Ngày 09-04-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thứ Bẩy 10/4: Vai trò của người phụ nữ trong cuộc sống. Suy niệm của Lm. Bênađô Nguyễn Văn Toàn
Giáo Hội Năm Châu
01:52 09/04/2021


Video sẽ bắt đầu từ 7g tối ngày 09-April-2021 theo giờ Việt Nam


Tin Mừng Mc 16,9-15

Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

Sau khi sống lại vào lúc tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần, Đức Giê-su hiện ra trước tiên với bà Ma-ri-a Mác-đa-la, là kẻ đã được Người trừ cho khỏi bảy quỷ. Bà đi báo tin cho những kẻ đã từng sống với Người mà nay đang buồn bã khóc lóc. Nghe bà nói Người đang sống và bà đã thấy Người, các ông vẫn không tin.

Sau đó, Người tỏ mình ra dưới một hình dạng khác cho hai người trong nhóm các ông, khi họ đang trên đường đi về quê. Họ trở về báo tin cho các ông khác, nhưng các ông ấy cũng không tin hai người này.

Sau cùng, Người tỏ mình ra cho chính Nhóm Mười Một đang khi các ông dùng bữa. Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy. Người nói với các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo.”
 
Ẩn tàng cách mầu nhiệm
Lm. Minh Anh
04:14 09/04/2021
ẨN TÀNG CÁCH MẦU NHIỆM
“Không ai trong nhóm ngồi ăn dám hỏi, ‘Ông là ai?’, vì mọi người đã biết là Chúa”.

Kính thưa Anh Chị em,

Các cuộc hiện ra của Chúa Giêsu sau khi Ngài phục sinh luôn ‘ẩn tàng cách mầu nhiệm’. Mầu nhiệm không phải vì một điều gì đó khó hiểu hay không chắc chắn, nhưng mầu nhiệm vì chiều sâu thâm thuý và sự kính sợ đầy kinh ngạc được nhìn thấy trong các lần hiện ra đó. Và một lý do khác là con người chưa thể đi vào chiều kích sâu thẳm và thâm thúy đó, một khi chưa được Chúa Thánh Thần soi sáng. Chúa Giêsu có lý do khi Ngài vừa tỏ mình lại vừa ‘ẩn tàng cách mầu nhiệm’ như thế!

Trình thuật hiện ra lần thứ ba của Ngài trong Tin Mừng hôm nay đã chứng tỏ điều đó. Đây là lần đầu tiên sau phục sinh, Ngài ngỏ lời với họ từ bờ biển khi họ đã thức suốt đêm mà không bắt được gì; Ngài bảo họ thả lưới bên hữu thuyền. Họ đã làm theo mà không nhận ra đó là Thầy mình, Đấng đang nói với họ, mãi cho đến khi bắt được nhiều hơn những gì họ có thể, họ mới nhận ra Ngài.

‘Mầu nhiệm’ trong lần hiện ra này có nhiều khía cạnh. Tại sao thoạt đầu các môn đệ không nhận ra Chúa Giêsu? Tại sao Ngài bảo họ quăng lưới bên phải mạn thuyền? Tại sao Thầy của họ được nhận biết sau mẻ cá lớn một trăm năm mươi ba con? Tại sao Đấng Phục Sinh dọn bữa sáng cho các môn đệ trên bờ biển? Và tại sao Gioan lại ghi rằng, “Không ai trong nhóm ngồi ăn dám hỏi, ‘Ông là ai?’”. Như vậy, rõ ràng, cuộc hiện ra của Chúa Giêsu thực sự ‘ẩn tàng cách mầu nhiệm’.

Đúng thế, sau ba năm ở với Thầy, các môn đệ đã kinh nghiệm một điều, không có Thầy, các ông không thể làm gì được; hơn nữa, họ ý thức mình được gọi là để lưới người, chứ không còn lưới cá. Chính vì thế, mẻ cá ấy đủ cho các ông thấy, họ đang vâng lời Đấng đã kêu gọi họ. Thú vị thay, số cá đếm được 153 con! Chẳng ai đi làm cá mà đếm cá, nhưng ‘153’ là tất cả loại cá sống ở biển hồ. Sứ mạng của môn đệ Chúa Giêsu là phải gom về cho Nước Chúa tất cả mọi hạng người trên trần gian; như thế, các môn đệ và trước nhất là ‘Gioan, người Chúa yêu’ phải nhận ra Ngài trong ý muốn ‘ẩn tàng cách mầu nhiệm’ của Ngài. Làm sao trí óc con người có thể hiểu được khi một người đã bị các nhà chức trách và dân mình đánh đập rồi giết chết, nhưng lại phải được loan báo dưới gầm trời này, để không một danh nào khác được ban cho nhân loại, mà nhờ đó, họ được cứu độ! Một kế hoạch cứu độ vượt quá mọi hiểu biết của con người đã thật sự được ẩn tàng dưới viễn cảnh của đau khổ và chết chóc như bài đọc Công Vụ Tông Đồ hôm nay nói đến.

Trong một cuốn tiểu thuyết, người đọc được cung cấp những manh mối mơ hồ khác nhau để giúp họ tìm ra những bí ẩn và giải quyết nó; các manh mối luôn mập mờ cách cố ý nhằm cho việc giải quyết chúng trở nên hấp dẫn và thách đố hơn. Tuy nhiên, khi nói đến một ‘mầu nhiệm của đức tin’, chẳng hạn mầu nhiệm đức tin chung quanh một cuộc hiện ra của Chúa Giêsu, thì mầu nhiệm này thuộc một loại hoàn toàn khác. Trong trường hợp này, mầu nhiệm có một chiều sâu và một chiều rộng cần khám phá và là một điều gì đó có khả năng lôi kéo chúng ta ngày càng đi sâu hơn, hiểu biết hơn vào bản chất vô hạn của Thiên Chúa và hành động xót thương cứu rỗi của Ngài.

Lấy ví dụ, “Không ai trong nhóm ngồi ăn dám hỏi, ‘Ông là ai?’, vì mọi người đã biết là Chúa”, thì có vẻ như các môn đệ tụ tập quanh Chúa Giêsu, họ ngồi đó với một lòng kính sợ khi Ngài chuẩn bị bữa điểm tâm cho họ. Sự kính sợ thầm lặng của họ đối với Ngài trong lần hiện ra này cho thấy, lời nói là không cần thiết và cũng không đủ. Thông thường, khi nhìn thấy ai đó vui vẻ, chúng ta sẽ chào hỏi, bắt chuyện… nhưng ở đây, các môn đệ vẫn ở trong sự kính sợ thánh thiện, lắng nghe Ngài, tiếp nhận bữa ăn và suy gẫm về mầu nhiệm sự hiện diện phục sinh của Ngài. Đó chính là bài học, cũng là câu trả lời cho lý do tại sao cuộc hiện ra của Chúa Giêsu lại ‘ẩn tàng cách mầu nhiệm’.

Anh Chị em,

Đức tin dạy chúng ta, Chúa Giêsu Phục Sinh đang sống trong chúng ta, đang hoạt động trong Hội Thánh và trong lòng nhân loại. Ngài là chủ, đang điều khiển lịch sử thế giới theo chương trình của Ngài; nhưng điều ấy vẫn ‘ẩn tàng cách mầu nhiệm’. Cả nhân loại đang phải vật lộn từng ngày với khó khăn, bệnh tật, thiên tai, nghèo đói, chiến tranh… Chúa Giêsu Phục Sinh vẫn đang có mặt ở đấy! Gia đình, cộng đoàn chúng ta cũng gặp bao biến cố, bất trắc, Ngài vẫn đang có mặt ở đấy! Ngài là Cứu Chúa! Vậy, chúng ta không thể sống như những người không có đức tin. Hãy bước đi trong ánh sáng, tình yêu và niềm vui vì Thiên Chúa đang hiện diện. Đồng thời, hãy phó thác mọi sự và dâng hết cho Ngài, ngõ hầu có thể khám phá ra Ngài đang ‘ẩn tàng cách mầu nhiệm’ mỗi ngày.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa Giêsu, con cám ơn Chúa đã luôn hiện diện và đồng hành với con. Xin ban cho con biết vững tin vào Chúa và biết làm chứng cho niềm tin ấy trong cuộc sống hằng ngày, dẫu những cuộc viếng thăm của Chúa thường ‘ẩn tàng cách mầu nhiệm’”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Từ không tin đến vững tin và loan truyền đức tin
Lm. Đan Vinh
04:24 09/04/2021
CHÚA NHẬT 2 PHỤC SINH A.B.C
Cv 4.32-35; 1 Ga 5,1-6; Ga 20,19-31
TỪ KHÔNG TIN ĐẾN VỮNG TIN VÀ LOAN TRUYỀN ĐỨC TIN

I.HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Ga 20,19-31:

(19) Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!”. (20) Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. (21) Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”. (22) Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần. (23) Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; Anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”.(24) Một người trong Nhóm Mười Hai tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến. (25) Các môn đệ khác nói với ông: “Chúng tôi đã được thấy Chúa! Ông Tô-ma đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin”.(26) Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em”. (27) Rồi người bảo ông Tô-ma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra và đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”.(28) Ông Tô-ma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con! “ (29) Đức Giê-su bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc cho những người không thấy mà tin!”.(30) Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; Nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. (31) Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người.

2. Ý CHÍNH:

Tin Mừng Gio-an hôm nay tường thuật hai lần Đức Giê-su hiện ra với các tông đồ. Cả hai lần đều vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần và cách nhau một tuần lễ. Lần đầu Tô-ma vắng mặt, và lần sau có ông hiện diện. Khi hiện ra lần thứ hai, Đức Giê-su đã thỏa mãn đòi hỏi của Tô-ma đòi được “mắt thấy tai sờ”. Khi được Chúa Phục Sinh hiện ra, lập tức Tô-ma đã có đức tin và đã tuyên xưng đức tin: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con !”. Sau đó, Đức Giê-su đã động viên các tín hữu về sau là những người chỉ có đức tin bởi nghe: “Phúc thay những người không thấy mà Tin!”.

3. CHÚ THÍCH:

- C 19-20: + Ngày thứ nhất trong tuần: Ngày nay, Giáo Hội đã chọn Ngày Thứ Nhất trong tuần để mừng mầu nhiệm Chúa Phục Sinh và gọi là Chúa Nhật hay Ngày Của Chúa. Đây là ngày lễ nghỉ, thay thế Thứ Bảy (Sa-bát) của Do Thái Giáo. + Đức Giê-su đến: Đức Giê-su Phục Sinh hiện đến trong lúc phòng đóng kín. Điều này cho thấy thân xác phục sinh của Người có đặc tính thiêng liêng siêu việt, có khả năng hiện diện khắp nơi. + Bình an cho anh em! Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa: Đức Giê-su Phục Sinh đem lại sự bình an (x. Ga 20,19.21) và niềm vui (x Ga 20,20) cho các môn đệ (x Ga 14,27). + Người cho các ông xem tay và cạnh sườn: Đức Giê-su Phục Sinh cũng là Đấng đã bị đóng đinh chân tay vào thập giá (x. Ga 19,18), và bị lưỡi đòng đâm thâu cạnh sườn (x. Ga 19,34). Điều này cho thấy có một dây liên kết giữa mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh.
- C 21-23 + Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em: Tông đồ nghĩa là “được sai đi”. Sứ mạng này xuất phát từ Chúa Cha truyền cho Đức Giê-su, và giờ đây đến lượt Đức Giê-su Phục Sinh lại truyền cho các môn đệ và tất cả mọi tín hữu. + Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”: Theo Kinh Thánh, hơi thở chính là sự sống. Như xưa, Thiên Chúa đã thổi sinh khí vào con người A-đam và ban sự sống cho ông (x. St 2,7), thì nay, Đức Giê-su Phục Sinh cũng thổi Thần Khí cho các môn đệ. Rồi đến lượt các môn đệ lại sẽ ban sự sống thiêng liêng ấy cho các tín hữu. + “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha. Anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”: Đức Giê-su được Gio-an Tẩy Giả giới thiệu là Con Chiên của Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian (Ga 1,29). Khi làm phép lạ chữa lành một người bại liệt, Đức Giê-su đã cho thấy Người có quyền tha tội (x. Mt 9,6). Trong bài Tin Mừng hôm nay, Người còn thiết lập bí tích giải tội, ban quyền tha tội cho các Tông đồ bằng việc thông ban Thánh Thần cho các ông. Từ đây các giám mục kế vị các Tông đồ sẽ tiếp tục thông ban quyền tha tội cho các linh mục là những cộng sự viên của các ngài.
- C 24-25: + Một người trong Nhóm Mười Hai tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô: Tô-ma là một trong Mười Hai Tông đồ (x. Mt 10,3). Biệt danh là “Sinh Đôi”. Tính tình bộc trực và can đảm (x. Ga 11,16). Ông ưa nêu ra thắc mắc khi Đức Giê-su đang giảng để được Người dạy rõ hơn (x.Ga 14,5). + Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người...: Tô-ma đòi được “mắt thấy tay sờ”, nghĩa là đòi một đức tin khả giác giống như một nhà khoa học thực nghiệm (x. Ga 20,25). + “... thì tôi chẳng có tin”: Nhiều môn đệ khác cũng cứng tin như thế. Tin Mừng nhất lãm đã nói tới sự cứng tin của các ông như sau: “Nhưng có mấy ông vẫn hoài nghi” (Mt 28,17); “Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy” (Mc 16,14); Chúa phán: “Sao anh em lại hoảng hốt? Sao còn ngờ vực trong lòng?” (Lc 24,38).
- C 26-27: + “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay thầy”. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy: Đức Giê-su đã thoả mãn những đòi hỏi của Tô-ma. + Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin: Đức Giê-su tuy khiển trách tội cứng lòng của Tô-ma, nhưng Người cũng thông cảm và chỉ kêu gọi ông từ bỏ cứng lòng để tin vào mầu nhiệm Phục sinh của Người.
- C 28-29: + Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”: Tô-ma là môn đệ cuối cùng tin Đức Giê-su sống lại, nhưng lại là người đầu tiên tuyên xưng nội dung đức tin đầy đủ nhất về Đức Giê-su: Người vừa là Chúa (Cứu Chúa), vừa là Thiên Chúa (Con Thiên Chúa). + Phúc thay những người không thấy mà tin”: Từ nay trở đi, đức tin và mầu nhiệm Phục Sinh không dựa trên kinh nghiệm khả giác về các lần hiện ra nữa, nhưng dựa trên lời chứng của các Tông đồ (x. Ga 19,35). Sau này các Tông đồ còn làm chứng về Đức Giê-su Phục Sinh bằng việc sẵn sàng chịu chết vì đức tin vào mầu nhiệm ấy.

4. CÂU HỎI:

1) Tại sao ngày nay Hội Thánh chọn Ngày Thứ Nhất trong tuần làm ngày Chúa Nhật thay vì ngày Thứ Bảy (Sa-bát) như đạo Do thái?
2) Việc Đức Giê-su Phục Sinh đến giữa các môn đệ tại nhà Tiệc ly đang khi cửa đóng kín cho thấy thân xác của Người sau khi sống lại có phẩm chất gì?
3) Qua lời chào chúc, Chúa Phục Sinh đến đã đem lại điều gì cho các môn đệ?
4) Qua việc cho môn đệ xem tay và cạnh sườn, Chúa Phục Sinh muốn nói gì với các ông?
5) Sứ mệnh tông đồ thừa sai của Hội Thánh phát xuất từ đâu và vào lúc nào?
6) Tại sao Đức Giê-su lại thổi hơi ban Thần Khí cho các môn đệ?
7) Bằng chứng nào cho thấy Đức Giê-su có quyền tha tội và Người thiết lập bí tích Giải tội ban quyền tha tội cho Hội Thánh khi nào?
8) Tin Mừng cho biết gì về tông đồ Tô-ma? 9)
Tô-ma và các tông đồ có dễ tin vào mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa Giê-su hay không?
10) Khi hiện ra lần thứ hai, Chúa Giê-su đã làm gì để thỏa mãn đòi hỏi mắt thấy tay sờ của Tô-ma?
11) Cuối cùng Tô-ma đã đạt tới đức tin trọn vẹn qua lời tuyên xưng nào?
12) Ngày nay các tín hữu dựa vào đâu để tin vào mầu nhiện Phục Sinh của Chúa Giê-su?
13) Sự cứng lòng của Tô-ma và của các tông đồ có giá trị thế nào đối với đức tin của các tín hữu hôm nay?

II.SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Phúc thay những người không thấy mà tin” (Ga 20,29).

2. CÂU CHUYỆN:

1) ĐỨC KI-TÔ CHỈ ĐƯỢC TÔN VINH SAU KHI TRẢI QUA TỬ NẠN THẬP GIÁ:
Một hôm do muốn cám dỗ thánh Mác-ti-nô phạm tội, nên quỷ đã hiện hình thành một ông vua oai phong và phán rằng “Hỡi Mác-ti-nô, Ta cám ơn con đã tin vào Ta, và Ta mong rằng từ nay con sẽ luôn ở bên Ta và vâng nghe lời Ta truyền dạy”.
Mác-ti-nô chăm chú nhìn ông vua giàu sang kia và hỏi: “Nhưng thưa ngài, ngài là ai vậy?”. Vua liền trà lời: “Ta là Vua Ki-tô đây !”
Mác-ti-nô lại hỏi: “Vậy những vết thương ở tay chân của Đức Ki-tô đã biến đi đâu cả rồi?” Vua liền đáp “Ta từ trời xuống, nên không cần đến các vết thương đó nữa !”
Bấy giờ Mác-ti-nô nói: “Tôi sẽ không bao giờ tin vào một Đức Ki-tô không chịu khổ nạn và tay chân không mang thương tích!” Tên vua quỷ nghe vậy liền biến mất.
Đức Ki-tô sau khi Phục sinh vẫn giữ những vết thương của cuộc khổ nạn. Khi hiện ra với Tô-ma, Chúa Phục Sinh đã cho ông xem những vết thương trên tay chân và cạnh sườn Người để chứng minh Người là Đấng đã trải qua cuộc khổ nạn thập giá và đã từ cõi chết trỗi dậy.

2) GIÁ TRỊ CỦA CÁC VẾT SẸO TRÊN THÂN MÌNH ĐỨC GIÊ-SU:
Một võ sĩ đã trở lại đạo Công Giáo, ngày nọ gặp một người bạn thân. Anh bạn kia hỏi: “Tôi nghe nói anh mới theo đạo Công Giáo phải không? Thật là tức cười !”
Võ sĩ tân tòng liền đáp: “Sao lại tức cười? Đó là điều tốt mà anh”. Người bạn kia lại hỏi: “Nếu vậy, liệu anh có xoá nổi chân tướng con người du côn của anh trước đây không? Những vết sẹo còn lại trên khuôn mặt anh sẽ tố cáo con người thật của anh”.
Võ sĩ tân tòng trả lời: “Tôi không ngại chi về điều đó. Những vết sẹo là dấu vết của hành động bạo lực tội lỗi trước kia, thì nay lại trở thành cửa sổ giúp tôi đón nhận ơn Chúa. Thực vậy, những tội của tôi đã được Chúa thứ tha, nay tuy vẫn còn dấu vết, nhưng là dấu vết tình thương của Chúa. Người đã thương tôi và đã ban ơn cứu độ cho tôi”.
Khi hiện ra với các môn đệ, Chúa Phục Sinh đã giữ nguyên những vết sẹo để các ông có thể nhìn xem, sờ chạm và nhận ra Người. Khi hiện ra với Tô-ma, Chúa đã thỏa mãn đòi hỏi của ông khi phán: "Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin." (Ga 20,27). Chúa Ki-tô Phục Sinh sẽ khó thuyết phục Tô-ma tin rằng Người đã từ cói chết sống lại nếu không cho ông xem các vết sẹo trên hai bàn tay, hai bàn chân và nơi cạnh sườn của Người.

3) “LẠY CHÚA LÀ THIÊN CHÚA CỦA CON”:
Trong tạp chí Guidepots, đã có bài viết về bác sĩ SCOTT HARRISON, một chuyên viên phẫu thuật bàn tay. Trong một bài tác giả đã viết về bác sĩ này như sau: “Lần nào khi đang giải phẫu tay cho một người nào đó, ông cũng đều kêu lên vào một lúc nào đó: “Lạy Chúa là Thiên Chúa của con!”. Ông có thói quen nầy ngay từ hồi còn ở Việt Nam. Một đêm nọ, vừa rời trường Y, ông được kêu đi gắp một viên đạn bị kẹt trong tay một người lính dưới ánh sáng của ngọn đèn pin. Cuộc giải phẫu ấy đã để lại cho ông một cảm xúc sâu xa, đến nỗi sau khi cuộc chiến tranh kết thúc, ông đã quyết định học chuyên ngành giải phẫu bàn tay. Nhờ đi sâu vào lãnh vực chuyên môn nầy, ông đã thẩm định được cách sâu sắc cơn đau khủng khiếp do một vật lạ gây ra, chẳng hạn như một viên đạn. Khi vật ấy xuyên thủng lớp da, lớp gân và những sợi dây thần kinh nơi bàn tay một người, nhà phẫu thuật ấy thường giật thót người mỗi lần nghĩ đến cơn đau kinh khiếp mà Chúa Giê-su đã phải chịu khi đôi tay Người bị đóng đinh vào thập giá.
Khi chia sẻ bài Tin Mừng hôm nay, nhà phẫu thuật đã phát biểu như sau: “Tiếng kêu ‘Lạy Chúa là Thiên Chúa của con’ của tông đồ Tô-ma không chỉ là một lời tuyên xưng đức tin, mà còn là tiếng kêu đầy cảm thông của vị tông đồ này khi ông nhìn thấy dấu vết của đôi bàn tay bị xé toạc của Chúa Giê-su. Chỉ đến lúc đó, Tô-ma mới nhận thức được cơn đau đớn mà Người đã phải chịu đựng trên cây thập giá. Ông đã kết thúc bài nói chuyện như sau: “Mỗi lần thực hiện giải phẫu cho một ai đó, tôi luôn nhớ tới Chúa Giê-su đã từng chịu đóng đinh hai tay vào thập giá vì tôi. Khi ấy, cũng như Tô-ma, tôi đều phải thốt lên rằng : “Lạy Chúa là Thiên Chúa của con”.

4) CÓ THIÊN CHÚA KHÔNG?
Một bác học người Pháp muốn làm một cuộc nghiên cứu trong sa mạc. Ông chọn mấy người Ả-rập làm hướng dẫn viên. Một buổi chiều, khi mặt trời sắp lặn, một người trong nhóm dẫn đường trải tấm thảm xuống cát và ngồi lên đó trong dáng điệu trầm tư. Thấy thế nhà bác học buộc miệng hỏi:
- “Ngươi làm gì thế?”
- “Dạ, tôi cầu nguyện,” người kia trả lời.
- “Cầu nguyện à, thời buổi này mà còn cầu nguyện sao? Vậy ra anh vẫn còn tin có Thiên Chúa? … Mà anh đã nhìn thấy Chúa chưa?” Nhà bác học như muốn bắt bẻ.
- “Dạ chưa.”
- “Vậy anh đã nghe Chúa nói chưa?”
- “Dạ chưa.”
- “Vậy anh đã sờ chạm vào Chúa chưa?”
- “Dạ chưa,” người hướng dẫn kiên nhẫn trả lời.
- “Nếu thế thì anh thật là một gã điên khi tin vào một Thiên Chúa mà chưa bao giờ thấy, không bao giờ nghe, và cũng chẳng bao giờ đụng chạm được.”
Sau đó mọi người vào lều nghỉ đêm. Sáng hôm sau, trước khi hừng đông, nhà thông thái vừa bước ra khỏi lều đã vội kêu lên:
- “Ồ, này mọi người ơi: Tối hôm qua đã có một con lạc đà đi ngang qua nơi này!”
Người hướng dẫn trợn mắt kinh ngạc:
- “Vậy chứ ngài đã nhìn thấy con lạc đà đó đi ngang qua đây sao?”
- “Không,” nhà thông thái tự đắc trả lời.
- “Vậy chứ ngài đã đụng chạm vào nó à?”
- “Không.”
- “Vậy chứ ngài nghe thấy tiếng kêu của nó à?”
- “Không.”
Người hướng dẫn reo lên:
- “Thế thì ngài thực là một kẻ điên khi tin rằng có một con lạc đà đã đi ngang qua khu vực chúng ta ở, khi mắt ngài không thấy, tai ngài không nghe, và tay ngài không đụng chạm đến.”
Nhà thông thái đáp lại:
- “Nhưng ta biết được có con lạc đà ấy là nhờ những dấu chân của nó còn để lại trên mặt cát kia.”
Ngay lúc đó mặt trời hừng đông bắt đầu mọc lên, toả muôn tia sáng rực rỡ lung linh. Người hướng dẫn liền chỉ tay về phía mặt trời và nói: “Thế thì tôi cũng nhìn vào dấu vết là mặt trời kia để quả quyết có một Thiên Chúa đang đi qua cuộc đời tôi.”
Ngày nay không ít người đã dựa vào những khám phá của khoa học để tuyên bố không có Thiên Chúa, mà chỉ con người mới là chúa của vũ trụ. Và niềm tin vào Thiên Chúa đang bị khoa học bóp chết. Thế nhưng, cùng lúc đó lại có rất nhiều người khác, nhờ những khám phá của khoa học, đã nhìn thấy nhiều điều bí ẩn, siêu việt trong thế giới này, mà trí khôn con người chỉ mới vén mở được một phần sự thật it ỏi. Từ đó họ đã nhận biết sự hiện hữu của một Đấng siêu việt trên tất cả, Đấng mà các tín hữu gọi là Thiên Chúa.

3. SUY NIỆM:

1) Từ không tin đến tuyên xưng đức tin của tông đồ Tô-ma:
Tin Mừng Gio-an hôm nay tường thuật hai lần Đức Giê-su hiện ra với các tông đồ sau khi sống lại. Cả hai lần Chúa đều hiện ra vào buổi chiều Ngày Thứ Nhất trong tuần và cách nhau đúng một tuần lễ. Lần thứ nhất vắng mặt Tô-ma, và lần thứ hai có ông hiện diện với các anh em. Trước đó, Tô-ma đã tuyên bố sự cứng tin của mình khi đòi phải được “mắt thấy tay sờ” mới tin Thầy sống lại từ cõi chết. Do đó, trong lần hiện ra thứ hai, Chúa Giê-su đã thỏa mãn đòi hỏi của Tô-ma khi cho ông xem các vết đinh ở hai bàn tay bàn chân và vết thương do lưỡi đòng đâm thâu ở cạnh sườn Người. Bấy giờ Tô-ma đã đạt tới đức tin trọn vẹn qua lời tuyên xưng đức tin : “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”(Ga 20,28). Sau đó Đức Giê-su đã nhắn nhủ Tô-ma và qua ông, Người chúc phúc cho các tín hữu sau này: “Vì đã thấy Thầy nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà Tin!” (Ga 20,29).

2) Các môn đệ khác đạt tới đức tin vào mầu nhiệm Phục Sinh thế nào? :
Các môn đệ của Đức Giê-su không phải là những người dễ tin. Các Tin Mừng thuật lại diễn tiến đức tin của các ông như sau:
- Vào sáng ngày Thứ Nhất trong tuần, khi nghe bà Ma-ri-a bao tin xác Thầy biến mất, hai môn đệ Phê-rô và Gio-an đã chạy đến mồ quan sát thực hư. Gio-an đã đạt tới đức tin trước các anh em nhờ nhìn thấy những tấm khăn liệm xác và các dây băng được xếp gọn để lại trong mồ. “Ông đã thấy và đã tin”. Đức tin đến với ông nhờ sự tư duy và trực giác (x Ga 20,1-8).
- Bà Ma-ri-a Mác-đa-la ban đầu đã gặp được Chúa Phục Sinh, nhưng bà không nhận ra Người mà tưởng là người giữ vườn. Bà chỉ nhận ra Ngừơi khi Người gọi tên “Ma-ri-a” (Ga 20,16).
- Hai môn đệ làng Em-mau cũng chỉ nhận ra Chúa Phục Sinh sau khi đã được nghe Người giải thích Kinh thánh và chứng kiến việc Người bẻ bánh là điểm (x Lc 24,13-31).
-Bảy môn đệ rủ nhau đi đánh cá tại biển hồ Ga-li-lê đã nhận ra Chúa Phục Sinh do vâng lời Người nên đã bắt được mẻ cá lạ lùng (x Ga 21,1-14).
- Riêng ông Tô-ma trong Tin mừng hôm nay đã tin khi được Đức Giê-su thỏa mãn đòi hỏi “mắt thấy tay sờ” (x Ga 20,19-29).
- Tuy nhiên các môn đệ chỉ đạt tới đức tin trọn vẹn vào lễ Ngũ Tuần, sau khi các ông đã được gặp Chúa hiện ra nhiều lần. Nhất là sau khi các ông đã vâng lời Chúa cầu nguyện kết hiệp với Đức Ma-ri-a và các anh em Chúa trong Nhà Tiệc Ly và nhận được đầy tràn ơn Chúa Thánh Thần (x Cv 2,1-12); Chính nhờ đón nhận được sức mạnh Thánh Thần từ trên cao, các ngài đã đạt được đức tin trọn vẹn và hăng say chu tòan sứ mệnh “loan báo Tin mừng » được ủy thác đến tận cùng thế giới”.(x Cv 1,8).

3) Làm thế nào để thuyết phục được nhiều người trong thế giới hôm nay tin vào mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa Giê-su?
Như Tô-ma xưa, con người ngày nay cũng không dễ tin: họ luôn đòi phải được “mắt thấy tay sờ”, phải thấy được bằng chứng đáng tin. Do đó, các tín hữu chúng ta cần trình bày mầu nhiệm Chúa Phục Sinh bằng chứng tích đời sống của mình.
Thực vậy:
- Làm sao anh em lương dân có thể tin vào Chúa Phục Sinh, nếu không được xem những vết chai cứng nơi bàn tay lao động, những khuôn mặt ướt đẫm mồ hôi vì phục vụ những người nghèo khổ của các tín hữu chúng ta?
- Làm sao họ tin Chúa đã yêu thương chịu chết để đền tội thay và sống lại để ban cho họ sự sống đời đời, nếu họ không nhìn thấy những dấu chỉ yêu thương quên mình phục vụ của các tín hữu trong cộng đoàn Hội Thánh … như sách Công vụ đã thuật lại sinh họat của Hội Thánh Sơ Khai tại Giê-ru-sa-lem: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ Bẻ Bánh và cầu nguyện không ngừng. Mọi người đều kính sợ, vì các Tông đồ làm nhiều điềm thiêng dấu lạ. Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu. Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ Bẻ Bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ,. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được tòan dân thương mến. Và Chúa cho cộng đòan mỗi ngày có thêm những người được cứu độ” (Cv 2,42-47).
- Yêu thương nhau là dấu hiệu môn đệ đích thực của Đức Giê-su: “Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy, là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35). Con người ngày nay luôn đòi phải được xem thấy những dấu chứng tình thương nơi các tín hữu như Đức Phao-lô VI đã khẳng định: "Con người thời đại ngày nay thích nghe các chứng nhân hơn là thầy dạy, và nếu họ có nghe thầy dạy thì cũng bởi vì những thầy dạy này là các chứng nhân".

4) Thể hiện Lòng Thương Xót là cách loan báo Tin Mừng hữu hiệu hôm nay:
Hội Thánh đã chọn Chúa Nhật II Phục Sinh hằng năm để kính Lòng Chúa Thương Xót, qua đó mời gọi các tín hữu chúng ta hãy noi gương Chúa thực hiện lòng thương xót đối với tha nhân nhất là những người nghèo khổ bất hạnh đang sống gần bên chúng ta.
- Mỗi người chúng ta cần tránh những lời nói, thái độ vụ luật và bất nhân của bọn Biệt Phái và Kinh Sư Do thái xưa đã bị Chúa nặng lời quở trách, nhờ đó anh em lương dân sẽ dễ dàng đón nhận đức tin vào Chúa hơn.
- Mỗi tín hữu chúng ta cũng cần thực hiện các việc bác ái cụ thể như kinh thương người, trong đó có 7 việc thương người về thể xác cần thực hiện như: Cho kẻ đói ăn; Cho kẻ khát uống; Cho kẻ rách rưới ăn mặc; Viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc; Cho khách đỗ nhà: Chuộc kẻ làm tôi; Chôn xác kẻ chết.
- Cũng cần thực hiện lòng bác ái thương người cả về phạm vi linh hồn như: Lấy lời lành mà khuyên người; Mở dạy kẻ mê muội; An ủi kẻ âu lo: Răn bảo kẻ có tội; Tha kẻ dể ta; Nhịn kẻ mất lòng ta; Cầu cho kẻ sống và kẻ chết.
- Để có thể thực hành lòng thương người nói trên, mỗi người chúng ta nên quyết tâm làm một việc bác ái cụ thể như: chia sẻ cơm bánh và khiêm tốn phục vụ tha nhân, kèm theo một lời nguyện tắt như sau: “Lạy Chúa. Con xin làm việc này để cầu cho một người lương tin yêu Chúa, để họ cũng được chia sẻ niềm vui ơn cứu độ với con”. Làm như vậy là chúng ta tôn vinh Thiên Chúa như lời Chúa Giê-su: ”Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Ðấng ngự trên trời" (Mt 5,16).

4. THẢO LUẬN:
1) Trước đây bạn có bị ai thù ghét làm hại hay không? Nếu có, bạn sẽ làm gì để thực hành Lời Chúa dạy tha thứ cho những kẻ thù ghét bách hại mình?
2) Bạn hãy đọc thuộc kinh Thương Người và xin Chúa ban ơn giúp chúng ta thực hiện tình thương tha nhân hằng ngày.

5. NGUYỆN CẦU

LẠY CHÚA GIÊ-SU PHỤC SINH.
Khi chúng con đi tìm kiếm Chúa trong nước mắt đau thương, xin hãy âu yếm gọi tên chúng con như Chúa đã gọi tên bà Ma-ri-a đang khóc bên mộ Chúa khi xưa.
Khi chúng con chán nản muốn bỏ Chúa, xin hãy đi với chúng con trên những đọan đường dài, như Chúa đã đồng hành với hai môn đệ trên đường về làng Em-mau.
Khi chúng con đóng cửa lòng vì sợ hãi, xin hãy đến ban sự bình an cho chúng con, như Chúa đã đến ban bình an cho các môn đệ vào chiều ngày phục sinh.
Khi chúng con đang hòai nghi bất tín, xin hãy tiếp tục kiên nhẫn và khoan dung với chúng con, như Chúa đã tỏ lòng khoan dung với sự cứng lòng của Tô-ma.
Khi chúng con gặp thất bại trong cuộc sống, xin hãy đến nâng đỡ ủi an chúng con, như Chúa đã đến phục vụ bánh và cá cho bảy môn đệ trên bờ biển hồ Ga-li-lê xưa.
Lạy Chúa Giê-su phục sinh, xin hãy tỏ mình ra cho chúng con thấy Chúa đang hiện thân nơi những người đau khổ cả về thể xác cũng như tâm hồn, để chúng con quảng đại chia sẻ cơm bánh vật chất và nhiệt tình phục vụ họ như phục vụ chính Chúa, hầu sau này chúng con sẽ được Chúa liệt vào hàng các chiên ngoan trong đoàn chiên Chúa.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.






 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:08 09/04/2021

70. Mỗi ngày làm sạch sẽ tâm hồn mình để đón tiếp Thiên Chúa ngự vào trong linh hồn mình, thì thật là có phúc.

(Thánh Bernard)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:11 09/04/2021
10. CÁI BÀN HAI CHÂN

Có người nhờ thợ mộc làm cho cái bàn, cứ dặn thợ là tìm trăm phương ngàn kế để tiết kiệm gỗ.

Thợ mộc hoan nghênh ý kiến của ông ta, bèn làm một cái bàn hai chân kê dựa vào tường. Một ngày nọ, chủ nhân khiêng cái bàn hai chân ra ngoài sân chuẩn bị dùng cơm tối, kê lui kê tới mãi nhưng bàn vẫn không ngay ngắn, bèn tìm thợ mộc hỏi cho ra lẽ.

Thợ mộc nói:

- “Nếu để trong nhà dùng thì có thể tiết kiệm gỗ, nếu đem bỏ bên ngoài thì làm sao mà tiết kiệm được chứ?”

(Tiếu Đắc Hảo)

Suy tư 10:

Cái bàn thì thường là có bốn chân mới đứng vững và chịu đựng được sức nặng, bàn ba chân thì không chắc chắn, bàn hai chân thì phải dựa vào tường mới đứng vững được.

Thiên Chúa là người thợ mộc tuyệt vời nhất đã tạo dựng con người thật hoàn hảo tốt đẹp không dư không thiếu, không khuyết không tật, nhưng con người vì lòng tham không đáy, mà trãi chiếu ra đường mời tên thợ mộc tồi tệ nhất là ma quỷ vào trong tâm hồn làm cái bàn theo kiểu của lòng tham của mình, nên tâm hồn khấp khểnh chênh vênh xiêu vẹo: nhẹ thì như cái bàn ba chân, nặng thì như cái bàn hai chân, làm cho cuộc sống của họ trở nên nặng nề không thoát khỏi đam mê phù phiếm của ma quỷ…

Có những người Ki-tô hữu khi ở trong nhà thờ thì cung cung kính kính, tỏ lòng thờ lạy Đức Chúa Giê-su đang ngự trong nhà chầu; nhưng khi bước ra khỏi cổng nhà thờ thì vênh vênh vang vang, trừng mắt nạt nộ coi thường tha nhân. Họ biết thờ lạy Đức Chúa Giê-su Thánh Thể, nhưng lại không thấy Ngài đang ngửa tay ăn xin đang ngồi sờ sờ trước mặt mình bên vệ đường, cho nên cái thờ lạy ấy là cái giả tạo.

Đối với người chỉ thấy Đức Chúa Giê-su trong nhà tạm mà không thấy Ngài trong cuộc sống, họ là những người bần tiện keo kiệt nhất, vì đối với họ, bố thí vài đồng bạc cho người nghèo thì giống như đem cả gia tài ra bố thí vậy.

Tâm hồn của họ giống như cái bàn hai chân chỉ biết dựa vào ma quỷ mà thôi…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Chúa Nhật 2 Phục Sinh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:14 09/04/2021
CHÚA NHẬT 2 PHỤC SINH

Tin mừng: Ga 20, 19-31

“Tám ngày sau, Đức Giê-su đến”.


Bạn thân mến,

Hôm nay chúa nhật tuần thứ hai sau phục sinh và cũng là chúa nhật của Lòng Thương Xót Chúa, trong niềm vui và với lòng tin tưởng sâu xa về tình yêu của Chúa, tôi xin chia sẻ với anh chi em hai điểm sau đây:

1. Lòng Thương Xót của Chúa ở khắp nơi.

Hôm qua có một thành viên Legio Mariae đã nói với tôi là họ đã khuyên bảo được một “con chiên lạc” trở về đi dự lễ Phục Sinh với chúng ta, tôi liền cảm tạ ơn Chúa vì lòng thương xót và tình yêu vô biên của Ngài đối với người giáo dân trở về với giáo xứ này, bởi vì thương xót và ân sủng vô biên của Thiên Chúa luôn tuôn đỗ trên chúng ta, chỉ cần chúng ta khiêm tốn đón nhận với tất cả lòng tri ân.

Mấy ngày trước lễ Phục Sinh có một vài anh chị em đã khóc khi xưng tội, vì có người hai mươi năm, có người ba mươi năm và có người hơn bốn mươi năm không đi xưng tội, không rước lễ, không đến nhà thờ, nay đã khóc vì vui mừng được nhận ra Lòng Thương Xót của Chúa đối với họ trong ngày đại lễ Phục Sinh này, và có rất nhiều người chung quanh chúng ta đã chia sẻ những cảm nghiệm mà Chúa đã tỏ lòng thương xót họ qua cuộc sống có nhiều khổ đau hơn là sung sướng, nhiều lo âu hơn là hạnh phúc, thế nhưng họ đã được lòng thương xót của Đức Chúa Ki-tô Phục Sinh đánh động, thôi thúc, làm cho tâm hồn của họ dấy lên sự hối hận và ăn năn, rồi trở về trong tình yêu thương của Thiên Chúa.

Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, qua sự khổ nạn và phục sinh của Đức Chúa Ki-tô đã trở nên rõ ràng hơn và ở khắp mọi nơi trong cuộc sống của chúng ta: một tai nạn, một sự gặp gỡ đầy thân ái với bạn bè, một lời nói vô tình của người thân, một hoàn cảnh rất thuận lợi, đã khiến chúng ta hồi tâm suy nghĩ đến Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta và nhân loại đến chừng nào...

2. Lòng Thương Xót của Chúa nơi các Bí Tích.

Đức Chúa Giê-su đã sống lại, sự sống lại này đã làm cho các bí tích tuôn đổ ơn thánh của Ngài trên trần gian, có hiệu lực và một bảo chứng vĩnh viễn cho Giáo Hội và cho tất cả những người tin vào Ngài.

Nơi các bí tích lòng thương xót của Thiên Chúa được thố lộ rất rõ ràng, đặc biệt là bí tích Giao Hòa và bí tích Thánh Thể:

Nơi bí tích Hoà Giải chúng ta được thấy rõ ràng lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa đối với chúng ta, bởi vì chúng ta đã chết, nay trong bí tích Hoà Giải này chúng ta đã được sống lại. Không một người nào và quyền năng nào ở trần gian làm được điều ấy, chỉ có Thiến Chúa là Đấng hay thương xót mới làm như vậy để không một con chiên nào được trao phó cho Đức Chúa Ki-tô phải mất đi, đón nhận bí tích Hoà Giải cách chân thành là đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa trên chúng ta.

Nơi bí tích Thánh Thể lòng thương yêu vô bờ bến của Thiên Chúa càng nổi bật hơn, bởi vì không những làm cho tội nhân được sống lại mà thôi, nhưng Thiên Chúa cũng đã nuôi dưỡng họ được sống đời đời bởi Máu Thịt của Con Một Ngài là Đức Chúa Giê-su Ki-tô. Đón nhận Thánh Thể mỗi ngày là đón nhận cách công khai tình yêu của Thiên Chúa, đón nhận Thánh Thể mỗi ngày là trang bị cho mình một vũ khí siêu hạng để chống trả với những cơn cám dỗ trong cuộc sống hàng ngày.

Bạn thân mến,

Nhận ra được lòng thương xót của Chúa là đón nhận sự bình an mà Ngài đã ban cho chúng ta sau khi Ngài từ cõi chết sống lại, sự bình an này ở nơi bí tích Hoà Giải và bí tích Thánh Thể.

Thật vậy, không một người Ki-tô hữu nào cảm thấy mình thất vọng lo âu sau khi hoà giải với Thiên Chúa và tha nhân trong toà cáo giải, cũng không một người Ki-tô hữu nào cô đơn chán chường sau khi đón nhận Mình và máu Thánh Đức Chúa Giê-su, nhưng họ sẽ trở nên người mới trong cuộc sống hôm nay, họ sẽ mạnh dạn hơn và vui sống hơn, vì họ đã nhận ra lòng thương xót vô biên mà Thiên Chúa đã dành cho họ.

Xin Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Lòng Chúa Lòng con
Lm. Nguyễn Xuân Trường
20:28 09/04/2021
LÒNG CHÚA LÒNG CON

Chúa Nhật Hai Phục Sinh cũng là Chúa Nhật Lòng Chúa thương xót. Chúa thương ban nhiều ơn phúc cho ta, và ơn lớn nhất phải chăng là ơn làm cho lòng ta nên giống Lòng Chúa thương xót.

1. Lòng Chúa thương xót. Chúa Phục Sinh đã cho các môn đệ xem tay và cạnh sườn Ngài - đó là những thương tích của Lòng Chúa yêu thương đến độ dám chết vì yêu. Chúa Phục Sinh vẫn mang thương tích trên mình nghĩa là Chúa sống lại không rời xa chúng ta, mà Người vẫn mang nỗi đau của nhân loại để cảm thương, xoa dịu và chữa lành. Chúa Phục Sinh cũng ban ơn tha thứ cho thấy Lòng Chúa thương xót luôn lớn hơn tội lỗi.

2. Lòng con tin yêu. Lời Chúa trong Bài đọc 1 diễn tả tấm lòng tin yêu tuyệt vời của cộng đoàn các tín hữu ban đầu.

a) Lòng yêu. Mọi người một lòng một ý, hiệp nhất, đoàn kết, yêu thương nhau.

b) Lòng chung. “Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung.”

c) Lòng quảng đại. “Tất cả những người có ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền, đem đặt dưới chân các Tông Đồ. Tiền ấy được phân phát cho mỗi người, tuỳ theo nhu cầu.”

d) Lòng tin. Ông Tô-ma lúc đầu cứng lòng, nhưng sau đó đã mạnh mẽ tuyên xưng lòng tin Đức Giêsu là Thiên Chúa. Lòng tin đã giúp cho các môn đệ Chúa thắng được thế gian. Vì thế, các tượng ảnh Lòng Chúa thương xót thường có câu về lòng tin: “Lạy Chúa Giêsu, con xin tín thác vào Chúa.”

Thực sự để có tấm lòng như cộng đoàn tín hữu ban đầu là điều rất khó. Thế nên, chúng ta rất cần dâng lời cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin uốn lòng chúng con nên giống trái tim Chúa.” Khi xưa, Chúa Giêsu Phục sinh thổi hơi đổi đời các môn đệ, thì nay xin Chúa tiếp tục thổi tinh thần yêu thương của Ngài cho chúng ta, để tất cả những ai tin Chúa cũng có tấm lòng thương xót giống Ngài. Amen.
 
Biết ơn một Tôma đầy cá tính
Lm. Antôn Phạm Trọng Quang, SVD
20:33 09/04/2021
BIẾT ƠN MỘT TÔMA ĐẦY CÁ TÍNH
Ga 20, 19-31

Thánh Tôma được dán cho cái mác là “người kém tin”. Khi Chúa hiện ra, ban bình an và tỏ cho họ biết Ngài đã sống lại, tất cả các tông đồ đều có mặt, còn ông Tôma không hiện diện nơi trong ngôi nhà được đóng kín. Do vậy, khi ông trở về, đồng bạn thuật lại sự kiện Chúa đã hiện ra với họ cho ông nghe, thì ông không tin, thậm chí còn gay gắt tuyên bố: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin” (Ga 20, 25). Do thái độ cứng rắn của thánh Tôma, khi Chúa hiện ra cho các ông một lần nữa, lần này Thánh Tôma có mặt ở đó, Ngài mới khiển trách ông là kẻ kém tin.

Nếu theo tường thuật của Tin Mừng, thì không ai chối cãi, Tôma là kẻ kém tin. Nhưng nếu nhìn vấn đề với thái độ thiện cảm hơn, hay nếu ta tìm hiểu nhiều hơn về thái đọ và cảm xúc của thánh Tôma xuất hiện trong các đoạn Tin Mừng khác, thì ta thấy ngài nói như vậy vì là ngài quá yêu mến Chúa và ước mong được gặp thấy Ngài. Ngài nói lời gay gắt với anh em mình chắc chắn vì ngài cảm thấy tiếc nuối cho cái số xui xẻo không may của mình. Có thể thánh Tôma suy nghĩ rằng, tại sao Chúa không cho mình thấy dung mạo của Ngài cách trực tiếp mà lại phải nhờ lời tường thuật của các anh em? Làm sao các anh em được may mắn hơn mình? Bao nhiêu câu hỏi xảy ra trong đầu của ngài khi nghe anh em nói một tin “động trời” là Thầy mình đã phục sinh. Phải chăng ngài đang “ghen tỵ” với các anh em khác?

Điều này cũng dễ hiểu, chẳng hạn khi chúng ta ngưỡng mộ một nhân vật nổi tiếng nào đó, hay khi chúng ta muốn gặp một ai mà lâu nay ta thường mong muốn, bỗng nhiên có người nói nhân vật này vừa ở đây, mới rời khỏi nơi này trong chốc lát. Nếu lúc chúng ta không có mặt ở đó thì làm sao chúng ta dám tin. Một ví dụ khác, chẳng hạn nếu có ai đó nói rằng hôm qua Đức Giáo Hoàng Phanxicô vừa thăm Việt Nam, họ được gặp và bắt tay với ngài. Làm sao chúng ta tin được tin này, vì Đức Giáo Hoàng thăm Việt Nam lúc này là chuyện khó có thể. Đối với Tôma, việc Chúa hiện ra cho các ông lại càng khó tin hơn, vì Chúa đã báo trước Ngài sẽ Phục sinh và sống lại nhưng sống lại như thế nào từ trước tới nay các ông chưa hề hay biết, hơn nữa nếu Ngài sống lại thì tại sao Ngài không ở lại với các môn đệ lâu hơn mà chỉ hiện ra trong chớp nhoáng?

Nếu lúc đó thánh Tôma tin thì ngài cũng có quyền nghĩ rằng tại sao Thầy mình lại đối xử với mình không công bằng như thế? Tại sao lại không để cho ngài được thấy như các tông đồ khác? Thánh Tôma có quyền suy nghĩ như thế, vì ngài là người rất trung thành và có lòng yêu mến Thầy mình. Kinh thánh có đoạn viết, khi Đức Giêsu muốn vào miền Giuda để chữa cho ông Lazaro sống lại, các tông đồ biết nếu Chúa vào nơi đó sẽ gặp nhiều nguy hiểm, họ biết người Do thái đang tìm cách hại Chúa, họ biết nếu Chúa đi vào đó khác gì tự nộp mạng cho kẻ thù. Vì thế ai nấy đều ngăn cản không muốn Chúa đi vào, trong khi đó, với lòng trung thành và sự dũng cảm, thánh Tôma quả quyết: “Nào chúng ta cũng vào thành để chịu chết với Thầy” (Ga 11: 16).

Có thể nói, Tôma là một người rất có cá tính, nên trả lời thẳng thắn với các anh em, “nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin” (Ga 20, 25). Lời này quả thực một lời thề tốt hay như một thách thức đối với Thầy mình. Tuy nhiên, Chúa biết rõ tâm can của Tôma, Chúa biết rõ ngài là người có lòng ao ước được tận mắt thấy Chúa Phục sinh, nên sau đó tám ngày, khi có mặt đầy đủ các tông đồ thì Chúa hiện ra với họ. Quả thật, khi thấy Chúa, khi Chúa đưa tay, chân và cạnh sườn cho Tôma thấy thì ngài đã thốt lên: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” (Ga 20, 28). Một tình huống “rất Tôma”, nếu trước đây ngài “cứng tin” chừng nào thì bây giờ ngài tỏ ra mạnh mẽ và tôn phục Thầy mình hơn ai hết. Đúng là một người dám sống dám chết, dám nói dám làm, dám hận dám yêu.

Nói cách công bằng, nếu cho rằng, trong lần thứ hai khi Chúa hiện ra với các môn đệ, Ngài trách móc và bảo Tôma “đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin” (Lc 27), thì ta cũng phải công nhận rằng nhờ thánh Tôma mà chúng ta mới dám tin. Chúng ta phải biết ơn về thái độ cương quyết của ngài, vì nhờ câu nói của ngài mà Chúa đã trực tiếp dạy bảo: “Phúc cho ai không thấy mà tin” (Lc 20, 29). Lời dạy bảo này không chỉ còn dành cho thánh Tôma nhưng dành cho mọi người chúng ta, vì bằng con mắt thịt, chúng ta chưa thấy Chúa bao giờ, phải nhờ con mắt đức tin chúng ta tin rằng Chúa đã phục sinh; Ngài đã được Chúa đưa về trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha, và luôn ban ơn lành cho chúng ta.

Quả thật, phúc cho chúng ta, vì chưa bao giờ chúng ta thấy Chúa nhưng chúng ta đã tin Chúa từ rất lâu, tin cả hàng chục năm và hứa trung thành, nhất quyết không từ chối Chúa bao giờ. Phúc cho chúng ta, khi sống trong thời đại khoa học kỷ thuật con người chỉ biết đi tìm thỏa mạn vật chất và bỏ quên đời sống tinh thần, khi nhiều người dùng khoa học để bác bỏ đức tin, nhưng chúng ta vẫn một mực tin tưởng vào Chúa là Chúa của lòng thương xót. Hạnh phúc lắm thay! Có được hạnh phúc lớn lao thế này, chúng ta càng biết ơn một thánh Tôma đầy cá tính và một mực trung thành.

Xin cho mỗi chúng ta, biết sống khiêm nhường, nghiêng mình trước tạo vật vì biết đó là sản phẩm do bàn tay Thiên Chúa tạo dựng nên. Xin cho chúng ta luôn sẵn sàng mở rộng con tim để đón Chúa ngự vào tâm hồn chúng ta, để Ngài đổ đầy niềm vui Phục sinh cho chúng ta. Và xin cho chúng ta, biết mở rộng con mắt đức tin để thấy được Thiên Chúa hiện diện nơi tạo vật, nơi mọi anh chị em và trong mọi sự.
 
Suy Niệm Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
20:40 09/04/2021
Thế giới đang rất cần lòng thương xót Chúa

(Ga 20, 19-31)

Dịp Năm Thánh 2000, ngày 30 tháng 4, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã thiết lập Chúa nhật II Phục Sinh là Chúa nhật Lòng Thương Xót Chúa. Từ đó, phong trào sùng kính Lòng Thương xót Chúa lan tỏa trên khắp thế giới, trong đó có đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta.

Nhìn vào bức ảnh hay tượng Chúa Thương Xót, chúng ta thấy Chúa Giêsu mặc một chiếc áo trắng với cánh tay phải giơ lên như đang chúc lành. Tay trái của Người đụng vào áo nơi trái tim, nơi mà hai ánh sáng chiếu tỏa ra, một tia màu đỏ và một tia màu trắng nhạt.

Thánh nữ Faustina đã hỏi Chúa, Chúa trả lời : “Những luồng ánh sáng trắng nhạt biểu hiện Nước, sẽ làm cho các linh hồn nên công chính đạo đức. Những luồng ánh sáng màu đỏ biểu hiện Máu, là sự sống của các linh hồn. Hai luồng ánh sáng này, phát xuất từ chốn sâu thẳm của lòng xót thương dịu dàng và êm ái nhất của Ta, lúc trái tim hấp hối Ta bị lưỡi đòng đâm thâu mở rộng ra. Phúc cho ai ẩn náu trong sự che chở của những luồng ánh sáng này, vì bàn tay công thẳng của Thiên Chúa không giáng phạt họ”.

Tin Mừng thánh Gioan (Ga 20, 19-31) mô tả, Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra tỏ cho các Tông Đồ, đặc biệt thánh Tôma đã tận mắt thấy những vết thương của đôi tay, chân và cạnh sườn Chúa bị đâm thâu qua. Đó là những vết thương hằn in trên cơ thể của Người lúc còn sống, ngay cả sau khi phục sinh. Cạnh sườn, nơi trào ra máu và nước, suối nguồn ân sủng, truyền thống Giáo hội coi đây như là nguồn gốc của bí tích hòa giải, nơi mà con người cảm nhận được sự tha thứ do lòng thương xót Chúa.

Hơn 1 năm qua, đại dịch Covid lây lan khiến cho 135 triệu người nhiễm và 2,9 triệu người chết, nó vẫn tiếp tục hoành hành, có những nơi bệnh nhân ồ ạt đổ vào bệnh viện, các túi đựng người quá cố xếp đầy phòng, quan tài xếp hàng trong nhà thờ, nhà hỏa thiêu, hàng dài người đi nhận tro cốt, mấy tỷ người bị quản thúc tại gia, nhiều nhà máy ngừng hoạt động, đã kéo cả thế giới vào trong suy sụp kinh tế chưa từng có.

Trong bối cảnh này, người ta đặt câu hỏi “tại sao?” Tại sao thế giới lại rơi vào hố sâu tuyệt vọng, bất lực trước 1 con siêu vi khuẩn vô hình này? Tại sao Chúa để cho dịch bệnh xảy ra? Tại sao Chúa không can thiệp khi con người kêu cầu trong đau đớn và thậm chí có người sợ hãi thất vọng? Giáo hội vẫn khẳng định và kêu cầu rằng : Lòng Thương Xót Chúa Tồn Tại Đến Muôn Đời. Vậy lòng thương xót Chúa ở đâu?

Phải khẳng định rằng, nhiều người đã nhiều lần yêu cầu Chúa ra khỏi đời sống, có nơi không biểu quyết không treo Thánh Giá, không làm dấu đọc kinh tại trường học, nghĩa là mời Chúa ra khỏi trường học, khỏi chính phủ và họ không kêu cầu Chúa nữa. Chiều lòng người, Chúa lẳng lặng rút lui. Vậy, làm sao chúng ta có thể mong Chúa ban ơn và che chở khi chúng ta khẩn thiết xin Ngài mặc kệ chúng ta?

Chúa phán : “Nếu Ta đóng trời nếu không có mưa; Nếu Ta truyền cho châu chấu phá hại xứ; nếu Ta sai ôn dịch đến trong dân Ta; Nếu dân Ta, dân được gọi bởi Danh ta, quì gối khẩn nguyện và tìm kiếm Nhan Ta cùng bỏ đàng dữ của chúng mà trở lại, thì Ta, từ trời Ta sẽ nghe, Ta sẽ tha thứ tội lỗi chúng và chữa lành xứ sở chúng” (2 Sb 7,13-14).

Nếu không có Lòng Thương Xót Chúa, thế giới này không tồn tại. Chúa vẫn ở bên cạnh chúng ta từng phút giây để đỡ nâng chúng ta. Thiên Chúa là Đấng vô hình, chúng ta không thể thấy được. Nhưng, Chúa hiện diện trong từng bác sĩ, y tá, nhân viên bệnh viện, các tình nguyện viên chăm sóc y tế. Họ ân cần, hy sinh bản thân, quên đi chính gia đình của họ để mỗi ngày chỉ được ngủ 1,2 giờ. Và họ biết, họ có nguy cơ sẽ chết.

Chúa hiện diện trong từng vị lãnh đạo các quốc gia để họ sáng suốt dẫn dắt quốc gia, đưa ra những quyết định kịp thời, giúp đỡ và che chở, bảo vệ cho công dân của họ.

Trong cơn đại dịch, khủng hoảng về sức khỏe hiện nay chúng ta thấy nổi bật nhất là tình liên đới. Có khi nào người dân của tất cả các quốc gia lại cảm thấy mình rất đoàn kết, bình đẳng, ít xung đột hơn vào thời điểm dịch bệnh không? Virus không biết biên giới là gì. Vậy mà nó đã phá vỡ mọi rào cản và sự phân biệt chủng tộc, quốc gia, tôn giáo, sự giàu có và quyền lực. Mọi người đều được đối xử bình đẳng như nhau, quan tâm tới nhau hơn, gửi lời thăm hỏi nhau, động viên và chúc lành. Người ta dường như dừng lại, biết trân quý giá trị của gia đình và dành nhiều thời gian cho gia đình hơn là tụ tập ăn uống, vui chơi ở vũ trường, quán bar thâu đêm suốt sáng. Và rằng, tiền bạc, địa vị, danh lợi… giải trí, chơi bời trác táng… không phải là thứ duy nhất mà con người mong muốn đạt được nữa, sức khỏe và mạng sống mới là điều quí nhất.

Khi con người tuyệt vọng thì bắt đầu cúi mình trước Thiên Chúa. Giáo hội có những giờ cầu nguyện ngoại thường. Nhiều vị lãnh đạo trên thế giới nắm tay nhau để cầu nguyện và xin Chúa chúc lành, vì giờ đây họ tin rằng chỉ có Thiên Chúa là Đấng duy nhất có thể cứu giúp nhân loại đang trong cơn khốn đốn.

Phải chăng Thiên Chúa muốn chúng ta dừng lại, khiêm tốn nhận ra rằng sự hiểu biết, khôn ngoan của con người là giới hạn và cuộc sống danh vọng, tiền tài ở trần gian chỉ là hư vô? Hãy nhắm đến các mục tiêu cần thiết là sức khỏe, vệ sinh, thực phẩm, cuộc chiến chống đói nghèo, chăm sóc thiên nhiên. Hãy để lại cho thế hệ tiếp theo một thế giới về tình người, nhất là hãy tin tưởng cậy trông vào Chúa.

Lời Chúa Giêsu đã nói với thánh nữ Faustina: “Thà rằng trời đất này biến ra không, nhưng lòng thương xót của Ta luôn ấp ủ những linh hồn tín thác”. Vậy, chúng ta hãy tín thác vào Chúa trong mọi cảnh huống của cuộc đời. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha sẽ cử hành thánh lễ kính Lòng Chúa Thương Xót tại nhà thờ Santo Spirito in Sassia
Đặng Tự Do
01:00 09/04/2021
Vào ngày Chúa Nhật 11 tháng Tư, Chúa Nhật thứ Hai Mùa Phục sinh, Chúa Nhật kính Lòng Thương Xót, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ dâng thánh lễ trong một nhà thờ chứa thánh tích của cả Thánh Faustina Kowalska và Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã cho biết như trên hôm thứ Năm 8 Tháng Tư.

Đây là lần thứ hai trong liên tiếp 2 năm, Đức Thánh Cha Phanxicô dâng thánh lễ Lòng Chúa Thương Xót tại đây.

Chúa Nhật này sẽ đánh dấu kỷ niệm 21 năm lễ tuyên thánh cho Thánh Faustina, và cũng là 21 năm ngày Đức Gioan Phaolô II thiết định trong toàn thể Giáo Hội Chúa Nhật kính Lòng Thương Xót vào Chúa Nhật thứ Hai Mùa Phục sinh.

Thánh lễ tại nhà thờ Santo Spirito in Sassia, là nhà thờ được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II biến thành đền thánh kính Lòng Chúa Thương Xót của giáo phận Rôma, sẽ được phát trên truyền hình và livestream vào lúc 10 giờ 30 sáng theo giờ địa phương.

Nằm cách quảng trường Thánh Phêrô 200m, Santo Spirito in Sassia là nhà thờ Lòng Thương Xót chính thức của Rôma. Nhà thờ tọa lạc tại số 12 Via dei Penitenzieri, cách Đền Thờ Thánh Phêrô năm phút đi bộ.

Trước đại dịch coronavirus, mọi người tập trung mỗi ngày tại đó lúc 3 giờ chiều, để cầu nguyện tại nhà nguyện Lòng Thương Xót.

“Vào giờ kính Lòng Chúa Thương Xót, nhà thờ thật sự rất đông các linh hồn - người trẻ, người bệnh, các cặp vợ chồng và những người đang phải đối mặt với những khó khăn lớn về đàng thiêng liêng đến để cầu xin Lòng Chúa Thương Xót “, Đức ông Jozef Bart, giám đốc đền thánh này nói với thông tấn xã CNA.

Vị linh mục người Ba Lan này đã được đích thân Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II chọn để biến ngôi nhà thờ được xây từ thế kỷ 16, với ý hướng ban đầu là một nhà nguyện của bệnh viện, thành một trung tâm hành hương Lòng Chúa Thương Xót vào năm 1994.

Trong dịp khánh thành ngôi nhà thờ này Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói:

“Hôm nay, tôi rất vui mừng được cảm tạ Chúa trong Nhà thờ Santo Spirito in Sassia, gắn liền với bệnh viện cùng tên, và hiện là một trung tâm chuyên về chăm sóc mục vụ cho người bệnh, cũng như để cổ vũ cho việc tôn sùng Lòng Chúa Thương Xót “

“Điều rất quan trọng và kịp thời là chính xác ở đây, bên cạnh bệnh viện rất cổ xưa này, những lời cầu nguyện được thốt lên và các công việc được thực hiện nhằm chăm sóc liên tục cho sức khỏe của cơ thể và tinh thần,” vị Thánh Giáo Hoàng Ba Lan nói.

Các nữ tu dòng Đức Mẹ của Lòng Chúa Thương Xót, là dòng tu mà Thánh Faustina là một thành viên, giúp dẫn dắt những lời cầu nguyện và các chương trình giáo lý hàng ngày về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa ở Santo Spirito in Sassia.

Ngày Chúa Nhật 28 tháng Tư năm 2019, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã cử hành thánh lễ Chúa Nhật Thứ Hai Mùa Phục sinh kính Lòng Chúa Thương Xót tại đây.

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh nhắc lại một câu nói của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào năm 2001.

“Lòng Chúa Thương Xót là món quà Phục sinh mà Giáo hội nhận được từ Chúa Kitô, Đấng sống lại từ trong kẻ chết và ban tặng cho nhân loại vào buổi bình minh của thiên niên kỷ thứ ba.”

Ngài nhấn mạnh rằng:

“Chúa Giêsu đã từng nói với Thánh Faustina, ‘Con người không tìm thấy bình an cho đến khi quay lại với đức tin vào Lòng Thương Xót của Thiên Chúa’”

“Lạy Chúa Giêsu, con tin tưởng nơi Chúa. Lời cầu nguyện này rất thân thiết với biết bao các tín hữu sùng đạo, nó bày tỏ rõ ràng thái độ của chúng ta muốn từ bỏ chính mình và phó dâng mọi sự trong tay Chúa. Lạy Chúa ơi, Đấng Cứu Rỗi duy nhất của chúng con.”

“Một hành động từ bỏ chính mình đơn giản như thế là đủ để vượt qua những rào cản của bóng tối và nỗi buồn, sự nghi ngờ và tuyệt vọng. Những tia sáng của Lòng Chúa Thương Xót sẽ khôi phục lại hy vọng, một cách đặc biệt, cho những người cảm thấy bị áp đảo bởi gánh nặng tội lỗi,” ngài nói.

Đức ông Jozef Bart cho biết, trước đại dịch coronavirus kinh hoàng này, “Nhà thờ có các giờ chầu Thánh Thể với các linh mục sẵn sàng giải tội bằng nhiều ngôn ngữ, bao gồm tiếng Anh, vào lúc 6 giờ chiều mỗi ngày. Các linh mục của chúng ta phải nhớ rằng chúng ta là các kênh, và là các công cụ của Lòng Chúa Thương Xót.”
Source:Catholic News Agency
 
Cái chết bất ngờ của Đức Tổng Giám Mục Kampala ở tuổi 68
Đặng Tự Do
16:26 09/04/2021


Đức Tổng Giám Mục Kizito Lwanga của Kampala được tìm thấy đã chết trong phòng của mình vào sáng thứ Bảy Tuần Thánh. Ngài qua đời ở tuổi 68 và đã thuyết giảng rất hùng hồn tại Đàng Thánh Giá đại kết vào buổi tối hôm trước.

Trong tuyên bố hôm 3 tháng Tư, Hội đồng Giám mục Uganda cho biết “các thành viên của Hội Đồng Giám Mục gửi lời chia buồn đến các linh mục, nam nữ tu sĩ và các tín hữu của Tổng giáo phận Kampala, và Giáo Hội Công Giáo ở Uganda, nói chung.”

Đức Tổng Giám Mục Kizito Lwanga đã tham gia vào Đàng Thánh Giá Thứ Sáu Tuần Thánh trong Lễ Chầu Thánh Giá hàng năm tại Nhà thờ Namirembe, một nhà thờ Anh giáo của Kampala.

“Chúa Giêsu đã chết cho anh chị em, Ngài đã chết cho tôi, Ngài đã chết cho toàn thể nhân loại. Tôi cầu chúc anh chị em một Đàng Thánh Giá rất, rất… thành công”, Đức Tổng Giám Mục Lwanga nói khi bắt đầu Đàng Thánh Giá ngày 2 tháng Tư.

Stephen Kaziimba, Tổng Giám mục Anh giáo của Uganda, nhận xét rằng “mới hôm qua, chúng tôi đã cùng nhau đi Đàng Thánh Giá, và đó là một cú sốc đối với tất cả chúng tôi. Tiếng nói Phúc Âm rõ ràng của ngài bênh vực người nghèo và người bị áp bức, dấn thân của ngài đối với sự hợp nhất các tín hữu Kitô, và công lý cho tất cả mọi người sẽ bị mất mát một cách sâu sắc”.

Đức Cố Tổng Giám mục Lwanga sinh năm 1953, ngài được tấn phong linh mục Tổng giáo phận Kampala năm 1978.

Ngài được bổ nhiệm làm Giám mục tiên khởi của Kasana-Luweero vào năm 1996, khi giáo phận này được dựng lên từ tổng giáo phận Kampala, và ngài được phong làm giám mục ngày 1 tháng 3 năm 1997.

Năm 2006, ngài được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Kampala.

Tại lễ kỷ niệm Ngày Các Thánh Tử Đạo ở Uganda vào tháng 6 năm ngoái, cố tổng giám mục đã kêu gọi dân Chúa dưới sự chăm sóc mục vụ của ngài noi gương các thánh tử đạo Uganda củng cố đức tin của họ trong gia đình giữa đại dịch coronavirus.

“Đã đến lúc chúng ta phải củng cố Giáo hội tại gia theo gương các vị tử đạo của Giáo hội sơ khai và bằng cách đó, trở nên mạnh mẽ hơn trong đức tin,” Đức Tổng Giám Mục Lwanga nói ngày 3 tháng 6 năm 2020, ngày lễ Thánh Charles Lwanga và các bạn tử đạo của ngài..

Đức Tổng Giám Mục Lwanga tiếp tục khuyến khích các thành viên trong gia đình sở hữu và đọc Kinh thánh hàng ngày, ngài nói: “May mắn thay, đối với chúng ta là những người Công Giáo, mỗi ngày trong năm đều có những bài đọc mà chúng ta được mời để suy gẫm. Và tất cả những bài đọc đó mời chúng ta đổi mới. Chúng ta hãy đọc và suy ngẫm trong những gia đình”.

Trước khi đại dịch lây lan đến Uganda, ngài đã cấm việc rước lễ trên tay, và tái khẳng định rằng những người “sống chung trong hôn nhân bất hợp pháp” không thể được rước lễ.
Source:Catholic News Agency
 
Tình hình tại Ấn Độ trở nên nguy hiểm với hơn 100,000 người nhiễm coronavirus trong một ngày
Đặng Tự Do
16:27 09/04/2021


Ấn Độ đã báo cáo mức tăng kỷ lục về số ca nhiễm COVID-19, và trở thành quốc gia thứ hai sau Hoa Kỳ vượt qua hơn 100,000 trường hợp nhiễm bệnh mới trong một ngày. Trong khi đó, lại có những lo ngại về sự lây lan của vi rút khi các chính trị gia tổ chức các cuộc biểu tình bầu cử lớn.

Tỷ lệ lây nhiễm hàng ngày của nước này đã tăng gần 12 lần kể từ khi chạm mức thấp nhất trong nhiều tháng vào đầu tháng 2 vừa qua, khi các nhà chức trách nới lỏng hầu hết các hạn chế và người dân phần lớn ngừng đeo khẩu trang và không giữ khoảng cách xã hội.

Mặc dù các trường hợp đã tăng theo cấp số nhân ở gần một chục bang, các chính trị gia vẫn đang tổ chức các cuộc biểu tình vận động bầu cử với sự tham dự của hàng chục nghìn người không đeo mặt nạ chen lấn giành chỗ với nhau.

Một trong những vấn nạn khác là hiện tượng quay sang tìm kiếm sự trợ giúp của các vị thánh sống, thay vì tuân thủ các biện pháp phòng dịch.

Tại Haridwar, ông Narayan Nand Giri Maharaj đang được coi là một vị thánh sống Ấn Độ Giáo. Ông năm nay 55 tuổi, nhưng chỉ cao 45cm và nặng 19kg.

Ông không thể đứng lên hoặc đi lại và được chăm sóc bởi đệ tử của ông là Umesh.

Umesh cho biết: “Mọi người tìm kiếm những lời chúc phúc của ngài và họ cảm thấy rất tuyệt vời. Họ chụp ảnh chung với ngài, cầu nguyện với ngài và cùng đi hành hương với ngài.”
Source:Reuters
 
Trong khi binh lính Miến Điện giết trẻ em, Bắc Kinh đứng về phía bọn cầm quyền quân phiệt
Đặng Tự Do
16:27 09/04/2021


Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, cho biết trong khi các nhà bất đồng chính kiến và các tổ chức nhân đạo tố cáo những hành động tàn bạo mà các tướng lãnh Miến Điện thi hành đối với trẻ em và trẻ vị thành niên, thì Bắc Kinh có những ưu tiên khác: họ muốn chính quyền quân sự bảo vệ các đường ống dẫn dầu và khí đốt nối hai nước, hai cơ sở hạ tầng được trợ cấp bằng tiền Trung Quốc như một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường Tơ lụa mới.

Chính phủ Trung Quốc bày tỏ ý định hỗ trợ đầy đủ cho quân đội Naypyidaw, tham gia vào một cuộc đàn áp đẫm máu các cuộc biểu tình quần chúng nổ ra sau cuộc đảo chính hôm 1 tháng Hai.

Trong cuộc gặp gỡ với Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan, vào ngày 31 tháng 3 tại Nam Bình, Phúc Kiến, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói rõ: Trung Quốc đánh giá cao việc ASEAN, tức là Hiệp hội các nước Đông Nam Á, đã áp dụng “chính sách không can thiệp” đối với cuộc khủng hoảng ở Miến Điện.

Theo quan điểm của Bắc Kinh, sự can thiệp từ bên ngoài - đặc biệt là sự can thiệp của phương Tây - là mối nguy hiểm đối với các lợi ích thương mại và chiến lược của nước này ở Miến Điện.

Theo tờ The Irrawaddy, chính quyền Trung Quốc đã yêu cầu chính quyền Miến Điện tăng cường việc bảo vệ các đường ống dẫn dầu và khí đốt từ Kyaukphyu, trên Vịnh Bengal, đến tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

Mối quan tâm của Trung Quốc về các cấu trúc năng lượng này đã tăng lên gấp bội sau khi các dân quân dân tộc đóng quân ở bang Shan đe dọa tham gia cuộc nổi dậy chống lại các tướng lĩnh Miến Điện trong những ngày gần đây. Trước khi đến lãnh thổ Trung Quốc, các đường ống phải đi qua khu vực này của Miến Điện.

Trong khi đó, số người biểu tình bị quân đội giết tiếp tục tăng. Hiệp hội tù nhân chính trị ước tính rằng đến nay có 543; con số này bao gồm 44 trẻ em. Tổ chức Cứu trợ Trẻ em ước tính số trẻ vị thành niên bị giết dưới tay lực lượng an ninh Miến Điện đã tăng gấp đôi trong 12 ngày qua.

Chế độ của Tướng Min Aung Hlaing cho đến nay đã giam giữ 2,700 người chống đối. Aung San Suu Kyi, nhà lãnh đạo đảng Dân chủ bị chính quyền lật đổ, tiếp tục bị bắt giữ. Sau những cáo buộc tham nhũng, nhà chức trách quân sự buộc tội bà vi phạm luật về bí mật quốc gia có từ thời thuộc địa Anh: bà phải đối mặt với 14 năm tù giam.

Mya Aye, một thành viên lịch sử khác của mặt trận dân chủ, cũng bị buộc tội. Anh là một cựu chiến binh của Thế hệ 88, nhóm những người bất đồng chính kiến, những nhân vật chính của cuộc nổi dậy năm 1988, sau đó đã bị Lực lượng vũ trang đàn áp. Cáo buộc chống lại ông là ông đã kích động dân chúng tham gia các cuộc biểu tình.
Source:Asia News
 
Virus Tầu độc địa: Số người chết trên toàn cầu vượt qua 3 triệu người
Đặng Tự Do
16:28 09/04/2021


Một cột mốc nghiệt ngã khác đã được thông qua vào hôm thứ Ba trong trận chiến với COVID-19. Số liệu mới nhất cho thấy số ca tử vong liên quan đến Coronavirus trên toàn thế giới đã vượt mốc 3 triệu người.

Điều đáng lo ngại liên quan đến con số thống kê này là phải mất hơn một năm để số người chết lên đến 2 triệu người, trong khi chỉ mất ba tháng để thêm một triệu người nữa vào danh sách dài những nạn nhân của Coronavirus này.

Bất chấp các chiến dịch tiêm chủng, các ca nhiễm COVID-19 đang gia tăng, và các quan chức y tế đang đổ lỗi cho nhiều biến thể có khả năng lây nhiễm nhanh hơn, được xác định lần đầu tiên ở Anh và Nam Phi.

Nhưng họ cũng nói rằng sự mệt mỏi của công chúng với việc khóa cửa và các hạn chế khác đang góp phần kích thích sự gia tăng này.

Brazil được kể là quốc gia đáng lo ngại nhất. Tổ chức Y tế Thế giới cho biết đất nước này đang ở trong tình trạng rất nguy cấp trong đó hệ thống chăm sóc sức khỏe có nguy cơ sụp đổ.

Ấn Độ cũng đã báo cáo mức tăng kỷ lục về số ca nhiễm COVID-19 vào hôm thứ Hai, trở thành quốc gia thứ hai sau Hoa Kỳ báo cáo hơn 100,000 trường hợp nhiễm bệnh mới trong một ngày.

Tâm điểm hiện nay cũng bao gồm khu vực Âu Châu, bao gồm 51 quốc gia với tổng số người chết gần 1.1 triệu người.

Nguy kịch nhất là năm quốc gia Âu Châu bao gồm Vương quốc Anh, Nga, Pháp, Ý và Đức, chiếm khoảng 60% tổng số ca tử vong liên quan đến COVID của Âu Châu.

Đứng đầu danh sách các ca tử vong do Coronavirus là Hoa Kỳ, quốc gia có số ca tử vong cao nhất trên thế giới với 555,000 người.

Về vắc-xin, ít nhất 370.3 triệu người trên thế giới đã nhận được một liều vắc-xin COVID-19 tính đến hôm Chúa Nhật.

Tổ chức Y tế Thế giới đang kêu gọi các quốc gia tài trợ nhiều liều vắc xin COVID-19 đã được phê duyệt cho các nước nghèo hơn để giúp họ đạt được các mục tiêu tiêm chủng.
Source:Vatican News
 
Các nhà thần học Hoa Kỳ lo âu trước viễn ảnh ly giáo tại Đức, mong Đức Phanxicô can thiệp mạnh hơn
Vũ Văn An
19:53 09/04/2021

Theo Joan Frawley Desmond của tạp chí National Catholic Register (https://www.ncregister.com/news/us-theologians-echo-fears-of-schism-in-catholic-church-in-germany), khi 'Con đường Đồng nghị' được người ta theo dõi chặt chẽ ở Đức đang diễn tiến, các học giả ở Hoa Kỳ cho rằng cần phải có phản ứng mạnh mẽ hơn từ Rôma.



Người ta còn nhớ, chương trình cải cách kéo dài hai năm của Giáo Hội Công Giáo ở Đức đã đặt nhiều nghi vấn đối với giáo huấn lâu đời về đức tin và luân lý, khiến Đức Giáo Hoàng Phanxicô và các viên chức Vatican phải đưa ra các hành động ngày càng khẩn cấp để ngăn chặn khả năng xảy ra một cuộc ly giáo chính thức.

Bên kia bờ Đại Tây Dương, các giám mục Hoa Kỳ phần lớn vẫn giữ im lặng về chương trình cải cách của Đức, có tên là “Con đường Đồng nghị”. Nhưng các học giả Công Giáo ở đây đã bày tỏ sự lo lắng nguyên hình của họ trong các cuộc phỏng vấn của tờ Register. Họ kêu gọi hành động thêm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, bằng cách chỉ rõ các dấu hiệu cho thấy bất đồng công khai đang lan rộng ở châu Âu, và nhấn mạnh các quyết định ở Rôma và Đức vốn đặt nền móng cho Con đường Đồng nghị.

Cha Pecknold, giáo sư thần học lịch sử và hệ thống tại Trường Thần học và Nghiên cứu Tôn giáo của Đại học Công Giáo Hoa Kỳ, cho biết: “Tình hình ở Đức đang được mọi người chú ý, và nó đang diễn ra ở một điểm mấu chốt trong triều Giáo hoàng của Đức Phanxicô”.

Cha Pecknold nói thêm, “Đức Giáo Hoàng vốn là công cụ của sự hợp nhất, và trong nhiệm vụ trông chừng của ngài, chúng ta đang chứng kiến những màn bất đồng chính kiến của các giám mục Đức có thể so sánh với những gì chúng ta đã thấy ở Đức vào thế kỷ 16. Con đường Đồng nghị đã bị Vatican ngăn chặn mọi ngả, nhưng Đức dường như không nhượng bộ một tấc cho Rôma”.

Theo Cha Pecknold và những người khác, các bước quan trọng nhất của Tòa Thánh tiếp theo quyết định của các giám mục Đức vào năm 2019 nhất định tiếp tục Con đường Đồng nghị, một nỗ lực thoạt đầu được kích thích bởi các tiết lộ về việc các giáo sĩ lạm dụng tình dục và việc các giám mục che đậy. Tuy nhiên, khi đà thay đổi có được lực kéo, thì tập chú đã chuyển sang một danh sách đề nghị cải cách “có tính bắt buộc” mà, nếu được các giám mục Đức chấp thuận, sẽ mâu thuẫn với giáo huấn của Giáo hội về đồng tính luyến ái, đại kết, trật tự Giáo Hội và việc phụ nữ được phong chức linh mục. Một động thái như vậy của Giáo hội ở Đức có thể dẫn đến việc ly khai với Rôma, các nhà thần học được Register tiếp xúc cho biết như thế.

Hết sức lo ngại trước sự thay đổi hướng đi này, tháng 6 năm 2019, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã viết một bức thư phản đối mạnh mẽ tới Giáo hội Đức, cảnh báo rằng nếu họ tiếp tục con đường này, phương thức của họ sẽ dẫn đến việc “nhân thừa và nuôi dưỡng chính các điều xấu xa mà họ muốn khắc phục”.

Tháng 9 năm 2019, Đức Hồng Y Marc Ouellet, tổng trưởng Bộ Giám mục, đã viết thư cho Đức Hồng Y Reinhard Marx, lúc đó là chủ tịch hội đồng giám mục Đức, để báo cáo rằng đánh giá pháp lý của Ủy ban Giáo hoàng về Văn bản Lập pháp đối với dự thảo quy chế dành cho Phiên họp Đồng nghị xác định rằng các quyết nghị của Phiên họp không có thẩm quyền ràng buộc. Đức Hồng Y Marx xác nhận rằng phiên họp sẽ diễn ra theo kế hoạch. Các cảnh báo khác sau đó của Vatican cũng bị phớt lờ tương tự.

Các khai triển gần đây

Sau đó, vào ngày 15 tháng 3, Bộ Giáo lý Đức tin (CDF) của Vatican đã đưa ra một bản Trả Lời làm rõ giáo huấn của Giáo hội về các mối quan hệ đồng tính và cấm các linh mục chúc lành cho những mối liên hệ đó. Bản Qui định và giải thích kèm theo đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô chấp thuận cho công bố và được Đức Hồng Y Luis Ladaria, tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, ký.

Được giải thích rộng rãi như một nỗ lực nhằm kìm hãm chương trình cải cách của Đức, bản chỉ thị đã khiến một loạt các nhà lãnh đạo Giáo hội khắp châu Âu thách thức việc soi sáng của Bộ Giáo lý Đức tin. Nổi bật nhất trong số những tiếng nói này là Đức Hồng Y Christoph Schönborn của Vienna, một thành viên của “hội đồng các Hồng Y” của Đức Giáo Hoàng Phanxicô và của Bộ Giáo lý Đức tin, và là tổng biên tập của Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo dưới thời Đức Giáo Hoàng Gioan Paholô II.

Trong khi đó, việc công bố "Bản văn Căn bản" vào tháng trước, tức tài liệu hướng dẫn các cuộc thảo luận ở Đức, lại càng gây lo lắng hơn nữa, với việc các tác giả của tài liệu khẳng định rằng "không có một chân lý nào của thế giới tôn giáo, đạo đức và chính trị, và không một hình thức tư tưởng nào có thể đòi có thẩm quyền tối hậu".

Phản ứng đối với ngôn từ của "Bản văn Căn bản", George Weigel kết luận rằng Phiên họp đã đạt tới mức “bội giáo”, và trong một cột báo được công bố vào tháng trước, ông thúc giục Đức Phanxicô kiềm chế sự thiệt hại.

Giống như Weigel, hầu hết các học giả Công Giáo được Register tiếp xúc đã nghi vấn sự khôn ngoan của Vatican khi cho phép Con đường Đồng nghị trình diễn các kết luận của họ trước khi thực hiện các bước bổ sung. Nhưng họ không đồng ý về việc liệu Đức Phanxicô nên trả lời trực tiếp hay để các vị tổng trưởng quan trọng của Vatican hành động thay mặt mình.

Cha Goran Jovicic, một nhà thần học người Croatia gốc Hungary và luật sư giáo luật tại Chủng viện Thánh Patrick ở Menlo Park, California, cho biết: “Sự hợp nhất của Giáo hội đang bị đe dọa”.

“Đức Giáo Hoàng nên dấn thân đối thoại, nhưng cũng nên mời họ tuyên xưng đức tin Công Giáo một cách công khai bởi vì họ đã đưa ra những tuyên bố công khai”, Cha Jovicic, người đã học ở Vienna và giảng dạy một thời gian ngắn tại Đại học Erfurt ở Đức, cho biết như thế.

Ngài nói, nếu Vatican không hành động nhanh chóng - thậm chí đến mức ra lệnh cho các giám mục thẳng thắn “rút lui”, thì điển hình của người Đức “có thể là lời mời các quốc gia khác tham gia nỗ lực của họ”.

“Chúng ta đã học được từ cuộc Cải cách Thệ phản, việc một phong trào ly giáo có thể thu hút được những người ủng hộ ra sao". Ngài nói thêm như thế, khi lần giở lại việc truyền bá “95 luận đề” của Martin Luther vào thế kỷ 16 nhờ việc công bố chúng bằng ngôn ngữ bình dân. Còn, ngày nay, các phương tiện truyền thông xã hội vốn tạo điều kiện cho việc loan truyền bất đồng chính kiến thần học “thậm chí còn nhanh hơn nữa”.

Sự thúc đẩy Đồng nghị của Đức Giáo Hoàng

Một câu hỏi phức tạp hơn đã thúc đẩy cuộc thảo luận căng thẳng giữa các chuyên gia là liệu Đức Giáo Hoàng Phanxicô có chịu trách nhiệm chính đối với cuộc khủng hoảng ở Đức từng chuyển sang giai đoạn trọng tâm trước sự theo dõi của ngài hay không. Vấn đề là các nỗ lực của Đức Phanxicô nhằm thúc đẩy tính đồng nghị, với khả thể gia tăng quyền tự quyết cho các hội đồng giám mục quốc gia muốn sửa đổi kỷ luật và giáo lý của Giáo hội.

“Khuynh hướng của hàng giám mục Đức muốn nhìn họ qua, cũng như hoạt động từ một khái niệm tự trị quá mức một cách nguy hiểm khỏi Rôma, đã có trước cả triều giáo hoàng của Đức Phanxicô”, E. Christian Brugger, giáo sư thần học luân lý tại Chủng viện miền St. Vincent de Paul, ở Boynton Beach, Florida, nói với Register như thế.

Brugger nói thêm, “Nhưng sự thúc đẩy kiên quyết của Đức Giáo Hoàng về ‘tính đồng nghị’ chắc chắn đã tạo chiếc dù cho người Đức ra công khai và đẩy mạnh hơn sự bất đồng chính kiến của họ”.

Tuy nhiên, Russell Shaw, tác giả của cuốn sách gần đây nhất, Eight Popes and the Crisis of Modernity (Tám vị Giáo hoàng và Cuộc khủng hoảng của thời hiện đại), lưu ý rằng các vị tiền nhiệm của Đức Phanxicô phải chịu trách nhiệm về việc bổ nhiệm Hồng Y Marx và các giám mục cao cấp khác của Đức. Do đó, ông nói, một giải thích đầy đủ về cuộc khủng hoảng đòi phải xem xét lại lịch sử các vị tổng trưởng liên hệ của Vatican đứng đầu Bộ Giám mục, các giám mục Đức được bổ nhiệm vào bộ này, và các sứ thần Tòa thánh đã giúp định hình ban lãnh đạo của Giáo hội hiện nay.

Đồng thời, Cha Pecknold tri nhận một thứ bĩ cực thái lai trong cuộc hỗn loạn đang làm rung chuyển Giáo Hội.

Ngài nhận xét: “Tính đồng nghị, một cách nào đó, đã và đang làm sáng tỏ”, vì nó phơi bày “đâu là các chia rẽ thực sự”.

“Dưới thời Đức Gioan Phaolô và Đức Bênêđíctô XVI, bạn có nỗ lực tập quyền và bảo đảm sự an toàn cho Giáo hội sau tất cả những biến động của Công đồng [Vatican II]. Sau đó, Đức Phanxicô đưa ra rất nhiều cơ hội cho tính đồng nghị và điều bạn thấy là các quan điểm thực sự của mọi người đang được thể hiện, điều đó có nghĩa là bạn có thể đối đầu và giải quyết chúng".

Cha Emery de Gaál, chủ tịch kiêm giáo sư Khoa Thần học Tín lý và Tiền Thần học tại Đại học St. Mary of the Lake / Chủng viện Mundelein thuộc Tổng giáo phận Chicago, là một linh mục người Hungary được gia nhập Giáo phận Eichstätt, Đức. Ngài nêu ra một điểm bổ sung liên quan đến các xu hướng ý thức hệ ở phương Tây hậu hiện đại đã giúp đặt ra các kỳ vọng đối với Con đường Đồng nghị.

Cha de Gaál nói với tờ Register, Trong suốt thời kỳ Cải cách và sau đó, các thượng hội đồng địa phương do Thánh Charles Borromeo và các giám mục khác tổ chức đã làm hồi sinh Giáo Hội Công Giáo,”. Nhưng trong bối cảnh “hậu hiện đại”, sẽ khó hơn nhiều để đạt được một “kết quả tích cực” tương tự.

Ngài nói, tại Đức, việc thúc đẩy cải cách giáo huấn và thực hành của Giáo hội đã được lên khuôn bởi các ý thức hệ thế tục, các ý thức hệ đã đặt câu hỏi về chính thực tại của chân lý và coi truyền thống tông đồ của Giáo hội như một hệ thống áp bức nhằm tạo đặc quyền một cách bất công cho một hệ thống phẩm trật và giáo sĩ toàn nam giới. Trong bối cảnh này, Thánh Kinh và tính liên tục của Thánh Truyền trở thành “phụ thuộc vào diễn trình” của Con đường Đồng nghị, vốn tìm cách tạo ra chân lý ràng buộc của chính nó.

Lật lại các tài liệu làm việc hướng dẫn các cuộc thảo luận ở Đức, Cha de Gaál nhận thấy rằng chúng phản ảnh sự suy giảm rộng rãi trong việc chấp nhận giáo huấn của Giáo hội về các bí tích, đặc biệt về cách ơn thánh hoàn thiện tự nhiên.

Ngài cho biết, nhiều người Công Giáo hiện đại tin rằng “không có sự khác biệt về phẩm chất giữa tự nhiên và ơn thánh. Và điều này có nghĩa là các bí tích chỉ đơn thuần xác nhận sự tốt lành cố hữu mà chúng ta vốn có; chúng không thực sự thay đổi chúng ta về mặt hữu thể học (trong hữu thể chúng ta)”.

Ngài nói thêm, tương tự như vậy, các tài liệu làm việc đánh dấu sự suy giảm niềm tin vào chính thực tại của tội lỗi, “ở bình diện bản thân”. Một số người Công Giáo hiện nay công khai thách thức giáo huấn trung tâm này, và tập chú chính của họ là “xóa bỏ tội lỗi xã hội”.

Các thực hành hành chính của Đức

Sau đó, Cha de Gaál xem xét việc các thực hành hành chính được Giáo hội ở Đức áp dụng đặt cơ cở cho Con đường Đồng nghị ra sao.
Giáo Hội ở đó giàu nhất thế giới, do Kirchensteuer quốc gia, tức hệ thống thuế nhà thờ tài trợ cho các giáo phận địa phương. Trong năm 2017, theo báo cáo, nó đã nhận được 6 tỷ euro (7.2 tỷ đô la) nhờ hệ thống này, mặc dù một phần đáng kể trong số tiền này được sử dụng để hỗ trợ các tổ chức từ thiện và tổ chức Công Giáo ở các nước đang phát triển.

Trong những năm 1990, Cha de Gaál cho biết, các giám mục Đức đã bắt đầu thuê các công ty tư vấn để tổ chức lại các giáo phận của họ, và các văn phòng của Giáo hội đã được sắp xếp hợp lý, với điểm mấu chốt được cải thiện. Cha lưu ý, thang lương cho các giáo sĩ và giáo dân trong giáo phận thường tương xứng với các công chức và nhân viên chính phủ khác, nhưng “lòng nhiệt thành đối với việc truyền giáo đã không còn nữa”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đề cập đến sự sụt giảm nghiêm trọng trong việc tham dự nhà thờ ở Đức trong lá thư gửi các giám mục vào tháng 6 năm 2019 của ngài; lá thư này mô tả “việc truyền giảng Tin Mừng” như là “tiêu chuẩn dẫn đường một cách xuất sắc, nhờ đó chúng ta có thể nhận ra mọi bước mà chúng ta được kêu gọi thực hiện như một cộng đồng giáo hội".

Cha Pecknold đã giải thích cặn kẽ về vấn đề được đặt ra bởi một bộ máy bàn giấy rộng lớn và nhiều quyền lực của Giáo hội.

Cha Pecknold nói: “Ở Đức và Áo, nơi bạn có thuế nhà nước trực tiếp dành cho Giáo Hội”, Giáo hội định chế “bắt đầu hành xử như thể nó đại diện cho một giai cấp chứ không phải lợi ích của Giáo hội. Đó là một giai cấp thượng lưu giàu có và có những đòi hỏi xã hội tiến bộ nhất định mà họ muốn được đáp ứng. Các giám mục cảm thấy chịu ơn giai cấp này”.

Ngài nói thêm, “Thật là oái oăm, điều này đang xảy ra dưới thời một vị giáo hoàng muốn trở thành giáo hoàng vì người nghèo.”

Huynh đệ sửa lỗi cho nhau?

Khi Đức Phanxicô cân nhắc bước đi tiếp theo của ngài, cũng cùng các các chuyên gia ở đây tin rằng các giám mục ở phương Tây cũng có thể đóng một vai trò hỗ trợ bằng cách cung cấp việc anh em sửa lỗi cho nhau, cho các anh em người Đức của các ngài. Cho đến nay, ngoài Đức Hồng Y Raymond Burke, Đức Tổng Giám Mục Samuel Aquila của Denver dường như là giám mục Hoa Kỳ duy nhất công khai bày tỏ “sự thất vọng” của ngài đối với nghị trình của các giám mục Đức. Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ đã không trả lời yêu cầu bình luận liên quan đến Con đường Đồng nghị.

Nhưng Cha Jovicic gợi ý rằng các nhà lãnh đạo Giáo hội khắp phương Tây có thể bị kéo vào cuộc khủng hoảng và buộc phải đưa ra lập trường.

Cha Jovicic nói: “Cuối cùng, tùy thuộc vào mỗi giám mục quyết định liệu các ý niệm này có thành công hay không. Tôi không thấy Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ ngưỡng mộ nỗ lực này, nhưng có một số giám mục ở đây nghiêng về chủ trương này. Có thể là họ đang cố gắng thực hiện những chính sách này trong giáo phận của họ”.
 
Văn Hóa
Lời nguyện trong những ngày thánh
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
04:07 09/04/2021
LỜI NGUYỆN TRONG NHỮNG NGÀY THÁNH

Lạy Chúa Giêsu,
Thầy và Anh chí thánh của chúng con,
chúng con đã trải qua tuần Thánh
và đang vui mừng sống tuần lễ đầu, tuần Bát nhật Phục sinh.

Chúng con dõi theo hành trình vâng phục của Chúa,
chúng con ngắm nhìn Thánh giá Chúa,
chúng con muốn kết hợp cùng Thánh giá Chúa
bằng chính hành trình thập giá cuộc đời chúng con.
Xin cho chúng con, nhờ hội nhập vào khổ nạn của Chúa
để rồi cùng Chúa sống ơn Phục sinh
bằng chính hành trình phục sinh của chúng con,
đó là hoán cải và biến đổi đời sống
đó là khước từ những toan tính
có khả năng ngăn chặn
con đường mà chúng con tiến về cùng Chúa.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con sống ơn Phục sinh bằng cách:
sống mỗi dặm đường trong một đời lao tác,
biết chia sẻ, biết cho đi như Chúa,
biết đối diện với nhọc nhằn đau khổ,
biết kiên gan đón nhận mỗi ngày như thời gian hồng phúc,
biết mỉm cười khi gặp phải đắng cay,
biết bước tới khi sức con chực tàn, lực con như vắt kiệt,
biết vang tiếng cười khi trái tim nhuốm máu,
biết giữ lại tình khi đứng trước sự chia ly,
biết cho đi đến cùng, lúc con như chẳng còn gì,
biết tha thứ khi lòng không muốn thứ tha,
biết quên đi lỗi của người, khi trí khôn con đòi rửa hận,
biết tin tưởng vào Chúa khi con bị bỏ rơi,
biết đặt mình trước mặt Chúa và gieo bình an khắp nơi trần thế,
trên hết, xin cho con biết đón nhận Chúa để sống với anh em.

Lạy Chúa Giêsu,
đó chính là đòi hỏi dành cho người môn đệ theo Chúa.
Đòi hỏi này đặt trên vai con suốt cả đời để con phải sống.
Nhưng con biết,
một mình con không thể sống trọn đòi hỏi ấy.

Lạy Chúa Giêsu,
Thầy và Anh chí thánh của chúng con,
xin đồng hành luôn mãi với chúng con,
để chúng con được có Chúa, cùng Chúa, trong Chúa,
sống trọn đòi hỏi của người môn đệ
biết chết đi nơi Thánh giá Chúa
và biết sống lại cùng Chúa trong niềm mừng vui Phục sinh
trên suốt chặng đường dài là chính cuộc đời chúng con. Amen.
 
Những Vết Thương Mang Hình Hạt Lúa
Sơn Ca Linh
18:24 09/04/2021
“Dưới ánh sáng của Chúa Phục Sinh, những đau khổ của chúng ta giờ đây đã được biến đổi. Nơi từng có cái chết, giờ đây ở đó có sự sống. Nơi từng có tang thương, giờ đây có niềm an ủi…” (Sứ điệp Phục Sinh Urbi et Orbi 2021 của ĐGH Phanxicô)

Ngày ấy…
Tháng 4 xứ Giu-đê-a
vẫn còn tiết Xuân đêm về sương lạnh,
Có “Tin nóng” ùa về,
tràn ngập phố phường khắp nẻo Salem…
“Có anh chàng Thợ mộc người Nadarét bị đóng đinh,
chẳng biết sao…
chôn chưa được 3 ngày đã sống lại…” (Lc 24,19-24)

Có kẻ bảo là “ma”,
Có người cho “đó là một âm mưu phe phái…
của bọn dân chài dốt nát ‘cuồng’ Giêsu”…(Mt 28,11-15)
Hay “não trạng dị đoan hoang tưởng…mê, ngu
của lũ mạt hạng cùng đinh, đàn bà con nít…”.

Cứ cho là vậy,
Thế nhưng, vẫn chính Con Người chiều hôm nao đã chết,
thân treo khổ giá và khắp mình đầy vết thương đau.
Vết dấu đinh tay, chân…, và dấu cạnh sườn hằn sâu…
Vẫn Con Người đó,
đang sống, có đây, mang trên mình những vết thương chí mạng !

Và kể từ dạo ấy,
đúng hơn,
kể từ buổi “bình minh Ngày Thứ Nhất rỡ rạng”,
Những “vết thương thập giá đã Phục Sinh”,
Những vết hằn của Đấng bị Đóng Đinh,
Giờ mang dáng đứng của khải hoàn vinh thắng.

Nào chẳng phải sao,
Như “Hạt lúa mì, hạt giống tốt, bị vùi sâu, chết lặng,
phải qua thời “trầy vi tróc vảy… dưới đất đen.
Phải chịu thương chịu khó mang những vết hằn…
Phải đợi phải chờ, phải đi qua chặng đường “mục nát” !

Ngài đã sống lại,
đã phục sinh cả linh hồn và thể xác;
Không phải xác thân “đẫy đà, tròn trịa, bảnh bao…
Không phải con người “liền da liền thịt, không một chút hư hao…”,
Mà chính là thân xác phục sinh
còn mang đủ những vết hằn đau thương thập giá !

Vâng, kể từ đó,
Vết thương đau nhân loại đã mang “dáng hình hạt lúa”,
Sự sống đã bừng lên trên con đường sự chết đi qua.
Nơi vực thẳm đau thương, giờ rực thắm ngàn hoa,
Nơi mộ địa, nước mắt, khăn tang…
Giờ vươn sự sống, hy vọng, nụ cười vui bất tận…

Nụ cười phục sinh
của Phêrô, của Gioan…sau những trận đòn cấm ngăn, tra tấn,
Nụ cười phục sinh
của 300 năm bách hại, hầm trú… thuở ban đầu.
Nụ cười phục sinh
Nơi rừng vắng La Vang, pháp trường Bảy Mẫu, khắp năm châu…
Nụ cười phục sinh
Nơi trái tim cô bé Maria Goretti,
Hay trên môi miệng của Anrê Phú Yên
Trên đường ra pháp trường thành Chiêm đẫm máu…

Vâng,
Nhờ những vết hằn trên thân xác Đấng Phục Sinh từ dạo ấy,
Thập giá, khổ đau… đã trở thành “tặng phẩm của tình yêu”,
Đường trần gian, dẫu chông gai, cây đắng trăm chiều,
“hoa Phục sinh” đã trỗ
trên “những vết thương mang dáng hình hạt lúa” !

Sơn Ca Linh (Bát Nhật PS 2021)
 
VietCatholic TV
Câu chuyện cảm động trên tờ La Croix: Tuần Thánh tại ngôi nhà thờ nơi 3 giáo dân bị khủng bố hạ sát
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
05:57 09/04/2021


Ngày thứ Năm 29 tháng 10 năm ngoái, 2020, là một ngày đau thương đối với nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời của thành phố Nice.

Không lâu trước 9 giờ sáng, một người đàn ông trang bị một con dao dài đã tấn công những người thờ phượng trong ngôi nhà thờ toạ lạc ngay giữa một con phố mua sắm sầm uất ở Nice.

Người đàn ông, 21 tuổi, người Tunisia, đã cướp đi mạng sống của ba nạn nhân: Vincent Loquès, 55 tuổi, là ông từ của nhà thờ, và hai giáo dân, Simone Barreto Silva, 44 tuổi và Nadine Devillers, 60 tuổi. Vincent và Nadine chết ngay trong nhà thờ. Cô Simone tìm cách chạy ra ẩn náu trong một nhà hàng gần đó, nơi cô trút hơi thở cuối cùng vì không thể chống chọi với vết thương của mình.

Cảnh sát đã nổ súng vào kẻ tấn công, là người hét lên “Allahu Akbar” trong khi lao về phía họ. Bị thương nặng, tên sát thủ vẫn sống sót, và sau đó được điều trị tại một bệnh viện ở vùng Paris. Anh ta bị truy tố và chính thức tống giam vào ngày 7 tháng 12 vì tội giết người và âm mưu giết người có liên quan đến một tổ chức khủng bố.

Năm tháng sau, giáo dân nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời của thành phố Nice đang cố gắng hồi sinh lại ngôi nhà thờ này sau những tàn phá vì vụ tấn công kinh hoàng này cùng với những đau thương gây ra bởi virus Tầu độc địa.

Câu chuyện của giáo xứ nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời của thành phố Nice và là một trong những câu chuyện cảm động được tờ La Croix tường trình hôm 5 tháng Tư.

Mở đầu, tờ La Croix cho biết như sau:

Từ dàn hợp xướng nơi cô chuẩn bị hoạt cảnh cho các thánh lễ, Madeleine Fossiez nhìn thấy họ, những người đứng trên tiền sảnh của nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời của thành phố Nice, ngại ngùng không dám bước qua ngưỡng cửa vào bên trong. Cô ấy không biết rõ lý do cho sự ngại ngùng này. Nhưng vài lần như thế, Madeleine bắt đầu nghĩ về họ mỗi ngày. Cuối cùng, Madeleine quyết định ra gặp họ và đồng hành với họ trong những bước đầu tiên đến với Giáo Hội Công Giáo.

Vào ngày 29 tháng 10 năm 2020, giáo xứ đã mất đi ông từ Vincent Loquès và hai tín hữu, Simone Barreto Silva và Nadine Devillers, bị giết bởi một kẻ khủng bố Hồi giáo, ngay giữa nhà thờ. Biến cố này gây kinh hoàng cho nước Pháp và làm đảo lộn các dự tính của Madeleine.

Năm tháng sau thảm kịch làm đảo lộn nước Pháp này, nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời của thành phố Nice đang hướng về mầu nhiệm Phục sinh. Cha Franklin Parmentier, Cha sở của giáo xứ kể từ ngày 1 tháng 9 năm ngoái, nói trong bài giảng của ngài hôm Thứ Sáu Tuần Thánh: “Thay vì nhìn vào bóng tối, chúng ta hãy nhìn chăm chăm vào Chúa cho đến khi nhìn thấy rạng đông của ngày lễ Phục sinh. Chúa Kitô vĩ đại hơn những kẻ đã lên án Ngài, hơn những kẻ phỉ báng chúng ta, hơn những kẻ giết chúng ta trong các nhà thờ của chúng ta”.

Dấu hiệu của sự đổi mới đã diễn ra vào buổi sáng Phục sinh khi hai tân tòng Maryline và Maxime, được rửa tội vào lúc bình minh. Trong khi họ đang trên con đường phân định vào thời điểm đó, cuộc tấn công ngày 29 tháng 10 đã khiến họ vô cùng xúc động. Giống như nhiều anh chị em khác, Maryline thậm chí phải mất vài tuần mới dám quay lại ngôi nhà thờ. Maxime, một công nhân xây dựng, cho biết: “Lễ rửa tội của chúng tôi là một đáp trả thẳng thắn đối với những người điên, những người nghĩ rằng họ sắp trị vì thế giới bằng những trò khủng bố tại những nơi thờ phượng của chúng tôi”, Maxime nói với tờ La Croix trước khi đi uống cà phê với giáo dân tại quầy ăn sáng của nhà thờ.

Mặt trời đã mọc. Bên ngoài nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời của thành phố Nice, tại hiện trường của thảm kịch ngày 29 tháng 10, tiếng alleluia hòa cùng tiếng chuông của xe điện đi qua ngay trước cửa của nhà thờ. Cảnh sát vũ trang của thành phố đi qua đi lại trước cửa ngôi thánh đường. Các tín hữu chào họ với niềm tri ân.

Được xây dựng vào năm 1864 giữa nhà ga và khu phố cổ của thành phố Nice, nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời có dáng dấp của ngôi nhà thờ dành cho một thành phố “Nice hiện đại”. Nằm ở ngã tư của một số khu phố nổi tiếng, ngôi nhà thờ mang đến sự hiện diện tâm linh cho một trong những con phố mua sắm chính của vùng Côte d'Azur. “Ở đây, chúng tôi có rất nhiều người Việt Nam, người Phi Châu từ khắp lục địa, người Ý, nhưng cũng có những gia đình Nice lâu đời và thường có rất nhiều khách du lịch,” một giáo dân cho biết.

Cuối thánh lễ, anh chị em giáo dân đến thắp nến trước bức chân dung của ba nạn nhân được đặt trong một nhà nguyện bên cạnh, gần bàn thờ. Đối với Jean-François, thủ quỹ của giáo xứ, ký ức về biến cố ngày 29 tháng 10 cộng hưởng cách đặc biệt với Tam Nhật Vượt Qua và ký ức về Cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô. Bữa Tiệc Ly của Chúa Kitô gợi nhớ cữ cà phê cuối cùng mà Vincent uống với anh tại quán cà phê Malongo bên cạnh nhà thờ, trước khi gục ngã vài phút sau đó.

Đầu tiên, Jean-François nói rằng anh không muốn nhắc đến chuyện đó. Anh đã trả lời quá nhiều cuộc phỏng vấn. Nhưng, từng chút một, trong khi chuẩn bị nhà thờ cho lễ Phục sinh, niềm vui bắt đầu. Anh nhớ lại một loạt các cơ hội đã bảo vệ anh và dẫn đến cái chết của bạn anh, chẳng hạn như thông báo về các hạn chế liên quan đến COVID-19 làm xáo trộn chương trình của giáo xứ, cuộc hẹn lộn xộn của Vincent với nha sĩ, sự chậm trễ của người thợ cắt tóc... Chính anh cũng đã từng tránh được chiếc xe tải đâm vào chỉ trong gang tấc trên Promenade des Anglais vào ngày 14 tháng 7 năm 2016.

Nghĩ đến những may mắn bất ngờ này, anh không tiếc công sức ở nhà thờ chính tòa, và tiếp tục sứ mệnh của Vincent. Trong khi đó, anh dành buổi tối để nướng bánh quế cho những đứa trẻ theo học lớp giáo lý. Có lẽ sau đó các em sẽ lưu giữ những kỷ niệm đẹp về thời gian sinh hoạt trong giáo xứ và đưa con cái đến với các lớp giáo lý.

Vị linh mục quản xứ trẻ tuổi, Cha Franklin Parmentier, đã trải qua những khó khăn trong khoảng thời gian vài năm, với các biến cố làm rúng động sâu xa một con người: lũ lụt chết người tại giáo xứ Saint-Vincent de Lérins cũ của ngài; tai nạn ô tô nghiêm trọng năm 2018; và thảm kịch này, chỉ một vài tuần sau khi ngài trở thành cha sở của nhà thờ chính tòa. “Câu hỏi liên quan đến đức tin nhanh chóng nảy sinh. Tôi có bỏ cuộc không? Tôi có đầu hàng cái ác không?” Ngài cố gắng xua đuổi ra khỏi tâm trí nỗi kinh hoàng, không thể tưởng tượng được, mà Vincent, Simone và Nadine đã phải trải qua. Ngài nhớ lại đã tự nhủ với lòng mình trong những ngày sau biến cố đó: “Lạy Chúa Toàn năng, Chúa đã đi đến tận cùng tình yêu. Phản ứng của chúng con trước cái ác kinh hoàng này không nên là sợ hãi, nhưng là tình yêu.”

Lấy cảm hứng từ lá thư gần đây của Đức Thánh Cha Phanxicô về Thánh Giuse, vị linh mục học cách đối diện với lịch sử đầy những chuyện hãi hùng của mình, và nhìn thấy trong đó sự hiện diện của Thiên Chúa bất chấp các thảm kịch. “Đức tin của tôi không còn như xưa nữa. Như trong Thánh Vịnh 50, trái tim tan nát của tôi đón nhận lời Chúa một cách khác biệt, giống như đó là các thông điệp mà Chúa gửi đến cho cá nhân tôi”.
Source:La Croix
 
Cái chết bất ngờ của Đức Tổng Giám Mục Kampala ở tuổi 68. Thánh sống ở Ấn Độ và virút
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:25 09/04/2021


1. Cái chết bất ngờ của Đức Tổng Giám Mục Kampala ở tuổi 68

Đức Tổng Giám Mục Kizito Lwanga của Kampala được tìm thấy đã chết trong phòng của mình vào sáng thứ Bảy Tuần Thánh. Ngài qua đời ở tuổi 68 và đã thuyết giảng rất hùng hồn tại Đàng Thánh Giá đại kết vào buổi tối hôm trước.

Trong tuyên bố hôm 3 tháng Tư, Hội đồng Giám mục Uganda cho biết “các thành viên của Hội Đồng Giám Mục gửi lời chia buồn đến các linh mục, nam nữ tu sĩ và các tín hữu của Tổng giáo phận Kampala, và Giáo Hội Công Giáo ở Uganda, nói chung.”

Đức Tổng Giám Mục Kizito Lwanga đã tham gia vào Đàng Thánh Giá Thứ Sáu Tuần Thánh trong Lễ Chầu Thánh Giá hàng năm tại Nhà thờ Namirembe, một nhà thờ Anh giáo của Kampala.

“Chúa Giêsu đã chết cho anh chị em, Ngài đã chết cho tôi, Ngài đã chết cho toàn thể nhân loại. Tôi cầu chúc anh chị em một Đàng Thánh Giá rất, rất… thành công”, Đức Tổng Giám Mục Lwanga nói khi bắt đầu Đàng Thánh Giá ngày 2 tháng Tư.

Stephen Kaziimba, Tổng Giám mục Anh giáo của Uganda, nhận xét rằng “mới hôm qua, chúng tôi đã cùng nhau đi Đàng Thánh Giá, và đó là một cú sốc đối với tất cả chúng tôi. Tiếng nói Phúc Âm rõ ràng của ngài bênh vực người nghèo và người bị áp bức, dấn thân của ngài đối với sự hợp nhất các tín hữu Kitô, và công lý cho tất cả mọi người sẽ bị mất mát một cách sâu sắc”.

Đức Cố Tổng Giám mục Lwanga sinh năm 1953, ngài được tấn phong linh mục Tổng giáo phận Kampala năm 1978.

Ngài được bổ nhiệm làm Giám mục tiên khởi của Kasana-Luweero vào năm 1996, khi giáo phận này được dựng lên từ tổng giáo phận Kampala, và ngài được phong làm giám mục ngày 1 tháng 3 năm 1997.

Năm 2006, ngài được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Kampala.

Tại lễ kỷ niệm Ngày Các Thánh Tử Đạo ở Uganda vào tháng 6 năm ngoái, cố tổng giám mục đã kêu gọi dân Chúa dưới sự chăm sóc mục vụ của ngài noi gương các thánh tử đạo Uganda củng cố đức tin của họ trong gia đình giữa đại dịch coronavirus.

“Đã đến lúc chúng ta phải củng cố Giáo hội tại gia theo gương các vị tử đạo của Giáo hội sơ khai và bằng cách đó, trở nên mạnh mẽ hơn trong đức tin,” Đức Tổng Giám Mục Lwanga nói ngày 3 tháng 6 năm 2020, ngày lễ Thánh Charles Lwanga và các bạn tử đạo của ngài..

Đức Tổng Giám Mục Lwanga tiếp tục khuyến khích các thành viên trong gia đình sở hữu và đọc Kinh thánh hàng ngày, ngài nói: “May mắn thay, đối với chúng ta là những người Công Giáo, mỗi ngày trong năm đều có những bài đọc mà chúng ta được mời để suy gẫm. Và tất cả những bài đọc đó mời chúng ta đổi mới. Chúng ta hãy đọc và suy ngẫm trong những gia đình”.

Trước khi đại dịch lây lan đến Uganda, ngài đã cấm việc rước lễ trên tay, và tái khẳng định rằng những người “sống chung trong hôn nhân bất hợp pháp” không thể được rước lễ.
Source:Catholic News Agency

2. Tình hình tại Ấn Độ trở nên nguy hiểm với hơn 100,000 người nhiễm coronavirus trong một ngày

Ấn Độ đã báo cáo mức tăng kỷ lục về số ca nhiễm COVID-19, và trở thành quốc gia thứ hai sau Hoa Kỳ vượt qua hơn 100,000 trường hợp nhiễm bệnh mới trong một ngày. Trong khi đó, lại có những lo ngại về sự lây lan của vi rút khi các chính trị gia tổ chức các cuộc biểu tình bầu cử lớn.

Tỷ lệ lây nhiễm hàng ngày của nước này đã tăng gần 12 lần kể từ khi chạm mức thấp nhất trong nhiều tháng vào đầu tháng 2 vừa qua, khi các nhà chức trách nới lỏng hầu hết các hạn chế và người dân phần lớn ngừng đeo khẩu trang và không giữ khoảng cách xã hội.

Mặc dù các trường hợp đã tăng theo cấp số nhân ở gần một chục bang, các chính trị gia vẫn đang tổ chức các cuộc biểu tình vận động bầu cử với sự tham dự của hàng chục nghìn người không đeo mặt nạ chen lấn giành chỗ với nhau.

Một trong những vấn nạn khác là hiện tượng quay sang tìm kiếm sự trợ giúp của các vị thánh sống, thay vì tuân thủ các biện pháp phòng dịch.

Tại Haridwar, ông Narayan Nand Giri Maharaj đang được coi là một vị thánh sống Ấn Độ Giáo. Ông năm nay 55 tuổi, nhưng chỉ cao 45cm và nặng 19kg.

Ông không thể đứng lên hoặc đi lại và được chăm sóc bởi đệ tử của ông là Umesh.

Umesh cho biết: “Mọi người tìm kiếm những lời chúc phúc của ngài và họ cảm thấy rất tuyệt vời. Họ chụp ảnh chung với ngài, cầu nguyện với ngài và cùng đi hành hương với ngài.”
Source:Reuters

3. Trong khi binh lính Miến Điện giết trẻ em, Bắc Kinh đứng về phía bọn cầm quyền quân phiệt

Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, cho biết trong khi các nhà bất đồng chính kiến và các tổ chức nhân đạo tố cáo những hành động tàn bạo mà các tướng lãnh Miến Điện thi hành đối với trẻ em và trẻ vị thành niên, thì Bắc Kinh có những ưu tiên khác: họ muốn chính quyền quân sự bảo vệ các đường ống dẫn dầu và khí đốt nối hai nước, hai cơ sở hạ tầng được trợ cấp bằng tiền Trung Quốc như một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường Tơ lụa mới.

Chính phủ Trung Quốc bày tỏ ý định hỗ trợ đầy đủ cho quân đội Naypyidaw, tham gia vào một cuộc đàn áp đẫm máu các cuộc biểu tình quần chúng nổ ra sau cuộc đảo chính hôm 1 tháng Hai.

Trong cuộc gặp gỡ với Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan, vào ngày 31 tháng 3 tại Nam Bình, Phúc Kiến, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói rõ: Trung Quốc đánh giá cao việc ASEAN, tức là Hiệp hội các nước Đông Nam Á, đã áp dụng “chính sách không can thiệp” đối với cuộc khủng hoảng ở Miến Điện.

Theo quan điểm của Bắc Kinh, sự can thiệp từ bên ngoài - đặc biệt là sự can thiệp của phương Tây - là mối nguy hiểm đối với các lợi ích thương mại và chiến lược của nước này ở Miến Điện.

Theo tờ The Irrawaddy, chính quyền Trung Quốc đã yêu cầu chính quyền Miến Điện tăng cường việc bảo vệ các đường ống dẫn dầu và khí đốt từ Kyaukphyu, trên Vịnh Bengal, đến tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

Mối quan tâm của Trung Quốc về các cấu trúc năng lượng này đã tăng lên gấp bội sau khi các dân quân dân tộc đóng quân ở bang Shan đe dọa tham gia cuộc nổi dậy chống lại các tướng lĩnh Miến Điện trong những ngày gần đây. Trước khi đến lãnh thổ Trung Quốc, các đường ống phải đi qua khu vực này của Miến Điện.

Trong khi đó, số người biểu tình bị quân đội giết tiếp tục tăng. Hiệp hội tù nhân chính trị ước tính rằng đến nay có 543; con số này bao gồm 44 trẻ em. Tổ chức Cứu trợ Trẻ em ước tính số trẻ vị thành niên bị giết dưới tay lực lượng an ninh Miến Điện đã tăng gấp đôi trong 12 ngày qua.

Chế độ của Tướng Min Aung Hlaing cho đến nay đã giam giữ 2,700 người chống đối. Aung San Suu Kyi, nhà lãnh đạo đảng Dân chủ bị chính quyền lật đổ, tiếp tục bị bắt giữ. Sau những cáo buộc tham nhũng, nhà chức trách quân sự buộc tội bà vi phạm luật về bí mật quốc gia có từ thời thuộc địa Anh: bà phải đối mặt với 14 năm tù giam.

Mya Aye, một thành viên lịch sử khác của mặt trận dân chủ, cũng bị buộc tội. Anh là một cựu chiến binh của Thế hệ 88, nhóm những người bất đồng chính kiến, những nhân vật chính của cuộc nổi dậy năm 1988, sau đó đã bị Lực lượng vũ trang đàn áp. Cáo buộc chống lại ông là ông đã kích động dân chúng tham gia các cuộc biểu tình.
Source:Asia News

4. Virus Tầu độc địa: Số người chết trên toàn cầu vượt qua 3 triệu người

Một cột mốc nghiệt ngã khác đã được thông qua vào hôm thứ Ba trong trận chiến với COVID-19. Số liệu mới nhất cho thấy số ca tử vong liên quan đến Coronavirus trên toàn thế giới đã vượt mốc 3 triệu người.

Điều đáng lo ngại liên quan đến con số thống kê này là phải mất hơn một năm để số người chết lên đến 2 triệu người, trong khi chỉ mất ba tháng để thêm một triệu người nữa vào danh sách dài những nạn nhân của Coronavirus này.

Bất chấp các chiến dịch tiêm chủng, các ca nhiễm COVID-19 đang gia tăng, và các quan chức y tế đang đổ lỗi cho nhiều biến thể có khả năng lây nhiễm nhanh hơn, được xác định lần đầu tiên ở Anh và Nam Phi.

Nhưng họ cũng nói rằng sự mệt mỏi của công chúng với việc khóa cửa và các hạn chế khác đang góp phần kích thích sự gia tăng này.

Brazil được kể là quốc gia đáng lo ngại nhất. Tổ chức Y tế Thế giới cho biết đất nước này đang ở trong tình trạng rất nguy cấp trong đó hệ thống chăm sóc sức khỏe có nguy cơ sụp đổ.

Ấn Độ cũng đã báo cáo mức tăng kỷ lục về số ca nhiễm COVID-19 vào hôm thứ Hai, trở thành quốc gia thứ hai sau Hoa Kỳ báo cáo hơn 100,000 trường hợp nhiễm bệnh mới trong một ngày.

Tâm điểm hiện nay cũng bao gồm khu vực Âu Châu, bao gồm 51 quốc gia với tổng số người chết gần 1.1 triệu người.

Nguy kịch nhất là năm quốc gia Âu Châu bao gồm Vương quốc Anh, Nga, Pháp, Ý và Đức, chiếm khoảng 60% tổng số ca tử vong liên quan đến COVID của Âu Châu.

Đứng đầu danh sách các ca tử vong do Coronavirus là Hoa Kỳ, quốc gia có số ca tử vong cao nhất trên thế giới với 555,000 người.

Về vắc-xin, ít nhất 370.3 triệu người trên thế giới đã nhận được một liều vắc-xin COVID-19 tính đến hôm Chúa Nhật.

Tổ chức Y tế Thế giới đang kêu gọi các quốc gia tài trợ nhiều liều vắc xin COVID-19 đã được phê duyệt cho các nước nghèo hơn để giúp họ đạt được các mục tiêu tiêm chủng.
Source:Vatican News