ?
2.Chúa Giêsu đã thiết lập bí tích Thánh Thể vào lúc nào, vào dịp nào ?
3.Tại sao lại có linh mục bị sa ngã ?
4.Chúng ta phải làm gì đối với các linh mục ?

 
Tôn Thờ Thánh Giá Khám Phá Tình Yêu
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
08:06 11/04/2017
Tôn Thờ Thánh Giá Khám Phá Tình Yêu

SUY TÔN THÁNH GIÁ CHÚA

Thứ Sáu Tuần Thánh

(Ga 18,1-19,42)

Hôm nay, Giáo Hội, Hiền Thê yêu dấu nhìn lên Thánh Giá nơi treo Chúa Giêsu vị Phu Quân của mình, chân tay đanh nhọn đâm thâu, cạnh sườn lưỡi đòng đâm thủng, máu cùng nước chảy ra làm cho Giáo Hội nhớ đến ngày mình được sinh ra từ cạnh sườn Chúa, lúc Chúa ngủ trên Thánh Giá với tất cả tình yêu. Bởi theo thánh Ambrosiô, lúc Ađam đang ngủ Thiên Chúa đã lấy xương sườn của ông để tạo dựng Evà thế nào, thì lúc Chúa Giêsu chết nằm trên Thánh Giá, Giáo Hội cũng được sinh ra từ Trái Tim bị đâm thủng của Chúa Giêsu như vậy, và Giáo Hội tưởng nhớ đến tình yêu dâng trào ấy.

Giảng trong Thánh lễ sáng thứ ba ngày 15/03/2016, tại nguyện đường Thánh Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô nói : "Nếu muốn biết ‘câu chuyện tình’ mà Thiên Chúa dành cho nhân loại, chúng ta phải ngắm nhìn Thánh Giá, nơi ấy có một vị Thiên Chúa đã hoàn toàn ‘trút bỏ vinh quang’, sẵn sàng bị ‘vấy bẩn’ bởi tội lỗi con người để cứu con người khỏi chết".

Thật không thể hiểu nổi Thiên Chúa yêu thương chúng ta biết chừng nào. Người đã yêu chúng ta bằng tình yêu vô bờ bến, tình yêu thương xót và thứ tha, khi phải mang trên mình những đau khổ vì tội lỗi chúng ta. Bài ca thứ tư của người Tôi Tớ Chúa được Isaia mô tả : "Người chẳng còn hình dáng, cũng chẳng còn sắc đẹp để chúng ta nhìn ngắm, không còn vẻ bên ngoài, để chúng ta yêu thích; bị người đời khinh dể như kẻ thấp hèn nhất, như kẻ đớn đau nhất, như kẻ bệnh hoạn, như một người bị che mặt và bị khinh dể, bởi đó, chúng ta không kể chi đến người.

Thật sự, người đã mang lấy sự đau yếu của chúng ta, người đã gánh lấy sự đau khổ của chúng ta. Mà chúng ta lại coi người như kẻ phong cùi, bị Thiên Chúa đánh phạt và làm cho nhuốc hổ. Nhưng người đã bị thương tích vì tội lỗi chúng ta, bị tan nát vì sự gian ác chúng ta. Người lãnh lấy hình phạt cho chúng ta được bình an, và bởi thương tích người mà chúng ta được chữa lành. Tất cả chúng ta lang thang như chiên cừu, mỗi người một ngả. Chúa đã chất trên người tội ác của tất cả chúng ta" (Is 53, 2-6).

Người ta nói rằng : nếu tất cả Thánh Kinh trên trái đất này bị hủy diệt bởi tai biến nào đó hay bởi một cơn thịnh nộ phá hủy các hình tượng tôn giáo và chỉ còn một bản Kinh Thánh, và bản còn lại đó cũng bị hư hại đến mức chỉ còn một trang, và nếu trang đó nhăn nheo đến độ chỉ còn một dòng có thể đọc được, và nếu dòng đó là thư thứ nhất của thánh Gioan viết "Thiên Chúa là Tình Yêu ", thì coi như toàn bộ Thánh Kinh được khôi phục, bởi vì toàn bộ nội dung là ở đó. Mầu Nhiệm Thập Giá mà chúng ta cử hành là bằng chứng. Vì thế, khi suy tôn Thánh giá Chúa, kính nhớ Chúa chịu chết, chúng ta cảm nhận được sự thật rằng : "Thiên Chúa là Tình Yêu".

Phần tiếp theo của nghi thức chiều nay là thờ lạy Thánh Giá, tiến xướng chúng ta hát : Lạy Chúa, chúng con tôn thờ Thánh Giá Chúa… vì nhờ gỗ này mà cả vũ trụ được hân hoan. Tại sao vậy ?

Thưa, Thánh Giá không phải là đồ trang sức, không phải là một công trình nghệ thuật được đính nhiều đá quý và kim cương lấp lánh. Nhưng như chúng ta thấy, Thánh Giá là mầu nhiệm tự hủy của Thiên Chúa vì yêu thương. Đây chính là câu chuyện về ơn cứu độ của chúng ta. Đây cũng là chuyện tình của Thiên Chúa.

Với khí giới của riêng mình là cây Thánh Giá, Chúa Giêsu đã chiến thắng cách diệu kỳ. Nếu như đã có một người nữ tên là Evà bị thất bại trước khí cụ của con rắn xưa là cây trái cấm, đem sự chết vào thế gian, Ađam phải chết. Thì nay, Đức Maria, thay thế Evà, cũng với cây sự sống, cây biết lành biết dữ làm gỗ giá treo Chúa Giêsu lên, Người đã đánh bại tử thần, sống lại hiển vinh, cứu con cháu Ađam khỏi chết. Ma quỷ đã bị đánh bại bởi cùng một phương tiện mà nó đã chiến thắng. Ma quỉ đã dùng cây để quật ngã Adam, Chúa Giêsu Kitô đã dùng cây Thánh Giá để đánh bại Nó. Cây trái cấm đã ném con người vào vực thẳm, nay gỗ Thánh Giá kéo con người lên. Cây trái cấm đã làm cho con người mất đi tình thân nghĩa thiết với Thiên Chúa, tống con người vào ngục ; nay gỗ Thánh Giá tước lấy vũ khí của ma quỉ đã chiến thắng con người, giúp con người vượt qua trần thế. Cái chết của Adam đã kéo theo con cháu mình là kẻ sinh sau ông ; sự chết của Chúa Giêsu Kitô mang lại sự sống cho những kẻ sinh ra trước Người. Quả làm một tuyệt phẩm về tình yêu giữa Thiên Chúa với nhân loại từ cây Thánh Giá.

Thánh Giá là cờ vua cả toàn thắng đã cứu chúng ta cho khỏi tay ma quỉ, là vũ khí chông lại tội lỗi, là thanh gươm sắc bén Chúa Giêsu dùng để chiến thắng con rắn xưa. Thánh Giá là ý Chúa Cha, là vinh quang của Chúa Con độc nhất, là chiến thắng của Thánh Thần Thiên Chúa, là niềm vinh dự của các thiên thần, là sự an toàn của Giáo Hội, là bức tường thành của các vị thánh, niềm tự hào của thánh Phaolô, là ánh sáng chiếu soi trên toàn thế giới. Từ đây, "sự chết đã bị vùi trong toàn thắng. Tử thần hỡi, đắc thắng của ngươi đâu? Tử thần hỡi, nọc của ngươi đâu?" (1Cr 15, 54-55).

Thế giới khi nhìn xem Con Thiên Chúa chịu đóng đinh, rùng mình, trời đất động địa, đã vỡ ra ; nhưng trái tim của những người Do Thái, cứng hơn đá vẫn không động đậy. Các màn trong đền thờ bị xé ra; nhưng các âm mưu phạm tội vẫn không bị phá vỡ. Tại sao màn che bị xé ? Phải chăng đền thờ đau đớn khi chứng kiến cảnh Thiên Chúa bị giết bên ngoài trên bàn thờ Thập Giá; và khăn che trong đền thờ xé ra như muốn nói với mọi người rằng: sẽ có nhiều đền thờ trở nên hoang vắng và bị bỏ rơi. Chúng ta hãy học để chiến thắng mà không phải chiến đấu, không phải dàn trận, vũ khí không dính máu, chúng ta không bị thương vong nhưng lại giành chiến thắng : Thiên Chúa chiến đấu, còn vương niệm chiến thắng chúng ta nhận.

Lạy Chúa, chúng con tôn thờ Thánh Giá Chúa. Xin Chúa cho chúng con khi nhìn ngắm Thánh Giá Chúa, biết khám phá ra rằng, Thiên Chúa đã chết chỉ vì yêu, để chúng con biết yêu thương nhau hầu chứng tỏ rằng chúng con yêu Chúa, vì đó là cốt lõi của Đạo Chúa. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Suy Niệm Thứ Bảy Vọng Phục Sinh 2017
LM. Anthony Trung Thành
08:08 11/04/2017
Suy Niệm Thứ Bảy Vọng Phục Sinh 2017

Tối thứ Bảy Vọng Phục Sinh hôm nay được gọi là “Mẹ các đêm Vọng.” Phụng vụ gồm có bốn phần: Phần thứ nhất là nghi thức thắp nến Phục Sinh; Phần thứ hai là phụng vụ Lời Chúa; Phần thứ ba là phụng vụ Thánh Tẩy; Phần thứ tư là phụng vụ Thánh Thể.

Phần thứ nhất, nghi thức thắp nến Phục Sinh: Còn gọi là phụng vụ Ánh Sáng, là ghi dấu sự vượt qua từ bóng tối sang ánh sáng. Từ sau lễ chiều thứ Năm, đặc biệt sau nghi thức tưởng niệm cái chết của Đức Giêsu vào lúc 3 giờ chiều ngày thứ Sáu cho đến trước lễ vọng tối thứ Bảy hôm nay, phụng vụ gọi là thời gian thầm lặng. Giáo Hội tưởng nhớ Đức Giêsu bị bắt, chịu khổ nạn, chịu chết trên thánh giá và nhất là thân xác Ngài đang an nghỉ trong mồ. Thời gian này năm xưa, tâm trạng các môn đệ của Đức Giêsu hoàn toàn thất vọng, coi như mọi sự đã chấm dứt: người Thầy mà mình theo đuổi bấy lâu nay đã thất bại hoàn toàn. Nhưng, trong thực tế Đức Giêsu không thất bại, Ngài đã chiến thắng, vì thập giá là con đường Ngài tự nguyện đi qua để bước vào Phục Sinh Vinh Quang. Thánh Phaolô đã nói: “Đức Giêsu đã hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên cây thập giá” (Pl 2,8). Đó là con đường mà Chúa Cha đã định cho Ngài để cứu độ nhân loại. Thư Do Thái cho biết: “Người đã học vâng phục do những đau khổ Người chịu, và khi hoàn tất, Người đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời” (Dt 5,8-9). Chính Ngài cũng đã báo trước về sự phục sinh của Ngài rằng “Ngày thứ ba Ngài sẽ sống lại”(Mc 9,31).

Ngài chính là Ánh Sáng. Ngài tuyên bố rằng: “Tôi là ánh sáng thế gian, ai theo Tôi sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống” (Ga 8,12). Ánh sáng đó đã bừng lên trong đêm nay. Vì thế, sau phần làm phép lửa và chuẩn bị nến. Linh mục lấy lửa và thắp vào cây nến Phục Sinh, và công bố ba lần rằng: “Ánh Sáng Chúa Kitô.” Ánh sáng Đức Giêsu Kitô được thắp lên xua tan bóng tối.

Đó là niềm vui của toàn thể nhân loại. Niềm vui đó được thể hiện một cách đầy đủ trong bài công bố Tin Mừng Phục Sinh. Đức ông Phanxicô Borgia Trần Văn Khả cho biết: “Bài công bố Tin mừng Phục sinh đã diễn tả nội dung huyền nhiệm và cao cả của Đêm Vọng Phục sinh, khi nhắc lại cuộc thương khó và sống lại của Chúa Kitô ; khi ca tụng Chúa Kitô là Chúa cứu độ và diễn tả mầu nhiệm con người được cứu rỗi.”

Phần thứ hai, phụng vụ Lời Chúa: Khởi đầu phần phụng vụ Lời Chúa, linh mục mời gọi cộng đoàn: “Anh chị em thân mến, chúng ta đã long trọng khai mạc đêm canh thức Vượt Qua, giờ đây chúng ta hãy đem lòng sốt sắng lắng nghe Lời Chúa. Chúng ta sẽ ngẫm xem trong thời Cựu Ước, Chúa đã cứu chuộc dân Người làm sao và trong thời đại cuối cùng này, Người lại sai Con Một để cứu chuộc chúng ta thế nào. Vậy chúng ta hãy xin Chúa hoàn tất công trình cứu chuộc Người đã khởi sự trong mầu nhiệm Vượt Qua.”

Nội dung lời mời gọi trên nói lên tất cả. Thật vậy, các bài đọc hôm nay khơi lên những thời điểm chính yếu của lịch sử cứu độ, quyền năng của Thiên Chúa được thể hiện từ thời Cựu Ước sang thời Tân Ước: Quyền năng của Thiên Chúa được thể hiện qua việc tạo dựng; qua việc Abraham hiến tế Isaac và sau đó được Chúa chúc phúc cho dòng dõi của ông; quyền năng của Thiên Chúa được thể hiện qua việc Thiên Chúa giải thoát dân Do Thái khỏi cảnh nô lệ bên Ai cập và đưa về đất hứa; đặc biệt quyền năng của Thiên Chúa được thể hiện qua việc Ngài tự mình sống lại. Bài Tin Mừng Thánh Mathêu cho biết Đức Giêsu đã sống lại qua hình ảnh ngôi mộ trống, đặc biệt qua lời chứng của Thiên Thần: “Các bà đừng sợ. Ta biết các bà tìm Chúa Giêsu, Người đã chịu đóng đinh. Người không có ở đây vì Người đã sống lại như lời Người đã nói. Các bà hãy đến mà coi nơi đã đặt Người và đi ngay bảo các môn đệ Người rằng: Người đã sống lại, và kìa Người đến xứ Galilêa trước các ông: Ở đó các ông sẽ gặp Người. Ðây Ta đã báo trước cho các bà hay”(Mt 28,5-7). Cũng qua bài Tin Mừng hôm nay Thánh Mathêu cho chúng ta biết, chính Chúa Phục Sinh đã đích thân hiện ra nói với các bà rằng: “Các bà đừng sợ. Hãy đi báo tin cho các anh em Ta phải trở về Galilêa, rồi ở đó, họ sẽ gặp Ta” (Mt 28,10).

Tóm lại, phụng vụ Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta thấy được tình thương và quyền năng của Thiên Chúa từ thời Cựu Ước sang thời Tân Ước, nhất là thêm lòng tin tưởng vào biến cố Chúa đã Phục Sinh.

Phần thứ ba, phụng vụ Thánh Tẩy: Tuyên thệ lời hứa khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội. Với nghi thức tuyên thệ này, Giáo Hội nhắc nhở chúng ta sống lời dạy của Thánh Phaolô về Phép Rửa Tội, hãy hiên ngang dấn thân theo Chúa và trung thành phụng sự Người: Hãy chết đi cho tội để được sống lại với Người (x. Rm 6, 3-11). Với tâm tình đó, toàn thể cộng đoàn lặp lại lời từ bỏ ma quỷ và tuyên xưng đức tin khi chịu phép Rửa Tội. Đó cũng là lời mời gọi sống tâm tình của Bí tích Rửa Tội trong suốt hành trình dương thế của mỗi Kitô hữu chúng ta.

Phần thứ tư, phụng vụ Thánh Thể: Đây là phần quan trọng không thể thiếu của mỗi thánh lễ. Đặc biệt trong Đêm Vọng Phục Sinh hôm nay, phần phụng vụ Thánh Thể chính là “ăn Chiên Vượt Qua đã chịu hiến tế để cứu thoát loài người khỏi tội. Trong cử hành này, Giáo Hội cũng muốn xác nhận và tuyên xưng rằng mình đang thuộc về một giao ước mới, để từ nay, chúng ta không còn lạc lõng trong thế gian nữa, nhưng đã được kết hiệp mật thiết với triều đình thiên quốc nhờ bửu huyết Đức Kitô Tử Nạn và Phục Sinh.” Xin cho mỗi người chúng ta luôn biết siêng năng cử hành nghi lễ Thánh Thể mỗi ngày, đồng thời dọn mình sốt sắng lãnh nhận chính Mình Máu Thánh Đức Giêsu để làm linh dược nuôi sống linh hồn.

Lạy Chúa Kitô Phục Sinh, Chúa đã chiến thắng tử thần và sống lại vinh quang. Xin cho mỗi người chúng con cũng được chiến thắng mọi thử thách gian nan trong cuộc sống, hầu được cùng Phục Sinh với Ngài trên nước Thiên đàng . Amen.

Lm. Anthony Trung Thành
 
Lễ tiệc ly: Ra đi với ''chiếc lọ mòng dòn''
Lm Giuse Trương Đình Hiền
19:49 11/04/2017
RA ĐI VỚI “CHIÊC LỌ MỎNG DÒN”

(LỄ TIỆC LY 2017)

Tin mừng Thánh Gioan mà chúng ta vừa nghe đã mở đầu bằng một mệnh đề mà trong đó có tới 2 từ “GIỜ” được nhấn mạnh : “Trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu biết “GIỜ” của Người đã đến, “GIỜ” phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha.”

Chúng ta biết, Thánh Tông Đồ Gioan đã khéo léo tổng hợp ý nghĩa thần học về khái niệm “Giờ” của Thánh Kinh bao gồm 2 ý niệm : “Giờ” cánh chung của chương trình cứu độ (Cánh chung luận) và “Giờ” khổ nạn của Đấng Cứu Thế (Ki-Tô luận).( )

Thật vậy, với Thánh Gioan, Đức Kitô chính là Đấng được Chúa Cha sai đến để thực hiện chương trình cứu độ (tôn vinh Thiên Chúa – Cứu độ con người) ; và Ngài đã thực hiện hoàn tất chương trình đó qua con đường “vượt qua” của mình (Khổ nạn-chết-sống lại-lên trời). Chính trong viễn tượng đó, Thánh Gioan đã trình bày một Đức Kitô dấn thân vào hành trình khổ nạn như tiến tới đĩnh điểm của cuộc tôn vinh, của ngày toàn thắng, của sự mạc khải tối hậu chân dung và sứ mạng của Ngài :

“Đã đến giờ Con Người được tôn vinh” (Ga 12,23).

“Lạy Cha, giờ đã đến ! xin Cha tôn vinh Con Cha, để Con Cha tôn vinh Cha ! (Ga 17,1)

Và chính qua khung cảnh phụng vụ của Thánh lễ Tiệc Ly nầy, Lời Chúa và cách “giải trình” của các nghi thức phụng vụ đã cho chúng ta từng bước đi sâu vào huyền nhiệm “Giờ” của Đức Kitô, để từ đó, chúng ta sống cái “giờ” của Ngài trong chính đời thường của chúng ta hôm nay.

Trước hết, trích đoạn sách Xuất Hành tường thuật lại nghi lễ Vượt Qua mà Chúa truyền cho Mô-sê và A-ha-ron thông báo cho dân Ít-ra-en thực hiện trước khi “xuất Ai Cập” lên đường về đất hứa. Dấu chỉ đặc trưng của “bữa ăn Vượt Qua” nguyên thủy nầy chính là “Con chiên bị sát tế” và “máu chiên ghi trên khung cửa nhà”. Cũng như bao người Do Thái khác, Đức Kitô hằng năm đã cử hành Lễ Vượt Qua nầy; và chính trong bữa ăn Vượt qua cuối cùng – Giờ đã đến- (mà hôm nay Phụng Vụ đang tái diễn), Đức Kitô đã biến mình thành “con chiên vượt qua bị sát tế” khi biến bánh thành thịt và rượu thành máu. Lễ Vượt qua của giao ước cũ (Cựu Ước) mang giá trị tiên báo nay đã được hoàn tất và hiện thực qua Tiệc Thánh Thể của Giao ước Mới. “Máu Giao ước mới và vĩnh cửu sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội…” ( )

Và chúng ta cũng biết rằng : sau khi cử hành Lễ Vượt Qua, dân Ít-ra-en đã cùng với Mô-sê lên đường, vượt qua kiếp đời nô lệ để tìm về đất hứa của tự do trong đời sống của một dân tộc được Chúa tuyển chọn. Trong khi đó, sau Tiệc Thánh Thể, Chúa Kitô đã dấn thân vào con đường khổ nạn-chết trên thánh giá và phục sinh để mang ơn cứu độ cho đoàn Dân Mới được cứu chuộc : “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi.”(Ga 12,32).

Còn chúng ta thì sao ? Thánh Phaolô trong thư gởi giáo đoàn Cô-rin-tô nơi BĐ 2 đã nhắc nhở : “Cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn bánh và uống chén nầy, là anh em loan truyền Chúa chịu chết”. (1 Cr 11,26). “Loan truyền Chúa chịu chết” phải chăng là làm chứng về cuộc khổ nạn của Chúa bằng việc chết cho tội lỗi của chính mình, bằng việc đón nhận những thương đau khổ lụy xảy đến giữa đời thường với tất cả tình yêu và trung tín, bằng việc biến cuộc sống trở nên “tấm bánh được bẻ ra” qua sự dấn thân sẻ chia và phục vụ mọi người trong tinh thần quảng đại, vị tha, bác ái…

Và đó lại chính là điều mà Tin Mừng Thánh Gioan được trích đọc trong Lễ Tiệc Ly hôm nay nhắm đến, khi Ngài cố ý không nhắc tới việc “Truyền Phép” mà lại nhấn mạnh tới dấu chỉ “Rửa Chân”. Vâng, Thánh Thể chính là sự hạ mình thẳm sâu của Đấng là Mục Tử tối cao sẵn sàng vì đoàn chiên mà trở nên “hạt lúa mì mục nát trong lòng đất”, của Đấng là “Tấm bánh được bẻ ra” để nên “lương thực trường sinh nuôi sống con người”, của Đấng là Thầy, là Chúa mà sẵn sàng cúi xuống, cởi bỏ vinh quang Thiên Chúa để trở thành tôi tớ “rửa chân cho anh em”…

Chính nghi thức “Rửa Chân” được đan xen vào Lễ Tiệc Ly hôm nay đã nói lên tất cả chiều kích mục vụ của mầu nhiệm Thánh Thể ; và phải chăng đó cũng chính là mối tương quan mật thiết giữa Thánh Thể và chức linh mục thừa tác : “Hãy làm việc nầy mà nhớ đến Thầy”. Đã là linh mục thì không thể xa lìa Thánh Thể ; và đã cử hành Thánh Thể thì không thể lìa xa Đức Kitô. Cho nên, chúng ta không chỉ quy tụ chung quanh linh mục để cử hành Thánh Thể cho riêng mình mà còn phải hiệp thông và cầu nguyện cho chính các Ngài được luôn trở nên “những mục tử như lòng Chúa mong ước”, những mục tử sẵn sàng “hy sinh mạng sống vì đàn chiên” (Ga 10,11).

Sau tiếng chuông trống rộn ràng của bài ca Vinh Danh hôm nay, Phụng Vụ sẽ dẫn cộng đoàn chúng ta đi vào trong cái im lặng thánh thiêng của “phòng Tiệc Ly”, của “đêm hấp hối trong Vườn Dầu” và của “chiều ảm đạm trên đồi Sọ”. Chắc chắn những phút giây lặng thầm bên Nhà Tạm sau Thánh lễ sẽ là những thời khắc thật quý hóa và sâu lắng để chúng ta cùng với Dân Chúa khắp nơi suy niệm và cầu nguyện về sự Thương Khó, về tình yêu thẳm sâu, về những phản bội của loài người qua những gương mặt như Giuđa, Phêrô, về những thái độ và tâm tình yêu mến của Mẹ Maria, ông Simon, bà Vêrônica…

Như vậy, cử hành Lễ Tiệc Ly hôm nay, mỗi người chúng ta được một lần nữa đón nhận chính “quà tặng tuyệt vời nhất”( ) để nhờ đó kết hợp với đời mình và toàn thể dân Chúa làm nên “Lễ Tạ Ơn” trọn hảo như đúng tên gọi của bí tích Thánh Thể : EUCHARISTIA : LỄ TẠ ƠN ; và một lần nữa được gọi mời sống chính cái “Giờ” đặc biệt của Chúa Giêsu, Giờ yêu thương tự hiến, Giờ phục vụ khiêm hạ, Giờ cứu độ vinh quang…, cái “Giờ” mà diễn tả theo ngôn ngữ thi ca của nhà thơ Trăng Thập Tự, đó chính là “Giờ” :

… ta sẽ đem thịt máu mình ra khoản đãi !

Phải rồi, phải rồi, tại sao không ?

Ta sẽ trao chén máu tươi hồng

Và sự sống run trong từng thớ thịt.

Ai nếm thử, sẽ đời đời không chết,

Đúng hơn, nó sẽ sống đời đời.



Ta cũng mang theo đây chiếc lọ mỏng dòn

Nhốt sẵn chất thơm của ngàn muôn thế kỷ.

Ta sẽ đập vỡ mà không lo uổng phí

Vì ta cần xức dầu thơm ta lên khắp cả vũ hoàn…( )

Vâng, thế giới hôm nay cần được xức lên hương thơm từ “chiếc lọ mỏng dòn” là chính Thân Mình của Đức Kitô, là chính Thánh Thể của Đức Kitô. Và mỗi người chúng ta, sau mệnh lệnh : “ITE MISSA EST” (Lễ đã xong, nào hãy lên đường), có trách nhiệm mang “chiếc lọ mỏng dòn đó” giới thiệu và chia sẻ cho anh em trên mọi nẻo đường trần thế. Amen.

Lm. Giuse Trương Đình Hiền
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Văn Phòng Các Nghi Lễ Phụng Vụ Của Đức Thánh Cha - Đàng Thánh Giá Thứ Sáu Tuần Thánh 14/04/2017
J.B. Đặng Minh An dịch
05:04 11/04/2017
Văn Phòng Các Nghi Lễ Phụng Vụ
Của Đức Thánh Cha
THỨ SÁU TUẦN THÁNH
CUỘC THƯƠNG KHÓ CHÚA
Đàng Thánh Giá Do Đức Thánh Cha Chủ Sự
COLOSSEUM
ROME, 14 THÁNG TƯ 2017
NHỮNG SUY NIỆM
bởi
Anne-Marie Pelletier
Bản dịch Việt ngữ
J.B. Đặng Minh An

DẪN NHẬP




Download pdf version

Giờ đã đến. Cuộc lữ hành của Chúa Giêsu trên những nẻo đường bụi bặm của Galilê và Giuđêa, một cuộc gặp gỡ bất tận với những thân xác và con tim đang đau khổ, một cuộc hành trình được thúc đẩy bởi nhu cầu cấp bách của Ngài là công bố Nước Trời, kết thúc ở đây, hôm nay. Trên đồi Golgotha này. Hôm nay thập giá đặt dấu chấm hết. Chúa Giêsu sẽ không đi xa nữa.

Ngài không thể đi xa nữa!

Ở đây, tình yêu của Thiên Chúa cho thấy chiều kích đầy đủ của tình Ngài, vượt quá khả năng đo lường.

Hôm nay, tình yêu của Chúa Cha, Đấng muốn tất cả mọi người được cứu rỗi nơi Con của Người, đi đến tận cùng, nơi mọi từ ngữ đều lời thất bại, nơi mà chúng con cảm thấy ngỡ ngàng, lòng kính mến của chúng con choáng ngợp trước sự hào phóng trong những ý tưởng và kế hoạch của Thiên Chúa.

Trên đồi Golgotha này, trái với tất cả vẻ bề ngoài, điều nổi bật lên là sự sống, ân sủng và hòa bình. Ở đây điều đáng kể không phải là vương quốc của cái ác, mà chúng con tất cả đều biết rất rõ, nhưng là chiến thắng của tình yêu.

Bên dưới thập giá cũng thế, nổi bật lên là thế giới của chúng con với tất cả những thất bại và đau khổ, những thỉnh cầu và phản đối, tất cả những tiếng kêu của chúng con ngày nay kêu thấu đến Thiên Chúa từ những vùng đất nghèo khó và chiến tranh, từ những con thuyền tràn ngập người di cư. ..

Biết bao những giọt nước mắt, những đau khổ trong chén mà Chúa Con phải uống vì chúng con.

Biết bao những giọt nước mắt, bao nhiêu những đau khổ, nhưng chẳng có gì trong số đó sẽ bị mai một đi trong biển cả thời gian. Thay vào đó, Ngài sẽ đón nhận, và biến đổi trong mầu nhiệm của một tình yêu chiến thắng cái ác.

Đồi Golgotha nói với chúng con về lòng trung thành không lay chuyển của Thiên Chúa đối với nhân loại chúng con.

Một sự sống mới ra đời ở đó!

Chúng con cần can đảm để nói rằng tất cả điều này là niềm vui của Tin Mừng!

Trừ khi chúng con nhận ra sự thật này, chúng con vẫn còn bị mắc kẹt trong nỗi đau khổ và cái chết. Và chúng con không để cho cuộc thương khó của Đức Kitô sinh hoa trái trong cuộc sống của chúng con.

Lời nguyện

Lạy Chúa, tầm nhìn của chúng con bị lu mờ. Làm sao chúng con có thể đi xa như thế với Chúa?

“Lòng Thương Xót” là tên của Chúa. Nhưng tên này là một điều điên rồ.

Xin cho những chiếc bầu da cũ kỹ của trái tim chúng con vỡ tung ra!

Xin soi sáng tầm nhìn của chúng con bằng tin mừng trong Phúc Âm, trong giờ phút chúng con đứng dưới chân cây thánh giá của Con Chúa.

Để rồi chúng con có thể cử mừng “chiều rộng, chiều dài và chiều sâu” (Eph 3:18) trong tình yêu của Chúa Kitô, với trái tim được an ủi và ngập tràn ánh sáng.

CHẶNG THỨ NHẤT
Chúa Giêsu bị kết án tử hình


Phúc Âm theo thánh Luca

Khi trời sáng, đoàn kỳ mục trong dân, các thượng tế và kinh sư nhóm họp. Họ điệu Người ra trước Thượng Hội Đồng (22: 66)

Phúc Âm theo thánh Máccô

Tất cả đều kết án Người đáng chết. Thế là một số bắt đầu khạc nhổ vào Người, bịt mặt Người lại, vừa đánh đấm Người vừa nói: “Hãy nói tiên tri đi!” Và đám thuộc hạ tát Người túi bụi. (64-65)

SUY NIỆM

Các thành viên của Hội Đồng Công Tọa không cần thảo luận dài dòng mới đưa ra quyết định. Vấn đề đã được giải quyết từ lâu. Chúa Giêsu phải chết!

Đó cũng là những suy nghĩ của những người đã từng muốn xô Chúa Giêsu từ ngọn đồi ngày hôm đó, ở hội đường Nagiarét, khi Ngài mở sách và áp dụng những lời của tiên tri Isaiah vào chính mình: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.” (Lc 4: 18-19).

Khi Chúa Giêsu chữa lành cho người bại liệt ở hồ Bethzatha và khai mạc ngày Sa-bát của Thiên Chúa, là ngày đem lại tự do cho mọi hình thức nô lệ, thì những tiếng lẩm bẩm và đe doạ mạng sống của Ngài đã bắt đầu nổi lên. (xem Ga 5: 1-18).

Ở cuối con đường này, khi Ngài lên Giêrusalem mừng Lễ Vượt Qua, cái bẫy giờ đây đã được giăng ra. Ngài không còn thoát được những kẻ thù của mình nữa (xem Ga 11: 45-57).

Nhưng sự hồi tưởng của chúng con phải quay trở lại xa hơn. Bắt đầu ở Bếtlêhem, vào lúc Chúa Giêsu chào đời, khi vua Hêrôđê lên án tử cho Chúa. Những tay sai của vua đã dùng gươm giáo tước mất mạng sống của các con trẻ thành Bếtlêhem. Lần đó Chúa Giêsu đã chạy thoát được cơn giận của họ. Nhưng chỉ trong một thời gian. Mạng sống của Ngài đã như chỉ mành treo chuông. Trong tiếng khóc nức nở của bà Rachel thương tiếc những đứa con mình nay không còn nữa, chúng con nghe một lời tiên tri về nỗi buồn mà ông Simêôn đã báo trước cho Đức Mẹ (xem Mt 2: 16-18; Lc 2: 34-35).

Lời nguyện

Lạy Chúa Giêsu, Con yêu dấu của Chúa Cha, Chúa đã đến cùng chúng con, làm những điều thiện giữa chúng con và dẫn dắt về ánh sáng của sự sống những kẻ nằm trong miền thâm u của sự chết. Chúa nhìn thấu những vực thẳm trong trái tim chúng con.

Chúng con nói mình đứng về phía sự thiện và mong muốn sự sống. Nhưng chúng con lại là những kẻ tội lỗi và những kẻ đồng loã với cái chết.

Chúng con xưng mình là môn đồ của Chúa, nhưng chúng con lại chọn những con đường lìa xa tư tưởng, công lý và lòng thương xót của Chúa.

Xin Chúa đừng bỏ rơi chúng con trong những cách thế bạo lực của chúng con.

Xin đừng mất kiên nhẫn với chúng con.

Xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ!

Lạy Cha chúng con ở trên trời….

“Dân ta ơi, ta đã làm gì cho ngươi? Hay ta đã làm phiền chi ngươi? Hãy trả lời ta đi.

CHẶNG THỨ HAI
Ông Phêrô chối Chúa


Phúc Âm theo thánh Luca

Chừng một giờ sau, có người khác lại quả quyết: “Đúng là bác này cũng đã ở với ông ấy, vì bác ta cũng là người Galilê.” Nhưng ông Phê-rô trả lời: “Này anh, tôi không biết anh nói gì!” Ngay lúc ông còn đang nói, thì gà gáy. Chúa quay lại nhìn ông, ông sực nhớ lời Chúa đã bảo ông: “Hôm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần.” Và ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết. (22:59-62)

SUY NIỆM

Ngồi quanh đống lửa, trong sân của Hội Đồng Công Tọa, ông Phêrô và một vài người khác sưởi ấm trong những giờ lạnh lẽo đó, giữa những ông đi qua và bà đi lại. Bên trong, số mệnh của Chúa Giêsu sắp được quyết định khi Ngài đối mặt với những kẻ cáo gian Người. Họ sẽ đòi Ngài phải chết.

Giống như một dòng nước thủy triều, sự thù hằn ngày càng dâng cao. Giống như dầu đổ vào lửa, hận thù bùng phát và lan rộng. Chẳng bao lâu đám đông thét lên và đòi Philatô tha tội cho Barabbas và lên án Chúa Giêsu.

Thật là lạnh xương sống khi dám xưng mình là bạn của một người đang bị kết án tử hình. Cho nên, sự trung thành dũng cảm của Phêrô đã thất bại trước câu hỏi nghi ngờ của một người tớ gái, là người đang đứng giữ cửa.

Dám xưng mình là một môn đệ của vị thầy Galilê nghĩa là đặt lòng trung thành với Chúa Giêsu lên trên cả cái mạng của mình! Khi yêu cầu lòng can đảm như thế, chân lý khó tìm được các nhân chứng. .. Đó là phương cách của chúng con. Nhiều người trong chúng con thích dối trá hơn sự thật. Phêrô là một người như chúng con. Ba lần ông phản bội Chúa. Rồi ông gặp ánh mắt của Chúa Giêsu. Và nước mắt của ông trào ra, cay đắng, như làn nước làm trôi đi một vết bẩn.

Chẳng bao lâu, trong một vài ngày nữa, xung quanh một ngọn lửa khác, trên bờ hồ, Phêrô sẽ nhận ra Chúa Phục Sinh của mình, là Đấng sẽ ủy thác cho ông việc chăm sóc các con chiên của Ngài. Phêrô sẽ biết đến những lời tha thứ của Chúa Phục Sinh trên tất cả những phản bội của chúng con là vô biên đến dường nào. Và từ lúc đó trở đi, ông sẽ có một lòng trung tín với Chúa khiến ông có thể chấp nhận cái chết của mình như là một của lễ kết hiệp với cái chết của Chúa Kitô.

Lời nguyện

Lạy Chúa, là Thiên Chúa của con, Chúa đã chọn Phêrô, là người môn đệ đã chối Chúa và đã đón nhận sự tha thứ của Chúa, làm người hướng dẫn đoàn chiên của Chúa.

Xin hãy đong đầy trái tim của chúng con với niềm tin và niềm vui khi biết rằng, trong Chúa, chúng con có thể vượt qua những rào cản của sợ hãi và bất trung.

Khi được dạy dỗ bởi Phêrô, xin cho tất cả các môn đệ của Chúa có thể làm chứng về đường lối của Chúa đối với tội lỗi của chúng con. Nguyện xin những khoảnh khắc nghiệt ngã và thất vọng trong đời chúng con không bao giờ có thể làm cho sự Phục sinh của Con Chúa trở nên vô nghĩa!

Lạy Cha chúng con ở trên trời….

Chúa Kitô, chịu chết vì tội lỗi chúng con,

Chúa Kitô, đã sống lại vì sự sống của chúng con,

Chúng con cầu xin Chúa: xin thương xót chúng con.

CHẶNG THỨ BA
Chúa Giêsu và Philatô


Phúc Âm theo thánh Máccô

Vừa tảng sáng, các thượng tế đã họp bàn với các kỳ mục và kinh sư, tức là toàn thể Thượng Hội Đồng. Sau đó, họ trói Đức Giêsu lại và giải đi nộp cho ông Philatô. Các thượng tế tố cáo Người nhiều tội. Vì muốn chiều lòng đám đông, ông Philatô phóng thích tên Baraba, truyền đánh đòn Đức Giêsu, rồi trao Người cho họ đóng đinh vào thập giá. (15:1.3.15)

Phúc Âm theo thánh Mátthêu

Tổng trấn Philatô thấy đã chẳng được ích gì mà còn thêm náo động, nên lấy nước rửa tay trước mặt đám đông mà nói: “Ta vô can trong vụ đổ máu người này. Mặc các người liệu lấy!” (27:24)

Trích sách tiên tri Isaia

Tất cả chúng ta lạc lõng như chiên cừu, lang thang mỗi người một ngả. Nhưng Đức Chúa đã đổ trên đầu người tội lỗi của tất cả chúng ta.(53: 6)

SUY NIỆM

Rôma của Caesar Augústô, biểu tượng của văn minh, có những quân đoàn được cho là có sứ mạng mang đến cho các dân tộc đã bị chinh phục những lợi ích của trật tự công bình của nó.

Rôma cũng có mặt trong cuộc thương khó của Chúa Giêsu, trong con người của Philatô, là đại diện của Hoàng đế, là người bảo đảm cho luật pháp và công lý ở hải ngoại.

Tuy nhiên, cũng cùng một Philatô là người đã tuyên bố rằng mình không thấy Chúa Giêsu có tội gì, chính Philatô ấy là người đã lên án án tử hình cho Chúa Giêsu. Trên tòa cao, nơi Chúa Giêsu bị xét xử, sự thật trở nên quá rõ ràng. Công lý của dân ngoại cũng chẳng tốt hơn thứ công lý của Hội Đồng Công Tọa Do Thái!

Chúa Giêsu, Đấng Công Chính đón nhận một cách mầu nhiệm những ý nghĩ khát máu của trái tim con người, đang đánh đồng cả người Do Thái lẫn người ngoại giáo. Trong thời điểm này, Ngài đánh đồng họ bằng cách làm cho họ đồng trách nhiệm như nhau trong cái chết của Ngài. Tuy nhiên, thời gian sắp đến và đã gần kề, khi Đấng Công Chính sẽ đánh đồng họ theo một cách khác, qua thập giá của Người và với ơn tha thứ được ban cho tất cả mọi người, những người Do Thái và những người ngoại giáo, bằng cách đó cả hai sẽ được chữa lành khỏi sự gian ác và được giải phóng khỏi những cách thế bạo lực của họ.

Chỉ có một điều kiện để nhận được ơn sủng này. Đó là thừa nhận sự vô tội của Đấng thực sự vô tội, là Chiên Con của Thiên Chúa đã hy sinh vì tội lỗi của thế gian. Đó là từ bỏ cái giả định bên trong đang lẩm bẩm: “Ta vô can trong vụ đổ máu người này”. Đó là thú nhận tội lỗi trong niềm tin rằng một tình yêu vô tận đang bao trùm tất cả mọi người, Do Thái cũng như dân ngoại, và Thiên Chúa kêu gọi tất cả mọi người trở thành con cái của Người.

Lời nguyện

Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, khi nhìn vào Chúa Giêsu, Đấng đã bị nộp và bị kết án cho đến chết, chúng con chỉ cố biện minh cho mình và buộc tội người khác. Trong suốt một thời gian quá dài, các Kitô hữu chúng con đã đổ lỗi việc lên án Chúa trên vai dân Do Thái. Trong một thời gian dài, chúng con đã không nhận thức chúng con cũng phải nhìn nhận sự đồng lõa của chính chúng con trong tội lỗi này, để chúng con có thể được cứu rỗi nhờ máu của Chúa Giêsu bị đóng đinh.

Xin cho chúng con nhận biết nơi Con Chúa một Đấng Vô Tội, Đấng vô tội duy nhất trong lịch sử. Vì Ngài đã chấp nhận “thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta” (xem 2 Cor 5:21), để nhờ Ngài mà Chúa có thể gặp lại chúng con một lần nữa, phục hồi sự tinh tuyền Chúa đã dựng nên và làm cho chúng con là con cái Chúa.

Lạy Cha chúng con ở trên trời….

Lạy Chúa con, Lạy Chúa con, sao Chúa nỡ bỏ con?


CHẶNG THỨ TƯ
Chúa Giêsu, Vua Vinh Quang


Phúc Âm theo thánh Máccô

Lính điệu Đức Giêsu vào bên trong công trường, tức là dinh tổng trấn, và tập trung cả cơ đội lại. Chúng khoác cho Người một tấm áo điều, và kết một vòng gai làm vương miện đặt lên đầu Người. Rồi chúng bái chào Người: “Vạn tuế đức vua dân Do-thái!”

Trích sách tiên tri Isaia

Người chẳng còn dáng vẻ, chẳng còn oai phong đáng chúng ta ngắm nhìn, dung mạo chẳng còn gì khiến chúng ta ưa thích. Người bị đời khinh khi ruồng rẫy, phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật. Người như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn, bị chúng ta khinh khi, không đếm xỉa tới. Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta, còn chúng ta, chúng ta lại tưởng người bị phạt, bị Thiên Chúa giáng hoạ, phải nhục nhã ê chề. (53: 2-4)

SUY NIỆM

Sự chua chát của cái ác. Có bao nhiêu người nam nữ và thậm chí cả trẻ em là nạn nhân của bạo lực, lạm dụng, tra tấn và giết chóc, ở mọi thời điểm và mọi nơi.

Chúa Giêsu không tìm chỗ ẩn náu trong thần tính của Người. Người trở thành một phần trong cơn lũ những đau khổ khủng khiếp mà con người gây ra trên con người. Ngài cảm nhận nỗi cô đơn của những người bị bỏ rơi và những người bị gạt hoàn toàn ra ngoài lề.

Liệu những đau khổ của thêm một người vô tội nữa có thể giúp gì cho chúng con?

Chúa Giêsu là một người trong chúng con, nhưng trước hết, Người là Con yêu dấu của Cha, Đấng đã đến để làm trọn hảo toàn bộ sự công chính bởi sự vâng phục của Người.

Đột nhiên mọi sự lật ngược lại. Sự khinh miệt và xỉ nhục mà những kẻ tra tấn Chúa Giêsu đã cho chúng con thấy - theo một cách thế hoàn toàn ngược lại - một sự thật sâu sắc về vương quyền độc nhất của Người, được thể hiện như một tình yêu chỉ tìm kiếm thánh ý của Cha mình với ước muốn là tất cả chúng con được cứu rỗi. “Chúa chẳng thích gì tế phẩm và lễ vật, nhưng đã mở tai con; con liền thưa: “Này con xin đến! Trong sách có lời chép về con rằng: con thích làm theo thánh ý.” (Tv 40: 7-9).

Đó là thông điệp của giờ này trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Chỉ có một vinh quang trong cõi đời này và trong tương lai: vinh quang nhận biết và làm theo thánh ý Chúa Cha. Không ai trong chúng con có thể nhắm đến một phẩm giá cao hơn là phẩm giá được làm con cái trong Chúa Con, Đấng đã vâng phục vì chúng con, cho đến chết trên cây thập tự.

Lời nguyện

Lạy Chúa là Thiên Chúa của chúng con, vào ngày thánh thiện đem sự mặc khải của Chúa đến mức viên mãn này, chúng con xin Chúa lật nhào mọi thứ ngẫu tượng trong chúng con và trong thế giới của chúng con. Chúa biết sự lạc lối mà chúng tạo ra trong tâm trí và trái tim chúng con. Xin Chúa hãy lật nhào trong chúng con mọi ảo tưởng lừa dối về thành công và vinh quang.

Xin Chúa hãy lật nhào trong chúng con những hình ảnh liên tục về một Thiên Chúa do chính chúng con vẽ nên theo ý thích mình, một Thiên Chúa xa xôi, không giống như thiên nhan được mạc khải trong giao ước và được thể hiện ngày hôm nay trong Chúa Giêsu.

Người là Thiên Chúa vượt quá mọi hy vọng và kỳ vọng của chúng con. Xin cho chúng con tuyên xưng rằng trong Chúa Giêsu chúng con thấy “sự rạng ngời vinh quang của Chúa” (xem Do Thái 1: 3).

Xin cho chúng con được bước vào niềm vui vĩnh cửu khiến chúng con có thể chúc tụng Chúa Giêsu, Đấng đang mặc áo màu tím và đội mão gai, là vua của vinh quang. Vì trong Người mà Thánh Vịnh đã hát mừng: “Hỡi cửa đền, hãy cất cao lên, cao lên nữa, hỡi cửa đền cổ kính, để Đức Vua vinh hiển ngự vào” (24: 9).

Lạy Cha chúng con ở trên trời….

Hỡi cửa đền, hãy cất cao lên, cao lên nữa,

hỡi cửa đền cổ kính, để Đức Vua vinh hiển ngự vào


CHẶNG THỨ NĂM
Chúa Giêsu vác thánh giá


Trích sách Ai Ca

“Này tất cả những ai qua lại, hãy nhìn kỹ mà xem: Có nỗi khổ nào so sánh được với nỗi khổ Đức Chúa giáng trên tôi, khi Người nổi trận lôi đình mà trừng phạt.” (1:12)

Thánh Vịnh 146

Phúc thay người được Chúa Trời nhà Giacóp phù hộ và cậy trông Chúa, Thiên Chúa họ thờ. Chúa giải phóng những ai tù tội, Chúa cho kẻ bị dìm xuống đứng thẳng lên, Chúa phù trợ những khách ngoại kiều, Người nâng đỡ cô nhi quả phụ (5.7.8.9)

SUY NIỆM

Dọc theo lối đá lên đồi Golgotha, Chúa Giêsu đã không vác thập giá như cầm một chiếc cúp! Người hoàn toàn không giống như những anh hùng trong trí tưởng tượng của chúng con, đang vinh thắng trước những kẻ thù xấu xa của họ.

Lê từng bước một, chậm chạp, Người lết đi, cơ thể Người quằn xuống, thâm tím và chân Người run rẩy dưới sức nặng của cây thập tự.

Hết thế hệ này tiếp nối thế hệ khác, Giáo Hội đã suy gẫm con đường này, giữa những gập ghềnh và những cái té ngã.

Chúa Giêsu ngã xuống, Người đứng dậy, rồi lại ngã. Người tiếp tục cuộc hành trình mệt nhọc, hầu chắc là dưới roi đòn của đám lính bên cạnh Người, như cách thức những người bị kết án trong thế giới này vẫn thường bị đối xử và ngược đãi.

Chúa, Đấng đã nâng người bệnh dậy, đã chữa lành cho người phụ nữ bị tê liệt, cứu sống cô con gái của ông Giairô đã chết trên giường bệnh, cho người què được đi, giờ đây đang nằm phủ phục trong cát bụi.

Đấng Tối Cao đã ngã xuống đất.

Xin cho chúng con dán mắt vào Chúa Giêsu. Qua Người, Đấng Tối Cao dạy chúng con trong một cách thế không thể tin nổi rằng Ngài cũng đồng thời là người thấp hèn nhất, để sẵn sàng đến với chúng con, và hạ xuống thấp hơn nữa, nếu cần, để không ai bị lạc lối trong chiều sâu của khổ đau.

Lời nguyện

Lạy Chúa là Thiên Chúa của chúng con, Chúa bước xuống tận những chiều sâu thẳm trong đêm tối của chúng con, hạ mình đến tận cùng, vì đó là cách thế Chúa xuống với cuộc đời của chúng con, là những kẻ quá thường khi vô ơn và đôi khi còn băng hoại.

Xin Chúa cho Giáo Hội của Chúa biết làm chứng rằng Đấng Tối Cao và Đấng Thấp Hèn Nhất, trong Chúa, là một khuôn mặt duy nhất. Xin cho Giáo Hội có thể mang lại cho tất cả những người rốt cùng niềm vui của Tin Mừng rằng không có sa ngã nào mà lòng thương xót của Chúa không thể chạm đến; không có sự lạc lối nào hay những vực thẳm nào là quá sâu và quá xa đến mức Chúa không thể tìm thấy những ai đã lạc bước sa chân.

Lạy Cha chúng con ở trên trời….

Lạy Chúa, này con xin đến để làm theo thánh ý Chúa.


CHẶNG THỨ SÁU
Chúa Giêsu và ông Simôn người xứ Kyrênê


Phúc Âm theo thánh Luca

Khi điệu Đức Giêsu đi, họ bắt một người từ miền quê lên, tên là Simôn, gốc Kyrênê, đặt thập giá lên vai cho ông vác theo sau Đức Giêsu.

Phúc Âm theo thánh Mátthêu

Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu?”

SUY NIỆM

Chúa Giêsu đang vấp ngã trên đường đi, lưng Người oằn xuống dưới sức nặng của thập giá. Tuy nhiên, Người không được dừng lại nhưng phải tiếp tục đi, đến Golgotha, “Núi Sọ” khủng khiếp, bên ngoài bức tường của thành phố, là điểm đến mà quân lính đang thúc giục Người.

Một người đàn ông mạnh khoẻ đi qua vào lúc đó. Anh ta dường như không liên quan gì đến những chuyện đang xảy ra. Anh đang trên đường trở về nhà mình, hoàn toàn không ý thức gì về các sự kiện xung quanh Chúa Giêsu, khi quân lính buộc anh phải vác thập giá giúp Người.

Anh ta có thể biết gì về người bị kết án đang bị đám lính xua đi đến chỗ hành hình? Anh có thể biết gì về con người mà vẻ bề ngoài “quá thê thảm, không còn hình tượng người ta”, giống như người đầy tớ đau khổ của Isaia?

Chúng con không được nghe kể về sự ngạc nhiên của Simêon, và lúc đầu anh ấy có từ chối không, hay có thương hại Chúa mà vác thập giá giúp Người hay không. Tin Mừng chỉ đề cập đến tên của anh ta: ông Simôn người xứ Kyrênê. Tuy nhiên, Tin Mừng đã giữ cho sống động danh tính của người Libya này và cử chỉ giúp đỡ đơn sơ của anh, để dạy chúng con rằng, khi giảm bớt nỗi đau của ai đó bị kết án, Simôn đã làm giảm nhẹ nỗi đau của Chúa Giêsu, của Con Thiên Chúa. Chúa Giêsu, đã đi ngang qua con đường của Simôn dưới hình dạng của một người nô lệ, vì chúng con, vì ông Simôn, vì phần rỗi của thế giới. Cho dù anh ta có biết điều đó hay không.

Lời nguyện

Lạy Chúa là Thiên Chúa của chúng con, Chúa đã mạc khải cho chúng con rằng trong mỗi người nghèo khổ, trần truồng, bị giam giữ, đói khát, chính là Chúa đang đứng trước chúng con, chính là Chúa mà chúng con chào đón, thăm viếng, cho mặc và ăn uống. “Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han.” (Mt 35-36). Mầu nhiệm thay cuộc gặp gỡ của Chúa với nhân loại chúng con! Không ai bị loại trừ khỏi cuộc gặp gỡ này, nếu người ấy tỏ lòng trắc ẩn.

Chúng con xin dâng lên Chúa như một của lễ thiêng liêng, tất cả những hành động từ bi, đón nhận, dấn thân, được thực hiện hằng ngày trên thế giới này. Xin Chúa rủ lòng thương xem những hành động ấy như là sự thật của nhân loại chúng con, đang nói to hơn tất cả các hành động từ chối và hận thù. Xin Chúa rủ lòng thương chúc phúc cho những người nam nữ từ bi đã làm rạng danh Chúa, dù cho họ chưa biết Chúa.

Lạy Cha chúng con ở trên trời….

Chúa Kitô, chịu chết vì tội lỗi chúng con,

Chúa Kitô, đã sống lại vì sự sống của chúng con,

Chúng con cầu xin Chúa: xin thương xót chúng con.


CHẶNG THỨ BẨY
Chúa Giêsu và những người phụ nữ thành Giêrusalem


Phúc Âm theo thánh Luca

Dân chúng đi theo Người đông lắm, trong số đó có nhiều phụ nữ vừa đấm ngực vừa than khóc Người. Đức Giêsu quay lại phía các bà mà nói: “Hỡi chị em thành Giêrusalem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu... Vì cây xanh tươi mà người ta còn đối xử như thế, thì cây khô héo sẽ ra sao?” (23: 27-28.31)

SUY NIỆM

Những giọt nước mắt dành cho Chúa Giêsu của những người phụ nữ như một hành động từ bi, những giọt nước mắt của phụ nữ ấy luôn hiện diện trong thế giới này.

Chúng lặng lẽ rơi trên má họ. Và chắc chắn, thậm chí còn thường xuyên hơn, họ rơi lệ trong trái tim mình, giống như những giọt nước mắt bằng máu đã được thánh Catherine thành Siena đề cập đến.

Không phải chỉ có phụ nữ mới khóc, như thể họ có quá nhiều nỗi đau để than van, trong sự thụ động và bất lực trước một lịch sử chỉ có những người đàn ông mới có quyền được viết.

Sự đau khổ của họ bao trùm tất cả những giọt nước mắt rơi lặng lẽ và không lộ ra trong một thế giới có quá nhiều thứ để khóc. Có những giọt nước mắt của những đứa trẻ sợ hãi và những người bị thương trên chiến trường đang kêu mẹ, những giọt nước mắt của những người bệnh đang hấp hối, một mình trên ngưỡng cửa của cõi u minh. Có những giọt nước mắt của sự thất vọng rơi trên khuôn mặt của thế giới này, vốn được tạo thành vào ngày đầu tiên cho nước mắt của niềm vui, trong sự hân hoan được chia sẻ giữa một người nam và một người nữ.

Etty Hillesum, là một người phụ nữ can đảm của Do Thái, là người không hề nản chí trước đám cháy lan nhanh khủng khiếp của Quốc xã, đã bảo vệ sự thiện cho đến cùng. Cô thì thầm với chúng con bí mật mà cô nắm bắt ở cuối con đường của cô: rằng có những giọt nước mắt kêu lên van xin sự an ủi trên chính khuôn mặt của Chúa, khi Người khóc thương trước những đau khổ của con cái mình. Giữa nơi địa ngục mà thế giới đã lao vào, cô đã dám nói với Chúa trong lời cầu nguyện của mình: “Con sẽ cố gắng giúp Chúa!” Thật dũng cảm, và đồng thời thật nữ tính và linh thánh!

Lời nguyện

Lạy Chúa là Thiên Chúa của chúng con, Thiên Chúa của sự dịu dàng và lòng thương xót, Thiên Chúa của tình yêu và sự trung tín tuyệt vời, xin dạy chúng con lúc thịnh vượng đừng khinh chê những giọt nước mắt của những người nghèo đang kêu lên cùng Chúa và tìm kiếm sự giúp đỡ của chúng con. Xin dạy chúng con đừng lờ đi những giọt lệ ấy bằng sự thờ ơ. Xin dạy cho chúng con có can đảm để cùng khóc với họ. Xin dạy chúng con, trong đêm đen những đau khổ, cô đơn và thất vọng của chúng con, để chúng con biết nghe những mối phúc mà Chúa đã nói với chúng con trong bài giảng trên núi: “Phúc cho những ai than khóc, vì họ sẽ được ủi an” (Mt 5: 4)

Lạy Cha chúng con ở trên trời….

Chúa Kitô, chịu chết vì tội lỗi chúng con,

Chúa Kitô, đã sống lại vì sự sống của chúng con,

Chúng con cầu xin Chúa: xin thương xót chúng con.


CHẶNG THỨ TÁM
Chúa Giêsu bị lột áo


Phúc Âm theo thánh Gioan

Đóng đinh Đức Giêsu vào thập giá xong, lính tráng lấy áo xống của Người chia làm bốn phần, mỗi người một phần (19:23).

Trích sách ông Gióp

“Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng.” (1:21)

SUY NIỆM

Thân thể bị chê bai của Chúa Giêsu bị lột ra. Bị phơi bày cho những ánh mắt chế giễu và khinh thường. Thân xác của Người, giập nát và đầy những vết thương, đã sẵn sàng cho sự trừng phạt cuối cùng là bị đóng đinh vào thập giá. Nhân loại phàm trần như chúng con còn biết làm gì hơn là cúi mặt để tránh đừng gây thêm ô nhục cho Chúa?

Tuy nhiên, thần khí đến giúp chúng con trong bối cảnh thất vọng và hoang mang này. Ngài dạy chúng con hiểu ngôn ngữ của Thiên Chúa, ngôn ngữ của kénosis [tự hạ mình ra thành hư không], sự tự hạ mình của Thiên Chúa để đến với chúng con ở bất cứ nơi nào. Nhà thần học Chính Thống Giáo Christos Yannaras nói với chúng con về ngôn ngữ này của Thiên Chúa: “ngôn ngữ của kénosis: nghĩa là hài nhi Giêsu nằm trần truồng trong máng cỏ; trần truồng trên sông để nhận phép Rửa như một người nô lệ; và trần truồng chịu treo trên thập giá như một phường trộm cướp. Trong tất cả những điều này, Ngài đã thể hiện tình yêu của mình dành cho chúng ta”.

Khi chúng con bước vào mầu nhiệm ân sủng này, xin cho chúng con có thể mở mắt mình ra một lần nữa và ngắm nhìn thân xác chịu bầm giập của Chúa Giêsu. Rồi chúng con hướng đến những gì đôi mắt của chúng con không thể nhìn thấy được: đó là sự trần truồng của Người đang tỏa ra ánh quang rạng rỡ với cùng một vẻ huy hoàng đã làm y phục Ngài sáng rạng rỡ trong cuộc Biến Hình.

Ánh sáng xua tan mọi bóng tối.

Đó là ánh sáng không thể cưỡng lại của một tình yêu đến tột cùng.

Lời nguyện

Lạy Chúa là Thiên Chúa của chúng con, chúng con đặt trước mắt mình những đoàn lũ những người nam nữ là nạn nhân của tra tấn, một con số thật kinh hoàng các thân thể bị bầm giập, bị đấm đá đang run rẩy vì sợ hãi, đang chờ chết trong các tầng hầm và trong các nhà giam ảm đạm.

Chúng con cầu xin Chúa lắng nghe những tiếng kêu của họ.

Đối mặt với điều ác, chúng con không nói nên lời và bất lực.

Tuy nhiên, Chúa làm được những gì chúng con không làm nổi. Chúa có thể tìm ra một thông lộ giữa chập chùng những hỗn loạn và ảm đạm của điều ác. Ngay cả giờ đây, trong cuộc thương khó của Con yêu dấu Chúa, Chúa vẫn có thể mang lại ánh sáng phục sinh.

Lạy Cha chúng con ở trên trời….

Chúa Kitô, chịu chết vì tội lỗi chúng con,

Chúa Kitô, đã sống lại vì sự sống của chúng con,

Chúng con cầu xin Chúa: xin thương xót chúng con.


CHẶNG THỨ CHÍN
Chúa Giêsu chịu đóng đinh


Phúc Âm theo thánh Luca

Khi đến nơi gọi là “Đồi Sọ”, họ đóng đinh Người vào thập giá, cùng lúc với hai tên gian phi, một tên bên phải, một tên bên trái. Bấy giờ Đức Giêsu cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” (23:33-34)

Trích sách tiên tri Isaia

Người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành (53:5).

SUY NIỆM

Quả thật, Thiên Chúa không thể như thế!

Con yêu dấu, Đấng Thánh của Thiên Chúa, giờ đây là một thân thể bị phơi bày trên thập giá của sự hổ thẹn, bị bỏ rơi nhục nhã, giữa hai tên tội phạm. Một người đau khổ mà người ta quay đi; ngay cả chúng con cũng từng quay lưng lại với rất nhiều những người nam nữ có khuôn mặt biến dạng mà chúng con gặp trên đường đi.

Ngôi Lời của Thiên Chúa, từ đó mọi sự được tác thành, giờ đây chỉ còn là một khối thịt câm nín và đau khổ. Tất cả sự tàn ác của con người đều nổi lên chống lại Người và đã thắng thế. Quả thật, Thiên Chúa không thể như thế. Tuy nhiên, đồng thời, chính xác đó mới là những gì chúng con cần nơi Chúa!

Người đến để chia sẻ cuộc sống của mình với chúng con. “Hãy nhận lấy!” như Người vẫn thường nói, khi Người chữa bệnh cho những người đau yếu, tha thứ cho những con tim lầm lạc và trao ban chính Người trong bữa tiệc ly.

Tuy nhiên, Người đã kết thúc trong tay chúng con, trong thực tại của chết chóc và bạo lực không ngừng gây kinh hoàng cho chúng con khi chúng con nhìn xung quanh mình. Bạo lực cũng lẻn cả vào trong trái tim của chúng con nữa. Các tu sĩ bị giết tại Tibhirine đã nhận thức được điều này; cùng với lời cầu nguyện: “xin hãy tước vũ khí của họ!”, các vị cũng cầu xin: “và của cả chúng con nữa!”

Tình yêu mãnh liệt của Thiên Chúa đã xuống thăm địa ngục của chúng con. Đó là cách duy nhất để giải thoát chúng con ra khỏi cái ác.

Chúa Giêsu đã phải mang sự dịu dàng vô biên của Thiên Chúa đến chính tâm điểm tội lỗi của thế gian.

Chỉ bằng cách đó, bằng cách trực tiếp gặp gỡ với sự sống của Thiên Chúa, cái chết mới quay lui và sụp đổ, như một kẻ thù, gặp phải người khác mạnh mẽ hơn mình, sẽ cao bay xa chạy và biến mất.

Lời nguyện

Lạy Chúa là Thiên Chúa của chúng con, xin đón nhận lời chúc tụng trong thinh lặng của chúng con.

Như các vị vua không nói nên lời khi tiên tri Isaia công bố về Người Tôi Tớ (xem 52:15), chúng con im lặng và ngạc nhiên trước Chiên Con bị giết vì chúng con và vì sự sống của thế gian. Chúng con tuyên xưng rằng nhờ những thương tích của Chúa, chúng con được chữa lành. “Biết lấy chi đền đáp Chúa bây giờ vì mọi ơn lành Người đã ban cho? Con sẽ dâng lễ tế tạ ơn, và kêu cầu thánh danh Đức Chúa.” (Tv 116: 12.17).

Lạy Cha chúng con ở trên trời….

Chúa Kitô, chịu chết vì tội lỗi chúng con,

Chúa Kitô, đã sống lại vì sự sống của chúng con,

Chúng con cầu xin Chúa: xin thương xót chúng con.


CHẶNG THỨ MƯỜI
Chúa Giêsu trên thánh giá chịu thiên hạ nhạo cười


Phúc Âm theo thánh Luca

Dân chúng đứng nhìn, còn các thủ lãnh thì buông lời cười nhạo: “Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Kitô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn!” Lính tráng cũng chế giễu Người. Chúng lại gần, đưa giấm cho Người uống và nói: “Nếu ông là vua dân Do Thái thì cứu lấy mình đi!” Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người: “Ông không phải là Đấng Kitô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!” (23:35-39)

Bấy giờ, quỷ nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì hãy truyền cho hòn đá này hoá bánh đi!…Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì đứng đây mà gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ gìn giữ bạn” (4:3.9-11).

SUY NIỆM

Chẳng lẽ Chúa Giêsu không xuống khỏi thập giá được sao? Chúng con chắc không dám đặt câu hỏi này vì Phúc Âm há chỉ đặt nó trên môi của những kẻ vô thần đó sao?

Nhưng mà, cái câu hỏi ấy vẫn tiếp tục ám ảnh chúng con, vì chúng con cũng vẫn là một phần của cái thế giới đầy chước cám dỗ mà Chúa Giêsu đã phải đối mặt trong suốt bốn mươi ngày trong hoang địa, như là sự khởi đầu và khai mạc sứ vụ của Người. “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì hãy truyền cho hòn đá này hoá bánh đi!…Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì đứng đây mà gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ gìn giữ bạn”. Tuy nhiên, trong chiều kích mà chúng con, những người đã chịu phép rửa và tin vào sự chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô, những người đang dõi bước theo Ngài, những lời châm chọc của kẻ ác không hề tóm được chúng con; chúng bất lực, sự lừa dối của chúng là hiển nhiên.

Chỉ khi nào chúng con khám phá ra được sức mạnh cương quyết của những lời đó, “Điều đó không cần thiết sao. ..?” (Lc 24:26), mà Chúa Giêsu đã kiên nhẫn giảng giải với các môn đồ của mình trên đường Emmaus.

“Điều cần thiết” là Đức Kitô phải chấp nhận sự vâng lời và sự bất lực này, để đến với chúng con trong sự bất lực vì sự bất tuân của chúng con.

Chỉ khi đó chúng con mới hiểu được rằng “chỉ có một Thiên Chúa Đấng chịu khổ đau mới có thể cứu được chúng ta”, như Dietrich Bonhoeffer đã viết vài tháng trước khi bị hành hình. Khi trải nghiệm sức mạnh của ma quỉ đến tột cùng, ông mới có thể tổng hợp, trong sự thật đơn giản và áp đảo này, về đức tin Kitô giáo.

Lời nguyện

Lạy Chúa là Thiên Chúa của chúng con, ai sẽ giải phóng chúng con khỏi những nanh vuốt của thế gian? Ai sẽ giải phóng chúng con ra khỏi sự bạo ngược của những lời dối trá, làm cho chúng con ra kiêu căng và tìm kiếm vinh quang phù phiếm của chúng con?

Chỉ một mình Chúa mới có thể biến đổi con tim chúng con.

Chỉ một mình Chúa mới có thể làm cho chúng con yêu thích con đường khiêm hạ.

Chỉ có Chúa, là Đấng đã chỉ cho chúng con thấy không có chiến thắng nào ngoài tình yêu, và tất cả những gì khác chỉ là rơm rạ phất phơ trước gió, chỉ là những ảo ảnh biến mất khi đối mặt với chân lý của Chúa.

Chúng con xin Chúa, lạy Chúa, xin xua tan những giả trá đang muốn thống trị trong trái tim và trong thế giới của chúng con.

Xin cho chúng con bước theo những đường lối của Chúa, để thế giới có thể nhận ra sức mạnh của thánh giá.

Lạy Cha chúng con ở trên trời….

Lạy Thiên Chúa của con, lạy Chúa, sao Chúa nỡ bỏ con?


CHẶNG THỨ MƯỜI MỘT
Chúa Giêsu và Mẹ Người


Phúc Âm theo thánh Gioan

Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơlôpát, cùng với bà Maria Mácđalêla. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình (19:25-27).

SUY NIỆM

Đức Mẹ cũng đã đến cuối cuộc hành trình. Mẹ đã đến ngày mà ông già Simêôn đã tiên báo. Khi ôm hài nhi trong vòng tay run rẩy của mình, lời tạ ơn của ông đã phải nhường bước cho những lời bí ẩn đan quyện bi kịch và hy vọng, nỗi buồn và ơn cứu độ vào với nhau.

Ông Simêôn nói: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israel ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng; và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.” (Lc 2,34-35).

Cuộc viếng thăm của thiên sứ đã làm cho trái tim của Đức Maria kinh ngạc trước tin lạ lùng rằng Thiên Chúa đã chọn cuộc đời mình để mang lại những điều mới mẻ đã hứa cùng Israel: “điều mà mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe” (1 Cr 2: 9; Is 64: 3). Mẹ đã ưng thuận với kế hoạch thiêng liêng sẽ sớm liên quan đến thân xác của mình và sau đó đồng hành cùng con Mẹ, là hoa trái của cung lòng Mẹ dọc theo những nẻo đường không lường trước được.

Trong những ngày bình yên tại Nazareth, và sau đó trong đời sống công cộng của Chúa Giêsu, khi phòng ốc cần được mở rộng thêm cho một gia đình khác, gia đình của các môn đệ, những người lạ mặt mà Chúa Giêsu đã kết làm anh, làm chị, làm em, và làm mẹ mình, Mẹ đã lưu giữ tất cả những điều này trong trái tim mình. Mẹ đã ủy thác mọi sự trong sự kiên nhẫn tuyệt vời xuất phát từ niềm tin của mình.

Hôm nay là ngày hoàn thành. Lưỡi gươm đã đâm thâu tâm hồn Mẹ. Đức Maria cũng có một niềm tin bất tận mà Chúa Giêsu đã sống trọn vẹn niềm tin ấy trong sự vâng phục của Người đối với Chúa Cha. Đứng ở đó, Mẹ không bỏ rơi con mình. Stabat Mater. Trong bóng tối, nhưng với một niềm tín thác, Mẹ biết rằng Thiên Chúa sẽ giữ lời hứa của Người. Trong bóng tối, nhưng với một sự xác tín, Mẹ biết rằng Chúa Giêsu vừa là lời hứa vừa là sự hoàn thành của lời hứa ấy.

Lời nguyện

Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa và người nữ của nhân loại chúng con, như một người mẹ, Mẹ hạ sinh chúng con trong Đấng mà Mẹ đã sinh ra: xin nâng đỡ chúng con trong đức tin vào giờ khắc tối tăm này và dạy chúng con biết hy vọng trước tất cả những thất vọng của cuộc đời.

Xin Mẹ gìn giữ toàn thể Giáo Hội trong sự trung tín và tỉnh thức, theo gương trung tín của Mẹ, khiêm tốn ngoan ngoãn vâng theo thánh ý Chúa, trong hết mọi sự Chúa dạy hay gởi đến cho chúng con, hiệp nhất chúng con, giúp chúng con vươn xa tới điều chúng con không dám mơ tưởng, là ơn cứu rỗi.

Lạy Cha chúng con ở trên trời….

Lạy Nữ Vương Rất Thánh, Lạy Mẹ từ bi,

Là sự sống của chúng con, sự ngọt ngào và hy vọng của chúng con.


CHẶNG THỨ MƯỜI HAI
Chúa Giêsu chết trên thánh giá


Phúc Âm theo thánh Gioan

Đức Giêsu nói “Ta khát!” Ở đó, có một bình đầy giấm. Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Người. Nhắp xong, Đức Giêsu nói: “Thế là đã hoàn tất! “ Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí… Khi đến gần Đức Giêsu và thấy Người đã chết, quân lính không đánh giập ống chân Người. Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra. Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực” (19:28-30.33-35).

SUY NIỆM

Tất cả giờ đây đã được hoàn thành. Sứ vụ của Chúa Giêsu đã được hoàn tất. Ngài đã đến từ Chúa Cha trong một sứ mệnh của lòng thương xót. Nhiệm vụ đó đã được hoàn thành với một lòng trung tín đạt đến những giới hạn tột cùng của tình yêu. Tất cả đã kết thúc. Chúa Giêsu phó linh hồn mình vào tay Chúa Cha.

Tất cả mọi thứ dường như rơi vào một sự im lặng chết người đang ập xuống trên đồi Golgotha và ba cây thánh giá đứng đó. Vào cuối ngày lễ Vượt Qua này, bất cứ ai đi qua đó cũng chỉ có thể nghĩ đến sự thất bại của Chúa Giêsu, sự sụp đổ của niềm hy vọng đã làm rung động con tim nhiều người, an ủi người nghèo, nâng đỡ người thấp hèn và cho những người theo Ngài thấp thoáng thấy rằng đã đến thời điểm Thiên Chúa sẽ hoàn thành những lời hứa đã được các tiên tri tiên báo. Bây giờ mọi thứ dường như đã mất, tan tành trong đống đổ nát.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thất vọng đó, Thánh Sử Gioan đã khiến chúng ta chú ý đến một chi tiết nhỏ, mà ngài đã long trọng miêu tả. Nước và máu đã tuôn ra từ bên phải cạnh sườn Chúa Giêsu trên cây thánh giá. Thật tuyệt vời! Vết thương mở ra bởi ngọn giáo của người lính tuôn trào một dòng nước và máu nói với chúng ta về sự sống và sự chào đời.

Thông điệp này khá ngắn gọn, nhưng nó nói lên một cách hùng hồn trong con tim những ai còn nhớ. Từ thân thể của Chúa Giêsu, có một dòng nước mà vị tiên tri đã thấy từ Đền Thờ. Một dòng nước tràn lên và trở thành một con sông hùng vĩ, một dòng nước phục hồi và làm sinh hoa trái tất cả những gì nó chạm đến trong dòng chảy của mình. Chúa Giêsu đã chẳng nói về thân xác Ngài như một Đền Thờ mới đó sao? “Máu của giao ước” đi kèm với nước đó. Chẳng phải Chúa Giêsu đã nói về xác thịt và máu Ngài như là thức ăn cho sự sống đời đời đó sao?

Lời nguyện

Lạy Chúa Giêsu, trong những ngày thiêng liêng của mầu nhiệm Vượt Qua này, xin hãy canh tân trong chúng con niềm vui của phép rửa tội.

Khi chúng con chiêm ngưỡng nước và máu chảy ra từ cạnh sườn Chúa, xin hãy dạy cho chúng con biết nhận ra nguồn suối sự sống mới của chúng con, tình yêu trên đó Giáo Hội Chúa được xây dựng, và niềm hy vọng khi Chúa chọn chúng con và gửi chúng con đi chia sẻ cùng thế giới.

Đây là nguồn mạch của sự sống tắm gội toàn bộ vũ trụ, dâng lên từ cạnh sườn bị đâm thâu qua của Chúa Kitô. Xin cho phép rửa là vinh quang duy nhất của của chúng con, khi chúng con dâng lên Chúa lời tán tụng ngợi khen đầy những kinh ngạc của chúng con.

Lạy Cha chúng con ở trên trời….

Chiên Con đã bị giết nay xứng đáng lãnh nhận

phú quý và uy quyền, khôn ngoan cùng sức mạnh,

danh dự với vinh quang, và muôn lời cung chúc.


CHẶNG THỨ MƯỜI BA
Hạ xác Chúa Giêsu xuống khỏi thánh giá


Phúc Âm theo thánh Luca

Ông Giuse người xứ Arimathêa hạ xác Người xuống, lấy tấm vải gai mà liệm, rồi đặt Người vào ngôi mộ đục sẵn trong núi đá, nơi chưa chôn cất ai bao giờ. (23:53)

SUY NIỆM

Có những dấu chỉ về sự yêu thương chăm sóc và danh dự dành cho thân xác bị bầm giập và tan nát của Chúa Giêsu. Một vài người đàn ông và đàn bà tụ tập dưới chân thập giá. Ông Giuse, một người xứ Arimathêa, “một người tốt lành và công chính” (Lc 23:50), là người mà Thánh Luca nói với chúng ta, đã xin Philatô cho phép chôn cất Chúa. Và cả ông Nicôđêmô, là người đã đến với Chúa Giêsu vào ban đêm, như Thánh Gioan đề cập thêm. Và có cả một số những phụ nữ, là những người trung thành với Chúa đến cùng, cũng phụ giúp.

Sự chiêm ngắm của Giáo Hội về cảnh này cũng bao gồm Đức Trinh Nữ Maria, người chắc chắn đã có mặt trong giây phút này.

Đức Maria, Mẹ của lòng từ bi, đón nhận vào vòng tay Mẹ cơ thể đã được sinh ra từ xác thịt mình, mà Mẹ đã đồng hành, đầy yêu thương và lặng lẽ, qua nhiều năm, giống như mọi người mẹ chăm sóc con cái mình.

Bây giờ cơ thể mà Mẹ đang ôm trong tay đã mở rộng đến tột cùng nỗi buồn của Mẹ, và nảy sinh một thụ tạo mới từ cuộc thương khó của một tình yêu đã đâm thấu trái tim của cả Con và Mẹ.

Trong sự im lặng tuyệt vọng rơi xuống sau những tiếng la lớn của những người lính, những lời xúc phạm của những kẻ qua đường và sự náo loạn của cuộc đóng đinh hành hình, chỉ còn lại những dấu hiệu của tình yêu và sự chăm sóc, những yêu thương kính trọng. Ông Giuse hạ xác Chúa xuống, lấy tấm vải gai mà liệm, rồi đặt Người vào ngôi mộ đục sẵn vào núi đá trong khu vườn gần đó.

Chúa Giêsu được lấy khỏi tay những kẻ giết người. Bây giờ, trong cái chết, một lần nữa Người được ôm ấp với sự dịu dàng và từ bi.

Bạo lực của những kẻ giết người đã lui ra xa. Sự dịu dàng đã trở lại nơi hành hình.

Sự dịu dàng của Chúa và những ai thuộc về Người, của những trái tim hiền lành mà Chúa đã hứa Nước Trời dành cho họ. Sự hiền lành ban đầu của sáng tạo, của người nam và người nữ được tạo nên theo hình ảnh của Thiên Chúa. Sự dịu dàng của thời cuối cùng, khi mọi giọt lệ được lau sạch và chó sói sẽ ở cùng với chiên con, vì mọi xác thịt sẽ nhận biết Thiên Chúa (xem 11: 6.9).

Khúc hát dâng Mẹ Maria

Ôi Maria, đừng khóc nữa: Con Mẹ, là Chúa chúng con, đã say ngủ trong yên bình.

Cha của Người, trong vinh quang, mở ra trước mắt Người những cánh cửa của cuộc sống!

Ôi Maria, hân hoan lên: Chúa Giêsu Phục Sinh đã chinh phục được cái chết!

Lạy Cha chúng con ở trên trời….

Con sẽ nằm xuống trong bình an, Chúa ơi, và giấc ngủ sẽ đến ngay lập tức.

Con sẽ trỗi dậy, vì Chúa là sức mạnh của con.

CHẶNG THỨ MƯỜI BỐN
Chúa Giêsu được đặt trong huyệt đá


Phúc Âm theo thánh Luca

Cùng đi với ông Giuse, có những người phụ nữ đã theo Đức Giêsu từ Galilê. Các bà để ý nhìn ngôi mộ và xem xác Người được đặt như thế nào. Rồi các bà về nhà, chuẩn bị dầu và thuốc thơm (23:55-56).

SUY NIỆM

Những phụ nữ đã đi khỏi. Người mà họ đã cùng đồng hành và chăm sóc liên tục dọc những nẻo đường Galilê không còn nữa. Tối nay, họ để Người lại một mình, họ chỉ còn đồng hành với Người qua những suy nghĩ về ngôi mộ và tấm vải liệm Người. Một hồi ức thoáng qua nhưng rất quý giá về những ngày đầy phấn khởi đã đi qua. Giờ chỉ còn lại sự cô đơn và im lặng. Ngày Sa-bát kéo đến gần, buộc người Do Thái phải nghỉ việc, như Thiên Chúa đã nghỉ ngơi sau khi hoàn tất và chúc phúc cho công trình sáng tạo của Ngài.

Hôm nay có một sự hoàn thành khác, hiện vẫn còn ẩn giấu và khó hiểu. Một ngày Sa-bát để nghỉ ngơi lặng lẽ, với những con tim hồi tưởng và những tâm trí nặng những ưu phiền. Nhưng đối với những người phụ nữ, đó cũng là một ngày để chuẩn bị dầu và thuốc thơm để bày tỏ sự kính trọng cuối cùng dành cho thân xác của Chúa vào ngày mai, lúc sáng sớm.

Phải chăng họ đang chuẩn bị chỉ đơn giản là để dưỡng nuôi hy vọng của mình? Điều gì sẽ xảy ra nếu Chúa đã chuẩn bị sẵn, để đáp lại lòng sùng mộ của họ, bằng một cái gì họ không thể đoán trước, không thể tưởng tượng hay dự đoán được? Sự phát hiện ra một ngôi mộ trống, một thông điệp rằng Người không còn ở đó, vì Người đã phá tan các cánh cửa của cái chết. ..

Lời nguyện

Lạy Chúa là Thiên Chúa của chúng con, xin hãy nhìn đến và chúc phúc cho tất cả những người phụ nữ ở khắp mọi nơi đang chăm sóc cho những thân thể yếu đuối và dễ bị tổn thương, với lòng tốt và sự tôn trọng.

Xin ban cho cả chúng con nữa, những người đã đồng hành cùng Chúa trên con đường tình yêu này đến cùng, cùng với những người phụ nữ trong Tin Mừng, được bền chí trong lời cầu nguyện nhiệt thành. Vì chúng con biết rằng lời cầu nguyện của chúng con sẽ được đáp trả bằng sự phục sinh của Chúa Giêsu, mà Giáo Hội Chúa chuẩn bị cử hành trong niềm vui của đêm Phục Sinh.

Lạy Cha chúng con ở trên trời….

Kính dâng Người vinh quang và uy quyền đến muôn thuở muôn đời. Amen.
 
Charles Feeney: Tỷ phú từ thiện 8 tỷ USD: Sinh ra tay trắng, cuối đời cũng muốn trắng tay
Hà Vinh
15:27 11/04/2017
Tỷ phú Chuck Feeney là người đầu tiên ở Mỹ bỏ ra số tiền lớn là tài sản của mình để làm từ thiện . Ông chính thức rỗng túi, đi ở thuê vào tuổi ngoài 80, nhưng đã hoàn thành khát vọng “cho đi khi còn đang sống”.

“James Bond” của giới từ thiện.

Tỷ phú Charles F. Feeney (1931) là một người Mỹ gốc Ireland. Ông thường được gọi với cái tên thân mật Chuck Feeney, thời gian gần đây ông được giới truyền thông Mỹ đặt cho biệt danh “James Bond của giới từ thiện”.

Vị tỷ phú Mỹ này nói thông thạo 2 tiếng Pháp và Nhật, là người xây lên đế chế các cửa hàng miễn thuế. Từ nhỏ, ông đã nghỉ ra đủ mọi cách để kiếm tiền như: gõ cửa từng nhà để bán thiệp Giáng sinh, dọn tuyết trên đường hay nhặt bóng trên sân golf.

Charles F. Feeney bắt đầu sự nghiệp kinh doanh cùng với bạn học cùng đại học từ đầu thập niên 1950: bán rượu không thuế cho thủy thủ Mỹ. Sau đó, ông bán xe hơi cho cho lính Mỹ và lập nên chuỗi cửa hàng miến thuế (DFS) ở các cửa khẩu, với doanh thu đạt 3 tỷ USD/năm.

Vào những năm 60, khi Nhật Bản tổ chức thế vận hội và dỡ bỏ hạn chế du lịch nước ngoài, Chuck Feeney đã chộp cơ hội này để thu tiền của khách du lịch Nhật. Đó là những khoản tiết kiệm khổng lồ người Nhật bỏ ra mua sắm rượu, nước hoa, đồ trang sức miễn thuế,... tại các địa điểm nổi tiếng như Hawaii, Hong Kong, San Francisco, Saipan và Guam.

Mặc dù kiếm được rất nhiều tiền từ rất sớm, với tổng tài sản theo New York Times lên tới 8 tỷ USD, nhưng Chuck Feeney có cuộc sống riêng tư rất bình lặng và đơn giản, không xa hoa, không bao giờ thắt cà-vạt Hermes hay mang giày Gucci.

New York Times tiết lộ, trong nhiều năm ở New York, bữa trưa của ông không phải ở các nhà hàng sang trọng mà là ở khu nhà Irish Pavillion Tommy Makem trên phố East 57th - nơi ông ăn bánh mì kẹp thịt.

Feeney kín tiếng tới mức, mãi tới 1988, thế giới mới biết đến sự giàu có của ông. Khi đó, lần đầu tiên Forbes ước tính Feeney có khoảng 1,3 tỷ và xếp thứ 31 tại Mỹ. Tuy nhiên, tài sản thực của ông vẫn là một ẩn số, chỉ sau những lần làm từ thiện, thế giới mới biết được.

Công chúng còn kinh ngạc về cuộc sống giản dị và tiết kiệm tới mức tối đa. Ông keo kiệt với bản thân, gia đình nhưng hào phóng với người dưng. Ông ghét sự phung phí, không muốn con cái trở thành con nhà giàu hư hỏng và bắt chúng làm hầu bàn, bồi phòng khách sạn, thu ngân trong các kỳ nghỉ hè ngay từ khi còn nhỏ.

Sự hà khắc của Feeney không làm cho con cái khó chịu, thậm chí con gái đầu của Feeney còn cho rằng, cách làm của người cha đã giúp họ sống như những người bình thường khác, làm được việc đáng làm và vẫn có đủ tiền để chi tiêu cho cuộc sống.

Theo quan điểm của vị tỷ phú này, “bạn chỉ có thể mặc một chiếc quần vào cùng một thời điểm”. Ông thích kiếm tiền nhưng không muốn sở hữu chúng, tiền quá nhiều cũng không thể đem ra tiêu xài hết. Một thời gian dài, ông sống trong căn hộ đi thuê và toàn bộ tài sản được dần hiến tặng cho các tổ chức từ thiện. Các con ông cũng phải tự lăn lộn kiếm sống khi đến tuổi trưởng thành. Feeney cho biết, đây chính là cách để ông giáo dục các con biết quý trọng giá trị của đồng tiền.

“Sinh ra tay trắng thì khi trở về cũng phải trắng tay”.

Suốt hơn 30 năm qua, Chuck Feeney đã đi khắp thế giới để làm từ thiện từ tài sản 8 tỷ USD của mình, tập trung và giáo dục, khoa học, chăm sóc y tế,... tại Mỹ, Úc, Việt Nam , Nam Phi và Ireland.

Quỹ từ thiện Atlantic Philanthropies do ông sáng lập đã rót khoản tiền cuối cùng trị giá 7 triệu USD vào cuối 2016 cho Đại học Cornell nhằm hỗ trợ sinh viên làm công tác dịch vụ cộng đồng. Chuck Feeney đã hoàn thành khát vọng “cho đi khi còn đang sống” và chính thức rỗng túi.

Trả lời trên tờ New York Times, ông Feeney cho biết: “Bạn luôn lo lắng khi phải quản lý quá nhiều tiền như thế, nhưng chúng tôi dường như đã làm việc đó khá tốt”.

Tới đầu 2017, tổng giá trị tài sản còn lại của Feeney là hơn 2 triệu USD. Hiện ông và vợ (Helga) đang sống trong một căn hộ thuê ở San Francisco.

Tại Việt Nam, quỹ Atlantic bắt đầu rót tiền vào chỉ vài năm sau khi chiến tranh kết thúc, tài trợ bắt đầu từ miền Trung như xây dựng trường Đại học Đà Nẵng.

Cho đến nay, 2 người còn gái của ông là: Diane Feeney và Juliette Feeney cũng tiếp tục theo gót cha làm từ thiện. Họ làm chủ tịch của một số tổ chức từ thiện của gia đình và cộng đồng.

Quỹ Atlantic Philanthropies của Feeney bắt đầu sứ mệnh “làm rỗng túi” từ năm 1982 với ước mơ muốn tạo ra sự thay đổi lớn cho cuộc sống của những người gặp khó khăn. Ông ước mơ mang lại hòa bình cho Bắc Ireland, hiện đại hóa hệ thống chăm sóc y tế của Việt Nam hay biến Roosevelt Island của New York trở thành một trung tâm công nghệ.

Tỷ phú Chuck Feeney đã quyên tặng tổng cộng 8 tỷ USD tài sản và giờ chỉ còn lại 2 triệu USD.

Cho đến nay, Feeney đã xây cả ngàn tòa nhà khắp châu lục, nhưng tên của ông không hề xuất hiện trong bất cứ công trình nào, từ trên các viên đá ốp tòa nhà hay trong các văn bản. Trong nhiều năm, quỹ Atlantic Philanthropies của Feeney yêu cầu những người được hưởng lợi không được công khai sự tham gia giúp đỡ của họ.

“James Bond” của giới từ thiện cho biết, ông làm từ thiện và quyên tặng hết tài sản rất đơn giản là bởi vì, “vải liệm không có túi”, người chết ra đi không mang được gì. Con người “sinh ra tay trắng thì khi trở về cũng phải trắng tay”.

Khối tài sản lớn cuối cùng được Chuck Feeney quyên tặng vào cuối năm ngoái. Ông Feeney giờ 86 tuổi và quỹ Atlantic Philanthropies theo kế hoạch sẽ đóng cửa vào năm 2020.

Giàu có không lộ diện, nhiều tiền không tiêu xài sang, làm từ thiện không cần ghi danh nhưng những việc làm của ông được cả thế giới biết đến. Hành động cao cả của Feeney là động lực cho nhiều người, là nguồn cảm hứng cho cả những người rất giàu có và nổi tiếng, cũng hay làm từ thiện như Bill Gates và Warren Buffett.
 
Tòa Thánh công bố văn bản 14 chặng Đàng Thánh Giá ngày Thứ Sáu Tuần Thánh 2017
Đặng Tự Do
15:52 11/04/2017
Hôm thứ Hai 10 tháng 4, Văn Phòng Các Cử Hành Phụng Vụ của Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố văn bản 14 chặng Đàng Thánh Giá do một thần học gia người Pháp là bà Anne Anne Marie-Pelletier soạn.

Toàn bộ 14 chặng Đàng Thánh Giá này đã được dịch sang Việt Ngữ tại đây. Muốn download dưới dạng PDF, xin nhấn vào đây.
Theo chương trình, lúc 9 giờ 15 phút tối Thứ Sáu Tuần Thánh, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự buổi đi đàng Thánh Giá trọng thể tại Hí Trường Colosseum và ban phép lành cho tất cả mọi người hiện diện.

Buổi đi Đàng Thánh Giá này cũng được các đài truyền hình phát trực tiếp trên thế giới.

Bà Pelletier, 70 tuổi, là một chuyên gia về giải Kinh Thánh. Năm 2014, bà được trao giải Ratzinger về những đóng góp của bà cho thần học Công Giáo.

Bà Pelletier là người phụ nữ thứ tư được giao việc viết những bài suy niệm Ðàng Thánh Giá cho Đức Giáo Hoàng. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là người đầu tiên mời một phụ nữ viết các bài Suy Niệm. Năm 1993, ngài mời nữ tu Anna Maria Canopi, bề trên tu viện Benedictine “Mater Ecclesiae” (Mẹ Giáo Hội) viết bài Suy Niệm, và năm 1995 ngài mời Sơ Minke de Vries.

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã mời Mẹ Maria Rita Piccione, người Ý, Chủ Tịch Liên Hiệp Các Tu Hội Đức Bà của Dòng Augustinô ở Ý, viết các bài Suy Niệm cho ngày Thứ Sáu Tuần Thánh năm 2011.

Trong cuộc phỏng vấn với tờ La Vie, bà Pelletier nói bà cảm thấy “may mắn” khi được trao trách nhiệm chính thức trong “một Giáo Hội mà không chút nghi ngờ nào rất là nam tính”.

Bà cho biết bà bắt đầu sự nghiệp học thuật của mình bằng ngôn ngữ học và văn chương, nhưng sự tham gia vào một nhóm nghiên cứu Kinh Thánh cho sinh viên đại học đã dạy bà “thưởng thức Kinh thánh, khả năng rung động trong thời hiện tại của chúng tôi, kể cả nơi những người xa lạ với đức tin Kitô”

Cuối cùng, bà đã viết luận án về lịch sử giải thích sách Diễm Tình Ca của Cựu Ước. Bà đã dạy cả văn chương tại các trường đại học công lập ở Paris và Thánh Kinh tại chủng viện Công Giáo Paris.

Mặc dù Pelletier nói bà không bao giờ cảm thấy bị gạt ra ngoài lề trong Giáo Hội bởi vì bà là phụ nữ và số lượng phụ nữ là các nhà thần học ngày càng tăng trong Giáo Hội, tuy nhiên theo bà “chúng ta vẫn cần đảm bảo họ được làm việc trong Giáo Hội với những vị trí thực sự có trách nhiệm cho phép họ có một tác động nào đó.”
 
Đức Thánh Cha triệu tập Công nghị Hồng Y về việc phong thánh
Lm. Trần Đức Anh OP
18:13 11/04/2017
VATICAN. Sáng thứ năm, 20-4-2017, ĐTC sẽ nhóm công nghị Hồng Y để quyết định và thông báo về ngày cử hành lễ phong hiển thánh cho một số vị chân phước.

Đứng đầu danh sách là Cha Andrea de Soveral, Cha Ambrogio Francesco Ferro, LM giáo phận, và giáo dân Matteo Moreira cùng với 27 vị tử đạo tại Brazil. 30 chân phước này tử đạo ngày 16-7-1645 và 3-10-1645, vì bị những người Tin Lành Calvin Hòa Lan giết trong cuộc xung đột với các tín hữu Công Giáo Bồ đào nha.

Tiếp đến là 3 chân phước thiếu niên tử đạo người Mêhicô là Cristoforo, Antonio và Giovanni, bị giết vì đức tin ở Mêhicô năm 1529. 3 vị này quen được gọi là ”Các trẻ tử đạo ở Tlaxcala”, là những thổ dân đầu tiên trở lại Công Giáo ở Mêhicô, bị giết vì đã nhân danh đức tin Kitô từ chối sự tôn thờ thần tượng và tục đa thê.

Án thứ ba là Cha Faustino Miguez (1831-1925), người Tây Ban Nha, thuộc dòng Scolopi, cũng gọi là dòng Giáo Sĩ học đường, sáng lập Hội dòng thánh Calasanzio của các Nữ tử Chúa là Mục Tử.

Án thứ tư là chân phước LM Angelo da Acri, tục danh là Luca Antonio Falcone, thuộc dòng Capucino, qua đời năm 1739, thọ 70 tuổi .

Sau cùng là hai chân phước thiếu niên Phanxicô và Giacinta đã được Đức Mẹ hiện ra ở Fatima cách đây 100 năm.

Với công nghị trên đây, Giáo Hội sắp có thêm 37 vị Hiển Thánh. (SD 11-4-2017)
 
Thông điêp của Đức Giáo Hoàng nhân dịp Đại Hội Giới trẻ Thế giới ngày 9 tháng tư.
Pt Huỳnh Mai Trác
20:53 11/04/2017

“Kinh nghiệm của Giáo Hội về Đại Hội không phải là một “cuộc họp ban”, người ta hẹn nhau ngày đến rồi thực hiện vài công việc và rồi thì chia tay, người nào theo đường người ấy.

Giáo Hội có một truyền thống lâu dài,chuyển tiếp từ đời này sang đời nọ, trong đó dóng góp cá nhân làm cho thêm phong phú. Lịch sử cá nhân cũng có thể là lịch sử của Giáo Hội, thành thử đây không phải là một cuộc họp bạn”

Đức Giáo Hoàng gởi thông điệp ngày thứ ba 21 tháng ba đến cho giới trẻ, nhân dịp ngày giới trẻ thế giới nhằm vào ngày 9 tháng tư Ngày Lễ Lá.
Đại Hội Giới Trẻ hằng năm trong các giáo phận là cuộc tiếp nối của các Dại Hội Giới Trẻ Thế giới thường được tổ chức hằng mõi hai hoặc ba năm trong các giáo phận dành riêng cho giới trẻ.

Sau Cracovie, vào năm 2016, các Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới khác sẽ được tổ chức tại Panama từ ngày 22 đến 27 tháng giêng năm 2019.
Ở Cracovie, Đức Giáo Hoàng nói,”chúng ta đã sống với kinh nghiệm rất sâu xa tình Huynh đệ và trong niềm vui mừng và hân hoan, và chúng ta đã đưa ra cho thế giới một niềm hy vọng; những lá cờ khác màu và những ngôn ngữ dị biệt không là duyên có để tranh chấp và chia rẻ, nhưng là một cơ hội mở cửa lòng ra với nhau, và bắt những nhịp cầu”, Đức Giáo Hoàng đã viết.

Cũng đừng quên là chủ đề dược chọn cho cuộc Đại Hội Giới Trẻ Thế giới ở Panama dành riêng vè chân dung của Đức Bà Maria, và khuyến khích giới trẻ là cố đào tạo một mối tương quan gia đình sâu đậm với Đức Bà Maria.”
i
Chúa Gie su không phải là Chúa của sự thoải mái, của sự an nịnh hay sự dễ dãi”. Hãy nhìn lại cuộc viếng thăm trong đọan Tin Mừng, kể lại cuộc viếng thăm của Đức Bà Maria với ngươì chị bà con Elizabeth, ngài nói tiếp: Mẹ Maria không đóng cửa ở nhà, nghiền ngẫm sọ hãi hay là hảnh diện.

“Maria không phải là hạng người muốn sự thoải mái, cần có một cái chỏng thật êm ái. Maria không phải la người ưa an nghĩ”. Rồi Đức Giáo Hoàng nói về bài Magnificat (Bài ca ngợi Chúa) một bài Kinh làm thay đổi mọi sự, một phụ nữ trẻ tràn đầy đức tin, hiểu rỏ những giới hạn của mình nhưng hoàn toàn phú thác trong tay Chúa.

“Người phụ nữ nhỏ bé can dảm này ngợi khen Chúa bởi vì Chúa nhìn đến sự nhỏ bé của Mẹ và công cuộc cứu độ dối với dân Chúa, đến với những kẻ nghèo hèn và thấp kém.(…)Khi Chúa làm lay động con tim của một người trẻ thì họ có thể có những hành động siêu việt. Những điều kỳ diệu mà Chúa đã làm trong cuộc sống của Đức Bà Maria nói với chúng ta trong hành trình cuộc sống của chúng ta (Nguồn: VIS)

 
Hãng hàng không United và tính vô luân của lợi nhuận tư bản
Vũ Văn An
20:55 11/04/2017
Như mọi người biết, tại phi trường Chicago hôm Chúa Nhật đã xẩy ra vụ một hành khách hợp pháp và không làm điều gì trái phép đã bị vũ lực kéo lê trên sàn máy bay và tống cổ ra ngoài, để hãng lấy chỗ ngồi của ông ta cho nhân viên của mình sử dụng.

Tổng giám đốc United lên tiếng xin lỗi khách hàng nói chung về vụ đòi lại chỗ ngồi đã bán rồi này, chứ không xin lỗi về tác phong tồi tệ đối với vị khách hàng bị lôi khỏi máy bay. Chỉ do áp lực của công chúng, nên vào ngày thứ Ba vừa qua, ông ta mới chịu xin lỗi vị này, Ông David Dao, một người Mỹ gốc Hoa Việt.

Cả viên tổng giám đốc United và một số chuyên gia không hành đều biện minh cho việc đòi lại chỗ ngồi đã bán của United vì điều này có ghi trong Khế Ước Chuyên Chở (Carriage Contract) khi khách hàng mua chỗ ngồi trên bất cứ máy bay nào của bất cứ hãng hàng không nào.

Nhưng theo Cha James Martin S.J., đây là một hành vi vô luân của chủ nghĩa tư bản. Nó đặt qui định trước con người, lợi nhuận trước nhân phẩm.

Cho mua chỗ quá số chỗ hiện có trong chuyến bay (overbooking) là cách phần lớn các hãng máy bay sử dụng để tối đa hóa lợi nhuận. Các chỗ ngồi không có người ngồi có nghĩa là mất thu nhập. Và điều này có nghĩa một số người nào đó nhất định sẽ bị tống cổ (bumped) khỏi chuyến bay. Nhưng trong sự tính toán kinh tế của hãng hàng không, điều này được coi là điều chấp nhận được. Sự bất tiện của hành khách là điều phụ thuộc so với lợi nhuận.

Ai cũng thấy trong đó có vấn đề. Ông Dao mua vé của United, nên ông có quyền hy vọng mình sẽ dùng được nó. Vì đây là yếu tính của chủ nghĩa tư bản: tiền trao cháo múc. Nhưng United quyết định họ đã nhận cho mua chỗ quá số chỗ trên chuyến bay, nên khi một số nhân viên của hãng, vào phút chót, cần chỗ trên chuyến bay, họ yêu cầu các hành khách đã mua chỗ nhường lại chỗ đã mua với một khoản bồi thường thích đáng nào đó. Một số hành khách chấp nhận nhường.

Nhưng, một người, Ông Dao, không muốn nhường lại chỗ ngồi. Tại sao ông phải nhường lại? Ông đã trả tiền cho chỗ ngồi và mong tới nơi để chữa trị cho một bệnh nhân, vì ông vốn là một bác sĩ. Vả lại, ông đã ký khế ước với United. Còn, chuyện United có quyền tống khứ ông, theo Cha Martin, là một chuyện trá ngụy. Họ chẳng có chi gọi là cấp cứu cả. Bất luận mấy hàng chữ in nhỏ (của khế ước) muốn nói gì, Ông Dao vẫn có quyền mong được bay hôm đó.

Cũng thế, luận điểm cho rằng việc cho đặt chỗ quá số chỗ ngồi trên chuyến bay nhằm giảm giá vé, và do đó, thực sự giúp khách hàng, theo Cha Martin, cũng là một mánh lới, vì mục đích của công ty kinh doanh không phải là giảm giá vé mà là tối đa hóa lợi nhuận cho các cổ đông. Giảm giá vé nhằm gia tăng số lượng vé bán, nhờ thế, gia tăng thu nhập. Các hãng hàng không không hề thương người.

Khi Ông Dao không sẵn lòng nhường chỗ ngồi mà ông đã mua hay đã thuê như United muốn hiểu, ông ta bị nhân viên an ninh dùng vũ lực kéo lê ra khỏi chỗ ngồi đến độ bị thương chẩy máu.

Nhìn cảnh ấy, ai cũng phải cho rằng không đúng. Nên trên liên mạng, nhiều người biểu lộ sự giận dữ không những vì cảnh tượng tàn bạo, không văn minh này mà còn vì sự vô luân của một hệ thống dẫn đến việc hạ giá nhân phẩm con người. Nếu qui định kinh doanh và luật lệ tư bản dẫn đến việc này, thì đó là những qui định và luật lệ bất công. Mục đích không thể biện minh cho phương tiện.

Một ai đó có thẩm quyền, các phi công, các tiếp viên, các phi hành đoàn dưới đất, rất có thể hiểu ra rằng đây là một cuộc tấn công vào phẩm giá một con người. Nhưng không ai chặn đứng nó cả. Tại sao không? Không phải vì họ là người xấu: cả họ nữa có lẽ cũng phải kinh hoàng. Nhưng vì họ đã bị điều kiện hóa phải tuân theo qui định.

Các qui định ấy nói: thứ nhất, đôi khi chúng ta cho người ta mua quá số chỗ ngồi vì chúng ta muốn tối đa hóa lợi nhuận. Thứ hai, chúng ta có thể tống khứ một ai đó vì chúng ta đã để họ mua quá số chỗ ngồi, hay nếu chúng ta quyết định chúng ta cần lại các chỗ ngồi ấy, bất kể người ta có thể có lý mong được sử dụng chúng hay bất kể việc cần lại này gây phiền toái thế nào cho họ. Và thứ ba, bi thảm hơn cả, nhân phẩm không thể cản đường các qui định này.

Cha Martin kết luận “Rượu độc tư bản và văn hóa kinh doanh đã dẫn tới việc một con người bị kéo lê dọc sàn máy bay”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh lễ Truyền Dầu tại Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng
Giuse Trần Ngọc Huấn
10:20 11/04/2017
Thánh lễ Truyền Dầu tại Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng

Vào hồi 19 giờ 30, tại Nhà thờ Chính Tòa Lạng Sơn, Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri – Giám mục Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng – đã long trọng chủ sự Thánh lễ Truyền Dầu. Đồng tế với ngài có tất cả các linh mục triều và dòng đang làm mục vụ tại Giáo phận. Tham dự thánh lễ có đông đảo mọi thành phần Dân Chúa từ khắp các xứ đạo trong Giáo phận, nhất là vùng Lạng Sơn.

Xem Hình

Ngỏ lời với cộng đoàn Phụng vụ đầu Thánh lễ, Đức Cha Giuse nói: Kính chào quý Cha, quý tu sỹ, chủng sinh và toàn thể cộng đoàn Dân Chúa. Buổi chiều tối ngày hôm nay, chúng ta tụ họp thật đông đảo trong ngôi Nhà thờ Chính Tòa này để cử hành Thánh lễ Truyền Dầu. Vì điều kiện các giáo xứ trong giáo phận nằm xa xôi rải rác trong một địa bàn rộng lớn, do đó ngày hôm nay Giáo phận chúng ta cử hành Thánh lễ này sớm. Thứ Năm tuần Thánh cũng là kỷ niệm ngày Chúa Giêsu thiết lập chức Linh Mục, là ngày sinh nhật chức Linh Mục. Hôm nay Giáo Hội mời gọi chúng ta cầu nguyện cách đặc biệt cho hàng Linh Mục của Chúa, cách riêng các Linh Mục đang phục vụ tại Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng thân thương này. Chúng ta – những người cộng tác với hàng Linh Mục để xây dựng Giáo Hội, xây dựng Nhiệm thể Chúa Kitô – chúng ta cũng hãy tháp nhập đời mình cách sâu xa hơn vào Chúa Kitô, nhất là trong mầu nhiệm cuộc Thương Khó và Phục Sinh này, để góp phần tích cực làm cho Nước Chúa ngày càng mở rộng, loan báo Tin Mừng Cứu độ cho mọi người.

Bài giảng đầy cảm động và mang nhiều ý nghĩa sâu xa của Đức Cha Giuse trong Thánh lễ đặc biệt hôm nay có chủ đề được trích từ chương 4 của Tin mừng Luca: “Trăm con mắt đều đổ dồn về phía Người”. Đức Cha Giuse tập trung quảng diễn về thiên chức Linh Mục như “Người được xức dầu Thánh Thần”. Chúa Giêsu khởi đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng khi “trăm con mắt đổ dồn về Người”, nghĩa là chờ đợi Người, hy vọng, mong mỏi nơi Người một điều gì đó. Chính Chúa hiện diện giữa Dân của Người, công bố sự tha thứ, chữa lành thương tật thể xác và tâm hồn, công bố thời gian ân phúc của Thiên Chúa. Người Linh mục cũng là cánh tay nối dài sứ vụ đó của Chúa cho nhân loại và ở giữa nhân loại.

Tiếp theo, Đức Cha ngỏ lời cùng “anh em linh mục thân mến” của ngài trong ngày đặc biệt này. Chúa chọn gọi một số người lên chức Linh mục, nhưng không phải là trao ban chức tước hay quyền bính, nhưng là ban Thánh Thần cho anh em, chuyển giao sứ vụ và cả những tâm tình của Ngài cho anh em, để anh em nên những Alter Christus – những Chúa Kitô-khác giữa Dân Ngài. Đức Cha mời gọi các linh mục “mỗi khi xuất hiện giữa lòng Dân Chúa thi hành thánh vụ của mình” thì “đừng quên anh em cũng là những người được Thánh Thần xức dầu và sai đi. Chúa Giêsu hiện diện trong anh em. Trăm con mắt đang nhìn về anh em để tìm bóng dáng Chúa Giêsu mục tử ở đó, từ ngày anh em lãnh nhận chức Linh mục.

Ngỏ lời với các Linh mục, Đức Cha cũng nhắc tới những “kỷ niệm và cảm xúc, ấn tượng mạnh mẽ trong ngày lãnh nhận sứ vụ Linh mục của các ngài” để xác tín lại sứ vụ cao quý của mình, làm bừng lên lòng mến thuở ban đầu trước mặt Thiên Chúa và Hội Thánh, nhờ đó “để nuôi dưỡng sứ vụ, ơn gọi và tâm tình Linh mục của chúng ta”. Qua đó, Giáo Hội cũng “mở ra cho linh mục một chân trời mênh mông, một cánh đồng bát ngát, đòi hỏi chúng ta cả một tấm lòng và cả cuộc đời để thi hành”.

Ngài cũng nói lên lời cảm ơn các Linh mục đã đón nhận và cộng tác mục vụ với ngài trong 1 năm qua từ khi ngài nhận Giáo phận, đến nỗi “bao nhiêu ngỡ ngàng giờ đây đã thành thân thiện, bao nhiêu xa cách nay đã trở thành gần gũi”. Ngài cũng nhấn mạnh tới tinh thần đồng lao cộng khổ với anh em linh mục, và nguyện hứa hết sức để “sát cánh với anh em trong việc chăm sóc và dẫn dắt cách tốt đẹp và hiệu quả nhất đàn chiên đã được giao phó trong anh em, trong sứ vụ nơi Giáo phận truyền giáo này”. Đồng thời, Đức Cha cũng mời gọi các linh mục hãy thật lòng yêu thương đoàn dân được trrao phó cho mình, cũng hãy dể tâm đến anh chị em lương dân xung quanh bằng việc thăm viếng, chăm sóc và quan tâm đến họ. “Cần canh tân mục vụ, thêm sáng kiến và năng động, mạnh dạn quy tụ và đào tạo nhân sự, nhất là những người trẻ trong cánh đồng của Giáo xứ, Giáo phận”.

Tiếp theo, trong bài giảng, Đức Cha cũng ngỏ lời với cộng đoàn Dân Chúa trong Giáo phận, cách riêng là quý vị trong Hội đồng Giáo xứ, các đoàn hội… là ‘những người thân cận của hàng linh mục chúng tôi”. Trong chức Tư Tế Cộng đồng, mỗi người cũng đã được xức dầu và được sai đi đo đó cần quyết tâm chu toàn sứ vụ của mình trong đời sống cá nhân, gia đình và xã hội. Ngài cũng mời gọi mỗi người hãy vâng phục cha xứ “trong tình con thảo”, là những người bạn hữu, đồng trách nhiệm với các linh mục trong việc xây dựng cộng đoàn, đồng thời nâng đỡ và động viên, nhất là cầu nguyện cho các ngài.

Đức Cha Giuse cũng ngỏ lời với quý tu sỹ nam nữ, là “những phần chi thể đặc biệt, làm phong phú và thêm xinh đẹp cho Nhiệm thể Giáo Hội”. Ngài trân trọng ghi nhận và biết ơn những hy sinh cống hiến của họ, những chia sẻ của họ về mọi hoàn cảnh khó khăn và nỗi niềm trên cánh đồng truyền giáo này.

Kết thúc bài giảng, Đức Cha nói: Chúng ta sốt sắng cảm tạ Chúa đã ban thánh chức Linh mục và các Linh mục cho chúng ta. Xin Chúa tiếp tục thánh hóa và hướng dẫn Dân Chúa qua các Linh mục. Xin Thánh Thần Chúa không ngừng hoạt động để canh tân đổi mới Giáo Hội qua các Linh mục. Xin Chúa thánh hóa Linh mục của Chúa, và xin thánh hóa đoàn dân Chúa đã tuyển chọn và sai đi đến Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng thân yêu này.

Sau bài giảng, các Linh mục tiến đến trước bàn thờ, quy tụ quanh Đức Giám Mục để lặp lại lời tuyên hứa trong ngày lãnh thánh chức Linh mục. Việc lặp lại lời hứa hôm nay làm tươi trẻ lại tình yêu của các ngài với Chúa Giêsu, thúc đẩy các ngài hiến mình phục vụ tha nhân với động lực duy nhất là làm vinh danh Thiên Chúa và thánh hóa nhân loại. Tiếp đó, cộng đoàn Dân Chúa cũng nói lên sự quyết tâm cộng tác của mình với hành Giáo sĩ và hiệp lời cầu nguyện cho các ngài.

Thánh lễ tiếp tục với nghi thức Làm phép Dầu. Ba bình dầu được cung kính rước lên Cung thánh và trao cho Đức Giám Mục chủ sự. Ngài lần lượt làm phép Dầu Bệnh Nhân, Dầu Dự Tòng và thánh hiến Dầu Thánh (S.C). Dầu Thánh được dành một nghi thức Thánh hiến long trọng: Trước tiên, Đức Giám Mục pha thuốc thơm vào dầu, biểu tượng cho những nhân đức mà Thánh Thần tuôn đổ trong người được xức Dầu Thánh này. Đức Giám Mục im lặng thổi hơi trên dầu là biểu tượng việc thông ban Thánh Thần. Chỉ với Thánh Thần mà Dầu Thánh mới có sức thánh hóa và biến đổi người lãnh nhận nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, thông phần chức Tư Tế, Tiên Tri và Vương Đế của Ngài.

Thánh lễ tiếp tục với phần Phụng vụ Thánh Thể và kết thúc lúc 20 giờ 40 trong bầu khí sốt sắng, trang trọng.

Ban truyền thông Gp.LSCB
 
Đại Diện các Tôn Giáo & Đồng Hương Nam Úc tham dự Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương
Vietcatholic - Adelaide
19:02 11/04/2017


Đại diện các Tôn Giáo và đồng hương Lương Giáo tham dự Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và Đêm Thắp Nến Cầu Nguyện cho quê hương Việt Nam do CĐNV Tự Do Nam Úc tổ chức tối Chúa Nhật ngày 09.4.2017

Tin Nam Úc : Giỗ tổ Hùng Vương có từ bao đời, trở thành đại lễ của người con dân nước Việt, đã in đậm nét trong lòng người Việt Nam. Vì thế cho dù ở bất cứ phương trời nào, trong hoàn cảnh nào người Việt khắp nơi vẫn nhớ ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, đều hướng tâm tình về đỉnh núi Ngũ Lĩnh, xã Hy Cương, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, nơi đây chính là điểm hội tụ tâm linh của dân tôc Việt.

Từ hàng ngàn năm qua, đền Hùng vẫn là trung tâm điểm cho việc tưởng nhớ, tôn vinh công đức của các vị vua Hùng, là biểu tượng sức mạnh của dân tộc Việt nam.

Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng 10 tháng 3

Khắp miền truyền mãi câu ca

Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm.


Theo truyền thống tốt đẹp ấy, Cộng Đồng Người Việt Tự Do Úc Châu - Nam Úc hằng năm vẫn tổ chức ngày giỗ Tổ Hùng Vương và đặc biệt năm nay ban tổ chức đã dành nhiều thời gian chuẩn bị cho việc trang trí bàn thờ, cho nghi thức tế tổ theo truyền thống dân tộc một cách rất trang trọng.

Buổi chiều mùa thu Nam Úc còn sót lại một chút nắng ấm. Vào lúc 5 giờ chiều, Chúa Nhật 9/4/2017 quý đồng hương Nam Úc đã lũ lượt quy tụ về hội trường Tự Do trong trung tâm sinh hoạt cộng đồng tại Athol Park- trong thành phố Adelaide để cùng tham dự ngày giỗ tổ Hùng Vương.

Trong không khí tưng bừng của ngày hội lớn, có sự hiện diện của các vị chức sắc, các vị đại diện các tôn giáo, đại diện các hội đoàn, đoàn thể, truyền thông và đông đảo quý đồng hương..

Với khung cảnh ấm cúng của hội trường trung tâm sinh hoạt của CĐ, các vị nhân sĩ và các bác cao niên trong các bộ quốc phục xanh đỏ vàng hòa quyện với những tà áo dài và quốc phục truyền thống của các bà, các cô, các em…tạo nên một sắc mầu tươi thắm làm rộn rã lòng người. Những bóng cờ vàng, cờ ngũ hành bên những câu đối đỏ ca tụng công đức tiền nhân làm rực sáng lên lòng tin yêu trong hào khí dân Việt, mỗi khi hồi tưởng về cái thủa thanh bình trên quê hương vào những ngày tháng 3 trẩy hội đền Hùng.

Đúng 5 giờ 00 chiều, khi hội trường đã đông đảo đồng hương hiện diện, nghi thức rước linh vị Quốc tổ được cử hành. Với ban tế tự mang phẩm phục truyền thống nhịp nhàng do ông Trần Văn Khải trưởng ban nghi lễ tuyên đọc bài cáo linh vị và 3 vị chức sắc rước linh vị lên đặt trên bàn thờ Quốc Tổ nơi lễ đài chính của hội trường.

Khi linh vị quốc tổ đã an vị trên bàn thờ là nghi thức chào quốc kỳ, bài quốc ca VNCH đã được mọi người hiện diện cùng cất cao lời hát trầm hùng giữa khung trời thanh tịnh thấp thoáng hồn thiêng sông núi VN. Cùng với phút mặc niệm để tưởng nhớ đến công đức tổ tiên các anh hùng dân tộc,các quân dân cán chính và đồng bào đã hy sinh vì lý tưởng tự do.

Trong chương trình lễ giỗ năm nay với sự đóng góp công sức của nhiều vị nhân sĩ, quý đồng hương và rất nhiều bạn trẻ trong cộng đồng đã đồng hành cùng các bậc cha anh trong công việc tổ chức và duy trì văn hóa Việt trong những dịp lễ hội truyền thống. Đặc biệt là ban nghi lễ với phẩm phục áo mũ, cân đai, đăc thù VN cùng với nghi lễ tế tổ được tập luyện thật công phu và nhịp nhàng giúp cho chương trình giỗ tổ thêm phần sốt sáng và thật cảm động.

Tiếp đến là diễn văn khai mặc của ông Hoàng Thắng, phó chủ tịch kế hoạch Cộng Đồng kiêm Trưởng Ban Tổ Chức (BTC) ngày giỗ tổ Hùng Vương.

Qua phần phát biểu, thay mặt cho BTC, ông Thắng ngỏ lời chào mừng quý đồng hương hiện diện trong ngày giỗ tổ và ca tụng tinh thần nhớ cội nguồn của toàn thể CĐ nhất là những người con dân VN xa xứ còn mang nặng tâm tình yêu quê hương, dân tộc, nghĩa đồng bào.…

Trọng tâm của ngày giỗ Tổ là nghi lễ Tế Tổ theo truyền thống dân tộc. Trong dịp này ông Lê Quang Tín chủ tịch CĐ đã thay mặt cho tất cả đồng hương người Việt Tự Do Nam Úc đọc văn tế Hùng Vương cùng với lời nguyện cầu lên hương hồn của các vị Quốc Tổ, các vị Minh Quân Văn Thánh, các Anh Hùng Liệt Nữ, hộ phù cho dân dộc Việt được hưởng thanh bình, an lạc …

Tiếp theo là nghi thức dâng hương trước linh vị Quốc Tổ, mọi người hiện diện đã lần lượt tiến lên bàn thờ với những nén hương trầm nghi ngút cùng đồng tâm dâng lên những lời nguyện ước chân thành cầu mong cho quê hương và dân tộc Việt sớm có ngày thái bình và phúc lộc khang an.

Trong dịp này mọi người cũng đã cùng tham dự vào nghi thức thắp nến cầu ngyện cho "Quốc Thái Dân An, cho Công Lý và Hoà Bình" sớm trở về trên quê hương, dân tộc Việt Nam.

Mở đầu là lời cầu nguyện theo nghi thức tôn giáo của các vị như: Đại đức Thích Viên Trí đại diện tổ đình chùa Pháp Hoa và phật tử Nam Úc, Linh mục Công Giáo Phêrô Trần Trọng Mỹ, phó xứ nhà thờ chánh toà Tổng Giáo Phận Adelaide, ông Lê Văn Sáng đại diện Giáo Hội Cao Đài Nam Úc, ông Phùng Phương Duy đại diện Phật Giáo Hòa Hảo Liên Bang Úc Châu & Tân Tây Lan.

Những lời nguyện cầu theo tinh thần các tôn giáo đã được dâng lên trước bàn thờ, ước mong hồn thiêng Quốc Tổ chứng giám và đón nhận những nguyện ước chân thành và cấp thiết của dân tộc Việt Nam.

Qua nghi thức này, quý đồng hương hiện diện đã cùng chung tấm lòng qua cử chỉ dâng lên trước bàn thờ quốc tổ những ánh nến lung linh nồng cháy để biểu tỏ tấm lòng thành của người con dân Việt trong ngày Giỗ Tổ.

Kết thúc chương trình của ngày Giỗ Tổ là lúc mọi người cùng chung hưởng Lộc Tổ. Những món ăn truyền thống VN do sự đóng góp của bà con trong ngày Giỗ Tổ được mọi người chung vui, chia sẻ và hưởng dùng như một phần của ngày Giỗ Tổ, để ghi nhớ công đức tổ tiên, để chia sẻ với những buồn vui đời ly hương xa xứ và là dịp đoàn tụ trong tình nghĩa đồng bào.

Lễ giỗ tổ Hùng Vương năm 2017 do Cộng Đồng Người Viêt Tự Do Nam Úc tổ chức, đã kết thúc vào lúc 8 giờ 00 tối cùng ngày trong tinh thần đoàn kết và đáng ghi nhớ.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Việc bái gối trước Thánh Giá được hiểu ra sao?
Nguyễn Trọng Đa
08:10 11/04/2017
Giải đáp phụng vụ: Việc bái gối trước Thánh Giá được hiểu ra sao?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi 1: Có người hỏi tại sao người Công Giáo bái gối trước Thánh giá từ Thứ Sáu Tuần Thánh đến Thứ Bảy Tuần Thánh, bởi vì hành động bái gối chỉ được dành riêng cho Phép Thánh Thể trong giờ chầu. Như vậy, việc bái gối trước Thánh giá phải chăng là hành vi của thờ ngẫu tượng? - M. U., Lagos, Nigeria.

Hỏi 2: Trong Thứ Sáu Tuần Thánh, phụng vụ của buổi cử hành này nói rằng một phần của buổi cử hành là nghi thức Thờ lạy (adoration) Thánh Giá, với ba lần cộng đoàn thưa: "Ta hãy đến thờ lạy…" Con nhớ lại rằng trước đây nghi thức được gọi là Suy tôn (Veneration) Thánh Giá. Các tín hữu Tin lành thường cáo buộc người Công Giáo thờ phượng các ảnh và tượng. Con đã luôn trả lời cho họ rằng chúng tôi chỉ thờ lạy Chúa, và chúng tôi có thể "suy tôn" các biểu tượng khác. Từ ngữ "thờ phượng" (worship) có xu hướng ủng hộ lập trường của họ. Xin cha cho một lời giải thích về việc dùng từ ngữ này. - J. D., Williams Lake, British Columbia, Canada.


Đáp: Tiêu đề chính thức của nghi thức này là "Suy Tôn Thánh Giá", và câu đáp cho lời mời gọi: "Đây là cây Thánh giá, nơi treo Đấng Cứu Độ Trần Gian" là "Ta hãy đến thờ lạy" ("Venite adoremus").

Từ "thờ phượng" (worship) trong tiếng Anh hiện đại thường là, mặc dù không phải là chuyên thuộc, dành riêng cho việc thờ Chúa.

Đúng là Giáo Hội không đưa ra một hành động thờ lạy một tượng gỗ, nhưng thờ lạy Chúa Kitô. Cũng vậy, nghi thức tôn thờ Thánh giá vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh được mặc một cường độ đặc biệt, vốn là khác với việc kính trọng đối với thánh giá trong suốt phần còn lại của năm. Điều này được diễn tả bởi sự việc rằng, từ lúc cử hành cuộc Thương Khó và Thứ Bảy Tuần Thánh đến lễ Vọng Phục Sinh, mọi người bái gối trước Thánh Giá (Cross) hay Thánh giá có hình Chúa (Crucifix), được sử dụng trong buổi cử hành.

Sự bái gối (genuflection, từ tiếng Latinh "genu flectere", nghiêng gối) là một cử chỉ thể hiện một loạt thái độ suy tôn và kính trọng. Ngày nay, hành động bái gối được liên kết chặt chẽ đến hành động thờ lạy Thiên Chúa. Thật vậy, đây là nghĩa duy nhất được đề cập trong Qui chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM):

"274. Bái gối, nghĩa là gối phải nghiêng đụng đất, là cử chỉ thờ phượng, do đó dành cho Thánh Thể và Thánh Giá từ khi được tôn kính trọng thể trong phụng vụ thứ Sáu Thánh tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa, cho đến bắt đầu Vọng Phục Sinh” (Bản dịch Việt ngữ của Linh mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Chí Cần, Giáo Phận Nha Trang).

Trong khi lời này là đúng, hành động bái gối đã được giải thích cách rộng rãi hơn, và không phải chỉ dành cho sự thờ lạy. Sự bái gối là một bổ sung khá gần đây vào thực hành phụng vụ, và chỉ trở nên bắt buộc sau năm 1502. Ngoài việc sử dụng hành động này như là một hành động thờ lạy Phép Thánh Thể, việc bái gối được quy định khi tín hữu đọc câu "Người đã nhập thể" trong Kinh Tin Kính ngày lễ Giáng sinh, và ngày lễ Truyền Tin. Việc bái gối cũng được dự kiến cho bất kỳ sự suy tôn Thánh Giá Thật nơi công cộng, và trong Tam nhật thánh như đã thấy ở trên. Cho đến gần đây, việc bái gối được chỉ định trong sự hiện diện của một Giáo hoàng, và bất cứ khi nào Giám mục giáo phận đi tới, khi Ngài chủ trì một buổi lễ.

Bên ngoài phụng vụ, lòng đạo đức bình dân đã có nhiều dịp cho việc bái gối. Thí dụ, nhiều người Công Giáo có thói quen bái gối, khi đi Đàng Thánh giá, lúc đọc "Adoramus Te, Lạy Chúa Kitô, chúng con thờ lạy Chúa, và chúng con chúc tụng Chúa, vì Chúa đã dùng Thánh giá mà chuộc tội cho thiên hạ”.

Ngoại trừ các việc bái gối nay đã bỏ (trong hình thức thông thường) đối với Đức Giáo Hoàng và Giám mục, tất cả các lần bái gối khác, một cách nào đó, phản ảnh sự thờ lạy Chúa Kitô, hoặc thực sự hiện diện trong Phép Thánh Thể, hoặc được biểu trưng bằng một cách đặc biệt.

Do đó, bởi vì cử chỉ bái gối là không chỉ dành cho sự thờ lạy Chúa, việc bái gối vào Thứ Sáu Tuần Thánh và Thứ Bảy Tuần Thánh không hề ngụ ý bất kỳ hình thức ngẫu tượng nào.

Từ viễn tượng lịch sử, lý do cho sự sử dụng cử chỉ suy tôn đặc biệt này, có lẽ là do nghi thức suy tôn Thánh giá có nguồn gốc tại Giêruxalem vào cuối thế kỷ IV, và tại Rôma vào thế kỷ VII, và được hướng tới các di tích chính của Thánh Giá Thật, vốn được lưu giữ tại các thành phố này.

Chỉ sau đó, khi nghi thức trở thành phổ biến, sự bái gối là dấu hiệu của sự suy tôn, thường được dành riêng cho Thánh Giá Thật, được mở rộng đến Thánh giá có hình Chúa được sử dụng trong buổi lễ.

Trong khi đối tượng thờ lạy hoặc thờ phượng luôn luôn là Chúa Kitô, sự suy tôn đặc biệt Thánh giá vào các ngày này dường như muốn nói rằng, mặc dù nhà tạm trống rỗng, tất cả các ảnh khác được che phủ, và Giáo Hội âm thầm chờ đợi Chúa sống lại, sự hiện diện của Chúa được biểu tượng bởi hình ảnh Thánh giá, mà nhờ đó Ngài đã cứu chúng ta khỏi tội lỗi của mình.

Bằng cách tập trung vào hình ảnh Thánh giá, Giáo Hội, như Louis Bouyer đã nói, "làm cho chúng ta nhận ra những gì không thể được phát hiện bởi 'các quyền lực' đã đóng đinh Chúa Vinh Hiển, chính trên Thánh giá của Ngài là sự vinh hiển của chúng ta". (Zenit.org 11-4-2017)

Nguyễn Trọng Đa
 
Văn Hóa
Lá thư Canada : Giặc Tàu
Trà Lũ
08:14 11/04/2017
Lá thư Canada : Giặc Tàu

Canada đang vào xuân. Chúa xuân đã sai sứ giả đến. Các cụ có biết sứ giả này là ai không ? Thưa đó là khóm hoa bé nhỏ mang tên Snowdrop / Hoa Giọt Tuyết. Tôi yêu nhóm hoa này qúa. Ngày xưa khi vừa mua nhà, mùa đông thứ nhất tôi đã nhìn thấy nó. Nó mọc ngay lối vào. Khi lớp tuyết cuối cùng của mùa đông vừa tan là nó từ lòng đất chui lên ngay, rụt rè nhưng mạnh mẽ. Ngày hôm trước mới mấy lá nhỏ, ngày hôm sau đã mọc lên cả cụm, và ngày hôm sau nữa đã trổ bông. Ôi những cánh hoa từ tuyết vươn lên sao mà nó trắng và thơm tho tinh khiết đến thế. Cả cụm hoa rất nhỏ bé, rất e ấp. Quanh nó mặt đất vẫn còn gía lạnh và trơ trụi. Xin kính chào đặc sứ mùa xuân.

Như để mở đầu mùa xuân, Chính quyền Canada vừa loan báo một tin rất nóng, đó là Canada sắp ban hành luật cho phép trồng và bán cần sa. Canada sẽ là quốc gia đầu tiên trong khối Thất Hùng G7 làm việc này. Anh John kể tin này cho cả làng An Lạc nghe rồi cười ha ha. Canada có chất cần sa trong người, các bạn ạ. Này nha, cây cần sa tên tiếng Anh là ‘cannabis’, rõ ràng tên của nó mang ba chữ đầu của Canada, phải không nào. Để thi hành luật mới này thì chính quyền cần một năm để chi tiết hóa và địa phương hóa. Báo chí cho biết là Canada sẽ chính thức ban hành luật này vào lễ quốc khánh sang năm. Việc này chắc không làm đẹp lòng Vua Trump bên xứ Cờ Hoa. Xưa nay việc buôn bán cần sa bên Hoa Kỳ đều qua ngả Canada. Nay Canada công khai cho trồng, mỗi nhà được trồng 4 chậu, và bán tại các cửa hiệu như nơi bán rượu bia. Chắc là khách bên Mỹ sẽ sang đây đông lắm.

Đó là tin cần sa. Tiếp theo là tin nhà cửa leo thang. Không biết có phải các quan Tầu Cộng và Việt Cộng tham nhũng đang mang tiền sang cất ở Canada hay không mà giá nhà ở Vancouver và Toronto leo thang khủng khiếp, vượt quá tầm tay của các bạn trẻ đang đi làm hiện nay. Xưa kia thì các bạn trẻ học xong đại học là kiếm được việc làm, là có tiền mua nhà, nay con số các bạn trẻ ở lỳ với cha mẹ vì không có khả năng mua nhà riêng, theo Sở Thống kê Canada thì con số này lên gần tới 50%. Chính quyền Canada biết việc TC và VC rửa tiền, mua nhà rồi để đấy, cho nên từ nay những căn nhà nào để trống thì sẽ bị đánh thuế nặng.

Xin ngưng tin nhà cửa. Riêng về công việc làm ăn, theo bản bá cáo của đài truyền hình uy tín CNBC ở Hoa Kỳ thì Toronto đang trở thành ‘Thung Lũng Hoa Vàng’ sau San Jose. Lý do : Toronto hiện có hơn 5 triệu dân mà có tới 4.100 công ty cao kỹ lớn nhỏ như Google, Facebook, Twitter... Các cụ phương xa nhớ kỹ nha, Toronto đang thành Thung Lũng Hoa Vàng thứ hai sau San Jose ở Cali đấy.

Canada cũng đang mừng chiến thắng 100 năm trận Vimy Ridge. Các cụ biết chiến thắng này chứ. Vimy Ridge là tên một miền phía bắc nước Pháp. Trong Đệ Nhất Thế Chiến miền này bị quân Đức chiếm. Vì là địa thế chiến lược quan trọng, miền này được quân Đức canh giữ rất chặt chẽ. Năm 1917, hai đạo quân của Pháp và Anh tiến chiếm nhiều lần mà đều thất bại, đạo quân của Canada được giao nhiệm vụ tấn công tiếp theo. Chỉ huy đạo quân Canada là tướng Arthur Currie, một vị tướng tài. Ông cho lập một trận đồ giống y như Vimy Ridge và cho binh sĩ tập trận giả để làm quen với mặt trận thực, và học tập về khí giới của Đức. Rồi xung phong. Tiền pháo hậu kích. Vì được tập luyện kỹ nên ngày 9-4-1917 quân đội Canada mở cuộc đại tấn công và đã thắng trận. Chiến thắng lẫy lừng này đã làm cho đệ nhất thế chiến sớm chấm dứt. Sử thế giới khi nhắc tới cuộc chiến 1914-18 đều nhắc tới chiến công Vimy Ridge của Canada, cách đây vừa đúng 100 năm. Các cụ bên Pháp nhớ kỹ chiến công này của quân đội Canada đấy nhé.

Trên đây là tin lớn . Sau đây là tin nhỏ của làng An Lạc chúng tôi. Cả làng tôi đã đi dự lễ Phục Sinh ở nhà thờ Cha Paolo. Các cụ còn nhớ Cha Paolo chứ, ông cha già gốc Ý đã bảo trợ gia đình Cụ chánh từ trại tỵ nạn sang Canada năm xưa ấy mà. Trong bài giảng giữa lễ, Cha Paolo nói về đạo của Chúa là đạo của tình yêu, của lòng bác ái. Ai nói yêu Chúa mà không yêu tha nhân là nói dối. Cha trích dẫn lời Mẹ Thánh Teresa Calcutta. Rằng có một linh mục Canada trong chuyến hành hương Ấn Độ năm xưa đã được gặp Mẹ Teresa Calcutta. Trước khi từ giã Mẹ, ngài xin Mẹ cho một lời khuyên để đem về chia sẻ cho giáo dân. Mẹ liền cấm lấy bàn tay linh mục, chỉ vào 5 ngón tay và nói ‘ You Dit It To Me’. Đây là lời Chúa . Chúa nói rõ ràng trong Kinh Thánh : khi ta cho kẻ đói ăn, kẻ rách rưới mặc, kẻ đau ốm thuốc uống là ta làm việc đó cho chính Chúa. Bàn tay năm ngón nhắc ta 5 lời của Chúa. Rồi Cha Paolo giảng tiếp :Chỗ khác có người hỏi Mẹ Teresa là phải làm phước bố thí tới giới hạn bao nhiêu. Mẹ trả lời : Tới khi nào ta thấy đau thấy xót thì mới là đủ. Chứ khi trong túi ta có 100 đồng mà ta lấy ra 1 đồng để làm phúc bố thí thì công phúc không có bao nhiêu. Trong túi ta chỉ có 100 đồng để đi mua gạo nấu cơm cho cả nhà mà ta dám lấy ra 50 đồng để giúp người nghèo đói thì đó mới là chia cơm sẻ áo, mới là việc bác ái đích thực.

Xin hết chuyện bài giảng lễ Phục Sinh để mời các cụ về ăn tối ở nhà Chị Ba Biên Hòa với chúng tôi. Anh John và Chị Ba đãi cả làng một món rất đặc biệt. Các cụ có thể đoán ra món gì không ? Nó đặc biệt không phải đối với nhóm gốc Bắc kỳ chúng tôi mà nó đặc biệt đối với Chị Ba gốc Nam Kỳ. Thưa bữa nay Chị nấu món Phở Bò đãi cả làng. Các cụ còn nhớ tháng trước làng tôi ăn phở bò do Cụ chánh nấu chứ? Chị đã rắp tâm học Cụ Chánh để nấu cho được món phở bò Bắc Kỳ này. Khá ngon, các cụ ạ, Cụ Chánh ăn xong chấm điểm 90/100. Ai cũng khen. Trong bữa ăn làng tôi không còn bàn chuyện nấu phở nữa mà bàn chuyện về gốc chữ PHỞ.

Phở có gốc từ đâu, từ món Tàu hay món Tây. Trên báo chí đã có nhiều bài viết về vấn đề này. Rầt nhiều báo nói tiếng PHỞ là bởi món Tàu mang tên’ Ngưu Nhục Phấn’, và tiếng Phấn này đã đẻ ra tiếng Phở. Xưa nay về ăn uống thì nhiều người vẫn coi món của Tàu là ngon, cho nên món Ngưu Nhục Phấn đẻ ra món Phở. Tôi nghe chói tai qúa vì không phục cái gốc này.

Tôi thích cái gốc ‘Pot-au-feu’ hơn. Con bò và thịt bò là do người Pháp đưa vào VN. Xưa, VN và Tàu chỉ biết có thịt trâu mà thôi. Cái bếp của người Pháp có món thịt bò hầm, tên là pot-au-feu, nước bò hầm này người Pháp bỏ thêm các loại rau. Người VN bắt chước nhưng không cho rau mà cho bánh đa tươi vào. Rồi phe ta thấy ngon nên cứ thế mà chế thêm gia vị, và chữ FEU trong pot-au-feu đã biến thành tiếng PHỞ. Nghe rất có lý, phải không cơ ?

Tôi nói chữ Phở không phải là chữ của Tàu thì chắc việc này làm các quan VC ở Hà Nội không vui. Bây giờ cái gì cũng phải gốc Tàu, nhờ Tàu. Ai nói khác, ai chống Tàu, là bỏ tù ngay. Cụ Chánh tiên chỉ làng nghe tôi nói tới đây thì xin góp ý. Rằng lão không thèm chửi Tàu nữa mà lão chỉ xin ca tụng tiền nhân vô cùng anh dũng mà thôi. Nếu đi biểu tình thì xin các bạn hãy viết những biểu ngữ thật lớn với hàng chữ này:

Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô

Sông Bạch Đằng phanh thây Ô Mã.

Nếu tìm được cách mà treo biểu ngữ này trước cơ sở của Tàu thì thật là tuyệt vời. Chả cần phải đập phá gì, chỉ nhắc : 2 tướng tài của chúng mày là Toa Đô và Ô Mã Nhi đã bị tổ tiên VN chúng tao phanh thây. Hãy giờ hồn !

Các cụ trong nưóc và ngoài nước nghĩ sao cơ?

Cụ B.95 nghe nhắc tới TC và VC suốt bữa ăn thì kêu nhức đầu. Cụ xin chuyện khác, những chuyện thoải mái. Anh John xin kể ngay. Rằng có một anh Tàu Cộng kia lấy một cô vợ da đen, và sinh được một đứa con. Sau 3 tháng thì đứa con này chết. Trong đám tang đứa bé có một bà già thuộc gia đình cô vợ da đen vừa khóc vừa kể lể “ Tôi đã biết trước mà, tôi đã biết trước mà !’ Chồng bà mới hỏi bà biết cái gì nói nghe coi. Bà già trả lời : Tôi đã biết trước là đồ của Trung Cộng không tốt không bền mà !

Bà cụ B.95 chỉ cười một chút rồi nói : không hay vì vẫn dính tới Tàu Cộng.

Anh H.O. xin tiếp sức anh John. Anh xin kể chuyện không dính tới TC và VC.

Rằng có một anh Saigon ra Quảng Ngãi chơi, anh gặp một chị vừa quen trong bữa tiệc, trước khi chia tay thì anh con trai xin số điện thoại để liên lạc. Cô gái liền trả lời :

- Tém hơi không, tém hơi, tém hơi

Anh con trai nghe xong liền nói :

- Em hiểu lầm rồi, anh không thích đi tắm hơi. Anh thích nói chuyện bằng điện thoại cơ.

- Cô gái liền đỏ mặt rồi trả lời : Thì em núa rùi đó, số của em là ‘tém hơi không, tém hơi tém hơi, 820-8282.

Nghe xong cả làng vỗ tay khen hay. Thấy vậy, Anh John được hứng xin kể câu chuyện khác cũng liên hệ tới số điện thoai. Rằng ông bạn của Anh đi du lịch tại Thượng Hải. Ông đến ở khách sạn. Ông đến quầy tiếp tân gặp một cô gái đang ngồi sau máy. Anh xin số điện thoại để liên lạc về sau, cô gái liền vui vẻ đáp ngay :

- Sex, sex sex, want free sex for tonight ?

Ông bạn nghe xong liền nói to : Trời, phụ nữ Thượng Hải thật là hiếu khách !

Một du khách phiá sau vỗ vai anh ta rồi nói : Bạn không hiểu giọng tiếng Anh của cô ấy. Cổ muốn nói : 666-136-429.

Cả làng cười râm ran. Hay quá chứ. Nhân nói tới quầy lễ tân ở khách sạn, Anh H.O. cũng

xin góp chuyện. Chuyện xảy ra ở VN. Rằng có một đại gia kia đi nghỉ mát. Sau khi ghi danh nơi bàn giấy tiếp tân, ông lên phòng và bảo người nhân viên đang xách va li cho ông : Tôi đi máy bay nên còn mệt. Bây giờ tôi ngủ trưa , đến 1 giờ thì anh đánh thức tôi dậy rồi xin anh đem lên cho tôi một đĩa tôm hùm, một đĩa bí tết, một chai rượu hảo hạng vân vân ... Anh bồi phòng đã làm như ông dặn, đúng 1 giờ anh đem lên cho ông tôm hùm, thịt bò, chai rượu và một cô gái chân dài. Ông nhìn cô gái rồi hỏi anh bồi phòng : cô gái nào đây ? Anh bồi phòng mỉm cười rồi trả lời : Lúc nãy ông dặn các món ăn và nói ‘vân vân’. Chúng tôi hiểu tiếng ‘vân vân’ là ông muốn tươi mát, muốn có gái.

Ha ha. Anh bồi phòng khách sạn thông minh quá chứ. Cụ nào về VN thì chớ nói tiếng vân vân ở khách sạn nha. Muốn gì thì phải nói cho rõ nha. Cụ đi với vợ mà nói vân vân là kẹt to đó. Tiếng Việt giầu nghĩa vậy đó.

Nhân đang nói chuyện vui về cái hay của tiếng Việt, tôi chợt nhớ tới 2 câu thách đối mà tôi đã trình các cụ từ xưa. Đầu năm con gà này tôi nhận được lời đáp của một nữ độc giả. Độc giả này thật là thông minh, chắc nàng là con cháu của bà Đoàn Thị Điểm và Hồ Xuân Hương. Xin các cụ phương xa cho ý kiến và cho điểm.

Câu thách đối thứ nhất của tôi là ‘ Gái Củ Chi, chỉ cu, hỏi củ chi ?

Nữ độc giả đối lại :

‘ Trai Yên Thế, e thiến, nằm yên thế ‘

Và câu thách đối thứ hai : ‘Trai Hóc Môn, vừa hôn vừa móc’

Người đẹp đáp : ‘Gái Bù Đốp, lúc bốp lúc đù’

Ghi chú : Hóc Môn là một quận lỵ thuộc tỉnh Gia Định

Bù Đốp là một huyện gần Lộc Ninh thuộc tỉnh Bình Phước, giáp giới Cao Mên.

Xin hết chuyện 2 câu đối và trong khi chờ các cụ chấm điểm, tôi xin kể tiếp về bữa phở bò do Chị Ba Biên Hoà thết. Cả làng ai cũng khen vì chị là người Nam Kỳ mà nấu món Bắc Kỳ ngon như thế này thì quả là giỏi. Sang phần uống trà thì làng tôi nói miên man nhiều thứ chuyện.

Cụ B.95 thì kể chuyện về chính cụ. Rằng tôi sinh quán ngoài Bắc, gốc ở một làng quê. Vì tôi chậm chân vào Nam năm 1954 nên phải sống nghèo khổ ngoài Bắc, đến năm 1975 tôi cố vào Saigon tìm đứa con mà tôi đã gửi đi trước thì nó đã vượt biên, lúc đó tôi nghĩ rằng đời mình đã tàn thật sự. Ai ngờ thằng con vượt biên thành công và nó được Canada nhận. Từ Canada nó bảo trợ tôi. Tôi tới đất thiên đàng này năm 1995. Đến nay cuối đời mà tôi được như thế này, thì quả thực là tôi có số đỏ vô cùng.

Anh H.O. cũng kể chuyện mình, cũng cho mình có số đỏ. Rằng anh gốc tù cải tạo, được nhận vào Mỹ theo diện H.O. Tôi tưởng cả đời sẽ ở Mỹ, ai dè từ Mỹ sang chơi Canada thì gặp tiếng sét ái tình, thế là ở lại Canada luôn. Tưởng là cô đơn xứ người, ai dè lọt được vào làng An Lạc sung sướng như thế này.

Ông bồ chữ ODP nghe chuyện số mệnh của Cụ B.95 và anh H.O. xong thì gật gù. Ông bảo con người ta quả là có số. Ông cũng gốc tù cải tạo, đáng lẽ đi Mỹ theo diện H.O. nhưng vì giấy tờ nộp chậm nên không đưọc đi theo diện này. Ông đã được con bảo lãnh, đã sang Canada, và đã chung sức làm ra cái làng An Lạc này. Ông thấy đây đúng là do số mệnh. Ông bảo ông có số đỏ. Ông không kể chuyện của ông mà ông xin kể vài chuyện tiêu biểu về số mệnh. Mình không cãi được cái số các bạn ạ. Như chuyện nhà văn Kim Dung, gốc Triết Giang bên Tàu.

Khi mới vào đời Kim Dung chỉ ao ước làm một nhà ngoại giao để được đi đây đi đó và được giao tiếp với nhiều người lỗi lạc, nhưng ông không xin được vào ngành ngoại giao, ông chỉ xin được chân thư ký cho một thư viện. Nhờ làm việc với sách vở, suốt ngày ông đọc sách, chữ nghĩa nó đã thấm sâu vào người ông, nên ông đã thành một nhà văn, một nhà văn lớn, tên tuổi khắp thế giới.

Đó là chuyện bên Tàu, bên ta thì có chuyện nhạc sư Trần Văn Khê, gốc Mỹ Tho, anh của nghệ sĩ Trần Văn Trạch và ba của tiến sĩ Trần Quang Hải. Ban đầu, năm 1949,, ông được du học Pháp quốc với mộng trở thành nhà ngoại giao như ông Kim Dung trên đây. Ông đã chọn học ngành chính trị bang giao quốc tế. Chẳng may ông bị bệnh nặng phải nằm bệnh viện rất lâu. Trong khi chờ phục hồi sức khoẻ , ông vào thư viện của bệnh viện tìm sách đọc qua ngày, và những cuốn sách về âm nhạc đã quyến rũ ông, làm ông mê âm nhạc. Khi hết bệnh, ông bỏ học về chính trị mà chuyển sang âm nhạc. Và ông đã thành một nhà âm nhạc học số 1 của VN. Đúng là cái số. Giả mà GS Trần Văn Khê không bị bệnh, không nằm bệnh viện thì sao có thể gặp nữ thần âm nhạc và có một sự nghiệp về âm nhạc lẫy lừng như vậy.

Nói đến đây rồi ông ODP nhắp một ngụm trà. Mọi ngưòi say sưa nghe ông kể chuyện, ai cũng như bị ông hớp hồn. Ai cũng xin ông kể tiếp.

Ông liền nói tiếp. Con người đều có số mệnh. Quốc gia cũng có số mệnh.

- Tôi xin nói chút xíu về Nhật Bản. Ngày xưa quân Mông Cổ mạnh hết sức đến nỗi có lời

nói rằng chân Mông Cổ bước tới đâu là cỏ chết đến đó. Sử chép năm 1274, quân Mông Cổ sang xâm lăng Nhật Bản. Họ đã đổ quân lên vịnh Hakozaaki và tập trung nhằm vào phía đông Kyushu. Nhưng một trận cuồng phong dữ dội đã nhận chìm hàng trăm chiến thuyền của Mông Cổ, số còn lại bị thổi dạt về tận bờ biển Triều Tiên. Cuộc xâm lăng này không thành. Sáu năm sau, 1280 Mông Cổ lại đem đại binh quyết chiếm cho đưọc Nhật Bản, nhưng một trận cuồng phong dữ dội khác đã nhận chìm tất cả chiến đoàn của Mông Cổ. Từ đó Mông Cổ mới bỏ ý định xâm chiếm Nhật Bản. Ta thấy rõ ràng Nhật Bản thoát các cuộc xâm lăng của Mông Cổ, không phải do lực lượng kháng chiến của mình, mà là do 2 trận cuồng phong. Đây có phải là số hên của Nhật Bản không ?

Quả đúng thế.

Nghe đến đây thì Cụ Chánh xin góp ý kiến. Rằng Nhật có số hên, chắc do thần Mặt Trời phù hộ. Còn Việt Nam nước ta thì sao đây? Chả lẽ cái số nước mình sắp thành thuộc địa của Tàu Cộng sao? Bây giờ dân Tàu nhan nhản khắp ba miền nước ta, vừa là du khách vừa là dân nghề. Đa số đây là quân nhân Tàu trá hình. Nơi họ ở đều là những yếu điểm chiến lược. Mai này có biến là VN mình mất vào tay quân Tàu ngay. Đa số đảng viên CSVN biết rất rõ việc này nhưng vì mạng sống, vì gia tài đang có trong tay, vì con cháu đang du học và giữ của ở nước ngoài nên họ cúi mặt làm thinh. Dân chúng VN chúng ta đang như con ếch bị luộc. Bỏ con ếch vào nồi nước nóng thì nó nhảy ran ngay, nhưng bỏ con ếch vào nồi nước lạnh thì nó sẽ ngồi yên, nước tăng độ nóng lên từ từ. Cuối cùng con ếch bị luộc chín lúc nào không hay. Dân VN mình đang bị luộc như vậy đó, bà con ơi. Gần đây Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết viết một bài rất hay là ta phải chống Tầu Cộng mãi mãi và liên tục. Việt Nam không thể tồn tại nếu không nuôi dưỡng ý chí chống Tàu. Đó là lịch sử và kinh nghiệm xương máu của tổ tiên VN với trên 4000 năm dựng nước và giữ nước.

Nhân ngày 30 tháng Tư Đen, chúng ta nhớ chuyền cho con cháu thông điệp chống Tàu cứu nước này nha. Xin tổ tiên sớm đưa đất nước vào vận hội mới, hết CS và thoát Tàu.

Trà Lũ
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Hoa Tím
Joseph Ngọc Phạm
20:16 11/04/2017
HOA TÍM
Ảnh của Joseph Ngọc Phạm
Hoa tím vẫn màu yêu mến xưa
Màu hoa kỷ niệm nói sao vừa
Ngày mai nếu lỡ hoa tàn úa
Thử hỏi xa rồi ai đón đưa…
(Trích thơ của Nguyễn Vạn Thắng)